Hiện có 10 người xem / 2309566 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 14-8-2010

của CLB Sách Xưa và Nay

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách mới. Cuốn đầu tiên được xuất bản năm 2007 (in lần thứ 5) là một tuyển tập mà nhóm tác giả đặt tựa đề là: “1001 cuốn sách bạn phải đọc trước khi lìa đời”. Cuốn sách khổ 16x21cm này dày 960 trang, bìa cứng thật đẹp. Thực ra cũng cuốn này, ấn bản đầu tiên năm 2006, lúc đó bìa mềm, đã được giới thiệu một lần, nhưng lần này nó vẫn được giới thiệu một lần thứ nhì vì nó được tái bản đẹp hơn và rất nhanh, chỉ sau một năm, và điều rất đặc biệt là, chỉ sau một năm, tác giả Việt Nam duy nhất được đưa vào ở lần xuất bản trước, trong lần này đã bị mời ra và tác giả đó là Dương Thu Hương. Việc sách chỉ sau một năm đã tái bản chứng tỏ sách rất được yêu thích vì được tiêu thụ rất nhanh, còn việc đã được đưa vào rồi lại bị mời ra thì, cho dù là vì lý do gì đi nữa thì vẫn không thể là một điều hay, chả nên bàn tới, bàn lui gì nữa… Cuốn thứ nhì là một cuốn “Tự Điển Phim (Điện Ảnh) thế giới” của nhà xuất bản Larousse xuất bản năm 2009. Đây là một cuốn sách bìa mềm, khổ 13x19cm, dày 1024 trang, có chứa đựng rất nhiều hình ảnh đẹp và nhóm tác giả đã đưa vào sách, sau khi lựa chọn thật kỹ càng, khoảng 4000 phim mà họ cho là hay và tiêu biểu nhất của Điện Ảnh Thế Giới. Cách đây 4 tuần, một buổi tối người viết đi qua nhà sách Tân Định và thấy đề bảng: “Tuần lễ sách Pháp” nên đã nhào vô để thấy rằng có độ khoảng 5, 6 ngàn đầu sách, nhưng giá cả thì thật “trên trời dưới biển”, một cuốn trinh thám độ 300 trang trở lại mà đã để giá gần 300.000 đồng Việt Nam, nên khi thấy quyển Tự Điển Phim của nhà Larousse mà chỉ có trên 600.000 đồng nên người viết thích thú mua ngay, vả lại, chỉ nhìn thấy chữ LAROUSSE là cũng đã đủ thích rồi. Các phim được chọn lựa đều được giới thiệu kỹ càng, tác giả kịch bản, đạo diễn, hãng phim, tài tử, năm tháng ra mắt, dài bao nhiêu phút, và cuối cùng là một bài tóm lược truyện phim. Sách còn có một bản phân loại các phim thuộc các lãnh vực: trinh thám, xã hội, chiến tranh, tôn giáo vv… Và tuyệt vời hơn nữa là sách có một bản liệt kê tất cả các phim được giải Oscar từ 1927 đến 2009. Sách cũng chứa đựng rất nhiều hình ảnh cũ và đẹp. Tất cả các sách này đều thuộc loại tham khảo và các thành viên CLB được mời tham khảo tại nhà người viết, mỗi khi cần.

Sau phần giới thiệu sách, bà Thùy Dương đã có một bài tường trình về chuyến đi Hà Nội dự một hội nghị về Phật Giáo thời Lý mà bà đã được mời. Sau phần tường trình của bà Thùy Dương, anh Trần Văn Hữu đã ngâm tặng các thành viên bài Màu Tím Hoa Sim bằng một giọng ngâm cực kỳ truyền cảm.

Tiếp lời anh Hữu, anh Vương Liêm đã có một bài nói rất chi tiết, đưa ra một số ý kiến về Tam Cương, Ngũ Thường, Tứ Đức của Nho Giáo. Sau khi anh Liêm nói, các thành viên có bàn qua về việc đi thăm nhà Lưu niệm của Cụ Vương Hồng Sển, và buổi họp kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN

“CUỘC PHIÊU LƯU CỦA THẾ KỶ XX”

(L’Aventure du XXe siècle)

Người viết mới có cơ duyên gặp được cuốn này vài giờ trước đây, nhưng vì “một giây cũng đã là quá khứ” nên người viết đưa luôn cuốn quá quý thư này vào hồi ký.

Đã lâu lắm, có thể nói cả năm nay, người viết đã vắng mặt tại các tiệm sách cũ, phần vì bận rộn với những việc không đâu, phần vì lười ra đường nóng quá, nhưng chủ yếu là vì đã từ lâu nay các tiệm sách cũ đã gần như cạn kiệt cổ thư, kỳ thư, chả tiệm nào có cuốn nào đáng quý, đáng mua.

Nhưng sáng nay (18/8/2010) người viết bỗng nổi hứng chạy xuống Trần Nhân Tôn và ghé thăm tiệm sách của Minh, một trong những người con trai bán sách của ông Tư Chà, một người chủ tiệm sách cũ kỳ cựu.

Khi tới nơi, anh Minh lại đang chở vợ đi ăn sáng, nhưng người em mời người viết thoải mái xem sách trong khi chờ Minh về. Vì lâu không đến, người viết thận trọng đi rảo qua tất cả các kệ sách, nhưng chả thấy gì hấp dẫn, và nói đây là nói về sách mới, còn sách cũ, sách tiền chiến thì gần như là mất tăm hết trơn, không có được lấy một cuốn…

Khi đi trở ra, nhìn lên phía trên cao, người viết bỗng bắt gặp cuốn sách quý này và nhờ người em anh Minh lấy xuống hộ.

Cuốn sách khổ 24cm x 31cm, dày 8 phân, 1150 trang và cân nặng độ 6 kilos. Vừa nhìn thấy tên tác giả Alain Peyrefitte, thành viên Hàn Lâm Viện Pháp, người viết đã bị cuốn hút ngay. Cuốn sách chứa đựng tất cả các sự kiện, các nhân vật nổi bật từ 1900 - 1987, và đặc biệt là các bài viết đều của các phóng viên gạo cội của tờ “Le Figaro” (Anh Thợ Cạo), một tờ báo rất lâu đời và rất nổi tiếng của Pháp. Tuyệt vời nhất là cuốn sách chứa thật nhiều hình ảnh, tất cả đều bằng màu cực đẹp và sách được in năm 1986 bởi nhà Hachette (một nhà xuất bản hàng đầu của Pháp) và chủ biên là ông Hàn Alain Peyrefitte của Hàn Lâm Viện Pháp. Để cuốn sách xuống bàn vì nó nặng khoảng 6 kilos, người viết lật sơ qua và thấy là nó được chia thành 87 năm, mỗi năm chiếm một số trang, năm nọ kế tiếp năm kia liên tục từ 1900 tới 1987. Mỗi năm đều bắt đầu bằng một trang mang tựa đề “Việc hàng ngày” và trang này được chia thành 12 tháng, sự kiện gì xảy đến vào ngày nào trong tháng nào thì được ghi vào trong tháng đó. Kế đó là trang chủ của năm với một hình màu cỡ lớn cho thấy một sự kiện gì lớn của năm đó và ở lề bên trái là tất cả các sự kiện, nhân vật quan trọng trong năm được ghi theo thứ tự thời gian. Thật là tuyệt vời, người viết cảm thấy một hứng thú khó tả và thấy cuốn sách bỗng biến thành một giai nhân mà người viết cực kỳ yêu thích: trên trang sách người viết thấy nụ cười tuyệt đẹp của giai nhân đó đang mời gọi mình mang nàng về dinh…

Vừa lúc đó thì anh Minh về tới nói: “Ôi cả gần năm nay mới gặp chú!”. Minh làm người viết rất vui mừng khi cảm thấy rằng các chủ tiệm sách cũ vẫn còn giữ rất nhiều cảm tình với mình. Giở bìa sau lúc này người viết mới chú ý tới giá tiền, từ nãy tới giờ vì quá bị thu hút bởi cuốn sách, người viết quên khuấy việc xem giá tiền là bao nhiêu. Bìa sau ghi 700.000$, người viết nghĩ trong bụng, giá tiền không quá mắc, nhưng bớt được một chút thì tốt hơn, nào ngờ Minh đã tỏ ra rất thân tình và đã bớt cho gần 30%, nên tuy hiểu rằng tiếng Phan Sa lúc này khó bán, nhưng người viết cũng rất vui khi được cuốn sách quý với giá rẻ đặc biệt…

Ngồi trên taxi, người viết thầm mong đừng kẹt đường để về cho sớm.

Về tới nhà, người viết để luôn 4 giờ đồng hồ, sau khi chỉ uống 1 ly cacao và quên ăn luôn để cưỡi ngựa xem hoa qua 1150 trang sách. Thật là tuyệt vời khi được biết những truyện đã xảy ra 35 năm trước khi mình ra đời, những chuyện mà mình chỉ được biết qua sách vở, và những truyện đã xảy ra khi mình còn trẻ… Thật thích thú khi thấy hình ảnh như hình ảnh những giấy tờ về giải Nobel, về những nhà văn mà mình yêu thích mà chưa biết mặt, về những tên sát nhân vang danh thiên hạ, về những người đẹp một thời ngự trị trong tâm trí những con người lãng mạn vv…

Các hình ảnh, phần lớn bằng màu, đều rất đẹp và hấp dẫn. Người viết cảm thấy một điều là nhóm biên tập đặc biệt chú ý tới các nhân vật lịch sử và văn học, và nếu họ chú ý rất nhiều tới các thành quả, sự nghiệp của các nhân vật đó, thì họ cũng chú ý rất rất là nhiều tới cái chết của các nhân vật đó, vì cứ giở qua vài năm lại thấy ông này, ông nọ lần lượt ra đi, và cái chết của họ luôn được mô tả rất kỹ càng chi tiết.

Sau khi dạo sơ qua cuốn sách người viết nhận ra một điều là chỉ có các văn nhân thi sĩ với các tác phẩm đi vào lòng người mới còn được mọi người nhớ tới ngày nay, còn các nhân vật chính trị thì gần như là bị rơi vào quên lãng gần như là hoàn toàn, chả còn ai thèm nhắc tới, vì chưng những người như Victor Hugo, Alexandre Dumas père, Lamartine, Musset vv… thì còn ở trong tâm trí mọi người (trí thức) hoài.

Với người viết cuốn sách này quả là một món quà Trời cho và nó chứng minh rất rõ rệt ý niệm 1 cuốn sách qúy bằng cả ngàn cuốn sách dzổm!

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

SAU MỘT CHUYẾN ĐI

Kính thưa Ban Chủ nhiệm và tất cả mọi thành viên trong Câu lạc bộ Sách Xưa và Nay.

Sau 3 tháng xa nhà đi nước ngoài, cụ thể là Đan Mạch, thăm người thân, nay tôi đã trở về bình an. Tôi xin có lời chào quý vị và cám ơn quý vị về những lời cầu nguyện và những lời thăm hỏi trong khi tôi vắng mặt. Điều đó nói lên sự thân tình gắn bó giữa các thành viên trong Câu lạc bộ, tôi rất trân trọng những tình cảm cao đẹp này.

Kể chuyện nước ngoài thì tôi không dám múa rìu trước mắt thợ, nhiều vị trong CLB ta đã đi ngoại quốc như đi chợ, nhiều vị khác đã sống ở nước ngoài lâu năm, nay về Việt Nam để làm nóng lên tình quê hương, nghĩa đồng bào, bù lại những năm xa xứ, ít khi gặp được đồng hương. Thế nhưng cũng phải có câu chuyện làm quà chứ, đó là tính “méo mó nghề nghiệp” của tôi.

Số là từ ngày 04 – 12/7/2010, tôi được sang Paris, ngoài chuyện thăm viếng vài nơi chính như tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Thánh Tâm… tôi nhắm tới những phiên chợ đồ cũ, nhưng ngặt nỗi mỗi tháng chỉ có một hay hai phiên vào Chúa nhật đầu và giữa tháng, nên không thể đến được, tìm tới các tiệm sách cũ và đồ cổ thì cũng không dám, vì 2 lý do: Một là di chuyển phức tạp, đi taxi thì không có tiền trả vì quá mắc, cũng không loại trừ trường hợp xe chạy lòng vòng do mình không biết đường, còn phương tiện đi lại phổ thông nhất là Mêtrô, thì phải biết đường, biết hướng mới đi được, tại các tuyến xe điện ngầm người đông như chợ, tranh nhau lên xuống xe, đường lên đường xuống ga nhưng hang chuột, người lạ không có ai dẫn bảo đảm lạc ngay – Lý do thứ hai là khả năng kinh tế không cho phép đặt chân tới những tiệm chuyên bán đồ cổ, hay những nhà sưu tập, đành “nuốt nước miếng” chịu vậy.

Thế nhưng thánh nhân đãi kẻ khù khờ, số là khi tôi xuống Lourdes cách Paris 700km, để hành hương cầu nguyện tại nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1858, thì một chiều kia khi lang thang tìm tiệm Tầu ăn chiều, tôi đi qua một tiệm bình dân bán đồ cũ đủ loại, từ sách vở xưa tới những đồ gia dụng, tôi lưu ý ngay tới một cuốn sách cổ được trưng bày, có bìa da, giấy lụa đã vàng bằng tiếng Pháp cổ, có nội dung về tôn giáo với niên đại 1674, đề tựa “Meditations de la Vie Chrétienne”, giá đề 150 euro, nhắm vừa tiền túi nên tôi đi qua đi lại tiệm này nhiều lần, vì chủ nhân chỉ có mặt 14 – 17 giờ, tôi căn gặp cho bằng được chủ tiệm, ông là một người có tuổi, lịch lãm, có vẻ thông thạo về sách vở. Ông giới thiệu nhiều sách cũ nhưng tuổi đều non, nội dung cũng không mấy đặc biệt, tìm mãi ông mới thấy bộ sách thứ hai, cũng có nội dung tôn giáo tựa đề “Réponse au Livre de Mr Arnaud, intitulé la Perpertuité de la Foy de L'Eglise catholique”, sách của Jean Lucas, xuất bản năm 1671, bộ 2 cuốn, giá trọn bộ 100 euro. Tôi mân mê 2 bộ sách này đã thấy ưng ý rồi nhưng còn làm bộ hỏi xem có sách nào cổ hơn không? Đặc biệt có “incunable” không? Ông nhún vai, lắc đầu, tôi đành trở lại vấn đề giá cả 2 bộ này. Tôi nói “Tôi biết ở Pháp không có thói quen trả giá, ai nấy đều mua, bán theo giá đã đề, nhưng tôi ở xa tới, lại mua luôn một lúc 2 bộ cũ nhất tiệm, anh nghiên cứu xem có hình thức ‘discount’ nào không?” – Ông ta suy nghĩ vài giây rồi lấy giấy viết giá có hạ hơn, và tôi đồng ý mua, ông đóng gói cẩn thận cho tôi xách về. Lòng hoan hỷ vì không uổng chuyến đi.

Chiều hôm sau, trước khi đi Paris để ra sân bay về Đan Mạch, tôi trở lại tiệm ông mua thêm cuốn sách Kinh quý đóng bìa bằng ngà, niên đại 1860, mép mạ vàng, có khóa bằng nẹp đồng rất mỹ thuật và một số văn phòng phẩm xưa, đẹp để gọi là “đền ơn đáp nghĩa”, trong đó có chiếc lọ mực với đế gỗ mà ông quả quyết thuộc thời vua Louis XVI, thế là cũng vui vui có một tý gì đem về.

Đó là câu chuyện ở Pháp, còn ở Đan Mạch, tôi căn một phiên chợ cũ khá nhộn nhịp, bán hằm bà lằng đủ thứ, từ sách cũ tới những đôi guốc không xài nữa, nồi niêu, xoong chảo không thiếu thứ gì. Trước hết tôi lân la tới một xe sách cũ, họ đang xếp lên kệ, dĩ nhiên toàn tiếng ngoại quốc: Đan Mạch, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bulgary… tôi hỏi loại sách “đầu bạc răng long”, anh chủ vui vẻ giới thiệu một lô sách cũ, có cả “long” bìa, “long” gáy nhưng cũng chỉ thuộc thế kỷ 19 là hết đất. Hỏi sách cổ hơn nữa, anh cũng nhún vai lắc đầu xua tay thôi. Quả thật sách thế kỷ 19 tôi cũng ham, nhưng làm sao cõng về nổi! Giới hạn hành lý đi máy bay chỉ có 20kg, cộng với 7kg xách tay. Thôi đành chuyển sang mặt trận đèn đóm, hy vọng không quá mắc, vì nghĩ bụng chẳng mấy người thông thạo và quan tâm tới lãnh vực này, tôi bèn lấy bánh mì đem theo và nước lọc đứng ở gốc cây ăn vội cầm hơi, rồi tiếp tục đi tảo thanh khắp chợ, may mắn đã tìm thấy và mua được 6 chiếc đèn xưa cũng hay hay ngồ ngộ, nhưng không được cổ, niên đại của chúng chỉ khoảng đầu thế kỷ 20 thôi, nhưng được cái giá cực rẻ, so với Việt Nam chỉ bằng một nửa, có khi bằng 1/3 thôi, thế là chợ có bao nhiêu đèn cũ tôi ôm trọn gói. Hôm đó bỏ cơm trưa, đi từ 9 giờ sáng mãi tới 3 giờ chiều mới về tới nhà. Vui vì mua được sách - đèn, nhưng lại lo làm sao vác về được, phần thì quá ký, phần thì toàn đồ thủy tinh, gốm dễ vỡ, cứ phải đeo kè kè trên lưng chẳng khác nào địu con mọn vậy… lại còn vụ khám xét ở sân bay đối với chất liệu đồng, rồi kiểm tra văn hóa phẩm ở Cục Hải quan… Cuối cùng, cũng trót lọt hết và về tới nhà an toàn tuyệt đối.

Tạ ơn Chúa – Muôn tạ ơn Chúa !

Đó là sự “méo mó” nghề nghiệp của tôi, do đã “trót mang cái nghiệp vào thân”.

Xin kính chào quý vị.

Tân Sa Châu, ngày 30 tháng 8 năm 2010

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết

VÀI Ý KIẾN VỀ BÀI

ĐẠO LÝ VÀ BẢN SẮC CỦA DÂN TỘC VIỆT”

CỦA TS NGUYỄN HỮU KHAI

Chúng tôi rất hoan nghinh bài viết nói trên được đăng trên báo Đại Đoàn Kết số 176 ngày 6/8/2010 của TS Nguyễn Hữu Khai tại hội thảo khoa học đóng góp ý kiến dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. Tác giả đã mạnh dạn đưa ra một số giáo điều của Nho giáo về giáo dục con người là lớp tuổi trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường. Để làm cơ sở cho bài viết của mình ông đã đặt câu hỏi về “Triết lý giáo dục hiện nay là gì?” và học sinh có thực sự hiểu thế nào là “Tiên học lễ, hậu học văn”?

Trước khi phân tích và ca ngợi một số giáo lý của Nho giáo ông minh chứng rằng các tác giả của đạo Nho đang được tôn thờ trong Văn miếu – Quốc tử giám ở Hà Nội hiện nay.

Tác giả bài tham luận đưa ra một loạt các giáo lý của Khổng Tử rất đơn sơ và rất cơ bản như “Tam cương, ngũ thường”, 5 tiêu chuẩn để phấn đấu tu dưỡng hoàn thiện mình thành chính nhân quân tử, “tứ đức” phải tu luyện để thành những bậc trương phu… Nhưng, ông nói trong “Tam cương” có Trung, Hiếu, Dũng là không đúng mà phải là “tiết nghĩa” bởi vì đó là quan hệ vua – tôi (trung), cha – con (hiếu), vợ - chồng (tiết nghĩa). Tam cương chỉ là quan hệ nghĩa vụ với nhau về đẳng cấp, thứ bậc trên dưới, không thể nâng lên thành “cương lĩnh sống” được, hơn nữa không nên suy theo lời dạy của Bác Hồ “Trung với nước, hiếu với dân…” dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam để nắn lại ý nghĩa của nó. Tam cương là cách rút gọn của Ngũ luân, là quan hệ vua – tôi, cha – con, vợ - chồng, anh – em, bạn – bè.

Những chữ “Tri túc, Cảm ân, Thiện giải, Bao dung” chỉ là chữ nghĩa đặt ra sau chớ không phải là “tứ đức” chính thống của đạo Nho. “Tứ đức” gồm có công, dung, ngôn, hạnh đi với “Tam tùng” của đạo này chỉ dành cho nữ giới (tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử). Còn nam giới có “Tam cương, ngũ thường”. “Ngũ thường” gồm có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là năm cách tu thân. Ông lại giải thích “Tứ đức” đó liên quan tới hoa sen lại càng sai vì “Tứ đức” đó nếu có dành cho con người chớ không phải loài thảo mộc. Không thể nào hoa sen lại có tri giác như con người để thể hiện các đức tính đó.

Tác giả bài tham luận nói trên đem đạo lý của Khổng Tử gán ghép cho đạo lý và bản sắc của dân tộc Việt Nam là điều không thể chấp nhận được. Ông viện lẽ “những nhà bình luận phương Tây khi bình luận về chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã khẳng định: Việt Nam thắng được những đế quốc lớn một phần quan trọng là nhờ ở đạo lý và văn hóa dân tộc”. điều đó là chính xác nhưng “đạo lý và văn hóa dân tộc” này là của Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến chớ không phải là của Nho giáo được. Vì lẽ, Nho giáo tuy rằng có tác động lớn lao tới và chi phối tư tưởng và đời sống vật chất của người Việt Nam trải qua gần cả ngàn năm bị văn hóa phương Bắc đô hộ và phát triển tiếp qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn nhưng ảnh hưởng của nó đã dừng lại từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi ấy văn hóa – xã hội Việt Nam đã chuyển đổi, trong đó đạo lý và bản sắc dân tộc của bốn ngàn năm văn hiến đã được chắt lọc và cơ cấu mới lại để chiến thắng hai cuộc ngoại xâm lớn, thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là CHXHCN Việt Nam, chắc chắn trong đó không có công lao của Khổng Mạnh. Hơn nữa, trước Cách mạng tháng Tám đã có một nhà Nho học nổi tiếng kêu than rằng: “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi, mười người đi học chín người thôi!”.

Còn việc các nhà sáng lập đạo Nho được tôn thờ lại trong Văn miếu từ thời Lý chẳng qua là để bảo tồn di tích xưa của 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chớ không phải vì thế mà chúng ta khôi phục lại thứ giáo lý đã cáo chung lỗi thời, lạc hậu của chủ nghĩa bành trướng.

Chúng ta hãy nghe giáo sư Trần Văn Giàu phát biểu: “Cái học Nho giáo là khí cụ thống trị tỏ ra rất đắc lực ở trong tay các triều đình, các triều đình dùng nó để tạo thành những con người tuyệt đối phục tùng nhà vua, đồng thời xem mình là cha mẹ nhân dân, tạo thành một đẳng cấp sĩ phu có đặc quyền, bảo vệ những nguyên lý của một chủ nghĩa trung quân nói chung là mù quáng, không có gì là hợp lý. Bởi vì cái học để đi thi không lúc nào ăn khớp với nhu cầu của việc cai trị, như ta đã biết, học thì học cái xưa mà việc là việc đời nay, học thì học việc Bắc phương mà làm thì làm ở nước Nam, thì “hợp lý” chỗ nào? Học hành như vậy thì đỗ cao chưa chắc đã là người tài cán đủ sức liệu cho dân cho nước. Nó là con đẻ của Nho giáo phục vụ chế độ quân chủ”.

Nhà giáo cách mạng lão thành còn lên án mạnh mẽ thêm như sau: “Cuối thế kỷ 19, nước Trung Quốc suy, nước Việt Nam mất, cảnh ngộ bi đát ấy ắt không phải là không có phần trách nhiệm lớn của bản thân Nho giáo như là một thức hệ lạc hậu, bất lực”. (Giáo sư Trần Văn Giàu, Triết học và tư tưởng, NXB thành phố Hồ Chí Minh – 1988, trang 154)

Hiện nay, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Hội nghị Trung ương 10 (Khóa IX) có chỉ rõ cần tiếp tục thực hiện đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo đã được Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đề ra. Đó là:

- Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ (tinh hoa nhân loại), đó chính là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên.

- Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế ứng xử, tính giản dị trong lối sống…

Còn xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới gồm 5 đức tính sau:

1. Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

2. Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.

3. Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

4. Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỷ luật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

5. Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ, chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Vương Liêm

(MTTQVN Quận I)

Báo cáo chuyên đề:

Bạo hành trong đời sống vợ chồng

          

Bạo hành gia đình hay bạo lực gia đình là thuật ngữ dùng để chỉ các hành vi bạo lực hoặc những hành vi xúc phạm về mặt tinh thần giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Những hành vi này thường thấy trong 3 mối quan hệ sau đây:

1 giữa vợ và chồng

2 giữa cha mẹ với con cái hay ông bà, anh em ruột với nhau

3 giữa mẹ chồng và con dâu.

Nạn nhân của những hành vi bạo lực này thường là phụ nữ - vợ hoặc mẹ của đối tượng, nếu nạn nhân là nam giới họ phải chịu đựng hình thức bạo lực tinh thần nhiều hơn.

Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, nền văn hoá, tôn giáo không phân biệt giàu nghèo và trình độ học vấn cao hay thấp.

I. Những hình thức bạo hành:

1. Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi bạo lực gia đình gồm có:

· Hành hạ, ngược đãi , đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

· Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

· Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

· Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

· Cưỡng ép quan hệ tình dục;

· Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

· Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

· Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

· Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

2. Bạo lực trong cuộc sống vợ chồng : Trong phạm vi quan hệ vợ chồng, các hành vi bạo lực thể hiện như sau:

· Bạo hành bằng vũ lực: Những hành vi như đá, đấm, tát, ngắt, véo, cắn, có sử dụng vật dụng như kềm, búa, thanh gỗ, dao, kéo vv... tác động trực tiếp đến sức khỏe nạn nhân.

· Bạo hành tinh thần : Chửi bới , mắng nhiếc, lăng nhục, hay im lặng không nói chuyện trong thời gian dài, bạo hành câm, bỏ lửng không đá động tới, hoặc hăm d ọa như là đòi lấy vợ khác vì bà vợ này không sinh được con trai. Trường hợp bạo hành bằng cách “im lặng… đáng sợ” này cũng thường thấy ở cánh phụ nữ.

· Bạo hành bằng lời nói : Thường xảy ra ở những cặp vợ chồng tương đối có trình độ văn hoá nhất định. Họ không xử sự bằng vũ lực hay chửi mắng tục tằn, mà dùng lời nói tuy nhẹ nhàng nhưng chua cay thâm độc, gây sự căm phẫn đối với người khác.

· Bạo hành bằng sự cấm đoán giao tiếp với xã hội : Ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng, ví dụ trường hợp người vợ tịch thu hết tiền lương của ông chồng rồi phát lại nhỏ giọt đủ để ông dằn túi đổ xăng, sửa xe, chi tiêu lặt vặt và quản lý chặt chẽ giờ giấc đi lại của ông chồng. Có ông chồng không cho vợ đi làm việc hoặc không cho vợ đi học thêm để mở mang kiến thức, tiến bộ.

· Bạo hành trong “chuyện gối chăn” : Cưỡng bách quan hệ gối chăn khi một trong hai người không muốn. Có những người đàn ông đã tỏ ra cáu kỉnh, giận dỗi, thậm chí văng tục khi bà vợ không cho quan hệ vì đang ở vào thời kỳ kiêng cử hằng tháng. Bi đát hơn nữa, có những người đàn ông khi quan hệ, hay dùng vũ lực đối với vợ, hay cột trói tay chân vợ rồi vừa quan hệ vừa đánh đập để tạo cảm giác. Cũng có những loại đàn ông bắt chước các loại phim ảnh không lành mạnh bắt vợ mình phải thực hiện những động tác mà người vợ cảm thấy xấu hổ.

· Về phía người phụ nữ, người ta cũng thống kê được, dù là một tỉ lệ khá nhỏ. Có một số bà vợ bắt ông chồng phải phục vụ “chuyện gối chăn” quá mức điều độ, quá mức khả năng chi trả của ông chồng đến nỗi có ông phải cầu cứu đến các dược sĩ để mua những loại thuốc chuyên dùng trợ giúp.

· Bạo hành bằng cách không cho vợ áp dụng kế hoạch h óa gia đình : Nhiều ông chồng quan niệm phải có con trai. Đặc biệt, nhiều người nghĩ rằng có con trai, coi như có vốn trước rồi có con gái sau. Nhiều bà “lỡ” sinh một lèo ba, bốn nàng công chúa, ông chồng bắt phải tiếp tục sinh cho tới khi nào có được một “nhi nam” cho ông ta rồi mới tính tới chuyện nghỉ sinh hay không. Có ông chồng sau khi bà vợ sinh được một ông con trai rồi lại bắt bà vợ sinh con trai tiếp để… trừ hao. Nhiều ông chồng muốn có gia đình đông con để “sau này lớn lên chúng nó giúp đỡ lẫn nhau”.

· Bạo hành ở chỗ là mỗi lần sinh nở người phụ nữ có khi gặp nguy hiểm đến tính mạng và con đông tạo ra gánh nặng cho xã hội.

· Tất cả những cách bạo hành trên không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn làm cho nạn nhân bị tổn thương về mặt tinh thần nghĩa là có thể bị trầm cảm, stress, hoặc nặng hơn là bệnh tâm thần.

II. Nguyên nhân bạo hành:

1. Bản chất hung dữ, phi nhân tính:

Không một ai được quyền xâm hại đến sức khỏe hay thể xác của người khác. Có những loại người không có văn hoá, ít học vấn, bản tính hung hản, thích hành hạ, đánh đập những người yếu đuối hơn mình. Đa phần những người này thường run sợ ươn hèn trước những người khác khỏe mạnh hơn, ưu thế hơn mình. Điển hình là vụ án hành hạ em bé Hào Anh ở Cà Mau, kẻ hung dữ hành hạ em đã run sợ và ngất xỉu trước toà. Khi một người đàn ông có tính hung hản muốn lấy vợ, thường phải dấu kín thói xấu của mình để khi lấy được vợ rồi, biết rằng vợ mình là kẻ yếu đưối hơn mình, thế là cái ác nổi dậy, bạo hành phát sinh mỗi khi có bất đồng ý kiến dù là nhỏ nhặt.

Nhiều người có cái sở thích hết sức xấu xa là cảm thấy thích thú khi hành hạ một người khác. Sự oằn oại đau đớn của nạn nhân càng nhiều càng làm cho anh ta hưng phấn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một thứ bệnh cần được chữa trị, và nơi chữa trị hay nhất có lẽ là nhà lao.

Vì có quá ít học vấn, văn hoá kém cỏi, khi dùng vũ lực đối với vợ họ thường kết hợp với các hình thức bạo hành khác như bạo hành bằng lời nói, dùng những lời chua cay thâm độc, hoặc bằng hình thức bạo hành tinh thần, chửi rủa tục tằn, dùng những lời nói dơ bẩn, ti tiện. Sau đó loại đàn ông vũ phu này có thể trói tay chân nhốt vợ trong nhà, biệt lập với xã hội.

Trường hợp bạo hành bằng vũ lực từ phía người chồng đôi khi đã đưa tới hậu quả đáng tiếc như các trường hợp sau đây:

Vì quá bức xúc khi thấy cha ruột thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn về nhà đánh đập tàn bạo mẹ và các em, đập phá đồ đạc trong nhà, trong một thời gian dài, một sinh viên đã dùng dây điện chích vào người cha đến chết.

Một trường hợp ở Gia Lai, một bà vợ thường xuyên bị chồng đánh đập, đến khi không chịu đựng được nữa, một buổi tối chồng đi nhậu về chị phục kích và dùng gậy đập ông chồng một trận tơi bời gây thương tích cho ông chồng 52%.

Một trường hợp khác, cũng vì bị chồng chửi mắng đánh đập thường xuyên, một bà vợ ở Lạng Sơn đã cho chồng uống rượu thuốc ngâm bằng một loại lá cây rất độc. Cuối cùng, chồng chết, người vợ phải gỡ 13 cuốn lịch.

Ở người phụ nữ, việc bạo hành đối với chồng cũng đã có xảy ra. Theo một thống kê của Toà án Nhân dân tối cao về các vụ án hôn nhân và gia đình thì tỷ lệ vợ đánh chồng là 0,6%, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ ép buộc chồng quan hệ tình dục là 1,6%.

Trường hợp của một anh chồng ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có vợ hung hãn, cá tính giống đàn ông. Gia đình bên chồng đòi bán nhà và không hiểu vì lý do gì, bà vợ không đồng ý với quyết định đó. Chuyện nhà cửa khiến hai vợ chồng nhiều lần cãi nhau và có lần bà vợ đã dùng vật nhọn đâm chồng bị thương phải đi bệnh viện.

Chưa hết, một hôm, bà vợ này đi đâu về, không vào nhà được vì cửa khoá trái bên trong, ông chồng đang ngủ trên gác, bà vợ đập cửa, một lúc sau, ông chồng tỉnh dậy ra mở cửa. Vừa vào trong nhà, bà vợ đã chửi ông chồng dữ dội. Đang ngái ngủ, bị vợ chửi vô lý, anh đã tát vợ. Thế là bà vợ cáu tiết, vớ luôn cái kéo đang để ở gần đó rồi đâm thẳng vào ngực ông chồng. Trúng ngay hồng tâm. Cuối cùng, ông chồng đã vĩnh viễn bye bye bà vợ dữ dằn khi được đưa tới bệnh viện.

2. Rượu :

Nhân tố vô cùng nguy hi ể m tác động hết sức mãnh liệt vào bàn tính hung dữ của người chồng, tạo ra vô vàn lý do để từ đó người chồng đánh đập vợ con. Có gia đình mỗi khi ông chồng say xỉn trở về, vợ con phải chạy sang nhà hàng xóm ngủ tới sáng mới trở về với hy vọng lúc ông chồng hết say nếu có đánh đập, cũng nhẹ hơn là lúc đang say. Có ông chồng say xỉn về nhà thấy cơm canh nguội lạnh bèn đổ hết xuống đất rồi vô phòng lôi bà vợ ra vừa đấm vừa đá. Bà vợ ng ã gục xuống đất. Đứa con mười một mười hai tuổi chi đó chạy ra định dìu mẹ dậy. Thuận chân ông bố tung ra một cước, chú bé nhào trái xuống đất nằm bên cạnh mẹ. Khi thấy “đối phương” không còn sức đối kháng, ông bố mở cửa đi ra đường kiếm chỗ nhậu tiếp.

3. Thua bài bạc, số đề, nợ nần :

Người chồng đam mê cờ bạc, bị người xiết nợ không tiền nuôi vợ con lại sinh ra cáu kỉnh đánh đập vợ con cho hả cơn tức vì bị người ta ăn hết tiền còn xiết nợ. Có ông chồng còn chỉ vào mặt vợ nói nước rằng vì lấy nhằm bà vợ này nên mới xui xẻo như vậy. Cũng có những ông chồng bất nhân bắt bà vợ phải đi tìm cho ra tiền để anh ta đi gỡ lại phần đã thua. Trường hợp này rất nguy hiểm vì người phụ nữ dễ dàng đi vào con đường tội lỗi như mua bán ma túy, bán phấn buôn hương.

4. Thích có uy quyền

Nhiều người phần lớn là dân lao động, có văn hoá kém nhưng thích có uy quyền, học lõm bõm ở mấy tuồng cải lương cái câu “phu xướng phụ tùy” cho nên khi lấy được vợ rồi thì tự cho mình có cái quyền làm chồng. Đến khi có con thì tự cho mình có quyền làm cha làm mẹ, rồi sinh ra độc tài, gia trưởng.

Kiểu cách người thích uy quyền này có rất nhiều trong xã hội. Ở tầng lớp trung lưu có chút văn hoá, người ta thường chứng tỏ có uy quyền đối với cấp dưới của mình. Những người này khi ở một chức vụ cao như giám đốc, trưởng phòng, tổ trưởng sản xuất thường coi nhân viên, chuyên viên cấp dưới là tà lọt, là tôi tớ của họ.

Trong phạm vi gia đình, giữa vợ chồng, người đàn ông có văn hoá kém cỏi, thấy mình không làm sếp được ai, thôi thì bắt bà vợ làm một người nô dịch cho mình. Khi nói chuyện với vợ, người đàn ông thường sử dụng cách truyền lệnh của cấp trên đối với cấp dưới. Khi bà vợ có ý kiến ngược lại, người đàn ông thường la mắng hay dùng ngay vũ lực. Thế là bạo hành xảy ra. Nhiều ông chồng hay đưa bạn bè về nhà nhậu nhẹt bắt vợ và người nhà phục vụ toát mồ hôi. Mỗi lần anh chồng sai vợ đi lấy thức ăn, lấy đá một cách hách dịch sau đó khoe với mọi người: “mấy người thấy chưa, vợ tôi sợ tôi lắm.”

Về phía phụ nữ cũng có người bản chất hung hăng vớ được ông chồng hiền lành nhu nhược, thôi thì tha hồ bắt nạt. Khi một phụ nữ chủ động trong vấn đề bạo hành thường cũng mang những tính chất của một người đàn ông thích hành hạ vợ. Khi đó người phụ nữ cũng thích có uy quyền. Sự việc phụ nữ đánh chồng như đánh con, chửi chồng như chửi… mất gà, cũng đã có xảy ra nhưng số lượng cũng hiếm không nhiều bằng cánh đàn ông.

5. Ghen tương:

Ghen tương cũng là đầu mối đưa tới bạo hành. Thông thường là những ông chồng thường hay ghen với vợ. Lúc nào cũng lo sợ bà vợ sẽ cắm cho ông một cái sừng to tướng. Những ông chồng có văn hóa kém cỏi, mỗi khi nghi ngờ bà vợ không chung thủy thường dùng vũ lực đánh đập vợ. Đối với những người tương đối có trình độ văn hóa cao hơn, sự bạo hành không biểu hiện bằng vũ lực mà có thể chuyển sang hình thức khác như bạo hành bằng lời nói, bằng cách phát biểu những câu mỉa mai, thâm độc. Có trường hợp một người có trình độ học vấn cao, nhưng khi ghen tương lại dùng hình thức bạo hành “câm”, không nói năng gì cả, tự chuyển sang phòng khác, cách ly với bà vợ. Có lần bà vợ muốn làm lành đánh liều sang phòng ông chồng liền bị ông ta đuổi thẳng thừng. Nhưng khi bà vợ muốn xin li dị thì ông ta không chịu ký tên.

Đối với phụ nữ khi ghen tương, rất ít người đùng vũ lực đối với chồng. Họ thường sử dụng hình thức bạo hành bằng cách chửi rủa ông chồng thậm tệ. Họ cũng dùng những lời nói thâm độc, đay nghiến và ra ngoài đường la lối ầm ĩ cho rằng như vậy là sỉ nhục ông chồng, để cho ông ấy chừa. Đối với những người tương đối có văn hóa, họ thường sử dụng hình thức bạo hành bằng lời nói bằng những câu nói chua cay, dằn vật ông chồng cốt để ông ta khai thật trường hợp lăng nhăng của mình. Lúc bấy giờ khó mà có ông chồng nào dám không chịu thề sống thề chết là sẽ bỏ cái thói lăng nhăng, nhưng rồi cũng như bắt cóc bỏ đĩa, sau khi được đặc xá các ông chồng đó kiếm cách tái phạm.

Đỉnh điểm trong chuyện ghen tương này là một ông chồng ở xã Thanh Giang, tỉnh Nghệ An. Vì có tính lăng nhăng, bồ bịch, đã bị vợ mình nổi cơn ghen, tấn công bằng cây sắt gây chấn thương sọ não nhưng may mắn được cứu sống.

Cũng đã có trường hợp ông chồng lăng nhăng quá, vợ khuyên bảo thì trở lại la mắng, đánh đập vợ. Quá khổ sở, không chịu đựng được nữa bà vợ đã cho thuốc mê và thẳng tay cho ông chồng lên chức hoạn quan, rồi quăng đi mất luôn cái phương tiện ông chồng đã sử dụng để lăng nhăng mèo chuột. Và còn nữa:

Tháng 7/2005, ông C, 55 tuổi, bị chị T. dùng lưỡi liềm cắt lúa xử cung hình cái ông chồng hoang đàng hư đốn.

Ngày 25/8/2005, ông N.H.T. ở Tân Biên, Tây Ninh bị vợ cắt phăng súng khi đang ngủ.

Tối 14/9 ông Nguyễn văn Đ. ở Đức Hòa cũng bị vợ phong tước hoạn quan. Ngày 5/10 ông Nguyễn K. ở quận 2, Sài gòn, bị vợ dùng lưỡi dao lam sớt bỏ một phần thân thể vô cùng quý báu của người đàn ông.

Rồi anh M, cư ngụ tại ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, tỉnh Cà Mau bị vợ xử lý cái của nợ trong khi anh đang say mèm, máu chảy ra lênh láng đầy nhà mà không ai biết!

6. Kinh tế gia đình quá chật hẹp:

Hai vợ chồng đi làm đầu tắt mặt tối nhưng đời sống kinh tế chật hẹp lại thêm vài đứa con nheo nhóc. Cả hai thường quẩn trí sinh cãi cọ. Từ sự bế tắc về kinh tế người đàn ông thường bị khủng hỏang quay sang dùng chiêu thức bạo hành bằng vũ lực, tấn công bà xã thương yêu của mình. Có anh chồng hay than thân trách phận vì ngày xưa lười biếng không học hành đến nơi đến chốn để có việc làm lương cao bổng hậu như những người bạn cùng trang lứa ngày xưa hiện có cuộc sống sung túc, sang trọng. Nhưng than thân rồi tức tối đổ cái uất ức cay cú lên đầu người vợ. Có anh chồng bắt vợ bán hết tư trang, do cha mẹ ruột cho khi lấy chồng, để anh ta tiêu xài.

III. Làm sao ngăn được bạo hành.

1. Phát hiện sớm

Trước đây khi còn quan niệm “chuyện nhà ai nấy lo”, người ta coi cái chuyện bạo hành gia đình là chuyện riêng tư của mỗi nhà. Con dâu bị chồng đánh đập bỏ chạy về nhà cha mẹ ruột xin tá túc. Cha mẹ ruột có khi không dám chứa chấp, cho rằng con gái lấy chồng thì phải theo chồng. Ngày nay, triết lý tam tùng của ông Khổng tử đã bị phá sản, chúng ta đã có luật pháp bảo vệ người bị bạo hành, đem lại sự công bằng giữa nam và nữ.

Có nhiều trường hợp bạo hành xảy ra nhưng chính quyền không biết được, vì nạn nhân không dám tố cáo, xấu hổ sợ mất thể diện. Do đó khi phát hiện có bạo hành thì nạn nhân bị tổn thương trầm trọng có khi đã tử vong. Chúng tôi kêu gọi hàng xóm, láng giềng khi phát hiện một nhà nào có lớn tiếng cãi cọ, và nhận thấy có thể đưa tới xung đột nghiêm trọng nên báo Công An khu vực ngay và lúc đó Công An xử lý tức khắc chứ không nên phủi bỏ trách nhiệm “Úi chào chuyện trong nhà chúng nó, mặc chúng nó lo liệu” như trong một tài liệu đã ghi.

Ở các nước tiên tiến, khi người vợ đến báo Cảnh sát là bà ta đang bị chồng bạo hành gây thương tích rõ rệt, và có người chứng xác nhận. Cảnh sát tức khắc cô lập ông chồng bằng cách đưa ông ta vào nhà giam để bảo vệ nạn nhân. Trong trường hợp ông chồng bỏ trốn, bà vợ sẽ được Cảnh sát đưa tới nơi an toàn để ẩn náu trong khi truy tầm ông chồng ác ôn kia.

Một trường hợp xử lý không đến nơi đến chốn như sau:

Chị Nguyễn Thị H. ở Đống Đa (Hà Nội), sau nhiều năm chịu đựng cảnh bị chồng đánh đập, hành hạ, cuối cùng chị đã làm đơn tố cáo, nhờ công an và các tổ chức xã hội can thiệp. Nhận được đơn của chị H, công an, chính quyền phường, tổ hoà giải, hội phụ nữ, mặt trận... đều vào cuộc.

Họ đến tận nhà khuyên giải, giáo dục người chồng, và còn phối hợp với Đài Truyền hình VN làm một phóng sự về trường hợp của chị H. như một vụ điển hình về chống Bạo Hành Gia Đình. Trước đại diện cơ quan chính quyền, anh chồng chị tỏ ra ăn năn hối hận và cam kết sẽ sửa chữa.

Nhưng chỉ được ít bữa, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Vì chị H. lại trình báo công an, nhưng vì đã từng trình báo quá nhiều lần khiến anh công an khu vực mệt mỏi xua tay: “Thôi, về mà bảo nhau, tôi chán lắm rồi".

Được thể, anh chồng tuyên bố với vợ: “Thấy chửa? Cả công an, chính quyền, cả đài truyền hình cũng không làm gì được tao!”.

Chị H. đành bỏ nhà, mang theo một đứa con trai đến ở nhờ nhà người thân.

Theo một anh Công An khu vực ở một phường tại Hà Nội cho biết nạn bạo hành gia đình ngày càng gia tăng và tính chất cũng nghiêm trọng hơn, nhưng từ lâu chưa có trường hợp nào đưa được ông chồng bạo hành ra toà hoặc cho đi cơ sở giáo dục. Những phụ nữ bị chồng bạo hành thường tự giải quyết bằng biện pháp ly hôn.

2. Dũng cảm khai báo:

Nhiều trường hợp nạn nhân của bạo hành không dám kêu cứu hoặc khai báo vì sợ xấu hổ, hàng xóm chế diễu.

Trường hợp điển hình, một ngày nọ, có hai phụ nữ mình đầy thương tích đến cấp cứu tại BV Nhân dân Gia Định. Một bệnh nhân là Trần Thị P. (35 tuổi, khai địa chỉ ở Q.Gò Vấp), bị chồng dùng vật cứng đánh rách da đầu, phải khâu sáu mũi. Bệnh nhân còn lại là Nguyễn Thị N (24 tuổi, khai địa chỉ ở P.Tân Định, Q.1) bị chồng chém rồi lấy muối chà vào vết thương. Sau khi được sơ cứu hai ngươi phụ nữ này trốn khỏi viện.

Người ta lần theo hai địa chỉ trên, nhưng không tìm được nhà bệnh nhân, khi quay lại BV thì bác sĩ cho hay, hai bệnh nhân này không chịu ở lại điều trị dù sức khỏe yếu. Họ còn yêu cầu BS không cung cấp thông tin về họ. Một BS nói: “Bệnh nhân bị bạo hành khai địa chỉ ma là chuyện bình thường”.

Nạn nhân phải bỏ đi mặc cảm sợ làm xấu chàng hổ thiếp, vạch áo cho người xem lưng, sợ hàng xóm cười chê. Phải nhanh chóng khai báo để chính quyền địa phương kịp thời giúp đỡ, chăm sóc, nếu không sẽ sinh hậu quả nghiêm trọng.

3. Xử lý:

Hiện nay nạn bạo hành gia đình tràn lan khắp mọi miền đất nước. Để tránh mọi chậm trễ có thễ gây tổn thương trầm trọng đến nạn nhân, chúng tôi thấy cần thiết có những biện pháp sau:

· Sự phòng chống kịp thời và cứng rắn của ngành công an : Phần lớn những kẻ thích bạo hành với vợ thường, sau cơn bạo hành, giả vờ an ủi, vỗ về. Nếu có công an hay cơ quan đoàn thể đến giải quyết ông chồng thường tỏ ra ăn năn hối cãi, hết sức dịu dàng tuân thủ những yêu cầu của tổ chức hoặc đoàn thể đến giải quyết. Nhiều ông chồng đánh đập vợ mà không để lộ thương tích, như đánh vào đầu, đánh vào những chỗ có quần áo thường xuyên che kín. Cho nên khi công an đến có thể sẽ ngộ nhận là chuyện không có gì là ầm ĩ. Cũng có ông chồng hăm doạ nếu khai báo sẽ đánh tiếp sau khi công an ra về. Cho nên chúng tôi kiến nghị công an nên có biện pháp cứng rắn cô lập ông chồng cho đến khi thấy rằng người vợ hoàn tòan vô hại, sẽ cho ông chồng cam kết không tái phạm mới cho ra về và công an vẫn tiếp tục theo dõi. Trường hợp có thương tích đáng kể hoặc tái diễn nhiều lần, mong các bác công an cho truy tố thẳng tay.

· Sự tham gia của cơ quan chức năng. Tiếp theo sự ra tay cứng rắn của công an khu vực, đoàn thể phụ nữ sẽ thường xuyên tìm hiểu tâm tư tình cảm của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình, tạo mối quan hệ thân thiết giữa tổ chức và người phụ nữ. Sau đó là bộ phận chức năng trực tiếp kiên trì giáo dục người chồng cho đến khi anh ta hối cải và cam kết không tái phạm,trở lại chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.

· Khen thưởng : Biểu dương và khen thưởng trước tập thể những gia đình văn hoá có cuộc sống vợ chồng đầm ấm, hạnh phúc, không hề có chuyện bạo hành xảy ra. Đồng thời làm nhân điển hình phổ biến rộng rãi trong nội bộ Phường.

4. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức.

Phường là nơi tập trung nhiều đoàn thể xã hội có chứng năng riêng biệt để tiếp xúc với mọi thành phần dân chúng. Mặt trận Tổ quốc, Chi đoàn thanh niên, Hội phụ nữ thường xuyên có những buổi tiếp xúc trực tiếp với các thành phần dân chúng để phổ biến những qui định của Nhà nước đồng thời lưu ý giúp đỡ những thành phần đã từng có những vi phạm về bạo hành, về vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc về an toàn giao thông. Triệt để phát huy chủ trương xây dựng “gia đình văn hoá” cho từng hộ gia đình.

IV. Kết luận

Ở nước ta việc xử lý nạn bạo hành gia đình gia đình còn quá nhẹ nhàng êm dịu, còn đòi hỏi nhiều thủ tục nhiêu khê. Người vợ muốn đưa chồng ra toà phải làm đơn kiện, kèm giấy chứng thương với tỉ lệ phần trăm thương tật cùng với nhân chứng, vật chứng, công an mới chịu xử lý. Trong khi đó ở các nước tiên tiến chỉ cần người vợ đến công an trình báo bằng miệng với thương tích trên thân thể, có nhân chứng đi kèm, người chồng sẽ bị cảnh sát đưa vào nhà giam như đã nói ở trên.

Khi người phụ nữ cảm thấy không được an tòan trước nạn bạo hành, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của mình, xem ra giải pháp tự bảo vệ tốt nhất đối với những người phụ nữ là từ bỏ người chồng vũ phu để tạo dựng một cuộc sống tự lập cho bản thân.

GIÁO DỤC… VIỄN TƯỞNG

Nhân đi nghe diễn giả Lê Hùng Dương thuyết trình về đề tài “Bạo hành trong đời sống vợ chồng”. Diễn giả phân tích những kiểu bạo hành, đưa ra luật mới quy định thế nào là bạo hành. Nêu ra một số trường hợp bạo hành đưa đến kết quả rất là bi đát cho một số gia đình và kêu gọi bà con nên tìm cách vận động để cảnh này bớt diễn ra. Khán thính giả cũng góp nhiều ý kiến, bản thân tôi cũng có góp một ý nhỏ là nên “phòng bịnh” hơn là đợi cho nó đã trở thành chứng rồi cứ dàn xếp, kẻ bạo hành xin lỗi, hứa hẹn sửa đổi, rồi thôi. Ban hòa giải cũng không có thì giờ tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột để tìm giải pháp giúp hai bên khắc phục, nên chỉ thời gian ngắn sau thì… đâu lại vào đó!

Trên đường về nhà, ngồi trên xe buýt tôi suy nghĩ miên man, chợt… mơ về nơi xa lắm, tận ở bên Mỹ, nơi mà tôi chưa hề đặt chân tới, vì nghe nói bên đó muốn hành bất cứ nghề gì cũng phải có “lai xần” (licence) mới cho phép hành nghề. Tùy theo nghề có đòi hỏi tay nghề cao hay có thể gây độc hại cho khách hàng hay không mà thời gian học nghề có khi phải lên đến cả hơn ngàn giờ. Thí dụ nghề làm nails, chỉ có chạm đến móng tay, móng chân là bộ phận ít hại nhất của con người mà cũng phải học đến 900 giờ! Trong khi đó, cuộc sống chung với vợ chồng là động đến cả thân thể, tâm tư, tình cảm cả đời của không chỉ chồng hay vợ, mà có khi còn dính dáng tới cả hai đại gia đình mà xã hội hình như chưa quan tâm đúng mức nên mọi người phải tự đào tạo lấy! Tôi không phải là người vọng ngoại, cho rằng cái gì nước người cũng hay, của ta cũng dở, vì biết rằng “Ở đâu cũng có anh hùng. Ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên”. Nước Mỹ cũng có những người vô gia cư, vô nghề nghiệp, ăn xin, trộm cắp, lừa đảo… Có điều cái gì hay của người thì ta cũng nên học hỏi, có vậy thì mới tiến bộ, bởi ngày xưa, nước ta do “bế quan tỏa cảng” mà lạc hậu thời gian dài…

Với chuyện nhỏ, nhưng quả thật không nhỏ là nạn “bạo hành trong đời sống vợ chồng” nói riêng, và bạo hành với mọi đối tượng nói chung, có lẽ cũng đã đến mức báo động, bởi nó cứ âm thầm tăng trưởng do chưa có biện pháp thích đáng để ngăn chặn! Mọi người cứ bình thản, ai lo việc nấy, đợI cho tới lúc “tức nước vỡ bờ”, nạn nhân bị ức chế lâu ngày trở thành kẻ thủ ác như trường hợp con dí điện cho cha chết thì hậu quả đã vô phương cứu chữa! Một mạng người đã chết. Một mạng đang treo lơ lửng. Những thành viên còn lại tổn thương suốt đời. Phải chi xã hội quan tâm đến sớm hơn chắc không đến nỗi! Liệu mai kia vị chánh án tuyên cho em sinh viên giết cha cái án tử hình có khỏi ray rứt lương tâm khi biết xã hội cũng đã góp một phần không nhỏ là thờ ơ để cho nỗi đau cứ ngày càng tích lũy đến một ngày nó không còn chịu đựng nổi nữa nên trong một phút thiếu suy nghĩ đã phải ra tay để chấm dứt nỗi đau? Rồi thì dù cho tòa án đời không kết tội chết cho nó, nhưng ám ảnh tội ác chắc chắn sẽ đeo bám nó suốt cuộc đời!

Biết rằng những điều như thế, đây đó, nhất là ở những xóm lao động và ở nông thôn rất hay diễn ra, bởi ở đó người phụ nữ trình độ có giới hạn, luật pháp lại lỏng lẻo, nên hay bị thiệt thòi. Lẽ ra còn biện pháp cuối cùng là luật pháp có thể can thiệp, để bớt tổn hại cho nạn nhân thì điều đáng buồn là ít ra trên xứ người, mỗi lẩn bị hành hung thì đã có số điện thoại 911, chỉ cần gọi là 10 hay 20 phút sau là lực lượng ứng cứu xuất hiện, còng tay kẻ sử dụng bạo lực cho về đồn để răn đe, cho nên nhiều ông muốn dở máu côn đồ nghĩ đến đó cũng chồn bước. Chính vì vậy trong hài kịch, có thể đã phản ảnh thực tế... có người chồng muốn mạnh tay với vợ, trong khi bà vợ thì cứ tru tréo, thách đố, nhưng đành phải nuốt hận thốt lên...” đợi đó, về Việt Nam mày sẽ biết tay ông”!

Tại sao tên chồng vũ phu phải đợi về VN mới hành động? Dễ hiểu lắm, bởi vì rất nhiều người VN ta chủ trương “đèn nhà ai nấy sáng”, ít người quan tâm đến hàng xóm. Nhiều người vợ bị chồng đánh tơi tả nhà sát vách không dám bước qua can vì đôi khi tên chồng hung bạo sẵn sàng đổ vấy cho ai dám vào can thiệp là… lấy vợ anh ta! Đâu phải ai cũng có điện thoại để gọi, mà có điện thoại chắc gì đã biết được số của Công An Khu Vực! Cho dù có biết số, và anh Công An Khu Vực lúc đó rảnh rang có khi còn bị trả lời là “chuyện gia đình pháp luật không chen vô”. Hay khi đến được thì trận chiến đã kết thúc, nạn nhân đã bầm dập! Đôi lúc sau khi ban hòa giải về rồi thì người vợ lại bị một trận thứ nhì, nặng hơn để cảnh cáo “cho chừa cái tật kêu người ngoài tới can thiệp”!

Gần nhà tôi có anh chồng nọ đã không làm gì hết mà còn mê số đề. Cách đây 2 năm, hắn đánh gảy sóng mũi vợ. Bà vợ máu me tùm lum, đi không nổi, phải lết tới nhà quen để nhờ đưa đi bác sĩ. Lúc đó con cái mới tiết lộ là lúc còn ở xóm khác nhiều lần hắn đánh đập vợ tàn nhẫn để khảo tiền, thậm chí có lần đâm vợ suýt trúng tim mà chỉ làm giấy cam kết xong lại được thả về! Giấy cam kết đã dầy lên cả xấp! Lần đó bà chịu hết nổi phải dứt khoát ly dị. Công an Khu vực cũng cấm hắn không được về nhà. Cũng nhờ có sự can thiệp mạnh tay của chính quyền mà kể từ đó, sau nhiều lần hắn tìm bà để hăm he, đe dọa, nhưng không dám hành hung nữa, bà ta mới được yên thân.

Tôi chợt nghĩ, phải chi nam cũng như nữ đều buộc phải có một nghề. Ngoài ra, nữ còn bổ sung thêm là phải biết nấu vài món ăn, biết cách dọn dẹp nhà cửa. Người nam cũng học cách biết giúp đỡ vợ, và nhất là cả hai đều phải học cách cư xử với nhau và với gia đình hai bên trước khi kết hôn thì tốt biết mấy!

Nhiều người đã nói: “tôi cưới cô ta, anh ta, chớ đâu có cưới cả gia đình cô ta, anh ta đâu?” Nhưng thực tế lại không phải như thế. Mối quan hệ đại gia đình cũng ảnh hưởng không nhiều thì ít đến đời sống đôi vợ chồng. Nếu người vợ về nhà chồng mà vẫn giữ nguyên cả nếp sống của bên mình, thí dụ được nhà chiều chuộng, ngủ nướng, không mó tay dọn dẹp nhà cửa bao giờ, thì nhà chồng có lành lắm chắc cũng phải lên tiếng. Lúc ấy, anh chồng “ở giữa hai lằn đạn” ắt không dính đầu thì cũng dính chỗ khác. Bị dồn nén riết, bực quá, mà nói thì vợ không sửa đổi. Thế là… bạo hành!

Dù “khi thương trái ấu cũng tròn”, nhưng đó là buổi đầu, khi tình yêu làm mờ mắt, làm cho trái ấu tỏa hào quang... Nhưng về lâu về dài sống với nhau rồi thì trái ấu sẻ mất đi hào quang, lộ nguyên hình là trái ấu, xấu xí, góc cạnh… Nếu được học hỏi trước, biết đâu họ sẽ ý thức được mà bao dung hơn, độ lượng hơn để chấp nhận cái góc cạnh đó. Đối phương cũng mài bớt cạnh đi để nương nhau. Cả hai bên cùng học cách “sống chung với lũ” để còn cùng chia trách nhiệm giáo dục, nuôi dưỡng con cái. Gia đình nào mà không có chuyện lấn cấn? Chuyện lục đục trong gia đình phải đâu chỉ là lỗi của một người, mà: “tại anh, tại ả, tại cả hai bên”, nên cả hai phải làm sao biết dừng đúng lúc.

Làm sao để xã hội bớt đi cảnh con giết cha, vợ chồng giết nhau, trò đánh thầy, tạt axit thầy? Đó là cả một chính sách lớn chỉ có nước trông cậy vào chính quyền và các nhà xã hội học, tâm lý học xây dựng thành một chương trình đào tạo bắt buộc cho giới trẻ đi kèm theo văn hóa ở nhà trường. Hoặc với những người không có điều kiện để học văn hóa, thì cũng nên bắt buộc phải học cách cư xử vì trước sau ai cũng sẽ lập gia đình. Làm thế nào để đừng biến những căn nhà thành chiến trường, con cái chính là nạn nhân sẽ bị thương tổn suốt đời. Đôi khi đó lại là những tấm gương mà những đứa trẻ trong trắng, ngây thơ vô tình in vào đầu óc, tương lai chúng sẽ lại hành xử y như vậy!

Đợi cho tới lúc mọi thứ đã đi vào nếp thì e rằng khó trị, chi bằng xã hội nên quan tâm uốn nắn khi đứa trẻ chưa hình thành nhân cách thì tốt hơn. Đợi đến lúc bạo hành xảy đến thì mới huy động cơ quan, đoàn thể đến can thiệp thì e rằng tình cảm của hai vợ chồng cũng đã sứt mẻ nhiều, có khi vô phương hàn gắn. Đám trẻ của những gia đình ly tán không được sự yêu thương, kềm cặp của cha mẹ lại trở thành gánh năng cho xã hội!

Từ suy nghĩ mông lung, tôi thấy có thể sẽ tốt hơn nếu có 2 giải pháp: Với đối tượng chưa kết hôn thì nên bắt buộc phải học qua về luật hôn nhân. Hướng dẫn, giáo dục cho họ ý thức về đời sống vợ chồng, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên, để người chồng tương lai biết rằng: không phải “cô ta là vợ tôi thì tôi có quyền dạy, không ai được can thiệp”! Họ cần biết rằng nếu bạo hành thì sẽ bị phạt cảnh cáo, thậm chí có thể bị nhốt tù nếu tái phạm có mức độ nghiêm trọng dù là đối với vợ con. Người phụ nữ cũng được hướng dẫn nên nhờ giúp đỡ khi bị bạo hành, đừng vì “xấu thiếp, hổ chàng” mà ém nhẹm, tạo điều kiện cho những tên vô lương tâm leo thang lấn át. Chính quyền nên có “địa chỉ đen” của những gia đình hay có nạn bạo hành để quan tâm, và can thiệp kịp lúc. Đoàn thể đến ứng cứu không nên chỉ là những chị phụ nữ chân yều tay mềm, chưa kịp mở miệng nói câu nào đã bị tên thô bạo mắng cho té tát, “chuyện gia đình tôi ai mượn mấy người chen vô”, hay đe dọa với hung khí để rồi chỉ biết vắt giò lên cổ mà chạy, mà phải là người có đủ khả năng để khống chế kẻ bạo hành. Biện pháp cuối cùng là đưa tên thích hành hung người khác đến một nơi cho hắn có thì giờ suy nghĩ về hành vi của mình. Hắn sẽ được trả về với cam kết, cũng như biết rằng mức tạm giữ sẽ tăng lên nếu cứ tiếp tục. May ra như vậy có bớt đi chút nào nạn bạo hành trong gia đình chăng? Nước ta qua bao cuộc chiến tranh đang tiến tới “dân giàu, nước mạnh” mà con người là vốn quý của xã hội. Gia đình là nền tảng của xã hội. Có an cư thì mới lạc nghiệp. Làng xóm không yên thì xã hội cũng đau đầu. Ung nhọt không can đảm mổ xẻ thì càng thêm nhức nhối.

Một thính giả cũng có phát biểu ý kiến là ông đã sống ở nước ngoài và hoạt động trong ngành xã hội nhiều năm. Theo ông được biết là nạn bạo hành đa phần do rượu gây ra. Tôi tin rằng tệ nạn này có thể giảm bớt khi con người có nghề nghiệp ổn định. Chắc chúng ta cũng biết, không phải tự nhiên mà con người lại uống rượu, vì ngoài việc vui với bạn bè còn có nguyên nhân thầm kín là vì buồn, vì thất nghiệp, vì làm ăn thất bại, mặc cảm không lo cho vợ con được bằng người. Lẽ ra, những lúc đó, hơn bao giờ hết, vợ chồng cần ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc để tìm cách vượt khó. Nhưng anh chồng tự ái, muốn chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” muốn tự mình chèo chống, để rồi không đủ sức vượt qua, đành… “dụng tửu phá thành sầu”! Người vợ đang nẫu ruột vì gia đình túng bấn mà thấy chồng không lo làm ăn kiếm tiền, lại rượu chè be bét nên đay nghiến, gây gỗ. Thế rồi thành sầu thì chưa phá được, nhưng gia đình đã bị phá nát! Chính vì vậy, theo tôi, giá mà mỗi người đều có một nghề nghiệp ổn định thì chắc chắn cái buồn đó cũng giảm thiểu, thì nạn nhậu nhẹt để giải sầu chắc cũng không đến nỗi trầm trọng để tiến đến cảnh xô xát trong gia đình. Nếu tôi không lầm thì hình như ở những gia đình có cuộc sống ổn định, tài chánh minh bạch thì chuyện nhậu nhẹt say xỉn, đánh nhau cũng ít xảy ra.

Tóm lại, nếu muốn thân phận người phụ nữ không để cho may rủi quyết định, gặp chồng biết suy nghĩ thì nhờ, gặp tên vũ phu thì chịu. Chịu không nổi thì ly dị! Chúng ta có thể giảm thiểu sự may rủi đó bằng cách giáo dục đứa trẻ khi còn ở trường lớp, song hành với văn hóa, để khi ra đời, nó vừa có kiến thức, vừa có đạo đức để trở thành một người công dân có ích cho gia đình, cho xã hội. Trẻ con không thể phát triển tự do mà xã hội cần định hướng cho nó để nó biết phân biệt cái xấu, cái tốt. Biết yêu quê hương, đất nước, cha mẹ, ông bà. Biết trân trọng tình cảm vợ chồng. Biết yêu thương, quan tâm đến con cái. Giàu lòng nhân ái. Đất nước không thể giàu mạnh khi chỉ đào tạo ra những con người có khả năng giỏi kiếm tiền thôi, mà còn phải uốn nắn cho người dân có đạo đức, biết tôn trọng đạo lý, biết giữ gìn nhân phẩm. Khi một con người có căn bản đạo đức rồi thì dù ở địa vị nào, chắc chắn họ cũng sẽ là những người tốt. Tôi nghĩ rằng đó là giải pháp tốt nhất, không chỉ để phòng ngừa nạn bạo hành, mà cả những cảnh “rút ruột công trình”, “ăn chặn công quỹ”, Chánh Án bị dựa cột, Luật gia thắt cổ tự vẫn trong nhà giam, Thầy gạ trò đổi điểm lấy tình… không còn diễn ra nữa!

Dù nhà nước đã có những điều luật về bạo hành, nhưng nhiều người dân chưa hay biết. Nhất là ở nông thôn, nơi mà báo chí, thông báo hiếm khi đến tay người dân. Họ không được biết rằng bạo hành là tội ác, sẽ phải trả giá. Chính quyền địa phương cũng không biết rằng mình có trách nhiệm phải can thiệp, nên thiếu quan tâm. Người bị đàn áp không biết kêu cứu với ai, cũng không hay là mình có quyền yêu cầu chính quyền bảo vệ! Hàng xóm cũng không được báo cho biết rằng mình có trách nhiệm phải tố cáo, lại e dè những tên vô lại trả thù, nên mới có trường hợp của một bé gái làm công cho tiệm Phở ở miền Bắc và bé Hào Anh bị chủ nhân tra tấn, hành hạ dã man trong thời gian dài. Gần đây nhất là bé Hiếu Anh ở Nam Ninh bị chủ nhân hành hạ trong suốt 2 năm. Bà Thơm và em trai đã dùng kềm để bẻ răng. Dùng sắt nóng quất vào chân. Bắt em phải cầm quai bằng nhôm của ấm nước sôi bằng tay không cho phỏng, và còn nhiều vết thẹo khác. Hàng xóm có nghe tiếng quát tháo và tiếng la khóc của em Anh, nhưng vẫn im lặng! Bạo hành ngày càng leo thang, cho đến khi họ đánh, đạp em Anh đến gãy xương sườn, giập lá lách, bỏ nằm bất tỉnh trong chuồng heo, người dân đưa đi bịnh viện thì cơ quan, đoàn thể mới kéo nhau đến thăm hỏi! Phải chăng vì không sớm được phát hiện và răn đe nên chính kẻ bạo hành cũng là nạn nhân của tính dã man, độc ác và sự thiếu hiểu biết pháp luật của mình? Bởi nếu được biết trước cái án hơn 20 năm tù được chia cho hai chị em chắc dù có ác đến mấy họ cũng không dám đánh đổi để được hành hạ người khác! Chính vì vậy, tôi mơ về một ngày môn giáo dục công dân, được phổ biến, áp dụng trong toàn dân, từ thành thị đến thôn quê, để những vụ bạo hành bị xóa sạch và nếp sống văn hóa không còn chỉ là những bảng hiệu “Khu phố văn hóa” to đùng nằm chắn ngay ở cỗng vào mỗi khu phố! Mơ ước đó chắc có lẽ cũng sẽ thực hiện, nhưng không biết người dân sẽ đợi đến bao giờ!

Tâm Nguyện

VỀ MỘT TRÒ CHƠI CẦN ĐƯỢC TỔ CHỨC

VÀ PHỔ BIẾN NGAY

Ngay lúc này, trên đất nước đang mở cửa của chúng ta, có rất nhiều trò chơi đang được tổ chức và phổ biến đại khái như: trò thi đấu để trở thành kỳ vương (Vua cờ tướng), trò Đố Vui Để Học, Đường lên đỉnh “Olympia” vv…

Trò chơi mà người viết muốn đề cập tới đây có thể tạm gọi là “Thi Đấu để trở thành Từ Vựng Vương” nghĩa là Vua Từ Vựng, và đơn giản là Vua Từ Vựng là người ôm trong lòng nhiều từ vựng nhất của một ngôn ngữ, và ngôn ngữ tôi muốn nói tới đây là Anh ngữ, thứ tiếng đang được phổ cập nhất trên hoàn vũ.

Trò chơi này có khá nhiều tác dụng tốt mà người viết xin nêu ra một vài trong những tác dụng đó:

1. Trau dồi Anh ngữ vì khi một từ vựng được học trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, nó thường được người học nhớ rất lâu.

2. Qua những người chơi, cho những người xem biết rằng Việt Nam chúng ta có thể có rất nhiều người rất giỏi Anh ngữ, chẳng thua gì dân Hồng Kông, Singapore, Philippines vv…

3. Vì trò chơi này có cả người ngoại quốc tham dự nên nó sẽ phần nào đánh tan mặc cảm của người Việt chúng ta là “người ngoại quốc thì phải giỏi Anh ngữ hơn chúng ta”.

4. Trò chơi này sẽ góp phần khuyến khích các người trẻ học nhiều ngữ vựng hơn, đọc nhiều sách hơn để có nhiều ngữ vựng hơn.

Và dưới đây là những đề nghị, tạm coi như những cách thức tổ chức cuộc thi:

A/. Cuộc thi được tổ chức cho tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, tuổi tác, quốc tịch, vì các người ngoại quốc cũng được mời tự do tham dự.

B/. Tùy theo số thí sinh dự thi, nơi tổ chức sẽ rộng lớn sao để cho mọi thí sinh được ngồi cách người khác độ 3 mét để không trông thấy bài làm của nhau.

C/. Tiếng Anh có 26 chữ cái, cuộc chơi có thể tổ chức trong 26 ngày, mỗi ngày một chữ hoặc 13 ngày mỗi ngày 2 chữ vv…

D/. Khi dự thi thí sinh chỉ việc ngồi viết ra các từ bắt đầu bằng mẫu tự dùng làm đề thi, và viết được càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên mỗi từ viết sai không có trong Anh ngữ sẽ bị trừ một điểm. Mỗi từ viết sai chính tả cũng bị trừ một điểm. Chỉ có những từ viết đúng và được định nghĩa đúng, mỗi từ đó mới được tính là một điểm.

E/. Sau khi đã thi đủ 26 chữ cái, thí sinh nào tổng cộng lại được số từ cao nhất đã viết ra được một cách chính xác sẽ là TỪ VỰNG VƯƠNG.

Đây sẽ là một cuộc thi thật lý thú khi trong phòng thi sẽ có những mái đầu bạc phơ kề bên nhiều mái đầu xanh, và sẽ có đủ thứ người, đủ thứ quốc tịch mà người viết cho rằng nếu giải thưởng lớn sẽ thu hút họ ngay. Việc tìm sự tài trợ cho cuộc thi này cũng sẽ không khó vì sẽ có thiếu gì Doanh nghiệp muốn được tài trợ.

Hy vọng cuộc thi sẽ cho tất cả thế giới thấy rõ là người Việt chúng ta giỏi Anh ngữ KHÔNG THUA MỘT NƯỚC NÀO ở Đông Nam Á này, đồng thời cũng sẽ có tác dụng khiến các bạn trẻ của chúng ta ham học Anh ngữ hơn, cố nhiên là chỉ để sử dụng như một DỤNG CỤ, vì thứ tiếng ta cần thực sự kính trọng yêu quý PHẢI CHÍNH LÀ TIẾNG VIỆT, tiếng Mẹ đẻ của chúng ta.

Vũ Anh Tuấn

 

Văn hóa phục vụ trong ẩm thực.

Hiện nay vấn đề văn hóa ẩm thực đang được dẩy mạnh lên đến cao trào. Đâu đâu cũng nghe nói rất nhiều về chuyện ẩm thực. Trên truyền hình đài nào cũng thấy có giờ hướng dẫn cách nấu ăn, cách chế tạo những món đặc sản của từng vùng, Nam, Trung, Bắc. Những brochure của các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn sao lớn sao nhỏ đều có quảng cáo rất nhiều món ăn đặc trưng mang rần rần tính văn hóa ẩm thực của từng nơi để làm sao câu càng nhiều “thượng đế” càng tốt. Tầm quan trọng thể hiện rõ rệt khi nhà nước đã lập ra một Viện Nghiên Cứu Văn Hóa Ẩm Thực.

Theo một bài viết trên mạng nói về văn hóa ẩm thực, một tác giả còn nói đến “Văn hóa tinh thần của người Việt trong ẩm thực chính là sự thể hiện nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, là sự cư xử giữa người với người trong bữa ăn, làm vui lòng nhau qua thái độ ứng xử lịch lãm, có giáo dục. Việc ăn uống đều có những phép tắc, lề lối riêng, từ bản thân, đến trong gia đình, rồi các mối quan hệ ngoài xã hội.” Ý tưởng này thực ra không nằm ngoài bốn chữ hay ho “người ngồi ăn ngon” của Tản Đà trong một bài viết về ẩm thực hồi thế kỷ trước.

Nhà sành điệu về ẩm thực này còn cho thêm bốn chữ hay ho nữa là “chỗ ngồi ăn ngon”.

Luận theo thời buổi bây giờ, chỗ ngồi ngon không cần phải nhà hàng sang trọng, khách sạn nhiều sao, không cần đĩa vàng, chén bạc, muỗng inox, mà là một chỗ ngồi thích hợp cho từng loại món ăn. Một gánh cơm hến trên lề đường ở chợ Đông Ba, không bị công an đuổi là “chỗ ngồi ngon” rồi. Hay một sạp bán cơm trưa văn phòng ở đâu đó trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội mà thực khách là những thầy thông cô ký, tay xách laptop, sử dụng iphone, ngồi trên ghế đẩu, ăn uống vui vẻ cũng là “chỗ ngồi ngon” rồi.

Thức ăn đã quá dồi dào, món ăn càng ngày càng phong phú, chỗ ngồi ăn từ cao tới thấp, từ sang trọng đến bình dân đều có đủ. Tuy nhiên, còn một yếu tố mà người viết bài này cho là rất quan trọng nằm trong vấn đề văn hóa ẩm thực. Đó là cung cách phục vụ, đó là những người trình bày văn hóa ẩm thực cho thực khách. Họ có thể được ví như những ca sĩ mang cái hay ho về âm nhạc của bài hát đến với người nghe. Món ăn chứa đựng cả một nền văn hóa ẩm thực mà được người giới thiệu có cung cách không văn hóa hay phản văn hóa thì tính văn hóa trong món ăn biến mất liền.

Một quán cơm trưa ở đường Tôn Thất Tùng vừa qua được lên báo vì đã đánh một thực khách Việt Kiều. Quán này cũng đã có thành tích là đã đánh vợ chồng một Tùy viên Sứ quán VN ở một nước láng giềng.

Bên hông Bưu điện Saigon có một quán miến, mì gà được mệnh danh là quán “miến chửi” do một bà người Bắc làm chủ quán. Thành thực mà nói, món mì, miến gà của bà rất ngon và dĩ nhiên thực khách rất đông. Nhưng bà này không hể chửi Thượng đế mà lại chửi các em phục vụ. Đề tài chửi của bà rất phong phú, nào là bưng bê chậm chạp, các em phục vụ ăn mặc dơ bẩn, tối qua có em đi chơi về khuya, có em nợ nần gì đó không trả bỏ về quê. vv... Có khi bà lấy cái môi còn dính đầy mỡ gà cốc lên đầu các em. Thực khách không ai dám can thiệp, cắm cúi lo nạp xong nhiên liệu buổi sáng vào bao tử rồi lên đường đến sở làm.

Tại một quán phở ở rạp chiếu bóng Đa Kao có ông chủ đầu húi cua gần như trọc giống anh chàng diễn viên trong chương trình “Gặp gỡ cuối tuần”. Ông này cũng luôn mồm hò hét nhân viên phục vụ. Có lẽ ông này muốn cho mọi người biết ông là chủ quán nắm quyền sinh sát cái đám cò ke lục chốt nhân viên chạy bàn. Thấy ông ta to con, mặt mày dữ dằn, người viết bài này vào ăn một lần rồi biến luôn.

Trên trang web CAND online có bài viết “Chửi như... hát hay!?” của tác giả Dương Phương Thảo, như sau:

Nghe cô em họ “mách” ở chợ N. (Hà Nội) có một quán bún lưỡi ngon nổi tiếng và “chửi” khách cũng nổi tiếng, tôi liền đến mục sở thị. Thay vì nhớ tên quán này, khách tự đặt cho nó cái biệt danh “Bún chửi”.

Vừa bước vào, đã thấy chị phục vụ dáng người phốt pháp gằn giọng “Để cái xe cũng ngu”. Ngồi xuống ăn mới chứng kiến được phần nào cái sự “đanh đá” có tiếng của bà chủ quán.

Quán bán bún móng, thịt, sườn, lưỡi. Khách nào muốn gọi một bát đủ cả 4 thứ thì thể nào cũng bị bị chủ quán chửi vì: “Gọi gì mà gọi lắm thế, có mấy cái tên mà nói cũng không ra hồn”.

Khách ngồi lâu, vừa ăn vừa trò chuyện… chửi! Xin thêm tí nước dùng hay magi… chửi! Khách đưa tiền to chủ quán không có tiền trả lại cũng…Chửi! Đến quán này, khách phải làm quen với việc “nghe chửi như nghe truyện”.

Ngồi ăn bát bún tôi chẳng cảm nhận được sự ngon lành như lời cô em họ quảng cáo mà chỉ thấy nuốt không trôi vì những lời “chửi tục” của bà chủ quán.

Tương tự như quán Bún chửi ở N. thì “quán chửi” nổi tiếng tiếp theo là quán cháo gà gần Nhà thờ Lớn.

Cũng như quán “bún chửi”, quán cháo gà này nổi tiếng cả về độ ngon lẫn cường độ “chửi” của bà chủ quán tuy tuổi đã cao nhưng quát mắng nhân viên thậm chí cả với khách hơn “chém chả”. Bà chủ chửi nhiều đến nỗi mấy học sinh thì thầm: “Cụ chửi nhân viên như hát… nhạc rap”.

Thấy tình hình các quán ăn đang phổ biến các màn chửi rủa “vô cùng không có văn hóa” này, tự nhiên tôi nhớ lại kiểu cách phục vụ ở một nhà hàng cách đây đúng bốn chục năm khi tôi đang tu nghiệp ở nước ngoài. Một buổi tối tôi đi cùng với vợ chồng một người bạn người bản xứ vào một nhà hàng chuyên phục vụ món bí-tết. Bước vào bên trong nhà hàng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nội thất trang trí giống hệt như mấy cái saloon trong những phim cao-boy Mỹ. Tấy cả các nhân viên phục vụ, đa số là nữ ăn mặc cũng giống hệt như dân cao-boy ngày xưa. Cũng nón to vành, áo ca-rô quần jeans, giày ủng trông rất đẹp nhưng một điều làm tôi an tâm là không có ai đeo súng.

Chúng tôi vừa ngồi xuống bàn, một cô cao-boy bước đến tươi cười, lễ phép mời chúng tôi chọn thức ăn. Thực ra cũng có mấy loại “bí-tết”, tôi cứ nhắm theo món nào giống như ở nhà thường ăn. Ghi chép xong cô cao-boy quay vào trong bếp, ngay sau đó một cô cao-boy khác bê ra một khay và đặt trên bàn chúng tôi ba tô rau xá lách xắt nhỏ. Tô rau khá lớn, phía trên có mấy miếng bánh bích-qui. Tôi đang phân vân vì thấy cách ăn rau hơi lạ lẫm, như khi nhìn sang thấy vợ chồng anh bạn lấy một chai nước sốt có sẵn trên bàn tưới lên tô rau rồi bắt đầu ăn không cần chờ món bí tết mang ra để ăn cùng. Bạn tôi mời tôi ăn rau, tôi nói để lát nữa ăn cùng với thịt, và rồi tôi đưa mắt quan sát các bàn chung quanh. Tôi để ý thấy bàn nào người ta cũng ăn rau trước rồi ăn bí-tết sau. Tôi tự nhủ ta cứ ăn theo cách của ta tức là chờ thịt ra ăn cùng một lúc, thì có sao đâu. Tôi vẫn còn đang nhình quanh quan sát, bất ngờ một cô cao-boy, đứng bên cạnh tôi lúc nào không biết, ghé sát vào tai tôi hỏi nho nhỏ. Mái tóc vàng của cô tỏa mùi thơm phưng phức. Cô hỏi tôi có muốn dùng nước sốt đổ vào rau để ăn không. Tôi trả lời để một lát ăn cùng với thịt. Cô cám ơn rồi quay vào bếp. Tôi thầm khen cô phục vụ khả ái và lịch sự và tiếp tục nhìn quanh. Vợ chồng anh bạn tôi đã ăn gần hết tô rau. Nhưng khi tôi vừa ngẩng đầu lên thì thấy một ông người Tây đứng tuổi, mặc côm-lê xám đang tiến về phía tôi và cuối cùng ông đã đứng ngay bên cạnh tôi rồi. Ông ta khom xuống hỏi nhỏ nhẹ. “Mời ông dùng nước sốt của chúng tôi với rau xà lách” Tôi cảm thấy không khí có vẽ trầm trọng và muốn sử dụng quyền tự do ăn uống của công dân, tôi đáp: “Cám ơn, nhưng tôi thích ăn rau sà lách cùng với thịt, không có sốt”. Ông ta xin lỗi rồi bước nhanh vào bếp. Tôi nhìn theo và chờ xem còn có gì xảy ra nửa không. Trời ơi, ông Tây đó lại xuất hiện. Ông đi hơi nhanh về phía bàn của tôi theo sau lưng ông là một cô cao-boy xinh xắn tay cầm một cái khay trên đó có mấy cái chai hình như là loại chai nước sốt. Đến bàn tôi, cô gái đặt khay xuống bàn tôi thấy có bốn chai nước sốt và bốn chén nhỏ đựng bốn loại chất lỏng. Ông Tây trịnh trọng nói: “Chúng tôi có bốn loại nước sốt rất ngon, mời ông nếm thử”, và đưa tôi cái muỗng. Quả thật tôi không còn biết nói gì hơn là nếm mỗi thứ một ít rồi chọn đại một loại cho xong. Cô cao-boy nhanh nhẩu đưa tay với lấy chai nước sốt đổ vào tô rau của tôi rồi “cám ơn và chúc ông ngon miệng” và hai người trở vào bếp. Anh bạn qua sang nói nhỏ với tôi cho biết việc tôi không cho nước sốt vào rau đã làm họ rất ngạc nhiên, chưa từng thấy bao giờ và cho rằng tôi chê cái món nước sốt của họ.

Tôi nghĩ nếu ở một “quán chửi”, khi thấy có một thực khách ăn uống khác lạ, hay tỏ ra chê thức ăn của quán, không biết sẽ được đối xử như thế nào đây.

Sắp tới đây là đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, du khách nhất là Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới trở về thăm quê hương nếu vô nhằm những quán chửi như vậy họ sẽ nghĩ sao?

Người viết xin cầu cứu chính quyền địa phương ở những quán chửi đó nên có biện pháp giáo dục những người hung hãn, bạn tàn và giúp họ quay về với nét dịu dàng, lịch sự, mến khách của người dân Việt Nam.

Đối với các thực khách, khi biết có quán chửi thì thôi không nên vào ăn làm gì, “tiếng chửi đã át miếng ngon” rồi. Khẩu vị không thể nào làm việc được khi bên cạnh đó chủ quán đang chưởi rủa tục tằn.

Khi nói đến văn hóa ẩm thực không thể bỏ qua văn hóa phục vụ. Nếu đã xác định dược tầm quan trọng của văn hóa phục vụ thì những quán chửi hay quán đánh đập, bạo lực với khách hàng sẽ không có lý do tồn tại. Những quán chửi đó đang làm bôi bẩn văn hóa ẩm thực.

Dương Lêh (T8/2010)

NHIẾP ẢNH TẠI VIỆT NAM

Kỹ nghệ nhiếp ảnh được phát minh năm 1829 do sự hợp tác của nhà hóa học Pháp Niepce và nhà thiết kế kỹ thuật Pháp Daguerre. Sau đó ngành nhiếp ảnh được du nhập vào Việt Nam năm 1869 do Đặng Huy Trứ, một danh sỹ làm quan dưới triều Tự Đức nhân chuyến đi sứ sang Trung Quốc (1865) xem thấy và học được nghề nhiếp ảnh tại vùng Tô Giới (Hồng Kông). Đến năm 1867, Ông lại sang Quảng Đông mua các thiết bị chup ảnh về mở cửa hiệu đầu tiên ở nước ta (1869) tại Hà Nội lấy tên là “Cảm Hiếu Đường” theo khuynh hướng đạo Nho, lấy chữ hiếu làm đầu, nghĩ rằng chân dung người đang sống giúp cho con cháu đời sau biết được khuôn mặt cha ông mình. Đến năm 1870, Vua Tự Đức cho mở tại Huế một tiệm chụp ảnh gần viện Thương Bạc bên ngoài cửa Thượng Tứ. Vào lúc này, các quan trong triều có một số đến chụp ảnh, hiệu ảnh cũng bố trí đủ vật dụng hợp với cảnh quan tại nhiệm sở, nên trong các gia đình thấy có treo ảnh các vị quan mặc triều phục ngồi trên ghế có tay chạm rồng. Nhưng Vua Tự Đức thì không chụp ảnh, có lẽ Nhà vua nghe theo lời bàn tán của số quan lại trong triều, và cho rằng điều mới lạ này sao có vẻ “thần bí” quá, trông bức ảnh như thấy con người thật hiện ra, nên ngại. Nhưng những điều nói trên đây là về sau, trước lúc đó vào năm 1863, phái bộ Phan Thanh Giản đi sứ Pháp đã được chụp ảnh lúc đến Paris, trong “Tây Hành Nhật Ký”, di thảo của cụ Phạm Phú Thứ, phó sứ trong phái đoàn, do Tô Nam và Văn Vinh đã dịch nguyên ngữ như sau: Ngày 19.8.1963, Aubaret(1) nói với thần đẳng(2) quốc trưởng nước chúng tôi muốn được coi xem hình ảnh của quý sứ bộ, vì thế các vị đại thần của chúng tôi đã cho gọi thợ ảnh sẵn sàng và cùng cho chúng tôi đến báo trước để sứ quán rõ, vậy sáng mai mong rằng các sỹ quan vận phẩm phục để thợ chụp lấy một tấm nhỏ trình quốc trưởng(3). Ngày 20.9.1863, buổi sáng, mây đen, gió lạnh, thỉnh thoảng lại mưa nhỏ, đến giớ Ngọ thì trời tạnh, thần đẳng và 2 vị chánh, bồi sứ mặc triều phục chỉnh tề rồi lên trên lầu chụp ảnh, thợ chụp mỗi vị một tấm kiểu đứng và một tấm kiểu ngồi. Quán này có 3 gian và có lầu, vách và mái đều bằng (pha lê) để lấy ánh sáng mặt trời. Còn phương pháp chụp ảnh thì trước hết thấy lấy nước thuốc xoa lên miếng kính rồi đặt vào ống, người đứng phía trước nhìn vào miệng ống, hình người sẽ do ánh sáng mặt trời in vào miếng kính, tơ tóc không sai mảy may. Ngày 21.9.1863 mưa nhỏ, thợ ảnh lại đến xin chụp mấy tấm, mấy lần trước chụp riêng từng người, lần này xin chụp chung vào một bức để gửi trình quốc trưởng xem trước, vì lúc này vua Napoléon đệ tam và Hoàng hậu Eugénie đang nghỉ mát ở Biarritz (4) chưa về.

Nhiếp ảnh ngày xưa, tấm ảnh chụp ra cũng khá rõ nét, đã ghi lại hình ảnh mong muốn, chỉ phải đòi hỏi người chụp phải khéo tay với thao tác thủ công như để độ đo ánh sáng, khoảng cách mục tiêu, khó lồng vật chụp cho cân đối qua lỗ kính nhắm, nhưng ngày nay tất cả những công việc nói trên đều do máy móc, mọi việc chỉ nằm gọn trong chiếc máy có khi chỉ lớn bằng nửa bàn tay tự động làm, không cần cả đến phim và có thể kiêm luôn cả chức năng quay phim rất là tiện lợi, nhưng cũng lắm khi gây ra phiền phức cho chủ nhân, nếu có lợi dụng trong việc ghi hình không chính đáng.

PPT ghi

Ghi chú :

(1) Aubaret : tên vị sỹ quan Pháp hướng dẫn sứ đoàn

(2) Thần đẳng : tiếng xưng hô của các quan đối với vua

(3) Quốc trưởng : là Napoléon đệ tam

(4) Biarritz : tên một địa danh thuộc cuối dãy Pyrénées giữa Pháp và Tây Ban Nha trên vịnh Gascogne, thường được Hoàng Hậu Eugénie người Tây Ban Nha chọn làm nơi nghỉ mát.

YÊU “ĐẸP”

Khi Tề Hoàn Công tuyên bố “Quả nhân hữu tật” cái tật ấy được vị quân sư khai quốc là Quản Trọng cho rằng vô hại tới nghiệp bá. Xét kể cũng có lý.

Nếu gọi là cái “tật” tất đứng vào quan điểm của chúng nhân, nếu đứng vào lập trường của thầy Trang, cụ Lão, nhỡn giới không hạn chế như thầy Khổng, hẳn chưa chắc đã cho thế là một cái “tật”, biết đâu đấy chẳng là một lối như trăm nghìn lối khác để đạt Đạo.

“Đồng quy nhi thù đồ”! Vậy yêu “Đẹp”, biết yêu cho đúng yêu cũng là một đường đạt Đạo.

Có một câu thơ của một chàng áo xanh:

Thiên hương một giấc mộng vàng

Ngàn xưa ai đó hỡi chàng áo xanh

Ngàn sau vẫn một nghiệp tình

Bâng khuâng tự nhủ lại mình đó ru

Chàng ta tuyên bố:

Đạo Phật tôi kính sợ, Đạo Thiên Chúa tôi kính mến, Đạo Khổng tôi kính yêu, nhưng cả ba đường Đạo ấy, tự kiểm điểm xét không thể theo nổi, vì thế tôi xin theo đường đạo thích hợp với tình, ý, nguyện của tôi là Đạo Mỹ.

Vì mắc phải cái nghiệp yêu Đẹp, ngàn xưa đã từng là chàng áo xanh, thì kiếp này, bây giờ, và cho đến cả ngàn kiếp sau nữa, chàng cũng chẳng thể thành Phật, cũng chẳng thể thành Thánh mà vẫn chỉ “bâng khuâng tự nhủ lại mình đó ru”, một chàng thư sinh Liêu Trai thủng thẳng, trên con đường Đạo “Đẹp”, muốn bao giờ tới thì tới.

Vậy cái đạo “Đẹp” đó là đạo gì khiến chàng thư sinh đa tình kia mải mê say đắm, đến nỗi quay trở bao nhiêu kiếp vẫn chưa tỉnh giấc luân hồi, vẫn lấy làm thích thú được nổi chìm lơ lửng trong bể yêu sóng mến!

Đẹp thể hiện ở một giai nhân ư?

Phải. Đó là một đường lối thể hiện cụ thể nhất, rõ ràng nhất. Giai nhân, ai trông thấy cũng biết là Đẹp. Người Đẹp có cứ gì riêng phái nam thưởng thức mà ngay cả phái nữ nhìn thấy người Đẹp cũng phải bồi hồi…

Từ thời xa xưa hồi Cách Mệnh bên Pháp, nhìn người đẹp thể hiện ở Récamier phu nhân thiên hạ đã phải nói: “Mỹ sắc cũng tạo được một xã tắc riêng, y như là thiên tài và sự thành công. Nàng Juliette Récamier đã ngự trị một dân tộc với những thần dân riêng của nàng”.

Nhưng chàng thư sinh tu Đạo Đẹp kia liệu có giới hạn quan niệm Đẹp ở một hình thức cụ thể bất biến? Cái Đẹp của giai nhân còn hạn định bởi không thời gian liệu có đủ khả năng xứng danh Thiên Hạ Sắc để khách si tình có lòng yêu Đẹp không bờ bến, thỏa mãn?

Nếu Đẹp còn bị thao túng bất biến thì cả Tứ Mỹ, Bát Giai Nhân, mỗi người đều có thể đáng yêu đấy, nhưng lại đáng chán ngay đấy. Vì thế chăng mà Từ Thức chán Giáng Hương?

Đẹp phải linh động phải biến ảo, thoắt một cái là Thúy Kiều, thoắt một cái là Dương Qúy Phi, thoắt một cái là Tây Thi, là Điêu Thuyền,…

Có những giờ phút mà nàng Cléopâtre đắc kỷ sở.

Chỉ một phút ấy nàng có uy lực khiến cái Đẹp của nàng như ánh sáng tỏa ra khiến mọi người choáng mắt. Ngoài phút ấy, uy lực không còn nữa.

Vì thế, yêu Đẹp là yêu tất cả người Đẹp, yêu tất cả giai nhân kim cổ, mỗi người ở một khía cạnh, ở một khung cảnh, ở một thời gian riêng biệt.

Tiến tới mức yêu vô cầu, yêu để chiêm ngưỡng, để thưởng thức, như yêu muôn vàn đóa hoa, như yêu muôn vàn bản nhạc, muôn vàn bức họa, muôn vàn hành động, ý nghĩ đẹp, cái yêu thanh thoát ấy, thật tham, thật khó khăn, nhưng thât chí tình và đắm say đến điên dại, yêu Đẹp như thế mới thật đạt Đạo Mỹ…

Nếu gó bó tình cảm, nhỡn giới, quan niệm trước một cái Đẹp cũng gò bó, chật hẹp, cụ thể, bất biến, hành động của chàng thư sinh áo xanh kia sẽ chỉ là một hành động của bọn tục cốt, làm sao chàng có thể thênh thang tiêu sái để lóe lia lia mắt sáng ngời của kẻ trông thấy Đạo.

Cái Chân Mỹ muôn hình vạn trạng khi thể hiện để tiếp xúc với nhỡn giới như bóng giai nhân, như đóa hoa, như bức họa, như một cảnh trí thiên nhiên, khi tiếp xúc với tâm giới như một cử chỉ đẹp, một hành động hào hùng, một ý niệm vị tha, một tâm hồn cao thượng, kẻ đạo đồ muốn nhận chân được những vẻ đẹp ấy, cũng phải có những khả năng riêng biệt tối thiểu.

Vẻ đẹp chứa chan trong vũ trụ, kẻ có căn nhận được ngay, kẻ không có căn tuy nhìn, tuy nghe mà không thấy, chính vì chưa có tâm nhỡn, luyện được tâm nhỡn tức là phục hồi được cái căn, và phải có cái căn mới thành đạo đồ của phái yêu Đẹp được.

Kẻ có tâm nhỡn tức là một kẻ độc lập.

Độc lập để nhận định để thưởng thức.

Khách yêu giai nhân, yêu hoa, yêu thơ, yêu nhạc, yêu tâm hồn đẹp, cử chỉ đẹp, yêu đắm say chân thiết, yêu rất rộng chùm lấn kim cổ đông tây, lòng lâng lâng vô cầu, không khao khát đạt Đạo mà Đạo đã chùm lấy người rồi, không đòi hỏi biến cải thế giới mà thế giới đã biến cải ngay từ nội giới của quý khách.

Trên đường đi khách thấy như buổi đầu Xuân, như sáng chúa nhật, người người hoan hỷ trông thấy nhau không cần cười đã nhìn thấy khóe mắt nhau cười, từ đứa em nhỏ bán báo, đến ông cụ già tóc trắng phơ đều hân hoan một vẻ tươi vui sáng đẹp.

Con đường ấy có thể nào là con đường rơm rác của bỉ ổi của xấu xa, của chiến tranh của tàn khốc!

Vì thế mà chàng áo xanh đã lớn tiếng “Thiên thượng địa hạ duy mỹ độc tôn”. Nếu Tề Hoàn Công cũng quan niệm cái “tật” của mình theo chiều hướng ấy, thì tật không còn là tật nữa, mà chính là đường Đạo.

Một đường Đạo dễ theo nhất, thích thú nhất và cũng hiệu quả nhất cho mình cho người và cho cả thế giới.

Thế rồi kẻ đạo đồ áo xanh kia nếu căn chưa vững thì luyện lấy căn, khia phóng nó khỏi thúc phọc triền miên của hệ lụy để rồi:

Ngàn sau vẫn một nghiệp tình

Bâng khuâng tự nhủ lại mình đó ru!

Tác giả: Khuyết danh – Đỗ Thiên Thư st

TRUYỆN KIỀU

(2881-3008)

2881   “Nọ Lâm Thanh với Lâm Tri,
          “Khác nhau một chữ họa khi có lầm.
          “Trong cơ thanh khí tương tầm,
          “Ở đây hoặc có giai âm chăng là?”
2885   Thăng đường chàng mới hỏi tra,
          Họ Đô có kẻ lại già thưa lên:
          “Sự này đã ngoại mười niên,
          “Tôi đà biết mặt, biết tên rành rành.
          “Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
2890   “Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về.
          “Thúy Kiều tài sắc ai bì,
          “Có nghề đàn lại đủ nghề văn thơ!
          “Kiên trinh chẳng phải gan vừa,
          “Liều mình thế ấy phải lừa thế kia

“It might be a confusion I’ve made on Lâm Thanh and Lâm Tri,
Though he, “the two named that sound a bit similar to me.
“While on hearts though souls and sounds are seeking each other,
There might be some resonance that came to occur”.
The next morning, in his office he made formal inquiries,
Mr. Đô, an old clerk, then offered his personal ideas:
“Since this matter happened, there’s been over ten years already,
“But I still remember those faces and names so clearly.
“Tú Bà sent her cooperator Mã Giám Sinh
“To go seeking and purchased a girl from Beijing,
“The girl, Thúy Kiều, was matchless in talent and beauty,
“Skillful in playing the lute and versed in poetry.
Steadily sticking to her vertue, she once attempted suicide,
Being rescued, she was deceived again another time.
2895   “Phong trần chịu đã ê chề,
          “Dây duyên sau lại gả về Thúc Lang.
          “Phải tay vợ cả phũ phàng,
          “Bắt về Vô Tích, toan đường bẻ hoa.
          “Bực mình nàng phải trốn ra,
2900   “Chẳng may lại gặp một nhà Bạc kia.
          “Thoắt buôn về, thoắt bán đi,
          “Mây trôi, bèo nổi, thiếu gì là nơi!
          “Bỗng đâu lại gặp một người,
          “Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh.
2905   “Trong tay muôn vạn tinh binh,
          “Kéo về đóng chật một thành Lâm Tri.
          “Tóc tơ các tích mọi khi,
          “Oán thì trả oán, ân thì trả ân.

“After so many windy and dusty shameful sufferings,
“Her wedlock chain then tied her to a gentleman Thúc Sinh.
“But his wicked first wife got her kidnapped to Vô Tích,
“Here in her house, she attempted to get the flower picked.
“Frightened and worried, Kiều had to flee away,
“But this time, too, she was soon deceived the same way.
“The Bạc family bought her and sold her immediately
“A cloud floating, a duckweed drifting again she yielded to destiny.
“Then suddenly, one day she met a brave gentleman.
“Who surpassed others by his courage and intelligence.
“A man of heavenly power who headed millions of warriors,
“To fill up the Lâm Tri citadel on his triumphal return.
“She told him the whole story of her drifting life,
“And he helped her paying all her gratitudes and revenges at a time.

          “Đã nên có nghĩa, có nhân,
2910   “Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen.
          “Chưa tường được họ được tên,
          “Sự này, hỏi Thúc Sinh viên mới tường."
          Nghe lời Đô nói rõ ràng,
          Tức thì đệ thiếp mời chàng Thúc Sinh.
2915   Nỗi nàng hỏi hết phân minh,
          Chồng con đâu tá, tính danh là gì?
          Thúc rằng: “Gặp lúc lưu ly,
          “Trong quân, tôi hỏi thiếu gì tóc tơ.
          “Đại vương tên Hải, họ Từ,
2920   “Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người.
          “Gặp nàng thời ở Châu Thai,
          “Lạ gì quốc sắc, thiên tài phải duyên.

“Her act, full of humanism and loyalty,
“From beginning to end was appreciated by everybody.
“But sorry, I fail to know the name of that brave hero,
“I think Thúc Sinh may offer many things you want to know”
Listening to old Đô’s account reported so clearly,
Kim then sent a cart to invite Thúc immediately.
At Kim’s residence, Thúc was inquired about everything
Concerning Kiều, her husband, his name and where they were living.
Thúc replied: “It was a troublesome war time situation
“So from the troops I could get detailed information.
“The great hero’s name was Từ Hải; well experienced in battles,
“His powerful force might defeat thousands of people!
“He met Kiều while she was living in Thai district,
“A queen beauty met a heavenly talent, no wonder what came next…

          “Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
          “Làm cho động địa kinh thiên đùng đùng.
2925   “Đại quân đồn đóng cửa Đông,
          “Về sau, chẳng biết vân mòng làm sao?"
          Nghe tường ngành ngọn tiêu hao,
          Lòng riêng chàng luống lao đao thẫn thờ:
          “Xót thay chiếc lá bơ vơ!
2930   “Kiếp trần biết rũ bao giờ cho xong?
          “Hoa theo nước chảy xuôi dòng,
          “Xót thân chìm nổi, đau lòng hợp tan!
          “Lời xưa đã lỗi muôn vàn, 
          “Mảnh hương còn đó, phím đàn còn đây.
2935   “Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
          “Lửa hương biết có kiếp này nữa thôi?

“For many years, no one to fear, he moved freely,
“Winning great victories stirring earth and sky frightfully!
“His military base was stationed in an Eastern region,
“Since then, about this great man, I’ve got no further information”.
The story being told in details, so well narrated,
A deep feeling of torment struck Kim dumbfounded.
“How pitiful for a helpless leaf adrift dusty flows!
“When could she get out of those earthy billows?
“A flower drifted downstream this impermanent river!
“Floating and sinking, union then separation, how bitter!
“These solemn oaths they exchanged had been broken entirely
“Yet this piece of scent and this lute they played stirred his memory
“But these chords seemed too dumb to vibrate any longer!
“May this scent ever rekindle the fire in this life?”, he wondered…

          “Bình bồng còn chút xa xôi,
          “Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an!”
          Rắp mong treo ấn từ quan,
2940   Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.
          Giấn mình trong áng can qua,
          Vào sinh ra tử hoạ là thấy nhau.
          Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
          Bóng chim tăm cá, biết đâu mà nhìn?
2945   Những là nấn ná đợi tin,
          Nắng mưa biết đã mấy phen đổi dời?
          Năm mây bỗng thấy chiếu trời,
          Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành:
          Kim thì cải nhậm Nam Bình,
2950   Chàng Vương cũng cải nhậm thành Phú Dương.

Far away, floating or sinking, she was still astray
To enjoy a happy life in wealth and pride, how could he stay?
Many a time, he planned to resign his high post,
No matter how many rivers and mountains he had to cross,
Even if he had to plunge deeply in the battlefield,
Facing dangers and death just to see her in the end.
“But”, he though, “to find a bird over immense sky,
“Or a fish deep down a fathomless chasm, how could I?
“Let’s wait for some time to see if any news is coming”
Then sunny and rainy seasons one by one succeeding.
One day an imperial edict on five color clouded paper arrived
Kim was transferred to a post in Nam Bình and at the sametime
By the same edict Vương received a new appointment
In Phú Dương, not far from Kim’s they hastened to make arrangement

          Sắm sanh xe ngựa vội vàng,
          Hai nhà cũng thuận một đường phó quan.
          Xảy nghe thế giặc đã tàn,
          Sóng êm Phúc Kiến, lửa tàn Triết Giang.
2955   Được tin, Kim mới rủ Vương.
          Tiện đường cùng lại tìm nàng sau xưa
          Hàng Châu đến đó bấy giờ, 
          Thật tin hỏi được tóc tơ rành rành.
          Rằng: “Ngày hôm nọ giao binh,
2960   “Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền.
          “Nàng Kiều công quả chẳng đền,
          “Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù.
          “Nàng đà gieo ngọc trầm châu,
          “Sông Tiền Đường đó, ấy mồ hồng nhan!”
2965   Thương ôi! Không hợp mà tan,
          Một nhà vinh hiển, riêng oan một nàng!

Then carriages and horses were prepared readily,
For their new posts both followed the same roads conveniently.
On their way, they learned that rebel forces had been beaten down,
Peace reign on Phúc Kiến and Triết Giang, war fire had been out.
Hearing the news, Kim told Vương: “Let’ profit by this occasion
“To go and inquire about her, we may get some information.”
Then when they came to Hàng Châu, they inquired and got to know
The true story in details told by the folk as follows:
“The fighting occurred some time ago Lord Từ was lured to yield,
“But he was suddenly assaulted and died on the battlefield
“Lady Kiều’s genuine advise had eased their victory
“Instead of a reward a tribal chief she was forced to marry.
“Desperate, she threw her jade body and pearl beauty into the water
“And the grave of the rosy cheeked beauty is Tiền Đường river!”
Alas! It’s not a union they yearned, but a separation they learned
The whole family was covered with honor while disaster she earned!

          Chiêu hồn thiết vị lễ thường,
          Giải oan lập một đàn tràng bên sông.
          Ngọn triều non bạc trùng trùng,
2970.  Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
          Tình thâm bể thảm lạ điều,
          Nào hồn tinh vệ biết theo chốn nào?
          Cơ duyên đâu bỗng lạ sao,
          Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi.
2975.  Trông lên linh vị chữ bài,
          Thất kinh mới hỏi: Những người đâu ta?
          Với nàng thân thích gần xa,
          Người còn sao bỗng làm ma khóc người?
          Nghe tin ngơ ngác rụng rời,
2980.  Xúm quanh kể lể rộn lời hỏi tra:

To deliver Kiều’s soul from unjustice, as usual rite.
An altar was set up right on the river side.
Looking at the silvery high waves, Kim seemed to witness
The plunging of his beloved’s rosy silhouette!
Her deep love had sunk down the immense grief ocean,
How could her soul find the way to come here this moment?
But what a strange thing that occurred! Giác Duyên, the old nun
Happened to come by when the ceremony had just begun.
Looking at the tablet where was written Kiều’s name, she got terrified!
“Excuse me, where are you from?”, she stopped and inquired.
How are you related to this woman? I am so surprised
“That you are mourning for her death while she is still alive!
The whole family were struck dumbfounded. They surrounded the nun.
Introduced themselves and covered her with numerous questions

          “Này chồng, này mẹ, này cha,
          “Này là em ruột, này là em dâu.
          “Thật tin nghe đã bấy lâu,
          “Pháp sư dạy thế, sự đâu lạ thường!
2985   Sư rằng: “Nhân quả với nàng,
          “Lâm Tri buổi trước, Tiền Đường buổi sau.
          “Khi nàng gieo ngọc trầm châu,
          “Đón nhau, tôi đã gặp nhau rước về,
          “Cùng nhau nương cửa Bồ Đề,
2990   “Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa.
          “Phật tiền ngày bạc lân la,
          “Đăm đăm nàng cũng nhớ nhà khôn khuây.”
          Nghe tin nở mặt nở mày,
          Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?

“This is her husband, here, her mother and father.
“And there, her young brother, her sister in law and her sister.
“So far we’ve learned bad news about her and believed it true
“Now, what a miracle it sound! – What we hear from you!”
“It’s our previous lives’ debt that led me to her,
Said the nun, “Once in Lâm Tri, the other time in Tiền Đường river
“When she threw her jade body and sank her pearl beauty,
“I was there to get her out and take her to my house directly
“Together we live peacefully under Buddhist shelter,
“Our temple is not far from here, we can walk there together
“Under the Buddha Shrine, she lives humbly day and night.
“Yet it seems that her homesickness never ceased in her sad eyes.
All the faces gladdened as they listened to the old nun
There was no joy that could be greater than this one!

2995.  Từ phen chiếc lá lìa rừng,
          Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây.
          Rõ ràng hoa rụng hương bay,
          Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.
          Minh dương đôi ngả chắc rồi,
3000.  Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên!
          Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên,
          Bộ hành một lũ theo liền một khi.
          Bẻ lau vạch cỏ tìm đi, 
          Tình thâm luống hãy hồ nghi nửa phần.
3005.  Quanh co theo dãy giang tân,
          Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường.
          Giác Duyên lên tiếng gọi nàng,
          Buồng trong vội dạo sen vàng bước ra.

“Since the poor leaf has been sent astray from its wood,
“We didn’t mind searching, waters and clouds, anywhere we could
“There was no doubt that the flower had fallen, the scent gone away
“We only hoped to meet her in next life, this one we dared not say
“Death and life are two separated worlds certainly
“How could we see her in life when she was in nine springs(1) already?”
They all prostrated themselves before Nun Giác Duyên to pay their grace
Then together they followed the old nun walking to her place
Breaking the reeds cleaving wild grasses to make their way,
Yet despite their deep love for her, they were half suspicious anyway
Their hearts throbbed while they walked along side the serpentine spring
Out of the reed wood, they already saw the Buddha Shrine standing
From the front yard, Giác Duyên raised her gladdening voice very clear,
From the rear, Kiều quickened her golden lotus steps to appear.

-----------

(1) Nine Springs: place where lived the souls of the dead

DỪNG BƯỚC PHIÊU LƯU

Những chuỗi ngày trôi như thoáng qua
Tưởng như Ta đã chẳng là Ta!
Ai đã vào đời, ai đã sống?
Ai từng nhỏ lệ khóc phôi pha?

Thân này của ai, hay của Ta?
Mà sao chẳng giống tháng năm qua?
Từng buổi già suy, từng bước yếu
Như nước đầu ghềnh, như nắng sa!

Ta mải lao theo những khóc, cười
Đây hay đã nhạt nét xuân tươi!
Chiều nay soi bóng trên dòng nước
Chợt thấy đời mình đang cuốn trôi!

Ta sống những năm như giấc mê
Giật mình, quá nửa kiếp ê chề
Ham gì đeo bám đời lận đận
Dừng bước phong sương, trở gót về.

     Tâm Nguyện

CHIỀU VU LAN

Mưa tháng 7 chạnh ướt lòng con trẻ
Chiều Vu Lan thấm lạnh gió chơi vơi
Da thịt con chảy quanh đường máu mẹ
Dòng sữa theo chân qua suốt dòng đời

Con mỗi lớn mẹ mỗi già đuổi bóng
Như ngọn đèn ngại gió chập chờn soi
Mẹ cười nói mặc bóng chiều thu hẹp
Mà quên mình trước ngõ lá vàng rơi

Tiếng mẹ ru từng đưa theo nhịp võng
Lời thiết tha như níu cả bầu trời
Ngọn đèn dầu đêm cạn dần bóng tối
Nắng ban chiều bóng mẹ cũng dần vơi

Thấy hoa cỏ mùa thu vàng ấn tượng
Nhìn không gian qua định luật con người
Tình với cảnh tỏa theo làn khói trắng
Nến hoa lòng thương tiếc mẹ xa xôi

Cánh hồng trắng con nghiêng mình đón nhận
Chắp đôi tay đảnh lễ tạ ơn người
Con cầu nguyện mẹ đi vào vĩnh cửu
Hồn siêu thăng yên giấc ngủ  bên trời

TRẦN LỮ VŨ

NÊN CHĂNG

(Trả lời cho một người thơ)

Em không rót nữa đâu anh
Tình nào mà chẳng mong manh đó mà
Nỗi niềm… sao cứ rót ra
Sẻ san anh nhận tiếng khà là xong?

Trăng khuya khắc dãy tâm đồng
Cô đơn bút nghẹn, bóng lồng tim đau
Phong sương đã nhuốm bạc đầu
Còn đâu Ô Thước… bắc cầu xôn xang

Thôi đành nhận cái dở dang
Rót làm chi nữa thêm trang tình gầy
Anh đà thấm đậm men say
Nên lòng chất chứa ngập đầy ưu tư

XUÂN VÂN

CHÂN THÀNH

Từng sợi tóc ngậm ngùi hương luyến nhớ
Từng ngón tay ngượng nghịu siết vào nhau
Từng bờ môi dào dạt nhuốm thương đau
Từng hơi thở ngạt ngào muôn ý lạ

Từng mơ tưởng – dù vẫn còn xa quá
Từng niềm tin vụng dại đến ngây thơ
Từng phút giây lãng mạn đến không ngờ
Cũng gói ghém tình yêu chân thật nhất

Ngàn Phương

Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội

Di sản văn hóa thế giới

Sáng 01.8.2010, khu trung tâm hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, được UNESCO chính thức công nhận trở thành di sản thế giới thứ 10 của Việt Nam và thứ 900 của thế giới.

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã từng tồn tại trong nhiều thế kỷ. thời Lý thành Thăng Long xây dựng trên vị trí thành Đại La. Thăng Long hồi đó có mặt phía bắc giáp Hồ Tây, phía tây giáp sông Tô Lịch, phía đông là đường Lý Nam Đế hiện tại. Đến đời Trần, thời hậu Lê thành vẫn ở trên vị trí cũ nhưng thay đổi về quy mô và các công trình ở trong thành. Đến thời Nguyễn, kinh đô dời vào Phú Xuân (Huế), thành Hà Nội là Tổng Trấn Bắc. Quy mô thành Hà Nội thời kỳ này nhỏ hơn so với trước đó.

Thành cổ Thăng Long - Hà Nội xưa có 3 vòng (tam trùng thành quách). Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm Thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và một số ít cung tần mỹ nữ. Phần thành này có nhiều tên gọi qua các triều đại: Cung Thành (thời Lý), Long Phượng Thành (thời Trần), và Cấm Thành (thời Lê). Cửa duy nhất giữa Tử Cấm Thành và Hoàng Thành là Đoan Môn.

Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng Thành, khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Giữa Hoàng Thành với Kinh Thành có rất nhiều cửa nhưng đến nay chỉ còn lại một cửa là Bắc Môn, hiện thuộc địa phận phố Phan Đình Phùng.

Vòng thành ngoài cùng đắp bằng đất, gọi là Kinh Thành. Kinh Thành là nơi ở và sinh sống của dân cư, nối giữa kinh thành với bên ngoài có nhiều cửa. Thời Lê kinh thành thành Thăng Long có 16 cửa ô, đến thời Nguyễn có 12 cửa ô. Đầu thế kỷ 20 vẫn còn 5 cửa ô: ô Chợ Dừa, ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Cầu Giấy và ô Quan Chưởng. Đến nay chỉ còn lại cửa ô Quan Chưởng (tên cũ là Đông Hà Môn, nghỉa là cửa sông phía đông), bốn cửa ô kia chỉ còn lại trong hoài niệm của người Hà Nội. dấu vết một số đoạn thành đất của thành thành Thăng Long xưa vẫn còn như đường Đại La, Hoàng Hoa Thám, La Thành.

Tháng 12.2003, kết thúc việc khai quật một phần khu thành cổ, hơn 4 triệu hiện vật đã được phát hiện. Nhiều tầng văn hóa qua các triều đại suốt thời kỳ từ thế kỷ thứ 7 đến 19 về tòa thành Đại La - Thăng Long - Hà Nội đã phát lộ. Du khách có cơ hội tận mắt chứng kiến khi về thăm thủ đô.

Bắc Môn

Bắc Môn (Cửa Bắc) là cổng duy nhất còn lại trong khu Hoàng Thành của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn, nó có chức năng qua lại giữa Hoàng thành - khu triều chính và Kinh Thành là khu dân cư. Trước kia bên ngoài của Hoàng Thành còn có con kênh rộng chừng 20m.

Bắc Môn đã hoàn tất việc trùng tu tôn tạo và đang khai thác du lịch. Tuy nhiên vết tích quả đạn pháo từ tàu chiến của Pháp bắn ngày 25.4.1873 vẫn giữ nguyên trên mặt tường phía ngoài của Chính Bắc Môn.

Hai cánh cổng bằng gỗ đã được trùng tu, diện tích mỗi cánh 12m2, trọng lượng khoảng 16 tấn, chạy trên bánh xe bằng đồng nặng chừng 80kg.

Hậu Lâu

Hậu Lâu là một tòa lầu xây ở sau cụm kiến trúc chính – Hành Cung của thành Hà Nội. Hậu Lâu nằm ở phía sau và thuộc phía Bắc Hành Cung. theo phong thủy thì ngôi lầu có ý nghĩa giữ yên bình phía bắc Hành Cung nên mới có tên là Tĩnh Bắc Lâu. Tương truyền xưa kia mỗi lần vua đi tuần du thì lầu này là nơi nghỉ ngơi của công chúa nên còn có tên Lầu Công Chúa.

Đoan Môn

Đoan Môn là tên gốc, chưa bị thay đổi. Đây là cổng duy nhất nối Cung Thành và Hoàng Thành. Đoan Môn có cấu trúc theo kiểu tam quan cửa vòm cuốn. Cửa chính giữa chỉ dành cho nhà vua qua lại, hai cửa bên cho các đối tượng khác. Phía trên có vọng lâu được xây kiên cố bằng gạch, đá. Công trình được mở cửa đón khách tham quan từ tháng 10 năm 2001.

Cột cờ

Cột cờ xây dựng năm 1812 dưới triều vua Gia Long là một trong những công trình kiến trúc nằm trong khu vực thành cổ Hà Nội còn nguyên vẹn. hiện đang năm trong khuôn viên viện Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

Cột cờ gồm ba tầng đế, thân cột và đỉnh, thân cột cờ có cầu thang xoáy ốc bên trong dẫn lên tới đỉnh. Ba tầng đế là ba khối chóp vuông cụt chồng lên nhau, dưới to trên nhỏ. Trên mặt tầng ba là thân cột cờ cao khoảng 20m hình khối lục lăng. Đỉnh cột cờ hình khối bát giác có trụ để cắm cờ.

Kết quả bước đầu khai quật tầng văn hóa

Tầng văn hóa là các lớp đất có chứa các di tích và di vật lịch sử văn hóa của thành Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Đó là “giấy thông hành” để các nhà khảo cổ học tìm hiểu quá khứ dân tộc một cách chính xác.

Trên toàn khu vực, vị trí nào cũng xuất lộ các tầng văn hóa có chứa các dấu tích lịch sử và văn hóa của thành Thăng Long - Hà Nội trong khoảng hơn 1.300 năm lịch sử. Nhìn chung lớp đất văn hóa này thường xuất hiện ở độ sâu khoảng từ 1m trở xuống và dày từ 2m à 3,5m. Tại vị trí của một số hố khai quật như hố A10 – A11, B3 – B9 và D4 – D6 có thể nhận ra được di tích của các thời đại chồng lên nhau. Ví dụ tiêu biểu là vị trí hố B3. Tại vị trí này, có thể thấy rõ trật tự văn hóa qua các thời như sau:

- Từ độ sâu 0,9m à 1,9m đã gặp lớp văn hóa thời Lê có niên đại thế kỷ 15 - 18.

- Từ độ sâu 1,9m à 3m là lớp văn hóa thời Lý và thời Trần (thế kỷ XI – XIV). Tại đây còn có vị trí có dấu tích một nền gạch vuông thời Trần chồng hẳn lên nền gạch vuông thời Lý qua một lớp đất đắp dày 12m à 15cm.

- Từ độ sâu 3m đến khoảng hơn 4,2m là lớp văn hóa thời Bắc thuộc, được gọi là thời Đại La, hay còn gọi là thời kỳ Tiền Thăng Long (thế kỷ VII – IX).

Dĩ nhiên sự thay đổi của các tầng văn hóa ở nhiều vị trí khác là khá phức tạp và không giống nhau, nhưng trên đại thể, diễn trình văn hóa tiêu biểu của di tích như vậy.

Các dấu tích kiến trúc tiêu biểu

Ở trong các tầng văn hóa đều tìm thấy những di tích kiến trúc đặc trưng cho các thời Tiền Thăng Long, thời Lý, thời Trần, thời Hậu Lê.

Dấu tích kiến trúc sớm nhất thuộc thế kỷ VII – IX. Đó là vết tích của các nền kiến trúc xếp bằng gạch màu xám và các chân đá tảng. Những dấu tích này đã tìm thấy ở khu A5, A, B3, D2, và D6, mà tiêu biểu nhất là ở hố B3. tại đây xuất hiện một vết tích kiến trúc lớn. Kiến trúc này hiện còn giữ được 4 cột gỗ lớn đang dựng trên các chân đá tảng. Các cột này cao 1,61m, chu vi khoảng 1,32m. Có một cột gỗ nhỏ hơn được kê trên một thanh gỗ và các viên gạch bìa màu xám. Ngoài ra còn 2 chân đá tảng khác đã xuất lộ nhưng bị mất cột gỗ. Các chân tảng đều là một khối đá hình chữ nhật dài 96cm, rộng 72cm được gia công đơn giản, không có trang trí. Các cột này cách nhau 3,8m tính từ tim cột. chiều dài bắc – nam của các cột gỗ này khoảng 35m đã cho thấy mặt bằng của kiến trúc này khá lớn.

Dấu tích kiến trúc thời Lý được xác định rõ nhất là ở khu A20: ở đây có hai nền kiến trúc được phân cách với nhau bằng một sân nền lát gạch vuông. Hiện nay, chưa xác định rõ quy mô của kiến trúc này bởi hố khai quật còn vướng nhà dân và mặt bằng kiến trúc còn đang có xu hướng phát triển về phía đường Hoàng Diệu. Đặc trưng của cả hai dấu tích kiến trúc này được xác định bởi các viên gạch bìa màu đỏ bó thềm và chân đá tảng hoa sen.

Hàng gạch bó thềm hiện còn cao 47cm, rộng 88cm, được xây xếp bởi 9 hàng gạch. Các viên gạch đều có màu đỏ nhạt, diềm một số viên gạch có in hình chữ Hán, kích thước 40cm x 19,5cm x 4,5cm.

Có 10 chân đá tảng hoa sen đang được đặt nguyên tại chỗ trên các móng trụ gia cố bằng sỏi và gạch rất chắc chắn. Chân tảng hình vuông (65cm – 73,5cm x 65cm – 74cm), mặt tảng hình tròn (đường kính 41cm – 49cm), xung quanh có chạm 14 cánh sen dáng thon dài, nét chạm thanh tú. Loại chân tảng cánh sen này tương tự như các chân đá tảng hoa sen ở tháp Tường Long (Hải Phòng) năm 1057, tháp Chương Sơn (Nam Định) năm 1107.

Ở khu A1, còn xuất lộ gần hết một kiến trúc rất lớn dài hơn 60m, rộng 20m với hơn 40 trụ móng hình vuông (1,3m x 1,3m) được gia cố bằng sỏi và gạch ngói vụn tương tự như kiến trúc ở khu A20. Kiến trúc này được sử dụng trong cả thời Lý và thời Trần. Vào cuối thời Trần, kiến trúc bị cháy và thay vào đó một kiến trúc khác nhỏ hơn và một hồ nước nhỏ ở đây.

Ở khu B, cũng tìm thấy nhiều vết tích kiến trúc, trong đó bước đầu đã tìm thấy quy mô khá hoàn chỉnh một kiến trúc có chiều dài hơn 60m, rộng 9m thuộc thời Lý – Trần với hơn 42 móng trụ sỏi được phân thành 11 gian, 2 chái. Đây là một kiến trúc có quy mô hoàn chỉnh nhất ở khu vực.

Tại hố B16 cũng đã tìm thấy một nền kiến trúc có chân đá tảng hoa sen thời Trần và một nền kiến trúc có chân đá tảng thời Lý.

Ở khu C, tuy chưa khai quật được nhiều, nhưng hố thăm dò C3 đã xuất lộ móng trụ vuông được gia cố bằng gạch vuông và sỏi mỗi cạnh dài 1,4m có niên đại thời Lý.

Ở khu D, tuy diện tích khai quật chưa lớn nhưng có thể thấy nét đặc sắc của di tích ở đây là có những kiến trúc được viền các dải hình hình “hoa chanh” được xếp bằng các loại ngói có niên đại thời Trần. Ở hố D7 có mảng nền gạch còn nguyên cả 2 viên gạch chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” nghĩa là gạch được chế tạo đời vua Lý thứ 3 (Lý Thái Tông) năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057).

Ở cả khu A và khu B đều tìm thấy dấu tích một loại kiến trúc được tạo bởi 7 móng trụ, trong đó có một móng trụ ở giữa hình vuông, xung quanh là 6 móng trụ tròn. Bảy móng trụ này tạo thành một mặt bằng kiến trúc hình tròn (đường kính 3,74m). Có nhà nghiên cứu gọi đó là vết tích của kiến trúc kiểu “lầu lục giác” ở ven sông vì ngay cạnh các kiến trúc này là vết tích của một dòng sông cổ. Hiện đã tìm thấy 11 cụm móng trụ kiến trúc như vậy, phân bố dọc theo sông và kiến trúc lớn A1.

Các kiến trúc đều được bố trí các đường cống thoát nước. Có loại cống thoát nước của một kiến trúc có kích thước nhỏ, có loại cống thoát nước cho cả một khu vực thì kích thước lớn hơn. Các cửa cống đều có xu hướng đổ ra sông hoặc hồ.

Một hệ thống các di tích giếng nước đã tìm thấy 9 chiếc gồm: 1 giếng có niên đại thế kỷ VII – IX, 1 giếng thời Lý, 2 giếng thời Trần, 3 giếng thời Lê, 2 giếng được làm vào thời Lê – Nguyễn.

Di tích mộ táng có một mộ táng khoảng cuối thời Trần, 3 mộ thuộc thời Lê – Nguyễn, 1 mộ cuối thời Nguyễn và một số bộ di cốt rải rác ở khu B. Những mộ táng này đang được nghiên cứu về mặt nhân chủng và niên đại. Đáng lưu ý nhất là mộ táng ở khu B, độ sâu khoảng 2,1m nằm ngay bên dưới chân tảng đá hoa sen. Mộ này có hai di cốt em bé khoảng 8 – 9 tuổi. Di cốt chôn về hướng đông hơi chếch bắc khoảng 15o.

Đánh giá sơ bộ giá trị của di tích.

1. Đây là lần đầu tiên, một phức hệ di tích – di vật của một bộ phận trung tâm hoàng thành Thăng Long và thành Hà Nội xưa đã được phát lộ với một diễn biến văn hóa vật chất liên tục từ thành Đại La thuộc thời Đường và thời Đinh – Tiền Lê đến Hoàng thành Thăng Long – Đông Đô – Đông Kinh thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng rồi thành Hà Nội.

Sở dĩ có thể xác định được đây là một bộ phận của trung tâm Hoàng Thành thành Thăng Long thời Lý - Trần – Lê, vì các lý do sau:

- Tại các vị trí nhiều hố khai quật đều tìm thấy các dấu tích kiến trúc và di vật thuộc thời Lý - Trần – Lê nằm chồng lên các di tích kiến trúc và di vật thời Đại La – Tống Bình (thế kỷ VII – IX). Điều đó chứng minh rất rõ lời của vua Lý Thái Tổ trong Chiếu dời đô đã nói tới việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên kinh đô là thành Thăng Long.

- Hệ thống hàng chục dấu tích nền móng kiến trúc ở đây đều được xây dựng rất kiên cố, trong đó có kiến trúc khá lớn với diện tích hàng nghìn mét vuông được suy đoán là các kiến trúc của Hoàng Thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Suy đoán này căn cứ vào vị trí của các kiến trúc phân bổ khá gần điện Kính Thiên về phía Tây. Theo sử cũ thì các triều Lý - Trần – Lê đã cho xây dựng ở khu trung tâm quanh điện Càn Nguyên (điện Thiên An thời Lý – Trần) và điện Kính Thiên thời Lê nhiều cung, điện, lầu gác, chùa quán để làm nơi làm việc của triều đình và nơi nghỉ ngơi, thưởng ngoạn của hoàng gia.

Theo Việt sử lược (thế kỷ XIV) thì năm 1010, bình đồ Hoàng Thành Thăng Long được vua Lý Thái Tổ xây dựng như sau: chính giữa là điện Càn Nguyên (sau đổi thành điện Thiên An, sau nữa vua Lê Thái Tổ đổi thành điện Kính Thiên); phía đông có điện Tập Hiền và cửa Phi Long, phía tây là điện Giảng Vũ và cửa Đan Phượng, phía nam là Cao Điện, thềm Long Trì, hai bên Long Trì có hành lang, phía bắc (sau điện Thiên An) có hai điện Long An và Long Thụy, cạnh hai cung điện này phía đông có điện Nhật Quang, phía tây là điện Nguyệt Minh, sau nữa lại có cung Thúy Hoa. Ngoài ra, còn có chùa Hưng Thiên, lầu Sao Ngũ Phượng (Ngũ Phụng tinh lâu). Năm 1011 xây tiếp cung Thái Thanh, chùa Vạn Tuế, nhà chứa kinh Trấn Phúc.

Năm 1017, do điện Càn Nguyên bị động đất, Lý Thái Tổ đã thiết triều ở các cung điện phía đông. Cùng năm, đông điện bị sét đánh, vua lại thiết triều ở các điện phía tây (theo Đại Việt sử ký toàn thư thì cũng năm này, vua cho xây dựng ở phía Tây ba điện nữa).

Năm 1029, vua cho sửa chữa và xây dựng lại điện Thiên An và xây lại các cung điện ở đây: phía đông có điện Tuyên Đức, phía tây có điện Thiên Phúc, phía trước có Long Trì, phía đông Long Trì có điện Văn Minh, phía tây có điện Quảng Vũ và hai chung lâu (lầu chuông); phía nam có điện Phụng Tiên, trên có lầu Chính Dương, phía bắc có điện Trường Xuân và Long Các.

Năm 1203, đời vua Lý Cao Tông xây cung mới ở phía tây: chính giữa có điện Thiên Thụy, quanh điện này phía đông có điện Dương Minh, tây có điện Thiềm Quang, nam có điện Chính Nghi, trên có điện Kính Thiên và thềm Lệ Giao; phía nam có cửa Vĩnh Nghiêm, phía tây có cửa Việt Thành, phía bắc có điện Thắng Thọ, trên có gác Thắng Thọ, phía đông có gác Nhật Kim, phía tây có gác Nguyệt Bảo và tòa Lương Thạch, nhà Dục Đường, gác Phú Quốc, cửa Thấu Viên, ao Dưỡng Ngư, trên ao có đình Ngoạn Y, “ba mặt đình trồng hoa thơm cỏ lạ, nước ao lại thông với sông, cách chạm trổ, trang sức khéo léo, công trình thổ mộc đẹp đẽ, xưa chưa từng có vậy”.

Đây mới chỉ là một vài ví dụ về việc xây dựng kiến trúc trong Hoàng thành thời Lý, chưa kể đến các đợt xây dựng trong thời Trần và thời Lê. Do sử cũ ghi lại ở khu vực phía tây điện Kính Thiên (tức là điện Thiên An thời Lý – Trần) xây dựng dày đặc các cung điện, lầu gác, chùa tháp như vậy, nên những dấu vết kiến trúc tìm được ở đây có thể là dấu tích của các cung điện và lầu gác của Hoàng Thành Thăng Long xưa.

Sự suy đoán này còn được dựa vào hệ thống di vật tiêu biểu ở đây. Đó là các loại vật liệu xây dựng như chân tảng hoa sen, các loại ngói, gạch, các loại tương tròn và phù điêu trang trí hình rồng, phượng… đều mang tính biểu trưng cho việc trang trí các kiến trúc cung đình; các loại đồ dùng bằng gốm sứ cao cấp với hoa văn tinh mỹ, trong đó có những đồ sứ thời Lê Sơ có ghi ký hiệu chữ “Quan”, chữ “Kính” và trang trí hình rồng có chân 5 móng, hình chim phượng, chỉ rõ là đồ dùng dành riêng cho nhà vua và hoàng hậu.

Việc tìm thấy những đồ ngự dụng dành cho vua và hoàng hậu đã góp thêm một bằng chứng quan trọng để từ đó có thể đưa ra giả thuyết rằng dấu vết kiến trúc lớn ở khu vực khai quật có thể là những cung điện của Hoàng cung.

Dĩ nhiên, để làm rõ tên và chức năng của từng dấu tích theo ghi chép của sử cũ cần phải có nhiều thời gian, đặc biệt là cần phải được khai quật nghiên cứu khảo cổ học trên một diện rộng lớn hơn. Nhưng với tất cả các cứ liệu hiện có, đã có thể khẳng định các dấu tích kiến trúc đã tìm thấy là một bộ phận của quần thể kiến trúc trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần – Lê nằm ở phía tây của di tích điện Kính Thiên.

2. Những di tích – di vật nêu trên có bề dày lịch sử hơn 1.300 năm, từ thế kỷ VI – VII đến XIX, đã cho phép hình dung được phần nào vị trí, quy mô và diện mạo Hoàng Thành Thăng Long dưới thời Lý - Trần – Lê, thành Hà Nội thời Nguyễn.

Quy mô của Hoàng Thành Thăng Long, nếu quan niệm đó là vòng thành trong được vẽ trên bản đồ thời Lê, theo quy hoạch của giới khảo cổ học Việt Nam sẽ ở khoảng chừng như sau:

- Phía bắc là đường Phan Đình Phùng.

- Phía nam là đường Trần Phú

- Phía tây là đường Ông Ích Khiêm

- Phía đông là đường phố Thuốc Bắc

Quy mô đó ước khoảng 140ha dưới thời Lê. Trước đó thời Lý - Trần có thể xê dịch hơn hoặc kém diện tích đó một chút. Đến thời Nguyễn thì thu nhỏ lại khoảng 100ha.

Trong Hoàng thành, có nhiều loại hình kiến trúc. Đợt khai quật vừa qua cho thấy ở khu tây, các kiến trúc đó bố trí thành nhiều tầng, nhiều lớp chạy song song theo hướng Bắc – Nam. Xen giữa các lớp kiến trúc hoặc từng kiến trúc đó có song, có hồ để thoát nước và tôn tạo cảnh đẹp.

3. Những di tích và di vật kiến trúc, vật dụng cung đình, đồ gốm, vũ khí… tìm được ở khu vực khai quật chứng tỏ nghệ thuật thời Lý - Trần – Lê đã đạt trình độ cao. Bắt nguồn từ thời Đinh – Lê, nghệ thuật thời Lý đạt tới đỉnh điểm của sự tinh mỹ và quy phạm, nghệ thuật thời Trần thiên về khỏe mạnh, phóng khoáng, nghệ thuật thời Lê nhịp độ thay đổi nhanh và càng ngày càng đơn giản.

Các di tích, di vật vừa tìm thấy ở Thăng Long cũng phản ảnh rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Ví dụ hình rồng thời Lý, thời Trần thường có bộ phận mào và lôi văn hình chữ S mà rồng Trung Quốc không có. Hoặc bộ mái kiến trúc thời Lý - Trần thường có gắn các loại lá đề có hình rồng phượng mà các bộ mái kiến trúc ở các nước láng giềng cũng không có. Hầu hết các hình tượng trang trí, các đồ án hoa văn đều hiển lộ sắc thái Việt Nam rõ ràng như vậy.

Nhiều loại di vật khác lại phản ánh mối quan hệ giao lưu giữa Thăng Long với các vùng trong nước và giữa Thăng Long với thế giới bên ngoài. Thời Trần, tại đây đã tìm thấy gốm Thiên Trường ở Nam Định. Thời Lê, bên cạnh gốm sản xuất tại Thăng Long còn có nhiều loại gốm được sản xuất ở Hải Dương. Qua thương mại, nhiều đồ gốm Trung Quốc thế kỷ VII – IX đến thế kỷ XIX được du nhập vào nước ta và Thăng Long. Gốm Hizen (Nhật Bản) nửa cuối thế kỷ XVII cũng có mặt. cũng phát hiện những mảnh gốm ở các khu vực xa hơn như gốm Islam từ khu vực Trung Đông. Gốm Chăm, gạch Việt có chữ Chăm cổ đã phản ánh sống động mối quan hệ Việt – Chăm lâu dài trong lịch sử.

4. Với các giá trị của những di tích – di vật đã phát hiện, có thể coi đây là một bộ phận trong tổng thể di sản văn hóa vô giá của Hoàng thành Thăng Long và thành Hà Nội xưa.

Những di tích – di vật đó càng tăng thêm giá trị khi được đặt trong mối liên hệ với quần thể di tích ở khu vực này như: Cột Cờ, Đoan Môn, Kính Thiên, Hậu Lâu, chùa Một Cột, các di tích của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội trường Ba Đình, Hệ thống di tích về chủ tịch Hồ Chí Minh… Quần thể di tích lịch sử này sẽ là biểu trưng cho lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử Thủ đô nói riêng một cách độc đáo, phong phú và hấp dẫn. Việc nghiên cứu và tôn tạo khu di tích này sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy những truyền thống tốt đẹpcủa cha ông, nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bùi Đẹp

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội

NHỚ VỀ HÀ NỘI

“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội...”

Đây là lời mở đầu của một ca khúc viết về Hà Nội nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Một cảm giác lạ lùng, man mác ẩn hiện trong lòng tôi, nhớ lại thời niên thiếu xa xưa ấy... Tôi sinh ra ở Pháp Vân, Thanh Trì, Hà Đông, rồi quê tôi sáp nhập vào Hà Nội, cách Hồ Hoàn Kiếm khoảng bảy cây số. Đây là vùng nổi tiếng với Bánh cuốn Thanh Trì, Bún Lươn, Bún Ốc...

Đây là quê hương của danh tướng Phạm Tu (được tôn là Thượng Thủy tổ họ Phạm VN), đã từng giúp Lý Bí đánh thắng quân Lương, xưng là Lý Nam Đế, lập nên vương triều Tiền Lý cùa nhà nước Vạn Xuân độc lập, rồi chỉ hơn một năm thì nhà Lương phát binh xâm lược trở lại. Lý Nam Đế mất, giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục. Ông xưng là Triệu Việt Vương , sau đó, một người trong họ của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử đã đoạt quyền của Triệu Việt Vương và tự xưng là Hậu Lý Nam Đế, tiếp tục bảo vệ nền tự chủ.

Đây cũng là quê hương của Chu Văn An, cao sĩ, học giả đời Trần. Đời Trần Minh Tông, ông làm Quốc tử giám Tư nghiệp và dạy các con vua. Đời Trần Dụ Tông, ông dâng sớ xin chém 7 tên quyền gian, vua không nghe, ông từ chức về Chí Linh, Hải Dương dạy học. Tuy từ quan. song chỉ khi nào nhà nước có việc triệu hồi, ông mới chịu đến. Khi Chu Văn An mất, ông được thờ nơi Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Tôi nhớ về Hà Nội thời mới bỡ ngõ cắp sách đi học lớp năm (lớp 1) trường tiểu học Nguyễn Du , phố Bắc Ninh (nay đổi là trường Hàng Vôi, phố Hàng Vôi, Hà Nội). Thật là một ngôi trường uy nghi, bệ vệ với hai tầng, kiến trúc theo kiểu Pháp, điều này khiến cho một cậu học sinh bé bỏng càng run sợ, lúng túng trong buổi đẩu tiên tôi đi học; như nhà văn Thanh Tịnh đã viết: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng...”

“Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu một thời đạn bom một thời hòa bình...”

Với sự thăng trầm cùa lịch sử, Hà Nội đã trải qua biết bao thời kỳ đạn bom thời Toàn quốc Kháng chiến, qua 10 ngày chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã giành thế chủ động, làm cho quân Pháp bị thiệt hại nặng, đã làm thất bại âm mưu đánh chiếm thành phố của Pháp. Sau khi đã giam chân địch được 2 tháng, thấy nhiệm vụ kìm chân, tiêu hao địch đã đạt yêu cầu và cần phải bảo vệ lực lượng, nên cấp trên quyết định để Trung đoàn Thủ đô rút lui ra ngoài.

Thời kỳ Mỹ thả bom Miền Bắc, Hà Nội đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, đã lập nên trận “Điện biên Phủ trên không”, làm chấn động dư luận thế giới, bị thất bại nặng nề, Mỹ phải ngừng ném bom và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh. Cuối cùng, Hà Nội được sống trong thời kỳ hòa bình từ sau Hiệp đinh Geneve và sau ngày Tổ quốc thống nhất cho tới nay.

“Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du, những đêm Hoa sữa thơm nồng...”

Việc đi học của tôi ở trường Nguyễn Du đang dệt trong tôi biết bao ước mơ thời niên thiếu thì tôi phải chuyển sang trường Trần Nhật Duật- mới xây xong- nằm cạnh phòng tắm công cộng, gần cầu Long Biên. Thế là tôi đành chia tay với một số bạn, vì chỉ một số học sinh đang sống từ đoạn phố từ Hàng Thùng tới Trần Nhật Duật mới phải chuyển trường. Lần đầu tiên trong đời cậu học sinh lớp Ba mới biết thế nào là chia tay bạn bè ,như nhạc sĩ Dzoãn Mẫn viết: “Biệt ly nhớ nhung từ đây. Chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay?”.

Học ở trường mới được một niên khóa, vì gia đình thân phụ dọn nhà, nên tôi lại phải chuyển về học tại trường tiểu học Quang Trung, tọa lạc gần góc phố Quang Trung và phố Nguyễn Du, nhìn ra hồ Thiền Quang. Trái tim tôi trải qua mấy cuộc chia tay, biệt ly nho nhỏ đó cũng khiến tối bớt buồn bã, chán nản đôi chút. Chính trong lúc đang hoc lớp Nhất tại trường Quang Trung, thì ngày Giải phóng Hà Nội đến. Tất cả học sinh trường tôi đi bộ ra phố Huế để đón Bộ đội tiến về Hà Nội, không khí thật là tưng bừng, náo nhiệt vang khắp phố phường Hà Nội, một cảm giác lâng lâng, tự hào mà khó có thể tôi quên được. Tôi cứ tưởng tượng ra không khí vang lừng, hãnh diện đó, như trong bài hát “Tiến về Hà Nội”, nhạc sĩ tài hoa Văn Cao đã viết: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố... Năm Cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh.”

Sau ngày vui đó khoảng 2 tháng, tôi cùng các bạn học sinh trường Quang Trung và các trường khác tại Hà Nội cùng nhau đến Vườn Bách thảo để dự Lễ mừng Cụ Hồ và Chính phủ trở về Thủ đô. Từ đây, Hà Nội sống trong thời kỳ hòa bình đầu tiên...

Khu vực phố Nguyễn Du nổi tiếng với những hàng cây hoa sữa, có hoa màu trắng như sữa, mùi thơm nồng, đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ có những sáng tác mang hoa sữa vào ca khúc của họ. Và hoa sữa cũng từng chứng kiến biết bao những cặp đang yêu, đến tình tự, thề nguyện sẽ yêu nhau trọn đời...

“Và nhớ tiếng leng keng Tầu sớm khuya, hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy.”

Đối với tuổi niên thiếu của đa số học sinh chúng tôi là Đi tầu điện, từ trạm đầu nằm ở cuối phố Bạch Mai, tầu điện chạy qua hết phố Bạch Mai, phố Huế, qua bờ hồ Hoàn Kiếm (phố Đinh Tiên Hoàng) tới phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường... Tầu điện cũng chạy đến khu vực Đống Đa và Cầu Giấy, lúc đó hai nơi này còn là khu ngoại ô của Hà Nội. Gia đình thân phụ tôi sinh sống ở phố Hàng Mắm, phố Hàng Thùng, phố Bắc Ninh (nay là Hàng Vôi) nên tôi thường cuối tuần nào cũng đi tầu điên về phố Bạch Mai, lên tầu ở trạm Bờ Hồ, gần nhà Thủy Tạ. Tiếng leng keng vang lên inh ỏi của tầu điện khi tài xế đạp lên còi để xe cộ, khách bộ hành tránh xa đường ray của tầu, vì đường tầu nằm ngay trên đường phố mà tầu điên chạy qua, đó cũng là lý do ngày nay tầu điện bị dẹp bỏ và tàu điện chỉ còn là một ký ức đẹp trong tâm khảm của người Hà Nội.

Sau đó, thân phụ dọn nhà về phố Hàng Điếu, phố Trương Hán Siêu (ngay sau lưng trường Quang Trung, nên tôi đã học tại trường này), tôi cùng bạn bè rủ nhau đi bộ từ phố Quang Trung, rồi rẽ phố Thợ Nhuộm tới phố Hàng Bông và phố Cấm Chỉ, trước mắt là Vườn hoa Cửa Nam, tuy nhỏ nhưng chúng tôi được các vị lớn tuổi kể rằng chính tại Vườn hoa Cửa Nam có dựng một bức tượng Nữ thần Tự do (Cùng do Barthodie thiết kế như tượng Tự do nổi tiếng ở New York (hai phiên bản đặt tại Hà Nội và Paris chỉ cao gần 3m thôi). Việc Pháp đặt tượng tại đây đã làm thay đổi cảnh quan xưa, gây nỗi hoài niệm cho các nhà nho qua bài thơ:

Nhớ Quảng Văn Đình tớ đến nghe,

Câu kệ chẳng thấy, thấy Đầm xòe (Tượng Tự do)

Thập điều bặt tiếng ê a giảng,

Choáng óc kèn tây rúc tí toe

Khi Nhật hất cẳng Pháp, tượng Nữ thần Tự do bé nhỏ đó đã bị hạ bệ, lấy đồng để đúc tượng A-di-đà chùa Ngũ Xá. Hà Nội. Thật là tiếc nuối làm sao!

“Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm, nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng...”

Vì sống ở gần Hồ Hoàn Kiếm tức Hồ Gươm, tôi có rất nhiều kỷ niệm với Hồ Gươm, với đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc cùng với tháp Bút và đài Nghiên. Hai di tích này do Nguyễn Văn Siêu, một nhà văn hóa lớn của Hà Nội, đã xây một tháp đá mà đỉnh là hình ngọn bút lông, trên thân tháp có tạc ba chữ “Tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) và một đài Nghiên, là một cửa cuốn trên có đặt một cái nghiên bằng đá, tạc theo hình nửa quả đào. Qua Đài Nghiên là đến cầu Thê Húc (nơi đậu lại ánh sáng mặt trời ban mai). Đầu cầu bên kia là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) tức cũng là cổng đền Ngọc Sơn. Đền là nơi thờ Văn Xương, Quan Vũ và Trần Hưng Đạo. Trước mặt bái đường là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng), tại đây, cậu bé học trò lớp Ba đã ra đây, leo ra bờ đất bao quanh Đình, lấy đất sét về nặn tượng hình thú vật, hình lá cây, để nộp bài Thủ công cho thày giáo.

Xa trông, góc tây nam hồ là gò Tháp Rùa. Tôi nhớ lại là có một lần duy nhất, khoảng năm 1953, Hà Nội có tổ chức Chơ Phiên ngay tại phố Lê Thái Tổ, nằm ven bờ hồ, chính tại Chợ Phiên, khách tham quan có thề mua vé để đi qua chiếc cầu Rồng - bằng phao làm dã chiến trên các thùng phuy nổi trên hồ, sang bên Gò, bước xuống thảm cỏ xanh mướt quanh Tháp Rùa cổ kính, để thăm nơi cùa các Cụ Rùa, lâu lâu bò lên nằm tắm nắng, đảo mắt ngắm hồ Gươm và thủ đô của chúng ta. Đây đúng là một dịp hi hữu mà tôi đã có cơ hội ra thăm Tháp Rùa. Hơn nữa, vì trường Nguyễn Du – nơi tôi theo học - nằm ở gần Hồ Gươm, nên tôi đã có vài dịp, cùng các bạn học cùng trường, Rước Đèn màu sắc rực rỡ, ánh nến lập lòe xuyên qua giấy bóng kính nhiều màu sáng loáng, vào đúng đêm Rằm trăng tròn của Tết Trung thu.

Biết bao kỷ niệm về Hồ Hoàn Kiếm đã khắc sâu vào trong lòng tôi - một câu bé học sinh tiểu học vô tư, ngây thơ - cho đến nay, da dẻ nhăn nheo, tóc đã nhuốm hai màu, vẫn không bao giờ phai mờ theo năm tháng...

Cuối cùng, lời kết của Ca khúc:

“Thành cũ Thăng Long, hồn nước non thiêng, còn lắng đâu đây, dấu xưa oai hùng, Hà Nội ơi!

Trước đây, thành phố này đã từng là kinh đô Cổ Loa, nước Âu lạc đời An Dương Vương , kinh đô Mê Linh nước Hùng Lạc đời Trưng Nữ Vương, kinh đô Long Biên nước Vạn Xuân đời Tiền Lý, kinh đô Thăng Long nước Đại Việt đời Lý Thái Tổ , kinh đô Đông Đô đời Lê Sơ và đời nhà Mạc, kinh đô Đông Kinh đời Lê Trung hưng và đổi là Bắc thành đời Tây Sơn và đời Nguyễn.(Vua Minh Mạng đổi tên là Hà Nội). Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam cho đến ngày nay.

PHẠM VŨ

Phố cổ Hà Nội (Tư liệu)

Nguyễn Văn Vĩnh

Bài viết này được trích từ cuốn Lịch sử, sự thật và sử học (Tạp chí Xưa&Nay, Nhà xuất bản Trẻ, 12/1999) tập hợp một số bài viết trên tạp chí Xưa&Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bài viết nguyên bằng tiếng Pháp đăng trên tờ Annam Nouveau số 140 ngày 2/6/1932 của nhà báo-chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, đã được một bạn đọc dịch và gửi đến tòa soạn Xưa&Nay, góp phần giải thích về việc tìm hiểu khái niệm “Ba mươi sáu phố phường”.

Ủy ban của những người bạn của Hà Nội cổ của Hội Địa lý, tổ chức ở trong hội, với mục đích để tiến hành những nghiên cứu quá khứ của Thủ đô ở Bắc kỳ của chúng ta, chúng tôi mong muốn các bạn đọc tham gia đóng góp những trí nhớ của mình, của những người có tuổi đời trên năm mươi tuổi là chủ yếu, bởi vì những người trẻ như chúng ta không biết được là Hà Nội của chúng ta đã biến đổi, và trong đó có những khu phố cổ chỉ còn để lại rất ít dấu vết.

Đúng là có một bài hát được bắt đầu như sau:

“Hà Nội ba mươi sáu phố phường

Hàng mứt, hàng đường, hàng muối trắng tinh

Từ ngày ta phải lòng mình…”

Chúng tôi không phục hồi lại được nguyên văn đầy đủ cả bài hát đó, đã được dịch ra chữ quốc ngữ và in trong một quyển sách nào đó, hình như quyển của Chéon hay của Dumoutier, nhưng chúng tôi không tìm lại được.

Bài hát này theo chúng tôi không có tính chất diễn tả lại một cách đúng đắn. Ba mươi sáu được ghi ở đây, rất đơn giản chỉ để nói lên có rất nhiều phố và phường ở Hà Nội. Và bảng kê tên các phố phường chỉ để mua vui, vì trong thực tế có phố Hàng Đường, Hàng Muối, những phố này bây giờ cũng vẫn còn, nhưng chưa bao giờ có phố Hàng Mứt. Đây chỉ là một cách ghép cho vần điệu “trống quân”, là những bài hát ngẫu hứng của những người hát chơi và hát chuyên nghiệp trong những ngày tháng tám. Vào ngày Tết trăng tròn, trăng rất sáng trong ngày Trung Thu ở Viễn Đông, người ta đánh lên trên một giây căng ở trên một tấm ván hoặc một thùng dầu hỏa lật ngược để dùng làm thùng tăng âm. Bài hát tất nhiên gồm có nhiều bài khác nhau vô tận, ngày nay không thể nào sưu tầm lại tất cả.

Bài hát Trống quân được những người lính của Nguyễn Huệ sáng tạo ra để mua vui trong những lúc nhàn rỗi, cùng hát với những phụ nữ dễ tính, bao giờ cũng có cả một bầy ở chung quanh những trại lính.

Trống quân có nghĩa là: Trống của quân đội, hay là của những người lính, do những người lính sáng tạo ra bằng một cái giây căng tạo ra âm thanh, căng lên trên một mặt trống rỗng dùng làm thùng tăng âm.

Người đàn ông ứng khẩu một vài lời ve vãn, có nhiều hay ít vần rất phóng khoáng theo cách làm văn vần lục bát, câu thơ sáu tiếng rồi tám tiếng cứ xen kẽ nhau kéo dài vô tận, tiếng cuối cùng của câu tám tiếng phải vần với tiếng thứ sáu của câu sáu tiếng tiếp theo sau và cứ thế tiếp tục mãi đòi hỏi như vậy ba vần nối tiếp nhau, hết ba vần này lại tiếp ba vần khác. Lời văn rất nhẹ nhàng cho phép nhiều sáng tạo và kể chuyện dông dài, vừa tầm với những tâm hồn thô thiển, cũng vì vậy nó cho phép nâng cao lên tất cả các trình độ, kể cả tới văn truyện Kiều.

Người hát thứ nhất thách thức một người khác vào cuộc đấu thơ và một cô gái trả lời anh, nhiều khi láy lại vần cuối cùng của anh, để làm vần cả câu thơ đầu tiên của mình, sáu tiếng. Mỗi một người đối đáp cố hát luyến kép dài một cách đặc biệt tiếng hát bắt đầu của câu thơ cuối cùng để tạo ra cho người hát tiếp theo có đủ thời gian để chuẩn bị câu trả lời.

Nội dung là ái tình, nhưng ái tình ở nước ta, ngay cả trong tầng lớp thấp của xã hội, cũng là đi tìm kiếm những công lao trí thức, những người tình xông vào cuộc đấu, tự đặt ra cho nhau những câu hỏi, thật hóc búa làm cho những người tham dự hò reo phán khởi khi câu hỏi được giải đáp một cách xuất sắc.

Tất cả những điều đó có mục đích để nói lên với các bạn là chúng ta chỉ có thể dùng những tài liệu lấy ra từ những nguồn này để làm tài liệu tham khảo có một giá trị tương đối.

Một người hát có thể đặt ra cho cô bạn câu hỏi: Người tình ơi, cho tôi biết có bao nhiêu phố phường ở Hà Nội? Hãy kể ra những tên phố phường đó bằng những câu thơ hay? Và cô gái trả lời ngay không phải nghĩ ngợi gì cả, chỉ có ghép cho có vần:

Có ba mươi sáu phố phường và là những…

Những tên phố tên phường cứ thế nối tiếp nhau theo trật tự chỉ cốt để cho vần, được tìm ra trên đầu lưỡi.

Theo ý kiến tôi có một cách khác để lập danh mục những phố phường ở Hà Nội, nó chắc chắn hơn là những chỉ dẫn của bài hát này và những bài hát tương tự nhất định còn có rất nhiều.

Theo cách này trước tiên hãy thống kê những phố phường hiện nay vẫn còn tồn tại, cùng với các đình làng, những hội đồng kỳ mục, hoặc những người kế tục họ, vẫn còn tiếp tục giữ những tục lệ và lễ nghi ví dụ như: Đồng Xuân, Hà Khẩu, Phương Trung, Nghĩa Lập và vv…

Và xuống tận nơi hỏi han những tập thể Phường Xã không còn nữa do có sự biến động mở rộng thành phố, làm đường xá, đền bù đất đai, nên đã bỏ những tập quán cũ và vv…chỉ có ở trong tay những kỷ niệm mập mờ, không còn cái gì khác nữa. Chúng tôi kêu gọi các bạn độc giả hãy đánh giá đúng mục đích rất đáng trân trọng của Hội Địa lý chủ trương và giúp đỡ Ủy ban những người bạn của Hà Nội cổ để cố gắng phục hồi lại thực trạng của Thủ đô cổ của chúng ta.

Và dưới đây là bảng chỉ dẫn những tên phố phường mà chúng tôi đã sưu tầm được. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tất cả những chi tiếp rất hay về từng phố từng phường cổ, những ngôi đình hãy còn lại, những chùa thờ Phật, những nhà cổ hoặc công trình công cộng, tổ chức chính quyền, ngày lễ hội và mốc giới hạn vv…

Bảng thống kê sơ bộ chưa thật đầy đủ đã được trên 36 phố phường:

Đồng Xuân, Yên Tĩnh, Yên Thành, Yên Phụ, Yên Ninh, Tiền Trung, Vinh Hạnh, Phương Trung, Vĩnh Trú, Hà Khẩu, Thanh Hà, Văn Lâm, Thanh Ngộ, Thanh Miếu, Thái Cam, Thụy Khê, Thịnh Yên, Thiền Chung, Hàm Long, Tiên Tích (đường cái quan), Khán Xuân (Bách thú), Phủ Từ (Hàng Cót), Vĩnh Thuận, Cầu Đông, Yên Thái, Bảo Thiên, Kim Ngư, Gia Ngư, Nam Ngư, Cự Phú, Hà Trung (Ngõ Trạm), Đông Thổ.

Nguồn: Báo "L' Annam Nouveau", số 140 ngày 2/6/1932

BS. Nguyễn Lân Đính st

Phụ bản 3



MỪNG ĐẠI LỄ THĂNG LONG – HÀ NỘI
1000 NĂM TUỔI

1/- Người Khai sinh Kinh thành Thăng Long.

Đó là vua Lý Thái Tổ (974- 1028), người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, nay là xã Đình bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh. Trong ngót 20 năm làm vua, Lý Công Uẩn đã có một số đóng góp tích cực đối với lịch sử: Dời kinh đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, thấy Rồng bay nên vua đổi tên là Thăng Long; mở ra một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa mới cho đất nước; đặt nền móng xây dựng vương triều Lý thịnh trị, trên cơ sờ đó nâng cao hơn tư thế độc lập, tự chủ, cũng như khẳng định bản lĩnh và truyền thống lịch sử lâu đời của Tổ quốc, củng cố khối thống nhất dân tộc bằng cả quân sự lẫn chính trị.

2/- Lễ hội Phù Đổng.

Chính hội là ngày 9/4 âm lịch hàng năm. Đó là để kỷ niệm chàng Gióng, được tôn vinh là Phù Đổng Thiên Vương, quê quán ở làng Gióng tức làng Phù Đổng, nay thuộc huyện Gia Lâm- ngoại thành Hà Nội. Theo truyền thuyết, vào đời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân kéo sang xâm lược nước Văn Lang. Lúc bấy giờ ở làng Phù Đổng, có một cậu bé lên 3 tuổi mà vẫn chưa biết nói. Khi sứ giả của Nhà vua đến làng, cậu bé bỗng nhỏm dậy và bật nói: “Xin Vua ban một ngựa sắt và một roi sắt để đi diệt giặc”. Sau đó Gióng lớn như thổi, một mình ăn hết 3 nong cơm, 1 nong cà và vươn vai trở thành một chàng trai dũng mãnh. Chàng cưỡi ngựa sắt dùng roi sắt đánh tan giặc Ân. Khi giăc tan, chàng phi ngựa lên núi Sóc Sơn và bay lên trời. Nhớ công ơn chàng Gióng, dân làng đã lập đền thờ và tôn là Phù Đổng Thiên Vương.

3/- Lễ hội Đền Cổ Loa

Lễ hội diễn ra vào ngày 6/1 âm lịch, để kỷ niệm An Dương Vương đã có công xây thành Cổ Loa, nay thuộc địa phận xã Cổ Loa, huyên Đông Anh, Hà Nội. (vào khoảng thế kỷ 3 tr. CN). Đây là tòa thành đắp bằng đất, tương truyền có tới 9 vòng xoắn ốc, do đó gọi là thành Ốc. Ngày nay dấu tích còn lại của thành Cổ Loa chì còn có 3 vòng. Cổ Loa được coi là Kinh đô thứ hai của VN, sau Phong Châu, ở Phú Thọ, là Kinh đô của thời các Vua Hùng.

4/- Sự tích Hồ Hoàn Kiếm nằm giữa Hà Nội

Lê Lợi, sau khi chiến thắng quân Minh, giải phóng đất nước, trong một chuyến đi thuyền trên hồ Lục Thủy, có một con Rùa nổi lên và ngậm thanh gươm của Nhà vua, rồi lặn mất. Từ đó, Hồ được gọi là Hồ Hoàn Kiếm hoặc Hồ Gươm. Hồ này cũng được Lê Lợi dùng nơi huấn luyện thủy quân. Nơi mà Nhà vua đứng chỉ huy buổi huấn luyện thủy quân chính là Trấn Ba Đình, ở trong Đền Ngọc Sơn. Đền là nơi thờ Chu Văn An, Văn Xương, các học trò của Khổng Tử - một hòn đào nhỏ, xinh đẹp, nằm ở giữa Hồ Hoàn Kiếm. Cầu Thê Húc màu đỏ son- nằm sát với Tháp Bút và Đài Nghiên, tượng trưng cho việc Học hành của dân tộc – dẫn vào Đền Ngọc Sơn. Xa xa về bên phài Cầu là Tháp Rùa, một hòn đào nhỏ nhất trong Hồ Hoàn Kiếm - nơi các Cụ Rùa lâu lâu xuất hiện với người Hà Nội...

5/- Lễ hội Đền Đồng Nhân

Đền Đồng Nhân thuộc quận Hai Bà Trưng. Hà Nội, thờ Hai Bà Trưng là 2 vị anh thư đầu tiên đã khởi ngĩa chống quân Đông Hán giành độc lập cho đất nước. Tại đây hàng năm thường mở Lễ hội vào ngày 5/2 âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà. Nghi thức có lễ tắm tượng, lễ rước, tế múa đèn tiến hành rất trang nghiêm, đặc sắc. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc vui tươi.

6/- Đời Lý, Bà Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt nổi tiếng đều là người Hà Nội

Đó là bà Ỷ Lan (? – 1117), tên là Lê thị Khiết, nguyên quán tại trang Thổ Lỗi, nay có thể là huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ỷ Lan đã 2 lần làm nhiếp chính. Lần thứ nhất, Bà nhiếp chính để vua Lý Thánh Tông đi đánh giặc ở phương Nam và chiến thắng. Lần thứ hai, khi Lý Thánh Tông mất (1072), Nhân Tông mới 7 tuổi lên ngôi, Bà nhiếp chính và đã cùng Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Tống xâm lược.

Lý Thường Kiệt (1019- 1105) chính gốc ở làng Bình Sa, phía nam Hồ Tây. Ông tên là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được ban họ vua, thành ra Lý Thường Kiệt. Năm 1075, Ông chủ động tấn công, phá tan đồn lũy các châu Khâm, Ung, Liêm tiêu hủy phần lớn các căn cứ hậu cần của quân Tống. Năm 1077, Ông lại tổ chức phòng tuyến sông Cầu, với bài thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đằng hành khan thủ bai hư.

được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc VN. Ông chiến đấu, đánh thắng cuộc xâm lược nước ta của nhà Tống.

7/- Lễ hội Đống Đa

Gò Đống Đa thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Lễ hội hàng năm diễn ra vào ngày 5/1 âm lịch. Đây là lễ hội chiến thắng, mừng chiến công lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do vua Quang Trung , người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo. Cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Sau đám rước “Rồng lửa Thăng Long” là lễ dâng hương, lễ đọc văn. Hội còn có nhiều trò vui, đua tài, đua trí trên sân bãi tại Gò Đống Đa lịch sử.

8/- Hà Nội có 5 Cửa Ô.

Mọi người Hà Nội đều có thể nêu tên chí ít là 7 cửa Ô: ô Yên phụ, ô Cầu giấy, ô Chợ dừa, ô Đồng lầm, ô Cầu dền, ô Đông mác, ô Quan Chưởng. Nhạc sĩ Văn Cao đã viết: “Năm cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về... “trong ca khúc ‘Tiến về Hà Nội”, từ đó, thơ văn quen viết “ 5 cửa Ô “Sử ghi rằng, đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa Ô, đến năm 1831, còn 15 cửa Ô, tới nay chỉ còn lại ô Quan Chưởng là còn nguyên vẹn.

9/- Hà Nội trước đây từng có Tượng Nữ thần Tự do.

Năm 1884, nhân dân Pháp trao tặng Tượng Nữ thần Tự do (cao 46m- bục cao 47m) cho nhân dân Mỹ để kỷ niệm 100 năm Độc lập vào năm 1886. Bức tượng này do Federic Barthodie thiết kế, ông còn làm thêm 2 phiên bản, cao 2,85m. Một phiên bản đến nay vẫn còn đứng vững trên cù lao Thiên nga trên sông Sein, gần Paris . Một phiên bản khác được đưa đến Hà Nội tham gia Hội chợ năm 1887, sau đó Tượng Nữ thần ở luôn VN, đặt tại vườn hoa Cửa Nam. Pho tượng dựng ở đó gần nửa thế kỷ, chứng kiến biết bao thăng trầm của 36 phố phường Hà Nội. Ngày 1/8/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, lập chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật, tượng đài bị hạ bệ và được đem đúc tượng A-di-đà ở chùa Ngũ Xá. Thật đáng tiếc!

10/- Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội.

Thành cổ Thăng Long đã từng tồn tại trong nhiều thế kỷ, xưa có ba vòng (tam trùng thành quách). Tháng 12/2003, Hoàng thành được khai quật, hơn 4 triệu hiện vật đã được phát hiện. Nhiều tầng văn hóa qua các triều đại suốt thời kỳ từ thế kỷ 7 – 19 về tòa thành Đại La- Thăng Long- Hà Nội đã phát lộ. Di tích hiện còn là: Cửa Bắc, Cột Cờ, các Cửa Ô. Du khách có cơ hội tận mắt chứng kiến khi về thăm Thủ đô.

11/- Văn Miếu - Quốc Tử Giám .

Là một trong số di tích quý ở thủ đô Hà Nội, được xây vào tháng 10/1070 đời Lý Thánh Tông. Hiện nay có 82 tấm bia của 82 khoa thi từ năm 1442- 1779. Nhà Đại bái và Hậu cung thờ ông tổ đạo Nho: Khổng Tử và các học trò nổi tiếng của ông. Hiện Văn Miếu- Quốc tử Giám đã được trùng tu, khu Thái Học tôn vinh các danh nhân có công xây dựng Văn Miếu, cũng như các bậc thày giáo đạo cao đức trọng như Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông , Chu Văn An... Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học như hội thảo, kỷ niệm danh nhân, trưng bày chuyên đề...

Ngày 09/03/2010, Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức ở Macau (Trung quốc), UNESCO đã chính thức công nhận Bia các khoa thi Tiến Sĩ triều Lê - Mạc (1442- 1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội là “Di sản Tư liệu Thế giới”.

12/- Một Giáo sư người Hà Nội vừa mới đoạt “Nobel Toán học”.

Ngày 19/8/2010, tại Đại hội Toán học Thế giới (ICM 2010) tại Hyderabad (Ấn độ), Giáo sư Ngô Bảo Châu, sinh 1972, đã đoạt được giải thưởng cao quý nhất trong Toán học, đó là Huy chương Fields, càng tự hào hơn khi VN là quốc gia thứ 2 tại Châu Á, sau Nhật bản, đoạt được danh dự này. Giải Huy chương Fields lập năm 1936, trao 4 năm một lân cho tối đa 4 nhà toán học không quá 40 tuổi. Tính đến ICM 2010, có 52 nhà toán học được vinh danh với Huy chương Fields, trong đó Mỹ dẫn đầu với 13 người, tiếp theo Pháp (10), Nga (9), Anh (6), Nhật (3), Bỉ (2), Úc (1), Đức (1), Ý (1), Na uy (1), New Zealand (1) Phần lan (1), Thụy điển (1), Israel (1), Việt Nam (1).

Tóm Tắt:

Thời ấy, nhìn từ bất cứ góc độ nào thì Thăng Long cũng là trung tâm của đất nước. Vả chăng, trước khi triều Lý nhiều thế kỷ, Thăng Long cũng đã từng là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước rồi. Sớm muộn có khác nhau, nhưng định đô ở Thăng Long, Lý Thái Tổ thực đã nối được chí lớn của An Dương Vương , của Lý Nam Đế (đời Tiền Lý và Hậu Lý), của Ngô Quyền... Sáng suốt thay, Người chọn đất đóng đô. Tuyệt vời thay, Người đặt tên kinh đô. Chút huyền bí đượm nồng thi vị ấy, đã góp phần tôn vẻ đẹp có thật của Thăng Long, để ngàn năm sau Đất ấy vẫn là niềm tự hào của dân tộc.

Đặc biệt, việc Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Hà Nội được vinh danh “Di sản Tư liệu Thế giới” và một Giáo sư người Hà Nội vinh dự đoạt “Huy chương Fields về Toán học” đã khiến Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội càng thêm tràn đầy ý nghĩa. Chúng ta, con cháu Tiên Rồng. càng thêm niềm tự hào to lớn!

Tr ước khi Hát mừng Một ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, chúng ta c ù ng nhau H át VIỆT SỬ CA (Về 15 Vương Triều chính của Việt Nam). Sau đó, Hát về Thăng Long- Hà Nội từ triều Lý (Xin nhớ L ịch sử Tiên Rồng, sau triều Trưng Nữ Vương là triều Tiền Lý Nam Đế (Lý Bí) và Hậu Lý Nam Đế (Lý Phật Tử) và sau triều Tiền Lê là triều Lý - vua Lý Thái Tổ ).

LỜI MỚI VỀ NGÀN NĂM THĂNG LONG – H À N Ộ I

1. Mừng Thăng Long – Hà Nội ngàn năm

Lý Thái Tổ (và) bao Triều Vua

Chọn (là) kinh đô, nay là thủ đô

Việt Nam sáng ngời!

Chiếu Dời Đô:

“Trẫm thấy thành Hoa Lư chật hẹp

Muốn dời đô về Đại La

Nơi thắng địa, tụ hội tứ phương

Đóng đô muôn đời!”

Vua Lý dời đô về Đại La

Thấy Rồng bay, đổi (tên) Thăng Long

Huyền bí thêm thi vị, ý nghĩa

Rồng Tiên tự hào!

Vua Lý uy nghi tượng đài cao

Ở vườn hoa Lý Thái Tổ

Nhìn ngắm Hồ Gươm và Thủ Đô

Ngàn năm Hà Nội!

2. Cậu bé vươn vai thành người lớn

Ngựa, roi sắt, dẹp giặc Ân

Phù Đổng Thiên Vương bao công đức

Ngàn năm Hà Nội!

3. Thành Cổ Loa - An Dương Vương xây

Nhờ Kim Quy cho nỏ thần

Mỵ Châu- Trọng Thủy tình oan trái

Ngàn năm Hà Nội!

4. Lê Thái Tổ trả lại gươm báu

Cho Rùa thiêng, Hồ Hoàn Kiếm

Kìa Tháp Rùa xinh đẹp, nên thơ

Ngàn năm Hà Nội!

Thê Húc cây cầu ở Hồ Gươm

Gần Tháp Bút và Đài Nghiên

Thê Húc dẫn vào Đền Ngọc Sơn

Ngàn năm Hà Nội!

5. Trưng Nữ Vương anh thư đầu tiên

Dẹp Đông Hán, đô Mê Linh

Đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng

Ngàn năm Hà Nội!

6. Nhiếp chính Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt

Chỉ huy phá Chiêm bình Tống

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư”

Ngàn năm Hà Nội!

7. Gò Đống Đa mồ chôn quân Thanh

Nô lệ Tàu, vĩnh viễn dứt

Quang Trung- Ngọc Hân tình nên thơ

Ngàn năm Hà Nội!

8. Năm cửa Ô của Thăng Long xưa

Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác

Cầu Giấy, Cầu Dền và Chợ Dừa

Ngàn năm Hà Nội!

9. Tượng Nữ thần Tự do, New York

Đảo Tự do, do Bartholdie (thiết kế)

Nhân dân Pháp tặng nhân dân Mỹ

Kỷ niệm Độc lập!

Tượng Tự Do bé ở Hà Nội

Vườn (hoa) Cửa Nam , thời Nhật phá

Tượng Tự Do bé ở Paris

Vẫn ở Sông Seine (cù laoThiênNga)

10. Thăng Long thành cổ vừa khai quật

Nhiều Triều Vua, đa văn hóa

Đây Cửa Bắc, Cột Cờ, Cửa Ô

Ngàn năm Hà Nội!

11. “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia

Nguyên khí vững, Nước hùng cường

Nguyên khí kém, thế Nước suy yếu.”

Văn Miếu bia đề!

Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đại học

Việt đầu tiên, được vinh danh

Là “Di sản Tư liệu Thế giới”

Ngàn năm Hà Nội!

12. Lê Đức Thọ, Nobel hòa bình

Ngô Bảo Châu, Huy chương Fields

Một trong hai quốc gia châu Á

Rạng danh VIỆT NAM!

PHẠM VŨ

Ý NIỆM TOÁN HỌC TRONG ĐÔNG Y

ỨNG DỤNG: CHẨN TRỊ BẰNG PHÉP QUÂN BÌNH ÂM DƯƠNG

Lương Y NGUYỄN HẢI LIÊN

LỜI MỞ ĐẦU

Công trình nhỏ bé này là kết quả của quá trình nghiên cứu Y Học Đông Phương Cổ Truyền của người xưa, với tư duy của một người yêu thích Toán Học, có phát huy sáng tạo. Phần lý thuyết đã được kết hợp với kinh nghiệm chữa trị thực hành nhiều năm trên một số đông bệnh nhân trong đó có nhiều trường hợp bệnh khó chữa, với hiệu quả khá rõ rệt, nhanh chóng.

Điều mà tôi xin được phép nhấn mạnh trước tiên là tất cả những gì mà tôi trình bày ở đây không phải chỉ nặng phần lý thuyết mà đã được chứng nghiệm qua quá trình thực hành nhuần nhuyễn. Nói cách khác, những gì chưa giải thích được bằng lý luận và chưa thông qua thực hành với hiệu quả khá rõ rệt, tôi sẽ không dám đưa vào phần lý thuyết một cách máy móc.

Phương pháp QUÂN BÌNH ÂM DƯƠNG thực ra không có gì là mới lạ, vì nó chính là phương pháp chữa trị cơ bản của Y Học Đông Phương mà mọi lương y đều biết. Tuy nhiên, dường như người ta chỉ nhắc đến nó ở phần lý thuyết, còn thực hành chưa thấy mấy ai khai triển và ứng dụng nó một cách triệt để, có lẽ vì không mấy dễ dàng. Đây là phương pháp trị bệnh tận gốc một cách hữu hiệu nhất mà Hải Thượng Lãn Ông đã dùng với những bài thuốc âm dương, thủy hỏa để chữa được những trường hợp bệnh ngặt nghèo một cách dễ dàng nhanh chóng như trở bàn tay.

Tôi hy vọng rằng qua tập tài liệu này với cách trình bày cụ thể và sinh động sẽ có thể giúp quý vị tìm hiểu Đông Y một cách dễ dàng và lý thú, bằng những lý luận thật đơn giản và những thí dụ thực tế. Đồng thời cũng mong phổ biến đến quý vị một phương pháp chẩn trị hữu hiệu để quý vị có thể tự nghiên cứu, thực hành, tìm hiểu bệnh trạng và nguyên nhân sinh bệnh cho mình, cho người khác, và biết cách ngăn ngừa hay chữa trị.

Vì khuôn khổ giới hạn của tập tài liệu này, tôi sẽ không nhắc lại những phần cơ bản của Y Học Cổ Truyền mà các sách đã có nói đầy đủ, hay chỉ nhắc sơ qua khi cần. Đặc biệt, tôi sẽ xoáy sâu vào phần Âm Dương hay Thủy Hỏa, trình bày thật cụ thể bằng những đồ hình sáng tạo để độc giả có thể hình dung dễ dàng về những ý niệm trừu tượng này, đồng thời vận dụng nó một cách triệt để vào phương pháp chẩn trị bằng Quân Bình Âm Dương. Cũng xin nói rõ là phương pháp này chủ yếu chỉ để chữa các bệnh hư yếu dai dẳng lâu ngày. Còn các trường hợp như cảm mạo, nhiễm trùng, ở giai đoạn đầu còn thực chứng hay bệnh cấp tính chưa thể dùng được mà phải chữa bằng phương pháp cấp tính chờ cho đến khi thực tà đã dịu hẳn mới dùng được.

Đặc biệt tôi sẽ luận kỹ về phần chính khí, coi như nguồn gốc căn bản của sức khỏe để chống lại mọi bệnh tật.

Ngoài ra, song song với việc chữa bệnh, tôi sẽ đề cập đến việc tìm nguyên nhân (xa và gần) để tìm mọi cách ngăn chặn triệt để không cho bệnh phát ra. Chính điều này sẽ giúp cho việc điều trị tăng thêm hiệu lực đáng kể.

Về phương tiện sử dụng, có thể phối hợp Thuốc Bắc, Thuốc Nam, Châm Cứu (kim riêng, nhưng nay ít dùng), Ấn huyệt truyền nhân điện, Dưỡng Sinh, đặc biệt Thư Giãn. Tùy theo khả năng của thầy thuốc và của bệnh nhân mà chọn phương tiện thích hợp. Trường hợp nặng, cần thuốc Bắc, và công hiệu nhất vẫn là thuốc Bắc.

Mặc dầu đã đạt được kết quả khả quan trọng thực hành chẩn trị, đây mới chỉ là những bước đầu thử thách trên con đường khám phá Đông Y dài vô tận. chắc chắn còn nhiều phần chưa hoàn chỉnh. Ước mong được sự tham khảo và góp ý bổ sung hay chỉnh lý của các bậc cao minh, các đồng nghiệp cũng như các bệnh nhân mà tôi đã hay sẽ có dịp chữa trị.

(Còn tiếp)

Ăn chay vẫn đủ chất dinh dưỡng

Ngoài ăn chay theo tôn giáo, gần đây nhiều người chú ý tới việc ăn chay vì lý do sức khỏe và điều thắc mắc chính cần giải đáp là: liệu ăn chay có đủ chất dinh dưỡng không?

Theo khái niệm thông thường về ăn chay:

Ăn chay là ăn ngũ cốc, rau quả... những thức ăn có nguồn gốc thực vật, không có các sản phẩm động vật. Mới đây, một công trình nghiên cứu rộng lớn về chế ăn uống đã đi đến kết luận: một chế độ ăn dựa vào ngũ cốc, rau quả có nhiều khả năng đem lại sức khoẻ cho con người và giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch, béo phì, tiểu đường...

 

Đáng chú ý là các công trình nghiên cứu được tiến hành cùng lúc ở Mỹ, Trung Quốc là 2 nơi có phong tục, tập quán, đặc điểm về con người và môi trường riêng biệt. Theo đó, nhiều thức ăn thực vật giàu protein như đỗ, đậu. Các loại dầu thực vật cũng rất phong phú, hoàn toàn có thể thay thế mỡ động vật mà vẫn cung cấp đủ chất cho cơ thể, đề phòng được xơ vữa động mạch và làm chậm quá trình lão hoá của con người.

Tại Trung Quốc, các nhà khoa học đã khảo sát một nhóm người về chế độ ăn uống của họ so với người Mỹ. Thành phần trong bữa ăn của người Trung Quốc chủ yếu là ngũ cốc, rau và lượng protein động vật chiếm 7-10% khối lượng protein trong bữa ăn. Còn khẩu phần của người Mỹ thì ngược lại, protein động vật là thực phẩm chính, rau và ngũ cốc chỉ là phụ. Tỷ lệ protein động vật chiếm tới 70% khối lượng protein trong bữa ăn. Kết quả, số nam giới Mỹ bị chết về bệnh tim mạch cao gấp 17 lần so với người Trung Quốc cùng lứa tuổi. Số người Mỹ chết vì ung thư ruột cao gấp 2,5 lần so với Trung Quốc.

Trước sự tấn công của các bệnh như ung thư, tim mạch... người ta cho rằng chế độ ăn uống nhiều thịt và mỡ động vật là một nguyên nhân quan trọng. Số người ăn chay càng nhiều ở những mức độ khác nhau nhưng xu hướng chung vẫn là ăn giảm thịt và mỡ động vật, thay thế vào đó là rau quả và dầu thực vật. Xu hướng này phù hợp với lời khuyên của nhiều thầy thuốc thời xưa và những nghiên cứu mới nhất của các nhà dinh dưỡng.

Ở ta, có thể nhận thấy là triết lý của cách ăn chay theo Phật giáo không khác mấy so với tinh thần giữ gìn sức khỏe theo Tây Y.

Vì ăn chay theo Phật giáo là Thực hành Ngũ Giới (5 điều cấm kỵ):

1. Sát sinh

2. Trộm cắp

3. Tà dâm

4. Gian dối

5. Uống rượu

Trong khi cứ dựa vào định nghĩa sức khỏe của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO – OMS)

• là: “ tình trạng hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không phải là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật ” . Và trong chữa bệnh thì nguyên tắc

• Trước tiên KHÔNG GÂY HẠI “PRIMUM NON NOCERE” . và

• VỆ SINH = BẢO VỆ SỰ SỐNG

Chúng ta có thể áp dụng một tháp dinh dưỡng dành cho người ăn chay thì thấy được

Khuyên:

• Năng ăn trái cây và rau củ quả giàu chất xơ và ngũ cốc toàn hạt (còn nguyên cám). Ít ăn và uống vào các chất tạo ngọt có cung cấp calo bù thêm vào thức ăn à 6 – 11 suất/ ngày.

• Ăn ít nhất 4 ½ chén (dung tích khỏang 250 ml/ chén) # 9 suất Rau và trái cây mỗi ngày nếu khẩu phần ăn cung cấp 2,000-calo/ngày. Ăn nhiều hay ít hơn là tùy theo mức calo của khẩu phần.

Chất đạm:

– Khẩu phần ăn chay ít đạm hơn người không ăn chay nhưng cũng đã nhiều hơn nhu cầu khuyến nghị RDA.

– Thức ăn thực vật giàu đạm lại thường thiếu một số axit amin cần thiết.

· lúa mì thiếu Lysine

· gạo thiếu Lysine và Threonine

· bắp thiếu Lysine và Tryptophan

· các loại đậu thiếu Methionine,

· và đậu xanh thiếu Methionine.

• Theo khái niệm “điểm hóa học chỉnh lại theo khả năng tiêu hóa” (Protein digestibility - corrected amino acid score PDCCAAS) thì người ta khám phá thấy đậu nành chẳng thua gì hai chất đạm chuẩn là casein sữa bò và albumin lòng trắng trứng và dứt khóat là hơn hẳn thịt bò.

• Duy trì chất béo dạng “trans” ở mức càng thấp càng tốt #0.

• Giới hạn lượng chất béo “no” cho đừng vượt quá 10% tổng số calo bữa ăn.

• Lượng cholesterol đừng quá 300 mg/ ngày.

• Đối với người bình thường trong điều kiện đời sống thị thành cần cần chủ yếu dung ngũ cốc nguyên hạt, các hạt họ đậu và các hạt khác, rau xanh nhiều lọai và cacao.

• Đối với các đối tượng có nhược điểm chức năng tim, gan, thận cần dùng thêm dược phẩm bổ sung.

Những người dùng nhiều thức ăn công nghiệp quá tinh luyện, nghiêng về động vật thiếu thức ăn thực vật như rau, đậu hạt rất có thể thiếu Mg.

Nên Ăn Thường Xuyên:

Gạo lức, bánh mì còn nguyên cám, hay có pha thêm lúa mạch vào.

Nhiều rau xanh, có lá hay không có lá, bảo đảm có lục diệp tố giàu Mg.

Các thức ăn khác giàu Mg: sản phẩm từ sữa bò, sô-cô-la và các lọai thịt gia súc (nuôi bằng thức ăn thực vật).

Nước máy nếu thuộc lọai nước “cứng” cũng đem lại Mg, cùng hàm lượng Canxi cao, ấm đun nước lâu ngày hay đóng cặn.

Tên thức ăn

Hàm lượng mg

(mg/100 g phaàn aên ñöôïc)

Quả bàng (nhân)

Hạt mè (vừng) đen

Đậu phọng

Đậu nành

Hạt mè (vừng) trắng

Đậu xanh

Rau dịu

(alternanthera sessilis)

Đậu trắng

Rau răm

Rau ngót

Lá chùm ngây

Tía tô

Hạt dưa

Gạo lức

Rau dền cơm

(amaranthus tricolor)

Hạt sầu riêng

Cải dát

(nasturtium indicum)

600

347

306

279

220

200

200

145

138,2

129,4

123,5

123,5

112

102 – 110

105

103,5

97

• Nhà Ohsawa ở Sài Gòn sau 30 năm nghiên cứu đưa ra một thực đơn gồm có:

• 50-60% thức ăn chính gạo lứt (cơm, cháo hay bột gạo lứt làm các loại bánh, hủ tiếu, mì. . .) và các loại ngũ cốc khác như bắp, nếp, bobo, kê vv. . .

• độ 1% muối mè và đậu phụng hoặc các loại bơ mè đậu phụng

• 29-35% thức ăn phụ gồm các món ăn: rau, củ, tương, rong biển vv . ..

• 10% các loại đậu hạt (như đậu đỏ, đậu đen. . . nấu chung với cơm tức là độn thêm hoặc là nấu chung với rau củ...)

• 5-10% trái cây.

Đặc điểm

Âm

Dương

1. Miền sinh trưởng

Thường là miền Nam

Thường là miền Bắc

2. Mùa sinh trưởng

Mùa nóng

Mùa lạnh

3. Hướng mọc

Lên cao trên mặt đất

Xuống thấp

(bò trên mặt đất)

4. Hướng lên trên mặt đất

Dọc, thẳng đứng

Nằm ngang

5. Hướng mọc dưới đất

Nằm ngang

Nằm dọc

6. Nước

Nhiều

Ít

7. Thời gian nấu chín

Nhanh

Chậm

8. Bề cao

Cao

Thấp

9. Biến đổi do nhiệt độ

Mềm

Cứng lại

10. Màu sắc

Lục, xanh, trắng, lam tím

Đỏ, cam, nâu, vàng, đen

11. Tỷ lệ K/Na

>5

<5

12. Sinh tố C

Nhiều

Ít

13. Bộ phận của cây

Thân và lá

Rễ cây, củ

14. Hột cây

Trúc, mầm

Đã khô

K h ô ng bị rối loạn tiê u h ó a ( tiêu chảy, táo bón, đau bụng, trung tiện, sình bụng, ợ chua, nất cục, buồn n ô n vv…).

Đi ph ân tốt , đi nhanh không phải rặn, ít m ùi hôi , ít dính vào giấy vệ sinh à đau rát hậu môn.

• Ăn c ó qu â n bìn h â m dương . Nếu ăn nhiều, một ngày có thể đại tiện (phân bình thường) nhiều hơn 1 lần.

Đi tiểu mỗi ngày (kể cả đêm = 24 giờ): đàn ông 3 - 4 lần & đàn bà 2 - 3 lần,nước tiểu màu vàng nhạt, đi thông (3 không bí đái, đái dầm, đái són) lượng nước nhiều.

Ngủ ngon, dễ ngủ, đi ngủ và thức d ậ y đúng giờ.

Làm việc bền bỉ dẻo dai không biết mệt, dù lao động trí óc hay chân tay không bị vọp bẻ, uể oải, nhức mỏi .

Í t bị bệnh lặt vặt như cảm cúm, sỗ mũi, nhức đầu . ..

Không bị các bệnh nan y và bệnh nặng . Vi trùng khó tấn công và thắng, cơ thể đủ sức đề kháng.

• Với công thức tổng quát là: C5 H8 NO4 Na – H20 trọng lượng phân tử 187.13 MSG hàm chứa 12.3% Na

• Để so sánh: Cl Na có tới 39.3 % Na và hiện nay các nước Anh, Mỹ đang cảnh báo nên giảm bớt hàm lượng muối và Na trong thức ăn công nghiệp à phòng tránh Cao Huyết Áp .

• Organic = hữu cơ = có C, H, O, N

• Biologic = sinh học

“Sạch” = rửa sạch, không còn thuốc trừ sâu.

“Thuần khiết” = Nước, nguyên liệu sản xuất và môi trường không bị ô nhiễm hay chuyển biến nhân tạo (kể cả chuyển gien).

Chức năng = functional = đem lại lợi ích dinh dưỡng cho 1 đối tượng tiêu dùng.

(The National Organic Rule) — là kết quả 10 năm thảo luận giữa các nhà sản xuất, khoa học gia và người tiêu dùng—dành định nghĩa “100 phần trăm sinh học (100% organic)” và “sinh học” (95 %) cho những thức ăn sản xuất ra KHÔNG CÓ:

hormon

thuốc kháng sinh

thuốc diệt cỏ

thuốc diệt côn trùng

phân bón hoá học

bị chuyển gien

bị chiếu bức xạ diệt vi trùng .

V ì mật bắp hiện nay rất có thể bắt nguồn từ bắp Mỹ chuyển gien à dễ dẫn tới chứng dị ứng với bắp . Trong cơ thể Fructose chuyển hóa thành mỡ mau hơn bất cứ đường nào khác, Hiện nay nước ngọt ở Mỹ (và trên t oà n cầu) ngọt do mật bắp nhiều hơn do đường mía hay củ cải đ ó là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bệnh đái tháo đường phát triển trên t oà n cầu như một “đại dịch” :

• fructose không kích thích tuyến tụy tiết ra insulin và không thúc đẩy sản xuất hormon leptin (điều hòa sức ăn) nên người ta mới ăn quá mức!

• fructose chuyển hóa thành triglycerid và tế bào mô mỡ, chứ không thành huyết đường glucose. à Nâng cao đáng kể nồng độ triglycerid trong máu & luôn cả nồng độ cholesterol “xấu” LDL trong máu nữa.

• Thôi uống nước ngọt hàm chứa mật bắp c ò n có lợi cho sức khỏe HƠN là cai thuốc lá à có tác dụng lên nồng độ insulin trong máu, à ngừa Hội Chứng Chuyển Hóa nguyên nhân các bệnh – ung thư, bệnh tim, đái tháo đường, l ã o hóa, viêm khớp, lo ã ng xương …

• Thức ăn không chỉ đảm bảo đủ calo, ngon, sạch,

• Mà còn chứa các họat chất sinh học tự nhiên như enzyme c ầ n cho sức khỏe và sắc đẹp,

• Không chỉ điều khiển họat động chức năng của từng tế bào, bộ phận trong cơ thể,

• Mà còn cho con người khả năng miễn dịch (# sức đề kháng) cao, trì h oã n hiện tượng lão hóa, tăng tuổi thọ, phòng chống được gần như mọi bệnh, kể cả ung thư.

• Chlorella, vi tảo độc bào nuôi trồng trong nước, có nh â n, màu xanh lam - với hàm lượng lớn chlorophyll khả dụng có tỷ lệ protein rất cao tới 58% trọng lượng, cò n lại là carbohydrat. Có t ấ t cả các vitamin nhóm B, vitamin C và E, acid amin, beta-caroten, sắt, kẽm, các khoáng chất lượng lớn (canxi, manhê, Kali, những vi lượng hiếm, các acid béo thiết yếu (như GLA), và đường đa polysaccharid.

• Một muỗng càphê chlorella hàm chứa 90 mg RNA và 8 mg DNA.

• Chlorella giàu vitamin B-12 hơn cả gan đ ộn g vậ t.

Chlorella hầ u như là một thực ph ẩ m toàn hảo (virtually a complete food) và có th ể coi như một “si ê u thực phẩm”cung c â ́p đủ mọi dưỡng chất cho cơ th ể .

• Spirulina có tới 65 - 71 % trọng lượng là protein toàn hảo, với đủ mọi acid amin thiết yếu .

• Spirulina có một tỷ l ệ khả năng quang hợp cao tới 8 - 10%, so với tỷ l ệ chỉ có 3 % ở những câ y tr ồ ng tr ê n đất như đậ u nành chẳng hạn.

• 1 muỗng càph ê b ộ t Spirulina đem lại 2.5 lần lượng vitamin B12 khuy ế n cáo cho 1 ngày và so với một s uấ t gan tương đương cũng hàm chứa hơn g ấ p 2 vitamin này.

• Spirulina cũng cung c â ́p những n ồ ng đ ộ cao acid amin, khoáng ch â ́t gắn k ế t với protein, sắc t ố , những đường phức hợp thảo m ộ c th iên nhiên như rhamnose, vi ch â ́t, enzym - dưới một h ì nh thức dễ đ ồ ng hóa.

Spirulina cũng có thể coi là m ột si ê u thực ph â ̉m, hoàn hảo có phần hơn Chlorella v ì màng t ế bào kh ô ng cứng bằng màng tế bào Chlorella.

Nói tóm lại: Ăn chay đúng cách rất tốt cho sức khỏe và tránh được rất nhiều bệnh tật kể cả những bệnh nan y như ung thư. Tuy nhiên muốn đầy đủ các chất thì nên tận dụng các nguồn siêu thực phẩm độc đáo là vi tảo Chlorella và Spirulina.

TPHCM, Ngày 8 tháng 7, 2010

Bs Nguyễn Lân-Đính

Chuyên viên dinh dưỡng

LN G

G I

THÀNH

CHÂN

Ngày 6 tháng 9, 1974: một chiếc xe Volkswagen màu đỏ, mui trần, chạy văng mạng trên các phố phường ở Hambourg. Người lái xe là một thanh niên trạc 20 tới 25 tuổi, tóc vàng óng, mắt xanh, nét mặt khá điển trai, nhưng hơi ẻo lả. Mồ hôi trên trán hắn vã ra như tắm, thỉnh thoảng hắn lại chùi bàn tay đẫm mồ hôi vào chiếc áo len để đỡ trơn.

Kurt Eggen chạy bừa đi, và luôn luôn đổi hướng để đề phòng những kẻ đuổi theo; do đó, hắn đã chạy lòng vòng trong thành phố cả nửa tiếng mà vẫn chưa dám sử dụng một con đường chính xác nào để chạy xa xa lộ, là nơi hắn có thể bị bất cứ xe cảnh sát nào tóm bắt.

Quả thực là hắn đã hành động một cách cuồng dại, khi ăn trộm một chiếc xe hơi màu đỏ, lại còn mui trần để đi ăn cướp; làm như vậy có khác gì sử dụng một xe cứu hỏa để ai nấy đều phải chú ý tới.

Kurt Eggen hiện đang rất vội vã. Hắn cần phải chạy thoát ngay, vì không thể còn lựa chọn nào khác…

Trong lúc vội vã luồn lách ở giữa làn xe cộ đang di chuyển, Kurt Eggen cố xua đuổi các kỷ niệm trong đầu óc. Tất cả đều là những kỷ niệm đen tối, tầm thường, chẳng có gì đáng kể: thời thơ ấu sống bên bà mẹ đơn chiếc khi cha hắn bỏ đi, những ngày đầu đời khi 17 tuổi và chẳng biết làm chi cho ra hồn, ngoài một số công việc làm thuê lặt vặt, lẩm cẩm, mà động làm việc gì là vừa vào đã bị tống ngay ra cửa.

Hắn chỉ thành công nhiều với các “em”, nhờ bộ mặt khá điển trai và dáng điệu rất “thanh niên Đức” của hắn. nhưng đây cũng chỉ là những cuộc tình tạm bợ, không ngày mai. Hắn chỉ thực sự “kết” có hai người trong số các thiếu nữ đó: Ingrid, một nữ y tá, và Carlotta, một cô giáo. Nhưng khi hắn đặt vấn đề cưới hỏi thì cả hai đã tỉnh bơ cười vào mũi hắn… vì ai mà đi lấy típ người như Kurt Eggen!

Cách đó một năm, Kurt tưởng đã tìm được một việc làm bền vững khi làm đại diện thương mại. Nhưng rồi hắn được hai bạn đồng nghiệp rủ rê hùn vốn đứng ra làm ăn riêng. Đó là cả một thảm họa, vì, chỉ chưa đầy sáu tháng là công ty đã vỡ nợ, để bây giờ, chủ nợ dượt hắn chạy có cờ…

Thế là Kurt Eggen quyết định dấn thân, liều đi ăn cướp một lần. Do đó, hắn đã đánh cắp một chiếc Volkswagen màu đỏ, và dùng một cây súng giả đánh cướp một chi nhánh của Ngân Hàng Thương Mại. Quá hoảng sợ, người thủ quỹ đã mở két nộp ngay cho hắn 100.000 Mác, một số tiền khá lớn với một kẻ mới chập chững vào nghề… Cố nhiên là với điều kiện hắn phải có đủ sự bình tĩnh để êm thấm rời khỏi Hambourg. Kurt Eggen cảm thấy nỗi kinh hoàng đang dần dần xâm chiếm tâm hồn hắn.

Để đầu óc bớt căng thẳng, hắn mở radio, và bị ngay một cú sốc dữ dằn, vì hắn mở đúng lúc bản tin đang được loan đi: “Một vụ cướp vừa xảy ra ở Ngân Hàng Thương Mại, tên cướp hành động đơn độc là một thanh niên tóc vàng trạc 25 tuổi, đang trốn chạy trên một chiếc xe Volkswagen màu đỏ, mui trần. Hắn có mang vũ khí, và ngay giờ phút này các lực lượng cảnh sát đông đảo đang bủa vây khắp thành phố.”

Kurt Eggen suýt đụng phải một chiếc xe đậu ở bên đường. Lúc này hắn vô cùng hối tiếc đã lao vào một cuộc phiêu lưu vượt rất xa sức chịu đựng của hắn. Hắn cảm thấy như đang đau như xé. Hắn đã trở thành con mồi đang bị săn đuổi, trong khi để tự bảo vệ, hắn chỉ có trong tay một khẩu súng giả, thứ cho con nít chơi. Hắn sắp lìa đời ở tuổi 25, trong buổi sáng chói chang ánh nắng hồng này…

chiếc Volkswagen khựng hẳn lại khi hắn đạp thắng một cách vội vàng, và phát ra một tiếng két ghê rợn. Hắn cấn phải tự cứu lấy mạng sống, và để được như vậy chỉ còn một cách duy nhất: hắn phải đầu hàng ngay khi đụng người cảnh sát đầu tiên. Xa xa trước mặt, thấp thoáng bóng một cảnh sát mặc trang phục; hắn cảm thấy như đã gặp cứu tinh. Hắn chạy ào lại, hai tay dơ cao để đầu hàng, miệng la lớn:

- Xin đừng bắn! Tôi xin đầu hàng.

Quá bất ngờ và vì ngạc nhiên, viên cảnh sát phải mất mấy giây mới chợt hiểu tình hình; trong khi đó, chung quanh Kurt Eggen có tiếng trẻ nít la hét hoảng sợ. chính vào lúc đó tên cướp trẻ mới hiểu rằng hắn đã xông vào một ngôi trường, và viên cảnh sát đang dạy cho lũ trẻ nít một bài học về giao thông trên công lộ.

Đến đây chấm dứt sự nghiệp ăn cướp của Kurt Eggen. Có lẽ chính vì sự ngờ nghệch, và tài ăn cướp quá kém cỏi của hắn, đã khiến hắn được hưởng sự khoan hồng của các thẩm phán: Kurt Eggen chỉ lãnh có 3 năm tù ở. Và đây chính là khúc dạo đầu của cuộc đời ly kỳ của hắn sau này.

Tại khám đường Hambourg, cuộc đời tiếp tục bạc đãi, hành hạ Kurt Eggen một cách hãi hùng. Điều mà hắn không biết là, khám đường cũng chính là hình ảnh của cuộc đời thường bên ngoài: cũng có tranh chấp, bon chen, cũng có những đẳng cấp xã hội, trong đó những kẻ hèn kém vẫn muôn thuở là những kẻ hèn kém. Với chuyện ăn hàng kiểu tấu hài của hắn, Kurt Eggen thực sự bị các ban tù coi còn kém hơn cả… đồ bỏ. Hắn nhanh chóng trở thành tên nô lệ, kẻ bị các bạn tù mặc sức hành hạ. với khuôn mặt khá điển trai, hắn lập tức bị đặt tên là: “Nhỏ gái”.

- Ê, Nhỏ gái! Lại đây lau dép cho ta.

- Nè, Nhỏ gái! Mi phải biếu ta một gói thuốc lá đấy nhé, mai mà không có thì ta lột da.

Kurt có lúc còn bị tấn công tình dục bởi lũ đồng tính luyến ái. Và, cũng chắc vì vấn nạn này nên sau khi thưa gửi với Ban Quản Giáo, hắn được đổi sang một phòng giam khác.

Bước chân vào phòng giam mới, hắn sợ hãi đến dựng tóc gáy: bạn tù duy nhất của hắn ở phòng này là Thomas Kruger, tên đại đại bàng, tên tướng cướp lừng danh nhất trong khám đường Hambourg này. Các thành tích của Kruger là một huyền thoại mà không một ai trong khám đường này không thành thuộc. Bị bắt sau lần ăn cướp có vũ trang thứ mười một – và chỉ bị bắt vì có người tố giác - Kruger lãnh 20 năm tù giam. Một thời gian sau hắn tìm cách vượt ngục và đã giết chết người cai ngục; lần này, hắn lãnh bản án chung thân.

Ngay khi cánh cửa nặng nề vừa khép lại, Kurt Eggen thu mình lại thật nhỏ, run sợ nép vào một xó trong căn phòng. Kruger chẳng thèm ngó ngàng gì tới hắn, mà chỉ chăm chú gục đầu vào cuốn truyện tranh anh ta đang xem. Thỉnh thoảng, Kruger ré lên cười một mình. Nằm trong xó, Kurt Eggen không dám động đậy, hầu như thở cũng chẳng dám thở. Cuối cùng Kruger cũng đứng dậy. Anh ta cao lớn khác thường, trông như một người khổng lồ. Tóc để theo lối bàn chải, mặt đỏ ké, hai bàn tay có những ngón to như chuối mắn, lại đầy lông lá; đây chính là những bàn tay đã bóp chết người cai ngục, việc mà ai nấy ở nhà tù Hambourg này đều biết cách tường tận. Anh ta tiến vế phía Kurt, lúc này đang cố thu mình cho nhỏ bé hơn nữa. Anh ta đưa cho Kurt cuốn truyện tranh:

- Nè, anh bạn nhỏ, muốn lấy đọc không?

Kurt Eggen ngẩng đầu lên… Thế này là thế nào? Kruger đã không gọi Kurt là “Nhỏ gái”, giọng nói của anh ta có vẻ hòa dịu, dễ thương. Phải chăng đây là một tiểu xảo để hành hạ hắn cách tinh vi, quái ác hơn? Nhưng kẻ kia vẫn đứng đó và vẫn dí cuốn truyện tranh vào mặt hắn. Anh ta còn mỉm cười nữa:

- Ê, anh bạn nhỏ, có chuyện gì không ổn hả?

Không, đây không phải là một trò tinh vi ác độc. Kruger hỏi rất thành thực, chân tình. Từ khi Kurt bước chân vào nhà tù, đây là lần đầu tiên hắn được một bạn tù nói chuyện với hắn một cách nhân đạo.

Và, vì chịu đựng hết nổi, Kurt Eggen bật khóc.

Người khổng lồ ngồi xuống bên hắn:

- Này, có chuyện gì vậy, kể coi!

Kurt Eggen thở hổn hển:

- Chúng là các tên độc ác khác. Bọn chúng hành hạ tôi cách thả dàn, ôi tôi muốn chết quách cho rồi.

Thomas Kruger lộ vẻ bất bình, ánh mắt anh ta đanh lại.

- Tất cả các chuyện đó từ nay coi như chấm dứt, anh bạn nhỏ ạ. Để ta truyền đời báo danh cho tất cả chúng nó biết, đụng tới bạn là chúng dám cả gan đụng tới ta đây. Rồi xem, đố còn có đứa nào dám làm gì bạn, tin ta đi! Trong tù, tin tức truyền đi nhanh hơn cả thuốc nổ. Ngay sáng hôm sau, Kurt Eggen thấy ngay một sự thay đổi thái độ nơi tất cả các tù nhân. Mọi người bây giờ nhìn hắn với một vẻ như sợ hãi, đôi lúc còn có vẻ kính trọng nữa. chẳng còn ai dám gọi xách mé hắn bằng cái tên “Nhỏ gái”.

Tất cả chắc đều tự hỏi không hiểu bằng cách nào, mà tên nhóc con cà chớn này lại có được sự che chở của tên Đại Đại Bàng của nhà ngục này? Và, cũng kể từ lúc này, cuộc sống của Kurt bước sang một khúc quanh mới, vì, cuối cùng, cũng đã có người thực sự quan tâm hắn. Thomas Kruger bảo hắn kể lại vụ đanh cướp tài tử của hắn. Nghe xong, Thomas Kruger không những không cười hắn, mà cũng không chế nhạo gì cả. Kurt quá sức ngạc nhiên và hắn tự hỏi tại sao việc đời lại chuyển biến kỳ lạ như thế này? Sau khi giữ im lặng một phút, Kruger tâm sự:

- Anh bạn nhỏ biết không, trong những vụ đầu tiên tôi cũng làm hỏng, chỉ có điều những chuyện này không ai được biết cả, nhưng rồi cứ làm mãi tất phải trở thành thành thạo, tin tôi đi!

Kurt Eggen hăm hở hỏi:

- Vậy thì phải làm gì, phải làm thế nào?

- Anh thấy không, anh bạn nhỏ, điều tối cần thiết là phải làm cho thiên hạ coi trọng mình. Để được như vậy, chỉ có một cách duy nhất: không được sợ một cái gì cả. ngay cả khi gặp phải đứa cao, to gấp đôi mình, cũng cứ phải xông vào đánh nhầu. Anh có thể bị thua, nhưng thua như một người đàn ông đúng nghĩa của nó. Điều này là điều tối ư quan trọng.

Kurt nghe những lời giáo huấn đó trong niềm hân hoan tuyệt đỉnh.

- Rồi ai nấy cũng phải coi trọng tôi phải không? Họ không rẻ rúng coi tôi như đồ bỏ nữa phải không?

Thomas Kruger cười gằn:

- Tin tôi đi anh bạn nhỏ, vạn sự khởi đầu nan, sau đó mọi sự sẽ trở nên dễ dàng, hanh thông.

Người trẻ tuổi vẫn chưa hết hỏi:

- Còn bọn con gái thì sao? Có hai đứa đã rất khinh khi tôi: Ingrid và Carlotta.

Thomas Kruger cười ngất:

- Bọn đàn bà con gái à? Chúng chỉ mong được vâng lời. Rồi bạn thấy, khi bạn đã trở thành một tay anh chị bự, bạn muốn làm gì chúng cũng được.

Một tay anh chị bự… Kể từ lúc này Kurt Eggen cảm thấy mình đã thật sự trở thành anh chị bự. Hắn quyết định sẽ phải trả hắn, phải thanh toán tất cả những nỗi khổ nhục hắn đã phải chịu. Theo sát những lời giáo hóa của Kruger, hắn ra mặt khiêu khích các bạn tù, kể cả những tên có tiếng là dữ dằn. Nhưng sự che chở của tên trùm quả là quá hiệu lực, vì không ai dám thực sự ra mặt đối đầu. Dần dần Kurt trở thành hiếu chiến, gây sự đánh nhau tùm lum. Hạnh kiểm của hắn làm hắn bị nhốt chuồng cọp nhiều lần, mỗi lần bị nhốt ảnh hưởng của hắn gia tăng thêm…

Ba năm đã trôi qua, ngày 6 tháng Hai, 1978, khi ra tù, Kurt Eggen bỗng cảm thấy thời gian trôi quá nhanh. Hắn không còn có bộ mặt hiền hòa và vô vị như khi hắn đi ăn hàng lần đầu tiên. Những vết nhăn đã xuất hiện hai bên mép, và đôi lúc hắn có cái nhìn khó có ai chịu đựng nổi. Ba năm ở tù vừa qua quả đã quyết định rất nhiều đến tương lai của hắn.

Khỏi cảnh tù đày, hắn quyết định đền bù thời gian đã mất.

Nhờ được Thomas Kruger giới thiệu hắn bước vào giới giang hồ bằng con đường lớn. Nhưng hắn từ chối phắt tất cả những đề nghị làm ăn với các băng nhóm, vì ngay trước mắt, hắn có một công việc phải làm ngay - một công việc thuộc phạm vi thuần túy cá nhân…

Mười ngày sau, sử dụng một khẩu súng lục – lần này là thứ thiệt chứ không phải súng nhựa – hắn đến ngôi trường làng ở vùng phụ cận Hambourg. Đây là nơi làm việc của cô giáo Carlotta Schneider, một trong hai người thiếu nữ hắn đã thiệt sự yêu, đã cười vào mũi và từ chối tình yêu của hắn. Kurt làm việc này vì, trước khi thực hiện các phi vụ lớn, hắn muốn loại bỏ hẳn quá khứ ươn hèn của hắn. Lúc trước, Carlotta đã khinh thường, nhạo báng hắn, giờ đây nàng nên chống mắt mà xem hắn ra tay!

Hai tay đút túi quần, vành mũ sụp xuống tận mặt, Kurt hiên ngang bước vào ngôi trường vào giờ tan học. Nhìn thấy hắn Carlotta ngớ ra vì kinh ngạc. Nàng hỏi hắn bằng một giọng đượm vẻ lo ngại:

- Anh đến đây làm gì?

Kurt Eggen sấn lại bên nàng.

- À, vì anh vừa ở tù về, nên em chơi trò run sợ, kinh tởm phải không?

Carlotta khoác vội chiếc áo choàng và tiến nhanh về phía cổng trường.

- Anh nghe đây này, tôi nghĩ chúng ta chẳng nên gặp nhau làm gì nữa. xin làm ơn để tôi yên.

Kurt bước lại chặn ngay đường đi ra của Carlotta.

Anh có thay đổi đôi chút trong lúc ở tù Carlotta ạ. Em thấy anh bây giờ ra sao?

Người nữ giáo viên cố lách qua chỗ hắn đứng

Tôi thấy anh lố bịch, lố bịch… Thôi, bây giờ anh làm ơn đi đi!

“Lố bịch”, câu nói đập vào mặt Kurt như một cú đấm. Hắn đứng đớ người nên nàng lách qua được. Nhưng hắn tỉnh trí lại ngay: nàng đã cho là hắn lố bịch, hắn vẫn như xưa, nhưng lần này thì nàng nhầm to rồi.

Kurt Eggen rút súng, nhắm thẳng vào người kẻ đang vội vã bước ra xa hắn và nổ súng hai lần liên tiếp. Rồi hắn bình tĩnh bước ra xe, nổ máy, và phóng lao đi như tên bắn.

Ngồi trong xe, trong lúc còn chạy trong thành phố, hắn đã nghe thấy đài phát thanh loan tin vụ án mạng: “Một vụ giết người lạnh lùng, dữ tợn, vừa xảy ra, lời người xướng ngôn viên vang lên… Được biết kẻ giết người là người yêu cũ của người bị hại, một cô giáo tên là Carlotta; tên sát nhân vừa đi tù về. Cảnh sát đang truy nã hắn rất gắt gao”. Kurt Eggen cười gằn khi nghĩ tới lúc hắn cũng nghe thấy những lời thông báo tương tự về vụ cướp của hắn 4 năm về trước. Hắn hồi tưởng lại nỗi sợ hãi, kinh hoàng hắn đã cảm thấy vào lúc đó… “Xin đừng bắn! Xin đừng bắn, tôi xin đầu hàng!”. Thật đáng tức cười, giờ đây thì trái lại, hắn hoàn toàn bình thản, tự tin. Vừa lái xe một cách thư thái, hắn vừa cố nhớ lại những lời của Kruger: “Dù cho bọn cớm có đuổi sát đít, cứ việc tiến tới, đừng thèm sợ”. Phải, đây chính là điều mà hắn sắp làm, hắn sẽ tiếp tục tiến tới và… ngay tức khắc!

Kurt bình thản đậu xe trước cửa Bệnh Viện Hambourg. Đây là nơi vị hôn thê thứ nhì của hắn Ingrid, cũng đã chê bai, nhạo báng hắn, đang làm việc. Không, nàng không thay đổi chỗ làm, nhân viên tiếp tân cho hắn hay, và hắn bình tĩnh, không hề vội vã, đi đến khoa đó.

Ingrid Merryl chắc đã không nghe được bản tin trên đài phát thanh, vì nếu nàng nghe được, chắc chắn nàng sẽ không tiếp hắn như cách nàng đang làm:

- Anh hả, anh còn đến đây làm gì? Xéo ngay! Không thì tôi cho người tống cổ anh ra bây giờ.

Kurt làm như không nghe thấy gì cả. Với dáng điệu kẻ cả, hắn cũng hỏi Ingrid câu hỏi hắn đã hỏi Carlotta mới đây.

- Anh mới ở tù ra Ingrid ạ. Em không thấy anh đã thay đổi à?

Người nữ y tá bĩu môi, khinh bỉ:

- Hãy mau trở về với má anh đi, như vậy tốt hơn!

Cũng như lúc nãy khi ở trong hành lang nhà trường, Kurt Eggen tái mặt khi bị lăng mạ. một tiếng nổ chát chúa vang lên kèm theo một tiếng hét hãi hùng. Ingrid Merryl gục ngã trên sàn gạch bông, một vết máu đỏ lan rộng trên ngực áo của nàng. Bằng một cử chỉ cực kỳ gan dạ, Kurt không thèm chạy, bình thản bước ra xe và biến mất.

Vài giờ sau, vào nửa đêm, nhân viên trực tại tòa soạn tờ nhật báo lớn nhất Hambourg nhận được một cú điện thoại:

- Alo, tôi là Kurt Eggen, chính tôi là kẻ đã hạ sát cô giáo Carlotta và nữ y tá Ingrid, tôi đã giết hai người đó để đổi lấy việc chính quyền phải lập tức trả tự do cho tù nhân Thomas Kruger, đang thọ án ở nhà tù Hambourg. Trường hợp yêu cầu của tôi không được đáp ứng ngay, mỗi ngày tôi sẽ giết thêm một mạng, có thể là bất cứ ai, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Hãy đăng tải lời tuyên bố của tôi trên quý báo, báo sẽ bán chạy như tôm tươi đấy.

Nhà báo vội báo ngay cho cảnh sát biết nội vụ. theo lời anh ta, Kurt Eggen đã không gọi từ Hambourg, có một tín hiệu nhẹ cho biết Eggen gọi từ một tỉnh khác. Nhưng từ đâu?

Lệnh báo động được ban hành khẩn cấp. Trong một cuộc họp báo được cấp tốc triệu tập, Giám Đốc sở cảnh sát Hambourg lo lắng:

- Chúng tôi xin toàn thể dân chúng giúp đỡ chúng tôi. Tên sát nhân rất nguy hiểm, rất lạnh lùng và rất quyết tâm. Nguy hiểm hơn nữa là hắn có thể giết bất cứ ai trong chúng ta. Xin tất cả mọi người ai nấy cố gắng nhìn thật kỹ hình của Kurt Eggen sẽ được đăng tải rộng rãi trên tất cả các báo, các đài truyền hình, ngõ hầu có thể dễ dàng nhận ra hắn. Một số tiền thưởng là 10.000 đồng Mác sẽ được trả cho ai giúp bắt được Eggen.

Cuộc săn người khổng lồ được mở ra, tất cả các lực lượng cảnh sát đều được huy động… Ở một nơi nào đó ở Đức Quốc, Kurt Eggen khoan khoái khi nghe thấy tên mình được thông báo bằng một giọng nói đầy run sợ. Một món tiền thưởng lớn đã được rao để bắt hắn, hàng ngàn cảnh sát đang theo đuổi hắn; hắn thầm nghĩ: ngay cả đến Thomas Kruger cũng không có những giây phút hiển hách như vậy. Về vấn đề thả Kruger, Kurt cũng không phải đã hành động như một người điên. Hắn thừa biết là cảnh sát sẽ không bao giờ chịu thả Kruger. Nhưng đây là cung cách riêng của hắn để đền ơn đáp nghĩa người thầy đã đào tạo ra hắn, đồng thời cũng để chứng tỏ hắn đã đuổi kịp bậc thầy của mình.

Ngày 20 tháng Giêng năm 1978. Trên một đường phố ở Francfort, một người to béo đầu đội một chiếc mũ kiểu “tyrolien” bỗng chỉ tay về phía một chàng trai tóc vàng:

- Chính là hung thủ đấy! Chính là Kurt Eggen đấy! Tôi biết hắn mà, bắt lấy hắn bà con ơi!

Thanh niên tóc vàng không bỏ chạy. hắn lạnh lùng rút súng bắn vào người to béo và người này gục chết ngay trên vỉa hè. Đám đông nhào lại và hắn bỏ chạy. cuối cùng hắn bị bắt, và nếu các cảnh sát viên không can thiệp mạnh, hắn đã bị dân chúng đập chết.

Kurt Eggen, trong thời gian vài ngày vừa qua đã là kẻ thù số một của công chúng ở Đức Quốc, được đưa ra xét xử tại Francfort. Một vụ xử chỉ có tính cách hình thức vì bị cáo đã tự động khoe khoang các tội ác của hắn một cách hỗn xược, mỉa mai, khiến hắn bị xử với hình phạt cao nhất là ở tù chung thân.

Và khi Eggen được đưa đến thụ hình ở nhà ngục Francfort, sự việc đã thay đổi quá nhiều, kể từ khi tên tội phạm ngờ nghệch được đưa tới nhà tù ở Hambourg sau khi hắn cướp hụt Ngân Hàng. Kurt Eggen giờ đây đã biến thành tên anh chị bự, một ngôi sao sáng rỡ trên nền trời đao búa. Vừa bước vào ngưỡng cửa nhà tù, hắn đã được chào đón bằng một sự im lặng kính cẩn, sợ hãi, tùng phục. hắn thoáng nghe thấy những tiếng thì thầm:

- Eggen đó!

Giờ đây hắn đã có thể trị vì, làm chủ cách độc tôn trong thế giới tù tội, và hắn có thể quát bảo với bất cứ ai:

- Này, nhóc, con, lại đây lau dép cho ta!

Và rất có thể, một ngày nào đó, người ta sẽ đưa vào phòng hắn một gã trai trẻ sợ hãi, nhút nhát, vì đứng trước mặt Đại Ca Eggen. Lúc đó Kurt sẽ rời bỏ thái độ lạnh lùng, dữ dằn, để nhẹ nhàng hỏi gã trẻ tuổi:

- Ê, chú nhỏ!... Có chuyện gì không ổn hả? Kể coi…

VŨ ANH TUẤN dịch một truyện của Bellemare

|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế