Hiện có 11 người xem / 2338655 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 08-9-2007

Mở đầu buổi họp, như thường lệ, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên một cuốn truyện Kiều được dịch ra tiếng Đức và in ra ở bên Đông Đức. Cuốn sách rất xinh xắn Mang tựa đề “DAS MÄDCHEN KIỀU” dày 293 trang, đóng bìa cứng, và có minh họa rất đẹp được in ở Berlin vào năm 1980, đã mang lại sự thích thú cho các thành viên.
Sau đó dịch giả Vũ Anh Tuấn đã có một cuộc nói chuyện về cách thức sưu tập các cuốn Kiều và tất cả những tài liệu, sách, báo có bài viết liên quan tới Kiều hoặc tới Cụ Nguyễn Du.

Qua cuộc nói chuyện người nói đã giới thiệu cách thức sưu tập Kiều rất chi tiết, rất lý thú, rất lợi ích và rất nghiêm túc, khác hẳn mọi cách sưu tầm dưới dạng cắt giấy rồi dán vào vở quá sơ sài (xin đọc bài nói chuyện có in trong bản tin này). Tiếp lời dịch giả Vũ Anh Tuấn là tác giả Bùi Đẹp cũng có một cuộc nói chuyện ngắn về những con số và số lượng liên quan tới truyện Kiều đã được thống kê. Sau đó các thành viên đã được thông báo về việc chủ nhân Vườn Kiều ở Biên Hòa mời tham dự lễ Kỷ niệm Cụ Nguyễn Du được tổ chức vào ngày Chủ nhật 16-9-2007 và đã có một số thành viên ghi tên tham dự.
Cuộc họp kết thúc vào lúc 11g30 sáng.

Vũ Thư Hữu

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ MỘT SƯU TẬP KIỀU ĐẦY ẤN TƯỢNG

Việc sưu tập và chơi sưu tập ở nước ta tuy có, nhưng không nhiều. Người Việt mình rất quen thuộc với một vài thứ sưu tập như sưu tập Tem, sưu tập Đồ cổ, sưu tập Tranh, sưu tập Ống điếu, sưu tập Sách, sưu tập Bưu thiếp vv… và chỉ giới hạn ở mấy thứ sưu tập nêu trên. Trái lại ở nước ngoài, như ở Pháp chẳng hạn thì thống kê mới nhất (2007) cho biết cứ 10 người Pháp thì lại có một người chơi sưu tập, và con số người chơi sưu tập, kể cả trẻ em, lên tới 5 triệu người.
Thực ra, với những người thích sưu tầm thì cái quái gì cũng có thể sưu tầm được hết, và CÁC ĐỒ VẬT NẾU ĐỂ LẺ TẺ THÌ KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ GÌ, NHƯNG KHI SƯU TẦM ĐƯỢC SỐ LƯỢNG LỚN, VÀ CÀNG NGÀY CÀNG LỚN HƠN THÌ NÓ ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT BỘ SƯU TẬP, VÀ ĐƯƠNG NHIÊN CÓ MỘT GIÁ TRỊ LỚN. Giá trị của các bộ sưu tập không nhất thiết là do số tiền bỏ ra, MÀ LÀ DO THỜI GIAN BỎ RA VÀ NHẤT LÀ SỰ HIỂU BIẾT VỀ VẬT ĐƯỢC SƯU TẦM MÀ NGƯỜI CHƠI SƯU TẬP CÓ ĐƯỢC.
Giờ đây tôi xin hầu chuyện quý vị về cách sưu tầm và làm sưu tập Kiều.
Sưu tầm Kiều và làm Sưu tập Kiều có nghĩa là tìm cách thu gom lại tất cả các loại Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du được chú giải bởi hằng hà sa số các tác giả khác nhau, bằng Hán Nôm, bằng chữ Quốc ngữ cũng như bằng các ngoại ngữ. Đồng thời cũng tìm cách gom lại tất cả những sách vở, bất cứ thuộc lãnh vực nào, như văn hóa, lịch sử, phong tục, trào phúng vv… miễn là trong những sách đó có những trang, những đoạn có nhắc tới truyện Kiều hoặc tới Cụ Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều. Sau đó là tất cả các loại báo như nguyệt san, tuần san, báo ngày, giai phẩm vv… có những bài nói tới truyện Kiều hoặc tới Cụ Nguyễn Du.
Một sưu tập lớn và ấn tượng thường được thực hiện qua nhiều phương thức:
A/ Sưu tập bắt đầu từ vài cuốn và tiếp tục gia tăng.
B/ Sưu tập bắt đầu nhờ may mắn mua ngay được một sưu tập nhỏ để làm nòng cốt sau đó mới phát triển lớn ra.
Khi bắt tay vào việc sưu tầm, người sưu tầm cần phải biết PHÂN LOẠI CÁC THÀNH PHẦN CỦA BỘ SƯU TẬP.
Trước nhất PHẢI CHIA NHƯ SAU ĐÂY:
A/ Các loại truyện Kiều cũ mới và bằng đủ thứ ngôn ngữ.
B/ Các thứ sách cũ mới Ở TRONG CÓ BÀI VIẾT VỀ KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU bằng đủ thứ ngôn ngữ.
C/ Các loại báo tháng, báo tuần, báo ngày, cũ mới Ở TRONG CÓ ĐĂNG BÀI LIÊN QUAN TỚI KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU.
D/ Các thứ đồ vật có liên quan tới Kiều và Cụ Nguyễn Du ví dụ như guốc có vẽ Kiều, bình bằng sứ hoặc đĩa Mai Hạc vv…
Với các phần A, B, và C nói trên, sau khi được phân loại rồi, người chơi sưu tập lại phải tiếp tục phân chia Ở MỖI LOẠI như sau:

Loại A. Phải để riêng các thứ Kiều bằng chữ Nôm – các thứ Kiều bằng chữ Quốc ngữ - và các thứ Kiều bằng các thứ ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Đại Hàn vv… CẦN PHẢI SẮP LOẠI NÀO VÀO LOẠI ĐÓ. Ở loại nào thì cũng phải sắp theo NIÊN KỶ và MỨC ĐỘ QUÝ HIẾM, ví dụ như các bản chữ Nôm Liễu Văn Đường tàng bản năm thứ 19 đời Tự Đức (1866) - Bản Nọa Phu gốc Huế (1870) - Bản Liễu Văn Đường (1871) - Bản Quan Văn Đường (1879) - Bản Abel des Michels (1884) - Bản Nordemann (có tên Việt là Ngô Đế Mân) năm 1897 vv… Tóm lại nên để những bản quý hiếm, niên kỷ cao vào với nhau, sau đó mới tới các thứ thời tiền chiến (trước năm 1945), các thứ thời tiền Giải phóng (trước năm 1975) và cuối cùng là các thứ sau Giải phóng cho tới ngày nay.

Loại B. Với các loại sách kim cổ VIẾT VỀ KIỀU, có thể là cả cuốn, hoặc là một chương trong cuốn, hoặc là chỉ có vài trang nhắc tới Kiều và Cụ Nguyễn, ta cũng sắp theo các giai đoạn và ngôn ngữ như ở loại A.
Với loại B này, tức là các loại sách NÓI VỀ KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU, CÓ LỜI BÀN HAY PHÊ BÌNH VỀ KIỀU, tóm lại là có nhắc tới Kiều và Cụ Nguyễn, ta có thể nói là giờ đây có rất nhiều, và người sưu tầm cần phải biết cách (và đây là cách duy nhất) là CHỊU KHÓ XEM MỤC LỤC, hoặc cẩn thận hơn nữa thì CHỊU KHÓ DỞ VÀ ĐỌC LƯỚT QUA ĐỂ HỄ THẤY CÓ NHẮC TỚI CỤ HAY NÀNG THÌ PHẢI ẴM VỀ. Loại sách này cho tới giờ phút này có thể ước lượng là trên dưới 3000 cuốn và, với thời gian số lượng sẽ chỉ tiếp tục gia tăng chứ không giảm.

Loại C. Các loại báo tháng, báo tuần, báo ngày kim cổ CÓ BÀI VIẾT VỀ KIỀU HOẶC CỤ NGUYỄN. Cần phải phân loại theo ngôn ngữ, niên kỷ, và thời kỳ như hai loại trên. Tuy nhiên với các thứ báo thì cần phải có thêm một động tác nữa là phải sắp xếp các BÁO DANH TIẾNG GIÁ TRỊ vào với nhau. Ta chẳng nên để một tờ Nam Phong nằm cạnh một tờ Nguyệt san bình thường bây giờ chẳng hạn, cũng như không thể để các báo danh tiếng như Phong Hóa, Ngày Nay, Tri Tân, Thanh Nghị chung với báo Văn Nghệ Tiền Phong thời tiền Giải phóng. Tóm lại cần phải cân nhắc, sắp xếp những thứ báo có giá trị lớn vào với những thứ có giá trị lớn, và những báo lá cải vào với lá cải, TUY NHIÊN DÙ LÀ BÁO GÌ ĐI NỮA HỄ CÓ BÀI VIẾT LIÊN QUAN TỚI CỤ VÀ NÀNG THÌ TA VẪN NÊN GIỮ.
Khi để trong các tủ CẦN ĐỂ NHỮNG SÁCH BÁO GIÁ TRỊ LỚN Ở NHỮNG NƠI TRANG TRỌNG NHẤT VÀ LẤY RA CẤT VÔ DỄ DÀNG NHẤT vì ta sẽ có rất nhiều cơ hội để bạn bè chiêm ngưỡng cũng như để tham khảo thường xuyên.
Kinh nghiệm cho biết là ngay giờ phút này, nếu có ai để tâm sưu tầm thì TRUNG BÌNH TRONG 1 TUẦN LỄ PHẢI CÓ ÍT NHẤT LÀ 5 TÀI LIỆU NÓI VỀ KIỀU VÀ VỀ CỤ NGUYỄN DU. Do đó khi ta chơi sưu tập Kiều là ta chơi MỘT SƯU TẬP SỐNG và nó càng ngày càng trở thành lớn mạnh nếu ta rành cách sưu tầm.
Việc sưu tầm như cách nói trên khác hẳn việc sưu tầm bằng cách CẮT VÀ DÁN vì cách sưu tầm đó CHỈ CÓ MỘT CÔNG DỤNG NHẤT ĐỊNH CHỨ KHÔNG ĐA CÔNG DỤNG CHO NGƯỜI CHƠI như là cách sưu tầm NGUYÊN CUỐN SÁCH, NGUYÊN TỜ BÁO, lý do đơn giản là NGOÀI NHỮNG TÀI LIỆU VỀ KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU CÁC SÁCH BÁO NGUYÊN CUỐN, NGUYÊN TỜ CÒN CHỨA ĐỰNG HÀNG VẠN HÀNG TRIỆU CÁC THÔNG TIN VỀ ĐỦ MỌI LÃNH VỰC KHÁC.
Gía trị tinh thần thì có thể nói là VÔ GIÁ KHÔNG THỂ TÍNH BẰNG TIỀN, nhưng còn giá trị vật chất, kinh tế thì cũng không phải là nhỏ, và đây CHÍNH LÀ BUÔN THẤT NGHIỆP LÃI QUAN VIÊN, vì khi chỉ lèo tèo vài chục cuốn, vài chục thứ thì giá trị chẳng là bao nhiêu, nhưng khi đã tích lũy được vài ngàn cuốn, chứa trong ba bốn tủ thì đã là một tài sản đáng kể.

Thú sưu tầm và làm sưu tập Kiều chính là một thú vui vừa mang lại lợi ích tinh thần, vừa giúp người sưu tầm có được thứ mà KHÔNG PHẢI BẤT CỨ AI CŨNG CÓ THỂ CÓ.

VŨ ANH TUẤN

NHỮNG SỐ LIỆU VIẾT VỀ TRUYỆN KIỀU

I. Trước tác không có một nhan đề duy nhất
(nhiều nhan đề):
Trong quyển Truyện Kiều của Hà Huy Giáp và Nguyễn Thạch Giang NXB ĐH và THCN HN (1976) có:
1. Bản Kinh và Bản Phường (Đoạn Trường Tân Thanh)
2. Các bản Kiều Nôm: Liễu văn Đường, Thịnh Mỹ Đường, Quan văn Đường, Phúc văn Đường.
3. Bản Quan Văn Đường Thành Thái, Bính Ngọ (1906): Kim vân Kiều Tân Tập.
4. Bản Kiều Oánh Mậu Thành Thái, Nhâm Dần (1902): Đoạn Trường Tân Thanh.
5. Bản Kiều Nôm chép tay - Bản Tiên Điền, bản gia đình cụ nghè Nguyễn Mai – cháu xa đời Nguyễn Du.
6. Bản Kiều Quốc ngữ - Trương Vĩnh Ký (1875)
7. Bản Abel des Michels - Kim Vân Kiều Tân Truyện.
8. Bản Phạm Kim Chi - Kim Tùy Tình Từ
9. Bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim - Truyện Thúy Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh)
10. Bản Tản Đà - Vương Thúy Kiều Chú giải Tân truyện.
II. Ngoài ra Cụ Nguyễn Du còn có các tác phẩm:
- Văn tế thập loại chúng sinh
- Thanh Hiếu thi tập (1786-1804)
- Nam trung tập ngâm (1804-1813)
- Bắc hành tạp lục (1813-1814)
III. Số câu trong Truyện Kiều:
- 3254 câu lục bát: 22778 từ bao gồm:
• 1627 câu lục: 9762 từ
• 1627 câu bát: 13016 từ
- Trong 14 câu tiếp theo tả cảnh Thúy Kiều có 12 chử “Xuân”
- 16 bộ vần trong truyện Kiều (A- oa…, Ai - oi…, A- ôm…)
- Bác Hồ đã 54 lần lẫy Kiều đều được đăng tải trên báo chí, sách vở trong hoạt động đa dạng của Người.
- Trong cuộc thi tập Kiều của tạp chí “Thế giới mới” – trong truyện Kiều có đủ 7 sắc; có tác giả 12 loài vật, 78 con vật, 27 con vật.
- Báo “Toán học và Tuổi trẻ”: từ “Trăm năm” (10 lần); từ “Nghìn năm” (1 lần).
IV. Tóm tắt sự kiện chính trong chuyện Kiều:
- 2 lần sa chân vào Thanh lâu (Lâm Truy, Châu Thai) - 36 câu
- 2 lần làm con ở (Hoạn Bà, Hoạn Thư) - 12 câu
- 2 lần chạy trốn (Sở Khanh, Quan Âm các) - 22 câu
- 2 lần tự tử (Tú bà, sông Tiền Đường) - 10 câu
- 2 lần đi tu (Quan Âm các, Thảo lư của Sư Giác Duyên) - 24 câu (có tác giả cho 3 lần, 3 ngôi chùa khác nhau)
- 4 lần bị đánh đập (Tú Bà 2 lần, Lâm Truy, Hoạn Bà) - 30 câu
- 5 lần đánh đàn (Kim Trọng, Hoạn Thư, Hoạn thư và Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến, Kim Trọng) - 22 câu
- 2 lần chia tay với chồng và một lần chia tay với người tình (Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải) - 80 câu
- 3 lần mơ thấy Đạm Tiên (nhà Thúy Kiều, Tú Bà, Tiền Đường) - 58 câu
- 3 lần gặp Giác Duyên (Chiêu Ẩn Am, Tiền Đường) - 62 câu
- 7 lần lấy chồng (Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Thúc Sinh, Bạc Hạnh, Từ Hải, Thổ Quan, Kim Trọng) - 62 câu

V. Số Điển tích:
- 61 điển tích, 92 chữ và điển tích khác.
VI. Bản Kiều cổ nhất: của Liễu Văn Đường in năm 1866 được phát hiện vào tháng 5/2004 ở Nghệ An
VII. Bản Kiều Quốc Ngữ đầu tiên:
Của Trương Vĩnh Ký năm 1875.
VIII. Số sách viết về Kiều:
108 quyển, từ năm 2001-2004 là 18 quyển,
tổng cộng: 126 quyển.
- Trong đó có quyển Tự điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, năm 1974 có 440 trang, từ “Biết” được dùng 108 lần, “Biết gì đâu” 1 lần, “Ba cây” 1 lần.
- Truyện Kiều của Hà Huy Giáp và nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, NXB ĐH và THCN, Hà Nội 1976 có 3252 mục chú thích nhiều nhất (câu nào cũng có chú thích), từ trang 347-492. Khảo dị 3253 câu.
IX. Quyển sách sớm nhất nói về Kiều:
- Án Thúy Kiều của Nguyễn Liên Phong, năm 1907
- Thúy Kiều Phú của Phụng Hoàng San và Vũ Thanh Kỹ, năm 1907
X. Bài Vịnh Kiều hay nhất:
(20 bài) của Chu Mạnh Trinh năm 1905 tại Hưng Yên.
XI. Hơn 11 tạp chí:
Có 428 bài, ngoài ra còn có 37 bài khác chưa tính:
- Tạp chí Văn học – 121 bài
- Ngôn ngữ và Đời sống – 67 bài
- Văn hóa Nguyệt san – 56 bài
- Báo Văn Nghệ - 36 bài
- Bách Khoa Thời đại – 34 bài
- Tri Tân – 33 bài
- Nam Phong – 31 bài
- Phụ Nữ Tân Văn – 28 bài
- Ngôn ngữ - 29 bài
- Hán Nôm - 20 bài
- Kiến thức Ngày nay – 16 bài
XII. Số bài đăng trên các báo: 1016 bài (từ năm 1917 - 2004) – 87 năm mỗi năm hơn 12 bài
- Các loại hình báo đa dạng: báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử…
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân đã có 66 bài đã in, còn 37 bài khác chưa được tính. Kể cả 428 bài đăng trên tạp chí, tổng cộng 1444 bài : 87 năm = 17 bài/năm.

XIII. Dịch ra tiếng nước ngoài: (7 thứ tiếng)
- 10 lần in ra tiếng Pháp (1884-1885), bản thứ 10: Lưu Hoài, Hà Nội 1999 NXB BK HXH (nhiều thể văn khác nhau)
- 4 lần in ra tiếng Trung Quốc (1958, 1954, 1961, 2006)
- 2 lần in ra tiếng Nhật (1949)
- 2 lần in ra tiếng Đức (1964,1980)
- 1 lần in ra tiếng Tiệp Khắc (1957)
- 3 lần in ra tiếng Anh (1973, 1996,…)
- Tiếng Tây Ban Nha (2005-2006)
* Dân số các nước dịch truyện Kiều:
- Trung Quốc: 1,294 tỉ
- Nhật: 127 triệu
- Đức: 82 triệu
- Anh: 60 triệu
- Pháp: 60 triệu
- Tiệp: 10 triệu
Tổng cộng: 1,633 tỉ
Chưa kể các nước nói tiếng Anh, Pháp…
XVI. Số lần in trong nước (tiếng Việt):
- 23 lần in nguyên bản chữ (chữ Nôm) đến năm 1939
- 71 lần in chữ quốc ngữ từ năm 1875

XV. Nhiều nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu văn học:
Có bài viết về truyện Kiều như Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Lưu Trọng Lư, René Crayssac, Đào Duy Anh, Nguyễn Bách Khoa, Hoài Thanh, Đinh Gia Trinh, Đặng Thái Mai, Xuân Diệu, Đông Hồ…
Nhận xét của ông Nguyễn Đình Chú: “… Nguyễn Du sẽ từ nền văn chương dân tộc gia nhập vào thế giới văn chương ưu tú của nhân loại, sẽ cùng với Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch… của Trung Quốc; Shakespeare, Dickens… của Anh; Puskin, Tonxtoi, Doxtoiepki… của Nga; Victor Hugo, Balzac của Pháp, Đăngtơ của Ý; Xecvăngtex của Tây Ban Nha.”
Tháng 12 – 1946, chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới quyết định ghi tên Nguyễn Du vào danh sách các nhà văn hóa được toàn thế giới kỷ niệm trong năm 1965, nhân kỷ niệm ngày sinh 200 năm của đại văn hào Nguyễn Du.
Đánh giá nước ngoài qua lời bình của 10 tác giả: Pháp, Tây Ban Nha, Đức Nga, Trung Quốc…

XVI. Truyện Kiều với những kỷ lục:
A. Truyện Kiều và 5 (?) kỷ lục thế giới:
1. Quyển sách trên thế giới có được hiện tượng TẬP KIỀU đã trở thành thú chơi thu hút biết bao văn nhân với hàng trăm thi phẩm đủ loại: lục bát, ngũ ngôn, tứ tự, thất ngôn đến văn tế.
2. Trên thế giới thì đây là thi phẩm có nhiều bản dịch ra cùng một ngôn ngữ, có tới 10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp (bản dịch đầu tiên 1884-1885), bản cuối cùng 1999 của Lưu Hoài (NXBVH)
3. Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất trên thế giới mà tất cả đều viết bằng thơ: 7 quyển hậu truyện Kiều
4. Quyển sách duy nhất trên thế giới mà người ta có thể đọc ngược từ cuối lên đến đầu đề câu chuyện về nàng Kiều: Truyện Kiều đọc ngược.
5. Quyển sách trên thế giới tạo ra quanh nó cả một loạt những loại hình văn hoá – VĂN HOÁ KIỀU - với các hình thức thật phong phú: bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú văn tế Kiều, Án Kim Vân Kiều, những quyển hậu Truyện Kiều, giai thoại về Truyện Kiều… Kiều trên điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội họa…
B. Truyện Kiều và 7 (?) kỷ lục Việt Nam:
1. Tác phẩm đã đưa một nhà thơ lên hàng danh nhân văn hoá thế giới do UNESCO công nhận.
2. Quyển sách duy nhất dùng để bói mà người dân thường xuyên dùng để bói.
3. Quyển sách có được hiện tượng gọi là Vịnh Kiều với hàng ngàn bài thơ Vịnh Kiều từ các vị vua say mê như Minh Mạng, Tự Đức, các nhà thơ như Tản Đà, Phạm Quỳnh, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh…
4. Bộ phim đầu tiên của Việt Nam ra đời 1924 tại Hà Nội là từ truyện Kiều với nhan đề Kim Vân Kiều (phim câm).
5. Thi phẩm có sách viết về nó nhiều nhất với hàng trăm cuốn.
6. Quyển sách tạo ra nhiều giai thoại nhất Việt Nam vượt qua con số hàng trăm. Chỉ truy kho tàng giai thoại Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh đã có 53 giai thoại về Truyện Kiều, của Nguyễn Thiện Văn có 101 câu đố (và đáp án).
7. Đến năm 2003 và có lẽ cho đến nay, truyện Kiều cũng là quyển sách nặng nhất Việt Nam. Nhân dịp Festival Huế 2002, truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ do nhà thư pháp Nguyễn Đình viết từ năm 2001, mỗi ngày chỉ viết được mấy câu trên khổ giấy 1m x 1,6m dày 300 trang, nặng 50 kg, hiện đặt tại khu di tích Nguyễn Du, xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Bùi Đẹp
(Sưu tầm và biên soạn tháng 8/2007)

THƠ THUẬN NGHỊCH ĐỘC

Thân tặng bạn thơ nhân ngày giỗ Đại Thi Hào Nguyễn Du
Tp. HCM ngày 16-9-2007
PHẠM ĐAN QUẾ

Thơ thuận nghịch độc thường khó làm, trước nay chỉ có thơ thuận nghịch độc thất ngôn bát cú từ thế kỷ 17 với tiến sĩ Nguyễn Quý Đức (1648-1720) rồi nhà thơ Phạm Thái, các vua Thiệu Tri, Tự Đức đến nhà thơ Hàn Mặc Tử… Ngoài ra còn mấy bài thơ thuận nghịch độc khuyết danh không biết có từ khi nào nhưng cũng không nhiều. Cho đến năm 1945, cũng mới chỉ tìm được chưa đến 20 bài thơ thuận nghịch độc mà tất cả đều là thất ngôn bát cú theo một kiểu. Riêng thơ lục bát, song thất lục bát thuận nghịch độc thì chưa thấy xuất hiện trên sách báo. Từ năm 2002, khi cho ra mắt quyển Truyện Kiều đọc ngược với 3254 câu Kiều xếp ngược, chúng tôi đã chú ý đến những thể thơ dân tộc là thơ lục bát thuận nghịch độc – song thất lục bát thuận nghịch độc… và loại thơ tả hữu thuận nghịch độc… Chúng tôi đã có những thể nghiệm bước đầu và giới thiệu trên nhiều số tạp chí Thế giới mới. Nhân ngày giỗ Đại Thi Hào Nguyễn Du năm 2007, xin gửi quý thi
hữu mấy bài thơ thuận nghịch độc khác theo kiểu mới để các bạn tham khảo.

KIỀU NƯƠNG CỬA PHẬT
Phạm Đan Quế
(Tại Am Vân Thuỷ)
(Thơ vịnh Kiều thất ngôn bát cú lục chuyển)

Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu
Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau
Vần xoay gió bão đầy năm tháng
Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu
Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ
Mộng tình Kim ấp ủ còn đâu
Dần xa dõi bóng Từ oan khuất
Nhân nghĩa Phật tiên cảnh nhiệm mầu

(ĐỌC NGƯỢC)
Mầu nhiệm cảnh tiên Phật nghĩa nhân
Khuất oan Từ bóng dõi xa dần
Đâu còn ủ ấp Kim tình mộng
Thệ ước sai thiền cảnh ái nhân
Dâu bể trắng đời Kiều lỗi nhịp
Tháng năm đầy bão gió xoay vần
Mau rơi ngả nắng vàng hương sắc
Cầu nguyện chiều chuông đổ ngại ngần

Ta có thể bỏ bớt hai chữ đầu hoặc hai chữ cuối mỗi câu rồi đọc xuôi và đọc ngược để được thêm 4 bài ngũ ngôn bát cú.

o0o


THƠ VỊNH KIỀU
(Song thất lục bát thuận nghịch độc)

1. KIM KIỀU ƯỚC HẸN
Cùng ước nguyện trao thoa tặng quạt
Biển chỉ non thề nhạt chẳng phai
Lòng tơ ước hẹn lâu dài
Ngày ngày trông ngóng đất trời vần xoay

(ĐỌC NGƯỢC)
Phai chẳng nhạt thề non chỉ biển
Quạt tặng thoa trao nguyện ước cùng
Dài lâu ước hẹn tơ lòng
Xoay vần trời đất ngóng trông ngày ngày

2. LƯU LẠC
Trưa sơm trải thân Kiều thờ thẫn
Mãi phai son nhạt phấn đêm ngày
Mưa dầu gió dãi chua cay
Lòng đau xơ xác đọa đày thâu canh

(ĐỌC NGƯỢC)
Ngày đêm phấn nhạt son phai mãi
Thờ thẫn Kiều thân trải sớm trưa
Cay chua dãi gió dầu mưa
Canh thâu đày đọa xáx xơ đau lòng

3. KIM KIỀU TÁI NGỘ
Dang dở bạc mệnh tình duyên nợ
Sắc lẫn tài cùng ngộ hạnh duyên
Thương yêu ước hẹn thề nguyền
Đầy vơi hương lửa vẹn tuyền Kiều Kim

(ĐỌC NGƯỢC)

Duyên hạnh ngộ cùng tài lẫn sắc
Nợ duyên tình mện bạc dở dang
Nguyền thề hẹn ước yêu thương
Kim Kiều tuyền vẹn lửa hương vơi đầy

BẠN THƠ XA NHỚ
Phạm Đan Quế
(Thơ song thất lục bát thuận nghịch độc lẩy Kiều)
Sông núi rạng ngời tan giông bão
Vẳng tiếng thơ vui lửa bếp hồng
Trên yên bút giá thi đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Hồng bếp lửa vui thơ tiếng vẳng
Bão giông tan ngời rạng núi sông
Bốn bề bát ngát xa trông
Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai
Mưa dẫm lá nhớ ai xa vắng
Tỏa hương thơm ngát nắng nghiêng bờ
Quản bao tháng đợi năm chờ
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Bờ nghiêng nắng ngát thơm hương tỏa
Vắng xa ai nhớ lá dẫm mưa
Hải đường mơn mởn cành tơ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Sương rơi nhặt nặng màu thương nhớ
Sắc mùa phai còn ủ ấp hương
Chén hà sánh giọt quỳnh tương
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi
Hương ấp ủ còn phai mùa sắc
Nhớ thương màu nặng nhặt rơi sương
Tần ngần dạo gót lầu trang
Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ

Sau đây xin giới thiệu 2 bài thơ thuận nghịch độc lục bát và một bài thất ngôn bát cú chuyển thành thơ lục bát. Bài sau có số câu thơ lẻ kết thúc bằng câu lục để có thể đọc ngược từng câu từ cuối trở lên đầu.

MƯA RƠI
Phạm Đan Quế
Mưa rơi lạnh vắng xa người
Thờ thẫn thương nhớ cảm hoài trào dâng
Trường canh gió thoảng lâng lâng
Hương quê gìn giữ núi rừng mông mênh
Duyên tơ đượm thắm hương quỳnh
Thêm say chiều sớm bóng hình chờ trông
Yêu thương mãi nguyện thủy chung.

(ĐỌC NGƯỢC)
Chung thủy nguyện mãi thương yêu
Trông chờ hình bóng sớm chiều say thêm
Quỳnh hương thắm đượm tơ duyên
Mênh mông rừng núi giữ gìn quê hương
Lâng lâng thoảng gió canh trường
Dâng trào hoài cảm nhớ thương thẫn thờ
Người xa vắng lạnh cơn mưa

xxx

Bài tiếp theo lại có số câu thơ chẵn thì câu bát cuối phải cắt ra 6 chữ thành câu lục, 2 chữ còn lại được nối liền với 6 chữ của câu lục thành câu bát…

XUÂN TÌNH MỘNG
Ngời sắc xuân liễu thướt tha
Hò hẹn – thân lẻ dáng hoa tím chiều
Trăn trở hình bóng dấu yêu
Tha thiết – tình mộng ước trào ý dâng
Canh thâu ngời rạng ánh dương
Đào hoa – lơi lả khói sương mơ chiều

(ĐỌC NGƯỢC)
Chiều mơ sương khói lả lơi
Hoa đào dương ánh rạng ngời thâu canh
Dâng ý trào ước mộng tình
Thiết tha yêu dấu dáng hình trở trăn
Chiều tím hoa bóng lẻ thân
Hò hẹn tha thướt liễu xuân sắc ngời

xxx

Và sau đây là bài thất ngôn bát cú nhưng lại có thể chuyển thành thơ lục bát

CHÈO BẾN LẠNH
(THẤT NGÔN BÁT CÚ)
Quen lạ giọng bờ bến thẳm xa
Nhặt khoan hò sóng nổi trôi hoa
Sông xanh dâng hững hờ sương khói
Biển sáng hương thơm mới ngọc ngà
Tình mộng gió sương gầy dáng liễu
Bóng buông chèo mái đẩy chiều tà
Mênh mông vắng đợi chờ lơi lả
Chan chứa lạnh mờ mịt xứ xa.

(CHUYỂN THÀNH LỤC BÁT)
Bến bờ quen lạ thẳm xa
Nhặt khoan sóng nổi trôi hoa giọng hò
Sông xanh sương khói lững lờ
Hương thơm biển sáng ngọc ngà mới dâng
Mộng tình dáng liễu gió sương
Bóng chèo gầy đẩy mái buông chiều tà
Mêng mông lơi lả đợi chờ
Chứa chan lạnh vắng mịt mờ xứ xa

o0o

MỘT SỐ TÊN NHỮNG NHÀ SƯU TẦM BẰNG PHÁP NGỮ

Vì trong bản tin này có nói tới chuyện sưu tầm và làm sưu tập ở nước ta, nên chúng tôi xin phép sưu tầm một số tên những nhà SƯU TẬP BẰNG PHÁP NGỮ để chia sẻ với quý bạn đọc. Sở dĩ chúng tôi chọn nước Pháp vì có lẽ Pháp là quốc gia có nhiều nhà sưu tầm nhất (theo thống kê mới nhất năm 2007 Pháp có khoảng 5 triệu nhà sưu tầm trong đó có cả trẻ em). Trong một bản tin khác chúng tôi sẽ đưa ra tên các sưu tầm gia bằng Anh ngữ.

Tên nhà sưu tầm Đồ vật sưu tầm
Arctophile Lông gấu
Autographiste Chữ ký
Billetophile Tiền giấy
Bibliophile Sách quý hiếm
Buticolaricrophile Các tiểu họa (tranh nhỏ)
Calcéologiste Bít tất và giầy
Capéophiliste Các loại mũ đội đầu
Capillabétophile Nhãn hiệu ở trong mũ
Coffeaphiliste Các loại bình cà phê
Calamophile Ngòi bút sắt và quản bút
Cartophile Bưu thiếp
Chromophile Các loại bích chương
Clavalogiste Các loại đinh (đanh)
Conchyliophile Các loại vỏ sò
Clavophile Các chìa khóa cổ xưa
Capsulophile Các loại nắp chai
Cochliophile Các loại thìa nhỏ
Copocléphile Các loại xâu chìa khóa
Cucurbitaciste Các nhãn hiệu thương mại dán trên các trái dưa
Digitabhuphiliste Cái đê ở đầu ngón tay để khâu bằng kim
Discophile Đĩa hát
Erinnophiliste Đủ loại nhãn hiệu
Ethylabélophile Các loại nhãn rượu
Ferrovipathe Các loại xe lửa cỡ tiểu
Fibulanomiste Các loại cúc áo
Fiscophiliste Tem thuế
Gazettophile Các loại báo
Glacophile Chai lọ đựng yaourt
Glycophile Giấy gói các viên đường
Héraldiste Các loại huy hiệu
Iconomécanophile Các loại máy ảnh
Jetonophile-Jetonphiliste Thẻ tính tiền
- Giơ tông điện thoại
Lecythiophile Các loại nước hoa
Lépidoptérophile Các loại bươm bướm
Lithophiliste Các loại tranh đá
Ludophile Các loại trò chơi
Molacologiste Các loại nhuyễn thể
(ốc, sò, mực)
Marcophile Các dấu bưu điện
Minéralophile Các khoáng vật
Molafabophile Các loại cối xay cà phê
Notaphile Các loại hóa đơn
Nicophile Các loại bao thuốc lá
Noeudelerophiliste Các loại nơ đeo cổ cánh bướm
Numismate Các loại tiền cổ
Oologiste Vỏ trứng
Ornithologiste Các loại chim
Pétrophile Các loại đá
Philatéliste Các loại tem
Philuméniste Các bao diêm
Pyrothécophile Các vỏ đạn
Sigillophiliste Các con dấu, các ấn
SchoÏnopentaxophile Các dây treo cổ kẻ bị xử giảo
Scripophile Các loại cổ phiếu
Scutelliphile Các loại huy hiệu, huy chương
Sidérophile Các loại bàn ủi
Tabacophile Tất cả những gì liên quan tới thuốc lá
Ufologiste Tất cả các tài liệu liên quan tới đĩa bay, hoặc các vật thể bay không xác định được nguồn gốc
Vexillologue, vexillologiste Các loại cờ
Xylophile Tranh khắc gỗ

Trên đây là tên của 59 loại nhà sưu tầm, và những tên này rất ít có đầy đủ trong các tự điển. Xin chia sẻ với các bạn.

ĐỖ THIÊN THƯ

VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC Nguyệt San CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC số 151

Kính gởi: Linh Mục Nguyễn Hữu Triết

Thưa Linh Mục,

Được Linh Mục trao cho tờ Nguyệt San Công Giáo và Dân Tộc số 151, trong đó có bài viết về Đạo Phật, đề nghị tôi đọc và góp ý, nên tôi đã đọc một cách rất thận trọng, và xin được có vài ý kiến thô thiển sau đây:
Trước hết phải nói là tôi rất khâm phục những bài nghiên cứu về Đạo Phật, trong đó, thông qua những sách tham khảo được chú thích, tôi thấy người viết đã dày công tra cứu, tham khảo, để tìm hiểu về Đạo Phật là một trong hai tôn giáo được xem là có ảnh hưởng lớn đối với dân tộc Việt Nam chúng ta, là một việc làm mà không phải người công giáo nào cũng có đủ dũng khí để làm, kể cả nhiều Phật tử đôi khi cũng không có được bao nhiêu người tìm hiểu lai lịch của Đạo Phật kỹ đến như thế.
Trong bài Đức Thích Ca và Chúa Giê Su, người viết cũng đã cho thấy một cái nhìn mới về một tôn giáo khác của người công giáo thời nay. Qua đó, người công giáo đã nhìn nhận sự bình đẳng, quyền tự do chọn lựa đức tin, không áp đặt, không tự đặt mình vào vị trí cao hơn, mà đồng cảm, chia sẻ những tính ưu việt và thiết thực của hai tôn giáo, trong đó nhấn mạnh: “phúc âm và đạo pháp không phải là sự suy luận trừu tượng của quá khứ, không phải là những chữ nghĩa vô tri, mà là thực tế cho những ai nghe và thực hiện trong cuộc sống”, quả thật là một tinh thần tiến bộ rất đáng kính phục, vì không còn những chấp nhất, bảo thủ, gây mất đoàn kết và làm mất đi hòa khí giữa người và người với nhau.
Trong bài so sánh về Từ Bi của Phật Giáo với Đức Ái của Kitô giáo của tác giả Hoành Sơn, tôi thấy có một định nghĩa Bồ Tát là những người xả thân vì người khác, là cách hiểu chung về danh xưng này được giải thích dựa theo mô tả trong Kinh đã được truyền từ bao đời. Tấm lòng Bồ Tát đối với tha nhân lúc nào cũng rất cần, rất quí và rất đáng trân trọng, vì cuộc đời quá nhiều đau khổ nên rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ. Tuy nhiên, nếu nói về con đường tu Phật, qua kinh nghiệm nghiên cứu nơi nhiều bộ kinh lớn, tôi xin được phép góp chút ý nhỏ về từ này, vì ngoài cách hiểu trên, chỉ những ai hiểu theo cách sau mới có thể áp dụng phù hợp vào công việc tu hành như sau:
Nếu dựa theo văn tự trong Kinh mà diễn giải, thì Bồ Tát là những vị luôn ứng trực để “cứu khổ cứu nạn”, “chịu khổ thay cho chúng sinh” người tin tưởng cứ một lòng thành khẩn cầu xin thì thế nào cũng sẽ được chứng giám, cứu giúp, mà điển hình là Bồ Tát Quán Thế Am luôn “tầm thinh để cứu nạn” Địa Tạng Vương Bồ Tát với lời nguyện: “ngày nào còn một chúng sinh chưa được độ, con thề chưa ngồi vào ngôi vô thượng chánh giác”.
Bồ Tát được giải thích như một người đã đủ trình độ để thành Phật, nhưng không muốn yên ổn riêng mình ở Niết Bàn, mà chọn cách nhập thế để giúp những người chưa giác ngộ, để cứu độ cho chúng sinh. Theo cách hiểu đó thì Bồ Tát thật sự là một vị thần linh ở trên cao, ở bên ngoài, và những con người phàm phu chấp nhận địa vị chúng sinh thấp hèn của mình, một lòng thành khẩn cầu xin sẽ được “cứu khổ ban vui”. Đây là cách hiểu Đạo Phật được truyền từ sau khi Phật Thích Ca nhập diệt cho đến hiện nay. Tuy nhiên cách đánh giá Bồ Tát, Phật như những vị thần linh vô tình biến một tôn giáo giải thoát, không lệ thuộc, trở thành một tôn giáo hữu thần, không khác gì những tôn giáo khác. Đó là lối tin tưởng mà trong Đạo Phật gọi là của những hàng Nhị Thừa, tức là của những người cũng nương theo Phật pháp mà tu hành, nhưng tự xem mình là đệ tử của Phật, là những chúng sinh thấp hèn, cần có những vị thần linh là Chư Phật, Chư Bồ Tát để phù hộ, độ trì. Trong khi đó, mục đích Đạo Phật là để hướng dẫn cho người tu thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng sinh là Phật sẽ thành”, tức là mọi người phải tin rằng chính mình có khả năng, có đầy đủ những tố chất để trở thành một vị Phật trong tương lai. Danh xưng Phật, cũng nên hiểu lại cho đúng nghĩa: là “tình trạng Giải Thoát trong tâm của người đã hoàn tất việc tu hành”, không phải là một vị Thần Linh đầy quyền phép như từ xưa vẫn hiểu, vì Phật Thích Ca đã “độ tận chúng sinh” nên Ngài mới thành Phật, mà khi Ngài đã thành Phật, thì ngay cả đệ tử của Ngài cũng vẫn còn nguyên đó, phải tiếp tục việc tu hành, đâu có bị “diệt độ”? Vì thế, nếu cho rằng những người bên ngoài là chúng sinh của người tu thì sẽ không bao giờ đạt được mục đích của việc tu hành, và như thế, ngay cả Đức Thích Ca cũng chưa thể thành Phật được, vì chúng sinh vẫn dẫy đầy!
Trên con đường tìm hiểu lý thuyết để thực hành, người tu Phật phải nắm những căn bản: “Tu Phật là tu Tâm”, “Tâm tức là Phật. Phật tức là Tâm. Ngoài Tâm không Phật. Ngoài Phật không Tâm”, “Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”,”Nếu hiểu tâm tu đạo ắt được tỉnh lực nên đễ thành. Không hiểu tâm mà tu đạo ắt nhọc công mà vô ích”, ”Nếu nói ngoài tâm có thể chứng được Phât cùng Bồ Đề Niêt Bàn, không đâu có được” “ (Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất) “Nếu không thấy Tâm thì học pháp vô ích” (Pháp Bảo Đàn Kinh)..là những cốt lõi của con đường tu hành được chư vị giác ngộ để lại, người sau phải nương theo đó mà hành dụng mới không sợ lạc lối giữa rừng Phật Pháp mênh mông, vì Đạo Phật dù giảng nói thiên kinh vạn quyển nhưng không ngoài mục đích đưa con người đến cứu cánh Giải Thoát khỏi những nỗi Khổ của kiếp sống, mà nỗi Khổ này luôn bám theo cái Vọng Tâm hay là cái Tâm Mê lầm. Chính cái Vọng tâm này là nguyên nhân của bao nhiêu phiền não, mà phiền não là tên gọi khác của Chúng Sinh, vì thế cần phải thấy được Cái Tâm, rồi cải tạo nó, gọi là “chuyển pháp” hay là “Độ Sinh” hay còn gọi là “chuyển hóa cái tâm” thì mới có thể hoàn tất được việc tu hành, để cuối cùng là được Giải Thoát hay còn gọi là Thành Phật như Đức Thích Ca và chư Tổ đã làm.
Muốn tu theo Đạo Phật lại phải hiểu rõ Lý Nhân Quả, vì theo Đạo Phật, không có Thượng Đế hay thần linh nào ở trên cao cầm cân nảy mực, định đoạt cho số phận của con người, mà chỉ do những việc mỗi người tự làm, tự chịu, theo một luật chí công vô tư gọi là Luật Nhân Quả. Nhân nào, Quả nấy, không thể xin miễn giảm. Đạo Phật cho rằng con người có mặt hiện tại là do Nhân đã gieo từ kiếp trước nay đã thành Quả, và trong kiếp sống này là đang trả hay hưởng Quả, lại đang tiếp tục gieo Nhân cho kiếp sau. Khi chưa được Giải Thoát thì mãi mãi ở trong vòng Luân Hồi này. Do đó, chính người tu Phật phải sáng suốt để cắt đứt vòng Luân hồi, tự điều khiển lấy vận mạng của mình, không thể đổ cho thánh thần trời Phật đã bất công với mình, hay cầu xin đổi xấu lấy tốt, mà phải trực tiếp bằng hành động hối cải gọi là tu tập cho đến lúc được hoàn toàn giải thoát
Đạo Phật cũng cho rằng Mê, Ngộ, Thánh, Phàm, Phật, Bồ Tát, Chúng Sinh đều ở trong tâm, nên con đường tu Phật chính là TU TÂM, người tu nào muốn đạt đuợc mục đích đều phải Thấy cái Tâm. Khi thấy được cái Tâm mới hiểu thế nào là “Phàm thánh đồng cư”, tức là ba tình trạng trong đó :
• CHÚNG SINH tức là những phiền não, bất an, đau khổ.
• Bồ Tát tức là những sự sáng suốt để hóa giải những phiền não đó.
• PHẬT là kết quả của công việc cứu độ chúng sinh, hoặc nói cách khác, đó là những chúng sinh không còn phiền não nữa, được an ổn, thanh tịnh.
Việc ĐỘ SINH rất là quan trọng cho người tu, vì phải thấy chúng sinh mới Độ được. Nếu trong một cái tâm thuần túy phàm phu, đầy dẫy những ngã mạn, đố kỵ, thương, ghét, tham, sân si.. thì chẳng thể có Bồ Tát nào ở đó. Nhưng giả sử có người lắng lòng, tự kiểm điểm, tự nhìn lại những thói tật của mình để tự giác sửa chữa thì từ giây phút đó trong họ đã có Bồ Tát túc trực chờ cứu giúp. Trong đời sống, mỗi người đã có biết bao lần nghe tiiếng lương tri để kịp dừng lại trước một hành động xấu ? Tiếng nói của lương tri của mỗi người được Đức Thích Ca gọi bằng tên Bồ Tát, và khi một hành vi tội lỗi đã được hóa giải, tâm ta trở nên an ổn, nhẹ nhàng.. đó là Phật Quốc đã hình thành ngay tại lúc đó. “Bồ Tát muốn được cõi Phật thanh tịnh nên làm cho Tâm thanh tịnh. Tùy chỗ tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh” ( Kinh Duy Ma Cật), nên không phải là ai khác mà chính là Bồ Tát làm những việc thanh lọc cái Tâm, hay nói ngược lại : công việc thanh lọc cho cái tâm được Phật Thích Ca đặt cho cái tên là Bồ Tát.
Bồ Tát như thế không phải là một nhân vật hay một vị thần linh vô hình, ở cõi khác, vì thế không thể do cầu xin mà xuất hiện để cứu, mà người nhờ vào con đường tu hành sẽ có những sự sáng suốt đó xuất hiện so với những người không chịu dừng lắng cái tâm vọng động. Và cứu độ không có nghĩa là chuyển tình trạng từ xấu sang tốt, mà là không để cho những hành vi, suy nghĩ xấu làm vẩn đục trong tâm, đưa đến hành động gây ra Nhân xấu để phải lãnh Quả xấu.
Một thực tế về sự hiểu lầm, tin vào thần linh, vào sự cứu độ của Bồ Tát, Phật bên ngoài rồi thất vọng đã được chứng minh qua bài của viết của Nghệ sĩ Bạch Tuyết, bày tỏ sự mất niềm tin, thậm chí là còn…ghét Phật của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, khi thấy mình thành tâm như thế mà con mình cũng không được cứu như vẫn được nghe giảng dạy rồi tin tưởng !
So với đạo công giáo mọi thứ đều trông cậy, phó thác vào Chúa và hàng Nhị Thừa trong Đạo Phật có Thập Phương Chư Phật và vô số Bồ Tát để cầu xin, thì Đạo Phật theo Nhất thừa chỉ trông cậy vào sự sáng suốt hay còn gọi là Giác Ngộ của bản thân để tự cứu. Đọc Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên ta sẽ thấy khi Phật giảng pháp, La Hầu La lơ đãng không nghe, Phật nhắc nhở thì ông viện cớ tuổi còn nhỏ, chờ cho khôn lớn, Phật hỏi: “Liệu ngươi có giữ được mạng cho đến lớn không? La Hầu La trả lời rằng mình không giữ được, nhưng “Không lẽ Phật không giữ giùm mạng cho con?” Phật đã trả lời cho ông: “Ta còn không giữ được cho ta, huống chi là giữ giùm cho ngươi” (Phần chánh tông).
Ai có đọc Kinh cũng thấy rõ: Chính Đức Thích Ca thời gian tại thế nhiều lần cũng bịnh, cuối cùng Ngài cũng đã chết vị ngộ độc thực phẩm do Thuần Đà cúng dường, để chứng minh lý thuyết của Phật không có mâu thuẩn: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Phật còn bỏ xác thân, tại sao ta lại cầu mong Ngài phù hộ cho bản thân, cho gia đình mình được sống mãi, rồi trở lại oán trách Ngài khi cầu không được? Đó là do ta tin nhầm, do bị những người hiểu chưa đúng về Đạo Phật truyền bá, đâu phải do lỗi của Phật hay lỗi của giáo lý Đạo Phật?
Một khi Đạo Phật được mệnh danh là Đạo Nhân Quả thì chắc chắn rằng không phải để nói về niềm tin, về thần linh, về cầu xin, mà nói rằng mỗi người cứ gây Nhân Thiện thì sẽ được hưởng quả lành, không cần phải có sự phù hộ của thần linh nào khác, vì thần linh nếu có, cũng không thể thiên vị. Mọi việc thọ, yểu, đẹp, xấu, sang, hèn… của cái thân hiện tại một phần do Quả đã thành ở kiếp trước, một phần cũng có sự tham gia của mỗi người ở kiếp hiện tại mà có gia giảm, nhưng một điều chắc chắn là không ra ngoài quy luật: Sinh, Lão, Bịnh, Tử. Vì vậy, theo Đạo Phật con người cần chấp nhận thực tế, và tự thanh lọc lấy Thân, tâm để cho kiếp sống vốn đã được gọi là “bể khổ”, là “vực thẳm lưu đày” này, trở thành kiếp sống an ổn, để được như hoa sen, sống ở trong bùn mà vẫn không ô nhiễm. Niết Bàn sẽ được hình thành trong những cái tâm an tịnh chớ không phải ở Đông Phương hay Tây Phương chết mới được về.
Một cái Tâm bình ổn là một nước Phật xuất hiện. Một phiền não dấy lên được hóa giải là một việc làm của Bồ Tát, còn làm điều tốt đối với tha nhân, đó chỉ là thiện pháp, vì sự cứu giúp chắc chắn là bị hạn chế. Trong tích Mục Liên Thanh Đề cũng có kể khi Bà Thanh Đề bị đọa địa ngục, Ngài Mục Liên đã khóc lóc xin Phật cứu, Phật đã rưới nước tắt lửa địa ngục, nhưng tắt địa ngục này bà lại rơi vào địa ngục khác, vì hơn ai hết, Tâm của bà hiểu rõ tội ác của chính mình. Món nợ mà bà thiếu, là lời hứa cúng dường tăng chúng, cho nên đến lúc Ngài Mục Liên thay bà để thực hiện lời hứa đó thì bà mới thấy mình dứt được nợ, hết đọa địa ngục, được giải thoát!
Đạo Phật khác với những tôn giáo khác vì không có hứa hẹn sự cứu độ, mà luôn dạy Tự Độ. Văn tự trong Kinh viết là những phương tiện đòi hỏi người đọc phải Văn-Tư-Tu, tức là sau khi nghe, phải suy nghĩ cho kỹ rồi mới tu. Đọc Kinh lại phải Y NGHĨA không được Y NGỮ, vì “Y Kinh giải nghĩa, Tam thế Phật oan”, bởi đưa đến việc tôn sùng, cầu xin, chờ tha độ, rồi thấy mình bị phản bội, và Tu Phật trở thành Thờ Phật mà không hay!
Dựa vào chính Kinh thì có thể khẳng định: không có Phật nào, Bồ Tát nào có thể cứu độ cho ta nếu ta không tự cứu, vì nếu cầu xin mà được thì Nhân Quả không còn giá trị, ý nghĩa của việc Tự Độ cũng không còn, Đạo Phật cũng không còn đúng chức năng Giải Thoát và người tu cũng không thể thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng sanh là Phật sẽ thành”. Lời Phật trước sau không hề mâu thuẩn, bởi thế nên người tu được dặn dò cái hiểu, cái hành cần “khế hợp” với chính Kinh mới không sợ sai lầm, lệch lạc.
Đó là ý kiến riêng của tôi trong quá trình nghiên cứu nhiều bộ Kinh của đạo Phật xin được trình bày cùng linh mục để nói riêng về từ Bồ Tát, theo cách hiểu “quay vào trong” để tu hành, vì ngoài cách hiểu như từ trước đến giờ vẫn được truyền bá gây ngộ nhận, chỉ khi nào người tu Phật chịu quay vào tâm, tự “hành Bồ Tát đạo” để “cứu độ chúng sinh” của chính mình, thì mới có thể “độ tận chúng sinh” để đi đến kết quả, hết phiền não gọi là được Giải Thoát. Hành dụng như thế mới thấy rằng lý thuyết của Đạo Phật là thực tế, không mơ hồ, huyền hoặc, không có hứa hẹn viễn vông mà có thể làm lợi ích cho cuộc sống hiện tiền. Cho nên, chính việc Tự tin mình có khả năng thành Phật, sau đó phải khai mở trí huệ, phải biết chúng sinh là những gì? ở đâu? biết cách Độ Sinh thì mới theo đúng lộ trình: Tự Tin, đưa đến kết quả Tự Độ, Tự Giải Thoát, đúng như tinh thần của Đạo Phật chân chính mong mỏi vậy.

Xin trân trọng kính chào Linh Mục.

Tâm-Nguyện
(Tháng 8/2007)

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN SÁCH NHAN ĐỀ LÀ “35 THÁNG CHIẾN DỊCH Ở TRUNG HOA VÀ Ở BẮC KỲ - Đô đốc COURBET – Thiếu tá RIVIÈRE (1882-1885)” của Đại Uý Hải quân ÉMILE DUBOC

Đây là một cuốn sách nói về những sự việc đã xảy ra trong chiến dịch dài 35 tháng khi quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, do một người đã từng tham chiến trong suốt thời gian đó viết, và người đó là Đại Uý Hải Quân Pháp Émile Duboc. Viên Đại Uý này đã viết cuốn sách này khi đã về hưu.

Cuốn sách đã được in ở Paris hồi những năm 20 trong tiền bán thế kỷ 20, dày 314 trang và được chia làm 2 phần - phần đầu gồm 18 chương và phần hai gồm 11 chương. Một điều đặc biệt là cuốn sách có lời nói đầu của Pierre Loti , một nhà văn Pháp nổi tiếng và là một ông Hàn trong Hàn Lâm Viện Pháp Quốc; nhà văn này khi trước cũng đã từng ở trong Hải Quân Pháp. Đồng thời cuốn sách cũng có rất nhiều minh họa bằng bút sắt tuyệt đẹp.

Người viết thấy rằng đây là một cuốn sách hay vì tác giả đã không viết nặng về chính trị, quân sự, không bình luận và chỉ chuyển tải tới người đọc những gì anh ta thực sự cảm nhận, thực sự chứng kiến tận mắt, từng phút từng giờ, và ngay chính tác giả cũng đã nói là anh ta không viết với cương vị một sử gia, tuy nhiên những gì anh ta kể lại chính là những sự kiện lịch sử đơn thuần và chính xác, không bịa đặt, không bị xuyên tạc.


http://farm3.static.flickr.com/2301/1803501229_87c6c7d429_o.jpg

Phần đầu:
Gồm 18 chương và người viết xin tóm tắt như sau:
Chương I – Nói về chuyến đi của tác giả từ Toulon tới Saigon và từ Saigon ra Hải Phòng; sau đó là những cảm nghĩ đầu tiên khi tác giả lên tới Hà Nội.
Chương II và Chương III – Tác giả tới gặp Thiếu tá Henri Rivière, sau đó đi thăm thành phố Hà Nội và chú ý tới các tiểu công nghệ của người Việt Nam mà lúc đó họ gọi là An Nam; anh ta mô tả phố Hàng Đồng, các nghệ nhân làm đồ khảm trai, làm đồ thêu, làm cáng, làm lọng vv…, anh ta chú ý cả tới cách người Việt mình dùng để làm cho nước trong và sạch.
Từ Chương IV đến Chương VIII – Tác giả mô tả các công việc của anh ta, những tiếp xúc, những cuộc đi chơi các chùa chiền và anh ta đặc biệt chú ý tới các hoạt động của người Việt như việc làm giấy, việc ăn trầu, việc các quan Việt Nam xử án như thế nào, việc xem người nông dân cày cấy, và việc anh ta gặp Giám Mục Puginier. Ở đầu Chương VIII, tác giả mô tả khá kỹ càng về ngày Tết của dân ta.
Từ Chương IX tới Chương X – Tác giả mô tả anh ta và con tàu của anh ta tới Phát Diệm, thăm nhà thờ, gặp Cha Trần Lục, gặp một người cháu của Tự Đức. Trong Chương IX này tác giả cũng mô tả triều đình Huế và những yêu sách không thể chấp nhận được của người Tàu. Tác giả cũng kể lại một chuyến đi chơi Bích Động, và sau đó anh ta nói về những sửa soạn chiến tranh của quân Việt Nam.
Trong Chương XI, tác giả nói đến những lý do quan trọng khiến quân Pháp quyết định đánh chiếm Nam Định và nói tới việc Rivière mang đến 3 pháo hạm, 2 xà lúp và 6 cái thuyền đầy lính, đồng thời cũng nói về việc quân Cờ Đen kéo về Hà Nội.
Chương XII tác giả viết về việc chiếm thành Nam Định và việc Hà Nội bị tấn công.
Chương XIII tác giả viết về nhiều tình huống li kì và các trận đánh đưa đến trận đánh ở Cầu Giấy và cái chết của Thiếu tá Rivière.
Từ Chương XIV tới Chương XVIII là chương chót của phần 1, tác giả mô tả tỉ mỉ rất nhiều diễn biến trong đó có sự đe dọa của Trung Quốc, cái chết của Tự Đức, việc đánh và chiếm Thuận An, việc ký kết Hiệp định 25 tháng 8, 1883, việc tìm thấy đầu Thiếu tá Rivière, và việc tìm được xác của Rivière. Cuối cùng là việc Đô đốc Courbet tới Hà Nội và việc tác giả được điều về làm Hạm phó chiến hạm Chateaurenault.
Phần hai:
Từ Chương I đến Chương III của phần hai, tác giả nói tới các sự kiện như cái chết của Hiệp Hòa, Đô Đốc Courbet chuẩn bị đánh chiếm Bắc Ninh, một lá thơ của một chuẩn uý Pháp mô tả việc đánh chiếm Bắc Ninh.
Từ Chương IV tới Chương XI là chương cuối của phần hai và cũng là chương cuối của cả cuốn sách, tác giả kể lại các diễn biến về chiến dịch ở Trung Hoa do Đô Đốc Courbet, lúc đó đã được thay thế ở Việt Nam bởi Thiếu tướng Millot, chỉ huy ở Trung Quốc và nói tới bệnh tật và nỗi buồn, cũng như cái chết của Đô Đốc Courbet ở Quần đảo Pescadores thuộc eo biển Đài Loan.
Đây là một cuốn sách chức đựng nhiều tài liệu lịch sử mà các nhà nghiên cứu lịch sử nên để mắt tới, nếu có dịp. Đồng thời cũng là một cuốn sách có chứa đựng nhiều hình ảnh vẽ bằng bút sắt rất đẹp về Việt Nam, và người viết xin chia sẻ với quý độc giả 2 trong số những hình ảnh đó (đính kèm trong bài viết).
Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI

Vũ Anh Tuấn

GIẢI MÃ CHỮ VIẾT TRÊN PHIẾN ĐÁ ROSETTA (AI CẬP)

Phiến đá Rosetta được người Pháp tìm ra nhưng sau nhiều trận đánh, người Anh đã chiếm được viên đá. May mắn cho người Pháp, trước khi người Anh chiếm viên đá, họ đã kịp thời copy những chữ viết Ai Cập lên giấy bằng cách bôi mực vào viên đá rồi in trên giấy dán. Để rồi sau khi về nước, ở hai bên bờ biền Manche đã diễn ra cuộc đua tranh trong việc giải mã phiến đá Rosetta.
Người Anh in ra nhiều âm bản phiến đá Rosetta để đưa đến Đại học Oxford, Cambridge, Edinburgh để nghiên cứu. Khi đó phần lớn các nhà nghiên cứu đều chú ý đến phần hai mà không chú ý đến phần đầu - phần chữ Ai Cập cổ, hoàn toàn là chữ tượng hình. Các nhà khoa học đó muốn giải mã phần hai - phần có cả chữ biểu âm nhằm tìm ra bảng chữ cái Ai Cập cổ nhưng hướng đi của họ đã sai lầm.
Tiến sĩ Thomas Young, một thiên tài về ngôn ngữ (đọc thông viết thạo tiếng Ả Rập, Ba Tư và Thổ) đã thử giải mã phiến đá Rosetta vào năm 1804. Young thấy rằng nếu chỉ bám vào việc tìm ra bảng chữ cái Ai Cập cổ mà không để ý đến những chữ tượng hình thì việc giải mã sẽ đi vào ngõ cụt. Hướng đi của Young đã mở ra một giải pháp mới mẻ. Bước đột phá này đã giúp cho Young nhận ra có nhiều từ không phải là từ Ai Cập cổ trên phiến đá Rosetta. Young cũng nhận định những chữ cái không chỉ hiểu hình mà còn hiểu âm. Những nhận định này hoàn toàn chuẩn xác, nhưng ông vẫn không thể giải mã đuợc toàn bộ phiến đá Rosetta. Tuy nhiên những nhận định của ông về phiến đá Rosetta được viết trong cuốn Bách khoa toàn thư lần thứ 14 mang tên Encyclopaedia Britannica xuất bản năm 1819 đã trở thành một gợi ý đắt giá cho một người có tên JEAN-FRANÇOIS CHAMPOLLION.
Jean-François Champollion làm việc ở Viện nghiên cứu Pháp (Institute of France). Champollion không phải là một thiên tài ngôn ngữ như Young nhưng lại là người có quyết tâm sắt đá và sức làm việc đáng kinh ngạc. Trong quá trình nghiên cứu, Champollion học tiếng Hy Lạp, Hebrew, Ả Rập, Ba Tư, Sanskrits và tiếng Coptic. Năm 1822, những nghiên cứu của Champollion chỉ dậm chân tại chỗ. Đến khi ông đọc được ý tưởng của Young trong Bách khoa toàn thư Encyclopaedia Britannica, ông đã giải mã được khá nhiều phần trên phiến đá Rosetta trong đó có những cái tên sau này nổi danh trong lịch sử như Ptolemy, Cleopatra, Alexander Đại đế. Năm 1822, sau khi nghiên cứu một phiến đá chạm khắc lấy từ ngôi đền Abusimbel, sau đó vài tháng, Champollion tìm ra một nhân vật lịch sử nổi tiếng bậc nhất của Ai Cập là con trai mặt trời – Pharaoh Rameses (The Child of the sun God). Đây là một nhân vật nổi tiếng từng xuất hiện trong Kinh Thánh. Ông cũng hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình và chỉ ra chữ Ai Cập cổ là những chữ tượng hình là sự kết hợp giữa những từ nguyên vẹn và những chữ cái. Với những sửa chữa cần thiết, Champollion đã hoàn thiện phần nghiên cứu về chữ Ai Cập và vượt qua được những vướng mắc mà Young chưa giải quyết được.
Năm 1824, Champollion cho xuất bản thành quả nghiên cứu đầy giá trị của mình. Trở thành người nổi tiếng sau đó, ông được Hoàng đế Pháp – Louis XVIII khen ngợi và trở thành giám đốc bộ phận Bảo tàng Ai Cập ở Bảo tàng Louvre. Sau đó còn nhiều lần đến Ai Cập để bổ sung thêm công trình nghiên cứu của mình và viết lại lịch sử Ai Cập cho tới khi ông qua đời năm 1832 khi 42 tuổi.
Công trình của Champollion có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó là chiếc chìa khóa giúp các nhà khoa học sau này có thể giải mã một lượng thư tịch khổng lồ về đất nước và con người Ai Cập cổ đại. Nó giúp chúng ta hiểu thêm một đế chế hùng mạnh đã hình thành, phát triển và suy tàn ra sao. Một thế giới đã được mở ra và bắt đầu từ một phiến đá nhỏ nhoi, khiêm nhường giờ đang nằm trên tường Bảo tàng Anh ở London: phiến đá Rosetta.

Bùi Đẹp (st)

ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO

Tuần vừa qua (bắt đầu từ ngày 30-9 đến hết ngày 6-10), TTO và nhà sách trên mạng www.vinabook.com đã dành tặng bạn đọc 20 cuốn sách Điệp Viên Hoàn Hảo là bản dịch ra tiếng Việt của cuốn The Perfect Spy của nhà sử học Larry Berman, viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.

http://farm3.static.flickr.com/2024/1804346304_8f7e08ce3a_o.jpg

Điệp viên hoàn hảo, cuốn sách đã lôi cuốn người đọc theo dõi cuộc đời "hai mặt" của Phạm Xuân Ẩn - một trong những nhà tình báo vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam với những hoạt động tình báo cực kỳ nguy hiểm.
Nhà tình báo này đã đóng xuất sắc cả hai vai: một nhà báo kỳ cựu làm việc cho các hãng thông tấn phương Tây và một nhà tình báo chiến lược tài ba của Việt Nam.

Cuốn sách Perfect spy đã bán được trên 2 vạn bản chỉ sau bốn tháng phát hành, một kỷ lục đối với loại sách lịch sử - tiểu sử ở Mỹ. The Perfect Spy đã được dịch sang tiếng Việt và đã phát hành vào ngày 1-10.
Vì rất bị cuốn hút bởi nhân vật Phạm Xuân Ẩn vừa mất năm ngoái và hiện nay báo Tuổi Trẻ đang đăng một loạt bài về Ông. Tôi xin trích dẫn cho bản tin một đoạn của bản dịch này đã đăng trên Tuổi Trẻ ngày 29/09/2007.

Bs Nguyễn Lân-Đính

Điệp viên hoàn hảo - Kỳ 6: Những tấm huân chương

Từ năm 1960, lực lượng giải phóng ở chiến trường miền Nam phát động liên tiếp các đợt tiến công qui mô kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang mà cao trào là phong trào Đồng khởi.
Đứng trước tình hình trên, tướng Maxwell D. Taylor được phái sang Việt Nam để hành động gấp giúp chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy lùi phía Cộng sản. Tổng thống Kennedy cũng cử sang Sài Gòn một phái đoàn khảo sát kinh tế do tiến sĩ Eugene Stanley thuộc Viện Nghiên cứu Stanford dẫn đầu. Kế hoạch Stanley-Taylor (chiến tranh đặc biệt) ra đời. Như lời tổng thống Kennedy thì "để thắng được trong cuộc chiến tranh này, các sĩ quan và binh lính của chúng ta phải hiểu và biết kết hợp các biện pháp chính trị, kinh tế và dân sự với nhau trong khi thực hiện các nỗ lực quân sự".

24 cuộn phim của nhà tình báo
Phạm Xuân Ẩn tiết lộ với tôi rằng lúc đó tướng Võ Nguyên Giáp đã cử hai phái đoàn ra nước ngoài. Một đoàn sang Matxcơva để trao đổi với các nhà vạch kế hoạch quân sự Liên Xô về cách chống lại "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ. Nhưng người Nga chỉ biết mỗi chiến tranh thông thường. Tướng Võ Nguyên Giáp sau đó cử phái đoàn thứ hai sang gặp các tướng lĩnh Trung Quốc từng có kinh nghiệm chống lại các lực lượng của liên quân trong cuộc chiến Triều Tiên. Nhưng người Trung Quốc cũng chẳng giúp được gì nhiều.
Phạm Xuân Ẩn nói: "Đến lúc đó tôi mới lập ra chương trình giúp đối phó lại. Chính tôi là người đã giúp mọi người hiểu về cuộc chiến tranh kiểu mới của Mỹ. Vì thế mà tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng phấn khởi".

Ngày 28-12-1962, sư đoàn 7 quân đội Việt Nam cộng hòa đóng quân tại đồng bằng sông Cửu Long nhận được chỉ thị phải bắt giữ được một điện đài của các lực lượng vũ trang quân giải phóng đang hoạt động gần làng Ấp Bắc (Tiền Giang). Thế nhưng cuộc càn quét vào Ấp Bắc đã bị lực lượng cộng sản đánh tan. Với trận thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963, Trung ương Cục miền Nam đã phát động một phong trào thi đua với Ấp Bắc trên toàn miền Nam Việt Nam.
Tài liệu dự báo tình báo đặc biệt của CIA ngày 17-4-1963 đã đưa ra kết luận rằng: "Một nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Việt cộng là hệ thống tình báo có hiệu quả của họ, chứng tỏ rằng Việt cộng đã có khả năng duy trì được sự bao quát tình báo đối với mọi cấp cả quân sự lẫn dân sự của chế độ miền Nam Việt Nam".
Trong trận Ấp Bắc, có hai huân chương quân công được trao. Một huân chương được trao cho chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang giải phóng Nguyễn Bảy. Tấm huân chương kia được trao cho Phạm Xuân Ẩn vì đã gửi kịp thời những báo cáo giúp làm thay đổi bản chất của cuộc chiến tranh. Sau này, Phạm Xuân Ẩn kể lại: "Tôi không bao giờ dám đeo tấm huân chương đó cho đến khi nào cuộc chơi kết thúc. Tôi sẽ chỉ vui lòng đeo tấm huân chương ấy vào ngày miền Nam được giải phóng".

Ông Mười Nho, một chỉ huy của Phạm Xuân Ẩn thời gian đó, nhớ lại: "Năm 1962, ông Hai Trung (bí danh của Phạm Xuân Ẩn) đã gửi cho chúng tôi 24 cuộn phim về toàn bộ các kế hoạch liên quan đến chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ. Có đến cả một tỉ USD chúng tôi cũng không thể mua được những tài liệu như vậy. Sự hiểu biết về kẻ thù mà những tài liệu này cung cấp đã giúp chúng tôi chuẩn bị các kế hoạch đối phó với chiến lược của kẻ thù. Sự thất bại hoàn toàn của địch trong trận Ấp Bắc đã buộc Mỹ phải từ bỏ "chiến tranh đặc biệt" để đi tìm kiếm một chiến lược mới".

Chiếc chìa khóa bí mật

Khi tôi hỏi về cái chết của những người Mỹ và người Nam Việt Nam trong các trận tấn công Tết Mậu Thân, cũng như những lời mà đơn vị tình báo cụm H.63 của ông từng khoe đã giết chết được nhiều lính Mỹ, Phạm Xuân Ẩn quả quyết rằng chưa bao giờ có ai từng nhìn thấy ông làm đau một người nào.
Khi tôi bảo với Phạm Xuân Ẩn rằng những chuyện này là có thật và người ta đã bị chết, ông đáp đây là "những thương vong của chiến tranh".
Ông nói hơn một lần rằng: "Đây là những người bạn của tôi, tôi không làm đau họ, nhưng trong chiến tranh những điều khủng khiếp đã xảy ra đối với nhiều người. Tôi đang bảo vệ đất nước tôi".

Ngày 1-11-1963, Ngô Đình Diệm và em trai của ông bị giết. Phạm Xuân Ẩn kể: "Nhiều người là cấp trên của tôi đã nhận định sai rằng sau khi loại bỏ Diệm, Mỹ sẽ tìm cách rút khỏi VN". Ngày 28-7-1965, Mỹ mới đưa ra cam kết qui mô lớn cho miền Nam Việt Nam. Thế mà từ năm 1964, Phạm Xuân Ẩn đã bắt đầu gửi đi những báo cáo về điều này trong thời kỳ Nguyễn Khánh làm quốc trưởng Việt Nam cộng hòa.

Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng CIA đã biết về những đề nghị bí mật của Nguyễn Khánh muốn bắt tay với Mặt trận Dân tộc giải phóng. Nguyễn Khánh sau đó bị phế truất. Phạm Xuân Ẩn nói: "Đó là lý do vì sao tôi biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ miền Nam Việt Nam. Sau này tôi mới biết rằng một số người ở Hà Nội đã nghĩ khác, nhưng lúc ấy tôi không biết họ đã nghĩ như thế nào. Tôi chỉ gửi cho họ sự phân tích trung thực của tôi và sau này mới biết là tôi được thưởng huân chương".

Cuối năm 1967, thiếu tá Tư Cang, 40 tuổi, tổ trưởng mạng lưới tình báo quân sự cụm H.63, đặt chân đến Sài Gòn. Trước đó vài tháng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ở Hà Nội đã thông qua nghị quyết về tổ chức một cuộc tổng tiến công và nổi dậy mới đánh vào "trung ương thần kinh của chính phủ bù nhìn miền Nam". Mục tiêu chính là Sài Gòn! Ngày hành động được ấn định vào Tết Mậu Thân, tức ngày 31-1-1968. Nghị quyết này chỉ dành cho chưa đầy ba tháng để thu thập tin tức tình báo và lên kế hoạch chiến lược cho trận tấn công.
Tướng Trần Văn Trà, chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng ở miền Nam từ năm 1963, lãnh trách nhiệm về các hoạt động chiến thuật và chiến lược trong cuộc tổng tiến công. Ông Trần Văn Trà phụ thuộc nhiều vào các mạng lưới tình báo của ông ở Sài Gòn. Tư Cang hiểu rằng ông cần phải dành càng nhiều thời gian với điệp viên thượng hạng của mình là Phạm Xuân Ẩn thì càng tốt. Phạm Xuân Ẩn đã giúp đỡ Tư Cang vạch kế hoạch cho trận tấn công vào dinh tổng thống.
Phạm Xuân Ẩn gặp may vì tướng Westmoreland - tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam VN - đã tạo ra một hội đồng hợp tác bao gồm sự phối hợp toàn diện của các cơ quan dân sự và quân sự. Nhiều tổ chức cử đại diện vào tham gia hội đồng. Trong số những đại diện này có cả các nguồn tin của Phạm Xuân Ẩn đang làm việc ở các cơ quan như Bộ Nội vụ, Cảnh sát Quốc gia, và cả Tổ chức Tình báo trung ương miền Nam VN. Nhờ đó mà Phạm Xuân Ẩn có thể giúp Hà Nội cập nhật mọi thông tin.

Ông Tư Cang nói với tôi rằng: "Phạm Xuân Ẩn đã thật sự đóng góp vào những thay đổi lớn lao bắt nguồn từ kết quả của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Chẳng bao lâu sau, tướng Westmoreland bị thay thế, Tổng thống Lyndon Johnson phải về vườn và Hoa Kỳ phải bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Phạm Xuân Ẩn đã góp phần vào việc lần ra manh mối về toàn bộ kế hoạch chiến tranh của Mỹ. Những báo cáo của Phạm Xuân Ẩn là một chìa khóa để hiểu việc Johnson phải đi tới Paris tìm kiếm hòa bình".

Phạm Xuân Ẩn được thưởng tấm huân chương thứ ba vì những đóng góp trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Một sứ mạng cuối cùng của ông vẫn còn ở phía trước, đó là tham gia đánh bại chế độ Sài Gòn.

LARRY BERMAN
(Nguyễn Đại Phượng dịch)

http://farm3.static.flickr.com/2100/1803502109_630a522432_o.jpg

THĂM VƯỜN THÚY
của Anh Bá Khoát
(Ngày Chủ nhật 16/9/2007)

Nghe Kiều từ thuở nằm nôi
Tiếng ru của Mẹ bồi hồi xót xa
Thương Kiều từ thuở mười ba
Mối tình thơ dại mặn mà thắm tươi
Khóc Kiều lúc chớm đôi mươi
Người yêu lặng lẽ khóc đôi mắt sầu
Âm thầm thương tiếc duyên đầu
Vỡ tan đau đớn, sông sâu đắm đò

Ngỡ mình lạc bước vào mơ
Đến thăm vườn Thúy, nên thơ tuyệt vời
Mười lăm năm ấy Kiều ơi
Tưởng như gặp lại bóng người năm xưa
Cuộc đời sớm nắng chiều mưa
Biển dâu dời đổi, có chừa ai đâu
Dù lòng nhân thế nông sâu
Ngậm ngùi gởi mộng, qua cầu đắng cay
Đến thăm vườn Thúy hôm nay
Cám ơn anh Bá, nhớ ngày giao lưu.

NGÀN PHƯƠNG


Chùm thơ nhỏ thương nhớ Cụ Nguyễn Du

CÒN VẦNG TRĂNG BẠC
Còn duyên may lại còn người
(Nguyễn Du)

Nhớ da diết ngày còn chung lối mộng
NGỡ vầng dương rực sáng mãi trong nhau
ChUng sách đèn, chung ước vọng trăng sao
NguYện gắn bó đến răng long tóc bạc
Dù viỄn ảnh vẫn còn vương cánh hạc
NghiêNg dáng gầy lời hát ngọt hương thơ
Dâng hiến câu thề trọn kiếp tôn thờ
VUn đắp tự ngàn xưa lòng ngưỡng vọng

NGÀN PHƯƠNG


ĐẮNG CAY
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
(Nguyễn Du)

Người đi mây tím sầu nghiêng bóng
NGẩn ngơ buồn hoa sóng chơi vơi
KhUôn viên cảnh mộng xa vời
ThuYền còn có trùng khơi bùi ngùi
Tơ liỄu gượng làm vui xỏa tóc
Hỏi vầNg trăng, dáng ngọc nơi đâu
Dặn lòng bao nỗi nông sâu
ƯU tư giờ cạn chén sầu ly bôi

NGÀN PHƯƠNG


THẦM KÍN
Vui là vui gượng kẻo là…
(Nguyễn Du)

Ai mang sầu nhớ vào trong mắt
Tri kỷ xa vời mộng vỡ tan
Âm hương cung đàn ngâm réo rắt
Đó đây ngăn cách mấy quan san
Mặn như nghĩa nặng tình sông núi
Mà vẫn ngậm ngùi một tiếng than
Với khúc tao phùng ru thắm thiết
Ai chờ biền biệt gót đài trang.

NGÀN PHƯƠNG


THỦY CHUNG
Mành tương phân phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình
(Nguyễn Du)

Hương xưa còn đọng bên mành
Gây tương tư mộng long lanh ý sầu
Mùi hoa phân tán đêm thâu
Nhớ tà áo phất phơ màu khói mây
Trà mi trước gió tiếc thay
Khan hơi nghẹn tiếng gẩy đàn tiếc thương
Giọng hò xao xuyến vấn vương
Tình chung thủy dệt ngàn câu thơ hồng

NGÀN PHƯƠNG

NUỐI TIẾC
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
(Nguyễn Du)

Người đi mây tím nghiêng sầu
Buồn dâng hoa sóng bạc đầu chơi vơi
Cảnh xưa tình cũ xa vời
Có con nhạn lẻ trùng khơi ngậm ngùi
Vui là gượng gạo làm vui
Đâu rồi kỷ niệm ngọt bùi đắng cay
Bao lần khóc mướn thương vay
Giờ đây ngồi đếm tháng ngày thầm trôi.

NGÀN PHƯƠNG

ÂM THẦM
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu…
(Nguyễn Du)

Người xa khắc khoải nghìn đêm trắng
NGậm đắng nuốt cay dấu nỗi buồn
KhUng cảnh xưa còn in vết cũ
ChuYện lòng thông cảm có hồi chuông
Lệ liỄu gượng vui thôi xỏa tóc
ThuyềN mây đâu dễ vượt qua truông
Dặm trường bao kẻ âm thầm khóc
CUng nhạc bây giờ nén lệ tuông

NGÀN PHƯƠNG


MỎI MÒN
Thâm nghiêm kín cổng cao tường
(Nguyễn Du)

Cạn khô giọt lệ canh thâu
Dòng thơ ngày cũ VƯƠNG sầu biệt ly
Lá hồng vườn THÚY tình si
Thắm lam KIỀU nhớ người đi xa vời
Dứt cung đàn nghẹn chơi vơi
Đường tơ lạc phím cuộc đời đơn côi
Chim oanh biếng hót lâu rồi
Xanh làn tóc đợi bồi hồi duyên xưa

NGÀN PHƯƠNG

VÀI LỜI ĐÍNH CHÍNH LIÊN QUAN TỚI BÀI BÁO NHAN ĐỀ LÀ “GIỮ HỒN XƯA TRONG NHỊP ĐỜI NAY” ĐĂNG TRÊN TRANG “SÁCH VÀ CUỘC SỐNG” (trang 6) TRÊN TỜ SAIGON GIẢI PHÓNG RA NGÀY CHỦ NHẬT 7-10-2007

Nhân danh Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Sách Xưa Và Nay, chúng tôi xin có mấy lời đính chính liên quan tới 3 điểm được nêu ra trên bài báo nói trên:
1. Bài báo viết nguyên văn như sau: “Tri ân với tiền nhân cũng là một hoạt động nổi bật của CLB. Mỗi quý, CLB tổ chức thăm viếng một nhà lưu niệm danh nhân như: Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Trương, Lương Văn Can, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư vv… thăm hỏi, giao lưu và GIÚP ĐỠ THÂN NHÂN HỌ…”
Viết như trên là có HAI ĐIỀU KHÔNG ĐÚNG SỰ THẬT cần phải được đính chính. CLB của chúng tôi chỉ mới thực sự đi thăm các nhà lưu niệm các danh nhân Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính và Lê Văn Trương. Còn nhà lưu niệm của cụ Lương Văn Can ở mãi làng Nhị Khê, ngoại thành Hà Nội thì việc đi thăm đâu có dễ dàng gì? Chúng tôi cũng chưa hề đi thăm Nhà lưu niệm của Cụ Á Nam, vả lại có muốn đi thăm thì cũng phải liên hệ trước rồi nếu các thân nhân của các danh nhân bằng lòng tiếp thì mới đi chứ đâu có thể muốn đi lúc nào là đi. Và điều cần đính chính hơn hết là mấy chữ GIÚP ĐỠ THÂN NHÂN HỌ. CLB của chúng tôi CHƯA HỀ BAO GIỜ CÓ Ý ĐỊNH PHI LÝ ĐÓ. CÁC THÂN NHÂN ĐÃ CÓ PHƯƠNG TIỆN LẬP NHÀ LƯU NIỆM CHO CÁC DANH NHÂN THÌ LÀM GÌ CẦN ĐẾN SỰ GIÚP ĐỠ CỦA MỘT CÂU LẠC BỘ BÌNH THƯỜNG NHƯ CHÚNG TÔI? Do đó tôi xin cực lực đính chính điểm này và xin nói rõ là khi đi thăm các nhà lưu niệm, CHÚNG TÔI CHỈ MANG TẶNG MỘT SỐ NHỮNG TÀI LIỆU, TÁC PHẨM CŨ CỦA CÁC CỤ TỪ THỜI TIỀN CHIẾN, và chỉ có thế thôi.
2. Bài báo viết nguyên văn như sau: “Giữ được phong độ ấy, hy vọng rằng mong muốn CLB trở thành thành viên ĐẠI DIỆN CHO VIỆT NAM THAM GIA CÁC TỔ CHỨC SÁCH TRÊN THẾ GIỚI… của những người mê sách này sẽ sớm thành hiện thực.” Đây cũng là một điều không chính xác vì CLB CHÚNG TÔI CHƯA HỀ BAO GIỜ CÓ Ý ĐỊNH ĐÓ. Chúng tôi chỉ muốn lo công việc ở trong nước chưa chắc đã xuể, nói gì đưa hoạt động lan ra quốc tế, do đó đây chỉ là một điều mà các nhà báo “quá ưu ái” đã gán cho chúng tôi mà thôi. Vì TÔN TRỌNG SỰ THỰC, CLB CHÚNG TÔI XIN CÓ MẤY LỜI ĐÍNH CHÍNH NÀY.

8-10-2007 _ Vũ Anh Tuấn



MỤC LỤC

Vài nét về buổi họp 8/9/2007 1
Sưu tập Kiều 2
Số liệu về Kiều 7
Thơ thuận nghịch độc 13
Một số nhà sưu tập Pháp 20
Suy nghĩ về Công Giáo Dân Tộc số 151 23
Cuốn sách “35 tháng chiến dịch…” 32
Giải mã chữ viết 37
Điệp viên hoàn hảo 40
Chùm thơ nhỏ thương nhớ Cụ Nguyễn Du 47
Giữ hồn xưa 53
Đính chính 54
Truyện dịch 56

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế