Hiện có 11 người xem / 2334633 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

CUỘC VIẾNG THĂM
NHÀ LƯU NIỆM NGUYỄN BÍNH
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA VÀ NAY

Sáng ngày thứ Bảy 14 tháng 4, 2007, một số thành viên CLB Sách Xưa & Nay đã có mặt tại trụ sở ở số 387 Lê Văn Sỹ từ 8 giờ sáng, để cùng nhau dùng xe taxi đi tới Nhà Lưu Niệm. Số anh em thành viên còn lại sử dụng các phương tiện riêng để đi sau khi đã được chỉ dẫn rõ ràng về lộ trình đưa đến Nhà Lưu Niệm.

Lúc 9 giờ kém 15, mọi người đã có mặt gần đầy đủ ở Nhà Lưu Niệm số 23 Đường 11, P.11 Q. Gò Vấp.

Nhà Lưu Niệm đặt ở tầng 1 một căn nhà 1 trệt 2 lầu rộng rãi khang trang, trong một căn phòng độ 4m x 8m, xung quanh căn phòng là những kệ sách và tủ kính chứa đựng trên 100 tài liệu sách báo cũ và mới liên quan tới cuộc đời trôi nổi nhưng thơ mộng và hào hứng của nhà thơ quá cố. Số sách vừa là sách viết về nhà thơ vừa là các tác phẩm đã được in ra từ trước tới nay lên tới trên dưới 100 cuốn. Ngoài ra còn có một bài thơ được thêu bằng chữ thêu trên lụa tơ tằm (bài Đôi mắt) được treo một cách trang trọng ngay ở mé bên phải bàn thờ cố thi sĩ. Một bài thơ khác được viết tay là bài Bạch Đào, thủ bút của cố thi sĩ, cũng được trưng bày rất đẹp mắt, ngoài ra còn gần 100 hình ảnh về các đoạn đời khác nhau của nhà thơ, tất cả toát ra một vẻ trang nghiêm rất khả kính.

Sau khi ba đại diện trọng tuổi đốt hương trước bàn thờ cố thi sĩ, và trao tặng phẩm của CLB, nhà thơ nữ Nguyễn Bính Hồng Cầu, ái nữ của cố thi sĩ đã mời tất cả mọi thành viên an tọa để dùng trà và kẹo bánh. Sau đó mọi người đã cùng nhau thảo luận và đặt ra những câu hỏi về cuộc đời và sự nghiệp, cũng như về mỗi đoạn đời của cố thi sĩ để được ái nữ của cố thi sĩ là Thi Hội Trưởng của Chân Quê Thi Hội Nguyễn Bính Hồng Cầu giải đáp. Cuộc giao lưu rất sôi nổi, hào hứng đã diễn ra gần một tiếng đồng hồ, sau cùng mọi người đã được mời viết cảm nghĩ của mình vào Sổ Lưu Niệm của Nhà Lưu Niệm.

Tất cả mọi người, chủ cùng khách, đã hân hoan tạm biệt nhau lúc 11 giờ. Trong quý tới, CLB dự trù đi thăm Nhà Lưu Niệm cố Văn Sĩ Lê Văn Trương ở Gò Sao.

Vũ Anh Tuấn

------

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN “SÁCH DẠY HÁT TIẾNG NAM” (Chants d’écolier en annamite)

Năm 1963 tôi làm việc trọn một năm ở Huế với một cơ quan ngoại quốc. Tôi ở trọ trong biệt thự của ông Hoàng Văn Đàn, một công chức làm việc ở Bệnh Viện Huế. Trong phòng trọ của tôi luôn luôn có một tủ sách nhỏ mà tôi cẩn thận đề tên là “Tủ Sách Của Người yêu Sách ” , y như là ở Saigon, ông cụ Sển để tủ sách của cụ là “Le coffret des bibliophiles” bằng tiếng Pháp. Tôi không ghét tiếng Pháp nhưng yêu tiếng mẹ đẻ hơn nên để tên Việt Nam. Tôi giữ ở trong tủ sách nhỏ đó tất cả NHỮNG CUỐN TÔI ĐẶC BIỆT ƯA THÍCH VÀ CẢM THẤY CẦN THAM KHẢO LUÔN. Một hôm, cô bạn gái thân của tôi là C.T.T.N. Minh Ngọc tới chơi và ngỏ ý muốn xin coi qua các cuốn sách trong tủ nhỏ đó. Tôi trả lời một cách rất galant là cô ta không phải “xin coi” mà được “mời coi”.

Bạn tôi để gần một tiếng đồng hồ để xem rất kỹ những cuốn sách đó và cô rút ra một cuốn và bảo tôi: “Anh có quyển sách nói về các Salon Văn Nghệ của các bà de Rambouillet và de Scudéry này hay quá, anh có thể cho em mượn một thời gian để em lấy ra những đoạn em thích không?” Tôi cầm quyển sách và thấy rằng đó là cuốn sách của tác giả Roger Picard nói về các Salon Văn Nghệ trong thế kỷ 17 và 18, đã được xuất bản năm 1943. Tôi đưa lại cuốn sách cho nàng và nói: “Anh tặng em luôn đấy”. Cô ta cảm ơn và ra về với quyển sách. Ba tháng sau, tôi gần như đã quên hẳn cuốn sách tôi đã tặng, nhưng một hôm Minh Ngọc bỗng mang nó trở lại và nói: “Em đã lấy ra tất cả những gì em cần, anh đã rất tốt khi đem tặng nó cho em, nhưng em cảm thấy nó cần được ở với anh hơn là ở với em. Vả lại những gì em cần em đã có cả rồi. Anh hãy nhận lại nó đi”. Tôi nói: “Thôi thế cũng được, cảm ơn em”. Nhưng rồi Minh Ngọc lại đưa cho tôi thêm 1 cuốn sách mỏng khác và nói: “Đây là một cuốn sách in năm 1925 ở Huế của ông nội em để lại. Em xin tặng anh để cảm ơn lòng tốt của anh. Anh lấy đi, nó có công dụng đối với anh chứ em thì không cần”.

Trên đây là lai lịch cuốn sách mà tôi muốn giới thiệu với các bạn ngày hôm nay. Sách này nhan đề là: “SÁCH DẠY HÁT TIẾNG NAM” có kèm theo tựa đề bằng tiếng Pháp là “Chants d’écoliers en annamite” của hai tác giả NGUYỄN TRUNG PHÁN và NGUYỄN TRUNG NGHỆ. Ô Phán là Thượng hạng Tú tài và là thày giáo ở trường Đông Hà, và ông Nghệ là Thị-giảng Học-sĩ, và là thày giáo ở trường Quốc Học. Sách được nhà in Tiếng Dân in ở Huế năm 1929. Các tác giả đã tự giới thiệu về cuốn sách của mình như sau đây: Sách này gồm những điệu thài, điệu lý, điệu hát, điệu ca, có điệu xưa, có điệu nay, điệu nào có bài hát theo điệu nấy. Dưới mỗi điệu hát có lời giải minh bạch; dưới mỗi bài hát lại có thích nghĩa rõ ràng, tùy điệu dễ, điệu khó mà chia ra làm 4 cấp:

1. Cấp thứ nhất có 7 điệu;

2. Cấp thứ nhì có 8 điệu;

3. Cấp thứ ba có 10 điệu;

4. Cấp thứ tư có 6 điệu;

Hai tác giả cho biết là hát thì phải có ĐIỆU, có CUNG, có BẬC, có PHÁCH và cấp thứ nhất của sách giới thiệu các điệu hát như:

1. Thài Bát-dậc (Phách một)

2. Thài Bát-bông (Phách đôi)

3. Hát Tây (Phách một)

4. Lý Hoài-xuân (Phách một)

5. Lý Giang-nam (Phách một)

6. Lý Nam-xang (Phách một)

7. Hát Hồ quảng (Phách một)

Cấp thứ nhì của sách giới thiệu các điệu hát như:

1. Hát Đăng-đàn-cung (Phách đôi)

2. Lý Tử vy (Phách ba)

3. Lý Huê tình (Phách một và phách tư)

4. Ca Hành-vân (Phách đôi)

5. Ca Kim-tiền (Phách một)

6. Ca Lưu-thủy (Phách một)

7. Ca Bình-bán hạ (Phách một)

8. Ca Tứ-đại-cảnh (Phách một).

Cấp thứ ba giới thiệu các điệu hát như:

1. Ca Phẩm-tiết (Phách một)

2. Ca Nguyên-tiêu (Phách một)

3. Ca Hồ-quảng (Phách một)

4. Ca Liên-hườn (Phách một)

5. Ca Bình-bán (Phách một)

6. Ca Tây-mai (Phách một)

7. Ca Kim-tiền (Phách một)

8. Ca Xuân-phong (Phách đôi)

9. Ca Long-hổ (Phách đôi)

10. Ca Tẩu-mã (Phách tư).

Và cuối cùng Cấp thứ tư giới thiệu các bài ca điệu hát như:

1. Ca Cổ-bản (Phách một)

2. Ca Phú-lục (Phách một)

3. Ca Long-ngâm (Phách một)

4. Ca Trù-nội (Phách đôi)

5. Ca Nam-ai (Phách ba)

6. Ca Nam-bình (Phách ba).

Ngày hôm nay, khi viết bài này và cầm trong tay cuốn sách, người viết nhắm mắt lại và nhìn thấy hiện lên thật rõ ràng câu chuyện rất đẹp, rất đầy tình cảm đã xảy ra 44 năm về trước, và thấy rằng các bài ca điệu hát này tuy đã có thể bị rơi vào quên lãng, nhưng đối với các người làm công việc nghiên cứu thì chúng vẫn còn có ích nên viết bài này để giới thiệu nó.

Trích hồi ký 60 năm chơi sách, Chương 6

Vũ Anh Tuấn

 

------

TÀI VẼ TRANH KHÔI HÀI CỦA TÚ MỠ

Là người yêu thích Tú Mỡ từ những ngày còn cắp sách đến trường cho đến nay là lúc tôi đã đuợc 24 tuổi lần thứ 3, tôi đã sưu tập khá nhiều tài liệu về nhà thơ, và nhờ những tài liệu đó, tôi có biết một điều mà tôi cho là tương đối mới lạ về ông; nhân dịp Xuân về tôi muốn xin chia sẻ điều đó với tất cả mọi người yêu thơ Tú Mỡ ở trên đời.

Quan Đốc và học trò

Mọi sách vở hiện có đều hầu như chỉ nói về Tú Mỡ kể từ đoạn đời ông cộng tác với Tự Lực Văn Đoàn, tức là khoảng năm 1932 khi Tự Lực Văn Đoàn được thành lập. Còn khoảng từ 1932 về trước thì không thấy nói gì nhiều.

Quan Đốc và học trò

Mới đây tôi được đọc một cuốn tựa đề là “Tiếng Cười Tú Mỡ” do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin cho ra đời năm 2000, qua cuốn sách dày 500 trang này, tôi chỉ thấy có bài của tác giả Phan Cự Đệ nhắc tới thời kỳ từ 1925 tới 1928 khi ông Tú Mỡ cộng tác với 2 tờ báo: 1 tờ của Hội Sinh Viên Việt Nam mà lúc đó, dưới thời thực dân, chúng gọi là Annam, và một tờ báo khác là tờ Tứ Dân tuần báo, trong vỏn vẹn có mười dòng chữ. Ngoài ra, trong chính bài do Tú Mỡ viết (nơi trang 358 của sách nói trên), ông cũng có nhắc tới Paul Monet, người Pháp đã lập ra Hội Sinh Viên Việt Nam và tờ báo mà ông cộng tác. Chính Tú Mỡ không hề nhắc nhở gì tới tài vẽ tranh biếm hoạ của ông trong tờ báo này, phải chăng ông cho đó là một cái gì tầm thường không đáng nhớ tới và nhắc tới?

Một ván Bi-a


Một ván Bi-a

Hành động của nhà thơ làm người viết kính phục, ông thật khác xa với nhiều kẻ đời nay, tuy đã được công nhận ở một lãnh vực nào đó, còn muốn “đã nổi tiếng lại nổi tiếng hơn” nên đã đi thuê kẻ khác vẽ tranh, làm thơ, để rồi đem ký tên mình và đem in chung vào một cuốn sách để tỏ ra mình là kẻ đa tài, nhưng thực chất thì những tài “đi thuê” chỉ là những tài dzổm không hơn không kém.

Người viết tình cờ được đọc bộ báo của Hội Sinh Viên Việt Nam mà tờ s ố 1 đượ c xu ấ t b ả n ngày 15 tháng Bảy, 1923, trong đó người viết thấy Tú Mỡ có vẽ nhiều bức tranh biếm hoạ nặng tính giáo dục khá đẹp. Người viết cảm thấy rằng ở tuổi 23 (Tú Mỡ sinh năm 1900), không biết Tú Mỡ có học vẽ ở trường nào không, nhưng vẽ được như vậy thì cũng tài hơn khối người khác rồi. Những bản vẽ đó đều có chú giải được in

song ngữ, tiếng Việt và tiếng Pháp và đều mang chữ ký Hồ Trọng Hiếu.


Nàng rằng: phận gái chữ tùng
Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi

Như một món quà tặng những người yêu nhà thơ, người viết xin đăng tải đính kèm đây bốn trong số những hình tranh biếm hoạ của Tú Mỡ để tất cả mọi người đều được thưởng lãm.

Với người viết, kẻ có thực tài mà không thèm khoe, không làm như người đời thường tham lam muốn “đã tài lại tài hơn”, thường là một nhân cách đáng trọng…

Vũ Thư Hữu
Phú Nhuận ngày 15.11.03


Bố con tại nhà cô đầu: Mười bận tao đến thì gặp mày chín.

------

NGUYỄN VĂN VĨNH
(15/6/1882 - 1/5/1936)

Bối cảnh lịch sử:

1882 -Pháp đánh chiếm thành Hà Nội (28/04/1882).

1883 -Trận chiến đấu cuối cùng của đảng Văn Thân giết chết đại tá Pháp Henri Rivière ở Cầu Giấy.

-Vua Tự Đức chết, triều đình Huế ký Hòa Ước Qúy Mùi: cả nước trở thành thuộc địa Pháp.

1884 -Hòa Ước Patenôtre (tháng năm Giáp Thân) nhà Thanh bên Tàu công nhận Việt Nam là thuộc địa của Pháp, quân Cờ Đen phải rút về Tàu.

-Vua Hàm Nghi lên ngôi, Tôn Thất Thuyết đánh Pháp ở Huế. Vua Hàm Nghi lập chiến khu đánh Pháp, ban hành hịch Cần Vương, khắp nơi trong nước nổi dậy chống Pháp.

1886 -Paul Bert sang tổ chức Phủ Thống sứ Bắc Kỳ ở Hà Nội, mở học đường và Thương Nghiệp cục.

1888 -Vua Hàm Nghi bị bắt đưa đi đầy sang Algérie.

1889-1903 -Ông Phan Đình Phùng tiếp tục sự nghiệp của vua Hàm Nghi.

******

Ngày 15/6/1882, giữa Hà-thành mới mất vào tay Pháp, Ông bà Nguyễn Văn Trực sinh con trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Văn Vĩnh ở căn nhà số 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội. Nhà này là nhà bà Nghè Đại Gia, bà con bên ngoại của bà Trực. Ông bà Trực là nông dân nghèo, phải bỏ quê ra Hà Thành ở nhờ nơi đây. Hồi đó chưa có công trình thủy nông cống Đồng Quan nên quanh năm ngập nước, cánh đồng chiêm chỉ cấy được mỗi năm một vụ nên nhiều dân làng đã bỏ lên tỉnh sinh sống. Ông Trực quê ở làng Phượng Vũ, Phủ Thường Tín, Tỉnh Hà Nội (bây giờ là Huyện Phú Xuyên, Tỉnh Hà Tây). Bà Trực quê ở làng Đại Gia, Phủ Thường Tín, Tỉnh Hà Nội. Giữa hai làng là con đường mang tên Thiên Lý.

1. Thời Thơ Ấu 1882-1890:

Suốt thời thơ ấu Nguyễn Văn Vĩnh sống ở phố Hàng Giấy, hồi đó đã trở thành một phố cô đầu, khách làng chơi Tây, Tầu, ta lui tới tấp nập và cũng là nơi mà những người cuối cùng của đảng Văn Thân chọn làm nơi hoạt động chống Pháp. Gia đình ông Trực đông con, từ 1882 tới 1890 hai ông bà sinh được bẩy người con: hai trai (Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Thọ) và năm gái. Kinh tế gia đình do một mình bà Trực đảm đang bằng cách về các vùng quê mua hàng gánh ra chợ Đồng Xuân gần nhà bán. Trong bối cảnh đó việc học của Nguyễn Văn Vĩnh không được đến nơi đến chốn, nho học chỉ gọi là học cho có, theo học Pháp văn thì nhà nghèo. Cho nên ông Trực, trưởng phố, đã xin được cho con chân kéo quạt ở trường Thông Ngôn của Pháp mở ở Đình Yên Phụ, Hà Nội. Lúc đó ông Vĩnh mới lên tám tuổi.

2. Thời Niên Thiếu 1890-1896:

Trường Thông Ngôn do một người Pháp tên là D'argence vừa là hiệu trưởng vừa là giáo viên. Phương pháp dạy chủ yếu là truyền khẩu, trường cũng có dạy a, b, c,... để học viên tập đọc, tập viết chữ Pháp, và có dạy cả chữ Quốc ngữ (hồi đó ở ngoài Bắc chữ này mới chỉ được dùng trong phạm vi của các Giáo hội).

Chú bé kéo quạt ngồi ở cuối lớp, kéo hai hàng quạt nối liền nhau, vừa quạt mát cho cả lớp học, vừa tò mò nghe giảng; học sinh nghe gì thì chú cũng nghe nấy. Sự chăm chú theo dõi bài học của chú bé đã lọt vào mắt thầy D'Argence, và khi lớp học mãn khóa (1893) ông này đã cho chú kéo quạt thi... thử! Không ngờ chú lại đậu thứ 12 trong số 40 học sinh! Thầy d'Argence bèn đặc cách xin cho chú học bổng và nhận chú làm học sinh chính thức của khóa học tiếp theo, khóa thông ngôn tòa sứ khóa 1893-1895. (Trong khóa học này ngoài thầy d'Argence, còn có ông Đỗ Đức Toại thủ khoa khóa 1890, cùng dậy). Chú Vĩnh đã đậu... thủ khoa khóa đó, chú được tuyển đi làm thông ngôn tòa sứ Lào Cai và bắt đầu cuộc đời công chức.

Như vậy là cậu Vĩnh bước vào đời với chút vốn chữ nho học được khi còn ở nhờ nhà Bà Nghè Đại Gia, cộng với vốn chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ mới học được ở trường Thông Ngôn. Thật ra cậu thông ngôn trẻ tuổi đã học, hiểu rành rọt Pháp Văn trước chữ quốc ngữ - thứ chữ dùng mẫu tự la-tinh để phiên âm tiếng nói của người An-nam, thứ chữ mà cậu sẽ tận lực phát triển và giúp nó trưởng thành dần, mỗi ngày mỗi hoàn mỹ hơn.

3. THỜI THANH NIÊN 1896-1906:

1 - 1896: Thông Ngôn Tòa Sứ Lào Cai.

Cậu thủ khoa được bổ ngay lên làm việc ở Tòa Sứ Lào Cai. Pháp đang cần người thông ngôn cho đoàn chuyên gia nghiên cứu và chuẩn bị xây đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam cho Công Ty Hỏa Xa Vân Nam. Con đường sắt này rất cần thiết cho việc khai thác tài nguyên của thuộc địa mới.

Một chân trời mới hé mở trước mắt cậu Vĩnh. Cậu vừa làm việc vừa say mê học hỏi bất cứ cái gì mới lạ. Thấy cậu tò mò, khát khao học hỏi mà lại cởi mở, lanh lợi, nên các chuyên gia Pháp cũng mến và giúp đỡ cậu rất nhiều. Một năm làm thông ngôn tại Lào Cai cậu Vĩnh đã học thêm được một mớ kiến thức. Khi đoàn chuyên gia được chuyển về Hải Phòng chuẩn bị cơ sở vật chất để xây dựng đường sắt, cậu Vĩnh cũng được chuyển về Tòa Sứ Hải Phòng theo họ.

2 - 1897-1901: Thông Ngôn Tòa Sứ Hải Phòng. 1897,

Paul Doumer được cử sang làm Toàn Quyền Đông Dương thay cho Rousseau (Toàn Quyền từ 1895 đến 1897) và được chính quốc cấp nhiều tiền hơn Rousseau nhiều (280 triệu thay vì 80 triệu).

Ngay từ 1888 triều đình Huế đã phải ký hiệp định nhượng hẳn Hải Phòng, Hà Nội và Đà Nẳng cho Pháp làm thuộc địa (như toàn bộ miền Nam). Nguyễn Văn Vĩnh lúc đó 16 tuổi được điều về Hải Phòng đúng lúc người Pháp đang mở mang kiến thiết bến cảng (1897). Hải Phòng được mở mang xây dựng trước Hà Nội vì là một cảng lớn của miền Bắc và cũng là đầu đường giao thông thuận lợi nhất để đi sâu vào nội địa và lên tận Vân Nam, Trung Quốc. Người Pháp đang khởi sự các công việc nạo vét sông Cửa Cấm để tàu lớn vào được, xây dựng nhà kho, nhà máy cơ khí Caron, trường kỹ thuật thực hành để đào tạo công nhân cơ khí, nhà máy xi-măng, nhà máy thủy tinh, vv... tóm lại là xây dựng toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật để mở mang và khai thác miền Bắc.

A) Tự Học Anh, Hoa Văn, Và Hết Chương Trình Trung Học Phổ Thông Pháp: Công việc của cậu Vĩnh rất nhiều. Ngoài việc thông ngôn cho các chuyên gia đón tàu nước ngoài vào cảng, cậu còn phải tiếp nhận những vật tư kỹ thuật, hướng dẫn các công việc bốc rỡ, vận tải và xếp kho. Hàng ngày được giao tiếp với thủy thủ của các tàu Pháp, Anh, Hoa... cậu Vĩnh đã học thêm tiếng Hoa và tiếng Anh để thuận tiện cho công việc hàng ngày. Sau ba tháng cậu dịch được hai thứ tiếng này đủ để đoàn chuyên gia Pháp làm việc. Họ đỡ phải tuyển thông ngôn viên tiếng Anh và tiếng Hoa, và vì vậy họ mến cậu thông ngôn người bản xứ.

Một thủy thủ Pháp gạ bán cho cậu một bộ sách để tự học chương trình Trung Học Phổ Thông với giá bằng nửa tháng lương của cậu (hồi đó là 15 đồng). Món tiền tuy là rất lớn đối với cậu nhưng cậu cũng dốc túi để đổi lấy bộ sách gồm: quyển Petit Larousse Illustré (từ điển Pháp có hình vẽ) và toàn bộ Encyclopedie Autodidactique Quillet (hai quyển sách Tự học Chương trình Trung Học Phổ Thông Pháp). Những sách này được Nguyễn Văn Vĩnh trang trọng lưu niệm trong một tủ kính tại tòa báo Annam Nouveau.

Từ ngày mua được sách quý, ngoài giờ làm việc ra cậu vùi đầu vào tự học. Trong khoảng hai năm cậu đã học hết chương trình phổ thông và làm hết các bài tập ở trong sách. Cậu thích thú nhất các môn triết học, chính trị và văn học, và đã lập danh mục những sách cần phải gửi mua để học thêm. Sau năm năm làm ở Hải Phòng cậu đã dành dụm mua được cả một hòm sách, tài sản quí giá mà đi đâu cậu cũng mang theo.

B) Tập Viết Những Bài Báo Bằng Pháp Văn Và Dịch Những Quyển Sách Đầu Tiên: Sau khi học hết chương trình trung học và đọc những sách chính trị, triết học và tiểu thuyết văn học Pháp, sau khi hàng ngày được đọc sách báo và tạp chí nước ngoài đủ các loại - mượn của các thủy thủ nước ngoài - Nguyễn Văn Vĩnh nhận thấy là dân tộc An-nam không có chữ riêng của mình, phải dùng chữ nôm (loại chữ bắt chước chữ nho, khó học). Ý nghĩ phát triển chữ quốc ngữ, dễ học, để giúp cho nhiều học hỏi mở mang kiến thức (như bản thân mình) đã nhen nhúm trong đầu cậu từ đó.

Với ý nghĩ đó Nguyễn Văn Vĩnh thử dịch những bài văn hay của Pháp ra Quốc ngữ, bắt đầu bằng những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, rồi đến những chuyện trẻ con của Perrault, vv... Nhưng lúc bấy giờ chưa có báo in bằng Quốc ngữ, chỉ mới có những tờ thông báo của tòa sứ in ra một nửa bằng chữ nho và một nửa bằng chữ Quốc Ngữ rất thô thiển.

Ở Hải Phòng lúc bấy giờ chỉ mới có một tờ báo "Courrier de Hải Phòng", cậu Vĩnh bắt đầu tập viết báo bằng tiếng Pháp. Những bài đầu tay là những tin ngắn nói về tình hình trong cảng, tình hình xây dựng cảng, xây dựng nhà máy và thành phố. Những bài cậu viết đều được báo nhận in; sau những bản tin thường cậu tiến tới viết những bài nói về sinh hoạt và nếp sống của nhân dân thành phố cảng. Cậu trở thành cộng tác viên An-Nam đầu tiên của tờ báo. Nguyễn Văn Vĩnh bước vào nghề báo như vậy, lúc mới được 17 tuổi (1899).

C) Tham Gia Dạy Học Và Nói Chuyện Ở Hội Trí Tri: Mục đích của hội là mở mang dân trí và giúp đỡ mọi người học tập. Hội trưởng là ông Nguyễu Hữu Thu, tức ông Thông Vôi. Cậu Vĩnh đã tích cực giúp hội bằng cách tham gia vào việc dạy học và nói chuyện về khoa học. Cậu cũng dạy chữ Quốc ngữ, dạy tiếng Pháp. Ông Thông Vôi thấy cậu nói được nhiều thứ tiếng, tuy tự học mà am hiểu nhiều môn khoa học, chăm chỉ, nhiều nhiệt tình nên đã thay mặt Hội Trí Tri xin học bổng cho cậu sang Pháp học Trường Đại Học Sư Phạm để sau này về làm việc cho Hội. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh đã từ chối mặc dầu Hội đã đề nghị trả nguyên số lương của cậu cho gia đình trong lúc cậu đi học. Cậu đã từ chối vì nhiều lý do: mẹ đã mất, cậu là con cả trong nhà, phải chuẩn bị lập gia đình để mau có cháu cho bố đã nhiều tuổi. (chúng ta đang ở cuối thế kỷ thứ 19!)

D) Xây Dựng Gia Đình: Vào năm 1900, đúng 18 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh lấy vợ tên là Đinh Thị Tính, 19 tuổi, ở Hà Nội. Bà Đinh Thị Tính sinh năm 1881 ở Hà Nội, nhưng cùng quê với ông Vĩnh (phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội). Gia đình bà bỏ quê ra Hà Nội sinh sống đã hai đời, nhà ở 12 ngõ Phất Lộc, một ngõ cổ nhất Hà Nội cạnh cột đồng hồ trên bờ sông Hồng. Bà Tính là con của cụ Đinh Xuân Tiên và cụ bà Dương thị Nghị. Hai cụ có hai người con, bà Tính là chị và em giai là Đinh xuân Quang. Sau khi cưới ở Hà Nội, gia đình ông Vĩnh dọn xuống Hải Phòng, thuê một căn nhà nhỏ ở phố Cầu Đất, sống đời sống của một công chức trung bình. Ngày ngày ông đi làm, bà lo việc nhà và đi chợ buôn bán thêm, bố ở nhà trông nhà. Tới năm 1901 sinh con trai đặt tên là Nguyễn Hải (Hải-Phòng). Ông Vĩnh đẩy mạnh hoạt động của hội Trí Tri, viết báo, dịch sách và tự học thêm.

3. Thông Ngôn Tòa Sứ Bắc Giang 1902 – 1905:

Trong thập kỷ 1890 đến 1900 Pháp đã dùng Hoàng Cao Khải bình định xong được miền Bắc: ông Nguyễn Tân Thuật phải rút quân sang Trung Quốc, sau mất ở Nam Ninh; ông Đốc Tít ra hàng bị đầy sang Algérie; ông Cai Kinh bị bắt; ông Đốc Ngữ ra thú. Riêng ông Hoàng Hoa Thám vẫn giữ được vùng Yên Thế, Pháp phải chịu hòa hoãn nhượng cho ông Đề Thám sáu tổng gồm 27 xã và thương thuyết chấm dứt chiến tranh. Nhờ vậy đường sắt Phủ Lạng Thương đã được hoàn thành từ năm 1894. Tỉnh Bắc Giang lúc đó bao gồm cả Bắc Ninh.

Đầu năm 1902, ông được điều lên làm thông ngôn tòa sứ Bắc Giang, nơi mà ông có rất nhiều thân nhân: em ruột là thông ngôn tòa sứ Hòa Bình, gia đình ở Bắc Ninh; vợ ông giáo Đoàn Trọng Phan ở Bắc Ninh là em ruột của ông; vợ ông lang Phạm Văn Uẩn nổi tiếng ở Bắc Ninh là cô của ông. Tóm lại, về Bắc Ninh gia đình ông Vĩnh không phải lo chỗ ở và được sống quây quần với bà con thân thuộc. Bốn năm làm việc ở Tòa sứ Bắc Giang ông đã đạt tới tột cùng của nghề công chức: Chánh văn phòng tòa sứ.

A). Công Sứ Hauser Và Phó Sứ Eckert: Công sứ Bắc Giang lúc bấy giờ là Hauser, một trí thức Pháp có đầu óc dân chủ và có ý thức đúng đắn về nhân quyền. Hauser thuộc một gia đình có uy tín ở bên Pháp, là một công chức cao cấp có nhiều uy tín. Phó sứ Eckert chỉ là một nhân viên của sở mật thám Pháp được đề bạt lên để giúp công sứ về vấn đề an ninh.

Ông Hauser sớm nhận ra tài năng của người thông dịch trẻ tuổi, tuy chỉ được đào tạo sơ cấp mà nói và viết tiếng Pháp rất thành thạo, làm được mọi công việc, thảo được mọi công văn và báo cáo, cộng tác với nhiều tờ báo Pháp đương thời. Tin cậy và mến tài năng, ông Hauser đã đề bạt ông Vĩnh lên làm Chánh văn phòng Tòa sứ Bắc Giang, làm hết những công việc mà phó sứ Eckert không (đủ khả năng) làm. Mọi việc lớn nhỏ công sứ Hauser đều giao cả cho ông Vĩnh tới độ mà các nhân viên toà sứ gọi ông Vĩnh là "ông phó sứ"! Sau bốn năm làm việc, Hauser đã coi ông Vĩnh như một cộng tác viên thân cận, một người bạn. Ông được điều đi đâu thì ông Vĩnh cũng được điều đi đó!

B) Tổ Tự Học Ba Người: Trần Tấn Hằng - Phạm Huy Hồ - Nguyễn Văn Vĩnh. Giữa phố chính của thị xã Bắc Ninh có một cửa hàng tên "Tán Nguyên" vừa bán tạp hóa vừa bán sách tân thư Trung Quốc, chủ nhân là một trí thức người Hoa tên Trần Tấn Hằng. Khách hàng quen có ông nghè Phạm Huy Hồ, bạn văn học lâu năm với chủ tiệm, thường đến đọc sách và đàm đạo về thời sự. Tình cờ ông Vình đến mua sách và dần dà kết bạn với hai người trí thức này. Nhờ có dịp thường xuyên đàm đạo với họ mà ông Vĩnh hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng Trung Quốc, về gốc rễ của chữ nôm và về văn hóa của dân tộc Việt Nam.

C) Đời Sống Gia Đình: Về Bắc Giang, ông Vĩnh được hưởng lương cao hơn, bà Đinh thị Tính buôn bán thuận lợi hơn. Tới năm 1904 ông bà sinh thêm một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Giang (Bắc Giang). Gia đình nay đã có năm người: một bố già, hai vợ chồng và hai con trai. Cuối năm 1905, công sứ Hauser được đề bạt lên làm Đốc lý tại Hà Nội và ông Vĩnh được điều về Tòa đốc lý Hà Nội.

4. 1906, Thông Ngôn Tòa Đốc Lý Hà Nội. Năm 1906 ông Vĩnh tròn 25 tuổi.

A) Về Hà Nội: Sau năm năm tần tảo, dành dụm, từ Hải Phòng tới Bắc Giang rồi về Hà Nội bà Vĩnh đã tậu được một căn nhà nhỏ ở số 34 phố Mã Mây. Nhà hai tầng, gian dưới dành cho sinh hoạt gia đình, tầng trên dành làm nơi làm việc cho ông Vĩnh. Gian gác nhỏ trở thành nơi họp mặt bạn bè và đồng sự. Ông có nhà là có khách: Khách hội Trí Tri, khách trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khách tới nhờ viết đơn và thảo điều lệ xin thành lập trường học, hội từ thiện và các hội khác. Bạn bè thân thiết của ông lúc bấy giờ có các ông tân học như Phạm Duy Tốn, Phạm Huy Lục, cựu nho như Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục.

Gia đình ông Vĩnh sống hạnh phúc trong căn nhà nhỏ này từ 1906 tới 1921, 16 năm, tức suốt thời gian ông Vĩnh ra sức tôi luyện chữ Quốc Ngữ. Ông bà đã có thêm tám người con, tổng cộng là mười: Nguyễn Hải 1901 ở Hải Phòng, Nguyễn Giang 1905 ở Bắc Giang, Nguyễn Thị Loan 1907, Nguyễn Thị Nội 1909, Nguyễn Thị Vân 1913, Nguyễn Dương 1914, Nguyễn Văn Phổ 1917, Nguyễn Kỳ 1918, Nguyễn Thị Mười 1919 và Nguyễn Dực 1921. Nguyễn Nhược Pháp sanh ngày 12/12/1914 là con thứ bẩy của ông Vĩnh (có với bà hai, tên Phan Thị Lựu, người thổ Lạng Sơn, con dì con già với ông Vi Văn Định). Ông Vĩnh có với bà ba, Suzanne Giáp Thị Thục, hai con trai là Nguyễn Hiến và Nguyễn Phùng cũng vào khoảng thời gian này.

Hình trên được chụp vào khỏang 1930 -1931: Ông Bà Vĩnh chụp với 3 con trai: Nguyễn Kỳ đứng sau, trong lòng Ông Vĩnh là con trai út Nguyễn Hồ, trong lòng bà Vĩnh là Nguyễn Dực (sinh năm 1921).

B) Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội Trí Tri Và Thư Viện Bình Dân: Ngoài giờ làm việc nếu không về nhà thì ông Vĩnh tới một trong ba nơi dưới đây:

-Trường Đông Kinh Nghĩa Thục nơi mỗi tuần ông dành mấy tối để nói chuyện hoặc dạy tiếng Pháp, dạy chữ Quốc ngữ, nói chung là làm công việc nâng cao dân trí. Do dậy học ở đó mà ông đã thân với các ông Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Hoàng Tăng Bí, Dương Phượng Dực, vv... là những người sau này cộng tác với ông làm báo Đăng Cổ Tùng Báo, Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí và Trung Bắc Tân Văn.

-Hội Trí Tri mà ông làm trưởng ban diễn thuyết cùng với các ông Nghiêm Xuân Quảng và Trần Tăng Bình, mỗi tuần tổ chức một buổi nói chuyện và giảng sách. Ông Vĩnh không chỉ nói chuyện mà còn hướng dẫn các học viên tìm sách tham khảo, giải đáp bằng thư những điều mà bản thân ông cũng phải tham khảo thêm. Đây là một lối tự học của ông.

-Thư viện Bình Dân (Bibliothèque Populaire) ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm gần đền thờ Bà Kiệu là một thư viện dành cho người đọc được tiếng Pháp. Hàng tháng đều có sách báo mới ở Pháp gửi về. Ở đây ông đã làm quen được với những bạn theo Tây học là các ông Phạm Duy Tốn, Phạm Huy Lục, Trần Trọng Kim, vv...

C) Ông Hauser Và Ông F. H Schneider: Ông Hauser đã trở thành một quan chức Pháp có nhiều uy tín, được điều về làm Đốc lý Hà nội, được Phủ Thống sứ Bắc Kỳ tin tưởng giao cho hầu hết các công việc quan trọng về văn hóa của Phủ Thống sứ. Ông Hauser lại giao lại phần lớn công việc này cho ông Vĩnh!

Trước tiên là việc biên soạn và in ấn tờ Công Báo "Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo". Ông Hauser cử ông Vĩnh sang nhà in của F. H. Schneider để soạn thảo và in tờ báo trên. Báo này đã xuất bản từ trên mười năm, đã ra đến số 772... in một nửa bằng chữ Quốc ngữ, một nửa bằng chữ nôm. Từ ngày ông Vĩnh sang, tờ báo từ từ thay đổi và trở thành một tờ báo ngôn luận lấy tên là "Đăng Cổ Tùng Thư" (ông Vĩnh là chủ bút).

Schneider sang Việt Nam từ 1882, ký hợp đồng với Phủ Toàn quyền thực hiện hết các công việc in ấn ở Đông Dương. Ông rất yêu nghề in ấn, nhưng cho đến năm 1906 mới chỉ ra được có tờ "Tribune Indochinoise" bằng tiếng Pháp, còn về chữ Quốc Ngữ thì tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo và các tờ báo khác in ở trong Nam tuy gọi là báo mà thực ra chỉ là những thông cáo hay thông báo của chính quyền. Cho nên khi gặp được ông Vĩnh ông Schneider nhận ra ngay người mình đang cần, và cùng với ông Hauser ông tìm mọi cách giúp ông Vĩnh nghỉ việc để hợp tác làm báo. Là một người rất yêu nghề, Schneider có một ý nguyện là làm được một tờ báo ngôn luận văn học hẳn hoi bằng chữ Quốc ngữ, xuất bản được những sách văn học thuộc địa và nhất là truyền lại nghề in cho người bản xứ. Trong khi đó thì Nguyễn Văn Vĩnh đang nôn nóng truyền bá chữ Quốc ngữ. Một bên có nhà in mà không có người viết, một bên viết báo viết sách mà không có nhà in, hai người hợp nhau như cá với nước vậy. Họ trở thành đôi bạn thân thiết, dựa vào nhau, giúp nhau thực hiện ước mơ chung và riêng: người trẻ thoát khỏi đời công chức mà lại học được kiến thức và kinh nghiệm của nghề in ấn; người già hoàn thành được tốt nhiệm vụ và truyền đạt được nghề in cho người bản xứ.

Việc thứ hai Phủ Thống sứ giao cho Tòa đốc lý Hà Nội là vận động phát triển việc mở mang các trường học và các hội thiện, hội nghĩa. 1902 - 1907, Toàn Quyền Beau sang thay Doumer, chủ trương mở mang học hành và tổ chức y tế và các việc thiện. Đốc lý Hauser được giao nhiệm vụ vận động và giúp đỡ dân thuộc địa làm đơn và thảo điều lệ xin phép lập các trường học và các hội, dịch ra tiếng Pháp và đệ lên Phủ thống sứ duyệt. Hauser lại giao việc này cho người bạn tín cẩn của mình. Vì vậy mà ông Vĩnh đã trở thành sáng lập viên của các hội, các trường thành lập hồi bấy giờ.

* Hội Trí Tri ở phố Hàng Đàn mà ông là sáng lập viên đồng thời là chủ tịch ban diễn thuyết và giảng sách. Các ông Nghiêm Xuân Quảng và Trần Tấn Bình là ủy viên.

* Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở phố Hàng Quạt mà ông thảo điều lệ và viết đơn xin thành lập, ông cũng là giáo viên giảng dậy và diễn thuyết.

* Hội giúp đỡ người Việt sang Pháp học Trung học, Đại học và Kỹ thuật.

* Hội Dịch Sách và nhiều trường, nhiều hội khác nữa.

Việc thứ ba Đốc lý Hauser được phủ Thống sứ giao cho là việc tổ chức và quản lý gian hàng Bắc Kỳ ở Hội chợ thuộc địa Marseille (Exposition coloniale de Marseille). Việc này cũng như những việc kể trên, Hauser giao lại hết cho ông Vĩnh: đề án thu thập sản phẩm hàng hóa để trưng bầy, tuyển mộ thợ thuyền đi Marseille để làm gian hàng. Và từ tháng 3 tới tháng 8/1906 ông Vĩnh đi Pháp dự Đấu xảo thuộc địa Marseille với danh nghĩa là thư ký của ông Hauser, đại lý Bắc Kỳ tại Hội chợ.

D) Bước Ngoặt: Sáu tháng tại Pháp (1906) đã kết thúc cuộc đời công chức của ông Vĩnh. Tháng sau cùng ở Pháp, ông Hauser đã đưa ông Vĩnh lên Paris, giới thiệu với họ hàng và bạn bè, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông có nơi ăn nơi ở và tham quan Thủ Đô Ánh Sáng. Nhờ đó mà ông Vĩnh:

° Nhận thấy rằng tại Pháp những người Pháp Dân Chủ chân chính - như các ông Hauser và Schneider - có rất nhiều, như các ông Pierre Vierge và Lhermite mà ông được gặp tại Marseille. Hauser và hai bạn mới này đã giới thiệu ông Vĩnh với Hội Nhân Quyền (Ligue des Droits de l'homme); ông xin gia nhập liền và đã trở thành hội viên An nam đầu tiên của Hội Nhân Quyền Pháp. Ông nhận thấy bọn Tây thuộc địa đang thực hành một chế độ mâu thuẫn với những khẩu hiệu Tự-Do Bình-Đẳng Bác-Ái mà chế độ Dân Chủ luôn nêu cao.

° Được đi thăm nhà in và nhà báo "Revue de Paris", nhà xuất bản "Hachette" và nhà soạn tự điển "Larousse", tận mắt thấy những phương tiện và phương pháp dùng để truyền đạt chữ nghĩa và tư tưởng của người Pháp.

Cuộc công cán sang Pháp năm 1906 đã kết thúc cuộc đời công chức của ông Vĩnh và cũng là tổng kết 17 năm tự học của ông. Sang Pháp ông được thấy tận mắt nền văn minh của một nước tiên tiến phương Tây, thấy những mặt tích cực cũng như tiêu cực của nó, ông được khảo sát tại chỗ nghề làm nhà in và làm báo. Từ Pháp ông viết thư về cho bạn bè đưa ra cái ý kiến phát triển chữ Quốc ngữ, xuất bản nhiều sách báo để truyền bá nó... Theo ông thì "Một dân tộc thất học có đến chín mươi phần trăm thì còn hy vọng ngóc đầu lên sao được, nếu phái trí thức không lo giáo dục cho bình dân là phần cốt yếu của dân tộc ấy. Nhưng thực hành một chương trình giáo dục không phải là việc dễ, nhất là nước mình không có một thứ chữ riêng. Chữ Hán là chữ mượn của nước người...". Ông nhận thức được rằng việc nâng cao dân trí là rất quan trọng; tương lai của đất nước, của dân tộc tùy thuộc cả vào đó. Ông viết: "...rằng tôi sẽ là người đầu tiên để làm cái công việc đó để mà gây lấy một tương lai tốt đẹp đó, tôi sung sướng vô cùng. Cha mẹ, anh em, vợ con, tất cả đều phai nhòa trước tư tưởng đó để nhường chỗ cho một lòng vui thích êm ái nhất..." (thư gửi từ Pháp về cho bạn, 1906). Quyết tâm của ông là:

"Làm sao cho chữ Quốc Ngữ trở thành chữ viết của dân tộc. "Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc Ngữ".

"Làm sao in được thật nhiều sách báo để truyền bá chữ Quốc Ngữ.

Như vậy là sau mười một năm làm công chức và tự học, 25 tuổi:

* Về mặt cá nhân và gia đình, ông Vĩnh, người con hiếu thảo, đã là chủ một gia đình hạnh phúc với hai con trai (Nguyễn Hải và Nguyễn Giang).

* Về văn hóa ông đã đạt tới một trình độ khá cao, thông hiểu được nhiều môn khoa học.

* Về Pháp văn ông đã tìm hiểu sâu về văn học nghệ thuật, đã viết được sách báo bằng tiếng Pháp, đã dịch được từ Pháp sang chữ Quốc Ngữ và từ chữ Quốc Ngữ sang chữ Pháp.

*Về chữ Quốc Ngữ ông đã dùng được thành thạo chữ viết bằng mẫu tự La-tinh, diễn tả được sâu sắc và bóng bẩy mọi ý nghĩ và tình cảm của mình hơn (là bằng) chữ nho hoặc chữ nôm, mặc dầu về hai loại chữ này ông đã đạt tới trình độ đủ cao để hiểu thấu được những áng văn hay.

* Về tân tiến, ông là người Bắc kỳ đầu tiên cắt búi tó củ hành và ăn mặc theo lối Âu tây (1906, trước khi sang Pháp).

* Về chính trị ông là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân Quyền Pháp (1906, khi sang Pháp). Lập trường chính trị của ông là Trực Trị (Administration Directe) đối lập với lập trường "Quân Chủ Lập Hiến" của Phạm Quyền.

5. Từ 1907 Tới 1936: Làm Báo

Ở Pháp về ông Vĩnh xin từ chức và tích cực phát triển báo chí tại Bắc kỳ. Hai ông Hauser và Schneider đã hết lòng giúp đỡ ông trong việc này. Ngày 28-3-1907 tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo được đổi tên thành Đăng Cổ Tùng Báo, phần chữ Quốc Ngữ của tờ "La Tribune Indochinoise". Đăng Cổ Tùng Báo là tờ báo ngôn luận viết bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên của nước ta, do ông Vĩnh làm chủ bút. Tờ báo đó đã được dùng là cơ quan ngôn luận của cuộc Cách Mạng Đổi Mới do ông Phan Chu Trinh đề xuất. Ông Vĩnh, chủ bút, viết hầu hết các thể loại, từ xã luận đến nghiên cứu, phóng sự: ông 'lặng lẽ' thực hiện ba phương châm "Khai dân trí, Hưng chí khí, Hậu dân sinh" của ông Phan Chu Trinh. Năm sau, 1907, ông viết đơn bằng tiếng Pháp xin thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trường học đầu tiên dạy chữ quốc ngữ, chữ nho, chữ Pháp không lấy tiền, do cụ cử Lương Văn Can làm đại diện. Đông Kinh = Tonkin (miền Bắc) Nghĩa Thục = trường học không lấy tiền. Nhưng chỉ một năm sau chính quyền Bảo hộ nhận thấy tờ báo này theo khuynh hướng Cách Mạng do cụ Phan Chu Trinh đề xướng nên đã giải tán trường, đình bản báo và bắt giam các nhà nho và thanh niên Tây học... Ông Vĩnh cũng bị bắt nhưng ông là hội viên của Hội Nhân Quyền, lại quen biết với hai ông Hauser và Schneider đang có thế lực nên chẳng bao lâu ông đã được thả.

Được trả tự do, ông tiếp tục làm nhà in, xuất bản sách Tam Quốc Chí, Kim Vân Kiều để truyền bá quốc ngữ. Ông xin ra báo tiếng Pháp "Notre Journal" sau đổi thành "Notre Revue" - vì báo tiếng Việt bị cấm. Mục đích của ông là làm cho người Pháp hiểu người Annam và văn hóa Annam.

Tới năm 1911-1912, ông Schneider được ra báo "Lục Tỉnh Tân văn" ở Nam kỳ, mời ông Vĩnh vào làm chủ bút. Mấy năm sau, Schneider được phép ra tuần báo "Đông Dương tạp chí" ở Hà nội, ông Vĩnh được mời trở ra Hà nội làm chủ bút. Tuần báo này sau tách ra thành "Trung Bắc Tân văn" ra ba số mỗi tuần, "Đông Dương tạp chí" trở thành tờ "Học Báo".

1918 ông Schneider về hưu, toàn bộ tài sản của ông ở Bắc kỳ (nhà in và hai tờ báo trên) được nhường lại cho ông Vĩnh. Ông Vĩnh trở thành chủ nhà in và chủ nhiệm hai tờ báo "Trung Bắc tân văn"' và "Học Báo" (hậu thân của tờ "Đông Dương Tạp Chí" - bị Albert Sarraut đóng cửa). Tới thời gian này, các trường thi chữ nho được bãi bỏ (công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ kể như đã thành công vậy). Ông viết báo bằng chữ Pháp, bằng chữ Quốc ngữ (dưới ngót mười bút danh khác nhau), tổng cộng có tới vạn bài - mà cho tới nay con, cháu, chắt vẫn chưa thu thập, sao chép lại được hết, ông dịch thơ, dịch sách... Ông làm việc ngày đêm với một nghị lực phi thường, nuôi sống hai tờ báo và nhà in.

1922 ông Vĩnh được cử đi dự đấu xảo thuộc địa (lần thứ hai) cùng với ông Phạm Quỳnh và Phạm Duy Tốn. Nhân dịp này ông đã đi thăm thủ đô Berlin, quê hương của Guttenberg, người sáng chế ra máy in. Ông nảy ra ý đổi mới nhà in của ông Schneider để lại. Thế là khi về nước ông đã thế chấp nhà in và tài sản để vay tiền Ngân Hàng Đông Dương đầu tư cho công việc đó. Tới năm 1927, cùng với một người Pháp (ông Vayrac) ông lập ra bộ tùng-thư gọi là "Âu Tây tư tưởng" (La Pensée de l'Occident) để xuất bản các tác phẩm dịch chữ Pháp của ông.

1930, năm kinh tế khủng hoảng tại nhiều nước, kinh tế Đông Dương lâm vào tình trạng đình đốn nguy kịch, sách báo không bán được. Ông Vĩnh "nhà báo có tài nhưng lại là nhà chính trị vụng về..." (như Albert Sarraut đã nhận xét) đã vừa đương đầu với "giới tài phiệt thuộc địa", vừa đả kích giới quan lại tham nhũng, vừa hô hào "trực trị". Ông có nhiều kẻ thù và kinh tế khủng hoảng là dịp để họ "hạ" ông. Ngân Hàng Đông Dương đòi ông trả nợ ngay, ông không trả được, nhà in và nhà cửa bị tịch thu bán đấu giá. Ông lâm vào tình trạng phá sản trắng tay. Ông tổ chức lập hội buôn, gom cổ phần ra báo tiếng Pháp "L'Annam Nouveau" (1931). Và trong suốt năm năm, ông đã viết hàng ngàn bài xã luận, phóng sự... Khi Bảo Đại về nước, ông được mời vào Huế làm quan (như ông Phạm Quỳnh) nhưng ông đã từ chối. Ông có viết bài phóng sự "Từ Triều Đình Huế trở về" thẳng thắn nêu ra sự vô ích của một bộ máy cai trị tự nó chẳng có quyền hành gì (nay ta gọi là bù nhìn)... Toàn bộ bài báo này sẽ được giới thiệu ở phần dưới.

Không chịu làm quan cho triều đình Huế, ông Vĩnh còn hai con đường để lựa chọn: vào ngồi Hỏa Lò (nhà tù lớn ở Hà nội) hay đi tìm vàng ở nước láng giềng (Lào). Hồi đó chắc hẳn "tù" bị coi là một cái nhục ghê gớm lắm, dầu chỉ là tù kinh tế, nên ông đã tránh cho gia đình cái tiếng xấu (có người nhà là "một thằng tù") và chọn con đường phiêu lưu đi tìm vàng. Nhiều người thân đã hết lời can ngăn ông, nhưng ông không nghe. Lần đi thứ nhất ông đã lâm bệnh, về Hà nội điều trị mới đỡ ông lại ra đi nữa; lần này ông ngã bệnh nặng và chết đột ngột trên đường về, trên một con thuyền độc mộc thả trên sông Sê-băng-ghi, bản Ban-san-khup (Tchépone, Lào) ngày 01/05/1936. Cùng đi với ông có một người bạn Pháp tên Amédée Clementi, chủ nhiệm báo L'Argus Indochinois và một người lái thuyền. Lúc ông trút hơi thở cuối cùng hai người này không có mặt: họ lên bờ trú mưa... Gia đình đang trong tình trạng cùng quẫn, nên bác sĩ Trần văn Lai đã thu xếp với Hội Tam Điểm (Franc-Maconnerie, một hội kín có từ thời Cách Mạng Pháp, 1789) đưa về Hà-nội và tổ chức đám táng rất trọng thể theo nghi thức của hội này.

Điều đáng ghi nhận, điều nổi bật nhât nơi ông Vĩnh là cái trách nhiệm mà ông tự gắn cho mình, và cái quyết tâm sắt đá của ông: Nâng Cao Dân Trí. Theo ông thì việc mà người trí thức phải làm trước tiên là giúp dân tộc mình thoát khỏi "cái dốt". Ông tin rằng khi dân trí đủ cao thì khắc sẽ "trỗi đầu lên được". Và trong suốt 30 năm, từ 1907 tới ngày ông từ giã cõi trần (01-05-1936), ông đã nhẫn nhục theo Pháp - nhưng bất khuất - để thực hiện cuộc Cách Mạng Chữ Quốc Ngữ. Ít người chịu hiểu như vậy, và không ít người đã nghi ngờ ông - gán cho ông là "nghịch lý", thậm chí đã kết tội ông là việt gian, phản quốc!

Để hiể u ô ng h ơ n ng ười đọc nên 'tắm mình' trong cái bối cảnh bi đát thời đó, để hiểu được phần nào nỗi khổ tâm của những nhà yêu nước đã phải chịu khuất phục ngoại bang mạnh hơn về mọi mặt, sau khi hiểu rằng dân trí mình lúc đó từ trên chí dưới còn quá thấp!

BS. Nguyễn Lân Đính

------

32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT
CÓ THẬT HAY KHÔNG ?

(Tiếp theo và hết)

Kinh viết: "Mỗi một tướng tốt đều là kết quả của sự tu diệu hạnh của Bồ Tát từ lúc mới phát tâm Bồ Đề kiên cố cho đến khi được thành đạo vô Thượng Bồ Đề". Công việc tu diệu hạnh được mô tả:

"Như Lai đã từng trong vô lượng A Tăng Kỳ kiếp dốc lòng tu trì tịnh giới, cho nên nay mới được cái tướng bàn chân bằng phẳng. Nhờ sự cúng dư ờ ng cha mẹ và bậc có đức , cho nên được tướng nghìn xoáy ốc dưới bàn chân. Đối với chúng sinh không mang lòng làm hại, không có ý tưởng cướp đoạt, hễ thấy cha mẹ, những bậc có đức thì ra xa đón chào, sửa đặt toà ngồi, cung kính lễ bái, dẹp bỏ lòng kiêu mạn, nhờ thế mà nay được tướng ngón tay dài và nhỏ. Có đủ ba hạnh kể trên nên được gót chân đầy đặn. Nhờ dùng Tứ Nhiếp Pháp giúp đỡ chúng sinh, nên được ngón tay có nhiều vân. Dùng các thứ dầu thơm tắm gội cho cha mẹ, sư trưởng và các bậc có đức, nhờ thế mà được tướng chân tay mềm mại. Nhờ công tu tập các pháp lành không biết chán mỏi, nên được tướng bụng tròn trặn, đầy đặn. Nghe pháp vui vẻ, thích nói lại cho người khác nghe, và ưa làm việc đạo, nhờ thế mà được tướng mắt cá chân bằng phẳng. Nhờ ba nghiệp thanh tịnh, khám bệnh cho thuốc, phá trừ lòng kiêu mạn, ăn uống có chừng mực, nên được tướng tay dài bằng gối. Thấy người ta chia rẽ, dùng lời nói cho người ta đoàn tụ với nhau; biết tự tu h ổ thẹn, lại dạy người tu , nhờ thế mà được tướng năm căn ẩn kín. Tự mình tu sạch ba nghiệp lại dạy người khác tu, nếu chúng sinh nào đau ốm thì tìm cách chạy chữa, như thế mà được tướng thân mình tròn lẳn. Nhờ lòng vui vẻ nghe pháp, lại hay nói lại cho người khác nghe mà được tướng lông trong mình đều hướng lên phía trên. Suy nghĩ nghĩa lý sâu xa của các pháp, ưa tu các pháp lành, cúng dư ờ ng cha mẹ, sư trưởng và những bậc có đức , nếu đi dọc đường gặp pháp hoặc tăng phường đều cúng dường. Giữa đường nếu có gạch đá, gai góc hay vật bẩn thỉu thì dọn đi, nhờ thế mà được tướng lông trên mình đều xoáy về bên phải. Nếu đem thức ăn hoặc đồ châu báu cho người thì không bao giờ sinh lòng sân hận, nhờ thế mà được hai tướng: Một là sắc vàng, hai là thường có ánh sáng lại được tướng da mịn màng, không dính bụi nhơ. Thường giúp cho người những thứ cần dùng, nhờ thế mà được tướng bẩy chỗ đều đặn. Tự mình dẹp bỏ tính kiêu mạn, biết điều hoà tính tình, tùy theo sở thích của mọi người, như pháp tu hành để diệt các pháp bất lành, nhờ thế mà được tướng nửa mình trên như mình sư tử, tướng cánh tay tròn lẳn và tướng xương ngực bằng phẳng, tướng ngón tay nhỏ và thân hình đầy đặn. Nhờ không nói lưỡi hai chiều và làm cho những người tranh dành phải hòa thuận mà được tướng có 40 răng, tướng răng khít không hở kẽ, tướng rằng bằng nhau, đều đặn. Nhờ tu các nghiệp từ bi, thiện lạc mà được tướng răng trắng như ngà. Thấy người thiếu thốn vui vẻ giúp đỡ, đón đưa, nhờ thế mà được tướng hàm vuông như hàm sư tử. Coi hết thảy chúng sinh như con một vì thế mà được tướng ăn thức gì cũng thấy mùi vị thượng hảo. Thường bố thí chúng sinh pháp vị vô thượng, gặp người hay quên thì cho trí nhớ, tự mình giừ Năm Giới lại dạy người cùng giữ, tu tập lòng từ, hay bố thí pháp cho mọi người, nhờ nhân duyên ấy mà được tướng nhục kế, tướng lưỡi dài rộng. Cứ như thực mà nói pháp cho mọi người vui mừng, nói những lời êm ái, dịu dàng, không đúng thời không nói, do đó mà được tiếng Phạm Âm. Chứa góp lòng thương, coi hết thảy chúng sinh như cha mẹ, nhờ nhân duyên ấy mà được sắc mắt xanh biếc và tướng mắt như tướng ngưu vương. Thấy những người có đức thành thật tán thán, do đó mà được tướng bạch hào.

Kinh viết tiếp: Đó là 32 tướng, tuy có những nhân duyên khác nhau, nhưng nhân duyên chính là cái nhân "Trì Giới" và "Tinh Tiến". Tại sao vậy ? Vì nếu không chịu trì Giới và siêng tu Tinh Tiến thì đến thân người còn chẳng được làm, nói chi đến 32 tướng ?

Lại nữa, phàm đã làm việc thì lòng nhất định không hối hận, nhờ thế mà được tướng bàn chân bằng phẳng. Và khi làm việc thì dốc lòng làm, do đó mà được tướng nhìn xoáy ốc dưới bàn chân, tướng ngón tay có nhiều vân, tướng bảy chỗ bằng phẳng, tướng da mịn màng, tướng thân bằng phẳng, tướng thân thắng và tròn, tướng lưỡi dài rộng. Thường tu các pháp thiện và dạy người khác cho nên được tướng ngón tay dài nhỏ, tướng tay chấm gối; tướng thường phát ánh sáng cách xa tám thước và tướng răng khít, không thưa hở. Nhờ công phu tu sach ba nghiệp nên được các tướng khác...

Lại nữa, đối với chúng sinh, sinh tâm thuần thiện, nhờ nhân duyên ấy được tướng tay chân mềm mại, da thịt mịn màng, bụi nhơ không bám. Vì theo thứ lớp và thời tiết mà tu tập các pháp lành, cho nên được tướng thứ hai, thứ ba và thứ tư. Ưa làm điều lành, lòng không chán nản, nhờ nhân duyên ấy mà được tướng thân sắc vàng, tướng thân thường sáng, tướng răng trắng, tướng khoảng giữa lông mi có sợi lông trắng. Nếu nghe người ta ca ngợi đức tính của mình thì không sinh lòng kiêu mạn, dấu diếm việc lành không cho người khác biết, nhờ nhân duyên ấy mà được tướng mã tàng. Phàm tu các việc lành đều hồi hướng cho đạo Bồ Đề, vì thế mà được tướng lông trong mình đều xoay về bên phải, tướng trong miệng có 40 chiếc răng; tướng khi ăn thấy mùi vị thượng hảo. Nhờ nhân duyên siêng tu tinh tiến nên được tướng hàm vuông như hàm sư tử, tướng nửa mình trên như mình sư tử. Dốc lòng thương nhớ hết thảy chúng sinh như mẹ thương con, nhờ nhân duyên ấy mà được tướng răng nhỏ và bằng phẳng, tướng mắt xanh biếc như mắt Ngưu Vương. Nhờ tu tập các pháp lành không biết chán nản cho nên được các tướng khác.

Các Bậc Bồ Tát khi y vào tịnh hạnh mà tu 32 tướng tốt, khi các nghiệp đã được thanh tịnh, tuy có 32 tướng tốt như thế nhưng đầy đủ, chưa đầy đủ, chưa được hoàn toàn trong sáng. Bồ Tát còn phải tu theo 13 hạnh đ ể thấu suốt đầy đủ hết thảy các pháp của Phật". Trong vô lượng tướng, chúng sinh không giống nhau, có Thượng, trung, và Hạ không thể nghĩ bàn. Bởi thế Phật nói, trong 32 tướng, đem công đức tích góp hợp hết thảy chúng sinh mà so sánh thì mới chỉ bằng cái tướng mảy lông của Như Lai. Hết thảy các lỗ chân lông đều có công đức, chứa góp hoà hợp mà thành một vẻ đẹp, rồi tập hợp công đức của 80 vẻ đẹp tăng gấp trăm lần mới thành một tướng. Duy có hai tướng Bạch Hào và Nhục Kế thì phải tập hợp hết thảy các tướng khác, tăng đến nghìn lần mối thành được hai tướng đó. Bởi đem hòa hợp hết thảy công đức, đem hết công đức của 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tăng lên nghìn vạn ức lần mới thành được cái tướng lôi Âm của Như Lai mà âm vang xa thẩm đến vô lượng vô biên thế giới của Chư Phật nhiều như vi trần cũng đều nghe thấy. Vì làm lợi ích cho chúng sinh mà Bồ Tát tu hạnh đại từ bi, nhớ ơn đền ơn, tu tập các pháp sâu xa mầu nhiệm khó thể nghĩ bàn và các tướng tốt vi diệu như thế. trong mỗi tướng có thể làm lợi ích cho vô lượng trăm nghìn vạn ức chúng sinh, khiến cho đều mở lòng bồ Đề, lần lượt tu tập đầy đủ công đức cho thành được 32 tướng tốt đẹp. Khi có đủ các tướng tốt đẹp rồi, đều khiến đi đến gốc cây Bồ Đề, hàng phục ma quân chứng thành Phật quả, quay bánh xe Chánh Pháp, độ cho chúng sinh qua khỏi bể khổ, ngu si, sinh tử mà lên bờ giác ngộ, giải thoát yên vui để thành tựu công việc lợi ích cho hết thảy chúng sinh."

Qua đó, ta thấy TƯỚNG TỐT của Phật là có thật, nhưng không có gì huyền bí, ghê gớm, linh thiêng, vĩ đại. Cũng không phải do đục, tạc mà được, mà do thực hiện các Hạnh lành mà ra. Theo mô tả những việc làm để được các tướng này, ta thấy đâu có gì khác hơn là những việc mà những người tốt bình thường vẫn làm, là cúng dường cha mẹ, thầy và những bậc có đức, và tôn trọng, săn sóc, giúp đỡ mọi người, dẹp bỏ Tham, Sân, Si, kiêu mạn? Cũng qua đó, ta thấy, PHẬT không phải là một nhân vật, mà chỉ là hình ảnh tượng trưng, mô phỏng theo hình tướng của một con người. Mỗi Hạnh tượng trưng cho một TƯỚNG TỐT mà người tu thực hiện được, gọi là Công Đức, tích góp lại đầy đủ thành ra một THÂN PHẬT.

Tướng như thế thì làm sao có thể thấy bằng mắt? Làm sao nghe được âm thanh do ta cầu? Làm sao nhận lễ vật do ta cúng kiến? Phật, như thế chỉ là tổng hợp những công đức tích góp lại thì làm sao "Độ" được cho ai? Nhưng từ xưa, nhiều thế hệ đã hiểu lầm, lại mang đó ra làm mẫu, rồi dùng, vàng, bạc, đồng, gổ để đúc, để tạc, để cầu xin, nên Tổ Đạt Ma đã giải thích trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất như sau:

"Nói "đúc hình tạc tượng", tức đó là chúng sanh cầu Phật đạo cần tu các giác hạnh phỏng theo chân dung diệu tướng của Như lai, há phải đâu chỉ là việc đúc vàng tạc đồng tầm thường như vậy thôi ru! Bởi vậy, người cầu đạo giải thoát phải lấy thân mình làm lò, lấy pháp làm lửa, lấy trí huệ làm tay thợ khéo, lấy ba giới tu tịnh, Sáu Ba la Mật làm khuôn phép, nấu chảy, và rèn đúc chất chân như Phật Tánh ở trong thân cho thâm nhập tất cả hình thức giới luật, y lời dạy vâng đó mà làm, mỗi mỗi không hở sót thì tự nhiên thành tựu hình tướng của chân dung. Hình tướng đó đích thực là pháp thân thường trụ vi diệu cùng tột, há phải đâu là pháp hữu vi hư đốn sao? Người cầu đạo mà không hiểu nghĩa việc đúc tạc chân dung như vậy thì còn bằng vào đâu mở miệng nói công đức?".

Chính vì mọi người đều có thể nương theo cách thức đó để thực hiện cho chính mình, nên Phật không phải là ngôi vị độc tôn, và lời Thọ Ký CHÚNG SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH mới có giá trị thật sự, không bị ảnh hưởng bởi thời gian, không gian Mọi thời, mọi người, bất luận dân tộc, trình độ, giai cấp, tuổi tác, giới tính, đều có thể thực hành và thành tựu cho bản thân.

Tóm lại, trước lúc tu hành, thành Phật, thì Đức Thích Ca hoàn toàn là một con người bình thường như tất cả chúng ta, chứng tỏ rằng điều gì Ngài làm được thì tất cả mọi người đều có thể làm được. Do Ngài thấy rằng lẽ ra mọi người đều có thể sống an vui cho qua một kiếp người, nhưng vì hiểu lầm cuộc sống tạm trăm năm là thật, và không rõ lý Nhân quả, nên mọi người đã tàn phá thiên nhiên, sát sinh, hại vật, lừa dối, cướp đoạt lẩn nhau để dành chút danh, lợi, vật chất phù du, nhằm phục vụ cho tấm thân hư dối, gây xáo trộn thêm cho cuộc sống vốn dĩ đã dầy dẫy phiền não, khổ đau. Vì thế, Ngài đã dùng phương tiện đưa ra những Quả Vị, những vị Phật với tướng tốt, hào quang chói sáng, cõi Phật ở Đông Phương, Tây Phương được trang hoàng bằng bảy báu tốt đẹp, hơn hẳn những châu báu cõi trần để mọi người ham thích rồi cố gắng hành trì để đạt tới mà bớt tạo nghiệp, hầu hiện đời thoát khổ, kiếp sau nếu có lại càng tốt đẹp hơn, để tất cả mọi người đều được sống trong an lành, hạnh phúc.

Thật vậy, phải chăng nếu một xã hội, rồi cả thế giới, trong đó mọi người ai làm việc nấy, không gian manh, lừa đảo, nói láo, trộm cắp, tà dâm, không phải đề phòng lẩn nhau, trái lại cùng yêu thương, nâng đỡ nhau, cùng ý thức trách nhiệm của mình, để lo cho bản thân, gia đình, góp phần đưa cuộc sống thăng hoa hơn. Kẻ mạnh không hiếp người yếu. Người giàu, có điều kiện thì tạo công ăn việc làm mà không bóc lột người nghèo. Nước này không xâm lăng nước kia... Nếu thực hiện được như thế thì trần gian này chẳng phải là thiên đường đó sao, cần gì mơ ước Đông Tây viễn vông? Và quả thật là không hợp lý chút nào nếu ta nghe nói Phật có những tướng tốt, rồi không bắt chước để tự tạo cho mình, lại đúc tạc theo đó rồi van vái cầu xin, khác nào thấy người khác giàu mà không học hỏi phương pháp để làm theo, chỉ theo nịnh bợ để xin chút tiền lẻ! Nhưng nếu Đức Thích Ca có toàn quyền ban ơn giáng phúc thì đâu có bắt con ruột là La Hầu La và em là Anan phải tu hành làm chi ? Hơn nữa, nếu cầu mà được thì lẽ ra thế giới đã không còn loạn lạc, chiến tranh, tai ách, vì từ mấy ngàn năm nay, bao nhiêu thế hệ đã tiếp nối nhau thành khẩn cầu xin đã mỏi mòn! Chính vì vậy mà Kinh quở trách những "gã cùng tử", tức là những người tự xưng là Phật Tử mà không theo gương cha, không lo tu tâm sửa tính, gieo nhân thiện để gặt quả lành, cứ hành động bất chấp Nhân Quả, tạo bao nhiêu ác nghiệp, rồi tin vào những việc cúng kiến, giải hạn, dùng chút của cải hôi nhơ, giấy tiền vàng mã.. mà nghĩ rằng thánh thần sẽ chứng giám để đổi xấu, lấy tốt, cầu cho gia đình luôn an lành, hạnh phúc, luôn gặp vận may, tai qua, nạn khỏi! Nếu cứ làm ác rồi cầu xin mà không bị lãnh quả thì ắt luật Nhân Quả không còn hữu hiệu nữa, và thánh thần nào chấp thuận lễ cúng để đổi thay số mệnh cho họ ắt không xứng đáng được tôn sùng nữa, vì khác nào những quan chức tham ô, ham ăn của đút lót? Do đó, Đạo Phật dạy con người "cầu mà không cầu" tức là cứ gây Nhân Thiện, tự nhiên Quả lành sẽ đến, đừng cầu xin cho mất công!

Như tất cả những tôn giáo chân chính, vị sáng lập Đạo Phật là Đức Thích Ca, với lòng từ bi vô hạn, cũng mong mỏi cho nhân loại hết Khổ, được an lành, hạnh phúc trong cuộc sống hiện đời, không có hứa hẹn Niết Bàn ở cõi nào đâu xa xôi. Qua phương tiện mà Đạo Phật bày vẻ, nếu mọi người vì muốn được thành Thánh, thành Phật rồi cố gắng để tạo được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp cho bản thân thì đó là sự thành công lớn của Đạo Phật trong mục đích mang lại cuộc sống an vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Việc "cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế giới" được Tổ Đạt Ma giải thích: vì trong tâm của mỗi chúng ta, từng sát na chúng sinh của ba món Độc gọi là Tham, Sân, Si cứ theo pháp mà "trùng trùng duyên khởi", số lượng đông không thua cư dân trong một thế giới. Vì có đến 3 chủng loại, nên gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Người tu nào "độ" được hết những chúng sinh đó thì sẽ được hết Khổ, gọi là được Giải Thoát hay Thành Phật. Khi Chúng Sinh không còn lao xao, đau khổ, thì được an ổn, thanh tịnh, an vui, gọi là Niết Bàn, vì nghĩa của Niết Bàn là "ra khỏi rừng phiền não". Tất nhiên, chúng sinh được độ đó sẽ tôn trọng biết ơn người đã độ thoát cho mình, nên gọi là: "chúng sinh trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới tôn thờ",

Nhưng, "tuy diệt độ vô lượng chúng sinh, mà thật ra không có chúng sinh nào bị diệt độ cả", và "Chúng Sinh không phải là Chúng Sinh, chỉ giả gọi là Chúng Sinh" (Kim Cang). Vì tên gọi Chúng Sinh là của Đức Thích Ca đã dùng từ ngày xa xưa, với ngôn ngữ hiện đời thì gọi là "tình trạng của tư tưởng". Đó là: Thương, Ghét, Tham, Sân, Si, không phải là người hay vật gì ở ngoài Tâm. Vì thế, chỉ mỗi người có thể tự độ lấy cho mình, không thể độ giùm người khác, hay nhờ người khác độ giúp, nên gọi là "Tự Độ".

Hết Khổ tất nhiên sẽ được an vui. Đó cũng là nghĩa của lời hứa: "thời sau. Đức Phật Di Lạc sẽ giáng trần để mang lại niềm vui cho bá tánh", vì thật ra chẳng có Ngài Di Lạc ở cõi nào khác giáng thế, để ban phát niềm vui cho mọi người như hàng Nhị Thừa vẫn chờ đợi, mà chính là từ nơi cái Tâm của người tu, sau khi lọc bỏ hết những chấp nhất, độc ác, gian tham, đố kỵ... chỉ còn lại Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả, thì niềm an lạc đương nhiên sẽ xuất hiện vậy.

Tâm Nguyện

(3/2007)


Thiếu nữ và nhạc cụ dân tộc

------

VỀ MỘT SỐ NHÀ VĂN VIẾT NHIỀU
Ở NƯỚC NGOÀI VÀ Ở NƯỚC TA

Trên đời, số nhà văn viết nhiều quả rất là… nhiều. Tuy nhiên, để khỏi bị thất vọng, ta chớ nên trông đợi nhiều ở phẩm chất các sản phẩm vô cùng phong phú của họ, nghĩa là trong hàng hà sa số các tác phẩm họ viết ra, ta chớ mong gặp toàn danh tác? Trong số các nhà sản xuất văn chương bình dân, có những vị đã phải chịu trách nhiệm về trên 200 sản phẩm. Muốn nói về quý vị đó chắc phải có một số báo dày bằng cuốn tự điển; ở đây xin chỉ nhắc đến một số văn hào đã lưu lại cho hậu thế những danh tác thứ thiệt và “dữ”: Trước nhất phải kể đến Honoré de Balzac mà toàn bộ tác phẩm lên tới 120 cuốn trên dưới 300 trang mỗi cuốn. Năm 1967 nhà “Club Français du Livre” (Câu lạc bộ Sách Pháp Quốc) đã cho in toàn bộ tác phẩm của Đại Văn Hào này vào một bộ sách 16 cuốn quy tụ khoảng 25.000 trang trên giấy Thánh kinh, được minh họa bởi các danh họa như Daumier, Bertall, Johannot, Monnier, Meissonier, Staal, Gavarni. Doré và Lampsonius, toàn các tên tuổi lớn về ngành minh họa. Giá tiền vào năm đó (1967) là 17 quan mới mỗi tháng và người mua sau khi đóng 17 quan đầu tiên còn phải đóng thêm 32 tháng mỗi tháng một số tiền tương đương, tóm lại giá tiền vào lúc đó tổng cộng là 574 quan; nếu tính theo thời giá hôm nay, nghĩa là 40 năm sau thì một bộ này trên dưới 1500 EUROS (trong 40 năm giá sách ở Pháp tăng độ khoảng trên 5 lần), một số tiền eo ơi quá lớn cho túi tiền những kẻ nghèo… mà ham. Sau Balzac là Voltaire với 100 cuốn tiểu luận triết học và truyện ngắn. Tuy nhiên hai vị trên chưa theo kịp Alexandre Dumas (cha) với trên 300 cuốn trong đó những cuốn như Bá tước Kích Tôn Sơn, Ba người ngự lâm pháo thủ, Hai mươi năm sau… rất quen thuộc với độc giả chúng ta, và mới đây lại còn cả ông “Con trai Bá tước Kích Tôn Sơn” do một tác giả khác viết cũng mới đến với chúng ta mấy năm trước. Địch nổi với ông này có lẽ chỉ có Léonard de Vinci, với 120 tác phẩm văn học, và rất nhiều các sách hồi ký, các dự án và các tính toán khoa học – còn được lưu truyền đến ngày nay - đấy là chưa kề sự nghiệp đồ sộ về Hội Họa của thiên tài bất tử này. TÂY BAN NHA cũng có đại văn hào Calderon với trên 200 cuốn sách đủ mọi thể loại.

Đó là thời trước, còn thời cận đại phải nói tới Jules Romains mà tác phẩm “Les Hommes de Bonne Volonté” (Những người thiện chí) dài vừa 27 cuốn được cho ra đời từ năm 1932 tới 1947; ngoài ra còn có Paul Vialar ở vào tuổi 57 đã viết tới cuốn tiểu thuyết thứ 60; một nhà khác Georges Simenon được người ta đồn rằng từ năm 1931 tới nay, cứ mỗi tháng ông lại cho ra một cuốn tiểu thuyết (mà phần lớn là hay, nhất là một số những tiểu thuyết nặng về mặt tâm lý trong thời kỳ đầu). Điều này có thể là không hoàn toàn đúng, nhưng nó cho ta một ý niệm về biệt tài viết nhiều của nhà văn này. Nhà văn này được lăng xê ngày ông ta quyết định tự giam mình vào một cái lồng bằng kính để viết một chuyện đăng báo từng kỳ (feuilleton), trước sự chứng kiến của công chúng.

Giai thoại dưới đây được lưu truyền về Georges Simenon:

Một nhà xuất bản người Mỹ gọi điện thoại tới bang Texas là nơi Simenon đang viết trong một trang trại:

- Tôi không dám làm rộn Georges, bà nội tướng của nhà văn trả lời, anh ấy vừa bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết mới.

- Ồ, không sao, nhà xuất bản đáp, tôi sẽ giữ đường dây đợi cho tới khi ông ấy viết xong!

Ở nước người thì vậy, còn trên đất nước chúng ta thì có những ai?

Thời tiền chiến có nhà văn Lê Văn Trương được kể là viết khỏe nhất, xấp xỉ con số 100 cuốn, có người nói trên 200, nhưng số tác phẩm mà kẻ viết bài này đã được thật sự đọc thì không dưới 50 cuốn, trong đó có trên 10 cuốn đăng trong “Phổ Thông Bán Nguyệt San”. Mấy cuốn hấp dẫn nhất là “Trường Đời”, “Một Người”, “Tôi Là Mẹ”, “Trong Ao Tù Trưởng Giả”, “Trên Giốc Vật Chất”, “Thằng Còm Phục Thù”, “Ba Ngày Luân Lạc”, “Những Đồng Tiền Siết Máu” vv… Sau Lê Văn Trương, ở miền Nam có Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên và một vị viết rất khỏe là Cụ Hồ Biểu Chánh với gần 50 cuốn.

VŨ ANH TUẤN

Đàn tỳ bà

------

Cụ Vĩnh và Truyện Kiều

Cụ Vĩnh đã dịch rất nhiều sách, không chỉ từ Pháp sang Việt, mà còn cả từ Việt sang Pháp. Đáng chú ý nhất là truyện Kim-Vân-Kiều mà Cụ đã dịch đi dịch lại tới ba lần! Hẳn là Cụ đã lột được hết những gì một người "nửa nho học nửa tây học" như cụ có thể hiểu được thấy được trong các câu thơ của Nguyễn Du nên đã không thấy giáo sư văn chương nào phê bình là "dịch sai"! Mục đích của Cụ Vĩnh là cố làm sao cho người Pháp hiểu được con người An-nam thật (không phải "quan lại thì gian tham, kẻ sĩ dân thì ngu xuẩn, phong tục thì đồi bại"), và để thực hiện việc đó, Cụ đã quyết tâm dịch cái áng văn chương hay nhất của mình ra tiếng Pháp. Nhưng truyện Kiều lúc đó chỉ có bằng chữ nôm! Cụ Vĩnh bèn dịch nó ra chữ quốc ngữ, trước là để truyền bá thứ chữ này trong dân gian, sau là để từ chữ quốc ngữ chuyển sang Pháp ngữ! Ta hãy nghe Cụ Nguyễn Văn Vĩnh nói về truyện Kiều:

"Phải làm cho mọi người biết truyện Thúy Kiều vì rằng truyện Kiều đối với chúng ta là một tượng đài văn học duy nhất, một tác phẩm độc nhất thể hiện ra thiên tài của người An nam, là một tập thơ duy nhất trong đó mỗi một câu thơ tạo ra được một xúc cảm nồng nhiệt, một sự hiểu biết cao cả về đời sống và một hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo Trung hoa, một nần văn hóa thật sự của viễn đông."

Từ 1907 đến 1923 tổng số cuốn "Kim-Vân-Kiều, dịch ra quốc-ngữ, có chú dẫn các điển tích" được phát hành là gần một nửa triệu cuốn! Lúc đầu dịch tới đâu Cụ Vĩnh cho đăng trong Đông Dương Tạp Chí tới đó. Nhưng Cụ đã dịch đi dịch lại cho được hoàn hảo hơn, nếu Cụ không mất sớm có lẽ ông còn dịch lại nữa! Lần chót dịch lại Cụ đã dùng bản dịch của các ông Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ (lấy từ bản chữ nôm cổ nhất). Truyện Kiều đã được ông lấy làm cái gốc để xây dựng ngôn ngữ viết của dân tộc ta. Cụ là người dân tộc, thâu thái được ngôn ngữ và văn học Pháp trước, và từ tri thức đó Cụ đã xây dựng ngôn ngữ viết và văn học của ta. Năm 1907 chữ quốc ngữ chưa được thông dụng và chưa có văn phạm, lúc đó Cụ sử dụng tiếng Pháp thành thạo và chính xác hơn chữ quốc ngữ. Vì vậy Cụ đã dịch truyện Kiều ra tiếng Pháp, mục đích chính để thâu thái được tất cả những cái hay, những cái tinh hoa của truyện Kiều và ngôn ngữ của ta, đồng thời để giới thiệu với người nước ngoài tác phẩm bất hủ này. Cho tới ngày nay bản dịch truyện Kiều ra tiếng Pháp của Cụ vẫn là bản dịch hoàn hảo nhất, đa số những nhà văn nước ngoài đã nghiên cứu, tìm hiểu được truyện Kim-Vân-Kiều đều thông qua bản dịch này.

Những chú thích của Cụ giúp người theo tân học, nghĩa là không học chữ nho, hiểu được thấu đáo truyện Kiều hơn.

Ví dụ như câu 27:

"Một hai nghiêng nước nghiêng thành"

Ai cũng hiểu hay đoán được là đẹp lắm lắm, vì đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" đã là một thành ngữ. Cụ Vĩnh cho biết là câu này lấy từ hai câu thơ Trung Hoa:

"Nhất cố khuynh thành,

"Tái cố khuynh quốc."

Ý nói là người phụ nữ đẹp đến nỗi chỉ cần ngoảnh (liếc) một cái thì đảo lộn kinh thành (vì quan giữ thành bị siêu lòng), và ngoảnh cái nữa thì đảo lộn cả nước (vì vua bị mê hồn!)

Ví dụ nữa, câu 1231:

"Dập dìu lá gió cành chim,

"Sớm đưa Tống-Ngọc, tối tìm Tràng-Khanh."

Làm sao mà những nhà tân học biết được rằng sáu chữ này lấy từ hai câu thơ của nàng Tiết-Đào đời Đường:

“Chi nghênh nam bắc điểu

Diệp tống vãng lai phong”.

Có nghĩa là: "Cành cây đón chim, đến từ phương nam hay phương bắc - Lá cây tiễn gió thổi đưa đi và đưa lại". Cụ Vĩnh cho biết rằng Cụ Nguyễn Du đã dùng sáu chữ - lấy từ hai câu thơ trên - để diễn tả cuộc đời mến khách của gái làng chơi, tiếp đón những khác không hề quen biết và tiễn đưa lịch sự những khách đã được hầu hạ! Cụ Vĩnh còn cho biết nàng Tiết-Đào làm hai câu thơ này hồi còn nhỏ tuổi, khi nghe nàng xướng hai câu thơ này người cha đã đoán trước cái thân phận giang hồ của con mình... Tống-Ngọc là tên một gã chơi bời có tiếng thời Sở, Tràng-Khanh là tên gọi của Tư Mã Tương-Như, một người có tiếng là hào hoa phong nhã thời Hán.

Những ghi chú của ông không những giúp người Pháp và hiểu văn hóa và tâm hồn An nam mà còn giúp chúng ta hiểu thấu văn hóa của mình, và học thêm được rất nhiều điều! Ông đã rất thành công trong công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ và làm cho người Pháp thời đó thấy là ta cũng có văn hóa, có tâm hồn... chứ không phải là một dân tộc “bán sơ khai”.

Bs Nguyễn Lân Đính

------

TỪ CỦA TIẾNG VIỆT ĐÃ TỰ SỐ HOÁ
TỪ NGÀN XƯA

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết nên từ của tiếng Việt là một “tiếng”có âm sắc và mang một ý nghĩa nhất định. Riêng về thanh điệu thì trong khẩu ngữ tiếng Việt thể hiện rõ rệt là có 8 thanh điệu (giống như là 8 của “bát quẻ” từ 4 cặp như là “tứ tượng”) chứ không phải chỉ có 6 thanh điệu (đọc kỹ Truyện Kiều sẽ thấy) và thanh điệu cũng đã được “số hoá” theo “0” và “1” của hệ đếm nhị phân thành hai vùng như sau:

1

Vùng âm sắc cao

BẰNG

NGÃ

SẮC

“có” kéo dài tiếng làm cho nghĩa của từ bị ngược lại

0

Vùng âm sắc thấp

HUYỀN

HỎI

NẶNG

“không” kéo dài tiếng

Thứ tự cặp

 

1

2

3

4

Ở cặp thứ 4 của thanh điệu ta thấy rõ là khi một từ mang thanh điệu bất kỳ trong số 6 thanh điệu mà phát âm bình thường (không kéo dài tiếng) thì nó mang ý nghĩa như nó vốn có. Nhưng khi từ ấy bị phát âm kéo dài tiếng thì ý nghĩa của nó bị ngược hoàn toàn. Ví dụ trong Tuyện Kiều:

Rằng mua ngọc đến Lam Kiều

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?

Mối rằng giá đáng ngàn vàng

Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài

Từ “dám” ở đây có nghĩa là “không dám” vì khi nói nó bị kéo dài thành “daáam”.

Do các cặp thanh điệu đã được số hoá tương ứng với “1” và “0” thành từng đôi đối nghịch: BẰNG/ HUYỀN, NGÃ/ HỎI, SẮC/ NẶNG (dấu xẹt “/” hàm ý là “gần như nghịch nghĩa nhau”) cho nên một âm tiết khi còn “mộc” tức chưa mang dấu thanh điệu thì chỉ cần chua thêm dấu thanh điệu của một cặp là được hai từ nghịch nghĩa nhau. Ví dụ âm tiết “mộc”A:

- Cặp BẰNG/ HUYỀN :

BẰNG : “A” (ngạc nhiên, chưa hiểu vấn đề)

HUYỀN : “À” (hiểu vấn đề rồi)

- Cặp NGÃ/ HỎI :

NGà : “Ô (đã hiểu)

HỎI : “Ả” (cái gì? Chưa hiểu)

- Cặp SẮC/ NẶNG :

SẮC : “Á” (không đồng ý)

NẶNG : “Ạ” (đồng ý)

Sau đây ta xét vài ví dụ qua từng cặp thanh điệu:

1.Cặp BẰNG/ HUYỀN như “1”/ “0”:

nông (hời hợt)

nồng (đậm đà)

nông / nồng

vô (tự đi vào giữa vật khác)

vồ (bắt một vật vào giữa vật khác)

vô / vồ

trong (tự ở giữa vật khác)

tròng (bắt một vật phải ở giữa vật khác)

trong / tròng

vây (lùa đối tượng vào vòng)

vầy (tự xúm vào vòng)

vây / vầy

quanh (chỗ đoạn cong của đường)

quành (đi theo đoạn cong của đường)

quanh / quành

quang (dọn sạch đi)

quàng (đưa thêm vào)

quang / quàng

bay (tự trải trên không bằng nội lực)

bày (rải ra trên mặt đất bằng ngoại lực)

bay / bày

xem (chú ý tìm hiểu vấn đề)

xèm (không đếm xỉa đến vấn đề)

xem / xèm

chia (tách ra để cho người khác lấy)

chìa (tách ra để cho người khác thấy)

chia / chìa

trôi (chuyển động xuôi)

trồi (chuyển động lên)

trôi / trồi

ngưng (dừng lại do ngoại lực)

ngừng (dừng lại do chủ động)

ngưng / ngừng

chiêu (làm cho người vui lòng đến với ta)

chiều (làm cho người vui lòng ở với ta)

chiêu / chiều

đua (ta hưng phấn theo người)

đùa (ta làm cho người hưng phấn với ta)

đua / đùa

rên (kêu tiếng nhỏ yếu)

rền (kêu tiếng to mạnh)

rên / rền

banh (mở rộng ngoài để thấy trong)

bành (tự trong mở rộng ra ngoài)

banh / bành

đeo (mang trực tiếp vào người)

đèo (mang theo người bằng phương tiện)

đeo / đèo

hâm (làm nóng lại, có cho tản nhiệt ra)

hầm (làm nóng, không cho tản nhiệt ra)

hâm / hầm

2.Cặp NGÃ/ HỎI như “1” / “0”:

ngã (đổ xuống bởi tự nội lực) vd: tôi ngã xuống vũng

nước

ngả (đổ xuống bởi ngoại lực) vd: đốn ngả cây rừng

ngã / ngả

lỡ (vô ý xảy ra)

lở (chủ động xảy ra)

lỡ / lở

lõi (giấu cài khôn vào trong) vd: lõi đời

lỏi (tỏ cái khôn ra ngoài) vd: xấu đều hơn tốt lỏi

lõi / lỏi

đỗ ( từ chỗ chưa ổn định đến ổn định )

đổ ( từ chỗ ổn định đến mất ổn định )

đỗ / đổ

chữa (làm cho vật tốt lên bằng tác động ngoài vào)

chửa (làm cho vật tốt lên bằng tác động trong ra)

chữa / chửa

vd: “tôi đang chửa (tức đang thai nghén) một đề tài” khác với “tôi đang chữa một đề tài”

vẫy (mời lại gần) vd: vẫy tay

vẩy (xua ra xa) vd: vẩy tay

vẫy / vẩy

võng (cong xuống)

vỏng (cong lên)

võng / vỏng

nhễu (rỏ giọt vào trong) - dẫn đến từ “cái phễu”

nhểu (rỏ giọt ra ngoài)

nhễu / nhểu

chĩa (hướng mũi nhọn về phía đối tượng)

chỉa (đâm mũi nhọn vào đối tượng)

chĩa / chỉa

nghĩ (hoạt động bằng óc)

nghỉ (ngừng hoạt động bằng óc)

nghĩ /nghỉ

vẽ (tạo nên dáng)

vẻ (dáng do tạo mà nên )

vẽ / vẻ

lõm bõm (nghe tiếng được tiếng mất)

lỏm bỏm (học lén biết tí một)

lõm bõm / lỏm bỏm

3.Cặp SẮC/ NẶNG như “1” / “0”

tút (kéo ra)

tụt (ấn vào)

tút / tụt

tuốt (làm rời ra)

tuột (tự rời ra)

tuốt / tuột

ép (nén xuống bằng ngoại lực)

ẹp (tự nén xuống bằng ngoại lực)

ép / ẹp

dúi (hướng tia nhìn về phía trước) vd : dúi mắt

dụi (cắt ngang tia nhìn) vd : dụi mắt

dúi / dụi

ngáp (một cái ngậm miệng trống không)

ngạp (một cái ngậm miệng có miếng)

ngáp / ngạp

hớp (gom một vật vào)

hợp (vật tự gom vào)

hớp / hợp

tát (đưa nước gom vào)

tạt (đưa nước toé ra)

tát / tạt

trốn (tự lánh khỏi đám đông)

trộn (tự hoà mình vào đám đông)

trốn / trộn

cấy (cắm xuống)

cậy (nhổ lên)

cấy / cậy

gất (không đồng ý)

gật (đồng ý)

gất / gật

bắt (lấy về mình)

bặt (tự mình tránh đi

bắt / bặt

chắt (lấy một phần từ tổng thể lỏng)

chặt (lấy một phần từ tổng thể cứng)

chắt / chặt

chớp (khép mí mắt do phản xạ từ tác động ngoài)

chợp (tự khép mí mắt để nghỉ ngơi)

chớp / chợp

hốc (hố ngang tự nhiên)

hộc (hố ngang nhân tạo)

hốc / hộc

hấp (làm nóng bằng nhiệt toả ra)

hập (làm nóng bằng nhiệt tụ vào)

hấp / hập

vd : do trên mà có hâm hấp / hầm hập

“sốt hâm hấp”: người nóng tỏa nhiệt ra ngoài

“nóng hầm hập”: người bị om bằng cái nóng vây
quanh không tản đi được.

Kết luận: Bài viết trên giới thiệu một trong các qui luật số hóa khái niệm bằng thanh điệu thành các cặp từ nghịch nghĩa như nông/nồng, trốn/trộn vẫy/vẩy vv... Ngoài ra còn các qui luật khác không căn cứ vào thanh điệu mà căn cứ vào đặc tính cùng chung phụ âm đầu hoặc cùng vắng phụ âm đầu để tạo ra các cặp từ nghịch nghĩa, ví dụ: sơn/suối, non/nước, thuỷ/thạch, đầm/đất, thổ/thác, hoả/hiu, lửa/lạnh, nắng/nước, oi/ướt, ăn/ỉa, chớm/chung, đầu/đuôi, yêu/ức, mới/mèm, coóng/cũ (mới coóng/cũ mèm), tươi/tàn, rói/rũ (tươi rói/tàn rũ) vv... đều là những khái niệm “âm”/ “dương” đối nghịch hay “0”/“1” đối nghịch vậy. Do hiểu rõ là từ của tiếng Việt vốn đã tự số hoá như “1” và “0” nên người Việt sử dụng từ Việt trong nói năng rất chính xác và tinh tế như con số nhị phân vậy.

Muốn thế phải phát âm thật chuẩn thanh điệu như giọng Hà Nội và dùng từ đúng như là nó thuộc “0” hay thuộc “1”.

Ví dụ: “tôi ngừng công việc” tức “tôi chủ động dừng công việc” là nói đúng, còn nói “tôi ngưng công việc là nói sai”. Nói “công việc của tôi bị ngưng trệ” là nói đúng, còn “công việc của tôi bị ngừng trệ” là nói sai. Vì NGƯNG/NGỪNG tương ứng với “1”/“0” trong cặp BẰNG/HUYỀN, vv...

Lê Duy Dân

Trích từ cuốn “Qui luật nhị phân trong bọc trứng tiếng Việt” của Lê Duy Dân, số: 424 / 2003 / QTG

------

MỤC LỤC

1. Cuộc viếng thăm Nhà lưu niệm Nguyễn Bính .............. 1

2. Vài chi tiết về cuốn sách dạy hát tiếng Nam ................. 3

3. Tài vẽ tranh khôi hài của Tú Mỡ ................................. 8

4. Tiểu sử Nguyễn Văn Vĩnh ........................................ 12

5. 32 tướng tốt của Phật có thật hay không ? ................. 36

6. Về một số nhà văn viết nhiều .................................... 45

7. Cụ Vĩnh và Truyện Kiều .......................................... 49

Từ của tiếng Việt đã tự số hóa từ ngàn xưa .....................52

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế