Cuốn cổ thư này được xuất bản năm 1858 và mang tựa đề là Hội Truyền Giáo ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ (Mission de la Cochinchine et du Tonkin), và tôi đã có được nó là vì một anh bạn đã mang nó từ Pháp về, và nhường lại cho tôi. Cuốn này khổ 14 x 22 cm và dày 412 trang. Cầm cuốn cổ thư trong tay, tôi mơ màng nghĩ đến cơ duyên đã khiến nó đến với tôi, vì thật vậy, nếu không phải là do một cơ duyên, thì làm sao tôi lại có thể gặp được nó khi nó ra đời 156 năm trước, khi tôi chưa tới với cuộc đời này và còn mang tên là Hư văn Vô … Nó được in năm 1858 và đương nhiên là đã phải được đem tặng hoặc đem bày bán 156 năm trước, và trong khoảng thời gian đó nó chắc đã phải qua tay một, hoặc nhiều người đã mua nó, đã cầm nó trên tay, đã giữ nó, và những người chủ trước của nó là những ai thì chỉ có Trời biết Đất biết. Điều duy nhất tôi biết chắc là ngay giờ phút này tôi đang đích thực là chủ nhân của nó, và nó đã may mắn lọt vào tay một người chủ tốt, biết chăm sóc, yêu thương nó, và nhất là biết sử dụng nó để cho nó một cuộc sống có ý nghĩa. Với tôi, sử dụng nó có nghĩa là tìm hiểu về nó và giới thiệu nó với những nhà nghiên cứu là đồng bào của tôi. Quả thật tôi phải tìm hiểu vì ngoài tựa đề ra, cuốn này chẳng đề tên tác giả là ai cả. Qua tìm hiểu tôi được biết là các tác giả đều là các Linh Mục Dòng Tên (Compagnie de Jésus) và trong năm người thì người mình chỉ biết một người là LM Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) , còn mấy người khác như F. de Montézon, Ed. Estève, Joseph Tissanier, Metello Saccano… thì hầu như người mình chưa ai biết về họ. Trong 5 tác giả này chỉ có tác giả F. de Montézon là thuộc thế kỷ thứ 19 còn bốn người còn lại đều sống ở thế kỷ thứ 17. Cuốn sách này khi mới được in ra trên 150 mươi năm trước đã được bày bán tại 25 tiệm sách tại 25 tỉnh rải rác trên đất Pháp. Tôi đọc lướt qua và thấy nó quá hay và là cả một kho tài liệu về sử học nên, mặc dù mấy bữa nay trời nóng bức quá tôi cũng cố mà ngồi viết bài giới thiệu sơ lược này. Cuốn sách dày 412 trang này được chia thành 4 phần và phần thứ 5 là phần Kết luận. Phần I – Từ trang 1 tới trang 64 là phần kể về các hoạt động của Hội Truyền Giáo ở Bắc Kỳ của LM Đắc Lộ và được chia thành 9 chương: Chương 1 – Kể việc LM Đắc Lộ bị đưa đi lưu đầy vào năm 1630 - việc các Linh Mục Thừa Sai khác tới Bắc Kỳ - và hoàn cảnh Hội Truyền Giáo vào lúc đó. Chương 2 - Kể việc một tín đồ bị tử vì đạo – Kể về khá nhiều tân tín đồ theo đạo. Chương 3 - Kể về cách ứng xử tiển hậu bất nhất của nhà vua với các linh mục thừa sai – và những thí dụ minh chứng đức tin nơi một số tân tín đồ. Chương 4 - Kể về một chuyện cấm đạo do những người ngoại đạo chủ xướng lại trở thành có lợi cho các tân tin đồ. Chương 5 – Nói về tình trạng truyền giáo ở Bắc Kỳ vào năm 1640 và về cái chết của các linh mục thừa sai Joseph Maur. Antoine Barbosa và của một vài tân tín đồ. Chương 6 - Nói về các thầy giảng giáo lý ở Bắc Kỳ. Chương 7 - Nói về những cuộc cấm đạo mới. Chương 8 - Nói về việc Bề Trên che chở các tân tín đồ và về lòng trung trinh và hăng say của các linh mục thừa sai đối mặt với mọi gian khổ. Chương 9 - Hoàn cảnh của Giáo Hội Công Giáo ở Bắc Kỳ vào năm 1647. Phần II – Từ trang 65 tới trang 204 là phần tường thuật của Linh Mục Dòng Tên Joseph Tissanier nói về chuyến đi từ Pháp của ông sang Bắc Kỳ và những ngày ông ở Bắc Kỳ trong những năm 1654-1658. Linh mục Dòng Tên này mô tả xứ Bắc Kỳ và những sự kiện truyền giáo nổi bật trong những năm 1658, 1659 và 1660. Trong phần này Linh mục Tissanier nói về tất cả những gì ông gặp, ông thấy trong thời gian ông ở Bắc Kỳ, và ông kể về những chuyện như các quan chức ở Bắc Kỳ, các ông sư ở Bắc Kỳ, một số phong tục của dân Bắc Kỳ, và về việc các Linh mục Dòng Tên bị đuổi ra khỏi xứ Bắc Kỳ. Linh mục này cũng mô tả khá cặn kẽ các chuyện cấm đạo ở Bắc Kỳ trong những năm 1663-1665. Phần III – Từ trang 205 tới trang 244 được chia làm 5 chương: Chương 1 – Nói về những biến cố chính yếu từ cái chết của Linh mục Busomi năm 1639 cho tới vụ cấm đạo rất lớn ở Nam Kỳ vào năm 1663. Chương 2 – Nói về việc cấm đạo bắt nguồn từ triều đình của nhà vua. Chương 3 – Nói về việc cấm đạo ở vùng Cham. Chương 4 - Nói về việc cấm đạo ở Fai Fo năm 1665 và việc sáu tín đồ tử vì đạo. Chương 5- Nói về hoàn cảnh các linh mục thừa sai trong thời gian cấm đạo. Phần IV – Từ trang 245 tới trang 336 nói về các Hội Truyền Giáo ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ và nói về những Linh Mục Dòng Tên cuối cùng ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ trong những năm 1750 tới 1787. Phần Kết luận – Từ trang 337 tới trang chót mô tả các hoạt động truyền giáo từ các năm 1774 tới 1857. Nhìn chung cuốn sách 156 năm tuổi này cũng là một nguồn tài liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu sử học của chúng ta… Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI. VŨ ANH TUẤN |