Hiện có 11 người xem / 2316112 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP
NGÀY THỨ BẢY 08 /11/2008
CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY

Mở đầu buổi họp, như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu 2 cuốn sách. Kỳ này cả hai cuốn sách đều có thể được coi là sách Nay, vì một cuốn được xuất bản năm 1959 và một cuốn năm 2002. Cuốn thứ nhất có tựa đề là “Đường số 23” (Piste 23) của tác giả Pierre Huard in ở Paris năm 1959. Đó là một cuốn sách thuộc loại tường thuật (récit) kể lại một đoạn đời của một người lính thám sát Pháp sống ở khu vực đường số 23 bên Lào. Nội dung cuốn sách không có gì đặc biệt, nhưng điều đáng chú ý là tác giả cuốn sách là PIERRE HUARD, một Thiếu tướng Quân y của Pháp và là đồng tác giả với cụ Giáo sư Maurice Durand của tác phẩm nổi danh nhan đề là “Hiểu biết Việt Nam” (Connaissance du Vietnam), một cuốn sách rất quý, đứng hàng đầu trong các loại sách người Pháp viết và nghiên cứu về nước ta hồi thế kỷ trước. Cuốn sách này quý ở chỗ là nếu không có duyên gặp gỡ với nó, ít ai biết được là Cụ Pierre Huard đã viết ra nó. Ngoài ra sách còn có một số minh họa bằng bút sắt rất đẹp.

Cuốn thứ hai mang tựa đề là: “Bài hát và trò chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam” (Chants et jeux traditionnels de l’enfance au Vietnam) của một tác giả nữ mới tên là Đỗ Lam Chi Lan và được xuất bản năm 2002. Cuốn sách này dày 365 trang và sưu tập rất nhiều bài hát của trẻ em hồi đầu thế kỷ thứ 20 rất là hay, rất đặc biệt, và đặc biệt hơn cả là các bài hát truyền thống đó ngày nay đã hầu như hoàn toàn đi vào quên lãng, cho nên việc sưu tầm chúng vào một cuốn sách là một việc thật đáng trân trọng. Ví dụ như bài dưới đây trích từ cuốn “Trẻ con hát, trẻ con chơi” của Cụ Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản năm 1942, 43 gì đó:

“Con cóc là con cóc đen
Hai vợ chồng trẻ thắp đèn ăn cơm
Ăn rồi xới xới đơm đơm
Muốn cho sạch sẽ lấy rơm mà chùi
Chồng giận chồng đánh ba dùi
Chạy ra ngoài ngõ để nồi chuột tha
Chuột tha lên núi lên non
Chuột tha làm tổ cho con nó nằm…”

Tất cả các bài hát truyền thống này (trên dưới 200 bài) đã được nữ tác giả chuyển ra tiếng Pháp rất nghiêm chỉnh đáng khen. Ngoài ra cuốn sách còn có một số hình và tranh minh họa rất đẹp và cuối cùng, cuốn sách còn có lợi thế là có chữ ký và thủ bút của chính tác giả.

Sau phần giới thiệu 2 cuốn sách nói trên Anh Vuơng Liêm đã có một thuyết trình mini về việc một nữ tác giả đã viết một truyện ngắn, bịa đặt, suy diễn, nói xấu Cụ Nguyễn Trãi, một trong ba danh nhân Việt Nam được UNESCO công nhận. A.Vương Liêm đã phân tích và trích đoạn một vài đoạn cực kỳ bậy bạ của truyện ngắn nói trên, khiến các thành viên ngồi nghe đều rất bực mình khi thấy một danh nhân bị lăng mạ tệ hại như vậy.

Sau cuộc thuyết trình của A.Liêm các thành viên được thông báo là kỳ họp vào ngày 13.12.08 sẽ là một chuyến đi dã ngoại tới thăm nhà lưu niệm của Cụ Hồ Biểu Chánh, và các thành viên được mời viết về cụ Hồ Biều Chánh vì Bản tin số 31 của tháng 12 sẽ có chuyên đề là “Bài vở viết về Cụ Chánh”.

Cuộc họp kết thúc lúc 11giờ15 cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

CUỐNBẮC KỲ NĂM XƯA(Le Vieux Tonkin)
của CLAUDE BOURRIN,
một cuốn sách hay trong số các sách người Pháp
đã viết về Việt Nam thời tiền bán thế kỷ 20.

Là người luôn luôn kính trọng và quý mến những người “ve chai” gánh những gánh sách cũ đi bán, tôi có thói quen mỗi khi chạy xe trên đường đều luôn luôn “ngó” vào các gánh ve chai mà tôi gặp trên đường. Tôi quý mến và kính trọng họ vì đây đích thực là những con người “dầm mưa dãi nắng” để kiếm sống một cách lương thiện… Thói quen nói trên đã mang lại cho tôi cuốn sách quý này trưa ngày 17-02-1994 khi tôi đang rong ruổi trên đường Kỳ Đồng, gần cầu Trương Minh Giảng cũ…

Về tác giả CLAUDE BOURRIN tôi không được biết nhiều gì về ngoài việc ông ta là một nhà báo và là một người tự học vì xuất thân trong một gia đình nghèo mà người cha Emile Bourrin, lúc mới sang Việt Nam là một người lính bộ binh thời thuộc địa (marsouin) ở Nam Kỳ và sau ra Bắc làm ở sở Hỏa xa.

Cuốn Bắc Kỳ năm xưa dày 218 trang nhưng lại có tới 66 minh họa cực đẹp vẽ bằng bút sắt, và những minh họa này rất có giá trị với các nhà nghiên cứu vì nó lưu lại hình ảnh nhiều nhân vật, đền đài, phố xá, tượng đài vv… của Hà Nội cũ.

Ngay trên bìa cuốn sách tác giả đã ghi rõ là ông viết về các đề tài chính như: Kịch trường, Thể thao và Đời sống Thượng lưu từ năm 1884-1889.

Tác giả chia cuốn sách ra làm 5 phần:

Phần I: Từ đầu đến trang 103 nói về tất cả mọi chuyện đã xảy ra ở Bắc Kỳ trong hai năm 1884-1885. Trước hết tác giả kể về buổi trình diễn kịch nói đầu tiên ở một nơi mà ông ta gọi là Chùa Bút Tháp? (Pagoda du Pinceau) – Vở kịch này đã được trình diễn bởi các diễn viên “nhà binh” chứ không phải dân sự. Kế đến ông ta kể về diễn viên hài “tài tử” đầu tiên ở Bắc Kỳ là một người tên là Adolpho Piglowski. Trong phần này ông ta còn đưa tin là có hai nam nữ ca sĩ Pháp tên là Jeanne Préval và Emile Fervel đã qua đời vì bị bịnh dịch tả. Sau chuyện này là phần mà ông ta đặt tiêu đề là: “Hà Nội năm 1885 như thế nào?” và mô tả phố xá Hà Nội, Các Cửa Ô, Hồ Hoàn Kiếm, Nhà Chung, các phương tiện chuyên chở như xe hỏa và xe kéo, đồng thời cũng mô tả khách sạn ở Hà Nội năm 1884, và về tờ báo mà ông cho là đầu tiên ở Hà Nội là tờ “Tương lai xứ Bắc Kỳ” (L’Avenin du Tonkin).

Phần II: Từ trang 105-122 nói về các sự việc đã xảy ra trong năm 1886 gồm các đề tài như: Ô. Paul Bert tới Hà Nội, dàn quân nhạc đầu tiên, các cuộc đua ngựa đầu tiên, cái chết của Paul Bert, tờ báo thứ nhì: tờ “Thời sự Hải Phòng” (Le Courrier d’Haiphong)

Phần III: Từ trang 123-146 nói về các sự việc của năm 1887 với các tiểu đề tài như: Hội chợ triển lãm ở Hà Nội, một người sĩ quan tên là Jofpe, Kinh lược Nguyễn Hữu Độ, một vụ xử chém…

Phần IV: Từ trang 147-168 nói về cái sự việc của năm 1888 gồm các tiêu đề như: các vụ cháy nhà ở Hà Nội, nạn chó dại ở Hải Phòng, Đoàn kịch nói của Lính Lê Dương ở Thanh Hóa, quán Cà phê nhạc Mallaire…

Và Phần V: Từ trang 171-217 nói về các sự việc của năm 1889 như: những tác phẩm đầu tiên của nhà văn thuộc địa Jules Boissière, việc sáng lập Hội Hòa Nhạc ở Hà Nội, việc sáng lập Hội Âm Nhạc ở Hải Phòng, tờ báo thứ ba là tờ “Nền Độc Lập của Bắc Kỳ” (L’indépendance Tonkinoise)…

Cuốn sách này tuy không đi sâu vào lãnh vực nghiên cứu nhưng lại cho các nhà nghiên cứu khá nhiều tài liệu để có thể dựa vào đó mà nghiên cứu sâu hơn. Ngoài ra phần tài liệu tham khảo ở các trang 213, 214, và 215 cực kỳ quý giá vì nó cho tên TẤT CẢ CÁC VỞ KỊCH ĐÃ ĐƯỢC BỌN PHÁP DIỄN Ở BẮC KỲ, TÊN TẤT CẢ CÁC THỨ BÁO PHÁP (19 thứ) và TÊN CÁC HIỆP HỘI, CLB gồm 23 thứ và cuối cùng là tên 27 cuốn sách bọn Pháp Thuộc địa đã viết về Bắc Kỳ.

Tóm lại đây là 1 cuốn sách thuộc loại dùng được, xin chia sẻ với quý bạn.

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI
Vũ Anh Tuấn

Vài nét sơ lược về tiểu sử

và tác phẩm của Cụ Hồ Biểu Chánh

I. Hồ Biểu Chánh (1885-1958):

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1885, tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công, trong một gia đình nghèo.

Năm lên 8, Hồ Biểu Chánh học chữ Nho, năm lên 12 ông bắt đầu học Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tổng Vĩnh Lợi, rồi sau học trường tỉnh Gò Công. Nơi đây ông được cấp học bổng để theo học tại trường Chasseloup-Laubart ở Sàigòn. Cuối năm 1905 ông thi đậu bằng Thành Chung.

- Năm 1906, ông thi đỗ làm Ký lục tại Soái phủ Nam Kỳ (Sàigòn), tòng sự tại Dinh Hiệp Lý, năm 1912,1913 tòng sự tại tòa bố tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Năm 1914, tòng sự tại tòa bố tỉnh Long Xuyên.

- Năm 1917, Hội Khuyến Học Long Xuyên xuất bản Ðại Việt tạp chí, ông có cộng tác với tạp chí nầy, viết về khoa học, kinh tế, lý tài.

- Năm 1919, đổi về làm việc tại tòa bố Gia Ðịnh. Năm 1920, làm việc tại văn phòng Thống Ðốc Nam Kỳ. Cuối năm 1921 thi đậu Tri Huyện.

- Năm 1927 thăng tri phủ, đổi đi làm Quận Trưởng quận Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Năm 1932, đổi đi làm Quận Trưởng quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Năm 1934, đổi đi làm Quận Trưởng quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.

- Năm 1935, đổi về Sàigòn làm Phó Chủ Sự phòng 3, kiểm soát ngân sách tỉnh và thành phố. Năm 1936, thăng Ðốc Phủ Sứ, trong năm nầy ông làm đơn xin hưu trí, nghị định cho về hưu tháng Giêng năm 1937, nhưng mãi đến năm 1941, ông mới được về hưu.

- Ngày 4-8-1941, ông được cử làm Nghị Viên Hội Ðồng Liên Bang Ðông Dương, đến ngày 26-8-1941, ông được cử làm Nghị viên kiêm Phó Ðốc Lý thành phố Sàigòn. Cuối năm 1941, thành phố Sàigòn - Chợ Lớn sáp nhập làm một, ông làm Nghị viên trong Ban Quản Trị thành phố Sàigòn cho đến năm 1945.

- Năm 1946, ông làm Chánh Văn phòng cho Chánh phủ Nam kỳ của Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh. Sau khi Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh quyên sinh. Hồ Biểu Chánh mới từ bỏ hẳn cuộc đời công chức.

Sau khi về hưu, ông ở Gò Công một thời gian, rồi trở lại Sàigòn, ông vẫn tiếp tục sáng tác cho đến khi qua đời ngày 4 tháng 11 năm 1958 (nhằm ngày 23 tháng 9 năm Mậu Tuất, tại biệt thự Biểu Chánh, đường Hồ Biểu Chánh, Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh.

Khi ông mất, thi sĩ Ðông Hồ lấy tên các tác phẩm của ông, làm câu đối đi viếng tang ông như sau:

- Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, tác phẩm viết trăm lẻ năm thiên, Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ cứng gió đùa, Tỉnh mộng, mấy Ai làm được.

- Cang thường nặng gánh, cơn Khóc thầm, cơn Cười gượng, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, Thiệt giả giả thiệt, Vườn văn xưa Ghé mắt, Ðoạn tình còn Ở theo thời.

Về văn nghiệp, ngoài tiểu thuyết ra, ông còn viết nhiều thể tài khác như khảo cứu về tôn giáo, chánh trị, tiểu thuyết. Viết tuồng cải lương, hát bội...

Năm 1942 và 1943, Hồ Biểu Chánh làm chủ nhiệm Bán nguyện san Ðại Việt Tạp Chí và Nam Kỳ Tuần Báo xuất bản tại Sàigòn.

II/ Các tác phẩm

1. Dịch thuật:
Tân soạn cổ tích (cổ văn Trung Quốc, Sài Gòn-1910)

Lửa ngún thình lình (dịch tiếng Pháp, SG, 1922)

2. Thơ:
U tình lục (Sài Gòn – 1910)
Vậy mới phải (Long Xuyên – 1913)
Biểu Chánh thi văn (Tập i,ii, iii bản thảo)

3. Tùy bút Phê bình:
Chưởng Hậu quân Võ Tánh (Sài Gòn – 1926)
Chánh trị giáo dục (Gò Công – 1948)
Tùy bút thời đàm (Gò Công – 1948)

4. Hồi ký
Ký ức cuộc đi Bắc Kỳ (1941)
Mấy ngày ở Bến Súc (1944)
Đời của tôi
1. Về quan trường
2. Về Văn nghệ
3. Về phong trào cách mạng
Một thiên ký ức: Nam Kỳ cộng hòa tự trị (Gò Công – 1948)
Tâm hồn tôi (Gò Công – 1949)
Nhàn trung tạp kỷ (tập i, ii, iii Gò Công – 1949)

5. Tuồng hát:
Hài kịch: - Tình anh em (Sài Gòn – 1922)
Toại chí bình sinh (Sài Gòn – 1922)
Đại nghĩa diệt thân (Bến Súc – 1945)
Hát bội: - Thanh Lệ kỳ duyên (Sài Gòn 1926 – 1941)
Công chúa kén chồng (Bình Xuân – 1945)
Xả sanh thủ nghĩa (Bình Xuân – 1945)
Trương Công Định quy thần (Bình Xuân – 1945)
Cải lương:
Hai khối tình (Sài Gòn – 1943)
Nguyệt Nga cống Hồ (Sài Gòn – 1943)
Vì nước vì dân (Gò Công - 1947)

6. Đoản thiên:
Chị Hai tôi (Vĩnh Hội – 1944)
Thầy chùa trúng số (Vĩnh Hội – 1944)
Ngập ngừng (Vĩnh Hội )
Một đóa hoa rừng (Vĩnh Hội – 1944)
Hai Thà cưới vợ (Vĩnh Hội)
Hai chồng (Vĩnh Hội )
Hai vợ (Sài Gòn – 1955)
Lòng dạ đàn bà (Sài Gòn – 1955)

7. Truyện vắn:
Chuyện trào phúng, tập i, ii (Sài Gòn – 1935)
Chuyện lạ trên rừng (Bến Súc – 1945)
Truyền kỳ lục (Gò Công – 1948)

8. Biên khảo:
Pétain cách ngôn Á đông triết lý hiệp giải (Sài Gòn – 1942)
Gia Long khai quốc văn thần (Sài Gòn – 1944)
Gia Định Tổng trấn (Sài Gòn)
Chấn hưng văn học Việt Nam (Sài Gòn – 1944)
Trung Hoa tiểu thuyết lược khảo (Sài Gòn – 1944)
Ðông Châu liệt quốc chí bình nghị (Bến Súc – 1945)
Tu dưỡng chỉ nam (Bến Súc – 1945)
Pháp quốc tiểu thuyết lược khảo (Bình Xuân – 1945)
Một lằn chánh khí: Văn Thiên Tường (BX 1945)
Nhơn quần tấn hóa sử lược (Gò Công – 1947)
Âu Mỹ cách mạng sử (Gò Công – 1948)
Việt ngữ bổn nguyên (Gò Công – 1948)
Thành ngữ tạp lục (Gò Công – 1948)
Phật tử tu tri (Gò Công)
Nho học danh thơ (Gò Công)
Thiền môn chư Phật (Gò Công – 1949)
Ðịa dư đại cương (Gò Công)
Hoàng cầu thông chí (Gò Công )
Phật giáo cảm hóa Trung Hoa (1950)
Phật giáo Việt Nam (1950)
Trung Hoa cao sĩ, ẩn sĩ, xứ sĩ (1951)
Nho giáo tinh thần (1951)

Tiểu thuyết: (Theo thứ tự abc tên tác phẩm)

1. Ai làm được (Cà Mau 1912)
2. Ái tình miếu (Vĩnh Hội – 1941)
3. Bỏ chồng (Vĩnh Hội – 1938)
4. Bỏ vợ (Vĩnh Hội – 1938)
5. Bức thơ hối hận (Gò Công – 1953)
6. Cay đắng mùi đời (Sài Gòn 1923
7. Cha con nghĩa nặng (Càn Long- 1929)
8. Chị Đào, Chị Lý (Phú Nhuận – 1957)
9. Chúa tàu Kim Qui (Sài Gòn 1923)
10. Chút phận linh đinh (Càn Long –1928)
11. Con nhà giàu (Càn Long – 1931)
12. Con nhà nghèo (Càn Long – 1930)
13. Cư Kính (Vĩnh Hội – 1941)
14. Cười gượng (Sài Gòn – 1935)
15. Đại nghĩa diệt thân (Sài Gòn – 1955)
16. Dây oan (Sài Gòn –1935)
17. Đỗ Nương Nương báo oán (SG 1954)
18. Đóa hoa tàn (Vĩnh Hội – 1936)
19. Đoạn tình (Vĩnh Hội –1940)
20. Đón gió mới, nhắc chuyện xưa (Phú Nhuận – 1957)
21. Hai chồng (Sài Gòn – 1955)
22. Hai khối tình (Vĩnh Hội – 1939)
23. Hai vợ (Sài Gòn – 1955)
24. Hạnh phúc lối nào (Phú Nhuận – 1957)
25. Kẻ làm người chịu (Càn Long – 1928)
26. Khóc thầm (Càn Long – 1929)
27. Lá rụng hoa rơi (Sài Gòn – 1955)
28. Lạc đường ( Vĩnh Hội – 1937)
29. Lẫy lừng hào khí (Phú Nhuận – 1958)
30. Lời thề trước miễu (Vĩnh Hội – 1938)
31. Mẹ ghẻ con ghẻ (Vĩnh Hội – 1943)
32. Một chữ tình (Sài Gòn – 1923)
33. Một đời tài sắc (Sài Gòn – 1935)
34. Một duyên hai nợ (Sài Gòn – 1956)
35. Nam cực tinh huy (Sài Gòn – 1924)
36. Nặng bầu ân oán (Gò Công – 1954)
37. Nặng gạnh cang thường (Càn Long-1930)
38. Ngọn cỏ gió đùa (Sài Gòn – 1926)
39. Người thất chí (Vĩnh Hội –1938)
40. Nhơn tình ấm lạnh (Sài Gòn – 1925)
41. Những điều nghe thấy (Sài Gòn – 1956)
42. Nợ đời (Vĩnh Hội – 1936)
43. Nợ tình (Phú Nhuận – 1957)
44. Nợ trái oan (Phú Nhuận – 1957)
45. Ở theo thời (Sài Gòn – 1935)
46. Ông Cả Bình Lạc (Sài Gòn – 1956)
47. Ông Cử (Sài Gòn – 1935)
48. Sống thác với tình (Phú Nhuận – 1957)
49. Tại tôi (Vĩnh Hội – 1938)
50. Tân Phong nữ sĩ (Vĩnh Hội – 1937)
51. Tắt lửa lòng (Phú Nhuận – 1957)
52. Thầy Thông ngôn (Sài Gòn – 1926)
53. Thiệt giả, giả thiệt (Sài Gòn – 1935)
54. Tiền bạc, bạc tiền (Sài Gòn – 1925)
55. Tìm đường (Vĩnh Hội – 1939)
56. Tình mộng (Sài Gòn – 1923)
57. Tơ hồng vương vấn (1955)
58. Trả nợ cho cha (Sài Gòn – 1956)
59. Trọn nghĩa vẹn tình (Gò Công – 1953)
60. Trong đám cỏ hoang (Phú Nhuận – 1957)
61. Từ hôn (Vĩnh Hội – 1937)
62. Vì nghĩa vì tình (Càn Long – 1929)
63. Vợ già chồng trẻ (Phú Nhuận – 1957)
64. Ý và tình (Vĩnh Hội – 1938 – 1942)

III/ Phong cách tiểu thuyết.

Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông đã để lại 64 cuốn tiểu thuyết, 23 cuốn sách nghiên cứu văn học, 13 tuồng hát, 7 đoản thiên, 3 truyện ngắn, 2 truyện dịch, 2 tác phẩm văn vần, 5 tập tùy bút phê bình, 6 ký ức và 8 bài diễn văn. Thật là một di sản văn hóa đồ sộ

Nhà văn Hồ Biểu Chánh n ằm trong các tiểu thuyết gia hiện đại đầu tiên của nư ớc ta , từ năm 1912, ông sáng tác Ai Làm Ðược , nhưng phải đợi 10 năm sau, ông mới cho in.

Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh n ặng v ề luân lý giáo dục ngư ời đời , ông vẫn theo luân lý Khổng Mạnh, nhưng luôn muốn có cải cách, uyển chuyển cho phù hợp với hoàn cảnh chớ không quá câu nệ, chẳng hạn như trong Vì Nghĩa Vì Tình:

"...Tối lại cô ngủ không được, cô nằm suy tới tính lui, làm thân đàn bà con gái, nếu tỏ với đàn ông con trai một lời không đoan chánh, thì thẹn thùa xấu hổ có chi bằng, mà nếu mình vì danh tiết, không đành khêu tình, đặng mà cứu cái sanh mạng của người ta thì té ra mình trọng chữ "trinh" hơn là chữ "nhơn", làm người dường ấy chưa phải là người đứng đắn. Cô cân phân từ chút, cô xét nét từ hồi, nếu cô giữ vẹn tiết trinh thì Chánh Tâm phải chết, rồi Trọng Quý phải mang cái quả báo. Cô là người có lòng nhân từ, cô không nở vì phận cô mà cô để cho kẻ khác bị hại, thà là cô mang tiếng thất tiết mà cô cứu người ta, chớ cô cố chấp danh tiết của cô thì cái lỗi bất nhơn nó còn nặng hơn cái lỗi thất tiết nhiều lắm. Mà tại sao lại gọi rằng thất tiết? Phận gái phải gìn giữ nết na, mình liếc mắt trêu hoa, mình tỏ lời ghẹo nguyệt, mình làm giả dối đặng cho khách buồn rầu động tình mà quên nổi vợ con vậy thôi, chớ mình dại gì mà để rơm gần cho lửa bắt, thọc tay vào cho chàm dính, mà sợ xủ tiết ô danh".

Nhân vật của Hồ Biểu Chánh phần nhiều đều có khuynh hướng phiêu lưu, từ Chí Ðại trong Ai Làm Ðược, Phan Văn Quý trong Mẹ Ghẻ Con Ghẻ, Duy Linh trong Nhân Tình Ấm Lạnh, Châu Tất Ðắc trong Từ Hôn, Lân trong Lời Thề Trước Miễu, cho đến thằng Hồi, thằng Quỳ trong Vì Nghĩa Vì Tình, thằng Ðược, thằng Bỉ trong Cay Ðắng Mùi Ðời, thằng Hiệp, thằng Cao trong Lạc Ðường là những nhân vật phiêu bạt, lang thang để: "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Những nhân vật phiêu lưu ấy thường chọn con đường thương mại để nên người. Chắc chắn ông muốn thay đổi tạp quán, khuyến khích người ta nên rời khỏi con trâu, cái cày, mảnh vườn, đám ruộng để đi đó đi đây, dùng con đường thương mãi tiến thân.

Xã hội tiểu thuyết của ông phần lớn là xã hội của những điền chủ, Hội đồng ở thôn quê, của ông Phủ, ông Phán, thầy Thông, cô Ký ở thành thị, bên cạnh những Ba Có bán chè trong Nợ Ðời, Tư Cu trong Vì Nghĩa Vì Tình, Lý Trường Mậu trong Lạc Ðường... lớp trưởng giả đầy rẩy những lường lọc, bất công, xa hoa, còn trong khuê phòng các con ông Hội đồng, điền chủ chịu nhiều nổi gian truân, nào là Cẩm Vân trong Vì Nghĩa Vì Tình, Phi Phụng trong Nhân Tình Ấm Lạnh, Thu Hà trong Khóc Thầm, Bạch Tuyết trong Ai Làm Ðược..., còn những người nghèo khó rất đáng thương tâm như Trần Văn Sửu trong Cha Con Nghĩa Nặng, hương Hào Ðiều trong Khóc Thầm.

Ông cũng đã phá về quan niệm hôn nhân của người xưa như môn đăng hộ đối... Nhưng không phải đổi mới hoàn toàn như Ðoạn Tuyệt của Nhất Linh, hay ngược lại một sự cảm hóa như Cô Giáo Minh của Nguyễn Công Hoan, ông muốn kêu gọi sự thức tỉnh về quan niệm hôn nhân như trong T ại Tôi , một tiếng kêu trầm thống cho bà cả Kim, đại diện cho lớp trưởng giả miền Nam thời bấy giờ, không phải một sự phản kháng, không phải do may rủi.

Tiểu thuyết của ông có hậu, quả báo nhãn tiền, mọi việc đều để răn dạy, phải chăng nó phản ánh cái xã hội ngang tàng thời đó? của thứ anh hùng "thế thiên hành đạo"; nếu tiểu thuyết để giáo hóa con người thì nó cũng có khả năng làm cho người ta bắt chước, nghĩa là nó có ảnh hưởng tốt và xấu tuỳ theo trình độ và trường hợp của mỗi người. Nhưng phải công nhận đây là sự táo bạo của nhà văn lớp trước.

Nhiều tiểu thuyết của ông đã phóng tác theo tiểu thuyết Tây phương rất tài tình, như quyển Ai Làm Ðược, ông mô phỏng theo quyển André Cornelis của P. Bourget, Chúa Tàu Kim Qui phỏng theo Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas, Ngọn Cỏ Gió Ðùa phỏng theo Les Miserables của Victor Hugo, Cay Ðắng Mùi Ðời phỏng theo San Famille của Hecto Mailot, Người Thất Chí phỏng theo Tội Ác Và Hình Phạt của Destoievski...

Văn chương của Hồ Biểu Chánh cũng giản dị, nhiều khi ông kể chuyện hơn là tả chuyện, ông cũng dành lấy quyền nói cho mình quá nhiều mà không để cho những tình tiết tạo thành câu chuyện. Chẳng hạn một đoạn trong Nhân Tình Ấm Lạnh, ông sử dụng lối ấy: ... Ở đời có nhiều cái vận hội lạ lùng có khi việc nên đã thấy trước mà rồi lại hóa ra hư, việc quấy đã tỏ tường mà ai cũng cho là phải. Mà việc quấy thiên hạ cho là phải, ấy là tại bụng người dua bợ nên chẳng luận làm gì, chí như việc gần nên mà hóa ra hư, nghĩ thiệt không biết sao mà liệu trước ...

Bối cảnh tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh phần nhiều ở Lục Tỉnh, Sàigòn và Gia Ðịnh, đó là những nơi ông đã sống, làm việc có nhận xét, có nhiều ấn tượng để viết, nên khi tả cảnh ông ghi được những nét tinh tế, do đó ông tả cảnh thôn quê, chúng ta thấy như một bức tranh đẹp có nhiều màu sắc linh động.

Một cảnh ông tả Xóm Tre ở Gò Công.

"Ðến nữa tháng năm, trời mưa dầm dề ngày nào cũng như ngày nấy. Chiều bửa nọ, trận mưa mới tạnh, bóng mặt trời chói chói phía bến đò; trong xóm nhà nhúm lửa nấu cơm chiều khói lên ngui-ngút; tre níu nhau mừng trời mát lá giũ phất phơ. Ngoài đồng náo nức nông phu, bạn cầy thá ví tiếng vang vầy, công cấy hát hò hơi lảnh lót. Dưới sông bao ngược ghe chài chở lúa trương buồm rồi thả trôi theo giòng nước, chiếc nào chở cũng khẳm lừ. Trên lộ Cây Dương xe ngựa đưa người núc nít chạy chậm xì, tiếng lục lạc"

Nói chung, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh rất hấp dẫn lớp độc giả trung lưu và bình dân thời bấy giờ, do cốt truyện đều đáng thương tâm vì những hoàn cảnh éo le ngang trái. Nhân vật đồng quê có, thành thị có phô bày xã hội đương thời thích hợp với nhiều tầng lớp. Truyện của ông đều nhằm mục đích hướng thượng, ông luôn luôn để cho những nhân vật thiện của ông nhắc nhở hành động của mình để đi tới con đường lương thiện.

Gần 50 năm sống và viết, viết cho đến hơi thở cuối cùng, ông đã để lại cho văn học miền Nam 64 quyển tiểu thuyết, văn nghiệp thật hiếm có đối với một nhà văn. Trong văn học sử, người ta lãng quên nhiều nhà văn lớp trước của miền Nam, nhưng người ta không thể quên được tên tuổi, văn nghiệp của Hồ Biểu Chánh.

PTC biên soạn theo Internet

Hồ Biểu Chánh (1885-1958)

Nhà văn tiên phong xây dựng nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam . Cho đến gần đây, phần đông giới làm văn học vẫn còn cho Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Sai lầm này phát xuất từ những nhà nghiên cứu văn học thời trước, phần lớn gốc Bắc, từ Dương Quảng Hàm, đến Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh... khi nghiên cứu văn học thế kỷ XX, đã quá nghiêng về miền Bắc, mà không chú trọng đến miền Nam, nơi khởi thủy của nền văn học quốc ngữ.

Ngày nay, nhiều công trình nghiên cứu, đặc biệt của Nguyễn Văn Trung trong Lục châu học, bản đánh máy, lưu hành từ năm 1988, đã đặt lại vai trò chủ yếu của vùng Lục Châu, tức Nam Kỳ Lục Tỉnh trong sự khai phá và phát triển nền văn học quốc ngữ: Miền Nam là nơi phát xuất những cuốn từ điển đầu tiên của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của; miền Nam là nơi phát xuất tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên Thày Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, viết năm 1887; miền Nam cũng là nơi mà những tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời, như Gia Định Báo, 1882; Nam Kỳ Nhật Trình, 1897; Nông Cổ Mín Đàm, 1901; Lục Tỉnh Tân Văn, 1907.

Và hôm nay, chúng tôi muốn chứng minh rằng cũng tại miền Nam, đã xuất hiện tiểu thuyết gia hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam: nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Hồ Biểu Chánh, tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, sinh năm 1885 tại Gò Công và mất năm 1958 tại Sài gòn. Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông đã để lại 64 cuốn tiểu thuyết, 23 cuốn sách nghiên cứu văn học, 13 tuồng hát, 7 đoản thiên, 3 truyện ngắn, 2 truyện dịch, 2 tác phẩm văn vần, 5 tập tùy bút phê bình, 6 ký ức và 8 bài diễn văn. Một di sản văn hóa đồ sộ như thế mà cho đến nay, dường như chưa có một công trình nghiên cứu nào thực sự đi sâu vào toàn bộ di sản mà nhà văn để lại và chính văn chương của Hồ Biểu Chánh cũng còn xa lạ với số đông người đọc trong nước, nhất là độc giả miền Bắc.

Để giới thiệu tác giả, không gì bằng chính lời tác giả. Trong tập ký ức, viết ngày 24/12/1957, tại Phú Nhuận, bản đánh máy, nhan đề "Đời của tôi về văn nghệ", Hồ Biểu Chánh đã viết về "lúc thiếu niên" của mình như sau:

"Sanh ngày 1 tháng 10 dương lịch năm 1885 tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công, trong một gia đình nghèo, nhưng nội tổ hồi trước đứng lập làng nên có bản vị Tiền hiền thờ trong đình Thần và thân phụ được tham dự trong ban Hội Tề Hương Chánh, lần lên tới chức Hương Chủ và Chánh Bái.

Từ 8 đến 12 tuổi, học nhấp nhem chữ Nho với thầy giáo dậy trong làng. Đến 13 tuổi, nhờ cha mẹ dời về ở chợ Giòng Ông Huê, mới bắt đầu học Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tổng Vĩnh Lợi, rồi xuống trường tỉnh Gò Công học tiếp 3 năm thi đậu học bổng. Được vào trường trung học Mỹ Tho học 2 năm (1902 và 1903) rồi được lên trường trung học Chasseloup-Laubat ở Sàigòn học thêm 2 năm nữa. Cuối năm 1905 thi đậu bằng Thành Chung gọi là Diplome de fin d’Etudes".

Vẫn giọng văn ấy, Hồ Biểu Chánh kể tiếp về cuộc đời công chức, quan trường của mình: cuối năm 1921, thi đậu Tri huyện. 1927 thăng Tri phủ. 1936 làm Đốc Phủ sứ. 1941 làm Nghị viên thành phố Sài Gòn. Năm 1946 làm cố vấn cho bác sĩ Nguyễn Văn Thinh lập chính phủ Nam Kỳ tự trị ... Tất cả mọi việc xẩy ra qua giọng tự thuật thung dung và bình thản, về đời quan cũng như đời văn. Nhưng đáng chú ý nhất là đoạn nói đến động cơ thúc đẩy ông bước vào nghiệp cầm bút:

"Năm 1906 ra khỏi nhà trường, nhận thấy các ấn quán ở Sàigòn mướn người dịch truyện Tàu và thơ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ đặng in mà bán. Từ thành thị ra thôn quê, nhơn dân đua nhau mà đọc. Có vài tờ tuần báo cũng được người ta chú ý.

Thầm nghĩ, người mình mà biết chuyện bên Tàu không bổ ích cho bằng biết truyện trong nước mình. Tính viết chuyện văn vắn cho đăng vào mấy tờ tuần báo để đồng bào đọc thử. Viết khó khăn hết sức, vì thiếu nho học nên không tìm ra lời mà tả trí ý cho người ta thông cảm được. Phải học chữ Nho. Trót ba năm, nhờ vài ông bạn lớn tuổi ban đêm làm ơn dạy giùm cho đọc được sách Tàu.

Năm 1910, lựa những chuyện hay trong Tình Sử và Kim Cổ Kỳ Quan dịch ra Quốc văn nhan đề "Tân soạn cổ tích" đặng tập viết cho suông. Cũng viết theo thể văn "Thượng lục hạ bát" thành một chuyện dài nhan đề "U tình lục", chuyện tình của người trong nước mình. Hai quyển nầy được mấy bạn hùn tiền in thử thì không ai chê.

Lúc đó cụ Trần Chánh Chiếu cho xuất bản quyển "Hoàng Tố Oanh hàm oan" là tiểu thuyết đầu tiên trong Lục tỉnh, truyện tình tả nhơn vật trong xứ và viết theo điệu văn xuôi. Đọc quyển nầy, cảm thấy viết truyện dùng văn xuôi dễ cảm hóa người đọc hơn, bởi vậy năm 1912, đổi xuống làm việc tại Cà Mau mới viết thử quyển "Ai làm được" là quyển thứ nhứt viết văn xuôi tại Cà Mau với nhơn vật cũng ở Cà Mau".

Như vậy, Hồ Biểu Chánh đã tập viết văn từ năm 1906, bước vào nghiệp văn từ năm 1910, và động cơ chính thúc đẩy ông viết là vì ông muốn cho "người mình đọc chuyện xẩy ra ở nước mình bằng chữ nước mình" và chọn văn xuôi vì thấy "văn xuôi dễ cảm hoá người đọc hơn văn vần". Cho nên, hai yếu tố dân tộcbình dân là những yếu tố cơ bản xây dựng nên tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Và cũng chính với hai yếu tố này, ông đã "đánh đổ" được lối viết tiểu thuyết chương hồi theo lối Tàu đang thịnh hành và ông đã "đánh bại" được lối văn biền ngẫu, réo rắt, vế đối vế, vần đối vần, trong những truyện quốc ngữ thời ấy.

Để thấy rõ cái mới trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, chỉ cần so sánh văn phong của ông với văn phong những người cùng thời:

Nguyễn Chánh Sắt, trong tiểu thuyết Nghĩa hiệp kỳ duyên, tức Chăng Cà Mun, in năm 1919, viết:

"Lần hồi ngày lụn tháng qua, bóng thiều quang đưa rất lẹ; thoắt chút mà Phi Đáng đã 18 tuổi đầu, hình dung yểu điệu, cốt cách phương phi, bá mị thiên kiều, ngư trầm lạc nhạn. Mà ba mươi đời cái kiếp hồng nhan bạc mạng là lẽ tự nhiên". (trích Nghĩa hiệp kỳ duyên, Long An tái bản, trang 10).

Hoàng Ngọc Phách, trong tiểu thuyết Tố Tâm, viết 1922, in 1925, viết :

"Thôi, hôm nay là ngày từ biệt của ngòi bút chung tình này, từ đây sẽ vắng tanh tin nhạn, bao nhiêu chuyện tình xưa nghĩa cũ, sẽ theo mây bay gió thổi mà mơ màng như giấc chiêm bao. Những khi canh tà giăng xế, khi mưa sa trước cửa, khi gió thổi bên màn, khi em soi gương thấy bóng... " (Tố Tâm, Đại Nam in lại ở Mỹ, trang 79).

Nhất Linh, trong tiểu thuyết Nho Phong, in 1926, cũng không thoát được lối văn cổ: “Lê Nương năm ấy tuổi mới trăng tròn” hoặc “Nhưng bóng hoa thấp thoáng, dáng liễu thanh tân, làm cho chàng cũng phải nhiều phen man mác trong lòng” (trích theo Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Đại Nam in lại, trang 900).

Tân Dân Tử, trong tiểu thuyết Gia Long Tẩu Quốc, in năm 1929, viết :

"Đức Nguyễn Ánh lạc bước phong trần.
Nơi Phật tự gặp người phò tá.

Phụ Bản I

Đất Việt Ba Kỳ, trời Nam một góc, tang thương mấy độ, cuộc hưng vong dường thể chiêm bao; sự tích ngày xưa, gương trị loạn còn ghi lịch sử" (Gia Long tẩu quốc, Bảo Tồn tái bản lần thứ 6, năm 1950, trang 1).

Văn tiểu thuyết đầu thế kỷ XX của chúng ta phần đông là như thế, trừ một vài trường hợp như Phạm Duy Tốn trong Sống chết mặc bay (1918) và Nguyễn Trọng Thuật trong Quả dưa đỏ (1925, tiểu thuyết phóng tác theo truyện An Tiêm trong Lĩnh Nam trích quái), tương đối thoát khỏi lối viết biền ngẫu, huê dạng, kể trên. Nhưng về truyện ngắn thì Trương Vĩnh Ký đã đi trước Phạm Duy Tốn; và Nguyễn Trọng Thuật viết truyện thần kỳ, chưa phải là tiểu thuyết hiện đại theo đúng nghĩa hư cấu của nó.

Tóm lại, trong bối cảnh văn tiểu thuyết từ Bắc xuống Nam đều viết một giọng như thế, thì Hồ Biểu Chánh viết như thế nào?

Trong Ai làm được, tác phẩm đầu tiên viết năm 1912 (in năm 1922 tại Sài Gòn), Hồ Biểu Chánh viết:

"Khiếu Nhàn bước vào kéo ghế mà ngồi, ngó quanh quất không thấy khách ăn uống, duy có một người trai trạc chừng mười bẩy, mười tám tuổi, đương ngồi tại bàn gần cửa mà viết. Ông thấy người miệng rộng, môi dày, vai ngang, trán trợt, tóc hớt cụt, mắt rạng ngời, tư cách nghiêm trang, mặt mày sáng rỡ, tuy y phục tầm thường mà hình dung không phải như người thường, bởi vậy ông cứ ngồi ngó hoài". (trích Ai làm được, nxb Tổng hợp Tiền Giang, tái bản 1988, trang 3).

Và trong "Cay đắng mùi đời" cảm tác từ cốt truyện Sans Famille (Vô gia đình) của Hector Malot, in tại Sài Gòn năm 1923, Hồ Biểu Chánh vào truyện như sau :

"Ai đi đường Chợ Lớn xuống Gò Công, hễ qua đò Bao Ngược rồi lên xe chạy ra khỏi chợ Mỹ Lợi, tới khúc quanh, thì sẽ thấy bên phía tay trái, cách lộ chừng ít trăm thước, có một xóm đông, kêu là Xóm Tre, nhà ở chật, cái trở cửa lên, cái day cửa xuống, tre xanh kịt bao trùm kín mít, ngoài vuông tre thì ruộng bằng trang sấp liền từ giây. Qua mùa mưa cây đượm màu, ruộng nổi nước, thì trông ra chẳng khác nào cù lao nằm giữa sông lớn...

Dưới sông Bao Ngược ghe chài chở lúa trương buồm rồi thả trôi theo dòng nước, chiếc nào chở cũng khẳm lừ. Trên lộ Cây Dương xe ngựa đưa người núc ních chạy chậm xì, tiếng lục lạc nhỏ khua xa xa nghe như tiếng nhái". (trích Cay đắng mùi đời, nxb Văn nghệ TP HCM 1997, trang 5-6).

Chẳng cần biết gì về khái niệm hiện đại, chỉ cần đọc những dòng văn của Hồ Biểu Chánh, và đem so sánh với văn phong của những người cùng thời, trên đây, là cũng thấy ngay cái mới, cái táo bạo của ông lúc bấy giờ. Và lại càng hiểu rõ tại sao những truyện của Nguyễn Chánh Sắt, Hoàng Ngọc Phách, Tân Dân Tử... dù là những tác phẩm hay, đã từng nổi tiếng một thời, nhưng ngày nay đọc lại, chúng ta thấy chúng đã đi nhiều, trong khi truyện của Hồ Biểu Chánh, không một vết nhăn. Bởi những tác phẩm của ông có tính hiện đại: nghĩa là không bị lỗi thời, vì nó gắn bó với cả hai yếu tố lịch đại (synchronique) và đồng đại (diachronique). Nói cách khác, nó có khả năng "vượt thời gian", đọc lúc nào cũng được, vì vừa mang tính chất của thời đại mà nó ra đời, vừa theo kịp các thời sau mà không bị sa thải.

Sở dĩ như vậy vì Hồ Biểu Chánh đi sát với tiếng nói hơn là văn viết, và khi cần viết văn, ông viết giản dị mà không "làm văn". Vì thế, văn ông không phụ thuộc vào cái style, vào cái bút pháp thời thượng lúc bấy giờ mà sự réo rắt, đối ngẫu, lãng mạn, đang độ cao trào.

So sánh như thế chúng ta mới hiểu thái độ của những người như Thiếu Sơn, Trúc Hà, Đông Hồ, đã "loại" Hồ Biểu Chánh ra khỏi thế giới "văn chương" của những người đương thời. Vì họ cho rằng Hồ Biểu Chánh "không có văn". Đông Hồ ghi lại: "Đọc thì cũng đọc, thích thì cũng thích, duy chúng tôi cứ không chịu được lời văn viết trơn tru thẳng tuột hời hợt của ông" tuy ngay sau đó Đông Hồ cũng nhận là "quan niệm của tôi sai lầm và cảm quan của tôi lệch lạc". Biết vậy, nhưng ông không sửa được cái "cảm quan" của mình, cái cảm quan của những nhà văn ngôn không ưa lối văn bạch thoại, như ông tự lấy mình và Hồ Biểu Chánh làm ví dụ.

Sau này, nhà nghiên cứu Huỳnh Lý, với tấm lòng của ông đối với Hồ Biểu Chánh và văn chương Nam Bộ, đã có lời khen: "Truyện Tiền bạc bạc tiền của ông có thể xếp ngang với những tác phẩm có giá trị nhất của chủ nghiã hiện thực sau này".

Nhưng không phải tất cả mọi người đều sai lầm, Hồ Hữu Tường, ngược lại, mê văn Hồ Biểu Chánh, ông nhận rằng Hồ Biểu Chánh đã cho ông "nhập mộng rồi tỉnh mộng".

Tại sao như thế? Tại vì Hồ Biểu Chánh là người đầu tiên đã đưa yếu tố fiction, tức là yếu tố hư cấu, vào văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, một cách toàn diện và thành công.

Trước Hồ Biểu Chánh, tiểu thuyết của chúng ta thường viết truyện theo lối Tàu: nghĩa là viết truyện lịch sử, hoặc viết lại những tích lấy trong lịch sử, thần thoại, hoặc dựa theo một chuyện đã có thật, rồi thêm thắt chút ít chi tiết vào.

Nguyễn Trọng Quản được coi là người sớm nhất, đã đem tiểu thuyết viết theo lối Tây phương vào Việt Nam, năm 1887, với truyện Thày Lazaro Phiền. Nhưng truyện của Nguyễn Trọng Quản, cũng như truyện Tố Tâm (1922) sau này của Hoàng Ngọc Phách, vẫn còn viết theo lối ký thác, tức là tác giả thuật một truyện ở ngôi thứ nhất, truyện của mình hay truyện do người khác kể lại, chứ không phải tác giả hư cấu, tác giả tưởng tượng ra.

Hồ Biểu Chánh là người đầu tiên đã xây dựng nên toàn bộ hệ thống tiểu thuyết hư cấu, hiện thực trong tiếng Việt. Ông đã tạo ra một thế giới nhân vật tưởng tượng y như thật, trong đời sống, khiến Hồ Hữu Tường, thủa trẻ, khi đọc truyện của Hồ Biểu Chánh, đã nhập vào thế giới hư cấu ấy, mà ông gọi là "nhập mộng" và khi đọc xong, ông "tỉnh mộng", bởi vì ông ra khỏi thế giới hư cấu của tiểu thuyết. Và ông viết về cuốn Tỉnh mộng của Hồ Biểu Chánh như sau:

"... Như vậy thì không thể nào ở trong cảnh thực mà có, chỉ ở trong mộng mà thôi. Nhưng tác giả viết rất tự nhiên, nên đọc tiểu thuyết, tôi sống mãi ở trong một cảnh mộng. Đến chừng xem đầu đề tiểu thuyết, tôi thấy đầu đề đó là Tỉnh mộng. Tới chừng đó tôi hay rằng câu chuyện mà Hồ Biểu Chánh đã thuật lại, đã tạo cho tôi một cảnh mộng. Tôi ở trong cảnh mộng. Rồi bây giờ tôi thấy nó là tiểu thuyết. Đây tôi mới là người tỉnh mộng. Chớ tôi không hiểu những nhân vật tỉnh mộng đó là ai nữa.

Từ ấy, tôi mới có một quan niệm rõ rệt về tiểu thuyết. Té ra một tiểu thuyết hay là một tiểu thuyết tạo cho độc giả một cảnh mộng mà độc giả say mê đi vào cảnh mộng ấy, như vào cảnh thật vậy. Đến chừng đọc xong rồi, thì xếp sách nhìn lại nhan đề, mới hay là mình đã mộng. Như vậy, tôi có thể nói rằng vị giáo sư đầu tiên dạy cho tôi văn chương, dạy bản sắc của văn chương, dạy lý thuyết về văn chương, ấy là Hồ Biểu Chánh. Một tiểu thuyết, với nhan đề của nó, làm cho tôi hiểu rõ định nghĩa của tiểu thuyết là gì? Những tiếng của Pháp như là Roman, của Anh Novel, Tàu là tiểu thuyết, đều không làm sao giúp tôi hiểu định nghĩa rõ rệt của loại mà trong văn chương gọi là tiểu thuyết cả" (trích bài Nhập mộng và tỉnh mộng của Hồ Hữu Tường, Văn số 80, tưởng niệm Hồ Biểu Chánh, ra ngày 15/4/1967, trang 34).

Không chỉ có Hồ Hữu Tường mà Dương Nghiễm Mậu, cũng đã nhìn thấy ở Hồ Biểu Chánh một bậc thày khai phá, mở cửa cho ông vào thế giới tiểu thuyết, vào miền Nam, quê hương thứ hai của ông, Dương Nghiễm Mậu viết:

"Tôi đã đọc tiểu thuyết của ông cách đây mười mấy năm trời, khi còn theo học những lớp đầu tiên bậc trung học ở Hà Nội... Rồi trong nhiều hoàn cảnh khác, tôi lần lượt đọc những tiểu thuyết của ông. Sau này, có một thời gian tôi đã dành thì giờ để đọc lại những gì đã đọc, đọc những gì chưa đọc với mục đích tìm hiểu, những khởi đầu của nền văn học ta, tìm hiểu những đặc tính miền Nam, quê hương thứ hai tôi yêu dấu. Quê hương miền Nam, con người, văn chương mở ra cho tôi những bàng hoàng không ít. Cuộc sống nơi những vùng sình lầy hoang vu, trong kinh rạch quyến rũ tôi, tôi không bỏ một cơ hội nào để tới những nơi đó...

Cũng vì thế bài viết (này) như một nhớ ơn, nhớ ơn những người đã để lại cho chúng ta những di sản lớn..." (trích bài Từ đó đến nay của Dương Nghiễm Mậu, Văn số 80, trang 57).

Những lời trên đây của hai nhà văn Hồ Hữu Tường và Dương Nghiễm Mậu đã xoá được gần một thế kỷ thành kiến và đánh giá sai lầm về Hồ Biểu Chánh, nhà văn tiên phong đã đưa văn học Việt Nam vào thế giới hư cấu của tiểu thuyết hiện đại.

Hồ Biểu Chánh còn đứng tiên phong như một tiểu thuyết gia nhà nghề. Chữ nhà nghề dùng ở đây không có nghĩa là viết văn để kiếm tiền sinh sống, mà ông đã coi viết văn như một chuyên môn. Ông bước vào nghiệp văn năm 1906 cùng lúc với nghề công chức, như một phương tiện sinh sống và ông đã ở với văn chương đến hơi thở cuối cùng.

Hồ Văn Kỳ Trân, người con trưởng của ông kể lại :

"Bệnh đã càng ngày càng thêm mà ba tôi không chịu nghỉ viết. Thầy thuốc cấm. Ba tôi vẫn viết. Con cháu năn nỉ lắm thì ba tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi viết nữa và bảo rằng: Ba còn viết được thì cứ để cho ba viết. Ba không viết được thì lòng thấy bứt rứt, người thấy khó chịu hơn. Có viết được lòng mới thấy yên ổn, người mới thấy thư thả dễ chịu. Viết là một phương thuốc, là một cách trị bịnh cho ba đó...

Cách đó ít bữa thì ba tôi từ trần. Trên bàn viết còn để lại bản thảo một tác phẩm viết dở"

Đọc những lời trên đây, chúng ta không khỏi ngậm ngùi và kính trọng. Bởi vì trước Hồ Biểu Chánh, chúng ta chỉ có những nhà nho tài tử. Truyền thống văn học của chúng ta là tài tử. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đến Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu... nhà văn nhà thơ ở nước ta chưa mấy ai coi văn chương, hơn là một nghề, mà còn là mạch sống, là phương thuốc trị bệnh của con người như Hồ Biểu Chánh.

Thụy Khuê

Tôi mê đọc Hồ Biểu Chánh từ nhỏ

Lúc nhỏ, thời gian bắt đầu bước vào ngưỡng cửa trường trung học ở tỉnh là tôi khởi sự đọc sách khi học văn và tôi đọc tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tôi rất say mê truyện của nhóm này có lẽ do tôi được học văn với thầy giáo người Hà Nội vào Nam cùng với thầy Hiệu trưởng của trường tư thục nói trên quê ở Sóc Trăng.

Cứ mỗi buổi trưa, bọn học sinh chúng tôi tranh thủ ra khỏi trường tới bám lấy nhà sách ở ngoài phố tỉnh mà đọc, đọc đủ thứ. Bỗng dưng, tôi thích đọc Khái Hưng, Nhất Linh… để mượn ý tứ và câu chữ mà viết văn. Còn sau đó đọc thêm Hồ Biểu Chánh để tìm hiểu các cốt chuyện ly kỳ, hấp dẫn ở các gia đình thuộc xã hội nông thôn miền đồng bằng sông Cửu Long mà tôi chưa có dịp mở tầm mắt sang các tỉnh, ngoài tỉnh Sóc Trăng của tôi.

Tôi xuất thân trong gia đình nghèo, đi học nhờ vào lòng thương của bạn bè của cha tôi cho ở trọ, sau đó nhờ thầy Hiệu trưởng cho miễn phí suốt mấy năm trung học. Vì vậy, khi đọc Hồ Biểu Chánh tôi rất ưng ý với những cuốn tiểu thuyết: Cha con nghĩa nặng, Con nhà nghèo, Cay đắng mùi đời, Chút phận linh đinh, Kẻ làm người chịu, Khóc thầm, Cười gượng vv… Thân phận của nông dân nghèo, sự hống hách của kẻ giàu, cảnh đời trái ngang của các tầng lớp người trong xã hội nửa phong kiến nửa thực dân… luôn luôn hấp dẫn tôi. Rồi tôi thích đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực kẻ nghèo khó, có hoàn cảnh éo le, tù tội…

Gần như chính xác khi tôi tự nhận ra mình chỉ thích đọc Tự Lực Văn Đoàn và Hồ Biểu Chánh mà thôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đúng như nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đã nhận xét về Hồ Biểu Chánh: “Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh lại là những tiểu thuyết có tính chất bình dân, bình dân cả từ những nhân vật ông chọn đến những lời văn ông viết nữa. Hạng người ông tả là hạng tiểu công chức, tiểu phú hào hay hạng thuyền thợ, hạng dân quê…” (Nhà văn hiện đại – NXB Thăng Long, Hà Nội, 1959, trang 361). Kế đến, câu chuyện trong các tiểu thuyết của HBC đều “có hậu”, một loại tiểu thuyết hợp với luân lý Á Đông. Những cốt chuyện của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đều xảy ra gần như có thực ở khắp mọi miền của Nam Bộ, đặc biệt ở các tỉnh miền Tây như Mỹ Tho, Gò Công, Cần Thơ, Bạc Liêu, Hà Tiên, Sài Gòn… Cảnh đồng quê mà ông tả đều đẹp đẽ, thơ mộng, gợi cảm, gợi tình yêu quê hương đất nước ở làng quê, xóm lao động. Đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh ai cũng mê do tính chơn chất, thật thà, dễ mến của nhân vật bình dân của ông. Ngược lại, người ta căm ghét, bực tức những con người giàu sang, có chức có quyền thời Pháp thuộc. Mặc dù ông xuất thân từ các trường đào tạo quan chức của thực dân và từng làm quan cho Pháp, chính quyền thuộc địa nhưng ông có tinh thần đấu tranh giai cấp rõ nét. Hầu như tiểu thuyết nào cũng có tinh thần này.

Văn chương, chữ nghĩa của Hồ Biểu Chánh quả giản dị, đơn sơ, mộc mạc như tính tình nông dân, thợ thuyền gọi chung là “bình dân”. Thế nhưng nó lại phản ảnh rõ nét hoàn cảnh xã hội thời ấy, trước cách mạng tháng Tám. Tác phẩm đầu tay của ông ra đời từ năm 1910 và ông bắt đầu học viết từ năm 1906, cùng thời với Hoàng Ngọc Phách (tiểu thuyết xưa nhất đất Bắc: Tố Tâm) và Hồ Biều Chánh bắt đầu sự nghiệp quan chức thời Pháp năm 1920-1921 thi đậu Tri huyện, Tri phủ 1927 và Đốc phủ sứ 1936. Ông sinh ngày 01/10/1885 và mất ngày 04/9/1957. Sự nghiệp văn học của ông rất đồ sộ và ông viết, dịch đủ loại, kể cả phê bình văn học, sáng tác tuồng hát, thơ…có tới trên 100 tác phẩm, trong đó 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn, 12 vở kịch, 5 tập thơ, 8 tập ký, 28 tập biên khảo phê bình, một số truyện dịch và phóng tác như Cay đắng mùi đời (Sans famille của Hector Malot).

Sức sáng tác của ông rất khỏe, liên tục và năm nào cũng có một vài truyện mà đề tài đều lấy từ xã hội đương thời liên quan tới nhiều giai tầng, đặc biệt nông dân (bần cố nông), lao động (vô sản), trí thức (tiểu tư sản), tư sản, bá hộ (phú nông). Thời sinh tiền quan chức của ông là thời kỳ chuyển biến lớn của xã hội từ năm 1930-1945-1954, cuộc cách mạng của dân tộc ta chống Pháp và bắt đầu chuyển sang chống Mỹ. Ông nghỉ hưu năm 1941 và còn tiếp tục làm việc cho Pháp và chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Cho tới những ngày cuối đời ông vẫn tiếp tục sáng tác và ông mất tại nhà riêng ở Phú Nhuận, nay là nhà thờ dòng họ ở đường mang tên ông.

Trên mạng, tên tuổi và tác phẩm của ông được nói tới nhiều với con người thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ… Đó là một nhà văn lớn có cuộc sống thanh bạch như một nhà nho lão thành nhưng uyên thâm Tây học (như nhà văn học mới đầu thế kỷ 20 ở Nam Bộ) đã mở đầu cho nền tiểu thuyết miền Nam, đã phản ảnh đúng thực chất tình trạng xã hội của giai đoạn 1930-1954. Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích lại lời tâm sự mộc mạc của người con trai trưởng của nhà văn lớn Hồ Biểu Chánh như sau:

Hồ Văn Kỳ Trân, người con trưởng của ông kể lại:

Bệnh đã càng ngày càng thêm mà ba tôi không chịu nghỉ viết. Thầy thuốc cấm. Ba tôi vẫn viết. Con cháu năn nỉ lắm thì ba tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi viết nữa và bảo rằng: Ba còn viết được thì cứ để cho ba viết. Ba không viết được thì lòng thấy bứt rứt, người thấy khó chịu hơn. Có viết được lòng mới thấy yên ổn, người mới thấy thư thả dễ chịu. Viết là một phương thuốc, là một cách trị bịnh cho ba đó...

Cách đó ít bữa thì ba tôi từ trần. Trên bàn viết còn để lại bản thảo một tác phẩm viết dở ”.

Vương Liêm

(15/11/2008)

HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ HỒ BIỂU CHÁNH

Hội thảo khoa học về nhà văn Hồ Biểu Chánh được tổ chức lần đầu tiên tại Tiền Giang vào hai ngày 17 và 18-11-1988. 30 bản tham luận của các giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phát biểu tại hội thảo đã đề cập nhiều khía cạnh về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Hồ Biểu Chánh . Dưới đây là một số luận điểm chủ yếu trong các bản tham luận để bạn đọc có một cái nhìn chung về diễn biến của hội thảo.

I. VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG CỦA HỒ BIỂU CHÁNH:

Về giá trị tư tưởng tác phẩm Hồ Biểu Chánh , giáo sư Nguyễn Lộc cho rằng: “Điều Hồ Biểu Chánh quan tâm sâu xa và thể hiện đậm nét trong tác phẩm của mình là: làm thế nào cho xã hội có được phong hóa lành mạnh. Vốn là người bản chất nhân hậu, ông chưa bao giờ đứng về phía cái mới để đả kích cái cũ, hay ngược lại đứng về phía cái cũ để đả kích cái mới. Thái độ của ông là tìm cách dung hòa cái mới và cái cũ, theo ông cái mới và cái cũ đều có những ưu điểm riêng của nó... Hồ Biểu Chánh ý thức được một thực tế là cách sống mới trước sau cũng sẽ tấn công vào cách sống, phong tục gia đình cổ xưa mà ông cho là ưu việt, nên dường như một phần quan trọng trong sáng tác của ông là nhằm chứng minh cái phong tục gia đình của ta ấy là ưu việt, không cần thay đổi, không nên thay đổi. Cái phong tục đó, theo Hồ Biểu Chánh là trong gia đình con cái phải vâng lời cha mẹ, lớn lên việc dựng vợ gả chồng là công việc của cha mẹ, nhưng vợ chồng phải chung thủy với nhau, phải thương yêu nhau. Còn ngoài xã hội, hay bao trùm lên xã hội thì là cái nghĩa. Cái nghĩa ở đời là trọng chứ không phải bạc vàng, không phải danh vọng, con người sống như thế thì gia đình sẽ êm ấm, xã hội sẽ yên vui, mọi việc sẽ tốt đẹp, còn sống trái với quan niệm ấy thì ắt có tai họa, sẽ làm những việc ác, mà đã ác thì “ác giả ác báo”...

Tiến sĩ Lê Ngọc Trà lại cho rằng: “Cái độc đáo nhất và giá trị nhất của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nhằm chủ yếu không phải ở chỗ nó mô tả phong tục hay tuyên truyền đạo lý, mà ở chỗ nó thông qua mô tả phong tục, kết hợp tư tưởng là chủ nghĩa hiện thực. Chỉ riêng mô tả phong tục không thôi, văn học dễ biến thành dân tộc học. Còn chỉ tuyên truyền đạo đức không thôi, văn học sẽ thành luân lý. Vả lại văn học đạo lý trước Hồ Biểu Chánh đã có Nguyễn Đình Chiểu là người thành công trong lĩnh vực này, cái mới và cái hay của Hồ Biểu Chánh là ông nói đạo lý đi kèm với chuyện đời, kể lại những cảnh đời khác nhau có thể là không gắn gì với các biến động chính trị, kinh tế của xã hội nhưng lại gắn chặt với đời người, lại là nội dung của đời sống hàng ngày.”

Về giá trị hiện thực của tác phẩm Hồ Biểu Chánh , nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thạch viết: “Trên nửa thế kỷ trước, Hồ Biểu Chánh đã phác họa được bức tranh hiện thực về kiếp sống người bần cố nông dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, ở một vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hồ Biểu Chánh đã dựng lại cảnh sống vất vả, cực nhọc đói cơm, rách áo, bị đàn áp nhục mạ... của người nông dân nghèo. Cũng mới chỉ có một số nét phác họa, giá trị của nó thật đáng trân trọng . Hơn ai hết, Hồ Biểu Chánh khắc họa được nhiều khuôn mặt đầy tình nghĩa, giàu nhân ái... của tầng lớp nông dân nghèo, tất nhiên cũng trong những chuẩn mực đạo lý đã nói trên”.

Về giá trị nghệ thuật của tác phẩm Hồ Biểu Chánh , đồng chí Nguyễn Ngọc Hiếu (Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang) nhận xét: “Đọc các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, ta thấy tác giả thường chú trọng nhiều vào những biểu hiện bên ngoài như sắc diện, ngôn ngữ, cử chỉ, hành động... của nhân vật. Tâm lý nhân vật được bộc lộ chủ yếu từ những biểu hiện bên ngoài ấy. Ít khi tác giả nói nhiều về những giằng co, trăn trở của nội tâm hay những suy nghĩ sâu kín phức tạp. Xây dựng tác phẩm như vậy, có người cho tác giả quá giản đơn, cạn cợt, thiếu sự sâu xa, tinh tế, làm giảm giá trị tác phẩm. Trong một vài trường hợp, tác giả sơ lược quá đáng thì nhận xét trên có phần đúng. Nhưng nhìn toàn cục, thì sự thật có phần ngược lại. Chính do chú ý mô tả những biểu hiện bề ngoài nhiều hơn những biến chuyển bên trong tâm hồn nhân vật mà nhân vật của tác giả còn là người Nam bộ và rõ là người Nam bộ. Người buồn thì tả cảnh buồn, phô diễn những ý nghĩ trầm tư, sâu lắng không thể dùng giọng văn sôi động.. đó là quy luật của văn chương. Sao ta lại không thấy rằng để thể hiện những con người bình dị, chân chất, có suy nghĩ giản đơn, mộc mạc, có tình cảm dứt khoát, rõ ràng, quen hiếu động, hễ nghĩ gì thì nói nấy, nói gì làm nấy... mà cứ chẻ nhỏ những nghĩ suy của họ ra như ta chẻ sợi tóc làm tư thì đó là một sự “ép uổng”... Ta không phủ nhận là có những lúc Hồ Biểu Chánh quá giản lược, dễ dãi, nhưng nhìn chung thủ pháp biểu hiện của tác giả là phù hợp với đặc tính của con người. Không biết tác giả có ý thức về điều đó hay không, nhưng thực tế nó đã góp phần đắc lực vào việc thể hiện chân thật, tự nhiên bản tính con người Nam bộ”.

Về ngôn ngữ tác phẩm Hồ Biểu Chánh , giáo sư Cù Đình Tú, nhà nghiên cứu Hồng Dân, Trịnh Hoàng Mai đều nhất trí ở chỗ Hồ Biểu Chánh đã vận dụng khẩu ngữ hàng ngày nâng lên thành ngôn ngữ văn chương trong tác phẩm, khác với lối văn ước lệ, biền ngẫu trước đó.

Về sự đóng góp của Hồ Biểu Chánh vào việc xây dựng nền văn học hiện đại , nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Hiệp tập trung vào vấn đề Hồ Biểu Chánh đã tiếp thu những tinh hoa của văn hóa phương Đông để đưa vào tác phẩm của mình. Nhà văn Hoài Anh lại đi sâu vào vấn đề: tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn học phương Tây, Hồ Biểu Chánh đã góp phần khai sáng nền văn học hiện đại và cách tân thể loại tiểu thuyết: “Hồ Biểu Chánh đã chọn lọc những tác phẩm văn học phương Tây giàu tính chất hiện thực và nhân bản để phóng tác thành tác phẩm của mình như: Ngọn cỏ gió lùa (phỏng theo Những người khốn khổ của Victor Hugo), Cay đắng mùi đời (phỏng theo Không gia đình của Hector Malot), Chút phận linh đinh (phỏng theo Trong gia đình của Hector Malot), Chúa tàu Kim Qui (phỏng theo Bá tước Monte-Cristo của A.Dumas cha)... đó là những giọt máu tươi lành tiếp cho cơ thể của bệnh nhân có cùng một nhóm máu, khiến cho cơ thể văn học Việt Nam mau lành mạnh, dần dần trở nên tráng kiện, hồng hào... Tiếp thu kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết của phương Tây, Hồ Biểu Chánh đã góp phần cách tân thể loại tiểu thuyết về các mặt xây dựng cốt truyện, tình tiết, bố cục tác phẩm cho đến tính cách, tâm lý nhân vật và ngôn ngữ văn chương của tác phẩm. Cổ xe chở tư tưởng là chữ quốc ngữ trước đó còn nặng nề ì ạch, đến đây đã được đẩy đi nhẹ nhàng, phăng phăng lướt trên những dặm đường văn học mới. Đó là công lao của anh phu xe tiền phong Hồ Biểu Chánh ”.

II. Về vấn đề công chúng văn học đối với tác phẩm của Hồ Biểu Chánh.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Trịnh Hoàng Mai viết: ”Sau đây là một số đặc trưng chủ yếu mà chúng tôi tạm gọi là những thông số thẩm mỹ phù hợp giữa cái mà nghệ thuật chung của các tác phẩm Hồ Biểu Chánh và cái “gu” tiếp nhận nghệ thuật của người đọc ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam bộ.

a- Phần lớn tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đều được xây dựng trên cái nền của bối cảnh xã hội Nam bộ.

b- Tương ứng với vùng đất vừa nhắc, là những con người với lai lịch được xác định một cách cụ thể.

c- Đối với người Việt Nam, đạo lý truyền thống chiếm giữ một vai trò quan trọng, chi phối mọi nếp nghĩ, mọi hành động của mọi tầng lớp. Tòan bộ các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh dù trực tiếp hay gián tiếp đều nhắc đến đạo lý. Không phải thứ đạo lý khô cứng của Khổng giáo, lại không phải từ nền tảng của Phật giáo, mặc dù trong cục bộ, xét từng cuốn một, rải rác vẫn thấy có. Nó là thứ đạo lý nhân dân, đạo lí nhân văn.

d- Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh , bước đường cuối cùng bao giờ cũng trở về nhà, sau một thời gian ba chìm bảy nổi. Những đứa con “thất lạc” sau một thời gian ly tán, kết cục vẫn vui vầy sum họp. Những con người đau khổ với không biết bao nhiêu tai ương họan nạn, sau chót lại được giàu sang, no ấm. Nói rộng hơn, cái thiện bao giờ cũng thắng... Đây là niềm mơ ước về một xã hội công bằng, một đạo lý hơn nữa còn là một niềm tin, một nhu cầu giải phóng rất đời mà cũng rất người.

e- Tất cả những điều trên lại được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ ngồn ngộn chất sống và giàu màu sắc địa phương. Nhìn chung, ngôn ngữ kể chuyện của Hồ Biểu Chánh rất hiện đại...

Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thu hút đông đảo mọi người, đủ mọi tầng lớp: nông dân, tiểu thương, dân nghèo thành thị, học sinh, trí thức là do tất cả những điều ấy.

III. Về vấn đề tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có thể đưa vào giảng dạy trong nhà trường được không?

Về vấn đề này, giáo sư Trần Văn Giàu có ý kiến như sau: “Tôi thấy rằng việc dạy văn Hồ Biểu Chánh - được, từ đại học, cấp 3, cấp 2, nhất là cấp 1. Viết bài cho tốt để giới thiệu Hồ Biểu Chánh có cái này, có cái kia chọn lọc từ các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh .

Sách Hồ Biểu Chánh được nhân dân tán thưởng. Lẽ cố nhiên, cái tán thưởng có nhiều lý do, không những tại văn ông khá, hay ở chỗ cái văn không phải là văn. Cái văn không văn đó mới hay. Hay ở chỗ nói lại những tiếng nói của dân, cái tấm lòng của dân, còn hay ở chỗ đạo đức, luân lý. Ở trong sách của Hồ Biểu Chánh có đạo đức luân lý Nho giáo, Phật giáo mà đó là của dân tộc chúng ta. Nho giáo Việt Nam mà, Phật giáo Việt Nam mà. Nhân nghĩa là gì? Không Nho giáo à? Từ bi không phải là Phật giáo à? Ai phản đối nhân nghĩa, phản đối từ bi? Cái đó phải là cái gia tài mà cộng sản kế thừa. Thứ nhất là ngày hôm nay trong lúc chúng ta có luân lý đạo đức của Hồ Chủ Tịch, thì những cái đạo lý luân lý cũ nó vẫn tồn tại và chúng ta có thể gạn lọc mà sử dụng được. Coi chừng những người nào nói rằng luân lý không có, chỉ có chính trị thôi thì là sai, sai một cách nguy hiểm. Hãy thấy trẻ con chúng ta ngày nay, kể cả các em học sinh, nó ra làm sao? Rồi người lớn nữa chớ không phải chỉ có trẻ con, thấy nó trụy lạc, nó tha hóa thì phải biết giật mình, mà dạy lại cái luân lý cho nó, luân lý cổ truyền, luân lý của Hồ Chủ Tịch, luân lý đạo đức cộng sản đích thực. Không có nhân cách không phải con người, cho nên anh em đã nói, nói hay lắm: Đổi mới không phải là đổi màu. Khi ta đổi mới là một phần lớn ta trở về với cái cũ, cái cũ tốt đẹp, cái cũ ngàn năm của dân tộc, cái cũ mà Hồ Chủ Tịch đã dạy chúng ta mà trong 30 năm kháng chiến ta đã thực hiện. Cái cũ đó không bỏ, phải tăng lên, đổi mới là phần lớn trở về với cái cũ đó. Ta đi xa Hồ Chủ Tịch lắm cho nên hư, hãy trở về với Hồ Chủ Tịch”.

PTC trích dẫn từ hobieuchanh.com

Ba niềm hạnh phúc lớn của má Vân Anh

Chiều ngày 23 tháng 9 âm lịch nhằm ngày 21/10/2008 tôi đến An Tất Viên thăm gia đình má Hồ Văn Vân Anh (Đường số 8, KP 2, P 11, Q Gò Vấp), con gái nhà văn Hồ Biểu Chánh để xin má cho phép thành viên Câu lạc bộ sách Xưa & Nay thăm nhà lưu niệm và viếng nhà văn. Nói chuyện với má và chứng kiến cảnh đoàn viên của gia đình má nhân dịp 50 năm ngày giỗ nhà văn tôi xin được viết mấy dòng về má.

1. Tôi thành kính dâng đĩa trái cây, thắp 3 nén nhang và kính cẩn khấn trước mộ phần của nhà văn Hồ Biểu Chánh trong khuôn viên An Tất Viên, má Hồ Văn Vân Anh, con gái nhà văn, đứng bên tôi nói:

“Tôi hạnh phúc hơn nhiều người, hàng ngày sau khi thức dậy tôi đều ra đây chuyện trò với ba tôi”

Má Vân Anh tuy đã 93 tuối nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, giọng nói vẫn sang sảng rõ ràng, tuy thính giác của má mấy năm nay có giảm nhiều. Thắp nhang xong tôi được má và anh Lê Kỳ Lân, người con trai thứ 3 của má nay đã 69 tuổi, mời vào trong nhà lưu niệm. Vẫn giọng nói khỏe, mạch lạc, má nói tiếp

“Tôi được ba rất cưng, hồi nhỏ mẹ tôi chỉ muốn tôi học nữ công nhưng ba lại cho tôi đi học hết tú tài toàn phần (tương đương lớp 12 hiện nay), sau đó tôi học tiếp luật học tại Sài Gòn. Trong những lúc rảnh tôi làm thư ký cho ba và thường xuyên được ba giao cho sửa lỗi chính tả các bản thảo của ba”.

Nghe đến đây tôi chợt nhớ tới tình cảm của cha dành cho con gái của nhà văn Lê Văn Trương đối với con gái Giáng Vân và nhà văn Trần Tuấn Khải đối với con gái Lan Hinh và tự hỏi “tại sao nhà văn nhà thơ nào cũng quá cưng con gái mình vậy?”.

Qua hồi tưởng của má tôi được biết An Tất Viên rộng 3.566m2 được nhà văn Hồ Biểu Chánh mua từ năn 1943 với giá 400 đồng bạc Đông Dương, năm 1958, sau khi mất tại biệt thự Hồ Biểu Chánh (nay thuộc đường Hồ Biểu Chánh, Quận Phú Nhuận) nhà văn được đưa về đây an táng theo nguyện vọng lúc sinh thời của nhà văn và năm 1960 thì gia đình má Hồ Văn Vân Anh chuyển hẳn về đây sinh sống và chăm sóc phần mộ cha.

2. “Khi còn sống cha tôi nói: sau này có ai muốn in các tác phẩm của cha thì các con cho họ in và đừng lấy tiền”, trầm ngâm trong hồi tưởng má Vân Anh nói tiếp: “ Năm 1988 nhà xuất bản Tiền Giang có in lại một số tác phẩm của cha tôi, tháng 11/1988 họ tổ chức hội thảo về cha có mang xe đón tôi xuống Mỹ Tho dự hội thảo, khi về họ trả tiền tác quyền nhưng tôi không nhận, khi về đến nhà mở giỏ quà thì thấy họ bỏ bọc tiền vào trong đó. Sau này nhà xuất bản Văn nghệ và nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn xin in tôi cũng đồng ý và nói họ không phải trả tiền, nhưng họ vẫn mang trả và còn tặng sách cho gia đình tôi nữa”

Má cũng cho biết má dùng số tiền tác quyền đó để sửa lại nhà má, xây nhà lưu niệm, tu bổ mộ phần của cha - mẹ và làm từ thiện.

Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay đã có ít nhất 5 nhà xuất bản lần lượt tái bản các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đó là: NXB Tiền Giang, NXB Văn Nghệ, NXB Văn Hóa Sài Gòn và NXB Phụ Nữ, NXB Hội nhà văn.Ngoài ra một số tác phẩm của nhà văn đã được dựng thành phim như: tác phẩm Cay đắng mùi đời, Chúa tầu Kim Quy, Ngọn cỏ gió đùa, con nhà nghèo và chuyển thể thành cải lương như: Vì một chữ tình; Lời thề trước miếu; Từ hôn... đây chính là niềm hạnh phúc thứ 2 của má sau bao năm tác phẩm của cha lại được trân trọng của bạn đọc và khán giả trong cả nước.

3. Má Vân Anh tiếp tục dòng ký ức “Trong tác phẩm của cha, ông luôn đấu tranh bảo vệ phong tục tập quán gia đình, quê hương và đạo lý làm người”. Thật vậy, cái phong tục gia đình và đạo lý ông bảo vệ, ông tôn sùng là trong gia đình con cái phải nghe lời cha mẹ, phải có hiếu có nghĩa, vợ chồng phải chung thủy và thương yêu lẫn nhau, ra ngoài xã hội phải có đạo lý, có tình làng nghĩa xóm.

Tôi đến thăm nhà lưu niệm nhà văn đúng vào dịp 50 năm ngày giỗ của ông, dịp này các con cháu của má người ở gần, người ở Mỹ (chị Lê Thị Mỹ Trang, người con thứ 8) cũng đều về tụ tập đông đủ. Mọi người xum vầy xung quanh má, chăm lo cho cái giỗ nửa thế kỷ của ông ngoại. thật là một cảnh đầm ấm hạnh phúc ở đại gia đình của má.

Bản thân má, mấy năm trước còn đi lại được má đã làm tổ trưởng tổ phụ lão, má đã tham gia vận động và đóng góp vào quỹ tương trợ những cụ ông cụ bà có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Má nói “giúp đỡ mọi người cũng là nuôi dưỡng và giữ gìn hạnh phúc của mình”.

Sau hai tiếng đồng hồ nói chuyện với má cùng gia đình, khi ra về tôi hòa chung niềm hạnh phúc của má và gia đình, thầm chúc má khỏe mạnh, sống lâu và hạnh phúc cùng con cháu.

Phạm Thế Cường

HỒ BIỂU CHÁNH - NHÀ VĂN NAM BỘ LÊN WEB

Về Hồ Biểu Chánh, TS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học nhận định: “Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là một bộ lịch sử phong tục Nam bộ hồi xưa, được tái hiện qua tiểu thuyết. Xét về đủ mọi phương diện, Hồ Biều Chánh là một nhà tiểu thuyết lớn của Nam bộ và cả nước. Chúng ta phải xác định lại cho đúng vị trí của ông trong lịch sử văn học”.

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi lướt web và bắt gặp hobieuchanh.com. Website dành riêng cho nhà văn đầu tiên của Nam bộ lại được thiết kế, thực hiện từ… hải ngoại bởi các các nhà trí thức Việt kiều: TS Phan Tấn Tài (Hannover), TS Lê Văn Tâm (Göttingen), TS Trang Quan Sen (Hannover), Lê Trường Xuân, Huỳnh Thanh Mỹ và bạn bè…

Ước vọng của những người thực hiện trang web này là: Chú thích và giới thiệu với đọc giả những từ địa phương thông dụng trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh để giữ gìn tiếng cũ và góp phần phát triển cho vườn hoa tiếng Việt thêm phong phú. Giới thiệu một bức tranh xã hội của buổi giao thời mà trong đó từ bối cảnh đến tâm lý con người đều tượng trưng cho sự chất phác, mộc mạc, được diễn tả một cách hấp dẫn và xúc động dưới ngòi bút tinh tế của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Tuy nhiên, vì mới bắt đầu sưu tầm nên tài liệu của nhóm thực hiện còn chưa phong phú, nhất là những tài liệu cũ…

Một website dành riêng cho nhà văn lớn Hồ Biểu Chánh là đương nhiên. Cái tâm và cái tầm của nhóm làm website hobieuchanh.com lại rất rộng mở với 56 tiểu thuyết được đăng tải như: Chúa tàu Kim Qui (1923), Chút phận linh đinh (1928), Con nhà nghèo (1930), Ngọn cỏ gió đùa (1926), Nhơn tình ấm lạnh (1925). Các tiểu thuyết mới cập nhật: Ông Cử (1935) cập nhật ngày 22.07.2004, Hai Thà cưới vợ (1944) cập nhật ngày 28.07.2004 và Lòng dạ đàn bà (1935) cập nhật ngày 29.07.2004. Cẩn thận hơn, những người thực hiện còn cung cấp cho bạn đọc một số hình ký họa về Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX, thế kỷ sống của các nhân vật trong truyện của Hồ Biểu Chánh. Ngoài ra, website còn có bộ “từ điển”: Một số từ ngữ dùng trong các quyển tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh khá phong phú và đầy đặn. Có những từ “rặt” Nam bộ được chú giải khá thú vị, ví dụ: “Buồn nghiến: buồn nhiều, buồn nát lòng; Lẹo chẹo: lời qua tiếng lại; Thẳng búng: và cơm liên tục cho tới da má căng thẳng (ăn ngốn, ăn không thanh nhã)… Một số tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh được thể hiện dưới dạng “đọc truyện” bằng files âm thanh MP3, như: Tơ hồng vương vấn, Ngọn cỏ gió đùa… Những câu chuyện não lòng của nông thôn miền Nam những năm đầu thế kỷ 20 được thể hiện qua các giọng đọc khá chuẩn giọng miền Nam, được lồng nhạc, tiếng động khá chuyên nghiệp… Mục “Các bài viết liên quan đến Hồ Biểu Chánh”: đăng tải khoảng 15 bài viết từ dạng bài nghiên cứu đến bài báo, điểm các phim dựng từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh… Riêng các mục “Truyện ngắn” và “Biên khảo” còn rỗng, chưa có tài liệu gì!

Trong trang website còn có mục giới thiệu các tác phẩm của nhà văn Bình Nguyên Lộc và các nghiêm cứu về ông. Ông cũng là một nhà văn có tiếng của Nam bộ.

Bây giờ mời các bạn đến với hobieuchanh.com

VÂN TRINH - THẾ CƯỜNG

Phụ Bản II

JEAN BAPTISTE PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ

(1837-1898)

Cụ Jean Baptiste Petrus Trương Chánh Ký, sau đổi thành Trương Vĩnh Ký, sinh ngày 06/12/1837 tại làng Vĩnh Thành, tỉnh Vĩnh Long, tự là Sĩ Tải, con quan Lãnh binh Trương Chánh Thi thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) và vua Thiệu Trị Triều Nguyễn.

Năm cụ lên 2, ông thân sinh cụ, quan Lãnh binh, sang công cán bên Cao Miên, rồi mất tại đấy. Cụ có người chị cả cũng mất sớm. Gặp lúc Pháp – Nam bất thân thiện, Đức Minh Mạng diệt tín đồ đạo Thiên Chúa, cụ chẳng vì lẽ con quan mà lọt khỏi vòng cơ hàn cực khổ. Cụ sống lây lất với người anh và người mẹ già.

Năm lên 5, cụ theo anh đi học chữ Hán ở một nhà Thầy Đồ trong làng (vì vậy sau này tuy thông hiểu Pháp văn và nhiều thứ tiếng và chữ châu Âu, cụ vẫn không bỏ cốt cách con nhà nho gia, xuất thân ở sân trình cửa Khổng).

Năm lên 9, cụ được một vị Linh mục, tục kêu là Cụ Tám, trước kia có nhờ ông thân sinh cụ cứu thoát chết, xin bà mẹ đem về nuôi, dạy cho chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ cùng các kinh sách đạo Gia-tô. Hai năm sau cụ được vào học trường thầy dòng bên Cao Miên. Nhân dịp này cụ được tiếp xúc với người Miên, người Lào và học tiếng nước họ. Cụ lại được Cụ Tám gởi theo Cố Long Gaspard học tập chữ La-tinh. Thời kỳ theo Cố Long Gaspard là thời kỳ gian truân nhất: Vua Minh Mạng muốn diệt đạo Gia-tô, sai tìm bắt các giáo sĩ và các tín đồ đạo Gia-tô. Hơn 4 năm trời cụ theo Cố Long Gaspard trốn tránh rất khổ sở.

Năm 14 tuổi, cụ được gởi qua cù lao Poulo Penang học thêm tiếng La-tinh và chuyên học tiếng Hy Lạp tại trường Delalma, một trường lớn của Công giáo có đủ học sinh Âu Á. Ở trường này cụ đã tỏ ra là một sinh viên xuất sắc, có thiên khiếu về ngôn ngữ và được giải thưởng nhờ một bài luận văn La-tinh. Vốn là người thông minh và hiếu học, lại được tiếp xúc với người nhiều nước, cụ nhân đây học thêm nhiều thứ tiếng khác. Khi ở cù lao Penang về, tính ra cụ thông được nhiều thứ tiếng, mà thạo nhất là các thứ tiếng: Pháp, Anh, La-tinh, Tây Ban Nha, Nhật và chữ Hán.

Năm về nước, cụ được 21 tuổi và phải chịu tang mẹ. Sau tang mẹ ít lâu, cụ lấy vợ người tỉnh Gia Định và lo viết sách soạn văn giúp ích đồng bào. Cụ cho in về Vương Quốc Khmer (1863), Chuyện Đời Xưa (1866).

Cụ tưởng như vậy kéo dài cái đời an nhàn được, nào dè vua Tự Đức lại nối chí cha diệt đạo nên xảy ra việc Phó thủy sư Rigault de Genouilly đánh phá cửa Hàn (01/09/1858) và Hạ Thành Sài Gòn (18/02/1859). Trong nước lúc ấy loạn lạc, mùa màng thất bát, nhân dân khổ cực, nên nhà vua mới cầu hòa với nước Pháp. Cụ Petrus Ký vì vậy bị lôi làm thông ngôn cho hai nước Pháp – Nam điều đình hòa ước 05/06/1862. Khi hòa ước ký xong, cụ xin về quê, nhưng cụ bị giữ lại làm thông ngôn tòa án và đốc học trường Thông Ngôn Sài Gòn.

Năm 1864, vua Tự Đức muốn chuộc lại 3 tỉnh Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), cụ phải sang Pháp với cụ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản làm thông ngôn cho nước Nam điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Tại Paris, cụ có giao du với các văn gia và khoa học gia địa phương như E. Renan, Paul Bert… Do đó, sau này cụ có chân trong các hội của Pháp như: Hội Nhân Chủng học và Khoa học miền Tây, Hội Ngôn ngữ học, Hội Địa dư Paris… Giới học thuật đương thời xếp cụ vào hàng thứ 17 trong các nhà thông thái toàn cầu. Cụ có sang yết kiến Đức Giáo Hoàng tại Roma.

Về nước cụ được bổ nhiệm làm giáo viên Đông Phương Ngữ, rồi Đốc học của trường Thông Ngôn và Hậu Bổ ở Sàigòn. Năm 1868, cụ xin từ chức tại các trường này. Kể từ tháng 08/1869, cụ làm chủ bút tại tờ Gia Định Báo, là tờ báo Việt ngữ đầu tiên với sự cộng tác của Huỳnh Tịnh Của, Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký. Cụ cũng trông coi luôn tờ An Nam Chính trị Xã hội. Năm 1874, cụ cộng tác với đại sứ Tây Ban Nha tại Trung Hoa và được nhận là hội viên Á Châu Hội. Năm 1874, đi công tác ở ngoài Bắc về, cụ có viết cuốn Voyage au Tonkin en 1876, cụ được cử vào Hội đồng Thành phố Sài Gòn. Từ 1877 – 1885, cụ trước tác, phiên âm và phiên dịch một số sách và bài vở như: Chuyện Khôi Hài (1882), Grammaire De La Langue Annamite (1883), Petit Dictionnaire Francais Annamite (1884), Cours D'histoire Annamite 2 vol (1875-1877), Histoire de la Chine, Poème Kim Vân Kiều truyện transcrit pour la première fois en Quốc ngữ avec notes explicatives (1875), Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (1875), Hịch Quảng Định (1882), Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi (1882), Hịch Con Quạ (1883), Phép Lịch Sự Annam, Sách dạy chữ Nho, Sách dạy chữ Quốc Ngữ, Kiếp Phong Trần (1885).

Ngày 02/04/1886, thống đốc Bắc kỳ Paul Bert vừa sang nhậm chức ở Hà Nội đã đề cử cụ ra Huế giúp vua Đồng Khánh với chức Giám quan trong Cơ mật viện. Cuối năm ấy cụ trở về nhà ở Chợ Quán – Sàigòn. Năm sau cụ làm giáo sư ngôn ngữ Đông Phương tại các trường Hậu Bổ và Thông Ngôn. Cũng trong năm 1886 này cụ rút ra khỏi hoạn trường ở tuổi 50, để trong hơn 10 năm cuối đời tập trung toàn lực vào công việc trước tác; sống một cuộc sống thanh bạch, thiếu thốn, và trước khi qua đời để lại bài thơ tuyệt mệnh:

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gởi tên con mọt sách
Công danh rút cuộc cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chun bước
Bò sối côn trùng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

Cụ bệnh mất tại tư thất ngày 01/09/1898, tức ngày 16/7 năm Mậu Tuất, hưởng thọ 61 tuổi. Cụ để lại 118 tác phẩm về ngôn ngữ và gần 20 cuốn sách đang soạn dở.

Về văn học, khoa học cũng như khảo cứu, cụ là một học giả cự phách của nước Nam ta hồi hậu bán thế kỷ 19. Cụ là một văn hào đầu tiên đề xướng việc dùng chữ quốc ngữ viết văn, ghi công đầu trong việc xây dựng văn xuôi quốc ngữ ở thời kỳ phôi thai.

CHỨC VỤ, HUÂN HUY CHƯƠNG

Không những Trương Vĩnh Ký là một nhà văn tiền phong của nền văn học chữ quốc ngữ, mà ông còn lạ một học giả rất nổi tiếng. Trong quá trình hoạt động, ông đã được nhận các chức vụ và huân huy chương:

· Nhận huy chương Dũng sĩ Cứu thế của Tòa thánh La Mã ngày 01/10/1863
· Năm 1871, được cử làm hội viên Hội Nhân Văn và Khoa Học vùng Tây Nam nước Pháp, Hội Nhân Chủng Học, Hội Giáo Dục Á châu.
· Năm 1874, được phong giáo sư ngôn ngữ Á Đông, vì Pétrus Ký đã thông hiểu 27 ngôn ngữ trên thế giới.
· Trong cuộc bầu chọn "Toàn cầu Bác học Danh gia" vào năm 1874, Pétrus Ký đã được bình chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 "Thế Giới Thập Bát Văn Hào".
· Nhận huy chương Isabelle la Catholique của Tây Ban Nha ngày 27/06/1886
· Trở thành hội viên Hội Chuyên Khảo về Văn hóa Á châu ngày 15/02/1876
· Trở thành hội viên Hội Chuyên Học Địa Dư ở Paris ngày 07/07/1878
· Nhận huy chương Hàn Lâm Viện Đệ nhị đẳng của Pháp ngày 17/05/1883
· Nhận Tứ Đẳng Long Tinh, Ngọc Khánh, Long Khánh của Nam triều ngày 17/05/1886
· Nhận Bắc Đẩu Bội Tinh Đệ ngũ đẳng của Pháp ngày 04/08/1886
· Nhận Hàn Lâm Viện Đệ nhất đẳng của Pháp ngày 03/06/1887
· Nhận Hàn Lâm Viện Đệ nhất đẳng của Hoàng gia Campuchea
· Vua Đồng Khánh ban cho ông chức Hàn Lâm Viện Thị Giảng học sĩ
· Vua Khải Định ban hàm Lễ Bộ Tham Tri
· Vua Bảo Đại ban hàm Lễ Bộ Thượng Thư
· Trước đây, tên của ông được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa đặt cho một ngôi trường Trung học lớn nhất miền Nam. Sau năm 1975, trường này được đổi tên là trường Trung học Lê Hồng Phong ở t/p Hồ Chí Minh.
· Hiện nay tại Tp.HCM cũng có một trường mang tên Trương Vĩnh Ký là trường THPT Tư thục Trương Vĩnh Ký, ở đường Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình, và tại quận Tân Phú cũng có một con đường lớn mang tên P. Trương Vĩnh Ký.

(Tài liệu Internet)
LM. Nguyễn Hữu Triết st

CHÍNH KINH VIẾT GÌ VỀ THIỆN TRI THỨC ?

Cũng giống như người đời cho rằng: “Không thầy đố mầy làm nên”, người muốn học Phật cũng cần phải có Thầy. Tổ Đạt Ma dạy: “ Nếu không nhờ Thầy, quyết chẳng sáng tỏ được. Không thầy mà ngộ, điều ấy hiếm lắm”. Lục Tổ dạy: “Này chư thiện tri thức. Cái trí Bồ Đề Bát Nhã người thế gian vốn tự có, nhưng bởi tâm mê nên chẳng tự ngộ được, phải cầu bậc Đại Thiện tri thức chỉ dẫn cho mới Thấy Tánh. Phải biêt rằng dầu kẻ mê hay người trí cũng đồng có một cái Tánh Phật giống nhau không khác, nhưng bởi tâm mê ngộ chẳng đồng sở dĩ mới có kẻ ngu người trí”.

Sự quan trọng của người Thầy được Kinh Hoa Nghiêm viết như sau: “Này Thiện Nam Tử: Thiện Tri Thức như từ mẫu, vì xuất sanh Phật chủng. Như từ phụ, vì lợi ích rộng lớn. Như nhữ mẫu, vì thủ hộ chẳng cho làm ác. Như giáo sư, vì dạy sở học của Bồ Tát. Như đạo sư, vì hay chỉ đường ba la mật. Như lương y, vì hay chữa bệnh phiền não. Như tuyết sơn, vì tăng trưởng thuốc nhất thiết trí. Như dũng tướng, vì dẹp trừ tất cả sự bố úy. Như người đưa đò, vì làm cho ra khỏi dòng sanh tử. Như lái thuyền, vì khiến đến bửu sở trí huệ”…

Này thiện nam tử! Ta lược nói tất cả Bố Tát hạnh, tất cả Ba la mật, tất cả Bồ tát địa, tất cả Bồ Tát Nhẫn, tất cả Bồ Tát tổng trì môn, tất cả Bồ tát tam muội môn, tất cả Bồ tát thần thông trí, tất cả Bồ Tát hồi hướng, tất cả Bồ tát nguyện, tất cả Bồ Tát thanh tựu Phật pháp đều do sức của Thiện Tri Thức, đều dùng Thiện Tri Thức làm căn bổn, đều nương Thiện Tri Thức mà sanh, đều nương Thiện Tri Thức mà ra, đều nương Thiện Tri Thức mà trụ, đều do Thiện Tri Thức làm nhân duyên, đều do Thiện Tri Thức mà phát khởi”

Nhưng không phải bất cứ Thầy có trình độ nào cũng là Chân Thiện Tri Thức, có thể hướng dẫn mọi người đến kết quả cao nhất. Kinh Viên Giác viết: “Có những chúng sanh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ, thì chúng thành Tiểu Thừa; còn gặp Thiện tri Thức là Bồ tát hóa độ thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô thượng Bồ Đề thì chúng thành Phật Thừa.

Này Thiện Nam! Có những chúng sanh đi tầm thiện tri Thức chỉ dạy đường lối tu hành, nhưng lại gặp ngọai đạo tà sư dạy bảo, nên chúng nó sanh ra tà kiến, hiểu ngộ không chơn chánh, thế gọi là ngọai đạo chúng tánh. Đây không phải lỗi tại chúng sanh đó, mà lỗi tại tà su”.

Tất nhiên là không ai muốn học với tà sư, nhưng làm sao chúng ta có thể biết được Thầy nào mới có thể hướng dẫn cho ta? Điều này đã được giải thích trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, trong phần trả lời cho du sĩ ngọai đạo là Subhadda trước lúc Phật nhập diệt: “Làm sao để phân biệt trong những người đang thuyết pháp thao thao, Bà La Môn, Sa Môn, Giáo Trưởng, Hội Chủ… đang giảng pháp và được đông đảo quần chúng hâm mộ, ai mới là người có Chánh Pháp?” Phật đáp: “Trong pháp luật nào không có Bát Chánh Đạo thì trong đó không có đệ nhất Sa Môn, đệ nhị Sa Môn, đệ tam Sa Môn, đệ Tứ Sa Môn. Chính trong giáo pháp của ta có Bát Chánh Đạo, những giáo pháp khác không có. Nếu những Tỳ Kheo này sống chân chính, thì đời này không vắng những vị A La Hán.”

Như vậy chúng ta đã có một căn bản để đánh giá người ta có thể theo học, vì nếu một người tu có thật sự hành theo Bát Chánh Đạo, thì ta thấy: CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG thuộc về THÂN. CHÁNH NGỮ thuộc về KHẨU. CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH NIỆM, CHÁNH ĐỊNH thuộc về Ý. Người đã gìn giữ THÂN, KHẨU Ý tịnh ba nghiệp, lại có CHÁNH NIỆM và CHÁNH TƯ DUY đương nhiên sẽ có CHÁNH KIẾN. Họ tự nuôi thân bằng nghề nghiệp Chân Chánh. Lời nói họ luôn chân chánh, không vọng ngữ, vọng hành tức họ lúc nào cũng có GIỚI, mà GIỚI, ĐỊNH, HUỆ là ba căn bản không thể thiếu của người muốn tách khỏi sự cuốn hút của thế gian. Nhưng chúng ta cũng cần nên lưu ý thêm: Có những người giữ Giới rất là kiên cố, nhưng do thiếu CHÁNH NIỆM và CHÁNH TƯ DUY nên không thể nào có CHÁNH KIẾN, như vậy họ cũng chỉ là một người sống thiện, không bị đọa, nhưng chưa có cái Thấy, Biết để có thể hoàn tất con đường Giải Thoát cho bản thân thì làm sao hướng dẫn cho người khác?.

Thêm một cách để nhận diện người chân Thiện Tri Thức. Kinh Đại Bát Niết Bàn viết:

Này Thiện Nam! Thiện Tri Thức là nói Chư Phật, Bồ Tát và hàng Thinh Văn, Bích Chi Phật, cùng những người tin Kinh Đại Thừa. Thế nào gọi là Thiện tri Thức? Hàng Thiện Tri Thức có thể chỉ dạy cho chúng sanh xa lìa 10 điều ác, tu hành 10 điều lành. Do nghĩa này nên gọi là Thiện tri Thức. Lại hàng Thiện tri Thức lời nói đúng như pháp thật hành đúng như lời nói. Chính là tự mình chẳng Sát Sanh cũng bảo người chẳng sát sanh, nhẫn đến tự mình có chính kiến cũng đem chính kiến dạy cho người.

Nếu có thể được như đây thời gọi là chơn thiệt Thiện Tri Thức. Tự mình tu tập Bồ Đề cũng có thể dạy người tu hành Bồ Đề. tự mình tu hành Chánh Tín, Trì Giới, Bố Thí, đa văn, trí huệ, cũng có thể dạy người như vậy. Do đây nên gọi là Thiện tri Thức.

Này Thiện Nam Tử! Hàng Thiện tri Thức có thiện pháp. Những gì là Thiện pháp? Những việc của mình thật hành chẳng mong cầu tự vui. Mà thường vì chúng sanh cầu an vui. Thấy người có lỗi chẳng rao nói, miệng thường tuyên nói những việc thuần thiện. Do đây nên gọi là Thiện Tri Thức.

Này Thiện Nam Tử! Như mặt trăng từ mùng một đến đêm rằm lần lần thêm lớn đầy đủ. Cũng vậy, Thiện tri thức làm cho những người học đạo lần xa lìa pháp ác, thêm lớn pháp lành. Nếu có người gần gủi Thiện tri Thức từ trước chưa có Giới Định Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát tri kiến nay bèn có đó. Người chưa đầy đủ thời thêm rộng, do vì gần gủi Thiện tri Thức…(Q.2 tr. 107)

Ví như lương y thông thạo tám môn trị bịnh, thấy những người bịnh thời lo chữa trị, không ngó đến dòng họ đẹp, xấu cũng không nghĩ đến châu báu. Do đây nên người đời xưng tụng là đại lương y. Cũng vậy, Chư Phật và Bồ Tát thấy chúng sanh có bịnh phiền não, liền sanh lòng từ mẫn mà thuyết pháp, không ngó đến dòng họ đẹp xấu cùng của cải. Chúng sanh được nghe thuyết pháp, phiền não trừ diệt. Do đây nên chư Phật và bồ tát gọi là Thiện tri Thức. (tr. 111).

Không chỉ nói chung chung. Kinh ĐBNB viết rất rõ thế nào để được gọi là Thiện tri Thức:

Nếu có người có thể nói TÍN, GIỚI, ĐA VĂN, BỐ THÍ, TRÍ HUỆ, làm cho mọi người thọ trì, thật hành, đây gọi là Bồ Tát Thiện tri Thức vậy (tr. 278).

Khác với cái học của đời, chỉ cần học trên một lớp là có thể hướng dẫn lớp dưới. Do trong Đạo Phật có nhiều phương tiện. Trong thời điểm mới bước vào con đường tu hành, Đạo Phật muốn cho người tu không nản chí, nên đưa ra phương tiện Quả Vị, cảnh giới tốt đẹp vv... để họ mến mộ mà phát tâm. Sau đó sẽ từ từ hướng dẫn tiếp. Nếu người kiên trì cứ từng bước thực hành sẽ thấy rằng nhờ vào những nấc thang như thế mà họ bớt đi được rất nhiều dính mắc để được nhẹ nhàng, an lạc hơn. Như thế, nếu người chỉ mới học được một giai đoạn nào đó, chưa phân biệt được đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh của đạo. Bản thân họ chưa hiểu sẽ đạt được điều gì ở cuối đường mà vội vã truyền bá, rồi người nghe được tin và chấp vào đó, lại tiếp tục rao giảng cho nhiều người… mai kia làm sao có thể gở ra cho từng đó người ? Bằng chứng là trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA có kể lại: Khi Phật bắt đầu thuyết Kinh để đưa các Thinh Văn từ trước vẫn theo nghe pháp với Ngài, đã chứng được cái KHÔNG, bước sang địa vị Bồ Tát để tự mình hoàn thành con đường Độ Sinh, thì 5.000 người đã bỏ ra về, vì cho rằng những gì họ được nghe từ trước đến nay đã đầy đủ, không cần phải nghe thêm nữa, không biết rằng những Quả vị đó chỉ là những “Hóa Thành Dụ”, cho họ tạm nghỉ ngơi để lấy sức đi tiếp!

Phương pháp dạy và học của Đạo Phật được Kinh Đại Bát Niết Bàn gọi là “Dùng Tâm ấn Tâm”, hay còn gọi là “Truyền Tâm ấn” tức là người Thầy phải nắm vững được phương pháp tu hành, đã đắc cái TÂM, sau đó mới có thể hướng dẫn và ấn chứng cho người học trò khi thấy họ cũng đã đạt đến trình độ đó, cũng đắc cái TÂM như mình ngày trước. Tâm đó cũng gọi là TÁNH nên có khi Kinh cũng viết là “Thấy Tánh” hay “Ngộ được Bản Thể Tâm”.Như vậy, người chưa Ngộ được Bản thể Tâm thì lấy Tâm ở đâu để mà “truyền tâm”, nên họ chỉ là người mang lý thuyết của Phật giảng lại mà thôi, kết quả ra sao hẳn chúng ta đã biết, vì Tổ Đạt Ma có dạy: “Người chưa Thấy Tánh mà nói pháp là ma nói”.

Sự chứng đắc ngày trước hiếm hoi, mỗi đời chỉ truyền cho một Tổ. Không phải vì chư Tổ dấu để truyền riêng, cũng không phải mỗi đời chỉ đào tạo được có một người. Người Thiện tri Thức thuyết pháp không phân biệt, nhưng do trình độ của người nghe, tùy theo tâm họ trong sáng ít nhiều mà lãnh hội khác nhau. Do đó, khi chọn người để truyền thừa, thì chỉ người xuất sắc nhất mới được chọn để đảm nhận trọng trách nối truyền Chánh Pháp. Sự chứng đắc của Đạo Phật đòi hỏi cả hai mặt: Lý và HẠNH. Người Lý giỏi mà Hạnh còn kém thì không thể được chọn. Ngược lại, người Hạnh rất tròn nhưng thiếu Lý thì cũng khó truyền lại cho lớp kế thừa. Chính vì vậy mà khi Đức Thích Ca truyền Y Bát , Ngài đã không truyền cho Ngài Anan, dù Anan thuộc pháp của Phật làu làu “Như nước trong bình đổ ra, không sót một giọt”, mà lại truyền cho ngài Ca Diếp với lời dặn dò: “Bao giờ thấy Anan đầy đủ đạo hạnh thì mới truyền lại cho Ngài”. Do đó, ta thấy Ngài Anan là Tổ thứ nhì, sau Ngài Ca Diếp.

Thiện tri thức rất là quan trọng đối với người tu học. Hãy tưởng tượng học trò như một trang giấy trắng mà người thầy sẽ tô điểm hình ảnh, màu sắc vào đó. Đương nhiên, nếu Thầy là họa sĩ thì ta sẽ có những bức tranh đẹp. Ngược lại, họ sẽ nguệch ngoạc làm bẩn tờ giấy, khó thể tẩy xóa được mà ta thấy nhan nhãn trước mắt trong thời nay, do gặp phải tà sư hướng dẫn nên thay vì là một con người bình thường với Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín trong cuộc đời, lo làm ăn để sinh sống thì họ trở thành những con người bất bình thường, nói năng lộn xộn, mà cứ tưởng mình cao lắm không ai hiểu nổi, mọi người đều thấy, chỉ riêng họ là không biết! Hậu quả của tà sư rất lớn, vì làm hư Tâm Bồ Đề của người nghe theo họ, nên cái quả họ phải trả không phải nhỏ. Trong Bách Trượng Ngữ Lục có Tích Con Chồn Hoang nói về cái QUẢ của người giảng sai. Chỉ cần hạ sai một chuyển ngữ về Nhân Quả mà phải đọa 500 kiếp làm chồn, và Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên nói về những tên Phiến Đề La, do kiếp trước tham cầu lợi dưỡng nên dối gạt người để nhận của cúng dường và sự kinh trọng của họ mà phải đọa làm những tên khiêng kiệu cho hoàng hậu, bị đánh đập, hành hạ, để trả Quả , để lưu ý người giảng nói, và nhắc nhở người muốn tu học cần thận trọng khi muốn cầu Thầy. Trong Kinh Viên Giác, Ngài Phổ Nhãn hỏi Phật: Phải cầu ai làm minh sư để chỉ dẫn trên con đường tu hành? Phật dạy:

Này Thiện Nam! Chúng sanh đời sau muốn phát tâm Đại Thừa thì phải cầu Thiện Tri Thức tức là những người hiểu biết chân chánh. Những vị ấy tâm chẳng trụ nơi tướng phàm phu và cũng không dính mắc nơi cảnh của Thinh Văn, Duyên Giác. Tuy hiện ở nơi cảnh trần lao mà tâm vẫn thường thanh tịnh. Có khi các vị ấy thị hiện đồng ở với ngưồi tội lỗi mà thường khen ngợi các hạnh thanh tịnh, không để cho chúng sanh làm việc tội lỗi. Hành giả phải cầu những người như vậy dạy bảo tu hành để thành tựu quả Phật”.

Việc chọn Thiện tri Thức một phần do Duyên, Nghiệp, phần khác, mỗi người cũng có thể sáng suốt để tự chọn cho mình. Vì thế, ta nên dò tìm trong Kinh cách thức phân biệt thế nào là chân, giả, để tránh gặp phải những kẻ “bụng trống lòng cao” chỉ vì danh hay lợi mà giảng nói.

Khi đã chọn được người thầy rồi thì lúc nào cũng phải nghe pháp trong tinh thần như Kinh dạy: “Ba lần thưa thỉnh, năm vóc sát đất”. Câu này không có nghĩa khuyến khích người thầy kiêu mạn, buộc người hỏi pháp phải sụp lạy mình mới chịu giảng nói, mà nói về lòng chí thành cầu pháp của người nghe. Nếu mình đã quyết lòng cầu học, thì phải hạ thấp bản ngã của mình xuống để trân trọng nghe những gì người Thầy hướng dẫn. Thầy có giỏi nhưng nếu trò không ngoan thì cũng sẽ không thể nào tiến bộ được. Nếu trò không thật sự tin Thầy, vừa nghe pháp vừa coi thường Thầy, do có chút địa vị, bằng cấp, tiền bạc hơn thầy, một khi đã không “tôn sư” thì làm sao “trọng đạo”? Như vậy, dù có nghe pháp bao lâu ắt cũng chẳng lãnh hội được gì! Ngược lại, nếu người Thầy biết trò cống cao, ngã mạn, chẳng có chút thật tâm tu học, vậy mà còn cố thuyết giảng ắt vì mối lợi nào đó, thì sao xứng là Chân Sư? Cho nên, ngay cả việc chọn thầy để học cũng phải hết sức thận trọng, vì nếu ngay khởi đầu đã bị hướng dẫn đi sai hướng, thì càng tin, càng nghe nhiều càng rơi vào trường hợp mà Phật Ngôn cảnh báo: “Phàm phu còn có tâm quay về mà Thinh Văn thì không”, vì chấp vào thời gian nghe pháp, cho rằng đã nghe nhiều, tất nhiên phải cao, không muốn nghe ai nhắc nhở nữa!.

Về phần người thuyết pháp, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có dặn dò kỹ càng, cần phân biệt rõ với hạng người nào thì mới nên giảng nói. Lại phải nói pháp “đúng thời, đúng lúc, đúng căn cơ”, không phải gặp ai, ở đâu cũng “mưa pháp” tràn lan! Hơn nữa, người muốn thuyết pháp cần có sự chuẩn bị kỹ, phải: “Vào nhà Như Lai, Mặc Y Như Lai, Ngồi tòa Như Lai, phải có Tâm Từ Bi lớn, ý nhu hòa nhẫn nhục, các pháp Không làm tòa, rồi mới vì người khác mà giảng nói” (Phẩm Pháp Sư). Khi người nghe với cái tâm khiêm tốn, muốn cầu học. Người giảng đã nắm vững phương tiện của Đạo, đã phân biệt Nghĩa, Ngữ, có thể tùy nghi dẫn giải, không trái với lời Phật, với cái Tâm từ bi, vì lợi ích cho người nghe mà thuyết giảng, không vì danh, lợi, hai bên tương xứng với nhau thì mới mong có được cái kết quả như Kinh dạy :

Này Thiện Nam! Đối với Thiện hữu trí thức này mà hành giả không khởi một niệm khinh thường, thì hoa lòng (Tâm hoa) sẽ được rộng mở, chiếu khắp mười phương thế giới và thành tựu quả Phật. (V.G. tr. 155). Lời Phật dạy cũng đồng nghĩa với câu người đời vẫn thường bảo nhau: “Kính Thầy mới được làm Thầy” vậy.

Tâm-Nguyện
(11/2008)

Tưởng nhớ
Cụ Hồ Biểu Chánh
Kỷ niệm 50 năm ngày Cụ ra đi
(1885-1958)
Chấn hưng văn học Việt Nam

Cụ Hồ Biểu Chánh vẫn thầm ước mong
Làng Bình Thành, tỉnh Gò Công
Vấn vương hình bóng, tấm lòng người xưa
Thương sao ngọn cỏ gió đùa
Cha con nghĩa mặng – Chuông chùa ngân nga
Nhớ ai vì nghĩa quên nhà
Vườn xưa ghé mắt , đậm dà duyên nhau
Cuộc đời vạn lối nông sâu
Dễ ai làm được Chúa tầu Kim Quy
Dù cho ngăn cách biệt ly
Từ hôn , tỉnh mộng, ra đi ngút ngàn
Con nhà nghèo chịu dở dang
Khóc thầm canh vắng, muộn màng chơi vơi.
Nhục vinh cay đắng mùi đời
Giữ tròn nghĩa vợ chồng nơi quê mình.
Cho dù chút phận linh đinh
Vẫn cam sống thác với tình thiên thu
Thành tâm tìm nẻo chân như
Đỗ Nương báo oán – rửa thù kiên trinh
Thế gian vì nghĩa vì tình
Sóng xô gió dập – bình minh rạng ngời
Đã tròn nửa thế kỷ rồi
Năm mươi năm vẫn vọng lời văn nhân
Tấm gương phúc hậu, ân cần
Luôn luôn cầu chúc cõi trần an vui
Chẳng ai chịu cảnh ngậm ngùi
Lạc loài, khốn khổ, dập vùi phong ba
Tình thương rải khắp mọi nhà
Quê hương đất nước âu ca thái bình
Dù ai phiêu bạt điêu linh
Chân trời góc biển – cuộc tình truân chuyên
Cũng tròn giấc mộng doàn viên
Gia đình sum họp – triền miên vui vầy
Dù cho trăm đắng nghìn cay
Con thuyền hạnh phúc vẫn quay trở về
Ý tình sâu lắng hương quê
Mặn mà - tinh tế - tràn trề nghĩa ân
Bên đèn đêm trắng bâng khuâng
Suy tư, hồi tưởng đường gần nẻo xa
Đôi tay rộng mở chan hòa
Đi tìm chân lý – bao la biển trời
Mong hàn gắn mọi cuộc đời
Hận sầu, khổ sở, đơn côi, mịt mờ
Thoát ra khỏi cảnh bơ vơ
Vượt qua bão tố đến bờ vinh quang
Từ thành thị tới thôn trang
Vẫn ghi nhớ trái tim vàng thủy chung
Nêu gương tiết nghĩa hiếu trung
Tấm lòng đọc giả vô cùng kính yêu
Vút cao như sóng thủy triều
Chân thành tưởng niệm – với nhiều tiếc thương.

Ngàn Phương
CLB Sách Xưa & Nay

ĐỜI VÀ TA

Đời là chiếc cần câu,
Cột từng chùm lưỡi nhọn,
Móc mồi : TÌNH, DANH, SẮC
Thả giữa biển thời gian.
Ta : chú cá tung tăng,
Nhởn nhơ bơi trong nước,
Chợt thấy miếng mồi ngon,
Dại khờ lao tới nuốt !
Cá đã cắn câu rồi,
Còn đâu là biển rộng,
Quay cuồng theo chiếc cần,
Ta vẩy vùng tuyệt vọng !
Đời là chiếc lồng son,
Cu mồi : TIỀN, UY, LỰC,
Ta chú chim đứng ngoài,
Say mê nghe tiếng hót…
Thèm được như ai kia,
Ăn ngon, uống nước mát,
Nhào vô, bẫy sập rồi,
Ta bàng hoàng ngơ ngác !
Tiếc trời xanh cao rộng,
Tiếc biển cả mênh mông,
Giờ : chim lồng, cá chậu,
Thèm biển rộng, không gian !
Từ Tâm ta sáng tỏ,
Nhìn thấu suốt miếng mồi,
Cuối đường là ràng buộc,
Dù ngon mấy – Xin thôi !

ooo

Trời cao, ta bay luợn,
Biển sâu, ta vẩy vùng

Tâm-Nguyện (1987)

Nghe nhóc nhen kêu
Giữa thành phố

Mưa rả rích ướt chân cầu số chín
Bãi cỏ non lặng lẽ nép vào nhau
Ta bâng khuâng ngơ ngác ngỡ chiêm bao
Khi nghe tiếng nhóc nhen kêu khản giọng.
Đêm thành phố đêm ồn ào sống động
Tiếng nhóc nhen buồn khắc khoải miên man
Chuỗi âm thanh diệu vợi ngỡ ngàng
Ta thảng thốt nhớ thương về quê ngoại.
Bờ cỏ rối giữa hoàng hôn ái ngại
Dưới lũy tre tiếng nức nở thầm thì
Ta ngậm ngùi nước mắt ướt rèm mi
Nhớ lời Mẹ giọng ru sầu nát ruột.
Nhóc nhen ơi! Sao suốt đời não nuột.
Sao không gào không khóc vỡ màn đêm
Không thét to đau đớn để rồi quên
Mà nức nở rách tươm từng thớ phổi
Ta chua xót cảm thấy mình có lỗi
Tiếng quê hương thổn thức gọi ta về
Từng bờ tre, vạt cỏ ánh trăng thề
Cách hoa dại dịu dàng e ấp nở…

Ngàn Phương

Thơ mời họa

SƯỚNG VÀ HỌA

(Kỷ niệm ngày quốc tế chống AIDS 01-12)

Ham sướng nào ngờ họa kế bên
Đời tàn ngay giữa tuổi hoa niên
Người yêu chung thủy đành xa mặt
Thần chết kiên trì cứ gọi tên
Ma túy chích châm mồi hiểm họa
Mua hương bán phấn ổ lây truyền
Đường thi xướng họa an toàn nhất
Vừa sướng, khỏi lo, thật cõi tiên.

Thùy Dương

Le Plaisir et la Calamité

(Pour la journée International contre le SIDA)

Plongé dans la volupté, on ignore la calamité
La jeunesse dépérit, à la cime de la beauté
Ah! Mon amour fidèle! Je dois m’enfuir!
Le Dieu de la Mort m’appelle jour et nuit!
Le Narcotique, les injections: Amorces de destruction
“L’achat des parfums, la vente des fards”:(*) Source de propagation
Les poèmes des T’angs – composer et répondre
– le jeu le plus sain des intellectuels
C’est le vrai bonheur, sans inquiétude, le séjour des Immortels!

--------------

(*) Traduction littérale de “Mua hương bán phấn” ou “Buôn hương bán phấn” ure expression désignant la prostitution.

Traduit par Thùy Dương

TRUYỆN KIỀU (KỲ 7)
Câu 429-462

Đến nhà vừa thấy tin nhà,
Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về.
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa gương dọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu
Sinh vừa tựa án thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê.
Tiếng sen sẽ động giấc hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần,
Còn ngờ giấc mộng đêm Xuân mơ màng.

No sooner had she got home than she got to know
That her parents wouldn’t come home until tomorrow.
She hastened to drop down the front door’s veil curtain,
Then crossing the garden, she slid down to the hedge again.
Among shadows and moonlight, she groped alone in the night,
Through his silk blinds, she could see his gloomy lamp light.
Inside, leaning against the desk, Kim was just dozing,
He was in a state of half awake, half dreaming
When her lotus noise (1) woke him from his sophora dream (2)
He saw a pear flower (3) approaching in the slanting moonbeam
Wondering whether she’d come from the Giáp mountain (4)
He still thought it might be a Spring night dream again.

(1) Lotus: referred to a noble young lady’s feet

(2) Sophora dream: a nice dream of a young scholar, as referring to an old story: Once, a young scholar, on his way to the Capital City to take his examination, stopped at the foot of a sophora tree to have a siesta and had a nice dream: He passed the examination with honorable grade, became a first ranking mandarin at Court, got married to the Emperor’s beautiful daughter, was offered a nice palace, great wealth and many servitors… Awoke, he found himself lying at the foot of a sophora tree! He fumbled around the tree foot and saw on the other side of it a big ant hill. He said: “Well, this is my palace!” In the ant hill, he saw among the ants, a very big one, he said: “Ah! This is myself!”

(3) Pear flower: beautiful face of a young girl

(4) Giáp mountain: One day Emperor of the Tchou, on his travel, stopped at a famous temple. While he was taking a siesta, a beautiful young lady appeared in his dream. She introduced herself as the Goddess of the Vu Giáp mountain and offered to please him overnight. Here Kim thought he might be having a similar dream when Kiều’s silhouette appeared…

Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
“Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
“Bây giờ rõ mặt đôi ta
“Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Vội mừng làm lễ rước vào
Đài sen nối sáp, song đào thêm hương.
Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

Kiều said: “I groped my way through a deserted space in the night,
“And that’s just to come to my love at this time!
“Oh, my dear! Here we are face to face so clear, don’t you see?
“Who knows later we won’t find this a dream merely?”
Kim’s face gladdened, he hastened to invite her to enter,
Refilled the chandelier, put more incense in the burner.
Then together they wrote their oaths on flowery paper,
Gather two locks of their hair and cut them asunder.
The full moon in the sky was shining so bright
While the couple’re pronouncing their oaths in the moonlight,
Swearing to God they would never change their faithful minds
And that these words were carved on their bones for their whole lives.

Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.
Sinh rằng: “Gió mát trăng trong,
“Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
“Chày sương chưa nện cầu Lam
“Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?”
Nàng rằng: “Hồng diệp, xích thằng
“Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri.
“Đừng điều nguyệt nọ hoa kia
“Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai.”

Then sharing their jade cup of wine, they felt their hearts closer,
Their images reflected so nice in the blinds’ mirror.
Kim said: “Tonight the breeze’s so fresh, the moon so bright!
“But there’s one thing that made my heart so far unsatisfied;
“As long as the jade pestle hasn’t been brought to Lam Bridge (5)
“I’m afraid to carry on our informal relationship”
Kiều said: “But we’ve been tied by red leaves and rosy threads,
“Don’t you think our words suffice to say we are engaged?
“Provided that we are not among those pleasure seekers,
“There’s nothing we would refuse in pleasing each other”

(5) As long as the jade pestle hasn’t been brought to Lam Bridge: this periphrasis meant: “As long as I haven’t been accepted by your parents through a formal betrothal”, as referred to this old story in the Tang period: Once a young man named Bùi Hàng, along his travel, met a beautiful young lady on a boat. They both had nice impressions of each other. But time went by so fast during the short travel on water and they soon had to separate. Before taking leave, Bùi Hàng asked her: “Well, when shall we meet again? And where?” Without saying a word, Vân Anh, the lady, pulled out a sheet of flowery paper and wrote on it a poem which she handed him with a smile:

Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh!
Huyền sương đáo tận kiến Vân Anh.
Lam Kiều tiền thị quần tiên quật,
Hà tất kỳ khu thượng Ngọc Kinh

Sharing the jade cup of wine, had I a nice feeling?
The elixir of life (*) is kept till our next meeting.
Lam Bridge is the sojourn of Goddesses and Immortals,
No need to take trouble going up to Pearl Capital.

(Translated by Thùy Dương)

(*) Elixir of life: medicament prepared with substances which could prolong life indefinitely

Bùi Hàng did not understand what the poem said. He went home and still kept a nice memory of a young lady whose beauty seemed to have something mystic. And he had a very feeble hope to meet her again. Later, one day he went to visit a friend who lived near Pearl Capital. On the way back, he planned to go up to Pearl Capital, hoping to meet Vân Anh by chance, although he thought she might be then married already. But when he stopped at an inn near Lam Bridge to have a cup of tea, he met Vân Anh there. What a nice surprise! She was so glad to meet him again and was still unmarried. She lived there with her grandmother. They recalled their first meeting, the nice days on water and the nice poem she had given him which he hadn’t understood until this moment. They fell in love with each other truly. But when he asked for her hand in marriage, her grandmother refused. She said she had some elixir of life and a jade mortar given by an immortal. But the elixir could not be used unless she had a jade pestle that fitted this jade mortar so that the elixir could be ground in it. She said she would marry her granddaughter to any man who could offer the required jade pestle. Bùi Hàng went home with regrets. He did not expect to find such a precious tool and even if he could find it somewhere, being not a rich man, how could he afford to purchase it? However, he did not give up. He went on searching everywhere until one day he met an immortal who, moved by the young man’s true love and patience, gave him a jade pestle. Bùi Hàng came back to Lam Bridge with the jade pestle and met Vân Anh. They got married, lived together happily and both became immortal. This legendary story also offered a nice reference in old poetry. The term “Lam Bridge” meant the place where lived the beauty, as you can see many times in Kiều’s story.

(To be continued)

THÙY DƯƠNG

CÁI TÊN VÀ CUỘC ĐỜI

Tất cả chúng ta ai dũng có một cái tên để gọi được ông bà cha mẹ đặt ra khi mới chào đời. Ngày xưa khoa học chưa tiến bộ, người ta thường đợi đứa bé được sinh ra biết trai hay gái mới đặt tên. Có người chuẩn bị trước một tên cho trai và một tên cho gái để khi đứa bé được sinh ra thì tùy nghi sử dụng. Ngày nay, nhờ máy siêu âm, người ta sớm biết trai hay gái và có thời gian chuẩn bị một cái tên cho vừa y. Thế là bao nhiêu hỉ nộ ái ố bám theo cái tên đi suốt cuộc đời đứa bé.

I. Về cấu trúc của một cái tên được thể hiện như sau: Phần họ, chữ lót, và cái tên để gọi.

1. Phần họ ở đây là Lê, Trần, Nguyễn, Phan, Phạm vv… thường có gốc từ họ của ông bố đối với những địa phương theo chế độ phụ hệ, và có gốc của người mẹ nếu địa phương đó theo chế độ mẫu hệ. Trong Chợ Lớn một số người Việt gốc Hoa cũng cho con theo họ mẹ. Ở một số địa phương của dân tộc ít người đứa bé sinh ra cũng được mang họ người mẹ.

Họ kép: Có những họ kép thường thấy nhất ở cố đô Huế như Hồ-đắc, Nguyễn-khoa, Lê-khắc, Tôn-thất vv... Những họ kép này thường có gốc của người đàn ông truyền từ đời này sang đời khác và cũng thường được ghi lại trong gia phả.

Triều Nguyễn có họ kép là Nguyễn-phước (hay Nguyễn-phúc), ví dụ Nguyễn-phúc Ánh. Họ Nguyễn-phúc này có từ đời Chúa Nguyễn-phúc Nguyên còn gọi là Chúa Sãi hay Chúa Bụt (1563-1635), con trai thứ sáu của Chúa Tiên, tức Nguyễn Hoàng (1525-1613) người khai sáng chín triều Chúa Nguyễn. Tương truyền, mẹ Chúa có thai chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ “Phúc”, vì vậy khi thế tử ra đời Bà đặt tên là Nguyễn-phúc Nguyên, từ đó đến các đời sau đều giữ họ kép là Nguyễn-phúc.

Đến đời vua Minh Mạng, vì con đông quá, 78 trai và 64 gái, ông sợ sau này con cháu sẽ lộn tùng phèo không phân biệt đời trước đời sau nên ông đật ra ‘Đế hệ thi’ cho con trai các dòng họ sau này:

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thụy Quốc Gia Xương.

Như vậy đến đời vua Thiệu Trị, tên húy là Miên được thêm vào thành ra Nguyễn-phúc Miên-tông (họ kép, tên kép không có chữ lót), tiếp theo con của Miên-tông là Nguyễn-phúc Hồng-nhậm vv...

Phụ Bản III

Các vua nhà Nguyễn cũng có đặt tên hiệu cho con gái như Công nữ, Công tôn nữ, Công tằng Tôn Nữ vv... và được thể hiện trong một cái tên ví dụ như Công-huyền-tôn-nữ Nguyễn-Phước Vân-Vân. Cững có người vì thấy tên dài quá nên đặt lại cho ngắn gọn Tôn-nữ Vân Vân. Riêng đối với các anh em của vua (không phân biệt đời trước đời sau) đều mang họ Tôn-thất và các con gái đều mang họ Tôn-nữ.

Khi thể hiện bằng văn tự của tên gọi cũng giống như cái họ, ở lãnh vực ngôn ngữ học có trường phái cho rằng, nếu là họ kép hoặc tên kép sẽ được viết hoa cho từ đi trước và viết thường cho từ đi sau với gạch nối ở giữa. Ví dụ: họ Tôn-thất, Hồ-đắc… và tên: Hồng-lam, Bảo-trân, Hoàng-yến vv...

Ngày nay chúng ta thấy có nhiều người mang cả họ cha lẫn họ mẹ ví dụ như Trần Lê, Nguyễn Võ, Đào Đỗ… Thực ra đây vẫn coi là họ của cha, không phải là họ kép, họ của mẹ đứng bên cạnh làm cho người ta thấy được tình cảm mặn nồng của nhà trai và nhà gái, của vợ chồng tức là cha mẹ của đứa bé. Hiện nay không ít trẻ em mang cả hai họ cha và mẹ nhưng trên thực tế bố mẹ đã ly dị từ lâu rồi. Có trường hợp một người họ Đào có cô bạn gáo họ Đỗ, lúc đầu anh chàng này không quan tâm đến việc cô bạn mang họ Đỗ. Nhưng khi tình cảm hai người đã mặn nồng tính đến chuyện cưới hỏi, anh chàng mới nghĩ tới việc ghép họ thấy không hay và có vẻ xui xẻo vì người này “Đào” người kia lại “Đỗ” đi thì không được rồi. Thế là anh chàng xin chia tay với người con gái tội nghiệp kia.

2. Phần chữ lót. Thường thấy được thể hiện bằng những từ ngữ như ‘văn’, ‘hữu’, ‘thị’, ‘tấn’ vv... ‘Văn’ và ‘hữu’ thường dùng để đặt cho con trai, và ‘thị’ dùng cho con gái, còn ‘tấn’ thì cho cả nam lẫn nữ. Các từ lót này thường không viết hoa và không có gạch nối giữa họ và chữ lót. Ví dụ ‘Lê văn’, ‘Nguyễn thị’ vv… Ngày nay các từ lót này không được nhiều người coi là hợp thời trang nên đã bị loại dần ra khỏi cái danh xưng của mỗi người. May ra còn mấy ông già bà cả U70 còn mang chữ lót nói trên. Có người không muốn con gái mình mang chữ lót là ‘thị’ bèn đổi thành ‘thụy’ nghe hơi bị chói tai. Thực sự, nếu giữ ‘thị’ thì nghe dễ chịu vô cùng. Cũng có người đã lớn tuổi có chữ lót trong tên mình là ‘văn’ thấy có vẻ không được nên thơ bèn cho khắc tên để đóng lên văn bản dưới phần chữ ký với chữ ‘Văn’ được viết hoa to đùng. Tuy nhiên nếu ‘văn’ được kèm với tên Chương hay ‘hữu’ kèm theo tên Nghị thì có thể được coi là tên kép và được viết hoa như Nguyễn Văn-chương, Nguyễn Hữu-nghị vv…

Ở miền Trung có nhiều nơi không sử dụng chữ lót, chỉ còn hai thành phần của tên là họ và tên gọi như Nguyễn Tòng, Hồ Thẳng. Có người còn được cha mẹ đặt cho một cái tên hết sức đơn giản như Lê A, Võ Y.. Cái tên rất ngắn và họ cũng là một họ ngắn, chỉ thua những họ Y, K’ của một số người dân tộc.

3. Cấu trúc sau cùng là cái tên, đó là phần tên gọi. Đây là phần hết sức nhạy cảm khi đặt tên cho con cái. Ngày xưa trong thời phong kiến, khi đặt tên cho con phải hết sức cẫn thận không được phạm húy không được trùng với tên vua chúa mọi triều đại, hay thần linh, tiên phật, tên các quan lớn từ cấp cao xuống tận thôn xã, tên các bậc tổ tiên hai bên chồng vợ. Vì phải tránh như vậy cho nên phát sinh trường hợp Nguyên thành Nguơn, Quyền thành Quờn, Cảnh thành Kiểng vv… Nhiều bà con ở các vùng quê miền Nam, vì muốn an toàn thường đặt cho các con mình những cái tên hầu như không có trong từ điển Việt Ngữ, như Tuynh, Thiềng (có lẽ muốn tránh chữ Thành), hay Xủng vv... hoặc những tên xấu hái để tránh bệnh hoạn như Cu, Mọi, Lác, Đùng vv... Những đứa bé có những cái tên vừa nêu phải khổ suốt đời nhất là trong thời kỳ còn đi học thường bị bạn bè chế diễu và khi lớn lên không muốn kết thân với người khác phái vì mặc cảm. Thử hỏi có người con gái nào dám mở miệng nói lên câu: “Đùng ơi, em yêu Đùng lắm”? hay một anh con trai nào đó thử nói câu: “Lác ơi, em đẹp vô cùng”. Còn có những trường hợp éo le cho những tên xấu hái khác.

Bước vào thời đại văn minh, người ta không còn sợ phạm húy, nhưng có lẽ còn sợ ma quỉ ‘bắt’ con mình bệnh hoạn, nên lấy tên các vị vua chúa, vương hầu trong triều đình thời phong kiến ngày xưa đặt cho con mình. Tên của đức thánh Trần, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, Bình Định Vương Lê Lợi, Huyền Trân Công Chúa vv... thường được dùng để đặt tên cho đứa trẻ nhằm mục đích không cho ma quỉ bén mảng đến gần cục cưng của mình.

Xét về khía cạnh tâm lý nhiều người có con nhất là con đầu lòng thường bắt đứa con gánh lấy hoài bảo của cha mẹ. Đầu tiên thể hiện ở cái tên đặt cho đứa nhỏ. Cha mẹ có quyền tối cao trong việc đặt tên cho đứa con mới chào đời cho nên nhiều người thường tìm một cái tên rất kêu rất ấn tượng cuối cùng nhiều em bé nhận lãnh những cái tên rất độc chiêu. Tôi có anh bạn đã đặt tên cho con gái đầu lòng là Trần Đặng Thụy Mộng Thùy Liên (đã sửa lại và xin lỗi nếu còn trùng hợp với người khác). Ở đây người viết không phân biệt được đâu là họ, đâu là tên gọi và đâu là chữ lót nên đánh phải viết hoa hết sợ thất lễ. Gần ba chục năm rồi cháu bé này nay đã trưởng thành nhưng tôi không biết em đã khổ sở như thế nào về cái tên của mình mà cha mẹ đặt cho. Chắc chắn tên của em bé này sẽ không ít lần được viết sai, đầu tiên là trên khai sinh, rồi đến thẻ học sinh, chứng minh nhân dân, trên các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Mỗi lần sai như vậy chắc hẳn em phải đi xin điều chỉnh vô cùng vất vả. Đây là chưa nói đến trường hợp em đi du học hay công tác nước ngoài, chắc chắn em sẽ không biết để tên mình vào ô nào là first name, middle name và ô nào là last name.

Như vậy về cấu trúc danh xưng của một người được thể hiện dưới các dạng sau đây.

1. Họ + tên (không có chữ lót): Ví dụ Hồ Thẳng, Lê A, Nguyễn Kim…

2. Họ + tên kép (không có chữ lót): Trần Thùy-liên, Lê Quang-vinh (tên kép có gạch nối).

3. Họ kép + tên kép (không có chữ lót): Tôn-thất Thành-công, Nguyễn-khoa Minh-mẫn…

4. Họ + chữ lót + tên: Nguyễn văn Mít, Nguyễn hữu Miêng…

5. Họ + chữ lót + tên kép: Nguyễn văn Mười-ba, Trần văn Nam-giao… Nguyễn văn Thành-công…

6. Họ kép + chữ lót + tên: Tôn-nữ thị Thanh, Nguyễn-khoa diệu Lan (‘diệu’ của họ này là chữ lót, dành cho nữ, không viết hoa. Nếu muốn là tên kép thì viết Diệu-lan, trường hợp này không có chữ lót).

7. Họ kép + chữ lót + tên kép: Tôn-nữ thị Vân-vân

II. Một số trường hợp phổ biến khi đặt tên cho con cái.

1. Anh chị em trong gia đình có tên kép cùng giống từ đứng đầu: Minh-hằng, Minh-hà, Minh-trí, Minh-tuấn, hoặc Lệ-dung, Lệ-hằng, Lệ-quyên (chưa thấy có tên kép bắt đầu bằng chữ Lệ dành cho con trai).

2. Anh chị em trong gia đình có tên kép cùng giống từ đứng cuối. Ngọc-vân, Tường-vân, Thanh-vân (con trai), Bích-vân…

3. Anh chị em trong gia đình có tên cùng có chung chữ cái: Tấn, Tài, Thu, Tuyết…

4. Đặt tên con theo ‘dây’: Theo một học giả, có cha mẹ lên kế hoạch đặt tên con cái theo một loạt từ ngữ nói lên sự thành công, tên tuổi được người đời biết đến cho đàn con sau này. Đây là trường hợp gia đình Bà Năm Phỉ, anh chị em được mang tên theo một “ra phan” từ ngữ sau đây: Công, Thành, Danh, Toại, Phỉ (Bà Năm Phỉ), Chí, Nam (Bà Bảy Nam), Nhi, Bia (Chín Bia), Truyền (Mười Truyền), Tạc, Để (Út Để). Tổng cộng 12 người.

Hoặc một ‘dây’ khác ở nhà ông xay bột: Tự, Nhiên, Nhuần, Nhuyễn.

Hay ‘dây’ của nhà nuôi tằm: Len, Sợi, Tơ, Lụa

Trường hợp đặt tên con cái theo ‘dây’ như trên rất khó thực hiện vì khi sinh đứa con đầu lòng cha mẹ không biết được sẽ có bao nhiêu đứa con để chọn ‘dây’ mà đặt. Họ cũng không thể đợi đến khi sinh đứa con út mới chọn ‘dây’ đặt tên. Ví dụ sau khi sinh đứa con đầu, cha mẹ chọ một dây trung bình ‘Tam Tòng Tứ Đức’, nhưng rủi ro bị bể kế hoạch sinh thêm đứa thứ 5 thì sẽ không biết đặt tên gì cho đứa nhỏ để phụ hợp với cái ‘dây’ đã có.Nhưng rủi như bà vợ sinh xong đứa thứ ba rồi ‘nín’ luôn thì cái ‘dây’ chỉ còn “Tam Tòng Tứ” nghe không ra làm sao cả.

Hiện nay phong trào kế hoạch hóa gia đình khuyến khích mọi người nên dừng lại ở một tới hai con ‘để nuôi dạy cho tốt”, cho nên sẽ không còn cửa đặt tên theo dây nữa rồi.

5. Đặt tên theo 7 nốt nhạc: Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si. Từ đứa thứ 8 trở đi đặt là Thăng, Giáng, Trưởng…

6. Đặt tên theo hoài bảo của cha mẹ. Như đã nói ở trên, có nhiều bậc cha mẹ từng gặp nhiều trỏ ngại, lận đận, lao đao, “tám khoa chưa khỏi phạm trường qui’ trên con đường học hành thường muốn con cái sau này phải học giỏi đỗ cao nên đặt cho những cái tên như Khôi Nguyên, Khoa Bảng, Tiến Sĩ, Thám Hoa...Còn có những bậc cha mẹ muốn con gái sau này phải là một trang quốc sắc thiên hương. Chỉ với bốn từ ngữ bên cạnh cũng đủ để đặt cho những cái tên rất kêu rồi: Quốc Sắc, Thiên Hương... hay Kiều Diễm, Mỹ Nhân...

7. Đặt tên theo tên các quốc gia trên thế giới: Có gia đình đặt tên con cái theo tên một số quốc gia trên thế giới, thường gặp là: Pháp, Ý, Đức, Nhật, Trung, Tiệp, Việt, Ấn… nhưng chưa thấy ai đặt tên con là Bỉ, Hung, Bung, Mã. Có người lấy cả hai từ, mới thấy có Hà Lan, Triều Tiên, Cao Miên... nhưng chưa thấy có Na Uy, Đan Mạch…

8. Đặt tên theo các địa danh: Hiện nay chúng ta cũng thấy có những tên như: Sông Hương, Nam Giao, Vạn Giả, Nha Trang, Khánh Hòa, Bình Thuận vv…

9. Đặt tên theo các nhân vật trong triều đình. Ông bố họ Hoàng đặt tên cho con trai là Hoàng Tử Minh, con gái là Hoàng Thái Hậu, hoặc một ông bố họ Thái, con trai mang tên Thái Tử Quốc Bằng, một ông bố họ Dương con gái lãnh nguyên cái tên Dương Quí Phi!

10. Đặt tên theo các bút danh: Thông thường là một tên kép và bắt đầu bằng chữ ‘Thùy’ và rất nhiều từ khác để làm thành tên kép như Thùy-lan, Thùy-vân, Thùy-liên vv…

11. Đặt theo tên các loại trái cây như Đào, Lê, Hồng, Lựu, Na, Mân, Nho, Bưởi, Dâu... nhưng chưa thấy có ai tên Táo, Chôm-chôm, Măng-cụt...

III. Lời khuyên của những học giả trong việc đặt tên cho con cái.

Việc đặt tên cho trẻ sơ sinh là quyền tối thượng bất khả xâm phạm của các bậc ông bà cha mẹ của đứa trẻ. Ở đây không đặt ra quyền tự do của đứa trẻ là nhận hay không nhận cái tên đó, vì nó chưa biết gì cả. Đứa trẻ lớn lên may nhờ rủi chịu, phải mang cái tên suốt đời, có khi đưa đến những chuyện dở khóc dở cười. Do đó có học giả đưa ra một số lời khuyên nho nhỏ, ở đây xin được ghi lại những điều không nên như sau:

1. Đặt tên dài quá, nên dừng lại ở bốn từ (không phải đễ nuôi dạy cho tốt) để người khác dễ nhớ và ghi chép. Chuyện dở khóc dở cười về tên quá dài đã đề cập ở trên.

2. Đặt tên quá cụ thể, gây ấn tượng. Ví dụ Mạnh-khoẻ nhưng khi lớn lên là một người yếu đưối, hay bệnh hoạn. Có người mang tên Kiều-diễm nhưng nhan sắc lại thường thường bậc trung, hoặc có người mang tên Giàu nhưng nhà cửa nghèo khó, nợ nần quanh năm...

3. Đặt tên không theo qui luật chánh tả: ví dụ như Kường (thay vì Cường), Dzuyên (thay vì Duyên)...

4. Đặt tên xấu hái hoặc sử dụng từ không có trong từ điển tiếng Việt như là: Lẵm, Câu, Lợn, Bùng, Phấn, Son, Thùng... Người lớn không biết được đứa trẻ sẽ khổ như thế nào khi bị trêu chọc, đến lớn lên nó cũng thấy khó chịu khi được gọi là Ông Giám đốc... Lợn vv...

5. Không nên lấy tên vua chúa mà đặt tên cho con cái, ví dụ như Lê Thái Tổ, Trần Hưng Đạo.. Thật tội nghiệp cho đứa trẻ khi lớn lên thường bệnh hoạn, suy dinh dưỡng, nhỏ con yếu đuối lại được mang tên Nguyễn Huệ.

6. Lấy tên đang quá phổ biến ngoài xã hội như Dũng, Tuấn, Kiệt. Một trường hợp tương tự ở Kenya, tại ngôi làng của Ông Obama. Khi ông vừa đắc cử, tất cả những trẻ sơ sinh trong làng không phân biệt trai gái đều được cha mẹ đặt tên Obama.

IV. Kết luận

Tóm lại việc đặt tên cho con cái rất tế nhị và quan trọng đò hỏi sự chú tâm rất lớn của các bậc ông bà cha mẹ. Cần phải tham khảo sách vỡ và nhiều người có kiến thức và kinh nghiệm. Cái tên sẽ đi theo suốt cuộc đời đứa trẻ và có thể sẽ ảnh hưởng vào cuộc đời công danh sự nghiệp. Cái tên đơn giản có ý nghĩa sẽ giúp đứa trẻ tự tin, vững bước vào xã hội.

Lê hùng Dương
duonglee@gmail.com

MỘT TÀI LIỆU VỀ CUỘC GIAO THIỆP GIỮA
NGƯỜI ANH VÀ NƯỚC TA VỀ THẾ KỶ XVII

Từ đầu thế kỷ XVII, nước ta bắt đầu được người Âu châu để ý đến. Người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và Pháp lần lượt đến các xứ Đàng Ngoài, Đàng Trong để truyền giáo hoặc để buôn bán. Vì các cuộc giao thiệp với người Tây phương mà lịch sử ngoại giao nước ta từ đó cũng thêm phiền phức. Các tài liệu về ngoại giao hồi đó có rất nhiều, các nhà làm sử của ta chưa thể nào thu thập hết được. Nhất là những tài liệu trong các cuốn ký sự và thư từ của người Âu qua lại hoặc ở xứ ta về thập thất thế kỷ thì nhiều cái vẫn ngủ yên trong các tủ sách ở các nước Âu châu, chưa ai đả động đến. Muốn viết một cuốn Nam sử về thời cận đại hoàn toàn thì các sử gia phải cần đến những tập tài liệu quý giá đó. Một vài người Pháp viết sử nước ta gần đây như Charles, Maybon, Cadière, Maspéro vv… đã dùng các tài liệu đó để thêm vào các nguồn tài liệu chính về Nam sử cho thêm dồi dào, đầy đủ. Chúng tôi muốn chọn lọc dịch dần các tài liệu đó ra để cho những ai không thường đọc chữ Pháp cũng có thể biết qua một giai đoạn rất quan hệ trong ngoại giao sử nước nhà.

Người Anh bắt đầu đến xứ ta từ bao giờ?

Trong lúc các tầu Bồ Đào Nha và Hà Lan đã thường qua lại các bến Faifo, Tourane ở Hải Phòng và do cửa sông Nhị Hà vào tận Phố Hiến – Nam và Kẻ Chợ thì người Anh và người Pháp đang lần quẩn tranh nhau các quyền lợi trên đất Ấn Độ.

Ngoài Ấn Độ ra, mục đích người Anh lúc này không phải muốn chiếm đất đai mà chỉ cốt tìm thị trường thông thương để thủ lợi về mặt kinh tế.

Năm 1613, người Anh Richard Cook giám đốc cửa hiệu Anh ở Hirado (Nhật) có phái một chiếc thuyền mành do Peacock làm thuyền trưởng sang miền Đàng Trong xứ ta . Khi thuyền đến Faifo – lúc đó là một cửa bể lớn của các tỉnh Đàng Trong thuộc quyền Chúa Nguyễn có nhiều người ngoại quốc đến buôn bán, nhất là người Nhật và người Tàu – viên thuyền trưởng lên bèn lên bờ và sai một đại biểu tên là Walter Carwarden mang thư của vua Anh và các đồ tặng vật dâng lên chúa Nguyễn. Lúc đầu, người Anh bán được khá nhiều hàng hóa, nhất là dạ của Anh cho nhà Chúa. Nhưng đến lúc viên thuyền trưởng Anh định đi thu tiền hàng thì bị một bọn người Nam xông đến và giết chết cả viên thuyền trưởng, viên thông ngôn ngôn và những người tùy tòng.

Người Anh mới bắt đầu sang buôn bán ở nước ta, như thế thực đã gặp chuyện không may. Tuy vậy, họ vẫn không ngã lòng.

Đến năm 1618, người Anh ở Nhật lại phái tàu đến Đài Loan, đảo Pescadores và xứ Đàng Ngoài, nhưng vì gặp phải các nhà buôn Hà Lan tìm hết cách ngăn trở nên các công cuộc đó đều bị thất bại.

Từ năm 1620 đến 1625, người Anh bị thua người Hà Lan nên phải bỏ các hiệu buôn đặt ở các đảo miền Nam Đông (Ấn độ Hà Lan ngày nay) và phải đóng cả các cửa hiệu ở Nhật và Đài Loan.

Mãi gần nửa thế kỷ sau, khoảng năm 1672, sau khi người Hà Lan bị thua ở Âu Châu, người Anh mới lại nghĩ đến mở cuộc thông thương với các xứ miền Viễn Đông và phái tàu buôn sang Đài Loan cùng xứ Đàng Ngoài nước Nam. Họ đã dành riêng 10.000 réaux (một thứ tiền Anh hồi đó) cho việc phái người Anh sang Bắc Kỳ. Năm người Anh làm cho Công ty Ấn Độ Anh. dưới quyền William Gifford đã đáp tàu Zant do Andrew Parrick làm thuyền trưởng sang nước ta. Tàu này khởi hành từ Bantam, hồi cuối Mai mãi đến 25 Juin 1672 mới đến cửa sông Bắc Kỳ (tức sông Nhị Hà).

Gifford có mang theo một lá thư của ủy ban quản trị Công ty Ấn Độ ở Bantam gửi sang cho vua nước ta. Trong thư, trước hết chúc nhà vua trường thọ, nước Nam thịnh vượng và thắng được kẻ thù, sau hết yêu cầu xin cho người Anh được vào xứ Đàng Ngoài buôn bán tự do như những người ngoại quốc khác. Khi phái bộ Anh đến thì vua Lê Gia Tôn và chúa Trịnh Tạc đang bận đem quân vào đánh chúa Nguyễn ở miền Bắc Bố chính. Gifford phải đợi mãi đến 14 Mars năm sau (1673) mới được vua Lê và chúa Trịnh cho vào bệ kiến để dâng thư và các tặng vật. Chúa Trịnh cho phép người Anh được mở hiệu buôn ở Phố Hiến (Hưng Yên). Gifford ở Đàng Ngoài đến 4 năm; lúc đầu ở Hiến năm sau (1683) lại xin phép được mở cửa hiệu ở Kẻ Chợ tức Hà Nội ngày nay. Các nhà buôn Anh đã xây hiệu buôn và kho chứa hàng hóa ở ngay bờ sông Nhị Hà về phía Bắc kinh thành. Năm 1688, Dampier, một nhà du lịch người Anh, qua Bắc Kỳ và Kẻ Chợ đã được trông thấy và vào thăm hiệu buôn này. Hiệu buôn này xây bằng gạch để tránh các nạn hỏa tai thường xảy ra ở Kẻ Chợ hồi đó. Kho hàng ở ngay trên gác các gian nhà ở. Theo lời Dampier thì hiệu buôn trông ra sông: “Đó là một ngôi nhà thấp nhưng đẹp nhất trong thành phố. Ở giữa là phòng ăn, phòng khách, còn hai bên thì có những phòng cho các người làm công và đày tớ ở. Hiệu buôn xây song hành với bờ sông và hai bên hiệu lại có những nhà nhỏ dùng làm bếp, kho hàng vv… trong hiệu lại có sân vuông nhìn ra bờ sông”

Trong khi Gifford ở nước ta, ông đã hết sức khôn khéo để giao thiệp và vượt qua hết mọi sự khó khăn. Tuy vậy, có người tố cáo là ông chỉ buôn bán riêng cho mình nên ông bị công ty gọi về. Những kẻ thay chân ông cũng không thành công hơn ông và việc buôn bán không được thịnh vượng. Đến 30 November 1697 thì hiệu buôn Anh ở Hà Nội đóng cửa và các người trông nom hiệu đã xuống tàu Mary Bowyear về Bantam. Hiệu buôn Anh đã mở ở Kẻ Chợ được 14 năm và trước đó ở Phố Hiến được 10 năm. Trong thời kỳ này, ở Kẻ Chợ lại có cả hiệu buôn của người Hà Lan.

Phái bộ Bowyear đến Faifo.

Giữa lúc công ty Ấn Độ của người Anh sắp phải đóng hiệu buôn ở Hà Nội thì công ty lại phái người đến miền Đàng Trong để điều đình về việc buôn bán, có lẽ là để bù với sự thiệt hại về hiệu buôn ở Kẻ Chợ. Ngày 18 Août 1695 tầu Anh Delphin bỏ neo cách đảo Poulo Cham về phía đông độ ba hải lý. Trên tàu này có người Anh Thomas Bowyear có mang theo một lá thư của Naihaniel Higginson đại biểu nước Anh ở các miền bờ bể Coromandel, từ vịnh Bengale đến đảo Sumatra, và miền Nam Hải và tặng vật để dâng lên chúa Nguyễn hồi đó là chúa Minh Vương, lên nối ngôi chúa Ngãi Vương từ năm 1691. Bức thư của Higginson dâng lên chúa Nguyễn đại khái như sau:

“Thượng đế đã dựng nên trời là nơi ngài ở và đất là chỗ cho loài người ở. Thượng đế lại chia đất cho một vài người khôn ngoan thông minh đáng được cầm quyền cai trị.

Hoàng thượng là một trong những nhân vật đó. Ngài đã được cầm quyền trên một dân tộc đông và can đảm và nước ngài là một miền rộng rất giàu được tạo hóa thương đến và sản xuất ra được nhiều thứ có ích, những sản vật nhiều quá sự cần dùng của dân trong nước. Trên đời có nước có thứ sản vật này, có nước có thứ khác. Ý Thượng đế đã muốn cho dân các nước giao thiệp với nhau thân thiện để trao đổi mọi thứ sản vật đó, như thế thì tất cả các miền trên thế giới đều được hưởng những kho sản vật mà trời đã cấp cho”.

Trong thư, Higginson lại nhờ Minh vương chuyển giao một bức thư của công ty cho hiệu buôn của công ty ở Đàng Ngoài vì một chiếc tàu Anh đã đến đấy từ hai năm nay mà không nhận được tin tức gì gửi về cả, có tin đồn chiếc tàu kia đã bị chúa Trịnh giữ lại không cho đi. Thư đó lại xin phép cho bán các hàng hóa do tàu Denphil chở đến và mua các hàng hóa khác ở trong xứ và xin năm sau lại cho một chiếc tàu khác sang buôn bán.

Phái bộ do Bowyear đứng đầu có trách nhiệm phải xem xét để mở các cuộc thông thương với nước ta sau này. Theo huấn lệnh của công ty thì Higginson có ý muốn yêu cầu chúa Nguyễn cho biết trong xứ có những hàng hóa gì, giá cả các hàng hóa đó và cả những thứ hàng bán được. Nếu việc buôn bán xem ra có lợi thì Công ty sẽ xin mở cửa hiệu buôn nhưng cốt chúa Nguyễn phải cho hưởng những quyền lợi sau:

1. Cho một miếng đất để xây hiệu buôn.

2. Cho viên giám đốc hiệu buôn được quyền xét xử các việc có quan hệ đến người Anh và cả những việc bất hòa giữa người Anh và người bản xứ.

3. Cho viên giám đốc đó được quyền phạt những cu li và người làm trong hiệu buôn có lỗi.

4. Được tự do xuất nhập cảng hàng hóa không phải trả thuế thương chính.

5. Nhượng cho một miếng đất ở gần bờ sông hoặc trên một hải đảo để lập kho hàng và nơi đóng hoặc chữa tàu bè.

6. Các tàu bè của Anh nếu bị giạt vào bờ bể sẽ không bị tịch thu và các thủy thủ cùng hàng hóa trên tàu sẽ trao trả công ty.

7. Được quyền chở hàng hóa vào hiệu buôn hoặc từ hiệu ra không mất thuế.

Ban quản trị công ty ở Madras lại ủy cho Bowyear phải xem xét về tình hình chính trị và kinh tế trong xứ hồi đó. Phải xem tên và chức tước của chúa Nguyễn, hoàng gia và các quan chức trong triều có bao nhiêu người. Ngoài ra lại phải xem chính thể trong nước như thế nào, cách buôn bán và đối đãi với người ngoại quốc ra sao và tình hình chiến tranh giữa hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài như thế nào.

Cuối cùng, ban quản trị công ty lại dặn Bowyear không cần ký hiệp ước với chúa Nguyễn mà chỉ trình bày cùng nhận các đề nghị mà thôi. Sở dĩ người Anh dặn viên đúng đầu phái bộ quá cẩn thận thế là vì trong hồi này người Anh đã bị thất bại nhiều và không muốn bị thiệt hại như khi mở hiệu buôn ở Đàng Ngoài nữa.

Phái bộ Bowyear có thu được kết quả gì chăng?

Hai hôm sau khi bỏ neo, ngày 20 Août, Bowyear không thấy các thuyền đánh cá đến gần tàu mình bèn phái viên cẩm tàu lên bộ. Đến 22 Août thì chính Bowyear cũng lên bộ và đến Faifo. Ông giao thiệp với các quan chức bản xứ, giao bức thư của Công ty để dâng lên chúa Nguyễn. Tàu Delphin vào bến và bỏ neo ngay trước nhà Thương Chính. Các viên chức thương chính bèn xuống khám tàu và hàng hóa rồi cho dỡ hàng lên một đám đất gần đấy. Người Anh bèn lấy các thứ mẫu hàng để dâng lên chúa. Đến 4 Octorber thì Bowyear từ giã Faifo, đi đường bộ đến kinh đô Thuận Hóa và 9 October thì đến nơi. Lúc đó Minh vương đang nghỉ ở một biệt thự gần kinh đô và cấm không cho ai dâng sớ tấu gì lên cả. Trong thời kỳ đợi vào bệ kiến đó, nhà buôn Anh đã đi điều đình với các viên chức Nha Thương Chính Đàng Trong. Theo tập ký sự của Bowyear thì các viên chức đó có ông Cai bộ tàu tức là viên quan khám cùng đánh thuế tàu bè ngoại quốc và ông Câu kê thủ. Bowyear nhờ dịch các đề nghị của Công ty ra tiếng Bồ Đào Nha và từ tiếng Bồ ra tiếng Việt Nam. Các đề nghị đó hình như không có điều gì đáng cho nhà vua từ chối. Sau cùng ngày 2 Décembre, do viên quan Câu kê thủ tiến dẫn, nhà buôn Anh mới được vào bệ kiến chúa Minh vương trong hoàng cung. Bowyear dâng các đồ tặng vật và được chúa cám ơn, thế là buổi chầu xong. Khi về nhà trọ, Bowyear được chúa ban cho 10.000 đồng tiền kẽm, một con lợn, hai bao gạo, hai chĩnh cá khô và hai vò rượu (nhà buôn Anh cùng đi với mấy người tùy tòng giúp việc). Nhà buôn Anh còn giữ đồ tặng vật dâng lên bà Hoàng thái hậu và các vị hoàng thúc lúc đó đang giữ hết quyền chính trong tay. Nhưng nhà buôn Anh đợi mãi không thấy trả lởi, Bowyear đã lo công cuộc mình sẽ không có kết quả gì. Bảy tuần lễ sau, cuộc bệ kiến thứ nhất, ngày 27 Janvier, Bowyear mới lại được vào tâu chúa về những đề nghị của Công ty, Chúa trả lời rằng nếu công ty cần lập hiệu buôn thì chúa sẽ xét các đề nghị đó sau, tuy vậy nếu đại biểu công ty muốn thì có thề chọn đất mở hiệu buôn ngay từ lúc đó. Chúa lại ra lệnh đưa Bowyear đi xem các khẩu thần công trong hoàng thành và hỏi xem công ty có thể bán cho những khẩu thần công như thế chăng. Đó là những súng bắn đạn từ 7 đến 8 livres Anh. Chúa Nguyễn lại ra lệnh lấy vàng trả các hàng hóa mà chúa đã lấy của người Anh theo lời yêu cầu của Bowyear. Nhưng vàng đó trả thiếu nên nhà buôn Anh phải kêu và chúa ra lệnh trả thêm hai thỏi nữa. Đã đến lúc sắp từ giã kinh đô, thư và tặng vật của chúa Nguyễn gửi cho Higginson đã có sẵn. Các quan lại cho đánh chuông lên để thúc giục những ai mua hàng của người Anh thì phải đem tiền đến trả ngay.

Ngày 17 Février thì Bowyear từ kinh đô trở về Faifo. Ông thấy các công việc vẫn bề bộn chưa thu xếp xong. Có thứ hàng thì không ai mua, có thứ thì phải bán rẻ. Còn những hàng mà chúa không lấy thì các người Nhật chia nhau mua với các viên chức thương chính. Đến 24 Mars thì những hàng hóa còn lại không bán được đều đã đem lên tàu hết. Vì đã quá mùa có gió thuận và cũng vì nhiều cớ khác, Bowyear đành phải đợi đến lúc có gió mùa mới khởi hành. Trong khi ông lưu lại Faifo ông đã thảo tờ trình đệ lên Công ty. Tờ trình đề ngày 30 Arvil 1696. Trong tờ trình nói rõ về triều đình chúa Nguyễn, bộ coi về tàu bè ngoại quốc, về tình hình Chính trị vá kinh tế trong xứ Đàng Trong. Còn bức thư của Minh vương phúc đáp Higginson thì đại khái nói: “các hàng hóa do tàu Anh mang đến chú đã giao cho các quan xét cẩn thận để đem bán theo thị giá. Còn về các hàng hóa mà nước tôi muốn có sau này và việc phái tàu buôn sang thì hiện đã quá chậm không thể điều đình được nữa. Mùa đã qua, đến cả mùa năm sau cũng không kịp nữa. Còn nếu năm sau tàu của Công ty có đến nữa thì trẫm sẽ nhận cho các điều mà công ty yêu cầu”.

Các tặng vật của chúa gửi cho Higginson gồm có gỗ trầm hương, vàng, 300 tấm lụa và các thứ gỗ quý khác. Thư phúc đáp của chúa Nguyễn viết với một giọng ân cần, tử tế đủ tỏ rằng nếu người Anh muốn thì có thể sang thông thương ở xứ ta được. Nhưng có lẽ Công ty Ấn Độ người Anh cho là không đủ bảo đảm và chuyến tàu Delphin sang cũng không được lợi là mấy, hoặc vì cớ gì khác mà công cuộc dự định của Higginson không thực hành được. Còn phái bộ Bowyear thì, ngoài các cuộc điều đình kể trên đây và tờ trình đệ lên công ty, cũng không thu được kết quả gì khác nữa.

Chắc hẳn vì kết quả không đáng kể của phái bộ này mà suốt thế kỷ XVII, các nhà buôn Anh ít khi để chân đến xứ ta và các tàu buôn Anh cũng không mấy chiếc ghé vào các hải cảng nước Việt Nam.

Theo Mai Thủy
Đỗ Thiên Thư st

ĂN CHAY CÓ ĐỦ BỔ KHÔNG?
Nhiều Người Thắc Mắc

Ăn chay có dễ bị thiếu máu không, vì làm gì có những nguồn thức ăn động vật vốn có hồng huyết cầu? Điều đó quả là đúng vì thức ăn động vật vốn giàu sắt. Hemoglobin ngoài sắt trong heme còn có gốc globine thuộc về chất đạm. Nếu không ăn đủ thức ăn họ đậu bổ sung cho ngũ cốc về mặt acid amin thiết yếu thì lại thêm một nguy cơ thiếu máu nữa.

Về mặt cân đối acid amin thiết yếu, những công trình nghiên cứu gần đây ở Mỹ đã chứng minh rằng đậu nành chẳng thua gì sữa và trứng và còn hơn cả thịt bò. Ngoài ra, cũng đã có những thức ăn giàu đạm khác, giàu cả muối khoáng và sinh tố mà không thuộc động vật, thí dụ bột tảo khô Spirulina có tỷ lệ đạm tới 70% rất giàu muối khoáng, vitamin nhóm B, Caroten (tiền sinh tố A) và acid gamma-linolenic. Trong tảo, tuy nhiên hàm lượng iốt không đáng kể, nhưng đã có Muối iốt nhà nước đang khuyến khích toàn dân nên dùng, và mới gần đây, có nhà sản xuất đã đưa ra thị trường một loại nước tương có iốt, để phục vụ những người ăn chay. (Có thể mua tảo Spirulina tại các cửa hàng thuốc Tây dưới tên biệt dược Linavina (Mekophar) hình thức viên bọc đường hàm chứa 400 mg bột tảo khô/viên – hoặc viên nén 300 mg/viên do công ty nước khoáng Vĩnh Hảo sản xuất )

Nấu ăn chay thực ra không khó, miễn luôn luôn dùng những thức ăn thuộc nhóm họ đậu, đặc biệt là những sản phẩm từ đậu nành. Ở VN chúng ta tận dụng nước dừa, nước cốt dừa, đậu phọng, mì căn làm nhiều món ăn chay độc đáo. Những kỹ thuật đun nấu như luộc, hấp, chưng, xào, rang, ram, khìa dễ tạo ra những món ăn ngon, hợp khẩu vị. Tuy nhiên, cũng nên nghiên cứu thêm sách dậy nấu món chay... để biết thêm nhiều món nữa.

Ăn Chay, Chơi Thể Thao Được Không?

Có đi chứ! Có thể nêu điển hình là đã có vận động viên đoạt huy chương vàng thế vận hội về maratông ăn chay trường. Người bình thường ăn chay, dù không chơi thể thao, cũng nên có mức hoạt động chân tay tối thiểu như đi bách bộ 15 phút - nửa giờ mỗi ngày, thực hiện những việc nội trợ nhẹ trong nhà và dành đủ thời gian để ăn, nhai chậm rãi, tránh hấp tấp, vội vàng. Nhưng cần nạp đủ số năng lượng cho nhu cầu hoạt động.

Thí dụ cho một nam thanh niên 31 tuổi, cao 1,64 m, số cân nặng bình thường nằm trong giới hạn từ 54 đến trên 64 Kg có nhu cầu năng lượng khoảng 2900 Calo mỗi ngày - phù hợp với nhu cầu một nếp sống hoạt động vừa. Ăn chay cũng cần ăn vào mỗi ngày những lượng thực phẩm chia làm 6 nhóm - mà phần lớn sẵn có nguồn gốc thực vật - theo những phân lượng sau đây.

THỨC ĂN cho 1 người ăn chay

Nam 55 - 60 Kg

1. Nhóm ngũ cốc - khoai (qui ra gạo)

Không muốn ăn cơm, có thể thay thế 1/2 lon gạo = 1 ổ bánh mì 160 g hoặc

= 2 x củ khoai lang 150 g hoặc

= 4 x củ khoai tây 150 g

1 lon 1/2

2. Nhóm giàu chất béo (để chiên, xào, phết ăn sống) như dầu, bơ, tránh margarin vì hàm chứa chất béo dạng “trans” không tốt cho tim mạch.

2 muỗng canh

3. Nhóm thức ăn giàu đạm (qui hết ra đậu nành)

Muốn cho đa dạng, có thể thay thế 16 g đậu nành bằng một trong những thức ăn sau đây: = 22 g đậu phọng

= 1 bìa tàu hũ

= 12 g tàu hũ ky

= 1 ly sữa tươi

= 2 hũ yaourt

= 9 g Spirulina,

120 g

4. Nhóm rau lá xanh và rau khác

(Nên ăn 1/2 dưới dạng rau sống, 1/2 dưới dạng xào, luộc, hoặc trong canh; rau lá càng xanh đậm, rau trái, củ càng đậm màu sắc xanh, đỏ, vàng, cam càng giàu vitamin)

400 - 500 g

5. Nhóm nước chấm, gia vị.

(Không quá 2 g Bột ngọt và 10 g muối Iốt mỗi ngày)

1.5 - 2 muỗng canh

7. Nhóm trái cây tráng miệng qui ra chuối.

Có thể thay: = 300 - 350 g đu đủ

= 2 trái cam hay quít

= 2 trái vú sữa

= 1/2 trái bưởi

= 1/2 trái dứa

(trái cây nào nhiều nước, ăn vừa sạch miệng, nhuận trường, thêm sinh tố C có tác dụng giúp cho tăng sức đề kháng, ít bệnh tật)

2 - 3 trái chuối vừa

Thí dụ một thực đơn ăn chay cho một tuần có đủ dưỡng chật. Ăn như sau đây, không những bổ, mà còn ngon nữa !

Bữa ăn sáng

6g00 - 7g00

Bữa Trưa

11g30 - 12g30

Bữa Xế

15g00 - 16g00

Bữa Tối

18g00 - 19g00

Thứ Hai

Bánh cuốn chay +

Giò lụa chay

(tàu hũ ky)

Nước trà

Cơm + Bông cải xào. Tàu hũ chiên sả. Canh bí + Chuối

Ly sữa đậu nành

Rau câu 1 miếng

Cơm + Gỏi rau muống, giá

Đậu hũ xốt cà

Nước luộc rau

+ Sapochê

Thứ Ba

Bánhmì & miếng pho-mai

Càphê + sữa gầy

Cơm & Mì căn kho

Dưa leo

Canh chua & tàu hũ & Dứa

1 hũ yaourt

1/2 trái ổi

Cơm & Tàu hũ kho

Rau sống

Canh rau ngót

& Đu đủ

Thứ Tư

Phở chay

Nước trà

Cơm & Tàu hũ bung cà, chuối xanh.

Rau muống luộc

Nước luộc & cà chua, Xoài

1 miếng bánh chuối

1 ly sữa tươi

Cơm & Mì căn ram

Canh khổ qua + tàu hũ

Dưa hấu

Thứ Năm

Xôi đậu xanh

& muối mè

Nước trà

Cơm & Cùi dừa kho

Rau muống xào & Chao

Canh cải bẹ trắng

Chuối cau

1 ly sữa cacao

1 bánh quy

Cơm & Mắm chay

Canh rau đay, mướp, riêu chay. Cà chua & dưa leo. Dứa

Thứ Sáu

Mì xào giá, hẹ, nấm rơm, tầu hũ

Trà atisô

Cơm & Canh

Khổ qua nhồi tàu hũ & mộc nhĩ. Đậu đũa kho & tàu hũ ky. Đu đủ

1 chén tầu hũ hoa

Nước trà

Cơm & tàu hũ chiên xả

Xà lách trộn dầu dấm. Canh bí đỏ

Quít

Thứ Bảy

Bánh bèo nhân đậu

xanh, hành&dầu.

Trà

Cơm &mì căn chiên với khoai tây Đậu đũa xào

Canh cải cúc

Chôm chôm

1 miếng rau câu

1 quả cam

Cơm & mì căn xé phay Bắp cải, rau dăm, dấm. Canh tàu hũ & cà chua & cà pháo. Bưởi

Chủ Nhật

Bánh mì pho mai

Cà phê sữa

Bánh mì & ragu mì căn và tàu hũ ky +

Khoai tây & Cà rốt

Sầu riêng

1 hũ yaourt

1 trái sapochê

Bún & kiểm có

tàu hũ, đậu phọng vv...

Đu dủ

Lợi Nhiều Hơn Thiệt

Có những lợi ích hiển nhiên: Vì chỉ có động vật mới có Cholesterol, ăn chay sẽ không bao giờ bị Cholesterol cao trong máu cả. Tuy nhiên, nếu ăn chay mà lạm dụng muối hay bột ngọt thì cũng có thể bị cao huyết áp như người "ăn mặn" . Ăn nhiều rau, trái cây, có nhiều chất xơ thì bảo đảm không bao giờ bị táo bón và tránh được nhiều bệnh do "các gốc tự do" dẫn tới (đặc biệt là tránh được nhiều loại ung thư). Hàm lượng chất xơ cao có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu sắt và vôi. Nhược điểm nhỏ này có thể được "chữa" bằng cách uống những viên thuốc bổ sung muối khoáng sinh tố như Pharmaton, Plenyl, Upsa C Calcium vv... Ngay sữa đậu nành công nghiệp hiện nay cũng đã có bổ sung chất Vôi cho người tiêu dùng yên tâm.

Và đã ăn chay thì hẳn là không uống rượu. Nhờ đó tránh được những tác hại của rượu như: say rượu và nghiện rượu kéo theo bao nhiêu bệnh thuộc loại "cổ chướng" như gan chai, bụng báng, đa thần kinh viêm! Và nhất là đầu óc luôn thanh thản, rất dễ điềm tĩnh trong thế giới đầy stress căng thẳng của chúng ta hôm nay.

TP HCM, Ngày 28 tháng 11, 2008
BS Nguyễn Lân-Đính

CHÚA NGUYỄN VÀ VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN

Ngày 18 và 19-10-2008 tại Thanh Hoá đã diễn ra một cuộc hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia thu hút hơn 400 nhà khoa học từ khắp đất nước và cả quốc tế tham dự, đóng góp những nghiên cứu mới nhất. Đ ất Thanh Hóa là nơi phát tích của nhà Nguyễn, cu ộc hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 450 năm Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và sau đó là Quảng Nam, mở đầu một thời kỳ mới của dân tộc.

Với chủ đề “Chúa Nguy ễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN” cuộc hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và dư luận xã hội.

Trước đây đ ã có tới 16 cuộc hội thảo tại Huế, bốn tại TP.HCM, một ở Hà Nội về các sự kiện và nhân vật thuộc thời kỳ lịch sử này. Nhưng đó vẫn chỉ là những cuộc hội thảo về từng sự kiện, nhân vật, và tập trung vào thời nhà Nguyễn, mà chưa đề cập nguồn gốc là các chúa Nguyễn. Vì vậy một hội thảo quốc gia vào lúc này là đúng lúc và cần thiết.

Theo GS-NGND Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, đơn vị đồng tổ chức hội thảo qua cu ộc phỏng vấn của phóng viên báo Tuổi Trẻ, cho bi ết, trong hai ngày hội thảo đã có tới 91 báo cáo, trong đó có tám báo cáo của các nhà nghiên cứu nước ngoài: Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, đảo Đài Loan… Có nhiều vấn đề phải tranh cãi, nhưng có những vấn đề quan trọng đạt được sự thống nhất cao của tất cả các nhà khoa học trong việc đánh giá chúa Nguyễn và triều Nguyễn.

Trước hết, không thể phủ nhận công lao của các chúa Nguyễn qua vi ệc mở mang bờ cõi từ bắc Phú Yên vào tận đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ mở rộng biên cương mà còn tiến hành khai phá, đưa nền kinh tế miền Nam từ hoang sơ phát triển rất nhanh, không chỉ kịp mà còn vượt Đàng Ngoài.

Thứ hai, dù Tây Sơn đã chấm dứt việc chia cắt đất nước, nhưng phải thừa nhận chính Nguyễn Ánh mới là người thống nhất VN thật sự, trên một lãnh thổ gần như tương đương nước VN hiện đại bao gồm cả đất liền và hải đảo, kể cả Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời quản lý chính quyền rất chặt chẽ. Chúng ta bây giờ đang thừa hưởng chính cái di sản vĩ đại mà triều Nguyễn để lại. GS-NGND Phan Huy Lê từng nghe hai vị cố thủ tướng rất quan tâm đến khoa học xã hội và am hiểu lịch sử là Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt nói rất nhiều lần: “Nói gì thì nói, không có chúa Nguyễn, không có ngày hôm nay, không có giang sơn liền một dải thế này thì không đủ tiềm lực về con người và của cải để chiến đấu và chiến thắng Pháp, Mỹ”.

Kế tiếp là một di sản vĩ đại do triều Nguyễn đã để lại mà không triều đại nào trong lịch sử có thể sánh được: ba di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa thế giới: Kinh thành Huế, Hội An, nhã nhạc cung đình Huế. Quốc sử quán triều Nguyễn để lại khối lượng thư tịch đồ sộ chưa từng có trong lịch sử, Châu bản triều Nguyễn có tới 734 tập, Địa bạ triều Nguyễn có 10.057 tập, với 18.000 địa bạ thôn ấp, văn bia triều Nguyễn cũng có tới 11.000 tấm… Tất cả di sản đó cần được khai thác, dịch, công bố rộng rãi, đánh giá lại một cách xứng đáng.

GS Phan Huy Lê cũng cho biết trên cơ sở các nghiên cứu khoa học được trình bày tại hội thảo, Hội Khoa học lịch sử VN sẽ đề nghị Nhà nước sớm bổ sung, sửa đổi, biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử giai đoạn này để thế hệ mai sau có cái nhìn khách quan, khoa học và công bằng hơn về những vấn đề của lịch sử dân tộc.

Để đóng góp vào kho tư liệu của Bản Tin Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay, tôi xin kê ra sơ lược chín đời Chúa và mưới ba triều đại vua nhà Nguyễn dưới đây:

I. Chín đời Chúa Nguyễn

Năm 1527 , Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê và lập ra nhà Mạc . Nguyễn Kim ( 1468 - 1545 ), một tướng giỏi của nhà Hậu Lê, vì giúp vua Lê chống lại nhà Mạc nên được phong chức Thái Sư Hưng Quốc Công. Sau này, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn đã truy phong ông là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế . Ông có ba con. Người con gái lớn nhất, tên Ngọc Bảo, lấy chúa Trịnh Kiểm ; hai người con trai cũng là tướng giỏi được phong chức Quận công. Vì người con trai lớn, Nguyễn Uông , bị Trịnh Kiểm giết nên người con trai còn lại là Nguyễn Hoàng xin vua Lê cho vào cai trị vùng đất Thuận Hóa để xa Chúa Trịnh .

1. Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên ( 1525 - 1613 ), con út của Nguyễn Kim, xưng Chúa năm 1558 , có 10 con trai và 2 con gái. Một người con gái lấy chúa Trịnh Tráng . Nhà Nguyễn sau này đã truy phong ông là Thái tổ Gia Dụ hoàng đế .

2. Nguyễn Phúc Nguyên tức Chúa Sãi hay Chúa Bụt ( 1563 - 1635 ), con trai thứ sáu của Chúa Tiên, kế nghiệp năm 1613 vì các anh đều chết sớm và một anh bị Chúa Trịnh giữ tại Đàng Ngoài , có 11 con trai và 4 con gái. Chúa Sãi là người đầu tiên trong dòng họ mang họ Nguyễn Phúc . Tương truyền lúc mẹ ngài có thai chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ "Phúc". Lúc kể lại chuyện, mọi người chúc mừng bà và đề nghị đứa bé ra đời được đặt tên là "Phúc". Nhưng bà nói rằng, nếu chỉ đặt tên Phúc cho đứa bé thì chỉ một mình nó hưởng, để cho nhiều người trong dòng họ được hưởng phúc, bà đề nghị lấy chữ này làm chữ lót. Và khi thế tử ra đời bà đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên. Nhà Nguyễn sau này đã truy phong ông là Hi Tông Hiếu Văn hoàng đế .

3. Nguyễn Phúc Lan tức Chúa Thượng ( 1601 - 1648 ), con trai thứ hai của Chúa Sãi, kế nghiệp năm 1635 vì anh trưởng chết sớm, có 3 con trai và 1 con gái. Nhà Nguyễn sau này đã truy phong ông là Thần Tông Hiếu Chiêu hoàng đế .

4. Nguyễn Phúc Tần tức Chúa Hiền ( 1620 - 1687 ), con trai thứ hai của Chúa Thượng, kế nghiệp năm 1648 vì cả anh lẫn em đều chết sớm, có 6 con trai và 3 con gái. Nhà Nguyễn sau này đã truy phong ông là Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế .

5. Nguyễn Phúc Trăn tức Chúa Nghĩa ( 1650 - 1691 ), con trai thứ hai của Chúa Hiền, kế nghiệp năm 1687 vì anh trưởng chết sớm, có 5 con trai và 5 con gái. (Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả thì Chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Thái; còn Nguyễn Phúc Trăn không có, mà chỉ có Nguyễn Phúc Trân, em kế của Chúa tức Cương quận công.) Chúa Nghĩa là người dời đô đến Huế . Nhà Nguyễn sau này đã truy phong ông là Anh Tông Hiếu Nghĩa hoàng đế .

6. Nguyễn Phúc Chu (có sách như Khâm định Việt sử thông giám cương mục gọi là Nguyễn Phúc Tu ) tức Chúa Minh (còn gọi là Quốc Chúa ) ( 1675 - 1725 ), con trai trưởng của Chúa Nghĩa, kế nghiệp năm 1691 , có 38 con trai và 4 con gái. Chúa Minh là người đầu tiên sai sứ sang nhà Thanh để xin phong vương nhưng không được nhận vì nhà Thanh vẫn xem vua Lê của Đàng Ngoài là vua của toàn xứ Việt lúc đó. Nhà Nguyễn sau này đã truy phong ông là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế .

7. Nguyễn Phúc Thụ (có sách như Khâm định Việt sử thông giám cương mục gọi là Nguyễn Phúc Chú ) tức Chúa Ninh ( 1697 - 1738 ), con trai trưởng của Chúa Minh, kế nghiệp năm 1725 , có 3 con trai và 6 con gái. Nhà Nguyễn sau này đã truy phong ông là Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế .

8. Nguyễn Phúc Khoát tức Vũ Vương (còn gọi là Chúa Vũ ) ( 1714 - 1765 ), con trai trưởng của Chúa Ninh, kế nghiệp năm 1738 , có 18 con trai và 12 con gái. Đến lúc này Chúa Trịnh đã xưng vương nên Nguyễn Phúc Khoát cũng gọi mình là Vũ Vương vào năm 1744 và xem Đàng Trong như một nước độc lập. Nhà Nguyễn sau này đã truy phong ông là Thế tông Hiếu Vũ hoàng đế .

9. Nguyễn Phúc Thuần tức Định Vương (còn gọi là Chúa Định ) ( 1765 - 1777 ), con trai thứ 16 của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, kế nghiệp năm 1765 , không có con. Khi còn sống, Vũ Vương đã có ý định cho con trai thứ chín là Nguyễn Phúc Hiệu nối ngôi. Sau khi Nguyễn Phúc Hiệu chết, và con ông hãy còn quá nhỏ, Vũ Vương định cho con trai thứ hai của mình là Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn, là cha của vua Gia Long sau này) nối ngôi. Khi Vũ Vương chết, một vị quan lớn trong triều là Trương Phúc Loan giết Nguyễn Phúc Luân và lập Nguyễn Phúc Thuần, lúc đó mới 12 tuổi, lên ngôi. Nhà Nguyễn sau này đã truy phong ông là Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế .

II. Các vua Nhà Nguyễn

Trương Phúc Loan là một người độc ác, tàn bạo nên dân chúng nổi lên khởi nghĩa, trong số đó là anh em nhà Tây Sơn . Nhà Tây Sơn được lòng dân nên thế lực rất mạnh. Họ đánh bại quân chúa Nguyễn, bắt giết Định Vương Thuần và rất nhiều người trong họ Nguyễn Phúc. (Một người cháu, gọi Định Vương là chú, tên Nguyễn Phúc Dương lên nối ngôi nhưng cũng bị bắt giết cùng Phúc Thuần). Nhà Tây Sơn cũng đánh bại quân Trịnh và chiếm cả Thăng Long , nhưng họ lại giao trả đất phía bắc ( Đàng Ngoài ) lại cho vua Lê và rút quân về lo việc cai trị Đàng Trong .

  1. Vua Gia Long (1762–1820), tên húy Nguyễn Phúc Ánh (thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh ), là hoàng đế đầu tiên và người thành lập nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

Là cháu trai của vị chúa Nguyễn cuối cùng, sau khi gần như toàn bộ gia tộc bị quân Tây Sơn bắt giết năm 1777 , Nguyễn Ánh phải trốn chạy và bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc. Sau nhiều thất bại lớn và phải cầu viện sự giúp đỡ của Xiêm La Pháp , ông giữ vững được Nam Hà và đến năm 1802 thì đánh bại Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, thống nhất Việt Nam sau nhiều thế kỷ nội chiến. Triều đại của ông được đánh dấu bằng việc chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam với cương thổ rộng lớn nhất cho đến thời đó, kéo dài từ biên giới với Trung Quốc tới vịnh Thái Lan ; thay thế các cải cách có xu hướng tự do của Tây Sơn bằng nền giáo dục và điều hành xã hội theo Nho giáo khắc nghiệt hơn; định đô tại Phú Xuân . Ngoài ra, ông còn là người mở đường cho các ảnh hưởng của người Pháp ở Việt Nam qua việc mời họ giúp xây dựng các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Cơ đốc . Dưới triều đại của ông, Việt Nam trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Đông Dương , cùng Xiêm La phân chia ảnh hưởng đối với Chân Lạp .

Trong đánh giá của các sử gia đời sau, ông được xem là vừa có công vừa có tội.

  1. Vua Minh Mạng tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên Nguyễn Phúc Kiểu, là hoàng tử thứ tư của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang. Ông sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi, tức 25 tháng 5, 1791 tại làng Tân Lộc, gần Sài Gòn.

Con đầu của Gia Long Hoàng tử Cảnh , mất sớm vào năm 1801 . Triều đình có người đề nghị cho con của Hoàng tử Cảnh nối ngôi để giữ đúng dòng đích, nhưng Gia Long không đồng ý. Năm 1815 , Nguyễn Phúc Đảm được phong Hoàng thái tử và từ đó ở trong điện Thanh Hòa để quen với việc trị nước.

Minh Mạng lên ngôi năm 1820 . Ông đã có những cải đổi lớn lao các định chế công quyền, hành chính , pháp luật , thuế khóa , đinh điền, tu soạn sử sách địa lý và lập các cơ sở dưỡng tế. Minh Mạng cũng đã cho thành lập quốc tử quán, ấn định học hiệu và thi cử, cải đổi cơ cấu triều đình thành Nội các với Lục bộ Cơ mật viện , đổi trấn thành tỉnh và chia vị trí đất nước thành 31 tỉnh .

Năm 1823 , Minh Mạng đã làm bài Đế Hệ Thi gồm 20 chữ, dùng làm chữ lót tên cho mỗi thế hệ từ vua Minh Mạng trở về sau.

MIÊN HỒNG ƯNG BỬU VĨNH
BẢO QUÝ ĐỊNH LONG TRƯỜNG
HIỀN NĂNG KHAM KẾ THUẬT
THẾ THỤY QUỐC GIA XƯƠNG

Ông mất ngày 28 tháng 12 năm Canh Tý , tức 20 tháng 1 năm 1841 , thọ 51 tuổi. Miếu hiệu là Thánh Tổ Nhân hoàng đế. Lăng của Minh Mạng là Hiếu Lăng , tại làng An Bằng, huyện Hương Trà , tỉnh Thừa Thiên . Đươc thờ ở Tả Nhất Án Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế .

  1. Vua Thiệu Trị tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông (chữ Miên ở đây lấy chữ đầu tiên trong Đế hệ thi), ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Tuyền và Dung . Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu (bà Hồ Thị Hoa), sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão, tức 16 tháng 6 năm 1807, tại ấp Xuân Lộc, phía Đông kinh thành Huế.

Khi vua Minh Mạng băng hà, Nguyễn Phúc Miên Tông được di mệnh nối ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Vua Thiệu Trị lên ngôi ngày 20 tháng giêng năm Tân Sửu tức 11 tháng 2 năm 1841 .

Sử sách nói vua Thiệu Trị là một người hiền h òa , siêng năng cần mẫn nhưng không có tính hoạt động như vua Minh Mạng. Các định chế pháp luật, hành chánh, học hiệu, điền địa và binh bị đều áp dụng theo các định lệ của tiền triệu, không có sự cải cách, thay đổi gì mới.

Vua Thiệu Trị có 64 người con, gồm 29 hoàng tử và 35 công chúa.

  1. Vua Tự Đức (18291883) là vị vua thứ tư của nhà Nguyễn. Ông lên ngôi năm 1847 và trị vì trong 36 năm, lâu nhất trong các vua nhà Nguyễn.

Vua Tự Đức tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (Chữ Hồng là chữ thứ hai trong Đế hệ thi, cứ thế tiếp tục cho các đời sau), ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Thì . Ông là con thứ hai của vua Thiệu Trị và bà quí phi Phạm Thị Hằng (tức Bà Từ Dũ), sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu , tức 22 tháng 9 năm 1829 .

Vua Tự Đức lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi , 1847 , theo di chiếu của vua Thiệu Trị. Vì Tự Đức là con thứ hai của vua Thiệu Trị, nên việc truyền ngôi cho ông đã gây nên một bi kịch trong hoàng tộc. Anh trai của Tự Đức là Hồng Bảo , tuy lớn hơn nhưng lại là con vợ thứ, bị vua Thiệu Trị nhận định là người ít học, ham chơi nên đã truyền lại ngôi cho Tự Đức. Ngày Hồng Nhậm lên ngôi, Hồng Bảo uất ức ngất đi ở giữa triều đường. Sau đó Hồng Bảo âm mưu cùng một số người lấy lại ngai vàng. Hồng Bảo tung nhiều tin tức nói xấu Tự Đức, người ta ngờ Tự Đức không phải là con vua Thiệu Trị, mà chính là con của Trương Đăng Quế được đánh tráo để họ Trương chiếm ngai vàng. Âm mưu của Hồng Bảo bị bại lộ, Hồng Bảo bị hạ ngục và bị kết án tử hình. Tự Đức tha cho anh trai nhưng cho lệnh giam lại. Về sau Hồng Bảo thắt cổ tự tử trong tù (có sách viết là bị ép uống thuốc độc) năm 1854 . Cái chết của Hồng Bảo trở thành một nghi án. Vua Tự Đức sợ sau này sử không chép đúng sự thật nên tự kể lại cuộc đời của mình và cho khắc vào bia đá lớn. Ngày nay bia đá này vẫn còn ở trong lăng Tự Đức .

Ông mất năm 1883 , vì không có con nên nuôi 3 người cháu. Cả ba sau đều lên làm vua; Dục Đức, Đồng Khánh và Kiến Phúc.

  1. Vua Dục Đức tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Chân (sinh năm 1852 , mất năm 1883 , là con trai trưởng (con nuôi) của vua Tự Đức, lên ngôi ngày 20 tháng 7 năm 1883 nhưng 3 ngày sau bị Nguyễn Văn Tường Tôn Thất Thuyết truất phế rồi giết theo lệnh của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ vua Tự Đức). Dục Đức bị giam ở Dục Đức Đường, rồi Thái Y Viện và cuối cùng bị bỏ đói đến chết trong ngục thất tại Thừa Thiên. Ông có 11 con trai và 8 con gái. Vì ở trên ngôi có 3 ngày, không có thời giờ chọn niên hiệu; Dục Đức là tên nơi ở của vị vua này. Miếu hiệu và thụy hiệu về sau mới được tôn xưng.
  2. Vua Hiệp Hòa (1846-1883) là vị vua thứ 6 của nhà Nguyễn. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật ), còn có tên là Nguyễn Phúc Thăng . Một số tài liệu ghi ông sinh ngày 24 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức 1 tháng 11 năm 1847. Hồng Dật là con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị và bà Đoan Tần Trương Thị Thuận.

Năm 1883 , vua Dục Đức bị phế và chết trong tù. Các quan sai lính đến xóm Kim Long đón Hồng Dật về cung để đưa lên làm vua mới. Hồng Dật thoái thác, nhưng bị ép lên ngôi ngày 30 tháng 7 năm 1883 , lấy hiệu Hiệp Hoà. Do có ý thân Pháp, vua Hiệp Hòa lên ngôi chưa được bao lâu thì bị hai đại thần phụ chính Tôn Thất Thuyết Nguyễn Văn Tường phế bỏ và bắt uống thuốc độc tự vẫn vào ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi , tức 29 tháng 11 năm 1883 .

  1. Vua Kiến Phúc tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng sinh năm 1869 , mất năm 1884 , là con trai thứ ba (con nuôi) của vua Tự Đức, lên ngôi ngày 2 tháng 12 năm 1883 nhưng 8 tháng sau thì bị bệnh rồi chết, mọi việc đều do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định.

Triều đại Kiến Phúc chỉ kéo dài 8 tháng. Từ tháng tư (âm lịch) năm Giáp Thân , Kiến Phúc ngã bệnh. Ngày 10 tháng 6 âm lịch năm này, ( 31 tháng 7 năm 1884 ), Kiến Phúc mất vào giờ ngọ (Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTL.CB., sđd., tr. 150 – 151).

Lúc mất, Kiến Phúc mới 16 tuổi, chưa nạp phi, không có con cái.

  1. Vua Hàm Nghi tên huý là Nguyễn Phúc Ưng Lịch , còn có tên là Nguyễn Phúc Minh . Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi, tức 3 tháng 8 năm 1871. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc và Chánh Mông-Ưng Kỳ, tức vua Đồng Khánh sau này.

Ô ng mất năm 1943 , là cháu gọi vua Tự Đức là chú (có cùng cha với vua Đồng Khánh nhưng vua Đồng Khánh là con nuôi của vua Tự Đức), lên ngôi năm 1884 , khi mới 13 tuổi, nhưng bị Pháp truất phế 1 năm sau đó vì mưu lược chống họ, có 1 con trai và 2 con gái. Sau khi bị truất phế vua Hàm Nghi tiếp tục việc chống Pháp nhưng bị bắt vào năm 1888 và bị Pháp đày sang Algérie .

  1. Vua Đồng Khánh sinh ngày 12 tháng giêng năm Giáp Tý, tức ngày 19 tháng 2 năm 1864. Tên húy của Đồng Khách các tài liệu ghi rất mâu thuẫn, có nhắc tới những tên Nguyễn Phúc Ưng Kỷ , Nguyễn Phúc Ưng Thị , Nguyễn Phúc Ưng Biện , Nguyễn Phúc Chánh Mông , ngoài ra còn có tên Nguyễn Phúc Đường .

Đồng Khánh là ông vua không chống Pháp. Sách của Trần Trọng Kim viết: " Vua Đồng Khánh tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp ."

Khi đó vua Hàm Nghi đang ở vùng Quảng Bình , quân Pháp đang tấn công về vùng đó. Vua Đồng Khánh đích thân ra tận Quảng Bình để dụ vua Hàm Nghi và các quan tùy tùng về hàng, hứa là sẽ cho cai trị 3 tỉnh Thanh Hóa , Nghệ An Hà Tĩnh nhưng không thành công. Sau đó vua Hàm Nghi bị một thuộc hạ là Trương Quang Ngọc làm phản. Hàm Nghi bị người Pháp bắt rồi bị đưa đi đầy ở Algérie .

Vua Đồng Khánh ở ngôi đươc ba năm thì bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tý , tức ngày 28 tháng 1 năm 1889 . Khi đó ông 25 tuổi, có 6 con trai và 3 con gái.

  1. Vua Thành Thái tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân , còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu sinh năm 1879 , mất năm 1955 , là con trai thứ bảy của vua Dục Đức (người làm vua chỉ trong 3 ngày), lên ngôi năm 1889 nhưng bị Pháp truất phế vào năm 1907 vì chống lại họ, có 16 con trai và nhiều con gái. Vào năm 1916 vua Thành Thái (cùng con là vua Duy Tân) bị Pháp đày sang đảo Réunion, nhưng được đón trở lại Việt Nam vào năm 1947 .

Vua Thành Thái được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Khác với những vị vua trước đây, ông học chữ Nho, học tiếng Pháp và cũng cho cả con cái của mình cùng theo học chữ Pháp. Không nói ra, nhưng rõ ràng ý định của ông là học chữ Pháp để có thể giao tiếp với tinh thần chống Pháp. Ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi, làm quen với vǎn minh phương Tây. Là vị vua gần gũi với dân chúng, ông thường xuyên đi vi hành. Thành Thái cũng cho phép hoàng phi bị cấm cung đi cùng với mình bằng xe.

Ông để ý đến cả các loại vũ khí , đã giao cho họa sĩ Lê Vǎn Miến (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris ) vẽ cho ông các khẩu súng Pháp. Vua Thành Thái rất thích đọc những tân thư chữ Hán của Trung Quốc Nhật Bản . Nhờ đó vua có tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách.

Vua Thành Thái dần có tinh thần dân tộc rất cao. Những người Pháp thường xuyên gần gũi không được ông trọng thị lắm vì vậy họ thường có thành kiến với ông. Ngày 3 tháng 9 năm 1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị, có chữ ký của các đại thần (trừ Ngô Đình Khả), với lý do sức khoẻ không bảo đảm, xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, Thành Thái chỉ cười, ghi ngay hai chữ "phê chuẩn" rồi quay lưng đi vào.

Ngày 12 tháng 9 năm 1907, Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Đến nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

  1. Vua Duy Tân tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San , còn có tên là Nguyễn Phúc Hoảng , sinh ngày 26 tháng 8 năm Canh Tý, tức 19 tháng 9 năm 1900. Ông là con thứ 5 của vua Thành Thái và bà hoàng phi Nguyễn Thị Định.,mất năm 1945 . lên ngôi năm 1907 nhưng chỉ lo việc chống Pháp nên bị họ truất phế và đày sang đảo Réunion (cùng với cha là vua Thành Thái) vào năm 1916 , có 3 con trai và 1 con gái.

Phụ Bản IV

Để kiểm soát vua Duy Tân, người Pháp cho lập một phụ chính gồm sáu đại thần là Tôn Thất Hân , Nguyễn Hữu Bài , Huỳnh Côn , Miên Lịch , Lê Trinh Cao Xuân Dục để cai trị Việt Nam dưới sự điều khiển của Khâm sứ Pháp. Một tiến sĩ sinh học là Ebérhard được đưa đến để dạy học cho vua Duy Tân, theo nhiều người thì đó chỉ là hành động kiểm soát.

Khoảng năm 1912 , Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé mở một chiến dịch tìm vàng ráo riết. Mahé lấy tượng vàng đúc từ thời Nguyễn Phúc Chu trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ , đào lăng Vua Tự Đức và đào xới lung tung trong Đại Nội để tìm vàng. Vua Duy Tân phản đối quyết liệt những hành động thô bạo đó, nhưng Mahé vẫn làm ngơ. Duy Tân ra lệnh đóng cửa cung không tiếp ai. Toà Khâm sứ Pháp làm áp lực với nhà vua thì Duy Tân đe đọa sẽ tuyệt giao với các nhà đương cục ở Huế lúc bấy giờ. Cuối cùng Toàn quyền Albert Pierre Sarraut từ Hà Nội phải vào giải quyết vua Duy Tân mới cho mở Hoàng thành.

Vu a Duy Tân lên ngôi năm 1907 nhưng chỉ lo việc chống Pháp nên bị họ truất phế và đày sang đảo Réunion (cùng với cha là vua Thành Thái) vào năm 1916 , có 3 con trai và 1 con gái.

  1. Vua Khải Định tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo , còn có tên là Nguyễn Phúc Tuấn , con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục, sinh năm 1885 , mất năm 1925 , là con trai trưởng của vua Đồng Khánh, lên ngôi năm 1916 với ý định hòa hoãn với Pháp, chỉ có 1 con trai.

Bửu Đảo là người mê cờ bạc, thường xuyên bị thua, có khi phải cầm bán cả những đồ dùng và những người hầu hạ. Bửu Đảo còn bắt vợ mình, là con gái của quan đại thần Trương Như Cương, về xin tiền bố mẹ gán nợ để đánh bạc tiếp.

S au khi buộc tội vua Duy Tân , người Pháp đã có ý muốn xóa bỏ nền quân chủ ở Việt Nam nhưng các triều thần, đặc biệt là thượng thư Nguyễn Hữu Bài không chịu nên Pháp phải chiều theo ý. Ngày 18 tháng 5 năm 1916 , Nguyễn Phúc Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định.

Dưới thời vua Khải Định, triều đình Huế không có xích mích với Pháp. Mọi việc đều do Tòa khâm sứ định đoạt.

  1. Vua Bảo Đại tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy , còn có tên Nguyễn Phúc Thiển sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 (ngày 23 tháng 9 năm Quý Sửu) tại Huế, là con của vua Khải Định và bà Từ Cung Hoàng Thị Cúc. Về thân thế của Bảo Đại vẫn còn nhiều nghi ngờ, vì vua Khải Định bị mang tiếng là bất lực và không thích gần đàn bà.

Ô ng là con trai độc nhất của vua Khải Định, lên ngôi năm 1926 trong khi đang du học tại Pháp nên về Việt Nam 6 năm sau đó, có 2 con trai và 3 con gái. Vua Bảo Đại thoái vị ngày 30 tháng 8 năm 1945 và giữ chức "Cố vấn tối cao" cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa mới thành lập, nhưng chẳng bao lâu lại từ chức đi sống tại các nước ngoài. Bảo Đại trở lại Việt Nam với chức vụ Quốc trưởng vào năm 1948 nhưng lại bị mất quyền sau một cuộc trưng cầu dân ý trong năm 1956 .

Ông mất năm 1997 .

Dương Lêh st

CUNG AN ĐỊNH – HUẾ

Trong hệ thống kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế, ngoài ngững công trình nổi tiếng bởi phong cách và vẻ đẹp thuần túy phương Đông như các cụm kiến trúc trong Hoàng thành, Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức… người ta còn hay nhắc tới một số công trình được xây dựng theo phong cách Tân – Cổ điển (Néo-Classique) như Điện Kiến Trung, Lăng Khải Định, Cung An Định… Tuy nhiên, không như Lăng Khải Định đã được nhiều người biết đến hay Điện Kiến Trung từng nổi danh một thời, Cung An Định là một thực thể kiến trúc rất đặc sắc mà vẫn tồn tại ngay trong lòng thành phố Huế nhưng lại gần như bị lãng quên…!

Cung An Định vốn là cung điện riêng của vua Khải Định, tọa lạc bên bờ sông An Cựu, nay mang số 97 đường Phan Đình Phùng, TP Huế. Nguyên tại vị trí này, từ năm 1902, ông hoàng Phụng Hóa Công (vua Khải Định sau này) đã dựng phủ riêng, đặt tên là Phủ An Định. Năm 1917, sau khi lên ngôi trở thành vua Khải Định, nhà vua mới dùng tiền riêng để cải tạo phủ thành Cung An Định theo lối kiến trúc hiện đại. Công việc này kéo dài đến đầu năm 1919 mới hoàn tất. Từ ngày 28/02/1922, Cung An Định trở thành Tiền Đề của Đông Cung Thái Tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, gia đình Cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ Hoàng cung qua sống tại Cung An Định. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch thu Cung An Định, buộc bà Từ Cung (vợ vua Khải Định) phải mua một tòa lầu ở bên cạnh để chuyển gia đình sang ở. Sau khi miền Nam được giải phóng Bà Từ Cung đã hiến Cung An Định cho chính quyền Cách Mạng. Đến nay Cung An Định do Liên Đoàn Lao Động thành phố Huế quản lý, trở thành Nhà Văn Hóa Lao Động của thành phố.

Cung An Định xây mặt về phía sông An Cựu, hướng Nam. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có khuôn viên tường gạch dày 0,5m, cao 1,8m trên có hàng rào song sắt bao bọc. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình kiến trúc, bố trí trên một trục dọc theo chiều Bắc Nam. Từ trước ra sau là: Bến thuyền, cổng chính, đình Trung lập, sân trước và bồn hoa, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, nhà ngang, chuồng thú, hồ nước, vườn cung, cổng hậu… trài qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay chỉ còn lại ba công trình khá nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung lập và Lầu Khải Tường. Thật may mắn, đây cũng là ba công trình thuộc loại tiêu biểu nhất của Cung An Định.

Cổng chính của cung xây bằng vôi vữa theo lối tam quan, hai tầng, đỉnh mái tầng trên gắn hình biểu tượng một viên trân châu lớn. Toàn thể cổng trang trí bằng sành sứ đắp nổi công phu. Đặc biệt, dòng chữ Hán ghi tên cổng và các câu đối trang trí ở thân đều được ghép bàng mảnh sứ màu rất độc đáo.

Đình Trung Lập, nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu hình bát giác, dáng thông thoáng và xinh xắn. Đình có nền cao, hai hệ thống bậc cấp đi lên đặt theo chiều Đông Tây, kiểu hiện đại. Trong đình nguyên có đặt bức tượng đồng vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, đúc từ năm 1920 (năm 1960, bức tượng này được chuyển lên lăng Khải Định). Chung quanh bên ngoài đình, tại vị trí của tám góc có tượng bát tiên, hình thức tạo hình rất sinh động.

Lầu Khải Tường nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của Cung An Định. Chữ Khài Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành), tên lầu do vua Khải Định đặt. Lầu có ba tầng, xây dựng bằng các vật liệu mới (xi măng, sắt thép) pha trộn các vật liệu truyền thống (vôi sò, giấy bản…) theo kiểu hiện đại. Lâu đài mang phong cách châu Âu này chiếm diện tích tới 745m2. Mái lầu lợp ngói liệt, nền các tầng lầu đều lát gạch hoa, mặt trước là nội thất lầu được trang trí rất công phu.

Về cách bố cục không gian, lầu Khải Tường đã mang đậm dấu ấn phương Tây. Toàn bộ mặt trước công trình được trang trí công phu tỉ mỉ theo các mô típ kiến trúc Roman Cận đại xen lẫn cùng các đề tài trang trí phương Đông cổ như: rồng, phượng, bát bảo vv… tạo cho du khách một ấn tượng rất đặc biệt khi chiêm ngưỡng công trình này.

Phần nội thất công trình được bố trí khá hiện đại. Tầng 1 gồm có 7 phòng, trong đó quan trọng nhất là phòng khách với một bộ 6 bức tranh tường mang giá trị nghệ thuật rất cao.

Đây là 6 bức tranh được vẽ bằng sơn dầu trực tiếp lên mặt tường xi măng với kích thước lớn (1,8m x 1,1m) khung tranh đắp gờ cao cầu kỳ, gây ấn tượng như tranh treo trên tường. Các bức tranh này thể hiện phong cảnh thực của các Lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định. Nhận xét về các bức tranh này, PGS Chu Quang Trứ đã viết: “Tranh đã tái tạo lại được cảnh thực, chú ý bố cục của cả tổng thể kiến trúc, nêu bật những dặc điểm của từng lăng…

Lối xây dựng tranh ở đây theo luật viễn cận châu Âu mà họa sĩ đương đại mới được tiếp nhận, có phần nào kết hợp với lối nhìn sinh động phương dặc điểm của từng lăng...tông thể kiến trúcn xét về các bức tranh này, PGS Chu Quang Trứ đã viết: "uật rất cao.

Đông… lối vẽ không còn phương Đông cũng không hẳn thuần phương Tây này, hẳn phải do những họa sĩ Việt Nam mới được đào tạo ở phương Tây còn vương vấn nhiều cách nhìn truyền thống, và do đó dù trên tranh không ký tên, chúng ta có thể ngỡ là của lớp họa sĩ Việt Nam đương thời như Lê Văn Miên, Tôn Thất Sa…”

Tầng 2 gồm 8 phòng, được nối thông với nhau bằng hệ thống cửa hành lang rất khoa học, phục vụ cho mục đích chính là nơi nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình hoàng đế. Mặt trước tầng này có ban công, mặt sau có sân thượng nhìn ra phía vườn sau của cung.

Tầng 3 bao gồm 3 phòng lớn và 4 phòng nhỏ được cấu trúc hợp lý, cũng mục đích phục vụ chính là nơi thư giãn cho các thành viên trong gia đình vua. Mặt trước đắp nổi một bình phong có hình mặt trời đang tỏa sáng, mặt sau có sân thượng nhìn ra phía vườn sau cung.

Nhìn chung, dù từ cách bố trí đến phương thức sử dụng vật liệu, lầu Khải Tường đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách phương Tây thời Cận đại. Tuy nhiên, những dấu ấn của nghệ thuật tuyền thống Việt vẫn còn biểu hiện rõ ở công trình này, đặc biệt là các mô típ trang trí cùng sự hòa hợp của nó đối với cản quan tự nhiên chung quanh.

Trong các công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời Khải Định, Cung An Định là một công trình bề thế có diện tích mặt bằng quy mô rộng lớn, được khởi công xây dựng và hoàn thành sớm hơn cả. Nó đánh dấu mốc mở đầu thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế tiếp xúc và chịu ảnh hưởng phương Tây. Đó là thời kỳ mà một nhà nghiên cứu người Pháp – L.Bezeccier gọi là thời kỳ Tân Cổ điển (Néo - classique). Mặc dù chịu ảnh hưởng của phương Tây song mỹ thuật Huế với tư cách là một trung tâm mỹ thuật Việt Nam thời Nguyễn vẫn giữ gìn và tiếp tục phát huy những nội dung và tính chất mỹ thuật truyền thống của dân tộc. Cung An Định đã chứng tỏ cho thấy rõ điều này không chỉ ở tổng thể công trình kiến trúc mà còn ở từng chi tiết trang trí trên các bộ phận riêng lẻ. Là một chứng tích tiêu biểu cho qua trình phát triển mỹ thuật Nguyễn trên đất Huế trong giai đoạn cuối cùng, từ đầu thế kỷ XX đến 1945, bên cạnh sự kế thừa các giá trị mỹ thuật cổ truyển mang phong cách chung của triều Nguyễn, Cung An Định còn có phong cách mỹ thuật riêng ở chỗ đã kết hợp một cách hài hòa, rõ nét sự giao thoa giữa các nền mỹ thuật Đông-Tây kim cổ, của các nền văn hóa Á-Âu. Do vậy, giá trị nổi bật của Cung An Định chính là lãnh vực mỹ thuật và đã được thể hiện một cách sinh động, cụ thể thông qua bàn tay vàng của các nghệ nhân người Việt tài danh đương thời, trên nhiều phương diện: nghệ thuật kiến trúc, trang trí hội họa, điêu khắc và nghệ thuật khảm nổi sành sứ…

Vì vậy, cùng với các công trình kiến trúc khác thời Khải Định như lăng Khải Định, lầu Hiếu Trung, cửa Hiển Nhơn… Cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của thời kỳ kiến trúc Tân-Cổ điển, một giai đoạn giao thoa nhiều chiều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

Di Sản Thế Giới – Bùi Đẹp

MỤC LỤC

Vài chi tiết về cuộc họp ngày 08/11/2008 ......... 1

Cuốn “Bắc Kỳ năm xưa” .................................. 2

Sơ lược về Tiểu sử & Tác phẩm ....................... 9

Hồ Biểu Chánh (1885-1958) .......................... 18

Tôi mê đọc Hồ Biểu Chánh từ nhỏ ................. 28

Hội thảo Khoa học về Hồ Biểu Chánh ........... 31

Ba niềm hạnh phúc của má Vân Anh .............. 37

Hồ Biểu Chánh – Nhà văn Nam bộ lên Web .. 40

JB. Petrus Trương Vĩnh Ký ............................ 43

Chính kinh viết gì về Thiện Tri Thức ............ 48

Tưởng nhớ Cụ Hồ Biểu Chánh (thơ) .............. 55

Đời và Ta (thơ) ............................................... 57

Nghe nhóc nhen kêu giữa thành phố (thơ) ...... 58

Truyện Kiều kỳ 7 (thơ dịch) ........................... 60

Cái tên và cuộc đời ......................................... 64

Tài liệu về cuộc giao thiệp

giữa Anh và nước ta ............. 74

Ăn chay có đủ bổ không ................................ 81

Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn ............. 85

Cung An Định – Huế ..................................... 99

Truyện dịch .................................................. 104

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế