Hiện có 8 người xem / 2335820 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 02/02/2013 CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách bằng Pháp văn, một cuốn tương đối mới và một cuốn tương đối cũ. Cuốn đầu tương đối mới, vì được xuất bản năm 1990 (tức là 23 năm trước), và mang tựa đề là Truyện ngắn của Andersen (Contes d’Andersen), một tác giả người Đan Mạch sinh năm 1805 và mất năm 1875. Người viết không lạ gì những truyện ngắn này vì đã được đọc chúng từ khi mới 15 tuổi và đang học ở trường Thày Dòng ở Hải Phòng; nhưng cũng vẫn rất thích cuốn sách này vì sách được in và trình bày quá đẹp, và giá thì quá rẻ, chỉ có 300 đô mít (300.000). Đặc biệt hơn nữa vì sách có 220 minh họa của thời sách mới ra đời, tức là khoảng thời gian từ 1835 tới 1850, khoảng trên 160 năm trước, và vì người viết đã có một bản tương tự bằng Anh ngữ, nên nay gặp được bản bằng Pháp ngữ thì thích quá. Cuốn sách khổ 20 x 28cm, bìa cứng bằng da xanh đậm, và dày 470 trang. Sách gồm 42 truyện ngắn mà trong đó người Việt chúng ta có lẽ chỉ biết vài truyện đã được dịch như Bà Chúa Tuyết, Cái bật lửa, Chú lính chì, Chim Họa Mi, và Nàng Tiên cá. Còn 220 minh họa của thời kỳ 160 năm trước thì tuyệt đẹp, đẹp hơn bây giờ nhiều.

Cuốn thứ nhì cũng bằng Pháp văn là một tập khoảng 40 số báo dành cho thiếu nhi mang tựa đề là Tuổi sung sướng (L’âge heureux) của nhà xuất bản Larousse thời danh vào năm 1924 (89 năm trước). Cuốn sách cho thấy các báo dành cho thiếu nhi gần 90 năm trước rất đẹp vì các hình vẽ cực kỳ đẹp, các truyện ngắn, truyện dài đều rất hay, rất dễ thương, nhất là tờ báo này lại là của nhà xuất bản Larousse, là nhà xuất bản in những cuốn tự điển Larousse là một loại tự điển hàng đầu ở Pháp và trên thế giới. Sau khi được giới thiệu cuốn báo và cuốn truyện ngắn được một vài thành viên mượn mang về chỗ ngồi xem một cách thích thú.

Sau khi Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sách, bà Tâm Nguyện đã lên làm một tường trình ngắn về ba tháng bà mới sống ở Mỹ về. Bà đã có những nhận xét rất tinh tế về đời sống ở Mỹ trong ba tháng vừa qua, và các thành viên cũng đã nghe bà kể một cách chăm chú về các kinh nghiệm bà đã trải qua sau ba tháng sống trên đất Mỹ.

Tiếp lời bà Tâm Nguyện, Lm. Triết đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách cổ trên 100 năm, một cuốn của Shakespeare và một cuốn của Dickens mà ngài mới có. Sau đó Lm. Triết có nhắc về chuyện in Tuyển tập thơ của các thành viên CLB Sách Xưa và Nay, vì trong CLB này người người là nhà thơ, nhà nhà là nhà thơ và có rất nhiều vị có nhiều bài thơ rất hay, đáng được in để để lại cho đời.

Sau khi Lm Triết nói xong, anh Trần Quang có lên kể một số truyện vui về Thiền.

Kế đó anh Lê Nguyên mang đàn (cây đàn mà anh đã chịu khó mang theo) lên hát bằng giọng ca và tiếng đàn rất điệu nghệ của anh, hai bài hát mà anh tặng cho các thành viên là bài Vũ khúc Xuân và bài Thắm mãi hoa người.

Tiếp theo anh Lê Nguyên là nhà thơ Thanh Phong cũng hát tặng các thành viên bài Hoa Xuân.

Sau nhà thơ Thanh Phong, anh Thanh Châu, bằng giọng ca rất hùng dũng của anh cũng hát tặng các thành viên bài Xuân và tuổi trẻ rất quen thuộc.

Để thay đổi không khí, Dịch giả Vũ Anh Tuấn kể lại một chuyện hài nhan đề là “Cắn răng mà chịu” mà anh nghe được ở trên một trang mạng ở Mỹ.

Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, bà Xuân Vân cũng lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ Xuân.

Sau bà Xuân Vân, bà Thùy Dương cũng lên hát một bài nhạc mừng Xuân.

Cuối cùng anh Dương Lê có nói chuyện về cây nêu, con cá chép, và nêu ra nghi vấn là trong 2 ông một bà, ông nào trong hai ông thủ vai ông táo lên chầu Trời?

Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ, và các thành viên đã cùng nhau tham dự bữa tiệc Tất Niên trong niềm vui và nỗi hân hoan để chúc Tết nhau và để giã từ năm cũ, đón chào năm mới.


Vũ Thư Hữu



Vài chi tiết về cuốn sách cổ nhan đề:

“VIỆC THÀNH TUYÊN-QUAN BỊ CÔNG HÃM”

(Le siège de Tuyên-Quan)

của tác giả Dick de Lonlay được xuất bản năm 1889

Tôi tình cờ được đọc cuốn sách do một anh bạn ở nước ngoài mang về muốn nhường lại cho tôi, nhưng khả năng có được quý thư 124 tuổi đời này thì còn bấp bênh quá, vì giá cả mà anh bạn muốn lại hơi bị xa tầm tay của tôi, vì anh muốn tới 300 đô mẽo, mà tôi thì chỉ có khả năng chi trả độ 100 đô mẽo là tối đa. Tuy nhiên trong lúc giữ cuốn sách trong tay, tôi đã đọc và thấy sách rất hay nên bèn nổi hứng giới thiệu nó với các bạn.

Cuốn sách khổ 12x18cm và dày 154 trang được xuất bản năm 1889, và có 48 minh họa do chính tác giả vẽ lấy.

Sách được chia ra làm 10 chương:

- Chương 1: Từ trang 1 - 8 nói về việc chiếm đóng thành Tuyên-Quan (Tuyên-Quang) để biến nó thành một tiền đồn ngăn chặn bọn tàu Cờ Đen.

- Chương 2: Từ trang 9 - 25 nói về việc đầu tư sắp xếp công việc phòng thủ và nơi ăn ở cho 500 lính lê dương anh hùng đã anh dũng chống giữ thành trước gần 10.000 quân Cờ Đen.

- Chương 3: Từ trang 26 - 41 nói về những trận đánh lẻ tẻ ở ngoại thành.

- Chương 4: Từ trang 42 - 56 nói về các trận tấn công vào các lô cốt được dựng lên chung quanh thành.

- Chương 5: Từ trang 57 - 68, nói về việc rút quân khỏi các lô cốt.

- Chương 6: Từ trang 69 - 84 nói về các cuộc đánh bằng bom và mìn.

- Chương 7: Từ trang 85 - 101 nói về 2 cuộc tấn công đại qui mô đầu tiên.

- Chương 8: Từ trang 102 - 115 nói về các cuộc tấn công dữ dội, ác liệt và liên tiếp.

- Chương 9: Từ trang 116 - 133 nói về việc giải vây được thành Tuyên-quan.

- Chương 10: Từ trang 134 - 153 nói về các trận đánh ở Dược (trong sách viết là Yuoc).

Cuốn sách mô tả rất chi tiết diễn biến cuộc chiến phòng thủ và cuối cùng là thành công trong việc giải vây. Tác giả đã viết chi tiết mỗi ngày trong khi thành bị công hãm có những gì đã xảy đến và đã được giải quyết như thế nào, những ai sống, ai chết vv…

Sách chứa đựng tổng cộng 48 hình vẽ bằng bút sắt do chính tác giả vẽ. Nhìn chung, sách là một tài liệu quý cho những ai nghiên cứu lịch sử thời Pháp xâm lăng, chiếm đóng và đô hộ nước ta.





Trích Hồi ký 60 năm chơi sách Chương VI

Vũ Anh Tuấn

TỪ TU THIỀN ĐẾN TU PHẬT

(Tiếp theo và hết)

CHƯƠNG VIII

PHẦN KẾT LUẬN

Đạo Phật sở dĩ được nhiều người, nhiều thời mến mộ bởi các đức TỪ, BI, HỈ, XẢ. Pháp của Đạo Phật được gọi là CHÁNH PHÁP bởi Hạnh Thường Bất Khinh Bồ Tát, bởi không còn Ngã chấp, Pháp chấp. Người tu Phật chân chính lúc nào cũng Thu thúc Lục Căn, nên Thân, Khẩu, Ý Ba Nghiệp thanh tịnh. Cuộc sống GIỮ GIỚI, hành theo Bát Chánh Đạo. Không nói những lời phô trương, không chứng đắc mà khoe chứng đắc hay bằng cách nọ cách kia để người khác tưởng rằng mình là thánh nhân giáng trần, mục đích cầu danh, cầu lợi. Ý thức rằng cuộc sống không trường tồn, nên không màng danh lợi, cao, thấp, hơn thua. Nhất là ý thức Nhân Quả, nên không lấn người, không hại vật để mưu cầu lợi ích bản thân.

Người tu Phật xem cái Thân như oán tặc, chỉ dùng nó như phương tiện để qua sông Sinh tử. Không để cho cái thân làm chủ mình để chìu theo những đòi hỏi của nó, mà làm chủ nó, điều khiển nó, như lời Kinh Đại bát Niết Bàn: “Như người ở giữa biển, ôm thây ma để bơi vô bờ”. Công phu tu hành buổi đầu là phải Thiền Định, tập trung Thân, Tâm mà Soi, Quán để TÌM cái VỌNG TÂM. Thấy được cái VỌNG TÂM đồng thời sẽ thấy được cái CHÂN TÂM hay là BỔN THỂ TÂM hay THẤY TÁNH, mà có vị đã diễn tả bằng những bức tranh trong “Thập mục ngưu đồ”. Tức là đầu tiên phải biết mục tiêu cần tìm là cái VỌNG TÂM, tượng trưng cho con trâu. Kiên trì theo dấu nó. Khi tìm được thì khống chế nó, chăn dắt nó, để nó không còn phá hư lúa mạ. Khi việc điều phục con trâu xong rồi thì thỏng tay vào chợ, tức lúc đó con trâu đã được thuần hóa, không còn phá phách nữa. Cuối cùng là không còn người, cũng không còn trâu, để nói về sự Giải Thoát.

Do vậy, chư Tổ đều dạy, việc tu hành bắt buộc phải đi qua ngưỡng cửa Thấy TÁNH, tức là phải nhận biết CÁI BỔN TÂM CỦA MÌNH. Từ cái THẤY TÁNH này, họ sẽ điều phục cái VỌNG TÂM để cho nó hết MÊ LẦM. Bởi chính vì Mê Lầm mà nó đã chấp lầm cái thân Tứ Đại Nghiệp quả này cho đó là TA, từ đó mà tạo Nghiệp để hiện đời không được an ổn, kiếp sau lại sẽ theo Nhân Quả mà đọa vào Sáu Nẻo Luân Hồi. Mục đích tu Phật là để chấm dứt chuỗi Luân Hồi đó. Cho nên, người tu phải điều phục cái Tâm, hay còn gọi là “làm Bồ Tát Hạnh”, tức là “Độ Sinh”, độ cho những tư tưởng còn u mê của mình, cho tới lúc được hoàn toàn Giải Thoát.

Trong cái Giải Thoát đó cũng Giải Thoát luôn cái Ngã Chấp, tức là Không còn Chấp Cái Ta. Nhưng đa phần các Thiền Sư đều làm ngược lại: Chẳng những có Ta, mà còn có Ta cao Phật phải thấp hơn họ thì họ mới hài lòng. Ngài Nguyệt Khê thì đẻ ra Cõi TUYỆT ĐỐI, và cho là “Cõi tuyệt đối không phải là chỗ mà ngữ ngôn văn tự có thể biểu tượng được, cho dù với trí huệ của Phật Thích Ca”.(Đại Thừa Tuyệt Đối Luận, dịch giả Đặng Hữu Trí tr. 85).

Phật Thích Ca thì không luận nổi Cõi Tuyệt Đối, trong khi Ngài Nguyệt Khê viết Tuyệt Đối Luận dài cả mấy tập! Xem ra Ngài Nguyệt Khê đúng là siêu hơn Đức Thích Ca rồi! Cũng giống như Ngài Nguyệt Khê, Thiền Sư Suzuki cho là “Phật Thích Ca, và về sau là Thế Thân, Long Thọ cũng không thể nói về Giác Ngộ hết lời, cạn ý”. Có điều giáo pháp của Phật Thích Ca và Chư Tổ thì dắt người sau đến được Giác Ngộ, còn Luận của hai Ngài không thể dắt người sau đi tới cảnh giới tối cao mà họ mô tả được!

Kinh DUY MA CẬT viết: “Trong Phật Pháp, người có chứng đắc là kẻ tăng thượng mạn”, vì chứng đắc của Đạo Phật là “đắc cái Vô sở đắc”, tức đắc cái không còn Ta Đắc. Đã Không còn TA đắc thì lấy ai mà cao hơn người? Hơn nữa, lẽ ra NẾU CÁC VỊ THIỀN SƯ ĐÓ THẬT SỰ ĐẮC ĐƯỢC CHỮ VÔ, thì Tâm của họ phải như hư không mới phải. Đàng này, Lý một nơi, Sự một nẻo, nên hành vi, lời nói các vị toàn là CÓ, hoàn toàn trái với thái độ Từ Bi, Nhẫn Nhục, Thường Bất Khinh Bồ Tát của đệ tử Phật Môn!

Lý do vì sao họ lại có những lời lẽ, cử chỉ thì chúng ta có thể phân tích để thấy phần nào:

1/- Do hiểu lầm về mục đích và phương tiện của Đạo Phật.

Ai cũng biết Đức Thích Ca rời bỏ hoàng cung – sau này gọi là xuất gia – là do thấy nỗi Khổ SINH, LÃO, BỊNH, TỬ đè nặng lên thân xác con người nên Ngài mới phát tâm đi tìm cách Thoát khỏi cảnh đó. Sáu năm tu hành theo ngoại đạo, hành bao nhiêu khổ hạnh mà không thấy được điều mình muốn tìm, nên Ngài đã Ngồi Thiền Định 49 ngày đêm. Cuối cùng đã thấy được lý do vì sao mà con người phải bị Sinh Tử Luân Hồi cũng như cách thức để hóa giải gọi là “đắc đạo”, tức là “gặp được con đường”. Như vậy, Đức Thích Ca Ngồi Thiền là để tìm thủ phạm đã gây ra Sinh Tử Luân Hồi. Pháp của Ngài “Đắc” là tìm được thủ phạm gây ra Sinh Tử Luân Hồi và cách thức để hóa giải.

Khi thấy được nguyên nhân của Sinh Tử Luân Hồi thì Ngài thấy rằng thủ phạm chính là cái VỌNG TÂM của mỗi chúng ta. Chính nó vì MÊ LẦM, thấy CÁI THÂN giả tạm là MÌNH, nên tạo bao nhiêu nghiệp chướng, để rồi bị Nghiệp lôi kéo mà phải triền miên hết Tử, lại Sinh, vòng quanh trong 6 nẻo là: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Nhân, Atula, Thiên, gọi là LUÂN HỒI. Vì thế, muốn Thoát vòng Luân Hồi này, Ngài đặt ra 6 phương tiện gồm: BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, NHẪN NHỤC, TINH TẤN, THIỀN ĐỊNH và TRÍ HUỆ và dùng cả cuộc đời còn lại để rao giảng con đường mà Ngài khám phá ra đó. Con đường đó gọi là Con đường Giải Thoát. Giải Thoát có nghĩa là PHẬT. Con đường là ĐẠO, nên gọi tắt là ĐẠO PHẬT. Thành tựu công việc Tự Giải Thoát được gọi là Thành Phật. Tất cả mọi người, không phân biệt già, trẻ, giới tính, ngu, trí, sang, hèn, nếu chấp nhận, hành trì theo phương pháp Ngài đặt ra cũng sẽ đạt được giống như Ngài; vì thế, Ngài đã Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Đạo Phật có rất nhiều phương tiện, nhưng để tiến tới giai đoạn “Thành Phật” là bắt buộc phải THẤY TÁNH nên có câu “Kiến Tánh Thành Phật”. THẤY TÁNH không phải là để thành một vị Thần Linh nào đó, mà chỉ là NHẬN RA CÁI BẢN CHẤT THẬT SỰ CỦA MÌNH. Biết rằng MÌNH không phải là cái Thân Tứ Đại giả tạm này, mà là phần vô tướng, đi chung với cái Thân cho đến khi nó hết nghiệp, hư hoại, trở về với tứ Đại. Cái CHÂN TÁNH này trường tồn, bất diệt, mỗi người đều có. Biết cách tìm thì sẽ gặp. Cái này cũng gọi là CÁI CHÂN TÂM hay BỔN THỂ TÂM.

Người tu hành chân chính phải là người thấy cuộc đời là Khổ, nên phát tâm tu hành để cầu THOÁT KHỔ. Mục đích duy nhất, là được Thoát Khổ, cho nên không đòi hỏi quả vị, không hơn thua, so sánh với người khác, chỉ biết lo tìm cái Vọng Tâm của mình rồi điều phục nó. Để làm được điều này, họ phải tuân thủ theo các phương pháp mà Phật đặt ra. Phải có GIỚI, cuộc sống phải đi trong BÁT CHÁNH ĐẠO. Mọi công phu là để tìm ra cái TÂM MÊ, gột rửa nó, để nó trở lại tình trạng thanh tịnh như vốn có từ vô thỉ.

Phái THIỀN TÔNG xuất phát từ Đạo Phật, nên họ cũng loáng thoáng nghe những điều này. Họ cũng biết Đức THÍCH CA nhờ Ngồi Thiền mà đắc đạo, nên cố sống cố chết Tham Công Án để chứng đắc! Nhưng cái họ lầm lớn nhất là tưởng Thành Phật là thành một vị Thần Linh, cứu nhân độ cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới như trong Kinh Đức Phật đã dùng phương tiện, chỉ bên ngoài để nói về sự cứu độ bên trong. Chính vì sự lầm tưởng đó nên các Thiền Sư ngày xưa vị nào cũng cho là khi chứng đắc là sẽ cao hơn Phật!

Họ cũng biết là muốn Thành Phật thì phải qua giai đoạn Thấy Tánh. Biết rằng phải Quán sát các pháp. Biết rằng Đạo Phật đưa con người từ CHẤP CÓ, đến cái KHÔNG. Khi không còn chấp nữa, thì sẽ được Giải Thoát, nên họ đốt giai đoạn, vừa vào tu học Thầy đã cho THAM CHỮ VÔ, bỏ qua những hạnh khác. Khi thấy được chữ VÔ lại tưởng lầm là THẤY TÁNH, rồi tưởng Thấy Tánh là Thành Phật nên kiêu mạn!

Họ không biết Phật dạy: “Như biển cả chỉ có một vị mặn, đạo của ta cũng chỉ có một vị là Giải Thoát mà thôi”, và họ cũng không biết là CÁI KHÔNG chưa phải là ý nghĩa cuối cùng của Đạo Phật. Bởi vì sau đó Phật còn giảng tiếp để đi đến rốt ráo của các pháp là: “KHÔNG PHẢI CÓ, KHÔNG PHẢI KHÔNG, MÀ CŨNG CÓ, CŨNG KHÔNG”, tức là CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO. Con đường này mới làm cho người tu Sống giữa các pháp mà Thoát Các Pháp. Đó mới kết quả thật sự của Đạo Phật chân chính.

Mọi Mê, Ngộ, Thánh, Phàm đều do cái Tâm, cho nên Tu Phật là phải SỬA ở đó gọi là TU TÂM. Vì thế ĐỐN GIÁO là phương tiện chỉ thẳng cái TÂM, để người tu biết MÊ ở đó thì NGỘ cũng ở đó. Tập trung hành trì ở đó, thay vì vòng quanh tụng kinh, gõ mõ, chay lạt, ngồi Thiền, cạo tóc, đắp y vv... gọi là Tiệm Giáo.

2/- Gán ghép hai trường hợp được Ấn chứng với phương pháp truyền dạy của phái Tu Thiền.

a)- Khi Đức Thích Ca trước chúng đưa cành Hoa Sen lên, đại chúng đều ngơ ngác, không hiểu Ngài muốn nói gì? Chỉ riêng Ngài Ca Diếp mỉm cười và được Đức Thích Ca Truyền Y Bát. Thế là những người chuyên Tu Thiền vin vào đó để cho rằng cho CÁI CƯỜI đó là “ĐỐN GIÁO”. Họ không cần xem lại lịch sử truyền đạo của Đức Thích Ca để thấy Ngài Ca Diếp là một trong những đệ tử đầu tiên theo Đức Thích Ca nghe pháp. Nhờ nhiều năm theo hầu Phật để học hỏi, thực hành, nên biết rõ mục đích của Đạo Phật. Ngài hiểu rằng dù Đức Thích Ca dùng bao nhiêu phương tiện: nào là Quả Vị, nào là Tây Phương Cực Lạc đầy dẫy 7 báu, Đông Phương Tịnh Quốc, Phật Quốc. Chư Bồ Tát bay lướt mười phương hay Ngài Quán Thế Âm luôn lắng nghe tiếng kêu của chúng sinh để cứu độ vv... Mục đích chỉ là để dụ cho con người ham thích, rồi mong về đó mà thực hành theo những điều kiện đưa ra, để bớt đắm đuối vào cảnh trần, mà được Thoát Khổ, được như Hoa Sen, sinh ra, lớn lên từ bùn, mà không bị bùn nhơ làm cho ô nhiễm. Vì thế, khi thấy Đức Thích Ca đưa cành Hoa Sen lên, Ngài Ca Diếp mỉm cười để tỏ ý là Ngài đã thấu triệt những gì Đức Thích Ca muốn hướng con người tới. Vì vậy, Đức Thích Ca đã Truyền Y Bát cho Ngài thay mặt thống lãnh đồ chúng. Đâu có phải vừa gặp Phật một ngày hay hai ba tháng đã được Truyền Y Bát mà cho là “ĐỐN”? Ngài Anan thuộc pháp của Phật làu làu như “nước trong bình đổ ra không sót một giọt” còn không được truyền, vì Hạnh chưa đầy đủ. Lẽ nào chỉ cần CƯỜI mà được? Chứng tỏ người kết luận “nhờ CƯỜI mà được truyền Y Bát” là hoàn toàn không hiểu gì về việc Truyền Y Bát của Đạo Phật.

b)- Hiểu lầm về trường hợp Thần Hội khi gặp Lục Tổ bị đánh 3 gậy. Sau đó, khi Lục Tổ tịch rồi thì đứng lên thay Ngài để hoằng hóa Phật Pháp thì cho rằng GẬY đó là “Đốn Giáo”

Theo Pháp Bảo Đàn Kinh thì trước khi đến gặp Lục Tổ thì Thần Hội đã là Sa Di bên Chùa của Sư Thần Tú được 9 năm. Có lẽ cũng có nghe sư Thần Tú nói rằng “Ngồi Thiền thì Thấy Tánh”, nên đã vặn hỏi Lục Tổ “Hòa thượng ngồi Thiền, thấy hay chẳng thấy?” Lục Tổ muốn khai mở cho y, mới đánh Y ba gậy. Sau đó, Thần Hội ăn năn, lạy Tổ hơn trăm lạy để xin lỗi và tiếp tục theo học với Lục Tổ. Đến mười sáu năm sau, khi Tổ viên tịch mới đứng ra hoằng pháp. Đâu phải vừa gặp Tổ bị đánh 3 gậy đã Thấy Tánh? Như vậy sao gọi Gậy đó là “ĐỐN GIÁO” được? Việc Phật đưa cành Sen lên và Lục Tổ đánh Thần Hội 3 gậy liên quan gì tới việc các Thiền Sư đưa Thiết trượng hay Phất Thủ lên xuống, hoặc đưa ngón tay lên? Ngoài những cử chỉ đó, các Thiền Sư có nói thêm điều gì đâu mà Ngài Suzuki cho là “Chỉ Thẳng”?

Thế Tôn “cầm hoa” để nói với người đã học, đã thông suốt con đường tu hành là Đức Ca Diếp. Các Thiền Sư cầm Phất thủ hay thiết trượng đưa xuống đưa lên để nói gì với người chưa hiểu gì về Đạo?

3/- Hiểu lầm câu “làm thầy cõi trời và cõi người”.

Câu “là thầy cõi trời và cõi người” nằm trong lời NGŨ TỔ dạy, nguyên văn như sau: “Nếu chẳng biết Bổn Tâm thì học pháp vô ích. Bằng biết Bổn tâm và Thấy Bổn Tánh mình, tức gọi lả trượng phu, là thầy cõi trời và cõi người vậy”. Điều kiện đã được Ngũ Tổ nói rất rõ: Phải Biết BỔN TÂM và THẤY BỔN TÁNH. Trong khi đó, phái Tu Thiền không hề Biết được Bổn Tâm, cũng chẳng Thấy Bổn Tánh. Chỉ thấy được chữ VÔ cũng tự cho là “làm thầy cõi trời, cõi người”! Quả là “báng Kinh, nhạo Pháp!

Mặt khác, “cõi trời và cõi người” mà Ngũ Tổ dạy đó là nằm ở trong Tâm của người tu. Mỗi người khi tu hành đều phải làm công việc “giáo hóa” hay là “điều phục chúng sinh”. Phật dạy Lục Đạo chúng sinh trong nội tâm của người tu, không phải ở bên ngoài. Nhưng phái Tu Thiền đã hiểu sai, nên khi tưởng rằng mình chứng đắc thì nghĩ là sẽ “làm thầy của cõi trời, cõi người” bên ngoài, đâm ra kiêu mạn! Điều đó chứng tỏ vì không hiểu lời Tổ, cũng không hiểu Phật Pháp, chỉ nghe loáng thoáng đã chấp lấy, nên họ hoàn toàn đi ngược lại với con đường tu Phật chân chính.

4/- Hiểu lầm câu “Phùng Phật Sát Phật”

Câu “Phùng Phật Sát Phật” của chư vị đi trước mang ý nghĩa như sau: Trên con đường tu hành, Đức Phật đặt ra nhiều phương tiện, trong đó có những cách hành trì mà theo đó người hành sẽ đắc quả Tu Đà Hoàn, A Na Hàm, A La Hán cho đến Bồ Tát, Phật vv... Nhưng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã giải thích rõ: Quả Vị chỉ là Hóa Thành cho người lười mỏi nghỉ ngơi, sợ họ tu lâu quá mà chẳng thấy được gì đâm ra nản lòng. Vì tu Phật là để được Giải Thoát, không phải là để đắc Quả. Vì thế, người nào còn thấy có mình chứng đắc là người đó chưa thật sự chứng đắc theo Đạo Phật. Vì “Đắc” của Đạo Phật là “Đắc cái VÔ SỞ ĐẮC”. Cho nên, người nào tu mà hành trì miên mật cho đến thấy mình đắc quả Phật, thì phải lập tức Sát cái Phật đó đi. Tức là dẹp ngay cái ý tưởng chứng đắc của chính mình đi. Vì giờ phút nào còn mang tư tưởng đó là cái NGÃ CHẤP chưa trừ dứt. Nếu cứ ai đắc quả Phật rồi nghe lời Ngài Vô Môn, đi kiếm Phật khác mà giết, thì hóa ra tu hành là để trở thành Sát thủ hay sao?! Bao nhiêu đó cho ta thấy cái hiểu Phật Pháp của các Thiền Sư rất là ít ỏi! Họ chê Kinh là văn tự, nên không đọc, vì thế không thể phân biệt đâu là NGHĨA để y theo. Do đó, họ hoàn toàn Y NGỮ!

5/- PHẢN THẦY, TỔ

Môn THIỀN ĐỊNH đầu tiên không phải do Đức Thích Ca sáng lập. Nhưng chính Ngài nhờ vào Thiền Định mà đắc đạo, rồi từ đó mà Thiền Định được truyền dần xuống tới Tổ Đạt Ma rồi mới đến Tổ Huệ Năng. Thế mà phái Tu Thiền gạt bỏ Đức Thích Ca ra, chỉ chấp nhận Tổ Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng cho đó là hai Sơ Tổ của pháp môn Tu Thiền. Thế nhưng khi thực hành thì họ cũng chẳng làm giống như hai Ngài đã giảng dạy về Thiền mà Sáu Cửa vào Động Thiếu thất và Pháp Bảo Đàn Kinh còn lưu lại! Nói rằng Tu Thiền là do Người Trung Hoa sáng tạo, nhưng lại vay mượn Công Án “Thế Tôn cầm hoa” và “Lục Tổ đánh Thần Hội”. Cho đó là “Đốn Giáo”, lấy đó làm tôn chỉ cho Pháp môn TU THIỀN. Nhưng Tổ chính thức của Ngũ Phái Thiền là Hạnh Tư Thiền Sư và Nam Nhạc đâu có bị Lục Tổ đánh gậy nào khi tu học? Tóm lại, họ toàn vay mượn, gán ghép, mục đích đề cao pháp môn Tu Thiền. Mượn phương tiện Thiền Định của Đạo Phật từ Người Ấn Độ do Tổ Đạt Ma truyền sang, sau đó chối bỏ, cho “TU THIỀN là đặc thù của người Trung Quốc”!

Học với Thầy rồi khi thấy mình chứng đắc trở lại chối bỏ hoặc chê, mắng Thầy, Tổ. Đó chẳng là phản thầy sao? Trong khi người tu Phật được dạy phải đền TỨ ÂN, trong đó có Ân cha mẹ, Ân Phật, Ân Thầy, Ân đất nước. Vì người có tu hành chứng đắc cao đến cỡ nào thì vẫn phải mặc áo, ăn cơm, cũng vẫn là một người con của cha mẹ, là một công dân đối với đất nước, xã hội, lo dốc sức báo đền còn chưa đủ! Suy ra đạo lý làm người họ còn chưa tròn.

6/- Thầy, trò bên Tu Phật và Tu Thiền

Người Thầy bên tu Phật chân chính được Phật, Tổ dặn dò phải THẤY TÁNH mới được giảng dạy. Khi giảng lại phải dùng thanh luận, lời nói phải thanh tao. Thái độ phải đúng mực. Cuộc sống phải không tỳ vết để người ta kính trọng Thầy mà trọng pháp của Thầy. Không được ẩn dấu Chánh Pháp. “Thấy người hỏi pháp cũng như thầy lành”, vì xem đó là cơ hội để chính mình cũng có dịp soi sáng thêm.

Người học khi hỏi pháp phải “Ba lần thưa thỉnh, năm vóc sát đất” trong ý nghĩa là dẹp bỏ Cái Ngã Chấp, hạ mình xuống để học hỏi.

Đức Phật từ lúc đắc đạo thì giảng pháp cho đến cuối đời. Khi gần nhập diệt còn thông báo để mọi người ai còn thắc mắc gì thì đến hỏi. Lục Tổ trước khi ra đi cũng tóm tắt cách thức để truyền pháp cho đệ tử.

Ngược lại, người Thầy phía bên Tu Thiền thì “hét, đánh, đạp, lấy gậy đập, đóng cửa cho kẹt chân, xô trò ngã xuống chân tường, mắng nhiếc, nói vu vơ, lấy gậy hay thiết trượng đưa xuống, đưa lên hay quăng đi. Đưa ngón tay lên. Trò hỏi đúng thì trả lời không được, nên nói nhại, im lặng, lý luận vòng tròn”...

Trò đắc pháp rồi thì đánh Thầy, tát thầy, gọi thầy bằng “lão già”. Ngôn ngữ ngạo mạn như thế mà cũng là Thiền Sư! So ra còn thua người đời vì người đời dù là phàm phu, chẳng tu hành gì mà còn biết dạy nhau: “Kính lão đắc thọ”, “Kính thầy mới được làm thầy”!

7- So sánh cái CHỨNG ĐẮC của người TU PHẬT và người TU THIỀN

Mục đích của Đạo Phật là để ĐỘ KHỔ. Tu Phật là để Thoát Khổ. Cái Chứng đắc của người tu theo Đạo Phật là Thấy Tánh hay thấy cái BỔN THỂ TÂM.

Cái Chứng đắc của người tu Thiền chỉ là Ngộ được CÔNG ÁN! Đa phần chỉ là chữ VÔ hay một Công Án vu vơ nào đó.

8/- So sánh cách Soi, Quán của người Tu Phật và Tham Công Án của người Tu Thiền

Người tu Phật khi Soi, Quán, thì “nội quang phản chiếu”, tức là soi vào trong TÂM để thấy cái xấu mà chuyển hóa nó cho tốt hơn, gọi là TU TÂM. Ngược lại, phải TU THIỀN toàn đưa những Công Án SOI RA. Tìm “Kẻ niệm Phật là ai?”, “Con chó có Phật Tính không?”, “Tổ Sư Tây Lai Ý”, “Tại sao tên Hồ không có râu?”, “Tiếng vỗ của bàn tay”, “Hề Trọng chế xe”, “Bà lão ở Ngũ Đài sơn”, “Hai tăng cuốn rèm”, “Cô Thanh lìa hồn”… không ăn nhập gì tới con đường tu hành.

Theo luật Nhân Quả. Tìm gì thì đắc nấy. Họ có tìm Phật đâu mà đòi gặp Phật? Có tu Hạnh của Phật đâu mà đòi đắc quả Phật?

9.- Gọi phương pháp TU THIỀN là TRUYỀN TÂM ẤN là hoàn toàn không đúng

Tu theo Đạo Phật gọi là TU TÂM. Người thấy đi trước đã thấy được BỔN THỂ TÂM nên truyền lại cho người sau cách thức để Thấy như mình, gọi là DÙNG TÂM ẤN TÂM hay là TÂM TRUYỀN TÂM, hay là TRUYỀN TÂM ẤN. Ngược lại, người TU THIỀN không hề áp dụng những phương pháp của người tu Phật. Không điều phục Vọng Tâm. Không Quán, Soi các pháp. Chỉ dùng CÔNG ÁN để truyền nhau, trong đó không có Công Án nào nói về Tìm Tâm hay Tu Tâm. Như thế, nếu nói cho đúng thì phải gọi giới Tu Thiền là TRUYỀN CÔNG ÁN cho nhau thì mới đúng. Có dạy nhau TÌM TÂM đâu mà gọi là TRUYỀN TÂM? Rõ ràng là họ dùng lầm từ!

10.- So sánh cách Thực hành Thiền Định giữa Tu Phật và Tu Thiền

THIỀN ĐỊNH của Đạo Phật được giải thích trong KINH VIÊN GIÁC:

THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ, QUÁN

VÀ CHỈ QUÁN SONG TU

Tức là người Ngồi Thiền, trong thời gian Ngồi là để cho cái THÂN ngưng tới lui, hoạt động. ĐỊNH là dừng cái tâm suy nghĩ viễn vông, để tập trung SOI, QUÁN những pháp của Đạo. Tu Phật là để Thoát Khổ, vì vậy, người tu phải tìm xem cái Khổ đó do đâu mà có. Biết được nó rồi thì tìm cách để tháo gỡ. Thời của ta thì mọi thứ đã được Đức Thích Ca đã chỉ dẫn rành mạch rồi. Bổn phận của mỗi chúng ta là phải kiểm chứng lại, xem cái Lý của Ngài có đúng đối với ta hay không? Vì nếu ta thấy không đúng thì thực hành làm gì? bao giờ chấp nhận được thì theo đó mà hành trì.

Công dụng của NGỒI THIỀN trong Đạo Phật là như thế, nhưng đến Phái TÀO ĐỘNG trở thành:

· “Không làm gì hết, chỉ NGỒI đó là THIỀN. NGỒI tự nhiên là thực hành tuyệt đối. Như vậy, tư thế Ngồi tự nhiên là con đường dẫn đến thành Phật” (tr.160) .

· “Tọa Thiền là tĩnh lặng tuyệt đối, tĩnh lặng mọi tư tưởng” .

Kiểu Ngồi Thiền một đống, không suy nghĩ gì hết được Kinh Duy Ma Cật gọi là “Ngồi sững ở đó”. Tích có kể, Hoài Nhượng Thiền Sư khi thấy Mã Tổ lúc còn là Thiền Sinh đang Ngồi Thiền thì Ngài bèn lượm 1 viên gạch đem mài trước am. Mã Tổ lấy làm lạ hỏi: Mài gạch để làm gì?

Hoài Nhượng đáp: Để làm kính.

Hỏi : Mài gạch sao thành kính được?

Đáp: Mài gạch không thành kính được, tọa thiền há thành Phật được sao?

Và Ngài Hoài Nhượng giải thích: “Ông học tọa Thiền hay học tọa Phật? Nếu học tọa Thiền thì Thiền không dính chi tới chuyện nằm ngồi. Nếu học tọa Phật thì Phật vốn chẳng có tướng nhất định. Các pháp vô trụ, không nên buông bắt. Nếu chấp cái tướng ngồi thì không đạt được lẽ đó.

Với kiểu Ngồi bất động, Lục Tổ dạy:

“Khi sống, ngồi chẳng nằm

Lúc chết, nằm chẳng ngồi

Gốc là cục thịt thúi

Làm chi vậy mệt ôi!”

Bởi vì nếu chỉ NGỒI khơi khơi, thì xả Thiền ra có biết thêm được gì? Không thấy Sinh Tử do đâu? Không biết cách để tu sửa, thì cái Thân hôi nhơ này, nếu Ngồi hoài khi sống, lúc chết không ngồi được nữa thì trước sau cũng chỉ là cục thịt thúi mà thôi!

Người dạy đạo, từ Tổ đầu tiên là Đức Thích Ca đến Tổ Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng đều có thuyết giảng, phân tích rành mạch từ cái Phát tâm chân chính, đến cách Ngồi thiền. Cho đến phải Quán soi những gì? Soi như thế nào? Như thế nào là đạt đến kết quả? Trong khi đó, các phái Tu Thiền chỉ còn: làm thinh, hét, đánh, vác gậy đập, đưa lên đưa xuống thiết trượng hay phất tử hay thậm chí đập chết bỏ những ai dám nhúc nhích trong thời kỳ “Đả Thất”! (Bài thuyết của Thiền Sư Lai Quả trong CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA).

Từ thời xưa nhiều người cũng đã biết, lối Tu Thiền không còn phải là tu theo Đạo Phật chân chính nữa, nên đã công kích họ. Chính Ngài Suzuki cũng viết: “Có nhiều người công kích, cho rằng Thiền đã đi lạc quá xa so với hiểu biết thông thường về lời dạy của Phật được chép lại trong các Bộ Kinh”. “Có một số khích bác, cho rằng Thiền không phải là Phật Giáo, mà là một biến chứng nẩy sinh trong bất kỳ tôn giáo nào. Nó là cái gì bất thường, lớn mạnh giữa những dân tộc, mang những nếp cảm nghĩ khác với dòng Phật Giáo chánh truyền”. Nhưng Ngài đề nghị: “Lời phê phán đúng hay không, ta chỉ quyết đoán sau khi: Một mặt thấu rõ thế nào là tinh thần chánh thống trước những chủ thuyết của Phật Giáo như các dân tộc Đông Phương ở đây thường chấp nhận. Đồng thời cũng nên đại khái biết qua diễn trình chứng ngộ”.

Lời đề nghị đó là một rào cản khá kiên cố cho bất cứ ai muốn phê phán THIỀN. Dù vậy, bản thân tôi là một cư sĩ, có trên 30 năm tu Phật. Thời gian đầu đương nhiên là phải có Ngồi Thiền. Nhưng tôi không Ngồi một cách máy móc, mà có nghiên cứu để hiểu thế nào THIỀN ĐỊNH đúng nghĩa. Thế nào là Thiền Hữu Tướng. Thế nào là Thiền Vô Tướng, để làm theo phương pháp nào đúng và hữu hiệu nhất. Ngoài ra, tôi đã bỏ hơn 20 năm nghiên cứu chính Kinh. Đã lược giải được một số Kinh như DIỆU PHÁP LIÊN HOA, KIM CANG, DUY MA CẬT, BÁT NHÃ, LĂNG NGHIÊM, VIÊN GIÁC, SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT. PHÁP BẢO ĐÀN KINH. (còn nằm trong bản thảo). Đồng thời cũng có tham khảo các Kinh HOA NGHIÊM, ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN, THẮNG MAN, KIM QUANG MINH, TÂM ĐỊA QUÁN và một số Kinh khác. Nên có thể dựa vào lời Phật, Tổ trong Kinh mà đủ sức phân biệt được thế nào là tu hành đúng Chánh Pháp, thế nào là Tà Pháp! Ngoài ra tôi cũng có một chút kinh nghiệm về diễn trình gọi là chứng ngộ được đánh dấu bằng một số Thơ, Kệ, đã được Thầy ấn chứng, nên thiết nghĩ có lẽ phần nào đáp ứng được yêu cầu của Thiền sư. Vì thế tôi mạnh dạn viết ra tập này, mục đích là để mang lời Phật, lời Tổ trích từ trong Kinh ra, để người ít đọc Kinh cũng có tài liệu để so sánh với những lời dạy của các Thiền Sư sẽ thấy đúng, sai, chân, giả.

Các Phái Thiền đương nhiên là sẽ không đồng ý về nhận xét của người khác, vì cho là người không Tu Thiền không thể nào hiểu nổi sự cao siêu của Thiền! Họ không biết rằng THIỀN chỉ mới là một Độ trong Lục Độ, người tu Phật nào cũng có THIỀN ĐỊNH, nhưng không tách ra để chỉ hành riêng Độ Thiền, gọi là TU THIỀN như họ. Tuy vậy, cứ theo họ, cho là Tu Thiền là cao siêu đi. Nhưng mục đích của cái cao siêu đó là gì? Bởi xét về lợi ích và mục đích thì ta thấy: Đạo Phật đưa người tu học đến Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử. Phương pháp của Đạo Phật rất cụ thể. Là Lục Độ, Tứ Nhiếp, Soi, Quán, Tư Duy, Bát Chánh Đạo, Giới vv... nhằm để XẢ CÁI NGÃ CHẤP. Vì Phiền Não, Sinh tử đều do đó. Có XẢ được nó thì mới thoát được phiền não, được an ổn trong kiếp sống. Còn chỉ Khai CÔNG ÁN thì kết quả về đâu? PHẬT có nghĩa là Giải Thoát. THÀNH PHẬT có nghĩa là thành tựu hay hoàn tất công việc Giải Thoát bằng những việc làm bỏ ác, hành Thiện, bỏ Ngã Chấp, Pháp Chấp. 32 Tướng Tốt của Phật là 32 việc làm đối với Thầy, Bạn. Yêu thương, kính trọng cha mẹ, giúp đỡ mọi người. Những người Tu Thiền chỉ Tham có mỗi một Chữ VÔ. Không Tư Duy, Quán sát, không giữ Giới. Không lập Hạnh thì người bình thường với Nhân, Nghĩa, Lễ, trí Tín còn chưa xong, làm sao thành Thánh, thành Phật?

Đạo Phật có mặt ở thế gian đã trên 2.550 năm. Người thật sự chứng đắc cũng không ít. Nhưng những kẻ ham danh lợi, mượn cửa Đạo để nhàn thân, lại được ăn trên ngồi trước càng đông hơn. Bậc chân tu cũng như những người lợi dụng tôn giáo cũng đều muốn gặp được Thầy giỏi để học hỏi. Chính vì thế, khi nghe ca tụng quá nhiều về các thiền Sư nước người, rồi vọng ngoại để gặp phải những Thiền Sư “Hữu danh, vô thực”. Người ca tụng họ cũng là những người không hiểu về Đạo Phật, nên làm sao hiểu được những gì họ giảng nói là đúng Chánh Pháp hay không?

Theo lịch sử Đạo Phật của Việt Nam ta, thì từ năm 580 Thiền Sư Ấn Độ là Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã từ Trung Hoa sang nước ta để truyền đạo, lập ra Phái Thiền đầu tiên. Ngài truyền cho Thiền Sư Pháp Hiền làm Tổ thứ Hai. Đến triều Lý (1010-1255) thì Đạo Phật ở nước ta đã phát triển rất mạnh, các vua Lý đều tôn sùng Đạo Phật. Vua Lý Thái Tông thuộc thế hệ thứ bảy của Thiền Phái Vô Ngôn Thông. Vua Lý Thánh Tông thuộc thế hệ thứ nhất của Thiền Phái Thảo Đường. Nhiều vị Sư có uy tín được vua mời làm Quốc Sư như Sư Minh Không, Sư Viên Thông. Các Thiền Sư Vạn Hạnh, Đa Bảo còn được vua mời tham gia bàn chuyện triều chính.

Đến đời Trần, Phật Giáo vẫn phát triển. Các Thiền Phái trên vẫn phát triển, cho đến lúc Vua Trần Nhân Tông lập ra Thiền Phái Trúc Lâm thống nhất Giáo Hội Phật Giáo thời Trần. Vua không chỉ am tường việc Đạo mà còn là anh hùng của hai cuộc chiến chống quân Nguyên. Việc trị quốc đã thế, trong tề gia Ngài cũng là một người cha nghiêm khắc. Một lần, Vua từ Yên Tử về Kinh, thấy con là Vua Anh Tông mê mải tiệc tùng, lơ là việc nước, ngài đòi truất phế, triều đình phải xúm lại can ngăn. Từ đó, vua Anh Tông không dám bỏ bê việc nước, và lo tròn bổn phận một vị vua.

Điều đó cho ta thấy người tu Phật thật sự không tiếp tục bon chen tranh giành như người đời, nhưng cũng không phải nhắm mắt, bưng tai, xa lánh việc đời. Lục Tổ dạy: “Phật Pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác”. Có nghĩa là không rời cuộc đời mà giác ngộ. Tu không phải là để đóng khung, tránh né, xa lánh thế gian. Bởi việc tu Phật thật sự chính là trang bị cho người tu cách sống giữa phiền não mà không bị phiền não nhấn chìm, như ý nghĩa của Hoa Sen mà Phật dụng làm biểu tượng, muốn cho người tu đạt tới, là Nở hoa thanh khiết, dù vẫn sống trong bùn.

Từ xa xưa đã có những vị Giác Ngộ hiện diện là điều rất hãnh diện cho dân tộc nhỏ bé, kém phát triển và triền miên bị các cường quốc lấn áp như nước ta, mà giáo Pháp của Tam Tổ là bằng chứng để chúng ta nhận ra điều đó. Nhưng có thể là những vị đắc pháp thời trước đó chưa có điều kiện để phổ biến rộng rãi nên không thể nào so với hoàn cảnh chứng đắc của một vị vua đương thời, được mọi điều kiện hỗ trợ tối đa như Điều Ngự Giác Hoàng. Một phần cũng bởi thời đó phương tiện truyền thông không có. Viết xong được một quyển sách, thuê thợ khắc bản in cũng là cả một vấn đề. Ngay cả quyển Khóa Hư Lục của Vua Trần Thái Tông còn bị quên lãng. Có thể do nhiều người không đủ sức để lãnh hội những gì Ngài viết, cho nên, Ngài tịch năm 1308 mà đến năm 1840 mới được sư cụ Thanh Hương chùa Do Nha huyện Võ Giàng nhờ Tuần phủ hộ lý Tổng Đốc Ninh Thái đề tựa để in ra. Hơn nữa, thời đó, muốn di chuyển thì phải đi bộ. Đa phần Chùa thì hay ở non cao, động vắng, nên đó cũng là một trở ngại rất lớn cho việc phổ biến đạo pháp.

Đọc những bài giảng của Tổ PHÁP LOA của Thiền Phái TRÚC LÂM YÊN TỬ trong TAM TỔ THỰC LỤC thì tôi thấy không khác với những lời của Phật dạy trong Chính Kinh và của hai Tổ: Đạt Ma, và Huệ Năng. Chỉ đề cập đến việc tu sửa Thân, Tâm. Không hề cổ vũ xây thêm chùa lớn, đúc tạc cho nhiều tượng Phật. Các Ngài chỉ lui tới những chùa danh tiếng sẵn có để truyền pháp. Phải chăng các Ngài e rằng càng phát triển chùa tướng thì đồng nghĩa là chùa Tâm bị quên lãng? Thế nhưng, dù không thấy xây thêm nhiều chùa, mà các Ngài vẫn truyền pháp cho rất nhiều người. Không biết những người có trách nhiệm gìn giữ và truyền bá Thiền Phái TRÚC LÂM YÊN TỬ có còn giữ được tinh thần của Phái Thiền này không? Nếu chỉ phát triển bằng hình tướng, chiêu mộ Phật Tử thêm đông, nhưng không giữ được cốt tủy của Thiền Phái này, không đưa người tu đến Thấy Tánh, Thành Phật, thì quả thật là chúng ta đã phản bội kỳ vọng của các vị Giác Ngộ đã chọn đất nước ta để làm nơi mồi ngọn đuốc Pháp!

Mỉa mai thay! thực tế đã chứng minh cho ta thấy, lời người xưa nói “Bụt chùa nhà không thiêng” quả thật không sai! Lẽ ra chúng ta đã biết và hết lời xưng tụng Đức Điều Ngự là Phật Hoàng, thì với những lời vàng ngọc của các Ngài để lại thừa sức để “Chấn Hưng Thiền Học”. Cần lấy Phương pháp của các Ngài để làm “Phương Pháp Tu Trì của Thiền Tông”, để khuyến khích mọi người tu tập theo đó. Trái lại, hình như việc khơi dậy Thiền Phái TRÚC LÂM đó chỉ nhằm quảng bá điểm du lịch Yên Tử, sao cho ngày càng nhiều khách thập phương tới vãn cảnh! Nếu sự thật như tôi suy diễn thì quả thật là đáng buồn! Mọi người đã thật sự thấy Tam Tổ là người chứng đắc sao không quảng bá, phát huy Giáo Pháp của ngài để lại? Việc làm đó có ích cho người tu học biết mấy, thay vì cho dịch và dùng làm tài liệu cho tăng ni tu học bằng những quyển sách của những Thiền Sư “hữu danh vô thực” của nước ngoài, bởi trong đó, những lời chính đáng của Phật Pháp thì ít, đa phần là những lời kiêu mạn, phỉ báng Phật, chê Tổ, mắng Thầy! Nếu họ tin, rồi truyền nhau, thì trách nhiệm đối với Chánh Pháp thật không phải nhỏ!

Có người sẽ nạn rằng bản thân người viết không phải là một cao Tăng, không tu hành chính quy, làm sao hiểu hết diệu dụng của chư vị Giác Ngộ? Lấy căn bản nào để đánh giá rằng những phát ngôn của các Thiền Sư trong những quyển sách trích ở phần trước không phải là những người đã chứng đắc? Nếu họ hành nghịch pháp để thị hiện thì sao?

Xin thưa, “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, và muốn phân biệt người nào có tu đúng Chánh Pháp hay không, thì chúng ta phải đối chiếu với lời Phật dạy. Trước lúc Phật nhập Niết bàn, có ngoại đạo tên Subhadda đến hỏi Phật: “Làm sao phân biệt trong những người đang giảng pháp thao thao, ai là người có Chánh Pháp?”. Phật đã trả lời: “Trong giáo pháp nào có Bát Chánh Đạo thì trong đó có đệ nhất sa môn, đệ nhị sa môn, đệ tam sa môn, đệ tứ sa môn... Giáo Pháp của ta có Bát Chánh Đạo, nếu các Tỳ kheo này sống chân chánh thì đời này không vắng những vị A La Hán”

Thế nào là những Tỳ Kheo “Sống Chân Chánh?” Tức là người đó phải có GIỚI, phải sống theo Bát Chánh Đạo. Đã có Bát Chánh Đạo thì có CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH NGỮ, CHÁNH MẠNG… Có Chánh Ngữ thì lời nói phải chân chánh. Không nói để khen mình, chê người. Người tu hành thì lúc nào cũng phải “Thu thúc Lục Căn”, “Thân, Khẩu, Ý Ba Nghiệp phải thanh tịnh. Nhưng các Thiền Sư đó xem ra thả lỏng căn trần, ngông nghênh kiêu mạn. Ý không thanh tịnh nên KHẨU cũng không thanh tịnh. Cái chứng đắc của người tu là đắc cái “Vô Ngã”, tức “Không có Ta”. Đối với mọi người phải hành Hạnh Thường Bất Khinh Bồ Tát, vì tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ Thành, nhưng không thấy các vị đó thể hiện!

Với Phật chưa thành còn phải kính trọng, huống chi gọi Phật Thích Ca là “Lão Cồ Đàm mặt vàng”! Gọi Tổ Đạt Ma là “Lão già Hồ sún răng, truyền pháp cho người không đủ Lục Căn”! Người không đủ Lục Căn đó chính là Nhị Tổ Thần Quang! Cho “Thích Ca, Di Lặc còn là tôi đòi của những kẻ đó”! Lời lẽ như thế hoàn toàn là của phàm phu tự cho là mình tu hành, chứng đắc, đâu thể là của Bậc Giác Ngộ? Phật họ còn mắng, Tổ còn bị chê, Thầy còn gọi lão này lão nọ, như vậy để dạy ai cái gì khi nhân thừa còn chưa có? Chẳng lẽ Tu Thiền, chứng đắc để trở thành một con người hỗn xược, không còn tôn ty trật tự? Trong lịch sử các Tổ, cả 33 vị, ta chưa hề thấy có vị nào có hành vi và nói năng như thế. Tích “Con chồn Hoang” nói về một pháp sư chỉ vì hạ sai một chuyển ngữ còn phải đọa làm chồn 500 kiếp. So với VÔ MÔN QUAN ta thấy tội đó chẳng thấm vào đâu!

Tổ Đạt Ma dạy: “Rắn biến thành rồng vẫn không đổi vảy. Phàm phu thành thánh cũng không đổi mặt”. Tức là trước hay sau khi tu chứng đắc, người đó vẫn con người bình thường. Cái khác đi là họ đã điều phục xong cái tâm của họ và được Thoát các pháp. Có thế thôi, có gì đâu mà cao cả hơn đời?

Để Thành Phật thì chỉ cần điều phục mình, đâu phải làm gì kinh thiên động địa? Kinh Viên Giác đưa ra một công thức rất đơn giản:

“NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT,

CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT”

Thành Phật chỉ có nghĩa là hoàn tất công việc tự độ, tự giải thoát cho bản thân. Công phu để thành chỉ là “Độ những tính xấu trong tâm” của mình, gọi là “Độ Sinh” thì có gì hơn người để mà kiêu mạn? Rõ ràng các Thiền Sư đó đã hiểu lầm hai chữ “Thành Phật” và cũng không biết cách thức để Thành Phật. Họ tưởng Thành Phật là thành một “Ông Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, cứu độ tam thiên đại thiên thế giới”. Trong khi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới là cách mà Phật mô tả những sinh khởi trùng trùng của Tam Độc trong mỗi người chúng ta. Mỗi loại nhiều đến nỗi ngang bằng với cả một thế giới. Có tới Ba Độc nên gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.

Chính vì vậy, nếu người tu không quên căn bản: Tu chỉ có một nghĩa là SỬA. “Tu Phật là Tu Tâm”, là “Tự Độ”. Thành Phật chỉ là “Thành tựu con đường tự Giải Thoát”. Tâm niệm như thế khi phát tâm tu hành thì dùng bất cứ phương tiện nào của Đạo: Mật, Hiển, Đại Thừa, Tiểu Thừa… hẳn không nảy sinh những tư tưởng kiêu mạn khi chứng đắc. Các Thiền Sư đó, suy cho cùng, ngay hai chữ Thành Phật còn chưa hiểu. Cách hành cũng không đúng thì làm sao chứng đắc? Đã chưa chứng đắc thì làm sao có thể gọi là “thị hiện” để giáo hóa người khác?

Đạo Phật sở dĩ xuất hiện ở trần gian là vì con người. Bao nhiêu phương tiện được Đức Thích Ca đặt ra là vì muốn cho con người được sống một cuộc sống an vui. Ngài thấy rằng cuộc sống ngắn ngủi không đầy trăm năm mà con người không chịu yêu thương, đùm bọc nhau, trái lại còn giết vật, hại người, gian dâm vô độ, say sưa mất lý trí để làm nhiều chuyện rối loạn, làm cho cả mình và người đều phải buồn khổ. Chính vì vậy mà Ngài đặt ra GIỚI nhằm hạn chế bớt những lỗi lầm, biết tôn trọng lẽ phải để giúp con người sống tốt đẹp hơn. Đó là SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG NGỮ và TỬU. Những Giới này dù là Chư Phật từ cổ xưa, hay muôn vạn kiếp tới đều phải tuân giữ. Kinh Đại phương Tiện Phật Báo Ân viết: “Nếu có 100 hay 1.000 vị A La Hán thì từ vị A La Hán đầu tiên, cho đến vị cuối cùng đều nhân Giới mà thành đạo”. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Phật dạy: “Người đã thọ Giới của Phật, nên hộ trì giới luật của Phật như ấp yêu con một, như kính thờ cha mẹ, không được hủy phá”.

GIỚI của Đạo Phật quan trọng như thế, nhưng Ngài Nguyệt Khê chê là: “Giới của Phật giáo cho đến hiện tại vẫn là qui củ xưa của mấy ngàn năm trước phần nhiều đều biến thành bối văn, hoặc không có cách nào tuân thủ theo. Cho nên chúng ta chủ trương cần phải sửa đổi thêm hoặc bổ sung, đem những cái vụn vặt phiền phức biến thành giản đơn, vòng vo thối nát biến thành kiện toàn, sau đó uy lực của giới luật bị mất mát có thể trở về nguồn, chỗ tôn nghiêm của tăng già mất mát mới có thể cứu vãn được, khiến cho ma quỷ thấy mà xa lánh, rút lui, người lành thấy mà khởi lên lòng kính trọng, đây là điều kiện chủ yếu để phục hưng Phật Giáo”!

Trong khi GIỚI dù xưa cũ mấy ngàn năm, nhưng làm cho con người tốt đẹp hơn lên, thì Ngài Nguyệt Khê cho đó là “vòng vo thối nát”, cần phải “sửa đổi để phục hưng Phật Giáo”! Chẳng lẽ Phật Giáo sẽ được phục hưng bằng cách phá bỏ những rào cản đạo đức tối thiểu của con người? Liệu mọi người có thể “khởi lên lòng kính trọng” với những người tà dâm, trộm cướp, nói láo, say sưa vô độ không?

GIỚI, ĐỊNH HUỆ của Đạo Phật là căn bản tu hành bất di bất dịch. Kinh Lăng Nghiêm dạy người tu nào muốn thành thì đều phải có đủ 3 món đó như điều kiện tiên quyết thứ nhất, thì Ngài Nguyệt Khê viết: “Xưa có người hỏi Thiền Sư Nam Tuyền Phổ Nguyện rằng: “Thế nào là Giới, Định, Huệ?”, Sư đáp rằng: “Bần đạo trong đây không có thứ đồ bỏ xó đó’! Thiền Sư mà không có Giới thì liệu có Định, có Huệ? Thảo nào ông ta cho các thứ đó là “đồ bỏ xó”! Thế thì trong ông có thứ gì cao quý?

Kinh Điển được xem là bản đồ, là La Bàn thì Thiền Sư Nguyệt Khê viết: “Nay con người chui đầu vào kinh điển sách vở, ôm chấp văn nghĩa thì điều tai hại há chẳng phải là nông cạn ư? Vì thế chuyện bất lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo mới được kiến lập vậy. Nếu có thể mượn văn tự và ngôn ngữ tương đối để chỉ thị, chứng nhập vào cảnh giới tuyệt đối của chân như thì văn tự của kinh điển chỉ là mớ bá láp mà thôi”!(Tuyệt Đối Luận tr. 53).

Phật dạy: “Ly Kinh nhất tự đồng ma thuyết”. Có nghĩa là không được rời Kinh, dù chỉ 1 chữ. Phật chỉ chê trách những người đọc Kinh rồi ôm mớ văn tự, không hiểu được Ý nghĩa mà Ngài muốn truyền đạt nên không thực hành, vì thế không đạt được kết quả như Ngài mong mỏi. Ngay cả bất cần văn tự bằng chữ viết thì ít ra cũng phải bằng ngôn ngữ. Con người hiểu nhau qua hai cách đó. Chỉ có các Thiền Sư hiểu đạo qua “ngón tay”, và “Phất Tử” đưa lên, đưa xuống! Cao siêu là vậy. Nhưng kết quả thì thế nào? Thiền Sư Suzuki viết đến hơn ngàn trang để Luận về Thiền mà đã tự cho là không thể giải thích được thế nào là THIỀN! Chắc không cần phải biện minh dông dài, vì qua đó thì mọi người đã thấy hiệu quả của phương pháp được hết lời ca tụng đó!









Phụ Bản I

Thiền Sư nào cũng muốn mở ra một con đường riêng, cao hơn, hay hơn nhanh hơn là con đường mà Phật Thích Ca đã mở ra. Tiếc là họ tưởng tượng nên không đưa ra được cách nào để đến. Cảnh cũng tưởng, phương tiện cũng tưởng, thì đương nhiên người đạt tới cũng chỉ là ảo tưởng mà thôi. Tu hành theo Đạo Phật là để Giải Khổ cho cuộc sống đầy phiền não. Đức Phật chỉ ra nguyên nhân gây phiền não và cách thức chặt đứt. Người tu Phật phải Hành nhiều pháp để tháo gỡ từ từ. Người TU THIỀN theo các Thiền Sư hướng dẫn chẳng có mục đích. Tu cũng không có phương tiện. Thấy được một chữ cũng tưởng rằng chứng đắc. Chứng đắc xong cũng chẳng biết về đâu!

Thiền Sư Nguyệt Khê đặt ra Cõi Tuyệt Đối. Sau đây là cách Ngài giải thích: “Bản thể tuyệt đối vốn không, không có tên gọi và hình tướng, vốn không có biến huyển, hoàn toàn không dính dáng với nhau. Tuy nhiên cõi tương đối ấy, lìa ngoài tư duy và cảm giác thì thực ra không có chỗ nương cậy, cho nên tin sâu mà chẳng nghi ngờ. Cho đến bình tâm mà phản tỉnh, hoặc được thiện tri thức mở lối dẫn dắt thì ban đầu là nghi ngờ, nhưng kế đến là tự minh gia thêm phủ định. Phủ định cái gọi là hình tướng, cái gọi là tên gọi, phủ định cái gọi là tư duy và cảm giác, sau cùng vô thỉ vô minh không có tư duy – không có cảm giác cũng bị phủ định luôn, cho đến khi không thể phủ định được nữa thì cõi tương đối kết thúc, liền nhập vào cảnh giới tuyệt đối, bèn hoát nhiên đại ngộ”. (tr. 78).

Ngài chỉ cách để nhập vào tuyệt đối: “Liên quan đến việc phủ định tương đối là phủ định lại cái đã phủ định, đến khi không thể phủ định được nữa, tức là đã nhập vào tuyệt đối” (tr.105). Như vậy, theo lời Ngài dạy: phủ định tất cả thì nhập vào cõi tuyệt đối của Ngài. Nếu ta phủ định cả Ngài và lý thuyết của Ngài hẳn ta còn nhập vào cõi cao hơn nữa chăng?

Tiếc thay, những bậc chân tu thường không khua chuông, gióng trống. Họ theo Hạnh của Đức Thích Ca là tự tu, tự sửa, không rầm rộ cờ xí, tiền hô hậu ủng… nên người đời không nhận ra được. Vì thế, người đời chỉ chạy theo những pháp sư được đông đảo người ca tụng tưởng họ có Chánh Pháp! Trong khi đó, dòng truyền thừa hẳn còn khiêm tốn trong Tâm của vị chân tu trong những ngôi chùa nhỏ bé, đơn sơ nào đó. Vì họ hiểu rõ lý Nhân Quả nên không lạm dụng tiền của bá tánh để cất chùa cho to, quảng bá rầm rộ để được nhiều người biết đến và cũng không thu nạp đệ tử cho đông, vì “quý hồ tinh bất quý hồ đa”! Chính tôi, sau nhiều năm tìm hiểu, thận trọng đối chiếu với nhiều Bộ Chính Kinh, khi nhận biết đường tu mình đang theo học thật sự là đúng chánh pháp, vì chỉ dạy tu sửa bản thân, thì Thầy tôi cũng đã qua đời nên tôi không hỏi được nguồn cội. Tôi có dò hỏi thì chỉ nghe nói là Thầy của Thầy tôi – cũng là một cư sĩ – ngày trước đã đắc pháp ở một ngôi chùa tại miền Trung (hiện Thầy của Thầy tôi đang giảng dạy tại Mỹ). Thông tin quá mù mờ nên tôi chỉ biết một điều là dòng Chánh Pháp lúc nào cũng âm thầm được gìn giữ trong tâm của những bậc chân tu. Không phát triển rầm rộ bằng chùa to, Phật lớn, vì hiểu đúng như lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.

THIỀN chỉ là 1 Độ trong LỤC ĐỘ của Đạo Phật. Người tu Phật nào cũng phải THIỀN, dù là HỮU TƯỚNG hay VÔ TƯỚNG. Nếu dùng sự Soi, Quán để hiểu một từ của đạo làm CÔNG ÁN thì người tu Phật có rất nhiều Công Án phải khai thông. TU PHẬT là để được GIẢI THOÁT. Mục đích của Đạo Phật là đưa người tu đến Thoát Sinh Tử, Thoát Phiền Não, còn ĐẠO THIỀN đưa người chứng đắc về đâu?

Những Thiền Sư thời đó cũng không đọc Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới để thấy Kinh dạy: “Thà lấy lưới sắt nóng quấn lấy thân mình cả nghìn lớp, quyết không để thân này phá Giới mà thọ những đồ y phục của tín tâm đàn việt. Thà chịu nuốt hòn sắt cháy đỏ và uống nước đồng sôi mãi đến trăm nghìn kiếp, quyết không để miệng này phá giới mà ăn các thực phẩm của tín tâm đàn việt. Thà nằm trên đống lửa lớn, trên tấm sắt nóng, quyết không để thân này phá giới mà nhận lấy các thứ giường ghế của tín tâm đàn việt. Thà trong một hai kiếp chịu cho cả trăm gươm dáo đâm vào mình, quyết không để thân này phá giới mà thọ các thứ thuốc men của tín tâm đàn việt. Thà nhảy vào vạc dầu sôi trong trăm ngàn kiếp quyết không để thân này phá giới mà lãnh những phòng, nhà, ruộng vườn, đất đai của tín tâm đàn việt”.

Về những người hủy báng Tam Bảo và tiếp tay quảng bá cho người phỉ báng Phật, có GIỚI HỦY BÁNG TAM BẢO: “Nếu Phật Tử tự mình hủy báng Tam Bảo, xúi người hủy báng Tam Bảo: Nhân hủy báng, duyên hủy báng, cách thức hủy báng, nghiệp hủy báng. Phật tử nghe một lời hủy báng Tam Bảo của ngoại đạo và kẻ ác, còn đau lòng hơn ba trăm cây nhọn đâm vào tim mình, huống là tự miệng mình hủy báng! Không có đức tin và lòng hiếu thuận đối với Tam Bảo, lại còn giúp sức cho những kẻ ác, kẻ tà kiến hủy báng nữa. Phật tử này phạm “Bồ Tát ba-la-di tội”.

Qua những quyển sách viết về Thiền mà tôi đã tham khảo, ta thấy có vị chém mèo, giết rắn, một cách lạnh lùng, không chút xót thương. Chẳng biết tâm Từ, Tâm Bi các vị để ở đâu? Với người tu học thì đấm, đá, xô cửa cho gãy chân, thậm chí còn đánh đến chết như chùa Cao Mân! Nhiều người sau chẳng hiểu gì, cũng xưng tán, cho như vậy mới là cao siêu!

Nếu Thiền Tông cho rằng mình có đường lối tu hành riêng, Quả vị chứng đắc hoàn toàn khác với Đạo Phật thì chúng ta không đề cập đến làm gì. Nhưng các Ngài lấy hai vị TỔ của Đạo Phật, cho đó là SƠ TỔ của mình. Lấy Quả Phật của Đạo Phật làm Quả vị của Đạo Thiền. Nhưng đường lối hướng dẫn cũng như hành trì hoàn toàn khác với lời của PHẬT, TỔ dạy thì ta nên xem xét lại. Bởi lời Phật không hề hư vọng. Kinh dạy: “Người nào “Thọ, trì, đọc, tụng, giảng nói, biên chép Y Pháp tu hành thì xuất sanh chư Phật”. Phái Tu Thiền thì không thọ trì,đọc tùng Kinh để hiểu lời Phật day. Không Giữ Giới. Không theo Bát Chánh Đạo. Cũng chẳng Soi, Quán. Không tìm Tâm. Không “Điều phục Vọng Tâm”, cũng chẳng làm Lục Độ, Vạn Hạnh, thì họ lấy gì để đắc? Đắc xong sẽ trở thành gì?

Trong khi đối với Thiện Tri Thức, Phật dạy: “Này Thiện nam Tử! Chúng sanh đời sau muốn tu hành, suốt đời phải kính trọng, cúng dường Thiện Tri Hữu Thức”. Và: “Đối với Thiện Tri Thức này mà hành giả không khởi một niệm khinh thường thì Tâm Hoa sẽ được rộng mở chiếu sáng khắp cã mười phương thế giới và thành tựu Quả Phật”. Nhưng phía Thiền gia, người thấy mình chứng đắc thì đánh Thầy, mắng Phật, chửi Tổ... mà cũng “thành Phật” thì quả thật là Đại vọng ngữ.

Ngay trên bìa của quyển CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA của dịch giả THÍCH DUY LỰC, ta thấy chễm chệ câu ‘PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ CỦA THIỀN TÔNG”. Trong đó, ngoài những nguồn gốc của Ngũ Phái Thiền và những lời giải về Đạo Phật của Thiền Sư Nguyệt Khê, phần sau, hơn nửa quyển là THIỀN THẤT KHAI THỊ LỤC của Lai Quả Thiền Sư giảng tại chùa Cao Mân. Trong đó là những bài giảng trong 10 Thất cho những người Nhập Thất Tu Thiền. Lời lẽ đầy ngạo mạn, khinh chê, mắng chửi người nhập thất. Chê họ là ngu mê, và cho rằng trong những thời kỳ đả thất vừa qua đã đánh chết mấy người. Xin trích vài đoạn đầy tính cách hâm dọa như sau:

* “Quy củ đả thất rất nghiêm khắc, khác với lúc bình thường. Vậy khác ở chỗ nào? Ấy là ngày nay các ông xin phép sanh tử ở các vị Tổ quá khứ và cũng xin phép sanh tử với ta. Ta hứa cho phép sanh tử, vậy sanh tử các ông nằm trong hai tay ta, ta muốn cho các ông sống thì sống, muốn cho chết thì chết. Đúng ngay chỗ này chết !”. (tr. 175).

* Các ông xin phép sanh tử, không phải xin Ban Thủ, Duy Na, mà phải xin ta. Các vị kia dám thay ta cho phép ư? Vậy khi nào có bệnh thì làm cách nào? Chẳng có cách nào hết. Sống cũng đả thất, chết cũng đả thất, mạnh cũng đả thất, đau cũng đả thất, chung quy là đả thất.”

* Các ông bệnh cũng được, sống cũng được, chết cũng được, đợi sau khi giải thất thì mới đưa đi chôn, dù năm người hay ba người cũng quăng xuống đáy quảng đơn. Đây là cách giải quyết kẻ có bệnh. Lại nữa, trong thời kỳ đả thất, đi hương, ngồi hương, quả đường cho đến đại tiểu tiện mà quay đầu một cái, hoặc cười đùa, như thế thì ta bảo cho các ông biết: Các ông phải mất mạng đó. Thế là sao? Một khi các ông đã đến Thiền Đường thì hương bảng của các vị Ban Thủ, Duy Na đều quay về các ông mà đập xuống. Một, hai chục hương bảng chẳng kể đầu, mặt, tai, cứ đánh hết, đánh rồi mà không chết thì vẫn phải đả thất. Nếu như đánh các ông bị thương thì làm cách nào? Thì cũng phải liệng các ông xuống đáy quảng đơn. Sau khi giải thất rồi thì đem chôn một lượt”

* Những năm qua trong thời kỳ đả thất cũng có mấy người bị đánh chết, đây là việc bình thường, chẳng có gì là lạ”.

Đức Phật cho rằng “Thân người khó được”, mà Thiền Sư mà coi mạng người như kiến, ruồi! Lời lẽ thô bạo như của những tên côn đồ. Dùng toàn đao to búa lớn, tưởng chừng như những người nhập thất, qua thời kỳ đả thất là sẽ đồng loạt thành Phật. Nhập Thất mà tưởng chừng như vô trại tập trung của Đức Quốc Xã! Mỗi ngày đều có một bài khai thị và qui củ nghiêm ngặt, sẵn sáng đánh chết người nếu có chút sơ suất. Người học cũng chấp nhận tu hành nghiêm túc như thế. Nhưng kết quả thì rất đáng thất vọng! Đến Thất 8, ngày thứ 6 ông ta lại nói: “Ta thật tiếc cho các ông, trong thời kỳ đả thất chẳng có người nào công phu được chút tiến bộ sâu xa nào, chẳng từng có được người nào công phu khai được tiểu ngộ, đó là điều ta thật tiếc vô cùng”! (tr. 389).

Chỉ lấy làm tiếc thôi sao? Người ta đã chấp nhận trả giá bằng cả tính mạng để học mà giáo pháp của mình sau cả chục thất, không dám nói cười, tới lui, chịu ăn hương bảng chết bỏ lại không đạt kết quả như lời quảng cáo, lẽ ra vị Thầy phải xấu hổ, xin lỗi và bồi thường mới đúng. Trái lại, còn muốn đổ lỗi cho người học! Ta nghĩ sao những lối giảng dạy như thế lại được cho là PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ CỦA THIỀN TÔNG, và dùng đó để “chấn hưng môn Thiền học”?

Ước mong rằng người muốn thành Phật cấp tốc qua hướng dẫn của phương pháp Tu Thiền nên hiểu rõ thế nào là Thiền của Đạo Phật chân chính, thế nào là Thiền ngoại đạo, để đừng khởi tâm mong cầu Chứng Đắc, Quả Vị, ham tu tắt, tới cao, để tin theo các Tà Sư mà làm hư mất Tâm Bồ Đề. Tốt nhất, nếu muốn tu hành theo Đạo Phật chân chính thì nên đọc Chính Kinh để thấy trong đó Phật hướng dẫn tu hành ra sao rồi áp dụng. GIỚI và BÁT CHÁNH ĐẠO là vòng rào kiên cố bảo vệ cho ta khỏi lạc sang tà ma, ngoại đạo. Khi Quán, Soi, Tư Duy thì nên “nội quang phản chiếu”, quay vào tìm TÂM, tìm TÁNH của mình. Đó chính là Công Án lớn nhất mà Đức Phật Thích Ca và Chư Tổ đã bao đời truyền nối nhau để hướng dẫn, mong mọi người nương đó mà Thoát được Vô Minh, Thoát Sinh Tử Luân Hồi, Phiền Não, Khổ Đau, để được an lạc trong cuộc sống hiện tại và vĩnh kiếp về sau. Đó là mục đích của Đạo Phật, mà cũng là lời Phật đã hứa khi mang Đạo Phật vào thế gian vậy.

Viết tại Thành Phố Hồ Chí Minh, năm 2004

Bổ sung và hoàn tất tháng 10/2011

Hoa Nghiêm Chân Tử - Tâm Nguyện

PHẦN BỔ SUNG

Xin được trích ra một vài Bài Kệ của tôi đã làm năm 1978, trong thời gian tu học.

1/- Chỉ cần quay lại nhận ra nhau

Ai nói sông Mê, bến Ngộ nào?

Ta vẫn là Ta, đâu biến đổi

Chẳng qua là một giấc chiêm bao.

2/- Sông Mê chưa từng qua

Bờ Giác không là nhà

Tung tăng trong các cõi

Tự tại một mình Ta.

3/- Tâm có gì đâu để phổ truyền?

Tướng là hư huyển, được bao niên?

Pháp thì Sinh, Diệt, làm sao đắc?

Tánh vốn muôn đời vẫn ở yên. 




Tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời


- Tờ báo quốc ngữ Việt Nam đầu tiên phát hành 147 năm về trước ...

- Mẩu quảng cáo đầu tiên trên báo đã có cách nay 140 năm, nhà báo Việt Nam đầu tiên là ông Petrus Trương Vĩnh Ký, một trong 18 người uyên bác nhất thế kỷ 19 khi thông thạo đến 26 thứ tiếng. - Nữ nhà báo đầu tiên của Việt Nam là con gái cụ Nguyễn Đình Chiểu.


Báo chí Việt Nam thực sự thoát thai từ cái nôi của chế độ thuộc địa. Sự ra đời của báo chí trùng khít với bước chân xâm lược của người Pháp vào Việt Nam.

Lịch sử báo chí Việt Nam phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau với khá nhiều thăng trầm.

Tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên

Lịch sử báo chí Việt Nam bắt đầu với sự ra đời của Gia Định báo vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Ban đầu, Gia Định báo có mục đích chủ yếu là công cụ thông tin của người Pháp ở Đông Dương với tư cách là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, thông tư của chính quyền thực dân. Sau này, khi Trương Vĩnh Ký chính thức làm giám đốc, tờ báo mới được phát triển mục biên khảo, thơ văn, lịch sử...

Gia Định báo có khổ 25x32cm, giá 0,97 đồng/tờ, phát hành vào thứ 3 hàng tuần.

Gia Định báo cũng có góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.


Những mẩu quảng cáo đầu tiên trên tờ Gia Định báo

(và cũng là của báo chí Việt Nam) xuất hiện vào năm 1882

Tờ báo kinh tế đầu tiên

Tờ báo kinh tế đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam là tờ Nông-Cổ Mín-Đàm nghĩa là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn". Đây là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt là các ký giả Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt…


Nông-Cổ Mín-Đàm số ra ngày 1/8/1901 (số đầu tiên)


Nông-Cổ Mín-Đàm
bàn về nông nghiệp và thương nghiệp, phát hành thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn bằng chữ quốc ngữ. S ố 1 ra ngày 1 tháng 8 năm 1901.

Một thời gian sau báo được xuất bản một tuần 3 kỳ . Sau khi phát hành số ra ngày 4 tháng 11 năm 1921 thì báo bị đình bản.

Tờ báo này ra đời theo một nghị định của Quan Tổng thống Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14/2/1901. Ban đầu, trụ sở của tòa soạn đặt ở số 84 đường La Grandière, Sài Gòn. Một thời gian sau, trụ sở thay đổi liên tục, cuối cùng tọa lạc tại số 12 đường Cap St–Jacques, Sài Gòn.



Báo có khổ 20x30 cm, với tổng cộng 8 trang, trong đó các trang giữa đăng các truyện dịch (như Tam quốc chí tục dịch hay một số truyện ngắn khác của Anh, Pháp hoặc Trung Quốc), thơ ca do các cộng tác viên sáng tác, điểm báo châu Âu, hướng dẫn cách thức vệ sinh phòng bệnh hoặc trồng trọt chăn nuôi, thông tin số lượng và giá lúa gạo bán đi các nước, 2 trang cuối dành cho quảng cáo và rao vặt.

Nhà báo Việt Nam đầu tiên

Nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), được coi là “ông tổ nghề báo Việt Nam”. Tên thường gọi của ông là Pétrus Ký, quê ở Vĩnh Thanh, Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre).

Trương Vĩnh Ký được người đương thời xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới. Ông thiết tha với nền văn học quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.

Ông sáng lập, là tổng biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên (Gia Định báo), cũng là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác.


  

Tờ báo đầu tiên phát hành ở miền Trung



Những năm 20 thế kỷ trước, báo chí miền Bắc và miền Trung bắt đầu có sự vươn lên mạnh mẽ. Sự kiện tờ Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ra đời năm 1927 tại Đà Nẵng đánh dấu việc báo chí đã lan tỏa đến Trung Kỳ.

Tờ nhật báo đầu tiên.

Gần 4 năm sau khi thành lập, báo Trung-Bắc Tân-Văn ở miền Bắc tăng tần số phát hành và trở thành tờ nhật báo đầu tiên của Việt Nam, tính từ tháng 1/1919.

Trung-Bắc Tân-Văn do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Tờ báo tồn tại đến tháng 4/1941 mới đ ình bản, ra tổng cộng 7.265 số.

Tờ báo cách mạng đầu tiên

Đó là tuần báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo trở thành cơ quan ngôn luận trung ương của tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Số báo thứ nhất phát hành ngày 21/6/1925, sau được chọn là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Báo Thanh Niên in trên giấy sáp, tên báo viết bằng chữ Việt và chữ Hán, đầu trang 1 bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, giữa ngôi sao có chữ số là số kỳ của tờ báo phát hành. Báo phát hành bí mật, (200 – 300 bản/kỳ, mỗi kỳ hai trang, có lúc 4 trang, khổ giấy nhỏ 13x18)

Tờ báo phụ nữ đầu tiên

Báo Nữ-Giới-Chung (tiếng chuông của nữ giới) xuất bản vào thứ Sáu hàng tuần tại Sài Gòn trong năm 1918. Đây là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7/1918, tờ Nữ-Giới-Chung bị đình bản.

Nhà thơ, nhà báo Sương Nguyệt Anh (1864 - 1922) là chủ bút tờ báo này. Bà là con gái thứ tư của nhà văn Nguyễn Đình Chiểu.



Tờ báo Tết đặc biệt đầu tiên

Đầu năm 1918, tờ Nam Phong tạp chí với ấn phẩm đặc biệt “Số Tết 1918” trở thành tờ báo Tết đầu tiên, mở màn cho truyền thống làm báo xuân trong làng báo Việt Nam. Đây là ý tưởng của chủ bút trẻ Phạm Quỳnh, khi tờ Nam Phong vừa ra mắt được 6 tháng.



Phóng sự trên báo đầu tiên.

Năm 1932, tờ Hà Thành Ngọ Báo đã khởi đăng phóng sự nổi tiếng nhan đề “Tôi kéo xe” của nhà báo Tam Lang (Vũ Đình Chí), mở đầu cho thể loại phóng sự trong làng báo Việt Nam. Viết về thân phận những người phu xe những năm đầu thế kỷ 20, “Tôi kéo xe” đã làm thức tỉnh những người có lương tâm trong xã hội.

Phóng sự điều tra "Tôi kéo xe" được đăng tải trên "Hà thành ngọ báo" năm 1932.

Năm 1935 được in thành sách.



Tờ báo tồn tại thời gian lâu nhất và ngắn nhất

Tờ báo có thời gian tồn tại lâu nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam là báo Lao Động, cơ quan thông tin của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Ra đời ngày 14/8/1929, báo Lao Động ban đầu in bằng bản đất sét, trên giấy Đáp Cầu một mặt ráp một mặt nhẵn, khổ 22x30cm, tại ngõ Thông Phong, phố Hàng Bột (Hà Nội). Báo do ông Nguyễn Đức Cảnh làm Tổng biên tập đầu tiên. Đến nay, báo Lao Động vẫn phát triển với 83 năm tồn tại.

Tuy nhiên, trong lịch sử báo chí Việt Nam, có những tờ báo tồn tại rất ngắn: chỉ xuất bản một số rồi đình bản; điển hình là tờ Nhà Quê, chỉ ra được đúng một số vào ngày 11/2/1926.

Bs. Nguyễn Lân Đính st

THỬ “KIỂM KÊ” CÁC BẢN DỊCH

TIẾNG VIỆT THƠ ĐỖ PHỦ

Mãi đến cuối năm 1954, được chọn vào tốp học sinh đi học tiếng Nga để về làm phiên dịch trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, rồi lại được giữ lại đưa vào học tiếp Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Matxcơva, qua tiếng Nga tôi mới bắt đầu có điều kiện tiếp xúc tìm hiểu văn học cổ điển Trung Quốc. Tôi nhớ cuối năm 1957 tôi đã mua được cuốn sách Tuyển thơ Lý Bạch (còn bút tích ghi ngày: 21/8/1957) và tiếp theo là cuốn Kinh thi (bút tích ghi ngày 8/9/1987) bằng tiếng Nga, do NXB Quốc gia “Văn học” Matxcơva vừa ra năm đó… Mang về, lụi hụi vừa đọc vừa tra cứu từ điển, tất nhiên là cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. May mà đến năm 1961, học xong về nước công tác, thoạt đầu với tư cách cộng tác viên lui tới NXB Văn Hóa, rồi sau về công tác tại đây, khi NXB Văn Hóa sát nhập với NXB Văn Học thành NXB Văn Học, tôi có điều kiện được gần gũi các biên tập viên mảng sách Hán Nôm, tiếp xúc với một số nhà Nho, trong đó có nhiều bậc khoa bảng uyên thâm, được học hỏi, dần dà có được một số hiểu biết nhất định về văn học Trung Quốc, đặc biệt phần văn thơ cổ điển. Tuy chuyên môn là văn học Nga, nhưng từ đó tôi cũng có thói quen tích lũy tư liệu sách vở về văn học Trung Quốc cổ đại để tiếp tục tìm hiểu học hỏi.

Đến nay trong tủ sách riêng của mình ngoài 2 cuốn Kinh thiTuyển thơ Lý Bạch bằng tiếng Nga tôi cũng có được một số khá nhiều sách văn học Trung Quốc cổ đại bằng tiếng Việt. Nhân vừa qua ở Trung Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả nước ta long trọng kỷ niệm 1300 năm sinh của đại thi hào Đỗ Phủ, mở tủ sách của mình tôi sung sướng phát hiện mình có được bộ sưu tập khá đủ sách dịch và giới thiệu sự nghiệp sáng tác tác phẩm của Đỗ Phủ ở Việt Nam trong vòng hơn nửa thế kỷ qua. Nhân được mời tham dự Hội thảo kỷ niệm 1300 năm sinh của Đỗ Phủ do Hội Nhà văn tổ chức vừa qua, được nghe và đọc nhiều bài tham luận có chất lượng sâu của các nhà khoa học, các giáo sư trong ngoài nước tôi sáng ra nhiều điều, cảm nhận được tầm vóc lớn lao của nhân cách con người cũng như tài năng sáng tạo nghệ thuật vĩ đại ở thi hào Đỗ Phủ, tôi mạo muội làm một “kiểm kê” bước đầu sách của Đỗ Phủ và về thi hào họ Đỗ này ở Việt Nam, hy vọng đóng góp thêm chút gì đó nhân dịp này vào công việc chung tôn vinh con người vĩ đại được cả nhân loại ghi nhớ suốt hơn nghìn năm qua.

Xin phép được điểm qua các công trình dịch thơ Đỗ Phủ, kể từ tập sách Thơ Đỗ Phủ của Hội Nhà văn Việt Nam ra năm 1962. Có thể mạnh dạn nói: đây là tập dịch ra tiếng Việt đầu tiên của đại thi hào Trung Hoa cổ đại Đỗ Phủ (712-770). Sách ra khổ trung bình 14,5x19x5 đầy đặn tới hơn 200 trang, bìa Biston gắp mép; do nhà thơ Hoàng Trung Thông chủ biên, giới thiệu với 127 bản dịch do 17 nhà thơ Việt Nam đương đại – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tham gia thực hiện. Kèm theo mỗi bản dịch có phần chú thích khá kỹ ở phần cuối bài. Sách chưa có phần in nguyên bản và bản dịch nghĩa. Trong số 17 nhà thơ – dịch giả, người đóng góp nhiều bản dịch nhất là Khương Hữu Dụng: 71 bài cộng 1 bài cùng dịch với Hoàng Trung Thông; Tiếp đến là Hoàng Trung Thông: 17 bài cộng 1 bài cùng dịch với Khương Hữu Dụng; tiếp nữa là Trịnh Đường: 10 bài; Nam Trân: 7 bài; Yến Lan: 4 bài; Tôn Quang Phiệt: 3 bài, còn các nhà thơ – dịch giả khác, Huy Cận, Trần Hữu Thung, Hằng Phương, Trần Huy Liệu, Văn Đài, Nông Quốc Chấn, Tế Hanh – mỗi người 2 bài, Xuân Diệu, Bảo Định Quang, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, mỗi người 1 bài.

Cũng trong năm 1962, NXB Văn Hóa lần đầu tiên xuất bản bộ thơ Đường hai tập: Tập I do Nam Trân, Hoa Bằng, Tảo Trang, Hoàng Tạo dịch và chú thích. Tập II do Nam Trân và Hoa Bằng dịch và chú thích, trong bộ tuyển này có phần giới thiệu Đỗ Phủ gồm có nguyên bản, dịch nghĩa và dịch thơ.

Bộ tuyển trên đã được NXB Văn Học cho tái bản có bổ sung, sửa chữa vào năm 1987-1988. Tập I giới thiệu 90 tác giả đời Đường, trong đó có 12 tác phẩm của Đỗ Phủ. Tập II tập trung vào 3 tác giả: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dự trong đó phần Đỗ Phủ có 60 bài. Lần này ngoài các bản dịch của dịch giả lần trước, có bổ sung một số bản dịch của các nhà thơ – dịch giả đầu thế kỷ XX – Ngô Tất Tố, Tản Đà, Á Nam, NT, cũng như một số vị túc nho đương đại: Nguyễn Bích Ngô, Xuân Phong, Phạm Sỹ Vỹ).

Năm 1975, phục vụ cho việc giảng dạy và học tập ở nhà trường, Nhà xuất bản Giáo Dục, xuất bản ở Hà Nội tuyển Thơ Đỗ Phủ do Trần Xuân Để giới thiệu, tuyển chọn, trích thơ dịch và chú thích, 41 bài, trong đó NT có 17 bài, Khương Hữu Dụng 11 bài, Hoàng Tạo 3 bài, Nam Trân 3 bài, KD 3 bài, Doãn Kế Thiện 2 bài, còn Thế Lữ, Ngô Tất Tố, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Bích Ngô – mỗi người 1 bài.

Đặc biệt là năm 2001, NXB Văn hóa Thông tin liên kết với TT VHNN Đông Tây đã cho xuất bản tập sách của tác giả Phan Ngọc với nhan đề ở bìa sách: Đỗ Phủ - nhà thơ thánh với hơn một nghìn bài thơ, còn trong bìa giả, đầy đủ hơn: Đỗ Phủ - nhà thơ thánh với lịch sử hơn một nghìn bài thơ. Sách là tập tiểu truyện Đỗ Phủ trong đó đưa vào 1014 bài thơ Đỗ Phủ do tác giả Phan Ngọc đã dịch suốt trong 20 năm: “Bạn đọc sẽ được đọc trên một nghìn bài thơ của Đỗ Phủ cùng với hoàn cảnh cụ thể của các bài thơ ấy “tác giả Phan Ngọc viết trong Lời nói đầu. Ông còn cho biết: “Về cách dịch, tôi cố định sát không bỏ sót ý nào nhưng không dịch theo lối xưa cốt duy trì hình thức Đường luật mà dịch sao cho người bình thường không học chữ Hán cũng cảm thấy được cái hay và lòng chân thành của tác giả”. Ông quan niệm: “Việc dịch trước hết là tạo nên đúng cảm xúc nghệ thuật và truyền đạt lại trung thành nội dung của tác giả. Còn về hình thức thì phải Việt Nam, quen thuộc với độc giả Việt Nam. Tôi đã được đọc những bài thơ dịch với vô số chú thích, chuyện chú thích không khó khăn gì, nhưng tại sao không giúp người đọc nắm ngay tư tưởng và nghệ thuật vượt lên khỏi các chú thích?”

Đến năm 2004, bạn đọc ở ta tiếp tục có thêm một tập Thơ Đỗ Phủ trong “xeri” thơ thế giới do soạn giả Kiều Vân và nhóm biên tập NXB Đồng Nai chủ trương, liên kết với NXB Thanh Niên đầu tư ra sách. Tập sách khổ nhỏ 10x18cm, nhưng tuyển tới 103 bản dịch của 17 dịch giả từ trước đến nay có dịch thơ Đỗ Phủ: Nhượng Tống – 62 bài, Á Nam – 9 bài, các dịch giả Tản Đà, KD, Nguyễn Bích Ngô – mỗi người 3 bài, Hoàng Tạo, Doãn Kế Thiện, Khương Hữu Dụng, Nam Tuân- mỗi người 2 bài, còn lại các dịch giả Thái Giang,Tương Như, Ngô Tất Tố, Xuân Phong, Kiều Vân, Hồng Mễ Tử, Trần Tế Xương – mỗi người một bài. Tập sách chỉ in bản dịch, không có nguyên tác và bản dịch nghĩa.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai, năm 2008 đã đầu tư công sức ra một bộ sách ba tập tuyển những bài Đường thi nổi tiếng của ba tác giả cự phách: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, mỗi tập thơ của một tác giả. Bộ sách giới thiệu các bản dịch của chính nhà thơ thực hiện kèm theo nhiều bản dịch của các dịch giả khác như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nam Trân, Khương Hữu Dụng, Trần Trọng San… để người đọc có dịp thưởng thức và so sánh các bản dịch khác nhau của một tác phẩm. Bộ sách nằm trong tủ “sách tham khảo đặc biệt” của NXB Giáo Dục, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giảng dạy của học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giáo viên phổ thông, giảng viên đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục và đông đảo bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, dân trí xã trong thời kỳ mới, gìn giữ “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW 5 của Ban chấp hành TW Đảng khóa IX và từng bước góp phần giáo dục Việt Nam hòa nhập với thế giới.

Tập Thơ Đỗ Phủ - Những bài Đường thi nổi tiếng trong bộ sách trên cũng như hai tập khác được in cùng với những bản tranh minh họa cũng của chính nhà thơ dịch giả. Cho đến nay bộ sách của nhà thơ Đỗ Trung Lai đã là một ấn phẩm quý hiếm.

Cuối cùng thơ Đỗ Phủ còn vừa được (ra riêng sách), tập thơ Đỗ Phủ tinh tuyển; tập thơ Đỗ Phủ thứ 6 bằng tiếng Việt trong vòng nửa thế kỷ qua – sách của Trung tâm nghiên cứu quốc học đứng tên, ra dưới tên NXB Văn Học xuất bản trong quý IV năm 2012. Sách in khổ 14,5 x 20,5, hơn 500 trang, bìa các-tông, trình bày trang nhã với chân dung thi hào bằng mực tầu trên nền phong cảnh sông núi quê hương ông. Thơ Đỗ Phủ được giới thiệu qua 218 bản dịch của đúng 100 nguyên tác với đầy đủ nguyên bản chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ của 27 dịch giả nhiều thế hệ khác nhau. Nhiều bài thơ có 2 bản dịch, trong số đó có khá nhiều cặp bản dịch của hai dịch giả Nhượng Tống – Khương Hữu Dụng. Bài thơ Nguyệt dạ (Đêm trăng) của Đỗ Phủ bạn đọc còn được thưởng thức tới ba bản dịch của Nhượng Tống, Tản Đà và Thế Lữ. Người có nhiều bản dịch được tuyển là dịch giả Nhượng Tống – 95 bản, tiếp đến là Khương Hữu Dụng – 56 bản, dịch giả Bùi Khánh Đản có số bản dịch đứng thứ ba – 19 bản, tiếp đến là Phan Ngọc – 14 bản, Mai Quốc Liêm – 10 bản vv… Trong sách mấy lần in lại chân dung thi hào, 6 bức tranh màu của các họa sĩ Vương Khánh Minh, Hoàng Toàn Xương, Châu Chí Long, Lô Tình Đường, Xa Bằng Phi và tranh minh họa bài thơ Bình xa hanh lấy từ Đường Tống từ tam bách thủ; Thượng Hải từ thư xuất bản xã và nguồn Internet, cùng hai trang 4 bức ảnh mầu ghi lại hình ảnh mộ, làng quê Đỗ Phủ. Sáng tác và cuộc đời thi hào được giới thiệu khái quát nhưng khá đầy đủ và sâu sắc qua bài Đỗ Phủ -Trong đôi mắt thời đại chúng ta của GS.TS.Mai Quốc Liên viết nhân dịp Kỷ niệm 1300 ngày sinh Đỗ Phủ (712-2012).

Ngoài 6 tập sách tuyển riêng thơ Đỗ Phủ được trình bày ở trên các bản dịch thơ Đỗ Phủ được dịch ra tiếng Việt còn được in trong nhiều tập tuyển thơ Đường nói chung. Trừ thơ Đỗ Phủ được in trong bộ tuyển thơ Đường hai tập của NXB Văn Học ra lần đầu năm 1962 và năm 1988, có thể tìm thấy ít nhiều trong các tập như: Thơ Đường bốn ngữ Hán – Việt – Anh – Pháp do nhà văn hóa Hữu Ngọc biên soạn, do NXB văn Học ấn hành năm 1992, trong tiếng Việt của Hoàng Tạo, Đăng nhạc Dương Lân, bản dịch tiếng Việt của Tản Đà, Tuyệt cú, bản dịch tiếng Việt của Tản Đà và Mặt trời lặn, bản dịch tiếng Việt của Trần Lê Văn.

Và trong những năm qua, liên tiếp xuất hiện các tuyển dịch thơ Đường của những dịch giả mê đắm thơ Đường, bỏ công sức và nhiều trường hợp tự bỏ tiền để xuất bản các bản dịch của mình, với những ấn phẩm rất đẹp, nhiều khi khá đồ sộ gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Tất nhiên, trong các tuyển thơ Đường đó đều có phần dành cho các bản dịch thơ của Đỗ Phủ.

Năm 1994, dịch giả Trần Xuân đưa NXB Hà Nội ấn hành một tập tuyển thơ Đường chỉ gồm 37 tác phẩm của 23 tác giả, trong đó có 3 tác phẩm của Đỗ Phủ: Khúc giang (I), Khúc giang (II) Tuyệt cú. Cùng năm ấy NXB Văn Hóa ra cho dịch giả - nhà thơ Nguyễn Hà Thơ nghìn nhà, có hai bản dịch thơ Đỗ Phủ, tiếp theo năm 1996 Nguyễn Hà còn cho xuất bản ở NXB Văn Hóa tuyển Đường thi tứ tuyệt, cũng đưa vào 7 bản dịch của mình tác phẩm của Đỗ Phủ. NXB Thuận Hóa năm 1997 ra ấn hành một bộ tuyển Thơ Đường đồ sộ của Lê Nguyễn Lưu, gồm 2 tập dầy tới hơn 1000 trang, đóng trong hộp các-tông, tuyển tới 1049 tác phẩm của các tác giả khác nhau thuộc đời Đường, trong đó có 166 bản dịch các bài thơ của Đỗ Phủ. Tại Hà Nội, NXB Hội Nhà văn, năm 1998 đã xuất bản các bản dịch toàn tập Thiên gia thi của nhà thơ dịch giả Ngô Văn Phú, trong đó có 13 tác phẩm của Đỗ Phủ. Tiếp theo năm 2000, Ngô Văn Phú lại đưa NXB Hội Nhà văn xuất bản Đường thi tam bách thủ (300 bài thơ Đường) do ông dịch, trong đó có 31 tác phẩm của Đỗ Phủ. Dịch giả Cao Bá Vũ đã dịch tới 26 tác phẩm của Đỗ Phủ đưa vào tập Thơ Đường chuyển lục bát của mình do NXB Văn Học ấn hành năm 2002. Dịch giả Bùi Khanh Đản cũng ra riêng Đường thi trích dịch ở Trung tâm nghiên cứu Quốc học và NXB Văn Học năm 2006. Tập sách bao gồm tới 503 tác phẩm của các nhà thơ đời Đường, trong đó có 46 của Đỗ Phủ. Năm 2008, nữ dịch giả Bạch Liên cũng ra ở NXB Văn hóa Thông tin Đường thi trong vần lục bát, trong đó có tới 18 bản dịch sáng tác của Đỗ Phủ.

Cuối cùng phải kể đến cuốn sách có tên đặc biệt của nhà thơ trẻ Trương Nam Hương: Đường thi ngẫu dịch ra ở NXB Thanh niên năm 2006 với 503 bản ngẫu dịch của 46 nhà thơ Đường trong đó có 6 tác phẩm của Đỗ Phủ. Tiếp theo là 77 bản dịch tác phẩm của Đỗ Phủ in trong một cuốn sách khá đồ sộ với cái tên là Cổ thi tác dịch của nhà thơ – dịch giả Thái Bá Tân, do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2008.

Và không thể quên nhắc đến những cuốn sách được các nhà xuất bản đây đó in lại các sách xuất bản đã lâu về trước, trong đó cũng có những bản dịch tác phẩm của thi hào họ Đỗ, một trong những người đại diện vĩ đại của nền văn học vĩ đại Trung Hoa. Chẳng hạn cuốn sách Tản Đà dịch thơ Đường, NXB Trẻ – Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh, 1989, trong đó có 5 bản dịch tác phẩm của Đỗ Phủ trong số 84 tác phẩm của 24 tác giả đời Đường. Hay cuốn Đường thi của Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông tin, 1994-1995, trong có các bản dịch tác phẩm của Đỗ Phủ xếp theo các thể thơ: 4 tác phẩm trong số 35 của các tác giả khác theo “ngũ ngôn cổ”; 16 tác phẩm trong số 76 bài theo thể “ngũ ngôn luật”; 12 trong số 67 thất ngôn luật, 4 trong số 67 thơ tuyệt cú, và 3 trong số 68 bài “thất ngôn tuyệt cú”

Công việc “thử kiểm kê” của tôi kể cũng đã dài, nhưng chưa dám nói rằng đã là đầy đủ và cũng chỉ đưa ra những con số đơn giản. Tuy nhiên thiển nghĩ chỉ lướt qua sự “kiểm kê” này cũng cung cấp được cho bạn đọc thêm một cứ liệu để khẳng định thêm một điều là sự nghiệp sáng tác và con người của đại thi hào Đỗ Phủ, một trong những người con vĩ đại của nhân dân Trung Quốc và nhân loại tuy đã sống cách thời đại chúng ta tới 1300 năm, vẫn gần gũi với đông đảo mọi người, được mọi người trân trọng nâng niu với lòng thành kính và biết ơn.

Thúy Toàn

Phụ Bản II

Tây Bắc mùa xuân

Vẫn biết rằng xuân sẽ đến nhưng sao ta vẫn cứ chờ, cứ đợi. Ta đợi hoa đào, hoa ban, ta đợi cánh én từ phương nam xa xôi trở về quê hương xây tổ ấm, ta đợi chuyến tàu đang từ ga Mùa Đông đi tới ga Mùa Xuân đón ta vào hành trình mùa xuân... Dù đang hoa niên hay đã trung niên ta vẫn không khỏi bồn chồn mong đợi thấp thỏm; để rồi sau một thoáng chợp mắt, ta giật mình trước làn mưa bụi nghiêng bay trong gió, rắc cườm trên chồi biếc non tơ, cơn gió còn thoảng hơi sương nhưng nồng nàn hơi ấm mơn man trên mái tóc khiến trái tim ta bồi hồi bối rối. Mùa xuân đấy ư?

Tây Bắc mùa nào cũng đẹp, thơ mộng và đam mê đến nao lòng. Nhưng mùa xuân với sức sống mãnh liệt đậm sức hoang sơ của cảnh vật và con người đưa ta phiêu du về một vùng đất cội nguồn thấm đượm màu huyền thoại. Xuân Tây Bắc không rực rỡ ánh đèn màu và các gian hàng sang trọng đắt tiền như vùng đô thị mà đi vào chiều sâu của không gian và thời gian, của cảnh vật và lòng người, cứ lạ lẫm nguyên sơ háo hức. Đấy là những triền núi, những sườn đồi bung nở hoa Ban. Hoa Ban trắng trinh bạch dịu dàng, hoa Ban đỏ nồng nàn đằm lắng, đẹp như một ý thơ Đường:

"Hoa đồi như dải gấm thêu"

                            (Lý Bạch)

Vâng! Bàn tay kỳ diệu của nàng xuân đã tỉ mỉ thêu lên đất trời Tây Bắc những nhành hoa ban độc đáo. Ơi loài hoa bình dị thân thương đã trở thành nguồn đề tài, nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca nhạc họa. Bởi vì khi hoa nở ta biết mùa xuân tới, xuân hiện hữu nghìn đóa hoa cười bên mắt lá hình tim.

Trên những ngôi nhà sàn ấm áp khói lam, các thiếu nữ Thái nhẹ tay đưa sợi chỉ hồng thêu chiếc khăn piêu, đôi má thanh xuân thoáng ửng hồng nhớ lời hò hẹn ngày xuân trong ánh lửa hội xoè. Xuân rộn ràng trên khung cửi say mê, sợi chỉ ngang dệt nỗi nhớ thương, sợi chỉ dọc dệt niềm mong ước

"Sấp đôi bàn tay đã thành hoa văn

Ngửa bàn tay đã thành hoa lá"

(Tình ca Thái)

Tiếng thoi đưa vui từng bản nhỏ, hương xuân thơm trong thổ cẩm đượm tình.

Gió xuân nâng quả còn bay cao chao liệng cùng cánh én xuân, bay bổng bao ước mơ xanh thắm. Ý xuân bay bổng cùng điệu nhạc say mê, uyển chuyển trên mỗi ngón tay cong mời gọi và nồng nàn trong ánh mắt trao duyên thầm kín.

Rừng hoa "tớ dảy" đầu bản Mông qua mùa đông sương giá trơ cành vụt hồng cả triền núi biếc xanh. Sắc hồng dịu dàng thầm kín tinh khôi như má hồng thiếu nữ Mông e thẹn dưới bóng ô hồng chao nghiêng trước tiếng khèn gọi bạn hội chơi núi đầu xuân. Những dòng suối đổ từ vách núi cao reo vui tung bọt trắng xoá tạo nên muôn ánh cầu vồng trong nắng xuân hồng. Con họa mi cất tiếng hót thiết tha tìm bạn cặp đôi. Những ruộng bậc thang xanh dập dờn sóng nhạc gửi bốn phương trời giai điệu bất tận của tình yêu cuộc sống. Bản nhỏ đêm đêm lung linh ánh điện cùng những vì sao. Tiếng trẻ học bài âm vang đầu núi. Đôi trai gái nào đang gửi tâm tình qua tiếng khèn du dương, tiếng đàn môi ngọt lịm khúc "Khâu xìa plềnh" (tình ca).

Hội mừng "mùa măng mọc", em gái dân tộc Khơ Mú say mê lướt trong tiếng nhạc. Tiếng cồng trầm như tiếng vọng tự ngàn xưa nhắc lại quá khứ buồn đau của người Khơ Mú phải sống trong kiếp nô lệ ngựa trâu và chỉ còn có hơn ba trăm người sống chui lủi bên dòng suối tủi hờn. Cách mạng về hồi sinh cho cả dân tộc-diệu kỳ như mùa xuân hồi sinh cho vạn vật. Tiếng nhạc "tăng bu", "tăng bẳng"... âm vang bản nhỏ. Những chàng trai cô gái gửi niềm tin và hy vọng vào lời dân ca "Phưn tôốc" (mưa rơi)

"Mưa rơi cho cây tốt tươi

Búp chen lá trên cành..."

Mưa xuân Tây Bắc đẹp vô ngần. Mưa rắc bạc trên lá cây ngọn cỏ. Mưa xuân đánh thức mặt đất bừng tỉnh sau giấc ngủ đông, mặt đất cũng phập phồng bâng khuâng chờ đợi. Mưa gieo những viên ngọc li ti trên khăn piêu hồng em gái vừa hái rong ngoài suối. Mưa xuân tươi tốt cả cây nêu mới trồng trước sân nhà để cầu mong những điều tốt lành cho gia đình làng bản. Tâm hồn ta cũng muốn hoá thành một nốt nhạc xanh cho bản hoà tấu chiều xuân Tây Bắc du dương, hiền hoà.

Bên bếp lửa nhà sàn mờ tỏ, ta "lắng nghe" vị cơm lam lan trên đầu lưỡi, vị bùi thơm ngọt mát của các món ăn đầu xuân chế từ hoa ban, rêu đá, cá sỉnh đậm chất dân dã và huyền thoại; vị thơm cay lâng lâng của rượu cần và thả hồn trong điệu "khắp" "Xống chụ xon xao" (hát: Tiễn dặn người yêu). Xuân tan hoà trong huyết quản người Tây Bắc.

Mỗi gia đình xum họp ấm cúng trong tình cha mẹ, nghĩa bản làng họ tộc. Trên bàn thờ gia tiên thơm ngát hương trầm. Ta như được chạm vào lịch sử: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai đều ở trong ta. Ta chợt nhận ra khoảnh khắc giao mùa cái hữu hạn của đời người hoà vào cái vô hạn của cuộc sống, thiêng liêng và vĩnh hằng mà ý thức hơn trách nhiệm của chính mình với cuộc sống mến yêu. Ta nhận ra sức bật Phù Đổng ngời trong những đôi mắt trẻ.

Ta tin, ta yêu và xúc động vô cùng khi cảm nhận được hơi thở của mùa Xuân trên Rừng núi Quê hương.

CÁC CA KHÚC VỀ XUÂN TRÊN RỪNG NÚI TÂY BẮC & TÂY NGUYÊN 1/- SÁNG RỪNG – của Phạm Đình Chương

Rừng xanh lên bao sức sống (Hú hu hú hu)

Ngàn cây xôn xao đón hương nồng

Của vầng thái dương hồng bừng lên trời Đông

Cỏ cây vươn vai lên tiếng (Hú hu hú hu)

Cùng bao nhiêu chim chóc tưng bừng

Dậy sau giấc đêm dài triền miên triền miên

Nhà sàn ai lam khói trong sương mai

Ngọt ngào hương tre nứa trong rừng thưa

Có dăm đôi chim thơ líu lo trao duyên mơ

Trong hơi gió đưa xa về dật dờ, dật dờ tình chan chứa

Gió vi vu, vi vu. Suối xa êm như ru, như ru

Lá khô xuôi giòng ngù ngờ, ngù ngờ xuôi về đâu?

Bình minh xuyên qua khe núi (Hú hu hú hu)

Nguồn vui leo tia nắng đây rồi

Đem hơi ấm cho đời trẻ như đôi mươi

Và thiên nhiên như đổi mới (Hú hu hú hu)

Rừng xanh vươn câu ngát hương đời

Mênh mang khắp một trời ngàn đời đẹp tươi

2/- HÒ LEO NÚI – của Phạm Đình Chương

1.Vượt đồi vượt nương. Dô!

Ði qua rừng hoang. Dô!

Hò đều hò vang. Dô!

Len suối băng ngàn. Dô!

Sương rơi mênh mang. Dô!

Lấp che cây cành. Dô!

Chim muông trong hang. Dô!

Líu lo... kêu đàn

(ĐK)

Nào cùng leo (láy) Qua đồi núi cao (láy)

Bao nhiêu gai góc đời. Ðang giơ tay đón mời.

Mời đoàn ta đi tới!

Vượt rừng sâu (láy) Lên đỉnh núi cao (láy).

Trông bao la khắp trời. Anh em ta hát cười.

Ðời tự do thắm tươi.

2.Vượt đèo cùng leo. Ớ Dô!

Anh em hò reo. Ớ Dô!

Rừng trầm hòa theo. Ớ Dô!

Tiếng hát lên đèo. Ớ Dô!

Chân đi cheo leo. Ớ Dô!

Sống trong hiểm nghèo. Ớ Dô!

Gương xanh trong veo. Ớ Dô!

Vẫn trôi... yêu kiều.(ĐK)

3.Vượt hoài rừng hoang. Dô à Dô!

Ði trên đỉnh non. Dô à Dô!

Đường về bản thôn. Dô à Dô!

Suối dốc chân dồn. Dô à Dô!

Vun ngô trong nương. Dô à Dô!

Hát vui cô mường. Dô à Dô!

Tay ôm cơm lam. Dô à Dô!

Biếu anh... lên đàng.(ĐK)

4/- TÌNH CA TÂY BẮC

Nhạc: Bùi Đức Hạnh - Thơ: Cẩm Giang

Rừng cây xanh lá muôn đoá hoa Mai mừng đón Xuân về

Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa

Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn

Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa tiếng ca rộn vang

Em là dòng Sông Mã. Anh là núi Mường Hung

Cho thuyền em ngược (ơ) dòng gió đưa em về núi

Em hãy về bên suối, đợi anh anh ở bên khuâng

Anh làm no lòng mường. Em làm vui ấm bản.

Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng

Suối nước trong xanh soi bóng anh và bóng em

Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng

Đất nước hoà bình hạnh phúc ta như mùa Xuân

Anh là rừng xanh thắm. Em là suối ngàn sâu

Cây rừng anh là (ơ) cầu vắt ngang trên dòng suối

Khi nắng mùa Xuân tới rừng anh in bóng suối em

Nước chảy quanh êm đềm bao ngày đêm vắng vẻ

Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng

Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh

Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng

Đất nước hoà bình hạnh phúc ta như mùa xuân.

5/- XUÂN VỀ TRÊN TÂY NGUYÊN – của Phạm Hồng Sơn

Tây Nguyên ơi còn gì vui hơn Lúc xuân về tiếng trống râm ran Náo nức với lòng người Ta nghe trong lòng đất Nhịp sống đang sinh sôi Mùa xuân đang gọi tới Vui tết với buôn làng Vui trong từng câu hát Xuân về trên Tây Nguyên Quê hương ơi nụ cười xuân sang Tới mỗi người đến với mọi nhà Náo nức với lòng người Âm vang trong ngày mới Nhịp sống đang sinh sôi Mùa xuân đang gọi tới Vui tết với buôn làng Vui trong từng câu hát Xuân về trên Tây Nguyên.

Nghêu ngao qua các Ca khúc về Núi rừng trên Quê hương, ta cảm thấy thấm thía là Đất Việt Rồng Tiên đẹp biết bao!

Nhân dịp Xuân Mới về trên Quê hương, xin chúc toàn thể Quý vị

“Một Năm Mới An Lành và Hạnh Phúc

trong lòng mỗi chúng ta”.

(Tham khảo: tài liệu trong sách về du lịch và trên Internet)

PHẠM VŨ

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH

và 17 NĂM NGÀY MẤT

NHÀ THƠ VŨ ĐÌNH LIÊN

(12-11- 1913 – 18-1-1996)

THÙY DƯƠNG

Nhà thơ Vũ Đình Liên sinh ngày 12-11-1913 tại Hà Nội, nhưng quê gốc thì ở Hải Dương. Ông theo học trường Bưởi và thi đỗ Tú Tài năm 1932, từng dạy học ở các trường Thăng Long, Gia Long và trường Nữ Trịnh Hoài Đức để kiếm sống. Sau ông học thêm trường Luật và đỗ bằng Cử Nhân Luật, được tuyển vào làm công chức tại Nha Thương Chính (còn gọi là Sở Đoan) Hà Nội. Năm 1936, ông được biết đến với bài thơ ÔNG ĐỒ đăng trên báo Tinh Hoa sau đây:


ÔNG ĐỒ


Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua.


Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay.


Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu!


Ông Đồ vẫn ngồi đó

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.


Năm nay đào lại nở

Không thấy ông Đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?


VŨ ĐÌNH LIÊN


Ngoài ra,Vũ Đình Liên cũng còn làm rất nhiều bài thơ khác, ông từng là một cây bút đắc lực đóng góp cho nền thơ mới thời bấy giờ. Thơ ông nhiều bài mang đậm âm điệu hoài cổ được nhiều đồng nghiệp lớn tuổi yêu thích, điển hình là bài ÔNG ĐỒ. Nhưng đáng tiếc là ông không tự xuất bản một tập thơ nào của mình cả mà chỉ đăng rải rác ở các tạp chí. Người ta cho rằng có lẽ vì ông quá khiêm nhường hoặc nghĩ rằng thơ của mình không đáng giá gì cả mà lưu lại làm gì. Có lẽ vì thế mà ngày nay chúng ta ít được đọc hoặc nghe nói về thơ của Vũ Đình Liên ngoại trừ bài thơ Ông Đồ. Âu đây cũng là quan niệm của một số người chỉ ham làm việc để cống hiến hết thực tài của mình cho đất nước mà không hề nghĩ đến để lại tên tuổi cho đời sau, trong số đó chắc chắn phải có những bậc hiền tài. Bởi vậy tìm được hiền tài không phải là chuyện dễ. Dù sao thì cuối cùng Vũ Đình Liên cũng đã được Nhà Nước trao tặng danh hiệu NHÀ THƠ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN. Ngoài dạy học và làm thơ, ông còn tham gia họat động trong các lãnh vực lý luận, phê bình văn học, dịch thuật (ông từng dịch thơ Baudelaire). Ngoài ra, ông còn là Hội viên Sáng lập Hội Nhà Văn Việt Nam, một điều mà chắc ít ai biết đến.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta chỉ biết đến Vũ Đình Liên qua bài thơ Ông Đồ, bài thơ mà mới nghe qua không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm. Nhưng lạ thay, nó có một cái gì khiến cho ta vương vấn sau khi đã nghe một vài lần, để rồi cứ mỗi độ xuân về, khi hoa đào hay hoa mai nở, giữa cảnh nhộn nhịp của phố phường văn minh, ta lại nghe như âm vang lên ở đâu đó mấy câu thơ quen thuộc có khi không phải từ đài truyền hình hay phát thanh, hay giọng ngâm của ai đó ở ngoài mà là chính từ tiềm thức ta!... Rồi những hình ảnh quá khứ của dân tộc mà ta chưa hề được chứng kiến, vì khi ấy ta chưa ra đời, lại hiện ra trong trí tưởng tượng của ta với bức tranh ÔNG ĐỒ sinh động của nhà thơ.

Kỳ diệu thay, nếu xét về bút pháp thì chỉ là những câu thơ ngũ ngôn đơn sơ chân chất, không có gì gọi là tuyệt tác hay bóng bẩy, sâu sắc ngọai trừ 2 câu chót. Thế mà bài thơ đã có một sức lôi cuốn khá mãnh liệt để đi vào lòng người đương thời và còn truyền lại trong lòng của nhiều thế hệ sau. Nhưng giá trị của bài thơ đâu phải ở hình thức mà là ở ý nghĩa sâu xa, lòng mến mộ của những người dân hiền lành ít học đối với Thầy Đồ và những câu đối chữ Nho đầy ý nghĩa cao đẹp về đạo đức nhân nghĩa mà Thầy sáng tác cho họ mang về để học hỏi làm người. Đó là một nét đẹp truyền thống văn hóa của cha ông ta, một dân tộc nghèo nàn lạc hậu nhưng luôn có ý chí hoc hỏi hướng thiện và yêu chuộng đạo đức nhân nghĩa, lấy đó làm cốt cách bản lãnh cho cuộc sống của con người.

Tuy nhiên, đối với người thời nay, tùy theo lứa tuổi, hoàn cảnh và tâm lý, có thể có những suy nghĩ khác nhau. Với các bạn trẻ đang say mê tìm đến những gì mới mẻ của cuộc sống văn minh Âu Mỹ đang ào ạt xâm nhập xã hội ta thì bài thơ ÔNG ĐỒ chỉ là một bức tranh lỗi thời lạc hậu. Hãy để cho nó tự lui vào quá khứ, hơi đâu mà níu kéo luyến tiếc để làm cản trở bước tiến của ta. Ta phải sáng suốt thích ứng với hoàn cảnh mới để sống, để học hỏi tiến bộ theo kịp bè bạn, để thành công và trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội và đất nước. Tư tưởng lạc quan và quan niệm đúng đắn ấy của bạn thật đáng khen ngợi. Nhưng nếu bạn không tìm ra được một nét đẹp truyền thống đáng quý nào của bức tranh Ông Đồ lỗi thời lạc hậu kia để giữ trong hành trang, làm bản lãnh cốt cách cho con người của bạn trước khi đẩy lui bức tranh vào quá khứ thì có thể một lúc nào đó, dù thành công hay chưa, bạn sẽ đánh mất mình mà không hay đấy!

Rất may, một số những người trung niên và cả các bạn trẻ còn mến mộ Ông Đồ và những nét đẹp truyền thống của bức tranh. Họ muốn khôi phục lại bức tranh Ông Đồ một cách thức thời bằng cách thành lập nên những Câu Lạc Bộ Thư Pháp, lấy nhân nghĩa đạo đức của cha ông làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Về hình thức phương tiện thì chữ Nho được thay thế bằng chữ quốc ngữ để phổ biến cho mọi người Việt. Trụ sở thường mượn ở các chùa lớn hoặc các nhà riêng có phòng lớn trưng bày. Những CLB Thư Pháp này ở khắp nơi trên toàn quốc đã thu hút được rất nhiều hội viên, học viên và những người đến tham quan thưởng ngoạn hay tìm hiểu, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán. Ta sẽ thấy các Ông Đồ trẻ mặc áo gấm lam, mang khăn đống màu đang gập mình chăm chú viết những chữ quốc ngữ bằng mực đen và bút lông với những nét bay bướm không kém những nét rồng bay phượng múa của Ông Đồ già xưa.

Ngoài ra, người ta còn tổ chức những cuộc HỘI NGỘ ÔNG ĐỒ Toàn Quốc, gần đây nhất là Cuộc HỘI NGỘ ÔNG ĐỒ lần 2 tại Hội Chợ Du Lịch TP Vũng Tàu ngày 13-01-2013 với 100 Ông Đồ đến từ 12 CLB Thư Pháp trên toàn quốc. Mục đích là để quảng bá và giới thiệu những nét đẹp Văn hóa Việt thông qua nghệ thuật Thư Pháp Việt. Môn Thư Pháp Việt đã cuốn hút mọi người, cả giới học sinh, sinh viên và các du khách nước ngoài cũng đến tìm hiểu nữa. Các bức Thư Pháp thường là các bài thơ hay câu đối ngắn gọn mang ý nghĩa đạo đức nhân văn hay tình cảm thiêng sâu sắc, hoặc có khi chỉ là một chữ đơn độc có ý nghĩa cô đọng, thâm sâu hoặc mang tính giáo dục sâu xa như chữ TÂM, chữ NHẪN… Các nét chữ bay bổng đã thể hiện những tình cảm đa dạng phong phú, và gây ấn tuợng sâu sắc cho người xem. Nhiều người đã mang giấy đến để xin chữ các Ông Đồ.

Nhân dip kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 17 năm ngày mất Nhà Thơ VŨ ĐÌNH LIÊN, để tưởng niệm và tôn vinh sự nghịệp lớn lao đa dạng của Người, xin thành kính dâng lên anh linh Người bản dịch Tiếng Anh vụng về non nớt của bài thơ bất hủ ÔNG ĐỒ sau đây:


THE OLD SCHOLAR


Every year when the peach trees were blossoming

The old scholar appeared again, displaying

Red paper and black ink by the road side

On the pavement crowded with passers-by


So many people gathered and hired him to write

Beautiful characters which they admired

Praising his skillful hand and brushstrokes so impressive

As flying dragons and dancing phoenixes


As the years went by, fewer people came around

Red paper turned gloomy as fading out

Black ink thickened on its sad container!

Where were now those faithful customers?


The old scholar still sat there

Without any passer-by being aware

Yellow leaves fell on his red paper

Outside drizzle grew thicker


This year again the peach trees are blossoming

But no one sees the old scholar coming

Ah! those by gone years’ souls!

Where are they now? No one knows!

Translated by THÙY DƯƠNG

* Một số thông tin lấy từ Internet

* Bài thơ dịch đã đăng trên báo Tết Việt Nam News - Year of the Dog 2006


Nỗi thèm dấu xưa

Nỗi thèm bóng dáng ngày xưa

Lon ton theo mẹ, sớm trưa chẳng rời

Nỗi thèm cái thuở… thiếu thời

Nũng nịu, mít ướt… mê chơi suốt ngày

Nỗi thèm đôi lúc… riêng tây

Khi gặp người ấy… loay hoay thẹn thùng

Dấu xưa ẩn hiện lạ lùng

Để thèm, để nhớ nấu nung một đời.

XUÂN VÂN


Tặng người thơ

Ba vần hạnh phúc tặng người thơ

Sợi bạc se bền tấm lưới tơ

Mưa nắng thêm đằm hương sắc mới

Vườn hồng uống ngọt giọt sương mơ

XUÂN VÂN


Bay

Ta bay Hà nội – Thái Lan

Mênh mang trời đất không gian vô bờ

Gợi nguồn cảm hứng cho thơ

Hồn ta lơ lửng, lửng lơ tâm cầu

Bầu trời xanh thẳm một màu

Lang thang mây trắng về đâu bây giờ?

Đồng ruộng như ô bàn cờ

Nhà cửa bé tí như là bao diêm

Bay trên sông núi, thiên nhiên

Dọc ngang đường sá nối liền lưu thông

Long lanh uốn lượn là sông

Nơi rừng chặt phá đất hồng lộ ra

Trùng trùng đồi núi bao la

Những miền đất lạ biết là nơi đâu?

Biển trời xanh thắm một màu

Bay trên biển cả thấy tàu viễn dương

Bay qua làmg mạc phố phường

Lướt đi nhanh quá như luồng gió bay

Ôi mẹ tổ quốc đẹp thay!

Bức tranh thủy mạc đắm say lòng người.

LÊ MINH CHỬ

Gọi xuân

Nàng Xuân ơi cả đất trời mong đợi

Muôn cánh hoa dâng hết nét rạng ngời

Cành lá thắm căng đầy xanh mượt lộc

Hạt sương mai lấp lánh cỏ non tươi

Nàng Xuân ơi lòng người như gió mới

Đón mừng Xuân sắm sửa rộn ràng vui

Thời gian nghe chầm chậm phút chia phôi

Đang đếm ngược còn đâu ngày tháng cũ

Một chút chơi vơi trong giờ sau cuối

Chút ngậm ngùi tiễn bước tháng năm đi

Chút dư hương thăm thẳm xót xa gì

Như pha lẫn trong niềm vui hớn hở

Xuân đến, ban cho đời bao mơ ước

Xuân thắm ngời rực rỡ vạn niềm vui

Xuân, Xuân ơi muôn hoa tươi khoe sắc

Đón chào Xuân bừng nở khắp nơi nơi

Nhâm Thìn - Hai lẻ mười hai, lui vào dĩ vãng

Đón Chúa Xuân khắp chốn reo mừng

Cùng hát bài ca "Xuân Đã Đến Rồi"

Vang vang tiếng cười muôn nơi,

Nàng Xuân ơi.

PTMH.

Nhớ!... Nhớ!...

Nhớ nụ cười tươi tắn đẹp lòng

Nhớ lời ngọt dịu, tiếng thanh trong

Nhớ tay âu yếm khi săn sóc

Nhớ mắt giận hờn lúc trách ngông

Nhớ dáng thân mai đường thẩm mỹ

Nhớ hương mái tóc đượm thơm nồng

Nhớ duyên giao tiếp trang đài các

Nhớ mặt hoa soan, ta tiếc mong.

THANH CHÂU

02.8.2007

Tiếng đàn tranh

Đàn khuya réo rắt lướt hư không

Điệu nhạc bâng khuâng chạnh cõi lòng

Xao xuyến duyên tình đà cách biệt

Chập chờn bóng dáng vẫn hoài mong

Xót lòng kẻ ở thêm ray rứt

Tủi dạ người đi mãi chất chồng

Tiếng bổng trầm sầu!... rung khúc nhớ!

Bóng chim, tăm cá biết đâu trông!...

THANH CHÂU

Mùa Vu Lan 2007

KHEN!

Em gái khen anh quả có tài

Thần thông biến hóa hổ thành nai

Tới lui lả lướt như rồng lộn

Nghiêng cả non cao lẫn dốc dài!

THANH PHONG

EM!

Thoạt nhìn anh cứ ngỡ em ngoan

Mắt sáng long lanh, dáng dịu dàng

Đâu biết tay ngà giương móng vuốt

Xé cào đau buốt thấu tim gan!

THANH PHONG

Nói với con

ngoài giá

thú

“Ăn một mình đau tức

Làm một mình cực thân”

Tục ngữ

Con ra đời đã một năm,

Mà cha chỉ mới đến thăm dăm lần.

Tủi, mừng líu ríu đôi chân,

Vội vàng khi đến, tần ngần khi đi.

Ôm ghì con, lệ ướt mi,

Thương con, cha biết làm gì, hở con?

Nhìn cha khóc, mẹ héo hon:

Con ngoài giá thú, ai còn cảm thông?


Chiến tranh thổi sém má hồng,

Không cho mẹ được vì chồng nâng khăn.

Một mình làm, một mình ăn,

Ra vào lủi thủi, gối chăn thẫn thờ.

Xa xa sương khói mịt mờ,

Lưng còng, tay yếu, biết nhờ cậy ai?...

Tháng năm trĩu nặng đôi vai

Mẹ âm thầm gánh mỉa mai miệng đời.

Nhưng… rờn rợn lắm, con ơi,

Tiếng “ngoài giá thú” giết người hơn bom!

Vũng Tàu 10.02.1999

VŨ ĐÌNH HUY

TALKING TO MY ILLEGITIMATE CHILD

“Eating alone, one is filled with grudges and pains

Working alone, one feels one is ill-fated”

Proverb

You’ve been born one year ago

But I could visit you only a few times.

Self-pity and gladness, caused my feet to turn hurried and upset

Hurried when coming, and hesitated when leaving

Hugging you, my eyelids turned wet with tears

Pitying you, what could I do, of my child?

Seeing me weeping, mother turned withering:

An illegitimate child, who could sympathize with?

The war somewhat burned her rosy cheeks

Not allowing her to attend upon her husband.

Working alone, eating solitarily

Walking in and out all alone, and having a dumbfounded conjugal life.

Far away dew and smoke were so dim

Bent back, weak hands, to whom can she depend on?...

Her shoulders bent under the weight of months and years

Mother silently bore the people’s ironical words.

But, a so cold shiver went down my back, oh child,

The term “illegitimate” can kill people quicker than a bomb!

Vũng Tàu 10.02.1999

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN

Về hưu

Thảnh thơi sống trọn tuổi về hưu

Chẳng thiết lợi danh – chẳng oán cừu

Nhân hậu cảm thông khi ứng xử

Ôn hòa, vui vẻ lúc giao lưu

Nhịn nhường lắm bận đành thua thiệt

Chân thật thường xuyên bị mắc mưu

Chung thủy vẹn tuyền như tích cũ

Muôn đời Chức Nữ đợi Chàng Ngưu

NGÀN PHƯƠNG

Chân như

Dòng sông đỏ thắm giọt phù sa

Trĩu nặng ân tình – giọng thiết tha

Tia nắng trần ai soi lấp lánh

Tiếng chuông thượng giới vọng ngân nga

Hoa Thiền khoe sắc mời thơ đến

Đò giác sang bờ đón khách qua

Gánh nợ thế gian như gió thoảng

Đau thương hệ lụy ngút ngàn xa

NGÀN PHƯƠNG


TÌNH CUỐI


Mọi người bảo tuổi già tình đã hết

Làm gì còn nghĩ đến chuyện yêu đương

Bởi đã từng ngao ngán chốn tình trường

Tập 1 thật, nhưng Tập 2, tính toán…


Họ đâu biết tình yêu là mù quáng

Bởi nào ai làm chủ được con tim

Còn máu hồng, còn đập… vẫn còn tìm

Thiếu một nửa, trẻ, già đều hụt hẫng!


Không sôi nổi, trẻ trung và lãng mạn

Nhưng dịu dàng và tinh tế biết bao

Không cuồng si, nhưng đắm đuối, ngọt ngào

Cũng nhung nhớ, cũng hờn yêu, giận lẫy…


Gom góp hết tin yêu còn sót lại

Họ trao nhau bằng trân trọng, nâng niu

Đã kinh qua cay đắng, khổ đau nhiều

Nên tình cuối thường không còn sóng gió


Thiếu lãng mạn, nhưng mà thừa gắn bó

Không trẻ trung, nhưng đằm thắm, thiết tha

Nồi nước xông, bát cháo vị đậm đà

Lúc trái gió, trở trời nghe ấm lạ!


Hai người già cần nhau làm điểm tựa

Dìu nhau đi cho đến cuối cuộc đời

Khi cháu con mỗi đứa một phương trời

Đôi bóng xế nương nhau cho đỡ tủi


Đôi đầu bạc cho nhau niềm an ủi

Tựa vào nhau san sẻ những buồn vui

Họ chắt chiu giọt hạnh phúc mỗi ngày

Bởi biết quỹ thời gian còn quá ít


Trời bao la bỗng hóa thành chật hẹp

Đất mênh mông chỉ đủ chỗ hai người

Như càng già, Gừng càng đậm vị cay

Tình yêu cuối là tình sâu lắng nhất.


Tâm Nguyện 





Tác giả: Dương Lêh

Đối với nhà nông, thời kỳ giáp hạt là lúc ngồi chờ cho tới khi thu hoạch vụ mùa sắp tới, trong khi lương thực của mùa trước đã gần cạn. Riêng đối với những thầy giáo tư lương như chúng tôi thì thời kỳ giáp hạt rớt ngay vào dịp Tết. Không lương, không tiền thưởng, mà thời gian nghỉ Tết lại kéo dài quả là héo hon trong ruột. Nhìn lại cái Tết Quý Tỵ này, nhà nước cho nghỉ đến chín ngày ròng rã. Người dân tha hồ mua sắm, trang hoàng nhà cửa, hưởng thụ trọn vẹn những ngày xuân ấm áp. Những người thầy giáo tư lương có dịp ngồi ngắm bà con mình ăn Tết và lấy niềm vui của họ làm niềm vui riêng cho mình. Cũng tốt thôi.

Tôi đã bước vào hàng lão ông với bảy bó tuổi đời, hiện còn lai rai một hai lớp tại gia của vài ông chủ muốn trau giồi ngoại ngữ để giao dịch nếu không thì sợ nhân viên cho là dốt. Ngày nay nhiều người chủ trương học dở nhưng có tiền thì làm chủ, còn học giỏi thường không tiền thôi đành phải đi làm thuê vậy. Khi làm chủ rồi chịu khó trau giồi món nào cần thiết, như ngoại ngữ chẳng hạn, chắc cũng chả sao. Nhờ vậy mà tôi cũng còn cách kiếm sống. Khách hàng không nhiều, không “vĩ mô”, nhưng cũng còn lơ thơ tơ liễu vài mống. Sau này nếu có khó khăn trong việc tìm kiếm “học trò”, tôi sẽ làm một màn “tiếp thị” một môn khác, đó là môn “chát xình chát” dành cho người cao tuổi coi như một môn thể dục dưỡng sinh, đang thịnh hành ở trong thành phố Saigon này. Có một ông bạn vong niên bên quận 7, tôi gọi là vong niên vì ông ấy năm nay đã bước qua tuổi tám bẩy, còn tôi mới xum xoe vào hàng bẩy bó. Mỗi sáng Thứ Năm ông lặn lội từ quận 7 lên xe buýt qua Saigon, từ đó ông lại lên xe buýt đến Cao Thắng là chỗ Câu lạc bộ “chát xình chát” của chúng tôi. Thời gian đi khoảng chín mươi phút, bằng một trận cầu bóng đá. Tuy đã tám bẩy nhưng bước chân của ông cũng còn vững vàng, pha một chút điệu nghệ dù không còn lả lướt như cái đám thanh niên bốn mươi năm mươi trong nhóm. Ông còn nhớ nhiều “phăng” và thường cho các bà “te” theo một “tạo dáng” đẹp mắt.

Bà nhà tôi cũng là đồng nghiệp, nhưng lại đang dạy một ngoại ngữ mà hiện nay ngoài xã hội đang bị ế. Ấy vậy mà bà vẫn có nhiều học trò. Buổi tối bà dạy tại một trung tâm ngoại ngữ của một trường đại học, ban ngày dạy ở nhà cho các nhóm sinh viên đến học. Hết nhóm này đến nhóm khác. Lịch dạy đầy ắp đến nỗi tôi phải tham gia một số công việc nhà như rửa chén “đọi” (tôi pha tiếng chỗ này vì bà xã tôi là người Huế, “đọi” có nghĩa là đĩa), lau nhà và các việc linh tinh khác. Tôi thường xuyên đi chợ mua các thứ thịt, cá, rau, dưa theo cẩm nang bà xã tôi soạn thảo từ buổi tối hôm trước. Sau đó về nhà tôi phải làm thêm vài việc lặt vặt như lặt rau, gọt rửa các quả dưa, quả bí. Xong, để tất cả lên bếp. Hết việc. Tôi vào Internet.

Chúng tôi có một ông con trai đang ở vào giai đoạn cuối của tuổi “băm”, đã có vợ và mới có một con gái, chuẩn bị bước vào cấp một cuối năm nay, thường hay gọi chúng tôi bằng “ông, bà nội” rất dễ thương. Hai gia đình chúng tôi ở chung trong một căn hộ nhưng coi như ở riêng. Vợ chồng chúng tôi rất tôn trọng cái tính độc lập, tự do của cặp vợ chồng trẻ này, cho nên, chúng tôi không hề bắt họ phải đi thưa về trình, không bao giờ bắt cô con dâu nấu nướng cái gì cho chúng tôi ăn, quần áo của chúng tôi tự chúng tôi giặt lấy. Từ khi có con dâu tôi không bao giờ mời bạn bè về nhà nhậu nhẹt. Một năm mười hai tháng nhà tôi không hề có một đám giỗ, đám kỵ, đám kiết gì. Mọi thứ giỗ, kỵ chúng tôi đều cho thực hiện ở chùa. Cô dâu rất thoải mái, không bao giờ phải biểu diễn món ăn món uống gì cho cha mẹ chồng thưởng thức. Buổi sáng cô dâu không cần phải thức dậy sớm để làm việc gì cả. Cô thức cùng một lúc với con, ra khỏi phòng đến trường mẫu giáo và rồi đến cơ quan làm việc. Ngày nghỉ, ngày lễ, cô dâu thoải mái “nướng” theo con gái cho đến khi mặt trời lên “ba sào”, vừa kịp giờ kéo nhau ra tiệm ăn cơm trưa. Khỏe vô cùng!

Ông con trai đối với chúng tôi cứ bình tĩnh âm thầm lặng lẽ. Chúng tôi cũng tôn trọng bản tính ít nói của ông ấy, cho nên ông cứ thế mà phát huy. Tết nhất ông không bị bắt buộc phải lì xì cho mẹ một “xị” (một trăm ngàn) để mua thẻ điện thoại di động, hay lì xì cho ba một xị để mua thuốc lá hút.

Một câu nói đúng mà ông bà ngày xưa để lại là nồi nào nó có cái vung nấy. Anh con trai học hành không ra làm sao cả thì một nửa thứ hai của anh ta cũng sẽ chẳng ra làm sao hết. Học vấn hay học vị cao thường tạo ra văn hóa. Cũng có nhiều người học vị cao nhưng văn hóa lại thấp tè. May mắn thay số người này tương đối ít.

Do hoàn cảnh được coi là neo đơn như vậy, nên hai chúng tôi có cách hưởng thụ mùa xuân Quý Tỵ này theo cách riêng của mình.

Vào những ngày giáp Tết, trong khi mọi người đổ xô vào các chợ, các siêu thị, chúng tôi ngồi trên chiếc xe gắn máy cà tàng, chạy dung dăng đến các điểm bán hoa cảnh các loại, mục đích là để tìm mua một hai chậu mai bonsai nhỏ nhất và với cái giá bèo nhất.

Theo chương trình đã định, sáng 27 chúng tôi đi qua cầu Tân Thuận quẹo qua con đường Trần Xuân Soạn dọc bờ sông thuộc quận 7. Ở đây là bến ghe hoa từ các tỉnh sông nước miền Nam chở lên bày bán hai bên đường thật là nhộn nhịp. Số lượng hoa bày bán trên đường chỉ là một phần, phần còn lại đang nằm dưới ghe với màu vàng của hoa cúc, màu đỏ của hoa giấy, hoa mào gà khoe sắc rực rỡ.

Chúng tôi chạy lên chạy xuống trên đoạn đường khoảng chừng một cây số cố gắng tìm một cây mai thật vừa ý. Nhiều năm trở lại đây người ta ghép mai bonsai rất nhiều, lớn có, nhỏ có. Có chậu nhỏ đến mức bề ngang chậu chừng một tấc, với một nhánh mai đơn độc cao chừng ba tấc điểm năm bảy búp xanh mơn mởn, từ xa tôi có thể nghe người bán hét “năm chục ngàn đồng”. Có những cây mai bonsai to lớn cành tua tủa, đầy nghẹt những búp non. Tôi thử chỉ một chậu “lễ phép” hỏi: “Anh làm ơn cho hỏi cây mai này giá bao nhiêu vậy”. – “Tám triệu đồng”. Anh ta nói như gắt, ra cái điều sức tôi làm gì mua nổi chậu mai đó. Tôi lí nhí nói cám ơn, rồi phóng đi. Tôi phải lễ phép hỏi giá vì sợ hỏi mà không mua sợ các ông bà chủ đó xài xể cho một trận. Mua mai phải có kinh nghiệm vì rất dễ gặp mai dỏm. Đúng ra, hoa thật, cành thật và cái chậu cũng thật nhưng cách làm là dỏm. Người ta không phải tháp cành mai vào thân cây theo phương pháp truyền thống mà gắn dính cành vào thân bằng keo dán sắt. Chưa hết, đất phủ lên gốc mai chỉ là một lớp mỏng dính, có một mảng rêu và cỏ lúa giống như thật, phía dưới chỉ là trấu và rơm. Thánh cũng không biết nói chi đến những khách hàng vãng lai hời hợt như chúng tôi.


Chợ hoa Bến Bình Đông

Đến gần trưa bà xã tôi cũng chọn được một cây mai bonsai vừa ý với giá một trăm bốn chục ngàn đồng. Tôi để bà xã tôi tự do chọn lựa, còn tôi dừng xe dưới bóng mát của một cây vông bên đường, bấm máy điện thoại nhắn tin hẹn ngày nhậu nhẹt với những bạn đồng môn thuở còn đi học. Trên đường về, bà xã tôi ngồi sau ôm cây mai, nâng như nâng trứng… Tôi nghiêng đầu hỏi:

- Em có coi kỹ nó không phải là mai dỏm chứ?

- Biết đâu được, qua ba ngày Tết là tốt rồi. Một đời ta ba đời nó… giọng bà xã tôi dịu dàng từ phía sau.

Về nhà, bà xã tôi bắt đầu dọn dẹp và trang trí cái bàn lớn với tám chỗ ngồi dùng để dạy học. Tấm bảng trắng cũng được lau chùi sạch sẽ. Chỉ có thế thôi. Trước đây vào ngày Tết tôi hay cắt giấy đỏ thành những dòng chữ thư pháp như “Chúc mừng năm mới”, “Mừng xuân…” hoặc một nhánh mai với những đóa hoa vàng rực dán lên bảng.

Nghe nói ở Bến Bình Đông đối diện xa lộ Đông Tây qua dòng kênh Tàu Hũ, người ta cũng có bày bán hoa Tết. Hợp nhau vì tính tò mò, qua ngày hôm sau chúng tôi phóng xe tìm đường đi tới Bến Bình Đông. Đây là xứ sở của những kho hàng hóa khổng lồ, nhiều nhất là gạo. Ghe chài chở gạo từ miền Tây lên cập bến ở đây để chuyển vào các kho hàng này. Tôi còn nhớ thời điểm năm 1976, 77 gì đó, tôi đang thất nghiệp, một người bạn rủ tôi đi làm phu khuân vác. Tôi liều mình đi theo hy vọng kiếm chút tiền còm về cho bà xã đi chợ. Hai đứa chúng tôi lên xe buýt chạy thẳng lên đường Minh Phụng. Đây là bến xe tải với những chiếc xe chuyên dùng vận chuyển hàng hóa đậu thành hàng dài dọc con theo con lộ. Ở đâu có nhu cầu vận chuyển hàng hóa người ta đều ra đây ký hợp đồng thực hiện. Những người thất nghiệp muốn làm phu khuân vác có thể ra đây đứng trước đầu xe tải chào “hàng”. Hàng ở đây là sức lao động của người đàn ông đang muốn làm phu khuân vác. Các chủ hàng thường sau khi hợp đồng xe quay ra kiếm luôn người bốc vác. Họ đi dài dài trước các đầu xe tải, nơi các phu khuân vác đang đứng nghiêm chờ đợi. Mỗi khi thấy ai vừa ý, chủ hàng chỉ tay vào người đó “thằng này”, anh chàng “thằng này” phóng lên xe tải, bò vào góc ngồi chờ đợi. Mỗi lần đi bốc vác như vậy giá cả là hai chục đồng cho một công nhân. Tôi và người bạn được kêu bằng “thằng này” để đi bốc vác một lô hàng máy bơm nước từ kho hàng ở quận 6 đến một kho hàng khác ở Bình Chánh. Chúng tôi gồm tất cả năm người ì ạch khiêng gần cả trăm cái máy bơm nước bỏ lên xe tải rồi theo xe lên Bình Chánh. Tại đây chúng tôi phải bốc xuống xe rồi khiêng chất vào kho. Đến hơn một giờ trưa thì hoàn tất. Chúng tôi được chủ hàng trả tiền công, rồi cho ra chợ Bình Chánh ăn trưa. Tôi còn nhớ bữa cơm hôm ấy ngon hơn bao giờ hết. Tuy chỉ là cơm thịt kho trứng, nhưng có lẽ vì đói, nên chúng tôi kêu cơm thêm hai ba lần. Ăn xong chúng tôi được đưa về bến xe ở Minh Phụng rồi tan hàng, ai về nhà nấy. Có hai đứa trong nhóm tiếp tục ra đứng trước các đầu xe tải chờ một chủ hàng khác đến gọi đi bốc vác tiếp. Sáng hôm sau cả hai chúng đều không thức dậy nổi. Cả người đau đớn như bị tra tấn. Tôi và anh bạn đồng ý đi tìm việc khác để kiếm cơm. Riêng tôi, cái nghề khuân vác này làm cho tôi nhớ những chuyện mua bán nô lệ trong truyện Ngàn lẻ một đêm.


Chợ hoa ở Bến Bình Đông

Chỗ bày bán hoa ở Bến Bình Đông dài gấp hai, gấp ba lần chỗ cầu Tân Thuận. Chiều dài dọc theo bờ kênh có đến hai km. Dưới kênh, các loại ghe chở hoa đậu san sát. Chiếc ghe cũng lớn gần gấp hai lần ghe ở cầu Tân Thuận, lại có mui rất lớn bằng lá chầm bao che kín mít. Chúng tôi đi lên đi xuống hai lần là đủ đến trưa. Nắng gay gắt trên đầu. Bà xã tôi không có vẻ gì bực bội vì bà đã “rước” được một cây mai rất vừa ý. Tôi cũng thấy hài lòng. Cả chậu vừa mới nở được một hoa. Đúng là hoa “giảo” có nhiều cánh lớn nằm chồng chất lên nhau.

Xoay qua, xoay lại, quét dọn, trong nhà, mua một ít thực phẩm để dùng trong ba ngày Tết, và rồi thời gian chờ đón giao thừa tiếp đến.

Trước nhà chúng tôi, bên kia đường là Miễu A Phò của người Hoa lập không biết từ đời nào, gần đến giao thừa rất đông khách đến chùa đốt nhang mua lộc. Lộc ở đây là những cây nhang lớn dài gần một mét. Người ta mua một cây nhang nhúng dầu đốt cho cây nhang cháy, rồi cầm như vậy đi về nhà cắm vào lư hương, lấy hên trong giờ phút đầu năm mới.

Khi pháo hoa bắt đầu nổ lụp bụp ở hướng Bến Bạch Đằng, hai ông bà già neo đơn bước lên giường tìm giấc ngủ đến trễ trong năm mới. Sáng sớm, tôi bước ra mở cửa balcon nhìn vào khoảng không gian yên tĩnh, vắng lặng, vừa nói “Hết Tết rồi!”. Thật vậy, những ngày vui của Tết là những ngày cuối năm. Người ta đi lại, mua sắm thật là nhộn nhịp, tưng bừng. Qua đến ngày mồng một thì đường sá vắng tanh. Mất hẳn không khí náo nức của những ngày cuối năm. Trước công viên Tao Đàn, lác đác vài ông bà cao tuổi cố gắng thực hiện bài tập đi bộ đầu năm để cho cái hên, cái niềm phấn khởi được kéo dài trong năm mới.

Bà xã tôi mở cái bánh chưng do cô em mới cho hôm 28 Tết để làm thức ăn sáng, mở đầu giai đoạn hưởng thụ không khí thanh bình, ấm cúng của ngày Tết. Chúng tôi xuất hành ngay buổi sáng mồng một và trực chỉ lên đường đi Củ Chi thăm bà chị. Thực tình chúng tôi không hề đi coi thầy, coi bà nào để xin ngày nào, giờ nào thậm chí hướng nào để xuất hành đem lại điều may mắn cho cả năm.

Những cơn gió lành lạnh của ngày đầu năm trên quốc lộ làm cho chúng tôi vô cùng khoan khoái. Bà xã ngồi phía sau nhẹ nhàng cất tiếng hát:

“Xuân đã về … Xuân đã về…”

Dương Lêh





Lm. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT 26 / 01 /201 3

LỜI ĐẦU

Loài người được Tạo Hóa tác thành hơn và khác loài vật ở chỗ có lý trí và tự do.

"Tự do là khả năng biểu lộ ý chí, hành động theo ý muốn của mình" (Đại Tự điển tiếng Việt – Hà Nội 1999, trang 1762), đây là quyền căn bản của mỗi người. Có tự do thì cũng có trách nhiệm, nghĩa là có thưởng và phạt tùy theo lựa chọn đúng hay sai.

Người viết tập này chỉ muốn trình bày sự thật mà mình đã cảm nghiệm, còn quý độc giả đồng tình hay không, hoặc đồng tình một phần nào thì hoàn toàn thuộc quyền tự do của quý vị.

"Tên tôi là Nick Vujicic. Khác biệt với hầu hết mọi người, tôi không tay, không chân ngay từ lúc lọt lòng. Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng đã có lúc nhấn chìm tôi nhưng rồi khát vọng sống mãnh liệt đã giúp tôi chiến thắng số phận. Tôi đi khắp thế giới, khích lệ hàng triệu người vượt lên nghịch cảnh bằng chính niềm tin, niềm hy vọng, tình yêu và lòng dũng cảm vốn có của họ để theo đuổi những ước mơ..." 


CUỘC SỐNG KHÔNG GIỚI HẠN

NICK VUJICIC

Khi bạn không được ban phép màu, hãy để chính mình là điều kỳ diệu” là thông điệp mà chàng trai người Úc Nick Vujicic muốn nhắn gửi.

Bạn đọc sẽ được biết tới những nghiệt ngã của số phận và nghị lực sống của anh qua nội dung được trích từ cuốn Cuộc sống không giới hạn (NXB Tổng hợp TP.HCM, Nguyễn Bích Lan dịch) do Trí Việt - First News cung cấp và giữ bản quyền.

Đứa trẻ không có chân tay

Khi tôi chào đời vào ngày 4/12/1982, thoạt đầu mẹ không được phép gặp tôi... Mẹ tôi đếm từng giây để được nhìn thấy con mình. Đợi mãi không thấy người ta mang tôi đến, bà càng tin chắc có điều gì đó không ổn đã xảy ra.

Thay vì mang con đến cho mẹ bế, họ mời một bác sĩ nhi khoa tới và kéo nhau ra góc xa của căn phòng. Họ nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn nhau. Khi nghe thấy tiếng khóc oa oa của một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh cất lên, mẹ nhẹ cả người. Nhưng khi đó cha tôi, người cha mà trong lúc tôi chào đời đã để ý thấy con mình không có tay, cảm thấy choáng váng và người ta phải đưa ông ra khỏi phòng.

Nhìn thấy hình hài dị biệt của tôi, các bác sĩ và y tá không khỏi bàng hoàng, vội lấy khăn bọc tôi lại.

“Có chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra với con tôi vậy?”, mẹ hỏi.

Thoạt đầu bác sĩ không trả lời, nhưng khi mẹ cứ khăng khăng hỏi dồn, ông ấy không còn cách nào khác hơn là trả lời mẹ bằng một thuật ngữ y khoa: “Đứa bé bị chứng phocamelia”.

Vốn là một y tá, mẹ tôi biết thuật ngữ đó dùng để chỉ tình trạng của những đứa trẻ sinh ra bị dị dạng hoặc thiếu mất các chi. Mẹ tôi không thể nào chấp nhận sự thật nghiệt ngã này.

Giữa lúc đó, người cha hốt hoảng của tôi ở bên ngoài phòng hộ sinh, tự hỏi những gì ông vừa nhìn thấy có phải là sự thật hay không. Khi bác sĩ nhi khoa đến nói chuyện, ông không kìm nén được, kêu lên đau đớn: “Con trai tôi, nó không có tay!”.

“Thực ra”, vị bác sĩ nói bằng giọng đầy cảm thông, “con trai anh không có cả tay lẫn chân”.

“Ông nói gì cơ?”. Cha không thể nào tin được.

Bàng hoàng và vô cùng đau khổ, cha ngồi như một pho tượng, không thể thốt ra được một lời nào cho đến khi bản năng che chở của một người chồng, một người cha trỗi dậy. Ông chạy vội vào phòng để nói với mẹ tôi trước khi mẹ nhìn thấy tôi, nhưng thật buồn, khi vào đến nơi cha thấy mẹ đang nằm thẫn thờ trên giường, khóc rưng rức trong đau khổ. Các nhân viên y tế đã nói cho mẹ tôi biết cái sự thật choáng váng đó. Họ đề nghị đưa tôi đến cho mẹ tôi bế, nhưng mẹ tôi từ chối. Trong những giây phút đau khổ đến xé lòng ấy, mẹ đã bảo họ hãy đưa tôi đi chỗ khác.

Các cô y tá không cầm nổi nước mắt. Bà đỡ bật khóc. Và tất nhiên tôi cũng khóc! Cuối cùng họ đặt tôi, đứa con tật nguyền đỏ hỏn được bọc trong những lớp khăn, xuống bên cạnh mẹ, và mẹ tôi không thể nào chịu đựng nổi những gì bà đang nhìn thấy: Con trai bà, đứa con đầu lòng mà bà mang nặng đẻ đau, chào đời không có tay, không có chân.

Thay vì mừng sự chào đời của tôi trong niềm vui, cha mẹ tôi và giáo đoàn than thở: “Nếu Chúa là đấng sáng tạo của tình yêu”, họ tự hỏi, “thì tại sao Người lại để cho một chuyện như thế xảy ra?”.

Số phận bất hạnh hay món quà của tạo hóa?

Cha mẹ tôi là những người Cơ Đốc giáo ngoan đạo, nhưng khi tôi chào đời với thân thể khiếm khuyết đến mức ấy họ bàng hoàng lắm, không biết Chúa Trời nghĩ gì. Thoạt đầu, họ cho rằng sẽ chẳng có hy vọng và tương lai nào dành cho tôi; rằng tôi sẽ không bao giờ có thể sống một cuộc sống bình thường hay hữu ích.

Thế nhưng, cuộc sống của tôi hiện nay đã vượt quá xa những gì được hình dung ngày ấy. Hằng ngày tôi gặp rất nhiều người tôi chưa từng quen biết qua điện thoại bàn, email, qua tin nhắn trên điện thoại di động và qua mạng xã hội Twitter. Ở bất cứ nơi nào tôi tới, tại sân bay, khách sạn, ở tiệm ăn, mọi người đều nhận ra tôi, ôm chầm lấy và nói với tôi rằng bằng cách nào đó tôi đã tác động tích cực đến cuộc sống của họ. Tôi thực sự hạnh phúc. Tôi hạnh phúc đến ngẩn ngơ.

Điều mà ngày ấy bản thân tôi và gia đình không thể tiên lượng được là khuyết tật của tôi - “gánh nặng” của tôi - lại chính là một món quà, mang đến những cơ hội vô giá để tôi được gặp gỡ, cảm thông và thấu hiểu nỗi đau của những người khác, và an ủi họ.

Với hơn 1.600 bài phát biểu hùng hồn, Nick giờ đã trở thành một nhà diễn thuyết nổi tiếng, đã truyền cảm hứng vươn lên từ khó khăn cho hàng triệu người tại 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Anh đã trở thành ngọn đuốc sống "cháy" hết sức mãnh liệt trên toàn cầu. Chàng trai sinh năm 1982 này đã vinh dự được trao giải thưởng “Công dân trẻ nước Úc” nhờ sự vững gan bền chí của mình trong nỗ lực vượt lên số phận.

(N.V – Báo Thanh Niên ngày 17/12/2012)

Ai có thể tin được rằng dù không chân không tay, Nick vẫn gõ vi tính với tốc độ 40 từ/phút? (Sđd).

Trước Nick 40 năm, nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking cũng ở trong hoàn cảnh vô cùng bi đát:

MỘT THIÊN TÀI TÀN TẬT LÀM ĐẢO LỘN

MỌI HỌC THUYẾT VỀ NGUỒN GỐC VŨ TRỤ

Do một căn bệnh khủng khiếp tàn phá các tế bào não, Stephen Hawking không thể bước đi, đầu anh không thể thẳng đứng và anh chỉ "nói" được nhờ giọng nói của một máy điện toán. Tuy nhiên, anh lại là Giáo sư giảng dạy những học thuyết "cách mạng" cho hàng trăm sinh viên ở Trường đại học Cambridge và nhờ những học thuyết này, anh được mệnh danh là Galilée của thế kỷ 20.

Mặt trời nhợt nhạt của mùa đông kéo dài đã mọc lên trên thành phố Cambridge ở Anh, một thành phố nhỏ cách thủ đô London vài trăm km, là nơi sản sinh ra một trong những trường đại học nổi tiếng nhất thế giới: đại học Cambridge. Trên đường phố yên tĩnh, các sinh viên bình thản cưỡi xe đạp đến trường và bất ngờ thay, người ta trông thấy ở giữa đường một chiếc xe lăn chạy bằng điện. Trên xe là một người có gương mặt hốc hác, cổ quấn khăn quàng ca rô màu xám, miệng hơi hé mở, nhưng đầu cứ nghiêng sang một bên, anh ta di chuyển thật nhanh trên chiếc xe lăn nhờ một cái cần nhỏ.

Anh ta tên Stephen Hawking và là một trong những nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc nhất thế giới. Ngày nay, nhà nghiên cứu vật lý này đã trở thành tù nhân của chính thân xác mình, nhưng tư tưởng của anh thì không có gì giam hãm nổi. Hiện anh đang hướng về phía giảng đường của khoa toán học và vật lý học ứng dụng và chuẩn bị nói chuyện trước khoảng 100 sinh viên. Cô y tá chăm sóc và người phụ tá chạy phía sau anh, định bắt kịp chiếc ghế điện quái quỷ, nhưng họ chỉ hoài công, Hawking đã đến trước và chờ đợi họ với nụ cười hiền hậu trên gương mặt. Anh nhìn vào màn ảnh nhỏ của máy điện toán gắn cố định trên tay ghế và thấy hàng trăm từ nối tiếp nhau hiện lên với một nhịp độ gia tăng. Anh chọn lựa các từ với đầu ngón tay bằng cách ấn lên một cái nắm tay. Và phía dưới màn ảnh dần dần hiện lên dòng chữ: "Chúng ta đã đến trễ". Vài giây sau đó, một giọng nói tổng hợp đọc lên câu này cho mọi người cùng nghe.

Tại sao lại có chuyện lạ như vậy? Bởi vì Hawking không thể nói được. Cách đây hơn 10 năm, giọng nói của anh dần dần bị hỏng, và chỉ có một thiểu số người quen mới có thể hiểu được anh muốn nói gì. Đến năm 1985, sau lần bị viêm phổi, người ta phải nhét vào khí quản của anh một ống nhỏ. Anh được cứu sống nhưng vĩnh viễn bị câm. Nhờ vào giọng nói nhân tạo thiết kế trên một máy điện toán mini có một không hai trên thế giới mà nhà vật lý còn tiếp tục giao tiếp với mọi người. Nhờ đó mà anh còn theo đuổi được những công trình nghiên cứu của mình. Những phương trình phức tạp mà Hawking giải ra trên các danh mục thông tin dường như chẳng có gì gọi là bí mật đối với anh. Những cộng tác viên của anh đã từng ngạc nhiên thốt lên rằng: "Anh ta có được một trực giác không thể nào tưởng tượng được và một năng lực độc nhất vô nhị có thể cho phép anh ta thấy rõ một vũ trụ tới… 4 chiều".

Hawking sinh vào ngày 08/01/1942, đúng 3 thế kỷ sau khi Galilée mất. Một sự trùng hợp rất lý thú!

Ít lâu sau khi vào đại học Cambridge, Hawking nhận thấy anh ngày càng khó làm chủ những cử động của mình. Anh trở nên vụng về. Đôi khi vào sáng sớm, anh cảm thấy đôi chân như nặng ra và người cứ như bị hẫng. Sau khi đi khám, bác sĩ cho biết đây là chứng teo cơ một bên. Điều đó có nghĩa là các tế bào thần kinh ở não sẽ dần dần bị hủy, bắt đầu từ các dây thần kinh hoạt động, Đó là chuyện xảy ra vào năm 1964, lúc Stephen Hawking mới được 22 tuổi, và kể từ đó, sinh mạng của anh được tính từng ngày. Nhưng Hawking không hề nản chí!

Một cuộc chạy đua giành giật từng giây sống giữa anh với thần chết đã diễn ra. Giọng nói đơn điệu của máy giải thích với tôi như sau: "Khi anh ở gần kề cái chết thì anh mới nhận ra rằng cuộc sống này rất đáng sống và có biết bao điều phải làm ngay".

Lòng can đảm này một phần Hawking đã rút lấy trong mối tình mà Jane Wilde, cô sinh viên hiền hậu, đã mang đến cho anh. Họ gặp nhau sau khi các bác sĩ đã đưa ra bản án vài tháng trước đó, và một năm sau họ lấy nhau.

Buổi nói chuyện đã kết thúc, Hawking quay về căn phòng làm việc nhỏ của mình ở khoa toán và vật lý ứng dụng với chiếc ghế giáo sư mà Newton đã độc chiếm trước đây. Anh làm việc giữa những tấm hình của người vợ và 3 đứa con: Robert 20 tuổi, Lucy 17 tuổi, và cậu út Timmy 8 tuổi.

Trong một góc nhỏ có một bức ảnh thu hút sự chú ý của tôi, đó là hình Stephen Hawking diện kiến Giáo hoàng Jean-Paul II. Anh cho biết đây là kỷ niệm khi anh đến Vatican vào năm 1981 để dự cuộc hội thảo về vũ trụ học do các thầy tu Dòng Tên tổ chức.

(Anh Tuấn lược dịch từ "Figaro Magazine" –
Báo Kiến Thức Ngày Nay số 3, tháng 4/1988)

   


"Ông hoàng vật lý" và cuộc đời gắn chặt với chiếc xe lăn 


Mục Thế Giới 30 Ngày Qua 12/12/2012: Nhà vật lý Stephen Hawking – Đại học Cambridge, được trao giải Fundamental Physics Prize trị giá 3 triệu USD. Giải thưởng do tỷ phú Nga – Yuri Milner, lập từ tháng 7/2012 đã được trao cho 11 nhà khoa học. Giải thưởng khoa học này là giải lớn nhất từ trước đến nay. (Nguyệt san CG&DT số 216, tháng 12/2012)

Vừa rồi, 26/12/2012 trên nhật báo Đời Sống & Pháp Luật, biên tập viên Thanh Xuân có bài: "Chấn động thế giới – Nhà vật lý thiên văn số một thế giới với căn bệnh "hóa đá" kỳ lạ:

Giáo sư Stephen Hawking là một trong những bộ óc thông thái nhất hành tinh nhưng ít ai biết khi còn nhỏ, ông học hành rất chểnh mảng. Ông lười học đến nỗi tới khi lên 8 ông mới bắt đầu biết đọc. Không những thế, ông mắc phải căn bệnh khiến toàn thân "hóa đá" (ALS) năm ông 21 tuổi sau khi tốt nghiệp xuất sắc đại học Oxford. Khi nhận được thông tin từ bác sĩ cho biết mình chỉ sống thêm được vài ba năm nữa, Stephen Hawking đưa mắt nhìn lên bầu trời. Và như có điều gì đó thôi thúc, ông lóe lên trong đầu suy nghĩ: "Mình còn rất nhiều việc chưa làm và đây là cơ hội cuối cùng". Chàng sinh viên trẻ bỗng nhận thấy giá trị cuộc sống và quyết sống có ích.

Nhận định

1. Sự thiệt thòi, nỗi đau đớn của Nick và Hawking thật quá lớn, chúng ta không thể đo lường được. Thân phận con người trên dương gian nhiều rủi ro, bất trắc không ai có thể tránh hết được. Chính chúng ta, tôi và các bạn, chúng ta cũng có những nỗi đau riêng, tinh thần hay thể chất có thể không quá lớn như Nick và Hawking, nhưng cũng không dễ vượt qua.

1.1 Có thể chúng ta đang ở trong tình trạng nghèo nàn túng bấn, thiếu trước hụt sau, không làm gì ra tiền, phải sống nhờ lòng hảo tâm của đồng bào…

1.2 Có thể chúng ta bệnh tật, yếu đau, lại mắc các chứng nan y mãn tính như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, viêm xoang, đau bao tử, tai mũi họng… chúng ta chữa trị suốt đời cũng không hết, nhất là ung thư "đa dạng và đa hệ", hoặc ngay cả căn bệnh thế kỷ sida, chỉ hy vọng kéo dài cuộc sống được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

1.3 Có thể chúng ta bị khuyết tật bẩm sinh hay do tai nạn, do chiến tranh, bom mìn… sự khiếm khuyết này đồng hành với ta suốt cuộc đời.

1.4 Có thể chúng ta lâm cảnh thất nghiệp: có thừa sức lao động nhưng không tìm được việc làm, chúng ta cứ phải sống những ngày mỏi mòn, săn đuổi, chờ đợi việc làm để lo cho cuộc sống của mình và gia đình.

1.5 Có thể chúng ta gặp tai họa do thiên nhiên, do những người xung quanh vô tình hay cố ý gây cho ta: vô tình như tai nạn giao thông – cố ý như em bé ở Bắc Kạn trong vụ cướp tiệm vàng, bị tên cướp chém lìa cánh tay và giết chết cả gia đình em… hoặc cô gái ở cầu Phú Mỹ bị bốn tên cướp chém gần lìa tay để cướp xe… đau đớn quá !



Phụ Bản III

1.6 Có thể nỗi đau đó là vết thương tâm hồn rất khó hàn gắn như trường hợp vợ chồng bị phản bội, ruồng rẫy, bạo hành… bạn bè lừa đảo nhau…

Tóm lại, rất nhiều nỗi đau, nỗi đau đến từ nhiều phía, nỗi đau nào cũng có mũi nhọn thấu tim gan… nhà Phật tóm lại bằng một câu: "Đời là bể khổ".

Đứng trước nỗi đau của mình hay của tha nhân, chúng ta đôi lúc cũng thắc mắc như những người thân yêu của anh Nick: "Nếu có Chúa Trời là Tình Yêu thì sao lại để xảy ra những khổ đau nhường ấy!", và đã không ít người mất niềm tin vào Chúa, đã buông xuôi, đã để cho đau khổ đè bẹp và cuối cùng của những bế tắc là thất vọng và tự tìm lối giải thoát bằng tự tử. Chính Nick hồi còn bé đã nghĩ ra kế hoạch tự tử bằng cách leo lên một ghế cao trong khi mẹ đang lúi húi làm bếp – Nick cứ bị giằng co bởi ý nghĩ: Lao xuống phía nào? Đầu xuống trước hay mình xuống trước? Cho ót xuống trước hay úp mặt xuống trước? Chết đã vậy nhỡ không chết thì sao? Rồi lại nghĩ đến em, đến bố mẹ và cho rằng nếu mình chết thì mọi người sẽ khóc thảm thiết lắm, và họ sẽ bị dằn vặt cho rằng mình có lỗi vì đã không chăm sóc anh cho đủ - Tình thương yêu những người ruột thịt đã kéo anh ra khỏi "bóng tối sự chết", anh quyết sống và tìm hướng vươn lên…

2. Giải đáp cho thắc mắc hoài nghi về Thiên Chúa Tình Yêu – Ngài quả là Thiên Chúa Tình Yêu, Thiên Chúa chí thánh, không một cái gì không tốt có thể tồn tại nơi Ngài. Kinh Thánh quả quyết: "Mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp" (St 1,12). Vậy thì những điều xấu xa, tồi tệ kia bởi đâu ra?

Thưa hoàn toàn bởi con người lạm dụng tự do, gây ra cho mình
và cho tha nhân.

2.1 Tình trạng nghèo đói không phải bởi Chúa tạo ra – Chúa tạo nên trời đất muôn vật là để cho loài người, và tài sản trời đất Chúa cho chung mọi người, nếu biết nhường nhịn chia sẻ, đùm bọc thì đâu có nghèo đói. Đằng này con người tự áp dụng luật "cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua", nên tranh nhau chiếm hữu, nước mạnh chiếm phần tốt, nước yếu được phần xấu rồi lại đua nhau bóc lột: "người bóc lột người" mới có tình trạng phân hóa giàu nghèo hiện nay và thật không may chúng ta lại ở trong số những người nghèo đói bị "bóc lột" hết quyền lợi…

Nghèo đói do bất công

Báo Thanh Niên ngày 28/12/2012 mục Tôi có ý kiến:

- Bài "500 giờ dạy không lương" đăng trên Thanh Niên ngày 27/12/2012 nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc.

- Quá bất công!

"Giáo viên mầm non đang trong tình trạng quá tải sức lao động, nhưng thực tế phải gọi là đang bị bóc lột sức lao động" – Độc giả Phạm Phi Phao.

"Một năm 500 giờ dạy không được hưởng lương! Người sử dụng lao động đã vi phạm bộ luật lao động, là hành vi vắt cạn sức lao động rất nghiêm trọng" – Độc giả Nguyễn Tiến Dũng (Bình Trưng Tây, quận 12).

Ban CTBĐ đã tổng hợp 7 ý kiến có nội dung tương tự, bức xúc về vấn đề này.

2.2 Tình trạng bệnh tật, đau yếu… chỉ tại con người – Nguyên tổ loài người: ông Ađam và bà Eva được Chúa dựng nên trong tình trạng sức khỏe viên mãn… về sau do tội lỗi của loài người, do "tham sân si" loài người hại nhau… ích kỷ vứt rác bừa bãi, bệnh tật lây lan, ham lợi dùng hóa chất chế biến, bảo quản thực phẩm, ai ăn vào thì ráng chịu hậu quả là bệnh tật – Rượu, thuốc lá, sì ke… có hại mà cứ mê, cứ xài thì cứ ráng mà chịu. Sida chết người biết đấy nhưng cứ chích, cứ chơi bời… thì kêu ai bây giờ!

2.3 Tình trạng bị khuyết tật – Mô hình con người mà Chúa tạo thành là hoàn chỉnh, cân đối, đẹp đẽ không thể chê vào đâu được. Chúng ta sinh ra bị dị tật bẩm sinh là do chất độc da cam, do bom đạn, do ảnh hưởng của rượu chè, của giang mai, lậu mủ… có khi do cha mẹ nghèo quá ăn không đủ chất, hoặc do bị bạo hành trong quá trình mang thai. Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, bên trong và bên ngoài đóng góp vào sự hình thành khuyết tật của chúng ta. Chúng ta cũng có thể bị khuyết tật do tai nạn giao thông hay các tai nạn khác, không loại trừ cả những vụ cướp giựt, đâm chém ngoài đường, ngoài chợ hoặc do chính chúng ta bất cẩn sẩy chân, ngã, vấp, gây cháy, nổ… có khi do ăn uống tích tụ độc chất phát sinh tiểu đường rồi bị đoạn chi, tháo khớp…

2.4 Tình trạng thất nghiệp – Chúng ta phải chịu là do cơ chế xã hội chưa hoàn hảo gây nên: Báo chí mới đăng vụ đất đai ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh: thu hồi đất nông nghiệp của nông dân, bồi thường 38.000 đồng/m2 nhượng cho dự án đầu tư kinh doanh cái gì không biết, chỉ biết rằng nông dân không còn đất trồng cấy, họ quen nghề nông, không có chuyên môn, chưa được chuẩn bị chuyển đổi nghề nghiệp… bây giờ sống làm sao, ở làm sao đây? Bồi thường 38.000 đồng/m2 đất cũng được, nhưng xin chỉ cho dân chỗ nào thuận lợi như đất đã thu mà giá cũng 38.000 đồng/m2 xem nào! Xin làm công nhân xí nghiệp thì không có tay nghề; xin làm bảo vệ cũng đòi "trình độ" có khi phải là bằng B anh văn, nông dân chân lấm tay bùn lấy đâu ra! Tình trạng "mật ít ruồi nhiều" kiếm đâu ra việc làm ổn định mà sinh sống?

Đương nhiên phải thất nghiệp, mà thất nghiệp thì luôn đồng nghĩa với nghèo đói khổ sở, cơ cực… Tài nguyên trời đất này Chúa cho chung mọi người cơ mà sao nó toàn biến thành của riêng của tầng lớp thế lực giàu có thôi!

2.5 Các tai họa – Tai họa gồm thiên tai và nhân tai, nhưng nhân tai là chủ yếu: lũ quét là do con người phá sạch rừng. Có lần báo chí đăng về vùng rừng miền Tây Ninh, dân phá sạch trong vòng mười năm, để trồng lại như cũ, bài báo cho biết phải mất 150 năm!

Khí hậu biến đổi, bão tố, sóng thần… do khí thải nhà máy làm bầu khí nóng lên, băng bắc và nam cực tan chảy không kềm chế được…

Còn những tai nạn do con người gây nên làm khổ nhau thì muôn mặt, nào tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, tai nạn do bất cẩn, tai nạn do cướp giựt đâm chém, đả thương…

2.6 Vết thương tâm hồn – Có những người giàu có tưởng chừng như hạnh phúc nhưng có thể tâm hồn bị thương tật. Kẻ thì vợ hư, người thì chồng hỏng, kẻ khác thì con cái quậy phá gây ra trăm nghìn nỗi đau. Cách nay 30 năm, nước Mêhicô có bộ phim rất hay, cuốn hút mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam, đó là bộ phim "Người giàu cũng khóc", bộ phim này có thể tóm kết các nỗi đau tâm hồn.

3. Con đường giải thoát.

3.1 Nick và Hawking đã hé mở cho chúng ta một phần đường giải thoát, đó là can đảm chấp nhận sự thật về bản thân mình, chấp nhận tình trạng hiện tại của mình, không bi quan yếm thế mà luôn hy vọng, mơ ước và cố gắng hết sức, kiên trì, tận dụng những gì còn lại của mình để vươn lên, để sống có ích cho mình và cho người, cố gắng khám phá và rèn luyện "tài năng" ẩn giấu nơi mỗi người. Giống như Nick khám phá ra khả năng diễn thuyết, khả năng tiếp xúc của anh để rồi phát huy rộng rãi, đem lại lợi ích cho nhiều người. Không bao giờ để cho tuyệt vọng đè bẹp mình, cho dù ngày mai mình chết thì từ nay đến mai vẫn còn cơ hội làm những điều tốt đẹp. Một cô Thúy năm nào đã lạc quan làm việc thiện cho đến chết. Ngày nay lớp thanh niên vẫn còn nối tiếp "ước mơ của Thúy".

3.2 Tin tưởng nơi Chúa sẽ không bao giờ thất vọng: "Chẳng ai tin cậy Chúa mà lại phải nhục nhằn tủi hổ" (Tv 24,3)

Những tình trạng tồi tệ kể trên vẫn có thể xảy ra trên đời này là do Chúa đã ban cho con người món quà quý giá là tự do, và Chúa tuyệt đối tôn trọng tự do của mỗi người, để rồi chung cuộc sẽ thưởng phạt họ tùy theo tự do lựa chọn của họ. Nếu không có một cuộc phán xét cuối cùng của cả nhân loại thì cuộc sống của chúng ta quả là phi lý và không có gì phi lý hơn. Vì biết bao nhiêu người chết trong nghèo đói, bệnh hoạn, thương tật, khuyết tật do sự tàn ác, bất công con người gây ra cho nhau. Bé gái ở Bắc Kạn, con chủ tiệm vàng; cô gái ở cầu Phú Mỹ… bị kẻ ác chém rời tay, thương tật suốt đời không gì có thể bù đắp cân bằng được; Cô sinh viên 23 tuổi ở thủ đô Ấn Độ bị hãm hiếp tập thể trên xe buýt ngày 16/12/2012 đã chết ở Singapore sáng 29/12/2012, những kẻ gây ra nỗi đau thương và cái chết của cô đã bị bắt nhưng chưa bị xét xử (Internet – Thanh Phương), thế mà chết là hết, là huề cả làng, kẻ ác cũng như người lành, kẻ đè đầu bóp cổ người khác cũng như kẻ bị bóc lột thì còn đâu là công lý mà lòng người luôn khát khao – và Đấng Thượng Đế chí công không lẽ ngoảnh mặt làm ngơ. Như thế thì làm gì còn danh hiệu "Thượng Đế Chí Công", "Ông Trời có mắt", "Thiên Chúa Tình Yêu". Vì thế chắc chắn sẽ có ngày Chúa trả lại đầy đủ những phần thân thể bị khiếm khuyết cho chúng ta, như mô hình hoàn chỉnh ban đầu. Khi được Chúa cho sống lại ("Những ai đến với tôi, tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" – Ga 6,44), sẽ không còn cảnh cụt chân, cụt tay, mù mắt, thương tật nữa. Tình trạng giàu nghèo cũng bị xóa bỏ, mọi bất công sẽ bị loại trừ và mọi người sẽ bình đẳng với nhau, lãnh thưởng hay chịu phạt tùy theo sự tự do lựa chọn đúng hay sai của mình. Phán xét này thật công minh, không mảy may thiên vị, và những kẻ gây ra đau thương, mất mát cho người khác sẽ bị nghiêm trị.

Để được như thế, ngay từ bây giờ người ta phải tin tưởng, tôn thờ Chúa, chấp nhận tuân thủ các điều răn của Ngài như Chúa Giêsu đã dạy: "Muốn vào nước trời thì phải giữ các điều răn" (Mt 19,17). Tình trạng hiện tại chúng ta phải chấp nhận có khi cả đời như Nick và Hawking, Nick không hy vọng sẽ mọc lại tay chân được, Hawking cũng không hy vọng đứng lên được, nhưng sau này chắc chắn sẽ khác, sẽ hoàn chỉnh.

Bạn có tin không? Bạn có muốn không? Nếu bạn muốn, hãy tin và gia nhập Hội Thánh Chúa, bạn sẽ được. Tất cả tùy bạn đấy!

Tân Bình, ngày 26/01/2013

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT


Đại nội Huế đang trùng tu…

Điện Thái hòa mưa dột làm kho chứa cột gỗ!

Đúng vào chiều ngày 31/12/2012, chỉ còn vài giờ nữa là cố đô Huế đón giao thừa chào mừng năm mới 2013, du khách trong và ngoài nước rất đông đổ xô vào thăm Đại nội, một di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận cách đây nhiều năm.

Ai cũng biết, hoàng thành Huế đã bị thời gian và chiến tranh hủy hoại phần lớn, chỉ còn lại một số kiến trúc tượng trưng cho cố đô Huế nhưng không còn nguyên vẹn. Kỳ đài, Ngọ môn, điện Thái Hòa… đã được sửa chữa nhiều năm trước tiêu hao ngân sách Nhà nước lẫn vốn vay ODA rất lớn, kể cả tiền tài trợ của UNESCO và hiện còn đang tiếp tục trùng tu nhiều nơi ở phía sau đại nội, hoàng cung.

Tình trạng ngổn ngang nói trên là bình thường, du khách dễ thông cảm khi bước chân vào các kiến trúc cổ ở Đại nội nằm sau Ngọ Môn và điện Thái Hòa. Chỉ đáng nói là khi đặt chân vào điện Thái Hòa, điều làm cho du khách buồn lòng đến chua xót là nhìn thấy cảnh nước mưa dột chảy lai láng trước ngai vàng! Khu vực trước ngai vàng bị ngập nước được khoanh lại bằng dây giăng bốn bên để ngăn khách tham quan tới gần. Thế nhưng hết đoàn này tới đoàn khác đều vào trước khu vực bị hạn chế để nghe hướng dẫn viên thuyết minh và khi đi ra cửa sau điện thì phải giẫm bước qua nước mưa chảy tràn lan. Nhìn lên trần điện ai cũng thấy nước mưa dột lâu ngày làm nhiều nơi bị “vọp” trông hết sức phản cảm. Điện này đã được trùng tu nóc mái và trần nhưng nay lại đổ tháo thê thảm.

Điều đáng nói nữa là lẽ ra điện cũ của vua lâm triều bị dột ướt như vậy thì nên cho tạm ngưng đón khách vào tham quan để chờ sửa chữa lại. Thêm nữa, khách tham quan còn ngạc nhiên hơn khi trông thấy gần đó trong điện Thái Hòa lại có mặt một cây cột gỗ cũ to tướng nằm chình ình ra đó từ bao giờ, coi như nơi đây là kho chứa vật dụng cũ.

Tình trạng điện Thái Hòa, nơi có ngai vàng cũ, bị dột mưa, nước chảy lai láng không sửa chữa, lại làm kho chứa cột gỗ cũ như là nơi hoang phế mà cho khách ra vào tham quan thì thật tình không hiểu nổi Ban quản lý ở đây nghĩ ra sao?

Ngoài ra, còn một điều đáng ngạc nhiên hơn khi trước Ngọ môn hoành tráng của một hoàng thành cổ lại treo một tấm biểu ngữ to và dài vắt ngang qua mặt tiền làm cho du khách trong nước cảm thấy xốn xang, kỳ quặc với sự nổi bật của hàng chữ ngoại duy nhất: “Happy New Year 2013.” Đáng lẽ nên treo tấm biểu ngữ “Chúc mừng năm mới 2013” rồi chua bên dưới hàng chữ nhỏ hơn dành cho người nước ngoài với nội dung trên.

Nhân dịp năm mới 2013, khi đến thăm lại cố đô Huế - niềm tự hào của người Việt Nam - ai nấy đều mong mỏi các ngành chức năng của thành phố Huế nên quan tâm thêm về vụ việc trên để niềm tự hào dân tộc ngày càng được phát huy hơn đối với một di sản văn hóa thế giới có một không hai này.

V. L. (Quận 1 TP HCM)



Chiến thắng Đống Đa

Chấm dứt mộng xâm lược

của các triều đại phong kiến phương Bắc

Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), vua Càn Long nhà Mãn Thanh (nay là Trung Quốc) nghe lời tâu của Tôn Sĩ Nghị Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây nằm sát biên giới phía Bắc nước ta), căn cứ theo lời cầu viện của vua Lê Chiêu Thống, đã cho khởi binh bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam chia làm ba đạo thực hiện cuộc xâm lược quy mô với âm mưu chiếm đóng Đại Việt.

Đang ở Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định sau khi ra Bắc phù Lê diệt Trịnh xong, được báo cáo và thông tin đầy đủ về cuộc xâm lược quy mô và đã chiếm đóng kinh đô Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội) của triều đình Mãn Thanh, Nguyễn Huệ lập tức hội bàn với các tướng sĩ việc đem quân ra Bắc Hà đánh đuổi quân Mãn Thanh.

Ngày 25/11/1788 năm Mậu Thân, tướng Nguyễn Huệ sai đắp đàn ở núi Bân để khấn trời và tổ tiên các đời tiên đế rồi đọc Chiếu lên ngôi vua. Chiếu có đoạn: “Trẫm là người áo vải Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẫm phải tập họp nghĩa binh, mặc áo tơi, đi xe cỏ để mở mang núi rừng, giúp đỡ Hoàng đại huynh (Nguyễn Nhạc) rong ruổi việc cung, mã, cố ý quét sạch loạn lạc, cứu dân trong lòng nước lửa. Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê mà chỉ trong mong vào trẫm”.

Sau đó, vua Quang Trung tức Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tự mình thống lĩnh thủy, bộ đại binh tiến ra Bắc Hà đánh quân nhà Thanh. Khi ra đến Nghệ An, vua Quang Trung cho dừng lại 10 ngày để tuyển quân, tất cả được 10 vạn quân và 100 con voi chiến. Tại Trấn doanh Nghệ An, vua Quang Trung mở cuộc duyệt binh lớn để biểu dương lực lượng và truyền dụ quân sĩ phải ra sức đánh giặc cứu nước. Rồi ông lại truyền dụ quân sĩ: “Quân Mãn Thanh sang xâm lược nước ta, hiện đang ở kinh thành Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ trời này, sao ai nấy đều không phân biệt rõ ràng, phương Nam phương Bắc chia nhau mà cai trị?

Từ đời Hán tới nay, bọn chúng mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại dân chúng, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng đuổi bọn chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ nhìn bọn chúng làm những điều tàn bạo nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa binh, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc.

Ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi yên lặng, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời Minh đến nay, dân ta không đến nỗi khổ như hồi Bắc thuộc xưa kia. Mọi việc lợi hại, được hay mất, ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Việt ta, đặt làm quận huyện không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi bọn chúng”.

Ngày 20/12 năm Mậu Thân (1788) đại quân Tây Sơn đến núi Tam Điệp thì hai tướng Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm kể chuyện quân Thanh thế mạnh sợ đánh không nổi nên phải lui về giữ chỗ hiểm yếu. Vua Quang Trung đánh giá cao về việc rút quân chiến lược của hai tướng và nói: “Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi… Ta ra chuyến này đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn, gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi 10 năm nữa nước ta dưỡng được sức, phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa”.

Như vậy, trong lời dụ tướng sĩ vua Quang Trung đã nói lên quyết tâm sắt đá đánh tan quân Mãn Thanh để giữ yên nước Đại Việt và tính việc ra tay đánh phủ đầu trước, rồi sau sẽ tính thương lượng, chớ không thể ngồi chờ cho ta mạnh mới đánh hay thì không biết bao giờ mới đủ mạnh để đánh chúng. Ta sức yếu, địch sức mạnh nhưng phải đánh để giành thế chủ động và để ngăn chặn bọn cướp nước dừng tay. Nếu ta cứ ngồi yên kêu gọi thì biết bao giờ chúng nghe. Cổ ngữ có câu: “Biết đủ thì là đủ. Chờ đủ thì biết bao giờ đủ”. (Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc). Vua Quang Trung đã có lý và có mưu hay nên thắng quân Mãn Thanh, khiến cho triều đình phong kiến mang đầy tính chất đại hãn cậy thế ỷ quyền mà hiếp đáp kẻ yếu của phương Bắc, phải chấm dứt nuôi mộng xâm lấn nước ta nữa.

Sau khi tập hợp dân quân đầy đủ và đề ra kế hoạch chặt chẽ với chiến thuật đánh quân Mãn Thanh giải phóng kinh đô Thăng Long, ngày 30/12 năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Huệ hùng dũng kéo đại quân ra Bắc, đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ và tiếp quân, tiếp vật phẩm, tiếp cả tâm huyết để nhất quyết thắng được ngoại xâm đang giày xéo quê hương, hãm hiếp đồng bào ta của quân Mãn Thanh. Lúc đó, khắp nơi đều truyền miệng bài thơ đánh giặc như sau:

Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để răng đen

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri nước Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

Dịch nghĩa:

Hai câu đầu nói quyết tâm đánh giặc để bảo vệ nền văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc (truyền thống nhuộm răng đen), nếu không thì bị đồng hóa. Hai câu giữa nói quyết chí tiêu diệt địch khiến cho giặc không còn manh giáp, không một chiếc xe nào trở về nước. Câu cuối có nghĩa: đánh cho chúng biết lịch sử nước Nam anh hùng là có chủ. Một ngàn năm trôi qua, dân tộc Việt Nam vẫn vùng lên giành độc lập, tự do, bảo vệ thống nhất đất nước.

Vua Quang Trung đã hạ quyết tâm với tướng sĩ làm lễ xuất quân tại Nghệ An vào ngày 30 tháng chạp: định ngày 7 tháng giêng (lễ hạ nêu) sẽ vào kinh thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng Tết Nguyên Đán. Nhưng chỉ mới sáng ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789, đại quân ta đã tới Ngọc Hồi (nay là phía nam Khương Thượng) sau khi tiêu diệt cứ điểm của giặc ở Hà Hồi (nay là Thường Tín). Đề đốc Hứa Thế Hanh và tiên phong Trương Sĩ Long tử trận. Quan phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đóng quân ở Đống Đa (nay là quận Đống Đa – Hà Nội) bị quân ta bao vây không lối thoát phải thắt cổ mà chết. Tôn Sĩ Nghị đang ở trong kinh thành nghe tin vội vã đem mấy kỵ binh chạy qua cầu phao sông Nhỉ Hà (Hồng Hà) để trốn thoát và ra lệnh cắt dây cầu phao để cản hậu khiến cho hàng vạn quân Thanh bỏ xác dưới sông Hồng.

Khắp nơi trên con đường chạy trốn, bọn chúng bị quân ta đánh tơi bời, và bị tiêu diệt gần hết. Số sống sót phải luồn rừng, lội suối, phải vứt bỏ các sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân. Có một tên quan chạy theo Tôn Sĩ Nghị thú nhận: “Tôi với Chế Hiến (tức Tôn Sĩ Nghị) đói cơm, khát nước, không kiếm đâu ra được ăn, uống cứ phải đi suốt 7 ngày đêm mới đến trấn Nam Quan (nay là cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn). Đạo quân của Vân Nam và Quý Châu đóng ở địa phận Sơn Tây nghe tin quân, tướng Tôn Sĩ Nghị đã thua cũng rút chạy về Tàu. Vua Quang Trung sai quân tướng của Đô đốc Lộc đem binh đuổi đánh quân Thanh đến cửa Nam Quan. Những dân chúng Tàu ở gần Lạng Sơn khiếp sợ, dìu dắt nhau chạy về Tàu.” (Việt Nam Sử lược – NXB Văn hóa Thông tin – 1999, trang 400).

Tác giả De La Bissachère khi viết về Đông Dương đã nhận xét: “Quân nhà Mãn Thanh bên Tàu do tướng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đem 29 vạn quân sang đánh Việt Nam năm 1788 đã bị quân Tây Sơn tiêu diệt hoàn toàn. Quân nhà Thanh chạy về Trung Quốc còn bốn năm chục người”. (Diễn biến lịch sử 1.000 năm – Nguyễn Thu Cờ, Hội đồng hương Hà Nội, trang 374).

Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1971 đã nhận xét: “Đó là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trọng đại của cuộc kháng chiến là trong thời gian ngắn nhất, dân tộc ta đã phát huy tất cả sức mạnh tinh thần và vật chất của mình, đập tan mưu đồ cướp nước của nhà Thanh được bè lũ phong kiến phản động trong nước hiệp sức, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng. Một trong những mưu đồ xâm lược lớn và nguy hiểm nhất của phong kiến phương Bắc đối với đất nước ta bị bẻ gãy bởi một đòn trời giáng”.(trang 357).

PHẠM VŨ


MẤY LỜI CHIA BUỒN MUỘN MÀNG

       

Chúng tôi vừa được biết tin rất muộn màng là anh Phạm Phú Thành, một thành viên và một cây bút rất năng động của Bản Tin của CLB Sách Xưa và Nay, đã qua đời ngày 30-12-2012.

CLB Sách Xưa & Nay chân thành chia buồn với gia đình anh Thành, và tin tưởng là anh giờ phút này đang vui hưởng niềm vui vĩnh cửu tại Thiên Quốc.

Chúng tôi cũng xin chia buồn với gia đình anh Phạm Thế Cường vì Cụ thân sinh ra anh Cường cũng đã mất mấy tuần lễ trước; tuy nhiên rất may là trong các thành viên của CLB Sách Xưa và Nay đã có Chủ Nhiệm Vũ Anh Tuấn và anh Hoàng Minh đã tới thắp hương và kính viếng hương hồn Cụ hiện đang an vui nơi Miền Cực Lạc.


Vũ Anh Tuấn

                     Chủ Nhiệm


Ký sự

Một thoáng du lịch sinh thái

Bà Nà – Đà Nẵng

Bà Nà là một quần thể nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái (Ba Na hills mountain resort) ở độ cao trên 1.400 mét, tương đương với độ cao của thành phố hoa Đà Lạt, nên hai nơi đều giống nhau về sinh thái và khí hậu.

Bà Nà ở cách xa thành phố Đà Nẵng lối 28 km và nằm ở hướng Tây Nam. Ngày nay đường giao thông đi tới Bà Nà rất thông thoáng và xinh đẹp. Cảnh trí hai bên đường thu hút sự quan tâm của khách du lịch rất nhiều. Từ nội thành Đà Nẵng, xe đưa khách vào đường QL 1A rồi rẽ trái để vào xa lộ số 601 (cắt với xa lộ tới đường hầm Hải Vân để đi Huế). Xe đưa khách theo hướng Tây Nam của đường 601 để tới Bà Nà.

Thời tiết vào những ngày sau Noel và áp Tết Dương lịch ở khu vực Quảng Nam Đà Nẵng thật là tuyệt diệu, cả đêm lẫn ngày. Không khí mát lạnh ở vùng đồng bằng, bờ biển nhưng lại lạnh về đêm. Tới Bà Nà như lên Đà Lạt vào thời điểm ấy khí trời lạnh lẽo. Ngay điểm dừng dưới chân núi Bà Nà đã làm cho du khách bị bất ngờ do độ lạnh tăng đột ngột với mù sương và gió rét vây quanh. Gió rét thổi từng cơn muốn cuốn bay cả người theo với lá khô và mưa phùn. Khu mua sắm, nhà hàng, nhà ga cáp treo dưới chân núi Bà Nà được kiến trúc dạng kiểu cung đình như cố đô Huế. Ngày trước, thời chưa đổi mới, đi Bà Nà là phải lội suối trèo đèo và băng rừng. Ngày nay, ga cáp treo có tên Suối Mơ làm cho du khách hài lòng như đang du lịch ở nước ngoài với nét văn minh hiện đại của nó.

Muốn lên tới quần thể du lịch sinh thái Bà Nà ở độ cao trên 1.400m, du khách phải đi cáp treo theo hai tuyến: Tuyến 1 từ Suối Mơ tới Bà Nà và tuyến 2 từ Bà Nà tới Debay và Morin. Đây là tuyến cáp treo dài nhất chiếm kỷ lục thế giới, dài trên 5 km.

Khi tới ga Debay (nửa đường) du khách không thể đi đứng bên ngoài bình thường nữa, mà phải chạy vào nhà, để trốn cái lạnh với gió rét thổi ào ào như muốn cuốn bay người vật ở bên ngoài đường và sân vườn. Mưa phùn như che lấp cả núi rừng và cảnh quan chung quanh. Phải đi xe ô tô trung chuyển từ ga Bà Nà tới ga Debay để tiếp tục đi cáp treo từ ga này tới ga cuối Morin. Ở khu vực này (lưng chừng núi Bà Nà) có khách sạn, miếu Bà, chùa Linh Ứng, vườn Tịnh Tâm, tượng Phật Thích Ca, sân tennis, nhà hàng Doumer. Nhà hàng có bán các loại chè ngọt nhưng tất cả đều đóng băng. Muốn ăn phải đun nóng, dĩ nhiên với trời giá rét này không thể ăn chè lạnh được. Nhưng ở đây còn có một thú vị nhất giữa trời giá lạnh này là chui vào hầm rượu cổ (Historic Wine Cellar) và khu ẩm thực Le Jardin. Hầm rượu cổ này có trên 100 tuổi, được xây dựng từ thời Pháp chiếm đóng Việt Nam. Do đó Bà Nà có cùng thời với Đà Lạt (cao nguyên Lang Biang) và Sapa (trên ngọn núi Fan Si Pan – Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai).

Cuối cùng du khách tới đỉnh Bà Nà ở độ cao 1.487 mét có đền Lĩnh Chúa Linh Từ. Ở đây có khu vui chơi giải trí (Fantasy Park), nhà hàng Đông Dương (Panaroma) vừa cổ kính vừa lộng lẫy kiểu Pháp (mái nhọn kiểu dáng lâu đài cổ châu Âu) và tất cả kiến trúc này đều chìm trong sương gió Bà Nà.

Trời lạnh, đường đi nhiều dốc và bậc thang với gió rét, sương mù giăng khắp nẻo nên du khách cảm thấy bị chồn chân không muốn đi nữa. Cảnh quan bên ngoài hoàn toàn bị che lấp bởi sương gió lạnh. Có lẽ vào mùa hè thì khu du lịch sinh thái này sẽ hấp dẫn hơn, khách tham quan sẽ đông đảo hơn.

Một buổi trời mùa đông gió rét đầy sương mù trên núi cao, khu du lịch sinh thái với nhiều thắng cảnh và di tích văn hóa – lịch sử dù rất hấp dẫn nhưng không thể làm cho du khách có hứng thú chiêm ngưỡng.

Vương Liêm








Phụ Bản IV

Có và Không

Một chàng thanh niên đến gặp một vị hiền triết để hỏi ý kiến về người vợ tương lai:

- Thưa thầy người yêu con đẹp lắm.

Nhà hiền triết liền ghi một số 0.

- Còn gì nữa.

- Nhà cô ấy rất giàu.

Nhà hiền triết lại ghi một số 0 kế tiếp.

- Cô ấy tốt nghiệp đại học loại khá.

- Tiếp đi con.

- Cô ta có xe xịn…

Nhà hiền triết nọ liền ghi thêm những số 0 nữa. Cứ thế chàng thanh niên khoe bao nhiêu thì hàng số 0 dài bấy nhiêu. Nhà hiền triết nhẫn nại ngồi nghe và ghi riết rồi chàng thanh niên chẳng còn gì để kể nữa khiến cho nhà hiền triết thất vọng toan đứng dậy thì chàng thanh niên vội la lớn:

- Cô ấy rất đạo đức.

Nhà hiền triết ghi ngay vào số 1 vào đầu dãy số 0 và bật ngay dậy ôm chàng thanh niên và nói to:

- Chúc mừng con, con hãy cưới mau lên kẻo đứa khác cuỗm mất.

Thời gian trôi qua, trôi qua thật mau chàng thanh niên bây giờ đã trở nên đĩnh đạc, chàng trở lại và khoe rằng:

- Công việc kinh doanh của con đang vươn lên.

- Hai cháu trai và gái đang học Đại học sắp ra trường.

- Vợ con đang điều hành công ty làm ăn có lãi lớn.

- Chúng con sở hữu 4 căn nhà.

Giống như lúc ban đầu khi được bàn hỏi về hôn nhân, nhà hiền triết lại ghi những dòng số 0 to tướng và dài dằng dặc. Chàng thanh niên chợt nghĩ: “Giá mà ông này là chuyên viên lập trình thì rất giỏi (chuyên gia chuỗi số 0). Nhưng đây là niềm mơ ước của nhiều người mà. Đâu phải ai cũng được như vậy. Chắc ông này tưng tửng rồi. Đang nói chuyện với mình mà cặp mắt nhìn xa xăm như không thấy một con người thành đạt vậy”. Rụt rè chàng khoe:

- Chẳng giấu gì thày chúng con có một số tiền kha khá trong ngân hàng nước ngoài…

Lại thêm con số 0 nữa. Chán thật! Chợt nghĩ ra một điều và chàng la lên:

- Gia đình con hoàn toàn khỏe mạnh không có người đau yếu, vì chúng con rất biết giữ gìn sức khỏe.

Nhà hiền triết ghi ngay vào số 1 vào đầu dãy số 0, bật nhanh dậy ôm chàng thanh niên và nói to:

- Ồ! Chúc mừng con, đó mới là trên cả tuyệt vời. Con thử tưởng tượng khi có cả đống gia sản mà không có sức khỏe thì cuộc đời còn gì là ý nghĩa. Nếu con mất đi thì gia sản chẳng khi nào theo con được. Lúc bấy giờ vợ mình người ta sài, con mình người ta sai. Hãy chăm sóc sức khỏe trước khi sự cố đến, đó mới là người khôn ngoan.

Và rồi khi tóc đã điểm sương, da đã nhăn nheo, chân đã mỏi, chàng lại đến với vị hiền triết khi xưa. Vẫn thói quen cố hữu, chàng lại khoe:

- Cha mẹ con đã lớn tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh.

- Hai đứa con của con đã ra trường và đã có gia đình.

- Vợ chồng con đã nghỉ hưu, lâu lâu lại đi du lịch…

Chàng thanh niên cứ kể còn nhà hiền triết lim dim đôi mắt như chẳng buồn nghe người đối diện vậy. Nhưng có một điều lưu ý là sau mỗi câu khoe của chàng ta thì “lời đáp” vẫn chỉ là con số 0. Những con số 0 này hình như lại to hơn, chắc nịch hơn những con số 0 thời xa xưa. Chàng nghĩ thầm: “Chắc mình không gặp lại ông này nữa đâu, so với nhiều người đây là sự thèm thuồng, ao ước của họ. Chả trách chung quanh ông quá thanh đạm, đơn sơ, sống một mình, chỉ có điều nhìn khuôn mặt cụ luôn thư thái an nhàn”. Càng nhìn kỹ khuôn mặt cụ, chàng thấy như cụ muốn hỏi: “Chỉ có bấy nhiêu con số 0 thôi sao?”.

- A! Trong gia đình chúng con, từ ông bà cho đến anh chị em xuống đến con cháu luôn có sự hòa thuận nâng đỡ nhau, giúp nhau khi gặp hoạn nạn, khi vui cũng như lúc buồn luôn có nhau, mỗi tuần mọi người đều quy tụ tại nhà ông bà, thăm hỏi ông bà và khề khà bên nhau một vài lon bia hay vài ly đế, chén canh hay con khô mực do mỗi gia đình mang lại. Thật là tuyệt vời! Nếu cụ hiện diện tại đó mới thấy chúng con sung sướng như thế nào.

- Ồ! Tờ giấy này không đủ chỗ cho ta quệt con số 1 đầu dòng to tướng. Con biết không? Ông bà ta có câu: “Cháy nhà mới lòi mặt chuột”. Bạn bè, nhất là ‘bè’ sẵn sàng ‘dô’ nhưng cũng nhanh nhẩu ‘dọt’ khi chúng ta gặp sự cố.

Chỉ có gia đình là nơi sẵn sàng giang tay đón chúng ta trở về.

Chỉ có gia đình mới chia sẻ những thất bại của mình,

Chỉ có gia đình mới là nơi nhường cơm sẻ áo,

Chỉ có gia đình mới là người sẵn sàng chìa vai cho chúng ta tựa vào những lúc cần.

Đôi mắt nhân từ của nhà hiền triết chợt sáng lên, với giọng cao hơn và mạnh hơn:

- Con à, cuộc đời của con ta đã ghi nhiều con số 0, số sau còn to hơn số trước. Nhưng chỉ có 3 con số 1 chắc con còn nhớ chứ?

Số 1 đầu tiên đó là phải có ĐẠO ĐỨC,

Số 1 kế tiếp là phải có SỨC KHỎE,

Số 1 sau cùng là hãy luôn sống trong đại gia đình YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ.

Chúc con luôn sống trong 3 con số 1 trên.

Mùng 1 Tết Xuân Qúy Tỵ

Hà Mạnh Đoàn

1 0000000000000000


MỘT BÀI VIẾT 80 NĂM TRƯỚC

CÂU CHUYỆN ĐỌC SÁCH

ĐỌC SÁCH NÊN ĐỌC THẾ NÀO?

Con người ta muốn cầu học, tất phải lấy sự đọc sách làm đầu. Song tôi thiết tưởng đọc sách không phải chỉ là một cách mở cuốn sách nào ra cũng thế, cứ để mắt ngó vào đó, óc nghĩ vào đó mà đủ. Sự đọc sách cũng có phương-pháp của nó mới được.

Vậy thì phép đọc sách nên phải thế nào?

Đối với vấn-đề ấy, cái ý-kiến của những bực túc-học danh-sư họ chỉ bày cho người đời đọc sách, có thể tóm tắt lại hai câu như vầy:

1. Tùy mỗi thứ sách phải đọc một cách.

2. Tùy mỗi người đọc nên dùng một cách.

Nói gọn gàng vậy, e có nhiều người chưa hiểu rõ, nên tôi muốn thuyết minh hai cách ấy ra dưới đây.

Tùy mỗi thứ sách nên đọc một cách, đại khái có ba điều cốt yếu như sau nầy, phần riêng tôi đã từng thiệt-hành kinh-nghiệm thấy có bổ-ích cho mình rõ ràng.

a) Những sách văn-học, nhứt là những sách thi-ca, nên đọc cho thuộc. Còn sách triết-học, khoa-học, thì nên đọc cho tới thấu suốt hiểu rõ đại-ý là đủ, và như vậy mới thiệt là hữu ích cho sự học-vấn tư-tưởng của mình, chớ không cần phải rán nhớ lấy từng câu làm gì. Là bởi các sách khoa-học, triết-học, chẳng qua là do văn-tự để tới cái trí-thức, đó mới chính là chỗ cần dùng bổ-ích cho mình; còn sách văn-học, thì mình biết ngay bổn-thân của nó, cho nên phải đọc nó cho thuộc là tại nơi đó.

b) Phàm những sách có hệ thống, nghĩa là có đầu có cuối, thì mình phải đọc bắt đầu từ trương thứ nhứt cho tới trương chót hàng chót. Chớ có đọc nhảy chặng, cũng đừng đọc nửa chừng trở đi.

Còn sách không có hệ thống, thì bất tất phải đọc như thế; muốn đọc nửa chừng nửa đoạn cũng không sao. Ví dụ như một tập thơ, hay một cuốn bút-ký, cuốn chép từng chuyện ngắn, thì tứ ý mình không cần bó buộc phải đọc từ đầu sách trở đi.

c) Những sách xưa, mình nên lấy con mắt của mình là người đời nay mà đọc, chớ đừng nên để cho sách nó sai khiến cám dỗ mình quá.

Không thế thì óc mình sanh ra sự câu nệ, và mất cái tánh tự-do tư-tưởng của mình đi. Đối với sách nước ngoài, mình muốn đọc cũng phải vậy.

Còn thế nào là tùy nơi mỗi người phải có một cách đọc?

a) Theo nhà khoa-học dạy cách đọc sách, thì mỗi người đều phải đọc một cách cẩn-thận tinh-tường; dầu một chữ một câu, cũng phải để ý tìm tòi suy nghĩ cho hiểu thiệt rõ mới thôi.

Nhưng một bực thi-nhơn của Trung-quốc đời xưa là Đào-uyên-Minh thì lại nói: “Đọc sách không cầu hiểu quá” (Độc thơ bất cầu thậm giải)! Vậy thì Đào-uyên-Minh nói sái chăng?

Có một nhà văn-học Tàu bây giờ đã viết bài bày tỏ ý-kiến của Đào-uyên-Minh và binh vực cái thuyết ông ta như vầy: “Bởi Đào-uyên-Minh là một nhà văn, phàm nhà văn đọc sách, chỉ cốt tìm lấy cái chơn-thú ở trong sách là đủ, dầu gặp một hai chữ không hiểu cũng chẳng sao. Ví dụ trong bài Sở-từ có câu: “Tịch san thu cúc chi lạc anh” (nghĩa là: buổi chiều lượm lấy những cánh bông cúc mùa thu rụng xuống mà ăn); câu đó nếu nhà nghiên-cứu thực-vật đọc tới, chắc phải tỉ-mỉ suy xét coi bông cúc có rụng xuống hay là không. Vì Sở-từ nói rằng bông cúc rụng xuống (lạc-anh) song sự thiệt thì bông cúc không rụng xuống bao giờ! chỉ có sau mùa thu rồi, thì nó ở trên cành khô héo lần đi mà thôi, như vậy chẳng phải Sở-từ nói bông cúc rụng xuống là không đúng sao! Song một phái văn-học đọc tới câu đó, chỉ muốn nếm lấy cái giã-thú của mấy chữ “ăn bông cúc” là đủ, còn thiệt bông cúc rụng cũng là là, không rụng cũng là, chẳng thành vấn-đề cho một nhà chỉ ưa văn mà thôi!”

b) Theo lời một nhà học-vấn chuyên-môn nghiên-cứu, thì đọc sách cần phải đọc từ ly từ chút, dầu một chữ cũng không nên khinh thường bỏ qua.

Cái ý-kiến đó trái với ý-kiến của một nhà đại chánh-trị nước Tàu ở đời Tam-quốc là Gia-cát-Lượng nói rằng: “Đọc sách chỉ xem qua đại-ý”. Có lắm nhà chánh-trị và khoa-học phương Tây và ở nước ta cũng nói như vậy; họ bảo người ta ở đời nầy lo sanh-tồn hoạt-động, có ngày giờ đâu đọc sách mà nhai nghiền từng chữ cho được.

Thiệt vậy, nếu mình muốn tâm tư trí não mình được mở ra phóng khoáng tự-nhiên, và con mắt có thể ngó cho xa rộng, thì đọc sách cầu hiểu đại-ý cũng nhiều rồi, nếu mình tỉ-mỉ nhai nghiền từ chữ, thì bị sách trói buộc tư-tưởng của mình đi mất.

CHÉP SÁCH, LỰA SÁCH

Chép sách, nhiều người nhìn nhận là một việc rất bổ-ích. Mình lựa cuốn nào mình ưa, mà chép lại một lần, hơn là cầm nó đọc mười lần. Thời-kỳ mình còn đi học, làm vậy có thể giúp ích cho mình nhiều lắm.

Sở dĩ chép sách, để cho mình rèn tánh và ghi nhớ lấy chữ nghĩa cho quen, khi cần dùng tới, có thể tự-nhiên nó phát ra ở trí não mình, khỏi phải lúng túng gì hết. Tôi nghe lắm người nói họ có cái kinh-nghiệm đó giúp cho họ khi làm văn kiếm chữ được một cách dễ dàng.

Những người không cần dùng chép nguyên từng cuốn sách, thì cũng nên ghi chép lấy những câu nào mình cho là hay, đắc-ý với mình, để khi khác viết văn muốn trưng dẫn ra, thì sẵn có đó, khỏi phải mất công mở sách ra tìm kiếm một lượt nữa.

Đã vậy mà những sách mình đọc, cần phải biết lựa chọn mà mua mà đọc, chớ không nên vớ lấy sách nào cũng đọc, chẳng những mất ngày giờ vô ích, mà có khi làm hại đến trí não của mình là khác. Nhứt là những kẻ tuổi còn trẻ, óc còn non, sự đọc sách nếu không coi chừng, sẽ có ảnh-hưởng không hay cho họ về sự học-vấn tư-tưởng nhiều lắm. Bởi vậy, cha mẹ hay là bực làm huynh-trưởng phải nên coi chừng tới sự đọc sách của bọn con cháu em út, nếu thấy chúng đọc những sách bậy bạ thì nên ngăn cản ngay đi.

Chính thanh-niên cũng nên tự-giác về chỗ đó, đừng bạ sách nào cũng đọc; nếu tự mình không biết lựa chọn thì phải hỏi người biết họ chỉ vẽ dìu dắt cho mình hay những sách nào là sách nên đọc trước sau hoặc lợi hại. Bên Tây, người ta chú ý đến sự đó lắm; ta chẳng thường thấy có những nhà học-vấn mô-phạm rao trên báo rằng ai muốn đọc sách, thì tỏ bày trình-độ học-thức và khuynh-hướng tư-tưởng của mình cho các ổng biết, để các ổng chỉ sách ra cho mà đọc.

Xứ ta, không ai lo dẫn thanh-niên về chỗ cần dùng nầy, thành ra họ đọc lầm phải những sách xằng truyện nhảm mà sanh ra chán đời, sanh ra mất nết, thiếu gì. Chắc độc-giả không quên nhiều khi có cô tự-tử, chỉ vì đọc tiểu-thuyết ru ngủ quá. Cách mấy năm trước, Hànội đã có một vụ nữ-sanh tự-tử làm rùm dư-luận lên đó là gì! Bởi vậy sự đọc sách giúp cho người ta thêm giỏi thêm khôn, mà báo hại người ta thành hư thành bậy cũng có, thế thì đọc sách chẳng nên thận trọng sao được.

T.V.

H.K.THƯ st


Truyện cười ngày Xuân

BỢM NHẬU ĐI BÁC SỸ

Có một bợm nhậu đi khám bác sỹ, bác sỹ khuyên anh ta không nên uống quá nhiều. Bác sỹ đem ra một xô nước, một xô rượu và một con bò. Con bò liền đi đến xô nước uống nước. Bác sỹ nói:

- Anh thấy chưa, con bò cũng biết là rượu có hại cho sức khỏe.

Người bợm nhậu hỏi lại bác sỹ:

- Thế giữa hai xô rượu và xô nước, bác sỹ sẽ chọn uống xô nào?

- Đương nhiên là xô nước rồi, bác sỹ trả lời.

Người bợm nhậu liền nói:

- Đúng là ngu như bò !!!


HÍT RA THỞ VÀO

Trăm năm trong cõi người ta.

Ai ai cũng phải hít ra thở vào.

Trăm năm trong cõi người nào.

Ai ai cũng phải hít vào thở ra.

Xa xa như nước Cu-Ba.

Người ta còn phải hít ra thở vào.

Gần gần như cái nước Lào.

Người ta cũng phải hít vào thở ra.

Nói chung trong cõi người ta.

Bắt buộc là phải thở ra hít vào.


NẾU NHƯ EM LÀ…

Nếu như em là phở… Anh sẽ là nước lèo…

Đời có cuốn vèo vèo… Ta bên nhau em nhỉ?

Nếu như em là cột… Anh sẽ làm căn nhà…

Dù bão tố phong ba… Vẫn ôm em, che chở!!!

Giả như em môi sứt… Thì anh cũng rốn lồi…

Lồi rốn với sứt môi… Hai ta đi cùng lối…

Giả như em sợ tối… Anh sẽ là ngọn đèn…

Dù dầu đắt xăng lên… Anh vẫn luôn tỏa sáng!!!

Còn nếu em là ván… Anh sẽ làm cái đinh…

Đóng một triệu chuyện tình… Cũng không khi nào hết!!!

Nếu em hay nói dối… Anh nói dóc như thần…

Hai chúng mình thành thân… Rủ nhau lừa thiên hạ!!! 




CHẾT SƯỚNG HƠN…

Một chú muỗi đực đang tà tà bay qua, bay lại thì bất ngờ, bị người kia xòe bàn tay đập cái chát. Chết, dẹp lép.

Quá uất ức, linh hồn muỗi không siêu thoát được mà bay lại bay vút lên trời xanh, vượt qua trăm ngàn tinh tú đến cúi lạy trước Thượng Đế khóc lóc:

- Thưa ngài, con có làm chi nên tội đâu mà để bị loài người đập chết thẳng tay như vậy. Xin ngài cứu xét cho con được hồi sinh.

- Thế anh có chích người ta không.

- Thưa không. Hoàn toàn không. Chỉ có đám muỗi cái khát máu mới rủ nhau đi chích người ta. Đám muỗi đực tụi con là dân "chay trường". Bữa nào vui lắm cũng chỉ rủ nhau đi hút mật hoa mà thôi.

Thượng Đế gọi đám kỹ sư mang blue print ra coi lại.

Kỹ sư trưởng coi xong, kính cẩn:

- Thưa Thượng Đế, theo bản design của ngài hồi khai thiên lập địa thì chỉ có muỗi cái trưởng thành mới chích hút máu người và động vật máu nóng để nuôi trứng phát triển duy trì nòi giống. Muỗi cái có vòi dạng đặc biệt có thể xuyên thủng da người và động vật để hút máu. Muỗi cái cần hút thêm máu để có nguồn protein để sản sinh ra trứng. Còn muỗi đực được design với 1 cái vòi có đầu loe ra như hình loa kèn chỉ để mút những giọt sương đêm đọng trên hoa trái hoặc mật hoa mà thôi, tuyệt đối không chích ai được. Tóm lại, muỗi đực là dân "ăn chay trường".

Quay qua muỗi đực, Thượng Đế trầm ngâm:

- Thế anh có "chích" mấy nàng muỗi cái không?

Muỗi đực lật đật lại sát gần Thượng Đế, trình ngài xem cái vòi toè loe của mình rồi phân bua:

- Thưa ngài, xin ngài coi lại xem, cái vòi này mà chích được ai!

- Anh hiểu sai ý ta rồi. Ta hỏi anh có "chích" muỗi cái bằng cái vòi khác cơ, cái vòi ở dưới kia kià.

Vừa nói, ngài vừa chỉ tay vào hạ thể muỗi đực. Muỗi đực cúi đầu, gãi tai, thú nhận:

- Thưa, cái vụ này thì có. Có đều đều.

Suy nghĩ hồi lâu, Thượng Đế phán:

- Chính vì anh "chích" con muỗi cái, nó có bầu, nó cần protein để nuôi con anh, nó mới phải đi chích máu người. Nếu anh đừng chích nó thì nó cũng chỉ hút sương, hút mật, cũng "trường chay" như anh thôi... Kể cũng không oan uổng gì...

Thượng Đế chưa dứt lời thì muỗi đực, biết mình đuối lý, bật khóc nức nở.

Thượng đế mềm lòng:

- Thôi được, ta có thể cho anh sống lại với một điều kiện

- Điều kiện gì, thưa ngài?

- Anh sẽ không bao giờ được "chích" muỗi cái nữa. Anh có bằng lòng không?

Muỗi đực cúi đầu, suy nghĩ 1 lát, lẩm bẩm như là nói với chính mình:

- Nếu vậy, chết sướng hơn.

H.C. sưu tầm


ĐÀM LAN

Trời ẩm rình. Những quầng mây màu xám bạc vẫn chen nhau rủ lưng chừng trong không gian, rõ ràng là chúng chưa hề có ý định tản đi nơi khác, ít nhất là trong khoảng 24 giờ tới, mặc dù chúng đã làm những vị khách không mời từ sẩm chiều hôm trước. Thời tiết thường có một tác động nhất định đến tâm trạng, trong hoàn cảnh này thì sự hăng hái, hưng phấn, sôi nổi và đầy hứng thú là điều rất khó. Và cho dù không có điều gì đáng để buồn bã, sầu muộn, thì ít nhất tâm trạng người ta có một chút gì chùng xuống, bâng khuâng và man mác, có thể hoài niệm một cái gì đó cụ thể, nhưng cũng có thể vì một mơ hồ, thoang thoảng không dễ gọi tên. Lại là khi người ta chỉ ngồi một mình, không gian tịch lặng, trong cái lạnh buôn buốt, trong âm thanh rào rạo, rào rạo của những vạt mưa đáo qua. Nếu là một cơn giông hay một cơn mưa rào to thì lại là khác, trạng thái tiếp nhận, đối phó rất rõ ràng và hạn định trong một quãng thời gian ngắn. Nhưng đàng này, cái ảm đạm kéo dài của tiết trời, kéo theo trạng thái cũng ủ ê kéo dài của hồn người. Chợt nghĩ đến muốn tỉ tê với một ai đó. Tình cảnh không mấy màu sắc này lại vô cùng thích hợp cho sự lan man chuyện trò, cho những nguồn cơn nỗi lòng được gợi mở và tuôn trào. Nhưng vấn đề là ở chỗ đối tượng cho cuộc trò chuyện ấy là ai? Bởi thông thường không phải người ta luôn dễ dàng thổ lộ những tâm tư mình với một người bất kỳ. Mà phải là một người có cùng một nhịp độ giao cảm, có cùng một trạng thái tâm lý, và phải là người đã biết về nhau, hiểu về nhau khá nhiều rồi cơ. Cho dù khi tâm sự thường là chỉ đem chuyện mình ra kể, nhưng ít nhất phải nhận được một tinh thần quan tâm và chia sẻ từ người được nghe, nếu không, rõ ràng chỉ rơi vào một tình thế không hay ho gì. Trong thời tiết này, nếu phải bước chân ra đường thì chỉ có thể với một lý do bất khả kháng nào đó, còn lại thì là một sự vô lý, thậm chí còn gọi là điên điên, man man gì đó cũng không sai. Cho nên cách tốt nhất là vận dụng (hay tận dụng, lạm dụng đều đúng cả) một thứ phương tiện mà từ nền khoa học phát triển của thế giới đã xuất hiện trong đời sống con người từ rất lâu rồi. Cái thứ phương tiện đã đem lại rất nhiều tiện ích, mà có nó người ta đã giảm được rất nhiều thời gian và những chi phí khác. Thứ phương tiện này được cài đặt một loại thanh âm rộn rã, mỗi khi nó cất lên cứ như là một tiếng gọi reo vui nào đó, luôn thúc giục người ta phải mau bước tới. Khoa học càng phát triển thì thanh âm của nó càng đa dạng, càng đem đến cho con người rất nhiều sự lựa chọn, qua đó người ta có được cảm giác thích thú hoặc dễ chịu biết bao. Nó nối liền và thu ngắn mọi khoảng cách, những con số đo độ dài địa lý không còn là một sự bận tâm. Quả là trí thông minh của loài người là điều tuyệt bích nhất của thế gian. Có thế con người mới có thể chinh phục và thống trị muôn loài được chứ.

Trở lại với vấn đề chính, có nghĩa là tôi đang có một nhu cầu, một nhu cầu rất lớn, rất cụ thể, rất hiện hữu, là được trò chuyện cùng ai đó, một cuộc trò chuyện có thể là rất nhiều đề tài, tùy vào sự ngẫu hứng của cả hai. Và trước mặt tôi là chiếc điện thoại, thứ vật dụng có tính năng tuyệt vời mà tôi đã đề cập đến kia. Và cái thú chuyện vãn qua điện thoại không chỉ là sở thích của một con số khiêm tốn, mà có lẽ nó luôn tiềm ẩn trong mỗi người. Đôi khi người ta phải hết sức và có nhiều biện pháp để hạn chế nó, nếu không thì tình trạng ùn tắc sẽ không chỉ xảy ra ở những giao lộ vào giờ tan tầm, kèm theo là những tổn thất khó lường. Và đây, cái ống nghe đang chờ tay tôi nhắc, những con số nhẫn nại đang chờ ngón tay tôi lướt qua. Bộ nhớ của tôi đang hoạt động tích cực, nó điểm qua một loạt những guơng mặt, không chỉ là gương mặt, mà bao gồm cả những tính cách và mức độ của những mối quan hệ nữa, thân có, sơ có, gần có, xa có. Để chọn được một trong hàng dãy thật chẳng dễ chút nào. Trong khi tôi còn chưa giải quyết được sự gút mắc trong mình, thì bất thần, một tràng thanh âm rộn rã dội vào tai tôi, khiến tôi giật thót người, vì sự đột ngột và cũng vì một niềm vui chợt vỡ, cái giải pháp tôi không hề tính tới đã hiện ra đúng lúc. Tiếng chuông thứ hai vừa dứt, cái ống nghe được áp vào tai, một tiếng Alo kèm theo chút mong chờ rằng từ đầu dây bên kia sẽ là một âm sắc quen thuộc nào đó, hay nhất là một trong số vài gương mặt mà tôi vừa điểm qua, như thế cũng có nghĩa là một tần sóng được thu và phát đúng lúc.

- Xin chào.

Một giọng nam trầm nhè nhẹ, tôi chưa kịp nhận ra là lạ hay quen, đáp lại câu chào với thái độ thăm dò:

- Vâng, chào anh.

- Vâng, chào cô, may quá…

Tôi ngạc nhiên, giọng nói lạ, tôi khẳng định là thế, vì thính giác tôi có độ thẩm âm khá nhạy, nhất là những giọng nói, đúng là chất giọng này tôi chưa nghe bao giờ, sao anh ta lại bảo là may? Sự nghi vấn tuột khỏi môi tôi:

- May? Vì sao ạ?

Phía bên kia như có một tiếng cười nhẹ.

- Tôi nói may là vì tôi đã được gặp một giọng nữ.

Cái gì? Tôi càng ngẩn ngơ hơn với câu nói khó hiểu phía bên kia. Chắc là một sự nhầm lẫn nào đây.

- Có lẽ anh nhầm số một cơ quan nào đấy phải không ạ?

Lại một tiếng cười nhẹ.

- Vậy đó là nhà riêng ạ?

- Vâng, nhà riêng. Anh muốn tìm ai ạ?

- Tôi… tôi không tìm ai cả.

- Ư…

- Xin lỗi, tôi không làm phiền cô chứ?

Tôi đã hơi bực mình, nhưng vẫn nhẹ giọng vì chưa biết mục đích của người đang đối thoại là gì.

- Làm phiền thì không, nhưng hình như tôi chưa có hân hạnh được quen biết anh thì phải.

- Chưa quen thì bây giờ quen cũng được mà, tôi cũng vậy thôi.

Thế này là thế nào nhỉ, chả lẽ bỏ máy ngang thì bất lịch sự quá. Mất cả hứng thú, tưởng đâu…Dường như đoán biết tôi đang nghĩ gì, đầu dây lại cất tiếng:

- Xin cô đừng vội bỏ máy. Thế này cô ạ. Chắc cô cũng thấy thời tiết đang rất xấu phải không?

Một chút gì đó động đậy, để xem.

- Vâng, điều hiển nhiên đó đang có mặt khắp nơi.

- Tôi đang ngồi một mình trong một căn phòng rộng, rất buồn khi nhìn trời mưa gió và ảm đạm thế này. Tôi bỗng muốn trò chuyện cùng ai đó (à, giống mình) và tôi chợt nảy ra một ý nghĩ, biết đâu tôi sẽ tìm được một người bạn mới trong một ngày mặt trời không ngự trị trên thế gian này (ái chà, nghe có vẻ văn chương gớm nhỉ). Và thế là tôi bấm một hàng số ngẫu nhiên.

- Tôi hiểu rồi. Nhưng sao anh lại cho là may khi gặp một giọng nữ?

- Vâng, rất may nữa là khác. Đã là giọng nữ, lại còn có vẻ chấp nhận một cuộc điện thoại đường đột thế này, nếu như tôi gặp một giọng của anh bạn nào đó chắc cũng chẳng sao, câu chuyện sẽ đi theo chiều hướng khác, còn nếu là giọng một người già hay một chú nhóc, thì chắc tôi sẽ lại thử vận may của mình vào một lúc khác rồi.

Tôi đã cảm thấy có gì lôi cuốn trong trò chơi này rồi đây. Ý tưởng của anh ta không tệ đấy chứ. Ít ra cũng có một cái gì đó khá mới mẻ. Thì cứ tiếp tục xem sao.

- Cứ cho đúng là anh gặp may đi, nhưng không biết tôi đang gặp vận gì đây?

- Hy vọng là không tệ lắm và nếu không muốn tiếp tục, cô có quyền từ chối, tôi sẽ xin lỗi và rút lui có trật tự.

Trong đường dây rộ lên tiếng cười từ cả hai đầu. Không khí đã khác đi nhiều.

- Bây giờ có lẽ chúng ta đã có thể trò chuyện một cách tự nhiên thoải mái rồi chứ nhỉ.

- Còn phải xem các tình tíết diễn biến thế nào đã chứ ạ.

- Ồ, tất nhiên, này cô bạn thân mến, nếu không có gì là quá đáng, cho tôi xin môt cái tên cho dễ trao đổi đuợc không ạ?

- Tôi nghĩ nãy giờ chưa cần đến một cái tên, chúng ta vẫn trao đổi thuận tiện đó thôi. Vả lại, có lẽ còn quá sớm cho một trích lục đấy ạ.

Một tràng cười như một sự chấp nhận bất đắc dĩ.

- Hình như tôi đang gặp một đối thủ nặng ký thì phải.

- Đó là ý nghĩ của riêng anh thôi, và anh đã cảm thấy ân hận vì sự ngẫu hứng của mình chưa?

- Chưa. Mà đúng hơn là không bao giờ.

- Anh có từng nghĩ tự tin rất gần với chủ quan không?

- Có thể, nhưng trong trường hợp này thì không? Nghe cô nói chuyện, tôi có cảm giác cô là một típ phụ nữ thuộc về xã hội. Chắc cô cũng đang công tác trong một công sở nào đấy phải không ạ?

- Kế hoạch thăm dò đối thủ của anh thất bại rồi, anh cho rằng phụ nữ có chút cá tính và hiểu biết nhất thiết phải là người trong công sở sao?

- Không, không hẳn thế, nhưng ít ra đó cũng là một môi trường thích hợp. Tuy cũng có rất nhiều loại công việc độc lập, nhưng môi trường hoạt động và tiếp xúc rộng thì vẫn có thể cho đó là mảng xã hội được chứ.

- Đồng ý. (Anh chàng này cũng có vẻ trình độ đây)

Một khoảng lặng cần thiết, tôi mỉm cười, cũng hay, có vẻ một người bạn mới là điều hẳn nhiên rồi vậy. Đúng là cầu được ước thấy, không biết lúc nãy tôi suy tư vào giờ gì mà linh thế nhỉ?

- Cô có tin vào chữ “duyên” không?... Ý tôi nói chữ “duyên” trong đạo Phật ấy, chữ “duyên” theo nghĩa rộng đó mà.

- Tôi hiểu, tôi hiểu, tôi tin chứ. Tất cả mọi thứ trên đời này, kể cả người lẫn vật, có gặp được nhau hay không cũng là nhờ vào chữ “duyên” ấy đấy.

- Đúng vậy, tôi cũng rất tin vào điều đó, và cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay là một minh chứng rõ rệt phải không?

- Có lẽ thế.

- Không phải là “có lẽ”, mà chắc chắn là thế.

Tôi cười, thừa nhận.

- À mà tôi có làm gián đoạn công việc gì của cô không đấy?

- Ồ không, trước lúc chuông reo tôi cũng đang nhìn trời thôi mà.

- May quá, như vậy rõ ràng hôm nay là một ngày tốt với tôi.

- Người ta thường mong những điều suôn sẻ, tốt đẹp vào một ngày đẹp trời nhưng với một ngày hôm nay cũng không thể gọi là xấu, anh nhỉ?

- Vâng, thực ra tốt hay xấu là tùy thuộc vào suy nghĩ, quan niệm và hành động của mình cả thôi cô ạ. Nếu với một ý nghĩ u ám, một hành động đen tối, một quan niệm bạc nhược, thì dù cho trời có nắng ráo, sáng sủa, đẹp đẽ đến đâu cũng không có tác dụng gì hết.

- Nghe anh nói, tôi cảm giác anh là một nhà văn.

- Không không, tôi không có cái duyên may ấy đâu, nhưng tôi cũng rất thích đọc sách. Có lẽ nhờ thế mà không đến nỗi để cô chán chuyện của tôi chăng?

- Này, anh tự tin hay tự phụ đấy?

Một tiếng cười nho nhỏ, tôi tiếp:

- Tôi cũng rất thích đọc sách, đó là một thế giới muôn màu, một đại dương bao la mà có bơi hết một đời cũng không đến được bờ bên kia.

- Rất đúng, có điều sách bán giá cao quá, nên không thể thường xuyên ghé hiệu sách được.

- Anh thử đến Thư viện tỉnh xem.

- A, một ý kiến hay đấy, cảm ơn cô rất nhiều.

- Không có gì.

Lại vài giây cho sự im lặng, nếu tiếp tục không biết câu chuyện còn dẫn đến bao nhiêu đề tài khác nữa nhỉ? Một chút nữ tính nhắc nhở, lần đầu tiên nói chuyện với một người hoàn toàn xa lạ với một thái độ thiếu cẩn trọng chắc chắn không phải là sự khôn ngoan rồi, nếu để câu chuyện dẫn dắt đi xa đến mức khó kiểm soát thì kể ra cũng hơi mạo hiểm, mặc dù tôi không phải là người quá kỹ tính, nhưng sự chừng mực chắc không thừa. Và nếu muốn thì đây đâu phải là lần chuyện trò duy nhất. Suy nghĩ phát ra hành động.

- Chắc là chúng ta nên tạm dừng câu chuyện ở đây chứ nhỉ?

Có vẻ đề nghị đột ngột của tôi làm cho anh bạn bên kia bị hẫng.

- Dừng á? Cô có việc bận sao?

- Không hẳn thế, nhưng hình như đã quá nhiều cho một buổi sơ giao rồi đấy.

- Tôi thấy như là còn quá ít.

- Không nên ăn quá nhiều một lúc, ta sẽ thấy mất thú vị đi, biết để dành và biết chờ đợi cũng là một cái thú đấy anh ạ.

- Thế thì xin vâng lời cô vậy. Tôi có thể gọi lại vào một lúc khác chứ?

- Vâng.

- Hy vọng lần sau sẽ có được một chút thông tin về cô nhé.

- Tôi cũng đã biết gì về anh lắm đâu.

- A, thế là huề nhé. Vậy hẹn gặp lại lần sau.

- Vâng, hẹn gặp lại. Chúc anh mọi điều vui vẻ.

- Tôi cũng chúc cô mọi sự tốt lành. Xin chào cô.

- Vâng, chào anh.

Vài giây luyến tiếc mới có tiếng đặt máy xuống. Tôi cũng mỉm cười gác máy. Nhìn ra ngoài trời, không gian vẫn không có gì thay đổi, nhưng trong mắt tôi bây giờ, cảnh vật cũng khác trước rất nhiều, thậm chí còn có vẻ hay hay, đáng yêu nữa kia. Câu nói của người bạn mới văng vẳng: Tốt hay xấu, tùy thuộc vào suy nghĩ, quan niệm và hành động của mình mà thôi. Quá đúng. Ơ thôi rồi, tôi quên không hỏi số điện thoại của anh ta rồi. Nhưng không sao, chắc chắn anh ta sẽ còn gọi lại mà, và cái gọi là “may” chắc không chỉ có nghĩa đối với anh ta đấy chứ. Hẳn là thế rồi. Tôi cảm giác một sự phấn chấn trỗi lên trong lòng, với tay nhấn vào một cái nút của chiếc máy đĩa, một giai điệu mượt mà vang lên. Ngoài trời mưa vẫn khúc nhặt khúc thưa, rỉ rả, rỉ rả…

ĐÀM LAN


|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế