Hiện có 11 người xem / 2309536 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 11-9-2010

của CLB Sách Xưa và Nay

Như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốc sách mới, một cuốn xuất bản năm 1973 (37 tuổi) và một cuốn xuất bản năm 1986 (24 tuổi). Cả hai cuốn đều bằng Pháp văn. Cuốn xuất bản năm 1973 mang tựa đề là Đời Sống Tâm Lý và Tình Dục của các Vĩ nhân hiện đại (Psychologie et Sexualité des Grands contemporains). Cuốn này khổ 16cm x 24cm và dày 384 trang. Ngoài các chi tiết về đời sống tâm lý và tình dục của các vĩ nhân hiện đại (tuy dùng chữ hiện đại nhưng tác giả Jacques de Launay lại nói đến tất cả các nhân vật của thế kỷ thứ 18 như Nã Phá Luân đệ nhất, Danton, Mirabeau, thậm chí cả Lộ Y thứ 16 và sau đó là nói tới các nhân vật quan trọng khác như Lénin, Hitler, Mussolini, Churchill, Roosevelt, Stalin, Mao Tsé Toung, de Gaulle, Kennedy, vv… Tác giả mô tả khá đầy đủ về các nhân vật nói trên: nét mặt, tính tình, các cuộc tình, nét chữ, sức khỏe, vv… Cuốn sách thứ hai cũng bằng tiếng Pháp, mang tựa đề là Cuộc phiêu lưu của thế kỷ thứ 20, xuất bản năm 1986 tại Pháp do một nhóm tác giả (phần lớn là các nhà báo) và do sự chỉ đạo của một ông Hàn trong Hàn Lâm Viện Pháp tên là Alain Peyrefitte. Cuốn này dày 1150 trang, khổ 24cm x 31cm và cân nặng 6 kilos. Nội dung toàn bằng hình ảnh nói tới tất cả mọi sự kiện, mọi nhân vật chính trị, văn học, kinh tế, vv… trong những năm bắt đầu từ 1901 tới 1985. Cuốn này đã được mô tả khá kỹ càng trong “Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI” của dịch giả Vũ Anh Tuấn, đăng ở trong Bản tin số 52 vừa qua. Hôm nay nó được mang lại để giới thiệu với các thành viên để được nhìn thấy tận mắt và được mời ai muốn tham khảo thêm xin cứ tự nhiên liên lạc với chủ nhân cuốn sách.

Sau phần giới thiệu sách, một thành viên, anh Phạm Thế Cường đã giới thiệu bản dịch cuốn “NGƯỜI NÔNG DÂN ĐỒNG BẰNG BẮC KỲ” (Le paysan du delta Tonkinois) của tác giả Pierre Gourou (xuất bản vào những năm 30 của thế kỷ trước) mới được dịch ra tiếng Việt lần đầu. Sau phần giới thiệu của anh Cường, một thành viên khác, anh Trần Văn Hữu đã ngâm tặng các thành viên một bài thơ về lễ Vu Lan bằng giọng ngâm cực kỳ truyền cảm của anh. Sau khi anh Hữu ngâm thơ, bà Thùy Dương đã nói truyện sơ qua về việc bà được mời tham dự một hội nghị và về một phương pháp chữa bệnh bằng Đông Y. Kế đó, linh mục Triết vừa từ Đan Mạch và Âu Châu về, đã kể qua về chuyến đi dài 3 tháng ở Âu Châu và ở chủ yếu là Đan Mạch, và đã giới thiệu 3 cuốn sách cổ, 2 cuốn được in vào các năm 1660 và 1670 (thế kỷ thứ 17) và 1 cuốn năm 1860 (thế kỷ thứ 19) nhưng cuốn này đặc biệt ở chỗ có bìa làm bằng ngà (ivory) mà LM Triết đã mua được trong chuyến đi.

Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

VỀ MỘT CUỐN SÁCH

MÀ TÔI MỚI CÓ CƠ DUYÊN MUA ĐƯỢC

Vì tôi luôn nghĩ rằng 1 giây cũng là quá khứ, một đi không trở lại, nên tôi thấy đưa chuyện mới xảy đến này vào hồi ký cũng là bình thường thôi. Cách đây 4 ngày Anh D., một thành viên CLB gọi điện cho tôi hay là anh có một anh bạn muốn nhường lại một ít sách và rủ tôi cùng đi xem với anh tại nhà anh bạn đó. Được tin là tôi đi liền và tới nơi, sau vài phút lục lọi tôi đã gặp được cuốn Bần Nữ Thán, bản dịch của nhà giáo Phạm Xuân Độ, do Đắc Lộ Thư Xá in năm 1945, và do danh họa Mạnh Quỳnh, mà tôi vô cùng yêu thích, minh họa.

Được cuốn sách tôi rất mừng và, dù biết là tôi có thể mua được rất rẻ, tôi cũng đã trả một giá rất vừa phải để không có lỗi với cuốn quý thư và để tạ ơn anh D. đã giúp tôi có cuốn sách bằng cách giới thiệu tôi với người chủ sách là một người bạn thân cúa anh.

Tôi rất thích khi thấy người dịch là nhà giáo Phạm Xuân Độ, vì thứ tiếng Pháp ông dùng là tin cậy được, và hơn nữa, ông cũng đã làm đúng như cung cách Cụ Vĩnh dịch Kiều, nghĩa là ngoài việc dịch thành câu, còn có cả phần dịch từng từ một ví dụ như cũng là aussi, nữ là jeune fille, hạnh là conduite, vv…

Cho tới giờ này người ta vẫn chưa xác định được ai là tác giả, và tác phẩm này được coi là của một nhà nho sống trong thế kỷ thứ 19 và chắc tác giả khuyết danh này đã viết tác phẩm này trong những năm cuối thời Thiệu Trị (1841 – 1847) và vào đầu triều Tự Đức (1847 – 1883). Bần Nữ Thán là những lời than của một cô gái nghèo và vì nghèo nên chẳng được ai ngó ngàng tới, mặc dầu cô thông minh, giỏi và đẹp. nhưng ngày nay nhiều người cho rằng tác giả khuyết danh đã mượn chuyện này để tự thán về thân phận của chính ông ta vì trong tác phẩm có nhiều chi tiết liên quan tới nam giới hơn là nữ giới, như những chỗ nói về binh nghiệp, cờ bạc rượu chè, và hình ảnh một con rồng chờ gió để tung bay, vv...

Cuốn sách chứa đựng gần một chục minh họa cực đẹp do cố danh họa Mạnh Quỳnh vẽ.

Được cuốn sách, việc đầu tiên tôi hí hửng làm là tạo dựng ngay cho nó một “căn nhà ni lông” thật trong, thật đẹp, ý tôi muốn nói là đem bọc nó thật kỹ càng bằng 1 loại plastic mà tôi rất thích. Đây cũng là 1 cuốn sách sẽ là một người đẹp sẽ ở bên tôi cho tới ngày được Lão mời, vì tôi và Nàng đã hứa với nhau như thế…

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

-----

TIN TỨC TỪ CỐ ĐÔ HUẾ

Như tin các phương tiện truyền thông đã đưa về cuộc hội thảo với chủ đề "Thân thế và sự nghiệp của Linh mục Léopold Cadière", được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế - số 6 Nguyễn Trường Tộ, cố đô Huế - từ ngày 7 đến ngày 9/9/2010. Internet có rất nhiều bài viết về chủ đề này, nhất là mạng Vietcatholic. Ở đây người viết chỉ xin tóm lược như một thông tin nội bộ mà thôi.

1. Cơ quan tổ chức: đó là Ủy ban Văn hóa của Hội đồng Giám Mục VN, và Tòa Tổng Giám Mục Giáo phận Huế đứng ra tổ chức.

2. Địa điểm: Trung tâm Mục vụ Giáo phận Huế - số 6 Nguyễn Trường Tộ, Huế.

3. Thành phần tham dự: 13 Giám Mục, khoảng 60 Linh mục, hơn 100 tu sĩ nam nữ, đại diện Chính quyền các cấp, đại diện các tôn giáo bạn, các giáo sư, những nhà nghiên cứu và khách mời từ Lạng Sơn cho tới Cà Mau, tất cả khoảng 500 người, có những giáo sư từ nước ngoài về như Cha cựu Bề trên Hội Thừa Sai Paris (MEP), giáo sư Trần Văn Toàn từ Paris về. Như vậy cuộc hội thảo này không chỉ nội bộ Công giáo mà có tính toàn quốc và quốc tế nữa.

4. Nội dung hội thảo: 14 bài tham luận của các học giả, các giáo sư, các nhà nghiên cứu từ Paris, Hà Nội, Huế, Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Các bài tham luận xoay quanh 2 cột trụ: thân thế và sự nghiệp của Linh mục Léopold Cadière:

A. Thân thế :

Linh mục Léopold Cadière (Cố Cả) sinh ngày 14/2/1869 tại ngôi làng nhỏ "Les Pinchinats" miền Provence (Pháp), nội ngoại đều làm nghề nông, không có gì gọi là giàu có. Đến tuổi đi học, Léopold Cadière được gửi học ở trường làng, cậu ngoan ngoãn, học giỏi, được thầy yêu bạn quý. Tới lớp 7 thì mồ côi cha, cậu được học bổng nội trú để tiếp tục học. Hết bậc trung học cậu đi tu, được gia nhập Hội Thừa Sai Paris. Năm 23 tuổi cậu được thụ phong Linh mục và được sai sang truyền giáo tại Việt Nam, cập bến Đà Nẵng ngày 03/12/1892, việc đầu tiên của một Linh mục Thừa sai khi đến nhiệm sở truyền giáo là học tiếng địa phương. Linh mục Léopold Cadière học tiếng Việt rất nhanh, ngài học ngày học đêm, học với rất nhiều "thầy", kể cả các thầy cô "bình dân" quê mùa: một bà bán hàng xén ngoài chợ, một ông thợ cắt tóc, và đặc biệt với một "ông thầy chăn trâu" 11-12 tuổi, Lm. Cadière đã học được rất nhiều từ vựng, có lần ngài đã nói: "Học tiếng Việt không phải để nói tiếng Việt giỏi giống như họ, mà còn phải tâm tư nghĩ suy như họ".

Vị Giám Mục điều hành Giáo phận Huế thời đó là Đức Cha Caspar, đã sớm nhận ra khả năng của Lm. Cadière, nên đã hướng dẫn người về các nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử, dân tộc học, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật… kể từ đó sự nghiệp của Lm. Cadière được vạch ra và ngài đã rất nhiết tình, đồng thời cũng rất vất vả làm 2 công tác một lúc: giảng dạy, mục vụ và nghiên cứu.

1893-1895, giáo sư Tiểu Chủng viện An Ninh, rồi Đại Chủng viện Huế.

Tháng 10/1895, quản nhiệm xứ Tam Tòa (Quảng Bình) kiêm vùng Cù Lạc ở hữu ngạn sông Nguồn Sơn, một nhánh của sông Gianh, 6 năm ở vùng hẻo lánh này Lm. Cadière đã hoàn thành nhiều nghiên cứu về truyền thống địa phương, cũng thời gian này, ngài đã vào động Phong Nha đọc các dòng chữ Chăm ở Bi Động (có dư luận cho rằng ngài là một trong những người đầu tiên phát hiện động Phong Nha, lúc đó còn hoang vắng, rừng rậm, suối sâu, chưa có đường vào).

Năm 1901, vì kiệt sức được đưa về Pháp dưỡng bệnh, Lm. Cadière đã tận dụng thời gian này tới thuyết trình tại Đại học Louvain hai đề tài về "tôn giáo ở An Nam và chỉ dẫn thực hành cho các nhận định về tôn giáo" (ở VN). Hai tham luận này được giới thức giả đặc biệt lưu ý. Cũng thời gian này, Lm. Cadière được trường Viễn Đông Bác Cổ giao nhiệm vụ tới các văn khố quốc gia truy tìm các tài liệu liên quan tới mối bang giao giữa châu Âu và Việt Nam. Lm. Cadière đã sang Rôma tìm được trong thư viện Vatican thủ bản chép tay cuốn tự điển của cha Alexandre de Rhodes, nhiều tài liệu ghi mốc lịch sử hình thành chữ quốc ngữ. Tại thư viện Victor Emmanuel và thư viện Thánh bộ Truyền giáo ở Paris, ngài đã lục lọi tìm kiếm các thư từ trao đổi giữa vua Gia Long và các sỹ quan Pháp tháp tùng Giám Mục Bá Đa Lộc vào thế kỷ 18-19, ngoài ra còn tìm được tập hồi ký của Bénigne Vachet viết về Đàng Trong.

Trở lại Việt Nam, Lm. Cadière được đặt làm tuyên úy trường Pellerin ở Huế từ 1913-1918, trong thời gian này, ngài lập Hội Những Người Bạn Huế Xưa (L'Association des Amis du vieux Hue – AVH), với tập san Bulletin des Amis du vieux Hue (B.A.V.H), ngài làm chủ bút. Tờ báo này được người đương thời đánh giá là hay nhất ở Đông dương. Tập san kéo dài từ 1914-1944 mới đình bản do chiến tranh. Hội còn lập một thư viện. năm 1923 Hội bảo trợ để thành lập Musée Khải Định.

1918, Lm. Cadière được chuyển về Di Loan ở Cửa Tùng.

1928, vì đau tim, ngài phải trở lại Âu châu trị bịnh. Ngài đã tới Luxembourg đọc tham luận về "Gia đình và Tôn giáo ở Việt Nam", bài tham luận được đánh giá là rất sâu sắc.

Từ tháng 3/1945 đến tháng 12/1946, thời chiến tranh Nhật-Pháp-Việt Minh, ngài bị quản thúc ở Huế rồi ở Vinh 15 tháng.

Từ 1947-1953, với tuổi cao sức yếu, ngài được nghỉ hưu và được đề nghị về Pháp để an dưỡng, nhưng ngài từ chối với câu nói hết sức cảm động: "Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi, cho tôi được ở lại và chết ở đây".

Ngày 6/7/1955, Lm. Léopold Cadière qua đời và được an táng tại nghĩa trang Đại Chủng viện Kim Long (Huế), hưởng thọ 84 tuổi. Mộ phần của ngài vẫn còn tới nay.

Sáng ngày thứ hai của cuộc hội thảo (8/9/2010), tại nghĩa trang trong khuôn viên Đại Chủng viện Huế, các vị Tổng Giám Mục, các Giám Mục, Linh mục, tu sĩ và những nhân sĩ trí thức, những tham dự viên cuộc hội thảo, tổng số gần 1000 người đã cung kính niệm hương, bùi ngùi tưởng nhớ đến một vị Thừa sai đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam, với công trình nghiên cứu đồ sộ lưu lại cho hậu thế như một kho tàng sử liệu vô giá. Trong số những người viếng mộ có cả những cụ già trên 80 tuổi không thuộc thành phần tham dự hội thảo, nhưng khi nghe tin có lễ tưởng niệm, cũng đã đến viếng ngài với tấm lòng quý trọng tri ân, họ là những người học trò năm xưa của ngài. Sau khi viếng mộ, mọi người quy tụ trước Nguyện đường cử hành nghi thức truy điệu, cũng tại đây Đức Tổng Giám Mục Huế đã khánh thành tượng đài cha Cadière bằng đá cẩm thạch Non Nước do nghệ nhân Phan Chi Lăng ở Đà Nẵng kính tặng.

B. Sự nghiệp :

Hơn 63 năm sống tại Việt Nam, Lm. Cadière đã để lại 250 tác phẩm lớn nhỏ, đó là những công trình nghiên cứu khoa học về nhiều mặt trong lãnh vực văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục, ngôn ngữ, tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc… qua các công trình nghiên cứu trên, các nhà chuyên môn đã công nhận Lm. Cadière là một nhà Huế học chuyên khảo thực tế, một nhà Việt Nam học và Địa Danh học.

Ngài đã có công sáng lập hội Đô Thành Hiếu Cổ - làm chủ bút tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) từ 1914-1944. Cộng tác viên của tạp chí trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de L'Ecole Française d'Extrême Orient, BEFEO). Sáng lập viên Bảo tàng Khải Định, nhiều công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Indochine, đặc biệt nhất là tác phẩm "L'Art à Huế và Văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt", đã được dịch và xuất bản 1997, do nhà Xuất bản Văn Hóa Thông Tin. Nhà dịch thuật Đỗ Trinh Huệ đã dịch và xuất bản gần 10 đầu sách của Lm. Cadière và về Lm. Cadière.

5. Thời biểu hội thảo:

- Thứ ba (7/9/2010): buổi sáng 3 bài tham luận, buổi chiều 3 bài tham luận, sau các bài tham luận có tới 12 bài phát biểu ngắn bổ sung hoặc nhận định, mở rộng chiều kích của bài tham luận. Các bài phát biểu cũng rất sôi nổi.

- Thứ tư (8/9/2010): buổi sáng lên Đại Chủng viện Huế viếng mộ và truy điệu Cố Cả Cadière, khánh thành tượng đài và được giới thiệu bức tranh sơn mài rất quý hiếm đề tài Giáng sinh của 2 họa sĩ Đông Dương: Nguyễn Tiến Chung và Hoàng Tích Chú, thực hiện 1942, kích thước 1m4 x 2m – Buổi chiều có 3 bài tham luận và những bài phát biểu góp ý. Sau đó là buổi văn nghệ hoành tráng do các nữ tu, các ca đoàn và thiếu nhi giáo xứ Chính Tòa thực hiện, hướng về Hà Nội ngàn năm. Buổi tối có phiên chợ đêm văn hóa ẩm thực Huế rất tuyệt.

- Thứ năm (9/9/2010): cử tọa tiếp tục nghe các bài tham luận, các bài phát biểu sôi nổi và cuốn hút, dù đã sang ngày thứ 3 như giáo sư Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập nhà xuất bản Trí Thức nhận xét: "Những đề tài tham luận phong phú đã làm cho người nghe đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…".

Sẽ còn nhiều vấn đề và lãnh vực phải được tiếp tục nghiên cứu vì không thể nêu hết trong vỏn vẹn 3 ngày hội thảo. Trong buổi tổng kết, ban Thư ký đã tóm gọn 3 đề mục chính:

a) Lm. Léopold Cadière, một Linh mục Thừa sai, một con người của đức tin và đức bác ái. Nhiệm vụ hàng đầu của ngài là truyền giáo, ngài là vị Thừa sai nhiệt tình và đức hạnh, học tiếng Việt, tìm hiểu để hội nhập, để phục vụ đắc lực hơn, ngài xây dựng Nhà thờ, trường học, nhà thương, xưởng thợ… tất cả bộc lộ một trái tim nhân ái.

b) Lm. Léopold Cadière, một nhà nghiên cứu khoa học với nhận thức tinh tế, phương pháp nghiên cứu nghiêm túc, khách quan. Ngài thành công nhờ 3 yếu tố: tài năng, phương pháp và tâm huyết. Công trình của ngài là "những trang vàng" như đánh giá của giáo sư Chu Hảo, có giá trị cho đến ngày nay và mai sau, hoặc như đánh giá của nhà nghiên cứu Bửu Ý: "Cadière xuất chiêu trông bề ngoài có vẻ hời hợt mà nội lực thì thâm hậu khôn lường"; Giám Mục Võ Đức Minh thì thốt lên: "Những tham luận có giá trị đến nức lòng".

c) Đề xuất: các thuyết trình viên, những nhà trí thức tiếng tăm lỗi lạc đã đồng thanh đề xuất: "Đã đến lúc Huế phải tôn vinh Lm. Cadière,… cụ thể hơn cần một con đường, một thư viện, một trường học hay một quỹ văn hóa mang tên Cadière".

Trong phát biểu bế mạc, Đức Tổng Giám Mục Huế thay mặt Ban Tổ chức cám ơn các thuyết trình viên, các Giám Mục, Linh mục, tu sĩ, chính quyền các cấp, các đại diện tôn giáo bạn, các khách quý đã đến tham dự và đóng góp cho cuộc Hội thảo này.

6. Nhận định:

a) Về Lm. Léopold Cadière: tất cả tài liệu nghiên cứu đều viết bằng tiếng Pháp dù ngài rất thông thạo tiếng Việt, lý do là ngài muốn giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam cho toàn thế giới, vì thời đó ảnh hưởng của nền văn minh Pháp rất lớn, tiếng Pháp hầu hết các nước trên thế giới đều biết. Điều này nói lên tấm lòng yêu nước Việt Nam của Cha Cadière thật sâu sắc.

b) Về phía thuyết trình viên và những nhân sĩ lên tiếng phát biểu sau mỗi tham luận, mọi người đều nhận thấy một sự đồng thuận tích cực, trân trọng con người và những công trình nghiên cứu của Lm. Cadière, không một ý phản bác hoặc nghi ngờ về những giá trị văn hóa đã nêu. Dường như mọi người đều chấp nhận luận điểm: "Sau Cố Cả Cadière, không một ai mang danh hiệu nhà Huế học mà không tra cứu, tham khảo các công trình của cha Cadière".

c) Về phía các tham dự viên: một sự chăm chú và kiên trì theo dõi từ đầu đến cuối, buổi thuyết trình nào hội trường cũng đầy người, ai tới trễ là phải ngồi ghế "súp". Nguyên thái độ này đủ nói lên giá trị và sự thành công của cuộc hội thảo. Kẻ viết tường thuật này cũng từng được dự nhiều buổi thuyết trình và hội thảo nơi này nơi kia, bài đầu thì còn đông thính giả, bài 2 bài 3 thưa dần, nhất là sau khi đã nhận được cái "phong thơ" thì ghế bắt đầu trống.

d) Những màn "phụ họa" được tham dự viên đánh giá rất cao và chiếu cố triệt để, đó là chương trình văn nghệ hoành tráng, buổi chợ đêm văn hóa ẩm thực tuyệt vời, và nhất là phòng triển lãm ngay cạnh hội trường được đánh giá là một hoạt động văn hóa cao, hiếm thấy nơi các buổi hội thảo. Phòng triển lãm là một gian phòng khá rộng, thoáng mát, ngay tầng trệt, vách, trần ghép ván gỗ, chạm trổ theo phong cách Huế đặc sệt. Nội dung trưng bày gồm 4 mảng:

§ Mảng 1: Các tác phẩm, thủ bản, thủ bút của cha Cadière.

§ Mảng 2 : Bộ sưu tập Kiều gồm 24 bản Hán Nôm, 170 bản Kiều tiếng Việt và các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Rumani, Hàn từ đầu thế kỷ 20 tới nay, hơn 700 đầu sách nghiên cứu về Kiều và đại văn hào Nguyễn Du, hơn 700 tạp chí, báo ngày, tài liệu có những bài viết về truyện Kiều và Nguyễn du, 30 bức tranh sơn mài, sơn dầu, mầu nước, ký họa về Kiều, có những bức của những họa sĩ có tiếng như Nguyễn Tư Nghiêm, Tú Duyên, Kiều Trí, Nguyễn Thành Long… gần 20 bức thư pháp viết các câu Kiều trên giấy dó, do nhà thư pháp Giang Phong thực hiện, nhiều tượng Kiều, Kim bằng gốm sứ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 rất giá trị, bộ ấm chén trà và gần 1 chục cái chén (bát) bằng sứ Limoges (Pháp) đầu thế kỷ 20 có viết các câu Kiều – có tô, đĩa mai hạc với 2 câu thơ Nôm:

"Nghêu ngao vui thú yên hà,

Mai là bạn cũ, hạc là người quen "

Tương truyền là của Nguyễn Du đặt khi đi sứ Trung Quốc, đặc biệt có tấm thẻ bài bằng ngà đã ngả màu vàng ố, trên khắc 5 chữ Hán: "Phù Dực huyện Tri huyện" – Chúng ta biết rằng cụ Nguyễn Du đã từng làm tri huyện Phù Dực năm 1802, đứng về phương diện khảo cổ học mà xét thì tấm thẻ thuộc về thời đó. Ngoài ra còn rất nhiều vật dụng khác liên quan tới Kiều, như những chiếc đờn tỳ bà phím ngà, những băng đĩa ngâm Kiều, ca Kiều, đọc Kiều, một đĩa Cung Đàn Bạc Mệnh của nhạc sĩ Vũ Đình Ân, đã trình diễn ở nhà hát Hòa Bình cách nay mấy năm.

Nhà sử học Chương Thâu và những nhà nghiên cứu văn hóa rất tâm đắc với nhận định của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan: "Đây là một bộ sưu tập Kiều lớn và có giá trị".

§ Mảng 3 : Một thoáng Chăm Pa – Chúng ta biết vùng Thuận Hóa ra tới Quảng Bình, nơi cha Cadière sống và hoạt động vốn xưa là đất Chămpa. Một thoáng Chămpa trưng bày hơn 30 đèn dầu lạc đất bằng đất nung và đồng từ thế kỷ 5 trước Công nguyên tới thế kỷ 18. Mảng này chưa từng được trưng bày ở Huế.

§ Mảng 4 : Dấu ấn đức tin tại Hoàng cung –Triều Nguyễn lấy Thuận Hóa (Huế) làm kinh đô. Huế ngày nay được khách du lịch khắp năm châu biết đến vì đây là kinh đô triều Nguyễn với những công trình kiến trúc: cung, điện, lăng tẩm, không quá đồ sộ nguy nga nhưng có những nét độc đáo. Lịch sử cũng cho chúng ta biết các vua Nguyễn thời xưa có sự hiểu lầm về đạo Công giáo, có khi cũng do quần thần tấu sai và cũng có phần do những biến cố lịch sử thời đại đưa đẩy nên đã ra lệnh cấm đạo rất gắt, đã có cả 100.000 người tín hữu phải chết vì những sắc chỉ cấm đạo, từ sự hiểu lầm này cũng nảy sinh nhiều hệ lụy cho cả đất nước. Nhưng cuối cùng như một phép lạ của bàn tay Chúa, bà Nam Phương - một tín hữu Công giáo chính tông lại trở thành hoàng hậu An Nam, tay hòm chìa khóa trong cung cấm và lạ lùng hơn nữa, chính vua Bảo Đại – vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn lại cũng trở thành con chiên của Chúa, đây quả là một phép mầu và là một lời đính chính cho các tiên đế. Mảng trưng bày này gồm có một tủ kính của Đức Bà Từ Cung (quà tặng làm 1912); một hào quang khắc rồng 5 móng bà Nam Phương tặng dòng Thiên An Huế; một bức tượng trái tim Chúa được kể là của bà Nam Phương cho một người cháu ở Gò công trước khi đi Pháp, người cháu này để lại cho Cha Lục (Xuân Lộc), Lm. Nguyễn Hữu Triết xin Cha Lục nhượng lại và tặng cho Huế; một bộ trà "Tự Đức niên chế"; một chậu hoa và đĩa để chậu hiệu đề "Khải Định niên tạo"; một cây đèn thủy tinh do vua Khải Định đặt lò Sèvres (Pháp) làm và treo rất nhiều ở các cung, điện và lăng tẩm; một số đồ pháp lam Huế và một số đồ sứ thời vua Minh Mệnh và Tự Đức.

Với 4 mảng trưng bày kể trên, phòng triển lãm đã trở thành một dấu nhấn đặc biệt cho cuộc hội thảo, trong 3 ngày mở cửa, những giờ giải lao không lúc nào vắng khách tham quan.

Người tham dự,

Lm. Nguyễn Hữu Triết

PS : Các tài liệu tham khảo :

- Bài tường thuật của Hồ Vĩnh – tạp chí Sông Hương số 259, trang 54

- Bài tường thuật của Minh Phương – báo CG&DT số 1775, trang 18

----

Kinh thành Thăng Long

trở thành Thủ đô Hà Nội như thế nào?

Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), ngay sau khi lên ngôi vua ở kinh thành mới Huế, Gia Long đã cho một lực lượng quân sự lớn phối hợp cùng viên binh Pháp ra Bắc đánh chiếm thành Thăng Long. Tới năm Ất Sửu (1805) Gia Long cho triệt phá kinh thành Thăng Long với sự giúp đỡ của các kỹ sư và viện binh Pháp để thiết kế xây dựng lại theo kiểu thành Vauban của Pháp (1789), giống như thành Quy hay Bát Quái (Sài Gòn - 1790) trong thời kỳ Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đuổi chạy phải bỏ Phú Xuân vào Nam Bộ ẩn náu.

Tới vua Minh Mệnh thứ 12 (1831) đã ra chiếu chỉ sáp nhập huyện Từ Liêm thuộc tỉnh Sơn Tây vào phủ Hoài Đức cùng với phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam lập thành Tỉnh Hà Nội và sau đó, thành Hà Nội được xây dựng trên vòng đai Hoàng thành Thăng Long có từ đời nhà Lý (1010). Chiếu chỉ này còn thông báo cho dân chúng biết từ đây kinh đô “Thăng Long” không còn nữa mà đã được thành lập tại Phú Xuân (Huế).

Năm Mậu Thân (1848) vua Tự Đức năm thứ I sai phá dỡ các cung điện trong thành Hà Nội (Thăng Long cũ) lấy đồ chạm trổ, mỹ thuật bằng gỗ quý đem vào Huế để trang trí nội thất cung điện ở đây.

Do cõng rắn về cắn gà nhà của Nguyễn Ánh (1789) mà dẫn đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp năm 1858. Sau khi đã đánh chiếm Nam Kỳ, ngày 1 tháng 10 năm Quý Dậu (20/11/1873), quân xâm lược Pháp tiến ra Bắc hạ thành Hà Nội lần thứ nhất (Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nhịn ăn chết, con trai là Phò mã Nguyễn Lâm tử trận) và lần thứ hai vào ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ 25/4/1882 (Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết).

Ngày 19/7/1888 Tổng Thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Thành phố Hà Nội. Thành phố này được xếp vào loại thành phố cấp I (thành phố loại lớn). Lúc ấy, tổ chức hành chính của Thành phố Hà Nội giống với Thành phố Sài Gòn (thuộc địa của Pháp từ năm 1860) và Thành phố Hải Phòng. Ngày 1/10/1888 vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng hẳn ba thành phố là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho thực dân Pháp để trở thành thuộc địa và Toàn quyến Đông Dương Richard đã chuẩn y bằng Nghị định ngày 2/10/1888.

Ngày 23/7/1893 tỉnh Hà Nội đã là tỉnh thuộc địa của thực dân Pháp. Tòa Đốc lý Hà Nội quyết định phá nội thành Thăng Long cũ và thành Vauban Hà Nội để mở rộng thành phố. Từ đây, thành phố Hà Nội thay thế cho kinh thành Thăng Long. Dân chúng có câu thơ hoài cảm như sau:

Chót vót Thăng Long một cột cờ

Kinh thành ngày trước, tỉnh bây giờ!

Ngày 1/2/1894 (năm Giáp Ngọ) là ngày chính thức phá thành cũ, có hơn 500 công nhân làm việc phá dỡ do nhà thầu Auguste Bazin thực hiện. Từ năm 1894 đến năm 1897, trong vòng ba năm trời, toàn bộ thành Thăng Long cũ hầu như bị san bằng. Những viên gạch hầu hết sản xuất tại làng gốm Bát Tràng được dỡ ra còn nguyên cục được nhiều quan chức đem về xây nhà, còn đá ong, đá xanh chất đống nằm la liệt ở cửa Đông, lâu ngày cũng bị dân chúng chở đi hết. Như vậy, gần 900 năm (1010-1897), các cung điện huy hoàng của kinh đô “Thăng Long” qua các triều đại từ Lý, Trần, Lê tới đầu Nguyễn, từ ngày ảm đạm ấy đã thực sự tàn tạ hết, biết bao công sức của các nghệ nhân và nhân dân lao động với mồ hôi xương máu của các triều đại phong kiến đã tiêu ma theo các công trình kiến trúc mới.

Đó là một số công trình cai trị và những đường phố xa hoa để phục vụ quyền lợi của bọn cầm quyền thực dân xâm lược Pháp như: Phủ Toàn quyền, phủ Thống sứ, Tòa Đốc lý, ngân hàng Đông Dương, Tòa án, nhà tù Hỏa Lò, sở Đoan, sở Mỏ, sở Mật thám, sở Cảnh sát, nhà hát, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy rượu, nhà ga xe lửa, cầu Doumer (Long Biên), các trường học tây vv…

Một danh nhân thời ấy đã ngậm ngùi cảm tác:

Núi Tản, sông Lô vẫn núi sông

Thăng Long đầu bạc mắt mòn trông

Nghìn năm nhà lớn thành đường cái

Một mảnh thành con lấp cố cung!

Như vậy, các vua thuộc triều đại phong kiến nhà Nguyễn như: Gia Long (1805), Minh Mệnh (1831), Tự Đức (1848) và thực dân Pháp xâm lược (1893) đã góp phần triệt phá kinh thành Thăng Long. Ngày nay, các cuộc khai quật ở Hậu Lâu được ban ngành chức năng thực hiện đã có dịp đưa lên mặt đất trở lại nhiều di vật, kiến trúc, mỹ thuật xưa để làm sống lại

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

(Thơ Bà Huyện Thanh Quan).

Nhờ đó mà Thăng Long – Hà Nội mới có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm sắp diễn ra cuối năm 2010.

Từ năm 1946 đến năm 1954, đế quốc Pháp tái chiếm Việt Nam lần thứ hai. Năm 1950 thủ đô Hà Nội bị địch tạm chiếm, sau những ngày đông đảo dân quân đã hy sinh và Trung đoàn Thủ đô đã chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trước đó, trong những năm 1944-1945, quân Pháp và phát-xít Nhật đã gây ra nạn chết đói khủng khiếp ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, đã cướp đi mất 2 triệu đồng bào thân thương của dân tộc Việt Nam. Tuy sống trong vùng Hà Nội bị địch tạm chiếm nhưng mọi người dân đều hướng về cuộc kháng chiến chống Pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trong lòng mong sớm có một ngày những bộ đội “Cụ Hồ” về giải phóng Hà Nội. Và ngày ấy đã đến: 8 giờ sáng ngày 10/10/1954 các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam gồm các đơn vị bộ binh theo đội hình diễu binh của Đại đoàn quân tiên phong (F.308) tiến vào nội thành Hà Nội họp quân bên hồ Hoàn Kiếm trung tâm Thủ đô giữa lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió trên đỉnh cột cờ kinh thành Thăng Long cũ. Sau 8 năm bị thực dân Pháp chiếm đóng lần thứ hai, nhân dân và quân đội Thủ đô đã hoàn thành công cuộc giải phóng vẻ vang. Ngày 1/1/1955, sau mười năm Tuyên ngôn Độc lập, cũng tại quảng trường Ba Đình, diễn ra cuộc mít tinh của đồng bào Thủ đô Hà Nội chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trở về tôn vinh Thủ đô Hà Nội tại nơi có nền móng của kinh thành Thăng Long cũ. Nhưng phải đợi đến năm 1977 hiệp thương hai miền thống nhất đất nước, Quốc hội nước ta mới đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lấy bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao làm quốc ca và công nhận Hà Nội là thủ đô.

Hà Nội đã trở thành trái tim cách mạng của cả nước, lịch sử dân tộc Việt Nam đã mở ra một trang mới với tên gọi hào hùng “Cách mạng tháng 8” và ngày Quốc khánh 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đã đọc bản tuyên ngôn độc lập đầy khí phách và vẻ vang của con cháu Hùng Vương với 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước mà trong đó, 1000 năm giành độc lập tự do từ kinh đô Thăng Long (1010) của nước Đại Việt tới thủ đô Hà Nội (2010) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sánh vai cùng năm châu thế giới.

Vương Liêm

Tài liệu tham khảo :

- Diễn biến lịch sử 1000 kinh thành Thăng Long - thủ đô Hà Nội của Nguyễn Thu Cờ - Hội đồng hương Hà Nội tại TP Hố Chí Minh, 2008.

- Việt Nam sử lược, NXB VH-TT 1999.

Ảnh 1: Chùa Trấn Quốc của kinh thành Thăng Long xưa

Ảnh 2: Một góc Hồ Tây của thủ đô Hà Nội nay

----- 

Nhân Kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội

HƯỚNG VỀ HÀ NỘI

Bài thơ “Nghỉ Hè” của thi sĩ Xuân Tâm, sáng tác năm 1941 đã khắc ghi trong tôi hình ảnh của một cậu học trò chuẩn bị xa ngôi trường, vội vàng học nốt giờ học cuối cùng để cùng bạn bè lên đường bắt đầu nghỉ hè, chứ không phải như các em học sinh thời nay, các em chẳng được nghỉ hè “thật sự”như thời xưa, thật là đáng tiếc. Bài thơ dễ thương ấy như sau:

Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết

Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.

Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã

Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu

Chờ đêm nay sáng sớm bước lên tầu

Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ...

Chú tôi sinh sống tại Hải Phòng đã lâu, nên tôi thường được gia đình cho đi nghỉ hè ở Hải Phòng, thành phố cảng duy nhất ở miền Bắc. Vào mùa hè, du khách có thể tham gia những chuyến du lịch và vui chơi giải trí trên bãi biển Đồ Sơn, quần đảo Cát Bà hay vịnh Hạ Long. Vào mùa thu, tham dự Hội Chọi Trâu hay thăm những làng nghề truyền thống. Vào mùa đông, đến với thú vui leo núi, thăm các hang động tại Cát Bà, lên núi Voi. Vào mùa xuân, tham dự nhiều lễ hội, thăm các di tích lịch sử: Lễ hội Đền Trạng tưởng niệm cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm , viếng thăm sông Bạch Đằng oai hùng, đã mấy lần làm khiếp sợ quân Tàu xâm lược– sông nằm ở phía đông bắc Hải Phòng. Tôi có nhiều kỷ niệm khi tắm biển cùng với các em con ông chú ở bãi biển Đồ Sơn nổi tiếng xinh đẹp tại miền Bắc. Sau đó, gia đình thân phụ tôi chuyển nhà và sống luôn ở Hải Phòng.

Thời gian nghỉ hè, sau đó sinh sống ở Hải Phòng, tôi cứ nhìn về phía ánh đèn sáng lung linh từ xa xa để nghĩ về Hà Nội thân thương của tôi...

Nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác ca khúc “Hướng Về Hà Nội” rất hợp với tâm trạng của tôi khi tạm thời sống xa Hà Nội, trong lòng luôn vấn vương, nhớ nhung, lúc nào cũng tơ tưởng về Hà Nội.

“Hà Nội ơi! Hướng về Thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi...”

Hà Nội của tôi, trước đây là kinh thành Thăng Long nước Đại Việt đời Lý và đời Trần, kinh thành Đông Đô đời Lê Sơ và đời Mạc, kinh thành Đông Kinh đời Lê Trung hưng và trấn Bắc Thành đời Tây Sơn và đời Nguyễn (thời vua Gia Long) chỉ tới năm 1831 vua Minh Mạng mới lập ra tỉnh Hà Nội.

- Danh từ Hà Nội bắt đầu có từ đấy. Hà Nội có nghĩa là ‘phía trong sông’, vì thực tế tỉnh mới này trên đại thể được bao quanh bởi 2 sông: sông Hồng và sông Đáy.

- Có người cho rằng chữ Hà Nội là lấy từ câu trong sách Mạnh Tử “Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội (Hà Nội bị tai họa thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội).

- Nhưng có lẽ là do vua Minh Mạng rất coi trọng Trung Quốc, cái gì của Trung quốc cũng đều đẹp cả, nên bên đó có Hà Nội thì vua cũng đặt Hà Nội bên ta, chẳng hạn, vua ban chiếu chỉ ‘Cấm phụ nữ bên ta Mặc Váy’ đề giống phụ nữ Trung Quốc mặc Quần, nên người dân đã có câu vè mỉa mai như sau:

Tháng Tám có Chiếu Vua ra,

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng,

Không đi thì chợ không đông,

Đi thì lỡ lấy quần chồng hay sao?

Hà Nội trở thành Thành phố do một sắc lệnh của tổng thống Pháp và được xếp vào loại thành phố cấp 1. Sau Cách mạng tháng 8 thành công, Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946 quyết định thành phố Hà Nội trở thành thành Thủ đô của Việt Nam cho tới nay.

Hà Nội đã thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương, tài tử giai nhân từ bốn phương trong nước lần lượt về đây sinh cơ lập nghiệp, tạo ra các phố phường, tạo nên nền văn hiến, nét thanh lịch cho Hà Nôi.

“Hà Nội ơi, phố phường giãi ánh trăng tơ, liễu mềm nhủ gió ngây thơ, Thấu chăng lòng khách bơ vơ...”

Ca dao cổ cho ta biết về Hà Nội 36 phố phường như sau:

Rủ nhau chơi khắp Long Thành (thành Thăng Long)

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay

Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày

Hàng Lờ. Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn

Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than

Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng

Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông

Hàng Buồm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè

Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà

Quanh đi đến phố Hàng Da

Trải xem Phường Phố thật là cũng xinh

Phồn hoa thứ nhất Long Thành

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ

Bút hoa xin chép nên Thơ lưu truyền.

Thực ra, ‘phố và phường’ là hai phạm trù khác nhau. Vào thời Lê, ‘phường’ ngoài nội dung chỉ các tổ chức của những người cùng làm một nghề (phường chèo, phường thơ) thì còn một nội dung nữa, chỉ những khu vực địa lý được coi là đơn vị hành chánh cấp cơ sở ở kinh thành Thăng Long. Như thế, không làm gì có cái gọi là “Hà Nội 36 phố phường”, chỉ có Thăng Long thời Lê có 36 phường hoặc là thời Minh Mạng có 239 phường, thôn, trại.

Bây giờ sang vấn đề ‘phố’. Phố khác hẳn phường. Nếu ‘phường’ nguyên nghĩa là một khu vực hành chánh thì ‘phố’ nguyên nghĩa là chỗ bán hàng, nơi bày hàng, tức là như ta nói ngày nay là ‘cửa hàng, cửa hiệu’. Phố có thể là một ngôi nhà bày bán hàng, mà cũng có thể ban đầu chỉ là một chỗ trống nhưng lấy làm nơi bày hàng hóa để buôn bán. Cho nên ví dụ như cụm từ’phố Hàng Trống’ nguyên nghĩa chỉ là một ngôi nhà, một cửa hàng có bán mặt hàng là ‘trống’... Song do các “phố” tập trung ken sát nhau thành một dãy (dài hoặc ngắn là tùy) nên cái ‘dãy gồm nhiều phố’ ấy (phố với nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu) cũng được gọi tắt là “phố”. Do sự hình thành như vậy mà trong một phường cổ có nhiều phố... Cho nên phường không bao giờ lại ngang hàng với phố mà là ‘trùm lên’ các phố. Và cũng vì thế, 36 phường thời Lê không thể là 36 phố + phường được.

“Hà Nội ơi! Những ngày thơ ấu trôi qua, Mái trường phượng vĩ dâng hoa, Dáng chiều ủ bóng tiên nga. Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thiết đê mê, Tóc thề thả gió lê thê, Biết đâu ngày ấy tôi về...”

Mỗi khi hát câu này, tôi lại càng nhớ về thời thơ ấu và niên thiếu của tôi ở Hà Nôi. Tôi quên thế nào đươc những hàng cây ‘Phượng vĩ’ mọc ở sân hầu hết các trường tiểu học, trung học- nơi tôi từng theo học. Cây Phượng vĩ thì to hơn cây ‘Điệp’(do ‘Hồ Điệp’ vì hoa trông rất giống con bướm- nhiều người nhầm lẫn 2 cây này với nhau). Phượng vĩ có hoa màu đỏ, với nhị mọc thò ra ngoài trông như ‘đuôi chim Phượng nên gọi là ‘Phượng vĩ’ (Vĩ có nghĩa là ‘đuôi’)- sau học sinh hay goi tắt là ‘Hoa phượng”- giống cây này có nguồn gốc tại đảo Madagascar, đông nam châu Phi, cũng từng là thuộc địa của Pháp nên họ đã mang cây Phượng vĩ sang trồng ở nước ta. Nhờ đó mà học sinh có nhiều kỷ niệm với Hoa Phượng đỏ thắm sân trường khi kỳ Nghỉ hè đến. Tôi và các bạn bè có rất nhiều kỷ niệm về cây Phượng ở sân trường của chúng tôi. Hoa phượng thì được đem ép khô, dán trong cuốn Lưu Bút, ở đó bạn bè chuyền tay nhau, ghi lại cảm nghĩ, tâm sự của mình về trường lớp, bạn thân hay bạn cùng lớp... Nhụy cong cong của hoa phương được dùng làm móc câu đề hai người thi đấu với nhau. Quả xanh của phượng được dùng làm đạn ‘bắn ná’ để chúng tôi bắn nhau trong trường.

“Một ngày, mùa chinh chiến ấy, Chim đã xa bầy, mịt mờ bên trời bay...”

Với sự thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã trải qua thời kỳ đạn bom thời Toàn quốc Kháng chiến, qua 10 ngày chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã giành thế chủ động, làm cho quân Pháp bị thiệt hại nặng, đã làm thất bại âm mưu ‘đánh chiếm thành phố’ của Pháp. Sau khi đã giam chân địch được 2 tháng, thấy nhiệm vụ kìm hãm, tiêu hao địch đã đạt yêu cầu và cần phải bảo vệ lực lượng, nên cấp trên quyết định để Trung đoàn Thủ đô rút lui ra ngoài.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, trong ca khúc “Người Hà Nội, đã viết:

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội mến yêu. Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời. Hà Nội hồng, ầm ầm rung. Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo. Hà Nội vùng đứng lên!

“Một ngày, hồng tươi hoa lá, Hát câu tình ca, nói lên lời thiết tha...”

Sau chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ, nhân dân Thủ đô đã vui mừng chào đón Bộ đội trở về Hà Nội, không khí tưng bừng, phấn khởi đó đã được nhạc sĩ Văn Cao diễn tả trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” như sau:

- Năm cửa Ô đón mừng Đoàn quân tiến về, Như đài hoa đón mừng nở năm cánh Đào chảy dòng sương sớm long lanh. Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa, Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu. Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay, Những xuân đời mỉm cười vui hát lên...

“Hà Nội ơi! Nước Hồ là ánh gương soi, Nắng hè tô thắm đôi môi. Thanh bình tiếng guốc reo vui. Hà Nội ơi! Những chiều sương gió dâng khơi, Có người lặng ngắm mây trôi, Biết bao là Nhớ tơi bời.”

Ca khúc ‘Hướng về Hà Nội’ nhắc đến các Hồ xinh đẹp nằm rải rác khắp Thành phố, khiến tôi sực tỉnh, bồi hồi nghĩ về biết bao Hồ ở Hà Nội đã ghi dấu vết, khắc ghi kỷ niệm thời niên thiếu nơi đó.

Hà Nội có thể được mệnh danh là ‘Thành phố có nhiều Hồ’, bởi nơi đây có rất nhiều Hồ xanh ngát, xinh tươi, tựa như vô số tiên nữ sắc đẹp tuyệt trần tô điểm cho vẻ đẹp của Hà Nội, vốn đã xinh, lại càng xinh hơn! Cho tới năm 1966, theo ước tính là Hà Nội có trên 40 Hồ lớn nhỏ nhưng quá trình đô thị hóa đã lấp đi nhiều. Nay ở nội thành có các Hồ lớn như: Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Trúc Bạch, Hồ Thiền Quang, Hồ Bảy Mẫu và các Hồ nhỏ thì có: Hồ Ba Mẫu, Hồ Đồng Nhân, Hồ Đống Đa, Hồ Giám (nằm trước Quốc Tử Giám), Hồ Giảng Võ, Hồ Ngọc Khánh, Hồ Thanh Nhàn, Hồ Thành Công, Hồ Thủ Lệ, Hồ Xã Đàn. Ngoại thành cũng có nhiều Hồ đẹp: Linh Đường (Thanh Trì), Vân Trì (Đông Anh), Đồng Quan (Sóc Sơn). Trong số đó, tôi có nhiều kỷ niêm thời học trò với Hồ Tây. Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch...

- Hồ Tây: hồ lớn nhất trong nội thành, Hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (đầm Mù sương), tới thế kỷ 15 lại gọi là Hồ Tây. Có nhiều truyền thuyết về Hồ và tên gọi của Hồ: theo truyện “Hồ Tinh” thì Hồ có tên là hồ Xác Cáo, theo truyện “Khổng Lồ đúc chuông” thì Hồ lại có tên là Trâu Vàng. Hồ Tây từ lâu lắm đã là thắng cảnh, từ đời Lý, Trần các vua chúa đã lập quanh Hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, hiện nay quanh Hồ còn 61 đình, chùa, đền, phủ rất đáng tham quan.

- Hồ Hoàn Kiếm: tôi có rất nhiều kỷ niệm với Hồ Gươm, với đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc cùng với Tháp Bút và Đài Nghiên. Qua Đài Nghiên là đến cầu Thê Húc (nơi đậu lại ánh sáng mặt trời ban mai). Đầu cầu bên kia là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) tức cũng là cổng đền Ngọc Sơn. Đền là nơi thờ Văn Xương, Quan Vũ và Trần Hưng Đạo.Trước mặt bái đường là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng). Về phía tây của Hồ có gò Tháp Rùa xinh xắn.

- Hồ Trúc Bạch: hồ vốn là một phần của Hồ Tây, do đắp đê Cố Ngự (sau đọc chệch ra là Cổ Ngư), sau đổi là đường Thanh Niên. Bờ hồ phía nam xưa có làng Trúc Yên, các cung nữ bị an trí ở một cung điên thời Chúa Trịnh, dệt lụa để sinh sống, lụa dệt rất đẹp, dân ưa dùng gọi lụa làng Trúc (Bạch chữ Hán nghĩa là Lụa). Giữa Hồ có một đảo nhỏ, trên có đền Cẩu Nhi, tương truyền có từ thời Lý.

Hà Nội đã được hưởng thanh bình từ sau khi Pháp thua trận Điên Biên Phủ, Hà Nội sống trong thanh bình với tiếng guốc vang lên trên hè phố đông đúc, náo nhiêt. Guốc là loai đồ vật bằng gỗ có quai dùng để mang ở chân. Phải kể từ Trung Quốc, với những đôi guốc gỗ cùa thời Từ Hy Thái hậu. Phải kể đến Nhật Bản, với những đôi guốc gỗ quai xỏ ngón. Và phải kể đến Việt Nam, với những đôi guốc nhẹ nhàng, thanh thoát. Guốc VN đã được xếp vào hạng vật phẩm mang tính truyền thống dân tộc, ngang vị với Nón lá và Áo dài.

Thời học sinh có nhiều kỷ niệm về guốc mà trong bài thơ ‘Tiếng guốc sân trường cũ’, Nguyễn Hữu Chung đã ghi lai:

Anh vẫn nhớ mỗi lần em mang guốc,

Anh vụng về khen đôi guốc… đẹp đôi...

Nhớ không em ngày xưa hoa sứ trắng,

Nở chan hòa trong đôi guốc em mang..’

Từ lâu đã có một thành ngữ quen thuộc khi nói về đặc tính của Thăng Long – Hà Nội: “Nghìn năm Văn Hiến”. Văn Hiến bao hàm không chỉ nội dung của khái niệm Văn hóa, Văn minh mà còn nhấn mạnh một yếu tố quan trong nữa, đó là những Hiền tài của Đất nước. Nền Văn Hiến của một Dân tộc bao gồm cả trình độ Văn hóa và số lượng Hiền tài của Dân tộc ấy. Sự ra đời của Văn Hiến Thăng Long có thể bắt đầu từ ngày kinh đô Thăng Long ra đời (năm dời dô của vua Lý Thái Tổ - năm 1010). Tuy nhiên, Văn Hiến Thăng Long không phải đã được hình thành từ con số không. Hàng ngàn năm lịch sử trước đây đã chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển của nó. Văn Hiến Thăng Long là sự tiếp nối và nâng cao của những phẩm chất của Con người Việt Nam đã được rèn đúc suốt bao nhiêu thế kỷ chiến đấu để tồn tại và phát triển.

Thăng Long – Hà Nội đã tiếp thu mọi tinh hoa của các vùng, nhào nặn lại theo yêu cầu của đời sống toàn dân tộc. ‘Hà Nội thanh lịch’ là nói về tính cách của một nếp sống, một lối sống đầy tính văn hóa, đó chính là cái bản lĩnh chung của dân tộc cộng với sắc thái riêng của đất Thăng Long – Hà Nội “Nghìn năm Văn hiến”.

Từ đó, ca khúc giàu tình cảm “Hướng về Hà Nội” đã gợi nhắc cho tôi biết bao niềm ưu tư lẫn và hãnh diện về Thủ đô, và cùng nhau cất tiếng hát ”Thăng Long hành khúc ca” của nhạc sĩ Văn Cao:

‘Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng

Trong khói sương chiều ám trên dòng sông

Nhị Hà còn kia! Nhị Hà còn đó!

Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông

Tháp đây Gươm thần đâu dưới nước biếc

Có chăng bao người bao nhiêu luyến tiếc...

Ơi Thăng Long! Ơi Thăng Long! Ơ Thăng Long ngày mai

Xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng

Gần xa hò hét: Thăng Long! Thăng Long! Thăng Long thành!

PHẠM VŨ

-----

BÀI THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC

“Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang và Thiền Phái Trúc Lâm

trong quá trình phát triển Phật Giáo ở Việt Nam”

Nội dung:

VẤN ĐỀ KHÔI PHỤC MỘT DÒNG THIỀN CAO QUÝ

Thùy Dương

Sự quan trọng của Thiền môn

Trong tất cả các pháp môn của Phật Giáo thì Thiền môn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Nó là cốt tủy của mọi pháp môn, mọi kinh sách. Nó giúp cho những người tu đốn giáo có thể chứng ngộ ngay trong hiện kiếp, nói cách khác có thể trực chỉ Niết Bàn bằng sự toàn giác của trí tuệ vô biên để thành Phật – Đó chính là con đường ngắn nhất mà Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni của chúng ta, sau khi đã tu khổ hạnh nằm gai nếm mật sáu năm trời, chỉ ngồi thiền định dưới cội Bồ đề 49 ngày mà đạt tới toàn giác trong khoảnh khắc và đã sáng lập nên Đạo Phật. Ngoài ra, các vị Phật Tổ khác , các nhà tu hành theo các pháp môn khác, dù Tiểu Thừa hay Đại Thừa mà chứng quả cũng không ai qua khỏi thiền môn. Cho nên ai đó nói rằng thiền môn là cốt tủy của mọi pháp môn Phật Giáo tưởng cũng là hợp lý.

Một thời hoàng kim của Phật Giáo nước ta

Phật Giáo đến với nước ta rất sớm, từ thế kỷ thứ II, thứ III, khi nước ta còn trong vòng đô hộ của Phương Bắc. Song điều may mắn thuận lợi nhất là dân tộc ta được tiếp nhận Phật giáo lần đầu tiên chủ yếu là do các Thiền sư cao thâm từ Ấn Độ và Trung Hoa mang đến, lập nên nhiều Thiền phái nối tiếp nhau, duy trì được nhiều đời. Từ vua quan đến thứ dân, đa số những người hâm mộ theo đạo đã được tiếp nhận sự khai sáng trí tuệ của Thiền môn. Có thể nói thiền môn là một môn tu học cấp tiến giúp người tu hành sớm phá bỏ được màn u minh, thấy được Phật tánh để tiếp tục tu hành đến chứng ngộ và giải thoát. Hoặc lúc còn tại thế thì có được trí tuệ sáng suốt để sống và hành động thích nghi với hoàn cảnh thời cuộc, có khi hoàn thành được sứ mạng lớn. Nhờ thế, qua nhiều triều đại từ Đinh, Lê cho đến Lý, Trần, Phật giáo đã dần dần đạt tới đỉnh cao và trở thành quốc giáo của nước ta. Ở thời Lý, vị vua đầu tiên Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ xuất thân là một tăng sĩ do Thiền sư Lý Khánh Vân nuôi dưỡng trong chùa và Thiền Sư Vạn Hạnh dạy dỗ, đã dựng nên cơ nghiệp lớn trong lịch sử mà ngày nay chúng ta đang tôn vinh nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Các vua Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông cũng là những Thiền gia tu theo thiền phái của Thiền sư Thảo Đường. Riêng vua Lý Thái Tông tu theo thiền phái của thiền sư Vô Ngôn Thông. Qua đời Trần, vị vua đầu tiên Trần Thái Tông cũng là một Thiền gia đã viết nên những cuốn sách quý như : Khóa Hư Lục trong đó có phần “Thiền Tông chỉ nam” còn truyền lại đến tận ngày nay. Một nét son nổi bật nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam là vị vua thứ 3 của đời Trần, Trần Nhân Tông, một vị vua anh hùng từng 2 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông cường bạo phương Bắc vào năm 1285 và 1287 và mở mang bờ cõi phía Nam. Sau 14 năm làm vua, ngài truyền ngôi lại cho con là Anh Tông, làm Thái Thượng Hoàng và đi tu rồi sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một Thiền phái đã để lại những dấu ấn cao đẹp trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài thường được mệnh danh là “Ông vua Phật” hay “Vị Hoàng đế Phật Hoàng”.

Nhìn lại chặng đường dài nhiều thế kỷ, Phật giáo đã đồng hành với các triều đại để đưa đất nước tới nền độc lập vững bền, tiến tới đỉnh cao của sự cường thịnh sáng chói trong lịch sử đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng.

Vì sao các Thiền sư nay vắng bóng

trong hàng tăng sĩ Việt Nam?

Từ khi bắt đầu học Phật 30 năm nay, tôi chưa hề được nghe vị tăng sĩ nào trong hàng Phật giáo VN được gọi là Thiền sư mà chỉ thấy các chức danh Đại đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng. Tôi thắc mắc tìm hiểu thì được biết hiện nay Thiền Tông vẫn còn được giảng dạy tại trường Đại học Phật giáo cao cấp Vạn Hạnh, nhưng ít người theo hơn các pháp môn khác, và số người tu học cũng ít, tuy nhiên còn khá hơn cách đây một vài thập kỷ. Còn các giảng sư thì người am hiểu sâu sắc về Thiền tông nhất là Hòa thượng Thích Thanh Từ. Ngài vừa giảng theo kinh điển vừa theo kiến thức kinh nghiệm của mình.

Đôi khi tôi tự hỏi so với thời hoàng kim Lý – Trần xưa, tại sao Thiền tông VN lại mai một đến thế. Phàm cái gì trên đời tốt đẹp cũng được con người phát huy để ngày càng tốt đẹp hơn. Nhất là Phật giáo ngày nay đã có nhiều tiến bộ hơn xưa. Về trình độ tăng sĩ, được biết Học viện Phật giáo Việt Nam hiện có 55 tiến sĩ và 30 thạc sĩ về các ngành Triết học, Ấn Độ học, Trung Quốc học, Hán ngữ cổ đại, Hán ngữ hiện đại… có khả năng hợp tác thỉnh giảng tại các khoa có nhu cầu (Trích báo cáo tổng kết Hội thảo Khoa học Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của HT Thích Giác Toàn ngày 28/08/2010). Tại các nước Á Châu khác, đặc biệt Ấn Độ, Nhật Bản, qua sách vở tôi được biết Thiền Tông tuy có mai một nhưng không đến nổi như ở Việt Nam. Phải chăng âu cũng do quy luật của vũ trụ: vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản, thái cực bĩ lai, bĩ cực thái lai. Và hy vọng sự khởi sắc của Thiền Tông Việt Nam từ vài thập niên qua cũng là những tia sáng của buổi bình minh Thiền Tông đang ló rạng sau những đêm dài đen tối.

Hòa Thượng Thích Thanh Từ với việc phục hồi Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Hòa Thượng Thích Thanh Từ từ lâu đã được biết là một nhà tu hành am hiểu về Thiền Tông và có tâm nguyện phục hồi Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ những thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Ngài đã cùng với các đạo hữu, đệ tử và Phật tử trong và ngoài nước góp công góp sức, góp của để xây dựng nên nhiều thiền viện một số mang tên Thiền viện Trúc Lâm. Ở trong nước, từ Nam chí Bắc phải kể đến :

- Thiền viện Chơn Không ở Vũng Tàu

- Thiền viện Thường Chiếu, Linh Chiếu và Viên Chiếu ở Đồng Nai

- Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt

- Thiền viện Trúc Lâm ở Bạch Mã, Huế

- Thiền viện Trúc Lâm ở Yên Tử, Quảng Ninh

- Thiền viện Trúc Lâm ở chùa Tây Thiên, Vĩnh Phúc

Ngoài ra còn nhiều thiền viện nhỏ khác. Ở nước ngoài, đã có thiền viện Trúc Lâm ở Mỹ, Úc, Canada…

Hòa thượng Thích Thanh Từ đã và đang làm một việc mà Phật giáo Việt Nam cùng Phật tử cả nước đang trông đợi, một việc tưởng chừng như quá sức đối với một người ở tuổi cao niên như Thầy. Nhưng có ai ngờ rằng tuổi càng cao thì uy đức của Thầy càng lớn, như cây đại thụ ngày càng kiên cố thách thức với thời gian để ngày nào đây sẽ đâm chồi nẩy lộc xanh tốt Xuất Gia từ thời niên thiếu, thầy đã ra công nghiên cứu và tu học thiền đạo, với tâm nguyện phục hồi Thiền tông và dòng thiền cao đẹp của dân tộc. Thầy cho biết một lần nhập thất thiền định, Thầy đã chứng ngộ được phần nào chân lý của Thiền Tông và vững lòng tin theo đuổi điều tâm nguyện của mình. Song có một điều Thầy vẫn trăn trở là có ai là Thiền sư hay Thiện trí thức nào đủ tư cách ấn chứng cho mình? Liệu mọi người có tin mình không? (Thiền Tông Việt Nam Cuối TK 20 của Thích Thanh Từ – 1992).

Về điểm này, chúng tôi thiết nghĩ Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có thể phối hợp với chính quyền ra một văn bản đánh giá chủ trương và công trình mà HT Thích Thanh Từ đã làm từ nhiều thập kỷ nay, có kế hoạch hỗ trợ để Hòa Thượng tiếp tục làm. Thiết tưởng đó cũng là một cách “ấn chứng” cho Hòa Thượng để Ngài yên tâm theo đuổi công trình lớn lao này.

Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang

với dấu ấn Thiền phái Trúc Lâm

Từ khi vua Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tại Yên Tử, Ngài mới được rảnh rang đi thăm khắp nơi trong nước để giảng Đạo, khuyên dân chúng làm theo “Mười điều thiện”. Ngài thường dừng chân ghé lại các ngôi chùa, trong số đó có chùa Vĩnh Nghiêm đã được hưởng một vinh dự lớn lao là được Ngài chủ trì cả một mùa Kiết Hạ tại chùa vào năm Mậu Thân (1308). Và chính đó cũng là mùa Kiết Hạ cuối cùng của Ngài vì mùa đông năm ấy, ngày 3 tháng 11 Mậu Thân tức ngày 16/11/1308, Ngài đã nhờ hai đệ tử dẫn lên Am Ngọa Vân của Ngài trên núi Yên Tử. Sau khi dặn dò và viết di chúc để lại, chờ đến đúng giờ Tý, Ngài đã ngồi theo thế sư tử mà hóa Phật. Lúc ấy Ngài tròn 51 tuổi. Mấy năm sau, đệ nhị Tổ Pháp Loa được giao cho trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm và chính tại ngôi chùa này, năm 1313, nghĩa là 5 năm sau khi vua Trần Nhân Tông hóa Phật, Tổ Pháp Loa đã phụng chiếu chỉ của vua Trần Anh Tông, đứng ra thành lập Giáo Hội Phật Giáo của nước Đại Việt mà trụ sở dặt tại chùa Vĩnh Nghiêm. Và đó cũng là lần đầu tiên nước ta có một Giáo Hội Phật Giáo mang đậm đà bản sắc dân tộc, giúp cho Phật Giáo Đại Việt có cơ hội phát triển tốt đẹp, vượt qua bao sóng gió để đồng hành cùng dân tộc cho đến ngày nay.

Mạch nguồn của Thiền phái Trúc Lâm

Xuất từ nguồn gốc xa xưa, Thiền phái Trúc Lâm do 3 dòng Thiền phối hợp nên:

1/ Thiền phái Tỳ ni đà lưu chi (TK thứ 6) truyền được 19 thế hệ.

2/ Thiền phái Vô Ngôn Thông (TK thứ 9) truyền được 17 thế hệ.

3/ Thiền phái Thảo Đường (TK thứ 11) truyền được 6 thế hệ.

Khi vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử chính thức xin xuất gia vào năm 1299, Ngài được cả Sơn môn Yên Tử vui mừng tiếp rước như có nhân duyên từ kiếp trước. Họ tôn Ngài là Điều Ngự giác hoàng. Ngài được tôn làm giáo chủ của giáo hội Trúc Lâm. Bấy giờ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã truyền được 2 đời là Tổ Hiện Quang và Tổ Đạo Viên. Ngài bèn dung hợp cả 3 dòng Thiền trên để sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mới với hệ thống giáo lý mới mẻ mang đậm bản sắc dân tộc và đó là Thiền phái đầu tiên của nước Đại Việt mà Ngài là Thủy Tổ. Sau đó Ngài phát hiện ra đệ tử trẻ Pháp Loa thông minh khác thường và đào tạo thành một Thiền sư kiệt xuất rồi làm lễ truyền ấn cho Pháp Loa làm Đệ Nhị Tổ. Sau Pháp Loa, Thiền Phái Trúc Lâm còn chính thức truyền thêm được một đời nữa là Tổ thứ 3 Huyền Quang. Từ đó có tiếp tục truyền lại nhiều đời nhưng không chính thức làm lễ truyền ấn rồi theo vận nước Thiền phái Trúc Lâm cũng mai một dần cho đến đời Nguyễn mới có thêm vài Thiền sư kiệt xuất.

Kết luận

Mặc dầu công trình phục hồi Thiền tông và Thiền phái Trúc Lâm của HT Thích Thanh Từ từ gần ­ nửa thế kỷ nay đã mang lại nhiều nét khởi sắc đáng ca ngơi: Hàng chục Thiền Viện Trúc Lâm lớn trong và ngoài nước đã được xây dựng lên với sự đóng góp của các tăng ni Phật tử trong và ngoài nước, nhưng đó mới chỉ là cơ sở vật chất và lòng tin của các tăng ni Phật tử. Phần cốt lõi của vấn đề chính là một đội ngũ đông đảo các Thiền sư Việt Nam và hàng loạt kinh sách về Thiền Tông được phổ biến. Tại các chùa, bên cạnh pháp môn Tịnh Độ và các khóa tụng kinh Đại Thừa, cũng nên có thêm các khóa Thiền chính thống từ sơ đẳng đến nâng cao do các Thiền sư hướng dẫn và đảm trách. Tại Viện Phật Học cao cấp, các tu sĩ, sinh viên cần được khuyến khích theo học Thiền môn. Đây là một vấn đề lâu dài không phải chỉ vài thập niên mà có khi phải hàng thế kỷ. Người xưa nói: “Vì lợi ích trăm năm trồng người” (Bách niên chi kế thụ nhân) thì để đào tạo một thế hệ Thiền sư cần phải lâu hơn thế. Nếu Phật Giáo và Chính Quyền không nhất quyết chung tay làm mà chỉ để cho ai tùy thích mà làm thì sẽ chẳng bao giờ đi đến kết quả. Theo kinh nghiệm của người xưa thì sự thịnh suy của Thiền tông luôn đi đôi với sự thịnh suy của dân tộc và đất nước. Lịch sử Việt Nam cũng đã chứng minh điều đó. Từ thời Lý – Trần cho đến thời Lê mạt, Trịnh – Nguyễn phân tranh, các Thiền phái cao đẹp đã theo nhau mà xuống dốc. Đến thời Nguyễn có le lói phần nào nhưng đến thời Pháp thuộc thì Thiền tông cũng mất dạng.

Còn thời nay thì sao? Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới với sự phát triển tốt đẹp về mọi mặt. Tại sao ta không khơi nguồn để Thiền tông Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm cao quý của dân tộc được sống lại để cùng đồng hành với dân tộc và chính quyền, đưa đất nước tiến đến cường thịnh, sánh vai cùng bè bạn năm châu?

THÙY DƯƠNG*

P.D. Diệu Hạnh

* Tên thật: Nguyễn Vân Nhung

   Cao Học Vật Lý – ĐHSG

   Cao Học Giáo Dục – ĐH Leeds, England

   Nhà giáo – Lương Y – Cư sĩ Phật Giáo

   Dịch giả thơ Việt – Anh

Tài liệu tham khảo:

- Thiền Uyển Tập Anh

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

- Các Triều Đại Việt Nam – Quỳnh Cư – Đổ Đức Hùng 2009

- Danh Nhân Yên Tử - Trần Trương – Hà Nội 2006

- Thiền Sư Việt Nam – Thích Thanh Từ TP.HCM 1993

- Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX Thích Thanh Từ 1992

- Một số tư liệu khác trên mạng.

-----

GIỚI và GIỚI GIẢI THOÁT

GIỚI quan trọng đối với người tu Phật đến nỗi Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân viết: “Ví thử một trăm hay ngàn vạn vị A La Hán được vào Niết Bàn thì từ vị A La Hán đầu tiên cho đến vị A La Hán cuối cùng đều do công đức Trì Giới mà được thành tựu đạo quả” (tr.388). Trong Kinh Lăng Nghiêm, khi Ngài Anan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, chúng sanh đời sau cách Phật càng xa, lại gặp chúng tà sư ngoại đạo nói pháp nhiều như cát bụi. Vậy nếu có chúng sanh phát tâm tu hành thì làm sao để tránh xa các ma chướng, đối với Đạo Bồ Đề tâm không thối lui?”. Phật đáp “Ông hỏi phương pháp tu hành để độ chúng sanh trầm luân đời sau. Vậy ông nên chú ý nghe, ta sẽ vì các ông chỉ dạy: Này Anan, ông thường nghe ta dạy, tu hành quyết định phải đủ 3 điều:

1/- Dùng Giới luật nhiếp phục tự tâm.

2/- Nhơn Giới mới sinh Định.

3/- Nhơn Định tâm phát Huệ.”

Theo đó, tu Phật không thể thiếu Giới, vì không có Giới thì không có Định, không có Huệ, mà Huệ chính là trí hiểu biết để hành giả tự biết lối mà đi trên con đường tu hành, được Phật gọi cách khác là: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

GIỚI được Kinh Đại Bát Niết Bàn ví như là phao, như là thuyền, đò, để người giữ nhờ đó mà bơi qua sông Sinh Tử. GIỚI gồm có 5 thứ: SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG NGỮ và TỬU.

Nhiều người đã giữ GIỚI như một điều bắt buộc rồi lúc nào cũng thấy khổ sở vì bị ràng buộc, quay đâu cũng sợ đụng Giới. Người truyền Giới cũng không giải thích rõ, chỉ biết đó là những điều cấm kỵ đối với người tu, không biết việc Giữ Giới là vì lợi ích của bản thân người giữ, không phải Phật bắt giữ mà không có mục đích.

Chúng ta thử phân tích xem Giới là gì? Lợi ích như thế nào?

Trước hết là GIỚI SÁT

Con người có cái thân là bắt buộc phái ĂN để cho nó có năng lượng mà tồn tại. ĂN cũng có nhiều cách. Có người cả đời Trường Chay vì cho rằng ăn thịt động vật thì không thanh tịnh, không có thanh khí, khi tu hành thì không thể đạt được cảnh giới cao. Có người ăn chay vì không muốn vướng vào Nghiệp Sát, vì lòng từ bi đối với các sinh vật. Có người ăn chay chỉ vì giữ sức khỏe, không có mục đích gì khác.

Mọi người vẫn cho là “vật dưỡng sinh”, tại sao đã ăn lại không chọn miếng tươi, ngon mà ăn, vì thịt để lâu thì dễ nhiễm khuẩn, mất vệ sinh. Từ đó họ phải ăn thịt tươi của những động vật còn đang sống như heo, bò, gà, vịt, tôm, cá. Như thế là họ cướp đi sinh mạng của những con vật để phục vụ cho cái Khẩu của mình.

Nói về GIỚI SÁT, ta thấy Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân viết như sau: “Như tôi không muốn chết, tất cả ba cõi, hai mươi lăm cõi, loài có hình, không hình, loài bốn chân, nhiều chân, mãi cho đến loài bé nhỏ như loài kiến vv… phàm loài nào có thân mạng đều không muốn chết như tôi. Cho nên Bồ Tát cho đến phải tán thân mất mạng, trọn không cướp đoạt thân mạng của kẻ khác”.

Kinh Lăng Nghiêm khẳng định: “Ông tu hành quyết cầu ra khỏi trần lao, nếu không đoạn trừ tâm sát hại thì cảnh trần lao không bao giờ ra khỏi”. Như vậy một điều chắc chắn là người muốn tu Phật cho thành công thì không bao giờ nên dính tới NGHIỆP SÁT.

ĐẠO có nghĩa là “Lấy của người khác những gì thuộc sở hữu của họ”. Từ tiền của, cho đến văn chương, ý tưởng. Về Giới ĐẠO kinh viết như sau: “Như tôi có tiền của, lụa là, y phục, chăn đệm, thức ăn uống, voi, ngựa, xe cộ, quốc thành, thê tử, thân thể tay chân, tôi thường cúng dàng, ủng hộ. Nhưng tôi không muốn người khác xâm chiếm của tôi. Tất cả chúng sinh cũng lại như thế. Cho nên Bồ Tát cho đến phải tán thân mất mạng, đối với y phục, của cải, thức ăn uống của chúng sinh, trọn không sinh tâm cướp đoạt”.

Kinh Lăng Nghiêm viết: “Anan, Ông tu Thiền Định, nếu không đoạn trừ tâm trộm cướp mà muốn cầu cho được Đạo quả thì cũng như người rót nước vào chén bể mà muốn cho đầy. Dầu trải qua bao nhiêu kiếp cũng không thể đầy được. Ông nên dạy người tu hành điều thứ ba quyết định là phải đoạn trừ tâm trộm cướp”.

GIỚI DÂM Kinh viết: “Như tôi không nuốn người khác dụ dỗ cướp đoạt chị em, thê thiếp có nhan sắc của tôi. Tất cả chúng sinh cũng lại như thế. Cho nên Bồ tát mãi đến phải tán thân mất mạng quyết không sinh ý nghĩ tà vạy khởi tâm nhiễm ô đối với sắc đẹp của kẻ khác, phương chi còn làm những sự phạm Dâm, tham ác”.

Kinh Lăng Nghiêm viết; “Anan, ông tu thiền định, nếu không đoạn lòng dâm thì cũng như người nấu cát muốn cho thành cơm, dầu trải lâu bao nhiêu kiếp cũng không thành cơm được”.

GIỚI VỌNG NGỮ được viết như sau: “Như tôi không đối trước mặt thì khen ngợi, sau lưng thì chê bai, nói lưỡi đôi chiều, nói ác khấu để gia hại tôi. Tất cả chúng sinh cũng lại như thế. Cho nên Bồ Tát cho đến phải tán thân mất mạng trọn không nói lưỡi đôi chiều gây sự rối loạn giữa kẻ kia người này.”

Người chân chính còn không nói những lời vô ích huống chi là khoác lác, phô trương, chuyện có nói không, không nói có, hoặc nói để hơn thua, tôn vinh mình, hạ thấp người, gây chia rẽ… Bởi suy cho cùng, mục đích của VỌNG NGỮ không ngoài đề cao bản thân của người nói để không cầu Danh thì cầu Lợi! Kinh Lăng Nghiêm viết: “Anan, nếu người tu hành không đoạn trừ Đại Vọng Ngữ mà muốn được đạo thì cũng như người lấy đồ hôi tanh tô đắp thành hình cái chiên đàn, muốn cho thơm chừng nào thì lại càng hôi nhơ chừng nấy. Cái nhơn đã chẳng ngay thì kết quả phải cong vậy. Những người như thế mà cầu quả Phật Bồ Đề thì cũng như người muốn tự cắn cái rốn của mình, làm sao cắn được!”

RƯỢU là thức uống làm cho tâm trí mê mờ. Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân viết: “Uống rượu là nguồn gốc của sự buông lung, dông dở, có thể phạm vào 4 Giới khác. Như trong thời Đức Phật Ca Diếp có một người Ưu Bà Tắc vì say rượu mà phạm gian với vợ người khác, bắt gà của người ta để giết. Đến khi người ta hỏi tại sao thì chối là không làm gì cả. Vì say rượu có thể gây nên 4 tội nghịch nữa” (tr.385).

Xẻo một dao phải đền một dao. Giết một mạng phải đền một mạng”. Đó là luật Nhân Quả. Nhưng vì trước khi vào tu hành chúng ta chưa hiểu điều đó, nên Đức Thích Ca phải buộc GIỮ GIỚI nhằm bảo vệ ta. Phải chăng trước kia ta như con ngụa không cương, quen chìu theo mọi nhu cầu của cái Thân, bất chấp làm tổn hại người khác, không cần biết hậu quả sẽ ra sao? Nhờ có GIỚI như bờ bao, như vòng đai để người trong đó được an toàn, không tạo ác Nghiệp, để dù có đi chưa trọn con đường giải Thoát thì kiếp sau cũng không phải sa vào ác đạo.

Khi có GIỚI là người tu đồng thời dừng tạo Nghiệp và bắt đầu theo hướng dẫn của Đạo Phật mà quan sát chính mình và các pháp, lần hồi sẽ nhận ra là mình và những loài có thân mạng đều bình đẳng, cái Thân đều là Tứ Đại hợp thành, và khi sống trong đó đều không muốn ai cướp đi sinh mạng. Chính xã hội cũng chỉ dùng án tử hình, loại ra khỏi cuộc sống những kẻ nguy hiểm cho xã hội không thể cải tạo. Còn chúng ta, đã may mắn được làm người, được sống một cuộc đời tự do, không ai săn đuổi, tìm giết. Chết còn được làm đám ma linh đình, mồ yên, mả đẹp, sao nỡ lòng vì chút vị ngon cho cái Khẩu mà cướp đi sinh mạng của những loài vật bé nhỏ, sống vất vưởng, bị đủ thứ sinh vật khác lớn hơn hiếp đáp? Chúng nó cũng có đôi, có cặp, có con cái tức cũng có tình yêu thương, chúng đâu có muốn bị chia lìa! Nếu bị chia lìa, chúng sẽ đau đớn, uất hận, chắc chắn sẽ tìm cơ hội để phục thù. Nhưng người tu Phật không phải vì sợ bị phục thù mà không dám Phạm Giới, mà vì đức Từ, Bi, không hiếp đáp, lấn át người hay sinh vật khác, vì thấy mọi sinh vật đều bình đẳng, đều có Quyền được Sống như nhau.

Người Phật Tử chưa ý thức về Giới rõ ràng, nên vi phạm thì đã đáng chê trách. Người đã dám rời bỏ đời để Xuất Gia mà vẫn không giữ nổi Giới thì quả thật là khó hiểu, trừ trường hợp họ không phát tâm đi tu vì thấy đời là Khổ, mà lại phát tâm vì một lý do nào khác! Dù sao, bản chất con người vốn yếu đuối, nếu lỡ phạm Giới thì Sám Hối rồi dừng lại, còn hơn là tiếp tục che đậy và tái phạm để trở thành thói quen khó bỏ. Việc Phạm Giới chứng tỏ chưa thoát được sự khống chế của cái Thân, vì thế, người phá Giới nên xem lại, nên Quán Soi để hiểu rõ về nó thì mới mong tiến bộ được trên con đường tu, vì việc tu hành chỉ ở hai nơi: Thân và Tâm, do chúng ta chưa thấy được cái Vọng Tâm, nên nó mới tiếp tục lộng hành.

Tóm lại. GIỚI chỉ là “những điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người”. Đó chỉ là luật công bằng mà thôi. Vì vậy, nếu ta muốn trường thọ, muốn ông bà cha, mẹ, con cháu mãi quây quần bên nhau, không bị chia lìa thì đừng gây Nghiệp Sát. Không giết trâu, bò, gà, vịt, cá, tôm… chúng ta vẫn không đói vì chúng được bày bán ê hề ở siêu thị, ở chợ, hoặc nấu thành món ở các Nhà Hàng. Nhiều người sẵn sàng tạo Nghiệp Sát để kinh doanh, tại sao cứ nhất định phải ăn thịt tươi? Tại sao cùng là sinh vật, chỉ hơn loài khác cái biết suy nghĩ nên thông minh hơn lại dùng sự thông minh đó để bắt giết những sinh vật yếu thế hơn ta? Theo luật Nhân Quả, làm gì thì gặp đó. Nhỡ điều đó xảy đến với ông bà, cha, mẹ, con cái mình thì sao? Ai bảo đảm kiếp này ta được mang thân người thì kiếp sau sẽ lại tiếp tục?

Nhờ Soi, Quán, Tư Duy sẽ giúp cho ta thấy được cái Lý đúng để ý thức về GIỚI rồi tự giữ một cách tốt đẹp hơn, bởi suy cho cùng, một người cứ sống bừa bãi, cứ thấy ai có của tốt là muốn chiếm đoạt. Vợ nhà đã có mà cứ muốn kiếm thêm. Nói thì khoác lác, phô trương, chê người, khen mình. Uống rượu đến say sưa, mất nhân cách... Những người như thế làm một con người bình thường còn chưa được ai tôn trọng nói chi là làm một người tu mà ngay cả đi, đứng, nằm, ngồi cũng phải giữ oai nghi? Như thế xem ra GIỚI có gì đâu ghê gớm khó khăn đến không thể giữ nổi?

Cho nên, người có ý thức sẽ giữ một cách thoải mái, coi như là đương nhiên phải như thế, không thể làm khác. Dù vậy, không phải lúc nào cũng cứng nhắc, khư khư ôm lấy Giới. Đôi khi vì lợi ích cho người khác mà có thể Phá Giới, như Mạt Lợi phu nhân trong kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên, nhờ phá Giới mà cứu được vua khỏi giết trù giám trong cơn nóng giận. Thái Tử nhờ uống rượu với bá quan và chư hầu mà tạo được sự thân thiện, mọi người đều vui vẻ, không còn hiềm khích, gây chiến với nhau. Hoặc có cuộc xô xát, có người rượt đuổi để đâm chém nhau, ta biết hướng người trốn chạy, nhưng chỉ hướng khác cũng đâu có phải là Phạm Giới? Do đó, người biết quyền biến thì tùy nghi, bởi có giữ hay phá giới thì cũng chính bản thân mỗi người tự chịu trách nhiệm lấy, Phật khác đâu có thể bị tổn hại, hay buồn phiền vì sự Phá Giới của ta? Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân duyên viết: “Sở dĩ ta bắt phải Giữ Giới là vì người ngu si không có huệ phương tiện, chẳng phải là người trí biết rõ thời nghi vậy”. Biết rõ về GIỚI. Biết tại sao nên GiỮ GIỚI. Giữ một cách thoải mái, không hề thấy bị ràng buộc. Đó là người GIỮ GIỚI mà THOÁT GIỚI VẬY.

Tâm Nguyện

-----

Sổ tay

Nhớ “người Nam mới” đầu tiên

“Có một lần, cha tôi - cụ Nguyễn Dực, một viên chức cũ của đài phát thanh - được mời đi dự một lễ kỷ niệm của ngành bưu điện. Cha tôi ngạc nhiên lắm, vì nhà mình không có ai liên quan gì.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936)

Đến nơi mới biết trong báo cáo truyền thống ngành bưu điện có một đoạn rất cảm động dành nói về ông nội tôi - người đã cải tiến chữ quốc ngữ bằng cách bỏ dấu thanh bằng chữ cái cho phù hợp với tiêu chuẩn và nhu cầu của điện tín quốc tế những năm 1920-1930.

Hóa ra chính ông tôi là người đã nghĩ ra cách đánh hai chữ o thành chữ ô, chữ u thêm w thành ư, xuất phát từ nỗi thương xót người dân quê vất vả ngồi toát mồ hôi với bức điện từ quê gửi ra mà không biết là vỡ đê hay vợ đẻ”.

Câu chuyện giản dị của ông Nguyễn Lân Bình về ông nội mình tại một cuộc trò chuyện nhỏ do Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức sáng 11-9 tại Hà Nội đã làm ngạc nhiên và xúc động nhiều người. Có quá nhiều ngạc nhiên, ồ à, “thì ra là thế”, quá nhiều cái nhíu mày vì “chưa nghe rõ”, nhiều xì xào vì “chả nhẽ lại thế”, “chưa nghe ai nói thế”... trong một cuộc nói chuyện về ông - người rất quen mà rất lạ trong tâm thế của trí thức Việt hiện đại: Nguyễn Văn Vĩnh.

Trong hành trang tri thức của phần đông thanh niên hiện đại, Nguyễn Văn Vĩnh được biết đến như tác giả bản dịch tiếng Việt ngộ nghĩnh hóm hỉnh của bài thơ Ve và kiến của nhà thơ nổi tiếng La Fontaine, đi sâu hơn một chút thì biết ông là một trong những người VN đầu tiên mở và viết báo quốc ngữ, biết ông dịch nhiều tác phẩm tiếng Pháp ra chữ quốc ngữ, biết ông là cha của nhà thơ tài hoa vắn số Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) với bài Em đi chùa Hương...

Nhưng còn biết bao nhiêu điều về ông và những trí thức như ông, cùng thời và cùng chí hướng với ông mà lớp hậu sinh chưa được biết?

Làm sao để người trẻ bây giờ có thể tự hào về một “người Nam mới” giỏi giang và yêu dân mình, yêu sự tiến bộ như Nguyễn Văn Vĩnh? Một “người Nam mới” lăn xả với sự nghiệp Đông Kinh Nghĩa Thục - khai dân trí, vừa viết báo vừa dịch sách, vừa làm chủ bút kiếm tiền nuôi tờ báo, đến lúc chết trên một con thuyền độc mộc trên dòng Sêpôn bên đất Lào vẫn còn ôm đống bản thảo phóng sự về những người tìm vàng.

Làm sao để cho những thanh niên thời thượng hiểu được từ năm 1911, có một “người Nam mới” tự học tiếng Pháp thật giỏi để có thể làm chủ được chữ quốc ngữ - thứ văn tự sống còn của dân tộc - để dịch cả Quan Âm Thị Kính lẫn Kim Vân Kiều truyện ra quốc ngữ?

Làm sao để các độc giả trẻ biết từ năm 1931, tờ L’Annam Nouveau do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút đã giành giải báo chí Grand Prix ngay tại Paris. Và trên tờ báo ấy, đã đăng đến năm bài về Hoàng Sa - Trường Sa cùng những kiến nghị về thái độ ứng xử của chính quyền với chủ quyền của VN tại hai quần đảo ấy.

Có quá nhiều điều chúng ta hôm nay chưa biết về Nguyễn Văn Vĩnh và những người ông chịu ảnh hưởng hay chia sẻ tâm huyết như Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Tố, các đồng chí trong Đông Kinh Nghĩa Thục...

Những tài liệu, tìm kiếm, công bố của thân nhân, con cháu, người hâm mộ có thể vì nặng tình cảm mà thiếu đi tính khoa học, sự phản biện cần thiết. Nhưng những giá trị thật sự mà Nguyễn Văn Vĩnh để lại thì không thể nghi ngờ.

Đánh giá chính xác về sự nghiệp của ông cần đến sự nghiên cứu sâu rộng, liên ngành và rất nhiều tâm huyết, nhưng với những ai chưa biết về ông, có lẽ những nhận xét đầy xúc cảm của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy gợi rất nhiều suy nghĩ và thôi thúc người ta tìm hiểu về ông: “Với bút hiệu Tân Nam Tử, Nguyễn Văn Vĩnh muốn xây dựng cho mình và sau đó cho xã hội một người Nam mới trước hết với tư tưởng mới, nghề nghiệp mới, lối sống mới.

Và đóng góp của ông, quan trọng trong lĩnh vực này là hình ảnh một trí thức độc lập. Nếu VN cổ truyền chỉ có trí thức - quan lại, trí thức - công chức, thì xã hội hiện đại rất cần một tầng lớp trí thức độc lập. Và với nghĩa đó thì đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh là rất quan trọng, bởi ông là một người Nam mới đầu tiên”.

THU HÀ – Bs Nguyễn Lân Đính st

-----

CÂU CHUYỆN LÁ CỜ CỦA SỨ ĐOÀN NƯỚC TA

ĐI CHUỘC ĐẤT BÊN PHÁP

Năm 1863, khi sứ đoàn nước Đại Nam(1) sang Pháp theo lệnh của Vua Tự Đức, với sứ mệnh xin chuộc lại ba tỉnh miền Nam đã bị Pháp đánh chiếm năm 1862. Có lẽ nhà vua cảm thấy tội lỗi với Liệt Thánh vì đã để mất một mảnh giang sơn mà các tiên đế đã tốn hao bao nhiêu xương máu, vào sinh ra tử, mới gầy dựng được. Đoàn gồm 69 người, từ Chánh sứ, Phó sứ, Bồi sứ, một số quan văn võ trong triều cho đến lính hấu phục dịch, mang theo lễ mễ lụa là, gấm vóc, thổ sản để làm tặng vật. Cuộc hành trình bắt đầu từ cửa Thuận An (Huế) đi nhờ trên tàu thủy của Pháp(2) vào Sài-Gòn quá cảnh tại đây 5 ngày để nhận thêm 9 nhân viên của Súy phủ Sài-Gòn tháp tùng. Ngày 21-6-1863 (Tự Đức thứ 16) tiệc tiến hành ở Bộ Lễ, sau khi rời bến 3 ngày đã đến hải phận tỉnh Bình Thuận và sau đó 1 ngày đến Gia Định vào bến Ngưu Giang (Bến Nghé) tục gọi là Bến Thành. Trước kia đi thuyền buồm, thường từ Huế đến Sài-Gòn phải mất 12 ngày, nhưng nay đi trên tàu hơi nước chỉ mất có 3 ngày nên cụ Phạm Phú Thứ, Phó sứ trong phái đoàn cảm nhận được sự văn minh cơ khí cuả người Phương Tây, đã tức cảnh bài thơ:

“Thuyền đề Gia Định”

Tích văn, Thuận Hải quá Cần Hải

Lãng bạc phong phàm lệ giáp thần(3)

Quái đê! Nghịch phong thiên lý ngoại,

Hõa thuyền(4) tam nhật đáo Ngưu Tân

Dịch giả Quang Uyển tạm dịch thơ:

Xưa nghe Cửa Thuận – Cần Giờ

Thuyền buồm lướt sóng mười hai ngày trời

Lạ! Nay gió ngược, dặm khơi,

Ba ngày thuyền đã tới nơi Bến Thành.

Sau 5 ngày thăm viếng Sài-Gòn, Sứ đoàn được Súy Phủ Sài-Gòn đặt tiệc tiễn hành và chuyển sang tàu lớn hơn(5). Rời Sài-Gòn đã đi ngang qua đảo Côn-Lôn (Poulo Condore) ngày 05-7-1863 và sau đó đến Tân-Gia-Ba và Mã-Lai ngày 10-7-1863 tiếp tục cuộc hành trình, ngày 10-8-1863 đoàn đến cảng Aden, và bắt đầu vào Hồng Hải. Ngày 13-8-1863 tàu đi ngang qua La Mecque thuộc xứ Ả Rập và ngày 17-8-1863 thì đến cảng Suez. Kể từ Aden đến đây mất 7 ngày và tàu bắt đầu vào hải phận của Ai Cập, khi tàu sắp vào cảng Suez, Rieunier, vị sĩ quan hướng dẫn nói cho sứ đoàn biết là bắt đầu từ đây sang Pháp, những nơi sứ bộ đi qua đều có nổ súng đón chào, vì thế cần có cờ sứ bộ giương lên để đáp lễ. Trước một nghi thức ngoại giao có hơi mới mẻ đối với nước Nam, vì hồi nào đến giờ, nước Nam cũng có bang giao với nhiều nước nhất là trong vùng Á Châu, nhưng chưa hề có thể thức này để làm tiền lệ. Cụ Phạm Phú Thứ đã trả lời rằng: Chúng tôi chỉ có đem theo đây lá Quốc kỳ và cho Rieunier xem, xem xong Rieunier nói rằng: Lá cờ này về phần màu sắc, lẫn lộn với cờ các nước sợ khó phân biệt, và đề nghị có thêm dấu hiệu gì gắn lên cờ để biết – vì thấy rằng cờ nước Nam có màu toàn vàng giống như cờ “kiểm dịch” của tàu các nước mỗi khi cập bến ở vùng Địa Trung Hải phải treo lên tàu để chứng minh đã qua thủ tục kiểm dịch. Sở dĩ Rieunier đưa ra câu nói trên là vì “tế nhị ngoại giao” trong ngôn ngữ, chứ xét thấy vào thời đó, đâu có một nước Âu Châu nào có lá cờ màu vàng như nước ta, ngay cả đến cảng Suez của Ai Cập là nước vào thời đó đang lệ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, phải treo cờ Thổ, thì lá cờ này cũng chỉ có nền đỏ giữa có trăng lưỡi liềm bọc ngôi sao màu trắng. trong lúc các quan trong sứ đoàn còn đang lúng túng chưa tìm ra cách xử sự với lá cờ, thì phó sứ Phạm Phú Thứ đưa ngay ý kiến: lấy tơ đỏ thêu lên hai mặt cờ bốn chữ: “Đại Nam Khâm Sứ” là được, mọi người đều cho là diệu kế và truyền cho các thợ may làm ngay, vì trong chuyến đi đã được dự trù là dài ngày nên có chuẩn bị đem theo các thợ chuyên môn để lo cho triều phục của các quan vốn may bằng gấm vóc rất nhiều màu săc, vả lại lúc tàu cập bến thì đã 6 giờ chiều, hết ngày, nên vị trấn quan thành Suez nói với sứ đoàn là để sáng hôm sau mới làm lễ tiếp đón, nên thì giờ cũng rộng rãi. Sáng hôm sau, trong lúc 19 phát thần công nổ dòn, thì lá cờ sứ đoàn cũng được kéo lên phất phới ở cột buồm chính giữa tàu. Câu chuyện lá cờ của sứ đoàn nước Nam đi Pháp năm 1863, như đã ghi lại trong Tây Hành Nhật Ký, di thảo của Cụ Phạm Phú Thứ là như vậy. Nhưng cũng có một tạp chí nói rằng, trong lúc các quan của sứ đoàn chưa biết kiếm đâu ra lá cờ cho hợp thức như vị sĩ quan hướng dẫn đã đề nghị, thì có một người hầu của cụ Phan Thanh Giản thưa rằng: con thấy cái khăn trầu của cụ cũng còn mới làm thế lá cờ rồi về tâu lại với vua sau. Thật không hiểu nổi, trong lúc ai cũng biết cái khăn trầu của các cụ ngày xưa thường chỉ là một vuông vải màu đỏ, chỉ đữ gói một cái trắp nhỏ trong đựng trầu cau và một ít vôi, với một cái ống ngoáy, thường cho tiểu đồng hoặc người hầu xách theo, trong lúc lá cờ là màu vàng, màu truyền thống của vua chúa trong chế độ quân chủ ngày xưa.

Nhân chuyến đi sứ này, xin kể thêm, khi tàu của sứ đoàn cặp bến Toulon, hành trình lên bộ đi bằng xe lửa từ Toulon đến Marseille rồi từ Marseille đến Paris, ngồi trên xe nhìn qua khung kính cửa sổ toa xe, cụ Phạm Phú Thứ thấy phong cảnh xứ người cây cỏ tốt tươi, ruộng đồng thẳng tắp, dọc theo đường rầy (raille) đường dây điện báo chạy dài dùng làm phương tiện thông tin giữa các nhà ga, hai bên nhà cửa, ngay hàng thẳng lối, cụ thầm thán phục cách tổ chức sống của người Tây Phương nên cũng tức cảnh bài thơ sau đây:

Phiên âm: “Phú-lảng-sa hỏa xa đạo trung thư sự

Lập quốc thiên dư bát bách niên

Phú cường cỏ xảo thiện tây thiên

Giang sơn hoa thụ lê song lý

Lầu quán nhai cù điện tuyến biên

Bát chính thực trù chân hữu đắc

Tứ đoan thâm ý tích vô truyền

Tào giao Đông thổ kiêm trường kỹ

Pha-lý, Long-Đơn vị túc hiền

Dịch nghĩa: Trên đường đi xe lửa ở Pháp ghi sự việc

Dựng nước hơn một nghìn tám trăm năm

(Nước Pháp) giàu mạnh. Tài khéo nhất ở phía Tây xa xôi

Ngồi trong xe, thấy sông núi, hoa cây qua cửa sổ pha lê

Và lâu đài, quán xá, đường phố ven dây điện

Họ có kế hoạch thực hiện bát chính(6) rõ ràng đã thu dược kết quả tốt

Nhưng tiếc là họ không truyền được ý nghĩa sâu xa của tứ đoan(7)

Giá Phương Đông sớm giỏi thêm về kỹ thuật

Thì Phà-Lý và Luân-Đôn chưa chắc đã tài hơn.

Phiên âm và dịch nghĩa do Quang Uyển.

Và bài thơ sau đây của Hoài Mai Phạm Phú Thông:

Nghìn tám trăm năm nước lập thành

Trời Tây giàu mạnh nổi lừng danh

Non sông hoa cỏ gương lồng bóng

Đường sá lâu đài, điện báo quanh

Bốn đức sâu xa chưa giảng giải

Tám khoa thực dụng đã tinh rành

Á Đông nếu sớm thêm cơ xảo

Chưa hẳn nhường chi Pháp với Anh

PPT ghi

-------------

Chú thích :

(1) Đại Nam là tên nước từ đợi vua Minh Mạng đến Bảo Đại

(2) Tên tàu ECHO

(3) Giáp thần: 12 ngày

(4) Hỏa thuyền: Tàu chạy bằng máy hơi nước của Pháp

(5) Tên tàu là EUROPEEN

(6) Bát chính: Tám điều thiết yếu trong chính sách quản lý một quốc gia theo kinh thư: cái ăn (thực), cái dùng (hóa), thờ cúng (sự), biên cương (tư không), giáo dục (tư đổ), trị an (tư khấu), ngoại giao (tân), quân sự (sư).

(7) Tứ đoan: Bốn điều cơ bản của đạo đức con người theo đạo Nho: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí.

----

Mùa báo hiếu

Mùa báo hiếu mưa rơi tầm tã

Giọt mưa ngâu rỉ rả tàn đêm

Xứ người viễn khách buồn tênh

Giờ đây chắc mẹ bên thềm trông con

Làng Tân Hội giáp miền duyên hải

Huyện Phong Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên

Quê tôi bão lũ triền miên

Lưa thưa vườn ruộng bên triền suối reo

Thương nhớ mẹ về quê thăm mẹ

Tổ tiên xưa lập nghiệp nơi ni

Mẹ tôi sinh bốn nam nhi

Một cây cù mộc quế chi mấy cành

Nay tóc mẹ thời gian nhuộm trắng

Lưng hơi còm đi đứng khó khăn

Tai nghe lãng mắt cận nhìn

Vẫn vui đàn cháu vẫn tình đông lân

Cha mất sớm mẹ toan vất vả

Tảo tần nuôi tất cả đàn con

Mẫu thân lo liệu vuông tròn

Noi gương tiết phụ hương còn bay sang

Lối về qua ngã đình làng

Nhà tôi khuất nẻo mấy hàng phi lao

Bước chân vội vã đi mau

Nắng chiều sót lại đổi màu hoang sơ

Ven bờ suối Phù Dung mấy đóa

Bướm vờn hoa ra vẻ lẳng lơ

Phù Dung hoa nở ven bờ

Một con chuồn lượn hững hờ trên hoa

Mẹ tựa cửa đón con mừng tủi

Phúc trời cho qua tuổi bách niên

Ơn trên ban phước mẹ hiền

Một cây đại thọ, phi nguyền gia phong

04/9/2010

NGUYỄN DIỆM

XUÂN THĂNG LONG

Gió thoảng HỒ GƯƠM liễu ví von

HỒ TÂY êm ả dịu tâm hồn

ĐỒNG XUÂN khởi sắc tươi ngày mới

VĂN HIẾN vươn mình nẩy lộc non

VĂN THÁNH, NGỌC SƠN mừng phúc lớn

ĐÀI NGHIÊN, THÁP BÚT thắm duyên tròn

Ngàn năm lịch sử soi kim cổ

Hà Nội – Thăng Long đậm nét son.

XUÂN VÂN

TRIẾT LUẬN NHÂN SINH

Giao điểm thời gian chiều ngả bóng

Mặt trời xuống thấp trăng lên cao

Sao hôm vời vợi đầu Nam Cực

Khuất nửa vừng trăng mặt địa cầu

Khởi điểm con người từ tiếng khóc

Về đây rồi chẳng biết về đâu

Ra đời ấp ủ lòng tay mẹ

Qua cõi ngàn năm mạch đất sầu

Ta là dẫn chứng người thiên cổ

Ta cũng là ta vạn kiếp sau

Chẳng qua lòng mẹ hay lòng đất

Cười phút tàn xuân… khóc buổi đầu

Đêm nay mây trắng chân trời mộng

Ta với trăng cùng thức với sao

Hai vừng nhật nguyệt soi tiềm thức

Vị giác phù sinh đã nghẹn ngào

Chợt nghe hơi thở tinh cầu

Mênh mông sỏi đá… dạt dào nước mây

Tạm về đây! ở lại đây

Hành trang đến cũng như ngày ra đi.

TRẦN LỮ VŨ

BUỒN KHÔNG TÊN



Em là con thiêu thân

Không lao vào ánh sáng

Tuy trái tim mù quáng

Tuy tình cảm dại khờ



Trước ngã rẽ tình cờ

Biết đi về đâu nhỉ

Một tấm lòng chung thủy

Bị chà đạp phũ phàng



Em tỉnh giấc bàng hoàng

Con thiêu thân tội nghiệp

Số phần và duyên kiếp

Cứ vò xé linh hồn



Em đã cố vùi chôn

Bóng đêm vào quá khứ

Chấp nhận đời lữ thứ

Phiêu bạt sống lênh đênh



Con thuyền nhỏ chông chênh

Không buồm neo chèo lái

Ngút ngàn khơi hồ hải

Lạc hướng biết bao lần



Không có chỗ dừng chân

Không có nơi nương tựa

Ôm niềm đau chan chứa

Lặng lẽ cõi vô thường



Bão tố giat ngàn phương

Con thiêu thân tội nghiệp

Băng núi rừng trùng điệp

Sương gió lạnh u hoài



Em nhỏ bé lạc loài

Chẳng lao vào ánh sáng

Một hồn thơ lãng mạn

Không bến đỗ bơ vơ



Làn mây tím hững hờ

Vầng trăng xanh chối bỏ

Ôm đắng cay đổ vỡ

Hiu quạnh giữa hoang vu

30/9/2010

NGÀN PHƯƠNG

ĐỜI NGƯỜI VỀ ĐÂU ?

Dừng bước chiều nay ngắm cuộc đời

Gió đưa nhè nhẹ áng mây trôi

Về đâu, bốn hướng không phương, xứ ?

Khác chi cuộc sống của con người !

Từng lớp người qua, rảo bước mau

Hai vai chồng chất gánh u sầu

Trên đường thiên lý, theo nhau bước

Ra đi mà chẳng biết về đâu !

Chẳng biết từ đâu đã đến đây !

Sống mà không biết để làm chi !

Cười, khóc, tranh dành trong giấc mộng

Cuối cùng ngơ ngác bước ra đi !

Đời có gì đâu để tự hào ?

Trăm năm một kiếp, có là bao ?

Vào đời : tay trắng; Lìa : tay trắng !

Về đâu ? Ai biết sẽ về đâu ?

Tâm Nguyện

BỐN MÙA

Bao nhiêu thơ dại đủ rồi

Nắng mưa thi thoảng cảnh đời phù du

Áo cơm mặc kệ sương mù

Tấm thân một cảnh luân lưu đợi chờ

***

Ai về trong giếng mộng mơ

Xuân đưa nắng nhẹ quên đời hồng nhan

Thông tàn trên ngọn đồi hoang

Tiếng ve vẳng điệu mê man phong trần

***

Sen vàng mỏi cánh phân vân

Cho qua nắng hạ để gần phù sa

Từ trong mong đợi ngâm nga

Thiết tha giọt lệ thiên hà mông lung

***

Mộng về từ một nhánh sông

Màn sương trắngphủ rừng phong, bơ phờ

Tiếng thông đơn điệu nhởn nhơ

Trôi theo dòng nước biệt đời mênh mông

***

Nhắn về cơn gió ngoài song

Cho xin băng giá lên đồng cỏ may

Giơ tay níu giữ rừng cây

Để ngày đông phủ cho đầy nhánh khô.

Dương Lêh (2009)

-----

Kính thưa Quý Độc Giả:

Như Quý Độc Giả đã biết Truyện Kiều của dịch giả Thùy Dương đã dịch xong và đăng đoạn kết ở bản tin số 48 nhân kỷ niệm 190 năm ngày mất Nguyễn Du (1820--2010).Nhưng còn nhiều đoạn trước đó chưa đăng hết nên để có được toàn bộ bản dịch Kiều của Thùy Dương trên Bản tin Xưa và Nay (kể từ Bản tin số 24), chúng tôi sẽ tiếp tục cho đăng hết những phần còn thiếu. Cũng xin cáo lỗi là không theo đúng thứ tự như mong muốn. Hy vọng Quý Độc Giả đã biết rõ truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ không bỡ ngỡ. Trân trọng cám ơn.

CLB Sách Xưa và Nay

TRUYỆN KIỀU

(797-1032)

Đã sinh ra số long đong

Còn mang lấy kiếp má hồng được sao?

Trên án sẵn có con dao,

800 Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn:

Phòng khi nước đã đến chân,

Dao này thì liệu với thân sau này.

Đêm thu một khắc một chày,

Bâng khuâng như tỉnh như say một mình.

805 Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,

Vốn là một đứa phong tình đã quen.

Quá chơi lại gặp hồi đen,

Quen mùi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.

Lầu xanh có mụ Tú Bà,

810 Làng chơi đã trở về già hết duyên.

Tình cờ chẳng hẹn mà nên,

Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường.

“Well, that’s my harassing lot given to me at birth,

“As it is reserved for all rosy-cheeked girls .

“But the matter is how to carry on this disgraceful life .

Glancing at the shelf, she caught sight of a small knife,

Quickly she stole it and hit it in her garment,

To deal with her fate just in case of an ill circumstance.

In the autumn night, time seemed to be everlasting,

Alone in the room, she wondered whether she was awake or dreaming.

She had never known about that old fellow Mã Giám Sinh,

He was a pleasure seeker well known in love hunting.

Excessive living had made him become a broke wanderer,

He then came back to his habitual trade of “flowers”.(1)

Here in the “green house”(2) he met Tú Bà, an old maiden

Who had retired from her pleasurable life in brothel.

The old couple met by an accidental chance,

Like sawdust and bitter gourd, they matched so well(3).

---------------

(1), (2): Brothel. (3) This expression referred to the story of two swindlers who sold goods to each other. One sold sawdust for bran; the other sold bitter gourds for cucumbers. Frist they got angry for being deceived, but soon after, admirring the trick of each other, they became good co-operaters.

Chung lưng mở một ngôi hàng,

Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề.

815 Dạo tìm khắp chợ thì quê,

Giả danh hầu hạ dạy nghề ăn chơi.

Rủi may âu cũng sự trời,

Đoạn trường lại chọn một người vô duyên.

Xót nàng chút phận thuyền quyên,

820 Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn.

Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,

Sính nghi rẻ giá nghinh hôn sẵn ngày.

Mừng thầm: Cờ đã đến tay!

Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng.

825 Đã nên quốc sắc thiên hương,

Một cười này hẳn ngàn vàng chẳng ngoa.

Về đây nước trước bẻ hoa,

They cooperated to open a shop where all the year round,

Pleasure seekers and girl hunters might come in and out.

They went around all over towns and country,

Seeking servant girls as they pretended, but actually

To train them for their professional pleasure–trade.

Lucky or unfortunate, Kiều couldn’t avoid her fate,

A heartbroken girl, she chose a man who caused her more troubles.

How pitiful of an innocent ill-fated young girl!

A flowery bough sold into the boat of a vilain merchant!

Once caught into the trap of a treacherous man,

With cheap bridal gifts, he could take her on any date,

The flag had fallen into his hand(4), he was so pleased to contemplate

Her body of jade and her face of invaluable worth,

“A sovereign beauty of heavenly perfume!”, he thought,

“Her single smile would cost a thousand gold taels certainly!

“To be the first man picking the flower as priority,

---------------

(4) A golden opportunity for him

“Vương tôn công tử ắt là đua nhau.

“Hẳn ba trăm lạng kém đâu,

830 Cũng là vừa vốn còn sau là lời.”

Miếng ngon kề đến tận nơi,

Vốn nhà cũng tiếc của trời cũng tham.

Đào tiên đã bén tay phàm,

Thì vin cành quýt cho cam sự đời!

835 Dưới trần mấy mặt làng chơi,

Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.

Nước vỏ lựu máu mào gà,

Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.

Mập mờ đánh lận con đen,

840 Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi?

Mụ già hoặc có điều chi,

Liều công mất một buổi quỳ mà thôi.

Vả đây đường xá xa xôi,

Mà ta bất động nữa người sinh nghi.

“There will be a race for Royal birth and noble custumers,

“At least three hundred gold taels, I’m sure not lower.

“Our capital thus recorvered, later will be interest…”

The delicious prey was close to his nose, but he still hesitated,

To keep his capital intact or yielding up to his greedy lust?

“What will become my capital if she is no more untouched?

The fairy peach was within the reach of a vilain hand ,

Dying of thirst, how could he help bending down the branch?

“Of all pleasure seekers and playboys on earth”, thought he,

“Who could tell which rose is really untouched? I bet not many.

“Just a little juice of pomegranate peel and some cockcomb blood,

“With some artful make-up, it will look quite untouched,

“This skillful trick played in a room of semi-dark light,

“We can get for several times the same original price!

“If the old woman made a fuss on me, as penalty,

“A few hours’ resting on my knees wouldn’t matter, no worry.

“Moreover, far away from home in this wedding night room,

“If I keep inactive, she may suspect about her bridegroom”

(845- 910 Xem lại Bản tin 26)

911.  Nàng thì dặm khách xa xăm,

Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây.

Vi lô san sát hơi may,

Một trời thu để riêng ai một người.

915 Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,

Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.

Rừng thu từng biếc chen hồng,

Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.

Những là lạ nước lạ non,

920 Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi.

Xe châu dừng bánh cửa ngoài,

Rèm trong đã thấy một người bước ra.

Now she came to a remote strange land as the vehicle passed by,

Thick snow whitened the bridge, dark clouds concealed the sky.

The reeds inclined and squeezed at every blow of cold breeze .

Ah! Wasn’t this Autumn scenery reserved for her only?

Deeper in the night, the moon’s rising, clearing out the veil of mist,

She felt ashamed of her love oath as looking at the Lunar disk.

Over the Autumn woods, green leaves and rosy flowers clustered closely,

The chirping of birds at nightfall recalled her filial duty.

Now came a region where everything looked strange to her,

After a full month’s travel, they arrived in Lâm Tri, a provincial quarter.

The flowery vehicle stopped in front of a house,

Inside, from behind the blinds, a woman stepped out.

Thoắt trông nhờn nhợt màu da,

Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!

925 Trước xe lơi lả han chào,

Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi.

Bên thì mấy ả mày ngài,

Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.

Giữa thì hương án hẳn hoi,

930 Trên treo một tượng trắng đôi lông mày.

Lầu xanh quen thói xưa nay,

Nghề này thì lấy ông này tiên sư,

Hương hoa hôm sớm phụng thờ.

Cô nào xấu vía có thưa mối hàng,

935 Cởi xiêm lột áo chán chường

Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm.

Đổi hoa lót xuống chiếu nằm,

Bướm hoa bay lại ầm ầm tứ vi!

At first sight, she could notice her pale complexion,

But what a tall and fat woman! What had she eaten?

Before the carriage, she spouted out warm greetings and inquiries.

At her invitation, Kiều stepped in the house unhesitatingly.

She saw at one side, some young women, faces well made up;

Opposite were four or five customers, members of the “night club”

In the middle set an altar with good lamps and incense;

Above were hanging a picture of a white-eyebrowed man.

As a traditional habit, the green house took this genie for worship,

Morning and night, flowers and incense were offered as ritual gifts.

Any unlucky girl who had few custumers would come rightly

Before the altar, stripped off her clothes, praying to the genie;

Then changed the flowers and put them under hers sleeping mattress,

Bees and butterflies(5) soon gathered around her with eagerness .

-----------

(5) Bees and butterflies: men seeking pleasures

Kiều còn ngơ ngẩn biết gì,

940 Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay:

“Cửa hàng buôn bán cho may,

“Đêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu.

“Muôn nghìn người thấy cũng yêu,

“Xôn xao oanh yến dập dìu trúc mai.

945 Tin nhạn vẩn lá thư bài,

“Đưa người cửa trước rước người cửa sau!”

Lạ tai nghe chửa biết đâu,

Xem tình ra cũng những màu dở dang.

Lễ xong hương hỏa gia đường,

950 Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay.

Dạy rằng: “Con lạy mẹ đây,

“Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia.

Kiều was still confused and did not know what to say,

The woman told her to prostrate herself and she began to pray:

“My Genie, please bless me! May my business be lucky,

“So that every night be a “cold meal” party ,(6)

“And every day a festival of the fifteenth of first moon.(7)

“May this girl gather thousands of passionate lovers soon,

“So that this house’d be crowded with swallows and orioles so gallant,

“So we could see them off at front door and welcome others from back entrance”

Kiều found those words so strange to her ears!

They sounded disgraceful things she did not want to hear.

After finishing her formal worship as a traditional habit,

The old woman – Tú Bà – climbed and sat on her large bed.

“Now, come here, my daughter”, she ordered, “to prostrate yourself before your mother;

“Then come to the next room to pay respect to your uncle later.

Nàng rằng: Phải bước lưu ly

Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh.

955 Điều đâu lấy yến làm oanh,

Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?

Đủ điều nạp thái vu quy,

Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi.

Giờ ra thay bậc đổi ngôi,

960 Dám xin gửi lại một lời cho minh.

Mụ nghe nàng nói hay tình,

Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên:

“Này này sự đã quả nhiên,

“Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.

965 .  “ Bảo rằng đi dạo lấy người,

“Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.

“Tuồng vô nghĩa ở bất nhân,

“Buồn mình trước đã tần mần thử chơi.

“Màu hồ đã mất đi rồi,

970 .  “ Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!

“Con kia đã bán cho ta,

“Nhập gia tùy tục phép nhà tao đây.

“Due to a calamity, I had to leave my family,

Kiều replied, “To come here after such a long journey.

“I have accepted the role of a concubine,

“And he has completed all the marital rites .

“We have lived together and shared our conjugal living,

“Now, it turns out that our roles are changing.

“I am too naive to know what my role is really,

“And that is why I wish to know everything clearly.”

Listening to those words, the old woman got madly aroused.

She broke into a violent fury: “So everything is clear now!

“You have stolen my husband alive! You wicked girl!

“And that unhuman fellow, you mean traitor!

“I told you to stroll around and find some maidens

“Take them home to make business as a good occupation.

“But to satisfy your greedy lust, you have tried first!

“Now the vanish layer has been taken, the precious value lost.

“It’s all over! My whole capital’s gone to Hell !

“And that girl, you’re sold to me, you .should follow my rules so well .

Lão kia có giở bài bây,

Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe.

975 Cớ sao chịu tốt một bề,

Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?

Phải làm cho biết phép tao!

Chập bì tiên rắp sấn vào ra tay.

Nàng rằng: Trời thẳm đất dày!

980 Thân này đã bỏ những ngày ra đi.

Thôi thì thôi có tiếc gì!

Sẵn dao tay áo tức thì giở ra.

Sợ gan nát ngọc liều hoa!

Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay

“That old fellow, you must have known he was swindling,

“Why not give him a blow on the face instead of obeying?

“Why were you so submissive to his requirement?

“So young in age, you already longed for such enjoyment?

“Now, I must let you know my law, come on and see”

She grabbed the leather whip and lashed at the girl without mercy.

Kiều cried: “Oh, Heaven so high! Earth so profound!

“My life has been sacrificed since the day I set out.

“Now there is nothing to regret in me any more”

She pulled the knife kept in her sleave long before.

The old woman got terrified! She had not thought about such thing.

She was looking at her face when Kiều already made a fatal swing!

985 Thương ôi tài sắc nhường này,

Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần!

Nỗi oan vỡ lở xa gần,

Trong nhà người chật một lần như nêm.

Nàng thì bằn bặt giấc tiên,

990 Mụ thì cầm cập mắt nhìn hồn bay.

Vực nàng vào chốn hiên tây,

Cắt người coi sóc rước thầy thuốc men.

Nào hay chưa hết trần duyên,

Trong mê dường đã đứng bên một nàng.

995 Rỉ rằng: Nhân quả dở dang,

Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?

Số còn nặng nợ má đào,

Người dầu muốn quyết trời nào đã cho

How pitiful of such a talented and beautiful girl!

The cruel knife had cut off her links to this windy and dusty world!

The unjust fact spread out over the neighbor regions,

So that the house was soon crowded with hundreds of persons.

Kiều was lying senseless, as though plunging in a fairy dream,

The old woman trembling, her soul flying while looking at her victim.

The patient was carried into the western compartment,

Where she was given great care and medical treatment.

But she couldn’t yet get rid of her worldly ties,

In her dream, she saw by her side a young woman so nice

Who whispered in her ear: “Your karma hasn’t finished,

“Don’t try to escape from your heartbroken list

“Your rosy-cheek debt is still so heavy a load,

“You decided to escape, but Heaven hasn’t allowed.

“Hãy xin hết kiếp liễu bồ,

1000 . Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau.

Thuốc thang suốt một ngày thâu,

Giấc mê nghe đã dàu dàu vừa tan.

Tú bà chực sẵn bên màn,

Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần:

1005 . Một đời dễ có mấy thân!

“Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài.

“Cũng là lỡ một lầm hai,

“Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây!

“Lỡ chân trót đã vào đây,

1010 . Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non.

“Người còn thì của cũng còn,

“Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà.

“Làm chi tội báo oan gia,

“Thiệt mình mà hại đến ta ích gì?”

“Be bold and try to finish your willow life span,

“We shall meet in Tiền Đường river later. See you then!”

After a full day of medical treatment and care,

Kiều almost recovered from her long nightmare.

Tú Bà already awaiting at her bedside,

Chose lulling words to appease her as advice:

“A person can have no more than one life,

”Like a flower in early bloom, your springtime is in its prime.

“It’s my misunderstanding that caused such regrettable thing,

“I shall never compel you to any kind of frivolous loving.

“Now, you’ve come to this house by an unfavorable chance,

“Just keep your spring room locked up and wait for a nice circumstance.

“As long as you are safe, your belongings are there safely.

“I shall find you a worthy man from a good family.

“Why did you try such a fatal act? Don’t be a fool

“To ruin your life and leave the crime to me. Is that useful?

1015 . Kề tai mấy nỗi nằn nì,

Nàng nghe dường cũng thị phi rạch ròi.

Vả chăng thần mộng mấy lời,

Túc nhân âu cũng có trời ở trong.

Kiếp này nợ trả chưa xong,

1020 . Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau!

Lặng nghe, thấm thía gót đầu,

Thưa rằng: Ai có muốn đâu thế này?

Được lời như thế là may,

Hẳn rằng mai có như rày cho chăng!

1025 . Sợ khi ong bướm đãi đằng,

Đến điều sống đục, sao bằng thác trong!

Mụ rằng: Con hãy thong dong,

Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!

Mai sau ở chẳng như lời,

1030 . Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.

Thấy lời quyết đoán hẳn hoi,

Đành lòng, nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần.

Listening to these comforting words, Kiều felt her heart settled,

She found the clear advice somewhat reasonable.

Moreover, the message in her dream proved that Heaven was not far,

Everything in life was decided by our previous karma,

Now that she had not cleared off her debt in this existence,

Why add up another debt overlapped to her future renaissance ?

Having got through with those comforting words, Kiều uttered weakly:

“Oh! No girl would want such a downfall in her bad destiny.

“I now find myself lucky hearing your wholehearted words,

“But I wonder if later they will be of any worth.

“When the bees and butterflies will make me a torn down flower,

“Then I would rather die pure than live in muddy water”.

“Oh, my child”, said the old woman, “Don’t worry, just wait and see,

“I never take pleasure in cheating a girl like you. Do trust me!

“Later, if ever I do anything against my words,

“The sun that shines over out head, will be a severe judge”

At such a solemn oath pronounced so resolutely,

Kiều resigned herself, trying to calm down gradually,

Thùy Dương

Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội

THỦ ĐÔ HÀ NỘI

TỰ HÀO VỚI TAM NGUYÊN VŨ–PHẠM–HÀM

VÀ QUÊ HƯƠNG THANH OAI

Thủ đô Hà Nội căn cứ theo địa lý hiện nay, qua các Vương triều Phong kiến, có 10 vị Trạng Nguyên như sau:

1-Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (1426- ?), nguyên quán trấn Sơn Nam, di cư tới ở Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ)

2-Trạng nguyên Pham Đôn Lễ (1455- ?) nguyên quán làng Hải Triều, trú quán xã Thanh Nhàn (nay là huyện Sóc Sơn)

3-Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh (1625- 1674), quê xã Đại Áng, huyện Thanh Trì.

4-Trạng nguyên Đặng Công Chất (1622- 1683) quê xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm

5-Trạng nguyên Lưu Danh Công (1644- 1675) quê xã Phương Liệt (nay là quận Thanh Xuân)

Từ khi Hà Nội mở rộng, sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) từ ngày 01-08-2008 thì Hà Nội có thêm:

6-Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417- 1474) quê thôn Bái Khê, huyện Thanh Oai

7-Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú (1480- ?) quê xã Mạc Xá, huyện Thanh Oai

8-Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng(1465- ?) quê xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai

9-Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495- 1557) quê xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai

10-Đệ nhất giáp Thám hoa (tương đương Trạng nguyên) Tam nguyên Vũ Phạm Hàm (1864- 1906) quê làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai.

Thủ đô tự hào về Tam Nguyên đệ nhất giáp Thám hoa Vũ-Phạm Hàm (Phạm-Vũ Hàm), một trong 2 vị Tam Nguyên – Đệ nhất giáp - của các Vương triều Việt Nam (Vị Tam Nguyên còn lại là Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784) - triều Lê trung hưng)

Cụ Vũ-Phạm Hàm (Phạm-Vũ Hàm): tên tự là Mộng Hải, hiệu Thư Trì, tên thụy là Trang Khải. Cụ là con cả cụ Phạm-Vũ Dự và là cháu cụ Phủ Thiên Vũ Đăng Dương (tức Phạm-Vũ Cát). Hồi nhỏ cụ có tên Vũ Đăng Ngạn, lớn lên đi thi, cụ đổi thành Vũ-Phạm Hàm.

Năm Giáp Thân (1884), cụ Vũ Phạm Hàm 21 tuổi, dự thi Hương ở trường thi Thanh Hóa, đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu Cử nhân, - cụ Nguyễn Thượng Hiền đỗ Á nguyên cùng khoa thi), được phong hàm Tu Soạn, sau đó, làm Giáo thụ phủ Kiến Thụy (Kiến An, Hải Phòng). Dạy học ở Kiến Thụy ít lâu sau thì được tin thân phụ bị ốm, cụ Vũ Phạm Hàm cáo quan về quê Đôn Thư phụng dưỡng bố. Trong thời gian này, cụ mở lớp dạy học, người trong họ, trong làng, các huyện chung quanh đến theo học cụ rất đông. Cũng trong thời gian này, tuy mới ở độ tuổi 23-24, nhưng cụ Hàm đã tỏ ra rất thiết tha với cội nguồn dòng tộc, cụ đã hoàn thành cuốn Tộc phả Họ Phạm-Vũ hoàn thiện đầu tiên cùa dòng họ, lấy tựa đề là Mộng Hồ Gia tập. Có thể nói rằng đây là sách gia phả vô giá mà mới ở tuổi 24 cụ đã cống hiến cho dòng họ Phạm-Vũ để các thế hệ sau có căn cứ mà tìm hiểu về cội nguồn và có điều kiện để tục biên phả hệ.

Năm Nhâm Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892), cụ Vũ Phạm Hàm 29 tuổi, vào Huế dự thi Hội, thi Đình, đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (đứng đầu bảng Tiến sĩ, tương đương học vị Trạng Nguyên- triều Nguyễn không ban học vị này. Cùng khoa thi này, Nguyễn Thượng Hiền đỗ Hoàng giáp, Chu Mạnh Trinh đỗ Tiến sĩ)... Như vậy là qua 3 kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình, cụ Vũ-Phạm Hàm thi là đỗ ngay và đều đỗ đầu bảng, sắc vua ban Đệ Nhất Giáp Tam Nguyên Thám Hoa, hàm Quang Lộc Tự Thiếu Khanh, kiêm Sung Quán Đồng Văn, được khắc tên trong văn bia ở Văn Thánh- Huế (Triều Nguyễn có 3 vị đỗ Tam Nguyên: Tam nguyên Đôn Thư Vũ Phạm Hàm, Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San và Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến, trong đó chỉ có Vũ Phạm Hàm là Tam Nguyên Đệ Nhất Giáp, 2 vị sau là Tam Nguyên Đệ Nhị Giáp). Năm sau (1893) cụ được thăng Quang Lộc Tự Khanh thuộc phẩm trật Tòng Tam phẩm).

Cụ Phạm-Vũ Dự, phụ thân của cụ Vũ Phạm Hàm - là con trai thứ hai cụ Vũ Đăng Dương, vậy cụ là cháu nội cụ Phủ Dương. Lớn lên cụ muốn đổi lại họ tên, trở về với gốc họ Phạm-Vũ; nhưng vì đi thi phải khai ba đời, cụ không thể đổi khác họ của ông nội được, cụ lấy tên Vũ Phạm Hàm có nguyên do là như thế. Cụ Vũ Phạm Hàm đã đạt đến tột bậc danh vọng, đem lại vinh quang cho dòng họ Phạm-Vũ. Hiện nay, trong Tộc Phả họ Phạm-Vũ, cụ Vũ Đăng Dương là Tổ của phân chi P708, gồm 5 phân chi từ PC31 đến PC35. Hậu duệ cụ Phủ Dương hầu hết đều đã đổi trở lại thành họ Pham-Vũ, duy chỉ có con cháu các cụ Vũ Phạm Dự và Vũ Phạm Hàm là có lý do chính đáng để giữ theo họ Vũ-Phạm, hình thành biệt chi Vũ-Phạm (PC33) trong dòng họ Phạm-Vũ ở Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Nội.

Năm 1994, nhân dịp Viện Sử học Việt Nam và Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Hà Tây tổ chức Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Tam Nguyên Thám Hoa Vũ-Phạm Hàm, giáo sư sử học Lê Văn Lan và nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc đã có dịp về Đôn Thư viếng thăm Lăng cụ Thám và nói chuyện với bà con trong làng, trong họ. Các vị học giả khi nói đến trí thông minh của cụ Thám, đã nêu một so sánh như sau: “Nếu trí nhớ thần đồng của Bảng nhãn Lê Quý Đôn thời Lê trung hưng là có một, thì trí nhớ tuyệt vời của Thám hoa Vũ Phạm Hàm thời Nguyễn có thể kể là thứ hai.”

Cụ Vũ Phạm Hàm có thời kỳ là Đốc học Hà Nội nên được coi như một Danh nhân Hà Nội. Học giả Nguyễn Vĩnh Phúc nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp cùa cụ, đã có nhận định; “Cụ Vũ Phạm Hàm mất sớm (chỉ thọ 43 tuổi) song kho tác phẩm cụ để lại cho đời thật không nhỏ, có điều là những tác phẩm của cụ hầu hết là Hán văn và phần lớn là thuộc lĩnh vực giáo dục nên ít được người đời biết đến. Những tác phẩm chữ Nôm của cụ thật là ít ỏi, song chỉ một bài “Hương Sơn phong cảnh” của cụ viết theo thể ca trù cũng đã được coi là một kiệt tác và cụ xứng đáng được xếp vào hạng những thi nhân xuất chúng thời bấy giờ”.

Khi qua chơi Đền Kiếp Bạc- thờ Trần Hưng Đạo, ở Hải Dương - cụ Vũ Phạm Hàm có cúng đôi câu đố, đến nay còn treo trong Đền:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí

Đầu vô thủy bất tranh thanh

(ghi là ‘thu thanh’ có thể khắc sai)

Ý đôi câu đối là:

- Những núi ở Vạn Kiếp đều có kiếm khí

- Nước ở sông Lục Đầu ( nhánh của sông Bạch Đằng) chỗ nào cũng có tiến đóng cọc, đóng chông bày thế trận để bắt sống quân thù.

Trong sách “Danh nhân Hà Nội”, Vũ Khiêu cho biết: Tiếc thương vị Tổng đốc Hà Thành trung nghĩa, nhân dân Hà Nội lập bàn thờ Nguyễn Tri Phương tại đền Trung Liệt trên gò Đống Đa, Thám hoa Vũ-Phạm Hàm cúng đôi câu đối bên bệ thờ Nguyễn Tri Phương trong đền:

“Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa

Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên”.

Nghĩa là:

- Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất

- Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh.

Hoàng Diệu mười năm sau kế chân Nguyễn Tri Phương giữ thành Hà Nội chống Pháp, cũng tuẫn tiết khi thành thất thủ.

Nhân dịp Đại lễ năm nay, vào ngày 11-9-2010, Lễ Tưởng niệm cụ Tam nguyên Vũ-Phạm Hàm (Phạm-Vũ Hàm) đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, UBND xã Kim Thư và Hội đồng Gia tộc Họ Pham-Vũ tổ chức tại làng Đôn Thư, huyên Thanh Oai. Sau khi viếng thăm Lăng mộ Thám hoa Vũ-Phạm Hàm (nằm cạnh làng) và làm Lễ Tưởng Niệm, Hội nghị tiến hành với nhiều bản tham luận khoa học, bài phát biểu của các tác giả Đinh Xuân Lâm (Nhà giáo Nhân dân, Phó Chủ tịch Hội Sử học), Chương Thâu (Viện Sử hoc), Phạm văn Các (nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm)... Kết thúc, cụ bà Vũ-Phạm Thị Thăng, hậu duệ cụ Thám và ông Pham-Vũ Luận (Bộ trưởng Bộ Giáo Dục) thay mặt Hội đồng Gia tộc phát biểu cảm ơn sâu sắc đối với Tổ Tiên đã tạo lập truyền thống vẻ vang của dòng họ Phạm-Vũ, cảm ơn các giáo sư, nhà khoa học, chuyên gia đã dày công nghiên cứu, sưu tập, biên dịch, chú giải các tác phẩm của Tam nguyên Vũ-Phạm Hàm, đối với hậu thế họ Phạm-Vũ, cụ Tam nguyên là một huyền thoại nhưng luôn hiện hữu cùng những vị Tiên Tổ khác cùa Dòng họ, động viên nhắc nhở con cháu họ Phạm-Vũ trong công việc và cuộc sống. Đồng thời cũng thông báo với bà con trong Họ là Thành phố Hà Nội đã đặt tên Phố Vũ-Phạm Hàm tại quận Cầu giấy, thủ đô Hà Nội.

QUÊ HƯƠNG THANH OAI

VỚI HAI LÀNG NGHỀ NỔI TIẾNG

- Làng Nghề Làm NÓN: Dân làng Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai đã nổi tiếng về Nghề làm Nón từ rất lâu, ai cũng biết chiếc Nón trắng 16 vành đặc trưng cùa Làng Chuông từ thời phong kiến, chiếc Nón đã từng được dùng để làm quà cho Hoàng hậu, Công chúa trong cung cấm.

Từ chiếc lá Cọ, lá Cội được mang từ các tỉnh trung du, miền núi, người làng Chuông đem phơi nắng khoảng 3, 4 lần cho đến khi màu xanh cùa lá chuyển sang màu trắng bạc. Đem về nhà, người thợ Nón dùng lưỡi cày, giẻ hơ thật nóng để là (ủi) miết cho tấm lá thật phẳng, nhẵn mà không bị rách giòn. Chiếc Nón đẹp hoặc xấu phụ thuộc rất nhiều vào khâu “là” lá, có tấm lá phẳng, người thợ lấy tre, nứa làm Vòng, lắp lá vào và may tỉ mỉ. Từ xưa và đến giờ, Nón Làng Chuông vẫn giữ nguyên nét đặc trưng gồm 16 lớp Vòng vừa bền vừa chắc, vừa mềm mại. Khi khâu nón, người thợ xếp lá theo từng vòng Nón, khâu từ vòng trong đến vòng ngoài thật đều đặn, mịn chắc. Khâu xong vòng Nón là đến công đoạn “cạp” Nón, rồi trang trí và lồng nhôi Nón bằng chỉ màu rực rỡ.

Mỗi năm, làng Chuông xuất ra thị trường 3-4 triệu chiếc Nón. Người làm Nón hôm nay còn vươn tới việc sản xuất nhửng chiếc Nón cổ, Nón nghệ thuật phục vụ cho biểu diễn hay trưng bày tại các triển lãm, hội nghị. Nón làng Chuông vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm quảng bá cho Làng Nghề, thể hiện tài năng của người thợ, lại vừa giúp Làng Nghề phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hòa nhập kinh tế toàn cầu.

- Làng Nghề Làm QUẠT: Dân làng Vác, tên chữ là Canh Hoạch, xã Dân Hòa, Thanh Oai chuyên làm Quạt Giấy. Quạt làng Vác thường có 18 nan. Đầu tiên là việc làm nan, nan Quạt vót bằng tre nhưng không phải tre nào cũng được, muốn nan Quạt đẹp phải chọn đốt tre dài, thành dày, tre đem về cưa ống, pha thanh rồi chẻ nan; dao chẻ nan phải sắc, người cầm dao chẻ phải thật khéo tay, kẻo tre bị ăn neo hết. Nan Quạt có nhiều loại, loại xuất khẩu bao giờ cũng dùng toàn ‘Nan cật’, còn gọi là ‘Nan bi’, vì chuốt tròn cạnh, loại thông thường dung loại ‘Nan hai, nan ba’. Nan được pha rồi đem ngâm nước từ 18 đến 20 ngày cho ăn no nước, kẻo nan bị khô quắt; buộc nan thành từng ‘Bộ nan’ lại, đóng suốt, dùng dao sắc để gọt nan, chặt nan; khi ‘bộ xương Quạt’ đã tạm ổn, là ‘lắp cúc’ và ‘đóng nhài’, như vậy là xong bộ xương Quạt hoàn chỉnh. Để tránh dáng Quạt bị xô lệch, người dàn xong xương Quạt nào là phải ‘phất’ ngay xương Quạt đó, phất Quạt bằng nước ‘quả cậy’, xong mặt này thì phải phất tiếp mặt kia, quả cậy là một thứ nhựa dính, khi khô sẽ cứng lại, nhờ đó, khi Quạt phất xong đem phơi nắng, nền Quạt chắc hẳn lại. Có một quy ước ở Làng Vác là Quạt hồng thì được ‘Trổ hoa’, Quạt tím thì được ‘Châm hình’, trổ hoa và châm hình làm cho chiếc Quạt xinh đẹp thêm.

Được biết, Quạt Làng Vác đã được mang đi đấu xảo ở Pháp vào thời vua Khải Định (1916-1925) và thật vinh dự, hình ảnh của chiếc Quạt Giấy được trở thành biểu tượng thực sự cùa Làng Vác- một Làng Nghề truyền thống thuộc vùng bách nghệ ở miền Bắc nước ta.

Trong sách “Các Vị Trạng Nguyên, Bàng Nhãn, Thám Hoa qua các Triều đại Phong kiến Việt Nam” Trần Hồng Đức cho biết có tất cả 47 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn và 75 Thám hoa, như vậy Thủ đô Hà Nội hiện có 9 vị Trạng nguyên và 1 vị Tam nguyên Thám hoa, với tỉ lệ 10/47 thì tính trung bình cứ 5 Trạng nguyên thì có 1 Trạng nguyên là Danh nhân Hà Nội.

Đồng thời, đúng vào năm nay Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Tổ chức UNESCO đã cộng nhận thêm Hai Di Sản Thế Giới tại Việt Nam, đó là:

Di Sản thứ 11 là Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu và Di sản thứ 12 là Hoàng Thành Thăng Long, cả hai đều ở Thủ đô Hà Nội.

Thật là một niềm vinh dự và tự hào vô cùng ý nghĩa cho Tổ quốcViệt Nam khi Thăng Long – Hà Nội sắp tròn 1000 năm tuổi. Chúng ta cùng nhau hát vang các Bài hát về Tam nguyên Vũ –Phạm Hàm và về các Di sản Thế giới tại Việt Nam...

Lời Mới của bài hát “London Bridge”

Mừng Thăng Long – Hà Nội ngàn năm

Đời vua Lý, Trần , Mạc, Lê

Chọn (là) Kinh đô, nay là Thủ đô

Việt Nam thái hòa!

Mừng Thăng Long – Hà Nội Thủ đô

Tự hào với nhiều Trạng nguyên

Nhất giáp Tam nguyên Vũ-Phạm Hàm

Văn Thánh (Huế) bia đề!

Chỉ có hai Nhất giáp Tam nguyên

Lê Quý Đôn (triều) Lê Trung hưng

Cùng với Vũ-Phạm Hàm triều Nguyễn

Ngàn năm Hà Nội!

Văn Thánh Huế có 32 bia (gồm 293 Tiến sĩ)

Đề “Thám hoa Vũ-Phạm Hàm”

Văn Miếu Hà Nội 82 bia (1307 Tiến sĩ)

Tiến sĩ hiền tài!

Di sản Thế giới thứ 11

“Ký ức Nhân loại” đã vinh danh

Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu

Là “Di sản Tư liệu Thế giới” (ngày 9-3-2010)

Di sản Nhân Loại!

Di sản Thế giới thứ 12

Hoàng thành Thăng Long vừa khai quật

Nhiều triều vua, đa văn hóa

Đây Cửa Bắc, Cột Cờ, Hậu Lâu

Đoan Môn, (điện) Kính Thiên (5 di dích còn sót lại)

Hoàng thành Thăng Long ở Hà Nội

Đời vua Lý, Trần, Mạc, Lê

Ngàn năm qua xây dựng Kinh đô

Di sản Nhân loại! (ngày 1-8-2010)

Di sản Thế Giới thứ 1

Sông Hương, núi Ngự, cầu Trường tiền

Cả quần thể “Cố đô Huế”

“Bao Lăng tẩm, Cung đình triều Nguyễn”

Di sản Nhân loại! (tháng 12-1993)

Di sản Thế giới thứ 2

Nhiều hang động, vịnh đẹp, đảo xinh

“Vịnh Hạ long” ở Quảng ninh

Được vinh danh (vì) giá trị địa chất

Di sản Nhân loại (tháng 12-1994)

Di sản Thế giới thứ 3)

Hội an xưa giao thương nhiều nước

Đa văn hóa, cầu Nhật bản

Được vinh danh “Phố cổ Hội An”

Di sản Nhân loại! (tháng 12-1999)

Di sản Thế giới thứ 4

“Mỹ Sơn thánh địa” ở Quảng Nam

Nhiều đền tháp là kiệt tác

Điêu khắc Chiêm thành thời Ấn giáo

Di sản Nhân loại! (tháng 12-1999)

Di sản thế giới thứ 5

“Động Phong Nha” Quảng Bình nổi danh

Nhiều cửa hang đẹp nên thơ

Rừng nguyên sinh thực-động vật hiếm

Di sản Nhân loại! (tháng 6-2003)

Di sản Thế giới thứ 6

Nhạc Huế xưa bác học, tao nhã

Ở Cung đình dịp tế lễ

“Nhã nhạc Cung đình triều Nguyễn”

Di sản Nhân loại! (tháng 11-2003)

Di sản Thế giới thứ 7

“Văn hóa Cồng Chiêng người Tây nguyên”

Nhiều dân tộc dùng tế lễ

Kiệt tác nghệ thuật Cồng và Chiêng

Di sản Nhân loại! (tháng 11-2005)

Di sản Thế giới thứ 8

‘Ký ức Nhân loại’ đã vinh danh

“Mộc bản triều Nguyễn” ở Huế

Có giá trị nổi bật thế giới

Di sản Nhân loại! (tháng 7-2009)

Di sản Thế giới thứ 9

Lối hát đối đáp ‘Liền anh chị’

“Điệu Quan họ ở Bắc Ninh”

Lời ca hay, trữ tình, giao duyên

Di sản Nhân loại! (tháng 9-2009)

Di sản Thế giới thứ 10

Lối hát thơ, thính phòng, cung đình

“Điệu Ca Trù” ở miền Bắc

Ca phối hợp ngón tay, khổ phách

Di sản Nhân loại! (tháng 9-2009)

P.V.D

Hồ Xuân Hương, con người lạ mặt

Người nữ sĩ họ Hồ đến với dân Việt Nam như một giòng sông quen thuộc một ngọn nước phù sa. Người “đến đây rồi ở lại đây” như một nhánh nước Cửu Long, một rừng núi Tản. Dù người ta đóng cửa trước mặt, chặn đánh sau lưng người, hình ảnh cũng như sức sống của người vẫn ngột ngạt, xáo động và bàng bạc như sương buồn trong cỏ. Người đi thẳng tới giữa lòng người Việt từ lúc thiếu thời, dù đang say sưa dưới ánh sáng của giảng đường, dù đang bước nhanh trên những xóm làng, bình dị. Người đã đi thẳng tới giữa lòng chúng ta rồi ở lại đấy như sinh tố thấm nhuần vào máu huyết mặc dầu thời đại đổi thay, chướng ngại vật của đời người ngăn cách.

Sự có mặt vừa đột ngột, vừa thân mến của người nữ sĩ với chúng ta như một người bạn “gặp hôm nay nhưng hẹn tự nghìn xưa” làm cho những người yêu cũng như kẻ ghét tác giả “Xuân Hương thi tập” rủ nhau tìm hiểu nữ sĩ họ Hồ. Rủ nhau “tìm hiểu” một người nghệ sĩ là một điều rất nên bởi vì trong chúng ta còn ai nghĩ rằng có thể đứng ngoài cuộc sống như gỗ đá bên nhau mà không hề liên can, thăm hỏi. Tìm về những hoàn cảnh lịch sử liên hệ đến sự xuất hiện của tác phẩm để có thể soi lên tác phẩm với tác dụng của những ánh đèn sân khấu là một việc rất phải nhất là tác phẩm đó lại đặc biệt như thi phẩm của họ Hồ.

Cho nên người ta đã vạch cho chúng ta rõ ít nhiều về gia đình, dòng dõi của người con gái Nghệ An, về thời đại vô cùng xáo động của người nữ sĩ đồng thời với những tác giả “Đoạn Trường Tân Thanh”, “Vũ Trung Tùy Bút”… Chúng ta còn biết rõ hơn nữa về số phận của người đàn bà long đong trên đường tình ái đã chung chăn gối với những ông Phủ ông Tổng, đã quen biết những gã đàn ông nửa tài hoa, nửa ong bướm như con người họ Phạm.

Nhưng những cuộc truy cứu, tầm nguyên đã đưa chúng ta đến đâu. Những ánh đèn sân khấu đã cho ta thấy những gì về tài diễn xuất của người tài tử họ Hồ?

Kết quả những cuộc tìm hiểu về Hồ Xuân Hương cho tới nay ta có thể nói rằng rất nhiều và rất ít.

Cho nên đến nay người ta phân vân không biết nữ sĩ họ Hồ là ngưới đàn bà chất chứa nơi nội tâm ít nhiều dục vọng chưa được mãn khai vì nhan sắc mong manh, tình duyên dang dở hay thi phẩm của bà là dấu hiệu của một tâm hồn lành mạnh thích đùa bỡn, khôi hài.

Người là kẻ thông minh đã lĩnh hội được cái hoàn cảnh lịch sử của thời phong kiến suy vi, lễ giáo lung lay, vua bóc lột dân , nam đàn áp nữ nên đã bộc lộ được cái nguyện vọng đấu tranh của mình qua những vần thơ rất đặc biệt hay người chỉ là người đàn bà giàu tình cảm lãng mạn, tài hoa.

Hồ Xuân Hương là nhà thơ cách mạng hay phản động cấp tiến hay thoái hóa, lành mạnh hay nạn nhân của một căn bệnh quái đản? Bấy nhiêu câu hỏi và giải đáp người ta đã đề nghị vẫn xoay quanh chúng ta.

Sự phân tỏa của những quan niệm có thể là dấu hiệu của những tư tưởng súc tích, giàu mạnh nếu chúng ta không bị đặt trước một thực trạng quen thuộc đến không ngờ, dấu hiệu của sự ly khai hố phân cách giữa những nhà phê bình và sức sống vượt bực của thiên tài.

Thực trạng đó vô cùng đơn giản nhưng cũng rất rõ rệt như ban ngày đã bắt ta phải suy nghĩ rồi nhận chân rằng những quan niệm về Hồ Xuân Hương phân tỏa chỉ vì đó là những con suối nhỏ gặp sức cản của núi non nào phải chia ngành, sẻ ngọn.

Thực trạng đó là nụ cười của người đọc. Nụ cười của chúng ta đã bắt gặp mọi nơi: ở giảng đường khi những nhà giáo dục mô phạm đề cập tới tác giả “Đánh đu”, trong những buổi gặp gỡ của những mái đầu trẻ tuổi… Nụ cười ta đã bắt gặp ở cửa miệng của mọi người đọc Hồ Xuân Hương. Nụ cười ta có thể đánh giá là khoái trá, là tòng phạm hay ta chê bai đi nữa ta vẫn phải nhận rằng đó là dấu hiệu của thông cảm.

Người đọc cười bởi vì đã đi thẳng tới Hồ Xuân Hương. Tất cả những thuộc từ nhà phê bình cũng như giáo sư vẫn gán ghép cho Hồ Xuân Hương đều không sai. Dưới những khía cạnh khác nhau ta có thể bảo rằng thi ca của họ Hồ mang những tính chất cách mạng, phản động, cấp tiến, thoái hóa lành mạnh, bệnh hoạn. Ta có thể viện hơn một câu thơ của nữ sĩ họ Hồ để chứng minh những thuộc từ kể trên. Không một ai phản đối chúng ta cả. Nhưng trên môi người đọc cũng như trên nét mặt láu lỉnh của những người học trò vẫn nở một nụ cười, bao hàm ý nghĩ: Hồ Xuân Hương còn là một chút gì hơn tất cả, vượt lên trên tất cảm những thuộc từ đó, nụ cười đó là dấu hiệu của thông cảm giữa người đọc và tác giả.

Nụ cười cũng là dấu hiệu thành công của tác giả và thất bại của người phê bình. Nếu ta không nói rõ cái đặc biệt của Hồ Xuân Hương vượt lên trên mọi thuộc từ ước lệ nghĩa là ta chưa nói được gì cả. Không ai phản đối, chế riễu ta, nhưng người ta xem kịch còn say mê với sân khấu. Kẻ phê bình bị gạt vào địa vị của một người ngồi trong bóng tối. Chúng ta đã thất bại trong việc bắc một nhịp cầu. Tất cả những tiếng dùng để quy định Hồ Xuân Hương chỉ là những đồ trang sức bám vào mình một trang tuyệt thế giai nhân. Những ánh đèn chiếu vào sân khấu chỉ còn là những vì sao lẻ loi. Trăng sáng quá và người đọc mải mê cười khoái trá.

Ta biết làm thế nào một khi ta ý thức được rằng nhiệm vụ của người phê bình thường ở chỗ bắc một nhịp cầu: Tìm hiểu rồi định giá trị. Cố gắng bắc một nhịp cầu nhưng người đọc đã đi thẳng tới Hồ Xuân Hương bằng một con đường gần hơn con đường thẳng.

Nếu ta muốn tìm đến Hồ Xuân Hương bằng một con đường gần hơn cả người đọc ta có thể kết luận như một Nguyễn Sỹ Tế: Hồ Xuân Hương là Hồ Xuân Hương. Nhưng rồi Nguyễn Sỹ Tế vẫn muốn giải thích họ Hồ bằng một vài thuộc từ, nghĩa là bằng những lối đi quanh.

Chúng ta bị đẩy vào trong cái tình cảm thất bại sâu cay. Giải thích phê bình ta đã đi chậm quá. Bảo rằng Hồ Xuân Hương là Hồ Xuân Hương chính là dấu hiệu của tình cảm thất bại đó vì ta đi tìm bóng mình giữa lúc mặt trời đúng ngọ. Nhưng tại sao chúng ta lại bị đẩy vào chỗ thất bại để đau đớn trong cái tình cảm thất bại ê chề. Có một lối thoát không?

Lý do thất bại của chúng ta hiện ra ở chỗ Hồ Xuân Hương đã đạt tới chỗ vĩ đại của thiên tài. Đó là điều tất nhiên. Nhưng ta phải nói thêm rằng thiên tài của người chính ở chỗ đã đạt tới biên giới của tiếng nói.

Người đã dựng lên ở trước mặt ta một hàng rào danh từ: những “hỏm hòm hom”, “dê cỏn”, “dậu thưa”, “sương còn ngậm”, “suối chưa thông”.

Hồ Xuân Hương đã mượn “một cái gì” để tả “một cái gì” nên ta bị đặt trước hai ngõ cụt;

Không giải thích được cái gì của Hồ Xuân Hương mà chỉ quy định quanh co bằng những danh từ ước lệ ta sẽ vĩnh viễn là một kẻ đến sau bởi vì người đọc đã biết trước, đã thông cảm được Hồ Xuân Hương.

Nhưng giải thích những hàng rào danh từ đó, điều mà người đọc thông cảm đó ta sẽ rơi vào chỗ thô tục.

Đi chậm một bước ta không tới, đi quá một bước ta bị ngã gục vì rơi vào chỗ phản bội thi ca. Và ngay nếu ta quan niệm như một Camus chẳng hạn, cho rằng giá trị của mọi tiếng đều cân bằng (tous les mots s’équivalent) bởi vì nguồn gốc giá trị ở nơi ta, ta vẫn không giải thích được Hồ Xuân Hương và ta sẽ chỉ làm việc mổ sẻ cầu vồng, phân tách vừng trăng.

Sự thất bại của những nhà phê bình trước Hồ Xuân Hương gần như sâu cay, tàn nhẫn. Người ta không thể vượt qua cái hàng rào danh từ của nữ sĩ họ Hồ bởi vì người đã đạt tới biên giới của tiếng nói trong thi ca.

Tìm một lối thoát bao giờ cũng là nguyện vọng của con người ý thức. Nhưng cũng có những lúc con người phải bó tay như trước những hoàn cảnh giới hạn trăm năm. Và lúc đó lối thoát duy nhất là bộc lộ tự do cùa con người qua ý thức về hoàn cảnh giới hạn. Ý thức chưa phải là vượt qua nhưng là dấu hiệu của tự do con người.

Và chính con người Hồ Xuân Hương đó đã vạch cho chúng ta thấy rõ tất cả những hoàn cảnh lịch sử của con người bị dính liền, ảnh hưởng sẽ bị lu mờ, quên lãng ngột ngạt trước con người như những viên gạch trước sự huy hoàng của kiến trúc, như giọt nước trong lớp sóng ngút ngàn.

Ý thức được sự thất bại của chúng ta, của những con người Hoàng Ngọc Phách, Trần Trọng Kim, Nguyễn Bách Khoa trước Nguyễn Du, những Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Hanh, Hoa Bằng, Nguyễn Sỹ Tế trước Hồ Xuân Hương chúng ta cũng ý thức được cùng một lúc như một sự đột khởi sáng lòe: Sự vượt bực của thiên tài trên mọi hoàn cảnh, sự thành công của tự do. Sự chiến thắng đó là chiến thắng của con người trong hoàn cảnh. Những con người Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương vĩ đại cô đơn.

Những chiến thắng mà chúng ta đang cố gắng hướng về bắt đầu bởi những tình cảm thất bại phát xuất từ những cuộc khua chạm hôm nay.

Sự thất bại ta đã bắt gặp trong khi tìm hiểu Hồ Xuân Hương. Tìm hiểu nhưng không bao giờ đạt tới. Hồ Xuân Hương người thi sĩ quen thuộc của người Việt Nam sẽ vĩnh viễn là một người lạ mặt trước những kẻ đi tìm kiếm người.

Và chúng ta phải chấp nhận một sự thật trớ trêu: ta phải đến với người không thăm hỏi, gặp không tìm bởi vì tìm sẽ không bao giờ gặp được.

NGUYÊN SA

ĐỖ THIÊN THƯ st.

----

CÂU CHUYỆN BÀI THƠ

ĐỒN CHỢ GIỮA

Chúng tôi xuống thăm ông Trần Tấn Quốc vào ngày đầu xuân. Ông rất vui mừng, dù đương bệnh cũng gượng dậy để tiếp đón và giữ chúng tôi ở lại ba ngày trong nhà ông ngay tại chợ Cao Lãnh. Dù ngày chúng tôi xuống là đã mồng 6 Tết Âm lịch rồi, nhưng cái không khí Tết ở một quận lỵ hãy còn vui. Tôi đi ra chợ xem thấy các hàng tạp hóa chưa mở cửa, nhưng các quán ăn thì khách ngồi nhậu đông, tiếng pháo lẻ tẻ vẫn còn đốt, các tụ điểm bài cào, tứ sắc, lô tô… thì còn sát phạt. Cái không khí Tết của miền Nam thật vui và ấm cúng. Buổi sáng chúng tôi ngồi uống cà phê tại chợ rồi về nhà. Ông Trần Tấn Quốc đã bảo người dọn bàn nhậu. nào cá nướng trui, nào thịt heo kho nước dừa… trái cây thì dưa hấu, ổi xá lỵ để đầy bàn.

Ông Trần Tấn Quốc tuy tuổi đã hơn 75 nhưng tinh thần vẫn còn sáng suốt và nhớ rất rõ những chuyện làng văn, làng báo khi xưa, tuy có chuyện đã hơn 50 năm, nhưng ông vẫn nhớ rõ từng chi tiết ngày tháng tên tuổi các nhân vật mà ông nhắc lại cho chúng tôi nghe. Ông Quốc kể là đất Cao Lãnh này tuy nhỏ nhưng lại là nơi đã sản sinh ra mấy người có tên tuổi trong lịch sử văn học. Cụ Nguyễn Quang Diệu tuy là người ở Tân Châu nhưng sau năm 1910, Cụ về Cao Lãnh để hoạt động chống Pháp và tại quận Cao Lãnh Cụ Diệu đã sáng tác nhiều bài thơ yêu nước, có giá trị không kém gì những bài của các Cụ Đồ Chiểu, Phan Văn Trị… Về làng báo thì có Cụ Diệp Văn Cương và con trai là Diệp Văn Kỳ cũng là những tay cự phách trong làng báo miền Nam khi xưa.

Trong một buổi tối, ngồi nhâm nhi ly rượu đế ở sân, dưới ánh trăng đầu xuân, Ông Quốc kể cho chúng tôi nghe một giai thoại ở quận Sầm Giang, sát quận Cao Lãnh. Đó là sự tích bài thơ “Đồn Chợ Giữa”. Chuyện xảy ra thời 1946 khi quân dân miền Nam đang đánh nhau với Pháp để giành độc lập. Ông Quốc chậm rãi kể:

“Như các ông đã nghe tiếng hai chữ Sầm Giang, nhưng trước kia nơi này có tên là Vĩnh Kim và một tên dân gian là “Chợ Giữa”. sở dĩ có tên “Chợ Giữa” vì nó nằm ở ngay trung tâm quận lỵ mà chung quanh là các xã Long Hưng, Kim Sơn, Bàn Long, Song Thuận, Đông Hòa, Bình trung. Khi quân Pháp tái chiếm tỉnh lỵ Mỹ Tho thì chiếm luôn quận Vĩnh Kim để lập một đồn lính gồm một đại đội lính Tây và lính Bắc Phi trú đóng, có cả xe lội nước hỗ trợ. Đồn này dưới sự chí huy của tên quan ba (đại úy) Pháp tên là Savary, một tên thực dân khét tiếng ác ôn và ăn hối lộ không chừa một ai. Đồn này nó kẻ cái bảng to tổ bố với hàng chữ “Secteur de Vĩnh Kim”. Lúc đó người Pháp coi đồn này quan trọng vì nó là một thị trấn thuộc điểm chiến lược quân sự của quân Pháp thời đó.

Savary là tên quan ba ác ôn mà dân chúng vùng này rất ghét chỉ muốn lấy đầu hắn mà bêu ra “Chợ Giữa” cho dân chúng coi. Nhưng hắn không bao giờ dám đi ra khỏi đồn nếu không có hàng tiểu đội đi theo hộ vệ cho nên việc đi thu thuế của dân ngoài “Chợ Giữa” hắn đều giao cho tên ách Thẹo thi hành. Sở dĩ dân chúng gọi là ách Thẹo vì hắn hay cởi trần đi ra chợ, hắn phơi cái mình trần có mấy vết thẹo to là dấu tích hắn bị thương khi sang đánh trận ở bên Phi Châu lúc trước. Tên ách Thẹo được sự ủy thác của tên đồn trường Savary, tự tung tự tác bắt bớ dân chúng và ngăn cấm người đi lại trong vùng “Chợ Giữa”. Cứ khoảng mặt trời lặn, 5 giờ 30 trở đi là tên ách Thẹo cho lệnh lính gác đồn bắn ba phát súng chỉ thiên ra hiệu lệnh tới giờ thiết quân luật, dân chúng và xe cộ ghe thuyền không được đi lại từ xã Kim Sơn vào Bàn Long và ngược lại các xe và ghe thuyền ờ Bàn Long muốn vào Kim Sơn cũng không được vào, phải đậu cách xa đồn “Chợ Giữa” 500 thước, nếu ghe thuyền hay xe cộ đi quá mức trên, lính có quyền bắn bỏ mà không phải bồi thường hay thưa kiện gì cả.

Đồn “Chợ Giữa” nằm ngay ở tả ngạn sông Rạch Gầm, khoảng ngã ba sông Rạch Gầm, quận Sầm Giang và Rạch Ông Hổ. Chính cái nhà bảo sanh của quận lỵ khi xưa, nay bọn lính Pháp đã chiếm dùng làm đồn đóng quân để chúng dễ dàng kiểm soát ghe thuyền của dân chúng mấy xã đi lại buôn bán hàng ngày”.

Kể đến đây ông Trần Tấn Quốc thấy chúng tôi mải nghe chuyện không rót rượu thêm, ông Quốc nói:

“Mấy ông phải “dô” đi chứ, tôi bệnh không uống được, nhưng tiếp các ông là tôi dzui rồi và tôi thấy bệnh lại bớt. Rượu đế Cao Lãnh tuy kém Gò Đen nhưng cũng ngon, ông Phi Hổ phải làm hết mấy lít rồi tôi mới cho về Sài Gòn, chưa cạn tôi phạt đấy. Làng báo khi xưa ai mà chả biết ông võ sĩ khi giải nghệ đi viết báo cá ngựa trường đua và uống rượu như rồng hút nước, rồi đi mây về gió phun ra khói. Thôi cạn ly đi, tôi kể tiếp cho hai ông nghe chuyện ông Tư hai bà ở vùng Vĩnh Kim cho các ông nghe. Khi xưa ở khúc sông Sầm Giang này vui lắm, đấy là thời chưa xảy ra chiến tranh Việt-Pháp. Con sông này tuy bé nhưng cảnh sắc đẹp và nên thơ, đã có nhiều văn nhân mặc khách tới đây thả thuyền đi chơi đêm để ngắm trăng miền Hậu Giang. Tôi nghe nói có hai nhà thơ Bắc Hà là Huy Cận và Xuân Diệu đã xuống đây đi thuyền uống rượu dưới đêm trăng hàng tuần với các nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca, Trần Văn Khê…

Còn mới đây, sau ngày đất nước thống nhất, tôi về đây nằm dưỡng bệnh tại quê nhà, cũng được các vị bô lão các xã thỉnh thoảng ghé thăm và kể chuyện truyền khẩu thời Tây đóng đồn tại vùng này. Trong những chuyện mà tôi được nghe có một chuyện văn nghệ rất vui mà đến nay tôi còn nhớ, để tôi kể cho các ông nghe!

Ở Sầm Giang vào khoảng năm 46, có một ông cựu xã trưởng, sau khi hết làm việc xã, ông ta đi làm nghề thương hồ buôn bán lu và chén bát, hỏa lò… Chiếc ghe của ông xã Tư Lu (tước danh người dân gọi ông, vì ông đi buôn lu, và ông lại là thứ tư), cứ hàng tuần chuyên chở hàng từ xã Bàn Long đến quận Vĩnh Kim rồi qua xã Kim Sơn, Song Thuận… Cứ mỗi lần muốn đi qua các xã kia đều phải qua đồn “Chợ Giữa” để trình giấy và nộp thuế. Vì là dân buôn bán nay đây mai đó, nay ghé bến này, mai ghé bến kia nên ông lấy hai bà vợ: bà cả ở ngay Vĩnh Kim trông nom một vựa lu, và ở xã Kim Sơn ông để bà hai trông nom một vựa lu. Đấy là hai bà chính thức mà dân xã biết còn ngoài ra mấy cô thương hồ mà ông hay bỏ mối lu, già nhân ngãi non vợ chồng không ai biết.

Vào một ngày cuối năm, ghe ông Tư Lu chống sào bỏ neo để cúng ông Táo về Trời. đêm đó ghe neo ở cách đồn “Chợ Giữa” mấy trăm thước, ông cho cả hai bà vợ cùng lên ghe để cúng ông Táo. Cúng xong, rượu thịt hạ xuống, hai bà ngồi bên ông Tư Lu để tiếp rượu cho ông nhậu. Được hai bà tiếp rượu với đồ nhắm ngon, ông Tư Lu nhậu quắc cần câu. Ông ra khoang thuyền đầu mũi phải, nằm vắt chân lên giò ngủ, còn bà cả thì nằm khoang giữa, bà hai nằm khoang đầu mũi trái.

Đến nửa đêm, ông Tư Lu tỉnh rượu. Ông chợt nhớ mấy câu thơ của ai đó:

“Năm mươi tuổi tưởng mình già,

Đời vẫn khen mình trẻ tựa hoa”.

Đọc xong hai câu thơ trên, ông Tư Lu nghe thấy tiếng người đằng hắng ở mũi thuyền trái, ông biết là bà hai còn thức. Còn bà cả thì không thấy động tĩnh gì. Bà hai lại hắng giọng và đọc hai câu thơ:

Đêm khuya sông lặng nước yên,

Sào kia nhớ bến chống thuyền qua chơi…

Ông xã Tư Lu nghe thấy hai câu thơ trên, có vẻ đắc ý gật gù đầu, định bụng muốn bò sang đầu thuyền với bà hai. Nhưng ông còn ngại bà cả nằm chình ình ở giữa khoang thuyền làm sao qua được nên ông đọc tiếp hai câu thơ:

Sào thì nhớ bến ai ơi?

Ngặt đồn “Chợ Giữa” thì xuôi lối nào.

Ông Tư Lu ý nói vướng cái đồn “Chợ Giữa” thì làm sao qua được, ông đang phân vân chưa biết xử thế thế nào thì có tiếng trở mình của bà cả đang nằm ở khoang giữa ghe. Một lát, bà cả đằng hắng lên giọng ngâm:

Sông kia ai cấm mà lo?

Qua đồn nộp thuế thì xuôi chứ gì.

Như ta đã biết, đò ghe nào muốn qua đồn “Chợ Giữa” thì phải nộp thuế và hối lộ cho tên ách Thẹo, mà vốn liếng có bao nhiêu nộp thuế hết còn buôn với bán gì được nữa. Ở đây bà cả ý muốn bảo ông xã Tư Lu là có muốn sang bà hai thì phải “đóng thuế” cho bà xong rồi mới được qua. Ông xã Tư Lu bèn ngâm hai câu trả lời:

Chẳng buôn chẳng bán thì thôi,

Nộp thuế hết vốn còn buôn bán gì?

Đến đây ông xã Tư Lu biết là bà cả ghen nên có ý đọc mấy câu thơ trả lời ông và cũng nhắn nhe bà hai là nếu ông xã Tư Lu muôn qua với bà hai thì cũng phải qua cái “cửa ải” của bà lớn trước đã và khi nộp thuế xong xuôi rồi mới được đi. Ông xã Tư Lu đành ngồi dậy châm đèn rồi mời cả hai bà thức dậy làm chầu nhậu nữa vui vẻ cho đến sáng”.

Câu chuyện “Đồn Chợ Giữa” mà ông Trần Tấn Quốc kể đến đây tôi tưởng đã chấm dứt, nhưng ông Phi Hổ đâu có chịu, tiếp lời ngay:

“Với tám câu thơ trong câu chuyện mà ông Quốc vừa kể cho chúng ta nghe thì thú vị thật. Nó giống như hoàn cảnh dân chúng Vĩnh Kim có cái “Đồn Chợ Giữa” do bọn Tây trấn đóng để ai muốn qua ngang đồn phải đóng thuế cho chúng. Bài thơ đúng với hoàn cảnh đấy nhưng tôi nhớ bài thơ này nó xuất phát ở miền Bắc vào thế kỷ 19, thời Tú Xương – mà một tác giả là Bảng Sơn đã thuật lại trong một tờ báo ở Sài Gòn trước năm 75. Bảng Sơn nói bài thơ đó là do cụ đồ Tiếu họ Đàm sáng tác để đối đáp với bà cả và bà hai trong đêm giao thừa. Như vậy là bài thơ trên đã có trước năm 45-46 và sau này có lẽ một tác giả nào đó đã biến hóa đi cho nó hợp với hoàn cảnh “Đồn Chợ Giữa” của Vĩnh Kim tại miền Nam chăng? Tiện đây, tôi cũng xin đọc lại nguyên văn bài thơ của cụ đồ Đàm Tiếu để hai ông nghe cho vui và cũng để so sánh xem bài thơ nào có lý. Bài thơ của cụ đồ Đàm Tiếu nguyên văn như sau:

Bây giờ sông lặng nước yên,

Sào kia nhớ bến chống thuyền lại chơi

Sào thì nhớ bến ai ơi?

Cách đồn quan phủ không xuôi được đò.

Sông kia ai cấm, ai đo?

Có xuôi thì nộp thuế đò mà xuôi.

Chẳng buôn chẳng bán thì thôi!

Nộp quan hết vốn còn xuôi nỗi gì???

Ông Trần Tấn Quốc vốn là người hòa nhã nên ông nói:

“Thôi thì văn học dân gian truyền miệng đôi khi nó cũng tam sao thất bổn đi chứ. Chuyện từ miền Bắc mà vào tới trong Nam xa hàng ngàn cây số nó cũng phải sai đi đôi chữ, chứ ai mà nhớ rõ được, hơn nữa dân ta vốn giàu óc thơ phú, thấy hoàn cảnh nào hợp là họ thêm bớt vào cho nó hợp để vừa đả kích, vừa chế giểu nhân vật, thời thế. Vậy chúng ta cứ coi như bài thơ trên là của chung văn học sử trong thơ ca truyền khẩu Việt Nam”.

PHAN THỨ LANG - BÙI ĐẸP (st)

Những cách suy nghĩ thực tế

Chuyện bóng đá

Bắt đầu bằng chuyện đội bóng Pháp thua đội Đức ở Worldcup Mexico 1986, báo chí phương Tây có ý chê đội Đức đá bóng có phần hung bạo, chém đinh chặt sắt, còn đội Pháp thì đá đẹp, huê dạng như những nghệ sĩ trên sân khấu.

Nhưng Đội Pháp cứ mỗi lần gặp Đức là phải gánh lấy thất bại, còn Đức hiên ngang chiến thắng trước những cặp mắt tức tối của các fan người Pháp. Báo chí có lần phỏng vấn đội Đức cho biết khán giả không thích đội Đức vì họ đá quá cứng rắn, không đẹp mắt. Cầu thủ Đức phản pháo cho rằng họ chơi bóng trong phạm vi luật bóng đá cho phép, họ sẵn sàng chịu phạt nếu vượt quá phạm vi quy định. Họ không quan tâm thế nào là đẹp, thế nào là xấu, điều quan trọng là làm sao đưa bóng vào lưới đối phương. Người ta cũng đã chê đội Đức có phần thực dụng. Thực ra, đội Đức đã đúng khi xác định được mục tiêu trong việc chơi bóng và biết áp dụng đúng phương pháp thực hiện có hiệu quả. Nhiều người đã quan niệm sai khi cho rằng chơi bóng đá phải huê dạng, cầu thủ có tài rê dắt, biểu diễn những cú sút cầu kỳ, chơi bóng rất “hiền”. Cái đẹp mắt thể hiện bằng những đừng chuyền chính xác, những cú làm bàn ngoạn mục, những màn cứu thua của thủ môn với khả năng bay lượn điêu luyện. Việc cầu thủ dùng thể lực trong khi tranh bóng, hay một vài hành vi thô bạo không tránh khỏi bị trọng tài xử lý là chuyện bình thường không có gì làm mất cái đẹp trong bóng đá.

Người Đức đã có một cách suy nghĩ thực tế.

Chuyện cái mũ bảo hiểm

Trở về nước ta, qua cái chuyện đội mũ bảo hiểm, trước đây, Nhà nước quy định từ 15 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy. Thế là người người đội mũ bảo hiểm, nhà nhà mua mũ bảo hiểm. Một số rất lớn những người đội mũ bảo hiểm coi như đó là một hình phạt nên đã tìm cách đối phó. Người thì mua loại mũ vừa nhỏ, vừa mỏng, để đội cho nhẹ đầu. Người thì cho rằng mũ bảo hiểm có kiểu dáng quá xấu nên đã mua thêm lớp vải bọc ở ngoài tô điểm lớp vành bao quanh, hoặc thêm lưỡi trai phía trước, quả là không giống ai. Có nhà sản xuất làm thêm một vành bằng nhựa gắn liền vào nón, người đội giống như binh sĩ Anh ngoài mặt trận thời đệ nhị thế chiến. Có người chuyển sang đi xe đạp điện để không phải đội mũ bảo hiểm. những người này đã hả hê coi như đã “thắng” Cảnh sát giao thông vì đã “lách luật” một cách ngoạn mục, ngon lành. Thiếu niên từ 15 tuổi trở xuống lúc bấy giờ coi như là được hồng ân không phải đội mũ bảo hiểm. Thôi thì tha hồ sung sướng vì không phải chịu một hình phạt mà mấy người lớn tuổi hơn phải chịu. Người viết biết chắc chắn rằng những em khác ở tuổi 16, 17 cũng ăn theo, không đội mũ bảo hiểm khi mặc đồng phục học sinh được cha mẹ chở trên xe máy đên trường hoặc trở về nhà.

Ở giai đoạn đầu khi mới có quy định đội mũ bảo hiểm có một số người hưởng ứng tích cực việc đội mũ bảo hiểm. Đó là những bác sĩ, những y sĩ, y tá tại các bệnh viện. Mỗi khi có một bệnh nhân bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não vì không đội mũ bảo hiểm, những người áo trắng này đều tiếc cho bệnh nhân: “giá mà anh ta đội giùm cho cái mũ bảo hiểm”.

Suy nghĩ về mũ bảo hiểm theo kiểu “truyền thống” bỗng nhiên bị phá sản khi có một người nước ngoài nêu thắc mắc với một phóng viên báo chí cho rằng các em thiếu niên không đội mũ bảo hiểm có nghĩa là các em đó không được quan tâm đúng mức về an toàn trong lúc giao thông. Với người Việt Nam, đây là một cách suy nghĩ mới hoàn toàn, nhưng ở nước ngoài chuyện này quá bình thường. Chắc có nhiều người xem phim đã thấy nhiều em bé 6, 7 tuổi đi xe đạp có bánh kèm chống ngả, nhưng vẫn đội mũ bảo hiểm.

Thế rồi luật mới đã ban ra: ngồi xe đạp điện cũng phải đội mũ bảo hiểm. Trẻ em dưới 6 tuổi không phải đội mũ bảo hiểm. Sự quan tâm về an toàn giao thông được nới rộng thêm!

Chuyện dừng xe giữa đường

Tôi đang chạy xe, đột nhiên thấy người chạy phía trước dừng xe lại. Tôi phải tránh sang chạy vào tuyến trong để vượt qua. Nhìn vào kính chiếu hậu tôi thấy người lái xe leo xuống mở cóp lấy đồ nghề hí hoáy sửa xe. Chiếc xe vẩn còn đang dựng giữa đường.

Một trường hợp khác, tôi cũng đã hốt hoảng phải tránh một chiếc xe máy đột ngột dừng lại phía trước. Lần này không phải xe máy bị hư hỏng gì cả mà là người lái xe núp nắng, dùng lại dưới một bóng cây. Anh chàng này có vẻ sáng láng như dân làm công ty, mà lại sợ nắng đến thế. Tôi cho rằng anh chàng này quá “điệu”. Cái điệu này nên dành cho con gái, chứ ở một đứa con trai mà “điệu rơi điệu rụng” như thế chắc không mang tính chất của dân mày râu rồi. Một lần tôi bắt gặp một anh bạn trẻ cùng bơi lội với tôi ở xuất buổi sáng. Anh ta cũng dừng xe giữa đường để núp nắng.

Tôi hỏi chàng tuổi trẻ: “Anh dừng xe tránh nắng như thế không sợ xe ngoài sau nó tông à?” Anh chàng trả lời tỉnh bơ: “thì nó lỗi chứ mình đâu có lỗi vì nó đàng sau đụng tới. Luật giao thông đấy!” Tôi hỏi tiếp: “Nhở đàng sau là xe tải nặng tông vào anh thì sao. Anh chàng càng tỉnh bơ hơn lần trước: “Thì lỗi nó lại càng nặng”. Thực ra, con nít cũng biết rằng khi anh chàng đó dừng xe giữa đường tránh nắng và có một xe tải từ phía sau tông vào anh thì chuyện gì sẽ xảy ra. Giữa xe máy và xe tải, ai thắng ai? Cho rằng xe tải lỗi và phải bồi thường và số tiền bồi thường này có lẽ phải đổi sang tiền âm phủ để gửi cho chàng vì chàng đã tiêu diêu nơi miền cực lạc rồi. Đây mới là cách suy nghĩ thực tế mà những người hay dừng xe giữa đường không chịu nghĩ tới.

Chuyện đi xin việc làm

Nhiều em sinh viên ra trường đi xin việc làm khi vào phỏng vấn thường lúng túng trước câu hỏi “tại sao anh chị muốn vào làm việc tại công ty chúng tôi?”. Hầu hết các bạn trẻ đều có những câu trả lời tương tự và tập trung vào ý chính là được học hỏi thêm, được tiếp cận với công việc để tiếp thu kinh nghiệm. Xác suất thành công cho loại câu trả lời này sẽ rất lớn khi xin việc tại những công ty trong nước hoặc những công ty lâu đời tồn tại từ thời bao cấp. Người ta thấy được ở các em đức khiêm tốn rất lớn. Người ta thấy rằng các em dù với học vị đại học các em không tự cao, trái lại vẫn nhún nhường phát huy tinh thần hiếu học theo cái kiều “học, học nữa, học mãi…” gì đó. Thật ra, nếu các sinh viên này xin việc ở các Cty liên doanh hay công ty nước ngoài thì với loại câu trả lời này, xác suất thất bại sẽ rất cao. Người phỏng vấn cũng không bao giờ cho các bạn biết vì sao họ đã từ chối bạn. Nếu chịu khó tìm hiểu thì các bạn mới vỡ lẻ ra người ta muốn các bạn trả lời rằng sở dĩ các bạn muốn vào làm việc tại công ty đó là vì công ty đang có tiếng tăm và trên đà phát triển. Công ty có nhiều thử thách mà bạn muốn đem khả năng của mình ra đáp ứng với những thử thách đó. Các bạn muốn làm một nhân viên trực tiếp đóng góp khả năng của mình vào sự phát triển của công ty. Người ta thuê các bạn vào làm việc là để mua chất xám, mua kỹ năng của các bạn để làm giàu cho công ty. Như vậy bạn đâu có thì giờ để “học hỏi, để tiếp thu kinh nghiệm”. Người ta cũng không thuê các bạn vào công ty để làm công việc này.

Chuyện thừa giấy vẽ voi

Năm đó tôi cũng vừa tốt nghiệp và được tuyển dụng ngay vào một công ty nước ngoài. Công việc đối với tôi không có gì khó khăn, lương lại tốt cho nên tôi làm việc rất nghiêm chỉnh, đảm bảo giờ giấc, báo cáo định kỳ luôn luôn hoàn tất đúng thời hạn, và đảm bảo mức độ chính xác. Bàn làm việc của tôi rất ngăn nắp. Những cái kẹp đựng hóa đơn trong tháng được đóng bìa chắc chắn có ghi sổ lưu hóa đơn từ số… đến số…thuộc tháng… năm… được vẽ bằng bút nỉ với co chữ lớn và tô nhiều màu rất đẹp. Các đồng nghiệp của tôi thường khen tôi có hoa tay và hay nhờ tôi giúp trang trí giúp các sổ sách kế toán.

Một hôm, nghe nói có sếp lớn từ Honolulu qua và sẽ ghé thăm Phòng Tài vụ của chúng tôi. Tất cả phòng chúng tôi đều lạc quan nghĩ rằng sau chuyến viếng thăm này, chắc chắn chúng tôi sẽ được lên lương.

Không đầy nửa tiếng đồng hồ sau đó, một ông tây cao lớn bước vào phòng theo sau hai ông tây trẻ hơn theo sau. Ba ông tây đi lướt qua các dãy bàn, quan sát nhanh từng bàn một. Đến bàn tôi ông ta đột nhiên dừng lại làm tôi giật tung cái mình. Ông nhìn lên bàn tôi chăm chú và sau cùng ông ghé tai tôi hỏi tôi tên gì.

Tôi đáp lại, và rồi các ông tây này đi vào phòng họp. Ở ngoài này các đồng nghiệp của tôi đều cho rằng tôi sẽ được khen thưởng bằng cách nào đó chưa biết. Tôi cũng bán tín bán nghi. Cái điệu này chỉ có khen chứ sao lại chê được.

Khách tham quan đã ra về, và chuyện phải đến đã đến. Sếp trực tiếp gọi tôi vào làm việc. Gặp tôi, sếp nói liền: “Này, tôi có một tin vui và một tin buồn cho anh.” Tôi nói:”Chuyện vui trước đi!”.

- “Sếp lớn khen, chỗ làm việc của anh rất tốt, sạch sẽ, ngăn nắp, các sổ hóa đơn trình bày đẹp mắt”.

“và đây là chuyện buồn. Căn cứ vào cuốn sổ hóa đơn đó, sếp thấy được anh còn dư rất nhiều thời gian, sếp yêu cầu tôi cho anh thêm job. Sếp còn lưu ý các bìa sổ hóa đơn chỉ cần ghi bằng chữ có thể đọc được, chứ không cần có một “tác phẩm nghệ thuật” trên bìa các sổ hóa đơn đó.”

Quả thật tôi đã làm một công việc thừa giấy vẽ voi.

Dương Lêh (2010)

-----

ÔNG CHỦ HÃNG BOM

Chuyện vui của VŨ-ANH-TUẤN viết tặng “NỮ XẠO GIA” HỌ ĐỜ, hiện đang sống ở VOLTAIRELAND (Âu Châu).

Khoác lác là một cố tật rất nhẹ của con người. Mấy ai trên đời này dám tự hào là trọn đời không một lần nói khoác. Ngay từ bé đi học tôi đã biết câu ngạn ngữ: “Đi xa về nhà nói khoác”. Người nước Tây nước U cũng nói một câu tương tự: “A beau mentir qui vient de loin” (Kẻ từ xa tới, tha hồ khoác lác). Từ “nói khoác” được dùng ở ngoài Bắc, trong Nam thường gọi là “nói xạo”, nhưng nói khoác hay nói xạo cũng đều là những từ đã cũ, không còn hợp thời. Ngày nay những kẻ khoác lác, hoặc xạo, có một tên mới thời trang hơn: chúng được gọi là những “ông chủ hãng bom”. Đây là một danh xưng rất thích hợp với một vài anh bạn đã “chui tản”, nay trở lại quê hương mở máy “nổ” như pháo, như bom, coi những người ở lại như “nơ pa”, không biết gì; với họ, muốn xạo kiểu nào cũng được.


Trong số các “xạo gia” đó, kẻ mà tôi đem trình làng hôm nay là một nhân vật đáng được danh vị “Đệ Nhất Xạo Gia” vì câu chuyện tôi xin kể hầu quý vị dưới đây; khi nghe xong tức là khi đọc xong, nếu thấy hắn xứng đáng với danh vị đó, đề nghị quý vị hãy cùng tôi thân tặng hắn “một tràng pháo bụng” để tưởng thưởng “xạo tài” của hắn.

Xin tạm gọi hắn là X., và hắn là bạn chung của tôi và T., một người hiền hòa, đứng đắn. Hắn đi trước như đã nói ở trên, và T. thì mới qua Mỹ mấy tháng trước đây. X. đã có về Việt-Nam mấy lần khi T. vẫn còn ở đây. Hắn lại chơi với chúng tôi và khoe khoang đủ thứ về thành tích và sự nghiệp của hắn tại Quận Cam ở Cali. Trong số các thành tích hắn khoe, việc đáng nể nhất là hắn hiện đang làm chủ một hãng sản xuất các vật dụng dùng trong gia đình. Theo lời hắn, hãng này sử dụng trên mười nhân viên “Mẽo” thứ thiệt, và mỗi buổi sáng khi hắn tới văn phòng làm việc, hắn chỉ cần búng tay đánh “chóc” một cái là có cả chục tên nhân viên “Mẽo” bu lại “Sờ”, “Sờ” (Sir-Thưa Ngài) inh ỏi. Nghe hắn kể, T. và tôi khoái chí tử khi thấy có một “Mít” lại chỉ búng tay có một cái , mà cả chục anh “Mẽo” cao lồng ngồng chạy loạn cả lên. Ôi! Nghe hắn kể, lòng tự ái dân tộc nơi chúng tôi như được tắm nước sông Đào, khoái trá quá! Nhưng than ôi! Hai chúng tôi đã mừng hụt, vì hắn kể thế, mà tiếc thay không phải thế! Hai chúng tôi đã là nạn nhân của một tên “chủ hãng bom”.

Chuyện xảy ra sau ngày T. lên đường đoàn tụ với gia đình anh ở Mỹ. Không may cho chúng tôi và cũng không hên cho hắn là T. lại ở cùng Quận Cam với hắn. Một buổi sáng anh ra phố và bất chợt gặp X. đứng trước một cửa hàng. Bên trong cửa hàng có hai anh “Mẽo” cao lồng ngồng. T. bụng bảo dạ: “Chắc đây là hãng của X., may quá, ta sắp được nhìn thấy bạn X. quý mến của ta sai bảo mấy anh “Mẽo” cho thỏa tình mong ước! Hỡi ơi! Sự kiện xảy ra khiến T. buồn đến gần hai tiếng đồng hồ. Vì, trời ơi! Không phải X. búng tay đánh “chóc” một cái thì hai anh “Mẽo” chạy lại như hắn kể, mà, khốn thay, chính một trong hai anh “Mẽo” búng tay đánh “chóc” một cái, thì ông bạn vàng “chủ hãng bom” của hai chúng tôi đã vắt giò lên cổ nhào tới!

Tức đến hộc máu mồm, nhưng T. cũng cố bước vào để định hỏi cho ra nhẽ. Vừa trông thấy T., biết rằng anh đã chứng kiến nội vụ, các bạn có thể đoán “tên chủ hãng bom” đã phản ứng ra sao không?

HẮN TỈNH BƠ VÀ BẢO T.: NÈ T. ƠI, ĐỪNG CÓ NHÌN TÔI, TÔI ĐANG LÀM PHÉP “HOÁN THÂN”, TÔI SỢ KHÔNG TRẢ LỜI ĐƯỢC BẠN BẰNG TIẾNG VIỆT NAM ĐÂU, VÌ TÔITÔI ĐẤY!!!

Tháng 9, 94

Vũ Anh Tuấn

-----

Bí Mật - Bật Mí

1. Con chuột có thể chịu khát lâu hơn lạc đà.

2. Nếu quả nho khô để trong cốc sâm panh nguyên chất nó sẽ tự đi lên đi xuống liên tục từ đáy cốc đến miệng cốc

3. Do kim loại trước đây rất quý, nên trong suốt khoảng thời gian chiến tranh thế giới thứ 2, tượng trao giải Oscars đều được làm bằng gỗ.

4. Số nước cờ vua tính cho 4 lần di chuyển đầu tiên của mỗi một bên chơi trong một ván cờ là 318.979.564.000

5. Quả bom đầu tiên thả xuống khu vườn của Berlin trong Chiến tranh thế giới thứ 2 chỉ làm chết một con voi trong vườn thú Berlin

6. Từ gốc đầu tiên của từ butterfly (con bướm) là từ “flutterby”

7. Trên bàn tay, ngón có móng tay mọc nhanh nhất là ngón giữa và ngón mọc móng chậm nhất là ngón tay cái.

8. Sản phẩm đầu tiên của Motorola bắt đầu được sản xuất là máy nghe nhạc dành cho ô tô. Tại thời điểm này, hầu hết các loại máy nghe nhạc được biết đến trên thị trường có tên là Victrola, nhưng họ thường gọi chúng là Motorola.

9. Người ta phát hiện ra trên tóc của những người có chỉ số thông minh cao thì thường có lượng kẽm và đồng nhiều hơn.

Hoàng Chúc st

-----

TRUNG THU KỶ NIỆM

Sáng 22/9, từ 5:30 sáng tôi đã phóng xe bon bon trên đường về miền Tây. Lâu quá không về giờ đây nhìn cái gì cũng thấy lạ. Đường đi rộng rãi hơn, nhà cửa đẹp hơn, khói bụi nhiều hơn vì nhiều đoạn đường, nhiều cây cầu còn đang sửa chữa. Vốn là một người yêu cái đẹp thiên nhiên, tôi phóng tầm mắt tìm những cảnh mái nhà tranh núp dưới rặng dừa, những cánh đồng lúa bạt ngàn có đàn cò trắng con bay con đậu, những cây cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi… miêu tả những cảnh quê mộc mạc, thanh bình có lẽ hơi bị hiếm vì mọi người đều chiếm mặt tiền làm nơi buôn bán, làm kho xưởng, làm ra… tiền nhanh hơn làm lúa.

Xa xa là Cầu Bến Lức mới xây xong chiều về tôi mới được đi trên cây cầu đó. Ở đây trái cây nổi tiếng là “thơm Bến Lức” ăn rất ngon và ngọt bày bán đầy hai bên đường. Những cô chủ có cái khăn rằn rất ư là Nam bộ quấn trên đầu trông thật xinh.

- Còn bao xa tới Tân An vậy em?

- Sắp tới rồi anh. Mua thơm đi anh.

- Anh đi công chuyện, chiều anh sẽ ghé. Cám ơn nghe.

- Dạ.

Thơm ngọt, giọng cô này cũng… ngọt. Tôi thầm nghĩ giả như có thêm một núm đồng tiền hay thêm cái răng khểnh nữa thì tuyệt…

Tới Tân An là đúng 50 cây số. Hẹn bạn tại một công viên tôi cũng quên tên rồi chỉ biết nó đối diện Coop-mart Tân An, gần sân vận động có đội bóng nổi tiếng Gạch Đồng Tâm Long An. Tại đây cà phê uống cũng tạm được, dưới bóng cây mát mẻ nhiều người tụ họp lại bàn công chuyện làm ăn, người dẫn con đi chơi, người đọc báo, có người còn đang tập dưỡng sinh, nói chung người dân ở đây rất thân thiện. A lô vài người bạn ra uống cà phê tán dóc. Đứa nào giờ đây cũng lớn tuổi con cháu đầy đàn, nhưng đứa nào cũng than: hình như cuộc sống bây giờ khó khăn hơn, mọi người mải mê chạy theo cuộc sống số, nhìn quanh chỗ nào cũng là số nào là số điện thoại của bạn bè (phải lưu lại thôi vì nhiều khi rượu ngon không có bạn hiền), xổ số (phải nói không nơi nào người bán vé số nhiều như tại đây lắc đầu không cũng muốn gãy cổ), số khoan cắt bê tông (ít hơn thành phố), máy iphone, máy 3G, 4G vv… nhiều quá anh em mình theo không kịp rồi!!

Ngồi tám một chốc mà đã quá trưa rồi. Có đứa đề nghị nhậu, đứa khác kêu giờ này mà nhậu gì để đến chiều. Cuối cùng cả bọn rủ nhau đi ăn Bún bò Huế xem ở đây họ nấu có ngon không? Ghé vào một tiệm trông sạch sẽ, khung cảnh lịch sự, bày biện mỹ thuật. Nhiều xe du lịch từ thành phố ghé vào ăn, vậy chắc là ngon rồi. Đúng như mình nghĩ, bún có màu trắng đục chắc không có hàn the, thịt bò thái mỏng nhai mềm, nước dùng có mùi mắm của ruốc Huế, rau muống giá được được trụng sơ qua, bên trên để ít lá rau húng quế còn tươi rói, vài lát ớt xanh xanh đỏ đỏ cắt xéo xéo… mọi thứ đều ngon, sạch sẽ, mùi vị đúng là bún bò nhưng không phải là khung cảnh Huế. Tôi thầm nghĩ ra Huế ăn một tô của một mệ hàng gánh phải là ngon hơn nhiều.

Giờ đã là 3g chiều rồi, nắng đã dịu tà tà về thành phố chuẩn bị 7g tối dẫn con đi chơi Trung Thu là được rồi. Đây cây cầu mà buổi sáng mình chưa được đi vì là cây cầu mới song song với cây cầu cũ, một tuyến đi và một tuyến về. Chà, cầu ngon qua chớ. Thả xuống nhẹ nhàng là hết chân cầu. Cây cầu sắt có đường rày xe lửa, một quá khứ của ngành đường sắt thời xa xưa đâu rồi nhỉ? Chắc là phải phá đi mới có cây cầu này chứ. Đang suy nghĩ về cây cầu thì… ôi! xe xẹp bánh sau rồi, may quá mình vững tay lái chứ không thì té rồi. Nhìn những chiếc xe hàng lao vùn vụt xuống cầu mà phát rợn người khi nghĩ đến cảnh nó cán qua ai đó. Công việc đầu tiên là phải xem có đinh không đã. Không thấy gì cả có lẽ nó lụi vào trong rồi thôi thì đành kiếm chỗ vá vậy. May quá, đàng xa kia có 1 tiệm sửa xe hơi có thể họ vá chăng.

Dõi theo tháo tác của người thợ… à đây rồi một miếng kim loại nhọn lểu như thách đố tôi. Người thợ vá xe nói:

- Hôm nay chú là người thứ hai, trước đây vào ngày 2/9 hầu như mọi xe đổ xuống cầu này về thành phố là dính hết. Lúc đầu tụi em không vá vì chỉ sửa xe hơi nhưng sau thấy họ dẫn đi xa thấy tội nên làm thôi.

- Chắc là tụi đinh tặc từ Bình Dương chuyển địa bàn đó.

Vừa nói tôi vừa quan sát miếng kim loại: nó được dập rất khéo và hai đầu được cắt rất đều và nhọn. Cầm miếng kim loại như muốn đâm vào tay bất cứ lúc nào tay nghề của chúng cao thật, máy móc hẳn hoi chứ chả phải thủ công đâu. Đây phải nói là công nghệ đinh tặc.

Nhìn cái ruột bị đâm nát ít là ba khu vực tôi nhẩm: giá chót cũng phải vá ba miếng, thôi thì thay đại một cái ruột dzổm cũng được, còn cái thường mà mắc một tí cũng không sao, của đi thay người mà!

- Vậy thay cho chú đi, bao nhiêu tiền vậy?

- Dạ 55.000 đồng.

- Loại gì đó cháu?

- Ở đây chỉ có Casumina thôi

Tôi nhìn cái ruột Casumina 80/90-17 chẳng biết nó có thật không nhưng thôi gắn đại vào rồi về. Tôi hỏi chú em sửa xe:

- Vậy chớ Công an ở đây họ biết không?

- Biết chớ nhưng chưa tìm ra hung thủ, tụi em cũng bị trong tầm ngắm vì nằm trong khu vực gây tai nạn.

Một người hàng xóm ngồi gần đó cũng tham gia:

- Mấy hôm trước em đi bộ thôi cũng lượm được một vốc tay!!

- Tội này có thể đưa qua hình sự vì dễ gây tai nạn chết người. Giả như là đinh găm vào bánh trước…hay một người phụ nữ yếu tay lái té qua bên làn xe hơi…

- Vì miếng cơm manh áo thôi chú à. Nếu chú hay đi xa chú nên mua loại ruột không vỏ, sau đó bơm keo vào khoảng 300.000 là chú đi mút trời ông địa luôn.

Cũng lúc đó một người đàn ông có xe đang rã máy tại đó chứng minh cho tôi thấy xe của anh đang còn dính 1 con vít.

- Nó dính đã lâu. Thây kệ vẫn chạy tốt.

Mọi người cùng xúm lại ngó và người thợ sửa xe dùng cây vít 4 cạnh xoáy ra gần 3 phân. Chỉ nghe một tiếng xịt nhỏ bắn ra ít keo: bánh xe vẫn như cũ. Hay thật!! Về thành phố tôi phải mua nó ngay thôi vì mình hay đi xa và cảm thấy yên tâm hơn khi một mình một ngựa trong rừng cao su Long Khánh hay trên quốc lộ 1 đi Phan Thiết. Cảnh vật hai bên đường đẹp quá nhưng nhỡ xe bị xì thi sao???

Người thợ sửa xe bơm thử ruột xe trước khi ráp và chỉ dẫn kỹ cho tôi về thành phố mua loại vỏ không ruột nào là tốt nhất. Sau khi trả tiền, đôi bên cùng cám ơn rối rít.

Trên đường về tôi vẫn ấm ức với câu nói của người thợ “vì miếng cơm manh áo thôi chú à”. Lương tâm của những kẻ rải đinh này ở đâu nhỉ? Những người chủ của họ chỉ biết đến lợi nhuận mà không cần biết đến tai nạn có thể cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông khi bị cán đinh sao? Miên man suy nghĩ con đường ngắn dần, ngắn dần và đây bắt đầu thưởng thức đặc sản của thành phố: KẸT XE. Nhích từng chút từng chút, người dân mình hình như đã quá quen với cảnh này nên giờ đây họ cũng nhường nhịn nhau ít cãi vã hơn và tranh thủ sớm thoát ra chỗ kẹt càng nhanh càng tốt.

Cuối cùng cũng về đến nhà, nghe tiếng còi xe là con ào ra mở cửa:

- Aaaa... Bố về.

- Cám ơn con, cho bố dựng xe, thay quần áo đã chứ?

Trên tay cô bé đang cầm một chiếc lồng đèn điện tử Trung Quốc, tiếng nhạc phát ra một bài trong phim cuốn theo chiều gió cháu rất thích. Tôi không ưa đèn Trung Quốc nhưng vì của một người quen cho và cũng an toàn khi tôi vắng nhà nên để cháu sử dụng. Tôi cũng sắm cho cháu một lồng đèn truyền thống thắp sáng bằng đèn cầy cháu thích hơn nhưng chỉ khi có bố mới được chơi thôi vì thành phố ta nhà nhà chật hẹp, chơi lửa không an toàn. Nhìn khuôn mặt con tươi cười trong ánh nến lung linh mọi ưu phiền về chuyến đi bỗng trở nên tan biến. Trăng có khi tròn có khi khuyết, lòng người cũng có người mặt dày tâm đen, người bao la rộng mở. Nhưng kìa, ánh trăng tròn đang nhìn tôi và cho tôi sự êm đềm, thanh thản. Một đám mây nhè nhẹ trôi qua che khuất nụ cười duyên dáng của cô bán thơm bên đường…

Mạnh Đoàn

-----

Ý NIỆM TOÁN HỌC TRONG ĐÔNG Y

ỨNG DỤNG:

CHẨN TRỊ BẰNG PHÉP QUÂN BÌNH ÂM DƯƠNG (tiếp theo)

Tóm tắt các phần sẽ trình bày

  • LỜI MỞ ĐẦU (xem bản tin số 52)
  • PHẦN THỨ NHẤT: Ý NIỆM TOÁN HỌC TRONG ĐÔNG Y

CHƯƠNG I: ĐẠI CƯƠNG

1. Sơ lược về Âm Dương trong vũ trụ và trong cơ thể con người

2. Liên hệ giữa Đông Y và Toán học

CHƯƠNG II: Ý NIỆM TÔPÔ HỌC TRONG ĐÔNG Y

1. Sơ lược về Tôpô học (*). Bài toán 7 cây cầu Euler

2. Ý niệm Tôpô học trong đời sống (giúp nhìn ra then chốt vấn đề phức tạp)

3. Ý niệm Tôpô học trong Đông y (giúp nhìn ra gốc bệnh phức tạp)

4. Sự tương đồng giữa không gian Tôpô và không gian Đông y (Tôpô hóa).

· PHẦN THỨ HAI: CHẨN TRỊ BẰNG PHÉP QUÂN BÌNH ÂM DƯƠNG

CHƯƠNG I: Làm thế nào nắm được cái CHÌA KHÓA Q.B.Â.D

1. Các dấu hiệu để phân biệt Âm Dương suy thịnh

2. Phân biệt chân hỏa với hư hỏa, chân thủy với hư thủy (trọc âm)

3. Chẩn bệnh bằng THIẾT, VỌNG, VẤN, VĂN thay vì VỌNG, VĂN, VẤN, THIẾT.

(Sơ lược về mạch Thái Tố)

CHƯƠNG II: Sử dụng chìa khóa Q.B.Â.D.

1. Nguyên tắc cơ bản để thiết lập Q.B.Â.D., phục hồi chính khí.

2. Các trường hợp mất Q.B.Â.D.

Đồ hình chữ x biểu thị sự biến thiên ngược chiều của Tâm và Thận

Đồ hình chữ nhật biểu thị các trường hợp mất Q.B.Â.D. và cách xử lý.

CHƯƠNG III: Triệt để loại trừ hoặc ngăn chặn nguyên nhân phát bệnh (song song với điều trị)

CHƯƠNG IV: PHƯƠNG TIỆN THƯC HÀNH.

1. Thuốc Bắc và công năng kỳ diệu của nó trong hồi phục chính khí, đẩy lui bệnh tật.

2. Ấn huyệt, truyền nhân điện (ở mặt): hiệu quả kỳ diệu nhưng tạm thời.

3. Châm/cứu huyệt (nay ít dùng): hiệu quả kỳ diệu nhưng tạm thời.

4. Phương pháp thư giãn đặc biệt (rất tốt)

CHƯƠNG V: MỘT SỐ BỆNH ÁN ĐẶC BIỆT

CHƯƠNG VI: MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP BỆNH XEM ĐƠN GIẢN NHƯNG KHÓ CHỮA.

1. Bệnh do phản xạ có điều kiện (tiềm thức quá mạnh)

2. Những chấn thương thần kinh/tâm lý (stress) kéo dài

CHƯƠNG VII: VẤN ĐỀ CHỮA KHỎI RỒI CÓ HẾT LUÔN HAY ĐƯỢC LÂU DÀI (Đánh thắng giặc rồi, hỏi có giữ được độc lập vĩnh viễn hay lâu dài)

  • PHẦN KẾT LUẬN

1. So sánh cơ chế và phương hướng của Đông Y với Tây Y

2. Những “sở tri chướng” và nhận định sai lầm về Đông Y của giới yêu Khoa Học Hiện Đại.

3. Không thể diễn giải Đông Y bằng ngôn ngữ Tây Y cụ thể, cũng như người Việt không thể học ngoại ngữ bằng phiên âm tiếng Việt.

4. Không thể đánh giá Đông Y qua sách vở và các thầy lang.

5. Không thể học Đông Y qua sách vở và thực hành nếu không có cảm tính trực quan và suy luận (Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý, Đạo khả đạo phi thường đạo).

KẾT LUẬN: Đông Y là một tòa lâu đài cao ngất. Ai lên được đến đâu biết đến đấy. Kẻ đứng ngoài hay bàng quan không thể đánh giá hay phê phán.

--

(*) Topology, Topologil, một môn Toán học Hiện đại cao cấp, có tính trừu tượng rất cao.

Lương Y Nguyễn Hải Liên

------

GLUCOSAMINE, CHONDROITIN

KHÔNG HIỆU NGHIỆM

Glucosamine có trong vỏ tôm, cua, sò, hến…

Chondroitin có trong sụn động vật, nhất là sụn cá mập.

Hai chất này được bào chế thành hợp chất Glucosamine – Chondroitin, đôi khi một chất thứ ba là MSM (methylsulfonylmethane) hoặc vitamin C được thêm vào. MSM là nguồn cung cấp sulfur, cần cho mô liên kết, gân và xương.

Hợp chất trên được quảng cáo là rất hữu hiệu để bồi bổ khớp xương, trị được bệnh đau khớp. Các cụ già, trong đó có các cụ người Việt rất thích và tin tưởng vào loại thuốc khá đắt tiền này (chai 120 viên, giá trung bình là $20 – $30). Trong năm 2008, loại thuốc này đã bán được khoảng 2 tỷ đô la.

Trước kia đã có nhiều cuộc nghiên cứu về loại thuốc này nhưng kết quả khác nhau và không thống nhất.

Ngày 17/9/2010, Báo Los Angeles Time, một trong những tờ báo lớn nhất nước Mỹ đã đăng một bài nói về sự vô ích của thuốc này, dựa trên 10 cuộc thử nghiệm với qui mô lớn, liên quan đến 3.800 bệnh nhân. Bài báo này nói rằng, những chất Glucosamine, Chondroitin, MSM dùng chung với nhau hoặc riêng rẽ đều không có tác dụng hữu ích nào cả, mà chỉ như những viên thuốc giả dược. (dịch từ chữ “placebo”, là những viên thuốc bằng bột, không có dược tính. Giả dược được các bác sỹ dùng để trấn an bệnh nhân, rằng họ đã được trị liệu bằng thuốc men, hoặc được dùng trong những cuộc nghiên cứu để thử nghiệm một loại thuốc nào đó).

Bài báo cũng nó rằng những chất trên không gây độc hại, nhưng những ai cảm thấy thuốc có kết quả tốt thì cứ việc dùng, “cũng tốt thôi” về phương diện tâm lý, miễn là tiền mua thuốc không làm cho họ gặp khó khăn nhiều quá.

NCT

----

LÒNG

LANG

DẠ

THÚ

“Gã giết người một cách âu yếm…”

Mấy bữa trước tôi đau quá, đau khắp mình mẩy, chỉ hơi cựa quậy cũng cảm thấy đau. Những cơn đau liên miên làm tôi chẳng còn biết trời trăng gì cả, chỉ biết rằng mình đang đau, rất đau. Hôm nay so với mấy bữa đó, tôi đã bớt nhiều nhưng vẫn còn rất mệt. Nhưng, dù sao đi nữa, bằng cách này hay cách khác, TÔI CẦN PHẢI KHỎE LẠI, TÔI NHẤT ĐỊNH PHẢI KHỎE LẠI, VÀ TÔI TIN RẰNG TÔI SẼ KHỎE LẠI.

“Ông Shaw ạ, bà nhà sẽ dần dần bình phục, không đến nỗi nào đâu. Nhưng ông biết đấy! Trong ca vừa qua, đành phải lựa chọn hoặc là bà, hoặc là cháu bé. Hôm nay bà đã khá hơn. Chúng tôi đã làm hết sức mình, còn việc bà còn yếu và mệt thì đành chịu bó tay; cần cho bà thời gian để hồi phục.”

“Dạ thưa bác sĩ tôi hiểu, và xin đa tạ bác sĩ. Tôi chẳng có ước muốn nào hơn là thấy nhà tôi bình phục.”

Có lẽ tôi nên mở mắt ra một tí cho tỉnh táo; tôi biết là Jeff chưa lại, nhưng giờ thì tôi đã quen quen với căn phòng trắng toát này. Tôi không còn muốn chết nữa, mặc dù các bác sĩ đã không cứu được con tôi. Khi hay tin bác sĩ không cứu được cháu, tôi đau đớn đến cùng cực và chỉ muốn được chết ngay. Chẳng có sức mạnh nào chế ngự nổi những niềm đau như vậy. Nhưng giờ thì TÔI NHẤT QUYẾT PHẢI BÌNH PHỤC.

“Ông đã cho bà nhà hay là không cứu được cháu bé chưa?”

“Thưa bác sĩ rồi. Lúc đầu nhà tôi đau đớn lắm, sau thấy tôi nói cháu là cháu gái, nhà tôi hơi dịu nỗi đau mặc dầu… mặc dầu thảm họa đã xảy ra!”

Rồi, nỗi đau đang lui dần, và đời đang từ từ đẹp lại. Căn phòng của tôi chan hòa ánh nắng. Ôi, nhiều hoa đẹp quá! Tôi không biết Jeff có…”

“Ông đã cho bà nhà biết là cháu đã được chôn cất chưa?”

“Thưa chưa, nhưng nếu bác sĩ biết chắc hôm nay nhà tôi đã khỏe hơn, thì tôi sẽ cho nhà tôi hay.”

“Ông có nghĩ rằng bà nhà sẽ trách cứ ông vì đã quá vội vã?”

“Jessie là người rất trầm tĩnh và hiểu biết, cô ấy sẽ thông cảm thôi. Và nếu bác sĩ không cho là tôi là kẻ quá chủ quan, tôi xin thưa với bác sĩ là hai chúng tôi rất yêu thương nhau.”

Tôi tin rằng Jeff luôn luôn hành động cách tốt đẹp và hợp lý nhất. Nhưng nếu nó – con nhỏ - sống được đến lúc tôi được thấy nó thì thích biết mấy. Mà tôi ở đây bao lâu rồi? Mà Jeff đâu rồi? Liệu chàng có chịu làm như lời tôi xin chàng làm không? Chàng có đến sở làm để không phương hại tới việc làm của chàng không? Việc làm mà chàng rất coi trọng? ÔI TÔI YÊU CHÀNG VÔ CÙNG VÀ TÔI THẬT SỰ MUỐN SINH CHO CHÀNG NHỮNG ĐƯA CON XINH ĐẸP!

“Ông Shaw ạ, có lẽ thay vì để tôi nói, ông nên đích thân nói với bà nhà những vấn đề còn lại. Bà nhà có thể tin tưởng hơn nếu những lời nói đó do một người thân của bà nói ra. Đôi lúc, có những bệnh nhân ít tin vào bác sĩ hơn là tin ở chính họ.”

“Việc này chẳng phải là một chuyện dễ làm.”

Tôi tin là trong tương lai các cháu sẽ đẹp như Jeff. Tôi thực sự không đến nỗi xấu, nhưng chỉ là một phụ nữ có sắc đẹp rất tầm thường, phải, rất tầm thường! Mỗi khi đi chung, chính nhờ Jeff mà chúng tôi trở thành một cặp trông dễ thương, và đây cũng là MỘT TRONG NHỮNG LÝ DO KHIẾN AI NẤY ĐỀU CHO RẰNG CHÀNG YÊU TÔI CHỈ VÌ TIỀN! Nhưng chính chàng đã từ chối không chịu để tôi giúp đỡ chàng mà. Chàng rất có óc tự lập và lao đầu vào làm việc để điều hành cái cửa hàng bán dụng cụ thể thao của chúng tôi, trong khi, nếu không muốm, cả hai chúng tôi thực sự chẳng cần phải làm lụng gì cho mệt! VÌ CHÀNG TÔI PHẢI BÌNH PHỤC, VÀ TÔI SẼ BÌNH PHỤC!

“Ông Shaw ạ, dễ hay không thì ông cũng phải nói cho bà nhà biết. chính từ ông nói với bà là tốt hơn cả. Trong ca sinh nở khó khăn vừa qua chúng tôi khám phá ra rằng bà nhà có một u ác tính ở ngay tử cung, do đó bà ta CHỚ NÊN BAO GIỜ ĐỂ LẠI MANG BẦU NỮA VÌ NẾU LẠI CÓ THÌ KHÓ MÀ GIỮ ĐƯỢC TÍNH MẠNG. KHÔNG THỂ ĐỂ MỘT NHẦM LẪN NÀO XẢY RA, CÓ BẦU NỮA LÀ CHẾT!”

“Vâng, thưa bác sĩ, tôi xin lãnh trách nhiệm này. Như vậy, bác sĩ cũng chẳng cần nói gì với nhà tôi về chuyện này. Tôi nghĩ tôi sẽ thuyết phục được nhà tôi nghe lời và gìn giữ. Có thể tôi sẽ đưa nhà tôi đi chơi xa một thời gian cho khuây khỏa.”

Tôi hài lòng vì đã làm di chúc để lại gia sản cho Jeff từ trước lúc được đưa vào bệnh viện này. Chàng chưa hề biết gì về việc này, nhưng chàng cũng chẳng cần phải biết vì không cần thiết, tôi thật sự vui mừng, chàng đã đối xử với tôi thật tốt, thật tốt, và giờ thì tôi hoàn toàn tin tưởng ở chàng.

Cánh cửa căn phòng bỗng hé mở nhẹ nhàng. Nàng từ từ quay đầu lại và một nụ cười hạnh phúc, tuy còn đượm vẻ mệt mỏi, nở rạng rỡ trên khuôn mặt hãy còn trắng bệch của nàng. Một chàng trai tóc vàng, cao lớn, vạm vỡ, thân hình đẹp như thần Apollo hiện ra nơi khung cửa.

“Anh Jeff!”

Chàng tiến lại bên giường nàng, hôn tay nàng, và nói: “Jessie thân yêu!”

Cả hai như lặng người đi rong cảm xúc yêu đương, rồi nàng nắm chặt tay chàng và thổn thức: “Jeff thân yêu, em nằm đây và suy nghĩ miên man. Người ta ở đời ai cũng gặp lúc khó khăn bệnh tật. Nhưng chúng ta sẽ vì tình yêu mà vượt qua hết mọi trở ngại. em sẽ khỏe lại và khỏi bệnh rất mau cho anh xem! RỒI HAI TA SẼ LẠI CÓ NGAY MỘT ĐỨA BÉ TRAI KHÁU KHỈNH KHÁC, CÓ NGAY, CÓ NGAY THÔI MÀ, CÀNG SỚM CÀNG TỐT, PHẢI KHÔNG ANH YÊU?”

Jeff nở một nụ cười thỏa mãn. GÃ THỰC SỰ CHỈ MONG CÓ THẾ VÀ GÃ ÂU YẾM TRẢ LỜI: “CHẮC CHẮN LÀ NHƯ VẬY ÔI EM YÊU, CHẮC CHẮN, CHẮC CHẮN MÀ!”

Vũ Anh Tuấn dịch

J.F.Suter

|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế