Hiện có 7 người xem / 2331926 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

MỘT SỐ SỰ VIỆC ĐÁNG ĐƯỢC NHẮC LẠI CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY NHÂN DỊP KỶ NIỆM MỘT NĂM NGÀY THÀNH LẬP

Được thành lập và ra mắt chính thức vào sáng ngày 17/6/2006, tới nay CLB Sách Xưa và Nay đã vừa tròn một tuổi, với 12 bản tin hàng tháng đã được cho lưu hành.

Trong suốt một năm qua, mỗi tháng vào ngày thứ Bẩy của tuần lễ thứ hai trong tháng, các thành viên của CLB đã gặp gỡ nhau để cùng nhau chia sẻ những thông tin về sách, đặc biệt là về sách cổ, sách hiếm, cũng như về mọi vấn đề liên quan tới sách và văn hóa đọc. Ngoài ra, CLB còn có một số hoạt động văn hóa đáng ghi nhớ dưới đây:

1. Ngày 08/7/2006, Linh mục Nguyễn Hữu Triết, Cố Vấn của CLB đã có một cuộc nói chuyện giới thiệu Sưu tập Kiều mà ông đã và đang sưu tập. Cuộc nói chuyện đã cho những người nghe nhiều thích thú và hiểu biết về cách thức cũng như lợi ích về việc sưu tập các sách vở, tranh ảnh, đồ vật liên quan tới tác phẩm bất hủ của thi hào Nguyễn Du.

 

2. Ngày 09/9/2006, Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiện Câu lạc Bộ đã có một cuộc nói chuyện ngắn về tờ Gia Định Báo, tờ báo đầu tiên của chúng ta bằng chữ Quốc Ngữ. Qua buổi nói chuyện này, mọi thành viên đã được trông thấy tận mắt một tờ Gia Định Báo hồi năm 1896, và được biết rõ ràng đây là một tờ tuần báo vì trên tờ báo có ghi rằng “mỗi tháng in 4 kỳ, cứ ngày thứ Ba thì phát”. Cuộc nói chuyện này đã làm sáng tỏ được một chi tiết liên quan tới tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ của chúng ta, và như vậy, dù ít dù nhiều cũng đã có một chút ích lợi thiết thực.

3. Sáng ngày 14/10/2006, một số lớn các thành viên CLB đã tới thăm viếng nhà Lưu Niệm cố Thi Sĩ Lưu Trọng Lư ở Quận 7. Đây là một cuộc thăm viếng thật hứng thú khi các thành viên được nhìn thấy tận mắt nhiều thủ bút, kỷ vật của cố thi sĩ, cũng như những hình ảnh liên quan tới các đoạn đời của cố thi sĩ. Sau khi thắp hương trước bàn thờ của cố thi sĩ và trao tặng vật, gồm một số tài liệu tiền chiến liên quan tới cố thi sĩ, các thành viên đã được 2 anh Lưu Trọng Văn và Lưu trọng Hải mời ra ngoài chơi ở ngoài vườn để giao lưu rất vui vẻ.

4. Ngày 11/11/2006, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm, tác giả cuốn “Văn Học Nam Hà” đã được xuất bản trước năm 1975 và hiện là một Việt kiều hồi hương định kỳ, đã có một cuộc nói chuyện về “Văn học bình dân Nam bộ hồi đầu thế kỷ 20”; cuộc nói chuyện này được mọi người thích thú thưởng thức. Kế đó CLB đã cử hành một cuộc bán đấu giá sách (giữa các thành viên) trong đó một số tác phẩm đã được bán. Đây là một hoạt động mà trong tương lai CLB sẽ tiếp tục triển khai, và mỗi khi định tổ chức bán thì sẽ có thông báo trước.

5. Sáng ngày thứ bẩy 13/01/2007, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu bộ sách nhan đề là “Lịch Sử Cuộc Đại Cách Mạng Pháp” (Histoire de la Révolution française) của Louis Adolphe Thiers (một cựu Tổng Thống Pháp) xuất bản năm 1865, là một trong những bộ sách đã được xuất bản trong thế kỷ thứ 19 VÀ ĐÃ KHÔNG CÒN BẢN QUYỀN VÌ ĐÃ THUỘC VỀ LÃNH VỰC CHUNG (Tomber dans le domaine public) KHÔNG CÒN BỊ CHI PHỐI BỞI CÔNG ƯỚC BERNE, do đó AI MUỐN KHAI THÁC CŨNG ĐƯỢC.

6. Trong buổi họp ngày 10/02/2007,CLB Sách Xưa và Nay đã có một cuộc triển lãm các SỐ BÁO XUÂN THỜI TIỀN CHIẾN tức là TRƯỚC NĂM 1945 và một tủ những sách thuộc về thế kỷ thứ 19 ĐÃ HẾT CÒN BỊ CHI PHỐI BỞI CÔNG ƯỚC BERNE, DO ĐÓ TỪ NAY AI MUỐN KHAI THÁC CŨNG ĐƯỢC. Số báo Xuân được trưng bày đã mang lại rất nhiều thích thú cho người xem vì chúng có những tranh phụ bản và minh họa cực đẹp của các danh họa như: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Bình Lộc vv… Còn trong số sách thế kỷ 19 thì có một cuốn rất đáng chú ý là cuốn “Mưòi ngàn lẻ hai đêm” thay vì “Ngàn lẻ một đêm” như mọi người trong chúng ta ai cũng biết.

Cũng trong buổi họp này Dịch Giả Vũ Anh Tuấn cũng đã tiếp tục giới thiệu thêm hai cuốn sách THUỘC DẠNG ĐÃ HẾT BẢN QUYỀN, một cuốn in năm 1845 nhan đề là “Jean Paturot đi tìm một chỗ đứng trong xã hội” của một tác giả người Pháp và một cuốn của một tác giả người Việt là cụ Nguyễn Phan Long, viết bằng pháp văn nhan đề là “Đời Cô Huệ” (Le Roman de Mademoiselle Lys) xuất bản năm 1921 cũng đã hết bản quyền.

7. Sáng ngày thứ Bẩy 14/4/2007, các thành viên CLB đã có cuộc viếng thăm Nhà lưu niệm cố Thi Sĩ Nguyễn Bính ở Gò vấp. Sau khi thắp hương trước bàn thờ cố Thi Sĩ và trao quà kỷ niệm gồm một vài tư liệu cổ về cố Thi Sĩ, các thành viên đã được ái nữ cố Thi Sĩ, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu mời an tọa, dùng bánh kẹo và trà và cùng nhau trao đổi về cuộc đời, thân thế cố Thi Sĩ, người đã có những vấn thơ thật “Chân quê” đã đi vào, và còn ở lại mãi trong lòng mỗi người, trí thức cũng như bình dân, già cũng như trẻ, thực tuyệt vời, khác hẳn với các trường phái lỉnh kỉnh bây giờ với những vần thơ khó hiểu, lời lẽ nhảm nhí, nặng về tình dục, chỉ được một thiểu số thưởng thức lẫn với nhau mà thôi…

Trong năm đầu hoạt động này, ngoài các sự việc được nêu trên, CLB Sách Xưa và Nay còn có được một bàn tin nội bộ, lưu hành hàng tháng, tới nay đã là số 13, rất được mọi người trong CLB cũng như bạn bè ưa thích vì bài vở tương đối dễ đọc, dễ hiểu và khá đa dạng trong mọi vấn đề liên quan đến sách vở, cũng như khá bổ ích và mang lại những lợi ích thiết thực, trong khi các tranh phụ bản của các bản tin đều được những người đọc thích thú và khen là đẹp.

Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay có chủ trương là mỗi quý sẽ tổ chức đi viếng thăm một Nhà lưu niệm của các Văn Nhân, Thi Sĩ, Danh Nhân… và kỳ sắp tới sẽ là Nhà lưu niệm cố Văn Sĩ Lê Văn Trương ở Gò Sao.

Vũ Thư Hữu

------

LƯỢC SỬ BÁO CHÍ VIỆT NAM
TỪ KHỞI THỦY TỚI 1945

Sau Hòa Ước Nhâm Tuất, được ký vào năm 1862, phía Việt Nam phải mất đứt cho Pháp ba tỉnh Gia định, Biên Hòa và Định Tường, người Pháp bèn lập tức thiết lập và tổ chức hệ thống cai trị ở nhượng địa. Báo chí là một trong những công cụ đầu tiên được người Pháp sử dụng.

Trước năm 1862, trên đất nước chúng ta không có báo, chỉ có một số câu hát, câu vè nói tới một vài sự kiện rất đơn lẻ, ví dụ như vụ Tự Đức khi nối nghiệp Thiệu Trị đã tiếm ngôi của anh là Hồng Bảo, người được người đương thời thương tiếc và nhắc tới với hai câu:

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,

nhớ người quân tử khăn điều vắt vai”.

hoặc vụ hai đại thần Tường và Thuyết lộng hành, lập và phế một lúc mấy vua sau khi Tự Đức băng hà với mấy câu hát như:

“Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết,

Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường”.

Trong hai câu thơ này có cả tên Tường lẫn Thuyết và có nhắc tới việc chỉ có trong có bốn tháng mà có tới ba vị vua bị giết. Có người gọi các câu thơ câu vè này là “Báo Miệng” nhưng thực chất thì chúng không thể được coi là một dạng báo vì chúng chỉ đưa ra những hành động đơn lẻ và không có vẻ gì là một tờ báo, vào thời đó được gọi là “Nhật trình” nghĩa là hàng ngày đưa ra đủ mọi thông tin trong tất cả mọi lãnh vực của xã hội.

Do đó ta có thể nói chỉ từ ngày có sự can thiệp của bọn Pháp thực dân vào nước ta thì chúng ta mới có báo. Và những tờ báo đầu tiên ở nước ta đều bằng Pháp hoặc Hán văn. Tờ thứ nhất lần đầu tiên xuất hiện là tờ BULLETIN OFFICIEL DE L’EXPÉDITION DE COCHINCHINE (Tập san chính thức của cuộc Viễn chinh ở Nam kỳ, cũng có thể gọi là Công Báo của đoàn quân Viễn chinh ở Nam Kỳ) ra đời năm 1862 bằng Pháp văn chỉ chứa đựng toàn những thông cáo, nghị định, quyết định vv… chả có gì liên quan tới những sinh hoạt bình thường của dân chúng, ngoại trừ mấy khoản nói trên. Tờ báo thứ nhì do Thiếu Tướng Hải Quân Bonard cho xuất bản tên là tờ BULLETIN DES COMMUNES (Cáo trình các Làng Xã) được viết bằng chữ Hán và dùng để hiểu dụ quần chúng. Chính vào thời điểm này chính quyền thuộc địa Pháp muốn cho xuất bản một tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ, nhưng vì chữ quốc ngữ có dấu nên phải chờ đúc ở bên Pháp, mãi tới cuối năm 1864 mà vẫn chưa xong. Vì thế, trong khi chờ đợi, Trung Tướng Hải Quân Roze cho xuất bản một tờ báo thứ ba là tờ BULLETIN DU COMITÉ AGRICOL ET INDUSTRIEL DE LA COCHINCHINE (Kỷ yếu của Ủy Ban Canh Nông và Kỹ nghệ ở Nam Kỳ). Cụ Trương Vĩnh Ký chính là người Việt Nam đầu tiên làm trợ bút cho tờ báo này. Ít lâu sau KERGUDA sang làm Thống Đốc Nam Kỳ và đã có lời mời cụ Trương ra làm quan, nhưng cụ từ chối và XIN ĐƯỢC RA MỘT TỜ BÁO BẰNG QUỐC NGỮ TÊN LÀ GIA ĐỊNH BÁO. Lời thỉnh cầu của Cụ được chấp thuận và Nghị Định cho phép xuất bản được ký ngày 01-4-1865, nhưng không phải ký cho Cụ mà là cho một người Pháp tên là ERNEST POTTEAUX (một viên thông ngôn làm việc ở Soái phủ Nam Kỳ). Và phải cho đến ngày 16-9-1869 mới có Nghị Định của Thủy sư Đô Đốc OHIER ký giao hẳn tờ GIA ĐỊNH BÁO cho Cụ Trương Vĩnh Ký làm chủ biên. Qua sự việc nói trên tờ GIA ĐỊNH BÁO đã chính thức được coi là tờ báo thủy tổ của báo chí nước ta. Sau tờ GIA ĐỊNH BÁO, là các tờ PHAN YÊN BÁO (1868) của Diệp Văn Cương, NAM KỲ NHỰT TRÌNH (Le Journal de Cochinchine) (1885), MISCELLANÉES ou LECTURES INSTRUCTIVES POUR LES ELÈVES DES ÉCOLES PRIMAIRES, COMMUNALES ET CANTONALES (Thông - loại khóa trình) (1888), NÔNG CỔ NÍN ĐÀM (1900), có nghĩa bằng Pháp văn là “Causeries sur l’agriculture et le commerce” mà chủ bút là Cụ Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, LE MONITEUR DES PROVINCES (Nhật báo Tỉnh) (1905), LỤC TỈNH TÂN VĂN (1907) mà chủ nhiệm là Cụ Nguyễn văn Của, Chủ bút là Cụ Lê Hoằng Mưu, NAM KỲ ĐỊA PHẬN tên tây là “Semaine religieuse” (1909), NAM TRUNG NHẬT BÁO của Nguyễn Tử Thức, CÔNG LUẬN BÁO (1916) một tuần ra 2 kỳ vào thứ ba và thứ sáu, AN HÀ BÁO in ở Cần Thơ năm 1917, tuần báo ra ngày thứ năm, NAM KỲ KINH TẾ BÁO (1920) tên tây là “L’Information économique de Cochinchine”, NHẬT TÂN BÁO (L’Ere nouvelle) (1922) chủ nhiệm là Cao Hải Để, ĐÔNG PHÁP THỜI BÁO (Le Courrier Indochinois (1923), TRUNG LẬP BÁO (Edition annamite de l’Impartial) (1924), PHÁP VIỆT NHỨT GIA (1927), ĐUỐC NHÀ NAM (1928) của Cụ Nguyễn Phan Long, KỲ LÂN BÁO của Bùi Ngọc Thự cũng vào năm 1928, PHỤ NỮ TÂN VĂN (1929) tuần báo ra ngày thứ năm của bà Nguyễn Đức Nhuận, THẦN CHUNG (1929) của Diệp Văn Kỳ, LONG GIANG tên tây là Le Mékong (1930), ĐÀN BÀ MỚI (1934) của Bà Băng Dương tức Thụy An, ĐÔNG THINH tên tây là “La voix de l’Orient” (1935), tuần báo của Diệp Văn Kỳ, ZÂN (1935) của Nguyễn Văn Nhựt, MAI (1935) của Đào Trinh Nhất, NỮ LƯU (1936) của Tô Thị Để, VĂN LANG (1939) của Hồ Văn Nhựt, Hồ Tá Khanh, NAM KỲ TUẦN BÁO (1942) của Hồ văn Trung tức Hồ Biểu Chánh, ĐẠI VIỆT TẠP CHÍ (1942) Hồ Văn Kỳ Trân làm quản lý, BULLETIN DE LA SOCIÉTÉ D’ENSEIGNEMENT MUTUEL DE LA COCHINCHINE (Kỷ Yếu của Hội Khuyến Học Nam Kỳ) (1942), TIẾN (1945) của Mai Văn Bộ. Trên đây là một số trong những tờ báo ra hàng tháng, hàng tuần hoặc là nhật báo ở Miền Nam. Bây giờ chúng ta hãy xem ở Miền Bắc thì ra sao?

Ở Miền Bắc phải tới năm 1892 mới có một tờ báo viết bằng chữ Hán do một người Pháp tên là Henri Schneider, chủ nhà in xuất bản; đó là tờ ĐẠI NAM ĐỒNG VĂN NHẬT BÁO, nội dung của tờ này chỉ là những Nghị Định của Quan Thống Sứ và những bài nhằm mục đích hiểu dụ dân chúng. Tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Miền Bắc ra đời năm 1905 và có tên là ĐẠI VIỆT TÂN BÁO do người Pháp tên là E. Babut làm chủ nhiệm, nội dung chỉ nhằm ca tụng những kẻ có quyền có thế, tuy nhiên cũng có một ít bài khảo cứu văn chương nhưng chất lượng rất kém. Báo này mỗi trang được chia hai theo chiều dọc, một bên chữ Hán và bên kia chữ Quốc ngữ. Năm 1907, tờ ĐẠI NAM ĐỒNG VĂN NHẬT BÁO CÓ THÊM PHẦN TIẾNG QUỐC NGỮ VÀ THÊM TÊN BẰNG QUỐC NGỮ LÀ ĐẠI NAM ĐĂNG CỔ TÙNG BÁO. Lời phi lộ cho sự thay đổi và thêm thắt này cho biết: “Kể từ số 793 ra ngày 28-3-1907 tờ báo được chia làm hai phần: Phần Hán văn do Cụ Đào Nguyên Phổ phụ trách, còn phần Quốc Ngữ do Cụ nguyễn Văn Vĩnh biên tập”, để rồi từ một tờ báo chỉ nói về bọn quan lại, tiến lên thành báo nghị luận ra hàng tuần. Số báo đổi mới đầu tiên này mặt ngoài có vẽ hai con rồng (Lưỡng long chầu nguyệt) in toàn bằng chữ Hán và đặt một cái khung ở giữa trong có hai hàng chữ, mỗi hàng ba chữ, để viết sáu chữ ĐẠI NAM ĐỒNG VĂN NHẬT BÁO bằng Hán tự. Mặt trong in toàn bằng chữ Quốc ngữ và đề tựa đề là: ĐẠI NAM ĐĂNG CỔ TÙNG BÁO. Tờ báo đổi mới này đăng những bài có tính cách xã hội, kèm theo một chút thời sự trong nước, cũng như ở nước ngoài, cộng với một số bài xã thuyết dưới ký tên N.V.V., Tân Nam Tử, Đào Thị Loan vv…

 

Tât cả đều là bút hiệu của Cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Đại khái cũng có ý truyền bá tư tưởng Âu Tây nhưng còn ở trong một phạm vi rất hạn hẹp.

Do phạm vi hạn hẹp của cuộc nói chuyện, sau đây tôi xin chỉ nhắc tới những tờ báo đáng nhắc ở Miền Bắc, từ thời điểm đó tới năm 1945. Đó là các tờ: ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ (1913) (Edition spéciale du Lục-Tỉnh-Tân-Văn pour le Tonkin et l’Annam) in tại Hanoi, phát hành mỗi tuần vào ngày thứ năm mà chủ nhân là F.H.Schneider và người này đã mời Cụ Nguyễn Văn Vĩnh từ Nam Kỳ trở lại Miền Bắc để làm chủ bút, TRUNG BẮC TÂN VĂN (1913) cũng Cụ Vĩnh làm chủ nhiệm mỗi tuần ra ba số, tên Tây của tờ này là “Gazette de l’Annam”, NAM PHONG (1917-1934) (Văn học, khoa học tạp chí) in ở Hà Nội mỗi tháng một kỳ, nhưng từ số 194 (15-4-1934) mỗi tháng hai kỳ. Chủ bút kiêm quản lý: Cụ Phạm Quỳnh; đồng chủ bút: Cụ Dương Bá Trạc, đình bản số 210 ngày 16-12-1934. Tuy nhiên coi như tổng số là 211 số vì số Xuân năm 1918 (được coi là thủy tổ báo Xuân của ta) KHÔNG CÓ ĐÁNH SỐ. Ngoài ra với bộ báo coi như VĨ ĐẠI nhất của Việt Nam này, nhiều người quan niệm là chỉ cần có tới số 192 là đã ĐỦ BỘ, vì sau số 192 tờ báo được giao cho Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng vì Cụ QUỲNH vào Kinh làm quan; nhiều người coi rằng từ số 193 cho tới số chót là những số không còn tầm quan trọng của Nam Phong như khi dưới sự lèo lái của Cụ QUỲNH, TẬP KỶ YẾU CỦA HỘI TRÍ TRI (1922) (Bulletin de la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin) phát hành mỗi tam cá nguyệt, VỆ NÔNG BÁO (1923) (Revue agricole en Quốc Ngữ), TRUNG HÒA NHẬT BÁO (1923), ĐÔNG PHÁP (1925) (Edition Annamite de France Indochine), AN-NAM TẠP CHÍ (1926) của Cụ Tản Đà, HÀ THÀNH NGỌ BÁO (1927), TỨ DÂN TẠP CHÍ (1930) tên Tây là “Revue pour tous”, PHỤ NỮ THỜI ĐÀM (1933), TÂN THANH TẠP CHÍ (1931) chủ bút là Cụ Nguyễn Trọng Thuật, VĂN HỌC TẠP CHÍ (1932) Chủ nhiệm Dương Tự Quán, PHONG HÓA TUẦN BÁO (1932-1936) ra được tổng cộng 190 số thì bị cấm, Chủ nhiệm là Nguyễn Xuân Mai, Quản lý là Phạm Hữu Ninh, nhưng linh hồn của tờ báo này là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Tự Lực Văn Đoàn, đây là một trong những tờ tuần báo ấn tượng nhất, hay nhất, tuyệt vời nhất, quy tụ những cây bút, những nhà thơ số một của thời đó cũng như các họa sĩ danh tiếng nhất như Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí vv… Tên Tây của báo này là (Revue hebdomadaire des Moeurs) và chủ trương của nó là “Cười cợt để sửa đổi phong hóa”, NHẬT TÂN (1933) của Đỗ Văn tuần báo ra ngày thứ tư, TIỂU THUYẾT TUẦN SAN (1933) của Vũ Công Định, PHỤ NỮ THỜI ĐÀM (1933) mà chủ nhiệm là bà Nguyễn Văn Đa, TIỂU THUYẾT THỨ BẢY (1934), ĐÔNG TÂY BÁO (1935) do Dương Tự Quán làm chủ nhiệm, LOA (1935) do Bùi Xuân Học làm chủ nhiệm, NGÀY NAY (1935) mỗi tháng ra ba kỳ do Nguyễn Tường Cẩm làm chủ nhiệm, sau là Trần Khánh Dư và quản lý là Nguyễn Tường Lân đây là tờ báo cũng của Tự Lực Văn Đoàn làm và là một trong mấy tờ báo tuyệt vời nhất mà làng báo của chúng ta đã có kể từ trước tới nay, với những bài vở thuộc loại hay nhất, những bài xã luận cổ vũ sự đổi mới hay nhất, với những minh họa tuyệt vời nhất, trong đó có những minh họa về Lý Toét và Xã Xệ, về Bang Bạnh, và cuối cùng là với những phụ bản do các họa sĩ danh tiếng nhất Việt Nam như Trần Bình Lộc, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Huyến, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Cát Tường (Lemur) vv… HÀ NỘI BÁO (1936) do Lê Cường làm chủ nhiệm, ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ (1937) do Nguyễn Giang làm chủ nhiệm, TIỂU THUYẾT THỨ NĂM (1937), TIỂU THUYẾT THỨ BA (1937) do Đoàn Như Khuê làm chủ nhiệm, ĐÔNG TÂY TIỂU THUYẾT BÁO (1937) tuần báo do Nguyễn Xuân Thái làm quản lý, LY TAO TUẦN BÁO (1937) do Đỗ Văn Tình làm chủ nhiệm, TIỂU THUYẾT TUẦN SAN (1937) do Lê Ngọc Thiều làm quản lý, VỊT ĐỰC (1938), tuần báo trào phúng ra ngày thứ tư hàng tuần do Nguyễn Đức Long quản lý, TIỂU THUYẾT NHẬT BÁO (1938) do Đoàn Như Khuê làm chủ nhiệm, Đỗ Xuân Mai làm quản lý, ra được tổng cộng 363 số, ĐỌC (1938) do Nguyễn Văn La làm chủ nhiệm, ra được 94 số tức là 94 tuần lễ, CHUYỆN ĐỜI (1938) tuần báo ra ngày thứ bảy do Lê Văn Hoàng sáng lập và Nguyễn Văn Sự quản lý, TAO ĐÀN (1939) bán nguyệt san do Vũ Đình Long làm chủ nhiệm, Lan Khai làm quản lý, sau Nguyễn Triệu Luật thay thế, ra được 13 số và 3 số đặc biệt về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng và số về Ba Lan, TRUNG BẮC CHỦ NHẬT (1940) trước do Dương Phượng Dực làm quản lý sau là Nguyễn Doãn Vượng làm, TRADUCTEUR (LE) (1940) Tạp chí chuyên về dịch thuật do Trương Anh Tự làm chủ nhiệm và lo phần Pháp và Việt ngữ, THANH NGHỊ (1941) của Doãn kế Thiện và chủ nhiệm là Vũ Đình Hòe, đây cũng là một trong những báo nổi tiếng nhất trong thời tiền chiến, tuy nhiên báo này nặng về phần pháp lý và lịch sử, và có rất ít minh họa, TRUYỀN BÁ (1941) một tập báo dành cho tuổi trẻ ra ngày 10 và ngày 25 mỗi tháng và mỗi số là một chuyện ngắn trên dưới 32 trang dành cho các bạn trẻ của các nhà văn nổi tiếng mà chủ nhiệm là ông Vũ Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân, NHI ĐỒNG HỌA BẢN (1941) tạp chí dành cho thiếu nhi mà chủ nhiệm là bà Phạm Ngọc Khuê và quản lý là Nguyễn Văn Hữu, THANH NGHỊ (phần trẻ em) (1941) mỗi tháng ra 3 kỳ vào các ngày 10, 20 và 30 mà chủ nhân là Doãn Kế Thiện và quản lý là Vũ Đình Hòe, PHÁP-VIỆT (1941) tuần báo văn chương phụ nữ thanh niên chính trị mà chủ nhiệm là một người Pháp tên là Clément Edmond Koch và quản lý là Trần Nguyên Bí, TRI TÂN (1941) Tạp chí văn hóa mà chủ nhiệm là Nguyễn Tường Phượng và quản lý là Dương Tự Quán, đây là một trong những tờ báo hàng đầu trong số khoảng 10 tờ nổi tiếng là đứng đắn nhất với những cây bút như Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố chẳng hạn, và giờ đây, sau khi đã sơ lược lịch sử báo chí ở Miền Bắc, ta hãy quay trở vào Miền Trung để tiếp tục tìm hiểu.

Miền Trung hay đất Thần Kinh đã chỉ thực sự góp mặt với báo chí nước nhà từ năm 1921 với tờ Tiếng Dân của Cụ Huỳnh Thúc Kháng, tuy nhiên từ năm 1914 đã có một tờ báo coi như tờ báo đi dọn đường ở Miền Trung là tờ báo “LE RIGOLO” (Kẻ ngộ nghĩnh) do một nhóm thanh niên tân học gôm có: Võ Chuẩn, Lê Thanh Cảnh, Phan Văn Tài, Lê Văn Thiết vv… chủ trương, và trong năm 1914, hai học giả pháp là Linh mục Léopold Cadière và Edmond Gras, cùng với một nhóm nhà trí thức Việt Nam đã cùng nhau lập ra Hội Đô Thành Hiếu Cổ (l’Association des Amis du Vieux Huế) và cho xuất bản một nguyệt san nhan đề là NGUYỆT SAN ĐÔ THÀNH HIẾU CỒ (Bulletin des Amis du Vieux Huế) chuyên khảo cứu về lịch sử, chính trị, nghệ thuật tôn giáo và kinh tế xã hội, đây cũng là một bộ báo nằm ở hàng đầu trong các báo chí của Việt Nam, ĐẶC BIỆT LÀ BỘ BÁO NÀY LÀ BỘ BÁO DUY NHẤT CHỈ HOÀN TOÀN NGHIÊN CỨU VỀ VIỆT NAM và những bài nghiên cứu đều do những cây bút lỗi lạc, uyên thâm nhất. Mười ba năm sau, vào năm 1927 báo TIẾNG DÂN ra đời và kế sau đó là các báo THẦN KINH TẠP CHÍ (1927) của Lê Thanh Cảnh, có phụ trương tiếng Pháp, TRÀNG AN BÁO (1932) của Cụ Bùi Huy Tín do Cụ Phan Khôi làm Chủ Bút, KIM LAI TẠP CHÍ (1932) của Cụ Đào-Duy-Anh, đặc biệt là tờ báo này có mục đích chính là khuếch trương việc bán Dầu Khuynh Diệp của hãng Viễn Đề, PHỤ NỮ TÂN TIẾN (1933) do Cụ Hồ Phú Viên sáng lập với sự cộng tác của người con gái là bà Hồ Thị Thục cùng với chồng là Nguyễn Tấn, TIÊN LONG (1933) do Bà Lê Thành Tường chủ trương, trong khi chồng bà, ông Lê Thành Tường làm bí thư cho Khâm sứ Châtel, NHÀNH LÚA (1935) do Nguyễn Khoa Văn tức Hải Triều chủ trương, SAO MAI (1935) do Trần Bá Vinh chủ trương với sự cộng tác của Tiêu Viên Nguyễn Đức Bính, ÁNH SÁNG (1936) của dân biểu Nguyễn Quốc Túy, VIÊN ÂM (1936) cơ quan của Hội Phật Giáo Việt Nam do Bác sĩ Lê Đình Thám chủ trương, VÌ CHÚA (1936) cơ quan của Công giáo do Linh Mục Nguyễn Văn Thích cùng với sự cộng tác của Michel Phan Huy Đức và Bùi Tuân, LA GAZETTE DE HUẾ (1936) (Nhật báo của Huế) do Bùi Huy Tín và Ông Phạm Văn Ký chủ trương và viết bằng Pháp văn, KINH TẾ TÂN VĂN (1936) của Phạm Bá Nguyên, CƯỜI (1936) tuần báo trào phúng của Trần Thanh Mại và Lê Thành Tuyển, SÔNG HƯƠNG (1936) của Phan Khôi với sự cộng tác của Phan Nhung và Nguyễn Cửu Thanh, LES RESPONSABLES (1936) (Những người có trách nhiệm), đặc san bằng Pháp văn của nhóm trí thức tân học như Nguyễn Huy Bảo, Nguyễn Thúc Hào, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Lân nhằm mục đích phổ biến văn minh Âu Mỹ, nhóm này tự cho là mình có trách nhiệm phải lãnh đạo quần chúng, GIÁO DỤC TẠP CHÍ (1941) nguyệt san viết bằng Pháp và Việt Ngữ do Nguyễn Khoa Toàn làm chủ nhiệm.

Chúng ta đã vừa cùng nhau “cưỡi ngựa xem hoa” qua vườn báo chí Việt Nam Nam Bắc Trung, và vì hiểu biết của tôi chỉ có hạn, tôi xin được kết thúc cuộc nói chuyện ở đây.

Vũ Anh Tuấn

27/5/2007

------

142 năm trước lần đầu tiên xuất hiện báo tiếng Việt

Ngày 25/6/1862, mở đầu chế độ võ quan Pháp trực tiếp cai trị ở Nam Kỳ cả về dân sự và quân sự, tên thiếu tướng hải quân Bonard được thực dân Pháp cử sang mở đầu chế độ cai trị Nam Kỳ theo một hiệp định đầu hàng của Nam Triều dưới thời vua Tự Đức thập lục niên, chữ Quốc ngữ được một số người biết đến sau mấy năm bi thương mất nước qua một tờ báo đầu tiên phát hành bằng tiếng Việt: Tờ "Gia Định báo" được chính quyền thực dân cho phép xuất bản vào ngày 01/4/1865 - tròn 142 năm trước đây.

Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt có cơ hội phổ biến trong dân, chấm dứt thời kỳ e dè, trì trệ mấy trăm năm về trước.

Qua 142 năm gắn liền với sự phát triển của lịch sử báo chí nước nhà qua hai chế độ xã hội khác nhau (1865-2007) chữ quốc ngữ đã được cải thiện, chuyển biến để có một thứ chữ hoàn hảo như bây giờ.

Sau 4 năm tồn tại ở Nam Kỳ, đến năm 1869 "Gia Định báo" được giao cho nhà giáo, nhà ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký "trông coi" theo một nghị định tháng 9 năm đó của thống đốc Nam Kỳ. Với tài năng bẩm sinh, nhà báo họ Trương đã tạo được sự thu hút của độc giả đương thời. Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân.

Cũng như một số văn sĩ sinh ra ở miệt vườn phương Nam, nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ dễ dãi, như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, sáng sủa, viết như nói, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ dân tộc, nhưng không dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có văn hóa.

Tờ "Gia Định báo" ra ngày 23/1/1886 thời vua Đồng Khánh đã đăng, đưa tin: Mỹ Tho ngày 14 Janvier (tháng 1) 1886, 8 giờ 15 phút buổi sáng, quan Tham Biện Mỹ Tho gửi cho quan Khâm Mạng, cho quan Thượng Thư cùng quan Chưởng lý ở Sài Gòn, ngày hôm qua tại làng Bình Cách, tôi có bắt được một số bọn đúc đồng bạc giả, lập ra tề chỉnh đã từ lâu, bắt nhằm hồi nó đương đúc bạc, nó bằng đồng, nguyên là tiền lái "Lan Xa" (Pháp) bìa vành có đề "8.RDO.1883MC", lấy được đồ nghề nó hết, tôi không biết nó bán ra được bao nhiêu, có lẽ chắc nó bán ra nhiều lắm, ngày bắt nó, nó đã đúc được 55 đồng.

Lối loan tin "dây thép" thuở ban đầu ấy luộm thuộm dài dòng rắc rối và nhiều lời như vậy, còn các lập quy tiếng Việt cũng không được sử dụng một cách ngắn gọn hơn, chỉ có 1 bản tin nhỏ như trên mà ngày nay chúng ta phải vất vả lắm mới hiểu được ý của cổ nhân, của tờ báo tiền bối của báo chí nước ta thuở sơ kỳ.

Sau "Gia Định báo", nhà cầm quyền cũng cho phép phát hành một số báo khác ở Nam Kỳ thuộc địa như "Phan Yên báo" (1868), "Nông cổ mín đàm" (1900), "Lục tỉnh tân văn" (1910), cách trình bày sắp đặt tin tức, bài vở của báo chí hồi ấy rất khôi hài, đơn điệu tuy đã tạo được một hướng đi riêng dù còn giản dị, thô thiển. Khi loan tin trên báo thường xen vào các nhận xét có tính luân lý, câu văn thì mộc mạc viết đúng như lời nói, thường áp đặt lối văn có vần, có điệu trong khi viết tin hoặc tranh luận.

Đến năm 1892, thời vua Thành Thái, khi "Gia Định báo" đã tồn tại gần 30 năm, người ta mới thấy ở xứ Bắc kỳ bảo hộ có tờ báo đầu tiên được phát hành, đó là tờ "Đại Nam Đồng Văn nhật báo" nhưng lại bằng chữ nho, mãi 13 năm sau (đầu thế kỷ 20) tờ "Đại Việt nhật báo" mới được xuất bản, và chỉ dùng có một nửa là tiếng Việt. Cho đến khi hai tờ "Đông Dương tạp chí" và "Nam Phong tạp chí" ra đời (thời kỳ 1913-1917), chữ quốc ngữ mới mang một sắc thái riêng, vừa trang trọng vừa kiểu cách.

Song, 2 phong cách văn xuôi bằng tiếng Việt ở cả 2 miền không hẳn là có một đặc tính chung nào. Báo chí Nam Kỳ dùng văn nói lối, ở Bắc Kỳ lại viết văn pha vào những vần thơ.

Để đạt địa vị ưu thắng, chữ quốc ngữ cũng trải qua cuộc đấu tranh vất vả, lâu dài, người Tây học thích dùng Pháp văn, lớp sĩ phu còn tiếc thời vàng son của chữ Hán. Lớp người cổ động dùng chữ Quốc ngữ đã gặp khó khăn vất vả trường kỳ bởi bước cản ngăn của cả lớp tân tiến và thủ cựu, cuối cùng đã đạt địa vị độc tôn trên mặt báo từ đó đến nay.

Phạm Thế Cường sưu tầm

------

Các nhà văn, nhà báo quốc ngữ tiền phong

1. TRƯƠNG VĨNH KÝ

Người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ VN

Trương Vĩnh Ký được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam. Ông sáng lập, là tổng biên tập những tờ báo quốc ngữ đầu tiên, cũng là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác. Ông là một học giả Việt Nam có tiếng, thông thạo 26 ngôn ngữ, được ghi trong Bách khoa Tự điển Larousse là một trong 18 văn hào thế giới của thế kỷ 19.

Trương Vĩnh Ký, còn có tên J.B. Trương Chánh Ký, hoặc Pétrus Ký, sinh ngày 6/12/1837 tại làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), là con thứ ba của Lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu. Lên năm tuổi, Vĩnh Ký bắt đầu học chữ Hán. Đến chín tuổi cha mất. Lúc này, có một nhà truyền giáo người Pháp, thường gọi là Cha Long, thấy cậu bé Ký có trí thông minh nên đem về trường dòng ở Cái Nhum dạy học chữ La tinh. Năm 12 tuổi, Trương theo cha Hòe (tức Linh mục Belleveaux) sang học tại Trường Pinhalu ở Phnom Penh.

Năm 1851, Trương được trường này cấp học bổng sang học tại Chủng viện Pinang ở Indonesia - một trung tâm đào tạo linh mục cho các nước Đông Nam Á. Tại Đại chủng viện Pinang, Trương Vĩnh Ký trong quá trình học tập đã tỏ ra "có khả năng thu nhận khác thường" hệ thống tư tưởng và các tri thức khoa học tự nhiên cũng như xã hội đương thời, đến nỗi ngay các nhân vật có tiếng tăm lúc ấy cũng phải ngạc nhiên và khen ngợi trí thông minh và trình độ "học vấn uyên bác" của ông… Ông cũng tỏ ra là một người có năng khiếu về ngôn ngữ học. Ngoài các sinh ngữ Pháp, Anh, La tinh, Hy Lạp, Ấn Độ, Nhật, ông còn thông thạo cả tiếng Y Pha Nho, Trung Quốc, Mã Lai, Lào, Thái, Miến Điện. Trương Vĩnh Ký hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực văn hóa, ngoại trừ 8 tháng hoạt động ở Viện Cơ mật của triều đình Huế và 8 tháng làm phiên dịch trong phái đoàn Việt Nam sang Pháp.

Tháng 2/1859, quân Pháp đánh chiếm Gia Định, ông được Giám mục người Pháp Lefèbre chỉ định làm thông ngôn cho bộ chỉ huy "Đoàn quân chiếm đóng" ở Nam Kỳ. Tháng 6/1863, thực dân Pháp cử ông làm phiên dịch cho phái bộ “chuộc đất” của triều đình do Phan Thanh Giản cầm đầu sang Pháp. Trong chuyến đi này, ngoài nhiệm vụ thông ngôn được đảm nhận một cách xuất sắc, ông còn tiếp xúc với một số nhân vật cao cấp của chính quyền Pháp, gặp gỡ một số nhà văn nổi tiếng như Victor Hugo, Littré, Renan… đi thăm nhiều nơi ở Pháp và một số nước khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ai Cập, Italia và được Giáo hoàng La Mã tiếp.

Trong hành trình kéo dài 8 tháng, cả đi lẫn về, Trương Vĩnh Ký có dịp sống gần gũi với hai vị quan đại thần Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ; đó không chỉ là hai vị quan đại thần, mà còn là những nhân vật đáng kính về tài đức. Trương Vĩnh Ký cũng có cơ hội đề hiểu rõ hơn về nội tình đất nước và đồng bào của mình. Chính trong hồi ký sau chuyến đi này, Trương Vĩnh Ký đã viết: "Tôi trở về với tâm hồn sung sướng vô cùng". Có thể nói chuyến đi này đã góp phần định hướng những suy tư và hoạt động của ông tìm về văn hóa dân tộc một cách tích cực hơn.

Sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, các “Toàn quyền đô đốc” (Gouverneurs – Amiraux) đã sử dụng Trương Vĩnh Ký như một quan chức An Nam đầu tiên của chính quyền Pháp đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Giáo sư Pháp văn Trường Thông ngôn (1866 – 1868 ), Chủ bút tờ Gia Định báo (1868), Giám đốc trường Sư phạm kiêm thư ký Hội đồng thành phố Chợ Lớn (1872), Giáo sư Quốc văn và Hán văn cho người Pháp và Tây Ban Nha ở Trường Tham Biện Hậu Bổ (Collège des administrateurs stagiaires – 1874)… Tháng 2/1876, Trương Vĩnh Ký được Toàn quyền Paul Bert cử làm Giám quan Cố vấn cho vua Đồng Khánh ở Viện Cơ mật đến tháng 10/1876 thì trở về Sài Gòn. Sau cái chết đột ngột của Paul Bert (11/11/1886), Trương Vĩnh Ký không còn được trọng dụng như trước. Ông dùng thì giờ còn lại để đọc sách, báo, nghiên cứu, viết sách và dạy ở Trường Hậu bổ và Trường Thông ngôn.

Trong lĩnh vực văn hóa, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, không chỉ trong khoa học xã hội mà cả trong khoa học tự nhiên. Đặc biệt về hoạt động sưu tầm, biên khảo, phiên âm, phiên dịch, ông đạt những thành tựu đáng kể. Ông dịch sách chữ Hán, phiên ra chữ Quốc ngữ những bản cổ văn Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Gia huấn ca, Lục súc tranh công… biên soạn Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài v.v…Ông có một năng lực làm việc phi thường. Trong khoảng thời gian 40 năm (1858 - 1898), Trương Vĩnh Ký đã để lại cho đời 118 tác phẩm, bao gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, dịch, phiên âm trong đó có hàng chục quyển sách viết bằng Pháp văn. Ở buổi đầu giao tiếp giữa hai nền văn hóa Tây phương và Đông phương tại Việt Nam, một sự nghiệp đồ sộ như thế quả là hiếm có. Trương Vĩnh Ký có chân trong hàng chục hội khoa học châu Âu, ở cuối thế kỷ XIX J.Bouchot, một học giả Pháp, gọi ông là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho chí ở nước Trung Hoa hiện đại nữa”.

Ở Việt Nam trước đây, một số nhà nghiên cứu đã đánh giá những cống hiến của ông khá cao. Nguyễn Văn Tố tóm tắt sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký trong 3 tiếng “Bác học, Tâm thuật, Khiêm tốn” và, trong lời tựa cuốn Trương Vĩnh Ký của Lê Thanh, ông cho rằng họ Trương là "một nhà lập ngôn bất hủ… một tay cự phách trong văn học, đã nổi tiếng là một nhà sư phạm". Vũ Ngọc Phan, trong tập Nhà văn hiện đại đã viết: "Còn Trương Vĩnh Ký thì thiệt là một nhà bác học. Ông không những là một nhà văn, một nhà viết sử, một nhà dịch thuật mà còn là một người giỏi về ngôn ngữ". Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến phê phán, buộc tội họ Trương là đã cộng tác với thực dân, phản lại Tổ quốc, như Lê Thanh trong quyển Trương Vĩnh Ký, Trần Huy Liệu trong Lịch sử 80 năm chống Pháp, Phạm Long Điền và Nguyễn Sinh Duy trong quyển Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký…

Những ý kiến trái ngược nhau tùy thuộc vào chỗ đứng, cách nhìn và đánh giá khác nhau của từng người đối với nhân vật lịch sử này. Cũng cần thấy thêm rằng do bản thân cuộc đời hoạt động của Trương Vĩnh Ký có nhiều điều phức tạp và rắc rối. Con người giàu tài năng và có sức làm việc to lớn như thế, đến cuối đời đã rơi vào hoàn cảnh nghèo nàn, túng bấn. Về mặt tinh thần, lúc sinh thời ông cũng đã bộc lộ nhiều băn khoăn, khắc khoải. Hai câu cuối của Bài thơ tuyệt mệnh như muốn gửi gấm tâm sự cho người đời sau, khi phẩm bình về sự nghiệp của ông:

Cuốn sổ bình sanh công với tội

Tìm nơi thẩm phán để thừa sai

Ông mất ngày 01/9/1898 tại Sài Gòn, hưởng thọ 62 tuổi. Hiển nhiên, Trương Vĩnh Ký đã có những sai lầm về chính trị, mặc dù hoạt động chính trị của ông rất ngắn ngủi so với hoạt động văn hóa. Nhưng những hoạt động ở lĩnh vực thứ hai này lại không thể tách rời với tư tưởng chính trị khá nhất quán của ông là phục vụ trung thành nước Pháp, như ông đã hơn một lần thừa nhận. Tuy nhiên không vì vậy mà ta xếp ông vào hàng những tay sai bán nước như Tôn Thọ Tường, Đỗ Hữu Phương, Trần Bá Lộc, từ đó đi đến phủ nhận toàn bộ những cống hiến của ông đối với văn hóa của dân tộc.

Đáng chú ý nhất là những đóng góp vào sự phát triển và phổ cập chữ quốc ngữ ở giai đoạn ban đầu, vào lịch sử phát triển báo chí, cũng như trong lĩnh vực văn học và ngôn ngữ học v.v…Những năm gần đây, trong bầu không khí tinh thần cởi mở, đường lối đổi mới, một số công trinh nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký được đăng tải trên các tạp chí, hoặc in thành sách, thể hiện một quan điểm lịch sử khách quan và rộng rãi hơn, một cách nhìn bình tĩnh và khoa học hơn!

2. HUỲNH TỊNH CỦA (1834-1907)

H uỳnh Tịnh Paulus Của hay Huỳnh Tịnh Của người tỉnh Bà Rịa, ông thông thạo Hán và Pháp Văn. Năm 1881, được bổ ngạch Đốc phủ sứ, phụ trách công việc phiên dịch các văn án cho nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam.

Ông cũng là nhà văn quốc ngữ tiền phong cộng tác với Gia Định báo. Tác phẩm quan trọng trong văn nghiệp của ông rất có giá trị, đó là quyển Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, in thành 2 tập: tập I in năm 1895 từ mẫu tự A đến L, tập II in năm 1896 từ M đến X, cả hai quyển đều in tại Sàigòn do nhà in Imprimerie REY, CURIOL & Cie, Rues Catinat & d"Ormay. Năm 1983, nhà sách Khai Trí có in lại 2 tập của quyển tự vị này.

Là tự vị quốc âm nên mỗi chữ ông ghi chữ Nôm rồi tới chữ quốc ngữ có ký chú n: nôm, c: chữ (từ Hán Việt), sau đó mới giải nghĩa, nếu là từ Hán Việt, đôi khi ông thêm câu chữ Hán vào, ví dụ : chữ Quấc trang 217 tập II .

(Chữ Nôm) Quấc n (Coi chữ quốc)

Con ---. Thứ chim đồng cao giò và hay kêu,

chữ gọi là (Đỗ)(Quyên), (Đỗ)( Võ),(Tử)(Qui)

Đỗ quyên, đỗ võ, tử qui.

Dò --- . Dài giò

Cách hành văn của ông rất mộc mạc và bình dân, cho đến nay chưa tìm thấy tác phẩm nào ông viết bằng Pháp Văn, các tác phẩm của ông cho chúng ta thấy, ông đã chú trọng vào việc điển chế và phổ biến chữ quốc ngữ.

Văn nghiệp của ông gồm có :

- Chuyện giải buồn (1880)

- Chuyện giải buồn, cuốn sau (1885)

- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tập I (1895)

- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tập II (1896)

- Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1896)

- Gia lễ quan chế

- Ca trù thể cách

- Bạch Viên Tôn Các truyện

- Chiêu quân cống Hồ truyện

- Thoại Khanh Châu Tuấn truyện

- Thơ mẹ dạy con

- Quan Âm diễn ca

3. TRƯƠNG MINH KÝ (1855-1900)

T rương Minh Ký có biệt hiệu là Thế Tải, ông sanh ngày 23-10-1855 tại Gia Định, là học trò của Trương Vĩnh Ký. Ông thông Hán và giỏi Pháp văn, làm thông ngôn cho nhà cầm quyền Pháp, cộng tác với Trương Vĩnh Ký trên tờ Gia Định báo, Thông Loại Khóa Trình cũng như viết sách dạy Pháp văn.

Trương Minh Ký không được người ta chú ý nhưng vừa là môn đệ, vừa là người cộng tác thân cận với Trương Vĩnh Ký, xét qua văn nghiệp, cũng xứng đáng dành cho ông một chỗ đứng trong các nhà văn tiền phong chữ quốc ngữ.

Ông hành văn cũng bình dân, mộc mạc như Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, chuyên dịch chữ Hán ra quốc ngữ và sử dụng văn vần nhiều hơn văn xuôi.

Ông được ân thưởng:

- Huy chương Hàn Lâm Viện Pháp quốc (Officier d"académie)

- Kim Khánh bội tinh của Nam triều và Hoàng gia Cam Bốt.

Ông mất vào ngày 11-8-1900, mộ ông được chôn cất trong nghĩa trang gia đình, nơi Trương Gia Từ nằm trên đường Lý Thường Kiệt, Gò Vấp, Gia Định (Gần Tổng Y Viện Công Hòa).

Văn nghiệp của ông gồm có:

- Phong thần bá áp khảo

- Ấu học khải phong

- Trị gia cách ngôn

- Cổ văn chơn bửu

- Pháp học tân lương (Cours gradué de Langue-Francaise) 1895

- Recueil de Brochures sur l"histoire de la littérature Annamite, relié 1891

Phạm thế Cường sưu tầm

------

KỶ NIỆM 100 NĂM ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC
VÀ 80 NĂM NGÀY MẤT (23-6-1927)
CHÍ SĨ LƯƠNG VĂN CAN

KHI NHÀ NHO CÁCH MẠNG VIẾT SÁCH
DẠY LÀM KINH DOANH (!)

Mới nghe qua tưởng là nghịch lý, hay nhà nho này thất chí nên lẩm cẩm chăng? Nhưng không đây là những cuốn sách quý vừa được phát hiện sau ¾ thế kỷ vẫn còn được các doanh nhân chân chính thời nay đem ra tham khảo. Một số doanh nhân ở Tp. Hồ Chí Minh đã đúc tượng Cụ để tôn vinh.

Trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc, tên tuổi của Cụ Lương Văn Can đã gắn liền với Đông Kinh Nghĩa Thục, ngôi trường do Cụ cùng một số nhân sĩ yêu nước Hà Thành sáng lập (1907) và Cụ được tôn làm Thục Trưởng. Nơi đây cũng là một cơ sở của một phong trào yêu nước chống thực dân Pháp lan rộng cả ba miền đất nước và hải ngoại thời bấy giờ.

Viên ngọc qúy của họ Lương tưởng đã nằm yên trong Viện Bảo Tàng Lịch Sử từ nhiều thập kỷ qua, nay bỗng dưng dưới ánh sáng của thời đại, nó lại “lên nước” và được phát hiện thêm mặt thứ hai đang lung linh chiếu sáng…

Những cuốn sách bàn về việc kinh doanh và đạo làm giàu của thương giới như “Kim Cổ cách Ngôn”, “Thương Học Phương Châm” mà Cụ đã biên soạn trong thời gian an trí tại Nam Vang (Phnompenh) còn lưu giữ dưới dạng bản thảo tại

Phụ Bản II

Thư viện Khoa học Trung ương và gia đình, gần đây đã được các nhà sử học phát hiện đem ra nghiên cứu. Họ tìm thấy ở đó những bí quyết và phương châm về kinh doanh qúy báu - một đạo làm giàu chân chính không chỉ áp dụng cho thương nhân Việt Nam thời bấy giờ mà còn có thể hữu ích cho giới doanh nhân chân chính thời nay trong sứ mạng làm giàu đất nước.

Kể cũng là một điều hy hữu khi ở đầu thế kỳ 20, nền kinh tế đất nước còn phôi thai, một nhà nho suốt đời chỉ chuyên dạy học và làm cách mạng, về già lại viết nên những cuốn sách dạy thương mại kinh doanh mà nay các doanh nhân trong nước ở thời đại “kinh tế internet” còn phải đem ra nghiên cứu…

Trong bài viết: “Lương Văn Can - Người thầy của giới doanh thương” đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn - Số Xuân 2003, tác giả Thư Hoài, sau khi trích dẫn một phần nội dung sâu sắc của những cuốn sách này đã kết luận: “Hơn 70 năm trước, một nhà cách mạng xuất thân từ Nho học, chẳng qua một trường lớp kinh tế nào lại viết sách dạy buôn bán, đó cũng là một điều lạ lẫm. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi những lậpluận, phân tích và kiến thức trình bày trong đó rất sắc sảo, cụ thể khác với kiểu tư duy trừu tượng, xa thực tế và quan niệm cổ hủ của phần lớn tri thức khoa bảng thời đó...

Song còn một điều đáng làm ta ngạc nhiên hơn. Nếu chúng ta biết được hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của tác giả, chắc nhiều người trong chúng ta sẽ tự hỏi: nghị lực phi thường nào đã giúp một nhà cách mạng ở bước đường cùng hoàn thành những cuốn sách qúy giá này? Trước đòn đánh ác liệt của thực dân Pháp nhằm vô hiệu hóa cả một hệ thống phong trào cách mạng trong và ngoài nước, Đông Kinh Nghĩa Thục bị tan rã, các lãnh tụ bị bắt hàng loạt, người bị tử hình, kẻ tù đày biệt xứ hay quản thúc tại chỗ. Riêng Cụ Lương còn chịu thêm nỗi đau đớn là những cái chết liên tiếp của 3 người con trai ưu tú: Lương Trúc Đàm, Cử Nhân trong ban sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, mất năm 1908 (29 tuổi); Lương Nghị Khanh, Tú tài, Đông du; mất năm 1916 (28 tuổi); Lương Ngọc Quyến, khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 (32 tuổi). Hai người con trai kế tiếp cũng mất vào mấy năm sau. Ở tuổi ngoại lục tuần, trước thất bại và nỗi đau lớn lao ấy - cái cảnh tre chưa tàn măng đã lụi hàng loạt - tưởng Cụ còn đâu hơi sức để tự vực dậy, đành buông trôi những tháng năm tàn vô vọng trên đất khách, làm thơ yếm thế, than vãn cho đất nước – Nào ngờ đâu ở con người điền đạm mà ý chí sắt đá ấy, ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt! Chưa rửa được nhục nước, Cụ đâu dễ ngồi yên. Nhìn lại con đường phục quốc bỏ dở dường như Cụ cũng thấy được một phần nguyên nhân thất bại: dân ta rất giàu lòng dũng cảm, nhưng đất nước ta lại quá nghèo! Và Cụ đã khẳng định để dân giàu nước mạnh không gì bằng thương mại. Trong lời tựa của “Thương Học Phương Châm” Cụ đã viết: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thê, ta há nên coi thương xem khinh sao được?”. Với một cái nhìn tổng hợp và khoa học về một nền thương học hoàn chỉnh. Cụ đã nêu lên những đề mục cơ bản: Tư bản (vốn đầu tư), Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Thương hiệu, Thương tiêu, Thương địa, Thương điểm, Bày hàng, Quảng cáo, Giao tế tiếp thị, Điều lệ nhà băng… quả là những điều mà các doanh nhân thời nay cần quán triệt.

Với đầu óc khoa học, Cụ đã phân tích nguyên nhân không phát triển của nền kinh tế và thương mại ở nước ta bằng cách nêu ra 10 điểm:

1. Không có thương phẩm

2. Không có thương hội

3. Không có tín thực

4. Không kiên tâm

5. Không có nghị lực

6. Không biết trọng nghề

7. Không có thương học

8. Kém đường giao thiệp

9. Không biết tiết kiệm

10. Khinh nội hóa

Quả là một cái nhìn vừa sâu sắc vừa bao quát của một nhà kinh tế học, ít ai ngờ được ở một nhà nho thời bấy giờ. Và cũng thật nực cười khi xã hội ta thời đó xếp thương giới vào hàng thấp nhất trong tứ dân (sĩ, nông, công, thương) thì nhà Nho sĩ của ta lại đưa họ lên hàng đầu với sứ mạng nắm vận mệnh thịnh suy của đất nước, một quan niệm đổi đời tiến bộ ở thời phong kiến.

Nhưng làm giàu phải có đạo đức. Mới nghe qua tưởng là mâu thuẫn, vì nhiều người cho rằng làm giàu trên thương trường cần phải có mánh khóe, làm sao để thu lợi được nhiều. Thậm chí nhiều người còn khẳng định “Thật thà đừng ra buôn bán”. Ngay cả thời nay, cái câu “Khách hàng là Thượng đế” cũng chỉ là vì lợi ích cho mình – đạo đức giả. Nhưng đạo đức mà Cụ Lương muốn nêu lên ở đây là đạo đức thực – đó là một phần nội dung cơ bản của cuốn “Kim Cổ Cách Ngôn”. Trong khi một số danh Nho có quan niệm xem thường tiền bạc của cải thì Cụ đã nhấn mạnh “Của cải là sự sống của con người, Chính vì vậy, khi dùng của cải phải xem nguồn gốc của nó có trong sáng, có hợp nghĩa không…” Và trong việc kinh doanh Cụ đã nêu lên phương châm “Kinh doanh phải hiểu nghĩa”… “Bí quyết thành công của nhà kinh doanh là trung thực – nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, không vì lợi ích mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm… Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đây cũng là phép thuật kinh doanh vậy!...

Vì sao nhà Nho sĩ của chúng ta có được những kiến thức về kinh doanh uyên bác này? Thực ra kế hoạch “Chấn Hưng Công Thương” cũng là một phần của Đông Kinh Nghĩa Thục (xem Đông Kinh Nghĩa Thục của Nguyễn Hiến Lê – NXB Lá Bối 1968). Nhưng việc thực hiện trong nước do các nhà Nho tâp sự cùng các thương gia yêu nước chưa đi đến đâu thì Đông Kinh Nghĩa Thục đã bị đóng cửa. Thế là trong những ngày tưởng là vô vọng trên đất khách ấy trong khi các lãnh tu khác đã bó tay bỏ cuộc thì bất chấp tuổi già sức yếu, Cụ đã quyết định bắt tay vào một giai đoạn mới của con đường phục quốc còn dài. Ngay từ những ngày đầu ở Nam Vang, Cụ đã sai gia nhân đi nghiên cứu thị trường rồi kín đáo liên hệ với các thương gia trong nước. Chẳng bao lâu với sự trợ giúp của Cụ bà tức Bà Cử Can ở Hà Nội, một người có tiếng đảm đang trong thương doanh từng cống hiến tài sản cho cách mạng, Cụ đã thiết lập được một đường dây thương mại bí mật xuyên Việt Miên. Theo bà Lương Thị Trác, cháu nội Cụ Lương kể lại, các đơn đặt hàng thời ấy đều được gửi đi dưới dạng những bức điện tín bằng tiếng lóng. Từ mặt hàng - thượng vàng hạ cám - cho đến giá cả số lượng đều được ký hiệu bằng những tiếng lóng. Các thương gia ở Hà Nội nhận được đều phải mang đến cho Cụ Bà giải mã. Và ở Sài Gòn cũng một đường dây tương tự. Sau đây người viết xin trích sao (photo) một phần bài viết của một thương gia ở Sài Gòn đăng trên Đông Pháp Thời báo (do Trần Huy Liệu làm chủ bút) để đọc giả thấy được việc làm của Cụ cùng lòng yêu nước nồng nhiệt của các thương gia thời bấy giờ.

Đến đây hẳn không ai còn ngạc nhiên khi một trí thức khoa bảng từng lãnh đạo một phong trào cách mạng lớn, thất bại trong đấu tranh, trở về già lại viết nên những cuốn sách dạy làm thương mại đầy kinh nghiệm và kiến thức uyên thâm. Âu cũng bởi ở con người Chí sĩ kiên cường ấy, dù trong thất bại đắng cay vẫn nấu nung niềm khao khát không nguôi, sao cho non sông này sớm thoát khỏi cảnh tăm tối, để con cháu đời sau sẽ được sống tự do trên một đất nước giàu đẹp. Ước nguyện ấy của cụ ngày nay đã được con cháu thực hiện và đang vươn tới đỉnh cao.

Thế là sau ¾ thế kỷ ngủ yên, Cụ Lương Văn Can lại được đánh thức dậy để cùng thế hệ (chắt, chít) hôm nay bắt tay vào một cuộc chiến không kém phần cam go “cuộc chiến chống đói nghèo, đưa đất nước đi lên giàu đẹp”.

So với cuộc chiến chống thực dân Pháp năm xưa mà nhiều thế hệ đã phải trả bằng xương máu, cuộc chiến hôm nay bề ngoài tưởng chừng không có gì là gian nan khắc khổ, nhưng thực sự không kém phần hiểm nguy. Bởi “thương trường là chiến trường”, các “tướng lãnh” hàng đầu chỉ cần thiếu kinh nghiệm sơ suất một chút là có thể đi đến phá sản như chơi, sự nghiệp tiêu tùng, kéo theo cả một “đoàn quân thất trận” liểng xiểng điêu đứng!

Đã vậy, trong cuộc chiến hôm nay, giữa thời kinh tế mở cửa, kẻ địch luôn dễ dàng trà trộn vào hàng ngũ ta để phá hoại, và khi chúng được phát hiện thì đã quá muộn. Chúng không những làm nghèo đất nước mà còn gây những tổn thương tinh thần, làm mất niềm tin của nhân dân.

May thay, bên cạnh những mặt tiêu cực tác hại nói trên người ta đã thấy xuất hiện những điển hình doanh nhân trẻ tài ba, làm giàu cho đất nước bằng những sáng kiến độc đáo, với lòng nhiệt thành trong sáng, với khát vọng đưa đất nước lên vị trí sánh vai cùng cường quốc năm châu. Họ xứng đáng được nhà Nước nâng đỡ, đề cao và phong tặng những danh hiệu cao quý để nêu gương sáng trong giới doanh thương cùng cả nước. Một điều đáng phấn khởi cho giới doanh nhân trẻ cũng như cả nước là Hội Doanh Nghiệp Trẻ TP.HCM từ nhiều năm nay vẫn duy trì hoạt động, kết nạp thêm nhiều thành viên và hàng năm được nhận những giải thưởng “Nhà Doanh Nghiệp Trẻ Xuất Sắc” do Nhà Nước trao tặng.

Dù sao, một đường lối tư tưởng đứng đắn, một đạo làm giàu chân chính và lòng yêu nước thiết tha sẽ là kim chỉ nam cần thiết cho những “chiến sĩ” đang xông pha ngoài trận tuyến đưa đất nước đi lên giàu đẹp. Còn nhớ gần đây, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã nêu lên những điểm ưu việt của 2 cuốn sách “Kim Cổ cách Ngôn” và “Thương Học Phương Châm” trong bài viết “Đạo làm giàu của doanh nhân” mà ông cho rằng rất cần thiết cho giai đoạn hiện nay của đất nước (Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp ngày 19-4-2001).

Nên chăng “Kim Cổ Cách Ngôn” và “Thương Học Phương Châm” sẽ được in ra và phổ biến rộng rãi để mọi người quan tâm đến nền kinh tế đất nước, nhất là các sinh viên trường Đại Học Kinh Tế, Cao Đẳng Thương Mại và các nhà doanh nghiệp trẻ cùng ôn cố tri tân?

THÙY ANH

Tháng 5/2007

------

VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ MỘT CUỐN SÁCH
ĐÔNG DƯƠNG RẤT HAY VÀ QUÝ

Cuốn sách tôi muốn giới thiệu với các bạn hôm nay là cuốn: “SÁCH TẬP ĐỌC SỬ DỤNG CÁC TRÍCH ĐOẠN TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG CỦA CÁC TÁC GIẢ NGƯỜI PHÁP THUỘC ĐỊA” của hai tác giả Eugene PUJARNISCLE và DƯƠNG QUẢNG HÀM, cả hai đều là các giáo sư dạy ở trường Trung Học Bảo Hộ ở Hà Nội. Sách này được in ở Hà Nội năm 1929 và ấn bản mà tôi có là ấn bản in lần thứ nhất.

Tôi cảm thấy là mình là người có duyên với sách cổ, sách quý vì chúng thường tìm đến tôi qua nhiều tình huống rất tình cờ, rất may và rất lạ.

Một buổi sáng tháng Sáu năm 2005, tôi đang đứng ở một cửa hàng sách cũ trên đường Điện Biên Phủ và đang giở xem mấy chồng báo cũ thì thấy một cô hàng bán sách cũ đạp xe đạp tới mang theo một bao sách cũ. Cô hàng mở bao sách cho anh chủ tiệm sách chọn sách. Tôi đứng nguyên ở chỗ cũ không tiến lại gần vì không muốn can thiệp vào sự lựa chọn của anh chủ tiệm. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng cô hàng nói: “Sao không lấy cuốn này hở anh?”. “Ôi sách tiếng Tây, ma nó mua!” Thấy anh chủ tiệm sách trả lời như vậy, tôi liếc mắt nhìn ra và mừng húm khi thấy cuốn sách anh ta vứt ra. Tôi liền bỏ chồng báo cũ và đi ra dứng quanh quẩn gần đó để chờ cô hàng đi trở ra. Tôi chặn cô lại và xin mua cuốn sách bằng tiếng Pháp mà anh chủ tiệm chê. Cô lấy ở trong bao ra đưa cho tôi và nói: “Bác cho em năm ngàn.” Tôi rút ở túi áo ra một tờ giấy 20.000, đưa cho cô và nói: “Cuốn sách này rất quý 20.000 cũng là quá rẻ rồi, mong cô nhận đi.” Cô hàng nhìn tôi bằng ánh mắt đượm một chút nghi ngờ và nói: “Cháu nói năm ngàn thì bác cứ trả năm ngàn là đủ, cháu không nhận thêm đâu!” Thật là tuyệt vời, cô ta nghèo mà không tham, đáng là tấm gương sáng cho khối thằng giàu mà tham. Tôi cố năn nỉ: “Tại cô không biết tiếng Tây nên cô không hiểu rõ giá trị cuốn sách, tôi trả cô 20.000 cũng đã là quá rẻ rồi, nếu chỉ mua với giá 5.000 tôi sợ tôi có lỗi với sách!” Cô nói: “Từ ngày cháu đi bán sách cũ đến giờ, cháu chưa thấy ai kỳ như bác, nhưng thôi, bác đã nói vậy thì cháu nhận, cảm ơn bác nhé.” Nói rồi cô nhận tờ giấy 20.000 và đạp xe đi ngay.

Cầm cuốn sách trong tay tôi cảm thấy cực kỳ khoan khoái và tự nhủ: “Sáng nay ra ngõ gặp trai, gặp may đơn, may kép. May đơn vì gặp môt người con gái xinh đẹp, chăm chỉ, lương thiện, không tham lam, thật đáng kính; may kép vì cũng gặp luôn được anh chủ tiệm sách “chê” tiếng tây, chứ nếu hắn không chê thì vào tay hắn, chắc chắn không phải là 20.000$ mà ít nhất cũng phải 50.000$, có khi còn hơn nữa không biết chừng!

Đây là một cuốn sách rất hay trong số trên dưới 1000 cuốn sách các tác giả tây thuộc địa đã viết về Đông Dương, trong đó Việt Nam ta là chủ yếu, hai nước Miên Lào chỉ là phần phụ. Cuốn sách khổ 14cm x 21cm và dày 264 trang, nó không những rất hay mà còn đặc biệt quý vì nó chứa đựng 111 trích đoạn lấy từ các tác phẩm của 48 nhà văn thuộc địa Pháp và 4 nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp vào thời điểm đó. Bốn người Việt Nam đã viết bằng tiếng Pháp vào thời kỳ đó là các Cụ Nguyễn Lê Bổng, Nguyễn Phan Long, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Nho. Và sau đây là mấy lý do chính yếu cho biết cuốn sách này quý ở những điểm nào? Trước hết là 111 trích đoạn đó được trích ra từ 48 tác phẩm của 48 nhà văn thuộc địa Pháp, là những tác phẩm mà số lượng in ra rất thấp, và qua thời gian dài dằng dặc từ lúc đó đến nay, đã hầu như bị thất lạc gần hết, HƠN NỮA CÁC TÁC PHẨM VÀ CÁC TÁC GIẢ ĐÓ LẠI KHÔNG ĐƯỢC VĂN GIỚI PHÁP COI TRỌNG, BẰNG CHỨNG LÀ ĐỐ AI TÌM ĐƯỢC MỘT TÁC GIẢ PHÁP THUỘC ĐỊA NÀO Ở TRONG BẤT CỨ BỘ TỰ ĐIỂN VĂN HỌC LỚN NÀO CỦA PHÁP. Tôi đã để tâm tìm kiếm ở bốn bộ tự điển văn học mới của Pháp và tuyệt đối không thấy những tên như Jeanne Leuba, Albert Viviès, Jean Marquet, J. Boissière, vv… Chỉ có một người duy nhất là P. Loti là được đưa vào tự điển vì Loti là một nhà văn rất lớn của Pháp.

Ngoài ra, 111 trích đoạn từ 48 tác phẩm của 48 tác giả đó ĐÃ CHO TA MỘT CÁI NHÌN TỔNG QUÁT VÀ MỘT Ý NIỆM VỀ NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA TRONG THỜI KỲ ĐẤT NƯỚC TA BỊ PHÁP ĐÔ HỘ, và điều đáng nói là phần lớn các tác phẩm đó đều NÓI TỐT về người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là những tác phẩm của Linh Mục Cadière thì thật là tuyệt vời vì vị Linh Mục này đã tự cho mình là một người đã được Việt Nam hóa khi ông viết tác phẩm nhan đề là “Những Ký Ức của một người đang Việt Nam hóa”.

Sách dày 265 trang và được chia làm 4 phần:

- Phần I mang tựa đề là XỨ SỞ (Le pays) gồm 5 chương: Chương A là những bài liên quan tới Nam kỳ (Cochinchine); Chương B là những bài về Cao Mên (Cambodge); Chương C nói về Annam tức là Trung kỳ; Chương D nói về Tonkin tức là Bắc kỳ; và chương E nói về Lào (Laos).

- Phần II mang tựa đề là Đền Đài (Monuments).

- Phần III mang tựa đề là ĐỜI SỐNG DÂN BẢN XỨ (La vie indigène)

- Phần IV mang tựa đề là SỰ NGHIỆP CỦA NGƯỜI PHÁP (Oeuvre française).

Vì sách được dùng làm sách Tập Đọc nên các trích đoạn được theo sau bởi phần Ghi chú-chú giải (Notes) và phần câu hỏi (Questionnaire) được chia làm 3 tiểu mục:

1/ Chi tiết (détail)

2/ Trước tác và ý tưởng (Composition et idées)

3/ Phê phán về mặt văn chương (Appréciation littéraire).

Các trích đoạn trong cuốn sách này, ngoài giá trị văn chương còn có giá trị tài liệu nữa, tóm lại ta có thể kết luận rằng đây là một trong những cuốn sách hay về Đông Dương.

Trích Hồi Ký 60 Năm Chơi Sách – Chương VI

Vũ Anh Tuấn

------

THẾ NÀO LÀ CÚNG DƯỜNG PHẬT?

Là người Phật Tử hẳn ai cũng đã từng Bố thí, Cúng Dường, xem đó như là một việc làm cần thiết nhằm tích phúc cho mình và con cháu. Có một số người khi cúng dường thường chọn đối tượng nào mà phước đức trả lại gấp trăm, gấp nghìn lần, bởi tội gì cùng một số vốn bỏ ra mà lại không tính nơi đầu tư để lúc nhận lại con số sẽ được nhân lên? Từ suy nghĩ đó, họ đã bỏn xẻn với người nghèo, thậm chí còn sẵn sàng bóc lột kẻ dưới tay, với người thân đôi khi cũng tính toán, mà lại sẵn sàng mang tài sản đi cúng chùa, độ tăng, vì thấy Phật dạy những nơi này là "ruộng phúc của bá tánh", người cúng dường sẽ được "phước đức vô lượng", thậm chí có người còn nhầm lẫn, tạo Phước Đức mà tưởng là Công Đức như trường hợp vua Lương Võ Đế ngày trước.

Nói về Cúng Dường, ta thấy Kinh Diệu Pháp Liên Hoa viết: Những người nghe pháp "cởi Y Báu để cúng Phật". Nàng Long Nữ nhờ “cúng dường hột châu báu có giá trị bằng cõi tam thiên” nên khi Phật nhận, nàng bèn thành Phật ngay lập tức! (tr.333).Vô số Phạm Thiên cũng "mang cung điện đến để xin Phật nạp thọ". Kinh Hoa Nghiêm trong Phổ Hiền Thập Nguyện cũng viết: "Rộng sắm đồ cúng dường". Kinh Duy Ma Cật thì Trưởng Giả Tử Thiện Đức cũng "mở chuỗi Anh Lạc giá trăm nghìn lượng vàng dâng lên cho Cư Sĩ Duy Ma Cật". Chính Đức Thích Ca cũng nói rằng mình đã từng: "Bố thí thành quách, lâu đài, kiệu cán, vợ con..."nên mới được thành Phật. Thậm chí trong Kinh còn mô tả có vị "đốt ngón tay, đốt thân" để cúng dường.

Và rồi, phải chăng với vô số đồ Cúng Dường đó mà Cõi Phật trong Kinh A Di Đà được mô tả: "Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng. Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng, bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành thềm, đường bốn bên ao, trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não..."?

Quả thật, liên kết những đoạn Kinh đó với nhau, ta thấy đây là một nghi vấn rất lớn làm cho những người tôn sùng Đạo Phật mấy cũng phải ngại ngùng, bối rối khi bị chất vấn, bởi cứ nhìn diễn tiến thì thấy rằng: Phật xúi mọi người XẢ của cải, nói rằng: "bố thí thì sẽ được phước đức vô lượng." Mà lời của Phật luôn là "lời nói chắc thật", làm cho nhiều người nghe thế sinh lòng Tham, xả vàng bạc, châu báu, nhà cửa... để Cúng Dường, rồi chính Ngài lại nhận hết để trang hoàng cho cõi nước của mình, nên Phật Quốc nhìn đâu cũng thấy đầy dẫy của báu như thế! Nếu sự thật như thế thì Đạo Phật chân chính ở chỗ nào? Nếu không thì phải hiểu ra sao?

Nếu chúng ta từng nghe câu: "Ly Kinh nhất tự, đồng ma thuyết. Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan", thì đây là một trong những trường hợp "Y Kinh giải nghĩa" điển hình làm oan cho Ba đời Phật! Thật vậy, ngày xưa, khi Phật còn tại thế, thậm chí muối còn không được để dư qua đêm, tức là chỉ xin vừa đủ độ nhật mà thôi. Đức Thích Ca còn mặc Y bằng vải liệm thây người chết mà thiên hạ vất đi. Tăng phường thì mặc y hoại sắc, đi chân trần. Ăn, thì đi khất thực để được cho gì thì ăn nấy, mục đích hạn chế sự thèm ăn và coi thực phẩm như thuốc để "nuôi cái thân chín lỗ" như lời kệ trong Kinh Đại Bát Niết Bàn:

"Ăn ít, biết đủ.

Như chim bay không.

Dấu không thể tìm".

Tài sản qúy nhất của người tu hành là cái Tâm Bồ Đề, không có tài sản vật chất, không tích lũy nên cuộc sống của các Ngài nhẹ nhàng như bài kệ được cho là của Đức Di Lạc:

"Bình bát cơm ngàn nhà.

Thân chơi muôn dặm xa.

Mắt xanh, xem người thế.

Mây trắng hỏi đường qua"

Kinh Kim Cang, viết về sinh hoạt trong một ngày của Đức Thích Ca: "Lúc đó, gần đến giờ ăn, đức Thế Tôn đắp y, cầm bát vào thành lớn Xá Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, Đức Phật theo thứ tự ghé từng nhà khất thực xong, trở về Tịnh xá, dùng cơm rồi cất y bát, sau khi rửa chân xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi". Rõ ràng Ngài và Tăng phường vẫn sống đơn sơ, thanh đạm, đâu có thấy kiệu xe, võng lộng, nói chi đến chất chứa vàng bạc?

Thật vậy, Đức Thích Ca đã bỏ hoàng cung là nơi có đầy đủ ngọc, ngà, châu báu, để chọn cuộc sống tu hành khắc khổ, lẽ nào khi đắc đạo lại quay ra thu gom của bá tánh? Vì vậy, để làm rõ pháp này có lẽ chúng ta cần tìm hiểu xem Phật là gì? "Nước Phật A Di Đà" đó ở đâu? Hình thành như thế nào ? Châu báu đó là những gì? Vì nếu không thì e rằng sự hiểu lầm sẽ kéo dài đến muôn đời, vì người đời sẽ cho rằng chỉ những người giàu có, dư thừa vàng bạc châu báu đem hiến cho Phật mới thành Phật được, những người nghèo lấy đâu ra châu báu để "cúng dường" thì có tu bao nhiêu kiếp cũng vô ích mà thôi!

Có lẽ mấu chốt cần làm sáng tỏ ở đây trước hết là từ PHẬT.

Như những bài trước đây đã trích dẫn lời Kinh, thì Phật là "tình trạng giải thoát", là hình ảnh tượng trưng của nhiều pháp lành tập hợp lại, mỗi pháp là một Tướng, gom đầy đủ thì thành ra một Thân Phật. Như vậy, Phật đâu có phải là một con người có thân thịt như chúng ta? Những tướng đó nhằm mô tả

Phụ Bản III

một người tu đã hoàn thành được "tánh giải thoát" ở trong Tâm của họ. Cái Tánh Giải Thoát được gọi là Phật đó, hoàn toàn Vô Tướng, phi vật chất, thì lấy gì để mà nhận của cúng dường, lấy nơi đâu để chất chứa? Chẳng lẽ nhận giấy tiền vàng bạc âm phủ không có bảo chứng của thiên hạ đốt cúng mà cho đó là của báu? Nhưng Phật là Vô Tướng thì ai là người đứng ra nhận? Do đó, muốn hiểu lời Phật thì chúng ta không được rời căn bản tu hành lúc nào cũng được lập đi lập lại trong Kinh: Tu Phật là "Tu Tâm". "Phật tại Tâm", "Tức Tâm tức Phật" để thấy rằng: Phật ở trong Tâm thì nước Phật đương nhiên phải ở trong Tâm chớ không thể ở chỗ khác, mà Nước Phật ở trong Tâm thì làm sao nhét của báu vật chất vô đó được?

Nhưng vì sao Cõi Phật A Di Đà lại được mô tả đầy dẫy châu báu như thế, mà Phật chỉ biết tu hành, đâu có kinh doanh, làm ăn, thì châu báu lấy ở đâu ra, nếu không phải là của bá tánh dâng cúng? Vậy thì châu báu đó là gì?

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật dạy: "Các Thiện nam tử! Kinh điển của đức Như Lai nói ra, đều vì độ thoát chúng sanh, hoặc nói thân mình, hoặc nói thân người, hoặc chỉ thân mình, hoặc chỉ thân người, hoặc chỉ việc mình, hoặc chỉ việc người, các lời nói đều thiệt chẳng dối". Nhưng chúng ta hãy thử đặt mình trong bối cảnh của Đức Thích Ca khi thành đạo cách đây 2.550 năm, mới thấy lúc đó hẳn là một phần do ngôn ngữ còn hạn chế, phần khác thì đây là một khám phá hoàn toàn mới của Ngài cho nên rất khó giải thích cho người khác hiểu, bởi những gì Ngài giảng nói đều thuộc phần vô tướng, ở tận sâu thẳm trong Tâm, không phải ở ngoài, không có hình tướng nên rất khó hình dung, khó diễn tả. Trong Kinh Lăng Nghiêm, ta thấy, bảy lần Phật giải thích cái Tâm thì Ngài Anan mới nhận ra. Về sau, cũng nhờ chư vị giác ngộ lần lượt tiếp tục khai sáng, ngôn ngữ cũng phong phú hơn, nên đến nay chúng ta mới có thể tiếp thu một cách tương đối dễ dàng phần nào nếu chịu khó tìm hiểu.

Nếu cứ "Y Ngữ" mà giải thích, thì Cõi Phật là một Nước nào đó ở tận Phương Đông, Phương Tây, còn nếu "Y Nghĩa", dựa vào căn bản tu hành, thì biết rằng Cõi Phật ở ngay chính trong Tâm của mỗi chúng ta. Phật, Bồ tát, Chúng Sinh, địa ngục, chư long thần, càn thát, dạ xoa, thuồng luồng, rồng, rắn, cá trạch v.v... đều là những hình ảnh tượng trưng cho những tư tưởng với những tình trạng: thanh tịnh, an lạc, hoặc có tính cách xấu xa, nhơ bẩn được Lục Tổ Huệ Năng đã giải thích thật rõ ràng trong Pháp Bảo Đàn Kinh:

"Lòng từ bi là Quan Âm, lòng Hỉ Xả tức là Thế Chí, lòng năng tịnh tức là Thích Ca. lòng bình trực tức là Di Đà.

Lòng nhơn ngã là núi Tu Di. Lòng tà vạy là nước biển. Lòng phiền não là sóng trào. Lòng độc hại là rồng dữ. lòng dối giả là quỉ thần. Lòng trần lao là cá trạch. Lòng Tham Sân là địa ngục. Lòng ngu si là súc sanh".(PBĐK tr.53).

Cũng chỉ một Cái Tâm của ta, mà trong đó đủ thứ cảnh tốt, xấu liên miên dấy lên, không khác gì một quốc gia trong đó có những công dân tốt mà cũng có những phần tử bất hảo luôn gây rối loạn. Nhưng Tâm có thanh tịnh thì Phật mới xuất hiện. Muốn thấy Phật Quốc thì Tâm phải thanh tịnh. Kinh Duy Ma Cật viết: Bồ Tát nếu muốn làm cho cõi Phật thanh tịnh nên làm cho Tâm thanh tịnh. Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà nước Phật thanh tịnh". Và cái làm cho nước Phật không thanh tịnh chính là những thành phần bất hảo mà Phật gọi là "Chúng Sinh". Đó là những phiền não, những Tham, Sân, Si, lục dục, thất tình, và những khởi tâm độc ác, đố kỵ, kiêu mạn... Vì thế, công năng tu hành chính là hoá giải hay là giáo hoá những phần tử đó, được gọi cách khác là "điều phục chúng sinh", "cứu độ chúng sinh", hoặc "chuyển hoá cái Tâm". Người nào làm cho cái Tâm trở lại với tình trạng an ổn, thì Phật Quốc của người đó sẽ hiện ra. Lục Tổ dạy:

"Chư Thiện tri thức. Thường làm mười điều thiện thì Thiên Đường liền đến. Dứt lòng Nhơn ngã thì núi Tu Di sập ngay. Bỏ lòng tà vạy thì nước biển khô cạn. Trừ lòng phiền não thì sóng lặng êm. Quên lòng độc hại thì rồng dữ ắt tuyệt. Tu được như thế thì cái giác tánh Như Lai ở trong tâm địa mình phóng đại quang minh, ngoài soi sáu cửa trong sạch, có thể phá được các cõi trời Lục dục thiên, trong soi tánh mình làm cho ba độc liền dứt, cả thảy địa ngục đồng tiêu một lần, trong ngoài sáng thấu chẳng khác gì cõi Tây Phương. Nếu chẳng tu các hạnh ấy thì thế nào đến cõi Tây Phương được".

Cõi Tây Phương, Địa Ngục, Niết Bàn... cũng ở trong Tâm, vì thế, con đường tu hành là bỏ hết những cái xấu, san bằng những gò nỗng, làm êm biển, sóng, tiêu diệt rồng dữ, rắn, rít… để cho cái tâm được thanh tịnh. Việc bỏ những cái xấu đó được gọi bằng một từ khác là BỐ THÍ hoặc XẢ.

Nếu chỉ nói đến Bố Thí thì ta liên tưởng ngay đến người cho, của cho, người nhận, nên có vẻ hơi khó hiểu. Nhưng có cách diễn tả khác, chính xác hơn, nhưng cùng ý nghĩa: Đó là XẢ CHẤP, ĐỂ ĐƯỢC THANH TỊNH. Cả hai việc đó đều được gọi là "CÚNG DƯỜNG PHẬT", tức là từ một tư tưởng đang đau khổ vì tham lam, sân hận, si mê... được gọi là Chúng Sinh. Nếu ta hoá giải được cho nó, tức là ta đã chuyển nó từ địa vị một Chúng Sinh sang địa vị Phật. Như thế tức là ta đã "cúng dường một vị Phật". Từng sát na trong ngày rồi cả một đời, có biết bao nhiêu điều phiền não, vì thế mỗi người đều có thể "cúng dường hằng hà sa số Phật", để cuối cùng được thanh tịnh, an lạc, Giải Thoát hay được Thành Phật. Việc XẢ này gọi là tạo Công Đức, vì nhờ đó người làm sẽ thành tựu Quả giải Thoát hay còn gọi là Thành Phật.

Giả sử ta không chấp nhận lý lẽ này, cứ "Y Kinh giải nghĩa", đi tìm Phật ngoài để cúng dường, mà Phật xuất thế "hiếm hoi như hoa ưu đàm", như lời Kinh nói: "Khó gặp Phật ra đời. Khó sinh được cùng thời với Phật", thì Phật ở đâu ra để ta cúng dường như phẩm Thọ Ký trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: "Ông ở đời vị lai sẽ cúng dường ba trăm muôn ức Đức Phật"?

Việc không cúng dường Phật ngoài, chỉ cúng dường Phật của mình, được viết rõ trong Kinh Diệu pháp Liên Hoa:

Lại thấy những Trời, người,

Rồng, thần, chúng Dạ Xoa,

Càn thát, Khẩn na la,

Đều cúng dường Phật mình,

Trời, người, rồng, thần... cũng "Cúng dường Phật mình". Phật của Mình tức là Con đường Giải Thoát mà mình đang hành dụng. Ngôn ngữ trong Kinh dù được dịch từ tiếng Ấn sang tiếng Tàu rồi từ tiếng Tàu sang tiếng Việt cũng đâu có nhầm lẫn giữa Phật của mình và tượng do chính mình tạc hay đúc ra? Nhưng đời nào tới đời nào hình như nhiều người vẫn tiếp tục hiểu nhầm, cho nên trong Góp Nhặt Cát Đá có kể chuyện: có một sư cô đúc được một tượng Phật bằng vàng, đi đâu cô cũng mang theo, rồi ngày mấy thời thắp hương cho tượng Phật. Nhưng vì không muốn các tượng gần bên hưởng lây, nên cô đã dùng cái phễu để hương chỉ đưa lên mũi của tượng mình mà thôi, báo hại tượng Phật bằng vàng của cô lại có cái mũi đen thui!

Nhưng Phật của mình nếu là những tình trạng an ổn, thanh tịnh, nhờ xả những Thương, Ghét trong Tâm chính mình thì cúng châu báu cho Phật đó bằng cách nào? Và cúng dường Phật của mình chẳng lẽ để hương hoa châu báu trước mặt rồi tự đốt lên để thưởng thức?

Hương, Hoa cúng Phật đã được Tổ Đạt Ma giải thích:

"Còn việc đốt hương ấy, nào phải hương của hình tướng thế gian, mà chính là hương của pháp vô vi vậy, xông lên các thứ dơ xấu khiến cho nghiệp dữ vô minh thảy đều tiêu mất.

Hương chánh pháp ấy kể năm thứ:

Một là Hương Giới. Gọi thế vì nó có thể dứt mọi điều dữ, tu mọi điều lành.

Hai là Hương Định: gọi thế vì nó tin sâu phép đại thừa, lòng không chùng nản.

Ba là Hương Huệ : Gọi thế vì lúc nào ở bên trong cũng tự tâm quán xét.

Bốn là hương Giải Thoát: gọi thế vì nó có thể dứt hết tất cả mê mờ trói buộc.

Năm là Hương Giải Thoát tri kiến: gọi thế vì lúc nào cũng quán chiếu sáng soi, suốt thông không ngại.

Đó là năm thứ hương, gọi là hương tối thượng, thế gian không gì sánh được.

Khi còn tại thế, Phật khiến các đệ tử lấy lửa trí huệ đốt thứ hương báu vô giá ấy để dưng cúng chư Phật mười phương. Chúng sanh ngày nay không rõ nghĩa chân thực của Như Lai, chỉ đốt lửa ngoài, đốt gỗ trầm của thế tục, xông thứ hương vật chất lên mong phước báu thánh thì sao được ru ? (SCVĐTT)

Việc "Cúng Dường châu báu" cho Phật được hiểu như sau:

Phải chăng "Châu báu" là những gì ta yêu quý, luôn đeo giữ bên mình không rời xa? Mỗi người có Ba món độc là Tham Sân Si mà từ muôn kiếp đến giờ vẫn tiếp tục ôm giữ không rời, do đó Phật ví như là đồ châu báu! Tâm phàm vơi những cố chấp mà ta cứ kiên trì bám lấy, sống chết với nó thì Phật gọi đó là "Cung Điện". Cho nên "Hiến Châu báu cho Phật" chính là Xả bỏ Ba thứ Tham, Sân và Si, được xem là hiến "Viên Châu có giá trị bằng cõi tam Thiên".Vì thế, khi Long Nữ xả cái Tâm Ba Độc, thì nàng lập tức được Giải Thoát ngay. Đó là ý nghĩa của "Phật nhận viên châu, nàng liền thành Phật".

Các vị Phạm Thiên "hiến Cung Điện" tức là các Ngài rời bỏ những Kiến Chấp đã ôm giữ bao đời. "Chuỗi Anh lạc", "Y báu" mà mọi người cởi ra để dâng Phật, hoặc "đốt ngón tay, đốt thân để cúng dường"...cũng trong nghĩa XẢ những cái CHẤP nơi Thân, Tâm mà thôi, vì khi đốt thân, các ngài đã "dùng sức nguyện thần thông" mà đốt (DPLH tr. 489), không phải đốt bằng lửa thế gian! Vì thế, việc "Y Kinh giải nghĩa" không chỉ làm oan cho Phật, mà còn làm cho nhiều người thiệt thòi!

Có BẢY MÓN BÁU mà mọi người bất luận giàu hay nghèo đều có để cúng dường cho Phật. Kinh Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận giải thích về BẢY BÁU Bố thí như sau:

Chẳng Tham là Bố Thí.

Mắt không tham sắc tốt đẹp là SẮC BÁU BỐ THÍ.

Mũi chẳng tham ngửi mùi hương tuyệt diệu là HƯƠNG BÁU BỐ THÍ.

LƯỞI chẳng tham mỹ vị thượng hảo đó là VỊ BÁU BỐ THÍ.

Thân chẳng tham mặc áo quần lụa là tốt đẹp Đó là XÚC BÁU BỐ THÍ.

Ý chẳng tham danh lợi, ân ái, đó là PHÁP BÁU BỐ THÍ.

TÁNH chẳng tham dục lạc thế gian đó là PHẬT BÁU BỐ THÍ.

Nếu người nào hay ngộ được trong thân mình có đủ BẢY BÁU BỐ THÍ ấy sẽ được phước đức lớn hơn phước đức đem bảy báu trên thế gian này mà bố thí: như vàng bạc, trân châu, mã não, san hô, hổ phách.. mà bố thí ngàn muôn phần cũng không thể nào so sánh với sự bố thí bảy báu trong thân muôn một."

Chính thành quả của Bố Thí đó làm thành Nước Phật, nên Nước Phật được Phật mô tả bằng toàn châu báu là như thế. Thật ra, nếu ta có châu báu hữu vi, muốn cúng cho Phật ngoài cũng không thể làm được, vì Phật là tình trạng giải thoát ở nơi tâm của mỗi người, thì ta cúng cách nào? Nếu nhờ người trung gian chuyển thì họ sẽ chuyển cách nào? Họ sẽ tìm Phật ở đâu để giao? Chính vì vậy Tổ Đạt Ma dạy trong Sáu Cửa vào Động Thiếu Thất:

Chúng sanh điên đảo không biết tự tâm là Phật cứ hướng ngoại mà gìn giữ cầu cạnh, suốt ngày lăng xăng niệm Phật lạy Phật. Phật tại nơi đâu? Đừng nên có những lối thấy ấy.

Chỉ cần biết tự tâm. ngoài tâm rốt không có Phật nào khác.

Kinh nói: Phàm cái gì có tướng đều là dối trá. Lại nói: Chính tại nơi đây mới có Phật. Tự tâm là Phật. Đừng nên mang Phật ra lễ Phật như vậy".

Kinh dạy ta nên BỐ THÍ BA LA MẬT tức là BỐ THÍ mà qua được bờ bên kia, đó là Xả những thứ mà Tâm ta đeo bám để được giải thoát. Cái Giải Thoát này giá trị còn hơn bao nhiêu lần của cải vật chất cho nên gọi là cái Quả nhận lại gắp trăm nghìn lần. Còn bố thí tiền bạc, ngọc ngà, châu báu, tài sản.. để mong cầu quả Phật, thì Lục Tổ cũng dạy: "Đạo nào do thí bạc mà thành". Muốn Bố Thí mà được gọi là Pháp Thí thì Kinh Duy Ma Cật dạy: "Nếu người thí chủ dùng tâm bình đẳng thí cho một người ăn xin rất hèn hạ xem cũng như tướng phước điền của Như Lai, không phân biệt, lòng đại bi bình đẳng, không cầu quả báu, đó gọi là đầy đủ pháp thí vậy".

Nhân nào, Quả đó. XẢ những chấp nhất, si mê thì mới được nhẹ nhàng, sáng suốt, thanh tịnh. Cái sáng suốt, thanh tịnh, an ổn gọi là Quả Phật. XẢ, là nghĩa của "Bố Thí tam luân không" tức là không có người cho, không có của cho, không có người nhận, bởi vì người bố thí là chính ta, của bố thí cũng của ta, người nhận cũng chính là ta, vì chính ta là người được hưởng thành quả của việc Bố Thí đó. Đó cũng là nghĩa thật sự của "Cúng Dường Phật", cũng là "Độ Sinh", hay gọi là "làm công đức", vì kết quả là thành tựu con đường giải Thoát hay Thành Phật. Còn nếu đem tiền bạc, của cải để cúng cho ai đó, thì cả ba thứ đều Có đầy đủ, không thể giải thích khác hơn được, và kết quả chỉ là phước đức hữu vi mà thôi. Tất nhiên, theo luật Nhân Quả, ai nhận thì nấy trả, không thể có việc người này nhận mà người kia phải trả!

Cho nên, nếu ta cứ "Y Kinh giải nghĩa" rồi làm theo đó, thì không những làm oan cho ba đời Phật mà ta cũng hao hụt tài sản một cách oan uổng, vì chắc chắn không thể nào có được phước đức vô lượng với cái tâm tính toán so đo khi bố thí. Về phần người tu, dù được xem là "ruộng phúc của bá tánh", nhưng Phật không hề khuyến khích đệ tử cứ vô tư nhận và hưởng của cúng thí mà không lo tu hành nghiêm chỉnh. Kinh Vị Tằng hữu Thuyết Nhân Duyên Phật dạy: "Thà cắt thịt mình dùng để nuôi miệng, không dùng tâm tà thọ của cúng thí. Khó lắm, khó lắm, cẩn thận, cẩn thận!" Trong Kinh có nêu trường hợp bốn tên Phiến Đề La khiêng kiệu, bị hành hạ đánh đập rất khổ sở được Phật giải thích là do kiếp trước họ đã lợi dụng hình tướng tu hành để lạm dụng của bá tánh, là tấm gương để người tu học hỏi vậy.

Tâm-Nguyện

(5/2007)

------

SÁCH HAY ở đâu trong BIỂN SÁCH

Ai cũng biết, trong thời đại ngày nay, không học thì “chết”. Quan trọng là tự học. Cốt lõi của tự học là đọc sách. Tuy nhiên, vấn đề là đọc sách gì, vì sao đọc, đọc cuốn nào trước, cuốn nào sau, cuốn nào tiếp theo? Đâu là sách hay trong biển sách mênh mông như hiện nay và làm sao phân biệt được giá trị thật giả của sách? Tại sao, đôi khi những quyển sách có giá trị lại vẫn nằm im lìm trên giá sách, bỏ mặc người đọc sách hờ hững đi lướt qua mà chẳng hề hay biết vừa để mất một người thầy, người bạn quý giá…? Có quá nhiều vấn đề, quá nhiều câu hỏi đặt ra khi chúng ta tìm đến “túi càn khôn của nhân loại” qua sách.

Đông đảo độc giả Việt Nam đang cần một kim chỉ nam cho việc định hướng những quyển sách cần đọc. Và ngay cả nhà xuất bản và những nhà làm sách, vốn dĩ rất am tường thị trường sách thế giới, đôi khi vẫn bị lúng túng khi phải chọn lựa giữa hàng triệu triệu tựa sách hấp dẫn để đưa về cho người Việt. Thêm nữa, dòng chảy của những tập sách có chứa đựng tinh hoa tri thức và văn hóa vào biển sách chung của thế giới vẫn còn lặng lẽ.

Trong bối cảnh như vậy, với vai trò của người làm công tác giáo dục, ngoài việc triển khai các trường đào tạo, cũng như tổ chức các hội nghị Quốc tế và công bố kết quả các dự án nghiên cứu của mình dưới dạng sách để dễ dàng phổ biến cho mọi người (mà bộ sách “Đạo kinh doanh Việt Nam và Thế Giới” do NXB Trẻ sắp ấn hành là ví dụ), một trong những công việc chủ đạo nữa của Tổ Hợp Giáo Dục PACE là: Tham gia lĩnh vực xuất bản với vai trò là “Người Giới Thiệu Sách”.

Với kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, Tổ Hợp Giáo Dục PACE sẽ thực hiện vai trò của “Người Giới Thiệu Sách” (mà không tham gia kinh doanh sách trên thị trường) thông qua việc tuyển chọn những cuốn sách hay của thế giới để giới thiệu về Việt Nam và tuyển chọn những cuốn sách hay của Việt Nam để giới thiệu ra thế giới.

Với tâm niệm “mỗi cuốn sách giới thiệu là một công trình tuyển chọn”, lần lượt, những cuốn sách đã được các chuyên gia của Tổ Hợp Giáo Dục PACE phối hợp với các tri thức hàng đầu (thuộc nhiều lĩnh vực) tuyển chọn trong hệ thống những cuốn sách có giá trị của Việt Nam cũng sẽ được tuyển chọn để giới thiệu ra các nước nhằm phục vụ đọc giả thế giới.

Đồng thời, nhiều quyển sách tuyển chọn cũng được Tổ Hợp Giáo Dục PACE sử dụng làm tài liệu tham khảo chính thức cho học viên các Trường, Viện và Trung tâm trực thuộc và sử dụng làm chủ đề chính cho các buổi thảo luận định kỳ trong các Câu Lạc Bộ Đọc Sách tại PACE (PACE’s BookClub).

Tổ Hợp Giáo Dục PACE không chỉ thực hiện việc giới thiệu sách trực tiếp trên các cuốn sách của NXB và Công ty Sách, trên các báo – đài, trong các trường học, hiệu sách. Câu Lạc Bộ đọc sách, ở các địa phương… mà còn giới thiệu sách trên website: www.sachhay.com và trên chuyên mục “Giới Thiệu Sách” / “Book Advisor” của website: www.pace.edu.vn (web giới thiệu sách sẽ ra mắt độc giả bắt đầu từ 02/9/2007).

Chúng tôi mong rằng, cùng PACE, độc giả sẽ giảm bớt được thời gian, công sức và chi phí trong quá trình tiếp cận và chọn lựa những cuốn sách cho riêng mình. Qua PACE, đọc giả người Việt trên khắp các vùng, miền sẽ có thêm kênh thông tin để chọn lựa được những quyển sách thật sự chứa đựng tinh hoa tri thức văn hóa của nhân loại (bao gồm cả những cuốn sách có chứa đựng những giá trị vượt không gian và thời gian), còn độc giả thế giới sẽ thêm cơ hội để tiếp cận cũng như tìm hiểu những tinh hoa tri thức và văn hóa của Việt Nam.

Khi tiếp cận được những cuốn sách quý, bạn đọc sẽ từng bước nâng cao “hàm lượng chất xám” của mình, đồng thời, sẽ góp phần phát triển “văn hóa đọc” cho xã hội và “nâng cao dân trí” cho quốc gia. Và khi đó, bạn đọc cũng tham gia vào công cuộc kiến tạo một “nền kinh tế tri thức” cho đất nước và đóng góp vào sự nghiệp đưa đất nước mình thành một quốc gia thịnh vượng và văn minh trong môi trường sống toàn cầu.

Văn Quảng

(Theo báo Tuổi Trẻ)

------

Cái NÔI của LỜI NÓI Việt

Mỗi từ của tiếng Việt là một tiếng (một âm tiết) có một nghĩa nhầt định.Mỗi TIẾNG như vậy có gốc từ một cái TRỨNG (âm tiết của từ “tiếng” và từ “trứng” này na ná nhau), trứng đã nở ra khỏi miệng như ra khỏi cái nôi thì cất lên thành tiếng, gọi là cất lời. LỜI là ý nghĩa của một tiếng,do kết quả của động tác NÓI của cái miệng. NÓI là phát âm ra tiếng, do nhờ hai động tác MẤP (tiếng NGẬM thuộc “ÂM”, tương ứng “0” - cặp môi đóng kín như khi phát âm số “không”) và MÁY (tiếng TOANG thuộc “DƯƠNG”, tương ứng “1” - cặp môi mở toang như khi phát âm số “một”) của cặp môi mà thành. Ghép lại thành câu thì ta có LỜI NÓI là “ý nghĩa của tiếng phát ra” và NÓI LỜI là “phát ra tiếng có ý nghĩa”. Cái miệng Việt chính là cái NÔI ÂM DƯƠNG của người Việt để sinh ra lời Việt, cái nôi sinh ra tiếng ấy gọi là NÔI KHÁI NIỆM.Viết chữ NÔI ra ta thấy nó là hình tròn của chữ Ô trong lòng có hai con NÒNG NỎC nằm xoay ngược đầu nhau, hai con ấy đều gọi bằng tên chung là “nòng nọc” nhưng chúng là hai con khác tính nhau, con NÒNG là cái (nên mới có “nòng súng đẻ ra nhiều viên đạn”), con NỌC là đực (nên mới có “heo nọc nhảy heo nái”). Phía trái chữ Ô là chữ N tức phía “negative” là phía âm, phía phải chữ Ô là chữ I tức phía “innegative” là phía dương. Rõ ràng chữ NÔI ấy là cái nôi khái niệm âm dương. Liên tưởng cái hình tròn trong lòng có hai con nòng nọc của biểu tượng âm dương ấy ta cũng còn thấy trên trống đồng Ngọc Lũ có tượng những đôi cóc đang trong tư thế giao hợp (để đẻ ra nhiều nòng nọc) là ước vọng phồn thực của cư dân văn minh lúa nước. Tiếng Việt đẻ ra từ trong nôi âm dương của người Việt nên ta gọi là tiếng mẹ đẻ.

Trong cái NÔI KHÁI NIỆM ấy mỗi TIẾNG có gốc như là một cái TRỨNG, do vận động trong NÔI mà hình thành hàng loạt TRỨNG ĐƠN (trứng một lòng đỏ - TIẾNG một âm tiết), những trứng đơn ấy do có âm tiết khác nhau tức là có tính đực tính cái tương đối với nhau nên hút nhau như dương với âm thành từng cặp dính nhau là những TRỨNG KÉP (trứng hai lòng đỏ - TIẾNG hai âm tiết). Đó là những từ trong ti ế ng Việt - từ đơn âm và từ song âm.

Ta hãy xét ví dụ một khái niệm “nói”. “NÓI” là tiếng hay dùng ngày nay chứ gốc xa xưa ban đầu của nó là “NA” (tiếng Nhật Bản đa âm tiết thì gọi nó là “haNAxư”, rụng mất âm tiết đầu và âm tiết cuối thì còn lại NA, cũng như từ “cá” trong tiếng Việt thì ở tiếng Nhật Bản là “xaCAna”, âm tiết CANA này còn trong tiếng Việt ở tên các cửa sông hay bãi cá như cửa CỜN, lạch QUÈN, C Ầ N giờ , CẦN thơ…). Cái trứng NA này trong NÔI VIỆT đã hình thành nên hàng loạt trứng đơn như sau: NA-NÁ - NÉ-NẺ-NẸ - NÍ-NỈ - NÔ-NỔ-NỞ - NƯC-NẮC-NẤC-NÁT-NẠT- NỌT-NÓT- NON-NỌN-NẶN-NĂN-NĂNG-NẶNG - NỊU-NÍU - NỊNH-NỰNG - NŨNG-NỦNG-NỤNG-NÚNG - NÓNG-NÓM-NỎM -NÁI-NÁY-NẨY-NÓI-NỜI - NẰNG-NẶC - NẮN-NỦ-NẠ-NỎ-NÍN đều “na ná một nòi” với nhau trong một khái niệm chung của NÔI KHÁI NIỆM LỚN là “nói” nhưng sắc thái của chúng thì muôn màu. Những TRỨNG ĐƠN sinh ra trong nôi này là những TIẾNG có âm tiết khác nhau, tức mỗi TRỨNG là Đực hoặc Cái tương đối với TR Ứ NG kia nên chúng có thể dính được với nhau từng đôi thành những TRỨNG hai lòng đỏ - từ song âm. Đó là: NÓI NĂNG (nói bằng nhiều cách), NĂNG NÓI (hay nói), NÓI NẲNG (nặng l ờ i), NÓI NỰNG ( dỗ dành), NĂN NÓI (nói biết lựa lời, đã bị rụng thành –ĂN NÓI), NĂN NỈ (nói kỳ kèo, NÓI NỎ (nói vu khống - nỏ mồm), NÓI NỊU (nói nhịu giọng), NÓI NÍU (nói líu lưỡi), NÓI NÁY (nói láy), NÓI NÁI (nói lái), NÓI NÓNG (nói lóng), NÓI NUNG (nói lung tung), NÓI NÚNG (nói lúng búng), NÓI NỔ (nói khoác lác), NÓI NẺ (nói nhằm chỗ yếu của người), NÓI NÉ (nói lảng tránh), NÓI NỌN (nói bắt chẹt - bắt nọn), NÓI NÁT (nói nhát doạ), NÓI NẠT (nói lạt -mỉa mai), NÓI NỌT (nói ngọt nhạt - giải thích cặn kẽ), NẠT NỘ (nói mắng doạ), NÓI NÉ (nói tránh lảng), NÓI NẤC (nói không ra lời), NÓI NỌNG (nói không ra tiếng), NÓI NỊU (nói ngọng nghịu), NỨC NỞ (nói trong tiếng khóc), NÓI NẶN (nói đặt điều), NỎ NẸ (nói nhỏ nhẹ), NỎ NẺ (nói thỏ thẻ), NẮC NỎM (nói khen), NÓI NÓM (nói hóm hỉnh), NŨNG NỊU (nói vòi vĩnh), NỊNH NỌT (nói ve vãn), NẮC NỞ (nói nhắc nhở), NÓI NÓT (nói hót lẻo ), NÓI NỎM (nói lõm bõm), NÓI NỦNG (nói lủng hủng - hỗn hào), NỈ NON (nói khóc than vãn), NA NÁ (nói giống nhau), NÓI NẺO (nói lẻo mép), NẮC NẺ (nói trong tiếng cười), NÓI NẨY (nói lẩy dỗi), NÍU NÔ (nói líu lô), NÓI NÉM (nói lém lỉnh), NẰNG NẶC (nói đòi cho bằng được), NẮN NỦ (nói nhắn nhủ), NỎ NÓI (không nói nữa) NÍN NÓI (không thèm nói).

NÍN (nghĩa là không nói) ngược hoàn toàn với NÓI. Lúc đầu nó cũng sinh trong NÔI của NÓI nhưng ở đầu tột cùng bên âm, sau NỎ NÓI là “út ít”, do bị con út giành mất chỗ bú, nó đã vọt ra ngoài nôi cũ để thành lập nôi mới là NÔI KHÁI NIỆM LỚN của “nín” như là một NÔI ÂM, tương đối với NÔI DƯƠNG là NÔI KHÁI NIỆM LỚN của “nói”. Trong đó NÍN lại đẻ ra nhiều TRỨNG như NỊN (nhịn), NẸM (nhẹm), NÉN, NÉP, NẰM… là muôn sắc thái của khái niệm “ngậm” (ÂM). NÔI ÂM (“nín”) ngược nghĩa với NÔI DƯƠNG (“nói”) nên nếu so hai nôi với nhau thì sẽ có được các cặp “từ kép” NGHỊCH NGHĨA TUYỆT ĐỐI (nhưĐực/Cái),mà một tiếng là từ nôi nọ, một tiếng là từ nôi kia như NÓI/NÍN, NÉM/ NẸM, NĂN/NẰM (từ này đã bị rụng thành ĂN/NẰM và được dùng với ngụ ý là “đực/cái với nhau” tức sinh hoạt tình dục chứ không phải là “vừa ăn cơm vừa nằm ngủ” như có người tưởng)…

NÔI KHÁI NIỆM nào trong tiếng Việt cũng bắt đầu bằng “tr ứ ng” KHÁI NIỆM ĐẦU như là “1” đến cuối nôi là “tr ứ ng” PHỦ ĐỊNH KHÁI NIỆM ĐẦU như là “0” hoặc ngược lại. Giống như một “bit” thông tin trong tin học có hàm chứa hai giá trị xác suất là “0” hoặc “1”. Tuy nhiên trong toán nhị phân của tin học sử dụng thì chỉ có hai con số nhị phân như hai giá trị cực đoan mà thôi, chúng chuyển đổi giá trị sang nhau bằng nhảy cóc, “0” nhảy cóc ngay thành “1” và “1” nhảy cóc ngay thành “0”. Còn trong NÔI KHÁI NIỆM của tiếng Việt thì tư KHÁI NIỆM ĐẦU đến PHỦ ĐỊNH KHÁI NIỆM ĐẦU là hai khái niệm cực đoan còn biết bao nhiêu khái niệm nữa do các TRỨNG ĐƠN và TRỨNG KÉP làm chi ly hoá khái niệm chung của NÔI. Giống như đờn bầu chỉ có một dây, khi gảy, ở cú rung đầu tiên đã thành hai, rồi còn rung ra bao nhiêu nữa. Do mỗi NÔI đều có một “trứng” PHỦ ĐỊNH KHÁI NIỆM ĐẦU nên trong tiếng Việt có vô vàn từ mang nghĩa là “không” (như: ỡm, ứ, bỏ, cóc, chăng, dóc, đếch, gột, hơi, không, láo, mất, nỏ, nhẵn, ngỏ, phét, quái, rỗng, sáo, toi, thìu, trống, vắng, xỏ …). Trong NÔI “nói” ở đây thì KHÁI NIỆM

Phụ Bản IV

ĐẦU là NA (tức LA – nghĩa là nói lớn tiếng) và PHỦ ĐỊNH KHÁI NIỆM ĐẦU là NỎ (không!) [NỎ là “không” trong tiếng vùng Bắc Trung Bộ này còn để lại trong tiếng Việt các từ BỎ (không còn), LỎ (không che “của quí”), NGỎ (không kín)…].

Trong tiếng Việt thì “n”, “l”, “nh” chuyển đổi được cho nhau nên mới có NÓI - LÓI, NỜI - LỜI - NHỜI, mà “nhời ăn tiếng nói” thì được coi là lịch sự nhất vì là tiếng của cư dân kinh thành Thăng Long.

“LỜI” lúc đầu mới chỉ là “NỜI” trong nôi của khái niệm “nói”, trong cái trứng hai lòng đỏ NÓI NỜI nó lớn lên dần dần, tính cái của nó càng khắc tính đực của “NÓI”, tức tiếng của có càng khác dần đi, xa dần tiếng của “NÓI”, nó muốn lớn để đi lấy chồng tức muốn mang gốc “l” của “lớn” thì nó phải rụng cái rốn tức cái gốc “n” đi (NỜI + L = LỜI). Mang gốc “l” của “lớn” để thành “LỜI” r ồ i, thì nó bị tách ra khỏi NÔI cũ ,cho đi ở riêng ngay. Nó thành lập NÔI KHÁI NIỆM LỚN của “lời” mà trong đó nó lại đẻ một đống trứng gốc “l”, diễn đạt muôn sắc thái của lời nói Việt (như LAU LÁU, LƯU LOÁT, LÀNG LẠC, LEO LẺO, LẮT LÉO, LẤC LÁO, LẢ LƠI, LÂM LI, LẤP LỬNG, LÉM LỈNH, LÍU LO, LÍ LA LÍ LẮC, LÍ LÁU, LƠ LỚ, LỎN LẺN, LU LOA, LẦM LÌ…). Mà nhìn vào một cái trứng hai lòng đỏ chẳng hạn như LẢ LƠI (nghĩa là lời ong bướm yêu đương) ta thấy rõ ngay “gen”của cụ tổ nó là NA (trong tiếng đực “LẢ”) và “gen”của mẹ nó là LỜI (trong tiếng cái “LƠI”-mà “lơi”thì hãy còn non hơn “lời”). Đúng là con mẹ LỜI này đã đẻ ra cặp song sinh, một trai là LẢ ,một gái là LƠI, trăm phần trăm con nhà chứ không phải con lai , vì chúng đã quấn quýt nhau từ khi còn là PHÔI ở trong BỌC NHÔI (hay “bào thai”). Đương nhiên cùng thời trong trứng hai lòng đỏ NÓI NỜI ấy thì “NÓI” cũng lớn dần lên, lớn lên thì “NÓI” tách ra đi lấy con gái họ “g” để thành GỌI (NÓI + G = GỌI), lập nôi riêng là NÔI KHÁI NIÊM LỚN “gọi” (trong đó sinh biết bao nhiêu trứng như GỌI, GÁY, GÙ GHÌ, GẦM GỪ, GÀO, GẠ GẪM, GẮT GỎNG…) rồi mà nó vẫn còn gọi nhớ em “NỜI” (!)

Lê Duy Dân

Trích từ “Qui luật nhị phân trong bọc trứng tiếng Việt” của Lê Duy Dân, số: 424/2003/QTG

------

SÁCH QUÝ CÓ NÊN CHO BẠN MƯỢN ?

Có lẽ cũng như đa số những người yêu sách, mỗi khi có được một cuốn sách hay, tôi sau mê đọc ngấu nghiến. Đọc xong, trong lòng thấy vui thích nhưng không biết chia sẻ cùng ai, muốn tìm một người bạn có thể hiểu được để cùng trao đổi bàn luận, hoặc mổ xẻ thêm vấn đề. Những phần nào mình chưa biết rõ mà bạn hiểu hơn - hoặc ngược lại - thì trao đổi bổ sung cho nhau vừa thú vị lại vừa lợi ích. Cách tốt nhất là đưa sách cho bạn mượn về xem rồi hôm nào gặp nhau sẽ trao đổi. Hoặc cũng có khi những vấn đề mình tâm đắc mà bạn chưa có dịp tham khảo thì khuyến khích bạn đọc và cho mượn sách, mong bạn khai thác dược những điều lợi ích mà có thể bạn đang cần.

Ở đây người viết chỉ xin nói đến những cuốn cuốn sách thông thường, khá xưa hay rất xưa, nhưng được tác giả sưu tầm, tổng hợp và lý giải. Sở dĩ người viết coi là sách quý vì nội dung khá đặc sắc và khó tìm được bản thứ hai. Không dám nói đến những sách quý hiếm thuộc loại “đồ cổ”.

Việc làm nói trên của những người yêu sách chỉ là bình thường và bổ ích. Thế nhưng tôi dám chắc ít ai không gặp phải những trường hợp không vui ngoài ý muốn, hay khó xử: sách cho mượn bị bạn để lâu quên trả hoặc làm thất lạc - Hoặc có khi bạn mang trả sớm nhưng cuốn sách không còn ở trạng thái như khi cho mượn mà bị hư hại, không phải chỉ ở bề ngoài.

Sau đây là vài trường hợp cụ thể tiêu biểu:

1. Sách có thành không.

Một sáng đẹp trời bạn tới chơi

Trà ngon, sách quý lấy ra mời

Này Thiền, này Thuốc, này Kinh Dịch…

Bạn thích cuốn nào cứ lấy coi.

Ra về hỏi bạn: “Mấy cuốn đây?”

- “Có một cuốn thôi - cuốn Thiền này”

- “Ừ, thôi xem hết rồi mang đến

Lấy nữa về coi nếu thấy hay”

Hôm sau gặp bạn hỏi: “Thế nào,

Cuốn sách đọc chưa, thấy ra sao?”

- “Sách nào? Đâu có, tôi chưa lấy.

Bạn về thử tìm lại xem sao.”

Thôi thế là bay cuốn sách Thiền

Sách mất không buồn phải là Tiên

Từ đó bạn thôi không đến nữa

Mất sách còn thêm mất bạn hiền!

Có lẽ bà bạn Phật tử này không phải là gian dối mà chỉ là lãng trí, sách mượn về chưa có thì giờ đọc, để trên bàn rồi người nhà trông thấy cái tựa hay hay lấy đọc rồi bỏ đâu hoặc cho ai mượn và quên đòi.

2. Sách không còn nguyên vẹn cả bên trong.

Một cú sốc làm tôi choáng váng khi nhận lại cuốn sách quý mà người mượn trang trọng mang trả đúng hẹn. Cuốn sách này tôi xin được từ một bà cô có chồng là một Cư sĩ Phật giáo sau khi ông mất ở tuổi 85, để lại một tủ Kinh sách lớn có sắp xếp theo từng danh mục. Mỗi lần bà đến chơi lại mang cho tôi mấy cuốn. Bà bảo: “Hôm nào chị đến, thích cuốn nào cứ lấy, còn lại tôi sẽ mang vào chùa biếu Thày để Thày đưa vào Thư viện”. Nhưng tôi chỉ dám xin những cuốn trong tầm khả năng nghiên cứu của mình. Sách khó, sách cao đọc không hiểu mà lấy về chưng e phải tội. Cuốn sách này không lớn, kích cỡ nhỏ gọn nhưng chỉ nhìn cái tựa hơi dài trên mặt bìa cũ kỹ, chắc chắn bất cứ ai, dù yêu khoa học hay tôn giáo, cũng tò mò muốn đọc cho được, bởi nó liên quan tới Đời và Đạo, Khoa học và Tâm linh, những vấn đề nổi cộm đang tác động đến đời sống và số phận của con người. Không những nội dung đã phong phú đặc sắc mà vị cư sĩ uyên thâm còn ghi thêm bằng bút mực những lời bàn luận thêm của mình vào những khoảng trống bên dưới và hai bên lề mỗi trang làm cho cuốn sách cũ kỹ càng đáng quý hơn - Đọc xong, trong lòng thấy hân hoan, chưa biết chia sẻ cùng ai thì một anh bạn cũ đến chơi. Liếc nhìn cuốn sách cũ mèm với cái tựa là lạ để trên bàn, anh tò mò cầm lên mở ra xem.

- Ở đâu mà chị có cuốn sách này thế?

- Sách quý đấy, xin ở tủ sách gia đình của một vị cư sĩ đã qua đời. Không phải sách lề đường đâu nhé.

- Xem xong cho mượn được không?

- Không được đâu. Con người làm khoa học như anh mà cũng thích mấy thứ vớ vẩn này à?

- Sao lại không?

- Thôi được, nhưng tôi chỉ cho anh mượn đúng một tuần thôi nhé. Mà anh làm ơn về lấy giấy nhật trình bao lại giùm, kẻo để cái tựa ngoài bìa khá hấp dẫn, ai thấy cũng tò mò muốn đọc, rồi họ lại mượn thì khó đòi.

Đúng một tuần lễ, anh mang trả, Nhưng thoạt nhìn cuốn sách thấy nhỏ gọn hẳn, tôi giật mình.

- Sao lại cắt nhỏ đi thế này?

- À, tiệm photo họ đóng lại xén gọn dùm. Sách gì mà te tua xộc xệch hết.

Tôi mở ra xem thì hỡi ơi! Những tờ bàn luận sâu sắc của vị cư sĩ viết ở rìa mỗi trang đã bị cắt xén dở dang. Bề ngang mỗi dòng mất 2-3 chữ, bề đứng mất 1-2 dòng, không còn đọc dược thành câu có nghĩa. Tôi choáng váng cả người. Biết làm sao lấy lại những chữ này đây khi người viết đã khuất bóng? Biết tìm ai để hỏi? Tôi năn nỉ tuyệt vọng:

- Anh làm ơn ra ngay tiệm photo lục tìm mớ giấy xén ra mang về đây xem có chắp lại được không.

- Đã 2-3 ngày rồi, không hy vọng còn đâu.

Mặc dầu biết lỗi này chỉ là vô tình nhưng tôi không khỏi buồn rầu và anh bạn chắc cũng không khỏi ân hận. Từ đó anh không đến nữa, cho đến nhiều năm sau mới gặp lại.

Kinh nghiệm đáng tiếc này tôi chỉ còn biết gửi gắm chia sẻ cùng Nàng Thơ.

Sách quý có nên cho bạn mượn?

Sách quý ai cho mượn dễ gì?

Bạn cần ta chẳng tiếc làm chi

Nỡ đem tháo gáy photo cọp

Xếp lại đóng bìa cắt xén đi

Bút tích người cho đều xén tuốt

Lời bàn học giả chẳng còn chi

Từ nay có hỏi đừng hòng nữa

Đến Tết ta đưa quyển thứ nhì!

Khi đưa bài thơ này bày tỏ cho các bạn xem, nhiều bạn đồng cảm họa lại, nhưng cũng có vài người không đồng tình họa lại trách tôi quá ích kỷ, quý sách hơn bạn. Bơi thế nên có bài sau đây để bày tỏ nguồn cơn:

Sách quý, bạn còn quý hơn

(bởi thế cho nên)

Từ rày quyết cột chỉ vào tay!

Sách quý đừng khoe, bạn mượn ngay

Từ chối người cho mình chẳng tốt

Nể lời ai cấm sách đừng bay

Sách còn bạn vẫn năng lui tới

Sách mất bạn thời lủi trốn ngay

Mất sách đã đành thêm mất bạn

Từ rày quyết cột chỉ vào tay!

Những sự việc trên đây xảy ra vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, khi đời sống và khoa học kỹ thuật còn khó khăn. Các tiệm photo rất ít, hầu hết các máy cũ, mực xấu in ra vừa mờ vừa lem luốc, lại đắt tiền, kỹ thuật đóng và cắt xén cũng vụng về. Nay thì văn minh tiến bộ hơn, các tiệm photo đầy rẫy, máy tốt phục vụ tốt nhanh chóng, nên có sách hay muốn chia sẻ cùng bạn ta chỉ cần mang photo tặng bạn dễ dàng, không phải băn khoăn như trước nữa.

Sách quý trao nhau đọc bạn ơi!

Tinh hoa đem phổ biến cho đời

Còn hơn cất kỹ vào tủ sách

Chữ nạm vàng son cũng rã rời!

Thùy Dương

------

CHIẾN DỊCH BẢO TỒN
SÁCH CỔ TRUNG QUỐC

Trước tình trạng một số sách cổ bị phá hoại ở mức độ khác nhau vì nguyên nhân loạn lạc, bị rách nát, xuống cấp, điều kiện bảo quản cũng tồn tại sự khác biệt khá lớn. Mới đây, chính phủ Trung Quốc chính thức khởi động chương trình điều tra sách cổ kéo dài 5 năm với mục tiêu tổng kết chính xác số lượng , giá trị của sách cổ, sau đó xuất bản mục lục sách, đào tạo nhân tài phục chế, triển khai công tác số hóa, để tăng cường toàn diện công tác bảo tồn sách cổ.

Theo chuyên gia dự đoán, Trung Quốc hiện có trên 30 triệu cuốn sách cổ (viết trên giấy, trên thanh tre và tơ lụa). Tuy nhiên, phạm vi điều tra lần này của Trung Quốc là các đầu sách viết bằng chữ Hán hoặc các chữ viết của các dân tộc thiểu số trước năm 1912. Các đầu sách này được cất giữ trong các thư viện, nhà bảo tàng…

Trong công tác điều tra, các cơ quan hữu quan Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn và yêu cầu cụ thể đối với việc xây dựng kho cất giữ sách cổ và công nghệ phục chế sách cổ. Theo một quan chức phụ trách công việc xây dựng thư viện của Bộ Văn Hóa Trung Quốc, những tiêu chuẩn này là nhằm mục đích cải thiện điều kiện cất giữ sách cổ. Trước đây, không có tiêu chuẩn và yêu cầu thống nhất, chênh lệch giữa nơi có điều kiện tốt và nơi kém rất lớn. Mặt khác, rất nhiều sách cổ đều có hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, ngoài hư hỏng tự nhiên công tác bảo tồn sách cổ còn đứng trước thách thức mới do ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Công tác phục chế cũng phải áp dụng biện pháp khoa học hơn, để sách cổ đưọc bảo tồn lâu dài.

Hiện nay, cả Trung Quốc chỉ có hơn 100 người làm công tác phục chế sách cổ, phần lớn những người này chưa được đào tạo chuyên môn một cách hệ thống, công nghệ phục chế chủ yếu được thừa kế theo hình thức truyền ghề, cơ cấu kiến thức và quan niệm phục chế của họ đều cần đổi mới. Vì vậy, trong khi tiến hành công tác điều tra, công tác tăng nhanh đào tạo nhân tài phục chế cũng được chú trọng. Thư Viện Quốc Gia Trung Quốc là cơ sở chính đào tạo nhân tài phục chế. Đây cũng là nơi cất giữ sách cổ nhiều nhất của Trung Quốc. Trung tâm bảo tồn sách cổ cấp Quốc gia, những năm qua đã phục chế xuất bản hàng loạt sách cổ quý hiếm, đồng thời đã tích lũy kinh nghiệm thành công về công tác số hóa.

Quan chức Bộ Văn Hóa Trung Quốc còn cho biết, mục tiêu của công tác điều tra sách cổ lần này là xây dựng mục lục chung về sách cổ, mục lục này chỉ thu thập đầy đủ các đầu sách được cất giữ trong nước, kể cả cất giữ trong cơ quan Quốc gia, tổ chức dân gian hay cá nhân. Đồng thời cũng phải thu thập các đầu sách cổ Trung Quốc được cất giữ ở Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan và ở nước ngoài. Hiện Chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân có cất giữ sách cổ đến cơ quan chỉ định đăng ký, phân loại. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường giám sát quản lý thị trường và hợp tác với những cơ quan, tổ chức quốc tế, tìm kiếm thu hồi các sách cổ bị thất lạc ở nước ngoài để những tài liệu ghi chép kiến thức cổ xưa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bùi Đẹp

(Theo China today)

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế