Hiện có 11 người xem / 2347739 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT

VỀ CUỘC HỌP NGÀY 14/11/2020

CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai quý thư đáng được biết tới. Lần này cuốn thứ nhất được viết bằng tam ngữ Việt-Anh-Pháp và cuốn thứ nhì được viết bằng tiếng Pháp. Cuốn thứ nhất được viết bằng ba thứ tiếng mang tựa đề là “Hai mươi năm đam mê (sưu tầm) họa phẩm Tạ Tỵ” (20 years of collecting Tạ Ty.’s paintings) cộng thêm vài bài viết bằng Pháp văn và Anh văn nên được coi là bằng tam ngữ.

Cuốn thứ nhì, bằng Pháp văn mang tựa đề là “Les grands écrivains” (Các Đại văn hào) là một cuốn sách giới thiệu 78 Đại văn hào do Hàn Lâm Viện Goncourt của Pháp chọn lựa. Cuốn thứ nhất khổ 20 x 28, dày 134 trang nằm theo chiều ngang, lại là một cuốn sách do chính dịch giả Vũ Anh Tuấn soạn 5 năm trước cho một nữ sưu tập gia, đồng thời là một nữ doanh nhân được nhiều người biết tới ở Pháp, gồm một số bài viết bằng tiếng Việt của chính danh họa Tạ Tỵ, và của một vài vị bạn viết về nhà danh họa, mà dịch giả Vũ Anh Tuấn đã dịch ra Pháp và Anh ngữ, cộng với hình ảnh những tác phẩm hội họa cực quý của danh họa Tạ Tỵ, mà nữ sưu tập gia Trần Thúy Nga (Lune Feintrenie) đã sưu tầm được qua suốt 20 năm đam mê các tác phẩm của nhà danh họa. Cuốn sách được in thật đẹ p gồm 70 trang bài viết bằng ba thứ tiếng Việt-Anh-Pháp và trên 70 trang hình ảnh các họa phẩm thật quý giá. Cuốn sách quả là một tập tài liệu quý , hay và đẹp về cố danh họa Tạ Tỵ, một danh họa hàng đầu của Việt Nam. Cuốn thứ nhì, cuốn “Các đại văn hào” (Les grands écrivains) của tác giả Gilbert Maurin là một cuốn sách khổ 20 x 26, dày 1404 trang, do nhà xuất bản “Pháp quốc nhàn hạ” (France Loisirs) xuất bản năm 1991, và do Hàn Lâm Viện Goncourt của Pháp lựa chọn. Cuốn sách cực đẹp và cực hay, vì đã cho người đọc biết thật rõ ràng về cuộc sống và sự nghiệp văn học đại văn hào nó giới thiệu, qua ba phần : Phần thứ nhất nói về sự kiện khiến nhà đại văn hào được nổi tiếng, và được người đời biết đến, cộng với mọi hình ảnh chi tiết về cuộc sống, đặc biệt là về cuộc sống tình ái. Phần thứ nhì là phần nghiên cứu phân tích sự nghiệp văn học của nhà đại văn hào, và phần thứ ba là phần nói về các tác phẩm chính yếu của mỗi một trong 78 nhà đại văn hào được nói tới trong sách. Thật là một cuốn sách hay tuyệt vời với cả ngàn hình ảnh siêu quý. Sau khi được giới thiệu xong, hai cuốn sách đã được một số thành viên chuyền tay nhau xem một cách thích thú. Sau khi dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu hai cuốn quý thư xong, LM Triết cũng lên giới thiệu cuốn Kiều do cụ Nguyễn Khắc Viện dịch ra Pháp văn rất quý mà ngài mới có.

LM Triết giới thiệu cuốn Kiều xong, thành viên Dương Xuân Định lên nói thêm về mấy người anh em của tác giả Nguyễn Khắc Viện mà anh Định biết. Anh Định nói xong, Kim Mai lên hát tặng các thành viên bài “Gặp nhau trong rừng mơ”. Tiếp lời Kim Mai, chị Diệu lên nói về “Ngày nhà giáo 20/11” và hát tặng các thành viên bài “Kiếp tro bụi”. Chị Diệu nói xong, anh Nhung lên đọc tặng các thành viên bài thơ “Ơn thầy giáo, cô giáo”.

Sau anh Nhung, anh Thái Sơn lên hát tặng các thành viên bài “Lên ngàn”. Anh Thái Sơn hát xong, Hoài Ly lên ngâm tặng các thành viên hai bài thơ và một bài thứ ba mang tựa đề là “Thương về miền Trung” do chính Hoài Ly sáng tác. Sau Hoài Ly, anh Nhựt Thanh lên nói về quả báo có hay không qua hai câu chuyện minh chứng. Anh Nhựt Thanh nói xong, anh Quang Bỉnh lên góp ý về vấn đề quả báo, bàn qua về những ngày thứ sáu 13, và đọc một bài thơ về cây cầu Mỹ Thuận. Tiếp lới anh Quang Bình, anh Kim Long lên ngâm tặng các thành viên hai bài thơ : Tân Xa Châu và Phúc họa. Sau anh Kim Long, Thùy Hương lên đọc tặng các thành viên bài thơ Tân Xa Châu Xưa và Nay, bài thơ về ngày Nhà Giáo và một bài thơ thứ ba về Huế. Thúy Hương đọc thơ xong, Lệ Ngọc lên hát tặng các thành viên bài “Một chiều mưa”. Sau Lệ Ngọc, anh Hùng lên nói về đọc sách và vừa chơi đàn vừa hát tặng các thành viên bài “Tính bơ bơ” của Lam Phương. Cuối cùng, chị Vinh lên đọc tặng các thành viên hai bài thơ “Chữ nhẫn” và “Rủ nhau đi học” được viết khoảng 80 năm trước, và buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 20 khi các thành viên vui vẻ chia tay hẹn gặp nhau lại trong kỳ họp tháng tới.

Vũ Thư Hữu

HÌNH ẢNH SINH HOẠT CLB SÁCH XƯA VÀ NAY






ĐÃ 68 TUỔI… VẪN CÒN ĐỒ CHƠI

Đây là một chuyện hơi là lạ, nhưng có thật 100%, mà người viết muốn kể lại để quý vị có thể thấy là trên đời điều gì cũng có thể … xảy ra. Điều vui vui là anh bạn đã xấp xỉ “thất thập cổ lai hi” này mà vẫn còn ham đồ chơi như trẻ em lại chính là người viết.

Hôm qua trong lúc soạn lại một trong sáu tủ sách, người viết bỗng bắt gặp một cuốn sách nhỏ cỡ 14 x 20 dày khoảng gần 100 trang mà toàn là những hình ảnh không có trang chữ nào. Cuốn sách được đóng khá gọn ghẽ và vững chắc, trông rất nghiêm túc. Điều kỳ lạ khiến người viết bị thu hút, là mấy dòng chữ dùng làm tựa đề lại vừa bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, và cả tiếng Anh như sau:”Images du XXème siècle” Ông Tuấn’s toy (June 1, 2004)” - Hình ảnh của thế kỷ 20, đồ chơi của ô. Tuấn (1 tháng 6, 2004). Thật là vui 4 từ đầu là tiếng Pháp, hai từ kế tiếp là tiếng Việt và từ chót và ngày tháng thì lại bằng tiếng Anh. Nhưng chữ tếu nhất là chữ “toy có nghĩa là đồ chơi”. Năm 2004 thì người viết đã 68 tuổi, gần cổ lai hi rồi mà sao vẫn dùng c hữ “toy” là “đồ chơi”, ôi quả là một “lão nhi” hơi bị quá tếu, và ngay lúc nghĩ như vậy thì trong tâm trí người viết câu chuyện món đồ chơi này lại tái hiện và người viết đã nhớ rất rõ lại như sau đây: Hôm mùng 1 tháng 6 năm 2004, người viết tình cờ mua được một cuốn sách Pháp mà người viết không còn nhớ nổi tên. Trong cuốn sách Pháp này có rất nhiều hình ảnh đen, trắng, và màu rất đẹp, VÀ NGƯỜI VIẾT ĐÃ NẢY RA Ý MUỐN TÁCH CÁC HÌNH VẼ RA KHỎI CUỐN SÁCH ĐỂ ĐÓNG LẠI THÀNH MỘT CUỐN SÁCH TRONG ĐÓ HÌNH ẢNH ĐỀU DO CHÍNH MÌNH TỰ CHỌN ĐỂ CHƠI.

Sau khi, tách các hình ảnh mà người viết thích, gồm chân dung các nhà văn lớn, và một số tranh ảnh vừa đen trắng vừa màu rất đẹp, người viết đã nổi hứng viết cái tựa đề trong có chữ “toy” là đồ chơi, mà ngay lúc đó, đã không hề nghĩ là hai chữ “đồ chơ i” đâu còn thích hợp với một “anh lão” đã xấp xỉ “bảy chục xưa nay hiếm”. Gặp lại cuốn sách hôm nay, người viết cảm thấy vui vui và coi câu chuyện này như một kỷ niệm vui trong 60 năm chơi sách của mình…

Trích “Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI”

Vũ Anh Tuấn


LỊCH SỬ

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

(tiếp theo số 172)

BÀI 10:

ĐẠO BINH THÁNH GIÁ

Sau các biến cố có tầm quan trọng lớn như sự xuất hiện của Hồi Giáo tại Đông Phương (thế kỷ thứ 7), việc Giáo Hội Chính Thống ly khai với Giáo Hội Rôma (thế kỷ 11), Giáo Hội Công Giáo bước vào thời Thập Tự Chinh (1096-1270).

Thập Tự Quân hay Đạo Binh Thánh Giá là một trong những đề tài mà thời đại chúng ta thường nhắc tới. Nhắc tới, hoặc để đề cao lòng dũng cảm của các chiến sĩ thời đó, hoặc để lên án sự cuồng tín của một số các Kitô Hữu thời Trung Cổ. Người Kitô Hữu cần hiểu biết và đánh giá đúng mức một phong trào đã từng làm rung động Tây Phương suốt hai thế kỷ 12 và 13.

I. NHỮNG BƯỚC KHỞI ĐẦU

Từ thế kỷ thứ 7, Thánh Địa đã rơi vào tay người Hồi Giáo Ả Rập. Tuy những người Hồi Giáo này cho phép các Kitô hữu Tây Phương đến hành hương vì đây là nguồn lợi lớn cho họ. Nhưng kể từ khi một nhóm dân du mục Hồi Giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, do Xên-du-kit (Seldjoukid) chỉ huy đánh chiếm các nước Iran, vùng Tiểu Á, nước Xiri và nhất là Giêrusalem (năm 1076) thì tình hình thay đổi hẳn. Các Kitô Hữu Đông Phương bắt đầu bị bách hại, các khách hành hương Tây Phương đến Thánh Địa bị giết không nương tay. Những sự việc này gây phẫn uất trong thế giới Tây Phương, khiến có nhiều người xung phong đi giải phóng Thánh Địa. Trong số những người xung phong này, có người ra đi vì Đức Tin, nhưng cũng có người ra đi vì thích phiêu lưu mạo hiểm, do bị mê hoặc bởi một Đông Phương giàu có và huyền bí.

II. CÁC CUỘC VIỄN CHINH

Vào tháng 1 năm 1095 tại Công Đồng Clermont (Pháp), Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ II lên tiếng kêu gọi: “Hỡi những người của Thiên Chúa… những người được chúc phúc giữa muôn người, chúng ta hãy hiệp lực và cùng nhau lên đường tiến về Mộ Thánh. Mỗi người hãy từ bỏ mình và vác thánh giá. Thiên Chúa muôn thế”. Lời kêu gọi này đạt kết quả thần tốc. Từ Clermont, đến khắp Âu Châu, người ta gắn lên vai hình cây Thánh Giá màu đỏ. Đạo Binh Thánh Giá được hình thành. Để các chiến sĩ an tâm lên đường, Giáo Hội ban cho họ ơn toàn xá, xóa cho họ hết mọi nợ nần. Còn gia đình và tài sản của họ thì được Giáo Hội bảo vệ.

1. Cuộc viễn chinh thứ nhất (1096-1100)

Cuộc viễn chinh này do một tu sĩ người Pháp tên là Phêrô ẩn sĩ lãnh đạo. Vào mùa xuân năm 1096, một lực lượng đông đảo gần 100.000 người, chủ yếu là nông dân và gia đình họ, cấp tốc lên đường. Đây không phải là những người có khả năng chính chiến. Vì không được chuẩn bị kỹ càng, lại phải thiếu thốn đủ mọi thứ, nên có lúc họ đã phải cướp phá để cứu lấy mạng sống. Một số lớn đã bỏ mình trên đường đi. Số còn lại bị kiệt quệ hoàn toàn khi đến được Constantinốp. Dầu vậy họ vẫn tiến đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Nicéa. Trên 25.000 binh sĩ lâm chiến chỉ còn 3.000 người sống sót.

Mãi đến Mùa Xuân năm sau thì đại quân của tướng Godefroi de Bouillon mới tới nơi. Họ hạ được thành Antiôkia vào tháng 6 năm 1099. Sau đó họ tiến quân đánh Giêrusalem. Đánh xong, họ tôn tướng Godefroi lên làm vua, nhưng vị tướng này đã từ chối, lấy cớ là ông không thể đội triều thiên ở chính nơi mà Đức Giêsu đã đội mũ gai. Ít lâu sau, đại quân rút về Âu Châu, để lại một đạo quân nhỏ, cùng với Godefroi bảo vệ Thánh Địa.

2. Cuộc viễn chinh thứ hai (1146-1149)

Nửa thế kỷ sau, các Kitô hữu tại Thánh Địa lại bị người Thổ Nhĩ Kỳ bách hại. Thánh Bênađô, tu viện trưởng, đã đứng ra kêu gọi người Pháp và người Đức lên đường giải cứu. Năm 1046 vua Louis thứ VII nước Pháp và vua Conrad nước Đức đã kéo quân tiến về Constantinốp. Tại một thị trấn ở vùng Tiểu Á, quân Đức bị đánh tan tành. Quân Pháp đến tiếp cứu, rồi cả hai đạo quân tiến về Giêrusalem. Nhưng vì quan quân quá mệt mỏi, nên buộc phải rút lui về Âu Châu. Năm đó là năm 1149.

3. Cuộc viễn chinh thứ ba (1188-1194)

Mấy chục năm sau, vào năm 1188, Saladin, giáo chủ Hồi giáo tuyên bố Thánh chiến và chiếm Thánh Địa. Nghe tin ấy, ba ông vua uy quyền nhất Châu Âu thời đó là Frédéric Râu Hung người Đức, vua Philippe II người Pháp và vua Richard Tim Sư Tử người Anh, đồng lúc tiến quân sang Thánh Địa. Không may, Hoàng Đế Frédéric bị chết đuối lúc tắm sông, còn quân của Philippe II bị bịnh dịch hoành hành, chỉ còn vua Richard là kiên trì chiến đấu. Nhờ tài ngoại giao, vua Richard đã ký Hòa Ước, qua đó vua Thổ nhượng cho người Công Giáo một vài vùng đất, thả các tù nhân Công Giáo và cho khách hành hương được tự do kính viếng Mộ Thánh.

4. Cuộc viễn chinh thứ tư (1202-1204)

Cuộc viễn chinh này chủ yếu là do người Pháp tổ chức nhưng người Ý lại thực hiện. Thập Tự Quân kéo về thành Venitia, và các chiến thuyền Ý lãnh trách nhiệm đưa họ sang Ai Cập. Trên đường đi, do một số thương gia Venitia xúi giục, các chiến thuyền này thay vì sang Ai Cập, lại chuyển hướng về Constantinốp, chuẩn bị đánh phá thành này. Khi hay biết dự tính của họ, Đức Giáo Hoàng Innocenxiô III tìm cách ngăn cản. Nhưng vào đêm 13-4-1204, Thập Tự Quân đã tấn công và vơ vét hết của cải của giáo đô Constantinốp. Hơn phân nửa các “chiến lợi phẩm” này đã vào tay người Venitia.

5. Cuộc viễn chinh thứ năm (1217-1244)

Đây là một cuộc viễn chinh do một quận công người Áo và vua Hungari lãnh đạo. Họ ra đi năm 1217, đến Ai Cập năm 1218 và hạ thành Đamietta năm 1219; Sau khi thắng trận, họ đã ký kết một thỏa ước với vua Hồi Giáo, đồng ý hưu chiến. Sau thời gian này, hai đạo quân của người Pháp và người Anh lại muốn tiếp tục công việc bỏ dở của quân Áo và quân Hung. Nhưng họ bị quân Mông Cổ chận đánh trên đường đi. Cuộc viễn chinh này đã kết thúc mà không mang lại kết quả mong muốn. Năm 1244, với sự giúp đỡ của quân Mông Cổ, vua Ai Cập đã vĩnh viễn chiếm Giêrusalem.

6. Cuộc viễn chinh thứ sáu (1249-1250) và thứ bảy (1270-1271)

Năm 1248, Thánh Louis, vua nước Pháp, lại tổ chức Thập Tự Quân, đánh lại quân Thổ ở Ai Cập. Lúc đầu, Thập Tự Quân thắng, nhưng càng đánh Thập Tự Quân càng yếu đi. Năm 1250, chờ lúc nhà vua và quân sĩ hoàn toàn kiệt sức, quân Thổ mới phản công. Nhà vua bị bệnh rồi bị bắt. Sau khi được chuộc lại, vua Thánh Louis phải rút quân về.

Hai mươi năm sau, vua Thánh Louis lại lên đường đưa Thập Tự Quân đánh thành Tuni ở Bắc Phi. Ngài dự định trả lại xứ này cho Kitô Giáo. Nhưng vì khí hậu oi bức, nước uống dơ bẩn, bệnh dịch tràn lan, chính vua thánh Louis cũng mắc bệnh và qua đời tại đây, kết thúc cuộc viễn chinh cuối cùng của phong trào Thập Tự Quân.

III. TA NGHĨ GÌ?

Hai thế kỷ chiến đấu đã qua. Thập tự quân xem ra thất bại. Những mục tiêu chính đã không đạt được. Mộ Thánh vẫn nằm trong tay người Hồi Giáo. Tuy nhiên, chính cuộc chiến đấu dai dẳng này đã liên kết các Kitô Hữu Tây Phương dưới một ngọn cờ. Một cách nào đó, Thập Tự Chinh đã làm giàu cho Tây phương cả vật chất lẫn tinh thần. Chính sự tiếp xúc với Đông phương đã giúp Tây phương khám phá những giá trị mới lạ, đưa Tây Phương ra khỏi thời Trung Cổ phong kiến. 

Con người ngày nay có thể nhận thấy trong các cuộc viễn chinh Thánh Giá một cái gì quá đáng, và cho đó là kết quả của lòng cuồng tín. Tuy nhiên, nếu ta đặt Thập Tự Chinh vào trong bối cảnh lịch sử của thời bấy giờ thị Thập Tự Chinh cũng là một hiện tượng dễ hiểu, phát xuất từ quan niệm sống Đức Tin không khoan nhượng của người Trung Cổ vậy.

Bài đọc thêm

HÒA BÌNH VÀ HƯU CHIẾN NHÂN DANH CHÚA

Vào thế kỷ X và XI, chế độ phong kiến bước vào thời hỗn loạn. Quyền hành của các vua chúa từ từ suy sụp, một thảm trạng đích thực đã đè nặng lên quảng đại quần chúng, đó là các cuộc chiến giữa lớp người quý tộc với nhau.

Vua chúa thì bất lực, không thể nào dẹp tan được. Các vị Giám Mục phải đứng ra nhận trách nhiệm bảo vệ giáo dân. Các ngài lập ra phong trào gọi là Phong Trào Hòa Bình nhân Danh Chúa . Các ngài triệu tập các Công Đồng gọi là Công Đồng Hòa Bình, mời tất cả giới quý tộc trong vùng họp lại, thiết lập những vùng được gọi là vùng được bảo vệ (như Thánh Đường và vùng chung quanh). Các Công Đồng này cũng định rõ những thành phần nào của xã hội được bảo vệ (như là giáo sĩ, nông dân, phụ nữ). Cuối cùng cũng đặt ra những hình phạt nghiêm nhặt đối với những ai vi phạm các lệnh cấm đã được ấn định.

Bộ máy “vì hòa bình” không ngừng trở nên tinh vi hơn. Các Hiệp Hội Hòa Bình ngày càng tăng lên. Phong Trào Hòa Bình nhân danh Chúa chẳng bao lâu đã được củng cố bằng Phong Trào Hưu chiến nhân danh Chúa . Mọi cuộc chiến đều bị cấm trong một số mùa trong năm (Mùa Vọng, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh). Công Đồng Nicéa 1041 mở rộng thời gian hưu chiến từ chiều thứ tư đến sáng thứ hai, lấy lý do là để kỷ niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Công Đồng Narbone 1054 còn thêm cả tuần lễ Hiện Xuống, các ngày lễ kính Đức Mẹ, hoặc kính một số các Thánh. Cuối cùng, nếu muốn đánh nhau, thì chỉ còn 90 ngày trong năm nữa mà thôi.

Trong lúc đó, Giáo acHội cố gắng dạy cho giới quý tộc biết sống đạo đức, bằng cách đề ra cho họ lý tưởng hiệp sĩ với những quy tắc về danh dự, với các luật lệ, các giá trị tinh thần, và những con người điển hình, được thể văn anh hùng ca minh họa.

Theo THÉO, tr. 346 a,b

(còn tiếp)

Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm

Giuse Nguyễn Hữu Triết


Bốn xứ “Đông - Đoài - Nam - Bắc”

của Đại vùng văn hóa

đồng bằng Sông Hồng

Bốn xứ Đông - Đoài - Nam - Bắc của đại vùng văn hóa đồng bằng Sông Hồng Giữa lòng miền đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng , nền văn hóa Việt cổ , có vùng văn hóa Thăng Long-Hà Nội , và chung quanh bốn phương tám hướng có bốn vùng văn hóa Đông Đoài Nam Bắc đã làm nên đại vùng văn hóa Bắc Bộ Việt Nam ngàn năm .

Người Thăng Long xưa tự hào mình là người Kẻ Chợ và gọi những kẻ từ khắp nơi khắp chốn đến với kinh đô, là dân tứ xứ ( Đông Đoài Nam Bắc ) hay dân tứ trấn (Hải Đông, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc) hay dân tứ chiếng (chữ "chiếng" đọc trại từ chữ trấn mà ra) với sắc thái xem thường (nhiều hay ít) : "trai tứ chiếng, gái giang hồ" . Rời Thăng Long, đi theo hướng tây-đông rồi nam-bắc, chúng ta sẽ lần lượt làm quen với bốn vùng văn hóa gọi theo người xưa là : xứ Đoài , vùng đất của các tỉnh trung du Phú Thọ, Vĩnh Phúc và tỉnh đồng bằng Hà Tây ngày nay ; xứ Đông, vùng đất của các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, lên một chút là Hải Phòng, xuống một chút là Thái Bình ; xứ Nam là vùng đất của Hà Nam, Nam Định, xuống một chút là Ninh Bình ; và xứ Bắc, vùng đất của Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay.

-Xứ Đông hay trấn Hải Đông -là tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông có hạt nhân là trấn Hải Đông xưa, nay là TP. Hải Dương , bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng , gồm các tỉnh Hải Dương , Hải Phòng và một phần đất thuộc các tỉnh Quảng Ninh Hưng Yên .

-Xứ Đoài vùng địa linh xưa nằm phía tây Kinh đô : b ắt nguồn từ Quẻ Đoài trong Kinh Dịch, Đoài thuộc hướng Tây . Xứ Đoài là nơi cư trú lâu đời của người Việt cổ, có rất nhiều di tích lịch sử danh thắng gắn với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc.

Xứ Đoài xưa gồm vùng đất rộng lớn - Từ Cầu Giấy, chạy theo đường Đê La Thành lên đường Lạc Long Quân qua sông Hồng đến Phúc Yên hất lên phía tây tới tận Hưng Hóa. -Lại cũng từ Cầu Giấy xuôi theo đường Láng đến Ngã Tư Sở chạy theo đường 6 đến thị xã Hà Đông hất qua vùng Quốc Oai, Hòa Lạc bây giờ.

-Xứ Nam hay trấn Sơn Nam ngày nay là các tỉnh Hà Nam , Ninh Bình , Nam Định , Thái Bình và một phần các tỉnh Hưng Yên , Hà Nội (5 huyện phía nam).

- X ứ Bắc hay trấn Kinh Bắc là tên một địa danh cũ ở phía bắc VN , nay bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang , Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Lạng Sơn ( Hữu Lũng ); Hưng Yên ( Văn Giang , Văn Lâm ); Hà Nội (gồm toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm , Long Biên , Đông Anh , Mê Linh , Sóc Sơn ) và Vĩnh Phúc ( Phúc Yên ).

1. Văn hóa xứ Đoài , từ trung du đến đồng bằng Bắc Bộ

Xứ Đoài có Phú Thọ, Vĩnh Phúc ở phía bắc, Hà Tây ở phía nam, tiếp giáp Thăng Long - Hà Nội. Phú Thọ - Vĩnh Phúc là đất trung du, nơi gặp gỡ của ba dòng sông lớn : Hồng, Lô, Đà, nơi có kinh đô Phong Châu của vua tổ Hùng Vương, nơi người Việt cổ tổ tiên ta, con cháu rồng Lạc tiên Âu, đã dựng nước Văn Lang rồi Âu Lạc, đã sáng tạo nên những trống đồng, thạp đồng to đẹp, tượng trưng cho một văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Lạc Việt, hay văn minh sông Hồng cách nay trên dưới ba ngàn năm.

Từ lâu dân ta vẫn luôn tâm niệm :

"Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba".

"Tổ" ấy là các vua Hùng hội đền Hùng từ xưa đến nay vẫn là một lễ hội lớn của cả dân tộc. Tại xã Hy Cương (huyện Phong Châu, Phú Thọ), đền Hùng là một quần thể kiến trúc hoành tráng gồm nhiều đền đài và di tích, mỗi năm tiếp đón hàng chục vãn khách hành hương giỗ tổ. Bên cạnh lăng vua Hùng giếng ngọc, nơi các công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung đã từng soi bóng; có cột Đá Thề, tương truyền vua Thục đã dựng để thề nguyền gìn giữ cơ nghiệp Hùng Vương.

Trong ngày hội đền trên núi Nghĩa Lĩnh có nghi lễ rước voi với ý nghĩa muôn loài qui phục vua Hùng, có người Mường và người Việt cùng đánh trống đồng, cồng chiêng, cùng rước cỗ (bánh dầy, bánh chưng, xôi nhiều màu), rước kiệu bay, đua thuyền rồng trên hồ Đa Vai dưới chân núi… Tất cả để tỏ lòng biết ơn vua Tổ đã dựng nước, thương dân, dạy dân trồng lúa, tắm chung với dân trên các bến sông Hồng Lô Đà ( Bạch Hạc, Việt Trì ) một địa chỉ quen thuộc của các nhà khảo cổ học Việt Nam hôm qua và ngày nay .

Người Việt nào muốn nghe những điệu dân ca, những điệu múa cổ nhất, xin mời đến một số làng ở Phú Thọ gặp những nhóm gái trai đã kết nghĩa với nhau để hát ghẹo trong ngày hội xuân. Họ hát những bài rất trữ tình, và hai bên gọi nhau là quan anh, quan chị, tự mình xưng là em, cho nên hát ghẹo Phú Thọ còn có tên là hát Anh Chị. Cũng có thể làm quen với những phường Xoan (ở các làng Thét, Phù Đức, Kim Đới, An Thái của huyện Phong Châu để thưởng thức các điệu hát Xoan, múa Xoan, của các họ Xoan biểu diễn tại nhiều đình làng từ mùng 5 tết đến hết mùng 10/4 lịch âm. Mỗi cuộc hát Xoan gồm ba chặng : lề lối, quả cách và bỏ bộ. Hát và múa đều tuân theo trình tự nghiêm ngặt và phong cách cổ kính.

Rời tiểu vùng văn hóa đất tổ Phú Thọ-Vĩnh Phúc đi về hướng nam sẽ gặp tiểu vùng văn hóa Hà Tây của xứ Đoài (trấn Sơn Tây xưa). Tỉnh lỵ của Hà Tây, thị xã Hà Đông chỉ cách Hà Nội 11 km. Hà Tây có hai núi : Tam Đảo, Ba Vì (còn gọi là Tản Viên) cao 1.280 mét, quê hương của Sơn Tinh mà dân địa phương cung kính gọi là thánh Tản, hay Tản Viên sơn thánh được thờ ở nhiều đình, đền, miếu.

Câu đối trên cổng đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở Chí Linh, Hải Dương do Thám hoa Vũ Phạm Hàm đề:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh.

Hà Tây có 4 sông : Hồng, Đà, Đáy, Nhuệ. Đây là quê hương của nhiều anh hùng, danh nhân, từ Hai Bà Trưng, Phùng Hưng đến Ngô Quyền, Nguyễn Trãi và

- Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm , quê Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Đông (Ông thuộc Họ Phạm Vũ – Đôn Thư). Ông đậu Nhất giáp Tam nguyên trong ba kỳ thi triều nhà Nguyễn (29 tuổi). Trong lịch sử VN chỉ có vài Tam nguyên là Đệ nhất giáp, gồm có Phạm Đôn Lễ , Lê Quý Đôn ( triều Lê ) và ông.

Thơ văn của ông chủ yếu viết chữ Hán, được truyền tụng rộng rãi vì nội dung sâu sắc và nghệ thuật điêu luyện, giàu hình tượng được nhiều người thán phục. Văn Nôm ông ít làm, nhưng riêng bài “Hương Sơn phong cảnh” thể hát nói, dài 75 câu được nhiều người yêu thích với những tứ thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, ca ngợi phong cảnh chùa Hương Tích là một thắng cảnh nổi tiếng nước ta, được nhiều người so sánh với bài “Hương Sơn nhật trình ca” của Chu Mạnh Trinh (1862 -1905), gần như sống cùng thời với ông.

Về thời đại ông sống và hoạt động, đó là một giai đoạn đầy biến động, trong hoàn cảnh lúc đó, mặc dù Vũ Phạm Hàm đã có những biến đổi bên trong, và trong thực tế đã có một số hoạt động cụ thể như tham gia quán Đồng Văn ở Hà Nội (tức là Đại Nam Đồng Văn nhật báo, tờ báo tiền thân của tờ Đăng Cổ tùng báo của Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), nhưng cũng chưa bộc lộ rõ rệt, dứt khoát, mà còn ở mức độ tình cảm, xu hướng. Tiếc rằng ông mất sớm nên chưa có điều kiện đi trọn con đường của một số các văn thân sĩ phu, Nho sĩ yêu nước thức thời cùng thời, trong số có có thể nhắc đến Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ…, và người gần gũi thân cận nhất là Nguyễn Thượng Hiền –thông gia với ông.

Hà Tây có nhiều làng nghề nổi tiếng : gấm và lụa vân Vạn Phúc, lụa, the, lĩnh La Khê, tiện gỗ Nhị Khê, thợ nề thợ mộc làng Chàng. Bên cạnh nhiều đền thờ anh hùng, danh nhân là những ngôi chùa danh bất hư truyền : Đậu, Mía, Thầy, Hương Tích, Tây Phương… đã cùng với những ngôi đình cổ kính nhất của các thế kỷ 16, 17 : Chu Quyến (đình Chàng), Tây Đằng, Yên Sở, Sơn Lộ, Hạ Hiệp… đã đi vào lịch sử văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Về âm nhạc dân gian, Hà Tây nổi tiếng với hai loại dân ca nghi lễ : hát Rô (Dô) hát Chèo Tàu, thịnh hành cách nay nhiều thế kỷ. Hát Rô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai gồm 22 bài được hát lên để tôn vinh thánh Tản, trong đó có 10 bài vừa hát vừa múa, gọi là hát bỏ bộ. Sôi nổi hơn nữa là hội hát Chèo Tàu ở bốn thôn của xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, gắn với tục sùng bái và thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử. Đây là một tập hợp nhiều diễn xướng , nghi lễ, điệu hát và điệu múa trình bày trên các sân khấu mô phỏng hình thuyền ( tàu ) và voi ( tượng ) thu hút đông đảo khán thính giả xứ Đoài, Thăng Long và các xứ khác.

Trong hàng chục lễ hội của Hà Tây, hội Chùa Hương là vô địch về thời gian mở hội (từ rằm tháng giêng đến hết tháng ba) cũng như về số lượng khách hành hương vãn cảnh (nhiều chục vạn nam phụ lão ấu) . Nếu khách du có sức khoẻ , nhiệt tình hay đức tin thì có thể dự hội nhiều ngày , qua nhiều lộ trình đồi suối dài nhiều kilômét giữa một tắng cảnh tuyệt vời từ bến Đục qua suối Yến để đến với hơn một chục đền chùa hang động mà điểm đỉnh là động Hương Tích " Nam thiên đệ nhất động " mịt mù hương khói. Khắp nơi vang lên tiếng chào " nam mô a di đà Phật " thành kính và nhân hậu, thỉnh thoảng bị phá bỉnh bởi những tiếng tán thán lạc đề " nam mô chao ôi là đẹp " hay " nam mô chao ôi là mệt " của tuổi trẻ nghịch ngợm trêu nhau nhưng rồi tuổi già cũng sẵn sàng mỉm cười bỏ qua.

Chùa Hương với dòng nước xanh xiết bao êm đềm
Con thuyền đưa tôi tới nơi thần tiên"...

2. Văn hóa xứ Đông, từ vịnh Hạ Long đến sông nước Thái Bình

Xứ Đông có hạt nhân là trấn Hải Đông xưa, nhưng bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở phía đông Thăng Long, đó là phần đất bắt đầu từ Hưng Yên-Hải Dương, ngược lên phía bắc đến Hải Phòng, Quảng Ninh, xuôi về phía nam đến tận Thái Bình. Đây là quê hương của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác, Lê Quí Đôn… với nhiều di tích thắng cảnh : lăng vua Trần, đền Chử Đồng, Phố Hiến, đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần, Côn Sơn mang kỷ niệm bất diệt của Nguyễn Trãi…

Xứ Đông cũng có nhiều sông, hồi, đầm: các sông Hồng, Thái Bình , Kinh Thầy, hồ Nhân Huệ, đầm Dạ Trạch... Đặc sản xứ Đông được cả nước hâm mộ là nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, gà Đống Cao, táo Gia Lộc, bánh đậu xanh Hải Dương…

Nói đến xứ Đông, trước hết phải nhắc đến Phố Hiến vang bóng một thời như dân ta đã ca ngợi : "nhất Kinh Kỳ, nhì Phố Hiến", từng là một đô thị thương nghiệp quan trọng của Đại Việt của các thế kỷ 17, 18 ở Đàng Ngoài.

3. Vùng văn hóa xứ Nam, với di tích của ba triều đại và một vùng thiên nhiên đẹp

Xứ Nam là trấn Sơn Nam xưa , vùng đất của ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, nay còn di tích Hoa Lư, kinh đô của Đại Cồ Việt thời Đinh-tiền Lê, từ 968 đến 1009 trước khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Thành Hoa Lư với diện tích hơn 300 hecta đã giữ lại cho những nhà khảo cổ học Việt Nam hàng trăm di vật quí báu như những cột kinh Phật, những viên gạch lớn mang dòng chữ : "Giang Tây quân" hay "Đại Việt quốc quân thành chuyên", các di tích cung điện… cho phép nói đến một văn hóa Hoa Lư (thế kỷ 10) trước thời kỳ nở rộ của văn hóa Thăng Long (thế kỷ 11-18).

Hà Nam-Nam Định, trước hết là quê hương của các vua Trần (1226-1400). Tại thôn Tức Mạc, xã Lộc Vương, ngoại thành Nam Định, có đền Trần gồm đền Thượng và đền Hạ. Đền Thượng thờ 14 vua và các tướng nhà Trần. Đền Hạ thờ Trần Hưng Đạo của các tướng có công đánh dẹp quân Mông-Nguyên. Quanh đó còn có đền thờ Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải. Hội đền Trần mở ba năm một lần vào tháng 3 là một lễ hội lớn của xứ Nam.

Hội Trường Yên ở Ninh Bình được tổ chức tại đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền vua Lê Đại Hành.

4. Vùng văn hóa xứ Bắc, nơi hội tụ hài hòa của vua chúa, tôn giáo và văn nghệ dân gian

Xứ Bắc, vùng đất của trấn Kinh Bắc xưa, của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nay, là một vùng văn hóa nổi tiếng của tổ quốc, nơi ghi dấu Kinh Dương Vương (lăng mộ còn tại A Lữ, Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), Lạc Long Quân (đền thờ còn tại Bình Ngô, An Binh, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), và Âu Cơ (miếu thờ còn tại A Lữ) ; cũng là nơi phát tích của triều Lý (thôn Cổ Pháp, huyện Từ Sơn): "thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp".

Xứ Bắc có Luy Lâu, là một trung tâm Phật giáo Việt Nam quan trọng ở miền Đông Á vào đầu công nguyên thời Bắc thuộc, tương đương với hai trung tâm lớn của Phật giáo Trung Hoa cùng thời là Lạc Dương và Bình Thành.

Bài hát 'Đôi mắt người Sơn Tây'

-Phạm Đình Chương (1929 – 1991)

Là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên tuổi lớn của tân nhạc Việt Nam, có nghệ danh Hoài Bắc. Ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi: Xóm đêm, Đợi chờ, Ly rượu mừng, Đón xuân.Ông mất 22/8/1991 tại CA, Mỹ.

-Quang Dũng Tên thật là Bùi Đình Diệm sinh năm 1921 tại làng Phượng trì, Đan Phượng (Hà Tây), mất ở Hà Nội ngày 14-10-1988. Có liên quan đến Nhân văn Giai phẩm, an ủi vì được Giải thưởng Nhà Nước về Văn học. Bài thơ “Tây tiến” đã được chọn một đoạn khắc vào Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Tây tiến ở Hoà Bình. Bài thơ 'Đôi mắt người Sơn Tây' của thi sĩ Quang Dũng, được Phạm Đình Chương phổ nhạc -Quang Dũng quê ở Sơn Tây, cũng là quê ngoại của P.Đ.C. Vì thế, hai tâm hồn nghệ sĩ lớn đã tìm thấy sự đồng điệu trong thơ, nhạc. Bài hát “Đôi mắt người Sơn Tây” được P.Đ.C. phổ nhạc vào mùa thu năm 1970. Thế rồi, một ngày chưa hết chiến tranh nhưng người tình Akimi của Q.D. rời bỏ vùng kháng chiến để “dinh tê” về thành, bỏ lại nỗi u hoài cho người thi sĩ. "Dinh tê" vốn đọc từ chữ "Rentrer" (quay trở về) trong tiếng Pháp, dùng để chỉ người rời khỏi vùng kháng chiến về thành. Rồi nàng vào Nam, lần này là cách biệt thật giữa hai đàng đất nước nhưng như xa cách cả đất trời. Để rồi đêm đêm chàng thi sĩ chỉ còn mơ bóng Akimi hiện về trong đáy cốc rượu để nói cười, để tâm sự cùng chàng. Thật hay là mộng? Mộng hay là thật? Chỉ thi sĩ biết mà thôi. Giờ đây, nhạc sĩ và thi nhân ắt hẳn đã tương ngộ nhau nơi miền miên viễn: nhạc sĩ nhớ vợ cũ ca sĩ Khánh Ngọc, còn thi sĩ nhớ nàng Akimi - có chăng còn lại cho đời là tuyệt phẩm "Đôi mắt người Sơn Tây" mà thôi...
Đôi Mắt Người Sơn Tây -Thơ: Quang Dũng - Nhạc:
Phạm Đình Chương

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai/ Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt em ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh

Khi chớm thu về khi chớm thu về một sớm mai.
Đôi mắt Người Sơn Tây/ U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây/ Buồn viễn xứ khôn khuây
Em hãy cùng ta mơ/ Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương/ Đường hoa khô ráo lệ.
Tôi từ chinh chiến đã ra đi/ Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Sông Đáy chạm nguồn quanh phủ Quốc
Non nước u hoài, non nước hao gầy, ngày chia tay…

Làng Lụa Hà Đông

Nay là Làng lụa Vạn Phúc (thuộc phường Vạn Phúc , quận Hà Đông (từ thành phố thuộc tỉnh Hà Tây cũ, xuống cấp Quận trung tâm thủ đô Hà Nội ) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất VN . Lụa Hà Đông từng được chọn may trang phục cho triều đình.

Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình. "Lụa Hà Đông" cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại.

Nguồn gốc của câu chuyện về Áo Lụa Hà Đông
trong thơ và nhạc

Ngày nay, chắc ai cũng biết về quê lụa Hà Đông, đó là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Hà Đông cũng từng được chọn để may trang phục cho triều đình. Năm 1938, xứ Bắc Kỳ đã tổ chức cuộc thi người đẹp (thi Hoa Hậu) với những điều lạ: không phải diễn ra ở Hà Nội mà ở tỉnh Hà Đông; các cô gái bất cứ lứa tuổi nào, ngành nghề gì cũng đều được tham gia (kể cả vũ nữ). Điều kiện duy nhất là phải mặc áo lụa của xứ Hà Đông. Người đăng quang trong cuộc thi đó là người đẹp Lý Lệ Hà, sau đó cô đã trở thành người tình của Bảo Đại. Đồng thời, cuộc thi cũng trở thành nguồn cảm hứng để gần 20 năm sau đó, nhà thơ Nguyên Sa sáng tác bài thơ và được người nhạc sĩ trẻ tài hoa Ngô Thụy Miên phổ thơ thành nhạc “Áo Lụa Hà Đông”.

- Nguyên Sa ( 1932 - 1998 )

Sinh tại Hà Nội , tên thật là Trần Bích Lan , bút danh Hư Trúc .Ông là 1 giáo sư Triết học và là một nhà thơ lãng mạn VN nổi tiếng từ thập niên 1950 , với những tác phẩm nổi danh như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ…”

-Ngô Thụy Miên (sinh 1948, Hải Phòng) tên thật Ngô Quang Bình, hiện ở Mỹ.

Áo Lụa Hà Đông
Thơ: Nguyên Sa – Nhạc:
Ngô Thụy Miên

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn/ Mà mùa Thu rải nắng ở chung quanh

Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung/ Bay vội vã vào trong hồn mở cửa
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết/ Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau? Để anh gọi tiếng thở buồn vọng lại....

Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn? Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
...Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi

Phạm Vũ

(Tham khảo: Sách báo – Internet)

THẾ GIỚI TÂM LINH

TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN DU

I. Một số vấn đề lý luận chung

1. Khái niệm văn hóa

Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Từ văn hóa trong Chu Dịch được tách thành hai từ văn và hóa. Nghĩa gốc của từ văn là vẻ đẹp do màu sắc tạo ra. Văn là hình thức đẹp đẽ trong lễ nhạc, trong cai trị, trong ngôn ngữ, trong cách cư xử,…

Đến thời Tây Hán, Lưu Hướng đã sử dụng từ văn hóa sớm nhất, văn hóa được hiểu như một thức giáo hóa con người. “Dùng văn hóa không thay đổi được sẽ chinh phạt”. Về sau, văn hóa được hiểu như một phương thức để xây dựng cuộc sống. Trong giáo trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, Trần Ngọc Thêm đã định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa là một hệ thống hữu có các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”.

Tóm lại, Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội.

2. Khái niệm tâm linh

Tâm linh bao gồm chữ “tâm’ và chữ “linh” tạo nên. Theo từ điển Hán Việt của Thiền Chửu, “tâm” có nghĩa là tim, thuộc về thế giới bên trong . “linh” có rất nhiều nét nghĩa như “linh” trong linh hoạt, nhạy bén; “linh” trong thần linh; người chết cũng được gọi là “linh”; “linh” còn được dùng để nói đến những ứng nghiệm, bói toán.

Theo từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, tâm linh được hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất tâm linh là khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra với mình, theo quan niệm duy tâm. Thứ hai, được dùng theo nghĩa tâm hồn, tinh thần.

Theo quan niệm của Nguyễn Đăng Duy thì: “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong đời sống, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng, cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được ngưng đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”.

Như vậy, có thể hiểu tâm linh là niềm tin của con người vào sự linh thiêng, tâm linh gắn liền với ý thức cả con người. Tâm linh bắt nguồn từ niềm tin của con người. Đó là niềm tin thiêng liêng về tổ tiên, niềm tin về Mẫu, Phật, Chúa, niềm tin về các thần thành hoàng,…

Nói đến khái niệm tâm linh, cần phải đặt trong sự tương quan với các khái niệm khác.: tâm linh với tín ngưỡng – tôn giáo. Tín ngưỡng và tôn giáo không đồng nhất với nhau. Tín ngưỡng và tôn giáo đều có chung niềm tin thiêng liêng nhưng tín ngưỡng không có giáo chủ, giáo lý, giáo hội cụ thể, không phải là nơi giảng kinh thuyết pháp mà chỉ là nơi thề tự, cúng tế, hội hè, thường được tổ chức ở đền, đình,
miếu,…Ở tín ngưỡng, con người ta thấy mội vật đều linh thiêng, tập trung giải quyết mối quan hệ giữa vcon người với tự nhiên. Tín ngưỡng gắn kết mọi người với nhau, cùng hướng con người tới sự thịnh vượng của cuộc sống. Tức tín ngưỡng đồng nghĩa với tâm linh còn tôn giáo không hoàn toàn là tâm linh mà chỉ là dạng đặc biệt của tâm linh.

Qua đây, chúng ta cần phân biệt giữa tâm linh và mê tín dị đoạn. Mê tín dị đoan là “những ý thức, hành vi mê muội, tin dựa vào những biểu tượng trái lẽ tự nhiên, có những hành vi lễ bái, ứng xử mang tính chất cuồng tín, nhảm nhí, trái với lẽ phải và hành vi thông thường của mọi người xung quanh, làm hại đến đời sống vât chất và tinh thần của mọi người”. Tâm linh không phải là mê tín dị đoan, tâm linh là niềm tin linh thiêng trong đời sống tinh thần của con người tin vào tổ tiên, thần thánh, phạt, chúa,… hay những người không đi tu mà vẫn đi chìa, đền, đình, vẫn ăn chay, lễ Phật. Niềm tin ấy đánh thức tâm hồn con người để sống và làm việc tôt hơn xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông. Còn mê tín dị đoan là tin một cách mê muội, làm hao tốn tiền bạc, có khi thiệt hại cả tính mạng.

3. Khái niệm văn hóa tâm linh

Văn hóa tâm linh là thuật ngữ được hiện diện trên văn đàn vào khoảng mười lăm năm gần đây, nhất là sau khi một số nhà nhân học, tâm lí học, khoa học xã hội quốc tế thừa nhận yếu tố tâm linh, một trong bốn thuộc tính của con người (con người xã hội, con người sinh học, con người tâm lí, con người tâm linh). Tâm linh có hai nghĩa: khả năng đoán biết một biến cố sẽ xẩy ra; tinh - khí - thần của người. Từ đó trở đi, một câu hỏi tưởng chừng như ẩn số: “Con người là một bí ẩn” mà nhiều nhà tư tưởng lớn đặt ra ở thế kỷ XIX, được triết học văn hóa giải mã khi nghiên cứu con người: cái tự nhiên và cái phi tự nhiên, lý trí và tình cảm, trí tuệ và bản năng, lý tưởng và tính dục, cái thiêng và cái tục, nhân vị và siêu nhân v.v… Như vậy, khi ghép tâm linh vào văn hóa, thì khái niệm văn hóa tâm linh là hình thái văn hóa của một tộc người gồm: tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian (folklore) và một phần của sáng tạo khoa học, nghệ thuật như sự thăng hoa, phút xuất thần, “tia chớp” cảm hứng sáng tạo, trí tuệ phát sáng của nhà khoa học và nghệ sĩ.

Theo Nguyễn Đăng Duy: “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện những giá trị thiêng liêng cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”. Văn hóa tâm linh không chỉ bao gồm giá trị văn hóa vô hình mà cả những văn hóa hữu hình. Văn hóa tâm linh là sợi dây liên kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái và tinh thần hướng thiện, góp phần tạo nên chiều sâu sức sống cho nền văn hóa dân tộc.

Văn hóa tâm linh có những đặc điểm sau:

Tính thiêng: “Có thể coi tâm linh là một khái niệm tâm lý nói lên sự gắn kết ba phạm trù thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Chỉ ở con người mới có các phạm trù thời gian và sự gắn kết chúng lại với nhau”. Có linh hồn hay do thần giao cách cảm hoặc các luồng điện hiện lên trong trường sinh học? Hay chỉ là chuyện người đang sống hướng tất cả tinh thần, khí chất, tình cảm về người đã khuất!? Đây là đề tài đòi hỏi sự nghiên cứu công phu của nhiều ngành khoa học. Có điều, việc hướng về cội nguồn, biết ơn người đã khuất, tri ân công trạng của các bậc tiên hiền, tôn vinh những danh nhân có công với nước, với dân là một phong tục đẹp ở nước ta.

Tính hoà giải: Giáo lý của các tôn giáo lớn ở nước ta có một đặc điểm chung là tính hoà giải. Ba tôn giáo là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đạo giáo được du nhập từ nước ngoài, nhưng khi vào nước ta đều được bản địa hoá, dân gian hoá, phong tục hoá để dễ bề truyền bá. Giáo lý của ba tôn giáo cũng có nhiều điểm rất khác nhau, có những tri thức rất cao siêu, suy lý tư biện, thậm chí huyền bí, nhưng ở cả ba đều mang tính nhân văn, lấy con người làm trung tâm: yêu con người, cầu mong xã hội thái bình, quốc thái dân an, mở rộng lòng bác ái công bằng, từ bi, hỷ xả, triết lý sống gắn với thiên nhiên v.v…

II. Thế giới tâm linh trong sáng tác của Nguyễn Du

1. Lễ hội

Hội là những cuộc chơi. Chúng ta có tết Nguyên Đán ngày đầu năm mới, tết Thượng nguyên 15 tháng giêng, tết Trung Nguyên, tết Thanh Minh, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu,….Đây là những dịp để mọi người nhất là nam thanh nữ tú gặp gỡ, trò chuyện, kết bạn, vui chơi. Còn lễ cũng đi kèm với hội dưới hình thức cúng bái với thần thánh, tiên, phật, hoặc người cõi âm như lễ rước thần Lúa, lễ cầu mưa, nghi lễ phồn thực, lễ tảo mộ. Nguyễn Du đã đưa những lễ hội tuyền thống của dân tộc vào trong sáng tác của mình.

Trước hết đó là tiết thanh minh và hội đạp thanh. Lễ tảo mộ trong tiết thanh minh vào tháng ba âm lịch là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đẫ đề cập đến vấn đề này: “Thanh minh trong tiết tháng ba./ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Khi đi tảo mộ, ta sẽ thấy hai trường hợp xảy ra, một là với những nấm mồ có được người thân cúng viếng, sửa sang thì ngôi mộ sẽ sạch sẽ, ấm áp; còn với những mộ vô chủ thì cỏ mọc um tùm, hương khói lạnh tàn. Thúy Kiều khi đi qua nấm mộ của Đạm Tiên đã phải thốt lên rằng: “Rằng:sao trong tiết thanh minh/ Mà sao hương khói vắng tanh thế này?”.

Sau lễ là hội, đây là dịp để mọi người giao lưu , gặp gỡ, nhất là với những nam thanh nữ tú. Mọi người đều háo hức, chờ đợi: “Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hình chơi xuân,/ Dập dìu tài tử văn nhân,/ Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Đây cũng là nơi mà Thúy Kiều đã gặp chàng Kim. Trong hội sẽ có những trò chơi đòi hỏi sự tham gia của mọi người như tục đố là. Đây là trò chơi dân gian, các chàng trai, cô gái sẽ bẻ một nhành cây rồi đó xem số là chẵn hay lẻ mà đoán vận may rủi.

Thứ hai là rằm tháng bảy, còn gọi đó là tháng cô hồn. Đây là dịp để con cái báo hiếu với cha mẹ, cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu. Nguyễn Du đã mời các cô hồn đến dự lễ cầu siêu trong “Văn chiêu hồn”. Không cần biết họ là ai? Người thế nào? chỉ biết đó là những hồn oan của những người đã mất, hồn không nơi nương tựa, đói ăn, đói mặc.

2. Cõi âm, hồn ma

Cõi âm còn gọi là nơi chín suối, chốn cửu tuyền, thế giới bên kia,..Nguyễn Du hình dung ra đó là một nơi hết sức đen tối với những hồn ma không đầu và có đầu nheo nhúc, ngẩn ngơ, xiêu dạt, không nơi nương tựa: “Lòng nào chẳng thiết tha, cõi dương còn thế nữa là cõi âm”; “Trong trường dạ tối tăm trời đất/ Có khôn thiêng phảng phất u minh,/ Thương thay thập loại chúng sinh,/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.”

Trong “Văn chiêu hồn”, tồn tại rất nhiều hồn ma, đó là những hôn ma bơ vơ, cô đơn, lẻ loi: “Hồn mồ côi lẫn lửa đem đen”, “Hồn đơn phách chiếc”, “Cô hồn thất thểu dọc ngang”,... Nguyễn Du còn thường xuyên trò chuyện với người đã chết, tức người đang nằm dưới mộ Người nằm dưới mộ có đủ mọi loại người, Nguyễn Du hầu như quan tâm đến tất cả. Có thể kể ra đâu những hồn ma được Nguyễn Du nhớ đến sau đây:

- Người phụ nữ: đó là nàng Tiểu Thanh, cô Cầm, người hầu cũ của em, người đẹp ở đất La Thành, người đàn bà trong đá vọng phu, các bà phi vợ vua Thuấn, chị em Tiểu Kiều, Đại Kiều thời Tam Quốc, Dương Quý Phi, Ngu Cơ, ba người đàn bà ở miếu Tam Liệt... Và đặc biệt là hình ảnh người vợ hiền đầu gối tay ấp đã mất của nhà thơ trong bài Ký mộng.

- Người tài, người hiền: Nguyễn Du quan niệm rằng xưa nay hiếm, lại hay bị trời đất ghen ghét. Ông mến họ vi họ là những người trung nghĩa, yêu nước thương nòi, trọng dân kính chúa, một đời vì nghĩa lớn quên mình, một lòng tận trung báo quốc. Ông hết lời tuyên dương họ và nêu bật được những nét tích cực nhất của họ. Ông ca ngợi Cù Thức Trĩ ở Quế Lâm tuẫn tiết giữ thành, nghìn năm nằm dưới đất tóc ông vẫn dài nhất định không chịu hàng phục nhà Thanh (Quế Lâm Cù Các bộ). Ông thông cảm cho Liễu Tông Nguyên, một trong bát đại danh gia, thương cho số kiếp đày đọa của con người tài hoa, thấu hiểu vì sao cỏ cây khe suối nơi ông ở đều có tên là Ngu (Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch). Qua sông Hoài nhớ Hàn Tín, Nguyễn Du nhắc đến nghĩa cử cao đẹp đền ơn Phiếu mẫu, nhắc đến tinh nghĩa vua tôi... (Độ Hoài hữu cảm Hoài âm hầu). Cũng trên sông Hoài, Nguyễn Du vừa phục tài thơ vừa thâm cảm chính khí của người anh hùng dân tộc thời Nam Tống là Văn Thiên Tường, tác giả Chính khí ca nổi tiếng (Độ Hoài hữu cảm Văn Thừa tướng). Ông cũng ca ngợi Âu Dương, người được mệnh danh là Hàn Phi đời Tông. Bùi Tấn Công tướng mạo tầm thường mà văn võ song toàn, một đời xả thân cống hiến nhưng cứ bị bọn hoạn quan lộng quyền, phải cáo quan về nghỉ (Bùi Tấn Công mộ). Tỷ Can, Liêm Pha, Dự Nhượng, Kinh Kha đều là những bề tôi trung nghĩa. Tỷ Can chết một gò cây cỏ đều được thành nhân.

Liêm Pha nghìn thuở tên tuổi vẫn còn truyền. Kinh Kha một lần ra đi làm lạnh cả dòng nước sông Dịch. Gương trung liệt của Dự Nhượng nghìn đời còn ghi...

Nguyễn Du không chỉ thương cảm số phận bi đát của họ mà ông còn khâm phục họ. Đối với những người mắc một nỗi oan lạ lùng như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nhạc Phi... Nguyễn Du tự xem mình cùng hội cùng thuyền, tự ngồi vào ngã tự cư con thuyền số mạng chòng chành của những nhân vật sống cách ông hàng nghìn năm. Nguyễn Du đau đớn thay Khuất Nguyên Hãy sớm thu tinh thần vào cõi hư vô, nuốt tủi thay Đỗ Phủ, ngậm hờn thay Nhạc Phi Mười năm huyết chiến để làm nên cái việc. Bị giết ở đình Phong ba để triều đình tạ tội với người Kim (Yển thành Nhạc Vũ Mục ban sư xứ)... Đó là những người tài, một sớm một chiều bị số phận vùi dập.

Còn đối với những kẻ ảc, kẻ xấu thái độ của ông cũng rất rõ ràng. Ông phê phán Tào Tháo, chê giễu Tô Tần, mắng chửi không tiếc lời đối với vợ chồng Tần Cối, kẻ đã hại chết người anh hùng Nhạc Phi…

3. Mồ mả, tha ma

Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, thế giới này hiện diện rất rõ. Thanh Lãng nói hơi quá nhưng có cơ sở: “Nguyền Du thi sĩ của niềm tin dị biệt, thi sĩ của mồ mả, tha ma, nghĩa địa...”. Thật vậy đã có 84 lần Nguyễn Du nhắc đến mồ mả, đình đền, gò đống trong 250 bài thơ của mình. Đây là không gian của người chết. Quả là Nguyễn Du quan tâm nhiều đến ngôi nhà của người chết. Thực ra trong thơ chữ Hán có bộ phận thơ đi sứ, ở đó ông thường nhắc lại những nhân vật tiếng tăm trong lịch sử Trung Quốc mà ông đã được đọc qua sách và hay chứng kiến tận mắt trên đường đi. tất nhiên phải nói đến mồ mả, đình đài ... tuy không nhất thiết phải vậy! Và ở một số bộ phận thơ khác, trong phong cảnh cũng có lẩn khuất hình ảnh những nấm mộ hoang, những đống xương tàn, những đình đài xiêu ngã. Trong thế giới của sự sống thì cái chết là một cái gì vô cùng bí ẩn, con người luôn thấy sợ hãi trước nó và muốn hiểu biết về nó. Nguyễn Du hơn ai hết đã ý thức về sự sống tạm bợ ngắn ngủi này và luôn lo lắng phập phồng về cái chết. Bao nhiêu câu hỏi về nhân sinh cứ ngổn ngang khiến Nguyễn Du không thể không đưa nó vào thế giới nghệ thuật của mình. Nó trở thành một mốì bận tâm sâu sắc và hễ lúc nào thuận tiện thì nó bật ra trong thơ. Cho nên những đình đền, gò đống, mồ mả thường phát ra tín hiệu âu lo về cuộc sống nhân sinh và Nguyễn Du là người luôn luôn nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu đó và phát sóng đi, lan truyền tới mọi người. Nếu không thế tại sao cứ gặp mồ mả, gò đống thì Nguyễn Du xúc dộng?

“Vãng sự bi thanh trừng (Thu chí)

(Chuyện cũ bi thương nấm mồ cỏ xanh)

Lộ kinh Tam Tấn giai khâu thổ

(Dư Nhượng chủy thủ hành)

Hình như ông muốn kiến giải vể những nấm mồ, những gò đống kia nhưng rồi có lẽ không kiến giải nổi nên ông chỉ nói theo cách nói của người xưa với giọng ngùi ngùi:

“Thiên niên cổ mộ một Phiên ngu”
(Triệu Vũ Đế cổ cảnh)

(Ngôi mộ nghìn năm ở Phiên Ngung cũng đã mất)

“Thu thảo nhất khâu tang thử lạc”
(Âu Dương Văn Trung mộ)

(Một nấm cỏ thu thành hang chuột cáo)

Cái chết, thời gian cũng vùi lấp. Chỉ có không gian của vũ trụ là trường tồn. Tiến trình đi đến hủy diệt tan rữa ấy không nhường bước trước một ai.Vua chúa hay thường dân cuối cùng cũng chỉ còn lại một nấm đất.

“Phong xuy cổ trủng phù vinh tận”
(Ngẫu thư công quán bích)

(Gió thổi vào nấm mồ xưa bao vinh hoa hảo tan hết)

“Cổ kim hiền ngu nhất kháu tho”
(Hành lạc từ II)

(Xưa nay kẻ hiền người ngu cũng chỉ còn trơ lại một nấm đất).

Nấm đất ấy lại tiếp tục đi vào hệ thống tan rã, nó sẽ bị san phẳng hoặc sụp đổ, nghiêng lở để cuối cùng không còn lại dấu vết nào. Con người khi ấy thực sự trở về cốt bụi. Như vậy những vấn đề khác được đặt ra: con người chết rồi sẽ đi đâu, về đâu? Có sự tồn tại của kiếp sau đời người hay không? Kiếp này và kiếp sau có liên quan gì? Khoảng giữa kiếp trước và kiếp sau phần xác tàn rữa, còn phần hồn nương tựa vào đâu, hay cứ phải lơ lửng vật vờ?.... Những câu hỏi không có lời đáp, con người không thể tìm biết được. Vì thế cho nên cái chết đối với con người thật đáng sợ. Và cuộc sống hiện tại là tất cả, ông khuyên con người phải biết tôn trọng cuộc sống của mình, phải biết nắm giữ vận mệnh của mình.

Trong Truyện Kiều, không gian du xuân của 3 chị em Thúy Kiều không phải là cảnh quang êm ả mà là không gian của mồ mả, tha ma, nghĩa địa “Ngổn ngang gò đống kéo lên / Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”. Sau đó không lâu hình ảnh bóng ma kỹ nử Đạm Tiên xuất hiện. Bóng ma ấy là sợi dây định mệnh theo suốt cuộc đời của Thúy Kiều.

4. Cầu cúng, khấn vái

Thờ cúng là một phong tục, nét văn hóa của người Việt nhằm nhớ ơn đến tổ tiên, ông bà, cầu mong ông bà phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Trong các sáng tác của Nguyễn Du, ta có thể thấy rõ việc này thông qua lập đàn cầu đảo, lập đàn chiêu hồn. Thúy Kiều trước Phật đài cầu an cho cha mẹ: “Nén hương đến trước thiên đài/ Nỗi lòng khấn chữa cạn lời phân vân”. Hay như Thúc Sinh mời thầy đạo sĩ về lập đàn cầu đảo mong tìm thấy tin tức của Kiều: “Trên tam đảo, dưới cửu tuyền,/ Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng,/ Sắm sanh lễ vật đưa sanh/ Xin tìm cho thấy mặt nàng hỏi han”. Những oan hồn trong “Văn tế thập loại chúng sinh” đã được Nguyễn Du lập đàn cúng: “Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo./ Của có chi bát cháo nén nhang/Gọi là manh áo thoi vàng/ Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên.”

Thắp nhang, khấn vái để nói lời tri ân với người đã chết, có khi đó là sự sẻ chia tâm tư với người bất hạnh nơi chín suối. Thúy Kiều khi đi qua mộ Đạm Tiên đã thắp hương và khấn vái: “Đã không kẻ đoái người hoài,/Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương/ Gọi là gặp gỡ giữa đường/Họa là người dưới suối vàng biết cho/ Lầm rầm khấn khứa nhỏ to/Sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra”.

Trong Truyện Kiều nhân vật thề nguyền với nhau rất nhiều. Những từ: Thề, nguyền, nguyện xảy ra 23 lần, câu thề được nói ra 7 lần và một lời (lời thể) 18 lần. Trong “Văn chiêu hồn”, tự thân tác phẩm cũng đã cho thấy một cách rõ rệt hai thế giới âm - dương. Người trên cõi thê cúng tế để giải thoát cho các linh hồn chết oan ở cõi âm.

5. Giấc mộng

Thế giới tâm linh trong sáng tác của Nguyễn Du còn được biểu hiện thông qua giấc mộng. Giấc mộng thể hiện việc nhìn thấy người hay sự kiện hiện ra như thật trong giấc ngủ. Đó như là đỉnh điểm của mọi mong ngóng, ám ảnh được tái hiện trong giấc ngủ của con người.

Có giấc mộng lành và có giấc mộng dữ. Giấc mộng lành không gây ra nỗi sợ hãi, lo lắng cho con người mà thường mang lại may mắn. Trong thơ chữ Hán, giấc mộng xuất hiện nhiều và cảm động nhất là cuộc gặp gỡ người vợ quá cố đầu gối tay ấp trong bài “Ký mộng”. Tình cảm của ông đối với vợ thật sâu nặng. Ông không ca ngợi vợ như Bùi Hữu Nghĩa, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Kiều, ông thực sự nghĩ về vợ bằng tất cả nỗi nhớ nhung xuất phát từ tình yêu. Nguyễn Du xa nhà năm tháng phiêu bạt, người vợ nếu không mất thì chắc cũng đang chờ đợi héo hon. Ông đã hình dung ra điều ấy. Gặp lại vợ trong giấc mơ, bao nhiêu nỗi niềm trong tưởng tượng được dịp tuôn chảy dạt dào. Nguyễn Du nói trong mộng thấy rõ ràng Mộng trung phân minh kiến nghĩa là thấy rất rõ người vợ từ quê hương lặn lội tìm chồng nơi bến sông, nhan sắc vẫn như xưa tuy áo quần có hơi xốc xếch. Thêm nữa, người vợ vốn không biết đường mà núi Tam Điệp nhiều hổ báo, sông Lam lắm thuồng luồng, đường đi hiểm trở... Vẽ ra bao nhiêu lí do để thấy chuyện đi tìm chồng của vợ là cực kì khó khăn nhưng nhớ nhau quá đành phải liều... nàng chỉ có một lí do duy nhất là nhớ chồng. Tỉnh cảm mới đẹp làm sao! Vợ Nguyễn Du đã vượt qua tất cả, cả khuê môn lẫn đưòng xa vất vả chỉ để nói ìên tiếng nói tình yêu. Và người chồng càng tuyệt vời, sâu sắc hơn khi tưởng tượng ra tất cả những điều ấy trong giấc mộng.

Giấc mộng dữ đem đén sự sợ hãi, lo lắng, ám ảnh. Giấc mộng gặp Đạm Tiên của Thúy Kiều có thể coi là giấc mộng dữ để rồi từ đó số phận của Kiều gắn với những lần báo mộng đó. “Thoát đâu thấy một tiểu kiều/ Có chiều phong vận có chiều thanh tân”;hay “Rằng: vâng trình hội chủ xem tường/ Mà xem trong số Đoạn trường có tên”; “Rỉ rằng nhân quả dở dang/ Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao/ Số còn nặng nghiệp má đào/Người dù muốn quyết, trời nào có cho/ Hãy xin hết kiếp liễu bồ/ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau”.

Như vậy thông qua giấc mộng, Nguyễn Du muốn nói điều gì? Thế giới tâm linh tràn ngập trong bài thơ. Mộng - thực. Người sống - người chết.

Trần thế - âm phủ. Hai thế giới này có thể tương thông qua hình thức giấc mộng.

Còn rất nhiều bài thơ khác Nguyễn Du đề cập đến giấc mộng và chính ông cũng tự nhận thấy mình là người hay sống trong mộng, cũng không chỉ mình ông mà cả thiên hạ đều sống trong mộng

“Tri giao quái ngả sầu đa mộng
Thiên hạ hà nhân khấp mộng trung”(Ngẫu đề)

Nguyễn Du đã dùng cách nói của Lão Trang để giải thích nhưng thực ra đây cũng là cách chứng thực cuộc đời. Cuộc đời này với những mong ước chỉ có thể có trong giấc mộng mà thôi. Mà cuộc đời này khác gì giấc mộng Trần thế bách niên khai nhãn mộng (La phù giang thủy các độc tọa). Do đó mà con người luôn thu minh lại với cái bóng, chia sẻ với cái bóng, nhưng rồi ngay cả cái bóng cũng chẳng giải quyết được gì.

6. Ý nghĩa của các yếu tố tâm linh trong sáng tác của Nguyễn Du

6.1. Phản ánh hiện thực đời sống

Trước hết đó là hiện thực đời sống tâm linh. Có những hiện tượng tâm linh tồn tại ảo như trời, phật, thần thánh, chiêm bao, mộng mị,…Tuy nhiên, đa số chúng ta đều thừa nhận rằng có thế giới siêu nhiên ngự trị trong đời sống của con người và sự phán quyết của thế giới quyền năng này được gọi là số phận, nghiệp, duyên, kiếp. Bên cạnh niềm tin vào sự linh thiêng khi cầu khẩn, người xưa còn tin vào chiêm bao, mộng mị, cho rằng mọi việc diễn ra trong giấc mộng đều mang một ý nghĩa nhất định. Hiện thực đời sống tâm linh còn được người xưa nói đến niềm tin vào luật nhân quả: “gieo nhân nào thì gặt quả đó”, “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”.

Bên cạnh đó còn có yếu tố tâm linh tồn tại thực như đền, đình, mồ mả, thờ cúng, khấn vái,…Nhu cầu tâm linh là nhu cầu chính đáng của con người, đó là điểm tựa không thể thiếu trong đời sống trần thế. Vào dịp lễ tết hay ngày rằm, mồng một, ngày giỗ ông bà, con cháu trong gia đình đều làm lễ để cúng tổ tiên, ông bà. Theo quan niệm của người xưa, mồ mả là nơi yên nghỉ cuối cùng của tổ tiên, mọi việc trong cuộc sống hiện tại của con cháu đều liên quan đến mồ mả, tổ tiên, vì vậy mà con cháu phải có ý thức giữ gìn,chăm sóc phần mộ của ông bà. Một hiện tượng tâm linh thực nữa đó là người Việt thích được xem bói như xem ngày động thổ, giờ hạ huyệt, cũng thích thề nguyền. Đó là những tập tục không thể thiếu trong đời sống của dân Việt.

Ngoài ra, thông qua hiện thực đời sống tâm linh chúng ta có thể thấy được hiện thực đời sống xã hội đương thời. Các yếu tố tâm linh không phải là một cái gì xa lạ mà chính là hiện thực đời sống được lạ hóa với tính chất kì lạ, những yếu tố tâm lí như là một hình thức nghệ thuật nhằm phản ánh cái thực của đời sống xã hội. Mượn ảo để nói thực.

Đó là hiện thực cuộc sống lay lắt bởi đe dọa của chiến tranh, sự đổi thay của thời đại, sự tang thương bể dâu của cuộc đời, sự chóng vánh, ngắn ngủi của một kiếp người, nhất là bức tranh phong phú, đa dạng về xã hội từ thế kỉ XVIII- XIX.

6.2. Ý nghĩa giáo dục sâu sắc

Đằng sau những câu chuyện về yếu tố tâm linh là những bài học sâu sắc cho con người. Thờ cúng với bài học đạo đức, lòng bao dung. Chúng ta thờ cúng các vị thần là vì theo quan niệm đó là lực lượng siêu nhiên có khả năng giúp đỡ con người tai qua nạn khỏi, đem lại cuộc sống bình an. Đồng thời cũng nhắc nhở những người đang sống phải nhớ đễn cội nguồn, biết kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời và thờ phụng khi họ qua đời. Thông qua hình tượng Thúy Kiều mà giáo dục lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa giáo dục quan trọng đối với các thành viên trong gia đình, dòng họ. Đó không chỉ là nhu cầu đền ơn đáp nghĩa mà còn là nhu cầu tinh thần bù đắp những thiếu hụt trong cuôc sống thực tại khó khăn của con người.

Lời thề với bài học về tinh thần trách nhiệm. Con người phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã nói, những việc mình đã làm. Đó là con người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, thông qua yếu tố tâm linh thì con người xích lại gần nhau với nhau hơn, tăng tính đoàn kết, nó là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua đó, thể hiện ước mơ, kháy vọng hạnh phúc của con người. Mơ ước một xã hội tự do, công bằng, hạnh phúc, khát khao về tình yêu tự do.

KẾT LUẬN

Việc am tường về văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh với những biểu hiện sinh động, phong phú của nó đã giúp cho Nguyễn Du có cái nhìn toàn vẹn, sâu sắc về cuộc sống, con người. Thế giới tâm linh tràn ngập trong sáng tác của Nguyễn Du và được ông sử dụng như một phương tiện hữu hiệu nhằm bộc lộ nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Ẩn sau cái thế giới đó là những vấn đề nóng bỏng của thời đại, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để rồi bạn đọc có thể tìm thấy cho mình những giá trị văn hóa truyền thống từ lâu đời của cha ông, đó là tục thờ cúng tổ tiên, là những lễ hội mang đậm màu sắc dân gian, là những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp được truyền từ đời này sang đời khác. Chính yếu tố tâm linh làm cho tác phẩm mang nhiều nét buồn thương, bi thiết vì những nấm mồ vô chủ, những oan hồn cô đơn, lạnh lẽo đồng thời ta lại thấy được chân dung của một con người với tình thương bao la, một nhà nhân đạo lớn của dân tộc, một người hết lòng vì đời. Những sáng tác của Nguyễn Du mãi mãi để lại sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi trái tim ông đã đập cùng nhịp đập của hàng triệu người dân Việt Nam.

BÌNH ĐOÀN - HOÀNG KIM THƯ st.


Phụ bản I

Thu thập bằng chứng

về linh hồn dưới góc nhìn khoa học

Các nhà khoa học ngày càng thu thập được nhiều bằng chứng về linh hồn và cuộc sống sau cái chết. Nhưng những bằng chứng này có thể chẳng bao giờ đủ để hẳng định linh hồn thực sự tồn tại.

Theo GS Bruce Greyson, trưởng khoa Nghiên cứu tri giác (DOPS) thuộc Đại học Hệ thống Y tế Virginia (Mỹ), trải nghiệm cận tử xảy ra ở 10% bệnh nhân ngừng tim. Khi tỉnh lại, người bệnh có thể mô tả chính xác mọi hoạt động xung quanh khi họ bất tỉnh. Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp trải nghiệm cận tử, điện não đồ và các bằng chứng y khoa khác cho thấy, não bệnh nhân không còn dấu hiệu hoạt động khi hiện tượng này diễn ra.

Bên ngoài bộ não: Ông Pim van Lommel, chuyên gia về trải nghiệm cận tử tại Bệnh viện Rijnstate (Hà Lan) đồng tình về vấn đề này. Ông cho rằng, khi ở trạng thái cận tử, “người bệnh không những có ý thức, mà ý thức của họ còn mở rộng hơn bao giờ hết. Họ có thể suy nghĩ hết sức rõ ràng, hồi tưởng chi tiết về thời thơ ấu và cảm thấy sự liên hệ chặt chẽ với tất cả mọi người, mọi vật xung quanh. Trong khi não họ hoàn toàn không có dấu hiệu hoạt động”.

Nếu linh hồn tồn tại sau cái chết, nó có thể được một cơ thể khác tiếp nhận. Theo GS Peter Fenwick, Viện Tâm thần học thuộc Đại học Kings (Anh): “Nếu có thể chứng minh rằng con người vẫn tiếp nhận thông tin khi họ bất tỉnh và thoát xác thì đó là bằng chứng không thể tranh cãi về việc ý thức tồn tại tách rời bộ não”.

Có lẽ, ý tưởng về linh hồn cũng xuất phát từ hoàn cảnh này. Con người từ thời cổ xưa, khi trải qua trạng thái ảo thân, cho rằng khi đó phần tinh thần rời khỏi phần thể xác. Từ đó, họ bắt đầu tin vào sự tồn tại bên ngoài cơ thể.

Linh hồn ra đời từ đâu?

Bằng chứng khoa học đáng ngạc nhiên nhất về linh hồn xuất phát từ lĩnh vực cơ học lượng tử, hay nói cụ thể hơn là từ những nghiên cứu về các hiện tượng hạ nguyên tử tạo ra ý thức. Quan điểm truyền thống cho rằng, ý thức của chúng ta được hình thành từ mạng lưới hàng tỷ nơron.

Nhưng hai giáo sư Stuart Hameroff (Đại học Arizona, Mỹ – ảnh) và Roger Penrose (Đại học Oxford, Anh) đã xây dựng một lý thuyết, theo đó, ý thức còn là sản phẩm của quá trình tính toán lượng tử diễn ra ở vi ống, một dạng cấu trúc siêu nhỏ của tế bào não.

Trước đây, nhiều người cho rằng một cơ chế như vậy không thể tồn tại, vì các máy tính lượng tử được tạo ra ban đầu chỉ có thể hoạt động ở môi trường vô cùng lạnh chứ không phải ở mức nhiệt độ cao như ở não.

Tuy nhiên, những nghiên cứu trong 5 năm gần đây cho thấy, cơ học lượng tử tham gia vào khá nhiều quá trình sinh học không lạnh, trong đó có quang hợp. Một công trình của Anirban Bandyopadhyay (Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia Nhật Bản) còn hé mở khả năng các bit thông tin lượng tử có thể gắn kết trong môi trường nhiệt độ cao của các vi ống đơn lẻ ở tế bào.

Trạng thái gắn kết giữa các vi ống được tạo ra nhờ năng lượng sinh học. Khi quá trình cung cấp máu và oxy ngừng lại, sự gắn kết không còn, nhưng thông tin lượng tử không mất đi. Nó có thể phát tán vào vũ trụ, tồn tại và tiếp tục hoạt động dưới một hình thức nào đó. Nếu bệnh nhân được cứu sống, thông tin sẽ được não tiếp nhận trở lại. Có lẽ vì thế mà những người từng có trải nghiệm cận tử có thể nhận biết thế giới xung quanh khi họ bất tỉnh.

Nếu như giả thuyết này là đúng, thì câu hỏi đặt ra là: Quá trình lượng tử tạo thành ý thức xuất hiện từ đâu? Câu trả lời, theo GS Penrose và một số nhà khoa học, là từ vụ nổ lớn Big Bang. Theo quan điểm này, mọi dạng ý thức đều được tạo ra cùng thời điểm với vũ trụ. Và nếu linh hồn có tồn tại thì nó cũng gắn với khởi nguồn của vũ trụ.

Sự đầu thai của linh hồn

Ý tưởng của GS Penrose ám chỉ đến một cơ chế để ý thức tiếp tục tồn tại sau khi thân thể con người đã chết. Nhưng nó sẽ đi về đâu? Theo GS Hameroff: “Nếu người bệnh không được cứu sống, ý thức sẽ đi vào vũ trụ và biết đâu có thể một ngày nào đó sẽ được một cơ thể khác tiếp nhận trở lại”.

DOPS hiện đang lưu giữ khoảng 1.400 hồ sơ về các trường hợp được cho là thuộc dạng này. Phần lớn đó đều là những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp. Các em có thể kể vanh vách trước đây mình là ai, sống ở đâu, làm gì, trông như thế nào và nhiều chi tiết khác.

Ian Stevenson, một trong những chuyên gia tâm thần học hàng đầu nước Mỹ, người sáng lập DOPS bắt đầu thu thập những câu chuyện về tiền kiếp từ năm 1960. Trong số các tài liệu ông ghi nhận được, có nhiều trường hợp một đứa trẻ được sinh ra có bớt ở đúng vị trí vết thương mà các em đã bị trong kiếp trước. Một số luôn bị ám ảnh sợ những sự vật, hiện tượng đã gây ra cái chết trong tiền kiếp.

Stevenson và các đồng nghiệp của ông chưa bao giờ khẳng định rằng hiện tượng đầu thai thực sự xảy ra. Họ chỉ cố gắng thu thập các bằng chứng về nó. Trong khoa học, những bằng chứng này có thể chẳng bao giờ đủ để khẳng định linh hồn con người tồn tại sau cái chết về thân xác và sau đó tái sinh trở lại trong một cơ thể mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể khẳng định rằng không có linh hồn.

Theo Bee - Đào Minh Diệu Xuân st.

***

LỜI PHI LỘ

Đã hơn mười năm, năm 2007, trong chuyến trở lại nước Nga, tình cờ chơi phố ở một kiốt sách báo tôi đã mua được một cuốn sách không dầy lắm, có cái tên hơi lạ: Tuyển Thơ Miniachyura Nga”. Khổ sách nhỉnh hơn 13x19 quen thấy ở ta, bìa mềm, kiểu chữ nghiêm chỉnh đè trên chiếc lông chim trắng nàm trên nền bìa sám nhạt dần. Riêng mấy chữ Tuyển thơ cũng mầu trắng lại nằm gọn trên một khung bằng mầu quả bồ quân cũng không kém trang trọng kề dưới tên sách. Phải nói tôi đã thu thập được khá nhiều bộ sách tuyển thơ Nga với cái tên gọi khác nhau Ba thế kỷ thơ Nga, Thơ Nga thế kỷ bạc, Thơ Nga thế kỷ XIX… “nhiều khổ in khác nhau… Nhưng lần đầu tiên khi ấy tôi mới gặp được một cái tên là vậy: Thơ Miniachyura Nga.

… Kể ra thì ở ta, cũng từng và đang có những hiện tượng du nhập tên các thể loại thơ mới từ các nền văn học nước ngoài: Thơ tứ tuyệt, từ thơ Đường Trung Quốc, Thơ Haiku từ Nhật Bản, Thơ Xônê từ thơ châu Âu, thơ Rubayyat của một số nước Trung Á… Có thể thơ đã trở thành thuần thục trong thơ Việt Nam như thơ thể tứ tuyệt…

Mới đây lại xuất hiện cả một tập tuyển thơ Thi phẩm 14 chữ của ba tác giả Võ Gia Trị, Phạm Đức và Nguyễn Việt Anh (Thực tiễn – lý luận – thể nghiệm – sáng tạo, trên cơ sở ca dao dân tộc).

Tác giả bài giới thiệu truyện Thơ Miniachyura Nga, nhà nghiên cứu văn học, A.B.Esin viết: “Trong thơ Nhật Bản có thơ Haiku, Tanka, trong thơ phương Đông có thơ Rubai, trong thơ Nga không từng có điều gì như thế, không từng có và không có. Và điều đó có thể là tốt hơn: do đó thơ Miniachyura Nga tự do hơn, nhẹ nhàng hơn, không gò bó hơn, mềm mại hơn – thơ Miniachyura Nga trong bố cục của mình ngay số câu thơ cũng linh hoạt hơn, dễ dàng gắn kết với tình huống và thêm vào đó là với nội dung, trong thời điểm đó cần phải đưa vào…”. “Miniachyura – đó là nét kiều diễm của thơ”.

“Năng lượng của bài thơ, sự tích tụ tối đa và tập trung tối đa – chính cái đó là chủ yếu trong Miniachyura. Nhưng để có được sự tích tụ tối đa đó trong một không gian eo hẹp một vài câu thơ, cần có những thủ pháp riêng, những chất liệu đặc biệt. Trước hết đó là những từ ngữ đặc biệt…”.

Tìm hiểu cuốn sách tuyển Thơ Miniachyura Nga, vỡ vạc được ít nhiều, đọc đi đọc lại những bài thơ Nga thể loại Miniachyura ở đây, tôi mạnh dạn bắt tay vào dịch giới thiệu với mọi người mong mang lại chút hay ích lợi nào đó chăng, hay ít ra là những gợi ý giúp thêm cho lao động sáng tạo thơ ca của chúng ta.

Thúy Toàn.


1. Miniachyura được dùng chỉ một bức tranh mầu hay một mầu trên các sách cổ viết tay với mục đích minh họa nội dung (tranh họa) hay tô điểm cho bản thảo viết tay (họa tiết đầu chương, vi-nhét và vv…).

2. Tác phẩm hội họa khuôn khổ nhỏ (tranh, chân dung) được tạo ra một cách tráng lệ, tinh xảo, thường mang tính chất mỹ nghệ.

3. Cũng chỉ tác phẩm văn chương hay âm nhạc khuôn khổ nhỏ. Như vậy ở đây dùng để chỉ thể loại thơ Nga nhỏ với những phẩm chất tác giả A.B.Esin phân tích ngắn gọn trên.G.R.Đergiavin(1)

Chuyện chú chim nhỏ

Người ta chộp được một chú chim hót hay,
Thế là cứ khư khư nắm chặt trong bàn tay
Thay vì tiếng hót véo von
                    Chim tội nghiệp chỉ còn biết khụt khịt,
Nhưng người ta lại cứ dỗ dành:
                    “Hót đi, chim bé bỏng, hót cho hay!”
1792 hay 1793
Đề từ trên phần mộ Xuvôrôv(2)
Tại đài kỷ niệm Aleksangdro Nevskaya
Xuvôrôv nằm đây
1800

* *
*

Con sông thời gian trong dòng chảy của mình
Mọi cơ nghiệp của con người đều cuốn trôi mất dạng
Và nhấn chìm trong vực sâu quên lãng.
Cả mọi tộc người, cả vua chúa, cả đất nước đế vương.
Và có còn lại chút gì chăng
Qua những âm thanh cây đàn lia và bộ kèn đồng,
Thì được ngốn cả vào cái miệng của vĩnh cửu
Và không mất đi trong số phận của chung!
1818
N.M.Karamdin (*)
Lời trên bia mộ
Hỡi di hài đáng yêu, hãy cứ yên nghỉ cho
                                tới sớm mai tươi sáng!
1792

TÌNH YÊU VÀ TÌNH BẠN
Đối với chúng ta, tình yêu chỉ có ích,
Khi tương đồng với tình bạn dễ thương,
Còn tình bạn của chúng ta đáng mến,
Khi với tình yêu ta trọng thị ngang bằng.

1797

HAI SO SÁNH
I
Cuộc đời là gì nhỉ ? Tiểu thuyết – Còn tác giả là ai ? Nạc danh.
Chúng ta đọc từng chương, chúng ta cười, chúng ta khóc,
rồi chúng ta ngủ.
II
Cuộc sống của chúng ta là gì ? Câu chuyện cổ tích
Thế còn tình yêu ? Cái thắt nút.
Kết cục buồn thương hay nực cười,
Cứ ra đời, cứ yêu và mọi sự nhờ trời !
1797
HAM MUỐN VÀ BÀNG QUAN
Con người thật tội nghiệp ! Ham muốn đối với chúng ta
Chỉ khổ đau, hành hạ.
Không có ham muốn cuộc sống
Không còn là cuộc sống, mà buồn bã.
Yêu – thì nước mắt chảy hoài,
Còn nhiên nhiên tự tại – thì cả đời sống ngáp dài !
1797

CÂU HỎI VÀ LỜI ĐÁP
Tình yêu là cái quái gì ?
Sầu bi
Thế cứ sống thờ ơ lãnh đạm ?
Không còn là sống.
1799

CÁI BÓNG VÀ VẬT THỂ
Chúng ta nhìn thấy cái bóng của hạnh phúc
trong những ước mơ của trần thế.
Tất phải có hạnh phúc ở đâu đó : không thể có
cái bóng mà không có vật thể.
1820
V.A Giukôvski(*)




ĐỀ DƯỚI CHÂN DUNG
Gơte(*)
Điều luật
Người coi tự do dũng cảm là điều luật đối với
bản thân,
Bằng suy tưởng nhìn thấu mọi chuyện
khắp cõi trần
Và không có điều gì là người không thấu hiểu,
Và dù gi gỉ gì gì cũng không ép nổi người
phải chịu phục tùng.
1819

* *
*

Mọi người chen chúc nhau vào đền miếu đến với Người
Và hết thẩy đều quì mọp gối
Dâng lên Người hương trầm tỏa khói
Ca ngợi Người bằng khúc hát ngân vang.
Một mình tôi đứng trong góc tối,
Thân thể tôi Người ngự trị, tựa như cả cuộc đời
Và tôi hiến dâng lên Người lễ vật riêng thầm kín
Tất cả tâm hồn tôi.
1821

A.S.Pushkin*






CON CHIM NHỎ
Nơi đất khách quê người tôi tôn kính
Tục ngàn xưa thân thiết của cha ông :
Trong ngày hội tưng bừng đầu xuân thắm
Trả tự do cho chim nhỏ giam lồng
Tôi cảm thấy lòng mình đầy an ủi,
Còn việc chi mà phải trách ông xanh:
Khi có thể đem tự do kia tới
Trao tặng cho dù chỉ một kiếp sinh.
1823


CON HỌA MI VÀ NHÁNH HỒNG
Giữa vườn xuân bóng đêm tịch mịch,
Chim họa mi thánh thót bên nhánh hồng
Nhưng đóa hồng kia chẳng chút động lòng,
Mà lặng lẽ đung đưa rồi thiếp giấc,
Bản tình ca vẫn du dương và réo rắt.
Vì sắc đẹp lạnh lùng ngươi hát làm chi?
Hỡi, thi nhân, hãy mau tỉnh dậy đi!
Uổng công thôi, ngươi nhìn thấy đấy:
Nó mởm mởn sắc hương lộng lẫy
Nhưng chẳng chút gì xúc động cảm rung;
Nó làm ngơ chẳng đáp lại tiếng lòng.
1827

NGÀI VÀ ANH, CÔ VÀ EM

Nàng buột miệng đổi tiếng Ngài trống rỗng,
Thành tiếng Anh thân thiết đậm đà
Và gợi lên trong lòng đang say đắm
Bao ước mơ tràn hạnh phúc reo ca.
Trước mắt nàng, tôi trầm ngâm đứng lặng
Không thể nào rời ánh mắt khỏi nàng
Và tôi nói: Thưa Cô, Cô xinh lắm!
Mà thâm tâm: Anh quá đỗi yêu em!
1828
* * *
Thành phố phồn vinh, thành phố bần hàn
Hồn câu thúc, mà dáng hình đoan chinh
Vòm trời xanh, một màu xanh xam xám
Buồn tẻ, lạnh băng bên đá hoa cương
Nhưng dù sao ta vẫn thấy vẫn vương
Bởi đôi lúc bàn chân ai nho nhỏ
Vẫn đi về dạo bước trên đường phố,
Những búp tóc vàng óng ả đung đưa.
1828
* * *
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen.
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm.
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em
1929
* * *
Cô gái hay ghen khóc sụt sùi
Trách chàng trai trẻ mãi không nguôi;
Ngả xuống vai cô… chàng thiếp ngủ,
Quên hờn, ru giấc ngủ, cô cười…
1835

Thúy Toàn dịch và giới thiệu

Levon Mkrtchyan - Thúy Toàn

 

Phụ bản II

THƯƠNG QUÁ MIỀN TRUNG

Trời làm cơn mưa bão
nước lũ lại dâng cao
dân miền trung đồ thán
tai ách đến vì sao

Từng đợt nước đỗ về
tràn ngập những con đê
vỡ tan cùng đất đá
ôi thảm cảnh ê chề

cửa nhà trôi tan tác
người đau khổ lầm than
người sống trên sóng bạc
bão chồng bão nguy nan

Thương miền trung lũ dữ
mưa trắng xóa ngày đêm
lòng hướng về nơi ấy
cầu mong sớm êm đềm

Hoài Ly

CHÚT ĐỜI CÒN DƯ

Gặp nhau một phút... Xa rồi
Thì thầm gọi khẽ, tên người - cố nhân
Mấy mươi năm mãi ngại ngần
Tháng 10 hấp tấp xoay vần tìm nhau!

Tình buồn, sắc lạnh hơn dao
Vương mang mộng mị, lao đao ngọn sầu
Hẹn hò chi...đợi kiếp sau
Cầu còn chưa bắc nơi nào ghé qua?

Lời thơ nhỏ giọt xót xa
Đi tìm ảo ảnh, ngày qua đêm tàn
Chơi vơi ngọn nến xanh vàng
Lung linh ánh lửa, ... hoang mang mắt buồn

Anh đi hư ảo canh trường
Sài gòn mưa lạnh con đường lá rơi
Tìm đâu một phút bên người?
Tiếc gì nhau nhỉ...Chút đời còn dư?!...

Phạm Thị Minh-Hưng


ANH ĐI

Anh đi như chiếc lá thu bay
Vương vấn hồn em giấc mộng dài
Chiều thu lạnh giá, sầu xa vắng
Sương rơi ướt áo, gió heo may

Anh đến rồi đi tình úa phai
Tình em thăm thẳm nhớ nhung hoài
Anh nào biết cõi lòng tê dại
Tình hững hờ, cay đắng, đổi thay!

Anh bỏ đi, tình buồn xác xơ
Có biết tình mơ mộng ngóng chờ
Vẫn ngắm mây bay chiều lộng gió
Thương sao, tình lỡ chẳng như mơ...

Canh khuya viết nốt mấy vần thơ
Ôi! Cuộc tình tan ai có ngờ
Đếm ánh sao rơi hồn tiếc nuối,
Tìm đâu cho thấy bóng tình xưa

Phạm Thị Minh-Hưng.

BỊ DỤ...

Người lớn bảo : Mớ trầu cau không đắt

Có ba đồng, mà chưa cưới người ta

Họ cưới mất rồi trở tay sao kịp ?

Cứ chần chừ là ..hít bụi xe hoa !

Nàng bồi thêm rằng là em xin hứa

Sẽ trở thành vợ thảo với dâu hiền

Mãi yêu anh dù gian truân, sóng gió

Và vì anh, em “sửa túi, nâng khăn”

Nghe bùi tai, theo nàng về ra mắt

Nhờ mẹ cha trầu rượu để cưới em

Được chấp thuận, vui mừng còn chưa kịp

Toát mồ hôi, nghe dịch vụ đi kèm..

Nào tiền chợ, nào hoa tai, nhẫn cưới

Rồi xe hoa, chụp ảnh, đãi nhà hàng..

Đời con gái, chỉ một lần duy nhất

Phải làm sao không thua chị, kém em

Ra là thế..mớ trầu tuy không đắt

Mắc chăng là mớ dịch vụ kèm theo

Chạy xuôi ngược , vay bạn bè, dốc túi

Cuối cùng rồi cũng mát mái, xuôi chèo..

Nợ chưa dứt, lại tòi thêm một đứa

Làm ban ngày chưa đủ, tối làm thêm

Giữ lời hứa, em thường xuyên “sửa túi”.

Nên quanh năm thường màng túi tôi...viêm !

Tâm Nguyện - 11/2020

Bài thơ Lục Bát về Đất Nước ta

Hà Nam, Hà Nội, Điện Biên

Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình

Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Ninh

Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai

Kom Tum, Đắk Lắc, Gia Lai

Cần Thơ, Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tày

Kiên Giang, Bình Thuận, cà Mau

Nghệ An, Nam Định, Lai Châu, Hải Phòng

Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long

Bình Dương, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tiền Gian

Hải Dương, Bắc Kạn, Tuyên Quang

Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Bình

Thừa Thiên - Huế, Hồ Chí Minh

Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Cao Bằng

An Giang, Bình Định, Sóc Trăng

Hậu Giang, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Quảng Bình

Sơn La, Quảng Trị, Tây Ninh

Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Khánh Hòa

Long An cũng ở trong nhà

Trường Sa, Phú Quốc, Hoàng Sa nước mình!

Nguyễn Tuấn Quân

Bệnh dịch Covid-19

Xứ Đài liên kết Việt Nam

Lao động phát triển dân làm công nhân

Dù xa nhà, cách người thân

Đôi vai gánh nặng chuyên cần lo toan

Bệnh dịch quái ác vẫn còn

Nên đành thất nghiệp, giữ con trông nhà

Tánh người bươm trải bôn ba

Khó khăn cuộc sống vẫn là vượt lên

Ý chí sắt đá truôi rèn

Đôi tay không nghỉ làm nên cửa nhà

Làm ăn thì không bỏ qua

Tay trái xẻ mít như nhà bán buôn

Múi mít vàng thắm thật ngon

Ăn vào thơm ngọt bà con vui lòng

Vì nghèo thân phận long đong

Hiếu cha thương mẹ lòng son vuông tròn

Thời gian kham khổ phải mòn

Ơn trên ban phước xe con lái về.

K.H. Quang Bỉnh – 2020

(ĐT: 0907.08.99.29)

Bão lụt miền Trung

Canh Tý chưa qua Tân Sửu đến

Bão vào thổi mạnh nước lênh đênh

Người dân hậu quả bao cơ cực

Cuộc sống lao đao mãi gập ghềnh

Đoàn kết chung tay ngừa lũ lụt

Chia bùi xẻ ngọt việc làm nên

Thiên tai lở đất luôn phòng tránh

Bầu bí giúp nhau cố tiến lên.

K.H. Quang Bỉnh – 2020

(ĐT: 0907.08.99.29)

Thủ Khoa Huân

Mỹ Tho có tượng Thủ Khoa Huân

Sông nước Tiền Giang cạnh cố nhân

Văn võ song toàn trai tuấn tú

Làm thơ chống Pháp trọn thâm ân

Hy sinh vì nước hồn dân tộc

Sừng sửng oai phong người xuất thần

Nghĩa lớn không thành do phản tặc

Truyền đời sử sách mãi ghi danh.

K.H. Quang Bỉnh – 2020

(ĐT: 0907.08.99.29)

Luật nhân quả

Luật đời

có vay có trả

Còn luật nhân quả

không miễn trừ ai

ác giải, ác báo không sai

tích nhân, tích đức

xây đài vinh quang

Lê Minh Chữ

Vẫn giữ được

Mỗi năm

mỗi giảm ngoại hình

Nhưng mà vốn sống

của mình nhiều hơn

Nhu cầu vật chất

giảm dần

Giá trị tinh thần

ngày một nâng cao

Dù trong vấn vả gian nan

vẫn giữ được

sự lạc quan yêu đời.

Lê Minh Chữ

Mừng thọ mẹ

Mẹ là gương sáng đời con

Tam tòng tứ đức sắc son vẹn tuyền

Xứng danh trời bể mẹ hiền

Đường đời can đảm trung kiên một lòng.

Thương đàn con trẻ mặn nồng

Phụng thờ tiên tổ cha ông chu toàn

Việc nhà việc nước lo toan

Khó khăn vất vả không than một lời.

Cây cao bóng cả tuyệt vời

Nuôi con công đức ngàn khơi trập trùng

Khiêm nhường mẹ sống thủy chung

Chở che dạy dỗ hiếu trung đủ đầy.

Đối nhân xử thế thẳng ngay

Gia đình đầm ấm vui vầy bên nhau

Bữa ăn thanh đạm cháo rau

Sớm hôm chăm sóc trước sau thuận hòa.

Bà con cô bác gần xa

Tình làng nghĩa xóm ruột rà cao thâm

Luyện rèn trau chuốt chữ Tâm

Thanh tao nhã nhặn lặng thầm khiêm cung.

Chúng con yêu Mẹ vô cùng

Khắc ghi công đức – lắng chùng phím tơ

Mẹ là nhà giáo nhà thơ

Mông mênh trời biển – bến bờ là đâu?

Ngàn Phương

Mùa lũ quê tôi

Lời ru Mẹ xót xa buồn

Gió lùa xóm vắng – Mưa tuôn não nề

Mái nhà nép dưới chân đê

Đất rưng nước mắt dân quê nhọc nhằn.

Quanh năm đồng lúa khô cằn

Đến mùa lũ lụt nước tràn ruộng xanh

Nước dâng trắng xóa sao đành

Lũy tre xơ xác trơ cành lắt lay.

Củ khoai củ sắn qua ngày

Tạm dằn cơn đói – quắt quay bồi hồi

Lúa vàng thắm đẫm mồ hôi

Chìm trong nước bạc cuốn trôi phũ phàng.

Mùa đông rét mướt điêu tàn

Áo chăn thiếu thốn lạnh tan nát lòng

Khói không đủ ấm bếp hồng

Người cùng đất Mẹ phập phồng xót xa.

Mặt người nắng cháy rát da

Đã khô nước mắt – phong ba trập trùng

Gió lùa xóm vắng lạnh lùng

Lời ru của Mẹ não nùng bâng khuâng.

Ngàn Phương


Ơn thầy cô

Thầy cô hình bóng thân thương

Nhớ ngày nhà giáo, nhớ trường thân yêu

Thầy cô tâm huyết bao điều

Cho ta câu chữ, dắt dìu kỹ năng

Nghĩa nhân đạo đức lễ văn

Trồng người sự nghiệp trăm năm ngàn vàng

Thầy cô nghề nghiệp vẻ vang

Khắp nơi nhân thế lời vàng tôn vinh

Qua bao thế hệ học sinh

Anh tài, tuấn kiệt lừng danh hào hùng

Làm nên lịch sử Lạc Hồng

Giữ yên bờ cõi non sông hùng cường

Ánh dương tỏa sáng muôn phương

Học theo gương Bác, từng trang sử ngời

Thủy chung đạo lý tình người

Đẹp giàu non nước, đẹp đời văn minh

Con người, trò giỏi học hành

Lớn khôn doanh toại, công trình ước mơ

Nhớ về thăm lại thầy cô

Tri ân nhà giáo đẹp pho sử vàng.

Lương Văn Nhung

Nhớ thầy cô

Nhớ thầy, nhớ cô một thời

Theo dòng ký ức vang lời núi sông

Sáng danh hiển hách Lạc Hồng

Cha ông mở cõi, hào hùng quang vinh

Mẹ cha ươm hóa dáng hình

Thầy cô gieo chữ nhân sinh thắm ngời

Bể dâu thế sự đầy vơi

Tình thầy cô thắm tình đời ngát hương

Thơ, văn, sử, địa đề cương …

Thầy cô giảng dạy văn chương sử vàng

Hồn thơ vần thẳng thênh thang

Sáng ngời lý tưởng rỡ ràng nhân văn

Ánh dương quang tỏa sáng ngần

Soi gương con bước xa gần tháng năm

Bao điều thầy dạy uyên thâm

Ngàn năm khắc cốt tri âm miên thành

Nhớ thầy xưa trẻ tóc xanh

Sáng bừng giáo án hóa sinh nhân tài

Phát dương trí tuệ đẹp thay!

Kho tàng nguyên khí gia tài non sông.

Đinh Thị Diệu

Chốn xưa

Đêm khuya trăn trở tự tình

Xuôi về dĩ vãng an bình ngát hương

Đất lành chào mộng yêu thương

Vui cùng nắng sớm vấn vương mưa chiều

Chừ đây ngoài Huế tiêu điều

Vườn hoang – nhà trống dáng Kiều còn mô?!

Ngậm ngùi hoài niệm hư vô

Tàu đi biệt xứ ngây ngô mộng dài

Nam Giao – Vỹ Dạ - Phú Bài

Cầu Lim – Long Thọ miệt mài đồng chuông

Ai về Thiên Mụ - Kim Luông

Đế nghe vang vọng tiếng chuông thuở nào

Thôi, chào quá khứ Trăng Sao

Cho Ta ảo mộng gợi bao nỗi niềm.

Vũ Thùy Hương

Lẽ sống

Gian khó vẫn vui

vẫn hát cười

Vẫn còn tranh đấu

mãi không thôi

Tổ quốc chỉ ta

đường chân lý

Lẽ đâu ta chịu

bí trên đời

Phùng Chí Tâm

Chạnh lòng gởi Huế

Sài Gòn nhớ Huế vấn vương

Bão tan lũ lụt ngập đường nước lên

Chùa chiền – Lăng tẩm – Miếu đền

Nhà tan cửa nát! Khắp miền âu lo

Còn đâu nữa những chuyến đò

Hương Giang thơ mộng hẹn hò gởi trao

Nước sông gợn sóng dâng trào

Kim Long – Thiên Mụ nao nao chạnh lòng

Tha hương lưu dấu đôi dòng

Gởi ra ngoài nớ mãi mong an lành

Đêm khuya thao thức dỗ dành

Thiên tai hiểm họa lòng thành vái van

Mưa to gió lớn mau tan

Chân tình mong ước lầm than qua rồi.

Ngày mai

rạng rỡ mây trời

Hoa tươi

khoe sắc

tuyệt vời

Huế thương

Võ Thùy Hương

Lãng du Vàm Cỏ

Rạch Cát đường qua cầu Mỹ Lợi

quẹo ngang Cần Đước bao hồ hởi

vùng Tân Trụ lúa trổ đòng đòng

miệt Thủ Thừa đồng reo phấp phới

lắng đọng Kiến Tường nỗi xuyến xao

nhớ thương Mộc Hóa lòng vời vợi

dòng Vàm Cỏ bến Lức xanh trong

Nhật Tảo thuyền ai chèo ngược tới.

30.11.2020 – Chữ Đồng Minh

Lãng mạn đồi xuân

Chín chín xuân tròn trăm chạm ngõ

Hoàng hôn tím ngát lên đồi cọ

Vui vầy uống rượu với giai nhân

Ngất ngưởng gieo vần theo ngọn gió

Réo rắt Hằng Nga giấc mộng vàng

Du dương khúc nhạc vầng trăng tỏ

Bầy tiên nữ tặng lão đa tình

Đại tướng quân rừng hoa vạn thọ.

10.11.2020 – Chữ Đồng Minh

Bốn mùa

Bây giờ thì chán cả mùa xuân

Những cơn mưa dầm dề sốt ruột

Mây chẳng ra mây âm âm màu lông chuột

Mùa hè ơi! Xin hãy đến mau

Chả thích mùa hè nắng trắng tóc râu

Nóng đến nỗi sợ cả người tình cũ

Mưa đột ngột tàn bạo như thác đổ

Mùa thu ơi! Em hãy đến nhanh nào...

Ôi mùa thu mới bực làm sao

Lòng thao thức nỗi buồn hoang vắng

Cây tàn úa rồi chết trong im lặng

Mùa đông ơi! Hãy đến cùng ta

Bụi mù trời. Rét cào cấu thịt da

Quạ rít lưỡi. còn gì mà thú nữa

Muốn dài rộng mở ra muôn cánh cửa

Đuổi đông đi. Rối rít đón xuân vào...

Cứ thế, bốn mùa mong ước nối theo nhau

Ghét tất cả. rồi lại yêu tất cả

Cứ thế

Mang lo toan vất vả

Trái đất quay trong HI VỌNG không cùng...

Sài Gòn 4-1979
Trần Nhuận Minh


THE FOUR SEASONS

Now I’m fed up with Spring itself

I’m in a fret for having to suffer from

soakingly wet rains

Clouds don’t look like clouds with their

mouse’s hair colour

O Summer! Please come fastly

I don’t like Summer with the sun that whitens

hair and beard

It’s so hot that I am even afraid of my old lover

Unexpectedly it pours fiendishly like rapids

O Fall! Just come along quickly...

O Fall what a fretfulness

My restless heart was filled with

a desolated sadness

Trees withered away and died in silence

O Winter! Just come to join me


Pitch dark was the dusty sky. Coldness

raked our skin

Crows wail. Nothing delightful remains

One wishes to widely open all doors and gates

Chasing Winter away, then bustlingly

welcome Spring...

And so, the four longed for seasons continued

to come one after the other

Hating all of them, then 1oving all of them

And so

Carrying worries and meeting

with difficulties

The earth continues to turn in endless HOPE...

Saigon, April 1979
Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn


Bài thơ không định viết

Không phải con tôi. Không phải cháu tôi

Tôi cũng chẳng bao giờ quen biết nó

Hãy trông. Nó hoàn toàn còn là một thằng nhỏ

Đạp nó thể đủ rồi. Tát nó thế đủ rồi.

Nó có tội chi? Bác ơi, chị ơi

Ăn trộm ư? Một bánh mì kẹp thịt

Đây tôi trả tiền cho. Thế này nhiều hay ít

Thả nó ra, đánh đập quá đủ rồi

Mặt nó sưng vêu tím như vỏ ốc nhồi

Răng nó lung lay, mép ứa dòng máu đỏ

Có thể nó không còn mẹ còn bố

Nó đi xin vỏ bao xi măng ở các nhà xây

Giành một miếng ăn mà bị xử đến mức này

Với trẻ con, sao các người ác thế

Không ai vô can khi một em bé

Đến ngày hôm nay vẫn còn đói bánh mì...

1-6-1994
Trần Nhuận Minh


THE POEM I DIDN’T INTEND

TO WRITE

He’s not my son. He’s not my grandson

I have also never known him

Look at him. He’s still completely a little boy

You’ve trodden on him enough. You’ve slapped

him enough

What crime did he commit? Dear uncle, dear sister

A theft? A sandwich

Well here let me pay for it. Is it too much or too little

Let him go. You’ve beaten him enough

His face swelled considerably and was purple

like the snail shell

His teeth got loose, a line of red blood oozed

from his mouth’s corner

Maybe he doesn’t have his mother or father

He’s begging for ciment bags at houses being built

Scrambling for a piece of food and be treated to

such a level

How can you be so wicked with a child

No one is cleared of all charges when a child

Up to today still runs short of bread...

June 01, 1994
Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn


CÂU ĐỐI CỦA DÂN CÀY THỨ THIỆT

Tết về, tôi nhớ đến anh họ tôi, người dân cày thứ thiệt, đã về với cát bụi mười hai năm nay, khi qua tuổi 84. Anh là con trai của bác ruột tôi, là anh em nhưng anh hơn tôi đến 26 tuổi. Cả đời, anh hầu như chỉ quanh quẩn trong làng. Lần anh đi xa nhà nhất là đi với tôi lên Hồng ca, Yên Bái, đến cái nơi mà ở miền Bắc, nhiều người trạc tuổi tôi ( nhất là các anh em từng lăn lộn trong giang hồ) thường rất ngại nói
đến… Anh có vóc dáng nhỏ thó, chỉ cao chừng mét rưỡi, nặng chừng 45 kilo, thế mà việc gì ngoài ruộng đồng anh cũng đảm dương hết. Nhà lại còn có nghề đan chiếu cói nữa, nên nhà gần chục miệng ăn mà cũng đủ sống, tất nhiên với mức sống “ trung bình đói” của xã hội mình ngày trước. Bác trai mất sớm, bác gái bị lòa từ trẻ. Anh nuôi mẹ lòa có lẽ đến 50 năm trời với sự yêu thương, chăm sóc, kính cẩn, nhất nhất vâng lời, không bao giờ nói to hoặc làm trái ý mẹ. Về điều này, tôi kính anh vô cùng : lòng hiếu thảo của anh, có lẽ đến vua Tự Đức cũng phải nể trọng.

Anh làm ruộng từ nhỏ, học rất ít ở trường, nghe nói chưa qua Sơ học yếu lược thời Tây, nhưng có học chữ Nho ở nhà với các chú, bác trong họ. Hoàn cảnh như thế, nên nói chung anh “ ít chữ”, ngay cả chữ Nho anh được học khá lâu nhưng cũng chưa thông thạo gì. Tôi nhớ có lần anh xem ông chú viết câu đối chữ Nho cho nhà thờ họ, có chữ Vũ viết hơi lạ ( với anh) , anh bảo: “ông ơi! cháu thấy chữ Vũ , ngày trước các cụ viết khác, như thế này cơ ạ…”. Anh viết chữ Vũ của anh, ông chú xem xong, nổi cáu: “vâng, họ thạo lắm…, nhưng chữ Vũ bác viết đó nghĩa là “màn”, không phải là họ Vũ đâu, hiểu chưa? Anh tôi đỏ mặt, khịt mũi mấy cái rồi bỏ ra chỗ khác. Tôi sống ở thị xã, nhưng thường về quê vào các ngày nghỉ học, nghĩ lễ, Tết, thường ăn, nghỉ qua đêm ở nhà anh. Hai anh em nằm trên giường tre, gối trên những chiếc gối gỗ nặng trịch; anh bảo : “cái gối gỗ này mà dùng để ném trộm thì …phải biết”.

Những đêm ấy, anh em tôi thường thức đến quá nửa đêm, chốc chốc anh lại ngồi dậy, hút thuốc lào bằng điếu bát, làm tôi rất khó thở, đôi khi ho sặc. Anh kể cho tôi nghe liên miên những chuyện về các cụ nhà mình ngày trước, một cách rành mạch về gốc gác các chi họ, về tôn ti trật tự trong họ. Đặc biệt, anh hay kể về những chuyện mà các cụ đồ Nho trao đổi, bình phẩm với nhau về chữ nghĩa. Tôi không biết tí gì về chữ Nôm, chữ Hán, nhưng nghe anh nói, thấy rất hấp dẫn, nghe nhiều đêm mà không hề chán.

Vào một ngày mồng một Tết, chỉ có hai anh em, ngồi trên tràng kỷ trước bàn thờ tổ, anh chỉ cho tôi câu đối còn nguyên nét mực tàu, treo hai bên bàn thờ, anh nói đó là câu đối anh vừa viết trước giao thừa.

Đôi câu đối ấy, anh đọc âm Hán – Việt như sau:

Đào, lý phùng xuân vô hạn hảo
Tửu trà đối khách hữu dư hoan.

Diễn Nôm, câu đối có nghĩa là “ Đào, mận gặp xuân vô cùng tốt, Rượu trà đãi khách có thừa vui”. Câu đối chỉ giản dị vậy mà hình như cũng tả được cái niềm vui chân chất, chẳng cầu kỳ gì, chẳng điển tích gì, nhưng thật thanh thoát , vô vi như quan niệm sống của Lão Tử vậy.

Anh tôi chẳng phải giảng giải nhiều, tôi cũng nắm được ý nghĩa của câu đối. Nhờ vậy, qua 50 năm từ ngày Tết ấy, đến nay tôi vẫn nhớ như in.

Cũng vào đêm mồng một ấy, nằm trên chiếc giường tre cũ, có trải ổ rơm,đắp chăn chiên mỏng và phủ trên đó là một tấm chiếu cói, hai anh em lại thủ thỉ với nhau nhiều chuyện xưa. Anh kể tôi nghe một chuyện hài thưở trước mà anh bảo mới diễn ra cách đây vài đời thôi. Chuyện là thế này.

Các cụ thời ấy vãn giữ lệ “môn đăng, hộ đối”, con gái nhà khoa bảng thì phải gả cho con trai nhà khoa bảng hoặc tối thiểu cũng phải là nhà Nho, bản thân chú rể cũng phải học hành tử tế. Ở hai làng lân cận có hai nhà Nho định làm thông gia với nhau. Sau khi trao đổi, họ hẹn ngày chạm ngõ. Sáng sớm ngày đó, đoàn “ đại biểu “ nhà trai sang nhà gái với thành phần gồm một số nhà Nho, tất nhiên trong đám ấy có cả nhà Nho trẻ- chú rể. Trước cổng nhà gái, đã được trưng sẵn một vế câu đối viết rất đẹp trên giấy điều, trang trọng. Ông đại diện nhà gái ra chào đoàn nhà trai và nhã nhặn mời nhà trai đối đáp trước khi vào nhà. Vế đối đó được viết bằng chữ Nôm như sau:

“Dù cho trăm khéo, nghìn khôn … cũng”.

Các cụ, các ông nhà trai, đỏ hết cả tai, toát mồ hôi, loay hoay trật cả khăn xếp, áo the mà mãi gần trưa, mặt trời lên cao vẫn chưa viết nổi vế đối. Các cụ đã vừa thẹn, vừa bực mình, định bỏ về, thì thấy một anh chàng thiếu niên ( ấy, ngày trước các cụ gọi thiếu niên là các “tay” chưa vợ có thể ngoài 20, 25 tuổi chứ không phải các “ tay” dưới 18 tuổi, như cách nói bây giờ), áo quần lếch thếch, nhưng dắt trên tai một chiếc bút lông. Anh đến, hỏi mọi người đứng ở đấy làm gì, một cụ tiên chỉ bực nình gắt: “Đứng đây thì việc gì đến nhà anh? Có nhìn thấy vế đối kia không? Cũng là học trò hả? có giỏi đối thử xem”. Chàng thiếu niên- học trò- xem lướt qua vế đối rồi nói: “ có gì mà các cụ phải lo lắng vậy, cho phép cháu đối lại ! Cụ già cho người đưa giấy cho chàng thiếu niên, anh lấy bút khỏi vành tai, viết một mạch:

“ Nếu không một vừa , hai phải… thì”

Mọi người xem vế đối nhưng đều cảm thấy thắc mắc, hỏi thì chàng trai bảo cứ gọi nhà gái ra chấp nhận. Quả nhiên, ông đại diện nhà gái ra, xem vế đối và tươi cười, kính cẩn mời đoàn nhà trai vào nhà. Nghe anh kể mới đầu tôi cũng chẳng hiểu gì, hỏi, anh chỉ cười và bảo :

“Vế đầu chú cứ tìm lấy câu tục ngữ ở nhà quê thì hiểu thôi, còn vế đối thì là một câu nói bình thường khá thô lỗ của dân cày. Mãi đến mồng bảy tết , tôi mới tìm ra câu tục ngữ phù hợp ngữ cảnh này! Ấy là cách đây 50 năm. Bây giờ với công nghệ IT bùng nổ , chắc chỉ mất vài phút mọi người sẽ tìm ra nghĩa của đôi câu đối này.

Vũ Ngọc Trân

69 MẸO TRONG CUỘC SỐNG

1. Chọn mua bình thủy: Khi chọn mua bình thủy, trước tiên nên chọn để có được hình ảnh trang trí và màu sơn vừa ý. Sau đó, thử mở nút bấc của bình thủy, nếu nút bấc bị hút nhẹ là tốt. Sau cùng, mở nút ra và ghé tai nghe ở miệng bình, nếu nghe thấy trong bình có tiếng o o là bình tốt.

2. Chọn mua bình nước đá: giữ núm tròn trên nắp bình và xoay nửa vòng rồi xoay lại nửa vòng. Sau đó, giở nắp lên. Nếu bình đi theo lên khỏi mặt đất là tốt; ngược lại, khi giở nắp lên mà bình vẫn còn nằm nguyên thì không nên chọn chiếc bình này.

3. Cách chọn dưa hấu: nên chọn loại vỏ có nhiều gân, trái tròn và nặng. Nếu trái tròn nhưng nhẹ là dưa bọng ruột vì đã quá già, nên chọn vỏ thật cứng, với những trái có vỏ cứng, ruột dưa sẽ giòn, ngon hơn.Ðể biết dưa đỏ hay không, hãy xem cuống dưa. Nếu cuống dưa xoắn tròn theo hình khu ốc là dưa đỏ; ngược lại nếu cuống dưa không xoắn là dưa không đỏ.

4. Cách chọn xoài ngon nhất là xoài cát và xoài thơm. Nên chọn những trái xoài có da căng, vàng đều, phần đầu (phần nằm trên cuống) chín vàng và cứng. Trên bụng xoài phần dưới chót đuôi sẽ thấy có một mắt nhỏ, nếu mắt này càng dài thì hột xoài càng to.

5. Cách chọn bôm và lê: Loại trái tròn, nặng tay sẽ cho nhiều nước, không nên chọn những trái có dấu tì vì sẽ bị lạt, không ngọt và phần cơm sẽ bị nhão.Trái nào phần dưới có những khía xung quanh tương đối rõ là những trái bột, không giòn. Trái nào phần dưới gần như liền và không có khía cạnh là những trái giòn.

6. Cách chọn mật ong: Chấm chiếc đũa vào mật ong, sau đó nhểu lên giấy vài giọt. Cầm tờ giấy và lật lại. Nếu giọt mật không chảy là mật ong thiệt.

7. Tẩy vết nám trên bàn gỗ: Ðể tẩy vết nám này, hãy dùng tro thuốc lá trộn với dầu thực vật cho đều rồi lấy giẻ nhúng hỗn hợp đó chà mạnh lên vết nám đó, dần dần vết nám sẽ biến mất.

8. Dùng bình thủy nấu cháo nên nhớ: Khi dùng bình thủy nấu cháo nhớ không được bỏ muối vào cháo, vì như thế bình thủy sẽ bị nổ dễ gây nguy hiểm.

9. Cách làm sáp đèn cầy không chảy: Muốn sáp đèn cầy không chảy ra bàn, chỉ cần nhúng đèn cầy vào nước muối trong hai giờ.

10. Cách giữ gìn cặp da: Muốn cặp da lúc nào cũng bóng, nên lấy tròng trắng trứng gà đánh thật đều rồi dùng miếng vải mềm thấm lòng trắng trứng chà lên lớp da ngoài. Sau đó để nguyên như vậy cho thật khô. Không nên dùng xi đánh giầy đánh bóng cặp vì khi ôm sẽ bị dính dơ quần áo.

11. Cách lau chùi đồ vật bằng đồng thau: hãy trộn giấm với bột gạo hoặc bột mì và một ít mạt cưa gỗ mịn khuấy thật đều lên cho thành hồ, đem hồ đó quét lên đồ vật bằng đồng thau và để cho khô, sau đó gỡ hồ ra dùng vải mềm lau sạch lại. – Ðồ vật bằng đồng nếu bẩn nhiều thì dùng giẻ tẩm giấm đánh trước rồi dùng bột phấn viết bảng nghiền vụn đánh bằng giẻ mềm.

12. Cách giữ xoong được sáng bóng: Mới mua một cái xoong nhôm mới, trước khi sử dụng, hãy thoa một lượt xà bông ướt khắp quanh xoong rồi bắc lên bếp đun. Nấu xong xả nước chùi rửa thật sạch. Xoong của bạn vẫn sáng bóng như mới không hề bị nám đen.

13. Làm sáng xoong bị cháy nám: Khi xoong bị lửa cháy nám, muốn chùi sáng lại như cũ, chỉ cần dùng cát và giẻ lau chùi rửa sạch.

14. Cách lau chùi tranh sơn mài: hãy dùng một củ khoai tây sống đem gọt vỏ, cắt theo chiều dọc cho có nhiều nhựa rồi thoa nhẹ lên bức tranh đều khắp. Sau đó lấy miếng vải mềm thấm nước lau sạch rồi để khô, tranh sẽ sáng bóng y như mới.

15. Cách mở nắp chai bị đậy cứng: Những nắp chai bằng thiếc khi vặn lại thường bị sít cứng rất khó mở ra, chỉ cần chúc chai xuống, đập nhẹ nút chai lên mặt bàn, sẽ mở ra được dễ dàng.

16. Cách chùi xoong bị cháy đen bên trong: hãy bỏ chanh xắt khoanh vào nấu với nước một lúc rồi đưa xuống chùi.

17. Ði giày mới không bị phồng chân: Trước khi đi hãy lấy một miếng bông gòn tẩm alcool chà xát vào phía da bên trong của đôi giày cho ướt nhất là sau gót.

18. Cách trừ gián trong tủ áo: hãy treo vào tủ một cái túi vải nhỏ đựng vài vỏ chanh phơi khô, như vậy gián sẽ không bao giờ ở trong tủ áo.

19. Cách chữa răng đau tạm thời: Khi có một cái răng sâu hành hạ bị đau dữ dội vào ban đêm muốn làm dịu bớt để chờ đi nhổ hoặc mua thuốc uống, bạn hãy lấy một ít phèn chua tán nhuyễn và nhét vào chỗ bị sâu.

20. Ðể tránh muỗi cắn: hãy lấy nước cốt trái chanh thoa lên mặt, tay chân.

21. Khi bị phỏng phải làm sao? Khi lỡ tay bị phỏng hãy cắt một khoanh khoai tây đắp lên vết phỏng để yên một lúc thật lâu, tuyệt đối không được rửa vết phỏng trước khi đắp khoai tây.

22. Ðể tủ quần áo được thơm tho hơn long não: hãy dùng bông gòn tẩm nước hoa loại nào thích rồi đặt vào góc tủ quần áo, thỉnh thoảng phải thay miếng khác khi bị hết mùi.

23. Ðể đinh đóng gỗ không bị cong: Nếu muốn đóng đinh vào gỗ dễ dàng thì trước khi đóng lấy bao nylon thường làm vật đựng hàng ngày đã bỏ đặt lên, sau đó đặt cây đinh vào vị trí đóng, chỉ cần đóng một lần là đinh vào ngay rất đẹp.

24. Cách rửa xoong chảo bị cháy khét: Khi nấu ăn lỡ để khét làm thức ăn dính dưới đáy xoong, đáy chảo, hãy bỏ vào một ít muối, thêm vào một ít nước và đặt xoong, chảo vào thau nước lạnh, ngâm vài giờ rồi chùi rửa sạch.

25. Khử mùi hôi trong hộc tủ: cho một ít than củi vào trong một cái ly đem bỏ vào hộc tủ, than củi sẽ hút hết mùi hôi khó chịu đi.

26. Muốn nhóm bếp than mau cháy: hãy để củi chẻ nhỏ mồi lửa phía dưới, rắc một ít muối lên than, muối sẽ hút hết nước và tỏa nhiệt làm cho than mau cháy.

27. Cách trừ kiến bu vào thức ăn: chà nước cốt chanh thối lên chân bàn để thức ăn, kiến sẽ không bu vào được.Ðê đuổi kiến đi, hãy đặt một miếng chanh thối lên đường đi của kiến, hãy phủ lên thịt, cá một ít hành bằm nhuyễn, kiến sẽ không bu vào.

28. Ðể dành cá tươi không cần tủ lạnh: Lấy bông gòn, thấm cồn 90 độ nhét vào mang cá sẽ giữ được cá tươi hai ba ngày mà không cần tủ lạnh.

29. Ðể dành chanh và dưa leo: Muốn giữ dưa xanh, chanh tươi lâu ngâm vào trong nước lạnh.

30. Ðể mỡ chiên không bị cháy: Khi chiên thức ăn, mỡ thường bị cháy đen, để tránh điều này, hãy cho một ít khoai tây xắt nhỏ bỏ vào chảo trong khi chiên.

31. Kho cá biển cần biết: Khi nấu món ăn kho với cá biển, hãy thêm vào nồi vài muỗng canh nước trà đặc. Sau đó kho cho đến cạn nước, thịt cá sẽ chắc lại và không còn mùi tanh.

32. Luộc gan heo cho ngon: Khi mua phải chọn miếng gan có màu hồng, hơi cứng. Khi luộc, lúc nước sôi, cho vào nồi nước vài lát hành tây mỏng và một ít muối.

33. Cách làm măng không đắng: Trước khi luộc măng, cắt măng ra, chờ nước sôi rồi cho măng vào luộc. Nhớ để cho măng sôi khoảng vài phút rồi mới vớt ra. Khi ăn, sẽ thấy măng không còn đắng nữa.

34. Cách luộc măng khỏi bị đắng: Muốn măng không bị đắng trong khi luộc không nên đụng đũa vào măng.

35. Cách luộc rau muống cho xanh và giòn: Ðun nước sôi trước rồi mới cho rau vào nồi, thêm một ít muối và đun lửa thật lớn. Khi rau chín, mở vung nồi đảo đều rồi bắc xuống. Vớt ra ngay đĩa. Ðem đĩa rau để lên bàn nhưng không đậy lồng bàn để hơi nóng thoát ra dễ dàng, rau mới xanh.

36. Muốn nấu các loại củ to cho mau chín: Ðối với các loại củ to để nấu hay luộc cho mau chín và không bị sượng hay nứt, trước khi nấu dùng vật nhọn như kim khâu dài loại to đâm vài lỗ theo chiều dài củ khoai.

37. Bóc vỏ tỏi: Ðể bóc vỏ tỏi vừa nhanh vừa sạch, hãy nhúng tỏi vào nước nóng chừng 1 – 2 phút rồi vớt ra, sẽ bóc được vỏ rất nhanh.

38. Cách dùng tiêu cho đúng: Ðể mùi tiêu được thơm trong thức ăn, nên cho tiêu khi món ăn đã nấu chín. Nếu cho tiêu vào thức ăn khi còn sống rồi mới nấu chín thì tiêu sẽ mất mùi thơm, đồng thời bị phân hủy phóng ra độc tố rất nguy.

39. Cách luộc trứng: Hãy cho muối vào nước để cho trứng không bị bể trong khi luộc. Khi trứng chín, muốn bóc vỏ trứng dê dàng, trông đẹp mắt, không sứt sẹo, hãy ngâm trứng vào trong nước lạnh khoảng 5 – 10 phút rồi bóc vỏ.

40. Cách chiên trứng: Muốn cho trứng không bị dính vào tô trong lúc đánh trứng, trước tiên phải tráng tô bằng nước lã. Ngoài ra, cũng có thê pha thêm một chút nước khi đánh trứng để được trứng nổi phồng sau khi chiên.

41. Ðể đánh trứng nổi bong: Muốn cho lòng trắng trứng nổi bong lên, trước khi đánh hãy nhỏ vài giọt chanh và một ít đường vào trứng.

42. Món khoai tây chiên ngon: Sau khi gọt vỏ khoai tây, xắt mỏng thành từng khoanh, rồi ngâm ngay vào nước muối khoảng 1 giờ. Khi vớt ra, để trong rổ cho thật ráo nước. Khi chiên nên cho vào nhiều mỡ và chờ cho mỡ sôi mới thả khoai vào. Khoai vừa vàng là vớt ra ngay.

43. Bí quyết chiên chả giò: Khi chiên chả giò thường xảy ra trường hợp chả bị cháy đen và không giòn, chưa chiên xong dầu đã bị đen. Dưới đây là bí quyết để có món chả giò ngon: cho nhiều dầu vào trong xoong, khi dầu đã hết khói, cho vài giọt chanh vào dầu sôi, khoảng 5 phút sau, cho một lát gừng đập giập vào. Khi gừng đã vàng thì vớt ra bỏ. Chiên nhiều lượt mỗi lượt chiên một lượng vừa kín mặt dầu thôi. Khi chả giò vàng đều, hãy vớt ra cho tiếp đợt mới vào chiên tiếp.

44. Khi bị ong đốt: Khi bị ong đốt, nếu ở tay chân nặn nọc ong ra, sau đó lấy củ hành hoặc tỏi cắt đôi và chà xát vào chỗ bị ong đốt. Nếu bị ong đốt trên đầu, đâm củ hành hoăc tỏi ra cho nhuyễn rồi chà xát lên hay đắp lên chỗ ong chích.

45. Trừ kiến trong hũ đường: hãy dùng một thanh sắt hay con dao bỏ vào hũ đường, các con kiến sẽ bò ra nơi khác.

46. Cách nối dây bếp điện bị cháy đứt: hãy dùng một ít hàn the phủ lên chỗ giao tiếp giữa hai đầu dây bị đứt, nó sẽ được nối dính chắc chắn, xài rất bền.

47. Ðể chảo được bền: Chảo mới mua về, phải đổ nhiều mỡ vào đun sôi. Sau đó lấy muối bột chà xát bên trong chảo vài lần. Làm như vậy chảo sẽ được bền và thức ăn chiên không bị dính chảo.

48. Cách chữa muỗi và kiến cắn: chỉ cần xắt nát củ hành tây đắp lên những vết cắn. sẽ không bị ngứa, khó chịu nữa.

49. Tẩy vết thâm kim, mốc trên quần áo: hãy thấm ướt những vết thâm kim, mốc trên vải bằng nước cốt trái chanh rồi đem phơi ngoài nắng vài giờ. Sau đó đem giặt bằng xà bông bình thường.

50. Tẩy vết dơ do mồ hôi dính trên quần áo: hãy ngâm quần áo có vết dơ do mồ hôi dính ở cổ tay hay nách, lưng quần … vào giấm đun sôi để âm ấm độ nửa giờ rồi giặt lại bằng xà bông.

51. Tẩy mủ chuối dính quần áo: Mủ chuối dính vào quần áo rất khó tẩy. Phải dùng giấm ngâm chỗ quần áo bị dính mủ chuối vài giờ cho vết mủ tan hết. Xong giặt lại bằng nước lạnh.

52. Ðể vải không đổi màu: Muốn những quần áo bằng vải hoa không bị đổi màu, sau khi giặt bằng xà bông xong phải xả thật sạch với nước lã, rồi cho vào nước xả cuối cùng một ly giấm trắng. Làm như thế quần áo không bị đổi màu, màu không bị phai nhạt đi.

53. Tẩy vết bẩn trên khăn tay: ngâm khăn tay vào nước muối độ chừng một giờ. Sau dùng xà bông bột giặt xả sạch.

54. Cách để dành sơn không khô: Sau khi sơn xong mà còn dư sơn trong hộp, hãy đậy nắp hộp sơn thật kín. Khi cất để nó ngược xuống (nắp ở dưới, đáy ở trên). Làm như vậy sơn sẽ không bao giờ khô.

55. Cách giữ những tấm ảnh được bền lâu: đánh tròng trắng trứng gà cho nổi rồi dùng bông gòn tẩm dầu hôi chấm trứng bôi lên mặt bức ảnh để cho khô rồi đem cất kỹ.

56. Giữ sơn không dính vào kính: Khi sơn cửa kính, đê sơn không dính vào kính, hòa tan xà bông trong nước rồi quét nước đó lên trước khi sơn khung.

57. Chỉ may hay bị rối:Sau khi xỏ chỉ vào kim, bạn đâm kim vào cục xà bông hay đèn cầy, rồi kéo cho sợi chỉ xuyên qua theo kim cho đến hết chỉ. Chỉ sẽ hết rối.

58. Cách chữa vết phỏng: Khi bị phỏng do lửa, đắp ngay con giấm lên vết phỏng. Vết phỏng sẽ dịu ngay, chóng lành và không để lại sẹo.

59. Cách chữa bị cảm nắng: Khi đi ngoài nắng lâu bị cảm nắng, uống nước muối vào sẽ bớt khó chịu ngay.

60. Cách chữa bệnh ra mồ hôi chân: nên thường xuyên ngâm chân vào nước muối ít nhất mỗi ngày một lần chừng 10 phút trở lên.

61. Làm da mặt trắng trẻo mịn màng: Hằng ngày hãy rửa mặt bằng nước vo gạo thứ nhất. Da mặt sẽ trắng trẻo mịn màng.

62. Làm cho ốc hết nhớt nhanh: Muốn ốc hết nhớt nhanh để ăn liền, đổ ốc vào thau ngập nước rồi thả vào nước đó vài trái ớt đâm nát cho đủ cay, ốc sẽ vội vàng nhả hết nhớt ngay.

63. Cách làm sạch nhớt lươn: pha một thau nước vôi và muối rồi bỏ lươn vào, một lát sau lươn sẽ chết sau khi vùng vẫy chất nhờn sẽ tuôn ra. Sau đó cạo rửa và làm sạch. Nếu không có vôi có thể dùng tro bếp với muối cũng được.

64. Muốn lấy nước cốt chanh mà không cần cắt ra: Ðôi khi chỉ cần vài giọt nước cốt chanh mà nếu cắt ra thì uổng lắm. Hãy đốt một que diêm rồi thổi tắt và dùng đầu que bị đốt đâm vào trái chanh, sau đó chỉ bóp nhẹ là nước chanh sẽ tia ra ngay.

65. Cách giải độc gan: Dù kỹ hay không kỹ gì thì gan của chúng ta cũng bị nhiêm độc do thức ăn thức uống bị nhiễm độc vì thuốc sát trùng, vì ẩm mốc, hoặc sử dụng thuốc nhiều. Ðể giải độc gan không gì bằng mỗi tuần ăn 2 – 3 trứng (gà hay vịt) không để thiếu rau cải, uống nước nhiều.

66. Chữa ngủ ngáy: Chứng ngủ ngáy là một cái tật khiến người bạn đời rất bực mình, không những chỉ người bạn đời mà cả những người thân trong gia đình cũng cảm thầy khó chịu. Vậy để cố gắng chữa trị cho hết: – Theo kinh nghiệm của Tàu nếu có chứng ngáy ngủ to khi thức dậy ngồi lên, duỗi hai chân thẳng ra, cúi người tới trước, há miệng thật to, ngậm lại, nhai nhai lặp đi lặp lại khoảng 7 – 9 lần.

– Theo kinh nghiệm của người Việt Nam thì ngủ thức dậy, ngồi trên giường, hai chân thõng xuống đất, cúi xuống làm động tác “cạp chân giường” tức cũng há miệng ra, ngậm lại. Theo kinh nghiệm của người Nhật là hít một hơi thuốc lá thật sâu cho sặc sụa một trận dữ dội thì dứt được chứng ngáy to khi ngủ.

67. Cách chữa mồ hôi tay: Không có gì làm bực mình khi hai bàn tay và hai bàn chân đổ mồ hôi luôn. Chúng tôi xin giới thiệu bài thuốc của cố lương y Vương Ðăng sau khi áp dụng chừng 1 – 3 lần vô cùng công hiệu. Dùng hai cái chân gà. Lá dâu tằm ăn tươi chừng một nắm tay. Lá dâu tằm ăn xắt nhiên với hai cái chân gà, nêm nếm cho ngon như nấu canh vậy. Sau đó ăn cho hết.

68. Cách chữa rụng tóc: Thịt heo ba rọi có luôn da : 200g.Lá dâu tằm ăn tươi chừng một nắm tay.Nấu như nấu canh, chỉ nêm tiêu, muối không dùng hành lá, tỏi. Ngày ăn ngày nghỉ khoảng 10 lần trở lên thì dứt hẳn chứng rụng tóc.

69. Cách chữa thức ăn bị hôi khói: Nếu thức ăn hôi khói thì dĩ nhiên là ăn không ngon. Ðể làm mất mùi khói này thì chế vào thức ăn đang đun sôi vài muỗng canh nước tương ngon, đậy kín lại. Ðộ 5 phút sau thì mùi hôi khói sẽ mất đi.

************

Nêu chưa ớn thì mời đọc thêm những mẹo vặt khác:

- BỊ ONG ÐỐT (stung by bee): Hãy chà 1 viên Aspirin lên vết chích.

- CAO MÁU: ăn nhiều rau cần (Celery).

- CHÁN ÐỜI (life distaste): Uống B-complex và amino acid.

- CHOLESTEROL: uống sinh tố E.

- HAY QUÊN (memory shorten): Uống nhân sâm (gingsen) hay ginko biloba.

- HÔI NÁCH (strong smell in arm pít): Hãy ăn nhiều rau ngò (parsley).

- KHÓ CHỊU TRƯỚC KINH KỲ (before mense period): Hãy uống sinh tố B6.

- KHÓ NGỦ (dificulty in sleep): Uống sinh tố B6 sẽ dễ ngủ hơn.

- LÊN CƠN SUYỂN: hãy uống ngay 1 ly cà phê đậm.

- MUỐN HẾT NGÁY: Hãy ôm gối khi ngủ, hoặc nằm nghiêng hẳn về phía tay trái

- MUỐN KHÔNG BỊ MUỖI CHÍCH: Uống nhiều sinh tố B1.

- MỎI LƯNG (back pain): Hãy uống sinh tố B5 và B-complex.

- MỤN: hãy ăn nhiều đậu.

- MỤT CÓC: Dùng sinh tố A sẽ hết.

- MẮT CƯỜM: dùng sinh tố B2.

- NẤC CỤC (hick up): Bịt kín hai lỗ tai lại sẽ hết ngay lập tức.

- NHỨC RĂNG (toothache): Ðể một cục nước đá trên huyệt hợp cóc giữa ngón trỏ & ngón cái sẽ bớt 80%.

- NỔI MỤT TRONG MIỆNG: Lành trong 1-2 ngày với chất kẽm (Zinc).

- NÔN MỬA (nauseous): Uống trà gừng hoặc nhai sống vài lát gừng sẽ hết.

- RÁCH KHOÉ MÔI: Lành trong 1-2 ngày với sinh tố B6.

- SẠN THẬN: Tự chữa khỏi với sinh tố A và B6.

- SAY SÓNG (sea sickness): Bấm mạnh vào cổ tay sẽ hết.

- SÌNH BỤNG: Dùng bột nổi (baking Soda).

- SỔ MŨI (runny nose): Súc miệng bằng nước muối sẽ hết.

- VỌP BẺ (cramp): Hãy bấm mạnh vào môi trên sẽ hết ngay.

Lệ Ngọc st.

Phụ bản III

LÒNG TRẮC ẨN

Lòng trắc ẩn có thể hiểu là lòng từ bi, bác ái, yêu thương không hạn định. Lòng trắc ẩn là sự đồng cảm với mọi sinh linh trong vũ trụ.

Tôn giáo của tôi là lòng trắc ẩn. Tôn chỉ của tôn giáo này là Không phân biệt. Trong chúng ta ai cũng có một ít lòng trắc ẩn. Chúng ta yêu thương những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, anh chị em. Những người có cùng huyết thống. Chúng ta yêu thương hàng xóm, yêu thương những người cùng tôn giáo, cùng tổ quốc. Nói chung là chúng ta dễ yêu thương những người có chung một cái gì đó với mình. Nhưng lòng trắc ẩn thật sự thì vượt trên sự phân biệt. Không cần cùng huyết thống, cùng tôn giáo hay chung một quốc gia, chúng ta vẫn yêu thương, đồng cảm với họ. Đó là lòng trắc ẩn. Đó là tôn chỉ Không phân biệt.

Khi bạn có lòng trắc ẩn, bạn sẽ không yêu riêng ai một cách đặc biệt nữa, bạn sẽ trải đều tình yêu ấy cho tất cả, từ người doanh nhân, người nông dân, cho đến người nghèo khổ, bất hạnh. Tất cả đều được nhận một tình yêu thuần khiết như nhau, không có sự phân biệt.

Lòng trắc ẩn chuyển hóa thù hận, bất mãn thành tình yêu. Chúng ta thường có xu hướng yêu những người đồng quan điểm, tư tưởng và ghét những người khác quan điểm, khác tôn giáo. Nhưng lòng trắc ẩn thì vượt lên trên sự thù hận và bất mãn, lòng trắc ẩn ôm trọn tất cả.

Người có lòng trắc ẩn không thể yên tâm khi thấy một người khác còn đang đau khổ. Khi thấy một người đau khổ, người đó sẽ tìm mọi cách để xoa dịu nỗi khổ đó cho người. Một người đau khổ có thể do vật chất, có thể do tinh thần. Đau khổ về vật chất có thể được xoa dịu bằng cách cho đi, bằng cách tạo cho người ấy một công ăn việc làm. Đau khổ vì tinh thần có thể là vì họ buồn chuyện tình cảm, có thể họ lạc lối trên con đường tâm linh, họ sợ hãi, họ cần một chỗ dựa tâm linh. Người có lòng trắc ẩn muốn xoa dịu nỗi khổ tinh thần cần phải có từ bi và trí tuệ. Có trí tuệ thì mới thấu hiểu nỗi khổ đó và xoa dịu nó được.

Lòng trắc ẩn với vạn vật. Người có lòng trắc ẩn không chỉ yêu con người, mà còn yêu động vật, cây cỏ và vạn vật trong vũ trụ này như mặt trời, mặt trăng, các vì sao và trái đất. Chúng ta biết ơn sự có mặt của Mặt trời, trái đất, nhờ có mặt trời mới có sự sống, nhờ có trái đất mới có nơi trú ngụ. Phát triển lòng biết ơn với vạn vật sẽ làm cuộc sống của bạn tràn đầy hạnh phúc, đủ đầy. Cũng nên hiểu, chúng ta đã sống thì chúng ta phải ăn, dù là động vật hay thực vật. Hãy ăn vừa đủ và tích cực phát triển lòng trắc ẩn, hạn chế sát sinh nếu không cần thiết. Hạn chế chặt cây cối, vì chúng cũng là một dạng sống trên trái đất này. Bạn có thể trồng thêm nhiều cây xanh để cải thiện môi trường và tạo thêm năng lượng bình an cho trái đất.

Hãy nhớ, Lòng trắc ẩn là Không phân biệt.

Bùi Dung - Bùi Đẹp st.


BẠN LÀ NGƯỜI CÓ PHÚC!

Nếu bạn thức dậy sáng nay vẫn có nhiều sức khỏe hơn bệnh tật ,được sống tự do..., không phải nằm trong phòng cấp cứu bệnh viện... thì bạn đang may mắn hơn hằng triệu người sắp chết tuần này...

Người ta hay coi thường những gì mình đang có!

Chỉ khi nào mất đi,mới hiểu và...ân hận...muộn màng !

Nếu bạn chưa từng cảm nhận sự nguy hiểm trong chiến trường,sự cô đơn trong ngục thất, sự đau đớn khi bị hành hình, cảnh nhục nhã, trốn tránh, sự đói ăn khát uống ,cảnh sống lang thang vô gia cư... sống không biết ngày mai sẽ ra sao... Thì bạn đã hạnh phúc hơn mấy trăm triệu người trên thế giới ...

Nếu bạn được đi du lịch mà không sợ bị làm khó dễ, Bạn may mắn hơn đa số trong khoảng gần 3 tỉ người trên thế giới.

Nếu bạn có thức ăn trong tủ lạnh có áo che thân, có nơi cư ngụ và có nơi để gối đầu khi ngủ,không phải lo lắng quá nhiều về ngày mai .... Bạn đã giàu có hơn 75% người trên thế giới này.

Nếu bạn có tiền trong nhà ngân hàng, trong ví, và có bạc lẻ đâu đó... thì bạn là một trong số 8% người giàu có hơn rất nhiều người trên cả thế giới này.

Nếu bạn có thể ngẩng cao đầu , có thể mỉm cười và cảm thấy biết ơn cuộc đời,... Bạn đã là người có hạnh phúc vì đa số chúng ta có thể cảm nhận điều đó, nhưng lại không chịu làm điều này. Quá nhiều người tham lam,tự làm khổ mình...

Nếu bạn có thể nắm tay người nào đó ôm choàng họ, hoặc vỗ về an ủi ,động viên họ bằng hình thức nào đó ...,từ tinh thần tới vật chất ..., Bạn đã là người có hạnh phúc vì bạn có thể hàn gắn vết thuơng lòng ,làm vợi đi nỗi buồn của nhân loại!

Hàng ngày,ngay lúc này đây, đang có biết bao người đau khổ vì đủ mọi bất hạnh, từ bệnh tật đến chiến tranh, tù đầy, các hoàn cảnh cơ cực..., hàng nghìn trẻ em chết đói ở châu Phi mỗi ngày ...

Nếu bạn có thể đọc được email này Bạn là người có phúc hơn 2 tỉ người trên cả thế giới- vì họ không thể đọc được bất cứ chữ gì và sống như các động vật ... Bạn là người đang có nhiều hạnh phúc ...,đang sung sướng... chỉ có điều... Bạn chưa biết đó thôi!

Đừng than phiền ,đòi hỏi quá nhiều... Mai đây,chưa biết những gì ...sẽ tới ! Quy luật"Vô thường"luôn đúng ...Xin đừng phí phạm hạnh phúc trong tay!

BẠN LÀ NGƯỜI CÓ PHÚC !

Hãy biết chia xẻ với người khác !

Đỗ Thiên Thư st.

NÓNG NHƯ LỬA ...

6 tuyệt chiêu "làm nguội" cơn nóng giận

Luyện được khả năng bình tĩnh trước nhiều tình huống là điều rất khó, cần nhiều thời gian, nhất là với những người trẻ tuổi. Sẽ không có cách nào thổi bay cơn nóng giận nhanh nhất, nhưng luôn có cách để chúng ta rèn luyện khả năng kiềm chế và kiểm soát bản thân.

Giữ bình tĩnh trong nhiều tình huống được coi là “nhiệm vụ bất khả thi” với chúng ta, tuy nhiên, nóng nảy không bao giờ là giải pháp được lựa chọn khi giải quyết rắc rối. Để không thường xuyên nổi nóng, bạn nên nhớ điều này: làm thế là vì bạn, nóng giận chỉ thiệt thân thôi! Nếu lỡ có ai “chọc giận”, hãy thử làm cách sau xem sao.

1. Bỏ đi

Trong một cuộc tranh luận, đến lúc cao trào mà im lặng bỏ đi thì ấm ức quá, tuy nhiên to tiếng và cáu giận cũng không giải quyết được vấn đề? Hãy biết “ngưỡng” của mình, khi cuộc trò chuyện căng thẳng đến mức báo động, bạn hãy dừng lại, bỏ ra ngoài hoặc đi đâu đó để tránh không “lỡ lời”. Khi bình tĩnh hơn, bàn luận mọi việc vẫn dễ dàng hơn.

2. Nhắm mắt trong giây lát

Gặp chuyện khó chịu, hãy tạm nhắm mắt lại trong chốc lát, tạm thời để thế giới “biến mất” một chút, bạn sẽ có được sự tập trung và bình tĩnh hơn.

3. Không gian yên tĩnh

Đang “bốc hỏa” mà ở chỗ ồn ào càng có nguy cơ khiến lửa cháy to hơn. Nên tìm nơi nào đó yên tĩnh (tốt nhất bạn nên chuẩn bị vài chỗ như vậy) để được ở một mình, bạn cần để cho thần kinh của mình được “xoa dịu” đôi chút, mà làm điều đó không gì bằng “bậc thầy” yên lặng đâu.

4. Uống nước

Khi nóng giận, nên uống một ly nước, cách này có thể cũ rích nhưng hiệu quả. Bạn cũng có thể tìm thấy sự “hỗ trợ” tuyệt vời của nước cho sự bình tĩnh như nhìn ngắm hồ cá, rửa mặt hoặc có thời gian thì đi tắm cũng sẽ có hiệu quả tuyệt vời khi cần đuổi cơn cáu bẳn đi nơi khác.

5. Hít thở sâu

Không cần là bậc thầy Yoga bạn vẫn có thể trở nên điềm tĩnh hơn. Hít thở giúp cung cấp oxygen cho não và các cơ quan trọng yếu của cơ thể, giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Hãy thực hành phương pháp thở sâu như sau để cảm thấy dễ chịu hơn:

- Hít vào bằng mũi và đếm từ 1 - 4

- Dừng lại và đếm từ 1 - 4

- Thở ra chầm chậm, đếm từ 1 - 4

- Tạm nghỉ, đếm từ 1 - 4 (không hít thở)

- Thở theo nhịp bình thường 2 nhịp

- Tiếp tục hít vào theo bước đầu tiên.

6. Nghe nhạc

Những giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu sẽ giúp cho những dây thần kinh đang căng như dây đàn của bạn thư giãn. Tùy vào sở thích của bạn mà có thể chọn loại nhạc phù hợp, có thể bạn ngạc nhiên nhưng nhạc rock với nhiều người lại là “thuốc” trị sự nóng nảy của họ đấy.

Tuyệt chiêu kiểm soát cảm xúc để tránh giận quá mất khôn Khi giận dữ hay bực tức, thay vì làm cho mọi thứ rối tung lên, bạn hãy để cho tâm trí bận rộn để tránh phải suy nghĩ thêm về chuyện không vui vừa qua.

Tức giận có tầm ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ, công việc và tương quan giao tiếp trong cuộc sống. Vì thế, để tránh những hậu quả đáng tiếc do một phút bốc đồng gây ra, bạn nên biết cách kìm chế bản thân và không để cảm giác tiêu cực làm thay đổi huyết áp của bạn.

1. Giữ bình tĩnh

Điều đầu tiên bạn nên làm khi tức giận đó là tự nói với bản thân phải thật bình tĩnh. Cảm xúc lúc này thường đi cùng với những hành động mà có thể sau này bạn sẽ phải hối tiếc, bởi thường khi giận dữ bạn không thể suy nghĩ đúng đắn và thấu đáo được. Bạn có thể nói hoặc làm những điều bạn cho là sai chỉ vì muốn hả cơn giận hoặc cảm giác phù hợp ngay thời điểm đó mà thôi. Vì vậy, lời khuyên lúc này là thay vì chiều theo cảm xúc, hãy hít thở sâu và dành thời gian trấn tĩnh bản thân để tránh phải hối tiếc.

2. Khiến bản thân trở nên bận rộn

Một điều khác nên làm khi tức giận là "đánh lạc hướng" tâm trí, đưa mình ra khỏi vấn đề đang gặp phải và làm cho bản thân thật bận rộn. Khi giận dữ, bạn có xu hướng nghĩ rằng mình phải đối diện với nó ngay lập tức, đồng thời chứng minh cho thế giới biết rằng bạn không yếu đuối. Nhưng hành động vì sự tức giận là điểm yếu lớn nhất của trong tất cả mọi điểm yếu của con người. Thay vì làm mọi thứ rối tung lên, bạn hãy để tâm vào những thứ hữu ích để làm tâm trí bạn bận rộn thì sẽ tốt hơn.

3. Suy nghĩ trước khi nói

Khi tức giận, bạn hay nói những điều đáng lẽ không nên nói. Bạn chỉ nói những lời làm tổn thương người khác, thậm chí không biết ý nghĩa những gì mình đang nói. Do đó, bạn sẽ tạo ra những bất đồng giữa mình và người khác, trong khi thông thường bạn sẽ không hành động như vậy. Vì vậy, hãy cố gắng nghĩ ít nhất hai lần trước khi bạn định nói bất cứ thứ gì trong khi tức giận. Đây là lý do tại sao các chuyên gia tâm lý thường khuyên bạn nên đi bộ vào thời điểm này để tránh nói ra những điều làm tổn thương người khác.

4. Tìm cách giải quyết

Một trong những điều chúng ta không nên làm khi nóng giận là tìm mọi cách giải quyết nếu có thể. Nguyên nhân dẫn đến tức giận có thể là một vấn đề bất ngờ hoặc do dồn nén trong một khoảng thời gian dài mà chưa được giải quyết. Một trong những điều bạn nên làm vào thời điểm như thế là tìm giải pháp cho vấn đề và tìm cách đối phó với những nguyên nhân gây ra nó hơn là đấu tranh và chửi rủa, vì thông thường những việc "nói cho bõ tức" thường không mang đến kết quả tốt đẹp.

5. Đừng chửi rủa

Đừng bao giờ chửi rủa khi tức giận. Người ta thường nói những điều rất ngớ ngẩn khi tức giận chỉ vì muốn làm tổn thương đối phương. Nhưng bạn sẽ làm gì khi làm tổn thương người khác? Chửi rủa chỉ làm cho cái tôi của bạn lớn dần, nó không mang lại lợi ích gì cho cuộc đời bạn. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn cảm thấy như mình đang sỉ nhục ai đó khi tức giận, thì hãy lùi lại một bước để xem xét thật thấu đáo.

6. Đừng giữ mối thù hận

Bạn có thể nổi giận với những người không tốt hoặc thô lỗ với bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ giữ lòng thù hận với họ. Giữ mối thù hận với người khác sẽ chỉ làm bạn nghĩ về những điều sai trái mà người đó đã làm, từ đó khiến tâm trạng bạn ngày càng cảm thấy tồi tệ hơn. Thay vào đó, lòng vị tha và lãng quên lỗi lầm của người khác sẽ giúp bạn được sống một cuộc sống không có bóng dáng của cảm xúc tiêu cực.

7. Đơn giản hóa vấn đề

Một trong những cách hóa giải tình huống tức giận là sử dụng sự hài hước. Bất luận nguyên nhân của sự đau khổ là gì, hãy cố gắng trở nên hài hước. Giảm nhẹ vấn đề sẽ giúp bạn tránh được những căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống. Vì thế, thay vì thất vọng và đáp trả cách giận dữ, hãy đơn giản hóa vấn đề bằng cách nghĩ ra một câu đùa hoặc làm cho không khí trở nên vui vẻ hơn. Nhưng hãy cẩn thận, đừng dùng trò hài để mỉa mai, vì như thế bạn sẽ làm mất đi mục đích và làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Hãy nhớ rằng hình ảnh của sự tức giận là rất đáng sợ. Cảm xúc đó có thể là niềm kiêu hãnh của một người có cá tính mạnh mẽ nhưng những người không thể kiểm soát được sự tức giận của bản thân sẽ trở nên khó gần, thậm chí họ sẽ tự cô lập chính mình giữa cộng đồng.

Thi Trân (Theo Magforwomen) - Hoàng Chúc st.

BỨC THƯ

CỦA THIÊN TÀI EINSTEIN GỬI CON GÁI LIESERL

Vào cuối những năm 1980, Lieserl – con gái của vị thiên tài nổi tiếng Einstein đã trao tặng 1.400 bức thư của ông cho trường đại học Hebrew, với yêu cầu duy nhất là không tiết lộ nội dung của những bức thư này trong vòng 2 thập kỷ sau khi ông qua đời. Đây là một trong số những bức thư đó- bức thư dành cho chính Lieserl Einstein.

“Khi cha đưa ra Thuyết tương đối, rất ít người có thể hiểu được. Tương tự như vậy, điều mà cha sắp tiết lộ với nhân loại bây giờ đây rồi cũng sẽ vấp phải những hiểu lầm và thành kiến của mọi người. Cha mong con giữ kín những bức thư này của cha hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ nếu cần thiết, cho tới khi nào xã hội đủ tiến bộ để có thể chấp nhận những điều mà cha sẽ giải thích dưới đây.

Có một loại Lực vô cùng mạnh mẽ, mà cho tới nay khoa học cũng không thể tìm ra lời giải đáp chính xác dành cho nó. Lực này bao gồm và chi phối tất cả những lực khác. Nó thậm chí còn đứng sau bất kỳ hiện tượng nào được vận hành bởi vũ trụ mà chúng ta vẫn chưa thể lí giải. Đó chính là TÌNH YÊU.

Khi những nhà khoa học tìm kiếm một học thuyết chung cho vũ trụ, họ đã bỏ sót Lực vô hình nhưng mạnh mẽ nhất này.

Tình yêu là Ánh sáng chiếu rọi những người biết trao và nhận nó.

Tình yêu là lực hấp dẫn, bởi nó khiến người ta có thể bị cuốn hút bởi một ai đó.

Tình yêu cũng chính là sức mạnh, bởi nó sinh sôi, nảy nở và giúp con người không bị vùi dập bởi sự ích kỷ mù quáng.

Tình yêu hé lộ và gợi mở.

Vì tình yêu chúng ta sẵn sàng sống, và hy sinh.

Tính yêu chính là Thượng đế, và Thượng đế cũng chính là Tình yêu.

Thứ lực này giải thích cho tất cả mọi điều và mang ý nghĩa đến cho cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta đã bỏ qua nó quá lâu. Có lẽ do tồn tại một nỗi sợ hãi rằng: đây là loại năng lượng duy nhất trong vũ trụ mà con người không thể học cách điều khiến bất kỳ lúc nào.

Để có một hình ảnh tượng trưng cho tình yêu, cha đã thực hiện một sự thay thế đơn giản trong phương trình nổi tiếng nhất của mình. Thay vì sử dụng công thức E = mc2, ta chấp nhận rằng, năng lượng hàn gắn thế giới có thể đạt được bằng tình yêu được sản sinh với tốc độ ảnh sáng bình phương, thì chúng ta hoàn toàn có thể đi đến kết luận:Tình yêu chính là một lực mạnh vô song, bởi nó không hề có bất kỳ giới hạn nào. Sau những sai lầm của nhân loại trong việc sử dụng và điều khiển những nguồn lực trong vũ trụ dẫn tới phản tác dụng, đã đến lúc chúng ta phải nuôi dưỡng mình bằng một loại năng lượng khác…

Nếu loại người muốn tồn tại, nếu ta muốn tìm ý nghĩa của sự sống, nếu ta muốn bảo vệ thế giới và tất cả những loài hữu tình khác, Tình yêu chính là câu trả lời đầu tiên và duy nhất.

Có thể chúng ta chưa sẵn sàng để chế tạo một quả bom tình yêu, một thiết bị đủ mạnh để hoàn toàn phá huỷ sự ghét bỏ, ích kỷ và tham lam đang tàn phá hành tinh này. Nhưng mỗi cá nhân vẫn luôn mang trong mình một chiếc máy phát tình yêu vô cùng mạnh mẽ và luôn sẵn sàng để được giải phóng.

Lieserl con yêu, khi chúng ta học cách cho và nhận nguồn năng lượng vũ trụ này, chúng ta phải thừa nhận rằng tình yêu có thể chinh phục tất cả, vượt qua bất kỳ chướng ngại nào, bởi tình yêu chính là tinh tuý của sự sống.

Cha vô cùng ân hận vì đã không thể nói lên những điều trong trái tim mình, nơi mà từng nhịp đập trong cả cuộc đời này đều dành cho con. Có lẽ đã quá trễ để nói lời xin lỗi, nhưng thời gian cũng chỉ là sự tương đối, cha vẫn cần phải nói với con rằng Cha yêu Con, và nhờ có con mà cha mới có thể đi đến câu trả lời cuối cùng!”

Cha của con,
Albert Einstein

Mạnh Đoàn st.

Phụ bản IV

Quả báo có hay không

Hai sự việc cùng 13 năm

1. Dùng ná thung bắn tôi

Hồi đầu thập niên 1950, ở quận Tư, giữa đường Xóm Chiếu và Tôn Đản, nhà cửa còn thưa thớt, ít lắm. Nó có nhà khoảng hơn 100 thước từ đường lộ vô thôi. Phần phía sau là ruộng. bác tôi còn cày cấy như ở nhà quê. Việc đi cầu, phần lớn là ra ruộng hay qua hai cầu tiêu công cộng bên đầm 14 ở hai ngã ba sông chớ không mấy nhà có cầu tiêu hầm. Trên rọc nước có chảy qua ngang hông nhà tôi, có nhà nọ có làm chiếc cầu tiêu lộ thiên (dĩ nhiên cách xa nhà ông ta trên dưới ba mươi thước). Tôi thường ra đó đi cầu. Trên đường đi học, tôi có gây lộn với một nhóm bạn cùng xóm. Một hôm tôi đang ngồi đi cầu, thằng Tòng đứng nép ở cửa sổ nhà thằng Ngọcdùng ná thung nhắm bắn tôi nhưng viên bi rớt trước mặt cách tôi độ một hai thước. Tôi về và từ đó tôi đi cầu ở cầu tiêu công cộng cách nhà tôi khoảng hơn ba trăm thước. Mười ba năm sau, thằng Ngọc bị ung thư chết… tuổi mới khoảng hai mươi lăm.

Sự việc coi như bình thường nhưng có sự việc khác cũng khoảng mười ba năm nên tôi lý giải: Thằng Tòng bắn tôi thì nó nhắm ở đâu? Ngồi đi cầu lộ thiên thì chỉ có từ cổ trở lên là nhô lên khỏi thành cầu. Nhắm bắn tôi thì nó nhắm vô mặt. Nếu rủi trúng mắt mà lực bắn mạnh thì có thể nó động vô não bộ phía sau mắt làm tôi chết cũng nên. Do vậy, thằng Ngọc cho thằng Tòng cùng cửa sổ nhà nó để bắn tôi thì nó phải trả giá bằng cái chết. Còn thằng Tòng, kẻ gây ác thì nó về quận Sáu ở nên tôi không biết.

2. Ở vùng giải phóng, ông Hiệu trưởng nói thầy Nghĩa về Sài gòn đi lính

Sáng thứ tư 28.09.1962, tôi nói với hiệu trưởng tôi là Nguyễn Điền Nghiêu rằng sáng tứ năm 29.09.1962 tôi ra Gò Đen cho thanh tra dự giờ lập hồ sơ vô ngạch cho tôi. Sáng thứ sáu 30.09.1962 tôi dạy một ngày nữa rồi thứ bảy 01.10.1962 tôi vô lớp từ giã học trò rồi về Sàigòn để thứ hai 03.10.1962 tôi đi quân dịch. Tôi nói cho anh biết, xin khoan nói với ai để thứ bảy 01.10.1962 tôi cho anh em biết rồi từ giã luôn. Sáng thứ năm, ông hiệu trưởng nói với thầy Bảy Nghĩa rằng bữa nay anh dạy thế lớp cho Ba Nghĩa rồi thứ hai tuần sau 03.10.1962 anh dạy luôn, nó đi lính đấy. Thầy Bảy Nghĩa nói với học trò tôi là thầy tụi bây về Sàigòn đi lính, sáng thứ hai 03.10.1962 trở đi, tao dạy tụi bây, tao sẽ đánh tụi bây sát ván. Thứ sáu 30.09.1962, học trò hỏi lại, tôi xác nhận. Sáng thứ bảy 01.10.1962 vô lớp, thầy trò tôi chỉ khóc chia tay. Tới 9 giờ, thầy hiệu trưởng đánh một hồi trống rồi bắt loa nói: “Bữa nay học trò trường Phước Vân được về sớm để thầy cô trường Phước Vân tiễn thầy Ba Nghĩa về Sàigòn đi lính”. Ông không nói đi quân dịch, khổ quá!!!

Nghe hiệu trưởng Nguyễn Điền Nghiêu nói, tôi than thầm trong bụng, vùng giải phóng mà ông nói như vầy!.

Tôi đi vòng quanh trường… nhìn nhìn… ngó ngó… Ra cổng trường đứng nhìn cầu đình Phước Vân, phòng học trong đình Phước Vân, nơi tôi dạy một niên khóa. Lên lầu ngó quanh… nhìn “mái trường in bóng lá dừa đen”… Vô trường đứng nhìn thầy cô kê bàn, dọn món ăn… Đi quanh trường, quanh nhà Hội, tới cổng đồn Phước Vân rồi lặng lẽ quẹo qua đường đất đỏ về trường.

Thầy hiệu trưởng đi mau ra mời tôi vô phòng dự tiệc chia tay. Tôi ngồi ăn uống, la dzô!... thật xôm tụ. Lần này uống bia khỏi phải kêu két nào. Tới 11 giờ, ông đại diện xã Phước Vân (sau 1975 gọi là Chủ tịch Xã) vô. Ông có một đứa con đang học lớp nhứt với tôi nên cũng tới tiễn thầy của con (nay nói là lớp năm).

Nhìn quanh bàn tiệc, ngoài thầy cô còn có hai vị khách là ông đại diện xã và bà Chín là chủ nhà của các cô giáo ở trọ để đi dạy. Bà có một đứa con ở trong bưng, nhà bà là một khu vườn ở ngay ngã ba Phước Vân.

Tới 12 giờ, bà Chín lại biểu tôi về đi để xế thì khó lắm. Lát sau bà Chín lại sau lưng tôi và biểu tôi dìa đi. Tôi nói:

- Con không dìa!

- Bà Chín biểu con dìa, nghe chưa!

- Con không dìa!

- Nghĩa, bà Chín biểu con dìa! Con không nghe bà Chín hả?

- Con không nghe ai hết!

- Trời ơi, cái thằng này, con không nghe bà Chín hả Nghĩa?

Bà đứng sau lưng tôi. Một lát sau bà lặng lẽ ra về. Nếu không có ông đại diện xã ngồi đó, liệu bà có kéo tôi đi không?

Bà Chín ra dìa một lát, một tên lính bên đồn Phước Vân qua báo với ông đại diện xã là việt cộng về đóng ở ngã ba Phước Vân. Ông đại diện xã chỉ thị là: “mầy về biểu anh cảnh sát đem một tiểu đội ra truy kích… Tao về bây giờ”. Ông đứng dậy chúc tôi về làm tròn nhiệm vụ công dân rồi trở về với anh em. Ông bưng ly bia lên và mời mọi người cùng uống nmột lượt cho vui. Như vậy rồi ông ra về.

Nhìn ra đường đất đỏ, hai toán lính bồng súng chạy lúp xúp hai bên lề đường. Họ qua khỏi cầu đình Phước Vân, một tiếng súng nổ, có lẽ họ bắn chỉ thiên để xua đuổi thôi. Chốc chốc có vài ba tiếng súng nổ nữa rồi im bặt. Tới hai giờ chiều toán lính lội sông về ướt loi ngoi. Tới ba giờ, các cô giáo nói xin các thầy ngưng để chị em tôi dọn dẹp và còn lo cơm chiều cho các cháu nữa.

Họ về ngã ba Phước Vân để làm gì? Nếu không có súng thì lính Phước Vân không nói là việt cộng đâu. Lính Phước Vân ở chòi cạnh cầu Phước Vân chỉ cách ngã ba Phước Vân trên dưới một trăm thước thôi nên họ nhìn rõ lắm (cầu Phước Vân và cầu đình Phước Vân là hai cầu khác nhau).

Hiệu trưởng Nguyễn Điền Nghiêu nói thầy Ba Nghĩa về Sàigòn đi lính, có lẽ họ về bắt thầy giáo Nghĩa là lính ngụy vô bưng. Họ có mang súng, có lẽ chỉ để uy hiếp thầy giáo Nghĩa đi theo họ mà thôi. Nhưng súng có khả năng tối đa là làm chết người, Ông Nghiêu tạo ra khả năng có thể làm chết thầy Nghĩa nên ông nhận quả báo là bị việt cộng bắn chết khi ở chòi canh dân phòng ở xã Phước Vân ngày 30.04.1975. Sự việc đau lòng không ai ngờ tới. Ông Nghiêu chết rồi, hai năm sau, con gái lớn của ông tự tử. Quả báo nặng lắm tới hai đời!.

14.09.2020 – Phạm Hiếu Nghĩa


Vài lời giới thiệu

về nhà thơ Lan Hinh – Trần Thị Lan

Kính thưa quý quan khách!

Tôi hân hạnh được giới thiệu với quý vị một nhà thơ nữ mới góp mặt vào làng thơ gần 10 năm nay. Tôi nói mới bởi nhà thơ mới cho ra đời trước sau tất cả 4 thi tập: Bến Nào – Đạo Thường – Vườn Hồng I và II.

Với một tâm hồn nghệ sĩ phong phú, cô rất say mê trong việc lựa từng con chữ, dệt từng áng thơ. Lại nữa, trong con người nhà thơ nữ này vốn sẵn luân lưu dòng máu văn chương thi phú.

Vâng, thưa quý vị tôi muốn nói đến nhà thơ Trần Thị Lan bút hiệu Lan Hinh, cô là thứ nữ của vị cố lão thành văn chương cách mạng nổi tiếng Á nam Trần Tuấn Khải, mà tôi tin chắc trong quý vị hiện diện hôm nay có người đã từng nghe danh cụ với những thi phẩm bất hủ: “Tiễn chân anh Khóa – Gánh nước đêm – Với sơnm hà v.v….”

Lan Hinh còn là em của hai nhà thơ có tiếng tăm từ lâu, đó là cố thi sĩ Trần Việt Hoài với thi phẩm “Tro tàn điện ngọc” và cố nữ sĩ Tuệ Mai Trần Thị Gia Minh với nhiều thi phẩm đã xuất bản từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước. Thơ Tuệ Mai rất trẻ trung sống động, đã đi sâu vào lòng thanh niên nam nữ thời đó, và đã từng đoạt giải thơ, từng được mệnh danh là “nữ hoàng thi ca”. Đã vậy, thân mẫu của Lan Hinh tức Á nam Trần Tuấn Khải phu nhân cũng là một phụ nữ nghệ sĩ tài hoa.

Được sinh trưởng dưới mái Trần gia Á nam có truyền thống thi phú như vậy. Thiết tưởng ngày nay Lan Hinh Trần Thị Lan đã trở thành nữ thi sĩ, thì tôi chắc quý vị cũng như chúng tôi đều không lấy làm lạ.

Riêng có một điều tôi muốn nói về nhà thơ Lan Hinh Trần Thị Lan. Cô tuy có chịu ảnh hưởng của nếp nhà, như thơ cô sáng tác không mang ý tưởng cách mạng hùng hồn như thân phụ Á nam Trần Tuấn Khải, không chút tâm trạng bi ai như thi huynh Trần Việt Hoài và cũng không mơ mộng trữ tình như thi tỷ Tuệ Mai… có thể khẳng định được rằng thơ Lan Hinh cũng không hề giống một nhà thơ nào khác. Bởi tâm tư Lan Hinh từ lâu đã hằng ôm ấp một lý tưởng riêng biệt kết tụ hồi cô còn ở Mỹ, nhưng tâm hồn luôn luôn muốn tô đậm lại những nét đẹp về bản sắc văn hóa dân tộc quê hương nước Việt mình.

Trong thi tập Bến Nào có những tựa đề như: Công, hầu, bá, tử - Ngư, tiều, canh, mục – Cầm, kỳ, thi, họa … Sau đây, xin đan cử một bến trong 4 bến: Sĩ, nông, công, thương – Bến nông dưới đây đã rất gợi hình qua ngòi bút Lan Hinh:

“Bến nào trong, đục ai hay

Thuyền theo dòng xoáy, gạo đầy lòng khoang

Ruộng nương chín nắng xôn xang

Chiêm mùa kịp vụ xóm làng chung vui

Khói chiều dâng hạt cơm cười

Thuận chèo em đến cùng người nông gia”

Trích Bến nào LH.

Thưa quý vị,

Về mặt khác, trong chúng ta ai nấy đều đã, đang và sẽ là những phụ huynh của lớp con em thuộc thế hệ này. Rất may mắn và hạnh phúc cho những gia đình nào có con em là con ngoan, trò giỏi; Đã cống hiến cho xã hội nhiều công dân ưu tú.

Tuy nhiên, trước tình trạng suy đồi của lớp trẻ nhẹ dạ hiện nay, chúng sống buông thả, học đòi theo những phim ảnh đồi trụy bán lén lút đó đây. Cùng nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ… Đã khiến chúng sớm đi vào con đường sa đọa, cuồng loạn! Nạn xì ke ma túy, chia bè kết đảng tranh dành đâm chém nhau luôn luôn xảy ra. Cũng như trên các nhật báo thường trưng ra không biết bao nhiêu là tệ nạn, thật hãi hùng khủng khiếp!!! Trước thảm họa này đã khiến lớp người lớn chúng ta không khỏi bàng hoàng âu lo!!.

Nhà thơ Lan Hinh Trần Thị Lan cũng trăn trở không ít. Cô chỉ còn âm thầm trang trải mối ưu tư của mình vào thơ với hoài vọng phần nào giúp các bậc phụ huynh, đỡ các thầy cô giáo trong việc rèn cặp các con em HỌC và HÀNH từ thuở ấu thơ.

Về phương diện giáo dục này, ít nhiều ta thấy Lan Hinh đã noi theo chí hướng của cha. Cụ Á nam Trần Tuấn Khải xưa đã từng tham gia trực tiếp việc giảng dạy, từng dịch sách Tam tự kinh của tầu sang Quốc văn, đã có thời được dùng làm sách giáo khoa.

Riêng nhà thơ Lan Hinh đã viết nên “Vườn Hồng ABC” 1 và 2. Đây là 2 thi phẩm dành riêng cho thiếu nhi, nêu cao luân lý nước nhà, dạy trẻ biết bổn phận làm con – kính thầy yêu bạn – lễ phép – chăm học – giữ vệ sinh thân thể v.v… bằng những bài thơ ngắn gọn, ý tứ trong sáng, nhỏ nhẹ rất giản dị hồn nhiên, từng trang lại có hình vẽ minh họa rất ấn tượng, dễ thâm nhập vào lòng trẻ, ví như:

“Thức dậy rửa mặt đánh răng

Rồi ra ăn sáng, áo quần thơm tho

Soạn xem sách vở học trò

Trình cha thưa mẹ, con lo đến trường

Học sao thầy bạn quý thương…”

Tác giả nêu sự chăm học và lễ phép thì như câu:

“Yêu cha mẹ, yêu thầy cô

Tung tăng này tuổi học trò đáng yêu

Bé ơi chăm học thầy nhiều

Con ngoan trò giỏi là điều yêu sao

Nói năng lễ phép mời chào…”

Và tập thói quen tốt:

“Giờ ăn, giờ học, giờ chơi

Giờ nào việc nấy ta thời chớ quên

Giờ nào thì ta phải kiêng

Giờ ăn đến, nhớ rửa liền đôi tay”

Quan trọng hơn là gây lòng yêu đất nước, nòi giống Lạc Hồng:

“Đang trong lứa tuổi học trò

Đã là nền tảng bến bờ non sông

Phải chăm đèn sách hết lòng

Mới mong rạng rỡ giống dòng Rồng, Tiên”

Đôi lúc tác giả còn pha chút nhí nhảnh, gây hứng thú cho trẻ:

“Hết giờ tan học ở trường

Em không lêu lổng ngoài đường ngọch tinh

Em, về giúp việc gia đình

Mong sao cha mẹ chúng mình được vui

Em ngoan mà – Anh chị ơi”

Trích Vườn Hồng I và II

Và đây, Lan Hinh còn với thi tập “Đạo Thường”. Vâng chỉ với 2 chữ Đạo Thường đơn sơ, nhưng nó đã hình dung troọn vẹn tâm nguyện cũa tác giả muốn nhắn nhủ giới trẻ giữ đạo đức làm người ở đời.

“Những mong nước vững dân giầu

Dạy trẻ chữ lễ làm câu răn mình”

Và như:

“Đạo Thường vốn quý vào đời

Học hiểu thông suốt nên người tài danh

Phải theo từng bước Cha, Anh …”

Không những chỉ riêng có thơ mà ở thi phẩm này, tác giả đã soạn thảo khá công phu. Một bên trích từng đoạn ngắn văn xuôi, rút từ sách dịch Tam tự kinh của thân phụ Á nam, còn một bên là bài thơ ngắn do Lan Hinh sáng tác. Ví như bài “Chữ Hiếu”. Bên văn xuôi có đoạn ghi, đại ý: “Đạo làm người trước hết phải hiếu với cha mẹ, thì gần mới biết yêu mến anh em, mà xa mới biết quý chuộng đồng bào đồng chủng, cho nên sự học phải bắt đầu bằng chữ hiếu”.

“Nhắn ai bổn phận làm người

Học câu hiếu thảo suốt đời đừng quên

Hiếu tròn đức, đạo con hiền

Ấy là bài học trước tiên làm người…”

Trích Đạo Thường LH.

Thật sự, việc làm của nữ sĩ Lan Hinh giữa thời điểm này rất đúng lúc, đáng được đề caovà ngòi bút sáng tác theo chiều hướng giáo dục như thế này quả là còn rất hiếm hoi, đáng khích lệ!.

Thân chúc nhà thờ Lan Hinh Trần Thị Lan mạnh khỏe để cho ra đời thêm nhiều thi phẩm giá trị khác nữa.

Kính chúc quý vị vui vẻ hạnh phúc.

31.08.2008 NH-NNH
Như Hiên – Nguyễn Ngọc Hiền

Phong trào bình dân học vụ năm 1945

Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2.9.1945). Ngay sau đó, 3.9.1945, Bác Hồ chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính Phủ. Tại phiên họp, bác nêu 6 nhiệm vụ cấp bách phải làm, trong đó nhiệm vụ thứ 3 là “mở chiến dịch chống nạn mù chữ cho toàn dân”. Ngày 8.9.1945 Nha Bình Dân Học Vụ được thành lập. Được biết 80 năm nô lệ của thực dân Pháp hơn 95% nhân dân ta mù chữ. Tiếp đó ngày 4.10.1945, Người kêu gọi “chống nạn thất học” đăng trên báo Cứu Đuốc, thư có đoạn viết:

“Quốc dân Việt Nam

Muốn giữ vững nền độc lập

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ”. (1)

Lời kêu gọi của Bác như một luồng gió mới được thổi vào lòng của mỗi người dân. Đó cũng là nguyện vọng tha thiết của mỗi người dân đều muốn được học hành.

Lúc ấy, trong lòng người đậu bằng yếu lược cũng rất ít, chỉ tính trong lòng bàn tay. Tôi được giao nhiệm vụ làm giáo viên Bình Dân Học Vụ (BDHV) để dạy chữ cho nhân dân. Lớp học BDHV được mở ngay trong các trường, đình, cả nhà dân nào rộng cũng trọng dụng để mở lớp. Học sinh là những người lao động của các nghề nghiệp khác nhau, tuổi tác cũng khác nhau, nam có nữ có đều học chung một lớp học. Ngày học 2 buổi, sau giờ lao động: buổi trưa và buổi tối. Lớp học lúc nào cũng đông người không đủ chỗ ngồi, học sinh phải mang theo ghế để ngồi. Lúc đầu học sinh phải khổ sở chống lại giấc ngủ trưa đã thành thói quen lâu nay. Còn buổi tối ánh sáng không đủ bởi ngọn đèn dầu yếu ớt. Nhưng rồi mọi việc đều quen đi, vượt qua tất cả học sinh cùng học càng phấn khởi.

Những buổi đầu, học sinh gặp nhiều khó khăn nhất là việc cầm bút cho giáo viên phải cầm tay học sinh nắn nót từng chữ. Giáo viên phải đặt câu hình tượng từng chữ cho học sinh dễ nhớ:

… “O” tròn như quả trứng gà

“Ô” thì đội mũ

“Ơ” thời mang râu…

Giáo viên phân công đi sát từng gia đình nhắc nhở việc học, hỏi chữ từng người. Kiểm tra việc học bằng cách tại cổng chợ dùng tấm bảng rồi viết lên đó, ai muốn vào chợ phải đọc được chữ, ai không đọc được thì không được vào chợ để mua bán. Họcă bất thình lình giăng dây trên các con đường đi lại để kiểm tra việc học. Nếu từng đám ruộng đang gặt, đang cấy để hỏi chữ. Khẩu hiệu cho phong trào diệt dốt treo khắp nơi, giăng ngang đường, cổng chợ, viết ngay trên những cái nong dựng ở các ngã tư đường cái, viết lên thành cầu, tường nha, đình, chùa, trên mặt đường cái quan (quốc lộ 1), những tảng đá to trên núi viết bằng vôi trắng ở xa mấy trăm mét cũng thấy khẩu hiệu. Có khẩu hiệu “quá to”:

“Có chồng biết chữ là tiền

Lấy chồng mù chữ là duyên con bò”

Mặc dù trưa hè nóng bức hoặc mùa đông giá lạnh lúc nào lớp học Bình Dân Học Vụ cũng vang lên tiếng đọc ê, a… đánh vần từng chữ.

Người dạy cố truyền lại kiến thức cho người học không so đo tính toán gì cả, miễn sao người học viết và đọc chữ là họ vui sướng rồi.

Ngay trong thời ấy chính phủ thành lập Nha Bình Dân Học Vụ để lo việc học hành cho toàn dân. Bác luôn luôn theo dõi phong trào BDHV, ngày 6-8-1947 gởi điện tới hội nghị BDHV khu XII, Người mong các đoàn thể đồng bào khu XII hết sức phát triển BDHV: “Như thế thì về mặt trận văn hóa chúng ta sẽ thắng lợi như thể về mặt trận khác trong cuộc trường kỳ kháng chiến”. Nhân dịp 2-9-1948, Người gửi thư cho nam nữ chiến sĩ BDHV, khen ngợi cá chiến sũ BDHV trong 3 năm đã thanh toán nạn mù chữ cho gần 8 triệu người.

Ngày 24-1-1951, Bác gởi thư cho Nha Bình Dân Học Vụ về việc thưởng Huân chương kháng chiến cho Nha Bình Dân Học.

Ngày nay Bộ giáo dục – Đào tạo nghĩ gì 50 năm ngành BDHV, về người chiến sĩ trên mặt trận diệt giặc dốt. Phần thưởng xứng đánh cho người chiến sĩ ấy “Huy chương diệt dốt” vì học “cơm nhà áo vợ” phục vụ cho nhân dân mù trặm sự khởi đầu nan. Nhân ngày 51 năm ngành BDHV, tôi có mấy lời tâm sự như vậy, vì phong trài văn hóa đem lại cho mọi người vẫn còn là vấn đề thời sự hiện nay.

Cuối năm 1948, Quảng Ngãi đã thanh toán nạn mù chữ. Ngày 31-12-1948 đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt chính phủ dự lễ thanh toán nạn mù chữ trao huân chương Độc Lập hạng nhất của chính phủ cho nhân dân Quảng Ngãi về thành tích tăng gia sản xuất và thanh toán nạn mù chữ.

Bùi Đẹp (giáo viên BDHV)


CÁNH CHIM KHÔNG MỎI


Anh phụ xế vỗ rầm rầm vào hông xe, miệng hét tóe khói: Tốp, tốp..!

Chiếc xe rướn thêm một đỗi rồi dừng hẳn. Hành khách ngã chúi tới trước, bật ngữa ra sau. Tiếng cười rộ lên, họ bảo nhau:”Tới rồi, xuống đi!”

Chờ cho hành khách xuống hết, tôi mới vói lấy túi xách, thong thả đứng lên. Chân tôi vừa chạm đất, chiếc xe lao vụt đi. Bây giờ, chỉ còn lại mình tôi đứng chơ vơ giữa phố huyện. Tôi bồi hồi chưa muốn dời chân. Đã mấy mươi năm xa cách, cảnh cũ thay đổi đến ngạc nhiên. Mấy căn nhà lá lụp xụp đã biến mất. Thay vào đó san sát những ngôi nhà tường đứng xếp hàng thành hình chữ U. Cửa ngõ hướng vào chợ.

Nắng chiều lấp lóa trên những tấm sáo kẻ sọc trắng xanh. Phía dưới, hàng hóa bày la liệt. Dù chợ đã tan, chẳng có người mua sắm, chủ các quầy hàng vẫn ngồi chồm chỗm trên ghế xếp, nhong nhóng nhìn ra.

Hồi đó, chợ nhỏ, thưa người. Hàng hóa cũng chẳng được bao nhiêu. Chợ nhóm khoảng một giờ là tan. Tiếng là chợ huyện nhưng đấy chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của vài chục hộ sống rải rác quanh. Tờ mờ sáng, từ các ngõ ngách chằng chịt, họ đổ ra chợ. kẻ bán, người mua. Loáng cái, hết vèo. Lúc nầy, chợ trông giống một bãi đất trống vương vãi rác. Trẻ nhỏ thường tụ tập chơi ô quan, trốn tìm…Nội trợ, chỉ có quán bánh bèo của bà ba là đặc biệt nhất. Bà ba cứ bán hoài, bán mãi cho tới khi nào hết bánh mới dọn. Có hôm đến xế trưa. Tôi không sao quên được những tấm bánh bèo trắng phau, deo dẻo như những cái đĩa tí hon đựng đầy đậu xanh nghiền nhuyễn. rưới một lớp nước cốt dừa đặc sánh, béo ngậy, ăn vào ngon không thể tưởng. Ai thích vị mặn thì cứ bảo, bà ba xúc thêm cho một muỗng nhân tôm, chan ít nước mắm tỏi ớt.

Bây giờ, một quán cà phê mọc lên ở đó. Bàn ghế đều bằng nhựa, bày chật ních gian trước. Dăm ba người ngồi há hốc mồm nhìn lên màn ảnh nhỏ của một cái ti vi màu. Họ đang xem phim kiếm hiệp Hồng Kông. Tiếng vũ khí chạm nhau loảng xoảng. Tiếng cát chạy, đá bay ầm ào. Tiếng thét rùng rợn của diễn viên…Tất cả trộn lẫn vào nhau, làm cho một góc chợ chiều trở nên nhộn nhạo.

Qua khỏi phố chợ là cánh đồng bát ngát. Men theo đường đất quanh co, khúc khuỷu, tôi đến đầu làng. Tôi ngỡ ngàng nhìn nhà cửa mọc lên chi chít, Không như ngày xưa, nhà nọ cách nhà kia một mảnh vườn, vuông sân hay một con lạch nhỏ. Ban đêm, những ngọn đèn dầu leo lét ẩn hiện, chập chờn như những đốm lửa ma.

Vật còn tồn tại với thời gian là cây đa và tấm bia đình làng. Nhưng năm tháng đã phủ một lớp bụi cằn cỗi lên cây đa cổ thụ. Nó già rũ như một ngôi nhà cổ lợp lá xanh mông mốc. Tấm bia đá đứng gần đó xám xịt, trơ trọi. Những hàng chữ đã phai màu. Lớp rêu xanh rì bám dầy đặc quanh khung như một đường viền vừa được tô màu. Giữa sân đình một dãy lớp học đứng chắn ngang. Cái đình làng biến đi đâu mất? Chợt trông thấy một người đàn ông tóc hoa râm, đang ngồi ở bậc thềm trước một lớp học, tôi liền tới gần:

- Ông anh này, cái đình đâu rồi?

Ông ta nhìn từ đầu xuống chân, rồi từ chân lên đầu, cuối cùng dừng lại ở cái túi xách của tôi. Ông ta gật gù:

– À, ở đâu mới lên đây hả?

– Dạ, ở thành phố Hồ Chí Minh.

– Ờ, “Sài Gòn” đó chớ gì! Hèn gì không biết cái đình bị kẹt đàng sau dãy lớp học.

Nghe giọng nói chắc hẳn phải là dân rặc ri ở đây, tôi mừng rỡ hỏi tới:

– Ủa, sao kì vậy anh? Tôi nhớ hồi đó đâu có dãy lớp học nầy. Hết chỗ xây trường rồi sao mà…?

Anh ta quơ tay một vòng, vẻ tức tối:

– Ờ, nghĩ cũng kì thiệt.. Nhưng đận ấy vừa mới giải phóng. Cha nào cha nấy sợ tàng lan, tùm lum, tầm bậy tầm bạ. Cho là cái đình nầy thờ quan lại thời xưa. Phong kiến quá xá, đâu được! Mà dẹp cái đình thì sợ ông thần bẻ cổ, vặn tay. Lớp sợ dân chúng chửi. Bàn bạc mấy ngày, trưởng làng tìm ra một cách là giấu cái đình, tức là cái phong kiến ra đằng sau dãy lớp học. Vậy đó, xúm lại đóng góp, xây liền một dãy phòng án ngữ cái đình. Mái đình cũng bị che khuất luôn.

– Trời đất! Rồi làm sao vô cúng đình?

– Đi vòng.

Anh ta chỉ một lối đi nhỏ bên hông lớp học. Thấy anh cởi mở, tôi hỏi:

– Điệu nầy, nếu mời gánh tới thì diễn ở đâu ?

– Thì diễn ở đây. Sân khấu dựng trước cửa mấy lớp học nè. Dân làng ai tới trước ngồi trong vòng rào. Ai chậm chân thì đứng ngoài lộ ngó vô.

– Ông thần trong kia, hát hò ngoài nầy thì còn nghĩa lý gì nữa!

Liếc tôi một cái rõ dài, anh nói:

– Sao không nghĩa lý cha nội. Cúng thì có xôi, chè, hoa, quả, gà, vịt. Còn hát hò chủ yếu để phục vụ bà con làng xóm. Còn như ông thần, nếu ổng muốn xem hát thì đi vòng ra đây chớ khó khăn gì. Ủa, bộ anh có bà con gì với ông thần đình làng này sao mà trách móc đủ thứ vậy anh bạn?

Ngồi xuống cạnh anh, tôi hưởn đãi nói:

– Tôi là người làng nầy. Đi biệt xứ bấy lâu mới quay về. Nhà tôi ở ven sông, chỗ khúc quanh vào vườn bưởi đó.

Vỗ đánh bốp vào vai tôi, anh kêu lên:

– Té ra là con bác ba Thời, là…Hai Minh, Minh đờn cò. Nhớ tôi không? Hai Sự nè!

Tôi chợt nhớ tới người thanh niên khi xưa. Anh hay cởi trần, mặc độc có cái quần xà lỏn. Hai Sự quê tận Cà Mau, nơi tiền rừng, bạc bể. Thế mà hai vợ chồng anh chèo chống về đây lập nghiệp. Họ sống trôi nổi trên sông. Cứ bìm bịp kêu nước lớn, chiếc ghe trở về. Nước ròng lại tháo lui theo triều nước. Người vợ quảy gánh hàng tạp nhạp như tiêu, tỏi, hành, ớt, đường đậu, hột vịt…lên chợ huyện bán. Tan chợ, về thổi cơm trên bến. Ăn xong, vợ chồng chui vào trong cái mui ghe, đánh một giấc đến xế. Những hôm bán ế, họ phải neo ghe lại. Đêm, người chồng mò ra sân đình, tấp vào quán hớt tóc, nhập bọn với những người đàn ca tài tử để nghe đàn hát đến khuya. Thuở đó, ở đây ai cũng phục ngón đờn cò của tôi. Mỗi lần tôi se dây, tiếng đàn như một bàn tay mỹ nhân ve vuốt cõi lòng người nghe, họ cảm thấy buồn da diết như đắm chìm trong nỗi khắc khoải, nhớ tiếc xa xăm.

Tôi còn nhớ, ngày đó thật là khủng khiếp. Giặc mở trận càn quét lớn. Một tốp lính ập vào làng bắn phá. Giữa lúc đang họp chợ, mọi người kinh hoàng bỏ chạy tán loạn. Vợ Hai Sự bụng mang dạ chửa gần ngày sinh, lệt bệt quá, chạy không kịp, bị trúng đạn chết tại chỗ, nằm vắt ngang quang gánh. Đứa nhỏ trong bụng vẫn còn chòi đạp. Trong lúc mọi người luýnh quýnh tìm cách cứu đứa nhỏ, đem nó ra khỏi bụng mẹ thì pháo địch bỗng dập ì đùng. tới tấp. lại một phen chạy bán sống bán chết. Chừng tiếng súng im, tôi chạy về nhà, bàng hoàng trước cảnh nhà tan, cửa nát. Mẹ và em gái tôi cũng bị trúng đạn pháo, chết tự bao giờ. Đó là một ngày thê thảm nhất của làng tôi. Nhà nào cũng có người chết. Tiếng khóc than dậy trời. Tôi không biết nhờ vào sức lực nào mà tôi đã lo xong mồ mả cho mẹ và em gái, Tôi chỉ nhớ rằng sau đó tôi bị sốt mấy ngày liền. Nhờ láng giềng giúp đỡ, lo thang thuốc tôi khỏe lại. Rồi vì buồn không chịu được, tôi khóa cửa, gởi nhà cửa, vườn tược nhờ người anh họ trông chừng rồi tìm ra vùng giải phóng xung phong vào đội văn công. Chúng tôi phục vụ những đơn vị trực tiếp kháng chiến. Bộ đội đánh tới đâu, chúng tôi theo tới đó. Chúng tôi dùng lời ca tiếng nhạc tiếp sức cho bộ đội ta đánh giặc. Tôi học sử dụng một số nhạc cụ khác như đàn tranh, đàn bầu…

Hòa bình, tôi được mời gia nhập đoàn biểu diễn nhạc cụ dân tộc và được tham gia nhiều đợt giao lưu văn hóa với nước ngoài. Chúng tôi được người ngoại quốc hoan nghênh nhiệt liệt. Mới đây, tôi được phong tặng nghệ sĩ ưu tú.

Hôm nay, trở lại làng xưa, trước thực trạng đau lòng nầy, lòng tôi như bị ai cào xé. Tôi dò ý người bạn cũ:

– Anh có muốn đình ra đình, trường ra trường không?

– Muốn chớ sao không. Chính quyền có bàn bạc sẽ xây trường chỗ khác rồi cho trùng tu đình làng nhưng hiện giờ chưa có đất, tiền cũng chưa đủ. Không biết đến bao giờ mới xong !

Tôi chợt nhớ ruộng vườn nhà mình thênh thang. Vợ con tôi người thành phố, không biết cày cấy nên tôi phải nhờ người anh bà con đứng ra cho láng giềng thuê đất làm ruộng hay trồng rẫy. Lâu lâu, anh ấy mang tiền lên cho chúng tôi. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không hiến bớt hai công đất cho chính quyền xây trường học. Làm vậy tuy huê lợi có giảm chút ít nhưng cái lợi cho bà con thì nhiều. Đất rộng sẽ xây được trường lớn. Các cháu của tôi đi học cũng gần mà cái đình cũng ra…cái đình. Nơi mà tuổi thơ tôi có biết bao kỷ niệm khó quên. Tôi liền nói ý nghĩ ấy cho anh Hai Sự nghe, anh vỗ vai tôi cười ha hả.:”Tốt quá! Tốt quá! Đúng là khó trăm lần dân liệu cũng xong. Tôi kết anh rồi nghe anh Hai Minh!”

Tôi đứng lên, mỉm cười:

– Bây giờ, tôi phải về nhà anh họ. Tối nay, anh có rảnh ghé chơi! À mà anh hiện giờ ra sao? Vẫn ở trên ghe hay lên bờ sống rồi?

Hai Sự cười hà hà:

– Lên bờ rồi! Ở nhờ đất ông già vợ. Ông Chín Thới đó anh. Cách vuông nhà anh cái xẻo đó.

– Ôi trời! Hổng lẽ anh cưới nhỏ Lụa sao trời. Nhỏ đó lém lắm!

Hai Sự cười ha hả:

– Vô tay tôi hết lém rồi. Bây giờ tối ngày nấu cơm, giữ hai thằng nhóc cũng rã hơi. Phen nầy mà anh cho đất cất trường, hai thằng con tui được học gần nhà, mà trường mới nữa chứ. Cám ơn anh trước nhe. Tui kết anh thiệt rồi!

Tôi mỉm cười, lòng bỗng vui sao là vui!

Tôi rẽ vào con đường nhỏ dọc bờ sông. Nắng đã tắt lâu rồi. Nước đang lên, sóng nhấp nhô. Xa xa, thấp thoáng những cánh chim màu nâu, ức đỏ như chứa lửa. Ôi! Thương làm sao loài chim gọi nước về. Tôi xiết chặt cái túi xách có cây đàn cò trong đó. Tôi mơ tưởng đến ngày mai. Cạnh khu vườn nhà tôi mọc lên ngôi trường mới.

Nguyễn Thị Mây

MỤC LỤC

Chi tiết về cuộc họp ngày 10/10/2020 ......... Vũ Thư Hữu ............ 03

Hình ảnh sinh hoạt CLB Sách Xưa và Nay ........... 07

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN “ĐỜI SỐNG QUÂN SỰ Ở BẮC KỲ” CỦA ĐẠI ÚY LECOMTE Vũ Anh Tuấn 13

Lịch sử Giáo Hội Cộn g Giáo (tt- kỳ 9 )
Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm & Giuse Nguyễn Hữu Triết . 15

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ - 2020 ............ Phạm Vũ ............ 22

VỤ ÁN GALILÉO (1564-1642) CẦN NGHE LẠI.
Linh Mục Giuse Nguyễn Hữu Triết. ........... 38

CHÚA, PHẬT ĐÃ BỎ LOÀI NGƯỜI, HAY LOÀI NGƯỜI ĐÃ PHẢN BỘI CÁC NGÀI ? Tâm Nguyện 42

NHỮNG LỜI KHUYÊN HAY, ĐÁNG SUY NGẪM
Lệ Ngọc st . ........... 57

NHỮNG CÁI XƯA NHẤT Ở NƯỚC TA
Đào Minh Diệu Xuân st. ........... 62

ĐỂ BIẾT SỰ KHÔN NGOAN VÀ LỜI GIÁO HUẤN
Levon Mkrtchyan - Thúy Toàn ........... 74

Tình Xa Xưa ......... Hoài Ly ............ 85

Mừng Ngày độc lập ........ Thanh Xuân ........... 86

Biến đổi ........... Lê Minh Chử ........... 86

Tình Cội Nguồn ......... Thanh Xuân ........... 87

Đất thiêng ........ Lương Văn Nhung ........... 88

Nỗi niềm thương đảo ............ Đinh Thị Diệu ........... 89

Anh về đúng giờ .......... Phùng Chí Tâm ........... 90

Ở cuối đường hoa ............................ 91

Hồi tưởng ........... Vũ Thùy Hương ........... 92

Café ly biệt ........ Vũ Thùy Hương ........... 93

Cảm nhận bài thơ Một tấm lòng ...... Ngàn Phương ........... 94

Hát đi nghe vỡ tiếng đàn ....... Kim Thoa ........... 96

Sài Gòn xưa ....... Chữ Đồng Minh ........... 97

Sinh nhật ............ K.H. Quang Bình ............ 97

Hồi ức ............ K.H. Quang Bình ............ 98

Thao thức ................ Kim Thoa ........... 98

AI CÓ CÁI GÌ THÌ SỐNG VỚI ĐỜI BẰNG CÁI ĐÓ
Đàm Lan ............ 99

Chưa Đủ ......................... Đàm Lan .......... 100

Gần Xa Ngắm Ngợi .............. Đàm Lan .......... 101

CHIÊM BAO ............. Trần Nhuận Minh .......... 102

DREAMING
Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn ....... 104

Yêu, thuốc tiên chữa bệnh ......... Zen - Bùi Đẹp st. .......... 106

Quốc gia nào thông minh nhất Thế giới?
Phương Thảo - Hoàng Chúc st. ................ . 110

27 lý do khiến chúng ta nên cười mỗi ngày
Tú Vũ - Đổ Thiên Thư st. ............ 115

THỜI TRỜI ............ Phạm Hiếu Nghĩa .......... 117

CHUYỆN ÔNG TƯ CHẾT MÀ VUI
Bùi Dung - Hoàng Kim Thư st. .... 122

VÀI LỜI TÂM TÌNH VỀ EMAILVÀ INTERNET
Mạnh Đoàn st. ....... 134

Ngâm thơ phòng bệnh .......... Quan Thúy Mai st. .......... 139

ĐIỆU BUỒN TRĂM NĂM ....... Nguyễn Thị Mây ......... 142



|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
 156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
 161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
 171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
 176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
|  156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
|  161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
|  171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
|  176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
Netadong.com thiết kế