Hiện có 5 người xem / 2348092 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP

NGÀY 08/01/2022 CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai tân quý thư mà ông mới có. Lần này cả hai cuốn đều bằng Pháp văn. Cuốn đầu là một bộ sách 2 tập đóng làm 1, dày tổng cộng 713 trang (345+368) khổ 12x18 mang các tựa đề tập 1 là Sự dâm dật trong tiểu thuyết Pháp hiện đại, và tập 2 là Sự dâm dật trong văn học nước ngoài (L’érotisme dans le roman francais contemporain và L’ érotisme dans la littérature étrangère) của một tác giả người Pháp tên là RENÉ VARRIN, và cuốn này được nhà xb. Éditions de la Pensée Moderne ở Paris in năm 1954. Cuốn thứ nhì mới chỉ là tập 1 lại được một nhà xb khác là nhà Lutecia-Editions in ỏ thành phố Lyon và không để năm in. Điều đáng lưu ý và tức cười là trên cuốn mới chỉ là tập 1 này, tên tác giả lại được ghi là RENÉ VARIN tức là có một chữ R bị tịch thu, và đây theo người viết. thì là “một bằng chứng hùng hồn là Tây cũng tam sao thất bản” quá bạn ạ. Nội dung của cả 2 cuốn sách là 2 bài lược khảo (essai) của tác giả nói trên và một số trích đoạn cùa nhiều tác giả khác.

Cuốn sách quả là một kho tài liệu về sự dâm dật trong tiểu thuyết và văn chương cho dịch giả Vũ Anh Tuấn là người, trong tuổi trẻ đã đọc hầu hết các tác phẩm dâm dật trong văn chương Pháp và văn chương thế giới. nên với ông, cuốn sách… quý ơi là quý! Cuốn thứ nhì được giới thiệu hôm nay cùng bằng Pháp văn và là một tác phầm của đại văn hào Victor Hugo, mang tựa đề là Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables), khổ 11x17, dày 1782 trang, thuộc một nhà xuất bản cực kỳ nổi tiếng ở Pháp quốc là nhà xb “Bibliothèque de la Pléiade”.

Thường thường thì, với các nhà xuất bản khác, bộ “Những Người Khốn Khổ” (Les Misérables) của đại văn hào Victor Hugo thường phải in thành 4 tập, nhưng với nhà xuất bản đặc biệt này toàn bộ được in trong có một cuốn, và được in với loại giấy Thánh Kinh (papier Bible) cực mỏng nên cuốn sách dày tới 1782 trang. Ngoài 1486 trang cho toàn bộ truyện, lại còn 296 trang cho phần Ghi chú và Dị bản (Notes et variantes) nữa, thật là tuyệt vời trên đời hiếm có ! Điều tuyệt vời nhất, và không thứ giấy nào sánh kịp, là trên hai mặt của tờ giấy Thánh Kinh, các chữ đều rất là rõ ràng và riêng rẽ, không hề có sự chen lấn để khó đọc! Sau khi được giới thiệu, hai quý thư được một vài thành viên mượn xem một cách thích thú. Dịch già Vũ Anh Tuấn giới thiệu sách xong, anh Phạm Vũ lên nói về cố nhạc sĩ Văn Cao và tác phẩm Thiên Thai của ông. Anh Phạm Vũ nói xong, LM Triết lên giới thiệu với các thành viên cuốn cổ thư “Paroissiens Romains” của ngài được xb. năm 1860 (162 năm trước) mà vẫn còn tốt nguyên. LM Triết giới thiệu sách xong, anh Nguyễn Thái Sơn lên kể cho mọi người biết bài Trường Ca Sông Lô là của cố nhạc sĩ Văn Cao. Tiếp lời anh Nguyễn Thái Sơn, Thúy Mai lên hát tặng các thành viên bài “Mùa Xuân trên đỉnh núi” và bài “Việt Nam”. Thúy Mai hát xong, chị Ngọc Liên mừng thọ 70 tuổi vì sinh ngày 22/9/1951, và hát tặng các thành viên bài “Xuân này con không về”. Sau chị Ngọc Liên, anh Lạc lên hát tặng các thành viên hai bài ca. Anh Lạc hát xong, anh Kim Long lên đọc bài thơ của cố nhà thơ nữ Xuân Vân và hát tặng các thành viên một bài ca của Y Vân. Sau anh Kim Long Thúy Mai lên ngâm thêm bài thơ chúc Tết. Tiếp lời Thúy Mai, Lệ Ngọc lên ngâm tặng các thành viên bài thơ “Mừng Chúa Xuân”. Lệ Ngọc ngâm xong, Thùy Hương lên ngâm tặng các thành viên bài “Ước chi mộng thành” và một bài thơ về Huế. Tiếp lời Thùy Hương, anh Tốt lên ngâm tặng các thành viên bài thơ “Cuộc Đời”. Anh Tốt ngâm xong, Kim Sơn lên nói với các thành viên về “Những điều nên thử làm ở Saigon, nếu bạn đã sống ở Saigon, và hát tặng các thành viên bài “Đám cưới đầu Xuân của Trần Thiện Thanh. Kim Sơn nói xong, Tuyết lên hát tặng các thành viên hai bài của Tuấn Khanh là “Bao nhiêu thương nhớ” và “Mùa Xuân đầu tiên”. Cuối cùng anh Hùng lên nói về những niềm vui anh cảm thấy ở Câu Lạc Bộ và nói về chuyện Cảm ơn Đất Trời, và cuộc họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày. Các thành viên vui vẻ ra về hẹn gặp nhau lại ngày thứ bảy 12/3/2022.

Vũ Thư Hữu

VÀI DÒNG VỀ MỘT CUỐN SÁCH

TÔI MỚI L À M ĐƯỢC MỘT NỬA

CƯƠNG QUYẾT SẼ LÀM NỐT PHẦN CÒN LẠI.

Hơn một năm trước, khi anh Đoàn, người bạn chuyên lo việc in ấn Bản Tin cho tôi chưa đi định cư ở Mỹ, một số bạn ở Mỹ, ở Pháp và ở Úc của tôi, phần lớn đều đã bát và cửu tuần có mail và gọi điện cho tôi yêu cầu tôi gom tất cả trên 250 bài viết của tôi trong bộ Bản Tin vào 2, 3 tập sách in chữ to để họ dễ cầm đọc, thay vì phải đọc trên mạng quá ư… mỏi mắt! Đáp lời và thỏa mãn yêu cầu dễ thương của họ, tôi đã cùng anh Đoàn thực hiện được cuốn “12 Năm Viết và Dịch”, khổ 20x29, dày 578 trang, trong có 2 phần và gồm tổng cộng 131 bài viết, nghĩa là trên một nửa tổng số bài viết của tôi một tí. Cuốn sách. được soạn thảo kỹ lưỡng và in ấn rất đẹp đã được in nội bộ một số cuốn cho các bạn bè thân thiết nhất của tôi, và đã được gửi cho nhiều bạn bè trên mạng ở khắp mọi nơi. Những người ỏ các nơi đã nhận được sách ,mà muốn cho ai được cùng đọc, thì chỉ cần bấm nút chuyển tiếp là xong.

Bây giờ cuốn một đã xong, tôi đang nghĩ tới cuốn hai, và tuy đã có một người bạn mới thay thế anh Đoàn, tôi vẫn còn phải tìm tổng số những bài còn lại và sẽ nhờ anh bạn mới lo dàn trang và in nốt. Một số bà bạn thân của tôi cho việc tôi làm Bản Tin trong 15 năm trời nay là một dạng “ách giữa đàng, tự quàng vào cổ”, nhưng khi được tôi hồi đáp là tôi coi cái “ách đó như một khăn quàng đẹp mà tôi tự quàng vào cổ và thấy cực kỳ ấm áp chứ không khổ cực gì”. Nghe tôi trà lời vậy các quý bà đó thôi không bàn tiếp nữa.

Mấy hôm nay tôi đang rất muốn thực hiện cuốn còn lại này, nhưng khốn thay, sau khi nghỉ ngơi mấy năm nay (đã được 2 năm) khi chú tâm làm việc trở lại, tôi thấy oải ơi là oải.

Nhưng khi nghĩ tới việc có thể giúp các bạn bè ở khắp nơi, trạc tuổi tôi, đọc được các bài viết cách thoải mái, tôi cảm thấy mình cần phải vận dụng ý chí để … tiếp tục làm nốt cuốn 2, và cuốn này sẽ là cuốn sách chót chót chét chét mà tôi làm trong chuyến du hành qua cuộc đời này…

Hồi Ký 60 năm chơi sách
Vũ Anh Tuấn


LỊCH SỬ

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

(tiếp theo số 179)

BÀI 17:

CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN CẢI CÁCH

THỜI PHỤC HƯNG

(thế kỷ 15 và 16)

I. ĐỈNH CAO CỦA QUYỀN LỰC

Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14, cùng với ĐGH Innôcentê 3 (1198 – 1216), với Đạo Binh Thánh Giá (1096 – 1270), với những Vương Cung Thánh Đường nguy nga đồ sộ và với Tòa Án Tôn Giáo, Giáo Hội đã đạt tới đỉnh cao của quyền lực trên khắp Âu Châu.

Các Đức Giáo Hoàng, nhất là ĐGH Innôcentê 3 tự xem mình là đại diện chính thức của Thiên Chúa và có quyền thống trị cả thế giới về vật chất lẫn tinh thần. Tất cả các quốc gia Âu Châu và ngay cả Giáo Hội Đông phương đều phải chịu sự chi phối của Đức Giáo Hoàng La Mã và phải thần phục ngài. Chính ĐGH Innôcentê 3 ra lệnh điều động Đạo Binh Thánh Gía để tái chiếm Thánh Địa, đã quyết định đẩy mạnh hoạt động của Tòa Án Tôn Giáo nhằm tiêu diệt lạc giáo. Và cũng chính ngài đứng ra dàn xếp tất cả các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia cũng như các mâu thuẫn giữa vua chúa với quần chúng.

II. TÌNH TRẠNG ÂU CHÂU THỜI BẤY GIỜ

Trong khi đó, xã hội Âu Châu cũng bắt đầu chuyển mình. Ở các nước Pháp, Đức, Anh, các ngành thương mại và kỹ nghệ bắt đầu phát triển. Bên cạnh đó là sự xuất hiện và lớn mạnh của một giai cấp mới: giai cấp thị dân.

Về mặt chính trị , người ta thấy một sự bất mãn ra mặt đối với quyền thống trị của các Đức Giáo Hoàng. Một số quốc gia Âu Châu đã tìm cách thoát khỏi quyền lực ấy để trở thành các quốc gia tự trị.

Ở Đức, đã có những mâu thuẫn trầm trọng giữa Đức Giáo Hoàng với vua Frédéric 2, cháu nội Frédéric râu hung, đưa đến những cuộc giao tranh kéo dài nhiều năm.

Tại Pháp, việc vua Philip Le Bel bắt các giáo sĩ nộp thuế đã gây bất bình giữa Đức Giáo Hoàng và các Vua nước Pháp. Năm 1304 Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 11 qua đời. Năm 1309 Giáo triều dời về Avignon (Pháp). Suốt gần 70 năm trời, các Đức Giáo Hoàng đã phải đương đầu với nhiều khó khăn do triều đình Pháp gây ra.

Tại Anh, kỹ nghệ và thương mại bắt đầu phát triển mạnh, nhất là tại các thành phố lớn như Luân đôn, York… Về mặt tôn giáo, nhiều giáo phái tích cực hoạt động, gây ảnh hưởng không tốt đến đức tin Kitô Giáo.

Kể từ đầu thế kỷ 15, văn chương và nghệ thuật Âu Châu lại quay về với nền văn hóa cổ Hy Lạp và La Mã. Cuộc giao duyên giữa nền văn hóa cũ với nền văn hóa Trung Cổ đã làm phát sinh nền văn chương nghệ thuật Phục Hưng với những khuôn mặt sáng chói như LÊÔNACĐÔ DA VINCI, RAPHAEL, MICAEL-ANGELO. Đây là một nghệ thuật mang tư tưởng ngoại giáo, lắm lúc vượt ra ngoài khuôn khổ luân lý Kitô Giáo. Những bức tranh lõa thể, những bài thơ phóng túng được phổ biến rộng rãi nhờ nghệ thuật in ấn vừa được phát minh, đã không khỏi làm cho nhiều tín hữu thời đó vấp phạm.

III. NHỮNG DẤU HIỆU KHÔNG LÀNH

Trong lúc xã hội bên ngoài chuyển mình thì bên trong Giáo Hội lại xuất hiện nhiều dấu hiệu không lành.

Giáo Hội có quá nhiều quyền lực. Các Đức Giáo Hoàng nói chung xa hoa. Hàng giáo sĩ lắm lúc lạm dụng quyền hành. Quần chúng thì hoang mang vì cùng 1 lúc có hai vị Giáo Hoàng, họ chẳng biết theo ai. Một số các nhà giảng thuyết bị đồng tiền ám ảnh, đi sâu vào những việc làm không hợp với đức tin. Những vị có chức quyền như Đức Giáo Hoàng Alexan 6 đã tỏ ra bất xứng với chức vị của mình. Đó quả là những dấu hiệu không lành, bắt buộc phải đi đến cải cách.

IV. NHỮNG CON NGƯỜI LÀM NÊN CUỘC CẢI CÁCH

Những dấu hiệu không lành trong Giáo Hội và sự phát triển của Âu Châu về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội đã khiến một số người muốn đứng ra cải cách Giáo Hội. Bắt đầu là các luật gia, kế đó là một số các học giả và sau cùng là những người bất mãn với Giáo Hội. Đối với những người này các nhà lãnh đạo Giáo Hội quá phóng túng trong nếp sống luân lý và quá độc đoán về phương diện đức tin. Họ đòi cải cách, và điều này được các vị vua chúa, từng tranh chấp với Giáo Hội, ra sức ủng hộ. Trong số những người đề xướng Phong Trào Cải Cách, ta có thể kể tới:

— Pierre de Bruys (1110), môn đệ của Abêla. Ông đứng đầu một giáo phái. Giáo phái này không công nhận Thánh Lễ và chỉ xem bữa tiệc Thánh như là một hình thức tưởng niệm. Giáo phái này cũng đòi Giáo Hội cho phép các giáo sĩ kết hôn.

— Arnaud de Brescia (1155), cũng là môn đệ của Abêla, theo ông Giáo Hội không nên thủ đắc tài sản. Quyền hành chánh phải thuộc về những người không có chức vụ trong Giáo Hội và thành phố La Mã phải được giải phóng khỏi quyền cai trị của Giáo Hội.

— Các giáo phái Albi và Vanđô. Hai giáo phái này phản đối nếp sống phóng túng của hàng giáo phẩm. Họ cho rằng việc rao giảng Lời Chúa không chỉ là đặc quyền của hàng giáo sĩ. Đức Tin và đời sống nhất thiết phải lấy Kinh Thánh làm mẫu mực .

— Gioan Wicliff (1324-1384) là giáo sư tại Đại Học Oxford. Ông chống lại sự chuyên chế của hàng giáo sĩ, công kích việc bánh rượu trở thành Mình và Máu Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, việc xưng tội riêng với Linh Mục. Ông còn đòi hỏi Giáo Hội cho phép giáo dân đọc Thánh Kinh rộng rãi.

— Gioan Huss (1369-1415), Viện trưởng Đại Học tại Praha (Tiệp Khắc), là môn đệ của Wicliff, ông này công kích thói hư tật xấu của hàng giáo sĩ và sự tha hóa của Giáo Hội, lên án phiếu ân xá, không thừa nhận sự tôn sùng các Thánh và việc cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh. Ông đặt Kinh Thánh lên trên các tín điều và mệnh lệnh của Giáo Hội.

— Savônarôlê (1452-1498). Ông này chống lại nếp sống phóng túng nơi thành phố ông ở. Ông kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Ông chê trách Đức Giáo Hoàng và sự thoái hóa của Giáo Hội.

— Giáo phái Anabaptít, Giáo phái này chống lại các phẩm trật Giáo Hội, không thừa nhận việc rửa tội cho trẻ sơ sinh. Đối với họ, Kinh Thánh là trên hết và Giáo Hội phải tách rời khỏi thế quyền.

— Erasmô (1466-1536), là một học giả danh tiếng. Ông chỉ trích Giáo Hội La Mã và chủ trương giải phóng con người khỏi lầm lạc về đức tin. Theo ông phương pháp tốt nhất là đưa con người trở về với Thánh Kinh.

Nói chung, các nhà cải cách đều nhằm 3 mục tiêu chính là:

- Phản đối sự chuyên quyền và sự thoái hóa của hàng giáo sĩ.

- Đề cao Thánh Kinh và coi trọng sự tự do lương tâm

- Khuyến khích Giáo Hội từ bỏ quyền lực, của cải và không xen vào nội bộ của các quốc gia.

V. TA NGHĨ GÌ ?

Cũng như mỗi người chúng ta, có lúc mạnh lúc yếu, những chức sắc của Giáo Hội trên đường lữ thứ trần gian, cũng có lúc đúng lúc sai. Các phong trào Cải Cách không phải là một tai họa hay một chướng ngại vật, ngăn bước tiến của Giáo Hội. Đây chỉ là những tiếng chuông cảnh tỉnh, giúp Giáo Hội sửa sai, để trở nên tinh tuyền hơn.

Trong cái rủi, có nhiều cái hay. Lịch sử Giáo Hội trong mấy thế kỷ gần đây đã chứng minh điều đó.

Bài đọc thêm

DIDIER ERASMÔ (1536)

Người ta đã từng gọi Erasmô là ông hoàng của nhóm chủ nghĩa Nhân Văn. Quả vậy, ông đáng là đại diện cho nhóm Nhân Văn là nhóm đã tiên báo và chuẩn bị cho thời Cải Cách. Ông sinh tại Rotterdam (Hà Lan). Là Linh Mục nhưng ông không thi hành chức vụ Linh Mục. Ông được đào tạo tại Paris là nơi người ta công kích nền triết học Kinh Viện, và tại Oxford là nơi ông được John Colet hướng dẫn vào khoa học Thánh Kinh và vào khoa chú giải Thánh Kinh. Do đó Thánh Kinh chiếm một địa vị quan trọng trong quan niệm sống đời Kitô hữu và trong tác phẩm của ông. Cuốn “Sách cầm tay của người binh sĩ Kitô hữu” do ông viết vẽ ra gương mặt lý tưởng của một Kitô hữu được ví như một người lính: khí giới người ấy cầm không phải là các Bí Tích, cũng không phải là Giáo Hội hữu hình mà chính là Thánh Kinh. Chức tư tế, phụng vụ, các điều răn chỉ đủ tốt đối với những ai sống thứ đạo đức quần chúng, khác xa với việc bắt chước Chúa Kitô. Sau lúc từ Ý trở về, ông đã viết cuốn : “Lời ca những chuyện điên rồ” (1509), trong đó ông nhạo báng không chút nể nang Đức Giáo Hoàng, các Hồng Y.

Erasmô rất thông hiểu Thánh Kinh. Điều này được biểu lộ rõ nét, khi ông cho xuất bản cuốn Tân Ứơc bằng tiếng Hy Lạp.

Âu Châu hồi đó đang tìm cách đổi mới về mặt trí thức cũng như về mặt tôn giáo. Erasmô đóng vai trò dẫn đầu. Vai trò này của ông sẽ bị ông Lutêrô chiếm lĩnh tại Đức. Cả hai ông đều chủ trương phải trở về với tinh thần nguyên thủy Kitô Giáo, nhưng có một điều mà hai người không thông cảm được với nhau. Ông Erasmô thì nhìn con người với cặp mắt nhân văn, tức là nhìn một cách lạc quan , tin tưởng vào sự tự do, và vào ý chí nơi con người. Ngược lại Ông Lutêrô chỉ nhìn thấy nơi con người một bản tính hoàn toàn hư hỏng và tê liệt do tội lỗi. Chính Ông Lutêrô đã viết cuốn sách mang tựa đề: “Tự do ý chí” (Du serf-arbitre), chỉ trích nặng nề Ông Erasmô (1525). Khác với Ông Lutêrô, Ông Erasmô không cắt đứt liên lạc với Roma, Ông chỉ sống lập lờ, đúng với bản chất “nước đôi” nơi con người Ông .

Théo, tr. 388 a,b

(còn tiếp)
Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm
Giuse Nguyễn Hữu Triết


VỀ KINH NGỤY TẠO

(APOCRYPHA)

(tiếp theo số 179)

Người tu cứ kiên trì Giữ Giới, Thiền Đinh và Soi, Quán, một mặt Bố Thí, Phóng Sinh, như người từ từ vẹt tấm màn Vô Minh dày đặc. Đến lúc nào đó, màng Vô Minh mỏng dần, lần lần sẽ thấy, hiểu rõ hơn gọi là THỊ. Trước kia, người tu nghe nói đến cái CHÂN TÁNH hay BỔN THỂ TÂM, nghe nói rằng mỗi người đều có PHẬT TÁNH, nhưng mơ hồ, không biết có thật hay không ? Nó ở đâu ? Làm cách
nào để Thấy ? Đến một giai đoạn Quán, Soi, thực hành, đầy đủ công đức, người tu sẽ Chứng Ngộ gọi là THẤY TÁNH, tức là nhận ra cái BẢN THỂ TÂM CỦA CHÍNH MÌNH. Đó mới chính là cái MÌNH THẬT hay còn gọi là CHÂN TÁNH. Nó vẫn ở trong cái Thân Phàm, nhưng không phải là cái THÂN PHÀM như trước giờ mọi người vẫn tưởng lầm. Từ
vô lượng kiếp, nó vẫn song hành cùng cái Thân, nhưng nếu không tu hành thì không nhận ra. Ai Chứng thì người đó biết, gọi là “uống nước nóng, lạnh tự mình hay”.

Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết :

Phật Tánh tuy sẵn có
Phải tu mới hiển hiện.
Cũng như vàng sẵn có.
Phải lọc quặng mới thành”.

Công phu tu hành chính là lọc quặng. Do vậy, pháp môn nào không dạy Quán, Soi, không dạy Giữ Giới, không trừ Tam Tâm là Tâm Tham, Tâm Sân, Tâm Si. Không làm Lục Độ. Không Tìm Tâm, Thấy Tâm và Tu sửa cái Tâm thì không bao giờ THẤY TÁNH được.

Lục Tổ Huệ Năng. Sau khi nghe Ngũ Tổ giảng thì Ngài Thấy TÁNH hay gọi là Thấy Bản Thể Tâm nên đã đọc bài Kệ để diễn tả về nó :

“Nào dè Tánh mình vốn bất sanh, bất diệt.
Nào dè Tánh mình vốn tự đầy đủ.
Nào dè Tánh mình vốn không lay động.
Nào dè Tánh mình hay sanh muôn pháp”.

Không phải chỉ vừa Thấy TÁNH là đã Nhập ngay. Nhưng kể từ khi THẤY TÁNH thì chính cái Tánh sẽ hướng dẫn những việc cần làm, cần bỏ, cần sửa đổi, để hoàn tất công việc tu hành. Vì thế Chư vị Giác Ngộ gọi “Thấy Tánh Thành Phật”, hay “Kiến Tánh khởi tu”. Cái CHÂN TÁNH sẽ hướng dẫn trong mọi hành vi, từ suy nghĩ đến hành động, không còn bị cái PHÀM TÁNH lôi cuốn để dính mắc
vào Các Pháp, gọi là THOÁT PHÁP. Kết quả cuối cùng là Giải Thoát từc THÀNH PHẬT, hay còn gọi là Thành tựu Con Đường Giải Thoát Người Chứng Đắc là người đã thực hành và đạt kết quả cuối cùng như Đức Thích Ca mong
muốn khi khai Đạo. Việc tu hành đòi hỏi phải có sự quyết tâm và kiên trì. Vì thế, không phải tất cả những Đệ tử theo học với Phật đều Chứng Đắc. Do vậy, Phật đã phải Truyền Y bát cho người đã Chứng Đắc.

Vì chỉ người đã Chứng Đắc mới có thể hướng dẫn, truyền đạt lại cho người khác mà không sợ làm sai lạc mục tiêu mà Phật đã đề ra

e/- Vì sao Đức Ca Diếp chỉ Mỉm Cười mà được cho là đã Chứng Đắc và được Truyền Y Bát ?

Đây là vấn đề bao nhiêu thời qua đã làm điên đầu biết bao nhiêu người tu hành muốn tìm hiểu. Nhất là những người bên Thiền Tông. Vì kinh sách không giải thích rõ nên nên nhiều người suy diễn đủ cách. Có người cho là do Đức Ca Diếp “Cười đúng lúc”, “Cười ngô nghê”. Có người cho là vì “Đức Ca Diếp cười trong khi bao nhiêu người khác không
cười” ! Chúng ta thử nghĩ : Một tôn Giáo đề cao vai trò của Trí Huệ : “Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Ba đời Chư Phật đều y theo Trí Huệ Qua Bờ Bên Kia mà đắc Vô thượng Chánh Giác), thì lẽ nào đến lúc cần tìm người kế vị lại do một sự tình cờ quyết định, mà không phải do một sự tuyển chọn kỹ càng trong
những Đệ Tử. Người có Trí Huệ xuất sắc mới được thay Phật đảm đang, gánh vác Chánh Pháp?

Cũng do thời Đức Thích Ca đã giảng dạy, ngôn ngữ chưa đủ để diễn tả. Sự hiểu biết của con người thì có giới hạn. Việc tu hành lại không nằm ở phần hình tướng bên ngoài, mà phải tu sửa bên trong, gọi là TU TÂM. (Do Cái Tâm (tức là nơi xuất phát những tư tưởng, không có hình tướng nên thời xưa không thể diễn tả được, vì thế mà trở thành bí ẩn đối với người tu học thời đó. Cho tới thời của Tổ Đạt Ma cách Phật hàng ngàn năm, mà Ngài còn cho là:

“Tâm, Tâm, Tâm. Khó nỗi tầm. Tung ra bao trùm
khắp pháp giới.Thâu lại chẳng đầy mũi kim”... thì đủ hiểu). Vì thế, việc Thấy được cái Tâm để Tu Tâm không phải là điều dễ dàng so với thời xa xưa. Có Thấy được cái Tâm, chuyển hóa nó, mới hiểu được ý nghĩa của việc “Ở trong các Pháp mà Thoát các Pháp”, như hình ảnh Hoa Sen mà Phật dùng làm biểu tượng khi nói về kết quả của người thành tựu Con Đường Giải Thoát. Con Đường đó đưa con người từ ràng buộc, khổ đau, đến Giải Thoát, được thanh thản, an nhiên giữa dòng đời vẫn đầy biến động. Có biết quy trình
sống, chết, luân hồi của kiếp người chúng ta mới thấy hết ý nghĩa Giải Thoát của Đạo Phật. Thật vậy.

Con người thì thời nào cũng vậy, dù cuộc sống nhiều
phiền não, khổ đau, nhưng mê đắm không thể dứt ra. Vì Nghiệp mà Sinh ra, thời gian sống lại tiếp tục tạo Nghiệp rồi lại tái sinh để Trả Nghiệp! Vòng Luân Hồi không bao giờ kết thúc. Vì thương sinh chúng, Đức Thích Ca phải vận dụng nhiều phương tiện, dùng nhiều thí dụ, hứa hẹn đủ thứ Quả, Vị. Hoặc tả cảnh giới Phật ở Phương Đông, Phương Tây, trang hoàng bằng bảy thứ châu báu mà người đời ham thích, để họ cầu mong được về đó mà bớt đi tranh dành vật chất của cõi trần, làm cho cuộc sống ngắn ngủi thêm xáo trộn, đau khổ và bày ra một hành trình để người thực hành theo lần hồi sẽ được Giải Thoát, hết Khổ.

Người chấp nhận theo Đạo Phật tu hành để được Giải Thoát thì Phật đưa ra một số điều kiện để họ thực hành theo, đó là VĂN-TƯ-TU, GIỚI-ĐINHHUỆ, BÁT CHÁNH ĐẠO, và hứa hẹn nào là Quả Vị, nào là Niết Bàn, Phật Quốc v.v.. Nhưng mục đích chỉ để cho người tu đạt kết quả cuối cùng là được Giải Thoát khỏi mọi phiền não của cuộc sống. Được như Hoa Sen, sống giữa bùn mà không vương mùi bùn. Người tu hành thành tựu sẽ là người “sống giữa trần gian, giữa phiền não mà không còn bị phiền não nhiễu hại”. Đó chính là kết quả cuối cùng của công việc tu hành theo Đạo Phật.

Không phải là thành Thánh, thành Bồ Tát, thành Phật, với Quả Vị cao, thấp, Phật Quốc hay Niết Bàn mà Phật đã hứa. Vì thế nên khi nhìn Cành Sen là Ngài Ca Diếp hiểu ý Phật muốn nói vể kết quả mà người tu sẽ đạt tới, nên mỉm cười. Phật cũng biết Ngài Ca Diếp đã thông suốt Giáo Pháp như mong muốn, nên giao lại Tăng Chúng và Giáo Pháp cho
Ngài giữ gìn và phát huy.

f/- So sánh giữa người Chứng Đắc và người thông thạo Giáo Pháp.

Người thông thạo Giáo Pháp và ngưởi Chứng Đắc hoàn toàn khác nhau. Kinh ví như người chỉ thuộc Giáo Pháp như người đọc tên các loại thuốc mà không uống, nên không khỏi bệnh. Hoặc người chỉ “nói ăn”, mà không ăn, nên không no. Chúng ta có thể so sánh sự khác biệt giữa người thuộc Giáo Pháp và người Chứng Đắc. Đó là trường hợp của
Đức A Nan. Ngài A Nan, thuộc pháp của Phật như “nước trong bình đổ ra không thiếu một giọt”.

Nhưng vì Ngài thiếu phần thực hành, nên vẫn bị Ma
Đăng Già quyến rũ như Kinh Lăng Nghiêm chép lại. Đó là lý do mà Phật không Truyền Y bát cho Ngài A Nan, mà dặn Ngài Ca Diếp khi già yếu mới trao, để thời gian đó Ngài A Nan thực hành cho đến nơi đến chốn những lý thuyết đã học.

III.- NÓI VỀ KINH ĐẠI THỪA.

Kinh ĐẠI THỪA là những Kinh do những Tổ Đại Thừa viết hay giảng rồi Đệ Tử chép lại để phổ biến Chánh Pháp. Mục đích để giải thích đường lối tu hành cũng như những điều cần hiểu, cần Hành để đạt kết quả. Nhưng do những gì Phật thuyết cách đây hàng mấy ngàn năm, lời lẽ chưa đủ để diễn tả cho nên người đọc mà không có người đi trước hướng dẫn thì rất dễ nhầm lẫn. Vì thế, khi khai triển Phật Pháp, Chư Tổ phải dặn dò những người đọc Kinh là
phải: “Y NGHĨA BẤT Y NGỮ”.

Có thể dùng một trường hợp cho rõ nghĩa: Kinh tả “Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà cách đây 18.000 dặm”. Nếu không có vị đã Chứng Đắc giải thích thì làm sao người đọc hiểu rằng 10.000 dặm đó là Thập Ác, và 8.000 dặm đó là Tám điều Tà, và chỉ cần chuyển ngược những điều này là đến Tây Phương Cực Lạc? (PHÁP BẢO ĐÀN KINH).

Vì Tây Phương Cực Lạc mà Kinh viết, không phải là một Nước có thật, ở cõi trời xa xôi diệu vợi nào, mà chính là ở trong Tâm người đã hoàn toàn thanh tịnh, không còn phiền não, đau khổ nữa, toàn những điều vui, nên gọi là Cực Lạc.

- Phật A Di Đà và Quán Thế Âm cũng như các Bồ Tát được viết trong Kinh ĐẠI THỪA không phải để cho tín đồ quỳ lạy cầu xin, “cho người ham thích lối tu dựa vào sự hứa hẹn sẽ đạt được không cần gắng sức”, mà tả về tình trạng gọi là “Phàm Thánh đồng cư” trong Tâm của mỗi người.

Đạo Phật cho rằng cái Thân con người chỉ là đống Tứ Đại kết hợp, để Nhân Quả vay trả với nhau cho sòng phẳng. Bộ phận điều hành cái Thân chính là CÁI TÂM. Trong Tâm này, khi chưa tu hành thì xấu, tốt lẩn lộn. Trong đó có những tư tưởng đã thanh tịnh, có những tư tưởng đen tối, xấu xa. Quán Thế Âm cũng không phải là một vị Phật, để tôn thờ, cầu xin, mà đó phương tiện Đức Thích Ca dùng để diễn
tả sự lắng nghe những ý tưởng khởi động trong Tâm, để khuyên can, nhắc nhở bỏ đi những ý tưởng xấu.

Phật A Di Đà được giải thích là “Hào quang soi suốt,
không ngăn ngại”. Đó là nói về Cái Tâm đã trừ hết những bóng tối, những gò, nỗng, hầm, hố, thuồng luồng, rắn rít... tượng trưng cho những giận, hờn, thương, ghét, đố kỵ, tham, sân, si...là những tư tưởng khuynh hướng xấu. Vì thế, nên sau khi loại bỏ những cái xấu che ngăn thì trong, ngoài, trước, sau, trên dưới đều được sáng suốt, rỗng rang, thanh tịnh.
Sở dĩ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC được mô tả là trang hoàng bằng BẢY BÁU , là vì con người có 7 NGHIÊP. BỐN NGHIỆP nơi Khẩu tức là : Nói láo, nói lưỡi đôi chiều. Nói để khen mình, chê người. Và BA NGHIỆP nơi THÂN là THAM SÂN và SI. Nhưng vì con người ôm giữ nó từ kiếp này sang kiếp khác, không chịu buông bỏ nên Phật ví như là BẢY MÓN CHÂU BÁU.

Người tu muốn thành công thì phải THÍ, XẢ những 7 Món đi, gọi là BỐ THÍ CHÂU BÁU CHO PHẬT. Vì thế, khi cái Tâm được hoàn toàn thanh tịnh thì gọi là TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC đã hình thành, và trang hoàng bằng toàn là những thứ CHÂU BÁU là trong nghĩa đó.

Chỉ những người hiểu rõ việc TU PHẬT là TU TÂM, thì mới hiểu những danh xưng Phật, Bồ Tát v.v...đó, được Phật gọi là “Giả danh”. Phật Quốc cũng chỉ là Giả Cảnh để diễn tả sự thanh tịnh của cái Tâm. Những Chúng Sinh chưa được Giải Thoát, chưa thanh tịnh được gọi là Càn Thát Bà, A Tu La, hoặc gò, nỗng, thuồng luồng v.v.. mà thôi. Nhưng
nhiều vị tu hành thời xưa, hoặc không hiểu nên chống đối, hoặc y theo mô tả trong Kinh rồi tạo dựng thành Tượng hay hình ảnh để tôn thờ, cầu xin phù hộ, độ trì ! Trong Chính Kinh không hề dạy THỜ PHẬT, trái lại còn cho đó là hành tà đạo, như Bài Kệ Kinh Kim Cang :

“Ai nương sắc để thấy ta.
Dùng âm thanh để cầu ta.
Kẻ đó hành tà đạo.
Không thể thấy Như Lai” .

“Thấy NHƯ LAI” mà bài Kệ viết, có nghĩa là “Thành Phật NHƯ LAI”. Tu Phật là phải Thành Phật. Việc tu hành để Thành Phật cũng không có gì là quá cao siêu, hay huyền bí, mà chỉ là thành tựu công việc Giải Thoát, được chỉ rõ qua Bài Kệ trong KINH VIÊN GIÁC :

NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT.
CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI.
CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC.
CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT”.
Có HIỂU ĐÚNG mới HÀNH ĐÚNG.

Một trong 25 Phương Tiện tu hành của người tu được chỉ rõ trong KINH VIÊN GIÁC :

“Đây là phương tiện đầu tiên của hành giả, tức là BA PHÁP QUÁN (CHỈ, QUÁN, và CHỈ QUÁN SONG TU). Nếu các chúng sanh tinh tấn siêng tu Ba Pháp Quán này được hoàn toàn tức là NHƯ LAI XUẤT HIỆN Ở THẾ GIAN VẬY”.

“Thành Phật” hay “thành Như Lai” cũng chỉ có nghĩa là không còn bị các Pháp làm cho đau khổ, điên đảo. Thấy các Pháp đến, đi mà không động Tâm, không khởi Tâm, gọi là “Các Pháp đều Như”. Không phải là thành một vị Thần Linh có quyền hành bao trùm vũ trụ. Do đó, chỉ những người không đọc Kinh Đại Thừa, hoặc đọc mà không hiểu ý nghĩa
mới chê trách, cho là Đại Thừa bịa ra thêm rất nhiều Phật và Bồ Tát để mê hoặc bá tánh ! Có vị còn lộng ngôn, cho là “ trong Kinh Đại Thừa chỉ có một số ít là lời Phật, số còn lại toàn là rác rưởi” ! Rõ ràng những vị đó, tuy tu Phật mà không nắm rõ lịch sử cũng như quy trình tu hành và phương tiện của Đạo Phật. Không hiểu thế nào là tu hành.

Không biết có việc Chứng Đắc, để biết rằng những Vị Tổ là những người đã Chứng Đắc, tức là Phật đương thời. Do đó, họ cũng không biết rằng mình đang ở nhà Phật, đang nương tựa Phật, nhờ uy tín của Phật mà được mọi người
cung dưỡng, được tôn trọng, trở lại chê bai người mà Phật giao quyền hành thay thế cho Phật, coi khinh luôn Pháp của những vị đó thuyết, trong khi chưa biết con đường mình đang hành trì sẽ dắt tới đâu ?

( Còn tiếp )

Tâm Nguyện


Ngày Valentine: Lễ Tình Nhân

Học sinh, sinh viên Saigon đi học lại sau Đại dịch.

Valentine Đỏ ngày 14/2, Valentine Trắng ngày 14/3 và chưa hết, có cả Valentine Đen ngày 14/4 nữa! Cùng đi tìm hiểu ý nghĩa của ngày Valentine Trắng, đỏ và đen - những ngày lễ tình yêu trên thế giới nhé!

Có lẽ ai cũng biết, 14-2 là ngày Valentine , ngày lễ tình nhân, thế nhưng ý nghĩa của ngày Valentine là gì thì không phải ai cũng biết.

Tháng Hai vốn là một tháng được chờ đợi rất lâu, đó không chỉ là tháng của ngày lễ Tết mà còn là tháng của tình nhân với ngày lễ Valentine. Dưới đây, mời bạn đọc hãy cùng tìm hiểu về ý nghĩa của ngày Valentine.

1. Ý nghĩa của ngày Valentine Đỏ (14/2)

Valentine Đỏ là ngày lễ Tình nhân truyền thống, ngày mà tất cả những người yêu nhau trên thế giới mong chờ - 14/2.

ngày Valentine Đỏ (14/2)

Chuyện kể rằng, ngày xưa, tại La Mã, có một vị hoàng đế độc tài và tàn ác, ông ta cho rằng những người đàn ông đã lập gia đình sẽ trở nên yếu mềm hơn và không thể trở thành những người lính thiện chiến, chính vì thế, ông đã ban hành sắc lệnh cấm kết hôn để đảm bảo chất lượng binh sĩ. Khi đó, những người muốn đến với nhau đều cảm thấy bất lực bởi bức tường ngăn cản quá lớn. Lệnh cấm thực sự là một cú sốc lớn đối với dân chúng thành La Mã. Nhưng họ không dám lên tiếng phản đối lại đế chế hùng mạnh này. Khi đó, vị giám mục tên Valentine đã nhận ra sự bất công của luật cấm. Ông cảm nhận được sự đau xót của những người trẻ đang yêu, những người đã hy vọng vào tình yêu, về một mái nhà ấm áp. Chính vì thế, ông đã bí mật lên kế hoạch để chống lại lệnh cấm này. Bất cứ cặp đôi nào muốn tính tới chuyện kết hôn đều tới gặp giám mục Valentine, ông sẽ là người chủ trì hôn lễ bí mật cho đôi trẻ. Cứ như vậy, ông đã thực hiện được rất nhiều buổi hôn lễ cho nhiều cặp đôi trong một thời gian dài.

Nhưng oan nghiệt rằng, vào đúng ngày 14/2/273 - ngày ông bị xử tử hình thì cũng là lúc những đôi lứa được sống trọn đời bên nhau mãi mãi. Và từ đó trở đi, cứ đến mỗi năm đến ngày 14/2, người dân tại đây lại gọi đấy là ngày Valentine's Day hoặc Saint Valentine's Day và giám mục Valentine được xem là vị thánh của tình yêu của nhân loại.

Cũng có nơi cho rằng ngày Valentine chính là ngày các cô gái thể hiện tình yêu của mình bằng cách tặng cho chàng trai mình thầm thương trộm nhớ một món quà. Nếu chàng trai đó cũng yêu thương cô thì chàng trai đó sẽ tặng lại cô gái một món quà vào ngày 14/3 - Valentine Trắng.

2. Ý nghĩa của ngày Valentine Trắng (14/3)

Tình yêu luôn luôn cần sự mới mẻ mỗi ngày, chúng ta dường như yêu nhau nhiều hơn sau những giấc mơ dịu dàng, nên một ngày Valentine dường như là không đủ. Chính vì thế mà ở Nhật Bản - đất nước mặt trời mọc, một ngày lễ Tình nhân nữa ra đời và nhanh chóng được các bạn thanh niên đón nhận.

Nếu ngày Valentine ở Nhật Bản là dành cho các chàng trai thì ngày Valentine Trắng hay White Day là dành cho các nàng. Đây chính là cơ hội để những chàng trai đã nhận được quà tặng vào ngày Valentine có thể đáp trả lại tình cảm của những cô gái đã tặng quà họ.

Ngày Valentine Trắng ra đời như sau: Vào năm 1965 tại Nhật Bản, một chàng trai bán kẹo dẻo muốn đáp trả lại tình cảm của cô gái thầm thương trộm nhớ mình hôm Valentine Đỏ nên đã làm tặng nàng một hộp kẹo thật bự, trắng như tuyết. Đó cũng chính là sự tích Ngày Trắng.

Đến ngày nay, Ngày Trắng dần được mọi người "chuyển thể" lại thành White Valentine, White Day. Ngày đáp trả, trong ngày này, không còn gì ý nghĩa hơn là việc bạn sẽ đáp trả lại người con gái đã yêu mến mình trong suốt thời gian qua bằng những món quà hoặc lời nói thật cảm động, dễ thương và chân thành.

Valentine Trắng là một ngày mà các cô gái đều mong muốn được nhận lại món quà để khẳng định tình cảm của chàng trai mình thương mến. Trong ngày này, ở Nhật các chàng trai sẽ tặng lại các cô gái một món kẹo hoặc socola màu trắng. Còn trên thế giới các chàng trai sẽ tìm cách thổ lộ tình cảm của mình để đền đáp sự mong chờ và tình cảm của các cô gái.

3. Ý nghĩa của ngày Valentine Đen (14/4)

Thoáng nghe qua bạn sẽ nghĩ rằng đây có thể là ngày lễ dành cho những người vừa... tan vỡ chăng vì nghe tên gọi đã thấy đen xịt rồi? Thực ra đây cũng là một ngày lễ bắt nguồn từ Hàn Quốc dành cho những bạn trẻ đang độc thân (hay gọi thân thương là "Hội FA"), sẽ tụ hội lại cùng nhau tổ chức tiệc tùng nhằm "tự thưởng" cho bản thân cũng như tạo cơ hội cho chính mình.

Tại xứ sở Kim Chi thì "Hội độc thân" sẽ rủ rê nhau đi ăn Jajangmyun (những bát mì đen) như một cách "hô to với thế giới" rằng "FA" không hẳn là chán.

Thực tế, không phải đợi đến tận ngày 14/4 mà các bạn trẻ độc thân mới có cơ hội tụ tập ăn uống với nhau. Ngay cả vào những ngày Valetine Đỏ (14/2) và Valentine Trắng (14/3) hội những người độc thân vẫn gặp nhau và vui vẻ bên nhau. Xét cho cùng thì sống là phải vui vẻ tận hưởng phải không?

-Ngoài 3 ngày lễ chính kể trên thì ở một số nước trên thế giới còn có những ngày "14" khác như: 14/1 là ngày nhật kí (bạn sẽ tạm biệt quyển nhật kí cũ để thay bằng một quyển mới toanh như sang trang cho những điều mới mẻ hơn đấy mà); 14/5 là ngày hoa hồng/ngày vàng (bạn sẽ tặng một bông hồng duy nhất cho người quan trọng nhất với bạn) hay 14/6 là ngày của những nụ hôn (bạn có thể thoải mái hôn người thương thật lãng mạn)... Với những người yêu nhau thì ngày nào cũng là Valentine hết.

Hoàng Trọng ( 1922 1998 )

Là một nhạc sĩ nhạc tiền chiến Việt Nam . Ông được biết đến qua một số ca khúc như, "Cánh hoa yêu", " Ngàn thu áo tím " và "Tiễn bước sang ngang".

Ông tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Dương . Đến năm 1927 , gia đình ông chuyển về sống tại Nam Định .

Năm 1954 , ông cùng ba người con, bao gồm Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Bạch La và Hoàng Cung Fa di cư vào Nam . Khi mới vào Sài Gòn , ông sống tại khu vực đường Phan Văn Trị tại Chợ Lớn và có mở một lớp dạy nhạc tại đây. Thời điểm này, ông có phụ trách cho một số ban nhạc trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Đến năm 1967 , ông phụ trách cho ban hợp xướng Tiếng Tơ Đồng. Ban nhạc của ông gồm một số ca sĩ thời điểm đó, như Thanh Sơn , Lệ Thanh, Mai Hương ,...và hợp tác với ba ca sĩ Mộc Lan , Châu Hà , Kim Tước để thành lập ban tam ca Kim Mộc Châu.

Sau năm 1975 , ông chỉ sáng tác thánh ca và một số bài hát lưu hành trong gia đình. Năm 1992 , ông sang Hoa Kỳ định cư và qua đời ngày 16 tháng 7 năm 1998 .

Ông kết hôn với một người ở Nam Định và có ba người con.

Hoàng Trọng được xem là "Vua Tango " của nền tân nhạc VN vì ông đã viết hơn rất nhiều ca khúc theo điệu Tango được công chúng biết đến, như "Lạnh lùng", "Mộng lành", "Tiễn bước sang ngang", "Ngỡ ngàng",... Riêng một phần bài "Tiễn bước sang ngang" đã từng được truyền miệng sang miền Bắc với tên "Giã từ" và để tên tác giả là "Nhạc Liên Xô".

Ông sáng tác hơn 200 bài nhạc, tuy nhiên chỉ có 40 bài do ông tự đặt lời, còn lại là do một số nhạc sĩ hay nhà thơ như Hồ Đình Phương , Hoàng Dương , Vĩnh Phúc,... viết lời.

Ông còn viết nhạc cho một số nhạc phim như Xin nhận nơi này làm quê hương , Giã từ bóng tối , Người tình không chân dung , Sau giờ giới nghiêm , Bão tình ,... [10] Riêng nhạc phim mà ông viết cho phim " Triệu phú bất đắc dĩ ", ông được giải thưởng Văn học Nghệ thuật của VNCH trong năm 1972 - 1973 .

Sau năm 1975 , ông chỉ viết một số bài hát Thánh ca và một số bài tình ca, trong đó có bài "Chiều rơi đó em" viết năm 1979 . Sau này, khi ông được bảo lãnh sang Hoa Kỳ , ông viết thêm 3 bản nhạc nữa cho đến khi qua đời.

Tiếng Lòng - Hoàng Trọng

Mộng đẹp về trong đêm lắng mơ
Nhạc triền miên lâng lâng ý thơ
Bóng em tôi tha thiết mơ hồ
Đến bên tôi trong lúc không ngờ
Nhắc cho tôi phút giây mong chờ

Rồi nhìn nhau không nói mấy câu
Thời gian chờ đợi ai mãi đâu !
Lúc xa nhau muốn nói đôi lời
Ước mong sao cho đến bên người
Mắt nhung huyền ngất ngây hồn tôi

Điệp khúc:

Em ơi . . . giờ đây . . . gần tôi
Nhưng sao ngại ngùng khó nói nên lời
Có biết . . . chăng tiếng . . . lòng tôi
Thổn thức ngập ngừng những phút giờ trôi

Mộng tình sao lắm nỗi vấn vương
Ngày ngày mang trăm nỗi nhớ thương
Biết bao đêm thao thức canh trường
Thấy bóng ai tha thướt bên đường
Đó chỉ là bóng đêm mờ sương.

Bộ GDĐT và Bộ Y tế phối hợp triển khai

đảm bảo an toàn mở cửa trường học tại VN

Chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp trao đổi một số nội dung liên quan đến việc tăng cường triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của hai Bộ.

Hai Bộ trưởng Bộ GDĐT và Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp giữa hai Bộ & Ban giám hiệu và giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận1, TP.HCM) trong cuộc họp bàn về việc đón học sinh trở lại trường.

Hai Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ GDĐT đã có các công văn hướng dẫn các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy học, đồng thời hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp an toàn trong dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; phối hợp với Bộ Y tế ban hành Sổ tay phòng chống Covid-19 và tài liệu hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học.

Bộ đồng thời đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường. Trong đó, lưu ý ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vắc xin cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học; nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ an toàn phòng chống dịch trong tình hình mới.

Các địa phương căn cứ vào đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh tới trường trên nguyên tắc nơi nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập… Tính đến 17h ngày 31/10, cả nước có 22 tỉnh thành tổ chức được cho học sinh học tập trực tiếp; 16 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 địa phương còn lại vẫn phải dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Về việc triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện một số địa phương đã thực hiện tiêm vắc xin cho học sinh, như TP. Hồ Chí Minh với khoảng 305.000 học sinh, Bình Dương là 42.330, Ninh Bình 32.938 học sinh.

Liên quan đến tiêm vắc xin, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc tiêm vắc xin cho trẻ theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ. Việc tiêm chủng chủ yếu thực hiện tại các trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại trạm y tế, trẻ có bệnh nền tổ chức tiêm tại trung tâm y tế, bệnh viện để có những xử trí phù hợp…

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thống nhất cho rằng: Việc học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng, do đó các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn.

Hai Bộ trưởng đồng thời trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm tăng cường triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường cho việc đi học trực tiếp. Tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống Covid-19.

Hai Bộ trưởng cũng nhất trí cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ GDĐT và Bộ Y tế nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh.

Các trường đại học cho sinh viên đi học lại sau Tết Nguyên đán 2022

Sau thời gian dài học online, nhiều trường Đại học tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch cho sinh viên đi học lại sau Tết Nguyên đán 2022.

Chuẩn bị gì cho học sinh trở lại trường?

Từ ngày 14-2, học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6 ở TP.HCM sẽ trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh COVID-19.

Nhà trường, phụ huynh cần chuẩn bị gì để các em trở lại trường an toàn và học tốt?

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào như sốt, nghẹt mũi, đau họng hoặc ho thì không nên cho con đến trường. Khi trẻ đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, phụ huynh cần giữ con ở nhà và làm theo khuyến cáo của y tế địa phương về việc tự cách ly.

(PGS.TS Trần Minh Điển -
giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương)

Phạm Vũ

(Tham khảo: Sách báo – Internet)

Phụ bản I

Nước quá trong thì không có cá,

người soi xét quá thì không có tri âm – TL.

Sống trên đời, gặp được một bạn tri âm đã là quá đủ Nếu như bạn là một Thánh nhân, thì người khác trong mắt bạn đều là người ưu tú, nhìn trái nhìn phải đâu đâu cũng thuận mắt. Nếu bạn là một kẻ tiểu nhân, người khác trong mắt bạn chỉ toàn là khuyết điểm, nhìn đâu cũng thấy chướng tai gai mắt. Trong một quán nước nọ có mấy người đang đàm luận với nhau, một người nói: “Thời buổi hiện nay thật khó tìm người giỏi làm thuê cho mình, chỉ hơi có chút năng lực là làm mấy ngày liền nhảy đi tìm chỗ khác tốt hơn”. Một người khác nghe vậy thì bèn thẳng thắn đáp lại: “Nếu như làm người mà chỉ để ý đến khuyết điểm của người khác thì bản thân chỉ như cái thùng rác. Còn nếu chỉ chú trọng tới ưu điểm của người khác thì mình giống chư chiếc đĩa ngọc tụ hợp nhân tài”.<!>

Sống ở đời ai mà không có lỗi lầm, ai mà không từng phạm phải sai sót? Nếu có thể lấy khoan dung độ lượng mà đối đãi với mọi người thì chúng ta sẽ biết ứng xử như thế nào khi người khác có khuyết điểm hoặc phạm phải sai lầm.

Đạo lý là như vậy, nhưng lại có rất nhiều người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp không hiểu được điều này. Có một vị cao nhân tu Đạo từng nói rằng: “Nếu như bạn là một Thánh nhân, người khác trong mắt bạn đều là người ưu tú, nhìn trái nhìn phải đâu đâu cũng thuận mắt. Nếu bạn là một kẻ tiểu nhân, người khác trong mắt bạn chỉ toàn là khuyết điểm, nhìn đâu cũng thấy chướng tai gai mắt. Chỉ có người mang tâm đại từ bi thì nhìn núi non, sông nước, hoa cỏ, muôn loài đâu đâu cũng thấy đáng yêu”.

Nước quá trong thì không có cá, người xét nét quá thì không ai gần

Nước quá trong thì không có cá, người xét nét quá thì không ai gần. Đây là câu thành ngữ được bắt nguồn từ “Hán thư – Đông Phương Sóc truyện”. Ý nói rằng nước mà sạch quá thì cá không thể nào sinh tồn được, người mà yêu cầu người khác nghiêm khắc quá thì cũng không ai có thể làm bạn. Ví như so đo tính toán với khuyết điểm hoặc sai phạm của người khác quá thì cũng không thể nào giữ người tài bên mình được. Nhân vô thập toàn, con người thì không thể nào không có khuyết điểm. Khổng Tử đến ngoài bảy mươi tuổi nói rằng: “Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”, ý rằng tới 70 tuổi, con người sẽ đạt đến tình trạng rất hoàn hảo về cách xử sự và xử thế, vậy nên khi đó ý muốn tùy theo tâm, cũng không còn đi ra ngoài khuôn phép nữa

Người mang tâm đại từ bi thì nhìn núi non, sông nước, hoa cỏ, muôn loài đâu đâu cũng thấy đáng yêu. Một người quản lý mà yêu cầu cấp dưới việc gì cũng hoàn hảo như tuổi 70 vậy thì mấy ai có thể dùng được. Đây cũng chính là sai lầm nghiêm trọng nhất mà một người lãnh đạo phạm phải. Vì vậy, trong đối nhân xử thế phải nghiêm khắc với bản thân, khoan dung độ lượng với người khác.

Trong lịch sử từng có rất nhiều câu chuyện của các bậc cao nhân khoan dung độ lượng cho lỗi lầm của người khác. “Sở Trang tuyệt anh” là một trong số đó, đây cũng là một trong những ví dụ điển hình nổi tiếng về sự khoan dung cho người khác.

Sở Trang Vương một hôm cho bày yến tiệc linh đình, thết đãi các đại thần. Trong tiệc, gió lớn nổi lên bỗng thổi tắt hết đèn nến. Khi ấy, một quan viên lợi dụng đêm tối, kéo áo chọc ghẹo cung nữ của nhà vua. Người cung nữ ấy nhanh tay giật đứt giải mũ của ông này rồi tâu lên Sở Trang Vương, sau đó muốn thắp đèn nến lên, tìm xem ai là người đã chọc ghẹo mình và xử tội. Đùa giỡn ái cơ của vua có nghĩa là làm nhục đến nhà vua. Đó là hành vi đại nghịch và coi thường đạo lý vua tôi. Nhưng, Trang Vương nghĩ một lát rồi cao giọng nói to lên:“Khoan hãy châm nến! Hôm nay trẫm muốn cho các khanh được vui vẻ sảng khoái. Không cần phải mũ áo thật chỉnh tề, mọi người hãy giật đứt hết các giải mũ thì mới vui!”.

Văn võ bá quan ngơ ngác, nhưng lệnh vua nào ai dám trái, thế là các đại thần văn võ đều giật đứt giải mũ của mình! Nhân thế, người trêu ghẹo cung nữ kia không bị lộ mặt nữa.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau to với nước Tấn. Qua năm trận kịch chiến, quân Sở có một võ tướng liều mình, tả xung hữu đột, không màng sống chết, luôn đi tiên phong. Quân Sở nhờ vậy thường thắng luôn. Sau này Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn cho gọi đến hỏi ngọn ngành. Người ấy bèn thưa: “Thần chịu nghĩa xưa, đội ơn dày của bệ hạ đã tha cho tội khi quân. Vốn mong muốn liều chết để báo đền ân đức bệ hạ, đến nay thần mới có dịp. Thần là Tưởng Hùng, là người năm xưa trêu ghẹo cung nữ của bệ hạ trong tiệc rượu”.Sở Trang Vương quả thực có lòng hào hiệp, bụng dạ cũng không chút hẹp hòi, nhỏ nhen. Nếu không tha thứ cho Tưởng Hùng lỗi lầm trên bàn rượu đêm hôm ấy thử hỏi lấy ai là kẻ tiên phong, xông vào mũi tên hòn đạn mà chiến đấu hết mình cho ông đây?

Từ điển cố này có thể thấy, là một người lãnh đạo khi đối nhân xử thế phải có sự linh hoạt, không nên cứng nhắc quá. Tục ngữ có câu “Nhân vô thập toàn”, đối nhân xử thể cần nên bao dung cho người khác. Khổng Tử từng nói: “Trị đại quốc như phanh tiểu tiên” đại ý rằng, cai trị một nước lớn cần phải như người nấu con cá nhỏ, không nên thường xuyên xáo động. Nếu như một đoàn thể mà có quy định hà khắc quá thì khiến cho thành viên bị gò bó, không có không gian tự do thoải mái phát triển, cuối cùng không thể tồn tại bền vững, giống như cá nhỏ mà bị lật qua lật lại sẽ nát thành nhiều mảnh.

Vậy nên, mỗi chúng ta đừng khiến mình trở thành ‘tiểu nhân’, trong mắt chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác. Hãy mở lòng bao dung và thân thiện, bạn sẽ thấy thế giới này vẫn có bao điều tốt đẹp và luôn chào đón bạn.

Lệ Ngọc st.


CÂU CHUYỆN CỦA NIỀM TIN

Giáp Văn Dương


1. Như bao bạn trẻ khác, tôi rời quê khi học hết phổ thông.

Rồi cũng như bao người khác, tôi ra nước ngoài học tiếp khi xong đại học. Gần mười hai năm học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi có bạn bè mới, thầy cô mới, đồng nghiệp mới. Trong công việc không có định kiến, không có phân biệt. Tất cả diễn ra trong một sự trung thực và cởi mở hồn nhiên. Hồn nhiên đến mức ngạc nhiên.

Tôi chìm đắm trong bầu không khí dân chủ, bình đẳng và tinh thần tự do học thuật. Tôi thấy mình được tôn trọng, và ý thức được mình có quyền được người khác tôn trọng.

Tôi phải làm đủ thứ giấy tờ nhưng không bao giờ thấy những con dấu đỏ. Chỉ cần một chữ ký cá nhân là đủ, một cuộc điện thoại, một lá email là xong. Không ai hạch sách, không ai đòi kiểm tra, không ai đòi công chứng bản gốc.

Tôi lên tàu điện: không có người soát vé. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi. Thỉnh thoảng họ có đi kiểm tra định kỳ thì cũng rất lịch sự, không gây cho mình cảm giác khó chịu.

Tôi ra siêu thị: không ai bắt tôi phải gửi đồ trước khi vào mua hàng. Không ai kiểm tra chúng tôi khi ra. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi.

Tôi và một người bạn đi mua bảo hiểm xe. Điều khoản cho biết, nếu mất xe thì sẽ được đền xe mới. Bạn tôi hỏi: nếu chúng tôi bán xe rồi báo mất thì sao? Nhân viên bảo hiểm ngạc nhiên mất một lúc lâu mới nghĩ ra được câu trả lời: tôi tin các anh không làm thế.

Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự tin tưởng mang tính hệ thống. Một sự tin tưởng cá nhân mạnh mẽ lan tỏa trong toàn xã hội. Chữ Tín được xác lập mà không cần sự có mặt của các loại công chứng bản gốc, chứng thực, xác nhận...

Tôi vỡ ra: À, ra thế. Họ giàu mạnh vì họ tin ở con người.

2. Mười hai năm sau tôi trở về. Nhiều cái như xưa.

Nhiều cái hơn xưa. Nhưng cũng nhiều cái tệ hơn xưa.

Tôi làm thủ tục nhận đồ mình gửi cho mình. Tên tôi đây. Địa chỉ tôi đây. Hộ chiếu của tôi đây. Vậy sao mà rắc rối đến vậy? Sao phải xác nhận? Sao phải chứng minh? Sao phải công chứng bản gốc? Tôi có làm gì đâu, chỉ là nhận đồ mình gửi cho mình thôi mà sao phức tạp như vậy. Lẽ ra tôi chỉ chờ ở nhà, đúng hẹn công ty vận chuyển sẽ mang đồ đến. Tôi chỉ cần ký xác nhận là xong.

Tôi được giải thích ở Việt Nam mọi thứ cần phải đúng quy trình chứ không đơn giản như vậy.

Tôi ngẫm ra: Càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin.

3. Tôi đưa gia đình đi siêu thị Big C Long Biên.

Niềm vui khi thấy một siêu thị bề thế, nhộn nhịp vừa mới nhen lên thì gặp ngay một chuyện ngỡ ngàng: Tất cả những ai muốn vào siêu thị đều phải gửi đồ bên ngoài. Con gái tôi có một túi khoác nhỏ để đựng mấy thứ lặt vặt cũng phải niêm phong rồi mới được mang theo. Vì sao vậy? Chúng tôi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời: Đây là quy định! Quy định gì? Quy định không được tin nhau.

Câu chuyện có lẽ sẽ chỉ là một phiền toái buồn, nếu không có chuyện sau khi thanh toán, tất cả khách hàng lại bị kiểm tra một lần nữa, và hóa đơn phải được đóng dấu đỏ “đã thanh toán” thì mới được nhân viên an ninh cho ra ngoài.

Chúng tôi tự hỏi: chuyện quái quỉ gì đang xảy ra vậy?

Quầy thanh toán có hai nhân viên kiểm tra và tính tiền. Từ quầy thanh toán ra đến cửa ra này chỉ chừng 2 mét, lại không có hàng hóa gì bày bán trên đoạn đường 2 mét đó. Vậy cớ sao phải kiểm tra lại? Cớ sao phải đóng dấu vào hóa đơn thì mới được ra?

Vợ tôi phản ứng dữ dội: Nếu kiểm tra mà không tìm thấy sai sót nào thì các anh có xin lỗi chúng tôi không? Nhưng chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời lạnh lùng: Đây là quy định.

Tôi nhìn những người xếp hàng chờ kiểm tra và đóng dấu hóa đơn. Tất cả đều kiên nhẫn và ngoan ngoãn. Họ có thể làm gì trên đoạn đường dài 2 mét đó để phải chịu cảnh khám xét?

Tôi lặng lẽ quan sát. Rất nhiều người lớn tuổi. Lịch sử như phảng phất qua bộ quân phục cũ. Một vài nụ cười cầu hòa dù chủ nhân không làm gì sai. Một vài ánh mắt lấm lét không có lý do. Nhiều gương mặt cam chịu và chờ đợi cảnh được khám xét. Tôi cố gắng tìm lý do để biện minh cho việc làm kỳ quái đó, nhưng không thể.

Tôi rút ra kết luận: Nhiều người Việt không tin người Việt. Nhiều người Việt không hiểu rằng mình có quyền phải được người khác tôn trọng.

4. Chúng tôi ra về, nhưng vẫn ám ảnh câu hỏi: Vì sao người Việt không tin nhau?

Phải chăng chúng ta đã quen sống trong một sự cảnh giác thường trực đến độ thành phản xạ có điều kiện?

Tôi bất giác nhớ đến mớ giấy tờ đỏ choét những con dấu công chứng sao y bản gốc. Tôi tự hỏi: Tôi và triệu người quanh tôi đã mất bao nhiêu thời gian cho những thứ này?

Tôi thở dài: càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin.

Tôi tự hỏi: Phải chăng đang có một cuộc “khủng hoảng niềm tin”?

Và khi nào thì người ta không tin nhau?

Rõ ràng là khi có sự dối trá. Người ta không tin nhau khi cần phòng tránh sự dối trá.

Vậy là đang có một sự dối trá phổ biến, đến mức một đoạn đường 2 mét và được kiểm soát chặt chẽ cũng trở nên đáng ngờ. Và chúng ta đã mất biết bao nhiêu thời gian và nguồn lực để cảnh giác, phòng tránh, đương đầu với sự dối trá này?

Không ai thống kê định lượng, nhưng chắc hẳn là rất nhiều. Nhiều đến mức có thể làm cho đất nước ta kiệt quệ. Kiệt quệ vì luôn phải cảnh giác, đề phòng.

5. Việt Nam đang rất cần một sự quy tụ nguồn lực để phát triển.

Nhưng quy tụ làm sao khi cả xã hội sống trong tâm trạng cảnh giác thường trực, lúc nào cũng nơm nớp đề phòng? Quy tụ làm sao khi sự giả dối đã trở thành một lối sống của xã hội? Quy tụ làm sao khi niềm tin giữa người với người đã trở nên cạn kiệt?

Việt Nam đang rất cần hội nhập, rất cần làm bạn với thế giới bên ngoài. Nhưng hội nhập làm sao khi luôn nhìn thế giới bên ngoài với con mắt thù địch nghi ngờ? Làm bạn làm sao khi không có lòng tin vào đối tác của mình?

Đất nước đã thống nhất nhưng lòng người chưa thống nhất. Di sản của mấy mươi năm chiến tranh quá đỗi nặng nề. Trong này kinh tế khó khăn. Ngoài kia Biển Đông nổi sóng. Một cuộc hòa giải, để sau đó thực sự có một sự hòa hợp Nam Bắc, trong ngoài là cần thiết hơn bao giờ hết. Muốn
vậy cần xóa bỏ mọi nghi kỵ lẫn nhau giữa mọi tầng lớp xã hội.

***

Nhiều học giả đã gọi niềm tin là một thành phần quan trọng của vốn xã hội. Khi niềm tin cạn thì vốn xã hội cũng cạn theo. Mà cạn vốn thì làm sao phát triển?

Đào Minh Diệu Xuân st.


NGUỒN GỐC TỪ

 

TRONG TIẾNG ANH

Có vô vàn suy đoán về nguồn gốc của từ OK-cái từ mà người Mỹ dùng nhiều đến nỗi nó trở thành thương hiệu của riêng họ.

Allan Metcalf đã viết một quyển sách về từ OK. Ông nói OK không chỉ là một từ vĩ đại, nó còn là một từ quan trọng, một sản phẩm thành công nhất mà người Mỹ đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Nó bao gồm cả triết lý sống và cách suy nghĩ của người Mỹ.

Từ OK ngắn gọn, đơn giản nhưng lại chứa nhiều ý nghĩa, đúng như cách trò chuyện của người Mỹ. Khi người ta nói “I’m OK”, nó có thể là một câu không biểu cảm hay cũng có thể là “Tôi thật sự ổn đấy”, đôi khi nó còn hàm ý: “Tôi không ổn chút nào đâu”.

Từ OK còn phản ánh cả triết lý “chuyện gì cũng có thể’ của người Mỹ.

Nếu chuyện gì đó được cho là OK, tức là nó sẽ ổn, cho dù nó không hoàn hảo, nhưng có thể chấp nhận được. Đó là cách mà đa số người Mỹ nhìn vào vấn đề. Có nhiều giai thoại về sự ra đời của từ OK được người ta nhắc đến. Một trong những câu chuyện đó liên quan đến Boston. Người ta bắt gặp từ
ngữ này lần đầu tiên trên tờ báo Boston Morning Post vào ngày 23 tháng 3 năm 1839, dưới hình thức một trò đùa. OK được giải thích là chữ viết tắt của “All Correct”. Tuy nhiên, tại sao lại là OK mà không phải la AC? Cách giải thích duy nhất của người Mỹ: “orl korrekt”. Ngay từ đầu, những gì gọi là chính xác cũng chưa hẳn là chính xác, mà chỉ là OK!

Một năm sau, từ “OK” bắt đầu được Đảng Dân chủ dùng làm khẩu hiệu trong suốt thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1840. Ứng cử viên của họ, Martin Van Buren, xuất thân từ Kinderhood của New York, nên có biệt danh là “Old Kinderhook”. Những người ủng hộ ông vì thế đã thành lập câu lạc bộ tên là “OK Club”. Điều này chắc chắn đã giúp quảng bá thuật ngữ OK!

Tổng thống Andrew Jackson được cho là có thói quen phê từ “OK” vào các văn thư trình lên ông để tỏ ý chấp thuận. Mặc dù chỉ là tin đồn, điều này cũng cũng đã tạo ra một phong trào trong các nhà lãnh đạo. Họ bắt chước lối phê này để ra điều mình cũng làm như tổng thống. Kết quả là: OK biến thành một từ thông dụng!

Những cụm từ như “och aye” (tiếng Scottish) hay “ola kala” (tiếng Hy Lạp), mang nghĩa là “tốt đấy, được đấy” cũng được dùng để giải thích cho nguồn gốc của từ OK. Tuy nhiên, theo những chứng cứ lịch sử và ngôn ngữ học thì có vẻ như OK không thể có có xuất phát từ thành ngữ trên. Chính vì vậy mà OK đôi khi cũng làm đau đầu các nhà ngôn ngữ học.

Cho dù từ OK có xuất phát từ đâu đi chăng nữa, nó vẫn là một trong những “phát minh nổi tiếng” của người Mỹ. Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng OK được dùng ở hầu hết mọi nơi, kể cả những nơi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức. Cũng như Thomas Harris và quyển sách của ông “’I'm OK — You’re OK” đã chỉ ra: “I’m OK” có nghĩa là tôi có thể làm những gì tôi muốn. “You’re OK” có nghĩa là bạn có thể làm những gì bạn muốn. Có thể là chúng ta không làm giống nhau, nhưng như vậy cũng OK.

Hà Mạnh Đoàn st.

VÀI LỜI TÂM TÌNH VỀ EMAIL VÀ INTERNET

gs HCD

Tuy là cái email này ngắn, nhưng phần đầu quan trọng lắm, các bạn nên đọc chậm chậm. Mà thôi, các bạn không đọc thì rán chịu, mắc mớ chi tôi.

Kính thưa quý bạn,

Tuy là cái email này ngắn, nhưng phần đầu quan trọng lắm, các bạn nên đọc chậm chậm. Mà thôi, các bạn không đọc thì rán chịu, mắc mớ chi tôi.

Hôm nay, tôi muốn nhắc các bạn cẩn thận khi dùng email và internet. Ngày nay chuyện gian dối quá nhiều. Ðã nhiều lần tôi thấy những email gởi đến kêu gọi gia nhập các trang web xã hội thí dụ như Facebook, như nhiều lắm quên mất tên… Cũng có nhiều trang web bắt ghi danh mới cho xem. Ða số bạn ta vô tình lọt bẫy. Internet là chốn giang hồ toàn là bí danh ẩn danh, người lương thiện và kẻ ác đều y nhau, các
bạn nên cẩn thận lắm lắm.

1. Thí dụ ngày nào đó các bạn nhận được email của tôi gởi đến mượn các bạn chừng năm bảy trăm hay một vài ngàn đô vì lý do đi du lịch ngoại quốc bị mất hết giấy tờ và tiền bạc. Có bạn thấy thương tình bèn gởi tiền cho mượn. Té ra là đưa tiền cho kẻ gian.

2. Chuyện điển hình khác là các bạn nhận được email thông báo vừa trúng rút thăm của Google, của Microsoft …. Ðược 500,000 đô. Muốn nhận số tiền nầy thì các bạn phải ghi chi biết tên tuổi nghề nghiệp ngày sinh số account trong ngân hàng, địa chỉ…số phone… Vậy mà cũng có người mắc mưu kẻ gian khai hết “lý lịch” cũng như ghi danh gia nhập.

Hoặc có khi các bạn nhận được email nói rằng “tôi” là “đốc tờ” XYZ, chức vụ này này trong ngân hàng (tên và địa chỉ lạ hoắc) thấy có số tiền vô chủ. Nếu các bạn hợp tác với “tôi” thì mình chia đôi…

Muốn hợp tác thì cho tôi biết tên tuổi và gia phả ba đời của bạn... Hoặc tôi là nhân vật chức sắc ở quốc gia “Công Gô” có vài trăm triệu đô muốn chuyển ra ngoại quốc, nếu bạn hợp tác thì tôi sẽ chia cho bạn vài triệu đô đánh bài chơi. Muốn vậy thì bạn đưa gia phả của bạn cho tôi.

3. Chuyện gạt nhau khác nhẹ hơn là những webpage xin tiền phước thiện. Kế đó là loại email xin tiền để mổ tim, cắt bướu cho cháu bé mầm non Nụ Hồng nào đó. Gởi đi càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Các bạn lầm thì rán chịu, nhưng vô tình hại bạn bè khi forward chúng đi tiếp theo lời kêu gọi “càng nhanh, càng nhiều càng tốt”. Tại sao loại email này có hại các bạn tự tìm hiểu. Viết hoài mỏi tay quá rồi.

4. Chuyện thứ tư tinh vi hơn là kêu gọi ký tên thỉnh nguyện thư chống một chuyện gì đó. Thí dụ qua email kêu gọi hãy log vô website này này để ký tên thỉnh nguyện thư kêu gọi Lào ngưng xây đập trên sông Mekong, hoặc ký tên kêu gọi chánh phủ đừng làm một chuyện này chuyện nọ. Nhiều bạn thấy hữu lý vội vã làm ngay mà không kịp suy nghĩ coi website đó là do ai làm ra, nhóm người lập ra đó là những người tin được không?

Khi mà các bạn ký tên vào “thỉnh nguyện thư” rồi thì có khi tên tuổi các bạn được thu thập gởi về… để ghi vào sổ đen.

5. Chuyện kế tiếp là có khi các bạn sẽ nhận được email xin vài chục đô gây quỹ. Nếu các bạn cho qua credit card thì eo ôi Ông Ðịa, người ta biết số credit card và lý lịch các bạn rồi, không biết tương lai họ có dùng credit card của các bạn để mua hàng hóa hay đi Las Vegas đánh bài không. Ngay cả các bạn gởi biếu tấm check đi nữa thì số tiền trong check đó chạy vô túi ai các bạn đâu biết dù cho trên check ghi rõ là trả cho “Quỹ cứu trợ nạn lụt năm Ất Dậu”.

Ngày nay một đứa bé cũng có thể lập một webpage lớn để mọi người log vô thấy tưởng là do tổ chức nào có uy tín lắm. Có những website buôn bán hàng hóa khi log vô tưởng là của một công ty có hàng ngàn nhân viên, đâu có ngờ đó là webpage do một người duy nhất làm ra. Người này vừa là chủ nhân, vừa là thơ ký, vừa là nhân viên bán hàng, vừa là nhân viên giao hàng.

Nhân đây nói thêm: Nếu các bạn thường dùng credit card để mua sắm qua Internet thì nhớ dùng cái credit card có mức tiền tối thiểu chừng $1500 thôi, đừng dùng cái credit card có limit vài chục ngàn đô.

Các bạn biết có nhiều chuyện mình đâu nói “trần” ra được.

Nếu các bạn quan tâm và muốn tránh cho tương lại không bị mắc bẫy thì nên đọc từ từ hay đọc lại một lần. Với mấy hàng trên các bạn nên đọc những chữ vô hình nằm giữa hai hàng chữ thật.

Cũng vì những lý do đó mà tôi gọi Internet là chốn giang hồ có nhiều chông gai cạm bẫy. Hoa thơm cỏ lạ cũng có nhưng hiếm lắm, đa số là những kiến thức chết người, là hình “Photoshop”. Kẻ ngây thơ như đa số chúng ta thì “ngàn đời” vẫn bị gạt. Muốn tránh được phần nào thì phải luôn luôn có “chánh niệm” khi đi xách keyboard và bình cà phê dấn thân vào chốn giang hồ.

Hoàng Chúc st.

 

Phụ bản II

365 – 2021

Chắn chắn rồi không trừ một ai

Nhìn lại con số ngày

Nhìn lại con số năm

Tự thống kê từng khúc đoạn

Bao biến động bất kỳ

Khốn khó bủa vây

*

Chắc chắn rồi không trừ một ai

Mà không khỏi phút ngậm ngùi

Không khỏi một tiếng thở dài

Không khỏi một tâm tư

Khi nhìn lại những gì vừa mới đấy

*

Chắc chắn rồi không trừ một ai

Mà không thốt lời vái van cầu khẩn

Dù khả tín hay mơ hồ

Vẫn ngước vọng ngôi cao mà ước nguyện

Những qua đi đừng bao giờ trở lại

*

Vẫn biết con tạo xoay vần

Vẫn biết chặng trình lịch sử

Những vòng quay tiếp nối vòng quay

Mai kia vẫn đầy khao khát

Bước kế đời vẫn gọi những xanh tươi

*

Nhưng bao dấu ấn của một chặng trình

Đọng mãi trong tâm thức

Dẫu con số thời gian có trượt dài bao lâu nữa

Thì vẫn còn nguyên một mảng sẫm sượng sần

Ký ức nghẹn mỗi khi lật lại

*

Chắc chắn rồi không trừ một ai

Trong thời khắc đào mai hớn hở

Lại thắp lên dạt dào ước vọng

Lại gọi tên những xốc xáo

Nào đứng lên chân dép chân giày

Ngày Xuân ơi !

Đàm Lan

TÔI VÀ BẠN

Tôi và bạn có thể song hành cùng nhau qua một tuyến đường

Có thể chia nhau một miếng bánh một chai nước và cả chiếc

khăn giấy lau tay

Có thể nói cùng nhau bao thứ chuyện trên trời dưới đất

Để khi đến trạm dừng đôi ngả còn ngoái chào nhau

Tôi và bạn có thể dự định cùng nhau những thăng trầm

sông kia nước nọ

Có thể hẹn thề rằng dẫu mây gió trăng sao cũng chập chùng

sương nắng

Nhưng chẳng may ngắn duyên mỏng phận bỗng một ngày

đứt đoạn quãng đường chung

Chẳng những buông lời trách oán ngoảnh mặt lạ xa cả đôi

khi nặng lòng thù hận

Những câu chuyện cuộc đời trăm con suối vạn dòng kênh

mang mang sông dài lũ thác

Làm sao biết mỗi bước đi tiếp đến sẽ là gì để mà khôn khôn

dại dại

Cũng không thể đem bao hỏng hóc sai hư mà bảo nhau ừ thì

làm lại….

Chỉ có thể đi qua đi qua dẫu ngậm ngùi hối tiếc lại dặn lòng

này nhé mai kia…

Tôi và bạn cùng được sinh ra cùng được buồn vui và cả

được cùng thấm thía

Khi nếm trải mỗi vị đời với rất nhiều giá cả so đo

Lỗ nặng hay lời to đôi khi chỉ là khái niệm

của từng trường đoạn

Đắng ngọt mộng đời dâu bể những nguồn cơn

Tôi và bạn. Bạn và tôi vẫn khi ngày khi tối

Hãy thư thả nét cười cho cuộc người hoa cỏ cũng sinh sôi

Đàm Lan

Ngày 6 tháng 1 năm 2022

Năm mới Nhâm Dần

Năm 2022

Năm mới Nhâm Dần đỡ dịch rồi

Mọi người cẩn thận khi ra đường

Năm K gìn giữ vẫn như cũ

Họp mặt ít đi đỡ tốn tiền

Chung sống dịch bà con bình tĩnh

Sóng gió sẽ qua, trời lại sáng

Mùa xuân sắp đến nơi rồi đây

Thấy lòng rộn rã nhớ xuân qua

Vui buồn thi thoảng, vui nhiều hơn

Kỉ niệm vẫn là những ngày qua

Cầu mong Nhâm Dần Tân niên tới

Đất nước an bình, nhân dân ấm no.

Thúy Mai (Quan Thúy Mai)

XUÂN ĐẾN

Kính tặng Má tôi


Xuân đến mà nào có vui đâu
Nhìn mai cúc nở dạ thêm sầu
Sương sớm giăng giăng chiều bảng lãng
Đêm thao thức hoài những đêm thâu

*

Nhớ ngày năm trước thấy nao nao
Nhành mai sân trước cạnh hoa đào
Mẹ thường vun bón kỳ cận Tết
Để bông vàng thắm bao ước ao

*

Xưa cha ươm tưới mấy gốc đào
Sắc thắm hồng tươi như luyến trao
Môi người xuân nữ còn e ấp
Chờ tình quân đến bến xuân nào

*

Xuân nay về nữa mà đâu thấy
Bóng dáng sinh thành đã khuất xa
Cha đi xa lắm từ năm ấy
Mẹ cũng về non bỏ lại nhà

*

Nhìn xuân mới đến lòng bâng khuâng
Nào có vui chi chốn gian trần
Vắng bóng mẹ rồi thêm quạnh quẽ
Thôi đành vui gượng với thế nhân

03 / 02/2022, Hoài Ly


XUÂN TIỄN BIỆT

Hôm qua Em đến Long Thành

Tiễn đưa người bạn nỡ đành ra đi !

Ôi sao tê tái chia li !

Kẻ còn - người mất ! Ướt mi ngại ngùng

Anh nằm nơi ấy lạnh lùng !

Còn Em trần thế não nùng bi ai !!!

Tình mình đâu thể nhạt phai

Mà Anh sao nỡ làm sai lời thề ?!

Ra đi không hẹn ngày về

Xuân nầy Tết đến ê chề thê lương !

Bao nhiêu kỷ niệm vấn vương

Thuận An - Vỹ Dạ - Sông Hương hẹn hò

Xa kia thấp thoáng con đò

Anh đi quên hết dặn dò gởi trao !!!

Xuân về Em biết làm sao ?

Mồ Anh cỏ mọc ! Tiêu Dao phương nào ?!

Vọng Anh u uất thì thào

Ra đi Xuân đến nghẹn ngào Anh ơi !!!

Vũ Thùy Hương

GỞI BAO NỖI NIỀM

Tân Sa Châu Xưa và Nay

Duy trì họp mặt vui vầy biết bao

Sẻ chia Sách quý ý cao

Thơ ca đàm đạo : hanh hao xế chiều

Giao lưu bè bạn thương yêu

Mong sao đại dịch sẻ tiêu ... rất gần :

Vui thay tiếp đón ân cần

Ôi sao ấm áp nghĩa ân nơi nầy

Tất Niên cầu chúc đủ đầy

An bình , vui khỏe ... đám mây tan rồi

Cầm tay Sách tặng bồi hồi

Tân Niên tái ngộ tô bồi sắc Xuân

Vũ Thùy Hương - 08/01/2021

VẪN MÃI NGUYỆN CẦU

Nam, Trung, Bắc: tình đậm đà
Nguy cơ đại dịch xông pha tuyến đầu
Xác thân ướp lạnh thảm sầu
Cùng chung khúc ruột bao câu ân tình

Đất lành trăn trở hãi kinh
Bao giông hiểm họa quê mình bất an
Ngậm ngùi phận số lầm than
Tha phương khốn khổ nguy nan trở về!!!

Hồi hương não nuột tái tê
Trời cao xin hỏi cõi mê phương nào?!
Gợi bao tình cảm dạt dào
Vẫn luôn hoài vọng ước mơ phước lành

Trong cơn đồng thiếp mộng thành
Chim bay, bướm lượn: âm thanh tuyệt vời
Vần thơ xúc cảm trao lời
Chung tay tiếp lửa cho đời ngát hương.

Vũ Thùy Hương

ƯỚC CHI MỘNG THÀNH

Tăng cường giãn cách qua rồi

Dây giăng tháo gỡ bồi hồi thương sao

Xế chiều thơ thẩn hanh hao

Lá xanh đã rụng! Tuổi cao não lòng

Mắt nai ngơ ngác long đong

Mạ, Cha đại dịch đuổi rong cõi Trời!!!

Thân xác cô quạnh nghẹn lời

Nhìn lên di ảnh rối bời tâm can

Xót thương lệ đẫm hai hàng

Dịch gây tang tóc đôi đàng phân ly

Ánh Dương rạng rỡ ước chi

Còn Cha, còn Mạ chân đi vững vàng

Não nùng ai oán hoang mang

Kéo lê phận bạc lang thang lạc loài

Vần Thơ thương cảm u hoài

Sẻ chia ngọt đắng bi ai tận cùng

Sài Gòn tang trắng hình dung

Phồn hoa đô hội não nùng mộng xưa!!!

Covid ơi! Dừng lại nghe chưa

Việt Nam – Thế giới te tưa rã rời

Cành non nảy lộc đâm chồi

Hoa tươi khoe sắc muôn nơi nguyện cầu.

Vũ Thùy Hương

NHỚ CHA HÀO HÙNG

Bốn lăm kháng Pháp nổi lên

Cha theo Cách mạng ghi tên sổ vàng

Cho con chế độ đàng hoàng

Nối dòng máu đỏ hiên ngang vững vàng

Mười lăm xã huyện đường làng

Chân cha đi khắp dân gian huyện nhà

Cái Bè, Hậu Mỹ, Tiền Giang

Sáu Tương, dân biết tên vang hội hè

Phó công an huyện Cái Bè

Kiêm thêm địch vận chức nghề Trưởng Ban,

Úp đồn diệt dịch vẻ vang

Không may Pháp giết trận làng Rạch Bưng

Quân khu lấy xác về chôn

Lễ làm hạ nguyệt tại thôn quê nhà

Nhớ ngày con ngủ cha ca

Cho chơi súng ngắn, thiết tha giao liền

Ý cha nhắc nhở con hiền

Nối theo cha gót mà hiên ngang tùng

Máu cha cách mạng hào hùng

Con luôn phấn đấu phục tùng quốc dân

Dù cho khổ cực tấm thân

Miễn cha tâm đắc ở tầng đất sâu.

Hồng Lạc – Tp. HCM

THUYỀN HOA NAM BỘ

Ngẫu hứng đu thuyền chơi quá độ
Nhà quê dưỡng nụ chờ sang phố
Muôn cành lộc biếc vẫn đang bung
Vạn búp chồi non dần sắp trổ
Mộng ảo ru hồn cánh vạc bay
Xuân hồng vỗ giấc đài hoa lộ
Lênh đênh chậm rãi hướng Sài Gòn
Đậm sắc màu như tranh ngũ hổ.

Ngụy Kỳ Nam


DẶM TRƯỜNG XUÂN

Đầu râu bạc trắng cầm tinh hổ
Vẫn miệt mài thơ hòa vận thố
Ngói đỏ đình làng dấu nhạt phai
Đồng xanh ruộng lúa bông bùng nổ
Chèo xuống rạch nước nhỏ cầu kênh
Thả bộ đường quê xa chợ phố
Mới nửa chừng xuân rộng tháng ngày
Như trai choáng vẫn tràn phong độ.

Ngụy Kỳ Nam

XUÂN NHÂM DẦN 2022

Đổi ca Tân Sửu với Nhâm Dần
Bỗng chúa sơn lâm hiện trước sân
Rượu Tết nâng ly mời bạn hữu
Thơ Xuân họa vận chúc thi nhân
Rõ ràng nhận định điều hư thực
Tha thiết chủ trương tính kiệm cần
Ngã bóng tà dương đường sáng sủa
Lạc quan tiến bước vững bền chân.

Thanh Vĩnh – Nguyễn Công Ân


THI CA VIỆT NAM

Việt Nam văn hiến lâu đời

Bao thuở trước mở đài luyện thi

Thơ ca dân tộc đã ghi

Chào mừng thu hữu phát huy trổ tài

Đức – tâm – trí – dũng miệt mài

Dựng xây Tổ Quốc chung vui thuận hòa

Lấy chân thiện mỹ suy ra

Lời hay lẽ phải đậm đà tình thương

Thơ ca truyền cảm vấn vương

Làm nên văn học âm dương hài hòa

Tình cao nghĩa cả sâu xa

Cầu mong hạnh phúc nước nhà thịnh hưng

Thơ ca nhiệt liệt chúc mừng

Hòa bình nhân loại kết từng quốc gia

Đồng thanh nâng đỡ dân ta

Tiên rồng hòa hợp nở hoa với người

Thơ ca hưng phấn ai ơi!

Mở mang trí tuệ tuyệt vời ngữ ngôn

Như là thần dược tâm hồn

Đắp bồi văn hóa trường tồn Việt Nam.

Nguyễn Văn Tốt

Dự tiệc tất niên

Chúng ta dự tiệc tất niên

Hẹn hò xuân mới tình thêm mặn nồng

*

Bữa cơm đoàn kết bất ngờ

Nối liền nghĩa bạn tình thơ dạt dào

Đầy mâm nem rán, măng sào, tôm rim

Lá chanh chộn thịt gà mềm

Cơm ngon, canh ngọt càng thêm đậm đà

Đảm đang nội trợ tề gia

Nhờ ban tổ chức tài ba tuyệt vời

Lê Minh Chử

Thơ là công cụ

Thơ là cái đẹp, cái hay

Từ xưa đã có và nay vẫn còn

Vun trồng tình cảm con người

Thơ là công cụ tuyệt vời trời ban

Lê Minh Chử


Cảm ơn cỏ

Ngọn cỏ nhỏ nhoi, hoa nở vàng lấm tấm

Đã đến chót Mũi Cà Mau không biết bao giờ

Muôn dặm biển Đông, sóng búa chồm quằn quại

Đập điên khùng vào rễ cỏ mỏng như tơ...

Rễ bật, thân trôi, nhánh tướp và hoa rụng

Hoa dạt quanh mùn lá, nảy mầm xanh

Mầm nhỏ xíu vật vờ, huơ chân tìm điểm tựa

Sống hết đời vẫn không hết mong manh

Cây đước chết rồi cây mắm chết

Ôm phù sa từng giọt thắm hồng cầu

Cỏ chợt mọc và chìm dưới nước mặn

Thoi thóp ngoi trong sóng giật nát nhàu

Có cỏ có nghĩa là có đất

Đất ngọt dần giữa biển mặn mênh mông

Và ngọn cỏ âm thầm mang số phận

Những người từng mở cõi, giữ non sông...

Ngọn cỏ bị lãng quên, bơ vơ cuối chân trời

Bền bỉ sống để mở ra sự sống

Đất đang sinh, lấn từng vòng biển rộng

Cũng bắt đầu từ ngọn cỏ này thôi.

Ngọn cỏ long đong, dầu dãi, nhỏ nhoi

Điềm tĩnh đối đầu với muối và bão

Để sau cỏ, bát ngát một bán đảo

Như lưỡi cày khổng lồ xuyên qua đại dương...

Đến mỏm đất cuối cùng của mọi quê hương

Tôi thành kính cúi thấp đầu trước Cỏ

Cỏ vẫn bao dung và dịu dàng và bé nhỏ

Và vô danh trong muôn cõi vu vơ...

Mũi Cà Mau 1.1.1999

Trần Nhuận Minh

THANKING THE GRASS

The little grass with its tiny yellow flower
blooming spottily

Had come to the point of Cà Mau,
no one knows since when

On the thousand leagues of the Eastern Sea,
the waves surrounded, twisted and pranced

Beating madly at the thin like silk grass root...

The roots were uprooted, the body flowed,
the sprigs tattered and the flowers fell

From flowers drifting around decayed leaves
sprouted green buds

The tiny bud lived precariously and waving
its foot looking for a point to lean on

Living throughout its life without ceasing to be frail

After the mangrove died, the brine tree also died

Hugging the silt, drop by drop filled with red
corpuscles

The grass suddenly grew and sank under salted water

Stirringly emerged from wrinkled strong waves

Having the grass means having the ground

The ground turned sweeter and sweeter amidst
the immense salted sea

And the grass silently bore the destiny

Of people who had enlarged the frontier
and safeguarded the homeland...

The forgotten grass was lonely at the horizon

It lived an enduring life to bring about life

The ground is being born, encroaching areas
of immense sea

All had originated from this very leaf of grass

The unfortunate, weather-beaten and tiny leaf of grass

Calmly confronted the salt and storms

Behind the grass was an immense peninsula

Looking like a huge ploughshare going through
the ocean...

Coming to the peak of the last land of all countries

I respectfully bowed down to the GRASS

The grass continued to be magnanimous, gentle, and tiny

And anonymous among thousands of vague worlds...

Point of Cà Mau 1-1-1999

Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn

Phụ bản III


GẶP CÁC BỘ ÓC

SIÊU VIỆT NHẤT HÀNH TINH

Mùa Nobel, mọi chú ý lại đổ dồn về thủ đô Stockhom của Thụy Điển, nơi những phát minh, sáng tạo và cống hiến khoa học vĩ đại nhất lần lượt được tôn vinh.

Song có một nơi khác ở châu Âu rất nổi tiếng, điểm hẹn của các nhà khoa học đoạt giải Nobel trên toàn thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Nơi ngã ba biên giới ở châu Âu

Lindau, thành phố nhỏ nhắn và cổ kính ở cực nam nước Đức, nơi ngã ba biên giới tiếp giáp với Áo và Thụy Sĩ. Đều đặn từ năm 1951 đến nay, năm 2014 này là lần thứ 64 họ gặp nhau.

38 nhà khoa học đoạt giải Nobel về Y học cùng 600 nhà khoa học trẻ từ 80 nước trên thế giới đã đổ về Lindau để trao đổi, tọa đàm và thuyết trình về những ý tưởng hoặc thành tựu mới nhất trong lĩnh vực y học và y sinh học. Bằng cách thức gặp gỡ quốc tế đậm tính trao truyền này, tại Lindau sự giáo dục không chỉ dừng lại ở những điều học được trong sách vở, mà nó còn là niềm cảm hứng và những trải nghiệm quý báu của các nhà khoa học nhiều thế hệ mang đến cho nhau.

Lindau rất nhỏ và thanh bình, đó là một hòn đảo nằm phía bờ Đông của hồ Constance với diện tích vẻn vẹn 0,68km2, dân số hơn 2 vạn người.

Từ thành phố nơi ngã ba biên giới này tôi có thể sang Áo và Thụy Sĩ uống cà phê buổi sáng như đi từ khu này sang khu khác trong một thành phố vậy.

Từ Lindau thuộc Đức, tôi tới thành phố Bregenz thuộc Áo chỉ vẻn vẹn có mươi phút tàu điện, chạy liên tục mỗi tiếng một chuyến. Sang Thụy Sĩ cũng tương tự như vậy, tuy nhiên tôi thấy dân Thụy Sĩ sang Lindau ăn uống nhiều hơn so với chiều ngược lại bởi giá cả bên Đức rẻ hơn rất nhiều. Chủ một tiệm ăn người Việt ở Lindau kể, có mấy ông bà già người Thụy Sĩ tuần nào cũng sang đây ăn uống thoải mái rồi "bo" rất hậu hĩnh.

Hồ Constance ở phía Bắc dãy núi Anpơ, nằm lọt giữa 3 nước Đức - Áo - Thụy Sĩ là hồ nước ngọt lớn thứ 3 ở Trung Âu, chỉ đứng sau hồ Balaton của Hungary và hồ Geneva của Thụy Sĩ. Hồ có chiều dài tới 63km, rộng 14km, bao phủ một diện tích lên tới 571km2. Chiều sâu trung bình của hồ là 90 m, chỗ sâu nhất lên tới 252 m.

Tôi tới Lindau vào những ngày đầu tháng 7 vừa qua, trời nắng đẹp đứng bên bờ hồ phía Đức có thể nhìn rõ những dãy núi xa xa phía Áo và Thụy Sĩ. Chốc chốc lại có một chuyến tàu du lịch cỡ lớn cập bến đổ khách từ Thụy Sĩ và Áo xuống, chủ yếu là người già vì họ có nhiều thời gian rỗi rãi và thường dư dả về tài chính.

Lindau đúng nghĩa là một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng với phong cách cổ điển và thanh bình, quả là nơi đắc địa lý tưởng dành cho các cuộc gặp gỡ của đỉnh cao trí tuệ như giải Nobel. Hầu hết mọi con đường ở Lindau đều lát đá dành cho người đi bộ với lối kiến trúc cổ điển châu Âu quyến rũ mê hồn du khách. Phố xá sạch tinh tươm, đậm dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc gothic trên mọi góc phố.

Không khí trong veo, nhẹ tênh khiến ta phải hít căng lồng ngực để tận hưởng, những tháp chuông nhà thờ cao vút, những ngôi nhà cao nhất cũng chỉ 3-4 tầng với ban công mềm mại phủ đầy hoa hoặc dây leo, những cánh cổng biệt thự xinh xắn, sự thư thái của những con người nơi đây, tất cả tạo nên một ấn tượng cực kỳ dễ chịu và văn minh.

Đặc biệt vào buổi chiều tối se se lạnh, những con phố lát đá ở trung tâm Lindau thật quyến rũ, chúng được nhuộm một màu vàng óng quý phái của đèn đường với những quán ăn, quán cà phê được bài trí sang trọng từ trong nhà ra đến tận vỉa hè. Khăn trải bàn trắng muốt, nến lung linh, tiếng vĩ cầm réo rắt đâu đây, ngồi ăn tối hoặc nhâm nhi ly cà phê giữa thành phố cổ kính nơi ngã ba Đức - Áo - Thụy Sĩ này này quả là một trải nghiệm thú vị, không thể nào quên.

Không khoa trương

Lễ khai mạc hội nghị Nobel, hội trường lớn cả ngàn chỗ ngồi ở Lindau không còn một chỗ trống. Gần 40 nhà khoa học đoạt giải Nobel xếp thành một hàng dọc lần lượt đi vào hàng ghế danh dự ở giữa hội trường trong tiếng vỗ tay vang dội đầy ngưỡng mộ của 600 nhà khoa học trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, các khách mời và giới truyền thông.

Có một điều khác với các hội nghị hay lễ lạt thường thấy ở Việt Nam, mấy chục nhà báo quốc tế chúng tôi lại được xếp ngồi ở những hàng ghế trên cùng sát với sân khấu, còn những nhân vật chính của hội nghị là các nhà khoa học lẫy lừng thế giới, các yếu nhân khác như Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu liên bang Đức - GSTS Johanna Wanka; Chủ tịch UB Nobel về Y học và Sinh lý học (Physiology) Viện Karolinska (Thụy Điển) Klas Karre - nơi xét trao giải thưởng Nobel hàng năm cho các nhà khoa học trong lĩnh vực này; nữ bá tước, Chủ tịch Ủy ban Hội nghị Lindau Nobel Bettina Bernadotte ngồi ở phía... giữa hội trường. Như vậy, quan niệm bất thành văn thường thấy ở ta là quan khách quyền cao chức trọng thường tọa ở những hàng ghế đầu tiên đã bị đảo lộn, ít ra là ở Lindau này.

Buổi lễ khai mạc diễn ra gọn gàng chừng hơn 1 tiếng, song tuyệt nhiên không có bất cứ bài phát biểu nào của các nhân vật chính là các nhà khoa học đoạt giải Nobel, cũng không thấy nhà nghiên cứu trẻ nào lên phát biểu như ở ta, chỉ thấy mấy bài đít-cua của nhà tổ chức, của vị bộ trưởng và màn ra mắt một kênh truyền hình khoa học có tên ARD Alpha.

Có lẽ những màn hình thức, khoa trương, nói lời chúc tụng có cánh này nọ không hợp với những nhà khoa học tài năng xuất chúng này chăng. Liếc qua cái lịch trình của Hội nghị diễn ra trong 5 ngày được đóng thành quyển dày tới 95 trang sẽ thấy, bắt đầu từ sáng mai từ 9h -17h mỗi ngày, cái bục diễn thuyết trên kia mới là của họ, lịch xếp kín mít cứ nửa tiếng một xuyên qua trưa là các bài giảng, tranh luận, thuyết trình của các nhà khoa học cả già lẫn trẻ - những người từng được giải Nobel và những ứng cử viên Nobel đầy tiềm năng trong tương lai.

Trong gần 40 bộ óc vĩ đại bậc nhất hành tinh lần này xuất hiện tại Lindau có tới 19 nhà khoa học của Mỹ, 5 nhà khoa học Đức, Anh và Pháp có 3 nhà khoa học, Thụy Sĩ, Úc và Israel mỗi nước có 2 nhà khoa học. Còn trong tổng số 600 nhà khoa học trẻ đến từ 80 nước trên khắp thế giới được Ban tổ chức mời tham dự hôm nay, đông nhất vẫn là những người mang quốc tịch Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tôi lật đi lật lại mãi cuốn danh bạ về 600 nhà khoa học trẻ được phát (Index by Nationality, Index by Country) mà không tìm thấy bất cứ nhà khoa học nào đến từ Việt Nam hoặc mang quốc tịch Việt Nam. Đoàn nhà báo quốc tế gồm hai chục người đến từ các nước như Mỹ, Anh, Canada, Hàn Quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Chile, Brazil, Botswana đều được BTC sắp xếp để gặp gỡ và phỏng vấn các nhà khoa học trẻ đến từ đất nước của họ, riêng tên tôi trong lịch phỏng vấn bị để trống với dòng chữ " đang tìm người phù hợp" (trying to find a match for Nguyen) . Đương nhiên là họ không tìm ra.

Hơi chạnh lòng một chút vì thú thật trước khi sang đây tôi tự tin nghĩ rằng, thể nào chả gặp các sinh viên hay nghiên cứu sinh Việt Nam đang du học rất đông ở Đức và các nước châu Âu khác. Hỏi chuyện một nhà báo Đức đã có nhiều năm theo dõi hội nghị Lindau này mới biết, những nhà khoa học trẻ này thường đang làm luận án tiến sĩ hoặc thậm chí là sau tiến sĩ tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu trong lĩnh vực y học hoặc sinh lý học, anh nói hầu như không thấy các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Có thể tôi đã nhầm, bởi hầu hết các học sinh Việt Nam ngày nay, cho dù học ở trong hay ngoài nước, đều học các ngành "thời thượng" để dễ xin việc sau này, rất ít người muốn làm nghiên cứu khoa học.

Tôi cũng nói chuyện với nhiều nghiên cứu sinh đến từ các nước khác nhau về trình độ phát triển trên thế giới, dù nước giàu hay nước nghèo, họ đều thể hiện một niềm đam mê nghiên cứu đến cháy bỏng, đều đến đây với mục đích được trực tiếp nghe các bài giảng của những nhà khoa học nổi tiếng, trao đổi và thậm chí là tranh luận với các bộ óc thiên tài này.

Trong số 600 nhà khoa học trẻ hôm nay, liệu có ai sẽ tiếp bước các gần 40 nhà khoa học đoạt giải Nobel mà họ gặp ở Lindau lần này, tiếp tục cống hiến cho nhân loại những phát minh vô giá? Tôi tin là sẽ có, bởi những cuộc gặp gỡ như thế này chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực và hoài bão cho họ vươn xa.

Phẩm chất "Nobel"

Trong những ngày ở Lindau, tôi may mắn được gặp gỡ và đặt nhiều câu hỏi phỏng vấn một người rất nổi tiếng, đó là nhà nữ khoa học người Pháp đoạt giải Nobel năm 2008, người đã tìm ra virus HIV và đang dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu và hoạt động xã hội chống lại căn bệnh HIV/AIDS, GS-TS Francoise Barre-Sinoussi. Chính bà là người viết thư ngỏ công khai chỉ trích giáo hoàng Benedict XVI vì ông này đã bác bỏ việc sử dụng bao cao su như là một phương pháp để phòng lây bệnh.

Đặc biệt, bà rất gắn bó với Việt Nam, với Viện Pasteur TP.HCM, đã sang Việt Nam rất nhiều lần kể từ năm 1988 tới nay để giúp chúng ta phòng ngừa căn bệnh thế kỷ.

Hôm đó, số lượng các nhà báo quốc tế đăng ký phỏng vấn bà đông chưa từng thấy, đến nỗi khán phòng chật ních không còn một chỗ trống. Rất nhanh chóng, tôi mở màn cuộc phỏng vấn, khi giới thiệu mình là nhà báo Việt Nam, tôi thấy bà phấn chấn hẳn lên và dành cho tôi một ngoại lệ đặt liên tiếp 3 câu hỏi trong sự "la ó" của hàng chục đồng nghiệp quốc tế khác. Bà nói Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển trên thế giới đấu tranh rất hiệu quả với căn bệnh HIV/AIDS. Bà cho biết, hiện vẫn giữ thói quen làm việc chăm chỉ 7 ngày mỗi tuần, 13 tiếng mỗi ngày dù năm nay đã 67 tuổi.

Mỗi buổi sáng, khi xuống ăn sáng dưới tầng trệt tại khách sạn xinh xắn nơi tôi ở, hay bắt gặp cảnh hai ông bà già rất đẹp lão nhỏ nhẹ ngồi uống cà phê bên chiếc bàn cạnh cửa sổ.

Cụ ông tóc bạc phơ, dáng thư sinh nho nhã, tôi thầm nghĩ chắc họ đi du lịch và tận hưởng bầu không khí trong lành, thư thái nơi hòn đảo này. Nào ngờ, khi dự buổi phỏng vấn người đoạt giải Nobel y học vì có công tìm ra virus ung thư cổ tử cung (HPV), để từ đó cho ra đời vaccine chống ung thư cổ tử cung vào năm 2006, tôi mới nhận ra ông già đẹp lão đó chính là GS-TS Harald Hausen ở Viện nghiên cứu ung thư Heidelberg (Đức), ông năm nay đã 78 tuổi. Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Cái cách ông trả lời phỏng vấn cũng nhỏ nhẹ và điềm đạm như khi ông ngồi ăn sáng vậy. Ông nói hy vọng rồi đây vaccine HPV sẽ rẻ hơn và phổ biến hơn cho mọi người, bởi hiện nay chúng còn khá đắt. Ngay tại Đức cũng đã lên tới hàng trăm euro một liều.

Tôi còn được dịp trò chuyện với nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel y học khác như GS Bruce A. Beutler (Mỹ, Nobel 2011), GS Brian K. Kobilka (ĐH Stanford, Mỹ, Nobel 2012), GS Rolf M. Zinkernagel (Thụy Sĩ, Nobel 1996)…Thú thực, người trần mắt thịt như tôi khó mà có thể hiểu được những phát minh, hiểu hết được tầm quan trọng cũng như cống hiến khoa học cho nhân loại của họ. Chỉ biết những phát minh đó liên quan tới cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch của con người, cơ chế chữa bệnh của các loại thuốc tây hiện đại, nhờ đó giúp chữa trị hay phòng ngừa được các bệnh nan y cho con người.

Bên ngoài những bộ óc vĩ đại ấy là những con người bằng xương, bằng thịt đang ngồi trước mặt tôi đây, đang vui vẻ trả lời mọi câu hỏi, thậm chí có phần còn ngô nghê (có thể do chưa hiểu kỹ) của các nhà báo. Tất cả họ đều toát lên sự giản dị, chân thành và hết sức gần gũi từ cách ăn mặc đến tác phong, lời nói. Dường như một khi bộ óc của ai đó càng phát triển, càng hiểu biết, họ càng không để ý đến những màu mè hình thức bề ngoài.

Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy cùng một lúc nhiều bộ óc vĩ đại, nhiều giải Nobel đến như vậy ở Lindau này. Ngắm nhìn họ trong những trang phục hết sức giản dị, và vô cùng ngưỡng mộ họ về những cống hiến lớn lao, vô vụ lợi cho sự phát triển đích thực của nhân loại, càng thấy sự vĩ đại của những nhà khoa học này. Không có họ, không có nền văn minh này. Không có họ, nhân loại làm sao phát triển được?

Xin mượn câu nói của nữ GS người Pháp đoạt giải Nobel vốn dành nhiều thiện cảm cho Việt Nam, bà Francoise Barre-Sinoussi thay cho lời kết của phóng sự này : "Làm khoa học không phải vì sự nghiệp, cũng không phải vì tiền, mà là vì mọi người".

Không có đại diện từ Việt Nam

Trong tổng số 600 nhà khoa học trẻ đến từ 80 nước trên khắp thế giới được Ban tổ chức mời tham dự hôm đó, không có nhà khoa học nào đến từ Việt Nam hoặc mang quốc tịch Việt Nam.

Trong khi đó các nước nghèo hơn ta, thậm chí chưa bao giờ thấy họ có thành tích trong các giải thi Olympic quốc tế các môn khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh… như Việt Nam lại hiện diện ở nơi đây. Campuchia ngay sát ta cũng có 1 nhà khoa học trẻ được mời tham dự, các nước khác như Kenya, Algeria, Zimbabwe, Cuba… mỗi nước đều có 1 người tham dự, thậm chí một nước rất nghèo ở châu Á là Bangladesh lại có tới 3 nhà khoa học trẻ tham dự khiến tôi hết sức ngạc nhiên.

Việt Hùng - Hoàng Kim Thư st.

HỌC GIẢ VƯƠNG HỒNG SỂN

SÁCH, CỔ VẬT LÀ BẠN CỐ TRI

Ngày 10-12-1923 tại Sài Gòn, tờ báo La Cloche Félée (Cái chuông rè) phát hành số báo đầu tiên. Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh phải ôm từng chồng báo chạy rao bán trên đường Catinat, Bornad, dEspagne... Khi chạy mỏi chân, anh Ninh thường đứng nghỉ chân trước nhà hàng Yeng Yeng. Lúc đó, có một thanh niên ăn chơi khét tiếng, ngồi trong nhà hàng thưởng thức món bít tết Chateaubriand với giá 8 cắc một dĩa. Thấy Nguyễn An Ninh, người thanh niên vội vàng đứng dậy ra khỏi quán mua tờ báo La Cloche Félée, để được cầm lấy tay anh. Hành động dũng cảm ấy nhằm “lấy le” với những người đẹp trong chốn giang hồ rằng: “Mình cũng là người đồng tịch đồng sàng với nhà cách mạng này”. Vậy đó, dù không có gan làm cách mạng nhưng chàng thanh niên này đã kính trọng người làm cách mạng, trọng công bằng, lẽ phải và căm ghét cường quyền.

Người đó tên là Vương Hồng Sển, nhỏ hơn Nguyễn An Ninh 2 tuổi. Ông đã sống trọn thế kỷ XX này, về cuối đời ông tự bạch như trên và cho biết: “Tôi từ nhỏ đã có tánh ham mê đọc sách. Tôi cho sách là bạn cố tri trung thành, nên khi đọc và lúc cao hứng, tôi thường ghi lại bên lề trang sách những cảm tưởng nhứt thời, không khác được tỉ tê tâm sự với một bạn cố giao bằng xương bằng thịt. Vì vậy cuốn sách hóa ra của riêng, y như vợ nhà, và nếu thuở nay không đời nào ai cho mượn vợ, thì xin các bạn hiểu giùm vì sao tôi ít cho mượn sách... Tánh tôi rất khó, nên tôi lập tâm không bao giờ mượn sách của ai, vì tôi cho rằng đọc sách phải thư thả, sách mượn đọc hối hả để mau trả thì mất vui mất thú. Khi tôi lựa được một cuốn sách hay thì tôi chẳng nệ hà mắc giá, thế nào tôi cũng mua cho được và tôi cưng cuốn sách còn hơn bà xã nội gia”. Mê sách, quý sách, ham đọc sách như thế nhưng ông lại tự trào cho rằng đó là... hư! Và còn một tính hư khác nữa là “có bao nhiêu tiền kè kè bên túi, trong thì ép vợ ép con ăn kham mặc mót ngoài thì... mua đồ cổ ngoạn!”.

Có lẽ, ở thế kỷ này, hiếm có ai như thế. Cái gì đã lọt vào tay ông thì ông giữ cho đến chết. Nhờ vậy, chúng ta mới biết được bao điều thú vị khác của “ngày xửa ngày xưa”. Chẳng hạn, nhờ ông chúng ta mới thấy được tấm chương trình của thày Năm Tú trong hai đêm 11 và 12-11-1922 đã hát tuồng cải lương Kim Vân Kiều tại rạp Modern Cinema (212 đường dõEspagne - Sài Gòn). Chi tiết này, giúp ta biết được kiệt tác của Nguyễn Du được đưa lên sân khấu cải lương trước khi lên phim vì mãi đến năm 1924 phim Kim Vân Kiều mới chiếu ở Hà Nội do Công ty Indochine Films et Cinemas thực hiện.

Sau khi xâm lăng nước ta, một số văn minh và ngôn ngữ Pháp đã xâm nhập vào đời sống và đã giúp tiếng Việt phong phú hơn, đa dạng hơn và cũng từ đó hình thành loại ngôn ngữ “Pháp - Việt giao duyên”. Đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm ra sự “giao duyên” này trong thơ, hát nói, ngâm khúc, hát ru con... Nhưng cũng nhờ tính khoái sưu tập mà Vương Hồng Sển đã trưng ra được sự “giao duyên” theo điệu hát tứ đại. Chẳng hạn, bài Tây Nam du hát theo điệu tứ đại dài 43 câu: “Thương, ỷ thương không ngớt cơn sầu/ Sông Ngân dạ muốn bắc cầu/ Trách mấy người lòng chẳng em-mê (aimer: thương mến)/ Năm canh sầu ủ ê/ Cái niềm phu thê/ Sao mà muốn kít-tê hỡi nàng (quitter: chia lìa)/ Vì tại sai la luy nơ soi tỏ dạ (la lune: mặt trăng)/ Mấy lời nguyền...”.

Trên đây là một trong rất nhiều thú vị khi nhắc đến ích lợi của tính khoái sưu tập, sưu tầm của Vương Hồng Sển. Thuở nhỏ, ông học ở trường Chasseloup-Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn) từ năm 1919 đến 1923. Sau khi thi đậu Brevet Elementaire ngày 18-6-1923, ông tiếp tục dự thi và trúng tuyển khoa thi chọn người làm thư ký cho chánh phủ. Cuộc đời công chức của ông kéo dài đến năm 1943. Sau đó, từ năm 1947-1964 ông làm quyền quản thủ thư viện bảo tàng quốc gia Sài Gòn.

Ông xuất hiện trên trường văn trận bút khá chậm, từ năm 1947, lúc bấy giờ đã ngoài 40 xuân. Dù chậm, nhưng gừng càng già càng cay, với sự từng trải và kiến thức tích lũy, ông đã viết nhiều tác phẩm có tiếng vang tốt trong dư luận. Càng về sau, những trang viết của ông càng khẳng định giá trị vốn có của nó. Để hiểu miền Nam mến yêu của nước Việt thì một trong những cuốn sách chắc chắn phải đọc là của Vương Hồng Sển. Một trong những đóng góp lớn nhất của ông trong văn hóa nước nhà - đó là ông đã giữ được bản sắc ngôn ngữ miền Nam. Lối hành văn, sử dụng ngôn từ của ông tươi rói như sức sống bền bỉ của người miền Nam, chúng ta khó có thể tìm thấy ở đó tì vết của sự “pha tạp”.

Tác phẩm đầu tiên của ông là Sài Gòn năm xưa in năm 1960, đến nay đã tái bản nhiều lần. Đây là cuốn sách biên khảo công phu với tài liệu dồi dào nhắc lại công lao của tổ tiên những người đi mở đất một cách cảm động. Về địa danh Sài Gòn, ông kết luận rằng: Sài Gòn theo tiếng Miên là Prei Nokor (nghĩa là xứ ở rừng), Trung Hoa tới lập khu buôn bán gọi là Đề Ngạn (Chợ Lớn ngày nay) và người Việt tới lập một khu khác gọi là Bến Thành (Sài Gòn ngày nay). Đề Ngạn mà phát âm theo giọng Quảng Đông thì nghe ra Thầy ngôn hay Thì ngồn, Tài ngòn. Sài Gòn có lẽ do đó mà ra, chứ không phải do Prei Nokor. Cũng trong năm này, ông cho in Thú chơi sách với lối viết lịch lãm của một người chơi sách chuyên nghiệp. Nay đọc lại vẫn còn thấy thú vị, chỉ tiếc rằng, bây giờ, ít còn ai ham thích chơi sách cỡ như “chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa, êm ái vuốt ve trang giấy mịn màng, gởi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu công tử đời xưa tiếp kiến nhân tình bằng xương bằng thịt” (tr.24, NXB Mỹ thuật tái bản 1994).

Theo hồi ký của ông, sau khi ly dị người vợ lần thứ nhất, ông đã đâm ra... hư! Từ năm 1924, ông quan hệ nhiều với giới văn nghệ sĩ. Nhờ đó ông đã chú tâm ghi chép, sưu tập nhiều tài liệu quý về sân khấu cải lương. Năm 1968, lúc bấy giờ đã ngoài 60 xuân, ông cho in Hồi ký 50 năm mê hát. Cho đến nay, chưa có công trình khảo cứu nào đầy đủ, công phu và thuyết phục hơn công việc của ông đã làm - nhất là ở phần phụ lục. Về “lai lịch” của nghệ thuật cải lương theo ông thì:

a) Cho đến năm 1915 tại miền Nam, và chính tại Sài Gòn, các tài tử còn ca các bài cũ kiểu “độc thoại” và không bao giờ khi ca ra có bộ; có thể ví đó là thời kỳ thai nghén hay tượng hình tượng trưng của ca hát.

b) Bắt đầu từ 1916, có ca đối thoại, nhiều người và gọi đó là “ca ra bộ”. Điển hình nhứt là bài Tứ đại oán, Bùi Kiệm thi rớt phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) nhà thầy Phó Mười Hai. Đây là thời kỳ trứng nở biến ra nhộng nhưng chưa biết xe tơ.

c) Đêm 16-11-1918 tại rạp hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng Pháp - Việt nhứt gia cũng gọi Gia Long tẩu quốc. Thời kỳ này, con tằm đã biết kéo chỉ, nhưng chưa khéo như sợi tơ tằm “cải lương” sau này; tuy vậy nên kể là thời kỳ phôi thai của cải lương được.

d) Sau đêm 16-11-1918 André Thân trước, rồi Năm Tú sau, đưa cải lương lên sân khấu thiệt thọ. Năm 1922 chính là năm điển hình, diễn tuồng Trang Tử thử vợ và tuồng Kim Vân Kiều mấy phen tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và rạp Modern Sài Gòn.

Lúc này cải lương đã ra đời và thành hình thật sự. Con tằm đã lanh lẹn và sợi chỉ đã săn, thâu súc lại chắc chắn. Một sợi tơ kéo ra Bắc do sinh viên trường Cao đẳng. Tính đến năm 1968, sợi tơ đã được 50 năm và biến biến hóa hóa thiên hình vạn trạng không biết sẽ đi đến đâu mà đoán trước được” (tr. 176).

Sau đó, năm 1971 ông cho in cuốn Chuyện cười cổ nhân (NXB Văn nghệ TP HCM tái bản 1992). Đây là một cuốn sưu tập có giá trị, vì ông đã tuyển chọn lại chuyện cười của Trương Vĩnh Ký, Thọ An, Đinh Thái Sơn, Đặng Lễ Nghi... xuất bản từ đầu thế kỷ XX. Đóng góp cho văn hóa nước nhà của ông không chỉ có vậy, ông còn viết cả Phong lưu cũ mới in năm 1970 (NXB TP HCM tái bản 1990) trình bày về thú chơi cá, chim, chọi gà... rồi Thú xem truyện Tàu với cách viết lịch lãm, uyên thâm, đưa ra nhiều tài liệu, nhận xét xác đáng.

Nhưng công lớn nhất của học giả Vương Hồng Sển vẫn là những bộ sách khảo cứu đồ cổ ngoạn. Hơn ai hết, ông là người có đủ kiến thức về lĩnh vực này và bản thân ông cũng là nhà sưu tập đồ cổ ngoạn với số lượng nhiều nhất, có giá trị nhất. Niềm say mê của ông đối với đồ cổ ngoạn thật lạ lùng. Ông từng tâm sự: “Bình sinh tôi mê thích đồ cổ còn hơn khách hào hoa mê gái, hơn xa người đánh bạc mê bài. Mua được một món lạ, tôi đắc ý gặp ai đến nhà cũng lấy ra khoe, quên rằng ép người ta nghe mình nói chuyện Tam Hoàng quốc chí, người ta mau chán ngán. Chỉ riêng tôi, với món đồ mới sắm, tôi có thể mân mê suốt ngày, không ăn cũng đủ no. Nói ra không sợ ai cười, tôi có thể trở nên một thằng điên “khúc khích mình cười nói chuyện một mình” rồi tôi sung sướng khoan khoái trong lòng, khi ấy tự mình thấy trẻ trung, nhỏ xuống mấy tuổi, vì lẽ ấy không trách vì sao tôi cứ mua đồ cổ. Tiền mua đồ cổ, dẫu tốn bao nhiêu, tôi không sợ” (Hơn nửa đời hư, tr. 501).

Với ông, đồ cổ ngoạn không phải là vật vô tri vô giác mà là mỹ nhân, giai nhân tuyệt sắc có thể trò chuyện, sờ ngắm được. Nói như ngôn ngữ nhà Phật thì do cơ duyên, nên ông đã sưu tập được những đồ cổ ngoạn loại quý hiếm nhất.

Trong những năm cuối đời, Vương Hồng Sển vẫn tiếp tục viết khảo cứu. Năm 1992, ông cho in Sài Gòn tạp pín lù. Năm 1993 ông cho in Tự vị tiếng nói miền Nam (nhưng khi in người ta lại tự ý đổi thành Tự vị tiếng Việt miền Nam - NXB Văn Hóa). Cuốn sách này dày gần 800 trang in, là tác phẩm quan trọng và cần thiết cho bất cứ ai muốn tìm hiểu tiếng nói, địa chí, nhân vật... ở miền Nam. Chẳng hạn, từ vàm ở ngoài Bắc không thấy có. Theo ông, “vàm” vốn là chữ Păm, Péam của Khơ-me được Việt hóa từ hồi Nam tiến là cửa biển, cửa sông; “Thèo lèo” do tiếng Triều Châu “Tề léo” tức “Trà liệu” món ăn ngọt để dùng khi uống trà. Thèo lèo trong Nam hiểu là đậu phộng chiên mỡ, bao ngoài một lớp đường pha bột, màu trắng, thơm ngon, dùng khi uống trà Tàu, lại gọi giễu là “cứt chuột” (tr. 685) v.v...

“Đọc sách là nói chuyện với những người thành thật nhất của thế kỷ đã qua”. Câu nói của Descarte khiến chúng ta nhớ đến những bộ sách quý của các nhà văn hóa Việt Nam trong đó có Vương Hồng Sển. Đọc sách của ông, bao giờ chúng ta cũng tìm được ở đó những điều rất thú vị mà ta không biết hỏi ai hoặc tra cứu ở sách vở nào. Sống gần trọn thế kỷ XX, Vương Hồng Sển còn để lại tập hồi ký Hơn nửa đời hư (NXB Trẻ tái bản 1999), những học giả đương thời như Sơn Nam không ngớt lời ca ngợi, vì tính chân thật, giá trị lịch sử ở trong đó “là sự đóng góp quý báu về tư liệu xã hội học, dân tộc học ở vùng đất mới”.

Học giả Vương Hồng Sển sinh ngày 27-9 âm lịch năm Nhâm Dần 1902 - nhưng trong giấy tờ lại ghi ngày 4-1-1904 năm Giáp Thìn tại làng Xoài Cả Nả - Sóc Trăng. Ông mất lúc 8h30 sáng ngày 9-12-1996 tại Bệnh viện Nguyễn Trãi TP HCM. Cảm động thay, ước nguyện cuối cùng của ông: “Khi tôi chết, xin đừng kèn trống đưa đám rùm beng. Xác chở về Sóc Trăng, chôn dưới chân cha sanh mẹ đẻ”. Trong sổ tang, nhà sử học, GS Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã viết: “Vô cùng thương tiếc bạn già, người có công lớn đối với văn hóa dân tộc. Mong cụ vui ở thế giới bên kia”. Dòng chữ này có lẽ cũng đã nói thay cho tấm lòng nhiều người khi tưởng nhớ đến học giả Vương Hồng Sển.

Lê Văn Nghệ - Bùi Đẹp st.


NHÌN THÓI QUEN, RA TUỔI THỌ

Theo thống kê, một số thói quen trong cuộc sống có thể kéo dài hay rút ngắn tuổi thọ của chúng ta: + 3 năm nếu uống trà, - 10 năm nếu thừa cân, + 2 năm nếu vệ sinh răng miệng tốt, + 7 năm nếu tập thể dục…

+ 5 năm nếu thường xuyên ăn trái cây và rau xanh Ăn ít thịt và ăn nhiều trái cây, rau xanh, bạn có thể kéo dài tuổi thọ thêm 5 năm. Ðồng thời, nếu hạn chế bơ, kem, bột mỳ và thức ăn chiên rán, bạn có thể “kiếm” thêm 3 năm nữa.

Ý kiến chuyên gia: Cần tránh những thức ăn béo và tận dụng chế độ ăn kiểu Ðịa Trung Hải (cá, dầu oliu, rau xanh, một ít thịt đỏ, trái cây, một ít rượu và các sản phẩm từ sữa). Chế độ này là tiêu chuẩn hoàn hảo nhất giúp nâng cao thể chất, đem đến sự lạc quan cho tinh thần và kéo dài tuổi thọ vì nó vừa cân bằng tỉ lệ lipit – gluxit – protein lại giàu các chất chống ôxy hóa.

- 10 năm nếu thừa cân

Khi cân nặng vượt quá so với trọng lượng tiêu chuẩn của bản thân (chỉ số IMC), bạn có nguy cơ bị mất 10 năm tuổi thọ (nếu thừa 10 kg).

Ý kiến chuyên gia: Cần giữ trọng lượng cơ thể ở mức bình thường để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

+ 7 năm nếu tập thể dục Nếu bạn tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần, bạn có thể tăng thêm 7 năm tuổi thọ cho bản thân mình.

Ý kiến chuyên gia: Chơi thể thao hay vận động thể chất chính là cách thức hiệu quả nhất để sống lâu, sống khỏe hơn vì nó thúc đẩy các chức năng thở, cơ bắp, tim mạch và nhất là não bộ. Nên tập từ 15 phút cho tới nửa tiếng mỗi lần và tập 3 – 4 lần/ tuần. Hình thức vận động phù hợp nhất cho tất cả mọi người là đi bộ nhanh.

+ 3 năm nếu thường xuyên uống một chút rượu Nếu bạn uống từ 1-3 ly rượu/ngày (tối đa 2 với nữ, 3 với nam), bạn sẽ có thêm 3 năm tuổi thọ. Nhưng nếu bạn uống quá 4 ly rượu hay 3 chai bia mỗi ngày, bạn có nguy cơ giảm đi 6 năm tuổi thọ.

Ý kiến chuyên gia: Không nên “bài trừ” rượu nhưng phải uống với liều lượng điều độ. Vì thế, uống 1 - 2 ly rượu mỗi ngày không hề gây hại cho sức khỏe nhưng nếu vượt quá số lượng chuẩn đó, rượu lại có thể trở thành tác nhân gây ra một số bệnh lý như ung thư, tim mạch, thần kinh cũng những các rối loạn tâm thần học.

Hơn nữa, uống 1-2 ly rượu/ngày tốt cho tim và thậm chí có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

+ 3 năm nếu thích uống trà hơn cà phê Nếu uống trên 3 tách cà phê/ngày, bạn có nguy cơ đánh mất 3 năm tuổi thọ. Nhưng nếu hàng ngày uống trà thay cho cà phê, bạn có thể tăng thêm 3 năm tuổi thọ.

Ý kiến chuyên gia: Tốt nhất nên uống trà xanh vì thức uống này giàu các chất chống ôxy hóa hơn cả. Cà phê có thể trở thành một chất kích thích gây ra các bệnh tim mạch nhưng nếu uống một lượng hợp lý, nó không nguy hiểm cho sức khỏe.

- 20 năm (tối thiểu) nếu hút thuốc

Không hút thuốc lá và tránh xa những khu vực có khói thuốc, bạn có thể tránh khỏi nguy cơ giảm mất 20 năm tuổi thọ.
Ý kiến chuyên gia: Theo thống kê y tế, một nửa những người hút thuốc lá chết trước 65 tuổi. Rõ ràng, thuốc lá là một trong những “kẻ thù” nguy hiểm nhất với tuổi thọ. Nếu bạn muốn sống lâu hơn, hãy dừng hút thuốc!

+ 4 năm nếu thường xuyên dùng aspirin Nếu mỗi ngày bạn đều uống một liều aspirin, trung bình, bạn có thể thêm 4 năm tuổi thọ.

Ý kiến chuyên gia: Theo nghiên cứu khoa học của giáo sư Rothwell, đại học Oxford, uống một lượng nhỏ aspirin (khoảng 75 milligrams) mỗi ngày và trong một thời gian dài có thể giảm trên 50% nguy cơ tử vong gây ra bởi ung thư ruột già và thực quản. Các tác dụng chống đông tụ của aspirin cũng giúp phòng chống các bệnh tim mạch.

+ 2 năm nếu vệ sinh răng miệng sạch sẽ Nếu bạn đánh răng 2 đến 3 lần/ngày, bạn có thể “kiếm” thêm 2 năm tuổi thọ Ý kiến chuyên gia: Vệ sinh răng miệng kém có thể là nguồn gốc của rất nhiều vấn đề về tiêu hóa. Ðôi khi, nó cũng trở thành “cửa ngõ” của một số bệnh nhiễm khuẩn. Thêm nữa, các bệnh mạn tính về lợi kích thích sự “di cư” của vi khuẩn vào máu và từ đó, tấn công tới tim. Vì vậy, hãy bảo vệ răng miệng bằng cách đánh răng thường xuyên và mỗi năm đi khám nha khoa ít nhất một lần.

- 4 năm nếu phơi nắng quá nhiều

Nếu bạn thường xuyên phơi nắng với ít sự bảo vệ, bạn dễ bị say nắng, cảm nắng và có nguy cơ đánh mất 4 năm tuổi thọ.
Ý kiến chuyên gia: Không nên “sợ” ánh nắng mặt trời nhưng cần biết phơi nắng đúng. Tia cực tím sản sinh từ ánh nắng làm hỏng da và có thể gây ra một số bệnh ung thư da. Vì thế, không nên phơi nắng, hạn chế ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian nắng nhất (từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều) và nhớ bảo vệ cơ thể với áo, mũ, kính và kem chống nắng.

+ 7 năm nếu biết cách kiểm soát stress Nếu bạn biết cách kiểm soát stress với sự trợ giúp của các bài tập thể dục, thư giãn và tĩnh tâm, bạn có thể tăng tuổi thọ thêm 7 năm.

Ý kiến chuyên gia: Học cách kiểm soát stress giúp bạn sống lâu hơn. Những người sống thọ trên 100 tuổi, nói chung, đều có khả năng kiểm soát stress tốt hơn những người khác.
Có nhiều cách để vượt qua cơn stress như sử dụng liệu pháp tâm lý, tập yoga, mát xa, tắm nước ấm…

+ 5 năm nếu bạn sống gần gia đình Nếu bạn sống gần một trong các thành viên của gia đình (không tính chồng và con cái), bạn có thể sống thêm 5 năm tuổi thọ.

Lời khuyên từ chuyên gia: Sống gần gia đình cũng quan trọng như việc thường xuyên giữ liên lạc với người thân vì nỗi cô đơn là yếu tố nguy hiểm gây ra lão hóa sớm.
Hãy gắn bó với người thân, yêu thích cuộc sống và đem đến cho chính mình một sự tồn tại có ý nghĩa để sống tốt hơn. Các mối tương tác xã hội sẽ tạo ra sự gắn kết. Bạn sẽ cảm thấy có ích hơn, tin tưởng vào người khác khi gặp bất cứ vấn đề nào, nhất là các vấn đề về sức khỏe.

Khiết Linh - Đỗ Thiên Thư st.

Phụ bản IV

HAI ĐẠI THI HÀO CỦA HAI DÂN TỘC

HAI ĐẠI THI HÀO CỦA NHÂN LOẠI

Thúy Toàn

Cách đây một khoảng thời gian khá lâu, anh Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra dự án Festival Nguyễn Du – Pushkin. Mãi đến nay từ dự án đó mới trở thành sự thật: Chúng ta có cơ hội tham gia Hội thảo quốc tế “Nguyễn Du và Pushkin – tương đồng và khác biệt”. Xin cám ơn Ban tổ chức cho chúng tôi có cơ hội được tham gia sự kiện.

Nhân dịp này tôi cũng xin phép được tưởng nhớ với lòng thành kính và biết ơn tới nhà Việt Nam học người Nga, cố giáo sư viện sĩ Nikolai Ivanovich Nikulin (1931-2006), một trong những người bạn chí tình thân thiết của nhân dân ta và của nhiều thế hệ văn thơ nghệ sĩ Việt Nam, một trong những người Nga dành cả cuộc đời cho nghiên cứu văn hóa - văn học Việt Nam, và có lẽ cũng là một người nước ngoài đầu tiên dành nhiều tâm huyết đi sâu nghiên cứu về cuộc đời và sự ngiệp của đại văn hào dân tộc Nguyễn Du (1766-1820), hơn thế nữa, cũng lại là người đầu tiên đã đề cập đến vấn đề so sánh “tương đồng và khác biệt” giữa hai đại thi hào Nga Alexandr Sergeyevich Pushkin (1799-1837) và đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du (1766-1820) từng sống gần như cùng một thời đại, chỉ khác ở hai đất nước cách xa nhau với hai bối cảnh lịch sử cùng ở giai đoạn phong kiến khốc liệt, nhưng trình độ truyền thống văn hóa đông tây khác nhau, tuy nhiên, cuối cùng lại bước vào một giai đoạn đi chung một con đường hòa nhập nhân loại.

Trong bài nghiên cứu “Tác phẩm của Pushkin ở Việt Nam” công bố trong công trình “Pushkin ở phương Đông” (tiếng Nga, NXB Khoa học “Nauka”, M.1979), đã được dịch và công bố trong sách tiếng Việt (1), tác giả Gs.Viện sĩ N. Nikulin đã có nhận xét khái quát: “Những năm 50-70 thế kỷ XX, khi nhận thức từ quan điểm Mác – Lênin về quá trình phát triển của văn học Việt Nam và ngôn ngữ học Việt Nam được tăng cường vai trò của Pushkin trong sự hình thành văn học Nga và ngôn ngữ học Nga đã lôi cuốn sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học Việt Nam…”. Bắt tay vào nghiên cứu và biên soạn một cách có hệ thống những vấn đề lịch sử ruột thịt của mình, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành so sánh, mặc dù điều này thiết nghĩ, chỉ là tương đối, giữa Pushkin và đại thi hào Việt Nam là Nguyễn Du (1766-1820)”. Tác giả N. Nikulin đã đưa ra những dẫn chứng trích từ các công trình khoa học của các tác giả Việt Nam, từ Đào Duy Anh (Khái luận về Truyện Kiều, H.1958); Nguyễn Văn Hoàn (Controverses surla Kieu, Etudes Vietnames, số 4/1965, trg 75); Lê Đình Kỵ (Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, H.1970, trg.473); Hoàng Xuân Nhị (Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, H.1959)…

Nhắc đến ý kiến của các dịch giả văn thơ Pushkin sang tiếng Việt, N. Nikulin đã đưa ra những nhận xét của họ (như nhà thơ dịch giả Hoàng Trung Thông hay dịch - giả giáo sư Cao Xuân Hạo) về sự tương đồng và khác biệt giữa Pushkin và các tác giả Việt Nam, trong đó có Nguyễn Du. Nhận xét về dịch thơ trữ tình Pushkin sang tiếng Việt ông còn viết thêm “… rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà bản dịch bài thơ Chiếc xe đời do Thúy Toàn dịch lại là một trong những bài dịch đầu tiên được in. Bài thơ ngụ ý này hóa ra là rất gần gũi với thơ cổ Việt Nam, với một nét đặc trung cho thơ ngụ ý, nghĩa thứ hai (mới quan trọng – ND) và là ngụ ý ngầm ẩn” (2).

CHIẾC XE ĐỜI

A.Pushkin

Trên xe dù có nặng

Vó ngựa vẫn băng băng.

Thời gian tóc hoa râm

Tay cương ngồi chầm chệ.

Sáng ra lên xe ngồi,

Đời xông pha bươm bả.

Khinh nhác lười, nhàn nhã,

Hò vang: mau đi thôi!

Đến trưa chí nhụt rồi

Thấy rãnh hào lòng nàn,

Nhìn núi đồi đâm hoảng:

“Đồ ngu, chầm chậm thôi!”

Chiều đã dần dần quen,

Tà tà đến quán trọ,

Mặc cho bánh xe lăn,

Thời gian xua vó ngựa.

1822

Khi ấy, sau hai năm chuyên học tiếng Nga, bước vào những năm đầu trường Đại học Sư phạm Moskva, chúng tôi bắt đầu lần lượt được học qua lịch sử văn học Nga từ cổ điển đến hiện đại. Phải đến năm thứ ba tôi mới được tiếp xúc sâu với tác phẩm của Pushkin. Kỳ lạ là tôi thấy tác phẩm của Pushkin không đến nỗi khó khăn quá, có thể hiểu được chỉ cần đọc cho kỹ. Chẳng hạn bài thơ trữ tình Chiếc xe đời có vẻ triết lý đấy, nhưng tôi thấy thích thú ngay. Có gì đó gợi hiện lên cho thấy ngay hình ảnh rõ ràng, ngờ ngợ và còn nhắn gọi cho tôi câu hát ru đã nhập tâm từ thuở thơ ấu: “Ngày giờ thấm thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai” và rồi gợi cả cho tôi nhớ câu thơ cổ mà thầy giáo đã giảng cho nghe trong một giờ học trong đó hình ảnh thời gian lại như vó ngựa phóng qua bên ngoài cửa sổ (vó câu qua cửa)… Thế là tôi, điếc không sợ súng, bắt tay vào dịch thơ Pushkin, và rồi sau này về công tác làm anh biên tập sách ở Nhà Xuất bản Văn học, nhớ tới bài viết của nhà Việt Nam học người Nga có nhắc đến bản dịch của mình, nhân tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du vừa in xong chở về Nhà xuất bản, được dịp tôi liền giở ra đọc và liền tìm thấy ngay ở phần đầu sách có bài thơ cũng cho tôi một ấn tượng gợi nhớ đến hình ảnh của thời gian hiện lên. Ấy là bài Tự thán (3)

Tấm thân sáu thước tuổi ba mươi

Đeo đẳng thông minh để tội trời

Chữ nghĩa vốn không ghen với mệnh

Đất trời sao lại ghét lầm ai?

Dở dang thư kiếm cơn cùng quẫn

Lần lữa xuân thu tóc bạc rồi

Những ước cạo đầu vào núi ẩn

Đàn thông nằm lắng tiếng lưng trời.

Từ đấy nghe theo lời khuyên của nhà Việt Nam học người Nga, theo đuổi công việc dịch thuật thơ văn Nga, trước hết là sáng tác của thi hào Nga A.S Pushkin, bất giác tôi trở thành “người nghiên cứu” không chỉ văn học Nga, thơ văn Pushkin mà đồng thời “người nghiên cứu” cả văn học nước nhà, nhất là những gì liên quan đến thi hào Việt Nam Nguyễn Du. Và cách đây cũng đã không ít thời gian, tự nhiên tôi cứ trở đi trở lại suy nghĩ về hai câu thơ của thi hào Việt Nam Nguyễn Du mà nhiều người cũng đã bàn tới: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” Tôi cứ ngờ ngợ những lời bình của các bậc tiền nhân về hai câu thơ này, thường giải thích chữ “khấp” là “khóc” do đó mà cho đây là lời “than vãn” gợi ở người này, người kia “những cảm xúc và suy nghĩ bồi hồi, xót xa…”…

Tôi trở lại bài thơ Đài kỷ niệm của thi hào Nga A.S. Pushkin viết ra năm 1836:

Exegi Monumentum (4)

Ta đã dựng cho ta đài kỷ niệm

Không bởi sức tay người. Đường tới viếng

Cỏ không trùm dấu bước thế nhân,

Đỉnh tháp ngang tang sẽ ngẩng cao hơn

Cả trụ thờ Alexandr Đệ nhất (2)

Nơi đàn thơ thiêng liêng ta không chết

Hồn ta còn sống mãi chẳng tiêu tan

Và trên đời dù chỉ còn một thi nhân

Danh tiếng ta vẫn còn vang mãi mãi

Trên khắp nẻo đất nước Nga vĩ đại

Tiếng thơm rồi sẽ đồn mãi về ta:

Từ cháu con kiêu hãnh Xlava (5)

Đến dân Phần, Tungu ngày nay còn man rợ,

Cả Canmức – bạn thân của đồng cỏ(6)

Bằng ngôn ngữ riêng họ sẽ gọi tên ta.

Và nhân thế sẽ còn yêu ta mãi

Vì đàn thơ ta đã thức tình thân ái,

Vì trong thuở bạo tàn ta đã ca ngợi tự do

Và gợi từ tâm đối với kẻ sa cơ.

Nàng thơ hỡi, hãy nghe lời Thượng đế:

Vinh quang không màng, nhọc nhằn sá kể,

Chẳng bận lòng với kẻ thích, người chê,

Chẳng hoài công cãi với đứa ngu si.

1836

Từ việc dám sánh mình (đang chỉ là một chàng thi sĩ trẻ ngấp nghé ở tuổi tứ tuần, sống ở cái nước Nga nông nô chuyên chế) lại dám sánh ngang với bậc vĩ nhân cổ điển La Mã lừng danh ghi tên trong sử sách từ những thế kỷ 7-8 trước cả công nguyên (Horaxơ – Horatius Flaccus), lại ngẩng cao đầu hơn cả trụ thờ Sa hoàng Nga, hoàng đế Alexandre Đệ nhất (1777-1825) người đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1812 và trụ thờ vị sa hoàng anh hùng này vừa được triều đình sa hoàng Nikolai Đệ nhất (1796-1855) cho xây dựng trên quảng trường lớn trước cung điện Mùa Đông giữa kinh đô Peterburg cổ kính vào tháng 11 năm 1834, trước khi bài thơ Đài kỷ niệm của Pushkin tự viết về mình có 2 năm (1836).

Mới chỉ qua hai chi tiết khổ đầu bài thơ đã có thể thấy nhà thơ Nga chưa đầy bốn chục tuổi A.Pushkin đâu phải con người tầm thường, ông không hề kinh sợ cả Sa Hoàng Nga Nikolai I (1796-1855) hơn nhà thơ 3 tuổi, ngay sau khi lên chấp chính vào năm 1825, đã hạ cố “ân xá” cho nhà thơ lúc đó đang bị quản thúc tại trang ấp dòng họ Mikhailovshoie, còn triệu nhà thơ vào triều và ra câu hỏi: “Nếu khanh có mặt ở kinh đô khi đó (tháng Chạp 1825 xẩy ra cuộc khởi nghĩa không thành của phong trào yêu nước đòi xóa bỏ chế độ nông nô mà về sau có tên là những người tháng Chạp) khanh có tham gia không?”; đã nhận được câu trả lời khẳng khái của Pushkin: “Tất nhiên! vì bạn bè của thần đều có mặt!”. Ở bài thơ Đài kỷ niệm Pushkin còn tỏ ra là người tự biết mình, tự tin ở sự nghiệp của mình, tài năng của mình, sự đóng góp của đời mình cho đất nước, nhân dân Nga, cho con người nói chung:

“Và nhân thế sẽ còn yên ta mãi,

Vì đàn thơ thức tỉnh thân ái,

Vì trong thuở bạo tàn ta đã ca ngợi tự do

Và gợi từ tâm với kẻ sa cơ… ”

Tài năng của Pushkin đã được nhân dân thừa nhận ngay từ thuở nhà thơ còn ngồi trên ghế nhà trường. Những bài thơ trữ tình đầy dũng khí, ca ngợi tự do, đòi giải phóng nông nô, đòi hạnh phúc cho con người đã lan truyền rộng rãi động viên cho tầng lớp trí thức trẻ hăng hái trong các tổ chức yêu nước của phong trào tháng Chạp. Trong một ngày hội trường, có mặt đông đủ văn võ bá quan, đông đủ các bậc trưởng lão… nghe nhà thơ trẻ Pushkin đọc một trong các sáng tác đầu tay của mình, bài “Những kỷ niệm về Hoàng thôn” nhà thơ lão thành, chủ soái dòng văn học cổ điển Nga Deriavin G.R. (1745-1816) đã bật dậy đòi ôm hôn nhà thơ trẻ, xúc động sau khi đọc thơ đã biến mất, cụ già đã thốt lên: “Nó sẽ mọc cao che trùm tất cả chúng ta”. Năm 1822, sau khi Pushkin sáng tác trường ca “Ruslan và Ludmila”, gửi tặng Giukovshi V.A (1783-1852), nhà thơ lão thành, một trong những người tạo dựng chủ nghĩa lãng mạn văn học Nga, Pushkin đã nhận được chân dung của Giukovshi đáp tặng với lời đề kèm theo: "Người thầy chiến bại tặng trò chiến thắng ». Mỗi sáng tác của Pushkin ra đời hầu như đều trở thành sự kiện của đời sống văn học đương thời Nga, nhiều tác phẩm trong số đó được dư luận công chúng cũng như các nhà phê bình đánh giá cao: Tiểu thuyết bằng thơ Evgheni Onheghin được tôn là hộ “bách khoa toàn thư của xã hội Nga” , tiểu thuyết văn xuôi Người con gái viên đại úy, vở kịch – Boris Gođumov dựng lên những trang lịch sử ghi đậm tiếng nói của nhân dân Nga vv…

Và khi nhà thơ Puskin qua đời đột ngột sau cuộc đấu súng oan nghiệt báo chí Nga đã thốt lên là “Mặt trời thi ca Nga đã tắt”. Tuy nhiên sau đó vầng mặt trời vẫn chói lọi chiếu sáng đường cho đất nước Nga nhân dân Nga vượt qua mọi trở ngại khó khăn cuối cùng đi đến một đất nước Nga của nhân dân, xây dựng một xã hội mới, trở thành cường quốc sánh với các cường quốc bốn bể năm châu thì tên tuổi A.Pushkin không chỉ còn là tên tuổi thì hào của dân tộc Nga và còn là thi hào của toàn nhân loại. Ngày nay nói đến nước Nga là người ta nhớ đến tên tuổi và sự nghiệp của Pushkin và ngược lại nói đến Pushkin người ta nhớ đến nước Nga.

Trở lại hai câu thơ của thi hào Việt Nam Nguyễn Du “Bất tri tam bách dư niệm hậu thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” ta cũng có thể nghĩ về trường hợp bài thơ di chúc Đài kỷ niệm của Pushkin. Trong di sản của Nguyễn Du để lại người ta thường nhắc đến hai câu thơ trên được để ở cuối bài thơ Độc Tiểu Thanh ký. Với hoàn cảnh phong kiến bây giờ nhiều tác phẩm của Nguyễn Du không còn lại nguyên bản, mà các thế hệ đương thời của tác giả hoạc hậu sinh truyền miệng rồi mỗi người tập họp lại, xếp sắp theo ý riêng, rồi bàn luận theo chủ quan mỗi người. Riêng về bài Độc Tiểu Thanh ký có khi được đưa vào cuối Thanh Hiên thi tập, có khi xếp vào Bắc hành thi tập. Nhận định về bài thơ có người cho rằng “hai câu thơ cuối cùng… là hai câu thất niêm so với toàn bài. 6 câu đầu ở thể bằng, 2 câu cuối ở thể trắc. Lại có thyết nói đó là hai câu “khẩu chiếm” (độc thoại) của Nguyễn Du lúc sắp mất (ông Nghè Nguyễn Mai cháu mời đời của Nguyễn Du, các ông Bùi Kỷ, Lê Thước, Phan Sĩ Bằng)” (7).

Nhà thơ Xuân Diệu viết trong “Thay lời giới thiệu” Thơ chữ Hán Nguyễn Du”, NXB Văn học, H.1988, có phân trần : “Không phải là một nhà nghiên cứu tôi bằng theo những tài liệu đã có, tìm lưa thưa dấu vết một thi hào tôi yêu mến. Tự mình không biết đọc chữ Hán, đọc phiên âm, hiểu qua phiên dịch, thế tất còn nhiều lõm bõm và khó tránh sai lầm. Đọc lại hai lần, ba lần, bốn năm lần, vẫn chưa nhận thấy mình nắm được một cái gì thật chắc lắm”. Nhớ đến lời của nhà phê bình Nga vì đài Behinski V.G (1811-1846) sau này năm Pushkin qua đời ; “Pushkin thuộc những hiện tượng sống động nhưng không dừng lại ở thời điểm mà cái chết bắt gặp ông ở đó, mà tiếp tục phát triển trong nhận thức của xã hội. Mỗi thời đại sẽ nói lên phán xét của mình ». Phải chăng về thi hào dân tộc Việt Nam Nguyễn Du của chúng ta cũng có thể mượn lời của nhà phê bình vĩ đại Nga Belinski nhận xét về Đại thi hào Nga A.S.Pushkin để kiến giải những suy nghĩ của các thế hệ người Việt về thi hào dân tộc Nguyễn Du của mình.

Ngay từ năm 1941, còn là một thanh niên mất nước, mất văn học dân tộc thi sĩ Xuân Diệu khi đọc hai câu thơ « Ba trăm năm nữa ta không biết – Thiên hạ ai người khóc Tố Như », thi sĩ Xuân Diệu trong tâm trí « những bồi hồi, xa xót ». Tuy nhiên ngay khi đó cũng đã có gì ngờ ngợ. Ông đã hiểu chữ khốp đây không hẳn là khóc.

“…Khóc đây là thương cảm cùng nhau, thấu hiểu nhau, quí hóa nhau. Khóc đây chưa hẳn là thảm sầu, mà là một nụ cười cũng có. Khóc đây chưa hẳn là khóc ai, mà còn là khóc với…. Lời kêu gọi của một trang tài tình, nghe êm ái ngậm ngùi như một tiếng chim cô lẻ dội giữa trời thu khuya. Đó là tiếng giã đời, nhưng cũng là tiếng hợp bạn, tiếng tuyệt vọng, nhưng cũng là tiếng hy vọng. Câu tự hỏi, nhưng cũng là tự trả lời…” Cộng với thêm giả thuyết của ông Nghè Nguyễn Mai cháu muời đời Nguyễn Du, cá bậc túc nho Bùi Kỷ, Lê Thước, Phan Sĩ Bằng cho câu thơ là “Khẩu chiếm” (độc thoại) thốt lên trước lúc nhắm mắt xuôi tay của thi hào, ta có thể nói cả bài thơ nó mang một ý nghĩa trăng trối, di chúc cho bạn thế không khác gì bài thơ Đại kỷ niêm của Pushkin.

… Trong bao liệt truyện không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du lại đọc câu chuyện về Tiểu Thanh. Tiểu Thanh phải chăng cũng là chính Nguyễn Du. Tiểu Thanh là một nữ sĩ tài hoa, tài hoa đến mức chỉ chục bài thơ còn tình cờ sót lại mà đời sau vẫn truyền tụng. Trước khi Tiểu Thanh mất cho vẽ chân dung: lần thứ nhất hình dáng thì giống nhưng không có thần, bị từ chối. Lần thứ hai chân dung có thần, nhưng lại không giống. Cũng không được! Lần thứ ba cả hình dáng và thần thái đều hài hòa, bấy giờ xem xong Tiểu Thanh mới thở hơi thở cuối cùng.

Phải chăng đây cũng là quan niệm nghệ thuật cần phải hài hòa nội dung và hình thức mà chính Nguyễn Du cũng từng tôn trọng và theo đuổi.

Cuộc đời sáng tác của Nguyễn Du là một mẫu mực của nghệ thuật, từ thơ sáng tác bằng chữ Hán, hay chữ Nôm, ta thấy Nguyễn Du đều chứa chan tình người, tràn đầy tính nhân đạo, được nhân dân yêu mến, trân trọng, giữ gìn và truyền bá qua hết đời này đến đời khác. Truyện Kiều là mẫu mực về câu thơ lục bát Việt Nam, kiệt tác về xã hội con người… Khi Nguyễn Du qua đời đã có những lời phúng viếng lưu truyền “Nhất đại tài hoa” (một kiếp tài hoa), “Đại gia văn tự thế tranh truyền” (Văn tự hơn đời tiếng dày vang).

Nguyễn Du qua Độc Tiểu Thanh ký cho thấy mình là con người cũng khẳng khái, dũng cảm tự tin vào sự đóng góp của mình với đời, về con người chính trực của mình sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ nhân dân Việt Nam. Không phải 200 năm, nếu như tính từ khi Tiểu Thanh từ giã cõi đời đến khi Nguyễn Du đọc câu chuyện của nàng và cảm khái làm thơ, mà là 300 năm kia, nhưng “tam bách” dư niên hạn” ở đây cũng không thể hiểu là 300 năm thường tình mà đó phải hiểu là “mãi mãi”. Quả vậy cuộc đời và sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du Việt Nam gắn với lịch sử đi cùng với hạnh phúc của nhân dân Việt Nam ta, không khác gì cuộc đời và sự nghiệp của thi hào Nga gắn với lịch sử đi tới ngày vinh quang của nhân dân Nga. Là hai thi hào của hai dân tộc, ngày nay khi Việt Nam cũng đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thi hào Nguyễn Du Việt Nam cũng trở thành thi hào của nhân loại. Năm 1965 Nguyễn Du đã được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩm Truyện Kiều kiệt tác của Nguyễn Du đã được phổ biến bằng gần 30 thứ tiếng trên thế giới. Tôi xin đóng góp bài tham luận với nhan đề “Hai Đại thi hào hai dân tộc, hai đại thi hào của cả nhân loại” là vì thế.

------

(1) Bản dịch của Vũ Xuân Hương trong “Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế, NXB Giáo dục, 2000, trg 697-721 và “Dòng chẩy văn hóa Việt Nam”, NXB Văn hóa Thông tin, 2006, trg 444-474.

(2) Xem Dòng chẩy văn hóa Việt Nam, trg.456

(3) Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Văn học, 1988, tr.12. Bản dịch thơ của Trần Thanh Mai

(4) Câu thơ dẫn trích: “Exegi Monumentum xxeperenius” (ta đã dựng lên đài kỷ niệm vững bền hơn sắt đá) của thi hào cổ điển La Mã Horaxô (Horatius Flacrus 65-8 trước CN.

(5) Alexandr (1777 – 1825) Sa hoàng Nga chiến thắng Napoleon năm 1812

(6) Tên của các bộ tộc sống trên đất Nga bấy giờ.

(7) Xem Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Tuần Văn Nhĩ dịch thơ, Nhuận Sắc – Đinh Ninh) NXB Văn nghệ, 2007, trg.180


CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM

Vậy là má tôi đã đi vào cỏi vĩnh hằng mãi mãi trong một phút giây không thể nào ngờ được là đã xảy ra như thế, vì bao lâu nay,tuy đã cao tuổi nhưng bà vẫn khỏe mạnh tinh tường, và tuy mắt mờ nhưng má tôi vẫn nhận biết từng đứa con ghé ngồi bên cạnh giường nắm tay bà thăm hỏi ,bà trả lời với giọng sang sảng mà chị em chúng tôi thường nói vui là má đang "hát giọng sop" Thế mà má tôi lại nhiễm bệnh trong mùa đại dịch chỉ sau một cơn làm mệt ngắn ngủi rồi từ giả cỏi đời.Rồi người ta đến đem má tôi đi vào một bệnh viện dã chiến,một mình, không có một thân nhân nào được theo,chỉ có những nhân viên y tế thực hiện việc đưa xác mà thôi, những người nhà đều phải ở lại tại chỗ để thử test.Má tôi ở chơi nhà nhỏ em gái thứ sáu ,thành phố Thủ Đức và nơi nó cư ngụ bị phong tỏa, nên xảy ra biến cố,các em tôi ở tản mác người mỗi nơi, hay tin lên tới đều bị đuổi về, không vào nhà được với má,kể cả tôi cũng đang ở xa chỉ nghe kể lại tình hình lúc đó mới biết thôi.

Chỉ có đứa em trai út liều đi theo lên bệnh viện để biết má tôi nằm nơi nào,bao giờ đi thiêu để xin rước tro cốt về. Cuối cùng , dù không thể cử hành tang lễ như phong tục tập quán, sáu ngày sau, chúng tôi cũng mang được tro cốt má tôi về nhà thờ giáo xứ, xin làm lễ cầu hồn và phát tang. Ôi má của tôi, một đời người luôn yêu thương gia đình, hy sinh cho con cái nay đã về chổn trời cao.

Bây giờ,tôi và má chỉ còn lại những kỷ niệm, giữa đứa con gái đầu và người mẹ thân yêu. Má tôi là người đàn bà đẹp lối cổ điển, vì sinh ra ở thế kỷ trước, bà sống nề nếp, trang nghiêm không xa hoa hay hào nhoáng,và nhất là giữ lễ giáo và đạo giáo rất nghiêm nhặt, nên khi tôi lớn lên ở tuổi thiếu nữ, bà dạy dỗ tôi kỷ lưỡng về tư cách đạo đức của người con gái, phải ăn mặc đi đứng trong khuôn phép lễ giáo v.v...

Lúc bấy giờ, tôi chỉ cảm thấy bà khó tính, khép kín không cởi mở theo thời đại, không thông cảm với con gái ở tuổi đôi mươi, mà lại bắt phải thế này thế khác, nhưng sau những năm tháng tuổi trẻ đã qua, tuổi đời càng lớn,tôi mới thấy má tôi làm đúng tuy có đôi lúc hơi cực đoan chỉ
vì muốn bảo vệ con cái trước những cạm bẩy trên đường đời mà thôi.

Tôi nhớ lại có một thời gian tôi bị má bắt buộc phải học thêu,rua,đan móc với bà là bởi vì năm tôi mười một tuổi đi thi Tiểu Học Việt, mà kỳ thi đó lại có môn nữ công,đề thi là "Vá lổ tròn" mới chết cửa tứ,thật ra thì nhà trường có lớp dạy nữ công sáng thứ bảy, nhưng học trò lớp nhứt (lớp 5 bây giờ) tụi tôi lười biếng lắm, đến lớp vừa thấy cô giáo xây lưng viết lên bảng: point de tige, point decroix (mủi cành cây, mủi chữ thập) là giả bộ xin ra ngoài rồi rủ nhau đi chơi vì lớp ngọài giờ,không có ông giám thị canh Vì vậy, tới lúc thi môn này tôi loay hoay mãi chỉ viền được cái vành tròn,đến hết giờ cũng không biết làm sao, cô giám thị đành bảo ghim miếng vải vô tờ giấy thi đem nạp.Chắc chỉ được một điểm, nhưng nhờ các môn khác nên tôi vẫn đậu.Ra khỏi phòng thi,thấy má tôi đứng ở cửa, chờ rước về ,tôi kể lại chuyện không biết vá may,má giật mình, la tôi quá trời, cho đến khi về đến nhà luôn. Từ bửa đó,và suốt mùa nghI hè,bà má khéo tay của tôi mua mấy thước vải phin về bắt tôi hết vá lố tròn đến lổ vuông, lại vá ép, vá vớ lẫn thêu, móc khăn tay ôi thôi là mệt mỏi ngất ngư cho đến khi tôi nhập học trường "ma sơ" mới ngưng.

Có một điều rất thiếu sót về má tôi nếu không kể ra má tôi từ ngày xưa khi là một thiếu nữ,bà có một giọng nữ cao,hát solo trong hội hát của nhà thờ,bây giờ gọi là ca đoàn,cho đến trước lúc qua đời, đã 94 tuổi, giọng má vẫn thanh trong mỗi khi xướng kính hạt sáng tối Bà hát tân nhạc cũng rất hay những nài "Đêm Đông,"_"Biển Mặn" bà hát rất tuyệt, tôi thì thua xa,dù tôi đã từng hát trong ban hợp xướng,
Trong gia đình chỉ có nhỏ em thứ chín là giống má vừa đẹp lại hát hay.

Bây giờ thật sự chỉ còn là kỷ niệm, những đêm hai mẹ con nằm gần nhau trao đổi những chuyện từ rất xa xưa mà má còn nhớ và nhắc lại, về ba tôi, về những thân nhân, các người bạn của má, má tôi thường nói "- Có con nói chuyện nầy nọ má vui lắm " làm tôi thấy nửa vui nửa buồn ,vì
không thể ở gần má hoài được.Thật sự chỉ có mình tôi là hay nhớ những chuyện xa xưa nhất,dỉ vãng buồn vui,những biến cố của gia đình, xẳ hội bên ngoài và những chuyện linh tinh mà cả hai mẹ con cùng nhớ.

Má tôi nay đã rời cỏi tạm trần gian,lên nơi vĩnh hằng với Thiên Chúa chốn trời cao,bỏ lại đàn con nơi nhân gian một mình, thật sự bơ vơ.

Xin má yên nghỉ má nhé,chúng con luôn nhớ và cầu nguyện cho má,nhất là đứa con gái bướng bỉnh nầy của má./.

Hoài Ly


ÂM VANG TIẾNG CHUÔNG

Truyện ngắn

Ông ngoại Ngàn có vẻ bồn chồn, ngồi đứng không yên. Chốc chốc, ông ra ngõ ngóng về phía cây cầu Long Bình rồi quay vào. Ông ngồi ngã ngửa trên chiếc ghế bành, thở hắt ra.

Ngàn sốt ruột hỏi:

- Ngoại đang mong ai hả ngoại?

Ngoại Ngàn gật đầu, mắt vẫn ngó mong ra ngoài đường:

- Ừ, mấy ngày nay sao không thấy anh ba Sanh bán cà rem ngang đây. Không biết có chuyện gì xảy ra nữa không? Hay là anh ấy bệnh rồi?

Ngàn chợt nhớ hổm rày vắng tiếng leng keng, leng keng quen thuộc. Âm thanh rộn rã gọi mời bọn trẻ háu ăn. Tiếng chuông gợi lên hình ảnh một ông già tóc hoa râm, còng lưng đẩy chiếc xe có cái thùng màu cánh phượng. Trên nền màu rực rỡ ấy có vẻ chữ “ Cà rem Hữu Tiếng” dưới hình một thằng bé đang thè lưỡi liếm kem. Cặp mắt nó sáng còn hơn đèn ô tô. Rõ ràng nó đang khoái chí khi được nếm cà rem Hữu Tiếng. Cái vị ngòn ngọt, beo béo thơm thơm ấy không lẫn vào đâu được. Nhất là bánh kẹp do ông ba tự nướng lấy. Nó vừa giòn, vừa thơm nức. Kem ngon mà bán rẻ. Năm trăm đồng tới hai muỗng. Đã vậy, ông ba còn chế sữa bò lên trên kem. Cắn một miếng, ngon ơi là ngon! Con nít xóm nầy mê tít. Dù gần đây có mấy chiếc xe kem khác cứ lượn qua lượn lại mở nhạc inh ỏi “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng…cô đơn”. Âm thanh sướt mướt cứ trượt dài trên đường, xoáy vào óc, gợi sự tò mò của bọn trẻ. Chúng xúm lại xem, bàn tán. Có đứa mua một cục kem. Nhưng chúng nhận ra ngay: kem không ngon, không rẻ bằng kem của ông ba Sanh. Những bài hát cũng nhanh chóng trở nên nhạt nhẽo, gây bực bội khi mọi người cần yên tĩnh.

Cuối cùng, bọn Ngàn vẫn yêu thích tiếng chuông trong trẻo. Ngoại đã thay bộ đồ bà ba trắng, chụp cái nón cối lên đầu rồi quay sang dặn dò Ngàn:

- Ngàn, coi chừng nhà nghen con! Bà ngoại đi chợ về con bảo ông đã qua Hoà Thuận thăm bác ba Sanh.

Ngàn tiếc hùi hụi. Phải có bà ngoại ở nhà thì nó đã xin theo ông thăm chỗ ở của ông Ba Sanh. Tuyệt lắm! Ngôi nhà vách ván hoàng tâm nằm lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái. Đây là một cái vườn tạp. Ông ba trồng đủ thứ trái cây cốt để ăn đủ bốn mùa. Sau nhà là một cái ao đường kính khoảng ba mét. Ông nuôi cá tra bần. Con nào con nấy to cộ. Tiếp đến là ruộng lúa trải dài đến tận chân trời. Ngàn thích chạy trên bờ đắp để đến dãy gò đất có cây vông đồng. Đứng đó, Ngàn tha hồ đón gió đồng nội mát lành, thả tầm mắt ngắm trời bao la tiếp giáp mặt đất rộng mênh mông. Ngàn tha hồ ngắm bóng người nhấp nhô, lom khom, khi ẩn khi hiện giữa thảm lúa xanh mơn mởn. Ông ngoại Ngàn thường bảo ông ba nằm vắt chân chữ ngũ cũng thừa của ăn, của để. Ruộng bạt ngàn, cây trái lúc lỉu. Nhưng ông bà Ba là những người siêng năng, hay lam hay làm. Bà Ba bán bánh cống ở chợ huyện. Đây là loại bánh được chế biến từ bột gạo, nhân bánh có tép, củ sắn. Bánh được chiên giòn, ăn chung với bún nước lèo hay bánh ướt nhân tôm thì ngon hết ý. Bà ba chỉ bán buổi sáng.

Buổi chiều bà ở nhà xay bột, chăm sóc vườn cây, thăm ruộng. Bà ba có lần đã nói với tôi “ Làm người mà chỉ biết có ăn với ngủ rồi chờ chết thì có khác gì con vật.” Có người thắc mắc rằng hai ông bà không có con, làm chi cho lắm rồi chết để của cải cho ai? Ruộng không tự cày cấy lại thuê người làm còn lời lóm gì nữa? Rồi lại còn bấu lấy nghề bán cà rem. Làm chi cho rối vậy không biết ? Ông ba trả lời mấy câu mà ngoại Ngàn cứ nhắc đi nhắc lại mãi vì hạp ý “Tôi chỉ sợ làm không ra của cải . Chứ có của cải thì thiếu gì chỗ để sử dụng. Không con thì có cháu, có láng giềng, có giòng họ. Còn chuyện mướn người làm ruộng thì …khoẻ. Đã vậy còn tạo được công ăn việc làm cho một số người nghèo.

Tôi thích đi bán cà rem vì nó cũng đem đến một ít lợi nhuận mà còn cho tôi được dịp gần gũi trẻ con. Chúng thật hồn nhiên và dễ thương.”

Trời đã không chìu lòng người. Anh Sơn, đứa con nuôi mà Bác ba quý hơn vàng hơn ngọc đã cạy tủ cuỗm mất hộp nữ trang của bác ba gái, đem về cho cha mẹ ruột. Bác ba buồn lắm, không phải vì mất một số vàng lớn mà vì anh ruột và chị dâu không biết dạy con, dung dưỡng một đứa ăn cắp.

Bác giận họ ngu. Họ ham lợi trước mắt mà đánh mất cái gia sản bác dành sẵn cho anh. Bác Ba xé tờ di chúc rồi lập tờ di chúc khác. Nghe nói, anh chị bác dắt con qua nhà lạy lục, xin lỗi. Nhưng bác lạnh lùng bảo “Tham thì thâm! Người như thằng Sơn thì cho nó một hạt cát cũng uổng. Đem ruộng cho nó thà để cho chó ỉa còn hơn!”.

Khi ông ngoại đến thăm mới hay ông ba đột ngột qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim. Sau đó vài tháng, bác ba gái vì buồn rầu sanh bệnh rồi cũng quy tiên.

Bây giờ, chỗ ở của ông Ba đã trở thành trường mẫu giáo Hoà Thuận. Nơi nầy, ngày ngày vang vang tiếng nói, tiếng cười trẻ thơ. Ở một góc trường, người ta có xây một cái miếu nhỏ thờ ông bà Ba. Cái bình nhang nghi ngút khói hương. Người ta tưởng tiếc bác như một người thân yêu trong gia đình.

Bây giờ, mỗi trưa, tiếng leng keng leng keng quen thuộc lại vang lên dọc phố. Ai cũng biết đó là âm vang tiếng chuông của người bán cà rem Hũu Tiếng. Lũ trẻ bu lại mua không phải vì kem ngon mà vì tội nghiệp. Anh ta nghèo quá. Quần áo bạc màu, da đen sạm, lưng như còng xuống vì đẩy chiếc xe nặng nề. Anh đội cái nón sùm sụp, che kín nửa khuôn mặt.

Dù vậy, ai cũng nhận ra đó là anh Sơn.

Nguyễn Thị Mây


MỤC LỤC

Chi tiết về cuộc họp ngày 08/01/2022 .. Vũ Thư Hữu ....... 03

VÀI DÒNG VỀ MỘT CUỐN SÁCH
TÔI MỚI LÀM ĐƯỢC MỘT NỬA VÀ
CƯƠNG QUYẾT SẼ LÀM NỐT PHẦN CÒN LẠI.

...... Vũ Anh Tuấn ............. 17

Lịch sử Giáo Hội Cộn g Giáo (tt- số 179 )
Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm & Giuse Nguyễn Hữu Triết . 19

VỀ KINH NGỤY TẠO (APOCRYPHA) - (tt- số 179 )

Tâm Nguyện ....... ............ 26

NGÀY VALENTINE: LỄ TÌNH NHÂN ...... Phạm Vũ ....... 35

Nước quá trong thì không có cá,
người soi xét quá thì không có tri âm ........ Lệ Ngọc ...... 47

CÂU CHUYỆN CỦA NIỀM TIN

Đào Minh Diệu Xuân ........... 51

NGUỒN GỐC TỪ OK TRONG TIẾNG ANH

Hà Manh Đoàn ......... 56

VÀI LỜI TÂM TÌNH VỀ EMAIL VÀ INTERNET

Hoàng Chúc . ............ 58

365 - 2021 ........................ Đàm Lan ........... 62

TÔI VÀ BẠN ................... Đàm Lan ............ 64

NĂM MỚI NHÂM DẦN - NĂM 2022 .......... Thúy Mai ............ 66

XUÂN ĐẾN ...................... Hoài Ly ............ 67

XUÂN TIỄN BIỆT ............. Vũ Thùy Hương ........... 68

GỞI BAO NỖI NIỀM .............. Vũ Thùy Hương ........... 69

VẪN MÃI NGUYỆN CẦU ....... Vũ Thùy Hương ........... 70

ƯỚC CHI MỘNG THÀNH ..... Vũ Thùy Hương ........... 71

NHỚ CHA HÀO HÙNG .......... Hồng Lạc ........... 72

THUYỀN HOA NAM BỘ ..... Ngụy Kỳ Nam ........... 73

DẶM TRƯỜNG XUÂN ....... Ngụy Kỳ Nam ............ 74

XUÂN NHÂM DẦN 2022

...... Thanh Vĩnh - Nguyễn Công Ân ........... 75

THI CA VIỆT NAM .......... Nguyễn Văn Tốt .......... 76

DỰ TIỆC TẤT NIÊN ...... Lê Minh Chử ........... 77

THƠ LÀ CÔNG CỤ ........ Lê Minh Chử ........... 77

CÁM ƠN CỎ .................. Trần Nhuận Minh ............ 78

THANKING THE GRASS

Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn .......... 80

GẶP CÁC BỘ ÓC SIÊU VIỆT NHẤT HÀNH TINH .

...... Hoàng Kim Thư st . ............ 83

SÁCH, CỔ VẬT LÀ BẠN CỐ TRI ......... Bùi Đẹp st. ............ 92

NHÌN THÓI QUEN, RA TUỔI THỌ Đỗ Thiên Thư st . ................ 100

HAI ĐẠI THI HÀO CỦA HAI DÂN TỘC , HAI ĐẠI
THI HÀO CỦA NHÂN LOẠI ....... Thúy Toàn st. .......... 105

CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM ......... Hoài Ly .......... 117

ÂM VANG TIẾNG CHUÔNG ...... Nguyễn Thị Mây ......... 120



|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
 156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
 161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
 171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
 176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
|  156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
|  161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
|  171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
|  176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
Netadong.com thiết kế