"NHỮNG NGUỒN CƠN CUỘC ĐÁNH CHIẾM BẮC KỲ” (Origines de la conquête du Tong-Kin)
Một hôm, khi gặp nhau ở số 160 Phan Đình Phùng (cũ) và bây giờ là Nguyễn Đình Chiểu, một dạng khách thính của Saigon cũ – nhà của ông Lê Ngộ Châu, chủ nhân tờ báo Bách Khoa nổi tiếng – ông Khai Trí bỗng bảo tôi là ông có một cuốn sách lịch sử do một anh Tây viết, nhưng vì ông không thạo tiếng Pháp nên không muốn giữ. Tôi liền ngỏ ý xin mua thì được ông trả lời là ông không bán, mà chỉ bằng lòng đổi thôi. Cuối cùng tôi được cuốn sách bằng cách đổi cho ông Khai Trí 16 số báo Phong Hóa mà tôi có. Sách này dài 252 trang, khổ 17 x 26cm, có bìa cứng mạ vàng, và cả ba cạnh đều mạ vàng rất đẹp. Dưới tựa sách có ghi rõ: “Từ chuyến đi của Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) tới cái chết của Henri Rivière” và có ghi tên tác giả là Jules Gros, thành viên của các Hội Địa Dư của các thành phố Paris, Rouen và Lisbonne. Cuốn sách này được mở đầu bằng một bài thơ dùng làm lời dẫn nhập của Đồ Phổ Nghĩa và được chia làm 10 chương : Chương I: nói về tuổi trẻ của Đồ Phổ Nghĩa và những chuyến đi đầu tiên, về cuộc chiến ở Trung Quốc và về những thắng lợi và thất bại đầu tiên về mặt thương mại. Chương II: Nói về việc Jean Dupuis là người đầu tiên nói tới sông Hông Hà. Nói về lá thư của Doudart de Lagreé, về các nhân vật khác như Simon, Romanet du Caillaud... Đặc biệt là chương này có nhắc Tập Kỷ Yếu của Hội Địa Dư thành Paris... Chương III: Nói về việc khởi động chuyến du hành khám phá về nhiều chuyện lặt vặt xảy ra ở Trung Quốc. Chương IV: Tiếp tục nói về các việc xảy ra ở Trung Quốc và nói về lúc đoàn thám hiểm đi tới sông Hồng. Chương V: Nói về các mỏ vàng, mỏ chì, mỏ than ở một địa điểm ở bên Tàu tên là Lao-tong-pin. Về công việc hải hành ở thuợng lưu Sông Hồng. Về ca tàu Lào Kai và lịch sử ca tàu Lào Kai, về bọn Giặc Cờ Đen, Giặc Cờ Vàng, về người Mường, về sông Đáy và về việc Dupuis trở thành một nhân vật lẫy lừng... Chương VI: Nói về đoạn Dupuis sau khi trở về Pháp lại trở sang. Về đoàn tàu thuyền của Dupuis, Về việc đến Quảng Yên. Về các sự trở ngại do các quan chức Annnam gây ra. Về việc Dupuis đến ở với Romanet du Caillaud ở Hà Nội. Về Đức cha Puginier. Về chuyến di Hà Nội của Dupuis và bản tường trình. Về người dân Bắc kỳ. Về các sản phẩm của Bắc kỳ. Về quân lực của Bắc kỳ và các khó khăn vì bị chống đối việc Dupuis đi xục xạo ở Bắc kỳ. Về việc có thể chắc chắn sử dụng được con sông và các cố gắng của Dupuis để sử dụng sông Hồng Hà. Về các hợp đồng ký kết với bọn quan lại ở Vân Nam. Về việc Jean Dupuis chống trả lại các sự xúc phạm và các mưu đồ xấu. Về tình hình chính trị ở Bắc kỳ. Về chuyến thăm Hà Nội của Millot... Chương VII: Nói về các sự sửa soạn để trở lại Sài Gòn. Về việc một tòa thị chính bị biến thành chuồng bò. Về việc Jean Dupuis đến với bọn bảo vệ người Trung Quốc. Vế lá thơ của Phó vương Quảng Đông. Về việc bắt giữ viên thanh tra mật thám. Về việc bọn Giặc Cờ Đen quy thuận. Về thơ của Lê Tuấn, đặc sứ của Hoàng Gia. Về nhiệm vụ của ông Millot ở cạnh Thủy sư đô đốc Dupré. Chuyến đi của ông Millot trên tàu Lào Kai. Về linh mục Chagot thuộc dòng thừa sai. Về các thủ tục ngoại giao. Về việc bọn ngoại nhân ở Hồng Kông đề nghị trợ giúp. Về lãnh sự Pháp Chappedelaire. Về việc Jean Dupuis nhận được số tiền 30.000 đồng. Về chuyến trở về Hồng Kông của ông Millot. Về Françis Garnier và kế hoạch hành quân. Về những sự khích bác của người Annam. Về sứ mạng của Thiếu Tá Senez và sứ mạng của Françis. Những bước đầu khó khăn về các sự việc đã xảy ra do ông Barbou kể lại. Về sự hỗn xược của các Thống đốc Hà Nội. Tuyên cáo của Françis Garnier. Sự trả đũa của Viên Thống Đốc. Về thơ của Garnier gửi cho người em... Chương VIII : Về các cuộc điều đình mới. Về tối hậu thư ngày 19 tháng 11, năm 1893. Kế hoạch tấn công. Về việc chiếm thành Hà Nội. Vai trò của Jean Dupuis. Sự quy thuận của chính quyền địa phương. Chính sách của Garnier. Việc mua lại các chiến thuyền của Dupuis. Về các nhân vật như Balny, Trentinian, Hautefeuille, Bain.Về cuộc tấn công của bọn Giặc Cờ Đen. Về sự bất cẩn dẫn đến cái chết của Françis Garnier. Cái chết của Balny. Về việc ký kết các thỏa thuận với các sứ giả Annam. Về lệnh tạm ngưng tất cả mọi chiến dịch. Vai trò của Philastre. Việc tàn sát các quân lính bản xứ theo phe Pháp. Các trách nhiệm trước lịch sử. Hiệp ước ngày 15/3/1874... Chương IX: Nói về vai trò của Dupuis đối với Philastre. Việc phong tỏa toán quân của Dupuis. Việc tước và sung công vũ khí. Việc cướp các ngân khố. Việc bán tàu. Việc trở về Pháp của Dupuis. Về một bức công điện kỳ cục. Về việc Dupuis khiếu nại với Hạ Viện Pháp. Trích đoạn các tài liệu ủng hộ việc Jean Dupuis khiếu nại, và trích đoạn báo cáo của Ủy ban Thứ nhì giải quyết khiếu nại... Chương X : Nói về Jean Dupuis ra trước Hàn Lâm Viện Pháp. Về các cảm tưởng của Jean Dupuis trong chuyến đi Bắc kỳ của hắn. Đây cũng là một cuốn sách nói về một giai đoạn lịch sử và có thể cung cấp một số tư liệu cho các nhà nghiên cứu lịch sử, đồng thời cũng có thể tạm chơi như là chơi một cuốn sách cổ đã có hàng trăm tuổi... Trích hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn
|