Hiện có 8 người xem / 2334167 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 12/5/2012

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA VÀ NAY

Mở đầu buổi họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách, một bằng Pháp văn, và một bằng tiếng Việt. Cuốn sách bằng tiếng Pháp được in 64 năm trước và mang tựa đề là “Bắc Đẩu Bội Tinh” (La Légion d’Honneur) của tác giả Jean Daniel, và được xuất bản ở Paris năm 1948. Sách nói về lịch sử các loại Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp và có rất nhiều minh họa bằng màu khá đẹp. Tuy là của Pháp nhưng cũng có phần nào liên quan tới Việt Nam, vì hồi đầu thế kỷ 20 đã có một số người Việt được Tây thuộc địa thưởng cho các loại bội tinh này. Với các nhà nghiên cứu lịch sử, sách cũng là một tài liệu khá quý và hiếm, hơn nữa cuốn sách khổ 18x23cm, dày 240 trang, bìa cứng, được trình bày rất đẹp với rất nhiều minh họa. Cuốn sách tiếng Việt là một tập thơ tình gồm chín bài được dịch ra Anh và Pháp ngữ. Bản dịch tiếng Anh do chính Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã dịch mấy năm về trước, sau khi được cam kết là cả chín bài thơ đều chỉ là thơ tình, tuyệt đối không hề có hơi hướm cô “chị” it thơm. Bản dịch ra Anh ngữ này đã được trưng bày trong kỳ Hội Nghị Quốc Tế giới thiệu Văn Học Việt Nam ra nước ngoài năm 2010. Bản tiếng Pháp do một dịch giả người Việt sinh sống ở Pháp đảm nhiệm. Cuốn thơ tam ngữ này mới được Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây giới thiệu qua một buổi lễ ra mắt tập thơ được tổ chức ở Hà Nội. Giới thiệu bản dịch xong, Dịch giả Vũ Anh Tuấn hứa sẽ tặng mỗi thành viên CLB một tập.

Sau phần giới thiệu sách, bà Thùy Dương đã có một thuyết trình ngắn gọn về “Phương pháp trị bịnh bằng nội khoa tâm lý qua truyền hình”, và bà có mang theo hai cái đĩa để minh họa, tiếc rằng ngay nơi họp không có đầu máy và màn ảnh để chiếu cho các thành viên xem.

Tiếp lời bà Thùy Dương, anh Trần Văn Hữu kể chuyện anh đi thăm một ngôi thánh đường nhỏ ở La Vang và ngâm tặng các thành viên bài thơ “Đi chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp mà anh có ý đặc biệt dành tặng cho BS Nguyễn Lân-Đính là cháu nhà thơ.

Kế đó anh Phạm Vũ có lên nói mấy lời chúc mừng CLB đã tồn tại được 6 năm, và đã có số Bản Tin kỷ niệm dày tới 150 trang.

Tiếp lời anh Vũ, bà Tâm Nguyện cũng phát biểu cho biết CLB là một sân chơi rất vui, tốt, và bổ ích cho những người bạn cùng chia sẻ một lòng yêu sách và yêu văn học. Tuy việc viết lách duy trì bản tin chẳng mang lại cho một ai dù chỉ một xu, nhưng ai nấy đều hăng say viết… chùa. Riêng với bà Tâm Nguyện bà cho biết là bà luôn thận trọng tối đa khi viết, và để chứng minh, bà đã cho các thành viên thấy một tập bản thảo to đùng mà bà đã viết xong, thấy không vừa ý thì lại bỏ.

Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày.


Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN SÁCH CỔ NHAN ĐỀ TIẾNG PHÁP CỔ ĐIỂN

(LE FRANÇAIS CLASSIQUE)

Mới sáng sớm đã nhận được một cuộc gọi của anh bạn chủ tiệm sách cũ, tôi mừng húm, vội trả lời là sẽ có mặt ngay tắp lự, và rồi tôi ăn gấp tô phở để tới điểm hẹn. Tới nơi, tôi được anh bạn cho biết là mới mua được rất nhiều sách Pháp, và bảo tôi đi với anh về nhà để… tha hồ mà lựa!

Có độ gần 300 cuốn mà tôi chỉ lựa được 9 cuốn, sau gần nửa tiếng đồng hồ vi hành qua gần 20 chồng sách, tiếp xúc với từng cuốn một. Tôi đưa 9 cuốn sách tôi lựa được cho chủ nhân và nói đùa: “Làm ơn tuyên án cho đúng người, đúng tội”. Ôi! quả là một thứ tội, cái tội đam mê sách chẳng thua gì đam mê quý bà rất ít xấu! Kết quả là anh chủ sách đã khoan hồng, chỉ phạt có vỏn vẹn 500 đô mít, và cuốn sách tôi xin giới thiệu hôm nay là một trong chín cuốn đó.

Cuốn sách khổ 12x18 cm, dày 884 trang cộng với 48 trang phụ bản bằng hình (nguyên trang) cho người đọc thấy hình rất nhiều cuốn sách và tự điển cổ hồi thế kỷ thứ XVII, thật là tuyệt vời. Một điểm thích thú nữa là cuốn sách được đóng lại rất gọn ghẽ và chắc chắn bởi người chủ cũ mà tôi không được hân hạnh biết là ai, nhưng tôi tin chắc là cũng là dân mê sách như tôi!

Trang đầu sách ghi tựa đề là: “Tự Điển ngôn ngữ hồi thế kỷ thứ XVII” (Lexique de la langue du dix-septieme siècle) của tác giả Gaston Cayrou, Thạc sĩ, Giáo sư trường Trung Học Janson-de-Sailly với 69 hình ảnh tài liệu minh họa, và được xuất bản lần thứ nhì năm 1924 (88 năm trước).

Các tự điển tiếng Pháp hiện đại thì thiếu gì, nhưng một cuốn tự điển tiếng Pháp hồi thế kỷ thứ XVII, thì thật là phải có thiên duyên với nó thì mới gặp nó được! Cuốn tự điển này được soạn theo mẫu tự và mỗi từ được giải thích rõ ràng hồi thế kỷ XVII nó được dùng như thế nào? Mang những ý nghĩa gì vv… với ê hề thí dụ, thực là tuyệt vời. Còn 48 phụ bản nguyên trang thì là hình bìa các tự điển và các sách hồi đó sử dụng thứ tiếng Pháp cổ điển, với một số từ mà cách viết khác hẳn thời nay ví dụ như từ orthographe” là chính tả, vào thời đó được viết là ortografe”, “langue française” là tiếng Pháp được viết là “langve francoise”, từ “nouvelle” là mới hoặc là truyện ngắn được viết là “novvelle”, từ “connaissance” là sự hiểu biết được viết là “connoissance” vv…

Có được cuốn tự điển này tôi thích quá vì nó cho tôi những phương tiện để giải mã, để hiểu được thứ tiếng Pháp cổ điển thời thế kỷ thứ XVII, để rồi mỗi khi được một mẫu hậu nào mail tới ra lệnh giải thích thì liền ân hận, à quên hân hạnh, giải thích được ngay sau khi tra cứu. Thật ra tôi hiểu rất rõ là mình chả có tài gì, chỉ có… tài liệu! (nói theo Chế Lan Viên), nhưng mỗi khi trả lời suôn sẻ được cho một mẫu hậu nào là tự nhiên cảm thấy tâm hồn thư thái lâng lâng. Trong số hai tá mẫu hậu của tôi, một hôm có một bà nổi hứng gọi tôi là “vương nhi”; vừa bị gọi xong, tôi triệu tập ngay Đại hội và dõng dạc tuyên bố: “Anh gọi các Em là Mẫu hậu, nhưng đừng vội tưởng bở, vì anh cóc phải là chú vua con, mà anh là Thái thượng hoàng của nó, và có một điều vui vui là chú vua con này nó có… nhiều mẹ lắm!”. Nói vậy, nhưng mỗi khi giúp được một mẫu hậu nào hiểu được dù chỉ một từ, tôi vẫn cảm thấy thích thú lắm, hơn nữa tôi cũng cảm ơn Hoàng Thiên là đã cho tôi toàn những mẫu hậu… mê sách chẳng kém gì tôi…

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

CÓ MỘT CUỐN SÁCH

NHƯ THẾ ĐÓ (tt)

NHỮNG ĐIỀU GIẢN YẾU VỀ KINH THI,

TẬP CA DAO CỔ CỦA NGƯỜI TÀU

· Nói qua về Ngũ kinh.

Ngũ kinh (năm cuốn sách), cũng như Tứ thư, là những sách gốc của Nho giáo. Nguyên trước có sáu kinh, nhưng vì sự đốt sách của Tần Thủy Hoàng (246-209), một kinh là Kinh nhạc (âm nhạc) mất đi6. Ngũ kinh là:

1. Thi (thơ), do đức Khổng Tử sưu tập và lựa chọn, sẽ nói rõ sau.

2. Thư (nghĩa đen là ghi chép), do đức Khổng Tử sưu tập, trong đó chép điển, mô, huấn, cáo, thệ, mệnh7 của các vua tôi bên Tàu từ đời Nghiêu, Thuấn đến đời Đông – Chu (từ năm 2357 đến năm 771 trước công nguyên).

3. Dịch (nghĩa đen là thay đổi) là cuốn sách tướng số dùng về việc bói toán và sách lý học cốt giải thích lẽ biến hóa của trời đất và sự hành động của muôn vật.

Nguyên vua Phục Hy (4480-4365) đặt ra bát quái (tám quẻ, tức tám hình vẽ); tám quẻ ấy lại lần lượt đặt chồng lên nhau thành ra 64 trùng quái (quẻ kép); mỗi trùng quái có sáu nét vạch (hoặc vạch liền biểu thị lẽ dương, hoặc vạch đứt biểu thị lẽ âm gọi là hào, thành ra 384 hào. Đức Khổng Tử mới nhân đấy mà giải nghĩa các quái, các trùng quái và các hào.

4. Lễ ký (chép về lễ) là sách chép các lễ nghi trong gia đình, hương đảng và triều đình. Hiện cuốn lễ ký còn truyền lại đến giờ phần nhiều là văn của Hán Nho, chứ chính văn do đức Khổng Tử san định về đời Xuân Thu không còn mấy.

----------------------------

6 Chỉ còn lại có một thiên, sau đem vào sách Lễ Ký, đặt là thiên Nhạc ký.

7 Điển: phép tắc; : mưu bàn, kế sách; huấn: lời dạy dỗ; cáo: lời truyền bảo; thệ: lời răn bảo tướng sĩ; mệnh: mệnh lệnh.

5. Xuân Thu (mùa xuân và mùa thu), nguyên là sử ký nước Lỗ, do đức Khổng Tử san định lại, chép công việc theo thể biên niên từ năm đầu đời Lỗ Ẩn Công đến năm thứ 15 đời Lỗ Ai Công (từ năm 722 đến năm 481 trước công nguyên), cộng là 243 năm.

· Lược sử kinh Thi

1. Kinh Thi vốn là những bài ca dao ở nơi thôn quê và nhạc chương ở nơi triều miếu của nước Tàu về đời Thượng cổ. Các thiên trong "Thương tụng" có lẽ làm từ đời nhà Thương (1783-1135), còn các thiên khác đều làm về đời nhà Chu, từ thế kỷ XII đến VI.

Các bài ấy do các nhạc sư sưu tập và đem hát trong khi có yến tiệc và tế lễ.

2. Nguyên trước có đến 3.000 thiên, sau đức Khổng Tử lựa chọn lấy hơn 300 thiên và, theo ý nghĩa các thiên, sắp đặt thành 4 phần.

3. Đến đời Tần Thủy Hoàng, Kinh Thi, cũng như các kinh khác bị đốt, nhưng có nhiều nhà Nho còn nhớ.

4. Đến thế kỷ II trước công nguyên, về đời nhà Hán, có 4 bản kinh Thi xuất hiện, đại thể giống nhau, duy chữ viết có khác. Truyền lại cho đến nay là bản của Mao Công (tức Mao Trường).

· Nội dung của kinh Thi

Kinh Thi có 4 phần gồm 305 thiên (bài thơ), trong đó có 6 thiên chỉ truyền lại đề mục mà không còn bài. Mỗi thiên lấy vài chữ chính trong thiên làm đề mục và chia ra làm nhiều chương.

Bốn phần trong kinh Thi là:

1. Quốc phong Quốc nghĩa là nước (đây là các nước chư hầu về đời nhà Chu), phong nghĩa đen là gió; ý nói các bài hát có thể cảm người ta như gió làm rung động các vật. Vậy quốc phong là những bài ca dao của các dân nước chư hầu mà đã được nhạc quan của nhà vua sưu tập lại.

Quốc phong chia 15 quyển, mỗi quyển là một nước, gồm có:

a. Chính phong (hai quyển Chu nam Thiệu nam8) gồm những bài hát từ trong cung điện nhà vua truyền ra khắp thiên hạ.

b. Biến phong gồm những bài hát của 13 nước chư hầu khác.

2. Tiểu nhã Nhã nghĩa là chính đính, gồm những bài hát dùng ở nơi triều đình. Tiểu nhã chỉ những bài hát dùng trong những trường hợp thường như khi có yến tiệc. Tiểu nhã gồm có 8 thập, mỗi thập có 10 thiên.

3. Đại nhã Đại nhã chỉ những bài hát dùng trong những trường hợp quan trọng như khi thiên tử họp các vua chư hầu hoặc tế ở miếu đường.

Đại nhã gồm có 3 thập, mỗi thập 10 thiên, trừ thập thứ 3 có 11 thiên.

4. Tụng Tụng nghĩa đen là khen, gồm những bài ngợi khen các vua đời trước và dùng để hát ở nơi miếu đường. Tụng có 5 quyển gồm 40 thiên, chia ra làm:

- Chu tụng: 31 thiên (3 quyển đầu)

- Lỗ tụng: 4 thiên (quyển thứ 4)

- Thương tụng: 5 thiên (quyển thứ 5).

· Thể văn trong kinh Thi

1. Các bài trong kinh Thi viết theo thể thơ 4 chữ (thỉnh thoảng có câu 3 chữ hoặc 5 chữ).

2. Cách kết cấu các bài làm theo 3 thể: thể phú, thể tỷ, thể hứng.

· Luân lý trong kinh Thi

1. Đức Khổng Tử đã nói: "Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: Tư vô tà", nghĩa là: Cả 300 thiên kinh Thi, chỉ một câu có thể chùm được, là: Không nghĩ bậy (Luận ngữ: Vi chính II). Vậy người đọc Kinh Thi phải làm thế nào cho lòng mình không nghĩ đến điều xằng bậy, dâm tà để có được những tính tình trong sạch; đó là bài học luân lý của sách ấy, mà cũng là chủ ý của đức Khổng Tử khi ngài san định kinh ấy.

2. Ngài lại nói: "Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán, nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa chí ư điểu thú, thảo mộc chi danh", nghĩa là: Xem kinh Thi, có thể phấn khởi được ý chí, xem xét được việc dở, phù hợp với mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì học việc thờ cha, xa thì học việc thờ vua, lại biết được nhiều tên chim, muông, cỏ cây.

Đó là sự ích lợi của việc học kinh Thi.

(Luận ngữ : Dương Hóa, XVII)

· Đọc kinh Thi, biết được những điều gì? – Đọc kinh Thi, ta biết được tính tình, phong tục của người dân và chính trị các đời vua cùng các nước chư hầu ở nước Tàu về đời Thượng cổ. Thí dụ: Đọc Mân Phong, ta biết được tục cần kiệm của người dân nước ấy; Đọc Vệ Phong, ta biết được tục dâm bôn của người dân nước ấy; Đọc Tần Phong, ta biết được sự hối quá của người dân nước ấy; Đọc Đại Nhã, Tiểu Nhã, ta biết được chính trị của nhà Chu thịnh suy thế nào.

· Ảnh hưởng kinh Thi đối với văn chương nước Tàu và nước Nam.

1. Kinh Thi là một cái nguồn thi hứng : các thi sĩ thường mượn đề mục ở đấy.

2. Kinh Thi lại là một cái kho điển tích: các nhà làm văn hay lấy điển hoặc lấy chữ ở đấy. Ta cứ đọc Truyện Kiều thì thấy rất nhiều điển và chữ mượn ở kinh Thi.

Kết luận . – Kinh Thi, cũng như ca dao của ta, là cái nền thơ tối cổ của nước Tàu, trong đó có nhiều bài mô tả tính tình, phong tục dân Tàu một cách chất phác, hồn nhiên, thật là một cái kho tài liệu cho ta khảo cứu vậy. (Dương Quảng Hàm – Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Bộ Giáo Dục, Trung tâm học liệu xuất bản năm 1968).

---------------------

8 Chu nam, Thiệu nam: Chu và Thiệu là tên đất (nay là đất huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây); Nam là nước chư hầu ở phương nam. Đất Chu, đất Thiệu nguyên là cố ấp của nhà Chu. Đến đời Chu Văn Vương mới chia cho 2 người con là Đán và Thích; Đán được ăn phần đất Chu nên gọi là Chu công, Thích được ăn phần đất Thiệu, nên gọi là Thiệu công.

D. BỘ VEDA CỦA ẤN GIÁO

Thời kỳ Veda : là thời kỳ hình thành bộ kinh Veda, được xác định vào khoảng từ năm 1400 đến năm 1000 trước công nguyên. Đây là thời kỳ mà chủng tộc Aryan từ phương Bắc tràn sang chinh phục Ấn Độ.

Những người Aryan giỏi ngựa xe và biệt tài gươm giáo đã nhanh chóng giành phần thắng trong các cuộc chiến trận.

Veda có từ nguyên trong tiếng Sanskrit là vid, có nghĩa là hiểu biết, kiến thức. Veda còn đồng nghĩa với brahman, tức là nguyên lý vũ trụ, là khởi nguồn và cũng là mục đích của mọi kiến thức. Kinh Veda là tập hợp tất cả những hiểu biết về vũ trụ, thiên nhiên và con người . Đây là sản phẩm của tầng lớp tu sĩ đương thời, cũng tự gọi là những brahman, tức là những người làm nhiệm vụ cầu nối giữa con người và thần linh, chủ trì các cuộc cúng tế, chăm sóc đời sống tinh thần của xã hội.

Kinh Veda được xem là loại văn bản thiêng liêng do con người nghe thấy (shruti) từ thần linh, khác với loại văn bản được con người nhớ lại (smriti) từ lời dạy của những hiền triết. Kinh Veda bao gồm 4 bộ: Rig Veda, Yajur Veda, Sama Veda và Atharva Veda. Có thể nói tất cả các tôn giáo ở Ấn Độ đều bắt nguồn từ kinh Veda, ở khía cạnh là tiếp tục triển khai (trường hợp Bà la môn giáo và Hinđu giáo) hoặc tìm cách phủ nhận các ý tưởng ở đó (trường hợp Phật giáo và Jain giáo). Những câu chuyện về thần linh, những khái niệm tín ngưỡng trong kinh Veda cũng là nền tảng của sự phát triển thần thoại Ấn Độ trong các thời kỳ sau.

Các nhà nghiên cứu đã chú ý một số điểm nổi bật trong kinh Veda như sau:

- Tinh thần chiến sĩ : Thời kỳ Veda là thời kỳ những người Aryan thường xuyên đánh nhau không chỉ với người bản địa mà cả giữa những người Aryan với nhau. Trật tự xã hội thời bấy giờ được hình thành từ sự cạnh tranh giữa những bộ tộc nhỏ, đứng đầu là những "vua" (thật ra chỉ là thủ lĩnh của một nhóm) để giành đất đai, của cải (tính bằng gia súc). Trong một thế giới như vậy, các giá trị chiến sĩ được đề cao.

Các thần linh được cầu nguyện để ban cho chiến công, tiêu diệt kẻ thù. Trong số các thần linh được thờ phụng thời kỳ Veda có thần Indra, đây chính là tính chất chiến sĩ được thần thánh hóa, được miêu tả là người đã uống một lượng lớn chất bổ dưỡng soma và truy bắt, tiêu diệt loài quỷ. Vị thần này đã đóng vai trò quan trọng ở một chuyện kể trong kinh Veda về sự sáng tạo – vũ trụ đã được tạo ra khi Indra đánh bại con rắn cuộn mình bao quanh "đại dương sự sống". Indra và các vị thần tương tự trong tín ngưỡng Veda chính là sự thần thánh hóa chủ nghĩa anh hùng chiến đấu, được coi là một đặc trưng của con người và xã hội Ấn Độ cổ đại.

- Chủ nghĩa tôn sùng tự nhiên : Rất nhiều các vị thần trong kinh Veda đồng nhất với các hiện tượng thiên nhiên hoặc các yếu tố của vũ trụ - đất, không khí và bầu trời. Tên gọi các vị thần cũng chính là tên gọi các hiện tượng tự nhiên, như là mặt trời (Surya, Aditya, Savitar), mặt trăng (Chandra), bầu trời (Dyaus). Trong không khí thì có thần gió (Vayu) và thần sấm sét Indra cùng với đội quân của thần là các Marut, còn ở cõi đất thì có nữ thần đất Prithivi. Trong tất cả các trường hợp, không có sự phân biệt giữa vị thần và hiện tượng tự nhiên: mặt đất cũng chính là Prithivi, gió chính là Vayu, mặt trời chính là Surya… Có những thần khác tượng trưng cho bình minh (Ushas), đêm tối (Ratri), sông ngòi (Sarasvati) và ngay cả thiên tai cũng được thần hóa bằng hình ảnh Nirriti. Các nghi lễ của thời kỳ Veda thường diễn ra theo chu kỳ của thiên nhiên như các tuần trăng và các mùa trong năm.

Các vị thần liên quan đến việc hiến tế bằng lửa có một vị trí quan trọng, trong đó, thần lửa Agni chiếm vị trí trung tâm, Agni là vị thần duy nhất được coi như có mặt ở cả ba cõi vũ trụ: ở cõi đất thần là lửa, ở cõi không khí thần là ánh chớp, ở cõi trời thần là mặt trời. Ngoài ra, Agni còn là sứ giả và là thầy tư tế của chư thần. Các vật phẩm dâng cúng được cho vào miệng của thần Agni (tức ngọn lửa trong lễ hiến tế) và được mang đi (thông qua khói) cho chư thần cùng hưởng.

Vak là vị thần của những lời thần chú, tượng trưng cho sức mạnh của những lời cầu nguyện đồng thời là người ban truyền những ân huệ của chư thần cho con người.

Một vị thần quan trọng khác là thần Soma cũng chính là tên gọi của một sản phẩm từ thiên nhiên. Theo kinh Veda thì đây là một chất nước ép từ một loại thực vật được dùng để dâng lên thần linh và được các thầy tư tế uống trong các lễ hiến tế. Đây chắc chắn là một loại nước uống bổ dưỡng và có lẽ có chất gây hưng phấn. Kinh Veda còn ghi lại lời ca hân hoan của người uống Soma:

"Như cơn gió mãnh liệt, thức uống này đã nâng tôi lên cao. Lẽ nào tôi chưa uống Soma? Thức uống đã nâng tôi vút nhanh như trên một xe ngựa phi nước đại. Lẽ nào tôi chưa uống Soma?… Trong khoảng mênh mông, tôi vượt qua bầu trời, tôi vượt qua mặt đất. Lẽ nào tôi chưa uống Soma?

Nào, tôi sẽ đặt trái đất chỗ này, tôi sẽ đặt trái đất chỗ kia. Tôi thật khổng lồ, thật vĩ đại, tôi bay cùng với những đám mây. Lẽ nào tôi chưa uống Soma? "9.

----------------------

9 Jonathan Z. Smith (ed.), Dictionary of Religion,

Harperr San Francisco, 1995, tr.1116.

- Đề cao nghi lễ hiến tế bằng lửa :

Kinh Veda thường nói đến lễ hiến tế, gọi là yajna. Lễ hiến tế có nghi thức hết sức rườm rà với sự tham gia của nhiều thầy tư tế nhằm dâng các vật phẩm gồm sữa, ngũ cốc, thịt và soma lên các thần linh thuộc ba cõi thế giới.

(Huỳnh Thị Được, Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, NXB Đà Nẵng 2010)

E. BỘ KINH KORAN CỦA HỒI GIÁO

Đối với đại khối các dân tộc Ả Rập, nguyên bản bằng ngôn ngữ Arabic của kinh Koran là một kiệt tác phẩm thi văn. Kinh Koran không hẳn là một cuốn thơ trường thiên nhưng là một tác phẩm văn xuôi có vần có điệu (poetic rhymed prose) rất thích hợp với khẩu vị văn chương của những người du mục ở nơi hoang dã. Chính vì vậy mà kinh Koran đã mau chóng được truyền bá qua truyền khẩu rộng khắp bán đảo Ả Rập (lớn gấp 8 lần Việt Nam).

Về phương diện tâm linh, kinh Koran là sự nối kết những dòng tư tưởng về một tôn giáo độc thần khởi đầu từ tổ phụ Abraham, qua Mai-sen (Moses) qua Jesus đến thiên sứ cuối cùng là Muhammad. Từ 2000 năm trước Công Nguyên, những người Ả Rập đã biết đến Thiên Chúa của Abraham mà họ gọi là Allah. Điều đó có nghĩa là họ đã thờ Allah từ 27 thế kỷ trước khi có Muhammad và đạo Hồi. Qua nhiều thế kỷ tiếp xúc với văn hóa Do Thái, người Ả Rập đã rất quen thuộc với các nhân vật của kinh Thánh Cựu Ước. Từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7, người Ả Rập tiếp xúc với những người Ki Tô Giáo thuộc đế quốc Byzantine rộng lớn và từ những nước lân bang như Syria, Ai Cập và Ethiopia... Mặc dù rất ít người Ả Rập lúc đó theo Ki Tô Giáo nhưng cũng không cảm thấy xa lạ với Jesus và Gioan Baotixita.

Đọc kinh Koran, chúng ta sẽ thấy những nhân vật quan trọng của hai đạo Do Thái và Ky Tô được Muhammad thường xuyên nhắc tới. Kinh Koran là một tổng hợp những kiến thức tôn giáo đã tiềm tàng sẵn trong đại khối các dân tộc Ả Rập. Sự tổng hợp đó được gọi là Islam, có nghĩa là sự tuân phục tuyệt đối vào Thiên Chúa. (Islam means the absolute submission to God). Người Trung Quốc phiên âm "Islam" thành "Hui" (Hồi) và gọi đạo này là "Hui-jao" tức Hồi Giáo. Kinh Koran trở thành Thánh Kinh (The Holy Book) hoặc sách Mặc Khải (Book of Revelation) của Hồi Giáo.

Đáng lẽ ra đạo Do Thái, đạo Ky Tô và đạo Hồi đều cùng thờ chung một Chúa thì phải có chung một Kinh Thánh duy nhất mới phải. Trong thực tế, mỗi đạo đều có Thánh Kinh riêng và đạo nào cũng tự cho Thánh Kinh của mình mới là chân lý tuyệt đối. Cả 3 đạo đều tự cho Thánh Kinh của mình là những "sách Mặc Khải".

- Kinh Torah (Cựu Ước) được Thiên Chúa mặc khải cho Thánh Mai-sen (Moses) khoảng năm 1250 TCN trên núi Sinai.

- Các sách Tân Ước/Phúc Âm là các sách Thiên Chúa mặc khải cho các Tông đồ, thánh Phaolô và bốn vị Thánh Sử: Matthew, Mark, Luke và John trong thế kỷ 1.

- Kinh Koran là sách Thiên Chúa mặc khải cho tiên tri Muhammad qua trung gian của sứ thần Gabriel trong 22 năm liên tục (610-632).

Trước khi có kinh Koran, người Ả Rập có mặc cảm là một chủng tộc thiếu văn hóa và họ tỏ ra trọng nể người Do Thái và Ky Tô. Cho nên, trong ngôn ngữ Ả Rập có danh từ "Dhimmi" để gọi chung cho Do Thái và Ki Tô. Danh từ này có nghĩa là "những người có sách Thánh Kinh" (People of the Books).

Sự xuất hiện kinh Koran vào đầu thế kỷ 7 đã đem lại cho các dân tộc Ả Rập một niềm tự hào vì từ nay họ có Thánh Kinh viết bằng tiếng Ả Rập. Họ đón nhận đạo Hồi là đạo của dân tộc chứ không phải là đạo ngoại lai. Kinh Koran và đạo Hồi là hai yếu tố quan trọng đem lại sự hứng khởi tinh thần và là chất keo văn hóa nối kết các bộ lạc Ả Rập lại với nhau và biến đại khối Ả Rập thành một lực lượng chính trị và quân sự hùng mạnh trong nhiều thế kỷ.

1 . Công việc biên soạn kinh Koran

Khác với Cựu Ước được viết theo lối văn lịch sử, kinh Koran được viết theo lối văn kể chuyện thông thường (oral recitation). Tổng cộng có 114 chương (suras/chapters) gồm 6616 câu thơ (verses).

Sự phân phối các câu thơ trong các chương không đều nhau. Chương dài nhất có 287 câu thơ, chương ngắn nhất chỉ có 3 câu mà thôi. Mỗi câu thơ cũng dài ngắn bất thường: Câu thơ dài nhất chiếm tới nửa trang sách, câu ngắn nhất chỉ có 2 chữ! Phần lớn kinh Koran (85 chương) được Muhammad viết tại Mecca, còn lại 29 chương viết tại Medina. Muhammad viết Koran trên lá cọ và trên những tấm da súc vật phơi khô.

Sau khi Muhammad qua đời vào năm 632, phần lớn các bản chép tay nói trên bị thất lạc hoặc phân tán rải rác nhiều nơi. Mọi người cảm thấy nguy cơ có thể làm cho cuốn Thánh Kinh của họ bị tiêu vong nếu không gấp rút sưu tầm và thu hồi các nguyên bản của Muhammad. Sau đó, cần phải có người tài giỏi biên tập tất cả các nguyên bản thành một cuốn Thánh Kinh duy nhất.

Để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ Hồi Giáo, người có thẩm quyền đầu tiên đứng ra lo việc này là Abu Bakr (632-634). Ông vừa là cha vợ vừa là người đầu tiên kế vị Muhammad (the first caliph) và cũng là vị vua Hồi Giáo đầu tiên thống nhất bán đảo Ả Rập để biến nơi này thành điểm xuất phát, bành trướng Hồi Giáo ra khắp thế giới. Abu Bakr giao cho một thanh niên 22 tuổi tên Zayd đi sưu tầm và gom góp các thủ bản của kinh Koran do Muhammad viết tập trung tại Medina.

Công việc đang được tiến hành tốt đẹp thì Abu Bakr qua đời. Các tài liệu do Zayd thu thập đều được chuyển giao cho vị vua Hồi Giáo kế nhiệm là Umar Khattab. Vị vua này là một nhà quân sự đại tài, chỉ trong 10 năm (634-644) đã mở rộng lãnh thổ của Hồi Giáo ra toàn vùng Trung Đông và Bắc Phi. Vì quá mải mê lo việc quân sự nên vị vua này đã bỏ quên công việc biên tập kinh Koran. Hậu quả nghiêm trọng là ở những địa phương khác nhau người ta truyền miệng những câu thơ của Kinh Koran khác nhau và sự tranh cãi về tính trung thực của kinh Koran càng ngày càng trở nên gay gắt và hỗn loạn. Các cuộc tranh cãi này đã dẫn đến cuộc "thánh chiến" giữa hai phe Hồi Giáo tại Nehavand, gây cảnh thịt rơi máu đổ trong 7 năm (650-657).

Vị vua kế nghiệp thứ ba (the third caliph) là Uthman (644-657) chú tâm đến việc phục hồi kinh Koran. Năm 652, Uthman giao cho Zayd và 3 người phụ tá nhiệm vụ biên tập các bản thảo của Muhammad thu hồi được thành một cuốn sách duy nhất. Sau 5 năm, nhóm biên tập của Zayd hoàn thành nhiệm vụ. Năm 657, tức 25 năm sau khi Muhammad qua đời, vua Uthman công bố bản kinh Koran do Zayd biên tập và gọi nó là "MUSHAF" có nghĩa là "Kinh Thánh chính thức của mọi người Hồi Giáo" (The Official Codex for all Muslims).

Ban biên tập của Zayd chép cuốn Kinh Thánh này thành 4 bản giống nhau để lưu trữ tại 4 thành phố: Medina , Basra, Kufa (Iraq) và tại Damacus (Syria).

Sau đó, Uthman ra lệnh tiêu hủy toàn bộ các bản viết tay của Muhammad trên lá cọ và da thú vật. Công việc này tương tự như hành động của Hoàng đế La Mã Constantine ra lệnh thiêu hủy toàn bộ các sách thánh kinh và các di tích thật của Chúa Jesus sau Công Đồng Nicaea năm 325.

Do sự thiêu hủy các bản viết tay của Muhammad theo lệnh của vua Uthman đã không được thi hành triệt để nên ngày nay người ta đã thu thập được 5 bản chính viết trên da súc vật:

- 2 bản hiện lưu trữ tại thư viện Taskhent ở Uzebekistan.

- 1 bản lưu trữ tại thư viện Tpokabi Thổ Nhĩ Kỳ.

- 1 bản tại bảo tàng viện London.

- 1 bản mới tìm thấy tại Yemen năm 1979.

So sánh các bản chính nói trên với Kinh Koran do Uthman công bố năm 657, người ta đã phát giác có nhiều sự khác biệt. Các học giả nghiên cứu về Hồi Giáo xác nhận: Việc Uthman ra lệnh tiêu hủy các bản viết tay của Muhammad là một tổn thất hết sức nặng nề cho Hồi Giáo. Năm bản viết tay trên da súc vật mà ngành khảo cổ đã thu thập được cũng đủ xác minh một sự thật đáng buồn: Zayd và ban biên tập của ông ta có thể đã không thu thập đầy đủ các thủ bản của Muhammad, khi chép lại có thể đã bỏ sót một số câu thơ của kinh Koran và cuối cùng không có gì bảo đảm là Zayd và ban biên tập đã không tự ý sửa đổi Kinh Koran theo ý riêng của mình.

Tuy nhiên, hầu hết các tín đồ Hồi Giáo hiện nay đã không nêu lên những vấn đề nói trên. Họ vẫn tin rằng bản kinh Koran bằng tiếng Arabic do vua Uthman công bố năm 657 là kinh Koran do Thiên Chúa Allah mặc khải cho Muhammad.

2 . Sơ lược nội dung kinh Koran

Những chương đầu tiên của Kinh Koran nói về Thiên Chúa Allah với những đặc tính siêu việt của Ngài. Vì đạo Hồi là đạo Thiên Chúa thứ ba, xuất hiện sau đạo Do Thái và đạo Kitô nên đạo Hồi đã in đậm những dấu ấn đức tin của hai đạo Thiên Chúa đàn anh. Tôi đã trình bày đầy đủ vấn đề này trong bài "Ảnh hưởng thần học Do Thái - Kitô trong đức tin Hồi Giáo". (Xin đọc "Thực chất đạo Công Giáo và các đạo Chúa", Giao Điểm xuất bản - Xuân 2003, trang 201-232). Ngoài Thiên Chúa ra, Kinh Koran dạy phải tin có các thiên thần và ma quỉ (Satan), tin các sách Mặc Khải của đạo Do Thái và Kitô cùng các vị thiên sứ, tin có ngày tận thế và ngày phán xét cuối cùng, tin mọi kẻ chết đều được sống lại, tin có Thiên đàng, Hỏa ngục, tin mọi việc do Thiên Chúa Allah tiền định nhưng mọi người có ý chí tự do. Tất cả các điều này đã được trình bày đầy đủ qua 32 trang sách dẫn chiếu, vậy tôi xin miễn nhắc lại ở đây.

Khác với Cựu Ước và Tân Ước chỉ đề cập đến vấn đề thiêng liêng hoặc lịch sử, Kinh Koran đồng thời cũng là một bộ luật đầu tiên và cao nhất của Hồi Giáo. Thí dụ:

- Cấm cho vay nặng lãi (Koran 2:275)

- Cấm ăn thịt heo, thịt đã cúng các thần khác, cấm ăn uống máu (tiết canh, huyết) (Koran 5:3).

- Cấm cờ bạc (Koran 5:90)

- Cấm săn bắn trong thời gian hành hương Mecca (Koran 5:93).

- Phải ăn chay trong tháng Ramadan (Koran 2:182).

- Phải rửa chân tay sạch sẽ trước khi cầu nguyện (Koran 5:6).

- Cấm giao hợp với đàn bà có tháng (Koran 2:221).

Trước khi có kinh Koran, phụ nữ Ả Rập giàu có thường lấy nhiều chồng và đa số là những người đàn ông trẻ khỏe. Kinh Koran khẳng định quyền ưu thắng của đàn ông (Koran 4:34) và chính thức bãi bỏ tục đa phu (polyandre).

Bất cứ người đàn bà nào có chồng bị cáo buộc về tội ngoại tình đều bị đem ra cho công chúng ném đá đến chết (Koran 4:15).

Kinh Koran quy định án phạt hết sức nặng nề chống lại bất cứ ai bị kết án: "Chống Thiên Chúa Allah" hoặc "chống Thiên Sứ Muhammad". Người đó sẽ bị đóng đinh vào thập giá hoặc bị chặt hết chân tay (Sura 5).

Tội trộm cắp cũng có thể bị phạt rất nặng. Dù đàn ông hay đàn bà tùy theo nặng nhẹ nếu bị kết án về tội trộm cắp sẽ bị chặt một tay hay hai tay (Koran 5: 3).

3. Những điều nên biết về Hadith, Sunna và Sharia

Vì lý do kinh Koran không phải là sách dễ đọc nên trong các xứ Hồi Giáo, các tín đồ đọc kinh Koran đều cần có người hướng dẫn. Những người hướng dẫn không phải là tu sĩ nhưng là những người học thức chuyên nghiên cứu về kinh Koran. Những bài giảng của họ được gọi là HADITH, có nghĩa là một bài phúc trình (report). Qua nhiều thế kỷ, số bài phúc trình giảng giải về Kinh Koran đạt tới con số rất lớn. Các học sĩ Hồi Giáo chọn lựa các bài hay tập trung lại thành một cuốn sách gọi là SUNNA, có nghĩa là "Tuyển tập các phúc trình" (Collection of Reports). Từ đó, sách SUNNA trở thành một cuốn sách bổ túc cho kinh Koran về mặt tín lý, giáo điều.

Các chính quyền của các nước Hồi Giáo chiếu theo tinh thần và luật pháp nêu trong kinh Koran và sách SUNNA để làm ra bộ luật gọi là SHARIA.

Danh từ này được dịch sang Anh Ngữ là "Islamic Holly Law" có nghĩa là "Thánh Luật Hồi Giáo".

Tất cả các sách Sunna và Sharia đã được hoàn thành vào cuối thế kỷ 9 và đã được viết thành nhiều bản khác nhau tại nhiều nơi khác nhau. Do vậy, các sách này chứa đựng nhiều điều mâu thuẫn, nhất là những giai thoại khác biệt nhau về cuộc đời và lời nói của giáo chủ Muhammad. Đây là một trong những nguyên nhân chính yếu gây ra nạn phân hóa trong đạo Hồi:

Giáo phái Sunni chỉ công nhận những Hadiths (reports) của Bukkhari. Giáo phái Shiite công nhận Hadiths của Kulayni và giáo phái Khariji chỉ công nhận Ibn Habib. Giáo phái này kết án giáo phái kia là xuyên tạc hoặc giả mạo Thánh Kinh Koran và gọi nhau là những kẻ tà đạo (mukhtalaq)! Kết quả là những cuộc thánh chiến đẫm máu giữa các giáo phái này trong nhiều thế kỷ qua.

4. Các bản dịch kinh Koran

Do nhu cầu truyền bá đạo Hồi trong 14 thế kỷ qua, đến nay kinh Koran đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Riêng một mình nhà xuất bản Takrike Tarsile Qu'ran, Inc. ở New York đã sưu tập được trên 600 bản dịch khác nhau!

Lịch sử Hồi Giáo ghi nhận bản dịch kinh Koran đầu tiên trên thế giới là bản dịch từ tiếng Ả Rập sang tiếng La Tinh do một người Ý tên là Peter Venerable thực hiện năm 1143. Điều đáng chú ý là bản dịch viết tay của ông hiện vẫn được lưu giữ tại tu viện Kluny (Ý). Đúng 300 năm sau, tức vào năm 1543, bản dịch viết tay duy nhất này được đem in và xuất bản tại Rome.

Nhờ có bản dịch kinh Koran bằng tiếng La Tinh này, Âu Châu mới biết đến cuốn kinh Thánh của đạo Hồi.

- Năm 1616, tại Nuremberg xuất hiện kinh Koran bằng tiếng Hòa Lan dịch từ bản La Tinh.

- Năm 1647, kinh Koran bằng tiếng Pháp được xuất bản tại Paris cũng dịch từ bản La Tinh.

- Năm 1776, tại Petersburg cuốn kinh Koran bằng Nga ngữ được xuất bản, dịch từ tiếng Pháp.

- Đầu thế kỷ 18, một người Anh tên là A.Ross dịch kinh Koran từ tiếng Pháp sang tiếng Anh và xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1737.

Cho tới nay, có nhiều bản dịch khác nhau bằng tiếng Anh. Mặc dầu lối hành văn khác nhau nhưng nội dung vẫn tương tự. Điều đặc biệt là Kinh Koran được xuất bản nhiều triệu cuốn một lúc nên giá bán rất rẻ. Phần lớn các bản kinh Koran được in dưới hình thức sách bỏ túi (pocket books) có giá bán thông thường là 5 Mỹ Kim. Với giá này ai cũng có thể mua về đọc hoặc để tham khảo. Số trang trung bình của sách loại này là 500 trang, chữ in cỡ nhỏ.

5. Nên đọc sách kinh Koran bằng Anh ngữ như thế nào?

Đối với những ai đã từng quen đọc Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước bằng Anh ngữ thì khi chuyển sang đọc kinh Koran qua bản dịch Anh ngữ sẽ cảm thấy không mấy khó khăn. Tuy nhiên, trong nhiều bản dịch Anh ngữ lại có rất nhiều danh từ chung và danh từ riêng được phiên âm theo tiếng Ả Rập. Nếu không tìm hiểu ý nghĩa của những danh từ này trước khi đọc sách Koran chúng ta sẽ lâm vào tình trạng lúng túng không thể hiểu được nội dung của sách và cũng không biết các nhân vật được nói tới trong Kinh Koran là ai. Lấy một thí dụ điển hình: một nhân vật có tên Ả Rập là ISA được nhắc tới 114 lần trong kinh Koran và nhân vật Myriam được nhắc tới trên 50 lần. Thực ra họ chẳng phải là ai xa lạ: ISA chính là Jesus và Myriam chính là bà Maria, mẹ của ngài.

Để giải quyết khó khăn về các từ ngữ phiên âm theo tiếng Arabic, tôi đề nghị quý vị hãy tìm các bảng GLOSSARY OF ARABIC TERMS thường được in cuối các sách Anh ngữ nói về Hồi Giáo. Quý vị chọn một số từ ngữ quý vị cho là quan trọng để học thuộc lòng trước khi bắt đầu đọc kinh Koran hay các sách viết về Hồi Giáo.

Sau đây là bảng danh sách đối chiếu các tên riêng của Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước được nhắc lại trong kinh Koran theo phiên âm Arabic. Các tên riêng này được xếp theo nhóm gia đình (chứ không theo thứ tự Alphabet)

NHÓM

Phiên âm ARABIC

Phiên âm ANH NGỮ

Phiên âm VIỆT NGỮ

Thiên Chúa

Allah

Jehovah Elohim/ God

Thiên Chúa

Tổ tông loài

người

Adam

Adam

Ông Adong

Hawaa

Eve

Bà Evà

Gia đình Abraham

Azar

Terah

Cha của Abraham

Ibrahim

Abraham

Ông Abraham

Sara

Sarah

Vợ của Abraham

Ishaaq

Isaac

Con trai của Abraham và bà Sarah, tổ tiên Do Thái

Agar

Hajar

Vợ bé, đầy tớ của Abraham

Ismahil

Ismael

Con của Abraham và Agar, tổ tiên các giống dân Ả Rập (Ismael là vai anh của Isaac)

Gia đình Chúa Jesus

Isa

Jesus

Chúa Giêsu

Myriam

Mary

Đức Bà Maria

Yusuf

Joseph

Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu

Zakariya

Zakariah

Thánh Giacaria, cha của Gioan Baotixita

Yahya

John Baptist

Thánh Gioan Baotixita (anh họ của Chúa Giêsu)

Các tiên tri Do Thái cũng là các thiên sứ trong đạo Hồi

Al-Yasa

Elisha

Tiên tri Êlisa

Dawood

David

Vua Thánh Đavít

Dhulkiit

Ezekiel

Tiên tri Êdêkien

Haroon

Aaron

Anh của Môsê

Musa

Moses

Thánh Môsê

Idriis

Enoch

Thánh Ênoc

Luut

Lot

Ông Lot (cháu gọi Abraham bằng bác ruột)

Nuh

Noah

Ông Noe

Sulayman

Solomon

Vua Salomon (con David)

Yaquub

Jacob

Cha của 12 con trai, tổ tiên 12 bộ lạc Do Thái

Yunus

Jonah

Tiên tri Giona

Ayyoub

Job

Thánh Gióp

Thánh Kinh

Tawrah

Torah/Old

Kinh Thánh của đạo Do Thái (sách Luật)

Taurat

Old Testament

Cựu Ước của đạo Kitô

Injil

Gospel

Phúc âm

Al-injil

New Testament

Thánh Kinh Tân Ước

Qur'an

Koran

Thánh Kinh Hồi Giáo

Thiên thần, ma quỉ Jibril

Jibreel

Gabriel

Sứ thần truyền tin Gabriel

Meekaeel

Micheal

Tổng lãnh thiên thần Micael

Buraq

Buraq

Con ngựa đầu người có cánh đưa Mohammad về trời tại Jerusalem

Shaitan / Iblis

Satan

Quỉ Sa tăng

Ngoài ra, xin chú ý đến một số chi tiết sau đây:

1. Một số đại danh từ trong các sách Thánh Kinh thường được viết theo cổ ngữ của tiếng Anh. Thí dụ: You được viết thành Thou; Your được viết thành Thy...

2. Các quá khứ phân từ, thay vì viết là ED lại được viết thành TH. Thí dụ:

- He opened - He openeth

- He called - He calleth

- You will - Thou shalt

- You have - Thou hast

3. Các kinh Koran Anh ngữ thường đánh số các chương (sura/chapter) bằng số La Mã ở góc trái trên đầu trang sách. Thí dụ: Sura XXXVII: chương 37, Sura CVIII chương 108, LXXIX: chương 79...

Khi tra cứu một câu trong kinh Koran, thí dụ: "Muhammad is not the father of any of your men but he is the Apostle of Allah and the last of the prophets. Koran 33:40". Xin nhớ số ghi trước là số chương (sura/chapter) số ghi sau là câu thơ (verse). Vậy trước hết xin hãy tìm chương 33 sau đó tìm câu thơ số 40 trong chương này, quý vị sẽ gặp đúng câu thơ được trích dẫn.

Khi đọc các sách về đạo Hồi, chúng ta thường gặp những câu trích dẫn từ kinh Koran, nếu có sẵn một cuốn Koran trong tay để kiểm chứng tính chính xác của sự trích dẫn và sự trung thực của người dịch, thiết tưởng cũng là một điều thích thú.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời giới thiệu của nhà xuất bản Tahrike Tarsile Qu'ran. Inc. New York nói về kinh Koran: "Kinh Koran có khả năng đem lại cho những người ngoại giáo những điều bổ ích và mang lại tất cả mọi thứ cho các tín đồ Hồi Giáo" – (The Qur'an offers at least something to non-believers and everything to believers).

(Charlie Nguyễn, tài liệu lấy từ Internet …)

***

Đối với những bộ sách vĩ đại trên, người viết tài hèn trí mọn chỉ biết "kính nhi viễn chi" và cũng chỉ biết mượn ngòi bút của những nhà thông thái để ghi lại (có ghi rõ các tác giả và tài liệu trích dẫn), với mục đích là để các độc giả có một cái nhìn bao quát, đồng thời có thể phần nào giúp độc giả hiểu thêm về những điều cơ bản của các tôn giáo lớn, nhờ đó mà hy vọng bớt đi được những kỳ thị, hiểu lầm không đáng có và biết sống chan hòa trong sự kính trọng lẫn nhau.

Riêng với bộ sách Thánh Kinh, dù sao đi nữa người viết cũng là kẻ "có đạo", tuy không phải là nhà chuyên môn nghiên cứu Kinh Thánh, nhưng cũng được học hỏi đôi điều qua sách vở và các nhà chuyên môn, nhất là qua việc đọc, suy niệm, nghiền ngẫm Thánh Kinh mỗi ngày, nên cũng mạo muội trình bày đôi điều hoàn toàn không có tính giáo khoa, mà chỉ là ghi nhận Thánh Kinh như một hiện tượng văn học và xã hội với những bằng chứng mang tính khách quan để rộng đường suy luận. Việc tiếp nhận như thế nào thì hoàn toàn tùy thuộc ý chí và tự do của độc giả. Có thể ban đầu quý vị bị "sốc", nhưng rồi một lúc nào đó lại ngộ ra và dễ dàng đón nhận như trường hợp tiến sĩ Nguyễn Như Ngọc, nguyên giáo sư triết học duy vật, thành viên Viện Khoa học Vật lý, Viện Khoa học Nguyên tử Việt Nam:

“Tôi sinh ra và lớn lên trong lòng miền Bắc nước Việt Nam XHCN. Suốt 10 năm trung học phổ thông tôi luôn luôn được dạy rằng vũ trụ này tự nhiên mà có, không có ông Trời nào hết. Rồi tôi vào học ngành Vật lý của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi phải học Triết học Duy vật một cách có hệ thống, trong đó sợi chỉ đỏ xuyên suốt là quan điểm vật chất có trước, vật chất quyết định ý thức. Chỉ những gì con người cảm nhận được trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các giác quan mới tồn tại (hay hiện hữu).

Như thế hệ thống triết học này đương nhiên chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, vì không ai có thể sờ đụng được hoặc cảm nhận được Ngài nhờ giác quan của mình. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy điều này là đúng. Ai tin có Thiên Chúa, tôi đều coi là duy tâm, là mê tín dị đoan cả.

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm nghề dạy học. Tôi vừa phải dạy vật lý vừa thông qua môn học này để giáo dục tư tưởng triết học này cho sinh viên. Vì thực tâm tin ở sự đúng đắn của hệ thống triết học này, nên tôi giảng dạy rất say sưa, không thấy gò bó gì cả. Mười ba năm dạy học là mười ba năm tôi bước đi trên con đường xa cách Thiên Chúa và chống lại đường lối của Ngài.

Năm 1976, tôi trở thành nghiên cứu sinh ở Hungary. Có chút bằng cấp nước ngoài rồi, tôi không dạy học nữa mà xin về làm ở Viện Vật lý thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Về sau, tôi được cử làm trưởng phòng của Phòng Nghiên cứu Vật lý Hạt nhân, trong đó có sáu phó Tiến sĩ cùng làm việc.

Chúng tôi đã từng ký kết và thực hiện hợp đồng với Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency) cộng tác nghiên cứu các phản ứng tổng hợp hạt nhân vào mục đích hòa bình. Tôi đã đi dự một số hội nghị khoa học quốc tế để báo cáo về các công trình nghiên cứu này.

Bước đường sự nghiệp của tôi, tuy chưa bằng ai, nhưng đối với tôi, có thể là toại nguyện. Chỗ làm việc của tôi thật lý tưởng.

Vì nhiều lý do, năm 1989, nhân một chuyến đi công tác nước ngoài, tôi đã xin ở lại Đức. Một hôm tôi đã gặp một nhà truyền đạo Hà Lan tên là Henk Wolthaus . Ông đến phát sách Kinh Thánh cho mọi người. Sau khi nói chuyện với ông một lát, tôi xin ông một quyển Kinh Thánh bằng tiếng Anh (vì không có Kinh Thánh bằng tiếng Việt) và một vài cuốn sách nhỏ khác. Tối hôm đó, tôi bắt đầu đọc thử các sách mới xin để xem sao.

Ngay từ dòng đầu Kinh Thánh tôi đã thấy vô lý . "Ban đầu Đức Chúa Trời đã dựng nên trời đất" (St 1,1). Lương tri tôi bật lò xo. Đó là phản ứng tự nhiên của một người đã sống gần 50 năm trong định kiến không tôn giáo. Nhưng rồi tôi nhớ lại, chính nhà bác học Newton cũng cho rằng sở dĩ các thiên thể chuyển động nhịp nhàng được là nhờ "cái hích đầu tiên của Thiên Chúa" mà ngày trước tôi đã từng phân tích cho sinh viên đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Tự nhiên tôi nghĩ rằng Newton, người phát minh ra định luật hấp dẫn vũ trụ được coi là phát minh vĩ đại nhất của lịch sử văn minh nhân loại lại có thể kém như thế ư? Và tôi tự trả lời: "Không thể được, chắc là vì mình dốt, không hiểu được ông ta. Có lẽ Đức Chúa Trời có thật". Rồi tôi đọc tiếp câu chuyện Chúa sáng tạo vũ trụ trong vòng sáu ngày. Tất cả như một câu chuyện thần thoại dành cho trẻ con. Khi đọc tới Tân Ước, tôi cảm thấy có nhiều điều không thể chấp nhận được. Có thể tin chăng một người mù được sáng mắt, người cùi được sạch, người què được lành, người chết đã có mùi sống lại chỉ nhờ những lời phán? Ai có thể đi bộ trên mặt nước, ra lệnh bắt bão tố vô tri phải dừng?

Những phép lạ đầy dẫy trong Kinh Thánh làm cho cái đầu quen suy nghĩ theo kiểu vô tôn giáo của tôi không sao hiểu nổi. Đúng lúc ấy trong đầu tôi nảy ra một câu hỏi, mà bây giờ tôi biết chính Chúa đã đến gỡ rối cho tôi.

Câu hỏi đó là: "Sức mạnh nào khiến cho hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hầu hết các nhà khoa học vĩ đại, mà tôi ngưỡng mộ, tin Kinh Thánh? Họ cuồng tín hay chính mình ngu dốt?".

Từ những cuốn sách mỏng xin của người truyền đạo Hà Lan, tôi đã đọc được những câu bất hủ sau:

· Charles Dickens (Anh, 1812-1879) viết: "Kinh Thánh Tân Ước chính là cuốn sách tốt nhất đã từng hoặc sẽ được biết đến trên thế giới";

· Ngài Isaac Newton (Anh, 1642-1727), nhà khoa học mà tôi đầy lòng khâm phục, đã kết luận: "Trong Kinh Thánh có nhiều biểu hiện chắc chắn về tính có thực hơn trong bất cứ một câu truyện nào chống lại sách đó";

· Victor Hugo (Pháp, 1802-1885) viết: "Nước Anh có 2 cuốn sách: Kinh Thánh và Shakespeare. Nước Anh sinh ra Shakespeare, còn Kinh Thánh làm nên nước Anh";

· Albert Einstein (Đức, 1879-1955), nhà vật lý được coi là vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã phát biểu: "Khoa học không có tôn giáo là mù lòa. Tôn giáo mà thiếu khoa học là què quặt".

Lúc bấy giờ tôi chưa hiểu được nhiều; nhưng Chúa biết tôi là người từng được học và làm khoa học, nên đã dùng tiếng nói của chính các nhà khoa học thật lớn để mở mắt cho tôi.

Tôi nhớ đến một câu nói của Newton: Sau khi ông đã phát minh ra "Định luật hấp dẫn vũ trụ" kỳ diệu, nhiều người đã hỏi ông làm cách nào mà ông đã có thể phát minh ra định luật vĩ đại như vậy, Newton vừa cười vừa trả lời: " Đó là nhờ tôi đã đứng trên vai những người khổng lồ ".

Chúa như đang nhắc nhở tôi "Hãy đứng lên vai những người khổng lồ này thì con sẽ nhận ra chân lý của Ta". Quả nhiên tôi đã bị Ngài chinh phục dễ dàng. Cái tư tưởng không tôn giáo được tích lũy công phu và sử dụng bao nhiêu năm nay, bị đánh bật khỏi đầu óc tôi. Xưa nay tôi vẫn nghĩ đơn giản: "Không có Đức Chúa Trời, vì không ai chứng minh được sự hiện diện của Ngài". Nhưng bây giờ tôi lại biết đặt câu hỏi mới: "Ai đã chứng minh được Đức Chúa Trời không hiện hữu?". Tất cả chỉ dựa vào cảm giác của con người; mà cảm giác thì không phải là một chứng minh khoa học.

Người đang đứng ở trái đất thì nói rằng mặt trăng xoay quanh trái đất; nhưng quan sát viên đứng ở mặt trăng sẽ bảo trái đất quay quanh mặt trăng.

Ai đúng? Hơn nữa, có nhiều cái hiện hữu mà ta không thể nhận biết bằng cảm giác, chẳng hạn như trí khôn con người. Không có và không thể có một máy móc nào đo được trí khôn. Vì vậy quan niệm "có Chúa hay không có Chúa" là vấn đề Đức tin , nằm ngoài phạm vi của khoa học, của cảm giác.

Nói theo ngôn ngữ khoa học, đây là những "tiền đề" (Axioms).

Thật ra, tiền đề "có Chúa" dễ tin hơn tiền đề "không có Chúa" nhiều.

Nhà bác học Newton đã làm một mô hình hệ thống mặt trời rất đẹp để ngay trên bàn làm việc. Một hôm, có một người bạn không tôn giáo đến thăm. Ông bạn khen mô hình đẹp quá và hỏi: "Ai đã làm nên vậy?". Newton cười hóm hỉnh trả lời: "Tự nhiên mà có đấy thôi!". Ông bạn không tin. Newton trả lời: " Thế tại sao cậu lại tin cả vũ trụ vĩ đại chuyển động nhịp nhàng này tự nhiên mà có không cần Đấng Sáng Tạo?".

Tương tự, nếu đi làm về mà thấy có cơm dẻo canh ngọt trên bàn thì nhất định chúng ta phải tin rằng có bàn tay một người nào đó đã dọn sẵn. Chân lý đó thật quá đơn giản, vậy mà tại sao nhiều người (kể cả tôi trước đây) lại theo tiền đề "không có Chúa". Kinh Thánh có câu trả lời "vì tên ác thần của đời này (ma quỷ) đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng" (2Cr 4,4).

Tính muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên, tính di truyền kỳ diệu: Hạt giống nào sinh cây trái đó; vẻ đẹp tuyệt vời của những nàng hoa; sự hài hòa và hoàn thiện của cơ thể con người; sự hùng vĩ của bầu trời đầy sao. Tất cả những sự mầu nhiệm đó cộng với những ý kiến của các vĩ nhân mà tôi hằng kính phục đã cho tôi nhận ra một Đức Chúa Trời toàn năng, toàn trí và toàn tài. Dần dà tôi cũng tin Kinh Thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời, vì dù đã được viết bởi hơn bốn mươi tác giả, ở những địa điểm khác nhau, trải qua khoảng thời gian 1500 năm, nhưng Kinh Thánh là một thể thống nhất. Từ đầu chí cuối Kinh Thánh nói về một chủ đề duy nhất, đó là kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Thực ra đây cũng là vấn đề của đức tin, là tiền đề thứ hai cho mọi người theo Chúa.

Một trong những khái niệm khó giải nhất là khái niệm Đức Chúa Trời có Ba Ngôi một thể (Tam vị nhất thể).

Cảm tạ Chúa đã tạo tôi thành một người nghiên cứu vật lý, nên điều này đối với tôi lại rất dễ chấp nhận khi so sánh với nước. Nước cũng có ba trạng thái là rắn, lỏng và hơi. Ba trạng thái vật chất ấy đều có cùng bản chất là H2O, có thể nói 3 là 1, 1 nhưng là 3. Ở đâu có 1 là có cả 3 trạng thái. Điều thật khó hiểu lại trở thành dễ hiểu, quá rõ ràng, mặc dù đây chỉ là một sự so sánh khập khiễng, một sự minh họa rất đại khái mà thôi.

Khi đã có những niềm tin cơ bản ấy (thừa nhận cả 2 tiền đề) thì mọi thắc mắc về các phép lạ đều được giải đáp dễ dàng. Đức Chúa Giêsu chính là Đức Chúa Trời hiện thân làm người như chúng ta. Như vậy, Người là Đấng Sáng Tạo. Chính Ngài đã tạo nên vũ trụ này, vốn là một phép lạ vĩ đại nhất, thì những phép lạ khác trong Tân Ước, như đi trên mặt nước, gọi người chết sống lại… đối với Ngài không có gì là khó thực hiện”.

(Bài của tiến sĩ Phan Như Ngọc, pnngoc@gmx.net; www.hoptinhhoply.org)

Tân Bình, ngày 20 tháng 04 năm 2012

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết

387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình,

Tp Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 38449497 – 0909721822

Email: josnhtriet@gmail.com

Nếu quý độc giả thấy tập này có một chút gì tốt đẹp, hữu ích thì xin tiếp tay phổ biến cho bạn bè, con cháu, người thân quen bằng cách photo ra ít bản tặng họ, hay ít là chuyền tay tập này cho một người khác. Người viết hết lòng cám ơn.


Phụ Bản I

Đọc lại thư của cụ Phan Châu Trinh

gởi Nguyễn Ái Quốc năm 1922

Năm 2011, Câu lạc bộ Sách Xưa & Nay đã tổ chức cuộc tham quan và viếng mộ Cụ Phan Châu Trinh ở cạnh sân bay Tân Sơn Nhứt. Ở nhà lưu niệm, chúng ta đã thấy nhiều hình ảnh hoạt động cách mạng của cụ Phan và đọc qua nhiều tư liệu có liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của cụ, trong đó có hai lá thư ngắn viết tay của thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh). Sau đó, tôi trở lại tìm hiểu thêm thì được bà Tư Sang cháu gái của cụ Phan cho đọc cuốn sách “Phan Châu Trinh, Thân thế và Sự nghiệp” do GS Huỳnh Lý biên soạn, NXB Trẻ phát hành tháng 4/2004.

Tập sách này có in bức thư của cụ Phan gởi Nguyễn Ái Quốc trước khi cụ về nước năm 1922.

Theo Biên niên sử Hồ Chí Minh, đầu năm 1922 Nguyễn Ái Quốc ra báo Người cùng khổ (Le Paria), tháng 10/1922, ông dự Đại hội Cộng sản Pháp lần II vì ông gia nhập Đảng xã hội Pháp năm 1919 và Đảng Cộng sản tháng 12/1919 ở Đại hội I.

Trong thời gian này, cụ Phan Châu Trinh đi xuống miền Nam nước Pháp, ở cảng Marseille để chuẩn bị về nước. Tại đây, cụ Phan đã viết thư cho Nguyễn Ái Quốc đề “Marseille, ngày 18 Février 1922” và mở đầu ghi: “Bức thư gửi anh Nguyễn Ái Quốc”. Sau đó, cụ Phan viết: “Tôi với anh mấy năm ròng cùng chung sống nơi đất khách quê người, nhưng mà lòng bọn mình chẳng khi nào quên cái cảnh tượng bên nhà… Bởi cái cảnh thất quốc vong gia, lương dân đồ thán nên cánh giang hồ chúng mình làm sao mà nguôi dạ được, hồn Tổ quốc nặng trĩu trên vai, xót vì quốc dân đồng bào đương rên xiết bởi cường quyền áp chế”.

Chúng ta đã biết sau khi vào Đảng Xã hội Pháp thì 18/6 năm này, Người gởi đến Hội nghị Versaille “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tới tháng 7, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến nhà số 6 phố Vila Đê Gôbolanh quận 13, Paris ở chung với luật sư Phan Văn Trường và cụ Phan Châu Trinh.

Chúng ta cũng biết mối quan hệ giữa Nguyễn Tất Thành với cụ Phan Châu Trinh như tình bác-cháu. Trước khi xuống tàu đi Pháp (5/6/1911) Nguyễn Tất Thành được cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đưa xuống Mỹ Tho gặp cụ Phan để nhờ giúp đỡ sau khi cụ Phan sang Pháp (rời Sài Gòn tháng 4/1911). Đầu năm 1914, từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan ở Pháp, thông báo vắn tắt tình hình sinh hoạt, học tập của bản thân. Tháng 8, Nguyễn Tất Thành lại gửi thư cho cụ Phan đưa ra nhận xét về cuộc chiến tranh thế giới và dự đoán những chuyển biến có khả năng xảy ra… (Sổ tay Báo cáo viên 2005, trang 206). Hai bức thư này hiện còn lưu giữ tại nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh ở khu mộ cạnh sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong thư nói trên, cụ Phan nói với Nguyễn Ái Quốc: “Bấy lâu nay, tôi cùng anh và anh Phan (LS Phan Văn Trường) đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi; còn tôi thời lại không thích cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội của anh và cái phương pháp dụng lý thuyết thâu nhân tâm của anh Phan. Bởi phương pháp bất hòa mà anh đã nói với anh Phan là tôi là hạng người hủ nho thủ cựu; cái điều anh gán cho tôi đó tôi không giận anh tí nào cả; bởi vì suy ra thời tôi thấy rằng: Tôi đọc chữ Pháp bập bẹ, nên không am hiểu hết sách vở ở cái đất văn minh này; cái đó, tôi đã thua anh xa lắm, đừng nói gì đọ với anh Phan...”

Cụ Phan Châu Trinh đã khuyên Nguyễn Tất Thành như sau: “Theo ý tôi thì mình mà mình học hỏi lý thuyết hay, phương pháp tốt, tóm thâu được chủ nghĩa, có chí mưu cầu lợi quyền cho quốc dân đồng bào thời đừng có cái lối nương náu ngoại bang để rung chuông, gõ trống mà trở về mà ẩn náu trong thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công!... Bởi cái lẽ đó mà tôi khuyên anh nên thu xếp mà về, đem cái tài năng của mình khích động nhân tâm, hô hào đồng bào ba kỳ đồng tâm hiệp lực để mà đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công. Tôi biết anh hấp thụ cái chủ nghĩa của Mã Khắc Tư (Mác Ăng ghen), ông Lý Ninh (Lê nin), nên tôi cũng đem chuyện hai ông ấy làm mà giảng dẫn cho anh thêm rõ”.

Phần cuối thư, cụ Phan kết luận: “Anh Nguyễn, tôi tường tâm với anh đã rõ nguồn cơn, bây giờ thân tôi tợ chim lồng cá chậu, vả lại, cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn… Còn anh, như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông… Bởi vậy, tôi thành tâm mong mỏi anh thay đổi cái phương pháp cũ kỹ kia đi, để mà mưu đồ đại sự, tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng bọn mình cùng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở”. Bên dưới thư này, ghi: “Người bạn kính thư – Phan Châu Trinh”. (Phan Châu Trinh, thân thế và sự nghiệp, NXB Trẻ, tháng 4/2002, trang 258-265).

Tháng 6/1925, cụ Phan về nước cùng chuyến tàu với ông Nguyễn An Ninh được cử sang Pháp đón cụ, về được tiếp đón nồng nhiệt. Tới tháng 12, thì sức khỏe của cụ suy sụp nằm dưỡng tại nhà số 54 đường Penlơranh (nay là đường Pasteur Q.1 TP HCM) cho tới khi qua đời. Trong thời gian này, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đều túc trực bên cạnh vì hai người là bạn đồng khoa rất chí thân. Thân thiết nhất là Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường và cụ Bằng Huy, cụ Huỳnh Thúc Kháng vì chờ giấy thông hành nên tới ngày cuối cùng mới vào gặp được nhau có mấy giờ trước khi cụ Phan mất, vừa kịp để nghe lời trăn trối cuối cùng đặc biệt quan trọng của cụ Phan: “Độc lập của dân tộc ta sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc” (Sđd trang 194).

Qua bức thư trên và hai thư của Nguyễn Tất Thành gởi cụ Phan khi còn ở Anh, ngay như lúc cùng ở chung nhà tại Paris, chúng ta nhận thấy Bác Hồ luôn tôn kính cụ Phan và gọi xưng bác-cháu nhưng cụ Phan đãi ngộ lại như tình bạn hữu, rất coi trọng Người, tới giờ phút lâm chung vẫn còn trăn trối lại với kỳ vọng chân thành như vậy.

Vương Liêm

MỘT NHÀ VĂN NHẬT BẢN DỊCH

TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU

LÀ BẠN ANH NGUYỄN Ở PARIS

Thúy Toàn

C ách đây bảy năm rồi, năm 2005, vào dịp kỷ niệm 240 năm sinh của thi hào Việt Nam Nguyễn Du, ở Nhật Bản đã ra đời thêm một bản dịch mới Truyện Kiều của thi hào đồng hương yêu mến của chúng ta. Bản dịch lần này của anh Seiji Sato, có sự cộng tác của Nxb Văn Học Hà Nội. Sách in trang trọng, bề thế, khổ 14x21cm, bìa cáttong cứng có áo bọc, giấy đẹp, sách dầy tới 250 trang, gồm lời giới thiệu bằng tiếng Nhật của ông Giám đốc nhà xuất bản Văn Học, bản dịch tiếng Nhật Truyện Kiều Nguyễn Du đầy đủ 3252 câu và phần phụ lục: “Lời Người dịch”, 132 câu thơ Truyện Kiều nguyên tác bằng tiếng Việt, một trang Kiều bằng chữ Nôm, “Lời giới thiệu” của Ông Giám đốc Nxb Văn Học bằng tiếng Việt, và “Lời người dịch” bằng tiếng Anh.

Dịch giả Seiji Sato vốn là một kỹ sư, có cơ hội sang Việt Nam năm 2002 và đi nhiều nơi, đặc biệt là ở Hà Nội và vùng châu thổ sông Hồng tổng cộng trong 8 tháng. Trước đây anh Seiji Sato khi ở trong nước đã nghe nói tới Truyện Kiều qua cuốn sách mà anh nhập tâm mấy lời: “Một câu chuyện phiêu lưu và đau đớn của một phụ nữ trẻ được chọn in trong sách giáo khoa Việt Nam, và dân chúng Việt Nam trong đời sống hàng ngày thường lấy ra trong giao tiếp”. Đến Việt Nam, anh Seiji Sato được tiếp xúc với tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du qua bản dịch tiếng Anh của Lê Xuân Thủy… Xúc động, trở về Nhật Seiji Sato đã quyết định “mở cửa vào Truyện Kiều” cho bạn đọc Nhật Bản của minh.

Trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu để khẩn trương hoàn thành bản dịch, Seiji Sato được biết ở Nhật ngay từ thế kỷ thứ XVIII-XIX cũng đã từng được biết đến truyện Kim Vân Kiều Thanh Tam Tài Nhân, tác giả người Trung Quốc. Vào năm 1763, một người Nhật có tên Korenori Nishida đã in bản dịch sang tiếng Nhật “Câu chuyện Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân. Sang thế kỷ XIX, một người Nhật khác là Bakin Takizawa (1767-1848), năm 1829 lại công bố bản phóng tác truyện này bằng tiếng Nhật. Nhưng sang thế kỷ XX người Nhật bắt đầu được biết đến Truyện Kiều, sáng tác của Nguyễn Du. Và liên tiếp từ năm 1942 đến trước bản dịch của Seiji Sato ở Nhật đã có ba bản dịch tác phẩm của Nguyễn Du: Năm 1942, bản dịch của nhà văn Kiyoshi Komatsu (1900-1962), tiếp đó là bản dịch của Yomosuke Takenchi (1922-1999) ra sau năm 1975, và bản dịch của Tokio Akiyama (1917-1999) ra năm 1996.

Hãy kể đến bản dịch của nhà văn Kiyoshi Komatsu. Trong “Lời người dịch” bằng tiếng Nhật – Kin un kyô, nguyên tác của Nguyễn Du, bản dịch Kiyoshi Komatsu (Tokyo: Toho Hakleosho, 1942), trang 335-355 ta được biết: Komatsu đến Việt Nam lần đầu vào năm 1941 (từ xuân sang hè), gặp lại người bạn thân cũ là Nguyễn Giang (1910-1969) và chắc hẳn đã mang về Nhật Bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh do Nguyễn Giang tặng Komatsu lúc đó. Komatsu cho biết ông đã tranh thủ dịch xong Truyện Kiều sang tiếng Nhật trong nửa năm; ấn bản tiếng Nhật in vào tháng 10 năm 1942. Theo học giả Vĩnh Sinh, giáo sư lịch sử của trường Đại học Allerta (Canada) trong thư và tài liệu gửi cho Giáo sư Phan Huy Lê vào năm 1996, phỏng đoán thì, Komatsu khi dịch đã dựa vào bản dịch có sửa chữa sau cùng của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản vào năm 1936. Bản dịch này sau được tái bản năm 1942 (Nguyễn Du – Kim Vân Kiều, Traduction en Francais par Nguyễn Văn Vĩnh avec hors – texte et culs de languie Mạnh Quỳnh, Hanoi, Editions Alexandre de Rhodes).

Ông Vĩnh Sinh trong bài viết của mình cho biết tiểu sử của nhà văn Nhật Bản đầu tiên dịch Truyện Kiều như sau:

Komatsu Kiyoshi là một nhà văn, nhà bình luận và cũng là một nhà nghiên cứu văn học Pháp nổi tiếng. Ông là một trong những người đầu tiên đã dịch và giới thiệu ở Nhật các tác phẩm của André Malraux, André Gide cùng các tư trào mới trong văn học Pháp.

Sinh năm 1900 tại Kobe, Komatsu sang Pháp năm 1921, lúc đầu với dự định theo đuổi hội họa. Sau đó, tình cờ Komatsu trở thành bạn của Malraux và theo Lacouture, mô hình của nhân vật “Kyo” – nhân vật chính trong tác phẩm La Condition Humaine (Điều kiện con người) của Malraux – chính là Kyo Komatsu (tức là Komatsu Kiyoshi), chứ không phải là Chu Ân Lai như một số người lầm tưởng. Lacouture viết: ‘Mô hình thực sự là một nhà văn trẻ tuổi người Nhật, ở Paris vào năm 1922 người đó đã là bạn của Hồ Chí Minh (lúc đó có tên là Nguyễn Ái Quốc), và sau này là bạn của Malraux: anh tên là Kyo Komatsu (1).

Về Nhật năm 1931, Komatsu bắt tay vào dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm của Malraux, Gide và khởi động phong trào “Văn học hành động”. Ông tham gia vào cuộc luân chiến về “Văn học hành động chủ nghĩa” (1934-1935) qua các tạp chí Kôdô (Hành động), Kôdô bungaku (Văn học hành động), và Kanrin (Hàn lâm). Komatsu trở lại Pháp vào năm 1937 với tư cách là phóng viên của Nhật báo Hôchi Shinbun tại Châu Âu.

Ở Paris, ông gặp lại Malraux, gặp Gide lần đầu tiên và sau khi từ chức phóng viên báo Hôchi, Komatsu viết bài cho tập san Nichi – Futsu Bunku (Văn hóa Nhật - Pháp) ở Paris. Tháng 6 năm 1940, khi Paris sắp rơi vào tay Đức Quốc xã, Komatsu trốn về nước và công bố tập Nhật ký Chinmoku no senshi Sen jika no Pari (Những chiến sỹ trầm mặc – Nhật ký Paris thời chiến), một tác phẩm được đánh giá rất cao. Khi “Chiến tranh Thái Bình Dương” bùng nổ, ông bị nhà chức trách Nhật bỏ tù trong mấy tháng, chắc hẳn vì lập trường chống phát xít của ông. Sau đó Komatsu sang Đông Dương và ở lại Việt Nam trong 4 năm cho đến năm 1946. Trong thời gian này Komatsu có lẽ là người Nhật giao du rộng rãi nhất với trí thức Việt Nam từ Bắc chí Nam, đủ mọi lập trường chính trị, trong đó có không ít những người sau này tích cực tham gia phong trào Việt Minh: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch… Sau khi về lại Nhật, ngoài việc giới thiệu và dịch thuật văn học Pháp, Komatsu có viết hai cuốn “tiểu thuyết hiện thực” có liên quan đến Việt Nam: cuốn Vetonamu (Việt Nam), chủ yếu nói về cuộc đời Cường Để và Phan Bội Châu; cuốn Vetonamu no chi (Máu Việt Nam), có tính cách tự truyện(2).

Cần nói thêm là ông Vĩnh Sinh còn cho biết, Komatsu Kiyoshi (Tiêu Tùng Thanh) trong thời gian 4 năm ở Việt Nam từng làm cố vấn Viện văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội, và một truyện ngắn của ông có nhan đề “ Cuộc tái ngộ ” được dịch giả Giáng Nguyên (rất có thể là nhà văn Nguyễn Giang) con trai Nguyễn Văn Vĩnh – (ở đây viết theo cách nói lái), dịch từ bản tiếng Pháp, đăng liên tục trên 30 số báo “Trung Bắc Chủ Nhật” (từ số 208 ra ngày 25-6-1944 đến số 237 kéo dài gần bảy tháng rưỡi).

Vì là một tác phẩm văn chương nên tên nhân vật đều được gọi chệch đi. Mặc dù vậy, như nhận xét của ông Vĩnh Sinh thì “ Cuộc tái ngộ ” tuy mang hình thức là một “truyện ngắn” nhưng cốt truyện cũng như các nhân vật trong truyện không phải được hư cấu theo sự tưởng tượng của tác giả. “Cuộc tái ngộ” là một tác phẩm dựa theo hiện thực (non – fictional), ngòi bút của tác giả tuy linh động khi tả cảnh cũng như diễn tả và phân tích tâm lý các nhân vật trong truyện, nhưng bối cảnh của truyện cũng như cách nhìn và giải thích của tác giả về các nhân vật trong truyện đều dựa trên các dữ kiện có thực…”(3).

Chính tác giả Komatsu cũng đã xác nhận về lối viết hiện thực của mình sau phần cuối của “Cuộc tái ngộ” như sau: “Thưa các bạn độc giả, truyện “Cuộc tái ngộ” này thiết tưởng không cần phải nói, các bạn cũng đoán biết rằng còn dài nhiều nữa, vì chúng tôi kể toàn những điều trong mười phần cũng đến chín phần thật, mà biết đâu còn thật hơn cả sự thật một chút, bởi là những điều đang diễn ra trong thực tại mà còn sẽ tiếp diễn mãi trong tương lai sâu kín…”

Chính vì thế mà nhân vật trong truyện có tên “Lê Văn Thái” và ông thân của người này trong câu văn: “Thái đã từ bỏ giấc mộng về hội họa để kế nghiệp cha, chẳng những là một nhà thi sĩ, một nhà luận thuyết, một nhà dịch thuật”, mà còn viết sách và xuất bản sách”. Chỉ cần dựa vào “Lời người dịch” trong Kinun-Kyo (Kim Vân Kiều) mà chúng tôi đã dẫn ra ở trên, có thể kết luận không sai do chính là Nguyễn Giang và cụ thân sinh của ông là Cụ Nguyễn Văn Vĩnh.

Và nhân vật trong ba số báo “Trung Bắc Chủ nhật” từ số 223 (5-10-1944) đến 225 (22-10-1944), “người Á Đông đầu tiên đã cùng tôi giao du trong một thời gian khá dài trên đất Pháp”, đối chiếu với thực tế cũng dễ dàng có thể mạnh dạn mà xác nhận đây chính là Nguyễn Ái Quốc - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong “ Cuộc tái ngộ ” có đoạn kể lại buổi tối giao lưu thân mật với một nhóm trí thức Hà Nội ở nhà ông Lê Văn Thái - Nhân vật “tôi” – tác giả Komatsu cho biết về “người Á Đông đầu tiên” kia:

“…Tôi sang Pháp và tới Paris vào mùa xuân năm 1921. Chỉ mới được vài ngày, nên tôi nhớ kỹ, thì độ mươi ngày sau khi tới Paris, một sư tình cờ run rủi, tôi gặp một người thanh niên Việt Nam trong một nơi hội họp công khai. Người thanh niên Việt Nam ấy chính là người Á Đông đầu tiên đã cùng tôi giao du trong một thời gian khá dài trên đất Pháp ”.

…“Tôi có thể nói ngay với ông rằng người Việt Nam đó thật là một người đáng kính, đáng phục, một người xứng đáng với cái danh hiệu là Một - Người”.

Người ấy với tôi, xưa kia chẳng phải cùng chung một chí hướng. Quan niệm của chúng tôi về cuộc đời, về văn chương cũng như về nhiều thứ khác đều chẳng giống nhau. Nhất là những tư tưởng về phương diện văn hóa, chúng tôi lại có phần xa nhau lắm. Ý kiến của chúng tôi nhiều khi tương phản nhau một cách đầy gay go kịch liệt. Chúng tôi đương trẻ trung, chẳng phải dễ mà nhường nhịn châm chước cho nhau được. Đẹp đẽ thay cái tuổi thanh niên thẳng ngoắc: chẳng bao giờ dung túng những sự nửa vời ba phải! Tuy nhiên, về đường lý tưởng chúng tôi dẫu có điều khác nhau thật, vậy mà người thanh niên Việt Nam ấy bao giờ cũng để lại trong lòng tôi một mối tình thành thực tôn trọng, vì tôi biết hơn ai hết, bạn tôi là người luôn luôn trung thành với chí nguyện cùng tư tưởng của mình, mà lại dã bao phen có những hành động thiết thực chứng tỏ rõ ràng tâm gan sắt đá quyết một đời phụng sự. Bạn tôi thật là một người yêu nước dù trong trường hợp nào, trên đường đời gặp phải những nỗi gian lao, cực khổ đến bực nào, tấm lòng ái quốc vẫn đinh ninh là một”.

Người ấy làm một nghề ăn lương công nhật mà sống, các ông chẳng thể tưởng tượng được khổ cực là ngần nào. Người ấy ăn rất ít, ngủ rất ít, làm việc rất nhiều. Mỗi buổi chiều, khi đã làm xong công việc khó nhọc, một chân thợ phụ trong xưởng máy, người ấy lại ngồi vào bàn viết lách hoặc đọc sách. Khốn nạn thay! Thân thể anh ta khi ấy đang bị tàn hại bởi một chứng bệnh ác nghiệt, mà chẳng mấy khi người đã mắc lại có thể khỏi được. Hai mắt anh ta thường sáng quắc lên bởi cơn sốt râm rỉ bên trong. Đôi khi anh ho rũ rượi như người sắp tắt thở. Thế vậy mà cuộc đời tinh thần của anh vẫn dồi dào phong phú, sự hoạt động của anh vẫn ráo riết không ngừng. Hai ba lần, tôi được dịp nghe anh ta nói trước mặt những thính giả người Pháp bằng tiếng Pháp, lời lẽ rất trôi chảy, hùng hồn. Anh làm trợ bút cho nhiều nhật báo và tuần báo ở Paris bằng cách cứ ngồi nhà viết bài và gửi đến đều đặn”.

Mặc dù nhân vật “tôi” – tác giả trong câu chuyện từ chối nêu tên người bạn Việt Nam của mình, thậm chí cả tên tập khái luận đầu tiên của anh viết bằng tiếng Pháp in tại Paris tặng cho mình trong lần đầu tiên anh đến thăm Komatsu vào cuối năm 1921, khi ấy Komatsu sống trong căn phòng nhỏ thuê ở mãi trên tầng 8 ở lộ Montparnasse, hơn thế nữa bị truy hỏi Komatsu còn xin mọi người trong cuộc “người bạn tôi kể chuyện với các ông đây chỉ là một người tưởng tượng, một người gương mẫu không có thật”. Nhưng, mọi chi tiết về người bạn Việt Nam, những nhận định về con người đó đã làm cho mọi người đoán ra người ấy là ai. Cuối cùng, sau những nghi ngại vì chưa rõ đối tượng nghe mình, hiểu được đó là những con người có thể tin cậy được, Komatsu đã chia sẻ: “…chính vì thế mà tôi chẳng ngại ngùng nói với ông rằng, người ấy thật đáng cho chúng ta sùng phục và tán dương, chỉ vì người ấy đúng là một người Á Châu mà hoạt động, chẳng cần biết người ấy trong khi hoạt động có nghĩ đến cái tinh thần Phương Đông mang trong mình hay không? Cái “Nhân sinh, điều kiện” của anh ta đã khiến cho anh ta gần Á Châu hơn tôi, đó là ý kiến của tôi về anh ấy”.

Tuy trở thành bạn của nhau, nhưng sau những lần đầu gặp nhau, thăm hỏi trò chuyện với nhân vật “tôi” – tác giả Komatsu và người bạn Việt Nam của mình cũng ít có điều kiện gặp lại nhau. Sau đó Komatsu đi xuống miền Nam nước Pháp sống ẩn dật, còn người bạn Việt Nam của ông lại rời Pháp “đi sang những nước ở Bắc Âu châu, và đã trở nên một nhà văn có tiếng sau khi được mấy nhà xuất bản ở Berlin và Pragre in cho các tác phẩm”. Nhưng Komatsu vẫn theo dõi tin tức về bạn mình và tin tưởng: “…hiện giờ thì hẳn ông ta đang tiến bước trên con đường lý tưởng của mình, bao giờ cũng mang theo với ông ngần ấy mối khổ tâm hoặc hy vọng, dẫu là ở địa cầu này hay ở địa cầu khác cũng thế mà thôi”. “Ông ta đã làm hết những sự mà trí khôn ông ta xét là cần phải làm. Chỉ thế thôi cũng đã là đẹp, là lạ lùng, ly kỳ rồi, còn phải thêm gì hơn nữa? Một người như ông có thể buông xuôi hai tay, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, không chút hối hận gì trong lương tâm. Đối với số đông con người ta coi cuộc đời không có nghĩa gì cao hơn giá áo túi cơm, thì ông chỉ là một kẻ ngu ngốc, hy sinh đời mình vì một lý tưởng hoang đàng, chẳng có kết quả gì thực hữu. Nhưng tôi thì, trái lại với cái khôn ngoan tầm thường của đám tiểu nhân sống như lợn đó, tôi dám tin rằng đời ông là một cuộc đời rực rỡ đầy đủ. Đức thánh Khổng đời xưa có câu: “ Buổi sáng được nghe thấu đạo, thì ngay buổi chiều dù có phải chết cũng mãn nguyện rồi ”. Tôi cũng tin rằng chỉ duy những người có niềm tin rất bền vững về một chân lý ở đời mới được nếm hưởng cái sung sướng chân thực của một con người trong nhân loại… Chính giờ đây, tôi vẫn không tán đồng những quan niệm cùng lý tưởng của ông về cuộc đời, về thế giới, tuy vậy, xét về nhân cách, tôi vẫn phải thành kính ngưỡng mộ lòng tin tưởng của ông trước sau bao giờ cũng là một, ảnh hưởng hành vi của ông đâu phải qua những lúc thất bại chán nản đến mức nào, cũng vẫn y nguyên cho đến chết. Tôi lại phải thành thực khen lại một lần nữa tấm lòng ái quốc của ông. Chính ông đã dạy cho tôi một bài học yêu nước mà không bao giờ tôi quên được…”

Câu chuyện kể của nhà văn Nhật Kiyoshi Komatsu về người bạn Việt Nam gặp gỡ ở Paris trong truyện ngắn “Cuộc tái ngộ” của ông được Giáng Nguyên dịch đăng trên báo “Trung Bắc Chủ Nhật” tại Hà Nội vào năm 1944 ở phần cuối buổi giao lưu giữa tác giả với nhóm trí thức Hà Nội cũng phần nào cho người đọc đoán biết “anh bạn của ông” là ai. Sau này câu chuyện đó đã được nhiều nhà nghiên cứu xác nhận bằng tài liệu lịch sử khác nhau và đã đưa lên sách báo.

Kiyoshi Komatsu (1900 – 1962) lần đầu tiên đặt chân lên đất Pháp vào tháng 8 – 1921 với dự định trở thành họa sĩ. Đến Paris, Komatsu ở chung nhà với họa sĩ Sakamộto và một người Nhật khác – Ba người tinh cờ gặp nhau trên chuyến tàu từ Nhật sang Marseille. Phòng trọ của Komatsu nằm chót vót trên tầng tám áp nóc nhà trong một tòa nhà không có thang máy ở gần nghĩa địa Montparnasse. Chính căn phòng này là nơi Nguyễn Ái Quốc đã đến thăm Komatsu lần đầu tiên, đúng như Komatsu đã nhắc lại trong “ Cuộc tái ngộ ”.

Những chi tiết nêu ra trên đây hoàn toàn trùng hợp với các tư liệu bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp. Chúng ta có thể tìm thấy, chẳng hạn trong cuốn “Thời thanh niên của Bác Hô” của tác giả Hồng Hà có ghi lại: ngày 14-3-1923 anh (Nguyễn Ái Quốc) dọn về ở ngay trụ sở báo Người cùng khổ, mang theo một cái giường cá nhân và một chiếc va li mà mật thám đến khám chỉ thấy toàn sách ở trong. Mạng lưới mật thám theo dõi anh tại Paris tăng lên từ khi Bộ Thuộc địa lập một tổ chức mới chuyên theo dõi những người Đông Dương ở Pháp. Chúng đến khám xét cả những người nước ngoài song ở Paris hay liên lạc bằng thư từ hoặc đi lại gặp gỡ anh Nguyễn. Trong số những người đó có anh sinh viên Nga Mikhailopxki, Pêtơrôp ở số nhà 6 phố Gay Luyxac, có nhà yêu nước Ấn Độ Alitaba Gôdơ, các nhà yêu nước Ailen ở gác 3 số nhà 12 phố Capuyxin, nhà văn Nhật bản Kiôshi Komatxư (Komatsu Kiyoshi)(5)… tác giả Thu Trang trong công trình “Nguyễn Ái Quốc ở Paris, 1917-1923” cũng cho biết: “Trong khoảng thời gian này (nửa sau năm 1921), theo mật báo, Nguyễn Ái Quốc cũng đã nhận được nhiều thư từ các nơi gửi đến, từ Việt Nam sang, những nơi khác là Anh, Mỹ, Cuba và có một thư do người Nhật tên là Komats gửi đến(6) vv…

Còn một tài liệu đáng tin cậy nữa mới được công bố trên tạp chí “Xưa & Nay” của Viện Sử học Việt Nam số 29 năm 2002 với nhan đề “Nhà văn Nhật Bản Kiyoshi Komatsu và Nguyễn Ái Quốc” của tác giả Đinh Mạnh Thoại cũng khẳng định mọi quan hệ thân thiết của hai người thanh niên yêu nước của hai dân tộc Việt Nhật gặp nhau ở Paris vào đầu những năm 20 thế kỷ trước. Ông Đinh Mạnh Thoại từng có thời gian bảy tháng làm thư ký cho Komatsu Kiyoshi, khi ông này sang làm việc ở Việt Nam những năm 1940. Trong vài dòng hồi ký, ông Thoại đã kể câu chuyện đối thoại giữa ông chủ Komatsu và ông hơn nửa thế kỷ trước ở sảnh vila số 11 phố Colombert, Sài gon (nay là Thái Văn Lung, Tp Hồ Chí Minh). Trong buổi tối hôm ấy có hai người, nhà văn Nhật Bản Komatsu đã hỏi ông Thoại về Nguyễn Ái Quốc. Trong bối cảnh đất nước lúc đó, khi quân đôi Nhật và giới thương mại chính trị Nhật đang đổ vào Đông Dương tuyên truyền rầm rộ thuyết Đại Đông Á, e ngại nên ông Thoại còn ngập ngừng và trả lời cho qua chuyện: “Thú thực với ông, tôi không rõ nhiều về ông Nguyễn Ái Quốc!”. Sau câu trả lời trên, ông Thoại kể: “cứ tưởng trả lời tránh né là xong. Nào ngờ, cơn lôi đình ập đến con người ông bật đứng dậy, vươn người qua bàn mây, hai tay ông đập mạnh vào vai tôi, giọng cáu kỉnh, ông giằn từng tiếng:

- Ông là đứa con nít, là Lyceen (học sinh trung học) trường bảo hộ, vào đời, ông có nợ, lại là người Việt Nam nữa, vậy mà ông không rõ lắm về ông Nguyễn Ái Quốc? Ông thật đáng thương và đáng trách!...

- “…Ông Thoại, thật con nít quá. Nguyễn Ái Quốc là bậc đại tài đã cống hiến vô cùng lớn lao cho dân tộc ông. Bản thân tôi khâm phục, và lúc nào cũng nhớ đến ông Nguyễn Ái Quốc!

Truyện Kiều của Nguyễn Du không ngừng được cả dân tộc ta, mọi thế hệ, mọi giai tầng xã hội yêu qúy trân trọng, mà đã và tiếp tục được bạn bè thế giới biết đến và trân trọng yêu qúy ở Nhật như vậy là cho đến nay trong vòng gần trăm năm đã có tới bốn bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du, và thật đáng tự hào là bản dịch đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Nhật lại do nhà văn Komatsu Kiyoshi, người đã từng là bạn thời trẻ của Nguyễn Ái Quốc ở Paris thực hiện. Biết đâu đó, có khi Komatsu bắt tay vào dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du một phần đã là do đã là bạn của Nguyễn Ái Quốc.

------------------

(1) Jean Lacouture: André Malraux (Bản tiếng Anh do Alan Sheridan dịch) New Yock: Pantheon Books, 1975. Tr. 146.

(2) Theo Vĩnh Sinh - Một nhà văn Nhật viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp. Tạp chí Xưa & Nay số 27, tháng 5 năm 1996. Tr. 21.

(3) Như chú thích (2), trang 19.

(4) Trung Bắc Chủ Nhật, số 237, tr. 23

(5 )Hồng Hà - Thời thanh niên của Bác Hồ” Nxb Thanh Niên, 1994. Tái bản lần thứ 3 có bồ sung. Tr. 160.

(6) Thu Trang. – Nguyễn Ái Quốc ở Paris, 1917-1923. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam xuất bản, 1991. Tr.1272


TỪ TU THIỀN ĐẾN TU PHẬT (tt)

CÔNG ÁN THỨ MƯỜI CHÍN

BÌNH THƯỜNG LÀ ĐẠO

*Công Án:

Triệu Châu hỏi Ngài Nam Tuyền:

- Đạo là gì?

Sư đáp:

- Tâm bình thường là đạo.

Triệu Châu hỏi:

- Đến đó được không?

Sư nói:

- Nghĩ đến đã sai.

Triệu Châu tiếp:

- Không nghĩ đến sao biết đó là đạo?

Sư nói:

- Đạo không thuộc chuyện biết hay không biết. Biết mà biết sai thì biết có ăn thua gì ! Nếu quả đến được đạo, bấy giờ cũng như thái hư, trống như khoảng khoát, há có thể gượng cho là trái phải sao ?

Lời giải:

Đúng là "Tâm bình thường là đạo", nhưng để trở về với cái Tâm Bình Thường này Kinh dạy: Phải lâu ngày cần khổ, phải tu, phải hành, phải thí, xả và làm bao nhiêu Hạnh, dễ đâu nói về là về, nói đến là đến ngay được!

Phàm Phu thay vì dùng cái Tâm bình thường, đã dùng cái Tâm Bất bình thường theo nghĩa đạo, là đã nhuộm thêm Ba Độc: Tham lam, Sân Hận, Si mê mà chư Phật đã dùng biết bao nhiêu phương tiện để dạy cho hoá giải, thế mà còn trầy trật, còn rớt tới rớt lui, dễ đâu không nghĩ đến, tự nó sẽ có!

Đành rằng nếu biết mà biết sai thì không có nghĩa gì. Nhưng làm thế nào để Biết đúng? Thế nào là Biết đúng?

Nếu đến được đạo thì như thái hư, trống không, nhưng làm sao để đến?

Những lối dạy tắt như thế liệu có sinh được lợi lạc cho ai, hay chỉ làm cho họ thêm đoạn kiến, cho là chỉ cần "đừng nghĩ tới mọi việc", là xong con đường tu hành? Nếu tu học một thời gian để rồi chẳng còn phân phải trái thì làm sao để hướng dẫn cho lớp người đi sau vì họ cũng cần biết đâu là bờ bên kia? Cách nào để qua? Mà áp dụng, mà thực hành. Đâu phải tưởng rằng đã qua bờ là xong! Bảo rằng đừng nghĩ đến, thì làm sao biết đó là gì? Làm sao biết đường để đến?

Đạo Phật phân minh: Chánh, Tà, Mê, Ngộ, Phàm, Thánh, Địa ngục, Niết Bàn, Chúng sinh, Phật, Chân, Vọng... mỗi mỗi đều có những tính cách khác nhau để người tu phân biệt mà chọn lựa và cả cách thức để bỏ bờ này sang bờ kia bằng những việc làm cụ thể. Kết quả từng bước được hướng dẫn rõ ràng mà đôi khi người tu còn nhầm lẫn, hiểu sai, hành sai. Huống chi cứ cho là bỏ hết, đừng nghĩ tới là xong!

Kết luận: Rõ ràng Ngài Nam Tuyền chưa hiểu hết cái Lý của Đạo, nên nói được mà giải thích không thông. Đạo Phật dạy phải “Đắc cái Vô Sở Đắc”. Có nghĩa là phải Đắc, phải Chứng, nhưng không thấy có MÌNH CHỨNG ĐẮC. Đâu thể đốt giai đoạn, chưa Đắc mà được cái Vô Sở Đắc ngay được?! Người nghe, nếu cứ tin theo đó thì sẽ sinh đoạn kiến, không thể tu tiến được nữa.

CÔNG ÁN THỨ HAI MƯƠI

KẺ ĐẠI LỰC SĨ

*Công Án:

Hoà Thượng Tùng Nguyên nói:

- Kẻ đại lực sĩ, sao nhấc chân không nổi?

Lại nói:

- Nói không do miệng.

Lời giải:

Chắc chắn Hòa Thượng này đã phân rõ Thân, Tâm, đã thấy rằng chủ nhân ông là cái Tâm đang điều khiển cho cái Thân mọi hoạt động: nói, năng, cúi, ngước, nhìn, đi, đứng, nằm ngồi, tới lui... Nhưng thực ra, nếu chỉ một mình cái Tâm cũng không làm gì được, vì ý chí cũng cần có thủ hạ mới sai làm được, vì thế, người đời cũng nói là "lực bất tòng tâm", khi ý muốn mà thân không thực hiện nổi.

Lời nói từ cửa miệng mà ra. Thấy như là do miệng mà nói. Nhưng thật ra là do Thần thức điều khiển. Không phải tự cái miệng có lời, có ý để phát ra. Chứng minh điều này bằng cách nhìn người chết. Lúc đó sự sống, thần thức ra khỏi cái thân rồi, dù tay chân còn nguyên nhưng không hoạt động được. Miệng lưỡi vẫn còn mà đâu có nói được! Cho nên gọi là "nói không phải do miệng".

Dù vậy, cuộc sống là phải phối hợp cả hai, Thân và Thức mới hình thành một con người. Nhưng nếu thuần túy sống theo sự điều khiển của cái Thức Mê thì gọi là Phàm Phu, và người biết chuyển hoá cái Thức để nó trở thành Trí. Sau đó, cũng chính nó điều khiển cho cái thân chỉ suy nghĩ, chỉ làm theo những điều thiện thì gọi đó là người tu hành vậy.

CÔNG ÁN THỨ HAI MƯƠI MỐT

QUE CỨT CỦA VÂN MÔN

*Công Án:

Một Ông Tăng hỏi Ngài Vân Môn:

- Phật là gì?

Sư đáp:

- Que cứt khô.

Lời giải:

Ngài Vân Môn gọi Phật là "que cứt khô", thảo nào sản sinh ra cao đồ là Động Sơn cũng bắt chước gọi Phật là "Ba cân Mè"!

Thầy sao, trò vậy! Tâm, miệng của hai ông này không chứa được thứ gì sạch sẽ thơm tho, giá trị hơn thế sao? Vậy mà cũng lập ra Vân Môn Tông để dạy Thiền! Những lời như thế này mà cũng gọi là Công Án để người sau Tham học thì tội cho Thiền Sinh quá!

Có lẽ Thiền của Tông này toàn sinh ra những Phật như vậy, cho nên sau đó đã thất truyền! Vì nếu tu hành miên mật, Tham, Quán ráo riết để thành “”, thành "que cứt khô" thì ai chịu bỏ công sức để tu làm gì? Lời lẽ thiếu trang nghiêm và kiêu mạn đến thế là cùng! Bạn bè ngang hàng nhau còn không thể gọi nhau như vậy, huống Phật là bậc Giác Ngộ để lại cả một giáo pháp cho đời!

Ăn cơm Phật, ở nhà Phật còn trở lại phỉ báng Phật! Chỉ cần nghe những lời như thế thì đủ biết Thiền Sư này quá ư là cao ngạo, Nhân Thừa còn không có, làm sao có thể gọi là bậc chân tu, càng làm sao đủ đức để dạy người?! Vậy mà Ngài Vô Môn còn không hiểu được đó là những lời xúc phạm, còn lấy đó làm Công Án cho người sau Tham!

Kết luận: Không biết các vị Sư này có học bài nào về Nhân Quả hay không? Người đời còn biết câu: "Kính Thầy mới được làm Thầy". Người đã xưng bậc Thầy còn chẳng coi Đức Đạo Sư ra gì. Nếu những người hậu học cũng bày đặt bắt chước để nói theo Ngài để “báng Phật, chê Pháp” thì bao nhiêu tội, nghiệp ắt là Ngài phải lãnh hết!

CÔNG ÁN THỨ HAI MUƠI HAI

CÂY SÁT CAN CỦA CA DIẾP

*Công Án:

Ngài A NAN hỏi Ngài Ca Diếp:

- Ngoài bộ Y vàng, Thế Tôn còn truyền cho Ngài gì nữa?

Ca Diếp gọi:

- A Nan!

A Nan:

- Dạ

Ca Diếp nói:

- Hãy lật ngược cây sát can ngoài cửa.

Lời giải:

Ngài A Nan học Pháp thuộc làu, nhưng chưa hiểu. Hạnh chưa đủ. Đức chưa tròn. Chính vì thế mà khi chọn người để phú chúc, Thế Tôn phải trao cho Ngài Ca Diếp, vừa là Trưởng Lão, vừa đức hạnh vẹn toàn, lý sự viên dung.

Phật Pháp đâu có phải là bộ Y? Y Bát chỉ là tín vật để người khác nhìn thấy mà biết được rằng đó là người được giao phó trách nhiệm nối truyền Chánh Pháp của người đi trước. Việc “đắc pháp” được Chư Tổ, từ Đức Thích Ca, Truyền cho Tổ đầu tiên là Ngài CA DIẾP, cho đến người cuối cùng là LỤC TỔ HUỆ NĂNG cũng chỉ là TÂM và PHÁP.

Vì Đạo Phật là Đạo chỉ rõ mọi sai lầm, chấp nhất, tạo Nghiệp đều do cái VỌNG TÂM. Tu Phật là để trở về với CHÂN TÂM. Người Thầy cũng là người “Đắc được cái TÂM”, ấn chứng cho người trò nào cũng Thấy được cái TÂM nên Đạo Phật gọi là “Dùng Tâm Ấn Tâm” hay “Lấy Tâm truyền Tâm”, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để làm cho ngọn đuốc Chánh Pháp được mồi thêm, sáng mãi. Soi cho hết bóng tối của Vô Minh đang ngự trị giữa cái Tâm mê mờ của con người.

Ngài A Nan lúc đó chưa nhận ra ý nghĩa của việc trao Y Bát. Thấy Y Bát chỉ là vật tầm thường, mỗi ngày Phật vẫn dùng, nên cho rằng hẳn Thế Tôn còn trao cho Ngài Ca Diếp thứ đặc biệt gì khác nữa. Vì thế nên Ngài Ca Diếp bảo Ngài A Nan "hãy lật ngược cây sát can ngoài cửa", như hình thức bảo Ngài nên thay đổi cách nhìn lại cho đúng.

Đức Thế Tôn trước khi nhập diệt, biết rằng Ngài A Nan hiện tại không xứng đáng, chưa đủ đức hạnh, nhưng sau đó sẽ hoàn tất công việc tu hành. Vì thế Ngài đã dặn Ngài Ca Diếp sau đó giao lại Y Bát cho A Nan kế thừa để phát huy Đạo Phật. Kết quả là Ngài A Nan sau đó đã không phụ lòng mong mỏi của Đấng Đạo Sư. Hầu hết các chính Kinh còn lưu truyền cho đến nay đều nhờ Ngài A Nan ghi nhớ, đọc cho các đại đệ tử kiểm tra rồi ghi chép lại.

Đạo Phật chân chính sống mãi, vượt mấy ngàn năm không hề bị đào thải. Dù Y Bát không còn trao, nhưng dòng Chánh Pháp vẫn âm thầm, người đi trước TRUYỀN TÂM lại cho người sau, không lúc nào dứt diệt, nhờ vào tính chất Chân, Thiện, Mỹ. Người tu không thích thế sự. Không màng lợi danh. Không dua vạy nịnh hót. Không bon chen tranh đấu. Chỉ lo tu sửa chính mình, để bản thân mình tốt đẹp mà chung quanh cũng được nhờ. Vì thế mà được gọi là Chánh Pháp, vì không đòi thống lãnh, đối trị người. Chỉ thống lãnh những chúng sinh loạn động nơi nội tâm. Lo đối trị với những cái xấu, cái ác của chính mình, để tâm được trong sáng, thanh tịnh.

Kết luận: Phật Pháp cao quý hơn thế gian pháp nhờ ở việc tu, sửa, không phải ở nơi Y, Bát.

(còn tiếp)

Tâm Nguyện


LẤY DA MÌNH

LÀM BÌA SÁCH CỦA MÌNH

Có không ít câu chuyện thú vị, thậm chí những bộ phim hài hước về những bản di chúc của nhiều kẻ lập dị trên thế giới. Nhưng chúng không thể sánh được với những chuyện rắc rối xảy ra trong đời thường. Hơn nữa, có những trường hợp không chỉ thú vị, mà còn rùng rợn. Vụ kiện cách đây không lâu ở thị trấn Xpringfilđơ, bang Ôregôn, Mỹ, là một ví dụ.

Bà quả phụ Rasen Raxxel gửi đơn lên tòa án kiện văn phòng lễ tang đã từ chối thực hiện nguyện vọng cuối cùng của người chồng quá cố của bà. Sinh thời, ông Đônan Raxxel từng đi chu du nhiều nơi, ông đã mô tả lại những xứ sở xa xôi và ấn tượng của mình bằng thơ. Tiếc thay, ông là một nhà thơ cần cù lao động hơn là có tài năng; vì vậy, các sáng tác đó rất ít được đăng và điều này, dĩ nhiên, đã làm cho tác giả không hài lòng. Sự bất công đó ông Đônan Raxxel quyết định sửa sai sau khi chết. Và ông đã di chúc cho bà vợ xuất bản toàn tập tác phẩm của mình với một cuốn duy nhất, nhưng được đóng trong tấm bìa bằng… da của chính nhà thơ!

Rõ ràng, thấy trước được những khó khăn của vấn đề, ông Đônan Raxxel đã dành riêng một chương trong di chúc của mình viết về “cơ sở lý luận”; ông lập luận rằng hoàn toàn không có gì khác nhau giữa da người và da động vật. Và nếu các bà cho phép mình chưng diện những chiếc áo măng-tô bằng lông cừu hay lông chồn, thì tại sao ông lại không thể lấy da mình để bọc cái sản phẩm nguồn thi hứng của chính mình?

Bà quả phụ và bạn bè không lạ gì tính nết kỳ quặc của người quá cố, nhưng các nhân viên văn phòng lễ tang thì dứt khoát từ chối tham gia vào cái phi vụ đáng ngờ kia, họ cho rằng nó không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Theo ý kiến của bà Rasen và bè bạn, văn phòng lễ tang có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ di chúc của khách hàng, hơn nữa, người quá cố đã hướng dẫn cẩn thận kỹ thuật trong di chúc.

- Tôi đã mạnh dạn ủng hộ các nhân viên văn phòng lễ tang – ông thẩm phán thị trấn Xpringfilđơ kể lại – tôi cho rằng câu chuyện cái bìa chỉ là một tiểu xảo có tính chất quảng cáo nhằm mục đích gây chú ý của các nhà phê bình văn học đối với việc xuất bản cuốn sách mà thôi.

Có lẽ, ông thẩm phán đã nói đúng. Bà quả phụ Rasen đã làm đơn khiếu nại, còn trong giới văn học người ta bắt đầu nói về ông Đônan Raxxel như một nhà thơ đã tận tụy phụng sự nghệ thuật bằng bộ da của chính mình!

TRẦN HẬU

(Theo “Scandal”, số 17-1996)

BÙI ĐẸP st.

Phụ Bản II

Ca Dao Tập Tàng

N hăn mặt nhịn đau nhích cái chưn sưng bị treo gá ngỡi giữa hai cây giăng mùng, chú Tư Trích chép miệng: “Thiệt tức, ban đầu có chút híu bây giờ tầy huầy như vầy thì cực còn hơn Thủ Huồng bị đọa, muốn trở mình chút đỉnh cho đở mõi mà có được đâu. Nằm lâu, chuyện vệ sinh tắm rửa lần nào cũng trần thân muốn khóc… Giống như dao cùn, dao mẻ chờ giờ bị liệng đi. “Chú bặm môi cố gượng trở mình, nhưng mới nhúc nhích chút đỉnh đã cảm thấy đau thấu mây xanh bèn nằm yên, trí nghĩ bâng quơ về quá khứ.

C ó thói quen nếu bảnh mắt dậy mà thấy trời rọi chút yến sáng là Tư Trích tốc mùng đi đếm số bông bí trong vườn. Bữa nào hể đếm được chừng độ bốn năm chục bông là chú mừng quýnh, hí ha hí hửng đi một vòng vườn rồi mới trở vô nhà tiếp tục làm chuyện gì đó đợi tới chừng 8, 9 giờ xách rỗ ra vườn cắt bông bí đem vô khoe với vợ. Vừa cắt, Tư Trích vừa ngâm nga nho nhỏ, thường là bắt đầu bằng câu đã có từ lâu:

Mẹ mong gã thiếp về vườn.

Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh .

Ngâm đã rồi chú phụ đề như là có người kế bên. Không có sẵn dưa hường, nấu với dưa chuột tôm khô hay cá diêu hồng cũng hết xẩy vậy bây! Có bữa hứng chí chú ư ử mấy câu tự mình ứng khẩu:

“Bông bí vàng tươi như đời em thắm.

Ăn bông bí nhiều không tắm cũng thơm.

Rồi chú liếc mau vô nhà nghĩ thầm: Em không tắm mà da em cũng thơm mùi xà bông Cô Ba là cái chắc!

Rực vàng bông bí sau vườn.

Thương em không dám leo tường cũng leo.

Ờ, mà em chịu đèn thì tội gì không leo qua! Ngu sao! Hay

Bông bí vàng lườm trong chùm xanh lá.

Anh ngắm em hoài sợ má em la.

Con gái người ta mà ngắm hoài chết duyên còn gì cha nội! Mấy ý bậy bạ nầy chú bị vợ háy nguýt hoài mà không chịu bỏ, vẫn lẫm nhẫm rồi tủm tỉm cười một mình. Chú giải thích với bà vợ ù ù cạt cạt của mình: “Mình biết không? Phải ăn bông bí nhiều thì người mình mới có hương thơm. Ăn nhiều là yêu bông bí vô vàn, sự yêu thích đó khiến cho mùi hương của bông bí có cơ tỏa ra lại khiến người mình được thơm tho”. Thím Tư chỉ buông tiếng “Vậy hả?” rồi tiếp tục làm công việc của mình, ngại hỏi dần lân láng cháng ổng nổi máu Ca Dao lên thuyết giảng thì chặt hổng đứt, bứt hổng rời, hết buôn hết bán buổi sáng.

Vậy mà buổi sáng đó khi chồm vói vô một sợi dây bí rợ bò hơi xa, chú Tư trợt cẳng vấp vô đâu đó một cái quá mạng. Gần sứt móng ngón chưn cái luôn. Trét vô chút xíu dầu gió xanh, xé lấy miếng giẻ rách cột lại, tưởng vài bữa là yên chuyện. Ai dè!

Ngó qua hàng hiên nhà trước mặt, chất đầy mít, đu đủ trong khi khách hàng lựa lựa người chủ điềm nhiên ngồi chích thuốc thúc chín vô cuống bất cứ trái mít nào còn xanh, chú nói:

“Thằng Dần bên kia biết kiếm tiền ha, tiếc là mấy tháng nay tôi nằm bẹp như người bụng bí đao làm biếng”. Rồi chú ngâm nga:

Bụng dài như trái bí đao.

Nằm không ăn mãi ruộng sào cũng bay .

Chú vừa ngâm vừa đưa tay quạt quạt lia lịa vì thím Tư vừa mới đốt nhang trên một hàng bốn cái trang thờ trong nhà, trang nào thím cũng đốt ba cây thành ra khói mịt mù, chú chảy nước mắt, ngứa mũi, lại khó thở rồi ho sặt sụa. Chú đổ quạu:

“Mình muốn giết tui thì nói đại đi chớ nhang mà đốt như ung khói, nhà lại không mở cửa sổ, kín như hủ nút thì chết người trong nhà chứ chết ai!”

Biết lỗi mình, thím Tư lật đật đi mở banh hết mọi cánh cửa phía trước, phía sau, gắn quạt máy ở gần chỗ chú Tư nằm…

“Không biết sao mà lúc nầy nhang có khói nhiều quá”. Chị vợ nói như để chữa tội mình.

“Thì lúc nầy họ làm nhang bằng mạt cưa trộn acít nầy acít nọ cho có lời lại tẩm hương liệu bậy bạ nên khói là khói acít, hưởi nó hư phổi hư tim mà hơi vô mắt thì trước sau gì cũng mờ mờ, cườm nước, cườm khô mau mọc lên thôi”.

Chú dòm lên dãy trang thờ, ra lịnh cho vợ:

“Mình hạ mấy dĩa cam xuống đi, nằm đây ba tháng rồi mà mấy trái cam đó không thúi thì mình biết đó! Cam tẩm ắp lẵm hóa chất mới vậy, dục đi, để trong nhà hơi nó bay ra không tốt đâu mà”.

Thím Tư lại bắt thang lên đem mấy dĩa cam xuống. Thím tiếc của xăm soi từ trái từ trái, ý chừng muốn giữ lại, Tư Trích nhướng mắt thấy bèn lên lớp vợ:

“Tui biểu mình dục là dục, bộ tui không biết tiếc của sao chớ, nhưng mà cam nầy từ Trung Quốc qua, nó tẩm thuốc giữ cho khỏi hư thúi nên độc lắm, ăn vô chẳng biết có bổ béo gì không nhưng chắc chắn là có thêm một chút hóa chất tích tụ vô người mình, về sau không phát bịnh nầy cũng sanh bịnh nọ”.

Thím Tư quày quả đem mấy trái cam ra vườn bỏ gom dưới gốc cây vú sửa để làm phân. Tư Trích dòm theo, biết ý vợ, muốn thuyết thêm nữa, nhưng ngại bị cho là mình nói nhiều nên chép miệng làm thinh nằm nhắm mắt.

Bỗng Tư Trích giựt mình đánh thót gần như muốn ngồi bật dậy khi nghe tiếng ngã rầm tiếp theo là tiếng loãng xoãng của chai lọ bể, tiếng rên nho nhỏ của thím Tư. Thì ra do kê cái thang bất ý sao đó thím bị thang ngã, bể hết mấy cái bình bông quý của chú.

Chú nói như hét:

“Bà làm bể hai cái bình bông quý của tui rồi phải không? Biết mà! Không coi trước coi sau!”

Không nghe tiếng vợ trả lời chỉ nghe tiếng rên nho nhỏ “Đau quá! Đau quá!” chú hơi dịu lòng lại rồi chú nói sau cái chép miệng:

“Vái trời cho bể cái lư hương với mấy cây đèn dầu, không bể hai cái bình bông cổ vật của tôi. Hai cái đó quý lắm, có tiền triệu cũng mua không được đâu!”

Vợ chú làm thinh. Vài phút sau chú thay đổi giọng, nói với vợ bằng lời âu yếm:

“Mình có sao không, tội quá, tôi không ngồi dậy được để đở mình. Mình ngồi xuống đây, tôi kể chuyện nầy cho nghe. Chuyện của tôi hồi nhỏ…”

C ha tôi đau nặng. Ông bị bịnh suyển mấy năm rồi, khó thở, thường ngũ chồm hổm đầu cúi xuống, cong mình như con tôm, nói rằng như vậy hai lá phổi của ông trải ra, dễ thở hơn. Tôi, thằng bé mười tuổi, ham ngủ nhưng thường phải ngồi kế bên cha, ngủ gật gà gật gù mà tay thì cầm cái quạt mo quạt liên tục cho ông có đủ không khí để thở. Thỉnh thoảng cha kêu uống nước, tôi phải để quạt xuống, mò dưới chưn bàn cái vỏ chai nước mắm nhĩ Phú Quốc dùng để đựng nước chín, rót cẩn thận vô tách đưa cho ông. Tánh ông khó, rót nhiều cũng bị la, mà rót ít ông uống không đủ cũng bị rầy. Chai đẹp thiệt tình, màu xanh nhè nhẹ, trong suốt, hai hàng chữ trắng Nước Mắm Nhĩ Phú Quốc, Thượng Hạng in khắc chạm mờ mờ thay vì được dán nhản như tất cả loại chai nước mắm rẻ tiền khác. Mắt người cha theo dõi từng cử chỉ của thằng con. Cái chai trở nên thiệt nặng trong tay tôi. Tôi rót run tay vì biết rằng cha mình quý cái chai đó lắm, rớt bể chai chắc no đòn.

Hôm đó, tôi nhớ buổi chiều Thứ Bảy, tan trường, hớn hở cầm tấm Bảng Danh Dự về đưa cha ký tên, tôi được xếp trong năm trò học giỏi nhứt lớp tháng nầy. Cha nhìn tôi bằng ánh mắt thương yêu và hãnh diện, nói: “Con phải học giỏi hơn con Liên mới được nha”. Tôi không hiểu tại sao ông nói hơn con Liên mà không nói hơn những đứa khác trong xóm như con Liễu, thằng Đực, con Bê, con Bưởi, thằng Thìn, thằng Tỵ… Liên là con bà chủ nợ, nó học một lớp với tôi nhưng chúng tôi không chơi với nhau vì Liên là con gái nhà khá giả, đã biết làm điệu, đã biết phân biệt giàu nghèo. Ba nó làm thầy phạm nhe, chuyên môn thích thuốc theo toa bác sĩ, má nó là cô giáo mở trường dạy mẫu giáo trong xóm, bà lại sống phụ thêm bằng nghề cho vay. Cứ hai ba ngày con Liên qua nhà tôi một lần để đòi tiền góp, mỗi lần gặp mặt tôi nó đều giả lơ như không biết tôi, không thấy tôi, chỉ nói chuyện với ba, má tôi mà thôi. Hồi chiều nay nó cầm một tờ giấy biên dài sọc mấy chục hàng số nói rằng má nó cộng lại thấy nhà tôi thiếu tiền góp với tiền hụi ngày hơn tháng nay, nhiều quá rồi, phải kiếm cách trả không thôi má nó sẽ qua nói chuyện phải quấy. Cha tôi nghe tới chữ chuyện phải quấy thì làm mệt, kéo đàm chặn cổ, năn nỉ nó đi về, hứa rằng sẽ kiếm tiền trả dứt dạt khi ông bớt bịnh, rồi ông đưa cho tôi cộng lại bản tiền nợ. Tôi khám phá ra sai số mấy trăm đồng, con số thiệt là lớn thời đó. Run run tôi ngồi cộng tới cộng lui thiệt nhiều lần để chắc chắn rằng mình cộng đúng. Cha tôi vui mừng vì sự khám phá đó của tôi, ông nói vậy là con học giỏi hơn con Liên thiệt tình. Nó cộng sai, con đã bắt được lỗi của nó. Cha đưa tay xoa đầu tôi. Cử chỉ hình như lâu rồi không có. Được cha khen, tôi ngồi thẳng lưng trên ghế, chưn đánh đồng xa, mắt sáng rỡ, thoải mái. Chẳng dè chưn đưa quá trớn, đá bể cái chai nước mắm Phú Quốc của ông. Cha tôi nghe tiếng chai bể, ông xuýt xoa: ‘Vái Trời cho bể chai khác, không bể chai nước mắm nhĩ. Chai đó quý lắm! Khó kiếm.’ Tôi run run dọn dẹp, nói sự thật với cha trong tâm trạng chờ đợi sấm sét. Cha tôi chỉ thở dài: “Thôi bể rồi thì thôi, con phải rán học giỏi hơn con Liên hoài hoài mới được!”

Đó là một trong rất ít lần tôi làm bể vật gì mà không bị cha đánh đòn. Nhà nghèo mà, mình biết đó, nghèo thường hay tiếc của.

Sau nầy lớn lên mỗi lần thấy chai nước mắm nhĩ tôi đều nhớ đến gương mặt với giọng nói xuýt xoa của cha: “Vái Trời cho bể chai khác…”

Ôi nhà nghèo, cái ước mơ nhỏ nhoi sao mà quá lớn!”

Tư Trích ngừng kể, ông thấy giọt nước long lanh trên khóe mắt của vợ.

“Té ra hồi nảy tôi không bị chưởi như tách nứa giống mọi lần vì mình liên tưởng tới câu nói của ba trước đây. Câu nói vái Trời của mình với câu vái Trời của ba mấy chục năm trước sao mà giống!”

Tư Trích cười xẻng lẻng bằng câu ca dao ứng khẩu:

Giống nhau vì bởi chữ nghèo.

Cha con đều vái, eo sèo chi em?

Hồi nảy tôi dằn cơn giận xuống, nén cái lòng tiếc của vì thấy mặt nhăn nhó đau đớn của mình, như là hồi xưa ba tôi dằn lại là vì tôi đem tấm Bảng Danh Dự về, và tôi đã cộng sửa lại bớt được số tiền thiếu nợ.”

Thím Tư vói tay rờ rờ cái chưn đau của chồng, cười cười.

Tư Trích kéo vai vợ ấn ngồi lại thêm với mình khi thấy vợ dợm cẳng đứng dậy:

“Trời còn sớm, mình ngồi nán lại chút nữa để tôi kể chuyện khác cũng có liên quan đến cái nghèo ngày xưa, nhưng chuyện nầy vui hơn nhiều”.

“... Đứa em gái tôi cả tuần nay bị bịnh nằm thiêm thiếp. Tôi rờ tay em thấy nóng, rờ trán em còn nóng tợn hơn. Cả nhà ai cũng lo. Bà ngoại lui cui nấu cháo thịt bằm cho em nói là ăn cho đổ mồ hôi mau hết bịnh. Em không ăn, chỉ húp nửa muổng cháo lỏng rồi để đó, thiêm thiếp trở lại, tô cháo chơ vơ, bốc khói trên bàn. Ẩn hiện dưới lớp cháo là những miếng thịt bằm trộn tiêu hành, gừng và nước mắm… mời gọi tôi. Thèm quá đổi, nước miếng ứa ra. Bao nhiêu năm rồi đâu được ăn cháo thịt bằm đâu. Ngó tô cháo mà tôi tưởng tượng ra được mùi thơm của tiêu, mùi cay của gừng, mùi béo béo của thịt được bằm với nhiều thịt nạc, chỉ có chút ít mở đưa trơn. Tôi bị tô cháo cuốn hút nên quanh quẩn bên giường em hoài. Nhiều lần em mở mắt ra thấy tôi vẫn lẩn xẩn kế bên, em hỏi giọng yếu ớt: “Bộ anh thương vì thấy em bịnh hả?” Tôi không trả lời, trí óc và cặp mắt bận ngó chăm chăm vô tô cháo, thèm thuồng. Em nói: “Anh ăn cháo giùm em đi, em không đói...” Tôi chỉ đợi có bao nhiêu đó thôi, kéo tô cháo tới gần, vừa ăn vừa nói: “Anh muốn được bịnh để được ăn cháo thịt bằm, bao nhiêu năm nay nhà mình đâu có ăn cháo thịt đâu”. Em cựa mình nằm nghiêng để nhìn rõ tôi hơn rồi chậm rãi nói:

“Em sắp chết rồi, anh có thương em khi em chết không. Thầy Năm Chích ba con Liên nói chiều nay chích một mũi nữa mà không hết bịnh thì ngày mai em chết. Em buồn quá vì phải xa ngoại, xa cha mẹ và hai anh”.

Tôi buông muỗng, đẩy tô cháo dở dang ra xa nói không ăn nữa. Em ăn cho có sức mau lành bịnh, đừng tin Thầy Năm Chích nói bậy bạ. Em nài nĩ tôi ăn hết tô cháo giùm, nói rằng anh thèm thì cứ ăn, em thích thấy anh ăn ngon lành như vậy. Em sắp chết rồi đâu cần ăn uống gì nữa, anh ăn đi để Ngoại vô rầy em.

Không đợi biểu tới lần thứ hai, tôi kéo tô cháo về, húp rồn rột ngon lành. Mồ hôi tuôn ra như tắm. Em mỉm cười vui héo hắt miệng méo xệch.

Có tiếng xe máy thắng rít trước nhà, giọng Thầy Năm Chích hớt hơ hớt hãi:

“Có ai trong nhà không, nhớ là đừng cho con Lùn ăn gì nha, ban cua lưỡi trắng mới lộ tức là thương hàn nhập lý, cho ăn là lủng ruột chết liền đó. Hồi sớm mơi đi gấp quá quên dặn, không biết nhà có cho nó ăn gì chưa. Ăn rồi là kẹt lắm. Chạy thuốc không kịp đâu. Tức quá, hỏng biết sao chuyện quan trọng như vậy tôi lại quên lửng đi…”

Bà Ngoại dưới bếp tất tả đi lên, khi ngó thấy cái tô không trơ vơ bà bù loa trong nước mắt:

“Tôi nấu tô cháo thịt bằm… Chết cha, nó ăn hết rồi. Tôi giết con Lùn rồi!”

Tôi tủm tỉm nói:

“Con ăn đó ngoại, tại con Lùn nó hổng ăn chớ bộ.”

Bà Ngoại ngượng ngịu cú đầu tôi, chửi thương:

“Tổ cha mầy, lại dụ ăn em. Để rồi Ngoại cầm đôi bông mù u của Ngoại nấu cho mầy nguyên một nồi cháo thịt ăn tràn họng hết thèm, bỏ tánh dụ ăn của em”.

Năm đó tôi lên mười một, chưa bao giờ trong nhà thấy được một bữa cơm ngon từ khi tôi biết nhớ!

Dụ ăn cũng có cái hay.

Cứu em khỏi chết, thằng nầy có công .

Đó là câu mà sau nầy khi hơi lớn hơn một chút tôi thường đọc lên để đùa với ngoại. Tội nghiệp ngoại nghe tôi đọc như vậy chỉ cười hiền, không nói được lời gì. Mà mình thấy tôi có công không, nếu không dụ ăn của em thì nó đâu sống tới bây giờ”.

Thím Tư thấy chồng vui cũng vui lây, đưa tay rờ rờ lần nữa chỗ cái bàn chưn sưng băng vải của chồng ra điều lo lắng.

“Không biết chừng nào mới hết bịnh đây. Thấy ông nằm hoài cũng tội nghiệp. Thôi để tôi ra vườn coi có miếng rau cỏ nào hái vô nấu bậy một nồi canh.”

Được dịp trúng tủ Tư Trích nói mau:

“Ờ! Bà hái nhiều nhiều nha, rau tập tàng thì ngon, cũng như con tập tàng thì khôn”.

Thím Tư đứng dậy lấy ngón tay xỉa mạnh vô mũi chồng:

“Cũng cái giọng đó không! Hồi đó mỗi lần đi ngang nghe ông nói câu đó là tôi về khóc hết nước mắt. Dấu cha dấu mẹ thì được mà dấu thiên hạ ngoài đường sao khó quá. Mà không hiểu sao hồi đó tôi lại ưng ông để ông biến thằng con tôi thành thằng con tập tàng, bữa nào cũng thêm chưn thêm tay bắt mệt!”

Tư Trích cười xẻng lẻng nhìn gò má già mà còn thẹn thùng của vợ, bỗng chú hít hít mũi đánh hơi rồi la lớn:

“Chết cha! Nghe như mùi hủ rượu thuốc rắn hổ mang của tui bị đổ bể! Mình coi lại coi. Vái Trời cho đổ rượu chút đỉnh mà không bể hủ! Cái dòng rượu thuốc hổ mang ngâm sáu tháng tốt lắm, uống đã hết nhức mình mà trên biểu đâu dưới nghe răm rắp, không cãi”.

Người vợ cười hề hề:

“Bể cha nó rồi còn ở đó vái với cầu. Rắn hổ mang cái khỉ khô họ. Ba con rắn nước, tụi nó xẻ một đường dọc chỗ cổ rồi banh ra làm bộ như rắn hổ mang để gạt thiên hạ. Hổ mang nào mà đủ cho đám đàn ông mấy ngài ngâm năm nầy qua năm khác…”

Để ăn mừng chưn mình hết đau, Tư Trích làm một bữa tiệc nhậu bĩ bàng với vài ba người hàng xóm. Rượu lừng lừng Tư Trích triền miên:

“Hồi đó tôi làm biếng học thuộc lòng lắm, ông thầy Quan, dạy Việt Văn cắc cớ thường bắt tụi tôi học từng đoạn từng đoạn văn xuôi dài mà ổng ưng ý. Tui ba gai, thà bị zéro chứ không thèm học thuộc lòng bất kỳ đoạn văn nào. Tới chừng ổng bắt học thuộc 50 câu ca dao thì tui nghĩ ra cách chơi trát ổng. Tui nặn óc đặt trước ở nhà mấy chục câu và cá với tụi bạn là ổng sẽ không dám nói tôi đặt tuồng bụng.

Quả thiệt y chang như vậy, tới chừng làm bài thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt, môn Việt Văn của thầy Quan tôi về nhứt nhờ những câu ca dao trời thần của mình. Đâu ai thuộc hết ca dao đâu, cho nên gặp câu lạ ông thầy cứ làm thinh như mình đã biết, không gạch đỏ xanh gì hết là con đường khôn ngoan nhứt.

Trò chơi đó cho tới bây giờ tôi kiếm tiền nhuận bút hoài hoài bằng những bài xào đi kho lại như Tình yêu qua ca dao, Người phụ nữ trong ca dao, Tình huynh đệ trong ca dao, Tình quê hương trong ca dao, Ca dao như là cách chơi chữ, Cách ứng xử của người Việt qua ca dao, Sản phẩm địa phương qua câu hát… Cứ như vậy mà tôi làm tới. Bài nào cũng chỉ có một vài câu thiệt đã có trong sách vỡ, kỳ dư là giả, ở trong bụng tôi ra hết. Tôi đặt tên mấy câu mới sanh nầy là Ca Dao Tập Tàng. Tập Tàng là lượm chỗ nầy một chút chỗ kia một chút góp gom chung lại. Góp của tôi là góp ý và cách làm theo thể tỷ với thể hứng…”

Thực khách coi bộ lơ là không muốn nghe. Có người quậy hơn trong khi chủ nhà huyên thiên nói ông ta rót rượu mời người kế bên vô vô lia chia, ngậu xị.

“Tài vặt đặt ca dao của tôi giúp tôi sau nầy được chọn vô tổ văn hóa, tuyên vận của phường, tôi lo bóp óc nặn ra câu nầy câu nọ cho những chiến dịch của phường. Bù lại họ để yên không bắt đi Kinh Tế Mới. Được vài ba năm thì họ mời về, cám ơn mình, lúc đó nhiều khi vừa tủi thân vừa tức cười khi nhận được những bức thơ vận động đi Kinh Tế Mới do mình thảo ra hay những câu ca dao thúc giục do mình sáng tác trước đây… Tài viết Ca Dao khiến tôi đụng được bà nhà tôi, khiến tôi không lúc nào đói, nhưng cũng nói thiệt nó làm tôi nặng lòng hơn hai chục năm nay!”

Thím Tư thấy chồng nói nhiều, nháy mắt ra hiệu nhưng chú Tư Trích cứ thao thao:

“Hồi còn chiến dịch Thủy Lợi tôi đặt câu hơi nặng: Thằng Trời đứng lại một bên. Để cho Thủy Lợi đứng lên làm Trời. Nói nào ngay, ban đầu thì tôi nói Ông Trời, mấy ổng bàn ra tán vô thét rồi đổi thành Thằng Trời. Mình cũng không dám cãi. Thế là cái câu mạnh mẽ, ngang tàng, coi Trời như không kia đi khắp mọi nơi có làm thủy lợi.

Sau nầy khi hết làm việc, ngẩm nghĩ lại, tôi thấy mình dại. Hơn hai chục năm nay cứ mang mặc cảm mình ngỗ nghịch với Trời vì một chuyện chẳng ra gì… Chứa để mặc cảm tội lỗi trong lòng, thét thành tâm bịnh, tôi mất đi cái hoạt bát ngày xưa, thêm đau bao tử và trầm cảm. Gần đây bị thêm cái ung lớn trên bàn chưn tưởng là không thể hết, tôi cho là biến tướng của mặc cảm tội với nghiệp mình đã tạo trước kia”.

Có tiếng một thực khách vồm vàm hỏi theo giọng dân nhậu:

“Rồi sao lại bỗng nhiên hết đi, Tư Trích nói không xuôi là bị phạt ba ly đó nha!”

“Con người mà, đâu ai là không bất toàn. Quá khứ đã có cái bất toàn thì làm sao sửa được? Mặc cảm chỉ làm cho mình hết còn là mình. Tôi tỉnh ngộ, tôi nghĩ đời mình lỗi, xấu chẳng nhiều nhỏi gì. Tại sao không nhìn trên đại thể để thấy rằng mình tốt, để ý chi cái xấu nhỏ chẳng đáng kể, chỉ như một vết đen trên tờ giấy trắng thôi. Trong tương lai mình lo phát triển tánh tốt thì có ích lợi hơn tối ngày ngồi đó nghiền nát hồn mình trong mặc cảm tội lỗi xa xưa.

Vậy là chừng một tuần sau tôi hết bịnh. Cái chưn lành như được xức thuốc tiên. Tôi lại vui đời. Tâm ủ ê mặc cảm Thủ Huồng bị phạt tiêu tán không để lại chút dấu vết nào”.

Bạn nhậu nghe lọt lổ tai, cùng reo hò hoan hô vô cạn ly rần nhà.

Thằng con Tư Trích đi đâu vừa về, dựng xe ngoài sân, bước vô nhà như gió lốc, không cần chào ai, nói không kịp thở:

“Chúa Nhựt nầy biểu tình không được. Họ dựng nhiều chốt quá, lềnh khênh đâu của thấy họ, lại còn bắt nguội tuốt ngoài xa như mình là ăn cướp không bằng! Thôi tuần sau tính!” Nói xong nó lũi vô nhà sau, dáng buồn bực mệt mỏi.

Tư Trích giơ cao ly rượu về phía vợ, con mắt mặt nháy nhó trao đổi gì đó trong khi ngâm nga ứng khẩu:

Rau tập tàng thì ngon,

Con tập tàng thì khôn [1] ,

Văn tập tàng thì hay.

Con ơi, lấy phải làm nền,

Lấy nhơn làm gốc mà đền nước non.

Thiếm Tư đứng dậy cái rẹt, nói nho nhỏ:

“Thằng con tập tàng ngày xưa ổng thêm tay thêm chưn sao mà giống ổng hịt, chuyện nhà thì nhác, chuyện chú bác thì siêng! Rồi đây sẽ khổ, tôi lại phải đi lên đi xuống nuôi tù!”

Tư Trích hiểu thái độ dùng dằng của vợ. Chú ngó theo bước đi của thím, mỉn cười bao dung. Bạn đồng tiệc vẫn triền miên trong ồn ào ly chú ly anh. Chú gắp một miếng gì đó cho có chừng, bỏ ơ hờ trong chén rồi chống đũa mơ màng. Xưa mình từng ăn lựu đạn cay, giờ con mình cũng thế thôi, có khác gì đâu nà. Chuyện trần gian nầy xoay qua xoay lại cũng từng bao nhiêu thứ như gió sớm, mưa chiều, sương khuya, nắng quái. Nhân quả luân chuyển, tất cả đều là vô thường. Đời nào cũng có cái sai đúng tương đối của thời nấy. May mà mình vừa hiểu được điều đó để rủ bỏ mặc cảm oằn nặng bấy lâu nay.

Và Tư Trích thoải mái nhập tiệc, lòng thảnh thơi như chưa từng bao giờ được như thế. Nắng chiều ngoài sân thiệt là đẹp dưới mắt chú Tư.

(Trích tập truyện Quê Hương Vụn Vỡ,

Viện Việt Học CA xuất bản, 2012)

Nguyễn Văn Sâm

samnguyen20002002@yahoo.com

[1] Các câu hát trong bài nầy ngoài câu

Mẹ mong gả thiếp về vườn.

Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh

và câu:

Rau tập tàng thì ngon.

Con tập tàng thì khôn

là thiệt của dân gian truyền miệng từ lâu lâu lắm rồi, các câu còn lại là của Tư Trích.


Nhà Mồ Trương Vĩnh Ký Giữa Sài Gòn

QUỐC VIỆT Dưới đây là hình ảnh ngôi mộ của một nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký sống ở thế kỷ 19, cùng Phạm Quỳnh là những người có công trong việc truyền bá chữ quốc ngữ và tu sửa câu văn, chính tả Việt. Tại trường Petrus Ký (nay là Truờng Lê Hồng Phong) có bức tượng đồng đen bán thân (Bị vết đạn của Bình Xuyên bắn vào má trái) không còn ở sân trường nữa mà đi vào trong phòng truyền thống.

Ngược lại quê hương của nhà bác học ở Bến Tre đã tôn vinh ông và một ngôi trường mới được thành lập và mang tên PetrusTrương Vĩnh Ký.

Nhà mồ giữa thành phố

Có một nhà mồ nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, TP.HCM mà không phải ai cũng biết có một thân phận đặc biệt đang yên nghỉ.


Mộ trương Vĩnh Ký ở giữa và vợ con hai bên là ba phiến đá lát

Trên cửa nhà mồ, dòng chữ Latin Miseremini mei saltem vos amici mei (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) như nói lên nỗi lòng thiên cổ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ 19: Trương Vĩnh Ký.

Lặng lẽ bên đường

Lách cách mở ổ khóa đã hoen gỉ ở cửa nhà mồ, ông Trương Minh Đạt, hậu duệ đời thứ tư của Trương Vĩnh Ký, ngậm ngùi: “Lâu lắm rồi mới có khách đến viếng!”. Chúng tôi nhẹ bước qua những chiếc lá vàng khô bị gió cuốn bay vào nhà mồ, mà ngẩn ngơ nhìn thực tế khác nhiều với điều mình hình dung. Nền bằng phẳng, không một gò đất, công trình nào nhô lên như những nấm mộ thường hay nhìn thấy. Dưới ánh chiều đang sậm dần, phải nhìn kỹ mới thấy ba phiến đá khác màu có chiều rộng khoảng 1m, dài gần 2m được lát bằng phẳng mà mới nhìn cứ tưởng là nền nhà mồ. Ông Đạt bùi ngùi: “Các ông nhà tôi yên nghỉ dưới đấy!”.

Dưới phiến đá trắng đã ngả màu vàng nhạt, nơi Trương Vĩnh Ký yên nghỉ, ở giữa người vợ Vương Thị Thọ và con trai cả Trương Vĩnh Thế. Sinh thời Trương Vĩnh Ký đã nổi danh. Và hơn một thế kỷ trôi qua bao ngòi bút ngược xuôi vẫn còn rỏ mực về ông, nhưng bia mộ lại chỉ vài dòng ngắn ngủi. Nó được khắc ngay trên phiến đá làm nắp mộ với vài dòng danh phận người yên nghỉ: J.B. Petrus Trương Vĩnh Ký. Chữ Pháp đầu dòng không phải tên Tây của ông mà là tên đạo ông theo từ thuở ấu thơ ở quê hương Cái Mơn, Bến Tre. Bia mộ không ghi năm ông sinh (6-12-1837), nhưng khắc rõ ông mất ngày 1-9-1898. Trang trí mộ bia cũng giản dị với hình một cành lá, không hoa bao quanh.

Mất sau chồng đến chín năm, nhưng bia mộ bà Vương Thị Thọ lại bị thời gian làm phai mòn nhiều hơn. Bà yên nghỉ dưới phiến đá màu nâu đỏ đã ngả màu sậm có nhiều vết nứt, vỡ cùng năm tháng. Lau lớp bụi thời gian, ông Đạt ngậm ngùi kể mình 58 tuổi. Từ nhỏ, ông đã được cha là Trương Vĩnh Thạnh dặn dò phải gìn giữ nhà mồ các cố để hậu sinh truyền đời tưởng nhớ, nhưng không thể ngăn được sự tàn phá của thời gian và bao biến động thời cuộc.

Giữ đúng đạo “xuất giá tòng phu” xưa, dòng đầu trên bia mộ cụ bà mang tên chồng là Maria Trương Vĩnh Ký. Dòng nhỏ dưới mới khắc tên mình là Vương Thị Thọ mất năm 1907 và không trang trí một hoa văn nào ngoài hình cây thánh giá. Nằm bên trái cha, tình trạng bia mộ người con Trương Vĩnh Thế cũng bị nhiều vết hư hại của thời gian. Trong gia phả dòng họ, Trương Vĩnh Thế là anh cả ông nội Trương Vĩnh Tống của ông Trương Minh Đạt, hiện đang sống ở đây để gìn giữ nhà mồ. Sinh thời, ông Thế làm quan đốc phủ sứ mà dòng chữ khắc trên bia vẫn còn rõ nét.

Ông Đạt trầm ngâm: “Hồi xưa, khu nhà mồ này còn nhiều di vật ông cố Trương Vĩnh Ký để lại với các sách vở, hình ảnh được giữ gìn cẩn thận. Về sau, một số được tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn, nhiều cái còn lại đem qua Pháp trong năm 1975”. Thuở trước, nhà mồ còn có bức tượng bán thân cụ cố Trương Vĩnh Ký. Tượng được đắp bằng ximăng, sơn đen. Những năm khó khăn sau năm 1975, kẻ xấu đã lẻn vào lấy trộm vì tưởng là “đồng đen” quý hiếm. Thời ấy, phải vật vã kiếm miếng ăn, anh em ông Đạt đã bỏ nhiều ngày lang thang các khu “chợ trời” vỉa hè để tìm chuộc lại nhưng cuối cùng đành gạt nước mắt về không. Họ nghĩ có lẽ kẻ gian phát hiện tượng ximăng, không phải kim loại quý, đã đập mất rồi!

Hiện nay, toàn bộ khuôn viên nhà mồ còn rộng hơn 2.000m2. Ngoài nhà mồ Trương Vĩnh Ký, bãi đất còn khoảng 60 ngôi mộ khác của gia tộc và một nhà ngói cổ được xây từ năm 1937 đến giờ vẫn đang là nơi ở của gia đình ông Đạt. Mang nét kiến trúc Pháp với nhiều cửa, cột, vòm cong, nhà mồ Trương Vĩnh Ký rộng khoảng 50m2, trang nhã với các chi tiết nhẹ nhàng nhưng tinh tế.

Thiên tài và định mệnh

Theo chân ông Đạt, tôi trở ra đường Trần Hưng Đạo. Cảm giác bùi ngùi khi chẳng thể tìm được tấm bảng nào chỉ dẫn đây là nơi Trương Vĩnh Ký - người Việt đã được vinh danh một trong 18 nhà thông thái thế giới, sử dụng thành thạo 26 ngôn ngữ - yên nghỉ. Bên góc cổng, người anh Trương Minh Tấn của ông Đạt đang cặm cụi với quán cà phê kiếm sống qua ngày. Gương mặt ông Tấn hằn nét khắc khổ, già hơn tuổi 68. Nhắc chuyện xưa, ông Tấn tràn ngập ký ức: “Hồi tôi còn nhỏ, đường này thưa thớt lắm, bên đây nhìn thấy con kênh đào ven đại lộ Võ Văn Kiệt bây giờ. Thuở đó, kênh vẫn còn trong xanh và là nơi ông cố Trương Vĩnh Ký dựng nhà mát bên sông để đọc sách, dạy học trò”.

Khi anh em ông Tấn, ông Đạt chào đời, Trương Vĩnh Ký đã mất cả nửa thế kỷ. Ký ức hai anh em được ông nội Trương Vĩnh Tống (con trai thứ Trương Vĩnh Ký) truyền kể rằng nhà mồ nằm bên đại lộ Gallieni nay là đường Trần Hưng Đạo. Vùng đất ngày xưa còn gọi Chợ Quán này là quê vợ Trương Vĩnh Ký. Còn nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở Cái Mơn, Bến Tre. Là con trai lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu, Trương Vĩnh Ký sớm mồ côi khi cha đi công vụ ở Cao Miên.

Trong gia đình có đạo, tuổi thơ Trương Vĩnh Ký sớm thăng trầm khi triều Nguyễn ra lệnh “sát tả” ngăn chặn Thiên Chúa giáo. Ban đầu, Trương Vĩnh Ký học chữ Nho với thầy đồ, và ông chỉ lộ rõ thiên tài khi được các linh mục Pháp dạy học. Đặc biệt là ở chủng viện Penang (Malaysia), ông đã làm cả thầy lẫn bạn học khâm phục sự đam mê đọc sách cùng trí nhớ siêu việt và khả năng học nhanh chóng cùng lúc nhiều ngoại ngữ khó như Latin, Hy Lạp, Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,Thái Lan. Nhờ vậy mà nghiệp bút của Trương Vĩnh Ký đã đạt kỷ lục khoảng 120 cuốn sách gồm đủ các lĩnh vực, đặc biệt là các sách đạo làm người, từ điển Pháp - Việt...

Và rồi định mệnh như an bài với Trương Vĩnh Ký. Chính thiên tài ngoại ngữ, tri thức sâu rộng nhờ đọc sách, đi xa đã cuốn ông vào vòng xoáy lịch sử chênh vênh, phức tạp trong thời cuộc nước nhà bị Pháp tiến chiếm. Trở thành thông ngôn cho Pháp, rồi cho cả sứ bộ triều đình, phải kề cận kẻ đô hộ lẫn gần gũi chính nhà vua nước mình, Trương Vĩnh Ký đã bị người đời nhìn nhận ngược xuôi công tội.

Để rồi trước khi nhắm mắt xuôi tay, chính ông phải cảm thán viết bài thơ đầy nỗi niềm:

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời

Học thức gửi tên con sách nát

Công danh rốt cuộc cái quan tài

Dạo hòn lũ kiến men chân bước

Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài

Cuốn sổ bình sanh công với tội

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

Bs Nguyễn Lân Đính st

Từng Biếc Xen Hồng

RỪNG thơ ủ mộng thiên đường

THU sang ru nhẹ màn sương tuyệt vời

TỪNG mây lơ lửng lưng trời

BIẾC xanh dòng suối ngỏ lời yêu đương

XEN vào khóm lá vấn vương

HỒNG nhung hé nụ tỏa hương dịu dàng


NGHE trong gió sớm mơ màng

CHIM thì thầm nhắn mộng vàng dệt tơ

NHƯ không gian chẳng bến bờ

NHẮC con tim chớ hững hờ duyên nhau

TẤM gương chung thủy ngàn sau

LÒNG chân thành mãi ngọt ngào thiết tha

THẦN tình ái vẫn mặn mà

HÔN trang thư cũ chan hòa dư âm


NGÀN PHƯƠNG

Năm rồng

Việt Nam mơ ước thành rồng

Năm Thìn chỉ đợi mây hồng bay ra

Hãy nhìn những nước quanh ta

Ngẫm suy mà để hiểu ra nước mình

LÊ MINH CHỬ

Ảo Thuật Gia

Thời nay lắm ảo thuật gia

Biến không thành có, biến gà hóa công

Giun đất lại hóa thành rồng

Đại tài ảo thuật, tay không thành vàng.

LÊ MINH CHỬ


TIẾNG GỌI MÙA THU

Thu về lộng lẫy ánh vàng sao

Phấp phới cờ bay tỏa đỉnh cao

Kháng chiến đập tan phường đế quốc

Hòa bình đánh đổ bọn cường hào;

Băng rừng, lội suối lòng không nệ

Nếm mật, nằm gai dạ chẳng nao

Tiếng gọi lên đường luôn giục giã

Tự do – Độc lập: Trải gian lao

XUÂN VÂN

Tương Tư Thảo

Tình duy nhất

Mà em còn giữ được

Suốt cuộc đời

Sớm nắng chiều mưa

Đầy bon chen – giả dối lọc lừa

Đầy cay đắng ưu tư – Đầy khắc khoải

Là tình cảm cho đi – Không cần nhận lại

Tình đơn phương thầm lặng – nát tim côi.

Tiếng yêu còn chôn chặt

Ở bờ môi

Vần thơ tím

Im lìm trong nhật ký

Một tình yêu

Tưởng chừng như vô lý

Mà đa đoan, huyền bí

Ngất ngây lòng

Sầu khổ dịu dàng

Đau đớn ngút tầng không

Hồn hóa đá

Nghẹn ngào khô nước mắt.

NGÀN PHƯƠNG


SÓNG BIỂN

Thủy triều dâng mỗi sáng

Rút về đâu mỗi chiều?

Lòng anh nhớ em yêu

Chẳng bao giờ dịu lắng.


Đêm chìm vào yên lặng

Dạt dào tiếng sóng xa

Có điều chi thiết tha

Mà sóng còn thao thức?


Sóng ấp bờ náo nức

Ngàn năm – vẫn buổi đầu

Tình anh như biển sâu

Suốt đời mang sức sóng!


Đồ Sơn, 6.1979

VŨ ĐÌNH HUY


SEA WAVES

The tide is high every morning

Where does it ebb each evening?

Oh my beloved, deep in my mind I’m missing you

A missing mind that simply cannot be subsided


The night is merged into silence

Overflowing is the sound of far away lapping waves

Is there any keen on thing

As the waves are still restless?


Waves bustlingly hugging the shore

For a thousand years – It will still be the first time

My love for you is like the deep sea

It will, throughout its life, bear the strength of waves!


Đồ Sơn, 6.1979

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN

GIỖ “TỔ NGHỀ”

Ở NƯỚC TA

Trong sinh hoạt hàng ngày người dân Việt Nam làm rất nhiều nghề để sản xuất ra vật dụng cần thiết cho nhu cầu đời sống nên hàng năm họ có tục lệ dành ra một ngày để làm lễ giỗ, đánh dấu công ơn cho người đã có sáng kiến đầu tiên nghĩ ra nghề đó và được gọi là “giỗ tổ nghề” cũng có khi nghề nghiệp được phát sinh ra do sáng kiến hoàn toàn của người bản địa nhưng có khi nghề do người đi công cán nước ngoài đã mang về xứ mình rồi thêm phần cải tiến để truyền bá cho dân chúng. Xin được lược kể ra đây một số nghề mà thành phẩm là đồ dùng trong gia đình cũng đã lặng lẽ góp phần cho tiện nghi đời sống nhưng ít khi có ai nghĩ đến người đã phát sinh ra nó, so sánh với những công trình phát minh trong khoa học hiện đại mà tên tuổi tác giả được nêu lên rầm rộ và phổ biến hơn.

Nghề kim hoàn thường gọi là nghề thợ bạc, do Trần Hòa và hai em là Trần Điền và Trần Điện được các người làm nghề này ở Việt Nam thờ làm Tổ. Tương truyền ba anh em sống dưới thời Lý Nam Đế (544 – 583) khi quân Nam Chiếu xâm lấn nước ta họ phải bỏ của cải ruộng nương lánh sang Trung Hoa và giúp việc cho một hiệu kim hoàn nên học được những bí quyết trong nghề. Trở về nước ba anh em chung nhau mở một cửa hàng và chẳng bao lâu trở nên giàu có. Tuy nghề kim hoàn ngày nay mẫu mã đa dạng, các thợ đã biết cách hợp kim để tăng độ cứng nhưng khởi thủy của nghề vẫn là do ba anh em họ Trần đã mở đầu từ đời Nhà Tiền Lý.

Nghề đúc tiền và thoi vàng bạc ở nước ta do Lưu Xuân Tín , người làng Châu Khê thuộc huyện Đông An tỉnh Hải Dương (Bắc Phần). Dưới đời vua Lê Thánh Tôn (1440 – 1467) theo lời tâu xin của ông, vua Lê sai ông mở chỗ đúc tiền và vàng bạc thành thoi để dân chúng tiêu dùng cho tiện.

Nghề đúc đồng do Sư Không Lộ là vị cao tăng đời Lý (Hậu Lý) tục danh là Nguyễn Minh Không, trụ trì tại chùa Phả Lại nay thuộc huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh. Tục truyền Sư Không Lộ muốn có đồng đúc tượng Phật đã qua tâu xin Vua Tống được cả một kho rồi dùng phép chở về, sau tạo thành bốn thứ tục gọi là An nam tứ đại khí gồm: Tháp Bảo Thiên – Tượng Phật Quỳnh Lâm – Đĩnh Phổ Minh và Chùa Phả Lại. Trong dân gian người ta thờ Sư Không Lộ làm Tổ nghề đúc đồng.

Nghề dệt lụa do Trần Quý thời vua Minh Mạng (1820 – 1851) sản phẩm lụa với thân mình mượt mà, mềm mại đã làm cho các cô gái miền Bắc thêm phần duyên dáng với chiếc áo dài lụa Hà Đông. Đã đi vào thơ nhạc – và ở miền Trung cũng có địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam nổi tiếng với làng may áo dài dệt bằng tơ tằm gọi là thao hoặc đuỗi, nhưng đặc biệt hơn cả là hàng may mặc cũng dệt bằng tơ tằm mình hơi dày màu mỡ gà nhạt thật nhã có tên gọi là Tussor Bảo An. Ngày trước chỉ những nhà giàu hoặc công chức cỡ lớn mới sắm nổi bộ cánh đắt tiền này chỉ để dành đi ăn cưới hoặc những lễ lạc quan trọng – Nhưng không hiểu tại sao món hàng Việt Nam mà lại có cái tên gọi rặt Tây như vậy. Có lẽ người Pháp lúc bấy giờ rất quý hàng này nên đặt cho nó cái tên chữ của họ và người mình cũng gọi theo cho dễ.

Nghề thêu, đan do Lê Công Hạnh sanh dưới thời vua Lê Chiêu Tôn (1516 – 1524) người Hà Đông (Bắc Phần). Làm Thượng Thơ ở triều được Vua cử đi sứ Tàu nhân thể tìm những nghề mới để mở mang kinh tế trong nước. Ông đã ở lại Trung Hoa trong vòng mười năm và học đuợc nghề Thợ Thêu. Khi về nước ông đã dạy cho dân trong làng và lân cận như Hướng Dương, Vũ Lăng và Đào Xá. Nên được tôn là tổ nghề thêu.

Nghề thuộc da và đóng giày do Nguyễn Thời Trung người làng Trúc Lâm phủ Ninh Giang tỉnh Hải Dương. Đỗ tiến sĩ làm quan dưới thời Mạc Đăng Dung cầm quyền. Tương truyền có lần được cử đi sứ Tàu qua một nơi thấy người ta làm nghề thuộc da và đóng giày rất đẹp, ông liền tìm cách học nghề ấy. Sau một thời gian chịu gian lao khổ cực ông biết rõ được bí quyết của nghề và đem về nước dạy cho dân.

Nghề khảm xa cừ do Nguyễn Kim dưới thời Lê Hiển Tôn (1740 - 1786)

Nghề dệt the lượt và nghề trồng hai thứ ngô và vừng do Phùng Khắc Khoan hai nghề này ông đã học và đem được từ Trung Hoa về nước khi ông phụng mạng vua Lê đi sứ Tàu. Phùng Khắc Khoan khi sang Yên Kinh (Trung Hoa) đã thuyết phục nhà Minh công nhận Nhà Lê và phế bỏ Nhà Mạc. Vào dịp này có lúc ông đã làm một hơi 30 bài thơ mừng được vua Tàu khen hay và phê “Bắc Quốc xứng vi lương sứ”. Tại Bắc phần người ta thờ Phùng Khắc Khoan làm tổ nghề dệt the lượt và nghề trồng hai thứ ngô và vừng.

Bàn tính (abacus) và môn toán học của Tàu do Lương Thế Vinh hiệu Thụy Hiên, danh sĩ thời Lê người xã Lao Hương huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản) phủ Kiến Hưng thuộc tỉnh Nam Định. Lúc trẻ tuổi rất thông minh, nổi tiếng là thần đồng, đỗ Trạng Nguyên khoa Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tôn thứ 4 hồi mới 23 tuổi, ông từng đi sứ Tàu ứng đối giỏi, sĩ phu Trung Quốc đều khen phục. Cũng vào lần đi sứ này ông chuyên tâm học hỏi về môn Toán học và các phương pháp đo lường, khi về ông dịch sách “Khải Minh Toán Học” của Tàu ra chữ nôm cũng đem cái bàn tính và môn toán học của Tàu dạy lại cho người trong nước.

Nghề thầy thuốc do Sư Tuệ Tĩnh người đầu tiên dạy nghề thuốc ở nước ta, sống vào đời Đinh và Tiền Lê, ông quê quán làng Vân Thái huyện Cẩm Giàng phủ Ninh Giang tỉnh Hải Dương (Bắc phần). Lúc chưa xuất gia ông nổi tiếng thông minh học giỏi. Đinh Tiên Hoàng mời ra làm quan, ông từ chối, sau thấy vua Đinh bắt ép, ông trốn vào chùa Hồng Vân (nay thuộc phủ Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên). Nhưng chẳng bao lâu bại lộ ông phải lánh sang Tàu tu tại chùa Vạn Phúc. Tại đây ông được danh y Trung Hoa chuyên về nha khoa là Vương Quang Thanh truyền cho nghề thuốc. Sau 10 năm kiên nhẫn học tập được họ Vương hết lòng dạy bảo, ông xin trở về nước. Tại chùa Hồng Vân ông ra tay cứu chữa cho nhiều người lành bệnh và truyền dạy lại nghề thuốc cho một số môn đệ. Chính ông đã chữa lành bệnh răng cho vua Lê Trung Tôn. Sau khi Sư Tuệ Tĩnh tịch vua Lê cho lập đền thờ. Sư Tuệ Tĩnh còn truyền lại tập sách “Nam Dược” ghi chép những điều về tính dược của nhiều thứ thuốc nam và được coi là Tổ của ngành Nam dược.

Nghề in sách ở nước ta do Lương Nhữ Hộc tự Tường Phủ, người xã Hồng Liên huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Đỗ Thám Hoa năm Nhâm Tuất (1442) Lê Thánh Tôn niên hiệu Đại Bảo thứ 3, làm quan đến Đô ngự sử. Đi sứ Tàu hai lần vào năm 1443 và 1459. Tương truyền Lương Nhữ Hộc nhìn thấy dân ta mỗi khi cần đến sách chữ Hán phải tốn công chép lại hoặc phải mua của người Tàu bằng giá rất đắt nên quyết tâm đi học nghề in tại Trung Hoa. Giả làm thương khách ông đến Bắc Kinh mở hiệu buôn ngay cạnh một nhà in rồi khoét vách để xem xét công việc của nhà in, khi đã biết rõ tất cả bí quyết của nghề in, ông bỏ hiệu buôn trở về nước để dạy cho dân làng Liễu Tràng huyện Gia Hội tỉnh Hải Dương nghề khắc chữ và nghề in sách. Lương Nhữ Hộc có làm bài thơ “Tiêu tương bát cảnh” và là tác giả tập thơ Hồng Châu Ngôn ngữ thi tập đều bằng chữ Nôm.

Nghề sơn mài do Trần Tương Công - Trọng thần đời Hậu Lê. Dưới đời vua Lê Nhân Tôn nhân được cử đi sứ Trung Hoa, học được nghề sơn mài. Khi trở về nước ông dạy lại cho dân chúng. Vì thế người ta thờ ông làm Tổ nghề sơn mài.

Nghề dệt chiếu do Phan Đôn (981 – 1006) thời Tiền Lê.

Nghề làm đồ gốm do Hoàng Quang Hưng có học trò là Trương Trung Ái học nghề làm đồ gốm ở Thổ Hà (thế kỷ thứ 15).

Nghề làm ghe nan do Trần Ứng Long - Bộ tướng của Đinh Tiên Hoàng (968 – 980) đã giúp vua Đinh bắt được sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Chính ông là người đã phát minh ra thứ thuyền nan nhẹ nhàng và tiện lợi để dùng trong quân thời đó. Tương truyền sứ quân Đỗ Cảnh Thạc bị đuổi gấp phải chạy trốn qua Nhuệ Giang, khi qua bên kia bờ sông rồi liền ra lệnh phá hủy tất cả thuyền bè. Tướng Trần Ứng Long nghĩ ra cách cho lính đốn tre đan thứ thuyền nan rồi lấy nhựa bôi vào thân thuyền. Nhờ đó ông đưa được quân lính qua sông và đuổi bắt được Đỗ Cảnh Thạc.

Nghề nuôi chim câu làm phương tiện truyền tin (Bồ câu đưa thơ) là Trần Nguyên Hãn - một tôn thất nhà Trần phục vụ dưới triều Hậu Lê lập được nhiều công trận. Trong một trận chiến với quân Minh, Bình Định Vương bị địch vây khốn, Trần Nguyên Hãn đã dùng thư buộc vào chân chim bồ câu và thả cho bay đi. Ông vốn biết chim câu có đặc tính nhớ đường cũ, nên đã mang bức thư và hạ cánh nơi quân bạn, nhờ vậy quân cứu viện đã đến kịp nên giúp cho Lê Lợi chuyển bại thành thắng. Vì vậy cho đến nay Trần Nguyên Hãn vẫn được coi là ông tổ có sáng kiến đầu tiên dùng phương tiện sinh học trong việc truyền tin nhanh chóng và an toàn trong lịch sử nước ta. Nhưng về sau, Bình Định Vương vì nghe lời dèm pha của một số quần thần vì ganh tài với ông, cho rằng Trần Nguyên Hãn có dị tâm muốn lập lại ngôi vua cho Nhà Trần nên vua Lê cho quân lính đi bắt ông về để tra hỏi. Thuyền chở ông giữa đường gặp gió to, thuyền đắm khiến cho 40 lực sĩ của vua Lê và cả ông đều nịch tử. Hiện nay tại vòng xoay chợ Bến Thành thường gọi là bồn binh Quách Thị Trang có tượng đài một người cưỡi ngựa, một tay đang ghìm cương, tay kia đưa lên cao cầm chim bồ câu với tư thế thả cho bay đi, đó chính là tượng Trần Nguyên Hãn.

PPT. st ghi

Ghi chú :

- Hiện nay những nơi khai thác ngành nghề trong nước mỗi năm đều có chọn ra một ngày để giỗ Tổ chẳng hạn như nghề kim hoàn là ngày 12.2 âm lịch, ngành mộc là ngày 13.6 âm lịch, ngành may là ngày 12.12 âm lịch.

- Bàn tính tiếng Pháp gọi là abaque, tiếng Anh là abacus làm bằng gỗ hình chữ nhật trên có gắn những xâu bánh xe cũng bằng gỗ mà người Tàu ở các tiệm thuốc Bắc thường dùng để tính tiền bán thuốc vói khách hàng, họ để trên quầy, dùng ngón tay để đẩy những bánh xe lắc cắc khi tính. Cũng đủ bốn phép tính nhơn, chia, trừ, cộng và cũng nhanh chóng.

- Đường Trần Nguyên Hãn nối liền đường Cao Xuân Dục với Bến Bình Đông thuộc quận 8 Tp. HCM.


THĂM THỦ ĐÔ WASHINGTON VÀ ĐIỆN CAPITOL

VỚI TƯỢNG NỮ THẦN TỰ DO “NHỎ”

THỦ ĐÔ LIÊN BANG NON TRẺ

Với những tòa nhà kiểu tân cổ điển và các đại lộ có nhiều hàng cây xanh mát, Washington, DC khiến các du khách thú vị tận hưởng một Thành phố dễ thương và trang trọng. Washington đã không phải luôn luôn như vây.

Khi quyết định xây dựng một thành phố mới làm Thủ đô Liên bang vào cuối thế kỷ 18, chính tổng thống Washington lựa chọn khu đầm lầy mà ở nơi này, sông Potomac và sông Anacostia giao nhau. Viên kỹ sư Pháp Pierre Charles L’Enfant thiết kế một đồ án dựa vào cung điện Versailles của vua Louis XIV ở Pháp.

Việc xây dựng điện Versailles từ một nơi đầm lầy không dễ chút nào. Công việc chậm chạp và người dân cũng lưỡng lự để dọn nhà đến đây. Trong nhiều năm, heo còn kêu rống trên các lề đường chưa lát đá. Người ta cũng nói rằng có thể săn bắn ngay gần Nhà Trắng!

Sự việc rối rắm thêm khi, trong chiến tranh năm 1812, người Anh đã đốt nhiều nơi của Washington – cuộc chiến này đã tạo ra cảm hứng cho luật sư F.S. Key đã viết nên lời của bài Quốc ca “Stars –Spangled Banner” của Hoa Kỳ và cũng giai đoạn này đã cho Dinh Tổng thống tên “Nhà Trắng”. Tòa nhà này là một trong các tòa nhà bị đốt cháy và sau cuộc chiến, nó được sơn màu trắng để che lấp các vết cháy.

Người viết đến thăm Washington, DC từ Maryland, tiểu bang sát cạnh Thủ đô. Vì hai tiểu bang Virginia (quê nhà của tổng thống Washington nhường cho khu đất) và Maryland cùng nhường khu đất trên để xây Thủ đô Hoa Kỳ.

Qua địa giới bang Virginia, vượt sông Potomac là tới Washington, DC, kiến trúc nổi bật đầu tiên là Ngũ Giác Đài (trụ sở Bộ Quốc phòng, với 5 tổng hành dinh Lục quân, Không quân, Thủy quân Lục chiến, Hải quân và Tổng Tham mưu Liên quân).

THỦ ĐÔ HOA KỲ VỚI “THÁP BÚT” TƯỞNG NIỆM WASHINGTON.

Washington, DC có đủ loại bia, đài tưởng niệm mang tính nghệ thuật và thưởng ngoạn cao, gợi cho du khách nhiều suy nghĩ về lòng yêu lịch sử và yêu nước của người dân Hoa Kỳ. Đứng sừng sững ngay giữa Thủ đô, trên thảm cỏ xanh mướt là đài tưởng niệm Washington – vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Đài hình chóp nhọn cao 169m được xây bằng đá cẩm thạch, đáy Đài có diện tích 39m2 – là công trình kiến trúc tiêu biểu và cao nhất Thủ đô.

Đài tưởng niêm Washington nằm nhìn xa tương tự như Tháp Bút nằm cạnh Hồ Gươm, gần cầu Thê Húc, dẫn vào đền Ngọc Sơn của thủ đô Hà Nội chúng ta, nhưng to lớn hơn nhiều. Tháp Bút của danh sĩ Nguyễn Văn Siêu tượng trưng cho việc học hành của dân tộc Việt Nam. Còn Tháp Bút tưởng niệm George Washington có thể tượng trưng cho cây Bút viết nên trang sử oai hùng từ thuở lập quốc:

- Năm 1776 Hoa Kỳ đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

- Năm 1787 Hoa Kỳ cũng viết ra bản Hiến Pháp. Đây là hai văn kiện đầu tiên trên thế giới được công bố, ghi dấu ấn của sự phát triển về chính trị của Liên Bang non trẻ sẽ ngày càng vươn lên mạnh mẽ, từ 13 thuộc địa của người Anh, nay trở thành một Liên Bang với 50 tiểu bang và Washington, DC. Sự lớn mạnh đó do chính từ tinh thần chiến đấu kiên cường và lòng chính trực của vị Tổng Tư lệnh, Tổng thống đầu tiên và Quốc Phụ của Hoa Kỳ.

Muốn lên đỉnh Đài tưởng niệm, du khách có thể theo thang bộ hoặc đi thang máy chỉ mất 70 giây; qua cửa sổ trên đỉnh Đài, có thể nhìn thấy cả hai tiểu bang Virginia và Maryland và nhất là toàn cảnh thủ đô Washington, sông Potomac uốn lượn như dải lụa – tương tự sông Hồng (Nhĩ hà) uốn quanh Hà Nội như hình vành tai, nên thơ làm sao.

Gần Đài tưởng niệm Washington là Đài tưởng niệm Thomas Jefferson có hình hơi tròn, hơi thấp – nhìn xa có nét giống Đài Nghiên cạnh Tháp Bút ở Hồ Gươm, Hà Nội. Ông là cha đẻ của bản Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ, sau đó làm Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ và là người đầu tiên vào làm việc và sinh sống trong Nhà Trắng – do Washington chọn đất và xây dựng.

Qua Đài tưởng niệm Washington là Đài tưởng niệm Thế Chiến thứ hai, phía trước có hồ hình chữ nhật.

Đi dọc theo hồ chừng 20 phút, bờ bên kia là Đài tưởng niệm Abraham Lincoln – vị tổng thống đã xóa bỏ chế độ nô lệ và lãnh đạo Liên Bang đánh thắng phe ly khai Miền Nam trong Nội chiến (1861 - 1865), giữ vẹn sự thống nhất Liên Bang và còn tượng trưng cho hình ảnh một người dân Mỹ lúc khai khẩn đất hoang, nhọc nhằn và cam go, từ thuở giành đất với dân Da đỏ bản xứ. Trong Đài có bức tượng Lincoln ngồi, cao 5,8m, sau tượng có đề từ: “Lincoln bất diệt, sống mãi trong lòng dân”. Bên trái bức tượng, có khắc bài diễn văn khi ông nhậm chức tổng thống năm 1860, bên phải có bài diễn văn Gettysburg nổi tiếng với câu: “Chính phủ vì dân, do dân và bởi dân”, sau được ghi lại trong bản Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 của nước ta.

Ở ngoài phía trước Đài Lincoln, ở dưới nền đá có khắc ghi câu: “I have Dream…” của Lãnh tụ tranh đấu cho người da đen Martin Luther King Jr, (là tựa đề của bài Diễn văn về chống Phân biệt Chủng tộc – cùng với bài Diễn văn Gettysburg – là hai bài Diễn văn nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ) trong một cuộc biểu tình lớn tụ tập trước Đài tưởng niệm Lincoln. Mục sư King là người trẻ tuổi nhất (1964 – 34 tuổi) được giải Nobel Hòa bình và năm 38 tuổi ông bị ám sát (Ngày sinh của ông được quy định là ngày Lễ chính thức vào tháng Giêng. Ngày sinh của hai tổng thống Washington và Lincoln cũng là ngày Lễ chính thức vào tháng Hai hàng năm chỉ có ba danh nhân này có ngày Lễ sinh nhật ở Hoa Kỳ).

Cách Đài tưởng niệm Lincoln chừng vài trăm mét là Công viên Hiến Pháp (Constitution Gardens) để nhớ đến bản Hiến Pháp Hoa Kỳ nổi tiếng vì lần đầu tiên Thế giới có một bản Hiến pháp thành văn dân chủ - mà giáo sư người Pháp Laboulaye đã say mê, nên mới có ý tưởng Sáng chế ra tượng Nữ thần Tự do “lớn” ở New York và trước việc nước Mỹ bị phân chia, Laboulaye vẫn quyết chí yêu cầu nước Pháp tiếp tục ủng hộ Tổng thống Lincoln của Liên bang để duy trì sự thống nhất lãnh thổ.

Và xa xa trong rừng cây là Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, một bức tường đá hoa cương đen, hình chữ V (tượng trưng Việt Nam), do một cô sinh viên Mỹ gốc Hoa thiết kế, dưới thời tổng thống Reagan, nhưng chỉ dành cho các lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam mà thôi.

- Quyền Hành pháp do Tổng thống nắm giữ:

Nơi sinh sống và làm việc của Tổng thống Hoa Kỳ tọa lạc tại số 1600 đại lộ Pennsylvania (để nhớ đến Thủ đô đầu tiên là Dinh Độc lập ở Philadelphia nằm trong tiểu bang mang tên này) là Nhà Trắng, White House (không gọi là Dinh vì tránh quan liêu quý tộc thời thuộc Anh). Nơi này cũng mở cửa cho du khách tham quan, vì lượng khách tham quan quá đông, nên người viết phải đứng nhìn từ xa ở Vườn Hồng, nơi thường diễn ra họp báo của Tổng thống.

- Quyền Tư pháp do Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ: gồm 9 Thẩm phán với nhiệm kỳ suốt đời, làm việc trong trụ sở to lớn, nằm gần khu Đồi Quốc hội - tượng trưng cho uy quyền của một trong “tam quyền phân lập và kiểm soát lẫn nhau”.

Người viết cũng tham quan Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia - cũng nằm ở gần Đồi Quốc Hội - nơi trưng bày các kiệt tác của các danh họa Tây phương như: Van Gogh, Leonardo da Vinci, Picasso và cả các tranh thủy mặc của danh họa Tề Bạch Thành, Từ Bi Hồng… Trang trí nội thất rất lộng lẫy, nổi tiếng thế giới.

- Quyền Lập pháp thuộc Quốc Hội:

Trụ sở tọa lạc cách đài tưởng niệm Washington không xa, nằm trên một ngọn đồi là điểm cao nhất Thủ đô, thường gọi là Đồi Quốc Hội, Capitol Hill (đặt theo tên ngôi đền thờ Thần chúa tể Jupiter ở Rome), vốn được coi là biểu tượng của Thủ đô nước Mỹ. Quốc Hội có hai viện: Thượng Viện ở tòa nhà phía bắc và Hạ Viện ở phía nam. Muốn tham quan Quốc Hội phải xếp hàng lấy vé trong ngày. Trụ sở Quốc Hội là một tòa nhà 5 tầng, dài 233m, cao 88m, diện tích 111ha, bằng đá cẩm thạch trắng. Tòa nhà Quốc Hôi là một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.

Phía sau tòa nhà Quốc Hội là Thư Viện Quốc Hội Mỹ, là thư viện lớn nhất thế giới, nó tiếp nhận tất cả số đầu sách xuất bản ở Mỹ và ở khắp các nơi khác, lượng sách lưu trữ ở đây đã đạt kỷ lục thế giới: các giá sách nối lại dài 800km, số đầu sách lên đến 130 triệu cuốn. Thư Viện trên danh nghĩa là để các Thượng và Hạ Nghị sĩ tra cứu, nhưng cũng mở cửa cho mọi đối tượng trong và ngoài nước, được ví như kho tàng tri thức của thế giới. Giám đốc Thư Viện Quốc hội Mỹ mang hàm chức vụ Bộ trưởng, do Tổng thống bổ nhiệm, cũng phải được Thượng Viên phê chuẩn, với nhiệm kỳ suốt đời.

Thủ đô Washington luôn luôn bận rộn việc lãnh đạo, điều hành công việc của Chính phủ Liện bang, công việc này đều liên hệ đến 50 Chính phủ Tiểu Bang (đứng đầu là Thống đốc, cũng có 3 quyển phân lập: Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp như Liên Bang).

ĐIỆN CAPITOL VỚI TƯỢNG NỮ THẦN TỰ DO

(Statue of Freedom)

Chính giữa tòa nhà Quốc Hội là một Chóp tròn có 3 tầng, làm nổi bật vẻ đẹp trang nghiêm; trên đỉnh vòm là tượng Nữ thần Tự do “nhỏ” (Statue of Freedom) khác với tượng Nữ thần Tự do “lớn” (Statue of Liberty) nằm trên đảo Tự do, ngay cảng New York.

Bức tượng Nữ thần Tự do “nhỏ”, được thiết kế ở Rome, hiện diện ở Hoa Kỳ trước bức tượng Tự do “lớn” - được thiết kế ở Pháp và chở sang tặng nhân dân Mỹ (Đã đề cập trong Bài viết kỳ trước).

Năm 1863, tượng Tự do “nhỏ” do Thomas Crawford thiết kế tạc hình một phụ nữ Tự do, mặc kiểu váy chùng. Tay phải của Nữ thần tựa vào đuôi kiếm, tay trái cầm một vòng hoa nguyệt quế (tượng trưng chiến thắng) và tấm khiên của Mỹ với 13 Sọc (tượng trưng 13 tiểu bang nguyên thủy). Bà đội mũ sắt kiểu La Mã được bao bởi các Sao và hình đầu con Đại bàng trắng gắn bên trên mũ. Bà được trang trí với lông vũ, vuốt móng chim, liên hệ đến y phục người Da đỏ bản xứ. Có một tấm khiên có khắc chữ “U.S.” đính trên áo Bà. Nữ thần đứng trên một quả địa cầu bằng sắt, xung quanh có dòng chữ “E Pluribus Unum” (phương châm La tinh có nghĩa “Nhiều đoàn kết thành Một” – “Plural…Unit”) – câu phương châm có trong Quốc huy của Mỹ khi xây tượng.

Phần dưới Đế tượng được trang hoàng với các vòng hoa. Có 10 điểm bằng đồng pha platinum, được gắn vào mũ sắt, vai và tấm khiên của Bà ở trên cao, để phòng ngừa sấm sét đánh vào bức tượng. Tượng đúc bằng đồng, cao 10,44m, cân nặng 6810kg, lông trên mũ Bà nhô cao 91m về phía mặt đông của điện Capitol.

Crawford nặn bức tượng bằng thạch cao, chở từ Rome năm 1858, đóng trong 6 thùng tới Mỹ năm 1859. Năm 1860 tượng được đúc bằng đồng ở vùng phụ cận Washington, DC. năm 1862 việc đúc tượng phải tạm dừng vì cuộc Nội chiến, sau tiếp tục xong vào năm 1863 và được đem trưng bày ở Đồi Capitol. Bức tượng thạch cao hiện được trưng bày ở Trung tâm Du khách Capitol. Sau 130 năm dựng Tượng, năm 1993, Tượng Đồng được dời xuống bằng trực thăng để tu sửa trong 4 tháng, tháng 10-1993 Tượng trở lại bục cũ trong dịp kỷ niệm điện Capitol 200 năm tuổi.

Crawford thiết kế bức tượng với hình Nữ thần tượng trưng cho độc lập - tự do, ông đề nghị một hình tượng trưng “Freedom triumphant in war and peace” (Nền độc lập tự do chiến thắng trong chiến tranh và hòa bình). Đó là tên chính thức của bức tượng, được gọi là “Statue of Freedom” Chính Tổng thống Lincoln đồng ý với đề nghị trên và nhấn mạnh là hình tượng một Phụ nữ có vũ khí với “Sao, Sọc, biểu tượng Đại bàng và y phục Da đỏ bản xứ” (các đặc trưng của đất nước Hoa Kỳ), có ẩn ngữ là Phụ nữ đó sẽ mang Đất nước đoàn kết lại” (Armed woman, metaphorically, brings the Country together).

Bức tượng Tự do “nhỏ” được hoàn thành vào năm 1863 và đứng uy nghi trên đỉnh cao chót vót cùa điện Capitol – cao hơn Tượng Tự do “lớn” 5,44m (Tượng “nhỏ” cao 10,44m, kể cả đỉnh Capitol cao 98,44m – so sánh với Tượng “lớn” cao 46m, kể cả bệ cao 93m). Tượng Tự do “nhỏ” được khánh thành tại thủ đô Washington và chào mừng bằng 35 phát đại bác – ngay giữa thời kỳ cuộc Nội Chiến chia rẽ nước Mỹ trầm trọng đang tiếp diễn. Vì như ta biết, Nội chiến chỉ chấm dứt vào năm 1865 sau khi tướng Lee của Miền Nam đầu hàng và Tổng thống Lincoln chỉ thị khoan hồng tối đa nên Liên Bang sớm thống nhất ổn định trong sự đoàn kết quốc gia. Chỉ vài tháng sau đó, ông bị ám sát nên người dân Mỹ càng thương cảm vị Tổng thống đức độ, tài ba này mãi mãi. Thật kỳ diệu là, hai bức tượng Tự do đều liên quan đến cuộc Nội chiến Hoa Kỳ: Nữ thần Tự do “nhỏ” được khánh thành năm 1863 à 1865: Nội chiến kết thúc à ngay năm 1865: Laboulaye có ý tưởng về Nữ thần Tự do “lớn”, rồi sau đó thiết kế Tượng, khánh thành năm 1886 để kỷ niệm 100 năm ban hành Hiến pháp Mỹ (1787-1887).

THÀNH PHỐ LIÊN BANG SAU ĐẶT TÊN LÀ “WASHINGTON”

Chính Tổng thống Washington đề nghị đặt tên thủ đô mới là Thành phố Liên Bang (Federal City). Sau khi vị Quốc phụ qua đời vào năm 1799, năm sau, Hoa kỳ dời thủ đô từ Philadelphia tới Thủ đô mới tọa lạc ở Quận Columbia và Federal City được đổi tên là “City of Washington” để tưởng nhớ vị tổng thống đầu tiên. Hiện nay, Thủ đô có Zip code là DC 20 xxx và 21 xxx. Và District of Columbia (tưởng nhớ người tìm ra Châu Mỹ Christopher Columbus) bao gồm: City of Washington, Washington County, Georgetown.

Tiếc thay vị Tổng thống đầu tiên xây Thủ đô mới nhưng chưa được vào ở Nhà Trắng, mà vị Tổng thống thứ ba Jefferson đã hãnh diện bước chân vào Nhà Trắng lần đầu tiên. Dù sao cũng xứng đáng cho người Cha đẻ của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ nổi tiếng khắp thế giới vậy.

THỦ ĐÔ NHỎ CỦA MỘT NƯỚC LỚN

Dân số của Thủ đô Hoa Kỳ chỉ có 603.701 nhân khẩu (thống kê năm 2011), nhỏ hơn thủ đô Hà Nội của Việt Nam nhiều. Vì là một thành phố cổ nên điều kiện giao thông tồi tệ nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, tất cả các tòa nhà ở đây đều phải thấp hơn độ cao của Đài “Tháp bút” tưởng niệm Washington, nên du khách cảm thấy các kiến trúc với chiều cao đều hài hòa, với màu sắc đa số là màu trắng hoặc vàng nhạt, nên tuy nhìn có vẻ hơi tẻ nhạt, nhưng với những đại lộ thẳng tắp có hai hàng cây xanh, tất cả các Tòa nhà Chính phủ, Đài tưởng niêm đều nằm xung quanh “Tháp Bút” Washington, xen kẽ với vài hồ nước nằm cạnh Đài tưởng niệm, Đồi Capitol, nên phong cảnh hữu tình làm dịu hẳn sự khô khan của các khối Tượng, Đài kỷ niệm bằng thạch cao cứng ngắc, khách tham quan cảm thấy dễ chịu, tâm hồn thư thái và dễ có một ý niệm về cơ cấu liên kết giữa các kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô, nó có một nét phảng phất với kinh đô ánh sáng Paris, vì cùng do kiến trúc sư người Pháp thiết kế.  

Ở đây không có nhà chọc trời, xe cộ ít nên ít có ô nhiễm và tiếng ồn, hơn nữa, với biết bao vườn hoa sắc màu rực rỡ, tỏa hương, khắp nơi chim bồ câu lượn lờ trên vỉa hè đùa giỡn với du khách và tiếng chim trên cây cao hót ríu rít như chào đón mọi người tham quan Washington, DC – trái tim nước Mỹ, “Thủ đô nhỏ của một nước lớn”. Du khách cảm thấy Washington như một thành phố hoa viên thật yên tĩnh vậy.

Hà Nội cổ kính, thân yêu của chúng ta phải chi cũng hạn chế độ cao của các kiến trúc thì Hồ Gươm sẽ chẳng biến thành một cái ao tội nghiệp nằm giữa rừng nhà cao tầng. Vì người ta muốn có “Thủ đô lớn của một nước nhỏ”. Thật là đáng tiếc thay!

PHẠM VŨ

(Tham khảo: từ nguồn Sách báo, tài liệu và trên Internet)

Phụ Bản III

Vô ngã

Tác giả Dương Lêh

Quán cà phê nằm trên một con đường nhỏ gối đầu trên con đường Phạm Văn Hai, khu Chợ Ông Tạ. Con đường này trùng tên với một con đường ở quận 1. Ở Saigon dạo này đường sá trùng tên nhiều lắm. Muốn tìm một cái nhà nào đó mà không ghi địa chỉ rõ ràng thì khó lòng tìm ra. Hiện nay, có điện thoại di động, việc tìm kiếm nhà người thân quen tương đối dễ dàng hơn. Gần đến nơi, gọi điện thoại cho người thân sẽ được hướng dẫn đến tận nhà. Tự nhiên tôi nhớ đến một câu chuyện khôi hài cách đây hơn năm chục năm về trước. Có hai vợ chồng nhà quê ở tận Sóc Trăng, Bạc Liêu gì đó gả con gái ra tận Nha Trang của miền Trung xa thẳm. Một hôm hai vợ chồng viết thư gửi cho con gái, ngoài bì thơ ghi rõ ràng: Số nhà…, đường Kẹt xe, thành phố Nha Trang. Thư cũng đã bay được đến tận thành phố biển và vào tay người phát thư. Ông này đã phải động não suốt ngày đêm để tìm cho ra cái đường “Kẹt xe” không biết ở tận hang cùng ngõ hẹp nào của thành phố Nha Trang này. Tuy nhiên qua ngày hôm sau người phát thư đã tìm đến nhà và trao thư tận tay người con gái đó trên đường… Yersin chạy thẳng ra biển.

Quán cà phê mở cửa từ chiều đến nửa khuya, chiếm một khu vực sân vườn rộng lớn đủ sức chứa khoảng mười lăm mười sáu cái bàn vuông xinh xắn, mỗi bàn có bốn chiếc ghế theo kiểu thời trang nội thất bây giờ và một cái dù để che mưa nắng, nhưng buổi tối trời không mưa người ta vẫn để dù để tạo bóng tối cho một ngọn nến bằng ly uống cà phê phát ra một thứ ánh sáng lung linh huyền huyền ảo ảo khuyến khích người ta thỏa lòng tâm sự. Thắp sáng chung cho khu sân vườn là những cây đèn bão, một loại đèn dầu thường dùng trên những ghe câu trên biển không bao giờ tắt dù có gió mạnh, soi rõ những lối đi trong khu vườn. Phía trái bên trong cổng ra vào là một ngôi nhà trệt có mái hiên và hành lang viền chung quanh, vách là những khung cửa kính để ánh sáng từ bên trong hắt ra hành lang đủ cho khách ngồi trò chuyện uống nước.

Ông chủ quán là một anh chàng trung niên có chiều cao đủ để cho người ta chú ý, không vạm vỡ lắm nhưng biểu lộ sự dẻo dai của một thời trai tráng ưa thích các họat động thể dục thể thao. Ông nói chuyện rất từ tốn, không khoa trương nhưng luôn luôn có tính thuyết phục. Khách vào quán thường thường thuộc lứa tuổi trung niên chững chạc, hoặc nhưng người ở tuổi trên dưới ba mươi nhưng tính tình điềm đạm không quá hiếu động.

Có lần, một toán nam nữ thanh niên, ăn mặc theo kiểu hiphop, tóc sơn màu vàng, màu xanh, vào quán cười đùa lớn tiếng, các bạn nữ nhai kẹo cao su tạo ra những âm thanh “bóc, bóc” trêu chọc nhau bằng những giọng the thé. Những khách ngồi gần đó đều cảm thấy khó chịu. Có lẽ các em phục vụ đã vào báo nên sau đó ông chủ bước ra đến nhóm thanh niên đó không biết đã nói gì, mà chỉ một lúc sau, họ ngồi uống nước ngay ngắn, nói chuyện nho nhỏ, lịch sự.

Âm nhạc trong quán cũng rất êm dịu, hầu hết là những bản nhạc trữ tình qua các giọng hát của thời xa xưa. Ngày nào như ngày nấy, quán không có một thứ âm nhạc nào khác. Một buổi tối, có một toán công nhân, biết là công nhân vì họ có mặc đồng phục màu xanh. Mấy người này có lẽ vừa xong một chầu nhậu ở đâu đó nên còn đang bình luận một vài món ăn ở nhà hàng nấu quá thảm. Mấy em phục vụ lo nối hai cái bàn lại cho đủ với số người. Sau khi yên vị, một người có lẽ là đàn anh của nhóm nói lớn: “Ông chủ ơi, cho nhạc mới đi! Nhạc gì mà rề rề buồn quá”. Ông chủ quán từ sau quầy bên trong nhà bước đến người anh chị đó, lễ phép hỏi: “Thưa, anh cần gì?” Thấy thái độ quá lịch sự của ông chủ quán, người anh chị đó cũng dịu giọng lại: “Anh cho nghe nhạc mới đi! Trời ơi, nhạc gì buồn quá vậy?” Ông chủ quán lại nhỏ nhẹ đáp: “Dạ, ở đây chúng tôi chỉ có một thứ nhạc này, chắc anh không vừa lòng đâu”. Anh chàng kia thấy như bị chạm tự ái: “Thôi đi quán khác đi mấy bồ”. Nói rồi tất cả mọi người đứng dậy đi ra cổng, vài người khác đi vào bãi giữ xe. Ông chủ nói vói theo: “Cám ơn các anh,” rồi như nói đủ để một mình anh nghe: “Không tiễn!”.

Một lần tôi cùng với một người bạn dong xe đến quán định kiếm một thứ gì đó để giải khát sau khi tu hết mấy chai bia ở nhà một người bạn có thân nhân ở Mỹ về làm một buổi họp mặt bà con thân hữu. Bên ngoài đã hết chỗ, chúng tôi bước vào bên trong nhà, ngồi vào bàn hướng về phía quầy quản lý, phía sau là một cô nhân viên và bên cạnh là một người đàn ông không ai khác hơn là ông chủ quán. Tôi gọi cho tôi một ly cà phê sữa đá và một ly cà phê đá cho bạn tôi. Anh chàng này có tật uống sữa vô là đau bụng.

Tôi kê vào ống hút làm một ngụm cà phê cho mát cái cổ họng rồi một điếu thuốc châm lửa đốt. Tôi nhìn về phía quầy quản lý qua làn khói thuốc vặn vẹo bay lên trần nhà. Ông chủ quán và cô nhân viên còn đang cặm cụi làm sổ sách. Tôi nhìn lơ đãng lên vách đột nhiên phát hiện trên cao gần trần nhà có một khung hình giống như một TV LCD cỡ 32” nhưng bề ngang hẹp hơn. Bên trong khung hình không phải là một tấm ảnh mà có những vệt màu đen giống như một bức tranh thư pháp. Tò mò tôi từ từ bước đến gần quầy nhìn lên bức tranh. Quả là một bức tranh thư pháp gồm hai chữ Tàu có chiều cao gần hết bề ngang của khung ảnh. Với cái vốn liếng chữ Hán của tôi từ thuở còn học ở trường trung học Pétrus Ký hơn năm chục năm về trước, tôi đọc được đó là hai chữ “Vô ngã”. Thấy tôi đang chăm chú nhìn bức tranh thư pháp, ông chủ quán bước đến cạnh tôi, tôi hỏi:

- Vô ngã phải không anh.

Anh chủ quán nhìn tôi có vẻ hơi ngạc nhiên:

- Anh đọc được chữ Hán à?

- Biết lõm bõm thôi, nhưng mà mấy chữ này tôi đọc được.

- …

- Ai viết vậy anh?

Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, ông chủ quán vịn vai tôi nói:

- Mình về bàn ngồi nói chuyện chơi đi anh.

Về đến bàn, sau cái bắt tay chào anh bạn đi chung với tôi, anh thong thả móc gói thuốc trong túi áo, “thổ” vào lòng bàn tay một điếu, bật quẹt châm lửa đốt rồi rít một hơi từ từ nói trong khi khói thuốc chờn vờn bay ra khỏi miệng:

- Thấy anh đọc được bản thư pháp và có vẻ thích bức tranh đó, tôi đoán anh cũng là cao thủ trong “nghề” nên muốn lại đây nói chuyện với anh cho vui.

- Không dám đâu, tôi chỉ biết qua loa về thư pháp thôi anh, nhưng mà sao anh không cho treo ngay ở giữ nhà để bà con ai cũng nhìn thấy dễ dàng?

- A ha treo ở chỗ đó mới là thích hợp đó anh, chứ treo ở chỗ mà ai cũng thấy dễ dàng thì nó không còn là “vô ngã” nữa rồi.

Bất chợt tôi “ngộ” ra và cảm thấy bối rối đồng thời nhận ra anh chàng này có vẻ “sâu” quá. Tôi chưa kịp phát biểu thì anh từ từ nói tiếp:

- Thật ra, tôi có được bức thư pháp này không do một duyên kỳ ngộ nào cả mà là do thằng em tôi hắn cho. Hắn làm việc ở một công ty Nhật, được một ông sếp Nhật Bản nào đó tặng và bảo mang về treo sẽ được may mắn. Hắn đem về nhà khoe với tôi. Vừa mở bao giấy ra tôi đọc được liền và kinh ngạc vì đẹp quá. Chữ viết vừa chân phương vừa là loại chữ thảo, không như những bức thư pháp họ viết mà mình đọc không được. Tôi đang trầm trồ khen đẹp, giọng thằng em tôi oang oang lên: “Anh Hai, em tặng anh đó, em không biết thưởng thức cái món này”. Tôi chỉ biết nói lí nhí cám ơn hắn rồi tâng tiu mang về phòng, đêm nào tôi cũng ngồi ngắm nó đến một hai giờ sáng.

Tôi hỏi:

- Anh thích bức thư pháp này vì nó đẹp hay vì ý nghĩa của hai chữ “vô ngã”?

Anh cười vui vẻ:

- Ha ha “tú lê đơ” (tous les deux = cả hai) anh ạ.

Tôi cũng bật cười khi nghe anh nói tiếng Pháp trong khi anh là người Huế. Anh giơ tay nâng ly trà lên chiêu một ngụm, rít một hơi thuốc, từ từ nói tiếp:

- Thật ra, tôi không theo một phương pháp thiền định nào cả. Tôi có đọc sách nhưng không thực hành. Hiện nay người ta tu thiền nhiều lắm. Khi nghe một người nào đó nói rằng họ đang tu thiền tự nhiên tôi thấy họ “trầm trọng” ra, có vẻ như một thiền sư đắc đạo. Phong trào tu thiền đang rất được phổ biến, rất nhiều người cao tuổi đã tham gia tu tập. Riêng tôi, tôi thấy cái chuyện “vô ngã” này rất là quan trọng. Cái tôi. Hồi xưa đi học thấy có ông Tây nào đó nói rằng “cái tôi là cái đáng ghét”. Quả vậy, “cái tôi” là nguồn gốc phát sinh ra lắm chuyện ruồi bu. Càng coi cái tôi to đùng càng dễ bị kích động. Cho cái tôi về hưu con người ta sẽ sống thanh bình hạnh phúc. Bởi vậy tôi thích cái bức “vô ngã” này và treo ở chỗ đó để được nhắc nhở làm sao quên được cái tôi đã bị người ta cho là đáng ghét…

Anh bạn đi chung đạp vào chân tôi cũng muốn nhắc nhở tôi phải ra về vì trời đã khuya. Tôi đứng dậy cáo từ, định vào quầy trả tiền nhưng anh chủ quán đã khoát tay từ chối:

- Thôi khỏi, hôm nay tôi xin mời hai anh, coi như chúng ta vừa thưởng thức một bữa tiệc ngắm tranh thư pháp.

Ra đường, gió thổi mát rượi. Tôi miên man suy nghĩ đến bữa “tiệc tranh” vừa rồi. Từ trước đến giờ người ta đã nói nhiều về “vô ngã” và “hữu ngã” mà tôi hiểu chưa được thấu đáo, nay tình cờ gặp ông chủ quán này gợi lại cái ý tưởng “vô ngã” tôi thấy còn “sâu” quá, bản thân mình khó mà đạt tới được.

Dương Lêh


MỐI TÌNH VIỆT CHIÊM

BẢY THẾ KỶ TRƯỚC

Đầu thế kỷ thứ XIV, theo lời mời của vua Chiêm Thành, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã công du vào thăm Chiêm quốc và đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm để thắt chặt tình bang giao giữa hai nước.

Về Thăng Long, Thượng Hoàng công bố lại quyết định trên, đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi cả trong hoàng tộc và triều đình nhà Trần. Sau cùng, ai cũng đều thừa nhận rằng quyết định của Thượng Hoàng là vô cùng sáng suốt. Ngài đã đặt xã tắc sơn hà lên trên quyền lợi của hoàng tộc. Gả một công chúa mà mở rộng thêm bờ cõi giang sơn, phá tan được âm mưu ly gián của chúa nhà Nguyên giữa hai nước Việt – Chiêm để rửa thù cho hai lần chúng bị thảm hại vừa qua.

Công chúa Huyền Trân được cấp tốc học tiếng Chămpa, học cả vũ điệu Chiêm Thành để khi về làm dâu khỏi bỡ ngỡ. Công chúa vốn thông minh, nên học tập rất nhanh tiến bộ, chẳng bao lâu mà từ tiếng nói đến điệu múa y như một người Chăm thực thụ.

Ngày Công chúa vu quy được ấn định là sau Tết Đoan Ngọ năm Đinh Mùi (1307). Thuyền đưa dâu sẽ tới đầu biên giới Việt – Chiêm và vua Chế Mân sẽ ngự long thuyền thân nghinh tới đón.

Lần đầu tiên diện kiến vua Chế Mân, Công chúa Huyền Trân đã dùng tiếng Chămpa để trả lời các câu hỏi của nhà vua, làm cho Chế Mân vô cùng ngạc nhiên và thích thú.

Vua tuyên bố tấn phong Huyền Trân là Hoàng Hậu, đặt tên Chiêm là PARAMECVARI.

Nguyên trước đó nhà vua đã cưới Công chúa xứ JAVA và đặt ngôi Hoàng hậu cho bà TAPASI, nay vua cưới Công chúa Huyền Trân, song yêu vì nết, trọng vì tài, nên vẫn đặt Huyền Trân làm ngôi Hoàng hậu, chứ không phải thứ phi.

Trước khi về kinh đô Đồ Bàn, vua và Hoàng hậu Huyền Trân đã có một tuần trăng mật ngao du ở vùng sơn thủy Châu Ô, châu Lý. Nhiều nơi thuyền ngự đi qua, chưa có địa danh, vua đã nhờ Hoàng hậu đặt tên. Chính Huyền Trân đã đặt tên cho con sông thơm ở Huế là Hương Giang và hòn đảo Tiên Sa ở Quảng Nam gần cửa biển Đà Nẵng.

Tại kinh đô Đồ Bàn, tưng bừng treo đèn kết hoa để đón vua và Tân Hoàng hậu. Lễ hội linh đình, tiệc tùng ca múa suốt trong ba ngày từ trong triều đình đến ngoài dân giã.

Sau đó vua đã đưa Hoàng hậu đi du lãm khắp các miền núi sông giàu đẹp của vương quốc Chămpa. Thăm kinh đô thời cổ SINHAPURA, thăm vùng cao nguyên bát ngát điệp trùng, đưa Hoàng hậu đi tắm suối nước nóng. Hậu hỏi vua tên suối là chi mà có đặc tính ấm nóng diệu kỳ như vậy. Nhà vua lúng túng vì con suối chưa có tên, và một lần nữa nhà vua lại nhờ Hoàng hậu đặt dùm cái tên cho con suối đó. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu “dài lâu, tốt lành”, Huyền Trân tâu vua xin gọi tên suối là VĨNH HẢO.

Làm Hoàng hậu vua Chiêm chỉ mới có một năm, vậy mà Huyền Trân đã đi chu du gần khắp cả vương quốc. Tiếc thay ái ân ngắn ngủi, vua Chế Mân chết đột ngột, Công chúa được đưa về nước tổ, nhưng Huyền Trân đã hoàn thành được sứ mạng cao cả của triều đình là mở mang bờ cõi giang sơn cho Đại Việt.

TRẦN ĐÌNH THÂN (sưu tầm và gt)

Tham khảo : Từ Đông Đô đến Đồ Bàn – Lạc Thiên NXB.VN 1994


NHỮNG ĐIỀU ĐỌNG LẠI

SAU MỘT BUỔI TRAO ĐỔI

Tôi vừa đi xa một chuyến, về nhà thì chiều hôm đó nhận được cuộc gọi của người cháu: “Ô. S. muốn gặp thiếm, nhưng cháu cho số điện thoại của thiếm mà ô. không liên lạc được. Thiếm vui lòng ghi lại số di động và gọi lại cho ông, vì ông nói rất cần gặp thiếm”. Tôi vội ghi lại số di động, sau đó gọi liền cho ông mấy cuộc mà không được, đành phải nhờ con tôi nhắn tin, báo cho ông biết là tôi đang có mặt ở nhà, ông có thể liên lạc được.

Chỉ sau vài phút là ông gọi lại, và nói muốn gặp tôi. Lý do là ông vừa viết xong một quyển sách về Đạo Phật, muốn tham khảo ý kiến một số người trước khi in. Tôi không biết góp được ý gì, nhưng cũng sẵn sàng gặp. Ông hẹn tôi sáng ngày mốt tại nhà tôi.

Vừa gặp lại tôi đã nhận ra ông ngay, dù lần gặp trước cách đây gần 10 năm. Vẫn phong độ, nói năng từ tốn, lịch sự. Tuổi tác hình như dừng lại từ lần gặp trước đó, không thấy có gì thay đổi. Trước khi vào đề, tôi cũng trình bày thẳng với ông e là tôi không góp được gì, vì sự hiểu biết về Phật và Đạo Phật của tôi và ông rất khác nhau mà trong lần gặp trước, cũng như khi ông tặng cho tôi tập mà ông viết về Thập Nguyện của Phổ Hiền tôi đã đọc thấy có vẻ “Y Kinh giải nghĩa” nên cũng đã nói lên ý kiến của mình. Tôi cũng xin nói thẳng là tôi theo NHẤT THỪA, bên ông có vẻ là THỜ PHẬT, không phải thật sự là Tu Phật, mà phía tôi gọi đó là NHỊ THỪA, nên khó góp ý cho hợp với nhau được.

Ông xuất thân từ gia đình theo truyền thống Đạo Phật. Theo lời ông, thời gian trong trại học tập ông đã học thuộc lòng Bộ Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, do một người bạn học tập chung truyền lại. Khi qua Mỹ, ông tiếp tục nghiên cứu, và đã học đạo với một Sư cô, sau đó có mở ra giảng cho một nhóm người. Lần nào về nước ông cũng tiếp xúc, tìm hiểu những người có cùng hướng tâm tu hành như ông. Đến nay, số người ông gặp qua chắc cũng không ít.

Tôi và ông cũng trao đổi về cách hiểu, cách hành theo Đạo Phật của mỗi bên. Ông cho biết, sau bao nhiêu năm tìm hiểu, tiếp xúc với rất nhiều cư sĩ, tu sĩ thì ông đang tin phục một Hòa Thượng, mà theo ông, thì Hòa Thượng này theo Tiểu Thừa và xuất phát từ phái Bắc Tông của sư THẦN TÚ. Ông hết lời ca tụng bài Kệ của Sư Thần Tú, cho rằng “Tâm như minh cảnh đài là quá tuyệt vời. Bởi vì cái Tâm nó soi thấy hết tất cả”. Khi tôi hỏi ngược lại về sự Truyền Y của Lục Tổ thì ông cho rằng: sở dĩ Lục Tổ được Truyền Y Bát, vì lúc đó Thần Tú thì già rồi, Lục Tổ còn trẻ. Ai lại đi truyền pháp cho người già, kế tục được bao lâu! Bàn về việc Sư Thần Tú sai người trộm pháp, thì ông bào chữa là: “lúc đó Sư Thần Tú đã là Thầy dạy bao nhiêu người, có lòng cầu pháp mà vì sợ mất uy tín nên phải sai người khác đi học thế cho mình” Ông phê phán Lục Tổ Huệ Năng: “Hành động của Lục Tổ chỉ mặt người đến cầu pháp giữa đạo tràng, nói đó là người đi trộm pháp, nói lên tâm của Ngài chưa độ lượng, làm mất mặt người muốn học. Lẽ ra người giảng pháp thấy có người đến học thì nên mừng mới đúng”!.

Tôi có hỏi ông Tiểu Thừa dạy tu như thế nào thì ông nói là Tứ Diệu Đế, Thập Nhị nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, 37 Phẩm Trợ Đạo. Về việc phải THẤY TÁNH hay Kiến Tánh Khởi Tu, và lời dặn dò: “Ly Kinh Nhất Tự đồng ma thuyết”, thì ông cho rằng “chỉ có kinh sách của Tiểu Thừa là giữ đúng nguyên văn những gì Phật thuyết, còn những Kinh về sau là do những nhà tu hành chế biến ra. Cũng vì viết sau khi Phật nhập diệt hàng bao nhiêu trăm năm, sợ người sau không tin nên ép mọi người phải tuyệt đối tin theo bằng câu đó. Không phải là lời của Phật. Ông cho rằng những người tin những gì được viết về sau là do thiếu hiểu biết nên giống như lũ mù bị dắt đi”.

Tôi hỏi về việc trình Kệ trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH của Sư Thần Tú, thì ông bảo: Lời viết: “trong lòng hoảng hốt, mồ hôi ướt cả mình, trải qua ba bốn ngày, mười ba phen mà trình Kệ chẳng đăng” đó là của đệ tử Lục Tổ tự bịa ra, vì làm sao lúc đó có người thấy được tâm trạng của Sư Thần Tú được? Ông cũng cho rằng “khi ghi bài Kệ thì Lục Tổ chưa Thấy Tánh. Cho đến khi Ngũ Tổ kêu vô thất giữa canh ba, lấy ca sa đăp rồi tụng Kinh Kim Cang cho Ngài nghe. Đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Ngài mới tỏ sáng, mới Thấy Tánh”.

Tất nhiên là tôi không đồng ý nhiều điểm mà ông nói, nhưng cũng không tranh cãi, vì mỗi người đều hiểu Đạo Phật theo mình, và niềm tin ai cũng đã vững chắc, khó mà lay chuyển. Tôi có hơn 30 năm đọc và nghiên cứu chính Kinh. Có lẽ Ông cũng không kém. Có điều, với những luận điệu như thế này thì tôi có cách lý giải nào cho rõ hơn được không? Bởi nếu nói người ta chưa đúng thì phải giải thích được chỗ chưa đúng đó, không thể mơ hồ, gán ghép. Như vậy chẳng có ích lợi cho ai, mà còn trở thành biên kiến, bảo thủ, là điều người tu Phật cần tránh. Do đó, tôi phân tích một số vấn đề mà tôi hiểu khác ông như sau:

I/- Nhiều người không biết việc Truyền Y Bát quan trong thế nào trong Đạo Phật. Ai có đọc Lịch sử Đạo Phật đều biết: Trước lúc nhập diệt, Đức Thích Ca đã trao lại Y, BÁT cho Ngài CA DIẾP kế vị. Sau đó, Y Bát lần lượt trao truyền đến LỤC TỔ là người cuối cùng. Tất cả có 33 vị Tổ. Vì thế, ai tin tưởng vào Đức Thích Ca thì đương nhiên phải tin vào các TỔ được Truyền Y. Vì đó là một sự nối truyền chính thức, được hình thành từ lúc Đức Thích Ca còn tại thế, không thay đổi được.

Sở dĩ phải có việc TRUYỀN Y BÁT, bởi vì đệ tử của Đức Thích Ca thời đó rất nhiều. Nhưng đâu phải ai học với Phật đều cũng đắc pháp? Vì thế, Phật phải Truyền Y Bát lại cho người đã chứng đắc, đã thông suốt con đường tu hành, có thể thay Ngài để giảng dạy, cằm nắm Tăng Chúng và phát huy đạo pháp. Bằng chứng là một buổi giữa đại chúng, Phật cầm Cành sen đưa lên, thì mọi người đều ngơ ngác, chẳng hiểu Phật muốn nói gì, chỉ có Ngài Ca Diếp mỉm cười nên Đức Phật đã Truyền Y Bát lại cho Ngài.

Nụ Cười đó cho đến nay, sau hơn 2.550 năm vẫn còn là một bí ẩn đối với nhiều Tông, Phái tu hành. Bởi vì Kinh sách không có giải thích, người sau muốn hiểu thế nào tùy ý. Nhưng theo tôi, ai hiểu mục đích của Đạo Phật thì cũng có thể hiểu rằng Nụ Cười đó không ngoài ý nghĩa là Ngài Ca Diếp đã hiểu được mục đích của Đạo Phật cũng như ý nghĩa của cành Hoa Sen kia.

Thật vậy, trong suốt một đời giảng dạy, Đức Phật thuyết đủ thứ điều, tả đủ thứ cảnh giới. Nói về Quả vị, về các tầng trời, Địa Ngục, Niết Bàn, Phật, Bồ tát, thánh chúng và những Cõi Phật cho là những người sống đầy đủ đạo đức, tu hành thành tựu sẽ được rước về đó như: Tây Phương Cực Lạc với dây vàng, bảy báu, Đông Phương tịnh quốc. Cõi trời Đao Lợi vv… Nhưng tất cả chỉ là Phương Tiện để người tu vọng về đó rồi bớt gây Nghiệp để kiếp này hết Khổ, những kiếp về sau, do không tạo ác nghiệp nên còn được tốt đẹp hơn. Nhưng kết quả hiện tiền mà người tu đạt được chỉ là “để được như Hoa sen, sống giữa bùn nhơ mà không nhiễm”, tức là người hành trì theo hướng dẫn của Đạo Phật sẽ được Thoát khổ, tiếp tục sống giữa cảnh trần mà không bị các pháp vùi dập mà thôi. Chẳng phải là thành Thánh, thành Phật, đắc quả vị hay chờ về cõi nào khác, đúng như mục đích của Đạo Phật là Độ Khổ.

II/- Việc ông bạn S. cho rằng “sở dĩ Lục Tổ được Truyền Y Bát vì Ngài trẻ hơn Sư Thần Tú”.

Câu này có đến 2 điểm sai:

1)-. Nếu cần người trẻ, tại sao Phật không truyền cho Ngài Anan? Ngài Anan không những trẻ mà còn thuộc pháp của Phật giảng “như nước trong bình đổ ra không thiếu một giọt”! Như thế chứng tỏ việc Truyền Y Bát không phải là Trẻ, là thuộc pháp, mà còn phải là người nắm vững đường lối tu hành, Đức Hạnh vẹn toàn và đủ sức để thay Phật vừa thống lãnh Tăng Đoàn, vừa quảng bá Phật Pháp. Rõ ràng suy nghĩ Lục Tổ được Truyền Y Bát chỉ vì trẻ chứng tỏ người phát biểu chưa đủ kiến thức về con đường tu Phật.

2)- Sư Thần Tú tự xưng là Tiểu Thừa, trong khi Ngũ Tổ là Đại Thừa. Làm sao có việc người Đại Thừa lại dạy cho người Tiểu Thừa? Người cố tình bẻ cong lịch sử Truyền Thừa cho thấy, ngoài việc không biết đó là phạm Giới Vọng Ngữ, còn không hiểu gì về tầm quan trọng của việc TRUYỀN Y BÁT trong Đạo Phật.

Thật vậy, Đức Thích Ca vào đời cũng mang lấy thân phàm như chúng ta. Chính Ngài đã dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” đương nhiên Ngài biết rằng đến lúc nào đó Ngài cũng phải rũ bỏ cái thân phàm. Thời gian Ngài giảng dạy mới có 40 năm. Người tin, hiểu, chứng đắc chưa nhiều. Cho nên, muốn Phật Pháp trường tồn thì phải có người kế tục. Và cứ mãi như thế, để dù Phật nhập diệt vẫn có Phật khác hiện tiền, nối tiếp những gì Ngài đã khai sáng để dòng Chánh Pháp không dứt diệt, giáo pháp vẫn tồn tại mãi nơi đời để chúng sinh thời nào cũng có nơi để nương tựa. Do đó, việc Truyền Y Bát nói lên rằng những hiểu biết, hành dụng, giáo hóa của vị Tổ đương thời cũng không khác với Tổ đầu tiên là Đức Thích Ca.

Tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích hai bài Kệ để thấy giá trị của việc trao truyền Y Bát. Bài Kệ của Sư Thần Tú như sau:

THÂN LÀ CỘI BỒ ĐỀ

TÂM NHƯ ĐÀI GƯƠNG SÁNG

THỜI THỜI CẦN PHỦI BỤI

CHỚ ĐỂ VƯỚNG TRẦN AI

Tức là Ngài cho rằng Thân là nguồn cội của Giải Thoát. Cái Tâm như đài gương sáng. Lúc nào cũng cần phải phủi, lau. Đừng để cho vướng bụi trần.

Việc làm này tuy rất đúng và cần thiết mà ai muốn tu hành cũng đều phải thực hiện. Nhưng đối với con đường tu Giải Thoát của Đạo Phật thì những hiểu biết, thực hành như vậy chứng tỏ hành giả còn ở vòng ngoài. Lý do vì sao thì ta sẽ lần lượt theo mục đích của Đạo Phật để hiểu như sau:

Đạo Phật được gọi là Đạo “Độ Khổ”. Theo Đức Thích Ca giải thích: cái KHỔ diễn đến với những gì CÓ TƯỚNG. Thân người là một thứ Hữu Tướng, vì thế, các pháp vui, buồn mới có chỗ để trút vô đó. Trong mỗi người còn có một phần VÔ TƯỚNG. Phần này có thể gọi bằng nhiều tên: CÁI CHÂN TÂM, CHÂN TÁNH, CÁI BIẾT SÁNG SUỐT vv... Cái này mới THẬT SỰ LÀ MÌNH. BẤT SINH, BẤT DIỆT, BẤT CẤU, BẤT TỊNH, KHÔNG BỊ KHỔ, VUI LÀM CHO Ô NHIỄM. Thế nhưng, ngay khi vào đời trong cái THÂN, Cái Biết bị mê mờ, cho rằng mình là cái Thân. Do đó, khi nhận những thứ mà Lục căn (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý) đưa vào thì cho rằng chúng tấn công hay phục vụ MÌNH. Từ đó mà sinh ra phản ứng Vui, Buồn, Thương, Ghét đối với các Pháp. Kiếp sống cứ quanh quẩn với cái Thân, rồi tạo các Nghiệp Thiện, Ác. Khi cái Thân hết kiếp lại phải theo các Nghiệp đã tạo mà đầu thai vào các nẻo gọi là Luân Hồi... Tu Phật chính là tìm cách để THẤY BỔN THỂ TÂM hay Bổn Tánh. Thấy được Bổn Tánh thì sẽ Thoát Khổ và Thoát Sinh Tử, Luân Hồi.

Theo dòng Truyền Thừa, người được Truyền Y Bát phải là người đã Thấy Tánh. Cái Thấy Tánh được LỤC TỔ diễn tả qua Bài kệ: BỒ ĐỀ VỐN VÔ THỌ. Tức là Giải Thoát không có cội nguồn, gốc gác, xứ sở. CÁI CHÂN TÂM NHƯ CHIẾC GƯƠNG không có ngằn mé, vô tư, không dính vào những thứ hữu tướng mà nó soi thấy. BẢN LAI VÔ NHẤT VẬT. Tức là trước sau không chứa đựng điều gì cả, dù là thiện, ác, cao, thấp, hơn thua. HÀ XỨ NHÁ TRẦN AI. Có nghĩa là đã không có gì hết, không hình dáng, không chứa đựng cái gì cả, như hư không, thì bụi trần làm sao bám vào được? Do đó cần gì phải quét, phủi?

Một bên là lời Kệ của Sư Thần Tú, nói về tâm trạng người bắt đầu tu, mới thấy được thấy được cái TÂM PHÀM. Thấy nó chiếu soi đủ thứ, trong đó có tốt, có xấu. Vì thế, theo đúng tính cách của người tu là ráng cố gắng bỏ xấu, lấy tốt, không để cho cái xấu nó nhiễm vô Tâm, bằng cách lúc nào cũng phải quét, phủi, chứng tỏ người làm còn đang TRỤ TƯỚNG. Một bên là người đã nhận ra cái CHÂN TÂM. Biết cái đó mới là cái TA THẬT. Cái TA này vượt lên trên cả tốt và xấu. Như hư không. Thấy hết, Biết hết mà không dính mắc. Rõ ràng hai cái THẤY khác nhau. Chúng ta còn hiểu được như vậy huống là Ngũ Tổ?

III/- Tiếp theo, chúng ta phân tích việc Sư Thần Tú sai Chí Thành đến Tào Khê học pháp để về nói lại cho mình.

Hành động đó đối với người tu Phật sai, đúng ra sao?

a)- Trước hết, nếu là người tu Phật, dù là theo Tiểu Thừa hay Đại Thừa đều phải có GIỚI. Năm Giới căn bản là SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG NGỮ và TỬU. Từ Đức Thích Ca cho đến Ngũ Tổ đều truyền Y Bát cho người đã THẤY TÁNH. Sư Thần Tú vì chưa THẤY TÁNH mới không được Truyền Y Bát. Việc không được Truyền Y Bát cũng đồng nghĩa là không được phép giảng đạo. Thế mà Ngài vẫn ngang nhiên mở Chùa giảng pháp. Như thế so với GIỚI thì Ngài đã phạm Giới Vọng Ngữ, Vọng Hành!

b)- Trong Đạo Phật, người chưa thuộc pháp thì phải hạ mình để tìm cầu minh sư chỉ dạy. Hành động hạ mình đó chứng tỏ mình đang điều phục cái Ngã. Đang khống chế nó. Ngược lại, cái Ngã của Sư Thần Tú còn quá lớn, biết rõ ràng mình chưa thuộc Pháp mà vẫn không đủ can đảm hạ cái NGÃ xuống để đi học, lại tránh né bằng cách sai học trò đi học rồi về dạy lại cho mình! Hành vi cho người thay mình đi nghe pháp, chẳng những không nói lên được cái Tâm thật sự muốn cầu pháp, ngược lại còn chứng tỏ cái NGÃ CHẤP của Sư vẫn còn nguyên.

c)- Cho rằng Lục Tổ không có cái tâm độ lượng là càng sai. Ngay cả khi Chí Triệt chém Ngài 3 dao mà Ngài còn cho vàng, bảo trốn đi, sau này trở lại Ngài sẽ độ cho kia mà!

Rất có thể là sau đó Sư Thần Tú đã hối lỗi, bằng chứng là khi Tắc Thiên Hoàng hậu và Trung Tôn Hoàng Đế ra chiếu chỉ mời hai Sư: Huệ An và Thần Tú vào cung để giảng về Nhất Thừa. Nhưng hai sư đã dâng sớ trình rằng: “Ở phương nam có Huệ Năng Thiền Sư được mật thọ Y Pháp của Hoằng Nhẫn Đại Sư. Ấy là người truyền Tâm Ấn của Phật. vậy nên thỉnh sư mà hỏi đạo” cũng nói lên phần nào là hai sư nhìn nhận việc Truyền Tâm Ấn của Đạo Phật, không dám ẩn dấu.

Quá khứ cách đây cũng đã hơn ngàn năm rồi. Những người hơn, thua, tranh chấp trong cuộc đều đã đi xa. Là người tu hành chân chính, chúng ta không thắc mắc, phân biệt để binh hay chống. Nhưng biết cho rõ để phân biệt đúng, sai, để củng cố thêm niềm tin, lấy đó làm bài học cho bản thân cũng là điều mà người tu cần phải thực hành. Bởi vì cho đến thời này vẫn còn có người truyền lại những luận điệu không đúng với lịch sử Đạo và có hại cho người nghe nếu họ hoàn toàn tin vào đó. Thí dụ như bài bác Kinh Đại Thừa, cho rằng “do những người đi sau viết ra, (thậm chí còn cho đó là của ngoại đạo) không phải là lời của Phật thuyết”. Điều này ta phải hiểu ra sao?

Theo tôi, Những người nói như thế vô tình đã coi thường việc TRUYỀN Y BÁT của Đạo Phật. Thật vậy, phải chăng mục đích của việc Truyền Y Bát để nói lên rằng: Lời nói, việc làm của người được truyền Y Bát đó cũng không khác gì với lời Phật? Có nghĩa là bản thân vị Tổ được Truyền Y là Phật đương thời. Lời người chẳng khác với lời Phật xưa. Do đó, nếu các Tổ về sau có viết Kinh hay giảng Kinh thì cũng không sai đường lối với Phật Thích Ca. Như vậy, người bài bác Tổ cũng chính là bài bác Phật.

Việc ông bạn này cho rằng Sư Thần Tú là theo Tiểu Thừa thì tôi thật ngạc nhiên vì hoàn toàn không khớp với Kinh sách. Đọc Pháp Bảo Đàn Kinh, ta thấy Sư Thần Tú và Lục Tổ cùng tu học với Ngũ Tổ, mà Ngũ Tổ giảng Pháp Đại Thừa. Sau này Lục Tổ cũng giảng Kinh Bát Nhã, Diệu Pháp Liên Hoa, Kim Cang, là những Kinh mà Tiểu Thừa bài bác. Không biết việc cho rằng sư Thần Tú là Tiểu Thừa xuất phát từ chính Ngài hay những đệ tử về sau? Hay là vì thấy Đại Thừa buộc phải Thấy Tánh mới được giảng pháp, mà Sư không làm được nên khi tách ra thì tự xưng Tiểu Thừa để né đi việc Thấy Tánh chăng?

Cũng do nói về Đại Thừa,Tiểu Thừa nên tôi cũng tò mò lên mạng lục tìm thông tin xem hai bên có gì khác nhau khi các Thừa đều từ gốc Đức Thích Ca mà ra.

Tôi thấy Đại Thừa và Tiểu Thừa hay còn gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy có những điểm chung, là đều xem Đức Thích Ca là Đạo Sư. Cũng tin các giáo pháp Tứ Diệu đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, thuyết Vô Ngã, Luật Nhân Quả, Nghiệp, 37 Phẩm Trợ Đạo… có tác dụng để trừ Phiền Não. Cũng dùng Thiền Định để sinh Trí Huệ, Trì Giới để sinh Định. Cũng tập trung Tư duy. Cũng loại bỏ tạp niệm. Cũng làm Lục Độ. Cũng trừ Ba Độc. Cũng nói mục đích tu hành là để Thoát Khổ. Cũng cho rằng Đức Thích Ca không phải là Thần Linh, mà chỉ là người đưa ra giáo pháp để giúp con người được giác ngộ, thấy được chân lý hầu đạt được sống bình an và hạnh phúc ngay trong đời. Xem ra đâu có khác gì nhau, tại sao Quả vị lại khác nhau?

Tôi không có nghiên cứu sâu về lý thuyết cũng như cách thức tu hành của bên Phật Giáo Nguyên Thủy, nhưng qua những nét chính tham khảo về các Thừa thì tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối vào con đường Nhất thừa mà mình đã chọn bởi các lý do sau:

1/- Theo tôi, đã tin Đức Phật Thích Ca thì phải tin vào việc Truyền Y Bát. Điều đó cũng có nghĩa là không những ta tin vào những gì Đức Thích Ca thuyết giảng, mà cũng phải tin luôn những gì được truyền đạt do các vị chính thức được nối truyền viết hay phổ biến, trong đó có những Kinh Đại Thừa và những Kinh của Tổ Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng. Vì các Ngài sống gần với thời của chúng ta hơn. Nhờ những lời giải thích, khai sáng thêm của các Ngài mà ta có thể hiểu rõ những pháp mà Phật đã dạy.

2/- Thượng Tọa Bộ tách ra sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm thì chắc chắn trong đó không có vị nào chính thức được nghe Phật giảng pháp. Ngay cả những người chính thức nghe Phật giảng không phải tất cả đều đắc pháp. Do vậy, Phật đã phải TRUYỀN Y BÁT. Người được truyền Y Bát mới chắc chắn là người nắm vững đường lối tu Phật chân chính. Xem kỹ lại thì chính Thượng Tọa Bộ là nhóm đã chống đối và tách rời khỏi sự lãnh đạo của vị Tổ chánh thức được Truyền Y Bát đương thời. Như vậy lẽ ra nhóm tách ra đó phải gọi là ngoại đạo mới đúng. Vì TỔ nối truyền mới là người chính thức được giao quyền lãnh đạo Tăng Chúng theo lời Phật dặn dò.

 


Phụ Bản IV

Nhưng một mặt tách ra, mặt khác lại muốn chiếm đoạt y Bát. Thật ra cũng không phải vô cớ mà nhóm chống đối lại đi tranh dành Y Bát. Vì mọi người đều biết người giữ Y Bát mới có Chánh Pháp. Nếu không có Y BÁT thì làm sao chứng mình với mọi người là Chùa mình mới chính thức được nối truyền Đạo Phật? Chính vì vậy mà họ ráo riết tranh giành, dai dẳng mấy trăm năm sau cũng chưa thôi, đến nỗi tới thời Lục Tổ thì Ngũ Tổ dặn phải dấu đi không được truyền nữa! Rõ ràng ý đồ tranh giành xuất phát từ những người khoác áo tu hành. Xem ra những vị đó dù tu hành nhưng quá coi thường GIỚI ĐẠO (trộm cắp). Thật vậy, nếu là người tu hành chân chính thì phải giữ Giới nghiêm chỉnh, ngay cả vật dụng không giá trị, nếu không phải của mình thì không được đụng tới, huống chi đây là Y BÁT, tượng trưng cho CHÁNH PHÁP, cho QUYỀN LỰC của người thay mặt Phật?! Như vậy, xét về GIỚI thì tôi thấy bên phái Thượng Tọa Bộ đã không giáo hóa đồ đệ nghiêm chỉnh.

3/- Có lẽ do Giáo Lý của Phật Giáo Nguyên Thủy không xuất phát từ người chứng đắc, nên đa phần lời giải thích về giáo pháp Y NGỮ hơn là Y NGHĨA. Xin đưa ra vài điểm sau đây:

a)- Điểm đầu tiên mà tôi thấy là: Quả vị cao nhất bên này là A La Hán. Theo giải thích trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, người đạt quả vị này do tư duy thấy được cái KHÔNG của các pháp, rồi cho là mình đã đạt được Niết Bàn. Nhưng cái Niết Bàn đó phải chăng không thực tế, do các Ngài không trực tiếp đối mặt với các Pháp, nên Tưởng là mình đã được an ổn! Hơn nữa, sự thật là các pháp vẫn đang TẠM CÓ. Đâu có phải là KHÔNG CÓ? Nói rằng “Các Pháp là không”. Nói rằng “Không có Ta”, nhưng thực tế thì ta vẫn đang Có và vẫn phải sử dụng các Pháp Có như cơm áo, nhà cửa, vật dụng vv... Như thế thì KHÔNG ở chỗ nào? Vì thế lý luận của Đại Thừa, là CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO, tức là CHẤP NHẬN CÁI TẠM CÓ CỦA CÁC PHÁP. Chấp nhận là các Pháp KHÔNG PHẢI CÓ, KHÔNG PHẢI KHÔNG, MÀ CŨNG CÓ, CŨNG KHÔNG… rõ ràng là thực tế và áp dụng được trong đời sống hơn.

b)- Tôi không thấy Phật Giáo Nguyên Thủy dạy TÌM CÁI TÂM, trong khi đó, theo Tổ Đạt Ma, Ngũ Tổ và Lục Tổ đều khẳng định: “Nếu không thấy Tâm thì học pháp vô ích”. Bởi vì mọi chấp nhất, dính mắc hay buông xả, chứng Thánh hay đọa Phàm cũng khởi từ cái TÂM. Việc ĐIỀU PHÁP, bỏ Ác, hành Thiện chỉ là lặt lá hay mé nhánh cây. ĐIỀU TÂM mới chính là đốn gốc, sau đó cây mới không thể tiếp tục sinh sôi được nữa.

c)- Việc ĐIỀU TÂM cũng có tên gọi khác là “ĐỘ CHÚNG SINH”. Đọc Pháp Bảo Đàn Kinh ta thấy Lục Tổ dạy: “Chư Thiện tri Thức, Chúng Sinh trong Tâm mình tức là: “Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. các Tâm này đều gọi là chúng sinh”. Người không tìm Tâm, không thấy Tâm thì làm sao Thấy Chúng Sinh để độ? Không “Độ” được những chúng sinh trong Tâm của mình thì làm sao Giải Thoát? Và độ chúng sinh bên ngoài là “Độ Tha”, đâu phải là Tự Độ?

d)- Phật Giáo Nguyên Thủy cho rằng Đại Thừa hư cấu các Bồ Tát ở cõi khác. Trong khi đó, nếu có đọc Pháp Bảo Đàn Kinh ta sẽ thấy Lục Tổ Huệ Năng giải thích: “Lòng từ bi là Quan Âm, Lòng hỉ xả tức là Thế Chí, lòng Năng Tịnh tức là Thích Ca, Lòng bình trực tức là Di Đà. Như vậy, từ Bồ Tát để nói về tình trạng tốt đẹp của cái Tâm, đâu phải là những vị nào, ở cõi nào khác? “Cõi Khác”, hay “bờ bên kia” cũng chỉ là hai phía MÊ và NGỘ trong cùng cái Tâm con người, không phải ở trên hư không hay nơi nào khác.

e)- Nói về phải Viễn Ly mới tu được, Lục Tổ dạy: “Chư thiện Tri Thức, muốn tu hành thì ở nhà tu cũng đặng, chẳng cần ở chùa. Ở nhà mà thường tu hành thì cũng như người Đông Phương có lòng lành. Ở Chùa mà chẳng tu thì cũng như người Đông Phương có lòng dữ. Nếu lòng trong sạch thì Tánh mình tức là Tây Phương”.

f)- Thành Phật là thành tựu Con Đường Giải Thoát, theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì không phân biệt hình tướng, nơi chốn, miễn là “Thọ trì, đọc, tụng, giảng nói, biên chép, Y Pháp tu hành thì xuất sanh Chư Phật”. Phật và Chúng Sinh chỉ là hai tình trạng Nhơ, Sạch trong tâm của mỗi người thì cần gì phải có hình tướng? Giả sử có người có đầy đủ hình tướng, nhưng không Giữ Giới, Lập Hạnh, liệu ta có chấp nhận đó là người tu? Nếu không chấp nhận thì thì ắt là phải đồng ý với quan niệm tu hành của Đại Thừa là bất cứ ăn vận như thế nào, ở bất cứ nơi nào, miễn Y PHÁP TU HÀNH thì sự thành tựu cũng không khác với người có đầy đủ tướng tu hành, như trường hợp của Ngài DUY MA CẬT, THẮNG MAN PHU NHÂN vv...

IV- Tôi cho rằng vì các vị bên Thượng Tọa Bộ chê việc Thấy Tánh, chưa hiểu TU PHẬT là TU TÂM , cũng chưa rõ nghĩa PHẬT là GIẢI THOÁT, nên cho là phải rời khỏi nhà thế tục, sống theo đoàn thể thì mới gọi là tu sĩ. Theo tôi, điều đó nếu lùi thời gian lại, bắt đầu từ lúc Đức Thích Ca mới ra giảng pháp, thành lập Tăng Đoàn thì đúng, vì lúc đó Đạo Phật mới hình thành, cần phân biệt, cần củng cố một hàng ngũ Tăng Già để làm nồng cốt, giữ gìn và phát huy Đạo. Cần có một lực lượng Cư Sĩ để cung dưỡng cho người tu an tâm, không bận bịu việc đời, dành trọn thì giờ học Đạo để về sau phổ biến. Nhưng Đạo Phật đã trải qua mấy ngàn năm. Giáo pháp đã quảng bá rộng rãi, mọi người đều có thể nương theo đó mà tu hành, vì nghĩa của TU thật ra chỉ là SỬA. Sửa những hiểu biết, hành động, để không còn nhận lầm và không tiếp tục tạo Nhân xấu để cuộc sống được như Hoa Sen, dù sinh ra lớn lên trong bùn mà vẫn nở hoa thanh khiết. Đâu phải là để chứng, để đắc, để được quả vị thấp, cao? Giải Thoát các Pháp, là ở ngay trong Pháp mà không bị nó buộc ràng đâu có phải là tránh pháp, né pháp? Như vậy cần gì phải đóng khung, tạo cảnh tách biệt với thế nhân? Tự tu, tự độ, hòa mình vào xã hội để sinh hoạt, làm ăn như mọi người mà vẫn được Giải Thoát, phải đâu là làm mất đi cái tinh hoa, cốt lõi của Đạo? Ngược lại, thay vì Phật trong giai đoạn sơ khai còn co cụm ở trong chùa, nay Phật về đúng vị trí nơi Tâm của mỗi người, chẳng phải là đúng ý Đức Thích Ca khi mang Đạo vào đời để độ cho bá tánh sao? Tại sao cứ nhất mực cho rằng chỉ độ riêng những người có sắc phục?

Tổ Đạt Ma dạy: “Nếu thấy tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu. Hàng áo trắng vẫn là Phật.

Nếu không thấy tánh, cắt tóc cạo râu vẫn là ngoại đạo”

Nhiều người mới rời nhà thế tục thì tưởng rằng mình đã Xuất Gia. Không biết nghĩa của Tại Gia là “Ở TRONG NHÀ LỬA TAM GIỚI” tức là bị Tham, Sân, Si bao vây, không thoát ra được. RỜI XA CHA MẸ chính là xa rời Tham Ái, không để cho nó sai mình như cha mẹ sai con nữa, chớ rời cha mẹ thế gian thôi thì đã giúp ích gì cho việc tu hành? “Y HOẠI SẮC” tượng trưng cho Thân, Tâm không còn vướng mắc vào sắc tướng, đâu phải là chiếc áo màu vàng hay màu nâu mà chỉ cần trùm lên ai là người đó trở thành Tu Sĩ? Phật ngôn có câu: “Nếu chiếc áo Cà Sa có uy lực giải trừ Tham, Sân, Si thì cha mẹ hay người thân chỉ cần khoác lên mình đứa bé khi nó mới chào đời là đã được toại nguyện”. Người đời cũng nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, Đạo cũng đâu có khác? Cho nên, nếu chỉ “CẠO TÓC” mà không chịu “Cạo sạch phiền não”, “KHẤT THỰC” mà không chịu “Khất Pháp Thực” thì khác gì đi xin cơm ăn để nuôi thân phàm? Chính vì vậy mà trong TỨ Y Phật dặn dò “Y NGHĨA BẤT Y NGỮ”

Nếu đã hiểu TU PHẬT chính là TU TÂM thì cũng hiểu CHÚNG SINH và PHẬT cũng chỉ nói về hai tình trạng Mê, Ngộ của cái Tánh: “Nếu Tánh mình giác ngộ thì Chúng Sanh là Phật. Bằng Tánh mình mê muội thì Phật là Chúng Sanh. Tánh mình bình đẳng thì chúng sanh là Phật. Tánh mình tà hiểm thì Phật là chúng sanh”. Như vậy còn cầu Phật ở phương nào mà thắp hương, mà tụng Kinh, gõ mõ, cầu an, cầu siêu? Nếu đã Tin thuyết NHÂN QUẢ, thì không tin vào cầu xin, sao còn mong bớt rủi, thêm may, rồi truyền bá cho người đời để cúng kiến, đốt vàng mã rải cho người chết. Bày ra cúng rằm, cúng Vu Lan, làm hao tổn tiền bạc của Phật Tử một cách vô ích?

Điều nghịch lý mà có lẽ ai cũng thấy: Đã tự xưng là Đệ Tử của Phật, tức là con của Phật, tại sao quả vị đạt được không là Phật mà lại là A La Hán? Người dừng lại ở quả vị đó liệu có phải là đang phủ nhận luôn lời Thọ Ký của Đấng Đạo Sư: “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” không? Hay vẫn còn hiểu lầm Phật là Thần Linh nên cho rằng Thành Phật là Tăng Thượng Mạn? Như vậy có phải là mâu thuẫn không?

Dù sao tôi cũng cảm ơn ông bạn S. vì nhờ lòng tốt của ông muốn nhắc nhở tôi, mà tôi có dịp kiểm chứng lại để vui mừng được biết rằng mình may mắn gặp được con đường Nhất Thừa từ lúc vào tu học đến nay. Đọc lịch sử xiển dương Đại Thừa tôi thấy là do Tổ thứ 10, là Đức HIẾP TÔN GIẢ, và Tổ thứ 12 là Ngài MÃ MINH. Như vậy tôi đang ở trong Dòng Chánh Pháp được nối truyền chính thức từ Đức Thích Ca. Được mở mang sự hiểu biết bằng những bộ Kinh Đại Thừa như ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, BÁT NHÃ, DIỆU PHÁP LIÊN HOA, KIM CANG, DUY MA CẬT, LĂNG NGHIÊM, SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, PHÁP BẢO ĐÀN KINH vv… Những gì tôi hiểu hay hành không thấy sai biệt với chính Kinh, thì cớ gì tôi phải học với ai khác ngoài lời Phật và Tổ dạy?

Một điều làm tôi thắc mắc là khi kiểm chứng giáo pháp thì thấy cả Đại Thừa lẫn Phật Giáo Nguyên Thủy đều tin rằng “Đức Thích Ca không phải là Thần Linh, mà chỉ là người đưa ra Giáo Pháp để giúp con người giác ngộ, thấy được chân lý hầu đạt được cuộc sống bình an và hạnh phúc trên cõi đời,”. Nhưng không biết do đâu mà chùa nào cũng thấy dạy cho Phật Tử tụng niệm, thắp hương cúng kiến để cầu Phật. Sống thì Cầu an, chết thì Cầu Siêu, thay vì ý thức Nhân Quả để bỏ Ác, hành Thiện theo tinh thần thật sự của Đạo Phật? Phải chăng như các nhà nghiên cứu nhận xét là Đạo Phật trải qua các thời kỳ, bị ảnh hưởng của các sắc tộc, đất nước nơi du nhập, nên xem ra có vẻ chẳng phải Nhất Thừa, cũng không phải Phật Giáo Nguyên Thủy mà hình như là Quyền Thừa đã lấn át cả hai Thừa? Hay là chính các chùa đã tồn tại nhờ hành các pháp ngoại đạo đó?

Nếu cho rằng phải Xuất Gia thì mới tu được, thì nước ta đã có 14.775 ngôi chùa. Số lượng tu sĩ xuất gia chính thức theo thống kê hiện nay đã hơn 450.000 người, trong số đó được bao nhiêu người đắc đạo? Nếu thu nạp người xuất gia ngày càng đông, chùa cất càng nhiều mà không đào tạo ra người chứng đắc thì con số nói lên được điều gì? TU PHẬT chỉ là SỬA CÁI TÂM MÊ, thì tại sao nhất định phải ĐI, phải đầy đủ hình tướng, phải có người phục vụ cho mình thì mới TU được? Trong khi chính giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy là Tự Độ, người tu dứt phiền não để đạt Niết Bàn. Mỗi người Tu chỉ để tự mình nhờ. Như vậy tại sao lại phải bỏ hết việc đời, để cho người khác làm lụng kiếm tiền cung dưỡng cho mình, còn mình thì dành thì giờ chỉ để tụng kinh, niệm Phật, tìm đường để Giải Thoát cho bản thân trong lúc tuổi còn đang trẻ, khỏe có thể chung tay góp sức cùng mọi người xây dựng cuộc đời? Xét về đạo lý làm người liệu có ổn không? Xét về Nhân Quả thì đó là món nợ mà người tu vẫn phải trả, dù có tu hành thành tựu. Vì “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”, đâu ai có thể tu giùm cho người khác? Việc tu hành nhàn hạ, lại được ăn trên, ngồi trước từ xưa đã tạo điều kiện cho biết bao nhiêu kẻ lười nhác, ngại gian khổ cũng gia nhập! Ai biết đâu là giả, đâu là thật, khi cùng khoác một màu áo như nhau? Chính vì vậy mà thời Phật Giáo cực thịnh, nước ta cũng đã có những cuộc sàng lọc để loại những kẻ núp bóng chùa chiền, “mượn đạo, tạo đời” để bớt đi những con sâu trong hàng ngũ Tăng chúng.

Chúng ta không bắt buộc tu sĩ thời nay phải bê nguyên xi cách thức tu hành của thời xa xưa. Nhưng hình ảnh một nhà sư mặc vải liệm thi, đi chân trần, khất thực để nuôi thân vừa đủ mà lo việc tu hành của Đức Thích Ca so với thời nay đã quá tương phản! Ở Đài Loan có một ngôi chùa của Sư Thích Vĩnh Tính (không biết thuộc Đại Thừa hay Nguyên Thủy) lộng lẫy còn hơn cung điện ở xứ ngàn lẻ một đêm với cả phòng sauna, spa để các Sư thư giãn! Bồ Đoàn hình hoa sen may bằng gấm. Chánh điện trần thiết xa hoa còn hơn phòng khách của các vua chúa đương thời! Các sư đi khất thực bằng xe Lexus. Phòng ăn, phòng ngủ, nơi tiếp khách… tất cả đẹp như mơ, đến nỗi ai nhìn thấy cũng muốn… phát tâm đi tu! Không biết các Sư ở đó đang tu gì? Đã đạt tới quả vị nào? Đạo cao đức dày cỡ nào? Giáo Hội có thấy hay không khi dư luận xôn xao, truyền nhau hình ảnh xa hoa của chùa với chú thích mỉa mai: “Ai bảo đi tu là khổ”?

Ở nước ta thì dĩ nhiên không bằng được. Nhưng Chùa giàu một chút thì chư sư ở phòng máy lạnh. Di chuyển thì bằng xe hơi, bèo cũng là xe gắn máy. Người chưa được vẫn đang phấn đấu! Liệu ta có thể nhìn đó như một sự thành công của Đạo Phật, vì “Con hơn cha là nhà có phúc”? Hay là giới tu hành thời này đang trở thành một giai cấp hưởng thụ phước báo của công đức tu hành, không còn hạnh đơn sơ “một Y, một nạp” như thời Phật tại thế. Điều đáng buồn là số tu sĩ nhiều như vậy, chùa chiền quy mô như vậy mà hình như người tu hành nghiêm chỉnh, thông hiểu Đạo Pháp có thể dẫn dắt bá tánh, đủ trình độ dịch Kinh sách e rằng không tới con số trăm vị. Người thuyết đúng Chánh Pháp, dạy tu hành thành Phật lại càng hiếm hoi!

Chúng ta luôn tôn trọng những bậc tu hành chân chính đã bỏ hết việc đời để giữ gìn Đạo Pháp, lưu giữ kinh điển để ta có mà tham khảo, học tập. Hình ảnh tu sĩ và chùa chiền trang nghiêm, giản dị, thanh tịnh, tượng trưng cho Cửa Phật để bá tánh tầm chân hướng về đã trở thành một nếp văn hóa không thể thiếu cho nhiều nước trên thế giới. Cuộc đời càng đau khổ thì người hướng về Đạo Phật càng nhiều, nảy sinh nhu cầu xây thêm chùa, tạc thêm tượng Phật để chiêm bái. Nhưng liệu những hình ảnh chùa chiền lộng lẫy, hoành tráng có làm cho uy tín của Đạo Phật nâng lên khi mà đất nước còn nhiều nơi trường học không có, học sinh phải chen chúc nhau dưới những túp lều tạm bợ. Thầy, cô húp cháo cầm hơi để mang con chữ đến cho trò! Có nơi người dân vì mưu sinh còn phải qua lại trên những chiếc cầu cũ kỹ, đong đưa không biết sập giờ nào! Ở miền Trung có vùng còn thê thảm hơn. Mọi người muốn qua sông để học hành, làm ăn, phải đu trên dây kéo mong manh, tánh mạng như “chỉ mành treo chuông”! Bịnh viện thì quá tải. Người nghèo thiếu tiền để chữa trị, đôi khi bệnh nhẹ mà do kéo dài trở thành nặng rồi chết một cách oan uổng, bỏ lại đám con thơ nheo nhóc! Nhiều gia đình còn thiếu ăn, con cái không có tiền để đi học, không được trang bị kỹ năng sống, mai kia vào đời không biết ra sao! Nhiều trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, chùa nghèo hay người nhặt về cưu mang phải mưu sinh khó nhọc từng ngày để lo cái ăn, cái mặc, cái học cho chúng. Nhiều người còn lang thang không một mái nhà để nương thân.Trong khi đó chùa chiền thi nhau rầm rộ mọc lên ngày càng hoành tráng với những tượng Phật ngày càng to như muốn minh chứng với đời rằng Đạo Phật đang hưng thịnh làm cho tôi thấy hơi chạnh lòng, thấy rằng nhiều người đã quên rằng PHẬT LÀ VÔ TƯỚNG, DO VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC MÀ THÀNH, thì cất Chùa cho Phật nào ngự? Rồi thì vị nào vô tu một thời gian cũng muốn có một cái chùa riêng. Đầu tiên là chùa nhỏ, cố gắng vận động để ngày một to thêm, cho bằng chùa nọ chùa kia, rồi biến việc chùa thành “Phật sự”! Có lần tôi được chứng kiến một nhà sư hỏi mượn tiền của một thí chủ để đúc tượng Phật. Ông gọi đó là Phật mượn: “Cho Phật mượn đi, mai mốt Phật sẽ trả cho”! Có chùa rồi thì biết bao nhiêu việc nảy sinh sau đó. Phải có tín đồ, phải điều hành, phải quản lý, phải có chi phí… đâu còn được như các vị tu hành thanh tịnh ngày xưa:

Bình Bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Mắt xanh xem người thế

Mây trắng hỏi đường qua

Nếu không đọc Kinh Đại Thừa thì chừng nào Phật Tử mới hiểu rằng Chùa là nghĩa của Thanh Tịnh Địa, là những cái Tâm đã cải tà, quy chánh, chẳng phải được cất bằng xi măng, gạch ngói phàm tục? Chừng nào Phật Tử mới hiểu rằng Đạo Phật chân chính không dạy cúng kiến, cầu xin, mà phải tự tạo Nhân Quả bằng cách cải ác, hành Thiện? Và đã tự mình cải ác hành thiện thì quả lành đương nhiên sẽ đến, còn cầu xin làm gì?

Phật Pháp có mặt nơi đời là vì chúng sinh. Nhưng chúng sinh vẫn còn đau khổ mà Đệ Tử Phật vẫn ung dung ở phòng máy lạnh, vẫn tiếp tục cưng chìu cái thân, chưa trừ được cái tham cảm xúc êm ái mà lại thuyết giảng Ly Gia, Cắt Ái không thấy mâu thuẫn chút nào sao?! Mã Tổ Bách Trượng ngày xưa cai quản cả một Thiền Viện mà còn “Nhất Nhật bất tác, Nhất Nhật bất thực”. Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN có viết về cái quả của những kẻ lợi dụng hình tướng tu hành, người tu nào có đọc và có hiểu lẽ Nhân Quả ắt sẽ không dám vô tư thọ dụng của bá tánh, nói chi là còn hoang phí! Vậy mà mới đây trên mạng đưa tin, 6 nhà Sư phái Tào Khê của Hàn Quốc, trong 13 giờ đã đánh bạc thua 18 tỷ Won, làm cho Phật Tử ở đó vô cùng bức xúc! Chẳng biết các vị đó cấp bậc cỡ nào trong chùa nào mà được giữ số tiền lớn như vậy! Tội nghiệp cho bao nhiêu thí chủ thành tâm chắt bóp để đóng góp cho chùa biết mấy!

Hình ảnh Phật đến nay đã trở thành chiêu bài cho biết bao nhiêu kẻ lợi dụng Đạo núp bóng! Các tà sư cứ nhồi nhét cho Phật Tử về quyền phép, về sự cứu độ của Phật nên nhiều người tưởng rằng càng cúng dường nhiều của của cải cho Phật càng bảo đảm sẽ được Phật rước sau khi chết, nên hiến nhà cửa, tài sản cho Chùa, mà quên rằng Chùa và PHẬT hai từ hoàn toàn khác nhau! Hiến cho Chùa thì chùa hưởng. Phật, nói về là PHẦN GIẢI THOÁT của người tu, đâu có hình tướng mà nhận, mà dùng của cúng thí? Nói về Phật quá khứ là Đức Thích Ca, thì ngai vàng Ngài còn bỏ, sá gì chút vật chất phàm tục của ta! Mang của cải để hối lộ chẳng phải là xúc phạm Ngài, mà còn tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng Đạo thao túng sao? Nếu có đọc Pháp Bảo Đàn Kinh ta sẽ thấy Lục Tổ dạy: “Năng làm phước giúp người lợi lạc. Đạo nào do thí bạc mà thành. Vốn Bồ Đề cầu ở tâm thanh. Ngoài mộng ảo, muội manh nhọc kiếm”. Bản thân nhiều người tu vì chưa rõ Lẽ Nhân Quả nên tiền của bá tánh cúng Phật cứ nghĩ là cúng cho mình! Cho nên hiểu sai một từ sẽ dẫn đến nhiều cái sai khác. Do đó, ta cần nên thận trọng.

Thời nào Chánh, Tà cũng song hành. Bậc chân tu thì hiếm, kẻ lợi dụng Đạo để cầu Danh, cầu lợi thì nhiều. Con đường tu hành ngày xưa, ngôn ngữ còn hạn chế, khó nói về những diễn biến trong nội tâm nên Phật phải dùng hình tướng bên ngoài để diễn tả, dễ sinh hiểu lầm. Cũng bởi thời đó Thần Quyền đang thịnh hành. Nếu không tả những vị Phật thần thông biến hóa, hào quang chói lọi. Những vị Bồ Tát bay lướt 10 phương để tầm thinh cứu khổ, cứu nạn. Cõi Phật với Bảy Báu. Thành Phật là “cứu độ được Tam Thiên, Đại Thiên thế giới” thì liệu con người có chịu bỏ những thú vui ngũ dục để hướng về Đạo Giải Thoát được không? Do đó, Đức Thích Ca phải vận dụng phương tiện để rồi từng bước sẽ hướng dẫn tiếp. Cho đến đời Chư Tổ thì ngôn ngữ phong phú hơn, sự hiểu biết của con người cũng mở ra hơn, có thể giải thích rõ ràng mọi thứ, chúng ta mới hiểu được rằng Tam Thiên mà người Thành Phật độ được, đó chỉ là Ba thứ THAM, SÂN SI trong mỗi một. Người tu “Độ được 7 đời quyến thuộc”, nhưng Quyến thuộc đó thật sự chỉ là 3 nghiệp của Thân, và 4 Nghiệp của Khẩu của chính họ, vì quyến thuộc bên ngoài mỗi người đều có Nghiệp riêng, làm sao Độ được? Chuyện tu hành ngày xưa tưởng chừng thiên nan, vạn nan. Phải giữ hàng mấy trăm giới. Nhìn đâu, làm gì, cũng sợ đụng giới, sợ bị thất niệm. Công cuộc tu hành thì sống chỉ để hướng về Nước Phật xa xôi. Hành trì miên mật để khi chết sẽ được rước về Tây Phương, Đông Phương, không biết rằng những cảnh đó đều để tả một cái tâm an lạc, thanh tịnh mà thôi, và hành giả sẽ đạt được ngay tại kiếp sống hiện tiền, vì Phật Quốc là cảnh giới trong Tự Tâm, chẳng phải ở nơi xa xôi diệu vợi nào khác. TU chỉ có một nghĩa duy nhất là SỬA. Muốn SỬA cho thành công, chỉ cần BIẾT HUYỂN, LY HUYỂN, hoặc như lời Kệ trong Kinh VIÊN GIÁC:

NHỮNG NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT

CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT

Do đó, bất cứ ai, trẻ, già, trai gái, sang, hèn, ăn mặc thế nào? Ở đâu cũng đều tu được, miễn là Y PHÁP TU HÀNH, cần gì phải phải màu mè, sắc tướng, phải có chùa nhỏ chùa to? Phải chăng như thế mới đúng với tinh thần đồng độ của Đạo Phật?

Đức Phật dù đã nhập diệt mấy ngàn năm rồi, nhưng Phương tiện của Ngài vẫn hữu hiệu khi nói rằng bậc tu hành là “Ruông phước của bá tánh. Cúng dường ở đó sẽ được phước báo vô lượng”, nên Phật Tử dù vì tham cầu, hay vì tôn kính cũng đã góp công của cho các vị không phải lo âu về cái ăn, mặc, ở mà tu hành, học lời Phật rồi giảng lại cho họ. Nhưng phần các vị tu hành thì dùng bao nhiêu là đủ? Phải chăng quá nhu cầu là lạm dụng của Thường Trụ? Về Pháp Bố Thí, nếu người Phật Tử có đọc Kinh Duy Ma Cật sẽ thấy dạy: “Nếu người thí chủ dùng tâm bình đẳng thí cho một người ăn xin rất hèn hạ xem cũng như tướng phước điền của Như Lai, không phân biệt, lòng đại bi bình đẳng, không cầu quả báo, đó là đầy đủ pháp thí vậy” để thực hành đúng pháp Bố Thí. Do đó, theo tôi, người tu nếu Giới, hạnh nghiêm chỉnh, thực hành theo Bát Chánh Đạo, thì lẽ ra chỉ nên sử dụng vừa đủ, phần còn lại là của thí chủ cúng dường cho Phật, nên san sẻ cho những người khó khăn, bởi những người đó cũng là con của Phật, vì nghiêp chướng sâu dày mà phải chịu đọa. Phần người Bố Thí củng nên xem lại cho rõ nghĩa, để đừng biến Pháp Bố Thí trở thành “Bỏ cái nhỏ để được cái lớn hơn”, bỏ chút vật chất phàm tục, đòi đổi Tây Phương Cực Lạc, nuôi dưỡng cái THAM to hơn, làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của pháp này.

Phật Pháp thì vô biên. Kinh Phật thì thiên kinh vạn quyển, trong đó có những Kinh do Chư Tổ viết để khai sáng, tiếp nối dòng pháp của Đức Thích Ca đã giảng từ xưa. Có những sách giảng, luận do những người tu hành nhưng không chứng đắc thêm thắt, chế biến ra, người mới vào tìm hiểu khó thể phân biệt tà, chánh. Dù vậy chúng ta có một đường truyền từ Đức Thích Ca, mà người được Truyền Y Bát được tuyển chọn giữa hàng ngàn đệ tử, có đầy đủ Giới, Hạnh, nắm vững Giáo Pháp. Tín, Hạnh, Nguyện đầy đủ. Do đó, nếu ta Tin Phật mà không TIN việc TRUYỀN Y BÁT, không hiểu rằng đó là những vị THAY PHẬT NỐI TRUYỀN DÒNG CHÁNH PHÁP, LỜI NÓI CỦA TỔ LÀ LỜI PHẬT HIỆN TIỀN, thì đó là điều thiệt thòi cho bản thân mình, vì Nghe đã vội Tin mà thiếu đối chiếu!

Trải qua nhiều trăm năm, Phật Pháp qua Chư Tổ mới được rút gọn lại thành con đường ĐỐN GIÁO, được hướng dẫn qua các kinh Đại Thừa, chỉ thẳng CÁI TÂM, trong đó có đầy đủ tốt, xấu, Địa Ngục, Niết Bàn, Phật, Chúng Sinh, Tây Phương, Đông Phương… để mọi người tu sửa và thành tựu nơi đó, đúng với lời dạy: TU PHẬT LÀ TU TÂM, chẳng phải tìm cầu ở đâu, đỡ hao phí thời gian vốn hữu hạn của mọi người, vì các pháp là VÔ THƯỜNG, thời gian không đợi chờ ai. Đạo Phật phải “Tâm truyền Tâm”, tức là người đi trước thấy được cái Tâm rồi mới truyền lại cho người sau. Người chưa thấy Tâm, Thấy Tánh thì không thể đi vào Đốn Giáo, chỉ loanh quanh Thập Thiện mà hành. Vì vậy, mới có câu Kinh để nhắc nhở: “Vong thiết Bồ Đề Tâm, tu chư thiện nghiệp, thị danh ma nghiệp”. Có nghĩa là: Nếu không có cái tâm Giải Thoát, thì làm thiện nghiệp cũng là tạo ma nghiệp, bởi vì làm tiếp nối thêm vòng Luân Hồi, Sinh Tử. Tức là sở dĩ không làm ác, vì sợ TA bị đọa. Và hành Thiện là tích lũy phước báo để cho Ta và con cháu ta đời này, đời sau được hưởng. Như vậy làm sao mà Giải Thoát?! Mặt khác, theo tôi, người cho rằng những ai đọc và tin theo lời của Kinh Đại Thừa là “lũ mù bị dắt đi” hẳn chưa từng xem lịch sử phát triển Đạo Phật, chưa hiểu tầm quan trọng của việc TRUYỀN Y BÁT, cũng như chưa xem lại vị trí, sự hiểu biết của mình so với Chư Tổ, lại thiếu Hạnh “Thường Bất Khinh Bồ Tát” nên mới dám mạnh miệng như thế ! Nếu có đọc lịch sử phát triển Đạo Phật hẳn vị đó phải biết TỔ là PHẬT ĐƯƠNG THỜI ắt không dám ngoa ngôn!

Suy cho cùng thì mỗi người đều có Duyên, Nghiệp riêng của mình, khó ai thuyết phục được ai. Dù vậy, tôi xin ghi lại đây một số nhận xét từ sự kiện lịch sử đã chìm sâu vào dĩ vãng hơn ngàn năm qua, nhưng tác dụng vẫn còn tồn tại, vì nhiều đời con cháu vẫn tiếp tục truyền nhau. Không nhằm mục đích hơn thua, cao, thấp, chỉ hy vọng nói lên phần nào sự thật, để người đang tìm hiểu Đạo Phật, nhưng còn hoang mang, chưa phân rõ tại sao cùng là đệ tử nhà Phật, cùng tin, hiểu, giảng nói những Pháp giống nhau mà lại phân chia thành nhiều Thừa khác nhau. Cách hướng dẫn khác nhau. Quả vị cũng khác nhau. Bên nào cũng cho mình mới Chánh! Một bên là Chư Tổ, kế tục con đường của Đức Bổn Sư, dạy tu Đốn Giáo, theo NGHĨA mà hành dụng. Từ cách hiểu về Phật, về chùa, cho tới đúc hình tạc tượng, thắp hương, cúng dường, Bố Thí đều VÔ TƯỚNG. Đếu nhắm vào Cái Tâm. Tự gieo Nhân để hưởng Quả, không cầu xin, cúng kiến, thờ phụng. Tự tu, tự độ, tự hành trì để được giải thoát. Thực hiện lời Thọ Ký “Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Một bên chối bỏ lời giải thích của Chư Tổ, cứ Y NGỮ mà làm, rồi hình tướng ngày càng phát triển, dạy Phật Tử thờ phụng, cúng kiến, cầu xin…đưa người theo ngày càng tin vào thần quyền, so với lời Phật dạy còn nhiều mâu thuẫn!

“Sông Mê, quay đầu là Bờ”, nhưng lẽ nào Bờ lại là phó thác vào Phật để chờ “Được Độ”, trong khi ai cũng biết Đạo Phật là Tự Độ? Dù sao, tôi tin rằng nếu đã thật sự chọn con đường tu hành, giữ đầy đủ Giới, hành theo Bát Chánh Đạo, qua sắc áo của người tu rất nhiều vị làm được nhiều ích lợi cho đời. Ít ra cũng hướng dẫn cho bá tánh theo hướng Thập Thiện thì cũng bớt được cho trần gian nhiều nghiệp chướng, vì không phải ai cũng có thể tin theo Nhất thừa ngay được. Nhưng nếu tự mình giải thoát, lại đưa được người khác đến giải thoát. Giáo hóa để mọi người không vì tranh dành danh, lợi mà mưu hại hoặc tàn sát lẩn nhau. Mặt khác, nên quảng bá chấm dứt mê tín, dị đoan, cúng bái, cầu xin, nương tựa, vì cả hai Thừa đều biết rằng Đức Thích Ca không phải là một vị thần linh, mà chỉ là một vị giáo chủ đưa ra giáo pháp để giúp con người được giác ngộ, thấy được chân lý hầu đạt được bình an và hạnh phúc ngay tại cuộc sống. Bản thân Đức Thích Ca sinh thời cũng như mọi người, cũng phải tự tu, tự giác ngộ, cũng Sinh, cũng Tử, làm sao phù hộ cho ta ? Biết thế để mọi người nương theo đường lối mà Ngài đã vạch ra, trừ đi những ác tâm, để tất cả đều được yên vui trong kiếp sống, ở giữa cảnh trần mà không bị phiền não làm cho điên đảo được gọi là Giải Thoát, thì đó mới thật là mục đích của Đức Thích Ca khi mang Đạo Phật vào đời. Chánh pháp không nằm trong Y Bát để Thừa nào có nó hay ai giữ nó là người có Chánh pháp, mà là ở trong những cái Tâm thanh tịnh, như như, không tranh nhân, ngã. Như vậy, mỗi người có thể tự nhìn vào tâm mình để biết mình có Chánh Pháp hay không, không cần tranh biện, chứng minh với ai, vì người thật tâm tu đâu màng Danh, Lợi, cần gì ai đánh giá cao thấp?

Tâm Nguyện Tháng 4/2012

(email: Vietvoice22@yahoo.com.vn. ĐT. 3.8738174)


Những vì sao

(Chuyện kể của một gã chăn cừu)

Les étoiles. Récit d’un berger

Của Alphonse Daudet

Vào thời tôi chăn giữ những con thú vật trên núi Luberon, tôi cứ ở suốt tuần với con chó Labri và đoàn cừu, mà không thấy một bóng người sinh động. Thỉnh thoảng thầy tu núi L’Ure có đi ngang qua đây để tìm cây thuốc, hoặc là tôi trông thấy vài cái mặt đen sì của mấy người đốt than. Nhưng mà đó là hạng người quê mùa và lặng lẽ vì quá cô đơn nên đã mất đi cái khiếu nói chuyện, và chẳng biết rành những gì đã xảy ra trong tỉnh làng.

Dẫu vậy, cứ mười lăm ngày, khi mà tôi nghe trên đường lên núi, tiếng lục lạc của con la nông trại mang đến thức ăn dự trữ bán nguyệt, và cũng thấy xuất hiện từ từ cái đầu lanh lợi của thằng nhỏ Miarro, hoặc là cái mũ đỏ của bà dì Norade, thì tôi rất lấy làm sung sướng. Tôi nhờ họ kể cho tôi nghe những tin tức ở miệt duới núi: lễ rửa tội, lễ cưới, nhưng mà điều tôi quan tâm hơn hết đó là tìm hiểu coi cô gái, con của ông chủ tôi đã làm gì. Cô Stéphanette – cô gái đẹp nhất vùng. Giả đò không mấy chú ý, tôi hỏi thăm coi nàng có đi hội họp, lễ lộc nhiều không!, có nhiều thanh niên bám theo gạ gẫm không!; và có ai hỏi tôi, một thằng chăn cừu muốn biết những chuyện nầy để làm gì? Tôi trả lời rằng: tôi đã hai mươi tuổi và cô Stéphanette là người đẹp nhất của đời tôi.

Thế rồi, một ngày chủ nhật mà tôi đang đợi kỳ thực phẩm dự trữ bán nguyệt, nó có vẻ đến quá trễ. Buổi sáng tôi tự nhủ: “Đó là lỗi của cuộc xem lễ nhà thờ”. Kế đến, vào trưa, mưa gió to kéo đến và tôi nghĩ con la không thể lên đường được vì tình trạng xấu của lối đi. Sau cùng lúc ba giờ chiều, bầu trời tan mây, ngọn núi chiếu sáng: nước và mặt trời, và tôi nghe giữa tiếng nước rơi trên lá, tiếng nước tràn bờ của con suối đang dâng lên, có tiếng lục lạc của con la sao mà vui tươi thế, sao mà thúc dục thế, giống như tiếng chuông đại lễ Phục Sinh. Nhưng mà không phải là thằng nhỏ Miarro, cũng không phải là bà dì Norade. Đó là… các bạn hãy đoán xem ai!... Cô bé gái của chúng ta đấy! các bạn. Cô bé của chúng ta bằng người thật, ngồi thẳng trên các giỏ mây, tươi tỉnh vì gió núi và sự mát mẻ của trận dông.

Thằng nhỏ bị bệnh, bà dì Norade nghỉ phép về thăm con. Cô đẹp Stéphanette đọc cho tôi biết tất cả điều đó khi vừa xuống con la và cũng như nàng đến trễ là vì đi lạc đường; nhưng mà cứ nhìn cách trang phục đẹp đẽ, nàng có vẻ ở nán lại cho một buổi khiêu vũ hơn là tìm đường trong bụi rậm. Ô con người duyên dáng. Mắt tôi nhìn nàng không chán. Thật ra tôi chưa bao giờ được nhìn nàng gần như vậy. Đôi khi vào mùa đông, khi mà đoàn gia súc xuống núi về nông trại, tôi vào nhà dùng cơm chiều, nàng đi qua phòng ăn nhanh nhẹn, không nói một lời nào với người giúp việc, luôn luôn chưng diện và hơi cao ngạo… Và bây giờ thì tôi đã có nàng trước mặt, chỉ riêng cho tôi thôi; có phải là điên cái đầu không?

Trong khi đem thức ăn ra khỏi các giỏ mây, nàng bắt đầu tò mò quan sát xung quanh. Nhích một chút cái váy đầm lên cho khỏi lấm bẩn, nàng bước vào trại để xem coi cái góc nào tôi đang ở: cái chõng cỏ với tấm da trừu, cái áo khoác to lớn của tôi máng ở vách, cây gậy, cây súng bắn đá. Tất cả làm cho nàng vui thích:

- Vậy là, anh sống như vầy hả anh ở? Có lẽ anh phải buồn lắm vì chỉ có một mình! Anh làm gì? Anh nhớ đến ai?

Tôi muốn trả lời: “Nhớ đến cô! Cô chủ” và tôi không nói khoác, nhưng vì cơn bối rối của tôi quá lớn đến đỗi tôi không thể nào tìm ra được một tiếng nói. Tôi biết chắc là nàng đã nhận thấy điều này nên nàng tinh nghịch tiếp tục đùa bỡn làm tăng sự bối rối của tôi:

- Và nầy anh ở, cô bạn thân của anh có thể lên thăm anh thỉnh thoảng được không, cũng như nàng tiên Estérelle dạo quanh các đỉnh núi vậy…

Và chính nàng trong lúc nói chuyện với tôi cũng có vẻ giống như nàng tiên Estérelle với nụ cười xinh đẹp, với mái đầu nghiêng nghiêng, và sự vội vàng ra đi làm cho cuộc thăm viếng của nàng như một sự hiện hình:

- Chào anh ở.

- Chào Cô Chủ.

Và nàng vội ra đi, mang theo mấy cái giỏ trống. Khi nàng đã mất hút sau triền núi, tôi cảm thấy những viên sỏi lăn dưới móng chân con la, đã rơi vào tim tôi từng viên, từng viên một…

Tôi ngồi mà nghe như vậy lâu lắm… lâu lắm…; và đến gần cuối ngày, mà tôi vẫn còn mơ màng, không dám động đậy vì sợ làm tan đi giấc mơ…

Về chiều, dưới thung lũng đã xẫm màu và các con thú vừa kêu vừa chen lấn với nhau để vào chuồng trại; tôi nghe người ta gọi tôi ở đường dốc núi, và tôi thấy hiện ra cô chủ của tôi, không còn tuơi cười như lúc nãy mà là run rẩy vì lạnh, vì sợ, vì ướt át. Dường như ở dưới đồi, nàng đã gặp con suối dâng đầy nước bởi mưa dông và vì cố gắng vượt qua mà nàng suýt bị nước cuốn. Kinh khủng là vào cái giờ đêm này không thể nào tính việc trở về nông trại, bởi vì con đường tắt nàng không bao giờ biết đến để có thể tìm về nhà một mình, và tôi thì không thể rời bỏ đàn gia súc được. Cái ý nghĩ qua đêm ở trên núi làm cho nàng ray rứt nhiều, hơn nữa còn sự lo lắng của người thân. Riêng tôi, tôi cố gắng an ủi nàng:

- Vào tháng bảy, ban đêm rất ngắn đó! Cô chủ. Đây chỉ là sự rủi ro thôi!...

Và tôi vội vàng đốt lửa to để hong hơ chân nàng và bộ đồ đẫm nước suối. Kế đến, tôi mang sữa và phó mát ra, nhưng mà cô bé tội nghiệp không màng gì đến sưởi ấm, ăn uống, và trông thấy những giọt nước mắt trào dâng lên mi nàng, tôi cũng muốn khóc theo.

Lúc nầy, trời đã tối hẳn rồi, chỉ còn vài tia nắng lóe lên ở đỉnh núi cao phía mặt trời lặn. Tôi mời nàng vào nghỉ trong trại. Tôi trải xuống rơm khô một tấm da cừu mới tinh, rồi tôi chúc nàng ngủ ngon…

Thượng đế chứng minh cho lòng tôi rằng: mặc dầu lửa tình đang bùng cháy trong máu tôi, không một ý nghĩ xấu nào lai vãng, chỉ duy có một niềm tự hào để nghĩ rằng trong góc trại, sát bên đàn gia súc đang tò mò nhìn nàng ngủ, cô con gái của chủ tôi – giống như một con bê quý báu nhất, trong trắng nhất đang nằm nghỉ - giao quyền canh giữ cho tôi.

Không bao giờ bầu trời xanh trong như thế, những vì sao chiếu sáng như thế!... Thình lình, cánh cửa trại mở ra, và cô đẹp Stéphanette xuất hiện. Nàng không ngủ được vì các con vật làm rơm khô kêu sột soạt và những tiếng rống bất chợt. Nàng thích đến gần lửa hơn. Thấy vậy, tôi khoác lên vai nàng tấm da cừu, tôi chụm lửa to lên, và chúng tôi cứ ngồi bên nhau như vậy mà không nói chuyện gì!...

Có bao giờ bạn thức qua đêm ở ngoài trời, thì bạn mới thấy rằng giờ chúng ta đang ngủ, có một thế giới huyền bí thức dậy trong sự hoang vắng và im lặng. thế rồi, những con suối ca hát rõ ràng hơn, ao hồ nhấp nháy ánh sáng tỏ hơn. Tất những âm hồn rừng núi tới lui tự do. Có cái gì lướt qua trong không gian, những tiếng kêu vô định; dường như người ta nghe cành cây nở ra, cỏ mọc lên… Ngày là cuộc sống của người, đêm là cuộc sống của vật. khi ta không quen, đềiu đó làm cho ta sợ…

Vì thế cô gái nhỏ của chúng ta run bây bẩy và nép sát vào người tôi vì một tiếng động nhỏ nhặt nào. Có một lần, một tiếng kêu dài não nuột từ hồ nước lấp lánh ở dưới vang dội lên, đồng thời một ngôi sao sa xẹt qua đầu chúng tôi về hướng ấy, giống như lời than thở mà chúng tôi vừa nghe phát ra ánh sáng vậy!

- Cái gì vậy? - Cô Stéphanette khẽ hỏi.

- Một linh hồn về Thiên Đàng! Cô chủ ạ, và tôi làm dấu thánh.

Nàng cũng làm dấu thánh và ngước mặt lên trời, nhiều suy tư.

Kế đó nàng hỏi tôi:

- Có phải các anh toàn là những tay phù thủy không vậy?

- Không phải đâu, cô chủ. Nhưng mà tại đây, chúng tôi ở gần các vì sao nên chúng tôi biết rành những gì xảy ra hơn người ở đồng bằng.

Nàng luôn nhìn trên cao, tay nâng đầu, bao bọc bởi miếng da cừu, giống như một vị thiên thần nhỏ.

- Nhiều ngôi sao quá! Đẹp làm sao! Chưa bao giờ em thấy nhiều sao như vậy. Anh có biết tên các ngôi sao không, anh ở?

- Có biết, cô chủ ạ… Cô hãy xem, ở trên kia là con đường sữa, nó chạy dài từ Pháp qua Ý. Thánh Jacques đã vạch ra con đuờng này, để cho vua Charlemagne khai chiến với quân Sarrasins. Ngoài kia, là chùm sao XaLinh với bốn trục sáng chói. Ba ngôi sao đi trước đó là Tam Thú. Ngôi sao nhỏ ở bên là sao Nài. Cô xem cái đám mưa sao rơi rớt đó là những linh hồn chưa được vào Thiên Đàng. Phía dưới một chút là sao Vua. Đây là cái đồng hồ đêm của chúng tôi. Chỉ nhìn vào là biết bây giờ đã quá nửa đêm. Phía dưới một chút về hướng nam, có sao Milan chiếu sáng. Về câu chuyện ngôi sao nầy, tục truyền rằng: một đêm nào gã sao Milan cùng ông sao Vua và nàng sao Bụi được mời dự tiệc cưới của một sao bạn. Nàng sao Bụi quá bận rộn nên đi trước bằng con đường trên. Hãy xem trên kia, tận cùng góc trời. Ông sao Vua vội vàng chạy theo bằng con đường phía dưới mong bắt kịp nàng. Nhưng mà gã sao Milan lười biếng, vì ngủ quá trễ nên ở lại sau chót lấy làm tức giận, để ngăn chặn sao Vua lại, gã ta quăng cho một cây gậy. Do đó sao Vua còn có tên là Gậy Milan. Mà nầy, cô chủ, ngôi sao đẹp nhất và sáng nhất đó là sao chúng tôi. Sao Chăn Cừu. Nó hiện vào bình minh khi tôi lùa thú ra, và nó chiếu vào ban chiều khi tôi gom thú về trại. Chúng tôi còn gọi sao ấy là Malonne. Nàng sao Malonne chạy theo gã sao Pierre, và cưới nhau vào bảy năm một.

- Thế nào! Anh ở, có đám cưới các vì sao à?

- Có chớ, cô chủ.

Và trong khi ráng giải thích cho nàng thế nào là đám cưới các vì sao, thì tôi cảm giác có một vật gì vừa êm ái vừa mát mẻ đè nhẹ lên vai tôi…

Đó là, quá mệt mỏi, nàng đã dựa đầu vào vai tôi mà ngủ, với sự phất phơ đẹp của mái tóc và dây nơ. Nàng tiếp tục tư thế ấy cho mãi đến lúc mà các vì sao trên trời nhạt dần bởi ngày đến… Còn tôi, cứ nhìn nàng ngủ mà tâm hồn bối rối, nhưng được bảo vệ một cách thánh thiện bởi màn đêm quang đãng, đã đem lại cho tôi toàn những ý nghĩ đẹp. Chung quanh chúng tôi, các vì sao tiếp tục bước đi trong im lặng, ngoan ngoãn như một đàn gia súc lớn, và đôi lúc, tôi tưởng tượng rằng có một vì sao tươi đẹp nhất, sáng chói nhất trong các vì sao ấy, bị lạc đường, đã đến dựa vào vai tôi mà ngủ…

Nhà văn hào Pháp Alphonse Daudet

Dịch thuật: Thanh Châu


NGƯỜI TA CÓ THỂ DI DÂN

ĐẾN HÀNH TINH KHÁC KHÔNG?

Cách năm mươi năm nay, nhà thiên văn học trứ danh Camille Flammarion ở Thiên văn đài Juvisy đã có cái can đảm nói trước rằng một ngày kia, một mảnh sao sẽ đem lại cho ta những di tích của thảo mộc hay động vật là những bằng cớ không thể chối cãi được rằng có sinh hoạt ở ngoài trái đất ta. Có lẽ đó là một điều tiên tri rất táo bạo mà nhiều cuộc nghiên cứu những mảnh sao về thời ấy không thể công nhận.

Thế mà một việc phát minh lớn lao đã vượt xa điều tiên tri ấy: nhà sinh-vật-học nổi danh ở trường Đại học Mỹ là giáo sư Lipman vừa mới tìm được, trong một khối kim loại ở một mảnh sao rơi xuống Californie gần đây, những vi trùng hiện còn sống! Ở không trung xa thẳm tới đây, những hành khách bé nhỏ ấy đi từ hành tinh này tới hành tinh khác ấy là những sinh vật thứ nhất, dưới kính hiển vi, tỏ ra rằng có sự sinh hoạt ở ngoài trái đất của chúng ta.

Nhưng ta hãy nói đến việc…

Một mảnh sao nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn!

Ngày 2 Février vừa qua, người ta báo cho ông giám đốc nhà bảo tàng thành phố Los Angelès biết rằng có một mảnh sao rơi xuống. Khoảng 4 giờ sáng hôm ấy, ở cách kinh thành Californie 18 cây số, một người tài xế xe hơi nghe thấy một tiếng nổ mạnh vội hãm xe lại thì trông thấy ở gần đường hòn đá ở trên trời rơi xuống. Hòn đá nung đỏ ấy đào thành một cái hốc độ mười lăm phân đường kính và cắm sâu xuống đất mềm vì những trận mưa lớn những ngày hôm trước. Buổi chiều khi người ta lấy hòn đá ấy lên thì đá vẫn còn nóng. Có nhiều mảnh vụn rải rác ra ở trên mặt đất.

Nặng chưa được một cân, mảnh sao nhỏ ấy thoạt trông tưởng không có giá trị gì nếu đem để bên những mảnh sao lớn ở trong những bảo tàng Mỹ. Vì hòn đá nặng có 892gr. ấy chỉ là một vật rất tầm thường ở cạnh một khối lớn 36 tấn mà xưa kia nhà thám hiểm Peary đã tặng nước Mỹ. Nhưng không phải vì sức nặng hay vì sự lớn nhỏ của nó mà cái khối ấy danh tiếng lừng lẫy.

Có thể có sự sinh hoạt!

Sự nghiên cứu mảnh sao ấy về phương diện hóa học khiến người ta thấy một điều lạ thứ nhất là xét ra trong cái khối do sắt và kền tạo nên ấy có chất đạm của động vật (azote organique). Một việc độc nhất về lịch sử những mảnh sao, vì tới nay người ta đã nghiên cứu có hàng nghìn mảnh sao mà không bao giờ thấy dấu tích cái chất “sống” ấy. Vậy đó là một việc phát minh đã khiến giáo sư Lipman hết đỗi sung sướng vì ông đã cặm cụi nghiên cứu biết bao nhiêu năm nay để cố tìm dấu vết sự sinh hoạt trong những mảnh sao. Nhà thông thái xem xét nhiều mảnh lấy ở tận giữa mảnh sao ra. Vì người ta biết rằng sự đi nhanh của những trái đạn ấy trong không khí khiến cháy nóng ở phía ngoài và giết chết những vi trùng ở đây. Vậy phải tìm ở tận phía trong nếu ta muốn thấy mầm sống ở vị hành tinh nhỏ xíu ấy.

Sứa soạn đây đấy rồi, nhà sinh lý học tiến hành những cuộc nghiên cứu rất cẩn thận. Để loại bỏ những vi trùng của trái đất có thể bám ở ngoài vỏ, trước hết người ta phải hấp những mảnh vụn của mảnh sao rồi đập ra và nghiền tất cả thành bột. Sau dùng những ống thủy tinh có chứa đầy một chất đông (gélatine), nơi rất lợi cho sự sinh sản của vi trùng, để thu lấy bột kia.

Đến thời hạn, người ta mở những ống trên ra.

Cái mà thứ viễn kính tốt hơn hết chưa bao giờ tìm ra, giáo sư ở Californie kia đã nhìn thấy qua kính hiển vi: những sinh vật rất nhỏ ở một thế giới khác lại!

Chắc chắn có sự sinh hoạt!

Những vệt xám hiện ra trước mắt ông: đó là những toán vi trùng, hình dài như những cái que rất nhỏ hai đầu có lông cử động được, giống một thứ vi trùng ở trái đất mà những nhà thông thái gọi là spirillum vubrum.

Không biết những sinh vật lạ lùng ấy ăn gì để sống ở trong giữa mảnh sao kia? – giáo sư tự hỏi như thế.

Lẽ tất nhiên là chất đạm của động vật người ta đã tìm thấy ở trong ấy.

Để tới trái đất ta, những sinh vật kia đã phải trái qua những khoảng không trung không có không khí, cũng không có nước, và ở đấy thời tiết rất lạnh.

Có phải thực chúng đã có thể chống lại được với những điều kiện rất không thích hợp với sự bảo tồn của cuộc sinh hoạt như thế không? Muốn biết rõ, giáo sư Lipman để chúng vào một chỗ không có không khí và lạnh dưới 200 độ. Rồi 6 tuần lễ sau, lại đưa chúng ra dưới kính hiển vi… những sinh vật kia vẫn sống sót sau cuộc thí nghiệm dữ dội ấy.

Nhưng nếu có vi trùng ở những hành tinh khác thì những hành tinh ấy phải có hay có thể có những động vật khác lớn hơn, đầy đủ hơn. Những vật ấy thế nào? Chưa ai biết tới.

Dù sao, việc phát minh của giáo sư Lipman cũng là một trong những việc phát minh tốt đẹp nhất của thế kỷ này. Lần thứ nhất nó mang lại một chứng cớ, theo phương pháp khoa học, rằng có thể có sự sinh hoạt ở ngoài Trái đất của ta.

(Je sais tout)

M. dịch

ĐỖ THIÊN THƯ st.


CHỮA BỆNH BẰNG PHƯƠNG PHÁP

NỘI KHOA TÂM LÝ QUA TRUYỀN HÌNH

THÙY DƯƠNG

Vào khoảng giữa thập niên 80 của TK trước, một lần tôi được một chị bạn dẫn đến nhà một người quen của chị để xem một cuốn băng video về một buổi chữa bệnh bằng “Nội Khoa Tâm Lý qua truyền hình”.

Người chủ trì buổi chữa là Bác sĩ Anatoly Cikanovic (có thể tôi viết sai chánh tả) người Nga – ông chính là Bác sĩ Nội khoa Tâm Lý tại một bệnh viện lớn và cũng là người đã phát minh ra cách chữa bệnh qua truyền hình này với hiệu quả làm hàng trăm ngàn người trong nước Nga kinh ngạc ngay từ mấy buổi đầu và ông được các đồng nghiệp tôn vinh học hỏi.

Có lẽ một số vị ở đây đã được xem hay nghe nói về những cuốn băng chữa bệnh này cách đây mấy chục năm. Nhưng sao nay không thấy ai nhắc tới nữa? Gần đây do một sự tình cờ tôi lại có được mấy cuốn băng này trong tay, còn mới tinh! Tưởng rằng để lâu năm quá nó không còn chạy được nữa bèn vứt nó vào một xó. Nhưng vừa rồi đem cái đầu Video ra lau chùi sạch sẽ rồi nghe thử thì thấy 2 cuốn băng vẫn còn rõ như mới, cả hình lẫn tiếng, chỉ có vài đoạn bị nhấp nháy thôi. Trong vài buổi xem tôi đã thấy bệnh huyết áp bớt ngay rõ rệt, giống như hôm đi Vườn Lạ Long An. Thay vì mỗi ngày phải uống 4 viên thuốc thì nay chỉ còn 1 viên, có hôm không uống.

Để quý vị có được một cái nhìn khái lược về phương pháp chữa bệnh này, cơ chế tác động và hiệu quả kỳ diệu nhanh chóng của nó trên hàng vạn bệnh nhân, trước khi mời quý vị xem hai cuốn băng (nếu được CLB cho tổ chức vào một buổi nào đó), tôi xin phép được mô tả sơ qua về các buổi chữa bệnh mà tôi đã xem trên băng video này.

Buổi chữa bệnh được diễn ra tại hội trường lớn của Đài Truyền Hình Trung Ương hoặc nơi thành phố Bác sĩ làm việc hoặc một thành phố khác khi ông được mời. Khán giả có cả ngàn người, già trẻ lớn bé, đa số là bệnh nhân. Buổi truyền hình trực tiếp được phát đi toàn quốc. Mở đầu, như thường lệ, Bác sĩ đọc những bức điện tín hay thư vắn tắt của các bệnh nhân từ khắp nơi trong nước, báo cáo kết quả kỳ diệu mà họ đã đạt sau vài buổi chữa, lời cám ơn và đề nghị. Các bức điện được xếp loại theo các chứng bệnh, đa số là các khối u lành hay ác tính có cái bằng quả trứng gà đã biến mất sau vài buổi chữa. Nhiều bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nhưng chỉ qua 3 buổi chữa bệnh đã rút lui không cần mổ nữa. Rồi những người bị liệt hoặc đau khớp nhiều năm không đi đứng được chỉ qua vài buổi chữa đã đi được. Phổ biến nhất là các vết sẹo dài do mổ từ mấy chục năm nay bỗng biến mất, kể cả vết sẹo trong tim, phổi (có giấy chứng). Nhiều mái tóc bạc biến thành đen, có người bắt đền Bác sĩ “Làm sao cho tóc tôi trở lại bạc, tôi già rồi tôi không thích tóc đen!” Lại có người răng bị hở đáng lẽ phải đi Nha sĩ trám nhưng bỗng nhiên liền lại, chỗ răng sâu bị đen trở thành trắng. Tổ xếp loại thư từ cho biết trong vòng 5 – 6 buổi chữa đã nhận được trên 25 vạn bức thư và điện tín! Đủ các thứ bệnh như ung thư, bệnh tiền liệt tuyến, tiểu đường… được chữa khỏi sau vài buổi chữa. Ngoài ra Bác sĩ còn có biệt tài giải tỏa cơn đau tại chỗ, bệnh nhân xem buổi chữa về có thể đi nhổ răng không cần thuốc tê, hoặc nhờ Bác sĩ trợ giúp mổ không cần gây tê.

Sau phần đọc điện tín và thư đến phần phát biểu của khán giả. Một Bác sĩ nội khoa tâm lý đã từng viết Báo đả kích ông nặng nề được mời lên phát biểu. Ông này đã hối hận biết mình sai và nay đã hết lòng ủng hộ Bác sĩ . Họ đã trở thành những người bạn thân thiết cùng theo đuổi một mục đích cao đẹp. Tiếp theo các bệnh nhân được mời lên phát biểu báo cáo kết quả, có các Bác sĩ chuyên khoa đã được mời theo dõi và chứng minh một số bệnh nhân có kết quả rõ rệt nhanh chóng. Nhiều người thắc mắc không biết buổi chữa bệnh được bắt đầu từ lúc nào đây, nhưng Bác sĩ cho biết không thể biết được chính xác, có thể ngay từ khi cuộc họp bắt đầu, tùy theo tâm thái và cảm xúc của mỗi người, có người đã nhận được ngay những tín hiệu tốt từ ông gửi đến và trong cơ thể họ đã bắt đầu có sự chuyển biến tốt, có người chậm hơn.

Về cơ chế tác động, mới xem qua nhiều người có thể nghĩ rằng Bác sĩ đã dùng phép ám thị và thôi miên đối với bệnh nhân. Nhưng không hẳn thế, có lẽ Bác sĩ đã dùng cả 2 liệu pháp này, khi phối hợp, khi tách rời xen kẽ. Bởi trong khi nói chuyện Bác sĩ luôn căn dặn bệnh nhân không nên cố ý tập trung nghe những lời tôi nói mà có thể nghĩ về bất cứ điều gì bạn đang nhớ tới, có thể nhắm mắt hay mở mắt, đừng cố ép mình thư giãn. Một số người có động tác bất thường như xoay đầu, cử động tay chân, múa may cũng không sao.

Ở nhà xem qua truyền hình cũng có thể vừa xem vừa nói chuyện hay đọc sách báo, nhưng nên để xa những đồ vật nguy hiểm phòng khi múa may đụng phải! Có người trong buổi chữa máy truyền hình bị tắt tiếng, chỉ xem hình vẫn có hiệu quả. Có em bé 4 tháng tuổi sau buổi chữa khỏi được vết loét ở bẹn.

Còn một vấn đề mà chắc hẳn nhiều người đang thắc mắc muốn biết: Làm thế nào để mang đến cơ thể người bệnh một sự chuyển biến nhanh chóng để có được những kết quả kỳ diệu như phép lạ vậy? Cụ thể như những vết sẹo sâu ngoài da biến mất mà Tây Y cho biết không thể nào làm mất được ngoại trừ cấy da, ghép da…

Chúng ta đã biết Tạo Hóa đã ban cho cơ thể con người một khả năng tự điều chỉnh rất kỳ diệu, không cần đến sự can thiệp của thuốc men hay phương pháp trị liệu bên ngoài. Không chỉ con người mà cả các loài động vật khác hay thực vật cũng vậy. Con cua gãy càng còn có thể mọc lại càng mới. Các thú vật bị thương nhẹ chỉ liếm bằng lưỡi với nước dãi là hết. Chó, mèo không biết ăn lá cây nhưng khi bị bệnh cũng biết đi tìm một vài thứ lá cây đặc biệt ăn vào để tự chữa. Đó là những tiềm năng bí ẩn chưa lý giải được. Tuy nhiên khả năng tự điều chỉnh này cũng có giới hạn, nhất là ở con người mà những ham muốn quá đà thường khó kiềm chế, hoặc đôi khi việc dùng thuốc men hay chữa trị không đúng cách nên mới dẫn đến những bệnh tật phức tạp. Đông Y cũng cho rằng hầu hết các bệnh nội thương là do thất tình. Nghe câu này chắc nhiều cô cậu trẻ phải giật mình! Thật ra thất tình ở đây là hỉ, nộ, ái, ố, ai, dục, lạc. Những cảm xúc này thái quá, hay bị dồn nén cũng dẫn đến bệnh tật khó chữa. Ngoài ra đối với khoa tâm lý trị liệu thì ai cũng biết lòng tin tưởng, lạc quan là yếu tố tiên quyết để thắng bệnh tật. Bác sĩ Anatoly hẳn đã biết rõ điều này và khả năng tự điều chỉnh kỳ diệu của cơ thể con người nên đã tìm cách tác động hết sức nhẹ nhàng và luôn luôn tạo niềm tin tưởng lạc quan cho bệnh nhân bằng cách kết hợp ám thị và thôi miên để trong khoảnh khắc có thể chạm tới một mắt xích của đường dây tự điều chỉnh trong cơ thể con người. Và từ đó lập tức phản ứng dây chuyền sẽ diễn ra một cách hoàn hảo, mang lại những kết quả tưởng chừng như phép lạ!

(Còn tiếp)

THÙY DƯƠNG

BẠN TÔI X

Sáng hôm chủ nhật tuần trước, ngồi chơi với bạn tôi trên bãi biển ở Vũng Tàu, tôi hỏi thăm anh về công việc của anh lúc này ra sao, và được anh cho biết là anh đang tự cho mình được nghỉ trong 6 tháng để chỉ rong chơi và đọc sách, sau đó tính sau… Tôi hỏi tiếp: “Vậy lúc này anh đi như ngựa vía và ít khi có nhà phải không?” Anh đáp: “Lúc này trái lại, tôi rất ít khi đi ra ngoài, và cảm thấy rất hạnh phúc khi không phải ra đường, vì lúc này trời oi bức quá!” - “Vậy thì lúc này ở nhà anh làm gì? Chắc là cả ngày ôm cái máy tính hả, hay là xem phim Hàn quốc?” Anh cười và nói: “Cậu nói đúng mình lên mạng luôn nhưng mỗi lần chỉ để xem có thơ không thôi, thời gian còn lại đúng là mình xem phim, nhưng không phải phim Hàn quốc mà là phim Đại Việt.” Tôi bảo anh: “Anh có gan xem phim Đại Việt thì anh giỏi thật, thiên hạ lúc này chỉ ham xem phim Đài Loan, Hàn Quốc, ít ai xem phim Đại Việt!” Anh giải thích: “Đấy là vì cậu không biết, người mình có nhiều phim rất ư là hấp dẫn, đâu có thua gì Hàn Quốc hay Đài Loan? Mình xem rất thích, ngoại trừ một điều làm mình hơi buồn”. Tôi xen vội vào, và ngắt lời anh: “Biết ngay mà! Anh thì lúc nào chả ngoại trừ… chả nhưng … chả tuy nhiên…” Đến lượt anh ngắt lời tôi: “Muốn biết cậu xét đoán tôi như vậy là có đúng không, cậu cần biết điều gì làm tôi buồn với phim Đại Việt đã rồi hãy nói vậy!”. Tôi hưởng ứng ngay vì thấy anh nói có lý: “Vâng xin anh kể cho nghe điều gì làm anh buồn”. Anh chậm rãi nói: “Cậu biết không, trong mỗi phim người xem sẽ phải nghe ít lắm cũng là trên 20 chục lần Ô Kê (OK), Oao, (Wow), và Bái bai (Bye- bye) khiến mình có cảm tưởng là các diễn viên không phải là người Việt mà là Mẽo nai (Mỹ lai). Đã thế lại còn rất nhiều lúc kể cả con nít lẫn thanh niên, đều văng những bàn tay ra phía trước, đập vào những bàn tay của những bạn bè đối diện rồi loe miệng hét to de…e (yeah!), nghe mà muốn chạy vô nơi đó… để Lê văn Nôn và Trần văn Ọe. Nói tới đây anh nhìn tôi với ánh mắt buồn buồn và nói: “Cứ đà này rồi những thế hệ sau con cháu chúng ta sẽ lên đường để tiến xa hơn trên con đường… mất gốc”. Rồi anh nói thêm: “Cậu biết không, ngay lúc này đi ra ngoài phố cũng hơi bị buồn vì có những đoạn đường trên đó đầy nhóc các bảng hiệu bằng tiếng Anh, chả thấy bóng vía tiếng mẹ đẻ mình đâu cả, mà có phải là thứ tiếng Anh bình thường đâu? Có những chỗ dùng những thứ tiếng Anh, ngoại nhân đọc phải cũng muốn xỉu luôn! Trước đây mấy chục năm mình nhớ đã có lần nhà nước ra lệnh phải bỏ hoặc để tiếng Anh một cách hợp lý trên các bảng hiệu, nghĩa là tiếng Việt phải để lên trên, và phải để to hơn tiếng nước ngoài. Được một thời gian ngắn rồi dần dần, và ngay giờ phút này, lại vũ như cẩn và còn tước hơn trệ nữa, khiến cho mình khi ra đường, đang đi trên đất nước quê hương yêu dấu mà cứ có cảm tưởng xấu là mình đang đi ở tiểu bang Oklahoma, O-kla- hô-quỷ gì ở mãi tận bên nước người vậy. Rồi! cậu thấy cậu đã vội xét đoán hơi sai về tôi chưa?” Tôi phải công nhận là anh nói có lý, vì đúng là đáng buồn khi đi trên quê cha đất tổ mà có cảm tưởng mình đang lạc lõng trên đất nước quê người. Điều anh kể làm tôi nhớ tới một chuyện tức cười mà một mẫu hậu của tôi một hôm kể lại cho tôi nghe. Bà ta kể rằng một bữa bà ta đi với Tước, một người bạn khác của tôi, và là em họ của bà ta, vào một cửa hàng ở trên phố và thấy cửa hàng đó để ngay trên cổng ra vào ba chữ “Shop and Go”. Bà ta hỏi Tước ba chữ đó có nghĩa tiếng Việt là gì, vì bà không biết tí tiếng Anh nào, thì bà ta được Tước dịch cho nghe là ba chữ đó có nghĩa là “Mua rồi xéo” vì Tước giải thích: mua xong thì cuốn xéo về nhà, chứ chả lẽ ở lại tiệm của người ta… mà ăn vạ à! Nhớ lại chuyện này tôi vội xin lỗi bạn tôi, và hỏi thăm anh về một cuốn thơ tình gồm chín bài mà anh đã dịch cho một nhà thơ rất nổi tiếng từ mấy năm trước, nhưng mới được in, và mới được Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây giới thiệu mấy ngày trước đây bằng một buổi lễ cho ra mắt tập thơ. Tôi hỏi vì tôi có xem trên mạng buổi lễ giới thiệu đó, có thấy tên anh phụ trách bản dịch tiếng Anh và tên một nhân vật rất quen thuộc phụ trách bản dịch ra tiếng Pháp, vì đây là một tập thơ tam ngữ Việt-Anh-Pháp. Thấy tôi hỏi về tập thơ Trinh Thiêng mới được in và giới thiệu, anh cho biết đương nhiên là anh cũng vui vui mỗi khi có thêm được một đứa con tinh thần, tuy nhiên niềm vui không được toàn vẹn cho lắm. Tôi hỏi tại sao và được anh giải thích như sau:

“Cậu biết không, tuy mình không quen biết gì người dịch phần tiếng Pháp cuốn Trinh Thiêng, mà mình thì là người dịch phần tiếng Anh, nhưng mình biết ông ta hơn mình hai tuổi, và là một nhân vật rất quen thuộc; nhất là gần đây mình có được đọc mấy bài ông ấy góp ý về mấy bản dịch trên trang web Vanchuongviet mà mình thấy thinh thích, nên khi thấy tên ông ta nằm chung trong cuốn Trinh Thiêng, mình thấy vui vui và yên tâm lắm, nhưng tiếc rằng khi nhà thơ tác giả gửi sách tặng, thì mình thấy bớt vui vì có mấy chỗ bản dịch của ông ấy khác với bản dịch ra Anh ngữ của mình, mà trong cùng một cuốn thơ mà hai bản dịch ra hai ngôn ngữ khác nhau không phù hợp thì hơi buồn cho cả tác giả lẫn những người dịch. Tôi bảo anh: “Khi nào về anh làm ơn cho mình xem các điều khác biệt đó ra sao?” Anh bảo tôi: “Được rồi! Tôi cho cậu xem liền”. Miệng nói tay anh thò vào túi xách để ngay dưới chân cái ghế xếp anh ngồi, thì ra đi chơi nhưng anh cũng mang tập thơ theo để đọc. Và sau đây là mấy điều anh thắc mắc:

1/ Nơi trang 1 của cuốn thơ Trinh Thiêng. Trong bài thơ nhan đề là Ân Phúc Thơ, dòng đầu tiên (ngay dưới tựa đề) nhà thơ BMQ viết: “Lăn lóc nghìn đêm lửa đạn” và câu này đã được chuyển ngữ sang tiếng Pháp là”

Mille et une nuits dans le feu de la guerre”.

2/ Trang 10 trong sách ngay dưới tên bài thơ Giấc Xuân, nhà thơ có lời đề tặng: “Tặng các bạn cùng thế hệ của tôi”, câu này được dịch ở trang 12 là: “Aux amis de mon âge

3/ Trang 30 trong sách, tựa đề bài thơ “Trinh Thiêng” được dịch sang Pháp văn là “Virginité sacrée”.

Bạn tôi cho biết anh thắc mắc là sao “Nghìn đêm” lại thành “Mille et une nuits” là Một nghìn lẻ một đêm? Tại sao “cùng thế hệ” lại thành “de mon âge” là “trạc tuổi tôi” (ngoài định nghĩa là tuổi, chữ “âge” chỉ còn có nghĩa là thời đại). Và sau cùng là hai chữ Trinh Thiêng lại được chuyển ngữ thành “Trinh tiết” trong khi nhà thơ muốn nói tình yêu trong thơ của ông là trinh thiêng.

Nghe anh nói tôi cảm thấy các thắc mắc của bạn tôi là có cơ sở, nhưng biết làm chi được khi cuốn thơ đã được in ra và phát hành, tôi đành an ủi khéo bạn tôi là “biết đâu khi tôi đưa bài này lên mạng, người dịch sẽ tình cờ đọc được, và lên tiếng giải đáp những thắc mắc của anh”.

Nghe tôi an ủi khéo, anh mỉm cười, nhún vai và nói: “Có thể lắm…”

Vũ Thư Hữu


BA ĐÀO

ĐÀM LAN

N gôi nhà tôi cần tìm nằm sâu trong một ngõ nhỏ, hai bên đường mướt xanh những tán lá, mùi hương thoang thoảng của hoa và quả chín như ướp vào mũi, cho tôi một cảm giác thật dễ chịu, một cảm giác nhẹ nhàng thư thái. Một khoảng không gian bình yên, tĩnh lặng, tách biệt khỏi khu đô thị ồn ào náo nhiệt tiếng xe cộ gần như suốt ngày đêm chỉ độ mươi cây số là cùng. Phải chăng vì thế mà Trọng Đình chọn làm chốn lui về? Một cái tin bất ngờ gây nhiều tranh cãi trong giới anh em “bán chữ” chúng tôi. Một cặp từ vừa có tính khôi hài vừa có tính tự trào mà vui miệng chúng tôi tự gán cho cái nghiệp của mình. Có người cho là châm biếm, mỉa mai, cũng được, có sao đâu khi một vấn đề có thể nhìn từ nhiều góc độ, cũng như chuyện của anh Trọng Đình vậy. Những thông tin từ nhiều phía không làm tôi bận tâm là mấy, vì thừa hiểu tính hành lang của nó, điều chủ yếu là nguyên do của những thông tin. Trọng Đình là bậc đàn anh của lớp trẻ chúng tôi, nếu muốn tôn xưng hơn nữa thì phải gọi anh là “Thầy”, nhưng anh không thích danh xưng này, nghe vừa xa cách vừa kiêu mạn. Vốn theo đuổi cái nghiệp gian nan này từ nhỏ, anh đã phải trải qua không biết bao là trở ngại. Ai cũng biết, nghệ sĩ là người chỉ muốn sống cho cái đẹp, chỉ muốn góp hết sức mình cho những giá trị tinh thần của cuộc sống, và chính vì thế gần như đối lập hoàn toàn với kinh tế, mặc dầu vẫn luôn phải phụ thuộc vào nó. Cái nghiệp văn chương lại là thứ đeo đẳng bám riết như nợ nần, người cầm bút cứ muốn trải hết lòng mình ra giấy, bởi cuộc sống chung quanh luôn có những điều trăn trở. Đó là tâm tư của những người cầm bút chân chính. Trọng Đình là một người như thế. Văn và báo chiếm cả hai tay, cuộc sống gia đình không mấy khi dư dả, nhưng nếu ai bảo đổi cây bút để lấy một thứ có giá trị vật chất thì không bao giờ. Anh thường nói “Văn chương là chiếc cầu nối tình người. Chúng ta đem rao bán cái nhân tình, thì chúng ta phải biết biểu thị cái nhân tình của chính chúng ta trước đã. Đừng có viết một đàng, xử sự một nẻo. Tất cả sẽ chỉ là sự vô nghĩa, sáo rỗng khi bản thân chúng ta không là một thực nghiệm. Viết - trước hết là Sống đã”. Đại loại là những lời rất tâm rất tình của anh mỗi khi có dịp trò chuyện với chúng tôi. Một vài tay trong số chúng tôi có được chút tên tuổi ngày nay là cũng nhờ công dìu dắt của anh. Và quả thật, anh không hề có sự mưu cầu hay tư lợi những cái được cho mình. Dù lớn hay nhỏ, anh đều muốn có sự minh bạch, thẳng thắn, vì thế mà người ưa anh cũng nhiều, người ghét anh cũng lắm. Chẳng sao cả, ở đời chuyện yêu ghét là thường tình, chỉ cần mình không thẹn với lương tâm là đủ. Vậy đó, thế mà không hiểu sao, sau một chuyến công tác dài ngày ở Hà Nội về, tôi nghe nói anh tuyên bố gác bút. Rõ là một điều khó tin, nếu không phải là thật, thì ai? Và vì lý do gì mà tung ra cái tin ấy? Còn nếu là thật, thì phải có chuyện gì ghê gớm nghiêm trọng lắm xảy ra, anh mới có một động thái gay gắt như vây. Bởi nếu phải từ bỏ một niềm đam mê đã thấm lậm vào tận máu thịt, thì chẳng khác nào người ta phải từ bỏ cuộc sống của mình. Muốn rõ đầu đuôi, chỉ có một cách tìm gặp anh, xem anh có dốc bầu tâm sự. Tôi lại càng nghĩ ngợi hơn nữa khi hỏi tòa soạn nơi anh làm việc, thì nghe nói anh vắng mặt cả nửa tháng nay rồi. Đến chỗ nhà anh vẫn ở thì họ bảo anh đã dọn đi. Chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cả. Tìm hỏi lung tung, cuối cùng tôi nghe được, hình như gia đình anh chuyển về khu này. Hình như cũng được, ít ra cũng có một mấu chốt. Hỏi thăm mấy người tôi mới đến trước ngôi nhà nho nhỏ này. Gọi là nho nhỏ vì nó lọt thỏm giữa mấy cái nhà xây cao ráo đẹp đẽ bên cạnh. Một ngôi nhà ván, lợp tôn, loại nhà phổ biến của những người có thu nhập thấp. Không biết có phải…

Còn đang nghiêng ngó, tôi chợt giật mình vì một tiếng sủa oăng oắc, chú khuyển bé mình mà lớn họng, dường như chú muốn tỏ rõ cái oai phong của chủ nhà, bốn chân choãi ra lấy thế, cái mõm cứ chõ thẳng vào mặt khách chả biết lịch sự là gì. Tôi bật cười, con vật cũng biết ra trò khẩu khí nữa là. Thoáng thấy bóng người đi ra, tôi reo thầm trong cổ họng “Đúng rồi” Còn lẫn vào đâu được cái dáng ôm ốm, ngăm ngăm cao vừa phải. Anh chợt cười rộng miệng khi nhận ra tôi:

- A, Phố hả? Về bao giờ thế?

- Em về mấy ngày rồi, hỏi thăm mãi mới tìm được anh ở đây.

- Ừ anh mới chuyển về đây, còn nhiều anh em chưa biết. Vào đi, sao chuyến đi gặt hái được nhiều chứ?

- Dạ cũng gọi là có cái để bày mâm dọn chén.

- Chà, ghê nhỉ. Chú đi cũng cả tháng đấy nhỉ?

- Vâng, hơn mấy ngày anh ạ.

Tôi theo chân anh vào nhà, gian nhà không bao lớn, một phòng khách, một phòng ngủ và bếp, nhưng trông gọn ghẽ, giản dị. Anh chỉ bộ bàn ghế mây:

- Ngồi đấy đi, đợi anh một tí. Lương ơi, đi mua cho bố cút rượu đi con.

- Thôi anh ạ, em có đem về cho anh chai Lệ Mật đây.

- Thứ đó để uống lúc khác, bây giờ uống rượu nút lá chuối khô thú hơn.

Nghĩa là cuộc rượu chiều nay ít nhất cũng kéo dài đến tối, không sao, đó lại là điều tôi đang muốn. Anh đi xuống bếp, tôi ngồi lại ngắm quanh. Trên hai vách tường đối diện nhau là hai bức tranh cũng có sắc độ tương phản nhưng trông lại rất hòa hợp. Một là cảnh một dãy núi cao với những lô xô bóng cây to rậm rạp, điểm thêm những dáng chim đang sải cánh, một là giữa đại dương mênh mông, một con tàu với cột khói to phăm phăm rẽ sóng, lác đác trong khối màu xanh ngăn ngắt là lấm chấm những hình đầu cá, đuôi cá. Cả hai bức tranh đều biểu thị một sự mạnh mẽ, hùng vĩ và khoáng đạt. Thiên nhiên luôn đem đến cho con người những cảm giác có ích. Hẳn bất kỳ ai đứng trước khung cảnh này cũng đều dậy lên trong mình một xúc cảm mạnh mẽ vững chãi. Những đồ vât khác trong gian phòng đều được kê xếp gọn ghẽ hợp lý, chừa ra một khoảng không gian đủ để tạo được một cảm giác hít thở nhẹ nhõm. Anh đi lên với cái khay trên tay, hai cái ly nhỏ, hai đôi đũa, một cái đĩa và một chén con. Thằng bé Lương cũng vừa về tới, tôi đứng lên đón những thứ mà hai bố con đang mang đến. Anh đổ ra đĩa gói gỏi mít, và túi nước chấm ra cái chén con. Vừa làm anh vừa nói:

- Cao lương mỹ vị ngon đến thế nào thì mình không biết, chứ tớ là tớ mê những món ăn dân dã này nhất. Vừa hợp khẩu vị, vừa hợp cả túi mình.

- Anh không thấy khối món dân dã giờ trở thành đặc sản cao cấp ở những nhà hàng đó sao. Dân dã nhưng nó mang đậm phong vị người mình, thực ra miếng ngon đâu ở chỗ đắt tiền, chỉ là khi ta ăn ta cảm thấy nó ngon, vì nó hợp với khẩu vị mình, chứ có đắt mấy mà mình không cảm thấy ngon thì cũng bằng vô nghĩa.

- Ừ, chú nói phải. Nhưng có một điều thật vô lý là, đôi khi dù người ta không cảm thấy ngon, nhưng cũng bỏ hàng đống tiền ra mà mua nó, rồi cuối cùng đổ tháo cả đi.

- Đó đâu phải là người ta mua cho mình một món ăn, họ đang mua một ý đồ, một mục đích khác đó chứ. Và khi đổ đi thì họ cũng chẳng biết tiếc đâu, bởi vì thứ nhất là họ không phải mua nó bằng chính đồng tiền mồ hôi nuớc mắt, thứ hai là khi họ đã đạt được điều họ muốn qua lối dẫn của nó thì coi như nó đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, tiếc làm chi cho hao ca lo.

Anh cười hà hà:

- Dạo này chú mày cũng miệng lưỡi ghê nhỉ.

- Người ta chỉ đi có một ngày đàng, đã có thể học được cả sàng khôn, huống là em đi ngược đi xuôi quanh năm suốt tháng lại không nhét được tí gì vào cái hộp sọ này thì chết dấp đi cho rồi.

- Nào nâng ly cạn cho một buổi chiều lý thú, nào…

Chạm nhẹ hai cái ly, tôi nhấp một ngụm, ngậm ngậm một chút ở đầu lưỡi để nghe vị cay nồng, thấm đậm lan dần xuống cổ, làm thêm ngụm nữa, hết một ly, tôi nghe nóng ra hết cả người, cảm giác bao mạch máu mình đang giãn nở và tuần hoàn. Tôi khà một tiếng khoan khoái:

- Đúng là “Cố sanh vi đắc” (Thực chất vẫn tốt hơn)

- Anh đã nói mà, ba cái rượu đóng chai vớ vẩn sao qua được thứ này. Nhà này họ nấu rượu mấy đời rồi, thuần gạo, không pha phách gì cả. Lúc đầu nghe giới thiệu, anh chưa tin, sau uống thử, quả đúng thế nên nghiện luôn.

- Những nơi sản xuất nhỏ lẻ mà giữ được uy tín lâu dài vậy là rất hiếm, nói không phải vơ cả chứ nhiều người chỉ đầu voi đuôi chuột, làm gì cũng chỉ được lúc đầu, có tiếng rồi lại ham lãi lớn đâm làm ẩu.

- Hạng người ấy là hạng nông nổi, ăn xổi ở thì, bất kỳ một hoạt động nào trong xã hội, nếu muốn tồn tại lâu dài đều phải cần có uy tín. Làm mất uy tín cũng có nghĩa là tự hại chính mình. Lại uổng cả bao công sức gây dựng.

- Đáng buồn là ở chỗ thường có rất nhiều người chỉ nghĩ đến cái lợi nhất thời, có thôi thì cũng đã vơ đẫy một mớ rồi.

- Chính những ý nghĩ hạn hẹp ấy mà nhiều khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả một cộng đồng. Hiện nay đất nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập, chỉ cần một thành phần nào đó không biết giữ chữ tín là có thể làm chậm bước tiến của cả dân tộc.

- Mình nói thế, một số người cứ cho là mình đao to búa lớn, thổi phồng vấn đề, chứ họ đâu có nghĩ mọi sự đều bắt nguồn từ những nhỏ nhặt nhất. À mà thôi, bây giờ không nói chuyện thiên hạ nữa, nói chuyện mình đi anh.

Tôi đột ngột chuyển đề tài khi chợt nhớ ra mục đích chính của mình. Anh gắp một gắp gỏi vào bát tôi rồi cười khà:

- Thì cứ từ từ đã, có người rồi khắc có ta, từ chuyện thiên hạ đến chuyện nhà có xa xôi gì.

- Nghe bọn họ nói đông tây lung tung cả, em sốt ruột chẳng biết thực hư ra sao. Anh cho em biết đi, chuyện xảy ra thế nào.

Anh cười kiểu không tròn vành môi:

- Mình thấp cơ kém cánh, không đủ tài đối chọi với thiên hạ thì lo tìm đường tìm nẻo mà cuốn xéo đi chứ sao.

- Này cái giọng mát mẻ, thẽ thọt như dao giấu lưỡi ở đâu ra đấy, đem đổi kiểu “xung hổ xổ toẹt” lấy nó à?

- Ngẫm mới thấy mình dại, vô cùng dại khi cứ mang phơi hết ruột ra, đã chẳng lấy lòng được ông to bà lớn nào lại dễ bị ăn đòn, cứ thơn thớt mà ăn người lại hóa hay.

- Anh tưởng muốn mà được à, cha mẹ sinh ra cái thân ta, ông trời ghép cho ta cái tính cách, có hay có dở thì cũng chết rứa rồi, thay mô được. Mà thế mới là mình chứ.

- Nhưng người ta khôn nên biết liệu thế mà đi với ma với bụt. Mình thì chẳng biết quẹo cua thế nào, cứ thẳng thừng thừng mà bước, có khi đâm sầm vào đá rồi mới biết đau.

- Ở đời biết thế nào là khôn là dại hở anh? Nhiều khi cứ tưởng mình khôn lắm, đến chừng cái trí khôn nó đột nhiên thức giấc mới biết mình đã từng ngu ngốc đến thế nào. Mà anh coi em là ma hay bụt, sao lại nói cái giọng ấy?

- Cái loại như chú mày mới là đáng sợ đấy “Rành rành thì ra bụt, thậm thụt lại ra ma”

Tôi bật cười, biết anh đang mượn tôi để ám chỉ ai đấy:

- Ừ thôi, bụt bụt ma ma gì cũng được, anh kể tiếp đi.

Trọng Đình sửa lại thế ngồi, nét mặt anh nghiêm hẳn lại:

- Anh hỏi chú, nếu để được tồn tại mà phải bẻ cong ngòi bút, chú có làm được không?

- Không, dứt khoát là không? Thà bỏ bút, chứ không bẻ bút.

Tôi nói ngay, anh gật gù rồi tiếp:

- Vừa rồi anh có làm cái phóng sự, phóng sự này đã ngốn rất nhiều thời gian truy tìm tư liệu của anh, mà mức độ thì không thể xem nhẹ. Nó lại đụng chạm đến một số tai mặt. Thế nhưng nó được lệnh đình in, với lý do lấp lửng “Có đôi chỗ cần xem lại”. Lúc đầu anh chưa nghĩ là nó có vấn đề, sau nhận được gợi ý là nên sửa sang lại một chút, mà những điểm phải sửa lại là những chi tiết then chốt của sự vụ. Anh nhất quyết không chịu. Ngay sau đó, nhận được vài cú phôn hăm dọa, đồng thời hứa hẹn một con số đáng kể. Đương nhiên những chiêu thức đó không có tác dụng với anh. Cuối cùng, cũng có kẻ ra mặt lăm le một cái mũ trên đầu. Còn lạ gì tiếng Việt mình phong phú và giàu có, một chữ hai ba nghĩa, hoặc hai ba chữ một nghĩa, khi đã cố tình thì đánh lệch ý chính của nó đi chẳng khó khăn gì. Tất nhiên là anh phải phản ứng, chúng nhân đó ghép anh vào thế, hòng gây sức ép để ỉm chuyện kia đi. Cậy thế cậy quyền, đập bàn vỗ ghế. Đáng nói nhất là trong đó có những tên tuổi xưa nay vẫn tự cho mình là dân trí thức. Thế mà chẳng phân biệt được đúng sai thế nào.

- Anh à, trí thức cũng năm bảy đường trí thức, có thứ trí thức vay, văn hóa mượn, bằng cấp mua, đâu cứ phải dán cái mác trí thức vào là đã thành người hiểu biết đâu. Anh có lạ gì cái loại ấy.

- Đúng chẳng lạ gì, nhưng nó lại có cơ hội trèo lên đầu lên cổ mình mới ức chứ. Anh cũng chẳng chịu thua đâu, khi cái phóng sự ấy chình ình trên mặt một tờ báo khác, thì cũng là lúc anh nhận quyết định thôi việc. Thừa biết đó là việc sẽ đến, anh cũng chẳng tiếc nuối gì một nơi không thuộc về mình. Muốn thì chẳng thiếu gì cách. Chứ vì miếng sống mà phải khom lưng cho bọn làm đủ cách để có được “ghế trên ngồi tót…” rồi ra “sỗ sàng” với mình thì không được.

Đến đây thì tôi đã hiểu tính chất của câu chuyện là gì. Buồn cho cái lề thói người đời, sao họ lắm thủ đoạn để mưu cầu lợi lộc, để che giấu bưng bít những xấu xa bỉ ổi của mình thế nhỉ?

- Đó là một vấn nạn không chỉ ở một góc một khóm nào anh ạ, anh thấy không, cứ vụ nào đưa ra tòa là toàn bao nhiêu tỷ lòi ra. Mà đã không tư cách, không thực lực, thì lại giỏi lẹo lươn bao biện. Không biết đến bao giờ mới hết được cái bọn làm nghèo đất nước ấy.

- Giá như trên sân cỏ ấy nhỉ, có một ông trọng tài công minh, hai thẻ vàng là thành thẻ đỏ để mà tiêu trừ những loại sâu mọt ấy đi. Miệng thì thơn thớt “Vị nghệ thuật, vị nhân sinh” nhưng tuồng một lũ vị kỷ cả.

- Thì nghệ thuật của chúng là ở chỗ đó đó. Khờ khạo như anh em mình sao biết cách thụi vào lưng nhau mà mặt cứ tươi như hoa được. Nhưng mà anh yên tâm đi, luật đời cũng công bằng lắm, có sự trừng phạt cả đấy. Đừng tưởng cứ nuốt trôi họng là tha hồ vênh vang, không đâu, ăn một nhả mười, thậm chí là trăm là ngàn nữa kia. Mà đã đến lúc nhả thì tận cùng vận hạn, có hối cũng chẳng kịp nữa. Mình cứ chịu khó sống khờ sống ngốc đi anh ạ, để con cháu mình còn được yên thân mà hưởng phước, chứ cứ khôn ngoan cho lắm vào rồi đời sau phải gánh bao nghiệp oan trái, tội cho chúng nó.

- Chú mày giỏi, hôm nay anh mơi công nhận là chú mày giỏi. Nào cạn chứ.

Đợi cho men rượu tan trong cổ họng, tôi mới tiếp:

- Nói đến vấn nạn của xã hội thì không bao giờ dứt được, kiểu này nó đẻ ra kiểu khác, kiểu sau bao giờ cũng tinh vi hơn kiểu trước, mình không làm được gì nhiều thì cũng phải cố góp chút công sức mà phanh phui mà ngăn chận, chứ đừng lùi bước anh ạ.

- Ai bảo chú là anh lùi bước?

- Em nghe họ bảo anh tuyên bố gác bút!

- Chú tin à?

- Không tin thì em mới tìm gặp anh cho được đấy chứ.

- Anh mà bỏ bút thì chú mày cũng đi tu.

Tôi cười nhẹ nhõm:

- Có thế chứ. Nhưng mà anh tưởng đi tu là yên thân à, không đâu, đó cũng là một tiểu xã hội, cũng không thiếu những thói tật thường tình đâu, cơ bản vẫn là do khí chất của con người thôi anh ạ.

- Chuyện trâu lành trâu ngã ấy mà, kể gì. Hơi đâu mà nệ cái dư luận. Có một sự trùng lặp là, cũng trong thời điểm đó thì anh lo mua cái nhà này, bao năm rồi chung chạ trong gia đình, chật hẹp tù túng, chắt bóp, tom góp cũng tàm tạm một chút này, không bì được với ai, nhưng là cái chốn của riêng mình là tốt rồi.

- Em thấy khung cảnh ở đây cũng dễ chịu. Chúc mừng anh.

- Nào, mừng thì phải cạn chứ.

Tiếng thủy tinh va vào nhau nghe vui tai, anh tợp xong một ngụm thì đổi giọng nghê nga “Nghiêng vai vì nghiệp ba đào. Ba đào mấy cũng… chứ ư bôn đào… thì à không… a…”

Cả hai chúng tôi cùng cười vang. Vừa lúc ấy vợ anh về, chị vui vẻ góp:

- Hai anh em có gì mà cười vui thế?

Đàm Lan


|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế