Hiện có 7 người xem / 2334067 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

TỜ BÁO CỔ NHẤT THẾ GIỚI
CHUYỂN SANG BÁO ĐIỆN TỬ

Ngày 27/1/2007, các hãng thông tấn lớn đồng loạt đưa tin, tờ báo cổ nhất thế giới Postoch Inrikes Tidningar (PoIT, ở Thụy Điển) đã ngưng xuất bản báo giấy, chỉ còn báo điện tử trên mạng Internet.

PoIT được Nữ hoàng Christina sáng lập năm 1645, sau đó nhanh chóng trở thành người bạn không thể thiếu của người dân Thụy Điển đến hết thế kỷ 18. PoIT độc quyền thông tin trong và ngoài nước đến khi xuất hiện nhiều đối thủ, nhất là tờ Aftonbladet (1879). Lúc đầu, PoIT chỉ đưa thuần túy thông tin trong nước, sau thêm các mục tin quốc tế, tin sức khỏe, tỷ giá hối đoái, tin dự báo thời tiết, đôi khi có thơ, truyện ngắn, nhưng tuyệt nhiên không có một bức ảnh, một dòng quảng cáo nào.

Độc giả chủ yếu là ở các ngân hàng, tòa án, luật sư, văn phòng quản trị, thư viện... Lượng độc giả giảm dần khi có thêm nhiều tờ báo cạnh tranh, biến PoIT chủ yếu là nơi đăng tải thông cáo của những công ty niêm yết và các tổ chức tài chính, luật pháp. Năm 1978, báo chuyển sang in khổ nhỏ A4.

Dù trong 100 năm qua, PoIT không còn đăng thông tin thời sự nhưng Hiệp hội báo chí thế giới (WAN) vẫn thừa nhận PoIT là tờ báo cổ nhất thế giới. Trên trang web www.poit.org mới, PoIT tuyên bố vẫn là một cơ quan báo chí chính thức của Chính phủ Thụy Điển, như đã được luật pháp quy định từ thế kỷ 17.

Theo tổng biên tập mới của PoIT, Roland Hagglund, sự thay đổi này có thể làm nhiều người buồn nhưng đánh dấu một khởi đầu mới, thích ứng với xu thế thời đại. Theo ông, “kỷ nguyên net” đã mang lại cho báo hơi thở mới vì giờ đây, ai cũng có thể đọc PoIT miễn phí trên mạng. Lần xuất bản cuối cùng báo in được 1.500 bản.

------

Idecaf triển lãm Kho tài liệu số hoá Đông Dương

Từ 10/2 đến 10/4, tại Thư viện đa phương tiện Idécaf, 31 Thái Văn Lung, quận 1 TP HCM diễn ra triển lãm "Từ sách truyền thống đến sách điện tử". Triển lãm giới thiệu kho sách cổ Đông Dương đã bảo quản và đang được số hóa tại Thư viện.

Toàn bộ những tài liệu này là minh chứng đặc biệt cho cả một thời kỳ lịch sử của Việt Nam. Đặc biệt bởi sự quý hiếm (tài liệu cổ nhất có từ năm 1880) và sự phong phú về đề tài và quan điểm. Kho sách này đề cập đến mọi lĩnh vực: Khoa học và kỹ thuật, lịch sử, văn học, ngôn ngữ và tôn giáo, nghệ thuật và khảo cổ học ở mọi thể loại: Ký sự về những chuyến du hành hoặc thám hiểm, các công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, từ điển… Bên cạnh đó là những minh họa ấn tượng gồm bản đồ, bình đồ, hình vẽ và ảnh.

Kho sách này được gọi là Bibliotheca Vietnamica, một thư viện điện tử đầu tiên tại Việt Nam, có nhiệm vụ tập hợp dưới dạng số di sản tài liệu cổ bằng tiếng Pháp của Việt Nam trước năm 1954. Thư viện cũng là thành viên của Bibliotheca Indosinica bao gồm các thư viện điện tử đang được tiến hành xây dựng tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là thành quả của mối quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam.

Bibliotheca Vietnamica nằm trong khuôn khổ dự án của Quỹ Đoàn kết ưu tiên Phát huy mạng lưới phát hành sách và thư viện tại Đông Nam Á (VALEASE), do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bộ ngoại giao Pháp phối hợp thực hiện với nhiều thư viện, đặc biệt là Thư viện Quốc gia và Viện Thông tin Khoa học xã hội tại Hà Nội, Thư viện Khoa học Tổng hợp và Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp tại TP HCM. Về mặt kỹ thuật, dự án đã được bắt đầu từ tháng 4/2006 và sẽ được tiếp tục cho đến cuối năm 2007 bởi công ty phát triển phần mềm Dirox.

Thư viện điện tử này có hai nhiệm vụ: Gìn giữ một di sản văn hóa mang tầm quốc tế trước thách thức của thời gian. Mặt khác, được đưa ra phục vụ các nhà nghiên cứu và công chúng nói chung như một kho tàng bách khoa toàn thư. Gần 500 tài liệu trong số 5.000 tài liệu của kho sách đã được chọn lọc để số hóa, tùy theo giá trị khoa học và thẩm mỹ, mức độ quý hiếm, tức là tùy theo số bản hiện còn của một tài liệu và tình trạng bảo quản.

Kỹ thuật dùng để số hóa các tài liệu là máy scan i2S (chuyên dùng số hoá các tài liệu cổ). Thiết bị này cho phép hạn chế thao tác trên sách để bảo quản gáy sách và sử dụng ánh sáng tự nhiên để sách không bị ảnh hưởng bởi những tia hồng ngoại. Ngoài ra, các quy định bảo quản sách cổ luôn được tuân thủ nghiêm ngặt: sử dụng găng coton và bảo quản sách trong phòng có điều hòa.

Thư viện thiếu nhi đầu tiên tại TP HCM vừa khánh thành gần đây cũng là một trong những dự án của VALEASE. Ảnh: A.V.

Các tài liệu được số hóa theo dạng ảnh cho phép phản ánh trung thực tài liệu gốc: tình trạng của sách vào thời điểm số hoá, cách trình bày và minh họa. Tuy nhiên, sách được số hóa vẫn được xử lý bởi một phần mềm phục chế sách nhằm khắc phục những khiếm khuyết do thời gian và do điều kiện bảo quản gây ra (vết ố, tình trạng phai màu…). Từ cuốn sách được số hóa, có thể cho in lại tài liệu như bản gốc.

Người đọc có thể tra cứu các tài liệu được số hóa thông qua công cụ tìm kiếm chuyên dùng cho Bibliotheca Vietnamica. Cũng với công cụ này, người sử dụng có thể tra cứu biểu ghi của hơn 3.200 tài liệu khác của kho Đông Dương đã được nhập vào phần mềm tra cứu tài liệu hiện có của thư viện.

Một dự án số hóa các tài liệu quan trọng nhất của Biblitheoca Vietnamica thành dạng văn bản đang được tiến hành. Phần mềm nhận biết ký tự bằng quang học sẽ cho phép chuyển đổi tài liệu số hóa dạng ảnh thành tài liệu dạng văn bản. Như thế, người sử dụng sẽ có thể tìm kiếm từ tất cả các từ trong văn bản.Ngoài ra, trong thời gian tới, công chúng có thể truy cập công cụ tìm kiếm và danh mục được số hóa trên mạng. Ban thực hiện thư viện cũng xúc tiến nghiên cứu việc thành lập một Thư viện hình ảnh, hay Ngân hàng hình ảnh về Việt Nam xưa, lấy từ các tài liệu của kho Đông Dương.

------

GIỚI XUẤT BẢN SỢ CÔNG NGHỆ SỐ HOÁ

Trong một cuộc hội thảo tổ chức ở Thư viện Công New York, các nhà xuất bản và biên tập viên đã bày tỏ nỗi quan ngại rằng thời đại công nghệ số rất có thể sẽ kết liễu sự tồn tại của các ấn phẩm in.

Những cuốn sách đồ sộ này sẽ được số hóa một cách gọn gàng.

Hội thảo với sự tham gia của tờ The Sunday Times of London, tạp chí Wired và đại diện của Google đã thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại bùng nổ công nghệ số và các hình thức chuyển tải thông tin.

Dự án số hóa sách giấy do Google Book Search thực hiện có khả năng lưu trữ được 30 triệu đầu sách. Con số này khiến giới xuất bản không lấy gì làm hạnh phúc. Trong nhiều năm qua, họ đã liên tục đệ đơn kiện Google vi phạm bản quyền . Nhưng Google vẫn tiếp tục triển khai những công việc họ đang làm dang dở. Vụ việc vẫn chưa kết thúc và có thể sẽ được đệ trình lên Tòa án tối cao Mỹ.

Các chương trình số hóa thư viện cũng là điều khiến giới xuất bản lo lắng. Họ cho rằng, việc thay thế sách in bằng công nghệ số sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai của giới trẻ. Bởi nếu đọc sách từ các phiên bản số hóa, độc giả trẻ sẽ chỉ quan tâm đến nhu cầu nắm bắt thông tin, mất dần thói quen nghiền ngẫm, nghiên cứu từ sách vở. Chỉ có sách in mới cung cấp điều kiện thuận lợi nhất cho con người trong quá trình học tập và nghiên cứu.

(Nguồn: M&C)

------

THƯ VIỆN INTERNET LƯU ĐỘNG
ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

Sáng 18/1, thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM ra mắt xe "Thư viện Internet lưu động" đầu tiên của Việt Nam. Đây là dự án do thư viện này xây dựng dưới sự tài trợ kinh phí của tập đoàn điện tử LG và sự điều phối của AmCham - United Way Việt Nam. Kinh phí cho toàn bộ dự án là hơn 84.000 USD.

Thư viện lưu động được bố trí làm hai khu vực: Khu Multimedia có 10 chỗ ngồi, trang bị hệ thống gồm 8 máy vi tính có đầu CD - Rom nối mạng toàn cầu; 1 máy Victor reader, 1 LCD projector, 2 tivi 25 inch, 2 đầu máy DVD. Khu sách báo - tạp chí với nguồn tài liệu gồm nhiều lĩnh vực khoa học cho các trình độ văn hóa khác nhau và 1.500 đầu sách. Ngoài ra, khu này còn có các tài liệu dạng điện tử (CD Rom, băng hình...). Sách báo sẽ được bổ sung thường xuyên, chọn lọc phù hợp với đối tượng và địa bàn phục vụ; đặc biệt là các tài liệu chuyển dạng cho người khiếm thị, sách nói kỹ thuật số, sách nổi chữ, sách minh họa nổi...

Mục tiêu chính của thư viện là "Xóa đói thông tin. Xóa mù công nghệ". Dự án Thư viện Intenet lưu động có tham vọng nhắm đến phục vụ miễn phí định kỳ những người ít cơ hội sử dụng tài liệu, tiếp cận thông tin, nhất là độc giả ở vùng xa, các quận huyện ngoại thành TP HCM, các trung tâm giáo dục... độ tuổi từ 14 đến 30.

Bà Nguyễn Thị Bắc (phải) giới thiệu cơ sở vật chất bên trong Xe thư viện Internet lưu động. Ảnh BTC cung cấp

Ngay sau buổi ra mắt, Thư viện Internet lưu động được trưng bày trong 10 ngày (20-29/1) tại Trung tâm kỹ thuật số LG (76, Lê Lai, quận 1, TP HCM). Nhiều hoạt động mang tính cộng đồng cũng diễn ra trong tuần lễ này nhằm phục vụ cho sinh viên, trẻ em các nhà mở và người dân thành phố.

Anh Vân

------

NÊN DẪN ĐỦ 35 CHỮ TRONG CHÚC THƯ
CỦA VICTOR HUGO

Vừa qua, ở nước ta có một số hoạt động kỷ niệm ngày mất cùa Victor Hugo – ngày thứ sáu 22-5-1885 – và gần đây tôi có được đọc một bài viết nói về Victor Hugo (*), trong đó đề cập tới bản chúc thư của ông.

Là một người đặc biệt yêu thích Victor Hugo, người viết có tìm hiểu về ông khá nhiều, sau khi làm quen với ông qua tác phẩm Những kẻ khốn cùng (bản của nhà xuất bản Fernand Nathan với rất nhiều minh họa tuyệt vời) nửa thế kỷ trước (vào năm 1950, khi người viết được 14 tuổi và đang học ở trường các thầy dòng); và cũng vì đã được đọc đi đọc lại bản chúc thư của ông mà người viết thấy rằng bản được đăng trong bài báo nói trên có một thiếu sót quan trọng, cần được điều chỉnh.

Bài báo có ghi là tài liệu lấy ở báo Le Figaro số đặc biệt, do đó người viết cũng để công tìm kiếm và biết là bài báo trên tờ Le Figaro chắc lấy tài liệu ở bộ Le nouveau Dictionnaire des Auteurs in năm 1994 của nhà Laffont-Bompiani, qua đó nguyên văn bản chúc thư (thiếu) như sau: “Je donne cinquante mille francs aux pauvres. Je refuse l’oraison de toutes les Eglises, je demande une prière à toutes les âmes. Je crois en Dieu”. (Tôi cho người nghèo năm mươi ngàn quan. Tôi từ chối sự cầu nguyện nơi các thánh đường; tôi xin mọi người cầu nguyện cho tôi (**). Tôi tin ở Thượng đế).

Bản chúc thư trên đây thiếu hẳn một câu (rất có ý nghĩa, chứng tỏ Victor Hugo vô cùng yêu quý người nghèo khổ), mà vì đã đọc đi đọc lại khiến người viết không thể nào quên, đồng thời cũng có chứng cứ minh chứng là mình không nhớ nhầm, nên vì yêu Victor Hugo và không muốn bản di chúc của ông bị cắt xén, xin bổ túc phấn thiếu sót như dưới đây: “Je désire être porté au cimetière dans leur corbillard”. Câu này nằm kế ngay sau câu: “Je donne cinquante mille francs aux pauvres”, do đó chữ “leur corbillard” có nghĩa là “corbillard des pauvres” và nguyên văn dịch ra là: “Tôi muốn được đưa đến nghĩa trang bằng một xe tang của những người nghèo”.

Hiện tôi vẫn lưu giữ một bản photocopy toàn văn bản di chúc đầy đủ của Victor Hugo và một đoạn sách có câu ghi chú: “1-6 funérailles nationales, porté de l’Arc de triomphe au Panthéon, selon ses voeux, sur le char des pauvres ” (1-6 quốc tang, thi hài được chuyển từ Khải Hoàn Môn tới điện Panthéon, theo ý muốn của đại văn hào quá cố, trên một xe tang của người nghèo).

 

Như vậy Victor Hugo thực sự muốn “ngự” trên một xe tang của những người cùng khổ để đi tới nơi an nghỉ cuối cùng. Kể cũng thực là kỳ lạ, một người đã viết ra hàng chục triệu chữ, đã viết tổng cộng 153.837 câu thơ mà chỉ để lại một bản chúc thư vỏn vẹn có 35 chữ. Victor Hugo thật là một văn hào quá xứng đáng với ba chữ đại văn hào. Hồi năm mới 14 tuổi, ông đã viết vào nhật ký: “Tôi sẽ là một Chateaubriand hay sẽ không là gì cả”. Ở điểm này ông hơi nhầm, vì đời sau đã thấy rằng: “ông đã là Victor Hugo và đã là tất cả”.

Vũ Thư Hữu

(*) Xem Kiến Thức Ngày nay số 423, tr.11.

(**) Câu này có chữ “âmes”, chữ này không có nghĩa là linh hồn mà chỉ có nghĩa là “những người, mọi người” (thí dụ: “Une ville de 900.000 âmes” - Một thành phố có 900.000 dân), hơn nữa là người ra đi, Victor Hugo chỉ có thể phù hộ chứ đâu còn cầu cho ai được – do đó câu “Je demande une prière à toutes les âmes” xin dịch là “Tôi xin mọi người cầu nguyện cho tôi” hoặc là: “Tôi xin ai nấy mỗi người cho tôi một lời cầu nguyện”.

------

VÀI CHI TIẾT VỀ MỘT BỘ SÁCH
RA ĐỜI 6 NĂM TRƯỚC ĐẠI CÁCH MẠNG PHÁP ĐANG LƯU LẠC Ở THÀNH PHỐ CHÚNG TA

Bộ sách nói trên chính là bộ “LỊCH SỬ TRUNG QUỐC”, còn được gọi là “BIÊN NIÊN SỬ CỦA ĐẾ QUỐC TRUNG HOA” do Linh mục Dòng Tên Joseph François Marie Anne de Moyriac de Mailla (1669-1748) đã dịch từ Hán Văn sang Pháp Văn, và đã được cho xuất bản bởi Tu Viện Trưởng GROSIER, dưới sự cố vấn và hướng dẫn của vị Cố Vấn và Cận Thần, phụ trách việc phiên dịch các Ngôn Ngữ Đông Phương của vua Lộ Y thứ XVI là Ô. LE ROUX DES HAUTESRAYES. Bộ sách được in thành 12 cuốn từ cuốn 1 tới cuốn 12 trong khoảng thời gian từ 1777 tới 1783, mỗi cuốn dày khoảng 600 tới 700 trang khổ 24 x 28cm; sau đó vào năm 1785, vị Tu Viện Trưởng nói trên lại cho in thêm một cuốn Phụ Lục (cuốn thứ 13) DO CHÍNH ÔNG BIÊN SOẠN. Bộ sách có tất cả 15 hình vẽ minh hoạ (trong đó có một hình lớn bằng hai trang gấp lại), 2 bản đồ và 5 phụ bản đều được gấp đôi. Mấy tấm bản đồ được vẽ theo lệnh của cố Hoàng Đế Khang Hi và được in lần đầu tiên. (Xin xem hình minh hoạ).

Bộ sách được in ra với một số lượng rất hạn chế (tất cả chỉ có khoảng 400 bản) vì vào thời đó sách phải được đặt trước, và số lượng đúng theo với số lượng đặt hàng. Điều này có thể được chứng minh bởi một danh sách tất cả những người đặt mua, gồm toàn ông hoàng bà chúa và một vài chủ nhân các nhà sách lớn, được in rõ tên họ, chức vị, ở ngay đầu cuốn 1 của bộ sách.

Tháng 5 năm 1943, Trung Tâm Pháp Hoa Nghiên Cứu Hán Học (Centre Franco-Chinois d’études sinologiques) ở Bắc Kinh có mở một cuộc triển lãm mang tên “Hai Thế Kỷ Trung Hoa Học”, và bộ sách này đã được trưng bày một cách trang trọng và được coi như là một trong những tác phẩm đáng kể nhất đối với các nhà Hán Học người Pháp.

Dưới đây người viết sẽ xin chia sẻ với các bạn những nguyên nhân và những hoàn cảnh nào bộ sách quý giá đó đã lưu lạc sang thành phố của chúng ta và hiện nay gần như chắc chắn, là vẫn còn ở đây.

Đầu năm 1976, người viết được nhà nghiên cứu H.T.M. tác giả một bộ sách nghiên cứu Văn Học Việt Nam rất thời danh, cho biết ông có ý định muốn nhượng lại một bộ sách cổ in năm 1777 gồm 12 cuốn, cuốn cuối cùng là năm 1783 (6 năm trước Đại Cách Mạng 1789 của Pháp). Người viết có ghé xem và thấy bộ sách tuyệt vời quá, và có cẩn thận kiểm tra thì thấy ở cuối cuốn 12 có chữ Chung (Fin) rõ ràng. Vào lúc đó người viết chưa biết về cuộc triển lãm sách ở Bắc Kinh năm 1943, nên chưa biết là năm 1785 còn có một phụ lục được cho xuất bản, do Tu Viện Trưởng GROSIER biên soạn.

Chủ nhân bộ sách, nhà nghiên cứu H.T.M. cho biết là bộ sách trước là tài sản của G. CORDIER, một người Pháp viết nhiều sách nghiên cứu văn học Việt Nam, nhưng không biết trong hoàn cảnh nào bộ sách đó lại thuộc quyền sở hữu của Cụ thân sinh ra đạo diễn L.D. một đạo diễn điện ảnh du học ở Pháp về. Người viết tin ngay vì trông thấy triện đề tên G. Cordier bằng chữ đỏ ở trên bộ sách, và cũng vì người viết rất thích G. Cordier qua các tác phẩm nghiên cứu văn chương Việt Nam của ông. Nhà nghiên cứu H.T.M. cho biết ông đã có bộ sách này khi đổi một ống điếu rất cổ cho đạo diễn L.D. và nay vì không cần dùng nữa nên ông muốn nhường lại. Số tiền chủ nhân bộ sách muốn là một số tiền khá lớn nên người viết không dám mua, mà chỉ hứa là sẽ tìm hộ một người chơi sách nào đó có đủ khả năng để mua. Gần một năm đã trôi qua mà người viết không tìm được ai có đủ khả năng tài chính để mua, ngoài ra còn có nhu cầu sử dụng và cũng còn phải có vốn liếng Pháp văn đủ để đọc được bộ sách. Trong khoảng thời gian đó người viết tình cờ thấy được một bộ thứ nhì ở nhà một người chuyên viết sách học làm người ở Ông Tạ, nhưng bộ này thiếu đến gần một nửa và các cuốn sách rách và thiếu trang chứ không được toàn vẹn như bộ của ông H.T.M. Tuy nhiên có một diễn biến lạ là người viết tìm thấy ở bộ thứ hai này một cuốn thứ 13, đồng thời cũng tìm thấy, cũng ở nhà này, cuốn sách nói về cuộc triển lãm ở Bắc Kinh năm 1943, trong đó có nói rõ là năm 1785 Tu Viện Trưởng GROSIER có cho xuất bản thêm cuốn Phụ Lục (cuốn thứ 13) do chính ông biên soạn. Người viết bèn xem xét rất kỹ cuốn Phụ Lục thứ 13 này và thấy rằng CUỐN NÀY NHẮC ĐẾN VIỆT NAM RẤT NHIỀU CÓ ĐẾN VÀI CHỤC TRANG, hơn nữa CUỐN NÀY NẾU ĐEM GỘP VÀO BỘ 12 CUỐN KIA THÌ SẼ HOÀN TOÀN ĐỦ BỘ, vì trong cuộc Triển Lãm ở Bắc Kinh, cả 13 cuốn đã được trưng bày. Người viết vội thưa chuyện với nhà nghiên cứu H.T.M. và đề nghị ông bỏ tiền mua cuốn Phụ Lục cho đủ bộ. Nhưng việc không thành vì chủ nhân bộ sách thứ hai, Ô. H.V.X. không chịu bán riêng cuốn số 13 mà lại bán cả bộ (thiếu). Người viết lúc đó bỗng lại thấy thích bộ sách quá bèn thu xếp để có đủ tiền mua cả hai bộ, nhưng khi trở lại gặp chủ nhân bộ sách thiếu thì được ông ta cho biết là đã nhường cho một người bán sách cũ đem bán cho Tây mất rồi. Ông H.X.V. cho biết ông ta đã xin được bộ sách thiếu nói trên ở Tu Viện Thiên Ân (Huế).

Đầu năm 1977, nghĩa là khoảng 1 năm sau, người viết giới thiệu cho một người bạn vừa làm sách, vừa chơi sách là ông L.T.T. mua được bộ 12 cuốn, sau khi cho ông T. biết là bộ sách còn có cuốn Phụ Lục, nhưng ông L.T.T. vẫn mua vì ở cuối cuốn thứ 12 vẫn có chữ Chung (Fin). Bộ sách ở với ông T. gần được 20 năm, tới năm 1992 thì ông T. nhường lại cho ông N.H.T. còn gọi là ông K.T. nhưng ông K.T. cũng đã qua đời hơn hai năm trước. Trước ngày ông K.T. qua đời, người viết vẫn còn thấy bộ sách ở nhà ông. Giờ đây chưa biết số phận của nó sẽ đi về đâu…

Câu chuyện trên đây cho thấy rằng rải rác trên đất nước chúng ta còn có khá nhiều sách vở cổ quý giá, mà có lẽ PHẢI CÓ DUYÊN thì mới gặp được.

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách Chương 6

VŨ ANH TUẤN

------

Tiểu sử NGUYỄN BÍNH

        (1918-1966)

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại xã Đồng Đội, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định; ông lấy bút hiệu Nguyễn Bính.

Theo tài liệu được Hội Nhà Văn ở Hà Nội công bố về tiểu sử của ông: thuở nhỏ Nguyễn Bính không được đi học ở nhà truờng mà chỉ được học ở nhà với cha là ông đồ nho Nguyễn Đạo Bình và đồng thời cũng được người cậu ruột là Bùi Trình Khiêm dạy kèm. Ông mồ côi mẹ rất sớm (lúc Nguyễn Bính mới sinh được vài ba tháng), gia đình túng quẫn, nên khi lên 10 tuổi đã phải theo anh ruột là Nguyễn Mạnh Phác ra Hà Nội sinh sống. Thời gian này ông được người anh dạy học ở nhà... Những năm đầu thập niên 40, Nguyễn Bính nhiều lần lưu lạc vào Miền Nam. Lúc này ông đổi tên là Nguyễn Bính Thuyết. Năm 1943, Nguyễn Bính lại đi vào Miền Nam lần thứ ba và đã gặp Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang... Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây...

"Từ độ về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng tới
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu".

(Từ Độ Về Đây - 1943)

Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở Miền Nam.

Năm 1954, khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Nguyễn Bính tập kết về Bắc năm 1955 và được bố trí phục vụ trong Hội Nhà văn ở Hà Nội một thời gian.

Năm 1956, Ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ TRĂM HOA (nguyên văn trong tài liệu của Hội Nhà văn);

Đến năm 1958, Nguyễn Bính chuyển về tỉnh nhà Nam Định và phục vụ trong Ty Văn Hoá Nam Định cho đến ngày ông từ giã cõi đời.

Nguyễn Bính chết ngày 20-1-1966, những ngày cuối năm Ất Tỵ;

Suốt 30 năm sinh hoạt văn nghệ, nhà thơ đã sáng tác nhiều thể loại như làm thơ, viết kịch, truyện thơ… Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca Ông đã xuất bản được 20 tác phẩm đủ loại:

- Lỡ Bước Sang Ngang (Thơ 1940)
- Tâm Hồn Tôi (Thơ 1940)
- Hương Cố Nhân (Thơ 1941)
- Một Nghìn Cửa Sổ (Thơ 1941)
- Người Con Gái Ở Lầu Hoa (Thơ 1942)
- Mười Hai Bến Nước (Thơ 1942)
- Mây Tần (Thơ 1942)
- Bóng Giai Nhân (Kịch Thơ 1942)
- Truyện Tỳ Bà (Truyện Thơ 1942)
- Ông Lão Mài Gươm (Thơ 1947)
- Đồng Tháp Mười (Thơ 1955)
- Trả Ta Về (Thơ 1955)
- Gửi Người Vợ Miền Nam (Thơ 1955)
- Trong Bóng Cờ Bay (Truyện Thơ 1957)
- Nước Giếng Thơi (Thơ 1957)
- Tiếng Trống Đêm Xuân (Truyện Thơ 1958)
- Tình Nghĩa Đôi Ta (Thơ 1960)
- Cô Son (Chèo cổ 1961)
- Đêm Sao Sáng (Thơ 1962)
- Người Lái Đò Sông Vỵ (Chèo 1964)

Ngoài những tác phẩm kể trên, còn một số thơ rời viết trong năm 1964, 1965 và 1966 chưa kịp xuất bản.

------

Thơ tình NGUYỄN BÍNH

Một học giả phương Tây nói: một tác giả cũng như một tác phẩm, có số phận của nó. Nói “Số phận" ở đây, nghĩa là nói đến sự tồn tại chân giá trị khách quan của một tác giả hay tác phẩm trước sự thử thách của thời gian và lịch sử. Trong nhiều trường hợp, chân giá trị đó vượt khỏi tầm nhận thức và phán đoán của những người đương thời. Chính vì thế mà thi hào Nguyễn Du đã phải thốt ra một câu hỏi:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!

(Không biết hơn ba trăm năm sau
Ở đời có người nào khóc Tố Như?)

Nhà thơ Nguyễn Bính mất cách đây gần 30 năm. Sinh thời, tuy ông là một nhà thơ nổi tiếng đến mức dường như không người Việt Nam nào không biết đến thơ ông, thế nhưng suốt đời, trên cái thân danh của người thi sĩ rất mực tài tình ấy chưa bao giờ được đời khoác cho tấm áo vinh quang chói lọi như ông đáng được hưởng. Suốt đời Nguyễn Bính sống cơ cực, vất vưởng, nép mình hoà trộn với cuộc đời thường, tưởng chừng có thể mất dạng đi trong sự lôi cuốn và vùi lấp của cuộc đời thường ấy.

Tính cách con người Nguyễn Bính nhu thuận, khiêm nhường và bình dị, hệt như tính cách của con người Việt Nam sống bằng nghề trồng lúa nước. Làng quê đã sinh ra Bính, ban cho Bính một tâm hồn mang đầy đủ bản chất thôn dã của nó, cùng với toàn bộ tinh hoa văn hoá, tinh thần được chung đúc từ bao đời. Đồng thời làng quê cũng tiên lượng cho Bính một số phận “ngọt ngào thì ít đắng cay nhiều" như chính nó phải chịu đựng qua cả ngàn năm.

Nguyễn Bính là đứa con đích thực của làng quê Việt Nam, nhưng là một đứa con xuất chúng. Nguyễn Bính nhập cuộc vào thời đại mới của những năm 30-40, là một nhà thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới, mang tầm vóc chung của các thi sĩ lớn đương thời.

Nhờ bản sắc riêng của làng quê, thơ Nguyễn Bính tài hoa nhưng duyên dáng, trinh bạch và đáng yêu như một cô gái quê. Thơ Nguyễn Bính không có cái hào hoa lãng tử của Thế Lữ, cái bay bổng háo hức của Xuân Diệu, cái vẻ kỳ bí của Chế Lan Viên, cái điên rồ vật vã của Hàn Mặc Tử. Thơ Nguyễn Bính chỉ mang nặng mối tình đằm thắm với xứ quê, người quê và chứa chất muôn vàn tâm sự của một đời thi sĩ lang bạt kỳ hồ đầy khổ đau, đắng cay và thất vọng. Toàn bộ thơ Nguyễn Bính là những áng văn chương tuyệt đẹp, là tiếng nói của một tâm hồn yêu quá tha thiết và tình cảm quá đầy, đến nỗi không còn dành một góc đáng kể nào cho tư tưởng và lý trí.

Thơ Nguyễn Bính mang nhiều hơi hướng và giọng điệu của ca dao, nhưng Nguyễn Bính không làm ca dao như Tản Đà trước đó. Nguyễn Bính đã nâng ca dao là thứ văn học “chưa thành văn" thành thứ văn chương thành văn đích thực. Bằng giọng điệu ca dao ấy, Nguyễn Bính nóii về cuộc sống, con người hiện đại, nói về cái “Tôi", về những số phận cụ thể: một cô gái quê thắc thỏm mong đợi tình yêu, một chàng trai thất tình chỉ vì nghèo, một anh học trò mơ đỗ trạng, một mối tình đầy thơ mộng nhưng lại lỡ làng...

Như một bông hoa trọn đời chỉ toả ra không gian một mùi hương độc nhất là tất cả tinh hoa của nó, Nguyễn Bính chỉ làm thơ “Chân quê", không hề pha trộn với thơ cung đình, Thơ Tầu hoặc thơ Tây. Thơ Nguyễn Bính là thứ thơ thuần tuý Việt Nam cả nội dung lẫn hình thức. Có thể nói thơ Nguyễn Bính không nhường ai trong việc đặc tả cái bản sắc riêng của quê hương đồng đất Việt Nam, cũng như của con người Việt Nam, cả về lý trí lẫn tình cảm, cả tính cách nết na lẫn lời ăn tiếng nói, cả cách sống lẫn cách “yêu”... Chính vì thơ Nguyễn Bính chung đúc được cái Hồn dân tộc tự ngàn đời, nên nó đã tránh thoát được sự đào thải của thời gian, càng ngày càng trở nên quí giá và bất tử. Những bài thơ như “Chân quê”, “Qua nhà”... theo thời gian càng trở nên tuyệt tác hơn.

Về nghệ thuật, thơ Nguyễn Bính là mẫu mực khó bắt chước của chủng loại thơ thuần cảm xúc: mỗi bài thơ vừa đọc lên lập tức ý và tình đi thẳng vào máu tủy của chúng ta và làm rung động từng tế bào nhỏ nhất. Ngày nay không còn ai nghi ngờ Nguyễn Bính là một nhà thơ dân tộc đặc sắc bậc nhất của thời kỳ hiện đại, là người nối gót các nhà thơ Nôm tiền bối như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà...Và cho đến tận bây giờ, dòng thơ mang đậm tính cách dân tộc “kiểu Nguyễn Bính” nay vẫn tỏ ra có mãnh lực làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam cũng như khi đối thoại với văn học của nhân loại.

Chất truyện trong thơ Nguyễn Bính

Có một lần, ngồi trò chuyện với một nhà văn, tôi dẫn dụ về chất truyện ở trong thơ. Trong thơ có nhạc, có họa, đã đành, trong thơ còn có truyện, có kể, có tả nữa. Tất nhiên, đưa truyện vào thơ mà không sa vào sự rườm rà, kể lể mà vẫn giữ được chất thơ thì phải cao tay lắm. Còn ở những người non tay nghề, trường ca dễ biến thành diễn ca, và thơ có truyện dễ biến thành vè, thành văn vần, thành ra những mớ những câu rối rắm, lẫn lộn.

Trước hết, xin dẫn chứng bài thơ “Nhà ga” của cố thi sĩ Nguyễn Bính:

Cất lên theo kiểu nhà sàn
Chung quanh quấn quýt đôi giàn ti gôn
Tường vàng mái đỏ màu son
Nhà ga lại chứa linh hồn nhà ga
Loanh quanh vẫn cụ sếp già
Thủy chung bốn chuyến tàu qua mỗi ngày
Có ông ký trẻ về đây
Vợ con chưa có suốt ngày ngâm thơ
Cụ sếp có cô gái tơ
Xuân xanh đã chín mà chưa lấy chồng
Cụ sếp vẫn sống ung dung
Để lau kính trắng ngồi trông bốn trời
Xin rằng hoa cứ việc rơi
Xin rằng tàu cứ ngược xuôi đúng giờ
Để cho ông ký ngâm thơ
Cụ lau kính trắng, cô mơ chồng hiền
Lạy trời năm tháng bình yên
Cụ sếp vẫn cứ ở nguyên ga này
Tàu qua bốn tuyến mỗi ngày
Sân ga vẫn cứ rụng đầy hoa tươi
Thục nữ chưa kén được người
Ông ký quân tử vẫn ngồi ngâm thơ…

(Ga Kép 1940)

Bài thơ kể về một nhà ga xép buồn ở Bắc Giang thời Pháp thuộc. Mở đầu của bài thơ ba câu tả bình thường: “Cất lên theo kiểu nhà sàn/ Chung quanh quấn quýt đôi giàn ti gôn/ Tường vàng mái đỏ màu son”, nhưng đến câu thứ tư người đọc bắt đầu thấy được bút pháp thơ tài hoa rất Nguyễn Bính: “Nhà ga lại chứa linh hồn nhà ga”.

Tiếp theo tác giả khắc họa về các nhân vật sống ở nhà ga bé nhỏ miền rừng. Một cụ sếp già. Một ông ký trẻ. Một cô gái tơ chưa chồng. Ba nhân vật ấy đáng ra phải gắn bó thành một gia đình nhỏ, nhưng thật lạ, họ sống rất khác biệt, đơn lẻ. Người xưa nói: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” nhưng ông ký trẻ không mảy may để ý đến cô gái. Và cô gái, mặc dù xuân xanh đã chín, cô vẫn cứ vẩn vơ mơ mộng về người chồng hiền ở nơi nào xa lắm, xa lắm. Và ông sếp, mặc cho con gái mình chưa chồng nhưng ông vẫn vô lo nghĩ, ung dung sống theo cách của mình. Hình ảnh: “Cụ sếp vẫn sống ung dung/ Để lau kính trắng ngồi trông bốn trời”, Nguyễn Bính khắc họa nhân vật thật rõ nét, độc đáo. Nếu viết thành văn, ắt phải tốn rất nhiều trang, nhiều chữ. ở đoạn kết bài thơ, tác giả nhắc về cái điều thường gặp, cái sự trì trệ đến buồn chán ở một nhà ga xép. Một nhà văn bình phẩm rất gọn về bài thơ Nhà ga: “Đây là một truyện được viết bằng thơ”. Tôi thấy rất đúng.

Nhà thơ Nguyễn Bính có rất nhiều bài thơ có chất truyện. Bài thơ Phơi áo gồm 4 câu thơ rất gần với ca dao. Nhìn ở góc độ khác, bài thơ có nhân vật, có tố chất của một truyện ngắn cô đọng, súc tích:

Xóm Tây bà lão lưng còng
Có hai cô gái lấy chồng cả hai
Gió thu thở ngắn than dài
Bà mang áo rét phơi ngoài giậu thưa.

Bài thơ rất gợi, kể về một bà lão sống lẻ loi cô độc. Hai cô gái đã đi lấy chồng, bà thì tuổi già, hẳn ngôi nhà kia và cả chiều thu cũng buồn bã, cô độc như bà. Bài thơ có một khoảng không gian rộng cho người đọc tưởng tượng. Câu thơ “Gió thu thở ngắn than dài” chứa chất tâm trạng buồn thương hưu hắt và hình ảnh: “Bà mang áo rét phơi ngoài giậu thưa” cứ khắc mãi vào trong tâm trí người đọc. Nhân vật bà lão trong bài thơ của Nguyễn Bính, có nỗi cô đơn thường thấy ở một kiếp người. Đây phải chăng là một “siêu truyện ngắn”, dẫu không có những xung đột, mâu thuẫn, được viết bằng vỏn vẹn có 28 chữ. Trong bàn cờ 28 quân chữ đó, những người đi bằng trắc, vần điệu hòa nhập với nội dung, hiện thực xen với cảm xúc… tất cả diễn ra một cách tự nhiên, không hề mang dấu vết của sự bài trí khiên cưỡng.

(Nguồn: Văn Nghệ Công An)

Tranh Tố Nữ

------

Những người con gái trong thơ Nguyễn Bính

Theo nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Hạnh Cẩn thì trong thơ của Nguyễn Bính, có nhiều bài luôn phảng phất phong vị của tình cảm giữa người với người. Nhà thơ rất đa tình. Ngay như bài thơ “Cô hái mơ”, Nguyễn Bính viết khi mới 16-17 tuổi nhưng đã có những câu thơ rất bay bổng, lãng mạn:

Hỡi cô con gái hái mơ già./ Cô chửa về ư, đường thì xa. Mà ánh chiều hôm dần một tắt./ Hay cô ở lại về cùng ta”.

Nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn bên bức tranh chữ có chữ “Đào”.

Trong cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn, anh họ của Nguyễn Bính, đồng thời là một trong những người bạn thân thiết của Nguyễn Bính những tháng năm tuổi thơ cũng cung cấp thêm những tư liệu về Nguyễn Bính, trong đó lý giải phần nào về những cái tên Trúc, Oanh, Tú Uyên, Nhi... xuất hiện trong một số bài thơ của Nguyễn Bính. Rất mong được bạn đọc xa gần cùng trao đổi để có thể hiểu thêm, yêu thêm thơ của Nguyễn Bính và con người ông.

Không phải từ năm 1938, khi trên “Tiểu thuyết thứ Năm” xuất hiện bài thơ “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính, mà đến tận bây giờ nhiều người yêu thơ của ông vẫn băn khoăn tự hỏi: Người con gái trong bài thơ nổi tiếng này của Nguyễn Bính có thật không, và đó là ai? Trong bài thơ này có đoạn:

Hôm nay khói pháo đầy đường.
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng.
Chuyến này chị bước sang ngang.
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ nay
”.

Khi tôi hỏi điều này, cụ Bùi Hạnh Cẩn bồi hồi một lúc rồi nhớ lại: Sau cuộc phiêu bạt giang hồ, vào Nam, tham gia kháng chiến, rồi ra lại Hà Nội, có một lần Nguyễn Bính gặp tôi. Bính hỏi: Trong các bài thơ gửi chị Trúc, Cẩn thích nhất bài nào? Đương nhiên là “Lỡ bước sang ngang”. Người con gái trong “Lỡ bước sang ngang” họ Lê tên N. Th (còn có tên là Ch.) quê ở Phủ Hoài, Hà Đông. Lấy chồng có một hiệu ảnh ở Hà Đông. Th. người nhỏ nhắn, xinh đẹp, tháo vát, được nhiều người quý mến. Anh ruột của Bính là Nguyễn Mạnh Phác lúc đó dạy học ở Hà Đông. Trong một lần gặp gỡ, Th. và Nguyễn Mạnh Phác cũng có những tình cảm quý mến nhau. Tuy nhiên cũng chỉ có thế.

Rồi Phác thôi dạy học ở trường Hà Văn, ra Hà Nội làm báo Ích Hữu, rồi nhà in Lê Cương. Th. thỉnh thoảng cũng có ra Hà Nội cất ảnh, nên hai người vẫn gặp nhau. Tuy nhiên Th. là người con gái đã có chồng cho nên tình cảm dù thế nào cũng không thể tiến xa được.

Một lần Nguyễn Mạnh Phác hỏi Bính: “Mình phải làm cái bút danh, chứ cứ ký mãi cái tên Mạnh Phác cũng chẳng hay lắm”. Bính có ý kiến: “Có chị Trúc, rồi thì lấy bút danh của anh là Trúc Đường”. Sau đó Bính có làm thêm bài thơ "Chị đã ghen" trong đó có câu:

"Buồn không trang điểm, buồn không nói
Ai đã làm cho chị Trúc buồn
".

Chuyện về chị Trúc cuối cùng cũng qua đi. Chính Bùi Hạnh Cẩn trong một lần vào Hà Đông có gặp Trúc. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng Trúc vẫn còn khóc, nhưng rồi sau này Trúc vẫn sống yên ổn với chồng.

“Thế trong bài thơ “Người con gái ở lầu Hoa” có nhắc đến tên một người con gái ở dưới gốc cây mai trắng. Ông có biết cô gái này có thật không?”. Cụ Cẩn thong thả đứng ra ngoài phía cửa sổ nhìn lên cây khế lúc này đang đơm hoa, đôi mắt dường như nhắm lại. Có lẽ dòng suy tư của cụ đang trôi về mấy chục năm trước. Rồi cụ như chợt bắt được những hình ảnh bấy lâu nay đã trở thành quá khứ quá lâu rồi: “Đúng rồi. Cô Tú Uyên. Nhưng tên thật của cô ấy là Tuyên chứ không phải Tú Uyên”. Trong bài thơ có đoạn:

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng.
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh
Có một buổi chiều qua lối ấy
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh
”.

Tú Uyên tên thật là Nguyễn Thị Tuyên, em gái nhà văn Nguyễn Đình Lạp (tác giả truyện “Ngoại ô”) ở đầu phố Bạch Mai, giáp phố Huế, Hà Nội. Bùi Hạnh Cẩn lý giải: Tuy nhiên không phải là Nguyễn Bính với cô Tuyên hai người yêu nhau mà đó có thể chỉ là một cái tên hay bóng dáng người con gái, một hình ảnh để Bính làm thơ.

Thủa học trò có một bài thơ mà rất nhiều học sinh thuộc là bài “Học trò trường Huyện”, trong đó có câu:

Học trò trường Huyện ngày năm ấy
Anh bằng tuổi em, lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đầu đội chung một lá sen tơ
”.

Vậy có một nữ sinh trường huyện nào ở đây để Nguyễn Bính cảm rồi làm thơ không? À, bài thơ này cũng có xuất xứ đấy. Cô gái trong bài thơ có tên là Thi, con một ông ký rượu ở phố huyện Vụ Bản. Từ xóm Trạm nhà Bính tới trường xa chừng 2km và phải qua một cái hồ sen. Thi người nhỏ nhắn, xinh xắn, hay mặc áo chùng the đen, đi guốc gỗ. Có lẽ vào khoảng năm 1929, 1930.

Thỉnh thoảng Bính khi tới trường về nhà đi cùng đường qua cái hồ sen với Thi. Có lẽ vì thế mà làm bài thơ “Học trò trường Huyện”. Về sau Thi lấy chồng. Đám cưới thuê mấy chục chiếc xe tay kéo từ phố Huyện về xã Trang Nghiêm, đường qua xóm Trạm nhà Bính. Chính vì thế Bính mới viết “Quan Trạng đi tám lọng vàng. Cờ bay tám lá qua làng Trang Nghiêm”.

Có một người con gái với dáng vẻ kiêu sa, nhưng bí ẩn thấp thoáng xuất hiện trong bài thơ “Hoa với rượu”. Người đọc chỉ biết có đúng một chữ “Nhi”. Vậy “Nhi” có thật không? Bài thơ “Hoa với rượu” Nguyễn Bính viết năm 1941 lúc đang ở Huế và có lời đề tặng “Tặng Hạnh Cẩn”. Bính gửi cho tôi bài này bởi cả tôi và Bính đều rất biết về nhân vật Nhi trong bài thơ. Nhi hay còn gọi là Diễm là một cô gái người xóm Đình, thôn Vân. Từ những năm 15, 16 tuổi, Diễm đã nổi tiếng đẹp quanh vùng. Tóc dài đen, da trắng mịn, môi luôn nở nụ cười xinh, dáng người thon thả. Hầu hết cánh trai làng đều chết mê, chết mệt. Thời gian ở thôn Vân, Bính thường trò chuyện với Diễm và một số cô gái khác làng. Diễm có một người chị gái tên là L. cũng rất xinh. Sau này khi Bính gửi cho tôi bài thơ “Hoa với rượu”, sau khi ở miền Nam ra tôi có gặp Diễm ở Hà Nội. Hồi đó tôi hiểu rằng Bính rất có tình cảm với Diễm. Nhưng vào thời đó, còn nhiều ràng buộc, định kiến nên tình cảm đó rồi cũng qua đi. Hình ảnh Diễm sau này xuất hiện trong khá nhiều bài thơ hay của Nguyễn Bính như bài "Gái xuân" có câu "Đôi tám xuân đi trên mái tóc. Đêm xuân cô ngủ có buồn không", hay bài "Đường làng" có câu "Lá tre rơi xuống đường làng. Lá tre rơi xuống vai nàng đi qua...". Bùi Hạnh Cẩn dừng lại một lát rồi ông đọc một câu trong "Hoa với rượu":

Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh
Tôi đi gian díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men cay rượu ái tình
”.

Rồi cụ Cẩn tìm tòi lục mãi trong đống hồ sơ cũ lấy cho tôi xem một bản tranh chữ. Đó là bản “Hoa với rượu” họa bài thơ “Hoa với rượu” của Nguyễn Bính tặng. Nếu thoạt nhìn người xem sẽ rất khó đoán ý của tác giả định vẽ cái gì, nhưng nhìn thật kỹ mới thấy đó là cách điệu của một bình rượu và một cánh hoa đang rơi xuống. Trong nhiều bức tranh chữ mà cụ Cẩn hàng ngày thường vẽ, có khá nhiều tranh đều lấy tứ từ các bài thơ của Nguyễn Bính.

- Thưa ông. Vậy hồi Nguyễn Bính mất, ông có về dự đám tang được không?

- Rất tiếc lúc đó tôi không về dự được. Nhưng sau này thỉnh thoảng tôi vẫn về thôn Vân. Bây giờ thôn Vân đã khác rất nhiều so với thời của tôi và Bính rồi. Tôi cũng đã cất công đi tìm rặng mùng tơi mà Bính đã từng viết trong bài thơ "Người hàng xóm" có câu thơ: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn”, nhưng bây giờ rặng mùng tơi không còn nữa. Giếng nước khơi, nhà mái tranh... cũng không còn nữa, thay vào đó là nhà mái bằng, có điện, tivi... Và tất nhiên những cô gái trong thôn Vân đã từng xuất hiện trong thơ của Bính chắc giờ nếu còn sống thì cũng đã như tôi bây giờ.

Nhưng thơ của Bính thì có một sức sống thật diệu kỳ. Cách đây ít năm, có lần tôi về thôn Vân, qua bến đò bỗng nghe một bà lão đã ngoài 70 tuổi ru cháu ngủ bằng bài "Lỡ bước sang Ngang" của Nguyễn Bính mà không hề lỗi một câu nào. Tôi xúc động đến lặng người.

------

Xóm Ngự Viên
Một bài thơ hay về Huế của Nguyễn Bính

Huế là mảnh đất nhiều duyên nợ với Nguyễn Bính. Trên hành trình rong chơi, ông đã nhiều lần đến Huế. Vì thế có một số bài thơ hay được viết ra ở đây, trong đó nổi bật là hai bài thơ Xóm Ngự Viên Giời mưa ở Huế.

Xóm Ngự Viên nằm trong tập Mười hai bến nước, được xuất bản năm 1942, có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính, tuy nhiên nó lại ít được đề cập đến. Ở nơi có tên gọi xóm Ngự Viên ấy vốn là khu vườn Thượng Uyển, (ở cạnh đường Gia Hội-Huế) là chỗ để vua cùng quần thần dạo chơi. Nhưng cho đến khi Nguyễn Bính tới đó vào tháng 9 năm 1941 thì vườn Ngự Uyển chỉ còn là dấu tích. Thay vào đó là một xóm nghèo mọc lên:

Nhà cửa xúm nhau thành một xóm
Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men
Mụ vợ bắc nam người tứ xứ
Anh chồng tay trắng lẫn tay đen
Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa
Khúc "Hậu đình hoa" hát tự nhiên
Nhọc nhằn tiếng cú trong canh vắng
Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn…

Mặc dầu nhà Nguyễn vẫn còn tồn tại, triều đình Huế vẫn còn vua - quan - hoàng hậu đủ cả nhưng đấy chỉ là hình thức. Ở xóm Ngự Viên lúc ấy Nguyễn Bính đã thấy cảnh chiều tàn của chế độ phong kiến rồi:

Khoa cử bỏ rồi thôi hết Trạng!
Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên
Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo
Dân thường qua lại lối đi quen

Những thành phần trong hoàng tộc đã trở thành kẻ bình dân như thế, thì thời thế đã quá đổi thay rồi. Nên vui hay nên buồn? Có lẽ đấy là quy luật của trời đất, con người không thể cưỡng lại được như mấy câu thơ sau đây của Tố Hữu viết về triều đại phong kiến cuối cùng ấy:

Ý chết đã phơi vàng héo úa
Mùa thu lá sắp rụng trên đường
Mơ chi ảo mộng ngàn xưa nữa
Cây hết thời xanh đến tiết vàng

(Dửng dưng)

Tuy nhiên đối với Nguyễn Bính thì lại khác. Trong tâm tưởng của thi nhân, cảnh chiều tàn của chế độ vua quan ngàn năm ngự trị ấy đã gợi lên những nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Ở điểm này, Nguyễn Bính và Vũ Đình Liên đã gặp nhau. Vũ Đình Liên sau khi xem lễ Nam Giao vào năm 1936 ở Huế xong đã viết mấy câu thơ: “Lòng ta là những hàng thành quách cũ/ Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”. Đấy là tâm trạng hoài cổ, thể hiện bằng sự tiếc nuối bâng quơ những vàng son quá khứ. Có điều những vàng son ấy thi nhân không hề can dự vào. Sự tiếc nuối không có lý do chính đáng nào để tồn tại, nhưng lòng người vẫn không ngăn được tiếc nuối. Tiếc cho thời đại vua chúa đã về chiều, những công tằng tôn nữ phải ngồi đan từng chiếc áo kiếm sống qua ngày, những khoa thi không còn để mà “Lòng Trạng lâng lâng màu phú quý”. Tiếc không còn cảnh vua cùng hàng đoàn cung tần mỹ nữ dạo chơi trong vườn Ngự Uyển để mà:

Đức vua một sớm đầu xuân ấy
Lòng đẹp theo giời, dạo Ngự viên
Cung tần mỹ nữ ngời son phấn
Theo gót nhà vua nở gót sen

Ở đây ta thấy thêm một đặc điểm nữa đối với Nguyễn Bính mà lâu nay ta không để ý đến. Ta đã để sót một đặc điểm quan trọng đối với thơ Nguyễn Bính. Đó là chất hoài cổ mà nói rộng ra hơn là hoài vọng. Mỗi thi nhân, dù ít dù nhiều đều có một chút tình cảm đó trong con người nhưng ở Nguyễn Bính, tình cảm này hiện ra rất thường xuyên và đậm nét. Riêng ở đây, trong bài thơ này, tình cảm đó hầu như lai láng. Đó là một thứ sương khói bềnh bồng phủ lên lời thơ, khiến lòng người cô quạnh. Một thứ “buồn tàn thu”:

Ngự viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên.
Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng!
Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên

Chúng ta thấy trong nhiều bài thơ, thông thường cái buồn đến ngay trong thực tại. Buồn vì lý do chia ly, buồn vì cảnh vật buồn... Chẳng hạn như cái buồn của Huy Cận trong câu thơ “Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế/ Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường” hay là trong câu thơ của Lưu Trọng Lư “Chừ đây trăng nước não nùng/ Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn...” Những nỗi buồn ấy có lý do rõ ràng. Nhưng ở đây thì lại khác. Ở đây cái buồn không đến từ ngay cảnh thực tại mà là vì “Khách du lần giở trang hoài cổ Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên”. Ta thấy ở cái xóm Ngự Viên nghèo ấy, có lẽ không ai có thời gian để mà buồn nhiều vì mải kiếm kế sinh nhai. Chỉ có một mình thi sĩ của chúng ta ngồi tưởng tượng lại đủ thứ để mà buồn thôi:

Tay ai ấy nhỉ gieo cầu đấy?
Nghiêng cả mùa xuân Trạng ngước nhìn
Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo
Có người đêm ấy khóc giăng lên
Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc
Chẳng Tống Trân ư cũng Nguyễn Hiền?

Từ chỗ tưởng tượng ra như thế rồi thi sĩ buộc cái buồn vô cớ vào lòng mình:

Khách du buồn mối buồn sông núi
Núi lở sông bồi cảnh biến thiên...
Ngự Viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên.

Nguyễn Bính làm xong bài thơ Xóm Ngự Viên trong một buổi chiều quạnh hiu nào đó rồi viết treo lên vách để ngâm ngợi và Yến Lan khi đến Huế đã được đọc bài thơ trên vách nhà đó. Bài thơ có lẽ làm cho Yến Lan chạnh lòng và cũng khiến lòng ta ngẩn ngơ như vừa đánh mất cái gì. Lâu nay ta cứ nghĩ, chỉ có Vũ Đình Liên mới làm được và làm hay những câu thơ hoài cổ như vậy. Ta không ngờ rằng, với Xóm Ngự Viên, Nguyễn Bính hầu như đã chiếm cái vị trí ấy của tác giả Ông đồ. Cái cảnh chiều tàn trong Ông đồ của Vũ Đình Liên không thể làm bâng khuâng lòng người bằng cái cảnh chiều tàn ở xóm nghèo Ngự Viên này. Bởi đây mới chính là cảnh chiều tàn của chế độ phong kiến ngàn năm. Cả một vàng son rực rỡ đọng lại trong hình ảnh Tôn nữ ngồi đan áo bên đường, nghèo nàn hơn cả thường dân. Vua quan, quần thần, hoàng hậu, công chúa, trạng nguyên, cung tần mỹ nữ, những yến tiệc, những cuộc dạo chơi, lầu son gác tía, hoa cỏ vườn tiên, tất cả được tái hiện lại và rồi vụt tắt đi, để lại hiện ra một xóm nghèo xơ xác. Đó chính là xóm Ngự Viên:

Giậu đổ dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng
Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá
Xóm vắng rêu xanh những lối hèn

Xóm vắng này có lẽ ít ai chú ý đến nó. Vì nó chẳng là gì cả trong đời sống thực tại khi đó. Chỉ có một mình thi nhân của chúng ta đến đây "lần giở trang hoài cổ" để buồn và hôm nay để lại cho đời những vần thơ da diết ấy mà thôi.

(Theo Thanh Niên) 

------

“Người vợ miền Nam” của thi sĩ Nguyễn Bính

Sau Cách mạng Tháng Tám, khi công tác ở Nam Bộ, thi sĩ Nguyễn Bính đã gặp và cưới một người mà ông thân thương, trìu mến gọi là “Người vợ miền Nam” của ông.

Bà Hồng Châu (Nguyễn Lục Hà) - vợ cố thi sĩ Nguyễn Bính năm nay đã 87 tuổi, sống trong một căn nhà nhỏ êm đềm ở làng hoa Gò Vấp - Tp.HCM. Dù ở tuổi “cổ lai hy”, song bà vẫn còn giữ được một trí nhớ mẫn tiệp với một tâm hồn nhạy cảm hiếm thấy. Theo hồi ức của bà Nguyễn Lục Hà thì bà sinh tại Trà Vinh, là con gái út trong một gia đình có hai anh trai. Hai người anh trai ấy đã lần lượt hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cha bà - ông Gia Lạc vốn gốc người xứ Nghệ, dòng dõi con nhà quan, thấm nhuần chữ thánh hiền. Vì chán ngán cảnh quan lại phong kiến, mà cụ thể là thái độ bạc nhược của vua Khải Định nên đã bỏ cố hương, đi tìm ánh sáng cách mạng. Năm 1925 ông chính thức gia nhập Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Bà Gia Lạc vốn là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, cả đời lo lắng, chắt chiu cho chồng con. Khi sanh ra đứa con gái, ông Gia Lạc đắn đo mãi, cuối cùng đặt tên là Lục Hà, tức bông sen xanh, một loài hoa mọc trong bùn lầy mà sắc hương vẫn luôn thanh khiết. Khi bà Gia Lạc nhắc chồng chọn ngày xỏ lỗ tai cho con gái thì ông Gia Lạc nói chuyện nàng Mạnh Lệ Quân bên Tàu để thể hiện ý định: con gái thời loạn thì cũng phải nuôi chí như trai. Ông không thích ba cái chuyện xỏ lỗ tai. Vậy là cô bé Lục Hà trở thành đứa bé gái không xỏ lỗ tai duy nhất của xóm…

Từ nhỏ Lục Hà đã nổi tiếng thông minh, nghịch ngợm. ông Gia Lạc dạy Lục Hà chữ Nho, nhưng cô bé thích chữ quốc ngữ hơn. Đặc biệt Lục Hà thích nghe chuyện nghĩa hiệp. Mà, đâu xa, cha cô là một thầy thuốc, có lòng thương người hiếm thấy. Lần đó, có tên ăn trộm đến nấp đầu hè, nhưng trời mưa lạnh, hắn chịu không nổi nên ho khan. Biết nhà có trộm rình, nhưng ông Gia Lạc không sợ, không ghét, trái lại đi ra… mời tên trộm vào nhà. Rồi chuyện mẹ cô đi chợ, gặp một người ăn xin nằm co lạnh giữa trời mưa, thương tình cởi cái áo dài cho bà cụ mà mặc cái áo cánh cũn cỡn về nhà, khiến ông Gia Lạc hiểu nhầm “sạc” cho một trận…

Khi vua Khải Định chết, vì cho rằng Khải Định chỉ là ông vua bù nhìn chẳng có công lao gì với nước nhà nên ông Gia Lạc kiên quyết cự tuyệt việc để tang Khải Định. Nhiều người dân ở Trà Vinh cũng làm theo ông. Ngược lại, khi cụ Phan Châu Trinh mất, ông Gia Lạc buồn rầu, coi như nhà đang có tang. Khí tiết cách mạng ở ông Gia Lạc thể hiện rất rõ. Nhưng, hoạt động cách mạng của ông chưa được thành tựu gì thì đã bị mật thám bắt. Chúng đánh đập ông dã man, hòng lung lạc ý chí, bắt ông khai ra những người cùng chí hướng. Không khai thác được gì, chúng thả ông về. Nhưng do bị đòn dã man, ông thổ huyết nhiều lần và chết vào ngày mồng 8 tết năm Tân Mùi (1931).

Cha mất, nhà chỉ còn hai mẹ con. Lục Hà ráng làm việc đỡ đần mẹ và chí thú học hành. Cô cũng thi đậu vào Trường Nữ học Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, Tp.HCM) nhưng không được học bổng nên lên Sa Đéc học Trường tư thục Montaigne. Hiệu trưởng trường là thầy Đặng Văn Bá (sau này tập kết ra Bắc dạy môn triết ở Trường Nguyễn Ái Quốc). Chính trong ngôi trường ấy, Hà đã gặp được nhiều người thầy đáng kính, có tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Những người thầy ấy là tấm gương, là “kim chỉ nam” để cho Hà giác ngộ và đi theo cách mạng. Cũng trong giai đoạn này, Lục Hà tham gia sáng tác thơ dưới bút danh Hồng Cẩm. Những bài thơ đầy khí phách như “Thanh niên mau thức tỉnh” của Lục Hà bị mật thám ghi vào “sổ đen”. Ngược lại các anh chị trong tổ chức khen Hà lập trường tư tưởng tốt, trình độ cách mạng vững vàng. Thật ra, Lục Hà cũng có làm thơ tình nhưng sợ “bị rầy” nên không gửi đăng báo. Hà tiếp tục học Trường tư thục Phan Thanh Giản, vì đây là trường gần nhà, có lợi cho hoạt động cách mạng. Tháng 9/1938 Hà được tổ chức kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Lục Hà thích viết báo, nhưng rồi trở thành cô giáo sau khi học khóa đào tạo trợ giảng giáo viên (Cours normal auxiliaire). Là cô giáo, nhưng lại chưa đi dạy ngay mà làm thư ký cho Văn phòng Tỉnh ủy. Trong thời gian công tác ở đây, Lục Hà gặp Năm Giáo - một người biết làm thơ, đặc biệt giỏi thơ Đường. Thật ra Năm Giáo tên chính là Võ Hoàng - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh. Dưới vỏ bọc một thầy giáo - Năm Giáo phụ trách huấn luyện chính trị và vận động kháng chiến. Giữa Lục Hà và Năm Giáo dần dần nảy nở những tình cảm êm đẹp, khó bày tỏ bằng lời. Họ yêu nhau. Tình yêu và tình đồng chí không tạo ra những hố ngăn, trái lại họ biết tạo ra những chất men cho tình yêu và công việc. Nhưng rồi Năm Giáo bị bắt. Lục Hà chới với. Nhưng vượt qua đau khổ, Lục Hà chợt có quyết định sáng suốt: thoát ly. Đó là một buổi chiều mùa đông năm 1940, Lục Hà rời khỏi Trà Vinh. Sau lưng Lục Hà là ánh mắt chứa chan của người mẹ già. Từ đó, Lục Hà bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Để tránh bị lộ và bị bắt, Lục Hà tạo nhiều vỏ bọc, khi ở Vĩnh Long, lúc Sài Gòn. Thương con gái, một thân một mình ở xứ lạ, bà Gia Lạc lặn lội tìm Lục Hà. Nhưng tình thương của người mẹ đã vô tình dẫn tới một hậu quả khôn lường. Vừa về nhà hôm trước thì hôm sau ngày 8/5/1941, Lục Hà đã bị bắt và bị chúng tra tấn dã man. Câu hỏi đầu tiên chúng nêu ra là: “Năm Giáo có phải là Võ Hoàng - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh?”. Lục Hà một mực: “Tôi không biết”. Và, thế là cô bị chúng tra tấn đến chết đi sống lại nhiều lần. Để quên đi đòn thù và để giữ vững khí tiết cách mạng, Lục Hà tiếp tục làm thơ. Những bài thơ trong tù của cô là vũ khí chống lại kẻ thù. Cuối năm 1943, Lục Hà được đưa về quản thúc ở Trà Vinh.

Trước khi đến với Nguyễn Bính, Lục Hà đã lấy chồng là thầy giáo Tâm, sinh một đứa con gái tên Quốc Thoa. Sống với nhau chỉ vài năm, họ chia tay, vì thầy giáo Tâm không chịu được cảnh vợ cứ mãi đi lo “việc thiên hạ”. Bé Quốc Thoa sau đó cũng qua đời vì bệnh. Khi Nguyễn Bính vào Nam là lúc Lục Hà công tác tại báo “Tiếng súng kháng địch” của Quân khu IX. Đấy là một tờ báo có uy tín lúc bấy giờ với nhiều tên tuổi nhà văn, nhà báo như Rum Bảo Việt, Phạm Anh Tài (Sơn Nam), Hà Huy Hà, Lưu Quý Kỳ v.v… Có một chi tiết đặc biệt thú vị là cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Bính và Nguyễn Lục Hà được chính đồng chí Lê Duẩn làm “ông tơ”. Thực ra khi đồng chí Lê Duẩn giới thiệu “nhà thơ vô sản” Nguyễn Bính cho Lục Hà, thì cô đã “hồn xiêu phách tán” trước chàng thi sĩ chân quê này rồi.

Ngày 02/9/1951, Lục Hà khai trương tiệm sách Hồng Châu cũng là ngày Nguyễn Bính cậy nhờ má Ba - một bà mẹ chiến sĩ chính thức đem trầu cau đến nói chuyện cưới xin với bà Gia Lạc. Rằm tháng mười năm 1951 họ chính thức làm lễ thành hôn. Khi Lục Hà có mang, Nguyễn Bính nói nếu sanh con gái sẽ đặt tên là Anh Thơ, còn là con trai thì lập một dòng họ Nguyễn Bính Hồng… Nguyễn Bính nói chưa dứt câu thì bị Lục Hà “cự” liền: “Tại sao con tôi mang nặng đẻ đau mà anh lấy tên người khác đặt cho nó?”. Lục Hà nói, cô không ghen với những cuộc tình của Nguyễn Bính. Nhưng Nguyễn Bính nên để cô thể hiện quyền làm mẹ. Nguyễn Bính đuối lý. Dù vậy, khi vợ đặt tên con là Nguyễn Hồng Cầu thì Nguyễn Bính giận, thấy mình bị “mất phần” nên cố nói người làm hộ tịch ghi thêm vào đó chữ “Bính”, thành ra tên Nguyễn Bính Hồng Cầu…

------

Nhớ một "Người nhà quê" ra đi vào đêm trừ tịch

NGUYỄN MINH KHÔI

Cũng một đêm giao thừa năm Ngọ cách đây vừa tròn ba mươi sáu năm - Giao thừa năm Bính Ngọ 1966 - tại một ngôi nhà nhỏ ở một làng quê Bắc Bộ, "người nhà quê" Nguyễn Bính đã lặng lẽ từ giã cuộc đời, từ giã những bướm trắng tơ vàng, hoa xoan hoa gạo để đi vào cõi vĩnh hằng. Ông ra đi đã mang theo biết bao hương đồng gió nội, để lại một khoảng trống buồn tênh trong lòng người yêu thơ đã từng ngẩn ngơ trước những câu thơ mộc mạc, ngỡ như quê mùa, chân chất mà lại lai láng cả một hồn quê, hồn xưa của đất nước theo cách gọi của Hoài Thanh - Hoài Chân. Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh - Hoài Chân đã từng nhận xét một cách hết sức tinh tế: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cả cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng - khôn hay dại - chúng ta ngày một cố lìa xa nền nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà chúng ta gọi là văn minh..., nên ở mỗi chúng ta người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Ở Nguyễn Bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê ẩn náu trong lòng ta...”.

Từ Lỡ bước sang ngang đến Tâm hồn tôi, Hương cố nhân... thơ Nguyễn Bính là sự trở về với nguồn cội sâu xa của thơ Việt, nơi một khóm trúc, một cầu ao, một chiếc áo bỏ quên trên cành hoa sen cũng đủ làm nên một câu hò, câu ví, một bài ca dao bất hủ. Mạch nguồn sáng tác trong thơ ông là tình yêu thiết tha dành cho thiên nhiên, sự hoài vọng đến khắc khoải và sự níu kéo đến vô vọng những giá trị cổ truyền đang ngày một bị lấn át bởi cuộc sống văn minh công nghiệp. “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê/ Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (Chân quê).

Ngay cả trong nhiều bài thơ xuân của ông như Mưa xuân, Mùa xuân xanh, Xuân nhớ, Xuân về, Xuân tha hương, Xuân nhớ miền Nam... là những bài thơ được viết ra trong tâm trạng hưng phấn trước sự đổi thay kỳ diệu của đất trời, ta vẫn thấy phảng phất một nét buồn kín đáo, một mối u hoài trầm lắng đến nao lòng: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy...” (Mưa xuân). Bên cạnh cái phơi phới bay của những hạt mưa xuân là hình ảnh lớp lớp hoa xoan rụng vơi đầy trước ngõ như ngầm báo hiệu những điều không vui cho một ngày xuân không như mong đợi. Rồi cơn mưa xuân của đất trời và cũng là cơn mưa xuân trong lòng người thiếu nữ nhiều mộng mơ bên khung cửi ấy cuối cùng cũng đã ngừng lại với bao ngậm ngùi, tan tác: “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày/ Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ/ Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”...”. Ở nhiều lần xuân khác, ta thấy Nguyễn Bính là người rất nặng lòng với cố xứ, luôn đau đáu một mối tình hoài hương âm thầm mà mãnh liệt, có lẽ do ông là người đã sống một cuộc đời lãng du phiêu giạt qua nhiều sông hồ bờ bãi, từ châu thổ sông Hồng đến đồng bằng Nam Bộ, từ Thủ đô Hà Nội đến Việt Bắc xa xôi: “Tết này chưa chắc em về được/ Em gởi về đây một tấm lòng/ Cầu mong cho chị vui như tết/ Tóc chị bền xanh má dậy hồng...” (Xuân tha hương). Dù sống giữa thủ đô “rộn rã xuân về”, có “Nhà ai hàng xóm khoe màu cúc”, Nguyễn Bính vẫn không nguôi nhớ thương về vườn mai cũ nơi quê nhà và hình ảnh người mẹ già tóc trắng như mây đang đêm ngày trông ngóng: “Ngày muộn mẹ già hong tóc trắng/ Khác nào mây núi đỉnh Trường Sơn/ Mẹ ơi giữ lấy vườn mai nhé/ Cho trải vàng xuân đẹp bước con...” (Xuân nhớ).

Không ở đâu mà những hình ảnh, những sinh hoạt, tập quán và cả những vật dụng thân thiết, gần gũi với cuộc sống của người nông dân Việt Nam lại xuất hiện nhiều và lại được đặc biệt trân trọng như trong thơ Nguyễn Bính. Con đê lạnh lẽo dưới mưa phùn, giậu mồng tơi xanh dờn trước hiên người hàng xóm, tiếng chim tu hú thảng thốt một trưa hè, mùa hoa vải chín vàng một ngày tàn xuân... và cả ái áo tứ thân, cái quần lĩnh tía... cũng đã đi vào thơ ông một cách tự nhiên, trang trọng như chính nó đã làm nên cái hồn của cuộc sống - cái hồn của một đời thơ: “Chiều xuân mưa bụi nghiêng nghiêng/ Mưa không ướt áo người xem hội làng/ Khen ai nhuộm nhiễu tam giang/ Ðánh dây xà ích cho nàng chơi xuân/ Khen ai tròn áo tứ thân/ Mịn quần lĩnh tía, chùng khăn lụa sồi...” (Tiếng trống đêm xuân). Chính vì thế, khi ông ra đi, lòng ta bỗng nhiên cảm thấy hụt hẫng như thể đã mất đi một cái gì thân thiết mà từ nay sẽ không ai có thể bù lấp được. “Thôn Ðoài ngồi nhớ thôn Ðông/ Một người chín nhớ mười mong một người/ Gió mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng... Nhà em có một giàn trầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng/ Thôn Ðoài thì nhớ thôn Ðông/ Cau thôn Ðoài nhớ trầu không thôn nào?...”. Làm sao để có thể tìm gặp được nữa những câu thơ tài hoa, ý nhị mà lại đẹp như một bài ca dao như thế? “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh/ Tôi đợi người yêu đến tự tình...” Ông đã đợi bao nhiêu năm trong cuộc đời nghệ sĩ của mình? Những người yêu của ông, vào giây phút cuối cùng ấy, đã không trở lại. Và ông đã ra đi, ngậm ngùi, đơn độc: “Mình em lầm lụi trên đường về/ Có ngắn gì đâu một dải đê/ Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt/ Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya...” Không ngờ đó lại là những câu thơ tiền định, báo trước ngày về hắt hiu, ảm đạm của một đời thơ. Thôn Ðoài cách có một thôi đê, vậy mà ông phải đi mất hai mươi tám năm, qua ba trạm dừng chân, cuối cùng đến mùa thu năm 1994 mới về tới quê nhà, làng Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản (Nam Ðịnh), nơi ngày xưa Hội chèo làng Ðặng đã đi ngang ngõ và từ đó đi luôn vào tâm hồn người yêu thơ hơn nửa thế kỷ qua. Dẫu sao, sau bao tháng năm thăng trầm, lận đận, mừng cho ông đã được trở về trong ngôi nhà thơ ấm cúng, mừng cho ông sẽ còn sống mãi không chỉ trong lòng những người yêu thơ, mà cả trong lòng những người đã từng đi qua sông Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy, những người đã từng nghe tiếng Tiểu đoàn 307 ngút trời hào khí với non sông.

Xuân Nhâm Ngọ - 2002

------

THƠ VÀ LỜI BÌNH
“Mưa Xuân”

Bài thơ "Mưa xuân" là một câu chuyện tình cảm, hay đúng hơn là một mối cảm tình mới nhóm, diễn ra trên cái nền của một làng quê vào cữ mưa xuân. Và như thể cảnh và tình trong Mưa xuân đã quyện vào nhau như xác với hồn để cùng tạo nên bức tranh quê chân thực và sống động, mang đậm dấu ấn Nguyễn Bính.

Em là con gái trong khung cửi.
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay".

Lòng thấy giăng tơ một mối tình,
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh…

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chả sang xem.

Em xin phép mẹ, vội vàng đi.
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.
Mưa bụi nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tiết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.

Mình em lầm lụi trên đường về.
Có ngắn gì đâu một gỉải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt,
Lạnh lùng thêm tủi với đêm khuya.

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ,
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày".

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày,
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ,
Để mẹ em rằng: hát tối nay?

Lời bình của nhà thơ Anh Ngọc

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, khi so sánh các nhà thơ cùng viết về thôn quê, Hoài Thanh và Hoài Chân đã có một nhận xét: “Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê” (trang 175). Nhận xét ấy thật chính xác và tinh tế. Tuy nhiên đó là nói chung, còn nhìn riêng từng bài thì liều lượng giữa tình và cảnh không phải đều như nhau - Chẳng hạn trong Mưa xuân, tôi cho rằng cảnh chiếm một phần rất quan trọng trong việc tạo nên hiệu quả của bài thơ, nói một cách tương đối thì ở đây ít ra tỷ lệ giữa tình và cảnh cũng là 5-5.

Bài thơ là một câu chuyện tình cảm, hay đúng hơn là một mối cảm tình mới nhóm, diễn ra trên cái nền của một làng quê vào cữ mưa xuân. Cảnh trí ở đây được dùng làm đất sống cho câu chuyện tình và đến lượt câu chuyện tình lại tạo nên phần hồn cho cảnh. Và như thế cảnh và tình trong Mưa xuân đã quyện vào nhau như xác với hồn để cùng tạo nên bức tranh quê chân thực và sống động, mang đậm dấu ấn Nguyễn Bính. Nói rằng vai trò của cảnh trong bài này rất quan trọng là vì nó có một giá trị độc lập. Đành rằng đã là văn chương thì ở đâu cảnh hay chuyện hay có là gì đi nữa rốt cuộc cũng đều để gửi cái tình, nhưng đôi lúc cái dụng công của tác giả ngỡ như chia đều cho tình lẫn cảnh hoặc tình lẫn chuyện vv… đến nỗi ta không biết cái nào là chính, cái nào là phụ.

Cũng tựa như trong tác phẩm điện ảnh lừng danh Titanic gần đây: Để tái hiện lại vụ đắm tàu thế kỷ, các tác giả đã dựng lên một câu chuyện tình cảm động - rốt cuộc thì ấn tượng nào mạnh hơn, câu chuyện tình hay vụ đắm tàu? Tùy vào cách cảm nhận của từng người xem, nhưng tựu trung có lẽ là cả hai, cái nọ nâng đỡ cho cái kia. So sánh trên rõ ràng là khập khiễng, nhưng ngõ hầu cũng giúp ta nhận chân ra sự đan cài tinh vi của cặp giá trị tình và cảnh trong một bài thơ vốn cũng chẳng có gì khó hiểu như Mưa xuân.

Phụ Bản III

Trước hết, xin nói về tình. Nhân vật trong thơ là một cô gái mới lớn, mà lại là gái quê, quen sống khép kín trong những lề thói, gia phong chặt chẽ:

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Từ bán được dùng ở đây hiển nhiên là để hợp với văn cảnh như cây lụa trắng đã gợi lên khá đầy đủ cái thân phận và tâm thế của người con gái xưa, nghe tội nghiệp và đầy thương cảm. Trong cái thế giới khép kín ấy, nào ai biết được có nỗi niềm gì xao động, có mối vấn vương nào có thể len được vào, nếu như không có những giọt mưa xuân ấy chợt đến một hôm bỗng giăng mắc đầy trời. Bởi cùng với những giọt mưa xuân phơi phới bay và những cánh hoa xoan rụng rơi đầy ấy là mùa xuân đã đến. Mùa xuân của đất trời và vạn vật đang tưng bừng sống lại sau những ngày đông tàn cũng đánh thức luôn nhịp hồi sinh trong con người, mùa ăn chơi, mùa tháng rộng ngày dài đầy rạo rực. Tiếng trống chèo thân thuộc ngàn năm trên mảnh đất này lại vang lên trên những sân đình. Hội chèo làng Đặng, hát ở thôn Đoài... Những địa danh chỉ nghe qua đã đủ gợi hồn quê kiểng. Những đám hội ở thôn quê luôn vui như... hội, bởi vì người ta đâu chỉ được xem hát, xem trò, được thưởng thức nghệ thuật, mà có lẽ còn quan trọng hơn thế - đấy là nơi gặp gỡ, giao cảm, nơi tìm kiếm và hẹn hò của những lứa đôi. Bởi thế, chỉ mới nghe mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay, cô gái quê e ấp kín đáo bỗng biến đổi, linh động hẳn lên: Cô chợt dừng tay dệt vải, má chợt ửng hồng, đầu óc một phút lơ lãng đi đâu, vài cái hành vi rất thực và rất gợi này:

Em ngửa bàn tay trước mái hiên

Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh

Hành vi, cảnh trí, những biểu hiện bề ngoài ấy là nhằm để tả tình, hẳn thế rồi. Để ý một chút, ta sẽ thấy tác giả vận dụng rất khéo cái quy luật người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, khi so sánh hai tâm thế diễn ra hầu như đối chọi nhau trước cùng một cảnh, ấy là khi cô gái rạo rực hy vọng đi đến với đêm hội:

Mưa nhỏ nên em không ướt áo

Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Nhưng khi cô không gặp được chàng trai, thất vọng tràn trề, cô quay về, thì:

Có ngắn gì đâu một dải đê!

Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt.

Và cả mùa xuân nữa, với mưa xuân, với hoa xoan và “hội chèo làng Đặng đi qua ngõ...” mới hôm nào như những sứ giả mang hy vọng đến, giờ cũng theo lòng người mà lạnh giá, tàn tạ, thê lương: Mưa xuân đã ngại bay, hoa xoan đã nát dưới chân giày (tả cảnh quê xưa mà dùng chữ giày có vẻ không hợp, nhưng kể cũng không sao), hội chèo làng Đặng đã về qua ngõ, và mùa xuân thì đã cạn ngày. Cạn ngày là sắp hết, nhưng lối dùng từ bằng hình ảnh cụ thể của dân gian này gây ấn tượng hơn, và cũng hồn nhiên hơn. Nhưng cái thất vọng của người nhà quê cũng hiền lành hơn cái tuyệt vọng tê tái của người trí thức thị thành, bởi là người lao động khỏe mạnh về thể xác nên tâm hồn họ cũng thường lành mạnh. Mùa hội đã qua, người tình đã xa, cô gái quê buồn nhưng không tuyệt vọng:

Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng: hát tối nay?

Còn nghi vấn là còn chờ đợi. Mà còn chờ đợi là vẫn còn hy vọng. Đây là tất cả câu chuyện tình trong bài thơ. Nhưng nội hàm của bài thơ này không chỉ có thế. Nó còn một vế nữa, tồn tại độc lập. Ấy là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên của làng quê Việt Nam, mà ở đây là miền bắc, từ đèo Hải Vân trở ra. Sở dĩ tôi dám nhấn mạnh cụ thể như vậy là vì những chất liệu thực trong bài thơ cho phép ta nhận ra đặc thù không thể lẫn của thời tiết, khí hậu và cảnh sắc của miền bắc, nó rất khác với miền nam, do cấu tạo địa lý của đất nước ta, đặc biệt là vào cữ Đông - Xuân. Ấy là những cảnh giá lạnh, ẩm ướt, bầu trời thật thấp và âm u, với loài hoa xoan mầu trắng tím nở thành chùm, thành ngù như lẫn vào mây trắng, và sương mù, thứ hơi nước lãng đãng bốc lên từ hồ, ao, nửa như mây; nửa như mưa, huyền hoặc vô cùng, thêm một bước nữa - quá mù ra mưa, thì đó là thứ mưa bụi, hay mưa phùn, hay cũng là mưa bay, mưa lay phay, thứ mưa không ướt áo mưa không ướt đất ấy thực là một vẻ đẹp mê hồn và là đặc thù của mùa xuân đất bắc mà bao người đi xa vẫn nhớ đến nao lòng.

Tôi đồ rằng thi sĩ Nguyễn Bính, một con người nhà quê hơn cả như đã nói ở trên, chắc sinh thời cũng phải mê đắm cảnh mưa xuân miền bắc lắm lắm, bởi ông đã nhiều lần đem theo mưa vào thơ cùng với hồn mình, mà đem một cách thiết tha, âu yếm vô cùng. Lòng yêu cảnh ấy trong mưa xuân đã thành ra một chủ đề độc lập của bài thơ, một chủ âm, một giai điệu chính, hoặc đúng hơn là một nhân vật của thơ. Ta không còn biết ở đây là mượn mưa xuân để gửi câu chuyện tình, hay chính là mượn câu chuyện tình để thổi hồn vào cảnh mưa xuân. Có lẽ là cả hai. Người đọc thơ vừa có cái thú được ngắm màn mưa bụi như sương khói vẫn phủ trên những bờ tre, mái rạ, hay trên những cánh đồng lúa thì con gái xanh mơn mởn, lại thú hơn nữa được bàn tay ai vén bức màn mưa và mầu xanh ngỡ như ngàn năm bất động, bất biến kia để gặp gỡ với những con người chân quê đôn hậu, được nghe những tâm sự thầm kín, những khát khao, những hy vọng, thất vọng, rồi lại hy vọng của những tình yêu da diết. Và với những ai có gốc gác thôn quê, thì đấy sẽ là cuộc viếng thăm lại cố hương trong chốc lát. Đó chẳng phải là một hạnh phúc thật quý giá hay sao?

------

"Bước đi bước nữa"
bài thơ ít được biết tới của Nguyễn Bính

Mấy chục năm đã trôi qua, đọc lại bài thơ Bước đi bước nữa của cố thi sĩ Nguyễn Bính người đọc vẫn thấy cảm động, ngậm ngùi. Ngậm ngùi thương về một thời xưa cũ.

Xê lại gần đây, xích lại đây,
Lại đây cho mẹ nhủ câu này.
Mẹ không muốn thế nhưng mà nghĩ
Bấy lâu mẹ đã nhiều đắng cay.

Kể con giờ cũng lớn khôn rồi,
Chín suối cha con hẳn ngậm cười,
Mẹ muốn bước đi thêm bước nữa,
Còn đàn em nhỏ cậy con nuôi.

Con ơi! Mẹ khóc suốt đêm kia,
Khóc suốt đêm qua nữa, chỉ vì...
Con mẹ có còn thương mẹ dại,
Thì con gái mẹ nhận lời đi.

Mẹ cũng không mong sướng lấy mình,
Nhưng mà số phận bắt điêu linh,
Vả chăng thiên hạ nào riêng mẹ,
Gái góa qua đò uổng tiết trinh.

Mai mốt... con ơi! mẹ lấy chồng,
Các con coi mẹ có như không,
Khuya rồi đấy nhỉ! con đi nghỉ;
Gió bấc đêm nay lạnh ngập phòng.

Lời bình của Nguyễn Đức Mậu

Bài thơ Bước đi bước nữa in trong tập Lỡ bước sang ngang của thi sĩ quá cố Nguyễn Bính. Hẳn là bài thơ này ít được biết tới, nhất là trong các tuyển tập thơ Nguyễn Bính thời gian qua không thấy chọn bài này. Tác giả viết theo giọng tự sự, bài thơ là lời kể lể, phân trần của người mẹ góa với người con gái lớn trước khi bà bỏ nhà đi bước nữa. Mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng lời nói bình thường của người mẹ, ngôn ngữ thơ giống như lời nói hằng ngày:

Xê lại gần đây, xích lại đây
Lại đây cho mẹ nhủ câu này...

Và cứ thế, người mẹ kể lể sự tình với cô con gái bằng giọng chân quê, mộc mạc. Người mẹ nhắc đến người cha nơi chín suối, nhắc đến phận mình phải dứt gánh ra đi và nhắc đến cảnh ngộ mà người con gái phải thay mẹ gánh vác: Còn đàn em nhỏ cậy con nuôi. Cái hay ở bài thơ không phải ở ngôn ngữ chắt lọc, mà ở lối tả chân, lối kể lể dẫn dắt người đọc. Người đọc hình dung ra thân phận người đàn bà góa: chồng chết, bà tần tảo nuôi một đàn con dại. Trải qua bao nỗi lận đận, cô quạnh, người đàn bà góa vẫn cam lòng chịu đựng. Rồi cô con gái đầu đã lớn. Rồi người đàn bà góa dự định đi lấy chồng như một số người đàn bà góa khác: Bà tâm sự với con, lời lời như chắt ra từ trái tim nhiều đắng cay, héo hắt: Con ơi! Mẹ khóc suốt đêm kia/ Khóc suốt đêm qua nữa chỉ vì.../ Con mẹ có còn thương mẹ dại/ Thì con gái mẹ nhận lời đi .

Bao nhiêu nỗi niềm sâu kín bà đã nói hết với cô con gái lớn. Bà thú nhận trước con mình rằng bà đã khóc, khóc suốt đêm qua, đêm kia, khóc vì nhiều lẽ... Và bà thốt lên: Con mẹ có còn thương mẹ dại. Chữ mẹ dại ở câu thơ chợt nhói lên, day dứt trong tâm trí người đọc. Người mẹ tâm sự với cô con gái lớn thật lòng như thế, hỏi đã là phận con gái, nào ai nỡ chối từ?

Mẹ cũng không mong sướng lấy mình
Nhưng mà số phận bắt điêu linh.

Người mẹ đã quyết định một điều hệ trọng trong cuộc đời: Bước đi bước nữa. Biết rằng mọi nỗi khôn dại ở đời thật khó lường, nhưng bà mẹ vẫn dứt áo ra đi. Ra đi không phải bà cầu mong điều sung sướng cho mình, ra đi để thoát khỏi thân phận người mẹ góa.

Ở đoạn kết bài thơ, người mẹ đã hình dung ra cảnh mình đi lấy chồng, đi trong tâm trạng tủi hờn, lo lắng. Bởi nhẽ sau lưng bà là một đàn con đã khổ vì thiếu cha, từ đây sẽ càng côi cút hơn vì thiếu mẹ. Cái cơn gió bấc của đất trời hay cơn gió từ đâu thổi lại để bà mẹ cứ buồn lo, cứ thổn thức với chính mình. Bài thơ gợi ta nhớ đến cảnh ngộ tái giá của những bà mẹ góa thời trước. Còn bây giờ, thời thế đã đổi khác, người mẹ góa tất phải chủ động hơn để chọn lựa cho mình một bước ngoặt mới và những người con hẳn cũng cảm thông, đứng về phía mẹ mình.

 ------

Chuyện Làng Văn về Nguyễn Bính

(Phạm Thế Cường sưu tầm)

Mình không bỏ "Sở" sang "Tề"

Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Thinh, Thủ tướng Chính phủ bù nhìn "Nam Kỳ Tự trị" có treo một giải: Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính vào thành theo Chính phủ sẽ được hưởng 1000 đồng Đông Dương. Nếu nhà thơ tự vào thành cũng được hưởng như thế.

Về mặt nào đó, phải khẳng định vị thủ tướng bù nhìn kia biết được giá trị của cái đầu nhà thơ Nguyễn Bính. 1000 Đông Dương ngày đó to lắm, là cả một cơ nghiệp. Nhiều thi sĩ là bạn Nguyễn Bính viết thư "thuyết khách" mời Bính vào. Nhiều người cũng tưởng Nguyễn Bính vào thành với địch rồi. Vì lúc đó, nhà thơ của chúng ta đang lang thang ăn nhờ ở đậu nhà một ông bạn ở Rạch Giá. Và tối tối phải chui vào cái nóp (bao cói) ra ngủ ở ngoài đình cho khỏi muỗi đốt. Ngày đó, trong một bài thơ Nguyễn Bính có viết hai câu thơ Mình không bỏ Sở sang Tề. Mình không là kẻ lỗi thề, thì thôi.

Nhiều cụ già miền Nam thời đó biết chuyện này, ca ngợi Nguyễn Bính có chí khí của một sĩ phu yêu nước.

 ------

Cô lái đò

Ngày Nguyễn Bính còn ở cơ quan văn nghệ Nam Hà, thời chống Mỹ, ông đi lại thường xuyên từ chợ Chủ - Bình Lục về Nhân Nghĩa, qua con sông Châu thơ mộng.

Ngày đó, cô Bé hay còn có tên là Thoa lái đò. Cô sẵn sàng chở Nguyễn Bính qua sông mà không lấy tiền. Nguyễn Bính có bài thơ "Cô lái đò" nổi tiếng. Các bạn thường mang chuyện này ra đùa tán, chỉ tiếc những lần đọc thơ đều không có cô Thoa lái đò. Mà chẳng ai biết rằng cô đã từng đọc bài thơ này hay chưa.

Bài thơ "Cô lái đò" có đoạn:

"Thế rồi trên bến một đêm kia.

Người khách tình duyên lại trở về.

Cô gái đã vui duyên phận mới.

Khách còn trở lại nữa làm chi..."

Theo Nguyễn Bính thì ông không làm đoạn thơ này, nhưng một lần nghe bạn bè đọc lại có thêm đoạn đó. Ông hết sức bàng hoàng. Ai đó đã "nối điêu" vào không rõ. Hay là của một cô lái đò nào đó. Nguyễn Bính không trách mà lấy làm thú vị. Cái vốn của ông từ dân giã mà ra, dân gian lại thêm vào, dù hay dù dở có gì mà lạ!

Một ngày kia, nhà thơ Chu Văn bạn của Nguyễn Bính từ chợ Chủ qua sông Châu về cơ quan ở Nhân Nghĩa. Vẫn cô lái đò năm ngoái, cô Thoa. Nhà thơ thông báo cho cô gái biết về tin buồn của Nguyễn Bính.

- Cô Thoa ạ, bác Bính vẫn làm thơ. Người vẫn hằng ngày đi chợ nhờ cô đưa sang sông, bác ấy mất rồi.

Nghe như tiếng sét, nấc nghẹn. Cô Thoa gục mặt lên mái chèo, giọng lạc đi:

- Ôi, giá chết thay được. Cháu xin tự nguyện chết thay để bác Bính sống và làm thơ.

Người đời đã thấy sự yêu mến của một cô lái đò đối với nhà thơ như thế nào .

------

"Đơn" xin học của Nguyễn Bính

Vào khoảng những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Nguyễn Bính về nhận công tác ở Ty Văn hoá - Thông tin Nam Hà. Trong một lần đi điền dã, nhà thơ gặp một cô giáo trẻ, xinh đẹp. Nét rực rỡ, thắm tình quê khiến nhà thơ vô cùng xúc động và ông thầm tương tư người đẹp.

Khổ một nỗi, lúc này tuy nhà thơ mới 45 tuổi nhưng lại đau yếu luôn, thân hình tiều tuỵ không tiện ra mắt người đẹp. Tình yêu đơn phương đó cứ cháy âm ỉ trong ông và trong một đêm không ngủ, nhà thơ đã viết một tác phẩm thơ tình mới: Đó là đơn xin học bằng thơ:

Ước gì tôi được quen cô giáo
Để đến theo cô học vỡ lòng
Chỉ sợ trò đông bàn ghế chật
Tuổi nhiều cô có nhận cho không?
Nếu cô đồng ý nhận cho tôi
Tôi sẽ theo cô đến suốt đời
Suốt đời tôi chỉ theo một lớp
Suốt đời tôi học lớp cô thôi!

Sau này ông đọc cho nhiều người nghe, nhưng "lá đơn xin học" kia không bao giờ đến đúng địa chỉ.

------

Một chút cảm khái về thơ Nguyễn Bính

Nguyễn Văn Sâm

Đọc thơ Nguyễn Bính trước khi đi viếng nhà lưu niệm thi sĩ.

(Sài gòn, tháng 3-07)

1. Viếng Hồn Trinh Nữ (1937)

Tác giả chọn đề tài độc đáo: Thương tiếc một người con gái nằm xuống khi tuổi còn xanh dầu mình không quen biết. Ông khéo léo hình dung ra những sinh hoạt thiếu nữ của nàng trước khi mất để làm nổi bật hơn tính cách bi đát. Những hình ảnh phụ như người mẹ, mấy đứa em, người để ý nàng được thêm vào để minh họa sự luyến tiếc của người thân thương. Càng bi thương hơn khi ông nói rồi mọi chuyện sẽ qua đi, hình ảnh về nàng sẽ chìm vào quên lãng của thời gian…Bài thơ gồm nhiều chữ trắng để diễn tả sự tang tóc đồng thời hàm ngụ ý trinh bạch của thiếu nữ và cái họ Bạch của nàng. Bài thơ man mác buồn dầu chữ dùng thiệt là đơn giản và ý được trải rộng ra quá nhiều. Bài nầy chịu ảnh hưởng của giai đoạn thi ca lãng mạn và cũng tác động mạnh lên sự lãng mạn của những thi nhân đồng thời.

Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,

Tơ liễu thi nhau chảy xuống hồ,

Tôi thấy bên tôi và tất cả

Kinh thành Hà Nội quấn khăn sô,

Nước mắt chạy quanh tình thắt lại.

Giờ đây tôi tiển một người về

Giờ đây tôi thấy lòng đau đớn

Như có ai mời chén biệt ly

Sáng nay vô số lá vàng rơi.

Người gái trinh kia đã chết rồi,

Có một chiếc xe màu trắng đục,

Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi.

Đem đi một chiếc quan tài trắng,

Và những vòng hoa trắng lạnh người,

Theo gót những người khăn áo trắng,

Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi,

Để đưa nàng tới nghĩa trang nầy

Nàng tới đây rồi ở lại đây,

Ờ nhĩ hôm nay là mấy nhĩ?

Suốt đời tôi nhớ mãi hôm nay.

Sáng nay sau một cơn mưa lớn,

Hà nội bừng lên những nắng vàng,

Có những cô nàng trinh trắng lắm,

Buồn rầu theo gót bánh xe tang.

Thế là xa cách mãi mà thôi,

Tìm thấy làm sao được bóng người.

Vừa mới hôm qua còn thẹn thẹn,

Tay cầm sáp đỏ để lên môi,

Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ,

Nàng vừa may vội gió đầu thu,

Gió thu còn lại bao nhiêu gió,

Chiếc áo giờ đây ở dưới mồ,

Chắc hẵn những đêm như đêm qua,

Nàng còn say mộng ở chăn hoa,

Chăn hoa ướp một trời xuân sắc,

Cho tới tàn canh tan trống gà,

Chắc hẵn những đêm như đêm kia,

Nửa đêm lành lạnh gió thu về,

Nàng còn thao thức ôm cho chặt,

Chiếc áo nhung mềm tựa giấc mê,

Nhưng sáng hôm nay nàng lặng im,

Máu đào ngừng lại ở nơi tim,

Mẹ già xé vội khăn tang trắng,

Quấn vội lên đầu mấy đứa em,

Người mẹ già kia tuổi đã nhiều,

Đã từng đau khổ biết bao nhiêu,

Mà nay lại khóc thêm lần nữa,

Nước mắt còn đâu buổi xế chiều,

Những đứa em kia chưa khóc ai,

Mà nay đã khóc một người rồi,

Mà nay trên những môi ngoan ấy,

Chẳng được bao giờ gọi Chị ơi.

Nàng đã qua đời để bửa nay,

Có chàng đi hứng gió heo may,

Bên đường để mặc mưa rơi ướt,

Đem mãi bâng quơ những gót giầy.

Người ấy hình như có biết nàng,

Có lần toan tính chuyện sang ngang,

Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé

Đã cắm ngàn thu ở suối vàng.

Có gì vừa mất ở đâu đây,

Lòng thấy mềm hơn rượu quá say,

Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối,

Bàn tay lại nắm phải bàn tay.

Chỉ một vài ba năm thế rồi…

Người ta thương nhớ có ngần thôi,

Người ta nhắc đến tên nàng để

Kể chuyện nàng như một chuyện vui.

Tôi với nàng đây không biết nhau,

Mà tôi thương nhớ bởi vì đâu?

Than ôi: ‘Tự cổ bao người đẹp

Chẳng hẹn trần gian đến bạc đầu.’

2. Tương Tư (1939)

Chuyện tình tự kể. Những hình ảnh nông thôn được sử dụng, những thống trách mang hơi hướm của người đồng quê chơn chất làm cho sự tương tư trở nên lung linh đẹp. Hàng loạt câu hỏi và lời tự giải thích biểu lộ cái yêu đã sâu đậm nhưng không được đáp ứng. Tác giả giấu cái thất bại trong tình yêu khi so sánh nỗi tương tư của mình với chuyện nắng mưa của trời đất. Câu hỏi cuối bài là câu đánh đố đáng yêu gởi đến ai kia: Anh nhớ ai em có biết không?

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người.

Nắng mưa là chuyện của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?

Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

Bao giờ bến mới gặp đò,

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

3. Chân quê

Sự đổi đời lúc nào cũng có. Những thay đổi nho nhỏ bên ngoài tưởng chừng là xao động bề mặt, nhưng thật sự là mầm chối bỏ quá khứ, xóa bỏ chân quê để ướm lốt thị thành. Cố gắng níu kéo cái đẹp đơn sơ ban đầu là một cố gắng tuyệt vọng vì sẽ thất bại.

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

(1936)

4. Oan nghiệt

Những suy nghĩ vẩn vơ, ý nầy kéo ý kia của thi sĩ khi nghe tin người vợ cũ sanh con gái. Trong tưởng tượng có cái lo lắng cho kiếp đời đau khổ có thể xảy ra oan nghiệt của con mình. Mấy câu trở thành cổ điển: Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ / Nghèo lắm con ôi! Bạc lắm con!, là một lời dặn, một lời tự trách, tự biện. Tác giả dẫn Tỳ Bà Hành thiệt là hay!


Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Giờ sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận

Bao giờ tôi biết mặt con tôi?
Nào xem thử đoán tên con gái
Oanh, Yến, Đào, Trâm, Bích, Ngọc, Hồi?

Tôi biết vô tình Dung lại muốn
Con mình mang lấy nghiệp ăn chơi.
Ngọc nữ trót sinh vào tục lụy
Đời con rồi khổ đấy con ơi!
Mẹ con đeo đẳng nghề ca xướng
Nuôi được con sao, giời hỡi giời!
Mẹ con chỉ đợi hồng đôi má
Chỉ đợi chiều xuân kia thắm tươi
Hôn con một chiếc hay là khóc
Rồi gởi cho nhgười thiên hạ nuôi
Mẹ con nịt vú cho tròn lại
Chiều cái hoang đàng lũ khách chơi
Đời cha lưu lạc quê người mãi
Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười
Có mẹ có cha mà đến nỗi
Miệng đời mai mỉa gái mồ côi
Vài ba năm nữa con khôn lớn
Uốn lưỡi làm sao tiếng "mẹ ơi"
Đời em xuống dốc tôi lên dốc
Nào có vui gì, khổ cả đôi
Sương chiều gió sớm bao đơn chiếc
Bướm lại ong qua mấy ngậm ngùi
Sắt son một chuyến giăng còn sáng
Tâm sự đôi dòng nước chảy xuôi
Cỏ bồng trở lại kinh kì được
Hoa đợi hay bay xứ khác rồi.
Vô khối ngọc trong the thắm đấy
Dung còn chung thủy nữa hay thôi?
Rồi có một đêm màn rủ thấp
Ngã vào tay một khách làng chơi.
Em có nghĩ rằng trong hắt hủi
Con mình trằn trọc cánh tay ai?
Em có nghĩ rằng trong quán trọ
Đầu tôi lại gối cánh tay tôi?
Cha mẹ đã không nuôi dạy được
Con là phận gái hạt mưa sa
Chân bùn tay lấm hay hài hán
Hay lại bình khang lại nguyệt hoa?
Cành đưa lá đón theo đời mẹ
Phách ngọt đàn hay tục xướng ca
Cha lo ngại lắm là con gái
Chẳng có bao giờ biết mặt cha
Con mười sáu bảy xuân đương độ
Cha bốn năm mươi chửa trót già
Cha buồn tiễn khách hơi thu quạnh
Con thẹn che đàn nửa mặt hoa
Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được
Bố bố con con chẳng nhận ra
Một lứa bên giời chung lận đận
Thương nhau cha soạn khúc Tì bà
Áo xanh mà ướt vì đêm ấy
Tội nghiệp đời con, xấu hổ cha
"Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
"Con thuyền buộc một mối tình nhà..."
Giờ đây cha khóc vì thương nhớ
Gửi vọng về con một chiếc hôn
Tiền cha không đủ hoàn lương mẹ,
Còn lấy đâu mà nuôi nấng con?
Thôi cha cầu chúc cho con gái
Mắt chớ lưu cầu môi chớ son
Càng tài sắc lắm càng oan nghiệp
"Bảy nổi ba chìm với nước non"
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi! bạc lắm con!
Ở đây cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn...
Huế 1941

5. Rắc bướm lên hoa
Những câu hỏi là cũng những câu than. Những cảnh đẹp cũng là cảnh khổ. Người đọc bàng hoàng với hai chữ rắc, nhuộm của thi sĩ : sinh động đồng thời cho thấy viễn ảnh  xấu. Hạnh phúc và đau khổ đan xen, sanh hóa. Đây không là lời trách phiền tình phụ mà là lời trách móc cuộc đời đã sanh ra cái nếp phụ tình.

Ai đem rắc bướm lên hoa
Rắc bèo xuống giếng, rắc ta vào nàng?
Ai đem nhuộm lá cho vàng?
Nhuộm đời cho bạc, cho nàng phụ ta?

------


Từ mất duyên với Lưu Trọng Lư…
Đến có duyên với Nguyễn Bính?

Hôm CLB Sách Xưa & Nay tổ chức đi thăm nhà luu niệm của cố nhà thơ Lưu Trọng Lư, tôi bận việc nên không tham gia. Tôi tiếc hùi hụi vì từng học và đọc nhiều thơ của nhà thơ “Tiếng thu” nổi tiếng này từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường trung học. Lớn lên không có dịp gặp mặt để làm quen với nhà thơ họ Lưu nay có dịp đến thăm lại những kỷ vật, hình ảnh cuộc đời thu nhỏ của người trong ngôi nhà của con cháu lập ra ở Quận 7 âu cũng là điều hay cho tôi. Thế nhưng, tôi lại lỡ dịp. Anh chủ nhiệm Vũ Anh Tuấn có gọi điện kể chuyện về chuyến viếng thăm này của anh em trong CLB, tôi nghe xong lại tiếc rẻ cho duyên phận của mình không có may mắn với ngôi nhà tưởng niệm của cố thi sĩ họ Lưu.

Còn nhớ hồi năm trước, năm Ất Dậu 2004, tôi có bài báo Xuân đăng trên Xuân Đại Đoàn Kết nhắc đến những câu thơ trong “Nắng mới” của nhà thơ Lưu Trọng Lư mà trong thời học sinh không ai là không biết đến và ngâm đọc lên ít nhất một lần để hồi tưởng lại khung cảnh và không khí êm đềm của buổi trưa hè ở làng quê :

Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Xao xác gà trưa gáy não nùng

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không.

Cũng trong dịp đọc lại thơ Lưu Trọng Lư tôi tìm thấy thêm một âm hưởng (cái hơi của thơ) giông giống với của một nhà thơ sống gần như cùng thời : Nguyễn Bính.

Con đò quên cả chuyến sang ngang

(Chiều cổ – Tiếng thu của LTL).

Không sang là chẳng đường sang đã đành

(Tương tư – Lỡ bước sang ngang của NB).

Hai nhà thơ lại gần giống nhau cả về cảm tác làng quê thuở còn thơ, yêu cô hàng xóm :

Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay

Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông (LTL)

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều .(NB)

Thú thật, tôi rất mến mộ hai nhà thơ “chân quê” này bởi vì quê tôi cũng giống như quê của họ, đều có nắng trưa, tiếng gà gáy, hương đồng, trầu cau, nắng đẹp, giậu mồng tơi và cả cô hàng xóm rất tình nữa…Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà tất cả chúng ta, ai cũng đều có ngôi nhà ở làng quê và từng sinh ra và lớn lên ở đó, dù đi xa nhưng vẫn cứ nhớ “hồn quê” ấy và hồi tưởng lại mãi cảnh cũ người xưa.

Mấy năm trước, tôi được nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố cho ra tập sách nói về miền quê sông nước của tôi ở Nam Bộ. Lúc đầu tôi gặp và tiếp chuyện với một cán bộ biên tập là một phụ nữ đẹp mà mới nhìn tôi đã có cảm tình – thứ tình cảm mà tôi nhớ là hình như gợi cho tôi một cảm giác gì đó mà tôi chưa nhận ra. Chị ghi vào sổ tay của tôi tên và số điện thọai của chị để tiện bề liên lạc. Sau đó, khi nghe nói tới nhà riêng của chị ở chỗ Chùa Nghệ sĩ - Gò Vấp thì tôi sực nhớ có nghe nói tới nơi đây còn có nhà tưởng niệm của nhà thơ Nguyễn Bính vừa mới được đông đảo anh em trong làng thơ văn tới dự buổi lễ khánh thành. Chừng ấy tôi mới nghĩ ra chị phụ nữ đẹp ấy là con gái của nhà thơ Nguyễn Bính. Tôi liền hỏi và được chị gật đầu cười. Cho nên nhiều khi trong cuộc sống tất bật của thời nay tôi cảm thấy mình có nhiều bệnh tật, nhất là bệnh hay quên và bệnh thiếu sâu sát bạn bè trong làng văn thơ. Chắc có lẽ do mình thuộc lớp người hậu sinh và lại do thời thế nữa!

Sau đó, có một lần, tôi đi đến đường Lê Đức Thọ và tới con đường thấy tấm bảng có mũi tên chỉ vào chùa Nghệ sĩ nhưng tôi lại đi lạc nên tìm mãi mà không thấy chùa đâu. Thành thử chuyến đi này làm tôi bị thất vọng. Nghĩ một mình lại không có duyên với cố thi sĩ Nguyễn Bính.

Khi nghe anh Vũ Anh Tuấn thông báo lần sinh họat sau CLB sẽ tổ chức đi thăm nhà tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Bính thì tôi vô cùng háo hức. Và xin bày tỏ cảm tưởng của mình trước chuyến đi bằng bài viết ngắn này cho bản tin nội bộ của CLB Sách Xưa & Nay.

Vương Liêm 

------

32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT
CÓ THẬT HAY KHÔNG ?

Trong khi Kinh viết: "Phật là vô tướng, do vô lượng công đức mà thành", thậm chí còn khiển trách: " Ai nương Sắc để thấy ta. Dùng âm thanh để cầu ta. Kẻ đó hành tà đạo. Không thấy được Như Lai" mà lại khẳng định là Phật " có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp", làm cho người muốn tìm hiểu không khỏi hoang mang! Đã vậy, Kinh Kim Cang còn viết: " Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ sao? Có thể do nơi thân tướng mà thấy Như Lai chăng? – Bạch Thế Tôn, không thể do nơi thân tướng mà đặng thấy Như Lai. Bởi vì sao? Vì Đức Như Lai nói thân tướng đó chính là chẳng phải thân tướng!”

Nếu "tướng mà chẳng phải tướng" thì làm sao để thấy? Thấy để được lợi ích gì? Mọi người có cần thấy hay không? Nếu những Tướng Tốt đó chỉ một mình Phật có, thì Ngài bẩm sinh đã có, hay phải làm gì để có? Bởi vì rõ ràng lịch sử chép lại Ngài là một người được cha mẹ sinh ra bình thường như tất cả chúng ta. Ngài cũng có vợ, có con… Chứng tỏ Ngài đâu có gì siêu phàm? Truyền thuyết Ngài được sinh ra từ nách đã được các nhà nghiên cứu nói rõ lại là đó là cách mà người Ấn Độ thời đó phân biệt giai cấp. Vua quan thì sinh ở phần trên đầu, trên trán, trên nách. Thương gia thì sinh ở bụng. Thứ dân thì sinh ở chân... Không phải là một hiện tượng huyền bí nào. Cuộc sống của Ngài kể từ lúc thành đạo, đã có đông đảo đệ tử thì cũng sinh hoạt bình thường như mọi người. Cái huyển thân cũng cần nạp năng lượng bằng thực phẩm, nên hàng ngày vẫn phải đi khất thực. Nhiều lần Ngài Anan phải mang bát đi xin sữa khi Thế Tôn bị bịnh. Khi thọ bữa cúng dường cuối cùng của Thuần Đà, Ngài cũng bị “ngộ độc thực phẩm”. Trước lúc chết cũng nói cả mình đau nhức. Cái huyển thân sau đó cũng trà tỳ, chỉ còn xá lợi. Lúc sinh thời, khi dòng họ Thích bị thảm họạ Ngài cũng đâu có cứu được, tại sao sau khi chết lại được thần thánh hóa trở thành linh thiêng, phù hộ cho mọi người, cứu độ cả tam thiên?

Có lẽ còn nhiều truyền thuyết đã được truyền tụng về Phật và Đạo Phật cần phải soi rọi để Đạo Phật không trở thành huyền hoặc, mơ hồ chỉ vì những điều mâu thuẫn như thế. Kinh Đại Bát niết Bàn có dạy: " Thậm chí đến lời của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ cũng không nên thọ trì" thì không có lý do nào để chúng ta cứ nhắm mắt tin lời người đi trước mà không cần kiểm chứng, bởi vì những niềm tin như vậy xét ra chẳng có ích lợi gì cho ta mà Đạo Phật chân chính cũng không cần, lại tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng tôn giáo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người để trục lợi bất chính! Vì vậy, nơi đây chúng ta sẽ kiểm chứng xem 32 Tướng Tốt, 80 vẻ đẹp đó có thật hay không ? Nếu có thì là những tướng như thế nào? Từ đâu ra? Những tướng đó có dành độc quyền cho chư Phật quá khứ, người sau chỉ có việc theo đó mà dùng gỗ, xi măng, đồng, vàng để đúc, tạc và tôn thờ hay không? Bởi vì nếu mọi người không thể hiểu, không thể bắt chước để làm theo được thì lời Thọ Ký: "Chúng sinh là Phật sẽ thành" chỉ là những lời hứa hẹn hão huyền để lừa gạt người sau như chúng ta hay sao? Mâu thuẫn này được Kinh giải thích như thế nào?

Đạo Phật có rất nhiều phương tiện, được diễn tả bằng nhiều cách, do đó, nếu chúng ta không tìm hiểu cho kỹ mà vội tin nhận thì đó là lỗi của chúng ta, không phải của Đạo Phật. Thật vậy, Kinh có mô tả rất là rõ ràng thế nào là 32 tướng cũng như cách thức mà Phật đã làm để có, để bất cứ ai cũng có thể theo đó mà tạc cho mình, nhưng không phải ai cũng có thì giờ để tra cứu, tìm hiểu. Vì thế, tôi xin mạn phép trích ra đây để chúng ta cùng tham khảo và để thấy rằng những Tướng Tốt đó không chỉ Phật mới có, người phàm không thể làm được :

Kinh ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN, trang 461 viết:

Lại nữa, tuy cũng sinh như chúng sinh, nhưng Như Lai có 32 tướng không thể nghĩ bàn:

1) Bàn chân bằng phẳng

2) Bàn chân có nghìn xoáy ốc

3) Ngón chân dài và nhỏ

4) Gót chân đầy đặn

5) Ngón tay có nhiều vân

6) Chân tay mềm mại

7) Bụng tròn trĩnh, đầy đặn như bụng kim sắc lộc vương

8) Mắt cá chân bằng phẳng

9) Tay dài tới đầu gối

10) Nam căn ẩn kín, như tượng mã vương

11) Mình tròn trặn, đầy đặn như cây Ni câu đà.

12) Lông trên mình đều nghiêng lên phía trên

13) Lông đều xoáy theo bên phải

14) Thân mình sắc vàng

15) Thường chiếu sáng cách thân tám thước

16) Lớp da mịn màng, không dính bụi bặm

17) Bảy chỗ đầy đặn, bằng phẳng

18) Nửa mình trên như mình sư tử

19) Cánh tay tròn lẳn

20) Xương ngực bằng phẳng

21) Thân hình vạm vỡ

22) Trong miệng có bốn mươi răng

23) Răng nhỏ khít và rất đều

24) Răng trắng như ngà

25) Hàm vuông như hàm sư tử

26) Khi ăn thấy hương vị thượng hảo

27) Đỉnh trên trán nhô lên thành tướng nhục kế

28) Lưỡi dài và rộng

29) Tiếng như tiếng phạm Âm

30) Sắc mắt xanh biếc

31) Mắt như mắt ngưu vương

32) Khoảng giữa lông mi có một sợi lông dài và trắng.

(còn tiếp) 

  

Cảnh phố đầu thế kỷ 20

------

NHỮNG DANH NGÔN VỀ SÁCH

Lưu Nhật Quang tuyển chọn từ quyển Từ Điển Danh ngôn Đông Tây của Nguyễn Duy Nhường.

1) Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Nếu như nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta.

Hồ Chí Minh

2) Bao giờ sách cũng có nhiều trí tuệ hơn những người mà ta gặp.

Comtesse d'Albany

3) Không phải sống với người sống mà phải sống với người chết, nghĩa là sống với sách.

Chamfort

4) Những quyển sách làm say mê ta đến tận tủy, chúng nói chuyện với ta, cho ta những lời khuyên và liên kết với ta bởi một tình thân mật sống động và nhịp nhàng.

F.Pétrarque

5) Những kiệt tác nghệ thuật được coi là vĩ đại bởi vì nó cận nhân tình và dễ hiểu đối với mọi người.

L.Tolstoi

6) Thà tôi là một kẻ hàn sĩ ỏ xó nhà mà có nhiều sách hay để đọc còn hơn là làm vua mà không thích đọc sách.

T.Macaulay

7) Một tác phẩm nghệ thuật vượt lên trên mọi giá trị vật chất.

Ovide - Les métamorphoses

Phiên chợ

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế