VŨ ANH TUẤN Câu chuyện dưới đây là một câu chuyện thật 100% vừa xảy ra vài tháng trước trong một tiệc cưới. Đó là một tiệc cưới rất sang được tổ chức rất long trọng tại khách sạn New World, với số quan khách lên tới gần 600 người. Đám cưới này là một đám cưới Mỹ- Việt, vì tân lang là con một thương gia người Mỹ, Tổng Giám Đốc một công ty đa quốc có chi nhánh ở 4 nước ở Đông Nam Á, còn tân nương là một Nữ tiếp viên hàng không; họ đã gặp nhau qua một vài chuyến bay và kết quả đã đưa đến đám cưới ngày hôm nay. Họ nhà trai quả đã rất quý trọng họ nhà gái, vì họ đã thuê nguyên một chuyến máy bay để cả gia đình mấy chục mạng bay sang Việt Nam. Còn về phía Việt Nam thì gia đình tân nương cũng tỏ ra quý trọng gia đình tân lang một cách đặc biệt: động há miệng ra là họ nói Đoàn!... Đoàn! Xin hiểu chữ Đoàn đây tương đương với Phái Đoàn, như Phái Đoàn Ngoại Giao, Phái Đoàn Thiện Chí vv…
Người viết có mặt trong tiệc cưới này vì là bạn thân của người chú ruột của tân nương. Khi đến dự tiệc, tình cờ anh được sắp xếp ngồi cạnh một người bạn, mà kể từ lúc này anh xin tạm gọi là Kính Trắng, vì không muốn nêu danh tính của người bạn đó. Trong bàn tiệc 12 người, ngoài người viết và anh bạn Kính Trắng, 10 người còn lại là 5 phụ nữ và 5 người đàn ông, trong đó có một anh Việt kiều và một người Mỹ trung niên đi cùng. Người viết và Kính Trắng đều biết tiếng Anh, và người Mỹ cũng biết một ít câu tiếng Việt, nên việc giao tiếp diễn ra rất thuận lợi, vui vẻ, vâng! rất vui vẻ, cho đến khi câu chuyện tức cười và tếu táo dưới đây xảy ra… Số là, trong lúc thù tạc, có người lại nhắc tới tổng sản lượng quốc gia và thu nhập bình quân của người công nhân hiện tại, và còn muốn biết ở đâu, ở nước nào tổng sản lượng và thu nhập của người công nhân cao nhất? Và, ở nước nào người công nhân có mức sống cao nhất?... Tới thời điểm này, người Mỹ trung niên, với sự phụ họa của anh Việt kiều, liền vừa bằng tiếng Việt bập bẹ, vừa bằng tiếng Mẽo, lên tiếng giải thích và khẳng định ngay là về hai khoản đó thì chỉ có thể là ở Mỹ. quê hương của anh ta, chứ còn có thể ở đâu khác được nữa? Anh ta cũng không quên khoe thêm rằng Mỹ quốc là thiên đàng của người công nhân, và người công nhân ở Mỹ tiêu sài huy hoắc nhất, thậm chí họ phần lớn đi làm bằng xe hơi vv… Mọi người trong bàn, tuy không có vẻ hưởng ứng và thích thú gì cho lắm, nhưng cũng dễ dàng cho qua, vì tính ưa khoe khoang của anh bạn Mỹ, chả phải là cái gì xa lạ lắm! Và, nhìn chung, bàu trời giao hảo tuy có bớt xanh một chút, nhưng vẫn còn quang đãng. Nhưng rồi, mây đen bỗng ầm ầm kéo đến khi anh Việt kiều lên tiếng phụ họa:” Vâng, đúng! Những lời anh John mô tả về QUÊ HƯƠNG CHÚNG TÔI quả là rất đúng!” Không khí trên bàn tiệc bỗng trở nên căng thẳng. Mọi người ai nấy đều tỏ vẻ khó chịu vì CÁI QUÊ HƯƠNG MỚI TOANH của anh Mỹ mũi tẹt da vàng, tuy nhiên cũng chả có ai buồn lên tiếng hoặc tỏ rõ thái độ, trừ Kính Trắng. Anh nhìn thẳng vào mắt anh Mỹ mới, hơi nhếch mép cười, và ôn tồn nói:” Anh John bạn anh, và anh, nói có phần đúng nhưng CHƯA ĐÚNG HẲN!” - Anh có thể cho biết lý do tại sao anh lại cho là chưa đúng hẳn, anh Việt kiều hỏi. - Ồ! anh nên nhớ là mình đang dự một tiệc cưới … Thấy hai người đối đáp, John, người Mỹ thật không hiểu, nên anh lên tiếng hỏi sao? sao? (what? what?) Tuy có thể trả lời thẳng cho John, nhưng Kính Trắng để yên cho anh Mỹ mới toanh giải thích cho anh bạn Mỹ thật. Nghe xong, John chơi luôn mấy câu tiếng Việt bập bẹ: - ”Khôong đúung, tạii saoo?” Thấy người Mỹ thật cũng hỏi, mấy người Việt ngồi cùng bàn bảo Kính Trắng: - “Họ muốn biết thì anh cứ cho họ biết lý do, và cho chúng tôi biết ké luôn!” Thấy mọi người tỏ vẻ đồng ý muốn nghe, Kính Trắng ôn tồn nói: - “Vì tôi biết ở Đông Nam Á này, có một nơi người công nhân ăn sài sang gấp bội ở Mỹ!” Mọi người nhao nhao:” Sao? Anh nói có nơi có những công nhân ăn sài sang hơn công nhân Mỹ à? Ở đâu vậy? Nhật hả, Đại Hàn, hay Singapore?” - “Không phải là ở mấy nơi đó, mà đơn giản là ở ngay đây, ở ngay Việt Nam này!” Anh Mỹ mới toanh bèn giải thích cho anh Mỹ thật, và quay sang hỏi: -“Anh có nói rỡn không?” -“Are you kidding!” (1) John cũng hỏi. Kính Trắng chậm rãi giải thích: -“ Này nhé! Tất cả mọi người chúng ta ở đây, ngoại trừ anh John, còn cả anh Việt kiều cũng đều biết, và nhớ rõ là sau ngày Giải Phóng CÓ HAI LẦN ĐỔI TIỀN. Lần thứ nhất, một đồng tiền mới ăn 500 đồng tiền thời người Mỹ còn ở đây, nói cách khác là ăn 500 đồng tiền của chế độ cũ. Và vài năm sau đó lại có một lần ĐỔI TIỀN THỨ NHÌ, lần này MỘT ĐỒNG MỚI ĐỔI LẠI BẰNG 10 ĐỒNG ĐÃ ĐỔI TRONG LẦN THỨ NHẤT. Do đó SO VỚI ĐỒNG TIỀN THỜI MỸ CÒN Ở ĐÂY, MỘT ĐỒNG CHÚNG TA ĐANG TIÊU DÙNG BÂY GIỜ BẰNG 500 X 10 = 5000,VÀ NHƯ VẬY MỘT TỜ 1000 ĐỒNG CHÚNG TA ĐANG DÙNG BÂY GIỜ BẰNG 5.000.000 ĐỒNG THỜI CHẾ ĐỘ CŨ. Ngay lúc này, mỗi sáng một người công nhân của chúng ta chỉ cần ăn 5000 đồng xôi và uống ly cà phê 5000 đồng nữa là anh ta đã tiêu 5.000.000 x 10 (tờ 1000) vừa bằng 50.000.000 đồng tiền thời Mỹ còn ở đây! Thử hỏi ở Mỹ có anh công nhân nào dám tiêu 50.000.000 (Năm chục triệu) chỉ để ăn sáng!!! Do đó tôi kết luận là công nhân Việt Nam tiêu sài huy hoắc gấp trăm lần công nhân Mỹ! Lần này, muốn cho John hiểu, Kính Trắng đã thận trọng dịch đầy đủ cho anh ta biết mình đã nói những gì. Nghe xong, anh bạn Mỹ thật nói bằng tiếng Mỹ:”Anh thật có óc khôi hài!”, sau đó anh ta thòng thêm một câu tiếng Việt :”Tôoi khôong nóoi vớoi aanh nữua!” Anh Mỹ mới chỉ ú ớ được mấy câu:”Anh nói chuyện … tếu quá!”. Tất cả mọi người khác cười rộ - không khí vui vẻ phần nào trở lại, nhưng chỉ vài phút sau đó, cả anh bạn Mỹ thật lẫn anh Mỹ dổm im lìm di tản qua bàn khác! Ra về Kính Trắng tâm sự:” Mình tối kỵ những kẻ quên phắt cội nguồn, cho dù họ đã có một quê hương mới và đẹp đến mấy đi nữa!” … (1) Anh có nói đùa không?
|