TÔI THÍCH TỪ THUỞ THIẾU THỜI VŨ ANH TUẤN Tối thứ 7 vừa qua, trên đường về Tân Định, tôi bỗng nổi hứng ghé thăm Nhà Sách Tân Định, nơi tôi có 2 cô bạn làm việc, với ý định vừa thăm sách vừa thăm người! Lúc này tại các nhà sách, sách nhiều đến mức nói :”Trên là trời dưới là sách” là không ngoa chút nào. Nhưng phần lớn là sách dịch, thôi thì thượng vàng hạ cám chẳng thiếu thứ gì, và nhiều nhất là loại sách dạy sống theo Mỹ, theo Tây, thay vì theo Chính Mình, cho nên tôi ít thích. Hơn nữa các bản dịch thì rất là dễ sợ, số bản dịch hay kiểu Nguyễn Hiến Lê, Hà Mai Anh thật hiếm gần như lá mùa thu, trong lúc số còn lại kiểu “bố bị ung thư tử cung” thì lại hơi bị nhiều. Do đó, tôi, với tư cách một người yêu sách, xin đề nghị các bạn trước khi quyết định mua, nên lướt qua cuốn sách định mua xem bản dịch có lưu loát, dễ hiểu, các câu văn đi từ cuối trang này sang trang kế tiếp có lành lặn, không bị mất chữ, thừa chữ không, trước khi … chi ngân! Sau khi gặp hai cô bạn, một cô dẫn tôi lên lầu 2 và giới thiệu với tôi một cuốn sách mới mà cô cho biết là do cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Tôi hỏi đấy là cuốn gì và được cô cho biết là cuốn Sử Kí Thanh Hoa của một người Pháp tên là E. Vayrac viết, mới được in lại. Tôi thích quá vì cuốn này không xa lạ gì với tôi, vì ngay từ thuở ấu thơ năm 11, 12 tuổi tôi đã trông thấy nó trong tủ sách của cụ thân sinh ra tôi, và rồi năm 17 tuổi trong khi sửa soạn thi Tú Tài Tây thì tôi được cụ tôi cho đọc. Đây là một cuốn sách của một viên chức người Pháp, phụ trách việc kiểm duyệt báo chí, tên là E. Vayrac, viết để quảng bá và giới thiệu nền Văn Hóa Cổ La-Hy với chúng ta, vào lúc đó bị bọn Tây thuộc địa gọi là “người bản xứ”. Người này còn là bạn thân của cụ Vĩnh, và cụ Vĩnh đã phụ trách việc dịch sang tiếng Việt để người mình đọc được. Thấy cuốn sách được in lại tôi thích quá, nhất là khi thấy trên bìa sách mấy chữ Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, tôi càng thấy khoái và tin tưởng hơn, nên đã mua ngay không chút ngần ngại. Tôi đã đọc cuốn sách này trên một nửa thế kỷ trước, lúc đó tôi đọc cả bản tiếng Pháp lẫn tiếng Việt do cụ Vĩnh dịch một cách thật thích thú vì tôi được học chương trình Pháp từ lớp mẫu giáo tại cái trường mang tên Henri Rivière, ở cạnh Bưu Điện Hải Phòng. Tôi rất thích bản dịch rất lưu loát, chính xác của cụ Vĩnh. Trên một nửa thế kỷ đã trôi qua mà tôi vẫn không quên truyện một anh hàng giầy phê bình tranh của một họa sĩ Hi Lạp tên là Apelle, một người rất cầu toàn và phục thiện, thường bày tranh của mình vẽ và núp sau tranh để nghe những lời phê bình để sửa những điểm kém trong tranh. Một ngày kia nhà họa sĩ núp sau tấm tranh vẽ một người cưỡi ngựa, nghe được một anh hàng giầy phê bình là chiếc dép vẽ không chính xác. Nhà họa sĩ thấy lời phê bình là đúng nên ông ta sửa ngay. Ngày hôm sau anh hàng giầy lại ghé qua xem và thấy chiếc dép đã được sửa, anh ta tưởng bở bèn lên tiếng phê bình lung tung, chê huyên thuyên, thậm và chí chê cả hình dáng con ngựa và người kỵ sĩ. Thấy anh hàng giầy cao hứng chê bậy quá, ông họa sĩ xuất hiện từ sau bức tranh và bảo anh ta: ”Này anh hàng giầy, xin anh chớ lên trên nơi giầy dép!” tức là “xin anh chớ vượt qua cái lãnh vực giầy dép của anh!” . Người Tây phương thường dùng câu nói ấy để khuyên những kẻ hay khen hay chê ẩu tả những việc chúng không am tường. Đây chỉ là 1 trong tổng số 101 truyện mà tôi nhớ được một số, còn rất nhiều truyện khác rất hay, rất bổ ích cho người đọc, nhất là cho những độc giả trẻ… Cầm cuốn sách về nhà, vừa ăn cơm xong là tôi lôi cuốn sách, mà tôi coi như một người bạn cũ, nay mới có cơ duyên được gặp lại, ra đọc ngay. Nhưng than ôi! Niềm vui của tôi bị giảm sút đi rất nhiều khi thấy cuốn sách, thay vì được chụp lại, hoặc bây giờ được quét (scan) trên máy vi tính để in lại, thì nhà xuất bản chắc đã cho đánh lại nên chỉ nguyên trên trang 7 tức là trang Lời Nói Đầu (Préface) bằng Pháp văn, người đánh (và sau đó các người biên tập) đã chơi luôn một lúc 7 lỗi như sau đây: Jene thay vì (Je ne) – jai (j’ai) – sansse (sans se) – disaient-its (disaient-ils) – ma lémérité (ma témérité) – des homes (des hommes) – bonne companie (bonne compagnie). Sau đó tôi lướt qua một số trang khác thì thấy hầu như chẳng có trang nào là không có lỗi, thật nản quá! Viết mấy dòng chữ này tôi vẫn tiếp tục lạc quan và ôm hy vọng to đùng là sau này, dần dần những nhà xuất bản của chúng ta sẽ có những người đánh, người dàn trang, và những biên tập viên có khả năng, và nhất là … có tâm hơn! Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI. ----------- Vũ Anh Tuấn
|