Hiện có 3 người xem / 2334856 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

MỘT SỐ CHI TIẾT CỦA CUỘC HỌP NGÀY 12/9/09
CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu hai cuốn sách 1 cũ, 1 mới. Cuốn sách cũ là một cuốn sách bằng tiếng Anh, xuất bản khoảng năm 1920, mang tựa đề là Tòa Cổ Tháp ở Luân Đôn (The London Tower) của tác giả người Anh tên là William Harrison Ainsworth (1805-1882) có bối cảnh là nước Anh hồi thế kỷ thứ 16. Cuốn tiểu thuyết này vừa là 1 cuốn tiểu thuyết lịch sử vừa là 1 chuyện tình mà hai nhân vật chính da phải trải qua không biết bao nhiêu tình huống khổ ải, hiểm nghèo, để mãi tới hồi kết mới đến được với nhau. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1840, bản được giới thiệu ngày hôm nay chỉ là bản in lại năm 1920, nhưng cũng rất đẹp và có bức minh họa nguyên trang vẽ bằng bút sắt, mang màu nâu nhạt (Sépia) rất đẹp.

Cuốn sách thứ nhì được giới thiệu là 1 cuốn thơ nhan đề là Đường Xuân, mà các tác giả Tâm Nguyện và Ngàn Phương là hai thành viên của CLB Sách Xưa & Nay. Sách là một tuyển tập khoảng 200 bài thơ rất dễ thương của hai nhà thơ nói trên, còn việc xét xem thơ hay đến đâu là việc của các độc giả, người viết xin không dám có ý kiến. Sau khi cuốn thơ được giới thiệu, các tác giả đã tặng mỗi thành viên một cuốn có chữ ký và triện son của cả hai nhà thơ.

Kế đó anh Vương Liêm, Phó Chủ Nhiệm CLB, đã làm một thuyết trình rất chi tiết, lý thú về Thiền Sư Vạn Hạnh trong gần 1 giờ đồng hồ. Bài nói của anh đã được các thành viên vui thích chia sẻ.

Ngay sau cuộc thuyết trình của anh Vương Liêm, Bs Nguyễn Lân Đính đã trình bày 5 cuốn sách nói về ẩm thực của các tác giả Thạch Lam, Trần Anh Kiệt, Băng Sơn, Vũ Bằng, Ngữ Yên.

Tiếp theo chị Ái Liên, Chủ Nhiệm CLB YOGA mang tên BS. Nguyễn Khắc Viện đã làm một cuộc biểu diễn nhằm mục đích chỉ cách cho các thành viên CLB Tập Thở Bụng cho đúng cách. Việc chỉ dẫn một cách cụ thể của chị Ái Liên đã được các thành viên vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh.

Kế đó nhà thơ Thùy Dương đã có một cuộc nói chuyện về Lễ Vu Lan và về bài thơ Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh của Đại Thi Hào Nguyễn Du.

Vào cuối buổi họp Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mời các thành viên để tâm theo dõi buổi phỏng vấn nhà thơ NGUYỄN BÍNH HỒNG CẦU, ái nữ nhà thơ NGUYỄN BÍNH trên kênh HTV7 vào trưa ngày hôm sau: CN 13/9/2009.

Riêng tại Nhà văn Hóa Lao Động sẽ có các buổi thuyết trình do các thành viên của CLB Sách Xưa & Nay trình bày:

Ngày 4/10: BS Nguyễn Lân Đính

Ngày 1/11: Bà Tâm Nguyện với đề tài: Một cái nhìn về Thiền trong đạo Phật.

Ngày 15/11: Nhà giáo Lê Hùng Dương với đề tài: Mẹ chồng và nàng dâu

Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày.

VŨ THƯ HỮU

CUỐN “1001 CUỐN SÁCH BẠN CẦN PHẢI ĐỌC TRƯỚC KHI ĐI XA”
(1001 BOOKS YOU MUST READ BEFORE YOU DIE), một cuốn sách tuyệt vời mà tôi vừa may mắn có được

Tối ngày thứ năm 24.9.09, tôi đi xe buýt để về nhà, không ngờ thay vì ngừng ở góc Hai Bà Trưng và Võ Thị Sáu, xe buýt lại ngừng ngay ở góc đường Hai Bà Trưng và Lý Chính Thắng khiến tôi phải xuống xe đi bộ. Khi đi ngang qua nhà sách Tân Định ở số 387-389 Hai Bà Trưng, thấy còn sớm, tôi nẩy ra ý định ghé xem nhà sách 3 tầng vĩ đại này. Tôi bước vào và ôi! thật khủng khiếp, trên là trời, dưới là sách, không biết cơ man nào là sách. Tôi dùng cầu thang cuốn để đi lên lầu 2 (tầng thứ 3) để xem sách ngoại văn vì tầng này dành cho sách ngoại văn. Nói ngoại văn tức là sách Anh, Pháp, Hán, Nhật, Đại Hàn, vv… nhưng chỉ có sách tiếng Anh là nhiều nhất, kế đó vẫn là sách Pháp tuy ít hơn nhiều, còn các thứ tiếng khác thì ít hơn. Tôi thấy đủ loại sách trinh thám, mạo hiểm, phiêu lưu, văn học, thơ, lịch sử, kiến trúc, vv... Tôi cầm xem một vài cuốn và xem giá tiền. Thật là khủng khiếp, một cuốn Harry Potter vớ vẩn, dày độ gần 300 trang mà giá tiền gần 200.000 đồng, một cuốn loại bỏ túi (Pocket book) cũng trên 150.000 đồng. Còn các sách về hội họa, du lịch khổ lớn thì 7, 8 trăm ngàn, một triệu là chuyện bình thường. Tôi có trong túi đúng 1 triệu nhưng tìm mãi chưa thấy cuốn nào thực sự thích thú. Tôi đã tính ra về, nhưng còn 1 vài kệ kê sát mé tường bên phải tôi chưa ghé xem. Linh tính như mách bảo tôi nên cố gắng ghé nốt biết đâu có gì hay hay. Tôi liền bỏ ý định ra về và đi về phía mấy kệ sách đó. Và, sự cố gắng của tôi đã được tưởng thưởng thích đáng, vì tôi đã “sáng mắt” lên khi thấy cái tựa của cuốn sách vừa đập mạnh vào mắt tôi. Cuốn sách in rất đẹp, dày khoảng 1000 trang, mang cái tựa đề vô cùng hấp dẫn là “1001 Cuốn Sách Bạn Cần Đọc Trước Khi Chết” tức là “Đi Xa” như bây giờ hay nói.

Cầm cuốn sách tôi lật ngay phía sau để xem giá vì tôi chắc mẩm là phải bạc triệu khi so với mấy cuốn Harry Potter vớ vẩn mà cũng 200.000đ. Nhưng thực là trời thương người yêu sách nghèo như tôi và giá tiền chỉ là 415.000đ. Tôi mừng húm và giở vội trang đầu để nhìn năm in: 2008. Ôi thật tuyệt vời, và tuyệt vời hơn cả là sách được minh họa bởi hàng ngàn hình ảnh vừa màu, vừa sepia, vừa đen trắng. Ngay ở dưới tên sách là niên đại, là thời kỳ sách ra đời, là những minh họa cho thấy hình bìa của sách vào lúc nó ra đời. Rồi, đã tuyệt vời lại tuyệt vời hơn khi dưới mỗi một trang 1001 tựa sách lại là 1 bài giới thiệu và 1 toát yếu cốt truyện của sách. Chỉ cần nhìn cuốn sách được trình bày 1 cách rất nghiêm túc, đẹp lộng lẫy, những người yêu sách như tôi cũng đã yên tâm đặt lòng tin vào những người làm sách. Tôi xem bên trong và thấy danh sách những người tham dự làm sách lên đến hơn 200 người.

Tôi vẫn thường nghĩ: “Sách quan trọng ở phẩm chất chứ không phải ở số lượng” và đây chính là 1 minh chứng quá ư là rõ ràng. Đây đích thị là 1 cuốn sách giá trị bằng 1001 cuốn sách khác. Các tác giả đã cho biết là họ đã bỏ rất nhiều công sức để lựa chọn trong hàng triệu triệu tác phẩm 1001 tác phẩm mà họ cho là giá trị nhất, tiêu biểu nhất, và lẽ cố nhiên là hay nhất của nhân loại. Các cuốn được lựa chính là các tác phẩm đã thực sự đi vào lòng mọi người (tôi nói mọi người là từ người bán kem cho tới anh triệu phú, từ người bán vải ở chợ cho tới các nhà đại trí thức, ai ai cũng thưởng thức được cả) và hơn nữa đã được sự thử thách của thời gian, đã vượt thời gian vì chỉ những thứ thật sự có chân giá trị mới tồn tại và còn lại với thời gian. Những thứ khác chỉ lóe lên bầu trời như 1 tia chớp rồi mãi mãi đi vào hư vô, chả còn ai thèm nhắc tới…

Tôi quyết định mua ngay và cảm thấy rất thích thú khi có được thứ mình yêu thích với giá tiền tương đối chịu được.

Trên đoạn đường ngắn đi về nhà, tôi đi như đi trên mây, lòng lâng lâng như đang được đi cạnh một người đẹp thân hình mảnh mai cao ráo, mẫu người đẹp mà tôi yêu thích nhất. Tôi mới chỉ dở lướt qua nhưng rất thích thú vì thấy những tựa sách tôi yêu quý nhất đều có mặt trong sách. Tôi sẽ để thì giờ nghiên cứu cuốn sách kỹ lưỡng hơn và sẽ chia sẻ với quý vị trong ngày gần đây. Ngay giờ này xin hãy chia sẻ cùng tôi một số hình ảnh đính kèm bài này.

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

Tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội
Quốc sư Vạn Hạnh
Nhà thiết kế khai sinh triều đại nhà Lý

Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội – Hà Nội năm 1971 khi nói về Triều Lý được thành lập đã cho biết, vào cuối đời Tiền Lê (Lê Hoàn tức Lê Đại Hành), vua Lê lúc đó là Lê Long Đĩnh tỏ ra là một người hung tàn, bạo ngược, không đủ tư cách và năng lực cầm đầu chính quyền. Những hành động dã man của nhà vua trong việc đàn áp nhân dân và ngược đãi các nhà sư cùng với đời sống hoang dâm trụy lạc của y làm cho lòng người vô cùng oán giận. Vì vậy, sau khi Lê Long Đĩnh chết (năm 1009) triều đình đưa một người thuộc dòng họ khác là Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra triều Lý (1009 – 1225) trong lúc ông đang giữ chức Điện tiền Chỉ huy sứ là chức võ tướng cao cấp chỉ huy quân hầu cận của triều đình nhà Lê. Ông là người có uy tín, tri thức và thế lực trong triều, đồng thời là người thân cận của giới Phật giáo. Vì vậy, các quan lại trong triều và một số nhà sư đã ủng hộ và suy tôn ông lên làm vua (tức Lý Thái Tổ).

Từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta khoảng giữa thế kỷ thứ II cho tới năm ấy, các tu sĩ Phật giáo mới chính thức can thiệp sâu vào việc triều chính. Các triều đại trước như Ngô, Đinh, Lê (Tiền Lê) vai trò của các nhà sư có phần nổi trội nhưng chưa tham gia vào các cuộc phế lập triều đại. Lên ngôi năm 968, tới năm 971 vua Đinh Tiên Hoàng mới định giai cấp cho tăng sĩ và ban chức Tăng Thống cho Ngô Chân Lưu của thiền phái Võ Ngôn Thông và cho ông hiệu Khuông Việt Thái sư (Khuông Việt có nghĩa giúp nước Việt), chính thức nhận Phật giáo làm nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho chính sự. Cũng chính trong thế kỷ này vua Lê Đại Hành mời thiền sư Pháp Thuận và thiền sư Vạn Hạnh của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi làm cố vấn chính sự. (Phật giáo sử luận, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1974).

Riêng thiền sư Vạn Hạnh mặc dù giúp nhà Tiền Lê nhưng khi thấy tình trạng tệ lậu của đất nước do Lê Long Đĩnh tạo ra, thiền sư đã không ngần ngại ủng hộ Lý Công Uẩn trong việc chấm dứt chế độ dã man này. Con vua Lê Đại Hành là Lê Long Việt lên ngôi mới được ba ngày thì bị anh là Lê Long Đĩnh giết chết. Thiền sư Vạn Hạnh thấy bất nhẫn nên đã ôm xác Long Việt mà khóc. Ông đã nhìn thấy nguy cơ của triều đình nhà Tiền Lê nên bắt đầu nghĩ tới việc đưa Lý Công Uẩn lên nắm chính quyền.

Trong lịch sử nước ta, việc thay đổi một triều đại thường diễn ra nội bộ triều đình giữa họ này vói họ kia, khởi đầu bởi cái cũ quá xấu bị cái mới tiến bộ hơn phủ định, thường do một lực lượng làm trung gian tạo thế đòn bẩy, hoặc do phe này kình chống phái kia để tranh quyền đoạt lợi và mưu toan tranh bá đồ vương. Triều Ngô, Đinh, Lê đang là bài học kinh nghiệm nóng hổi tạo tiền đề cho Lý thay Lê không khó do một lực lượng trung gian có uy tín, đã xét thấy cần thay cũ đổi mới. Đó là thế lực của các nhà sư đang ở thế thượng phong, được các vua tiên đế trọng dụng mà thiền sư Vạn Hạnh là đại biểu. Nhưng có nhiều lý do khiến cho thiền sư triều Lý tham dự vào chính sự. Theo lý giải của Nguyễn Lang, tác giả “Việt Nam Phật giáo sử luận” (Sđd) thì các nhà sư tham gia chính sự mà không tham dự chính quyền bởi vì họ không nhận chức vụ quyền lực trong nội các, khi cần chỉ tới giúp ý kiến rồi về chùa. Lý do thứ nhất, họ là những người có học – trí thức, có ý thức về quốc gia, dân tộc, sống gần gũi với quần chúng và biết được những khổ đau của người dân đang bị cai trị bằng chính sách hà khắc bóc lột. Lý do thứ hai, họ không có ý tranh giành ngôi báu, không cần quyền bính và địa vị ngoài đời nên được mọi người tin họ. Lý do thứ ba, họ không khuôn sáo thực hiện “trung quân” một chiều để cứng nhắc “bất cộng nhị quân”, họ biết sáng suốt thờ vua nào và từ chối ủng hộ vua nào để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Lý do thứ tư, nhà vua cần tới tri thức của họ về nhiều mặt để trị quốc bình thiên hạ.

Những điều trên đã cho thấy họ hơn hẳn các nhà Nho. Nhân tài, hiền tài thuộc về tầng lớp trí thức có được là nhờ vào nền giáo dục quốc gia huống chi ở nước ta thời ấy chưa có nền giáo dục đúng nghĩa như dưới triều nhà Lý, nhà Trần mà chỉ dựa vào các đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật, trong đó đạo Khổng thì chỉ thịnh vào triều đại phong kiến sau này.

Cho nên qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê và dưới thời Bắc thuộc về trước dân trí được mở mang chỉ dựa vào các đạo mà đạo Phật lại hưng thịnh vào triều Lý, còn thời trước đó, các đạo đều chưa giúp cho nền giáo dục của đất nước đào tạo người tài đức. Do đó, các tu sĩ Phật giáo được xã hội trọng vọng, trong đó có các vua thuộc các triều đại trước. Huống hồ, lớp tăng sĩ Phật giáo lại nổi trội trong triều đình về mặt tri thức và đạo đức, lễ nghĩa và chính vì thế mà lực lượng nòng cốt cho sự thay vua đổi triều là các thiền sư. Ở đây, còn có yếu tố Lý Công Uẩn là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Vân (hay Lý Tự Khanh) ở chùa Cổ Pháp, người vừa có học lại vừa có thân thế và quyền lực trong triều lúc bấy giờ. Đó còn là lý do khiến cho thiền sư Vạn Hạnh và các nhà sư thuộc cánh Phật giáo thời ấy ủng hộ cho sự thay đổi triều đại.

Mối quan hệ giữa thiền sư Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn là quan hệ tình thầy trò. Thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, không rõ tên, người làng Cổ Pháp, 21 tuổi xuất gia, thọ giới nơi Lục Tổ Thiền Ông rồi tu ở chùa Lục Tổ, làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, viên tịch năm 1018 (có tài liệu nói ông mất năm Thuận Thiên thứ 16 tức năm 1025) nhưng không rõ là thọ bao nhiêu tuổi (có tài liệu nói ông thọ 80 tuổi). Được biết ông thu nhận Lý Công Uẩn làm học trò vào năm Canh tuất 1010 lúc ông được 37 tuổi. Từ năm 982, ông được vua Lê Đại Hành trọng dụng để tham vấn về những việc lớn của đất nước như chống quân Tống, đánh Chiêm Thành (Champa). Ông tinh thông Tam giáo được nhân dân gọi theo pháp danh là Sư Vạn Hạnh. Sau khi lên ngôi vua Lý Thái Tổ trọng đãi phong ông là Quốc sư. Thiền sư Vạn Hạnh thọ giáo Phật pháp của phái Thiền tông dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tu và đắc đạo tại chùa Tiêu. Là người thông minh đĩnh ngộ, ông không chỉ tu luyện theo giáo lý nhà Phật mà còn nghiên cứu sâu rộng am hiểu thời thế, có kiến thức về khoa học xã hội, khoa quản trị nhà nước của đạo Khổng. Hàng ngày ông dạy dỗ Lý Công Uẩn và nhận ra học trò của mình có thiên tư thông minh nên hết lòng rèn luyện nên người tài đức. Kịp lúc Lê Long Đĩnh sát hại em rồi qua đời, ông liền ủng hộ và vận động triều đình suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi. Lúc đó, trong nhân dân lưu truyền bài sấm mà người ta cho là của thiền sư Vạn Hạnh làm ra để cho thấy họ Lý lên thay họ Lê là hợp lòng trời:

“Cội Lê trầm Bắc thủy

Lý tử thụ Nam thiên

Tứ phương can qua tĩnh

Bát biếu hạ bình an”.

Được dịch nghĩa:

Gốc Lê chìm biển Bắc

Chồi Lý mọc trời Nam

Bốn phương tan giáo mác

Tám cõi được bình an.

Đúng như lời thơ, năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua lấy niên hiệu Thuận Thiên (Tuân theo ý trời hay Hợp lòng trời). Thấm nhuần Phật học, trông rộng nhìn xa và khắc sâu lời giảng dạy của Quốc sư Vạn Hạnh, vua Lý Thái Tổ quyết định dời kinh đô Hoa Lư ra thành Đại La đang nằm ở vị trí có ưu thế hợp với thuyết phong thủy và có nhiều vượng khí về sau ngày càng phát triển xứng đáng với tầm vóc của một kinh đô Đại Việt. Trước đó, vua đã tự thảo ra tờ Chiếu để hỏi ý kiến quần thần và Quốc Sư. Được sự đồng tâm nhất trí của cả triều đình và của cả nhân dân trăm họ, chỉ một năm sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư vào mùa thu năm Canh Tuất (1010). Khi ra đến La Thành, vua cho là đã nhìn thấy rồng vàng hiện ra nên đổi tên thành Đại La ra thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội) mở đầu kỷ nguyên mới cho nước Đại Việt. Nội dung bài “Chiếu dời đô” được dịch ra tiếng Việt như sau:

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

Chắc chắn việc dời đô và tờ Chiếu đều có tham mưu của Quốc Sư Vạn Hạnh. Như thế, chúng ta có thể nói rằng nếu không có Thiền sư Vạn Hạnh thì không có Lý Công Uẩn và triều đại nhà Lý, nhất là chắc gì lại có thành Thăng Long. Đó là chưa kể việc Lý Công Uẩn từ chùa Cổ Pháp (Bắc Ninh) được thầy của mình đưa vào kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) để phụ trách công tác bảo vệ vua và triều đình nhà Tiền Lê. Ông thật sự là nhà kiến trúc tạo tác nên bước đầu đời nhà Lý và ban sơ cho Lý Công Uẩn trong cuộc sống và sự nghiệp vinh quang của dòng họ Lý và khai sáng nên kinh đô Thăng Long vào đầu thế kỷ 11 mà ngày nay trở thành thủ đô hòa bình của nước CHXHCN Việt Nam, tự hào đường h oà ng sánh vai cùng thế giới trong thời kỳ hội nhập của đầu thế kỷ 21. Để ghi nhớ công đức của Quốc sư Vạn Hạnh, nhân dân Bắc Ninh và các tín đổ Phật tử đã tạc tượng ông bằng đá đặt trên đỉnh núi cao. Vầng trán cao, sống mũi thẳng, vành môi nghiêm nghị cho thấy cả khối tượng Thiến sư Vạn Hạnh toát lên phong thái khoan thai, từ tốn mà uy nghi, trí tuệ, ái quốc và đầy tâm đạo.

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, nhà sư còn khuyên răn với lời lẽ cảm động: “ Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông như thế nào, thực là sự may mắn muôn năm mới gặp một lần”. Ngày rằm tháng năm, năm Thuận Thiên thứ 16 (1025) khi công hạnh đã viên mãn, thiền sư gọi môn đồ, Phật tử đang có mặt ở chùa tới để nghe bài kệ của ông rồi tịch. Sau lễ hỏa táng trang trọng, cả triều đình và đông đảo Phật tử, đồng bào xa gần đều dự lễ thỉnh xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Gần trăm năm sau, cảm mộ đức hạnh của Quốc sư, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ truy tán như sau:

V ạn Hạnh dong tam tế.

Chân phù cổ sấm ky.

Hương quan danh Cổ Pháp.

Trụ tích trấn Vương kỳ .

Dịch nghĩa:

Vạn Hạnh thông ba cõi.

Thật hợp lời sấm xưa.

Quê hương tên Cổ Pháp.

Chống gậy trấn kinh vua.

Nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu trong tập sách “Quốc sư Vạn Hạnh - vở kịch lịch sử 4 màn “in vào mùa Phật đản 2510-2511 đã nhận xét về thiền sư như sau: “Chúng tôi ước ao giới thiệu được một nhân vật kỳ tài của lịch sử Việt Nam, đã từng một tay làm lịch sử ở đầu thế kỷ XI, là Quốc sư Vạn Hạnh. Chúng tôi muốn nói rõ cái kỳ tài ấy là kỳ tài một nghìn năm về trước lịch sử đã đành không có, đến một nghìn năm về sau, sắp tính đủ, lịch sử cũng lại không có nổi một người thứ hai”.

Vương Liêm

(Tháng 9/2009)

Ghi nhận thêm:

Theo sử ta, Lý Công Uẩn là con vô thừa nhận. Cha nuôi là Lý Tự Khanh (Lý Khánh Vân) cho nên lấy họ Lý.

Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên còn chép chuyện hoang đường: mẹ Lý Công Uẩn có mang với thần nhân. Sách Việt sử lược chép khi lên ngôi, Lý Công Uẩn truy phong cho bố làm Hiển Thánh Vương, anh làm Vũ Uy Vương, em làm Dực Thánh Vương. Như vậy, Lý Công Uẩn không phải là không có cha.

Có thuyết nói Lý Công Uẩn gốc người Mân Việt, tổ tiên đã chạy sang nước ta sinh sống khi bị Tống lấy nước Mân năm 971. Không biết giả thiết này đúng không. Nhưng điều chắc chắn là đời Tống, người Tống nhận Lý gốc ở Mân. (theo Hoàng Xuân Hãn, 1949). (Quốc sư Vạn Hạnh, truyện kịch lịch sử của Lê Văn Siêu, Lá Bối – Sài Gòn 1967)

NHỮNG SUY NGHĨ VẨN VƠ
Lương tâm

Nói tới bộ phận này hay bộ phận kia theo cách khảo tả, là nói tới những vật hữu hình. Còn khi nói tới lương tâm thì chúng ta bước sang lãnh vực siêu hình rồi, nhưng vẫn phải nói dù chẳng ai thấy hình hài nó thế nào, mổ xác ra cũng không thấy nó nằm ở đâu. Nhưng có điều chắc 100% là nó vẫn hằng có mặt trong mỗi con người và đeo bám riết lấy con người đó cho tới khi trút hơi thở cuối cùng!

Lương tâm được định nghĩa là “nhận thức nội tâm của lẽ phải” – VD: lương tâm thầy thuốc; lương tâm cắn rứt (Đại Từ Điển Tiếng Việt, 1999). Lương tâm gắn liền với cái tôi và đồng thời với ngôi vị. Nhưng cũng như trí khôn, phải đến một độ tuổi nào đó khi thân thể đã hoàn chỉnh hơn, nó mới phát huy dần dần những hoạt động của nó. Bình thường xã hội ấn định 7 tuổi là bắt đầu có trí khôn, thì cũng bắt đầu có lương tâm. Trí khôn và lương tâm tương tác với nhau, có mặt bên nhau như hình với bóng. Có trí khôn thì mới có lương tâm, mất trí khôn (mất ở đây không phải đánh rơi đi đâu mà là không có khả năng duy trì, dùng trí khôn, dù vẫn có đấy) thì cũng mất lương tâm.

Chức năng của lương tâm: lương tâm đóng vai trò như một quan tòa trong ta. Xưa nay thiên hạ vẫn nói “tòa án lương tâm”: mỗi khi ta làm 1 điều tốt đẹp, lương tâm khen thưởng ta, cho ta một niềm vui khôn tả. Mỗi khi ta làm 1 điều xấu, không hợp lẽ phải, lương tâm trách cứ ta, tố cáo ta và phạt ta bằng một nỗi buồn dai dẳng “lương tâm cắn rứt”, sự ray rứt này có khi đeo bám ta suốt đời, mỗi lần nhớ lại thì lại là một lần đau đớn, ân hận trong lòng, cho tới khi “đền trả sòng phẳng” thì lương tâm mới yên.

Ai cũng cảm nhận rằng lương tâm là của mình, ở trong mình, nhưng dường như không hoàn toàn thuộc về mình mà thuộc về một ai khác, lương tâm như sứ giả của Đấng Tối Cao ở với mình, vì nó không a tòng, đồng phạm với mình trong những điều sai trái (dù ta luôn ép nó đồng tình với ta), cho nên đạo Công giáo thì tin rằng “lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta”.

Khoảng năm 1965 tại quận I, Sài Gòn xưa – Tp. Hồ Chí Minh ngày nay, xảy ra một vụ trọng án, báo chí đăng tải sôi nổi: Tô Văn Giàu, buôn bán kim cương với bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, 2 bên mua qua bán lại với nhau lâu năm, quen biết như người nhà. Một hôm bà Ánh Nguyệt mất tích, Tô Văn Giàu bị nghi có dính líu, cảnh sát khám nhà Tô Văn Giàu 3 lần không phát hiện dấu hiệu nào khả nghi, sau đó Giàu cũng sang Cao Mên qua ngã Gò Dầu – vụ án chìm một thời gian, sau đó con gái bà Nguyệt vẫn quả quyết xác mẹ cô vẫn còn ở nhà anh Giàu, cảnh sát khám kỹ lại và phát hiện bà bị đập vào đầu bằng một cây gỗ vuông, xác vùi bên hông hầm trú ẩn sâu 2m ở dưới nền nhà. Hầm này được xây cẩn thận và lót gạch bông như một bể tắm (hồi đó dân Sài Gòn hầu như nhà nào cũng phải có hầm tránh pháo kích). Lúc này Giàu đang ở Nam Vang nên cảnh sát không làm gì được, cuộc điều tra kể như chấm dứt thì bỗng đâu Tô Văn Giàu trở lại Việt Nam và đã tới đầu thú tại đồn cảnh sát quận I. Anh đã thú nhận tội giết người, cướp của (vì mẻ hột xoàn hôm ấy rất lớn), anh cũng cho biết lý do trở về là vì lương tâm cắn rứt, dằn vặt, đòi anh phải trả giá sòng phẳng. Cuối cùng trong trại biệt giam chờ ngày xét xử (cầm chắc án tử hình), Tô Văn Giàu đã xé quần áo làm giây treo cổ tự vẫn. Thế là vụ án được khép lại vì phạm nhân đã chết.

Câu chuyện này người viết theo dõi từ đầu tới cuối qua báo chí, ai cũng thắc mắc: nếu hắn ở luôn bên Cao Mên thì số tiền hắn mang qua cũng dư một đời sung túc, tại sao lại về đầu thú khi đã thoát vòng pháp luật? Thưa rằng dù thoát luật quốc gia nhưng không thoát luật lương tâm.

Một trường hợp nữa của lương tâm: “Lời xin lỗi sau hơn 3 thập niên” – Một nhân viên của Sở Giao thông Vận tải ở bang Utah (Mỹ) cho biết vừa nhận được một bức thư xin lỗi lạ lùng nhất từ trước tới nay. Nội dung bức thư đề cập đến một việc làm xốc nổi do một người đàn ông thực hiện cách đây đã 35 năm. Chủ nhân của bức thư, ông Easton giải thích rằng hơn 30 năm trước vì tuổi trẻ bồng bột, ông đã lấy cắp biển báo Stop trên một con đường ở vùng ngoại ô Salt Lake nên giờ đây cảm thấy hối hận vô cùng. Hãng AP thuật lại, ông Easton đã nhiều lần liên lạc với bộ phận quản lý cung đường ấy nhưng họ nói không sao. Tuy nhiên, ông vẫn không tha thứ cho mình nên đã gửi kèm theo bức thư xin lỗi một tấm séc trị giá 600 USD với mong muốn các nhà chức trách cho dựng lại 3 tấm biển báo Stop trên đoạn đường ấy.

(C. Nhung – Báo Thanh Niên 13/07/2009)

Tác phẩm “Tội Ác và Trừng Phạt” (1866), tiểu thuyết nổi tiếng của đại văn hào Nga: Fiodor Mikhailovitch Dostoievski (1821-1881), là một câu chuyện dài lý giải lương tâm:

Raxcônhicốp, nhân vật chính là một sinh viên luật đang học tại thủ đô Pêtecbua, vốn xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo không đủ tiền cho anh ăn học, quá khó khăn, chật vật, anh đành bỏ học. Do đời sống quá thiếu thốn lại tiêm nhiễm thứ triết lý người hùng muốn ra tay san bằng bất công xã hội, anh đến nhà mụ cầm đồ Alêna giàu có, lấy búa bổ vỡ sọ mụ, cướp tiền, vàng bạc, châu báu, vừa ôm ra cửa, gặp ngay bà Êlidabet, em gái mụ cầm đồ, hoảng quá, anh giết luôn mụ này kéo xác vào nhà, phi tang rồi ôm của trốn đi, anh giấu toàn bộ của cướp được dưới một tảng đá, không xài một đồng nào dù anh không còn một xu dính túi. Sau vụ giết người khủng khiếp ấy, dù chưa bị khám phá và truy nã nhưng lương tâm Raxcônhicốp bị giày vò triền miên, anh như người mất hồn, ăn không ngon, ngủ không yên, tâm thần hoảng loạn, đêm nằm mê sảng vật vã, toàn nghe thấy tiếng nguyền rủa “tên sát nhân”. Ngày qua ngày anh cứ lang thang, uống rượu giải khuây, tình cờ trong một quán rượu, anh nói chuyện thân mật với một bác công nhân già nát rượu Macmêlađốp, bác tâm sự với anh về cảnh thất nghiệp, nghèo đói và về đứa con gái lớn yêu quý của ông là Xônhia, phải bán thân lấy tiền giúp bác nuôi đàn con nhỏ và người vợ kế trong cảnh đói rách bệnh tật… Một hôm đang khi lang thang ngoài phố, Raxcônhicốp nhận ra bác công nhân Macmêlađốp say rượu bị xe ngựa cán ngã lăn ra đường bất tỉnh, anh vội vàng cõng bác về nhà rồi bác qua đời, anh đã đứng ra lo ma chay cho gia đình Xônhia, Xônhia cảm phục và ngày càng gắn bó, yêu anh tha thiết. Raxcônhicốp hạnh phúc trong tình yêu nhưng ngày đêm anh vẫn canh cánh trong lòng nỗi ray rứt lương tâm, cuối cùng anh đã phải thú nhận với Xônhia rằng anh ta đã giết người cướp của. Với anh bây giờ, hình phạt lớn nhất không phải là tù đày, khổ sai mà là nỗi nhức nhối dai dẳng, sự dày vò lương tâm bởi anh đã giết chết nhân phẩm của mình và cắt đứt quan hệ với bao người thân yêu khác. Xônhia rất thông cảm với anh, rất yêu yêu anh đã khuyên anh nên đầu thú, can đảm chấp nhận hình phạt, chỉ có thế tâm hồn anh mới được bình an. Sau 9 tháng dằn vặt, một buổi sáng anh đến tòa án tự thú: “Tôi đã phạm tội giết mụ cầm đồ và em gái mụ để cướp của”. Cuối cùng sau khi điều tra, quan tòa cho rằng anh có vấn đề tâm thần, bị kích động đột xuất nên được miễn án tử hình, chỉ bị đi đày 8 năm tại Xibia. Xônhia người con gái đau khổ với trái tim tràn ngập bác ái của Chúa tự nguyện gắn bó mãi mãi với anh dù ở cùng trời cuối đất, sẵn sàng chờ đợi anh trở về (chuyện đã dựng thành phim, và trong phim cảm động nhất là cảnh chia ly, giữa Raxcônhicốp và Xônhia, hai người ôm nhau thật lâu, chẳng nói lời nào, chỉ có nước mắt, anh cổ mang gông, chân mang xiềng trông thật thảm thương. Cuối cùng giờ ly biệt đến, Xônhia đã bất ngờ tháo dây chuyền có thập giá Chúa đeo vào cổ Raxcônhicốp như một lời nhắn gửi rằng: Anh hãy mang lấy thập giá Chúa và Thập giá sẽ là hành trang ủi an, nâng đỡ quãng đời lưu đày của anh). “Tội ác và Trừng phạt” là cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh và hay nhất của toàn bộ hệ thống tác phẩm của Dostoievski, là một tác phẩm bi thảm nhất của nền văn học nhân loại… tác phẩm còn là một lời tố cáo mãnh liệt lớp người giàu có, quyền thế vô nhân đạo…

(Nguyễn Trường Lịch trong Từ Điển Văn Học – Hà Nội 1983, trang 409-410)

Có một chuyện “tếu” chẳng biết có thật hay không, nhưng cũng nói lên một sự thật đó là lương tâm luôn có mặt: người chồng bệnh nặng gần chết, gọi vợ lại nhẹ nhàng hỏi:

- Em biết đấy, anh sắp ra đi rồi, mấy chục năm mình sống với nhau không một lần cãi vã, nhưng có một điều anh cứ áy náy không yên, bây giờ chẳng còn gì giấu giếm nhau, cho anh hỏi thật em một điều.

- Anh yêu, lời anh làm em đau đớn quá, làm gì được để anh thanh thản em sẽ làm.

- Vậy em trả lời thật cho anh: thằng út nhà mình là con của ai?

- Em cũng rất khổ tâm, mong có cơ hội thú thật với anh.

- Em nói mau đi, giờ này thì chẳng còn gì phải ngại ngùng cả, anh rất sẵn sàng nghe.

- Anh đã rộng lượng thì em cũng xin thưa thật với anh, thằng út và chỉ có mình thằng út là con của anh thôi.

Vừa nghe hết câu nói của vợ, anh chồng nấc lên một tiếng rồi tắt thở. Người vợ đau đớn về cái chết của chồng nhưng cũng thanh thản trong lương tâm vì đã nói ra được sự thật nặng nề bấy lây nay.

Chương trình truyền hình ngày 23/7/2009 có mẩu tin cùng hình ảnh anh chàng Naaman Dealer dùng một xe tải che chắn làm thang để leo lên cửa sổ Bảo tàng Giêrusalem, dùng xà beng bẩy song sắt và chui vô lấy cắp 160 chiếc đồng hồ quý giá, trong đó có cả chiếc đồng hồ của hoàng hậu Antoinnette của nước Pháp đã bị chém đầu trong cuộc cách mạng 1789. Vụ trộm đã trót lọt và chính quyền Israel cũng bó tay kể từ năm 1983. Đến năm 2004, khi Dealer sắp qua đời tại Mỹ, anh mới thú với vợ về vụ trộm đó, và lập tức cảnh sát Israel đã tiến hành thu hồi cổ vật nhưng không thể truy tố tội phạm, vì Dealer đã chết và chết tại Mỹ, ngoài nước Israel. Điều gì khiến Dealer phải thú nhận sau khi đã ém nhẹm được 31 năm? Dó là vấn đề lương tâm. Anh cần trút gánh nặng lương tâm trước khi chết để được thanh thản ra đi.

Ai tạo ra lương tâm? Với kinh nghiệm bản thân, không ai có thể chối cãi sự hiện diện của lương tâm nơi bản thân mình. Vấn đề là lương tâm bởi đâu mà có?

Có phải chính mình tạo ra không? Hoàn toàn không, lương tâm vô hình, vô dạng, vô thanh, vô xú, làm sao tự mình tạo ra được? Nếu có ai dám bảo tự mình tạo ra lương tâm thì cho biết đã tạo bằng chất liệu gì và vào lúc nào? Nếu mình tự tạo ra thì phải tạo ra cái gì ủng hộ mình, ai lại tạo ra cái có thể phản đối mình, làm khổ mình, không bao che, xí xóa cho lỗi lầm của mình. Có phải do bố mẹ tạo ra bằng cách chia sẻ một phần lương tâm của bố mẹ như chuyện cấu tạo về thể xác ấy? Hoàn toàn không, vì lương tâm của mỗi người tuyệt đối độc lập, chẳng ai giống ai, chỉ cảm nghiệm niềm vui cũng như nỗi ray rứt nơi mình chứ không cảm nghiệm được niềm vui, nỗi khổ của người khác (cùng lắm ta chỉ phỏng đoán theo những dấu hiệu bên ngoài để rồi “suy bụng ta ra bụng người” mà thôi), người xưa vẫn nói “cha sinh con trời sinh tính”, “bá nhân bá tính”, chẳng ai giống ai, chẳng ai biết rõ tâm hồn người khác (kể cả giữa vợ chồng, cha con, mẹ con) như tâm hồn mình. Ca dao có câu “sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.

Có phải do xã hội tạo ra không?

Cũng không phải, vì xã hội loài người nhiều hình thức, nhiều thể chế khác nhau, không thể tạo ra một cái phổ quat là lương tâm cho mọi người, mọi thời được (chỉ có thể ảnh hưởng phần nào do hệ thống luật mang tính đại chúng. Ví dụ: Thuở xa xưa xã hội nào cũng đa thê, nên chuyện năm thê, bẩy thiếp là chuyện thường tình).

THẦN HỌC LUÂN LÝ VỀ LƯƠNG TÂM

Lương tâm được coi như tiếng nói của Chúa trong lòng mỗi người, là luật tự nhiên dành cho mỗi người chẳng cứ có tôn giáo hay không.

Có những nguyên tắc cơ bản về việc sử dụng lương tâm:

1. Trong trường hợp khần cấp không thể tham khảo được thì tuyệt đối phải nghe theo tiếng lương tâm (dù sự việc có sai thì trước mặt Chúa đương sự cũng vô tội).

2. Trường hợp có nghi ngờ tốt hay xấu mà có thời gian thì phài hỏi những người khôn ngoan, uy tín, trước khi quyết định (cha mẹ, ông bà, thầy cô, Linh mục, tu sĩ…).

3. Mỗi ngườicó bổn phận học hỏi luật pháp (luật đời, luật đạo, luật tự nhiên, luật Chúa, luật Giáo hội) để trau dồi lương tâm, luyện cho mình một lương tâm ngay chính, là lương tâm lúc nào cũng chọn lựa phù hợp với luật tối thượng của Chúa. Làm biếng không chịu nghiên cứu học hỏi để rồi quyết định sai (mà cứ bảo theo lương tâm) thì phải chịu trách nhiệm.

4. Có nhiều loại lương tâm:

a. Lương tâm ngặt (chuyện không đáng gì cũng cho là rất trầm trọng).

b. Lương tâm rộng hay tháo thứ (chuyện nghiêm trong lại coi là chẳng đáng gì).

c. Lương tâm bối rối (không phân biêt được cái nào đúng, cái nào sai, nên dùng dằng không quyết định được điều gì).

d. Lương tâm chai lì (do thói quen sống trong tội lỗi, thói quen làm điều ác nên vô cảm đối với sự thiện, có nhận ra mình làm sai cũng không đủ can đảm để “ân hận”, lúc nào cũng sẵn sàng bỏ qua cho các hành động sai trái của mình dù vẫn nhận biết là sai).

e. Lương tâm sai lạc hay lương tâm đại chúng, do những luật lệ không chính đáng nhưng do đa số đã quyết định vấn đề thành hợp pháp. Ví dụ: tại một số nước, Quốc hội đa số bỏ phiếu chấp nhận mãi dâm là một nghề hơp pháp, chấp nhận phá thai, chấp nhận hôn nhân đồng tính, chấp nhận nghiên cứu tế bào gốc, chấp nhận an tử… hoặc một sự tiêu cực mà phần đông dân chúng thường xuyên vi phạm như không trung thực trong quảng cáo, trong thi cử hay trong đời sống: nói dối để gia đình khỏi xào xáo, nói dối để bệnh nhân không hoảng loạn… người dân trong vùng ảnh hưởng này không thấy áy náy vì pháp luật không cấm, quần chúng cũng hành xử như vậy, riết rồi một cá nhân nào đó với lương tâm không nhạy bén cũng làm theo và thấy không có vấn đề gì cả “người ta sao tôi vậy”, đó là lập luận của họ.

Thực ra chỉ có lương tâm nào được luật của Chúa hướng dẫn mới thực là lương tâm ngay chính. Luật của xã hội chỉ tương đối thôi, vì mỗi nơi mỗi khác. Ngạn ngữ La tinh có câu: “Bên này dẫy Pirênê là chân lý thì bên kia là sai lầm”, thật vật, ví dụ ở Việt Nam lấy vợ hai là vi phạm luật hôn nhân và gia đình, là sai lương tâm, nhưng ở những nước Hồi giáo được lấy hợp pháp 4 vợ, ai đúng ai sai đây? Do đó đi tới kết luận là chỉ lương tâm nào có những lựa chọn, quyết định hợp luật của Chúa thì mới gọi là lương tâm ngay chính. Luật nào của xã hội mà trái với luật của Chúa thì người có lương tâm ngay chính không được áp dụng.

Những số đông nào đã ban hành những luật trái luật Chúa, để làm cho nhiều người sai lạc sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đấng Tối Cao – Chỉ có lương tâm ngay chính mới là tiếng nói đích thực của Chúa.

Lm Jos. Nguyễn Hữu Triết

Phụ Bản I

Thử tìm hiểu
Ý NGHĨA TỤC LỆ CÚNG CÔ HỒN VÀ BÀI CHIÊU HỒN THẬP LOẠI CHÚNG SINH
CỦA CỤ NGUYỄN DU

Kính thưa quý vị.

Những điều mà tôi sắp trình bày cùng quý vị hôm nay không phải là một đề tài nghiên cứu hay một bài tham luận dựa trên sách vở của người xưa mà chỉ là những ý kiến cá nhân của tôi, điều mà tôi vừa mới phát hiện gần đây, qua kinh nghiệm và quan sát đời sống xung quanh cùng suy nghĩ của mình. Xin được đưa ra lạm bàn để nếu quý vị nào có ý kiến hay hơn xin đưa ra để cùng trao đổi.

Kính thưa quý vị, dân gian ta có câu:

“Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”

Câu thơ trên nhắc ta nhớ đến một ngày lễ khá long trọng của dân tộc trong tháng 7 âm lịch này.

Theo tín ngưỡng Á đông và Việt Nam nói riêng, những vong hồn người chết dưới âm phủ, dù phải đọa đày trong địa ngục hay vất vưởng ở cõi tối tăm nào, hàng năm cũng có được ít nhất 1 ngày rằm tháng 7, được tự do trở về thăm gia đình để được con cháu và người thân đãi ngộ các thức ăn ngon, vàng bạc, tiền và quần áo (tất nhiên bằng giấy phải đốt đi mới nhận được) để mang về tiêu xài quanh năm.

Ngày rằm tháng 7, các chùa đều tổ chức lễ lớn, gọi là Lễ Vu Lan hay Lễ Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân. Hầu hết những người dân dù theo đạo Phật hay đạo Ông Bà, dù bận rộn làm ăn đến đâu cũng cố thu xếp để có được vài tiếng đồng hồ, mua hương hoa lên chùa lễ Phật, ghi danh sách, cúng dường một số tiền và nhờ các thày cầu an cho ông bà, cha mẹ còn tại thế hay cầu siêu cho những người đã khuất, cùng cửu huyền thất tổ. Về nhà cũng làm một mâm cỗ cùng hoa trái cúng ông bà, cha mẹ và không quên một xấp giấy vàng mã thật dồi dào để đốt xuống cho các cụ. Chẳng biết ông bà, cha mẹ có về hưởng hay không, nhưng lòng thành hiếu thảo của những người con vẫn cứ tin là có. Có người bảo: “Thời buổi văn minh khoa học này mà còn mê tín dị đoan, mất thì giờ, thật ngu xuẩn!”. Xin thưa: Họ không có ngu xuẩn đâu ạ. Đó chỉ là một cử chỉ đẹp đẽ để thể hiện tấm lòng hiếu thảo biết ơn của những người con. Và đó cũng chính là điểm khác biệt giữa con người và các loài cầm thú. Nó nhắc nhở những người con hãy yêu thương và đền đáp công ơn cha mẹ khi các người còn tại thế kẻo rồi mai mốt sẽ phải hối hận vì có muốn cũng không còn được nữa.

Sau lễ Vu Lan, nhà chùa thường có lễ cúng cô hồn vào buổi chiều, hay còn gọi là “Lễ thí thực”. Lễ vật thường là những thứ bánh kẹo hoa trái rẻ tiền, dành cho các vong hồn không có gia đình hay người thân cúng, hoặc có nhưng chết ở những nơi xa nhà, gia đình không hay biết để đem xác về chôn cất và nhớ ngày cúng giỗ, hoặc những trẻ sơ sinh mới lọt lòng hay tuổi còn quá nhỏ, gia đình chỉ chôn vùi sơ sài, không cúng giỗ nhưng người ta quan niệm chúng cũng là những linh hồn, phải vất vưởng mồ côi, không biết đường về hay có về gia đình cũng không biết mà cúng. Thật đáng thương xót! Những ngày này các vong hồn cô độc chỉ còn biết lang thang tìm đến những đám cúng cô hồn để kiếm chút thức ăn rẻ tiền được bố thí cho đỡ đói lòng.

Ngoài nhà chùa, các gia đình cũng có tục lệ cúng cô hồn, chẳng những ngày rằm tháng 7 mà cả những ngày mồng 2 và 16 của mỗi tháng cũng là ngày cúng cô hồn. Riêng tháng 7 là lễ chính họ cúng lớn hơn, nhất là các nhà giàu, giàu tiền của cũng như giàu lòng nhân ái.

Ý nghĩa tục lệ cúng cô hồn

a/ Ý nghĩa nguyên thủy.

Người xưa muốn gởi cho ta lòng thương xót đến những cô hồn khốn khổ khiến ta mở lòng nhân ái cứu giúp an ủi họ bằng những hành động cụ thể, dù không tốn kém là bao nhưng nó thể hiện tấm lòng chân thực muốn chia sẻ cùng những vong hồn bất hạnh. Và không phải chỉ dừng lại ở đó, nếu cô hồn là những kẻ không tên không tuổi ta không thấy mặt biết tên cũng không thấy hình thấy bóng mà ta còn thương xót như vậy thì ngay trên trần gian này trước mắt ta biết bao kẻ đói khát bệnh tật khốn khổ há nào ta không động lòng thương xót họ? Rồi đến những đồng bào ruột thịt đang lâm cảnh thiên tai mất của mất người thân, thật là thảm thiết há ta không xót xa mà nhường cơm xẻ áo? Đó chính là một cách giáo dục lòng vị tha hân ái, không phải bằng lời mà bằng cảm xúc và hành động cụ thể mà người xưa đã gợi cho chúng ta qua tục lệ cúng cô hồn – một ý nghĩa tích cực cao đẹp mà ta nên truyền lại cho con cháu. Nếu trẻ em có tò mò hỏi thì ta nên giảng giải cho chúng như ý nghĩa cổ truyền của người xưa. Sau này lớn lên chúng tin hay không là tùy. Bởi giáo dục lòng vị tha nhân ái cần được bắt đầu ở tuổi ngây thơ bằng tình cảm, vì nó chính là căn bản, là nền tảng của đạo đức xã hội. Con người mà không có lòng nhân ái thương người khôn khổ sẽ là người ích kỷ. Dù thông minh học giỏi ra đời họ sẽ tìm cách làm lợi cho mình bất chấp hại người và có thể trở thành tàn ác. Thậm chí giết người không gớm tay! “Tài mà không đức nên tài tặc”. Xã hội mà có được nhiều người có lòng vị tha nhân ái thì con người sẽ sống đẹp với nhau, bớt đi những cảnh người bóc lột người hay giết hại lẫn nhau, không còn những cảnh anh em một nhà ra tòa kiện cáo nhau vì quyền thừa kế, và như xưa kia những cảnh anh em ruột giết nhau vì giành ngôi báu, vua cha giết con ruột vì nghi nó âm mưu làm phản, tệ hơn cả loài thú dữ. Thế giới cũng bớt đi các cuộc chiến tranh.

b/ Còn ý nghĩa thực tế thì sao?

Trên đời có những điều ý nghĩa rất cao đẹp nhưng khi thực hành nhiều người lại bẻ ngược xoay 1 góc 180o.

Thí dụ: Người hô hào chống tham những lại là người tham nhũng, người được giao trách nhiệm thu tiền cứu trợ lại là người ăn chặn ăn bớt tiền của nạn nhân (đã được đăng trên báo chí). Rất may số người này cũng ít. Còn việc cúng cô hồn thì không đến nỗi tệ hại như thế, chỉ hơi khôi hài khi thay vì người ta thương xót cô hồn mà muốn bố thí chút quà mọn cho họ thì ngày nay đa số những người cúng cô hồn lại với mục đích lợi dụng cô hồn để làm lợi cho mình, phù hộ cho nhà cửa được yên lành, việc kinh doanh buôn may bán đắt (!). Ôi thật nực cười! Cô hồn là những kẻ khốn cùng, đói khát chẳng lo cho mình được, phải giành nhau cướp của bố thí làm sao chúng có phép lạ nào để độ cho những người trên trần gian này? Nếu có phải là những người trên đời đã từng làm nhiều việc công đức, khi chết xuống âm phủ họ đã được về cõi Phật hay đầu thai làm kiếp khác sung sướng hơn, hoặc nếu không thì cũng được người đời lập am lập miếu tôn thờ, đâu phải vất vưởng như cô hồn. Làm thế khác nào như ta tập trung một lũ ăn mày ăn xin đui què hủi cụt lại, cho họ ít tiền bố thí rồi bảo: “Các người hãy làm cách nào giúp cho nhà cửa tôi được yên lành, hay đi kéo khách hàng về cho tôi để tôi được buôn may bán đắt”. Thật là nực cười phải không quý vị? Cũng may vẫn còn một số người có ý thức đúng đắn tốt đẹp khi cúng cô hồn với tất cả lòng thành của họ. Họ tự nghĩ hãy sống lương thiện và giúp đỡ những người bất hạnh. Nếu chẳng may khi nào gặp vận xui, nếu có cầu thì chỉ nên cầu Trời, Phật, Bồ Tát, Thánh thần còn hợp lý hơn cầu cô hồn.

Lại có nhiều người tin rằng cúng cô hồn để chúng khỏi phá phách, khó làm ăn. Người viết nghĩ rằng cô hồn làm gì có thì giờ công sức để đi phá phách, chúng còn lo đi chầu chực cướp của bố thí còn chưa đủ - Vả lại ở cõi âm chắc cũng có trật tự an ninh rất nghiêm minh, các chú quỷ được cử làm cảnh sát, không lộn xộn như ở cõi dương này.

Còn một điều nữa rất tệ hại là thay vì lòng nhân ái đối với cô hồn mà người xưa gợi cho ta thì ngày nay người trên trần gian không từ một mánh khóe nhỏ nhen nào để lợi dụng ăn bớt đánh lừa cô hồn. Tấm áo giấy chỉ bằng bàn tay, cắt sơ sài, đã không có tay lại không có thân sau (!), chỉ có vai và thân trước. Ở cõi âm lạnh lẽo, cô hồn chỉ mặc áo không tay, không thân sau, chỉ có tà trước đeo lên vai, làm sao che lưng? Thật thê thảm! Họ tưởng rằng người mua sẽ đốt cả xấp, không mở ra xem, nên chỉ có cô hồn là bị lừa. Cái áo giấy nhìn thấy rành rành mà bọn người gian còn làm thiếu, huống hồ các thức ăn uống như rượu, sữa đóng hộp chúng làm giả để vụ lợi và đấu độc người lớn, trẻ em! Chung quy cũng chỉ vì không có lòng nhân ái. Chưa kể đến những công trình xây dựng lớn bị “rút ruột” gây nên những tai nạn chết người thảm khốc! Xin nhắn nhủ với những người làm hàng mã và buôn bán hàng mã hãy chấm dứt ngay cái mánh khóe ấy đi. Thay vì 20 cái áo giấy, ta làm 10 cái thôi nhưng đầy đủ cả 2 tay, 2 thân trước sau không đáng là bao nhưng tránh được cái trò gian xảo. Có ai ngờ rằng những sự kiện tầm thường như cúng cô hồn tưởng rằng không có ý nghĩa sâu xa gì, nhưng chính nó lại khơi nguồn và hình thành nên những tư tưởng đạo đức cao đẹp hay tiêu cực nặng nề cho xã hội.

Tóm lại cúng cô hồn là một tục lệ tốt đẹp ta nên duy trì với ý nghĩa cao đẹp của nó và nên bài bác những ý nghĩa tiêu cực kia.

Bài chiêu hồn Thập loại chúng sinh của Cụ Nguyễn Du.

Đó là một bài thơ thể song thất lục bát gồm 186 câu, một tác phẩm văn chương được đánh giá cao, gợi nhiều cảm xúc cho người đọc.

Về nội dung, tác giả kể ra rất nhiều thân phận khác nhau của những người mà cái chết bi thảm đã khiến họ trở thành những vong hồn đơn côi:

Đó là những người nghèo khó phải lìa nhà cửa đi làm ăn xa xôi lâm bệnh giữa đường và chết vùi chôn giập, những cô gái lỡ thời hay bị bán vào lầu xanh, lúc về già chết trong cảnh cô đơn. Những trẻ sơ sinh chết non hay còn trong thai nghén bi sa sẩy. Những người chết vì tai nạn sông nước hoặc trên bãi chiến trường. Những người đang sống giàu sang nhưng vì thế cuộc thay đổi lâm vào cảnh khốn cùng, chết trong cô đơn… Bên cạnh đó lại có những người vì tham vọng cá nhân dấn mình vào những cuộc phiêu lưu rồi thất bại chết thảm khốc… Cuối cùng tác giả kết luận cuộc sống là phù du, là ảo mộng, tất cả đều là không. Hãy trở về với chân lý bất biến của Phật.

Bản thân tôi đã đọc bài này nhiều lần, thấy rất hay, nhưng chưa hiểu được giá trị tinh thần hay triết lý của nó. Tôi vẫn nghĩ rằng thời đại văn minh khoa học này, nhiều người chưa hiểu được thế giới tâm linh nên cho là mê tín dị đoan và không đánh giá tác phẩm này. Vì thế, trong sách giáo khoa không thấy giảng dạy đều. Nhưng gần đây tôi bỗng phát hiện ra triết lý sâu xa và tư tưởng giáo dục đạo đức của tác phẩm này: Chẳng cần biết thế giới tâm linh có hay không, con người chết sẽ đi về đâu, có cõi âm và vong hồn người chết hay không. Cứ coi như chết là hết đi, thì ngay trước khi trút hơi thở cuối cùng, người ta cũng có được một phút để tổng kết và đánh giá cuộc đời của mình, biết được ta đã chết vinh hay chết nhục, hay ít nhất cũng là 1 cái chết bình thường thanh thản. Có người đau xót vì thấy đời mình chỉ là một con số không, như kẻ thua bạc cháy túi lúc tàn canh. Nhưng người thua bạc thì còn có hy vọng thua keo này ta bày keo khác. Nhưng canh bạc đời thì chỉ có một thôi! Không còn cơ hội nào cho ta làm lại nữa! Đây cũng là 1 lời nhắn nhủ cho những ai đang có tham vọng trên cuộc đời này. Hãy lượng sức mình, tính toán từng nước cờ, đừng chạy theo ảo vọng để rồi khi nhắm mắt phải day dứt vì đã sống uổng 1 cuộc đời, vì không còn cơ hội thứ hai cho ta làm lại. Tôi xin mượn 1 câu thơ của 1 học giả đương thời mà tôi xin miễn nêu tên: “Thua được cờ chơi một ván thôi!”. Trên đời tham vọng là quý, nhưng nếu là tham vọng cho đất nước cho nhân loại thì ta sẽ được nhiều người ủng hộ. Còn tham vọng cá nhân thì dù có thành công cũng dễ sụp đổ ngay. Phải biết nhìn ra đâu là ảo vọng. Tới đây tôi cũng xin mượn 2 câu thơ của TT Thích Đồng Bổn (Nơi ta về - Bản tin số 40 CLB Sách Xưa & Nay) để mô tả những ảo ảnh của cuộc đời mà ta phải nhận ra để dừng bước đúng lúc.

Tượng đời rêu phủ mảng xanh

Tranh đời loang lổ hư danh mộng trần

Và để kết luận phần này tôi thấy bài thơ Chiêu hồn thập loại chúng sinh của Cụ Nguyễn Du có 1 triết lý rất sâu xa, một giá trị giáo dục rất cao, nên đưa vào chương trình Giáo khoa cho học sinh cấp 3 học.

Xin cám ơn quý vị.

THÙY DƯƠNG

PHƯỚC ĐỨC VÀ CÔNG ĐỨC

Trong Đạo Phật có nhiều điều mới xem qua thấy rất là mâu thuẫn. Chỉ riêng vấn đề làm việc Thiện thôi, ta đã thấy dạy mọi người: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” có nghĩa là đừng làm việc ác, nên làm điều thiện, rồi nơi khác lại bảo: “Vong Thiết Bồ Đề Tâm, tu chư thiện nghiệp thị danh ma nghiệp!” Người mới nghe qua đâm hoang mang, không hiểu Đạo Phật muốn chúng ta làm như thế nào? Nên làm điều thiện hay không? Làm thế nào để vẫn làm điều thiện mà không tạo Ma Nghiệp? Đó là một trong nhiều vấn đề mà người tu Phật cần tách bạch cho bản thân để tự chủ cho hành động của mình. Vì sự thành tựu của Đạo Phật cũng giống như bất cứ một môn học hay một ngành nghề của đời. Có một số nguyên tắc nhất định. Không thể do tình cờ, cứ làm đại rồi kết quả ra sao cũng được, hoặc hy vọng rằng với sự thành khẩn của mình thì Chư Phật sẽ xét cho!

Mọi người cứ tưởng rằng Đạo Phật đã được truyền bá từ hơn 2.550 năm, làm sao có thể diễn tả mọi thứ rõ ràng dễ hiểu. Thậm chí nhiều người tu hành còn chưa hiểu vì sao Phật đưa cành hoa Sen lên, Ca Diếp chỉ mỉm cười đã được truyền Y Bát! Thời Phật giảng, ngoại đạo cũng cho rằng “Cồ Đàm nói năng như người cuồng, lúc nói Vô Ngã, lúc nói Hữu Ngã, khi bảo Có, lúc nói Không!” Họ không hiểu rằng những lời Phật thuyết là do bối cảnh lúc đó, hoặc theo tâm trạng, trình độ của người nghe, phải đâu muốn nói gì thì nói! Cũng do không hiểu vì sao Phật giảng pháp trong 49 năm rồi lại bảo rằng “Suốt 49 năm đó ta có nói gì đâu” nên Ngài Nguyệt Khê, một Thiền sư rất nổi tiếng cận đại đã mạnh dạn khẳng định rằng Phật nói rồi phủ định tất cả! Sự thật thì không ai ngờ rằng dù thời xưa ngôn ngữ có phần hạn chế, nhưng chỉ khó diễn tả ở phần Phật Quốc sâu kín trong nội tâm. Những việc cần làm, trong hay ngoài đều được phân biệt bằng những từ ngữ hết sức rõ ràng để người nào có thận trọng tìm hiểu ý nghĩa thì đều có thể nắm bắt và thực hiện được.

Có một số Hạnh mà người tu Phật nào cũng phải thực hành, đó là: Lục Độ và Lục Độ Ba la mật, Phước Đức và Công Đức, Nội tài thí và Ngoại tài thí… mà hình như cho đến nay đa số Phật tử vẫn chưa phân biệt rõ. Một trường hợp nhầm lẫn về PHƯỚC ĐỨC và CÔNG ĐỨC điển hình được ghi lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh: Vua Lương Võ Đế cất đến 72 kiểng chùa, cúng dường, độ Tăng vô số, cứ tưởng đó là làm Công Đức. Vì thế, khi Tổ Đạt Ma từ Tây Trúc sang truyền đạo đến yết kiến, Ngài đã hỏi Tổ: Trẫm đã làm những việc như thế… có công đức không? Câu trả lời có lẽ đã làm vua không khỏi ngạc nhiên: “Không”! Vua cứ nghĩ là mình nghe nhầm nên hỏi tiếp: “Đối diện trẫm là ai?” Tổ Đạt Ma trả lời: “Không biết”. Cái duyên gặp Tổ kết thúc ở đó!

Có lẽ Tổ Đạt Ma cũng biết rằng ngay lập tức không thể nào giải thích để chuyển đổi một người đã hoàn toàn hiểu sai về hai chữ Công Đức lại đang lấy đó làm niềm hãnh diện để khoe khoang, nên cũng không nhân nhượng, vì không muốn nhà vua tiếp tục hiểu lầm. Ngược lại, nếu nhà vua cũng đã biết Tổ Đạt Ma là một người đã được truyền Y, bát, mang Phật Pháp đến xứ của mình. Lẽ ra khi nghe câu trả lời không đúng như ý mình thì dẹp bỏ tự ái để được nghe giải thích thêm vì trong Kinh có dạy là người muốn nghe pháp phải “Ba lần thưa thỉnh, năm vóc sát đất” để chứng tỏ thái độ thành khẩn cầu học. Trái lại, khi nghe câu trả lời không vừa ý, nhà vua liền tỏ thái độ bất bình, nên Tổ không nói tiếp nữa!

Muốn hiểu hai từ Phước Đức và Công Đức chúng ta cần biết đôi điều về mục đích tu hành theo Đạo Phật, để hiểu rằng một khi chữ đã khác tất nhiên nghĩa cũng phải khác, kết quả cũng hoàn toàn khác nhau!

Thật vậy, người đời vẫn nhìn cuộc đời qua những diễn biến xảy ra trước mắt. Hàng ngày bận bịu đối phó với những đói, no, thương, ghét, giận, hờn, vui, buồn, giàu, nghèo, cao, thấp, hơn, thua, được, mất… tức là những gì đến với cái Thân, cho đó là cuộc sống. Mỗi người mãi lo tìm kiếm để cung phụng cho cái Thân những gì nó cần, nó yêu thích, vì cho Cái Thân là TA. Từ đó, nó hài lòng là ta thấy vui. Nó thất vọng là ta khổ. Nó tồn tại là Ta sống. Nó hết Nghiệp là Ta chết, không cần tìm hiểu thêm gì nữa! Trong khi đó, Đạo Phật cho rằng cái Thân chỉ là cái hình tướng giả tạm, được kết hợp bởi 4 món: Đất, Nước, Gió, Lửa, để cho mỗi người trả Nghiệp Quả đã vay, nên mỗi người chỉ sở hữu nó trong một kiếp ngắn ngủi không đầy trăm năm mà thôi. Thế mà trong thời gian tồn tại đó, mỗi người lại vì cái Thân giả tạm đó mà gây ra biết bao nhiêu ác nghiệp, để rồi khi nó hết hạn, tan rã thì lại phải theo Nghiệp đã tạo mà luân lưu trong Sáu Đường, cứ thế triền miên không dứt. Đức Thích Ca là người đã tìm được CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT khỏi vòng luân hồi đó nên Ngài đã chỉ lại cho chúng ta là mỗi người có một Cái TA THẬT SỰ là phần Vô Tướng, song hành với cái Thân này, nhưng trường tồn, không bị Sinh, Diệt như cái Thân. Nếu ai chịu nương theo hướng dẫn của Ngài để tìm và Trụ ở đó thì kiếp sống hiện tại không bị cảnh Khổ vùi dập, và nếu tu hành đến nơi đến chốn thì không những được Thoát Khổ trong hiện kiếp, mà còn được an vui vô lượng kiếp, dù có thay bao nhiêu cái Thân giả tạm đi nữa. Đó chính là mục đích tu hành của Đạo Phật, đã được bao nhiêu đời Tổ nối truyền nhau để hướng dẫn cho những ai muốn được Giải Thoát.

Để có được cái Thấy, Biết như thế, người tu Phật cần nương chính Kinh để Quán Sát, Tư Duy, tìm hiểu, sau đó là thực hành theo những gì mình tìm ra được trong quá trình quán sát bằng cách tu sửa Thân, Tâm. Phần thực hành này gọi là tạo CÔNG ĐỨC. Lục Tổ Huệ Năng giải thích hai từ Công Đức như sau:

Thấy Tánh là Công. Giữ lòng bình đẳng là Đức. Niệm niệm tâm không ngưng trệ, thường thấy Bổn Tánh, động tịnh tự nhiên, diệu dụng chơn thật, ấy gọi là Công Đức. Bên trong giữ lòng khiêm hạ là Công. Bên ngoài hành động theo lễ là Đức. Tánh mình lập ra muôn pháp là Công. Tâm thể lìa niệm là Đức. Chẳng lìa Tánh mình là Công. Ứng dụng không nhiễm trần là Đức. Muốn tìm cái Công Đức Pháp Thân phải y theo đây mà tu hành. Thế mới là thiệt có Công Đức. Người tu Công Đức thì lòng chẳng nên khinh dễ người mà phải thường cung kỉnh khắp cả nhơn vật. Nếu lòng thường khinh dễ người thì bổn ngã của ta chẳng dứt, tức là mình không có Công. Tánh mình giả dối, không chân thật tức là mình không có Đức. Bổn ngã của ta tự đại nên thường khinh dễ cả thảy nhơn vật. Chư thiện tri thức, niệm niệm Thấy Tánh không rời là Công. Lòng giữ công bình chánh trực là Đức. Tự trau giồi Tánh mình là Công. Tự trau Thân mình là Đức. Chư thiện tri thức, Công Đức phải thấy trong Tánh mình chớ chẳng phải tìm ở chỗ cúng dường và bố thí. Bởi vậy Phước Đức và Công Đức khác nhau. Vua Lương Võ Đế không biết chơn lý chớ chẳng phải Tổ sư ta lầm”.

Lục Tổ cũng đã giải thích rõ Công Đức thuộc phần Tánh của mỗi người, không phải thuộc về Sắc Thân. Chúng ta cũng có thể hiểu theo một cách giải thích khác, là mỗi người vốn có một vị Phật trong tâm, nhưng bị Ba Độc là Tham, Sân và Si che khuất. Vì thế, muốn gặp lại Phật đó thì phải mài, dũa, hay là Xả đi ba chất đó. Công việc Xả, đó gọi là TU hay là LÀM CÔNG ĐỨC, vì làm cho Phật của ta được hiển lộ.

Phước Đức là những thứ thuộc về phần Hữu Vi, có thể cân đo, đong đếm được. Đó là những của cải, tiền bạc, vật chất mà ta bố thí, giúp đỡ cho người khác, kể cả cúng chùa độ tăng, xây chùa tháp vv... Những việc làm này rất tốt, thể hiện người làm đã bớt đi phần nào lòng Tham cố hữu của con người. Thế nhưng, đôi khi cái Tham đó lại hướng theo chiều khác: Xả của cải, tiền bạc để đổi lấy phước báo cho mình, cho con cháu mình những kiếp về sau được hưởng! Đó là lý do khiến cho những người bố thí như vậy chọn lựa đối tượng. Họ có thể mắt lấp tai ngơ trước hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ của một kẻ vô danh, trong khi đó lại rất hào phóng sẵn sàng bỏ tiền của xây chùa, cúng dường sư tăng, bởi vì họ thấy Kinh viết: Nơi đó là ruộng phước của bá tánh. Cúng dường, bố thí sẽ được phước đức vô lượng!

Suy cho cùng, những hành động này không phải thật sự là Thí Xả, mà chính là đang đầu tư kiếm lời! Như vậy còn đâu là ý nghĩa cao cả của việc Bố Thí. Hơn nữa, phải chăng đa phần người đời sở dĩ làm Ác, sát sinh, hại vật cũng chỉ vì cung phụng cho Cái Thân. Khi có đôi chút hướng Thiện, làm những việc tốt thì cũng lại vì để tránh Nghiệp cho Cái Thân và cũng để cho nó được Hưởng? Do thiếu cái “Tâm Bồ Đề”, tức là cái Tâm Giải Thoát, tâm không mong cầu khi Bố Thí, nên Kinh gọi đó là tạo Ma Nghiệp, tức là nối dài thêm vòng Sinh Tử Luân Hồi.

Để Bố thí mà không tạo Ma Nghiệp, Kinh Duy Ma Cật dạy: “Nếu người thí chủ dùng tâm bình đẳng thí cho một người ăn xin rất hèn hạ, xem cũng như tướng phước điền của Như Lai, không phân biệt, lòng đại bi bình đẳng, không cầu quả báo. Đó gọi là đầy đủ pháp thí vậy. (tr. 69).

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng có Kệ:

Người mê muội Phước cầu, đạo phế.

Tu phước điền dối kể đạo mầu !

Thí cúng nhiều, phước đức trùng thâu,

Nhưng Ba Ác tâm đầu sanh mãi.

Tưởng tu phước, tội trừ, ác cải,

Sau phước dành, tội lại còn sanh…

Có nghĩa là nhiều người đã cầu Phước chớ không cầu Đạo. Cúng thí cho nhiều tưởng đó là đã tu hành! Tưởng rằng tu phước như thế thì sẽ trừ được tội, cải được ác. Không biết rằng cúng nhều thì thu lại phước nhiều, trong khi đó thì giữ lại cái tâm Ba Độc, nên phước thì vẫn có mà tội cứ tiếp tục sinh!

Muốn Bố Thí mà “Qua được Bờ bên kia” thì phải BỐ THÍ BA LA MẬT. Đó là Thí Xả mà Đại Thừa Kim cang Kinh Luận gọi là BỐ THÍ BẢY BÁU:

Chẳng Tham là Bố thí. Như mắt không tham sắc tốt đẹp. Đó là SẮC BÁU Bố THÍ. Tai không nghe âm thanh vi diệu, đờn ca xướng hát hay ho. Đó là THANH BÁU Bố THÍ. Mũi chẳng tham ngửi mùi thơm tuyệt diệu. Đó là HƯƠNG BÁU BỐ THÍ. Lưỡi chẳng tham lương mỹ vị thượng hảo. đó là VỊ BÁU Bố THÍ. Thân chẳng tham mặc áo quần lụa là tốt đẹp. Đó là XÚC BÁU Bố THÍ. Ý chẳng tham danh lợi, ân ái. Đó là PHÁP BÁU Bố THÍ. TÁNH chẳng tham dục lạc thế gian. Đó là PHẬT BÁU Bố THÍ.

Nếu người nào hay ngộ được trong thân mình có đủ Bảy Báu Bố Thí ấy sẽ được phước đức lớn hơn phước đức đem Bảy báu thế gian này mà bố thí, như vàng bạc, trân châu, mã não, san hô, hổ phách mà bố thí ngàn muôn phần cũng không thể nào so sánh kịp với bố thí bảy báu trong thân muôn một”.

Sở dĩ Phật so sánh những chấp nhất, dính mắc với những báu vật quý giá của thế gian, vì người đời ai có vật quí giá thì cất giữ, ôm ấp, không chịu rời xa. Mỗi người có những thứ vẫn dính mắc nơi Lục Căn, là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp… mà từ bao đời, bao kiếp vẫn khư khư ôm giữ, như người ôm giữ báu vật không chịu rời bỏ. Vì vậy, Thí Xả bảy thứ dính mắc đó, Phật gọi là BỐ THÍ BẢY BÁU. Người XẢ như thế lần hồi sẽ được được GIẢI THOÁT. Hiểu cách khác đó là Thành Phật. Đó cũng là lý do vì sao ta thấy mô tả Tây Phương Cực Lạc đầy dẫy các món báu: Vàng, bạc, ngọc, ngà, châu báu, Xa cừ, mã não, lưu ly vv… Hành động Xả đó cũng được gọi là CÚNG DƯỜNG BẢY BÁU, là góp vật liệu quý giá để thành lập Tây Phương Cực Lạc trong Tâm của mình. Nhưng nhiều người đã y theo văn tự rồi mang vàng bạc, châu báu đi cúng cho tượng Phật mà cứ ngỡ là Cúng Dường Phật!

Nếu ta muốn BỐ THÍ mà được Thành Phật thì phải BỐ THÍ TAM LUÂN KHÔNG, tức là KHÔNG CÓ CỦA CHO, KHÔNG CÓ NGƯỜI CHO, KHÔNG CÓ NGƯỜI NHẬN. Việc làm này không có nghĩa là ta nhờ ai đó chuyển giúp tiền của mà ta bố thí, ta không ra mặt. Mà chính là sự THÍ XẢ NHỮNG DÍNH MẮC của chính ta. Sự THÍ XẢ gọi là Bố Thí. XẢ cái THAM, Cái SÂN, Cái SI đi là ta BỐ THÍ cho CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT CỦA CHÍNH TA. Người Bố Thí cũng là Ta. Của Bố Thí cũng là của Ta, và người nhận được cũng chính là Ta, vì nhờ ở việc làm đó mà Tâm ta sẽ được thanh tịnh, hay gọi là” Thành Tựu Phật Quốc. Một hành động Thí Xả cũng gọi là ĐỘ SINH, hay là “CÚNG DƯỜNG MỘT VỊ PHẬT”, vì đưa được một chúng sinh đang đau khổ sang bờ Giải Thoát. Hoặc theo diễn tả trong Kinh thì đó là ta đang tích góp 1 món châu báu cho Tây Phương Cực Lạc của chính ta.

“Tức Tâm tức Phật”. “Tu Phật là Tu Tâm”. Nhưng người đời ít chịu tu sửa cái tâm của mình, cứ mải mê chạy ra tìm cầu vật chất cho cái Thân hưởng thụ rồi vì đó tạo đủ thứ Nghiệp. Vì vậy, khi cái Thân hết Nghiệp mà chết đi, theo Luật Nhân Quả lại phải nhận lấy một cái Thân mới để trả tiếp những gì đã gây tạo. Đôi khi Nghiệp nặng quá phải rớt vào 3 Đường dưới, tức là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh thì càng khốn khổ hơn, khó có cơ hội gặp được Chánh Pháp, gặp được con đường Giải Thoát. Vì thế, Đức Thích Ca phải phương tiện diễn giải kiểu này kiểu nọ để tùy ai thích thứ nào - như những đứa con của trưởng giả, dù chọn xe dê, xe trâu hay xe nai mà chạy ra khỏi nhà lửa - thì cũng đều được thoát Khổ, được an vui.

Những Ý Tưởng xấu trong Tâm của ta Phật gọi là CHÚNG SINH. Vì thế, CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH, tức là sửa chữa cái TÂM của mình, hóa giải những Ý tưởng xấu khi nó mới manh nha. Do đó, muốn nói Nói “Độ Sinh” cũng được. “Bố Thí Ba La Mật” cũng xong. Nói “Cúng dường Phật”, “Làm Công Đức” hay “Nội Tài Thí” cũng không sai. Tất cả đều cùng đưa đến một mục đích: Thanh lọc cái TÂM cho nó được an ổn, không còn phiền não, gọi là Thoát Khổ hay Thoát Sinh Tử. Cho nên, cái hiểu biết, phân tích hai từ PHƯỚC ĐỨC và CÔNG ĐỨC rất quan trọng, chúng ta không nên nhầm lẫn.

Việc làm từ thiện hay giúp người cũng rất là tốt, vì thể hiện cái tâm Từ Bi của người tu Phật. Nhưng những việc làm đó không thể đưa người làm đến thành tựu đạo. Lục Tổ cũng có câu Kệ: “Năng làm phước giúp người lợi lạc. Đạo nào do thí bạc mà thành!” Để nhắc nhở những người chỉ cậy vào việc bố thí, cúng dường cho nhiều, tưởng đó là công đức tu hành, tưởng như gởi trước về Tây Phương Cực Lạc, mai kia mình chết chư Phật và thánh chúng sẽ rước về đó, rồi cả đời buông lung, làm ác, tiếp tục tạo nghiệp… Nên biết rằng Niết Bàn, Địa Ngục đang hình thành từng sát na bằng những huân tập của ta trong kiếp sống, và Nhân Quả luôn luôn sòng phẳng: Làm Phước thì sẽ được hưởng, nhưng gây Nghiệp thì vẫn phải trả, vì hai việc làm thuộc hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, nên không thể trừ cấn, bù sớt cho nhau được vậy.

Tâm-Nguyện

(9/2008)

Đừng tưởng viết nhiều sách thì sau này sẽ có tên trong văn học sử
MỘT NHÀ VĂN VIẾT TỚI
400 BỘ TIỂU THUYẾT, 200 KỊCH BẢN
Mà đến nay có lẽ khắp thế giới không còn một người nào buồn để ý.

Trong các bạn viết văn ngày nay, tôi thấy có nhiều người ở đâu cũng lên mặt là đại văn gia; có nhiều người tỏ ra khinh bỉ hết mọi nhà văn đương thời; có nhiều người tường rằng mình đã làm bằng và hơn cả các nhà văn bất tử ở thế kỷ trước cũng như có nhiều nhà thơ tưởng mình hơn cả Nguyễn Du, tác giả cuốn truyện Kiều phổ thông và bất hủ… Họ nghĩ thế, họ tưởng thế vì bản liệt kê tác phẩm của họ trong cuốn mục lục của nhà sách đã dài dài. Vì chồng sách của họ in ra xếp đã cao cao. Vì sách của họ bán đã chạy chạy.

Thấy vậy những người nhìn xa, xét sâu thương hại cho tính hiếu thắng và lòng tự phụ của họ, của những con… cóc tưởng mình đã to bằng con bò!

Phải, nếu to bằng con bò là một chuyện cực khó, không thể làm được đối với một con thú, thì lập được sự nghiệp bất tử cũng chẳng phải là một chuyện dễ dàng đối với bất cứ một nhà văn nào…

Dù nhà văn ấy viết lia viết lịa, viết đêm, viết ngày, để đưa cho nhà xuất bản in hết cuốn tiểu thuyết dài này đến cuốn tiểu thuyết ngắn khác, được đàn bà, con trẻ đổ xô vào mua đắt như tôm tươi.

Thật vậy, viết văn thật nhiều, in sách bán rất chạy là một chuyện. Mà lập nên sự nghiệp văn chương, hay làm cho tên mình bất tử lại là chuyện khác.

Những tác phẩm sản xuất dễ dàng mau chóng và nhiều như vậy, dù bán rất chạy, đã chắc gì sống sót với thời gian? Năm mươi năm nữa, một trăm năm nữa, biết đâu các tác phẩm đó chẳng bị đời quên cùng với tên tác giả? Tất cả mấy chồng tiểu thuyết của bạn đều có thể bị xô đổ xuống vũng quên lãng sâu thẳm của thời gian dù toàn là những tiểu thuyết hiến cho người đọc những sự ham vui nồng cháy. Tất cả hàng chồng tác phẩm đồ sộ đó của bạn không thể bảo đảm cho văn nghiệp và sự bất tử của bạn đâu! Sự bất tử không phải dễ kiếm như vậy.

Bạn bĩu môi, không tin.

Tôi không muốn cãi lại. Tôi chỉ xin thuật lại thân thế một nhà văn lừng danh cả châu Âu ở thế kỷ trước, mà đến ngày nay thì hầu hết có lẽ không ai buồn nghĩ tới.

Nhà văn ấy tên là… Paul de Kock.

Bạn ngạc nhiên phải không? Mọi người đều ngạc nhiên như bạn, vì đó là một tên mà ngày nay ở gia đình, ở học đường, ở thư viện, ở ngoài phố… không ai nhớ hết.

Vậy mà Paul de Kock, thế kỷ trước đây là một kiện tướng thanh thế oanh oanh liệt liệt trên văn đàn châu Âu vậy.

Văn hào Alphonse Daudet kể chuyện rằng tiên sinh được nghe một người ngoại quốc nói với một người dân thành Paris trên một chuyến tàu thủy chạy từ Rotterdam đi Moerdych:

“Nước Pháp các ngài có ba nhà văn trứ danh mà cả châu Âu thèm thuồng là Corneille, Voltaire và Paul de Kock”.

Người ta nói rằng đức Giáo hoàng Grégoire XIV mê đọc sách của Paul de Kock quên cả ăn quên cả ngủ. Trong tủ sách của Giáo hoàng không thiếu một tác phẩm nào của văn sĩ.

Cả đức Giáo hoàng Pie IX cũng ham mê tiểu thuyết của Paul de Kock như vậy.

Đêm trước trận Sadowa, Thống chế Bismarck “thủ tướng sắt” nước Đức thức suốt đêm đọc cuốn “Gustave le mauvais sujet” của Paul de Kock để đợi sáng.

Thật một nhà tiểu thuyết Pháp được lừng lẫy thanh danh ở ngoại quốc như vậy kể cũng là hiếm lắm. Sách của Paul de Kock được dịch ra nhiều thứ tiếng ngoại quốc nhất trong các tiểu thuyết Pháp.

Nhà tiểu thuyết trứ danh nước Anh thời bấy giờ là E. Budwer Lytton viết thư khen Paul de Kock trong có những câu: “triết lý uyên thâm, văn pháp họa bát”.

Được hoan nghênh ở ngoại quốc như vậy, tưởng ta có thể đoán được Paul de Kock được hoan nghênh ở trong nước như thế nào…

Sinh ngày 21 mai năm 1793 tại Paris, năm 18 tuổi, Paul de Kock đã bắt đầu viết sách. Trong khoảng chưa đầy một tháng trời, nhà văn sĩ trẻ tuổi đã viết xong được một bộ tiểu thuyết gồm hai cuốn là bộ “L’enfant de ma femme”.

Không kiếm được nhà xuất bản, hai năm sau, văn sĩ trù tiền in lấy bộ chuyện đó, nhưng bán không chạy đành lỗ tiền in.

Cuốn sách thứ hai của Paul de Kock đã bán được chút ít tiền bản quyền tác giả, là cuốn “Georgette ou la nièce du Fabellion”.

Tiếp theo các cuốn “Gustave le mauvais sujet”, “Frère Jacques”, “Mon voisin Raymond” ra đời, có người giới thiệu Paul de Kock với văn hào Chateaubriand. Văn hào thành thật ngợi khen và khuyễn miễn.

Phụ Bản II

“Cuốn Mon voisin Raymond là một bộ tiểu thuyết rất hay, một thiên khảo cứu về phong tục Paris đúng sự thật nhất, vui vẻ ngộ nghĩnh nhất từ trước tới giờ. Ngài cứ theo con đường đó mà đi, tôi xin nói trước với ngài rằng ngài sẽ có một địa vị trong các nhà tiểu thuyết Pháp.”

Sau đó, thanh danh của Paul de Kock nổi lên như cồn, riêng bản quyền cuốn “L’amant de la lune”, văn sĩ bán cho nhà xuất bản Baudry được 20.000 quan tiền vàng.

Thanh danh của Paul de Kock như gió thổi khắp nơi, từ quốc vương đại thần, nhà văn, nhà giáo dục tời thằng hầu, đứa ở, ai ai cũng biết tên, ai ai cũng ham đọc các sách của văn sĩ. Trong bất cứ cuộc hội họp thượng lưu hay hạ lưu nào, câu chuyện được đem ra bàn luận đầu tiên là chuyện của Paul de Kock và các nhân vật trong chuyện ấy.

Đến nỗi, nhà văn nghệ sĩ hoàn toàn nhất nước Pháp hồi ấy là Théophile Gautier, nhà văn được hầu hết các nhà văn thời ấy tôn làm bực minh sư, cũng phải để lời khen ngợi Paul de Kock:

“Ông Paul de Kock là một bực siêu quần. Cách hành văn của ông là cách hành văn các nhà đại bút, khoáng đạt mà không cầu kỳ, hùng mạnh mà không cố gắng, táo bạo mà không bao giờ lầm, tin ở sự tồi tàn của loài người không ai bằng.”

Tưởng không còn khen thế nào cho hơn được nữa!

Tính ra, Paul de Kock đã cho ra đời tới 400 bộ tiểu thuyết (có bộ hai ba cuốn) và 200 kịch bản, bằng ấy tác phẩm đều đã được nhiệt liệt hoan nghênh ở trong nước và ở nước ngoài, danh vọng ông lừng vang trên gần khắp thế giới…

Thế mà… ngày nay, sau hơn 100 năm, tên tuổi và văn nghiệp của Paul de Kock đã bị đổ nhào bạt phẳng như lâu đài cát.

Xem đó, các bạn tất đã thấy rằng phàm làm một nhà văn mà muốn lập được một sự nghiệp trường cửu, người ta không cứ là phải viết nhiều.

Một cuốn sách, mà một cuốn sách hay viết rất thành thực “và do cảnh ngộ xui nên mà viết” thường có giá trị hơn một kho sách của một người viết ra để kiếm tiền. Nhưng sách để kiếm tiền đó lắm khi được hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng chung quy chỉ như là cái bọt xà phòng mà thôi. Đương thời, người đời hoan nghênh những sách ấy lắm, nhưng chỉ một dạo rồi sau không ai biết tới nữa.

Nguyễn Du, Abbé Prévost và bao nhiêu nhà văn khác chỉ để một cuốn sách lại cho hậu thế, nhưng hậu thế đọc mãi, đọc mãi mãi không bao giờ quên được. Cho nên ta chẳng thường nghe thấy cách ngôn tây đã có câu “Tôi sợ những người có một quyển sách”. Mà những nhà văn thực kính trọng ngòi bút, thực kính trọng tên tuổi có bao giờ cứ phải viết lia lịa cho nhiều cho lắm đâu.

Ai là người hữu tâm với văn học nước nhà tất cũng lấy làm mừng mà nhận thấy ít lâu nay văn giới ta sản xuất được vài ông văn sĩ viết khỏe lắm, viết trong một vài năm mà có khi được tới ba bốn chục pho chuyện mỏng và xem chừng như chạy lắm.

Đó cũng là một điều hay… hay cho nhà xuất bản thu được nhiều tiền, nhưng ta đừng nên vội tưởng những ông ấy sẽ có cái gì để lại cho hậu thế.

Chuyện Paul de Kock thuật trên kia, chúng tôi muốn đem làm một cái gương cho những anh em văn sĩ trẻ tuổi chúng ta cùng soi theo đó mà giữ gìn ngòi bút và tự nhủ rằng: “Ta cần phải viết cái gì có ích, ta phải viết cái gì sở dĩ để được về sau chứ không cần viết làm sách để cho sau này không ai biết đến, mà kết cục không có sự nghiệp văn chương gì cả.”

VƯƠNG TƯ – ĐỖ THIÊN THƯ st

VOI VÀ HỔ ĐẤU NHAU TẠI HỔ QUYỀN

Sự lựa chọn vị trí để xây dựng Hổ Quyền liên quan đến cả lịch sử lẫn địa lý của Kinh đô Huế. Có người cho rằng vua Minh Mạng đã thiết lập Hổ Quyền ngay ở trung tâm khu đất mà xưa kia người Chàm đã xây dựng một cái thành của họ: Thành Lồi. Nhà vua muốn biểu thị quyền lực của triều đại mình lên trên thành cổ điêu tàn của một vương quốc từng vang bóng một thời. Một nguyên nhân khác thực tế hơn, là ở gần đó, nguyên dưới thời Gia Long, đã có xây Long Châu Miếu, thường gọi là Điện Voi Ré, nơi thờ những con voi từng chiến đấu hữu công trên trận mạc.

Ngày xưa, các trận đấu tại Hổ Quyền được tổ chức hàng năm, nhưng cũng tùy sở thích của từng ông vua nhà Nguyễn. Trận đấu cuối cùng tại đây diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Hôm đó, một con voi cái hiên ngang bước vào đấu trường, đi qua đi lại trước mặt con cọp, không một chút sợ sệt. Đang ngồi xem, vua Thành Thái khen: “Con này can đảm lắm”. Nhà vua vừa nói xong thì cọp nhảy nhóc lên bấu trên trán voi. Voi hất mạnh, con cọp rớt xuống. Con cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ và giữ nguyên được vị trí. Voi tức giận rống lên một tiếng thật to trong khi chạy vụt tới phía trước, đè cọp vào thành Hổ Quyền, dồn tất cả sức mạnh ngàn cân vào đầu để vừa húc vừa ép cọp thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên thì cọp rơi xuống đất. Nó bị voi chà nát.

Từ đó về sau, không còn trận đấu nào diễn ra ở đây nữa.

Hổ Quyền được cấu trúc khá đơn giản nhưng rất chắc chắn. Hơn nữa, vật liệu xây dựng toàn là gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt. Cho nên, sau hơn 160 năm, đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn.

Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng tường ở bên trong cao 5,90m và vòng tường ở bên ngoài cao 4,75m (kể cả lan can) có khuynh độ khoảng 1/10 chúc đầu vào nhau, ôm chặt lấy mô đất ở giữa. Bề dày đỉnh tường ngoài đo được 35cm và đỉnh tường trong đo được 47cm. Cả hai cộng với mô đất ở giữa tạo thành một bề dày 4m ở đỉnh và gần 5m ở mặt đất thường. Mặt trên của mô đất ấy cao bằng tường ngoài tạo thành con đường chạy vòng tròn (chỉ gián đoạn ở khán đài vua ngồi) để khán giả đi quanh trên đấu trường và dễ đứng xem voi cọp đấu nhau trong lòng chảo. Mô đất chạy vòng ấy cũng đã được dùng để trổ thành 5 chuồng cọp và 1 cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu.

Đường kính trong lòng chảo đo được 44m, chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 140m.

Khán dài vua ngồi, theo nguyên tắc của Dịch học, quay mặt về hướng nam, xây cao hơn khán đài bình thường chạy quanh đấu trường. Ở khán đài danh dự ấy, thân Hổ Quyền được xây nới rộng ra về bề dày. Bên trái khán đài xây một hệ thống bậc cấp khác để cho các quan lại, binh lính và dân chúng bước lên xem.

Ở giữa bậc cấp này và khán đài chính là cửa voi đi. Cửa rộng 1,90m, cao gần 4m. Con đường chạy vòng tròn trên cửa vòm này được thu hẹp lại bằng một chiếc cầu nhỏ bắc qua vòm cửa. Dưới đó là một bộ cửa gỗ lớn, có hai cánh mà các bảng lề bằng đá hiện nay còn nguyên vẹn.

Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng cọp. Ngày nay cả 5 chuồng đều để lộ thiên, nghĩa là để trống ở bên trên, nhưng có dấu vết cho thấy ngày xưa đã làm mái nhà để che mưa nắng. Mỗi chuồng có một cửa trổ ở phía tường trong, và một cửa ở phía tường ngoài Hổ Quyền. Cửa ở tường ngoài về sau bị xây bít một nửa dưới, thành ra cái cửa sổ. Trong mỗi tường đều có xây máng để bỏ thức ăn cho cọp. Các khung cửa bằng đá hiện còn cho thấy ngày xưa các cánh cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo thả dây từ trên xuống. Cần lưu ý là hai cửa sổ hai đầu lớn hơn 3 cửa ở giữa. Diện tích đáy của 3 cửa giữa là 2,10m x 2,60mp; cửa rộng từ 75cm đến 80cm. Diện tích đáy của hai cửa kia đo được 2,65m x 3,20m; cửa một cái rộng 1m, một cái rộng 1,15m và chiều cao khoảng 1,80m. Có lẽ hai chuồng này dùng để nuôi cọp lớn, nhưng có thể cũng để nuôi gấu hoặc beo.

Quanh đỉnh tường ngoài, xây một hệ thống lan can bằng gạch chồng mí lên nhau, chừa lỗ trống ở giữa các viên. Kiểu xây này tạo sự thông thoáng, nhẹ nhàng, dễ coi. Quanh mí trên của tướng ngoài đấu trường còn xây 22 miệng ống xối hình đầu cá để cho nước mưa từ trên mặt con đường vòng chảy xuống đổ ra ngoài Hổ Quyền.

Khi tìm hiểu về mặt giá trị nghệ thuật của Hổ Quyền một tác phẩm Barnouin đã viết: “Ta không nên tìm nơi Hổ Quyền một tác phẩm mỹ thuật hay một kiến trúc tinh xảo. Nó chỉ là một trong những công trình kiến trúc kiên cố của thời Minh Mạng phù hợp với chức năng của nó mà thôi…”.

Tuy nhiên, Hổ Quyền lại có giá trị cao về mặt lịch sử và văn hóa. Khắp các nước Đông Á, kể cả Trung Quốc và Nhật Bản, không thấy có đấu trường nào tương tự. Hổ Quyền nằm ở Huế chẳng những là một di tích đặc biệt và độc đáo của Việt Nam, mà còn là một di tích quý hiếm của thế giới nữa.

Di sản thế giới

Bùi Đẹp

XÉ LỊCH

Người thường hay xé lịch

Để biết ngày đã qua

Người già thì xé lịch

Coi mình còn bao xa.

Ở tù ngồi xé lịch

Để đếm những ngày qua

Còn tôi lấy tờ lịch

Để viết chuyện ba hoa.

Tờ lịch có in sẵn

Ngày tây và ngày ta

Nhớ ngày đám giỗ Cha

Cùng ngày kỵ cơm Mẹ

Cùng tất cả ông bà.

Ngày qua theo tờ lịch

Lịch xé ra từng ngày

Bất chấp bao thời đại

Con người sống tới đâu

Lịch theo người tới đó.

Lê Tuấn

Tôn vinh Quốc Tử Giám

Bảng vàng bia tạc ngự hàng hiên

Tả hữu đề ngôi vị mỗi bên

Hãnh diện cảm quang nền Khổng Học

Tôn vinh kỳ tích mái Hương thiền

Văn đài dẫn bước đời mai hậu

Khoa giáo gương công đức nhiệm tiền

Bảo ấn điểm son hồn quốc sử

Muôn dân hoài niệm bậc danh hiền.

TRẦN LỮ VŨ

ĐỊNH LUẬT

Đếm nhịp thở dẫn đường vào định luật

Xây dựng lâu đài tư tưởng vô vi.

Có thật nhiều mà không tất cả!

Đến chả đem gì! Về cũng chẳng mang đi

Bến vô thường qua bóng đời sinh diệt

Hẹn tao phùng tương phản đón chia ly.

TRẦN LỮ VŨ

TIẾNG KHÔNG GIAN

Mặc biển cả thét gào rung dĩ vãng

Mặc vầng trăng tàn úa đến mềm môi

Nụ hôn cũ dịu dàng hay thác loạn

Ta hững hờ bỏ mặc tháng ngày trôi

Ta thầm khóc giữa cơn mơ dữ dội

Nghe trái tim vỡ nát cõi vô thừng

Ta thèm khát niềm đau đầy tội lỗi

Hơi thở tàn u uất đến tang thương

Ta tự hỏi: phải chăng là định mệnh

Tự cội nguồn day dứt nẻo hoang vu

Tình đã chết khi mùa đông chợt đến

Vườn địa đàng luyến tiếc giọt sương thu

Gió xoa dịu nỗi giận hờn phi lý

Sóng miên man ve vuốt gót nhân trần

Ta ngây dại dấn thân vào mộng mị

Ngút ngàn xa đôi cánh trắng thiên thần

NGÀN PHƯƠNG

CUNG BẬC THĂNG TRẦM

Qua bao cung bậc thăng trầm

Trái tim không tường còn âm ỉ sầu

Qua bao ý nghĩ thâm sâu

Cuộc đời hiu quạnh úa nhầu ước mơ

Qua bao ngã rẽ tình cờ

Mảnh hồn băng giá vẫn bơ vơ hoài

Qua bao nghịch cảnh đắng cay

Tuổi xuân óng ả tàn phai nhạt nhòa

Qua bao bão tố phong ba

Kiên gan dũng cảm vượt qua thác ghềnh

Qua cơn biển động chồng chềnh

Thuyền thơ mỏng mảnh vượt lên chính mình

Qua bao gian khổ điêu linh

Cạn khô nước mắt nghĩa tình đa mang

Qua bao sầu khổ dịu dàng

Vẫn can đảm sống ngập tràn suy tư

NGÀN PHƯƠNG

TRUYỆN KIỀU

(Câu 1073-1136)

Song thu đã khép cánh ngoài,

Tai còn đồng vọng những lời sắt đanh.

1075- Nghĩ người thôi lại nghĩ mình,

Cám lòng chua xót, lạt tình bơ vơ.

Những là lần lữa nắng mưa,

Kiếp phong trần biết bao giờ là thôi

Đánh liều nhắn một hai lời,

1080- Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân.

Mảnh tiên kể hết xa gần,

Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.

Kiều had already closed the outer shutters of her window,

When her ears still resounded with those steady promises’ echo.

She thought of the stranger, then of herself, alone and helpless,

His pity did move her heart and lessen her loneliness.

Why had she endured this situation for so long a time?

When could she put an end to her windy and dusty life?

She then ventured to send a message to the man,

Imploring him to extend his generous hand

To rescue her from this drowning adversity

On the flowery sheet of paper, she wrote her whole story,

From her filial duty to her forlorn days astray on this land.

Tan sương vừa rạng ngày mai,

Tiện hồng nàng mới nhắn lời gửi sang.

1085- Trời tây lãng đãng bóng vàng,

Phúc thư đã thấy tin chàng đến nơi.

Mở xem một bức tiên mai,

Rành rành T ích Việt có hai chữ đề.

Lấy trong ý tứ mà suy

Ngày hai mươi mốt tuất thì phải chăng?

Chim hôm nhao nhác về rừng,

Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành.

Tường đông lay động bóng cành,

Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào.

1095- Sượng sùng đánh dạn ra chào,

Lạy thôi, nàng mới rỉ trao ân cần.

The next morning, no sooner had the haze begun to melt,

Than Kiều had a messenger send the letter to her knight.

When the Western sky was dyed in yellow sunlight,

She already received his message of answer.

Opening the letter, she found on the flowery paper,

Two characters clearly written: “Tích Việt”, which took her a while

To decipher as: “I’ll meet you on the twenty first at dog hour’s time (1)

At night fall, frightened birds hurried to shelter in the woods

The nice camellia was half shone by the half hidden moon

Suddenly at the West wall, some branch’ shadow moved strongly

Through the window she saw Sở Khanh steal in quickly

Quite confused, she summoned her courage to greet her visitor

After a polite prostrate, she imploringly whispered:

Rằng: “Tôi bèo bọt chút thân,

“Lạc đàn mang lấy nợ nần yến oanh.

“Dám nhờ cốt nhục tử sinh,

1100- “Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau”

Lặng ngồi, lẩm nhẩm gật đầu:

“Ta đây phải mượn ai đâu mà rằng

“Nàng đà biết đến ta chăng,

“Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi”

Nàng rằng: “Muôn sự ơn người,

“Thế nào xin quyết một bài cho xong.”

Rằng: “Ta có ngựa truy phong,

“Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi.

“Thừa cơ lẻn bước ra đi,

“I am just a duckweed drifting among light foams,

“A lost bird indebted to this life of swallows and orioles.(2)

“May I entrust you with my whole bones and flesh?

“Not only in this life shall I pay you my debt,

“But for the next lives my gratitude’ll still oblige me.

Sở Khanh nodded while listening silently

“Here I am”, said he, “not any one you have to entreat,

“Since you have trusted yourself to me, whatever you need,

“Even if I had to fill up the griefful sea where you are drowning,

“I shall do it to save you without hesitating.”

Kiều said: “Now everything depends on your determination,

“Please make a final decision to have a clear solution.

“I have some pairs of fast horses and a bright servant on duty,

“Let’s profit by this occasion and leave this place secretly.

“Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn?

“Dù khi gió kép, mưa đơn,

“Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!”

Nghe lời nàng đã sinh nghi,

Nhưng đà quá đỗi, quản gì được thân.

1115- Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Mà xem con tạo xoay vần đến đâu

Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,

Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn.

Đêm thu khắc lậu canh tàn,

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.

Lối mòn cỏ nhạt màu sương,

Lòng quê đi một bước đường, một đau.

“That’s the best solution among the thirty six ways of escape.

“Whatever happens, single rain or windstorm, you’ll be safe,

“As long as I am here, you will have nothing to fear.”

At those words, Kiều already had some suspicious idea,

She knew she had gone too far, but what did her life matter?

She just shut her eye and let her steps venture.

To see how Creator would roll over her destiny!

Together they stole downstairs and got on horses quickly

Then began the trip, one after another, they rode off.

In the Autumn night, time leaked out, drop by drop (3)

The setting moon was hiding its half mirror beyond the mount,

At every gust of wind, leaves fell down, scattered all around

Over the trails, grass color was blurred with dew,

At every step of ride, her nostalgic pain bitterly grew!

Tiếng gà xao xác gáy mau,

Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng.

Nàng càng thổn thức gan vàng,

Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!

Một mình khôn biết làm sao,

Dặm rừng bước thấp, bước cao hãi hùng.

Hóa nhi thật có nỡ lòng,

1130- Làm chi dày tía vò hồng lắm nau!

Một đoàn đổ đến trước sau,

Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời.

Tú Bà tốc thẳng đến nơi,

Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà.

Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,

Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.

Suddenly, the cock crows resounded precipitately,

Then an uproar of people’s voices rose so closely.

Her heart thobbed with fear, Kiều looked around for help,

But Sở Khanh already turned his bridle to somewhere else!

Alone on horseback, she didn’t know how to strive,

Horse hobbling on uneven woods paths made her terrified!

Oh, Creator! You really had no mercy!

Why torture this frail flower to such a misery!

The band soon came up from both side, gathered around,

No wings to fly not paws to dig to slip underground

Tú Bà rushed up to the spot, had her dragged home straightly

Then without questioning nor making any inquiring,

She poured her anger on the frail willow, the feeble flower.

(To be continued)

THÙY DƯƠNG

----------------------

(1) Dog hour = 19:00 to 21:00

(2) Life of pleasurable loves

(3) In former days, they used water clock where water leaked down drop by drop.

CHUYỆN VUA THÀNH THÁI

Vua Thành Thái sanh năm 1877, mất năm 1954, thọ 77 tuổi

Lên ngôi năm 1889, tức lúc 12 tuổi

Mất ngôi năm 1907, tức trị vì 18 năm.

Theo lịch sử khi vua Đồng Khánh băng hà, vì các con của vua còn quá nhỏ, nên triều thần đã vâng theo ý chỉ của Lưỡng Tôn Cung là Nghi Thiên Hoàng Hậu vợ vua Thiệu Trị và Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu vợ vua Tự Đức đón người con thứ 7 của vua Dục Đức là Hoàng tử Bửu Lân, từ nơi bị giam cầm với mẹ về làm vua lấy niên hiệu là Thành Thái, năm 1889 lúc nhà vua được 12 tuổi. Đã đến tuổi hiểu biết nên nhà vua cũng ý thức được là quyền bính của Nam Triều lúc bấy giờ đều nằm trong tay người Pháp, và lại chủ trương bí mật giao thiệp với phái Đông Du, cầu viện nước Nhật Bản. Những giai thoại về vị vua mất ngôi này nghe ra cũng rất thú vị.

Giai thoại thứ 1 : Lúc người Pháp cất xong cầu Doumer trên sông Hồng ở Hà Nội có mời vua Thành Thái ra dự lễ khánh thành. Nhà vua xa giá ra nhưng khi gần đến nơi, giả tảng như đi vào khu rừng gần đó để săn thú và mải mê đuổi theo thú, trong lúc quan khách của chính phủ bảo hộ và của cả triều đình Huế phải đứng chờ rất lâu tại địa điểm hành lễ, một phần vì mệt mỏi, một phần vì trời nắng gắt đã làm cho mọi người mất đi ít nhiều cái tác phong nghiêm chỉnh vốn phải có trong những buổi lễ long trọng, và cũng vào dịp này, vị quan Cơ mật đầu triều lúc bấy giờ là Trương Như Cương đã trình lên nhà vua một danh sách những người được ông ta đề bạt vào những chức vụ quan trọng – tất nhiên là những người có xu hướng thân với chính phủ bảo hộ, để nhà vua phê chuẩn. Vua xem xong mới phán một câu: “Nhưng những người này ta có biết đứa mô (1) đâu?” Thêm nữa, triều thần được xem một bài thơ nói là của vua làm để tỏ tâm trạng mình, vua bảo trình lên để ngự lãm. Bài thơ như sau:

Võ võ văn văn ý cẩm bào,

Ngã vi thiên tử độc gian lao

Tam bôi hoàng tửu quần lê huyết,

Sớ trảm thanh trà bách tính cao,

Thiên lệ lạc dư nhân lệ lạc,

Ca thanh cao xứ khắp thanh cao,

Can qua thư hội hưu đàm luận,

Lân tuất tương sanh phó nhị tào.

Khi xem xong, nhà vua phẫn nộ phán rằng: “Ta là vua, lẽ nào đi suy bì số phận với kẻ quần thần bầy tôi”, như trong hai câu đầu bài. Đây là bài thơ thằng Trương Như Cương nó làm, mạo danh ta.

Giai thoại thứ 2 : Lúc ở Huế và còn ngồi trên ngôi, vua Thành Thái thỉnh thoảng vẫn làm một chuyến “vi hành” để thăm dân tình thế thái. Có một lúc nhà vua ra chợ Đông Ba và tiếp xúc với bạn hàng mua bán – có người biết được đó là vua, nên xưng hô cung kính: “Thưa Hoàng Thượng”, vua bèn bảo rằng: gọi ta là thằng “lé” chứ Hoàng Thượng nào – thật sự nhà vua có hơi “lác” mắt. Dân chúng gọi theo ý muốn nhà vua nhưng rất rụt rè.

Vua Thành Thái là một ông vua thông minh, sở trường về nho học, tuy nhiên cũng chịu ảnh hưởng các nhà cách mạng Trung Hoa và Nhật Bản, lúc nào cũng muốn cải cách quốc gia – chính nhà vua đã hớt tóc ngắn (2), biết lái xe hơi và xuồng máy bằng cách nghiên cứu trong sách Âu Tây và lại ngấm ngầm xướng xuất khuyến khích việc đưa thanh niên ra nước ngoài cần học để mưu đồ đại sự sau này. Chính quyền bảo hộ Pháp lúc bấy giờ rất e ngại cái ý tưởng cấp tiến của Nhà Vua, luôn tìm cách ngăn trở nhưng không được, kịp đến khi nắm được bằng chứng nhà vua bí mật giao thiệp với cánh Đông Du (1907) nên Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Broni và Khâm sứ Trung kỳ là Lévêque bắt ép vua phải thoái vị nhường ngôi cho Thái tử Vĩnh San, tức vua Duy Tân sau này và đưa vào giam giữ tại Vũng Tàu cho đến năm 1915 bí mật đem sang an trí tại đảo La Réunion thuộc Phi Châu. Bị giam cầm nơi quê người cho đến tháng 5 năm 1947, cựu hoàng Thành Thái mới được trở về nước và 7 năm sau mất tại Sài Gòn (24-03-1954). Lúc trở về, chánh quyền Pháp tại Sài Gòn cũng muốn cấp cho ông một ngôi nhà tử tế nhưng cựu hoàng từ chối, ra thuê một căn nhà khiêm tốn, bề ngang chừng 4m tại một dãy phố liên kế với nhà dân chúng, đó là căn phố mang số 35 Nguyễn Trãi – thuộc quận 5 bây giờ, chỗ gần ngã 3 Nguyễn Trãi – Nguyễn Biểu. Nghe nói lúc Quốc Trưởng Bảo Đại hồi loan năm 1949 định đến thăm cựu hoàng tại đây, nhưng cựu hoàng không chịu tiếp ông vua cháu.

Giai thoại thứ 3 : Tại thành phố Sài Gòn vào năm 1954 chưa có nước máy bắt ống vào từng nhà như ngày nay, mà dân chúng phải đi lấy nước sinh hoạt tại các trụ nước ở lề đường. Người giúp việc nhà cựu hoàng một hôm ra lấy nước đã gây sự, cãi cọ và ấu đả với người trong xóm, chạy về nhà lẩn trốn. Hàng xóm đi thưa nhân viên công lực đến phân xử. Khi cảnh sát viên đến trước nhà cựu hoàng để kêu người giúp việc ra đối chứng, lúc đó đang trốn sau bếp, cựu hoàng nghe thấy, mới từ trong phòng lững thững bước ra, nhìn ngay mặt cảnh sát viên mà hỏi: mi muốn chi? Anh cảnh sát hơi ngạc nhiên vì mình là nhân viên (3) công lực, đến để phân xử người nhà ông này gây mất trật tự công cộng, đã không cho gặp mà còn hỏi một câu nghe trịch thượng quá! Nhưng ngay lúc đó, đám trẻ trong xóm hiếu kỳ, chạy đến coi mới la lên: “Ông dzua đó, Ông dzua đó (4)”. Viên cảnh sát có hơi do dự, không tiếp tục công tác mà trở về báo cáo sự việc cho trưởng đồn (5), viên trưởng đồn cảnh sát người Pháp nghe xong mới bảo: thôi, sự việc này bỏ qua.

Giai thoại thứ 4 : Như đã nói ở trên, vua Thành Thái là người rất ưa chuộng học hỏi văn minh cơ khí Tây Âu nên tại căn nhà nói trên, ông với người cháu mày mò chế tạo ra một chiếc xe hơi (6) rất nhỏ vừa đủ hai người ngồi và chạy được bằng một động cơ nhỏ, có bốn bánh và cũng có vô-lăng điều khiển. Với chiếc xe này, cứ chiều chiều, ông cùng với người cháu làm tài xế ngự trên chiếc xe chạy đi dạo chơi khắp phố Sài Gòn. Dân chúng Sài Gòn lúc bấy giờ thấy chiếc xe đàng xa là biết “ngài” đang du hành với chiếc xe do mình chế tạo. Một hôm, cựu hoàng đi lên khu Bà Chiểu vì nghe dân chúng đồn rằng tại đây có “Lăng Ông” (7) linh thiêng lắm, dân chúng hay “vào xin xăm bói quẻ” cầu xin tài lộc, tình duyên. Lúc nhà vua bước vào khu chánh điện, thì thấy có nhiều người, trai có, gái có, già có, trẻ có đang quỳ trước bàn thờ Tả Quân, miệng lâm râm khấn vái, hai tay bưng chiếc ống tre có đựng những thẻ cũng bằng tre có sơn số và lắc cho đến khi một chiếc thẻ văng xuống chiếu thì nhặt lấy đem đến bàn có người đoán xăm ngồi, đổi lấy một mẩu giấy có số tương ứng với thẻ, trên có in bài thơ để nhờ đoán xem công cuộc làm ăn hoặc tình duyên, hên xui, may rủi tùy theo ý nghĩa của những câu thơ đó. Vua Thành Thái đứng sau lưng đám người đang quỳ xin xăm, nhìn lên bàn thờ Tả Quân. Ông Từ thấy vậy, mới lại kế bên nhà vua nói: sao người ta quỳ lạy hết, ông lại đứng sổng lưng ở đó? Vua mới quắc mắt, chỉ tay lên bàn thờ nói với ông Từ: “Hắn lạy ta, hay ta lạy hắn.” Ông Từ thấy dáng vẻ vua người quắc thước nên cũng ngại không nói thêm điều gì. Vua về, có người trong đám xin xăm biết nên nói với ông Từ: đó là cựu hoàng Thành Thái, đến thăm lăng vị khai quốc công thần, mà trong các tiên đế của cựu hoàng đã có người ra lệnh xiềng mã và đề tên lên bia mộ câu: “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục Pháp xứ”. Nhưng hình phạt trên đến đời Tự Đức đã được giải tỏa, lăng mộ được chỉnh trang tử tế như bây giờ.

Như đã nói ở trên, vua Thành Thái cũng là người sở trường về Nho học. Như khi bị định cư ở Vũng Tàu, vua đã làm bài thơ cảm khái với lời lẽ thống thiết như sau:

Sống thừa nào biết có hôm nay,

Nhìn thấy non sông đất nước này

Sững ngựa chưa quên câu chuyện cũ

Ruột tằm đời đoạn mối sầu “Tây”

Xuân Thành nghìn dặm may mù mịt,

Bể Cấp bốn mùa sóng vỗ vây,

Tiếng súng đêm ngày nghe nhạc khúc

Dẫu cho sắt đá cũng chau mày.

Và cũng để kỷ niệm một vị vua có tinh thần cải cách quốc gia cao độ, con đường mang tên ông đã có từ chế độ cũ là con đường nối liền đường Nguyễn Văn Cừ (tên bây giờ) với mũi tàu đường Hùng Vương quận 5, trong lúc nhà vua vẫn còn sanh tiền và sống tại số 35 đường Nguyễn Trãi, là con đường song song cách 200m cho đến cuối đời mình vào năm 1954 và thi hài được đưa về Huế táng tại lăng Dục Đức, cạnh vua cha.

Hiện nay tại TP.HCM, con đường có tên Thành Thái là đường mới chạy dài từ đường 3/2 quận 10, chỗ ngã tư 3/2 – Nguyễn Tri Phương cho đến giáp đường Bắc Hải thuộc quận Tân Bình. Đường mới, rộng rãi, tráng nhựa phẳng phiu, hai bên hàng quán thẳng hàng, sạch sẽ, dài độ 3 cây số, giao thông tiện lợi liên quận, xứng đáng với thành tích yêu nước của người mà đường mang tên. Những khi đi trên đường chắc cũng có nhiều người mường tượng, không biết có lọt vào tầm ngắm của các tay yên hùng xa lộ trong những ngày lễ lớn hay không?

Một điều lạ là vua Thành Thái, từ khi còn ở trên ngôi cho đến lúc bị truất, lúc nào nhà vua cũng có thái độ hoặc hành động chống đối lại nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ, nhưng không hiểu sao lúc lưu đày về ở tại căn nhà đường Nguyễn Trãi (TP.HCM), thường chiều nào nhà vua cũng ra đứng trước cửa, tay chống ba-tong, trên người mặc chiếc áo bốn túi bằng kaki vàng, và chiếc quần sọt cũng bằng kaki, may theo lối quá gối của Ăng-lê, trên đầu đội chiếc mũ cối cũng lợp bằng kaki vàng, vành mũ lớn và hơi cụp xuống, là loại mũ mà sĩ quan quân đội viễn chinh Pháp thời đó hay đội, mắt lúc nào cũng thấy đeo kính đen, có lẽ để che cặp mắt hơi bị lác, và nhìn dân chúng xe cộ qua lại trên đường. Có lẽ nhà vua cũng buồn cho số phận của một ông vua nước… nhược tiểu.

Và mặc dầu thời đó nhà vua cũng đã tiếp xúc ít nhiều với chế độ văn minh dân chủ, nhưng khi phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường bị người Pháp đày và bệnh chết ở đảo Tahiti (8), nhà vua nhớ thù cũ, ông “quan phụ chánh” này đã giam giữ cha mình là vua Dục Đức và bỏ đói cho đến chết, nên đã xử sự theo luật lệ của thời phong kiến là cho quật mồ củaa Nguyễn Văn Tường lên, dùng gậy sắt đánh vào quan tài (9), một hình thức báo thù, như lễ “Hiến-Phù” mà tiên triều vua Gia Long đối với vua Quang Trung.

PPT ghi

---------------

Chú thích:

(1) Mô: nào, tiếng miền Trung

(2) Tóc ngắn: ngày xưa người đàn ông VN để tóc dài và búi tóc sau ót, cho đến khi tiếp xúc với văn minh Âu Châu mới hớt tóc ngắn.

(3) Mi: mày

(4) Dzua: vua, người miền Nam tiếng nói không phân biệt chữ d và chữ v.

(5) Trưởng đồn: tức cảnh sát trưởng, ngày trước chức vụ này đều do người Pháp nắm giữ

(6) Xe hơi: tức ô tô

(7) Lăng Ông: tức lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt ở góc đường Đinh Tiên Hoàng – Phan Đăng Lưu hiện nay.

(8) Tahiti là một đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương, thuộc Pháp, có tỉnh lỵ cửa khẩu Papeete

(9) Theo Phan Trần Chúc trong “Vua Hàm Nghi”

NỖI LÒNG KHI ĐI DỰ TIỆC CƯỚI

Tình cờ tôi được vợ chồng ông bạn ở bên Quận 5 đến đưa thiệp mời dự tiệc cưới mừng con gái đi lấy chồng. Chúng tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng nhận thiệp mời và phải đóng kịch rất vui mừng khi biết được hai ông bà này lo lắng cho gái được chu đáo. Thật ra, chúng tôi chẳng có thân thích gì với vợ chồng ông bạn này. Chẳng qua tình cờ mới gặp một lần ở quán phở Công Đoàn khi ông chồng ngồi chung bàn với một người bạn thân của tôi lâu ngày bất chợt gặp lại.

Tham dự tiệc cưới sẽ rất vui nếu đó là đám cưới của bà con ruột thịt, bạn bè thân thích hay hàng xóm gần gũi, đàng này chỉ mới qua một lần gặp ở quán cà phê mà cũng được mời dự đám cưới con gái. Tôi được biết, ngày nay ở trong thành phố này, những gia đình tổ chức đám cưới thường cố mời thật đông khách đến dự, không phải càng đông càng vui mà càng đông thì chú rể và cô dâu càng được nhiều tiền lì xì. Tổng số tiền lì xì không những đủ trả tiền cho nhà hàng mà còn có dư để cô dâu chú rể sau này làm vốn.

Bình quân một khách tới dự, dù không thân thích lắm cũng phải cố gắng bỏ vào phong thư hai tấm giấy trăm ngàn, vào thời điểm này. Đối với những người khá giả và quen biết thân thuộc với gia đình cô dâu, chú rể, phong bì thường dày hơn, có khi lên đến hàng triệu đồng. Có người còn lì xì bằng những tờ đô la Mỹ màu xanh dịu mát. Như vậy chỉ cần làm một bài toán nho nhỏ cũng thấy được mỗi bàn cũng lãi được ít nhất vài trăm ngàn đồng, và rồi cứ thế tùy theo số bàn mà nhân lên.

Khi đến dự đám cưới, dù chưa phải quen thân, người ta cũng có thể hình dung ‘bế thế’ của người tổ chức tiệc cưới.

Trước hết nhà hàng được chọn làm tiệc cưới thường là những nhà hàng có tầm cỡ với sảnh đường rộng có thể từ 100 bàn đến 150 bàn. Vừa tới cửa nhà hàng, hình ảnh hết sức long trọng đập vào mắt khách. Đó là giàn chào hai hàng thẳng tắp từ sân trước vào đến cầu thang gồm những thanh niên thiếu nữ trẻ đẹp. Nam mặc veston màu sậm đúng mốt dạ hội còn nữ thì mặc ‘xoa rê’ cũng thời trang ra phết. Nếu như khách là người nhà quê mới lên chắc phải lóng cóng chân nam đá chân xiêu khi đi qua hàng rào người đẹp, nhưng nếu là người thành phố này thì quen quá rồi, cứ đi qua tỉnh bơ vì biết rõ tòng tong rằng lát nữa đây những người đẹp này sẽ biến thành phục vụ viên với tạp dề trước ngực.

Vào trong, khách được hướng dẫn tới bàn ngồi để… chờ đợi. Trước đây người ta chỉ ghi trên thiệp ‘Tiệc cưới bắt đầu từ …’ Bà con đến đúng giờ phải mòn mõi chờ đợi có khi đến hai tiếng đồng hồ. Sau này tiến bộ hơn, thiệp mời ghi giờ đón khách, giờ khai tiệc. Nhưng nếu khách đợi đến lúc khai tiệc mới đến thì sẽ không còn chỗ ngồi, hoặc không có chỗ ngồi vừa ý, có khi bị nhét cho ngồi chung với đám con nít. Sở dĩ có chuyện không đủ chỗ ngồi là vì người tổ chức đã dự trù số người không đến dự nên thường cắt giảm khoảng 10% số khách mời để đặt số bàn tiệc. Nếu khách đến đông đủ sẽ không có chỗ ngồi. Nhưng thường thì khoản dự trù này cũng khá chính xác. Do đó khách phải đến sớm để có chỗ ngồi thoải mái và dĩ nhiên phải chờ đợi lâu.

Nhằm mục đích giới thiệu gia đình cô dâu chú rể với thực khách hai bên, Nhà hàng thường đưa ra những chiêu thức vừa quảng cáo vừa dụ dỗ những thực khách nào sắp tổ chức tiệc cưới trong tương lai. Đầu tiên là phần giới thiệu cô dâu chú rể, MC (người dẫn chương trình tại buổi tiệc) sẽ hướng thực khách nhìn ra ngoài cửa nơi cô dâu và chú rể từ từ bước vào. Tiếp theo là một đoàn vũ công vừa đi vừa uốn éo theo điệu nhạc. Đây là một trong những chiêu câu khách của mỗi nhà hàng. Mỗi nhà hàng đều phải chế những chiêu thức thật độc đáo để gây ấn tượng cho khách hàng. Khách hàng cũng có thể thuê kiệu có che lọng, người khiêng đàng hoàng, hoặc ‘xe kéo’ để đưa cô dâu chú rể lên sân khấu thay vì đi bộ.

‘Em xi’ (MC) cũng là một trong những chiêu thức riêng biệt để câu khách của nhà hàng. Cho nên MC phải đặt lời cho màn kịch giới thiệu, Vì phải cố đặt ra nhiều lời văn chương hết sức ấn tượng cho nên thường trật lất. Hầu hết MC hay mở đầu bằng câu “ Kính mời quý khách ổn định chỗ ngồi để chúng ta bắt đầu làm lễ”. Nhà hàng cũng trật luôn khi trên sân khấu ghi dòng chữ “Lễ thành hôn của chú rể (tên) và cô dâu (tên). Đây rõ ràng là tiệc mừng ngày thành hôn của cô dâu chú rễ, và hôn lễ đã cử hành xong rồi, thường vào buổi sáng, tại nhà riêng hai họ. Không lẽ tiệc mừng này là thủ tục của lễ thành hôn mà MC là chủ hôn chăng?

Sau khi giới thiệu, MC hướng dẫn cô dâu và chú rể dâng rượu lên hai bên cha mẹ, trong lúc MC thao thao bất tuyệt về công đức sinh thành của cha mẹ hai bên. Cái này là chiêu thức màu mè nhưng thừa và cũng trật lất của nhà hàng. Thủ tục này đã làm rồi tại lễ thành hôn ở tư gia hai bên, và nên nhớ đây là thủ tục trước tiên không thể thiếu. Chắc không ai quên thủ tục ‘Nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường…’ trong các phim Tàu. Việt Nam cũng vậy. Vụ dâng rượu tại buổi tiệc cưới đâm ra lố bịch.

Có MC trong lúc thao thao bất tuyệt trả bài thuộc lòng giới thiệu đôi bên hai họ lại phang rằng “Cô dâu chú rể đã nối nhịp cầu Ô Thước để đến với nhau.” Như vậy mà nói được.!! Hỏi ra ông MC này không biết Ô Thước là cái gì, chỉ nghe người ta nói rồi bắt chước. Quả đúng với thành ngữ ông cha ta thường hay nói: “Dốt hay nói chữ”. Có nhà hàng bày tuồng để MC bảo cô dâu chú rể hôn nhau trên sân khấu sau khi cụng ly vòng tréo tay nhau uống rượu. Như vậy là trẻ trung, hoặc là sáng kiến “đột phá” chăng?

Đến màn đại diện hai họ phát biểu ý kiến cũng có chuyện phải nói. May mà gặp được người nào nói vắn tắt, nhanh gọn là điều đáng mừng. Rủi ro gặp người hay phô trương tài ăn nói thì thật là tai họa. Có lần tại một tiệc cưới khác, một ông đại diện hai họ lên phát biểu tràng giang đại hải, thực khách vừa sốt ruột vừa đói bụng, vỗ tay để đuổi ông xuống nhưng ông cứ tiếp tục nói. Vô phúc hôm đó ông ta bị tổ trác, thay vì nói để “lưu truyền nòi giống”, không biết ông ta điều khiển cái miệng như thế nào mà phát âm thành “lưu truyền vòi nóng”. Thực khách thích thú vỗ tay muốn vỡ khán phòng. Thế là ông ta phải kết thúc phần phát biểu. Suốt buổi tiệc người ta cứ nghe râm rang hết bàn này tới bàn khác cái câu “lưu truyền vòi nóng của chú rể” và tiếp theo là những tiếng cười thoải mái.

Cũng giống như các chỗ cung cấp dịch vụ chung sự cho các đám tang, nhà hàng tiệc cưới cũng có màn khuyến mãi các tiết mục như màn vũ đưa cô dâu chú rể lên lân khấu, bánh bông lan ba tầng để cô dâu chú rể cầm dao cắt, tháp ly châm rượu, ban nhạc, pháo hoa vv… Thực ra, các tiết mục này đều đã được tính thành tiền hẳn hoi. Nếu khách hàng không muốn thì nhà hàng nói rằng khuyến mãi, và cố nài ép khách hàng chấp nhận. Khách hàng luôn ở trong cái tình thế khó lòng từ chối. Tôi được may mắn một lần đi dự tiệc cưới tại một nhà hàng rất sang trọng, nhưng các nghi thức đã được chính người trong gia đình chú rể và cô dâu thực hiện. Không “em xi, anh xi” gì cả. Không ban nhạc ồn ào chỉ để nhạc máy rất êm dịu, thực khách tha hồ vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Ai cũng cho rằng nếu có ban nhạc sẽ mất vui ngay.

Nói tóm lại, cho dù lễ cưới do cha mẹ bảo trợ hay tự bản thân lo liệu cũng nên tổ chức vừa phải không phô trương cầu kỳ, nên giản dị và tôn trọng phong tục truyền thống. Các nhà hàng có bày vẽ cũng nên cương quyết từ chối nếu không buổi tiệc cưới mất vẻ thân mật mà người ta còn nói “phú quý sinh lễ nghĩa”.

Về phần người có hỉ sự nên đưa thiệp mời đến những người mà biết chắc chắn họ sẽ vui vẻ đến tham dự, nếu đưa cho những người không thân thích chắc chắn người ta cho thiệp mời chỉ là ‘giấy báo nợ’ và chưa chắc họ đến tham dự. Có buồn không?

Dương Lê (duonglee@gmail.com)

SINH VIÊN VỚI VĂN HOÁ ĐỌC SÁCH

Sinh viên (SV) đi học nhưng lại rất lười đọc sách. Nghe thì có vẻ phi lý nhưng đó lại là sự thật. Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Lười đọc với cả giáo trình mình đang học.

Chưa cần nói đến các sách bên ngoài, ngay cả những sách giáo trình liên quan đến bài học của mình, SV rất ngại đọc. Những giáo trình như Triết học, Kinh tế chính trị hay Chủ nghĩa Xã Hội vừa dày, vừa khô khan. Phần lớn SV đọc lướt qua một vài trang, không hiểu sách nói gì, thế là bỏ qua không đọc nữa. Hôm sau đi học, mang sách vở đi nhưng ghi theo những gì thu lượm được từ lời thầy cô giảng, thậm chí còn có người chẳng thèm ghi chép gì. Khi đi thi, họ mượn tài liệu của bạn bè photo lại. Các môn học khác, khi nào cần thiết lắm thì lên thư viện nhà trường mượn sách, giở đến trang muc lục, tìm phần cần thiết rồi mở đến. Chứ không một SV nào “mất thời gian” ngồi “gặm nhấm” cả quyển. Nhiều môn chuyên ngành, giáo trình đã viết được mười năm, thậm chí có quyển đã viết được hai mươi năm. Do đó SV không muốn đọc vì nó không còn phù hợp với thực tế nữa.

Nhiều thầy cô có một chiêu thức “ép” SV đọc sách theo cách rất… học sinh phổ thông. Giáo viên yêu cầu SV đọc kỹ phần bài sẽ học ngày hôm sau. Khi lên lớp, vào đầu giờ giáo viên sẽ đưa ra những câu hỏi hoặc yêu cầu SV tóm tắt những gì đã đọc. Ai trả lời tốt sẽ cho điểm vào điểm kiểm tra 15 phút hoặc 45 phút. Ai không trả lời được, sẽ bị chép phạt phần đó 15 lần. Rất ít SV làm theo lời giáo viên yêu cầu. Nhưng hôm sau đến lớp, có khi cả lớp đều có thể trả lời được nội dung câu hỏi. Vì số nhiều chưa đọc, đến lớp sẽ hỏi số ít đã đọc. Do đó, nếu cuối năm giáo viên có hỏi SV có biết nội dung của cuốn sách đó viết gì không? Sẽ không có gì ngạc nhiên khi SV đều đồng loạt trả lời rằng: Thưa thầy, không biết ạ…!

Với sách giải trí ngoài thị trường thì sao?

Gặp Tuấn Anh (SV năm thứ 3-Học viện báo chí – tuyên truyền) trong nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Thấy cậu đi từ đầu nhà sách đến cuối nhà sách dáo dác tìm gì đó. Tưởng dân nghiền sách, tôi bắt chuyện. Tuấn Anh nói: “Mặc dù mình rất gần nhà sách, học ba năm ở đây nhưng đây là lần đầu tiên mình đặt chân vào”. Khi được hỏi vì sao thì cậu bạn cười rất tươi rồi vô tư nói: “Thấy đứa bạn nói trong này có nhiều sách hay lắm, vào xem sao…!”. À, thế là chỉ vì bạn bảo hay nên vào kiểm tra xem bạn nói có thật hay không? Không chỉ riêng Tuấn Anh, mà đó còn là lý do của rất nhiều SV hiện nay. Bây giờ, rất hiếm bắt gặp hình ảnh một SV ngồi hàng giờ, ôm khư khư quyển sách đọc ngấu nghiến từ đầu sách đến cuối sách. Có chăng họ đọc theo “mốt”, theo “phong trào”. Thấy người ta đọc thì mình cũng mua về đọc cho biết để có cái mà đến lớp bàn tán với bạn bè.

Vào những ngày cuối tuần, các nhà sách như Trí Tuệ, Nguyễn Văn Cừ, Tiền Phong… các hiệu sách bán hạ giá trên đường Phạm Văn Đồng, Đường Láng, lượng SV vào xem rất đông. Chị Trâm bán sách trên đường Láng chép miệng: Những người nào chủ định vào mua sách thì mua rất nhanh. Họ nói tên sách, mình lấy ra, họ trả tiền rồi đi luôn. Còn những ai đứng lâu thì thường là để…coi cọp. Họ đọc qua một vài quyển rồi chọn đại một quyển nào đó thấy hay hay. Có khi họ chẳng mua quyển nào cả.

SV hiện nay khá quan tâm đến mảng sách tâm lý. Nhưng không mấy ai mua về rồi đọc đi, đọc lại hai, ba lần. Lê Thu (SV khoa tiếng Pháp-ĐH NN) nói: Đọc kỹ một lần đã là tốt lắm rồi. Họa chăng lần sau có lướt qua để xem cho… không khí mới lọt vào để sách khỏi ố vàng thôi. Sách trinh thám, sách ma SV cũng chú ý. Nhưng họ chỉ lướt qua, rất ít người mua về. Vì vậy nếu có vào nhà sách, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy có những đầu sách xuất bản từ năm 1987, đến nay vẫn còn nằm yên một góc. Sách văn hóa đã lười, các sách chính trị thì thôi… miễn bàn. Họ đọc có chăng vì đọc cho biết qua, đọc vì đang cần gì đó, đọc vì nghe tên thấy hấp dẫn, đọc vì…

Công nghệ thông tin phát triển, SV bây giờ vào mạng có thể săn tìm cả ngàn tác phẩm chỉ trong một vài giờ. Họ tha hồ lựa chọn những cuốn sách theo bình phẩm của những người đã đọc trước đó chỉ cần một cái click chuột. Lướt thêm xuống phần nhận xét, bình luận, họ sẽ biết tác phẩm đó hay dở thế nào.

Tuy nhiên đối với những người thực sự đam mê với sách thì lại khác. Họ sẽ mua sách có hệ thống, họ luôn biết cuốn nào mới và họ đến hiệu sách chỉ có một công việc duy nhất là chuyển sách về nhà đọc mà thôi.

Đi tìm lời giải.

Để thu hút được SV quan tâm đến đầu sách, có những nhà xuất bản đã chú trọng đến trang bìa. Họ trang trí cho trang bìa thật nổi bật, thật bắt mắt, thật sexy nhưng không ăn nhập gì đến nội dung bên trong. Nhưng làm cách đó, SV mua về, họ đọc không thấy hấp dẫn, họ lại vất vào đó thậm chí gọi… đồng nát vào.

Mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn đầu sách mới ra đời. Và cũng có hàng chục, hàng trăm cách tiếp thị cho đầu sách đó. Nhưng để lớp trẻ thực sự quan tâm và đam mê đọc thì đó lại là một vấn đề lớn đặt ra cho các trường học cũng như các nhà xuất bản. Những ngày hội cho văn hóa đọc, những buổi thảo luận về sách cho SV cũng vẫn chưa nhiều. In sách không nên vì số lượng mà hãy chú trọng chất lượng trong đó. SV năng động, thích cái mới nhưng cái mới thể hiện trong sách phải thể hiện một cách phù hợp và “đẹp mắt”.

Đi tìm lời giải, nhưng câu trả lời thực sự thì vẫn nằm trong suy nghĩ của SV.

Tử Văn

Phụ Bản III

ĐỌC LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Có những cuốn sách, ta đã đọc đi đọc lại nhiều lần, bây giờ đọc lại, ta vẫn ham thích, vì lại thấy ánh lên ở đó một vẻ đẹp mới.

Như người yêu, mỗi lần gặp lại

Vẫn cứ bồi hồi như buổi nguyên sơ

Mấy câu ấy, tôi viết về sông Đà nhưng cũng có thể dùng làm lời cảm đề cho một tác phẩm quý giá như Liêu trai chí dị.

Với tác phẩm này, tài năng tuyệt diệu của Bồ Tùng Linh dẫn ta vào “ba nghìn thế giới” trong đó có cõi mộng, cõi thực, cõi hữu thức, cõi vô thức, có cả địa ngục và thiên đường. Văn chương họ Bồ quả có sức giải tỏa tâm linh ta khỏi sự dồn nén tạo nên bởi những ước lệ của cuộc sống chật hẹp thường ngày.

Biết bao câu chuyện diễn ra như những giấc mơ kỳ thú, nảy sinh từ trí tưởng tượng siêu việt của thiên tài. Đây chàng Chu dạo chơi cảnh chùa, ngắm tranh trên tường, nhập cả linh hồn và thể phách vào tranh, yêu say đắm người con gái trong tranh (Bức họa trên tường). Đây đạo sĩ núi Lao mời khách uống rượu, trời tối không đèn lửa, chỉ cắt miếng giấy hình cái gương tròn dán lên vách mà thành mặt trăng vằng vặc. Rồi đạo sĩ biến chiếc đũa thành người đẹp Hằng Nga uyển chuyển múa khúc Nghê thường… (Đạo sĩ núi Lao). Và đây nữa vị thần có phép lạ rửa ruột thay tim, biến người trì độn thành người thông minh, đem đầu người đẹp đã chết gắn vào mình người xấu còn sống, làm cho người xấu trở nên đẹp (Phán quan họ Lục)

Trong trường ảo mộng, con người và vạn vật thường hòa nhập vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau. Cá thành người, người hóa ngựa, những cô gái đẹp biết yêu thương đắm đuối nhưng vốn lại là hồ tinh, là ma, là tinh của các loài hoa. Nhà văn mượn miệng nhân vật mà nói rằng: “Đám đó tuy khác loài nhưng tình cũng như người”.

Tình yêu nồng cháy giữa giai nhân ma quái với những chàng thư sinh nghèo khổ nhưng tài hoa là đề tài nổi bật trong Liêu trai. Đó là nhân tố cực mạnh tạo nên sức hấp dẫn… “ma quái” trong tác phẩm. Tình yêu làm cho nhiều cô gái chết đã lâu năm lại sống lại làm người. Thật đúng như câu thơ của Nguyễn Công Trứ nói về sức mạnh kỳ diệu của nguồn tình cảm muôn thuở đó:

Đã gọi người nằm thiên cổ dậy.

Tình yêu đã làm cho chàng trai tương tư hóa thành chim để đến quấn quít bên cạnh người mình yêu. Tình yêu cũng làm biến đổi hẳn cốt cách của rất nhiều chàng trai vốn quen sống cô độc, nhút nhát hoặc ít nhiều vị kỷ. Ôi! Vui thay mà cũng nguy thay là những cuộc “giao hoan” liên tiếp.

Bồ Tùng Linh hay mượn chuyện cõi ma để nói chuyện cõi người. Ông đả kích cái tệ nạn ăn hối lộ ở dương gian bằng cách vạch trần cái tệ nạn ấy ở… Âm phủ. Kẻ kia tên là Mỗ, sắp chết, muốn kiếm cái chức Thành hoàng ở Âm ty cũng phải “đưa tạm năm nghìn quan” (Công Tôn Hạ). Chàng nọ tên là Tịch Phương Bình, có cha bị oan ở Âm phủ. Tịch xuống đó để cứu cha, thấy “bọn cai ngục đứa nào cũng nhận hối lộ và được rỉ tai trước cả, nên ngày đêm đánh đập (cha của Tịch), đùi vế dập nát đến tệ hại”. Bản thân Tịch cũng bị khép tội vì không có tiền đút lót. Cấp huyện giam cầm Tịch, cấp quận cũng giam cầm Tịch, rồi đến “cấp trung ương” cũng thế, Diêm Vương sau khi dỗ ngon dỗ ngọt không được, sai quỷ sứ cưa thân thể chàng ra từng mảnh. May sao, trên cấp đứng đầu một nước lại còn có một cấp cao hơn và sáng suốt hơn, là cấp “cán bộ nhà trời”. Chứng tỏ những điều Bồ Tùng Linh nghĩ ngợi về nhà nước, về công lý sâu xa biết chừng nào, và trong một chừng mực nào đó, ông đã muốn đứng ở tầm “quốc tế” mà suy nghĩ. Nhưng vấn đề nào chỉ có thế. Ngay khi đang phải chịu nhục hình trước tòa án Diêm Vương, cũng đã có những gã quỷ sứ nhân đức hết lòng giúp đỡ anh chàng họ Tịch. Một quỷ sứ nói: “Người này chí hiếu, không có tội gì, hãy cho chệch lưỡi cưa đi một tí, đừng hại đến quả tim của hắn”. Một quỷ sứ khác rút ngay dải thắt lưng bằng giây tơ của mình ra trao cho chàng, nói: “Tặng cái này, để đền đáp lòng hiếu của ngươi”. Chàng nhận lấy đeo vào, thì thân thể đột nhiên khỏe khoắn trở lại.

Thì ra đến quỷ sứ cũng còn biết đâu là đường ngay lối phải. Bồ Tùng Linh quả là nhà nghệ sĩ thâm thúy và hóm hỉnh. Đúng như Lời giới thiệu công phu mở đầu bản dịch đã viết: “Ông nhìn ra sự giống nhau về chất, trong những hình thái biểu hiện hết sức khác nhau, giữa thế giới người và thế giới quỷ. Và ông đi đến quyết định táo bạo đánh đồng hai thế giới ấy lại, tạo nên một độ “nhòe” nhất định trong khi nắm bắt diện mạo của mọi thành phần làm nên thế giới hỗn hợp ấy… mà chính là với điều kiện ấy, ông đã làm cho bản chất của hiện thực được phơi trần.” Bởi lẽ, trong thế giới hiện thực “Có những con người mà định mệnh đã an bài ở địa vị làm người, thậm chí làm thánh, thì y lại chỉ có phẩm chất của “quỷ. Và cũng có những con quỷ, trong thân phận của “quỷ”, lại mang tư cách chân chính của “người”. Bồ Tùng Linh đã chỉ ra một cách sắc sảo những hiện tượng rất “người” này. Hơn thế nữa, ông còn chỉ ra, ngay trong một con người đâu là cái phần đích thực là “người”, và đâu là cái phần chỉ có thể là “quỷ”. Chính vì thế, thế giới do ông tái hiện trở nên sinh sắc, thực hơn rất nhiều cái thế giới mà dân gian đã sáng tạo, cũng nghìn lần thực hơn cái thế giới hai tuyến – chính và tà – song song tương phản, trong văn học phương Đông cổ truyền”.

Liêu trai chí dị là một tác phẩm lớn của nhân loại, làm rung động mãnh liệt bảy tình của người đọc xưa nay. Toàn tập gồm 494 truyện (theo nghiên cứu nhiều năm của học giả Trương Hữu Hạc), rất tiếc là chưa bao giờ được dịch trọn vẹn ở Việt Nam…

Trần Lê Văn (Mạnh Đoàn st)

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CHẤT XƠ
Làm sao bảo đảm đưa vào đủ chất xơ trong bữa ăn

Làm sao bảo đảm đưa vào đủ chất xơ trong bữa ăn

Tháng 2, 2003 — Qua những điều các cơ quan chức năng đã phổ biến về dinh dưỡng, chúng ta đã biết được tầm quan trọng của chất xơ trong bữa ăn, tuy nhiên qua các cuộc khảo sát về bữa ăn, người ta đã phát hiện ra rằng mức tiêu thụ tự phát rau và trái cây - là nhóm thức ăn vốn giàu chất xơ - chỉ mới được tiêu thụ với lượng chưa được ½ so với lượng khuyến cáo (khoảng 400 – 600g/ngày). Thế còn hàm lượng chất xơ của những thức ăn công nghiệp như bánh, các loại snacks, ngũ cốc “ăn điểm tâm” từ nguyên liệu lúa gạo thì sao?

Sau đây là những thắc mắc về chất xơ thường được nêu lên.

Hỏi: Làm sao biết được trong bữa ăn có đủ chất xơ hay chưa?

Đáp: Theo các khuyến cáo mới nhất cho phụ nữ dưới 50 tuổi, người ta khuyến cáo nên đưa vào bữa ăn ít nhất 21g tổng số lượng chất xơ mỗi ngày. Phụ nữ trên 50 tuổi thì nên ăn vào 25g chất xơ/ngày. Các số tối thiểu khuyến cáo cho đàn ông dưới 50 tuổi là 30g/ngày còn trên 50 tuổi là 38g/ ngày.

Trong nếp sống thành thị, có nhiều thực phẩm công nghiệp ở siêu thị hay ngay cả trong chợ, có một cách để kiểm tra xem mình nạp vào có đủ chất xơ vào bữa ăn hay không, là nên tập thói quen đọc phần “đặc tính dinh dưỡng” in sẵn ngoài bao bì các sản phẩm công nghiệp từ ngũ cốc như bánh mì, loại “ngũ cốc để ăn điểm tâm”, các loại “snack”, nui, và gạo – đều có ghi hàm lượng chất xơ của sản phẩm.

Kế tới là đừng quên rằng rau và trái cây tự nhiên sẵn hàm chứa nhiều chất xơ. Vì lẽ những thức ăn tươi sống mua bán không có bao bì, người ta có thể dựa vào các bảng thành phần hoá học thực phẩm ước tính lượng chất xơ ăn vào cùng với nhóm thức ăn này: Theo cách đong thức ăn bằng chén (dung tích khoảng 250 ml) thì người ta có được 2 – 3g chất xơ mổi khi ăn được ½ - 1 chén rau, hay trái cây, tuy nhiên, nếu bạn uống nước ép trái cây thay vì ăn nguyên cả quả, thì cũng sẽ không có chất xơ đi kèm theo đâu.

Nếu bạn ăn vào mỗi ngày đủ 5 suất hay phần (serving) rau, trái cây và 6 suất ngũ cốc đã được chuẩn hóa như sau thì bạn có thể yên tâm là đạt liều tối thiểu 21g chất xơ mỗi ngày.

Còn nếu đặt chỉ tiêu cao hơn thì cứ theo cách đó mà ăn thêm, riêng về các sản phẩm ngũ cốc thì nên kén chọn những sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt – còn nguyên cả cám – và bổ sung thêm sản phẩm hàm chứa cám, đậu hạt, quả hạch (nuts) hay hạt còn nguyên mầm mộng (seeds).

Hỏi: Có gì khác biệt giữa chất xơ dạng hoá tan và chất xơ không hoà tan?

Đáp: Hòa tan hay không hòa tan ở đây là trong nước.

Tuy nhiên chất xơ không hòa tan được trong nước lại có khả năng giữ nước, chính nhờ đặc tính này mà ở ruột kết chất xơ làm tăng thể tích phân và khiến cho phân mềm nhuận trường dễ “đi”. Các nhà khoa học tin là nhờ đặc tính này mà chất xơ làm giảm nguy cơ bị ung thư ruột kết: đối với các tác nhân có tiềm năng gây ung thư, chất xơ dạng này có khả năng tăng tốc việc tống khứ ra khỏi ống tiêu hóa và làm hạ nồng độ của chúng trong khối phân dung tích lớn.

Nguồn cung cấp chất xơ không hòa tan gồm: các sản phẩm từ lúa mì nguyên hạt, cám lúa mì, cám bắp, nhiều loại rau, một số trái cây và đậu hạt khô.

Xơ hòa tan trong nước thành một chất khá là “dính keo” (gummy). Nhờ vậy mà các chất xơ loại này kết dính với chất béo trong ruột, góp phần làm hạ cholesterol trong máu: không hấp thu được thì hàm lượng cholesterol trong máu sẽ không tăng, và điều hòa được nồng độ đường trong máu do trì hoãn quá trình hấp thu bột – đường carbohydrat. Chất xơ hòa tan là do yến mạch và lúa mạch, đậu hạt khô và nhiều loại rau và trái cây cung cấp cho bữa ăn.

Điều đáng chú ý là một thứ rau phổ biến như rau diếp (lettuce) – mà nhiều người cứ tưởng là giàu chất xơ – thực ra chẳng nhiều gì về cả 2 loại hòa tan cũng như không hòa tan. Vậy xin nhắc các bạn là nên đa dạng hoá nguồn chất xơ sao cho nạp vào đủ mỗi ngày. Cả hai loại hòa tan và không hòa tan đều quan trọng để giữ gìn sức khoẻ của bạn.

Phụ Bản IV

Hỏi: Một ổ bánh mì xốp “có bổ sung cám” (bran muffin) đem lại bao nhiêu chất xơ?

Đáp: Lượng chất xơ tùy thuộc vào công thức chế biến và cỡ bánh to hay nhỏ. Có ổ có thể hàm chứa khá nhiều chất xơ, có ổ thì “chỉ chạy qua hàng” xơ may ra thì được 1g chất xơ – chẳng hơn gì một lát bánh mì sandwich trắng tinh. Trên thực tế thì loại bánh này trên thị trường toàn làm bằng bột mì trắng tinh luyện, nên thực sự nếu bạn muốn nạp vào nhiều chất xơ và dưỡng chất hơn, thì tốt nhất là nên kén mua những thứ làm bằng bột lúa mì nguyên hạt (whole-wheat flour).

Còn bằng không thì bạn hãy “khéo tay tự mình làm lấy” vì không khó làm lắm, có thể nhồi bột (lúa mì nguyên cám) sẵn, rồi trữ trong ngăn đông lạnh, ăn đến đâu thì nướng tới đó. (Theo phương án này, bạn có thể chủ động chỉ sử dụng một thứ dầu thực vật “lành mạnh” với liều lượng vừa phải và tránh bỏ quá nhiều đường như ta thường thấy trong những loại bánh xốp hiện nay trên thị trường). Nên nhớ là bánh to thì nhiều chất xơ hơn, song cũng đem lại nhiều calo hơn: Một ổ thật bự có thể đem lại từ 3 - 8g chất xơ, song cũng có khả năng đi kèm với 400 calo hay hơn nữa – tương đương với giá trị dinh dưỡng 2 cái bánh rán (doughnuts) cỡ vừa! Bạn hãy luôn luôn nhớ rà soát thành phần nguyên liệu và giá trị dinh dưỡng các sản phẩm trên bao bì.

Hỏi: Ăn vặt có nên lựa chọn một gói snack hàm lượng chất xơ cao nhưng ít calo chăng?

Đáp: Cũng được, nhưng cái đó còn tùy theo bạn chọn sản phẩm ngũ cốc nào và tùy theo nhu cầu dinh dưỡng của bạn. Kén mua một sản phẩm ngũ cốc có hàm lượng chất xơ cao bao giờ cũng là việc nên làm. Tuy nhiên bạn nên cảnh giác đối với một vài sản phẩm “giòn giòn, gion gion” giàu calo hơn những sản phẩm tương tự, có khi 1 suất đong 1 chén đã gấp 2 lần 200 calo à 400 calo. Với loại thường ăn kèm với sữa thì có khi suất ngũ cốc (cereal) thì có 200, nhưng rồi bạn lại rót sữa vô, thì rốt cuộc, bữa “lót dạ” của bạn cũng chòm chèm 400 calo rồi…

Trong trường hợp các bữa chính của bạn có khuynh hướng giảm calo rồi, và nếu khoảng cách giữa 2 bữa ăn là trên 5 tiếng, thì đúng là bạn cần ăn một bữa phụ (snack) sao cho đến bữa ăn tới bạn còn cảm thấy đói vừa phải, ăn ngon miệng chứ không đến độ “đói muốn xỉu”! Những bữa phụ như vậy – đối với một số người có nhu cầu giảm cân đôi chút – thường nằm trong giới hạn số calo từ 100 đến 300 calo thực sự là điều “khôn ngoan” nên làm theo nhất: thí dụ một bữa ăn phụ ít calo, giàu chất xơ là một gói ngũ cốc giòn giàu chất xơ, hay một trái cây hay một bữa ăn phụ có rau như gỏi đu đủ khô bò là hợp tình hợp lý nhất.

TP HCM, Ngày 27 tháng 2, 2003

BS Nguyễn Lân-Đính

Chuyên viên dinh dưỡng

SẠCH QUÁ CŨNG KHÔNG TỐT !

Lạm dụng kháng sinh gây kháng thuốc .

Có nghĩa là nhiều thuốc kháng sinh ngày trước có hiệu quả nay trở nên vô dụng. Đây là một vấn đề hệ trọng: nhiều bệnh “nan y” xuất hiện – lắm khi dẫn tới tử vong – mà trước đây không lâu rất dễ chữa trị. Không có gì làm bằng chứng các thuốc sát trùng cũng lâm vào hoàn cảnh đó, song chúng ta cần một giải đáp để chống lại chiều hướng nguy hiểm đó. Nói tóm lại, khi bạn đi bác sĩ đừng cố nài xin toa có kháng sinh. Chớ bao giờ quên là “Kháng Sinh” chống lại vi khuẩn – chứ không trị được siêu vi và không phải bệnh nào cũng cần tới kháng sinh.

Cũng chớ nên lạm dụng các thuốc sát trùng cho đến khi biết thêm về chúng.

Danh sách các sản phẩm chống vi khuẩn càng ngày càng dài: Sà bông sát trùng, bột giặt chống vi khuẩn, thớt sát khuẩn, đồ chơi trẻ em vv… Với bấy nhiêu hàng tiêu dùng “sạch” trên thị trường, chắc bạn nghĩ là vi trùng sẽ biến hết. Khốn nỗi, theo lời tuyên bố của một nhà vi sinh học Đại Học Tufts, thực tế về những sản phẩm đó lại khiến cho các vi khuẩn dễ tấn công con người hơn!

Người ta lo rằng, cũng tương tự như khi lạm dụng kháng sinh, việc lạm dụng và dùng sai các sản phẩm sát trùng đó sẽ tiêu diệt các giống vi khuẩn “bạn” và vi khuẩn “yếu” chỉ để xót lại các giống vi khuẩn “khỏe” và… có sức kháng cự cao nhất! “Nếu cứ cho là phải diệt hết vi trùng và phải nuôi nấng trẻ con trong một căn nhà vô trùng thì thật là một điều sai lầm to lớn. Nếu chúng ta làm cho quá sạch và tiệt trùng mọi thứ, thì các hệ thống miễn dịch trẻ con sẽ không trưởng thành nổi!” theo lời của BS Stuart Levy, giám đốc trung tâm di truyền học thích nghi và kháng thuốc trường y khoa Đại Học Tufts ở Boston.

Theo ông, “Điều đáng lo ngại là nếu chúng ta tiếp tục sử dụng các thuốc diệt khuẩn, chúng ta sẽ không thấy được vấn đề cho đến khi trẻ con lớn lên, có lẽ là 10 năm nữa”.

Đa số các vi khuẩn thực ra vô hại và trong quá trình lớn lên, con người cần tiếp xúc với nhiều lọai vi trùng khác nhau để phát triển các chất kháng thể làm nên một hệ thống miễn dịch mạnh. Theo ông Levy, nếu môi trường xung quanh một em bé quá “sạch”, hệ thống miễn dịch sẽ không phát triển một cách thích đáng. Các công trình nghiên cứu mới đây cho thấy trong những căn nhà quá sạch sẽ thì số ca bị Suyễn và bệnh dị ứng gia tăng. BS Levy thuyết trình về các băn khoăn của ông hiện nay trước Hội Thảo Quốc Tế về các bệnh nổi bật và các bệnh nhiễm trùng tại Atlanta, tiểu bang Georgia (tháng 7,2000).

Theo ông chỉ có một nơi cần sử dụng các chất diệt khuẩn, đó là các khoa chăm sóc cho người bệnh nặng có hệ miễn dịch đã bị tổn thương. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có tới hơn 700 sản phẩm chống vi khuẩn! Ông tuyên bố là ông không xài những thứ đó ở nhà cũng như ở nơi làm việc, và khuyến cáo các bệnh viện chỉ nên dùng các thuốc này xung quanh các bệnh nhân bị suy yếu thôi.

Theo ông, người ta chỉ nên làm sạch bằng nước Javel, nước ôxy-già hay cồn (chlorine bleach, hydrogen peroxide or alcohol) thôi . Tại sao lại “trung thành” với những loại sát trùng quá quen thuộc ấy? Là vì, dù những sản phẩm này cũng có thể coi là có tác dụng diệt khuẩn, song một khi đã được sử dụng để tẩy sạch, là chúng “bay” đi. Trong khi đó, các thuốc sát trùng “đời mới” hơn, lại để xót cặn lại – cặn này tiếp tục diệt khuẩn một thời gian sau khi sử dụng, không còn cho các vi khuẩn “tốt” cơ hội nào để tái xuất nữa.

Tuy nhiên, cũng còn người chưa nhất trí rằng điều này có thể trở thành vấn đề đáng lo ngại. BS Philip Tierno, chủ nhiệm khoa vi sinh học và miễn dịch học lâm sàng tại Trung Tâm Y Khoa Đại Học Thành Phố New York dù đồng ý rằng vấn đề (vi khuẩn) kháng kháng sinh thực sự đáng lo ngại – và không ai phải cố gắng làm cho môi trường trở nên hoàn toàn vô trùng làm gì, vẫn cảm nhận rằng không thể nào so sánh việc người ta ngày càng xử dụng nhiều thuốc kháng khuẩn hơn với hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh. Theo ông, không có một thuốc sát khuẩn nào có thể diệt được mọi vi trùng và cho tới nay, không có bằng chứng nào là có hiện tượng kháng triclosan ở bất cứ đâu... ngoài ống nghiệm cả.

(Triclosan là một thuốc sát khuẩn và là thành phần có họat tính của nhiều hiệu nước súc miệng và kem đánh răng; Triclosan cũng có mặt trong xà-bông, nước rửa chén và một số sản phẩm sát trùng khác).

Thế thì phải làm gì?

BS Levy khuyên nên làm sạch theo kiểu xưa – bằng cồn, nước Javel, nước ôxy già và thậm chí cả… bằng nước và xà bông nữa.

Trên toàn cầu, các bệnh nhiễm trùng vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và theo BS Tierno, 80% các căn bệnh này lây truyền... qua bàn tay. Vậy mà dưới 50% trong chúng ta chịu rửa tay thường xuyên và gần như chẳng có ai rửa tay đúng cách. Do đó BS Tierno khuyến cáo nên dùng xà-bông sát trùng để rửa tay. Theo ông, “Rửa tay là việc quan trọng duy nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình”.

TP HCM, Ngày 11 tháng 6, 2002

BS Nguyễn Lân-Đính

Chuyên viên dinh dưỡng

Dễ và Khó

Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.
Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.
Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.
Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.
Dễ là khi tha thứ cho người khác, nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.
Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng khó là khi làm theo chúng.
Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.
Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại.
Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng khó là khi đứng dậy và đi tiếp.
Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó.
Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày.
Dễ là khi phê bình người khác, nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình.
Dễ là khi để xảy ra sai lầm, nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó.
Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi, nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.
Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động.
Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng khó là khi cho họ niềm tin.

Dễ là khi nhận, nhưng khó là khi cho.
Dễ là khi đọc những điều này, nhưng khó là khi bạn thực hiện nó.
Nếu cơ hội mãi không gõ cửa, bạn phải xem mình đã xây một cánh cửa chưa đã

Mạnh Đoàn st

Lượm Lặt
Lời hay ý đẹp
HÔN NHÂN VÀ TÌNH YÊU

HÔN NHÂN VÀ TÌNH YÊU

1. Những người thất bại trong tình yêu thường là những người quyết không chấp nhận thất bại

2. Thà thất bại trong hôn nhân còn hơn thất bại trong tình yêu.

T.D

3. Một cuộc đời đủ dài để bạn tạo nên tiền bạc, sự nghiệp, danh vọng… nhưng cũng có thể quá ngắn để bạn kịp tìm được một người yêu mình thành thật và hết lòng.

Lê Tất Điều

4. Về hôn nhân, bạn đừng nên đòi hỏi cho được người vừa ý mình vì… chính mình cũng còn chưa vừa ý mình!

Phạm Mộng Thu

5. Cái bất hạnh lớn nhất của đời tôi là tôi không có lấy một mối tình đẹp nào ở thuở thiếu thời để mà tưởng niệm!

Lời của một người đàn bà hạnh phúc trong hôn nhân

6. Nếu bạn phải chọn giữa người yêu mình và người mình yêu, thật là một bài toán cực kỳ hóc búa đấy! Hãy cân nhắc thật cẩn thận trừ khi bạn quyết chọn con đường thứ 2 bất chấp mọi giá phải trả.

7. Hôn nhân là một ngôi nhà mà những người ở ngoài muốn vào cho được và những người ở trong thì muốn ra cho được.

Thùy Dương st

Thoughful thoughts

1. Translations are like women: If faithful they are not beautiful, if beautiful they are not faithful.

2. The longest journey is begun with a single step.

3. If you wait until you are perfect, you may die before you get started!

English anonymous sayings

Collected by Thùy Dương

TÌNH
   OẢI

Ý nghĩ đó bất chợt thoáng hiện trong đầu hắn, và hắn lập tức cảm thấy bị thu hút, mê say ngay. Thoạt đầu, đó chỉ là một cái gì rất mông lung, nhưng sau ý nghĩ đó ngày càng trở nên đậm nét và thôi thúc hơn.

Mỗi sáng, như thường lệ, hắn ra ngồi ở phòng sa lông để mơ màng ngắm nhìn bốn bức vách. Mỗi ngày khi mặt trời ló dạng, thì hắn cũng thức dậy theo để sửa soạn bữa ăn điểm tâm cho chính hắn và cho Elsie, vợ hắn. Sau đó hắn ra sa lông ngồi thừ người, chìm đắm trong mớ ý tưởng mông lung, lẩm cẩm.

Cái lệ ngồi suy tư mỗi buổi sáng này là phương cách hắn dùng thường nhật để trốn tránh thực tế quá phũ phàng, và cũng chính bởi vì Elsie không bao giờ bước chân vào sa lông này, trong suốt khoảng mười năm vừa qua.

Nàng ngồi suốt ngày trên một chiếc xe lăn trong phòng ngủ của mình, và cương quyết không rời nơi này, để đi ra bất cứ nơi nào khác trong nhà. Nàng ngồi im lặng, đắm chìm trong nỗi chán chường, đắng cay. Sự im lặng chỉ có thể bị phá vỡ, khi nàng lên tiếng chửa rủa hắn hoặc than phiền về điều này, điều nọ. Khi nào không có gì để trách móc hắn, nàng thường nhìn hắn bằng con mắt khinh khi, như để nhắc nhở hắn rằng chính hắn là kẻ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hiện trạng bi đát của nàng.

Trong mười năm đằng đẵng vừa qua, hắn đã sống những ngày đớn đau cực khổ, cả về mặt tinh thần lẫn thể chất; do đó, mỗi sáng Rutheford Parnell, thường ẩn mình nơi ốc đảo đơn côi – cái sa lông của hắn.

- Rutheford!

- Có đây… có đây…

Tiếng nói the thé của Elsie tràn vào phòng khách, bứt hắn ra khỏi nỗi suy tư.

- Gì thế, Elsie?

- Mời anh làm ơn “dẫn xác” vô đây một tý! nàng hét lớn. Hắn chán nản đứng dậy và đi vào phòng bà xã, một căn phòng tăm tối, ẩm thấp (vì vợ hắn không bao giờ chịu để hắn mở các cửa sổ).

- Trà loãng và nhạt phèo, chả có mùi vị gì cả. Nhạt nhẽo y như anh vậy đó! Tất cả những gì anh làm đều dở ẹc, hoặc nguội quá, hoặc nuốt không vô! Tại sao anh không chịu mướn người làm bếp cho tôi?

- Bà Casey sẽ tới như thường lệ, Rutheford bình thản trả lời.

Bà Casey là người làm thứ tám mà hắn đã thuê để phục vụ Elsie.

- Em dư biết là bà ta không thể đến từ sáng sớm để làm đồ điểm tâm cho em mà.

- Tôi biết, do đó chính anh làm, và kết quả thật đáng tởm. Thôi anh đi ra đi, “trừ phi anh muốn đưa tôi đi chơi một vòng!”.

Trong mười năm qua, nàng đã nhắc đi nhắc lại không biết cơ man là lần câu “trừ phi anh muốn đưa tôi đi chơi một vòng”.

Hắn khép cửa và trở lại phòng sa lông. Hắn nhìn qua cửa sổ và thấy ở trên vỉa hè bà Casey đang đến gần.

Bà Casey là một người đàn bà dễ thương và Rutheford rất thích trò chuyện với bà. Ngôi sao quả tạ Elsie vẫn không ảnh hưởng gì tới phong cách ga lăng, dễ thương của hắn.

Hắn mở rộng cửa ra vào.

- Chào bà Casey!

Nhưng vẻ mặt tươi tỉnh thường nhật của bà Casey hôm nay lại như có vẻ cau có khó chịu.

- Dạ, chào ông, tôi xin được thưa với ông một chuyện.

- Được, xin mời bà cứ tự nhiên, Rutheford trả lời ngượng nghịu.

- Thưa ông tôi rất tiếc, bà Casey nói sau khi bước vào nhà, là tôi buộc lòng phải xin ông cho tôi được nghỉ việc. Tôi đã may mắn tìm được một công việc tốt hơn nhiều và…

- Tôi hiểu bà Casey ạ, nhưng tôi hy vọng cuối tuần bà mới nghỉ chứ?

- Vâng, tất nhiên là như vậy rồi thưa ông.

Rutheford có ý muốn thầm bảo bà ta: “Không phải là bà có việc khác, mà là bà hết chịu trận nổi bà xã tôi, phải không?” Nhưng hắn giữ im lặng, đội mũ, vơ vội cái áo khoác ngoài để đi làm.

Hôm đó là một ngày trời quang đãng, ánh dương rọi sáng chan hòa. Và hôm đó cũng là ngày mà Rutheford đã chọn để thực hiện kế hoạch mà hắn đã dầy công mưu tính. Hắn tới đợi ở trạm xe buýt, như hắn đã làm trong mười năm nay. Hắn đã bán chiếc xe hơi của hắn ngay sau vụ tai nan. Nhưng tới tận bây giờ, chiếc xe và tai nạn vẫn không ngừng ám ảnh hắn, và Elsie cũng chẳng bao giờ cho phép hắn được quên là chính hắn đã lái xe trong buổi tối mưa gió đó, và là thủ phạm đưa nàng vào thảm cảnh phải sống quãng đời còn lại trên một chiếc xe lăn. Bước lên xe buýt, hắn gật đầu chào người lái xe như mọi ngày và bước ra phía sau, ngồi vào một ghế sát bên cửa. Nhưng hôm đó, mới tới trạm thứ ba trên đường tới sở làm thì hắn đã bước xuống.

Ở đó có một phòng điện thoại công cộng. Hắn bước vô và gọi về văn phòng.

- Alô, Marie đấy à? Tôi Rutheford đây.

- Sao vậy anh Rutheford, anh đau à?

- Vâng, tôi đau, nhờ cô xin phép cho tôi nghỉ một ngày.

- Anh muốn em bảo cho ông Speaks là hôm nay anh không đi làm, phải không? Hơi lạ đấy nhé, anh ít khi dám bỏ sở cả ngày…

Ông Krushman, chủ nhà hòm “Krushman và Con”, chỉnh lại mục kỉnh, khẽ hắng giọng và nhìn Rutheford một cách nịnh bợ, trên môi nở một nụ cười “cầu tài” trông tởm đến buồn nôn.

- Thưa, tôi có thể làm gì để phục vụ ngài?

- Tôi muốn biết ông có bao thầu tất cả mọi chi tiết về một tang lễ không, Rutheford hỏi một cách dè dặt.

- Dạ, dĩ nhiên là có. Chúng tôi hiểu rõ đây là một thử thách lớn cho tang gia trong những giờ phút đau thương này. Ông có thể cho tôi biết tên người quá cố không ạ?

- Điều đó không cần thiết, Rutheford trả lời. Tôi đã ghi địa chỉ vào tờ giấy này. Chiều nay ông có thể tới lo hộ mọi việc và… và… mang linh cữu đi được không?

- Tôi phải nói đây là một trường hợp khá bất thường. Vậy ai là người sẽ chỉ dẫn cho tôi các chi tiết cần thiết?

- Khi ông tới, sẽ có người lo chuyện đó. Vậy xin nhờ ông ghé lúc tám giờ tối nay nhé. Tám giờ được không ông?

- Tám giờ… vâng, được. Nhưng ông thích loại tang lễ như thế nào?

- Loại kín đáo, âm thầm nhất. Tôi e rằng sẽ chẳng có bạn bè thân nhân nào tham dự…

Bà Casey rất ngạc nhiên khi thấy Rutheford về quá sớm.

Hắn nhìn bà và mỉm cười.

- Bà có thể về sớm bà Casey ạ. Tiện đây tôi xin gửi trả tiền công cho bà trước, cộng thêm một chút tiền thôi việc.

Bà Casey không lộ vẻ vui mừng, vẻ mặt vẫn như hơi khó chịu.

- Tôi mong rằng sáng nay tôi đã không làm phiền lòng ông, ông Rutheford ạ; chắc ông biết lý do đích thực khiến tôi phải xin nghỉ việc, phải không ông? Sáng nay tôi đã nói dối ông.

- Vâng, tôi biết tại sao bà xin nghỉ, chính vì bà đã hết chịu nổi bà vợ tôi. Tôi rất thông cảm với bà. Tôi không phiền trách bà, bà Casey ạ, không phiền trách một tí nào!

Bà Casey biểu lộ những cử chỉ ngượng nghịu, khó xử.

- Tôi cũng đã hết chịu nổi cô ta, Rutheford nói tiếp. Đôi lúc tôi ước mong cô ta biến khỏi đời tôi để tôi được rảnh nợ. Nhưng cô ta không biến đâu, cô ta sẽ chẳng bao giờ cho tôi được hưởng đặc ân đó đâu. Giá mà tôi cũng có thể xin nghỉ việc được như bà thì thật tuyệt vời, bà Casey ạ.

Tới lúc này bà Casey vội vã nói vài lời từ biệt, và sự ra về của bà giống y như là một sự trốn chạy.

- Rutheford! Rutheford! Anh đấy à?

- Phải, em yêu, anh vào ngay đây.

Trong giây lát, hắn nắm chặt nắm tay như muốn biến nó thành sắt thép, rồi hắn bước vào phòng Elsie. Hắn tiến thẳng lại phía các cửa sổ và mở toang để ánh nắng tràn ngập căn phòng.

- Rutheford! nàng hét lên. Bộ anh điên rồi hả?

Hắn rút từ trong túi ra gói thuốc độc mà hắn vừa mua ở nhà thuốc, và chiềng ra trước mắt Elsie.

- Anh có mua cho em món quà nhỏ này. Món quà sẽ giúp em tránh được nỗi cô đơn và niềm cay đắng.

- Anh nói lạng quạng cái gì vậy? Có đóng ngay cửa sổ lại không? Anh biết là tôi không chịu được ánh nắng mà!

- Thiên thần của anh ơi, Rutheford nói, có bao giờ anh bảo là anh thấy em đẹp không? Nếu có, thì là anh nói sạo đó. Hôm nay anh muốn em biết điều đó.

- Anh điên rồi! nàng hét lên.

Hắn bước vội ra khỏi căn phòng và đi vào trong bếp để đổ sữa vào một cái ly. Tiếng gào thét của nàng vẫn văng vẳng bên tai, làm hắn càng nôn nóng hơn. Hắn mở gói và đổ vào ly sữa hai thìa súp thuốc giết chuột.

Rồi, tay cầm ly sữa, hắn trở lại căn phòng của Elsie.

- Đừng có ép tôi uống nghe không, Rutheford. Anh dư biết là tôi rất ghét sữa!

- Nhưng mỗi chiều em vẫn uống như thường, hắn nói. Vả lại anh cũng chẳng ép em uống đâu. Mười năm trời nay, có bao giờ anh ép được em làm cái gì đâu?

Nàng gục đầu vào vòng tay và bật khóc.

- Anh thực là ghê tởm! Mẹ tôi đã bảo tôi là không nên lấy anh. Lẽ ra tôi phải nghe lời bà!

- Mẹ em chưa hề bao giờ ngăn trở em lấy ai hết. Ngay khi có cơ hội là bà ta mau lẹ tống khứ em đi, và chẳng may là bà ta lại chọn đúng ngay anh. Ngay cả ba em cũng ngán em tới tận cổ!

- Câm đi, Rutheford. Tôi tởm anh, tôi tởm anh lắm!

- Em không muốn biết anh mang về cho em món quà gì sao? Anh mang lại cho em sự tự do đấy. Sự giải thoát cho mỗi người trong cả hai ta. Cơ hội để có thể được xa nhau! (Hắn cười gằn). Dù sao đi nữa, món quà này khiến anh phải tiêu hơn ba ngàn mỹ kim.

- Ba ngàn mỹ kim! Anh moi ở đâu ra?

- Anh đã hủy bỏ bảo hiểm nhân thọ, xin thu hồi toàn bộ tiền đã đóng. 3500 đô và 82 xu. Em thấy tuyệt vời không?

- Rutheford, anh quả là đã điên tới bến rồi!

- Em có thể đơn giản nghe anh nói được không? Anh có một đề nghị.

Hắn nắm chặt ly sữa trong tay và nói:

- Em có muốn vào ở suốt đời trong một nhà dành cho người tàn phế không?

- Đừng có khùng! Đấy là đề nghị của anh đấy hả?

- Anh dư biết trước là em sẽ trả lời anh như vậy!

Hắn nở một nụ cười êm dịu và buồn, nâng cao ly sữa, và uống ực một hơi cạn tới đáy!

- Elsie thân mến, chỉ trong giây lát em sẽ thấy rằng cuộc sống của em trước đây không đến nỗi quá khổ cực như em tưởng…

Phải mất vài chục phút sau Elsie mới hiểu hắn muốn nói gì…

VŨ ANH TUẤN

dịch một chuyện của LAWRENCE PAGE

MỤC LỤC

Vài chi tiết c uộc họp ngày 12/9/2009 ......................... 1

“1001 cuốn sách phải đọc trước khi đi xa” ................. 4

Quốc sư Vạn Hạnh ........................................................ 10

Những suy nghĩ vẩn vơ : LƯƠNG TÂM .................. 16

Ý nghĩa tục lệ cúng cô hồn .......................................... 25

Phước đức và Công đức ................................................ 31

Đừng tưởng viết nhiều sách ......................................... 38

Voi và hổ đấu nhau tại Hổ Quyền .............................. 44

Xé lịch (thơ) ................................................................... 47

Tôn vinh Quốc Tử Giám (thơ) ..................................... 48

Định luật (thơ) ............................................................... 48

Tiếng không gian (thơ) ................................................. 49

Cung bậc thăng trầm (thơ) ........................................... 50

Truyện Kiều .................................................................. 51

Chuyện vua Thành Thái ............................................... 55

Nỗi lòng khi đi dự tiệc cưới ......................................... 61

Sinh Viên với văn hóa đọc sách ................................. 65

Tứ bình ........................................................................... 69

Đọc Liêu Trai Chí Dị .................................................... 80

Những điều cần biết về chất xơ .................................. 82

Sạch quá cũng không tốt .............................................. 87

Dễ và khó ....................................................................... 90

Lượm lặt ......................................................................... 91

Truyện dịch .................................................................... 93

Thông báo:

Kỳ họp tiếp theo của CLB sách Xưa & Nay sẽ diễn ra vào lúc 9:00 ngày 14/11/2009 tại nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình.

Bài viết cho bản tin nội bộ xin gửi về:

hamanhdoan69@yahoo.com

hoặc liên hệ với Mạnh Đoàn

Đt nhà: 3846 9759 - Dđ: 0907 108484

Các bản tin trước có thể xem tại:

www.diendan.songhuong.com.vn

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế