Khác với chiến thắng oanh liệt của Ngô Quyền và của Đức Trần Hưng Đạo hồi thế kỷ thứ 10 và thứ 13 trên sông Bạch Đằng, chiến thắng này gặt hái được trên sông Nhị Hà bởi Bạch Thái Bưởi, một thương gia nổi tiếng của Việt Nam hồi đầu thế kỷ này. Chiến thắng này cũng không kém phần vẻ vang và rất đáng làm gương để chúng ta noi theo vào những năm tháng mở cửa này… Sinh ra trong một gia đình nghèo, Bạch Thái Bưởi xuất thân là một thư ký quèn cho viên công sứ Pháp Bonnet ở Nam Định. Chí tiến thủ đã khiến ông trở thành một nhà thầu cung cấp vật liệu khi người Pháp xây cất cầu Paul Doumer ở Hà Nội. Công việc tiến triển tốt, ông trở thành người có chút vốn liếng. Vào khoảng năm 1908, 1909, các phương tiện giao thông ở nước ta rất sơ sài, đường xá rất xấu, xe cộ hiếm hoi, thô sơ đến nỗi về hỏa xa, cả miền Bắc chỉ có hai tuyến Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Lạng Sơn. Xe đò lúc đó là thứ cũ rích cũ sì, chở đầy cho tới ngọn, người bu đầy xung quanh; còn xe nhỏ thì có thể nói cả Bắc kỳ chỉ có ít chiếc. Do đó chỉ còn sót lại đường thủy. Vốn nhạy bén trong việc thương mại, thương nhân Hoa kiều liền xông ra chiếm lĩnh gần như độc quyền việc khai thác tàu và đò giao thông trên sông Nhị Hà. Trước lúc đó, cũng có một vài chiếc tàu của người Pháp, nhưng sau vì thấy nguồn lợi tương đối nhỏ so với nhiều nguồn lợi khác nên người Pháp bỏ cuộc, để các Hoa thương mặc tình thao túng. Mặc dầu xa lạ hoàn toàn với vấn đề tàu bè, giao thông trên sông rạch và cũng không hề biết về máy móc, ông Bạch Thái Bưởi vẫn cương quyết sáng lập Công ty Hàng hải Bạch Thái Bưởi để cạnh tranh với Hoa thương. Ông sợ được đàng chân lên đàng đầu, các Hoa thương sẽ dần dần lấn chiếm các nguồn lợi khác của người nước ta. Vững tin túi tiền nặng trĩu của mình, các Hoa thương không hề nao núng trước sự xuất hiện của Công ty Bạch Thái Bưởi; họ cho rằng chỉ cần một, hai thủ đoạn là công ty của người Việt “liều mạng” này sẽ bị dẹp ngay. Và họ bắt đầu ra tay bằng cách phá giá vé, đang từ bốn hào hạng nhất, ba hào hạng nhì để đi từ Hà Nội xuống Nam Định, họ hạ xuống còn có hào rưỡi và hào hai. Với chiến thuật này, Hoa thương nghĩ sẽ cuốn hết khách của hãng tàu mới, và ông Bưởi chỉ còn nước cuốn chiếu ra về. Nào ngờ, sự việc diễn ra khác hẳn. Không những không nao núng, ông Bưởi còn chơi lại mấy chú Ba bằng cách hạ giá của mình xuống thấp hơn nữa, còn có một hào đồng hạng. Biết đã gặp đối thủ thứ nặng, các Hoa thương vẫn không chịu thua và, vẫn cậy tiền, hạ giá xuống còn có bảy xu, đinh ninh rằng phen này ông Bưởi sẽ phải bó giáp quy hàng. Nhưng rồi họ đã phải ngạc nhiên và bẽ bàng khi thấy ông Bưởi lặng lẽ hạ giá vé xuống còn có năm xu. Mấy chú Ba bèn hạ thêm một xu nữa còn có bốn xu. Lần này, thấy rằng không thể hạ giá xuống thêm, ông Bưởi có ngay sáng kiến cho nhân viên tiếp đãi khách hàng thật trọng hậu, trông nom hành lý tài sản của họ, và mời họ uống trà Tàu trong chuyến đi. Phía bên Hoa thương cũng làm y như vậy và còn mời cả khách đi tàu ăn bánh ngọt. Cuộc giao tranh tiếp diễn, hai bên gần như đồng cân, đồng lạng; lúc này ai có sáng kiến mới và hay thì có thể thắng. Ông Bưởi đã có ngay sáng kiến là kêu gọi lòng yêu nước của đồng bào. Ông cho phổ biến các câu vè quảng cáo như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng Cô kia má đỏ hồng hồng Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan Đường đi hiểm trở gian nan Tàu “Bạch Thái Bưởi” dọn đường rước dâu Dù cho nước lũ sông sâu Ai về Nam Định rủ nhau cùng về.” Ý chí cương quyết và lòng can đảm hiếm có của Bạch Thái Bưởi sớm chiếm được cảm tình của đồng bào. Ai nấy đều quý mến, cảm phục và hết lòng ủng hộ ông. Nhiều đoàn cổ động được ông tổ chức cho đi khắp nơi tuyên truyền cho Công ty Bạch Thái Bưởi. Nhiều câu vè khơi gợi lòng yêu nước, nghĩa đồng bào được đặt thêm và dân chúng cũng tự động rỉ tai nhau tuyên truyền ủng hộ ông. Dần dần, dân chúng bỏ tàu của Hoa thương để chuyển sang đi tàu của ông Bưởi. Những ai còn đi tàu của Hoa thương bị dân chúng chửi mắng là không biết bênh vực quyền lợi của người mình. Biết đồng tiền của mình không thắng được lòng yêu nước của người Việt Nam, các Hoa thương đành bãi bỏ cuộc phá giá tiền vé và xin trở lại giá cũ. Ông Bạch Thái Bưởi đã thắng, và đồng bào của ông cũng chia sẻ với ông thắng lợi đó. Những kết quả tốt đẹp đó như thôi thúc ông mạnh tiến hơn. Năm 1912, ông mua thêm nhiều tàu cho chạy tuyến Hải Phòng-Hà Nội. Đoàn tàu của ông đã lên đến gần 30 chiếc, tất cả đều mang những tên lịch sử như Lê Lợi, Trưng Trắc, Hồng Bàng, Tự Đức, Minh Mạng, Bình Chuẩn v.v… Số tàu này được ông mua lại của Công ty Marty d’Abbadie và một công ty hàng hải khác của Pháp. Thấy không còn tranh thương được với Bạch Thái Bưởi, các chủ tàu người Hoa bèn bỏ cuộc và bán lại tàu cho một công ty Pháp, có người bán lại thẳng cho ông Bưởi. Chí lớn và lòng can đảm của ông Bạch Thái Bưởi đáng là một tấm gương cho những kẻ đến sau là chúng ta, trong những giờ phút đất nước đang mở cửa này. Vũ Anh Tuấn (Theo tài liệu của Bạch Thái Chín, một trong những người con của cụ Bưởi)
|