Hiện có 9 người xem / 2334510 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

Cuộc họp ngày 12/02/2009
của CLB Sách Xưa và Nay

Cũng như thường lệ, mở đầu cuộc họp Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu 2 cuốn sách: một cuốn Xưa và một cuốn Nay.

Cuốn sách Nay là một dịch phẩm mới của một thành viên dịch một cuộc hội thảo của các Giảng viên của trường Đại Học Quảng Bình bàn về một cuốn thơ nói về Miền Đất Phật Yên Tử. Các giảng viên đã viết những bài viết bằng Việt ngữ và một thành viên của CLB Sách Xưa và Nay đã dịch những bài viết đó sang tiếng Anh để được in thành sách. Cuốn sách Xưa là một số Báo Đặc Biệt của Báo Ảnh của Pháp (L’Illustration) trình bày tất cả mọi đặc điểm, chi tiết của cuộc Đấu Xảo Quốc Tế được tổ chức ở Pháp vào năm 1937 tại Paris. Cuốn báo này khổ lớn và dày khoảng 250 trang, và để nói cho đúng thì đây chính là một số Báo Đặc biệt dành riêng để nói về cuộc Đấu Xảo Quốc Tế 1937 này. Sách có rất nhiều minh họa, phần lớn do các nhà minh họa nổi tiếng của Pháp vẽ nên rất đẹp. Việt Nam cũng có được nhắc đến nhưng chỉ có vài dòng vì lúc đó chúng ta chưa dành được Độc lập và còn bị Pháp xâm chiếm. Sau phần giới thiệu sách các thành viên đã dành phần đầu buổi họp đầu năm này để bàn cách làm cho sinh hoạt của CLB được sống động, hấp dẫn hơn. Cuối cùng là mọi người đều đồng ý là mỗi lần họp nên có một cuộc nói chuyện về một đề tài nào đó liên quan tới sách, tới những hoạt động của các thành viên vv… Và như vậy, kỳ họp sắp tới vào ngày 14/3/2009 sẽ có một cuộc nói chuyện của thành viên Bùi Đẹp về công việc viết bộ sách rất nhiều tập về Thắng Cảnh Việt Nam của ông.

Sau nửa giờ họp, các thành viên đã, người thì dùng phương tiện riêng, người thì di taxi tới viếng thăm nhà lưu niệm của Cụ Phan Châu Trinh được gọi là Vườn Tây Hồ ở Tân Sơn Nhất. Vào lúc 10 giờ sáng, khoảng 20 thành viên đã tụ họp lại ở vườn Tây Hồ, chụp chung với nhau một hình kỷ niệm trước di tượng của Cụ Tây Hồ và bắt đầu cuộc giao lưu thăm viếng rất vui vẻ. Các thành viên CLB được bà Tư Sương, cháu cụ Tây Hồ và một thân nhân đón tiếp rất nồng hậu, mời ăn bánh và dùng trà. Ông cháu cụ Phan Tây Hồ đã cho các thành viên biết rất nhiều chi tiết vê cuộc đời làm cách mạng vì dân vì nước của cụ. Cuộc thăm viếng kết thúc vào lúc 11 giờ sáng (xin xem ảnh minh họa). Vào cuối phiên họp các thành viên được mời ăn Tân Gia của Bà Tâm Nguyện sẽ được tổ chức vào chiều ngày 01/3/2009. Tất cả đều rất phục bà Tâm Nguyện đã mấp mé tuổi cổ lai hi mà vẫn còn kiếm được tiền xây nhà mới 3 tầng thì thật là giỏi, đáng phục quá đi! (Xin xem ảnh minh họa).

Ngày 21/02/2009 sáu thành viên của CLB đã được mời tham dự Lễ Kỷ Niệm 114 năm sinh (1895-2009) và 26 năm ngày mất của Chí sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải. Các em học sinh của Trường Ngô Trí Quốc ở gần nhà lưu niệm đã tiếp đón quý khách rất nồng hậu, và nhất là các em đã đọc những bài văn do các em viết về Chí Sĩ Trần Tuấn Khải thật hay và thật cảm động. Trên 20 em đã được trao giải thưởng và giải thưởng này sẽ được duy trì hàng năm. Sau lễ trao giải mọi người được thưởng thức bữa ăn mang đầy màu sắc và hương vị dân tộc.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT CẦN BIẾT VỀ CUỐN

“TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO” CỦA NGƯỜI ANNAM (VIỆT NAM) Ở ĐÔNG DƯƠNG CỦA TS. G. COULET

Đây cũng là một cuốn sách mà tôi đã mua được từ nhà cụ Dương Tấn Tài và là một trong số những cuốn sách rất hiếm hoi nghiên cứu về tôn giáo và tín ngưỡng của người Việt ta hồi thập niên 30 (1929) của thế kỷ trước. Cuốn sách này dày 240 trang và được chia làm 9 phần. Phần I là phần Lời nói đầu, kế đó là 7 chương và cuối cùng là Phần Kết Luận. Sách này nghiên cứu về 5 tôn giáo chính: Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Khổng, Đạo Thiên Chúa và Tục Thờ Cúng Tổ Tiên. Ngoài ra nó cũng nói rất chi tiết về một thứ tín ngưỡng rất hấp dẫn đó là Đạo thờ Tam Phủ: Thiên Phủ, Địa Phủ và Thủy Phủ hay nói nôm na là Đạo của các Bà Đồng (Bóng). Ngoài ra sách cũng nói qua tới Đạo Cao Đài va một số tín ngưỡng thờ cúng Thần Thánh nữa. Tuy sách không đi vào chi tiết nhưng cũng cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về Tín ngưỡng và Tôn giáo của chúng ta.

- Phần Lời Nói Đầu gồm từ trang 9 tới trang 14 nói về các tôn giáo khác nhau của người Việt Nam và số lượng tín đồ của mỗi tôn giáo, vào lúc đó tác giả cho rằng người Công Giáo chỉ có đúng 1 triệu tín đồ.

- Chương I: Từ trang 15-42 – dành riêng cho Đạo Phật.

- Chương II: Từ trang 43-58 – Dành nói về Đạo Lão.

- Chương III: Từ trang 59-70 – Dành nói về tục Thờ Cúng Tổ Tiên mà tác giả cho là một tín ngưỡng có tính cách quốc gia và truyền thống của người Việt chúng ta.

- Chương IV: Từ trang 71-88 – Dành nói về Đạo Khổng, và chương này có nhắc tới Văn Miếu và Khổng Nho.

- Chương V: Từ trang 89-100 – Chương này dành cho Thiên Chúa Giáo và có nhắc tới các Dòng Tên, Dòng Thừa Sai và Dòng Dominicain, đồng thời cũng nói qua về Đạo Tin Lành, và về những khó khăn Thiên Chúa Giáo đã gặp phải ở Việt Nam.

- Chương VI: Từ trang 101-130 – nói về các đạo thờ Thần Thánh Ma Quỷ và có nói nhiều về Tam phủ của các Bà Đồng Cô Bóng Cậu mà tác giả cho là một đạo riêng của các bà nhà ta.

- Chương VII: Từ trang 131-154 – Dành nói về Đạo Thờ Thần Linh như Thờ Thành Hoàng, thờ các vị Anh hùng vv…

- Chương Kết Luận nói về những nét chung chung của mỗi tôn giáo ở nước ta nhưng có nói khá nhiều về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tức là Đạo Cao Đài với 5 ngành: Nhơn Đạo là Đạo Khổng, Thần Đạo là Đạo Thờ Chư Thần, Thánh Đạo là Đạo Công Giáo, Tiên Đạo là Đạo Lão, và Phật Đạo là Đạo Phật.

Cuốn sách này, theo tôi nghĩ cũng có thể giúp ích phần nào cho những nhà nghiên cứu Tôn giáo ở nước ta, nên xin giới thiệu nó ở đây.

(Trích hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI )
Vũ Anh Tuấn

 

Họp mặt kỷ niệm 114 năm ngày sinh
của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải

Vào sáng chủ nhật 21/02/2009, trong khu nhà vườn thoáng mát có nhiều cây cảnh xinh tươi nằm cạnh bờ sông Sài Gòn thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, có hơn một trăm người là những văn nghệ sĩ, nhà báo, giáo sư, trí thức cao tuổi, sinh viên học sinh, CLB sách Xưa & Nay và các CLB thơ ca một số quận huyện… hâm mộ nhà thơ - nhà văn - nhà dịch thuật Á Nam Trần Tuấn Khải đã tới “Á Nam lưu niệm đường” để tham dự buổi sinh hoạt kỷ niệm 114 năm ngày sinh (1895-2009) đồng thời 26 năm ngày mất (1983-2009) của cụ.

Nhiều nhà thơ, giáo sư, nghệ sĩ, học trò cũ đã bày tỏ lòng kính trọng, thương nhớ kể lại nhiều kỷ niệm, diễn ngâm nhiều bài thơ, hát nhiều điệu thức của cụ Á Nam, trong đó có tác phẩm “Bút Quan Hoài” được sáng tác năm 1924-1927, bị thực dân Pháp cấm lưu hành năm 1928 và “Anh Khóa” là một liên điệu khúc gồm có 4 đoạn được sáng tác theo 4 thời kỳ: Tiễn chân anh Khóa xuống tàu (1914), Mong anh Khóa (1915), Gởi thư cho anh Khóa (1922), Mừng anh Khóa về (1975). Nhà thơ Giang Lam đã kính bút tưởng niệm với hai câu thơ:

Đường xa mây nước muôn trùng
Theo chân anh Khóa tạc lòng hậu sinh.

“Anh Khóa” được cụ Á Nam minh họa theo chân dung những nhà yêu nước xuất dương tìm đường cứu nước, nên ở bốn thời kỳ có lồng ghép bốn câu ám chỉ như sau:

Anh Khóa ơi! chữ tương tư vai gánh nặng nề,
Giang hồ anh sớm liệu trở về kẻo nữa em mong,
Tính toan sao cho phỉ chí tang bồng?
Ở nhà em cũng dốc một lòng giữ phận thuyền quyên.
(1914)

Anh Khóa ơi! Ở trên đời chi hiếm kẻ giầu sang,
Sao anh không luồn cúi để khuênh khoang cho nó qua đời.
Can chi mà nay ngược lại mai xuôi?
Để buồng không em than thở mà bên trời anh cũng lênh đênh?
(1915)

Anh Khóa ơi! Ở trên đời này được mấy bạn tri âm?
Trời cao biển rộng, cái mối đồng tâm xin anh chớ hững hờ.
Còn non sông, em đây còn quyết chí đợi chờ,
Tàu bay, tàu lặn, đến bấy giờ ta sẽ gặp nhau…
(1922)

Anh Khóa ơi ! Cũng vì giang san mà anh phải lặn lội xông pha
Phất cờ cách mạng vì nước vì nhà trong bấy nhiêu niên
Anh quyết một phen làm cho động địa kinh thiên
Quét sạch quân xâm lược để dẹp yên đất nước sau này…
Anh Khóa ơi! Từ Ải Nam quan cho tới Mũi Cà mau
Cỏ cây sông núi khắp đâu đâu cũng thấy tưng bừng
Từ thanh đô cho tới tận núi rừng
Không đâu không hớn hở vui mừng đón tiếp tin anh
...Làm cho Bắc Nam xum họp chung vui
Cho nhau hưởng phúc muôn đời, anh Khóa em ơi!
(1975)

Buổi họp mặt sôi nổi với người diễn ngâm thơ chính là NSƯT Trần Thị Tuyết năm nay đã gần 80 còn đẹp lão, nguyên là nghệ sĩ của đài tiếng nói Việt Nam từng ngâm thơ và đọc báo cho Bác Hồ nghe vào những năm 1965-1968. Và người dẫn chương trình duyên dáng, tình cảm thu hút đông đảo cử tọa lại chính là bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, gọi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (người góp công mở đất phương Nam ổn định biên giới Tây Nam hồi thế kỷ 17) là Cao thúc ngoại tổ.

Theo văn bản chép gia phả và sự nghiệp tại nơi thờ, cụ Á Nam Trần Tuấn Khải là con trưởng của cụ Trần Thụy Giáp thuộc đời thứ 27 của danh tướng Trần Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đời nhà Trần. Cụ bắt đầu sự nghiệp văn chương từ năm 20 tuổi có nhiều sáng tác nổi tiếng trước 1945 tới 1975 và trên 20 tác phẩm dịch thuật đồ sộ như Tam Tự Kinh, Xử thế Châm ngôn, Hồng Lâu Mộng, Hồng Tú Toàn, Đại Việt Sử ký Toàn thư vv…

Người đứng chủ lễ kỷ niệm là con gái của cụ Á Nam tên Trần Thị Lan 72 tuổi hiệu Lan Hinh do cụ thân sinh đặt cho.

Bài, ảnh: Vương Liêm

Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Bác sĩ Yersin
với những đóng góp cho đa ngành ở Việt Nam

Ở thành phố Hồ Chí Minh đã có ba đường phố mang tên các thầy thuốc người Pháp là Yersin, Calmette, Pasteur và một viện nghiên cứu y học Pasteur. Họ có những đóng góp đáng kể cho nền y học nước ta dưới thời Pháp thuộc nhưng lại là thời kỳ nền Tây y học mới du nhập đầu tiên vào Việt Nam.

Riêng bác sĩ Yersin là người có nhiều công trình nghiên cứu đa dạng và phong phú thuộc nhiều ngành từ y học, nông học đến hàng hải. Bác sĩ Yersin tên đầy đủ là Alexandre John Emile Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại Lavaux, một vùng quê thuộc hạt Vaud nước Thụy Sĩ. Cha ông là người Thụy Sĩ, mẹ là người gốc Pháp. Lớn lên, Yersin học đại học ở Thụy Sĩ, Đức rồi sang Pháp học tiếp ngành y. Ông được vào làm ở phòng thí nghiệm của nhà bác học nổi tiếng Louis Pasteur. Năm 1894, Yersin đã khám phá ra vi trùng bệnh dịch và sau đó trở thành nhà bác học nổi tiếng thế giới. Năm 1889 ông nhập quốc tịch Pháp và nhập ngũ vào làm việc trên tàu Hải quân Pháp sang Đông Nam Á. Từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với nền y học Việt Nam. Ông mất ngày 01/3/1943 tại Nha Trang, thọ 80 tuổi và được an táng tại trại Suối Dầu (cách Nha Trang 20 km) nơi ông có nhiều công trình nghiên cứu và thực nghiệm về đa ngành cho nước ta.

Đầu tiên đến Việt Nam, ông làm việc cho hãng tàu vận tải chạy tuyến đường Hải Phòng – Sài Gòn có ghé Nha Trang, Phan Rang. Từ đây ông yêu mến rừng núi Trường Sơn và bờ biển Việt Nam. Đó là nguồn cảm hứng giúp ông thám hiểm cao nguyên Lang Biang (tháng 3/1883) và khai sinh ra thành phố nghỉ mát Đà Lạt, nay trở thành thành phố du lịch nổi tiếng ở nước ta. Cũng từ cuộc thám hiểm vùng Đồng Nai Thượng, Lâm Đồng và Ninh Thuận mà hình thành nên hai con đường chính nối liền Phan Rang – Tháp Chàm với Đà Lạt và Đà Lạt – Lâm Đồng tới thành phố Hồ Chí Minh đi qua thành phố Bảo Lộc.

Sau công trình Đà Lạt, năm 1891 ông đến Nha Trang xây dựng cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm vi trùng học đầu tiên ở Việt Nam. Đầu năm 1899 nơi đây trở thành Viện Pasteur Nha Trang và ông là Viện trưởng. Về sau, ông thiết lập thêm Viện Pasteur Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội mà ông trở thành Viện trưởng, Tổng thanh tra các Viện Pasteur Đông Dương và Hiệu trưởng trường đại học Y khoa Hà Nội, Viện sỹ viện Hàn lâm khoa học Pháp, Chủ tịch danh dự Hội đồng Y khoa Viện Pasteur Paris.

Có hơn 50 năm sống và làm việc cho khoa học đa ngành ở Nha Trang (1891-1943), BS.Yersin đã cống hiến cho khoa học trên 55 công trình nghiên cứu và thực nghiệm có giá trị mà các nước trên thế giới đã công nhận. Vào năm 1894, nạn dịch thế giới hoành hành ở Hồng Công (Trung Quốc) tỷ lệ tử vong lên tới 95%, ông đã tình nguyện sang đó để nghiên cứu tìm ra vi trùng dịch hạch và sáng chế ra liệu pháp phòng ngừa chữa trị và nhanh chóng dập tắt nạn dịch thế kỷ này. Sau đó, ông về Việt Nam, lần lượt lập ra phòng thí nghiệm ở Nha Trang và trại thực nghiệm ở Suối Dầu, hòn Bà Nha Trang, Đơn Dương (Đà Lạt), Di Linh (Lâm Đồng) cùng lúc với phòng thí nghiệm của BS Calmette ở Sài Gòn. Ông còn lập ra trung tâm nghiên cứu điều trị bệnh gia súc như trâu, bò, ngựa… và đào tạo cán bộ thú y cho toàn cõi Đông Dương. Ông còn là người sáng lập ra trường Y khoa Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt.

Tới năm 60 tuổi (1920), ông vẫn tiếp tục dành suốt 25 năm còn lại của đời mình để cống hiến cho nhân dân Việt Nam bằng các công trình tạo giống, chọn giống, lai giống và thí nghiệm trồng trà, cà phê, thuốc lá, cây coca cola, cây canh-ki-na (chế tạo thuốc trị bệnh sốt rét), cây ca cao, cao su, dừa vv… Suối Dầu - Nha trang là nơi tập trung các công trình khoa học của ông và Xóm Cồn - Nha Trang cách đó trên 20 km, là nơi ông ăn ở sinh sống với bà con bản địa thân thương sau một ngày làm việc vất vả và đi lại bằng xe đạp. Chính ở nơi này, ông đã nghiên cứu thêm thiên văn, khí tượng, thủy văn và các phương pháp dự báo giúp ngư dân tránh bão, phòng sóng to…

Hiện nay ở Nha Trang có ba khu tưởng niệm bác sĩ Yersin đã trở thành địa chỉ tham quan của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước:

1. Thư viện của BS Yersin trong viện Pasteur ở thành phố Nha Trang.

2. Chùa Linh Sơn xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa nơi có phòng làm việc của BS Yersin ở Suối Dầu trước đây.

3. Phần mộ của BS Yersin ở Suối Dầu thuộc xã Suối Cát chùa Linh Sơn. Đặc biệt, có một cái miếu nhỏ được xây dựng trang trọng bên mộ ông mà bà con Nha Trang sớm hôm nhang đèn đủ để nói lên tấm lòng của bà con đối với ông và công lao của ông đối với bà con địa phương này.

Vương Liêm

TẠI SAO TU PHẬT LÀ TU TÂM ?

Đức Thích Ca khi khám phá ra thủ phạm gây ra Sinh Tử Luân Hồi là cái TÂM, đồng thời Ngài cũng theo dõi những diễn biến của nó và giảng giải phân tích rải rác trong các Kinh mà ta có thể tóm gọn như sau:

Cõi TÂM mà Đức Thích Ca mô tả, là trung tâm của tư tưởng, Nơi MÀ CHÚNG TA KHỞI LÊN NHỮNG Ý NGHĨ, KHI ĐỐI PHÁP. Những tư tưởng này không cố định tốt hẳn hoặc xấu hẳn, mà tùy theo cái Pháp ta đang phải đối mặt có hợp với ta hay không để cho ra phản ứng: Pháp nào hợp thì thương. Pháp nào không hài lòng là giận. Pháp nào không ưa thì ghét, thì hờn… Có khi thì rất là thanh cao, rất muốn làm điều tốt cho mình, cho người. Đôi khi bị dục vọng che mờ thì trở nên thấp hèn, hạ tiện… Cõi Tâm với tất cả những tư tưởng lao xao đó, vì có tốt, có xấu lẫn lộn nên Đức Thích Ca gọi nơi đó là “PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ”. Cũng theo Ngài, tất cả những tư tưởng xấu, tốt đó đều khởi từ Ba cái Gốc chính, là THAM, SÂN và SI.

Trong một cái Tâm nhuộm đầy THAM, SÂN, SI thì người có nó lúc nào cũng đau khổ, bức bách vì những đòi hỏi, tìm cầu của cái THAM, cứ muốn tìm thêm, có thêm những điều mà mình yêu thích. Hoặc luôn luôn nóng nảy, bực tức, giận hờn khi không hài lòng. Đức Thích Ca ví những sự thúc bách làm cho đau buồn khi không đạt được điều mình mong muốn như là những ngọn lửa thiêu đốt cái tâm người có nó, làm cho khổ sở, không yên, và Ngài đặt tên là CHÚNG SINH. Mỗi ngày chúng ta khởi những Chúng Sinh của ba loại này không thể đếm hết. Một kiếp sống như thế thì chúng đông vô số, bằng với cả một thế giới. Do có đến ba món: THAM, SÂN và SI nên Ngài gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới hay là BA CÕI. BA CÕI này tùy theo mức độ tạo Nghiệp nặng, nhẹ mà phân ra làm 6 đường: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Nhân, Thiên và A Tu La.

Khi tư tưởng luôn đau khổ, bị hoàn cảnh vây khổn, lúc nào cũng lo sợ không yên, thì Ngài cho là thì đang ở đường Địa Ngục.

Khi tư tưởng khởi những sự thèm muốn không biết đủ, như người ăn không biết no, gọi là đang rơi vào đường Ngạ Quỷ.

Khi tư tưởng khởi những ham muốn nhục dục bất chính, thấp hèn thì đang rơi vào đường Súc Sinh.

Khi tư tưởng hiền hòa, biết nghĩ đến mọi người, biết kính trên, nhường dưới, hòa đồng với mọi người… đó là đang ở đường Nhân.

Khi tư tưởng hướng thượng, yêu thích những điều thanh cao, tao nhã thì đang ở đường Thiên.

Khi tư tưởng ham hơn thua, đấu tranh, phải quấy thì đang rơi vào đường A Tu La.

Trong kiếp sống, mỗi người chúng ta luôn khởi 6 loại chúng sinh như thế. Khi một loại nào nhiều nhất - gọi là huân tập thuần thục với con đường đó - thì khi bỏ xác thân sẽ theo đó mà đầu thai làm một con người với những tính cách như thế.

Lục Đạo ứng hiện trong kiếp người mà ta có thể nhìn thấy qua sự thể hiện:

Người luôn bị hoàn cảnh bức bách, đau khổ vì nghèo túng, bị nợ nần bao vậy, bị kẻ thù săn đuổi, luật pháp truy nã, bị đánh đập hành hạ thân xác, hay cơ thể bị những chứng bịnh làm cho đau nhức triền miên không khác nào bị tra tấn, tức là một con người nhưng đang thọ Nghiệp Địa Ngục, gọi đó là Nhân Địa Ngục.

Người sống trong kiếp nghèo đói, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Hoặc dù có tiền của, nhưng lại bị những chứng bịnh làm cho không ăn uống được dù rất đói, khát, đó là người đang thọ Nghiệp Ngạ Quỷ gọi là Nhân Ngạ Quỷ.

Người mà cuộc sống chỉ biết chạy theo dục vọng thấp hèn, chỉ biết thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, bất kể nhân cách. Hình dáng là con người, nhưng nếp sống gần với loài thú nên gọi đó là Nhân Súc Sinh.

Người hiền hòa, giữ đúng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, biết kính trên, nhường duới, giữ đúng theo đạo lý con người, đó là Nhân Nhân.

Người ưa thích những thú vui thanh cao, tư tưởng luôn hướng thượng, có cuộc sống đầy đủ phước báu. Là con người, nhưng đang hưởng phước, sung sướng như ở cõi Thiên thì gọi đó là Nhân Thiên.

Người cũng được hưởng phước báu, nhưng tính tình nóng nảy, ham gây gỗ, thích cao, thấp, hơn thua, đấu tranh, gọi là Nhân A Tu La.

Theo Đức Thích Ca, những chúng sinh phải bị trôi lăn trong 6 đường này, nhất là 3 đường dưới, rất đau khổ nhưng không thể tự mình giải thoát được, cần được cứu độ. Nhưng vì đó chính là sản phẩm của mỗi người chỉ mỗi người tự tu hành để cứu độ cho chúng sinh của chính mình, cũng gọi là TỰ ĐỘ mà thôi, không ai có thể cứu giùm ai.

Muốn cứu độ chúng thì Đạo Phật bày ra 6 phương tiện gọi là LỤC ĐỘ. Đó là: BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, TINH TẤN, NHẪN NHỤC, THIỀN ĐỊNH, và TRÍ HUỆ.

- Với Chúng Sinh nhiều Tham thì cần phải BỐ THÍ để đối trị.

- Chúng Sinh nhiều SÂN thì cần phải NHẪN NHỤC.

- Chúng Sinh nhiều SI thì cần có TRÍ HUỆ để soi sáng

- Chúng Sinh nhiều loạn động thì cần THIỀN ĐỊNH

- Chúng Sinh quá buông lung thì cần TRÌ GIỚI.

- Tất cả đều cần TINH TẤN để mau chóng giải thoát cho chúng…

BỐ THÍ là để đối trị cái Tâm Tham Lam, ích kỷ, muốn tích lũy, muốn ôm thêm, nhằm thỏa mãn cho cái xác thân giả tạm. Vì thế, công cuộc tu Phật là phải xem xét kỹ thực chất của Cái Thân, rồi tìm cách thức để đối trị mới có thể thoát khỏi sự ràng buộc với nó.

Người chỉ biết có Cái Thân, chỉ lo cung cấp mọi thứ thỏa mãn cho Lục Căn thì Phật gọi là phàm phu. Người không muốn kiếp sống của mình mãi quanh quẩn trong những cảm xúc hết thương lại ghét, hết vui lại buồn, hết sướng lại khổ... muốn tìm xem có cuộc sống nào khác hơn rồi tìm đến với Đạo Phật thì được dạy cho biết là những Khổ, Vui, thương, ghét đó đều xuất phát từ cái CHẤP THÂN. Cái Chấp Thân là do cái TÂM VÔ MINH, vì thế, người muốn tìm con đường giải thoát cần phải quán sát thật kỹ hai món THÂN và TÂM.

Bằng sự hướng dẫn của Đạo Phật qua phương pháp Giữ Giới, Thiền Định và Quán Sát, Tư Duy. Một mặt Bố Thí, Phóng Sinh để giải bớt Nghiệp. Lần hồi người tu sẽ làm mỏng dần tấm màn Vô Minh đã che phủ từ nhiều đời để chấp nhận được cái Lý của Đạo Phật: Thân này là HUYỂN, là giả tạm. Cái Tâm chấp lấy thân này, cho nó là Thật, là TA, là cái Vọng Tâm hay là cái Tâm Vô Minh... Rồi cũng bằng phương pháp của Đạo Phật dạy là Làm Lục Độ, người tu sẽ Độ được Lục Đạo trong Tâm của mình, để chúng sinh không còn ngoan cố, bớt tạo nghiệp, cho kiếp sống hiện đời được nhẹ nhàng hơn. Đương nhiên, nếu kiếp sống hiện tại không gây ác nghiệp, thì kiếp sau cũng đâu có sa vào ác đạo, có thể tiếp tục công việc tu hành nếu kiếp này còn chưa làm xong. Tuy nhiên, Đạo Phật cũng có hứa là nếu người tu đi vào con đường “Đốn Giáo” bằng cách “trực chỉ Chân Tâm, kiến tánh thành Phật” thì có thể hoàn tất ngay tại hiện kiếp, không cần phải đợi nhiều kiếp lâu xa, bằng cách tìm, thấy được cái VỌNG TÂM rồi cải tạo nó. Cải tạo cách nào thì Kinh VIÊN GIÁC có Kệ:

NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT.
CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI
CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC,
CŨNG ĐỀU ĐƯỢC THÀNH PHẬT”

Kinh đã viết rất rõ ràng: “Chỉ cần đoạn Thương Ghét. Cùng với Tham Sân Si”, như thế thì hình tướng xét ra không cần thiết. Thật vậy, công việc gọi là tu hành là SỬA CÁI TÂM, tức là nhắm vào các việc nói trên để làm. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết: “CÕI NƯỚC CHỖ NÀO NẾU CÓ NGƯỜI THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG, GIẢI NÓI, BIÊN CHÉP, ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH, HOẶC LÀ CHỖ CÓ QUYỂN KINH, HOẶC TRONG VƯỜN, HOẶC TRONG RỪNG, HOẶC DƯỚI CÂY, HOẶC TĂNG PHƯỜNG, HOẶC NHÀ BẠCH Y, HOẶC Ở ĐIỆN ĐƯỜNG, HOẶC NÚI HANG ĐỒNG TRỐNG, TRONG ĐÓ ĐỀU NÊN DỰNG THÁP CÚNG DƯỜNG.

VÌ SAO? PHẢI BIẾT CHỖ ĐÓ CHÍNH LÀ ĐẠO TRÀNG, CÁC ĐỨC PHẬT Ở ĐÂY MÀ ĐẶNG VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, CÁC ĐỨC PHẬT Ở ĐÂY MÀ CHUYỂN PHÁP LUÂN, CÁC ĐỨC PHẬT Ở ĐÂY MÀ NHẬP NIẾT BÀN (TR. 451) Rõ ràng, Kinh không hề phân biệt hình tướng, nơi chốn tu hành, miễn là: THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG, GIẢI NÓI, BIÊN CHÉP, ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH”. Và “đúng như lời tu hành” chính là “Đoạn trừ Thương, Ghét, Tham, Sân, Si” tức là nhắm vào những mê lầm trong Tâm mà sửa chữa

Bởi vì Tu Phật chính là để Giải Thoát cho những chúng sinh trong Tâm, nên LY GIA hay Xuất Gia không phải là rời nhà thế tục, mà là RỜI CÁI VỌNG TÂM, cái mà từ vô lượng kiếp chúng ta đã đeo bám, đã ôm giữ, trú ngụ trong đó. Đó là ý nghĩa của việc Long Nữ chỉ cần “đem viên châu có giá trị bằng Cõi Tam Thiên” dưng lên Đức Phật, liền thành Phật ngay lập tức trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Phẩm Đề Bà Đạt Đa. CẮT ÁI, không phải là không được có vợ chồng, không được hoàn thành trách nhiệm với cha mẹ, vợ chồng, con cái, mà là CẮT đi sự ÁI LUYẾN đối với cái THÂN GIẢ TẠM, với CÁI TÂM VÔ MINH, bởi hàng BẠCH Y, dù có vợ chồng, con cái, vẫn kinh doanh, buôn bán, nhưng cũng tu hành, cũng thành Phật như Tăng phường không khác. Điển hình là Ngài Duy Ma Cật và Thiên Nữ trong Kinh Duy Ma Cật. Mạt Lợi Phu Nhân trong Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên và Thắng Man phu nhân Kinh Thắng Man. Về nơi chốn để tu hành thì: trong rừng, trong vườn, ở núi, hang, đồng trống, điện đường… đều thành Phật như nhau.

Tóm lại, chính Kinh đều dạy: Cõi Phật chính là Cõi Tâm. “BỒ TÁT MUỐN ĐƯỢC CÕI PHẬT THANH TỊNH, NÊN LÀM CHO TÂM THANH TỊNH; TÙY CHỖ TÂM THANH TỊNH MÀ CÕI PHẬT ĐƯỢC THANH TỊNH” (Kinh DUY MA CẬT). CÕI PHẬT như thế không phải là Nước của Phật nào, mà chính là CÕI TÂM của mỗi chúng ta, sau khi loại trừ THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT. Công việc loại trừ Ba Độc này được gọi tên khác là “Độ Sinh”, tức là để cứu độ cho Chúng Sinh, cho chúng được Giải Thoát, được an ổn, thanh tịnh, không còn bị lửa tham dục, sân hận, phiền não thiêu đốt nữa. Đức Thích Ca đã Thành Phật vì Ngài đã độ thoát cho tất cả chúng sinh của Ngài. Rõ ràng Ngài không có độ được cho chúng ta, nên chúng ta vẫn còn đang trầm luân trong bể khổ ở đây. Nếu ta là chúng sinh của Ngài thì Ngài phải “diệt độ” rồi! Do đó, nếu ta còn cầu khẩn Phật “Độ” cho ta thì phải chăng ta đã hiểu sai ý Kinh, lời Phật? Hơn nữa, mọi người rồi cũng sẽ “thành Phật”, nếu làm đúng theo những việc mà Chư Phật quá khứ đã làm, không cần phải cầu xin ai, vì không ai có quyền để giúp cho ai, chỉ có Nhân Quả của mỗi người tự gây tạo mà thôi.

Công việc tu Phật thật ra không cần phải làm điều gì lớn lao, chỉ cần Tìm Tâm, Thấy Tâm rồi SỬA ở đó, gọi là TU TÂM. Con đường này có vị đã mô tả bằng 10 bức tranh “CHĂN TRÂU”, nói lên những giai đoạn của việc tu hành: Người tu cần theo dõi cái TÂM để thấy nó rồi điều phục nó, để nó không còn ăn lúa mạ, tức là Phá Giới, tiến đến “thỏng tay vào chợ” tức là lúc đó không cần chăn dắt nó, tự nó cũng ý thức những điều nên làm, nên tránh. Cuối cùng là trâu không còn mà người chăn cũng không còn, gọi là được Giải Thoát. Con đuờng TÌM TÂM - THẤY TÂM - ĐIỀU PHỤC CÁI TÂM là con đường “Đốn Giáo”. Còn những người hiểu lầm văn tự, “y Kinh giải nghĩa” rồi loanh quanh hành trì theo hình tướng bên ngoài gọi là “Tiệm Giáo” thì chỉ nhọc công, mất thì giờ vô ích mà thôi. Xin trích lời của Tổ Đạt Ma trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất :

“Chúng sinh điên đảo không biết tự Tâm là Phật, cứ hướng ngọai mà gìn giữ, cầu cạnh, suốt ngày lăng xăng niệm Phật, lạy Phật. Phật tại nơi đâu? Đừng nên có lối thấy ấy.

Chỉ cần biết tự Tâm.
Ngoài Tâm, rốt không có Phật nào khác.

Kinh nói: Phàm cái gì có tướng đều là dối trá. Lại nói: Chính tại nơi đây mới là có Phật.

Tự Tâm là Phật.
Đừng nên đem Phật lễ Phật như vậy.
Ví bỗng dưng hiện ra trước mắt tướng mạo Phật cùng Bồ Tát quyết cũng đừng nên bái lạy.
Tâm mình vốn không tịch, không hề có những thứ tướng mạo ấy.

Phụ bản I

Nếu giữ tướng tức là ma, rơi vào nẻo tà. Chẳng qua đó là những bóng dáng do Tâm dấy lên, nên đừng lễ lạy.

Người lạy ắt không biết,
Người biết ắt không lạy.”

“Chỉ những người không Thấy Tánh mới khư khư lo tụng kinh niệm Phật, tinh tiến học hoài, đêm ngày hành đạo, ngồi mãi không nằm, học rộng nghe nhiều, lấy đó làm pháp Phật: Đó là hạng người báng Phật, chê pháp.

“Kẻ ngu trong đời chỉ mong cầu thánh viễn vông, chẳng tin rằng chính Cái Tâm huệ giải là thánh nhân vậy.

Kinh nói: Đối với người vô trí đừng nói Kinh này. Kinh này là TÂM vậy, là Pháp vậy.

Người vô trí không tin chính Cái Tâm sáng tỏ được pháp này làm thành bậc thánh. Họ chỉ mảng lo cầu xa, học ngoài, mến chuộng hình tượng Phật ngoài trời cùng ánh sáng, hương sắc đủ thứ, toàn là việc làm đọa tà kiến, mất tâm, cùn trí” (Huyết Mạch Luận tr. 122).

Mục đích tu hành là để được Thoát Khổ, hay được Giải Thoát, mà ràng buộc hay giải thoát cũng chỉ ở một nơi Cái TÂM. Do đó, tu Phật được gọi là TU TÂM. Có Thấy Cõi Tâm, mới thấy: Thánh, Phàm, Địa Ngục, Niết Bàn, Ba Cõi, Sáu Đường, Tây Phương, Đông Phương, Bồ Tát, Phật, Phiền Não, Bồ Đề, Ràng buộc, Giải Thoát… đều ở đó. Chỉ cần “độ tận chúng sinh”, cho cái Tâm được thanh tịnh, là thành tựu công việc tu hành. Do đó, con đường tu Phật thật ra chẳng cần đến hình tướng, hay thiên kinh, vạn quyển, khổ hạnh, chay lạt, ngồi mãi không nằm… mà hết sức ngắn gọn theo lời của Tổ Đạt Ma:

Bao giờ học Tâm thôi.
Viên thành tướng chân thực
Chợt rõ bỏ ý tu
Thênh thang vượt pháp giới.
Tự tại hết lo âu.” (SCVĐTT tr. 27).

Tâm-Nguyện (tháng 01/2009)

NHÂN VẬT TRUYỆN KIỀU

Tạ Quang Khôi

Hầu như chúng ta ai cũng đã đọc Kiều, thương xót cho thân phận một cô gái khuê các bị rơi vào lầu xanh vì chữ hiếu. Nhưng có lẽ chúng ta ít ai tìm hiểu sâu xa về các nhân vật trong truyện. Hôm nay chúng tôi thử làm cái việc mà có thể bị những người tôn thờ Truyện Kiều cho là “bới bèo ra bọ”. Nhưng khi một cuốn sách được coi là đại tác phẩm thì cuốn sách đó phải chịu đựng được mọi cuộc thử lửa. Trong bài ngắn này, chúng tôi cũng chỉ muốn xem xét một số nhân vật quan trọng với những bất thường của họ.

Trước hết, chúng tôi nhận xét hai nhân vật chính là Thúy Kiều và Kim Trọng. Sau đó chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm một vài nhân vật phụ.

Về Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tả như sau :

Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
Cung, thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

Như vậy, chúng ta biết rằng Thúy Kiều đẹp, thông minh và tài hoa. Theo quan niệm của cổ nhân, người đã đẹp lại có nhiều tài tất sẽ bị trời đất ghen, đầy đọa cho bõ ghét. Thúy Kiều vừa đẹp lại vừa tài hoa làm sao thoát khỏi kiếp đoạn trường. Có những điềm hoặc lới nói báo trước cho Kiều biết đời nàng sẽ nhiều gian truân. Năm nàng còn thơ ngây, một thầy tướng đã đoán:

Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.

Rồi sau khi dự hội Ðạp Thanh, nàng lại mơ thấy Ðạm Tiên cho biết nàng “cùng hội cùng thuyền” với Ðạm, nghĩa là cũng sẽ trở thành một kỹ nữ:

Mà xem trong sổ đoạn trường có tên.
Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cũng người một hội một thuyền đâu xa.

Những điềm báo trước và những lời nói ấy đã ảnh hưởng tới tâm lý của nàng rất nhiều. Lúc nào nàng cũng nghĩ rằng đời mình sẽ chẳng ra gì. Sau khi mơ thấy Ðạm Tiên, nàng đã:

Một mình lưỡng lự canh chầy,
Ðường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.
Hoa trôi bèo dạt đã đành,
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi.

Khi thấy Kim Trọng thuộc loại “chẳng sân ngọc bội, cũng phường kim môn”, nàng đã tự so sánh:

Thấy người lại ngẫm đến ta,
Một dày một mỏng biết là có nên.

hoặc:

Bây giờ rõ mặt đôi ta.
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.

Nỗi buồn rầu và lo lắng cho tương lai đã ảnh hưởng tới tiếng đàn của Kiều. Chính Kim Trọng đã nhận xét:

Rằng: “Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.
So chi những khúc tiêu tao,
Dột lòng mình cũng nao nao lòng người.

Sau này, Hồ Tôn Hiến cũng phải thắc mắc:

Hỏi rằng: “Này khúc ở đâu,
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay”

Tiếng đàn bạc mệnh ấy chỉ hết buồn thảm khi nàng đã trải qua mười lăm năm luân lạc và đã được gặp lại gia đình, tái hồi cùng chàng Kim.

Ngoài tâm trạng đau buồn và bất an của Kiều, nhìn chung, nàng là một người tốt, có hiếu với cha mẹ, thủy chung với người tình. Nhưng trong cuộc đời luân lạc của nàng, người ta cũng nhận thấy có những lúc nàng xử sự không đúng hoặc tự mâu thuẫn. Khi mới gặp Từ Hải, nàng đã khen Từ như sau:

Nàng rằng: “Lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.”

Nghĩa là nàng đoán Từ sẽ có ngày lên ngôi vua. Vậy mà khi Hồ Tôn Hiến dụ hàng, nàng đã khuyên Từ với lời lẽ khinh miệt:

Ngẫm từ dấy việc binh đao,
Ðống xương Vô Ðịnh đã cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau,
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào

Nàng đã coi Từ như một tướng giặc, không còn là một đấng anh hùng làm nên sự nghiệp đế vương nữa. Thật ra, Hoàng Sào cũng không phải là một tướng giặc tầm thường. Họ Hoàng muốn cướp ngôi nhà Ðường, chiêu binh mãi mã nổi lên, đã chiếm được Trường An, nhưng rồi bị thất bại. Cái lệ ở đời là “được làm vua, thua làm giặc”. Rõ ràng là Thúy Kiều đã tiền hậu bất nhất. Vì lời khuyên của nàng Từ đã bị họ Hồ phản bội và chết đứng giữa trận tiền.

Khi Kiều báo ân trả oán, người ta cũng nhận thấy có nhiều điểm vô lý, thiếu sót. Có hai người đã giúp đỡ nàng khi nàng bị hành hạ, nàng chỉ trả ơn có một người. Ðó là Mã Kiều và mụ quản gia trong nhà Hoạn bà. Nàng đã quên Mã Kiều, chỉ nhớ có mụ quản gia. Thật ra, Mã Kiều mới đáng được trả ơn.

Khi Kiều mắc lận Sở Khanh, bị Tú Bà bắt về đánh đập rất tàn nhẫn:

Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Ðang tay vùi liễu, dập hoa tơi bời.
Thịt da ai cũng là người,
Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau.
Hết lời thủ phục, khẩn cầu,
Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa.

Sau khi Kiều van xin và hứa hẹn: “Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa” Tú Bà mới nguôi và đòi phải có người bảo lĩnh. Mã Kiều vì thương Thúy Kiều nên đã đứng ra bảo lĩnh:

Bầy vai có ả Mã Kiều
Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan

Còn về mụ quản gia, chỉ sau khi Kiều bị mẹ Hoạn Thư đánh đòn phủ đầu và bắt làm thị tì, mụ mới tỏ lòng xót thương, rồi khuyên:

Ở đây, tai vách, mạch dừng,
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi

Có người cho rằng cả Mã Kiều lẫn mụ quản gia đều chỉ là “cò mồi”, làm nhiệm vụ được chủ giao phó, không thật sự có lòng thương xót Kiều. Nếu đúng như vậy, tại sao Kiều chỉ nhớ ơn mụ quản gia mà quên Mã Kiều?

Nhân vật thứ hai chúng tôi muốn nói tới là Kim Trọng. Tác giả tả chàng Kim như sau:

“Hài văn lần bước dặm xanh,
“Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao.

“Phong tư tài mạo tuyệt vời,
“Vào trong phong nhã, ra ngoàihào hoa.”

Nghĩa là Kim Trọng rất đẹp trai, tính tình hào hoa và lịch sự. Nhưng có thật Kim Trọng “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” như tác giả tả không? Chúng ta đọc đoạn thơ sau đây để có thể xác định rõ hơn:

Nhẫn từ quán khách lân la,
Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai.
Cách tường phải buổi êm trời,
Dưới đào dường có bóng người thướt tha.
Buông cầm, xốc áo vội ra,
Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh.
Lần theo tường gấm dạo quanh,
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.
Giơ tay, với lấy về nhà,
Này trong khuê các đâu mà đến đây.

Khi Kim Trọng đã phải “giơ tay với lấy” tức là chàng đã thò tay sang nhà hàng xóm để lấy kim thoa, vì kim thoa mắc trên cành đào trong vườn nhà Thúy Kiều, hơi xa hàng rào. Xuân Phúc, trong cuốn “KIM VÂN KIỀU” (nhà xuất bản Thanh Long ở Bruxelles, Bỉ, năm 1986) dịch sang chữ Pháp như sau: “Etendant le bras, il prit l’objet et le ramenant chez lui.” Còn giáo sư Huỳnh Sanh Thông dịch sang Anh ngữ là: “He reached for it and took it home.” (The Tale Of Kiều, trang 17). Như vậy, rõ ràng Kim Trọng thò tay sâu vào nhà hàng xóm để lấy kim thoa. Thế mà hôm sau chàng lại nói với Kiều:

Thoa này bắt được hư không,
Biết đâu Hợp phố mà mong châu về.

“Bắt được hư không” có nghĩa là tình cờ mà nhặt được chứ không phải với tay sang nhà người ta mà lấy trộm. Ðã ăn cắp đồ lại nói dối nữa, có phải là tư cách của một người “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” không? Cách đây khoảng nửa thế kỷ, tôi dạy một lớp đệ Tam C, một nam sinh đã nói đùa:

“Chàng Kim con nhà giầu, đẹp trai, học giỏi, chỉ có tội ăn cắp vặt thôi.”

Nhân vật thứ ba chúng tôi nói tới là Thúc Sinh. Tác giả tả chàng Thúc như sau:

Khách du bỗng có một người,
Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương.
Vốn người huyện Tích, châu Thường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Truy.

Thúc vừa là nhà buôn giầu vừa còn đi học. Có lẽ Thúc ông giầu lắm nên con trai mới được làm rể một quan Lại bộ và chàng Thúc mới có lối ăn chơi hoang phí:

Thúc sinh quen thói bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không.

Thúc là con nhà giầu, ham chơi hơn ham học nên lúc nào cũng chỉ là sinh viên. Trong khi đó, Kim Trọng và Vương Quan đều đỗ đạt, ra làm quan. Một sự tình cờ là mười mấy năm sau Kim Trọng được làm quan ở Lâm Truy. Thúy Vân bỗng mơ thấy Kiều, kể lại cho chồng nghe. Chàng Kim bèn mở cuộc điều tra. Viên lại già họ Ðô chỉ biết có một phần câu chuyện nên đề nghị quan hỏi “Thúc sinh viên”. Như vậy, đi học (sinh viên) là một nghề của Thúc, không phải là một phương tiện để tiến thân như mọi người.

Về tính tình, Thúc cũng không phải là người tốt. Khi dụ Kiều trốn khỏi thanh lâu, Thúc đã mạnh bạo hứa hẹn:

Ðường xa chớ ngại Ngô, Lào,
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Ðã gần chi có điều xa,
Ðá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều.

Vậy mà khi Kiều bị Hoạn Thư bắt về Vô Tích để hành hạ, Thúc không dám công khai bênh vực nàng, chỉ “khôn ngăn giọt ngọc, sụt sùi nhỏ sa”. Khi bị vợ hạch hỏi tại sao khóc lại nói dối là nhớ thương mẹ mới chết. Hình như, ngoài tiền bạc, chàng Thúc còn nhiều nước mắt nữa. Khi Kiều bị quan Phủ đánh đòn, chàng cũng chỉ biết khóc mà thôi. Chưa có người đàn ông nhiều nước mắt như chàng.

Sau này, khi biết không còn hy vọng sống với Kiều nữa, chàng nhẫn tâm đuổi khéo nàng:

Tông đường chút chửa cam lòng,
Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai.

:

Liệu mà xa chạy cao bay,
Ái ân ta có ngần này mà thôi.

Kiều không còn lối nào thoát nên đành phải trốn đi :

Cất mình qua ngọn tường hoa,
Lần đường theo bóng trăng tà về tây.
Mịt mù dặm cát đồi cây,
Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giầy cầu sương.
Ðêm khuya thân gái dặm trường,
Phần e đường xá, phần thương dãi dầu.

Nhân vật thứ tư chúng tôi muốn nhận xét là sư Giác Duyên. Về vị sư này, chúng tôi cũng có một vài thắc mắc. Trước hết, chúng tôi nghĩ rằng bà là một nhà tu vô trách nhiệm. Trước khi trốn khỏi nhà HoạnThư, Kiều đã ăn cắp chuông vàng, khánh bạc để phòng thân. Nàng may mắn được gặp sư trụ trì chùa “Chiêu Ẩn Am” là Giác duyên tiếp đón nồng hậu. Nàng liền trao cho sư những bảo vật đó. Sư không thắc mắc gì nhiều, cho nàng được trú chân trong chùa. Sư còn tỏ vẻ quý mến nàng vì thấy nàng thông tuệ khác thường. Cho đến một ngày, có một người “đàn việt” nhận ra nguồn gốc của chuông vàng khánh bạc thì sư hốt hoảng hỏi Kiều:

Giác Duyên thực ý lo lường,
Ðêm thanh mới hỏi lại nàng trước sau.
Nghĩ rằng khôn nỗi giấu mầu,
Sự mình nàng mới gót đầu bày ngay.
“Bây giờ sự đã dường này,
“Phận hèn dù rủi dù may tại người.”
Giác Duyên nghe nói rụng rời,
Nửa thương nửa sợ, bồi hồi chẳng xong.

Sau đó, sư tìm cách đuổi Kiều ra khỏi chùa. Sư giao nàng cho một mụ chuyên môn buôn người không thua gì Tú Bà. Ðuổi Kiều xong, sư phủi tay, không còn nhớ đến nàng nữa. Mãi đến khi nàng trả ân, báo oán, cho rước mời sư tham dự sư mới gặp lại nàng. Trong thời gian đó, nàng đã bị Bạc Bà ép lấy Bạc Hạnh rồi đưa nàng sang châu Thai bán cho lầu xanh. Tu hành như vậy mà cuối cùng Giác Duyên cũng đắc đạo, “mây bay, hạc lánh”, cũng “hái thuốc phương xa” thì kể cũng lạ.

Ngoài tinh thần vô trách nhiệm của Giác Duyên, chúng tôi còn thấy tình cảm của nhà sư vẫn chưa thoát khỏi phàm tục. Khi biết chuông vàng khánh bạc do Kiều mang tới là bảo vật của nhà họ Họan, sư hốt hoảng, lo sợ, không bình tĩnh như người đã tu hành lâu năm. Ðã thí phát đi tu thì việc đời còn có gì đáng lo sợ nữa đâu.

Cuối cùng, chúng tôi xin nói qua về Hồ Tôn Hiến, một quan Tổng đốc trọng thần của nhà Minh.

Có quan tổng đốc trọng thần
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài.
Ðẩy xe vâng chỉ đặc sai,
Tiện nghi bát tiễu, việc ngoài dổng nhung.

Hãy xin bỏ qua chuyện lừa gạt của họ Hồ trọng vụ đầu hàng của Từ Hải, vì việc quân ngoài chiến trường có thể tùy cơ mà ứng biến, dù theo sử nhà Minh, họ Hồ bị các quan trong triều phản đối chuyện giết người đã đầu hàng. Chúng tôi chỉ muốn đề cập tới chuyện Hồ đối xử với Kiều. Nhờ Kiều, Hồ đã giết được Từ Hải, nên đã tỏ lòng biết ơn, nói với nàng rằng:

Ðã hay thành toán miếu đường,
Chấp công cũng có lời nàng mới nên.
Bây giờ sự đã vẹn tuyền,
Mặc lòng nghĩ lấy, muốn xin bề nào ?

Lúc đó, Kiều chỉ xin chôn cất Từ một cách đàng hoàng. Nhưng về sau này, trong tiệc “hạ công”, Hồ nửa tỉnh nửa say ép nàng tấu đàn:

Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.
Ve ngâm, vượn hót nào tày,
Lọt tai, Hồ cũng nhăn mày, rơi châu.
Hỏi rằng : “Này khúc ở đâu?
“Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay.

Trong cơn “ngây vì tình”, Hồ ngỏ ý muốn nạp Kiều làm thiếp, nhưng nàng từ chối:

Còn chi nữa, cánh hoa tàn,
Tơ lòng đã dứt dây đàn tiểu lân.
Rộng thương còn mảnh hồng quần,
Hơi tàn được thấy gốc phần là may.

Có lẽ vì lời từ chối đó nên khi tỉnh rượu Hồ đã để tâm thù, nghĩ rằng mình là “phương diện quốc gia” đâu phải phường trăng gió. Ðáng lẽ, nếu là một quân tử, Hồ phải cho Kiều về với gia đình. Nhưng ông là người tiểu tâm nên gả nàng cho một thổ quan, vừa chứng tỏ mình không có tình ý gì với nàng vừa muốn đầy đọa nàng cho bõ ghét. Ðường đường là một “quan tổng đốc trọng thần” mà đối sử với một cô gái chân yếu tay mềm như vậy kể cũng là tiểu nhân.

Theo Dư Hoài trong “Ngu Sơ Tân chí”, ba nhân vật Hồ Tôn Hiến, Từ Hải và Thúy Kiều có thật. Từ Hải, hiệu là Minh Sơn, đã từng đi học, nhưng thi mấy khóa không đỗ, quay ra đi buôn, trở nên giầu có. Nhưng theo Phạm Quỳnh, Từ Hải đã từng đi tu, có đạo hiệu là Minh Sơn. Từ là người phóng khoáng, hào sảng, thích giao du với giới giang hồ, hiệp khách. Còn Thúy Kiều là một kỹ nữ, người Lâm Truy. Khi nàng nhảy xuống sông Tiền Ðường bị chết chìm, không được cứu sống như trong truyện.

Sau khi nhận xét qua một số nhân vật, chúng tôi thấy trong Truyện Kiều, chỉ có Hoạn Thư và Thúy Vân là những người có những hành động hợp lý và đáng khen nhất.

Hoạn Thư không đánh ghen một cách ồn ào, mù quáng và tàn ác như nhiều người lầm tưởng. Chúng tôi đã có một bài riêng để minh oan cho Hoạn Thư về chuyện đánh ghen nên trong bài này chỉ xin nói vắn tắt. Hoạn Thư sẵn sàng chấp nhận chồng có vợ nhỏ, miễn chàng Thúc phải thông báo cho đúng phép tắc. Nàng đã ướm lời trước để chồng thú nhận, nhưng Thúc ngu dốt tưởng giấu được vợ nên làm lơ:

Rằng: “Trong ngọc đá, vàng thau,
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
Khen cho những miệng dông dài.
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia.
Thiếp dù vụng chẳng hay suy,
Ðã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười”.

Nếu là người khôn, Thúc đã nhân cơ hội này mà thú thật, chắc Hoạn Thư cũng phải tha thứ và chấp nhận. Nhưng Thúc lại tưởng Hoạn không biết chuyện mình có vợ nhỏ nên đã bỏ lỡ cơ hội.

Sau khi sai Khuyển Ưng bắt cóc Kiều về, Hoạn cũng tỏ ra có cảm tình với Kiều. Nàng chỉ hành hạ Kiều để dằn mặt chồng cho bõ tức. Khi đã hả cơn giận, nàng cho Kiều ra Quan Âm Các để tu. Không những thế, nàng còn khen Kiều viết chữ đẹp:

Khen rằng: “Bút pháp đã tinh,
So vào với thiếp Lan đình nào thua.”

Như vậy, Hoạn Thư là người có lòng nhân từ. Nàng không đánh đập, đầy đọa Kiều như nhiều người đàn bà khác đánh ghen. Nàng cũng không cho người truy lùng, bắt Kiều lại khi Kiều ăn cắp chuông vàng khánh bạc trốn đi. Vì thế, sau này, trong cuộc báo ân trả oán, Kiều đã phải tha Hoạn Thư dù coi Hoạn là “chính danh thủ phạm”.

Cuối cùng, chúng tôi xin nói tới Thúy Vân. Có người cho rằng Vân đã giả dối khi nhường lại Kim Trọng cho chị trong bữa tiệc đoàn viên. Chúng ta thử đọc lại đọan văn đó để xét tình ý của Thúy Vân xem như thế nào?

Tàng tàng chén cúc dở say,
Ðứng lên Vân mới giãi bày một hai.
Rằng: “Trong tác hợp cơ trời,
Ðôi bên gặp gỡ một lời kết giao.
Gặp cơn bình địa ba đào,
Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
Cũng là phận cải duyên kim,
Cũng là máu chảy ruột mềm chứ sao.
Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
Bây giờ duyên vỡ lại lành,
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.
Còn duyên may lại còn người,
Còn vành trăng bạc, còn lời nguyền xưa.
Quả mai ba, bảy đương vừa,
Ðào non sớm liệu se tơ kịp thì.

Thúy Vân đã rất thành thật khi đề nghị Kim Trọng và Thúy Kiều nối lại tình xưa, với những lý do sau đây:

1. Nàng chỉ là một người đã làm tròn nhiệm vụ được giao phó. Sau khi bán mình để lấy tiền chuộc cha và em ra khỏi lao tù, Kiều nhớ đến mối tình của Kim Trọng nên đã năn nỉ Thúy Vân thay mình mà trả nghĩa cho tình lang :

Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Thúy Vân là người phúc hậu, hiền lành (khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang) nên khi đã nhận lời giúp chị thì cố gắng làm tròn bổn phận. Thật ra, trong cuộc gia biến ấy, mọi người phải cố gắng góp sức giải quyết những khó khăn.

2. Tục lệ cổ của người Trung Hoa xưa, người đàn ông có quyền “năm thê, bảy thiếp”. Có những trường hợp chưa chọn được chính thê, người đàn ông có thể cứ lấy vợ, nhưng đều là vợ nhỏ (thiếp). Thúy Vân tự coi mình là một thiếp của Kim Trọng.

3. Thúy Vân lúc nào cũng thương nhớ người chị đã hy sinh cả cuộc đời mình cho gia đình. Ðó là một hy sinh quá lớn đối với một thiếu nữ khuê các vừa đến tuổi cập kê. Vì thế, khi Kim Trọng đến trấn nhậm Lâm Truy, nàng bỗng nằm mơ thấy Kiều. Tỉnh dậy, nàng nói ngay cho chồng biết để thăm dò tin tức Kiều. Ðiều này chứng tỏ lòng thành thật biết ơn của nàng với người chị can đảm và xấu số.

Vậy, khi gia đình đã được đoàn tụ trở lại sau mười lăm năm luân lạc của Kiều, Thúy Vân đã thành thật nhường lại Kim Trọng cho chị và sẵn sàng lui xuống hàng thiếp thì có gì là giả dối đâu vì đó cũng là một cách trả ơn chị,

Chúng tôi hy vọng bài nhận xét ngắn này sẽ giúp các bạn có thể hiều hơn về một cuốn truyện vẫn được coi là đại tác phẩm của nền văn học Việt Nam.

TQK (Tháng 11, 2008)

Góp ý về “Nhân Vật Truyện Kiều”

Từ trước đến nay Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du không chỉ được ca tụng không thôi (thực ra không phải hoàn toàn là mù quáng đâu) mà cũng bị không ít người chê. Người khen và người chê Truyện Kiều không cùng đứng trên một mặt phẳng mà họ thuộc hai phạm trù riêng biệt, có lẽ không liên quan gì với nhau: Văn chương và luân lý. Người khen cho Truyện Kiều là một viên ngọc về văn chương, người chê cho Truyện Kiều là dâm thư, có hại cho tinh thần đạo đức của… phụ nữ! “Đàn ông chớ đọc Phan Trần / Đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều”. Nhưng cũng có thể với quan niệm “Văn dĩ tải đạo” – Văn chương để chuyên chở đạo lý – mà người ta kết án cả mặt văn chương của Truyện Kiều.

Việc chê Truyện Kiều về mặt luân lý để ghép tác phẩm vào hàng dâm thư thì cần được xem xét lại. Ngày nay cuộc sống đã thay đổi, các khái niệm đạo đức luân lý đã không còn như trước, nên lời chê đó có lẽ không còn hiệu lực nữa. Thế thì ta bàn về chuyện khen ngợi.

Sự ca tụng Truyện Kiều về mặt văn chương, nếu xét từ thời điểm tác phẩm của cụ Nguyễn Du ra đời có lẽ ta sẽ thấy dễ hiểu, và không có gì là quá đáng. Cách đây gần hai trăm năm, ngôn ngữ văn học tiếng Việt đang ở mức độ mà, nói theo “phong cách” bây giờ, “sự phát triển hoàn hảo còn ở phía trước”, mặc dù từ lâu trước đó đã có những tác phẩm thơ nôm của Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Đọc thơ của các cụ ấy dường như chúng ta có cảm giác mình đọc… tư liệu văn học, chớ ít thấy cảm xúc; ngay cả thơ nôm của cụ Trạng Trình giàu tính dân dã mộc mạc cũng thế. Mặt khác, và sở dĩ như thế, vì tác phẩm của các cụ chủ yếu là thuật sự, thuật hoài, kể lại các cảm nghĩ, cảm xúc của cá nhân mình trải nghiệm với cuộc sống, cũng của cá nhân tác giả. Trong tác phẩm của các cụ, ngay hình ảnh của chính tác giả đã khá lờ mờ, dù các cụ có mô tả một đối tượng nào khác thì cũng chỉ với vài nét chung chung, mơ hồ, được nhìn từ xa qua ống kính khuôn mẫu ước lệ. Không một con người nào, không một khuôn mặt nào được vẽ rõ ràng, nói chi đến có một cuộc đời nào được kể ra cho rành mạch. Đó là một trong những tính chất đặc trưng của thể loại văn học phổ biến trong giới nhà nho ngày trước, sản xuất những tác phẩm lụn vụn ngắn ngủn, với bốn câu, tám câu, từ hai mươi chữ (ngũ ngôn tứ tuyệt), 28 chữ (thất ngôn tứ tuyệt) 40 chữ (ngũ ngôn bát cú) và 56 chữ (thất ngôn bát cú). Một truyện ngắn trăm chữ ngày nay chỉ vẽ được vài nét bút sắt nhỏ ri ri, thì với 56 chữ người ta phải “nén” mọi thứ cần diễn tả, và độ nén ấy phải “đậm đặc” hơn cả các “file” nén .rar hay .zip trên máy tính bây giờ! Cho nên khi một tác phẩm “dài hơi” như Truyện Kiều ra đời đã làm cho người ta… choáng.

Truyện Kiều với 3.254 câu thơ gồm 22.778 chữ đủ là một kỷ lục ghê gớm rồi, lại mô tả rất nhiều con người thuộc nhiều thành phần trong xã hội thời đó là một chuyện rất mới. Nhưng điều đặc biệt và đặc sắc hơn hết là ngôn ngữ của thơ rất trau chuốc, bóng bẩy, khiến thể thơ lục bát đằm thắm của ca dao trở nên càng lộng lẫy sang trọng trong lâu đài văn học. Dù người ta có thể kể ra một số câu thơ khá “vè” kiểu như “Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”, hoặc “Thanh minh trong tiết tháng ba / Lệ là tảo mộ hội là đạp thanh”… nhưng so với nhiều truyện thơ dân gian khác ra đời sau, vào khoảng thế kỷ 19, như “Phạm Công Cúc Hoa”, “Lâm Sanh Xuân Nương”, “Thạch Sanh Lý Thông” vv... thì Truyện Kiều quả là một viên ngọc mà quãng cách đối với các tác phẩm kia là quá xa.

Với ba cái nhất từ lúc bấy giờ: tác phẩm dài nhất, nội dung mô tả mới nhất, ngôn ngữ hay nhất, (chưa nói đến sự thành tựu rực rỡ của thể thơ Lục Bát của dân tộc trong tác phẩm) khiến người ta khen ngợi không tiếc lời là phải. Không mù quáng gì đâu.

Trước khi Truyện Kiều ra đời đã có bản dịch Chinh Phụ Ngâm rất hay của bà Đoàn Thị Điểm (dài hơn bốn trăm câu, có thuyết nói do Phan Huy Ích dịch) từ tác phẩm bằng Hán văn của Đặng Trần Côn; truyện thơ nôm Phan Trần (chưa tới một ngàn câu, có chỗ nói Bà Đoàn Thị Điểm là tác giả), và có lẽ trễ một chút hoặc đồng thời với Truyện Kiều là truyện thơ Hoa Tiên (gần hai ngàn câu) của Nguyễn Huy Tự. (Cả Hoa Tiên và Phan Trần cũng đều “cải biên” từ những tác phẩm văn học Trung Quốc, như Truyện Kiều). Trong số ba tác phẩm đó, Chinh Phụ Ngâm được nói đến nhiều hơn cả. Thế nhưng lời khen ngợi về văn chương có vẻ chỉ tập trung nhiều nhất vào Truyện Kiều. Ngay cả điều này cũng không phải vô cớ. Suốt tác phẩm Chinh Phụ Ngâm người ta chỉ nghe thấy một tiếng than dài não nuột và bất tuyệt của một người vợ lính, trong khi Truyện Kiều vẽ ra gần như cả một xã hội với nhiều tầng lớp người, với nhiều hoàn cảnh và tâm trạng phức tạp của người trong cuộc. Cụ Hoa Đường Phạm Quý Thích không quá lời khi nói rằng tác giả của nó, cụ Nguyễn Du có cái tâm và con mắt nhìn thấu suốt ngàn đời.

Trong Chinh Phụ Ngâm, theo cách mô tả ước lệ truyền thống, dung nhan người chinh phụ thế nào ta không rõ; ngoài việc nhớ chồng đi chinh chiến, sinh hoạt hàng ngày của nàng thế nào ta cũng không biết. Trong khi đó, mỗi nhân vật truyện Kiều được khắc họa rất rõ chân dung, đến nỗi không những danh tính của họ đã đi vào ngôn ngữ của chúng ta như những nhân vật điển hình, mà cả trong cuộc sống của xã hội hiện đại, tưởng chừng ta có thể nhìn thấy một số họ đang nhởn nhơ trước mắt: những Mã Giám Sinh “mày râu nhẵn nhụi áo quần bãnh bao,” những tú bà “ăn gì to lớn đẫy đà làm sao”…

Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học, thành ra đây là những cảm nhận cá nhân có thể là không đầy đủ và không sâu sắc, nhưng tôi thấy người ta không “tôn thờ” Truyện Kiều một cách mù quáng".

Ông Tạ Quang Khôi nói người ta “tôn thờ Truyện Kiều một cách mù quáng” theo tôi là không đúng. Tuy nhiên những nhận xét của ông về các nhân vật Truyện Kiều thì quả là không sai. Đây không phải là chuyện “ba phải”, mà thuộc hai phạm trù khác nhau cũng như có người khen ngợi văn chương Truyện Kiều trong khi người khác chê Truyện Kiều là dâm thư. Điều ông Tạ Quang Khôi nói là thuộc về lãnh vực xây dụng tâm lý nhân vật.

Các nhà văn xưa của ta có vẻ hoàn toàn không quan tâm đến khía cạnh này. Một phần là do nền văn học của ta lúc đó chưa phát triển, chưa có “nhà văn”, và (cho nên) chưa có nhu cầu khắc họa tính cách nhân vật. Trong khi trong văn học Tàu có những hình tượng điển hình nổi bật như Tôn Ngộ Không, Bát Giới… (Tây Du Ký), Tào Tháo, Trương Phi… (Tam Quốc Chí), Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ (Thủy Hử) vv... Phần khác, có thể nào những cái bất cập trong tính cách các nhân vật truyện Kiều mà ông Tạ Quang Khôi nêu ra vốn đã có sẵn từ trong tác phẩm “gốc” của nó là bộ Thanh Tâm Tài Tử của Tàu mà khi “cải biên” thành Đoạn Trường Tân Thanh cụ Nguyễn Tiên Điền (tuy có con mắt thấu suốt nghìn đời nhưng vốn chưa quan tâm đầy đủ đến tâm lý nhân vật) đã không nhận ra sự không nhất quán của các tính cách ấy chăng?

Nói cụ chưa quan tâm đầy đủ, vì nên biết rằng Thanh Tâm Tài Tử không phải là một tác phẩm nổi tiếng trong văn học cổ Trung Quốc, và cô Kiều trong đó khá “phô” đã được cụ Tiên Điền “tút” lại mới đẹp đẽ thanh lịch tài hoa như thế đấy. Nhưng khi gọt dũa lại nhân vật, cụ đã để sót những điều biểu lộ sự không nhất quán trong tính cách của họ như ông Tạ Quang Khôi đã vạch ra chính xác. Nhưng đó là sự thiếu sót của một tác giả cách đây hai trăm năm, thời văn học tiếng Việt chưa phát triển. Sau Nguyễn Du gần hai trăm năm, nhà văn Lê Văn Trương đã từng bị coi là người bất chấp tâm lý nhân vật trong các tiểu thuyết “người hùng” của ông đó thôi.

Thiếu Khanh.

ĐÍNH CHÍNH:

Câu cuối bài dịch tiếng Anh Hoàng Hạc Lâu của Thiếu Khanh trong Bản Tin số 33, trang 106 xin đọc lại như sau:

Smoke and waves on the river make my sorrow expand

Cùng bài viết này bằng tiếng Anh đăng trên Internet: http://newvietart.net/index01.16.html

Phụ Bản II

TRUYỆN KIỀU (KỲ 9)
Câu 497-568

Hoa hương càng tỏ thức hồng,
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.
Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
500 - Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.
Thưa rằng: “Đừng lấy làm chơi,
“Dẽ cho thưa hết một lời đã nao!
“Vẻ chi một đóa yêu đào
“Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.
“Đã cho vào bậc bố kinh
“Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu,
Ra tuồng trên Bộc trong dâu,
“Thì con người ấy ai cầu làm chi.

As love flourished on her face reflecting happiness,
Looking in her eyes, he felt his love grow more passionate,
So that he couldn’t help having some eager gesture…
“Oh, my Dear!”, she uttered, “ Don’t take it a pleasure!
“Listen to me, please! Let me tell you everything!
“This small flower’s values is not worth mentioning,
“The rose garden dares not fence the passage of blue birds,
“But I am among the traditional moral girls,
“Who are taught that body purity is essential for marriage.
“As for easy girls men can take anytime behind a bridge,
“I am sure those are not the ones they want to marry.

“Phải điều ăn xổi ở thì,
“Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày.
“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
“Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương.
“Mây mưa đánh đổ đá vàng,
“Quá chiều nên đã chán chường yến anh.
515 - “Trong khi chắp cánh liền cành,
“Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
“Mái Tây để lạnh hương nguyền,
“Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

“If we wish to satisfy our immediate desire only,
“Then we may break a one-hundred-year union in one day
“For all the accidental loves so far we must say:
“No one could make so fine a couple as Tsoui and Tchang, (1)
“But their uninhibited love, one lacking in prudence.
“Has so regretfully broken their golden oaths
“The swallow’s sacrifice has soon tired the oriole.
“While joining their wings or weaving their boughs together, (2)
“A feeling of disdain has already lain on a lover
“They have let their oaths’ incense cool off in the West Gate,
“And her true love so passionate has become desperate!

-----------------

(1) Tsoui and Tchang (or Thôi and Trương in Latin Vietnamese): The main characters of an old love story of China – Tây Sương K‎ý. Tsoui was an attractive young girl of a rich family in Tràng An capital. She met Tchang, a handsome young man and they fell in love with each other and made a beautiful couple. But Tsoui could not resist her passionate love before the seductive young man. Although they did exchange solemn oaths and hope for a happy union for a life time, she yielded up to giving herself to her lover. They met every night at a place near the West gate of a temple. But their beautiful love affair could not last longer when Tchang felt tired of the passionate love offered by the young girl. He found some pretext to take leave of her and come back home to marry another girl of his choice.

(2) This periphrasis took origin from a pair of verses in a long poem Trường Hận Ca (The song of endless sorrow) by Bạch Cư Dị, describing the beautiful love of Emperor Đường Minh Hoàng and Lady Dương Quý‎ Phi, one of the four first Royal Beauties in Chinese history. They had sworn to each other to become in their next lives an inseparable couple like two birds with joining wings or two plants with interweaving boughs. Although the “Son of Heaven”, the Great Emperor could not save his beloved First Lady who was finally sentenced to death by the Royal Court! This sentence meant: “While living together like a beautiful loving couple…”

“Gieo thoi trước chẳng giữ giàng,
520 - “Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?
“Vội chi liễu ép hoa nài,
“Còn thân còn một đền bồi có khi.”
Thấy lời đoan chính dễ nghe,
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

“I would rather be ungraceful to my love at the beginning,
“Than to be shameful later before my darling.
“Why need this haste to press the flower or force the willow?
“As long as I live I can sometime satisfy you, my love.”
Listening to these refined words, so wise and virtuous,
Kim felt more respect for his beloved and glad for a true love so serious.

Bóng tàu vừa lạt vẻ ngân,
Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào.
Nàng thì vội trở buồng thêu,
Sinh thì dạo gót sân đào vội ra.
Cửa sài vừa ngỏ then hoa,
530 - Gia đồng vào gửi thư nhà mới sang.
Đem tin thúc phụ từ đường,
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề.
Liêu Dương cách trở sơn khê,
Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang.

The silver moonlight was fading over the corridor
When some messenger’s voice was calling at the front door.
Kiều hastened to get back to her flowery residence,
While Kim hurried to come out to the peach garden.
No sooner had the gate opened than a servant entered,
He had come back home with a letter of Kim’s father
Announcing Kim’s uncle’s death and calling him back
To take part in the funeral far away in Liêu Dương district

Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng!
Băng mình đến trước đài trang tự tình.
Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,
Nỗi nhà tang tóc nỗi mình xa xôi:
- “Sự đâu chưa kịp đôi hồi,
“Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ!
“Trăng thề còn đó trơ trơ,
“Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
“Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông,
“Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!
545 - “Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
“Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.”

The bad news struck Kim like a terrific lightning!
He rushed out, crossing the garden, to his beloved’s dwelling,
To tell her all that happened and that he had to leave.
- “What a misfortune that comes to me! How could I believe?
“We haven’t got enough time to better know each other
“Nor to exchange our rose threads before being together. (3)
“The moon that witnessed our solemn oaths is still there,
“I hope that out of sight our hearts are always near.
“Outside, I shall have to cross thousands of miles,
“And from now, we shall have to wait three winters of time. (4)
“It will be long until I can finish my duty,
“And come back to meet you at this house happily.
“Oh, Darling, take care of your golden health and jade person,
“So as to assure my poor heart faraway in the horizon.”

----------------------

(3) We haven’t got through a betrothal or been accepted by our families.

(4) Kim’s uncle had no son, so Kim had to play the role of his uncle’s son, which required him 3 years’ mourning during which he had to stay near to take care of the tomb and couldn’t get married as a traditional duty.

Tai nghe ruột rối bời bời,
Ngập ngừng nàng mới giãi lời trước sau:
“Ông tơ gàn quải chi nhau,
“Chưa vui xum họp đã sầu chia phôi.
“Cùng nhau trót đã nặng lời,
“Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ!
“Quản bao tháng đợi năm chờ,
“Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.
555 - “Đã nguyền hai chữ đồng tâm,
“Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.
“Còn non còn nước còn dài,
“Còn về còn nhớ đến người hôm nay.”

Listening to these words, Kiều got terribly puzzled
- “Oh! Man of Rosy Threads! (5) Why are you so cruel?
“We just don’t have enough time to enjoy our union,
“And already we’ve got to suffer our separation!
“Darling, once we have exchanged our solemn words together
“Time can change my hair’s color but my heart’ll never alter.
“I don’t mind how many years I will have to wait,
“But I am just worried for your harassing fate.
“Just thinking that you’re going to be exposed to winds and rains,
“My heart’s already filled with bitter torments
“Oh, Darling, once I have sworn my solemn oath
“Be sure I’ll never play my lute in anyone else’s boat. (6)
“As long as mountains and rivers still exist in this world,
“I believe you will return and remember this poor girl.”

---------------------

(5) Man of Rosy Threads: see foot note on verse 33

(6) I shall never please another man during your absence .

Dùng dằng chưa nỡ rời tay,
Vầng đông trông đã đứng ngay trước nhà.
Ngại ngùng một bước một xa,
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng!
Buộc yên quảy gánh vội vàng,
Mối sầu sẻ nửa bước đường chia hai.
565 - Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.
Não người cữ gió tuần mưa,
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.

Hand in hand, they both felt deep pain to separate
The morning sun already shone on the East gate
He started his hesitating steps and left the rear
She said her farewell words and burst into tears!
He fastened the saddle and got ready to go,
Parting in different roads, they shared the same sorrow!
Kim gave a sad look at the scenery of a strange region,
Some cuckoos singing on a branch, swallow scattered in the horizon.
Then winds and rains alternately stirred his lonely distress.
Day succeeding day, each day seemed to aggravate his lovesickness.

(to be continued)

Thùy Dương

Nhôn nước người

Yêu nhau trao gửi tâm hồn
Thủy chung đâu bởi nụ hôn vắn dài
Cư xá tôi, một tòa bin-đinh kiên cố
Bốn tầng lầu hơn hai trăm nữ sinh viên
Ăn uống hàng ngày thì đã có căng-tin
Tuy vậy mỗi tầng đều có thêm một nhà bếp
Một buổi tối học thi, tôi thèm cà phê muốn chết
Bèn chạy vào nhà bếp để nấu nước sôi
Nhưng khi tôi vừa bước tới nơi
Một cảnh tượng làm tôi bối rối…
Một cặp uyên ương đang hôn nhau đắm đuối
Hai thân hình quấn quýt lấy nhau
Ấm nước trên lò sôi sùng sục từ lâu
Thấy chẳng tiện bước vào tôi đành quay gót
Trở về phòng đợi mười lăm phút
Nhưng khi trở vào thì… họ vẫn chưa xong!
Không biết tính sao tôi lại trở về phòng
Đợi mười lăm phút nữa ta vào cho ăn chắc
Nhưng lần này lại thêm một cặp khác!
Tôi tức mình liền quát thật to:
- Kìa! Nước sôi lâu sao chiếm mãi bếp lò?
Mau nhắc xuống cho người ta sử dụng!
Một cặp uyên ương mới bàng hoàng tỉnh mộng
Vội xốc lại áo quần rồi xách ấm nước ra mau
Còn cặp kia vẫn chẳng chịu rời nhau
Thấy thế tôi cứ nhào vô chẳng ngán
Bắc ấm nước lên lò, tôi lại quay sang rửa tách chén
Việc ai nấy làm, cứ tự nhiên thôi
Bỗng tôi kêu lên:
- Kìa! Nước sôi lâu cạn hết cháy ấm rồi!
Nhưng họ vẫn điềm tĩnh mải mê say đắm
Lại nhờ tôi đổ nước thêm đầy ấm
Ôi! Nụ hôn dài cạn mấy ấm nước sôi!
Ồ! Thì ra tình yêu đơn giản có thế thôi
Chuyện hôn nhau có gì đâu mà phải giấu
Tôi bỗng thấy mình thật là lạc hậu!
Có ai cần giấu giếm gì đâu
Mà sao mình cứ phải ngượng cho nhau
Biết thế ta cứ vào đun ngay từ trước
Có phải bây giờ nước đã sôi lâu.

Thùy Dương (London 1973)

TẢN MẠN CHIỀU XUÂN

Sổ lồng – chim sáo đi hoang
Giấc mơ hạ giới – Thiên đàng tình yêu
Lung linh khoe sắc mỹ miều
Rừng tu líp vẫy tay – chiều tím trôi
Giọt sương trên lá bồi hồi
Mộng liêu trai ướt làn môi dỗi hờn
Dế than thở nỗi cô đơn
Ru hoài điệp khúc nguồn cơn lỡ làng
Nhện giăng tơ hứng trăng vàng­
Mỏng manh chắp nối ngổn ngang chuyện lòng
Cung đàn thổn thức hoài mong
Bước chân phiêu lãng – bềnh bồng tha hương
Rèn mi khép – cõi vô thường
Rưng rưng ứa máu ngàn phương chạnh sầu
Nẻo đời vạn chốn nông sâu
Xin Xuân nối lại nhịp cầu thủy chung
Hoàng hôn đồi núi trập trùng
Dòng đam mê vẫn ngại ngùng vân du
Chào Xuân diễm lệ thiên thu
Ý thơ tản mạn – tuyệt mù hư không.

Ngàn Phương

PROSPER MÉRIMÉE
NHÀ VĂN LỖI LẠC THẾ KỶ 19

Dương Lêh st & bd

Prosper Mérimée sinh ngày 23 tháng 9 năm 1803 trong một gia đình nghệ sĩ quý tộc cư ngụ gần khu Panthéon. Ông đã không được làm lễ rửa tội, nhưng trong suốt cuộc đời ông vẫn trung thành với chủ nghĩa vô thần của cha mẹ ông. Cha ông, Léonor Mérimée là giáo viên dạy vẽ ở trường Bách Khoa và sau đó trở thành thư ký của trường Mỹ Thuật. Mẹ ông, Bà Anne Moreau, là một họa sĩ chân dung và bà cũng hành nghề dạy vẽ.

Hai ông bà có một hành trang trí tuệ và nghệ thuật vững chắc ở vào thời điểm thế kỷ 18 nhưng không tham gia nhiều vào trào lưu văn hóa đương thời. Từ nền giáo dục của gia đình, Mérimée giữ vững quan niệm xa lánh sự cường điệu trên bình diện thẩm mỹ và cảm xúc… Đó chính là từ mẹ ông giúp ông giữ quan niệm: “Hãy nhớ, đừng tin ai”.

Gia đình ông không được khá giả nhưng lại có cuộc sống bình lặng, thú vị. Đây cũng là nơi đón tiếp nhiều nghệ sĩ từ Anh và Pháp.

Lúc 15 tuổi, Mérimée nắm vững được môn Anh ngữ mà ông đã thực tập với những học sinh của mẹ ông đến từ bên kia biển Manche, trong số đó mấy chị em Lagden, Fanny và Emma những người sau này sẽ gìn giữ căn nhà của ông trong những năm cuối của cuộc đời.

Trong thời gian theo học ở trường trung học Napoléon (sau này là trường trung học Henri IV), ông đã được tiếp xúc với những người con ưu tú của nước Pháp, trong đó có các ông Adrien de Jussieu, Charles Lenormant và Jean-Jacques Ampère và cùng với ông này ông đã dịch tác phẩm của Ossian, thiên anh hùng ca do Macpherson tìm được vào thế kỷ 18.

Năm 1819 ông đăng ký vào đại học Luật, tiếp bước theo ông nội của ông là François Mérimée, trạng sư lỗi lạc của Nghị viện Rouen và là người quản lý cho Thống chế Broglie. Ông nhận giấy phép hành nghề vào năm 1823. Cũng trong năm đó, ông được miễn quân dịch do thể trạng yếu đuối. Tuy nhiên, trong năm 1830, ông đã bị biên chế vào lực lượng vệ binh quốc gia.

Mérimée yêu thích sự thần bí, lịch sử và sự khác thường. Ông bị ảnh hưởng bởi những truyện dã sử do Walter Scott và bởi sự tàn bạo cùng với những vở kịch thuộc về tâm lý của Alexandre Pouchkine. Thường thường những truyện do ông kể đầy rẫy những bí ẩn và được xảy ra ở nước ngoài, Tây Ban Nha và Nga là những nguồn cảm hứng thường gặp. Một trong những tiểu thuyết của ông đã tạo nguồn cảm hứng cho vở nhạc kịch Carmen.

Ngoài nghề luật sư, Mérimée còn học những ngôn ngữ khác như Hy lạp, Ả rập, Anh và Nga. Ông là một trong những dịch giả đầu tiên của những quyển sách dịch từ tiếng Nga sang tiếng Pháp. Ông cũng am tường về khảo cổ học, điều này dễ nhận biết trong truyện “Vệ Nữ thành Ille” (1837).

Năm 1934, ở tuổi 31, ông kế tục Ludovic Vitet giữ chức vụ Tổng Thanh Tra những công trình lịch sử và chính vào thời điểm này ông yêu cầu Viollet le Duc thực hiện một trong những công cuộc trùng tu các lâu đài ở Pháp. Bố ông Mérimée nắm giữ chức vụ thư ký trong cùng cơ quan. Ông đảm trách chức vụ này đến năm 1860. Ông đã thực hiện tất cả những chuyến đi trước khi hoàn tất việc xây dựng tuyến đường sắt.

Năm 1830, Mérimée đến Tây Ban Nha gặp nữ bá tước của xứ Montijo và có cảm tình đặc biệt với bà này. Khi con gái của bà bá tước trở thành nữ hoàng Eugénie ở Pháp (lấy Napoléon đệ tam) năm 1853, Ông Mérimée là thượng nghị sĩ.

Năm 1843 ông được bầu chọn là thành viên của Hàn lâm viện khoa học nhân văn và Hàn lâm viện Pháp năm 1844.

Vì bênh vực bạn ông là Bá tước Libri, Mérimée bị kết án 15 ngày tù và một ngàn quan tiền phạt, sau đó bị đưa vào nhà lao La Conciergerie ngày 4 tháng 7 năm 1852

Ông từ trần vào ngày 23 tháng 9 năm 1870, năm ngày trước sinh nhật lần thứ 67 của ông.

Tác phẩm

Mérimée xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn học nghệ thuật. Ông say mê văn chương từ khi còn trẻ. Lúc đầu sáng tác của ông mang tính lãng mạn, nhưng dần dần mang đậm màu sắc địa phương, phong tục. Ông đã tự khẳng định mình qua các truyện vừa, truyện ngắn và được coi là một trong những nhà văn sáng tạo hiện đại có văn phong sắc sảo, ngắn gọn súc tích với những nhân vật đầy cá tính, khí tiết cao thượng.

· Le Théâtre de Clara Gazul (1825)
· La Guzla (1827)
· Tamango (1829)
· La Jacquerie (1828)
· Chronique du règne de Charles IX (1829)
· Mateo Falcone (1829)
· Mosaïque (1833) : recueil de nouvelles
· Notes de voyages (1835-40) : décrivant son voyage à travers la Grèce, l’Espagne, la Turquie et la France.
· La Vénus d'Ille (1837)
· Colomba (1840) : une de ses nouvelles les plus célèbres qui relate l’histoire d’une jeune Corse poussant son frère à venger la mort de leur père
· Carmen (1845) : la fameuse nouvelle qui servit de base à l'opéra de Georges Bizet en 1875
· Dictée de Mérimée écrite en 1857 à la demande de l’ impératrice Eugénie .
· Lokis (1869), inspiré d’une légende lituanienne: l’histoire d’un être né d’une femme et d’un ours.
· La Chambre bleue (1872)
· Lettres à une inconnue (1874): une collection de lettres de Mérimée à Jenny Dacquin publiées après sa mort.

Dịch từ các tác phẩm của Nga

· La Dame de pique ("Пиковая дама"), Les Bohémiens ("Цыганы"), Le Hussard ("Гусар"), de Alexandre Pouchkine (1852).
· L'Inspecteur général ("Ревизор") de Nicolas Gogol (1853).
· Le Coup de pistolet ("Выстрел") de Pouchkine (1856).
· Apparitions ("Призраки") de Ivan Tourgueniev (1866).

Mateo Fancone

(Truyện ngắn của Prosper Merimee)

Rời thị trấn Portô Versiô, theo hướng tây bắc tiến sâu vào trong đảo người ta thấy mặt đất cao lên khá nhanh, rồi sau ba tiếng đồng hồ vượt qua những con đường mòn khúc khuỷu thường bị nghẽn vì những tảng đá lớn, và thỉnh thoảng lại bị những khe suối cắt ngang, người ta đến trước một ma-ki rộng bao la. Ma-ki là xứ sở của những người chăn cừu đảo Corxơ và của những ai có việc rắc rối với pháp luật. Cần biết rằng người nông dân Corxơ, muốn đỡ công bón phân, thường cho ngay một mồi lửa vào khoảng rừng nào đó. Lửa có cháy lan ra quá nơi cần thiết cũng kệ; muốn ra sao thì ra, chắc chắn sẽ được mùa khi gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ nhờ lớp tro than kia. Bông lúa gặt xong, người ta để rạ lại, cắt làm gì cho mệt, nên mùa xuân năm sau, những rễ cây còn nằm dưới đất chưa bị tiêu hủy mọc lên thành những chồi rậm, rồi chỉ độ vài năm những chồi cây này cao tới bảy tám pi-ê. Chính loại rừng rậm ấy người ta gọi là ma-ki. Đủ loại cây lớn bé mọc lên trong đó, tha hồ lẫn lộn chằng chịt vào nhau. Phải dùng rìu mới mở được lối đi và có những ma-ki rậm rạp um tùm đến nỗi ngay sơn dương cũng không chui lọt.

Nếu bạn đã giết người, bạn hãy vào ma-ki Portô Versiô, ở đây bạn sẽ sống an toàn, với một khẩu súng tốt, ít thuốc súng và đạn. Bạn đừng quên một áo choàng nâu có đính mũ trùm để dùng làm chăn và đệm. Cánh mục đồng sẽ cho bạn sữa, phó mát và hạt dẻ, và thế là chẳng còn sợ pháp luật hay thân nhân người đã khuất, trừ khi bạn cần xuống phố mua sắm thêm đạn dược.

Lúc tới ở đảo Corxơ, năm 18… thì nhà bác Matêô Fancôn cách ma-ki ấy nửa dặm. Bác ta là người khá giả của vùng này; bác sống ung dung, nghĩa là chẳng cần làm gì cả, với sản phẩm của các đàn gia súc do cánh mục đồng, một kiểu dân du mục, dẫn đi ăn lúc chỗ này lúc chỗ nọ ở trên núi. Lúc tôi gặp bác, hai năm sau khi xảy ra câu chuyện sắp kể, tôi ước chừng bác độ năm mươi tuổi là cùng. Các bạn hãy hình dung một người nhỏ bé nhưng lực lưỡng, tóc quăn, đen nhánh như huyền, mũi khoằm, môi mỏng, đôi mắt to nhanh nhẹn và nước da như màu mặt trái giày ống. Tài bắn súng trường của bác, ai cũng cho là phi thường, ngay ở quê hương bác là nơi nhan nhản những tay thiện xạ. Chẳng hạn, Matêô không bao giờ thèm dùng đạn ghém để bắn sơn dương. Cách một trăm hai mươi bước, bác có thể bắn hạ nó bằng một viên đạn một, đúng vào đầu hay vào vai tùy ý. Ban đêm bác sử dụng vũ khí cũng dễ dàng như ban ngày, và người ta đã kể cho tôi nghe một chuyện về tài bắn của bác, có lẽ ai chưa từng đến đảo Corxơ sẽ cho là không thể tin được. Cách tám mươi bước, người ta đặt một ngọn nến đang cháy, sau một tờ giấy bóng chỉ to bằng mặt đĩa. Bác giơ súng lên ngắm rồi người ta thổi tắt ngọn nến; một phút sau, trong bóng tối hoàn toàn, bác bắn bốn phát thì ba phát thủng mảnh giấy.

Nhờ tài nghệ cao cường như vậy, Matêô Fancôn rất nổi tiếng. Người ta còn nói rằng bác là người bạn tốt bao nhiêu thì là kẻ thù nguy hiểm bấy nhiêu. Vốn tính hay giúp đỡ và bố thí, bác sống hòa thuận với tất cả mọi người trong quận Portô Versiô. Tuy vậy, người ta kể về bác rằng ở Corxơ, nơi bác lấy vợ, bác đã quyết liệt trừ khử một địch thủ lợi hại cả về chiến đẫu lẫn ái tình, ít nhất họ gán cho Matêô phát súng đã kết liễu đời tay tình địch ấy trong khi y đang cạo mặt trước tấm gương nhỏ treo nơi cửa sổ. Khi việc êm, Matêô cưới vợ. Bác gái Giuxéppa đầu tiên sinh được ba cô con gái (khiến bác trai tức điên cả ruột), cuối cùng một cậu con trai đặt tên là Fortuynatô - hy vọng của cả gia đình, kẻ nối dõi tên họ bác. Các cô con gái đều lấy chồng khá giả. Lúc cần thiết, ông bố vợ có thể trông cậy vào những nhát dao găm và những phát súng tay của các con rể. Cậu con trai mới lên mười nhưng đã tỏ ra có nhiều năng khiếu.

Một ngày thu nọ, Matêô cùng vợ ra đi rất sớm đến thăm một bầy gia súc của bác ở một khoảng rừng thưa trong vùng ma-ki. Cậu bé Fortuynatô muốn đi theo, nhưng khu rừng thưa xa quá. Vả lại, phải có người ở lại trông nhà chứ; vì thế ông bố từ chối: ta sẽ thấy rồi bác có phải hối hận về điều đó không.

Bác đi vắng đã được vài giờ. Chú bé Fortuynatô đang yên lặng nằm dài dưới ánh nắng, ngắm rặng núi xanh và nghĩ tới chủ nhật sau chú bé sẽ được xuống phố ăn cơm ở nhà ông cậu Ca-pô-ran(1) thì đột nhiên có tiếng súng nổ làm ngắt quãng những điều chú đang ngẫm nghĩ. Chú bèn đứng dậy nhìn về phía cánh đồng, nơi phát ra tiếng nổ. Nhiều phát súng khác tiếp theo, cách quãng không đều, và mỗi lúc một gần, cuối cùng, trên con đường mòn từ cánh đồng dẫn tới nhà Matêô, hiện ra một người, đầu đội mũ vải nhọn kiểu mọi người miền núi thường dùng, mặt mày râu ria, áo quần rách rưới đang chống khẩu súng lê đi một cách khó nhọc. Gã bị trúng đạn ở đùi.

Người này là một gã lục lâm(2). Đêm qua, gã xuống phố mua thuốc súng, dọc đường rơi vào ổ phục kích của lính tuần tiễu Corxơ. Sau một cuộc chống cự mãnh liệt, gã tháo chạy được, vừa bị đuổi riết vừa bắn từ mỏm núi này qua mỏm núi nọ. Nhưng gã không vượt được bọn lính bao nhiêu, và vết thương khiến gã không thể tới ma-ki trước khi bị đuổi kịp.

Gã lại gần Fortuynatô và nói:

- Cháu là con bác Matêô Fancôn phải không?

- Vâng.

- Chú, chú là Gianéttô Xanpiêrô. Chú đang bị tụi cổ vàng(3) đuổi riết. Cháu giấu chú đi, vì chú không thể đi xa hơn nữa.

- Nhưng bố cháu chưa cho phép, nếu cháu giấu chú, bố cháu sẽ bảo sao?

- Bố sẽ bảo cháu làm đúng.

- Biết đâu đấy?

- Giấu chú nhanh lên, tụi nó đến kìa.

- Chờ bố về đã.

- Chờ à? Khốn nạn chưa! Năm phút nữa là tụi nó tới rồi. Nào giấu tao đi, không tao giết mày.

Fortuynatô trả lời hết sức bình tĩnh:

- Súng chú hết đạn rồi. Trong bao da chú cũng chẳng còn cắt tút.

- Tao có dao găm.

- Nhưng chú chạy nhanh bằng cháu à?

Fortuynatô nhảy phóc một cái và ra khỏi tầm tay.

- Mày không phải là con trai bác Matêô Fancôn! Mày để mặc tao bị tóm trước nhà mày hay sao?

- Chú bé dáng chừng cảm động lại gần và nói:

- Nếu cháu giấu chú thì chú cho cháu cái gì nào?

Tên cướp lục trong bao da đeo ở thắt lưng, rút ra một đồng năm phơ-răng mà chắc hắn định dành để mua thuốc súng; Nhìn thấy đồng tiền, Fortuynatô mỉm cười. Chú cầm ngay lấy rồi bảo Gianéttô:

- Đừng sợ gì hết.

Lập tức chú bới một lỗ to trong đống cỏ khô cạnh nhà. Gianéttô rúc vào, và chú bé lấp kín cỏ lại vẫn chừa ít không khí cho gã thở, nhưng chẳng để ai ngờ được trong đống cỏ ấy có người. Chú còn giở một mẹo khá tinh khôn khác nữa của dân ở rừng. Chú đi bắt một con mèo cái và đàn mèo con, đặt lên đống cỏ để làm người ta tưởng không phải nó vừa bị xáo trộn. Tiếp đó, nhận thấy có những vết máu trên đường mòn gần nhà, chú lấy cát bụi phủ kỹ, rồi công việc xong, chú lại nằm dài dưới ánh nắng với vẻ bình thản nhất.

Vài phút sau, sáu người mặc quân phục màu nâu cổ vàng, do một viên quản chỉ huy, đã đứng trước của nhà bác Matêô. Viên quản này hơi có họ với bác Fancôn. (Ai cũng biết rằng ở đảo Corxơ, người ta nhận họ xa hơn ở các nơi khác nhiều). Y tên là Tiôđôrô Gamba; một người hoạt động tích cực, từng tóm cổ khá nhiều tên cướp nên bọn này rất sợ.

Y đến gần Fortuynatô và nói:

- Chào cháu! Cháu lớn quá! Vừa rồi cháu có thấy một người đàn ông qua đây không ?

- Ồ, cháu đã lớn thế nào được bằng chú, hở chú? - Chú bé làm ra vẻ ngờ nghệch trả lời.

- Rồi sẽ bằng thôi. Nhưng nói cho chú biết, cháu có trông thấy một người đàn ông qua đây không?

- Cháu có trông thấy một người đàn ông qua đây không à?

- Ừ, một người đàn ông đội mũ nhọn và mặc chiếc áo ngoài thêu đỏ và vàng?

- Một người đàn ông đội mũ nhọn bằng nhung, mặc chiếc áo ngoài thêu đỏ và vàng à?

- Ừ, đáp nhanh lên, đừng nhắc lại câu hỏi như thế.

- Sáng nay, cha cố có đi qua cửa nhà cháu, cha cưỡi con ngựa Piêrô cha có hỏi cháu: bố khỏe mạnh không, và cháu đáp…

- Gớm, nhóc con, mày giở trò láu cá! Nói nhanh lên, thằng Gianéttô đi lối nào, chúng tao đang lùng bắt nó và tao tin chắc nó đã chạy theo con đường mòn này.

- Ai biết được?

- Ai biết được? Chính tao biết mày có trông thấy nó.

- Ngủ thì có trông thấy được người qua đường không?

- Nhãi, mày không ngủ. Tiếng súng nổ đã đánh thức mày.

- Thế chú tưởng súng của các chú nổ to đến thế kia à? Súng bố cháu còn kêu to hơn nhiều.

- Quỉ bắt mày đi! Đồ khốn! Tao chắc chắn mày có trông thấy thằng Gianéttô. Không khéo mày còn giấu nó nữa. Nào, các anh em, hãy vào nhà này, xem thằng ấy có ở đây không; Thằng quỉ quyệt, nó còn một chân và nó thừa khôn ngoan, chả dại gì mà lại cố tập tễnh lần về ma-ki. Vả lại vết máu ngừng ở đây.

Fortuynatô cười gằn, hỏi:

- Rồi bố sẽ bảo sao? Bố sẽ nói thế nào nếu biết các người đã xộc vào nhà trong khi bố đi vắng?

- Nhãi con - viên quản Gamba vừa xách tai chú vừa nói - mày có biết tao đủ khả năng làm cho mày phải đổi giọng không? Có lẽ phải phết cho mày hai chục má gươm, mày mới chịu khai.

Phụ Bản III

Fortuynatô vẫn cứ cười khẩy và dõng dạc nói:

- Bố tôi là Matêô Fancôn.

- Mày biết không, thằng nhãi, tao có thể giải mày về Corxơ hay về Baxtia. Tao sẽ cho mày vào nằm hầm tối, trên đống rạ, chân thì xiềng lại, rồi tao cho mày lên máy chém, nếu mày không chịu nói thằng Gianéttô Xanpiêrô trốn ở đâu.

Nghe câu dọa lố bịch đó, chú bé phá lên cười. Chú nhắc lại:

- Bố tôi là Matêô Fancôn.

Một người lính nói nhỏ:

- Ông quản ạ, chúng mình không nên sinh sự với lão Matêô.

Gamba lộ vẻ lúng túng.Y trao đổi thì thầm với tốp lính, bọn này đã đi khám khắp nhà. Công việc không lâu gì, vì nhà người Corxơ nào cũng chỉ có mỗi một phòng hình vuông, đồ đạc gồm một cái bàn, một số ghế dài, hòm xiểng và dụng cụ săn bắn hoặc nấu bếp. Trong khi đó, chú bé Fortuynatô vẫn vuốt ve con mèo, và hình như lấy làm thích thú với vẻ bối rối của bọn lính tuần và ông chủ họ.

Một người lính đến gần đống cỏ. Hắn nhìn thấy con mèo, vừa uể oải đưa một nhát lưỡi lê vào đống cỏ, vừa nhún vai như cảm thấy sự cẩn thận của mình đáng buồn cười. Chẳng có gì động đậy, và nét mặc chú bé không lộ mảy may xúc động.

Viên quản và tốp lính bực bội vô cùng; họ trầm ngâm nhìn về phía cánh đồng như định rút lui theo đường cũ, thì viên đội trưởng thấy rõ rằng lời đe dọa chẳng có tác dụng gì đối với con trai Matêô Fancôn, bèn thử cố gắng lần cuối cùng bằng vuốt ve và quà cáp. Y bảo:

- Này cháu, chú thấy cháu sẽ là một cậu trai lanh lợi. Sau này cháu sẽ khá lắm. Nhưng cháu đùa chú một vố không tồi. Nếu chú mà không sợ làm phiền bác Matêô, thì mặc cho quỉ bắt chú, nhất định chú sẽ điệu cháu đi.

- Chậc !

- Nhưng khi nào bố cháu về, chú sẽ mách hết, rồi bố cháu sẽ đánh cháu hộc máu ra vì tội nói dối.

- Nghĩa là ?

- Rồi cháu xem…Nhưng này…chóng ngoan, rồi chú sẽ cho cháu cái này.

- Còn cháu, chú ạ, cháu xin góp ý là nếu chú còn trù trừ nữa, tay Gianéttô sẽ chui vào ma-ki mất. Lúc đó muốn bắt hắn ở trong ấy, sẽ phải cần nhiều người cứng rắn hơn chú.

Viên quản rút trong túi ra một cái đồng hồ vỏ bạc, đáng giá đến mười ê-qui(4). Nhận thấy mắt thằng bé Fortuynatô sáng lên khi nhìn thấy, y bèn giơ chiếc đồng hồ lủng lẳng ở đầu sợi dây đeo và nói:

- Này, thằng ranh! Chắc chú mình muốn có chiếc đồng hồ thế này để đeo lủng lẳng ở cổ áo lắm nhỉ? Chú mình sẽ đi dạo trên đường phố Portô Versiô, kiêu hãnh như một con công. Rồi người ta sẽ hỏi chú mình: “Mấy giờ rồi cậu?” và chú mình đáp: “Nhìn vào đồng hồ tôi đây này”.

- Khi nào cháu lớn, cậu Ca-pô-ran của cháu sẽ cho cháu một chiếc.

- Đúng rồi, nhưng con trai của cậu cháu đã có một chiếc rồi…thật ra không đẹp bằng chiếc này đâu…Thế mà nó còn ít tuổi hơn cháu…

Chú bé thở dài.

- Thế nào, cháu có muốn có chiếc đồng hồ này không cháu?

Fortuynatô liếc nhìn chiếc đồng hồ, như một con mèo lúc người ta giơ cho nó một con gà giò. Vì thấy người ta trêu mình, mèo không dám giơ vuốt ra quắp và thỉnh thoảng nó nhìn ra chỗ khác để khỏi bị cám dỗ; nhưng nó cứ liếm mép luôn ra vẻ muốn nói với chủ: “Đùa gì mà ác vậy?”

Nhưng viên quản Gamba có vẻ thật lòng khi giơ chiếc đồng hồ ra. Fortuynatô không chìa tay ra mà chỉ nói với nụ cười chua chát:

- Sao chú cứ đùa cháu thế?

- Có trời chứng! Chú không đùa đâu. Chỉ cần nói chú biết thằng Gianéttô đâu, thế là chiếc đồng hồ này là của cháu.

Fortuynatô hé một nụ cười hoài nghi; rồi nhìn thẳng vào mắt viên quản bằng cặp mắt đen sáng của mình, chú cố tìm xem những lời nói kia có đáng tin cậy chăng.

Viên quản nói to:

- Nếu được thế mà chú không cho cháu đồng hồ, thì chú xin mất lon! Có anh em đây làm chứng chú không thể sai lời.

Vừa nói vậy, y vừa nhích chiếc đồng hồ sát lại, sát lại mãi, cho đến khi gần chạm làn má nhợt nhạt của chú bé. Trên gương mặt chú phản ánh rõ rệt một cuộc đấu tranh trong nội tâm giữa lòng tham và nhiệm vụ tôn trọng truyền thống hiếu khách. Lồng ngực phơi trần của chú nhô mạnh lên; chú gần như nghẹt thở. Trong khi đó chiếc đồng hồ vẫn đung đưa, quay tròn và đôi lần lại chàm vào đầu mũi chú. Cuối cùng, bàn tay phải của chú dần dần nâng lên hướng đồng hồ; đầu ngón tay chú chạm vào rồi toàn bộ chiếc đồng hồ đè nặng lên lòng bàn tay chú, tuy viên quản chưa buông đầu dây đeo… mặt đồng hồ màu xanh da trời… vỏ mới đánh bóng… dưới ánh mặt trời, nó rực sáng như lửa… Sự cám dỗ thật quá mạnh.

Fortuynatô cũng giơ bàn tay trái lên, đưa ngón tay cái qua vai chỉ vào đống cỏ mà chú đang tựa lưng. Viên quản hiểu ngay. Y buông đầu dây đồng hồ ra; Fortuynatô cảm thấy mình là chủ nhân duy nhất của chiếc đồng hồ. Chú nhỏm dậy nhanh như hoẵng, lùi cách đống cỏ mươi bước, tốp lính liền bới tung đống cỏ.

Chẳng phải đợi lâu đã thấy có rung động; rồi một người đầy máu me, tay cầm dao găm chui ra. Nhưng khi gã cố nhổm dậy, vết thương lạnh cứng không để cho gã đứng vững được nữa. Gã khuỵu xuống. Viên quản nhảy đến, giật lấy con dao. Lập tức họ trói chặt gã lại, mặc dầu gã chống cự.

Gianéttô nằm dưới mặt đất và bị trói gô lại như bó củi, quay mặt về phía Fortuynatô, lúc đó đã lại gần. Gã nói, vẻ khinh bỉ hơn là tức giận:

- Đồ con nhà…!

Chú bé ném trả lại gã đồng tiền mà chú đã nhận, cảm thấy mình không còn xứng đáng với nó; nhưng kẻ bị gạt ra khỏi xã hội ấy không có vẻ chú ý để cử chỉ này. Rất bình tĩnh, gã bảo viên quản:

- Ông Gamba thân mến, tôi không bước được. Ông đành phải khiêng tôi về thành phố thôi.

Kẻ chiến thắng ác nghiệt đáp lại:

- Lúc nãy mày còn chạy nhanh hơn hoẵng. Thôi được, cứ yên trí. Tóm được mày, là tao hả dạ đến nỗi dù có cõng mày một dặm đường cũng không thấy nhọc. Vả lại, anh bạn ạ, chúng tôi sẽ làm cho anh cái cáng bằng cành cây và cái áo khoác của anh; rồi tới trại Crétpôli, khắc tìm ra ngựa.

Tên tù nhân nói:

- Tốt. Xin ông để thêm ít rơm lên cáng, cho tôi được thoải mái hơn.

Trong khi toán lính bận rộn người lấy cành để làm một cái cáng, người băng bó vết thương cho Gianéttô, chợt Matêô cùng vợ xuất hiện ở một chỗ ngoặt trên con đường mòn dẫn đến ma-ki.

Bà vợ lưng gãy gập dưới một bị hạt dẻ rất lớn bước đi một cách khó nhọc, còn ông chồng thì đi có vẻ nhàn nhã, chỉ có khẩu súng cầm tay và một khẩu khác khoác chéo sau vai: vì đàn ông mà phải mang vác thứ gì khác ngoài vũ khí của mình là thiếu ưu thế.

Trông thấy bóng những người lính, ý nghĩ đầu tiên là họ đến để bắt mình. Sao lại nghĩ thế? Matêô có rắc rối gì với pháp luật chăng? Không. Bác vẫn nổi tiếng đứng đắn. Như người ta thường nói “một con người có thanh danh”. Nhưng bác vốn là người Corxơ và dân miền núi, mà ít có dân Corxơ miền núi, khi lục kỹ trong trí nhớ của mình, lại không tìm thấy một lỗi lầm nhỏ nào đó, chẳng hạn vài phát súng trường, đôi nhát dao găm, và những chuyện lặt vặt khác. Bác Matêô, hơn ai hết có một lương tâm minh bạch; vì hơn mười năm nay, bác chưa hề chĩa mũi súng vào người nào. Tuy vậy, vốn thận trọng, bác cũng đứng vào thế sẵn sàng chống cự cứng cỏi, nếu cần thiết.

Bác bảo Giuxéppa:

- Này mình, đặt bị xuống, chuẩn bị sẵn sàng.

Bà vợ tuân lời lập tức. Bác trao cho vợ khẩu súng đeo ở vai, vì nó có thể làm vướng bác. Bác lắp đạn vào khẩu cầm tay, rồi thong thả tiến về phía nhà bác, men theo những cây mọc ở vệ đường và sẵn sàng, nếu hơi thấy dấu hiệu thù địch, là nhảy ngay đến sau thân cây to nhất và bác có thể nấp và nổ súng. Vợ bác theo sát gót, cầm khẩu súng dự trữ và túi đạn. Trong trường hợp chiến đấu, nhiệm vụ của một người nội trợ đảm đang là nạp đạn cho chồng.

Ở đàng kia, viên quản rất hồi hộp khi thấy Matêô tiến lên như vậy, từng bước một, súng chĩa ra đằng trước và ngón tay trên cò súng.

Y nghĩ:

- Nếu không may Matêô lại là họ hàng hoặc bạn thân của Gianéttô và muốn bảo vệ nó, thì những mồi đạn trong hai khẩu súng của y sẽ trúng vào hai thằng trong bọn mình, chắc chắn như thư bỏ thùng bưu điện, và nếu, không nghĩ đến tình họ hàng, y lại nhắm vào ta, thì…

Trong lúc phân vân, y bèn chọn một cách giải quyết khá can đảm, là một mình y tiến lại phía Matêô, niềm nở như gặp lại cố nhân, để kể rõ câu chuyện; nhưng cái khoảng cách ngắn ngủi giữa hai người đối với y có vẻ dài ghê ghớm. Y nói to:

- Ô kìa! Thế nào, ông bạn già? Khỏe mạnh không ông bạn? Tôi đây, Gamba đây, họ hàng của bác đây mà.

Matêô không đáp một lời, dừng chân lại, và trong khi viên quản nói, bác nâng dần dần mũi súng lên, cho nên khi hai người giáp nhau, thì nòng súng đã chĩa lên trời.

Viên quản chìa tay nói:

- Xin chào người anh em. Lâu lắm rồi tôi không được gặp lại bác.

- Chào chú.

- Nhân đi qua đây, tôi rẽ vào thăm bác và bác gái Pêpa. Hôm nay chúng tôi vừa làm một cuốc dài; nhưng cũng chẳng bỏ công khó nhọc, vì chúng tôi vừa tóm được một món bở. Chúng tôi vừa tóm cổ được thằng Gianéttô Xanpiêrô.

- Tạ ơn Chúa! Tuần trước nó xoáy của chúng tôi con dê sữa đấy.

Mấy lời này làm cho Gamba hởi lòng hởi dạ.

Matêô bảo:

- Tội nghiệp! Nó đói mà.

Viên quản cụt hứng kể tiếp:

- Thằng khốn đã chống cự như một con sư tử. Nó bắn chết một người lính tuần của tôi, thế mà, chưa vừa lòng, nó còn bắn gẫy tay lão cai Sácđông; nhưng không hề gì, vì lão này chỉ là một thằng cha người Pháp…Sau đó, nó đã núp kín đến nỗi quỉ sứ cũng không tìm thấy. Không có cháu Fortuynatô, thì tôi cũng chẳng bao giờ moi ra nó.

Matêô kêu lên:

- Fortuynatô!

Giuxéppa nhắc lại:

- Fortuynatô!

- Vâng, thằng Gianéttô núp trong đống cỏ đằng kia, nhưng cháu bé đã chỉ cho tôi biết mánh khóe đó. Bởi vậy tôi sẽ thuật truyện này cho cậu Ca-pô-ran của cháu nghe, để ông ấy gửi cho cháu một món quà quý thưởng công nó. Với lại, trong báo cáo tôi sắp gởi lên ông chưởng lý, sẽ nêu tên cháu và tên bác.

Matêô nói nhỏ:

- Vô phúc!

Mấy người đã đi đến chỗ bọn lính. Gianéttô đã nằm trên cáng, sắp sửa lên đường. Khi gã thấy Matêô đi cùng Gamba, gã mỉm một nụ cười lạ lùng; rồi quay mặt về phía cửa, gã nhổ xuống bục và nói:

- Nhà đứa phản bội !

Chỉ có người nào nhất định muốn chết mới dám bảo Fancôn là người phản bội. Một nhát dao găm đích đáng, không cần đến nhát thứ hai, sẽ trả lời ngay câu nhục mà ấy. Thế mà Matêô không có một cử động gì cả, đưa tay lên trán như một người hết sức đau khổ.

Fortuynatô đã bước vào trong nhà khi thấy bố về. Chẳng bao lâu, chú lại trở ra với một bình sữa, mặt cúi gằm xuống, đưa cho Gianéttô:

Tên bị bắt thét lên như sấm:

- Xa tao ra!

Rồi quay về phía một người lính, gã hỏi:

- Anh bạn cho tôi xin hớp nước!

Người lính đặt bầu nước của mình vào tay tên cướp, và tên này uống nước của người vừa mới bắn nhau với hắn. Rồi hắn yêu cầu người ta trói tay ra đằng trước ngực, chứ đừng trói ra sau lưng. Hắn nói:

- Tôi muốn được nằm thoải mái.

Người ta vội làm vừa ý hắn, xong viên quản ra hiệu lên đường, từ biệt Matêô nhưng không được đáp lại, rồi bước nhanh xuống lối cánh đồng.

Đến gần mười phút, Matêô không mở miệng. Chú bé, mắt lộ vẻ lo lắng, khi thì nhìn mẹ khi thì nhìn bố đang tì tay lên khẩu súng, ngắm con với nét mặt tràn đầy giận dữ.

Cuối cùng, bác nói với giọng bình tĩnh, nhưng thật ghê sợ đối với người đã biết tính bác:

- Mày khởi đầu giỏi đấy!

- Bố ơi! –Chú bé vừa kêu lên vừa bước lại, rưng rưng nước mắt, như định quỳ sụp xuống.

Nhưng Matêô đã thét lên:

- Xa tao ra!

Chú bé dừng lại cách bố vài bước, đứng im và khóc nức nở.

Giuxéppa lại gần. Bác vừa nhận thấy cái dây đồng hồ, một đầu thò ra khỏi áo của Fortuynatô. Bác hỏi, giọng nghiêm khắc:

- Ai cho mày cái đồng hồ kia?

- Chú quản ạ.

Fancôn giật lấy chiếc đồng hồ, ném mạnh vào một tảng đá, nó tan ra thành nghìn mảnh.

Bác nói:

- Này mình, thằng bé kia có phải là con tôi không?

Đôi má rám nâu của Giuxéppa đỏ lên như màu gạch.

- Matêô, ông nói gì vậy? Và ông có biết ông nói với ai không?

- Vậy thì, trong nòi giống nhà nó, thằng bé này là đứa đầu tiên đã phản trắc

Fortuynatô lại càng nức nở thổn thức, còn Fancôn thì vẫn chĩa cặp mắt mèo rừng nhìn chòng chọc vào nó. Cuối cùng, bác dộng súng xuống đất và lại vác nó lên vai, rồi vừa đi theo con đường vào ma-ki vừa thét Fortuynatô đi theo. Chú bé vâng lời.

Giuxéppa chạy theo sau chồng, nắm lấy cánh tay. Bác vừa ngước cặp mắt đen nhìn vào mắt chồng như muốn đọc những ý nghĩ trong tâm hồn kia, vừa nói với chồng giọng run run:

- Nó là con ông.

Matêô đáp:

- Mặc tôi. Tôi là bố nó.

Giuxéppa bèn ôm hôn con, rồi vừa khóc vừa trở vào trong nhà. Bà quỳ xuống trước ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh và tha thiết cầu nguyện. Trong khi đó Matêô đi chừng vài trăm bước trên con đường mòn đến một cái khe nhỏ thì dừng lại và bước xuống. Bác dùng súng bắn thăm dò, thấy đất mềm và dễ đào. Chỗ này có vẻ thích hợp với ý định của bác.

- Fortuynatô, đến cạnh tảng đá lớn này!

Chú bé làm theo lệnh của bố, rồi chú quỳ xuống.

- Cầu kinh đi!

- Bố ơi bố, xin bố đừng giết con!

Matêô nhắc lại với giọng nói khủng khiếp.

- Cầu kinh đi!

Chú bé, vừa lắp bắp, vừa thổn thức, đọc kinh “Lạy Cha” và “Kinh tin”. Cuối mỗi kinh người bố lại cất cao giọng trả lời: “Amen!”.

- Đấy là tất cả các kinh mày thuộc à?

- Thưa bố, con còn thuộc kinh Kính Mừng và kinh cô con đã dạy nữa ạ.

- Kinh đó dài lắm, nhưng không sao.

Chú bé đọc hết bài kinh, giọng thều thào như sắp tắt.

- Xong chưa?

- Ôi, bố ơi, xon xin bố, bố tha tội cho con. Con sẽ không làm thế nữa! Con sẽ van xin cậu Ca-pô-ran của con để người ta tha tội cho Gianéttô.

Chú còn đang nói thì Matêô đã nạp đạn vào súng, giơ lên ngắm và bảo:

- Cầu chúa tha tội cho mày!

Chú bé cố sức tuyệt vọng để đứng dậy và ôm lấy đầu gối của bố nó; nhưng nó không còn đủ thì giờ. Matêô đã bấm cò và Fortuynatô ngã vật ra chết cứng.

Không liếc nhìn vào cái xác, Matêô trở về nhà định tìm một cái thuổng để chôn con. Bác vừa đi được mấy bước thì gặp Giuxéppa, bà nghe tiếng súng nổ hoảng hốt chạy đến.

- Ông vừa làm gì thế? –Bà kêu lên.

- Công lý.

- Nó đâu rồi?

- Trong khe. Tôi sắp chôn nó đây. Nó chết như một kẻ ngoan đạo; tôi sẽ làm một lễ cầu hồn cho nó. Hãy bảo với thằng rể Tiôđôrô Biăngsi của ta đến ở với chúng ta.

(1829)
Người dịch Tô Chương
Dương Lêh st từ Internet

-----------------

(1) Ca-pô-ran: Xưa kia, Ca-pô-ran chỉ những thủ lĩnh do các thôn xã bầu ra trong những cuộc khởi nghĩa chống chúa phong kiến. Sau này, vào thời kỳ Mêrimê viết truyện ngắn này, danh hiệu Ca-pô-ran thường được dùng để chỉ những người có uy thế ở Corxơ.

(2) Lục lâm: người bị gạt ra ngoài vòng pháp luật.

(3) Cổ vàng: lính tuần tiểu mặc áo cổ vàng.

(4) Ê-qui: một loại tiền cổ Pháp, bằng 5 phơ-răng

TỔ CHỨC GIÁO DỤC JAMES RANDI
VÀ GIẢI THƯỞNG 1,14 TRIỆU ĐÔ LA

James Randi (JR) sinh năm 1928 tại Toronto, Canada, nhập tịch Mỹ năm 1987, hiện sống tại bang Florida. Năm 13 tuổi, cậu bé JR bị thương nặng trong một tai nạn, tưởng bị què suốt đời, nhưng được chữa khỏi. Trong thời gian nằm nhà thương, cậu say mê đọc những sách về ảo thuật, sau trở thành một ảo thuật gia lừng danh.

JR còn viết nhiều sách có giá trị, có những giờ phát thanh trên radio và những show trên TV. Ông cũng diễn thuyết tại nhiều quốc gia. Đề tài chính của ông là chống dị đoan và làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến thế giới tâm linh. Ông đã được rất nhiều giải thưởng, bằng khen ngợi không những của các hội ảo thuật, mà còn của các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Ông đã dùng nhiều công sức để vạch mặt những người lợi dụng sự mê tín, dị đoan để đánh lừa quần chúng.

Những người sau đây đã bị ông lột mặt nạ:

- Nostradamus : Trong quyển “The Mask of Nostradamus” mà ông viết năm 1990, JR đưa ra những bằng chứng cho thấy Nostradamus là bịp bợm; cái gọi là “ Sấm Nostradamus” không phải do chính Nostradamus viết lúc còn sống, mà là do những người tôn sùng ông một cách quá đáng viết ra khi những biến cố lớn đã xảy ra rồi.

- Uri Geller: Đầu thập niên 1970, một thanh niên tên là Uri Geller đến Mỹ từ Do Thái. Anh ta nhanh chóng trở nên nổi tiếng và kiếm được rất nhiều tiền. Anh ta nói rằng mình có khả năng siêu phàm, có thể đọc được ý nghĩ của người khác, và có thể dùng ý chí để bẻ cong chìa khóa, muỗng, nĩa. Tất cả những trò của Uri Geller không qua mặt được JR. Sau một thời gian quan sát những lần biểu diễn của Uri Geller, JR cũng làm được những trò đó, và đã lột mặt nạ tay này trong cuốn “ The Truth About Uri Geller” mà ông viết năm 1982, cũng như trong các TV show của ông.

- Sylria Browne: Bà này là một nhà ngoại cảm, giúp thân chủ liên lạc với người đã chết, lấy tiền thù lao rất cao. Bà cũng có những show trên TV và những buổi phát thanh trên radio. Bà viết vài chục quyển sách bán rất chạy (best sellers). Bà nói rằng đã giúp cảnh sát giải quyết 200 hồ sơ. JR thách bà đưa ra bằng chứng về 200 hồ sơ đó, và dẫn chứng những trường hợp bà nói sai nhưng vẫn lấy tiền thù lao của thân chủ. JR cũng thách bà chứng minh được sự hiện hữu của thế giới bên kia để lấy giải thưởng một triệu đô la. (Xin xem phần sau về giải thưởng này). Bà hứa sẽ làm, nhưng đã hơn bảy năm nay chưa thấy bà thực hiện. JR tiếp tục gửi đơn dự thi cho bà bằng thư bảo đảm.

- James Popoff : Ông mục sư này tuyên bố rằng mình được Chúa Jesus ban cho khả năng gọi ra bệnh và chữa khỏi mọi bệnh nan y. Nhà thờ của ông kiếm được 4 triệu đô la mỗi năm qua các show trên TV. JR khám phá ra rằng trước khi được chữa bệnh, các bệnh nhân thường cầu nguyện, vợ ông mục sư nghe lén những lời cầu nguyện rồi mách bảo chồng qua một hệ thống vô tuyến tinh vi, với cái máy nghe cực nhỏ đặt trong tai ông mục sư. JR còn thu được rất rõ những lời mách của bà vợ ông mục sư. Sau khi bị lật mặt na, James Popoff đã khai phá sản.

Trên đây chỉ là một số ít trường hợp, còn rất nhiều chuyên viên khác như các chiêm tinh gia, người đoán nhân cách qua nét chữ (graphologist), người dùng cành cây để dò mạch nước hoặc mỏ kim loại (dowser) vv… đã bị JR chứng minh bằng thực nghiệm rằng không có khả năng hơn người thường.

GIẢI THƯỞNG MỘT TRIỆU ĐÔ LA

Năm 1996, với sự giúp đỡ của bạn bè và các nhà hảo tâm, JR thành lập tổ chức Giáo Dục James Randi (James Randi Educational Foundation, JREF). Đây là một tổ chức bất vụ lợi, mục đích là để giáo dục cho quần chúng, nhất là giới trẻ, có được sự hiểu biết không sai lạc về những hiện tượng tâm linh. Để hấp dẫn quần chúng, JREF treo giải thưởng một triệu đô la cho bất cứ ai có thể đưa ra, trong những điều kiện quan sát đúng đắn, bằng chứng của bất cứ hiện tượng hoặc sức mạnh tâm linh, siêu phàm, hay bí mật nào (“At JREF, we offer a one - million - dollar prize to anyone who can show, under proper observing conditions, evidence of any paranormal, supernatural, or occult power or event”). JREF không xét những lý thuyết, những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, mà chỉ quan tâm đến sự biểu diễn để chứng minh mà thôi.

Số tiền thưởng này được bỏ vào một chương mục riêng. Với tiền lời ngân hàng, nay số tiền này đã lên đến 1.143.274 đô la.

Ứng viên nào muốn tham dự phải nộp đơn, sẽ được gọi để biểu diễn một lần sơ khởi. Nếu không bị loại, sẽ được JREF giúp đỡ thiết lập môi trường biểu diễn, chọn ban giám khảo. Tất cả phải phù hợp với sự đồng ý của ứng viên và JREF. JREF không trực tiếp chấm giải. Cho đến nay, đã có hàng trăm ứng viên nộp đơn, được gọi biểu diễn sơ khởi, nhưng chưa có ai qua được vòng sơ khởi này cả. Và giải thưởng vẫn còn đó, cho đến ngày 06 tháng 03 năm 2010. Nếu chưa có ai lấy được giải, JREF sẽ dùng số tiền này vào mục tiêu khác, sẽ được công bố sau.

Trước kia, khi chưa thành lập JREF, với tư cách cá nhân, JR đã từng treo giải thưởng 10.000 đô la từ năm 1984, số tiền này vẫn còn nguyên.

Để tìm hiểu thêm về JREF, điều kiện dự thi, nơi gửi đơn thi… bạn chỉ cần lên mạng, vào Google, đánh 4 chữ J-R-E-F là sẽ có đủ thông tin. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm James Randi Youtubes để xem rất nhiều màn hào hứng trong những TV show của JR, những màn JR lật tẩy Uri Geller, James Popoff, vv…

Người viết liên tưởng đến những nhà ngoại cảm Việt Nam như Cô Phương, Cô Bích Hằng… không biết họ có khả năng thay đổi thành kiến của JR không, hay chỉ là…

N.C.T.

CHỌC GIẬN THẦN TÀI

Trong hoàng kim thời đại, cuối thế kỷ hơi mươi đầu thế kỷ hơi mươi mốt, Thần Tài tức Thần Tiền, nôm na là Vua Tiền vẫn thường dương dương tự đắc cho mình là Vua các vì Vua trên đời. Quả vậy, người đời từ vua tới quan, trí thức tới dân đen… thảy đều coi trọng Thần Tài. Thậm chí có đứa bán vợ đợ con, ra luồn vào cúi, lừa thày phản bạn, để làm gì? Tất thảy chỉ để lạy lục Thần Tài mong được Héng chiếu cố!

Tưởng mình là nhất thống trần hoàn, làm gì có đứa nào dại dột dám cả gan phạm thượng. Nên trên cơ sở đó, Thần Tài luôn luôn nhe răng cười, tưởng rằng sẽ cười, cười mãi từ kỷ này qua kỷ khác…

Nhưng mới đây, tin sốt dẻo, Thần Tài đã lần đầu tiên, nhăn mặt tức tối. Số là, ở Nam Phương xa lắc, xa lơ, tại một vùng đất hiền hòa tên Nhuận Phú, Phú Nhuận ONG chi đó có tên thư sinh kính trắng, mới nhị tuần lần thứ ba, dám cả gan mang Thần Tài ra làm trò riễu cợt, ngày ngày vác Thần Tài tặng người bạn chí thân của hắn, coi Thần Tài như một tiểu vật, thường xuyên đem tặng cho người thân của hắn.

Nổi cơn lôi đình Thần Tài quát mắng inh ỏi và sai một tiểu tốt của mình đến ngay Nam Phương tìm hiểu xem tên thư sinh mặt trắng nào dám hỗn thế. Tiểu tốt bay đi nửa khắc sau quay lại tâu: “Kính thưa Đại Vương, xin Ngài mau cho quan chức cao cấp hơn tiểu tốt tới trừng phạt tên này vì tiểu tốt vừa tới nhà hắn đã bị hắn đá văng ra đường, chân đá, miệng quát: “Cút ngay! Mày chỉ đáng 20 đô mít mà dám vác mặt tới gặp ta! Về gọi Đại Vương của mày tới đây!” Thần Tài lập tức sai một viên thẩm phán của mình đi gặp tên thư sinh mặt trắng với lời căn dặn hãy cho hắn vài bạt tai vì tội phạm thượng! Thẩm phán bay đi và một khắc sau quay lại trình tâu: “Kính Đại Vương tên này cực kỳ to gan lớn mật tuy dạng người nhỏ thó. Hắn đã tử tế “ban bắt tay” kẻ hạ thần và cho vào nhà, một căn nhà hắn chứa toàn “quý thư”, nhưng không cho uống nước mà lại bảo với hạ thần: “Ta tử tế cho người vào nhà, nhưng chỉ là để bảo nhà người về gọi ngay Đại Vương của nhà người tới, vì người chỉ đáng có 50 đô mít, với ta chỉ dùng được vào hai cuốc “tam xa” phí (xe ba bánh, tức thị là xe xít lô đời nay) do đó bay chưa phải là thứ ta cần, hãy mau cấp tốc gọi Đại Vương nhà mi tới đây, rồi lần sau tới ta cho uống nước… trà đá!”

Thần Tài tức xùi bọt mép bèn quát lớn, tức cha chả là tức, ông đang bị cúm, để vài hôm nữa ông khỏi, ông sẽ thân hành tới đập cho tên kính trắng phạm thượng này một trận cho bõ ghét!

Được một quan chức của Thần Tài hé cho biết câu chuyện trên, người kể chuyện này vội tới gặp con người láo lếu dám coi thường Thần Tài để đi một đường phỏng vén, thì được kẻ đó cho biết “ý đồ” của hắn như sau:

Hỏi: “Tại sao anh bạn lại dám ngày ngày vác Thần Tài tặng người bạn gái?”

Trả lời: “Vì tôi đeo nặng một ý đồ.”

Hỏi: “Ý đồ gì? Tại sao các sứ giả của Thần Tài tới gặp lại đuổi và buông lời khinh mạn?”

Trả lời: “Ý đồ gì thì phải sau khi chính Thần Tài đích thân tới thăm mới trả lời được. Còn sứ giả của héng chỉ đáng vài chục đô mít, tiếp làm thèm vào!

Đành chịu thua ra về, nhưng sau đó hỏi một vài “mẫu hậu” khác của tên thư sinh thì mới vỡ lẽ ra là: “HẮN CHỌC GIẬN THẦN TÀI ĐỂ CHÍNH THẦN TÀI MÒ TỚI, KHI GẶP HẮN SẼ ĐÈ THẦN TÀI RA VÀ BIẾN THẦN TÀI, mà ai nấy trên đời đều kính trọng, thèm muốn, THÀNH VÉ MÁY BAY ĐI XANH GA BO… Té ra mỗi ngày hắn mua vé số tặng cô bạn hắn!

Xin chịu khó chờ xem cha Thần Tài có mắc mưu thư-sinh-kính-trắng-nhị-tuần-lần-thứ-ba không?

Dám lắm!

Vũ Bất Tiếu

NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ

Nhạc Cung đình là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam, có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật. Tuy được sử dụng ở chốn cung đình, nhưng việc sáng tạo và biểu diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất thân từ trong dân gian nhờ có tay nghề cao mà họ được sung vào cung để phục vụ cho triều đình.

Trong cả 3 miền đất nước ta đều có những loại nhạc trong dân gian dính liền với đời sống con người từ lúc sơ sinh đến khi trở thành cát bụi; bắt đầu từ những điệu hát ru, đồng dao, hò lý, đối ca nam nữ cho đến hò đưa linh hồn về cõi chết. Ca nhạc thính phòng có ca Trù miền Bắc, ca Huế miền Trung, ca Tài tử miền Nam. Trên sân khấu có hát Chèo, hát Tuồng, Cải lương và Bài Chòi; âm nhạc trong tôn giáo lại có các lối tán tụng trong Phật Giáo, các điệu chầu văn…

Nhưng riêng ca nhạc Cung đình chỉ có tại kinh thành Huế, một bộ môn âm nhạc hết sức độc đáo và vô cùng tinh vi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ giá trị độc đáo của nó. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đây là bộ môn âm nhạc duy nhất được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhiều mặt: nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc nhữ độc đáo và quan điểm thẩm mỹ sâu sắc.

“Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, không thể đi sâu vào việc phân tích các bài bản để cho thấy hết sự đa dạng của thang âm điệu thức hay sự phong phú của tiết tấu trong đại nhạc hay tiểu nhạc”. Bài viết này chỉ đề cập đến hai khía cạnh nhỏ của bộ môn nhạc Cung đình đặc sắc của chúng ta, đó là giá trị về lịch sử và nghệ thuật.

Trong Khâm Định Đại Thanh hội điển sự lệ (quyển 538, tờ 3b) xuất bản năm 1908 (Thư viện Hội Châu Á: Société Asiatique) có ghi rành rẽ chi tiết của dàn nhạc Cung đình có mặt cùng một lúc với phái đoàn hữu nghị do vua Quang Trung phái sang Trung Quốc cầu hòa với Triều đình Nhà Thanh dưới thời vua Càn Long (1789), mà sử gia Nhà Thanh đã gọi là “An Nam Quốc Nhạc”. Từ đó có thể suy luận rằng do vua Càn Long phong cho vua Quang Trung Tước An Nam Quốc vương mà sanh ra tên An Nam Quốc Nhạc để chỉ dàn nhạc cung đình Việt Nam.

Năm 1802, dàn nhạc đổi tên là Việt Nam Quốc nhạc vì vua Gia Long lên ngôi năm 1802 đặt tên nước là Việt Nam.

Trong đoạn miêu tả dàn nhạc cung đình Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 18, người viết sử ghi tên nhạc khí bằng chữ nôm gồm: 1 cái cổ (trống), 1 cái phách (sinh tiền), 2 cái sáo, 1 tam huyền tử (đờn tam), 1 hồ cầm (đờn nhị), 1 cái đàn song vận (nguyệt cầm), 1 đàn tỳ bà, 1 tam âm la.

Ngoài ra, còn có một đoạn tả các vũ sinh mặc áo rộng thêu rồng, thắt lưng màu xanh, đầu bịt khăn, tay cầm quạt xanh.

Nhạc công mặc áo màu vàng, thắt lưng màu xanh dương và đầu bịt khăn giống như vũ sinh. So sánh số nhạc khí của dàn Nhã nhạc hay Tiểu nhạc ngày nay chúng ta thấy rằng cũng không có gì thay đổi.

Ngược dòng thời gian thì ngoài các tư liệu lịch sử, tài liệu về khảo cổ cũng giúp chúng ta xác định tính cổ đại của nhạc Cung đình. Những chi tiết về một dàn Đại nhạc Cung đình xuất hiện đầu tiên trong sử sách có lẽ là vào đời nhà Trần, trong quyển “An Nam chí lược” của Lê Tắc.

Đời Hậu Lê có thêm nhiều bộ sử ghi lại sự kiện năm Thiệu Bình thứ tư (1437) dưới thời vua Lê Thái Tông (1434-1442), nhà vua giao cho Nguyễn Trãi cùng với Lương Đăng có nhiệm vụ định ra Nhã nhạc cho triều đình. Lương Đăng muốn sắp đặt dàn “Đường thượng chi nhạc” giống như dàn nhạc “Triều hạ yến hưởng chi nhạc” của nhà Minh và “Đường hạ chi nhạc” giống như các dàn nhạc “Đơn bệ đại nhạc” và “Giáo phường ty nữ nhạc” của nhà Minh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ức Trai di tập thì Nguyễn Trãi đã dưng biểu cho nhà vua từ chối nhiệm vụ vua giao phó vì không tán thành quan điểm trên của Lương Đăng. Bức thư của Nguyễn Trãi là bài học quý giá về thái độ của một người nhạc sĩ chân chính đối với nền âm nhạc dân tộc, trong đó có những suy tư về âm nhạc rất sâu sắc như:

- Hòa bình là gốc của Nhạc – Thanh âm là văn của Nhạc – Hài hòa là tính chất của Nhạc.

“Thần mong rằng Bệ hạ thương dân để cho trong cả nước không có một âm thanh nào nói lên sự bất bình hay buồn thảm của dân. Nếu dân còn buồn thảm hay bất bình tức là Bệ hạ đã đánh mất cái gốc của Nhạc.”

Ngoài ra, còn những quyển sử khác có ghi đôi nét về nhạc Cung đình qua các thời đại như Quốc thiều thông lễ (dưới triều vua Trần Thái Tông), Trần triều đại diễn (dưới triều vua Trần Dụ Tông), Lễ triều hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ vv…

Những bài thuộc loại Cửu tấu ngoài âm nhạc còn có lời ca được ghi đầy đủ trong quyển Đại Nam hội điển sự lệ, như trong Miếu Triệu Tổ (miếu thờ Nguyễn Kim), tên các bài ca phải có chữ Hòa như:

Hàm hòa (trong lúc nghinh thần), Gia hòa (lúc hiến lụa), Tương hòa (trong lúc sơ hiến, dưng rượu lần đầu), Dự hòa (trong lúc á hiến, dưng rượu lần nhì), Ninh hòa (trong lúc chung hiến, dưng rượu lần cuối cùng), Mỹ hòa (lúc dưng trà), Túc hòa (lúc dọn các lễ vật), An hòa (lúc tiễn thần), Ưng hòa (lúc mang đuốc đi sau khi đốt sớ).

Trong Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử thì tên những bài hát phải có chữ Văn, trong loại Yến nhạc, tên bài hát phải có chữ Thành (dưới triều Gia Long), chữ Khánh (thời Minh Mạng thứ 18) hay chữ Phúc (thời Minh Mạng thứ 21) vv…

So với các bộ môn khác, nhạc Cung đình có một giá trị nghệ thuật rất cao mà trước tiên là vì triều đình có đủ quyền lực chính trị và khả năng tài chánh để quy tụ những nhạc sĩ cũng như nhạc công tài năng từ khắp nơi trong đất nước, rồi tạo nhiều điều kiện thuận tiện cho họ luyện tập kỹ thuật, trau dồi nghệ thuật để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp sáng tác dồi dào, biểu diễn tinh vi.

Các nhạc khí được dùng trong nhạc Cung đình cũng được đóng rất kỹ, chạm cẩn khéo léo, tinh xảo hơn nhạc khí dùng trong dân gian, lại có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), tiếng đồng. Về độ cao có tiếng trầm của dây đài đờn tỳ bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo.

Dàn nhạc cũng đa dạng và quy mô hơn các dàn nhạc khác.

Dàn Đại Nhạc, gồm kèn, trống và bộ gõ, có thể có đàn nhị. Kèn cũng có nhiều loại: kèn đại, kèn trung, kèn tiểu, không phải loại kèn đồng như suona của Trung Quốc mà ta gọi là “kèn song hỷ”. Kèn dùng trong nhạc Cung đình là loại kèn bầu, bát kèn làm bằng gỗ.

Trống có đủ loại: từ trống lớn nhứt là đại cổ, qua các trống tiêu cổ, một cặp trống võ (tiếng cao tiếng thấp, có âm có dương), trống một mặt, có bồng, có trống cơm.

Tiểu nhạc hay nhã nhạc gồm những nhạc khí dùng dây tơ, sáo trúc (vì vậy có khi dàn nhạc được gọi là Ti trúc tế nhạc), Dây tơ có loại dây khảy như đờn nguyệt hai dây, đờn tam ba dây, tỳ bà bốn dây. Có đờn dùng cung để kéo như đờn nhị.

Bộ gõ bằng gỗ có mõ và phách tiền, bằng kim khí có chuông to, chuông nhỏ, đại la, tiểu la, chập chõa. Bộ gõ tuy chỉ gồm ba nhạc khí mà có trống bịt da một mặt, có tam âm la bằng kim khí, đặc biệt có sinh tiền, một nhạc cụ vô cùng độc đáo với ba chức năng gõ, cọ quẹt và rung.

Như vậy, các dàn nhạc chẳng những đa dạng và quy mô mà còn rất đặc biệt trong sự phối hợp màu âm, không quan tâm đến số lượng mà chú trọng đến chất lượng. Khi hòa đờn thì không nhạc khí nào có thể át các nhạc khí khác mà mỗi loại âm thanh đều có thể phân biệt rõ ràng.

Trong dàn nhã nhạc ta có thể nghe tiếng chững chạc trang nghiêm của đờn nguyệt, tiếng chuyền, tiếng rơi vào nhịp ngoại, tiếng chầy, tiếng “phi” bay bớm của tỳ bà, tiếng trong nhờ nhạc công đờn nhị dùng tay mặt kéo cung, tay trái vuốt ve “nên lời dịu ngọt”, tiếng đục của đờn tam đem tiếng thổ chen vào tiếng kim của tam âm la, với tiếng nỉ non vi vút “như tiếng hạc bay qua” của hai ống sáo. Tất cả các nhạc khí ấy cùng hòa nhịp theo tiếng trống bảng dìu dặt, tiếng trống khi khoan khi nhặt, khi đánh nhịp chánh điện, khi vào nội phách, khi ra ngoại phách. Toàn bộ dàn Nhã nhạc, liên tục trong 10 bài ngự, từ nhịp điệu khoan thai của mấy bản Phẩm tuyết Nguyên tiêu lúc mở đầu, lần lần dồn dập qua các bài Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, rộn rã từ Xuân phong, Long hổ đi đến náo nhiệt qua cấp điệu như tiếng vó ngựa trong bài Tấu mã.

Cũng không có bộ môn âm nhạc truyền thống nào lại có nhiều thể loại nhạc khác nhau như nhạc Cung đình, gồm có: Giao nhạc (dùng trong Lễ Nam Giao, nhà vua làm lễ tế trời đất ba năm một lần), Miếu nhạc (dùng trong các miếu), Ngũ tự nhạc (năm lễ tế thần), Đại triều nhạc (tấu trong các lễ lớn như: Lễ Vạn Thọ, tiếp sứ thần), Thường triều nhạc (tấu khi vua lâm triều thường lệ), Đại Yến nhạc (tấu trong các buổi yến tiệc), Cung trung chi nhạc (dùng trong cung phủ), Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc (dùng trong các dịp nguyệt thực, nhật thực).

Lại không có bộ môn nào huy động nhiều diễn viên và xiêm y phong phú như nhạc Cung đình.

Cuối cùng, nhạc Cung đình còn đặc biệt ở điểm bao gồm tất cả các bộ môn âm nhạc khác, từ lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của Cung đình, trong các chùa miếu), nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn.

Về Lễ nhạc, một số bài bản trong các dàn nhạc Bát âm ngoài Bắc, Ngũ âm trong Nam, đều từ nhạc Cung đình mà ra. Các điệu ba hồi chín chập trong nhạc lễ miền Nam cũng bắt nguồn từ Tam luân cửu chuyển. Các bài Đánh thét do lối Thiết nhạc. Những bài Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc trong nhạc lễ miền Nam cũng từ các bài bản trong Tiểu nhạc của nhạc Cung đình Huế được thay đổi phù hợp với quan niệm thẩm mỹ miền Nam.

Trong nhạc thính phòng, 10 bài ngự Thập thủ liên hoàn, các bản lưu thủy Kim liên cũng từ nhạc cung đình mà có. Dàn nhạc thính phòng nhiều nhất cũng chỉ có tới 6 nhạc khí (ngũ tuyệt, tranh, nguyệt, nhị, tỳ, tam hoặc tranh, nguyệt, nhị, tỳ, độc huyền, thêm ống sáo). Nhã nhạc cũng thuộc loại thính phòng, nhưng sử dụng nhiều nhạc khí hơn, lại có được ba nhạc khí thuộc bộ gõ nên càng đầy đủ và đặc sắc.

Nhạc Tuồng trong nhạc Cung đình phong phú hơn của Bình Định hay Quảng Nam, vì tại Huế tập trung những nhà viết tuồng có tên tuổi cũng như các đào kép giỏi từ các nơi.

Riêng các điệu múa cung đình có nhiều nét riêng độc đáo, chẳng hạn như điệu Lân mẫu xuất Lân nhi, tuy là múa lân nhưng không phải loại lân diệu võ dương oai, đạp pháo, leo cột để lấy tiền, mà diễn tả tình phu thê đầm ấm, tình mẫu tử nồng nàn.

Hay điệu múa Lục cúng hoa đăng phối hợp ánh đèn lung linh huyền ảo với dáng đi uyển chuyển, đội hình thay đổi đa dạng. Và không có điệu múa nào trên thế giới mà vũ sinh vừa múa theo tiếng nhạc lại chuyển đội hình từ bề dọc đến bề cao, vũ sinh chồng chất đến bốn năm từng. Đánh giá rõ điều này nên các chuyên gia Nhật Bản khi ghi hình điệu múa Hoa đăng cho Đài Truyền Hình NHK đã khéo sử dụng ánh sáng vừa đủ để nhìn được gương mặt và xiêm y của diễn viên, lại thấy rõ những ánh đèn hoa đăng khi ẩn khi hiện rất nghệ thuật.

Rồi đến các điệu múa Tứ Linh, Long hổ, Phụng vũ, Phiến vũ, Múa kiếm Trưng Vương xuất trận, vừa có văn có võ, vừa dịu dàng lại oai nghiêm. Ngày xưa còn các điệu múa văn, múa võ phỏng theo Văn vũ, Võ vũ bên Trung Quốc sử dụng trong các lễ Tế giao, Tế miếu có ghi lại trong sách sử như điệu múa Liệt vũ (khi Thái Hậu lên ngôi), Thanh Hoa chi, Hồng Hoa chi, Huỳnh hoa chi (khi tặng lễ vật), Tiên đào quá vũ (khi Thái Hậu hồi cung).

Tóm lại, chỉ mới nhìn qua bề mặt, chưa đi vào bề sâu, mà giá trị của nhạc Cung đình đã quá hiển nhiên. Mới đi qua một phần chiều dài của lịch sử, chưa đi rộng trong không gian để đối chiếu nhạc Cung đình Việt Nam với Ya Yue (Trung Quốc), Gagaku (Nhật Bản), Ah Ak, Tang Ak Hyang Ak (Triều Tiên) mà chúng ta cũng thấy lòng tràn đầy niềm hãnh diện. Thời gian qua, chúng ta đã tìm hiểu nhạc Cung đình qua lịch sử, đánh gia nhạc Cung đình trong hiện tại, nay đã đến lúc cần hướng tầm nhìn về tương lai để định xem chúng ta phải làm gì, để không chỉ bảo tồn di sản nghệ thuật cha ông để lại mà còn phải bồi đắp thêm bằng những sáng tạo mang dấu ấn của thời đại mà không đánh mất bản sắc dân tộc Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng ta là một khi được thừa hưởng gia tài của ngàn xưa thì cũng phải góp công sức xây dựng một chút gì để truyền lại cho ngàn sau.

Di sản Thế giới – Di sản phi vật thể

Bùi Đẹp

Phụ Bản IV

Một trường hợp hi hữu nhất trong văn học sử thế giới

BA CHỊ EM NHÀ

BRONTË

Chị em nhà Brontë, nhất là Emily và Charlotte là những tiểu thuyết gia được đọc nhiều nhất khắp thế giới, ngang hàng với Tolstoi, Doltoievski.

Williams bước vào văn phòng ông chủ trẻ tuổi của mình, một chủ nhà xuất bản đẹp trai và ăn mặc bảnh bao nhất trong số các chủ nhà xuất bản lớn ở Londres:

- Thưa ông… đây là một tác phẩm mới. Không biết tôi có lầm hay không, chớ quyển tiểu thuyết này sẽ nổ như sấm sét trong nền văn học của chúng ta. Từ lâu lắm rồi, tôi chưa bao giờ đọc được một quyển sống động như vầy. Hồi tối, tôi phải đọc một hơi đến hết mới ngủ được.

Có vẻ nghi ngờ nhận xét của người chuyên tuyển chọn bản thảo già nua và trung thành của mình, thanh niên thanh tú, tóc vàng, George Smith nhìn chồng bản thảo dầy cộm mà Williams vừa trao qua, quyển tiểu thuyết nhan đề “Jane Eyre”, với cái tên tác giả lạ hoắc Currer Bell, do mục sư Brontë ở Harworth, Yorshire gởi gắm:

- Lại thêm một anh chàng nào đó ở tỉnh lẻ giết thì giờ bằng ngòi viết và tưởng mình có tài viết văn, ông uể oải nói. Hời hợt, ông lật trang đầu bản thảo nhìn qua. Rồi như Williams, ông không rời mắt được khỏi những trang nối tiếp nhau.

Đó là câu chuyện của cô con gái một mục sư sống trong một ký ‎‎ túc xá giống như nhà ngục, rồi bị những gia đình giàu có mướn cô kèm trẻ khinh bạc, chót hết, cô tha thiết yêu một người có vợ và bà vợ là một kẻ nghiện rượu…

- Quả là một tác phẩm tuyệt hay

Xuất bản ngày 16-10-1847, “Jane Eyre” gây chân động trong giới văn Anh quốc, làm đề tài cho những cuộc tranh luận giữa các nhà phê bình văn học. Người ta tìm biết xem tác giả được bao nhiêu tuổi, xấu đẹp thế nào. Nhưng nhà văn mới ra lò ký ‎ tên Currer Bell thật bí mật, chẳng thèm đến Londres khi quyển sách phát hành.

Câu chuyện lại sôi nổi hơn vì cũng trong tháng 10 năm ấy một nhà xuất bản đối nghịch với George Smith là Newby đưa ra một lượt hai quyển tiểu thuyết: “Agnès Grey” ký tên Acton Bell và “Les Hauts de Hurlevent” (Đỉnh gió hú), tràn ngập một thứ tình yêu điên loạn làm mờ cả những nhân vật nhân vật của “Jane Eyre”, ký tên Ellis Brontë. Nhân vật chánh của “Đỉnh gió hú” là Heathcliff, một thanh niên ngông cuồng, say nhừ tử thường xuyên, phóng ngựa trên những bãi đồng hoang, chàng trai trẻ tuổi đồi trụy, thác loạn và phi thường ấy làm say mê tất cả phụ nữ Anh quốc thời đó.

George Smith giận điên người, viết ngay cho Currer Bell rằng ông xem việc ký‎ những biệt hiệu gần giống nhau như vậy là không thành thật và vi phạm hợp đồng.

Currer Bell phải đến Londres giải thích.

G. Smith hết sức ngạc nhiên khi biết tác giả của quyển tiểu thuyết đầy nam tính kia lại là một cô gái chưa chồng, tên thật là Charlotte Brontë. Ông ta càng ngạc nhiên hơn nữa khi Charlotte thú thật rằng tác giả quyển “Agnès Grey” ký Acton Bell là Anne Brontë, và tác giả “Đỉnh Gió Hú” lấy Ellis Bell tức là Emily Brontë, cả hai là em ruột nàng, và cũng là chưa có chồng.

Đối với George Smith cũng như đối với toàn thể đọc giả Anh quốc, đó là chuyện lạ văn chương từ bao nhiêu thế kỷ nay. Nhất là “Jane Eyre” và “Đỉnh Gió hú”, hai tác phẩm sôi bỏng những nhiệt tình rất nam tính ấy lại là sản phẩm của hai cô gái trinh nguyên ở tỉnh lẻ

Mục sư Brontë góa vợ, cùng ở với 6 con, một trai 5 gái, giữa một nơi hoang vắng đấy đá sỏi và cây bruyère, gió hú suốt đêm.

Ba cô gái: Charlotte sanh năm 1816, Emily sanh năm 1818 và Anne 1820, bị cha không ngó ngàng gì tới, sống một đời sống buồn chán. Mục sư chỉ lo cho người con trai là Patrick Branwell Brontë mà ông cho rằng sau này sẽ làm vẻ vang cả họ. Ông không lầm! Patrick say mềm ngày đêm, nhưng lại trở thành bất tử dưới cái tên Heathcliff, nhân vật của “Đỉnh gió hú” mà tác giả là em gái chàng, Emily Brontë. Patrick cũng là người đàn ông duy nhất mà Emily Brontë tiếp xúc và quan sát.

Hai người chị trong số 5 cô gái, chết hồi mới lên 12 và 10 tuổi.

Năm Charlotte 26 và Emily 24, hai cô gái được cha đưa tới Bruxelles (Bỉ), vào ký túc xá của bà Heger. Nơi đây, Charlotte đã yêu ông thầy Pháp văn là ông Heger, chồng bà hiệu trưởng, đã có 4 con và sắp có đứa thứ 5, chỉ vì Heger yêu thơ một cách say đắm. Nhưng rồi mối tình ngang trái ấy không đi tới đâu và hai cô trở về Haworth chôn vùi cuộc đời nơi chốn hoang dã.

Đêm đêm Charlotte thao thức vì nhớ Bruxelles, Emily thương yêu và săn sóc người anh say sưa, đồi trụy mà cũng là người đàn ông duy nhất mà hình ảnh hiện dưới ngòi bút của nang qua nhân vật sống động Heathcliff, đã làm tan nát quả tim một cô gái đẹp tưởng tượng Cathie.

Ngay lúc “Đỉnh gió hú” sắp xuất hiện trên văn đàn thì Brawell say mèm ngã gục trên đồng hoang. Được đưa về nhà, chàng nói xàm, hét lên rằng cua và chuột bò lên mình chàng.

- Emily! Emily! Xin lỗi em, Branwell thì thầm rồi lặng lẽ đi vào cõi hư vô.

Chôn anh xong, Emily biết đời mình sắp dứt với bịnh lao như chị và em mình, giữa lúc “Đỉnh gió hú” gây sôi nổi trên văn đàn. Cuối năm 1848, nàng tắt thở sau khi té xuống nền đá trong nhà.

Anne vừa xong quyển tiểu thuyết thứ hai. Tiền bạc đến như nước. Cả Anh quốc đã biết “ba chị em Brontë”, nhưng Charlotte và em không còn đủ hơi sức để hưởng giàu sang và danh vọng nữa. Anne mất vài tuần sau đó.

Tuy nhiên trong sáu năm còn lại, Charlotte cố hoạt động, tiếp xúc với các nhà văn, các nhà xuất bản ở Londres quen biết với nhà văn nổi tiếng Thackeray mà người ta đồn là họ yêu nhau, thân thiện với nhà xuất bản George Smith, từ chối tình yêu của người tuyển truyện Taylor của Smith, làm Taylor thất vọng đi Ấn Độ. Nàng viết thêm truyện “Villette”, và trong cô đơn, nhận lời cầu hôn của một mục sư Nicholls Bell, người mà ba chị em đã mượn tên “Bell” để ký lúc đầu.

Đám cưới được ít tháng, Charlotte mang thai và vừa cảm thấy chút ít hạnh phúc thì bịnh lao trở nặng. Nàng chết lúc được 39 tuổi.

Chị em nhà Brontë, nhất là Emily và Charlotte là những tiểu thuyết gia được đọc nhiều nhất khắp thế giới, ngang hàng với Tolstoi, Doltoievski. Quyển “Đỉnh gió hú” được dịch ra đủ thứ tiếng, “Jane Eyre” cũng thế.

Không ai tưởng tượng được những quyển tiểu thuyết sôi động như vậy lại do những cô gái chưa biết ái tình là gì viết ra.

Đỗ Thiên Thư st

LƯỢM LẶT

1 .

Các học trò của Khổng Tử một hôm lúc nhàn rỗi hỏi Thầy:

- Thưa Thầy, chúng con không hiểu sao ở tuổi của Thầy làm sao Thầy có thể học được nhiều thứ đến như vậy?

Đáp:

- Các con nghĩ ta phải học thật nhiều mới biết được nhiều hay sao?

- Vâng. Nếu không phải thế thì còn thế nào nữa ạ?

- Ta chỉ học thật kỹ một thứ rồi suy ra tất cả.

2.

Nghe người lớn nói ngày mai Đức Khổng Tử sẽ đi dạo chơi trên con đường cái quan trước làng ta, một cậu bé lên 6 tuổi tò mò muốn biết mặt Đức Khổng Tử. Sáng hôm sau, cậu bèn dậy thật sớm, ra chờ sẵn ở bên đường.

Trông thấy đứa bé ở phía trước, bọn người hầu đi dẹp đường liền quát:

- Thằng bé kia! Tránh ra cho xe của Đức Khổng Tử đi.

Thấy cậu bé không chịu lui, bọn người hầu lại lớn tiếng quát mắng thêm. Thấy cậu bé trông khôi ngô dễ mến, Khổng Tử liền xua tay bảo bọn người hầu:

- Cứ để ta hỏi xem cậu bé muốn gì.

Cậu bé đã mạnh dạn tiến đến chào:

- Con lạy Đức Khổng Tử ạ. Con nghe nói Ngài biết đủ mọi thứ nên hôm nay con ra đây để hỏi Ngài…

- Con muốn hỏi ta điều gì? Ta cho phép, nhưng nếu ngỗ nghịch thì ta sẽ phạt đấy.

- Thưa Ngài, con đã biết đếm đến một nghìn, con tập đếm các ngôi sao trên trời nhưng nhiều quá con không đếm nổi. Vậy xin Ngài bảo cho con trên trời có bao nhiêu ngôi sao tất cả ạ?

Khổng Tử chưa bao giờ bí câu trả lời với bất kỳ ai nhưng lần này, câu hỏi của cậu bé làm ông bối rối, đành trả lời cho qua:

- Ồ, con hỏi những thứ ở xa quá thế này ta làm sao biết được, chính ta cũng chưa tìm hiểu. Thôi con hãy hỏi thứ gì ở gần gần đi thì ta mới trả lời con được.

- À, thưa Ngài, có một thứ ở gần ngay trước mắt mà con không biết làm sao mà đếm được. Xin Ngài bảo cho con biết mỗi con mắt của người ta có bao nhiêu sợi lông mi ạ?

Tới đây thì Khổng Tử đành chịu thua cậu bé thật sự.

- Con giỏi lắm! Ta chịu thua con rồi đấy. Nếu con chịu khó và ham thích học hỏi, ta tin rằng sau này con sẽ khám phá được nhiều điều hay hơn ta nữa đấy. Hậu sinh khả úy mà!

Cậu bé sau này trở thành một trong những học trò xuất sắc của Khổng Tử. Đó là Nhan Hồi.

Thùy Dương st

SUDOKU

Xin giới thiệu với các bạn một trò chơi thú vị, đầy thử thách mà cả thế giới đang hưởng ứng. Trò chơi này bổ ích, giúp cho những người tương đối cao niên như những thành viên của CLB chúng ta hoạt động trí óc tốt, trong khi não bộ của chúng ta đang thoái hóa. Nó còn giúp chúng ta luyện tính kiên nhẫn, và cho chúng ta những giây phút hào hứng.

Theo tự điển Wikipedia, sudoku thông thường (sudoku 9x9) đầu tiên do một người Mỹ tên là Howard Garns tìm ra và đăng trên tạp chí Dell năm 1979. Trong khi cả thế giới không biết gì thì nó trở nên phổ thông tại Nhật từ năm 1986. Tiếng Nhật “su” là số, “doku” là đơn độc. Đến năm 2005, với sự phát triển của máy vi tính, nó đã chinh phục và lan tràn khắp thế giới. Bây giờ ngoài dạng thông thường 9x9, còn có những sudoku nhỏ hơn như 6x8, hoặc lớn hơn như 16x16, 25x25, thậm chí có cả sudoku khổng lồ 100x100. Rồi thì cũng có cỗ bài sudoku 81 lá, sudoku khối dạng Rubik (Rubik’s cube).

CÁCH CHƠI SUDOKU

Sudoku thông thường 9x9 là một hình vuông lớn với 9 hình vuông nhỏ gọi là hộp (3x3). Mỗi hộp lại chia làm 9 ô vuông nhỏ. Như vậy có 81 ô vuông nhỏ xếp thành 9 hàng ngang, 9 cột dọc.

Một số (khoảng chừng 25-40) trong số 81 ô vuông này đã có in sẵn những số mã (digits). Bạn hãy điền vào những ô trống đó sao cho: mỗi hàng ngang, mỗi cột dọc, mỗi hộp 3x3 đều chứ đủ những số mã từ 1 đến 9. Không số mã nào được lặp lại hoặc bỏ quên. Bạn không cần phải để ‎ý đến những ô xếp theo đường chéo. Bạn cũng không cần dùng một phép toán cộng, trừ, nhân, chia nào cả. Bạn chỉ cần xếp những con số sao cho hợp logic mà thôi. Giản dị như vậy, nhưng để chơi một cách có hệ thống bạn phải biết một vài phương pháp.

Sudoku chia làm 4 loại: dễ, vừa, khó và cực khó. Sau đây là ba kỹ thuật chính để chơi sudoku. Để chơi những sudoku loại dễ và vừa, bạn chỉ cần 2 kỹ thuật thứ nhất và thứ hai.

KỸ THUẬT THỨ NHẤT: Tìm số ẩn

Trong 3 hộp (3x3) liên tiếp (thí dụ M, N, O hoặc O, R, U trong hình 5), nếu bạn tìm thấy một cặp số giống nhau ở 2 hàng ngang (hoặc 2 cột dọc) thì bạn hãy tìm vị trí để viết số thứ 3 ở một hàng ngang (hay cột dọc khác). Trong hình 3 và 4 bạn có thể tìm được ô để viết số 1, số 2 và số 3 (trong ô có vòng tròn) nhưng bạn không thể tìm được vị trí để viết số 8 vì nó có thể ở một trong ba ô theo chiều dọc giữa hai số 9 và 6 (hình 3), hoặc một trong hai ô bên trái số 2 (hình 4). Kỹ thuật này chỉ dùng cho 3 HỘP liên tiếp mà thôi.

KỸ THUẬT THỨ HAI: Tìm số thiếu trong chuỗi từ 1 đến 9.

Trong hình 6 có 3 nơi bạn có thể điền con số thiếu trong chuỗi số từ 1 đến 9 vào:

- A-1: là nơi cần số 6

- I-3: là nơi thiếu số 5

- E-8: là nơi cần số 7. Vị trí E-8 thuộc vào 3 nơi: hàng ngang E, cột dọc 8 và hộp R. Số 7 trong vị trí đó phải khác với tất cả các mã số trong hàng ngang E, cột dọc 8 và hộp R. Nói cách khác, những số còn lại trong hàng E, cột 8 và hộp R không được là số 7.

KỸ THUẬT THỨ BA: Bình thường khi chắc chắn thì bạn viết một con số vào mỗi ô nhỏ, nhưng khi không chắc chắn thì bạn có thể dùng bút chì để viết nhiều số mã mà bạn đoàn là có thể dùng cho ô nhỏ đó, rồi loại suy để bỏ những mã số không cần thiết, cuối cùng chỉ chọn lấy một mã số mà thôi.

Ở cuối bài này là một số sudoku, tất cả đều thuộc loại dễ để bạn “thí nghiệm”. Nếu bạn thấy thích bạn có thể mua sách về sudoku tại hầu hết các tiệm sách mới. Bạn cũng có thể vào website: www.strictlysudoku.com, ở đây bạn có thể học cách chơi để tìm hiểu thêm về sudoku. Website này có vô số sudoku từ dễ đến cực khó. Chơi sudoku trên mạng tiện lợi và thoải mái hơn dùng sách, có thể tẩy xóa một cách dễ dàng, lại có sẵn đồng hồ để đo thời gian.

Bạn hãy lấy bút chì ra và bắt đầu nhé. Ban đầu bạn sẽ thấy khó khăn nhưng rồi bạn sẽ quen đi và chơi càng ngày càng nhanh hơn.

Kẻ viết bài này không còn phải sợ những lúc ở nhà một mình đối diện với bốn bức tường, và không lo sự nhàn cư vi bất thiện.

Chúc bạn may mắn và tìm được một niềm vui mới.

NCT

 

MỘT

CUỘC

SĂN

NGƯỜI

- Đồ khùng !

- Đồ mát dây !

- Đồ rác rưởi !

- Quân cặn bã !

Raoul Verrier, đang đứng chống khuỷu tay trên quầy rượu của quán rượu Thương Mại, quán rượu duy nhất của ngôi làng nhỏ bé Saint-Gilles-la-Forêt ở miền Trung nước Pháp, nghiến răng và bóp chặt nắm đấm. “Quân cặn bã !” Tức thật, tên thối tha kia dám gọi mình là “quân cặn bã” ! Cặp mắt của Raoul Verrier bỗng đỏ ngầu như máu, và cơn giận dữ làm mặt hắn tím bầm lại… Quả là hắn có hơi quá chén, nhưng đâu có sao? Quán rượu là để bán rượu, phải không? Hơn nữa hôm nay là thứ bảy. Vả lại mỗi tuần Raoul Verrier chỉ tới quán có một lần vào sáng thứ bảy. Và “tên” kia cũng mò lại đây mỗi sáng thứ bảy. “Hắn” lấy cớ là đến mua thuốc hút ống điếu. Đương nhiên đây chỉ là một cái cớ, mục đích của “hắn” là tới để khiêu khích, khơi sâu hận thù đã có giữa hai người từ rất lâu.

Raoul Verrier uống một hơi hết ly rượu… Ở tuổi 45, hắn vẫn còn rất là trai tráng, với thân hình chắc nịch, khuôn mặt tròn phì nộn, và mái tóc vàng cắt theo lối bàn chải. Cũng như phần lớn các cư dân ở Saint-Gilles-la-Forêt, Raoul Verrier là một nông dân. Hắn không giàu có gì lắm nhưng thuộc thành phần khá giả vì ruộng ngô của hắn mang lại lợi nhuận tốt. Hắn lập gia đình từ hai mươi năm trước và Micheline, bà xã của hắn đã sinh cho hắn hai đứa con trai khoẻ, đẹp. Tóm lại, mọi việc đều suôn sẻ trong cuộc sống của hắn ngoại trừ một điều bất như ‎ý duy nhất, được gây ra bởi một kẻ tên là Francois Lebeau, kẻ hiện đang gây sự cãi vã với hắn.

Đây là một sự tranh chấp giữa xóm giềng, thường xảy ra như cơm bữa ở nông thôn. Do một sự oái oăm, tình cờ trong việc thừa hưởng ruộng đất, các thửa ruộng của Raoul Verrier bị chia cắt làm đôi, bởi một thửa đất của Lebeau, khiến cho việc khai thác phải chịu những tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc. Trong khi đã từ lâu lắm, người này nhất định từ chối không chịu bán lại thửa đất ở giữa đó. Chỉ vì người này muốn chơi ác, muốn hại hắn, chứ chẳng còn lý‎ do nào khác, việc này rõ như ban ngày.

Để tỏ rõ ác ý hơn nữa, Francois Lebeau để cho thửa đất đó cỏ, gai mọc rậm rạp vì hắn bỏ không thèm khai thác. Từ 15 năm nay hắn để không cho thửa đất thành hoang phế. Năm thì mười họa hắn ra thăm đất, tay đút túi quần, miệng nở một nụ cười đểu, trong khi người hàng xóm còng lưng làm lụng trên thửa ruộng ngô của mình… Raoul Verrier đấm mạnh lên quày rượu.

- Thằng lùn dơ bẩn !

Francois Lebeau tái mặt khi nghe câu chửi. Hắn trừng mắt nhìn Raoul Verrier, cao lớn hơn hẳn hắn một cái đầu. Quả là hình-dung-từ “thằng lùn” thích hợp với hắn. Đã quá lục tuần, nhưng trông ngoại hình còn già hơn nữa, Francois Lebeau thực ra không hẳn là một thằng lùn, nhưng thân hình hắn nhỏ bé, mà lại có một cái đầu to kếch xù, quá to đối với thân xác của hắn. Hơn nữa hắn lại hơi thọt chân và bị cận thị cực nặng, khiến hắn phải đeo một cặp kính cận dày cộp, trông càng dị hợm. Chắc chỉ vì hắn quá xấu xí khiến hắn trở nên độc ác. Dù giàu nhất làng, hắn không sao kiếm được một bà xã, vì không có phụ nữ nào trong vùng thèm lấy hắn. Do đó để làm giảm thiểu nỗi cô đơn to đùng đó, hắn càng ngày càng trở nên giàu có hơn và luôn luôn cố làm càng nhiều điều cay nghiệt càng tốt, reo rắc oan khiên khắp chung quanh hắn.

Sau cặp mắt kính dày cộp, đôi mắt ti hí và nâu trở thành cực kỳ dữ tợn như phát ra tia lửa.

- Đồ con hoang đáng nguyền rủa !

Raoul Verrier nhảy chồm tới, và chắc sẽ xơi tái ngay đối thủ, nếu nhiều bạn rượu khác không xông ra ngăn càn hắn lại. “Đồ con hoang” là câu chửi duy nhất tác động đến Raoul Verrier nhiều nhất, vì hắn không có cha.

Sự việc đang đi đến chỗ căng thẳng nhất, thì một tiếng nói vang lên làm mọi người bình tĩnh trở lại. Đó là tiếng ông xã trưởng Honoré Champi vừa vào tới… Vừa 60 tuổi, Honoré Champi không những chỉ là xã trưởng, mà còn là một lãnh đạo tinh thần được kính trọng trong khắp vùng này.

Ông bước lại gần hai địch thủ với vẻ mặt bực tức. Hai kẻ này phân bua với ông ta như hai đứa nhỏ đang đứng trước một người lớn:

- Nó gọi tôi là “thằng lùn dơ bẩn”

- Nó dám kêu tôi là “đồ con hoang”

Honoré Champi làm cả hai người câm miệng.

- Tôi ngán chuyện của hai người các anh quá rồi. Raoul, anh nên về nhà đi. Hễ động uống vào là lên cơn.

- Tôi có quyền muốn làm gì thì làm chứ.

- Còn ông, ông Lebeau, ông bán quách cái thửa ruộng quỷ quái đó đi chứ?

- Không bao giờ! Chết cũng không bán! Vả lại sau này tôi sẽ để mộ tôi ở đó; như vậy, ngay cả sau khi tôi chết, cũng chẳng đứa nào dám rờ tới nó.

Thế là chửi rủa ầm ĩ, bất kể sự hiện diện của ông xã trưởng, lại tiếp tục diễn ra rôm rả. Nhưng rồi sau đó, hai kẻ địch kẻ trước người sau chịu bỏ ra về. Ông xã trưởng thở phào nhẹ nhõm khi cả hai rời quán rượu.

- Lebeau là một tên ác độc, Raoul là kẻ tính tình bặm trợn. Tôi mong mình chóng qua được ngày mai!

Rất nhiều người cùng cất tiếng hỏi một lượt:

- Tại sao lại qua được ngày mai?

- Vì ngày mai là ngày khai mạc mùa săn, và ngày mai cả hai kẻ đó đều có súng trong tay!

Sự im lặng trong quán rượu bỗng trở nên não nề. Ngày hôm sau, ngày 20 tháng 9 năm 1960, quả là ngày khai mạc mùa săn bắn trên toàn nước Pháp. Nhưng, ở Saint-Gilles-la-Forêt dám là một cuộc săn người lắm!

Buổi sáng, súng cầm tay, Raoul Verrier thận trọng tiến bước ở trong khu rừng. Thường thường, hắn rất thích ngày khai mạc mùa săn, nhưng lần này là lần đầu tiên, hắn có một linh cảm không hay. Lúc đầu, hắn tự nhủ có lẽ vì trời quá lạnh, hoặc vì số thú rừng quá ít; nhưng rồi hắn phải tự thú nhận một điều là hắn lo sợ tên Francois Lebeau tìm cách ám hại.

Raoul Verrier liếc nhìn đồng hồ: sáu giờ rười sáng rồi. Thế là hắn đã ra khỏi nhà được đúng một tiếng. hắn chưa bao giờ để ý là khu rừng rậm rạp như thế nào và những bụi cây to lớn dễ để gian nhân núp như thế nào. Những lối đi, những ngõ ngách, mà hắn thường qua lại từ khi còn bé, bỗng không còn vẻ thân thiện như trước; đây là lần đầu tiên hắm linh cảm thấy có điều gì nguy hiểm… Không, ngày khai mạc mùa săn năm nay không giống như những ngày khai mạc khác. Raoul Verrier có cảm tưởng phi lý, nhưng rất rõ rệt là mình không còn là người đi săn, mà đang là con mồi.

Có tiếng lá sột soạt phía sau lưng. Raoul Verrier vụt quay ngoắt trở lại, ngọn súng chĩa ra phía trước mặt. Tiếng nói của Honoré Champi, ông xã trưởng, bỗng vang lên:

- Ê ! không có rỡn mặt nghe Raoul !

Raoul Verrier thở dài, và lắp bắp mấy lời xin lỗi. Ông xã trưởng nhìn hắn bằng ánh mắt nghiêm trọng.

- Anh hơi bồn chồn quá đấy Raoul ạ…

- Vâng, tôi không hiểu tại sao sáng nay tôi lại như vậy.

- Tôi, tôi hiểu. Vả lại, thực ra anh cũng hiểu nữa! Nếu không có gì phiền, để tôi đi cùng anh một quãng, biết đâu lại không tránh được một điều bất hạnh.

- Điều bất hạnh gì?

- Một phát đạn rất có thể được bắn ra dễ dàng, và một án mạng cũng rất có thể giống như một tai nạn săn bắn.

- Ông thực sự sợ rằng tôi sẽ bắn Lebeau sao? Ông hiểu lầm tôi rồi ông Honoré ạ.

- Tôi biết anh quá và tôi sợ rằng anh dám lắm chứ. Nhưng tôi còn sợ cái khác nữa.

- Sợ cái gì khác, hở ông Honoré?

- Sợ sự trái ngược xảy ra…

Raoul Verrier và Honoré Champi tiếp tục đi cạnh nhau cho mãi tới gần trưa. Nhưng đến giờ ăn, ông xã trưởng phải quay về.

- Tôi có hứa đi thăm ông gác rừng, thôi tôi phải về đây.

Thế là Raoul ở lại một mình. Ngay tức khắc, những lo sợ vẩn vơ hồi sáng lại trở lại ngay. Mỗi tiếng động trong các bụi rậm làm hắn giật bắn người. hắn khiếp sợ đến nỗi, mỗi khi có những chú thỏ hoặc những con chim trĩ xuất hiện, hắn cũng chẳng buồn nhắm bắn.

Sáu giờ chiều…Raoul Verrier đang trên đường trở về. Hắn chẳng săn được con gì, nhưng hắn cũng cóc cần. Hắn vẫn còn được nguyên vẹn, an toàn, cái đó mới là quan trọng! Xa xa ở phía trước, hắn trông thấy một bóng dáng làm hắn cảm thấy được hoàn toàn giải thoát. Hắn giơ tay mặt lên vẫy và chạy ào lại phía người đó.

- Ông Honoré, ông Honoré !...

Khi đến gần, hắn chợt thấy là ông xã trưởng không phải đang đứng một mình, mà đang được một nhóm người lố nhố bao quanh. Ông xã trưởng ngó về phía phát ra tiếng gọi, nhưng không chào lại hắn. Ông ta đứng ngay đơ, im lặng. Raoul bước lại kế một bên.

- Ồ, ông Honoré có chuyện gì xảy ra vậy? Tại sao…

Raoul Verrier vừa nhìn thấy Francois Lebeau nằm sóng soài dưới đất, tay giang ra như hình thập giá. Giữa ngực một vết đạn loang lổ máu tươi. Raoul nhận ra người đang quỳ xuống cạnh tử thi là ông pháp y của làng Saint-Gilles; ông này nhìn lên và buồn bã lắc đầu. Hắn cũng nhận ra viên cảnh sát trưởng và những nhân viên của ông ta. Tiếng nói của ông xã trưởng vang lên trong khi hắn đang trầm tư.

- Raoul, đưa súng của anh cho tôi.

- Nhưng tôi đâu có giết hắn ta.

- Anh sẽ giải thích với chúng tôi sau. Lẹ lên, đưa súng đây…

Tại đồn cảnh sát Raoul chối cãi thật dữ tợn. Honoré Champi cố gắng thuyết phục hắn thú nhận tội.

- Thú nhận đi Raoul, tôi biết là anh giết, và mọi người đều biết là như vậy!

- Không phải, tôi không giết Lebeau, trong suốt buổi săn tôi đâu có gặp hắn lúc nào!

- Đây là một trường hợp phòng vệ chính đáng, Lebeau là đứa độc ác. Tôi có thể làm chứng cho anh, tất cả mọi người có thể làm chứng!

- Nhưng không phải tôi giết!

- Hãy thú nhận đi và có thể anh sẽ được thả về gặp vợ con.

- Không phải tôi! Có thể là hắn tự sát để đổ vạ cho tôi.

- Đừng có nói bậy: với một khẩu súng săn rất khó mà có thể tự bắn một viên đạn vào ngực. Mà nếu có vậy thì mũi súng phải ở ngay trước ngực; đàng này pháp y nói viên đạn được bắn ra từ mười thước ở phía trước.

- Không phải tôi đã giết hắn! Đây là một tai nạn chẳng có dính dấp gì đến tôi cả. Ông phải tin tôi mới được.

Honoré Champi thở dài thườn thượt.

- Tôi không thể tin được anh Raoul ạ. Và nếu tôi không tin, thì chẳng ai có thể tin cả.

- Raoul, anh hãy thú nhận là anh giết nó đi! Micheline Verrier van lơn người chồng mình nhận tội để được khoan hồng.

- Ông Verrier, hãy thú nhận là ông đã ra tay đi, luật sư của hắn khuyên hắn.

Nhưng để trả lời cho cả hai người, cũng như trước lúc đó hắn đã trả lời cho ông xã trưởng, và vài ngày sau, khi trả lời cho ông chánh án tòa sơ thẩm, Raoul Verrier vẫn cương quyết duy trì câu trả lời duy nhất:

- Không, không phải tôi giết!

Honoré Champi đã nói đúng: không ai chịu tin lập luận của Raoul Verrier. Nhất là với các người trong bồi thẩm đoàn, một buổi sáng trong tháng 6 năn 1961 đã phán quyết là Raoul có tội. Raoul Verrier sau đó đã lãnh bản án 20 năm tù.

Hắn đã không ở hết thời gian thọ hình, mà ngược lại, chỉ hai ngày sau hắn đã tự treo cổ tự vận ngay trong khám… Một thời gian ngắn sau đó, bà quả phụ Micheline mua được của những người thừa kế Francois Lebeau, những người không bao giờ tán thành đường lối của hắn, mảnh đất tàn khốc đó. Giờ đây thửa đất của Verrier đã hoàn toàn thuộc về một chủ. Cuộc thách đấu của hai kẻ thù nghịch đã kết thúc bằng cái chết của cả đôi bên.

Ở làng Saint-Gilles-la-Forêt, mọi việc lại trở lại bình thường ngăn nắp như cũ. Chỉ có một mình xã trưởng Honoré Champi là mang nặng một mặc cảm thầm kín. Sau ngày Verrier tự vận, một mối nghi ngờ khủng khiếp nảy sinh trong tâm trí ông ta: Trời ơi, nếu hắn vô tội thì sao đây? Đương nhiên là một kẻ có tội cũng có thể tự tử, nhưng…

Mỗi khi những người dân làng gặp ông ngoài đường, họ thường thì thầm những câu như:

- Hồi này ông xã trưởng của mình già xọm hẳn đi!

- Chuyện! Ông ta có biết bao nhiêu chuyện phải lo nghĩ!

Và Honoré Champi lặng lẽ bước đi, như không muốn để những lời đó lọt vô tai, ông ta thầm nhủ rằng sẽ giữ mối nghi ngờ khủng khiếp đó cho tới ngày chót của cuộc đời…

Ngày 12 tháng 6 năn 1971: Hơn 10 năm đã trôi qua .Honoré Champi đang leo một con đường mòn và dốc, ở một nơi hẻo lánh, khá xa ngôi làng. Một trong những người dân làng, Mathieu Ferrand, đang hấp hối và đã xin được gặp ông xã trưởng.

Khi đặt chân vào căn phòng của người bạc nhược, Honoré Champi thấy các thân nhân đang bao quanh anh ta. Bằng một cái khoát tay, Mathieu Ferrand đuổi hết tất cả mọi người ra khỏi phòng. Khi chỉ còn lại hai người, Ferrand nói bằng một giọng yếu ớt nhưng rành mạch.

- Tôi cần phải thú tội trước khi chết. Tôi đã giết một người.

Honoré Champi cảm thấy khó chịu.

- Ông không thấy rằng ông nên xưng tội với ông cha sở thì đúng hơn à?

- Không, tôi tin Chúa mà không tin ba ông cha sở. Hơn nữa, còn có một chuyện khác…

Kẻ hấp hối ngưng nói để thở một cách hổn hển khó nhọc. Honoré Champi hỏi:

- Còn chuyện gì khác?

- Ông cha sở không được quyền nhắc lại hoặc nói ra nhưng gì ông ta nghe được, NHƯNG ÔNG XÃ TRƯỞNG THÌ CÓ QUYỀN.

- Ông muốn tôi phổ biến những gì ông sắp nói?

- Vâng… chuyện này liên quan tới Francois Lebeau.

Sau một vài giây im lặng, là lời thú tội khủng khiếp:

- Chính tôi là người đã giết hắn! Tôi nợ hắn rất nhiều tiền. Tên khốn kiếp đã cho tôi vay lãi với những lãi xuất kinh khủng. Rồi hắn đòi tôi ráo riết. Hắn đến trưng giấy nợ và đòi rất nhiều lần, khoa khoa trước mặt tôi rồi lại nhét vào túi quần; tôi quyết định phải giết hắn chứ không thì bới đâu ra tiền mà trả.

Honoré Champi giữ im lặng: ông đang thấy rõ sự thật bi thảm đang lòi ra. Ông ta mường tượng lại vẻ mặt của Mathieu Ferrand trong số các người bạn nhậu ở quán rượu Thương Mại, chiều hôm trước ngày khai mạc mùa săn bắn…

- Chính cuộc cãi lộn giữa Verrier và Lebeau đã cho tôi sáng kiến.

Nếu sáng ngày hôm sau Lebeau bi giết MỌI NGƯỜI SẼ ĐỔ LỖI CHO NGƯỜI HÀNG XÓM CỦA HẮN… Trong lúc đi săn, xuýt nữa thì chính ông đã làm rách việc khi đi kè kè bên cạnh Verrier. Ngay khi ông ra về, tôi đã không để mất thì giờ. Mấy phút sau tôi may mắn tìm gặp được Lebeau. Sau đó mọi việc thật đơn giản: tôi chỉ còn việc lấy lại các giấy nợ ở trong ví của hắn và thủ khẩu như bình.

Đó là hồi kết cuộc của vụ án Verrier. Ngày nay ở làng Saint-Gilles-la-Forêt, sự việc đã hoàn toàn rơi vào quên lãng. Mảnh đất nguồn gốc của tội ác nó đã được trồng ngô như hai mảnh đất ở hai bên. Chả còn dấu vết gì để chỉ sự khác biệt của nó với các mảnh đất của gia đình Verrier. Chả còn gì còn lại của một thảm kich, đã phát sinh bởi lòng ác độc và sự ham hố của con người…

Vũ Anh Tuấn dịch một truyện của Bellemare

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế