TRONG TẬP SAN ĐÔ THÀNH HIẾU CỔ (BULLETIN DES AMIS DU VIEUX HUẾ) 1914-1944
Đây là một bộ báo do một số các quan cai trị người Pháp, các giáo sĩ và các giáo sư, cả Pháp lẫn Việt, đã viết về Huế cổ và về Triều đình nhà Nguyễn. Báo này ra được đúng 31 năm, từ 1914 tới 1944, lúc thì ra một năm hai số (2 lục cá nguyệt), lúc thì ra một năm 4 số (4 tam cá nguyệt), và cũng có lúc ra một số là cả năm. Tôi nghe nói về bộ sách này từ lâu và được Cụ Vương Hồng Sển cho biết là trong bộ báo này có 3 số là hay nhất, quý nhất. Đó là các số Nghệ Thuật ở Huế (L’art à Huế), Bộ mặt ít người biết của thuốc phiện (le visage inconnu de l’opium) mà tác giả là một ông bác sĩ tên là Gaide, và Cố cung An Tĩnh (Le vieux An Tĩnh). Năm 1962, tôi được một anh bạn cũng là người có rất nhiều sách là anh Nguyễn Văn Y, tác giả cuốn Nhà Giáo, tỏ ý muốn nhường cho tôi cuốn l’Art à Huế ấn bản mới (Nouvelle édition) vì anh may mắn mua được ấn bản đầu tiên mà tôi nhớ là năm 1918 thì phải (tôi không dám xác định là đã nhớ đúng hay không). Có cuốn sách trong tay tôi liền dành ra cả một buổi để đọc lướt qua và thấy thích quá. Ông Cụ Sển đã nói đúng, cuốn sách này thật quý và thật đẹp vì nó chứa đựng, ngoài 126 trang nghiên cứu do Linh mục Léopold Cadière và một người Pháp khác tên là Edmond Gras viết (ông này chỉ viết có một bài, tất cả các bài còn lại đều là của LM Cadière). Vị linh mục này là một người bạn rất lớn và là một nhà nghiên cứu thật tuyệt vời về Việt Nam. Ông là tác giả một bộ sách nghiên cứu tuyệt tác về TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM, đồng thời ông cũng viết (đăng làm nhiều kỳ) bài báo dài rất dễ thương tên là Những kỷ niệm của một người đang Annam (Việt Nam) hóa (Souvenirs d’un vieil annamitisant). Linh Mục Cadière là một giáo sĩ thuộc dòng Thừa Sai và là một nhà nhân chủng học, và ngoài bài báo dễ thương nói trên và tác phẩm nói trên ông còn có 45 công trình nghiên cứu khác về Việt Nam, thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Tôi hết sức trân trọng cuốn nghệ thuật ở Huế vì nó cũng chứa đựng 222 phụ bản (có một số là hình màu) cực kỳ đẹp và cực kỳ bổ ích cho ai muốn tìm hiểu các kiến trúc cổ ở Huế. Cuốn sách này vẫn còn ở trong tủ sách của tôi và hôm nay tôi muốn làm một bài tường thuật nhỏ về nội dung cuốn sách để chia sẻ với các bạn trong CLB. Toàn bộ cuốn sách gồm 167 trang viết và 222 phụ bản là những hình vẽ. Ngay đầu sách là lời đề tặng cho Albert Sarraut, cựu Toàn Quyền Đông Dương lúc đó đang là Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa, cho Khải Định và cho M.J.E. Charles, cựu Công Sứ ở Trung Kỳ. Kế đó là một bài thơ mô tả Huế của một tác giả tên là V. Muraire. Sau bài thơ, từ trang 9 đến trang 53 là hai bài viết, một của LM Cadière giới thiệu về nghệ thuật ở Huế và một của tác giả Edmond Gras viết về thành phố Huế, nhà cửa và đồ đạc ở Huế. Sau bài giới thiệu này là phần I của cuốn sách nói về các Mẫu chạm trang trí, gồm một bài viết từ trang 59 tới trang 62 của LM Cadière và 35 phụ bản minh họa cực đẹp. Phần II của sách nói về các chữ Nho được chạm trên cửa, trên tủ, hoành phi vv... cũng gồm một bài giới thiệu của LM Cadière ở các trang 65, 66, và 18 phụ bản minh họa đánh số từ 36 tới 53. Phần III nói về các điêu khắc và chạm trổ cố định như bình phong, hoành phi câu đối vv... gồm một bài viết của LM Cadière từ trang 69 đến 72 và 17 phụ bản minh họa từ số 54 tới số 70. Phần IV nói về Chạm trổ Hoa, Lá, Nhánh và Trái cây, gồm một bài viết giới thiệu từ trang 75 tới 81 và 48 phụ bản minh họa đẹp tuyệt vời đánh số từ 71 tới 118. Phần V dành cho loài vật được chia làm 8 chương nhỏ mỗi chương nói về một con như Long, Ly, Phượng, Quy, Dơi, Sư tử, Hổ và Cá. Ở trước mỗi chương đều có lời giới thiệu của LM Cadière, và cả phần V này có 95 phụ bản minh họa nhiều cái có màu đẹp tuyệt trần, đánh số từ 119 tới 205. Phần VI dành riêng cho các tác phẩm điêu khắc và cũng có 17 phụ bản minh họa phần lớn có màu rất đẹp đánh số từ 206 tới 222. Và cuối cùng là mục lục các Phụ Bản minh Họa từ trang 127 tới trang 167. Đây thực là một cuốn sách TỐI Ư CẦN THIẾT cho những ai muốn nghiên cứu vế các chạm trổ, điêu khắc, hồi văn ở các cung điện ở Huế. Theo tôi bộ Đô Thành Hiếu Cổ là bộ báo toàn bích nhất về vấn đề nghiên cứu Việt Nam vì các bộ khác, ví dụ như bộ Kỷ Yếu Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient) thì cũng quý vô cùng, TUY NHIÊN NÓ CÒN NÓI VỀ TẤT CẢ MIỀN VIỄN ĐÔNG, trong khi bộ ĐÔ THÀNH HIẾU CỔ THÌ CHỈ NÓI THUẦN TÚY VỀ VIỆT NAM MÀ THÔI. Đây là một bộ báo, và đặc biệt cuốn Nghệ Thuật ở Huế này là một cuốn sách mà người ngoại quốc, nhất là các bạn bè chúng ta ở Đông Nam Á, rất thèm khát được có một bản tiếng Anh mà đọc, mà bây giờ thì chỉ có bản tiếng Pháp là thứ tiếng mà họ không đọc được. Người viết cách đây trên 10 năm đã được một nhóm chuyên về xuất bản nhờ chuyển sang tiếng Anh, và một bản dịch tiếng Anh rất công phu đã được thực hiện, nhưng tiếc thay nó vẫn chưa có cơ hội để được in, vì nhóm xuất bản đó ngày nay hình như đã không còn hoạt động. Người viết rất mong một ngày gần đây bản dịch đó sẻ được in ra, để sự đóng góp “gián tiếp” của người viết sẽ trở thành có ý nghĩa. Trích hồi ký 60 năm chơi sách Chương 6 Vũ Anh Tuấn Thầy Đồ cho chữ thư pháp |