Hiện có 5 người xem / 2335688 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

Thư Ban biên tập

Thưa các bạn,

Qua nhiều lần bàn bạc, chuẩn bị, với sự nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo bạn yêu sách, với sự ủng hộ chân tình của các cơ quan hữu quan cùng sự quan tâm của các phương tiện truyền thông đại chúng, Câu lạc bộ sách Xưa và Nay của chúng ta đã chính thức ra mắt vào ngày 17/06/2006 vừa qua.
Trong bản tin số 2 này, chúng tôi sẽ gửi tới các bạn một số bài viết của các thành viên về buổi lễ ra mắt CLB, đồng thời trích đăng một số bài báo viết về CLB trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, các thành viên CLB sẽ chia sẻ những kỷ niệm trong quá trình sưu tầm sách. Trong buổi họp mặt định kỳ 08/07/2006, bên cạnh các hoạt động giao lưu trao đổi giữa các thành viên, ông Nguyễn Hữu Triết sẽ có bài nói chuyện giới thiệu bộ sưu tập Kiều của mình. Chúng tôi cũng dự định trong buổi họp mặt kế tiếp ngày thứ Bảy 12/08/2006 sẽ giới thiệu về cuốn Lịch sử Đàng ngoài của Alexandre de Rhodes in năm 1651 cùng những thông tin liên quan đến tác giả này. Các bạn có các tư liệu liên quan đến Alexandre de Rhodes xin liên hệ Ban chủ nhiệm CLB để chuẩn bị tốt cho buổi sinh hoạt.

Dự định các hoạt động sắp tới của CLB là tổ chức các buổi họp mặt theo từng chủ đề,với sự trưng bày các hiện vật gốc liên quan trong bộ sưu tập của các thành viên, kết hợp mời các học giả, các nhà nghiên cứu đến nói chuyện. Một chủ đề nữa cũng rất thiết thực đối với người sưu tầm sách, đó là kỹ thuật bảo quản. Được sự nhiệt tình hỗ trợ của Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, trong một ngày gần đây, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia bảo quản của Thư viện tới giảng giải về kỹ thuật cũng như hỗ trợ về phương tiện vật chất nhằm giúp các thành viên có thể giữ gìn những tư liệu quý của mình. Chúng tôi rất mong nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của tất cả các thành viên CLB.


Ban biên tập

LỄ RA MẮT CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA VÀ NAY

Sau năm buổi họp sơ bộ của một số thành viên, trong đó 6 thành viên sáng lập thường xuyên có mặt, Câu lạc bộ Sách Xưa và Nay đã được thành lập và được ra mắt vào sáng ngày thứ bảy 17 tháng 6 năm 2006, vào lúc 9 giờ sáng.

Đặc biệt trong buổi lễ ra mắt, Câu Lạc Bộ đã đem trưng bày một số sách cổ của các thành viên bao gồm một cuốn từ thế kỷ thứ 16, một cuốn thế kỷ 17, nhiều cuốn thế kỷ thứ 18, 19 và một số sách đã từng đoạt giải trong các cuộc thi “Những Cuốn Sách Vàng” đã qua.


Ngoài mảng sách, CLB còn trưng bày một số tờ báo cổ như Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta, tờ Đông dương tạp chí của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tờ Nam Phong tạp chí của học giả Phạm Quỳnh, tờ Tri Tân của học giả Nguyễn Văn Tố v.v. Ngoài ra CLB còn trưng bày hai tấm Sắc Phong cổ, một tấm từ đời Lê Cảnh Hưng và một tấm đời Lê Chiêu Thống, cùng với một bản đồ do đoàn Thám Hiểm và Họa Bản Đồ của De Lanessan vẽ hồi thế kỷ thứ 19.

Bản đồ Annam cổ năm 1892
Số quan khách tới dự và tham quan lên tới trên 90 người, trong đó về phía quan chức chính quyền có quý ông: Trần Đình Việt, Giám Đốc Nhà Xuất Bản Tổng Hợp thành phố HCM, trưởng ban tổ chức cuộc thi Những cuốn sách vàng năm 2002,2004 và 2006. Nguyễn Đức Bình, Giám Đốc Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, đơn vị đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi Tủ sách gia đình trong Hội sách năm 2006. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lưu, Phó phòng tổ chức kho tài liệu, Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp TPHCM. Về phía các thân hữu có Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu Trưởng Trường Đại Học Hồng Bàng, nhà văn Kiều Văn, nhà văn-nhà báo Thứ Lang Phan Kim Thịnh, Luật sư Nguyễn Ngọc Nhung, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, vợ chồng hoạ sĩ Đoàn Quốc-Kim Dung, nhà Kiều Học Phạm Đan Quế cùng đông đảo bạn yêu sách đã tới dự, trong đó có không ít người nhiều lần từng tham dự cuộc thi Những cuốn sách vàng, và đặc biệt có cả một số bạn đến từ các tỉnh khác không quản đường xá xa xôi cũng có mặt tham dự.

Ông Vũ Anh Tuấn chủ nhiệm CLB sách Xưa&Nay phát biểu
CLB đã nhận được các lẵng hoa chúc mừng của Hội Cổ vật Nam Bộ, trường Đại học Hồng Bàng cùng nhiều cá nhân có lòng yêu quý CLB.

Để bắt đầu lễ ra mắt, các thành viên Ban Điều Hành CLB được mời lên sân khấu và gồm có các vị sau đây:

Chủ nhiệm : Ông Vũ Anh Tuấn
Phó Chủ nhiệm : Ông Lưu Nhật Quang
Thư ký: Ông Hoàng Minh và Ông Phạm Thế Cường
Thủ quỹ : Ông Nguyễn Hoàng Triệu
Ban Cố Vấn CLB: Ông Nguyễn Hữu Triết

Ban Chủ nhiệm CLB ra mắt

Kế đó, ông Vũ Anh Tuấn, chủ nhiệm CLB, lên trình bày lý do thành lập, mục đích, và một số dịch vụ mà CLB dự trù có thể thực hiện về lâu về dài. Sau khi ông Tuấn nói, Bản Điều Lệ đã được ông Hoàng Minh, Thư ký CLB đọc toàn văn trước toàn thể cử tọa, và tiếp sau đó là phần giao lưu với những lời phát biểu của quý ông : Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu Trưởng Trường Đại Học Hồng Bàng, Trần Đình Việt, Giám Đốc Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TPHCM, Nguyễn Đức Bình, Giám Đốc Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, Bà Nguyễn Thị Ngọc Lưu, Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp TPHCM và nhà văn Kiều Văn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng Ông Trần Đình Việt

Lễ ra mắt của CLB Sách Xưa và Nay đã được các cơ quan truyền thông và báo chí ủng hộ mạnh mẽ. Đài truyền hình Việt Nam VTV và Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh HTV đã cử tổ phóng viên đến ghi hình lễ ra mắt và đưa tin trong bản tin thời sự và sắp tới sẽ phát hình trong chuyên đề về sách dự kiến thời lượng tới 30 phút. Đài truyền hình Đồng Nai 1 cũng đã phát cuộc phỏng vấn Linh Mục Nguyễn Hữu Triết và Ông Vũ Anh Tuấn vào hồi 5:30 chiều thứ bảy 24/06/2006 và phát lại vào trưa Chủ Nhật 25/06/2006. Đài tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phỏng vấn và phát vào trưa ngày 19/06/2006 những câu trả lời của ông Vũ Anh Tuấn, chủ nhiệm CLB. Các báo: Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Người Lao Động, Thể Thao Văn Hoá, Pháp Luật, Văn Hoá, Báo Ảnh Việt Nam v.v cũng đưa tin kịp thời với hơn 10 bài báo giới thiệu, tường trình, cả ở Thành phố Hồ Chí Minh lẫn Thủ Đô Hà Nội. Ngoài ra, các trang báo điện tử trên mạng Internet cũng loan tải rộng rãi tin tức về sự ra đời của CLB (các website xemsach.com.vn, Tuổi trẻ online, Người Lao Động online, website của công ty phát hành sách FAHASA, Sở Văn hoá thông tin, trang Văn nghệ đồng bằng sông Cửu long v.v). Một bằng chứng khác của sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông là hiện có 6 nhà báo là thành viên của CLB sách Xưa&Nay.


Các phóng viên truyền hình đang ghi hình lễ ra mắt CLB

Đông đảo bạn yêu sách đã đến dự buổi ra mắt CLB Xưa&Nay


Nhờ sự nhiệt tình đưa tin của các phương tiện truyền thông, nhiều bạn yêu sách ở xa tuy không có mặt trong lễ ra mắt nhưng đã biết tin và gửi thư điện tử để đăng ký làm thành viên của CLB, trong đó có các sinh viên và cả một nhà nghiên cứu Việt kiều đang sống ở Australia.

Với sự thành công bước đầu đáng khích lệ, trong những ngày sắp tới, tất cả mọi thành viên CLB đều tự hứa với chính mình là sẽ có những hoạt động xứng đáng với lòng ưu ái đã được hưởng.

Vũ Thư Hữu

Sân chơi cho người yêu sách cổ

Báo Người Lao Động (Chủ Nhật 18/06/2006)

Sáng 17-6, Câu lạc bộ sách Xưa và Nay đã chính thức ra mắt tại nhà thờ Tân Sa Châu - 387 Lê Văn Sỹ, P.2, Q. Tân Bình - TPHCM. CLB sách Xưa và Nay được hình thành từ những người chuyên sưu tập sách cổ, sách quý hiếm... nhiều lần được giải “Những cuốn sách vàng” tại các lần Hội sách TPHCM diễn ra gần đây.
Trong buổi ra mắt, CLB trưng bày một số sách quý hiếm, đáng chú ý nhất là 2 bức sắc phong từ thời nhà Lê do linh mục Nguyễn Hữu Triết sưu tầm. Bức sắc phong thứ nhất có từ thời “Chiêu Thống nguyên niên tam nguyệt nhị thập nhị nhật” - tức ngày 22-3-1786. Bức sắc phong thứ 2 có từ thời “Cảnh Hưng tứ thập tứ niên thất nguyệt nhị thập lục nhật” - tức ngày 26-7-1784. Hiện linh mục Nguyễn Hữu Triết sưu tập được nhiều bức sắc phong như vậy nhưng 2 bức vừa nêu là lâu năm nhất. Về nội dung 2 bức sắc phong thời nhà Lê này, ông Triết cho biết là sắc phong đền chùa hay miếu gì đó chứ không rõ nội dung cụ thể.

Bản in chữ Nôm "Kim Vân Kiều tân truyện" cổ nhất do linh mục Nguyễn Hữu Triết sưu tập.

Tin- ảnh: T.H.Nhân
Phóng viên báo Người Lao Động

Ra mắt câu lạc bộ "Sách Xưa và Nay"

Báo Tuổi trẻ Online (ngày 18/06/2006)

Ban điều hành CLB, từ trái qua: ông Phạm Thế Cường (Thư ký), Ông Vũ Anh Tuấn (chủ nhiệm), Ông Lưu Nhật Quang (P.Chủ nhiệm), Ông Nguyễn Hoàng Triệu (thủ quỹ).
TTO - Câu lạc bộ "Sách xưa và nay" do những người yêu sách ở TP.HCM thành lập vừa chính thức ra mắt sáng 17-6-2006, tại trụ sở 387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.
Với tôn chỉ “Phát huy lòng yêu mến sách cổ, sách quý hiếm và ý thức giữ gìn bảo tồn những quyển sách đó”, CLB là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu và trao đổi sách cổ, quý hiếm cũng như học cách khai thác thông tin sách hiệu quả nhất.
Dù mới ra mắt nhưng câu lạc bộ thu hút khá nhiều thành viên. Hiện tại, CLB trưng bày nhiều sách, báo quý như: Lịch sử đàng ngoài (xuất bản 1651), Bộ từ điển Annam - Latinh, Latinh - Annam (1838), Tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở VN Gia Định báo (1865)…
CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Công dân VN 18 tuổi trở lên đều có quyền đăng ký tham gia theo địa chỉ trên hoặc qua email: clb_nguoiyeusach@yahoo.com.

BẢO MINH

Ra mắt CLB sách Xưa và Nay - Báo Công giáo và Dân tộc (23/06-29/06/2006)

Sáng thứ bảy 17.06.2006 tại giáo sứ Tân Sa Châu (TPHCM) câu lạc bộ sách Xưa và Nay đã ra mắt. Tham dự có linh mục Nguyễn Hữu Triết chính xứ, người từng đoạt giải Nhất cuộc thi Quyển sách vàng do TPHCM tổ chức, và các vị: giám đốc nhà xuất bản Văn nghệ, giám đốc nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, hiệu trưởng trường Đại học Hồng Bàng, đại diện thư viện Tổng hợp TPHCM và một số bạn đọc. CLB cũng ra mắt Ban chủ nhiệm và giới thiệu khái quát hoạt động của CLB. Buổi sinh hoạt hàng tháng diễn ra vào sáng thứ bảy của tuần thứ hai mỗi tháng tại nhà thờ Tân Sa Châu. Mọi người yêu sách đều có thể tham dự. Đây sẽ là nơi cho những người yêu sách gặp gỡ và trao đổi những vấn đề liên quan đến sách…

Chia sẽ với những người tham dự, ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng trường Đại học Hồng Bàng, cho rằng vì sách mang giá trị tinh thần nên yêu sách cũng là một cách yêu đất nước. Ông Kiều Văn chia sẻ: “Sách là phương tiện để con người vùng vẫy tìm đến hoặc tìm lại nguồn chân lý”. Đại diện thư viện Tổng hợp TPHCM hứa sẽ chia sẻ kinh nghiệm bảo quản sách khi CLB có nhu cầu.

Sau buổi nói chuyện, mọi người được xem nhiều quyển sách quí và cổ được những người tổ chức trưng bày.

Q.CƯỜNG

Giới thiệu những cuốn sách cổ Việt nam _ Báo Thể thao & Văn hoá (20/06/2006)

Ông Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm CLB những người yêu sách Xưa và Nay cho biết, tại nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, đang trưng bày, giới thiệu một số cuốn sách cổ được xuất bản từ thế kỷ 16,17. Trong buổi ra mắt CLB, nhiều người đã ngạc nhiên về những cuốn sách được giới thiệu tại đây, bởi có cuốn được xuất bản năm 1586, 1651, 1773…, có nghĩa khoảng sau gần một thế kỷ khi ngành in ra đời, vẫn còn giữ được như cuốn Giáo lý Công giáo Roma được in năm 1773, Lịch sử Đàng ngoài được in năm 1651, từ điển Annam-Phalangsa của J.M.J in năm 1877 tại Tân Định.
Ngoài những cuốn sách xưa, CLB còn sưu tầm cả những cuốn sách mới xuất bản có nội dung hay, giúp người đọc có thể tra cứu , tìm hiểu về một số lĩnh vực nào đó.
Cũng theo ông Tuấn, mục đích thành lập CLB nhằm khuyến khích những người yêu sách, đồng thời sưu tầm và gìn giữ những cuốn sách quý.

THÁI NGUYÊN


Gặp được một quyển sách hay, nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó _ Sir Winston Churchill

Ra mắt CLB sách Xưa&Nay - Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh (số Chủ nhật ngày 18/06/2006)

Sáng qua (17/06), Câu lạc bộ sách Xưa và Nay đã chính thức ra mắt. CLB đã trưng bày rất nhiều cuốn sách cổ từ thế kỷ 16,17, những bộ sách cổ như: Từ điển Latin-Annam 1838, Lịch sử Đàng ngoài 1651, Bản đồ Việt nam 1892, Kim Vân Kiều truyện 1872, Lục Vân Tiên v.v. Ngoài ra còn có những cuốn sách đoạt giải cao tại cuộc thi “Tủ sách gia đình” và “Những cuốn sách vàng”. Được biết CLB sẽ tổ chức một số dịch vụ: tư vấn thư viện, cung cấp bản sao, bán đấu giá những tập sách quý hiếm, giải đáp thông tin sách, sửa morát và phát hành bản tin Xưa và Nay.

Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ tại nhà thờ Tân Sa Châu, 387 đường Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình, điện thoại 08-8449497 hoặc email: clb_nguoiyeusach@yahoo.com.

HẢI HÀ

Điểm hẹn cho người yêu sách cổ

Tạp chí Xuất bản Việt nam

Ngày 13/05, tại số 387 Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình, TPHCM đã tổ chức cuộc họp chuẩn bị cho buổi ra mắt CLB của những người yêu sách cổ vào ngày 17/06. Hầu hết các thành viên của CLB đều đã từng tham dự các kỳ thi “Những cuốn sách vàng” tại các Hội sách tổ chức ở TPHCM.
Những người tổ chức mong muốn sẽ tạo ra một sân giao lưu, gặp gỡ cho tất cả những người yêu quý sách để cùng trao đổi những thông tin về sách cổ, sách quý hiếm, phát huy giá trị của những cuốn sách quý một cách hữu hiệu nhất, cũng như chia sẻ kinh ngiệm bảo quản những cuốn ách “vàng”. CLB hoạt động định kỳ mỗi tháng một lần nhằm thông báo những thông tin về sách cổ, sách quý, tổ chức các hội thảo trong những dịp đặc biệt có liên quan đến lịch sử, danh nhân văn hoá trong và ngoài nước đồng thời trưng bày các tư liệu gốc có liên quan của các thành viên, tổ chức các hoạt động đấu giá, triển lãm các hiện vật sưu tầm.
Với lòng tâm huyết và quyết tâm cao, Ban tổ chức CLB hy vọng một ngày không xa CLB sẽ trở thành đại diện cho Việt nam tham gia hiệp hội sưu tầm sách cổ, sách quý hiếm thế giới ILAB (International League of Antiquarian Booksellers).

PV

TẢN MẠN VỀ… SÁCH

* Bạn có biết để có sự gặp gỡ kỳ diệu giữa bạn và một tác giả giá trị, cần phải có những khâu trung gian nào không?
Thưa, cần phải có một nhà xuất bản, một người làm maquette, một người thợ sắp chữ giỏi, một người dàn trang có mắt mỹ thuật, một người biên tập hoặc thầy cò có tài, có lương tâm, có tài liệu tốt, không sửa lành thành què, một người sản xuất giấy tốt, không phải thứ giấy láng, chỉ cần bị ẩm hoặc bị em bé tè vào là đi đời tác phẩm. Sau đó phải cần một người thợ in, một người đóng sách, một họa sĩ vẽ bìa thật trang nhã, mỹ thuật, một người chuyên chở, một người bán sách, hoặc một thư viện, hay là một câu lạc bộ như CLB Sách Xưa và Nay của chúng tôi vì sau này chúng tôi sẽ có mục giới thiệu sách hay trong chương trình hoạt động …


* Giấy để in sách ở trên thế giới và ở… Việt nam ta:

Từ xa xưa, loài người đã nghĩ ra chữ viết và tìm tạo ra vật gì để ghi lại. Phương Tây ( khi chưa có giấy ) dùng DA CỪU, DA DÊ BÀO NHẴN để viết lên trên và gọi là DA GIẤY (Parchemin) – Phương Đông dùng những thanh tre ghi chữ rồi xâu lại với nhau thành sách gọi là “THANH SỬ”, và trong Kiều Nguyễn Du đã viết: “Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”…
Ở Việt Nam ta có giấy dó làng Bưởi là thứ giấy vừa nhẹ, đẹp, bền hơn gấm, lụa. Một cuốn sách in bằng giấy “dó lụa” phải dày gấp ba một cuốn sách in giấy thường. Thời tiền chiến (trước 1945) thứ giấy dó lụa này chỉ được dùng để in những bản đặc biệt, dành cho những người chơi sách, và sách in hồi đó không bao giờ được cắt xén, để người chơi sách tự dùng dao rọc lấy, khi rọc xong giấy ở gờ trang sách tủa ra những sớ lụa trông thật đẹp mắt. Cách rọc sách để các sớ giấy trông như lụa tủa ra là cách nhà văn Nguyễn Tuân yêu thích nhất …
* Từ BEST SELLER xuất hiện từ bao giờ? Từ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1895 trên tạp chí Mỹ “Bookman” khi tạp chí này công bố danh sách những cuốn sách bán được nhiều nhất …


V.A.T

MỘT CHÚT DUYÊN VỚI… SÁCH XƯA

Sáng hôm ấy tôi vừa ở trên lầu đi xuống thì gặp anh C., người vẫn mang sách cổ đến bán lại cho tôi. Anh đưa tôi một cuốn sách cổ và nói : “Đây là một cuốn sách về Đông Dương năm 1912”. Nghe thấy hai chữ Đông Dương tôi đã thấy ngán, vì hễ sách gì liên quan tới Đông Dương thì giá tiền của nó luôn luôn cao vòi vọi.

Cầm cuốn sách tôi thấy tác giả là Émile Fabre, và tựa đề là “Les sauterelles” xuất bản ở Paris năm 1912. Tôi biết tác giả này là một kịch tác gia nghe đâu đã có vài tác phẩm được Hàn Lâm Viện Pháp trao giải thưởng, tuy nhiên tôi không hề tìm thấy tên tác giả này trong các cuốn văn học sử của Pháp – cũng như tất cả các tác giả viết về Đông Dương dưới thời Pháp thuộc, chả thấy ai được vào tự điển văn học cả. Tên cuốn sách có nghĩa là “Những con châu chấu” và đây là một vở kịch 5 hồi; nhìn vào bảng phân vai tôi thấy có những tên bằng tiếng Việt như Kai Kinh, Nam Triệu, Đồng Hới, Thái Văn N’guyên, Hoa Sen… Dở một trang ở phần cuối tôi tình cờ đọc được một nhân vật tên Nam triệu nói : “Xin đừng sợ, đây chỉ là một cuộc nổi dậy…”.

Tôi hỏi giá, anh C. đưa ra một cái giá khá cao, tôi trả anh ta 250 ngàn, tức là bằng khoảng gần nửa giá, anh ta không chịu và cầm cuốn sách đi trở ra cửa. Đúng lúc đó tôi chợt nghĩ tới tựa đề “Những con châu chấu”, và liên tưởng đến đoạn tôi vừa đọc được nói tới một cuộc nổi dậy. Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu tôi, phải chăng cuốn này nói về giặc Châu Chấu ở Sơn Tây năm Tự Đức thứ 7 (1854) là trận giặc khởi xướng bởi một số người đem Lê Duy Cự, dòng dõi nhà Lê lập làm minh chủ để đánh nhà Nguyễn, và trận giặc này có sự tham gia của một người mà tôi rất yêu thích là Cao Bá Quát, lúc đó làm giáo thụ ở phủ Quốc oai (Sơn Tây), đã gia nhập với tư cách là Quốc Sư để đánh nhà Nguyễn.

Tôi gọi anh C. trở lại, trả thêm anh 50 ngàn và lấy cuốn sách.
Chiều hôm đó, sau khi đi công việc về tôi liền đọc ngấu đọc nghiến cuốn sách và mới cảm thấy bị tẽn tò… vì cuốn sách không phải nói về giặc Châu Chấu với ông Cao Bá Quát mà tôi yêu thích, mà tác giả chỉ lấy cảm hứng từ cuộc nổi dậy gọi là trận giặc Châu Chấu nói trên và một cuộc nổi dậy khác được gọi là “Giặc Tên Phụng” để hư cấu ra vở kịch này kể chuyện một viên chức người Việt làm cho Pháp nhưng lại âm mưu chống lại chúng. Tóm lại, cuốn sách hoàn toàn không dính dáng gì tới cuộc nổi dậy được gọi là “Giặc Châu Chấu”. Trong lúc đang bực mình vì mình đã quá vội mua, tôi bỗng để ý thấy ở trang nằm trước trang mang tựa đề cuốn sách một con triện rất mờ, dở sang trang kế tiếp tôi lại thấy có một con triện khác, tuy cũng mờ nhưng vẫn còn đọc được. Con triện hình bàu dục ở trên có hàng chữ tên người chủ sách và ở giữa có ba chữ hán ( tuy không biết chữ Hán, nhưng tôi cũng có thể đoán là đây là tên người chủ sách viết bằng Hán tự ) và tên người chủ sách là… cụ Trần Trọng Kim. Đặc biệt hơn nữa là ngay ở trên bìa sách, ở phía trên bên phải còn có chữ ký rất đẹp của chủ sách. Thế là tôi không còn cảm thấy tiếc là đã vội mua cuốn sách, mà còn cảm thấy thinh thích khi được làm chủ một cuốn sách trước kia đã thuộc về một người tốt có công với đất nước : vì cụ đã là tác giả bộ Việt Nam Sử Lược và bộ Nho Giáo mà tôi rất thich. Việc cụ đã làm thủ tướng thì sau này, với thời gian, người đời sẽ chẳng còn ai nhớ tới, nhưng là tác giả bộ Việt Nam Sử Lược và bộ Nho Giáo thì cụ sẽ được mọi người nhớ và biết đến mãi. Quả là tôi có thể coi là mình đã có chút duyên với cuốn sách in năm 1912 này.

Vũ Anh Tuấn

VÔ CỔ BẤT THÀNH KIM

Qua ba bốn lần bàn bạc, câu lạc bộ sách của chúng tôi mới chính thức lấy tên “Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay”, với các luận cứ khoa học và thực tiễn dưới đây:

Vạn vật trong vũ trụ cũng như trên địa cầu, đều có cội nguồn của nó, loài người cũng vậy. Thử hỏi chúng ta ai mà không có cha mẹ, ông bà tổ tiên? Cho dù những đứa trẻ bị bỏ rơi ở trại mồ côi, khi trưởng thành, nó đều ước vọng có ngày gặp lại cha mẹ ruột của nó.

Nhưng loài người khác với tất cả động vật ở chỗ, con người vừa ý thức được cội nguồn vừa kế thừa cội nguồn một cách sáng tạo, nhờ vậy xã hội loài người mới ngày càng văn minh tiến bộ. Nhưng phương tiện chủ yếu để có kết quả trên phải nhờ sách. Có thể ví sách là linh hồn, là trí tuệ của nhân loại, do đó một khi chúng ta cầm một quyển sách phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” (bất kể giá trị vật chất lẫn tinh thần của quyển sách đó) vì đó là hóa thân lao động (chân tay và trí óc) của hàng triệu người qua hàng triệu năm, qua các giai đọan, có ngôn ngữ, có chữ viết, rồi đến phát minh ra giấy, bút, in ấn v.v. Thật không thể nào kể xiết.

Điều muốn nói thêm nữa là, trong phần lớn các sách xưa đều có giá trị nghiên cứu (chủ yếu là sách trong lĩnh vực khoa học xã hội như: lịch sử, địa dư, phong tục tập quán các dân tộc, văn học, nghệ thuật, âm nhạc v..v..) nhưng do điều kiện lịch sử khách quan và do trình độ ( tài và đức) của người viết sách, không tránh khỏi có những khiếm khuyết thậm chí sai lệch nên không hợp với trình độ hiện nay, do đó đòi hỏi chúng ta phải kế thừa có suy nghĩ, có sàng lọc và sáng tạo.

Cuối cùng, xin trích dẫn bốn câu thơ của Cụ Phan Bội Châu để nói lên tấc lòng của tôi:

“ Chín suối bao giờ quên lịch sử
Nghìn thu chưa dễ thác linh hồn
Khóc chẳng làm gì thôi phải hát
Sống như thác vậy chết như còn“

24/06/2006 Tp Hồ Chí Minh
Lưu Nhật Quang

TÔI TÌM ĐƯỢC “BÓNG DÁNG THỜI XƯA”

“Sách là người thầy tận tâm, là người bạn
thân thiết, là người tình thủy chung”

Trống ngực đập thình thịch, ruột quặn lên, , mặt nóng bừng,toànthân mồ hôi vã ra như bị cảm. Tay phải tôi run run đặt lên cuốn sáchxếptrên nó, vài giọt mồ hôi theo cánh tay chảy xuống bìa cuốn sách. Mắttôinhìn trâng trâng vào nó.

Vâng! Không biết có chắc là nó hay không? Không! Chắc nórồi.Cái bìa đã lộ ra một phần ba của cuốn sách có hình vân sóng màunâu trênnền trắng đã in sâu vào tâm trí tôi bao năm. Ôi! Sao lại dễ tìm thấynó ởchỗ không ngờ này! Hay là một cuốn có bìa giống nó. Càng hồihộp, taycàng run lên, tôi từ từ kéo cuốn sách và bìa của nó lộ ra phần màuvàngvà dòng chữ “Ê-PHƠ-RÊ-MÔP” tên tác giả. Ồ! Chắc đúng rồi,tôi quyếtđịnh kéo xuống tiếp dòng chữ “Bóng dáng” hiện ra, tôi vội vàngcầm nólên. Vâng! “Bóng dáng thời xưa” đây rồi. Tôi đứng im nhìn trâng trângvàobìa cuốn sách như không tin vào mắt mình. Và dòng kí ức dần dầnhiệnvề.

Ngày ấy, cách đây tròn ba mươi năm ,vào một ngày hè tháng 6trờiđẹp, có một cậu thiếu niên tuổi 15 vẻ mặt hớn hở bước nhanhtrên đường Quán Thánh mang theo cả một “gia tài” đã được tiết kiệmtronghai tháng, những bước chân của cậu đảo nhanh trên con đường rồinhữngbước chân ấy đã đưa cậu vào hiệu sách nhân dân 20 Quán Thánh,vàcậu cất tiếng:

- Em chào chị.

- Ô! Chào em, sao lâu mới tới vậy Cường. Chị nhân viên hiệu sáchchàolại và hỏi

- Dạ!

- Đến hôm nay em tiết kiệm được bao nhiêu rồi?

Cậu thiếu niên vui vẻ trả lời:

- Một đồng chín chị ạ.

- Vậy là em có thể mua được một cuốn tiểu thuyết rồi.

- Hôm nay có cuốn gì mới không chị?

- Mới về có “Kiếm sống”, “Gien-ni Mac”,”Hòn đất”, “Bóng dáng thờixưa”.Nhưng cuốn “Kiếm sống” có giá là hai đồng ba hào rưỡi, chắc em khôngđủtiền. Vừa nói chị vừa lấy trên giá xuống bốn cuốn sách và đưa chocậu.

Sau một hồi cân nhắc cậu thiếu niên quyết định mua cuốn“Bóngdáng thời xưa” với giá một đồng tám.

- Ông làm sao vậy?

Hình như có tiếng của ai vang lên đâu đó xa xa trong tâm trítôi.Phải mất một lúc thật lâu tôi mới hoàn hồn và nhận rađó làtiếng của ông chủ sạp sách nơi tôi đang đứng. Lúc này tôi mớithoát rakhỏi hồi ức đẹp đẽ của tuổi thơ để có thể trả lời ông chủ tiệmsách.

- Không! Không có gì đâu.

- Vậy sao người ông run và ướt đẫm mồ hôi?

Tôi bâng khuâng đáp:

- Vậy à? Không có gì đâu.

Cuốn “Bóng dáng thời xưa” gồm bảy chuyện ngắn, Ê-PHƠ-RÊ-MÔP cho người đọc theo chân những nhà địa chất và khảo cổ học điđến cácvùng xa xôi hẻo lánh của đất nước Xô Viết để tìm các nguồnkhoáng sảnquý hiếm cho công cuộc tái thiết đất nước sau Thế chiến thứ hai.Dướingòi bút của ông một phần bí ẩn lịch sử trái đất được tái hiện quacáctruyền thuyết của vùng đất mà họ đã tới. Bằng khả năng tư duy củamìnhcác nhà khoa học trong đoàn khảo sát đã giải mã thành công cáctruyềnthuyết và từ đó tìm ra các mỏ khoáng sản quý hiếm. Hay hơn cả đólànhững bí ẩn của kỉ Khủng Long dần dần được tái hiện qua các hoáthạch,các di chỉ để lại từ thời xa xưa trong lòng đất. Vâng! “Bóng dáng thờixưa”đã dần dần hiện về dưới sự lao động không mệt mỏi của các nhàkhoahọc.

Đối với tôi, cuốn sách làm cho tôi say mê tìm hiểu và yêu thích tráiđấtcủachúng ta, nó mang đến cho tôi một ước mơ trở thành một nhà địachất đểcó thể đóng góp sức nhỏ bé của mình làm giàu cho đất nước. Đồngthờiđây là cuốn sách được mua vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 15 vàcũng làdịp tôi bắt tay vào thành lập tủ sách của mình.

Tháng tư năm 1982 tôi đã bị thất lạc gần 200 cuốn sách trongđócócuốn “Bóng dáng thời xưa” khi tôi chuyển vào công tác tại thành phốHồChí Minh. Từ đó tôi có mong ước tìm lại những cuốn sách đã gắnbóvớitôi trong thời niên thiếu không may bị thất lạc, tôi đã bỏ công tìm ởcáchiệu sách mới và cũ, trên nhiều miền đất nước từ bắc tới Nam màtôi đãcó dịp đặt chân đến. Vậy mà mãi 22 năm sau (10/2004) tôi mới tìmthấynó ở một quán sách vỉa hè gần nhà.

Thật là trái đất tròn phải không bạn?

PHẠM THẾ CƯỜNG

Dạy con đọc sách thánh hiền
Còn hơn để bạc để tiền đầy rương
_ Ca dao Việt Nam

Gia đình nào không có ai đọc sách là gia đình không có đủ giá trị tinh thần
P.LEN-CÔ

Sách là ánh sáng dẫn dắt nền văn minh nhân loại _ RUDƠVEN

-----

Mua bán, trao đổi, đấu giá

Trong mục này các bạn có thể đăng miễn phí tất cả các thông tin liên quan đến việc mua,bán, trao đổi, đấu giá sách,báo, tạp chí, bản đồ, văn tự cổ v.v. Ai có nhu cầu đăng xin liên hệ với Ban Biên tập.

CLB sách Xưa và Nay nhận làm một số dịch vụ sau:

Sửa morat
Toát yếu các tác phẩm
Đấu giá
Tư vấn thư viện (cá nhân,gia đình và cơ quan)
Giải đáp thông tin sách
Cung cấp bản sao


Cần mua:

1. Cần mua các số Tao Đàn đặc biệt (số về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng và Văn học Ba Lan).
2. Cần mua các bản nhạc của nhà xuất bản Tinh Hoa, Á Châu giai đoạn trước 1956.
3. Cần mua các tác phẩm của Alexandre de Rhodes tái bản, bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên.

Xin liên hệ Hoàng Minh 0983344789.

Cần bán:

Chúng tôi hiện đang có 1 CD-ROM hình ảnh toàn bộ tờ báo Đăng Cổ Tùng Báo năm 1907 của Nguyễn Văn Vĩnh. Ai có nhu cầu xin liên hệ Minh 0983344789.

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế