VÀ ĐÁNG CHIA SẺ VỚI CÁC BẠN BÈ YÊU TIẾNG PHÁP CỦA TÔI Sau khi nhận thấy là mình đã ở tuổi 26 lần thứ 3, và đã đóng góp cho quê Mẹ mà tôi yêu quý 20 bản dịch Việt-Anh, Việt-Pháp và Pháp-Anh, đủ để ngày về kể công với Mẹ Âu Cơ, tôi đã quyết định không làm thêm nữa, mà dành thời gian để đọc những cuốn cổ thư tôi yêu thích mà chưa có thời giờ đọc (gấn 1000 cuốn). Sáng nay, tôi thực hiện ý muốn nói trên và ra kệ sách tôi dành riêng cho những cuốn tôi thích mà chưa có giờ đọc và chọn cuốn “Tiếng Pháp Cổ Điển” (Le Francais Classique) của tác giả G. Cayrou do nhà XB thời danh Henri DIDIER xuất bản ở Paris 89 năm trước (1924). Cuốn sách khổ 12 x 18cm, dày 884 trang cộng với 48 trang phụ bản nguyên trang, được sắp theo tự mẫu (theo thứ tự A, B, C…) như một cuốn tự điển. Đây là một cuốn sách cho người đọc những định nghĩa của một số từ tiếng Pháp hồi thế kỷ thứ XVII,những định nghĩa mà ngày nay ta không còn tìm thấy trong những tự điển lớn nhỏ hiện hành. Vừa mở cuốn sách ra, điều khiến tôi thích thú đầu tiên là ngay ở trang đầu sách tôi thấy có một con dấu đóng lộn ngược của một trường Trung Học cực kỳ nổi tiếng ở Saigon cũ là trường Chasseloup Laubat, nơi đã đào tạo ra rất nhiều người Việt giỏi tiếng Pháp thứ thiệt, chứ không như nhiều vị hiện nay dám cả gan khoe là mình xuất thân là Sorbonnard(*) nhưng tiếng Pháp của các vị đó lại quá “kinh hoàng” khiến bà TNg. một bà bạn thân của tôi phải nói:”Tiếng Pháp thế này thì vị này là Charbonneux chứ không phải là Sorbonnard (Nơ chứ không phải Na) hì! hì! hì! “(xin xem hình minh họa trên có con triện). Giở đọc lướt qua một số trang đầu, tôi đã bắt gặp ngay mấy từ rất ư là đặc biệt mà tôi thấy cần chia sẻ với các bạn “thích tiếng Pháp và thích Đầm” của tôi. Nơi trang 5 của cuốn sách có từ “Académie” mà trong tự điển Pháp nào ngay lúc này cũng định nghĩa là Hàn Lâm, thí dụ” Académie Francaise” ai cũng biết là Hàn Lâm Viện Pháp. Nhưng điều kỳ thú rất ít người biết là hồi thế kỷ thứ XVII, từ “Académie” này lại có nghĩa là “Nơi mà giới quý tộc Pháp tập cưỡi ngựa và tập nhiều động tác khác”. Ngoài ra nó còn có nghĩa là nơi mà mọi người được phép cờ bạc thả dàn với thí dụ bằng Pháp văn sau đây:”Perdre son argent à l’académie” (Thua tiền ở nơi đánh bạc)... Nơi trang 27 của cuốn sách có từ “Almanach” một từ mà ngày nay chỉ có nghĩa là Niên lịch, nhưng ở thế kỷ XVII thì nó lại có nghĩa là phỏng đoán và với thí dụ “Faire des almanachs” người ta định nghĩa một cách hơi riễu cợt là “Lo làm những chuyện hoang tưởng, mơ màng, viển vông”… Nơi trang 115 của cuốn sách có từ “Calepin”, một từ mà ngày nay chỉ có nghĩa là” cuốn Sổ tay” thì hồi thế kỷ thứ XVII nó lại có nghĩa là “cuốn Tự Điển lớn” và định nghĩa này bắt nguồn từ tên của tu sĩ người Ý A. Calepino, người đã cho ra đời vào năm 1502 một cuốn tự điển đa ngôn ngữ lớn (tiếng Ý, tiếng La Tinh vv…) Nơi trang 146 của cuốn sách có từ “Chef” một từ ngày nay chỉ chỉ một ông xếp, một thủ trưởng, nhưng hồi thế kỷ thứ XVII thì từ này lại có nghĩa là “cái đầu”và chỉ áp dụng cho người, ví dụ “Le chef couronné de lauriers” (Cái đầu đội vòng nguyệt quế), đồng thời từ này cũng được dùng để chỉ “đầu các thánh” thí dụ “On garde le chef de saint Jean en cette église” (Người ta thờ cái đầu của thánh Jean tại thánh đường này) Nơi trang 220 của cuốn sách có từ “Crotte” ngày nay chỉ có nghĩa là “cục phân”, nhưng hồi thế kỷ thứ XVII thì nó lại có nghĩa là “bùn” thí dụ “Les rues sont pleines de crottes” (Đường phố đầy bùn)… Chỉ mới ngồi mất hơn một giờ đồng hồ và mới lướt qua mấy vấn A, B, và C tôi đã bắt gặp một số từ mà mình không biết là lúc trước (thế kỷ XVII) lại có những nghĩa khác hẳn như thế, và tôi tự nhủ lúc nào rảnh rỗi ta sẽ đi thăm cuốn quý thư này một cách cặn kẽ hơn… Hôm nay tạm chia sẻ với quý bạn yêu thích tiếng Pháp vài từ ở trên thôi… (Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI) Vũ Anh Tuấn (*) Xuất thân từ trường Đại Học nổi tiếng nhất của Pháp là trường Sorbonne (Paris IV) |