Hiện có 5 người xem / 2348027 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY 08/05/2021

CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY

Thưa tất cả các quý bạn thành viên CLB và quý độc giả trong nước cũng như ở ngoài nước, Trước khi nói về cuộc họp, tôi xin có một chuyện nhỏ muốn trình bày với quý bạn như sau:”Số Bản Tin trước số này là số 176 của tháng 4 năm 2021, tuy nhiên do có dịch bệnh Covid 19 và chuyện giãn cách trong 6 tháng nay, CLB của chúng tôi đành phải hủy bỏ các cuộc họp và không có Bản Tin trong suốt thời gian đó. Nay để cho số Bản Tin của chúng tôi luôn được liên tục, số 177 của chúng tôi đành phải là của tháng 11 năm 2021 mong quý độc giả hiểu và thông cảm.”

CUỘC HỌP NGÀY 8/5/2021

Cuộc họp ngày hôm nay, 8/5/2021, có hai vị khách mới là quý anh chị Dương Ngọc Lạc và Lê Thị Diên Anh, và hai vị đã được dành vài phút để tự giới thiệu với các thành viên. Sau đó, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai tân quý thư ông mới có, một cuốn bằng tiếng Việt và một cuốn bằng tiếng Anh. Cuốn bằng tiếng Anh mang tựa để là “100 BIẾN CỐ LỚN ĐÃ LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI” (100 GREAT EVENTS THAT CHANGED THE WORLD), và là một cuốn sách của John Canning, một tác giả Mỹ, được xuất bản 56 năm trước. Cuốn sách dày 672 trang viết vế 100 biến cố lớn đã làm thay đổi thế giới của chúng ta từ thượng cổ tới khi sách được xuất bản. Mỗi biến cố lớn đó được mô tả thật kỹ càng và được minh họa bằng rất nhiều hình ảnh tư liệu thực tuyệt vời cho những ai muốn luôn mở mang kiến thức. Khi cưỡi ngựa xem hoa dịch giả Vũ Anh Tuấn đã thấy một vài thí dụ như sau: Biến cố liên quan tới sự trỗi dậy của thành Rome và Jules César - Cuộc Đại Cách Mạng Pháp - Nhật – Nga chiến kỷ Nhật thắng Nga, đó là một vài biến cố thuộc lãnh vực chính trị, ngoài ra còn có cả các biến cố thuộc các lãnh vực khác như Việc tìm ra thuốc Penicillin - Việc phát minh ra máy ảnh - Chuyến bay đầu tiên lên vũ trụ vv… Ngoài ra ông còn thấy là người ký tên John Canning chỉ là người đã sưu tầm và cho in 100 biến cố lớn đó của 100 tác giả khác nhau phần lớn là các văn nhân, nhà xã hội hoc, nhà sử học vv… Thật là cả một kho tài liệu cực kỳ hấp dẫn. Cuốn sách bằng tiếng Việt mang tựa để là “Đống rác cũ” của nhà văn tiền chiến nổi tiếng Nguyễn Công Hoan, gồm 4 cuốn được đóng chung vào làm một và dày hơn 1000 trang. Tác phầm này được nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan, qua bút pháp phê phán và hiện thực, viết về xã hội và con người thời kỳ vài chục năm trước năm 1963 là năm tác phẩm được hoàn tất, và khi in thì hình như có gặp khó khăn thì phải. Cuốn sách là cả một kho tài liệu về các cách làm giàu của quý ông quý bà rất bị ít lương thiện, và mô tả đủ thứ hoàn cảnh của cả người lành lẫn kẻ ác, rất ư là hấp dẫn, nên nay mua được trọn bộ dịch già Vũ Anh Tuấn thích lắm và mang tới CLB để khoe với các thành viên.

Sau khi dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu hai tân quý thư xong, anh Nhung lên ngâm tặng các thành viên bài thơ Yên Tử. Tiếp lời anh Nhung, anh Phước Hải lên ngâm tặng các thành viên hai bài thơ về đề tài “Cũng phải già”. Anh Phước Hải ngâm thơ xong, vị khách mới Diên Anh lên hát tặng các thành viên một đoạn trong bài hát nói về Chiến Thắng Đức bằng tiếng Nga. Vị khách mới hát xong, anh Phạm Vũ đăng đàn nói về hai nhạc sĩ thọ 100 tuổi – Nguyễn Thiện Tơ tác giả bài Người Hà Tiên và Xuân Tiên, tác giả bài Hận Đồ Bàn. Sau anh Phạm Vũ, anh Thái Sơn lên hát tặng các thành viên một bài hát nói về Chiến Thắng Phát xít. Tiếp lời anh Thái Sơn, Thùy Mai lên hát bài Ngôi sao tan chiều.

Thùy Mai hát xong, Thùy Hương lên hát tặng các thành viên hai bài Nỗi niềm và Vọng về quê cũ. Sau Thùy Hương, anh Kim Long lên ngâm tặng các thành viên bài Tương tư sầu và hát bài Khi đã yêu. Anh Kim Long hát xong, Thùy Mai, bạn của Thùy Hương lên hát bài Buồn tàn thu của Văn Cao. Tiếp lời Thùy Mai, Hoài Ly lên ngâm bài thơ “73”. Hoài Ly ngâm thơ xong, anh Phùng Chí Tâm lên hát tặng các thành viên bài Thời thanh niên xôi nổi. Sau anh Phùng Chí Tâm,anh Nhựt Thanh lên nói về “Phong tục thờ cúng thòi xa xưa và vài đề tài ngắn khác. Tiếp lời anh Nhựt Thanh, Lệ Ngọc lên hát tặng các thành viên bài Điệu buồn dang dở. Lệ Ngọc hát xong, anh Hùng lên hát bài hát vui tiếng Pháp “Vive l’amour” có pha tiếng Anh và nói ngắn về sức khỏe. Sau anh Hùng, anh Thanh Vĩnh lên nói qua về ngày 30 tháng Tư – ngày Giải Phóng cùng vài ngày lễ khác, và nói về Bài ca đất nước. Anh Thanh Vĩnh nói xong, chị Diệu lên hát tặng các thành viên bài Tình Mẹ bao dung. Sau chị Diệu, Ngàn Phương lên nhờ anh Duy Hà ngâm hộ bài thơ Duyên Thơ. Sau khi ngâm hộ Ngàn Phương bài thơ, anh Duy Hà hát một bài của Lam Phương. Cuối cùng Tuyết lên hát tặng các thành viên bài “Em còn nhớ hay em đã quên” và cuộc họp kết thúc lúc 11 giờ 30 cùng ngày.

Vũ Thư Hữu



MỘT CHUYỆN VUI VUI

TRONG NHỮNG NGÀY CÔ VỊT CÔ GÀ CHẾT TIỆT

Là người luôn tự xu tự hào nhất, vì là cho tới ngay giờ phút này, đang được hưởng 50 năm tự do tuyệt vời (và còn đang được hưởng tiếp)không hề bị một sự cương tỏa nào, vì đơn giản là mình chỉ phải làm cho chính mình trong suốt 50 năm nay. Mới đây mình hơi bị buồn một thời gian mấy tháng giãn cách, nhưng rồi sau khi biết suy nghĩ là cả thế giới bị, chứ có phải chỉ mình mình bị đâu nên đang stop buồn, thì may thay lại gặp câu chuyện vui vui nhỏ mà hôm nay mình xin chia sẻ với tất cả các quý bạn ở khắp nơi!

Câu chuyện như sau: 19 năm trước vào năm 2002, mình được một bà bạn ở Mỹ về tặng cho cuốn Catalogue thứ 29 ( mùa Thu năm 2001) của nhà sách Paragon Book ở Chicago bên Mỹ. Là người chơi sách hơi bị kỳ cựu, mình rất biết cuốn Catalogue chuyên nói tới sách nghệ thuật và văn học châu Á của nhà sách rất kỳ cựu này, cuốn nào cũng trên 400 trang và chủ yếu là về China vì chủ nhân là người
Trung Quốc chung với đối tác người Mỹ thì phải (điều này mình không dám chắc) nên không dám xác nhận. Nhưng Catalogue của họ thì hà cớ gì mình phải thích và vì sao bà bạn lại tặng? Đơn giản là vì bà bạn tìm thấy trong phần nói về Việt Nam ta, có một tác phẩm dịch thuật của mình được nói tới, và có ghi cả giá bán. Điều này làm mình rất thích, và ngay sau khi nhận được đã ghi vào trang bìa dòng chữ “Xem về cuốn sách dịch của ông Tuấn nơi trang 422”. Đó là cuốn “Hiểu biết về Việt Nam” (Connaissance du Vietnam) cùa hai đồng tác giả là cố Thiếu Tướng Quân Y Huard và GS Maurice Durand. Nhóm thuê mình dịch lúc đó là nhóm thương gia chứ không phải văn nhân nên đã nhờ mình đổi tựa đề Hiểu Biết về Việt Nam thành Việt Nam, Văn Minh và Văn Hóa (Vietnam Civilization and Culture), về phần mình thì mình chịu đổi, nhưng đã cẩn thận ghi ngay dưới tựa đề mới dòng chữ “English version of the work entitled Connaissance du Vietnam by Pierre Huard and Maurice Durand” (Bản tiếng Anh của tác phẩm nhan đề là Hiểu Biết về Việt Nam của các tác giả Pierre Huard và Maurice Durand). Thế rồi khi dịch xong, nhóm này cũng không chịu liên lạc với Trường Viễn Đông Bác Cổ để trả tiền bản quyền, nên mình đã không chịu cho ký tên mình, và để họ ký tên con gái mình sống ở Mỹ là Vũ Thiên Kim, nhưng mọi người ở Sài Gòn thì ai cũng biết người dịch là mình.

Thấy cuốn sách được nhắc tới trong cuốn Catalogue của nhà sách lớn này mình cũng cảm thấy thích thích, và khi thấy giá tiền còn mấy cents là 40US mình cũng thích khi lúc mới in ra ở Việt Nam, giá tiền chỉ là 72 ngàn VND. Cuốn sách ở với mình được 15 năm, tới năm 2017, lại cũng một bà bạn khác một hôm lại xin mượn mình cho ông xã bà xem vì ông cũng có một tác phẩm được nhắc tới trong cuốn Catalogue này. Nhưng, cho bà này mượn hôm trước thì hôm sau mình nhận được tin buồn là bà trên đường về bị giật mất cái sắc trong có đựng cuốn sách. Bà xin lỗi rối rít và xin đền tiền, nhưng ai mà … thèm lấy tiền của quý bà, nhất là những quý bà bảo tích phương (beautiful)! Mình buồn mất mấy ngày rồi quên cuốn Catalogue này luôn … cho tới trưa ngày hôm kia thứ năm mùng bốn, mình tình cờ ghé qua tiệm sách cũ trước cửa và thấy cuốn sách với mấy chữ viết trên bìa khi trước đã mờ phai… và mình vui như kiếm được một kim thư (sách bằng vàng) khi chỉ phải trả có 50 đô mít (Annamese dollar) để… châu về Hợp Phố!

Trích “Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI”

Vũ Anh Tuấn


LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

(tiếp theo số 176)

BÀI 14:

THÁNH TÔMA AQUINÔ

(1225 - 1274)

VÀ PHONG TRÀO ĐẠI HỌC

NỀN HỌC VẤN THỜI TRUNG CỔ

Vào thời Trung Cổ, giữa những biến động không ngừng về chính trị và xã hội, nền học vấn vẫn được Giáo Hội đẩy mạnh. Hầu như mọi giáo xứ, mọi tu viện và mọi giáo phận đều mở trường dạy học, đặc biệt là những trường dành để đào tạo giáo sĩ.

Tại các trường này, tài liệu giảng day, thường trích từ Thánh Kinh và từ tác phẩm của các nhà Thần Học Công Giáo, được gọi là các Giáo Phụ.

Xét về mặt tư tưởng, nền Thần Học Kitô Giáo còn được phong phú hóa nhờ sự tiếp xúc với tư tưởng Đông Phương qua các cuộc viễn chinh của Đạo Binh Thánh Giá và qua tác phẩm của các triết gia Hy-Lạp, đặc biệt là Aristốt, mà người ta biết được qua các bản dịch bằng tiếng Á-Rập.

Với những hiểu biết dựa trên Thánh Kinh, trên tư tưởng Đông Phương và cổ Hy Lạp, người ta tìm cách lý luận và hệ thống hóa đức tin Kitô Giáo.

Về phương pháp giảng dạy, các môn thần học và triết học thường được trình bày theo một kiểu mẩu đặc biệt:

Trong Thần học, người ta đặt ra những vấn đề lớn. Các vấn đề lớn lại được chia ra thành nhiều vấn đề nhỏ, được trình bày dưới dạng các câu hỏi. Để trả lời, người ta trưng ra những lý chứng nghịch, kế đó trưng ra những lý chứng thuận rút ra từ Thánh Kinh, từ các văn kiện Công Đồng và tác phẩm của các Giáo Phụ, để cuối cùng, đi đến những kết luận được xem là chân lý đức tin. Phương pháp này chủ yếu dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền. Đây là phương pháp giảng dạy phổ biến nhất, được gọi là phương pháp “KINH VIỆN” hay phương pháp “DẠY Ở NHÀ TRƯỜNG” (scolastique).

II. CÁC ĐẠI HỌC CÔNG GIÁO

Cùng với các thánh đường nguy nga lộng lẫy, các trường Đại Học là niềm hãnh diện của Kitô Giáo thời Trung Cổ. Vì quan niệm việc học là cần thiết cho sự phát triển của đức tin, nên các Đức Giáo Hoàng tích cực nâng đỡ các trường và nhất là các Đại Học. Tại Âu Châu hồi đó có nhiều Đại Học danh tiếng như Đại Học Paris (Pháp), Bôlônha (Ý), Salamanca (Tây Ban Nha), Oxford và Cambridge (Anh).

Trong số các Đại Học này, Đại Học Paris là Đại Học được biết đến nhiều nhất. Đại Học này do Linh Muc Robert de Sorbon sáng lập, nên người đời sau gọi là Đại Học Sorbonne. Nơi đây qui tụ nhiều vị giáo sư danh tiếng như Abêla, Phêrô Lombacđô, Tôma Aquinô, Bônaventura… Số sinh viên theo học tại Đại Học Paris lên tới bốn ngàn người, trong lúc dân số Paris hồi đó chỉ có trên dưới năm mươi ngàn người.

Trong các Đại Học, những bộ môn chính được giảng dạy là thần học, triết học, luật học, y học và toán học. Ngôn ngữ dùng để giảng dạy là tiếng La-tinh, ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội thời bấy giờ. Trong số các môn học, thì thần học và triết học được xem là quan trọng nhất. Ngoài ra triết học còn được xem là cánh tay phải, yểm trợ đắc lực cho thần học.

III. THÁNH TÔMA AQUINÔ

Thánh Tôma Aquinô là nhà trí thức và là ngôi sao sáng của thời Trung Cổ. Tôma sinh năm 1225 tại thành Napoli, nước Ý, trong một gia đình quí tộc thuộc dòng dõi Aquinô. Ngay từ lúc còn nhỏ, Tôma đã được các Linh Mục dòng Biển Đức giáo dục. Tôma có tiếng là một học sinh xuất sắc và có một nếp sống đạo đức gương mẫu. Bước vào tuổi trưởng thành, Tôma có ý định gia nhập Dòng Đa Minh. Bị gia đình cực lực phản đối, thậm chí dùng tới cả vũ lực và mỹ nhân kế để ngăn cản, Tôma vẫn kiên trì và cuối cùng Ngài đã trở thành tu sĩ Dòng Thuyết Giáo. Ngài được bề trên cho theo học tại các Đại Học Bôlônha, Paris và Côlônha. Tại Đại Học Côlônha, Tôma đã may mắn được vị giáo sư tài đức là thánh Albertô Cả dìu dắt.

Tôma Aquinô rất ít nói, vì thế các bạn đồng khóa tặng cho Ngài cái biệt hiệu là “Con bò câm”. Không ngờ, “Con bò câm” ấy lại là một nhân vật lỗi lạc. Mới 25 tuổi, Ngài đã là giảng sư tại Đại Học Paris và từ đó, Ngài vừa là giáo sư vừa là văn sĩ lại vừa là cố vấn thần học cho các Đức Giáo Hoàng. Ngài đã viết nhiều tác phẩm và tác phẩm nào cũng mang tính cách độc đáo của một thiên tài. Nổi tiếng nhất là bộ “Tổng Luận Thần Học”, gồm 23 pho sách, được viết trong chín năm trời. Ngài qua đời năm 1274, trên đường đi dự Công Đồng Chung tại Lyon, lúc mới 50 tuổi.

TỔNG LUẬN THẦN HỌClà một công trình nghiên cứu vĩ đại, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Được soạn thảo dưới hình thức hỏi đáp. Tổng Luận là tác phẩm hoàn hảo cả về hai phương diện phân tích và tổng hợp.

Trong tác phẩm này, Thánh Thomas muốn chứng minh Thiên Chúa là Đấng duy nhất, Chúa Tể Càn Khôn, là Đấng toàn thiện, và con người là một thụ tạo vừa thiện vừa ác, phải có ơn của Thiên Chúa mới làm được điều thiện mà mình mong ước. Đối với Ngài, Thiên Chúa mở ra một con đường, để đưa con người tội lỗi trở về với Ngài qua Đức Kitô.

Ta có thể nói rằng, trong Tổng Luận Thần Học, Thánh Tôma đã đề cập đến các vấn đề lớn như : Thiên Chúa, Tri thức, Tự do, Tự nhiên và Siêu nhiên. Đây là một công trình tổng hợp của tư tưởng Kitô Giáo hồi đó.

IV. HỌC THUYẾT CỦA TÔMA (THOMISME)

Người đời sau, khi nghiên cứu các tác phẩm triết học và thần học của thánh Tôma đã rút ra được một học thuyết gọi là học thuyết Tôma (Thomisme). Trong học thuyết này, ta thấy xuất hiện rõ nét nền triết học cổ Hy Lạp, đặc biệt là của triết gia Aristốt. Chính Tôma đã nghiên cứu cặn kẽ toàn thể các tác phẩm của Aristốt mà Ngài cảm phục cách lý luận sắc bén và phương pháp thực nghiệm. Tôma chủ trương đem triết học Aristốt phục vụ Kitô Giáo. Theo Ngài, học thuyết Aristốt chẳng những không làm mất giá trị thần học Công Giáo mà trái lại có khả năng cung cấp những lý chứng vững chắc cho nền thần học này. Tôma đã có công lớn trong việc phân biệt hai lãnh vực lý trí và đức tin. Ngài chứng minh rằng hai lĩnh vực này không đối đầu nhau mà trái lại bổ túc cho nhau. Ngày nay, khi nói đến học thuyết Tôma, ta luôn thấy hiện ra hình ảnh một kim tự tháp cao vời vợi: chân tháp đứng vững trên mảnh đất của thực tại còn đỉnh tháp lại chìm sâu trong cõi vô hình.

V. ẢNH HƯỞNG CỦA TÔMA

Tôma không phải là người không bị chống đối. Ngay từ thời của ngài, đã có những người chống lại học thuyết Tôma như Đức Giám Mục Paris, Đức Tổng Gíam Mục ở Cantorbéry và nhất là nhà thần học Phan Sinh Đuns Scốt. Dẫu vậy, học thuyết Tôma vẫn gây được ảnh hưởng lớn không những trong nền thần học và triết học Kitô giáo mà cả trong nhiều môn học khác. Ngày nay, các tác phẩm thần học và triết học kitô giáo, các thông điệp của các Đức Giáo Hoàng, ngay cả các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II, đều nhan nhãn những lời trích dẫn từ bộ “Tổng Luận Thần Học” của thánh Tôma. Ngoài ra, một số các môn học được giảng dạy tại các Đại Học hiện nay vẫn còn giữ lại một số tư tưởng của Thánh Tôma : môn Luật Học với quan niệm về quyền bính và quyền tư hữu, khoa Kinh Tế Học với quan niệm về giá cả và sự công bình, môn Xã Hội Học với quan niệm về chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh không chính nghĩa. Nếu như Đức Giáo Hoàng Lêô 13, năm 1880, đã chọn thánh Tôma làm bổn mạng các Đại Học, các Hàn Lâm Viện, các trường trung, tiểu học Công Giáo, chắc hẳn sự chọn lựa này hoàn toàn có lý.

Bài đọc thêm

ARISTỐT VÀ TƯ TƯỞNG KINH VIỆN

Aristốt là một trong những triết gia lớn của nước Hy Lạp cổ đại (384-322 trước Chúa Giêsu). Với khối óc đa diện, Ông nhận thấy môn Triết Học là môn tổng hợp được mọi kiến thức của con người cách có hệ thống. Các tác phẩm của ông vừa bao trùm lĩnh vực Luận Lý Học mà ông cho đó là môn học giúp người ta nghiên cứu tốt nhất, vừa bao trùm lĩnh vực các khoa học tự nhiên mà ông gọi là Vật Lý Học. Môn học này giúp người ta đạt tới lãnh vực Siêu Vật Lý Học, còn gọi là Siêu Hình Học (siêu vì nó ở bên trên hoặc ở phía sau). Siêu Vật Lý Học hay Siêu Hình Học sẽ giúp con người tìm được nguồn gốc của mọi vật qua việc tra cứu nguyên nhân khởi thủy. Quan niệm trên đây của Aristốt phát xuất từ cái nhìn của Ông về luân lý và chính trị.

Điểm đặc biệt của tư tưởng Aristốt là tính duy lý. Theo Ông cái gì cũng có lý của nó và muôn vật đều được cấu tạo để nhắm tới đích cuối cùng là sự hoàn thiện. Tất cả mọi sinh vật đều được sắp xếp theo một hệ thống trong đó con người do có lý trí mà được đặt ở đỉnh cao nhất. Aristốt nhận thấy mọi vật trong thiên nhiên đều thay đổi. Từ đó Ông đi tới quan niệm về một động cơ đầu tiên, động cơ ấy ta không thấy được mà chỉ thấy cái hoạt động của động cơ đó.

Vào thế kỷ 11, các tác phẩm về Luận Lý Học của Aristốt là phần duy nhất trong các tác phẩm của Ông được biết tới (mà lại chỉ biết một cách gián tiếp thôi). Các tác phẩm Luận Lý Học đã ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các cấu trúc tri thức của thời Trung Cổ do việc sử dụng phương pháp biện chứng luận làm phương tiện để có thêm hiểu biết. Kế đó, người ta đã tìm lại được toàn bộ tác phẩm của Aristốt, nhất là các tác phẩm Siêu Hình Học. Các tác phẩm này đã cung cấp cho trường phái Tôma những dữ liệu để xây dựng một nền thần học rộng lớn trong đó Đức Tin và lý trí liên kết với nhau một cách hài hòa.

Trên thực tế thuyết duy lý của Aristốt đã khơi dậy nhiều phản ứng khác nhau trong triết học và thần học thời Trung Cổ. Trước hết là khuynh hướng tư tưởng của trường phái thánh Tôma Aquinô, sử dụng hệ thống tư tưởng của Aristốt, để chứng minh những gì phù hợp với lời mặc khải. Kế đó là một khuynh hướng chống lại, chủ yếu phát xuất từ các tu sĩ Phan Sinh, thấm nhuần tinh thần triết học Plato, theo sau truyền thống của các Giáo Phụ Hy Lạp theo trường phái Alexandria và của Thánh Augustinô. Lại còn có một khuynh hướng ngược lại nữa. Khuynh hướng này chủ trương theo thuyết duy lý của Aristốt tới cùng, nên đã đi tới chỗ tách rời Đức Tin và lý trí. Những người chống lại tư tưởng thánh Tôma lại có thêm nhiều lý chứng để giữ vững lập trường của mình .

(Theo Théo, tr. 367 a,b,c)

(còn tiếp)
Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm
Giuse Nguyễn Hữu Triết


Ý NGHĨA CỦA DANH DỰ

Lịch sử của “Đấu tay đôi để phục hồi Danh dự”

(Vũ Thái)

Tháng 11, tòa báo tổ chức cuộc thi “Người Thầy Danh Dự”, nhằm tôn vinh những thầy cô vĩ đại nhất trên cả nước. Chưa bao giờ có cuộc thi lớn như vậy, mọi ngóc ngách của hàng chục nghìn trường lớp đều xôn xao. Người ta ví von, giải thưởng về người Thầy mà đình đám cứ như giải Oscar ở xứ Hoa Kỳ.

Đến đầu tháng 1, sau sự làm việc hăng hái của hội-đồng xét giải, 3 người thầy đã lọt vào danh sách cuối cùng. Ba vị này, toàn các vị đã trên 50 tuổi. Vị thì đầu bạc, vị bạc một nửa, và vị thì không có tóc mà bạc.

Cô phóng viên rất thích chủ-đề này nên định tới phỏng vấn cả 3 người...

Vị giáo sư đầu tiên hẹn cô tại một Quán café sang trọng. Ông mặc bộ vest hợp thời, may rất khéo, bộ râu tỉa kỹ, và chiếc kính hàng hiệu tôn lên ánh mắt trầm tĩnh sâu thẳm của ông.

Cô phóng viên bị ấn tượng mạnh bởi một người đàn ông trung niên và lịch lãm như vậy. Sau màn chào hỏi, họ bắt đầu bài phỏng vấn:

- Thưa Giáo sư, danh dự có ý nghĩa gì với ông?

- Cuộc đời tôi, danh dự là quan trọng nhất. Tôi có thể mất mọi thứ, nhưng không bao giờ để mất danh dự cả.

- Giáo sư có bao giờ thất hứa?

- Tôi đã vài lần thất hứa khi còn trẻ, và người ta bắt đầu bàn tán xôn xao. Tôi cảm thấy rất khó chịu việc người khác cứ nói xấu sau lưng mình. Từ đó, tôi quyết không bao giờ thất hứa.

- Với Giáo sư, giờ giấc có quan trọng?

- Tôi không bao giờ đến muộn trong gần 30 năm nay. Và tôi cũng không ngày nào nghỉ làm cả. Công việc với tôi là một niềm vui thú.

- Ông có được nhiều đồng nghiệp, sinh viên yêu quý?

- Tất nhiên, đó là tất cả những gì ý nghĩa với tôi (ông vừa nói, vừa cười đầy tự hào).

- Cuộc trò chuyện kéo dài một tiếng. Cô phóng viên rất hài lòng. Lần đầu tiên trong đời cô gặp một người Thầy mực thước như vậy. Gần ông, cô cảm giác rất ấm áp, được che chở, được quan tâm, được lắng nghe. Những ai được học ông quả thực là may mắn.

*Vị Giáo-sư thứ hai hẹn gặp cô tại trường học. Khi cô đến, ông đang giảng bài cho sinh viên, nên cô được mời tham gia lớp học luôn. Cô phóng viên xin phép rằng liệu giáo sư có thể giảng về danh dự được không? Ông cười hiền và đồng ý.

Giáo sư yêu cầu cả lớp, mỗi người cầm lên một vật có ý nghĩa với mình nhất bây giờ, đứng dậy và giơ nó lên. Cô phóng viên cũng cầm cốc nước trước mặt và giơ lên. Tiếp theo, giáo sư yêu cầu giữ càng lâu càng tốt. 10 phút trôi qua, mọi người vẫn giữ được. 15 phút, những ai cầm những vật nặng thì đã bắt đầu hạ tay xuống. Cô phóng viên đầu hàng sau 30 phút, cùng hơn một nửa lớp. Sau 60 phút, người cuối cùng cũng phải đầu hàng và buông tay xuống.

Lúc này ông giáo sư mới hỏi cả lớp:

- Ban đầu, khi cầm một vật và nâng nó trước mặt, các em cảm thấy thế nào?

- Thưa thầy, rất thoải mái ạ - Sau 5 phút thì sao? - Dạ, bắt đầu mỏi tay ạ.

- Sau 30 phút? - Dạ, đau tay đến không chịu được. - Em nào cầm vật nhẹ thì có đau tay không? - Dạ, em cầm mỗi tờ tiền polyme giơ lên, nhưng cũng chỉ chịu được 60 phút. Đau lắm. Ông Giáo sư ôn tồn nói:

“Vật các em nâng lên cũng như danh dự của các em vậy. Không quan trọng là danh dự của các em nặng bao nhiêu gam, chỉ cần giữ lâu thì chắc chắn sẽ rất đau.

Không ai có thể giữ danh dự cả đời được cả. Ngay cả những người hết sức vĩ đại trên đời này cũng vậy. Ngay cả Đức Phật cũng chịu bao nhiêu lời phỉ báng từ những người đạo khác. Ngay cả Chúa Giê-su cũng bị treo trên cây Thánh giá. Ngay cả ông Washington, cha đẻ của Huê Kỳ, cũng bị con cháu thời nay lôi ra đâm xỉa xem đã ngủ với bao nhiêu nô-lệ da đen.

Vậy nên, đừng cố giữ danh dự làm gì cả. Hãy hành xử đúng với trái Tim các em.

Đừng cố tỏ ra là người tốt trước mặt mọi người, hãy cố gắng làm điều tốt nhất cho mình và cho người khác.

Các em hãy xem trái tim mình hát ở đâu, và hãy làm theo điều trái tim mình hát.”

Ông nhấp ngụm trà chay HAPI Vegan do nhóm học trò mới tặng và nói tiếp:

“Hồi trẻ, thầy cũng đã từng làm hết sức để giữ danh dự của mình. Rồi đến một ngày thầy cũng nhận ra, càng cố giữ lâu thì lại càng đau, như ta cầm cốc nước vậy.

Thầy cũng đã từng làm mọi chuyện để có được sự kính trọng từ học trò các em và đồng nghiệp. Thầy cố giảng bài thật hay, ăn mặc thật lịch lãm, thầy quan tâm tới các thầy cô giáo khác.

Ban đầu thầy nghĩ là vì học trò, vì đồng nghiệp. Rồi một ngày thầy nhận ra, sâu xa nhất thầy làm tất cả là vì mình, vì cái danh dự của mình. Thầy muốn lau nó mỗi ngày, rồi đặt nó lên cao để mọi người ngước nhìn nó và trầm trồ thán phục. Thầy đã từng sống như thế. Mọi người rất yêu thầy, nhưng thầy thấy thật mệt mỏi vì luôn phải ôm cái cục danh-dự của mình.

Đến khi hiểu, thầy buông nó xuống. Chỉ đến khi đó, thầy làm mọi chuyện thật tự do. Thầy mặc những bộ đồ thầy thích, không quan tâm xem ai nói mình thế nào, chỉ chú tâm sao cho học trò được tiến bộ, giúp đồng nghiệp phương pháp giảng bài hay, giúp tất cả mọi người trong công việc và cuộc sống.

Khi không còn quan tâm tới danh-dự của mình, chỉ lúc đó, thầy thấy mình thật hạnh phúc.”

Ông vừa nói dứt, cả lớp vỗ tay không dứt. Cô phóng viên rưng rưng cảm động và sung sướng. Ngày hôm nay, cô và những người sinh viên này đã học được một bài học thật đáng quý. Cô bước ra ngoài, hít một hơi thật dài. Cái lạnh đầu Đông thấm vào cổ họng, chạy thẳng xuống dạ dày mát lạnh.

Hai người thầy 2 phong cách. Thầy đầu tiên mang cho cô cảm giác ấm áp của một người cha. Người thầy thứ hai mang cho cô sự thức tỉnh thật mát lành, như nước suối nguồn.

-Thầy đầu tiên, cô coi như thần-tượng.

-Thầy thứ hai giúp cô thấy có một thứ gì đó nhẹ nhàng, nhưng mạnh mẽ nổi lên trong cô. Mãi nhiều năm sau cô mới biết, người thầy thứ nhất cho cô sự ngưỡng mộ, còn người thứ hai cho cô sự hiểu biết, và hiểu biết là thứ thuộc về cô, nó nảy mầm và nó sẽ lớn.

Cô đã có một ngày đầu tuần thật đẹp. Cô sống trọn vẹn ngày hôm đó mà rất hứng khởi nghĩ đến ngày gặp người Thầy thứ ba.

*

Sau cuộc trò chuyện hết sức thú vị với hai người Thầy với phong cách tuy trái ngược nhưng cùng rất thu hút, cô phóng viên trẻ đẹp tài năng đi tới gặp người Thầy thứ ba. Lạ thay, người này chỉ có địa-chỉ, chứ không có số điện-thoại, mà lại chẳng ghi trường lớp nào. Cô bắt đầu tò mò...

Người Thầy này sống ở Huế, gần con sông Hương êm đềm mơ mộng nên thơ. Cũng tại nơi đây, Trịnh Công Sơn đã say ngắm cô nữ sinh thướt tha tà áo trắng hàng ngày đi học dưới hàng cây long não mà làm nên tuyệt phẩm “Diễm xưa”.

Khi đến nơi, cô lần hỏi người dân xung quanh thì mới biết cái Ông mà được mọi người yêu quý bình chọn này hóa ra là... một ông lái-đò, nay đã tầm 70. Ông chèo đò giữa đôi bờ sông, đưa hàng trăm người qua sông mỗi ngày. Ông chèo đò sao mà lại được bình chọn là “Người Thầy Danh Dự” nhỉ?

Thế rồi cô đến bờ sông và không khó để tìm ra bến đò. Cả một khúc sông dài chỉ có một ông lái đò. Cô trầm trồ: “Chỉ là ông lái-đò thôi mà, có cần đẹp trai như vậy không chứ?”.

Cô lại gần và nói chuyện. Hóa ra, ông lái đò này chẳng biết gì về cái giải danh-dự này cả. Ông hết sức điềm nhiên, không vui, mà cũng không không vui khi biết tin mình được nhận giải-thưởng cao quý này. Vẻ điềm nhiên này có lẽ đã tạo nên nét đẹp ở ông. Ở người này, không hiểu sao, cô thấy sự an toàn, sự ấm áp, thân thuộc. Và rồi cô quên béng nhiệm vụ đến phỏng vấn mà thao thao kể cho ông về chính mình, về nghề báo mà cô mới tham gia, về những người cô may mắn được phỏng vấn trong những ngày chập chững vào nghề.

Ông lái đò nhìn cô phóng viên bằng ánh mắt trìu mến như nhìn đứa cháu yêu quý lâu ngày không gặp. Đợi cô dứt lời, ông nói: “Tôi cũng có chuyện này muốn kể cho cô. Tôi chắc là cô sẽ thích”...

- Cách đây mấy chục năm, tôi tốt nghiệp trường Sư-Phạm và về Huế làm giáo viên dạy Văn. Hồi trẻ, tôi đẹp trai lắm, lại còn tài hoa và hào sảng nên mấy cô nữ sinh mê tôi lắm. Mấy cậu nam sinh thì coi tôi như thần tượng.

Trong đó, tôi đặc biệt quý một cậu học trò. Cậu này nhà nghèo, học siêu giỏi, đĩnh đạc oai phong, đầy nghị lực. Cậu ấy học tôi 3 năm cấp 3 và lấy tôi là hình mẫu để cậu ấy cả đời vươn tới. Bây giờ, cậu ấy đã là một ông Giáo-sư danh tiếng, và cũng chính là người Thầy đầu tiên mà cô tới phỏng vấn đấy.

Khi cậu ấy ra trường được vài năm, thì tôi gặp chuyện. Hồi đó, do đẹp trai quá mà tôi bị ông hiệu-trưởng Chu Du ganh ghét, tìm cách hãm hại và đuổi tôi khỏi ngành.

Thế là tôi phải đi tìm việc và bén duyên với nghề lái đò này. Nhiều năm đầu, tôi cực kỳ oán hận ông hiệu-trưởng, và dồn nén cái sự bực tức của mình lên vợ con.

Tôi chán đời nên đâm rượu chè, rồi đánh vợ đánh con. Từ một người thầy trẻ tương lai tươi sáng vậy mà đùng một phát trở thành anh lái đò thấp kém, tôi không cam tâm. Cuộc sống tôi thật đen tối trong suốt nhiều năm như vậy.

Thế rồi, mọi chuyện thay đổi trong một chuyến đò chiều cách đây 20 năm.

Hôm đó, tôi chở vài người qua sông, gồm một Sư thầy nổi tiếng khắp vùng, hai đệ tử theo hầu, hai mẹ con một thiếu phụ, một cậu thanh niên ước chừng 30 đang bước đầu vào nghiệp kinh doanh, một ông thầy giáo trẻ và một ông say rượu.

Đò đến giữa sông, đứa bé mải nghịch nước mà ngã xuống, la lên inh ỏi. Bà mẹ không biết bơi nên cầu cứu mọi người trên đò cứu đứa bé. Ông say rượu kia đang lơ mơ thì tỉnh đầu tiên ,và quay sang hỏi vị Sư danh tiếng (lúc đó đang nhắm mắt tọa thiền): “Ông có biết bơi không?”

Vị sư đáp: “Tôi có biết bơi, thưa thí chủ”.

Thế là ông say rượu đột nhiên đạp vào mông sư thầy té xuống sông rồi nói “Vậy thì cứu đứa bé đang sắp chết đuối kia đi”.

Sư thầy như chợt bừng tỉnh, vội bơi ra kéo đứa bé đưa lên đò. Hai đệ tử theo hầu thầy tức tối xông lên định đánh ông say rượu. Sư thầy quát đệ tử “Dừng lại”.

Rồi ông tới gần, cúi lạy ông say rượu một lạy:

“Xin cám ơn ông, nhờ ông mà tôi đã thức tỉnh”.

Rồi ông quay sang giảng giải cho 2 đệ tử đi cùng:

“Các con à, ta xưa nay quá chú trọng vào hình thức, phải đi đứng khoan thai, phải ở Chùa đẹp, phòng ốc gọn gàng, bàn thờ thanh tịnh.

Do quá chú trọng mấy thứ bề ngoài như vậy nên ta quên mất đi vào sửa cái bên trong. Rồi người khác cũng chỉ nhìn thấy vẻ ngoài cao cao tại thượng của ta mà lầm ta đã đắc đạo.

Họ càng tôn thờ ta thì cái cục danh-dự mà họ phong cho ta càng lớn. Ta dồn quá nhiều năng lượng trông coi cái cục danh dự ấy, luôn luôn sợ nó mất sáng mất đẹp mà quên đi mất việc chính của mình là phải tu-tâm.”

Rồi ông đột ngột ném chiếc áo cà sa hàng hiệu, đính đầy đá quý của mình xuống sông. Trước sự ngạc nhiên của hai đệ tử, ông giải thích:

“Chiếc áo không làm nên Thầy tu…”

. Nhưng vì chiếc áo này mà đã ngăn ta xuống cứu đứa bé. Ta chỉ bo bo giữ thể diện, giữ cái tiếng thầy nổi tiếng của mình mà thôi, rồi ta quên mất trước mắt ta có một người đang chết đuối. Trong khi đó, vị thí chủ kia dù say rượu, nhưng

Ba thầy trò cùng nhìn mặt sông tĩnh lặng, mặt tràn đầy hạnh phúc.

Cậu thanh niên trên đò chứng kiến từ đầu câu chuyện cũng bừng tỉnh. Niềm vui thú đến quá đột ngột khiến tóc trên đầu cậu ngay lập tức bạc một nửa. Nhiều năm sau này, giới doanh thương gọi cậu là Dương-Quá, một doanh nhân thành đạt cả tâm cả trí. Thầy giáo trẻ cũng vừa quá 30. Nghe xong câu chuyện, ngay lập tức tóc cậu rụng hết. Con người cũ chỉ chăm chăm lau chùi danh dự hàng ngày, đặt nơi cao nhất cho mọi người chiêm ngưỡng đã biến mất. Từ đó, cậu sống tự do với trái tim mình, đi theo nơi nào trái tim mình hát. Cậu ấy bây giờ chính là người thầy thứ 2 mà cô đã phỏng vấn đấy.

Còn tôi, tôi thấy thật sự hạnh phúc, vì chỉ vài phút ngắn ngủi mà bao nhiêu chuyện đã xảy ra.

-Người thầy tu học được cách tu tâm, chứ không tu tướng như trước đây.

-Người doanh nhân trẻ học được bài học về thành công ở đời là không sợ sai.

-Người thầy giáo trẻ học được cách đặt danh dự xuống và sống tự do theo trái tim mình.

Hóa ra, nghề chèo đò cũng có thể làm được nhiều điều có ích vậy.

Và tôi cũng hiểu, tôi có thể mang trái tim một ông giáo với cái vỏ là một người chèo đò. Kể từ đó, mỗi chuyến đò, tôi kể lại câu chuyện này. Vì tôi hiểu mình cho đi, nhưng mình không hề mong nhận lại bất cứ cái gì, không mong đợi lòng biết ơn, không mong ai phải tôn trọng mình, không vì giải-thưởng hay cúp nào cả. Tôi đơn thuần chỉ giúp tất cả mọi người tôi có thể giúp. Tôi yêu nghề chèo đò. Tôi tự do và hạnh phúc, và gia đình tôi cũng hạnh phúc hơn rất nhiều kể từ ngày đó.

Đó là toàn bộ câu chuyện.

Cô phóng viên trẻ lắng nghe hồi lâu. Cô thấy mọi chuyện thật huyền diệu. Mọi chuyện cô thấy thích thú trong những ngày gần đây hóa ra đều xuất phát từ một chuyến đò. Và rồi cô chợt khóc. Mẹ cô vẫn hay kể lại chuyện hồi nhỏ cô nghịch nước trên đò và bị rơi xuống sông, rồi may mắn được một Sư thầy cứu giúp. Đã hai mươi năm rồi. Và sứ mệnh của cô là viết lại câu chuyện tuyệt vời này cho nhiều người được biết.

Cô gạt nước mắt và quay sang hỏi ông lái đò: "Ông có biết vị Sư thầy và ông say rượu nọ nay ở đâu không?"

Ông lái đó cười hiền từ: Tôi biết.

Cô phóng viên, sau duyên tao-ngộ kỳ lạ với ông lái đò, đã xin địa chỉ của Sư thầy, người đã cứu mạng cô 20 năm về trước. Ông đang là trụ trì một ngôi Chùa nhỏ ở ven hồ Tây.

Sau khi trở về Hà Nội, cô lập tức tới gặp sư thầy. Ông nay đã lớn tuổi, tóc râu bạc trắng, ung dung tự tại, điềm nhiên như mặt hồ tĩnh lặng.

Vừa trông thấy sư thầy, một sự rung động mãnh mẽ nổi lên trong lòng cô gái. Cô kể lại toàn bộ quá trình cô tìm được thầy để cảm ơn, từ cuộc bình chọn “Người Thầy Danh Dự”, tới những cuộc phỏng vấn kỳ lạ.

Nghe xong, ông nhấp ngụm trà, rồi nói với cô:

- Con gái à, tòa-soạn báo các con nhọc công đi tìm người Thầy danh-dự, vậy con có thể cho ta biết danh dự của con đâu không, có thể lấy ra cho ta xem không?

- Dạ, ý thầy là gì ạ? – cô phóng viên trẻ ngỡ ngàng.

- Theo con, thế nào là danh dự?

- Dạ, danh dự là tất cả những gì người khác nghĩ về mình.

- Vậy thì nếu người khác nghĩ về con chính là danh dự của con thì danh dự của con nằm trong tay ai, trong tay con hay trong tay người khác?

Con gái à, như vậy, cái danh dự mà các con tôn vinh liệu có thực sự cần thiết không? Mỗi người sẽ nghĩ về con với một phiên bản khác nhau. Cái ông thầy đầu tiên trong câu chuyện của con, rồi ngày nào đó ông ta sẽ phải khổ, vì cố giữ cái không thể nào giữ nổi. Ông ta chỉ sống theo cái mà xã hội muốn ông ta là, chứ không phải cái ông thực sự là. Ông ta nằm trong nhà tù của xã hội phong cho ông ta.

. Ông thứ hai, biết buông xuống có thể sống một đời nhẹ nhàng.

. Ông thứ ba, không còn nghĩ tới nó, biết giữ trái tim đẹp – không quan tâm cái vỏ, làm từng việc nhỏ theo trái tim mình hát, sẽ có một đời tự do tự tại.”

Cô phóng viên trẻ thực sự cảm động. Những lời của Sư thầy đã đi sâu vào trái tim cô. Cô không kiếm tìm, nhưng cô nhận được.

Có lẽ do dòng nhân-quả cứ thế trôi, nghĩ tốt sống tốt sẽ có ngày nhận được những điều tốt, gặp được những người tốt. Cô biết ơn cuộc đời đã cho mình gặp được những con người kỳ lạ, được nghe những câu chuyện sâu sắc này. Cô cảm thấy vui hơn. Cô yêu đời hơn, yêu cỏ cây, hoa lá một cách nhẹ nhàng.

Hồ Tây thật tĩnh lặng. Mặt nước thật đẹp. Lòng người cũng nhẹ nhàng hơn…

Lịch sử của “Đấu tay đôi để phục hồi Danh dự”

Hình thức ban đầu của Đấu tay đôi xuất phát từ tinh thần dũng cảm của các hiệp sĩ thời Trung Cổ và tiếp tục kéo dài cho đến cho đến thời hiện đại ( tk 19 - đầu tk 20 ) đặc biệt là giữa các sĩ quan quân đội. Đấu tay đôi dựa trên nguyên tắc danh dự, đấu tay đôi không phải là cuộc chiến giết kẻ đối đầu để đạt được sự “thỏa mãn”, mà nó là, để phục hồi danh dự bằng cách chứng minh sự sẵn sàng liều lĩnh tính mạng của mình cho danh dự. Những trận đấu của nữ được gọi là những trận “đấu tay đôi nữ” (petticoat duel).

Một tác phẩm rất nổi tiếng và hài hước về cách hành xử cũng như cách Đánh tay đôi thể hiện trong tác phẩm của Alexandre Dumas Ba chàng lính ngự Lâm . Nhân vật chính d'Artagnan với sự xốc nổi của tuổi trẻ đã vô tình xúc phạm ba người đàn ông vào buổi sáng và những trận đấu tay đôi ngay lập tức diễn ra vào buổi chiều, lần lượt từng người một.

Luật lệ chống lại đấu tay đôi đã có từ thời Trung Cổ. Hội đồng giáo hội Thiên Chúa giáo IV (1215) đã đặt đấu tay đôi ra ngoài vòng pháp luật. Từ “đấu tay đôi”(“duel”) xuất phát từ tiếng Latin là “duellum” cùng nguồn gốc với từ “bellum”, nghĩa là “Chiến tranh”(“war”).

Alexander Hamilton ( Bộ trưởng Ngân khố Mỹ đầu tiên, có ảnh trên tờ 10USD) bảo vệ danh dự của mình bằng cách chấp nhận thách thức của Aaron Burr (Phó tổng thống Mỹ) vào tháng 7/ 1804. Phó TT thắng.

Lịch sử hiện đại

Đấu tay đôi trở nên phổ biến tại Mỹ. Giữa năm 1798 và Nội chiến, lực lượng hải quân Mỹ mất hai phần ba số sĩ quan trong các cuộc đấu tay đôi khi các trận đấu này diễn ra trên biển, trong đó có anh hùng hải quân Stephen Decatur. Bất chấp tin tức lan rộng về những cái chết, đấu tay đôi tiếp tục tồn tại vì “tinh thần hiệp sĩ thời hiện đại”, đặc biệt tại miền Nam. Các trận đấu tay đôi bắt đầu bị lên án tại Mỹ vào cuối thế kỉ 18. Benjamin Franklin (Chính khách Mỹ có ảnh in trên tờ 100USD – Ông và A.HamiltonHai chính khách Mỹ trên tờ 100usd và 10usd duy nhất không phải là Tổng thống Mỹ ) lên án đấu tay đôi là hình thức bạo lực vô ích, và George Washington (Tổng thống Mỹ đầu tiên, có ảnh in trên tờ 1USD) khuyến khích các sĩ quan của ông từ chối các lời thách thức đấu tay đôi trong suốt thời kì Cách mạng Mỹ vì ông tin rằng cái chết của các sĩ quan trong các trận đấu tay đôi sẽ làm tiêu tan mọi sự cố gắng để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Các trận đấu tay đôi bắt đầu giảm dần và mất hẳn với hậu quả của cuộc Nội chiến Mỹ.

Phạm Vũ

(Tham khảo: Sách báo – Internet)


TIN PHẬT NHƯ THẾ NÀO MỚI ĐÚNG CHÁNH PHÁP?

Theo thông kê về Tôn Giáo, thì số người theo Đạo Phật trên thế giới hiện nay chiếm khoảng 7% . Dự kiến sẽ giảm xuống còn 5% vào năm 2060. Tính theo toàn thế giới thì tín đồ Phật Giáo có khoảng 360 triệu, đứng hạng Thứ Tư, sau Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo. Theo Cục Thống Kê Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư năm 2019 thì tín đồ Phật Giáo ở Việt Nam còn khoảng 4,6 triệu người, tương đương 35% dân số, nhưng nhiều nhà lãnh đạo Phật Giáo không đồng ý con số này, vì họ cho là nhiều người theo Phật Giáo mà không kê khai. Theo các vị, người đi thu thập thông tin chỉ tính số người Quy Y mà không tính những người dù đi theo Đạo Phật nhưng không Quy Y. Rõ ràng những nhà lãnh đạo Phật Giáo bao giờ cũng mong muốn số người theo Đạo mình ngày càng đông, vì thế, khi nghe số lượng tín đồ Đạo Phật bị giảm thì một Thượng Tọa đã tuyên bố là bị sốc ! Hình như tâm lý chung của các nhà lãnh đạo Tôn Giáo là muốn cho tôn giáo của mình được nhiều người theo nhất, có lẽ là từ niềm tin và suy nghĩ của bản thân, thấy rằng đạo của mình mới là đúng nhất, có ích cho người theo nhất. Vậy chúng ta thử phân tích xem Đạo Phật có gì khác so với một số Tôn Giáo lớn hay không ?

Hầu hết những tôn giáo đều cho rằng Giáo Chủ của mình là có quyền năng, ban phúc, giáng họa, cầm nắm vận mạng của tín đồ. Thiên Chúa Giáo thì có trên 2 tỷ Tín đồ. Giáo Chủ là Chúa Giêsu, được cho là từ trời giáng sinh xuống trần gian để chuộc tội cho con người. Rồi cũng chính con người đã bắt, đã hành hạ, đóng đinh người trên Thập Tự Giá cho đến chết. Tín đồ Thiên Chúa giáo tin rằng Chúa là đấng tạo nên trời đất muôn vật và cằm nắm vận mạng con người từ sống, chết, nghèo, giàu, sướng, khổ đều do Chúa quyết định, những gì bất như ý là thử thách của Chúa, nên không dám oán trách, chỉ cầu xin để Chúa nhẹ tay. Người theo Thiên Chúa Giáo phải giữ 10 Điều Răn của Chúa và Sáu Điều Răn của Hội Thánh. Họ được dạy nếu làm lành thì khi chết được lên Thiên Đàng. Người làm ác phải chịu đày xuống Địa Ngục.

Hồi Giáo tuy cùng hệ thống Nhất Thần của các tôn giáo khởi ngồn từ Abraham, có lượng tín đồ khoảng 1,5 tỷ. Họ cũng có nói về Chúa Jesus, cũng tin ngày phán xử cuối cùng : Người tốt sẽ được thưởng lên Thiên Đàng. kẻ xấu sẽ bị đọa Địa Ngục. Nhưng họ cho rằng Jesus chỉ là sứ giả như bao nhiêu sứ giả khác. Họ thờ thánh Allah cho đó là đấng toàn năng, tạo thiên lập địa, sáng tạo và thông hiểu tất cả mọi vật.

Đạo Hindu hay Ấn Độ Giáo thì có 900 triệu tín đồ. Họ thờ hơn 1 triệu vị Thần, trong đó có 3 vị quan trọng nhất là Thần Shiva, đấng sáng tạo. Thần Vishnu, đấng bảo vệ muôn loài, và thần Brahma là thần của mọi tri thức. Tín đồ rất tin và sùng đạo, hàng ngày thờ cúng tại nhà và thường xuyên đến Đền.(Nguồn Internet). Nói chung, các Tôn Giáo Nhất Thần hay Đa Thần dù các Giáo Chủ mang tên khác nhau, do ai khởi xướng thì cũng đều tôn thờ Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ và thực hành theo những điều được khuyên dạy cầu xin để được che chở, phù hộ.

Đạo Phật thì Giáo chủ là Đức Thích Ca, không phải là Thần Linh, mà là một con người bình thường như tất cả mọi chúng ta. Xuất thân là một Thái Tử của một nước nhỏ thuộc Ấn Độ. Có vợ là một công chúa xinh đẹp và có một con trai. Nhân một dịp đi dạo ở ngoại thành, thấy con người phải chịu cảnh SINH, LÃO, BỆNH, TỬ làm Thái Tử ưu tư, suy nghĩ xem có cách nào để không phải chịu những cảnh Khổ đó không ? Thấy rằng cứ ở trong hoàng cung bận bịu vợ, con và việc triều chính, khó thể tìm ra câu trả lời cho điều Ngài đã trăn trở. Thế rồi, một đêm kia Ngài đã lẻn ra khỏi hoàng cung, sống đời sống du Tăng. Thời gian đó Ngài tìm Thầy học để mong có câu trả lời. Sáu năm học với sáu vị Thầy giỏi nhất mà chỉ học được một số phép thuật, nhưng vẫn không tìm được đáp án, dù đã làm đủ cách, khổ hạnh, nhịn đói, lõa thể, tuyệt thực. Cuối cùng, Ngài nhớ lại phương pháp Thiền Định đã học được, nên quyết định không tuyệt thực nữa, vì cho rằng “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối”. Ngài đã nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò rồi trải tòa cỏ, ngồi dưới cội cây Bồ Đề, phát nguyện sẽ không đứng dậy cho đến khi tìm ra lời giải đáp.

Rạng sáng đêm thứ 49, Ngài đã tìm ra câu trả lời nên xả Thiền, đứng dậy tuyên bố : “Ta lang thang trong vòng luân hồi, qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi KẺ LÀM NHÀ, từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Người không được Làm Nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi đã tan nát cả rồi. Trí ta đã đặt đến Vô Thượng Niết Bàn, Ta đã hoàn toàn giải thoát”. Đó là tóm lược nguyên do khiến Thái Tử Sĩ Đạt Ta Xuất Gia và hành trình tu học cũng như Đắc Đạo của Ngài. Từ sau khi Đắc Đạo, Đức Thích Ca đã dùng cả quãng đời còn lại để mở ra CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT hay còn gọi ĐẠO PHẬT, giảng dạy cho các Đệ Tử, được họ kế tục nhau truyền cho đến nay, tính ra gần 3.000 năm.

Sở dĩ phải dài dòng từ buổi đầu, phân tích lý do rời bỏ ngai vàng, xa lìa vợ đẹp, con xinh của Thái Tử Sĩ Đạt Ta - sau này gọi là Xuất Gia - cũng như cách thức mà Ngài đã tu hành, đắc đạo để chúng ta thấy : Trong khi các Tôn Giáo khác thì Giáo Chủ của họ không phải là người phàm, mà có nguồn gốc là Thần Linh, hoặc cho rằng đó là Con Thiên Chúa, từ trời giáng sinh xuống làm người, hoặc qua mặc khải cho sứ giả nào đó thì đều cho Giáo chủ là đấng sáng tạo muôn loài, có quyền năng định đoạt sống, chết, khổ, vui cho con người. Do đó, tín đồ phải tuyệt đối yêu mến, tuân phục, thờ phụng Giáo Chủ và làm theo những điều răn hoặc những lời dạy được ghi lại trong Thánh Kinh, để lúc sống được che chở, ban phước, lúc chết thì được về nước của các Ngài.

Riêng Đạo Phật thì khác hẳn. Lịch sử ghi lại, sau này các nhà Khảo Cổ học cũng đã đến tận những địa danh được cho là nơi Đức Phật đản sanh thì đã tìm thấy những dấu vết để xác minh là đúng là có những kinh thành xưa nơi đó, chứng tỏ là câu chuyện về Đức Phật là có thật. Đức Thích Ca thật sự là con người, không phải là Thần Linh giáng thế. Quá trình tu học, đắc đạo của Ngài cũng chứng minh sự chứng đắc đó chỉ là tìm ra Thủ phạm đã gây ra cảnh SINH, TỬ LUÂN HỒI cho kiếp sống con người, không có môn học nào để biến Đức Thích Ca thành Thần Linh, có quyền năng ban ân, giáng phúc hay thay đổi vận mạng cho người khác. Đạo Phật quan niệm rằng kiếp sống ngắn ngủi không đầy trăm năm mà con người bị quá nhiều nỗi Khổ bủa vây. Vì thế, mục đích tu hành theo Đạo Phật là để hết Khổ, gọi là được Giải Thoát. Người muốn Thoát Khổ thì phải tự mình hành trì theo những trình tự được Đức Thích Ca và Chư Tổ đi trước thành công để lại, gọi là Tự Độ.

Theo Đức Thích Ca, Thủ phạm làm con người phải Khổ không phải là Thần Linh hay Thượng Đế bên ngoài, mà chính là Cái Vọng Tâm, tức là Cái Tâm Mê Lầm của mỗi người - Cái mà Ngài đã bắt gặp được sau 49 ngày đêm Thiền Định và đã đặt tên cho nó là KẺ LÀM NHÀ. Chính nó đã xây lên những Ngôi nhà Sinh Tử, làm cho con người hết Sinh rồi Tử, hết Tử rồi lại Sinh gọi là vòng Luân hồi . Nó cũng là cái Chân Tâm, nhưng trong quá trình trôi lăn đã bị ô nhiễm. Chính nó đã Tưởng Lầm Cái Thân đang ứng hiện để trả Nghiệp Quả đã gây tạo trong quá khứ là Mình. Vì vậy mà trong kiếp sống, mỗi người vừa trả Nghiệp cũ lại tạo thêm Nghiệp mới rồi cứ thế mà tiếp tục trôi lăn triền miên trong Sáu đường (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Thiên, Nhân, A Tu La) nên cái Khổ không bao giờ dứt.

Người tu theo Đạo Phật là người muốn Thoát Khổ. Họ sẽ nương hướng dẫn của Chư vị Giác Ngộ đi tìm Thủ Phạm của Sinh Tử Luân Hồi - là Cái Tâm - để điều phục hay chuyển hóa nó, để nó “Phản Vọng, Quy Chân” . Công cuộc chuyển hóa Cái Tâm gọi là Tu hành, không phải là cạo tóc, đắp y, ngày đêm chuông mõ tụng Kinh, niệm Phật. Khi không còn Chấp cái Thân là Mình. Cái Tâm nhuốm Tham, Sân, Si, Thương, Ghét là Tâm của Mình, cởi được sợi dây VÔ MINH đã trói Giả Tâm, Giả Thân mình vào Giả Cảnh, lấy lại được sự Tự Chủ, thì người tu sẽ không còn bị pháp đời vùi dập nữa thì gọi là Thoát Khổ hay Thành Phật. Sở dĩ gọi là THÂN GIẢ, Tâm Giả, Cảnh Giả là vì cái Thân chỉ là Thân do Nghiệp Quả hình thành, ứng hiện để Trả Nghiệp. Khi hết Nghiệp nó phải trả về cho Tứ Đại những gì nó đã vay mượn, không thể trường tồn mãi, nên gọi là Thân Giả. Tâm Giả vì nó bám theo Cái Thân, nhận, và phản ứng với Các Pháp đến với Cái Thân. Mà Cái Thân vốn đã không thật, nên những phản ứng đó cũng không thật. Cảnh TRẦN kéo dài hàng ngàn năm, hết thế hệ này dến thế hệ khác sao gọi lả Giả ? Là vì nó là đối tượng của cái Thân Giả. Khi cái Thân còn tồn tại thì Cảnh tồn tại, Cái Thân hết kiếp thì đối với Cái Thân, Cảnh Trần cũng chấm dứt, nên gọi là Giả Cảnh. Do đó, Kinh Viên Giác gọi là “Dùng Huyển để trị Huyển”. Tức là dùng những Pháp Giả để trị những bệnh Khổ. Khi bệnh Khổ hết rồi thì thuốc cũng không cần nữa.

Đó là tóm tắt những gì cần hiểu, cần hành của người tu Phật. Phật không phải là Thượng Đế, vì không tạo ra con người hay mọi vật. Cũng không phải là Thần Linh có quyền phép cứu khổ,ban vui cho ai. Chính giáo pháp của Đại Thừa, cả Phật Giáo Nguyên Thủy đều xác nhận : “Đức Thích Ca không phải là Thần Linh. Chỉ là một người bình thường như tất cả mọi người. Nhờ đoạn trừ phiền não mà được Giải Thoát”. Đức Thích Ca cũng xưng Ngài là Đạo Sư, tức là người dẫn đường. Hoặc xưng là NHƯ LAI, có nghĩa là người không còn bị động tâm vì Các Pháp. Vì thế mọi người không nên tôn thờ Ngài để cầu xin được ban ân, giáng phúc, cứu khổ, cứu nạn, vì Phật không có khả năng đó.Tin Phật là Tin vào Giáo Pháp của Phật đã thuyết, rồi học hỏi, thực hành theo đó để được được Giải Thoát như Ngài, thưc hiện lời Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả Chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Thế nhưng, nhìn vào cách Tin Phật được các Chùa phổ biến ngày nay, chúng ta thấy khác hẳn với những gì Phật đã giảng dạy và Chư Tổ nối truyền còn ghi lại trong những bộ Chính Kinh. Đa phần Phật Tử Tin Phật là một vị Thần Linh giống như Giáo Chủ của những tôn giáo Thần Quyền khác , rồi cất thật nhiều Chùa, đúc thật nhiều Tượng ngày càng to, hàng ngày nhang khói cầu xin Phật phù hộ khi sống cũng như lúc qua đời mà không biết rằng đó là đã lai sang Thần Quyền, không còn là Đạo Phật theo đúng Chánh Pháp nữa.

Chúng ta nên biết, sở dĩ Đạo Phật xưng mình là Chánh Pháp là vì Mục đích của Đạo Phật, dù dùng mọi phương pháp nhưng chỉ để hướng dẫn cho con người cải tà, quy chánh, cải ác, hành Thiện bằng Giới, Bát Chánh Đạo, bằng những việc làm để người theo Đạo Phật trở thành người con có hiếu, người công dân lương thiện, hiền hòa. Không tranh chấp, không cao thấp, hơn thua hay làm thiệt hại cho người chung quanh, kể cả những sinh vật. Người tin và tự hành trì theo Giáo Pháp của Đạo Phật sẽ được Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử, được hạnh phúc, an vui trong kiếp sống, không phải để Thành Thánh, Thành Phật, nhưng nhiều người đã hiểu sai rồi Tăng Thượng Mạn khi thấy được chút gì trên con đường tu học.

Nhưng nhiều đời qua đã có nhiều sự hiểu lầm về Đạo Phật và cách thức tu hành, cầu xin, nương tựa Phật, Bồ Tát, là do những người lẽ ra không có quyền phổ biến Phật Pháp mà lại đi Giảng Pháp. Họ không biết rằng chỉ người đã Thấy Tánh, đã Chứng Đắc mới được giảng Pháp, truyền bá Đạo Phật. Điều này đã được Phật thực hiện qua việc TRUYỀN Y BÁT. Đầu tiên, Phật truyền cho Đức Ca Diếp, dặn dò là việc này nên tiếp tục để Phật Pháp được trường tồn. Nhưng lời Phật không được tuân giữ bao lâu. Chỉ sau khi Phật nhập diệt chừng 100 năm là các Trưởng Lão đã tách ra để lập riêng Phái Tiểu Thừa. Nhóm còn lại gọi là Đại Thừa do Tổ thứ Tư tiếp tục Truyền Y Bát lần hồi đến đời Tổ thứ 33 là Lục Tổ Huệ Năng mới kết thúc.

Từ khi Y Bát không còn truyền nữa thì mạnh ai nấy giảng pháp. Tu Sĩ chỉ cần đi tu vài năm, ở trong Chùa, ăn chay, niệm Phật, học thuộc một số pháp là ra giảng dạy, việc Truyền Y Bát hầu như không được nhắc đến. Không những thế, người bên Phật Giáo Nguyên Thủy không những hoàn toàn không biết đến việc Truyền Y bát, mà còn vận động mọi người chống đối rất quyết liệt kinh Đại Thừa, cho đó là “Kinh Ngụy tạo, do các Tổ nhiều đời sau khi Phật nhập diệt viết, không phải là lời của Đức Thích Ca thuyết”. Họ đã nói đúng, Kinh Đại Thừa là do các Tổ được Truyền Y Bát viết, không phải chép lại lời Phật thuyết. Có điều họ không biết rằng danh xưng Phật chỉ để nói về kết quả Giải Thoát mà người tu đạt được. Không phải là Thần Linh, cũng không phải là ngôi vị độc tôn, chỉ một mình Đức Thích Ca Chứng được, mà bất cứ ai, bất cứ thời nào, nếu thực hành đúng theo những gì được Đạo Phật hướng dẫn thì đều thành tựu như nhau. Do vậy mà gọi là có TAM THẾ PHẬT, tức là Phật Quá khứ, Phật hiện tại và Phật Vị Lai, vì thời nào cũng có người tu hành Chứng Đắc.

Cái Chứng đắc trong Đạo Phật cũng giống như bằng cấp Tốt Nghiệp của người đời. Người trước, người sau, khi đã tốt nghiệp rồi thì trình độ như nhau. Chính vì vậy Kinh viết : “Phật trước, Phật sau đều bình đẳng”. Vì vậy, khi Chư Tổ đã thành tựu cho mình rồi, thì thuyết giảng hay viết Kinh chỉ lại kinh nghiệm để hướng dẫn cho người sau có gì sai ? Điều đó chứng minh một lần nữa là những người chống đối Kinh Đại Thừa không hiểu lời Thọ ký của Đức Thích Ca : “Ta là Phật đã thành. tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Theo Đạo Phật, mọi phiền não, đau khổ, Sinh Tử Luân Hồi đều do Cái Tâm. Nhưng Cái Tâm thuộc về phần Vô Tướng, khó thể diễn tả, Phật phải vận dụng nhiều cách thức, tả nhiều cảnh giới nên dễ gây hiểu lầm. Chính vì vậy mà Kinh dặn dò có Bốn điều cần nên Y theo, gọi là TỨ Y.

Đó là : “Y PHÁP BẤT Y NHÂN. Y TRÍ BẤT Y THỨC. Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Y KINH LIỄU NGHĨA BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA”. Bởi vì “Y KINH GIẢI NGHĨA TAM THẾ PHẬT OAN”, Y theo Kinh mà giải nghĩa làm oan cho Ba đời Phật. Khi nghĩa của Tứ Y còn chưa minh định thì chắc chắn dù tu bao nhiêu lâu cũng không thể đạt kết quả cuối cùng của Đạo Phật được.

Nhiều Phật Tử cũng không biết rằng Phật không bao giờ yêu cầu tín đồ tin tưởng mình tuyệt đối, mà dặn dò qua Phật Ngôn : “Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy ta đã nghe thấy có người nói một lần rồi. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy đả được truyền lại từ xưa. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy được đồn từ phương xa đến. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy được viết ra từ trong Kinh sách. Đừng chấp nhận điều gì chính ta đã ức đoán và nêu ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì vì chính ta đả suy diễn và nói ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì bề ngoài tỏ ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì vì điều ấy hợp với thành kiến của ta. đừng chấp nhận điều gì vì tính cách có thể chấp nhận của các điều ấy. Đứng chấp nhận điều gì chỉ vì sự kính trọng của ta đối với người đã nói ra điều ấy.

Nhưng tự các con, các con đã hiểu rõ ràng có một điều gì đúng với đạo lý, không thể bị chê trách, được các bậc Thiện Tri Thức thiện tâm tán đồng và có thể mang lại hạnh phúc an vui, các con phải thực hành điều ấy” .

Ngay cả những lời được trích ra từ Kinh, được thuyết bởi những người mà ta kính trọng cũng không nên chấp nhận một cách dễ dãi, mà chỉ chấp nhận điều gì đúng với đạo lý, được các bậc Thiện Tri thức thiện tâm tán đồng, có thể mang lại hạnh phúc an vui...Đó là những lời dặn dò của Phật. Người chấp nhận những gì được nghe người khác thuyết giảng mà không cần đối chiếu để biết đúng, sai là người mà Đạo Phật gọi là thiếu trí. Muốn có Trí Huệ thì phải Tư Duy. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN dạy : “Nếu có người vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính pháp. Nhưng nếu không Tư duy thì trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề”. Chánh Tư Duy mới sinh Trí Huệ được. Đây là một trong Bát Chánh Đạo mà người Phật Tử cần phải thực hành.

Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của Tôn giáo, vì là chỗ dựa, là lẽ sống cho con người, bởi cuộc sống quá nhiều bất trắc, con người thì yếu đuối như nhau, không biết nương tựa vào đâu. Cũng nhờ sự giáo hóa của Tôn Giáo, vì tin tưởng vào sự thưởng phạt của Giáo chủ, mà con người bớt làm ác, biết sống lương thiện, biết giúp đỡ người khác, cùng dìu nhau qua kiếp sống tạm. Thời Phật tại thế, để chứng minh sự lời nói tương ưng với việc làm, không màng đến hưởng thụ vật chất, Phật và Chư Đại Đại Đệ tử, mỗi người chỉ “Một Y, một nạp”, ngụ ở cội cây hay ở trong rừng, đi chân không, ăn ngày chỉ một bữa, được cho gì, ăn nấy. Có Bài Kệ được cho là của Đức Di Lặc nói về cuộc sống của người tu hành :

Bình bát cơm ngàn nhà.

Thân chơi muôn dặm xa.

Mắt xanh xem người thế.

Mây trắng hỏi đường qua..

Nhưng từ sau khi Phật nhập diệt, có một lớp người đã không hành theo lời Phật dạy, họ lợi dụng sự tin tưởng, cúng dường của tín đồ mà được ăn trên, ngồi trước, nhà cao, cửa rộng, sử dụng phương tiện đời mới lại không phải vất vả làm ăn kiếm sống. Chỉ cần đi giảng Đạo, quảng bá về Phật. Họ ca tụng quyền năng của Phật, cho rằng Phật “quyền phép vô biên, cứu độ, ban ân, giáng phúc cho mọi người”, làm cho nhiều người xem Phật là Thần Linh để cầu xin, nương tựa, sông thì Cầu An, chết thì Cầu Siêu, không còn là Đạo Phật tin theo Nhân Quả, Tự Tu, Tự Độ nữa.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều thiên tai, dịch bệnh, động đất, lũ lụt, cháy rừng.. để lại hậu quả kinh khủng làm những người chỉ Tin vào sự hộ trì của Phật, củaThần Linh phải suy nghĩ lại. Tháng 4 năm 2015 , những trận động đất ngay tại Nepal là quê hương của Phật, đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, làm sụp đổ bao nhiêu tòa Tháp cổ quý giá. Gần đây nhất là nạn dịch COVID. Ấn Độ đứng đầu về số trường hợp mắc bệnh và số người chết lên đến hơn 3.000 người mỗi ngày. Oxy cũng không đủ để cho bệnh nhân thở. Người ta phải rút bình oxy của người già để nhường sự sống cho người trẻ hơn. Lò thiêu quá tải. Họ phải để xác chết nằm từng hàng lộ thiên ngoài đường rồi chất củi lên thiêu. Về sau thì củi cũng thiếu nên họ phải thả hàng trăm xác chết trôi tự do, hoặc vùi đại dưới cát trên Sông Hằng ! Tính đến nay thì con số người chết vì Covid tại Ấn Độ đã hơn 240.000 người, và những ca nhiễm bệnh đã vượt mốc 20 triệu ! Những lời cầu xin hầu như đã vô vọng ! Cho tới thời này mà người Ấn Độ còn uống nước đái bò và dùng cứt bò trét khắp người để trị bệnh. Họ thiếu ý thức đến độ người chết vì Covid mà họ sờ mó xác chết theo hũ tục, đến độ mấy chục người phải chết theo sau đó. Theo tin mới nhận được thì có cả 1.000 Bác Sĩ Ấn Độ đã chết vì Covid ! Một thiệt hại quá lớn cho ngành Y và cho cả nước Ấn, vì phải mất bao nhiêu năm mới đào tạo ra được một Bác Sĩ ! . Việt Nam ta thì trong tình hình dịch bệnh mà hàng chục ngàn người chen chúc nhau để đi Chùa, đi du lịch Đà Lạt. Về sau phát hiện có người của Chùa và người đi du lịch Đà Lạt trong những ngày lễ có người bị Covid hẳn là những người chen chúc nhau ở hai nơi đó trong những ngày đó đang nơm nớp lo sợ không biết Covid có gọi tên mình hay không ! Hiện nay Covid cũng đã có mặt vài nơi ở Miền Nam rồi, và lực lượng Công An vẫn còn phải vất vả truy lùng những người không chịu khai báo. Đã vậy, một số người vì tham tiền mà chứa chấp hay lén lút đưa một số người T.Q nhập cảnh bất hợp pháp, gây khó khăn cho chính quyền.

Ấn Độ là xứ của nhiều Đạo Giáo, họ thờ nhiều thứ Thần, mà Thần nào cũng được cho là đầy quyền năng. Do niềm Tin vào Thần Linh phù hộ mà họ không thấy mối hiểm họa đang chực chờ để tổ chức những lễ hội với số người tham dự đông đảo, và kết quả là môi trường tốt để cho đại dịch bùng phát, lây lan, chính quyền không đỡ nổi ! Đó cũng là quê hương của Phật. Nếu Phật thật sự linh thiêng và có quyền phép thì Ngài không thể nào không cứu dân mình, quê hương mình. Điều đó một lần nữa, xác định là Đạo Phật chân chính không sai. Bởi Giáo Pháp đã xác định Phật không phải là Thần Linh để cứu độ mọi người. Phật cũng không phải là Thượng Đế để xá tội cho những người ăn năn, sám hối, Ngài chì dùng Nhân Quả để hướng thiện cho con người, dạy cho mọi người biết : “Gieo gì, gặt nấy. Làm lành, gặp lành, làm ác, gặp ác” , không cần giáo chủ phải phán xét, tự mỗi người ý thức việc của mình sẽ mang lại hậu quả nào cho mình để “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, vì người chịu hậu quả là mình, không thể đổ cho ai khác !.

Tóm lại. Những mất mát, tang thương đang diễn ra khắp thế giới. Dịch bệnh đang hoành hành trên nhiều nước, dù rất là đau lòng, nhưng phải chăng là một sự nhắc nhở để Phật Tử xem lại NIỀM TIN của mình. Nếu TIN PHẬT, thì chỉ nên Tin vào Giáo Pháp của Phật, Tin sâu Nhân Quả để nương theo căn bản đó mà hành trì. Dù là Thừa nào, thì cũng “ăn ngay ở thật, mọi tật mọi lành”. Không cần đọc nhiều Kinh sách hay đi Chùa thường xuyên. Lục Tổ Huệ Năng dạy:

“Lòng bình đẳng đâu cần giữ Giới.

Làm việc ngay há đợi tu Thiền

Ân song thân hiếu dưỡng cần chuyên

Nghĩa huynh đệ dưới trên tương ái

..........

Vốn Bồ Đề tìm ở Tâm thanh

Ngoài mộng ảo muội manh nhọc kiếm..”

Không cần phải Xuất Gia, vô Chùa, cũng không cần hình tướng rườm rà, không cần Tứ oai nghi gò bó. Chỉ cần giữ cái Tâm cho ngay thẳng thì đã là tu. Không cần mong về Tịnh Độ của Phật nào. Kinh Duy Ma Cật dạy : “Trực tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sinh không dua vạy sinh sang nước đó”. “Tu Phật là Tu tâm”. Cứ Tâm mình mà chỉnh sửa cho ngay thẳng. Không nghĩ Ác, làm Ác, không toan tính hại người thì đã là có Giới. Học cho hết những Giáo Pháp, nào Tứ Diệu Đế, Bát chánh Đạo, Lục Độ, Vạn Hạnh, Tứ nhiếp Pháp, hành Thiền Định.. rốt lại cũng chỉ để trở thành một Con Người đúng nghĩa mà thôi, không thành ông Thánh hay Ông Phật nào, bởi Quả Vị chỉ là phương tiện của Đức Thích Ca bày ra để dụ con người cải Tà, quy Chánh, ngưng tạo Ác Nghiệp để khỏi bị quả báo mà thôi.

Là Phật Tử, tức con của Phật. Con của Phật thì phải Thành Phật. Muốn Thành Phật thì phải Độ Sinh. Muốn Độ sinh thì phải biết Chúng Sinh là gì ? Lục Tổ Huệ Năng dạy : “Chúng người hãy chú tâm mà nghe cho rõ. Những người mê muội đời sau, nếu biết cái Tâm Chúng Sanh, tức là Thấy Phật Tánh. Bằng chẳng biết cái Tâm Chúng sanh thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó gặp”. Ngài chỉ rõ : “Chúng sanh trong Tâm mình là Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này đều gọi chung là Chúng sanh”. Mọi người phải dùng Tánh mình mà độ lấy mình mới gọi là thiệt độ. Chúng Sanh của mình mà mình chưa độ được mà còn đòi đi độ cho ai, hay nhờ ai độ cho?

Kinh viết : “Phật là vô tướng, do vô lượng công đức mà thành”. Bởi dùng từ Phật nghe lớn lao, không ngờ đó chỉ là một tư tưởng được giáo hóa để bỏ đi những âm mưu đen tối, trở thành trong sáng, thanh tịnh. Đó là “Một Chúng sinh đã “được độ”, được đưa về Phật quốc, hay gọi là đã thành Phật”, và Thành Phật chỉ có nghĩa là được Giải Thoát mà thôi. Tất cả chúng sinh đều được “độ” như thế, cho đến không còn chúng sinh nào hết. Đức Thích Ca đã làm xong cho mình nên Ngài đã “Thành Phật”. Kinh Kim Cang : “Ta đã diệt độ vô lượng vô số Chúng sanh. Nhưng thật ra không có Chúng sinh nào bị diệt dộ cả”, vì không cần phải “diệt” mới “độ” được, chỉ chuyển hóa nó từ tình trạng xấu xa, động loạn trở thành thanh tịnh. Thế thôi. Phật được hình thành từ những việc làm như thế đó, thì làm gì Có Tướng ? Đâu phải lấy gỗ, đá rồi chạm, đúc, đẽo, gọt..mà ra Phật !. Cho nên, TIN PHẬT là Tin bản thân mình cũng sẽ Thành Phật, tức được Thoát Khổ, rồi quay vào Tâm mình mà Sửa. Cải Ác, hành Thiện. Đó mới là Tin Phật theo đúng Chánh Pháp.

Niềm Tin có hai phía. Phía Tin và phía được Tin. Phía được Tin tức là những người mang sắc áo của Phật, được bá tánh xem như đại diện cho Phật. Trong Đạo Phật có Giới Vọng Ngữ. Nếu ta chưa biết rõ con đường tu hành, nhưng không chịu khó tu học cho đến nơi đến chốn, mà vì lợi dưỡng nên giảng sai, làm cho mọi người hiểu lầm về Đạo Phật thì công không bằng tội. Người ý thức Nhân Quả không bao giờ dám làm như thế, cũng không dám hưởng dụng của bá tánh cúng dường Phật, nếu không làm được lợi ích gì cho Đạo, mà chỉ lo vun vén cá nhân. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Số người Quy Y không nói lên được điều gì nếu họ không hiểu, không hành đúng Chánh Pháp.

Phía những Phật Tử thì Kinh không thiếu. Tìm đâu cũng có. Ngay cả muốn nghe Sư nào giảng ? Đề tài gì ? thì bao la trên mạng. Tại sao ta nói mến mộ Đạo Phật mà không dám bỏ chút thì giờ ra để đọc Kinh, tìm hiểu, để nghe ai giảng gì thì Tin đó rồi bị dắt sang Thần Quyền, mê tín cũng không hay ? Bên Thiên Chúa Giáo thì “Phúc cho ai không thấy mà Tin”. Ngược lại, Kinh Đại Bát Niết Bàn viết : “Ngay cả lời của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ cũng không nên thọ trì”, vì cho rằng bản thân mỗi người tu phải có sự sáng suốt, gọi là Trí Huệ. Và như mọi người đều biết : Đâu phải bất cứ ai vô Chùa cũng đều tu hành nghiêm chỉnh, đạo đức, Giới, Hạnh nghiêm minh, Lý, Sự viên thông, nắm vững con đường tu hành ? Nếu ta tu mà không biết phải làm thế nào để đạt kết quả thì sẽ về đâu ? Ngay cả Ngồi Thiền mà không biết Đức Thích Ca Ngồi như thế nào ? Làm gì trong lúc Thiền để Đắc Đạo. Đắc Đạo là đắc cái gì ? thì dù có Ngồi cả đời cũng làm sao Chứng Đắc, mà nếu bỏ cả đời tu để không Chứng Đắc thì tu làm chi ?

Đồng ý là lời Phật không hư vọng, đáng tin. Nhưng có những điều khi đối chiếu với thực tế rất mâu thuẫn. Thí dụ như nói “Phật cứu độ Tam Thiên Đại Thiên thế Giới”, sao Đạo Phật còn lại dạy Tự Độ ? Tại sao em Phật, con Phật là Ngài A Nan và La Hầu La cũng phải tự tu mà không để Phật độ cho ? Nói rằng tu Phật là để “thoát Sinh Tử”, trong khi Đức Thích Ca cũng chết, cũng trà tỳ ? Người tu Phật mà chưa giải thích được những điều mâu thuẫn đó thì chắc chắn còn quanh quẩn bên ngoài, chưa vào chính đạo được.

Tóm lại. Tin Đạo Phật là Tin Nhân Quả, mà đã là Nhân Quả thì không thể có việc Xin, Cho, có người hộ trì, đổi xấu, lấy tốt cho. Cả đời sống không lương thiện, lưu manh, lừa đảo, hại người, hại vật, lẽ nào khi chết chỉ cần Cầu Siêu là “Phật và Thánh chúng sẽ tiếp dẫn vong linh đưa thẳng về Tây Phương Cực Lạc” ? Nếu vậy thì Nhân Quả bỏ đi đâu ? ! Do đó, nếu ta tin vào việc Cúng Kiến, Cầu xin là đã ở bên Nhị Thừa, Quyền Thừa hay còn gọi là Thần Quyền, không phải là Nhất Thừa, là Phật Thừa nữa. Vì vậy, nếu chỉ Tin thôi mà thiếu Hiểu, Hành, thì e rằng khó đi đến đích của Đạo Phật được.

Tâm Nguyện (Tháng 5/2021)

Phụ bản I

10 MẨU TRUYỆN NGẮN

Đằng sau những mẫu chuyện ngắn luôn ẩn chứa những bài học lớn lao về cuộc đời, hãy cùng đọc 10 mẫu chuyện ngắn dưới đây và rút ra bài học cho mình các bạn nhé!

1. Mẩu chuyện số 1

Lão hòa thượng hỏi tiểu hòa thượng: “Nếu bước lên trước một bước là tử, lùi lại một bước là vong, con sẽ làm thế nào?”.

Tiểu hòa thượng không hề do dự đáp: “Con sẽ đi sang bên cạnh”.

Bài học rút ra: Khi gặp khó khăn, đổi góc độ để suy nghĩ, có lẽ sẽ hiểu ra rằng: Bên cạnh vẫn có đường.

2. Mẩu chuyện số 2

Anh chồng nhà nọ tan làm về nhà, nhìn thấy vợ đang đánh con trai, không ngó ngàng gì đến họ, đi thẳng vào nhà bếp, nhìn thấy nồi vằn thắn nghi ngút khói trên bàn, bèn múc một bát để ăn.

Ăn xong nhìn thấy vợ vẫn đang đánh con trai, không nhìn nổi nữa, nói:

“Giáo dục con cái không thể lúc nào cũng dùng bạo lực được em ạ, phải giảng giải đạo lý cho nó hiểu!”.

Chị vợ nói: “Em mất công nấu nồi vằn thắn ngon là thế, mà nó lại tè một bãi vào, anh nói xem có điên không chứ?”.

Anh chồng nghe thấy thế, lập tức nói: “Bà xã, em nghỉ ngơi chút đi, để anh đánh nó!”.

Bài học rút ra: Người ngoài cuộc, đều có thể bình tĩnh; người trong cuộc, ai có thể thong dong, bình thản? Bởi vậy, đừng tùy tiện đánh giá bất cứ ai, bởi vì bạn không ở trong hoàn cảnh của họ…

3. Mẩu chuyện số 3

Một người thợ mộc chặt một thân cây, làm thành ba chiếc thùng.

- Một thùng đựng phân, gọi là thùng phân, mọi người đều xa lánh;

- Một thùng đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng;

- Một thùng đựng rượu, gọi là thùng rượu, mọi người đều thưởng thức!

Thùng là như nhau, bởi vì đựng đồ khác nhau mà vận mệnh khác nhau.

Bài học rút ra: Cuộc đời là như vậy, có quan niệm thế nào sẽ có cuộc đời như thế, có suy nghĩ thế nào sẽ có cuộc sống như thế!

4. Mẩu chuyện số 4

Anh chồng nọ mua một con cá về nhà bảo chị vợ nấu, sau đó chạy đi xem phim, chị vợ cũng muốn đi cùng. Anh chồng nói: “Hai người đi xem lãng phí lắm, em cứ nấu cá đi, đợi anh xem xong quay về, vừa ăn vừa kể cho em nghe tình tiết của bộ phim”.

Đợi anh chồng xem phim trở về nhà, không nhìn thấy cá đâu, bèn hỏi chị vợ: “Cá đâu rồi em?”.

Chị vợ kéo ghế, ngồi xuống, cất giọng bình tĩnh: “Em ăn hết cá rồi, nào, lại đây, ngồi xuống em kể cho anh nghe mùi vị của cá”.

Bài học rút ra: Làm người nên như vậy, bạn đối xử với tôi như thế nào, tôi sẽ đối xử lại với bạn như thế.

5. Mẩu chuyện số 5

Năm thi đại học, tôi chỉ được 6 điểm, còn con trai của bạn mẹ tôi được 20 điểm, cậu ta đến học tại trường đại học trọng điểm, còn tôi chỉ có thể đi làm thuê.

Chín năm sau, mẹ của cậu ta chạy đến khoe khoang với tôi và mẹ tôi rằng con trai bà ta đang đi phỏng vấn vào chức giám đốc lương tháng vài chục triệu… Còn tôi, lại đang nghĩ: có nên tuyển dụng cậu ta không.

Bài học rút ra: Bạn,có thể không học đại học, nhưng bạn, tuyệt đối không thể không phấn đấu.

6. Mẩu chuyện số 6

Một công nhân nọ oán thán với bạn của mình rằng: “Việc là chúng ta làm, người được biểu dương lại là tổ trưởng, thành quả cuối cùng lại biến thành của giám đốc, thật không công bằng”.

Anh bạn mỉm cười nói rằng: “Nhìn đồng hồ của cậu xem, có phải là cậu sẽ nhìn kim giờ đầu tiên, sau đó đến kim phút, còn kim giây chuyển động nhiều nhất cậu lại chẳng thèm ngó ngàng không?”.

Bài học rút ra: Trong cuộc sống thường ngày, cảm thấy không công bằng thì phải nỗ lực làm người đi đầu, oán trách chỉ vô dụng.

7. Mẩu chuyện số 7

Thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin, bèn biến thành một lão già đến làm phép cho anh ta.

Thượng đế hỏi kẻ ăn xin: “Nếu ta cho cậu mười triệu, cậu sẽ dùng nó như thế nào?”.

Kẻ ăn xin đáp: “Vậy thì tốt quá, tôi có thể mua một chiếc điện thoại!”.

Thượng đế không hiểu, hỏi: “Tại sao lại muốn mua điện thoại?”.

“Tôi có thể dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong cùng một thành phố, nơi nào đông người, tôi có thể tới đó ăn xin”, kẻ ăn xin đáp.

Thượng đế rất thất vọng, lại hỏi: “Nếu ta cho cậu một trăm triệu thì sao?”.

Kẻ ăn xin nói: “Vậy thì tôi có thể mua một chiếc xe.

Sau này, tôi ra ngoài ăn xin sẽ thuận tiện hơn, nơi xa đến mấy cũng có thể đến được”.

Thượng đế cảm thấy rất bi thương, lần này, ngài nói: “Nếu ta cho cậu một trăm tỷ thì sao?”.

Kẻ ăn xin nghe xong, hai mắt phát sáng: “Tốt quá, tôi có thể mua tất cả những khu vực phồn hoa nhất trong thành phố này”.

Thượng đế lấy làm vui mừng.

Lúc này, kẻ ăn xin bổ sung một câu: “Tới lúc đó, tôi có thể đuổi hết những tên ăn mày khác ở lãnh địa của tôi đi, không để họ cướp miếng cơm của tôi nữa”.

Thượng đế nghe xong, lẳng lặng bỏ đi.

Bài học rút ra: Trên đời này, không phải là thiếu cơ hội, cũng không phải là vận mệnh trước giờ không công bằng, mà là thiếu đi cách thức tư duy đúng đắn. Tư duy của một người quyết định cuộc đời của người đó. Thay đổi cuộc đời bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy.

8. Mẩu chuyện số 8

Một người nọ đứng dưới mái hiên trú mưa, nhìn thấy Quan Âm cầm ô đi ngang qua. Người nọ nói: “Quan Âm Bồ Tát, xin hãy phổ độ chúng sinh một chút, cho con đi nhờ một đoạn được không ạ?”.

Quan Âm nói: “Ta ở trong mưa, ngươi ở dưới mái hiên, mà mái hiên lại không mưa, ngươi không cần ta phải cứu độ”. Người nọ lập tức chạy vào màn mưa, đứng dưới mưa: “Hiện tại con cũng ở trong mưa rồi, có thể cho con đi nhờ không ạ?”.

Quan Âm nói: “Ngươi ở trong mưa, ta cũng ở trong mưa, ta không bị dính mưa, bởi vì có ô; ngươi bị dính mưa, bởi vì không có ô. Bởi vậy, không phải là ta đang cứu độ mình, mà là ô cứu độ ta. Ngươi muốn được cứu độ, không cần tìm ta, hãy đi tìm ô!”, dứt lời Quan Âm bèn rời đi.

Ngày hôm sau, người nọ lại gặp phải chuyện nan giải, bèn đến miếu cầu xin Quan Âm. Bước vào trong miếu, mới phát hiện có một người đang vái lạy Quan Âm, người đó giống Quan Âm như đúc.

Người nọ hỏi: “Bà là Quan Âm sao ạ?”.

Người kia trả lời: “Đúng vậy”.

Người nọ lại hỏi: “Vậy tại sao Quan Âm lại vái lạy chính mình?”.

Quan Âm cười nói: “Bởi vì ta cũng gặp chuyện khó khăn, nhưng ta biết, cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình”.

Bài học rút ra: Phong ba bão táp của cuộc đời, phải dựa vào chính bản thân mình. Cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình.

9. Mẩu chuyện số 9

Anh chàng nọ: Ông chủ, tắm ở đây mất bao nhiêu tiền?

Ông chủ: Nhà tắm nam 40 nghìn, nhà tắm nữ 400 nghìn.

Anh chàng nọ: Ông ăn cướp đấy à…

Ông chủ: Cậu muốn đến nhà tắm nam hay nhà tắm nữ?

Anh chàng nọ: Quyết đoán đưa ra 400 nghìn.

Bước vào nhà tắm nữ liếc mắt nhìn, toàn là nam.

Anh em trong nhà tắm: Lại một thằng nữa tới!

Bài học rút ra: Kinh doanh trước giờ không phải là dựa vào giá cả thấp, mấu chốt là dựa theo nhu cầu của khách hàng.

10. Mẩu chuyện số 10

Một người cha nói với con của mình rằng: “Hãy nắm chặt bàn tay của con lại, nói cho cha biết con có cảm giác gì?”.

Người con nắm chặt tay: “Hơi mệt ạ”.

Người cha: “Con thử nắm chặt hơn nữa xem!”.

Người con: “Càng mệt hơn ạ!”.

Người cha: “Vậy con hãy buông tay ra!”.

Người con thở phào một hơi: “Thoải mái hơn nhiều rồi ạ!”.

Người cha: “Khi con cảm thấy mệt, nắm càng chặt sẽ càng mệt, buông nó ra, sẽ thoải mái hơn nhiều!”.

Bài học rút ra: Buông tay mới nhẹ nhõm.

Lệ Ngọc st.

NGHIỆP AI NẤY MANG ,

DUYÊN AI NẤY HƯỞNG

Chết trong an bình
Tỳ Kheo Visuddhacara –

Là một nhà sư, tôi được yêu cầu đến tụng kinh cho một tang lễ. Tôi cảm thấy buồn cho gia quyến của người chết nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy không giúp được gì vì có quá nhiều khó xử trong vai tṛò của một nhà sư đi tụng kinh đám tang.

Một ngày nọ, một phụ nữ trẻ tuổi đến gặp tôi. Cha cô mới chết sáng hôm đó. Ông mới chỉ 42 tuổi. Cô nói với tôi bằng tiếng Phúc Kiến: “Xin mời thầy đến tụng kinh cầu siêu. Xin thầy mở con đường cho cha tôi”. Tôi nhìn cô ta với tất cả tấm ḷòng từ bi mà tôi có thể tập trung. Tôi có thể cảm thấy sự bối rối và đau khổ của cô. Cô khoảng chừng 20 tuổi và là một người con gái có hiếu. Trong thâm tâm tôi nói thầm với mình: “Trời ơi ! tôi sẽ mở đường cho người như thế nào đây? Con đường tưởng tượng nào tôi sẽ vẽ trong không khí cho hồn tưởng tượng đặt chân lên? Làm sao tôi có thể nói với người phụ nữ trẻ tuổi tội nghiệp đang ở trong tình trạng buồn phiền và bối rối rằng:” không có con đường nào như cô đã tưởng tượng cả ”

Đức Phật cũng có lần ở trong tình thế như vậy và Ngài đã trả lời ra sao?

Một hôm một người trẻ tuổi lại gần Đức Phật và hỏi Ngài: “Bạch Thế Tôn, cha con chết. Xin mời Đức Phật đến và cầu nguyện cho cha con, cứu độ linh hồn ông ấy để ông ấy có thể đi lên thiên đàng. Những người Bà La Môn cử hành những nghi thức này nhưng Đức Phật lại còn mạnh hơn họ nhiều. Nếu Ngài sẽ làm điều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng về thiên đàng”.

Đức Phật trả lời, “Rất tốt, hãy đi ra chợ và đem về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ”. Người trẻ tuổi sung sướng vì Đức Phật đã hạ cố thi hành một số thần thông để cứu linh hồn cha của mình. Anh ta vội vã đi ra phố và mua các thứ mà Đức Phật bảo. Đức Phật chỉ dẫn cho anh ta để bơ vào một bình và để đá vào bình kia. Rồi ném cả hai bình đó xuống ao. Người trẻ tuổi làm theo và cả hai bình đều chìm xuống đáy ao. Rồi Đức Phật tiếp tục: “Bây giờ hãy lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình đó ở dưới ao”. Người trẻ tuổi làm theo. Hai cái bình bị đập vỡ và bơ thì nhẹ đã nổi lên còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao.

Rồi Đức Phật nói: “Bây giờ nhanh lên đi tập họp tất cả những thầy tu. Hãy nói với họ đến và tụng kinh để bơ chìm xuống và viên đá nổi lên.” Người trẻ tuổi nhìn Đức Phật, sửng sốt, nói, “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có nói thật không ạ. Chắc chắn Ngài không thể trông chờ bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Điều đó ngược lại với quy luật tự nhiên.”

Đức Phật mỉm cười và nói: “Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời LƯƠNG THIỆN thì những HÀNH VI của ông cũng nhẹ như bơ cho dù thế nào thì ông cũng lên thiên đàng. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại NGHIỆP luật thiên nhiên.

Nhưng nếu cha ngươi có một cuộc đời BẤT THIỆN thì cũng giống như hòn đá nặng, cha ngươi sẽ bị chìm vào địa ngục. Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi nữa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể gây thành khác được.”

Người trẻ tuổi hiểu ra. Anh thay đổi quan niệm sai lầm của anh và ngừng đi loanh quanh đ̣i hỏi cái không thể làm được.

Nụ cười của Đức Phật đã đi tới điểm: Không ai có thể cứu chúng ta, sau khi chúng ta chết. Theo NGHIỆP luật, chúng ta là sở hữu chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những hành vi của chúng ta. Những hành vi của chúng ta thực sự là tài sản của chúng ta. Chúng là chỗ nương tựa thực sự của chúng ta, là những thân nhân thực sự của chúng ta. Chúng là trung tâm từ đó chúng ta xuất phát.

Khi chúng ta chết, chúng ta không mang được dù chỉ có một xu với chúng ta, hay bất cứ thứ đồ dùng của cá nhân chúng ta. Cũng chẳng có thể mang được một trong những người thân để cùng đi với chúng ta. Giống như chúng ta đến một mình theo NGHIỆP của chúng ta thì chúng ta cũng phải ra đi một mình.

Nếu chúng ta hiểu rõ NGHIỆP luật, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy sống một cuộc đời LƯƠNG THIỆN quan trọng đến như thế nào trong khi chúng ta còn sống. Đợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn

Đào Minh Diệu Xuân st.


MỘT THOÁNG TÂN NHẠC VIỆT NAM

(từ 1938 đến nay)

(Tiếp theo và hết)

Về sau, nhu cầu càng ngày càng tăng, nhà nước đã xây thêm để đáp ứng nhu cầu của khán thính giả: Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát tuồng kịch Việt Nam, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Trần Hữu Trang. Những quán cà phê, quán trà nhạc nhẹ mọc lên khắp nơi: Queen Bee, Maxim’s, Tự Do, Mỹ Cảnh,… là những tên tuổi lớn tại Sài Gòn.

Một đội ngũ ca sỹ, nhạc công hằng đêm biểu diễn. Các quán nhạc tranh nhau mời những ca sỹ nổi tiếng. Các nhạc sỹ cũng đua nhau sáng tác để đáp ứng nhu cầu. Trịnh Công Sơn với Khánh Ly là hiện tượng âm nhạc nổi bật.

Bên cạnh có các nhóm Du Ca của Nguyễn Đức Quang, nhóm Tranh Đấu của Tôn Thất Lập, nhóm Lê Hựu Hà, Lê Uyên Phương cùng nhiều nhóm khác đua nhau sáng tác, biển diễn.

Từ thập niên 1950 thế kỷ XX, nhà nước chính thức xây dựng các học viện âm nhạc để đẩy mạnh việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập chính quy trên cả nước.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1956 tại Hà Nội, với tên gọi lúc đó là Trường Âm nhạc Việt Nam. Đến năm 1982, trường đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội, và sau đó, năm 2008, là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Trong hơn sáu mươi năm hoạt động, Học viện là trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của cả nước với các chức năng chính: đào tạo, nghiên cứu khoa học và biểu diễn. Nhiều giảng viên, học viên và sinh viên của Học viện đã giành được huy chương vàng và giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc quốc gia và quốc tế, đặc biệt nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế quan trọng mang tên Frederic Chopin tại Warsaw, Ba Lan vào năm 1980.

Đội ngũ giảng dạy của Học viện gồm hơn 300 giảng viên (kể cả thỉnh giảng và cộng tác viên) trong đó có 5 giáo sư, 23 phó giáo sư, 44 tiến sỹ. Học viện có khoảng 1500 học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh (tiến sỹ).

Học viện có quy mô đào tạo từ trung cấp đến đại học, cao học và tiến sĩ, bao gồm các ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống, biểu diễn piano, biểu diễn các nhạc cụ phương Tây, thanh nhạc, sáng tác, lý luận (nay gọi là Âm nhạc học), chỉ huy và các môn học kiến thức âm nhạc (ký xướng âm, hòa âm, phức điệu, phân tích tác phẩm, lịch sử âm nhạc thế giới, lịch sử âm nhạc Việt Nam,…).

Năm 2015, lần đầu tiên, một luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công tại Học viện có liên quan đến đề tài hợp xướng Công giáo, đó là “Nhạc hợp xướng Thành phố Hồ Chí Minh trước và sau 1975” của Tiến sỹ Nguyễn Bách.

Học viện Âm nhạc Huế

Học viện Âm nhạc Huế được thành lập ngày 08/11/2007, trên cơ sở nâng cấp và tổ chức lại khoa Âm nhạc của trường Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế, khoa Âm nhạc thuộc Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế. Trước đó, vào năm 1962, linh mục nhạc sỹ Ngô Duy Linh từ trong Sài Gòn ra Huế thành lập Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế theo chủ trương của bề trên và dựa trên kinh nghiệm giảng dạy của cha tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn từ 1957. Đến năm 1986, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế sáp nhập với Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế và được đổi tên thành Đại học Nghệ thuật Huế kể từ năm 1994.

Học viện đào tạo các ngành học âm nhạc bao gồm: sáng tác âm nhạc, lý thuyết (trước đây gọi là ngành Lý luận Âm nhạc), chỉ huy, biểu diễn nhạc cụ truyền thống (với các chuyên ngành tranh, tam, tỳ, nhị, nguyệt, sáo, bầu…), biểu diễn nhạc cụ Tây phương (với các chuyên ngành violon, cello, kèn, guitar, accordeon, organ, piano,…), thanh nhạc ở bậc cao đẳng, đại học, sau đại học theo các loại hình đào tạo chính quy, không chính quy, đào tạo văn bằng hai, bồi dưỡng nghiệp vụ và tạo nguồn theo chỉ tiêu phân bổ của nhà nước và yêu cầu của xã hội cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ngoài các chuyên ngành đào tạo trên, Học viện Âm nhạc Huế xây dựng thêm các danh mục chương trình đào tạo hệ thống bài bản nhã nhạc (âm nhạc cung đình) và hệ thống bài bản âm nhạc sử dụng trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh

Tiền thân của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh là Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn ra đời năm 1956 (cùng năm với Trường Âm nhạc Việt Nam ở Hà Nội). Lúc đó, trường có hai ngành đào tạo là Quốc nhạc và nhạc Tây phương với gần hai mươi chuyên ngành nhạc khí và lý thuyết âm nhạc. Năm 1960, trường đổi tên thành Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Từ năm 1976, cùng với tên thành phố, trường đổi tên thành Trường Quốc gia Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1981, trường chính thức có tên mới như ngày nay: Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau năm 1975, một số ít giảng viên của trường từ trước còn hoạt động giảng dạy tiếp tục, trong đó có linh mục nhạc sỹ Tiến Dũng (dạy đến năm 1995 thì nghỉ hưu).

Cũng như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Thành phố hoạt động với các chức năng: giảng dạy, biểu diễn và nghiên cứu khoa học. Trường có tất cả bảy khoa chuyên ngành, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ âm nhạc từ trình độ trung học, đại học và sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ). Ngoài ra, Nhạc viện còn đào tạo các hệ vừa học vừa làm, chuyên tu, chính quy từ xa, cử nhân sư phạm âm nhạc theo mô hình tùy vào nhu cầu và yêu cầu của học viên.

Bên cạnh các nhạc viện của nhà nước, các trường nhạc tư nhân như Trường Suối Nhạc của cố Linh mục Tiến Dũng, cũng được mở ra, góp phần vào công cuộc đào tạo các nhạc sỹ, ca sỹ, nhạc công, vũ công,….

Đáng lưu ý nhất là Trường Âm nhạc B.A.C.H, một cố gắng đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam của một tín hữu Công giáo: Tiến sỹ Đaminh Nguyễn Bách.

Đôi nét về Trường Âm nhạc B.A.C.H

- Được thành lập từ ngày 15/8/2010.

- Trụ sở chính: Trường Âm nhạc B.A.C.H Sài Gòn tại 39 Hoa Lan, Phường 2, Quận Phú Nhuận

o Chủ tịch Hội đồng Quản trị: Tiến sỹ Nhạc trưởng Nguyễn Bách

o Hiệu trưởng: Thạc sỹ Nghệ Sỹ Piano Đoàn Lê Thanh Tú

o Hiệu phó: Cử nhân Nghệ sỹ Accordéon Phạm Đan Quế

o Số học viên hiện nay: khoảng 350 học viên

o Số giảng viên: 18 giảng viên (1 tiến sỹ, 3 thạc sỹ, 4 cử nhân)

o Số môn học chuyên ngành: 12 (Piano, Guitar, Accordéon, Violin, Harmonica, Trống, Hòa âm, Sáng tác, Đệm đàn phím, Nghệ thuật ca hát, Hợp xướng và Chỉ huy)

- Cơ sở phụ: Trường Âm nhạc B.A.C.H Đà Lạt tại 18 Nguyễn Lương Bằng, Phường 2, Đà Lạt

o Chủ tịch Hội đồng Quản trị: Tiến sỹ Nhạc trưởng Nguyễn Bách

o Hiệu trưởng: Thạc sỹ Nghệ sỹ Piano Đoàn Lê Thanh Tú

o Hiệu phó: Nghệ sỹ Nguyễn Minh Đức

o Số học viên hiện nay: khoảng 120 học viên

o Số giảng viên: 10 giảng viên (1 tiến sỹ, 1 thạc sỹ, 8 cử nhân)

o Số môn học chuyên ngành: 6 (Piano, Guitar, Violin, Hòa âm, Nghệ thuật ca hát và Chỉ huy)

- Ý nghĩa tên trường:

o B, A, C, H là tên những nốt nhạc Si giáng, La, Do, Si bình theo cách gọi của người Đức.

o BACH là họ của nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach.

o BACH trong tiếng Đức là “dòng suối”, để nhớ đến Trường Suối Nhạc của Linh mục Tiến Dũng thành lập trước đây.

o BACH cũng là tên của người sáng lập: Nguyễn Bách.

- Slogan của trường: Âm nhạc hay làm nên người tốt – Good music makes good people.

Tổng kết giải thưởng quốc tế

Từ lần đầu tiên tham gia các kỳ thi âm nhạc quốc tế vào năm 2017 đến hết năm 2020, Trường Âm nhạc B.A.C.H đã đoạt được 64 giải về Piano ở hạng mục (category) gồm 31 giải Nhất (trong đó có 2 giải hòa tấu), 24 giải Nhì (1 giải hòa tấu), 6 giải Ba, 3 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất Guitar (hòa tấu) và 1 giải Nhì Violin.

Các học viên đoạt giải Piano đều được huấn luyện bởi Thạc sỹ Piano Đoàn Lê Thanh Tú. Các giải gồm có:

SALZBURG 2017 (các học viên đoạt giải (lauréat) đã được mời biểu diễn tại Nhạc viện Mozart ở thành phố Salzburg, Áo) gồm 2 giải Nhất hòa tấu, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì (5 học viên)

NEW YORK 2018 (các học viên đoạt giải (lauréat) đã được mời biểu diễn tại Nhà hát nổi tiếng quốc tế Carnegie Hall tại New York, Hoa Kỳ)

Tháng 3: 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 2 giải Ba, trong đó nhỏ tuổi nhất là 11 tuổi (Golden Prize, 9 học viên)

Tháng 11: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba

SALZBURG 2019 (các học viên đoạt giải (lauréat) đã được mời biểu diễn tại Nhạc viện Mozart ở thành phố Salzburg, Áo) gồm 1 giải Nhì hòa tấu, 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, trong đó nhỏ tuổi nhất là 9 tuổi (3 học viên)

AMSTERDAM 2019 (các học viên đoạt giải (lauréat) đã được mời biểu diễn tại nhà hát lớn nổi tiếng Concertgebouw tại Amsterdam, Hà Lan) gồm 13 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 3 giải Tài năng đặc biệt (2 Exceptional và 1 về Debussy), trong đó nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi (12 học viên)

LONDON 2020 (các học viên đoạt giải (lauréat) đã được mời biểu diễn tại nhà hát lớn nổi tiếng Royal Albert Hall tại London, Anh quốc) gồm 3 giải Nhì, trong đó nhỏ tuổi nhất là 13 tuổi

NEW YORK 2020 (các học viên đoạt giải (lauréat) đã được mời biểu diễn tại nhà hát nổi tiếng quốc tế Carnegie Hall tại New York, Hoa Kỳ)

Tháng 3 gồm 4 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, trong đó nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi (Golden Prize)

Tháng 11 gồm 1 giải Nhất, 3 giải Nhì

SALZBURG 2020 (các học viên đoạt giải (lauréat) đã được mời biểu diễn tại Nhạc viện Mozart ở thành phố Salzburg, Áo) gồm 5 giải Nhất, 3 giải Nhì, 1 giải Ba, trong đó nhỏ tuổi nhất là 8 tuổi.

Tân Sa Châu mùa Phục Sinh 2021

Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

P/s: xin chân thành cảm ơn wikipedia và Tiến sỹ Nguyễn Bách đã cung cấp một số tư liệu.

Đời là một công trình kiến trúc do chính mình tạo nên.
Đời sống hiện tại là kết quả của sự tạo dựng trong quá khứ, đời sống ngày mai sẽ là kết quả của sự tạo dựng hôm nay.

vì thế cuộc sống trở nên mầu nhiệm .


CÂU CHUYỆN NGƯỜI THỢ XÂY NHÀ

Có người thợ mộc già nọ làm việc rất chuyên cần và hữu hiệu lâu năm cho hãng thầu xây cất nọ.

Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình. Tuy không còn có đồng lương nhưng ông ta muốn nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già. Hãng xây cất cũng vô cùng luyến tiếc là sẽ thiếu đi một người thợ giỏi đã tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị với ông cố gắng ở lại giúp hãng xây cất một căn nhà chót truớc khi thôi việc. Ông ta nhận lời.

Vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng, ông ta làm việc một cách tắc trách qua quít, xây cất căn nhà với những vật liệu tầm thường kém chọn lọc miễn có một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi.

Mấy tháng sau, khi căn nhà làm xong, Ông đuợc ông chủ hãng mời tới, đưa cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: “Ông đã phục vụ rất tận tụy với hãng nhiều năm, để tưởng thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, hãng xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!” Thật là bàng hoàng.

Nếu người thợ mộc biết là xây cất căn nhà cho chính mình thì ông ta đã làm việc cẩn thận và chọn lựa những vật liệu có phẩm chất hơn. Sự làm việc tắc trách chỉ có mình ông tự biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà chỉ có riêng ông biết là kém phẩm chất.

Suy nghĩ:

Câu chuyện này cũng giống như chuyện đời của chúng ta. Chúng ta giống như người thợ già kia thường tạo dựng một đời sống hào nhoáng, tạm bợ, đua đòi không chú trọng tới phẩm chất của nó. Nhiều khi ngồi kiểm điểm những sự bê bối của mình trong quá khứ, thì chúng ta thấy mình đang phải cam chịu những hậu quả của nó.

Đời là một công trình kiến trúc do chính mình tạo nên. Đời sống hiện tại là kết quả của sự tạo dựng trong quá khứ, đời sống ngày mai sẽ là kết quả của sự tạo dựng hôm nay.

Hãy xây dựng đời mình một cách đúng đắn.

Bodhgaya monk

Vì thế mà cuộc sống trở nên mầu nhiệm.

..Có lẽ đa số chúng ta nghĩ rằng con đường tu học sẽ là buồn chán lắm, vì ta sẽ phải buông bỏ đi hết những say mê của mình trong cuộc sống. Và nếu như ta không còn có một sự ham thích nào nữa thì cuộc sống mình sẽ ra sao?

Nếu như ta chỉ biết chấp nhận và buông xả hết mọi việc, ta có trở nên dửng dưng với mọi việc xảy ra chung quanh mình chăng?

Theo tôi, TÂM XẢ không phải là một thái độ dửng dưng đối với cuộc sống, mà nó lại là một cảm xúc rất sâu sắc, và có thể mang lại cho ta những niềm vui và hạnh phúc lớn.

Cũng như một ly nước đục, khi ta lọc bỏ đi phần cặn dơ thì nó sẽ được trở nên trong sạch hơn, chứ nước đâu có mất đi! Cũng vậy, khi ta buông xả đi những độc tố của lòng tham ái, thì ta chỉ bỏ đi phần khổ đau, chứ tình thương, sự rộng lượng, lòng tha thứ vẫn còn có mặt.

Và nhờ vậy mà những hạnh phúc trong cuộc sống lại trở nên nhiệm mầu hơn.


Qua Ngõ Phù Vân

Người về qua ngõ tàn phai
Mang hồn du tử trần ai chập chùng..
Đất trời sương phủ mông lung
Nghiêng vai trút sạch tận cùng đảo điên.
- Một đời qua, nặng ưu phiền
Tháng năm đầu đội bao niềm âu lo..
Từ đâu, ai đã buộc cho
Khư khư rồi lại .. bo bo nghiệp trần?
Người về qua ngõ phù vân
Cõi tình phai dấu nhịp chân vô thường.
Không ưng vui, có đâu buồn
Phong trần bỏ dưới cội nguồn Chân như .
Ngày về mặc áo Không hư
Gọi người trong mộng giả từ kiếp mơ.
Và từ đó hết làm thơ
Mây trong cõi ý mịt mờ, loãng tan..

Thích Tánh Tuệ - Hà Manh Đoàn st.


Phụ bản II

PHỐ NHỎ EM VỀ

Phố nhỏ em về đường chiều mưa dìu dịu

Gió thì thầm trải góc nắng vàng hoe

Ran rát ve kêu đăm đắm đầu hè

Cánh bướm mỏng nhẹ chao vào nỗi nhớ

Ngôi nhà nhỏ nằm trong lòng phố nhỏ

Đã không còn dáng nét của ngày xưa

Ngọn trúc đào trong gió vẫn đong đưa

Cho em gọi một ngày hương da diết

Khe khẽ nhành non ú òa lộc biếc

Gió sân trường thon thả dáng ai thơ

Tím mùa xưa áo trắng vẫn như chờ

Chùm phượng vĩ theo chân vào cửa lớp

Như chực vỡ rèm mi ùa lóng lánh

Tiếng ai trầm bụi phấn vẫn rơi rơi

Mắt trò ngoan đăm đắm rót câu mời

“Cô về ạ. Cô ơi mình vào nhé.”

Con tim nhỏ run run từng nhịp thở

Vít cong cong một nhánh lá bên đường

Phố nhỏ em về chiều nắng vẫn vương vương

Nghe lòng ngọt. Chao ôi lòng ngọt quá

Đàm Lan

Khó, Dễ Trong Đời

DỄ là nói chẳng nghĩ suy
KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra.

DỄ làm đau đớn người ta
KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương!

DỄ là biết được Vô thường
KHÓ, lòng cứ vẫn tơ vương cuộc trần,

DỄ là độ lượng bản thân
KHÓ sao dung thứ tha nhân lỗi lầm!

DỄ là vong phụ ân thâm
KHÓ, câu tình nghĩa ngàn năm dạ hoài..

DỄ là phạm những điều sai
KHÓ, tâm học hỏi những ai hơn mình,

DỄ cho kẻ khác niềm tin
KHÓ là luôn giữ chính mình thẳng ngay.

DỄ là nói những điều hay
KHÓ thay Sống tựa trình bày ngữ ngôn.

DỄ là suy tính thiệt, hơn..
KHÓ lùi một bước nhịn nhường lẫn nhau.

DỄ là sống vội, sống mau
KHÓ dừng chân lại thở sâu, biết là...

DỄ là hứa hẹn, ba hoa..
KHÓ, lời tín nghĩa thiệt thà một khi.

DỄ là gieo rắc thị phi
KHÓ là nội quán, tự tri lại mình .

DỄ là chiến thắng, quang vinh
KHÓ lòng khiêm hạ, thấy mình nhỏ nhoi.


DỄ xin địa chỉ mọi người
KHÓ mà tìm được chỗ ngồi trong tim.

DỂ biết nói, khó biết im
KHÓ cùng ánh sáng, dễ tìm bóng đêm.

DỄ vụng chân ngã xuống thềm
KHÓ vùng đứng dậy vượt lên chính mình

DỄ biết trời đất rộng thênh
KHÓ là biết được '' ngôi đền tự tâm ''

DỄ vui sáu nẻo thăng, trầm
KHÓ lần ngán ngẩm âm thầm hồi hương.

DỂ khi mất, cảm thấy buồn
KHÓ, trong hữu Phúc biết thương, giữ gìn.

DỄ là vun quén quanh mình
KHÓ, tình trải rộng ánh nhìn vị tha.

DỄ cho ngày tháng đi qua
KHÓ là tỉnh thức trong ta vài giờ..

DỄ Sinh, dễ Tử mơ hồ..
KHÓ khi đối diện nấm mồ Tuệ tri!..

DỄ là viết những lời thi
KHÓ rằng mơ ước đời ni vẹn toàn.

Thôi, chừ tìm cái bồ đoàn
Dễ là ngồi xuống, Khó hàng phục tâm.
Dầu sao cũng quyết một lần
Bằng không khó, dễ... lần khân nối dài...

Thích Tánh Tuệ - Hoàng Chúc st.
Kỉ niệm ngày Phật Đại Niết Bàn.
Bodhgaya- 3-2014

Cảnh nào

Cảnh chẳng đeo sầu

CẢNH vườn Thúy quá điêu tàn

NÀO hoa héo rũ, bướm vàng lẻ đôi

CẢNH nhà hoang phế tả tơi

CHẲNG còn bóng dáng bồi hồi xót xa

ĐEO mang nỗi nhớ thiết tha

SẦU giăng khắp chốn nhạt nhòa gió sương

NGƯỜI đi mấy tím vấn vương

BUỒN dâng kỷ niệm luyên thương xa vời

CẢNH xưa tình cũ chơi vơi

CÓ chăng nuối tiếc muôn đời không phai

VUI sao xóa được u hoài

ĐÂU rồi giọt lệ trang đài bơ vơ

BAO niềm ước vọng vô bờ

GIỜ tan biến hết duyên thơ rã rời

Ngàn Phương


Tâm sự Nguyễn Du

Người khắc khoải nghìn đêm thức trắng

Ngẩn ngơ buồn ngậm đắng nuốt cay

Khung trời thơ đẹp mê say

Chuyện lòng ấp ủ tháng ngày thầm trôi

Tơ liễu gượn vui thôi rũ tóc

Thuyền mây đưa người ngọc về đâu

Dặm trường biển cả nương dâu

Cung thương đứt đoạn, dãi dầu tái tê

Ngàn Phương

Nỗi lòng Kim Trọng

Trở lại chốn xưa da rối bời

Chứa chan kỷ niệm nhớ xa vời

Hoàng mai, Bách hợp buồn tê tái

Nguyệt Quế, Ngọc Lan lạnh rã rời

Én liệng lầu không, sầu ủ rủ

Quyên kêu lối vắng hận chơi vơi

Bâng khuâng hồi tưởng người năm cũ

Như cảnh bèo non lạc biển khơi.

Ngàn Phương


Tương Tư Sầu

Ngày đầu, hai đứa gặp nhau

Dưới trăng, tâm nguyện bên nhau trọn đời

Nào hay lời nguyện, bay mau

Duyên tơ chưa thẳm mà tình phai tháng ngày

Tâm tư mang nổi u hoài

Thâu đêm, thao thức, giọt sầu thương đau

Trách ai, sao Nội xa nhau

Để thương, để nhớ mối sầu tương tư.

28/4/2021, Kim Long

Bảy mươi ba

Bảy mươi ba vẫn chưa thấy già

Lòng còn mơ bóng trắng ngà vu vơ

Hồn thanh xuân cứ mãi chờ

Ngươi nơi phương ấy hững hờ đi qua

Bảy mươi ba bảy mươi ba

Ta cười thế sự như là chiêm bao

Thôi mình dù có thế nào

Cũng đành ngâm khúc dạt dào thương yêu.

08/05/2021, Hoài Ly

Nhịp cầu thơ

Tương hội tri giao tặng mấy bài

Chút duyên hàn mặc góp cùng ai

Nối vần thơ cũ quên chiều xuống

Thắp sáng tình ta mộng đắm say.

Thanh Vĩnh


Niềm thơ

Ôn lại đến nay tính chẳng lầm

Thi đàn góp mặt đã mười năm

Xướng hòa bài vở hơn ngàn bản

Tri ngộ bạn bè độ mấy trăm

Tươi thắm tình thơ hằng ước gặp

Mặn nồng duyên bút những mong tầm

Khơi nguồn cảm hứng hồn thanh thản

Cuộc sống bon chen chẳng bận tâm.

Cuộc sống bon chen chẳng bận tâm

Thơ Đường sáng tác vẫn siêng chăm

Chọn từ sắp đối ngay khi đứng

Tìm ý đặt câu cả lúc nằm

Đêm ngủ cuốn thơ kê dưới gối

Ngày ăn cây bút gác bên mâm

Lòng luôn ấp ủ niềm hy vọng

Với bậc đàn anh được sánh bằng.

Thanh Vĩnh


MÙA XUÂN HẠNH PHÚC

Còn Xuân mưa vẫn bay

Tình Xuân yêu ngất nây

Mùa Xuân má hây hây Xuân nồng

Hãy lắng nghe tính khúc vàng

Vẫn đắm say tình lúa vàng

Ánh trăng trong còn mơ màng

Mùa Xuân hạnh phúc thanh xuân bên nàng

Hãy lắng nghe tình lúa vàng

Hát bên nhau tình dâng tràn

Ái ân say còn mơ màng

Mùa Xuân hạnh phúc

Bên nhau thiên đàng

Phùng Chí Tâm

NỖI NIỀM

Huynh cùng tỷ muội tuổi cao

Đam mê tơ phú với bao tâm tình

Ra đi từ lúc bình minh

Sương mai còn đọng lung linh nèo đường

Giao lưu tình cảm vấn vương

Mở trang sách quý mến thương trải lòng

Định kì tái ngộ trông mong

Qua đi dịch bệnh xuân hồng hoan ca

Vũ Thùy Hương

ĐÊM KHUYA TRẢI LÒNG

Hình như Trời đổ cơn mưa

Đêm khuya hoang vắng: đong đưa giọt sầu

Trải lòng lưu dấu đôi câu

Tàu đi biệt xứ từ lâu mỏi mòn

*

Đưa ta đến với Sài Gòn

Phồn hoa đô hội héo hon thân gầy

Nhớ Cha – Thương mẹ - Vọng Thầy

Bạn bè giã biệt! Đong đầy vấn vương!

Nỗi buồn nhứt buốt tha phương

Gợi trong tiềm thức mãi nương mộng về

Mưa rơi tâm trạng ủ ê

Quê hương hoài niệm: kéo lê đoạn trường

*

Nhớ xưa Vỹ Dạ - Thừa Lương

Nam Giao chung lối – phố phường chung đôi

Hương Giang nước lững lờ trôi

Thiên Mụ hùng vỹ ngân hồi chuông vang

*

Ngẫn ngơ đò dọc đò ngang

Ôi sao thơ mộng thiên đàng Cố Đô

Giọt buồn héo hắc thân cô

Giọt hiu hắc nhớ Nhà Đồ - Kim Long

Xa Quê

Vọng tưởng

mãi mong

Trời luôn tỏa sáng

trong lòng Thừa Thiên

Vũ Thùy Hương

ĐẤT NGỌC, ĐẤT VÀNG

Lớn khôn nhớ đất chở che

Xuôi tay nhắm mắt, trở về đất ôm

Hành tinh khắp cõi đất thơm

Là nơi mầm sống sáng hồn sanh linh

Kim cương, quặng mỏ đất sinh

Ngọc vàng quý hiền, hành tinh ồn ào.

Khắp trông thiên hạ xôn xao

Chiến tranh ác mộng gây bao điêu tàn

Tranh giành đất ngọc, đất vàng.

Sanh linh chết chóc, xóm làng xác xơ.

Lòng tham không đáy ngu ngơ

Sân si, ngu muội, dại khờ mà ra.

Nhớ câu “biển bốn, núi ba”

Năm trăm mười triệu, ấy là số vuông.

Đát không sinh nở, đất buồn

Người vui sinh mãi, nổi lòng âu lo.

Lương Văn Nhung

YÊU THƠ

Yêu thơ giúp để nhớ dai

Yêu thơ giúp để thèm dại tuổi xuân

Văn bồi văn hóa tinh thần

Sông vui, sống khỏe góp phần thăng hoa

Niềm vui cuộc sống chan hòa

Tiếp thu ý đẹp tinh hoa ngọc vàng.

Mong nhiều thi hữu sẻ san

Thêm nhiều cống hiến phúc khang cuộc đời

Bách xuân càng thắm càng tươi

Hòa bình thế giới, tình người xanh hơn.

Từ tâm đại lượng ngời son

Sáng danh Hồng Lạc núi non trường tồn

Ơn sâu công đức Hùng Vương

Núi sông vẹn cõi vĩnh trướng miền xuân

Ơn người giữ nước thánh nhân

Anh hùng lừng lẫy thiên thấn muôn xuân.

Đinh Thị Diệu

TÌNH MẪU TỬ

Nhớ thương biết mấy để cho vừa

Khuya sớm tảo tần vẩn ảo thực

Chân chất thật thà gương để lại

Gian nan cực khổ úc trời mưa

Quảng đời vất vả không lo ngại

Thôn xóm hòa đồng chẳng thiệt thua

Ngày tối chăm nom con bé nhỏ

Vui mừng mạnh khỏe trẻ nô đùa

K.H.Quang Bỉnh 2021 (T.G)

QUÊ TÔI

Nông thôn đổi mới rất vui tươi

Dân chúng hân hoan khắp mọi nơi

Đường xá khang trang xe nhộn nhịp

Lầu cao tuyệt đẹp khá tân thười

Ngăn ngừa bệnh dịch nên xem trọng

Tiêm thuốc đủ liều không bỏ lơi

Bạn hữu thăm nhau qua điện thoại

Chăm nom sức khỏe bạn đời ơi

K.H. Quang Bỉnh 2021 (TG)

CÙNG CẢNH KHỔ (TỰ SỰ)

Ngày bốn tháng năm TÂN SỬU

Châu Thành họp bạn giao lưu trở về

Tự nhiên phát hiện đầu tê

Con nhà cửa đóng lê thê ra hồng

Làm sao để được lưu thông

Chạy vào bệnh viện cầu mong cứu nàn

Bước đầu theo dõi cục mang

Liệt tuyến biểu hiện khổ than thân mình

Gường nằm xếp lớp bệnh tình

Đa khoa chật chội thất kinh chạy dài

Thương người cảnh khổ chỉ cho

Vào (K120) thầy thuốc chăm lo tận tình.

K.H Quang Bỉnh 2021 (T.G)

(K.120: Chân thành cám ơn Bs. Nguyễn Xuân Mích
và các Điều dưỡng Khoa Tiết Niệu)


CŨNG PHẢI GIÀ

Phước Hải trăm năm cũng phải già

Trang đời chữ hiếu dạy cho ta

Mẹ chaduwongx dục, thương sầu não

Tuổi hạc phân ly, khóc lệ nhòa,

Tôn tử, cư tang, người tình đến

Thân bằng phúng điếu, khách quê xa

Hồn thiêng siêu thoát, nơi tiên cảnh

Cựu lạc, Tây Phương chốn Phật Đà?

Phước Hải, 05/05/2021

Kiếp Vẹt

Dù chỉ là kiếp Vẹt cảnh thôi

Mà cũng phong lưu suốt một đời

Người khen mày giỏi như người máy

Được chủ lập trình sẵn để chơi

Ý nghĩa đời mày, có biết không?

Tự do mà hót ở trong lồng

Hót sao cho giống như ông chủ

Chủ tiến thì máy cũng có công

Kìa những kẻ xu thời nịnh hót

Đời “ba hoa” biết có trọn vẹn không?

Lê Minh Chử

Mưa

Mưa! Mưa! Mưa!

Mưa lợi lộc sinh sôi nảy nở

Mưa quay quắt đã đổ ngập cánh đồng

Mưa xối xả, phố phường hóa thành sông

Mưa xa xa, mịt mờ bãi cát

Mưa hiền hòa, man mác ruộng vườn

Mưa êm êm, dìu dịu những tâm hồn

Mưa mênh mang u uẩn chốn thiền môn

Mua trên trời, sấm sét rền vàng

Mưa hung hãn, đất tan hoang nhà cửa

Mưa hân hoan nỗi niềm vui muôn thuở

Mưa đẹp đều tươi tốt những mùa vàng

Mưa đẹp, mưa vui, mưa lời, mưa lộc

Mưa dầm, mưa dai, mưa thảm, dầu

Mưa đè nặng lên cảm xúc lo âu

Mưa là thế với muôn màu phúc - họa

Lê Minh Chử


Rừng và Chim

Rừng đẹp nhất là khoảnh khắc bình minh

Chim ríu rít gọi bạn tình thức dậy

Cất tiếng hót vàng đón tia nắng đầu tiên

Giai điệu tuyệt vời - bản giao hưởng của thiên nhiên

Lá xanh thấp thoáng trong sương

Cỏ cây hoa lá mùi hương lạ thường

Tình với cảnh biết bao thương mến

Rừng và chim. Ôi! Đẹp đến mê hồn

Được thả mình trong cảnh sắc nên thơ

Tan biến đi những lo toan mưu sinh cuộc sống

Thực thực, hư hư, đời như ảo mộng

Hồn mênh mang thênh thang thản đến vô bờ.

Lê Minh Chử


Chiều Xanh

Có một chiều xanh thẳm ở trong nhau

Gian gác nhỏ mưa lan mờ bến bãi

Áo em ngắn hết một thời con gái

Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu

Có một chiều xa vắng ở bên nhau

Gió non thổi bậc thêm già nắng quái

Tóc em rối trăng lên chưa kịp chải

Đôi giọt buồn mơ mộng đọng trong mây

Có một chiều giếng đá lá khô bay

Con đường dốc em đi không trở lại

Mây trinh nữ che nghiêng trời xóm Bãi

Chim le le gọi bạn cuối đầm sâu

Có một chiều yên ấm ở xa nhau

Anh chợt thấy vầng trăng rằm cũng khuyết

Tà áo mỏng bồng bềnh cơn gió rét

Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay...

Trần Nhuận Minh, 11-12-1968


BLUE EVENING

There was a very deep blue evening in ourselves

At the small storey under the rain that spread

dimmering beach and wharf

Your tunic was short throughout your girlhood

So where could I hide my love for you

There was a lost evening when we were side by side

A light wind blew over the verandah under

the afternoon sun

Your hair was ruffled and you couldn’t comb it before

the moon appeared

A few drops of sadness dreamingly stagnated

in the clouds

There was one evening where dry leaves flew over

the stone well

You left on the slopy road and never returned

Inclined virginal clouds covered the hamlet Bãi’s sky

The tree-ducks called one another at the end

of the deer pond

There was a quiet and warm evening when we were

far from each other

I suddenly felt that even the full-moon was waning

The thin flap was drifting and bobbing in the chilly wind

That blew perplexedly since the young age

of our budding love...

11-12-1968

Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn

Phụ bản III


“CHƠI CHỮ” của LÃNG NHÂN

Lúc khoảng 10 tuổi, trong nhà người viết có hai tủ sách lớn. “Chơi Chữ” là một trong số sách này. Đó là một tác phẩm biên khảo tập hợp những giai thoại nho nhỏ. Dĩ nhiên, đứa nhỏ lên mười không thể hiểu hết những câu chuyện trong đó, nhưng nhờ nhà văn Lãng Nhân đã viết với văn phong giản dị, dễ hiểu nên đứa con nít vẫn đọc được sách, tuy lõm bõm mà vẫn thích thú.

Với các độc giả miền Nam Việt Nam trước 1975 hẳn khó quên những bài phiếm luận hóm hỉnh, sâu sắc và thấm đượm tình người của cụ Lãng Nhân. Người viết tuy thuộc lớp thế hệ sau nhưng rất thích đọc những tác phẩm biên khảo cũng như các phiếm luận của cụ Lãng Nhân.

(*) Mở đầu tác phẩm Chơi Chữ, cụ Phùng viết: “Nghề chơi cũng lắm công phu”, huống hồ chơi… chữ!

Chơi chữ cần có những yếu-tố không phải ai cũng gom được đủ: có học đã đành, nhưng lại còn phải có tàị.
Học có hàm-súc, mới biết dùng chữ cho rành-rẽ, dùng điển cho đích-đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý; tài có mẫn-tiệp, mới lĩnh-hội được mau-lẹ những nét trội trong một cảnh-huống, và diễn-xuất ra một cách nhanh-chóng đột-ngột, hồ như là tự-nhiên.

Trong văn chương ta, có nhiều lối chơi: thơ, phú, câu-đối, tập Kiều, sử-dụng lối nào là tùy theo tình, theo cảnh, theo cách cấu-tứ mà phô diễn ra cho phù hợp với nguồn cảm-hứng trong giờ phút đó của nhà văn.”

Hai cách chơi chữ trong tiếng Việt được thấy nhiều nhất là Nói Lái và dùng chữ Đồng Âm Khác Nghĩa.

Do tiếng Việt là ngôn ngữ độc âm, nhờ thế rất dễ dàng trong lối Nói Lái. Hẳn ai cũng đều từng nghe câu này: “Vấn đề khó khăn nhất bây giờ là chuyện đầu tiên” Đầu Tiên nghĩa là Tiền Đâu.

Và ai cũng hiểu câu này: “Bàn cho nhiều rồi thì cũng vũ như cẩn mà thôi”.

Khi nghe câu này lần đầu tiên, tôi không hiểu. Ngẫm nghĩ một hồi mới nghĩ ra: Vũ Như Cẩn nghĩa là Vẫn Như Cũ! Với phái nam, nếu được ai khen mình là Người Sáng Chói thì không nên vội mừng vì có thể họ bảo mình là Người Sói Trán.

Còn với phái nữ, lỡ được ai khen trông giống Hương Qua Đèo thì coi chừng họ đang bảo mình là Heo Qua Đường!

Và, có khi nói lái được nâng lên một mức khó hơn khi kết hợp với chữ Hán Việt. Nhà văn Lãng Nhân đã ghi lại câu nói lái sau đây: Nam Đáo Nữ Phòng, Nam Bất Chính.
Người nam vào phòng người nữ là không chính đáng, không đàng hoàng.

Vậy nếu Nữ Đáo Nam Phòng thì sao?

Nữ Đáo Nam Phòng, Thạch Bất Truy

Người nữ vào phòng nam thì thạch bất truy? Muốn hiểu câu bí hiểm này thì phải dịch từng chữ một:
Thạch là Đá, Bất là Không, Truy là Theo.

Trong Truyện Kiều thì Thúy Kiều đã dám cả gan một mình lẻn qua nhà anh chàng Kim Trọng. Và rồi chàng Kim có “thạch bất truy”? Nhưng, Nguyễn Du đã không cho chuyện ấy xảy ra. Khi Thúy Kiều thấy Kim Trọng có vẻ
lơi lả thì nàng đã ân cần khuyên rằng:

“Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến anh
Trong khi chắp cánh liền cành
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.”

Do đó, dù rằng ở đây thực đã có chuyện “nữ đáo nam phòng” nhưng lại không hề xảy ra chuyện “thạch bất truy”.

Với các ngôn ngữ đa âm như tiếng Pháp, tiếng Anh thì việc nói lái không dễ như tiếng Việt. Tuy nhiên, tiếng Anh, tiếng Pháp vẫn có thể nói lái được nếu chỉ dùng những chữ độc âm.

Xin đưa ra vài ví dụ:

no tails, toe nails.
ready as a stock, steady as a rock.
soap in your hole, hope in your soul.

Còn nói lái bằng tiếng Pháp, thì cụ Lãng Nhân cũng sưu tầm được một câu chuyện như sau:

Một phụ nữ Việt lấy Tây – vào thời đó người ta gọi là “Me Tây” – một hôm đi mua đồ với chồng. Sau khi cửa hàng cho biết giá, bà me Tây quay qua nói với ông chồng “Très chaud, très chaud!” Người chồng tưởng vợ than nóng nên vội vàng móc tiền ra trả, cầm món đồ đi ra. Nhưng khi ra đến ngoài, người vợ cằn nhằn “Giời ạ! Đã bảo đắt lắm tại sao còn mua?”

Ông chồng Tây ngỡ ngàng hỏi “Tôi chỉ thấy bà kêu nóng quá, có thấy bà kêu đắt quá đâu”. Người vợ chán nản than “Tôi là người Việt, chẳng nhẽ chê đắt chê rẻ. Nhưng tôi đã nói với ông rồi mà, Tôi nói Très Chaud – Très Chaud tức là Trop Cher” Thì ra bà vợ đã nói lái: Très chaud thành Trop cher – “Nóng quá” thành “Đắt quá”. Ông chồng Tây không hiểu, có lẽ vì người Tây không biết nói lái?

Thế còn chơi chữ với chữ Đồng Âm Khác Nghĩa là sao? Hẳn nhiều người đã nghe bài ca dao sau đây:

Bà già đi chợ Cầu Đông,
Xem bói một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn!

Không cần giỏi chữ, một người cũng hiểu được “lợi” vừa có nghĩa “lợi ích” vừa có nghĩa “răng lợi. Thầy bói bảo bà già vẫn “có lợi” mà. Như vậy, bà già có nên lấy chồng không? Tiếng Việt có rất nhiều chữ đồng âm khác nghĩa, do đó, cách chơi chữ này dễ chơi và rất phổ biến.

Một giai thoại văn học nổi tiếng là câu đối chỉ có một vế của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Tương truyền, cụ thân sinh của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có một học trò rất giỏi tên là Quỳnh – mà ta thường gọi là Trạng Quỳnh.

Trạng Quỳnh thường trêu ghẹo cô Điểm. Để ngăn cản Quỳnh, cô Điểm ra những câu đối khó. Nhưng lần nào Quỳnh cũng đối lại được.

Một lần nọ, khi cô Điểm đang tắm thì Quỳnh gõ cửa đòi vào coi. Cô Điểm giận lắm nhưng vẫn ra một câu đối, bảo rằng nếu đối được thì sẽ mở cửa cho vào. Quỳnh hí hửng chịu ngay.

Câu đối đưa ra là: Da Trắng Vỗ Bì Bạch.

Quỳnh nghĩ hoài, nghĩ mãi, nghĩ không ra. Cuối cùng đành lẳng lặng rút lui, và từ đó không còn dám trêu ghẹo cô Điểm nữa.

Câu đối này tại sao khó đến mức một người thông minh như Trạng Quỳnh cũng phải bó tay?

Da nghĩa là Bì, Trắng nghĩa là Bạch. Da Trắng là Bì Bạch. Nhưng Bì Bạch còn nghe như tiếng tay vỗ lên da. Cái khó chính là tiếng tượng thanh “bì bạch, bì bạch” này đây.

Về sau, nhiều người tìm cách đối lại, ví dụ như:

- Cô Miên Ngủ Một Mình. Cô là Một Mình, Miên là Ngủ – Cô Miên tức là Ngủ Một Mình.

- Nhà Vàng Ngồi Đường Hoàng. Nhà là Đường, Vàng là Hoàng – Nhà Vàng tức là Đường Hoàng.

- Trời Xanh Màu Thiên Thanh. Trời là Thiên, Xanh là Thanh – Trời Xanh là Thiên Thanh.

Nhưng cả 3 câu này chỉ đối được nghĩa chữ Hán Việt, nhưng không thể đối với tiếng tượng thanh “bì bạch”. Do đó, cho tới nay, câu “Da Trắng Vỗ Bì Bạch” vẫn là câu đối duy nhất chỉ có một vế.

Xin quay lại với tác phẩm “Chơi Chữ” của Lãng Nhân.

Nói về cách Nói Lái, cụ Lãng Nhân sưu tầm được bài thơ Mong Chồng nói lái rất hay. Trong bài thơ này 2 chữ sau của câu trên được nói lái để trở thành 2 chữ đầu của câu kế.

Mong Chồng

Trên đắp chăn bông, dưới đệm bông
Bỗng đêm, sực nhớ lại thương chồng
Trông thường thấy ảnh, người đâu vắng
Văng đấu đong sầu, gạt gió đông
Văng đấu đong sầu, gạt gió đông
Đống gio nhóm lạnh để mong chồng
Trông mòng suốt sáng lòng chưa chán
Chan chứa sầu tuôn một mảnh đồng
Chan chứa sầu tuôn một mảnh đồng
Động mành gió lọt chốn thâm phòng
Phong thầm giọt lệ nhờ thư gởi
Gợi thử tình xem có nhớ không?

Bài thơ này phải đọc theo giọng người Miền Bắc vì khi nói theo giọng Bắc thì tê-e-rờ (tr) phát âm như xê-hát (ch) như chữ Mong Chồng nói lái thành Chông Mòng, cũng như chữ Thương Chồng nói lái thành Chông Thường.
Nhưng đúng ra phải đọc Trông Mòng, và, Trông Thường. Chữ “Trông” là tê-e-rờ như Trông Coi, Trông Chừng. Cũng như chữ “Đống Gio” thật ra phải là “Đống Tro.” Nếu không đọc theo giọng miền Bắc thì không nói lái được.

Việt Nam có thổ âm 3 miền Nam, Trung, Bắc. Và nhờ thế, cách chơi chữ cũng dựa vào cách phát âm của mỗi miền. Cụ Phùng Tất Đắc kể lại câu chuyện này về Tả Quân Lê Văn Duyệt.

Tương truyền, một hôm Tả Quân Lê Văn Duyệt đi xem hát Bội. Trên sân khấu có hai người kép hỏi đố nhau.
Một anh đặt câu hỏi rằng: Đố biết vật gì vừa đực lại vừa cái?

Tả Quân nghĩ anh kép nói bóng gió về mình, bởi vì Lê Văn Duyệt vốn là một hoạn quan. Do đó, Tả Quân nạt rằng nếu không trả lời được thì sẽ bị chém đầu.

Anh kép thản nhiên trả lời:

“Chèng ơi, dễ dzị mà cũng hỏng bít. Cái thứ dzừa đực dzừa cái chính là Coong Thằng Lằng!”

Coong là cái, Thằng là đực. Thì đúng là vừa đực vừa cái. Chứ nếu nói theo giọng miền Bắc thì chỉ là Con Thằn Lằn thì đâu thể nào vừa Con lại vừa Thằng.

Cũng như nếu có ai bẽn lẽn thú nhận “Tui là cái thứ Chung Vô Diệm” thì xin đừng nghĩ người giống bà bà hoàng hậu xấu xí nhất trong lịch sử Trung Hoa. Và nếu bà Chung có sống lại cũng sẽ rất ngỡ ngàng khi thấy tên mình được đem ra để ám chỉ cái tật khó nói của phái nam. Thậm chí bà ta cũng sẽ chẳng nhận ra tên mình khi nó được đọc theo giọng Miền Nam là Chung Dzô Dzịm!

“Chơi Chữ” còn nhắc tới một giai thoại về Đồng Âm Khác Nghĩa: Báo Trung Bắc do hai ông Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc chủ trương, một lần đã ra câu đối như sau:

Vợ cả vợ hai, hai vợ cùng là vợ cả.

Nghe tưởng chừng đơn giản phải không? Nhưng thật ra là một câu đối rất lắt léo Chữ “cả” theo miền Bắc có nghĩa là “lớn”, cũng có nghĩa là “cùng”. Câu này có 2 nghĩa: Nghĩa thứ nhất: Vợ lớn vợ nhỏ gì đều cùng là vợ. Nhưng nghĩa thứ là: Vợ lớn vợ nhỏ đều cùng là vợ lớn, đều quan trọng không kém gì nhau.

Khó thế nhưng vẫn có nhiều người gởi câu đối về tòa báo. Và, câu đối được chấm giải nhất là câu sau đây:

Con nuôi con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi.

Chữ “con nuôi” ở đây có hai nghĩa. Khi dùng làm danh từ, “con nuôi” là người con mình nhận nuôi. Khi là động từ, nghĩa là con cái nuôi mình.

Do đó, câu này có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất: Giữa con nuôi và con đẻ, mình không nên nhờ cậy người con nuôi. Nghĩa thứ hai, mình có hai đứa con, vừa con nuôi vừa con đẻ, nhưng một khi đã đẻ con ra được thì chẳng cần nhờ tới đứa nào nuôi hết (há cậynghĩa là chẳng cần nhờ cậy).

Đọc tới đây, hẳn quý vị sẽ đồng ý với câu nói của cụ Lãng Nhân, rằng:

“Nghề Chơi cũng lắm công phu, huống hồ là Chơi Chữ“.

Nhà văn Lãng Nhân – Phùng Tất Đắc ngoài biên khảo còn là tay viết phiếm tài hoa. Ông nổi tiếng với các truyện phiếm khôi hài nhưng thâm trầm như Trước Đèn, Chuyện Cà Kê… Ông cũng đã để lại cho đời những tác phẩm sưu khảo công phu như Chơi Chữ, Giai Thoại Làng Nho… Phải chăng chính hoạt động biên khảo đã giúp văn ông thêm sâu sắc, duyên dáng? Và có lẽ đó là một bài học quý giá cho những ai theo nghiệp văn chương.

Trong “Chơi Chữ” có được bài thơ đặc biệt của cặp tình nhân tiếng tăm và cũng đầy tai tiếng, đó là nhà thơ Alfred de Musset và nữ sĩ George Sand, cho thấy hai nhà thơ Pháp này không những làm thơ hay mà chơi chữ cũng hay nữa.

Alfred de Musset là nhà thơ, nhà viết truyện ngắn lãng mạn của Pháp thế kỷ 19, nhưng ông nổi tiếng hơn bởi mối tình đầy sóng gió với nữ văn sĩ George Sand. Khi hai người gặp nhau, Musset chỉ mới 23 tuổi trong khi George Sand là một phụ nữ đã có chồng và hơn ông 6 tuổi.

George Sand là một phụ nữ đặc biệt, cá tính và có lối sống độc lập, không bị ràng buộc bởi các khuôn phép đương thời Alfred De MussetGeorge Sand Musset đã gởi tới nàng bài thơ tình tứ sau:

Quand je mets à vos pieds un éternel hommage,
Voulez-vous qu’un instant je change de visage?
Vous avez capturé les sentiments d’un coeur
Que pour vous adorer forma le créateur.
Je vous chéris, amour, et ma plume en délire
Couche sur le papier ce que je n’ose dire.
Avec soin de mes vers lisez les premiers mots,
Vous saurez quel remède apporter à mes maux.

Đây là bản lược dịch qua tiếng Việt:

Bao lâu từng ước ao.
Giờ đổi giọng được sao?
Nàng đã ngự trong lòng,
Thuận tình ta luống mong.
Cho bút ta lên hương,
Ta viết lời yêu đương.
Thỏa được dạ ta cầu.
Nguyện đọc chữ đầu câu…

Và sau khi George Sand đọc xong những “chữ đầu câu” thì nàng đã cầm bút trả lời ngay:

Cette insigne faveur que votre coeur réclame
Nuit à ma renommée et répugne à mon âme.
Đêm trường ai những ước mong.
Nay tuy e lệ mà lòng thầm ưa!

Musset tất nhiên cũng đọc ngay “chữ đầu câu” và thấy đó là 2 chữ tuyệt vời: “Cette Nuit” – Đêm Nay!

Từ đó, bắt đầu mối tình ngang trái giữa hai con người tài hoa, để sau này được George Sand kể lại trong một tiểu thuyết có tên “Nàng và Chàng” (Elle et Lui).

Cách dùng các chữ đầu câu trong bài thơ để tạo nên một câu riêng là cách chơi chữ được người Việt ưa thích. Thường gặp nhất là trong những bài thơ mừng Tết, mừng Xuân, mừng đám cưới. Đó thường là các câu có 4 chữ như: Cung Chúc Tân Xuân, Vạn Sự Như Ý, Trăm Năm Hạnh Phúc,…

CUNG kính mời nhau một tách trà
CHÚC mừng Xuân mới, tiễn năm qua
TÂN niên hạnh phúc và như nguyện
XUÂN đến bình an khắp gần xa.
VẠN chuyện lo toan không chất đống
SỰ gì bế tắc thảy đều qua
NHƯ hoa mai nở trong tuyết lạnh
Ý nguyện, duyên lành, mãi thiết tha.

Xin được dùng bài thơ Cung Chúc Tân Xuân – Vạn Sự Như Ý mà người viết sưu tầm để kết thúc bài viết. Xin mến chúc tất cả bạn đọc một năm mới tràn đầy hạnh phúc và bình an.

Xuân 2018

Trịnh Bình An - Hoàng Kim Thư st.


(*) Ghi chú:

Phùng Tất Đắc (1907-2008), bút hiệu Lãng Nhân, Cố Nhi Tân và Tị Tân.

Sinh quán Hà Nội. Năm 1954, di cư vào Nam. Từ 1954 đến 1975, phụ trách nhà in Kim Lai và nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư. Năm 1975, tỵ nạn tại Cambridge, Anh quốc. Ông qua đời ngày 29-2-2008.

Các tác phẩm đã xuất bản: Trước Đèn, Chuyện Vô Lý, Chơi Chữ, Cáo Tồn, Giai Thoại Làng Nho, Hán Văn Tinh Túy, Thơ Pháp Tuyển Dịch, Chuyện Cà Kê, Khổng Tử, Tư Mã Quang-Vương An Thạch, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất
Thuyết, Nghiêm Phục, Hương Sắc Quê Mình, Nhớ Nơi Kỳ Ngộ.

“Chơi Chữ” do Nam Chi Tùng Thư xuất bản năm 1970.


27 LÝ DO KHIẾN CHÚNG TA CƯỜI MỖI NGÀY

Chúng ta cần phải tạo lý do để cười... nếu chúng ta muốn có một ngày vui...

1- Cười là một thần dược trị được cả bệnh thể xác lẫn bệnh tâm hồn.

2- Cười làm cho ta cởi mở bao dung và có một tinh thần lạc quan yêu đời.

3- Cười làm tăng hồng huyết cầu và lá lách hoạt động tích cực hơn.

4- Cười làm tăng sinh lực, khiến ta vui vẻ, lanh lợi và thêm lòng yêu thương.

5- Cười làm cánh cửa cảm thông rộng mở thật dễ dàng với mọi người.

6- Cười mím, cười nụ, cười ra tiếng làm khuôn mặt chúng ta dễ mến hơn.

7- Cười làm thư giãn các bắp thịt trên mặt, tan biến những căng thẳng.

8- Cười làm toàn thân được nhẹ nhàng thanh tịnh, thư thái và an lạc.

9- Cười giúp ta tránh được tâm trạng cay đắng khổ đau, phản ứng kịp thời.

10- Cười giúp cho tâm hồn lành mạnh và thêm khả năng sáng tạo mọi việc.

11- Cười nhiều giúp ta biết tự kỷ có trách nhiệm và thực tế hơn.

12- Cười nhiều tránh được buồn nản, dễ thành công vì tiếng cười là trí tuệ.

13- Cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai tâm hồn, là biết nghệ thuật sống.

14- Cười dễ vui theo cái vui của người khác, hoan hỉ như mình thành đạt vậy.

15- Cười có thể làm tan di nỗi bực mình, buồn phiền của người đối diện.

16- Cười giúp ta vui sống hiện tại, quên hết quá khứ và lo lắng về tương lai.

17- Cười giúp ta trở về với chính mình, tức là thực sự trở về đời sống mới.

18- Cười có nhiều lợi ích cho ta về sức khỏe, tinh thần và cảm xúc tâm linh.

19- Cười giúp hồn nhiên tươi sáng,có nhiều khả năng chống lại bệnh tật.

20- Cười giúp các tế bào loại T trong máu tăng lên, có sức đề kháng mạnh.

21- Cười làm giảm phong thấp, các khớp xương đỡ bị sưng và chống sưng.

22- Cười làm giảm các chất hóc môn (cortisone) trong thận, sẽ sống khỏe hơn.

23- Cười tránh được nhức đầu, đau tim, cao huyết áp và mỡ trong máu.

24- Cười giúp tống khứ các khí dơ, thêm nhiều dưỡng khí cho bộ não thông minh.

25- Cười làm tăng máu, chống viêm khớp, làm con người luôn tỉnh táo.

26- Cười tạo điều kiện cho ánh sáng nội tâm thể hiện, thấu suốt mọi sự vật.

27- Cười giúp những nét phiền muộn tan biến, gương mặt trở nên tươi trẻ ra

Bùi Đẹp st.

Những Câu Nói Hay,

Ý Nghĩa Nhất Ðể Khích Lệ Tinh Thần

1. Quá khứ là nơi bạn đã học được những bài học. Tương lai là nơi bạn áp dụng bài học đó… Vì thế đừng từ bỏ giữa chừng.

2. Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn. ~ Bill Gates

3. Không quan trọng quá khứ bạn khắc nghiệt thế nào, bạn luôn luôn có thể bắt đầu lại. ~ Ðức Phật

4. Ðôi lúc bạn đối mặt với khó khăn không phải vì bạn làm điều gì đó sai mà bởi vì bạn đang đi đúng hướng.

5. Những điều tốt đẹp đến với ai tin tưởng, những điều tốt hơn đến với ai kiên nhẫn và… những điều tốt nhất chỉ đến với người không bỏ cuộc.

6. Cuộc hành trình ngàn dặm …phải bắt đầu từ những bước đầu tiên.

7. Ðừng mơ trong cuộc sống…mà hãy sống cho giấc mơ.

8. Cuộc sống không có nghĩa là dễ dàng. Nó luôn luôn biến động. Ðôi lúc hạnh phúc, có lúc lại khổ đau… Nhưng với tất cả những bước ” THĂNG TRẦM” trong cuộc sống, bạn lại học được những bài học làm cho bạn MẠNH MẼ LÊN.

9. Khi cuộc sống đặt bạn vào tình thế khó khăn…

Ðừng bao giờ nói ” Tại sao lại là tôi..?”

Mà hãy nói ” Tôi sẽ cố gắng …!”

10. Rất nhiều người sợ nói ra những gì họ muốn, đó là lý do tại sao họ không có được những gì mình muốn.

11. Bạn không thể chặn những con sóng… nhưng bạn có thể học cách làm thế nào để lướt sóng – Jon Kabat-Zinn

12. Trong cuộc săn đuổi giữa báo và nai… rất nhiều lần con nai dành phần thắng. Bởi vì con báo chạy vì nhu cầu thức ăn còn con nai chạy để tồn tại. Hãy nhớ rằng…” mục tiêu quan trọng hơn nhu cầu.”

13. Thời gian là để tạo ra điều gì đó. Khi bạn nói TÔI KHÔNG CÓ THỜI GIAN đồng nghĩa với việc bạn nói TÔI KHÔNG MUỐN LÀM ÐIỀU ÐÓ.

14. Một trong những điều tốt nhất trong cuộc sống là nhận ra một điều bạn hoàn tòan hạnh phúc mà không cần đến những thứ mà bạn nghĩ rằng bạn cần nó nhất.

15. Mỗi khi mỏi bước trên con đường mình đã chọn, hãy tự nhủ mình:” Tiếp tục đi… đừng dừng lại. Mỗi bước có thể khó khăn hơn nhưng đừng dừng lại. Viễn cảnh đẹp nhất là lúc ở trên đỉnh”.

Hãy luôn thúc đẩy mình bằng cách nghĩ về viễn cảnh hạnh phúc ở tương lai bạn nhé.

16. Ðừng nghĩ mãi về quá khứ. Nó chỉ mang tới những giọt nước mắt. Ðừng nghĩ nhiều về tương lai. Nó chỉ mang lại lo sợ. SỐNG Ở HIỆN TẠI VỚI NỤ CƯỜI TRÊN MÔI. Nó sẽ mang lại niềm vui cho bạn.

17. Khi bạn cảm thấy muốn buông xuôi, hãy nhớ lại rằng tại sao bạn đã đứng ở đó.

18. Nếu bạn hỏi một người giỏi trượt băng làm sao để thành công, anh ta sẽ nói với bạn: ngã, đứng dậy là thành công. ~ISAAC NEWTON .

19. Tiến về phía trước không có nghĩa là bạn quên đi những điều đã xảy ra . Nó chỉ nói lên rằng bạn phải chấp nhận và tiếp tục sống.

20. Ðừng lãng phí thời gian của bạn để nhìn lại những gì đã mất. Hãy bước đi tiếp, với cuộc sống không có nghĩa là đi du lịch về miền quá khứ.

21. Nếu tôi chọn suy nghĩ hạnh phúc, tâm trạng của tôi sẽ hạnh phúc sướng vui. Nếu tôi chọn suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng của tôi sẽ trở nên tồi tệ. Suy nghĩ của tôi tạo ra tâm trạng. Ðiều đó thật đơn giản, hãy thử bạn nhé.

22. Càng mất nhiều thời gian chờ đợi một điều gì đó bạn càng hiểu rõ giá trị của nó khi nhận được. Bởi vì bất cứ thứ gì có giá trị, chắc chắn phải bõ công chờ đợi.

23. Mỗi ngày có thể không phải là ngày tốt nhưng chắc chắn sẽ có điều gì đó tốt đẹp mỗi ngày => hãy mỉm cười và đón nhận ngày mới với thái độ hào hứng tích cực

24. Không quan trọng bạn nghĩ cuộc sống này tuyệt vời hay tồi tệ ra sao, Thức dậy mỗi sáng, cảm ơn cuộc đời bời vì vẫn có những người ở một nơi nào đó đang phải chiến đấu để tồn tại.

25. LÀM THẾ NÀO ÐỂ THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG

Nói – ít đi

Thở – sâu hơn

Quần áo – lịch sự

Làm việc – chăm chỉ

Cư xử -đứng đắn-

Tiết kiệm – đều đặn

Ăn uống – hợp lý

Ngủ – đầy đủ

Hành động – dũng cảm

Suy nghĩ – sáng tạo

Kiếm tiền – lương thiện

Ðể dành – thông minh.

26. Hãy luôn tự nhủ mình: “Tôi sẽ không dừng lại khi tôi mệt mỏi, tôi chỉ dừng lại khi tôi đã hòan thành” Cố lên nào mọi người.

27. Thời điểm mà bạn đã sẵn sàng buông xuôi mọi thứ thường là thời điểm ngay trước khi một phép lạ xảy ra, vì thế đừng từ bỏ.

28. Nếu một quả trứng bị vỡ do ngoại lực bên ngòai thì sự sống kết thúc. Nếu một quả trứng bị vỡ bởi một lực từ bên trong thì cuộc sống bắt đầu.

Những điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống cũng được hình thành từ bên trong mỗi con người.

Đỗ Thiên Thư st.

VÀI PHONG TỤC VIỆT HOA TÁCH BIỆT

1. Tục thờ THẦN TÀI

Người Việt thì thì thờ ông Thần Tài là PHẠM LÃI.

Sau khi vua nước Việt là Câu Tiễn bị vua nước Ngô bắt cầm tù, quan văn là Phạm Lãi, quan võ là Văn Chủng theo hầu. Phạm Lãi nung nấu lòng căm thù của Câu Tiễn bằng cách biểu ông nằm trên gai, trước mặt treo một túi mật, mỗi sáng ngồi dậy, Câu Tiễn nếm vào túi mật một miếng và nói nhất định phải báo thù nước Ngô cho kỳ được. Vì vậy, vua tôi quyết tâm phục vụ vua Ngô thật tận tình. Nhưng năm tháng trôi qua, vua Ngô thương thì có mà thả thì không. Phạm Lãi tìm cách tạo một cú sốc thật lớn để mong được thả. Khi vua Ngô Phì Sai bệnh, nhìn sắc mặt, Phạm Lãi biết rằng vua sắp hết bệnh nên dặn Câu Tiễn rằng nếu thấy vua Ngô đi cầu thì tới bốc một miếng phân nếm và nói rằng vua sắp hết bệnh. Câu Tiễn làm theo, ông nếm một miếng phân rồi reo lên bệ hạ sắp hết bệnh. Quả nhiên không mấy ngày vua Ngô Phù Sai hết bệnh. Phù Sai khoe với quan thần là Câu Tiễn thương và phục vụ mình rất mực nên khi Câu Tiễn xin về nước để thờ cúng tổ tiên thì ông cho. Quan Tướng quốc Ngũ Viên cản và nói rằng nếu thả đi thì Câu Tiễn sẽ phục thù. Nhưng Phù Sai đem việc nếm phân và việc vua tôi Câu Tiễn cúc cung phục vụ như từ trước tới nay cho thấy Câu Tiễn chỉ là tên đầy tớ tốt chớ không đáng mặt làm vua.

Sau khi được thả về nước, Văn Chủng lo mộ quân và rèn luyện để chức báo thù. Phạm Lãi thì tìm cách phá hoại triều đình vua Ngô. Phạm Lãi chọn một cô gái thật đẹp là Tây Thi và dạy cách chiều chuộng đàn ông cho thật tốt rồi đem sang cống cho Phù Sai. Vua Phù Sai mê Tây Thi bỏ bê việc nước và giết cả tướng quốc Ngũ Viên. Sau, Câu Tiễn đem quân sang diệt được nước Ngô.

Sau khi diệt xong nước Ngô, Phạm Lãi nói với Văn Chủng là thói đời “Đặng chim bẻ ná, đặng cá quên nôm”. Ông phải liệu mà lánh đi. Phạm Lãi dẫn Tây Thi đi trốn mất. Tới một nơi xa xôi hẻo lánh, với vai hai vợ chồng lam lũ làm ăn. Sau một thời gian ông giàu to và cũng bị người xung quanh biết trước kia ông là một vị quan to. Phạm Lãi âm thầm cho của cả rồi dẫn Tây Thi tới một nơi đèo heo hút gió khác. Hai vợ chồng lại tạo nên sự nghiệp và giàu có. Tung tích bị lộ, ông lại trốn nhưng tới đâu ông cũng làm giàu nên dân chúng tôn ông là Thần Tài và thờ trong nhà để mong làm ăn khá giả.

Người Hoa thì thờ bà Thần Tài Như Nguyệt: Sách “Nghi Lễ Thờ Cúng Truyền Thống của Người Việt”, tác giả là Hồ Đức Thọ (trang 103)

Có tên lái buôn hiền lành tên Âu Minh được Thủy Thần cho một nàng hầu là Như Nguyệt. Từ đó về sau, Âu Minh trở nên giàu có. Một hôm, Âu Minh giận đánh Như Nguyệt, nàng trốn vô đống rơm rồi biến mất. Từ đó về sau Âu Minh trở nên nghèo túng. Chàng nhận ra rằng Như Nguyệt là Thần Tài và thờ trong nhà để mong giàu có. Bàn Thần Tài thì nhỏ để ở một góc nhà thôi. Bên trong bàn thờ ghi một chữ THẦN hay “Ngữ phương ngũ thổ Long thần Tiền hậu địa chỉ Tài Thần”

Sách thì ghi là “Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt” nhưng thực tế xưa nay không người Việt Nam nào nói thờ Bà Thần Tài hết. Do đó tôi cho rằng đây là cách thờ cúng của người Trung Hoa.

2. Tục thờ ông Táo:

Về ông Táo, phong tục cho là một bà hai ông. Việt và Hoa đều giống nhau về quan điểm nầy. Nhưng:

Thờ ông Táo của người Việt:

Người Việt ở miền Bắc thì nói thờ ông Táo trên bàn thờ. Trên bàn thờ có ba lư hương thì lư hương ở giẵ cao hơn là thờ ông Táo. Hai lư hương hai bên thì một là thờ ông Tổ, và một là thờ bà Tổ của gia đình. Rước hay đưa ông Tóa thì cúng một mâm cơm cạnh, cúng xong thì ra song thả một con cá chép với ngụ ý là cá chép sẽ hóa rồng mà đưa ông Táo về trời.

Vì sao người Bắc thờ ông Táo trên bàn thờ? Có lẽ trong bước đầu tôn ông Táo là Thần nên nhơn dân có khuynh hướng là thờ trên bàn thờ để tỏ lòng tôn kính, sau đó thành nếp.

Nhưng ở trong Nam, tôi không nghe nói việc thờ ông Táo. Tới lui trong thân tộc hay chòm xóm và bạn vè, tôi không nghe nói việc thờ ông Táo. Xưa, khi ông nội tôi còn sanh tiền, ông là thầy thuốc nên lập một trang thờ ông Tổ Thầy thuốc. Ông nói trên trang nầy thờ luôn ông Táo. Khi ông tôi qua đời ba tôi nói nhà không ai làm thầy thuốc nên dẹp trang đi. Từ đó về sau, đưa rước ông Táo thì cúng ở bàn uống nước, cúng xong thì dẹp đi. Một số người bắt chước người Việt gốc Hoa, thờ và cúng ở dưới bếp. Các cụ ở miền Nam thì cho rằng thờ THẦN thì không thờ chung với ông bà ta là người phàm nên hoặc lập một trang thờ riêng hoặc không. Còn việc thả cá chép khi đưa rước ông Táo thì các cụ cho là hoang đường và cho rằng cò là Thần Điểu đưa ông Táo về trời có lý hơn.

Do quan điểm của các cụ ngày xưa của hai miền Nam Bắc khác nhau nên việc thờ cúng ông Táo có khác.

Thờ cúng ông Táo của người Hoa:

Theo sách “Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt” của tác giả Hồ Đức Thọ thì 24 tháng chạp đưa ông Táo lên chầu trời, mùng năm Tết thì mời về hạ giới. Nếu Táo quân thờ trên bàn thờ gia tiên thì them một lư nhang cho ông Táo. Bài vị ông Táo ghi:

+ “Bản thổ phúc đứa tôn thần” hay

+ “Định phúc Táo quân”

Ở Việt Nam, tối thấy người Việt gốc Hoa mới một hai đời họ đều đưa rước ông Táo vào ngày 23 và 30 tháng chạp.

Sách của ông Hồ Đức Thọ thì nói đây là phong tục Việt Nam. Nhưng khi xưa nay người Việt Nam đưa ông Táo vào ngày 23 và rước ông Táo vào ngày 30 tháng chạp. Ông Thọ không nói rõ đưa ông Táo vào ngày 24 và rước ông Táo vào ngày mùng 5 Tết là của dân tộc nào. Ông Hồ Đức Thọ nói lung tung quá. Không nói là của Tàu mà của ta thì không có như vầy. Tôi võ đoán đây là cách thờ cúng ông Táo của Trung Hoa, TRONG NƯỚC TRUNG HOA.

3. Tục Tảo Mộ

Tục Tảo mộ của Việt Nam là ngày 35 tháng chạp và cho rằng năm hết Tết đến, ta dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để ăn Tết thì ta cũng sửa sang mồ mả cho ông bà ta ăn Tết. Thời điểm nầy, ông Táo cũng đã về trời nên ta được quyền làm tất cả những gì ta muốn, không kiêng cử gì hết, Nếu ta có làm sai cũng không ai ghi chép để báo cáo cho Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngày Tết, lẻ tẻ cũng có một số người Việt kéo nhau ra mộ thắp nhang và cúng. Việc làm nầy là họ bắt chước theo người Hoa. Việc sửa sang mồ mả không biết có hay không vì người Hoa thì phải vô Thanh Minh trong tháng ba mới sửa sang mộ.

Tảo mộ của người Trung Hoa:

Người Hoa thì tảo mộ vào ngày Thanh Minh trong tháng ba, có lẽ do thời tiết ở Trung Hoa, gần Tết là cuối mùa đông còn lạnh lắm; có khi việc thu hoạch nông sản cũng chưa kết thúc được nên họ không thiết đến việc chăm lo mồ mả cho ông bà. Đầu xuân, khí trời mát mẻ, vui mất ngày Tết xong thì lo hoàn tất việc nông nghiệp tới cuối tháng hai là chậm nhứt. Lúc nầy mọi người rảnh rang nên họ du xuân và Tảo mộ.

4. Tục cúng Tổ tiên bằng bánh chưng:

Bánh chưng của Trung Hoa:

Sách “Hỏi đáp nghi lễ - Phong tục dân gian” của Đoàn Ngọc Minh, Trần Trúc Anh; theo tôi thì sách viết hơi lan man. “…Bánh chưng đầu tiên xuất hiện ở miền Bắc Trung Quốc mà không phải miền Nam. Thời gian ăn bánh chưng là vào Tết Đoan Ngọ (mồng 5/5)…” Sách cũng viết tiếp: “Hạ chí ăn bánh chưng, người ta đem ống trúc mới đựng gạo, gọi là “bánh chưng ống”…” (tất cả ở trang 29)

“Ghi chép sớm nhất liên quan đến bánh chưng là vương triều Đông Hán cách trên 400 năm sau khi Khuất Nguyên mất” (trang 28) và “Bánh chưng thời Tấn, Hán dùng kê, có thể có cơ sở là tục dung kê để cúng tổ tiên, nó cũng chứng tỏ rằng loại bánh chưng sớm nhất cũng được gói bằng kê (trang 29). Bánh chưng Trung Hoa là bánh đem chưng để ăn vào Tết Đoạn Ngọ (mùng 5 tháng 5). Đó là tục dung kê làm bánh để cúng tổ tiên thôi chớ không mang ý nghĩa sâu sắc gì.

Khuất Nguyên trầm mình xuống song Mịch La tự tử năm 299 trước Tây lịch (theo Chiếu quốc sách, phần phụ lục niên biểu trang 513). Thời đại Hùng Vương kết thúc năm 257 trước Tây lịch. Như vậy Khuất Nguyên tự tử trước khi thời đại Hùng Vương kết thúc là 42 năm (299-257=42) mà bánh chưng có sau khi Khuất Nguyên chết 400 năm, nghĩa là vào năm 101 sau Công nguyên (299+101=400). Bánh chưng Việt Nam xuất hiên vào thời Hùng Vương nghĩa là trước khi Trung Hoa có bánh chưng đầu tiên ít nhứt là 358 năm (257+101=358).

Bánh chưng Việt Nam:

Vua Hùng Vương già, vua phán: “Năm nay nhân lễ Tiên vương, hễ con nào làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiên vương chứng giám”

Lang Liêu chọn thứ gạo nếp thơm lừng vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt heo làm nhưn, dùng lá dong đùm lại thành hình vuông, nấu một ngày một đêm cho thật nhừ. Cũng gạo nếp đó, ông nặn thành bánh hình tròn. Tới ngày lễ Tiên vương ông đem dâng cúng. Lang Liêu giải thích: bánh hình tròn là tượng trời, bánh hình vuông là tượng đất. Các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng trưng cho cầm thú muôn loài, đặt tên là bánh chưng. Vua ưng ý và truyền ngôi cho Lang Liêu.

Bánh chưng Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc dung đẻ cúng ông bà, tổ tiên, trong ngày Tết.

Bánh chưng Việt Nam và bánh chưng Trung Hoa trùng tên nhưng khác hình dáng và khác ý nghĩa. Do đó, ta không được lầm lẫn bánh chưng của Trung Hoa và Việt Nam.

Khánh Hội – Quận 4 Saigon ngày 20-4-2020

Phạm Hiếu Nghĩa

Phụ bản IV

Bước Tiến của Nền Hội Họa Việt-Nam

LÊ – VĂN – LẮM

Nguyên Giám-Đốc Nha Mỹ-Thuật Học-Vụ

Trong thời gian từ 1959 đến năm 1964, được phụ trách một cơ quan liên hệ mật thiết đến sự phát triển giáo dục Mỹ Thuật, đến tham dự nhiều cuộc triển lãm hội họa của các nghệ sĩ trong nước, nhân dịp cuộc Triển Lãm Hội Họa ESSO lần thứ VII năm nay, tôi xin trình bày vài nhận xét về “Bước Tiến của nền Hội Họa Việt-Nam” với mục đích kiểm điểm lại những thành quả và phác họa một viễn ảnh cho giai đoạn sắp đến.

Trước tiên, tôi hân hoan nhận thấy sự phát triển của nền Hội Họa về cả 2 phương diện “PHẨM” và “LƯỢNG”.

Số họa sĩ gia tăng quá nhanh chóng.

Trước năm 1955, trong toàn quốc được phỏng độ 100 nghệ sĩ, nay sĩ số có thể lên đến 1.000 (độ 600 họa sĩ ghi tên tham dự thường xuyên các cuộc Triển Lãm Quốc-Gia, phần còn lại hoạt động sáng tác riêng). Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông-Dương trong suốt thời gian từ 1925 đến năm 1944 chỉ đào tạo được trên dưới 40 cán bộ. Riêng từ năm 1955 đến nay, số sinh viên tốt nghiệp các Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia-Định và Huế đã hơn 200.

Số các nghệ sĩ càng nhiều, càng đông, thì sự hoạt động Hội Họa càng mạnh mẽ và thành quả thây lượm được nhiều khả quan hơn. Các nghệ sĩ đua nhau triển lãm, mỗi kỳ trưng bàu họa phẩm, đều đánh dấu một tiến bộ mới gây nhiều phấn khởi hân hoan cho giới thưởng ngoạn nghệ thuật.

Các phòng tranh được mở thêm ở nhiều nơi, trước kia chỉ có Phòng Thông Tin Đô Thành, nay được thiết lập nhiều địa điểm đường Tự Do, Đại lộ Nguyễn-Huệ, Nhà Văn-Hóa Việt-Nam v.v…

Về hoạt động phát triển nghệ thuật, ngoài cuộc triển lãm thường xuyên của các nghệ sĩ tự do còn có triễn lãm định kỳ của cơ quan Chánh quyền, cơ quan văn hóa nước bạn, và các tổ chứ tư nhân, của các giới văn hóa, xã-hội và kinh doanh, cộng tác vào việc xây dựng nghệ thuật.

Thành quả khả quan đã thâu lượm được trong các cuộc tham dự Triển lãm Quốc tế tại Ba-Lê, Nhật-Bản, Đại-Hàn, Ấn-Độ và các tổ chức Triển lãm Mỹ Thuật Việt-Nam tại Hoa-Kỳ, Mã-Lai v.v… đã chứng minh sự trưởng thành của nền Hội Họa nước nhà.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lạc quan ở những kết quả đầu tiên, vì so với các nước tiền tiến nền nghệ thuật đã phát triển đến cao độ, ta cần phải có thêm nhẫn nại, cố gắng sáng tác và có chương trình hoạt động rộng lớn mới mong theo kịp đà tiến triển Nghệ thuật Quốc tế.

Để củng cố những thành quả trên đây, việc tiên quyết là tạo điều kiện thuận tiện cho sự sáng tạo nghệ thuật, thiết lập các cơ sở, các hiệp hội để giúp đỡ giới nghệ sĩ và một vài điểm quan trọng sau đây cần được thực hiện:

1.- Nên xúc tiến việc xây cất Bảo Tàng Viện Mỹ Thuật cận đại để các nghệ sĩ có nơi tham khảo học tập;

2.- Trong các cuộc hội thảo Mỹ Thuật dựa vào chương trình trao đổi văn hóa, giới nghệ sĩ đề nghị Chánh Phủ cấp học bổng cho một số họa sĩ ưu tú trẻ tuổi xuất ngoại du học và một số khác đi quan sát nền mỹ thuật những nước tân tiến hầu đem lại những tinh hoa ngoại quốc, phong phú hóa nghệ thuật nước nhà.

3.- Để đào tạo các cán bộ ưu tú, có trách nhiệm hướng dẫn và phát huy nghệ thuật, nên cải tiến chương trình dạy tại các trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, nâng cao thời gian học từ 3 lên 5 năm hầu sinh viên có thêm thời giờ học tập. Song song với sự cải tiến này, nên trù liệu việc tăng cường thành phần giáo sư, tuyển dụng thêm các vị có khả năng và uy-tín để giảng dạy.

4.- Muốn phát triển nghệ thuật, cần có chánh sách nâng đỡ, đặc biệt giúp phương tiện vật chất: mua các vật dụng hội họa dễ dàng với giá đặc biệt, mở thêm nhiều phòng triển lãm để tiện việc tiêu thụ tác phẩm. Về tinh thần cũng không kém quan trọng, cần tưởng thưởng xứng đáng các nghệ sĩ xuất sắc và phổ biến Hội Họa một cách rộng rãi trong đại chúng nhất là tại các học đường, từ lớp Mẫu giáo đến Đại học.

5.- Sau cùng để duy trì và phát huy nền Mỹ Thuật Quốc Gia, nên thiết lập những cơ quan phụ trách việc nghiên cứu và khuyến khích các sáng tác thuần túy Việt-Nam.

Trên đây là trọng tâm của vấn đề nghệ thuật đã được đề cập nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trong tình trạng khó khan hiện tại, chúng ta không dám mong ước quá nhiều, tuy nhiên nếu có cơ hội thuận tiện, cũng cần nên nghĩ đến để lần lượt bổ khuyết.

Đứng trước luồng gió mới, một phong trào phục hung nghệ thuật đang được sinh sôi nẩy nở, sở dĩ có sự phục hung vì qua sự thăng trầm của nghệ thuật, các hoạt động bị tê liệt trong thời gian trước năm 1954 và xa hơn nữa có thể cho là trong suốt thời kỳ đô hộ vừa qua, ngành Hội Họa không ghi lại một thành tích nào đáng kể.

Hiện nay, nền Độc lập được vãn hồi; tuy đất nước chưa thanh bình, nhưng phải chăng nghệ thuật chỉ phát triển trong không khí tự do: bằng chứng là các ngành hoạt động trong nước nói chung và trong lãnh vực nghệ thuật nói riêng có sự tiến bộ rõ rệt trong thời gian 10 năm qua (1954-1964).

Để kết luận, các nhận xét khả quan trên đây mang đến cho chúng ta một niềm tin tưởng tốt đẹp nơi tương lai nghệ thuật nước nhà; mục đích có đoạt được nhanh chóng hay không là tùy thuộc nhiệt tâm và sự hăng say sáng tạo của giới nghệ sĩ, ý thức trách nhiệm lèo lái con thuyền của giới hữu trách, cùng mức độ sự ủng hộ của các giới yêu chuộng nghệ thuật.

Với các tài năng trẻ trung đang lên, với sự cố gắng liên tục của toàn thể nghệ sĩ trong thời gian qua, tôi xin đặt hết tin tưởng vững mạnh nơi tương lai sáng lạn của nền Mỹ Thuật Quốc Gia và nhân dịp này xin tỏ sự vui mừng về sự thành công của các nghệ sĩ trong cuộc Triển Lãm Hội Họa ESSO 65 cũng như những cuộc Triển Lãm Hội Họa sau này.

Thúy Toàn st.

VỀ QUÊ NỘI (tiếp theo số 175)

Truyện ngắn

....cô Mầu bắt đầu vào vai trò cô dâu mới, mỗi sáng khi gà gáy lần thứ nhứt,cô đã thức dậy để cùng chị Gia Hương lo cơm nước đầu ngày cho cha mẹ chồng và gia đình, kế đó là bửa trưa cho công cấy, sắp xếp để cùng cô Tư Gia Hương gánh ra ngoài ruộng cho thợ,rồi tất tả quay về nhà nấu ăn cho cả nhà theo sự hướng dẫn của chị chồng.

Cũng may là cô Tư Hương tánh tình hiền lành và thương em dâu trẻ còn nhiều bở ngỡ nên Mầu cũng thấy yên tâm và ngoan ngoãn theo cung cách bên chồng Ngày tháng đi qua ,thỉnh thoảng Gia Vinh lại gửi thư về thăm nhà và người vợ trẻ làm Mầu cũng thấy vui và an ủi trong lòng. Chừng hơn hai tháng sau,một hôm cô đang gánh cơm ra ruộng,bỗng thấy người đổ mồ hôi, tay chân lạnh toát,xây xẩm mặt mày, rồi ngã vật ra đất ngẩt xĩu,không còn biết gì hết, may mà có một người dân làng đi ngang trông thấy, vội đở cô dậy dìu đến ngồi tạm dưới bóng cây trâm bên đường, rồi bương chạy về nhà cho ông bà Gia Phúc hay, thì trong nhà mới kêu người làm đi ra đem võng khiêng về, vì lúc đó cô Mầu đã gần như lã người dưới nắng trưa chói chang.

Bà mẹ chồng liền sai người đi mời thầy đến xem mạch, hốt thuốc. Cả nhà ai nấy thảy đều có vẻ lo lắng cho cô,duy chỉ có cô Hai Gia Viên lại sầm mặt không vui,miệng lầm bầm: " Mới có ngã chút xíu mà làm dữ". Sau một hồi chẩn đoán mạch tượng cẩn thận, ông thầy Bảy Hoàng, có tiếng nhất thôn, nói với ông bà Gia Vinh đang ngồi ở nhà trên chờ để biết bệnh tình con dâu ra sao là: " Mợ ở nhà đã có mang được hơn tháng, nhưng thai yếu" Ông bà vui mừng trước hỷ sự nầy, liền thưởng cho ông thầy rất hậu, lại cho
người đi theo để lấy thuốc sắc,đồng thời biểu cô Ba Gia Mỹ đánh dây thép cho Gia Vinh hay và về gấp với vợ.

Từ hôm đó trở đi, Mầu cứ nằm bệnh miết, ăn bao nhiêu là cho ra hết, không nuốt được chút cơm cháo nào, kể cả sữa cũng ói ra, chỉ uống nước cầm hơi mà thôi.

Hơn tuần lễ sau khi nhận được điện tín, Gia Vinh mới về nhà,vì bận thi cử. Thấy vợ mình nằm dã dượi, không ăn không uống, Vinh xót xa quá mà chẳng biết làm sao, chỉ biết nhỏ nhẹ an ủi và ép ăn uống cho có sức khỏe, nhưng cô
càng ăn chút gì thì nôn ra hết. Vinh dù thương vợ, hết sức lo lắng cho cô Mầu, nhưng vẫn phải trở lên trường vì kỳ ôn thi cuối năm gần tới, chàng rầu rầu, băn khoăn mãi mà không biết nói sao cho nàng thấu hiểu tình cảnh của chàng,nhưng tuy đau yếu, mà nhìn sắc mặt của Vinh, cô cũng đoán hiểu phần nào, nên lúc chỉ có hai vợ chồng bên nhau, cô liền nói với chồng : " Em biết anh còn phải thi cử nữa, anh cứ trở lên Sài Gòn để không lở kỳ thi tới, em không sao đâu, chỉ bị nghén có hơi nhiều, ở nhà có chị Ba chị Tư thương lo cho em lắm, qua tháng em sẽ hết, thầy nói vậy mà, anh đừng lo nhiều nhe'"

(còn tiếp)

Hoài Ly


LỜI TỎ TÌNH RẤT VỘI

Truyện ngắn

Ngôi nhà dã biến mất. Không còn chút vết tích! Tựa như chưa từng có nó. Nơi đó, bây giờ là một cái dốc tuyệt đẹp thả dài từ cây cầu mới xây. Dọc hai bên đường cờ xí rực đỏ. Một cái băng màu mặt trời mới mọc căng ngang cầu. Chút nữa đây người ta cắt băng khánh thành, làm lễ thông cầu, nghiệm thu kỹ thuật.

Như một giấc mơ! Mới đó mà cả một vùng đổi khác. Mảnh đất u tịch, cây cối rậm rì bay vụt mất, mang theo ngôi nhà xiêu vẹo. Nơi anh, người tôi yêu sinh ra, lớn lên. Nơi đong đầy kỷ niệm của một thời đấu tranh giữ nước. Thật ra, chỉ có tôi yêu anh. Còn anh có lẽ yêu chị tôi, một
cô gái đẹp nhất vùng. Khi đó, tôi chỉ là một con bé mười bảy tuổi đen nhẻm, gầy gò, tóc vừa chấm vai, lưa thưa, vàng hoe vì cháy nắng. Anh hay đến nhà tôi vào những ngày nghỉ Ngoại tôi không thích bộ đồ lính anh mặc trên người. Nhưng ông hay lầm bầm “Quái lạ! Sao cái thằng lính rằn ri nầy nhìn phát ghét vậy mà ăn nói nhỏ nhẹ, lễ độ, ra vẻ đạo đức là sao?”. Tôi cũng nghĩ vậy. Mỗi khi nhìn thấy anh ra vào trong trại lính, với những vòng dây kẽm gai rào chằng chịt xung quanh. Chỗ có một cái chòi canh cao lêu nghêu và mấy tên lính bồng súng chĩa về phía những người dân đang cặm cụi trên đồng như có mối thù truyền kiếp. Khi nghe anh bảo mới ra trường, được điều về phục vụ trong Bộ chỉ huy và là người tính tọa độ để pháo kích đúng hướng thì tôi thật sự kinh hãi. Tôi nhớ đến cảnh nhà cửa tan hoang, ruộng vườn bị cày xới thành những cái hố đen ngòm. Biết bao người vô tội bị tan ra từng mảnh vụn trên chính ruộng đồng của họ. Tôi căm ghét anh. Nhưng ngày qua ngày, anh đến nhà , kiên nhẫn dạy chị tôi giải toán trong khi chị huyên thiên về những bộ quần áo đẹp. Anh giúp chị nhận ra “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!”. Anh hay kể cho tôi nghe những gương yêu nước, rồi anh vừa đàn vừa dạy tôi hát những bài rất lạ như “Dậy mà đi” “Ôi tổ quốc ta đã nghe!”, “Hát rong trên đồng cỏ”…. Lòng tôi như có ai tưới vào một dòng nước mát và hoa thơm cỏ lạ bỗng lên xanh!

Một hôm, bỗng dưng anh vội vội vàng vàng dúi vào tay tôi hai quyển sách. Tôi hỏi “Đưa cho chị hai đúng không?” Anh lắc dầu “Không! Anh tặng em. Em hãy nhớ câu anh ghi ở trang trong Ià: Hãy khắc phục gian khổ để chíến thắng! Em nhé”. Rồi anh hôn lên trán tôi, thì thầm “Anh yêu em!”. Tôi chưa kịp hết bàng hoàng thì anh đã khuất sau rặng tre dọc lối mòn về trại. Đêm đó, tôi không sao ngủ được. Nhìn sang khuôn mặt đẹp của chị, tôi càng thắc mắc. Tại sao? Anh có nhầm lẫn gì không? Tôi nhỏm dậy, len lén soi gương và càng bối rối vì tôi không sao tìm thấy nét đáng yêu nào trên gương mặt. Đúng lúc đó, tíếng đạn pháo dập liên hồi, rồi tiếng nổ long trời lở đất nối tiếp nhau làm mặt đất như sắp bị vỡ ra. Mọi người choàng tỉnh, mở cửa chạy ra sân, ngóng về hướng ấy. Lửa ngút trời ở phía đồn lính. Ai cũng hoảng kinh, không hiểu chuyện gì. Chợt nhớ đến anh, một nỗi lo sợ trào dâng khiến tôi nghẹn thở, ngất đi.

Khi tôi tỉnh dậy, trời mới lờ mờ sáng. Hình như không ai ngủ, đang túm tụm bàn tán về sự cố “Gậy ông đập Iưng ông”, “Pháo ta nã vào đồn ta”, “kho đạn tan tành...” Tôi lờ mờ nhận ra có một bí ẩn nào đó vây bọc anh và suy nghĩ của tôi được giải đáp ngay khi biết mẹ anh bị bắt vì có một đứa con là Việt cộng đã liều chết phá hủy kho đạn của Bộ chỉ huy tỉnh. Mẹ anh bị tra tấn đến chết trong tù. Còn chị anh đã kịp thời trốn ra căn cứ cách mạng. Tôi ngã bệnh cả tuần lễ. Từ đó, trái tim tôi khép cửa. Tôi giữ kín hình ảnh anh trong đó. Tôi sống bằng kí ức đẹp của một thời chớm yêu. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, gia đình tôi chuyển chỗ ở nhưng tôi vẫn dõi về nơi ấy. Rất lâu sau, chị anh quay về, treo bảng bán mảnh đất có ngôi nhà ngày xưa. Chị đã lập gia đình ở tận Quảng trị xa xôi. Chính tôi đã gom hết tiền dành dụm để mua lại khu đất ấy. Mặc cho gia đình cản ngăn, tôi dọn về ở trong ngôi nhà lọt thỏm giữa vườn cây tạp nhạp. Tôi lập một cái bàn thờ với bốn chữ “TỔ QUỐC GHI CÔNG” rồi sớm hôm nhan khói tưởng tiếc một người nằm xuống cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đều bảo tôi điên tình. Nhưng không ai lay chuyển được tôi.

Một hôm, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh đến nhà yêu cầu tôi chuyển nhượng một phần đất ngay chỗ ngôi nhà để mở đường vành đai theo quy hoạch. Họ thuyết phục tôi rằng Thị xã đang chuyển mình lên thành phố. Vì vậy, cơ quan, trường học, đường sá phải xứng tầm, phải kiên cố, đạt chuẩn quốc gia, thông thoáng, đẹp đẽ. Họ động viên tôi giúp cho kế hoạch xây dựng đường vành đai được sớm hình thành. Tôi sẽ được bồi hoàn tương xứng và phần đất còn lại ở hai bên đường sẽ trở thành mặt tiền, giá trị tăng cao…. Mấy đêm liền thao thức. Tôi nhớ anh và nghĩ đến ước nguyện giữ nước của anh. Hẳn anh cũng mong đợi mọi người chung tay xây dựng, tạo nên sự đổi thay trên vùng đất quê nghèo. Và tôi đã đồng ý híến phần đất mà chính quyền mong đợi. Tôi không nhận tiền bồi hoàn trước sự kinh ngạc của bao người.

Tiếng trống múa lân, tiếng kèn chào mừng rôm rả lôi tôi về thực tại. Đoàn xe của Trung ương đã đến. Nghe đâu có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về dự. Cùng với UBND thành phố Trà Vinh, đoàn khách tiến đến lễ đài, rồi dãi băng được cắt đôi. Một đoàn xe rầm rập được thông qua cây cầu mới trong tiếng vỗ tay như sấm rền của nhân dân. Tôi rưng rưng nước mắt. Một nỗi hân hoan tràn ngập lòng tôi.

- Ồ! Có phải là em? Đúng là em rồi!

Một người trong đoàn khách từ Trung ương rẽ đám đông tíến đến trước mặt tôi. Dù mái tóc đã pha màu sương khói, dù trên gương mặt đã đầy những vết cắt của thời gian. Nhưng ánh mắt anh thì tôi không sao nhầm lẫn được. Chính anh rồi! Tôi òa khóc. Anh nheo mắt cười:

- Không ngờ còn dịp gặp lại em. Đã có mấy con rồi mà còn nhõng nhẽo?

Tôi lầm bầm:

- Chồng còn chưa có, có chi con!*

Anh phì cười. Tôi vừa lau nước mắt vừa nhấm nhẳn:

- Còn anh, đã lên chức nội, ngoại gì chưa?

- Ôi dào, bà còn chưa lấy, thấy chi cháu!

Anh siết chặt bàn tay tôi:

- Em có biết anh đã tìm em suốt cả đời anh?

Tôi thầm thì:

- Anh có biết em đã chờ anh từ thuở bình minh của một đời?

Nắng bỗng dưng mềm như lụa và trong gió bỗng thoảng đưa mùi hương hoàng lan ngày cũ. Tôi bối rối, thẹn thùng khi bắt gặp ánh mắt anh nhìn như ngày nào thầm thì lời tỏ tình rất vội.

Hình như nơi nầy trời đất đã vào xuân!

Nguyễn Thị Mây


MỤC LỤC

Chi tiết về cuộc họp ngày 08/05/2021 ......... Vũ Thư Hữu ............ 03

MỘT CHUYỆN VUI VUI
TRONG NHỮNG NGÀY CÔ VỊT CÔ GÀ CHẾT TIỆT

...... Vũ Anh Tuấn ......... 12

Lịch sử Giáo Hội Cộn g Giáo (tt- số 176 )
Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm & Giuse Nguyễn Hữu Triết . 15

Ý NGHĨA CỦA DANH DỰ ......... Phạm Vũ ............ 22

TIN PHẬT NHƯ THẾ NÀO MỚI ĐÚNG CHÁNH PHÁP?

Tâm Nguyện ......... 36

10 MẨU TRUYỆN NGẮN ......... Lệ Ngọc ............ 52

NGHIỆP AI NẤY MANG ,DUYÊN AI NẤY HƯ  ỞNG

Đào Minh Diệu Xuân ........ 58

MỘT THOÁNG TÂN NHẠC VIỆT NAM (từ 1938 đến nay)
tt số 176 và hết ... Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết ............ 61

CÂU CHUYỆN NGƯỜI THỢ XÂY NHÀ ............. 70

Qua Ngõ Phù Vân ...... Hà Manh Đoàn st. ........... 73

PHỐ NHỎ EM VỀ .......... Đàm Lan ........... 75

Khó, Dễ Trong Đời ....... Hoàng Chúc st ........... 76

Cảnh nào Cảnh chẳng đeo sầu ........... Ngàn Phương ........... 78

Tâm sự Nguyễn Du .............. Ngàn Phương ........... 79

Nỗi lòng Kim Trọng ............ Ngàn Phương ........... 79

Tương Tư Sầu ............. Kim Long ........... 80

Bảy mươi ba ..................... Hoài Ly ........... 81

Nhịp cầu thơ .................... Thanh Vĩnh ........... 81

Niềm thơ ....................... Thanh Vĩnh ........... 82

MÙA XUÂN HẠNH PHÚC ... Phùng Chí Tâm ........... 83

NỖI NIỀM .................. Vũ Thùy Hương ........... 83

ĐÊM KHUYA TRẢI LÒNG ..... Vũ Thùy Hương ........... 84

ĐẤT NGỌC, ĐẤT VÀNG ..... Lương Văn Nhung ........... 85

YÊU THƠ ................ Đinh Thị Diệu ........... 86

TÌNH MẪU TỬ ............ K.H.Quang Bỉnh ........... 87

QUÊ TÔI ............... K.H. Quang Bỉnh .......... 87

CÙNG CẢNH KHỔ (T ự sự ) .......... K.H Quang Bỉnh ........... 88

CŨNG PHẢI GIÀ .................. Phước Hải ........... 89

Kiếp Vẹt .............................Lê Minh Chử .......... 89

Mưa ..................... Lê Minh Chử .......... 90

Rừng và Chim .................... Lê Minh Chử .......... 91

CHIỀU XANH .............. Trần Nhuận Minh ............ 92

BLUE EVENING
Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn ............ 93

“CHƠI CHỮ” của LÃNG NHÂN
......
Hoàng Kim Thư . ........... 95

27 LÝ DO KHIẾN CHÚNG TA CƯỜI MỖI NGÀY
Bùi Đẹp ....... . ......... 106

Những Câu Nói Hay, Ý Nghĩa Nhất Ðể Khích Lệ Tinh Thần
Đỗ Thiên Thư . ........................ 108

VÀI PHONG TỤC VIỆT HOA TÁCH BIỆT
Phạm Hiếu Nghĩa ................. 112

Bước Tiến của Nền Hội Họa Việt-Nam
Thúy Toàn . ............................ 120

VỀ QUÊ NỘI (tiếp theo số 175) ....... Hoài Ly ......... 124

LỜI TỎ TÌNH RẤT VỘI ...... Nguyễn Thị Mây ........ 126


 



|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
 156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
 161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
 171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
 176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
|  156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
|  161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
|  171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
|  176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
Netadong.com thiết kế