Kính thưa các quý vị độc giả! Như tin buồn chúng tôi đã đưa, Tiến sĩ, bác sĩ Y khoa Nguyễn Lân Đính đã qua đời ngày 23.8.2016 (tức 21 tháng Bẩy Âm lịch), tại TP. HCM, thọ 86 tuổi. Linh cữu Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Đính tại Nhà Tang lễ Nguyễn Tri Phương. Ảnh chụp ngày 24.8.2016 Tham dự lễ tang bác sĩ Nguyễn Lân Đính được cử hành tại Nhà Tang Lễ Nguyễn Tri Phương, quận 5 TP. HCM, bên cạnh những người họ hàng bên ngoại (bà quả phụ Trần Thị Duyên), các đồng nghiệp thuộc Viện Dinh dưỡng thuộc Sở Y tế TP. HCM, còn có các em, các cháu trong gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh từ Hà Nội vào đem theo vòng hoa trang trọng ghi: “Các em, cháu, chắt trong gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh kính viếng”. Gia tộc học giả – Danh nhân Văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh thật sự xúc động khi nhận được những tình cảm trân trọng cùng những lời chia buồn thành kính của nhiều quý vị là những người luôn quý mến gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh như: Nhà giáo Phạm Toàn, Giáo sư Chu Hảo, Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Tiến sĩ Toán học Mai Huy Tân…. cùng rất nhiều bạn bè gần xa ở trong và ngoài nước. BBT trang tin Tannamtu.com xin được thay mặt bà quả phụ Trần Thị Duyên (là người chị dâu của chúng tôi), thay mặt các anh chị em, các cháu chắt trong gia tộc học giả – Danh nhân Văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh, thành thật cảm ơn những tấm lòng quý hóa của các quý vị đã quan tâm, gửi lời chia buồn tới chúng tôi về nỗi mất mát không thể cưỡng lại này. Nhân sự kiện này, BBT chúng tôi xin được gửi tới các quý vị độc giả của trang tin Tannamtu.com một trong nhiều lời chia buồn giản dị, với đầy tình nghĩa và sự quý trọng đặc biệt bác sĩ Nguyễn Lân Đính nói riêng và gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh nói chung. Chúng tôi xin được chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của ông Vũ Anh Tuấn đã dành cho gia tộc chúng tôi những suy nghĩ cao quý trong bài viết của mình! Kính trọng! BBT Tannamtu.com Nguyễn Lân Bình
VÀI KỶ NIỆM BUỒN VUI VỀ BS NGUYỄN LÂN-ĐÍNH, MỘT THÀNH VIÊN CLB SÁCH XƯA VÀ NAY, ĐỒNG THỜI LÀ MỘT THÂN HỮU VỪA RA ĐI
Ông Vũ Anh Tuấn Câu lạc bộ Sách Xưa và Nay tại TP. HCM của chúng tôi vừa mất đi một thành viên cốt cán, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân-Đính, một thân hữu đã cùng chia sẽ tình yêu sách với chúng tôi trong suốt 10 năm qua. Thay mặt các thành viên CLB, tôi viết mấy dòng này để chia buồn với gia quyến Bs Đính, đồng thời để nhớ lại vài kỷ niệm buồn, vui, mà tôi đã chia sẻ với ông trong thời gian cùng tham gia CLB. Tôi và Bs Đính, ngoài các kỳ họp của CLB, chỉ gặp nhau tổng cộng 10 lần trong 10 năm, tuy nhiên chúng tôi rất hợp nhau vì cả hai chúng tôi cùng thích một ngoại ngữ là Pháp văn. Tôi học tiếng Pha lang sa (cách nói theo âm Hán-Việt) từ bé, còn Bs Đính thì học mấy Đại học ở Pháp trong trên 10 năm, ông đã đỗ Tiến Sĩ – Bác sĩ Y khoa ở Pháp. Trong 10 lần hai chúng tôi gặp gỡ, tôi có được ghé thăm nhà bác sĩ Đính 6 lần, và ngược lại, ông ghé thăm tôi và thư viện sách Pháp của tôi được 4 lần. Ngày tôi gặp và làm thân với Bs Đính, ông đã nghỉ hưu và được hoàn toàn tự do, an nhiên tự tại. Ông chẳng phải làm cho ai, hay chịu sự chi phối của người nào. Cón tôi, từ 30/4/ 75 trở đi, tôi cũng chẳng làm cho ai, chẳng có anh chủ chị chủ nào. Hai người chúng tôi giống nhau, thích nhau âu cũng là đúng quá rồi! Hơn nữa, tôi có một nghề tự do, có một số tác phẩm mà Bs Đính rất thích. Tôi cũng đã tặng ông vài ba cuốn. Song song, tôi cũng rất thích gần hai chục tác phẩm của ông về đề tài Dinh Dưỡng. Tôi đã được thấy tận mắt 6 cuốn ông đem tới bày tại triển lãm, đó là Triển Lãm Các Tác Phẩm của Các Thành Viên CLB Sách Xưa và Nay được tổ chức từ nhiều năm trước. Từ năm 1989 tới 1994, Bs Đính từng là Giám Đốc Trung Tâm Dinh Dưỡng Trẻ em thuộc sở Y Tế TP HCM, và trong CLB của chúng tôi, ông cũng là người đạt kỷ lục Guinness về “người lên tivi nhiều nhất” để thuyết giảng về đề tài dinh dưỡng. Những lúc gặp nhau, ông còn rất khoái tôi ở chỗ tôi giữ được nhiều tác phẩm của cụ Nguyễn Văn Vĩnh là người ông nội của ông. Tôi giữ được Truyện Kiều (2 tập) dịch ra Pháp văn, tôi có cuốn Sử Ký Thanh Hoa (Le parfum des humanités) mà cụ Vĩnh dịch của tác giả Pháp Émile Vayrac. Tôi có cả bản dịch song ngữ (10 tập) bộ sách Những Kẻ Khốn Nạn (Les Misérables) của đại văn hào Pháp Victor Hugo vv… Qua những lần gặp gỡ, theo như Bs Đính tâm sự, tôi đã nghĩ, điều mà ông cho là vinh hạnh lớn nhất, chính là vì ông được là cháu nội của cụ Vĩnh. Ông đã từng được sống một thời gian khá dài bên cụ Vĩnh. Tóm lại, có thể nói, Bs Đính đã có một cuộc sống thật tốt đẹp. Ông được học và tốt nghiệp ở Pháp, được có một cuộc sống phong lưu, đầy đủ, hanh thông, được suốt đời phục vụ, giúp đỡ đồng bào một cách đắc lực, hiệu quả. Bs Đính được nổi danh, khi năm 2012 ông được trao Giải Thưởng Dinh Dưỡng VINUTAS-DUTCH LADY, ông được là tác giả gần 20 cuốn sách về Dinh Dưởng mà ông đã để lại cho đời, đánh dấu chuyến du hành qua cuộc đời này của kiếp người. Gần đây, ông mới có một chuyến Mỹ du trong 3 tháng trời. Nhìn lại, giờ này, khi ông ra đi, ông quả thực đã gia nhập được vào lớp người hiếm hoi được… muôn thuở, thay vì bị… vạn niên như nhiều kẻ tiền rừng bạc biển, chức trọng quyền cao. Những gì tôi vừa kể, là những câu chuyện thật 100%, vì với tôi, suốt 82 năm sống ở trên cõi đời này, tôi chưa hề biết ca tụng ai, dù chỉ một lấn! Thế là Bs Đính đã ra đi! Tang lễ của ông đã được cử hành theo như thông lệ. Việc tiễn đưa ông cũng đã xong. Chuyện buồn đến đây cũng xin phép được khép lại. Nhân đây, tôi xin được kể một câu chuyện vui, và nó không hề nhỏ liên quan tới Bs Nguyễn Lân Đính. Như các quý vị đã biết, Bs Nguyễn Lân Đính mất vào sáng ngày 23 tháng Tám năm 2016. Ba ngày trước đó, vào ngày 20 tháng Tám, lúc 6 giờ sáng, mới bảnh mắt, tôi đã gõ cửa nhà Bs Đính để đưa cho ông Bản Tin số 123, là Bản Tin mới nhất của CLB, vì trong kỳ họp trước đó, Bs Đính đã không có mặt. Vậy mà đêm hôm qua, 28 tháng Tám, tức là 5 ngày sau khi BS Đính qua đời, trong giấc ngủ tôi đã mơ thấy cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Gặp tôi, nét mặt cụ tươi cười, tay cầm Bản Tin số 123 và cụ nói: “Tuấn ạ, Bản Tin của các cháu hay lắm”, tôi hét lên: “Con cảm ơn cụ!”… Rồi tôi vụt thức dậy, đưa mắt nhìn đồng hồ, thấy mới là 2 giờ sáng. Tôi mừng quá, rồi tôi tự nghĩ, đây là bằng chứng rõ ràng, rằng bác sĩ Đính của chúng ta đã bay lên Thiên đàng, Bs Đính đã gặp được người ông nội của mình. Chắc chắn, ông đã khoe và đưa bản tin số 123 cho cụ Vĩnh. Như vậy, cụ mới có bản tin đó trong tay khi gặp tôi trong giấc mơ… Có một điều, tôi hoàn toàn tin như việc hai lần 5 là 10, rằng những người giỏi giang, hiền lương, có sự nghiệp văn hóa vĩ đại như cụ Vĩnh, thì khi ra đi CHỈ CÓ THỂ LÊN THIÊN ĐÀNG chứ chẳng thể đi nơi nào khác… Nghĩ như thế, thì đây là bằng chứng rõ rệt nhất, rằng Bs Đính của chúng ta CŨNG ĐÃ BAY THẲNG LÊN THIÊN ĐÀNG, NHỜ THẾ, NÊN MỚI GẶP ĐƯỢC CỤ VĨNH VÀ ĐƯA BẢN TIN SỐ 123 CHO CỤ… Thật là tuyệt! TP HCM, ngày 29.8.2016 VŨ ANH TUẤN Chủ nhiệm CLB Sách Xưa và Nay |