của Cụ NGUYỄN GIA TRÍ
NST Vũ Anh Tuấn
Từ những năm 50 cho tới bây giờ nghĩa là trên một nửa thế kỷ, hễ ai nói tới sơn mài là người ta nghĩ ngay tới sơn mài của Cụ Nguyễn Gia Trí. Cụ Trí sinh ngày 06 tháng 10, năm 1908 tại Hà Tây và theo học Ngành Hội Hoạ ở khoá IV (1928-1933) của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, cùng khoá với các hoạ sĩ lừng danh khác như Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Cát Tường (Lemur), Lưu Đình Khải… nhưng Cụ đã bỏ ngang không học hết khoá IV này. Có người cho rằng lý do việc Cụ bỏ không học hết khoá, chính là vì Cụ không chịu nỗi những gò bó khuôn phép trong khoá học, vì Cụ là một tâm hồn luôn ưa chuộng sự tư do, phóng khoáng… Tuy nhiên, trong những ngày học ở khoá IV, Cụ đã được các ông thầy người Pháp là Tardieu và Inguimberty đặc biệt chú ý vì họ rất thích thú với các tìm tòi và khả năng sáng tạo của Cụ, trong việc sử dụng Sơn Ta. Và rồi cũng chính ông Tardieu, và cả ông Inguimberty đã tìm đến tận nhà Cụ để khuyên Cụ trở lại học khoá VII (1931-1936) và tốt nghiệp năm 1936 cùng với hai hoạ sĩ khác cũng rất nổi danh là các cụ Trần Văn Cẩn và Lưu Văn Sìn.
Ở tuổi thanh xuân, Cụ sống một cuộc đời kín đáo, ít giao du, thiên nhiều về nội tâm, tuy nhiên Cụ lại rất hăng say hoạt động, không những chỉ trong lĩnh vực chuyên môn là hội hoạ mà còn cả trong lĩnh vực cách mạng, chống đối với thực dân Pháp vì Cụ rất ghét bọn họ. Tuy ghét thực dân Pháp, nhưng Cụ lại quen rất thân với gia đình một người Pháp là kỹ sư Drouin, Tổng Giám Đốc Công Ty Cấp Điện và Nước miền Bắc vì người Pháp này thật sự mến tài của Cụ và luôn luôn đối xử với Cụ hết sức bình đẳng, đôi lúc còn để vợ và đứa con gái nhỏ ngồi làm mẫu cho Cụ vẽ. Năm 1940, Cụ bị Pháp bắt giam ở Sở Liêm Phóng Hà Nội, và trong thời gian này ông kỹ sư Drouin đã can thiệp và giúp đỡ Cụ rất nhiều để Cụ khỏi bị hành hạ, tra tấn. Ít tháng sau, qua năm 1941, Cụ bị phát vãng lên trại giam Vụ Bản (Hoà Bình) cùng một số bạn trong Tự Lực Văn Đoàn và một vài nhân sĩ can tội tham gia phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, và mãi tới năm 1943 Cụ mới được phóng thích. Khoảng năm 1950 vì có một số hoạt động phản đế, chống thực dân, Cụ lại bị bắt và bị đưa từ Bắc vào giam ở trong Nam cùng với một người bạn là ông Trần Trung Dung, trong khi đó một người phản đế khác là Cụ Trịnh Hưng Ngẫu thì lại bị đem từ trong Nam ra giam ở ngoài Bắc.
Năm 1953, Cụ được trả tự do và lập gia đình, rồi Cụ quyết định ở lại luôn Sài Gòn cho tới ngày Cụ mất (thuật lại theo tác giả Trần Phong Giao).
Một điều mà không ai có thể phủ nhận Cụ Trí là người có công nhất và là người tìm tòi nghiên cứu tinh vi và sử dụng hiệu quả nhất về nghệ thuật sơn mài.
Danh từ sơn mài là một danh từ mới sau khi trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập (1925) và lần đầu tiên được hoạ sĩ Tô Ngọc Vân viết trên báo (1948) để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là sơn ta, nhưng biến hoá hẳn do nghệ thuật mài sơn. Từ năm 1931 trở về trước, công dụng của sơn ta, cũng như sơn Tàu ở Tàu và sơn Nhật ở Nhật, chỉ là để phủ bọc lên đồ vật thường dùng như cái khay, cái tráp, đôi guốc... để chúng tôn vẻ lộng lẫy. Tóm lại sơn ta vào lúc đó chỉ có công dụng trang trí và địa vị của nó là ở ngành trang trí mà thôi. Song từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số hoạ sĩ có tài, mà Cụ Trí là tên tuổi lừng lẫy nhất và có công nhất, sơn ta vượt được ra ngoài ngành trang trí, nơi nó bị giam hãm, để ngang nhiên tiến bước trên đường bao la của hội hoạ. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức hoạ lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc chỉ để làm tôn vẽ đẹp đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc lập diễn đạt tâm hồn người nghệ sĩ, để rồi, quên đi dĩ vãng, sơn ta đổi tên nhũn nhặn là sơn mài (thuật theo Tô Ngọc Vân).
Vào thời gian cuối khoá học (khoá VII). Cụ Trí mê mải nghiên cứu chất liệu sơn mài và Cụ được hoạ sư Inguimberty nhiệt tình khuyến khích Cụ đi vào chất liệu này. Bức bình phong sơn mài đầu tiên, bài thi ra trường của Cụ và một số tranh cỡ nhỏ nữa, đã là những tác phẩm có sức thuyết phục đến kinh ngạc. Cụ đã tuyên bố quyết tâm đưa sơn mài lên ngang tầm hội hoạ và Cụ quả thực đã thực hiện được lời hứa đó một cách thật mỹ mãn.
Người viết chỉ là một người yêu thích các tác phẩm của Cụ và chỉ có liên quan tới Cụ một chút là người viết chính là người đã dịch ra tiếng Anh một cuốn sách chứa đựng những "Lời nói của Cụ liên quan đến Hội Hoạ" của một hoạ sĩ đệ tử của Cụ đã sưu tầm và viết lại (sách này đã được xuất bản năm 1998) và bây giờ sẽ dự tính in ra bằng hai thứ tiếng Việt và Anh; kế đó người viết còn là người đã có duyên gặp gỡ một số tranh sơn mài của Cụ trong cuộc đời mê tranh của mình, và dưới đây xin kể lại một số chi tiết về những bức tranh đó để chia sẻ với các bạn đọc.
Vào năm 1976 người viết có mua được một bức sơn mài cỡ 60cm x 120cm vẽ một dòng sông. Vào lúc đó chủ nhận bức tranh cần ra đi nên đã nhường lại cho người viết. Mặc dù biết giá trị của sơn mài Nguyễn Gia Trí nhưng người viết lại không thấy thích đề tài dòng sông lắm nên gọi một người bạn cũng chơi tranh là N.D.H. để nhường lại người bạn ấy với số tiền lời vừa phải. Hai vợ chồng N.D.H. lại xem tranh và người vợ chỉ ngay một vài chỗ hơi nham nháp và kêu rằng những chỗ đó đã bị ốc - xi hoá. Nhưng thực ra những chỗ đó chính là những chỗ mà Cụ Trí sử dụng màu xanh Phổ, một màu mà chỉ có Cụ là dùng được một cách rất thành công và độc đáo. Bức tranh sau đó được nhường cho ông Y. Một nhà sưu tập nỗi tiếng ở Sài Gòn cũ và ông này đã mang nó sang Canada. Đầu năm 1978, người viết mua được một bức tranh sơn dầu cỡ 45cm x 55cm vẽ cảnh "Bến Hồng Kông". Đây là một trong số tranh sơn dầu rất hiếm hoi của Cụ Trí. Người viết được biết Cụ đã vẽ bức này trong thời gian lưu vong sang Hồng Kông cùng một vài người bạn và cựu hoàng B.Đ. Nghe nói Cụ đã vẽ tất cả là 12 bức cùng một đề tài chỉ thay đổi chi tiết để kiếm tiền sinh sống trong thời điểm đó. Bức này sau về tay một nhà sưu tầm nổi tiếng ở Hà Nội là ông Đ.M. Sau này ông Đ.M. qua đời, không biết giờ này bức sơn dầu này đang lưu lạc ở đâu?
Cùng vào thời điểm này người viết đã giới thiệu cho một thân hữu là L.M. T.T.H. Giám đốc Đại Chủng Viện mua được một bức sơn mài nhỏ cỡ 40cm x 45cm vẽ cảnh "Cửa Tùng". Bức này thoạt tiên là của một viên chức tên là N.V.Ph. làm việc cho hãng Air Việt Nam và là bạn của Cụ thân sinh ra người viết. Bác Ph. đã nhường bức đó cho một người buôn đồ cổ và anh bạn đồ cổ này, qua sự giới thiệu của người viết, đã để lại bức tranh cho L.M. T.T.H. và bức tranh này hiện đang được lưu giữ một cách hết sức trân trọng tại Nhà Truyền Thống của Giáo Phận Sài Gòn.
Năm 1986, một hôm người viết được phu nhân bác sĩ P.B.T., Khoa trưởng của Đại Học Y Khoa mời tới để nhường lại một số sách vì gia đình bác sĩ P.B.T. sắp đi định cư ở Mỹ. Đây là cơ hội để người viết "cứu" được một tác phẩm của Cụ, để nó không bị lưu lạc giang hồ, có nguy cơ rơi vào tay những kẻ không đáng được giữ nó. Câu chuyện xảy ra như sau đây: Người viết nhìn thấy ở một góc tầng lầu I chồng báo National Geographic (một loại báo về địa dư của Mỹ) và thấy lẫn vào trong chồng báo đó có một gói cùng cỡ với chồng báo (18cm x 24cm), nhưng ở trên lại có một danh thiếp của Cụ Trí. Người viết định cầm lên xem thì cụ bà P.B.T. ngăn lại và nói "Chồng báo này có người mua rồi, tí nữa anh ta trở lại lấy". Người viết đề nghị bà cụ cho giở cái gói đó ra xem, vì không có lý nào trên tờ National Geographic mà lại có danh thiếp của Cụ Trí; bà cụ đồng ý, người viết liền bóc tờ giấy gói ra và thấy bên trong là một bức sơn mài cỡ 18cm x 24cm vẽ một thiếu nữ khoả thân cực đẹp, có chữ ký và cả mấy chữ thân tặng BS P.B.T. Cụ bà mừng quá và nói: "Trời ơi! Nhà tôi nhờ tôi kiếm bức tranh nhỏ này mãi, bây giờ thấy được nó chắc ông Cụ thích lắm!". Bức tranh sơn mài vẽ thiếu nữ khoả thân này sau đó được BS P.B.T. mang qua Mỹ.
Khoảng năm 1988, người viết đã giới thiệu cho Ô. K.T., chủ nhân nhà sách lớn nhất ở Sài Gòn cũ mua được một bức sơn mài cỡ 80cm x 140cm của Cụ Trí có tên "Đồi Thông vách đá". Đây là một trong những bức nổi tiếng nhất của Cụ Trí. Ô. K. T. mang bức sơn mài này qua Mỹ nhưng rồi sau đó vào năm 1999 ông trở lại sinh sống ở Việt Nam nhưng không mang được nó trở về, hiện nay bức này vẫn còn thuộc quyền sở hữu của gia đình Ô. K.T. ở Mỹ, còn ông K.T. thì đã qua đời ở Việt Nam.
Người viết còn có một người bạn là một nhà sưu tầm "không chính thống" đã có may mắn mua được ba bức sơn mài lớn của Cụ Trí, vào lúc mà ít ai nghĩ tới tranh với pháo. Cả ba bức này đều là những bức loại lớn cỡ 180cm x 200cm và có thể hơn, một bức vẽ một con suối, bức thứ nhì vẽ đề tài quen thuộc là đề tài "Vườn Xuân" và bức thứ ba cũng là vẽ phong cảnh, trên có hai cảnh chùa. Anh bạn đã mang một bức qua Mỹ và còn lại để ở thành phố chúng ta hai bức. Một điểm đặc biệt là một trong ba bức đó, người viết không nhớ rõ là bức nào, do bị hư đã được chính Cụ Trí sửa lại, và sau khi Cụ Trí đã cẩn thận ký thêm một lần thứ nhì, do đó đây là một bức tranh đặc biệt mang hai chữ ký của Cụ Trí, rất có thể đây là bức duy nhất có hai chữ ký.
Trước ngày giải phóng, chủ nhân một hãng thuốc tây ở Tân Định, Dược sĩ P.H.S. là một người chơi tranh sơn mài của Cụ Trí khá sành sỏi. Ông đã có tới 5 bức, bức nào cũng lớn cỡ gần 2 thước chiều dài. Sau ngày giải phóng, người viết được giới thiệu để mua một trong năm bức tranh sơn mài lớn đó, lúc đó thuộc quyền sở hữu của chủ nhân một hãng làm ngói ở đường Thủ Khoa Huân vì cô cháu gái của ông này là thư ký của DS P.H.S. Đó là một bức tranh trừu tượng mà có người cho biết là đề tài lấy cảm hứng từ câu thơ: "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi" trong Chinh Phụ Ngâm. Người viết đã không mua được vì chủ nhân bức tranh đòi một giá quá cao. Nhưng rồi một thời gian sau, bức tranh đó lại lọt vào tay một người buôn bán đồ tầm tầm ở đường Nơ Trang Long. Anh này lại nhờ người viết giới thiệu để bác bức tranh đó cho một nhà sưu tập, anh này đã mua được và hiện vẫn còn đang giữ bức tranh đó tại thành phố của chúng ta.
Cụ Trí thường được các nhà chơi tranh, nhất là các bạn hữu của Cụ, đặt hàng và phải biết kiên nhẫn chờ Cụ làm và giao, thời gian phần lớn là do Cụ quyết định. Trước ngày giải phóng Cụ có nhận được đặt hàng của một viên Đại tá chế độ cũ T.M.C. Giám đốc Nha Quân Pháp chế độ cũ. Sau ngày giải phóng, viên Đại tá này phải đi học tập cải tạo gần 10 năm. Nhưng ngay sau khi ông ta được trở về, Cụ Trí đã hết sức cố gắng, mặc dù lúc đó sức khoẻ của Cụ đã không còn như trước, làm một bức sơn mài cuối cùng để trả nợ cho ông bạn mình. Đó là bức tranh trừu tượng cỡ 60cm x 80cm, theo chiều ngang, mà cụ đặt tên là bức "Lò cừ" (Lò cừ nung nấu sự đời, bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương). Ông T.M.C. đã qua đời, bức tranh hiện còn ở thành phố chúng ta, vì bà T.M.C. thay đổi ý kiến hoài, lúc thì muốn bán, lúc thì không, khiến người viết nản chí không muốn hỏi đến nữa. Bức cuối cùng này người viết thấy các gam màu hơi tối và cảm thấy nó không được lung linh huyền ảo như nhiều bức tranh khác mà người viết đã được thấy. Một điều đáng chú ý là bức tranh này Cụ Trí đã ký tên ở ngay chính giữa, chả hiểu khi làm vậy là ý Cụ muốn bày tỏ điều gì?
Trong khoảng 40 năm trời, người viết đã được trông thấy một số tác phẩm của Cụ Trí, đã có lúc sở hữu được 1, 2 bức, nhưng vì hoàn cảnh đôi lúc khó khăn nên đã không giữ được chúng.
Vì không phải là người trong nghề, mà chỉ là người yêu thích và tôn trọng tài năng của Cụ Trí, người viết không dám lạm bàn đến các đặc điểm nghệ thuật, kỹ thuật của tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí, nhưng vì là người có được khá nhiều sách báo về nghệ thuật hội hoạ của Tây phương và nhất là những kỷ yếu của các nhà bán đấu giá quốc tế như Sotherby, Christie's v.v. đồng thời cũng đã từng được xem nhiều tranh sơn mài của các tác giả Việt Nam khác, nên sau khi đem so sánh nhiều tranh sơn mài của các nước lân cận và các tác giả Việt Nam, kể cả một vài bức tranh sơn mài của Nam Dương, của Mã Lai mà nhà Christie's đã bán được tới 3 triệu đô, người viết chỉ xin có một nhận xét rất ư là bình dân là khi để một bức tranh sơn mài của cụ Trí giữa các tác phẩm của các nhà khác, người viết có cảm tưởng mình đang trông thấy một con phượng vỗ cánh giữa một đàn...gà!
Vũ Anh Tuấn