CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY
NHÂN DỊP KỶ NIỆM MỘT NĂM NGÀY THÀNH LẬP
Được thành lập và ra mắt chính thức vào sáng ngày 17/6/2006, tới nay CLB Sách Xưa và Nay đã vừa tròn một tuổi, với 12 bản tin hàng tháng đã được cho lưu hành. Trong suốt một năm qua, mỗi tháng vào ngày thứ Bẩy của tuần lễ thứ hai trong tháng, các thành viên của CLB đã gặp gỡ nhau để cùng nhau chia sẻ những thông tin về sách, đặc biệt là về sách cổ, sách hiếm, cũng như về mọi vấn đề liên quan tới sách và văn hóa đọc. Ngoài ra, CLB còn có một số hoạt động văn hóa đáng ghi nhớ dưới đây: 1. Ngày 08/7/2006, Linh mục Nguyễn Hữu Triết, Cố Vấn của CLB đã có một cuộc nói chuyện giới thiệu Sưu tập Kiều mà ông đã và đang sưu tập. Cuộc nói chuyện đã cho những người nghe nhiều thích thú và hiểu biết về cách thức cũng như lợi ích về việc sưu tập các sách vở, tranh ảnh, đồ vật liên quan tới tác phẩm bất hủ của thi hào Nguyễn Du. 2. Ngày 09/9/2006, Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiện Câu lạc Bộ đã có một cuộc nói chuyện ngắn về tờ Gia Định Báo, tờ báo đầu tiên của chúng ta bằng chữ Quốc Ngữ. Qua buổi nói chuyện này, mọi thành viên đã được trông thấy tận mắt một tờ Gia Định Báo hồi năm 1896, và được biết rõ ràng đây là một tờ tuần báo vì trên tờ báo có ghi rằng “mỗi tháng in 4 kỳ, cứ ngày thứ Ba thì phát”. Cuộc nói chuyện này đã làm sáng tỏ được một chi tiết liên quan tới tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ của chúng ta, và như vậy, dù ít dù nhiều cũng đã có một chút ích lợi thiết thực. 3. Sáng ngày 14/10/2006, một số lớn các thành viên CLB đã tới thăm viếng nhà Lưu Niệm cố Thi Sĩ Lưu Trọng Lư ở Quận 7. Đây là một cuộc thăm viếng thật hứng thú khi các thành viên được nhìn thấy tận mắt nhiều thủ bút, kỷ vật của cố thi sĩ, cũng như những hình ảnh liên quan tới các đoạn đời của cố thi sĩ. Sau khi thắp hương trước bàn thờ của cố thi sĩ và trao tặng vật, gồm một số tài liệu tiền chiến liên quan tới cố thi sĩ, các thành viên đã được 2 anh Lưu Trọng Văn và Lưu trọng Hải mời ra ngoài chơi ở ngoài vườn để giao lưu rất vui vẻ. 4. Ngày 11/11/2006, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm, tác giả cuốn “Văn Học Nam Hà” đã được xuất bản trước năm 1975 và hiện là một Việt kiều hồi hương định kỳ, đã có một cuộc nói chuyện về “Văn học bình dân Nam bộ hồi đầu thế kỷ 20”; cuộc nói chuyện này được mọi người thích thú thưởng thức. Kế đó CLB đã cử hành một cuộc bán đấu giá sách (giữa các thành viên) trong đó một số tác phẩm đã được bán. Đây là một hoạt động mà trong tương lai CLB sẽ tiếp tục triển khai, và mỗi khi định tổ chức bán thì sẽ có thông báo trước. 5. Sáng ngày thứ bẩy 13/01/2007, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu bộ sách nhan đề là “Lịch Sử Cuộc Đại Cách Mạng Pháp” (Histoire de la Révolution française) của Louis Adolphe Thiers (một cựu Tổng Thống Pháp) xuất bản năm 1865, là một trong những bộ sách đã được xuất bản trong thế kỷ thứ 19 VÀ ĐÃ KHÔNG CÒN BẢN QUYỀN VÌ ĐÃ THUỘC VỀ LÃNH VỰC CHUNG (Tomber dans le domaine public) KHÔNG CÒN BỊ CHI PHỐI BỞI CÔNG ƯỚC BERNE, do đó AI MUỐN KHAI THÁC CŨNG ĐƯỢC. 6. Trong buổi họp ngày 10/02/2007,CLB Sách Xưa và Nay đã có một cuộc triển lãm các SỐ BÁO XUÂN THỜI TIỀN CHIẾN tức là TRƯỚC NĂM 1945 và một tủ những sách thuộc về thế kỷ thứ 19 ĐÃ HẾT CÒN BỊ CHI PHỐI BỞI CÔNG ƯỚC BERNE, DO ĐÓ TỪ NAY AI MUỐN KHAI THÁC CŨNG ĐƯỢC. Số báo Xuân được trưng bày đã mang lại rất nhiều thích thú cho người xem vì chúng có những tranh phụ bản và minh họa cực đẹp của các danh họa như: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Bình Lộc vv… Còn trong số sách thế kỷ 19 thì có một cuốn rất đáng chú ý là cuốn “Mưòi ngàn lẻ hai đêm” thay vì “Ngàn lẻ một đêm” như mọi người trong chúng ta ai cũng biết. Cũng trong buổi họp này Dịch Giả Vũ Anh Tuấn cũng đã tiếp tục giới thiệu thêm hai cuốn sách THUỘC DẠNG ĐÃ HẾT BẢN QUYỀN, một cuốn in năm 1845 nhan đề là “Jean Paturot đi tìm một chỗ đứng trong xã hội” của một tác giả người Pháp và một cuốn của một tác giả người Việt là cụ Nguyễn Phan Long, viết bằng pháp văn nhan đề là “Đời Cô Huệ” (Le Roman de Mademoiselle Lys) xuất bản năm 1921 cũng đã hết bản quyền. 7. Sáng ngày thứ Bẩy 14/4/2007, các thành viên CLB đã có cuộc viếng thăm Nhà lưu niệm cố Thi Sĩ Nguyễn Bính ở Gò vấp. Sau khi thắp hương trước bàn thờ cố Thi Sĩ và trao quà kỷ niệm gồm một vài tư liệu cổ về cố Thi Sĩ, các thành viên đã được ái nữ cố Thi Sĩ, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu mời an tọa, dùng bánh kẹo và trà và cùng nhau trao đổi về cuộc đời, thân thế cố Thi Sĩ, người đã có những vấn thơ thật “Chân quê” đã đi vào, và còn ở lại mãi trong lòng mỗi người, trí thức cũng như bình dân, già cũng như trẻ, thực tuyệt vời, khác hẳn với các trường phái lỉnh kỉnh bây giờ với những vần thơ khó hiểu, lời lẽ nhảm nhí, nặng về tình dục, chỉ được một thiểu số thưởng thức lẫn với nhau mà thôi… Trong năm đầu hoạt động này, ngoài các sự việc được nêu trên, CLB Sách Xưa và Nay còn có được một bàn tin nội bộ, lưu hành hàng tháng, tới nay đã là số 13, rất được mọi người trong CLB cũng như bạn bè ưa thích vì bài vở tương đối dễ đọc, dễ hiểu và khá đa dạng trong mọi vấn đề liên quan đến sách vở, cũng như khá bổ ích và mang lại những lợi ích thiết thực, trong khi các tranh phụ bản của các bản tin đều được những người đọc thích thú và khen là đẹp. Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay có chủ trương là mỗi quý sẽ tổ chức đi viếng thăm một Nhà lưu niệm của các Văn Nhân, Thi Sĩ, Danh Nhân… và kỳ sắp tới sẽ là Nhà lưu niệm cố Văn Sĩ Lê Văn Trương ở Gò Sao. Vũ Thư Hữu
|