Hiện có 10 người xem / 2316002 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY THỨ BẢY 11/10/2008
CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, mở đầu buổi họp Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách cổ: một cuốn in năm 1918 tức là 90 tuổi và một cuốn in năm 1922 tức là 85 tuổi đời. Cuốn sách in năm 1918 là một cuốn sách bằng Pháp văn và là một Tuyển Tập Thơ của Đại Văn Hào Victor Hugo. Cuốn sách này khổ 10cm x 16cm và dày 504 trang. Đây là một tuyển tập gồm một số bài thơ được chọn trong tổng số 12 cuốn thơ đã được in của Cụ. Cuốn sách này thực ra có giá trị nhiều đối với người Pháp hơn là đối với người Việt, tuy nhiên, về mặt chơi sách thì, ngoài việc là một cuốn sách gần 100 năm và đã có thể gọi là sách cổ, thì nó còn có một giá trị khác là nó đã từng là một cuốn sách trong tủ sách gia đình của Cố Dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, một nhân vật rất nổi tiếng thời Ngô Đình Diệm vì ông là Cố vấn của ông Diệm. Và tốt nhất là nhân vật này không bị tiếng tăm gì xấu trong cuộc đời chính khách của ông ta. Ông này đã bị đột tử ở trên một máy bay riêng trong khi đi công tác. Cuốn sách thứ nhì được xuất bản năm 1922 là một bộ tiểu thuyết Tàu nhan đề là Nữ-Quân-Tử Diễn Nghĩa hay là Nhị Tài Tử Nghĩa-Hiệp Lương-Duyên do một người tên là Nguyễn Khắc Hanh phiên dịch và một người khác tên là Nguyễn Văn Hiếu duyệt lại. Sách khổ 14cm x 21cm và dày 264 trang. Đặc biệt là sách được in ấn và phát hành bởi nhà in và đồng thời là Nhà Xuất Bản Mạc Đình Tư rất danh tiếng ở Hà Nội thời đó. Sách này thuộc dạng đã hết bản quyền, ai muốn khai thác xin mời cứ việc ghé người giữ sách.

Sau phần giới thiệu 2 cuốn sách tác giả Vương Liêm đã có một cuộc nói chuyện với đề tài: “Những địa danh cổ trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn”. Trong vừa đúng 1 giờ, tác giả Vương Liêm đã đưa các thính giả theo ông đi thăm nhiều địa danh trong tác phẩm và ai nấy đều rất lấy làm thích thú. Sau phần nói chuyện của tác giả Vương Liêm, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã kể lại cho mọi người nghe về những ngày đầu và những người bán sách cũ lâu đời nhất như quý ông Nguyễn Văn Thực, Trần Công Liễu, Tư Chà vv… Cuộc họp đã kết thúc vào lúc 11giờ sáng.

Vũ Thư Hữu

VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CUỐN SÁCH CÓ NHAN ĐỀ LÀ
“NHỮNG CUỘC VIỄN CHINH CỦA QUÂN PHÁP Ở BẮC KỲ”
(LES EXPÉDITIONS FRANÇAISES AU TONKIN)

DO MỘT NHÀ TRUYỀN GIÁO VIẾT

Đây cũng là một cuốn sách mà tôi đã mua được trong tủ sách của Cụ Dương Tấn Tài sau ngày Giải Phóng. Sách khổ 16cm x 24cm và dày khoảng 300 trang. Sách có rất nhiều tranh khắc rất đẹp tuy không có màu. Sách đề là do một nhà truyền giáo viết, nhưng không cho biết tên họ tác giả. Tuy nhiên chỉ cần nhìn vào hàng chữ Hội Xã Thánh Augustino và nhìn tên nhà xuất bản Desclée De Brouwer Et Co. là ta có thể biết ngay là sách của “Nhà Đạo” xuất bản. Sách không đề năm in, nhưng kinh nghiệm chơi sách cho biết chắc chắn là đã được xuất bản hồi đầu thế kỷ thứ 20 khoảng từ 1905 tới 1915 hay 1920 là cùng. Sách được minh họa bởi 356 khắc ấn họa cực đẹp, mà tôi xin chia sẻ với các độc giả vài tấm trong đó đặc biệt có tấm về hình Lăng Cha Cả ngày đó.

Sách này được chia làm 2 phần:

- Phần I từ trang 9-118 có tựa đề là Bắc Kỳ (Tonkin) và gồm có 21 chương.

Chương I cho người đọc một cái nhìn tổng quát.

Chương II nói về khí hậu.

Chương III nói về động vật nuôi trong nhà.

Chương IV nói về động vật hoang dã.

Chương V, VI, VII nói về cỏ cây hoa lá, cây trồng,

cây rừng vv…

Chương VIII nói về lịch sử và dân cư.

Chương IX nói về ngôn ngữ và chữ viết

Chương X nói về học vấn, kiến thức. Bậc Tiểu Học.

Chương XI nói về Bậc Trung Học và Cao Học.

Chương XII nói về văn chương.

Chương XIII nói về Tôn Giáo: Khổng Giáo

và Tục Thờ Cúng Ông Bà.

Chương XIV cũng nói về Tôn giáo

và chương trình này dành riêng cho Phật giáo.

Chương XV nói về tục Thờ Cúng các Thần Linh.

Chương XVI nói về nhà ở và nơi cư trú.

Chương XVII nói về Phong Tục Cưới Hỏi.

Chương XVIII nói về Tang Lễ.

Chương XIX nói về Chính Quyền và Cai Trị.

Chương XX nói về các Định Chế đặc biệt ở Bắc Kỳ.

Chương XXI nói về các Họ Đạo.

- Phần II từ trang 119-300 mang tựa đề là Các Cuộc Viễn Chinh của Quân Pháp ở Bắc Kỳ gồm 26 chương.

Chương I Bắc Kỳ trước lúc bị chinh phục.

Chương II nói về Chiến dịch của Francis Garnier.

Chương III nói về việc chiếm thành Hà Nội.

Chương IV Việc chinh phục miền Đồng Bằng

và cái chết của F. Garnier

Chương V nói về Hiệp ước ký kết ở Sài Gòn.

Chương VI nói về các hành động của Triều đình Annam.

Chương VII nói về Thiếu Tá Rivière

và việc chiếm thành Hà Nội.

Chương VIII nói về sự hiềm thù của nước Tàu.

Chương IX nói về các cuộc đàm phán

và việc triệu hồi O. Boureé.

Chương X nói về cái chết của Thiếu tá Rivière.

Chương XI nói về Hiệp Ước ký ngày 25/8/1883

Chương XII nói về Thủy Sư Đô Đốc Courbet.

Chương XIII nói về việc tiến đánh thành Sơn Tây.

Chương XIV nói về việc chiếm thành Sơn Tây.

Chương XV nói về các trận đánh mới.

Chương XVI nói về các hoạt động ngoại giao.

Chương XVII nói về Hiệp Ước Thiên Tân.

Chương XVIII nói về Bắc Lệ.

Chương XIX nói về việc đánh tan hạm đội Trung Quốc.

Chương XX nói về việc chiếm thành Lạng Sơn.

Chương XXI nói về Thiếu Tá Dominé.

Chương XXII Việc phòng thủ thành Tuyên Quang.

Chương XXIII nói về chiến thắng của Pháp.

Chương XXIV nói về việc rút quân.

Chương XXV nói về cơ cấu ngoại giao mới

và cái chết của Thủy Sư Đô Đốc Courbet.

Chương XXVI nói về những phát súng cuối cùng.

Cuốn sách này còn có tổng cộng 35 minh họa bằng bút sắt rất rõ ràng chi tiết và tôi xin chia sẻ với quý bạn 6 trong các tấm đó.

Sách có một số chi tiết mà các người nghiên cứu lịch sử có thể dùng để bổ túc cho các sách khác cùng nói về một đề tài này, đồng thời số hình ảnh minh họa thì luôn luôn đắc dụng vì thực ra, các minh họa ở các sách về thời Pháp xâm chiếm nước ta đều luôn luôn được vẽ khác nhau, ít khi bị trùng. Ước mong những chi tiết vừa trình bày ở trên có thể giúp ích được phần nào các nhà nghiên cứu lịch sử.

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách Chương VI
Vũ Anh Tuấn

Thử đặt lại vấn đề

VÙNG ĐỊA LÝ CỔ VIỆT NAM TRONG
CHINH PHỤ NGÂM KHÚC

Chinh phụ ngâm khúc – nguyên tác thuộc loại nhạc phủ bằng Hán văn do Đặng Trần Côn (1710 – 1745) sáng tác và được Đoàn Thị Điểm (1705 – 1746) diễn dịch ra tiếng Việt (diễn Nôm) là một thi phẩm nổi tiếng từ thời Hậu Lê đầu thế kỷ thứ 18, chẳng những ở trong nước mà còn phổ biến ra các tỉnh lân cận của Trung Quốc. Cho tới nay tác phẩm thi ca nổi tiếng này vẫn được nhiều người biết đến và đưa vào giảng dạy trong trường học như các truyện thơ nổi tiếng khác: Kim Vân Kiều của Cụ Nguyễn Du, Lục vân Tiên của Cụ Đồ Chiểu...

Hầu như toàn bộ các áng thi ca nổi tiếng nói trên đều được tác giả vay mượn cốt truyện và ý tứ của văn học Trung Quốc để gởi gấm tâm sự của mình hoặc nói đến hoàn cảnh đau thương của đất nước. Riêng ca khúc Chinh phụ ngâm có cái đặc biệt hết sức riêng lẻ là cốt truyện không vay mượn, là một sáng tác phẩm hoàn toàn mới do chính tác giả hun đúc nên, được khơi dậy từ tâm trạng của một viên quan chức thời phong kiến xót xa trước cảnh chia ly và đau khổ của những cặp vợ chồng son trẻ trong chinh chiến (thời Trịnh Nguyễn phân tranh) mặc dù vẫn không tránh khỏi việc sử dụng nhiều thành ngữ, điển tích và bối cảnh theo lối “tầm chương trích cú” của văn học phương bắc. Tuy nhiên, lối vay mượn này đều có dụng ý và vùng địa lý mà nhà sáng tác đề cập tới lại có liên quan tới vùng sinh tụ thuở ban đầu của người Việt dân tộc Kinh.

Nói một cách khác, đó là vùng địa lý của Cổ Việt Nam được thể hiện trong Chinh phụ ngâm khúc. Qua một thời gian nghiên cứu và đối chiếu, chúng tôi phát hiện ra câu chuyện chia ly của anh lính chiến và người vợ trẻ xảy ra ở vùng đất thuộc tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc ngày nay – nơi dân tộc Hán chiếm ngụ và đóng đô lúc ban đầu của các triều đại phong kiến từ đời Tây Chu (1134 – 770) tới đời Đông Chu (770-221) đã từng diễn ra các cuộc chiến ác liệt và lâu dài hàng mấy trăm năm mà Khổng Tử gọi là thời kỳ Xuân thu – Chiến quốc. Trước khi xảy ra cuộc chiến đẫm máu và dài ngày này là thời kỳ thanh bình của cả ngàn bộ tộc đang bắt đầu chấm dứt các cuộc sống du mục, di cư khắp miền đất nước Trung Quốc hay nói theo Mác – Ăng ghen, thời kỳ chế độ thị tộc chuyển sang thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ. Tác giả Chinh phụ ngâm khúc ca ngợi tình hình đất nước lúc đó, đã viết:

Nước thanh bình ba trăm năm cũ

Và chiến tranh xảy ra đột ngột là do người Hoa Bắc vốn sinh sống lâu đời ở vùng Trung – Hạ du sông Hoàng Hà cách đây trên bốn ngàn năm khởi sự “bành trướng” về hướng Đông để diệt Đông Di, về hướng Tây dẹp rợ Nhục Chi, Khuyển Nhung (rợ Khương) và vượt sông Hoàng Hà xuống phía nam đánh đuổi Man Di để lập ra Trung Nguyên. Đó là thảm cảnh được miêu tả mở đầu khúc Chinh phụ ngâm và được lồng vào thân phận của người phụ nữ để giới thiệu nhân vật chính mà ca khúc mang tên:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Ngòi viết của nhà thơ Đặng Trần Côn đã miêu tả thảm cảnh và tội ác của chiến tranh dưới chế độ phong kiến bắt đầu bằng hai câu thơ miêu tả cảnh quan và địa điểm xảy ra chiến tranh:

Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây!

Thảm cảnh trên làm cho ta liên tưởng tới sau này, lúc giặc Pháp đánh chiếm và gây tang tóc cho đồng bào vô tội ở đất Đồng Nai – Gia Định, cụ Đồ Chiểu đã đau đớn than thở:

Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây!

Trường thành là những đoạn thành dài của nước Yên, Triệu, Tần xây lên nằm dọc theo phía Bắc của vùng lãnh thổ của người Hoa Bắc hay Hoa Hạ để chống Hung Nô (tổ tiên của người Mông Cổ nay) thường xâm nhập từ phía Bắc mà về sau Tần Thỉ Hoàng (246 – 207 trước Tây lịch) thống nhất đất nước Trung Quốc mới liên kết những đoạn ấy thành Vạn lý Trường thành dài 6.500 km. Cam Tuyền hay Cam Toàn là ngọn núi nằm phía dưới Trường thành bên bờ sông Lạc Thuỷ (phụ lưu sông Vị Thủy và chi nhánh của sông Hoàng Hà) thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay, cách thành Diên An 40 km và Hàm Dương 120 km. Đây là khu vực ra quân của các chiến sĩ để đi chinh chiến miền xa theo lệnh hoàng đế khi có lửa khói báo hiệu trên núi Cam và tiếng trống khua vang trên vọng lâu trường thành. Đây là hiệu lệnh được báo động khi có giặc xâm phạm biên cương từ thời Thương, Chu:

Người chiến sĩ hay chinh phu từ giã người vợ hiền hăng hái lên ngựa băng qua cầu sông Vị trong cảnh trời đầy gió thu buồn:

Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.

Hình ảnh đó cho thấy đoàn quân của nhà Tiền Hán thời ấy lên đường chinh chiến. Lớp theo ngã Lũng Tây do tướng Phó Giới Tử chỉ huy để tiêu diệt bộ tộc Lâu Lan (rợ Nhục Chi hay Tokhares, tổ tiên người Hoa hợp chủng với Mông cổ mang tên Bắc Mongolic tới thời Hán thì bị tiêu diệt) ở đất phía Tây Vực (Tân Cương ngày nay) giáp với Turkestan gốc người Nga. Lớp xuống phía nam vùng đất Kinh nằm ở mạn trên và mạn dưới sông Dương Tử (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam ngày nay) do Phục Ba tướng quân Mã Viện nhằm đánh đuổi Man Di. Cũng chính tướng này khi đã lão thành 62 tuổi lại tiếp tục đưa quân đánh Giao Chỉ do Hai Bà Trưng giành độc lập được ba năm.

Đặng Trần Côn đã khéo léo dùng các điển tích thời nhà Chu, Tần, Hán để khơi lại một vùng địa lý thuộc cương vực cổ của người Việt mang tộc Kinh mà các triều đại phong kiến phương Bắc cổ đặt tên là đất Kinh Man ở khu vực Thiểm Tây (Trung Nguyên) mà Sở, Tần, Hán lần lượt đánh chiếm khiến người Việt gốc Kinh phải đi xuống phía Nam.

Theo nhiều nguồn tư liệu cổ của Trung Quốc và thông qua khoa Tiền sử học và Khảo cổ học của phương tây mà nhiều nhà bác học Pháp đã dày công thực hiện các cuộc khai quật các di chỉ từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam và Đông Nam Á cho biết cách nay hơn bốn ngàn năm, chủng Hoa đã có mặt tại miền Bắc và Đông Bắc Trung Quốc (vùng đất Hoàng Thổ của khu vực đất vàng thuộc châu thổ sông Hoàng Hà), chủ yếu là khu vực tỉnh Sơn Tây và Sơn Đông (gốc người vượn Bắc Kinh ở Chu Khải Điếm) phía trên sông Hoàng Hà. Đây là thời kỳ tương ứng với các triều đại Tam Hoàng, Ngũ Đế và Hạ, Thương, Chu. Trong khi đó chủng Mã lai – Indonésiens – Mongoloid (chủng chính của các dân tộc Đông Nam Á) di cư từ vùng thuộc thung lũng Hi-malaya (có nghĩa là vùng núi của dân tộc Malaysia) đã vượt qua miền Tây Tạng và Tân Cương tới định cư ở bờ nam sông Hoàng Hà, chủ yếu bên bờ sông Lạc Thủy và Vị Thủy. Chủng tộc này định cư chưa bao lâu thì người Hoa Bắc vượt sông Hoàng Hà để đánh chiếm và đuổi đi. Cổ sử Trung Quốc gọi là cuộc chiến giữa thủ lĩnh Hiên Viên (tộc Hoa) và Xuy Vưu (tộc Việt). Vua Thuấn lại tiếp tục sai tướng Vũ (sẽ là một trong ba vua hiền đức) đánh đuổi tộc Miêu, Lê ở bờ nam Hoàng Hà (theo sách Kinh Thi). Bách Việt được hình thành, trong đó có Lạc Việt với dụng cụ cầm tay là lưỡi rìu Quốc Oai (phát hiện ở di chỉ nằm giữa Hà Đông và Sơn Tây nước ta) hay còn gọi “búa mặt nguyệt” khi chạy về phương nam (cái việt = lưỡi rìu bằng đồng hình cong có cán gỗ nằm ngang thành hình chữ Việt mà người Hán viết theo tượng hình này để gọi bộ tộc ở đất Kinh: dân tộc Kinh liên tục về phương Nam. Lưỡi rìu này về sau ta cải tiến thành cái liềm hái).

Tác giả “Việt Nam sử lược”, cụ Trần Trọng Kim gọi thị tộc của thời kỳ này là Họ Hồng Bàng không phải là không có cơ sở nhưng lại không giải thích cụ thể theo khoa học. Đất Kinh Man có Kinh Việt và Dương Việt rộng từ Hoa Trung đến Hoa Nam tương ứng với tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam nằm khắp các khu vực bắc và nam sông Dương Tử, trong đó có hồ lớn Động Đình. Hai sông Tiêu và sông Tương chảy vào hồ này. Tác giả khúc Chinh phụ ngâm tha thiết viết nỗi lòng của chinh phụ:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại (chỉ phía Bắc lúc phát tích và còn luyến tiếc khi phải rời bỏ chiếc nôi cũ).

Bến Tiêu, Tương thiếp hãy trông sang (chỉ phía Nam sau khi di cư mà các dân tộc vẫn còn chia ly, sinh sống còn cách xa nhau).

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương (liên tưởng hai phương trời cũ).
Cây Hàm Dương cách Tiêu, Tương mấy trùng (hồi tưởng cảnh vật xưa).

Vua của đất Kinh Việt và Dương Việt được đặt tên là Kinh Dương vương và có tên nước là Xích Quỷ. Tác giả Trần Trọng Kim viết: “Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải” (Sđd trang 23). Chữ Hán ở cổ thư gọi phương nam là “quỷ”, “xích” là vùng đất có màu đỏ hay vùng có khi hậu nắng nóng (giống như Xích đạo) có khí hậu hoàn toàn khác lạ với miền Hoa Bắc giá lạnh và xám xịt.

Chuyện vua Thần Nông tuần thú phương Nam theo ngành khảo cổ đó là thời đại dân Việt tộc Kinh phát minh trồng lúc nước trên đường di tản xuống phương Nam.

18 đời vua Hùng có lẽ sau đó đã xảy ra từ hồ Động Đình cho tới đất Văn Lang. Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương vào năm 2.879 trước CN. Sự tích Phù Đổng Tiên vương vào thời Hùng Vương thứ 6 đánh giặc Ân là có thật. Nhà Ân thời ấy nằm ở khu vực sông Hoàng Hà thuộc tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây đã trực tiếp đánh chiếm nước Việt cổ của Hùng Vương. Biến cố lịch sử này được dân tộc Kinh ghi nhớ từ lâu đời nhưng con cháu sau này khi định cư ở vùng sông Hồng mới nhớ lại để lập đền thờ và lịch sử truyền miệng trở thành huyền thoại mà tới lúc ấy mới kể như cổ tích. Thời Tần, Sở tiếp tục đánh đuổi Bách Việt lấn chiếm dần dần xuống phía nam nên 9 chi Lạc (Cửu Lê) đã tách ra làm hai chi Âu và Lạc với truyền thuyết Âu Cơ chia tay với Lạc Long Quân (cũng có sách cho đó là cuộc tách ra của người Mường (có Thái) và người Việt để hình thành nên nước Văn Lang và Tây Âu. Vị trí Tây Âu nằm phía Bắc của Văn Lang, khoảng giữa Quảng Đông và Quảng Tây và phía Bắc có Quý Châu. Văn Lang là miền đất còn lại sau cùng của vua Hùng dân tộc Kinh hay Lạc nằm trên địa phận Bắc Bộ ngày nay, từ Lào Cai - Vĩnh Phú tới Thanh Hoá - Nghệ An. Nếu kinh đô Phong Châu – Bạch Hạc là trung tâm đất nước Văn Lang thì cương vực của Văn Lang phải rộng và kéo dài lên phía Bắc rất xa ở lúc ban đầu.

Và còn nhiều điển tích lẫn tên các địa phương trong suốt khúc Chinh phụ ngâm mà tác giả Đặng Trần Côn cố ý đưa vào thi phẩm của mình để cho thấy vùng đất cũ của dân tộc Việt Nam khá rộng lớn lúc phát tích nhưng tới sau này đã bị các triều đại phương Bắc lấn chiếm gần hết, chỉ còn lại một miền viễn xứ nhỏ ở phương nam nhưng cũng không yên ổn để an cư lạc nghiệp và thường xuyên bị đe dọa, xâm lược tiếp một ngàn năm nữa và sau này vẫn cứ lấn chiếm… Đó là từ thời nhà Hán tới nhà Đường với suốt trên một ngàn năm Bắc thuộc. Nhưng người Việt dân tộc Kinh đã cùng với đông đảo dân tộc thiểu số khác lần lượt di cư tới lánh nạn rồi lập nghiệp lâu dài trên dải đất Việt Nam qua nhiều thời kỳ từ thời Hùng Vương cho tới hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp đánh Mỹ.

Dân tộc Kinh người Việt đã dẫn đầu mở cuộc Nam tiến để sinh tồn suốt hơn bốn ngàn năm lịch sử được tính từ thời mới di cư tới miền nam Hoàng Hà đã biết nông nghiệp với lưỡi rìu (cái việt) cầm tay và trống đồng vác vai. Tộc Việt (Lạc, không phải chim Lạc là vật tổ) đã biết đồng pha thau từ lúc còn ở miền Thiểm Tây. Trống đồng đã theo chân các tộc Lê khác đi khắp Đông nam Á. Còn người Hoa Hán chính thống không biết chế tạo trống đồng. Trái lại, Hoa Nam có là của Bách Việt.

Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Đặng Trần Côn, một trí thức Bắc Hà đã sáng tác Chinh phụ ngâm khúc bằng Hán văn vào thời buổi Trịnh Nguyễn phân tranh cả trăm năm gây tang tóc đau thương cho nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ có gắn kết với hình ảnh cuộc đánh đuổi, chém giết cả ngàn năm của phong kiến phương Bắc đối với Bách Việt. Tác giả Chinh phụ ngâm khúc đã từng đi sứ Trung Quốc nên bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu sử sách cổ và vùng đất cố cựu của Cổ Việt Nam. Hôm nay, đặt lại vấn đề này âu cũng là dịp để chúng ta suy ngẫm về một miền viễn xứ xa xăm cố cựu của một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến.

Theo nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc, tất cả các sắc dân nằm trên vùng Đông Nam Châu Á, kể cả Ấn Độ đều có cùng phát tích ở Malaysia hay Indonesia, đợt thứ nhất đã rời khỏi địa bàn từ thời đồ đá di cư lên phía Bắc, chủ yếu qua vùng Đông Dương, có nhóm lên tận vùng Hi-Malaya, Ấn Độ và Hoa Bắc cách dây trên 5.000 năm, trong đó có tộc Việt Nam sau này. (Chính vì lẽ đó mà ta tự hào với 4-5 ngàn năm văn hiến). Đợt thứ hai di chuyển sau lối 2.000 năm chỉ tới vùng Hoa Trung mà thôi. Khi tộc Việt bị người Hoa Bắc đánh đuổi chạy về phương Nam trước thì đã có nền văn minh Sông Hồng, Đông Sơn… Còn các tộc cùng chủng chạy theo sau. Khi Văn Lăng mở nước thì họ tới cư ngụ ở biên giới phía Bắc nước ta như ngày nay cho thấy có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống đoàn kết với nhau như anh em.

Vương Liêm

THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG CHINH PHỤ NGÂM CỦA ĐẶNG TRẦN CÔN

Nhà thơ Lưu Hoài trình bày
tại CLB Sách Xưa & Nay ngày 13/9/2008

(Tiếp theo và hết)

III. NỖI CÔ ĐƠN TRONG LÒNG NGƯỜI CHINH PHỤ.

Từ sự đổi thay về cái nhìn trước cuộc đời, nàng chỉ còn biết hướng về nội tâm để tìm lại chính mình. Tha nhân, vũ trụ không còn cần biết đến nàng và nàng càng cảm thấy xa lạ, cách biệt với không gian bên ngoài. Nàng cảm thấy cô đơn, không còn ai thân thuộc để tâm sự:

Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai?

Đâu đâu cũng chỉ thấy vắng lặng, cô đơn. Cuộc đời trở nên vô nghĩa. Chung quanh nàng là một không gian u tối, giá băng, chỉ còn lại chiếc bóng cô đơn. Thúy Kiều trước giờ ly biệt còn có người em để thổ lộ tâm sự và nhờ cậy:

Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi mới thưa.

Trái lại, người chinh phụ không còn ai để hôm sớm trò chuyện, chỉ còn biết dấu kín tâm sự của mình vào trong lòng. Đó là thân phận của người chinh phụ hay nói đúng hơn là thân phận của một kẻ cô đơn giữa trần gian. Đi giữa đời mà không còn ai đề đối thoại. Nàng đành phải chấp nhận số phận của một con người cô đơn, tuyệt vọng:

Trong cửa này, đã đành phận thiếp

Nói như Albert Camus, đời là phi lý. Thật đúng vậy, đời nàng chẳng còn chút ý nghĩa nào từ khi chàng đã thật sự xa cách. Tình yêu, hạnh phúc lứa đôi đã hoàn toàn tan vỡ. Nàng chỉ muốn kêu lên một tiếng cho thỏa lòng căm tức.

Nhưng tiếng kêu không được đáp trả. Dường như tiếng kêu quá bé nhỏ giữa một vũ trụ bao la. Nàng muốn vượt qua nhưng không đủ khả năng. Những ngọn gió lốc đã nổi lên như muốn cuốn đi cả cuộc đời nàng:

Một hàng tiêu, gió thốc ngoài hiên
Lá màn lay, ngọn gió xuyên,

Hay:

Gió tây nổi không đường hồng tiện,
Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa,

Phải chăng ngọn gió thốc là dấu hiệu của sự cuốn hút, phân hóa của cuộc đời nàng? Những lời hò hẹn chờ mong không còn có thể trở thành hiện thực được nữa và nàng chẳng còn gì để hy vọng. Hạnh phúc đã tan vỡ. Đã bao xuân qua, thu lại mà vẫn vắng bóng chàng:

Trải mấy thu, tin đi, tin lại,
Tới xuân này, tin hãy vắng không.

Chẳng còn gì để mong đợi. Tất cà đều là đơn sai, ảo tưởng. Thực tế chỉ là một nỗi đau bất tận, không thể nào so sánh:

Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai?

Mọi sự tái ngộ dường như không còn gì để chờ mong, dù trong tương lai gần hay xa. Đời nàng đã thật sự khép kín, vô vọng:

Hẹn cùng ta: Lũng tây nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm?

Phụ Bản I

Và, nàng chỉ còn tìm lại những hình ảnh quen thuộc trong quá khứ, nhưng càng nhìn lại càng xót xa não lòng, không cầm được nước mắt:

Hương gượng đốt, hồn đà mê mải,
Gương gượng soi, lệ lại chứa chan

Nỗi buồn đau mỗi lúc càng gia tăng và nàng chỉ còn biết nhờ ngọn đèn khuya làm bạn:

Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương!

Đôi lúc, chỉ còn biết mượn chén rượu tiêu sầu:

Sầu làm rượu nhạt, muộn làm hoa ôi,

Nàng tự hỏi vì đâu mà chàng và nàng phải xa cách? Vì ai nàng phải sống lẻ loi như thế này?

Vì chàng, lệ thiếp nhỏ đôi
Vì chàng, thân thiếp lẻ loi một bề

Ngày ngày nghe tiếng chim quyên ghẹo nhau, hay nghe tiếng trống tiều khua, nàng cũng không cầm được giọt lệ:

Ca quyên ghẹo, làm rơi nước mắt,
Trống tiều khua như đốt buồng gan,

Vì ai nàng biếng cầm kim, biếng đưa thoi?

Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi ngại thùa.

Chỉ xót thương cho chàng ở cõi ngoài xa xăm:

Xót nỗi chàng ngoài cõi trùng quan.

Cho nên khi xa cách, nàng chẳng còn tha thiết với việc điểm phấn tô son:

Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?

Nàng chỉ biết chịu đựng mọi đắng cay, chua xót và thương cho số kiếp của nàng mỗi khi thấy hoa thấy nguyệt:

Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa, dưới nguyệt, trong lòng xiết bao.

Dường như không còn ai thấu hiểu nỗi lòng của nàng trong một không gian bi thảm khi không còn hy vọng ngày trở về của chàng. Ngày ra đi, chàng đã hẹn ước sẽ trở lại khi nghe tiếng chim quyên hót nhưng nay tiếng chim đã vắng lặng:

Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.

Hết hè lại đông, vẫn không thấy bóng chàng:

Nay đào đã quyến gió đông,
Phù dung lại đã bên sông bơ phờ.

Hai chiều không gian và thời gian đã không giúp nàng tìm được lối thoát mà mỗi lúc chỉ làm nàng xót xa, sống trong đau khổ giữa cuộc đời. Nàng chấp nhận đau thương của người chinh phụ nhưng không hoảng hốt, lo sợ mà rất bình thản. Chính cái đau thương đó đã làm đẹp thêm tâm hồn người chinh phụ và càng làm nàng trở nên lãng mạn hơn. Lúc này, nàng chỉ mong tìm cách gởi đến cho chàng những tình cảm nhớ thương của nàng:

Cậy ai mà gởi tới cùng?
Đề chàng thấu hết tấm lòng tương tư.

Nỗi nhớ thương dường như không được lấp đầy, nếu không muốn nói là mỗi lúc lại càng gia tăng:

Mối sầu thêm nghìn vạn ngổn ngang

Tưởng mong cá nước sum vầy, nào ngờ cách trở nước mây đôi đàng. Nàng vẫn thường mơ ước, xem mơ ước như là những dự phóng của cuộc đời để nàng giải niềm tâm sự:

Ước gì gần gũi tấc gang,
Giải niềm cay đắng để chàng tỏ hay.

Nhưng tất cả chỉ còn là nỗi thất vọng trong một không gian bi thảm. Sẽ không còn cơ hội gặp lại chàng, dù chỉ một lần mà thôi. Mãi mãi sẽ là sự xa cách, nhớ thương… Tình yêu của nàng sẽ không còn được đền đáp dù nàng vẫn yêu chàng tha thiết. Đó là một tâm thức lãng mạn của người chinh phụ và cũng là số phận đau thương của nàng. Có thể nói tình yêu của nàng vẫn nóng bỏng, say sưa trong lòng người chinh phụ và nàng chỉ còn biết ấp ủ, dấu kín trong lòng. Lúc nào nàng cũng tưởng nhớ đến chàng, mơ về những ngày đẹp đẽ của tuổi thanh xuân, ngày mới xuất giá. Thế mà giờ đây, hoàn cảnh đã đổi thay, khiến chàng và nàng phải xa nhau. Không còn lối về để tìm lại hạnh phúc lứa đôi khi thời gian mỗi ngày một chồng chất. Nói như nhà thơ Đức HOLDERLIN (1770-1883), tình yêu chỉ còn là cái bóng. Đúng vậy, giờ đây, nàng chỉ còn theo đuổi cái bóng của một thời:

Trời hôm, tựa bóng ngẩn ngơ
Trăng khuya, nương gối, bơ phờ tóc mai.

Chỉ trong mơ mới thấy mình là một vị thần theo nhiều người đã nói, để thấy mọi mơ ước trở thành hiện thực. Nhưng trong thực tế, đó chỉ là những ảo tưởng. Lúc nào nàng cũng chỉ thấy bóng hình cô đơn đang vây phủ nàng. Tâm tư, nỗi lòng chỉ là một vực thẳm, hố sâu không còn bao giờ được lấp đầy. Và, thân phận người chinh phụ đã trở nên bi thảm hơn bao giờ hết. Tiếng kêu than, lời trách móc chỉ là những tiếng kêu vô vọng giữa một không gian vắng lặng u tối. Tình yêu của nàng như đi dần vào cõi chết. Mọi khát vọng tình yêu đã thật sự bị hủy diệt, từ sự xa cách nhớ mong. Cuộc đời nàng đã bị giới hạn trong một thảm trạng cô đơn và mọi ước mơ đã tan biến theo mây khói. Không còn một lối thoát nào có thể giúp nàng tìm gặp lại chàng. May ra còn có ngọn đèn khuya có thể an ủi nàng:

Đèn có biết, dường bằng chẳng biết

Không còn ai trả lời, chỉ có vắng lặng, cô đơn khiến nàng cảm thấy đời càng trở nên bi thảm hơn:

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi

Đôi lúc nàng muốn tìm đến thăm chàng nhưng đường đi quá xa xôi, cách trở:

Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Nỗi đau thương của người chinh phụ đã đi đến chỗ cùng tột, không còn có thề so sánh. Theo nàng, thà được sống trong cõi chết còn hơn sống đau khổ giữa trần gian này. Có thể nói, dù sống trong đau thương, nàng vẫn nghĩ đến tình yêu của nàng đối với chàng. Vì thế, nàng đành châp nhận mọi đau thương để làm sáng lên ý nghĩa của TÌNH YÊU. Đó cũng là ý nghĩa đích thực trong tác phẩm CHINH PHỤ NGÂM của Đặng Trần Côn. Dù sao, nàng cũng không thể từ bỏ cuộc đời này vì còn có bổn phận đối với mẹ già và con thơ.

IV. CHỮ TÌNH TRONG CHINH PHỤ NGÂM

Chữ Tình hay Tình Yêu, trong Chinh Phụ Ngâm, thường được trình bày một cách kín đáo, không lộ liễu. Có lẽ trong thời phong kiến, xã hội chúng ta không dành một ưu đãi, một địa vị nào cho người phụ nữ (thập nữ viết vô). Bổn phận của người phụ nữ, đàn bà là làm vợ, làm mẹ, lo việc gia đình hay nuôi già dạy trẻ. Cho nên, Đặng Trần Côn không nói nhiều hay đề cập đến tình yêu một cách trực tiếp và manh dạn như chúng ta hôm nay, nhưng chúng ta thấy rõ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, người chinh phụ vẫn nghĩ đến tình yêu của nàng. Lúc nào nàng cũng muốn sống trọn vẹn với chữ Tình.

Dù sống trong hoàn cảnh nào,nàng cũng vẫn tưởng nhớ đến chàng, mơ về hạnh phúc lứa đôi:

Như chim liền cánh, như cây liền cành,

Con chim, loài sâu còn muốn có đôi, có bạn huống gì con người:

Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh,
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay

Cho nên, lúc nào nàng cũng mơ ước làm chiếc bóng theo chàng:

Xin làm bóng theo cùng chàng vậy,
Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên.

Tiếc thay, ông Trời không chiều lòng nàng, không đoái hoài đến thân phận nàng. Mỗi lúc, bóng chàng càng xa cách, thời gian cứ dần trôi qua và tuổi xanh vụt biến mất:

Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa,

Càng nghĩ càng thấy đời sao ngắn ngủi và thời gian đi quá nhanh như thoi đưa:

Thoi đưa ngày tháng ruỗi mau,
Người đời thắm thoát như màu xuân xanh.

Hạnh phúc lứa đôi đã thật sự tan vỡ, nàng chẳng còn hy vọng ở ngày về của chàng, cuộc đời đã mất dần ý nghĩa, càng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng trước cảnh vật đổi sao dời:

Thức mây đòi lúc nhạt nồng,
Chuôi sao Bắc đẩu thôi Đông lại Đoài.

Giờ đây, nàng chỉ còn nuối tiếc những ngày tháng êm đềm, đẹp đẽ đã qua và tự thấy chàng và nàng mỗi ngày một xa cách như sao Sâm, sao Thương:

Xưa sao hình ảnh chẳng rời,
Bây giờ nỡ để cách vời Sâm Thương.

Thảm trạng ly bôi đã thật sự đến với nàng. Hình ảnh sao Sâm, Thương đã bắt đầu xuất hiện trước cuộc đời nàng như báo hiệu một sự xa cách vĩnh viễn. Càng nghĩ càng thấy xót thương cho thân phận của người chinh phụ. Kìa Ả Chức, chàng Ngưu mỗi năm còn được gặp nhau một lần, còn chàng và nàng mãi mãi xa nhau, chẳng còn dịp để gặp nhau nói gì đến sống chung. Nàng chỉ còn biết than trách ông Trời:

Trách Trời sao để nhỡ nhàng,

Từ đây, thân phận của người chinh phụ đã thật sự là thân phận của một kẻ lạc loài và tiếng kêu than của nàng chẳng khác gì tiếng kêu của con chim lạc đàn, phiêu bạt ngoài sương gió:

Con chim bạt gió, lạc loài kêu sương,

Còn tiếng kêu đau thương nào bằng tiếng kêu của cánh chim bạt gió, lạc loài giữa trần gian này. Đó thật sự là tiếng kêu thảm thiết giữa một không gian bao la, vô vọng. Có thể xem đây như chiếc đinh cuối cùng đóng vào cây thập tự giá của kiếp người, vốn dĩ đã quá đau thương. Thời gian như ngưng đọng và dường như nỗi đau đã thấm sâu vào con tim của nàng. Hiện thực của tình yêu đã trở nên lạnh lùng, bi thảm, không còn mơ ước, hy vọng mà chỉ đi dần vào cõi chết. Nói như Malharmé, một nhà thơ Pháp:

“Cái chết đã ngự trị trong lòng tôi”
(La mort habite en eux, au milieu de la vie)

Không còn gì để hy vọng và đời nàng chẳng còn ý nghĩa nếu không muốn nói là tâm hồn nàng dường như đã hóa đá:

Lòng này hóa đá cũng nên,
E không lệ ngọc mà lên trông lầu.

Đó cũng là nỗi đau của người chinh phụ trong tác phâm Chinh Phụ Ngâm. Giờ đây, nàng không còn gì để nói, chỉ còn biết ngâm nga chữ tình để tự an ủi mình:

Ngâm nga, mong gởi chữ Tình.

Nàng vẫn biết hạnh phúc lứa đôi không thể dễ dàng tìm kiếm trong thời chinh chiến nhưng nàng vẫn luôn mong mỏi sự đoàn tụ gia đình với sự trở lại của chàng. Đối với nàng, chỉ có hạnh phúc đời này là quan trọng hơn ở thế giới nào khác:

Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau , (câu 366)
(Mieux vaudrait vivre dans cette existence que dans la future) (4)

Ý tưởng này giống với quan niệm của “Triết học hiện sinh” trong thế kỷ thứ 20, chi muốn bàn đến hạnh phúc của con người ở đời này mà thôi. Chính vì thế, nàng vẫn luôn khát khao sự trở về của chàng để cùng sống những ngày còn lại của cuộc đời trong hạnh phúc. Điều này dường như khó thực hiện trong thời chinh chiến nhưng nàng vẫn thương nhớ chàng và cũng không quên bổn phận của nàng đối với mọi người trong gia đình. Cho nên, thi phẩm CHINH PHỤ NGÂM của Đặng Trần Côn và bản diễn nôm của bà Đoàn Thị Điểm thật là một tác phẩm có giá trị của văn học Việt Nam trong thế kỷ thứ 18.

Và, chữ TÌNH trong tác phẩm của Đặng Trần Côn đã trở nên huyền nhiệm, không có lối về và từ đây chàng và nàng thật sự chia xa.

V. KẾT LUẬN.

Tóm lại, tâm trạng của người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm là tâm thức của con người lãng mạn, được thể hiện trong sự yêu thương và đau khổ trước mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Dù muốn dù không, nàng vẫn chấp nhận số phận bi thương của một phụ nữ, người chinh phụ phải xa cách người yêu, người chồng trong thời chinh chiến nhưng chính sự đau thương, xa cách đó đã làm sáng lên ý nghĩa tình yêu của người chinh phụ với tấm lòng chung thủy. Trước sau, người chinh phụ vẫn theo đuổi chữ Tình như hình với bóng. Không một hoàn cảnh, một không gian nào có thể chia cách hai tâm hồn của chàng và nàng. Có thể nói thân phận người chinh phụ trong tác phẩm của Đặng Trần Côn là thân phận của một số kiếp đau thương, với bao nỗi chua xót đắng cay giữa cuộc đời. Dù sống trong sự cô đơn, nàng lúc nào cũng mơ về hạnh phúc lứa đôi trong một dự phóng, hướng về tương lai nhưng thực tế lại không chiều theo ý nàng. Dù biết đời đầy những nghịch lý nàng vẫn can đảm sống, chấp nhận số phận đau thương của mình và vẫn mơ về hạnh phúc. Tuy nhiên, theo tác giả, chỉ có hạnh phúc ở đời này là đáng quý, đáng trọng mà thôi. Và, thân phận của người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm là thân phận của người phụ nữ biết chấp nhận mọi đau thương trước mọi hoàn cảnh của cuộc đời, với một lòng chung thủy. Điều đó càng làm cho chúng ta thán phục và yêu mến người chinh phụ hơn bao giờ hết. Sự xa cách, cô đơn không làm cho người chinh phụ yếu đuối, lo sợ trước những gian truân của cuộc đời. Trái lại nàng đã biết chọn lựa, hy sinh cuộc đời mình, không vì hạnh phúc cá nhân mà xao lãng bổn phận đối với gia đình, với mẹ già và con thơ đang cần sự săn sóc của nàng. Đồng thời, nàng còn phải lo khuyến khích chàng làm tròn trách nhiệm đối với quê hương đất nước để xứng đáng là bậc trượng phu trong xã hội. Hằng ngày, nàng vẫn mong đón nhận tin chiến thắng của chàng dẫu biết rằng ngày về của chàng là vô vọng và vẫn mơ ước được sống chung hạnh phúc với chàng trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Xin cảm ơn và kính chào toàn thể quý vị. LƯU HOÀI
(13/9/2008)

-----------------

(4) “Ninh cam tử tương biệt, hà nhẫn sinh tương ly”
Thà chết mà xa cách nhau, không thà sống mà xa lìa nhau

CHÍNH KINH VIẾT VỀ QUY Y NHƯ THẾ NÀO?

Hoàn toàn khác với những hình thức được cho là Quy Y mà mà mọi Phật tử vẫn được hướng dẫn từ trước đến giờ, Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân viết về QUY Y như sau:

“Ngài Ưu Ba Ly hỏi:
- Quy y hướng về đâu gọi là quy y Phật?
- Phật đáp:
- Quy y Phật nghĩa là quay về với cái bản tính chân như đầy đủ trí tuệ và công đức của mình.
- Nương tựa vào đâu gọi là Quy Y Pháp?
- Đoạn trừ hết thảy dục vọng để hướng về Niết Bàn, thế gọi là Quy Y Pháp.
- Quy y Tăng là quy y vào đâu?
- Phật đáp:
- Quy y Tăng là hướng về ruộng phúc tốt lành, nghĩa là hướng tới quả vị Thinh Văn hữu học và vô học đầy đủ công đức vậy.
(tr. 373).

Rõ hơn nữa là lời giải thích của Lục Tổ trong Pháp Bảo Đàn Kinh:

Chư thiện tri thức, phải quy y theo ba phép này:

1/- Hãy quy y cái Diệu Giác của tánh mình là phép tôn quý gồm đủ cả hai công đức.
2/- Hày quy y cái Chánh Pháp của Tánh mình là phép tôn quý lìa bỏ các điều tà dục.
3/- Hãy quy y cái thể Thanh Tịnh của Tánh mình, là phép tôn quý nhất trong các hạnh.

Từ nay sắp sau, hãy xưng Giác là Thầy, chẳng nên quy y tà ma ngoại đạo. Hãy lấy Tam Bảo của tánh mình mà thường tự chứng tỏ các công đức của mình. Ta khuyên chư thiện tri thức nương theo ba phép bàu của Tánh mình là: PHẬT nghĩa là GIÁC. PHÁP nghĩa là CHÁNH. TĂNG nghĩa là TỊNH.

Tánh mình quy y tánh GIÁC thì tà mê chẳng sanh. Lại ít có sự ham muốn, thường biết đủ dùng, lìa được của tiền và sắc dục, là phép tôn quý gồm đủ cả hai công đức.

Tánh mình quy y TÁNH CHÁNH thì niệm niệm không sanh tà kiến. Bởi không tà kiến nên không có lòng nhơn ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là pháp tôn quý lìa bỏ các điều tà dục.

Tánh mình quy y tánh TỊNH thì cả thảy các cảnh giới trần lao, ái dục, tâm mình chẳng nhiễm chẳng vương, gọi là phép tôn quý nhất trong các hạnh.

Tu các hạnh này ấy là mình quy y Bổn tánh của mình. Các người phàm phu từ ngày tới đêm nói rằng quy y theo ba Quy Giới mà chẳng hiểu lý quy y. Nếu nói quy y Phật, thì Phật ở xứ nào? Bằng không thấy Phật thì quy y ở xứ nào? Nói thế thành ra giả dối.

Chư thiện tri thức, mỗi người hãy tự xem xét, chớ lầm dùng tâm ý. Kinh văn nói rõ Quy Y Phật ở Tánh mình chớ chẳng nói quy y Phật nơi nào khác. Phật ở Tánh mình mà chẳng quy y thì không có chỗ nào mà quy y vậy.

Nay các ngươi đã tự ngộ thì mỗi người phải quy y Tam Bảo ở Tâm mình. Trong phải điều tâm, tánh, ngoài phải kính mọi người, tức là mình quy y Tâm mình vậy.

Chư thiện tri thức đã quy y Tam Bảo ở Tánh mình rồi các ngươi hãy chí tâm, ta nói cho mà rõ pháp Phật một thể ba thân ở trong Tánh mình khiến cho các ngươi thấy Ba Thân rõ ràng tự mình tỏ sáng Tánh mình.

Các ngươi hãy nói theo ta:

Từ Sắc thân mình quy y Thanh Tịnh Pháp Thân Phật.
Từ Sắc thân mình quy y Viên mãn Báo Thân phật.
Từ Sắc thân mình quy y Thiên bá ức Hóa Thân Phật.

Chư Thiện tri thức, sắc thân là quán xá không thể nói quy y được. Phải dòm ngó Phật Ba Thân trong Tánh mình. Người thế gian đều có Phật ba Thân. Bởi tâm mình mê muội nên không thể sáng suốt trong tánh mình. Người ta cứ tìm Phật Ba Thân ở ngoài, mà chẳng thấy Phật Ba Thân ở trong thân mình. Các ngươi nghe ta nói khiến các ngươi ngó trong thân mình và thấy Bổn tánh mình có Phật Ba Thân. Phật Ba Thân này do nơi Tánh mình mà sanh chớ chẳng phải do nơi ngoài mà tìm đặng.

Sao goi là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật?

Bổn Tánh của người thế gian vốn trong sạch. Muôn pháp đều do nơi Bổn Tánh mình mà sanh. Nghĩ các điều dữ liền sanh hạnh dữ. Nghĩ các việc lành liền sanh hạnh lành. Thế thì các pháp trong Tánh mình, ví cũng như trời thường trong, mặt nhựt nguyệt thường sáng, nhưng vì bị mây che nên trên sáng dưới tối. Thình lình gặp gió thổi, mây tan, trên dưới đều sáng, thì muôn hình ngàn tượng đều hiện ra. Tánh của người thế gian thường hay dời đổi cũng như mây trên trời vậy.

Chư Thiện tri thức, Trí như mặt nhựt, Huệ như mặt nguyệt. Trí Huệ thường sáng nhưng bởi tâm dính níu cảnh vật ở ngoài rồi bị mây vọng niệm của mình che án Tánh mình nên Trí Huệ chẳng đặng tỏ sáng. Nếu gặp Thiện Tri Thức, nghe người giảng chánh pháp rồi tự mình dứt các điều mê vọng, trong ngoài sáng thấu thì trong Tánh muôn pháp đều hiện ra rõ ràng. Người Thấy Tánh cũng giống như thế. Ấy gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật.

Chư Thiện tri Thức. Tâm mình quy y Tánh mình. Ấy là quy y Chơn Phật. Tự mình quy y nghĩa là dứt trừ hết các tật xấu trong Tâm mình là lòng chẳng lành, lòng ghen ghét, lòng tà vạy, lòng vị ngã, lòng giả dối, lòng khi người, lòng nhạo người, lòng tà kiến, lòng cống cao, cùng các hạnh bất thiện trong cả thảy thời gian, lại thường thấy lỗi mình, chẳng nói việc tốt xấu của người.

Thường hạ Tâm mình, cung kính mọi người, thấy Tánh sáng suốt, không ngưng trệ. Ấy là tự mình quy y Tánh mình.

Mình tự ngộ tự tu các công đức trong Tánh mình mới thiệt là quy y. Chớ da thịt là sắc thân, sắc thân là quán xá không thể nói là quy y được. Nếu mình hiểu rõ Ba Thân trong Tánh mình tức là mình biết Phật trong Tánh mình vậy”

Mọi người vẫn thường tụng Kinh, niệm Phật để được về Tây Phương Cực Lạc. Nước này vẫn được cho là của Phật ADIĐÀ. Xin trích Kinh KIM CANG như sau:

Xá Lợi Phất! Nơi ý của ông nghĩ sao? Đức Phật đó vì sao hiệu là ADIĐÀ?

Xá Lợi Phất! Đức Phật đó hào quang sáng chói vô lượng, soi suốt các cõi nước trong mười phương không bị chướng ngại, vì thế nên hiệu là ADIĐÀ”. Giải thích về TÂY PHƯƠNG, Pháp Bảo Đàn Kinh viết: “khi Vi Thứ Sử thết tiệc chay rồi thỉnh Tổ giảng dạy cho mọi người. Thứ Sử hỏi: “Đệ tử thường thấy các thầy tăng và người tục niệm Phật A Di Đà nguyện vãng sanh về Tây Phương, xin Hòa Thượng giải rõ cho biết các người ấy được vãng sanh về Tây Phương chăng?”

Lục Tổ dạy:

“Sử Quân, hãy nghe cho kỹ, Huệ Năng này giải cho. Đức Thế Tôn lúc ở Thành Xá Vệ nói Kinh về chỗ tiếp dẫn hóa độ vào cõi Tây Phương, nói rõ ràng cõi ấy cách đây chẳng xa. Nếu luận hình tướng và số dậm thì có mười muôn tám ngàn dậm, tức là chỉ muời điều ác: l. Giết sanh mạng. 2. Trộm cắp. 3. Tà dâm. 4. Nói dối. 5. Nói xúi dục hai đàng. 6. Nói hung ác. 7. Nói thêu dệt, tục tĩu. 8. Tham lam. 9. Giận hờn. 10. Si mê. Và 10 điều làm trong thân: 1. Tà kiến. 2. Tà tư duy. 3. Tà ngữ. 4. Tà nghiệp. 5. Tà mạng. 6. Tà phương tiện. 7. Tà niệm. 8.Tà định.

Nói xa là vì người hạ căn. Nói gần vì người thượng trí. Người có hai hạng, Pháp không có hai thứ. Tánh ngộ, mê khác nhau, chỗ kiến giải có mau chậm. Người mê niệm Phật cầu vãng sanh về cõi tây Phương. Người ngộ tự tịnh tâm của mình. Do đó Phật nói: Tâm mình tịnh tức cõi Phật tịnh.

Này Sử Quân, người Đông Phương mà tâm tịnh thì không có tội. Còn người Tây Phương mà tâm chẳng tịnh thì cũng có tội. Người Đông phương tạo tội niệm Phật cầu vãng sanh về Tây Phương, còn người Tây Phương tạo tội niệm Phật cầu vãng sanh về xứ nào? Người phàm mê muội chẳng rõ Tánh mình, không biết cõi Tịnh Độ trong thân mình nên mới nguyện đông nguyện tây. Còn người giác ngộ dầu ở chỗ nào tâm địa cũng một mực thanh tịnh tự nhiên. Sở dĩ Phật nói; Tùy cái chỗ trụ mà Tâm thường được an lạc. Này Sử Quân, nếu tâm địa mình trọn lành thì cõi Tây Phương cách đây chẳng xa, bằng mình cưu mang cái tâm chẳng lành mà niệm Phật cầu vãng sanh thì ắt khó đến cõi ấy.

Nay khuyên các Thiện tri thức, trước trừ mười điều ác, tức là đi tới mười muôn dặm. Sau dứt 8 điều tà, ấy là qua khỏi tám ngàn dặm. niệm niệm thấy tánh, thường làm việc công bình chánh trực thì đến cõi ấy mau như khải móng tay liền thấy Phật A Di Đà. Này Sử Qưân, Nếu làm mười điều thiện thì cần gì phải nguyện vãng sanh. Còn nếu chẳng dứt lòng cưu mang muời điều ác thì Phật nào rước mình.”

Trích một vài đoạn Kinh để chúng ta thấy rằng dù Phật, Tổ cách nhau nhiều trăm năm, nhưng những lời giải thích về Phật, về Quy Y đều giống nhau, đều nói rằng Phật ở trong tâm của mỗi người. QUY Y Phật là quay về với cái Bản Tính Chân Như của chính mình, không phải quy y với Phật nào, thầy nào bên ngoài. Chúng ta cũng không cần niệm hồng danh của Phật A Di Đà để cầu được về Tây Phương Cực Lạc của Ngài, mà mỗi người đều có Tây Phương Cực Lạc của chính mình, chỉ cần trừ đi những điều ác, điều tà là sẽ hiển hiện.

Đọc chính Kinh ta thấy, Đức Thích Ca luôn dặn dò phải VĂN-TƯ-TU. Đạo Phật lại được mệnh danh là Đạo Nhân Quả cho ta thấy mọi việc không thể chỉ do nghĩ tưởng mà có kết quả, mà phải bằng hành động cụ thể. Ta thử làm một so sánh nhỏ: Nếu có một học sinh nào đó quá mến mộ ngành Y, muốn làm Bác Sĩ thì lẽ nào cả ngày chỉ lẩm bẩm: Tôi sẽ trở thành Bác Sĩ. Tôi cương quyết sẽ trở thành Bác Sĩ... mà cuối cùng đạt được kết quả, nếu không phải là sau đó em phải cố gắng học cho giỏi rồi thi vào trường Y, dùi mài bao nhiêu năm dài, thực tập đầy đủ các môn cuối cùng mới tốt nghiệp? Tương tự như thế, nếu chúng ta chỉ niệm suông Nam Mô A Di Đà Phật, vọng ra ngoài để cầu về Tây Phương, thì làm sao về được, vì đó là phương tiện của Phật để chỉ sự thanh tịnh trong Cõi Tâm của mỗi chúng ta – sau khi “Độ tận chúng sinh” - tức là trừ hết mọi phiền não, ô nhiễm, gọi là “soi suốt 10 phương”. Nói Cực Lạc là vì không còn phiền não nữa mà thôi, không phải là cái vui tột cùng của trần tục. Bảy Báu được trang hoàng là tượng trưng cho việc Xả Chấp nơi Thân, Khẩu, Ý, không phải là châu báu thế gian như nhiều người vẫn lầm tưởng!

Nhân số việc hiểu lầm như trên, xin trích Kinh VIÊN GIÁC nói về tầm quan trọng của Thiện Tri Thức: “Nầy Thiện Nam! Có loại chúng sinh có thể chứng đặng Viên Giác. Song nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là thinh Văn hóa độ thì chúng thành tiểu Thừa. Còn gặp Thiện tri thức là Bồ Tát Hóa độ thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chúng thành Phật Thừa.

Này Thiện Nam! Có những chúng sanh đi tầm Thiện tri Thức chỉ dạy đường lối tu hành, nhưng lại gặp ngoại đạo tà sư dạy bảo nên chúng nó sanh tà kiến, hiểu ngộ không chơn chánh, thế gọi là “ngoại đạo chủng tánh”. Đây không phải lỗi tại chúng sanh, mà lỗi tại tà sư. “(tr.79-80).

Dù rằng lỗi đó do tà sư, nhưng hậu quả là chúng sanh phải chịu, Do vậy, nên chăng mỗi người chúng ta tự đọc Kinh, tự phân tích, đối chiếu nhiều Kinh với nhau để tự phá Vô Minh cho chính mình? Vì đã tự xưng là Phật Tử, tức là Con Của Phật mà không biết cha mình mặt ngang mũi dọc ra sao? Làm gì? Ở đâu? Dạy làm điều gì? Dạy tránh điều chi? Kinh sách là di chúc, là bản đồ cha để lại, trong đó có dặn dò kỹ càng cách thức để lấy kho tàng thì cho đến thời nay đã được dịch sang tiếng Việt rất rõ ràng, phân biệt kỹ càng mọi điều, ai có biết chữ cũng đều có thể đọc được, thì không thèm tự đọc lấy, để cho người khác đọc, hiểu theo họ rồi giảng giải lại cho nghe! Liệu như thế có phải vô lý và bất công với chính bản thân mình lắm không? Bởi nếu may mắn gặp người biết sợ Nhân Quả, không dám diễn sai ý Phật, lời Kinh thì nhờ. Ngược lại, gặp phải những kẻ vì danh tiếng hay lợi dưỡng mà bất chấp hậu quả, cứ bê nguyên xi NGỮ mà giảng nói, thì hậu quả là chúng ta chịu chớ đâu phải là họ! Cuộc sống tạm chỉ có trăm năm là chấm dứt, nhưng ít ai dám giao quyền quyết định tương lai của mình cho người khác, trong khi đó, con đường tu hành có giá trị vô lượng đời của mình thì lại phó mặc cho người khác hướng dẫn chẳng cần biết đúng, sai, chẳng biết sẽ về đâu mà không hề thắc mắc thì quả là hết sức nghịch lý!

Chỉ một từ QUY Y thôi, ta đã thấy: từ hình thức, đến nội dung mà mọi người đang truyền nhau không chút nào giống như chính Kinh. Tất cả các pháp khác cũng đều cần phân biệt Nghĩa và Ngữ. Nhưng nhiều người lại quá thờ ơ, không hiểu rằng phương tiện của Phật chỉ phù hợp trong từng giai đoạn, sau đó sẽ hướng dẫn tiếp… “vội vã tin nhận, suy gẫm để chứng lấy”. Trường hợp ta vẫn thường thấy nhất là có nhiều người chỉ cần Nghe Nói có Tây Phương Cực Lạc của Đức A Di Đà, trong đó trang hoàng bằng vô số của báu… thì chẳng cần đọc hết quyển Kinh để xem thực hư ra sao, đã cố gắng cầu mong được về đó. Chẳng cần biết vị trí ở đâu? Điều kiện nào, hay cách nào để vào được! Ai cũng nói rằng Đạo Phật dạy Tự Độ, vậy mà đa phần người thuyết giảng hiện nay lại khuyến khích mọi người hướng ra, cúng kiến, cầu xin, mong đổi xấu lấy tốt, cầu mong được độ! Không lẽ Tự Độ là tự cầu xin để được độ?

Không biết lời cảnh báo: “Phàm phu còn có tâm quay về, mà Thinh Văn thì không” để nói về mức độ cố chấp của những người đã lỡ nghe, lỡ tin ai rồi thì khó có người nói lại để cho họ sửa đổi, thì còn tệ hơn những người phàm phu chưa từng nghe pháp, vì họ còn có thể quay về, có làm cho ai đó giật mình suy nghĩ lại chăng? Bởi một bên nhắm mắt tin người khác, chẳng cần biết là họ đang khai mở hay chồng mê cho mình, dù tài liệu để kiểm chứng không thiếu! Một bên tuy không giết chết sinh mạng của người khác, nhưng lại giết chết Huệ Mạng nhiều đời của họ bằng những dẫn giải sai lạc mà Phật ngôn gọi là “Y KINH GIẢI NGHĨA TAM THẾ PHẬT OAN”. Ngay cả hậu quả tác hại tới nhiều đời, nhiều kiếp như thế mà họ còn không biết để sợ thì liệu ta có nên đặt tin tưởng hoàn toàn vào họ hay không có lẽ còn tùy ở duyên nghiệp của mỗi người vậy.

Tâm-Nguyện
(10/2008)

Câu chuyện phong thủy từ cụ tổ 4 đời tới một tướng Tàu tù binh

2 NĂM TUẤT LY KỲ
CỦA CÔNG THẦN NGUYỄN TRÃI

Ngày thượng tuần tháng giêng năm Mậu Tuất 1418. Tết Nguyên Đán vừa chấm dứt những ngày vui qua loa dưới ách đô hộ bạo tàn của quân đế quốc Minh.

Bầu trời pha lê đương nhìn riêng xuống ngọn núi Dú ở vùng rừng núi Lam Sơn rực rỡ bóng cờ vàng lẫn đỏ, giữa tiếng chuông trống vang lừng sau những ngày quân Việt dự bị binh lương đầy đủ.

Lê Lợi long trọng và oai nghiêm tế cờ khởi nghĩa chỉ huy phong trào diệt Minh cứu Việt và được các tướng sĩ tôn lên là BÌNH ĐỊNH VƯƠNG.

Trước những lời hoan hô rầm rộ và đầy nhiệt huyết ông nhận ấn kiếm tượng trưng oai quyền tuyệt đối của người lãnh đạo và lãnh tụ rồi liền cắt đặt những tay phò tá vào những ngôi vị thích ứng trong hàng văn võ bá.

Kiểm điểm những người có tên trong buổi đầu là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Sí, Lê Sát, Lê Thận, Trịnh Khải, Trịnh Lổi, Lê Ngân, Đinh Lể, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trần Nguyên Hãn vv…

Đoạn nhà vua lại phát bổ mạng lịnh chia quân ra, đi đóng các nơi hiểm yếu để chờ giờ tổng công kích và đẩy lui quân thù.

Núi Dú vẫn sừng sựng đứng làm bia kỷ niệm 10 năm cách mạng và kháng chiến.

Nguyễn Trãi vi thần

Để cho lòng người Việt dễ tin theo một cách vững vàng và rộng khắp trước cái thế lực kiêu hùng và tàn bạo của quân giặc ngoại bang. Nguyễn Trãi sực nhớ lại mưu mẹo của Trần Thắng cuối đời Tấn.

- Hồi xưa, trước khi nổi lên, Thắng đã viết ba chữ “Trần Thắng Vương” vào mảnh lụa, giấu vào bụng cá rồi thả cho quân sĩ bắt. Cá bị mổ ra để mọi người thấy ba chữ, ai cũng tin theo Thắng. Vậy ta há không làm theo được hay sao?

Ông liền hiến kế cho lãnh tụ Lê Lợi, rồi được lịnh bí mật thi hành theo đó. Ông nhúng bút vô mỡ, viết lên rất nhiều lá cây tươi và già còn trên cành những cây trong rừng, mỗi lá có 8 chữ Hán:

“Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”

Kiến hoặc sâu đánh hơi tới cứ ăn lam hay lủng các nét chử mỡ đó hóa ra trên những chiếc lá rừng có lằn dấu hay là đường lủng thành hình 8 chữ kia. Lá khô rụng xuống hoặc bay xa, người kiếm củi hay là ở gần đó gặp những lá ấy, cho đó là thiên cơ thần dị. Họ đồn rộng ra ai ai cũng tưởng là chánh vì vương đáng bậc thiên tử do ý trời đã định. Rồi thiên hạ tìm theo mỗi ngày một đông thêm.

Được tin Bình Định Vương khởi nghĩa, Mã Kỳ là tướng Minh đương đóng tại Tây Đô liền kéo quân đến tấn công ngay.

Thấy quân giặc quá đông đảo và ồ ạt tới, sợ có bất tiện trong buổi đầu Vương liền ra lịnh rút lui dời hết thảy binh mã sang Lạc Thủy ở vùng Quảng Hóa (Xứ Thanh).

Không biết là trá bại, Mã Kỳ xua binh đuổi theo để phải lọt vào rọ phục kích.

Nhà Vua liền truyền cho chư tướng ba bề đổ ra đánh. Lã Thạch, Lê Ngân, Lê Lý, Đinh Bố lập tức tung quân vây đánh, chém được lối ba ngàn quân Minh.

Sau đó, quân Việt cấp tốc dời sang vùng núi Chí Linh (nay về huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa), nhằm ngày 13 tháng giêng.

Phụ Bản II

Giặc không biết đường theo. Đó là chiến thuật của nhà vua và của Nguyễn Trãi: khởi binh ở Lam Sơn mà cự chiến thì tại Lạc Thủy; khi thắng được lại bỏ Lạc Thủy mà sang Chí Linh là điểm mới mà giặc chưa hay. Ấy là tới lui không chừng, vào ra bất trắc. Kỳ diệu vô cùng (chiến thuật du kích thời nay).

Từ đó trở đi cũng có nhiều trận thắng mà cũng có khi bại. Nhưng càng ngày càng rút được nhiều kinh nghiệm và càng thâu phục được nhiều nhóm khởi nghĩa khác. Đồng thời bài sách “Bình Ngô” của Nguyễn Trãi dâng lên từ buổi đầu vẫn được tuân giữ đúng mức nên dần dần lại phục hồi thế lực. Và từ đó quân Minh cứ ngày một thua tới mãi.

Bọn Mã Kỳ phải dâng biểu về xin vua Minh, cho bọn già chính trị là Hoàng Phúc trước đã từng cai trị đất ta, nay cùng Liễu Thăng trở qua cứu viện. Song ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mùi 1427, thì họ Hoàng bị quân ta bắt làm tù binh. Rồi y lại bị giải về dinh trại Bồ đề ở viên môn của Nguyễn Trãi.

Nhân lúc họ Nguyễn vui, họ Hoàng muốn tấn ơn nên bộc bạch:

- Nay tôi mắc nạn, được giam dưới cửa ông cũng là may. Song chắc không bao lâu đâu…

- Sao ngươi chắc được? Không ai thả cho, thì làm sao mà khỏi? Mà ngươi dám quả quyết?

- Vì tổ mộ tôi có xá văn tỉnh là gò đống ở phương Bính thì tôi mắc tội vạ tất không lâu! Chừng 100 ngày sẽ khỏi.

Họ Nguyễn mỉm cười có ý không tin. Hoàng lại nói tiếp:

- Còn tổ mộ của ông, tôi đã biết con cháu sẽ bị nạn tru diệt vậy ông không nên xem thường, hãy tính việc cải táng đi…

Ông Nguyễn cười ngất, rồi bỏ qua. Sau Hoàng Phúc quả được trao trả tù binh mà về, vào khoảng cuối năm Đinh Mùi 1427.

Một năm Tuất sau

Hai mươi bốn nam sau ngày khởi nghĩa kia, chính là năm Nhâm Tuất 1442.

Nguyễn Trãi tuy già mà lại đương chức Nhập nội hành khiển Giáp nghị đại phu. Ông đứng vào ngôi tể phụ để lo việc trị bình sau những ngày xin về hưu dưỡng và bị tuyên triệu thăng chức. Tưởng đâu cũng là may mắn trong lúc xế chiều.

Nhưng vào mùa thu năm Nhâm Tuất Lê Thái Tông ngự giá thân hành miền đông để duyệt võ gần Côn Sơn nơi trí sĩ của họ Nguyễn. Ông này và người vợ đẹp là Nguyễn Thị Lộ đã về sẵn tại đó để đón mừng. Khi ngự giá hoàn cung, bà Nguyễn Thị Lộ ở trong đoàn tùy tùng của nhà vua vì bà là Lễ Nghi Học Sĩ. Đến Lệ Chi Viên ở Gia Định là nơi hành tại của các tiên vương, trời đã tối, đoàn ngự giá phải dừng lại nghỉ.

Nửa đêm Thị Lộ tri hô nhà vua bịnh nguy; thuốc thang không kịp, ngài phải trút linh hồn. Đoàn hộ giá phải giữ kín và cấp tốc đưa xác về kinh.

Triều đình trong ngoài đều buộc tội Nguyễn Thị Lộ đã giết Lê Thái Tông mà chủ mưu hại là Nguyễn Trãi. Lập tức cả hai đều bị giam.

Một người học rộng như Nguyễn Trãi làm sao khỏi nhớ chuyện xa xưa: Các triều vua sáng nghiệp xưa nay mà bạc bẽo với công thần thì đã rõ lắm. Hán Cao Tổ đã đang tâm giết Hàn Tín, Lê Thái Tổ triều ta đã hạ sát Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Rồi ông lại nghĩ gần: Ta đã nhìn thấy tận mặt, sao ta không sớm ý thức mà tránh đi? Sao ta chẳng theo gót Tử Phòng Trương Lương xưa cho nhẹ nhàng thân danh khỏi sa vào khổ lụy như ngày nay?

Ông không khỏi giận cho đời đau cho thân trong giờ phút ân hận này. Nhân lúc nghĩ quẩn quanh ấy, ông mới ngâm một bài thơ tự thán bằng Hán văn:

Phù tục thăng trầm ngũ thập niên,
Cố sơn tuyền thạch phụ tình duyên.
Hư danh thực họa thù kham tiếu.
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên.
Số hữu nan đào tri thị mệnh.
Văn như vị táng dã quan thiên.
Ngục trung độc bối không tao nhục
Kim khuyết hà do đạt thốn tiên?

Cuộc đời chìm nổi đã năm mươi,
Tình phụ non xưa suối đá rồi!
Kẻ nịnh người ngay đành phải xót,
Danh suông họa thiệt vẫn nên cười!
Khó qua được số, âu là mạng!
Chưa mất mờ văn, chẳng thấu trời!
Trong ngục lung lăng cam tủi nhục
Cửa vàng ai kể đệ thơ tôi?

Sao linh nghiệm lạ

Ngày hôm sau ngày Tết Trung Thu năm Nhâm Tuất ấy tất cả những đàn ông con trai trong gia tộc Nguyễn Trãi đều bị điệu ra pháp trường để chịu thi hành án lệnh.

Trong khi đợi chờ giờ thọ hình, ông Nguyễn không khỏi se lòng khi nhìn lại đám tử tù kia đều là cật ruột của mình! Và khi nhớ đến từ đây họ Nguyễn mình phải đành cam tuyệt tự, bất giác trong ký ức lại nổi lên một việc xa xưa:

- Thật đáng ân hận cho mình không chịu nghe lời Hoàng Phúc! Hắn nói sơ sơ mà sao linh nghiệm lạ.

Nguyên xưa kia thân sinh của ông Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (nay là Phượng Nhởn- Hải Dương). Nhưng ông nội của Nguyễn Phi Khanh là Nguyễn Phi Loan ngày trước vốn tin theo khoa phong thủy nên đã nhờ thầy địa lý tìm cho một huyệt tốt ở cánh đồng làng Nhị Khê rồi lấy cốt của cha tức là ông cố của Phi Khanh và ông sơ của Nguyễn Trãi mà đưa về ký táng tại đó.

Vì lẽ thăm viếng mồ mả ấy mà ngay từ đời Phi Hổ là cha Ứng Long (và là ông nội Nguyễn Trãi) đã năng lui tới miền ấy; rồi đến đời Ứng Long thì sang ở luôn tại đó để hạ sanh Nguyễn Trãi mới thiệt thọ là người dân làng Nhị Khê.

Ngôi mộ ấy người ta đã đoán là sẽ có kết phát tốt. Theo sách Lai thị phong thủy chí thì huyệt ở Nhị Khê có long mạch đi rất xa, có nhiều ngăn giữ chân khí, lại nhiều gò đống la liệt, cái là kiếm, cái là ấn, cái là mũ, là bút, là thần đồng chầu chực là tướng quân xuất trận, thành ra 1 địa cuộc quý báu.

Rồi khi Trương Phụ nhà Minh sang cướp nước ta có tên Hoàng Phúc theo làm tham tán quân vụ. Khi chinh phục xong. Trương Phụ lui về Phúc được để ở lại trấn thủ coi cả hai ty Bố chánh, Án sát.

Phúc số giỏi về khoa phong thủy địa lý. Lúc nhàn rỗi y thường đi khắp nơi, xem các kiểu đất để tìm hiểu giá trị phong thủy.

Chính y có đến xem ngôi tổ mộ của Nguyễn Trãi ở giữa làng Nhị Khê rồi y có biên lời đoán:

Nhị Khê mạch đoản,
Họa thảm tru di.
(Đất Nhị Khê mạch ngắn sẽ đem đến thảm họa tru di)

Trước giờ phút chết Nguyễn Trãi sực nhớ đến chuyện này lại đâm ra hối tiếc mà than lẩm bẩm. Rủi cho hai anh em Đinh Thắng, Đinh Phúc đứng đâu gần đó, bị bọn nịnh thần tâu rỗi cả hai có bàn bạc với tử tù Nguyễn Trãi về những mưu mô gì bí mật. Thành thử hai anh em đều bị tống giam ngay rồi cùng bị xử tử sau đó không lâu! Hai ông này mới thiệt gặp tai bay vạ gió, còn mấy lớp oan hơn nhà Nguyễn Trãi nữa!

Ngôi cổ mộ của ông sơ (tổ 4 đời) Nguyễn Trãi như đã nói trên, hiện nay cũng còn dấu tích ở xứ Đổi hay là xứ Trung Đồng ở làng Nhị Khê nay về phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Người đời sau có óc tò mò cũng hay đến quan sát thử xem về địa lý, nhưng không ai tìm ra những chứng cứ gì để mà phối kiểm với lời đoán cùa người xưa nhứt là lời của Hoàng Phúc.

Đến nay đã hơn 600 năm rồi núm mả không chắc còn nằm đúng với huyệt mả thì biết đâu mà khảo xét. Chúng ta có nhắc lại đây cũng chỉ là nêu một nghi án để tỏ lòng hoài niệm một vị nguyên huân giải phóng dân tộc đã phải bỏ mình oan uổng trong một năm Tuất xa xưa!

Đỗ Thiên Thư st

TRUYỆN KIỀU (kỳ 6)
(Câu 363-428)

Từ phen đá biết tuổi vàng,
Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ.
Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.
Một tường tuyết trở sương che,
Tin xuân đâu dễ đi về cho năng.
Lần lần ngày gió đêm trăng,
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua

Since the day the stone had known the gold’s purity, (1)
As their love grew deeper, their hearts felt uneasy
The Tương river (2) was there, so long a course though shallow,
One waiting at the source, the other where ended the flow.
A wall of snow and mist (3) hindered their love passage,
It’s not easy to find a way for a love message.
Then windy days and moonlit nights alternately came by,
Roses’re getting scarce as green leaves seemed to multiply.

----------------

(1) Stone and gold: Symbol of true love and faithfulness (see foot note on verse 352). This sentence meant: Since the day they had known each other so well and exchanged their true loves and faithfulness.

(2) Tương river: A river in China which has become in poetry a symbol of sorrow for loving couples who had to live in separate areas and who longed for each other, as referred to a famous poem in an old love story as follows:

Lương Ý and Lý Sinh, a loving couple (in the Tchow period, had to live in separate regions near the Tương river. Lương Ý, the Lady, wrote a poem to her lover as follows:

Nhân đạo Tương giang thâm,
Vị để tương tư bạn.
Giang thâm chu hữu đế,
Tương tư vô biên ngạn.
Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thủy.

One says that the Tương river is deep
But it’s not so deep as my longing for you
Though deep the river has its ground
My longing for you has no bound!
You are at the river’s source
I am at the river’s end.
We can’t see each other,
Though are both drink its water.

Translated by Thùy Dương

Note that the word TƯƠNG appears in almost every verse of the original poem. It has a double meaning: TƯƠNG is the name of the river, also TƯƠNG is an adverb which means “each other”, such as “tương tư” (longing for each other), “tương kiến” (seeing each other). This game of words made this lovely poem more lovely, but regretfully it could not be realized in the English translation.

(3) A wall of snow and mist: There might be no wall nor snow and mist actually, but this only meant they had no way to see nor communicate with each other and had to suffer separation though their houses were just close by.

Ngày vừa sinh nhật ngoại gia,
Trên hai đường dưới nữa là hai em,
Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,
Biện dâng một lễ xa đem tấc thành.
Nhà lan thanh vắng một mình,
Ngẫm cơ hội ngộ đã đành hôm nay.
Thì trân thức thức sẵn bày,
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường.
Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng,
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông.
Trách: “lòng hờ hững với lòng,
“Lửa hương sớm để lạnh lùng bấy lâu!
“Những là đắp nhớ đổi sầu,
“Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm!”

Springtime had gone by when came the birthday of Kiều’s grandfather,
Her parents together with her young brother and sister
Were so eager to prepare their costumes and ritual offering.
To set out for the anniversary’s celebrating.
Alone in the quiet house, Kiều found it a fine occasion
To meet her lover after so many days’ separation.
She displayed nice flowers and fruits of the season,
Then slid down to the hedge without wasting a moment.
Through flowers she raised her golden voice discreetly,
Under flowers she saw him standing, awaiting already.
-“God! How could your heart be so indifferent to mine?”
Said he, “Why let our love incense cool off for such a long time?
“I’ve got to endure my alternate longing and sorrow,
“So much that my hair becomes half dyed with mist and snow. (4)

-----------------

(4) Mist and snow: in Vietnamese poetry, “mist and snow” is the symbol of physical hardness like exposing oneself to snow and mist, but sometimes it is used for sentimental suffering as well. See also footnote on verse 367.

Nàng rằng: “Gió bắt mưa cầm, (5)
“Đã cam tệ với tri âm bấy chày.
“Vắng nhà được buổi hôm nay
“Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng”
Lần theo núi giả đi vòng
Cuối tường dường có nẻo thông mới rào
Xắn tay mở khóa động đào,
Rẽ mây thông tỏ lối vào Thiên Thai
Mặt nhìn mặt càng thêm tươi
Bên lời vạn phúc bên lời hàn huyên
Sánh vai về chốn thư hiên
Góp lời phong nguyệt nặng nguyền non sông

“I’m sorry”, said she, “the wind bound me, the rain kept me
“I’ve got to accept behaving to my love so badly!
“Today, my family are out and I am so glad
“To come here to thank you for your kind heart
Then she slid round the small artificial mount
There seemed to be a passage roughly fenced, she found
Tucking up her sleeves, she unlocked the Peach Grotto at hand
Dispersing the clouds, she perceived the way to Fairyland (6)
They looked at each other’s face, brightened with happiness
Exchanging warm inquiries and wishes for all the best
Then side by side, they walked into the study loft
Whispered loving words, preparing for their serious oath.

----------------

(5) It was Springtime and there was not much wind and rain. In this sentence, Kiều meant: “I found no opportunity to come and see you until now.”

(6) Fairyland: see footnote on verse 285. Here Kiều imagined she was entering the Fairyland, a dreamlike world where she met her beloved.

Trên yên bút giá thi đồng
Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên
Phong sương đượm vẻ thiên nhiên
Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi
Sinh rằng: “Phác họa vừa rồi
“Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa”
Tay tiên gió táp mưa sa
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.
Khen tài “nhả ngọc phun châu
“Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế vầy!
“Kiếp tu xưa ví chưa dày
“Phúc nào đổi được giá này cho ngang”

On the desk, laid a brush holder and a case of poetry,
Above was hanging a fine painting of a pine tree.
“A nice picture!”, praised Kiều, “It looks natural, doesn’t it?
“As if the pine was affected by winds and mist,
“I can’t say how lively these brush strokes seem to me!”
“It’s a rough sketch”, Kim said, “I’ve just made recently,
“Would you mind adding some flowery lines on it, please?
Kiều took the brush and her fairy hand moved with ease,
Like a blast of wind lashing against the falling rain,
On the upper part of the frame, she led a nice quatrain.
“Wonderful!”, said Kim, “You really had the talent
“Of emitting jade and pearls within a short moment!
“I don’t think Ban and Tạ (7) could do so beautifully!
“If my good deeds in previous lives were not in plenty
“No chance could help me to reach your exquisite value”

-----------------------

(7) Ban and Tạ were two famous poetesses in Chinese literature in the Hán and Tần periods.

Nàng rằng: “Trộm liếc dung quang,
“Chẳng sân Ngọc Bội cũng phường Kim Môn.
“Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
“Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay
“Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
“Có người tướng sĩ đoán ngay một lời:
“Anh hoa phát tiết ra ngoài,
“Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa!
“Trông người lại ngẫm đến ta
“Một dày một mỏng biết là có nên?”

Kiều said: “To tell the truth, the first time I meet you,
“At my first glance at your bright face, I already guessed
“You should descend from the Jade Court or the Golden Gate (8)
Thinking of my poor lot, as frail as a dragonfly’s wing,
I’m afraid our union will not deserve Heaven’s blessing.
I remember when I was still a little girl,
A physiognomist said while reading my features:
“All inner brightness of this girl is shining outside,
“Beauty and talent will flourish, but what a miserable life!
“Now, looking at you and thinking of my poor destiny,
“I doubt if our love will come to an end successfully”

-------------------------

(8) Jade Court , Golden Gate: Places in the Imperial Palace in the Tống and the Hán dynasties, where gathered high ranking mandarins in Court under the Emperor’s orders. This sentence means: “You should be a descendant of high ranking mandarins in Court”.

Sinh rằng: “Giải cấu là duyên,
“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.
“Ví dầu giải kết đến điều
“Thì đem vàng đá mà liều với thân”
Đủ điều trung khúc ân cần,
Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.
Ngày vui ngắn chẳng đầy gang
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài
Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,
Giã chàng nàng mới kíp dời song sa.

Kim said: “Don’t worry; our meeting was already a good chance,
“However, one can see so many a circumstance
“Where man’s determination can prevail over destiny
“Anyway, if something happens to us regretfully,
“Then we shall take any risk to preserve our oath,
“That we have determined to carve on stone and gold”
Thus inmost confidences interchanged whole heartedly,
They felt their hearts closer and the Spring wine tasty
A happy day seemed even shorter than a span! (9)
Outside the Lunar mirror already appeared on the West mountain
Leaving her house deserted, Kiều felt uneasy,
She took leave of her sweetheart and went home hurriedly.

-------------

(9) Span: distance between the tip of the thumb and the little finger when stretched out, used to measure approximately a short length. Here in a romantic way, the author used a span to measure time (!) to say how fast a happy day had gone by!

(To be continued)

THÙY DƯƠNG

Đính chính:

* Số 27 trang 56 dòng 11 trên xuống: “Should you see my hope so long cherished will get to nothing?”

Xin sửa lại là:

“Should your generosity keep on strictly holding
“Don’t you see my hope so long cherished will get to nothing?”

* Số 29 trang 39 dòng 3 trên xuống: …bệnh Sida
Xin sửa lại là: nạn Sida


NHƯ GIỌT SƯƠNG KHUYA

Chim mỏi cánh nửa đời thơ gió lộng
Lặng nhìn theo dòng thác đổ kiêu hùng
Mây trôi nhẹ vờn quanh niềm ảo vọng
Trăng vô tình phong kín nụ hồng nhung
Hơi thở anh nồng nàn hương phấn bướm
Mắt thuyền sương gợi nhớ mộng sông hồ
Tiếng sáo trúc mượt như tình mới chớm
Ta bâng khuâng từng đợt sóng xa bờ
Con bạch mã mang sầu lên đỉnh núi
Vó câu buồn mê mải chở ưu tư
Ta cỏ dại bên đường mê đắm đuối
Ngước trông theo mòn mỏi cánh tình thư
Ngàn cánh én dệt mùa Xuân rộn rã
Suối xa nguồn tự hát khúc chiêm bao
Hương phấn bướm ngàn đời xanh bóng lá
Nét mi thầm lặng lẽ trót trao nhau
Ôm ảo ảnh đợi chờ muôn thế kỷ
Ta tìm hoài bóng dáng kẻ tri âm
Cây mơ ước gặp rừng Thơ đẹp ý
Cung nhạc trầm ngơ ngác khóc tình câm
Ta gục chết lưng đèo tim thổn thức
Nắng thơ ngây đốt cháy nửa linh hồn
Bao hờn tủi chìm sâu vào đáy vực
Giấc mơ xanh vạn kiếp vẫn chưa tròn.

Ngàn Phương

TRỌN NIỀM VUI

Tôi vui sướng vì biết mình hạnh phúc,
Bởi quanh tôi còn có biết bao người,
Nhà không có, lang thang nơi góc phố,
Không người thân, thầm lặng kiếp đơn côi !
Tôi vui sướng thấy mình còn nguyên vẹn,
Để yêu người, yêu lắm cuộc đời ơi !
Mỗi sáng dậy, nghe xôn xao phố chợ,
Nhìn dòng người xuôi ngược quá đông vui !
Tôi vui sướng nghe tim đều đặn nhịp,
Đón niềm vui và biết cảm thương người,
Còn khối óc, còn suy sâu, nghĩ cạn,
Tạ ơn đời, ơn xã hội dưỡng nuôi.
Tôi vui sướng nhìn quê hương khởi sắc,
Vết thương đau bom đạn đã lành da,
Rừng xanh lại đâm chồi, cây cỏ mọc,
Xóa giận hờn, Nam Bắc đã chung nhà.
Tôi vui sướng nhìn những đàn em bé,
Líu lo vui, cười giỡn giữa sân trường,
Tương lai đặt vào tay người đi trước,
Gieo hạt mầm : trí, đạo, để thành nhân.
Tôi vui sướng nhìn những tâm hồn lớn,
Dang đôi tay đùm bọc kẻ cơ hàn,
Manh áo cũ, ấm lòng người cơ nhỡ,
Bao gạo vơi mà tình nghĩa đầy tràn.
Tôi vui sướng được làm người dân Việt,
Qua gian truân, chìm nổi, vẫn hiên ngang,
Vẫn nhân hậu, dịu dàng như đất mẹ,
Có chuông chùa sớm tối vẫn ngân vang.

Tâm-Nguyện
(Đăng trên báo Giác Ngộ tháng 6/2002)

MỘT HOÀNG THÂN VIỆT NAM TỪ ĐỜI NHÀ LÝ
DI CƯ SANG ĐẠI HÀN TỪ THẾ KỶ 13

TRÁNH NẠN DIỆT VONG,
CON CHÁU LÝ CÔNG UẨN SANG ĐẠI HÀN LẬP NGHIỆP
GIÒNG DÕI NHÀ LÝ TỪ ĐẠI HÀN VỀ VIỆT NAM THĂM MỘ TỔ

Nhân một cuộc tiếp xúc với giáo sư Choe Sang Su, phó chủ tịch sáng lập Hội thân hữu Hàn-Việt, nhân dịp hướng dẫn phái đoàn Thiện chí Đại Hàn viếng thăm VN, chúng tôi được nghe giáo sư Choe kể một câu chuyện về công nghiệp của Hoàng thân Lý Long Tường với nhân dân Đại Hàn ở thế kỷ thứ 13.

Hòn đá nói tiếng Việt trên đồi I. Eulbong

GS. Choe cho biết, hơn ba mươi năm trước đây khi ông khởi đầu công cuộc khảo cứu cổ học về các di tích ở bán đảo Ongji trên bờ Hoàng Hải (Đại Hàn) tình cờ ông được nghe những người địa phương kể về lai lịch một ông Hoàng An Nam tên là Lý Long Tường đã sống ở đó từ năm 1226.

Từ một câu chuyện đó GS Choe cho rằng giây liên lạc thân hữu Hàn-Việt là một mối bang giao huyết tộc nên ông bắt đầu sưu tập tài liệu và những câu khẩu truyền để viết cuốn “Bang Giao Hàn-Việt”.

GS Choe nói ông đã được xem ba ngôi cổ mộ trên đồi I. Eulbong đó là lăng của Hoàng Thân Lý Long Tường và hai người con, đồng thời giáo sư chỉ cho chúng tôi xem những tấm hình chụp in trong cuốn Bang Giao Hàn-Việt, nơi cửa lăng họ Lý và ngọn núi Gwangdac-san trên đó có một tảng đá lớn gọi là Woel Song Am (Đá nói tiếng Việt) mà Lý Long Tường thường ngồi nhìn về phương nam trong những ngày sầu xa xứ.

Đầu hàng Môn và chiến công của Lý Long Tường

Một trong những công nghiệp lớn lao của Lý Long Tường với dân Hàn chúng tôi, GS Choe kể tiếp, là trận thắng Mông Cổ, mà ngày nay gần căn cứ quân sự Ongji có một chiếc cổng gỗ nay đã được sửa lại gọi là Đầu hàng Môn (Su Whang mua). Gần đó có một tấm bia ghi lại tiểu sử Lý Long Tường.

Trên cổng viết: “Đầu hàng Môn được dựng nên để ghi nhớ công ơn Hoàng thân An Nam Lý Long Tường có công đánh bại quân Mông Cổ khi chúng định sang xâm chiếm Hàn quốc năm 1253. Vua Gojing Kyoro phài bỏ kinh thành trốn sang đảo Kangwha. Quân Mông Cổ tràn xuống miền Ongji nhưng tại đây chúng đã gặp phải sức kháng cự của hoàng thân Lý Long Tường.

Hoàng thân đã điều động quân sĩ Đại Hàn chống trả quân Mông suốt năm tháng ròng. Nghe thế, chủ quân Mông bày mưu xin hàng và dâng năm thùng vàng lớn trong đặt năm tên cảm tử quân hòng sát hại Hoàng thân, nhưng Lý Long Tường biết được, ông cho đổ nước sôi vào thùng và giao lại quân Mông. Ít ngày sau quân Mông xin hàng và lui binh thật sự.

Được tin đó, vua Gojong ban lời khen ngợi Hoàng thân và phong chức Quận Công Hoa Sơn (Whasan) và thưởng ba chục mẫu đất. Từ đó ông được vua Hàn tin dùng và sau này con cháu Hoàng thân vẫn tiếp tục cộng tác với các triều đại Hàn quốc với danh hiệu Whasan (Lý Hoa Sơn)”

Mạnh Đoàn st

TỨ ĐẠI MỸ NHÂN TRUNG QUỐC

Từ xưa đến nay bên Trung Quốc, người ta thường nhắc đến bốn đại mỹ nhân, đó là Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quí Phi. Theo sử sách Trung Quốc những mỹ nhân này có sắc đẹp làm khuynh đảo cả một đất nước, thay đổi cả lịch sử. Nhan sắc của họ được ca ngợi là “ lạc nhạn ” (chim nhạn sa xuống đất), “ trầm ngư ” (cá chìm sâu dưới nước), “ bế nguyệt ” (mặt trăng phải giấu mình) và “ tu hoa ” (khiến hoa phải xấu hổ).

Phụ bản IV

Tính cho tới bây giờ:

· Tây Thi là người đẹp “già” nhất khoảng thế kỷ 7 TCN , sau đó là:
· Vương Chiêu Quân. Thời nhà Tây Hán, khoảng thế kỷ 1 TCN.
· Điêu Thuyền. Thời Tam Quốc, khoảng thế kỷ thứ 3.
· Dương Quý Phi. Thời nhà Đường, 719-756.

Tây Thi

Tây Thi là con một người kiếm củi họ Thi, nàng dệt vải ở núi Trữ La, Gia Lãm, thuộc nước Việt cổ . Trữ La có hai thôn : thôn Đông và thôn Tây, nàng ở thôn Tây nên gọi là Tây Thi. Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi, ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn.

Khi cô giặt áo bên bờ sông, bóng cô soi trên mặt nước sông trong suốt làm cô thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy ảnh cô, say mê đến quên cả bơi, dần dần chìm xuống đáy sông. Từ đó, người trong vùng gọi cô là “ Tây Thi Trầm Ngư ” .

Đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), hai nước Ngô và Việt đánh nhau. Sau trận đại bại tại Cối Kê, vua Việt là Câu Tiễn phải mình trần sang lạy vua Ngô là Phù Sai xin hàng. Ngô vương bắt vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin, có quan Tướng Quốc là Phạm Lãi theo hầu. Cả ba đều bị giam trong ngục đá.

Hằng ngày vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi phải cắt cỏ, hốt phân ngựa, gánh nước rửa dọn chuồng ngựa, kiếm củi nấu cơm... Suốt thời gian ba năm, chúa tôi sống một cách vô cùng vất vả cực nhọc, những vẫn bền chí đợi thời. Một hôm vua Ngô đau, Câu Tiễn nghe theo lời của Phạm Lãi là chịu nếm phân của vua Ngô để được vua Ngô tin kẻ hàng giữ dạ trung thành. Nhờ đó mà cả ba được phóng thích về nước. Sau khi được thả về, lòng uất ức căm hờn mong rửa được nhục thù. Đại phu Văn Chủng hiến 7 kế phá Ngô. Một trong 7 kế là đem mỹ nữ sang dâng để làm mê hoặc vua Ngô. Câu Tiễn liền thực hành ngay. Trong vòng nửa năm, tuyển được hai ngàn mỹ nữ, lại chọn hai người đẹp nhứt là Tây Thi và Trịnh Đán. Câu Tiễn sai Tướng quốc Phạm Lãi đem 100 nén vàng đến thôn Trữ La rước hai nàng về, trang sức lộng lẫy, cho ngồi trong xe có màn phủ. Người trong nước nghe tiếng mỹ nữ, ai cũng muốn xem mặt, tranh nhau ra ngoài cõi đón. Đường xá chật ních những người. Phạm Lãi liền để hai nàng ở nhà quán xá rồi truyền dụ rằng: “ Ai muốn xem mặt mỹ nhân phải nộp một đồng tiền ” . Chỉ trong một lúc mà tiền thu đầy quỹ. Hai nàng lên lầu, đứng tựa bao lơn, khác nào như tiên nga giáng hạ. Hai nàng lưu ở ngoài cõi ba ngày, tiền thu không xiết kể. Câu Tiễn cho hai nàng ở riêng tại Thổ Thành, rồi sai một lão nhạc sư đến dạy múa hát.

Ba năm qua, Tây Thi và Trịnh Đán cùng số mỹ nữ học múa hát đã được tinh xảo, Câu Tiễn liền truyền Phạm Lãi đem sang cống cho vua Ngô là Phù Sai. Phạm Lãi vào yết kiến, sụp lạy vua Ngô, tâu rằng:

- Đông hải tiện thần là Câu Tiễn cảm ơn đại vương, không thể đem thê thiếp đến hầu hạ ở bên cạnh được, vậy cố tìm khắp trong nước được hai mỹ nhân khéo nghề múa hát nên sai chúng tôi đem nộp vương cung để giữ việc quét rửa.

Ngô vương trông thấy hai nàng, cho là tiên nữ trên trời mới giáng hạ, hồn phách mê mẩn, mắt nhìn đăm đăm một cách say sưa. Phù Sai rất lấy làm hài lòng nhận lấy mỹ nữ. Tây Thi và Trịnh Đán được Phù Sai yêu mến. Nhưng riêng Tây Thi vì có sắc đẹp lộng lẫy lại khéo chiều chuộng, có nghệ thuật làm người say đắm nên Ngô vương sủng ái hơn.

T ây Thi được ở đài Cô Tô với Phù Sai, mỗi khi đi chơi đâu thì nghi vệ chẳng khác gì phi hậu. Trịnh Đán ở Ngô cung, ghen với Tây Thi, uất ức không nói ra được, hơn một năm thì chết. Phù Sai thương lắm, đem chôn ở núi Hoàng Mao và lập đền thờ cúng.

Phù Sai yêu Tây Thi, sai Vương Tôn Hùng lập ra cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang sức toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra chơi. Ở đấy có lập ra Hưởng Điệp lang . Tại sao lại gọi là Hưởng Điệp? Điệp là chiếc guốc. Nguyên là người ta đào hầm ở dưới đất chỗ hành lang, đặt ở đấy rất nhiều chum, bên trên lát ván, để Tây Thi và cung nhân đi guốc lượn ở đấy, tiếng kêu leng keng, cho nên gọi là hưởng điệp. Trên núi có hồ Ngoạn Hoa, ao Ngoạn Nguyệt. Lại có giếng gọi là giếng Ngô Vương, nước trong suốt, Tây Thi thường đứng ở trên mà soi mặt, Phù Sai đứng ở bên cạnh, sẽ lấy tay vuốt tóc cho Tây Thi. Lại có động gọi là động Tây Thi, Phù Sai và Tây Thi cùng ngồi ở đấy, đá ở ngoài cửa động có nhiều chỗ sụt, nay người ta gọi là vết chân Tây Thi. Trên núi lại có Cầm Đài, Phù Sai thường cùng với Tây Thi gẩy đàn ở đấy. Phù Sai lại sai người trồng hoa ở Hương Sơn, để Tây Thi và cung nhân chở thuyền đi hái hoa. Nay vẫn còn một d ả i nước ở phía nam núi Linh Nham, đó tức là chỗ Tây Thi hái hoa ngày xưa. Lại có Thái Liên hình ở phía đông nam thành đô, đó là chỗ Phù Sai cùng Tây Thi hái sen. Phù Sai lại bắt đào một con sông nhỏ ở trong thành, từ nam sang bắc, rồi làm cái buồm gấm để đi chơi thuyền, gọi là Cẩm Phàm hình. Phía nam đô thành có Trường Châu uyển, để làm nơi săn bắn. Lại có Ngư Thành để nuôi cá, Áp Thành để nuôi vịt, Kê Bi để nuôi gà, Tửu Thành để nấu rượu. Lại thường cùng với Tây Thi ra nghỉ mát tại Nam Loan ở Tây động đình, đó là một cái vịnh độ hơn mười dặm, ba mặt đều là núi, chỉ có mặt nam trông như cửa khuyết. Phù Sai cho chỗ ấy là một nơi có thể qua mùa hè được, mới đặt tên là chỗ Tiên.

Phù Sai là một vị vua anh hùng, nhưng từ khi Tây Thi xuất hiện thì lại lơi lỏng việc nước, bỏ bê chính sự. Tây Thi theo kế của Văn Chủng ra sức mê hoặc khiến vua Ngô ngày đêm cùng nàng chìm đắm trong xa hoa, hưởng lạc, dần dần mất hết ý chí. Bởi chỉ khi nước Ngô suy yếu thì Việt mới có cơ hội phục thù.

Phù Sai cứ ở luôn trên Cô Tô đài, bốn mùa vui chơi, rượu chè đàn địch, chẳng thiết đến việc gì cả. Tây Thi, con người kiều diễm ấy, tuy có một thân hình mảnh mai như cành liễu yếu nhưng tiềm tàng một sức mạnh phi thường là quyết lật đổ cả một triều Ngô để đem lại sự chiến thắng vinh quang cho đất Việt. Hai bàn tay ngà ngọc xinh xắn của nàng, xưa kia là để quay tơ giặt lụa nhưng nay lại để bóp nát dần cả một nước Ngô có binh hùng tướng mạnh cho đến ngày tàn. Mắt nàng cau một cái là một cái đầu của viên thượng tướng bị rơi. Môi nàng cười một nét là kho nhà Ngô vơi đi bạc vàng, châu báu... Ngũ Viên, một vị Tướng quốc kiên trung, đa mưu, túc trí, đầy tài dũng lược của triều Ngô vì nàng mà chết dưới thanh kiếm Trúc Lâu của Ngô vương.

Nước Ngô ngày càng suy yếu. Nước Việt thừa thế tấn công. Ngô bại trận. Ngô vương Phù Sai tự tử.

Tây Thi làm tròn sứ mạng của một người nhi nữ đối với tổ quốc, nàng mong được trở lại quê nhà thăm cha ở Trữ La thôn, nhưng vương phi Câu Tiễn sợ rằng chồng sẽ say đắm sắc đẹp của nàng, nên mật sai người bắt Tây Thi neo đá quăng xuống dòng nước Tam Giang. Thật là mụ đàn bà ghen đanh ác.

Cái chết của Tây Thi nói trên là theo chính sử.

Có truyện chép: Phạm Lãi yêu nàng Tây Thi nhưng thấy Việt vương Câu Tiễn muốn lấy Tây Thi, nên ghen mới bày mẹo cho mụ vợ Câu Tiễn giết thác nàng. Có truyện lại chép: Phạm Lãi trước đã cùng Tây Thi yêu nhau, nên trong trận tấn công nước Ngô, đốt phá Cô Tô đài, Phạm Lãi đón rước Tây Thi xuống thuyền, rồi cả hai bỏ nước đi du Ngũ hồ cho trọn tình chung thủy.

Vương Chiêu Quân

Chiêu Quân Với sắc đẹp được ví là "lạc nhạn" (làm cho chim sa), câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biển của thi ca , nghệ thuật . Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp hòa bình. Sự quên mình của nàng góp phần mang lại hòa bình trong 60 năm giữa Trung Hoa Hung Nô .

Chiêu Quân tên là Vương Tường nên cũng được gọi là Vương Chiêu Quân . Nàng là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy, Nam Quận, nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc . Được tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 40 TCN, đời vua Hán Nguyên Đế ( 49 TCN - 33 TCN ). Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt vua và vẫn chỉ là một cung nữ . Năm 33 TCN, thiền vu Hung Nô Hô Hàn Da đến Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán, một phần trong hệ thống triều cống giữa nhà Hán và Hung Nô. Ông này nắm lấy cơ hội để đề nghị được trở thành con rể của vua Nguyên Đế. Thay vì gả cưới một công chúa cho thiền vu thì Hô Hàn Da đã được ban cho 5 cung nữ từ hậu cung, một trong số này là Vương Chiêu Quân.

Theo một câu chuyện trong Hậu Hán Thư (quyển 89, Nam Hung Nô liệt truyện) thì Vương Chiêu Quân đã tình nguyện theo thiền vu này. Khi được vời đến triều đình thì vẻ đẹp của Chiêu Quân đã làm cho Nguyên Đế sững sờ và muốn thay đổi quyết định của chính mình.

Chiêu Quân trở thành người vợ được yêu quý của Hô Hàn Da, được phong là Ninh Hồ Át Chi . Họ sinh được hai người con trai, chỉ một trong số đó sống sót với tên gọi là Y Chư Trí Nha Sư và một người con gái, tên là Vân, sau này là một nhân vật đầy quyền lực trong hệ thống chính trị của Hung Nô.

Năm 31 TCN, Hô Hàn Da chết, Chiêu Quân muốn trở về Trung Quốc, nhưng Hán Thành Đế đã buộc nàng phải theo tập quán nối dây của người Hung Nô và Chiêu Quân trở thành vợ của thiền vu tiếp theo là Phục Chu Luy Nhược Đề - con trai lớn của Hô Hàn Da. Trong cuộc hôn nhân mới này nàng có hai người con gái. Sau khi chết, Chiêu Quân được táng tại “ Thanh Chủng ” , mộ hiện nay vẫn còn tại phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc , Nội Mông Cổ .

Hòa bình giữa nhà Hán và Hung Nô đã được kéo dài trên 60 năm , tuy nhiên, sau này người ta đã không còn biết gì về các hậu duệ của Chiêu Quân.

Kể từ thế kỷ 3 trở đi thì câu chuyện về Chiêu Quân đã được phóng tác nên như là hình tượng của một nhân vật nữ đầy bi thương trong nhiều tác phẩm thơ ca hay kịch , chẳng hạn như của Lý Bạch , Đỗ Phủ , Bạch Cư Dị , Vương An Thạch , Quách Mậu Thiến , Mã Trí Viễn , Tào Ngu , Quách Mạt Nhược , Tiễn Bá Tán vv…

Truyền thuyết: Chiêu Quân Cống Hồ

Vì số cung phi trong hậu cung của vua Nguyên Đế quá đông, nên nhà vua ra lệnh cho các họa sĩ phải vẽ hình các cung phi để nhà vua chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong vua để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót cho họa sĩ là Mao Diên Thọ , hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí, nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới.

Một hôm hoàng hậu tình cờ biết tới Chiêu Quân qua tiếng đàn lâm ly ai oán của nàng. Bà đưa Chiêu Quân tới gặp Hán Nguyên Đế. Hán Nguyên Đế ngỡ ngàng vì sắc đẹp của nàng, phong Chiêu Quân làm Tây phi . Mao Diên Thọ bị khiển trách nặng nề.

Thời bấy giờ Hung Nô là nước lân bang thường xuyên mang quân sang quấy nhiễu. Mao Diên Thọ bị Hán Nguyên Đế quở trách, đem lòng oán hận Chiêu Quân, lấy chân dung Chiêu Quân nạp cho thiền vu (vua) Hung Nô là Hô Hàn D a . Vua Hung Nô say đắm sắc đẹp của nàng, cất quân sang đánh, buộc Hán Nguyên Đế phải cống nạp Chiêu Quân thì mới bãi binh. Hán Nguyên Đế đành phải đem Chiêu Quân sang cho Hung Nô. Điểm này không khớp với lịch sử Hung Nô, do từ thời Hô Hàn D a thì các thiền vu đã chịu nộp cống phẩm cho nhà Hán.

Truyền thuyết nói rằng, khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa quê hương. Nhân lúc ngồi lưng ngựa buồn u uất, liền đàn Xuất tái khúc . Có một con chim nhạn bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất. Từ “ lạc nhạn ” trong câu “ Trầm ngư lạc nhạn ” do đó mà có. (Trầm ngư đã được dàn h cho Tây Thi)

Khi qua Nhạn Môn Quan , cửa ải cuối cùng, Chiêu Quân được cho là đã cảm tác nhiều bài thơ rất cảm động. Ngôi làng quê hương của nàng ngày nay mang tên là làng Chiêu Quân. Dòng suối , nơi tương truyền nàng từng ra giặt vải trước khi được tuyển vào hoàng cung, được đặt tên là Hương Khê (suối thơm) để tưởng nhớ nàng. Trong miền Nội Mông Cổ có hai địa điểm được cho là mộ của Chiêu Quân, một gần Hohhot và một gần Bao Đầu , cả hai đều xanh ngắt cỏ tươi, nên đều được gọi là Thanh Trủng (mồ xanh).

Những chi tiết còn mâu thuẫn

· Khi vẽ Chiêu Quân, có thuyết cho rằng Mao Diên Thọ đã vẽ thêm một nốt ruồi dưới khóe mắt và tâu với Hán Nguyên Đế đó là "Sát phu trích lệ", tướng sát chồng. Vì vậy Hán Nguyên Đế không cho vời nàng tới tận khi Chiêu Quân bị cống sang Hung Nô. Một thuyết khác thì Chiêu Quân tài hoa tự vẽ chân dung của mình, nhưng bức tranh đó bị Mao Diện Thọ điểm thêm nốt ruồi "Sát phu trích lệ".

· Nhà văn nổi tiếng Thái Ung ( 132 - 192 ) cho rằng vua Nguyên Đế đã từng gặp Chiêu Quân, nhưng không biết cảm nhận vẻ đẹp của nàng. Chiêu Quân vô cùng thất vọng và đau khổ sau nhiều năm sống cô độc trong cung cấm. Từ đó, Thái Ung kết luận rằng quyết định sang Hung Nô của Chiêu Quân là một hành động phản kháng lại vua Nguyên Đế.

· Về cái chết của Chiêu Quân cũng có nhiều giả thuyết.

1. Đến Nhạn Môn Quan, Chiêu Quân gieo mình xuống sông tự vẫn.
2. Chiêu Quân đến đất Hồ, nàng yêu cầu vua Hồ giết chết gian thần Mao Diên Thọ, rồi sau đó nàng tìm cách tự tử, nhảy xuống sông để xác nàng theo dòng trôi trở về đất Trung Nguyên.
3. Một thuyết khác cho rằng Chiêu Quân đã sống một thời gian dài bên Hung Nô.

Những tác phẩm thơ ca viết về Chiêu Quân xuất hiện vào khoảng từ đầu thế kỷ 7 đến cuối thế kỷ 13 , thường dựa trên những dị bản của Ngô Quân. Đa số đều nói về sự ra đi cùng nỗi oán hận của nàng. Chiêu Quân thường xuất hiện với một vẻ đẹp u buồn, choàng khăn đỏ, mặc áo lông, ôm đàn tỳ bà, cùng với một con bạch mã.

Từ thế kỷ 13 đã xuất hiện nhiều tác phẩm kịch nghệ về Chiêu Quân. Kịch tác gia nổi tiếng Mã Trí Viễn ( 1252 - 1321 ) dẫn đầu với vở kịch Hán Cung Thu, tập trung vào chủ đề bảo vệ đất nước. Khi người Hung Nô đe dọa biên cương nhà Hán, triều đình, đứng đầu là vua Nguyên Đế, không tìm được một phương sách hiệu quả nào. Chiêu Quân được miêu tả như một người phụ nữ thông minh tuyệt đỉnh, luôn hết lòng vì hòa bình và sự bảo tồn giang sơn nhà Hán. Nàng hoàn toàn tương phản với vị hoàng đế kém cỏi và hèn nhát, viên thừa tướng thối nát bất tài, và tên thợ vẽ tư lợi Mao Diên Thọ. Tiếc thay, vở kịch có chỗ còn chưa đạt. Hai phần ba nội dung của kịch được dành để nói về chuyện tình giữa hoàng đế và người cung phi, làm giảm đi hình ảnh anh hùng của Chiêu Quân.

Vào thời hiện đại, học giả Quách Mạt Nhược ( 1892 - 1978 ) đã sáng tác một vở kịch mang tên Vương Chiêu Quân, miêu tả bi kịch của Chiêu Quân như là hậu quả của mâu thuẫn giữa tinh thần dũng cảm và khao khát tự do của nàng và những âm mưu đen tối của Nguyên Đế và Mao Diên Thọ.

Điêu Thuyền

Điêu Thuyền là một nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc . Điêu Thuyền được mệnh danh là người đẹp bế nguyệt , có sắc đẹp khiến cho trăng cũng phải xấu hổ mà giấu mình đi.

Điêu Thuyền bái nguyệt ở hậu hoa viên của Tư Đồ Vương Doãn, đại thần của Hán Hiến Đế thời Tam Quốc. Đột nhiên có một cơn gió nhẹ thổi đến, một vầng mây trôi che khuất mặt trăng. Đúng lúc đó, Vương Doãn bước ra nhìn thấy. Để khen con gái nuôi mình xinh đẹp như thế nào, Vương Doãn thường nói với mọi người rằng con gái mình đẹp đến n ỗ i trăng sáng nhìn thấy cũng phải trốn vào sau lưng mây. Vì vậy, Điêu Thuyền được mọi người xưng tụng là "Bế Nguyệt".

Lúc bấy giờ Đổng Trác lộng hành quá mức, tự xưng là thượng phụ, khi ra vào dùng toàn nghi vệ thiên tử. Một hôm Trác ra ngoài cửa Hoành Môn, các quan đi tiễn. Trác mời các quan ở lại uống rượu, đoạn cho gọi mấy trăm hàng binh vừa dụ được ở đất Bắc đến. Trác sai đem ra trước chỗ ăn tiệc, đứa thì đem chặt chân chặt tay, đứa thì đem khoét mắt xẻo mũi, đứa thì đem cắt lưỡi, đứa thì đem bỏ vạc dầu đun. Tiếng kêu khóc vang lừng trời đất.

Các quan đang ăn tiệc, thấy thế người nào người nấy đều run cầm cập, đánh rơi cả đũa. Trác vừa uống rượu vừa cười nói như không.

Quan Tư Đồ Vương Doãn vô cùng căm ph ẫn muốn diệt Đổng Trác nhưng không biết làm thế nào, ngày đêm nôn nóng ngồi đứng không yên, nửa đêm thao thức nhìn trời nhìn trăng than khóc một mình. Tình cờ một đêm Vương Doãn bắt gặp đứa con nuôi trong nhà là Điêu Thuyền đang ngắm trăng, bèn nảy ra một kế liên hoàn và dạy cho Điêu Thuyền cố gắng thực hiện để cứu lấy sinh linh nhà Hán.

Trước tiên Vương Doãn mời Lữ Bố đến tư dinh của mình để hầu rượu. Khi rượu đã qua nhiều tuần, Lữ Bố đã ngà ngà say, Vương Doãn cho Điêu Thuyền xuất hiện để hầu rượu tướng quân Lữ Bố:
Thuyền nâng chén rượu mời Bố. Hai bên nhìn nhau, đầu mày cuối mắt
Vương Doãn giả tảng say, nói:
- Con cố mời tướng quân uống vài chén con nhé! Cả nhà ta đều trông nhờ vào tướng quân đấy.
Bố mời Thuyền ngồi, Thuyền giả cách thẹn thùng, muốn lui vào, Doãn nói:
- Tướng quân là bạn chí thân với ta, con cứ ngồi đừng ngại.
Thuyền khép nép, ngồi bên cạnh Doãn.
Lữ Bố nhìn Thuyền chòng chọc, không chớp mắt, lại uống thêm vài chén.
Doãn mới trỏ tay vào Thuyền mà bảo Lữ Bố rằng:
- Lão vẫn có ý cho nó hầu hạ tướng quân làm tỳ thiếp, chưa biết tướng quân có bụng hạ cố thương đến không?
Bố nghe nói vội vàng đứng dậy, ra ngoài chiếu, tạ mà nói rằng:
- Nếu được như thế, tôi xin một đời làm khuyển mã để báo đáp ơn sâu.
Doãn nói:
- Nay mai xin chọn ngày lành tháng tốt, đưa nó đến phủ tướng quân.

Lữ Bố mừng hớn hở, đưa mắt nhìn Ðiêu Thuyền.
Ðiêu Thuyền cũng liếc mắt đưa tình đáp lại.

Vài hôm sau Vương Doãn lại đến mời Thừa Tướng Đổng Trác. Cũng với màn kịch hôm trước với Lữ Bố, Điêu Thuyền xuất hiện với dáng điệu thẹn thùng khép nép.

Trác hỏi:
- Biết hát không?
Doãn sai Ðiêu Thuyền gõ nhịp hát một bài.
Thật là:
Môi son hé nở cánh đào tân
Ngọc trắng hai hàng nhả ánh xuân
Ðầu lưỡi đinh hương đường kiếm sắc
Rắp toan chém cổ kẻ gian thần!

Ðổng Trác khen nức nở. Doãn sai Thuyền dâng rượu.

Trác cầm lấy chén rượu hỏi rằng: - Xuân xanh năm nay bao nhiêu?

Thuyền thưa: - Tuổi tiện thiếp vừa đôi tám.

Trác cười nói rằng: - Thật là người chốn thần tiên!

Doãn đứng dậy thưa rằng:

- Chúng tôi có ý định muốn dâng lên Thái Sư, không biết Thái Sư có nhận cho không.

Ðổng Trác nói:

- Ơn ấy ta biết lấy gì báo lại.

Doãn nói:

- Nếu nó được hầu hạ Thái Sư thì thực phúc cho tôi lắm.

Trác cảm tạ hai ba lần. Doãn lập tức sai đưa Ðiêu Thuyền đến tướng phủ. Trác đứng dậy cáo từ. Doãn đi tiễn Trác đến tận phủ rồi mới về.

Đời sau, có người ái mộ vẽ đẹp của Điêu Thuyền đã tả lại cảnh nàng hát và hầu rượu Đổng Trác:

Rèm châu vừa cuốn lên, thì Điêu Thuyền nhè nhẹ gót hài bước ra, xiêm y thướt tha, mình liễu uyển chuyển múa trước rèm châu như tiên nữ nhập động. Điêu Thuyền lại hát. Nàng vừa cầm phách gõ nhịp cất giọng ca. Giọng trong như oanh kêu, cao như hạc gọi, khi trầm khi bổng thánh thót như rót vào tai, mà huyền huyền ảo ảo làm mê hồn tục khách.

Như vậy, Theo liên hoàn kế của Tư đồ Vương Doãn, Điêu Thuyền được gả cho cả 2 cha con nuôi Đổng Trác Lã Bố để tùy cơ ly gián, một mặt tỏ vẻ yêu quí Đổng Trác, nhưng khi đến với Lã Bố thì lại ra sức quyến rũ, khi đến cao trào thì Lã Bố chịu không nổi đả kích giết luôn Đổng Trác . Mưu sĩ Lý Nho của Đổng Trác biết trước sự nguy hiểm của Điêu Thuyền, nhưng không sao can thiệp được mà trước đó chỉ biết thốt lên Bọn ta đều chết cả về tay người đàn bà này .

Trong “Thánh Thán Ngoại Thư”, Mao Tôn Cương viết về Ðiêu Thuyền như sau:

“18 lộ quân chư hầu không giết nổi Ðổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Ðiêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lữ Bố, mà chỉ một nàng Ðiêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của "nữ tướng quân" quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!”

Có tài liệu cho rằng Điêu Thuyền thời Tam Quốc không có thật. Đó là La Quán Trung đã hư cấu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa dùng hình tượng Điêu Thuyền là con gái nuôi của Tư đồ Vương Doãn làm mỹ nhân kế để ly gián cha con Đổng Trác. liên kết với Lã Bố làm cuộc đảo chính cung đình, giết Đổng Trác.

Thật ra Điêu Thuyền là nhân vật trong kịch đời nhà Nguyên, tức một nghìn năm sau, chứ không phải ở thời Tam quốc. Tạp kịch đời nhà Nguyên là Liên hoàn kế, nói Điêu Thuyền họ Nhiệm, con gái Nhiệm Ngang, tên là Hồng Xương, làm nhiệm vụ coi giữ kho mũ lông điêu, nên cô ta có tên là Điêu Thuyền.

Dương Quý Phi

Dương Quý Phi là một cung phi tuyệt sắc của Đường Minh Hoàng (tức Đường Huyền Tông). Quí phi tục danh là Ngọc Hoàn sinh ở tỉnh Tứ Xuyên vào khoảng năm 719. Nàng là con út trong số bốn người con gái của một vị quan tư hộ đất Thục Chân. Gia đình này nguyên gốc ở một quận nhỏ thuộc Trung Đông (Thiểm Tây) là Hòa Âm đến đây lập nghiệp. Cha là Dương Huyền Diễn thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm thứ sử tại quận Kim.

Năm 727, Hoàng Thọ vương Lý Dục, con thứ 18 của Huyền Tông đi tuần tiễu miễn Tứ Xuyên đến tiếp xúc với gia đình nàng. Rồi 9 năm sau, nàng được tiến cung hầu Lý Dục, kết duyên cầm sắt.

Có sách lại chép: Thọ vương Lý Dục tính nhút nhát, thích ngắm mỹ nhân. Dương Ngọc Hoàn về hầu hạ Lý Dục được ba năm, nhưng tình chăn gối chẳng bao giờ có vì Lý Dục còn nhỏ. Giữa lúc ấy, Ngọc Hoàn lại xinh tươi lộng lẫy trong tuổi dậy thì.

Sắc đẹp của nàng đã làm cho một đại thi hào lúc bấy giờ là Lý Bạch phải ca tụng bằng ba bài “Thanh bình điệu”. Đây là bài thứ nhứt:

Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,
Xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng.
Nhược chi quần ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Đao đài nguyệt hạ phùng.

…………

Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng.
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong
Ví chăng non ngọc không nhìn thấy,
Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông.

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Đời nhà Đường, Huyền Tông là một ông vua tương đối trị vì lâu hơn cả. Các cung phi được nhà vua sủng ái sinh cả thảy 59 người con. Trong số đó có 30 trai và 29 gái. Nàng cung phi được nhà vua sủng ái rất mực là Vũ Huệ Phi. Nàng sinh được 7 con, nhưng bỏ mất 3 khi còn nhỏ.

Huệ Phi mất, Huyền Tông buồn rầu, ngày nhớ đêm thương, lập đài Tập Linh để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ Phi được sớm siêu thăng. Nội giám thấy nhà vua buồn bã nhớ thương người cũ bèn tìm đủ mọi cách làm cho nhà vua nguôi buồn. Nhưng bao nhiêu cung tần mỹ nữ chọn đến hầu hạ gối chăn, không ai làm khuây khoả được nỗi lòng nhớ thương người cũ của nhà vua cả.

Một hôm Cao Lực sĩ đi qua phủ Thọ vương thấy Ngọc Hoàn tư dung mỹ lệ, cốt cách thanh kỳ, thật là một giai nhân tuyệt đẹp trên đời có một, bèn nghĩ rằng có lẽ mỹ nhân này thay được Vũ Huệ Phi. Nhân buổi hầu vua, Cao Lực sĩ mật tấu với Huyền Tông, truyền đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Vũ Huệ Phi.

Do đó, Ngọc Hoàn phải vào cung Hoa Thanh đến đài Tập Linh làm sãi, lấy đạo hiệu là Thái Chân. Cao Lực sĩ lại chọn con gái của Vị Chiêu để thay Ngọc Hoàn làm vợ Thọ vương Lý Dục.

Trông thấy Ngọc Hoàn, vua Huyền Tông bỗng thấy lòng rung động xao xuyến, hình ảnh Huệ Phi phai mờ, rồi nỗi buồn rầu thương nhớ người cũ tiêu tan để nhường lại những nụ cười cởi mở, những cái liếc nhìn say đắm... Rồi từ đó, Huyền Tông đâm say mê, thường triệu nàng vào hầu hạ mình rồng, tình ngày một mặn nồng, ý ngày thêm đượm sắc.

Nhà vua say đắm Ngọc Hoàn còn hơn Vũ Huệ Phi nữa, nên lập nàng làm quý phi, lại sắc phong Dương Huyền Diễn làm Binh bộ thượng thư. Ba chị của Ngọc Hoàn cũng được phong làm phu nhân là Hàn quốc phu nhân, Quốc quốc phu nhân và Tần quốc phu nhân. Hàng tháng, nhà vua cho xuất của kho 30 vạn quan tiền cho mỗi vị phu nhân, 10 vạn quan tiền mua sắm tư trang phấn sáp. Anh họ quí phi là Dương Xuyên được phong làm tể tướng và được đổi tên là Dương Quốc Trung, uy quyền nghiêng đổ thiên hạ. Còn riêng về Dương Quý Phi thì không cần phải nói, nhà vua chiều chuộng mọi điều, luôn luôn làm thỏa mãn ý muốn của con người đẹp. Như cuộc đi tắm suối của nàng mỗi lần tốn hàng vạn bạc của kho và làm chết hàng trăm mạng người, nhà vua cũng thẳng tay, không chút tiếc rẻ.

Dương Quý Phi đã đẹp lại có tài gẩy tì bà, tỏ ra giỏi về âm nhạc. Nàng lại đặt được nhiều khúc hát và điệu múa làm cho lòng của một ông vua nghệ sĩ cang thích thú say sưa.

Huyền Tông gặp Dương Quý Phi bấy giờ nhà vua tuổi đã ngoài 50, cơ thể suy nhuợc vì trải qua những thú vui sắc dục thái quá ... Vua nhờ An Lộc Sơn dâng một thứ linh đan gọi là "Trợ tình hoa" để có nhiều sức khỏe được hòa hợp vui say cùng mỹ nhân.

Minh Hoàng say đắm Dương Quý Phi, suốt ngày đêm cùng nàng yến tiệc đàn ca, bỏ cả việc triều chính. Nhà vua lại tin dùng An Lộc Sơn là một võ tướng Phiên, cho giữ phần chỉ huy nửa lực lượng quân sự của triều đình.

Có sách lại chép An Lộc Sơn được Dương Quý Phi nhận làm con nuôi, được tự do ra vào cung cấm để cùng thông dâm với quý phi. Nhà vua mù quáng, không hiểu biết gì cả.

Bấy giờ, Dương Quốc Trung nắm giữ toàn quyền binh lực. Sau khi lến đến bực thượng thư và hai con trai là Dốt và Huyên sánh duyên cùng hai quận chúa Vạn Xuân và Diên Hòa, Dương Quốc Trung lại càng kiêu hãnh, tự đắc, có ý định phản nghịch. Thấy An Lộc Sơn như cái gai trước mắt nên định mưu hại. An Lộc Sơn biết được nên bỏ trốn. Rồi vào ngày 16 tháng 12 năm 755, An cử binh từ quận Ngư Dương (có sách chép là Phạm Dương) đánh thẳng vào kinh đô Trường An.

Binh triều đại bại.

Đường Huyền Tông lúc bấy giờ đã 70 tuổi.

Vào mùa hạ năm 756, quân của An Lộc Sơn tiến đến Trường An. Nhà vua và Dương Quý Phi cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào đất Thục. Ngày 14 tháng 7 năm 756, mọi người đến Mã Ngôi thì tướng sĩ không chịu đi nữa, vì lương thực đã hết, quân sĩ khổ nhọc mà Dương Quốc Trung và cả gia quyến đều no đủ sung sướng, nên họ nổi lên chống lại. Dương Quốc Trung ra lịnh đàn áp nhưng bị loạn quân giết chết. Lòng căm phẫn đối với họ Dương chưa tan, loạn quân lại bức vua đem thắt cổ Dương Quý Phi thì họ mới chịu phò vua. Vì họ cho rằng Quý Phi là mầm sinh đại loạn.

Nhà vua không thể làm thế nào hơn, đành giấu mặt cắt lòng mà hy sinh nàng cung phi họ Dương, một trang quốc sắc thiên hương giữa thời 38 xuân xanh!

Mộng chiếm đoạt ngai vàng chưa bằng mộng chiếm đoạt con người đẹp, nhưng nay người yêu đã mất, mộng tình tan vỡ, An Lộc Sơn tức giận sinh cuồng, ra lịnh cho quân lính đốt phá kinh đô, tàn sát nhân dân. Sử chép: “Có 36 triệu sinh linh chết trong cơn loạn ấy. Rợ Phiên gặp ai cũng chém cũng giết, thực là một cuộc đổ máu không tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Hoa, mà nguyên nhân sâu xa là do cái sắc của một người đàn bà dâm loạn”.

Sau An Lộc Sơn bị con là Khánh Tự giết chết. Bộ tướng là Sử Tư Minh lại giết Khánh Tự mà hàng nhà Đường. Minh Hoàng khôi phục sự nghiệp, trở về Trường An để mục kích cảnh điêu tàn nơi đế khuyết.

Đế đô còn đó mà con người ngọc yêu dấu ngày xưa nay đâu còn nữa. Nỗi nhớ thương dào dạt, dằng dặc đầy lòng. Và đôi mắt già nua kia càng mờ đi vì đọng lệ.

Những bức họa Dương Quý Phi tắm suối

Đường Minh Hoàng tuy già nhưng vẫn đa tình và rất mực phong lưu. Còn Dương Quý Phi tức Dương Ngọc Hoàn là một giai nhân có một sắc đẹp nứt vàng tan đá.

Quý phi thích đi tắm suối. Mỗi lần đi phải phí tổn cả hàng vạn bạc. Nghe nói trên Quái Nham có cảnh đẹp, có suối trong khác thường, ai tắm sẽ được trường thọ. Vừa tham sống, vừa có tính tò mò nên quý phi đòi Minh Hoàng cho đi kỳ được.

Muốn cho mỹ nhân vui lòng, Minh Hoàng không quản khó nhọc, hạ chỉ cho quan lại địa phương phải moi óc nghĩ cách làm cho được con đường lên núi. Hạn trong nửa tháng, làm xong sẽ hậu thưởng; bằng không sẽ cho tuột chức nghỉ vô thời hạn.

Tiếp chỉ, quan địa phương xiết bao lo sợ. Sau có người bày cách kết mây làm cầu, chôn hai cây to dưới đất, rồi từ đó các đợt cầu mây cứ kế tiếp nối nhau đến tận cửa hang. Vì phải làm gấp và leo trèo khó khăn nên tốn kém có hơn 10 vạn bạc và số nhân công sơ sẩy bị té chết có hàng trăm.

Cầu làm chắc chắn và đi rất êm. Minh Hoàng và quí phi lên được đến nơi cho là một cuộc viễn du khó có. Muốn làm kỷ niệm, Minh Hoàng mới tìm một thợ vẽ khéo, vẽ lại diễm tích trên núi.

Một cuộc tắm mát đã làm cho người yêu như ý, Minh Hoàng vui mừng khôn xiết, hậu thưởng quan quân và dân chúng miền đó. Nhưng thấy làm hao hụt hàng vạn của kho và làm chết hàng trăm mạng người, Minh Hoàng cấm sử quan ghi chép và không ai được nói chuyện ấy.

Không ngờ bị quyển "Tây bắc thảm kỳ" của Đào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368-1628) chép truyện"Quái Nham Quý phi toàn dục bích họa", nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quý Phi tắm suối ở Quái Nham, ghi lại cuộc du hí vương giả của một ông vua già và nàng quý phi xinh đẹp.

Truyện kể, Quái Nham là một hòn núi kỳ quái, hiểm hóc ở về phía nam tỉnh Thiểm Tây. Ở lưng chừng, có một cái hang, cửa hang càng vào trong càng rộng. Tới mãi trong cùng thì có một bãi đất lộ thiên độ vài chục mẫu, cỏ mọc xanh rờn như một nệm gấm, phẳng phiu. Ở đây có nhiều thứ cây lạ. Mỗi cây có một thứ hoa đủ các hình sắc. Chung quanh bãi ấy, thân núi dựng đứng như bức tường dài. Vách núi nhiều chỗ lại phẳng trơn như mài, mỗi chỗ mỗi sắc, bóng nhoáng rất đẹp. Dưới những vách đá là một suối nước dài lượn theo. Dòng suối ấy cứ cách một quãng có những giọt nước từ trên khe đá tí tách rỏ xuống; hay những tia nước từ trong các mạch đất cuồn cuộn tuôn ra, hợp với dòng suối chảy tạo nên những tiếng êm tai như âm nhạc. Dòng suối có chỗ sâu hàng trượng, nước trong vắt, trông suốt cả những hòn đá nhỏ trắng phau dưới đây.

Thật là một cảnh thần tiên!

Trông về vách phía đông, thấy có một hàng chữ to có vẻ cổ kính "Dương Quý Phi toàn dục diễm tích" nghĩa là "Dấu vết xinh đẹp khi Dương Quý Phi tắm suối". Đây là một khoảng vách đá dài độ mươi trượng, rộng độ hai trượng có nhiều bức vẽ đều từng lúc Dương Quý Phi tắm suối thế nào. Các nét vẽ đều chạm khắc sâu vào thân vách nên dù màu có hơi nhạt nhưng nét vẫn còn rõ ràng như mới.

Tất cả chừng 10 bức vẽ.
Đây là lúc Dương Quý Phi cởi áo.
Đây là lúc nàng còn ngồi trên phiến đá thò chân khoắng nước.
Đây là lúc nàng đùa nghịch lấy tay đập nước, giọt nước bắn tung lên.
Và, đây là lúc nàng lội suối theo những chỗ nông sâu; ngấn nước trong veo dần dần mờ in trên cái thân mình tha thướt uyển chuyển, da trắng như tuyết...

Và, mỗi bức vẽ đều vẽ quý phi từ dưới suối nhìn lên cái ông chồng già Đường Minh Hoàng đương ngồi tựa mình trên vách đá, đôi mắt đắm say nhìn giai nhân mà tủm tỉm cười tình.

Dù đã cách có hàng năm sáu trăm năm mà xem đôi bạn tình vương giả ấy như đã học được thuật trường sinh, đem nhau đến chốn này, riêng hưởng cái diễm phúc mà người đời khó ai tìm được.

Dưới những bức họa ấy có đề ngày tháng năm đã vẽ ghi cái diễm tích ấy. Tức là ngày 25 tháng 5 năm Thiên Bảo thứ mười (theo Dương lịch là năm 752).

Dương Lêh st

KHÔNG PHẢI MỠ ĐÂU CŨNG NHƯ ĐÂU

Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe, hãy coi chừng mỡ bụng!

Trên cơ thể không phải mỡ đâu cũng như đâu. Từ bấy lâu nay các bác sĩ và chuyên viên dinh dưỡng vẫn thường đo Chỉ Số Thân Khối (Body Mass Index (BMI)), để đánh giá xem một người có dư cân hay không – và cũng coi những ai có BMI quá 25 là dư cân, và từ 30 trở lên là béo phì – chắc chắn dư mỡ. Mới gần đây, người ta lưu ý chúng ta nên chú ý đặc biệt đến vòng bụng vì cho là nếu mỡ tích nhiều ở bụng thì “không tốt cho sức khỏe” hơn là nếu tích dưới da nơi khác (như mông hay đùi, chẳng hạn).

Đơn giản hóa việc khám sức khỏe, giờ đây chỉ cần lấy thước dây ra đo vòng bụng (ngang rốn): Nam có vòng bụng quá 100 cm (#40 inches), nữ quá 85 cm (# 35 inches) kể như dư mỡ bụng, thậm chí béo phì nữa! Đáng cảnh báo hơn nữa, theo một công trình nghiên cứu mới công bố kết quả, so với những người có “eo thon hơn”, 70 đến 80% những người “phát tướng vòng 2” như vậy sẽ phát sinh ra chứng cao huyết áp trong vòng 2 năm 1/2.

Béo Phì vòng 2 kiểu này còn là một trong những nét đặc thù thường gập nhất của Hội Chứng Chuyển Hóa (HCCH metabolic syndrome) và những ai bị phải HCCH rất dễ bị Đái Tháo Đường và Cao Huyết Áp. Một công trình nghiên cứu khác đã từng kết luận là ai có HCCH thì có nguy cơ lên cơn đau tim hay đột quỵ gấp đôi người bình thường.

Vậy hãy coi chừng: đừng để tình trạng “không có eo” đáng tiếc này khiến cho người xung quanh phải “vô cùng thương tiếc” bạn!

Coi Chừng Cả Ung Thư Nữa

Ai đó lỡ có bị HCCH thì, ngoài vòng eo, cũng nên theo dõi đừng để ngoài giới hạn cho phép, các chỉ số trong máu sau đây: cholesterol HDL (= loại cholesterol “tốt”), triglycerid, huyết đường lượng lúc bụng đói, và năng đo huyết áp. Họ là những người có “nguy cơ gia tăng” (at increased risk) bị viêm (inflammation), bị nồng độ acid uric cao trong máu (rất hay dẫn tới bị bệnh Gút (gout), dễ bị máu đông (blood clotting) và những biến chứng mạch máu khác.

Có nhiều công trình còn thấy có mối tương quan giữa các vòng eo lớn với một số bệnh ung thư: các tác giả tin là tình trạng có nồng độ insulin và các yếu tố tăng trưởng giống insulin gia tăng trong máu, thường gập ở những người có dư mỡ bụng kích thích tế bào ung thư phát triển : sau mãn kinh vòng eo quá khổ làm tăng gấp đôi nguy cơ bị ung thư vú đối với phụ nữ, bất kể số cân nặng tổng quát của họ vừa phải hay dư thừa.

Vì có liên quan tới tình trạng nội tiết, bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể chịu ảnh hưởng của các chất đạm hormon giới tính (affected by sex hormone proteins), bị các nồng độ insulin cao trong máu khiến cho mất quân bình. Cũng may là khi các ông “bụng bự” chịu khó ăn kiêng theo chế độ ít béo (low-fat diets) và tập luyện đều đặn, là các nồng độ insulin trở lại những mức bình thường hơn. Một số công trình khác đang nỗ lực tìm mối tương quan giữa HCCH và những nồng độ insulin cao với tình trạng gia tăng nguy cơ ung thư ruột kết.

Hẳn Là Rất Nên Tập Bụng

Để được bụng nhỏ, eo thon, không gì bằng tập bụng - nhắm vào 3 nhóm cơ bắp thành bụng: cơ thành bụng trên (upper abdominals), cơ thành bụng dưới (lower abdominals) và các cơ thành bụng chéo (obliques). Những ai chưa tập bao giờ thì nên khởi sự lập lại 10 lần mỗi động tác trong một bài tập. Khi nào quen rồi, có thể tăng thêm số lần lập lại cho từng động tác - của từng bài tập.

1.Bài Tập Cơ Thành Bụng Trên

Bài tập nhằm củng cố cho cơ bắp thành bụng trên khoẻ hơn cũng là bài tập dễ nhất: động tác gấp bụng cơ bản (the basic crunch). Tư thế thực hiện đúng cách là: nằm ngửa, lưng áp xát nền và đầu gối hơi gập lại, gan bàn chân 2 bên đặt song song áp nền. Hai tay úp lên ngực, cần cổ thật thư giãn, bạn tự nâng vai và thân lên khỏi mặt nền 5-7 cm (several inches from the ground), vừa thực hiện động tác này, vừa thở ra, và chỉ hít vào khi thả lỏng, đặt lưng xuống nền .

2.Bài Tập Cơ Thành Bụng Dưới

Cũng nằm ngửa, bạn khởi đầu từ tư thế đầu gối hình thành một góc 90o với cơ thể (tức là gần lồng ngực hơn nếu nằm duỗi thẳng chân) . Rồi chỉ bằng cách điều khiển cơ bắp thành bụng dưới - không xử dụng các cơ bắp chi dưới hay hông, bạn hơi đưa dầu gối gần lại lồng ngực chừng 5-7 cm, vừa làm vừa thở ra. Rồi trở lại tư thế khởi đầu. Thì hít vào lưu ý đây là một cử động rất nhỏ; bạn đừng cố đưa đầu gối tới chạm mặt!

3.Bài Tập Cơ Bắp Chéo

Để tác động lên các cơ bắp chéo, là những cơ 2 bên thành bụng, bạn hãy luân phiên thực hiện những động tác gấp bụng chéo góc, nhắm đưa vai phải tới gần đầu gối trái và vai trái tới gần đầu gối phải.

Những Nơi Giấu Mỡ Nguy Hiểm

Mỡ dư có thể tích ngay dưới da hoặc sâu hơn trong cơ thể. Một khi eo đã quá khổ, nhiều khi mỡ cũng đã tích nhiều bên trong ổ bụng, hoặc ngay cả trong các cơ quan, bộ phận, như gan chẳng hạn. Và mỡ tích sâu bên trong hay đi kèm với những nồng độ insulin cao trong máu.

Khi các tế bào mô mỡ lớn lên, chúng cũng sản xuất ra nhiều hơn một số protein cho hệ thống miễn dịch. Các chất đạm này được chuyên chở thẳng tới gan, nơi đây chúng phóng thích ra những chất khích động gây viêm (inflammatory substances) làm gia tăng nguy cơ bị bệnh tim, bị đột quỵ, đái tháo đường, và nhiều phần là cả ung thư nữa. Ngoài ra, các tế bào mô mỡ còn phóng thích ra những yếu tố làm đông máu (blood-clotting factors) tác động ngay trong mạch máu và đặt toàn thân trong tình trạng dễ đông máu cục à nên mới gia tăng nguy cơ lên cơn đau tim và bị đột quỵ.

Kết Luận:

Bị HCCH và nhiều phần tích mỡ vùng eo có thể phần nào do di truyền. Song nếp sống, thói quen ăn uống hoặc có những sinh hoạt “tĩnh tại” là do mỗi người lựa chọn. Chưa kể là với năm tháng ai cũng tăng thêm tuổi và có những vấn đề sức khoẻ cần phải trị bằng thuốc men… những yếu tố đó cộng lại đủ để gây nên HCCH. Chỉ có tập luyện đều đặn và một chế độ ăn cân đối là những chiến lược tốt nhất... để “làm chủ” được vòng eo và phòng tránh HCCH. Thật cần thì mới đi cho bác sĩ kê toa dùng những thuốc để cải thiện tình trạng “rối loạn nồng độ insulin” trong máu.

(Theo Nutrition Notes của MSNBC)
TP HCM, Ngày 24 tháng 2, 2004
BS Nguyễn Lân Đính

Phụ Bản IV

NHỮNG HÌNH ẢNH
CHẠM KHẮC TRÊN CỬU ĐỈNH Ở HUẾ

Cửu đỉnh được khởi đúc từ năm Minh Mạng thứ 16 (1835), đến năm 1837 mới hoàn tất, mỗi đỉnh mang tên chữ từ trong Miếu hiệu các vua nhà Nguyễn, từ Thế tổ Cao Hoàng đế trở xuống: Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền đặt trước sân Thế Miếu, ứng theo thứ tự các án thờ bên trong

Triều Minh Mạng là thời kỳ đất nước Việt Nam thống nhất hùng mạnh, lãnh thổ vững chãi, đầy uy thế đối với lân bang. Có lẽ bất kỳ ai cũng đều thấy rõ: vị Hoàng đế của thời kỳ này là một người tuyệt đối theo Khổng giáo và là một nhà bác học thông tuệ của xứ sở. Cho nên rất dễ hiểu là cùng với đền đài cung điện đẹp đẽ, tráng lệ được xây dựng, nhà vua còn cho đúc Cửu đỉnh, có lẽ phần nào cũng bắt chước vua Hạ Vũ – Hoàng đế Trung Hoa xưa, lấy kim khí từ chín châu, đúc Cửu đỉnh tượng trưng cho 9 châu, làm vật báu của nước để truyền lại cho đời sau. Đặc biệt nhất là để xác định đế quyền của giòng họ trước Trời, Đất và Người. Vẻ đồ sộ, uy nghiêm do hình dáng và sức nặng của đỉnh biểu hiện sự vững bền lâu dài của triều đại, trong cách nhìn của chế độ phong kiến thì chính đấy cũng là tượng trung thiêng liêng của sinh mệnh Tổ quốc.

Phải tưởng tượng đến cách làm việc của những người thợ đúc, mới thấy được công trình này vĩ đại như thế nào: đúc mỗi đỉnh phải dùng 60 lò nấu đồng góp lại, mỗi lò chỉ nấu chảy được từ 30-40 kg, khuôn để lật ngược, đồng đổ vào một chân đỉnh. Đúc xong đỉnh rồi sẽ gắn thêm đôi quai và các hình chạm nổi. Các hiệp thợ hàng trăm người được huy động từ Phường đúc Huế vá các Phường đúc có tiếng khác trong cả nước, làm việc liên tục trong 3 năm và phải sử dụng một khối lượng đồng thau nặng đến hơn 20 tấn để hoàn tất công trình này.

Trên mỗi đỉnh đều có ghi trọng lượng, mỗi đỉnh nặng từ 2 đến 2,5 tấn, theo Khâm định Đại Nam Hội diễn sự lệ, trong lượng và kích thước của các đỉnh như sau:

- Cao đỉnh nặng: 4.307 cân ta, cao 5 thước 5 phân, miệng rộng 3 thước 3 tấc 5 phân.
- Nhân đỉnh nặng: 4.160 cân ta, cao 4 thước 7 tấc 5 phân, miệng rộng 3 thước 3 tấc 3 phân.
- Chương đỉnh nặng: 3.472 cân ta
- Anh đỉnh nặng : 4.261 cân ta
- Nghi đỉnh nặng : 4.206 cân ta
- Thuần đỉnh nặng : 3.229 cân ta
- Tuyên đỉnh nặng : 3.421 cân ta
- Dụ đỉnh nặng : 3.341 cân ta
- Huyền đỉnh nặng: 3.201 cân ta, cao và rộng như Nhân đỉnh.

Một cân ta nặng khoảng 0kg600, 1 thước ta dài khoảng 0m42.

Ngoài mấy điểm đã đề cập trên. Cửu Đỉnh ở Huế ngày nay đã là một vết tích lớn của nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc có lẽ do chính hiệu quả sâu sắc của những hình chạm khắc trên đó. Trên chín đỉnh đồng vĩ đại này, chúng ta sẽ nhìn thấy 162 hình ảnh tinh xảo, phân bố đều cho các đỉnh, mỗi đỉnh chứa đựng 18 hình ảnh chạm khắc nổi, tập họp thành một bức tranh toàn cảnh tươi đẹp của Tổ quốc Việt Nam, là một bức tranh hoành tráng rất hiện thực nhưng lại bắt sâu vào phần thiêng liêng của sông núi, tạo nên một vẻ đẹp hài hòa kỳ diệu, theo một cách nói nào đó thì các đỉnh tạo thành một bản tài liệu biểu tỏ kiến thức bách khoa của các vị nho sĩ thông thái trong triều đình Huế năm 1835, tài liệu còn giữ được nguyên vẹn dưới mắt chúng ta trong khi những tài liệu khác hoặc đã bị tiêu hủy hoặc đã bị nhiều phần sai lạc. Đấy là hình ảnh trời, đất, trăng, sao các hiện tượng thiên văn, khí tượng, các thực thể địa lý quan yếu trong nước như sông, núi, biển, đèo, các động vật, thực vật, chim chóc, hoa lá, những vật thể gắn liền với cuộc sống như xe cộ, ghe thuyền, binh khí. Tất cả những hình ảnh ấy đã gắn bó bền chặt cùng nhau, cả trên bề mặt lẫn chiều sâu, có khi là tiêu biểu của vẻ đẹp vương giả, cung đình nhưng có khi lại rất dân gian, thân thuộc với cuộc sống ngoài chốn đồng nội, thảo dã.

Chúng ta thử liệt kê các hình ảnh ấy ở đây:

Trên Cao đỉnh có hình tượng con rồng, chim trĩ, bông tử vi, củ hành, cây lúa, cây mít, núi Thiên Tôn (Thanh Hóa), sông Bến Nghé, mặt trời, Kinh Vĩnh Tế, biển Đông, cây gỗ lim, con ba ba, cây trầm, con cọp, súng đại bác, thuyền nhiều cây (da tác thuyền, trois Mâts).

Trên Nhân đỉnh là tập họp các hình tượng: cây ngô đồng, chim công, hoa sen, cây bòn bon, lúa nếp, gỗ kỳ nam, núi Ngự Bình, sông Hương, mặt trăng, sông Phải Lại (con sông đào phía đông thành Huế), biển Nam Hải, cá voi, con đồi mồi, con beo, súng đại bác đặt trên bánh xe (luân xa pháo), thuyền có tầng lầu (lâu thuyền), cây rau hẹ.

Trên Chương đỉnh có hình ảnh: con gà trống, bông lài, rau kiệu, cây đậu xanh, quả đậu khấu, cây xoài, biển Tây, sông Gianh, ngũ hành tinh (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), sông An Cựu, núi Thương Sơn (gần Huế), cây bồ hòn, tê giác, súng điểu thương, thuyền chiến, cá sấu, rùa thiêng.

Trên Anh đỉnh là các hình ảnh: con ve, bông hồng, chim hạc, cây cau, cây nghệ, cây tô hợp (styrax), núi Hồng Lĩnh, sông Lô, sao Bắc Đẩu, sông Mã, sông Ngân Hà (voie lactée), con ngựa, cây thị, con trăn, đàn bươm bướm (hồ điệp tử, boulet châiné), lá cờ, cây dâu.

Trên Nghị đỉnh là các hình ảnh: cây mai, con đuông dừa, hoa hải đường, cây đậu ván, cây quế, cây huỳnh đàn, cửa biển Thuận An, sông Bạch Đằng, sao Nam Tào, sông Vàm Cỏ, cửa ải Quảng Bình, cá tràu (cá lóc), con voi, cặp chim uyên ương, thuyền đi biển, cây giáo, cải bẹ xanh.

Trên Thuần đình: cây đào, chim hoàng anh, hoa quỳ (hướng dương), cây đậu nành, rau húng, cỏ sa nhân (cardamome sauvage), cửa biển Cần Giờ, sông Thạch Hãn, gió, sông đào Vĩnh Định (Quảng Trị), núi Tản Viên, con cá rô, con bò tót, gỗ sao, thuyền đua, lưỡi gươm, con trai.

Trên Tuyên đỉnh có các hình ảnh: chim két, cây trắc bá, cây đâu phụng, hoa sói, cây nhãn, tổ chim yến, sông Lam (Nghệ An), núi Đại Lãnh (giữa Phú Yên và Khánh Hòa), đám mây, sông Hồng, núi Duệ (phía đông nam Huế), con sam, con vích, con lợn, chiếc thuyền với 6 cặp tay chèo, cái nỏ, cây gừng.

Trên Dụ đỉnh: chim anh võ, cây thông, cây dâm bụt (ketmie), cây đậu trắng, cây trầu, cây lê, cửa biển Đà Nẵng, sông Vệ (Quảng Ngãi), sấm chớp, sông Vĩnh Điện (Quảng Nam), cửa ải Hải Vân, con cá mú, con dê, con hến, cây phạng (faux de combat), thuyền ô, cây tía tô.

Trên Huyền đỉnh: cây mộc lan (magnolia), chim đầu sói (marabout), cây bông vải, cây Nam sâm, cây tỏi, trái vải, sông Thao (Việt Trì), núi Hoành Sơn (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), cơn mưa, sông Tiền sông Hậu, cầu vồng (arc-en-ciel), con cà cuống, con lộc mã (cerfhybride), cây nhựa sơn, súng phun lửa, con mãng xà, xe tứ mã.

Xem qua những khắc chạm trên, có lẽ tất chúng ta dễ dàng đồng ý rằng chính đây là một cuộc triển lãm bao gồm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế với nhiều kỹ xảo, tinh thần khoa học, lại xây dựng trên đời sống trí tuệ và tâm linh của cả một dân tộc mà cho đến ngày nay giá trị ấy càng được xác định hơn. Tâm hồn của đất nước truyền thống hiển hiện tài tình qua một số phạm trù: vũ trụ, thiên nhiên, lịch sử, tất cả đã tập hợp cùng nhau để ngợi ca Tổ quốc hoa gấm, nước biếc non xanh giàu đẹp vững bền.

Ở nơi đây, như đánh giá của một nhà nghiên cứu về Huế: Cửu đỉnh là kiệt tác của nghệ thuật và kỹ thuật đúc đồng Việt Nam vào thế kỷ thứ XIX tại Huế, cũng là mẫu mực về sự chan hòa giữa nghệ thuật chính thống và nghệ thuật dân gian. Có thể xem đây là thành tựu vượt bực của văn hóa Phú Xuân, một sáng tạo kỳ diệu của văn hóa nghệ thuật Việt Nam truyền thống. Ý kiến này khá xác đáng, xem xét kỹ bộ Cửu đỉnh vĩ đại chúng ta sẽ thấy rằng đây không phải là sản phẩm của tầng lớp quý tộc phong kiến mà đúng là một công trình chung của dân tộc, là một thành tựu do nhiều người góp sức vào, của nhà cầm quyền, giới trí thức, những nhà nghệ sĩ tạo hình và của biết bao nhiêu người thợ khéo đến từ nhiều nơi. Nếu người chủ xướng công trình là vua Minh Mạng (1821-1840) thì công bằng mà nói, chúng ta phải nhận là cách nhìn của nhà vua rất phóng khoáng, cởi mở, có một cái nhìn bao trùm lên toàn giang sơn cẩm tú, chứ không chỉ hẹp hòi trong vẻ đẹp thanh tao vương giả và biểu tượng cung đình cứng nhắc. Thế cho nên, bên cạnh hình tượng con rồng uy nghi, bên cạnh vầng nhật nguyệt và những chòm sao thiêng liêng, cạnh móng cầu vồng bảy sắc rạng rỡ kỳ lạ trên bầu trời, cạnh những giống chim quý như trĩ mà có nhà nghiên cứu cho là tiền thân của loài Phượng hoàng phương Đông, cao nhã như chim hạc, lộng lẫy như chim công, kiểu cách như anh vũ, vàng anh, chúng ta bắt gặp những hình ảnh dân giã biết bao, như những con cá rô, cá tràu, con heo, con đuông dừa, con sam, con cà cuống, củ hành, củ nghệ, rau tía tô, rau húng, bụi rau hẹ, cây lúa, cây đậu phụng. Cạnh sản vật và phong thổ tự nhiên là những công trình lao động sáng tạo của nhân dân như Kinh Vĩnh Tế là một điển hình đặc sắc. Con kinh đào nối liền Châu Đốc – Hà Tiên với số nhân công trên 80 ngàn người với bao nhiêu gian khổ hy sinh, phải lao nhọc dai dẳng trên 5 năm trời để được như sách Đại nam Thống Nhất Chí nhận xét: “Từ ấy đường sông lưu thông. Từ kế hoạch trong nước, việc phòng giữ ngoài biên cương cho tới sinh hoạt buôn bán của nhân dân đều được tiện lợi vô cùng”.

Trong chiều hướng như đã nhìn thấy ở trên, chúng ta có thể lần lượt phân tích tất cả 162 hình ảnh trên Cửu đỉnh để thấy được cái đẹp đẽ dàn tải mênh mông khắp nơi, vừa rất hiện thực mà lại vừa đầy tính biểu tượng của đất nước thân yêu tươi đẹp. Cảm động và tự hào biết bao khi đứng trước một di sản tôn quý và thiêng liêng như thế của ông cha, chắc chắn nó sẽ góp thêm một phần vào sức mạnh tiềm tàng của xứ sở trước ngưỡng cửa cuộc sống hôm nay và cả ngày mai.

Di sản thế giới – Bùi Đẹp

LĂNG KHẢI ĐỊNH

So với 6 khu lăng của các vua nhà Nguyễn, lăng Khải Định là lăng sau cùng, và mặt bằng kiến trúc nhỏ hẹp nhất, nhưng đây lại là công trình đòi hỏi nhiều nhất về thời gian, công sức và tiền của. Nếu lăng Gia Long xây dựng trong 6 năm (1814-1820), lăng Minh Mạng trong 4 năm (1840-1843), lăng Tự Đức trong 3 năm (1864-1867) thì công cuộc kiến trúc của lăng Khải Định kéo dài đến 11 năm (1920-1931).

Dưới thời Khải Định (1916-1925), chủ quyền Việt nam đã lọt hẳn vào tay thực dân Pháp và văn hóa nghệ thuật phương Tây đang thâm nhập mạnh vào nước ta. Cho nên, ở lăng Khải Định, một số yếu tố hiện đại (éléments modernes) đã chen lấn vào dòng nghệ thuật kiến trúc cổ truyền của dân tộc.

Thoạt nhìn, lăng Khải Định giống như một tòa lâu đài ở Châu Âu, vì được xây dựng bằng bê tông trên một sườn núi. Các vật liệu truyền thống của bản địa như gỗ, đá, gạch, vôi ở đây chỉ là một số lượng không đáng kể. Những cánh cửa sắt, gạch ca-rô, ngói ac-đoa, cột thu lôi (paratonnerre), hệ thống đèn điện, những tháp nhọn stoupa cũng là những thứ ngoại lai. Sự loại bỏ màu xanh của lá cây cổ thụ, sự vắng bóng của mặt nước ao hồ và bể cạn trong lăng, làm cho tồng thể kiến trúc từ bậc cấp thứ nhất đến bậc cấp thứ 127 thiếu đi vẻ êm dịu, tươi mát. Những con rồng to lớn, kệch cỡm tạo nên các thành bậc thềm của 5 tầng sân càng làm tăng vẻ mặt nặng nề cứng cỏi của toàn bộ công trình kiến trúc hình khối bằng bê tông.

Tuy nhiên, tất cả núi đồi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng đều đã được dùng làm các yếu tố phong thủy địa lý: tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thủy tụ; tạo ra được cho lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ.

Nhưng, giá trị nghệ thuật cao nhất của lăng này là ở phần trang trí nội thất cung Thiên Định, công trình kiến trúc chính của lăng.

Về mặt hội họa, ở các mặt tường và trần của Tả, Hữu trực phòng, các nghệ nhân xưa đã dùng màu xanh sẫm vẽ lên xi măng để giả đá cẩm thạch trông giống như thật. Những bức họa long vân với diện tích hàng chục mét vuông trên trần 3 phòng giữa của cung Thiên Định đang được các họa sĩ Việt nam hiện đại công nhận là những bức tranh họa hoành tráng có giá trị mỹ thuật cao nhất của nền hội họa nước ta.

Về nghệ thuật ghép mảnh lên tường, những “bàn tay vàng” của các nghệ nhân đầu thế kỷ XX đã dùng hàng vạn mẫu sành sứ, thủy tinh đủ màu để đắp nổi thành hàng ngàn hình ảnh cung đình, và dân gian sinh động, sống sít, vui mắt: các bộ tranh tứ thời, ngũ phúc, bát bửu, bộ khay trà, mâm ngũ quả, ngọn đèn dầu hỏa, những chiếc đồng hồ, mấy cái mề đay vv… Mọi hình ảnh tuy được kết cấu bằng những vật liệu cứng, nhưng, nhờ sự tạo hình khéo léo, nên trông vẫn thanh nhã, mượt mà, óng ả, long lanh.

Bằng những đường cong uốn lượn mềm mại của chiếc bửu tán che trên ngự tọa, các nghệ nhân bậc thầy thời ấy đã tạo ra cho người xem cái ảo giác nó rất nhẹ nhàng, có thể lay động trước một cơn gió thoảng. Ở một số pa-nô thể hiện cây cối lá hoa, khách tham quan có cảm tưởng như đang thấy gió thổi tre nghiêng, mưa rơi, liễu rũ… Trong một số ô hộc khác, các thú vật như đang chạy nhảy trên núi đồi, đồng cỏ, những đôi chim như đang bay lượn, vùng vẫy giữa không gian.

Ngoài những chữ “phúc” ở đây còn trang trí hàng trăm chữ “thọ” và “vạn thọ” được cách điệu hóa bằng cả chục hình thức khác nhau: hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, hình thuẫn, hình cái lư, hình lồng đèn… Thọ nghĩa là sống lâu, sống mãi, nói lên quan niệm “sống gửi thác về” của các vua nhà Nguyễn.

Triều đình đã đưa tất cả các thợ thủ công có tay nghề cao nhất trong “Nê ngõa tượng cuộc” lên dạy làm việc dài hạn. Trong số đó, có một nghệ nhân nổi tiếng nhất về tài trang trí bằng cách vẽ những bửu họa long vân trên trần và đắp nổi cảnh vật lên tường là cụ Phan Văn tánh, về sau được tặng hàm bát phẩm.

Trong lăng Khải Định hiện nay có hai pho tượng bằng đồng tạo hình nhà vua với tỷ lệ 1/1: một pho tượng ngồi trên ngai vàng và một pho tượng đứng. Sự có mặt của tượng vua trong lăng là một điều đặc biệt so với các lăng khác.

Pho tượng ngồi trên ngai vàng được thực hiện ở Paris vào năm 1920, do 2 người Pháp là P. Ducuing tạc tượng và F. Barbedienne đúc tượng. Trong lòng tượng rỗng nên không nặng lắm, sau khi chở về đến Huế mới mạ vàng bên ngoài.

Còn pho tượng đứng thì đúc ngay tại Huế do một người lính thợ, quê ở Quảng Nam, thực hiện. Làm xong, ông cũng được tặng hàm bát phẩm. Tượng này nguyên đặt trong ngôi nhà bát giác xinh xắn mang tên là Trung Lập Đình ở trong sân trước của cung An Định. Vào năm 1960, trong hoàn cảnh chính trị và xã hội thay đổi, pho tượng được đưa lên đặt tại Bi Đình ở lăng Khải Định. Kể từ năm 1975, nó bị dẹp vào cất trong một phòng kín tại lăng.

Để thực hiện các công trình kiến trúc và trang trí tốn kém ở lăng Khải Định, nhà nước bấy giờ đã tăng thuế điền trên toàn quốc lên 30%. Kinh phí lớn nhất là phải mua vật liệu từ nước ngoài. Sắt, xi măng, ngói á-doa (ardoise) phải mua từ Pháp. Sành ngang chở từ Hà Đông vào, nhưng sành kiểu, sứ tốt, vỏ chai, thủy tinh phải nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản… Theo họ, lăng tẩm không phải chỉ là chỗ chôn người chết, mà còn là nơi họ tiếp tục sống muôn thuở ở thế giới bên kia. Sau lưng ngai vàng vua Khải Định ngồi, còn có mô hình mặt trời đang lặn. Vua cao cả như mặt trời. Mặt trời lặn biểu thị nhà vua băng hà. Với óc thông minh sáng tạo, với tính nhẫn nại cần cù, với bàn tay tài hoa bay bướm, người thợ thủ công Việt Nam thời Khải Định đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền mỹ thuật của đất nước đương thời với nghệ thuật phù điêu bằng sành sứ cực kỳ tinh xảo, vô cùng độc đáo và hết sức hấp dẫn.

Với tượng đồng bia đá, với cung Thiên Định giống như một viện bảo tàng, với ngoại cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ, lăng Khải Định là một tác phẩm mỹ thuật tổng hòa của nhiều dòng văn hóa, một điểm giao thoa giữa mỹ thuật kim cổ đông tây. Nó phản ánh rõ nét phong cách sống thích chưng diện của vua Khải Định lúc sinh thời, và đánh dấu giai đọan giao thời giữa hai nền văn hóa Á-Âu của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ.

Trong quyển “L’art Vietnamien” (Mỹ thuật Việt Nam) L. Bezacier đã gọi mỹ thuật thời Khải Định là thời “tân cổ điển” (Néo-classique) trong lịch sử mỹ thuật nước ta.

Di sản thế giới – Bùi Đẹp

Thú Chơi Sách

Thú chơi sách là một thú nhàn đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng, hoặc giở trang sách tìm người trong xuân mộng. Nói như vậy vẫn còn chưa đủ: Nhà chơi sách chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm ái, vuốt ve trang giấy mịn màng, gửi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu tài tử đời xưa tiếp kiến mỹ nhân bằng xương bằng thịt.

VƯƠNG HỒNG SỂN
(Thú chơi sách)

Không có sự say mê nào quý hơn sự say mê sách vở.

Không có sự thám sát vũ trụ, cõi lòng nào sâu sắc, rộng lớn bằng sự thám sát sách vở.

Không có tài sản nào đồ sộ hơn một tủ sách giàu có.

Không có vốn liếng nào bất tận, quý giá hơn tài sản tinh thần của ta rút trong sách vở.

PÉTRARQUES

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế