Hiện có 11 người xem / 2315958 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY 12-4-2008 CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên một cuốn sách mới. Lần này là một cuốn sách được xuất bản năm 1827 nhan đề là “INSTITUTES DE GAIUS” (Pháp cương của Gaius). Gaius là một luật gia La Mã và cuốn sách này dày 432 trang được dịch sang tiếng Pháp bởi một luật sư ở Paris tên là I.-B.-E. BOULET. Cuốn sách này còn nguyên cả bìa trước, bìa sau và giấy còn tốt nguyên, không có một chút dấu hiệu bị hư hại mặc dù cuốn sách được ra đời đúng 181 năm. Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã hỏi các thành viên một câu hỏi rất ư là hấp dẫn là “khi có cuốn sách này, khi cuốn sách này ra đời, tất cả CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU?” Cuốn sách cổ đã mang lại một chút hứng thú cho các thành viên. Sau đó dịch giả Vũ Anh Tuấn tiếp tục giới thiệu một cuốn sách mới, một tập truyện ngắn của tác giả Lê Thanh Thái, một người đã có tham dự CLB trong một hai phiên họp đầu, nhưng tới nay vẫn tự coi mình là thành viên CLB mặc dầu không tham dự sinh hoạt hàng tháng. Tác giả có nhã ý là nếu có thành viên nào muốn mua thì sẽ giảm giá 50% và tặng thêm chữ ký của tác giả trên cuốn sách. Anh Phạm Thế Cường cũng giới thiệu cuốn “Đồi thông hai mộ” được xuất bản lần đầu tiên năm 1950. Kế đó, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã cùng các thành viên thảo luận về việc viết các bài vở cho Bản tin nội bộ và đã cùng các thành viên đi tới quyết định là kể từ số tháng 5, tức là số 24 sẽ chỉ sử dụng những BÀI DO CÁC THÀNH VIÊN VIẾT chứ sẽ không dùng các bài trích từ các báo chí hiện hành. Trường hợp có sưu tầm thì CHỈ SƯU TẦM NHỮNG BÀI VIẾT HAY ĐÃ ĐƯỢC XUẤT BẢN TỪ 6, 7 chục năm về trước, và MỔI KHI DÙNG BÀI NHƯ VẬY THÌ PHẢI ĐỂ NGUYÊN TÊN TÁC GIẢ CỦA BÀI VIẾT (Phần lớn đã hết bản quyền).

Lý do đơn giản là những bài như vậy RẤT CÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC ĐỌC VÀ NGAY CẢ THỜI TRƯỚC CŨNG KHÔNG PHẢI AI CŨNG CÓ MÀ ĐỌC. Tất cả đã đồng ý là sẽ làm như vậy kể từ số bản tin tháng tới. Cuối cùng dịch giả Vũ Anh Tuấn hứa sẽ cố gắng liên lạc với Nhà lưu niệm CỤ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI, tác giả cuốn ANH KHÓA, để đưa CLB đi thăm vào kỳ họp tới, nếu liên lạc kịp. Buổi họp kết thúc lúc 11:00 giờ.

Vũ Thư Hữu

THIÊN DUYÊN VỚI SÁCH CỔ

Một buổi sáng Chủ nhật vào tháng Tư năm 2002, tôi có việc phải xuống Mỹ Tho cùng một bà bạn để xem một tủ sách mà ông chú của bà ta muốn bán. Chúng tôi tới nơi, tôi chịu khó lục lọi rất kỹ cái tủ sách rất bụi bậm của ông cụ và chỉ kiếm được vài cuốn sách cổ và một tập báo Học Sinh, một thứ báo giáo dục cho nhi đồng của ông Phạm Cao Củng. Ông cụ chú bà bạn tôi hỏi ái ngại vì thấy chúng tôi đi từ Sài Gòn xuống mà lại chẳng được việc gì nên có ý muốn tặng không cho tôi mấy thứ tìm được. Tôi đã không nhận và đã gửi cụ một số tiền khá hậu hĩnh khiến ông cụ cám ơn mãi và mời ở lại ăn cơm. Vào lúc 1 giờ 30 tôi và bà bạn tôi xin phép ra về. Trên đường đi ra bến xe, chúng tôi gặp một tiệm bán sách cũ nho nhỏ ở bên đường, bà bạn không muốn cho tôi ghé và bảo “ở đây chỉ có sách mới, làm gì có sách cũ mà vào”; tôi cũng có cảm nghĩ tương tự và tính đi luôn, nhưng rồi cặp mắt “chuyên nhìn sách cổ” của tôi bỗng đụng phải hai chữ “Đời Mới” nằm khiêm tốn ở một góc cái tủ nhỏ. Óc suy luận của tôi lập tức vào cuộc, “Đời Mới?” Năm nay là năm 2002 làm quái gì có nhà xuất bản nào mang tên Đời Mới… Tôi đưa chồng sách cho bà bạn và bảo bà chờ tôi một phút, tôi chỉ ngó một cái và sẽ trở ra ngay. Chỉ ba phút sau tôi đã có trong tay cuốn sách “Tôi với Tản Đà” Ký ức của Nguyễn Văn Phúc với giá rẻ mạt có 10 ngàn đồng.

Đây là một cuốn “ký ức” kể lại những cuộc gặp gỡ giữa cụ Tản Đà và tác giả Ô. Nguyễn Văn Phúc, một người cháu của Cụ. Cuốn sách dày 126 trang do nhà Xuất bản Đời Mới ở 62 phố Hàng Cót Hà Nội cho ra đời vào năm 1944, 58 năm trước.

Xin các bạn hãy cùng tôi đọc mấy lời sau đây của tác giả:

“Tôi, một người cháu, hằng được sống những giờ thân mật, hằng được nghe những truyện tâm tình của Tản Đà, nều không viết về cuộc đời thi sĩ, thời văn học sử Việt Nam khi nói về thân thế và văn chương của người tất hẳn sẽ còn lại đôi phần thiếu sót…”

Qua 126 trang sách tác giả đã kể lại cho người đọc rất nhiều chuyện rất chi tiết về cuộc đời nay đây mai đó, khi bổng khi trầm của Cụ. Nhờ tác giả người đọc mới biết rằng cụ Tản Đà thi trượt hai khoa thi liền và có một người yêu mà thi sĩ yêu vụng nhớ thầm thì lại thuộc về người khác, và đó là lý do Cụ trở thành yếm thế và phải “mượn thơ văn để tiêu sầu”:

“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần giới em nay chán nữa rồi.”

Xin hãy cùng tôi đọc đoạn này của tác giả Nguyễn Văn Phúc:

“Mộng ngày xanh đã tan tác, lại đến lúc thi hỏng luôn hai khoá; truyện đời mười phần bất đắc chí đến tám chín, khiến cho Tản Đà cũng mang nặng những ưu tư, sầu chán. Khi đó, thi sĩ đã không tìm thấy hứng thú của sự sống, người đã phải thốt lên một câu vô cùng bi đát: “Đời đáng chán hay không đáng chán” cũng chẳng cần “Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm”.

Mục đích thời bấy giờ sự học ở khoa cử. Khoa cử có quan hệ đến thân thế. Đã hết sức chuyên tâm về sự học, mà cái mộng ông Nghè, ông Cống đã chẳng được như nguyện, nhà thi sĩ của sông Đà, núi Tản càng tiếc cho tài học mình bao nhiêu, lại càng thương cho thân thế mình bấy nhiêu. Và buồn hơn nữa, đã chẳng được là ông Nghè, ông Cống thời mỹ nhân mà thi sĩ yêu vụng, nhớ thầm, những mong được cùng nhau ăn đời ở kiếp, lại phút chốc về tay kẻ khác.

Bởi vậy, những bài thơ quốc văn đầu tiên của thi sĩ mới nhiễm đầy một giọng riễu mình, riễu đời. Những bài thơ đó sẽ để lại cho những người đọc sau này biết rõ một giai đoạn trong đời thi sĩ. Bài “Bán áo” dưới đây là một thí dụ:

Cử tú không mà rể cũng không
Còn đeo áo đoạn để ai trông,
Kìa màu Thượng Hải xanh xanh lợt,
Này giá Sơn Tây đáng mấy đồng,
Đang buổi khan tiền chơi cách thế,
Có ai biết của giúp nhau cùng.
Thơ văn chật ních tay buồn rỗi,
Bán áo mà mua giấy viết ngông.

Cái “viết ngông” của một nhà chân thi sĩ thực có ích lợi cho tiền đồ văn chương của Việt Nam đang ở trong thời kỳ phôi thai.

Ở đời nhiều khi rủi lại là may. Cứ một sự thi hỏng của Tản Đà, bảo là rủi thời thực là rủi. Nhưng cái rủi đó lại là cái may cho chính thi sĩ, và hơn nữa cho thi ca nước nhà.

Nhờ ở sự bất đắc chí lúc thiếu thời, Tản Đà đã để lại cho chúng ta được bao lời thơ du dương bất hủ, và đã ghi lại tên người mãi mãi với sử xanh.”

Thật vậy nếu như Tản Đà thi đỗ và ra làm quan, thì ngày nay chắc gì ông Quan Huyện, Quan Phủ Nguyễn Khắc Hiếu đã được mọi người nhớ tới, như là đang nhớ tới Tản Đà ngay cả lúc này…

Là người yêu thích cụ Tản Đà từ bé với các cuốn Lên Sáu, Lên Tám, khi đọc cuốn ký ức của người cháu Nguyễn Văn Phúc này tôi thấy rất thích thú, đặc biết nhất là đoạn Tản Đà nhận được thơ của cụ Nguyễn Văn Vĩnh mời cộng tác với tờ Trung Bắc Tân Văn mà cụ Vĩnh là chủ nhiệm vào thời đó. Sau một ngày suy nghĩ cụ Tản Đà đã viết cho cụ Vĩnh một thư thoái thác không chịu làm cho cụ Vĩnh. Cả họ cho cụ là gàn, nhưng thực ra cụ từ chối vì có lý do riêng của cụ mà họ không hiểu nổi. Và dưới đây, theo lời tác giả Phúc kể lại, chính là lý do tại sao cụ từ chối do chính miệng cụ nói ra: “Sở dĩ tôi không nhận lời là vì tôi đã có ý định nếu mình ra góp mặt với đời thời tự mình phải đứng chủ trương một cơ quan ngôn luận. Cơ quan ngôn luận đó sẽ hoàn toàn thực hành những quan niệm về văn chương, sẽ trình bày những lý tưởng của mình với quốc dân, chứ nếu mình viết giúp cho một cơ quan khác thời mình chỉ là phụ thuộc vào cơ quan đó, lẽ tất nhiên những tư tưởng, quan niệm riêng về xã hội, văn chương sẽ không thể làm theo như ý muốn của mình được. Vả lại, tôi muốn tự tài mình lại gây lấy một thanh thế cho mình, nếu mình thực có tài. Đi theo một người khác để nhờ người ta tiến cử hộ thời một nhà văn có tự trọng có bao giờ lại chịu làm…”

Đây thực sự là một cuốn sách hay viết về cụ Tản Đà bất hủ của chúng ta.

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI

Vũ Anh Tuấn

NGƯỜI NGOẠI QUỐC LÀM QUAN Ở VIỆT NAM

Sau khi đã hầu độc giả về chuyện những người Việt Nam đã sang làm quan Trung Quốc, chúng tôi tưởng chắc những người ngoại quốc từng đến làm quan giúp việc nước ta, cũng là câu chuyện lý thú các ngài muốn nghe.

Vì sự thật nước ta thuở xưa đã thu dụng ít nhiều người xứ lạ đến phục dịch mình; trong số ấy Tàu có Nhật có, người Tây dương cũng có.

Nhưng từ đời cận kim trở về trước, các triều đình vương phủ nước ta có dùng ngoại nhân nào không thật không thể biết. Một lẽ rất dễ hiểu là thiếu tài liệu. Quốc sử tịnh không thấy chép; dù có chăng nữa dễ thường nhà sử ta cũng bỏ qua, vì cho là không quan hệ gì. Còn ngoại thư về trước chỉ có sách Tàu, nhưng hầu hết là ghi chép hình thế phong tục cùng là các việc công sứ ở giữa hai nước mà thôi, ngoài ra chẳng thấy gì khác. Không như từ thế kỷ 16, 17 về sau, có nhiều sách Kỷ văn ký sự của thương nhân và giáo sĩ Tây dương toàn là những người chịu quan sát tỉ mỉ, lúc đến nước ta bất cứ nghe một chuyện hay, thấy một việc lạ nào cũng ghi chép không sót.

Nguồn tài liệu ấy dồi dào và quý báu cho những người muốn nghiên cứu lịch sử nước ta gần đây.

Bởi thế, bài sử thoại tầm thường của chúng tôi chỉ giới hạn vào khoảng hai trăm năm, từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19, nghĩa là đến triều Gia Long, Minh Mạng là cùng. Vả lại trong số ít nhiều người nước lạ đã cung dịch nước ta khoảng hai thế kỷ rưỡi ấy, ở đây chúng tôi cũng chỉ cử ra – tùy theo chỗ biết hữu hạn – năm ba nhân vật trọng yếu, đối với ta hoặc có ý nghĩa lịch sử, hoặc có sự tích thú vị, thế thôi.

Gọi là người ngoại quốc đến làm quan Việt Nam, vừa có quan hệ thân thiết với lịch sử ta trong một thời đại sôi nổi, vừa có tính cách vẻ vang lâu bền nhất, trước hết ta nên kể hai ông Chaigneau và Vannier, người Pháp.

Ai nấy hẳn nhớ đoạn sử về lúc chúa Nguyễn Ánh mới khởi binh ở Gia Định, thường bị thất cơ bại trận với quân Tây Sơn, may gặp ông giám mục Bá Đa Lộc bày mưu cầu cứu nước Pháp, rồi chính giám mục đem Hoàng tử Cảnh sang Paris cùng Pháp đình giao thiệp việc ấy.

Lúc bấy giờ tay vua Louis XVI ký điều ước hứa giúp chúa Nguyễn bao nhiêu chiến thuyền, binh lính, khí giới, nhưng rồi không thực hành được khoản nào cả. Đương thời, chính Pháp hoàng cũng lo tự cứu mình không xong, là vì ngọn lửa đại cách mạng đã ngầm bốc ở trong xã hội nhân tâm Pháp, sắp sửa bùng lên.

Giám mục Bá Đa Lộc thất vọng về mặt triều đình, bèn quyết lấy sức riêng của người Pháp để giúp đỡ chúa Nguyễn. Khi trở về, qua Ấn Độ Dương, ông mộ những người Pháp tài năng và đang lưu lạc quanh vùng ấy, là bọn ông Chaigneau, Vannier, de Forçant, Olivier, d’Ayot vv... hơn 20 người đem về Gia Định.

Nguyễn vương phong quan chức cho mỗi người. Họ đem quân cơ binh học phương Tây ra đóng tàu, đúc súng, xây thành, luyện quân, và dự cuộc chinh chiến. Từ đấy, lực lượng Nguyễn vương trở nên hùng hậu, có cơ đánh đổ Tây Sơn, khôi phục đại nghiệp.

Được trọng dụng nhất là hai ông Chaigneau và Vannier Nguyễn vương phong ông trên làm Chúa tàu Long, lại cho quốc tính đổi ra tên nam là Nguyễn Văn Thắng; ông dưới làm Chúa tàu Phụng, tên nam là Nguyễn Văn Chấn.

Những trận kịch chiến ở cửa Thị Nại và thành Quy Nhơn, đội thuyền hai ông cai quản có dự và lập chiến công không ít.

Ta không nên quên người tiến cử là ông Giám mục Bá đa Lộc, sau khi ở Pháp về, Nguyễn vương phong làm Phụ đạo, trông nom dạy dỗ Hoàng tử Cảnh lâm thời thường hỏi han về mọi việc quân quốc. Khi giám mục tạ thế ở Gia định, Nguyễn vương cùng Hoàng tử Cảnh khăn áo trắng đi đưa tận huyệt, rồi truy tặng Thái tử Thái phó Bi nại quận công. Nội những người làm quan nước ta, duy có giám mục được phong tặng phẩm tước cao nhất.

Khi vua Gia Long đã thống nhất nam bắc định đô ở Phú Xuân, hai ông ở lại làm quan tại triều. Nhà vua biệt đãi như hạng khách khanh, lúc vào chầu không phải lạy, thường gọi là “ông Long” và “ông Phụng” một cách thân mật, mà không kêu tên. Lại truyền công bộ xây cho mỗi người một phủ đệ ở bên kia Hương giang, cấp riêng 50 tên lính hầu và thời thường ân cần phủ tuất đến cả vợ con.

Hai người Pháp này chẳng những làm quan lớn Việt Nam, lại làm con rể Việt Nam nữa.

Ông Chaigneau vâng lời nhà vua khuyên lập gia thất kết bạn với cô Bernanette Hồ Thị Huề, con một nhà rất ngoan đạo ở kinh thành. Lễ cưới cử hành long trọng ở nhà thờ Phủ Cam, đầu năm 1802, tức Gia Long nguyên niên.

Hồ Thị vui cảnh Pháp Việt đề huề với ông Chaigneau được 11 năm thì mang bệnh qua đời, sinh hạ chín người con vừa trai vừa gái. Người trưởng nam tên là Michel Đức.

Lúc cậu này bẩy tám tuổi, ông bố thường dẫn vào cung triều yết vua và hoàng hậu.

Về sau Michel Đức biên chép những kiến văn của mình lúc thiếu niên ở nước Nam thành một quyển sách, tựa là “Kỷ niệm ở Huế” (Souvenirs de Huế). Tác giả tả về phong tục, chính sự, triều đình, nhân vật, tỏ ra người tài quan sát và hiểu việc nước ta đương thời một cách rõ ràng, thấu suốt.

Trước mắt vị Pháp Việt công tử ấy, Cao hoàng thật là một ông vua đức độ, thông minh, giản dị, thường ngày chăm xem sách nói về kỹ thuật kiến trúc, nhất là xây thành trì, pháo đài. Tác giả kể chuyện có một hôm, lúc mình còn bé, đi theo thân phụ vào chầu trong nội chắp tay vái chào nhà vua và tung hô “Thiên tử vạn tuế” nhà vua cả cười , nói:

- Hẳn là ba mi đã dạy mi điều đó hử?... Mi tưởng ta là con trời thật ư? Không, không, ta cũng là con cha sinh mẹ dưỡng như mọi người đấy thôi.

Ngài lại khuyên cậu bé chăm học, mai sau khôn lớn ngài sẽ bổ cho làm quan.

Michel Đức khen vua Gia Long tài giỏi, đến đỗi viết trong sách rằng: “Giá như đặt ngài vào đế vị một nước nào bên Châu Âu, cũng không phải là sai chỗ”.

Còn ông Vannier thì kết duyên với cô Nguyễn Thị Sen, ân ái cũng mặn nồng, con cái cũng đông đúc.

Hai ông làm quan nước ta suốt cả triều Gia Long, vua tôi tương đắc, ân lễ không suy; nhưng có điều ân hận là thủy chung không quyết định dược vua ta chịu cải cách mọi việc theo gương Thái tây, mặc dầu nhà vua thông hiểu tình thế thiên hạ lúc bấy giờ, thường nói với cận thần rằng : “Ta có người Pháp là bạn thì không lo Hồng mao dòm dõ xâm lấn.”

Đến khi vua Minh Mạng nối ngôi, có ý ghẻ lạnh ngờ vực các cựu thần, lại cố chấp đóng cửa ngoại giao, cấm đạo Thiên Chúa, ông Chaigneau và ông Vannier thấy tình thế không cho ở lại làm quan ở Việt Nam được nữa, bèn xin cáo lão, đem cả vợ con đáp tàu về Pháp.

Hơn ba chục năm sau, nghĩa là năm 1863, sứ bộ Phan Thanh Giản sang Paris triều kiến Pháp hoàng Napoléon đệ tam và thương thuyết về việc chuộc lại ba tỉnh Nam kỳ có được gặp gia quyến của hai vị khách khanh tiền triều.

Michel Đức, hơn 60 tuổi, đến tận sứ quán thăm cụ Phan và nhắc lại những kỷ niệm thiếu niên ở nước ta. Nhân tiện gửi về dâng vua Tự Đức một bức truyền thần ngự dung ngài, nhưng sứ bộ không dám nhận là vì bức vẽ ấy chỉ có bán thân, mang về sợ tội thất lễ.

Bà Vannier tức Nguyễn Thị Sen, lúc ấy đã 80 tuổi, nhà ở tận miền nam, cũng chịu khó chống gậy lên Paris, ra mắt sứ bộ Việt Nam. Cụ Phan có thay mặt triều đình tặng bà mấy nén bạc và mấy tấm lụa, là món quà nhắc nhớ cố hương. Bà nhận quà tặng ấy với hai hàng nước mắt, rồi ở lại Paris cho tới hôm tiễn biệt sứ bộ ta về nước. Cách mấy năm sau bà qua đời, mồ mả hiện còn ờ gần Toulon.

Cả những bằng sắc giấy vàng, đóng ấn quốc bảo mà vua Gia Long thưởng cùng phong chức cho hai ông Chaigneau và Vannier hồi đó cũng còn lưu trữ ở Bộ Ngoại giao nước Pháp.

Kể người Tây dương đến nước ta cung chức lâu ngày và được ân lễ hậu nhất, chỉ có hai ông ấy.

Về sau có lúc vua Minh Mạng đã triệu mấy vị giáo sĩ từ trong Gia Định về kinh, dùng làm Thông dịch quan, để dịch sử sách, kỳ thật chỉ gọi các ông ấy về giam lỏng một chỗ cho mất đi tứ tung truyền đạo vậy thôi.

Trước các ông Chaigneau, Vannier, de Forçant, Ollivier người Pháp làm quan dưới triều Gia Long, nước ta đã từng bổ quan phong chức cho ít nhiều người dị bang ngoại quốc để họ giúp việc ta về chính sự, về võ bị, hoặc vì mục đích ngoại giao kinh tế cũng có.

Ngoài người Tàu, người Nhật ra còn có cả người Hòa Lan nữa.

Chúng tôi chỉ kể một vài nhân vật và sự tích nào có tính cách trọng yếu về mặt sử học.

Đáng chú ý là mấy người Tàu có công với chúa Nguyễn trong cuộc thực dân đất Thủy Chân Lạp mở ra Nam kỳ, hồi cuối thế kỷ 17 bước sang 18.

Nhưng trước hãy nên nói qua về Hoàng Mộc và Chu Di Du Hoàng Môn là một thương gia Nhật có hiệu buôn bán ở Phủ Hội An, do chúa Nguyễn Hoàng tạo lập ra để chiêu tập ngoại thương sau khi vào trấn thủ Thuận Quảng ít lâu.

Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) nối ngôi, đem một công nương gả cho Hoàng Mộc, lại phong quan tước, ban quốc tính, đặt tên là Nguyễn Hiển Hùng. Việc ấy, có sắc chỉ đề ngày 22 tháng 4, niên hiệu Hoàng Định thứ 21 (niên hiệu vua Lê Kính Tôn nhằm tây lịch 1819), Nam Phong tạp chí ngày nọ đã lục đăng nguyên văn.

Cuộc hôn nhân này có mục đích quân sự, vì lúc bấy giờ chúa Sãi dự bị đánh nhau với họ Trịnh ngoài Bắc, cần mua các thứ quân nhu khí giới ở ngoài vào nhiều. Hoàng Mộc đã tận lực giúp đỡ ngài việc đó.

Vào khoảng ấy, một nhà nho Tàu, về phái tân học Dương Minh tên là Chu Chi Du, tự Thuận Thủy, Tỉnh Triết Giang, không chịu thần phục nhà Mãn Thanh, bỏ cả cửa nhà quê quán chạy sang ở Quảng Nam nước ta. Bản chí ông là muốn vòng đường Bắc kỳ để tìm vua Minh lúc ấy đang lẩn lút mưu đồ khôi phục ở vùng Quảng Tây -Vân Nam; nhưng sợ chúa Trinh bắt nộp cho Mãn Thanh, là vì vua chúa Bắc Hà đã xưng thần nạp cống triều Thanh rồi; ông đành theo ghe buôn dân Hội An nương náu trong đất chúa Nguyễn.

Nghe tiếng là nhà danh môn đạo học, chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) vời ông đến diện kiến.

Các quan ta bảo lạy, ông không lạy; bảo làm thơ thử tài, ông không làm, chỉ cầm bút viết mấy chữ rằng: “Tôi nước mất nhà tan, quân vương mắc nạn, còn lòng dạ nào mà làm thơ, vả lại thánh học có phải ở vần thơ đâu.”

Tuy vậy, chúa Hiền cũng lấy lễ đãi ông tử tế, dùng ông như bậc khách khanh, làm công việc hàn lâm học sĩ, thường vì chúa thảo thư từ việc quan và giải đáp những chữ khó trong sách.

Xem quyển “An nam cung dịch ký” ông viết, đủ thấy rõ thâm ý của ông muốn truyền tâm học ở nước ta, nhưng vì sĩ phu ta không hiểu, chỉ xúm lại yêu cầu ông làm thơ phú từ chương là việc ông không thích. Hơn nữa, nhiều người còn đến tận nhà hỏi về địa lý, tướng số, làm như xếnh xáng họ Chu là thầy địa chính tông và thầy bói thần diệu bên Tàu sang kiếm ăn vậy.

Chu lấy làm chán, treo bảng tạ khách ngoài cửa, rồi cách ít lâu bán cả đồ đạc trả tiền cơm trọ, đáp thuyền sang Nhật. Trước sau ông ngụ ở Quảng Nam 12 năm, nhưng chỉ giúp việc cho chúa Nguyễn một hai năm rồi bỏ đi.

Cái hại cho người ta có khi đem lại điều lợi cho mình, việc đời thường có như thế.

Khoảng năm 1674, hai vị phiên vương miền nam Trung quốc là Cảnh Tịnh Trung va Thượng Khả Hỉ, rủ nhau khởi binh ở Quảng Đông – Phúc Kiến, chống lại Thanh triều. Nhưng chỉ được vài ba năm, cả hai cùng phải đầu hàng.

Dư đảng là bọn Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình không chịu quy thuận, rủ nhau đem một vạn thủ hạ và 200 chiếc thuyền thoát chạy ra bể, vì sợ quân Thanh vây bắt.

Ngoài khơi, một trận bão lớn đánh tan vỡ đội thuyền, dìm xuống đáy bể phần lớn quân gia lương thực và khí giới. Chỉ còn sống sót độ 3000 người và 50 chiếc thuyền, nhưng buồm lái hư hỏng tan tành, không thể điều khiển được nữa.

Tội nghiệp bọn người vong quốc bôn đào ấy lênh đênh trên bể đến nửa tháng trời phó mặc sóng gió dày vò và xô đẩy. Họ phải nhịn đói nhịn khát, đến nỗi xé cả vỏ gươm với giày dép mà nhai. Trong trí ai nấy cầm chắc cái chết.

Thuyền cứ trôi theo dòng nước

Một hôm, họ thấy họ thấy bờ bến núi non hiện ra trước mặt. Trong bọn có người nhận ra, cố gượng reo lên mấy tiếng:

- Quảng Nam! Giao Chỉ!

Dương Ngạn Địch nhanh trí, liền sai người lên bờ giao thiệp, tình nguyện làm dân chúa Nguyễn.

Ban đầu chúa còn nghi ngờ, vì nhớ quân Tàu ngày xưa hay sang quấy nhiễu cướp bóc nước ta, biết đâu bọn này không ngầm có ác ý? Nhưng sau xét ra họ thành thực, vả lại ta đang cần dùng nhân công để khai khẩn đất hoang miền nam, chúa Nguyễn bắt họ làm giấy quy thuận, rồi phong chức cho bốn tướng, cấp cho khí cụ lương thực, sai họ dẫn cả thủ hạ vào khẩn điền ở Đông Phố trại, tức là Nam Kỳ, thuở đó còn là đất Chân Lạp. Lúc đầu thế kỷ 17, nghĩa là trước câu chuyện này mấy chục năm, ta đã từng di dân đồn điền ở Chân Lạp, nhưng chỉ mới đến Bà Rịa - Biên Hòa thôi.

Phụ Bản I

Bọn Dương Ngạn Địch hơn hơn 3000 người – bỗng chốc, tướng trở nên quan, lính thành ra dân Việt Nam – lại xuống thuyền vào thẳng Đông Phố khẩn điền, lấy danh nghĩa và theo mệnh lệnh chúa Nguyễn.

Họ chia ra làm hai tốp đồn điền: một tốp đến Đồng Nai ở Biên Hòa. Một tốp xuống Mỹ Tho. Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình quản xuất tốp trên; còn Dương Ngạn Địch cùng Hoàng Tiến thì chỉ huy tốp dưới.

Mỗi nơi họ đồn điền đều làm nhà mở chợ, xả rạch lập làng, lại dựng nên phường phố buôn bán, lần hồi người Tây, người Cao Ly, người Nhật đến lập ra hàng hiệu, kinh doanh thương mại rất đông đúc vui vẻ. Người mình ở đàng Ngoài theo chân đến vỡ đất cày ruộng cũng nhiều.

Không mấy chốc mà cả hai khu vực rộng mênh mông ấy, ruộng đất không còn cỏ lau mọc hoang như xưa, và san sát những xóm làng chợ búa Việt Nam. Bọn Dương Ngạn Địch là Doanh điền sứ của ta trong thời đại ấy, có công mở mang một bộ phận ở Nam kỳ, cũng như ông Nguyễn Công Trứ là Doanh điền sứ sau này, lập nên hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải ở đất Bắc vậy.

Đúng hai chục năm sau, nghĩa là đến năm 1698 chúa Nguyễn lấy hai đất Gia định và Biên Hòa đặt vào bản đồ nước ta.

Rồi lại mười năm sau đó, một người Tàu khác đem đất Hà Tiên dâng nộp và xin thần phục. Ấy là Mạc Cửu.

Ông này người Quảng Đông, con cháu cựu thần nhà Minh, cũng không chịu cúi đầu làm tôi Mãn Thanh, bèn dẫn thủ hạ gia nhân sang ở Chân Lạp. Nhân thấy ở phủ Sài mạt có nhiều thương thuyền ngoại quốc lui tới, liền nghĩ ra cách mở sòng đánh bạc để lấy tiền hồ, rồi dùng tiền ấy chiêu mộ lưu dân các nơi đến ở, lập ra 7 xã, gọi là Hà Tiên.

Đến năm 1708, Mạc Cửu dâng biểu xin phụ thuộc chúa Nguyễn; chúa phong làm chức Tổng binh, Hà Tiên Trấn thủ.

Qua đời con là Mạc Thiên Tứ gia công mở Hà Tiên thành ra một nơi văn vật, nhờ thế được phong tới chức Đô đốc.

Trần Thượng Xuyên, một trong bốn tướng Tàu đã sang thần phục ta lúc trước có công lao doanh điền và chiến trận rất nhiều, nên được chúa Nguyễn trọng dụng, đến năm 1714, cất nhắc lên tới chức đô quyền đốc phiên trấn, nghĩa là cầm quyền thủ hiến Gia Định.

Cả Mạc Thiên Tứ và Trần Thượng Xuyên đều là người ngoại quốc đến làm quan Việt Nam rồi sau hóa ra người Việt Nam hoàn toàn.

Trong khi ở xứ Đàng Trong chúa Nguyễn đã phong quan cho người Tàu, ban quốc tính cho Hoàng Mộc, như chúng tôi đã kể không biết chúa Trịnh có dùng một hai người dị bang nào giúp việc cho mình chăng?

Vị trí xứ bắc tiếp giáp gần Tàu quá, chúng tôi thiết tưởng rằng chúa Trịnh không dám dung nạp những người “phản Thanh phục Minh” như hạng Dương Ngạn Địch, là vì phòng sợ gây vạ hiềm khích binh đao với Mãn Thanh mà Lê triều ta đã thụ phong. Chứng cớ là khi vua Minh là Vĩnh Lịch trốn tránh ở Quảng Tây và khi Ngô Tam Quế phản Thanh xưng vương ở Vân Nam, đều muốn giao thiệp hoặc cầu cứu ở nước ta, nhưng chúa Trịnh phải tìm cớ từ chối, không muốn sinh sự với Mãn Thanh lúc ấy đang cường thịnh.

Có điều người xứ khác thì chúa Trịnh có dùng, theo trong ký sự của thương nhân và giáo sĩ Tây dương đã nói:

Carl Harisink, hạm trưởng một chiếc tàu buôn Hòa lan, đến xứ Bắc vào lúc gần giữa thế kỷ 17, thuật truyện rằng trong phủ chúa Trịnh hồi ấy có hơn 10 người Cao Ly và Nhật Bản cung chức. Họ trông nom các công việc quan hệ về thương mại và ngoại giao. Ông ta nói trong số đó, chức vị cao nhất, là hai người Nhật là Rizaemon và Heigoro, đến hai người Cao Ly Ursnia và Nicholas Schemon. Theo ông đã dò hỏi thì chức quan của Rizaemon đến hàng nhị phẩm và được chúa Trịnh coi như con nuôi.

Chúng tôi không nhớ rõ được xem thấy ở tập ký sự nào, có đoạn kể rằng: Samuel Barol, thân phụ là người Hòa Lan, mẹ Bắc kỳ ở Thăng Long từ 1669-1680, cũng là một người đã được chúa Trịnh phong cho quan chức, dùng vào việc phiên dịch thơ từ ngoại giao. Vì Samuel Baron sinh đẻ ở đây, tiếng nói của mẹ rất là thông thạo.

Ấy, về số người ngoại quốc làm quan ở Bắc Hà, chúng tôi mới biết có thế.

Trước khi chấm hết bài này, ta không nên quên lúc cuối thế kỷ 17, vua Quang Trung nhà Tây Sơn có chí đánh Tàu để lấy đất Lưỡng Quảng, đã dung nạp ít nhiều võ tướng người tàu và phong họ đến chức tướng quân hay đô đốc. Nhưng rồi cái chí lớn kia cũng theo nhà vua mà nhắm mắt qua đời.

QUÁN CHI

“PAUL ET VIRGINIE”, CUỐN TRUYỆN TÌNH
VƯỢT THỜI GIAN, KHÔNG GIAN

Cuốn truyện tình bất hủ này được sáng tác vào hậu bán thế kỷ thứ 18 vào năm 1787. Tác giả tên là Jacques-Henri Bernadin de Saint-Pierre (1737-1814), một người chuyên viết các bài nghiên cứu thiên nhiên. Ông khá thành công với chuyên đề này vì vào thời đó, rất nhiều người ưa thích các chuyện về cây cỏ, động vật và phong cảnh miền Nhiệt Đới mà ông mô tả. Truyện tình “Paul et Virginie” thoạt tiên cũng chỉ được coi như một đề tài phụ thuộc vào vấn đề nghiên cứu thiên nhiên, trong đó tác giả muốn đưa vào thiên nhiên có muôn hình muôn vẻ đẹp một mối tình thơ ngây dân dã. Không ngờ tác phẩm vừa ra đời đã nhận ngay được một thành công khó tưởng tượng nổi vì nó đã làm cho hàng ngàn hàng vạn các bà các cô khóc nức nở khi đọc hết. Vào lúc đó, cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến nữ giới khiến cho người ta cho vẽ các cảnh trong truyện vào bông tai vào vòng đeo tay, và người ta vấn tóc theo kiểu nữ nhân vật Virginie. Kể từ lúc ra đời đến nay, tác phẩm được in đi in lại không biết bao nhiêu lần, và điều kỳ dị là sự thành công lập đi lập lại mãi tới ngày nay cũng chưa dứt. Sách đã được in và dịch ra tại hầu như bất cứ nơi nào trên trái đất. Ở nước ta cũng có bản dịch lấy tựa là “Sống Thác Với Tình” khoảng vài ba chục năm trước.

TẠI SAO VÀ TRONG HOÀN CẢNH NÀO BERNADIN DE SAINT-PIERRE SÁNG TÁC RA TÁC PHẨM BẤT HỦ NÀY?

Năm 1765, ở tuổi 28, sau nhiều năm sống cuộc đời mạo hiểm phiêu lưu đây đó lung tung, Bernadin de Saint-Pierre kiếm được việc làm ở Ile de France, đảo này ngày nay là đảo Maurice. Tại đây chàng được nghe nói về chuyện chiếc Saint-Géran, một chiếc tàu Pháp bị đắm vì đụng đá ngầm nơi ven đảo. Trong số các hành khách có một thiếu nữ tên là Longchamps de Montendre, chẳng may cả hai đều tử nạn. Đây chỉ là một chuyện tác giả được nghe kể lại, do đó chẳng ăn nhằm gì tới nhân vật Paul và Virginie, hoặc hai nhân vật khác không kém phần quan trọng là bà De la Tour và bà Marguerite của thiên truyện. Tác giả cho rằng đây cũng chỉ là một tác phẩm nghiên cứu thiên nhiên trong đó ông có mô tả “một vùng đất đai, cây cỏ khác với đất đai cây cỏ ở Châu Âu” và tô điểm thêm bằng một mối tình ngây thơ dân dã, vì ông cho rằng: “các tác giả khác đặt các nhân vật trong các thiên truyện diễm tình của họ “trên bờ suối, trong đồng nội, hay dưới các rặng hoa” tại sao ta lại không đặt các nhân vật của ta trên bờ biển, dưới chân các rặng núi đá, dưới bóng dừa, hoặc dưới những tàu lá chuối và những cây chanh đang trổ hoa”.

Bernadin de Saint-Pierre kể rằng khi còn ở Ile de France, ông ta thường đi dạo chơi ở sườn phía đông của một ngọn núi đứng sừng sững sau cảng Port-Louis. Một ngày kia trong lúc rong chơi ông bỗng lưu ý tới hai túp lều đổ nát nằm trên một mảnh đất trước kia được cầy cấy. Nơi này được ông ưa thích và thỉnh thoảng lại trở lại chơi; cũng tại đây ông đã gặp một cụ già có nét mặt “quý phái và hiền từ”. Ông cụ này có quen biết với những người trước kia ở trong hai túp lều hoang và kể cho tác giả nghe câu chuyện của họ như sau:

“Vào năm 1726, một người trẻ tuổi tên là De la Tour, tuy thuộc một gia đình giàu có, nhưng lại rất nghèo đến sinh sống ở đây với người vợ trẻ. Người này không hiểu vì lý do gì bị gia đình chối bỏ không giúp đỡ, nên rất buồn và chỉ một thời gian sau đã từ trần để lại người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng. Bà De la Tour và người hầu gái da đen liền rút về nơi hoang vắng này, và ở chính nơi đây, nơi có hai túp lều hoang này, bà đã gặp được bà Marguerite, một nạn nhân khác của định mệnh; bà này bị một gã sở khanh thấy bà ta là một thôn nữ người xứ Breton hiền lành nên đã tặng bà một chú nhỏ rồi quất ngựa truy phong. Gặp nhau trong cảnh khổ hai người trở thành đôi bạn thân thiết; với thời gian tình cảm ngày càng gia tăng của họ chỉ có thể so sánh với sự quyến luyến ngày càng sâu đậm giữa hai đứa con của họ: Paul và Virginie. Được sống gần nhau và được nuôi dưỡng như hai anh em, cặp thiếu niên này khi lớn lên thấy rằng họ không cần gì hơn là niềm vui được sống bên nhau. Rồi vào đúng lúc Virginie cảm thấy biết yêu thì vị Thống Đốc của hòn đảo, ông De la Bourdonnais cho biết là ông nhận được một lá thơ của một bà cô đã già của bà De la Tour, vì thấy mình gần đất xa trời nên muốn cháu gái mình là Virginie về ở với mình. Ông Thống Đốc cố thuyết phục Virginie nên đi trong lúc nàng thoái thác; nàng không muốn rời xa Paul và gia đình. Nhưng ông Thống Đốc và ông cha sở có một ảnh hưởng quá lớn khiến Virginie đành phải chịu về Pháp. Vào lúc đó người ta sợ Paul phát điên, phát cuồng lên. Sau khi người yêu đi rồi, chàng buồn bã trở lại tất cả những nơi chốn hai người thường gặp nhau, nhất là dưới những gốc dừa được trồng ngày họ mới chào đời và vẫn được họ coi như biểu tượng cho mối tình của họ. Thơ từ Virginie gứi về cho thấy nàng càng ngày càng gặp nhiều điều khó khăn. Cuối cùng, vài tháng sau đó, Virginie cho biết nàng không còn chịu đựng nổi, đã cãi vã với bà cô và đã bị bà từ bỏ không cho hưởng gia tài. Nàng hân hoan báo tin sẽ trở lại đảo. Paul sung sướng đến gần phát điên, chàng ra bờ biển chờ đón con tàu sẽ mang trả tình yêu về cho mình. Định mệnh trớ trêu thay, vào lúc tàu gần về tới bến, một cơn giông bão lớn bỗng nổi lên. Biển động dữ dội, gió rít xé trời làm trái tim những người đang chờ đợi ứa máu. Và rồi tấm thảm kịch đã xảy ra, vô phương cứu chữa, vì con tàu đã chìm nghỉm. Virginie đã bị sóng nhận chìm ngay trước mắt những người đang rộng vòng tay tưởng đã nắm bắt được bóng hạnh phúc. Kể đến đây ông già phúc hậu đã không cầm được nước mắt khi cho biết kết thúc bi thảm của hai gia đình hiền hòa đạo đức đó: Paul vì không chịu nổi niềm đau nên một thời gian sau đã bịnh và chết theo Virginie – một thời gian ngắn sau cái chết của Paul hai bà mẹ cũng theo nhau qua đời”.

Tuy đã được coi như một tác phẩm cổ điển, cuốn Paul et Virginie vẫn còn được nhiều người yêu thích, và có thể sẽ mãi mãi được những người hiền hòa trên đời này tìm đọc.

Tài liệu rút trong “Dictionnaire des Oeuvres”
Huỳnh Nguyệt Anh

LUẬN GIẢI TƯỚNG SỐ của Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải và bọn đầu trâu mặt ngựa…

Mở đầu, nhà thơ Tiên Điền Nguyễn Du đã cho ta biết nội dung truyện Kiều là nói về số mệnh một người con gái tài hoa bạc số nhưng phải chịu truân chuyên bởi Tài Mệnh tương đố.

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…

Hai câu này để chỉ vào số phận người con gái là Vương Thúy Kiều, như vậy Nguyễn Du đã luận đoán về số mệnh của Kiều. Nhưng Số và Mệnh con người được ghi khắc trên thân thể bằng những dấu vết đặc biệt đó là Nét Tướng.

Xin dẫn chứng là Thúy Kiều khi gặp Kim Trọng lần đầu, nàng đã xem qua tướng diện của chàng, lúc sắp sửa cùng nhau thề ước trong vườn Thúy:

Nàng rằng trộm liếc dung quang
Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay
Nhớ từ thuở tuổi thơ ngây
Có thầy tướng sĩ đoán ngay một lời
Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa
Trông người lại ngẫm đến ta
Một dày một mỏng biết là có nên?

Sau khi ngắm qua tướng diện Kim Trọng, Kiều biết số mệnh của chàng vào hàng phú quý, rồi ngẫm lại phận mình và chạnh nhớ thời thơ ấu có thầy tướng số du phương đã đoán phận mình anh hoa sớm phát tiết, là phải chiụ truân chuyên cả cuộc đời dù rằng là đời tài hoa. Vì thế, Kiều lo sợ duyên nợ sẽ không thành, nhưng quan niệm của Kim Trọng lại khác; chàng nhất quyết không bỏ dở cuộc tình chỉ vì một cớ nhỏ là Kiều có số truân chuyên. Quyết thay đổi mệnh số, nếu có gặp trắc trở truân chuyên chàng cũng sẽ cùng người yêu bên nhau để suốt đời để thay đổi số mệnh:

Sinh rằng giải cấu là duyên,
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.
Ví dầu giải kết đến điều,
Thì đem vàng đá mà liều với thân!

Về sau quả nhiên ứng nghiệm vào những lời của Kim Trọng. Tác giả Thanh Tâm Tài Nhân đã chấm dứt cuộc đời luân lạc của Kiều nơi sông Tiền Đường. Nhưng nhà thơ tài hoa Nguyễn Du đã thêm đoạn tái hợp Kim, Kiều cho có hậu. Như vậy chàng Kim và nàng Kiều cũng đã thắng số mệnh phần nào. Vì Kiều đã hy sinh và chịu nhiều nhẫn nhục. Có một điều Nguyễn Du muốn đề cập ở đây là hãy thương xót những con người bị xã hội khinh khi chê trách vì đã phạm vào tội lỗi xấu xa. Nhưng chúng ta phải thông cảm vì họ bị đọa đày vì định mệnh. Nếu Kiều đẹp theo tướng phú quý an nhàn như Thúy Vân thì cuộc đời đâu đến nỗi như vậy.

Bây giờ chúng ta hảy xem lại tướng mệnh của Thúy Kiều ra sao mà thuở nhỏ ông thầy tướng sĩ du phương đã đoán là Nghìn thu bạc mệnh?

Theo trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã phác họa những nét chính về tướng diện nàng Kiều như sau:

Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Đầu tiên là nó về đôi mắt của Kiều, mắt thuộc loại đẹp sáng long lanh và ướt như có tráng một lớp men, loại mắt “như nước hồ thu” là tướng mắt của người đa dâm. Như trong sách Ma Y thần tướng đã viết: Nhã quang thu thủy nam nữ đa dâm. Nghĩa là dù nam hay nữ có cặp mắt sáng long lanh như nước đều là hạng người đa dâm. Lại thêm đôi mày của Kiều còn xanh mướt như cỏ mùa xuân trên núi, là loại mắt của người phụ nữ đa tình nhiều nước mắt, suốt đời sẽ khổ lụy vì tình, và đôi mày lại rậm rạp xanh tốt như cỏ mùa xuân đó cũng là biểu hiện nét tướng tiện dâm.

Ở đây, Nguyễn Du dịch rất sát nghĩa hai câu trong nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân:

Nhãn như thu thủy, my tự xuân sơn

ra câu thơ:

Làn thu thuỷ nét xuân sơn.

Đã nói lên cuộc đời truân chuyên lưu lạc của Kiều, mặc dù nàng xuất thân trong gia đình phú quý, con gái của một Viên ngoại. Và còn câu: Hoa ghen thua thắm liểu hờn kém xanh. Cho thấy rõ cuộc đời bạc mệnh của nàng Kiều phải là lăn lóc trong chốn “liễu ngõ hoa tường”.

Về nét tướng Thúy Vân thì:

Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang.
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Đây là tướng diện thanh tao của một mệnh phụ, khác hẳn nét đẹp sắc sảo dâm bần của Kiều.

o0o

Tướng diện bọn “Đầu trâu mặt ngựa” là bọn Sai Nha và tướng bạc ác của bọn Mã Giám Sinh, Tú bà, Sở Khanh.

Tướng ngưu đầu mã diện là tướng ác, người xưa miệt thị là bọn đầu trâu mặt ngựa. Đàn ông có tướng mã diện (mặt ngựa) là phần dưới (từ mũi trở xuống dài như mặt ngựa), là tướng của người vô cùng độc ác. Sách tướng Đông phương gọi đó là hạ đình trường. Bọn này phần đông là Nha trảo của bọn tham quan, ô lại hoặc bộ hạ thân tín của bọn cậy thế ỷ quyền như Mã Giám Sinh.

Hãy nghe Nguyễn Du tả tướng diện của họ Mã:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Tướng pháp cho rằng đàn ông có râu mà không có ria là loại sát nhân. Người có ria không râu là tướng bần tiện. Nếu không có cả chân mày là người bạc ác đối với cả họ hàng thân thuộc.

Họ Mã trước kia cũng là tay giàu có vì ham ăn chơi mà trắng tay, phải kiếm sống bằng nghề ma cô, đi làm thuê cho mụ Tú Bà.

Quá chơi lại gặp hồi đen,
Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.

Còn đây là tướng diện của mụ Tú Bà:

Lầu xanh có mụ Tú Bà,
Làng chơi đã trở về già hết duyên.
Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa, mướp đắng, đôi bên một phường.

Số phận đã đưa Thúy Kiều vào tay tên ma cô họ Mã. Sự đau đớn của đời Kiều bắt đầu từ đó. Tiếp theo là con đường truân chuyên đưa nàng vào tay mụ chủ chứa Tú Bà, sự đau khổ cũng từ đó tăng lên bội phần.

Nét tướng ác độc của mụ Tú Bà đã được Nguyễn Du phác họa:

Thoắt trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao?

Người có nước da lợt lạt thuộc hành Thủy, thân hình đẫy đà thuộc hành Thổ là loại tướng phản cách. Tú Bà người có tướng của một gái điếm già, rồi ngoi lên làm một chủ chứa ranh ma. Những kẻ cộng tác với mụ ta như Mã Giám Sinh, và tên điếm đực Sở Khanh đều là phường ma cô. Tên họ Sở này còn có diện tướng rất đặc biệt:

Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào.

Mặt mo là loại mặt của bọn tiểu nhân hèn hạ, đã biểu lộ trong những lần hắn ta giở quẻ đểu cáng với Kiều ở lầu xanh.

Tướng mệnh của Từ Hải

Nhân vật Từ Hải được Nguyễn Du đặc tả như sau:

Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.

Theo tướng pháp Đông Phương, muốn đo vai, là phải đo từ chót vai bên này sang đến chót vai bên kia. Ở đây Nguyễn Du tả vai của Từ Hải rộng 5 tấc (thước Tàu chỉ dài có 0,37m). Chúng ta hình dung một người có cổ bạnh, tướng pháp gọi là cổ én (yến cảnh). Trong bài phú Ma y thần tướng có câu: “Hổ đầu, yến cảnh, Ban Siêu thụ phong Định Viễn Hầu.” Tướng đầu cọp của Từ Hải được Nguyễn Du thay bằng “Râu hùm” tức là râu mọc tua tủa ra hai bên như râu cọp (hùm). Râu lại nằm trên chiếc cằm bạnh như hai cánh con chim én đang bay, phù hợp với nét tướng trong câu phú của Ma y: “Yến đầu, hổ ngạnh, Nam tử đăng đàn tướng lãnh”. Nhưng định mệnh trớ trêu đã đặt lên trên đôi mắt của Từ Hải thêm đôi mày ngài!

Nhiều người cho rằng mày ngài là mày giống con tằm, vì lầm tưởng chữ “ngài” là chữ Nôm, gồm chữ ngài ghép với bộ trùng, có nghĩa là con tằm.

Vì xưa nay đã quen với câu Râu hùm, Hàm én, Mày ngài là hợp cách. Nhưng ở đây Nguyễn Du không tả mày tằm mà nói rõ là “mày ngài”.

Có người nghĩ rằng vì tuân theo vần thơ Lục Bát cho nên Nguyễn Du phải viết “mày ngài” cho câu thơ đúng với vần “ay”. Nghĩ như vậy là sai, nếu Nguyễn Du định tả “mày tằm” thì câu thơ có thể như vầy:

Râu hùm hàm én mày tằm
Vai ba tấc rộng, lưng năm thước dài.

Nếu Từ Hải có đôi mày tằm, nghĩa là không phá tướng thì có lẽ Nguyễn Tiên Điền sẽ cho họ Từ làm bá chủ Chư hầu hoặc làm vua một cõi, chứ không chết đứng như vậy. Ở đây lại là đôi mày ngài, một thứ mày cong và dài, đuôi mày vươn lên như hai cái râu con ngài. Nếu nét mày ngài nằm trên đôi mắt của Thúy Vân thì là hợp cách, còn nằm trên Râu hùm, Hàm én là phá cách. Tượng trưng cho một hạng người đa tình, đa cảm, sẽ lụy vì tình. Vì vậy trong con người của Từ Hải có hai khuynh hướng mâu thuẫn: Một là anh hùng ngang dọc và là nghệ sĩ đa tình. Vì vậy, khi nghe Hồ Tôn Hiến chiêu hàng, con người anh hùng trong Từ Hải đã phản ứng:

Một tay xây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành.
Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu.
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi Công, Hầu mà chi?...

Nhưng sau khi nghe những lời tỉ tê của nàng Kiều:

Nhân khi bàn bạc gần xa,
Thừa cơ nàng mới bàn ra tán vào.
Rằng ơn Thánh Đế dồi dào,
Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.
Hình thành công đức bấy lâu,
Ai ai cũng đội trên đầu biết bao.

Rồi nàng nhắc Từ Hải:

Ngẫm từ dấy việc binh đao,
Đống xương vô định đã cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau,
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào.
Sao bằng lộc trọng quyền cao,
Công danh ai sánh lối nào cho qua.

Thế là Từ Hải xiêu lòng vì những lời thủ thỉ của Kiều:

Nghe lời nàng nói mặn mà,
Thế công Từ mới đổi ra thế hàng…!

Nếu Từ Hải không có nét tướng mày ngài là nét tướng lụy vì tình thì từ đâu có dễ dàng nghe những lời ỉ ôi của nàng Kiều để rồi lầm mưu của Hồ Tôn Hiến, phải chết tức tưởi, chết mà thân còn đứng sững như trời trồng, đợi lúc Kiều đến nhỏ mấy giọt nước mắt ân hận, mới chịu ngã xuống. Quả là một chuyện tình hi hữu:

“Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”,
Dòng thu như chảy mạch sầu.
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.
Lạ thay oan khí tương truyền,
Nàng vừa gục xuống Từ liền ngả ra…

Đọc xong tâm sự của nhà thơ Tiên Điền gởi gắm vào câu chuyện tình thương tâm của Từ Hải và Thúy Kiều, chúng ta mới cảm thông phần nào về số mệnh con người. Nhưng với nỗi niềm thầm kín của Nguyễn Du trước khi nhà thơ lâm chung còn gởi lại cho người đời sau hai câu tâm sự, ai nghe cũng phải ngậm ngùi:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Nếu chỉ hiểu Nguyễn Du viết Truyện Kiều là để tỏ lòng trung với triều Hậu Lê trong khi phải buộc lòng ra làm quan với Triều Nguyễn, thì có lẽ người đương thời cũng đã hiểu, đâu cần phải ba trăm năm sau?

Lê Phương Chi

sưu tầm và biên khảo

Phụ Bản II

CHUYỆN VỀ CÁC GIỜ KHẮC SÁNG TÁC TRONG ĐỜI CÁC DANH NHÂN

Một vài mẩu chuyện dưới đây đủ để chứng minh rằng ta chẳng nên khái quát hóa, mỗi khi phải trả lời câu hỏi xem ban ngày với ánh mặt trời sáng chói, hay ban đêm và bóng tối êm dịu, thích hợp cho các hoạt động sáng tác hơn.

Thiên tài hội họa Le Greco là một trong số các danh họa thích sáng tác ban đêm hơn là ban ngày. Một hôm một họa sĩ Tây Ban Nha tên là Clovio tới thăm nhà danh họa, và thấy ông này, ngay giữa tháng năm, mà lại ở trong một căn phòng tăm tối. Le Greco không làm việc, mà cũng không ngủ, nhưng ông ta không muốn đi ra ngoài, vì cho rằng ánh sáng mặt trời sẽ làm rối loạn ánh sáng nội tâm của mình!

Rembrandt, một đại danh họa khác cũng chỉ thích làm việc ban đêm. Một nét đặc thù trong tranh của ông là sắc vàng rực, không phải là ánh vàng do ánh sáng mặt trời đem lại. Trong khi các họa sĩ khác chỉ dùng toàn ánh mặt trời, hoặc một nguồn ánh sáng nào khác, Rembrandt chỉ thích dùng những tia sáng từ một ngọn nến. Văn hào người Bỉ viết tiếng Pháp Emile Verhaeren viết: “Ánh sáng mà Rembrandt muốn là ánh sáng tỏa ra từ những ngọn nến. Đó không phải là ánh sáng tự nhiên bao phủ lên sự vật, khúc xạ lên chúng và làm cho chúng trở nên sống động bởi những nét tương phản. Ngược lại đó là thứ ánh sáng lý tưởng, ánh sáng của tư tưởng và của trí sáng tạo.”

Đại văn hào Proust cũng vậy; ông này cũng chỉ có thể làm việc được ban đêm. Proust ghét ánh sáng tự nhiên và cả ngày ở trong một căn phòng có những cửa sổ che màn và được đóng kín. Đại văn hào này, mỗi khi muốn gặp gỡ các thân hữu, thường không ngần ngại gì khi sai người tài xế của mình lái xe đi mời họ lại.

Vasari, một môn đệ của đại danh họa kiêm đại điêu khắc gia Michel-Ange, một buổi tối tới thăm vị họa sư của mình và thấy ông đang đứng một mình trước một khối đá cẩm thạch tiền thân của bức tượng Pieta (tượng Đức Mẹ Sầu Bi) nổi tiếng. Sáng hôm sau môn đệ này gửi lại biếu họa sư của mình một chục hộp nến sáp. Nhưng Michel-Ange từ chối và cho biết ông chỉ dùng một ngọn đèn thắp bằng mỡ dê, thứ mỡ cho một ánh sáng trắng và tuyệt đối không có khói. Phòng làm việc của nhà danh họa tối om như nhà mồ. Ngay ở trên cầu thang ông đã vẽ Thần Chết mang trên vai một cỗ quan tài. Michel-Ange sống như một người nghèo khổ, ăn uống rất đạm bạc và ít; vì không ngủ được nhiều, ông thường thức dậy ban đêm và làm việc với cây kéo. Vasari kể: “Họa sư đã tự làm cho mình một cái mũ bằng bìa cứng, và gắn trên mũ đó một ngọn nến soi sáng cho ông làm việc mà không làm bận đến hai tay”. Càng về già, Michel-Ange càng muốn giấu mình vào sự cô đơn. Khi cả thành La Mã ngủ yên, nhà danh họa lại cảm thấy nhu cầu phải làm việc thức dậy.

Đại văn hào Horoné de Balzac viết và viết, đêm này qua đêm khác để hoàn tất bộ “Tấn Tuồng Đời” dài gần 40 cuốn. Bốn ngọn nến thường xuyên cháy trên bàn làm việc của ông, được đặt rất gần cái giường, khiến đại văn hào có thể vừa nằm vừa viết. Các người cùng thời kể rằng Balzac có thể làm việc 18 tiếng một ngày, liên tục không nghỉ. Ban ngày ông ăn rất ít, nhưng buổi chiều ông ăn một bữa ăn cực kỳ nhiều và thịnh soạn, sau đó ông đi ngủ và đến nửa đêm lại thức dậy để làm việc tiếp.

Tất cả các sách văn học Pháp đều mô tả giống nhau hình ảnh Balzac làm việc. Dưới đây là sự mô tả của ba tác giả Abry, Audic va Crouzet: “Tất cả các cuốn sách đó (các tác phẩm của Balzac) đều được viết ra trong vội vã. Thường thường, văn hào của chúng ta đã nhận tiền trước rồi. Lãnh tiền rồi Balzac ở miết trong nhà, ông mặc một cái áo ngủ dài chấm chân mà tất cả các sách và các biếm họa đều trình bày giống nhau, rồi lăn vào viết 15 giờ một ngày để hoàn tất tác phẩm với một mức tưởng tượng vượt bực và một nỗi hăng say khủng khiếp được các tách cà phê ông uống kích thích thêm. Ấn công lại nhà lấy bài ngay khi ông viết ra và Balzac cũng sửa bản in với một mức độ hăng say tương tự khiến các ấn công cũng phải phát hoảng. Tự kiêu về mãnh lực sáng tác phi thường đó, Balzac tự coi mình là “Napoléon của Văn Học”, và ông viết: “Điều đáng được tưởng thưởng, sự vinh quang trong nghệ thuật… chính là sự can đảm, một đức can đảm mà những kẻ tầm thường không bao giờ dám ngó tới.”

Gladstone , nhà chính khách Anh quốc, có thể tự hào rằng ông đã thức chứ không ngủ trong ba phần tư cuộc đời mình. Khi giữ chức Tổng trưởng và sau này là Thủ Tướng, ông thấy ngày tháng không đủ dài đối với ông. Gladstone có tài hùng biện đến nỗi mỗi khi ông diễn thuyết, các thính giả đang ngủ gật cũng phải thức ngay dậy để nghe. Trong những giờ làm việc, mỗi khi được rảnh rỗi ông lại dịch các tác giả cổ Hy Lạp là Homère và Ovide. Khi về già, lúc đôi mắt đã yếu kém, ông vừa lim dim vừa viết.

Đại văn hào Pháp Voltaire cũng thích làm việc ban đêm và mỗi đêm ông uống trung bình 12 tách cà phê đặc; chính trong những hoàn cảnh đó ông đã lưu lại cho chúng ta biết bao tác phẩm bất hủ.

Còn về đại văn hào Goethe thì ông này lại nổi tiếng là người thích dậy sớm. Ngay trong ngày 22 tháng 3 năm 1832 là ngày cuối cùng trong đời ông, ông cũng thức dậy từ 6 giờ sáng và bất thần đặt mình vào một cái ghế bành, rồi còn cố đứng dậy bước đi vài bước trong phòng làm việc.

Trái với các thiên tài nói trên, đại danh họa Vincent Van Gogh là người rất ưa thích mặt trời và ánh nắng ấm áp, chói lọi. Sự ưa thích này được phản ánh rõ rệt trong các tranh của ông. Nhà phê bình hội họa Henri-Perruchot (1917-1967) viết: “Trong mỗi bức tranh của Van Gogh, nhà danh họa đều thú nhận những sự nồng nhiệt làm tâm hồn ông bốc cháy, những khát vọng như không thể dập tắt đưa ông lên cao đến tận “các tinh tú và vô tận”; ông thờ kính mặt trời và sự vô tận, để khi đã đạt tới đích, đã nắm bắt được, ông xốn xang hòa nhập tâm hồn vào đó. “Dầu sao đi nữa cuộc đời vẫn khá vui thích. Ôi, những kẻ không tin vào ánh dương sáng rọi khắp trần thế đều là những kẻ bất kính”, Van Gogh đã thốt lên như vậy. Nhà danh họa còn nói: “Chúng ta đang được hưởng một ánh nắng huy hoàng ấm áp; một mặt trời, một ánh sáng mà, không còn biết nói gì hơn, tôi chỉ có thể gọi là màu vàng, vàng nhạt, vàng chanh. Ôi, màu vàng đẹp quá!” Màu vàng tung hoành trên các tranh của nhà danh họa và cũng tượng trưng cho nỗi cuồng say thấn bí của ông.”

Mặc dầu từ khi mới 30 tuổi, văn hào Đức Hebel đã thường bị kêu là bị mắc bệnh thiếu ngủ, ông này vẫn không thể làm việc ban đêm. Nhưng mỗi sáng, sau khi thức dậy, ông thường gặp ngay những “giây phút sáng tác” đã giữ ông lại bàn làm việc một mạch cho tới chiều.

Năm 21 tuổi thiên tài âm nhạc Schubert viết: “Tôi sống và soạn nhạc như một vị thần” và đây là ông nói vào lúc buổi sáng. Một người bạn của nhạc sĩ kể rằng mỗi sáng ông ngồi vào bàn làm việc từ sáu giờ sáng và thường soạn nhạc luôn một mạch cho tới gần một giờ trưa.

Triết gia Kant không phải chỉ có những ý tưởng có hệ thống, mà ông còn có một cuộc sống được sắp đặt một cách hoàn hảo. Nhờ một người làm đã giúp việc ông trong 30 năm, người ta được biết triết gia này có một chương trình hàng ngày mà ông không bao giờ làm sai: thức dậy lúc năm giờ để suy tưởng, tham khảo học hỏi từ bẩy giờ tới chín giờ, từ chín giờ tới một giờ trưa làm việc ở nhà, sau đó đi dạo một chút, rồi lại trở về suy tưởng cho tới hoàng hôn; buổi tối người làm mang vào cho ông một ngọn nến và ông viết lách cho đến mười giờ đêm; mỗi đêm ông đi ngủ đúng mười giờ, để sáng hôm sau lại trở dậy đúng năm giờ sáng. Cuộc sống của triết gia này đều đặn, mực thước đến nỗi dân chúng ở Koenigsberg thường hàng ngày điều chỉnh giờ giấc trên đồng hồ của họ mỗi khi triết gia đi qua.

Vũ Anh Tuấn

Tài liệu tham khảo:

- Le Livre des Merveilles của Gustave Buscher  - QUID 19879

NHỮNG VẦN VUI

VẦN A

Abode: Nơi ở của ta,  
To go abroad: đi ra nước ngoài.  
Awake: đánh thức một ai  
Award, giải thưởng, Away, xa rồi!  
Alike tương tự nhau thôi,  
All night cả một đêm dài trắng đêm!  
Accent dấu nhấn đừng quên  
About chừng, khoảng, Amusing vui đùa…  
Autumn tên gọi mùa Thu,  
Autopsy: mổ kiểm tra xác người,  
Around: quanh, quẩn đây thôi.  
Apart là đã xa rồi còn đâu!  
Above là ở trên cao  
Able: có thể, Aloud: tăng âm  
Adult: người lớn, trưởng thành  
Accept: chấp nhận - Ghế bành: Armchair  
Ably là thợ lành nghề  
Ahead: phía trước, Altar: bệ thờ  
Awfull: khủng khiếp quá trời!  
Awhile: chốc, lát; Also: cũng, gồm,  
Angel tên gọi thiên thần’  
Any: bất cứ, Approval: tán thành.  
Astonish: là ngạc nhiên  
Argue: cãi cọ, Ardent: nhiệt tình,  
Address: địa chỉ rành rành,  
Advice: khuyên nhủ, dỗ dành một ai  
Art: là nghệ thuật bạn ơi,  
Artist nghệ sĩ, Asunder tách rời..  
Anxious: bối rối quá trời  
Adopt là giúp dưỡng nuôi một người  
Ambiguous: mơ hồ  
Abuse: Lạm dụng. Accrue: tăng dần  
Across: Đi băng qua đường  
Agate: mã não, Along: theo cùng,  
Alone: cô độc một mình,  
Asking: là hỏi, đáp liền: Answer  
Asleep: đang ngủ say sưa,  
Avoid: Ngừa, tránh, After: tiếp sau,  
Abrupt: đột ngột làm sao!  
Aloof: hờ hững, Amount: số tiền.  
Arise là mọc, hiện lên.  
Army: Quân đội, Arrival: đến nơi,  
Already: sẵn sàng rồi,  
Author: tác giả, Add thời thêm vô  
Mặc dù là nghĩa Although  
Aboard có nghĩa lên tàu, lên xe,  
Ago: chuyện cũ đã qua,  
Active: chủ động, Adage: Cách ngôn.  
Angry: cáu, tức, giận, hờn,  
Airmail thư gửi qua đường Hàng Không.  
Airport tên gọi Phi Trường,  
A crew: là cả phi đoàn, đội bay,  
Await: chờ đợi điều chi,  
Absorb: hấp thụ, Accidently: tình cờ  
Ancient, Antique: cũ, xưa  
Again: lần nữa, Agree: bằng lòng  
Alcohol: là chất cồn,  
Among: trong số; Annual: hàng năm  
Rời, bỏ là Abandon  
Artisan: thợ thủ công, lành nghề,  
Attack: là tấn công ai,  
Ashame: Xấu hổ, Ashtray: gạt tàn  
Action: Hành động sẵn sàng,  
Album: Tập ảnh, After All sau cùng  
Abbot: tu viện trưởng dòng  
Allow: cho phép; Addition: Bổ sung  
Arrest: bắt giữ, tạm giam  
Affirm: khẳng định; Aflame: cháy bừng  
Affray: Huyên náo, rộn ràng  
Achieve: Hoàn tất một công việc gì  
Aunt: là tiếng gọi cô, Dì  
Advance: Tiến bộ, Hủy đi: Annul!  
Buổi trưa là Afternoon  
Always là nghĩa luôn luôn, thường thường,  
Tham vọng là Ambition,  
Amend: sửa đổi, bổ sung thêm vào,  
Acne là mụn, bực sao!  
Anytime: bất cứ lúc nào cũng xong  
Arrange sắp xếp gọn gàng,  
Almost: Hấu hết – Assent: Tán thành  
Còi Báo động là Alarm  
Agog: háo hức, I Am..: tôi là
Aglow là vẻ rạng ngời  
Applause tán thưởng, vỗ tay rầm rầm!

Tâm Nguyện

Cảm đề

TRINH THIÊNG

Bản dịch Anh ngữ Vũ Anh Tuấn

Ôi Đóa Tường vi 
                     Ân phúc thơ

Tình yêu đắm đuối 
                     Mãi mong chờ

Đêm nguôi 
             Gió bão 
                     Ngàn sao rụng
Ta có nhau rồi 
                   Thỏa
                           Ước mơ.
Với trọn 
          Chân tình 
                     Anh thú nhận.

Trinh thiêng 
               Ân sủng 
                     Kiếp trầm luân.

Anh vì Em lập 
                     Riêng 
                            Tôn giáo.

Sau những dạt dào
                        Nghiêng 
                                    Giấc Xuân.

Ngàn Phương

ĐÀ LẠT MÙ SƯƠNG

Bình minh mọc cánh Thiên thần 
Giọt buồn lẫn khuất 
Vào chân trời hồng 
Ước mơ dấu kín trong lòng 
Đam mê cháy bỏng 
Ngàn thông rì rào 
Nửa đời lắng đọng khát khao 
Con tim nhạy cảm 
Rạt rào suy tư 
Gió vàng cuốn cánh tình thư 
Mối tình Phạm Thái 
Quỳnh Như đậm đà. 
Tâm hồn dung dị chan hòa. 
Biển còn có lúc phong ba dập dồn. 
Bao niềm xúc động vùi chôn 
Gió thu phảng phất 
Nụ hôn ngọt ngào 
Nhắn ai lên xứ hoa đào 
Sương mù lảng đảng 
Thầm trao ân tình 
Mimosa ngát hương trinh 
Hồng nhung, Cẩm tú 
Lung linh mỉm cười 
Dẫu đi chưa trọn kiếp người 
Thiên nhiên lấp lánh 
Xa khơi bồng bềnh 
Ngàn năm núi đứng chênh vênh 
Cao nguyên giá rét mông mênh đợi chờ.

Ngàn Phương

CHÁNH PHÁP VÀ NGƯỜI CÓ CHÁNH PHÁP

Không khác gì thời nay, ngay thời Đức Phật còn tại thế đã có rất nhiều môn phái, giáo sĩ… tranh nhau giảng pháp và mỗi người đều cho rằng pháp môn của mình mới là chân chính. Vì thế, trước lúc Phật nhập diệt có một du sĩ ngoại đạo tên là Subhadda đã hỏi Phật: “Làm thế nào để phân biệt trong các người đang thuyết pháp thao thao, Bà la Môn, Sa Môn, Giáo Trưởng, Hội Chủ… đang giảng pháp và được đông đảo quần chúng hâm mộ, ai mới là người có Chánh Pháp?” Phật đáp: “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có BÁT CHÁNH ĐẠO thì trong đó không có Đệ Nhất Sa Môn, không có Đệ Nhị Sa Môn, không có Đệ Tam Sa Môn, không có Đệ Tứ Sa Môn. Chính trong pháp luật này có Bát Chánh Đạo, những giáo pháp không có. Này Subhadda.. Nếu những vị Tỳ Kheo này sống chân chính thì đời này không vắng những vị A La Hán”.

Ngay trong lời giải thích của Phật ta đã thấy: Không phải vì trong giáo pháp của Ngài có Bát Chánh Đạo mà tất cả Tỳ Kheo đều đắc Quả, mà “NẾU NHỮNG TỲ KHEO NÀY SỐNG CHÂN CHÍNH THÌ Đời NÀY KHÔNG VẮNG NHỮNG VỊ A LA HÁN” Đó là điều kiện, và đó cũng chính là căn bản để mọi người có thể đánh giá một bậc chân tu theo Đạo Phật.

Để sống chân chính theo Đạo Phật, người tu không thể đi ra ngoài Tám con đường gọi là BÁT CHÁNH ĐẠO. BÁT CHÁNH ĐẠO là gì mà Đức Phật dựa vào đó để kết luận giáo pháp của mình là CHÁNH PHÁP?

BÁT CHÁNH ĐẠO gồm có: CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH NGỮ, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG, CHÁNH TINH TẤN, CHÁNH NIỆM, CHÁNH ĐỊNH.

Có hai cách giải thích: Một là theo văn tự, tức là giải thích một cách chung chung: CHÁNH là đối nghịch với TÀ. Nếu như thế có nghĩa là chỉ cần đừng thấy biết, nói năng, chọn nghiệp, suy nghĩ… một cách tà vạy thì đó đã là Chánh! Nhưng nếu chúng ta cứ chuyên tâm sống như thế thì chắc chắn không phải đọa vào đường dữ, nhưng chỉ là gây tạo THIỆN NGHIỆP mà thôi, không thể đạt đến kết quả Giải Thoát theo đúng hướng của Đạo Phật được. Vì thế, nếu muốn đạt đến kết quả của công việc Tu Phật, người tu cần quy tất cả về con đường Giải Thoát.

CHÁNH KIẾN là sự thấy biết chân chánh. Thế nào mới là sự thấy biết chân chánh? Chúng ta ai cũng đều biết mục đích của Đạo Phật là để đưa người tu theo được Thoát Khổ, Thoát Phiền Não. Như vậy cái Thấy đời là KHỔ, rồi biết lo sợ để tìm phương cách để Thoát mới đúng là CHÁNH KIẾN, vì nhờ CÁI THẤY đó mà người tu mới có được cái PHÁT TÂM để bước vào con đường tu Phật.

Vào con đường này, ta sẽ thấy: chỉ riêng cái Phát Tâm thôi, nếu thiếu sự hỗ trợ của Chánh Kiến thì chắc chắn khó thể tu hành đến nơi đến chốn được Thật vậy, nếu người tu không noi gương của Đấng Đạo Sư để thấy cái KHỔ của SINH, LÃO, BỊNH, TỬ rồi phát tâm tu hành và nương phương tiện của Đạo Phật mà tìm đường GIẢI THOÁT, mà do thấy nhiều thời ca tụng Đức Phật Thích Ca, thấy Kinh viết Ngài là thiên nhân sư, cứu độ cả Tam Thiên, Đại Thiên thế giới… nên quá mến mộ rồi phát tâm đi tu “để phụng sự cho Phật”, thì đó là phát tâm Nhị Thừa, không đúng nghĩa của việc tu Phật. Tu Phật là để Giải Thoát khỏi Sinh Tử, Phiền Não. Đức Thích Ca đã hoàn tất công việc GIẢI THOÁT cho chính Ngài, nên Ngài được gọi là PHẬT THÍCH CA. Chúng ta cũng có chủng tử Giải Thoát như Ngài, cũng có thể đạt đến địa vị Phật như Ngài nên Ngài mới Thọ Ký “Chúng sanh là Phật sẽ thành”, và việc tu hành chính là để thực hiện lời Thọ Ký đó.

Khi đã có được cái Phát Tâm chân chính rồi thì rất cần có sự hỗ trợ của CHÁNH TƯ DUY, vì việc tu hành đâu thể chỉ dựa vào Phát tâm là xong, mà sau đó người tu còn biết bao điều phải hiểu, phải hành. TU là SỬA. Ta đã chấp nhận vào Tu rồi thì cũng phải biết là cần SỬA những gì? SỬA như thế nào? Điều gì ràng buộc để mà phải Giải Thoát? Thí dụ như ta được biết Đạo Phật dạy người tu phải trừ NGÃ CHẤP, PHÁP CHẤP. Nếu ta không biết Ngã là gì? Pháp là gì? Thế nào là Chấp Ngã, thế nào là Chấp Pháp thì làm sao trừ? Nếu chúng ta không biết được mục đích của Đạo Phật là gì, thì làm sao biết phải chọn phương tiện nào cho hữu hiệu? Bởi vì tu Phật phải đâu chỉ là Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y, Ngồi Thiền…rập khuôn theo hình ảnh của Phật ngày xưa? Giả sử chúng ta có rập khuôn như thế, rồi hành trì mãi không thấy bến bờ thì cũng phải tự hỏi: Tại sao Đức Thích Ca cũng chỉ làm từng đó công việc, mà chỉ trong thời gian ngắn đã Thành Phật, còn ta phải đợi đến bao giờ? Do thiếu những điều kiện nào? Ta phải Ngồi Thiền như thế nào? Phải Tư Duy, phải Quán sát những gì để được Thành Phật? Và Thành Phật để làm gì? Nếu không tự giải đáp cho mình những câu hỏi như vậy thì chúng ta sẽ làm những gì? Làm đến bao giờ? Những công năng hành trì rồi sẽ về đâu? Đó là những việc cần làm của CHÁNH TƯ DUY.

CHÁNH TƯ DUY hỗ trợ cho CHÁNH KIẾN, càng Tư Duy thì càng thấy vấn đề rõ ràng hơn. Kinh Đại Bát Niết Bàn dạy: “Tất cả pháp lành đều do TƯ DUY mà được. Vì có người dù trải qua vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính pháp. nếu chẳng Tư Duy thời trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề. Đây cũng là do Tư Duy mà gần dược Đại Niết Bàn”.

Kết quả của CHÁNH TƯ DUY cũng được giải thích rõ: THẾ NÀO GỌI LÀ TƯ DUY CHÂN THẬT? DO VÌ CÓ THỂ DỨT TRỪ PHIỀN NÃO VẬY. Như thế, nếu chúng ta Tư Duy mà không đạt được kết quả Trừ được Phiền Não thì chưa thể gọi là CHÁNH TƯ DUY được.

CHÁNH NGỮ : Lời nói phải chân chánh. Điều này liên quan đến cái HẠNH của người tu hành, Bởi vì người VỌNG HÀNH tất nhiên phải VỌNG NGỮ để che đậy những khiếm khuyết của mình, để tiếp tục được mọi người trọng vọng nên tự Phá Giới mà không hay. Việc người tu phá Giới không chỉ tự hại bản thân họ, còn làm cho người khác nhìn vào đánh giá, phê phán cái Đạo mà họ đang theo. Vì thế, người tu rất cần đọc Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên để thấy cái Quả của việc tu hành gian dối mà tự răn mình.

CHÁNH NGHIỆP : Ngoài việc không chọn những nghề nghiệp như Sát Sinh, nuôi, giết thú, sản xuất, buôn bán những chất làm mờ lý trí, tìm những cách bất chính để lường công, lấy của người khác, chứa bài bạc vv… Người tu là người chọn con đường tu hành như là một cái NGHIỆP chân chánh để đặt trọn thân, tâm vào đó. Như vậy, kể cả những người mượn hình tướng, sắc áo của nhà Phật để nhận sự cúng dường, cung kính của thí chủ trong khi bản thân lại không tu hành nghiêm chỉnh thì cũng không thể gọi là Chánh Nghiệp được. Với những người đó, Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên viết: “Thà cắt thịt mình dùng để nuôi miệng, không dùng tâm tà thọ của cúng thí. Khó lắm, khó lắm, cẩn thận, cẩn thận“!

CHÁNH MẠNG : THÂN MẠNG bằng xương thịt theo Phật dạy thì chỉ là phương tiện để người tu dùng đó mà đi đến Con Đường Giải Thoát. Theo Đạo Phật, phàm phu sở dĩ KHỔ là do chấp lấy nó. Chính vì vậy mà Phật dạy người tu cần tập bỏ lần sự chắp đắm vào cái thân hữu tướng sẽ hư hoại này để tìm cái THÂN KIM CANG BẤT HOẠI, rồi KHẤT PHÁP THỰC tức là học hỏi Phật Pháp để tăng trưởng sự hiểu biết để hướng đến TÁNH GIẢI THOÁT và sống với nó vậy.

CHÁNH TINH TẤN : Tức là hành trì theo những điều được học, được hiểu một cách siêng năng. Người tu sẽ có được sự Giải Thoát lâu hay mau là tùy theo công năng này. Đạo Phật đề cập đến CHÁNH TINH TẤN là vì có những người tu hành cũng rất là TINH TẤN, nhưng vì mục đích cạnh tranh với người khác hay vì để được khen, được uy tín, không phải vì Con Đường Giải Thoát! Tinh Tấn như thế, thì càng hành trì lại càng lớn thêm Ngã chấp, đi ngược với đường lối tu chân chính!

CHÁNH NIỆM : Chánh văn viết: “Có sự suy nghĩ thấy thân trong thân, có sự tinh tấn thiêu đốt phiền não, tự mình biết lấy mình, có sự nhớ được mọi việc làm và hành động của mình trong mọi sát na, diệt sự ưa muốn và ghét bỏ. Nhận thấy Thọ trong Thọ, Tâm trong Tâm… suy nghĩ thấy Pháp trong Pháp”. Qua những giải thích đó thì ta biết rằng Chánh Niệm cũng là Chánh Tư Duy, tức là luôn xét pháp, luôn suy nghĩ hướng về Con Đường Giải Thoát, không phải là bỏ tư tưởng trống không, không nghĩ gì hết, vì cách này chỉ làm cho tư tưởng bị thui chột, trì trệ, không hiểu biết gì thêm.

CHÁNH ĐỊNH : Không phải cứ NGỒI Kiết già hay Bán già đều là THIỀN, đều có Định! Nếu ai có Ngồi Thiền hẳn đều biết khi Ngồi Thiền có hai hiện tượng xảy ra: Một là hôn trầm, tức là cái Ý thức bặt đi đâu mất, người ngồi như người ngủ sâu, không còn biết gì, cho đến khi xả thiền thì mới tỉnh, ý thức bắt đầu quay lại. Hai là thân thì NGỔI, nhưng tâm thì chạy nhảy lung tung, nghĩ hết việc này đến việc nọ. Hoặc kềm cái tâm không cho nhảy nhót thì nó vào cảnh giới của Ý Thức. Thấy những điều huyền bí, lạ lùng. Thấy thần, tiên, ma, quỷ, Phật, Bồ Tát… Những tình trạng diễn ra trong lúc Ngồi

Phụ bản III

Thiền như thế khác nào học sinh vào lớp nhưng chỉ ngồi ngủ gục, hoặc suy nghĩ vẩn vơ, đâu có học thêm được điều gì! Những cách Ngồi Thiền đó đều không có SỨC ĐỊNH, vì ĐỊNH là một sự dừng lắng, không có vọng niệm, nhưng sáng suốt.

Ngồi Thiền là phương tiện để có Sức Định, bởi bình thường khi đi, đứng, làm việc thì Thân và Tâm luôn theo nhau nên mọi người khó thể biết rằng trong Thân còn có Cái Tâm, cái này mới chính là “chủ nhân ông” điều khiển cái Thân. NGỒI THIỀN là cách thức để khám phá ra nó, để thấy rằng dù cái THÂN bị trói, ngồi một chỗ, nhưng còn một cái vẫn linh hoạt, nhảy nhót, suy nghĩ đủ thứ việc tốt, xấu mà chư vị đi trước gọi là Tâm Viên, Ý Mã, hay còn gọi là cái VỌNG TÂM. Thấy được nó thì biết rằng cái cần khống chế, điều phục chính là nó. Khi điều phục được nó, không cho nó khởi những tạp niệm thì gọi là có sức ĐỊNH. Do đó, không phải NGỒI nhiều giờ, ngồi nhiều thời, nhiều năm mà có ĐỊNH vậy.

Rồi cũng không phải chỉ cần Định được cái Tâm là xong, mà người tu cần phải dùng đó để quán sát các để hiểu rõ thêm về các pháp, để biết điều nào nên xả, điều nào nên thực hành. Kết quả của Quán sát gọi là CHÁNH TRÍ, hay TRÍ HUỆ để phân biệt với cái trí thức thế gian, vì các nhà nghiên cứu thế gian cũng tập trung, quan sát, nhưng mục tiêu của họ là các pháp của đời, nên kết quả họ đạt được thuộc về phạm trù của cuộc đời, không liên quan đến con đường Giải Thoát của Đạo.

TRÍ HUỆ là sự hiểu biết về con đường tu Phật mà đức Thích Ca gọi là “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Tất nhiên phàm phu chúng ta không thể nào tự mình có ánh sáng, tự mình biết phải đi như thế nào? mà trước hết phải nhờ Thiện Tri Thức khai mở cho, sau đó phải nương Kinh sách như là bản đồ để từng bước kiểm tra xem sự hiểu biết của mình có “khế hợp” với chính Kinh hay không. Trong sự khế hợp đó lại phải nương theo TỨ Y. Một trong Tứ Y là “Y NGHĨA BẤT Y NGỮ”. Nếu Y THEO NGỮ thì ta cứ theo hình tướng mà Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y, Khất Thực. Nhưng nếu Y THEO NGHĨA thì: XUẤT GIA là rời khỏi NHÀ LỬA TAM GIỚI, tức là loại trừ THAM, SÂN, SI. CẠO TÓC là cạo sạch phiền não. ĐẮP Y là phủ lên Thân Tâm một màu thanh tịnh của Đạo. KHẤT THỰC là cầu pháp thực để nuôi thân Giải Thoát, không phải CẦU VẬT THỰC để nuôi thân phàm. CẮT ÁI là cắt đi sự ái luyến đối với bản thân mình, với những đắm mê vật chất nhằm phục vụ cho nó, bởi từ bao đời nay, vì nó mà ta tạo biết bao nhiêu Nghiệp xấu để rồi cứ mãi quanh quẩn trong vòng Luân Hồi. TỲ KHEO là Bố ma, phá ác, phá phiền não.

Xét vấn đề cho rõ thì TU là SỬA. Vậy thì đâu cần phải “ĐI” mới có thể “TU” mà bất cứ ai, bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần làm đầy đủ ý nghĩa của các việc trên thì đó là người đang Tu. Như vậy, xem ra hình tướng cũng không còn quan trọng, cũng không cần phải đóng khung, xa lánh cuộc đời, và lẽ ra với sức trẻ, với tâm ý không mê đắm thế gian, mọi người có thể vừa tu sửa bản thân, song song theo đó, vừa học hỏi ngành nghề hay khoa học, kỹ thuật để vừa tự túc, khỏi phải mang nợ thế nhân, vừa có thể đóng góp biết bao nhiêu điếu tốt đẹp cho xã hội, cho cuộc đời, gọi là “Đời, Đạo song tu”, thì có phải đẹp biết bao nhiêu! Sự Giải Thoát phiền não chỉ có giá trị khi chung sống với phiền nào, đâu phải do né tránh mà gọi là Giải Thoát? Như thế mới nói lên được tính cách của Hoa Sen mà Đạo Phật vẫn dùng làm biểu tượng. Hơn nữa, tất cả “Chúng sanh là Phật sẽ thành”, vậy thì phụng sự mọi người chẳng phải là phụng sự những vị Phật trong tương lai đó sao? Lẽ ra điều đó phải được xét lại từ lâu, bởi phải chăng mọi người đều hiểu rằng Tu Phật chính là Tu Tâm và đều đồng ý với nhau rằng là “chiếc áo không làm nên thầy tu”, mà chính là GIỚI, là HẠNH? Bài Kệ trong Kinh VIÊN GIÁC cũng đâu có đòi hỏi phải có hình thức, nơi chốn mới có thể tu hành thành Phật, mà khẳng định:

NHỮNG NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT,  
CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI,  
CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC,  
CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT!

Qua đó, ta thấy, Thành Phật chỉ là thành tựu con đường Giải Thoát để thân tâm khỏi bị các pháp Tham, Sân Si làm khổ, gọi là “cứu độ Tam Thiên”. Người tu chỉ lo thu thúc Lục Căn, không có đối trị người khác, chính vì vậy mà Phật Pháp được gọi là CHÁNH PHÁP. Để hỗ trợ cho việc tu hành, người tu phải giữ đầy đủ GIỚI và BÁT CHÁNH ĐẠO. Mục đích là để phá trừ NGÃ CHẤP, PHÁP CHẤP. Hành giả sẽ từng bước thực hành. Người hoàn chỉnh sẽ không còn vướng vào vòng danh lợi, không đòi hỏi được tôn trọng, không tham cầu hưởng thụ, không còn ham mê vật chất phù du và làm chủ được mọi hành vi, nói năng, suy nghĩ của bản thân, nên gọi là “Thoát thế gian”.

BÁT CHÁNH ĐẠO được mô tả trong cảnh giới A Di Đà là: “Dây vàng giăng tám hướng”, hoặc: “Ao nước chứa Tám công đức”. Người hành đúng sẽ có kết quả là THÂN, KHẨU Ý, ba nghiệp thanh tịnh, bởi vì: CHÁNH KIẾN, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG, thuộc về THÂN. CHÁNH NGỮ thuộc về KHẨU. CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH NIỆM, CHÁNH ĐỊNH thuộc về Ý. Không thể có một người tâm không trong sáng, nuôi thân mạng bằng những đồng tiền bất chánh mà có thể có những cái Chánh khác. Cũng qua đó, ta có thể đánh giá người có thật tu hay không. Bởi nếu cứ Phá Giới, không sống theo BÁT CHÁNH ĐẠO, không SỬA những phàm tánh, tiếp tục tranh danh, đoạt lợi… thì chắc chắn đó không phải là bậc chân tu, mà chỉ là những phàm phu lợi dụng hình tướng tu hành để “mượn đạo, tạo đời” vì không biết Nhân Quả để sợ vậy.

Tháng 4/2008

Tâm-Nguyện

Một trong những thành viên của CLB, nhà thơ nữ Thùy Dương là một người sử dụng tiếng Anh khá nhuần nhuyễn, một thứ tiếng Anh do chính bà có và rất quý, nhưng lại chỉ coi nó như một thứ dụng cụ để làm việc, còn thứ tiếng bà thật sự yêu quý lại chính là tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của bà, mà bà đã từng chứng minh bằng những bài thơ Đường rất hay. Mới đây nghe tin bà có ý định dịch truyện Kiều ra tiếng Anh bằng thơ, tức là bằng những câu có vần có điệu, để đọc dễ hiểu. Tôi cảm thấy cần phải cổ vũ để bà làm việc đó, vì ít ra đây sẽ là một bản dịch do chính Bà Thùy Dương làm, và chỉ một mình bà làm, tuyệt đối không có sự can thiệp của bất cứ ngoại nhân nào, khác với nhiều nhà khác mỗi khi dịch được cái gì đều phải đưa quan thầy xét duyệt và sửa hộ. Những người này chả cần nghĩ tới việc là mỗi khi đưa cho một ngoại nhân đọc và nhờ xem lại hộ, thì chưa biết có hay hơn được tí nào không NHƯNG ĐIỀU CHẮC CHẮN LÀ BẢN DỊCH SẼ XA NGUYÊN BẢN HƠN, không kể nhiều nhầm lẫn “chết người” như mấy năm trước đây đã có một chị Mỹ dịch chữ “khôn” trong câu “như khôn ngăn được giọt lệ” ra thành “wisdom” là sự khôn ngoan (người viết là người nói có sách, mách có chứng, ai cần chứng cứ cứ việc liên lạc và gọi số 8.422340, người viết sẽ cho xem tận mắt điều tuyệt vời đó). Bản dịch này của Bà Thùy Dương rất đáng được cổ vũ, khích lệ, xin trân trọng giới thiệu với quý bạn bản dịch tiếng Anh của 38 câu đầu trong Kiều…

Vũ Anh Tuấn


KIM VÂN KIỀU

Nguyễn Du

Translated by THÙY DƯƠNG

Trăm năm trong cõi người ta, 
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau. 
Trải qua một cuộc bể dâu, 
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. 
Lạ gì bỉ sắc, tư phong, 
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Within one hundred years of human existence,  
Talent and fortune seem always in discordance.  
Meanwhile, great changes overturn everything,  
How bitter to see life full of suffering!  
It is clear that no one can expect  
Anything in life to be perfect.  
But Heaven! Heaven so high in the blue sky!  
Isn’t it an eternal law you tend to apply,  
As envying the rosy-cheeked ones their sweet beauty,  
Not leaving them a single time to be lucky?

Cảo thơm lần giở trước đèn 
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh 
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh 
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng 
Có nhà Viên Ngoại họ Vương 
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung 
Một trai con thứ rốt lòng 
Vương Quan là chữ nối giòng nho gia 
Đầu lòng hai ả tố nga 
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân 
Mai cốt cách, tuyết tinh thần 
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Once I open a nice book in the candlelight,  
A beautiful love story displaying in my sight.  
It was a peaceful year under the Ming dynasty, (1)  
There lived an old scholar named Vương with his family.  
Belonging to the middle class, he was not rich,  
With a wife and three children, he found a good niche.  
The youngest child, Vương Quan, was the only male progeny.  
To perpetuate the literary line of the family.  
First came too graceful young girls as elder children,  
Thúy Kiều, the eldest, and her young sister Thúy Vân,  
With their high personality and their pure minds,  
Each one her own manner, both perfectly refined.

-------------------

(1) Chinese dynasty (1368-1644) – Actually this story took place in the Gia Tĩnh years of Emperor Minh Thế Tôn (1522-1566)

Vân xem trang trọng khác vời, 
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang. 
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang, 
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. 
Kiều càng sắc sảo mặn mà 
So bề tài sắc lại là phần hơn. 
Làn thu thủy, nét xuân sơn, 
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. 
Một hai nghiêng nước nghiêng thành 
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Vân looked sedate with her distinguished grace,  
Her large eyebrows and her full-moon face. (2)  
Flowers bloomed in her sweet smile so nicely,  
Pearls resounded in her sober voice so mildly.  
Clouds couldn’t match her smooth hair in undulation.  
Snow would yield up to the freshness of her complexion.  
Kiều looked keener in her charm and undoubtedly  
She surpassed her sister both in talent and beauty;  
With her eyes so bright as Autumn water shimmering,  
And her eyebrows so fresh as young mountains in Spring.  
Nice flowers would envy her charming lips’ freshness,  
Willow leaves’d get angry with her eyebrows’ greenness.  
Her single glance might even shake the Royal Castle (3)  
Her single smile could even make the Nation tremble (4)  
In beauty, she would no doubt have no equal,  
In talent, if there could be, just one in all.

---------------------------------

(2) Full-moon face: Her face was round, showing a fresh beauty at her full-moon age (age of sixteen, as in the sixteenth day of lunar month, the moon is fully round).

(3) (4) This means she was in such a beauty that might seduce the King so that he forgot his duty in running the nation while it was in danger.

Thông minh vốn sẵn tự trời, 
Pha nghề thi học đủ mùi ca ngâm. 
Cung thương lầu bậc ngũ âm, 
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương. 
Khúc nhà tay lựa nên xoang, 
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân! 
Phong lưu rất mực hồng quần, 
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê. 
Êm đềm trướng rủ màn che, 
Tường Đông ong bướm đi về mặc ai.

Intelligence was her natural inborn blessing,  
From which sharpened her skill in poetry and painting.  
And of course in music, her earnest devotion:  
An excellent player of the lute with passion,  
She mastered all the playing techniques and singing,  
And composed herself beautiful pieces for playing.  
Those included her favorite melody “Ill Fate”,  
Sounding so sad that it made any listener’s heart ache.  
Like other young ladies of noble family  
Who were classified as Red-trouser category (5)  
At their full-moon age – age of wearing fancy hairpins,  
They lived peacefully behind curtains and screens,  
Like exquisite flowers growing in a sumptuous hall,  
Unaware of those bees and butterflies beyond the East wall.

----------------------------

(5) Young girls of noble family usually wore red trousers, that was why they were called “Red-trouser category”

(To be continued)

NÓI CHUYỆN VỊ NGỌT VÀ ĐƯỜNG

Ít ai trong chúng ta lại không khoái vị ngọt của đường. 
Giữa CON NGƯỜI và ĐƯỜNG là cả một chuyện dài tốt đẹp…

Từ thời Thượng Cổ, vị ngọt đã được CON NGƯỜI ưa thích. Tuy nhiên, trong nhiều ngàn năm, cổ nhân chỉ thưởng thức được vị ngọt qua những trái cây chín hoặc qua mật ong, chỉ hàm chứa có 6% sacaroza (saccharose) và 70% gluco-za và fructoza (glucose et fructose). Việc sản xuất đường chỉ được tiến hành khi khám phá ra cây mía ở Tân Guinée hoặc Tân Calédonie; sau đó mía được trồng tràn lan ở Nam Dương, Mã Lai Á, Ấn Độ, và Trung Quốc.

Truyền thuyết Ấn Độ và Trung Quốc cho rằng cây mía hay là “cậy gậy ngọt” đã được biết tới và sử dụng từ thời Thượng Cổ.

Vào thế kỷ thứ 3 trước Thiên Chúa Giáng Sinh, các thương nhân Ấn Độ và Ba Tư đã mang đường, với số lượng rất nhỏ nhoi, tới cho dân cư sống ở ven bờ Địa Trung Hải.

Vào thế kỷ thứ VII sau Thiên Chúa, người Ả Rập đã mang cây mía từ Á châu về và quyết định trồng mía tại những vùng đất thuộc Địa Trung Hải mà họp đã chinh phục được như thung lũng sông Nil, Palestine, Syrie, Bắc Phi và phía Nam Tây Ban Nha.

Vào thế kỷ thứ XII sau Thiên Chúa, nhờ các cuộc Thập Tự Chinh, người Âu châu đã khám phá ra cây mía và đem về trông ở phía nam châu Âu.

Vào lúc đó, đường được coi như một thứ gia vị, giá bán rất cao. Cũng như những thứ hàng hóa hiếm khác, đường được vận chuyển quá cảnh thành Venise ở Ý Đại Lợi.

Việc khám phá ra Tân Thế Giới (Mỹ Châu) làm đảo lộn lịch sử đường. Christophe Colomb, sau chuyến đi thứ nhì, đã mang về từ quần đảo Canaries những cây mía mà sau đó được đem trồng ở Saint Domingue, quần đảo Caraibes, quần đảo Antilles và trên toàn lục địa Mỹ Châu.

Việc trồng trọt này đòi hỏi nhiều nhân công, do đó đã thúc đẩy mạnh tệ buôn nô lệ.

Vào trước Đại Cách Mạng, nước Pháp nhập cảng đường phần lớn từ quần đảo Antilles.

Thời kỳ cách mạng, tiếp theo sau là chiến tranh dưới đời Napoléon, khiến nước Pháp bị thiếu đường. Tình trạng này đã thúc đẩy việc nghiên cứu lấy chất ngọt từ cây củ cải đường (betterave).

Ngay từ năm 1575, Olivier de Serres, một người Pháp, đã nhận thấy củ cải đường có rất nhiều chất ngọt. Một thời gian ngắn sau đó, một người Đức tên là Marggraf đã nhấn mạnh về khả năng rút được chất ngọt từ củ cải và một vài loại cây cỏ khác. Tại Pháp vào những năm 1810-1812, một kỹ nghệ gia, Benjamin Delessert, đã phát sinh ra một phương cách kỹ nghệ để rút chất ngọt từ cây củ cải đường. Ngày 2 tháng Giêng năm 1812, kỹ nghệ gia này đã dâng tặng Hoàng đế Napoléon những “phiến đường đầu tiên” mà ông đã tạo ra được, và theo truyền thuyết, vì quá hứng khởi, Napoléon đã tháo ngay huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh ông đang đeo trên mình để gắn vào ngực Delessert.

Đường dù là lấy ở mía, hay ở cây củ cải, dù là trắng hay vàng đều có những đặc tính dinh dưỡng chung: đó là chất sacarosa. Nó thuộc họ gluxit (glucides); thành phần của nó là glucoza va fructoza. Sự chọn lựa về di truyền học đã làm gia tăng hàm lượng chất ngọt. Là chất có giá trị năng lượng, mỗi gramme (gơ-ram) đường mang lại cho cơ thể chúng ta 4 kilo-calories (4 kí calo).

Tại Pháp, mức tiêu thụ đường trung bình đã được ổn định trong vòng 15 năm nay, và mỗi năm mỗi người Pháp tiêu thụ trung bình là từ 33 tới 34 kilos. Ta hãy lấy con số ít nhất, 33 kilo tức là 33.000 gờ-ram, đem chia cho 365 ngày bằng 90 gờ-ram một ngày. Ở nước ta, vì không có thống kê trong tay, người viết xin tạm lấy ngay mức tiêu thụ của mình thì thấy mình tiêu thụ độ 1/3 của một người Pháp, nghĩa là khoảng 30 gơ-ram cả ngày, vừa là đường cát, đường miếng và kể cả đường ở trong chè, cà rem vv…

Các nhà nghiên cứu dinh dưỡng cho rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường mỗi năm không mang lại lợi ích gì mà trái lại còn có hại: nó làm kẻ ham ngọt dễ bị chứng béo phì, nhứt là chứng tiểu đường với những người già; ở trẻ em, việc dùng quá nhiều đường sẽ làm chúng bị sún răng.

Ước mong bài viết nhỏ này sẽ khiến bà con ta tiết giảm mức tiêu thụ đường thường niên của mình để tránh các bệnh tật nói trên.

Tài liệu rút trong Grand Larousse

Encyclopédique Edition 93

Đỗ Thiên Thư st

LÊ VĂN HÒE (1942)

BS Nguyễn Lân Đính st

Phụ Bản IV

MỤC LỤC

Vài chi tiết về buổi họp 12-4-2008 ................... 1

Thiên duyên với sách cổ ................................... 2

Người ngoại quốc làm quan ở Việt Nam ........... 6

Truyện tình “Paul et Virginie” ........................ 17

Luận giải tướng số Kiều ................................. 22

Giờ khắc sáng tác ............................................ 30

Những vần vui (thơ) ....................................... 35

Trinh thiêng (thơ) ........................................... 38

Đà Lạt mù sương (thơ) .................................... 39

Chánh pháp và người có Chánh pháp ............. 40

Kim Vân Kiều (dịch thơ) ................................ 50

Vị Ngọt và Đường .......................................... 55

Sĩ ................................................................... 58

Truyện dịch .................................................... 69

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế