Hiện có 5 người xem / 2348038 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 16/02/2019

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Trong phiên họp này có một khách mới là một bác sĩ đã cửu tuần, nên vị khách này được dành cho mấy phút để tự giới thiệu và ngâm tặng các thành viên một bài thơ. Ngoài ra còn có anh Bùi Hữu Giao, một người khi trước đã có tham dự vài phiên họp, nay tái xuất và giới thiệu một cuốn sách của chính anh viết, và nói qua về một dự án liên quan tới sách mà anh sắp thực hiện. Sau đó, như thường lệ dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách mới mà ông mới có.

Cuốn đầu ông giới thiệu là một cuốn bằng tiếng Việt rất đồ sộ mới được xuất bản năm 2003. Cuốn sách khổ 15x21cm dày 1380 trang được nhà Văn Học in với bìa cứng thật đẹp. Cuốn sách mang tựa đề thật hấp dẫn là “Những Bậc Thầy Văn Chương” đã khiến dịch giả Vũ Anh Tuấn bị hấp dẫn và mua ẵm về ngay. Nhưng sau khi bỏ qua g ầ n 2 giờ đồng hồ để lướt qua nội dung, ông hơi bị thất vọng khi thấy cuốn sách có một lỗi “hơi bị quá lớn” khiến ông cảm thấy rất buồn, và thấy cần phải chia sẻ nỗi buồn đó với các thành viên là những người đã cùng ông chia sẻ niềm vui yêu thích sách từ gần 13 năm nay. Cái lỗi quá lớn nằm trong cuốn sách, mà dịch giả Vũ Anh Tuấn tình cờ bắt gặp nằm ở trang 1371 trong phần Phụ lục nói về tiểu sử các tác giả. Lỗi quá lớn đó nằm ngay ở dòng đầu tiên trang 1371 và như sau: “ Marcel Proust, nhà văn Pháp, sinh 1899, mất 1988”. Marcel Proust là tác giả bộ tiểu thuyết thời danh “Đi tìm thời gian đã mất” (À la recherche du temps perdu), và là một nhà văn Pháp thuộc hàng ngũ những nhà văn hàng đầu thế giới và cả thế giới đều biết ông sinh năm 1871 và mất năm 1922 thế mà, với một cuốn sách ở Việt Nam, ông được cho sống thêm 66 năm, ôi thật là điều kỳ diệu! Dịch giả Vũ Anh Tuấn hơi thất vọng với cuốn sách và thấy cần thổ lộ với các bạn yêu sách của mình, với ước mong, một ngày nào đó lỗi lầm này sẽ được sửa đổi cho chính xác khi cuốn sách được tái bản trong tương lai gần xa…

Cuốn sách thứ nhì được giới thiệu là một cuốn sách bằng Pháp văn khổ 21x28 dày 288 trang, được xuất bản năm 1966 tức là 53 năm trước mang tựa đề rất hấp dẫn là “Lịch sử Tội Ác bằng hình ảnh”. Cuốn sách 288 trang chứa đựng trên dưới 600 hình ảnh to nhỏ, trong số đó có rất nhiều chân dung các tội phạm. Cuốn sách được chia làm 3 phần. Phần đầu nói về các tội ác xảy ra trước năm 1900, phần hai nói về các tội ác xảy ra trong tiền bán thế kỷ 20, và phần ba nói về các tội ác trong thời đại chúng ta. Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mua cuốn sách vì ông quá mê gần 600 hình ảnh, còn thì khi đọc lướt qua, ông bỗng cảm thấy khoan khoái khi thấy mình chẳng biết quái gì về những tội ác được mô tả trong sách ngoại trừ ba nhân vật Jack, kẻ mổ bụng (Jack the Ripper) và hai tướng cướp nghĩa hiệp người Mỹ là Jesse James và John Dillinger, vì theo ông, đời người mà càng ít biết về tội ác thì “sống càng lãi” vì biết nhiều về tội ác thì “luôn bị ít vui”, sống thiệt thòi lắm! Tuy nhiên ông cũng tự hứa sẽ đọc kỹ hơn cuốn sách để mở mang hiểu biết của mình về lãnh vực chết tiệt này, đơn giản vì đây là một dạng bài học mà không có trường nào giảng dạy trên đời này!


Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sách xong, anh Phạm Vũ đăng đàn nói về ngày Valentine. Anh Phạm Vũ nói xong, anh Nhựt Thanh lên nói về “hình ảnh Tết ở trên quê hương ta”. Tiếp lời anh Nhựt Thanh, anh Tấn Thuận lên hát tặng các thành viên một bài hát của Phạm Duy. Anh Tấn Thuận hát xong, anh Cần lên giới thiệu một cuốn sách về văn thơ mà anh cho là đã không còn có thể có nữa và cho biết thành viên nào muốn có thì đăng ký, và phải trả một số tiền khá lớn để có. Anh Cần giới thiệu sách xong, anh Phùng Chí Tâm, với giọng ca lão luyện, lên hát tặng các thành viên bài ca “Lên thăm Tượng Chúa”. Sau anh Phùng Chí Tâm, Thúy Mai lên hát tặng các thành viên bài “Suối mơ” của Lê Mộng Nguyễn. Tiếp lời Thúy Mai , anh Chử lên hát tặng các thành viên bài “Vui như Tết” do chính anh sáng tác. Anh Chử hát xong, anh Thanh Phong lên ngâm tặng các thành viên mấy bài thơ hài. Tiếp lời anh Thanh Phong, anh Thanh Vĩnh cũng ngâm tặng các thành viên hai bài thơ. Sau anh Thanh Vỉnh, Tuyết lên hát tặng các thành viên một bài hát của Lam Phương. Tuyết hát xong, Lệ Ngọc lên hát tặng các thành viên bài “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa”. Lệ Ngọc hát xong, anh Thanh Châu, với tiếng hát át tiếng bom, lên hát tặng các thanh viên bài “Hồn quê” và cuối cùng anh Tấn Thuận hát tặng thêm các thanh viên một bài của Văn Cao, và cuộc họp kết thúc thật vui lúc 11g15 cùng ngày.

VŨ THƯ HỮU


VÀI CHI TIẾT VỀ

MỘT TÂN QUÝ THƯ THỨ THIỆT

Đêm hôm qua, sau khi xem hết tập 33 của cuốn phim dễ thương “Nhà trọ có bốn cô Chiêu” tôi đặt mình xuống là “khò” liền, nhưng lại bị tiếng chuông điện thoại lôi dậy, và ở đầu giây đằng kia. tôi bị ông bạn trách là “ngủ chi mà ngủ sớm thế?” Sau đó tôi được ông cho một địa chỉ ở Gò Vấp, mời tôi tới thẩm định và mua một tủ sách của một nhà báo tôi có biết tiếng, đã qua đời trên một năm trước ở tuổi bách tuế rất cổ lai hy! Biết được tin này tôi mừng húm, cảm ơn ông bạn tới tấp, và lại đi ngủ tiếp, để mơ thấy mình đang được biết bao nàng Quý thư mong đợi được diện kiến vào sáng mai. Sáng nay tôi thức dậy và cảm thấy rất ư là hồi và hộp, đồng thời cũng cảm thấy mình là người có phúc khi luôn được mời đi gặp các nàng quý thư…

Xem địa chỉ tôi thấy mình có thể đi xe buýt chẳng mất xu nào, nhưng vẫn không đủ kiên nhẫn để đi xe buýt mà phốc ngay lên taxi để mất gần một trăm đô mít. Tôi rất vui khi được chủ nhân tiếp đãi rất vui vẻ và còn pha cà phê mời uống trước khi mời lên phòng sách trên lầu. Lên tới nơi, tôi thích quá khi thấy 3 tủ sách kê liền nhau, nhưng chỉ vài phút sau thì lại rất là ít thích, khi thấy phần lớn là sách Phật, sách “cô Chị” mà tôi tối kỵ, và phần lớn còn lại là tiểu thuyết và sách bỏ túi bằng Pháp văn, thứ mà tôi cũng còn gần 2 . 000 cuốn, mà chưa biết sẽ tống đi đâu được đây. Tôi hỏi bà chủ nhà là sách báo cũ và sách văn học có cất ở nơi nào khác không thì được bà cho biết là sáu tháng sau khi ông qua đời, có vợ chồng người cháu có tới và xin đi khá nhiều. Ôi! Đã có người tới trước thì có gì hay người ta rước hết rồi còn gì? Tôi cảm thấy hoàn toàn thất vọng, nhưng rồi lại thấy lóe lên một tia hy vọng khi bà chủ cho biết còn một tủ nhỏ trong phòng ngủ cũng có một số sách, và bà dẫn tôi qua xem cái tủ nhỏ trong phòng ngủ, kết quả là trong số mấy chục cuốn sách trong cái tủ nhỏ đó, tôi đã tìm gặp được cuốn tân quý thư mà tôi muốn nói tới hôm nay, đơn giản là vì đây là một tân quý thư thứ thiệt, nên dù chỉ tìm được có một mình nàng, tôi vẫn cảm thấy được vui như thường.

Cuốn sách khổ 14x22cm, dày 342 trang, được in năm 2007 bởi nhà xuất bản Tổng Hợp, lúc đó do một người tôi cũng có quen biết là anh Trần Đình Việt làm Giám đốc mang tựa đề là “Văn học Quốc ngữ trước 19 45 ở Tp.HCM” và nằm trong bộ sách “100 câu hỏi đáp về Gia Định-Sài Gòn-Tp . HCM”. Vì đề tài của cuốn sách là VĂN HỌC QUỐC NGỮ TRƯỚC 1945 nên cuốn sách chứa toàn những câu hỏi về các tác giả tôi thích từ Trương Vĩnh Ký tới Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Nguyễn An Khương, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Liên Phong, Thiếu Sơn, Bùi Đức Tinh v.v… và v.v… toàn là những người tôi mến, tôi thích, khiến tôi khoái quá, và tự hứa với mình cũng như với nàng là sẽ đọc nàng thật chi li, từng chi tiết, không bỏ qua… một chỗ nào! Tôi cũng cảm thấy mình luôn có phước và luôn gặp may với… các quý thư tân cũng như cựu, để rồi tôi bỗng không cảm thấy tiếc gì việc thay vì đi xe buýt đã hết mất tiền… lại đi phí gần 200 đô mít t ắ c xi phí, đi và về luôn!

Một giây cũng là quá khứ, nên tôi cũng đưa luôn câu chuyện gặp gỡ nàng quý thư này vào Hồi ký 60 năm chơi sách luôn!

Hồi ký 60 năm chơi sách, C hương VI

VŨ ANH TUẤN

NHỮNG SUY NGHĨ VẨN VƠ

TẬP 1

(tiếp theo số 153 và hết)

Bao giờ tận thế?

Câu hỏi ai cũng muốn biết câu trả lời. Đã có rất nhiều tin đồn, có những người, những giáo phái còn quả quyết chính xác thời điểm tận thế, nhưng những thời điểm ấy đã qua mà tận thế chưa đến, rất nhiều người đã bị lừa gạt. Chúa Giêsu đã nhắc nhở mọi người phải luôn sẵn sàng, nhưng ngày giờ thì không ai biết chắc: “Còn về ngày và giờ thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không biết, chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Mt 24, 36).

Một vấn đề khác cũng là một chân lý nảy sinh từ cuộc phán xét chí công này, đó là sự kiện người chết sống lại. Thoạt nghe như chuyện không tưởng, phi lý là đàng khác.

Thánh Phaolô tới Athêna - thủ đô Hy Lạp, giảng cho các triết gia và dân chúng ở đó về Thiên Chúa tạo thành vũ trụ và chính Ngài cho kẻ chết sống lại: “Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: vấn đề ấy để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông. Thế là ông Phaolô bỏ họ mà đi” (sách Tông đồ Công vụ đoạn 17, câu 32-33).

Người Hy Lạp thời xưa không tin, không chấp nhận. Ngày nay đại đa số dân chúng cũng không tin, không chấp nhận chân lý: kẻ chết sống lại, vì những lý do sau đây:

a. Thực tế ngày nay chẳng ai thấy kẻ chết sống lại. Mỗi ngày 24 tiếng qua đi, trên thế giới có 300.000 người chết, chỉ thấy đem chôn, đem thiêu chưa thấy ai sống lại cả.

b. Không thể chứng minh bằng khoa học được: Con người ngoài phần tinh thần thì thể xác là vật chất, là tổng hợp các nguyên tố vật chất theo một tỷ lệ và một quy trình nào đó khi sống, tới khi chết xác bị phân hủy, tổng hợp nguyên tố bị phá vỡ, các nguyên tố lại trở về với “đồng đội” của nó. Không gì có thể tổng hợp các nguyên tố đó lại thành một thân xác sống động được.

Thế nhưng trong nhân loại hiện nay khoảng 6 tỷ người, thì có khoảng 3 tỷ người tin và quyết chắc sẽ có ngày tận thế, thân xác cát bụi sẽ được tập hợp và sống lại thực sự. Họ vẫn đọc mỗi ngày: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy - Amen”. Lý do:

1. Nếu người ta tin có Đấng Tạo Hóa quyền năng, tuyệt đối, bởi không mà tác tạo muôn loài như câu mở đầu của bộ Thánh Kinh quả quyết: “Tự ban đầu Thiên Chúa đã tạo thành trời và đất” (sách Sáng Thế đoạn 1, câu 1 - dĩ nhiên phải hiểu trời và đất là kiểu nói tổng quát bao gồm mọi sự, mọi loài trong vũ trụ này), thì người ta cũng phải tin Ngài sẽ dùng quyền năng mà làm cho kẻ chết sống lại.

“Tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Tân Ước, Tin Mừng Gioan đoạn 6, câu 40).

Điều không thể đối với loài người thì trở thành có thể đối với Thiên Chúa: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Tân Ước, Luca đoạn 1, câu 37).

2. Lý trí chúng ta suy luận.

Chúng ta đã chứng minh ở trên về nhu cầu bức xúc đòi hỏi một cuộc xét xử công bằng: Nợ 1 đồng xu cũng phải trả (Mt 5, 26). Cho 1 bát nước lã cũng được tính công (Mt 10, 42). Mọi người phải được hưởng một chế độ công bình tuyệt đối, đến nỗi ngay những kẻ bị phạt cũng cảm nhận được lẽ công bình: Điều đó xứng với những gì mình làm. Không còn cảm thấy bị oan ức hay oán hận vì bị xử bất công.

Nếu chúng ta tin và quyết chắc thế giới đó có, để cuộc đời không thành vô lý và phi lý, thì chúng ta phải tin và chấp nhận sự kiện sống lại đúng như lời Kinh Thánh. Vì con người có thể xác và linh hồn. Hai yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau trong suốt quãng đời từ khi tượng hình trong dạ mẹ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Tất cả những điều lành làm được đều có hồn và xác tham gia, tất cả những điều ác thực hiện cũng đều có hồn và xác tham gia: Hồn dùng tài năng của mình là trí khôn lên kế hoạch, tìm phương tiện, dùng ý chí tự do để quyết định chọn lựa và thúc đẩy thân xác thi hành - Cho nên khi chịu xét xử tối hậu thì phải xét xử cả hồn lẫn xác, khi thưởng công cũng phải thưởng cả hồn lẫn xác, và khi phạt tội cũng phạt cả hồn lẫn xác - Nếu chỉ thưởng phạt một bên thôi (hồn hoặc xác), thì lại rơi vào tình trạng bất công và đại bất công nữa, đây là điều phi lý không thể chấp nhận được.

3. Chúa Giêsu bảo đảm.

Điều vững chắc nhất là lời hứa của Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng tử thần, đã sống lại và lên trời vinh hiển sau 3 ngày an táng: “Tôi là sự sống lại và là sự sống, ai tin Tôi dù đã chết cũng sẽ được sống…” (Ga 11, 25). Chúa nói với Martha: “Em con sẽ sống lại… (Martha thưa) Con biết em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày tận thế” (Ga 11, 23-24).

Cho nên với những suy nghĩ vẩn vơ của tôi, tôi vững tin và luôn trông đợi:

- Một cuộc xét xử chí công “sơ nhi bất lậu”.

- Một thế giới công bằng tuyệt đối.

- Một cuộc sống lại rất ngoạn mục.

- Và một kiếp sống vĩnh hằng trong hạnh phúc tuyệt đối cho cả hồn lẫn xác.

Đó chính là “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (Kh 21,1).

“Này đây TA (Đấng xét xử) sắp đến và sẽ trả lại cho mọi người xứng với những việc họ đã làm” (Kh 22,12).

Chỉ có thế tôi mới hết thắc mắc, mới có thể bình tĩnh chấp nhận kiếp sống đọa đầy này.

***

Thay lời muốn nói:

Cùng các tác giả bài báo, bản tin …

Người xưa đã dạy: “Nói phải có sách, mách phải có chứng”. Chứng cớ là các bài báo, bản tin thời sự hiện thực của quý vị đã được đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đây là một đóng góp quý giá của quý vị trong việc loại trừ những điều xấu, cổ võ những điều tốt để xây dựng một xã hội nhân ái, an bình, văn minh và tiến bộ hơn.

Người viết mạn phép trưng dẫn một phần nội dung đã được đăng tải, không vì lợi nhuận mà chỉ nhằm mục đích chứng minh một luận điểm: “Công lý tuyệt đối chỉ có ở kiếp sau, không hề có ở đời này”.

Lẽ ra phải xin phép quý vị trước, nhưng vì hoàn cảnh không thể liên lạc được, nên xin quý vị lượng thứ và nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của người viết.

Tân Sa Châu, ngày 07/10/2016

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết

(Tổng hợp nguồn báo chí và các phương tiện truyền thông)

KHI NHỮNG NGƯỜI

CHƯA HIỂU HẾT ĐẠO PHẬT

MÀ LẠI ĐI TRUYỀN ĐẠO

(tiếp theo số 153 và hết)

3. Những gì được cho là cốt lõi của Đo Pht

Đạo Phật được gọi là Đạo Tự Độ, Đạo Nhân Quả, tức là mỗi người tự tu sửa bản thân để cứu độ chính mình mà thôi. Nếu Phật có thể Độ Tha được thì Ngài đã để La Hầu La ở nhà để lên ngôi, đâu có bắt đi tu, và tất cả Tu Sĩ cũng cần gì tu hành?

4. Muốn thành Phật thì phải Đ SINH. Nhưng Chúng Sinh là gì?

Ngày xưa, khi nghe Phật gọi tên Chúng Sinh, nói rằng Tu Phật là để cứu độ Chúng Sinh, nhiều người cứ nghĩ lầm là bá tánh, là tất cả mọi người trên thế gian. Nhưng muốn Thành Phật thì phải “Độ tận Chúng Sinh”, nhưng Phật đã thành từ lâu rồi, mà chúng ta vẫn còn luân lưu chìm nổi ở trần gian và mọi người lại tiếp tục sinh sôi không dứt. Như vậy, mọi người làm sao là Chúng Sinh của Phật Thích Ca được? Vì vậy, đối chiếu với con đường tu Phật là Tu Tâm, chúng ta sẽ thấy: CHÚNG SINH mà Phật gọi đó là những tư tưởng xấu xa, đen tối của mỗi người. “Độ Chúng Sinh” là Độ cho những tư tưởng đó. Nhưng thời Phật tại thế, ngôn ngữ chưa đủ nên Phật gọi tên là Chúng Sinh. Chúng Sinh nảy sinh từ cái Tâm của mỗi người không dứt, nên Phật gọi là “vô lượng vô số”, như cát sông Hằng.

Nhiều năm trước, những nhà nghiên cứu về tư tưởng ở Úc đã đếm ra mỗi ngày, mỗi người đã sinh ra đến 50.000 tư tưởng. Tư tưởng tốt đẹp, lợi ích thì ít. Những tư tưởng vô ích thì nhiều. Nhờ đó, chúng ta càng xác định những gì Đức Thích Ca nói về Chúng Sinh tức tư tưởng của con người là hoàn toàn chính xác.

Trong mỗi người không có ai thuần tốt hoặc xấu, mà tốt, xấu đan xen, nên gọi là PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ. Tu Phật chính là để dẹp bỏ những tư tưởng có thiên hướng xấu trong tâm, không để nó đưa ra thành hành động, để không phải bị Nhân Quả về sau, và cũng để cho cái Tâm được thanh tịnh. Việc làm đó gọi là Độ Sinh, và cũng do đó, Tu Phật đã được gọi là TU TÂM.

Sở dĩ phải Độ Chúng Sinh, vì theo Đức Thích Ca, trong Tâm luôn có 3 tình trạng:

1. Chúng Sinh là những tư tưởng còn nhơ, còn xấu, chưa được giáo hóa.

2. Bồ Tát là tên mà Đức Thích Ca đặt cho những tư tưởng có nhiệm vụ giáo hóa, khuyên can khi có tư tưởng xấu nổi lên.

3. Phật là những tư tưởng đã gạn lọc, trở nên trong sáng, thanh tịnh.

Khi những tư tưởng xấu được điều phục, hóa giải để trở lại tình trạng tốt đẹp, thanh tịnh, thì gọi là: CHÚNG SINH ĐÓ ĐÃ ĐƯỢC GIẢI THOÁT HAY THÀNH PHẬT, cũng có nghĩa là ĐƯA ĐƯỢC MỘT CHÚNG SINH THÀNH PHẬT. Để được hoàn toàn Giải Thoát, người tu phải độ vô số những tư tưởng. Kinh Kim Cang viết: “Ta đã diệt độ vô lượng vô số chúng sinh, nhưng thật ra không có chúng sinh nào bị diệt độ cả”. Vì đó chỉ là tư tưởng nên đâu có bị diệt độ, chỉ là chuyển hóa nó từ xấu trở thành tốt, từ loạn động trở thành thanh tịnh mà thôi.

5. Lý do vì sao nhiều vic làm đưc trích ra từ lời Kinh, nhưng kết quả li sai?

Kinh Phật không phải đơn giản đọc sao hiểu vậy. Người Phật Tử được nhắc nhở TỨ Y, trong đó có: “Y Nghĩa bất y ngữ”. Thế nhưng, nhiều thế hệ tu hành không biết được điều này, nên cứ theo Chữ mà hiểu, rồi giảng rộng ra. Thí dụ, Kinh viết: Phật “cứu độ Tam Thiên Đại Thiên thế giới” là nói về những tư tưởng nhiễm Tham, Sân, Si trong mỗi chúng ta. Từng sát na chúng sản xuất trùng trùng, điệp điệp, đông như những con người trong một cõi nước. Do có ba chủng loại, nên Phật gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, không phải là Tam Thiên Đại Thiên Thể giới bên ngoài. Do đó, Chúng Sinh của mỗi người thì chỉ mỗi người mới có thể cứu được thôi, người bên ngoài không thể thay đổi hay cứu giùm được.

Phật, chỉ có nghĩa là Giải Thoát. Người được cho là Thành Phật là người Giải Thoát cho bản thân hết Khổ. Ngay cả Đức Thích Ca cũng chỉ Giải Thoát cho bản thân của Ngài, không thể Giải Thoát giùm cho người khác, vì nếu làm được điều đó thì Nhân Quả không còn uy lực tuyệt đối, Đạo Phật cũng không còn là đạo Giải Thoát, mà đã trở thành Thần Quyền, có Phật để che chở, có tín đồ để nương tựa, cầu xin! Chính vì vậy, những người cho Phật là Thần Linh, rồi dựng hình, tạc tượng để tôn thờ, cầu xin, không phải là những người theo Đạo Phật chân chính, mà đã lạc sang Tà Đạo. Kinh Kim Cang đã nói về họ qua bài Kệ:

“Ai nương Sắc để thấy Ta

Dùng âm thanh để cầu Ta,

Kẻ đó hành tà đạo

Không thể thấy Như Lai”

Đạo Phật đã bị truyền bá sai lạc mà qua đối chiếu với Chính Kinh, ta thấy có 2 điểm đáng chú ý sau:

6. Lẽ ra mi người đều có thể tu hànhThành Pht, như lời Th Ký.

Nhưng nhiều thời qua, Đạo Phật không do những vị đã chứng đắc hướng dẫn, cho nên người vào Tu Phật không phải để Thành Phật mà để trở thành Đệ Tử Phật, hy sinh cuộc đời để phụng sự Phật! Hậu quả là sau mấy ngàn năm truyền đạo với bao nhiêu lớp người tu hành, chúng ta thấy: Người đắc đạo thì không thấy, nhưng Chùa ngày càng mọc lên, hoành tráng hơn. Không những thế, các Tu Sĩ xem mình như những trung gian chuyển lời cầu xin của Phật Tử đến Phật, tạo ra cách biệt giữa Tu Sĩ và Phật Tử, một mặt ra sức tuyên truyền về sự hiển linh của Phật, rồi gom góp vàng, bạc của bá tánh để đúc tượng, xây Chùa, làm hao tốn tiền bạc của người dân, của quốc gia mà lẽ ra những thứ đó dùng để xây dựng cuộc đời.

Nhìn ra các nước Châu Âu, chúng ta thấy: Họ không hề tin vào Thần Linh, không hề Thờ Phật, không hề cầu xin cứu độ, mà chỉ tích cực nghiên cứu, sáng tạo, phát triển khoa học kỹ thuật để đưa đất nước đi lên. Kết quả là đời sống dân chúng cao hơn. Trong khi đó, những nước xem Đạo Phật là quốc giáo thì chỉ có Chùa chiền là phát triển mạnh. Tu Sĩ thì không tham gia, không dính líu tới việc đời. Phật Tử thì cứ cầu xin và chờ đợi! Đời sống dân chúng không phát triển được.

Kết luận:

Đối chiếu từng công việc, bắt đầu từ cái Phát Tâm của Đức Thích Ca khi còn là Thái Tử, cho đến khi tu hành, Thành Phật, ta thấy Phật không phải là một vị Thần Linh. Giáo Pháp của Đại Thừa và Tiểu Thừa cũng đều khẳng định như thế. Do đó, những người dạy cho bá tánh Cầu An, Cầu Siêu, cầu về Tây Phương Cực lạc không phải Đại Thừa, cũng không phải Tiểu Thừa chân chính, mà đã lạc sang Thần Quyền, tôn thờ Giáo Chủ như những Tôn Giáo khác.

Đạo Phật đặt ra là vì con người. Vì thấy con người đã sinh ra thì phải sống giữa cuộc đời. Cuộc sống ngắn ngủi không đầy trăm năm mà phải đương đầu với biết bao nhiêu nỗi Khổ vì bị cuộc đời vùi dập, nên Đức Thích Ca hướng dẫn cho con người cách thức để không còn bị đời làm Khổ, mà được an vui sống cho đến hết kiếp. Không cần phải Xuất gia, cạo tóc, đắp Y, mà bất cứ người nào muốn Thoát Khổ thì đều có thể áp dụng phương pháp của Đạo Phật để đạt kết quả. Người chịu tu sửa Thân, Tâm thì đã là người tu. Trái lại, ngưởi cứ theo NGỮ mà thực hiện thì cả đời tu hành cũng không đi đến đâu. Bởi:

- ĐỜI mà mọi người cần bỏ là THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT... là những thứ làm cho ô nhiễm cái Tâm, chớ không phải Cảnh Đời, người Đời.

- LY GIA là RA KHỎI NHÀ LỬA TAM GIỚI (tức Tham, Sân, Si).

- CẤT CHÙA là biến đất Tâm thành Thanh Tịnh Địa, không phải là dùng gạch, xi măng, ngói, cát… xây thành cái Chùa hữu tướng.

- ĐÚC HÌNH TẠC TƯỢNG: là phỏng theo chân dung của Phật để HÀNH theo, để mình cũng có PHẬT của chính mình, không phải là lấy vàng, bạc, đồng hay chất liệu quý để tạc.

- TU là SỬA, thì ở đâu? Ăn gì? Mặc gì mà không sửa được? Hình tướng đâu có ảnh hưởng tới việc Sửa trong Tâm? Ngược lại, hình tướng đầy đủ mà không tu sửa Cái Tâm thì cũng vô ích mà thôi.

- Cuộc sống dù cho là TẠM, nhưng cũng kéo dài cả 100 năm. Thời gian tồn tại mọi người vẫn phải hưởng dụng tất cả thành quả của xã hội. Người không đóng góp là có lỗi với cuộc đởi và mắc nợ Nhân Quả, trước hay sau cũng phải trả. Đọc Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên và Quy Sơn Cảnh Sách ta thấy những vị Chân Tu cũng đã cảnh báo những người lợi dụng sắc áo tu hành để hưởng dụng của bá tánh sẽ phải trả quả như thế nào để đừng nghĩ rằng Đạo Phật dễ dãi, cứ vô Chùa là đương nhiên bá tánh phải cung dưỡng!

- Từ Phật là để chỉ người THÀNH TỰU CON ĐƯỜNG Giải Thoát. Ai thành tựu được thì người đó là Phật, không riêng gì Phật THÍCH CA. Niết Bàn là sự an tịnh trong Tâm mà mỗi người sẽ đạt được nhờ thanh lọc những cái xấu. Như vậy, tại sao không thành tựu Phật, Niết Bàn cho mình, lại đi tôn thờ Phật của Đức Thích Ca và đòi về Niết Bàn của Ngài?

Có nhiều điểm vô lý mà tôi thấy cần chấn chỉnh:

* Cha mẹ sinh ra ta. Cuộc đời mỗi người cho đến khi trưởng thành đã hưởng dụng thành quả của biết bao nhiêu thành phần trong xã hội. Từ chén cơm, manh áo, cho tới chỗ nằm, phương tiện đi lại hàng ngày… Vậy mà ta một mặt vẫn tiếp tục hưởng dụng, một mặt chê cuộc đời là ô trược, để xa lánh, không tham gia bất cứ việc gì để trả Ân cha mẹ đã sinh ra, đất nước đã giữ gìn, mọi người chung quanh đã cung cấp mọi thứ cho ta, ngày tháng chỉ để Tụng kinh, Niệm Phật chờ về Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà! Trong khi Tây Phương Cực Lạc mà Đức Thích Ca mô tả có đầy dẫy Châu Báu cũng chỉ là phương tiện để người vọng về đó bớt đi mê đắm, ngưng tranh giành của cải trần gian để đừng làm khổ lẫn nhau mà thôi!

* Việc Tu Sĩ phải tập trung vô Chùa để tu hành. Bỏ hết việc đời không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Thật vậy. Sở dĩ thời Phật tại thế, những Đệ Tử của Ngài phải tập trung thành nhóm và không được tham gia việc đời có hai lý do:

a. Tập trung là để giữ gìn, bảo vệ nhau, giúp cho nhau dễ tinh tấn hơn.

b. Phật không cho Đệ Tử tham gia việc đời là vì thời điểm đó, họ là lực lượng nòng cốt, cần phải tập trung để nghe giảng, ghi nhớ lời Phật dạy, tương lai truyền lại. Vì lúc đó chữ viết chưa có. Tất cả đều phải học thuộc lòng, nên cần dẹp bỏ hết việc đời, vì e rằng có thể làm ảnh hưởng đến việc học.

Đó là hai lý do chính đáng của việc tập trung thành nhóm để tu học ngày xưa. Cũng do các Tu Sĩ không tham gia việc kiếm sống, nên Phật đã phải phương tiện kêu gọi các cư sĩ cung dưỡng để họ yên tâm mà tu học, bằng cách nói rằng: “Cúng dường cho người tu hành sẽ được phước báo trả lại gấp trăm, gấp nghìn lần”.

Nhưng thời này thì đã khác. Kinh sách tràn lan, ở đâu cũng có, cần tham khảo thì đâu có thiếu, đâu cần phải học thuộc lòng nữa, vì thế, việc tập trung, bỏ hết việc đời trở thành phí phạm nhân lực rất cần để xây dựng đất nước. Hơn nữa, thời của Phật tại thế, Phật và Đệ Tử chỉ ngụ ở trong rừng hay những cội cây, đâu có cất Chùa chiền hoành tráng? Thức ăn cũng không được để qua đêm, nên việc cung dưỡng cho người tu không phải là gánh nặng cho thí chủ. Và rồi chúng ta nghĩ sao khi “Ông tu, ông đắc. Bà tu, bà đắc”? Chúng ta đã không thể tu giùm cho bá tánh. Phật cũng không phải là Thần Linh. Vì thế, người tu không thể cầu xin Phật gia hộ cho bá tánh để báo ơn, mà lại để họ phải cung dưỡng cho mình nhàn thân mà tu hành, rồi nếu tu thành công thì công đức đó chỉ mình mình hưởng?

· Kinh Kim Cang viết: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, thì Tượng ngày càng đúc to hơn, cái sau phải to hơn cái trước! Như vậy phải chăng ta chẳng cần quan tâm đến lời nhắc nhở của Chư Vị Giác Ngộ?

· Ngày xưa, ngai vàng mà Phật còn rũ bỏ không thương tiếc, Y thì lấy vải liệm thi mà mặc, lẽ nào tu xong lại gom góp vàng bạc của bá tánh để xây Chùa, đúc tượng cho hoành tráng trong khi bá tánh nhiều nơi còn đói ăn, rách mặc? Nhiều người tưởng lầm, cho là dùng chất liệu quý để xây Chùa, tạc tượng là tôn vinh Đạo Phật, không ngờ chỉ làm cho Đạo Phật chân chính chịu tiếng oan mà thôi! Chùa Vàng, Chùa Bạc, cơ ngơi hoành tráng cũng đâu có làm cho người nhìn ngắm nó Ngộ Đạo hay hết Khổ? Trái lại cho đến nay hay bao đời nữa thì những nơi đó chỉ là di tích để tham quan, và làm mục tiêu cho người đời phê phán, rằng Phật xui mọi người chê của thế gian rốt cuộc là Chùa gom hết vàng bạc của đời về cho mình, trái với tinh thần cho vật chất là tạm bợ, phù du của Đạo Phật.

· Phật dạy: “Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành”, tức là mọi người đều là những vị Phật trong tương lai. Tại sao ta lại dồn hết tất cả những gì quý giá chỉ để trang hoàng nơi tôn thờ Phật quá khứ, bỏ quên những vị Phật tương lai. Thờ ơ với những người nghèo khổ, để họ phải rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, chỉ lo củng cố cho Chùa ngày thêm hoành tráng? Phải chăng Kinh sách nói một đàng, chúng ta đã thực hiện một nẻo. Như vậy Từ, Bi, Hỉ, Xả, của Đạo Phật áp dụng vào đâu?

Chính do những người không hiểu hết Đạo Phật từ xưa, lại phổ biến Đạo Phật. Biến Phật thành Thần Linh, và đào tạo cho Phật Tử thói quen mê tín, cầu xin, nương tựa, cúng bái nên đồng thời cũng tạo ra một lớp Sư Tăng Phá Giới hưởng thụ, bị pháp luật đời truy cứu, làm mất uy tín của Đạo Phật chân chính. Tôi tin rằng đã đến lúc những nhà lãnh đạo Tôn Giáo nên xem lại, để trả Đạo Phật về cho Chánh Pháp. Trả lại những ngôi Chùa đơn sơ, thanh tịnh, với những bậc Chân Tăng với con số vừa phải, dùng làm nơi hoằng dương Chánh Pháp, để Đạo Phật thật sự đi vào đời sống của mọi người, không để những kẻ phá pháp, lạm dụng Đạo núp bóng Chùa Chiền, làm duyên cớ cho người đời phỉ báng Đạo. Có vậy thì ta mới là Đệ Tử Phật, thật sự hộ trì Chánh Pháp, còn ngược lại, khoác áo tu hành mà không thuộc Giáo Pháp, phổ biến tà pháp thì vô tình lại trở thành “Những con trùng trong thân Sư Tử, ăn thịt Sư Tử” mà không hay. Trách nhiệm đó thật không phải nhỏ vậy.

TÂM NGUYỆN

Tháng 11-2018


BÔNG HOA TRÊN MẶT ĐẤT

Bé Aphônhia thấy cuộc sống thế này thì buồn tẻ chẳng có gì vui. Bố thì ở mãi ngoài mặt trận, mà mẹ thì cả ngày, suốt từ sáng đến chiều tối làm lụng ở trạm vắt sữa của nông trường, còn ông nội ngủ li bì trên bệ nắp bếp lò, nội ngủ cả ban ngày, ngủ cả ban đêm, tỉnh dậy ăn qua đĩa cháo mạch trộn sữa bò xong nội cũng lại thiu thiu thiếp đi.

- Ông nội ơi, nội ơi, nội đừng ngủ, nội ngủ đủ rồi, - sáng nay bé Aphônhia nói với ông nội.

- Ừ nội không ngủ nữa, Aphônhia bé bỏng của nội. Nội không ngủ nữa, - Ông nội trả lời. Nội sẽ chỉ nằm và nhìn ngắm cháu.

- Thế sao nội lại nhắm mắt và chẳng nói chuyện với cháu? - Aphônhia lại hỏi.

- Giờ thì nội sẽ không nhắm mắt, - Cụ Tít, ông nội của Aphônhia hứa. - Giờ thì nội sẽ nhìn thế gian.

- Nhưng nội lại ngủ, còn cháu thì không?

- Nội nhiều tuổi rồi, cháu Aphônhia bé bỏng… kém ba năm là nội đã chín mươi rồi, đôi mắt nội tự nhiên chúng nhíu lại.

- Nội ngủ thì tối tăm. - Aphônhia liến láu. Ngoài trời ông trời chiếu nắng, ngoài đó cỏ mọc, vậy mà nội lại ngủ, nội chẳng nhìn thấy gì.

- Nội thì đã nhìn thấy đủ mọi cái rồi, Aphônhia cháu bé bỏng ạ.

- Mà sao hai mắt nội lại trắng cả và nước mắt khóc trong đó?

- Mắt nội bạc mầu mất rồi, Aphônhia cháu bé bỏng, ánh sáng làm mắt nội bạc mầu và yếu đi mất rồi, bởi vì nội đã phải nhìn nhiều quá rồi.

Aphônhia ngó nghiêng nhìn ngắm ông nội, xem ông như thế nào. Trong chòm râu của ông nội bé có vướng lại những vụn bánh mì, và trong đó còn có cả một con muỗi nhỏ. Aphônhia đứng trên mặt ghế dài, với tay nhặt hết những vụn bánh mì ra khỏi chòm râu của ông nội, còn con muỗi nhỏ thì xua tay đuổi nó đi - đi mà ở riêng chỗ khác. Hai bàn tay của ông nội để trên mặt bàn, đôi bàn tay to lớn, làn da đã trở nên sần sùi như vỏ cây, còn dưới làn da nổi cộm lên những đường mạch máu đen, đôi tay đã cầm cầy ruộng biết bao nhiêu năm tháng rồi.

Aphônhia nhìn ngó hai mắt ông nội. Hai mắt ông nội mở, nhưng chúng nhìn dửng dưng không thấy gì cả, và trong mỗi con mắt đầy một giọt to nước mắt.

- Nội ơi, nội đừng ngủ! - Aphônhia lại xin ông nội.

Nhưng ông nội bé đã lại ngủ rồi. Mẹ bé đặt ông nội lên bệ nắp bếp lò, đắp chăn cho ông nội, xong đâu đấy ra đi làm ở trại vắt sữa. Còn Aphônhia lại thui thủi có một mình trong căn nhà gỗ izba, và bé lại thấy buồn tẻ. Bé đi vơ vẩn chung quanh cái bàn gỗ, nhìn đám muỗi sà xuống ăn vụn bánh mì dưới sàn nhà rơi từ chòm râu của ông nội; sau đó Aphônhia tiến đến bên bếp lò, lắng nghe ông nội nằm thở trên bệ nắp bếp lò, rồi nhìn qua cửa sổ ra ngoài đường phố vắng vẻ, rồi lại đi vòng quanh cái bàn gỗ, không biết phải làm gì.

- Mẹ vắng, ba vắng, ông nội ngủ. - Aphônhia tự nói cho mình nghe.

Sau đó bé lại nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc, xem nó chạy, đồng hồ vận hành chậm chạp và buồn tẻ: tích tắc, tích tắc, dường như nó ru ông nội ngủ, còn chính bản thân đồng hồ cũng mệt mỏi và muốn ngủ.

- Nội, ông nội, tỉnh dây đi, - Aphônhia hỏi, - Nội lại ngủ ư?

- Sao? Không đâu, mà nội có ngủ đâu, - từ trên bệ nắp bếp lò ông già Tít trả lời.

- Thế ông nội nằm nghĩ ngợi ạ? - Aphônhia hỏi.

- Á? Ông ở đây, Aphônhia, ông ở đây.

- Nội ở đấy nằm nghĩ?

- Á? Không, nội đã nghĩ đủ rồi, Aphônhia bé bỏng, ông đã nghĩ ngợi từ thuở còn trai trẻ.

- Ông nội Tít, thế ông nội biết mọi cái chứ?

- Mọi cái, Aphônhia, nội biết mọi cái.

- Thế mọi cái là cái gì, nội?

- Mà mọi người lại quên cả rồi, Aphônhia ạ.

- Ông nội ơi, nội tỉnh dậy đi, nội nói cho cháu biết về mọi cái đi!

- Sao? - Cụ Tít, ông nội của Aphônhia thốt lên.

- Ông nội Tít! ông nội Tít - Aphônhia gọi giật. - Nội nhớ lại đi.

Nhưng ông nội đã lại ngủ thiếp đi, ông cụ lại ngủ thiếp đi một cách yên bình trên bệ nắp bếp lò Nga.

Bấy giờ Aphônhia tự mình leo lên bệ nắp bếp lò rúc vào bên ông nội và bắt đầu đánh thức ông nội để ông nội tỉnh dậy. Còn ông cụ ngủ và chỉ thì thầm trong giấc ngủ những lời gì đó không thành tiếng. Aphônhia mệt mỏi đánh thức ông nội, thế là tự bé cũng thiếp ngủ bên ông nội, rúc vào bên bộ ngực quen thân, hiền hậu, tỏa hương đất ấm áp.

Chợt tỉnh dậy, Aphônhia nhìn thấy ông nội bé đang mở mắt nhìn và không ngủ.

- Ông nội, nội dậy đi. - Aphônhia nói. Nhưng ông nội bé lại nhắm hai mắt lại và ngủ thiếp đi.

Aphônhia nghĩ rằng, ông nội bé có muốn ngủ đâu, khi ông nội bé ngủ, vì thế bé không còn bao giờ ngủ nữa, để canh ông nội, cho đến khi ông nội hoàn toàn thức dậy.

Và Aphônhia bắt đầu chờ đợi, chiếc đồng hồ quả lắc kêu tích tắc, tích tắc, những chiếc bánh xe nhỏ của nó chạy và hát ru ông nội ngủ.

Bấy giờ Aphônhia trèo xuống khỏi nắp bếp lò đưa tay dừng quả lắc của đồng hồ. Trong căn nhà gỗ izba trở nên ắng lặng. Bắt đầu nghe thấy tiếng người thợ cắt cỏ cỏ chuốt lại lưới hái cỏ trên bờ bên kia sông và tiếng con muỗi vo va vo ve sẽ tận dưới trần nhà.

Cụ Tít, ông nội của Aphônhia chợt thức giấc và lên tiếng hỏi:

- Aphônhia, cháu làm chuyện gì thế? Do đâu bỗng ồn ào vậy thế? Cháu khua ầm ĩ lên hả?

- Mà ông nội đừng có ngủ! - Aphônhia nói. - Nội nói cho cháu nghe về mọi cái đi! Chứ không nội cứ ngủ, cứ ngủ hoài, thì rồi nội chết đi, mẹ cháu bảo thế! Nội còn sống chẳng được bao lâu nữa, bấy giờ thì ai nói cho cháu về tất cả mọi cái?

- Cháu khoan đã, lấy cho ông nội chút nước kvas. - Ông nội bé bảo, rồi tụt xuống khỏi bệ nắp bếp lò.

- Ông nội nhớ ra rồi ư? - Aphônhia hỏi?

- Nhớ ra rồi, - ông cụ đáp. - bây giờ ông cháu mình đi ra tra hỏi đất trời.

Cụ Tít, ông nội Aphônhia uống hết cốc kvas, đưa tay nắm tay Aphônhia, và hai ông cháu lững thững bước ra khỏi căn nhà gỗ izba ra ngoài trời.

Ở đó vừng mặt trời đã lên cao trên bầu trời và chiếu rọi đồng lúa mì đang chín tới trên cánh đồng và những bông hoa nở dọc trên dải bờ hẹp giữa đồng ruộng.

Ông nội dẫn Aphônhia đi theo con đường đồng và hai ông cháu đi tới bãi chăn thả gia súc, nơi mọc cỏ ba lá ngọt ngào cho bò sữa ăn, đủ thứ cây cỏ khác và hoa nở đầy. Ông nội dừng lại bên cụm hoa mầu xanh lam da trời, kiên nhẫn cắm rễ sâu trong cát mịn trồi lên, ông nội chỉ cho Aphônhia thấy nó, sau đó cúi xuống và đưa tay thận trọng chạm vào hoa.

- Cái này thì tự cháu cũng biết! - Aphônhia lên tiếng kéo dài giọng. - Còn cháu cần biết cái gì quan trọng nhất kia, vậy mà ông lại chỉ nó cho cháu! Chứ loại hoa này tự nó lớn lên, nó có phải tất cả đâu!

Cụ Tít, ông nội của Aphônhia ngẫm nghĩ và tỏ ra bực giận đứa cháu.

- Đấy chưa là cái tất cả đối với cháu ư - cháu thấy đấy - cát nằm khô chết, nó vỡ vụn từ đá ra mà thành và hơn thế chẳng là gì hết, mà đá không sống và không thở hít, từ nó là cái xác chết. Bây giờ thì cháu hiểu chứ?

- Không, ông nội Tít, - Aphônhia trả lời. - chỗ này thì chẳng có gì mà hiểu được.

- Chà, cháu không hiểu, thế thì cháu cần gì kia, một khi cháu là đứa chậm hiểu? còn bông hoa, cháu nhìn xem, nó mềm yếu đáng thương làm sao, nhưng nó sống, mà thân thể của nó làm từ cái thân xác chết. Thế có nghĩa là nó đã làm cho đất chết tơi mịn ra thành thân thể sống, và từ chính nó tỏa ra mùi hương thơm mát. Đấy cháu ạ, chính là cái điều chính, quan trọng nhất trên thế gian này, cháu phải hiểu chính cháu cũng sinh ra từ đâu: Hoa này - Chính là sinh vật lao động quan trọng nhất, nó từ cái chết làm ra cuộc sống.

- Thế cỏ cây và lúa mì cũng đang làm cái quan trọng nhất ạ, - Aphônhia hỏi.

- Là một cả đấy, - cụ Tít, ông nội của Aphônhia nói.

- Thế ông cháu mình?

- Cả ông cháu mình cũng thế! Chúng ta là những người thợ cầy, Aphônhia bé bỏng, chúng ta giúp cho lúa mì mọc lên. Còn cái bông hoa mầu vàng kia làm thuốc được, ở nhà thuốc người ta thu gom. Giá cháu đi hái chúng và mang tới đó. Bố cháu đang ở ngoài chiến trường, ngộ nhỡ bố cháu bị thương, hay bố cháu bị bệnh, thì bố cháu được chữa bằng thuốc từ hoa cỏ ấy.

Ở giữa đồng ruộng cỏ hoa Aphônhia ngầm nghĩ. Chính bé cũng như là bông hoa, giờ đây cũng muốn làm cái việc làm ra cuộc sống từ cái chết. Bé nghĩ đến chuyện, từ cát vụn buồn tẻ sinh ra những bông hoa mầu xanh lam, mầu đỏ, mầu vàng thật hạnh phúc, ngửng những gương mặt hiền hậu của mình nhìn lên bầu trời và thở ra mùi hương tinh khiết ra khắp đất trời.

- Bây giờ thì cháu đã hiểu cái điều quan trọng chính nhất ! - Aphônhia nói. - Nội đi về nhà nhé, chắc ông nội lại đã muốn ngủ, hai mắt nội kéo màng trắng cả… Ông nội cứ ngủ, còn khi nội chết, nội đừng sợ, cháu sẽ biết được qua những bông hoa, chúng sống được từ thân xác chết như thế nào, và nội lại sẽ sống từ thân xác của chính mình. Nội ạ, nội đừng sợ gì cả!

Cụ Tít, ông nội Aphônhia không nói gì thêm. Ông cụ mỉm cười thầm với đứa cháu hiền hậu của mình và trở về căn nhà gỗ izba và leo lên bệ nắp bếp lò.

Còn bé Aphônhia ở lại ngoài đồng một mình. Bé đi thu hái những bông hoa vàng, cả một ôm với sức mình mang được và mang đến nhà thuốc để làm thuốc, để bố bé không đau ốm ngoài mặt trận vì những vết thương. Ở nhà thuốc người ta tặng cho Aphônhia một chiếc lược nhỏ làm bằng kim loại. Bé mang về cho ông nội bé và tặng lại nội. Để từ nay ông nội dùng chiếc lược này chải chòm râu rậm.

- Cám ơn cháu, Aphônhia bé bỏng, - Ông nội nói. - Thế các bông hoa không nói gì với cháu, là trong cát vụn chết chúng sống từ cái gì ư?

- Chúng không nói ạ. - Aphônhia trả lời. - Thì ông nội đã sống ngần ấy năm mà còn chả biết. Vậy mà nội bảo nội biết tất cả mọi điều. Nội không biết.

- Cháu nói phải. - Ông nội đồng ý.

- Chúng sống im lặng, cần phải hỏi chúng bằng được. - Aphônhia nói. Ôi sao mà những bông hoa cỏ im lặng, còn đá biết chăng?

Ông nội hiểu được mỉm cười, đưa tay vuốt tóc đứa cháu và nhìn ngắm bé, như nhìn ngắm bông hoa, mọc trên mặt đất. Sau đó ông nội cất chiếc lược vào túi áo ngực và lại thiếp ngủ.

Thúy Toàn dịch


Phụ Bản I

UỐNG RƯỢU MỪNG XUÂN

Chuyện uống rượu, từ cổ chí kim, từ đông sang tây đâu đâu cũng có, nhất là trong các dịp lễ hội, Tết Nguyên Đán. Mỗi dân tộc, đều có thứ nước cay cay, nồng nồng, tinh khiết để ứng xử trong giao tế và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.

RƯỢU VÀ VĂN HÓA ẨM THỰC

Rượu là thức uống vừa mang tính lễ nghi, vừa là thứ nước kích thích tiêu hóa, tăng cường sinh lực và là mặt hàng kinh doanh có lợi nhuận cao. Ở Việt Nam, có nhiều làng nấu rượu nổi tiếng, như rượu Làng Vân (Bắc Ninh), rượu Gò Đen (Long An), rượu Nho (Đà Lạt), rượu Cần (Tây Nguyên), rượu Cầu Ngang, rượu Bầu Đá, rượu Bờ Đập…

Trong thế giới rượu, có thứ uống vào nghe mùi vị thanh khiết, êm, ngon và đầu óc lâng lâng sảng khoái; nhưng ngược lại, cũng có thứ uống vào, say dai dẳng khiến cho cơ thể rã rời, tinh thần rối loạn, lúc tỉnh dậy mơ mơ màng màng như kẻ mất hồn. Đó là thứ rượu chất lượng kém, đôi khi còn chứa cả độc tố.

Thời cổ đại, rượu còn tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Nhiều nhân vật lừng danh thường coi rượu là máu, là sức mạnh. Rượu là chất men nồng giúp cho thi hứng. Thi sĩ Tản Đà có câu thơ rất thâm thúy về uống rượu làm thơ:

Cảnh đời gió gió mưa mưa

Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn

Rượu say thơ lại khơi nguồn

Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình…

Rượu đi vào trận chiến và song hành với khúc hát khải hoàn, đồng thời rượu cũng để tiêu sầu. Ngoài ra, rượu còn là linh hồn cùa các nghi thức truyền thống: vua chúa cầm ly rượu mời các bậc hiền thần để chứng tỏ một vị minh quân. Ngay cả việc cúng mụ, cúng đầy tháng và thôi nôi, con người cũng dùng ba ly rượu để dâng lên 12 mụ bà, 13 đức thầy. Điều đó chứng tỏ rượu quan trọng biết dường nào!

TỬU THÁNH ĐỖ KHANG

Ở Trung Quốc thời xưa, nhiều bậc tao nhân mặc khách và anh hùng hảo hán thường uống rượu bằng chén, “trà tam rượu tứ” mới vui. Thi hào Lý Bạch với biệt danh là “Tửu Trung Tiên”, càng uống rượu say càng làm thơ hay, ông đã ca tụng người uống rượu bằng những câu thơ duyên dáng :

Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch

Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.

(Xưa, nay thánh hiền đều lặng lẽ

Chỉ người uống rượu mới lưu danh)

Đỗ Khang, tức Thiếu Khang, tương truyền là người phát minh ra cách nấu rượu.

Về thân thế của Đỗ Khang, có rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Gần cố đô Lạc Dương, có một thôn trang, ba mặt là núi, trước mặt là một con suối, gọi là “thôn Đỗ Khang”, con sông nhỏ cắt qua thôn được gọi “sông Đỗ Khang”. Nước sông trong vắt, ở núi đá bên sông có dòng suối tuôn chảy xuống, đổ nước vào lòng sông, tương truyền đó là nơi Đỗ Khang năm xưa lấy nước để cất rượu, được gọi là “suối rượu”. Tại đây còn lưu truyền lại rất nhiều câu chuyện cảm động về Đỗ Khang.

Tương truyền Đỗ Khang là cháu nội của Thượng đại phu thời Chu Tuyên vương. Vì một bài đồng dao hát rằng: “Trăng sắp lên, mặt trời sắp mất, yểm hồ cơ phục, kỷ vong Chu quốc” - Chu vương được giải thích là bài ca này dự đoán sắp có nữ nhân làm loạn. Đúng lúc đó, trong cung có một cung nhân đã 50 tuổi lại sinh được một bé gái. Thế là Chu vương bèn ra lệnh cho Đỗ Bá đi giết chết đứa bé. Đỗ Bá không nhẫn tâm, bèn lén đưa đứa bé ra khỏi cung, trở về báo là đã làm xong. Về sau, sự việc bị lộ, Chu vương nổi giận sai Chiêu Hổ đến giết cả nhà Đỗ Bá. Vốn rất thân với Đỗ Bá, nên Chiêu Hổ cố tình thả con trai thứ và cháu nội của Đỗ Bá là Đỗ Thấp Thúc và Đỗ Khang.

Lúc đó, Đỗ Khang mới 7 tuổi, cùng chú mình là Đỗ Thấp Thúc chạy trốn khỏi kinh thành, đi về hướng đông. Đến bên núi Phượng Hoàng ở huyện Nhữ Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), bèn tìm một hang núi để ở. Thời gian trôi đi, câu chuyện cũng nhạt nhòa dần, hai chú cháu xuống núi, đi vào các thôn xóm tìm việc làm kiếm sống. Chú thì đi làm công cho dân làng, cháu thì chăn dê trên núi. Khi ở trên núi, Đỗ Khang rất thích nằm dưới tán lá của một cây dâu cổ thụ nghỉ ngơi, treo túi bột cao lương mang theo làm lương khô trên cành cây, mặc cho đàn dê gặm cỏ trên sườn núi. Đỗ Khang hay nhớ tới cha mẹ đã bị sát hại, lại nhớ đến cảnh sống yên vui của cả gia đình trước đây, Khang vô cùng bùi ngùi buồn tủi, nhiều lúc không buồn ăn. Thấy Đỗ Khang ngày càng gầy yếu, chú cho rằng cháu mình có bệnh, nghe nói có phấn Khúc có thể chữa được bệnh, bèn đi tìm phấn Khúc mang về cho Đỗ Khang ăn. Vốn lười ăn, ‘loại phấn dùng tiểu mạch để lên men chế thành’ này lại càng không hợp khẩu vị của cậu, Khang mang lên núi, vứt vào hốc cây dâu.

Về sau, cậu bị bệnh liền trong 3 tháng, nghĩ mình sắp chết, Đỗ Khang bèn một mình đi lên núi, nằm dưới cây dâu yêu thích của mình, nhắm mắt chờ chết. Đột nhiên, cậu ngửi thấy ‘một mùi thơm rất lạ bốc ra từ hốc cây dâu’. Lại gần xem, cậu thấy có một thứ nước thơm phức chảy ra từ hốc cây. Không nén nổi tò mò, Đỗ Khang nhấm thử một chút, thấy thứ nước đó không chỉ thơm mà còn rất ngon. Thế là cậu vui miệng uống rất nhiều thứ nước đó. Sau khi uống thứ nước đó xong, Đỗ Khang thấy chóng mặt hoa mắt, rất khó chịu, bèn nằm ngủ ngay dưới gốc cây. Sau đó cậu tỉnh dậy, thấy rất dễ chịu, bệnh tan biến hết. Cúi đầu xuống xem, cậu thấy trên mặt đất hiện lên hàng chữ:

Hoạn hải vô vọng hề, mạc cường cứu

Tạo phúc dân gian hề, lạc thiên gia.

(Gặp phải khó khăn hoạn nạn không có ai cứu được

Làm việc phúc cho người, tạo niềm vui cho mọi nhà)

Đỗ Khang bất ngờ hiểu ra rằng, loại lương khô làm bằng cao lương trộn với phấn Khúc (mốc của tiểu mạch) sẽ ủ thành một loại chất lỏng, đó chính là thứ Trời ban cho cậu để ‘Đem niềm vui đến cho mọi nhà’. Cậu quỳ xuống, tạ ơn Trời đã chỉ ra con đường sống cho cậu.

Cậu đặt tên cho thứ nước Trời ban đó là TỬU (Rượu).

Đỗ Khang trở về thôn, chế tạo ra thứ nước thơm nức mũi đó, đem ra cho mọi người trong thôn nếm thử. Quả nhiên, mọi người đều rất thích thú. Tiếng lành đồn xa, mọi người nô nức kéo nhau đến nếm thử thứ nước thơm do Đỗ Khang làm ra. Từ đó trở đi, hai chú cháu Đỗ Khang chuyên làm nghề nấu rượu. Trải qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, phương pháp nấu rượu của Đỗ Khang ngày càng hoàn thiện, tiếng tăm truyền khắp cả nước.

Rượu của Đỗ Khang cũng đã lập được kỳ tích cho việc an bang định quốc của vương triều nhà Chu. Bình vương muốn phong quan tước cho Đỗ Khang, song khi nghĩ đến tai họa mà ông nội mình đã gặp phải, nên ông không muốn ở lại trong triều đình, đang đêm bỏ trốn quay về thôn Đỗ Khang. Thế là Bình vương phong ông là “Tửu Tiên”, tự tay ban cho tấm biển “Đỗ Khang Tiên cư”.

Tại thôn Đỗ Khang còn lưu truyền một câu chuyện “Lưu Linh say rượu Đỗ Khang”:

Bên bờ phải sông Đỗ Khang có một đầm nước, nước trong xanh như ngọc, nổi tiếng với cái tên “ao Lưu Linh”. Lưu Linh là một trong ‘Trúc Lâm thất hiền’, sánh ngang hàng với Nguyễn Tịch, Kê Khang - là những danh sĩ thời Tây Tấn. Ông nổi tiếng là ham uống rượu, từng làm bài thơ nổi tiếng “Tửu đức tụng” - ca ngợi các phẩm đức cao thượng của rượu. Tương truyền, Đỗ Khang do nổi tiếng với nghề nấu rượu, được Ngọc Hoàng triệu lên thiên cung nấu rượu ngự, thành tửu tiên. Một hôm, Vương Mẫu xuống trần hạ chiếu, nói rằng Lưu Linh vốn là đồng tử hầu rượu trong Diêu Trì của Vương Mẫu, say mê Đỗ Khang hạ trần để điểm hóa ông ta. Đỗ Khang mở quán rượu ở Long Môn sơn gần Lạc Dương, vừa bán rượu, vừa đợi Lưu Linh tới.

Hôm đó Lưu Linh cưỡi xe đi chơi, đi qua quán rượu của Đỗ Khang, ngửi thấy mùi thơm từ trong quán bốc lên, không thể không dừng được, bèn xuống xe, vào quán uống rượu. Lưu Linh tự cho mình có tửu lượng cao, không ngờ mới uống được ba chén lớn đã say nghiêng say ngả, say liền một mạch ba năm mới tỉnh. Khi Lưu Linh say, ngã ra. đụng vào vò rượu ngon, rượu chảy ra và chảy xuống ao nước trong xanh, thế là nước trong ao cũng thơm mùi rượu, đó chính là “ao Lưu Linh”. Cho đến tận ngày nay, người Tàu vẫn còn người say “rượu Lưu Linh”!

Để chào mừng sự kiện thông kênh đào Panama, Mỹ mở Hội chợ San Francisco, cùng với rượu Mao Đài, rượu Đỗ Khang được huy chương vàng ở hội chợ này năm 1915, từ đó, rượu Đỗ Khang nổi tiếng khắp thế giới. Năm 1972, để khôi phục lại mối quan hệ ngoại giao Trung - Nhật, thủ tướng Nhật đến thăm Trung Quốc, thủ tướng Chu Ân Lai mở yến tiệc thết đãi, trong tiệc, ông đã khen ngợi rằng: “Thiên hạ đệ nhất mỹ tửu chỉ có rượu Đỗ Khang”. Từ đó, ở Nhật vô cùng thịnh hành rượu Đỗ Khang.

Từ khi Đỗ Khang phát minh ra nghề nấu rượu đến nay, Trung Quốc đã có biết bao loại rượu ngon ra đời, song mỗi khi có liên hoan, yến tiệc, người ta không bao giờ quên công đức của vị “Tửu Thánh Đỗ Khang”. Đúng là ông đã có công mang niềm vui đến cho thiên hạ, tạo phúc cho muôn nhà.

PHẠM VŨ

(Tham khảo: sách 10 vị Thánh trong Lịch sử Trung Quốc - NXB Văn hóa TT 2008)

Tình đất

“Trong thế gian nỗi sầu đau đớn nhất,

Cũng không bằng sầu mất quê hương”.

(Thái Tú Hạp)

Buổi sáng sương mai còn ngái ngủ trên lá. Không khí trong lành tinh khiết, mọi vật tràn đầy nhựa sống, sẵn sàng chịu đựng nắng mưa bất thường của ngày mới. Vườn thơm bên kia đường phô diễn từng luống thẳng tắp, từng bụi tỏa lá xòa ra xanh ngắt, tủa gai; giữa mỗi bụi đậu một trái nho nhỏ mới nhú bằng cườm tay, xanh mởn. Đứng đầu vườn ai cũng vui mắt ngó, tưởng tượng như hàng ngàn đóa hoa thật lớn với những đài hoa lê thê nâng niu nụ xanh mơn mởn tròn trĩnh bên trên.

Phía bên nầy đường trải dài bát ngát vườn lài rộng. Mùi thơm thoảng quyện mơ hồ trong không khí ươn ướt buổi tinh sương. Những nhánh lài nho nhỏ, mảnh mai đầy bông trắng, lốm đốm, dát ngọc toàn thể khu vườn bao la. Chim chóc vẫn còn trốn tránh đâu đó, biếng lười kéo dài thêm giấc ngủ chờ chút nắng sớm để ca hát đón chào bình minh.

Thỉnh thoảng một chiếc xe ngựa mù mờ ẩn hiện trong bóng đêm, đèn xe che bằng bốn tấm kiếng khác màu cung cấp một chút ánh sáng yếu ớt ma trơi huyền hoặc, móng ngựa sắt gõ trên đường trải dầu hoắc lóc cóc tạo một hòa âm đồng điệu kéo dài từ mơ hồ xa xa tới rõ rõ từ từ rồi chui lọt tan biến giữa hai khu vườn ép sát hai bên hông con đường nhỏ còn đẫm nước sương.

Sắp hàng bên lề, hai dãy cây dầu con, mặc dầu còn được cột dựa vô một miếng ván nhỏ mới đứng vững, buổi sáng sớm coi bộ cũng sởn sơ hơn, đứng ễnh ngực kiểu đội lính danh dự xếp hàng làm cảnh trong buổi lễ lộc vương giả. Vài mái nhà ba gian nền đúc, dãy cột hàng ba bự xông nghênh ngang lõ mắt trong gió sớm ngó về lớp bông trắng xóa ngang hông người, như lớp mây bông gòn phất phới mờ ảo khúc Nghê Thường.

Cô Út hít một hơi thiệt dài, khoan khoái. Bao nhiêu năm nay, từ khi rinh nổi nửa thùng thiếc nước, mỗi sáng sớm cô đều ra vườn tưới bông, vậy mà bữa nào cũng có cảm tưởng như mới lần đầu được làm cái công việc cô thích thú đó. Vườn đẹp không thua tiên cảnh, bên vườn lài, trắng xóa, thơm nhẹ, thoang thoảng mơ hồ như có nhiều nàng tiên nữa lẩn khuất xa gần, bên vườn thơm, xanh ngắt lãng đãng mùi lá đầy nhựa mạnh mẽ tỏa ra cái sức sống của một đội dũng sĩ tràn đầy sinh lực. Giọt sương long lanh trên lá, trên hoa, trên nụ, trên nhánh, dát kim cương hột cám chung quanh những viên ngọc lớn. Tất cả không gian êm đềm, ngưng đọng kiểu một khu vườn thần thoại đắm mình trong giấc ngủ thời gian.

Cô đưa tay nưng niu mơn trớn một nhánh bông. Những giọt sương thức giấc lăng xăng, chạy về chỗ thấp, đụng đầu nhau, hợp thành một, lớn lên từ từ rồi rủ nhau nương theo sóng lá chạy tọt xuống đất. Nhánh bông vẫn mơn mởn nằm trong tay cô chủ, thỏa mãn được cái nhìn trìu mến, tưng tiu. Cô thả ra, kéo một nhánh khác, những viên ngọc nhỏ khác lại tung tăng chạy trên sóng lá rồi hè nhau nhảy xuống đất. Cô ngó theo, mắt mở lớn vui vui, đất sớm mai trùn đùn đầy mặt vô số đống nho nhỏ cao bằng cái chén chung, những cục đất tròn vo nhỏ như viên thuốc tiêu ngày còn thơ dại má mua năn nỉ uống mỗi khi sình bụng. Cô rút chưn ra khỏi chiếc guồng lồng mức, đạp đạp nhẹ giỡn với đất, sương sớm quyện trong đất chạm vô lòng bàn chưn mát rượi truyền cảm khoái nhẹ nhàng lên tới sóng lưng chạy dài lên ót. Cô mỉm cười sung sướng như thích thú vì cử chỉ vui đùa trẻ trung của mình.

Bỏ chưn vô guốc lại, cô bắt đầu thiệt sự công việc làm hằng ngày. Cô bợ đít bình tưới lên cao hơn với độ cao vừa phải, tính toán trong đầu sao cho mấy tia nước phụt ra không vọt mạnh làm đau đớn bất cứ nhánh bông nào. Nước đem nguồn sống tới toàn thể khu vườn nhưng một tia nước mạnh có thể làm chết số bông già, sắp được lặt nay mai, cô thấu đáo nguyên lý đó ngay từ ngày còn nhỏ ra vườn coi cha cẩn thận tưới cây, tưng tiu trìu mến săn sóc khu vườn.

Cô lên tiếng với dì Tám Sang đương tưới luống bên mặt:

- Mai họ tới lấy bông khô, dì Tám thấy bông mình hái tuần rồi quá dốt chưa. Lần trước còn ỷ ỷ họ mắng vốn quá, nói mình mần ăn không giữ chữ tín, họ trừ tiền hết một thùng. Nếu cần trưa nay dì cho phơi thêm một nắng nữa.

Cô nhớ tới chuyện đong bông lần trước. Đã thất thâu còn bị nặng nhẹ đủ điều, cãi không lại họng tụi nó nên đành bóp bụng không dám hở môi. Đối với ông già còn ngậm câm hơn, nuốt tức giận vô lòng sợ cha buồn bịnh nặng thêm. Ông già Bảy đương tưới luống bên trái, bất bình ứng tiếng:

- Sao cô không cho tôi hay, tôi sạt cho tụi nó một trận? Vậy mà ỷ ỷ nỗi gì nữa chớ? Thêm một nắng nữa thì khô quéo hết, hao cầu mấy thùng bông của người ta. Họ ỷ mua nhiều quá bắt bí quá rồi, trả tiền mà đặt cà dựa, nhấp nhấp, lại còn làm eo làm xách chê hôi chê thúi ai chịu cho nổi.

Dì Tám chậm rãi:

- Tụi nó là vậy không. Cười cười nói nói nhỏ nhẹ mà móc túi thiên hạ tới cắc bạc cuối cùng. Cô coi bộ thằng cha Hồng ký xài hổng vô thì chịu mối với tụi Phát ký đi. Trà ‘Thiết Quan Âm Kỳ Chưởng’ của họ thơm lắm, bán đắt, chắc họ cần bông của mình, mấy cái vườn nhỏ đằng miệt sau vườn Bà Lớn làm sao cung cấp đủ.

Dì cười nửa miệng, giọng thiệt vui:

- Còn cái ông gì ở bên Giồng Ông Tố muốn làm trung gian, mua mão bông nguyên vườn để bán lại cho các tiệm trà, mình khỏi tiếp xúc từng người một cô tính với ổng chưa? Tôi thấy cách đó cũng hay hay, khỏi cực lòng cực trí đối phó với từng bạn hàng.

Cô Út đổ thêm nước vô bình tưới, xách đi về cuối luống, trả lời nhỏ nhẹ:

- Tính như vậy thì cứ tính, chứ tụi nó phe đảng đàng trời, thằng này chê eo thì thằng kia chê tròn chê méo. Ông ta cũng một lò họ ra chứ đâu. Lệ thuộc một mình ông ta tới chừng xích mích thì càng hỏng giò hơn.

Cô giơ cao bình tưới lên, thân yêu theo dõi mấy tia nước rót trên bông trên lá ở những nhánh cao hơn.

Cô ngó về phía mấy người bạn làm, cẩn thận sợ họ thấy bộ mặt mình áo não. Đầy ứ khó khăn trước mặt. Tụi Chà Và, tụi Tiều Châu cứ đòi mua đứt miếng vườn. Anh Năm thì cứ đốc thúc ông già ngày một bán đi để làm ăn thứ khác. Hỏi làm gì thì ảnh mờ ớ nói không rõ ràng nhưng ý như là muốn đòi chia gia tài ngay bây giờ. Thơm càng ngày càng sút giảm. Năm nay cho ra mười thiên thâu huê lợi không bằng năm ngoái năm thiên. Bạn hàng gần thì mặc may còn tới đếm chứ ở xa thì coi như trốn luôn giựt ba cái tiền thiếu chịu trước đó. Người nầy một chút người kia một mớ, lặt vặt, cộng lại cũng bộn bàng, nghĩ tới thiếu điều chóng mặt. Mấy người tới đếm không tế nhị hay là muốn nói bóng gió xa gần cho mình biết mà cứ nức nở khen thơm Lái Thiêu ngon dịu, thơm Bến Lức ngọt thanh. Ông già bịnh rề rề cả hai năm nay từ bữa trúng gió khi đi dẫy mả bà già. Nhà càng ngày càng thấy buồn. Lạnh tanh như mới đưa đám ma. Nhang khói bà già không ai nhớ đốt ngoài mình. Ông anh ôm mấy cái xe ngựa đã không giúp chuyện mắm muối chung trong nhà thì chớ lâu lâu lại thẹo nẹo mượn tiền rồi không bao giờ trả. Anh Tốt thì ông già bắt đi Tây học, ban đầu còn chống chế, lúc nầy coi bộ xuôi xuôi, chắc trước sau gì cũng đi, bỏ thân mình phận gái một tay đối phó với khó khăn dồn dập tứ phía. Cô đưa tay quẹt mấy giọt nước li ti bay phất phới trong không gian, gặp gió trốn chạy trên mặt, trên trán.

Tiếng ông Bảy rươm rướm:

- Có gì cũng cố gắng vững tay chèo nhe cô Út. Buông xụi lúc nầy tụi tui không biết đi đâu… Mà uổng nữa. Cơ ngơi nầy đâu dễ gì tạo. Xô dễ chứ xây dựng thì khó đàng trời, theo tui đã có được thì bất cứ giá nào cũng phải giữ. Đất vườn bây giờ lên giá lắm.

Ngưng một lúc thiệt lâu ông mới trầm ngâm thêm:

- Như là miệt dưới không yên thiên hạ đương đổ xô về Sài Gòn.

Dì Tám Sang nói vói qua ông Bảy, giọng thật trầm như chỉ muốn đủ hai người nghe thôi:

- Từ lúc ông bịnh, coi mòi cô càng ngày càng xanh xao, thấy tội nghiệp quá! Xót ruột mà không biết phải làm sao. Thôi anh Bảy đừng nói nữa cô ấy rớt nước mắt bây giờ.

Buổi sáng yên tịnh cô Út nghe mơ hồ nhưng đoán được hết, nước mắt cảm động sắp rơi, cô cũng muốn khóc cho hả hơi. Của ông bà tôi để lại, tía tôi cả đời bù đắp. Má tôi bịnh hoạn ở đây. Anh Hai với anh Ba tôi bị nạn ở đây. Bây giờ tía tôi nằm đó, lẽ nào tôi không lo? Có điều sức đàn bà con gái lại đơn chiếc mà không họ hàng, lo cho mấy cũng không chắc bằng thiên hạ. Có tận nhân lực đó nhưng mà còn tùy thiên mạng.

Cô thọc tay vô vòi nước, đưa lên thoa thoa mặt. Nước buổi sáng mát lịm khuây khuây lòng. Nước chun vô môi, cô liếm liếm, nghe ngon mát tận cuống họng. Cô gượng vui chỉa vòi xuống rửa chưn. Đất cát cứ nhảy vọt khỏi mặt đất leo lên guốc như muốn nựng nịu đôi bàn chưn nõn nà của cô chủ. Một mớ cát dính được vô sau gót. Cô vừa rửa vừa ngó chưn mình. Đỏ thiệt tình. Nhưng mà sóng đời dập tới vùi lui biết còn đỏ được bao lâu nữa!

Cô tưới mạnh hơn, lấy chưn nầy chà lên chưn kia. Chà mạnh lên quai guốc. Nước xoáy mòn đất chung quanh hai chiếc guốc. Vẫn còn một vài hột cát len lỏi trên da mát rượi của người con gái. Cô xách bình nước đi về phía giếng. Dì Tám Sang đi theo bên phía nầy, nói nhỏ trong khi quay lại ngó chừng ông Bảy:

- Ba của cậu Tốt mời bạn bè ra ngoài ngày tới ăn mừng cậu ấy được giấy đi Tây học bác sĩ.

Cái bình tưới được đặt xuống đất hơi mạnh tay:

- Tôi đã biết từ hai tháng nay lận. Chuyện tới phải tới. Ảnh ở đây đâu có tương lai. Ông già hối như giặc ngày một. Lạng quạng ở lại bị lính xúc vô quân trường có ngày. Con một, ba ảnh lo xa cũng phải.

- Rồi cô tính sao?

Mấy giọt nước đeo cứng trên khóe mắt cô Út giờ mới chịu buông tay xuống đất:

- Tính sao giờ? Người đi cứ đi. Người ở cứ ở. Ai lo chuyện nấy. Sau nầy gặp lại thì tốt, không thì ai có cuộc đời nấy. Không hứa gì hết để khỏi cực lòng cực trí đôi bên. Nước sông chảy rẽ nhánh chia dòng là thường, tiếc cũng không làm gì hơn được.

Người đàn bà buông dụng cụ xuống, ngó cô chủ, áy náy:

- Phải chi cậu Tốt ở lại giúp cô gây dựng thêm miếng vườn nầy thì hay biết mấy. Nằm đêm tôi vái van hoài cho thổ thần thổ địa cuộc đất giục cho cậu đòi ở lại. Thiên muôn gì chuyện phải làm, một mình cô lo đâu xuể. Cậu Năm có lo khỉ gì đâu; phá cho tanh bành té bẹ thì có!

Cô Út chấm dứt khi đề tài đi quá xa:

- Thôi sáng rồi, dì vô kêu con Cúc dậy tôi với nó đem bông ra chợ. Rằm tháng chạp chắc bán cũng không đến nỗi nào. Mình sửa soạn sẵn sàng không thôi anh Năm ảnh lại cằn nhằn cửi nhửi mất vui.

Trong ánh sáng mờ mờ cuối đêm đầu ngày hàng mấy chục chậu bông được chất khéo léo lên chiếc xe ngựa sẵn sàng cho một buổi chợ bông những ngày giáp Tết. Con Cúc tuy đã rửa mặt mày sạch sẽ, tóc tai gọn gàng nhưng coi bộ còn ngái ngủ lắm, ngồi vắt vẻo trên một cái càng xe ngó cô chủ lười biếng chào bằng một nụ cười mỉm nhẹ. Hai cái đèn xe treo lủng lẳng dưới lườn cùng chao mạnh, đong đưa thiệt mau hai cái bóng qua lại giao thoa trên nền đất khi lên xe dốc vô đường cái.

Vầng dương từ từ nhú lên đằng phía chơn trời. Tiếng ồn ào thức giấc của ngày mới chừng như đã bắt đầu.

***

Nói nào cho ngay, con Út không ghét bỏ gì tôi. Ai có phần nấy, huê lợi đã ăn đồng chia đủ rồi. Tôi khai thác bốn con ngựa với hai cái xe, vừa chạy vừa cho mướn, kiếm được bao nhiêu tôi làm mưa làm gió xây xài gì tùy ý mặc lòng. Nó lãnh phần cái vườn lài với vườn thơm. Lài bán cho Ba Tàu Chợ Lớn ướp trà, thơm đếm cho bạn hàng mấy cái chợ nhỏ. Huê lợi nhiều nên nó gánh vác phí tổn cơm nước, chợ búa, trả tiền cho kẻ ăn người làm trong nhà. Cả hai chưa ai có gia đình nên tình anh em coi mòi cũng còn đậm đà. Mỗi tháng vài ba lần giúp nó chở bông ra chợ, coi như bỏ chuyến nhứt, nhưng không bao giờ tôi cho đó là sự thiệt thòi. Nó cũng vậy, đi chợ lựa món ngon vật lạ về cho cả nhà ăn chớ không hà tiện để dành tiền riêng mà bóp họng bóp hầu người trong nhà.

Ông già đau rề rề hai năm nay nên nó cũng tốn kém. Lâu lâu kẹt mượn nó đỡ nhắm mớ, có thì trả không thì thôi, lâu quá quên luôn. Chừng nó cần hỏi lại, tôi đưa mặt mo ra cười trừ, nó nhằn nhằn một đôi câu rồi cũng thôi. Đâu vô đó. Đợi cho ngui ngui, cần, tôi lại năn nỉ mượn nữa. Anh em hột máu xẻ đôi, ai chớ tôi biết con Út tình anh em nó nặng. Trước sau gì tiền cũng xì ra.

Tôi không tin quỷ thần dị đoan nên khó nói chỗ nầy, nhưng nếu được thì tôi nói có quỷ thần hai vai chứng giám tôi thương nó lắm và tôi muốn cứu cái cơ nghiệp nhà mình. Hai cái vườn bự xộn ở trong đất của đô thành tiền đất rẻ mạt nên tây tà, chà và ma ní, cắc chú ba tàu đều ngắm nghé. Trước thì vài ba viên đạn với mấy trái lựu đạn lép ai đó chôn gần giếng rồi mách cho Tổng Nha, lính kín tới đào lên, ông già chạy hết một mớ tiền. Kế đó ba bốn người họp bàn quốc sự trong vườn thơm bị bắt quả tang, ổng chạy té khói lần nữa, lần nầy thì mang công mang nợ. Rồi ổng đau nằm liệt giường. Con Út lo đâu xuể. Tôi phải tính kế. Tiền. Ai giúp gia đình mình có tiền trả nợ đây? Không có tiền thì thiên hạ xiết đất đi ra mình không cả đám có ngày. Thấy trước chuyện đó lẽ nào tôi tọa thị điềm nhiên? Dòm xuôi dòm ngược chỉ còn một con đường: nuôi đề. Đại Thế Giới xổ đề hằng ngày. Mỗi ngày là mỗi hy vọng. Trong một tương lai thiệt gần khoảng 24 tiếng đồng hồ mình sẽ không còn là người khổ sở hiện tại nữa. Thua bữa nay, dời sự háo hức lại ngày mai. Sự thành công luôn luôn thấy trước mắt. Ngủ một giấc dậy chạy xe tới trưa là có thể hy vọng thanh toán hết nợ nần rồi. Từ nuôi đề đi lần tới đánh đề, mỗi bữa tôi bàn chiêm bao của mình của người, tôi bàn đề trên tranh hài hước nhựt trình “Tiếng Dân”, “Ánh Sáng”, mặn con nào dốc túi mua con đó để có thêm hy vọng. Tôi chạy theo đề như người ta đuổi theo hươu nai thỏ chồn, thấy trước mặt đó tưởng như chỉ cần đưa tay ra là bắt được nhưng không bao giờ bắt được. Từ đánh đề tôi đi lần tới những thứ cờ bạc ăn thua quanh quẩn giữa những người quen biết với nhau, móc túi nhau đem về làm của mình. Bài cào, dà dách, cắt tê, đánh me, cu-di… không có thứ nào chừa, không có lần nào ai rủ mà tôi có can đảm từ chối. Càng thua xiểng niểng, càng tuột quần, càng thiếu nợ như đỉa đeo tôi càng mặn với con bài lá bạc. Đời sống tôi không bao giờ biết vui thú, biết rảnh rang, tôi chỉ nghĩ tới làm sao có thời giờ và tiền bạc để chung vô sòng, chỉ nghĩ tới cái thú cầm lên lá bài và quơ tiền thiên hạ. Gỡ. Gỡ. Đó là lý do đẩy tôi vô sòng, đó cũng là lý do đẩy tôi xuống lỗ thẳm của những lo lắng muộn phiền triền miên đeo đẳng. Nợ nần lột bỏ từ từ trong người tôi những yếu tố để được kính trọng. Thiên hạ dạ dạ trước mặt rồi đấm c. sau lưng. Ai cũng nói lén nhún trề tôi là thằng cờ bạc. Kệ! Biết làm sao hơn. Lỡ rồi. Thằng Tốt cặp với con Út đâu chừng hai năm nay, khăng khít không rời như sam cả xóm nầy ai cũng biết. Trước đây nó thấy tôi còn đứng dậy giả lả chào hỏi, khúm núm bẽn lẽn, mà con Út cũng coi bộ sợ sệt, bối rối. Thét rồi nó tới chà lết quết xảm ở nhà tôi, gặp thì chỉ chào sơ rồi quay ra tíu ta tíu tít với cái con Út, coi tôi như không phải người quan trọng trong nhà, như một kẻ ăn nhờ ở đậu không có quyền hành gì. Con Út lớn rồi. Tôi đâu nói rầy gì được nên đành làm lơ. Thằng học cũng giỏi. Năm ngoái đậu bắc-on, đương học bắc-đơ, cử chỉ coi bộ chững chạc, nghiêm nghị kiểu thầy bà chữ nghĩa. Không bao giờ còn muốn kéo dài vài ba câu nói chuyện để cầu thân với tôi. Trong trí nó nghĩ làm sao bộ tôi không biết sao? Khi dễ, rẻ rún. Đó là ảnh hưởng của cây bài lá bạc. Tôi không còn có cách nào khác hơn là van vái đất nước ông bà cho tôi trúng cá cặp để tôi từ bỏ hết thảy các thứ cờ bạc, trở thành người tốt. Con Út nhu mì, bươn chải. Hai đứa xứng lứa, vung nồi vừa vặn. Cũng cầu tụi nó xuôi chèo mát mái. May ra con Út không cần miếng vườn, theo thằng chồng nhà khá giả của nó. Đó là một lý do nữa cho tôi có cơ may thoát khỏi gông cùm nợ nần. Nhiều quá, chúa chổm rồi, tính ra cứ đánh xe ngựa kiểu nầy, sớm bửng ra đi tối mịt mới về ngày nầy qua ngày khác trả nợ tới đời con cũng chỉ mới được một phần nhỏ thôi. Bản án nghèo khổ tù đày treo lủng lẳng trên đầu tôi thấy rõ ràng như in.

Vậy tôi phải tính.

Tính vậy mà trời nói không phải vậy. Con Út khắn khít với thằng đó thì khắn khít mà thờ ơ thì cũng thờ ơ. Nó thương đất chứ không thương tiền. Nó có thể bỏ thằng Tốt chớ không bao giờ bỏ miếng đất. Nó tưới bông mỗi sáng xăn xái còn hơn con trai hẹn mèo, năm nầy qua năm khác, không ngày nào lơi nghỉ. Nó nựng nịu từng nụ bông búp. Nó nhẹ nhàng sợ đau từng cái bông nở. Nó tưng tiu vun gốc từng cây mỗi chiều. Hai ba ngày là qua tuốt lá bên vườn thơm. Chủ vườn đâu ai làm những chuyện tiểu tiết nầy. Vậy mà nó khoái. Nó có thể ngồi trong vườn cả một hai giờ đồng hồ, ngó theo từng con chim xập xòe bay lượn, quan sát từng cánh bướm tung tăng. Ghi vô trí nhớ chỗ nào đất sụp, chỗ nào cây đẹt, chỗ nào kiến đùn. Ngày rảnh nó đi lùng trong mấy luống đất, xăm xoi, ngó ngó. Không phải chỉ có mấy cái bông lài với mấy trái thơm mà thôi. Nó còn thuộc đất chỗ nào màu gì, đất thịt hay đất cát. Chậu nào bể, nhánh nào khô, luống nào cần phân cần nước. Đất vườn đã thành da thịt của nó, máu huyết của nó, cái hồn của nó... Nó thương miếng đất quá cỡ. Kiểu như nó tính sanh ở đây, sống nhờ miếng vườn, sẽ chết gởi thịt gởi xương trong đó, bứng xeo, xoi, cạy gì cũng không đi, không bỏ. Không phải chuyện huê lợi, cũng không phải chuyện tiền bạc nhiều ít gì đó. Đối với tôi thì nhiều chớ đối với thằng Tốt sau khi tụi nó nên vợ thành chồng rồi thì ba cái đó đâu thấm tháp gì, như bạc vụn nằm sót đáy rương thôi, cái kiểu nhà giàu tiền bạc bỏ quên trong kẹt hóc nào đó không nhớ tới vậy mà!

Người ta nói đất có quỷ có ma, sông có Hà Bá thiệt đúng ngay bân. Quỷ ma phải hiểu là thần đất. Thần đất hớp hồn nó rồi. Chặt không đứt, bứt không rời. Đi đâu rồi cũng trở lộn về. Làm gì trong ngày cũng phải có lúc ra thăm vườn nưng bông, dòm lá, vuốt nhánh, hít thở chung không khí với cây. Nó như là một phần tử của vườn. Như là một cây chúa tu luyện lâu năm nên thần thông biến hóa thành người luôn luôn thương mến, che chở thần dân của mình.

Thằng Tốt chữ nghĩa đầy bụng tối ngày lẽo đẽo kế bên nó nên tôi có muốn ăn hiếp em cũng hơi khó lòng. Lâu lâu chỉ mượn được ba món tiển tủn mủn đỡ ngặt tức thời mà thôi, chứ không giải quyết được chuyện lâu dài. Nhằm nhò gì? May quá, ra ngoài ngày, ba thằng đó bắt nó đi Tây. Cả chục năm sau nó về sẽ về với chức bác sĩ nếu không lụy một con đầm mắt xanh mũi lõ nào để bị cột chưn vô đó. Bác sĩ nào mới ra trường lại chịu lấy vợ ngang ngang tuổi mình mà bên vợ coi mòi không thế lực để có thể nhờ cậy trên bước đường sự nghiệp công danh? Cá một ăn mười vụ nầy tôi cũng bắt là tụi nó rã đám, nước ra nước, cái ra cái ngay từ lúc chia tay. Tôi cứ ẩn nhẫn chờ ngày ông già ra đi theo ông bà chắc là ăn nhứt, không còn sợ ai cản đản nói nầy nọ nhức đầu. Lúc đó nằm không cũng sẽ có tiền trả nợ. Phải lo thân mình trước, đi theo đường nhân nghĩa mà giựt nợ, thiên hạ còng đầu mình chớ còng đầu ai?

Lạ lùng là trước đây tôi lo tính kế cứu miếng đất, bây giờ tôi là người chủ trương bằng bất cứ giá nào tẩy miếng đất đi để cứu thân mình. Tất cả chỉ vì lọt vô cửa đổ bát mà thôi. Đi sai đường kẹt như vậy đó, phải chi hồi đó tôi nghĩ cứu bằng con đường khác, lo tu tỉnh làm ăn chẳng hạn, không chọn đường tắt. Đường tắt luôn hy vọng làm người anh xứng đáng của tôi, tắt tương lai dễ thở của một người chủ vườn có xe ngựa cho mướn. Và chắc chắn sẽ mang tới cho em tôi muôn vàn đau khổ, có thể sẽ sứt mẻ tình anh em ruột thịt nữa không biết chừng. Nhưng mà… Thôi chuyện đời nó vậy thì phải vậy!

Hay là tôi mê cờ bạc trước đó mà không tự biết và chuyện cứu vãn miếng đất chỉ là cái cớ tự trong thâm sâu lòng tôi đưa ra để che giấu chuyện ham mê bạc bài? Có thể lắm, biết bao nhiêu chuyện người ta làm ở đời vì có máu me mà cố bao che nầy nọ bằng những lý do tốt đẹp. Máu me cờ bạc đi vô máu huyết tôi như mùi thơm bông lài xuyên vô xương tủy con Út… Có lý lắm. Không thì tại sao ngay từ nhỏ tôi đã thích đỏ đen ông già đánh đập trói cột bỏ đói tôi cũng không chừa?

(còn tiếp)

NGUY ỄN VĂN SÂM


BÁCH KHOA TỪ ĐIỂN THẾ GIỚI

ĐÃ ĐƯỢC 240 NĂM

Giáo sư NGUYỄN KIM THẢN

Cách đây 240 năm, một ngôi sao trí tuệ lừng lững xuất hiện trên bầu trời châu Âu: ngày 1-7-1751, tập I bộ “Bách khoa thư” (Encyclopédie; dưới đây, viết tắt là BKT) có tầm vóc thế giới đầu tiên do D.Diderot (1713-1784) chủ trì, đã ra đời. BKT còn có tên gọi là “Từ điển lý giải các khoa học, nghệ thuật và nghề nghiệp” (Dictionnaire raisonné des sciences, des arts et des métiers).

Trong lời thông báo trước về việc biên soạn bộ sách (1750), Diderot viết:

“Bộ BKT được trình bày một cách tổng quát và có hệ thống nhằm mục đích cung cấp các tri thức rải rác trên khắp Trái Đất, cho những người đang sống với chúng ta và cho những thế hệ sau… sao cho con cháu chúng ta trở thành người có học thức hơn, có đạo đức hơn, sung sướng hơn”.

Nhưng, như Voltaire (1694-1778), một cộng tác viên của BKT, đã viết:

“Người ta gièm pha tác phẩm ngay từ trước khi nó ra đời; những thứ văn chương rẻ tiền nổi giận đùng đùng; người ta viết những điều lăng nhục vu khống những người đang sửa soạn cho công trình ra đời. Nhưng khi nó vừa làm xong thì châu Âu thấy rõ ích lợi của nó; người ta phải in lại ở Pháp…”

Vậy Diderot - con của một người thợ làm dao kéo, chỉ làm việc truyền bá tri thức, mong con cháu thông minh, đạo đức, sung sướng hơn - đã làm gì để khiến cho những người cầm bút có quyền lực đương thời thịnh nộ như vậy?

Xem xét hai đặc điểm lớn nhất về mặt tư tưởng của BKT thì có thể tìm được lời giải đáp. Đó là:

1. Về mặt triết học, BKT theo thế giới quan duy vật chủ nghĩa. Trước khi biên soạn BKT, Diderot đã từng bị giam ba tháng vì viết cuốn sách nhỏ “Thư về những người mù, viết cho những người sáng mắt” (1749), trong đó, qua cuộc chuyện trò giữa một tu sỹ và người mù đang hấp hối, ông chứng minh cách giải thích duy vật về nguồn gốc thế giới là đúng. Trong “Lời nói đầu”, D’Alembert (1717-1783), một nhà bác học đương thời, đã phác ra những tiến bộ của các ngành khoa học. Năm 1752, người ta lên án luận thuyết của một cộng tác viên của BKT - tu sỹ Prades - là tà thuyết, là dị giáo. Rồi đến năm 1758, bài “Về tinh thần” của C.A.Helvetius (1715-1771) bị công kích dữ dội. Nhiều bài của giáo sỹ E.Condillac (1715-1780) mang màu sắc của thuyết duy cảm cũng không hợp với khẩu vị của những người cuồng tín, khư khư giữ những giáo điều cổ lỗ.

2. Đương thời là triều đại vua Louis XV; mọi khuynh hướng dân chủ, khai thông thị trường toàn quốc đều bị phản đối. Với những cộng tác viên như J.J.Rousseau (1712-1778) (tuy ông chỉ viết về âm nhạc), Montesquieu (1689-1755) mà ai cũng biết rõ khuynh hướng chính trị, hoặc những nhà kinh tế học như A.Turgot (1727-1781), F.Quesnay (1697-1774)… BKT có khuynh hướng chính trị tiến bộ đòi xóa bỏ quyền uy và lề thói nhà nước cũ, tuyên truyền cho chế độ cộng hòa. Đó là đặc điểm thứ hai.

Hai đặc điểm cơ bàn ấy khiến cho BKT được đông đảo người đọc hoan nghênh nhưng các giới có quyền lực về chính trị và tinh thần thì trái lại. Sau khi tập I ra đời, BKT bị chính quyền đương thời cấm xuất bản (1752). Tình thế khó khăn ấy không làm cho Diderot và đa số công tác viên nao núng. Những tập tiếp theo vẫn ra đời. Lại một lệnh cấm thứ hai - lần này còn nghiêm nhặt hơn: cấm lưu hành, tàng trữ; Giáo hoàng Clément XIII cũng lên án BKT (3-9-1759). Việc in phải tiến hành bí mật và Diderot tàng trữ những bản in BKT ngay ở nhà mình! Trong triều đình, cũng có những nhân vật có cảm tình với BKT như hầu tước D’Argenson, nữ hầu tước De Pompadour - tình nhân của Louis XV - và nhất là Malesherbes, giám đốc thư viện. Nhưng khi giáo phái của những người công kích BKT kịch liệt nhất như Frénon, Palissot v.v… bị giải tán vì lộng quyền, không khí mới đỡ nghẹt thở hơn. Từ đó BKT phát hành bình thường. Đến 1772, BKT đã in xong toàn bộ 17 tập bài mục và 11 tập tranh khắc (minh họa), tất cả đều in khổ hai (in-folio) và gồm 60.000 mục.

Đêm càng tối thì sao càng sáng. BKT gây tiếng vang lớn ở châu Âu. Nó được in lại không những tại Pháp mà còn ở Lucca (Ý) từ 1758 đến 1776, ở Genève và Lausanne (Thụy Sỹ) từ 1778 đến 1781. Không những thế, nó còn được bổ sung bằng 5 tập bài mục và 2 tập tranh khắc nữa. BKT “làm vẻ vang cho nước Pháp”- Voltaire viết. Song quan trọng hơn, BKT lại còn là sự chuẩn bị về tư tưởng cho Cách mạng Pháp năm 1789. Về sau, nhà sử học J.Michelet (1789-1874) viết: “BKT còn hơn là một bộ sách. Đó là một đám nổi loạn. Cả châu Âu đứng về hàng ngũ ấy”. Đúng thế, Cách mạng Pháp đã thúc đẩy nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ làm cách mạng lật đổ chế độ chuyên chế phong kiến. Và trong lịch sử, “Các nhà bách khoa” (Encyclopédistes) được gọi là những nhà Khải Mông - những người vén cái màn u tối, mang lại ánh sáng cho đời (Thế kỷ Ánh sáng).

BKT mở đầu một giai đoạn mới trong việc biên soạn các sách bách khoa trên toàn thế giới - một việc đã có những nền móng từ thế kỷ II trước công nguyên ở Hy Lạp, La Mã, Cận Đông, Trung Quốc… Theo hình mẫu của BKT, hàng loạt các BKT khác được biên soạn.

Ở Anh - nơi đã xuất bản hai tập “Bách khoa thư” (Encyclopaedia) của Chambers (1680-1740), bộ sách mà Diderot và D’Alembert định dịch sang tiếng Pháp. Năm (1768-1771) người ta biên soạn bộ Encyclopaedia Britannica (BKT Anh). Ngày nay, đây là một trong mấy bộ BKT có uy tín lớn nhất của thế giới (năm 1975, đã xuất bản lần thứ 15, gồm 30 tập). Ở Pháp, nhà xuất bản Panckoucke cho ra đời bộ BKT trong đó các bài mục xếp theo môn loại khoa học, in làm 166 tập, khổ bốn (in-quarto), trong đó có 40 tập bản đồ và minh họa (1781-1832). Cũng trong thế kỷ XVIII, ở Đức, xuất bản BKT Brockhaus (1796) - bộ này đến gần đây vẫn còn được xuất bản. Từ thế kỷ XIX, ở Nga, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý v.v…, các BKT lớn nối nhau ra đời, để đến ngày nay, các loại hình BKT, các nước xuất bản BKT… ngày càng nhiều hơn nữa.

BKT của Diderot còn là mẫu mực về tổ chức, điều hành. BKT đã tập họp được nhiều nhà khoa học lớn nhất của nước Pháp đương thời. Ngoài những tên tuổi đã nói tới ở trên, người ta còn thấy các nhà khoa học tự nhiên như P.Holbach (1723-1789), J.Buffon (1707-1788), L.Daubenton (1716-1800), C.M. de La Condamine (1701-1774)… Diderot không phải chỉ làm BKT trên danh nghĩa mà trực tiếp vạch ra đề cương biên soạn, viết nhiều bài về khoa học tự nhiên, và còn thay thế những người bỏ cuộc, để viết những bài đã phân công cho họ. Không nói, ai cũng biết rằng BKT không được Nhà nước đương thời cấp kinh phí; để có tiền in BKT, Diderot đã kêu gọi người đọc đặt tiền mua trước: 5.000 người đã hưởng ứng, mỗi người đặt 956 livres - đơn vị tiền tệ Pháp lúc bấy giờ.

Bằng “vốn tự có”, không dựa vào “Ngân sách nhà nước”, tất cả các bộ BKT của nước ngoài đều tồn tại như thế. Trong những năm tháng đầu tiên, Encyclopaedia Britannica xuất bản từng tập nhỏ, ra hằng tuần để vòng vốn ít ỏi quay nhanh. Khi chuẩn bị bộ “BKT Xô viết” (1925), người ta đã lập một công ty cổ phần gồm 25 cổ đông là những đơn vị kinh doanh, tập thể sáng tác v.v…, đó chính là rút bài học kinh nghiệm của BKT và của mọi từ điển bách khoa khác.

BKT không tránh khỏi khuyết điểm. tập hợp các nhà khoa học có những khuynh hướng chính trị và triết học khác nhau, nhất là có giai đoạn phải biên tập trong hoàn cảnh bí mật, lại bị nhà xuất bản tự ý sửa chữa vì họ sợ bị vạ lây, do đó, các bài mục không có sự thống nhất cao. Như lời nhận xét của D’Alembert, BKT là “một bộ áo hề” tức là một bộ áo chắp vá.

Nhưng dù sao, đây vẫn là một bộ áo sáng chói, hấp dẫn những ai sẵn sàng dấn thân cho sự nghiệp đầy nhân ái: truyền thụ kiến thức chung của nhân loại để con người “có học thức hơn, có đạo đức hơn, sung sướng hơn”.

ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st.


Phụ Bản II

CẠM BẪY TRÊN MẠNG

Cách đây mấy mươi năm, những người cô đơn muốn làm quen với nhau thì phải nhờ mục Tìm Bạn Bốn Phương trên một tờ báo hay một tạp chí nào đó, rồi thư đi thư lại qua Bưu Điện mất rất nhiều thời gian. Thời đại công nghệ thông tin này thì chỉ cần nhắp chuột là mọi thứ đều thuận lợi, dễ dàng. Nam hay Nữ cô đơn muốn tìm bạn thì chỉ cần đăng vài dòng tin lên các trang Web tìm bạn của nước ngoài hay trong nước. Chỉ cần biết tiếng Anh, thậm chí không biết cũng được, vì trên điện thoại có sẵn phần mềm gọi là Google Dịch, chỉ cần ấn vô loại chữ mà mình muốn dịch ra, rồi cứ gõ tiếng Việt vô. Gõ chữ nào là máy dịch liền chữ đó, rất tiện lợi để kết bạn với nhiều người ở nhiều nước trên thế giới.

Trên mạng có cả chục trang web để đăng tìm bạn. Có nhiều người đã đưa sẵn thông tin, hình ảnh lên đó, tha hồ chọn lựa, hoặc chính mình đưa thông tin về bản thân, về đối tượng muốn tìm. Có trang hoàn toàn miễn phí. Có trang phải đóng phí, rất đa dạng. Nhiều người đã nhờ đó mà nên duyên với những đối tượng ở nước ngoài, và cũng không ít người bị lừa mất tiền bạc.

Năm vừa qua báo mạng cũng như trên TV rộ lên thông tin: nhiều bà, cô ở nhiều địa phương khác nhau như Quảng Ngãi, Tây Ninh, Cần Thơ, Tp.HCM... đến Công An trình báo là đã bị gạt tiền. Người ít nhất là vài chục triệu, có người đến cả mấy tỷ vì tin tưởng bạn trai ngoại quốc quen trên mạng.

Về vụ lừa gạt trên mạng thì tôi từng được nghe một đứa cháu đang sống ở nước ngoài kể, nó cũng từng là nạn nhân, nhưng chưa bị lừa, nhờ đã biết trước. Nó kể: Tên làm quen nói là đang ở Anh, làm Kỹ sư cầu đường, vợ chết, có một đứa con. Hai đứa chat qua lại với nhau một thời gian khá lâu, tiến đến chuẩn bị yêu nhau, mẹ của tên đó cũng đồng ý cho hai đứa đến với nhau, chỉ cần chờ hắn sắp xếp công việc rồi bay sang gặp cô ta. Một hôm, hắn nói sẽ ngưng liên lạc vài hôm, vì hắn sang Malaysia để thanh lý hợp đồng ngày trước ba hắn xây dựng ở đó. Vài hôm sau, hắn nhắn tin kêu cô cháu cho hắn mượn đỡ vài ngàn đô để hắn đóng chi phí gì đó, xong rút tiền được là bay sang gặp mặt và trả lại luôn. Cô đã biết trước kịch bản, bèn từ chối, hắn còn làm bộ giận hờn bảo là yêu nhau mà không tin tưởng nhau! Nhưng cô bé kết thúc chuyện tình ở đó.

Cô cho biết: Nước ngoài cũng đã điều tra bọn tội phạm này và thông báo: Bọn chúng có cả một nhóm, chuyên đi săn lùng, làm quen với phụ nữ cô đơn. Nhiều khi không phải là một đứa, mà cả nhóm thay nhau chat hay viết mail với con mồi. Khi chat với nhau, bọn nó thường thăm dò xem mức sống, nghề nghiệp để đánh giá mức độ giàu hay nghèo để khi hỏi tiền chắc chắn sẽ được, vì đã biết trước khả năng của con mồi. Đa phần bọn chúng kê khai lý lịch trong thông tin cá nhân là ở Nước Anh. Nghề nghiệp là Kỹ Sư cầu đường. Nhiều phụ nữ nước ngoài cũng bị lừa. Có người biết là bị lừa, nhưng nói là vì cô đơn quá nên cần có người để tâm sự cho đỡ buồn!

Cung cách làm ăn của chúng theo một kịch bản cố định: làm quen, tán tỉnh, kết thân, nói chuyện yêu đương, hứa cưới. Khi tình cảm đã sâu đậm thì sẽ hoặc kêu là đang cần gấp một món tiền, mượn tạm trong vài ngày. Nếu là người làm ăn thì chúng sẽ rủ hùn vốn vô một dịch vụ nào đó. Ở Việt Nam thì hầu hết là đối tượng được gởi tặng cho nhiều món quà rất có giá trị rất lớn, để rồi sau đó có người gọi lại, xưng là nhân viên Hải Quan, kêu phải đóng phí nộp phạt mới được lãnh hàng. Nhưng phí thì đóng vô tài khoản ở ngân Hàng, hết đợt này tới đợt khác mà vì nhiều lý do, “nhân viên Hải Quan” cứ liên tục thúc hối đóng thêm, cho tới khi nạn nhân hết khả năng, hoặc chán nản thôi không đóng nữa. Gọi cho đối tượng thì không liên lạc được. Lúc đó nạn nhân mới hay là mình đã bị lừa! Có người thì được gởi cho giữ giùm hay gởi tặng một số tiền rất lớn, nhưng tiền thì không bao giờ nhận được mà phải đóng cho họ một số phí khá lớn... Sau đó là mất liên lạc luôn.

Bản thân tôi không có tìm bạn, vài năm gần đây, chỉ chui vào Facebook có sẵn của con tôi để đọc một số thông tin trên đó. Gần cuối năm qua, một người bạn có trang Thơ trên mạng, xúi tôi đăng Thơ lên mạng cho vui, nên tôi cũng có đăng lai rai vô Facebook đó. Có người đã hiểu lầm nên hỏi con tôi, vì thế, tôi phải bỏ lên đó ảnh của tôi. Vậy mà chỉ sau đó vài tuần là khá nhiều người nước ngoài gởi hình ảnh kèm lời mời kết bạn.

Cùng lúc thông tin các bà bị gạt rộ lên, thế là tôi cũng tò mò, thử nhấp vào một cái tên rất Mỹ để nhận lời. Báo cho cô cháu, thì cô dặn dò cứ liên lạc bình thường, chờ xem mọi việc có diễn tiến giống như thế không? Lúc đó thậm chí tôi còn chưa biết cách để xem thông tin cá nhân của đối tượng. Về sau mới biết mỗi người đều có một trang riêng, đăng rõ nhiều chi tiết, xuất xứ, trình độ, nghề nghiệp, chỗ ở hiện tại, bạn bè v.v... trên đó. Nhờ vô trang cá nhân để đọc thông tin, thấy đối tượng đăng nhiều hình ảnh mặc đồ quân nhân và đeo tới 4 sao. Tôi có hỏi nhiều người bạn, nhưng chẳng ai biết mấy sao đó là cấp bậc gì của Quân Đội Mỹ. Về sau mới biết đó là hình ảnh của một Tướng Mỹ thì càng biết là ba xạo, vì Tướng Mỹ chẳng lẽ ế vợ, và rảnh đâu mà đi tìm bạn trên mạng? Dù vậy, tôi cũng duy trì gởi và nhận messages của hắn coi sự việc có diễn tiến như đã được báo trước không?

Ngay sau khi chấp nhận kết bạn, thì hắn liền hỏi ngay là: Bạn là người nước nào? Hiện đang làm gì? Độc thân hay có gia đình? Nghề nghiệp là gì? Và tự kể là sĩ quan Mỹ, đang chỉ huy đội quân do nhiều nước phối hợp, đóng quân ở Syria, sắp kết thúc kỳ hạn 4 năm ở đó để quay về Mỹ.

Khi biết tôi chồng mất đã lâu thì anh ta hỏi đang sống với ai? Làm gì để sống? Anh ta viết rất bài bản, kể là vợ đã mất, có một đứa con, cô đơn đã nhiều năm nên tự hứa với bản thân là lúc về hưu phải có một người vợ bên cạnh để cùng chia sẻ những năm tháng cuối đời nên quyết định dùng phương tiện mạng để tìm, và khi thấy hình ảnh của tôi thì hắn biết đó là người mà Thượng Đế đã gởi đến cho hắn… Tôi có trả lời là tôi là người rất nhiều tuổi rồi, chưa hề có ý định yêu thêm hay lập gia đình, vì thấy hắn muốn làm quen nên chấp nhận làm bạn thôi. Nhưng hắn cố gắng dùng mọi lý lẽ để thuyết phục tôi mà chẳng cần biết người hắn nói chuyện có phải đúng là nhân vật như tấm ảnh hay không!

Cũng phải nhận là tay này viết thơ rất ngọt ngào. Hắn bảo “tuổi chỉ là con số” và thiết tha mong tôi chấp nhận chia sẻ phần cuối của cuộc đời với hắn. Tôi hỏi hắn nghĩ sao mà chỉ cần nhìn ảnh của một người để có thể nói chuyện yêu đương, sống chung? Tôi thì không thể. Nhưng hắn bảo là do hắn đã cầu xin Thượng Đế rất nhiều, giờ này mới được chấp nhận. Chỉ cần tôi đồng ý là hắn lập tức sẽ bay qua để gặp! Hắn viết những câu thơ rất ư là mùi mẫn: “em có thể bảo tim tôi ngừng đập, bảo tôi không được thở nữa, nhưng đừng bắt tôi phải ngưng yêu em” “anh hứa, nếu em nhận lời sống chung với anh thì hai ta sẽ là một gia đình lý tưởng và hạnh phúc nhất”! Khi tôi hỏi hắn vì sao không cần gặp mặt mà lại nói chuyện yêu đương? Thì hắn giải thích có vẻ rất hợp lý: “vì anh đang ở trong quân đội nên không thể trực tiếp đứng trước mặt em để cầu hôn. Nhưng anh là một người lính, có lời thề bảo vệ tổ quốc trước cờ nước. Giờ anh đứng trước lời thề đó để thề là anh thật lòng yêu em”! Hắn viết những lời như một người yêu tha thiết: “Đêm đêm đặt mình xuống giường là anh nhớ tới em. Anh ước phải chi có em bên cạnh để anh thì thầm bên tai em là anh yêu em biết bao nhiêu”! “Anh mơ ước có một ngày em sẽ đột ngột mở cửa phòng anh và xuất hiện trước mặt anh”… nghe cứ muốn rụng tim! Hắn bảo từ lúc gặp được tôi thì hắn không ngừng cảm ơn Thượng Đế! Tôi buồn cười nói với hắn: Lẽ ra hắn nên trách Thượng Đế bất công với hắn, cả thời trẻ đi chiến trường, sao về già lại đưa cho một bà già? Nhưng hắn nói chỉ cần nguời biết cảm thông với hắn. Tuổi tác không thành vấn đề, và hắn đã hứa với con trai là sẽ mang về bà mẹ kế cho nó.

Tay này thì không có thì giờ để chat trực tiếp mà chỉ nhắn tin, khi được tin trả lời thì viết tiếp. Có lần hắn bảo tôi gọi điện thoại cho hắn, và nói y như thật, là hắn đang ở một trại đóng quân, tất cả những quân nhân đều không được sử dụng điện thoại, nhưng vì hắn là chỉ huy nên có quyền sử dụng điện thoại. Tôi sợ đưa số điện thoại cho một người chưa từng quen biết lỡ có gì nguy hiểm nên từ chối, nói rằng lâu quá không có dùng tiếng Anh, không thể nói chuyện trực tiếp được, nên hắn ta cũng thôi yêu cầu, và lúc nào cũng nói là công việc của hắn rất bận rộn, còn kêu tôi cầu nguyện cho hắn, vì chiến trường rất nguy hiểm. Khi biết được 4 sao là cấp bậc Tướng của Mỹ thì tôi vô Google truy tìm thông tin về các Tướng lãnh Mỹ. Rất may, nhờ hắn đưa lên rất nhiều hình ảnh, nên chỉ trong thời gian ngắn tôi cũng lục ra được: Đó là Tướng Mỹ đã về hưu có tên là Jame Cartwright, trong khi hắn thì nói là đang ở chiến trường!

Có lẽ vì tôi chưa nhận lời yêu hắn nên hắn chưa có lý do để dở trò biếu quà hay gởi tiền như kịch bản. Tôi cũng không muốn kéo dài thêm, ngay khi biết được thông tin, tôi viết message cho hắn nói lẽ ra tôi chờ hắn gởi cho món quà giá trị như kịch bản, nhưng tôi đã phát hiện hắn dùng hình ảnh của Tướng Mỹ hồi hưu, thì đủ biết hắn là tay bịp rồi, và hỏi thật ra hắn là ai? Tại sao phải dùng hình ảnh của một Tướng Mỹ để làm quen với tôi? Hắn muốn gì? Thế là lập tức sau đó, hắn xóa những messages đã viết cho tôi và biến luôn, không biện minh câu nào!

Sau đó tôi thử chat với vài tên nữa. Có 2 tên cũng xưng là Tướng Mỹ đang cầm quân ở Afganistan thì tôi bảo cho biết luôn là tôi đã từ chối 2 Vị Tướng Mỹ rồi. Tướng Mỹ ở đâu mà nhiều quá, và vì cấp bậc quá cao nên tôi không dám làm quen! Chắc bọn đó cũng biết nên tự im luôn.

Có một tên dùng hình ảnh rất đẹp trai như là tài tử. Hắn xưng là chủ nhân của một Công Ty tư nhân khai thác dầu mỏ. Về sở thích thì hắn “thích shopping. Thích đàn piano dưới ánh nến cho người thương nghe”, rất là lãng mạn! Tôi chát với hắn. Hắn nói ở bang Florida, có 35 căn nhà, đang nuôi 300 cô nhi. Dù hắn chu cấp tiền bạc, nuôi cho ăn học, nhưng bọn chúng đều phản lại hắn, quay lưng với hắn khi trưởng thành, nên hắn rất buồn. Vợ hắn đã phản bội để đi theo một người đàn ông khác nên hắn thù đàn bà Mỹ và mong muốn gặp một phụ nữ Châu Á. Hắn lúc nào cũng làm ra vẻ thừa thãi tiền bạc, nói rằng rất thích giúp đỡ người khác. Bạn bè hắn cần tiền thì đều tìm đến hắn!

Tên này không đề cập đến yêu đương mà chỉ khoe nhiều tiền và rất thích giúp tôi làm ăn. Có lần hắn hỏi tôi có một kế hoạch làm ăn gì trong đầu không? Tôi nói mình nhiều tuổi rồi, lười lắm, cứ muốn nghỉ ngơi, không muốn làm ăn gì hết. Hắn nói cũng nên tự làm gì đó cho vui, và bảo: bất cứ khi nào tôi cần một số vốn nhất định phải gọi cho hắn. Sau đó hắn lại hỏi tôi có thích bất ngờ không? Tôi hỏi bất ngờ gì? Thì hắn gợi ý sẽ tặng quà cho tôi. Hắn hỏi tôi thích bất cứ món quà gì để hắn mua tặng, nhưng tôi nói tôi không thích. Nhiều tuổi rồi không đeo bóp, ví, cũng không thích nữ trang. Thấy tôi không ham quà thì hắn chuyển hướng, nói rằng muốn làm ăn ở Á Châu nhưng không quen ai hết, chỉ biết có mỗi mình tôi. Hắn hỏi rằng tôi có chịu nhận quản lý tiền bạc cho hắn không, vì hắn muốn kinh doanh nhà, đất, khách sạn ở Việt Nam. Tôi cũng trả lời là tôi với hắn xa lạ sao lại dám tin tôi? Hơn nữa, chính phủ nước tôi chưa cho phép người nước ngoài kinh doanh nhà đất tại Việt Nam.

Tôi nhớ ra hắn nói thích đàn piano dưới ánh nến cho người thân nghe, tôi bèn kêu hắn gởi cho tôi 1 cái clip hắn đang đàn piano để tôi nghe. Hắn trả lời là nhà không có đàn piano. Tôi nói với hắn tôi nghĩ rằng người đã thích đàn thì hẳn lúc nào trong nhà cũng phải sẵn có nhạc cụ mà mình yêu thích để lúc buồn thì đàn để giải buồn? Thì hắn trả lời là lúc trẻ hắn tính theo nghề đàn, nhưng về sau đi học ngành kỹ sư khai thác dầu mỏ. Hôm sau, chắc tự biết đã bị lộ tẩy nên tự cắt liên lạc và xóa hết những gì hắn đã chat với tôi…

Một tên nữa xưng là Đại Úy quân đội, 52 tuổi, đang đóng quân ở Irag, cũng lại vợ chết, có một con, cứ 3 tháng một lần là về Mỹ. Nhưng khi tôi nói tôi có người thân ở Mỹ và hỏi hắn ở Tiểu Bang nào thì hắn nói hắn không muốn nhắc đến quê hương nữa, gia đình hắn bị tai nạn máy bay chết hết, nên hắn buồn không muốn về và cũng không muốn nhắc đến Mỹ nữa! Tôi nói đó là tai nạn chớ quê hương hắn đâu có làm chết người nhà của hắn? Và nếu tai nạn máy bay không lẽ chết hết cả dòng họ, ít ra hắn cũng còn họ hàng hai bên nội ngoại? Nhưng hắn tỏ vẻ khó chịu, kêu tôi đừng bao giờ nhắc đến quê hương hắn nữa. Hắn đang muốn giải ngũ và tìm một nơi nào đó càng xa càng tốt để đầu tư, xây khách sạn, và kinh doanh nhà đất!

Hầu hết những tên tìm bạn đều khai chết vợ, có 1 con, hoặc đã ly hôn. Đa phần không muốn làm bạn, mà muốn tìm vợ. Tên nào cũng nói y nhau: “Tuổi chỉ là con số”, và chỉ cần “nhìn tấm hình thôi là đã bị thu hút không thể rời mắt bởi khuôn mặt và nụ cười rất dễ thương” y như cùng được đào tạo từ một lò như nhau!

Báo Pháp Luật trên mạng đăng tin Công An Hà Tĩnh đã tạm giữ một nhóm, mà tên cầm đầu là người Nigeria tên là Sylvester Zazy Nlemonwu, 35 tuổi, kết hợp với hai phụ nữ người Việt tên Lê Thị Mai Trâm và Đinh Thị Thu Thủy. Chỉ từ tháng 4 năm 2017 đã lừa được 9 tỷ trên Facebook. Ban chuyên án, qua điều tra từ tố cáo của nhiều nạn nhân cũng bắt được 7 đối tượng, và có một chuyên án ở Hậu Giang, do một nữ quái tên Nguyễn Ngọc Thy. Cô này phối hợp với bạn trai người Nigeria lừa cả 100 trường hợp ở nhiều nơi. Cô ta có nhiều tài khoản, nhiều thẻ rút tiền. Kiểm tra tài khoản cô này số dư hơn 7 tỷ. Một cô ở Hà Nội cũng khai chuyển cho bạn trai 4 tỷ. Một bà tên Đ. mất 2,8 tỷ!

Theo Báo Đồng Khởi Bến Tre, trong năm 2017, toàn Tỉnh xảy ra 23 vụ lừa đảo, trong đó có 6 vụ qua Mạng Xã Hội. Từ 2018 đến nay có 7 vụ, tổng số tiền bị lừa là 700 triệu. Có một phụ nữ độc thân ở Quận 1 Tp.HCM đã chuyển cho người tình ảo đến 11 tỷ đồng, một cô khác thì hơn 900 triệu đồng. Một bà khác thì đến Công An khai chuyển cho bạn trai ngoại quốc mượn 2 tỷ, giờ không biết hắn ở đâu, nhờ chính quyền giúp đòi lại! Nhiều phụ nữ ở Quảng Ngãi, Tây Ninh cũng đến Công An trình báo là bị lừa, nhưng tiền đã chuyển qua Ngân Hàng và bị rút đi rồi, không truy thu lại được. Gần cuối năm còn có một cô giáo bị bọn chúng kêu gởi 300 triệu, chồng can ngăn, Ngân Hàng cũng bảo không nên gởi, nhưng cô ta vẫn nhất định gởi cho được!

Theo thống kê của cục Cảnh Sát thì thời gian qua có hàng trăm vụ lừa đảo qua mạng xã hội, số tiền bị chiếm đoạt trên cả trăm tỷ, nhưng đối tượng bị bắt và xử lý rất ít, tiền bỏ vô tài khoản ngay sau đó đã được rút ra nên không thể thu hồi. Các trinh sát hình sự đã lập ra một số user Facebook có ảnh đại diện cùng nhiều thông tin là phụ nữ Việt đang cô đơn thì chỉ trong vòng 3 tháng đã có 15 người ngoại quốc đề nghị kết bạn và bày tỏ tình cảm! Chỉ cần 2 đến 4 tuần chat qua mạng là 14/15 bạn trai ngoại quốc đều có thùng quà muốn tặng cho bạn gái mới quen! Trong số những bạn trai ngoại quốc đưa hình ảnh đại diện bảnh bao và xưng là doanh nhân hay sĩ quan... đa phần là người gốc Phi, không có công ăn việc làm, họ kết hợp với vài phụ nữ người Việt để đóng vai nhân viên Hải Quan chuyên lừa tiền, tình của chị em phụ nữ độc thân, ngây thơ, để khuyên chị em phụ nữ muốn kết bạn với người trên mạng nên thận trọng. Theo PLO, 98% phụ nữ bị lừa có trình độ Đại Học!

Trò lừa này là biến tướng của một trò lừa đảo quốc tế có nhiều tên gọi khác nhau: “Lá thư Nigeria”, “Trò lừa 419”, “Trò lừa Ngân Hàng Nigeria”, “Tù nhân Tây Ban Nha” hoặc “Trò Lừa Nga/Ukraina”. Nguồn gốc từ năm 1980, khi tài chính Nigeria đi xuống, một vài sinh viên Đại Học thất nghiệp đã lôi kéo các nhà đầu tư tham gia vào dự án dầu mỏ của Nigeria. Sau đó trò lừa này lan rộng sang cả phương Tây và toàn bộ thế giới. Thập kỷ 1990, bọn lừa đảo đã sử dụng Fax và điện báo để gởi Thông Báo. Khi email được sử dụng rộng rãi, chúng dùng các phần mềm phát tán email để chào mời. Năm 2.000, “trò lừa 419” phát triển khắp Châu Phi, Đông Âu và gần đây là Bắc Mỹ, Anh và Úc.

Con số 419 liên quan đến điều khoản trong Bộ Luật Hình Sự Nireria nói về việc “Chiếm đoạt tài sản bằng cách lừa đảo”. Cụm từ này có từ năm 1992. Một số Đại Sứ Quán đã cảnh báo công dân nước họ khi đến thăm một số nước có hoạt động lừa đảo 419 gồm các nước Tây Phi, Nam Phi, Tây Ban Nha và Hà Lan.

Trò lừa đảo này đã thành công rất lớn. Ở Mỹ, một con số không nhỏ - khoảng 100 triệu đô la - được chi cho bọn chúng trong vòng 15 năm qua. Đó là con số do những người tố giác khai, có những vụ mà nạn nhân không khai báo nên chính quyền không nắm được. Có một số nạn nhân đã thuê thám tử Nigeria hoặc tự mình đến đó, nhưng cũng không bao giờ thu hồi được tiền. Có người đã không chịu nổi tổn thất mà tự sát. Có một doanh nhân Nhật bị lừa đã đến Nam Phi rồi bị bắt cóc, đòi tiền chuộc, nhưng tên tội phạm bị bắt. Một thương gia Thụy Điển bị lừa đã đến Nam Phi và bị bắt cóc, bị cướp hết tải sản và còn đòi gia đình ông một khoảng tiền chuộc! Ngoài ra còn có nhiều người Mỹ khác cũng bị bắt cóc. Một doanh nhân người Hy Lạp, một người Na Uy, và một người Mỹ cũng bị giết. Tổng cộng từ năm 1994 đến tháng 4 năm 1997 bọn lừa đảo đã giết tổng cộng 15 nạn nhân!

Một số nạn nhân đã trở thành tội phạm vì ăn cắp tiền để trả các khoản phí vì tin chắc rằng sẽ nhận được khoản tiền mà bọn chúng hứa. Một cựu thủ quỹ Quận Alcona County đã bị kết án 14 năm tù do biển thủ công quỹ 1,2 triệu đô la để gởi cho chúng. Robert Andrew Street, một chuyên gia tư vấn tài chính ở Melbourne đã cuỗm của khách hàng hơn 1 triệu đô la Úc để gởi cho bọn chúng, hy vọng được chia 65 triệu đô là Mỹ. Một Kế toán cũa Công Ty Luật cũng đã thụt két 2,1 triệu đô để mong nhận lại 4,5 triệu theo lời hứa của bọn chúng! (Nguồn Internet).

Qua đó, chúng ta thấy bọn lừa đảo rất là tinh vi. Những người trí thức, có công ăn việc làm hẳn hoi, doanh nhân, thương gia nước ngoài cũng không thoát khỏi lời dụ dỗ, hứa hẹn ngon ngọt của chúng, chứng tỏ chúng nghiên cứu rất kỹ tâm lý của con mồi. Chỉ cần tham lam và không đủ sáng suốt là sa vào bẫy của chúng ngay. Ở Việt Nam thì số người sập bẫy đa phần là phụ nữ, vì tin vào lời có cánh của bạn tình ở nước ngoài. Chỉ cần tán tỉnh. Hứa cưới. Gởi tiền trước để mua nhà. Nhờ giữ tiền giùm. Tặng quà đắt giá. Cũng không phải là không có những cuộc tình đẹp giữa những người chân thành tìm nhau trên mạng kết thúc có hậu. Nhưng đa phần những người chân thật khi cảm mến nhau thì sang tận nơi để gặp mặt cụ thể, rồi mời người bên này sang thăm gia đình bên kia cho biết. Đâu có hứa hẹn khơi khơi rồi mượn tiền trong khi hai bên chưa hề biết mặt mũi đối phương ra sao? Thời buổi này, bạn bè quen biết nhau nhiều năm, vậy mà đôi khi còn trở mặt huống là những người núp sau bàn phím, chẳng biết cha căng chú kiết nào? Vậy mà có người lại bị lừa đến cả 11 tỷ! Đọc những lời bình luận dưới tin các chị em đến báo Công An bị gạt tiền thấy toàn những lời phê: “Tham”, “ngu”, không thấy có ai cảm thông. Có lẽ sau đó những nạn nhân hối hận thì đã muộn, vì có nhiều người vay mượn bạn bè, thậm chí cầm cả sổ đỏ để có tiền chung chi cho “nhân viên Hải Quan”! Có khi gia đình tan nát cũng nên. Trò lừa kéo dài suốt từ 1980 đến nay vẫn còn hiệu nghiệm chứng tỏ thời nào cũng vậy, một khi đã bị đánh trúng vào lòng tham, thì con người rất dễ bị mờ mắt, không còn phân biệt đúng, sai. Dùng tiền thật để đổi lấy tiền ảo qua lời hứa của người chưa từng gặp mặt thì đủ thấy trình độ thuyết phục của những tên lừa đảo quả là đáng nể!

Tâm Nguyện

Tháng 2/2019

LỄ ĐẦU TIÊN

GIỖ CỤ TIÊN ĐIỀN NĂM 1924

VƯƠNG HỒNG SỂN

Nhơn đọc lại báo Nam Phong. Tôi thấy trong số 86, tháng tám d.l. 1924, có thuật rõ lễ lần đầu giỗ cụ Tiên Điền. Tôi xin tóm tắt đại lược ra sau, gọi đánh dấu một lễ kỷ niệm đáng ghi nhớ trong lịch sử văn hóa hiện đại.

Ngày thứ hai 8 tháng 9 d.l. 1924 (mồng 10 tháng 8 Giáp Thìn) ban Văn học hội Khai Trí Tiến Đức - do báo Nam Phong làm đại diện - hành lễ kỷ niệm cụ Tiên Điền một cách rất chu đáo. Đây cũng là lần đầu kỵ giỗ, vừa giữ được ý vị đặc biệt của nghi lễ cổ truyền, vừa châm chước theo lối mới Âu Tây, vừa có trưng đăng kết thể theo xưa, có hương án, có đỉnh trầm, vừa có diễn thuyết, ngâm thơ, ca nhạc theo tân điệu.

Bữa ấy, nhà hội Khai Trí thiết lễ giữa sân, bày biện trong vườn nhà hội, và đặt trong cuối sân một bệ cao, trên bệ có một cái kỷ gỗ, và trên kỷ có bày một lư đồng thật lớn. Trên cao nữa thì treo một cái đèn bằng giấy bóng hình “lưỡng long chầu nguyệt” tựa dáng bức hoành phi có ghi câu: “Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh kỷ niệm nhựt”. Hai bên treo hai đèn giấy giả hình liễn trúc có hai câu nôm.

“Trăm năm để tấm lòng,

còn nước còn non, còn truyền cổ lục”

“Tấc thành dâng một lễ,

nhớ người nhớ cảnh, nhớ buổi hôm nay”

Đúng ngày khai lễ, theo y chương trình, ban đầu ông Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong, ra diễn thuyết trước bằng tiếng ta, sau bằng tiếng Pháp cho quan viên Langsa nghe; kế đến lượt ông Trần Trọng Kim diễn thuyết trong một giờ, kể lại thân thế cụ Tiên Điền về sự tích nàng Kiều.

Sau đến kép Thịnh và đào Tuất của rạp Sán Nhiên Đài, ra kể lại vài đoạn truyện Kiều. Rồi hết đến phiên một cô đào đứng hát bài ca kỷ niệm do cụ Tùng Vân (Ng- Đôn Phục) soạn riêng cho buổi lễ (đăng nơi sau).

Tóm lại, lễ kỷ niệm tuy là lần đầu nhưng trọng thể lắm, và ảnh hưởng còn lại sâu xa cho đến nay. Tuy sau buổi lễ, có nhóm Hữu Thanh đả kích, nhưng nội cử chỉ ngày nay dân chúng Nam như Bắc vẫn tiếp tục khắp nơi truy điệu tác giả truyện Kiều, đủ là một bằng chứng hùng hồn chứng minh cuộc bút chiến Hữu Thanh, Nam Phong đã ngã ngũ bên nào rồi.

oOo

Sau đây, tôi xin trích lục bài hát kỷ niệm cụ Tiên Điền của ông Nguyễn Đôn Thục:

HÁT MƯỠU

Mấy hàng cẩm-tú văn chương

Yêu hoa giở khúc đoạn trường ngâm hoa.

Chúng ta nay nguyện với trăng già,

Còn non còn nước quốc hoa còn dài.

HÁT NÓI

Bắc phương nhất đại giai nhân lục,

Nam hải thiên thu quốc sĩ văn

Đau đớn thay là cuộc phong trần !

Mà bạch diện với hồng nhan sao khéo khéo

Gẫm kim cổ trong vòng thế đạo,

Trai thờ vua chi khác gái thờ chồng

Tiếc cho ai nền băng tuyết chất phỉ phong

Cơn gia biến lạ lùng trêu cợt.

Chàng với thiếp để mối tình thơ thới.

Mười lăm năm khôn xiết nỗi ba đào,

Gớm thay cái số hoa đào,

Nghề mụ Tú học sao cho được,

Chùa chị Hoạn ngỡ phúc duyên chăng tội ác,

Kiệu anh Từ thôi phú quý cũng phù vân,

Thôi thôi đừng ngậm ngùi mãi cho thân

Đành chữ hiếu muôn phần trọn vẹn,

Cuộc nhân thế vì bể dâu nên truyện,

Ai ôi ! xem lịch sử cụ Tiên Điền,

Phấn vua Lê trang điểm đó là duyên,

Tay chúa Trịnh cầm quyền thì cũng nợ,

Quân Bắc viện, Đông đô khi vỡ lở,

Lửa Tây Sơn, Nam lũy lúc kinh hoàng,

Mây Tràng thành xa cách mặt quân vương,

Nghìn dặm những đoái thương chiều tuyệt tái,

Chém kẻ gian tà gươm nhụt lưỡi,

Đền ơn quân phụ khối mang tình,

Chốn lâm toàn lạc lối kẻ thư sinh,

Âu cũng lấy đôi chữ trung trinh làm bổn phận,

Khi trong nguyệt cung cầm ngơ ngẩn,

Khi dưới hoa vơ vẩn nước cờ,

Cảnh hoàng hôn khi thỏ ác lần lữa

Hồn cố quốc khi đỗ quyên thúc giục,

Giở đến tập phong tình cổ lục,

Khóc cho ai, mà lại khóc cho ai !

Thương ôi ! sắc nước hương trời,

Thân trinh bạch cũng mai mà cũng tuyết

Cũng một lối tài tình oan nghiệt,

Bút tài hoa nên điểm xuyết truyện phong hoa

Thác ra lời bạc mệnh xót xa,

Mắng những thói buồn đời xỏ lá,

Nhắm mắt đánh nhau cùng tạo hóa,

Nặng lời trao lại với non sông,

Cuộc bể dâu trông thấy đã đau lòng.

Tài thế nhỉ, mà tai là thế nhỉ !

Cho mới biết chữ hiếu chữ trung là chữ quý,

Kiếp phù sinh chi kể giấc chiêm bao,

Ta khen người thục nữ chí cao

Mà tâm sự đấng văn hào là phải nhớ,

Điểm giọt máu chuốt nên vần quốc ngữ

Lúc canh khuya nghe gõ tiếng chuông vàng,

So oán ân trong kiếp đoạn tràng

Bảo cho biết thiện căn là lạc quốc

Âm cực dương hồi cơ duyên sau trước,

Đem văn chương mà cảnh giác cho ta,

Niệm Nam mô ông Phật chùa nhà !

(Nguyễn Đôn Phục - trích báo Nam Phong số 88 tháng 8 d.l. 1924, trang 109 - 110)

Nay tôi xin mượn mấy lời sau đây, của ông Ng-Trọng Thuật để kết thúc bài nầy:

“………

“Cụ Nguyễn-Du mượn lời bà Giác-Duyên, luận cái công quả của cô Kiều có nói rằng:

Xét trong tội nghiệp Thúy-Kiều

Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm”

“Ôi! tình ái thì ai mà không có, nhưng tà dâm thì cô không, đó là tác-giả đã bênh đã gỡ cho cô rồi vậy. Cổ-ngữ có câu rằng: “cái quan nhiên hậu định luận”, nghĩa là người ta đến khi đậy nắp ván thiên rồi mới định luận được là kẻ hay hay người dở. Nếu kịch chưa hết hồi, sân khấu chưa hạ màn, người trong kịch còn đang diễn, thì thường thường kẻ hay mà ra dở người dở mà ra hay, điên đảo thị phi, hỗn hào hắc bạch, khách bàng quan vội phán đoán ngay cho là hay hay là dở, thì thật là lầm. Cho nên luận hai chữ trinh bạch cô Kiều, phải xét việc trước sau, xét lòng chân giả thì mới định được mà cô sẽ không oan.

Ôi! Một thiên tuyệt bút, một đóa hoa khôi, ấy mực hay lệ, ấy thơ hay người, một chút chữ trinh, đục gạn trong khơi, nghìn năm danh tiết, làm gương thử soi. Khóc cô ấy là người sau, khóc người sau ấy lại là người sau nữa, mà những điều trông thấy còn đau đớn chưa thôi! (Ng-Trọng Thuật trong bài “ khóc Kiều” đăng Nam Phong số 86 - năm 1924, tr.163).

Gia-Định ngày 3 tháng 9 d.l. 1965

VƯƠNG-HỒNG-SỀN - LỆ NGỌC st.


THÌ XUÂN

VẪN CỨ XUÂN THÔI

Ừ xuân đến vẫn đầu thôn cuối ngõ
Xôn xao nào bằng ấy những lo toan
Ngày bóng đuổi hồ như gió nuốt
Xuân vẫn cười xuân vẫn cứ xuân thôi

Mặc trớ trêu ngao ngán những bộn bề
Mặc đâu đó héo hon mày lá úa
Mặc xênh xang đỏ tím trắng xanh vàng
Hoa vẫn dáng vờn xuân mà khúc khích

Ừ dẫu ngại màu da trầm khóe mắt
Ừ dẫu chân đôi bước đã lần chần
Ừ dẫu mắt đã hong chiều xa vắng
Xuân vẫn đời xuân vẫn đấy xuân thôi

Đừng đong tuổi mà xuôi triền dốc vắng
Đừng ngẩn ngơ khi nắng ngát gọi mùa
Dẫu cung đàn thinh thỏa khúc nay xưa
Xuân vẫn hát rộn xuân nồng xuân thắm.

ĐÀM LAN

NÀNG XUÂN

LỘNG LẪY

Sắc Xuân bừng dậy khắp muôn nhà
Hân hoan nở rộ đủ màu hoa
Tiết trời mát mẻ hương thanh khiết
Kìa đóa Hải Đường đỏ thiết tha...
Hoa lá nồng nàn đón Chúa Xuân
Lòng người rộn rã biết bao lần
Em nhỏ vui mừng khoe áo mới
Trời xanh vang vọng tiếng ca ngân...
Lộng lẫy Nàng Xuân dáng kiêu sa
Mai vàng Cúc đỏ, tím hoa cà
Lá xanh mơn mởn cành non lụa
Hồng cánh Đào phai mỏng mượt mà
Nắng mới đầu Xuân nắng lụa là
Cành Lan e ấp nụ kề hoa
Hương thơm ngào ngạt nồng sương sớm
Đỏ cành lửa lựu, trái la đà...
Bầy chim sáo nhỏ rủ rê nhau
Ríu rít hót vang trên cành cao
Mừng đón Xuân đang về khắp lối
Khúc nhạc Mừng Xuân sao ngọt ngào....

Phạm Thị Minh-Hưng.

GỌI TÊN

BỐN MÙA

Hãy gọi tên nhau cả bốn mùa
Nhé anh tình mãi đẹp như mơ
Xuân về hoa bướm trên cành biếc
Bâng khuâng chim hót gió đong đưa!
Hè về Phượng đỏ nở cành cao
Tiếng ve rộn rã Hạ đón chào
Nhớ quá một thời vui trường lớp
Tìm nhau tơi tả tình xanh xao!
Rồi Thu hiu hắt lá phai màu
Mắt em sầu nhớ ngóng về đâu
Tình vẫn ngọt ngào mùa lá rụng
Dệt vần thơ, âu yếm gởi trao...
Chẳng sợ mùa Đông tuyết lạnh rơi
Tình ta vẫn ấm áp ơi người!
Nhặt hoa tuyết đổ vui ngày mới
Anh hỡi, bốn mùa
Tình đẹp chơi vơi!

Phạm Thị Minh-Hưng

Hoa Quỳnh 1

Đáp lời Người tình trong mộng

“Sương in mặt, tuyết pha thân” *

Trầm hương thượng giới góp phần ngàn sao

Tìm em - biết đến nơi nào

Đêm thâu xao xuyến nôn nao ý tình

*

Trắng trong vẹn tấm băng trinh

Vô tư, hờ hững chối tình bướm ong

Ngàn thu chung thủy một lòng

Thanh tao, hoa quý non bồng - cho nên…

*

Sắc hương vượt trội thủy tiên

Bao chàng hoàng tử mơ duyên tỏ tình

Chuyện xưa Huyền thoại Hoa Quỳnh

Là nàng công chúa bóng hình như mơ

*

Dịu dàng tha thiết đường tơ

Em là cung nhạc vần thơ tuyệt vời

Đừng phai nhạt nhé anh ơi !

Duyên em đằm thắm cạn lời nhớ nhung

*

Loài hoa vắt sức kiệt cùng

Nở nhanh tàn vội lắng chùng phím loan

Con tim sóng gió đa đoan

Đam mê, khát vọng vương mang mối tình

*

Biết yêu - biết sống hết mình

Tên Em là đóa hoa Quỳnh mong manh.

NGÀN PHƯƠNG

* Thơ Nguyễn Du

Vùng trời bình yên

Vùng trời bình yên của tôi
Một vùng ngoại ô xa
Tuyến đường xe buýt ra vào thành phố
Được tính bằng thời gian
120 phút trên đồng hồ
Tôi ẩn cư trong căn nhà vừa lạ vừa quen
Với đong đầy nỗi nhớ
Bàn thờ ba má thoảng khói nhang
Tủ sách hàng ngàn quyển
Bám bụi thời gian
Im lìm đứng thẳng hàng lặng lẽ
Khoảng sân trước nhà
Tôi trồng đầy hoa
Hoa trắng tím vàng đong đưa
Gọi con bướm lượn lờ hút nhụy
Hoa bướm tự tình ! Tình ơi !
Đàn chim sẻ chao lượn
Ríu ra ríu rít
Một con chim nhỏ
Đậu xuống đất nhảy lò cò
Nhảy... nhảy... Vút cánh bay lên
Chim nhỏ tự do tự tại...
Tôi đón năm mới
Thanh thản bình yên.

Huỳnh Thiên Kim Bội

NGÀY THƠ

VIỆT NAM

Trời quang đãng trăng Rằm soi sáng

Đêm Nguyên Tiêu giữa tháng Giêng ta

Ngày Thơ của nước non nhà

Khắp nơi nô nức hát ca vang rền

Hồn phơi phới bừng lên sức sống

Dệt ước mơ giấc mộng non sông

Bốn mùa xuân hạ thu đông

An cư lạc nghiệp ấm lòng quê hương

Sắc không lẽ vô thường thế sự

Vẫn dạt dào thi tứ trào dâng

Cũng như xuân đến bao lần

Tao đàn mở hội mà dân mong chờ

Trăng có lúc khi mờ khi tỏ

Khách văn chương nặng nợ dâu tằm

Có tầm cũng phải có tâm

Bài ca đất nước thâm trầm biết bao

Từ quá khứ xông vào hiện tại

Duyên hàn mặc thắm mãi tình ta

Nhịp nhàng hảo hiệp trẻ già

Khung trời kỷ niệm chan hòa sắc hương.

THANH VĨNH

CHÀO MỪNG

VALENTINE

(Ngày tình yêu 14-2)

Ngày mười bốn tháng hai lại đến

Valentine đến hẹn lại lên

Yến oanh hòa điệu vang rền

Ước mơ gõ nhịp ru êm giấc đời

Niềm tin lớn rạng ngời chiếu sáng

Khúc xuân tình kết bạn duyên ta

Hồn say cảnh nước non nhà

Muôn hồng nghìn tía đậm đà sắc hương

Phớt tỉnh lẽ vô thường nghiệt ngã

Qua bốn mùa xuân hạ thu đông

Hòa chung nhịp đập tiếng lòng

Lạc quan suôn sẻ thoáng thông đường tình

Luôn rực rỡ tươi xinh vườn mộng

Sống an lành chỉ cộng không trừ

Tuyệt vời hạnh phúc tưởng như

Tương lai đổi mới từ từ đi lên.

THANH VĨNH

KHÁC NÀO ĐẠI GIA

Chơi sang như một đại gia

Quan khách đến nhà cứ tự nhiên cho

Cái khoản ăn uống đừng lo

Phân công mọi việc giao cho người làm

Tất cả “cây nhà lá vườn”

Tươi ngon đủ thứ tinh tươm đề huề

Muốn ăn gà, cá, hay dê…

Gọi người mang về đâu phải đi xa

Rau tươi, quả ngọt với hoa

Gửi ở “siêu thị” vợ ra mang về

Giản dị tình cảm hương quê

Bạn khen “hết ý” chẳng chê điều gì.

LÊ MINH CHỬ

GIỌT NƯỚC & BIỂN

Giọt nước vinh quang mấy

Cũng mãi là giọt nước

Chỉ tồn tại một thời

Còn vinh quang của biển

Sẽ tồn tại muôn đời.

LÊ MINH CHỬ

HOA QUỲNH

Bản thân ngà ngọc ấy hoa quỳnh

Sắc nét thanh cao vẹn chữ trinh

Rực rỡ tinh thần phơi cánh gió

Lung linh nhụy phấn trải xuân tình

Khoe màu áo lụa mang tâm đến

Tỏa ánh nàng thơ mở lối sinh

Khuya nở sáng tàn nao dạ khách

Một lòng trong trắng mãi thơm mình.

LANG NGUYÊN

TRÁCH MÁI TÓC NÀO

Thướt tha mái tóc đẹp thay

Sợi dài sợi vắn kéo dài tới chân

Có người lại cắt ngắn hơn

Uốn thành sở thích mất cơn mượt mà

Bạn mình lại muốn thướt tha

Dầu dừa chải bóng thật là tóc xinh

Mái đầu làm đẹp sợi tình

Có người nhuộm lại giống hình lông chim

Đủ màu vàng, đỏ, tèm hem

Biến thành quái dị ai thèm rước coi

Có người lại muốn săm soi

Tối ngày lấy lược đồi mồi chải xuôi

Thương thay mái tóc đẹp ôi

Vậy mà cải cách rất tồi khác chi

Bản thân cha mẹ sanh thì

Tóc sao để vậy có chi khác đời.

LANG NGUYÊN

MỘNG NGÀY XUÂN

Tết về, xuân lại trổ muôn hoa
Trắng Đỏ Vàng Xanh dáng ngọc ngà
Bạch cúc, hoàng mai, khoe sắc thắm
Nắng vàng, gió bạc đẹp trời xa
Thế nhân chất vấn quanh bàn tiệc
Kinh tế huy hoàng trong tiếng ca
Phấn đấu một năm, mừng thắng lợi
Vinh quang tổ quốc, ấm êm nhà !...

Thanh Châu

RẰM NGUYÊN TIÊU

Mừng Tết Nguyên Tiêu đẹp nắng hanh
Ngày Rằm thơ hội tháng giêng lành
Đua tài nghệ sĩ gieo vần cảm
Đấu sắc mai vàng trổ đóa thanh
Kết nghĩa văn chương duyên hạnh ngộ
Gặp tình thi phú nghĩa riêng dành
Chung trà, chén rượu vui ngày lễ
Họp bạn ca ngâm, xuân thấm xanh !...

Thanh Châu

NHỚ VỀ ĐỊNH YÊN

Tặng Nguyên

Tình cờ nghe nhắc đến Định Yên

Một vùng Đồng Tháp rẩt dịu hiền

Mới hay xã lập nghề dệt chiếu

Đã hình thành lâu chốn bình yên

Và từ người ấy về quê đó

Biền biệt tin thư chẳng trở về

Biết còn nhớ đến ngày mưa gió

Cùng bước chung đôi mối ước thề

Xa lắc xa lơ màu kỷ niệm

Người đã quên rồi những ước mơ

Giận hờn năm cũ còn lưu dấu

Đường xa muôn dặm chắc xoá mờ

Đâu biết em ôm lòng nuối tiếc

Tình thưở thanh xuân thoáng bay qua

Lệ buồn cho thêm sầu mắt biếc

Từ đó bây giờ dẫu cách xa

Định Yên chưa một lần em tới

Người nơi phương đó đã xa xôi

Sông nước mây trôi không dừng lại

Nên tình yêu cũ trót phai phôi.

HOÀI LY

Ngậm Ngùi

Cuối Năm

Xé đi tờ lịch cuối

Ngày mai năm mới rồi

Chồng lên đầu thêm tuổi

Có gì đâu để vui ?

Bẩy Bốn năm vùn vụt

Thấy mình ngày thêm già

Tóc càng nhuộm càng bạc

Hương đời cũng phôi pha

Mắt nhìn đời mờ ảo

Lưng cong gánh nợ đời

Chân ngày xưa ngang dọc

Giờ cũng nghe rã rời !

Hành trình về chặng cuối

Dĩ vãng bỏ sau lưng

Hoàng hôn đời phủ bóng

Chút gì nghe ngậm ngùi !

Tâm Nguyện

VÀO XUÂN

Xuân tới lo toan sửa soạn nhà

Xuân về rộn rã việc làm qua

Xuân đem ước vọng tràn lai láng

Xuân đến cuộc đời vạn gấm hoa

Xuân mới hân hoan lòng thổn thức

Xuân tình hạnh phúc lớp người già

Xuân sang bao ước mơ hy vọng

Xuân đẹp lòng ta vui hát ca.

QUANG BỈNH

HEO

Ông mai dẫn mối có đầu heo

Chồng vợ trăm năm vẫn phải theo

Hợi - Lợn - Trư chung chuồng cũng heo

Nằm ù láng trại khoái chèo queo

Ham ăn tạp uống máng khô neo

Tiếng xấu trên đời ăn tạp heo

Mê gái nàng nào anh cũng đeo

Phò thầy gánh nặng gặp đường đèo.

QUANG BỈNH

MÀU TÌNH YÊU

Tình yêu tươi mát đẹp màu nho

Anh chống, em chèo, nói nhỏ to

Sáng tửng từng tưng chưa muốn dậy

Trùm mền, hai đứa ngáy kho kho !

THANH PHONG

TÌNH ĐẸP

Ngõ vắng nghênh ngang cậu Chí Phèo

Gặp nàng Thị Nở đá lông nheo

Đêm trăng, hò hẹn bên nương chuối

Đấu võ tay đôi, lộn mấy lèo !

THANH PHONG

MÍT LÁNG LE

Nức tiếng từ lâu mít Láng Le

Múi to, thơm phức, ngọt như chè

Hỡi người lữ khách xa muôn dặm

Mau ghé về đây thiếp đợi nè !

THANH PHONG

Xuân Ca

Em có biết bởi mùa xuân xinh quá
Cứ hồn nhiên như hoa lá trên cây
Ta trân trối như trụ đồng tượng đá
Chợt thẹn thùng em gỡ thoát hai tay.

Em có thấy nụ sương trên ngọn cỏ
Buổi sớm mai sương mới mọc trên trời
Ta rối rít cho nên em động vỡ
Thành âm giai khúc khích ở trên môi

Em có nghe bài xuân ca trong đất
Cỏ non thơm con dế hát rì rào
Em có thấy những chồi xuân mở mắt
Gió thì thầm hoa lá nép vai nhau

Con chim nhỏ bay chuyền trên nhánh mới
Tiếng hót dài lóng lánh nắng ban mai
Từng chuỗi ngọc ở ngang trời gieo vãi
Rơi tung tăng tiếng nhạc xuống môi người

Cùng buổi sáng nên cùng chung vội vã
(Em cũng nghe hơi thở ở trong hồn ?)
Ta bay nhảy và lòng không mặc cả
Con bướm nào phơi phới cánh môi hôn !

Thiếu Khanh

(Ngân Khánh Tình Ta)

MÙA XUÂN

THEO BƯỚC EM ĐI

Có phải em là mùa xuân

Xuân thơm chiều tím gió lâng lâng

Mai sắp sang mùa vàng rạo rực

Đào còn thay áo mới chưa xong

Bởi em vẫn dịu dàng huyễn hoặc

Chia cho tôi một chút xuân thì

Là suối nguồn là hoa của đất

Nên mùa xuân theo bước em đi

Chẳng cái nào đẹp bằng trái tim dâng hiến

Em chẳng cần đâu trang điểm ít nhiều

Vẫn biết tình yêu không là vĩnh viễn

Anh vẫn đi tìm vĩnh viễn của tình yêu.

LÊ NGUYÊN

9.2012

NẮNG

&

HOA

Là nắng hay là hoa

Đều là bạn cùng ta

Rực hồng màu hoa giấy

Theo chân người đi xa.

LÊ NGUYÊN

Bình Dương 2.2005

TẾT VIỆT NAM

Tết Việt Nam xưa nay đang là cảnh

Có mai vàng, pháo tết với dưa ngon

Giờ giao thừa vang tiếng pháo nổ dòn

Tai nghe lắng, bói cầm tinh xuất thế

Sau lễ cúng, xẻ dưa cầu may rủi

Màu đỏ tươi là hạnh phúc tràn đầy

Một niềm tin vui vẻ kể từ đây

Tiếng trò chuyện… quây quần mừng năm mới

Phong tục cổ trường tồn hay thay đổi

Tết Việt Nam, âm hưởng, khi hương bay

Tiếng chúc nhau hạnh phúc kể từ nay

Vui khỏe nhé gặp nhiều điều may mắn.

Đêm mồng 1 tết 15-02-1991

NHỰT THANH

Hoa Mai

Xuân về mai nở khắp hương lân

Năm cánh khoe tươi gấp bội phần

Một vẻ xuân về mừng Tết đến

Muôn màu áo đẹp đón xuân sang

Bốn mùa mai vẫn chưng đây đó

Tứ quý người xưa để hợp quần

Hình ảnh mai đang vênh váo đấy ?

- Không đâu, mai giấy lấn vào sân…

NHỰT THANH 25-5-2018

MỘT NĂM

CÁCH BIỆT

Ra đi đã một năm rồi

Vọng Anh tưởng nhớ bồi hồi tiếc thương

Kiên Giang thành kính dâng hương

Nhìn vào di ảnh lệ vương u hoài

Em đây sống cảnh lạc loài

Thân đơn cô quạnh bi ai để đời

Một năm lưu dấu đôi lời

Tiêu dao tiên cảnh - rượu mời cầu chúc

Xuân về : Mai - Thọ - Vàng - Cúc

Muôn hoa nở rộ đôi lúc lụi tàn

Em nào sầu oán thở than

Nhưng sao vẫn mãi bất an kiếp người

Thôi thì yên nghỉ Anh ơi !

Vợ - Con - Dâu - Rể nhớ đời không quên

Anh - Em - các Cháu kề bên

Mong Anh siêu thoát để vơi khổ sầu

Dầu cho Anh mãi đi đâu

Em luôn vọng tưởng - nguyện cầu tiêu dao.

14/02/2019 (10 tháng Giêng năm Kỷ Hợi)

Em gái út VŨ THÙY HƯƠNG

BÓNG THỨC

(Gửi Văn Cầm Hải)

Bình minh lên da non

Cát soãi mình sóng sượt

Giấc mơ ngày nhặt được

Một bình yên chốn nhà.

Biển tung hồn miên ca

Qua ẩn hình dụ hoặc

Tôi hồng hoang tìm nhặt

Dáng hồn nhiên tình đầu

Mai thả đời về đâu ?

Giật lùi tương tư biển

Tôi thánh linh lưu viễn

Hình khói hương quê nhà.

Nguyễn Tấn Thái


KHAI BÚT

Liệu xuân sang có khai được bút
Hay lì lì, mực héo khô rồi ?
Mong giấc mơ hết hồi heo hút
Mong như mai nở ngước lên trời…

Dậy sớm đi hỡi hồn lang bạt
Thắp cho đời thơm chút nhang thơm
Dâng Thượng Đế lòng này ngây ngất
Hiến cho người giòng chữ vàng ươm…

Ô hay chưa, bút đã khai rồi
Hồn mê ngủ bỗng thấy thật tươi
Có ai đó réo trong thinh lặng
Bạn của ta : bạn quá ngọt bùi

Sáng mồng một nước mát trên da
Tưới cho tỉnh cả nẻo thiên hà
Tưới cho tươi gốc mai độc lá
Lá cũng vui như vạn đóa hoa !

Vô vàn cám ơn mi, bút nhé
Mực rỉ trên giấy trắng nhoẻn cười
Một năm cửa mở sáng tươi
Đón ta thả những bước vui tràn trề…

Tờ mờ sáng mồng 1 tết Kỷ Hợi

LAM TRẦN

TÌNH THƯƠNG

(họa thơ Quang Vinh)

Xuân về Kỷ Hợi tết muôn nơi

Tươi thắm muôn màu, bớt nỗi vơi

Bốn biển nông cơ luôn đổi mới

Năm châu kỹ nghệ, vẫn tân thời

Phong trào phát động, yêu thương trẻ

Cứu trợ cơm tiền, quý mến người

Vạn sự bình an, năm tết đến

Khương ninh thịnh vượng, đẹp cho đời.

PHƯỚC HẢI

MẠCH SỐNG

Nguồn thơ xướng họa gởi phương xa

Tình nghĩa thi nhân rất đậm đà

Bằng hữu Đường thi, vang tiếng nhạc

Giao lưu tứ tuyệt, lắm lời ca

Xuân về mạch sống, luôn tươi đẹp

Tết đến gia đình, vẫn thuận hòa

Cúc huệ đào mai, đua nở rộ

Tâm hồn phấn khởi, cõi lòng ta.

PHƯỚC HẢI

Mậu Tuất 16/12/2018

GIAO THỪA

Khi mọi căn nhà đang vang Lờ i chúc T ế t

Pháo hoa nở bừng từ các ban công

Những em bé lang thang làm nghề bới rác

Bị xua ra khỏi nơi trú cuối cùng

Biết tìm đâu tấm lòng huyền thoại

Mở cửa từ bi đón các em vào

Mặt mũi nhọ nhem, áo quần mùi xó xỉnh

Cũng là người mà đến nỗi này sao ?

Có một chỗ có thể không bị đuổi

Ấy là bức tường nhô ra ở trụ sở Hội Nhà Văn

Nỗi thao thức bay trong hồn kẻ sĩ

May ra còn che chắn các em chăng

Nhưng đừng nói là anh bảo nhé

Họ sẽ mắng anh không biết giữ môi trường

Nhuận Minh tôi buồn đi lững thững một mình trong giá rét

Nghe đất trời ngân nga những hy vọng và tình thương...

1-1990

VŨ ĐÌNH HUY

NEW YEAR’ S EVE

When in every house the Tết Greetings were resounding

Fireworks were beaming from all balconies

The wandering children picking up rubbish

Were driven away from their last abodes

*

Where could one find the legendary heart

Opening the merciful door to welcome them

With their smeared faces, their clothes

that smell the dark corners

As human beings, how could they be in such

a wretched situation?

*

There is a place they might not be driven out

That’s the jutted wall at the seat

of the Writers’ Association

The restlessness flying in the intellectuals’ mind

May, by chance, provide them with a refuge

*

But don’t say that I’ve told you

They will blame me for not caring about

preserving the environment

I, Nhuận Minh, strolled sadly alone amidst the frost

Listening to heaven and earth’s modulation

when declaiming about hope and love...

1-1990

VŨ ĐÌNH HUY - Translated by VŨ ANH TUẤN

SÔNG TRĂNG

Trời đầy trăng xuân, dậy sóng reo

Trăng vàng nhẹ lướt, nước vàng theo

Lòng sông mở đón thuyền trăng sáng

Trăng cứ đi về, cứ thả neo !

Tp. Hồ Chí Minh, 12-9-2005

VŨ ĐÌNH HUY

MOON RIVER

The sky was full of springtime moon, waves were roaring

The golden moon softly glided, water turned golden with it.

Wide open, the riverbed welcomed the bright moon boat

The moon keeps on going back and forth, dropping anchor.

Hồ Chí Minh City, 12-9-2005

VŨ ĐÌNH HUY - Translated by VŨ ANH TUẤN

SO SÁNH

VĂN-CHƯƠNG TRUYỆN KIỀU

với VĂN-CHƯƠNG PHÁP

Cách nay 23 năm, đúng là vào tháng chín 1942, nhơn kỷ niệm thi hào Nguyễn-Du. Hội khuyến học Nam-kỳ, trụ sở là thành Magg bây giờ ở đường Trần-Hưng-Đạo, có tổ chức một buổi thuyết trình về Nguyễn-Du và truyện Kiều.

Hôm ấy có hai diễn giả: người thứ nhứt là ông Phạm-Thiều, giáo sư nói về “Tâm sự di thần” của Nguyễn-Du. Người thuyết trình thứ hai là ông Bùi-Thế-Mỹ, một đàn anh trong làng báo đã quá cố nói về văn chương của truyện Kiều.

Bài thuyết trình của ông Bùi-Thế-Mỹ dài gần 30 trang giấy đánh máy nói lên rất đầy đủ thân thế của Nguyễn-Du và trong cảnh ngộ nào Nguyễn-Du sáng tác một áng văn bất hủ như Kim-Vân-Kiều.

Ở đây chúng tôi chỉ xin trích lại một đoạn bài diễn văn so sánh văn chương truyện Kiều với văn chương Pháp hay nói đúng hơn là cách hành văn của Nguyễn-Du rất giống với một số thi-sỹ tên tuổi của Pháp hồi thế kỷ XVIII đã qua. (B.M.)

“…Nói Nguyễn-Du, thơ lục bát đã đến một trình độ thiện mỹ chưa ai theo kịp. Suốt quyển Kiều không có một đoạn nào là đoạn non, một câu nào là câu lép, một vần nào là vần ép, một chữ nào là chữ quê. Cả văn lẫn từ, trọn bộ tỏ ra liên ly như một tiếng chuông khuya của chùa Diệu-Đế hoàn toàn như một bức tượng của Léonard de Vinci. Mà ở đây cái hay, cái đẹp gồm có đủ vẻ, đủ lối lắm; ấy bởi ngòi bút Tố Như tài tình, thần diệu và biến hóa vô cùng.

Cũng như Victor Hugo, Nguyễn-Du sở trường về ghép văn đối chiếu, tiếng Pháp gọi là “anti-these” như “một cuộc bể dâu” đối với “những điều trông thấy” để cho giọng văn đon đả, “trời xanh” đối chiếu với “má hồng” để cho lời văn xinh tươi. Tác-giả dùng màu nầy để chiếu với màu kia thấy trong truyện Kiều nhiều lắm, như:

“Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng…”

Có khi tác giả dùng ghép lập chữ (répétion) rất tài:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !”

Trong hai câu mà lập ba câu chữ cảnh. Lại như những câu:

“Làm cho nhìn chẳng được nhau

Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên

Làm cho trông thấy nhãn tiền

Cho người tham ván bán thuyền biết tay”.

Có khi lại khéo sắp đặt gần nhau những chữ đồng âm hoặc chỉ gần gần đồng âm mà nghĩa khác, làm cho lời văn có vẻ ngộ nghĩnh cũng như lối chơi chữ (jeu de mots) của Tây…

“Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa…

Khéo oan gia, của phá gia…

Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ…”

Dùng chữ thích đáng (mot propre) thì như:

“Sông Tần một dãy xanh xanh

Lưa thưa bờ Liễu mấy cành Dương quan.

Cầm tay dài thở ngắn than

Chia phôi ngừng bước, biệt tan nghẹn lời…”

Những chữ lưa thưa, ngừng bước, nghẹn lời thật là không thể đổi được.

Trong hai câu:

“Một mình âm ỷ đêm chầy

Dĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh”.

“Năm canh” chọi với “một mình”, “nước mắt đầy” chọi với “dĩa dầu vơi”, đó là contraste, cú pháp đã lạ, vì đặt theo lối đảo trạng (invenrsion), mà cú mạch (césure) cũng khác thường, nên đọc đến đã thấy mới mẻ, thú vị.

Còn trong hai câu:

“Rằng như hẳn có thể, thì

Trăng hoa, song cũng phú thi biết điều…”

Chữ “thì” vẫn thuộc về câu dưới, nhưng lại cho đi liền ở câu trên. Đây tức là ghép “enjambement” của thơ Pháp mà hình như trong Tàu ngày trước không có.

Có khi chỉ có 6 chữ mà Nguyễn-Du có thể vẽ ra một cái cảnh cảm động vô cùng, cảm động đến một trăm phần trăm:

“Canh khuya thân gái dậm trường…

Phần e đường sá, phần thương dãi dầu…”

Là vì trong 6 chữ trên đó dồn dập lại tới 3 sự tình, ba cảnh ngộ đáng thương tâm. Bút pháp ấy có lẽ cũng tương tợ với của La Fontaine ở trong câu:

… “La faim, l’occasion, l’herbe tendre, et je pense,

Quelque diable aussi me poussant…”

Chỉ khác là đàng nầy dồn những tình trạng giảm khinh, còn đàng kia dồn những tình trạng gia trọng.

Tôi đã nói ngọn bút Tố Như tài tình đủ vẻ và biến hóa vô cùng. Phong nhã thanh cao thì như những lời đàm đạo giữa Kim Trọng và Thúy Kiều buổi mới quen nhau:

“Tiện đây, xin một hai điều,

Đài gương soi thấu dấu bèo cho chăng?” v.v...

Kiều tuy đã qua hiên Lãm Thúy, song xét ra trong khi ở đó, cử chỉ ngôn ngữ của nàng có một điều nào là không hợp với lễ giáo đâu? Kim Trọng mới vừa tỏ vẻ lả lơi thì nàng đã “diễn thuyết” ngay cho một hồi hùng hồn mà tao nhã biết mấy:

“Nàng rằng: Đừng lấy làm chơi,

Để cho thưa hết một lời đã nao.

Vẻ chi một đóa yêu đào

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh… v.v…”

Nghe những lời đoan chánh như thế, thử hỏi phàm là người con trai có giáo dục, ai lại chẳng phải đem dạ nể vì, mà xem đến những câu rất tâm lý trên đây, tôi tưởng có khi chị em bạn gái cũng phải suy nghĩ lắm chớ?

Còn phàm tục thô bỉ thì như những lời nói xa xôi của bọn Tú Bà, Sở Khanh, khi chúng nổi cơn thịnh nộ hay làm ra bộ như thế.

“Nầy nầy sự đã quả nhiên

Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.

…………

Cớ sao chịu trót một bề

Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?”

Tự nhiên biết chừng nào! Rõ ra khẩu khí của một mụ gia mẫu không thể lầm được. Cho đến cái giọng nói thô cũng khéo như thế:

“Còn đương suy trước nghĩ sau

Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào

Sở Khanh lên tiếng rêu rao

Nghe rằng mới có con nào ở đây?

Phao cho quyến gió rủ mây

Hãy xem có biết mặt nầy là ai?”

Hoạn Thư hễ mở miệng là thấy nham hiểm. Từ Hải nói năng đáng mặt anh hào. Tự sự như Vương Quan kể sự tích Đạm-Tiên, hay khi thầy đồ lại họ Đô kể sự tích Thúy Kiều, thì có phải vừa gọn vừa rõ vừa khéo chăng? Tả cảnh như hồi Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.

…………

Buồn trông gió cuốn mặt gành

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Tả cảnh như thế có phải là cảnh đã hoạt hiện trên mặt giấy mà tình cũng rung động cả lòng người, như thế mới xứng đáng với bốn chữ “thi trung hữu họa” mà cả họa lẫn thơ đều tuyệt bút.

Biết bao câu Kiều đã thành ra những câu tục ngữ mà người ta vận dụng luôn mỗi ngày. Cũng vì vậy, ta mới có cái lối văn kêu là “Tập Kiều”, nghĩa là lượm lặt những câu trong truyện Kiều để làm thành một bài văn vần rất sát nghĩa với đầu đề, vô luận là đầu đề gì. Kể cũng là một lối rất đặc biệt trong văn chương. Lại ở hồng lâu có cái tục cô đào dâng rượu cho quan viên. Cô đào hay ngâm những câu thơ thường là những câu Kiều, mà lắm lúc họ lựa chọn rất khéo léo bởi vì nó chỉ ngay bon vào cái thân thế, địa vị xã hội của người khách hoặc để mà tưng bốc, không chừng. Coi đó đủ thấy cái tánh cách phổ biến lạ lùng của truyện Kiều giữa xã-hội Annam ta, và chúng ta có thể mượn cái câu của Saint-Beuve đã nói về Molière để nói về Nguyễn-Du mà chẳng sợ quá đáng tí nào: “Phàm người nào đã biết đọc ấy cũng tức là một độc giả nữa cho Nguyễn-Du vậy” (Tout homme qui sait lire est un lecteur de plus pour Molière). Mà ngẫm kỹ lại, Molière có nhiều chỗ giống với Nguyễn-Du ta lắm. Cũng như Molière, Nguyễn-Du là một người biết lặng ngắm để vẽ vời tâm tánh của người ta (le contemplateur et la peintre de la nature humaine).

Cũng như của Molière, phần nhiều nhân vật của Nguyễn-Du là những kiểu mẫu bất hủ (điển hình) về nhân tâm, nhân tình, những kiểu mẫu tinh xảo, hoàn toàn và có một tánh cách phổ biến, đại đồng lắm.

Kia như một mụ Hoạn Thư, một chàng Thúc Sinh, cho đến một mụ Tú Bà, một chàng Sở-Khanh, thử hỏi dẫu đem chúng mà để vào xứ nào, đặt vào thời nào người ta lại chẳng nhìn ra lập tức và tin là có thật? Sau hết, ở nước Nam, thật chưa một nhà văn nào là cho cả tiếng nói và tiếng nói nhật dụng của ta giàu thêm được nhiều danh từ, nhiều thành ngữ, nhiều câu tục ngữ, nhiều câu thơ như Nguyễn-Du: do lại cũng là một chỗ giống với Molière ở nước Pháp.

Sự nghiệp văn chương của Nguyễn-Du có một điều nầy rất lạ là tôi chưa được biết rõ có giống với ai chăng, là hình như có thoát hẳn ngoài vòng ảnh hưởng của tuế nguyệt. Hơn một trăm năm đã đi qua rồi, thế mà hoa gấm của truyện Kiều hãy còn tươi rức với những màu sắc không hề bị phai lợt. Tôi nhớ nhà thơ Triệu Âu Bác bên Tàu có làm một bài thơ tứ tuyệt đại ý nói thơ hay đến như của Lý Bạch, Đỗ Phủ cả muôn người đều đọc mà tới nay cũng đã thấy hơi cũ. Cho nên đời nào có nhân tài đời nấy và mỗi lớp nhân tài chỉ lãnh vài chục năm…

Thế ra cái phần “phong tao” mà trời đã để dành riêng cho Nguyễn-Du của chúng ta chẳng là độc hậu lắm chăng…

BÙI THẾ MỸ (19-9-1942) - HOÀNG KIM THƯ st.


Phụ Bản III

NHÌN THẤY ĐƯỢC

“Người hỏi:

- Anh muốn tôi làm gì cho anh?

Anh mù đáp:

- Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được!

Người nói:

- Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!

Tức khắc, anh ta nhìn thấy được…” (Mc 10, 51-52)

Dễ ghê đi! Chỉ cần có lòng tin vào Đức Giê su là anh mù đã nhìn thấy mọi sự chung quanh mình?

Chỉ cần tin vào Đức Giê su là mọi người có ngay mọi điều mình ao ước như lời tường thuật của Thánh Sử Marco trong đoạn Tin Mừng trên sao?

Ồ! Quả là mọi người trên trần thế này luôn có những ước ao cho riêng mình. Họ luôn muốn có những điều tốt đẹp hơn cái họ đang được ân hưởng. Và thường thì những niềm kỳ vọng ấy, lại hướng đến những quyền lợi nào đó mà người ta chưa được trọn vẹn chiếm hữu. Ngay cả một vì vua với bao quyền thế trong tay vẫn luôn ngay ngáy ngày nào đó cũng sẽ phải buông trôi mình vào cõi tro bụi, đã từng là nơi tượng hình của chính vì vua ấy. Thế nên, ông luôn mong mỏi có được phương thuốc để ông được bất lão, trường sinh. Ông chẳng thể tự chế tạo ra loại thuốc thần diệu ấy; Và một vì vua trên ngai vàng luôn có sẵn quần thần để sai khiến vào bất cứ việc gì. Vả lại, “công việc” của quân vương là cai trị đất nước, chứ không bao giờ phải mó tay vào bất cứ việc gì. Tai của vua chỉ để nghe lời chúc tụng! Miệng lưỡi ngọc ngà của vua chỉ để ra nghiêm lệnh cho hết hết mọi người. Ngón tay của ông chỉ dùng để vẫy gọi những mỹ nữ đến hầu cận, và để thỉnh thoảng ra hiệu cho đao phủ lấy đầu của ai đó khiến vua phật lòng.

Không chỉ cái chết, hay gần hơn là tuổi già, khiến vua phải lo nghĩ đến hai chữ “vạn tuế” mà thần dân cứ ra rả chúc tụng ông xem ra không có cửa để thành sự thật. Mà giả như ông chỉ cần sống tuổi vừa đủ trăm thôi, cũng khiến ông luôn phải băn khoăn rằng, liệu trong đầu của đám dân đen kia, thậm chí trong đám quần thần xúm xít quanh ông, ngay cả trong họ hàng hang hốc của hoàng hậu, có cái đầu nào những muốn làm vua để được làm cha thiên hạ như ông đang hưởng hay không! Nghĩa là ông luôn phải đề phòng mọi thứ. Và tiên hạ thủ vi cường, luôn là kế sách để những kẻ thù tiềm tàng không còn óc mà nghĩ, không còn tay chân để manh động, không còn bà con để kết bè kết đảng hòng hạ bệ ông một ngày không xa là mấy. Dĩ nhiên, ông cứ chém quách đầu chúng đi là xong ráo trọi.

Nếu ông có một chút xíu lo lắng vì phải chia sẻ cho những kẻ hay nịnh nọt ton hót ông, những bí mật đàng sau bức rèm, hẳn ông sẽ lại tìm cho ra, và cố tin bằng được một ai đó, để người này sẽ là kẻ bịt mọi đầu mối lần ra ông mới là kẻ chủ mưu mọi việc hòng cho vương quyền của ông sẽ ngàn thu tồn tại. Kẻ ấy rồi đến lượt và đến lúc thích hợp, cũng sẽ “được” chính hai bàn tay vương đế của ông hạ độc thủ. Sau khi yên chí vì chẳng còn ai có vẻ sẽ đe dọa đến lông chân của ông, thì cũng là lúc sân đình trống vắng, núi rừng mênh mông chỉ còn ông tồn tại, chẳng còn ai để tâng bốc, bợ đỡ! Chẳng còn ai để nghiên cứu cho ông vị thuốc trường sinh! Chẳng còn ai để ông yêu, nữa là còn ai để ông ghét bỏ…

Ồ! Đoạn kết ấy thảm thương và phi thực tế quá! Điều có thể dễ thấy nhất trong cõi lòng mỗi vị-vua-chính- mình là, dường như tất cả mọi ước vọng đều quy kết cho tâm điểm là chính con người mình. Và vì lấy tâm điểm là chỉ-là-cái-tôi-thôi, nên chẳng có gì làm TÔI toại ý.

Giả như TÔI chỉ là một người ăn xin, thì ước muốn tôi nhỏ hơn nhiều, vì thế tôi dễ dàng bằng lòng hôm nay chỉ xin được một chén cơm chiều. Có lẽ tôi chỉ nuốt nước mắt chung với chén cơm buồn hiu ấy, mà chẳng bao giờ muốn ai đó phải vắt óc mà nghĩ dùm tôi phương thuốc bất tử.

Hay, tôi biết tôi chỉ là một họa sĩ nghiệp dư, vẽ để tâm hồn được thanh thản. Vì vậy, tôi sẽ dán bức vẽ ấy trên cột đèn giữa chợ. Ai khen, dĩ nhiên tôi rất vui. Ai chê, tôi cũng vui vì ít ra, họ đã dành cho tôi chút thời gian để xem và để cho tôi không ngộ nhận tôi là ai ai to tát lắm. Và tôi cũng thật sự bình an, nếu chẳng ai thèm dòm ngó bức vẽ ấy, vì từ lâu tôi đã lượng định rằng mình nhẹ cân lắm lắm.

Nhưng nếu may thay, bức vẽ như gà bới ấy không phải do tôi hoàn thành, mà do một người cụt cả hai bàn tay vì tai nạn vẽ nên, thì bức vẽ hóa ra lại giá trị vô cùng. Nếu anh ấy có ý định đóng góp nó như là một món quà cho những mảnh đời bất hạnh hơn anh, chắc rằng sẽ có ai đó giả vờ mua, chỉ để số tiền người ấy bỏ ra sẽ chảy về phía những người nghèo khó…

Hóa ra, người họa sĩ tầm thường ấy, và cả kẻ hảo tâm ẩn mặt mua bức vẽ vớ vẩn ấy mới thật sự thỏa lòng. Niềm vui của họ chính ở chỗ đã từ bỏ chính con người nhỏ nhen của TÔI, và vác trên vai gói quà tình yêu mà dâng cho người khác.

Vậy thì “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” có phải là như thế?

Chắc là như vậy rồi, TÔI ạ! Vì theo con đường Người đi chính là từ bỏ mình và vác Thập Giá hàng ngày! Và như thế, anh mù mới thật sự sáng mắt. Và sáng cả lòng!

LAM TRẦN

HẠ LONG

Kịch bản phim tài liệu nghệ thuật. Đạo diễn: Lương Đức.

Giải Đặc biệt Liên hoan phim Quốc tế Mat-xcơ-va 1985

Bông sen bạc LHP Việt Nam

Riêng cho Việt Nam, mà chung cho cả loài người. Nơi đây, đất trời đã tạo nên một cảnh vật kỳ quan, mảnh đất giao duyên giữa núi liền biển cả, lục địa và đại dương.

Cánh buồm lướt trôi không biết thuyền trôi hay bập bềnh núi chao với làn sóng, không biết sắc trời soi xuống mặt biển, hay màu biển nhuộm cho da trời.

Không biết sóng vỗ chân núi rì rào, hay núi rửa chân khuấy động biển sâu. Đảo mẹ, đảo con dắt tay nhau kéo dài trùng trùng, lớp lớp, voi phục, hổ chầu, đôi gà chọi nghìn vạn năm chưa rõ hơn thua.

Ai bày ra khu triển lãm khổng lồ, cho bàn tay tạo hình của thiên nhiên trổ tài điêu khắc.

Sâu hơn nữa là những gì? Còn bao nhiêu hang động, bao nhiêu sinh vật kỳ lạ dưới đáy biển. Hẳn rằng cả một thế giới huyền ảo đang đợi đáy biển. Hẳn rằng cả một thế giới huyền ảo đang đợi chờ kẻ tao nhân du khách.

Đâu chỉ có mấy nghìn hòn đảo với cây cỏ xanh tươi, động vật phong phú.

Bản San chè ngon, Minh Châu có ngọc trai, ngọc diệp, cam quýt Thanh Lân, cát Vân Hải một màu trắng xóa.

Từ đỉnh các núi đá, ta ngắm những vỉa than tô thêm màu đen huyền vào cảnh đảo xanh, nước biếc.

Hạ Long, cũng là xứ sở vàng đen của Tổ quốc, một trong những khu công nghiệp lớn nhất của đất nước.

Nguyễn Trãi xưa kia đến đây thốt lên:

“Non biển gạn trong tay vũ trụ

Tin gan chẳng núng sức ba đèo”

Không biết đã ai đi hết ngõ ngách, đường ra lối vào của trận đồ mê cung này chưa? Hẳn rằng con tạo ở đây còn giành cho những nhà thám hiểm nay mai nhiều khám phá kỳ diệu.

Không nơi nào như ở đây mà thiên nhiên xứng với cái tên Con Tạo, tạo ra hình, ra dáng, sáng tác vô vàn…

Bất giác ta mơ tưởng đến người xưa, năm sáu nghìn năm về trước sống trong hang động, còn để lại nào rìu, nào búa, bàn mài, chì lưới, đồ gốm… tạo thành nền văn hóa Hạ Long, chẳng bao lâu sau những nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Dậu, Gò Mun, Đông Sơn ra đời.

Hạ Long là đường giao lưu với tứ phương. Người Đại Việt ra đời, hai triều đại Lý, Trần lựa quần đảo Vân Hải làm nơi buôn bán với nước ngoài. Đến Vân Đồn, đến Hạ Long, ta vọng nghe tiếng reo hò của những đội quân Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn bao lần nhấn chìm đáy biển tham vọng bành trướng của phong kiến phương Bắc.

Một loạt đồng tiền của nhiều triều đại Việt Nam và nước ngoài, những đồ gốm, đồ sành thời Lý, Trần còn sót lại nơi đây, nói lên sự phồn thịnh của ngoại thương thời buổi ấy.

Mưa rào, nắng chói, chiều tà, đêm trăng, sáng sớm, xuân sang, hè đến, sương thu, giá lạnh: đều tô điểm cho Hạ Long những màu sắc kỳ diệu.

… “Em vừa khoác nhiễu Lam sương

Đã vân tím nhạt, chuyển sang lụa đào

Buồm bay hay cánh hải âu

Nắng vàng thu hay nắng đầu xuân tươi”

Phải chăng rồng nhà trời đã nhả ra trăm nghìn viên ngọc, che chở cho bà con ngư dân, án ngữ giông bão của Đại dương, hay tạo cho đất nước Việt Nam một thành lũy thiên nhiên, làm nơi biên phòng vững chắc?

Hay lục địa và đại dương đã hò hẹn nơi đây. Biển gặp núi, núi gặp biển, triệu triệu năm một cơ hội tao phùng. Biển và núi kết tình chung thủy.

Xuyên qua bãi san hô lung linh dưới sóng biếc, luồn sâu vào các hang động. Ta liên tưởng đến cung điện Long vương Thủy tề nguy nga và quái dị.

Từ đó những nàng tiên cá, say mê chút tình người, bỏ đáy biển tìm đường lên đất cạn…

Nhưng: Ân ái giữa con người đất cạn với những nàng tiên gốc ở Thủy cung làm sao mà bền vững được?

Ai dư nước mắt khóc chuyện thần tiên nhưng đã đến Hạ Long không thể không mơ tưởng đến cung điện Long Vương, và những nàng tiên cá si tình.

Cảnh đẹp, người hùng, dân tộc kiên cường, non sông hùng vĩ.

Huyền thoại, lịch sử, cuộc sống hiện tại quyện lấy nhau. Thiên nhiên, con người thắm thiết tình sâu. Phải chăng đấy là cái kỳ diệu nhất của đất Hạ Long.

Bùi Đẹp st.


CÂU CHUYỆN NGẮM TRANH

ĐÌNH TRỌNG

Một hôm tình cờ tôi gặp anh Lê Tùng, bạn thơ rất thân của tôi, tại phòng Triển lãm họa phẩm của Tạ Tỵ vào quãng cuối năm 1960. Anh có một dáng điệu thật buồn cười, đầu húi tóc ngắn tròn như cái gáo dừa nghiêng về phía trước, mắt nhìn sát vào tranh, chốc lại lùi ra sau độ năm bảy bước, tay kéo cặp kính trắng xuống quá mũi, nheo mắt nhíu mày, bước tới bước lui, rồi lắc đầu miệng mỉm cười. Anh lại bước sang ngắm bức họa khác cũng với cử chỉ ấy.

Gặp tôi, anh reo lên: A! Đình Trọng, may quá. Tôi vào đây xem được một lượt, định tìm tác giả nhờ giải thích hộ, nhưng không có tác giả, mình lại xem lượt nữa mà cũng chưa hiểu gì. Bây giờ gặp anh cũng là họa sỹ, anh làm ơn giải thích hộ tại sao trong bức tranh này họa sỹ lại vẽ cô gái mắt nhắm, mắt mở, mũi vẹo, miệng méo, cái đầu lại dài thườn thượt thế kia?

Tôi vỗ vai anh:

- Đó là họa phẩm của anh Tạ Tỵ, tôi làm sao hiểu rõ ý và tâm hồn ảnh phô diễn trong bức họa mà giải thích với bạn, vì đấy không phải là họa phẩm của tôi, nhưng nếu là họa phẩm của tôi thì cũng không bao giờ tôi giải thích được.

- Ơ hay! Là chính tác giả mà cũng không giải thích được thì những người xem còn biết làm sao?

- Nói thế là tôi có ý nói rằng: chẳng hạn lúc tôi vẽ vào buổi sáng một năm nào với tâm hồn cởi mở rung động cùng cảnh vật chung quanh, hoặc cảnh vật hợp với những tình cảm vui buồn của tôi lúc ấy thì hiện tại tôi có giải thích bằng lời nói cũng không làm sao tả hết từng chi tiết cử chỉ nhỏ nhặt, từng ý nghĩ của mỗi nhân vật trong khung cảnh lúc bấy giờ.

Nói khác nếu tôi là văn sỹ đứng trước một cảnh nên thơ như liễu rủ ven hồ, từng đàn én đùa nhau trên quãng không, đôi chim Sơn Ca đang tỉa lông cho nhau, với tiếng kêu chíu chít, cùng vắt mình theo hàng liễu như tóc cô gái bỏ xỏa bờ lưng, quanh bờ cá lội nước trôi lạnh lùng, tôi rung cảm như thế thì đã dùng ngòi bút để diễn tả tôi gì phải vẽ cho lâu hơn. Còn nếu tôi là nhạc sỹ tôi sẽ đưa lên những giai âm do, ré, mi, fa, sol, la, si. Trái lại tôi không là văn sỹ, không là nhạc sỹ và cũng không là thi sỹ như bạn, mà chỉ là họa sỹ nên chỉ dùng đường nét và màu sắc để nói lên cảm nghĩ của tôi, và chỉ có họa phẩm là tiếng nói rõ ràng đầy đủ của họa sỹ với khán giả, mà người xem không hiểu thì còn biết làm sao hơn, chẳng lẽ viết một bài văn kèm theo bên họa phẩm.

Cũng như nghe một nhạc sỹ dạo một bản nhạc, tiếng nhặt, tiếng khoan, tiếng thổn thức hay những giai âm mơ buồn rồi lại nhờ nhạc sỹ giải thích bằng lời nói từng âm giai trong bản nhạc thì cũng chán, nhạc sỹ còn đàn nhạc hay sáng tác nhạc làm gì nữa.

- Nhưng có những họa phẩm vẽ như đố ấy; khán giả làm sao thưởng thức được?

- Bạn à! Họa sỹ nào sáng tác họa phẩm cũng muốn được nhiều người thưởng lãm, chớ có vẽ đố gì đâu mà chính ra người xem tranh chưa là tri kỷ cùng tác giả để cảm thông.

- Theo anh trong phòng tranh này, bức họa nào đẹp nhứt?

- Tất cả các họa phẩm đem trưng bày là những đứa con cưng của họa sỹ. Bạn có thể xem bức họa nào bạn hiểu được và thích được đó là bức họa đẹp, vì trong tiếng đẹp nó gồm có chân, thiện, mỹ.

- Tôi đã nhiều lần xem triển lãm của nhiều họa sỹ và thấy mỗi họa sỹ có một lối vẽ khác nhau, có lối vẽ như Âu, có lối vẽ như Á, nhưng không thấy lối vẽ nào thuần túy nước nhà.

- Theo bạn nói đó là những họa phái mà họa sỹ theo đuổi, hoặc có nhiều người theo học với một bậc thầy nên có những nét vẽ giống lối nhau. Mỗi người theo một môn phái nhưng tựu trung cũng chỉ để diễn tả cái đẹp mà thôi.

Bộ môn hội họa có một nghệ thuật riêng, và nếu tôi nói nghệ thuật thuần túy thì không đúng và họa sỹ hiện tại nào có lối vẽ thuần túy lại không đúng nốt, bởi nghệ thuật hội họa hiện tại trên thế giới đã bị ảnh hưởng lẫn nhau từ Âu sang Mỹ, từ Á sang Phi, sang Úc. Sinh viên Mỹ thuật nước nhà sang du học các nước bạn tức nhiên bị ảnh hưởng khi về vẫn phải sáng tác theo lối đã học hỏi, yêu thích. Như vậy không có nghệ thuật thuần túy mà chỉ có một ít cá tính dân tộc chớ không gọi hoàn toàn dân tộc tính.

Nếu bạn tha thiết với nghệ thuật hội họa thuần túy hoàn toàn dân tộc không bị ngoại lai một tí nào thì từ bây giờ trở đi, con bạn còn nhỏ, bạn cấm hẳn nó không khi nào đặng xem tranh và đừng cho nó học vẽ với một người nào từ nhỏ đến lớn, xong bạn bảo nó vẽ, mặc dù chưa biết, nhưng nó sẽ vẽ đặng những nét thuần túy dân tộc bởi nó không ảnh hưởng của ai dù cho một họa phẩm, nhưng chắc chắn bạn không làm thế đâu.

- Nãy giờ nhờ anh giải thích tôi mới có một quan niệm về xem tranh, vậy để hôm nào khác tôi đến anh nhờ anh chỉ dẫn cho biết thêm về hội họa.

- Bạn à! Sự hiểu biết của tôi còn sơ suyển nhưng tôi cố giúp bạn, nếu bạn thực tâm muốn tìm hiểu về hội họa.

ĐỖ THIÊN THƯ st.

Triết lý

Bánh Chưng Tết Việt

Dân tộc nào cũng có thức ăn truyền thống. Song chưa thấy dân tộc nào có một thức ăn vừa độc đáo, vừa ngon lành, vừa bổ, vừa gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời, lại vừa có nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh dầy của Việt Nam.

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương; thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.

Bánh chưng âm dành cho Mẹ, bánh dầy dương dành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân. Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Các con trai đua nhau kiếm của ngon vật lạ, hy vọng được làm vua. Người con trai thứ mười tám của Hùng Vương thứ 6 là Lang Lèo (tên chữ gọi là Tiết Liêu), tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho, nên rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: “Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.

Lang Lèo (sau có người gọi Lang Liêu) tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi.

Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Lèo chỉ có bánh dầy bánh chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Lèo, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.

Từ đó, cứ đến Tết Nguyên Đán hay các đám cưới, đám tang, dân gian bắt chước làm theo, sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất.

Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, mang tính đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hay Đông Nam Á. Người Trung Hoa ưa chế biến từ bột mì hơn; người Ấn Độ thì ưa chế biến từ kê…

Thịt lợn hay heo được coi là lành nhất, nên các bệnh viện ngày nay thường chỉ sử dụng loại thịt heo chứ không dùng thịt bò hay thịt gà là thức ăn chính cho bệnh nhân. Người Việt thích thịt luộc hay nấu. Đậu xanh vừa ngon lành vừa bổ dưỡng. Bánh chưng như thế rất nhiều chất, đặc trưng của các món ăn Việt Nam.

Độc đáo hơn nữa, khi nấu trong một thời gian khá dài thường trên 10 tiếng, phải để lửa râm râm, bánh mới ngon. Nấu bằng lò gas, tuy nhanh, nóng quá cũng sẽ không ngon. Vì được gói bằng lá dong, bánh chưng vừa xanh vừa đẹp, thơm hơn lá chuối. Phải gói thật kín, không cho nước vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chặt, chắc; gói lỏng tay, ăn không ngon. Song nếu chắc quá, bánh cũng không ngon.

Tuy gọi là luộc (người Việt Nam thích luộc, người Trung Quốc thích quay), song vì nước không tiếp xúc với vật liệu được luộc, nên lại là hình thức hấp hay chưng (chưng cách thủy), khiến giữ nguyên được chất ngọt của gạo, thịt, đậu!

Có lẽ vì cách chế biến bằng chưng, nên mới gọi là bánh chưng. Vì thời gian chưng lâu nên các hạt gạo mềm nhừ quyện lấy nhau, khác hẳn với xôi khi người ta “đồ”, khi hạt gạo nhừ quyện vào nhau như thế, người ta gọi bánh chưng “rền”. Vì nấu lâu như thế, các vật liệu như thịt (phải là thịt vừa nạc vừa mỡ mới ngon; chỉ thịt nạc, nhân bánh sẽ khô), gạo, đậu đều nhừ. Cũng vì thời gian chưng lâu, khiến các chất như thịt, gạo đậu nhừ, có đủ thời gian chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.

Cách chế biến như thế rất độc đáo, công phu. Bánh chưng nhất là bánh dầy có thể để lâu được. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với các loại mật hay với nước mắm thật ngon, giàu chất đạm; cũng có thể ăn thêm với củ hành muối, củ cải dầm hay dưa món… Dân Bắc Ninh xưa thích nấu bánh chưng, nhân vừa thịt vừa đường!

Bánh chưng, bánh dầy quả thật là một món ăn độc đáo có một không hai của dân tộc. Bánh chưng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều tiềm năng khiến Việt Nam trở thành một cường quốc về văn hóa ẩm thực!

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã

Tết của Ta

không phải Tết của Tàu

Anh Chị Em có giữ truyền thống TẾT TA hay không vì có một số ít người đòi bỏ Tết của ta. Tết của Ta không phải Tết của Tàu?

Xin đọc lại tài liệu quý: Tết âm lịch có từ dân tộc Việt rất là lâu rồi, từ hơn bốn ngàn năm trước… sử dân tộc đã nói như thế, từ chuyện kể lưu giữ từ đời này sang đời kia (sự tích bánh dầy, bánh chưng).

Tới khi quân Tàu chiếm Việt Nam, một số phong tục lại từ Phương Bắc nhập vào Việt Nam. Rồi nhiều người cứ tưởng đây là Tết Tàu.

Theo Tự Điển Bách Khoa Mở Wikipedia, Tết ghi như sau: Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản còn gọi là Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam… Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như “Tết Táo Quân” (23 tháng chạp âm lịch) và “Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch).

Vì Tết tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi nôm na là Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên… Theo phong tục tập quán, Tết thường có những điều kiêng kỵ.

Văn hóa Đông Á - thuộc văn minh “Nông Nghiệp Lúa Nước” - do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thừa”) trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau. Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Nguồn gốc của Tết vẫn còn đang được tranh cãi, nhưng hầu hết thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1.000 năm Bắc thuộc. Nhưng theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì người Việt đã ăn tết từ trước thời vua Hùng, nghĩa là trước 1.000 năm Bắc thuộc.

Thời Tam Hoàng Ngũ Đế từ năm 2852 - 2205 TCN (Trước Công Nguyên), nhưng theo lịch sử Việt Nam cho thấy: “Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 TCN, trị vì cả 2.622 năm. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết”. Ta có thể thấy Tết ở Việt Nam đã có từ rất lâu, trước thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Khổng Tử đã viết trong cuốn Kinh Lễ: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó, họ gọi tên cho ngày đó là Tế Sạ”. Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, chúng gọi ngày đó là Nèn-Thêts, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này. Chỉ có bọn man di mới có ngày hội mà người trên kẻ dưới cùng nhau nhảy múa như cuồng vậy, bên ta không có sự Quân thần điên đảo như thế”. Ta cũng có thể nói Tết có nguồn gốc từ Việt Nam.

Tết của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng vẫn có những đặc trưng riêng của hai quốc gia.

Trước năm 1967, Việt Nam lấy múi giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (CSVN) ban hành đổi lịch dùng múi giờ GMT+7 làm chuẩn ở miền Bắc. Vì thế hai miền Nam Bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền Bắc ngày 29 tháng 1 trong khi miền Nam thì ngày 30 tháng 1). Từ năm 1976, cả 2 miền Nam Bắc mới dùng chung múi giờ GMT+7…

Thế đấy nhé. Tết Ta, không phải Tết của Tàu.

HOÀNG CHÚC s t. trên Internet

HÌNH ẢNH

TẾT VIỆT NAM

Sau ngày 25 tháng chạp âm lịch là không khí Tết Việt Nam đã thể hiện rõ nét. Nhà nhà rửa nhà, quét nước vôi, sơn cửa, treo màn, chưng hoa, mua sắm bánh, trái… để ăn Tết. Trên bàn thờ thì bộ lư được chùi cho bóng loáng, lau dọn, chưng bông, bánh trái… trông rực rỡ.

Bàn thờ xưa là cái bàn hình chữ nhựt, rộng, cao ngang ngực. Bàn thờ lớn hơn thì cao hơn độ hai tấc, chưn uốn éo và có chạm trổ đẹp. Bàn thờ nhỏ thì không chạm trổ gì. Mặt trước, liền mặt bàn thờ có một cái gờ bản lớn độ một tấc rưỡi thẳng góc với mặt thờ, ba mặt còn lại chỉ đóng một thanh ngang tạo thế vững. Đối với nhà giàu ngày xưa, nhà trên rộng, có nhà đặt tới sáu bàn thờ. Bàn thờ chính giữa là bàn thờ tổ tiên. Phần sau hẹp, không gọi là nhà dưới mà gọi là buồng. Ở đó có một phòng ngủ. Phần còn lại thì có hình thức chia ô. Sâu vô trong, sát vách buồng là ô sách vở. Sách để trên một cái bàn rộng. Dưới đất thì để các vật dụng linh tinh. Ô khác thì để hũ thố… chén, đũa, tô thì để trong một cái cũi. Ngoài ra còn có phần để mùng mền, chiếu gối, treo quần áo… sao cho gọn, có ngăn nắp.

Bàn ăn, bếp núc… thì ở riêng một nhà thẳng góc với nhà thờ và không có cửa. Nhà cất như vầy gọi là nhà chữ đinh ( )

Ngày Tết, trước mỗi bàn thờ có treo một tấm quần bàn màu đỏ, có viền và trang trí đẹp. Có người gọi là tấm tiền bàn nhưng tôi cho gọi như vậy là sai. Có tấm quần bàn trang trí bằng hình con cọp đang chồm tới. Tấm quần bàn tôi còn đang giữ thì chính giữa là hình con công, hai bên là hai con hạc chầu vô.


Đó là một nét của Tết Việt Nam mà tôi thấy trong giai đoạn 1946 đến 1950 ở quê tôi. Sau 1954 thì hình ảnh nầy không còn thấy nữa. Có lẽ nó chỉ còn lại ở tâm trí những vị vào năm 2019 ở lứa tuổi thất thập cổ lai hy thôi. Tôi có đến nhà con trai thứ tám của một ông quan huyện ở Bến Tre vào ngày mùng hai Tết năm 1969, hình thức trang trí nhà cửa trong ngày tết như vầy tôi cũng không thấy. Hình ảnh nầy có lẽ đi vô quên lãng mà thôi. Nay Nghĩa tôi ghi lại gọi là ôn cố tri tân nhưng đúng nghĩa là ghi lại hình ảnh cổ xưa của dân tộc. Những phần khác của ngày Tết tôi để dành cho các năm kế tiếp vì nghĩ rằng sau ngày Tết, buổi họp mặt đầu tiên của năm mới có lẽ cũng cần có một bài nói về ngày Tết cho vui vẻ.

Khánh Hội - Quận 4 ngày 06-02-2019

Mùng hai Tết Kỷ Hợi

PHẠM HIẾU NGHĨA

Sự khác biệt

giữa thông minh và trí tuệ

Thông minh là một loại khả năng sinh tồn, còn trí tuệ lại là một dạng cảnh giới của sinh tồn.

Trên thế giới không có nhiều người thông minh, trong số 10 người thì chỉ có 1-2 người, còn người có trí tuệ thì lại càng hiếm thấy, trong số 100 người có khi không có lấy người nào. Ngay cả Socrates được công nhận là người trí tuệ cũng tự thấy rằng nếu xét theo yêu cầu về trí tuệ thì bản thân ông cũng là người vô tri.

Trong cuộc sống thực tế, những người không chịu thiệt thòi là người thông minh, còn người có thể chịu thiệt là người trí tuệ.

Người thông minh luôn có thể bảo toàn lợi ích của mình khi làm việc với người khác. Ví dụ như trong làm ăn, họ luôn có thể thu về lợi nhuận - còn người trí tuệ tuyệt sẽ không theo đuổi việc thu lợi nhiều nhất trong kinh doanh, một số người thậm chí có phải bù tiền thì họ cũng làm, họ đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu. Người trí tuệ đều biết rằng “không mất thì sẽ không được”.

Người thông minh biết bản thân làm được gì, còn người trí tuệ biết bản thân không làm được điều gì.

Người thông minh biết nắm bắt cơ hội, biết khi nào nên “ra tay”, còn người trí tuệ biết khi nào nên buông tay. Vì vậy, cầm lên được là thông minh, còn bỏ xuống được mới là trí tuệ.

Người thông minh thể hiện thế mạnh của mình ra ngoài, cũng chính là bộc lộ hết tài năng; còn người trí tuệ để người khác thể hiện thế mạnh của họ, âm thầm lặng lẽ làm.

Ví dụ trong một buổi tiệc, người thông minh bận nói, họ nói không ngừng, vì vậy họ giống như chiếc ấm trà; còn người trí tuệ bận nghe, chú ý lắng nghe người khác nói, thế nên họ là chiếc tách trà. Nước trong ấm rốt cuộc cũng phải rót vào tách mà thôi.

Người thông minh chú ý chi tiết, còn người trí tuệ chú trọng tổng thể.

Người thông minh phiền não nhiều, thường xuyên mất ngủ, bởi vì họ nhạy cảm hơn người bình thường. Còn người trí tuệ có thể rời xa phiền muộn, đạt đến mức độ “không vui vì người, không buồn vì mình”, vì vậy người trí tuệ ăn ngon ngủ yên.

Trên thế giới chỉ có 1% người đạt đến “cảnh giới trí tuệ”

Vì vậy người thông minh thường qua đời sớm, còn người trí tuệ vô lo nên thường sẽ sống thọ.

Người thông minh khát vọng thay đổi người khác để người khác làm theo ý mình, còn người trí tuệ thường thuận theo tự nhiên.

Vì vậy, quan hệ giao tiếp của người thông minh sẽ dễ căng thẳng, nhưng với người trí tuệ thì lại hòa nhã hơn.

Thông minh đa số là trời sinh, có được do di truyền, còn trí tuệ dựa nhiều vào luyện tập.

Thông minh có thể có được nhiều tri thức hơn, còn trí tuệ khiến người ta có văn hóa.

Vì vậy, một người càng có nhiều tri thức thì càng thông minh, còn người càng có nhiều văn hóa thì càng trí tuệ.

Thông minh dựa vào tai và mắt, người ta thường gọi là “tai thính mắt tinh”; còn trí tuệ phụ thuộc vào tâm hồn, tức “tuệ do tâm sinh”.

Thông minh có thể mang đến tiền tài và quyền lực, trí tuệ có thể mang đến niềm vui.

Vì thế, nếu cầu tài thì chỉ cần thông minh là đủ, còn nếu muốn thoát khỏi phiền muộn thì cần có trí tuệ.

KIM SƠN st.


LỜI NGỎ

Kính thưa các thành viên

của CLB SÁCH XƯA & NAY.

Ban Văn Hóa Tổng giáo phận Tp.HCM kính xin quý vị hỗ trợ bằng việc cho phép sử dụng lại những bài viết của quý vị để chia sẻ niềm vui văn hóa cho những độc giả xa gần không có dịp tiếp xúc với bản tin của chúng ta.

Lẽ ra tôi phải xin phép từng tác giả ,nhưng vì hạn chế của phương tiện liên lạc nên tôi xin phép chung một lần.

Xin quý vị lượng thứ.

Tân Sa Châu ngày 01/02/2019

LM. J.Nguyễn Hữu Triết

Trưởng ban mục vụ Văn Hóa TGP.Tp.HCM

KHỎE RĂNG NHỜ… THỨC ĂN

Thường sau khi ăn uống, thức ăn đồ uống còn bám dính trong kẽ răng, tạo cho vi khuẩn làm hôi miệng, hỏng men răng… nhưng mấy loại đồ uống, thức ăn sau đây lại giúp làm sạch và trắng răng.

1. Trà xanh: Uống vài ngụm trà xanh sau bữa ăn tương tự như đã chải răng và vệ sinh khoang miệng sạch sẽ. Chất flourcatechins trong trà có tác dụng chống ô-xy hóa và tiêu diệt mạnh mẽ các loại vi khuẩn hình thành do nước bọt và thức ăn thừa bám lại. Những chất này là kháng sinh tự nhiên chống sâu răng rất hữu hiệu.

2. Quả ổi: Là thứ quả giàu vitamin C nhất. Trong ổi chứa hàm lượng lớn vitamin tổng hợp có tác dụng như một thứ thuốc kháng khuẩn hiệu quả. Vị chát của ổi cùng vitamin C giúp sạch răng, ngừa viêm lợi và chảy máu chân răng.

3. Hành tây: Vị hăng của hành là khắc tinh của hầu hết các loại vi khuẩn trong khoang miệng. Vì thế món xà-lách hành tây trộn giấm là cách tuyệt nhất ngừa sâu răng và nó còn tẩy sạch mảng bám gây bệnh viêm lợi, làm ố vàng men răng.

4. Nấm hương: Loại rau đặc biệt giàu protein đồng thời nhiều xơ và nước. Những mảng bám trên bề mặt răng dễ dàng bị bong khi ta ăn nấm. Nó cũng tiêu diệt vi khuẩn làm ố men răng.

5. Rau thơm: Húng, mùi, thì là, tía tô, hẹ,… ngoài công dụng gia vị làm tăng ngon miệng, còn tác dụng tích cực trong việc bảo vệ lợi khỏi bị vi khuẩn thâm nhập. Đặc biệt khi ăn các món như lòng, gan… rau thơm ngăn cản sự “làm tổ” của vi khuẩn trong kẽ răng. Nó còn làm tăng việc tiết nước bọt trong miệng,

6. Kẹo cao su bạc hà không đường: Có tác dụng rất tích cực càn quét các khe kẽ chân răng. Bạc hà đem lại hương thơm cho hơi thở và diệt mùi hôi của thức ăn và gia vị có mùi. Đặc biệt thứ kẹo có xylitol còn kích thích tiết nước bọt, trung hòa a-xít khoang miệng.

7. Mù-tạc (tiếng Pháp: moutarde - gia vị chế từ hạt của một loại cây hoa vàng họ cải): Người Nhật khi ăn món sushi truyền thống (chủ yếu là hải sản sống) thường dùng mù-tạc đi kèm, để sát khuẩn vì nó chứa isothiocianates có tác dụng ức chế hình thành khuẩn cầu biến hình trong các hải sản giàu kẽm và protein.

(Báo An ninh Thủ đô, 15-10-2008)

KHÁNH AN - Phùng Chí Tâm st.

ĐỌC SÁCH GIÙM BẠN


TÙY BÚT

của PHẠM VŨ

Tên thật Phạm Vũ Động

Sinh 1943, quê Hà Đông

Học ở Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn

Chuyên viết Biên Khảo

Cứ đều đều mỗi năm tác giả lại gom lại những bài mình đã thu lượm được để rồi xuất ra những cuốn “Tùy bút”.

Năm nay tác giả có cuốn tùy bút 2019 cũng là đánh dấu 75 năm cuộc đời hay nói vui trong Câu Lạc Bộ là năm nay tác giả mới lên 25 tuổi lần thứ 3.

Tác giả tâm sự:

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời này thì mới sống thanh thản, sống thoải mái. Qua một ngày mất một ngày. Qua một ngày vui một ngày. Vui một ngày lãi một ngày.

Vui vẻ, yêu đời là mục tiêu cuối cùng của đời người…”

Xin giới thiệu đến quý bạn trong Câu Lạc Bộ Sách Xưa & nay cuốn Tùy Bút 2019 của tác giả Phạm Vũ.

HÀ MẠNH ĐOÀN


Phụ Bản IV

THẾ GIỚI ÂM CÕI VÔ HÌNH

Khi chết hồn tách xác. Sau đó bắt đầu giao động để thanh lọc cặn bã ô uế trước khi rời cõi trần, qua một thời gian dài mới thanh sạch vượt-thiên để đi tìm đầu thai. Linh hồn nào ở cõi trần nhiều tội, tham sân si, tà dâm trộm cắp giết người thì phải rèn luyện gian khổ bị va đập bởi các khối năng lượng của mưa gió, sương tuyết… Để rũ sạch tội lỗi vượt thiên, khi sinh linh hồn nhập từ đầu đến chân, khi chết hồn xuất từ chân lên đầu rồi ra ngoài.

- Ở cõi âm các vong phải học 360 cấp, cấp học đầu tiên được học về phẫu sinh lý người từ 1-100 tuổi. Ở cõi trần có môn học gì thì phải học hết, học xong 360 cấp và rèn luyện để vượt thiên đi đầu thai, học về sự biến hóa của các vong sau khi chết, học nhiều lắm mới giúp được người trần.

Người trần làm giáo sư, dạy học. Khi chết về cõi âm vượt thiên nhanh như người chết trẻ. Người âm rất trọng công tác giáo dục, không mang kiến thức của cõi trần về cõi âm được, về cõi âm phải học lại, không nhiều lắm.

- Âm trần như nhau, nhờ thông qua xác trần mà không biết, âm không phủ nhận công việc người trần đang làm và luôn tôn trọng và giúp đỡ để có âm mà cầu xin người âm nhà mình.

- Trong gia đình người nào có tâm sẽ được người âm báo mộng hoặc nhập hồn vào người ra đình để mách bảo. Phải có tâm mới có cảm ứng được.

Thế giới âm luôn thay đổi theo thời tiết, theo thời thế, ở thế kỷ XX! mà người âm học tập chuyển biến nhanh hơn để giúp đỡ người trần theo luật đã ban định.

Thế giới âm cũng như ở trần có các cấp xã phường đến trung ương, người âm cũng có việc phải làm như người trần, người âm là gái thì có trách nhiệm giúp con cháu ở cõi trần theo cái tâm, con trai giúp công việc nhà nước lo phần lãnh đạo quốc gia, con trai được học đào tạo làm thổ công táo quân, làm lính, công an, y tế, giáo dục… Người âm quý trọng công tác giáo dục. Người âm học giỏi mới làm thầy, không như người trần có tiền đút lót là đỗ, làm thầy tâm không chính, không nghiêm không chết sẽ nặng tội.

Người trần có hai phần xác và linh hồn, người âm chỉ có phần hồi linh có phần thô và phần linh phần thô là phần tồn tại với xác lâu năm trên trần đầy tội lỗi, khi chết về cõi âm thì linh hồn thanh sạch hơn vì ở cõi trần ít, nên ít nhiễm cái xấu cái thô linh hồn thanh sạch nên nhanh chóng thu lại phần thanh, phần năng lượng linh.

Người trần có tâm có thể giao tiếp với người âm

- Khi rèn luyện vượt thiên vì bay cao, xa nhìn rộng thấy nhiều học được nhiều vấn đề nên giúp đươc người trần được nhiều việc.

Ai bị tai nạn giao thông chết, vong cũng đau đớn lắm về cõi âm có bác sĩ chữa bệnh viện ở cõi âm làm việc, chữa cho các vong bị bệnh cõi trần mà chết.

- Khi ốm xin người âm nhà mình, xin bà cô tổ tứ đại cho người đại nhà mình nếu tin tưởng thành tâm thì người âm nhà mình linh ứng về chữa giúp.

DƯƠNG TIẾN CẦN

(Nói chuyện với người âm)

BÍ QUYẾT 60 NĂM

KHÔNG NẰM VIỆN 1 NGÀY

Tác giả viết bài này nhằm mục đích duy nhất là để giúp cho ai muốn sống đẹp, sống hạnh phúc, sống vui, ít bệnh tật, sống có ý nghĩa những năm cuối đời. Đây là bản hướng dẫn thực hành nhằm giúp bạn đọc biết cách làm và có thể làm được, chứ không phải là lý thuyết suông, nói để mà nói.

Hơn 30 năm trước, chúng tôi đã nêu câu hỏi “Muốn cho tuổi già của chúng ta hạnh phúc cần có bao nhiêu điều kiện, những điều kiện đó là gì? Xin thưa: cần có 7 điều kiện. 7 điều kiện này đã viết rõ trong cuốn Hành Trang Đời Người, cuốn sách đã in ấn 20 lần trong 17 năm (2000-2017) với số lượng 49.000 cuốn, nhưng không bán ở thị trường (vì các công ty phát hành sách không nhận phát hành).

Bí quyết đầu tiên của chúng tôi khởi nguồn từ 1 bài báo: “Bí quyết sống trăm tuổi của các vị bách niên” (Liên Xô cũ) đã đăng báo Quân Đội nhân dân từ 1955. Chúng tôi đã thực hiện 9 bí quyết này từ đó đến nay.

Đây là yếu tố đầu tiên giúp chúng tôi không nằm viện 1 ngày trong 60 năm qua. Bí quyết số 1 trong 9 bí quyết này là: phải lao động (chân tay và trí óc không được chơi không). Tiếp theo là: ăn nhiều rau, ít thịt (xem phụ lục V trong cuốn Hành Trang Đời Người).

Bí quyết số 2 là: Muốn sống lâu, ít bệnh, cần có đủ 3 điều kiện: có tri thức, có ý chí và có tiền. Trong 3 yếu tố này thì 2 yếu tố 1 và 2 là quan trọng nhất. Muốn có đủ tri thức cần thiết, việc đầu tiên bạn cần đọc: 35 trang sách (Tr.46-80 trong cuốn Hành Trang Đời Người, cuốn tái bản lần thứ 11, quý 3/2017). Để viết được 35 trang sách này, chúng tôi mất cả cuộc đời chứ không phải vài năm sưu tầm tài liệu. Nếu bạn nào không đọc thật kỹ đọc ít nhất 3 lần và suy ngẫm để thực hành, chắc chắn bạn không có đủ tri thức cần thiết để sống lâu, sống khỏe, sống ít bệnh tật, sống có ý nghĩa cuộc đời mình.

Ngoài 35 trang sách này, bạn nên đọc thêm 3 cuốn sách:

1. Sự trung thực của các xác chết (30 trang) của TS Walloc (người được giải Nobel học năm 1991).

2. Nhân tố Enzyme của Hiromi Shinya người đầu tiên trên thế giới đã phát minh ra phương pháp mổ nội soi, đã rút ra chân lý qua 300.000 ca nội soi. Chưa bao giờ là “quá muộn” để bạn bắt đầu làm những điều đúng đắn. Đây là câu kết trong cuốn Nhân tố Enzyme.

3. Nhân tố vi sinh của Hiroma Shinya.

Đọc 35 trang sách và 3 cuốn nói trên, bạn sẽ có tạm đủ tri thức để tăng sức mạnh trong cuộc sống (tri thức là sức mạnh).

Hơn nửa thế kỷ qua, chúng tôi đã đọc được nhiều bí quyết gọi là để sống khỏe, sống lâu, nhưng chúng tôi khẳng định rằng: Không có bí quyết nào quan trọng hơn việc cung cấp cho cơ thể tạm đủ, đều đặn, hợp lý 90 thứ dinh dưỡng.

Ai cũng biết: cái bánh xe chỉ cần có một thứ duy nhất là không khí. Nhưng nếu bơm hơi không hợp lý, không đúng thì bánh xe rất mau hư. Còn con người cần được cung cấp đầy đủ, hợp lý 90 chất bổ dưỡng các loại. Để hiểu rõ điều này, ta cần tìm hiểu thêm hai văn bản của thượng viện Mỹ.

Văn bản I: Năm 1936, thượng viện Mỹ công bố văn bản số 2.64, thông báo cho toàn dân Mỹ biết rằng: “Ăn uống thiếu chất bổ sẽ sinh bệnh”. Lý do vì: hàng trăm năm nông dân chỉ bón NPK, không bón phân vi lượng, không có phù sa bồi bổ cho đất. Vì vậy mà thực phẩm thiếu nhiều loại muối khoáng và vitamin. Các muối khoáng và vitamin này vô cùng quan trọng, chỉ thiếu 1 vài mg của một chất nào đó trong một thời gian dài là đủ sinh bệnh và chết người.

Văn bản II: Năm 1977, thượng viện Mỹ công bố một văn bản 5.000 trang nói rõ: nhiều bệnh nguy hiểm (ung thư, tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ…) không phải bệnh của người già mà là bệnh do ăn uống sai lầm gây nên, ăn thừa một số chất, thiếu một số chất bổ dưỡng khác.

Cầm cái bơm, bơm bánh xe, ta phải biết bơm bánh nào, bơm mấy cái là đủ. Ngồi vào mâm cơm, ta cần biết: cơ thể ta đang cần thứ dinh dưỡng gì, gắp món nào, gắp mấy lần là đủ. Bạn chỉ làm được điều này nếu bạn đọc (từ 3 đến 10 lần) 35 trang: 46-80 trong cuốn Hành Trang Đời Người.

Ở đây, tác giả lưu ý bạn mấy điều:

1. Cần cung cấp đầy đủ Canxi cho cơ thể. Ca là chất khoáng quan trọng nhất của cơ thể. Thiếu Ca gây 147 thứ bệnh, toàn là bệnh nặng, nguy hiểm. Muốn cung cấp đủ Ca cho cơ thể, ta không thể uống bất cứ loại sữa bò nào mà phải ăn cá kho nhừ xương hay ăn mỗi tuần 1 cục xương hầm nhừ khoảng 10 gam. 99% Ca nằm trong xương, chỉ có 1% Ca nằm trong tế bào và máu. 1% lượng Ca này rất quan trọng, để cân bằng cơ thể và chống loãng xương.

2. Cần ăn đủ cholesteron (từ 1500mg đến 2000mg/1tuần). Đây là thứ dinh dưỡng vô cùng quan trọng, thừa không được, thiếu không xong (xem trang 61 và trang 352 cuốn Hành Trang Đời Người).

3. Cần cung cấp đủ chất béo không no cho não (xem trang 65 và trang 352). Ai cũng biết: não là cơ quan quan trọng nhất trong con người. Ngành y có thể thay tim, thay phổi, thay các cơ quan nội tạng cho người bệnh nhưng không thể thay óc con người.

Sau khi bạn đọc kỹ trang 65 và bảng 8 (trang 352) bạn thấy rõ: Muốn có đủ 2-3 gam chất béo không no cho não, bạn chỉ cần ăn: Mỗi ngày 2-3 gam vừng, 2-3 gam lạc và vài miếng đậu phụ là đủ. Chi phí cực thấp, rất dễ làm nhưng đây là việc làm vô cùng quan trọng. (Để viết được mấy dòng này, chúng tôi mất 50 năm tìm tòi, sưu tầm tài liệu).

Trong bài viết này, chúng tôi cần nói rõ với bạn đọc về một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm của nhân loại. Căn bệnh này do triết gia Pháp La Rochefoucauld phát hiện từ cuối thế kỷ 17 (cách đây khoảng 350 năm) nhưng chưa ai tìm ra thuốc đặc trị để chữa. Đó là căn bệnh dốt quá hóa ngu. La Rochefoucauld viết: Ở đời có 3 cái ngu dốt:

1. Ngu dốt vì KHÔNG BIẾT những kiến thức mọi người cần phải biết.

2. Ngu dốt vì BIẾT SAI những kiến thức đang biết.

3. Ngu dốt vì BIẾT những cái không cần biết.

Kiến thức đầu tiên mọi người cần phải biết là kiến thức về dinh dưỡng. Để tìm ra khối kiến thức quan trọng này, các nhà khoa học thế giới phải tìm tòi trong nhiều thế kỷ. Nhưng khối kiến thức quan trọng nhất này, mọi người chưa được học. Từ khi lọt lòng mẹ đến lúc lìa đời, cơ thể con người luôn luôn đổi mới và đổi mới rất nhanh. Màng trong bao tử, đổi mới hoàn toàn sau 5 ngày; bộ da: 1 tháng; lá gan: 45 ngày; bộ xương: 3 tháng. Sau 4 tháng phần lớn trong 60.000 tỷ tế bào trong cơ thể đã được đổi mới. Sau 1 năm 98% tế bào trong cơ thể ta đã đổi mới. Vì vậy trong vòng 4 tháng, ta phải đưa vào cơ thể 1 lượng dinh dưỡng hợp lý để tạo nên 1 thân hình mới. Ăn uống không hợp lý, ăn thiếu chất bổ và thừa 1 số chất bổ dưỡng khác chẳng khác gì xây nhà cao tầng mà thiếu sắt thép, thiếu xi măng, thừa cát ở những vị trí, những lúc cơ thể cần những thứ đó.

Ở đây, chúng tôi phải nói đến 1 số kiến thức vô cùng cần thiết, hết sức quan trọng đối với cuộc đời mỗi người. Kiến thức về dinh dưỡng mới là 1 trong 12 loại kiến thức quan trọng nhất, mọi người cần phải biết. Trong 12 loại này, mỗi người mới được học 2 loại: kiến thức phổ thông và kiến thức nghề nghiệp. hai kiến thức này đứng ở bậc thang thứ 2 và thứ 3 trong 12 loại. Còn kiến thức số 1 (kiến thức về dinh dưỡng) và các kiến thức từ số 4 đến số 12, ai muốn học, đã có đủ tài liệu để học với giá rẻ không ngờ, chỉ bằng vài bát phở loại rẻ nhất. Điều quan trọng không phải là tiền mà là tri thức và ý chí. Bạn có muốn chống dốt cho bản thân và gia đình, con cháu bạn không? Bạn có biết tạo hạnh phúc, biết hưởng hạnh phúc, biết bảo vệ giữ gìn hạnh phúc không? Bạn có muốn sống đẹp những năm cuối đời không? Bạn có chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chết không? Cần nhắc lại: Không có căn bệnh nào đáng sợ hơn là bệnh dốt quá hóa ngu. Căn bệnh này đã có thuốc đặc trị miễn phí. Bạn có muốn chữa căn bệnh này cho bản thân và gia đình bạn không? Chúng tôi sẵn sàng giúp bạn tối đa nếu bạn MUỐN. Nếu bạn không muốn thì không ai có thể giúp bạn.

Chúc bạn và gia đình bạn sống cuộc đời đẹp nhất, có ý nghĩa nhất. Chúng tôi mong chờ điện thoại của bạn đọc nào MUỐN cho đời mình và con cháu mình có nhiều hạnh phúc, nhiều ý nghĩa cao đẹp nhất.

BÙI HỮU GIAO

QUY LUẬT DÒNG CHẢY

Thường thì người ta chỉ hay dùng cụm từ này để chỉ sự giao chuyển của sông ngòi kênh rạch biển khơi và cả tầng nước ngầm. Nhưng xét kỹ mọi góc độ của cuộc sống đều hiện rõ thứ quy luật này. Hãy thử đi từng phạm vi lĩnh vực xem sao nhé.

Lĩnh vực đầu tiên gần gũi hiện diện hàng ngày với tất cả mọi người.

Vật chất. Là tổng hợp mọi thứ đồ vật thiết yếu phục vụ cho nhu cầu đa thể cách của cuộc sống. “Vật chất không mất đi, nó chỉ thay đổi từ hình dạng công năng này sang hình dạng công năng khác”. Và chỉ hai từ “tái chế” đã cho ta thấy rõ tính quy luật dòng chảy của nó. Góc độ khác là sự lưu chuyển, các thứ đồ vật thường không ở quá lâu một chỗ hay một người, sự đào thải dưới mọi hình thức luôn diễn ra. “Cái cũ chưa đi thì cái mới chưa đến”. Tất cả mọi vật dụng luôn phải dời vị trí tùy theo khả năng điều kiện và cả tâm trạng của người dùng, tất yếu chúng luôn đi từ cao xuống thấp. Cho dù một vật nào đó có được yêu quý trân trọng về mặt giá trị tinh thần mà lưu giữ bao lâu đi nữa, thì chúng cũng không thể cưỡng lại dòng chảy thời gian.

Kế nữa là lĩnh vực tình cảm. “Nước mắt chảy xuôi”, tình cảm của người bậc trên trao cho người bậc dưới, cha mẹ và con cái, anh chị em, đồng nghiệp cũ mới, các thế hệ thầy cô và học trò… Gạt bỏ những góc độ bụi bặm khác, ở đây chỉ điểm đến những tình cảm ấm áp thuần khiết và chân thành. Luôn có sự dẫn dắt cưu mang rèn tập bảo bọc nâng đỡ, nếu chỉ có trách nhiệm mà không có một dòng chảy tình cảm dồi dào chan chứa thì hiệu quả và mối quan hệ không thể tốt và tồn tại lâu dài được. Mỗi người trong những cảnh huống tương tự được nhận từ người trước rồi mặc nhiên trao lại cho người sau. Dòng chảy này có thể cao trào sôi nổi, hiện hữu rõ rệt nhưng cũng có thể lặng thầm mà loang mà ngấm. Dù hình thái nào thì tất yếu vẫn luôn song hành với cuộc đời. Khi người biết yêu thương người có thể làm cho cuộc sống dịu đi, mềm đi và dễ chịu hơn. Như sự tuần hoàn của dòng máu ấm nóng cho cuộc đời vậy.

Văn hóa. Đây là một dòng chảy miên man không bao giờ ngừng nghỉ, suốt chiều dài lịch sử một dân tộc một đất nước, bất kỳ thời đại nào thì điều để nhận diện sắc thái một quốc gia thì đó là diện mạo văn hóa. Đời đời truyền nối, đời đời kế tục. Dòng chảy này có thể ví như một con sông nhiều nhánh, trong quá trình hành trạng qua những biến thiên sẽ có một số nhánh vơi đi, kiệt đi và sinh ra những nhánh mới khác. Nhưng không thay đổi và ảnh hưởng nhiều con sông chính. Dòng sông văn hóa này cũng có nhiều khúc đoạn trầm thăng, có khi lặng lờ có lúc sôi réo, cũng có lúc căng trào bung phá va đập dội ngược khi bị một tác động cụ thể nào đó, nếu tác động ấy có một chủ đích đúng đắn và cố ý, thì sẽ uốn nắn tạo cho làn sóng bung dội ấy một luồng chảy khác đẹp hơn, lành hơn, hợp lý hơn. Cũng không hiếm những nhánh chảy bị tù đọng cáu bẩn, có thể theo chiều dài cuộc sống sẽ có những tác lực tự nhiên khiến nó dần biến mất hoặc những chống lấn sẽ đưa nó vào một góc khuất rồi quên lãng.

Lòng tốt trao đi. Đây là một thứ dòng chảy mang tính mạch ngầm. Những lòng tốt thực sự cứ tùy nhiên trao đi mà không cầu nhận lại, và người được nhận lại tùy nhiên trao cho người khác, người khác, người khác nữa. Sự luân chuyển lòng tốt này ẩn hiện dưới muôn vạn hình trạng, không phải lúc nào cũng cụ thể một cách thực chứng, mà rất nhiều là sự gửi gắm đến một cái đích vô chung là: cộng đồng. Và sự trao chuyển này góp phần tạo nên những luồng lạch trải rộng rộng mãi. Thứ lòng tốt này không hề vướng vào cái lưới ám bụi của sự giả danh trá hình cho những mục đích không minh bạch. Vậy nên nó trở thành một thứ mạch ngầm trong khiết của giản đơn mà thẩm thấu trong cõi vô tận.

Còn ở một góc độ khác nữa, đó là những người có cách sống không thật, giả dối mưu mẹo thủ đoạn gạt lường, chỉ nhằm mục đích lợi mình mà hại người. Thì đây ví như một thứ dòng chảy cáu bẩn đầy rác rến, họ tuồn cái gì vào dòng chảy ấy thì họ lại buộc phải đón nhận những thứ tương tự mà dòng chảy ấy trả về. Bởi không có sự dối trá nào giấu giếm được mãi cả, bằng cách này cách khác nó luôn lộ ra tố ngược lại. Giả sử có suôn sẻ đôi lần cảm thấy đạt được ý định, thì thời đoạn đó cũng sẽ rất ngắn ngủi, khi bản chất thật không còn che giấu được nữa thì rõ ràng không dễ gì nhận được sự tương tác tốt lành. “Gieo nhân nào gặt quả ấy”. Đúng là rất nhiều khi ta thấy một số diễn biến đời sống ngược với những gì đạo lý răn dạy, rằng sao những người nọ kia sống tệ thế mà họ vẫn được này được khác. Những dòng chảy của quy luật đời sẽ đưa trả mọi thứ về sòng phẳng cả thôi. Không lúc này thì lúc khác, không hình thức này thì hình thức khác, nhiều khi sự trả giá không ở chính cá nhân người gây ra, mà hệ lụy rất sâu những người có liên quan mật thiết như ruột thịt. Chỉ có điều mỗi khi bản thân họ hay những người thân phải gặp điều tệ hại như một sự trả giá thì hầu hết họ đều không tự vấn lương tâm là đã do chính những hành vi bất thiện của họ đẩy đến, mà họ lại đổ tất cả cho những lý do khác. Để rồi càng ngày họ càng tự chìm xuống trong dòng chảy cáu bẩn đầy rác ấy.

Nhìn rộng ra xã hội, cái quy luật dòng chảy này hiện rõ nhất là tính đám đông tính phong trào. Bất kể hình thái nào rộ lên trong một thời điểm đều cuốn theo sự chú ý và tham gia của rất nhiều người. Nhất là những hình thái tiêu cực, là sự ảnh hưởng mạnh nhất đến thành phần đại chúng, có thể hình dung như một dòng nước lũ cứ cuốn ào ào mọi thứ, không để cho người ta kịp có thời gian suy ngẫm và cân nhắc. Tiêu cực này kéo theo bất hợp lý khác, lại làm nảy sinh vô số vấn đề mà chiều hướng ngày càng tệ hại hơn. Cho đến khi chạm ngưỡng bão hòa, thì dần dần mới dần lắng lại và tan đi, như thể một bình diện lũ ngập rồi rút dần đi vậy. Bất kỳ một thứ dòng chảy nào mà được kiểm soát, uốn nắn và điều tiết thì đương nhiên sẽ cho ra những hiệu quả chứng nghiệm hữu ích, ngược lại, chúng sẽ trở thành một thứ lực lượng ma quỷ cuốn phăng đi những giá trị thật sự tốt đẹp của cuộc sống, để rồi trơ lại những hoang tàn ghẻ lở nhếch nhác hư hỏng… Cũng như những thực tế đã diễn ra, cái xấu dễ lây nhiễm và sinh sôi mạnh gấp vạn lần cái tốt, những hành vi tồi tệ lại lây lan nhanh, người này làm được thì người kia cũng làm được, và cũng bởi hầu hết những cái xấu là phục vụ tức thời cho nhu cầu hưởng thụ của bản năng, đem lại cho con người sự hể hả thỏa mãn nhanh nhất, còn những cái tốt nếu con người muốn đạt được thì phải trải qua rất nhiều điều chỉnh rèn giũa gạn lọc và cả những bắt ép bản thân phải biết kỷ luật và từ bỏ, ví như muốn có dòng nước sạch thì phải qua cả một hệ thống nhiều tầng mới thanh lọc được vậy. Nhưng một khi đã thẩm thấu được, hành xử được bằng những phương thức tốt nhất phù hợp nhất và cho ra kết quả đẹp nhất, thì ví như con người ta đã quen được uống nước sạch, chạm phải vào những cáu bẩn dù chỉ vài lợn cợn, người ta cũng đã có một quán tính đẩy ngược ra. Đây chính là một hiệu ứng giáo dục cần thiết nhất, quan trọng nhất để tạo thành một thứ dòng chảy xanh mát trong lành. Không đâu xa, đa số dân ta biết ngưỡng mộ hệ thống và hiệu ứng đáng kể của những nền giáo dục như một vài quốc gia lân cận chẳng hạn, nhưng để kiến tạo và thanh lọc được cái dòng chảy giáo dục như của ta hiện thời thì cần nhiều lắm những hệ thống lọc liên quan nhiều góc độ khác nữa.

Một minh chứng rõ rệt nữa là sự giao thương lưu vận hàng hóa. “Đắt hàng tôi thì trôi hàng bà”. Đà kinh tế là một thứ dòng chảy liên kết và xuyên suốt các vùng miền các khu vực. Hoặc có thể bao gồm luôn là toàn cầu. Sự phát triển mạnh hay yếu, hoặc trì trệ thậm chí là khủng hoảng đều có ảnh hưởng và tác động cụ thể đến cả một dây chuyền đời sống. Như sông to nước lớn mùa mưa lũ, hay rỉ rén rỏ rẻ ngày khô hạn. Tất thảy đều có sự ăn nhập như một kiểu hợp lưu. Đôi khi chỉ cần ách tắc một điểm là đã có thể chi phối cả một hệ thống lưu vận.

Lại có một góc độ khác, ví dụ, có một động thái tích cực trong xã hội, lập tức nó được lan tỏa và gây được hiệu ứng tốt, khơi gợi kích hoạt dẫn dắt tác động và ảnh hưởng cho tâm thức số đông. Làm nảy sinh thêm những hành vi hành động thiện ích, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó có thể xem như những kênh rạch đưa nước vào ruộng đồng cho cây xanh là tốt quả ngọt vậy. Hay có những sự mất mát lớn nhỏ nào đó, vào lúc này hay lúc khác, cách này hay cách khác, thì xem như những sự bốc hơi của nước vào những ngày khô hạn và sẽ trở thành những giọt mưa để đền bù đáp trả lại bằng cách này hay cách khác.

Hay bàn rộng hơn về cõi nhân sinh. Cùng chung một thời khắc, nhưng nơi này tang tóc bi thương đau tiếc tiễn biệt một cuộc đời một linh hồn, thì nơi kia hồ hởi hân hoan đón chào một sinh linh bé bỏng. Nơi này đang lệ tràn cay đắng nhức nhối con tim vì sự chia xa đổ vỡ thì nơi kia hồng tươi rộn rã một hạnh phúc rỡ ràng. Mỗi một con người khi có mặt trong thế gian muôn sắc màu hình vẻ này đều mang theo một sứ mạng một trách vụ. Bất kể lành dữ thiện ác cũng đều là những phết phẩy đong đo những hình trạng cuộc sống. Lần lượt đều phải trải qua hầu hết những cung bậc thăng trầm hỉ nộ. Để rồi khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, chấm than cho một bản tổng kết thành bại hưng phế.

Như vậy, rất rõ là trong mọi hình thái điều vận của cuộc sống có những liên mạch dù ẩn dụ lộ, nên thường có một câu đúc kết mà người ta hay vận dụng “Cái gì cũng có nguyên do của nó”. Và đã là quy luật dòng chảy thì hầu như không có sự trở ngược, đã sai cái gì thì vẫn cứ phải tùy nhiên theo hướng của nó mà thuận hợp rồi điều chuyển, không thể nào trở lại thế ban đầu. Nhưng không hiếm những lúc dòng chảy phải uốn mình nhẹ nhàng qua một khe lạch nhỏ rồi bất thần được đà thốc ra sông rộng biển lớn. Cuộc sống là một chuỗi dây chuyển chuyển dịch, mang cái kia đi mang cái này đến, tương ứng những lợi hại vay trả hợp tan... Vì vậy nhân loại luôn là những biến động khôn cùng, và cho dù thời khắc diễn biến thế nào thì mỗi một vận mệnh đều phải trải qua nhiều nghiệt ngã và cũng được nhận một vài ưu đãi. Nếu thấu tận được tính quy luật này, thì chắc chắn con người ta sẽ bớt đi nhiều những cay nhức ta thán, mà biết củng cố một tinh thần sống vững vàng một bản lĩnh can trường để ứng đối với nhiều bất cập xảy đến. Khi bất kỳ một thứ gì có quý giá đến đâu mà mất đi, thì hãy hiểu đó là lằn ranh hữu hạn, và hãy kiên nhẫn xem sẽ có điều gì đang đến. Hoặc những hành vi dù thiện hay ác, tất yếu sẽ có những đáp trả, nên đừng vội mừng khi cơ hội chộp được những bất lương, và cũng đừng quá đau buồn khi bản thân bị lạm dụng. Mọi thứ đều là sự bồi hoàn hoán đổi, tuy không có cùng một công thức nhưng sự sòng phẳng thì rõ ràng là có đấy.

ĐÀM LAN

NGƯỜI CANH GIỮ ĐỀN THIÊNG

Trúc dẫn chúng tôi đến thăm má Sáu, người canh giữ đền thiêng. “Đền thiêng!” Hai tiếng gợi cho tôi hình ảnh một tòa nhà đồ sộ và cổ kính. Ở đó, những ô cửa sổ to lớn quanh năm đóng chặt. Nắng chui vào đền bằng khe hở từ mái vòm cao chót vót. Ánh sáng yếu ớt tựa như tấm voan mỏng mảnh căng rộng trên bệ thờ. Mấy chiếc bình hương nghi ngút khói đặt trước tượng thần uy nghi, trầm mặc. Giữa cảnh tĩnh lặng và huyền bí, người giữ đền thiêng như một vị thần sống đứng yên. Mái tóc bạc phơ búi gọn, tà áo dài trắng khẽ lay động. Thỉnh thoảng, bà đến trước bệ thờ cầm lấy nhang trầm thắp lên những đốm lửa nhỏ. Ánh sáng lập loè chẳng làm cho không gian bừng sáng mà chỉ gợi cảnh ảm đạm và nỗi buồn da diết lan tràn.

Tất cả những điều tôi tưởng tượng không có ở đây. “Đền thiêng” nầy chỉ là một mái lá xiêu vẹo, một căn nhà bình thường như bao nhiêu nhà khác trong vùng. Nhưng, trong gian trước, nổi bật nhất là cái bàn thờ. Nó được làm bằng gỗ quý. Trên nền gỗ màu nâu bóng, có cẩn những cánh sen nhỏ bằng xà cừ óng ánh sắc trắng hồng. Mấy đóa hoa gợi sự tinh khiết vô cùng và dáng vẻ giàu có trong mái lá đơn sơ. Năm tấm ảnh của bốn người con trai còn trẻ và một cô gái xinh đẹp được đặt trên bàn thờ ấy. Năm chiếc bình hương và mấy cặp nến hồng như đã xác minh rằng đó chính là những người đã hy sinh, đã trở thành liệt sĩ. Chính họ đã biến nơi tầm thường nầy thành đền thiêng, nơi thờ phụng những người đã dệt nên những trang lịch sử đấu tranh anh hùng, bất khuất.

Và, má Sáu, mẹ của những người con dũng cảm kia đang sống một mình trong mái lá ấy. Bà làm công việc có vẻ ngược đời là “Tre già phải khóc măng tàn”. Má Sáu đang ngồi trên chiếc chõng tre. Bà chăm chú luồn những cọng nan vào nhau, tạo nên những khoảng cách đều đặn của một mặt rổ. Thỉnh thoảng, má dừng lại, mắt liếc nhìn mấy bức ảnh, bà thở hắt ra rồi thẫn thờ trông về phía chân trời. Nơi đồng ruộng và bóng mây sát liền nhau như lưu luyến. Không có sợi khói nào bay trên những chiếc bình hương nhưng lúc bấy giờ, tôi biết, có những ngọn lửa cháy rực trong tim má và phản chiếu rõ rệt qua ánh mắt.

Năm đứa con lần lượt ra đi. Mỗi người tạo một cung cách hy sinh khác biệt. Dù vậy, với má, họ đều có giá trị như nhau, đều đem niềm tự hào về cho má. Bà chỉ tiếc một điều, bốn thằng con trai, một cô con gái chưa lập gia đình. Không ai để lại cho má mụn con nào. Nếu vậy, phải chi trong một trận đánh ác liệt má cũng hy sinh thì bây giờ má nghĩ mình đã nằm yên trên bàn thờ ấy cùng với các con. Biết đâu, cả gia đình sẽ sum họp ở một thế giới nào xa khuất.

Vừa trông thấy chúng tôi, má Sáu tươi cười:

- Trúc đó hả? Vào đây cháu! Đi đâu mà đông vui quá vầy nè?

Trúc chạy đến bên má, cô bé nũng nịu:

- Tụi con đến thăm má Sáu.

Má đi ra sau bếp. Một chốc, bà trở lại với dĩa khoai lang:

- Mấy con ăn đi! Khoai ngọt lắm!

Trúc liếng thoắng:

- Khoai má trồng phải không?

- Ờ! Ở không làm gì. Má trồng chút đỉnh để dành ăn vậy mà.

Đực chen vào:

- Má có một mình, trồng chi cho cực. Mua vài ký, ăn cả tuần không hết.

Trúc trừng mắt với Đực, cô bé lý sự:

- Nói bậy không hà! Khoai nè, ăn đi! Đừng nói nữa. Cái gì tự tay mình trồng vẫn quý hơn, ăn ngon hơn chứ!

- Trúc nói phải. Tôi thay lời Đực:

- Tụi con xin lỗi má Sáu.

Mỉm cười hiền hậu, má Sáu vuốt tóc tôi:

- Đâu có gì mà lỗi phải. Con là con của ai mà má không biết?

Trúc nhanh nhẩu giới thiệu:

- Bạn ấy là cháu nội của bà Hai Sang ở đầu xóm đó má. Ba má bạn làm việc trên tỉnh. Bạn ấy về đây nghỉ hè.

Má Sáu chợt thở dài buồn bã:

- Mấy con thật là sung sướng. Các con được đến trường, được học hành rồi lại được nghỉ hè. Ở đây, mấy đứa nhỏ con nhà nghèo có đứa chưa biết chữ. Đối với chúng, quanh năm chỉ có một mùa. Mùa hè, mùa vất vả! Suốt ngày, chúng cặm cụi ngoài đồng ruộng. Nắng chẻ đôi ngọn tóc, nhuộm đen màu da non của chúng. Con gái út của má hồi còn sống cũng khổ sở như vậy. Nhưng, được cái may là có “Anh Hai nằm vùng” về đây. Anh mở trường dạy học. Nói cho oai chứ trường chỉ là một cái chòi nằm sâu trong vườn bưởi. Lúc dạy, thầy phải ngụy trang bằng cuốc xẻng để hờ một bên. Trò ngồi học đặt chổi ky gần đó. Vừa có động, mạnh ai nấy tản đi. Thầy cuốc đất vun gốc bưởi, trò quét lá như trẻ làm thuê cho chủ vườn. Con Út nhà má theo học cho đến ngày anh Hai bị giặc bắt. Nó thường nói với má, khi hòa bình trở lại, nó sẽ học Đại học rồi làm cô giáo. Nhưng...

Má thút thít khóc, Trúc cũng sụt sùi theo. Đực ngửa mặt trông lên mái lá để giấu đôi mắt ướt. Còn tôi, lòng oằn nặng chua xót. Tôi nhìn ra cánh đồng lấp loáng nắng chiều. Lẫn trong màu lá thắm tươi thấp thoáng những chiếc bóng bé bỏng lom khom hái rau, bắt ốc. Có phải đó là những đứa trẻ má Sáu vừa nhắc tới? Chúng vẫn hồn nhiên sống trong quãng đời cơ cực tối tăm.

Chợt nghĩ ra một điều, tôi bảo Trúc:

- Trúc, hay tụi mình dạy cho mấy đứa nhỏ con nhà nghèo vùng này!

Trúc tròn mắt nhìn tôi:

- Ờ, nhưng Trúc đâu biết cách dạy. Từ nhỏ tới giờ, Trúc chỉ biết làm học trò thôi.

Tôi hăm hở bàn bạc:

- Để Nghị dạy cho, chỉ cần Trúc đi theo, cầm tay khi học trò của tụi mình tập viết.

Đực reo lên:

- Cho mình học với! Trúc cầm tay mình nghen!

Tôi và Trúc nhìn nhau. Chúng tôi nhận ra bạn bè mình có nhiều đứa chưa biết chữ. Trúc vui vẻ bảo:

- Ừ, nhưng nếu Đực không thuộc bài thì Trúc sẽ gõ đầu đó. À này, rồi ai sẽ đi chài cá cho má Đực. Ai cắm câu?

Đực ngẩn người khi nghe Trúc nhắc nhở.

Công việc xem ra không đơn giản chút nào. Muốn dạy ít nhất cũng phải chọn lựa giờ giấc thích hợp để việc học không ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của “Học trò”. Chưa kể phải có một chỗ nào đó để làm lớp học, phải có bàn ghế, phấn bảng, tập vở, sách v.v...

Tôi than thở:

- Nói thì dễ nhưng làm lại rất khó!

Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi, má Sáu nói, giọng quả quyết:

- Điều quan trọng là các con có chịu làm hay không cái đã? Có khó khăn nào mà không giải quyết được đâu. Các con cứ chuẩn bị tư thế dạy, còn mọi thứ để má lo.

***

Khi ra về, ông Bí thư xã trao chiếc chìa khóa cho má Sáu. Ông nói một câu tưởng như khách sáo nhưng chính xác vô cùng:

- Chị vẫn như xưa! Lúc nào cũng nghĩ tới người khác, sẵn sàng vì mọi người. Tôi phục chị lắm, chị Sáu!

Má Sáu nheo mắt, mỉm cười hiền hậu:

- Anh cũng vậy. Anh thấy được tất cả việc làm của người khác, trừ công lao của chính anh. Thật ra, tôi chỉ làm vui lòng tôi thôi. Khi nào không cần nữa, tôi sẽ trả nhà nầy lại cho xã.

Ông Bí thư cười xòa:

- Chị vẫn bướng bỉnh như ngày còn trẻ, chị Sáu à!

Ngôi nhà tình nghĩa mà nhân dân xã mới đây cho má Sáu không lớn lắm. Nhưng mái tôn, vách tường hẳn hoi. So với ngôi nhà má Sáu đang ở thì nó khang trang, đẹp đẽ và kiên cố hơn rất nhiều.

Thấy má sống cô quạnh trong mái lá lụp xụp bên một cánh đồng cuối xã, bà con xót dạ lắm. Họ đã cùng nhau đóng góp, xây dựng chỗ ở mới cho má. Mọi người mong sự quan tâm, chăm sóc sẽ an ủi và đáp lại phần nào sự hy sinh của má. Họ tin má sẽ vui biết bao khi thấy ngôi nhà mới.

Nào ngờ, má Sáu đi từ trước ra sau rồi từ sau ra trước. Bà đánh một vòng quanh sân, ngắm nghía, ngợi khen rồi bày tỏ quan điểm:

- Ngôi nhà này đẹp lắm! Chắc phải tốn nhiều tiền và công sức của bà con. Tôi cám ơn bà con và chính quyền đã hết lòng lo lắng cho tôi. Nhưng, tôi không thích rời xa mái lá của mình. Nơi mà từng chỗ trong đó hằn lại bao kỷ niệm về các con tôi. Ở nhà trước, trên cái chõng tre, đêm đêm, hai thằng con lớn nằm gác chân lên nhau ca vọng cổ. Hai thằng nhỏ lật đáy thau rồi dùng đũa đánh nhịp om sòm. Còn con Út, cứ đeo theo tôi, đòi nghe kể chuyện. Trong nhà bếp, mỗi ngày hai lần, cả nhà quây quần ăn cơm. Tiếng cười rộ từng hồi. Đến bây giờ, vẫn còn vang vọng trong lòng tôi. Rồi còn biết bao thứ khác, tầm thường mà quý giá, như cái giỏ đựng cá thằng Hai làm mới nửa chừng, chưa kịp đựng vật gì thì nó đã hy sinh. Mấy cái cần câu của thằng Ba, thằng Tư, quyển sách chánh trị của anh Hai “nằm vùng” tặng cho thằng Năm và... cái áo lót của con Út, tôi vẫn còn treo trên vách buồng của nó. Ôi, thương làm sao gương mặt thẹn thùng ửng đỏ của con Út khi ướm thử chiếc nịt vú đầu tiên. Lúc đó, tôi mới nhận ra nét dậy thì trên ngực, trên thịt da con gái. Niềm sung sướng được nhìn con khôn lớn, xinh đẹp kéo dài chẳng bao lâu thì nó đã ra đi. Tựa cửa sau, tôi có thể nhìn thấy vùng đất thấm đẫm máu và thịt xương con gái. Nó đã vĩnh viễn nằm lại ở đó... Cám ơn, cám ơn bà con nhiều lắm! Nhưng nếu thương yêu tôi, xin hãy để cho tôi ở lại ngôi nhà cũ, canh giữ kỷ niệm. Người già chỉ cần sống với quá khứ. Được như vậy là hạnh phúc rồi.

Ngày đó, ai có mặt cũng rơi nước mắt. Họ làm sao quên được sự hy sinh của người con gái còn rất trẻ ấy.

Hay tin giặc sắp mở trận càn quét bất ngờ, bà con trong xã vội tìm đường lánh nạn. Nhưng, một số người đang cấy lúa ngoài đồng không hay kịp. Họ chạy chưa được xa thì giặc đã kéo tới, tiếng súng dồn phía sau. Con gái Út của má Sáu có trong số người chậm chân ấy. Sau khi dặn dò mọi người chạy tới trước, theo con đường cũ, cô gái bỗng dưng băng ngang ruộng, vừa chạy vừa kêu to:

- Bà con ơi, chờ tôi với! Chờ tôi với, chờ... tôi...!

Ai cũng kinh ngạc trước hành động kỳ quặc ấy nhưng khi thấy bọn lính đổi hướng, đuổi theo cô gái, mọi người mới hiểu ra. Một tiếng nổ long trời. Cô gái và một số lính đi đầu tan thành từng mảnh vụn. Cô đã dẫn bọn chúng vào chỗ đặt mìn của du kích.

Người con cuối cùng của má Sáu đã hy sinh như thế. Đứng ở bậc thềm đất sau nhà má Sáu, người ta có thể trông thấy con đường ấy tựa như một tấm vải ngoằn ngoèo.

Và, ở đó có một cây dừa ngã nghiêng vì sức ép của trái mìn nổ chậm. Ai cũng tưởng nó sẽ đổ xuống rồi chết dần. Nhưng lạ làm sao, những tàu lá cũ héo tàn và chồi non lại trổ. Cây dừa hồi sinh trong tư thế ngộ nghĩnh. Hai phần ba thân nằm dài, nghiêng nghiêng như ngóc đầu, gượng dậy, xoè ngọn lên trời. Nếu ngày nào nó chợt đứng thẳng lên, có lẽ không cây dừa nào cao bằng nó. Cây dừa trở thành chứng nhân của chiến cuộc và làm dấu nơi người con gái đã bay lên rồi hòa tan vào đất.

Vậy là ngôi nhà tình nghĩa vẫn còn mới nguyên, không chủ. Ở vùng này, những người mẹ anh hùng khác đều đã lần lượt từ trần. Chỉ còn lại má Sáu. Dân trong xã không ai dám nhận món quà lớn dù má Sáu đã từ chối. Ngôi nhà buồn tủi đứng yên giữa lúc nơi nơi vui vẻ, nó kiên nhẫn chờ đợi.

Bây giờ, bỗng dưng má Sáu tìm đến gặp ông bí thư xã xin nhận căn nhà. Không phải để ở mà biến nó thành lớp học dành riêng cho trẻ em nhà nghèo, không có điều kiện đến trường. Sáng kiến tuyệt vời của má Sáu được nhân dân xã nhiệt tình ủng hộ. Không ai bảo ai, người biếu lớp học cái bàn, người cho vài chiếc ghế. Trường học trên huyện biết chuyện, Ban giám hiệu chở xuống tặng trường xã tấm bảng to. Chưa đầy một tuần lễ, ngôi nhà tình nghĩa đã mang dáng dấp của một lớp học tình thương. Và, không phải chỉ có tôi và Trúc xung phong làm giáo viên mà nhiều bạn trẻ khác cũng đến xin tham gia xóa dốt.

Ngày mai, giữa lúc ve còn kêu vang trên vòm lá, phượng nở đỏ trời, một lớp học lại khai giảng. Một ngôi trường có nội quy lạ lùng: Cổng mở rộng từ tờ mờ sáng đến tận khuya. Học trò giờ nào rảnh cứ đến. Thầy, cô giáo chỉ là bọn trẻ chúng tôi - những giáo viên nhỏ tuổi, không có lấy một tờ giấy chứng nhận khả năng sư phạm nào mà chỉ mang theo những trái tim yêu thương và rực lửa nhiệt tình khi bước lên bục giảng.

NGUYỄN THỊ MÂY

MỤC LỤC

Vài chi tiết về kỳ họp ngày 16.02.2019 .. Vũ Thư Hữu . 01

Vài chi tiết về một tân quý thư thứ thiệt .... Vũ Anh Tuấn . 05

Những suy nghĩ vẩn vơ (tập 1 - tt & hết) ... Lm. Giuse Ng.H.Triết . 07

Khi những người chưa hiểu hết Đạo Phật

mà lại đi truyền đạo (tt & hết) Tâm Nguyện 11

Bông hoa trên mặt đất ....... Thúy Toàn dịch .. 20

Uống rượu mừng xuân ............. Phạm Vũ . 28

Tình đất ...................... Nguyễn Văn Sâm .. 33

Bách khoa từ điển thế giới đã được 240 năm Đào Minh Diệu Xuân st. 46

Cạm bẫy trên mạng ................. Tâm Nguyện . 52

Lễ đầu tiên giỗ cụ Tiên Điền năm 1924 ..... Lệ Ngọc st. .. 63

Thì xuân vẫn cứ xuân thôi (thơ) ...... Đàm Lan . 68

Nàng xuân lộng lẫy (thơ) ....... Phạm Thị Minh-Hưng .. 69

Gọi tên bốn mùa (thơ) ....... Phạm Thị Minh-Hưng .. 70

Hoa Quỳnh 1 (thơ) ......... Ngàn Phương .. 71

Vùng trời bình yên (thơ) ....... Huỳnh Thiên Kim Bội .. 72

Ngày Thơ Việt Nam (thơ) ............ Thanh Vĩnh .. 73

Chào mừng Valentine (thơ) ......... Thanh Vĩnh .. 74

Khác nào đại gia - Giọt nước & biển (thơ) ....... Lê Minh Chử .. 75

Hoa Quỳnh - Trách mái tóc nào (thơ) .... Lang Nguyên .. 76

Mộng ngày xuân - Rằm Nguyên tiêu (thơ) ...... Thanh Châu .. 77

Nhớ về Định Yên (thơ) ................. Hoài Ly .. 78

Ngậm ngùi cuối năm (thơ) ........... Tâm Nguyện . 79

Vào xuân - Heo (thơ) ....... Quang Bỉnh .. 80

Màu tình yêu - Tình đẹp - Mít Láng Le (thơ) .... Thanh Phong .. 81

Xuân ca (thơ) ................ Thiếu Khanh .. 82

Mùa xuân theo bước em đi - Nắng & hoa (thơ) Lê Nguyên . 83

Tết Việt Nam - Hoa Mai (thơ) ........ Nhựt Thanh .. 84

Một năm cách biệt (thơ) ....... Vũ Thùy Hương . 85

Bóng thức (thơ) ............ Nguyễn Tấn Thái .. 86

Chúc tết Kỷ Hợi 2019 (thơ) .......... Phùng Chí Tâm .. 86

Khai bút (thơ) ............. Lam Trần .. 87

Tình thương (họa thơ) - Mạch sống (thơ) ...... Phước Hải .. 88

Giao thừa (thơ) .................. Vũ Đình Huy .. 89

New Year’s eve (thơ) ............ Vũ Anh Tuấn dịch .. 90

Sông trăng (thơ) ................. Vũ Đình Huy .. 91

Moon river (thơ) ............... Vũ Anh Tuấn dịch .. 91

So sánh văn chương Truyện Kiều

với văn chương Pháp . Hoàng Kim Thư st. .. 92

Nhìn thấy được .............. Lam Trần .. 99

Hạ Long .......................... Bùi Đẹp st. 102

Câu chuyện ngắm tranh .......... Đỗ Thiên Thư st. 105

Triết lý Bánh Chưng Tết Việt .. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã 108

Tết của Ta không phải Tết của Tàu .... Hoàng Chúc st. 111

Hình ảnh Tết Việt Nam ........... Phạm Hiếu Nghĩa 114

Sự khác biệt giữa thông minh & trí tuệ .......... Kim Sơn st. 116

Lời ngỏ .............. Lm. Giuse Ng.H.Triết 118

Khỏe răng nhờ… thức ăn .......... Phùng Chí Tâm st. 119

Đọc sách giùm bạn: Tùy bút (Phạm Vũ) . Hà Mạnh Đoàn 120

Thế giới âm cõi vô hình ................ Dương Tiến Cần 123

Bí quyết 60 năm không nằm viện 1 ngày .... Bùi Hữu Giao 125

Quy luật dòng chảy ................ Đàm Lan 130

Người canh giữ đền thiêng .......... Nguyễn Thị Mây 136

|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
 156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
 161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
 171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
 176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
|  156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
|  161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
|  171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
|  176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
Netadong.com thiết kế