(LA COMÉDIE HUMAINE) CỦA ĐẠI VĂN HÀO H. de BALZAC Vũ Anh Tuấn Năm tôi 20 tuổi và vừa đậu tú tài xong, tôi được cha tôi ban cho lời khuyên tuyệt vời sau đây: “T. ạ, con đã 20 tuổi và đã học xong trung học, con coi như đã bước đầu học hết những gì “học đường” của thời niên thiếu đã dạy con, bây giờ trước ngưỡng cửa cuộc đời “đích thực” ta muốn con cố gắng để tâm để trí đọc bộ “Tấn Tuồng Đời” này của ông Balzac cho ta. Hãy gạt bỏ bớt các đề tài khác trong một thời gian để cố mà đọc bộ sách này, vì NÓ LÀ MỘT TRƯỜNG ĐỜI THỨ THIỆT ĐÓ”! Tôi đã tuân lời cha tôi và đã để ra gần một năm trời để nghiên cứu và đọc một số trong số các cuốn tôi đặc biệt yêu thích trong bộ trường giang tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhân loại này, và dưới đây là một số hiểu biết vẫn còn in sâu trong trí óc của tôi mà tôi muốn xin chia sẻ với các bạn đọc bản tin của chúng ta. Honoré de Balzac sinh năm 1799 và mất năm 1850, hưởng dương vỏn vẹn 51 tuổi đời. Thực không thể nào tin được một con người chết yểu như vậy mà lại là con người viết được nhiều tác phẩm vào hạng nhất nhì thế giới. Thật vậy, trong vòng gần 20 năm, từ 1829 tới 1848 Balzac đã viết được tất cả là 95 tác phẩm, không kể một số truyện cho thiếu niên viết trước 1829, mà các nhà nghiên cứu cho là không đáng kể, và 48 cuốn tiểu thuyết đã được phác thảo và dự tính sẽ viết. Cái tên “Tấn Tuồng Đời” cũng là một cái tên mà Balzac đã đặt cho toàn bộ các tác phẩm của mình một cách muộn mằn, sau khi ông tự khám phá ra rằng “Tất cả các tác phẩm của mình có thể được sắp xếp như những chương hồi của một bộ trường giang tiểu thuyết”. Tên này, theo hai nhà nghiên cứu Balzac nổi tiếng là Marcel Bouteron và Pierre-Georges Castex, Balzac đã đặt ra khi liên tưởng tới Thần Khúc (La Comédie Divine) của Dante, đồng thời, cũng theo các nhà nghiên cứu trên thì vào năm 1835, Balzac đã có một người bạn là một thanh niên người Anh tên là Henry Reeve thường lui tới và chơi khá thân với Balzac. Thanh niên này đã được Balzac cho xem và cho biết ý định của mình viết về những lãnh vục nào và lên kế hoạch viết lách ra làm sao. Sau này trong hồi ký của mình, Henry Reeve viết rằng chính Balzac đã cho rằng tác phẩm của mình phải được dùng làm đối trọng cho Thần Khúc của Dante và nên được gọi là Tấn Tuồng Quái Quỷ của Chàng Balzac (La diabolique comédie du sieur de Balzac). Năm 1845 Balzac đã tự tay viết ra “Thư mục các tác phẩm sẽ nằm trong bộ trường giang tiểu thuyết Tấn Tuồng Đời”. Theo thư mục này thì bộ Tấn Tuồng Đời được chia làm 3 phần: A. Phần đầu được gọi là NGHIÊN CỨU PHONG TỤC gồm có 6 tiết mục: 1. Những cảnh đời tư (mà sau này các nhà nghiên cứu cho biết có tất cả là 32 tiểu thuyết trong đó có 4 cuốn ở dạng dự tính, chưa được viết). 2. Những cảnh đời ở các tỉnh lẻ (cũng theo các nhà nghiên cứu thì có 17 tiểu thuyết, 11 cuốn đã được viết và 6 cuốn còn trong dự tính). 3. Những cảnh đời ở thủ đô Ba lê (gồm có 20 tiểu thuyết trong đó có 6 cuốn ở dạng dự tính viết). 4. Những hoạt cảnh trong đời sống chính trị (cũng vẫn theo các nhà nghiên cứu gồm có 8 tiểu thuyết, 4 đã được viết và 4 còn ở trong toan tính). 5. Những hoạt cảnh trong đời sống binh nghiệp (gồm 23 tiểu thuyết, chỉ mới viết được 2 cuốn, 21 cuốn còn lại thì mới là dự tính). 6. Những cảnh đời nơi làng quê thôn ổ (gồm 5 tiểu thuyết, có 3 cuốn đã được viết và 2 cuốn còn lại thì mới dự tính). B. Phần hai được gọi là NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC (cũng theo những nhà nghiên cứu gồm có 27 tiểu thuyết trong đó có 5 cuốn còn ở trạng thái dự tính). C. Phần ba được gọi là CÁC TÁC PHẨM NGHIÊN CỨU VÀ PHÂN TÍCH (gồm có 5 cuốn mà mới chỉ viết được 1, 4 cuốn còn lại là trong dự tính). Hồi đó trong tủ sách của ba tôi, có bộ 16 cuốn của nhà Hetzel, mỗi cuốn trên dưới 1000 trang có những minh họa đẹp tuyệt vời của nhiều danh họa. Tuân lời ba tôi chỉ bảo, tôi đã mang từng cuốn một ra đọc. Nhìn những cuốn sách dày cộm, chữ nhỏ li ti, tôi thấy ngại quá nhưng sau tôi đã nghĩ ra được một cách rất hay để thưởng thức bộ trường giang dài nhất hoàn vũ này: đó là tôi lần lượt đọc từ đầu, từ cuốn “Những Em nhỏ” (Les Enfants), tới cuốn “Nhà trọ nữ sinh” (Un pensionnat de demoiselles), tới cuốn “Bên Trong Học Đường” (Intérieur de collège) vv… mỗi cuốn tôi đều đọc lướt qua, hễ thấy cốt truyện nào hấp dẫn thì tôi tiến tới, thấy cuốn nào không thích thì bỏ qua nhảy tới cuốn khác… Với cách đó, trong gần 2 năm trời tôi đã đi xuyên qua bộ Tấn Tuồng Đời và đã dừng lại ở một số cuốn mà tôi thật yêu thích như các cuốn: Một truyện trả thù (La vendetta), truyện một người con gái yêu và lấy cho bằng được người con trai của một giòng họ thù nghịch với giòng họ của mình. Đây là một chuyện về dân đảo Corse là một hòn đảo rất nổi tiếng về các chuyện trả thù; cuốn Đại Tá Chabert (Le Colonel Chabert) mô tả sự phản trắc của người đàn bà; cuốn Eugénie Grandet với nhân vật biển lận hà tiện tới mức gớm ghiếc là người cha và Eugénie người thiếu nữ xinh đẹp, chung tình và cuối cùng lại không lấy được người mình yêu, phải lấy một người khác và trở thành góa phụ năm mới 36 tuổi và để phần còn lại của đời mình đem tiền bạc đi làm việc thiện; cuốn Một Truyện Mờ Ám (Une ténebreuse affaire) rất ly kỳ và được coi là một truyện trinh thám đầu tiên trong các truyện trinh thám; tôi đặc biệt yêu thích hai cuốn Ông Già Goriot với nhân vật Rastignac và cuốn Miếng Da Lừa (đúng ra thì phải là Miếng Da Buồn) với nhân vật chính Raphael de Valentin kẻ được một người vừa là người bán đồ cổ vừa là một thứ phù thủy cho một miếng da lừa có khả năng đem lại cho người có nó tất cả những gì hắn mong ước, nhưng sau mỗi lần được như vậy thì miếng da lừa lại co rút lại một tí và mạng sống của kẻ sử dụng nó cũng lại ngắn bớt đi một chút. Cuốn này thật ra không hẳn là một cuốn tiểu thuyết mà chỉ như là một cuốn truyện vừa có tính triết lý và tính quái đản, tuy nhiên tình tiết thì cực kỳ hấp dẫn. Tôi còn nhớ đã đọc luôn một lèo trong gần 14 tiếng đồng hồ. Tóm lại tôi đã đọc được tất cả độ 15 truyện của Balzac và tôi thực sự cảm thấy cụ tôi đã nói đúng: những thiên tiểu thuyết này thực sự là những TRƯỜNG ĐỜI mà ta cần theo học để sau này đem ra ứng dụng, đối phó với cuộc đời, đơn giản vì con người ở đâu thì cũng vẫn là con người và xã hội nào thì cũng có những hỉ, nộ, ai, lạc không ít thì nhiều giống với tất cả mọi xã hội khác trên đời này. Vũ Anh Tuấn (Trính hồi ký 60 năm sách _ chương 4) |