Hiện có 14 người xem / 2317336 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        
Thư ngỏ gửi các bạn yêu sách

Thưa các bạn,

Các bạn đang cầm trên tay số 1, số đầu tiên của bản tin CLB sách Xưa và Nay. Đây là một sự cố gắng rất lớn của chúng tôi, những thành viên sáng lập ra CLB, nhằm cố gắng giới thiệu kịp thời đến các bạn một ấn phẩm chuyên đề về sách và sưu tầm sách trong buổi ra mắt chính thức của CLB.
Đã từ lâu, những người yêu sách, sưu tầm sách chúng ta đều mong muốn có một nơi để chúng ta có thể gặp gỡ, trao đổi mọi thông tin về sách, đặc biệt là sách cổ, sách quý hiếm. Việc ra đời CLB sách Xưa và Nay chính là để đáp ứng nguyện vọng thiết tha đó. Bên cạnh sự ra đời của CLB, việc cho lưu hành một tờ bản tin chuyên đề về sách và sưu tầm sách cũng hết sức là cần thiết. Đây là nơi mọi người chúng ta có thể đóng góp những kiến thức của mình về sách,và cũng là nguồn cung cấp những thông tin bổ ích cho mọi người. Đây đặc biệt còn là một nguồn thông tin quan trọng đối với những người sưu tầm sách, là nơi mà họ có thể trao đổi thông tin, mua bán, rao vặt, đấu giá v.v
Vì là số đầu tiên, do hạn chế về mặt thời gian, với số lượng người tham gia viết bài còn ít ỏi nên tờ tin nội bộ này chắc chắn không tránh khỏi những sai sót nhất định. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý phản hồi từ độc giả, và đặc biệt là sự nhiệt tình tham gia hưởng ứng của tất cả mọi người, để xây dựng tờ tin nội bộ này thực sự trở thành một diễn đàn của tất cả những người yêu sách, sưu tầm sách.
Mọi thư từ bài vở xin gửi về Ban biên tập bản tin nội bộ CLB sách Xưa và Nay:
- Ông Vũ Anh Tuấn, 144 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, tp Hồ Chí Minh
- Ông Hoàng Minh,337/19 Lê Văn Sỹ, P1, quận Tân Bình, tp Hồ Chí Minh
- Email:
clb_nguoiyeusach@yahoo.com
Ban biên tập

ĐIỀU LỆ CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA VÀ NAY

Điều 1: Câu lạc bộ được các thành viên sáng lập nên, lấy tên là Câu lạc bộ sách Xưa và Nay. Tên tiếng Anh là Vietnam New and Old Books’ Club. Tên tiếng Pháp là Club des Nouveaux et Anciens Livres du Vietnam.

Điều 2:
Trụ sở: đặt tại số 387 đường Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình, tp Hồ Chí Minh, Việt nam.
Email: clb_nguoiyeusach@yahoo.com
Tel: (84)-(8)-8449497

Điều 3: Tôn chỉ CLB: phát huy lòng yêu mến sách cổ, sách quý hiếm cũng như ý chí giữ gìn bảo tồn những sách đó.

Điều 4: Mục đích: là nơi gặp gỡ cho tất cả những người yêu sách để cùng trao đổi những thông tin về sách cổ, sách quý hiếm, học hỏi lẫn nhau để hiểu biết thấu đáo về giá trị,nội dung,phương pháp bảo tồn và cách khai thác hữu hiệu nhất, có ích nhất cho tất cả mọi người.

Điều 5: Hoạt động:
Tổ chức các cuộc họp mặt thường kỳ để thông báo cho nhau về các sách cổ, sách quý hiếm mà các thành viên đang lưu giữ, mới sưu tầm được, hoặc nơi chúng đang được lưu giữ, để có thể tìm cách sử dụng chúng một cách hữu hiệu nhất.
Tổ chức giới thiệu, khi cần thiết có thể kết hợp với các tổ chức văn hoá trong và ngoài nước, để trưng bày các sưu tập của các thành viên.
Tiến hành các hoạt động kỷ niệm, hội thảo trong những dịp đặc biệt có liên quan đến lịch sử văn học nước nhà như ngày sinh,ngày mất danh nhân, ngày kỷ niệm các sự kiện văn học, ngày ra đời tác phẩm,báo chí v.v, gắn với việc trưng bày các tư liệu gốc liên quan.
Tổ chức các hoạt động đấu giá sách và các hoạt động văn hoá khác.
Tổ chức ấn hành một bản tin nội bộ, lấy tên là Bản tin sách Xưa và Nay cho mọi thành viên trao đổi mọi thông tin, phê bình, thẩm định giá trị các sách cổ, sách quý hiếm ở Việt nam và trên thế giới.
Tiến tới xây dựng một website riêng của CLB, là diễn đàn giao lưu cho mọi thành viên của CLB và những người yêu sách trên toàn thế giới qua mạng Internet.
Trong tương lai, phấn đấu để CLB trở thành thành viên đại diện cho Việt nam tham gia các tổ chức sách trên thế giới.
Các cuộc họp mặt định kỳ một tháng một lần. Trong trường hợp họp bất thường, tất cả các thành viên sẽ được thông báo trước.

Điều 6: Câu lạc bộ những người yêu sách tuyệt đối không tham gia bất cứ hình thức hoạt động chính trị nào.

Điều 7: Điều kiện gia nhập: Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên có lòng yêu quý sách và chấp nhận bản điều lệ của Câu lạc bộ đều có thể đăng ký gia nhập.

Điều 8: Quyền lợi và Nghĩa vụ: Tất cả thành viên có quyền được thông tin về các hoạt động của CLB, được nhận bản tin nội bộ cũng như tham gia viết bài, được ưu tiên biết trước thông tin khi có một thành viên nào muốn bán hay trao đổi sách.
Tất cả thành viên sáng lập và thành viên hoạt động được tham gia bầu ra Ban điều hành CLB theo điều 9 bản Điều lệ này.
Tất cả thành viên sáng lập và thành viên hoạt động có nghĩa vụ đóng hội phí CLB là 20.000đ /tháng.

Điều 9: Cơ cấu tổ chức: CLB đặt dưới sự điều khiển của một Ban điều hành CLB, được tất cả mọi thành viên bầu ra. Ban điều hành gồm có:
1 Chủ nhiệm CLB.
1 hoặc 2 phó chủ nhiệm CLB.
1 thư ký.
1 thủ quỹ.

Điều 10: Thể lệ bầu cử: Các thành viên Ban điều hành do Đại hội bầu ra với thể thức bầu cử phổ thông đầu phiếu kín với đa số tương đối. Trong trường hợp số phiếu bằng nhau, người cao niên hơn sẽ đắc cử.

Điều 11: Nhiệm kỳ của Ban điều hành là 3 năm.
Khi hết nhiệm kỳ 3 năm, Đại hội sẽ họp để bầu ra Ban Chủ nhiệm mới. Trong trường hợp bất thường, khi một thành viên trong Ban Chủ nhiệm không thể đảm nhiệm chức vụ vì bất kỳ lý do nào, Đại hội sẽ họp vào ngày họp thường kỳ gần nhất để bầu ra chức danh khuyết này.

Điều 12: Chủ nhiệm CLB có trách nhiệm: Hướng dẫn mọi thành viên hoạt động trong phạm vi điều lệ CLB.
Triệu tập và chủ tọa các cuộc họp.

Điều 13: Các Phó chủ nhiệm phụ giúp và thay mặt Chủ nhiệm điều hành mọi hoạt động của CLB trong trường hợp Chủ nhiệm vắng mặt.

Điều 14: Thư ký CLB tham gia chuẩn bị và ghi chép biên bản các cuộc họp, biên tập bản tin và website của CLB.

Điều 15: Thủ quỹ là người chịu trách nhiệm thu tiền hội phí của các thành viên cũng như các khoản tài trợ hảo tâm bên ngoài, và chi cho các hoạt động của CLB như chi phí tổ chức cuộc họp hàng tháng, chi phí in ấn bản tin và các chi phí khác, dưới sự chỉ đạo của Ban Chủ nhiệm. Thủ quỹ có trách nhiệm báo cáo chi tiết tài chính với các thành viên CLB trong những lần họp thường kỳ.

Điều 16: Muốn sửa đổi điều khoản nào, cần phải được ít nhất 2/3 số thành viên tham gia cuộc họp chấp nhận.

Giấy mời tham dự CLB sách Xưa và Nay

Ban Điều hành Câu lạc bộ sách Xưa và Nay xin trân trọng kính mời:

Ông (Bà): ______________________________

Tới dự buổi ra mắt Câu lạc bộ sách Xưa và Nay.

Địa điểm: Nhà thờ Tân sa châu, số 387 đường Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình, tp Hồ Chí Minh, Việt nam. Số điện thoại: 8449497-8422340-0983344789

Thời gian: 09h00 ngày thứ bảy, 17/06/2006.

Rất mong được đón tiếp quý vị trong lễ ra mắt này.

TP Hồ Chí Minh ngày 04 tháng 06 năm 2006.

Ban Điều hành CLB

Giấy đăng ký Hội viên Câu lạc bộ sách Xưa và Nay

Họ và tên: _______________________________________

Ngày tháng năm sinh: ______________________________

Nghề nghiệp: _____________________________________

Chức vụ:  ________________________________________

Địa chỉ:  _________________________________________

Số điện thoại nhà riêng: ____________________________

Số điện thoại di động: ______________________________

Email: ___________________________________________

Website: _________________________________________


Sau khi tham khảo bản Điều lệ Câu lạc bộ sách Xưa và Nay, tôi hoàn toàn chấp nhận bản điều lệ và xin đăng ký gia nhập Câu lạc bộ.
Ngày tháng 06 năm 2006
Ký tên



HỒI KÝ 60 NĂM CHƠI SÁCH (Trích đoạn)

Vũ Anh Tuấn


Năm 1943, tôi lên 8 và được cha tôi cho học tiểu học ở trường Henri Rivière, cạnh nhà Bưu Điện Hải Phòng. Tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu, cha tôi là một chủ sự làm việc cho hãng dầu Shell. Chúng tôi sống trong một căn nhà khá rộng lớn ở đường Cát Dài, bề mặt là 10 thước và bề sâu là 32 thước. Năm thước ở phía bên trái là phòng khách, vài phòng ngủ, và một nhà kho, năm thước bên phải là nhà xe, một sân lát gạch đỏ trên có hòn non bộ rất to của ông nội tôi, rồi tới nhà đựng cối giã gạo, nhà bếp, và hai căn nhà bồi. Ở trên là một sân thương 10 thước nhân với 5 thước chiều sâu, nơi tôi thường dùng làm chỗ để chạy một xe ôtô nhỏ có bàn đạp mà chú tôi mang từ Hà nội về cho tôi. Tất cả những hình ảnh đó vẫn lờ mờ trong trí óc tôi tuy 64 năm đã trôi qua, tuy nhiên có một chỗ trong căn nhà đó mà mỗi khi nhắm mắt lại, tôi lại nhìn thấy hiện lên rõ ràng từng chi tiết: đó là phòng khách nhà tôi với cái sập gụ, bộ bàn ghế cổ của Tàu rất đẹp, 2 cái kỷ ở trên để một vài thứ đồ cổ VÀ ĐẶC BIỆT LÀ HAI TỦ SÁCH 1m40 x1m80 bằng gỗ cẩm lai đựng đầy sách của cha và chú tôi lúc đó là một viên chức làm ớ Phủ Toàn Quyền Hà nội. Tủ sách đầu tiên chứa đầy những sách khổ to, bìa cứng, gáy mạ vàng óng ánh – những cuốn sách này cuốn nào cũng chứa đựng rất nhiều minh họa cực kỳ đẹp – và đây chính là những sách phần thưởng mà cha và chú tôi đã nhận được trong những ngày các cụ còn đi học. Cha tôi học trường Thầy Dòng và chú tôi học ở trường Albert Sarraut ở Hà nội. Tủ thứ nhì chứa đựng những sách bằng tiếng Việt như những sách của Tự Lực văn Đoàn, của các nhà xuất bản Tân Dân, Cộng Lực, Mai Lĩnh v.v… Ngăn dưới cùng của tủ sách thứ hai này chứa đầy những loại báo mà sau này tôi mới biết là thật quý giá như Đông Dương Tạp Chí, Phong Hóa, Ngày Nay, Trung Bắc Tân Văn, Tri Tân, Thanh Nghị, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm v.v… Tất cả những sách báo quý giá đó đã như in sâu vào tâm tưởng của tôi và ở lại mãi mãi, chắc chẳng bao giờ tôi quên được chúng. Mỗi khi cha tôi mở tủ lấy sách ra là tôi, dù đang làm việc gì, cũng vội xáp lại ngồi bên cạnh, mắt hau háu nhìn vào những hình ảnh tuyệt vời, nhiều bức có màu trong sách của cha tôi. Người không nỡ đuổi tôi đi và chỉ bảo tôi: “Đây là những sách của người lớn, sau này con lớn lên con sẽ đọc được, để rồi ba sẽ mua cho con những sách thích hợp với con hơn”. Mặc dù cha tôi nói vậy, tôi vẫn cảm thấy bị lôi cuốn một cách đặc biệt bởi những cuốn sách lớn và đẹp đó. Tôi chỉ tay sang tủ sách thứ nhì và tỏ ý xin được đọc những sách tiếng Việt, nhưng cha tôi cũng không cho mà chỉ nói: “Khi nào con lớn cha sẽ cho con đọc, đừng vội”…
(Trích chương I – Ngày đầu đến với sách)
… Cha tôi đã giữ lời hứa và người đã mua cho tôi mấy cuốn sách đầu đời như lên Sáu, lên Tám của Tản Đà như tôi đã kể ở bản tin số 1. Sau khi căn dặn tôi nên đọc và trau dồi tiếng mẹ đẻ trước, người đã đi mua cho tôi ở cửa hàng Chaffanjon ở Hải Phòng những cuốn truyện tranh tuyệt vời như Zorro, hiệp sĩ bịt mặt, Tarzan, chúa tể rừng xanh, và nhất là Tin Tin, chú bé phóng viên trinh thám…các họa sĩ vẽ Zorro và Tarzan (tôi không còn nhớ ai đã vẽ Zorro, nhưng nhớ rất rõ hai họa sĩ vẽ Tarzan là Harold Foster và người vẽ đẹp nhất là Burn Hogarth) đã vẽ những nhân vật cực kỳ đẹp, cực kỳ hùng tráng, và đặc biệt nhất là họ vẽ rất kỹ, nhân vật nào ra nhân vật đó, từ đầu tới cuối truyện người đọc và xem bằng mắt, không bao giờ có thể nhầm người này với người kia, ôi thực là tuyệt vời khi đem so sánh với truyện tranh hiện nay với những nhân vật được vẽ cách điệu, méo mó, có đứa mặt nhọn hoắt, trông mà phát khiếp. Cả hai nhân vật Zorro và Tarzan đều là sản phẩm của Mỹ, các tác giả là Johnston McCulley viết Zorro năm 1920 và Edgar Rice Burroughs đã viết Tarzan vào năm 1912. Các truyện tranh cha tôi mua cho tôi còn có cả Mickey, chú chuột nổi tiếng của Disney, nhưng tôi không thích, cũng như tôi không thích người dơi vì cho là nó quá hoang đường. Tuy nhiên có thể nói là truyện tranh mà tôi thích nhất, giờ đây ở tuổi cổ lai hy tôi vẫn còn thích, chính là Tin Tin, cậu bé phóng viên trinh thám và chó Milou tuyệt vời của cậu. Tin Tin được một họa sĩ người Bỉ tên là Georges Rémi HERGÉ (1907-1983) cho ra đời vào năm 1929 qua tác phẩm nhan đề là TinTin chez les Soviets (Tin Tin thăm Liên Sô). Là phóng viên cho một tờ báo chú bé Tin Tin chẳng hề viết một dòng phóng sự nào cho tòa soạn tờ báo thuê chú, dù chú ở Liên Sô, ở Châu Mỹ, Châu Á hay ở mặt trăng, nhưng thực là tuyệt vời khi chú mang lại giải đáp cho hàng loạt những chuyện bí ẩn, bắt giữ những tên buôn lậu, trừng trị những tên cướp, hoặc giúp đỡ một vương hầu cứu vãn được giang sơn của mình. Ngoài Tin Tin ra các nhân vật kề cận với Tin Tin cũng làm tôi rất mê, ví dụ như hai anh em cảnh sát Dupont Dupont, mỗi khi một người nói gì thì ngươi kia ngay lập tức nói lại đúng những lời vừa nghe được (sau này nhà văn Trung Hoa Kim Dung đã lấy nguyên mẫu từ hai người này để tạo ra sáu anh em nhà Đào Cốc Lục Tiên), ngoài ra còn có Đại úy Haddock cứ văng tục suốt ngày. Trong số những cuốn Tin Tin mà cha tôi mua cho tôi, tôi nhớ tất cả là 14 cuốn (toàn bộ chắc nhiều hơn nhiều, nhưng tôi chỉ có 14 cuốn) một ngày kia có một cuốn đã cũ vì in từ năm 1929 (nhưng vẫn còn tốt vì người chủ cũ đã bọc bìa giấy dầu ra ngoài) và cuốn sách đó chính là cuốn Tin Tin đầu tiên mang tựa đề TinTin chez les Soviets (Tin Tin thăm Liên Sô). Ít lâu sau tôi đã tặng cuốn sách đó cùng với cuốn Lotus bleu (Hoa sen xanh) cho một cô em họ xa khi hai anh em từ biệt nhau để cô ta theo chồng qua Mỹ. Giờ đây cô em họ tôi đã qua đời và cuốn Tin Tin thăm Liên Sô không biết bây giờ lưu lạc nơi nào, tôi đã có e-mail qua hỏi nhưng cả nhà chả ai nhớ và cũng chả ai thèm đề ý tới cuốn sách của Thảo, tên cô em tôi. Họ đâu có biết rằng (và tôi thì bây giờ cũng mới biết, nhưng tôi không buồn vì mọi việc ở đời đều là số mạng cả) ngay lúc này, cuốn Tin Tin đầu tiên đó đang được các nhà bán đấu giá ở Âu Châu bán ra hàng trăm ngàn Euro. Ôi, việc gì đã qua và vô phương cứu vãn thì nên quên phắt nó đi là thượng sách! Mọi nuối tiếc chỉ có thể làm khổ chính bản thân mình mà thôi! Vậy thì điên chi mà nuối với chẳng tiếc!...

(Trích đoạn chương II, Những truyện tranh trong đời tôi )

26 - 07 - 2006

Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy. Mann Horace

-----

Dịch vụ của CLB sách Xưa và Nay
CLB sách Xưa và Nay nhận làm một số dịch vụ sau:

- Sửa morat
- Toát yếu các tác phẩm
- Đấu giá
- Tư vấn thư viện (cá nhân,gia đình và cơ quan)
- Giải đáp thông tin sách
- Cung cấp bản sao
------
Vài cảm nghĩ về vấn đề sửa bản in
Ngay lúc này, mỗi khi giở trang áp chót ở bất cứ một cuốn sách nào người ta cũng bắt gặp ngay tên người sửa bản in, nghĩa là đã có một người đặc trách việc sửa tất cả mọi lỗi (về chính tả, về ngữ pháp, về nghĩa của từ, về điển tích v.v…) và người đọc có thể yên trí khỏi cần thắc mắc. Nhưng, vừa giở một vài trang, người đọc đã bớt yên trí rất nhiều khi bắt gặp nhiều lỗi chính tả, là những lỗi tương đối nhẹ, đôi khi có thể đổ cho ấn công. Tuy nhiên, nếu bạn đang có trên tay một cuốn tự điển thì lỗi chính tả lại trở thành rất nặng, vì TỰ ĐIỂN THÌ KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN SAI. Người viết còn nhớ khoảng những năm 60 thế kỷ 20, nhà Larousse của Pháp có in ra một cuốn tự điển chỉ sai có một lỗi mà họ cho thu hồi tất cả những bản đã in trong lần xuất bản đó. Thực là tuyệt vời, còn ở ta thì kể ra hơi buồn vì cách đây ít tháng, người viết nhớ là có đọc trên báo Tuổi Trẻ một người nào đó đã “phán” rằng “tự điển đúng 80% là đứng đắn”. Ôi, thế còn 20% sai thì ai chịu trách nhiệm đây? Nhất là khi con em chúng ta tra cứu để làm bài thi thì sao? Mấy năm trước, một cuốn tự điển Anh Việt đã giải thích từ “Chauvinism” (chủ nghĩa Sô Vanh) là “chủ nghĩa vô sanh”. Phải chăng “ái quốc quá thì không có thì giờ sanh đẻ?”. Tuy nhiên, lỗi này cũng vẫn còn là tương đối nhẹ và vẫn có thể đổ cho ấn công. Nhưng còn lỗi người viết xin nêu ra dưới đây thì mới thật là đáng nói: Năm 1994, nhà xuất bản Hội Nhà văn có in một cuốn hồi ký văn học nhan đề là “Văn thi sĩ tiền chiến” mà tác giả là nhà văn quá cố Nguyễn Vỹ. Trong sách này, người biên tập hoặc người sửa bản in đã không phát giác ra là nhà văn Nguyễn Vỹ đã viết một điều không chính xác. Điều sai này nằm ở trang 117 (từ dòng 12 đến dòng 18) của sách nói trên. Điều sai này như sau: “Nhà văn Nguyễn Vỹ đã cho rằng câu thơ Đi là chết ở trong lòng một ít là của nhà văn Pháp Roland Dorgelès người viết cuốn Trên đường cái quan (Sur la route mandarine)”. Nguyên văn như sau: “… lấy nguyên văn câu của nhà văn Pháp Roland Dorgelès đề trên trang đầu quyển phóng sự hồi ký Trên đường cái quan…”. Sự thực không phải như vậy vì câu “Partir c'est mourir un peu” không phải là của Roland Dorgelès mà là của nhà thơ Pháp Edmond Haraucourt (1857-1941) và câu thơ này rút trong bài thơ “Rondel de l'adieu” (Cổ thi về sự giã từ). Sự thật là tác giả Roland Dorgelès đã mượn câu thơ của Edmond Haraucourt để đề lên đầu cuốn phóng sự hồi ký Trên đường cái quan (Sur la route mandarine) của ông ta.
Điều sai này đã được đính chính nơi trang 112 trên số báo Thế Giới Mới số 589 ra ngày Thứ hai 14 tháng 6 năm 2004.
Tóm lại, để làm tốt việc sửa bản in, người sửa và người biên tập, ngoài khả năng chuyên môn, ngoài lương tâm nghề nghiệp, còn cần phải có một yếu tố thứ ba: đó là tài liệu, và tài liệu thì lại phải sử dụng những thứ tài liệu trên các từ điển (văn học) đứng đắn, của các nhà xuất bản danh tiếng (vì các nhà xuất bản danh tiếng không bao giờ dám sai); đôi lúc, để cẩn thận hơn, cần phải tra cứu 2, 3 bộ tự điển khác nhau để nếu thấy tất cả đều đồng nhất thì tài liệu mình sử dụng có thể coi là chính xác. Đừng bao giờ tin vào tài liệu lấy từ trên mạng, vì trên mạng là đủ mọi thứ tài liệu, thật giả khó mà phân biệt nổi nếu người sử dụng không thật sự có năng lực, có sự hiểu biết thấu đáo.
Trong tương lai, Câu lạc bộ Sách Xưa và Nay của chúng tôi có thể đảm trách công việc này khi có hợp đồng và được các nhà xuất bản trả thù lao hợp lý.
Vũ Anh Tuấn

Những cuốn sách đã ghé đời tôi… và ở lại
Năm 1943 tôi lên 8 và được cha tôi mua cho hai cuốn sách đầu đời: đó là hai cuốn Lên Sáu và Lên Tám của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Mặc dù cho tôi học trường tiểu học Pháp Henri Rivière ở Hải Phòng, nhưng cha tôi căn dặn tôi rằng là người Việt phải cần học giỏi tiếng mẹ đẻ trước đã, tiếng Tây chỉ là một thứ dụng cụ mà thôi, do đó phải đọc sách tiếng Việt trước rồi sẽ đọc truyện Tây sau. Hai cuốn sách nói trên chỉ gồm những bài thơ 4 chữ và những bài thơ ngũ ngôn dạy một em bé lên 6 cách sống ngoan ngoãn hiếu thảo với cha mẹ anh em, và các bạn bè khi mới bắt đầu cắp sách đến trường. Mỗi cuốn chỉ trên dưới 50 trang nhưng trang nào cũng được họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa thật tuyệt vời với những hình ảnh đưa thẳng bản văn vào tận tiềm thức non trẻ của tôi. Tôi đọc đi đọc lại hai cuốn đó và cố gắng noi theo những gì cụ Tản Đà dạy. Vài tháng sau, cha tôi mua cho tôi một số truyện tranh của Pháp thời đó như Tarzan, Zorro, Vaillant (dũng cảm), Intrépide (dũng mãnh) v.v… Đó là những truyện tranh vẽ cực kỳ đẹp, với các cốt truyện dài, truyện ngắn cực kỳ hay như Mandrake, ảo thuật gia, Những kẻ khốn cùng của Victor Hugo, Con ma Xứ Bengale v.v… Hình vẽ trong các truyện tranh nói trên vẽ thật chân phương, người nào trông ra người đó, chứ không nhố nhăng như bây giờ, tranh nào cũng méo mó, cách điệu, người chẳng ra người ngợm chẳng ra ngợm. Tôi đã để 4 năm trời, từ 8 tới 12 tuổi để đọc ngấu nghiến các truyện tranh của Tây đó, cùng với rất nhiều truyện thiếu nhi bằng tiếng Việt rất tuyệt vời của thời đó như là Truyền bácủa nhà Tân Dân, Sách Hồng của nhà Đời Nay, sách Hoa mai v.v… Mỗi cuốn Truyền Bá hay Sách Hồng là một truyện đầy tính giáo dục rất đơn giản, dễ nhớ mà hay, đầy tính hướng thiện, gây ảnh hưởng rất nhiều tới trí óc non trẻ thơ ngây của tôi. Trong số hàng trăm truyện đó tôi ưa thích nhất hai truyện dài đăng từng kỳ của nhà văn Lê Văn Trương: Đó là hai truyện Ông thằng Việt và Quê hương và Tuổi Trẻ. Tôi cho rằng hai truyện này hay không thua gì những truyện của Tô Hoài, nếu không muốn nói là hay hơn. Cuối năm 14 tuổi, tiếng Pháp của tôi đã tạm dùng được, cha tôi mua cho tôi những truyện của Tủ Sách Xanh Lá Cây (Bibliothèque Verte) và tôi đã đọc rất kỹ bộ Những kẻ khốn cùng của cụ Victor Hugo dưới dạng rút ngắn, cũng như một số truyện của Jules Verne như Anh em nhà Kip, Bí mật của Wilhelm Storitz, Từ trái đất tới mặt trăng, Hai mươi vạn dặm dưới đáy biển… Tôi mê bộ Những kẻ khốn cùng và đọc ngấu nghiến bản rút ngắn. Ngay lúc đó tôi đã tự nhủ sau này, biết nhiều tiếng Pháp hơn thế nào tôi cũng phải đọc bộ không rút ngắn dài trên một ngàn trang trong hai tủ sách to đùng của cha tôi… Cũng trong thời gian đó tôi gặp gỡ và bị lôi cuốn mãnh liệt bởi những truyện Kiếm Hiệp mà người đời gọi là Kiếm Hiệp 3 Xu (vì mỗi số bán giá 3 xu) của các tác giả Lý Ngọc Hưng, Thanh Đình, Văn Tuyền như các bộ Côn Lôn Tiểu Khách, Bồng Lai Hiệp Khách, Hoàng Giang Nữ Hiệp, Long Hình Quái Khách, Nữ Bá Vương, Quần Sơn Lão Hiệp v.v… Đó là những bộ truyện thuần túy nghĩa hiệp dạy cho con người sống cho ra người nam nhi hào hùng và lãng mạn, luôn phù suy, không phù thịnh, không hề nghĩ tới các mánh lới gian manh, mà chỉ làm toàn những điều anh hùng nghĩa hiệp. Cho tới bây giờ, 47, 48 năm sau, mà những tên các nhân vật (rất hay, rất kêu) như Sơn Đông Tiểu Khách Cao Hùng Phi, Ngọc Kỳ Lân Vân Đằng Giao, Kim Hồ Điệp Trúc Thúy Quỳnh, Nữ Bá Vương Hồng Hoài Châu Sơn Đông Bá Chủ Cao Phùng Hải v.v… vẫn luôn luôn nằm sâu trong đầu óc tôi. Ngoài ra, các nhân vật đó còn được minh họa một cách đẹp dễ sợ bởi nhà danh họa Văn Giáo, khiến cho đến tận bây giờ, tôi chỉ cần nhắm hai mắt lại là lại trông thấy hình ảnh hùng dũng của họ hiện ra. Chính những cuốn kiếm hiệp này (khoảng 80 bộ) đã khiến tôi sống một cuộc sống không xu nịnh, hèn hạ, gian manh, mánh lới. Năm 16 tuổi tôi đã học trung học và đã khá thông thạo tiếng Pháp và cha tôi đã cho tôi đọc những bộ sách lớn ở trong tủ sách khổng lồ của ông như bộ Bá tước Monte-Cristo, bộ ba tác phẩm đi liền với nhau như Ba người ngự lâm pháo thủ, Hai mươi năm sau và Tử tước Bragelonne, và đặc biệt là hai bộ trường giang tiểu thuyết thật hay của tác giả Eugène Sue là Bí mật thành Ba Lê và Người Do Thái lang thang. Sau này với các tác phẩm mà tôi đặc biệt ưa thích cứ cách 10 năm tôi lại đọc lại một lần, cố nhiên là đọc nguyên văn, mà tôi vẫn mỗi lần đọc thấy mỗi lần mình thấm hơn. Năm tôi đi thi Tú Tài (Bac) là năm tôi đọc hai bộ sách mà tôi cho là vĩ đại nhất trên đời: đó là bộ Tấn tuồng đời của Balzac và Những người thiện chí của Jules Romains – tuy bối cảnh là nước Pháp và xã hội Pháp nhưng sau khi đọc kỹ hai bộ đó, người đọc có thể tự cho là mình đã, trong một thời gian ngắn, tiếp xúc với đủ mọi hoàn cảnh, tình huống trong cuộc đời.
Ra trường tôi có đi làm việc cho một số cơ quan ngoại quốc trong một thời gian cho tới ngày giải phóng. Trong những ngày đi làm việc tôi luôn luôn để dành một khoảng thời gian cho thú đọc sách, chơi sách của tôi, và có đọc một số sách của các nhà văn nổi tiếng của Mỹ như W.Faulkner, E.Hemingway v.v… Còn về sách Việt thì cố nhiên là tôi thuộc lòng hết các sách của nhà Đời Nay mà cuốn tôi mê nhất là cuốn Đời mưa gió. Của nhà Tân Dân, tôi đọc gần 100 cuốn của Lê Văn Trương và những cuốn tôi mê nhất là Trường đời, Trong ao tù trưởng giả, Thằng còm và thằng Còm phục thù, Một lương tâm trong cơn gió lốc, Trước cảnh hoang tàn Đế thiên Đế thích v.v…
Và rồi tôi đã bắt đầu mua sách, tìm sách quý hiếm từ những năm 60, nghĩa là từ lúc tôi 25 tuổi cho tới nay, thoáng một cái tôi đã 24 tuổi lần thứ 3, nhưng cũng vẫn ham sách, mê sách, săn lùng sách y chang như những ngày xưa cũ… Và tôi nghĩ rằng, sang bên kia chắc tôi cũng vẫn ham sách như thường lệ…
28.5.06
Vũ Anh Tuấn
Loạt bài giới thiệu những cuốn sách cổ đắt giá của thế giới
 
Trong thế giới sách cổ, Kinh Thánh luôn chiếm vị trí đặc biệt, bởi đơn giản là những cuốn sách đầu tiên được in ra đều là Kinh Thánh, hay những sách về cầu nguyện, lịch tôn giáo v.v có liên quan đến giáo hội Thiên Chúa giáo. Xin giới thiệu một số cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Anh cổ nhất trên thế giới.

Bản chép tay Kinh Tân ước của Wycliffenăm 1410

John Wycliffe (Wycliff) là người đầu tiên sao chép tay Kinh thánh bằng tiếng Anh, trước khi Gutenberg phát minh ra máy in vào những năm 1450: Bản thảo Kinh Tân ước của Wycliffe hiện là thứ cực kỳ giá trị.

Đến thời điểm này, nó là bản duy nhất trên thế giới được rao bán.
Khổ giấy mỗi tờ ước tính khoảng 160x108 mm. Chữ viết là loại mực nâu nhẹ, trên da dê. Đây có lẽ là biểu tượng quan trọng nhất của trào lưu Tin lành ở Anh. Cuốn này hiện có giá rao bán là 2,75 triệu USD. Quả là một báu vật.
Bản Kinh thánh Vua James in lần thứ nhất năm 1611, bản “He”
Một trong những cuốn sách được săn lùng nhất trong thế giới của sách cổ: : Bản in đầu tiên của Kinh Thánh của Vua James. Lý do gọi là bản “He”, xin xem phần bản “She” ở dưới.


Nó đã được bán ở nhà đấu giá Sotheby năm 2001 với giá trên $400.000 USD
Thật là một cơ hội đầu tư tuyệt vời, theo các chuyên gia thì các cuốn Kinh Thánh tăng 25% trong mỗi thập niên.

Bản Kinh thánh Vua James in lần thứ nhất năm 1611,bản “She”

Bìa sách làm công phu bằng bạc vào thế kỷ 18. Bởi vì lỗi in ấn trong một chương đã được sửa lại để đọc cho đúng là "she went into the city" thay vì "he went into the city" , nên bản này được gọi là bản “She”, và trước đây các nhà nghiên cứu giả định rằng bản này in sau bản “He” vài tuần. Hiện nay các học giả đều đồng ý rằng hai bản này có lẽ in đồng thời.
Bản “She” này được chào bán với giá 175.000 USD
Lý do chính bản “He” đắt hơn bản “She” bởi vì nó ít hơn ( hiện chỉ còn không tới 50 bản trên thế giới) so với bản “She” ước tính còn tới gần 150 bản.
Hoàng Minh sưu tầm
Về một số cuốn Từ điển cổ của Việt nam liên quan đến chữ Quốc ngữ

Đối với nền văn hoá của một dân tộc nói chung và văn học sử nói riêng, từ điển đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là sự kết tinh ngôn ngữ của dân tộc đó tại từng thời kỳ lịch sử. Qua việc nghiên cứu những cuốn từ điển, người ta có thể biết được ngôn ngữ, phong tục, tập quán, sinh hoạt, thói quen, nhận thức, quan niệm, tư tưởng của xã hội v.v tương ứng với trình độ văn minh của một quốc gia tại một thời điểm lịch sử cụ thể. Về mặt ngôn ngữ học, nghiên cứu từ điển là một cách hữu hiệu giúp cho việc khám phá sự biến đổi ngôn ngữ theo thời gian.
Với các nhà sưu tầm sách, các cuốn từ điển cổ luôn là mục tiêu khao khát của họ. Giá trị bỏ ra để sở hữu chúng cũng cao hơn hẳn những cuốn sách cổ khác. Có những người sưu tầm sách chỉ sưu tầm một thứ duy nhất, đó là những cuốn từ điển cổ. trong bài này, người viết sẽ giới thiệu sơ qua về một số cuốn từ điển cổ của Việt nam, có liên quan đến sự hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ. Do hạn chế về trình độ, rất mong bạn đọc vui lòng sửa chữa, bổ xung những thêm kiến thức mới để chúng ta có một cái nhìn đầy đủ về lĩnh vực này.

0. Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha củaGaspar D’ Amaral (thất truyền) và Từ điển Bồ Đào Nha - An Nam của Antonio Barbosa (cũng thất truyền). Đây là 2 cuốn từ điển mà dựa vào nó giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã soạn ra cuốn từ Từ điển Việt-Bồ-La, như chính ông đã nói trong phần đầu cuốn từ điển này.

1. Cuốn từ điển đầu tiên của Viêt nam là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La do giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) soạn và in tại Rome năm 1651. Cuốn sách quý giá này hiện thuộc sở hữu của thư viện Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và đã được trao giải trong cuộc thi những cuốn sách vàng lần thứ Nhất năm 2002.

2. Vocabularium Annamitico Latinum Tự vựng Việt–La của Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) (bản chép tay) soạn khoảng năm 1772. Hiện được lưu trong thư viện Hội Truyền giáo Hải ngoại tại Paris ( đã tái bản năm 2001).

3. Bộ từ điển Annam-Latin và Latin-Annam (Nam Việt Dương Hiệp tự vị) của giáo sĩ Taberd xuất bản năm 1838 tại Serampore, Ấn độ. Đây là bộ từ điển dựa trên công trình của Pigneaux de Béhaine và giáo sĩ Taberd được ông ta giao phó cho việc xuất bản. Đây là lần đầu tiên chữ quốc ngữ được đối chiếu với chữ Nôm được in trong một cuốn từ điển.
Bộ sách này đã được trao giải Nhất bộ sách trong cuộc thi Những cuốn sách vàng lần thứ Nhất.
4. Vocabulaire Français-Annamite et Annamite-Français, Imprimerie de la Mission Catholique, Bangkokcủa Aubaret năm 1861.

5.Dictionnaire élémentaire annamite français của Legrand de la Liraye năm 1874

Cuốn từ điển này được in tại Paris. Nó đã được trao giải Ba trong cuộc thi Những cuốn sách vàng lần thứ Ba.
6. Dictionnaire annamite - francais. J.M.J. , Imprimerie de la Mission, Tân Định (Sàigòn) 1877 của linh mục Caspar

7.Từ điển Latin-Annam của Ravier, in ở Ninh Phú, Ninh Bình năm 1880

Cuốn từ điển này đã được trao giải Nhì cuốn sách trong cuộc thi Những cuốn sách vàng lần thứ Hai.

8. Petit dictionaire Français–Annamite (Tiểu từ điển Pháp–Việt) của Petrus Trương Vĩnh Ký in tại Saigon, Impr. de la Mission 1884.

9. Dictionarum Anamitico-Latinum, Tự vị An Nam–Latin của J.S. Theurel. In ở Ninh Phú, Kẻ Sở, Ninh Bình, năm 1887.

10. Từ điển Pháp Việt của Bonet in năm 1889.

Đây là bộ từ điển đã được trao giải Nhất bộ sách trong cuộc thi Những cuốn sách vàng lần thứ Ba.

11. Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, Imprimerie Rey, Curiol
Saigon, 1895,
Đây là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên do người Việt làm. Cuốn từ điển này đã được trao giải Nhất cuốn sách trong cuộc thi Những cuốn sách vàng lần thứ Nhất.

12. Từ điển Génibrel in năm 1898
13. Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức 1931.
Đây là cuốn từ điển đã được trao giải Khuyến khích trong cuộc thi Những cuốn sách vàng lần thứ Nhất.

14. Pháp Việt từ điển của Đào Duy Anh, Quan Hải Tùng thư xuất bản năm 1936.
15. Từ điển Gustave Hue năm 1937

Bản đồ Hà Nội 1936

Minh Đăng

-----

Rao vặt
 
Trong mục này các bạn có thể đăng miễn phí tất cả các thông tin liên quan đến việc mua,bán sách,báo, tạp chí, bản đồ, văn tự cổ v.v. Ai có nhu cầu đăng xin liên hệ với Ban Biên tập.


Cần mua:

Chúng tôi hiện cần mua:
1. Cần mua các số Tao Đàn đặc biệt (số về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng và Văn học Ba lan).
2. Cần mua các bản nhạc của nhà xuất bản Tinh Hoa, Á Châu giai đoạn trước 1956.
3. Cần mua các tác phẩm của Alexandre de Rhodes tái bản, bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên.

Xin liên hệ Hoàng Minh 0983344789.


Cần bán:

Chúng tôi hiện đang có 1 CD-ROM hình ảnh toàn bộ tờ báo Đăng Cổ Tùng Báo năm 1907 của Nguyễn Văn Vĩnh. Ai có nhu cầu xin liên hệ Minh 0983344789.
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế