Hiện có 7 người xem / 2335743 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 10-11-2007

Mở đầu buổi họp, như thường lệ, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên cuốn sách in năm 1928 nhan đề là: “FABLES COMIQUES” (NGỤ NGÔN HÀI HƯỚC) của nhà danh họa người Pháp Benjamin Rabier (1864-1939). Ông là người đã vẽ nhiều truyện tranh đầy tính giáo dục cho trẻ em và những nhân vật chính của ông đều là những con vật. Ông cũng là người đã minh họa các bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine và chính là người đã vẽ ra thương hiệu “Con Bò Cười” (La vache qui rit) mà ngày nay chúng ta còn thấy trên những hộp phó mát chúng ta ăn hàng ngày.

Cuốn sách in năm 1928 này khổ 20x27cm và dày 115 trang được in bằng thứ giấy dày, chứa đựng những bài ngụ ngôn được minh họa cực đẹp, vừa đen trắng vừa bằng màu, đã mang lại thích thú cho người xem.

Kế đó nhà thơ Ngàn Phương, một thành viên của CLB, đã có một số cảm nghĩ và nhận xét về phong trào Thơ Mới. Sau khi nhà thơ Ngàn Phương nói xong, BS Nguyễn Lân Đính, cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng có nhận xét cho rằng nhiều người cho rằng bài thơ ngụ ngôn “Con Ve Sầu và Con Kiến” đã được cụ Vĩnh dịch ra bằng một thứ thơ mới, còn trước cả lúc cụ Phan Khôi viết bài “Tình Già” nữa. Sau đó các thành viên có một số ý kiến trao đổi với nhau và cuối cùng đã quyết định là cuộc họp ngày 8-12-2007 sẽ là một cuộc đi thăm một nhà lưu niệm của một danh nhân. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ kém 15 phút.

Vũ Thư Hữu

HƠN 300 NĂM TRƯỚC NGƯỜI VIỆT NAM ĐÓN XUÂN NHƯ THẾ NÀO?

Hơn 300 năm trước, vào năm 1685, tác giả Samuel BARON, một người Hòa Lan lai Việt Nam (Bố Hòa Lan, mẹ Việt), đã cho ấn hành một cuốn sách tựa đề là: “Description du Tonquin” (Sự Mô Tả Xứ Bắc Kỳ), trong đó ông có dành một đoạn ngắn để mô tả cách thức người Bắc Kỳ ăn Tết như thế nào.

Trước khi đề cập tới đoạn văn “Mô Tả Dân Ta Ăn Tết”, xin được có vài chi tiết về người đã viết đoạn văn đó.

Samuel BARON sinh ở Hà Nội (Bắc Kỳ) khoảng gần giữa thế kỷ thứ XVII. Ông là con của một người thương nhân Hòa Lan và một phụ nữ Bắc Kỳ. Ông đã cho biết là đã viết cuốn “Mô Tả Xứ Bắc Kỳ” để phản bác lại nhiều điều mà Daniel TAVERNIER, một người Pháp đã viết trong một cuốn Du Ký của ông ta nói về Xứ Bắc Kỳ, đã được ấn hành trước lúc đó.

Ông rời Bắc Kỳ năm 1685 và cũng trong năm đó ông cho ấn hành cuốn sách “Mô Tả Xứ Bắc Kỳ” của ông ở Fort Saint-Georges ở Madras (Ấn Độ) và đề tặng cuốn sách đó cho người Trưởng Xưởng của ông tên là William Gyfford.

Dưới đây là một đoạn văn qua đó Samuel BARON mô tả những thú ăn chơi của người Bắc Kỳ thời đó, ông cho biết “là họ rất thích câu cá, và vì họ có rất nhiều sông ngòi, ao hồ nên họ luôn luôn có cơ hội để đi câu. Họ rất ít khi đi săn, vì xứ họ ít có rừng để chơi trò săn bắn.”

Sau đó ông đề cập tới việc người Bắc Kỳ ăn Tết dưới một tiểu đoạn nhan đề là “Ngày Tết” như dưới đây:

“Thú tiêu khiển chính yếu của họ là ngày lễ Tết, thường xảy đến vào ngày 25 tháng Giêng, và được ăn mừng TRONG THỜI GIAN BA MƯƠI NGÀY. Đó là thời gian mà mọi thú vui đều na ná giống nhau, ở nơi công cộng cũng như trong các gia đình. Người ta dựng lên các rạp hát nhỏ ở các góc phố. Tiếng nhạc nhã nổi lên ở khắp mọi nơi. Ai nấy đều ăn uống và chơi bời bê tha tới bến. Dù nghèo đến đâu đi nữa, không có một người Bắc Kỳ nào lại không bày trò thiết đãi bạn bè, dù có bị rơi vào hoàn cảnh phải đi khất cái trong suốt năm.

Theo tục lệ, người ta kiêng không đi ra khỏi nhà vào ngày đầu năm, ngoài ra còn phải cửa đóng then cài, vì sợ có thể gặp điều gì sẽ mang lại sự xui xẻo trong cả năm. Vào ngày mùng hai, mọi người đi thăm viếng chúc Tết bạn bè, cũng như đi chúc Tết những người Bề Trên.

Có một số người lại coi là năm mới bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp (tuần trăng cuối cùng) khi chiếc QUỐC ẤN được bỏ vào trong một cái hộp trong một tháng tròn - thời gian mà mọi hành động của Luật Pháp đều được đình chỉ, các tòa án đều đóng cửa, các con nợ không thể bị bắt giữ, các khinh tội như cãi cọ, ẩu đả, ăn cắp vặt đều không bị trừng phạt, và ngay cả việc trừng phạt các trọng tội cũng được tạm hoãn lại, tuy nhiên người ta vẫn cẩn thận bắt giữ các thủ phạm và đem giam chúng lại. Nhưng năm mới thực sự bắt đầu vào ngày 25 tháng Giêng và được ăn mừng trong một tháng tròn, giống như cung cách ở nước Tàu…

(Theo một trích đoạn từ cuốn “Mô Tả Xứ Bắc Kỳ” của Samuel BARON xuất bản năm 1685)

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

“Vườn Kiều” của Cụ Khoát ở Đồng Nai

Cụ Phạm văn Khoát năm nay tuổi đã ngoài “thất thập cổ lai hy” nhưng đối với người thời nay chưa phải là “hiếm”. Cụ còn rất khỏe cùng với cụ bà có tuổi xấp xỉ sống thật ung dung trong ngôi vườn tên gọi là “Vườn Kiều” hiện rất ư là nổi tiếng ở phường Bình Đa thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai ngay sau khi UBND tỉnh tặng bằng khen đoạt giải “Phát huy sáng kiến sáng tạo trong họat động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2004”.

Trước thời gian có “Vườn Kiều”, cụ Khoát còn nổi tiếng nhất vùng với tên gọi “Vua Lợn” do tài nuôi heo khéo và truyền đạt kỹ thuật lẫn bí quyết cho bà con trong phường cùng nhau làm kinh tế giỏi vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình vừa góp công phát triển kinh tế cho thành phố và tỉnh. Cụ còn tạo lập một ngôi làng chuyên nghề nuôi lợn ở ngoại thành Biên Hòa có đến hơn 500 hộ tới đây tham gia để thoát cảnh nghèo giữa những năm đất nước bắt đầu đổi mới. Cả Thủ tướng Võ văn Kiệt lẫn Thủ tướng Phan văn Khải khi còn tại chức đều tới tham quan và động viên làng nghề chăn nuôi của cụ. Chính cụ được Ban Đại Diện Hội NCT Biên Hòa giới thiệu đi tham dự hội nghị “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” do Hội NCT Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2004.

Nay xin trở lại với “Vườn Kiều” của cụ Khoát. Báo chí và truyền hình địa phương cũng như của thành phố Hồ Chí Minh từng thông tin về ngôi vườn đặc biệt này. Trong tháng 9 vừa qua, nhân kỷ niệm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du, nhiều CLB thơ ca, những người yêu truyện Kiều, làm văn học nghệ thuật và nhà thơ có tiếng đều tới đây để viếng “Vườn Kiều”, ngâm vịnh và nói về Kiều trong ngôi nhà thờ cụ Tiên Điền. Chủ nhân “Vườn Kiều” đã cất công ra tận quê hương tác giả Truyện Kiều để lấy mẫu tượng cụ Nguyễn Du về tạc lại và thờ phụng rất tôn nghiêm. Công trình “Vườn Kiều” của cụ Khoát là những cây cảnh, hoa trái trong ngôi vườn đều có mang tới 111 câu thơ Kiều nằm rải rác theo các lối đi trong vườn. Tuy chưa phải là khu vườn khởi sắc được chăm sóc công phu, vén khéo nhưng đã để lại trong lòng khách tham quan một ấn tượng sâu sắc về Kiều, về thi hào Nguyễn Du khó quên. Thoạt mới bước vào khu “Vườn Kiều” khách tham quan đã nhìn thấy hình ảnh thư sinh Kim Trọng đang cỡi ngựa và chị em nàng Kiều lấp ló dưới cây cảnh bên lối đi với hai câu thơ minh họa khắc trên tấm biển nhỏ:

Trông chừng dáng một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.

Giữa vườn có Quan âm các với câu thơ:

Có cổ thụ có sơn hồ
Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh.

Ở một bụi hoa hồng có câu thơ:

Mây Tần khóa kín song the
Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao.

Qua một lối đi thoáng mát nhưng khách phải hơi cúi người để nhìn thấy hai câu thơ:

Trong khi chấp cánh liền cành
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

Bên hòn non bộ giữa hồ còn có hai câu thơ rất khó diễn đạt:

Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.

Rồi ở cuối vườn mà cũng là lúc khách viếng vườn dừng chân ngồi nghỉ bên nhà thờ cụ Tiên Điền, thấy có tấm gương soi với hai câu thơ:

Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.…

Sau ba năm được giải sáng tạo nghệ thuật, chủ nhân “Vườn Kiều” lại phát huy thêm một công trình mới, ngoài việc tăng cường thêm cây cảnh và biển đề thơ minh họa đã nâng từ 80 câu lên 111 câu. Đó là bức tường phù điêu để minh họa thêm những hoạt cảnh sống động của truyện Kiều mà không thể diễn đạt bằng cây cảnh, vật thể được. Cụ Khoát đã minh họa bằng phù điêu (hình nổi đắp trên tường khổ 3,5mx2,5m) bao gồm 20 chương, mỗi chương thể hiện bằng một bức và mỗi bức có hai cảnh, toàn bộ dài 135 câu cảnh, tức tường dài 70 mét nằm dọc theo bờ hồ nước trong xanh ở phía đông khu vườn.

Chương 1 có chủ đề “Kiều khóc Đạm Tiên khắc thơ vào cây” với cảnh:

Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh 4 câu 3 vần 
(thuộc câu 99 trong Kiều).

Chương IX : Kiều ở lầu Ngưng Bích với cảnh:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa 
(câu 1047)…

Và chương XX cuối cùng: Kiều, Kim Trọng tái hợp:

Một nhà phú lộc gồm hai
Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần.

Tiếp tục phát huy “Tuổi cao chí càng cao”, cụ Khoát mới đây đã phối hợp với hội văn học tỉnh Đồng Nai tổ chức cuộc thi thơ “Vườn Kiều” trong cả nước. Kết quả có 1.400 bài dự thi của 350 tác giả thuộc 35 tỉnh thành mà tỉnh thành có nhiều người dự nhất là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ Tĩnh… Có 25 tác giả với 35 bài thơ được chọn vào chung khảo, trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và bốn giải khuyến khích.

Như vậy, “Vườn Kiều” ở Biên Hòa ngày càng mở rộng thêm mặt bằng chẳng những về họat động “cây cảnh”, “phù điêu” làm cho vườn ngày càng khởi sắc mặt vật thể mà còn tăng cường thêm các lọai hình văn học nghệ thuật như thi thơ, sáng tác thơ, sưu tập sách về Kiều, giao lưu về Kiều … đã thu hút đông đảo những người yêu thơ Kiều ở khắp các nới về tham quan và ngâm vịnh. Trong đó, có một đoàn thuộc tỉnh Nghệ An do Tỉnh ủy hướng dẫn tới tham quan và nghiên cứu để bổ sung cho vườn Kiều ở quê hương Tiên Điền.

Cụ Nguyễn Du trước khi qua đời đã từng tâm tư :

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” .

Thì ngày nay, đúng ba trăm năm sau, cả nước Việt Nam không ngừng nghiên cứu, học tập và sáng tạo nhiều công trình để thương nhớ về một thi hào bậc nhất của đất Tiên Điền - Hồng Lĩnh, trong đó chắc chắn không ít người đã ngâm vịnh để mũi lòng xót xa về cuộc đời bạc mệnh của một Thúy Kiều hay của một Nguyễn Du!

Vương Liêm

Tiểu phẩm hài hước
cười ra nước mắt…

ỐI! PHA-LANG-SA

Đất nước đang mở cửa, người nước ta phải giao tiếp nhiều với người ngoại quốc, nên việc phiên dịch trở thành một nhu cầu thiết yếu; nhu cầu đó đưa tới sự việc các dịch giả, dịch thiệt tràn ngập đầy đồng.

Mới đây một họa sĩ cần in một tờ giới thiệu thân thế sự nghiệp đã đưa một bài giới thiệu do một đại nhân vật (ít ra cũng theo quan điểm cá nhân của vị này) viết cho một dịch (hạch) giả nào đó và ông này đã chơi trội bằng cách trong có 29 dòng chữ, ông chơi cho đúng 20 lỗi và những lỗi này thật kinh khủng đến nỗi một “đồ tây” nọ phải cất lời than bất hủ sau đây (thấy nó lạ người viết xin ghi lại để quý vị cười chơi dù có phải tiếu ra nước mắt…):

“Tiếng Pha-lang-Sa (khi xưa các cụ âm từ France thành Pha-lang-Sa) mà viết đến như thế này thì Lư-Thoa(1) phải hoa mắt, Mạnh-Đức-Tư-Cưu(2) phải té sỉu, Lã-Phụng-Tiên(3) phải điên cái đầu, Bossuet(4) phải quê mặt, Balzac(5) phải tắc họng, Hugo(6) phải phóng vội xuống mồ, Sartre(7) phải lác mắt và cuối cùng… nàng Marianne(8) xinh đẹp phải… chứa chan hoảng sợ!!!”

Quý vị thử nghĩ xem ta có thể cầm được nước mắt để không cười không?

V.A.T.

(1) Jean Jacques Rousseau, Văn và Triết gia Pháp
(2) Charles Louis de Secondat, Baron de la Brède et de Montesquieu, Luật gia và Triết gia Pháp
(3) Jean de La Fontaine, Nhà thơ và nhà văn viết truyện ngụ ngôn Pháp
(4) Jacques Bénigne Bossuet, Giám mục và nhà hùng biện Pháp
(5) Honoré de Balzac, Đại văn hào Pháp, tác giả bộ trường thiên tiểu thuyết “Tấn Tuồng Đời”
(6) Victor Marie Hugo, nhà thơ, nhà văn và kịch tác gia Pháp
(7) Jean-Paul Sartre, Triết gia, văn gia và kịch tác gia Pháp
(8) Người thiếu nữ mặc trang phục theo kiểu Đại Cách Mạng Pháp, biểu tượng của nước Pháp

VƯỜN ƯƠM MỘNG

Thiên hạ bảo nghề này là bạc bẽo
Nghề bán cháo lòng, cháo phổi thật thảm thê!
Lương không đủ ăn lếch thếch ê chề!
Riêng tôi gọi nó là nghề ươm hạt.

Tôi say mê ngắm nhìn khu vườn xanh bát ngát
Nắng sớm vươn dài trên những mái tóc xanh
Ôi! Thương sao những cặp mắt sáng long lanh
Như phản chiếu cả khung trời ước hẹn…

Những nụ cười hồn nhiên hay bẽn lẽn
Tôi thấy rồi, em đang nhen nhúm một niềm tin
Đang lóe lên trong ánh mắt em nhìn
Từ khối óc và con tim đầy nhiệt huyết  
Tôi muốn trao em niềm tin yêu tha thiết
Nhưng… biết nói gì qua định lý khô khan
Với những hình trong mặt phẳng hay không gian
Khi nguồn giao cảm chỉ là bảng đen phấn trắng

Nhớ những phút say sưa trên bục giảng
Nhìn những bàn tay mạnh dạn giơ cao
Niềm hân hoan trên nét mặt dâng trào
Đang hăm hở vùi đầu trên những bài toán hiểm hóc  
Cố lên em! Có con đường nào không gai góc
Mà dễ dàng dẫn tới vinh quang?
Kìa tương lai sáng lạn huy hoàng
Chờ em đó hãy sẵn sàng tiến bước

Ngày mai đây quê hương đất nước
Sẽ đẹp giàu và hạnh phúc ấm no
Đây những bàn tay xây dựng cơ đồ
Đang hăng hái vươn lên từ trang sách

Cố lên em! Bài toán này là thử thách
Óc thông minh sáng tạo và ý chí kiên cường
Hãy tìm ra chiếc chìa khóa mở đường
Cho đáp số của muôn ngàn bài toán khó…

Và cứ thế mỗi lần đến mùa hoa nở
Người ươm trồng lại cảm thấy rộn rã xôn xang
Vui sướng biết bao khi nghe em đạt thành tích vẻ vang
Vui hơn cả được bạc vàng châu báu!

Xin đừng bảo nghề này là bạc bẽo
Được rất nhiều nhưng cho chẳng bao nhiêu
Tuy nghèo tiền nhưng không thiếu tình yêu
Và luôn có được những niềm hạnh phúc

Giờ phút này trong căn nhà lúp xúp
Tôi mơ màng nghĩ đến những bông hoa
Đang nở đầy trên đất nước bao la
Hay lác đác trên năm châu bốn biển

Cho quê hương niềm tự hào hãnh diện
Và lòng tôi cũng chợt thấy nở hoa
Nghe hương thơm bát ngát đậm đà…
Ấy “Hoa Mộng” ngày xưa tôi mơ ước.

Thùy Dương

Chùm thơ ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO

Trọng đạo tôn sư ấy nếp nhà
Nghìn năm truyền thống chẳng phôi pha
Một ngày nên nghĩa tình sư đệ
Nửa chữ hơn công sức mẹ cha
Đât nước tồn vong: SƯ hữu trách
Non sông biến loạn: ĐẠO sa đà
Cầu kiều dẫu bắc, cao danh vị
Nhớ thuở đầu xanh ai dẫn ta?

NGHỀ “BÁN CHÁO PHỔI”

Cái nghề “bán cháo phổi” cầm hơi
Thiên hạ thường than trắng tựa vôi!
Lương lãnh mươi ngày lâu đã cạn
Nỗi lo năm tháng vẫn chưa vơi
Tuy nghèo tiền bạc, giàu nhân ái
Dẫu đói cơm rau, vẹn nghĩa đời
Nhìn nước non này hoa nở rộ
Hương thơm phảng phất ấm lòng tôi.

HƯỚNG VỀ TRƯỜNG CŨ

Bao năm xa cách mái trường xưa
Hình ảnh thân thương chẳng xóa mờ
Lối cũ me xanh lồng bóng mát
Thềm xưa phượng đỏ dệt niềm mơ
Lời thầy tha thiết còn vang vọng
Nghĩa bạn thâm sâu khó lạt mờ
Nhớ thuở vàng son đầy ước mộng…
Bồi hồi man mác chạnh hồn thơ!

NHỚ ƠN THẦY

Biển học mênh mông lẽ nhiệm mầu
Không thầy ta biết hướng về đâu?
Công lao mở trí hằng ghi đậm
Ơn nghĩa rèn tâm vẫn khắc sâu
Dẫu bậc danh nhân, nào ngoảnh mặt (*)
Hay hàng quý tộc, dám quay đầu? 
Ngẫm câu “nhất tự vi sư” ấy 
Tâm niệm đời đời mãi nhớ lâu.

Thùy Dương
Nguyên Trưởng Nhóm Thơ Đường
HƯƠNG XƯA CLB Thơ Ca Q.3

(*) Câu 5-6: quay đầu đi, ngoảnh mặt đi

-----

ƯỚC GÌ CÓ MỘT NGÀY….

Hàng ngày, hay có bận bịu mấy thì ít nhất là ngày Chủ Nhật, người Công giáo vẫn đến nhà thờ xem lễ để ngợi khen Chúa. Trong buổi lễ luôn có phần đối đáp: “Chúa ở cùng anh chị em”, “Và ở cùng cha”, để nhắc nhở nhau rằng tất cả mọi người đều có Chúa ngự ở trong lòng.

Nhưng có bao giờ mỗi người Công giáo tự hỏi: Làm thế nào để lòng ta xứng đáng cho Chúa ngự? Hay nói rõ hơn: những việc nào làm cho Chúa không thể ngự ở trong lòng chúng ta nữa để xa lánh?

Thật vậy, Chúa tượng trưng cho những gì cao cả, trong sạch, thánh thiện, bác ái. Cuộc đời của Chúa là sống và chết cho mọi người. Như thế, để có thể mang hình bóng của người,

Phụ Bản I

Lẽ nào chúng ta sống ngược lại và coi việc đi nhà thờ là cách duy nhất để thể hiện lòng yêu thương chúa để cầu xin, để mong về thiên đàng, mà quên rằng còn vế thứ hai trong phần tóm tắt của 10 điều răn cũng quan trọng không kém là “Yêu người”, vì chắc chắn thiên đàng không có chỗ cho người chỉ có Kính Chúa mà không Yêu Người, bởi “Chúa ở cùng anh chị em”, tức là mỗi người đều có mang hình ảnh của Chúa, do đó, Yêu Người tức cũng là Yêu Chúa.

Tình yêu thương Chúa và tình yêu người, cả hai đều phải cân bằng với nhau mới thật sự là người Công giáo sống theo lời Chúa, và phải chăng, nếu chúng ta không sống và không cư xử với nhau giống như người mang hình ảnh của Chúa, nhìn người khác cũng mang hình ảnh Chúa, thì những lời nhắc nhở đó chỉ là hình thức cho có mà thôi, rời nhà thờ thì đâu lại vào đấy!

Bên Phật giáo cũng thế, người Phật Tử có hạnh “thường bất khinh Bồ Tát” cần làm, để nhắc nhở phải kính trọng mọi người, vì tất cả đều là những vị Phật trong tương lai, đều mang chứng tử của Phật trong tâm. Như vậy, phải chăng, dù lý thuyết của hai tôn giáo có vẻ khác nhau, nhưng lại cùng gặp nhau ở cách thức nhắc nhở con người hãy đối tốt với nhau hơn, vì Chúa hay Phật thì ở xa, nhưng con người với con người thì hàng ngày, gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Hai tấm gương hiện rõ: Một Thiên Chúa sinh ra nơi hèn hạ, sống và chết vì tình yêu thương, để giáo dục con người hãy biết yêu thương. Một Thái tử từ bỏ ngai vàng, sống một đời đạm bạc cũng để làm gương cho con người đừng đắm mê vào vật chất phù du vì “Thế gian là cõi tạm”, “Cuộc đời là Vô Thường”! Nếu chúng ta luôn nhớ lời nhắc nhở đó để đừng tham lam, ích kỷ, mà bao dung, yêu thương nhau thì “Ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa”, cuộc đời có phải là tốt đẹp thêm bao nhiêu.

Một bên dùng nghi lễ “Rước Mình Thánh Chúa” để con người được “Hiệp làm một với Chúa”. Một bên nói rằng Phật Tánh sẵn có trong mỗi người, chỉ cần trừ đi Tham, Sân Si là sẽ hiển lộ, phải chăng cả hai tôn giáo đều muốn con người trở nên trong sạch, thánh thiện hơn. Nếu con người sống đúng với Phật Tánh hay với Chúa ở trong họ, thì chẳng phải trần gian này là thiên đường hay niết bàn đó sao, cần gì đợi chết mới được về? Nước Chúa hay Phật quốc cũng được diễn tả là nơi an lạc, thanh tịnh, thánh thiện, thì làm sao Chúa hay Phật có thể ngự trong những tâm địa đen tối, xấu xa… Cho nên đâu thể chỉ bằng vào lời cầu nguyện hay tụng kinh cho nhiều mà vào được, mà phải thanh lọc tâm hồn mới xứng đáng là nơi Chúa hay Phật ngự.

“Cây nghiêng bên nào thì đổ bên đó”? Sống sao, chết vậy. Cuộc sống của chúng ta thể hiện những gì ta đang mang ở trong lòng. Nếu lòng ta có Chúa ngự, ắt là ngôn ngữ, cử chỉ không thể bất cẩn và hành vi của ta cũng thể hiện điều đó. Nếu ta nhìn người khác như họ cũng mang hình ảnh của Chúa hay Phật, ắt ta cũng không thể ngạo mạn, khinh người…. Cho nên, chỉ cần người Công Giáo và người Phật Tử áp dụng lời Chúa, lời Phật trong cuộc sống hàng ngày ắt xã hội sẽ đổi khác, vì nếu trước mặt ta là Chúa, là Phật hẳn ta đâu có rút hung khí, đâu có nặng lời, mà cung kính hoặc ít ra cũng lịch sự hơn khi tiếp xúc, và thay vì tìm cơ hội để lừa nhau, ta sẽ giúp nhau, nâng đỡ nhau, chia sẻ cho nhau bớt những khó khăn để mọi người cùng được hạnh phúc trong kiếp sống ngắn ngủi này, và ở một phạm trù rộng lớn hơn sẽ không có những việc manh động, chiến tranh, tàn sát nhau diễn ra. Phải chăng đó là điều mà cả hai vị sáng lập tôn giáo vẫn mong mỏi khi mang giáo lý cao cả đến với cõi tạm này, vì hòa bình, hạnh phúc làm sao đến được khi con người không nhìn nhau như đối diện với Chúa hay Phật mà lại thấy đó là đối thủ cần cạnh tranh, cần thóa mạ, cần tiêu diệt?!

Bên phía Đạo Phật cũng có câu:

“Dẫu xây chín bậc phù đồ,
không bằng làm phúc cứu cho một người”

hay

“Tham, sân, thương, ghét không chừa.
Bo bo mà giữ tương dưa ích gì”!

Đức Bác Ai, Tâm Từ Bi luôn được hai tôn giáo đề cao. Chắc chắn đó không phải đó là sản phẩm độc quyền của Chúa hay Phật, mà mỗi chúng ta, những người con của Chúa, của Phật cần phải làm theo để xứng đáng là con của các Ngài, vì tại sao phải đợi đến nhà thờ mới chịu “nâng tâm hồn lên”, mới chịu “hướng về Chúa” mà từng ngày, từng giờ chúng ta không làm điều đó ? Một Chúa Giê-Su, dù bị hành hình thân thể tan nát vẫn “Xin Cha tha thứ cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”, và dạy đệ tử “chìa thêm má kia cho đối phương khi bị tát”! Một Đức Thích Ca xem Đề Bá Đạt Đa là người luôn tìm cách hại Ngài là tha y, và nhờ đó mà Ngài đã tiến bộ trên con đường tu, dạy đệ tử phải hành hạnh Nhẫn Nhục, lớp chúng ta tự xưng là đệ tử của các Ngài mấy ai đã chịu làm theo? Cho thấy chúng ta lý thuyết thì vanh vách nhưng phần thực hành thì quá yếu, trách sao chiến tranh qui mô nhỏ lớn vẫn triền miên diễn ra! Vì thế, cả một đời đi chùa, đi xem lễ, đọc Kinh ắt hẳn không thể có công đức cho bằng một ngày áp dụng lời Chúa, lời Phật trong cuộc sống, vì nó thực tế, vừa lợi mình, lợi người, vừa sống đúng với Phúc âm, với Đạo pháp, vì không còn có những hận thù, đố kỵ, nhỏ nhen, mà chỉ còn lòng yêu thương, qúy trọng nhau thôi. Không phải ai cũng đủ tài, đủ đức để gánh vác việc xã hội, nhưng ước gì mọi người chỉ cần áp dụng lời Chúa, lời Phật vào cuộc sống hàng ngày thì có lẽ không riêng ta và đối tượng, mà cả xã hội đều được hưởng thành quả, vì ít nhiều cũng góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn vậy

Tâm Nguyện (10/2007)

SI

ANDRÉ MAUROIS

Si tu peux voir détruit l’ouvrage de ta vie
Et sans dire un seul mot te mettre a rebâtir
Ou perdre en un seul coup le gain de cent parties
Sans un geste et sans un soupir;
Si tu peux être amant sans être fou d’amour
Si tu peux être fort sans cesser d’être tendre
Et, te sentant hai, sans haïr à ton tour
Pourtant lutter et te défendre,
Si tu peux supporter d’entendre tes paroles
Travesties par des gueux pour exciter des sots
Et d’entendre mentir sur toi leurs bouches folles
Sans mentir toi-même d’un mot;
Si tu peux rester digne en étant populaire
Si tu peux rester peuple en conseillant les rois
Et si tu peux aimer tous tes amis en frères  
Sans qu’aucun d’eux soit tout pour toi;  
Si tu sais méditer, observer et connaître,  
Sans jamais devenir sceptique ou destructeur  
Rêver, mais sans laisser ton rêve être ton maître  
Penser, sans n’être qu’un penseur;  
Si tu peux être dur sans jamais être en rage  
Si tu peux être brave et jamais imprudent  
Si tu peux être bon, si tu sais être sage  
Sans être moral ni pédant;  
Si tu peux rencontrer Triomphe après Défaite  
Et recevoir ces deux menteurs d’un même front  
Si tu peux conserver ton courage et ta tête  
Quand tous les autres les perdront,  
Alors les Rois, les Dieux, la Chance et la Victoire  
Seront à tout jamais tes esclaves soumis  
Et, ce qui vaut bien mieux que les Rois et la Gloire  
Tu seras un Homme, mon fils!

NẾU…

Tâm-Nguyện dịch

Nếu công trình cả đời con sụp đổ,  
Con lại xây mà chẳng nói năng chi,  
Góp trăm nơi, trong phút chốc trắng tay  
Không cử chỉ, không một lời than thở.  
Yêu say đắm nhưng mà không gàn dở,  
Mạnh mẽ nhưng không mất nét dịu dàng,  
Người ghét con, phần con chẳng tỵ hiềm  
Nhưng tranh đấu, biết tìm phương tự vệ;  
Nếu chịu được lời con người mai mỉa,  
Mang xỏ xiên bởi miệng lũ cuồng ngông,  
Trút lên con những luận điệu điên khùng  
Con lặng lẽ, không một lời đáp trả;  
Vẫn giản đơn, mà lập nên chí cả,  
Giữ mực thường, dù khuyên nhủ đế vương,  
Yêu bạn bè như huynh đệ tình thâm,  
Không ai đó – với con – hơn kẻ khác  
Hiểu biết rõ nhờ tư duy, quan sát,  
Không trở thành phá hoại hoặc hoài nghi,  
Mơ mộng nhưng làm chủ được mơ màng  
Suy tưởng chẳng đơn thuần người suy tưởng!  
Không phẩn nộ, dù luôn luôn cứng rắn,  
Dũng cảm nhưng không quá khích bao giờ  
Dù khôn ngoan đối tốt với mọi người,  
Không lên mặt, ra điều ta thông thái;  
Lúc thành công, cũng như khi thất bại,  
Xem cả hai đồng nghĩa dối gian thôi,  
Bình tĩnh và can đảm giữ trọn đời  
Khi kẻ khác đã từ lâu mất trắng!  
Thì Vua, Thần, Vận may và Chiến thắng  
Mãi mãi là nô lệ phục tùng con,  
Nhưng còn hơn Vua Chúa với vinh quang,  
Vì con sẽ thành NGƯỜI, NGƯỜI đúng nghĩa.

-----

VĂN PHÒNG TỨ BẢO

Văn phòng tứ bảo gồm “bút, nghiên, giấy, mực” là bốn vật quý của chốn văn chương chuyên chở ngôn ngữ, ý nghĩa và nghệ thuật… Từ xưa vua chúa, quan lại, văn nhân, nhà giáo, thầy thuốc… đều sử dụng và đặc biệt gắn bó mật thiết với các nhà thư họa.

Bút (viết):

Trong bốn vật quý, bút đứng hàng đầu. Trong văn phòng tứ bảo, bút đóng vai trò quan trọng nhất trong thư pháp. Giấy xấu mực tồi, có thể khiến cho tác phẩm khó lưu giữ, nghiên kém phẩm chất khiến việc mài mực mất công hơn, còn bút dở thì dù người viết có tài cũng khó mà thi triển tài năng…

Nếu ở Châu Âu từ năm 56 biết dùng ống lông cánh thiên nga, ngỗng, quạ để làm bút viết thì ở Trung Quốc, người ta ghi nhận Mông Điềm (đời nhà Tần) là người đầu tiên chế ra cây bút lông (khoảng 200 năm TCN). Ngòi bút chủ yếu được làm từ lông tơ của một số con vật. Nếu viết nhanh trên giấy mỏng thì ngọn bút là lông chim ác, chim trĩ. Nếu viết chữ to trên giấy bìa hoặc vải lụa thì bút lông chồn, mèo, hổ, đắc dụng nhất là lông thỏ… Muốn viết chữ to hay chữ nhỏ, người ta dùng bút bằng lông cứng (như lông đuôi ngựa) hay mềm (như lông thỏ). Hiện người ta làm bút lông bằng sợi tổng hợp nhưng không hơn được lông thú nhờ ưu điểm ngậm mực nhiều, nét chữ tưa ra cũng là một yếu tố tạo dáng đặc biệt, giúp chữ viết đẹp hơn.

Giấy:

Giấy xuất hiện muộn hơn so với bút và mực. Tiền thân của giấy (dùng trong việc ghi chép) hẳn người ta chỉ có thể viết trên đất, cát, rồi sau đó trên lá cây, mai rùa, da động vật, hoặc chạm khắc trên thanh tre, ván gỗ, đồ gốm, đá, đồng… tùy theo nền văn minh từng thời kỳ, rồi sau đó là giấy.

Con người ta đã biết làm ra giấy ít ra cũng từ những năm đầu Công nguyên. Cho đến thời Đông Hán, vào năm 105, hoạn quan Thái Luân (Xái Luân) đã hoàn thành một công nghệ sản xuất dây chuyền chế tạo giấy tương đối cố định. Sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, tạo một bước ngoặt lịch sử trong việc phục vụ ghi chép và làm sách.

Sự phát minh sản phẩm văn phòng này đã đánh dấu một bước ngoặt của nền văn minh nhân loại. Giấy (tất nhiên có cả chữ viết, chữ in và hình ảnh trên giấy) là phương tiện chuyên chở, trao truyền những tri thức, thành tựu của nhân loại… như một dòng chảy liên tục từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Mực:

Con người bắt đầu dùng mực từ 2.500 năm TCN. Người Trung Quốc và Ai Cập sử dụng nó trước tiên. Giữa thời Ngụy Tấn mới chế ra thỏi mực bằng cách lấy khói sơn hòa với than tùng hoặc bồ hóng khuấy với dầu thực vật, keo thực vật (nhựa thông) làm thành những thỏi mực vuông và dài, gọi là mực Tàu.

Mực là sản phẩm tốn nhìêu công lao và thời gian nhất. Tính ra có đến 20 giai đoạn, dùng nhiều kỹ thuật khác nhau lại thêm một số bí mật gia truyền. Người Trung Hoa thường nói: “Vàng dễ kiếm, mực khó tìm”. Trong thư pháp, mài một nghiên mực là lúc người nghệ sĩ đặt hết tâm hồn tĩnh lặng vào công việc.

Đáp ứng nhịp độ nhanh của cuộc sống hiện đại, ngày nay mực cũng được sản xuất và bán dưới dạng đóng chai để tiết kiệm thời gian cho người sử dụng.

Nghiên:

Nghiên (hay nghiễn) xuất hiện cùng thời với mực, nghiên có dạng như một miếng ngói đặt úp, có một chỗ trũng, trẹt để mài mực và chứa mực dùng vào việc viết chữ.

Đối với kẻ sĩ, cái nghiên là “đồ nghề”, là người bạn quý, và bản thân của nghiên cũng là vật quý, vì nó thường được chế tác bằng đá quý, cẩm thạch. Đó là nghiên của quan, còn của vua thì bằng ngọc, mã não… Cho dù làm bằng chất liệu gì, cái nghiên cũng phải hơi nhám mịn để mài mực, không rạn nứt. Nghiên càng đẹp thì càng có giá trị. Một cái nghiên tốt là mài mực êm không nghe tiếng kêu.

Trong bốn vật quý, nghiên tuy không giữ vai trò then chốt nhưng được các văn nhân xưa xem trọng, bởi nó gắn bó cả đời người sử dụng, xem nghiên như miếng ruộng, bút như cây cày, rất cần thiết cho đời sống: “Nghiên ruộng bút cày”! Các cụ xưa còn bảo rằng chiếc nghiên đá là vật linh để trấn giữ phòng văn, là nơi hội tụ khí tinh anh của trời đất.

Ngoài “văn phòng tứ bảo” nói trên, còn những vật dụng phụ trợ khác đem lại tiện lợi trong khi luyện chữ cho nhiều thư gia… Trong đó một vật dụng không được xếp vào tứ bảo nhưng cũng độc đáo và quan trọng, đó là con dấu (ấn hay tỉ), vì đó là thứ bảo chứng quan trọng còn hơn cả chữ ký.

Như vậy, tuy “văn phòng tứ bảo” là một thuật ngữ dùng để chỉ chung cho tất cả những vật dụng cần thiết cho “người viết chữ” chứ không phải bốn món giấy, bút, nghiên, mực! Nói như ngày nay thì nó là “văn phòng phẩm”. Và cái “quý” (bảo) đúng nghĩa là quý cái đồ nghề, nhờ nó mà văn nhân mới biểu đạt được tác phẩm vật thể của mình và lưu truyền cho hậu thế.

Bùi Đẹp (Theo Tạp chí Tem số 86, 9-2007)

ĐÀO NGUYÊN

Gió vàng ngắt cánh hoa lê,
Hồn ta lững thững đi về Đào nguyên.
Trầm bay hương khói u huyền,
Lòng say bỡ ngỡ xuôi thuyền vào đâu?
                                                         Kh. D.

Mây năm sắc lập lòe trên núi bạc
Ngàn chim ca thánh thót khúc vui vầy.
Đây, hoa đào rơi rắc phấn hương bay,
Cỏ ẻo lả nghiêng mình qua gió lướt.
Hồ lặng lẽ, liễu vờn soi bóng nước,
Đào Nguyên ôi, bát ngát cả hương say,
Đào Nguyên ôi, lảng đảng mấy tầng mây,
Muôn cánh tuyết, muôn tiên đi lả lướt.
Bầu rượu ngọt say men tình lướt mướt,
Đàn muôn dây đưa khúc nhạc du dương
Có những đêm trăng tỏ gội lên vườn
Cây lấp loáng chói lòa trên lá bạc.
Có những buổi thu về hơi gió hắc,
Đào Nguyên ôi, cúc nở trắng vườn hoa.
Vài bướm trôi qua kẽ lá chiều tà
Nắng vàng nhạt vướng trên tàn liễu rủ.
Con hoàng điểu trên cành tơ trúc cũ,
Đàn bạch nga bơi lội giữa hồ trong.
Có những khi trăng ngủ ở cành tùng
Sương lác đác rơi trên tàu lá nhỏ.
Có những lúc đông về trên thảm cỏ,
Lá vàng rơi từng chiếc để trơ cành
Đào Nguyên ơi, đây suối ấm trong xanh,
Nước gờn gợn chảy qua muôn khối đá.

-oOo-

Từng cánh nhỏ, hoa đào rơi lả tả,
Suối đào trôi róc rách giữa ngàn cây
Buổi đông tàn vờ vật gió vờn bay,
Có đôi phượng hoàng về trên đỉnh núi.
Người khách lạ ngại ngùng lòng chỉ rối,
Thuyền nan trôi nhè nhẹ giữa dòng mơ.
Ngư phủ ngồi gác mái, dạ bơ vơ,
Ôi, lạc lối, tìm đâu ra ánh sáng
Nhưng xa thẳm muôn hào quang lấp loáng.
Đào Nguyên đây thấm thía biết bao tình.
Đào Nguyên đây suối ấm nước vờn xanh,
Đưa thuyền khách trần gian vào động phủ.
Đây, một chiếc nhạn về trên tổ cũ
Đây một đoàn oanh hót tiếng ly ca,
Đây một nàng tiên nữ uốn mình hoa,
Hương bát ngát dật dờ say thế tục.
Một con khướu ngang trời đưa cánh vút,
Mấy tầng mây lòa ánh sáng vàng tươi.
Bên khóm tùng đùa giỡn một đoàn nai,
Vài thỏ trắng lẩn mình trong lá sớm.
Sen bát ngát, hồ trong pha bóng lộn,
Gió lơ thơ tơ trúc rủ bên thềm
Đào nguyên ôi, ngào ngạt vị hương tiên,
Bàn cẩm thạch mâm vàng nâng chén ngọc.
Con bạch hạc nghiêng bầu tiên nhẹ rót,
Chập chờn đôi cánh tuyết múa vui vầy.
Ánh lưu ly giải ngọc phủ cành cây,
Gió lưởng vưởng, hương trời đùa cỏ đất.
Đoàn hoàng oanh thổi lên muôn tiếng nhạc,
Mấy nàng tiên uyển chuyển tấm thân ngà.
Và nhịp nhàng ca múa uốn mình hoa,
Chàng ngư phủ say sưa hồn lạc phách.
Ôi, Đào nguyên, Đào nguyên, vừa lỡ bước,
Kẻ phàm nhân ngây ngất thú vui vầy.
Đào nguyên ôi, hương vị quyến mê say,
Hoa vạn sắc phủ cành, sương rớt lệ,
Giòng suối thơm đang âm thầm kể lể,
Cây tùng say trước gió lá tùng xao.
Đào nguyên ôi, phô vạn cánh hoa đào
Ngây ngất lắm, mê ly trong ảo mộng.

-oOo-

Khách vườn đào trở lại chốn trần gian,
Gió phất phơ rủ xuống nắm xương tàn,

-oOo-

Ngàn muôn tiếng ly ca còn đồng vọng,
Nhưng hào quang khói tỏa ánh muôn hoa.
Phàm trần ôi, đây suối lệ chan hòa,
Dừng bước lại, người thơ càng ảo não
Đào nguyên đâu? Cho tâm hồn lảo đảo?
Vài thi nhân vơ vẩn mộng huyền thôi.
Đào nguyên đâu? Muôn sắc dệt mây trời?
Người lữ thứ tưởng chừng lòng lạnh lẽo
Đào nguyên đâu, hương hoa cùng nhạc dịu?
Người mơ say nằm giữa cõi trần gian
Nhà thi nhân rơi giữa cảnh điêu tàn,
Nhắm mắt lại cho hồn về động phủ,
Cho tưởng tượng dâng lên đường lối cũ
Uống men tình trong những cốc say sưa.
Đào nguyên đâu, còn đâu nữa bây giờ,
Người vẫn nhớ, không tìm ra dấu vết.

-oOo-

Những đêm buồn trăng ngủ dưới lòng sông,
Những canh khuya, gió rét lạnh tê lòng
Trong những chiếc thuyền chèo lơ lửng mái,
Khách tìm tiên trên nước thu biếng chảy,
Đàn ngân nga theo gió lửng lơ bay…
Hơi rượu nồng trong cốc uống mê say
Cho lảo đảo ngả mình vào khoái lạc,
Cho điên cuồng, ôm ghì trong tay sắc
Mây vờn trôi, và nước cũng đưa qua,
Mộng sáng hẳn, cho lòng người bỡ ngỡ.
Đào nguyên đâu? Tàn canh, màu rực rỡ
Biến sau làn dâm uế của đêm trăng.
Những canh khuya trong quan trọ âm thầm,
Khách trăn trở đi về cùng khói thuốc.
Có những lúc tiệc vui say lướt mướt
Hồn lên cao, tìm lại cảnh đào nguyên,
Nhưng còn đâu phấp phới áo muôn tiên,
Thân chết lịm giữa đêm tàn rũ rượi.
Cả xác thịt, cả tâm hồn uể ỏai,
Cả tay chân biến động, cả linh hồn
Cũng lả dần theo cốc rượu đêm suông.
Đào nguyên hỡi! Ôi còn đâu luyến nữa?
Những khói thuốc u huyền trong ánh lửa,
Tàn canh khuya, đầu ngả gục bên đèn.
Đào nguyên ôi! Đâu nữa động Đào nguyên,
Hồn đau khổ đến tìm nơi nghỉ bước?
Người thi sĩ của mây đưa gió rước
Lê gót mòn buồn bã những đêm sương,
Muôn lòng sầu rền rĩ tiếng thê lương,
Tìm cứu cánh đời mình trong mộng ảo,
Muôn anh dũng lăn thân vào gió bão,
Trùng ải quan xa vắng lạnh thân tàn,
Mở Đào nguyên trong giây phút mê man.

-oOo-

Nhưng nước cuốn, thuyền đời trôi mãi mãi,
Thời gian qua, không bao giờ trở lại,
Đào nguyên ôi !... Đâu nữa, vạn hương hoa?
Đào nguyên ôi! Lảng đảng ánh trăng ngà…

­­KHỔNG DƯƠNG

Phụ Bản II

­­Một cuốn sách có trên 300 năm cho thấy người Pháp đã chú ý tới Đông Nam Á và có tham vọng chinh phục nước Tàu từ thế kỷ thứ XVII – Nước ta không phải là nước duy nhất bị thực dân Pháp dòm ngó vào thời điểm đó.

Cách đây 300 năm, nước ta là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á được người ngoại quốc, lúc đó thường là các giáo sĩ, để ý và tìm tòi. Ngay từ đầu thế kỷ thứ XVII, vào năm 1608, một giáo sĩ Dòng Tên người Ý, Linh mục Francesco Buzomi đã tới Đàng Trong lúc đó được gọi là “Cochinchine hay Cochin-China”, sau đó vào năm 1627 thì có linh mục “Alexandre de Rhodes” (Đắc Lộ) tới Đàng Ngoài, lúc đó đựoc gọi là “Tonkin” hay “Tonquin”.Linh mục Đắc Lộ được coi là người Pháp đầu tiên đặt chân đến nước ta. Nhưng nước ta không phải là nước duy nhất ở Đông Nam Á được người nước ngoài quan tâm tới, bởi vì ngay từ thế kỷ thứ XVII người Pháp đã cử người (cũng lại một Linh mục Dòng Tên) tới Thái Lan lúc đó được gọi là “Royaume de Siam” (Vương Quốc Xiêm La), và người này, một linh mục tên là Guy Tachard, đã tới Xiêm tới hai lần, để khi trở về có viết một cuốn sách nhan đề là “Chuyến đi thứ nhì của Linh mục Tachard sang Vương Quốc Xiêm” (Second Voyage du Père Tachard au Royaume de Siam).

Cuốn sách có trên 300 này vừa được bắt gặp ở thành phố của chúng ta. Là người tìm được, đọc qua thấy cuốn sách cổ này cho thấy một vài sự kiện hay hay, chúng tôi xin được ghi lại để bạn đọc đọc chơi.

Sách đã mất bìa nguyên thủy và mất cả trang đầu sách (frontispice) nên không còn để niên đại. Tuy nhiên, qua bản văn, người đọc có thể dễ dàng xác định niên đại vì ở ngay đầu sách là một bức thư (Epistre) mà ở nước ta thì có thể gọi là một tờ sớ tâu lên nhà vua. Thư này được in bằng một corps chữ to gần bằng đầu ngón tay và được dâng lên Hoàng Đế Pháp Lộ Y Đại Đế (Louis Le Grand tức Lộ Y thứ XIV, còn được gọi là Thái Dương Vương hay Vua Mặt Trời-“le Roi Soleil”). Vị Hoàng Đế nổi bật của Pháp này sinh năm 1638 và mất năm 1715. Đầu thư Linh mục Tachard viết: “Tâu Hoàng Thượng, Đây là chuyến đi thứ nhì của tôi qua Xiêm theo lệnh của Bệ Hạ, và bây giờ tôi trở về xin tường trình lên Bệ Hạ…”. Cách nói này cho thấy bàn tường trình được làm lúc sinh thời của Hoàng Đế lộ Y thứ XIV, và sau đó, ở trang thứ 16 của sách (tuy corps chữ nhỏ hơn nhưng vẫn sử dụng thứ tiếng Pháp cổ) thấy có ghi ngày giờ khời hành của chuyến đi thứ nhì này như sau: “Ai nấy đã ở vị trí, gió thuận, chúng tôi nhổ neo một buổi sáng thứ Bẩy, mùng một tháng ba năm 1687…”. Chúng tôi có tra cứu một vài cuốn sách nói về thế kỷ của vua Lộ Y thứ 14 và được thấy nói qua rằng vào thời điểm đó có một giáo sĩ được gửi qua Xiêm và ở lại bên đó một thời gian ngắn. Do đó, nếu cộng cả ngày đi, thời gian đi và thời gian lưu lại ở Xiêm chuyến đi thứ nhì này không thể kéo dài hơn hai năm, và khi về, vị Linh mục Dòng Tên đó không thể để tà tà vài năm rồi mới dâng bản tường trình. Qua các sự kiện ở trên, ta có cơ sở để tin rằng sách được ấn hành trong khoảng thời gian từ 1689-1690 là cùng. Một câu trong bức thư trên đầu sách khiến kẻ đọc này buồn cười nên xin ghi lại ở đây để bạn đọc đọc chơi và cùng được thấy tham vọng ghê gớm của người Pháp thực dân vào thời đó. Thơ viết: “…và rồi Hậu Thế sẽ thấy trong số những cuộc chinh phục và những kẻ bị chinh phục của Lộ Y Đại Đế có cả Vua Xiêm và Vua Tàu, thẩy đều cúi đầu tùng phục dưới chân thánh giá Chúa Ky Tô”. (Et que la Postérité comptera parmi les Conquêtes de LOUIS LE GRAND, les Rois de Siam & de la Chine soumis à la Croix de Jésus-Christ). Đọc mấy hàng chữ này người đọc không thể không buồn cười khi thấy nước Pháp với lãnh thổ và dân số nhỏ bé như vậy muốn nuốt nước Xiêm thì còn có lý, chứ xơi luôn nước Tàu to đùng như vậy thì quả là hơi quá đáng. Thầm mong rằng đây chỉ là tham vọng của những người Pháp thực dân vào thời điểm đó; còn những người Pháp bạn hiện nay của chúng ta, văn minh, hiền hòa, ưa chuộng hòa bình nếu có gặp những dòng chữ này chắc cũng chỉ cười xòa.

Mấy sự kiện nêu trên cho thấy rõ nước ta không phải là nước duy nhất được thực dân Pháp để mắt tới từ hồi thế kỷ thứ 17.

Người viết chẳng phải là sử gia “sử dô” gì, chỉ là người ham đọc sách, thấy gì hay hay là lạ thì ghi lại cho các bạn đọc chơi, có gì sai sót, xin vui lòng bỏ qua.

Vũ Anh Tuấn

Ngày Xuân đi lễ Chùa


NGUYỄN NHƯỢC PHÁP
(1914-1938)

Nguyễn Nhược Pháp là con của nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh. Sinh ngày 12 Décembre 1914 ở Hà Nội, mất ngày 19 Novembre 1938. Học ở Hà Nội. Có bằng Tú tài tây. Làm thơ từ năm 1932. Ngoài thơ có viết nhiều chuyện ngắn và kịch.

Có viết giúp: Annam Nouveau, Hà Nội Báo, Tinh Hoa, Đông Dương Tạp Chí.

Tác phẩm đã in:

Ngày Xưa (Nguyễn Dương xuất bản, Hà Nội 1935)
Người học vẽ (kịch bản, xuất bản 1936 Hà Nội)

Trong thi phẩm Ngày Xưa, chúng ta thấy thi sĩ sắp xếp thứ tự như sau:

1. Sơn Tinh Thủy Tinh (Avril 1933), thất ngôn
2. Mỵ Châu (Janvier 1933), thất ngôn
3. Giếng Trọng Thủy (Janvier 1933), thất ngôn
4. Tay ngà (2 Mai 1934), ngũ ngôn
5. Mỵ Ê (Mai 1933), thất ngôn bát cú
6. Một buổi chiều xuân (6 Mai 1933), ngũ ngôn
7. Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống
(30 Décembre 1932), thất ngôn bát cú
8. Đi cống (10 Mai 1933), thất ngôn
9. Mây (25 Janvier 1934), ngũ ngôn
10. Chùa Hương (Aout 1934), ngũ ngôn

Nguyễn Nhược Pháp hay kể chuyện bằng th ơ -- chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, chuyện đi Chùa Hương, chuyện Đi Cống sứ vv… Nhưng kể mà gợi lại được những huyền thoại xưa, kể mà làm lưu luyến người đọc, nghệ thuật kể chuyện bằng thơ... có lẽ chỉ có một Nguyễn Nhược Pháp mà thôi vậy.

Thơ được in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những thắt lưng dài đỏ hoe, những đôi dép cong nho nhỏ. Những cảnh ấy vốn có thực. Nhưng dầu sự thực không có thì nhà thơ sẽ tạo ra, khó gì. Mặc cho những nhà khảo cổ cặm cụi tìm nguyên do câu chuyện hai vị thần dành nhau một nàng công chúa, thi nhân cứ cho là có thực và người thấy khi Thủy Tinh đã bắt quyết gọi mưa để khoe tài, thì Sơn Tinh chẳng chịu thua, liền:

Vung tay niệm chú: Núi từng dải,
Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò chạy mưa.

Sáng hôm sau, Thủy Tinh cưỡi rồng vàng đến xin cưới:

Theo sau cua đỏ và tôm cá,
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai,
Khập khiễng bò lê trên đất lạ,
Trước thành tấp tểnh đi hàng hai.

Nhưng chậm mất rồi. Sơn Tinh đã đến trước. Tức quá, Thủy Tinh liền ra lệnh cho bọn đồ đệ dương oai:

Cá voi quác mồm to muốn đớp,
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng.
Càng cua lởm chởm giơ như mác;
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.

Ai xem những cảnh ấy mà không buồn cười. Thi nhân cũng chỉ muốn thế: kiếm chuyện cười chơi.

Cũng có khi người cười những nhân vật chính người tạo ra, như cái cô bé đi Chùa Hương trong thiên ký sự chép những câu thật thà:

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giầu.

Có khi chẳng còn biết người muốn cười ai. Sau khi tả cái đẹp của Mỵ Nương, người thêm một câu:

Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ,

Người vờ ngơ ngẩn để kiếm cớ diễu mình chơi, hay người muốn diễu những kẻ đứng trước gái đẹp bỗng thấy hồn thơ lai láng?

Lại có khi không diễu mình không diễu người, thi nhân cũng cười: cười vì một cảnh ngộ. Như khi Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến hỏi Mỵ Nương, Hùng Vương sung sướng nhìn con:

Nhưng có một nàng mà hai rể,
Vua cho rằng cũng hơi nhiều.

Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến. Người mến cô bé đi Chùa Hương và cùng cô bé san sẻ nỗi ước mơ, sung sướng, buồn rầu. Người mến nàng Mỵ Nương. Lúc Mỵ Nương từ biệt cha đi theo chồng, người thấy:

Lầu son nàng ngoái trông lần-nữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.

rồi:

Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác,
Nàng kêu: "Phụ Vương ôi! Phong-châu!

Một điều lạ là những câu tình tứ như thế ghép vào bên cạnh những câu đến buồn cười mà không chút bỡ ngỡ. Cái duyên của Nguyễn Nhược Pháp là ở đó.

Chắc Nguyễn Nhược Pháp không chịu ảnh hưởng A. France, nhưng xem Ngày Xưa tôi cứ nhớ đến cái duyên của tác giả Le livre de mon ami. Phải chăng Nguyễn Nhược Pháp cũng hay diễu đời và thương người như A. France? Không, nói diễu đời e không đúng. Nguyễn Nhược Pháp còn hiền lành hơn. Nguyễn Nhược Pháp chỉ muốn tìm những cảnh, những tình có thể mua vui. Dầu sao, tôi thấy Nguyễn Nhược Pháp già lắm, khác hẳn người bạn chí thân của người là Huy Thông. Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm. Người mất năm hai mươi bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ.

Trích Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân.

THÂN PHẬN

Ta có khóc, có vui cười, sầu khổ,
Đời vẫn trôi, giòng sống vẫn trôi xuôi…
Một ngày qua, một ngày không trở lại;
Một đời trôi, một bóng thoáng bên trời!

Như-Tâm-Nguyện
24.06.2002


BÁC SĨ GUILLOTIN, NHÀ ĐẠO MẪU,
HAY LÀ VÀI HÀNG VỀ MÓN ĐỒ CHƠI
CỦA THẦY ĐỘI PHƯỚC

Hầu như chả còn ai không biết là Bác sĩ Guillotin (Joseph Ignace, sinh ở Saintes năm 1738 và mất ở Paris năm 1814) không phải là cha đẻ đích thực của cái máy chém mang tên ông ta.

Quả vậy, người ta biết rằng hồi đầu thế kỷ thứ XVIII, chiếc máy ma quái này đã được xử dụng trong các tiểu quốc của Giáo Hoàng. Vào thời điểm đó, người ta gọi nó là “La mannaia”, và nó chỉ được dùng cho giới quý tộc. Linh mục Labat, một linh mục dòng Dominicain, rât thông thái và cũng rất tò mò, đã có dịp được thấy máy đó được sử dụng tại một nhà tu ở Civita-Vecchia, nên đã để lại cho hậu thế một sự mô tả rất rành rẽ, rất chi tiết. Cũng có thể là Bác sĩ Guillotin cũng đã được biết về máy đó và đã dùng nó để làm mẫu. Ngày 31 tháng 5, 1791, vua Lộ Y thứ XVI đã ký sắc luật cho áp dụng thứ máy chém này, và nó được gọi bằng các tên “Louisette va Louison” trước khi được gọi là “Guillotine”, nó còn được giới giang hồ thời đó gọi là “la Veuve” (bà góa phụ). Ngày 17 tháng 4, 1772, ở Bicêtre máy được đem sử dụng thử với ba con cừu và trên ba xác chết. Từ một hình lưỡi liềm, lưởi dao được đổi thành một hình thang có cạnh thật sắc bén. Ngày 25 tháng 4 cùng năm, tử tội được đưa lên máy chém đầu tiên là Nicholas Pelletier, bị kết án ngày 24 tháng 1, 1792 vì cướp có vũ khí; đọan đầu đài được đặt ở công trường Grève ở Paris. Trong những năm 1793-1794 của Đại Cách Mạng Pháp, dưới thời kỳ Đại Khủng Bố, đã có tất cả 50 máy chém như vậy hoạt động, có ngày làm việc tới 6 giờ liền, nhất là ở Paris và tổng số người bị đưa lên máy chém là 19.639 người.

Tuy nhiên, cái máy chém “la guillotine” còn có nguồn gốc xa xưa hơn nhiều. Trong một cuốn sách được cho ra đời hồi năm 1459 của tác giả Joh. Pallicarius, tựa đề là “Sự tử Đạo của 12 Tông Đồ”, có một đoạn nói về việc hành quyết thánh Mathias, trong đó nhà nghệ sĩ minh họa sách để lại cho chúng ta một bức họa trong đó có đầu thánh Mathias được đặt vào một cái máy có tất cả mọi đặc tính gần giống y với máy “la mannaia” và máy “la guillotine”.

Ngoài ra, ngày trước, ở Halifax bên Anh Quốc, cũng đã có một thứ máy chém dùng để hành quyết mà một tác giả cổ, được nhắc tới trong thế kỷ vừa qua bởi tờ báo “Revue Britannique”, đã mô tả như là: “cao khoảng 3 thước và có hình dáng như một cái giá vẽ. Ở gần dưới chân có một xà ngang để người tử tội phải đặt đầu vào đó, để bị chặn lại bởi một xà ngang khác ở kế ngay bên trên. Phía trước là hai đường rãnh, ở trong đó người ta đặt một cái búa rìu thật sắc, mà gờ trên là một khối chì lớn và nặng. Búa rìu này được giữ từ trên cao bởi một cái chốt có nối liền với một sợi dây. Đao phủ thủ, khi bỏ hoặc cắt sợi dây, sẽ làm cho búa rìu sa xuống, chặt đứt đầu tử tội”. Máy chém này được gọi là “maiden” (cô trinh nữ) ở Anh Quốc, và cô trinh nữ này khi sang đến Pháp đã được đổi thành “la veuve” (bà góa phụ). Phải chăng nhà họa sĩ minh họa cũng đã được trông thấy máy hành động nên đã mô tả máy qua bức minh họa của mình?

Rất có thể là như vậy, và dù thế nào đi nữa, Bác sĩ Guillotin quả đã có vô số mẫu để phát minh ra cái máy chém mang tên mình.

Huỳnh Nguyệt Anh viết theo tài liệu của “Tout Savoir” và “Quid”1998.

----

TIN SÁCH

Bán đấu giá bản in đầu tiên 'Đồi gió hú'

Một bản in đầu tiên hiếm hoi phát hành năm 1847 của cuốn tiểu thuyết “Đồi gió hú” của nhà văn anh Emily Bronte đã được bán đấu giá với giá 114.000 bảng Anh, vượt con số dự kiến từ 30.000-50.000 bảng Anh.

Người phát ngôn của nhà đấu giá Bonhams không tiết lộ chi tiết về khách hàng mua bản in này, chỉ tiết lộ đó là một người Anh.

Đồi gió hú là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Emily Bronte, nhưng trong lần in đầu tiên, bà phải lấy bút danh là Ellis Bell để tránh định kiến của xã hội đối với một phụ nữ viết văn thời bấy giờ.

Emily Bronte mất năm 1848 và bà mãi mãi không bao giờ còn có cơ hội thấy tên thật của mình trên sách.

Cuốn tiểu thuyết cũng đã dựng thành phim với nhiều phiên bản và là cảm hứng cho ca sĩ Kate Bush viết thành bài hát cùng tên năm 1978.

Đặc biệt câu chuyện tình mãnh liệt và bi thảm của Cathy Earnshaw và Heathcliff trong cuốn tiểu thuyết Đồi gió hú đã được bình chọn là câu chuyện tình đẹp nhất mọi thời đại.

Chủ trước của cuốn sách là Anne Reid được ông nội tặng cho khi cô còn nhỏ. Cuốn sách đã tồn tại trong gia đình cô tới 4 đời.

Theo Tuổi trẻ

Bài thơ

TÌNH TUYỆT VỌNG của FÉLIX ARVERS

Thi sĩ Félix Arvers sinh ngày 23-7-1806 tại Paris, chàng là con một người buôn rượu. Học xong, chàng vào giúp việc với một Chưởng Khế. Vì chàng sẵn có hồn thơ nên chơi thân với Victor Hugo, Lamartine, Alfred de Vigny, Nerval… tại Câu lạc bộ Văn nghệ do bà vợ của vị Chưởng Khế này mở.

Phụ nữ ưa thích Văn nghệ cũng hay lui tới và người ta đế ý nhất là Cô Marie Nodier, con của bà chủ. Cô này yêu Văn nghệ, hàng ngày thường cầm cuốn Album đi xin chữ ký của các thi sĩ. Sau này nàng lấy một công chức. Arvers yêu nàng tha thiết, thất vọng, tỏ mối tình kín đáo trong một bài thơ (Một ẩn tình), một bài thơ bất hủ. Và sau đây là bài thơ đó và 5 bản dịch Việt ngữ để quý độc giả tự đánh giá. Kế đó là bài thơ trả lời bài thơ “Tình Tuyệt Vọng” của một nữ sĩ tên là Lelouard viết 100 năm sau.

UN SECRET – Félix Arvers

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu,
Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.
Hélas! J’aurai passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,
Et j’aurais jusqu’au bout fait mon temps sur la terre
N’osant rien demander, et n’ ayant rien reçu.
Pour elle, quoique Dieu l’a faite douce et tendre
Elle ira son chemin distraite et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas.
A l’austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle,
Quelle est donc cette femme? et ne comprendra pas.

TÌNH TUYỆT VỌNG - Dịch giả Khái Hưng

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Hỡi ơi! Người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng há dám một lần hé môi.
Người dầu ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.
Một niềm tiết liệt đoan trinh
Xem thơ nào biết có mình ở trong
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng:
“Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây”.
Bản dịch của Yả Hạc và Trịnh Nguyên

HẬN TÌNH MUÔN THUỞ

Hồn tôi có một chỗ riêng,
Đời tôi, tôi giữ một phiền, đời tôi…
Tôi yêu, tôi lỡ yêu rồi…
Nhưng yêu chỉ để… thì thôi, một mình.
Gần ai, ai thấu chăng tình,

Phụ Bản III

Gần ai, ai thấy bóng mình chăng ai?
Đời tôi lặng lẽ cứ trôi,
Có đâu môi hé, mong gì rồi ai…
Dầu ai, âu yếm, nhu mì
Đường ai, ai cứ bước đi hững hờ.
Ai đi, và vẫn thờ ơ,
Thở dài nhè nhẹ, bơ thờ, nghe chăng?
Giờ đây, nội trợ hoàn toàn,
Xem thơ nào biết là Nàng cho đâu.
Xem xong, nàng khẽ lắc đầu;
“Người này ai há? Ai đâu vậy cà?”

Bản dịch của Bình Nguyên Lộc

CHUYỆN KÍN CỦA CHÀNG ARVERS

Hồn tôi ủ kín niềm riêng,
Đời tôi bí mật ưu phiền bên trong.
Tình muôn thuở, cảm xong giây lát,
Mối đau thương muốn thoát, không mong.
Nên tôi nín lặng như không,
Ai kia gây thảm dễ hòng có hay.
Nàng chẳng thấy, gần nàng tôi bước.
Bên cạnh ai tôi lướt cô đơn,
Đến già cũng vẫn ngậm hờn
Không gan xin xỏ, được ân huệ gì?
Dẫu tánh tình nhu mì mềm mỏng,
Nàng thờ ơ bước, khổng có nghe
Tiếng lòng tôi, dậy rụt rè,
Thì thầm dưới gót nàng đè bước lên.
Đạo vợ hiền, trung trinh một mực,
Nàng xem thơ bàng bạc đời nàng.
Xem xong, ngơ ngẩn tự bàn:
“Người đâu hờ hững cho chàng khổ đau.”

Bản dịch của Vita

SECRET D’ARVERS: CHÔN KHỐI U TÌNH

Lòng tôi khép chặt khối tình,
Tình gây phút cảm biến thành muôn năm.
Nhưng mang tuyệt vọng thương tâm,
Có yêu thôi… cũng âm thầm mà thôi.
Ai gây lệ thảm đầy vơi,
Vô tình đâu rõ có người sầu tây.
Cách xa nhau mấy gang tay,
Nhưng nàng hờ hững biết ai si tình.
Than ôi! trọn kiếp phù sinh,
Gần nàng, mà mãi thấy mình quạnh hiu.
Đã không gan tỏ đôi điều,
Nàng đâu tường, rưới ít nhiều yêu đương.
Tuy nàng đa cảm, giàu thương,
Đường trần nhẹ bước, không vương tơ tình.
Ái ân đạo cả trung trinh,
Lòng son chẳng dễ tiếng tình gió trăng.
Lời thơ chan chứa là nàng,
Nàng xem thờ thẫn, hỏi: “Nàng nào đây?”

U TÌNH : Bản dịch của bà Mộng Tuyết

Trong một phút ôm lòng thắc mắc
Mối yêu đương dằng dặc khôn khuây.

Đau thương tình khó giải bày,
Người làm đau khổ có hay đâu nào.
Than ôi! vẫn đìu hiu lặng lẽ,
Bên cạnh ai, ai kẻ biết cho.
Đường trần đi đến bao giờ,
Cũng chưa dám ngỏ ước mơ với tình.
Kiều diễm ấy khuôn xanh biệt đãi,
Vẻ xuân tươi ngọc nói hoa cười.
Thế mà trên bước đường đời,
Hững hờ chẳng chút đoái hoài ái ân.
Chất phong phí ân cần trau chuốt,
Dễ mà khi Nàng đọc thơ ta.
Vì nàng, thi tứ đậm đà
Ngẩn ngơ Nàng hỏi: Nàng là ai đây?

Non một thế kỷ sau mới có bà Lelouard trả lời bài thơ tình bất hủ đó. Không biết bà này có là hậu thân của Marie Nodier hay không, nhưng lời thơ rất thành thực và cảm động. Sau đây là bài thơ trả lời đó (nguyên văn và bản dịch):

RÉPONSE AU SONNET D’ARVERS

Ami, pourquoi nous dire avec tant de mystère
Que l’amour éternel en votre âme conçu
Est un mal sans espoir, un secret qu’il faut taire,
Et comment supposer qu’elle n’en ait rien su?
Non? Vous n’auriez pas dû vous croire solitaire:
Parfois les plus aimés font leur temps sur la terre,
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu
Pourtant Dieu mit en nous un cœur sensible et tendre.
Toutes, dans le chemin, nous trouvons doux d’entendre
Le murmure d’amour élevé sur nos pas.
Celle qui veut rester à son devoir fidèle
S’est émue en lisant les vers tout remplis d’elle
Elle avait bien compris, mais ne le disait pas…

Mme Lelouard
(La femme et la vie)

GỞI NGƯỜI TUYỆT VỌNG

Người thở than chi tiếng thảm sầu?
Tình yêu bất diệt thuở ban đầu
Mang niềm vô vọng vào tâm tưởng,
Sao biết lòng ai không khổ đau?
Những bước người đi em đã nghe
Đường trần ai đó vẫn đi về
Ái ân chưa vơi lời tâm sự
Mà vội dùng chi tiếng não nề.
Chúng em là kẻ rất giàu yêu,
Thượng Đế ban muôn sắc diễm kiều
Khao khát đường duyên vương gót mộng
Hồn xuân lắng lại tiếng thương yêu.
Ai hay khi đọc đến thơ người
Chan chứa tình dâng, buồn hỡi ôi
Tiếc chẳng cùng chung người một thuở
Những lời muốn nói nghẹn trong môi.

Ái Phượng Liên

Đỗ Thiên Thư (st)

Những Bước Chân CỦA TỬTHẦN

Ngày 27 tháng 10, 1964, Cảnh Sát Trưởng Friedrich Kempf của thành phố Innsbruck, ở Áo quốc, nhận được một cú điện thoại:

- Thưa ông Cảnh Sát Trưởng, tôi là cảnh sát viên Muller, xin trình với ông là mới có một người tìm thấy một xác không đầu và không chân của một người đàn bà, được gói ở trong bọc nylon ar, xin trin và vứt ở trên bờ sông Inn. Tôi đã không cho ai được đụng vào và bảo mọi người phải chờ ông đến.

- Tốt lắm, đừng có đụng vào cái gì cả, tôi tới ngay.

Sau khi gác máy, Cảnh Sát Trưởng Kempf không tỏ vẻ vội vã mà ông bình thản mặc áo khoác vì ngoài aykhi gac nylon trời khá lạnh. Tuy nhiên ông hơi bực bội vì ông biết qua kinh nghiệm là những vụ xác chết bị chặt ra làm nhiều phần luôn luôn là những chuyện không thể điều tra ra nhanh chóng và dễ dàng. Ông đã gặp một việc tương tự trong cuộc đời thám tử của ông và chuyện đó quả là đã rất khó khăn để giải quyết thỏa đáng. Ông đã có một sự nghiệp thám tử điều tra khá hiển hách và giờ đây, ở tuổi 55, ông đang được coi là một trong những thám tử sáng giá nhất trong vùng. Nhưng người phụ tá của ông, Otto Schutz, thì lại rất bị kích thích vì đây là vụ điều tra hình sự quan trọng đầu tiên trong đời làm thám tử của anh.

Cảnh Sát Trưởng Kempf cảm nhận được sự việc và ông đã trả lời trước, không để người phụ tá của mình há miệng hỏi.

- Đừng có quýnh quáng lên vậy Schutz ạ. Chuyện này là rắc rối lắm và không phải dễ giải quyết được ngay đâu…

Ba ngày sau vị thầy thuốc pháp y tới đưa bản tường trình của ông cho ông Cảnh Sát Trưởng. Cuộc điều tra trên bờ sông Inn, nơi hiện trường, đã không mang lại kết quả cụ thể nào. Hôm đó khi tới nơi thì ông Cảnh Sát Trưởng và người phụ tá đã được người cảnh sát và người thuyền chài đã tìm ra xác chết chờ đón.

Họ đã tìm thấy trong một cái bọc bằng nylon đỏ xác một người đàn bà không đầu và không chân, chỉ còn phần thân và hai cánh tay. Ngó qua một chút, ông Cảnh Sát Trưởng cho lệnh gửi ngay bọc đó tới thầy thuốc pháp y. Sẽ hoàn toàn vô ích khi muốn làm gì trước lúc có ý kiến của các nhà chuyên môn.

Giờ đây, vị thầy thuốc pháp y đang ở trước mặt ông, cuộc điều tra đã thật sự có thể bắt đầu iiang e . Vị thầy thuốc, một người đã hơi trọng tuổi tỏ vẻ rất hào hứng; trong những công việc như thế này, vai trò của ông ta rất quan trọng và ông ta hiểu rõ điều đó.

- Thưa ông Cảnh Sát Trưởng, tôi có một số nhận xét mà trong đó ông sẽ thấy có nhiều điều rất đáng chú ý. Trước nhất tôi không thể cho ông biết rõ cái chết đã xảy ra như thế nào vì phần thân và đôi cánh tay của nạn nhân không mang một thương tích và sự trầy xát nào. Có thể nói chắc là cái chết đã xảy đến khi đầu nạn nhân bị chặt đứt lìa, tuy vẫn chưa chắc chắn hoàn toàn. Trong chốc lát tôi có thể có sự giải thích tiếp o …

Hơi có vẻ bị mất kiên nhẫn, Cảnh Sát Trưởng ngắt lời thầy thuốc pháp y:

- Được… xin hãy nói về nạn nhân.

Mở cuốn sổ ghi chú của mình, thầy thuốc pháp y trả lời:

- Một phụ nữ khoảng 45 tuổi, khỏe mạnh, không bị thương tật gì, không có dấu vết đã bị giải phẫu. Xác chết đã bị ngâm trong nước khoảng gần một tháng. Sau đây là hai chi tiết có thể là quan trọng với ông. Trước nhất là người đàn bà này đã bị chặt đứt đầu trong lúc còn sống, sự hiện diện của máu đầy ứ trong phổi khiến ta không thể nghi ngờ gì nữa.

Otto Schutz giật bắn người như muốn chồm dậy, nhưng Cảnh Sát Trưởng Kempf đã giơ tay giữ anh lại.

- Đừng quá kích thích như vậy Schutz ạ. Đừng vội tưởng tượng đây là một vụ giết người để tế thần hay là một chuyện gì tương tự. Chắc còn tệ hơn thế nữa. Tên sát nhân chắc đã đánh chết giấc nạn nhân và tưởng là nạn nhân đã chết, trong lúc thực tế người thiếu phụ chỉ bị ngất chứ vẫn còn sống… Rồi sao nữa, bác sĩ?

- Tôi có thể nói là đây là việc làm của một tên sát nhân chuyên nghiệp. Xác nạn nhân đã được chặt ra làm nhiều đoạn một cách thành thạo, y như là bởi một phẫu thuật gia…

Nhưng, mặc dù đã có những chi tiết tạm coi là chính xác như vậy, cuộc điều tra vẫn dẫm chân tại chỗ. Hai ngày sau vẫn chưa có tia sáng nào mới. Việc vét sông Inn và dùng người nhái tìm kiếm không mang lại kết quả nào. Phần còn lại của xác nạn nhân vẫn như đã bốc hơi. Ngược lại báo chí đã đưa tin và gây ra sự việc là các thông tin từ tứ phương được gửi tới tới tấp; quả là không thiếu gì các nhân chứng, quá nhiều là khác. Cảnh Sát Trưởng Kempf nhận được vô số các cú điện thoại gọi tới. Các cú điện thoại mang lại đủ thứ tố giác, đủ thứ tin tức ngớ ngẩn, nhưng cũng có những thông tin về những manh mối đứng đắn hơn, về nhiều việc mất tích có xảy ra thật, và cần phải điều tra kỹ lưỡng. Đây quả là một công việc khó nhọc xảy đến từng ngày, mang lại không ít sự khó chịu. Otto Schutz đã không còn bị quá kích thích sôi nổi như lúc đầu.

- Cậu thấy không, Cảnh Sát Trưởng Kempf bảo anh ta, việc chúng ta đang làm đây quả như là ném một tảng đá xuống ao và ta sẽ thấy từ mặt nước nổi lên rất nhiều bọt là những chuyện vớ vẩn chẳng ăn nhập gì với vụ án mạng. Nhưng vẫn phải để tâm nghiên cứu hết và do đó mới mất nhiều thì giờ. Rồi đấy cậu xem, bây giờ mới chỉ là bước đầu.

Quả chỉ mới là bước đầu, vì Cảnh Sát Trưởng Kempf và phụ tá của ông ta phải theo dõi gần năm mươi vụ mất tích ở Innsbruck và peechutz d trong vùng. Mỗi lần họ đều về tay không, mỗi lần họ gặp một chuyện vợ chồng giận nhau ấm ớ bỏ đi. Họ tìm thấy những bà vợ sống nhăn, nhưng lại ở bên cạnh những tên chẳng phải là đức ông chồng. Trong nhiều tuần lễ họ phải xía vào đời sống riêng tư của nhiều cặp, và vai trò của họ thật đáng nhàm chán, vì chẳng đưa lại kết quả cụ thể nào cho cuộc điều tra.

Phải một tháng sau ngày xác nạn nhân bị khám phá mới có một yếu tố mới làm cuộc điều tra chuyển động. Đó là một cú điện thoại được gọi tới bởi cảnh sát ở nước Ý.

- Thưa ông Cảnh Sát Trưởng Kempf, đây là Ty cảnh sát ở Cortina d’Ampezzo. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có một thông tin liên quan tới việc ông đang điều tra: chúng tôi đã tìm thấy một cặp chân của một người đàn bà ở hồ Mizzurina. Theo những nhận xét của thầy thuốc pháp y, đây là cặp chân một thiếu phụ khoảng 45 tuổi. Chúng tôi đã ráp nối việc này với việc ông đã thông báo qua Interpol. Nhưng ông cần cho chuyên viên của ông tới để xác định.

Ông Cảnh Sát Trưởng cảm ơn một cách nồng hậu vị đồng nghiệp người Ý Đại Lợi của mình, và ngay trong ngày, ông gửi vị thầy thuốc pháp y tới hiện trường.

Hai mươi bốn giờ sau, ông này trở lại để tường trình.

- Không nghi ngờ gì nữa, cặp chân quả là của nạn nhân vụ ta đang diều tra. Thời gian bị ngâm ở dưới nước cũng gần tương tự. Tuy nhiên tôi muốn điều chỉnh điều tôi nói với ông lúc trước: chưa chắc đã là công việc của một tên sát nhân chuyên nghiệp…

Sau khi thầy thuốc pháp y ra về, Otto Schutz thở dài, anh đã mất hẳn nỗi hào hứng lúc ban đầu:

- Tôi không biết rồi chung cuộc vụ án này có kết thúc ở Innsbruck này hay không. Vì nếu nạn nhân là một người, và nếu vụ án mạng xảy ra ở bên đó, ở Cortina d’Ampezzo thì sao?

Cảnh Sát Trưởng Kempf lắc đầu:

- Tôi cũng vừa nghĩ tới điều đó Schutz ạ, nhưng tôi không tin. Nói một cách logic, tên sát nhân nhất định sẽ lo tống khứ đi phần thân thể kềnh càng nhất, có nghĩa là thân nạn nhân và hai tay, Vậy thì án mạng chắc chắn đã xảy ra ở đây, và chìa khóa mở cửa bí mật này chắc chắn cũng ở đây. Đừng vội thất vọng, tôi đã bảo là chuyện này sẽ khó giải quyết mà…

Và cuộc điều tra tiếp tục, nhưng vẫn không mang lại tia sáng nào mới. Mỗi khi viên Cảnh Sát Trưởng và người phụ tá của ông tưởng đã sắp khám phá ra sự thật, thì họ lại gặp phải một chuyện ngoại tình dơ dáy. Và với thời gian trôi qua, các manh mối zdổm cũng bớt đi rất nhiều và, hai tháng sau, thì coi như không còn tin tức gì nữa. Các tố giác nặc danh cũng ngưng hẳn. Tất cả như đã hoàn toàn rơi vào quên lãng.

Nhưng rồi một lần nữa, một cú điện thoại khác lại mang lại một hướng điều tra mới:

- Thưa ông Cảnh Sát Trưởng, có điện thoại viên thông báo, ông có một cú điện thoại gọi từ Thụy Sĩ.

Người gọi nói một thứ tiếng Đức toàn hảo.

- Kính chào ông Cảnh Sát Trưởng, đây là ty cảnh sát ở Zurich. Có một thông tin liên quan tới vụ án ông đang điều tra. Trong vụ này phải nói là tên sát nhân rất ưa di chuyển. Ông có biết không chúng tôi vừa vớt lên được từ hồ Wallen một cái đầu của một người thiếu phụ và chúng tôi có lý do để tin là đây chính là đầu của nạn nhân trong vụ của ông. Chúng tôi đợi chuyên gia của ông gửi tới, chúc ông may mắn, vì cuộc điều tra của ông quả là hơi khó khăn…

Và một lần nữa thầy thuốc pháp y lại lên đường sang Thụy Sĩ và hai mươi bốn giờ sau lại là một bản tường trình mới.

- Lần này câu đố đã được giải đáp, không còn nghi ngờ gì nữa thưa ông Cảnh Sát Trưởng, cái đầu rất khớp với phần thần của nạn nhân. Ở Zurich các chuyên gia đang cố làm một hình rô bô, nhưng vì nét mặt biến đổi rất nhiều, tôi thấy khó mà giống nhiều được…

Cảnh Sát Trưởng Kempf thở dài bực bội. Ít khi ông phải trực diện với một vụ khó khăn như vụ này. Kẻ nào là tên sát nhân đã rải rác xác nạn nhân của hắn ở những ba quốc gia khác nhau? Đương nhiên là tên này đã quá coi thường Cảnh Sát Quốc Tế và những liên lạc giữa họ với nhau. Nhưng kết quả hiện tại vẫn là một con số không tròn trịa. Không còn một manh mối nào ở Innsbruck. Vả lại, dù không muốn tin, Cảnh Sát Trưởng Kempf cũng không thể loại trừ hẳn khả năng nạn nhân có thể là một người Ý hoặc Thụy Sĩ. Nếu đúng như vậy, thì các cố gắng đã qua của ông coi như bỏ xuống sông xuống ao…

Quả vậy, mùa Thu rồi mùa Đông năm 1964 qua đi mà không mang lại điều gì mới mẻ. Cảnh Sát Trưởng Kempf và phụ tá của ông đôi lúc như đã lãng quên hẳn nạn nhân bí mật trên bờ sông Inn và ở hai cái hồ ở ngoại quốc.

Tuy nhiên ngày 26 tháng Tư năm 1965, ông Cảnh Sát Trưởng tiếp một thiếu nữ trẻ tới gặp ông. Cuộc gặp gỡ bất thần này đưa ông trở lại hồi sáu tháng trước lúc mới mở cuộc điều tra vụ án mạng.

- Thưa ông Cảnh Sát Trưởng, thiếu nữ nói, tôi tên là Maria Stresman… và tôi rất lo lắng về mẹ tôi.

- Sao? Bà mẹ cô mất tích à?

- Không, không hẳn là thế. Nhưng, đã từ hơn sáu tháng nay tôi không nhận được tin tức của mẹ tôi, kể từ khi bà qua Mỹ với ông dượng tôi, một người tên là Walter Kremmer. Thưa, xin ông cho phép tôi nói với ông về người này. Mẹ tôi đã lập gia đình với ông ta sau khi mẹ tôi ly dị với bố tôi. Ông này luôn làm cho tôi cảm thấy sờ sợ. Đây là một người âm thầm, lạnh lẽo, ít nói, lúc nào cũng như là một người có một bí mật nào đó phải che dấu; nhưng nhìn chung, tôi thấy ông ta là một người tính khí dữ dằn, hung bạo.

- Cô có nghĩ rằng ông ta có thể phạm một tội ác… khủng khiếp không?

Thiếu nữ nhắm nghiền đôi mắt trong giây lát và trả lời qua hơi thở:

- Tôi tin là ông ta có thể làm bất cứ chuyện gì.

- Lần chót cô nhận được tin tức của họ là vào lúc nào?

- Đúng ra tôi không nhận được tin gì cả, nhưng tôi không ngạc nhiên vì mẹ tôi tính rất lười viết thư. Điều làm tôi lo lắng là ngày 15 tháng Tư vừa qua bà đã không về. Hôm đó là sinh nhật lần thứ 25 của tôi và điều đó, chắc chắn là không bao giờ mẹ tôi quên.

Ông Cảnh Sát Trưởng nói bằng một giọng nhỏ nhẹ, thận trọng:

- Thưa cô… trong lúc này tôi đang nghĩ tới một vụ mới xảy ra gần đây: người ta đã tìm thấy xác một thiếu phụ bị sát hại trong những tình huống… cực kỳ bi thảm. Một chân dung rô bô đã có được đăng tải trên báo chí…

Thiếu nữ nở một nụ cười buồn bã.

- Xin ông khỏi cần rào đón như vậy, tôi bản thân cũng đang nghĩ tới chuyện đó. Nhưng tôi khó nói vì chân dung rô bô rất không rõ rệt… Đây, tôi có mang tới cho ông một ảnh chân dung mẹ tôi, mà ông có thể đem so sánh…

Ông Cảnh Sát Trưởng Kempf và người phụ tá châu đầu xem bức ảnh: một thiếu phụ khoảng 45 tuổi… Rất có thể là nạn nhân. Bức ảnh được ông Cảnh Sát Trưởng ghim vào hồ sơ vụ án.

- Và ngoài cô ra, thì còn ai là người mẹ cô có thể viết thư hoặc cho tin tức?

- Tôi không thấy ai khác vì tôi là con gái duy nhất của mẹ tôi. Nhưng ông dượng tôi thì ông ta chắc chắn đã viết thơ cho mẹ ông ta, bà cụ tên là Lotte Kremmer. Bà cụ ở ngay Innsbruck này.

Ngay trong ngày hôm đó, Cảnh Sát Trưởng Kempf bỏ hết mọi công việc khác để tới gặp bà mẹ của Walter Kremmer. Bà cụ sống trong một căn biệt thự khá lớn ở ngay vùng phụ cận Innsbruck. Khi ông bấm chuông, ông và phụ tá của ông được tiếp đón bởi một bà cụ thật đẹp lão.

- Xin cho phép tôi được tự giới thiệu: tôi là Cảnh Sát Trưởng Kempf thưa cụ. Cuộc thăm viếng của chúng tôi không có gì là chính thức; tôi chỉ một hai câu hỏi muốn xin được cụ giải đáp.

Cụ bà Kremmer mời họ vào nhà và mời họ dùng trà. Ngồi quanh cái bàn tròn nhỏ có trải khăn thêu, ông Cảnh Sát Trưởng trình bày với bà cụ mục đích cuộc viếng thăm.

- Thưa cụ, chắc cụ biết cô Maria Stresman? Cô ta có tới gặp tôi sáng hôm nay. Cô ta lo lắng vì không có tin tức gì của mẹ cô ta kể từ khi bà này qua Mỹ với ông con của cụ. Vậy chúng tôi tới để xin cụ cho biết cụ có nhận được tin tức gì không, nếu có, chúng tôi có thể cho cô Stresman biết để cô ấy đỡ lo.

Bà cụ già hơi có vẻ ngạc nhiên.

- Tôi chả hiểu gì cả thưa ông Cảnh Sát Trưởng. Walter viết thơ cho tôi rất thường và đều đặn. Lá thơ cuối cùng tôi mới nhận được khoảng một tuần lễ nay. Họ sống rất hạnh phúc ở bên đó và công việc của con trai tôi rất hanh thông. Con tôi rất chăm chỉ làm việc ông Cảnh Sát Trưởng ạ.

- Ông ta có nói với cụ về bà vợ của mình không?

- Có chứ, con dâu tôi rất khỏe mạnh và bao giờ cũng viết cho tôi mấy chữ ở cuối thư… Có phải là ông nghĩ rằng đã có chuyện gì xảy đến với cô con dâu của tôi không?

Ông Cảnh Sát Trưởng lắc đầu.

- Dạ, ngay lúc này thì tôi không nghĩ gì cả, mà chỉ muốn biết tin để nói lại cho cô Stresman yên lòng mà thôi. Cụ có thể giúp cho tôi được xem một trong những lá thơ con cụ gửi về không?

Bà cụ già tỏ vẻ hơi hối tiếc.

- Tôi đã già nên hơi lẫn, xem xong tôi để lạc vào đâu cũng chẳng nhớ được nữa. Nhưng tôi sẽ báo tin cho ông biết ngay khi tôi nhận được lá thơ sắp tới.

Đặt tách trà lên đĩa, Cảnh Sát Trưởng Kempf cám ơn bà cụ và cáo từ. Ra khỏi cửa, ánh mắt của ông ta đụng phải cái nhìn nghi hoặc của viên phụ tá.

Phụ bản IV

- Này, cậu có tin được rằng một bà mẹ không gặp con từ sáu tháng nay lại không giữ những lá thơ người con gửi về không? Ngay cả lá thơ mới nhất cũng không giữ?... Schutz, cậu theo dõi canh chừng thật cẩn mật bà cụ này cho tôi. Để tôi đi điều tra ngay phía bên Mỹ.

Hai ngày sau, ông Cảnh Sát Trưởng và người phụ tá của ông đều được biết rõ là cái tên Walter Kremmer không nằm trên một danh sách di trú nào hết; về phía Otto Schutz , thì anh ta thông báo cho Cảnh Sát Trưởng biết là mỗi ngày bà cụ hơn bảy mươi tuổi này luôn luôn mua nửa ký thịt bò ở cửa hàng người bán thịt bò.

Hai người lại quay trở lại biệt thự của cụ bà Lotte Kremmer. Nhưng lần này cuộc viếng thăm mang một tính chất hoàn toàn khác hẳn: ông Cảnh Sát Trưởng mang theo trong túi áo một lệnh khám xét nhà và ông đã bố trí gần một tá cảnh sát viên ở xung quanh ngôi biệt thự.

Bà cụ vẫn tiếp đón họ một cách dễ thương như lần trước, nhưng nụ cười của cụ đã tắt ngóm trước vẻ mặt lạnh lùng của ông Cảnh Sát Trưởng. Bà cụ đã hiểu, và lạnh lùng chặn đứng hai người đang tiến vào nhà.

- Các người muốn gì ở tôi? Tôi đã kể hết lần trước, giờ chả còn gì để nói, các người về đi!

Ông Cảnh Sát Trưởng Kempf gắng sức nói nhỏ nhẹ với bà cụ:

- Chúng tôi biết là con trai bà hiện có mặt trong nhà này, cụ bà Kremmer ạ. Tôi có một lệnh khám xét nhà và phải thi hành lệnh đó.

Bà cụ lắc đầu một cách ngoan cố.

- Không phải như vậy! Không đúng!

- Vâng, thì chúng tôi chỉ xin kiểm soát thôi mà. Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng lầu một.

Trong lúc ông Cảnh Sát Trưởng và người phụ tá lên thang gác, bà cụ Kremmer cố gắng giữ họ lại một cách tuyệt vọng. Bà cụ túm lấy ống quần họ và cố đứng chắn lối lên.

- Xin đừng lên, chẳng có gì đáng xem… Tuyền nồi niêu và rẻ rách, thưa ông Cảnh Sát Trưởng.

Dần dần, mỗi lúc bà cụ mỗi gào to lên.

- Ông lên vô ích ông Cảnh Sát Trưởng ơi! Walter không có ở trên đó! Ới ông Cảnh Sát Trưởng…

Ông Cảnh Sát Trưởng Kempf bỗng chợt hiểu ra: bà cụ đang tìm cách báo động cho con trai bà ta biết. Đây là lần đầu tiên ông nhìn bà cụ với một ánh mắt đầy ác cảm.

- Bà cụ đừng uổng công tìm cách báo động. Biệt thự đã bị vây kín, tên sát nhân sẽ không thoát được đâu.

Nghe xong, thái độ của bà cụ biến đổi hẳn. Bà cụ gục xuống và nói như rên.

- Thôi được, các ông lên đi… Ý trời, định mệnh mà!...

Cảnh Sát Trưởng Kempf bỗng cảm thấy lo lắng, ông vội vàng rút súng. Ông có cảm tưởng một điều gì rất quan trọng sắp xảy ra. Ông nhào vào hành lang, dùng chân đá bật ba cánh cửa đầu tiên. Cả ba phòng đều trống rỗng. Ông ngưng lại trước căn phòng thứ tư, căn phòng cuối cùng. Ông mở chốt an toàn trên khẩu súng và mở cửa…

Ông không bao giờ có thể nhớ rằng ông đã đừng như trời trồng trong bao nhiêu lâu trước quang cảnh đang hiện ra trước mắt, trong khi bà cụ ở phía sau ông vừa thổn thức vừa lâm râm cầu kinh…

Walter Kremmer nằm chết ở trên giường. Hắn nằm giang chân giang tay như kẻ bị tứ mã phanh thây, ở cổ chân và cổ tay hắn có những vật kỳ lạ lấp loáng: đó là bốn chiếc hộp sắt tây đã bị đục lỗ, mỗi hộp đều chứa những sợi dây điện được cắm liền vào một ổ cắm điện ở chân tường.

Ông xông lại giật đứt tung các sợi dây điện, nhưng trong lòng ông thừa hiểu là đã quá muộn.

Một dạng ghế điện! Walter Kremmer trong những ngày lẩn trốn nhàn rỗi đã tự tạo cho mình một dạng ghế điện, để vào lúc cần sẽ thoát khỏi tay các lực lượng cảnh sát, và tất cả mọi việc với sự đồng lõa của bà cụ thân sinh ra hắn.

Tên sát nhân trước đây đã rải rác xác chết của vợ hắn ra những ba quốc gia khác nhau, lúc này đã tự dành cho mình một kết thúc còn quái đản hơn.

Tại sao và trong hoàn cảnh nào hắn đã giết vợ hắn? Cả ông Cảnh Sát Trưởng Kempf và mọi người đều chẳng ai biết được. Người ta cũng chả biết rõ gì hơn về vai trò chính xác của bà cụ thân sinh ra hắn trong vụ việc này vì một tháng sau bà cụ qua đời, mang theo bí mật xuống mồ, tuyệt đối chưa bao giờ hé răng khai một lời nào…

Vũ Anh Tuấn dịch theo BELLEMARE

­­

DANH NGÔN

Không tàu buồm nào sánh được sách.
Đem ta đi những miền đất xa xôi.
Không ngựa chiến nào bằng trang giấy.
Đầy vần thơ với âm điệu nhịp nhàng.
Đường này kẻ nghèo nhất cũng có thể đi ngang.
Chẳng cần nộp một xu tiền mãi lộ.
Đơn sơ bình dị biết là bao.
Chiếc xe chở linh hồn nhân loại.

E. Dickinson
(There is no frigate like a book)

Tình yêu đối với sách là một tình yêu đã được kiểm nghiệm, một tình yêu cổ xưa nhất của loài người.

N. Smirnov-Sokolski

Có một số sách chỉ nên nếm qua, có một số sách nên nuốt và có vài quyển nên nhai và tiêu hóa.

(Some books are to be tasted, others to be swallowed, and a few to be chewed and digested.)

Bacon

Bùi Đẹp St

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế