Hiện có 11 người xem / 2309650 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 08/3/2014

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách tương đối cổ mà ông có. Cuốn đầu tiên mang tựa đề là: “Chủ Nghĩa Nhân Văn của Thế Kỷ thứ 20” (L’Humanisme du XXème Siècle) của tác giả André Ulmann được xuất bản năm 1946 (68 năm trước) mà nội dung là những triết luận về những con người trẻ của thế kỷ 20, thí dụ như “Sức mạnh của con người trẻ trong việc truy tìm tự do”, “Con người và lịch sử”, “Con người trẻ, nghệ thuật và văn hóa” vân vân… Cuốn sách này đã được một người chơi sách nước ngoài đề nghị người có nhường cho anh ta với một giá tiền khá cao, nhưng không chịu cho biết lý do, và anh ta tưởng rằng với giá tiền anh ta đề nghị, người chủ sách sẽ hai tay dâng lên ngay… Nào ngờ chủ sách chỉ cần dở vài trang đầu đã biết ngay lý do, và đã từ chối không nhường để giữ chơi. Lý do đó đơn giản là ngay ở tờ đầu cuốn sách, nơi mặt sau, có một minh họa thạch bản (lithographie) của nhà danh họa Picasso khá đẹp, và ngay lúc này mỗi tranh thạch bản được dùng làm phụ bản cho một cuốn sách đều khá mắc trên thị trường quốc tế. Cuốn thứ hai là một cuốn thuộc loại sách đẹp cho người chơi sách nhan đề là “Hoa Cúc Phu Nhân” (Madame Chrysanthème) của nhà văn Pháp Pierre Loti, đồng thời là một sĩ quan Hải quân của Pháp. Cuốn truyện loại đặc biệt này có rất nhiều minh họa nguyên trang bằng màu của một họa sĩ minh họa nổi tiếng tên là Sylvain Sauvage, đã được in năm 1936 (78 năm trước) trên giấy velin hơi dầy nhưng cực đẹp. Truyện được viết theo dạng hồi ký kể về việc tác giả “tạm cưới” một cô gái Nhật trong khi đóng quân ở Nasagaki hồi cuối thế kỷ 19. Cuốn sách được in năm 1887, và được tái bản đi tái bản lại 25 lần trong 5 năm đầu, cũng như đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Anh. Cuốn sách đã cho người đọc biết một chuyện “làm vợ thuê” ở Nhật mà ít người chúng ta được biết tới. Và kỳ cục nhất là theo sách, sau khi hết hạn làm vợ thuê, cô gái Nhật đó lại có thể tỉnh bơ lập gia đình với một thanh niên Nhật, coi như chẳng có gì quan trọng đã xảy ra. Sau khi được giới thiệu nội dung, các thành viên đã được xem những phụ bản màu cực đẹp.

Sau phần giới thiệu sách anh Phạm Vũ đã nói chuyện về ngày 8-3 là ngày Phụ Nữ.

Ngay lúc đó người viết nhận được điện thoại cho biết bà xã ở nhà bị té ngã, nên đã phải xin lỗi các thành viên để hồi gia gấp lo cho bà, và nhờ Lm. Triết, Cố vấn của CLB điều khiển nốt cuộc họp, và cuộc họp đã kết thúc lúc 11 giờ 15 như thường lệ.







Vũ Thư Hữu

ĐỘNG LỰC NÀO

KHIẾN TÔI HAM TÌM VÀ GIỚI THIỆU

NHỮNG CỔ THƯ CẢ TRĂM NĂM TUỔI

CỦA CÁC TÁC GIẢ ĐÔNG DƯƠNG

VIẾT VỀ VIỆT NAM ?

Tôi được một vài ông, và vài bà bạn già, chất vấn hỏi tại sao và vì động lực nào mà tôi lại ham tìm, và giới thiệu các cổ thư cả 100 năm tuổi của các tác giả Đông Dương như thế? Tôi liền trả lời họ rằng tại tôi thích đọc các tác giả cổ, và thích xem tranh tây vẽ đất nước chúng ta cả trăm năm trước; còn về động lực thì tôi quả là có một động lực khiến tôi hăng say làm việc đó, và động lực này chính là một bà bạn hiện đang sống ở Pháp và thích nghiên cứu lịch sử nước ta thời Pháp thuộc. Bà trước dạy ở trường Đầm Marie Curie và quê ở Đà Nẵng, và là vợ một giáo sư người Pháp đồng thời là một người ngoại quốc chơi sách có tiếng ở Sài Thành trong những năm 60 của thế kỷ trước. Sau ngày Giải Phóng bà theo chồng về Pháp và tới năm 1992 thì ông chồng bà lên đường đi xa… Năm 2002 bà về thăm quê nhà, và tìm lại thăm tôi, để nhờ kiếm những sách của các tác giả Đông Dương, đồng thời cho tôi biết bà đang nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời thuộc địa. Sau đó bà giao cho tôi nhiệm vụ nhỏ là mỗi khi gặp một cuốn sách loại đó thì cần làm cho bà một toát yếu vắn tắt và giới thiệu các nét đại cương của sách. Bà kém tôi 5 tuổi, tức là đã 25 lần thứ ba, nhưng phải nói không gian dối là bà đẹp còn hơn mấy kẻ hoa hậu cẳng dài nhiều, nhất là vẻ mặt cao sang, nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt trái soan, được trang điểm bởi một cái mũi dịu hiền thuần Việt, không một chút tì vết thảm mỹ, vì ba chữ thảm mỹ viện không hề hiện diện trong cuốn tự điển cuộc sống của bà. Nhưng ngoài các ưu điểm thiên phú trên, bà còn một siêu ưu điểm nữa là làn da trắng mịn như tuyết bao phủ một thân hình mảnh mai kiểu gầy giả (fausse maigre) của tây, nghĩa là bên ngoài thì rất mảnh mai, nhưng bên trong thì thân hình cực kỳ cân đối và… đã đẹp lại đẹp hơn. Một hôm tôi bảo bà: “Phụ nữ Việt Nam có làn da đẹp nhất thế giới, và em là một thí dụ tiêu biểu”. Bà cười và bảo tôi: “Anh dẻo miệng và hơi quá nịnh đầm đấy! Căn cứ vào đâu mà dám to tiếng khoe là làn da phụ nữ Việt Nam đẹp nhất thế giới?”. Tôi đáp: “Anh không dẻo miệng và không nịnh đầm tí nào, vì sự thật muôn đời vẫn là sự thật, và anh có lý do thật vững chắc để minh chứng là làn da của em đẹp nhất thế giới!”. Bà phán: “Anh chứng minh đi để em xem nghe có lọt tai không?”. Và tôi đã kiên nhẫn biện giải như sau đây, và đã được bà chấp nhận cho là có lý và hứa sẽ ban thưởng: “Anh chắc em dư biết là anh là kẻ ‘bài nam ngoại’, nhưng không những anh không bài, mà còn bái nữ ngoại nữa! Và trong đời anh, anh đã có vài lần bái mấy em nữ ngoại rồi, và điều mà anh đã nhận thấy rất rõ ràng, chính xác như hai với hai là bốn là “cho dù họ trắng bạch hay trắng hồng đến đâu đi nữa, nếu dùng một kính lúp săm soi làn da của họ em sẽ thấy những tàn nhang nhỏ li ti, chứ không mịn như làn da siêu đẹp của em và của phụ nữ Đại Việt chúng ta”… Tôi đã được bà thừa nhận là có lý và trước khi trở về Pháp, bà đã nhờ tôi tìm và giới thiệu tóm tắt các sách các tác giả Đông Dương viết về Việt Nam thời thuộc địa. Tôi nhận lời một cách rất ư là ga lăng là: “Ý muốn của em là thánh ý”, và rồi thấm thoát đã 12 năm trôi qua; trong thời gian đó tôi đã tìm và giới thiệu trong Hồi Ký 60 Năm Chơi Sách của tôi được gần 40 cuốn, và tôi vẫn còn tiếp tục tìm và giới thiệu tiếp để phục vụ nhu cầu nghiên cứu của bà vì bà và tôi thường xuyên liên lạc với nhau trên internet, và cũng vì bà đã hứa cuối năm 2015 sẽ cho ra đời công trình nghiên cứu lịch sử của bà, trong đó tôi cũng có chút công trước nhất là với chính bà, và sau là để ngày đi hành hiệp… kể công với Mẹ Âu Cơ.

Trích Hồi ký 60 năm Chơi sách, chương VI

CÓ MỘT CUỐN SÁCH NHƯ THẾ

QUYỂN HẠ 

(Tam tập)

HƯƠNG THÁNH KINH

(Tiếp theo)

50. Báo Phụ Nữ số 36 ngày 20/9/98, trang 30 – Bán thịt heo là phạm tội: "Đầu tháng vừa qua Chính phủ Irak cho biết đang xem xét việc gia tăng hình phạt dành cho những người bán thịt heo… mức án 7-10 năm đang được xem xét thay vì án 2 năm tù đã được phê chuẩn tháng 8/1990" (L.K).

§ Con heo bị xếp loại súc vật nhơ bẩn theo Cựu Ước

(Lv 11,7)

51. Báo Phụ Nữ số 36 ngày 20/9/98, trang 30 mục "Tin không?" có bài "Tội phạm Anh lánh xa Thánh giá": Tức giận khi biết một nữ tu sĩ bị bọn tội phạm tấn công gây mối lo sợ cho nhiều vị tu sĩ khác trong một Nhà thờ tại Anh, anh chàng sùng đạo Tom Mc.Carthy cùng người anh trai đã nghĩ đến một "vũ khí" cho những người chỉ phục vụ vì Chúa. Sản phẩm của họ là một hình Chúa kèm đèn báo hiệu khẩn cấp được gắn trên Thánh giá. Phương tiện này giống như vật trang trí, vừa có thể dụng để cầu nguyện vừa có thể răn đe bọn tội phạm vì khi gặp chuyện thì các vị tu sĩ cứ bấm nút là đèn hiệu khẩn cấp sẽ phát ra ngay. Cả hai anh em đều hy vọng sản phẩm của mình được các vị tu sĩ nồng nhiệt đón nhận (K.L).

52. Báo Phụ Nữ số 39 ngày 11/10/98, trang 4 phóng sự: "Những đứa con hoang đàng" của Trường Kiên.

§ Dư âm: dụ ngôn "Đứa con hoang đàng" của Phúc Âm

(Lc 15,11-32)

53. Báo KTNN số 399 ngày 10/9/2001:

* Trang 40, bài "Cùng nhau vượt qua số phận": Đôi tân hôn Lê Xuân Hải và Kiều Thị Hoa tổ chức Lễ cưới tại Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang, cô dâu, chú rể cũng lên đọc Phúc Âm, trao nhẫn, tuyên thệ… Quỳ lạy bàn thờ gia tiên nhà gái theo đúng phong tục cổ truyền, rước dâu, đãi tiệc, chụp hình, quay vidéo… Điều không bình thường tôi muốn nói ở đây là những xáo trộn ngay chính trong tâm hồn tôi, tôi đã có nhiều suy nghĩ và day dứt về họ, những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời, nhưng đã vượt lên tất cả để sống một cách tốt đẹp và tự tin: Đó là cuộc sống và tình yêu của những người khiếm thị…

(Đào Thị Thanh Huyền)

* Mục Chuyện Đông Chuyện Tây do An Chi phụ trách:

Ông J.Trương Minh Văn, Q.10 Tp.HCM trong bài: "Sau Chúa nhật là ngày thứ hai hay thứ nhất?" đăng trên tạp chí: Ngôn Ngữ & Đời Sống số 8-2001, tác giả Hồ Hải Thụy có viết: "Đạo Ca-tô (hay Gia-tô) thừa hưởng tuần lễ kiểu Do Thái (…) nhưng tuần lễ theo kiểu Ca-tô này phải đến năm 321 mới được (…) công nhận. Xin cho biết sao Gia-tô cũng nói thành Ca-tô? – Trả lời: "Trong hai chữ 'Gia-tô' thì 'Gia' là cách viết sai. Da-tô mới là cách viết đúng và mới là âm Hán việt chính xác của 2 từ chữ Hán mà người Trung Hoa dùng để phiên âm tên của Chúa Jêsu".

§ Chúa nhật là ngày thứ nhất trong tuần theo Thánh Kinh: "Sau ngày Sabat (thứ bảy) khi ngày thứ nhất vừa ló rạng…" (Mt 28,1).

§ Giêsu: "Ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu (Đấng Cứu Thế)" (Mt 1,21)

54. Kiến Trúc Nhà Đẹp tháng 12/2005 "Miền Giáo Đường":

Những tháp chuông Nhà thờ cao vút, miền Giáo đường trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tháp chuông Nhà thờ Con Gà Đalat, miền Giáo đường trong tranh Đinh Cường. Tháp chuông Nhà thờ bên kia sông Hương, miền Giáo đường trong thơ liệt sĩ Trần Quang Long "Bên kia sông… có một người con gái hay khóc… Maria Tố Chân… anh yêu em vô cùng…".

Những tháp chuông Nhà thờ trong ký ức tuổi thơ tôi. Miền Giáo đường nghèo nàn tuổi lên mười. Nơi tiếng chuông mơ hồ lúc 5 giờ sáng, nơi đứa trẻ còn ngái ngủ được đánh thức đều đặn mỗi ngày từ xóm đạo quạnh hiu.

Tháp chuông bay trắng hoa bông gòn mùa khô và gương mặt từa tựa Tố Chân… Anh Phượng... những cô gái xóm đạo dịu dàng đi lễ sớm.

Những miền Giáo đường riêng… Và không của riêng ai…

(Đỗ Trung Quân)

* "Niềm vui Giáo đường" giới thiệu:

- Nhà thờ Đức Bà Sài Sòn

- Nhà thờ Truyền Tin

(đường Phổ Quang)

- Nhà thờ Hạnh Thông Tây

- Nhà thờ Long Thành (Đồng Nai)

- Nhà thờ Bãi Dâu (Vũng Tàu)

- Nhà thờ đường Tên Lửa (Q.6)

- Nhà thờ Lớn (Vũng Tàu)

- Nhà thờ Mới (Vũng Tàu)

- Những tháp chuông Nhà thờ cao vút miền Giáo đường trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tháp chuông Nhà thờ Con Gà (Đalat). Miền Giáo đường trong tranh Đinh Cường. Tháp chuông Nhà thờ bên kia sông Hương

(bài của Đỗ Trung Quân, ảnh Minh Tâm)

55. Báo KTNN số 561 ngày 10/3/06:

* Trang 33: Cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng văn xuôi: "Thầy Lazarô Phiên" (1887) của Nguyễn Trọng Quản… với công chúng Nam bộ, chủ đề "của Kitô giáo lại càng xa lạ với họ…"

(Võ Văn Nhơn)

§ "Có một người bị đau tên là Lazarô" (Ga 11,1).

* Trang 120, truyện ngắn "Bồng bềnh Thiên sứ": Tâm trạng giằng xé của một cô gái lỡ có bầu muốn giữ con nhưng người yêu cương quyết bắt phá thai (Bích Ngân).

* Trang 47 mục Chuyện Đông Chuyện Tây, ông Nguyễn Năng Ngôn, Q.8, Tp.HCM: Trên một tờ báo ra ngày 18/2/2006, tác giả Anh Sáu có nhận xét như sau: Bài của Phong Uyên ("Dịch là cái họa") trích câu "Traduire, c'est trahir", có ý cho rằng xuất xứ câu "Dịch là phản" là của Pháp. Theo Gregory Rabassa (tác giả cuốn If This Treason, nxb New Directions, 2005) thì nguyên thủy câu này là ngạn ngữ của Italia "Traduttore, traditore". Thiết tưởng cũng nên "trả lại cho Caesar những gì của Caesar"!

Trả lời: "Trả lại Caesar những gì của Caesar". Vâng, ta hãy trả lại cho traduttoretraditore cái từ loại danh từ của nó

(An Chi)

56. Báo Tuổi Trẻ ngày 11/3/2006:

Quyển sách Kinh Lạy Cha kích thước 5mmx5mm được đưa ra bán đấu giá tại nhà Christie's ở London, Anh, với giá khoảng 520 USD. Sách được cho là nhỏ nhất thế giới này in ở Munich, Đức, năm 1952, bằng chữ kim loại rời và phải dùng kính lúp để đọc. (Q.H – News24).

§ Kinh Lạy Cha (Mt 6,7-15).

57. Báo ANTG số 537 ngày 22/3/06, bài "Cuốn Kinh Coran cổ và nhỏ nhất thế giới":

Một cuốn Kinh Coran cổ, quý hiếm của đạo Hồi vừa được giới thiệu với giới truyền thông tại Istanbul, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuốn kinh dày 390 trang được xuất bản từ năm 1635, dài 3,5cm và rộng 2,2cm. Điều đáng nói là bìa của cuốn kinh này được dát vàng. Hiện không ai đoán được cuốn kinh cổ này trị giá bao nhiêu, chỉ biết rằng nó sẽ chính thức ra mắt công chúng trong tháng 6/2006 tại một Viện bảo tàng ở thủ đô Istanbul. Đương nhiên, một hệ thống bảo vệ đã được dựng lên để giữ cho cuốn kinh này không bị kẻ xấu đánh cắp. Còn cuốn "The Lord's Prayer" mới được Guinness công nhận là cuốn sách nhỏ nhất thế giới hôm 9/3/2006 tại London, thủ đô nước Anh. "The Lord's Prayer" tuy chỉ có kích thước 5mmx5mm, nhưng nó vẫn là một cuốn kinh theo đúng nghĩa của một cuốn sách (T.T.T, theo Tân Hoa xã).

§ Kinh Coran có nhiều yếu tố và tên nhân vật Cựu Ước như tổ phụ Abraham, Moses,…

§ "The Lord's Prayer" là Kinh Lạy Cha.

Lm. Jos. Nguyễn Hữu Triết

(Còn tiếp)

Mô hình “London bridge” tại hội sách Tp. HCM lần thứ 8

Gồm 3700 cuốn sách kích thước 6m x 1.6m x 1.6m


NHƯ LAI

CÓ PHẢI LÀ PHẬT TỔ NHƯ LAI?

Xem phim Tây Du Ký, ta thấy có một vị Phật Tổ Như Lai quyền uy tối thượng. Một Tề Thiên Đại Thánh, 72 phép thần thông, Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng không làm gì nổi mà gặp Phật Tổ Như Lai cũng đành thúc thủ, không nhảy khỏi năm ngón tay của Ngài. Như Lai cũng chỉ đạo cho các Bồ Tát, ấn chứng cho Tam Tạng. Vậy thì ông này ở đâu ra? Từ cõi trời nào xuống hay tu hành thế nào để đạt được điều đó. Đức Thích Ca thì nguồn cội rõ ràng. Có cha, mẹ, có vợ, con, nơi ở của Ngài cũng đã được các Nhà Khảo Cổ xác minh, toàn bộ đều là sự thật... Còn Như Lai Phật Tổ không biết xuất xứ ở đâu, mà quyền phép đến như vậy? Nếu chúng ta không biết gì về Ngài, chỉ nghe đồn đại về quyền phép vô song, rồi thờ, rồi cúng để xin được “Độ” thì khác gì những người sống cách đây hàng bao nhiêu ngàn năm trước? Điều đó khó có thể chấp nhận đối với thời buổi văn minh khoa học, con người đã lên tới Cung Trăng, Sao Hỏa như thời này.

Rất nhiều bậc xuất gia, nhưng sự hiểu biết về Đạo bị ảnh hưởng của những người trước để lại, cũng tin rằng Chư Phật là Thần Linh, có quyền phép, có thể ban ân, giáng phúc. Các vị cũng cho rằng cứ thành khẩn cầu xin thì sẽ được ban cho, nên đã hô hào mọi người tạc tượng Chư Phật, Chư Bồ Tát, rồi ngày mấy thời tụng niệm, hương khói, thờ lạy để xin được Độ, nên ta thấy Chùa nào cũng nghi ngút khói hương, quên rằng Đức Thích Ca không có dạy Thờ Ngài, mà Thọ Ký cho mọi người đều là Phật sẽ Thành. Vì thế, ta thấy Kinh Kim Cang viết: “Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai”. Có nghĩa là ai nương Sắc để thấy Ta, Dùng âm thanh để cầu Ta. Đó là những người hành tà đạo. Không thể thấy được Như Lai.

Như Lai là ai? Có cần Thấy Như Lai hay không? Thấy được Như Lai thì được lợi ích gì? Không được dùng hình tượng để thờ, tụng Kinh để cầu Ngài, vậy thì phải Thấy cách nào? Như vậy muốn xin cứu độ phải làm gì?

Tu Phật là để Thành Phật. Địa vị được cho là cao nhất là Như Lai. Nhưng trước khi thành Như Lai, các Ngài cũng phải tu hành như mọi người. Vì vậy, nếu có đọc Kinh VIÊN GIÁC, ta sẽ thấy, ngay phần mở đầu, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật, xin vì Pháp hội và các chúng sinh đời sau “Nói lại nhơn địa tu hành thanh tịnh của các Đức Như Lai”.

Phật dạy: “Như Lai có pháp Đại Đà La Ni tên là VIÊN GIÁC. Từ tánh Viên Giác này mà sinh ra các pháp thanh tịnh: Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn và Ba La Mật. Nhơn địa tu hành của các Đức Phật đều y Viên Giác mà vĩnh viễn đoạn trừ Vô Minh, được sáng suốt thanh tịnh, viên mãn nên được Thành Phật”.Nhơn địa tu hành của Như Lai là tu theo Viên Giác: Nghĩa là Biết các pháp đều hư huyển, như hoa đốm giữa hư không thì không còn Sinh tử Luân Hồi và cũng không có người chịu Sinh tử Luân Hồi”. Như vậy, qua Kinh VIÊN GIÁC, ta thấy, dù không có lý lịch rõ ràng, nhưng một cách gián tiếp, ta cũng được giải thích, đó không phải là một vị Thần Linh, duy nhất, và cũng không phải từ trên cõi nào giáng xuống, mà là một người như tất cả mọi người, nhờ tu hành mà đạt tới danh hiệu đó. Qua đó, ta cũng thấy Danh xưng Như Lai cũng như PHẬT, là hai từ nói về TÌNH TRẠNG GIẢI THOÁT SINH TỬ LUÂN HỒI MÀ NHỮNG NGƯỜI TU HÀNH CHÂN CHÍNH ĐẠT ĐƯỢC. NHƯ LAI được giải thích trong Kinh là “ĐẾN, ĐI KHÔNG ĐỘNG”. “Không động” này không có nghĩa là các Ngài dùng thần thông, rồi đột ngột xuất hiện đột ngột biến mất, mà ý nói về CÁI TÂM KHÔNG SINH KHỞI KHI ĐỐI PHÁP. Đối với các pháp đều NHƯ.

PHẬT, NHƯ LAI không phải là những nhân vật, mà hiểu cho đúng thì đó là ý nghĩa của Giải Thoát, là kết quả tu hành, mà mỗi người chúng ta đều có thể học hỏi để được thành tựu. Do đó, người dùng hình ảnh mà Kinh mô tả, rồi tạc lấy, ngày mấy thời nhang khói, tụng kinh để cầu xin, không phải là hành chính đạo nên không thể Thấy được Ngài. “Thấy Như Lai” không phải bằng mắt, mà có nghĩa là người thật sự tu hành theo đường lối của Kinh Viên Giác, thì bản thân cũng sẽ THOÁT được các pháp, để dù đến, đi đều không động Tâm nữa. “Không động Tâm” không phải là trơ trơ như gỗ đá, vì Chư Phật có Tứ Vô Lượng Tâm, tức là Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả, nên có nghĩa là không khởi Hỉ, Nộ, Ái, Ố, THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT… khi đối pháp, bởi đó là những cái Tâm Phàm, khởi lên do vướng mắc với các pháp.

Nhưng có lẽ từ trước đó, các vị Thanh Văn cũng như chúng ta ngày nay, không chịu đọc Kinh hoặc lúc đó Kinh chưa phổ biến, nên không thể đọc để nghe Chư Phật, Chư Tổ giải thích. Chỉ mới nghe loáng thoáng đã cho rằng PHẬT là một vị Thần Linh, có thần thông quảng đại, cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nên lúc nào cũng hướng ra ngoài, thờ lạy, kính ngưỡng, và không bao giờ dám có ý nghĩ rằng mình sẽ Thành Phật, vì cho đó là Tăng Thượng Mạn!

Đạo Phật ra đời cách đây mấy ngàn năm. Lúc đó sự hiểu biết con người còn hạn chế. Cho nên Đức Thích Ca không thể một bước mà có thể kêu gọi mọi người nên Cải Ác, Hành Thiện, vì thế, Ngài đã phải dùng rất nhiều phương tiện, đưa ra nhiều Quả, vị để khuyến khích mọi người. Kinh viết: “Trí kém ưa pháp nhỏ. Chẳng tự tin Thành Phật. Cho nên dùng phương tiện. Phân biệt nói các Quả”…

Buổi đầu, Đức Thích Ca chưa thể trong vài thời pháp mà có thể kêu gọi mọi người tu hành để Giải Thoát. Không thể nói rằng tất cả công năng tu hành chỉ nhằm mục đích THOÁT KHỔ, mà phải dùng phương tiện, mô tả một vị Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, để cho mọi người hâm mộ, hướng tâm, nương theo hướng dẫn của Ngài mà hành trì. Ngay cả Ngài Anan trong Kinh LĂNG NGHIÊM, sau khi đi khất thực một mình, bị Ma Đăng Già dụ, phải cầu Phật cứu cho. Lúc về đến chỗ Phật, khóc lóc, buồn tủi, bạch với Phật, xin chỉ cho Phương pháp nào mà 10 Phương các Đức Phật tu hành được thành đạo, Chứng Quả”, Phật đã hỏi ông: “Ông đối trong Giáo Pháp của ta, do mến mộ cái gì mà phát tâm Xuất Gia ?” thì Anan thưa: “Vì con thấy Phật có 32 tướng tốt đẹp lạ thường nên sinh lòng hâm mộ mà Xuất Gia”. Chính vì những cái Phát Tâm lệch lạc, do hiểu lầm Phương tiện của Phật, cho nên, phải đợi sau một thời gian dài tu tập, khi cái Tâm họ đã tiến bộ, đã thanh tịnh, Ngã Chấp cũng đã bào mòn rồi, Phật mới giải thích cho họ hiểu được là bản thân họ cũng sẽ thành tựu con đường Giải Thoát, tức là sẽ Thành Phật. “Đấng lưỡng túc tôn kia. Rất hơn, không ai bằng. PHẬT TỨC LÀ THÂN ÔNG. NÊN PHẢI TỰ VUI MỪNG”. Lúc đó, các vị Thinh Văn mới Ngộ ra nên: “LÒNG SANH RẤT VUI MỪNG. TỰ BIẾT SẼ THÀNH PHẬT”.

Đọc Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, ta sẽ thấy Đức Thích Ca cũng phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều, các Đại Đệ Tử phải 3 lần thưa thỉnh, nhưng Ngài vẫn không muốn nói, vì sợ nói ra “Nếu nói việc đó thì tất cả trong đời, trời, người, Atula đều kinh nghi, Tỳ Kheo Tăng Thượng Mạn sẽ phải sa vào hầm lớn”. Thật vậy, lỡ đưa ra một vị Phật đầy quyền năng, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp phi phàm, không khác nào một vị Thần Linh, mà giờ này nói ai cũng có thể trở thành vị đó thì quả thật không phải dễ, và các Tỳ Kheo đang tu theo Phật, không cần tra cứu xem 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp đó là gì? Làm sao để có? Cứ nghe nói thế là tha hồ tưởng tượng rồi đây mình cũng sẽ “cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới” rồi càng khởi Tăng Thượng Mạn!

Trên thực tế, nhiều người lúc Xuất Gia không hiểu được là họ sẽ được Thành Phật. Buổi đầu, khi Phát Tâm, đa phần đều vì mến mộ Phật nên Xuất Gia để phụng sự Đạo Pháp. Vậy mà nhiều vị sau khi vô chùa tu một thời gian cứ nghĩ như mình “sắp thành Phật đến nơi”, để cho những người lớn tuổi đáng bậc cha ông phải sụp lạy, phải gọi Thầy, xưng con, cúc cung phục vụ, đến nỗi người đời nói: “Gần Chùa gọi Phật bằng anh”, quên rằng “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc” Dù họ có tu hành, đắc đạo thì cũng chính bản thân họ nhờ, không thể cứu độ cho ai! Bá tánh cũng không dễ gần gũi, tiếp xúc, hỏi pháp, vì họ đã trở thành những nhân vật quan trọng, đẳng cấp trong giới tu hành. Trong khi lẽ ra người tu phải là người “xem cái thân như oán tặc”, dùng nó như một phương tiện mà Kinh gọi là như người “ôm thây ma để bơi qua biển Sinh Tử”, thì nhiều người tu hành một thời gian lại quên mất, không theo hạnh “ít muốn, biết đủ” của người tu, trở lại cưng chiều cái Thân, cho nó dùng toàn phương tiện hiện đại. Chùa chiền thì nhân danh tôn vinh Phật để trang hoàng lộng lẫy, xa hoa. Cao Tăng tới đâu thì kẻ hầu, người hạ, tiền hô, hậu ủng, không khác gì quan chức của đời! Sinh thời Cao Bá Quát cũng đã mỉa mai: “Công đức tu hành Sư có lọng”! So với Phật Thích Ca ngay khi đã Thành Phật, Kinh Kim Cang viết: “Lúc đó gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp Y, cầm Bát, vào Thành lớn xá Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, Đức Phật theo thứ tự ghé từng nhà mà khất thực, xong trở về Tịnh Xá, dùng cơm rồi cất Y Bát, sau khi rửa chơn xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi” Một hình ảnh đơn giản, thanh tịnh… hoàn toàn xa lạ, không giống một chút nào với chư Đệ Tử người ngày nay! Có lẽ: “Con hơn cha là nhà có phúc” chăng?

Thêm một Danh Xưng nữa là BỒ TÁT. Đức Thích Ca đã “nhân cách hóa” những Ý tưởng bằng những nhân vật. Tư tưởng xấu xa, đen tối, tội lỗi thì Phật gọi là CHÚNG SINH. Tư tưởng thanh cao, hướng thiện, có thể cải tạo cho những tư tưởng xấu kia thì Ngài gọi là BỒ TÁT. Đó là hai thành phần cư dân trong ĐẤT TÂM của mỗi con người mà Kinh gọi là PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ. Bồ Tát, là tư tưởng trung gian, có nhiệm vụ dẫn dắt, giáo hóa cho những tư tưởng còn đen tối, chưa phục thiện. Theo dõi, giúp đỡ, cải tạo những chúng sinh còn u mê, cho nó bỏ hết những ý nghĩ đen tối, quay về với sự thánh thiện.

Nơi để sản sinh những tư tưởng Đức Thích Ca gọi là Cái Tâm. Nhưng thời xa xưa, muốn nói về CÁI TÂM thì không đủ ngôn từ, người nghe cũng chưa đủ hiểu biết rằng có một thế giới ngầm Vô Tướng, đó là những Ý nghĩ bên trong mỗi con người. Nó không phải là Cái Đầu hay Bộ óc, có hình tướng cụ thể, để có thể chỉ rõ, mà vì đó là những suy nghĩ, những tư tưởng, nên rất khó diễn tả. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật phải chỉ đến lần thứ 7 thì Ngài Anan mới nhận ra, bởi vì nó không có một vị trí cố định. Người muốn tu hành, muốn được Giải Thoát thì trước hết phải Cải Tạo các tư tưởng, vì đó là nơi điều khiển các hành động. Nghĩ xong rồi mới Làm. Muốn đốn cây thì phải chặt gốc, không mé nhánh hay bứt lá. Chính vì vậy, TU PHẬT là phải TU TÂM. Và cũng do khó diễn tả Cái Tâm và những diễn biến của nó, Đức Thích Ca phải giả lập một CÕI PHẬT, mà Ngài gọi là CẢNH GIỚI BẤT NHỊ.

Sở dĩ gọi là CẢNH GIỚI BẤT NHỊ là vì nó là 2 trong một, là phần VÔ TƯỚNG ở trong cái Thân HỮU TƯỚNG. Trong phần Vô tướng này, Đức Thích Ca phân chia ra, có PHẬT và cõi nước của Ngài. Có những đường dữ là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, sinh ra vô số CHÚNG SINH. Giữa hai thái cực Thánh, Phàm, thì có những BỒ TÁT với các danh xưng như Văn thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Phổ Nhãn, Kim Cang Tạng, Di Lặc, Thanh Tịnh Huệ, Uy Đức, Diệu Âm, Tịnh Chư Nghiệp Chướng, Viên Giác, Hiền Thiện Thủ vv…

Trước khi giảng Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA Đức Phật chưa hề bảo là những người tu hành rồi sẽ được Thành Phật như Ngài không khác. Khi bắt đầu nói đến CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH ĐỂ THÀNH PHẬT thì mới giảng Kinh này. Vì thế, Kinh DPLH được cho là Kinh để Giáo Bồ Tát. Người hành trì theo hướng dẫn của Kinh được gọi là Hành Bồ Tát Đạo. Kinh viết: “CHỖ CÁC ÔNG TU HÀNH LÀ ĐẠO CỦA BỒ TÁT. LẨN TU HỌC XONG. THẢY ĐỀU SẼ THÀNH PHẬT”. Kinh viết: “Bồ Tát cũng lại như thế, nếu chưa nghe, chưa hiểu, chưa có thể tu tập Kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó cách Đạo Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác còn xa” (Phẩm Pháp Sư). Tức là nếu người tu nào mà chưa biết đến “CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH”. Chưa biết CHÚNG SINH là gì? Chưa biết làm sao để “ĐỘ”, thì không thể nào thành tựu công việc tự Giải Thoát được. “ĐỘ SINH” cũng là “CHUYỂN PHÁP LUÂN”, cũng là “CHUYỂN HÓA CÁI TÂM”, cũng là GIÁO BỒ TÁT”, Vì Trời, Người, Bồ Tát vv... đều nói về những cư dân trong cái Tâm của hành giả mà thôi. Cuối cùng, khi lĩnh hội được lời Phật thì các Ngài Thinh Văn mới thú nhận: “Nghe tiếng Phật êm dịu. Sâu xa rất nhiệm mầu. Nói suốt pháp thanh tịnh. Tâm con rất vui mừng. Nghi hối đã hết hẳn. An trụ trong thiệt trí” Từ đó, các Ngài mới khẳng định: “CON QUYẾT SẼ THÀNH PHẬT. ĐƯỢC TRỜI, NGƯỜI TÔN KÍNH. CHUYỂN PHÁP LUÂN VÔ THƯỢNG. GIÁO HÓA CÁC BỒ TÁT”. (Phẩm Thí Dụ).

Chính do VÔ MINH, tức là thiếu sáng suốt mà con người gây ra vô số tội, nghiệp ác để phải triền miên chìm đắm vào vòng SINH TỬ LUÂN HỒI. Vì thế, con đường tu hành của các Đức Như Lai, là TU THEO VIÊN GIÁC, tức là mở Trí Huệ, để có SỰ HIỂU BIẾT TRỌN VẸN, TRÒN ĐẦY, mục đích là để kết thúc vòng Sinh Tử Luân Hồi.

“VĂN THÙ, ÔNG PHẢI BIẾT

CHỖ CHƠN ĐỊA TU HÀNH

CỦA CÁC ĐỨC NHƯ LAI

LÀ DÙNG TRÍ VIÊN GIÁC

PHÁ TRỪ HẾT VÔ MINH

BIẾT CÁC PHÁP HƯ HUYỂN

THÌ KHỎI BỊ LUÂN HỒI”

Nhưng không phải chỉ cần Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y thì làm gì cũng gọi là tu hành. Việc tu hành phải theo một trình tự nhất định. Trong Kinh VIÊN GIÁC, Đức Phật đã để cho một Bồ Tát đại diện để hỏi Phật : PHẢI TU HÀNH THỂ NÀO? PHẢI TƯ DUY LÀM SAO? PHẢI AN TRỤ THẾ NÀO MỚI NGỘ NHẬP VIÊN GIÁC? Phật đã chỉ rõ có 5 điều phải làm theo trình tự:

1/- Y theo pháp “CHỈ” của Như Lai.

2/- Giữ gìn GIỚI Cấm kiên cố

3/- Sắp xếp đồ chúng cho yên ổn

4/- Ở chỗ thanh vắng

5/- Phải TƯ DUY như sau:

a) QUÁN THÂN NHƯ HUYỂN

b) QUÁN TÂM NHƯ HUYỂN.

Để có thể tập trung Thân và Tâm để Tư Duy thì phải THIỀN ĐỊNH. Nhờ Thiền Định mới có được TRÍ HUỆ. Kinh VIÊN GIÁC viết rõ:

CÁC TRÍ HUỆ THANH TỊNH

CỦA TẤT CẢ BỒ TÁT

ĐỀU DO THIỀN ĐỊNH SANH.

Không phải chỉ cần NGỒI là THIỀN. NGỒI YÊN LẶNG là ĐỊNH, Ngồi lâu thì sẽ có Trí Huệ, sẽ Đắc Đạo. Thiền Định của đạo Phật được giải thích rõ:

THIỀN ĐỊNH LÀ “CHỈ”, “QUÁN”

VÀ “CHỈ, QUÁN” SONG TU.

Đến đây ta có thể phân biệt được người đang hành CHÂN THIỀN hay hành theo THIỀN NGOẠI ĐẠO, bởi thực tế đã chứng minh, bao nhiêu thế hệ qua, có biết bao nhiêu người cũng đã NGỒI THIỀN, mà thay vì “Thành Phật” như Đức Thích Ca, thì họ chỉ trở thành THIỀN SƯ mà thôi. Đạo Phật có phân rõ CHÁNH, TÀ. Do đó, người muốn tu hành thành công phải tìm hiểu xem thế nào là CHÂN THIỀN? Thế nào là CHÁNH ĐỊNH? Thế nào là CHÁNH TƯ DUY? vì đây là phần đi vào chi tiết của CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU.

CHỈ là dừng mọi hoạt động của THÂN và TÂM. Người không hiểu được mục đích THIỀN ĐỊNH của Đạo Phật thỉ chỉ làm cho cái THÂN dừng lại, bằng cách xếp tay, chân, Ngồi yên lặng, tưởng đó là NGỒI THIỀN. Nhưng có Ngồi yên lặng như thế, sẽ thấy Ý TƯỞNG bắt đầu hoạt động. Bình thường thì nó bám vào Lục Căn để Thấy, Nghe, xúc cảm. Khi Cái Thân ngồi yên, Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân không còn đối tượng để chạy theo thì nó thì nó tự mở ra cảnh giới tưởng tượng. Thấy những cảnh lạ lùng. Được tiếp xúc với chư Phật, Bồ Tát, Tiên, Thần, ma, quỷ vv... Những cảnh giới hiện ra trong lúc Thiền, Kinh Phật dạy đó là ma cảnh, người tin theo đó sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” trở thành bất bình thường, điên loạn, làm hỏng cả cuộc đời.

Ai cũng biết Đức Thích Ca Đắc Đạo do Thiền. Nhưng Ngài làm gì trong Thiền để Đắc thì ít người hiểu, do đó sinh ra rất nhiều Thầy dạy Tu Thiền theo đủ các kiểu: Thiền Ngồi, Thiền Nằm, Thiền Chạy… Có người dạy Ngồi yên và đếm hơi thở gọi là Sổ Tức. Hành theo phương pháp này thì cũng kềm được cái Tâm, không cho nó rong ruổi theo các cảnh. Nhưng chỉ Ngồi để Đếm hơi thở thì có ngồi suốt kiếp cũng chẳng sinh được ích lợi gì. Có thầy dạy ngồi xem cái bụng Phồng, Xẹp... chứng tỏ Thầy cũng chẳng hiểu Thiền của Đạo Phật! Chẳng lẽ ngồi coi cái bụng Phồng, Xẹp, một thời gian rồi “Hoát nhiên Đại Ngộ”? Có người dạy Quán tưởng Tâm, Cảnh vắng lặng mà Lục Tổ đã cảnh báo trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH: “Chư Thiện Tri Thức. lại có người dạy ngồi xem cái Tâm, quán tưởng Tâm Cảnh vắng lặng, ngồi yên chẳng dậy, bảo y theo đó mà lập công phu. Người mê chẳng hiểu, cố chấp làm theo rồi thành điên dại. Số người lầm như thế chẳng phải ít. Truyền dạy nhau như vậy thiệt là lầm to”.

THIỀN của Đạo Phật là THIỀN QUÁN. Tức người Ngồi Thiền là tạm thời ngưng nghỉ cái Thân, không chạy theo các pháp. Dừng cái Tâm, không cho nó theo Lục Căn mà bám lấy trần cảnh, rồi dùng thì giờ đó mà QUÁN SÁT, TƯ DUY để tìm hiểu việc Đạo, gọi là Thiền Minh Sát, không phải là chỉ ngồi yên lặng suông. QUÁN cái gì? thì theo trình tự đã trích dẫn: là QUÁN THÂN NHƯ HUYỂN. QUÁN TÂM NHƯ HUYỂN.

TẠI SAO PHẢI quán hai thứ này? Tại vì con người tạo vô số Tội, Nghiệp để phải triền miên trong vòng Sinh, Tử, Luân Hồi, cũng do nó, mà tu hành, được Giải Thoát, thành Phật cũng nhờ nó. Ngày xưa, CÁI TÂM khó diễn tả đến nỗi Phật dạy người tu phải QUÁN để tìm ra nó. Có hẳn một quyển Kinh để viết về nó là Kinh TÂM ĐỊA QUÁN, trong đó viết: “Thiện Nam Tử. Trong Ba Cõi lấy TÂM làm chủ. Người Quán được TÂM, được Giải Thoát cứu cánh. Người không Quán được Tâm ở mãi trong triền phược. Ví như muôn vật đều từ đất sinh. Tâm Pháp sinh ra thiện, ác, năm thú (Trời, Người, ngục, quỷ, súc), bậc hữu học, bậc vô học, bậc Độc Giác, bậc Bồ Tát cùng Như Lai trong thế gian và xuất thế gian. Bởi nhân duyên ấy, Ba Cõi duy Tâm”.

Cho tới thời này, qua bao nhiêu đời Tổ khai sáng, cộng với sự tiến bộ của con người, nói về CÁI TÂM thì ai cũng có thể hiểu được dễ dàng, nên việc tu hành càng thuận lợi. Chỉ cần nương theo lời Kinh, hoặc nhờ người có kinh nghiệm chỉ lại là có thể nắm được đường lối để tự mình hành trì rồi đọc Kinh để kiểm chứng lại.

Có đọc Chính Kinh ta mới thấy các vị Thiền Sư của Ngũ Phái Thiền, kể cả Thiền Sư Nguyệt Khê và Suzuki, chỉ vì chê Kinh không đọc, nên CÔNG ÁN các Ngài đưa ra mà người Khai được cho là Chứng Đắc chẳng liên quan gì đến con đường TU PHẬT.

Thật vậy, trong khi Đạo Phật dạy phải TU TÂM, vì Ba Cõi Duy Tâm. Tổ Đạt Ma cũng dạy: “TÂM là gốc của muôn pháp. Tất cả các pháp, duy một Tâm sanh. Nếu hiểu được TÂM ắt muôn pháp sẵn đủ trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thứ cành nhánh, trái, bông. Nhưng tất cả đều do một gốc sanh ra. Nếu chặt gốc ắt cây chết. Nếu hiểu Tâm tu đạo ắt được tỉnh lực nên dễ thành. Không hiểu Tâm mà tu đạo ắt nhọc công vô ích. Mới biết tất các việc lành, dữ đều do tự Tâm. Cầu gì khác ở ngoài Tâm, rốt không đâu có được”. Ngũ Tổ cũng dạy: “Nếu không thấy Bổn Tâm thì học pháp vô ích”. Trong khi đó, các Thiền Sư chỉ cho Tham Công Án chữ VÔ. “Tiếng vỗ của 1 bàn tay”. “Tại sao tên Hồ không có râu”. “Ai niệm Nam Mô A Di Đà Phật”… Chẳng dính líu gì đến Đạo Giải Thoát. Các vị đó tự biến TU PHẬT thành TU THIỀN, rồi cũng chẳng biết dắt nhau tới đâu! Vậy mà còn ngạo mạn, tự cho là mình cao hơn cả Phật, Tổ qua Công Án: “Thích Ca, Di Lặc còn là tôi đòi của những kẻ ấy”! (VÔ MÔN QUAN)

Phạm vi bài này không đi sâu và môn THIỀN ĐỊNH, vì đó là một pháp môn tu tập, đòi hỏi hành giả phải trực tiếp hành trì, có hướng dẫn cụ thể, không thể chỉ giải thích trong vài trang giấy. Người viết chỉ trích dẫn Chính Kinh để mọi người thấy rằng NHƯ LAI không phải là Phật Tổ Như Lai, là một vị Thần Linh với quyền uy tối thượng, trên cả Phật, Bồ Tát, mà chỉ là tình trạng NHƯ NHƯ khi đối pháp mà người tu Phật nào hành trì tới mức Vô Ngã thì đạt đến, là không còn bị các pháp làm Khổ nữa. Đó là mục đích của Đức Thích Ca khi mang Đạo Phật vào đời.

Việc tu hành, Thành Phật được giải thích rất rõ trong các Bộ Kinh. Ai cũng có nghe nói “Muốn THÀNH PHẬT THÌ PHẢI ĐỘ SINH” thì Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA chỉ CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH, HÀNH BỒ TÁT ĐẠO để Thành Phật. CHÚNG SINH cũng được LỤC TỔ chỉ rõ trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH: “Chư Thiện Tri Thức. CHÚNG SANH trong Tâm mình là: Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng Bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này gọi là Chúng Sanh” Kinh VIÊN GIÁC chỉ rõ: NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT. CÙNG VỚI THAM SÂN SI CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC. CŨNG ĐỀU ĐƯỢC THÀNH PHẬT”. Tổ Đạt Ma cũng nói: “TỨC TÂM TỨC PHẬT”. “MUỐN TÌM PHẬT THÀ TÌM TÂM”. Lục Tổ HUỆ Năng cũng dạy: “TÂM ta tự có Phật. Phật ở Tâm mình mới thiệt là chơn Phật. Nếu tự mình không có Tâm Phật thì tìm chơn Phật ở nơi nào? Cái Tự Tâm của chúng ngươi là Phật chớ khá hồ nghi”. Chính vì hiểu lầm PHẬT là một vị Thần Linh, không biết PHẬT chỉ để nói về tình trạng Giải Thoát mà người tu sửa cái Tâm của mình cho nó hết vướng mắc là sẽ đạt được, nên nhiều người quay sang THỜ PHẬT, thay vì TU PHẬT, mà ta thấy nhan nhản khắp nơi trong giới tu hành hiện nay. Chính họ cũng tin như thế, nên cũng đào tạo cho bá tánh ngày một ngưỡng mộ, tôn thờ Chư Phật để cầu xin “Được Độ”, quên đi mục đích tu hành của Đạo Phật là để “THÀNH PHẬT”!

Thời Đức Thích Ca hiện tiền thì chưa có Kinh. Các Đệ tử chỉ nghe Ngài trực tiếp thuyết giảng rồi ghi nhận. Sau khi Phật Nhập diệt thì được các Đại Đệ Tử gom lại khi Kết Tập, do chính Ngài Anan, là người được cho là ghi nhớ Pháp Phật thuyết “Như nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt” đọc lại, có các Đệ Tử còn lại xác minh. Đó là những lời Phật thuyết lúc sinh thời. Sau khi Phật nhập diệt rồi, thì Chư Tổ, là những người được Truyền Y Bát, tức là sự hiểu biết, chứng đắc cũng không khác với Tổ trước - tức Phật xưa - thuyết giảng, hay viết ra. Vì thế, những lời dạy của các Tổ, không những không khác với những gì Đức Thích Ca đã giảng ngày trước, trái lại, còn khai sáng thêm những gì mà ngày xưa do sự hiểu biết của con người chưa đầy đủ, ngôn ngữ giới hạn, nên chưa thể lột tả được. Do đó, người tu Phật cần đọc cho kỹ và tìm hiểu nghĩa lý, ta sẽ thấy: Con đường để Thành Phật không có gì quá cầu kỳ, phức tạp. Ai cũng có thể Tự Tu, Tự Độ, không đòi hỏi phải giữ hàng mấy trăm Giới, phải Cạo Tóc, Đắp Y, không được có gia đình, không được làm ăn, sinh hoạt với mọi người, phải sống biệt lập, xa lánh thế nhân. Chỉ cần theo lời Phật, Tổ dạy là CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU, tức là THIỀN QUÁN, mà kết quả cuối cùng là Thành Phật được Kinh VIÊN GIÁC khẳng định:

“MƯỜI PHƯƠNG CÁC NHƯ LAI

VÀ HÀNH GIẢ BA ĐỜI

ĐỀU Y PHÁP MÔN NÀY

MÀ THÀNH ĐẠO BỒ ĐỀ”

Kinh VIÊN GIÁC viết: “Đây là phương tiện đầu tiên tu hành của Hành giả, tức là BA PHÁP QUÁN. NẾU CÁC CHÚNG SANH TINH TẤN SIÊNG TU Ba Pháp Quán này được hoàn toàn, tức là NHƯ LAI xuất hiện ở thế gian vậy”. Tất nhiên, cũng giống như những môn học của đời, sau khi Quán thấy được cái LÝ rồi thì phải đưa vào thực hành, gọi là LÝ, HẠNH viên dung thì mới đầy đủ, không phải chỉ thấy cái Lý là xong như phía Thiền Gia đã hiểu lầm, vừa Tham được chữ VÔ đã thấy mình Chứng Đắc!

Chính do những người chưa hiểu hết về con đường tu hành của Đạo Phật lại có phương tiện để truyền bá rộng rãi. Điển hình là trường hợp truyện Tây Du Ký. Tác giả Ngô Thừa Ân đã nhân câu chuyện Đường Tăng đi thỉnh Kinh để hư cấu thành một câu chuyện sau đó được dựng thành phim rất hấp dẫn. Trong đó, những cảnh trong NỘI TÂM, Chư Phật, Bồ Tát, Chúng Sinh, yêu ma… được đưa toàn bộ ra ngoài tạo thành một Đạo Phật Nhị Thừa, không còn TỰ TU, TỰ ĐỘ, mà lúc lâm nguy nào cũng có PHẬT, BỒ TÁT sẵn sàng ứng cứu, làm cho nhiều Phật Tử càng tin tưởng bộ phim đó là thông điệp truyền tải Đạo Phật! Do đó, sức phổ biến của phim càng lớn thì mức độ chồng mê cho bá tánh càng to, gây ra tác hại khó lường. Là người Phật Tử thời đại @, chúng ta không nên để cho những sự hiểu biết sai lầm của người khác làm ảnh hưởng đến mình, mà nên để chút thì giờ đọc Chính Kinh rồi đối chiếu, để thấy rằng Đạo Phật đang phổ biến hiện nay đa phần rơi vào lời cảnh báo trong TỨ Y, vì chỉ “Y theo Chữ, không y theo Nghĩa” nên đã: “Y Kinh giải nghĩa, Tam thế Phật oan”! Để cho những vị “Phật sẽ thành”, cứ “mang Phật ra mà lạy Phật”! (Tổ Đạt Ma)

Lực lượng Xuất Gia ngày càng đông. Chùa chiền ngày càng nở rộ, trong đó thật, giả lẫn lộn. Nhiều vị đã rao giảng Đạo Phật cũng chưa rõ lẽ Nhân Quả, nên không biết rằng CẦU XIN là đi ngược với Luật NHÂN QUẢ, để trở thành “Báng Kinh, nhạo Pháp” mà không hay! Thật thế. Nếu Cầu mà đã được thì Đạo Phật còn đặt ra Nhân Quả để làm gì? Vậy mà có nhiều Cao Tăng, có nhiệm vụ hướng dẫn bá tánh đã đứng ra chủ trì và khuyến khích những buổi lễ Cầu An, Cầu Siêu, Cầu tài, Cầu lộc, Cầu thăng quan, tiến chức. Cầu tiêu tai, tăng ích, quốc thái, dân an! Như thế, trách sao Phật tử xem Chư Phật, Chư Bồ Tát như những Tham Quan trần tục, sinh ra tệ nạn mang lễ vật cúng kiến để trao đổi. Chùa cũng bán xuất Dâng Sớ để Cầu giá cao thấp tùy theo giờ Hoàng Đạo hay không! Họ chen chúc, dẫm đạp lên nhau để xin Ấn, Cúng sao, Giải hạn, đốt giấy tiền, vàng mã, nhét tiền lẻ vào các Tượng để hối lộ bề trên. Không hiểu mọi người nghĩ sao mà cho Thần Linh có thể dùng được những đồng tiền hôi nhơ của trần tục, mà lại chỉ cúng toàn tiền giá trị thấp nhất! Không biết rồi các vị Thần Linh sẽ nhận cách nào? và sẽ mang đi trao đổi với ai! Rõ ràng những người đó đã biến Đạo Phật thành Thần Đạo, mê tín, làm oan cho Đạo Phật chân chính!

Có lẽ đến lúc nào đó, khi con người cầu xin, cúng bái đã mỏi mòn thì mới xét lại niềm Tin vô căn cứ của mình. Xem lại quá trình tu hành, Chứng Đắc của Đức Thích Ca và Chư Tổ, để thấy các Ngài cũng chỉ TỰ ĐỘ, không có ĐỘ THA! Lúc đó: “Sông mê, quay đầu là bờ”, mọi người tự quay vào trong, tự tìm PHẬT ở nơi Tâm, để thấy “Chứng Thánh hay đọa Phàm cũng do Lục Căn, không có con đường nào khác”. (Kinh LĂNG NGHIÊM).

Tổ Đạt Ma nói rất rõ: PHẬT ở nơi Tâm. Chúng Sinh cũng ở đó. Chỉ cần CHUYỂN HÓA CÁI TÂM, thì Ma sẽ hóa Phật. Phiền Não thành NHƯ LAI. Chẳng phải phí tiền cất Chùa hữu vi bằng xi măng, cát, gạch cho hoành tráng để rồi với thời gian chỉ có giá trị như những Di Tích để người sau tham quan, vãng cảnh, không có ý nghĩa gì đối với con đường tu hành! Ở các nước mà Đạo Phật thịnh hành, như Thái Lan, Cam Pu Chia... thậm chí còn xây Chùa Vàng, Chùa Bạc, làm hao tổn bao nhiêu tài sản của đất nước, trong khi tiền đó lẽ ra để làm ích quốc, lợi dân. Lỗi đó cũng do nhiều đời, nhiều người có nhiệm vụ hướng dẫn Đạo Pháp cho bá tánh mà chưa hiểu thế nào là TÂM, thế nào là PHẬT. Vì thế, họ cũng không biết rằng nghĩa thật sự của CHÙA là THANH TỊNH ĐỊA. Người làm cho ĐẤT TÂM được thanh tịnh là người đó đã cất Chùa, cho Phật Tâm của mình ngự. Đã biết “PHẬT TẠI TÂM”. Đã nói TU PHẬT LÀ TU TÂM, sao không quay vô đó mà TU, mà SỬA, mà ĐÚC, TẠC, TÔ, BỒI? Do đó, khuyến khích nhau bỏ công sức, tiền bạc, đi đúc, tạc, tượng ngọc, gỗ, thạch cao, đá, đồng… tiêu tốn biết bao nhiêu tỷ đồng, rồi nhang khói phụng thờ, chẳng những không có Công Đức, mà còn bị Chính Kinh khiển trách là không hành chính đạo vậy...

Tâm Nguyện

(Tháng 3/2014)

Phụ bản I


JULES VERNE

với những chuyến Du hành kỳ thú

( 1828 - 1905 )

Nhân kỷ niệm 109 năm ngày mất của Jules Verne , chúng ta cùng chu du vòng quanh thế giới trong 80 ngày cũng như thám hiểm hai vạn dặm dưói đáy biển với ông

Jules Verne s inh ngày 8/2/ 1828 tại thành phố Nantes , Pháp , Verne là anh cả trong số năm người con của ông Pierre Verne, một luật sư, và bà Sophie Allote de la Fuÿe Verne, con gái của một gia đình tư sản chuyên làm chủ tàu buôn. Ông có bốn người em là Paul, Anna, Mathilde và Marie. Jules trải qua thời niên thiếu tại nhà với bố mẹ tại thành phố cảng náo nhiệt Nantes. Vào mùa hè, cả nhà sống ở căn nhà miền quê ở ngoại ô thành phố, bên bờ Sông Loire . Cảnh thuyền bè đi lại tấp nập đã gợi mở cho Jules Verne một trí tưởng tượng phong phú như ông đã ghi lại trong truyện ngắn "Souvenirs d'enfance et de jeunesse" (Kỷ niệm thời niên thiếu).

Lên 9 tuổi, Jules và em trai, Paul, được gửi vào Trường dòng Saint-Donatien dành cho thiếu niên ở Nantes. Một trong những thầy giáo của ông tại đây là Brutus de Villeroi , người sau này nổi tiếng với việc chế tạo chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ .

Jules Verne từ trần vào ngày 24-3-1905, thọ 77 tuổi.

NHỮNG CHUYẾN DU HÀNH KỲ THÚ

Các tiểu thuyết của Jules Verne được đánh giá rất cao với những tiên đoán của ông về cuộc sống hiện đại và các thành tựu khoa học kỹ thuật. Một ví dụ tiêu biểu là tiểu thuyết Paris au XXe siècle (1863) đã phác họa một cuộc sống rất gần với cuộc sống của những năm cuối thế k ỷ 20 với hệ thống điều hòa, ô tô, internet , truyền hình ... Hay như trong tác phẩm nổi tiếng Từ Trái Đất lên Mặt Trăng (1865) , chuyến thám hiểm lên Mặt Trăng mà Jules Verne miêu tả đã trùng hợp một cách k ỳ lạ với chuyến du hành ba người đáp xuống Mặt Trăng của Chương trình Apollo . Cho đến đầu thế k ỷ 21, nhiều tiên đoán của ông vẫn chưa trở thành hiện thực như cuộc phiêu lưu vào lòng Trái Đất của con người hay những thành phố dưới đại dương. Vì vậy Jules Verne luôn được coi là một trong những "Cha đẻ" và là nhà văn xuất sắc nhất của thể loại Khoa học V iễn tưởng này .

Rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm của Jules Verne đã vượt ra khỏi tiểu thuyết và trở thành những biểu tượng văn hóa như Thuyền trưởng Nemo trong Hai vạn dặm dưới đáy biển (1869) hay Phileas Fogg trong Tám mươi ngày vòng quanh Thế giới (1872) . Các tiểu thuyết của Jules Verne đã được dịch ra r ất nhiều thứ tiếng trên Thế giới và cũng được chuyển thể nhiều lần thành các tác phẩm điện ảnh hoặc sân khấu.

Những tác phẩm của Jules Verne còn chịu ảnh hưởng của nhà xuất bản và là người biên tập các tác phẩm của Verne, ông Pierre Hetzel. Hetzel đã từ chối in ít nhất là một tiểu thuyết của Verne (cuốn Paris au XXe siècle chỉ được xuất bản năm 1994 , hơn một thế kỷ sau khi nó ra đời . ) và đề nghị nhà văn đưa vào các tác phẩm sự chủ nghĩa lạc quan đối với những phát minh khoa học và công nghệ của loài người. Bản thân Verne thực ra không hoàn toàn ủng hộ cho những tiến bộ về mặt khoa học và xã hội này, vì ông cho rằng nó sẽ làm cho cuộc sống con người trở nên phức tạp và buồn chán, người đọc có thể thấy điều này qua những tác phẩm ở giai đoạn đầu sự nghiệp của Jules Verne và ở giai đoạn sau cái chết của Hetzel. Một ví dụ là ở phần kết của tác phẩm L'Île mystérieuse ( Hòn đảo bí ẩn ), ban đầu Jules Verne dự định sẽ cho những người sống sót quay trở về đất liền nhưng sẽ luôn tưởng nhớ về cuộc sống ở hòn đảo, trong khi đó Hetzel lại đề nghị cho các nhân vật chính sẽ quay trở về sống hạnh phúc, vì vậy kết truyện trong bản in chính thức là những người trở về dùng của cải của họ để xây dựng một bản sao của hòn đảo.

Hai vạn dặm dưới đáy biển

(Vingt mille lieues sous les mers)

L à một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng kinh điển của nhà văn người Pháp Jules Verne xuất bản vào năm 1870 . Nó kể câu chuyện về Thuyền trưởng Nemo và con tàu ngầm của ông ta là Nautilus (trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Thủy thủ) từ quan điểm của giáo sư Pierre Aronnax. Phiên bản có minh họa đầu tiên (không phải bản gốc không có minh họa) được xuất bản bởi Pierre-Jules Hetzel và chứa một số tranh vẽ của Alphonse de Neuville Édouard Riou . Một tiểu thuyết khác cũng của Jules Verne có tên Hòn đảo bí ẩn , xuất bản năm 1874, đã giải đáp thêm một số nghi vấn cho tiểu thuyết này.

Trong tác phẩm, có tổng cộng 4 nhân vật chính.Bao gồm: giáo sư Pierre Aronnax, Conseil, chàng thợ đánh bắt cá voi Ned Land và Thuyền trưởng Nemo .

Năm 1865, nhà văn Jules Verne cùng gia đình đến nghỉ ở Crotoy trong hai tháng 8 và 9. Crotoy giờ đây là một thị trấn nhưng hồi đó chỉ là một xóm chài không lớn lắm. Gia đình Jules Verne thuê một ngôi nhà nhỏ hai tầng xinh xắn, ngay cạnh một đường hầm mà cậu con trai của ông đặt tên là "Solitude" (cô độc). Jules Verne có một căn phòng làm việc ở tầng 1, nhưng ông làm việc cả trong đường hầm nói trên.

Ngày 25/7/1865, bạn ông là nhà văn nữ George Sand viết cho ông: "Tôi hy vọng là ở đấy anh sẽ đưa chúng tôi xuống những vùng biển sâu và buộc các nhân vật của anh phải phiêu lưu bằng những con tàu ngầm mà kiến thức và trí tưởng tượng bay bổng của anh chắc chắn sẽ hoàn thiện được". Verne nhận được rất nhiều lời khuyên như vậy ngay từ trước khi ông đến Crotoy. Bởi thế ngay khi đến nơi, ông phác thảo sườn của cuốn tiểu thuyết mà ông đặt tên là Phiêu lưu dưới nước. Nhưng nỗ lực đầu tiên của ông không thành công: ông thiếu tư liệu, hơn nữa nghề viết văn chẳng đem lại cho ông mấy tiền nên ông phải làm thêm các việc khác có thu nhập cao hơn.

Vào năm 1865 ấy, Jules Verne đã 37 tuổi và còn chưa nổi tiếng. Trước đó ông đã sống vài năm ở Paris, miệt mài làm việc, khát khao trở thành nhà viết kịch, nhưng không thành công. Ông quyết định chuyển sang thể loại khác. Năm 1863, ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Bảy tuần trên khinh khí cầu và bắt đầu được nhiều người biết đến. Mặc dù thu được thành công nhưng để trang trải chi tiêu, ông buộc phải bắt tay vào biên soạn cuốn Địa lý Pháp và các thuộc địa của Pháp qua minh họa. Khi ông cùng gia đình trở lại Crotoy vào năm 1866 thì công trình này vẫn chưa hoàn thành.

Tháng 6/1867, Jules Verne vượt Đại Tây Dương sang Mỹ trên con tàu "Great Eastern", một con tàu biển khổng lồ vào thời ấy. Ông có dịp ngắm nhìn và nghiên cứu biển cả. Sau khi trở về Paris, ông đến thăm triển lãm quốc tế trên quảng trường Mars. Tại đây, ông thích thú quan sát đề án xây dựng kênh đào Suez, công nghệ chế tạo những chiếc tàu ngầm đầu tiên và những bộ đồ lặn đầu tiên. Những kiến thức mới thu lượm được đã giúp ích cho ông rất nhiều và kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng phong phú của ông. Khi quay trở lại Crotoy, ông hăm hở cầm lấy bút. Ông thông báo cho người chủ xuất bản của ông là Pierre Jules Hetzel về ý định quay trở lại với đề tài Cuộc phiêu lưu dưới nước. Lúc này, trong đầu óc ông đã hiện rõ những ý tưởng hết sức cụ thể.

Ông mua một chiếc xuồng máy đánh cá rồi sửa sang lại thành một chiếc tàu nhỏ mà ông đặt tên là "Saint Michel". Với chiếc tàu này ông tin là có thể tiếp cận trực tiếp với biển cả. Trước lúc hạ thủy con tàu, ông viết cho Hetzel: "Tôi say mê khối kết hợp đinh và ván gỗ này như chàng thanh niên 20 tuổi say mê người yêu. Và tôi sẽ còn trung thành hơn với chàng ta nữa".

Jules Verne quanh quẩn hàng tiếng đồng hồ trên con tàu bằng gỗ của mình. Cabin phía sau được ông biến thành phòng làm việc. Tại đây ngổn ngang những cuốn từ điển, những tập sách về kỹ thuật và về nghề hàng hải.

Cũng chính trên con tàu "Saint Michel" này mà Jules Vernes, một người rất mê cuốn Robinson trên hoang đảo và môn địa lý rút cuộc đã có thể tưởng tượng mình là một thuyền trưởng cô độc. Và sự cô độc này đã cổ vũ ông. Nhân vật Nemo ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Ông viết cho Hetzel: "Bạn thân mến của tôi. Nếu tôi thành công thì cuốn sách sẽ tuyệt vời biết bao! Tôi đã được thấy bao điều thú vị trên biển, khi tôi rong ruổi trên chiếc Saint Michel". Mùa thu năm đó ông lại viết cho Hetzel: "Bạn thân mến của tôi. Vào lúc tôi viết những dòng này cho bạn thì tôi đang đứng trước Gravesen và đang hoàn thành tập một cuốn Hai vạn dặm dưới đáy biển". Đến năm 1869 thì ông hoàn thành tập hai.

Từ ngày 20/3/1870, cuốn tiểu thuyết mới của Jules Verne được đăng dần trong Tạp chí Giáo dục và nghỉ ngơi. Ngày 20/7 năm đó, phần cuối của tiểu thuyết ra mắt bạn đọc. Kết thúc phần cuối này là những lời sau đây: "Liệu ai có bao giờ đo được chốn đại dương sâu thẳm? Chỉ hai người duy nhất có quyền trả lời câu hỏi này - đó là Nemo và tôi. "Tôi" ở đây là giáo sư Aronax, người dẫn truyện trong cuốn tiểu thuyết.

Tháng 7/1870, tiết trời rất ấm áp. Jules Verne cùng hai thủy thủ đáp con tàu "Saint Michel" rời Crotoy và đi dọc theo bờ biển Picardie và Normandie cho tới cửa sông Seine rồi tiến về phía Paris. Tại Paris, ông rời con tàu yêu quý của ông và đi đến phố Jacob để bắt chặt tay người bạn Pierre Jules Hetzel của ông. Hiển nhiên đây là những ngày đẹp nhất trong cuộc đời Jules Verne.

TÓM TẮT

- Tháng 6/1867, Jules Verne vượt Đại Tây Dương sang Mỹ trên con tàu "Great Eastern". Đó là thời kỳ mà Tổng thống Abraham Lincoln vừa bị ám sát, sau cuộc Nội chiến tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ (1861 – 1865).

- Hơn nữa, một trong những thầy giáo của Jules Verne là Brutus de Villeroi , người sau này nổi tiếng với việc chế tạo chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ .

Như vậy, Jules Verne - nhà văn khoa học viễn tưỏng nổi tiếng của Pháp đã có hai sự kiện gắn liền với Liên bang non trẻ Hoa Kỳ - nơi đã ban hành Bản Tuyên ngôn Độc lập vào năm 1776 và bản Hiến pháp, năm 1787 - cả hai văn bản này đều xuất hiện đầu tiên trên thế giới. Chính điều này đã khiến cho vị giáo sư đại học Paris Laboulaye và điêu khắc gia Bartholdi - vì thích thú nền Dân chủ mới lạ của Mỹ - mà sáng tạo ra Bức tượng Nữ thần Tự do – và sau đó, hai ông thay mặt nhân dân Pháp tặng nhân dân Mỹ để kỷ niệm 100 năm nền Độc lập của Mỹ.

Jules Verne đã đến Mỹ sau một năm Nữ thần Tự do hoàn thành và Tổng Thống Mỹ Cleveland thay mặt nhân dân Mỹ tiếp nhận vào ngày 28-10-1887. Cho đến nay, Hiến pháp Mỹ vẫn tồn tại với nhiều Tu chính án, chứ Liên Bang này chưa hề có một cuộc đảo chính nào để xé bỏ Hiến pháp như nhiều quốc gia khác: nước Pháp của Laboulaye cũng đã có 5 bản Hiến pháp. Tất cả công dân hài lòng với Tam quyền phân lập ghi trong Hiến Pháp Mỹ.

Thầy giáo của Nhà văn, Brutus de Villeroi nổi tiếng với việc chế tạo chiếc Tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Mỹ. Sư kiện này khiến Mỹ trở thành Cường quốc Hải quân trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương – hai đại dương lớn nhất nhì thế giới, nằm ôm ấp hai bên nước Mỹ.

Từ đó, Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ trở thành Cường quốc số 1 thế giới với Biểu tượng linh thiêng là tượng Nữ thần Tự do, do chính nhân dân của Nhà văn Pháp trao tặng.

PHẠM VŨ

(Tham khảo: Tài liệu từ Sách báo & Internet)

NHÀ VĂN THIÊN TÀI

BỊ CẤM SUỐT NỬA THẾ KỶ

Đối với người bảo vệ tôn giáo, ông là hóa thân của quỷ dữ, dùng ngôn ngữ để đầu độc tâm hồn con người. Đối với giới văn học, ông là một thiên tài hiếm có, nghệ sĩ vĩ đại cuối cùng của phái lãng mạn. Còn chính ông tự coi mình là một nhà tiên tri, viết để cứu thế. Bị cấm suốt nửa thế kỷ, tác phẩm của ông lại được phổ biến rộng rãi và trở thành đối tượng hấp dẫn của những nhà nghiên cứu… Người đó không ai khác hơn là nhà văn David Herbert Lawrence.

Người vừa yêu vừa ghét phụ nữ

Tác giả của Lady Chatterley’s lover (Người tình của phu nhân Chatterley) qua đời vào năm 1930, hưởng dương 44 tuổi. Trong hơn 20 năm, tác phẩm của D.H.Lawrence luôn luôn tạo nên những trận cuồng phong. Với những trang miêu tả sống động về tình dục, tiểu thuyết của D.H.Lawrence đã làm kinh động xã hội bảo thủ cực đoan thời đại Victoria ở Anh quốc. Trong khi những nhà tôn giáo lên án ông dùng văn chương để đầu độc tâm hồn con người, những nhà nghiên cứu văn học coi ông là nhà lãng mạn cuối cùng làm gạch nối giữa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, là nhân chứng tinh tế của xã hội nông nghiệp bị thay thế bởi xã hội công nghiệp. Sau khi D.H.Lawrence qua đời, tiếng tăm của ông càng lừng lẫy. Tác phẩm ông có sức thu hút mãnh liệt đối với giới nghiên cứu vì tính phức tạp của chúng và bản chất đầy mâu thuẫn của ông.

D.H.Lawrence có thể là một người bạn khẳng khái, sáng suốt và thú vị nhưng sau đó ít phút, ông lại trở nên hung bạo và thiếu trung thành. Ông yêu vợ sâu sắc, tự cho rằng nếu không có nàng, ông không thể sống được. Nhưng đồng thời, ông cũng hay hành hạ vợ. Ông thường chọn tình dục làm chủ đề sáng tác, nhưng khuynh hướng này của chính ông lại rất hàm hồ, thần bí: một mặt, căm phẫn thói đồng tình luyến ái; mặt khác, lại ca ngợi nó trong tác phẩm. Thái độ đối với phụ nữ cũng rất mâu thuẫn: có lúc ông ca ngợi họ, nhưng đôi lúc ông cũng thể hiện lòng thù hận đối với họ, cho rằng cả đời người đàn ông luôn luôn bị các phụ nữ thao túng. Thật ra, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai người đàn bà: một là mẹ ông và hai là Frieda, vợ ông.

Từ lúc chào đời (11.9.1885), Lawrence đã là một đứa trẻ ốm yếu, phát triển chậm. Khi đã 12 – 13 tuổi, ông hãy còn ngồi trong lòng mẹ. Cha ông là một công nhân ít học, trong khi mẹ ông là một người có học thức, thích văn nghệ. Sau ngày cưới, bà chán chường nên đặt hết hy vọng vào con, đặc biệt ưu ái Lawrence. Khi mẹ còn sống, Lawrence gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và tình yêu. Ông từng thú nhận với một bạn gái: “Tôi không thể yêu cô vì tôi chỉ yêu mẹ tôi!”. Và mẹ ông cũng không khuyến khích ông trong việc yêu đương. Chi tiết này được miêu tả trong Sons anh lovers (Những đứa con trai và những người tình).

Lớn lên dưới ảnh hưởng của Thanh giáo, Lawrence chẳng những không biết gì về tính dục, mà còn cảm thấy xấu hổ về chuyện này, và gặp nhiều khó khăn vào thời niên thiếu. Đến năm 23 tuổi, Lawrence vẫn là một trai tân, chưa biết hôn ai bao giờ. Điều đó làm ông lo lắng. Mặc dù thích giao du với bạn gái, vì cho họ là hiện thân của tính chất lãng mạn và sự thuần khiết, Lawrence lại nghĩ rằng phụ nữ bao giờ cũng dùng tính dục để khống chế nam giới. Do đó, phụ nữ rất đáng sợ.

Mối tình kỳ lạ

Năm 1908, sau khi tốt nghiệp đại học, Lawrence dạy học tại Luân Đôn và bắt đầu viết văn. Thời gian này, ông làm quen với nhiều nhân vật trong giới văn học nghệ thuật. Ông đã từ bỏ đức tin tôn giáo ấu trĩ và tỏ ra đặc biệt yêu thích thuyết tiến hóa của Darwin. Sự đánh mất niềm tin tôn giáo khiến ông càng cường điệu quan hệ giữa người và người, nhất là quan hệ nam nữ.

Hai năm sau, không nỡ nhìn người mẹ yêu dấu của mình bị ung thư hành hạ, ông cho morphine vào sữa để giải thoát cho bà. Năm 1911, D.H.Lawrence bắt đầu có triệu chứng lao phổi, nhưng cuối cùng cũng vượt qua. Nhưng cơn bệnh này sẽ rút ngắn tuổi thọ của ông, làm thay đổi triệt để nhân sinh quan, khiến ông phẫn nộ và bất mãn, vui buồn bất thường. Năm 1911, bộ tiểu thuyết đầu tiên của Lawrence được xuất bản: The white peacock (Con công trắng). Sau khi khỏi bệnh, D.H.Lawrence từ bỏ nghề dạy học, nghĩ tới con đường ra nước ngoài để làm việc. Khi ông tìm đến Ernest Weekley – người thầy của ông ở đại học – để trao đổi về ý định này, Lawrence được gặp vợ của thầy: bà Frieda. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã làm thay đổi quan điểm của nhà văn trẻ. Frieda lớn hơn Lawrence 6 tuổi. Xuất thân trong một gia đình quý tộc ở Đức, từ nhỏ Frieda đã tiếp xúc với các thành phần trí thức và các nghệ sĩ. Vốn có tư tưởng tiến bộ, Frieda tin vào tự do luyến ái và quan niệm rằng sự ràng buộc lễ giáo là phản tự nhiên. Dù đã có 3 con, Frieda vẫn có dung nhan xinh đẹp và có nhiều tình nhân. Từ giờ phút đó, số phận của hai người gắn liền với nhau.

Frieda cho rằng mình đã phát hiện thiên tài của Lawrence, nhưng kỳ thật lúc đó nàng chưa biết gì về tài năng của ông. Còn Lawrence ca ngợi nàng là “người phụ nữ Anh hoàn mỹ nhất”, là một nửa cuộc đời của mình. Ông xin nàng bỏ chồng con để đi theo ông. Đôi tình nhân chỉ mang theo 11 bảng Anh, vội vã đến Đức. Hoàn cảnh xuất thân của họ hoàn toàn khác biệt: Lawrence là con của một người thợ mỏ, còn Frieda là con gái của nam tước Richthofen ở Đức. Lawrence ái mộ Frieda một phần cũng vì nguồn gốc quý tộc này. Ngoài ra, sự nồng nhiệt và thái độ phóng khoáng của Frieda cũng mở lối thoát cho Lawrence. Hơn nữa, Frieda cho rằng mình sẽ phát huy thiên tài của Lawrence và chỉ có mình mới khiến ông trở thành một nhà văn kiệt xuất.

Họ chính thức kết hôn vào năm 1914. Mặc dù đời sống hôn nhân rất sung mãn, Frieda vẫn không thay đổi bản tính phóng khoáng và vẫn có nhiều tình nhân. D.H.Lawrence thường đánh đập vợ và hai người nhiều lần “tan hợp, hợp tan” nhưng cuộc hôn nhân vẫn kéo dài cho đến khi Lawrence từ giã cõi đời (ngày 2 tháng 3 năm 1930).

Những cuốn sách bị lên án

Năm 1913, tiểu thuyết mang tính chất tự truyện Sons and lovers ra đời, xác định vị trí của D.H.Lawrence. Nhưng những trang miêu tả quá chân thực về tình dục đã khiến nhiều nhà phê bình công kích tác phẩm này; vả lại, độc giả cũng chẳng mấy chú ý nên sách bán được rất ít. Năm 1915, The rainbow (Cầu vồng) được xuất bản đã làm chấn động xã hội Anh quốc. Bị công kích mạnh mẽ, tác phẩm này được các nhà phê bình đương thời gọi là “cái gì ô uế nhất”; và cảnh sát lập tức ra lệnh tịch thu và thiêu hủy. Điều đáng buồn cười là The rainbow ca tụng hôn nhân, và đề cao gia đình như là nền tảng của quốc gia. Năm 1916, Lawrence tự bỏ tiền túi, in lại The rainbow, nhưng chỉ bán được có 10 quyển. Không hài lòng, ông nỗ lực hoàn thành một cuốn khác: Women in love (Đàn bà trong tình yêu – phần 2 của The rainbow), nhưng không dám xuất bản. Mãi đến năm 1920, cuốn tiểu thuyết mới được ấn hành tại New York.

Qua một chuyện tình, Đàn bà trong tình yêu mô tả sự thay đổi và sụp đổ của xã hội phương Tây được biểu hiện qua mối quan hệ đầy hận thù. Tác phẩm được viết đúng lúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang diễn ra, nước Anh đang chịu nhiều tổn thất. Ông sống nhờ sự tiếp tế của bạn bè. Gia đình bất hòa, vợ chồng ông gây gổ liên tục, thậm chí có lúc xô xát.

Mùa thu năm 1917, Anh phản công Đức dữ dội. Chính phủ Anh nghi ngờ vợ chồng D.H.Lawrence làm gián điệp của Đức, ngày đêm cho người theo dõi, cuối cùng buộc họ phải rời bỏ nơi cư ngụ. Sự kiện này khiến Lawrence căm hận nước Anh, mong sớm đến Mỹ để tìm một đời sống mới. Sau khi chiến tranh kết thúc, vào khoảng năm 1920, tiểu thuyết của D.H.Lawrence bắt đầu được nhiều người tìm đọc khiến đời sống vật chất của ông ổn định. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa ông và vợ vẫn không thay đổi. Trong mắt nhiều người, nhất là các gia nhân, Frieda là một phụ nữ không tốt. Vào tuổi trung niên, bà không còn hấp dẫn như trước, nhưng vẫn có nhiều tình nhân. Nhiều người không thể hiểu được tại sao Lawrence vẫn ngưỡng mộ Frieda. D.H.Lawrence cho rằng ông cần một người vợ khiêu chiến với ông, kích thích tư duy của ông, khiến ông luôn luôn ở trong trạng thái chiến đấu. Hay nói như Frieda, có bà, thiên tài của chồng mới ra hoa, kết quả. Không có cuộc chiến đấu thường xuyên này, D.H.Lawrence chỉ là một tác giả không ai biết đến.

Đến năm 1923, số lượng phát hành tác phẩm của Lawrence tăng vọt và ông bắt đầu nổi tiếng. Hai vợ chồng Lawrence du lịch ở Mexico. Năm 1925, khi còn sống tại châu Âu, ông đã bắt đầu viết tác phẩm Lady Chatterley’s lover. Anh quốc trong mắt Lawrence là một xã hội bị xâu xé bởi cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt, và cuộc xung đột giữa công nhân và quý tộc không thể điều hòa được. Trong bối cảnh đó, ông tìm cách “dàn xếp” qua sáng tạo nghệ thuật. Nhân vật chính trong tác phẩm là một cô gái quý tộc, lập gia đình với một chàng trai danh giá, nhưng mất khả năng tính dục. Đó là một cuộc hôn nhân “hữu danh vô thực”. Trong cảnh cô đơn, người vợ gặp người gác rừng của chồng, tràn đầy sinh lực và nàng được hưởng một thứ tình yêu với đầy đủ ý nghĩa của nó. Tiểu thuyết “Lady Chatterley’s lover” (Người tình của phu nhân Chatterley) xuất hiện chẳng khác nào một quả mìn làm nổ tung xã hội Anh lúc bấy giờ, thậm chí còn khởi phát làn sóng giải phóng tính dục ở phương Tây từ những năm 1960.

Trước khi xuất bản, Lady Chatterley’s lover được tác giả sửa chữa nhiều lần, nhiều đoạn quá khiêu dâm bị cắt bỏ, nhưng vẫn không tránh khỏi búa rìu dư luận. Ấn bản đầu tiên của bộ tiểu thuyết này ra đời tại Ý với số lượng 1.000 quyển, được bạn bè của ông phát hành vì các nhà xuất ban đều từ chối. Một số bản được du nhập vào Anh, nhưng tại Mỹ nó lại bị tẩy chay. Sau đó không lâu, chính phủ Anh và Mỹ đều chính thức liệt nó vào hàng “cấm thư”. Sức khỏe của D.H.Lawrence càng lúc càng yếu, nhưng ông vẫn lạc quan và cố gắng thực hiện kế hoạch du ngoạn thế giới bằng đường thủy.

Năm 1927, bệnh phổi tái phát và Lawrence mất sau đó 3 năm. Sau khi ông mất, thiên tài kỳ lạ của ông đã thu hút giới nghiên cứu và nhiều tác phẩm của ông trở thành đề tài điện ảnh hấp dẫn.

TRẦN PHÒ

(Theo Life Story)

ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st

CÔNG CHI KIÊU

DÂNG CÂY ĐÀN CẦM

Công Chi Kiêu kiếm được gỗ đồng - một loại gỗ quý - đem về xẻ ra làm cây đàn cầm, mắc dây rồi đờn, tiếng như vàng reo, như ngọc ứng, tự cho là vật báu trong thiên hạ rồi đem dâng lên quan Thái thường. Ông này truyền cho tay thợ giỏi trong nước coi thử nghiệm xem thực hư ra sao thì họ cho rằng “không cổ quý” rồi đem trả lại. Công Chi Kiêu nhận về, nghĩ ra một cách bàn tính với người thợ sơn làm giả ra những vằn vệt, lại bàn với người thợ khắc triện chạm lọng giả cổ; đoạn đặt vào hộp đem chôn xuống đất. Một năm sau lấy lên, đem ra chợ bán. Có một “vị quý nhân” đi qua trông thấy bỏ ra trăm tiền vàng mua lấy rồi đem dâng vào triều. Bọn nhạc quan chuyền tay nhau xem, ai cũng nói rằng “Đây thực là của báu hiếm có trên đời

Công Chi Kiêu nghe vậy than rằng: “Thương thay!!! trò đời là thế đó há chẳng riêng cây đàn cầm này thôi ư?! Việc gì mà chẳng giống như thế cả! nếu không sớm lo trước, rồi cũng đến ta, theo đó mà cùng mất cả thôi! Đoạn bỏ đi vào nơi non cao mù mịt, không biết tông tích về sau ra sao?!”

BÀN VỀ CHƯƠNG PHÁP CÚ PHÁP

Bài này thuộc loại thể ký tự, đem cây đàn cầm ra làm thí dụ cho những chân tài mà không được dùng, cực lực thống trách những người chỉ biết dùng lũ nịnh bợ chung bọn, lại hay ganh ghét những người tài giỏi.

ĐOẠN THỨ NHẤT: Tả cái giá trị của “cây đàn” gỗ đồng tố, tiếng như vàng reo, âm như ngọc ứng, đó là đặc điểm thiết yếu bất cứ của một cây đàn nào được liệt vào “của quý trong thiên hạ”, thế rồi từ mặt trái diểm bật ra mấy chữ “không cổ quý… trả lại!!!”.

Ngòi bút tự thuật thật là khúc triết, tuy không nói ra mà cái ngụ ý thật là sâu sắc. Thanh có thừa, mà Sắc thì không lọt vào mắt xanh của một số người hẹp hòi ích kỷ rõ ràng là như vậy.

ĐOẠN THỨ NHÌ: Tự thuật, công việc tráng tác bề ngoài đem sơn cho thành vằn vệt, chạm trổ những hình những chữ cổ vào rồi đem chôn cây đàn xuống đất một năm, đủ rõ bản thân cây đàn không phải là đồ cổ. Vậy mà vẫn là cây đàn ấy, sau khi phủ lên một lớp men hồ, nhóm người nầy rầm rộ khen rằng: “Đây thật là của báu hiếm có trên đời”.

Kết luận: Trò đời là thế đó.

HẢI ĐĂNG: TRẦN VĂN HỮU st

Di sản văn hóa phi vật thể

NGHỆ THUẬT CA TRÙ

KIỆT TÁC DI SẢN PHI VẬT THỂ

& TRUYỀN KHẨU CỦA NHÂN LOẠI

Hát ca trù (hay nhà trò, hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà tơ), theo nhiều tài liệu văn bia, thư tịch cổ xuất hiện ở nước ta từ thời Lý. Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), vua Lý Thái Tổ đặt chức quản cho giới con hát. Tuy nhiên phải đến thời Hồng Đức (1470–1479), nghệ thuật hát ca trù mới chính thức được hoàn thiện về nhiều mặt từ tổ chức giáo phường, cơ cấu nghệ thuật, đến không gian trình diễn. Theo đó, hát ca trù có năm không gian trình diễn chính: Ca trù cửa đình (hát ở cửa đình tế thần và chúc mừng dân làng); ca trù cửa quyền (thưởng thức ca trù của các nhà quyền chức giàu có); ca trù tại gia; ca trù hát thi; hát ca quán. Tùy từng không gian diễn xướng mà chương trình nghệ thuật có cấu tạo khác nhau, nhiều tiết mục nhất là chương trình hát cửa đình (22 tiết mục: giáo nhạc, bắc phản, đọc thơ…).

Bây giờ không gian diễn xướng không còn tồn tại, câu lạc bộ là nơi sinh hoạt của những người yêu thích nghệ thuật ca trù cũng là nơi diễn xướng duy nhất của hát ca trù. Những hát nói, hát ru, hát sẩm… là những tiết mục chính của các câu lạc bộ. Có một vài câu lạc bộ chuyên nghiệp hơn, có thêm bắc phản, tỷ bà, ả phiền nhưng cũng rất hiếm vì những bài này đòi hỏi phải luyện tập rất công phu.

Khác với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống vốn có ở nước ta, hát ca trù là nghệ thuật của thơ ca và âm nhạc. Nhà thơ, đào nương và kép đàn cùng là “chủ thể sáng tạo nghệ thuật”. Chính vì thế nghệ thuật hát ca trù luôn luôn mới, đáp ứng được thẩm mỹ, tinh thần thời đại.

Theo thống kê của ngành văn hóa, có trên chục tỉnh thành có hát ca trù (tất nhiên ở đây không bao gồm khẳng định địa phương nào là chiếc nôi của hát ca trù và văn hóa ca trù). Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và rải rác có khoảng 30 câu lạc bộ ca trù (năm nghệ nhân/ câu lạc bộ). Như vậy, có thể thấy, hát ca trù và văn hóa ca trù không thiếu một lực lượng giàu tâm huyết, bên cạnh những nhà nghiên cứu âm nhạc. Đặc biệt, cho đến thời điểm này chưa có một loại hình âm nhạc truyền thống nào của Việt Nam là đề tài bảo vệ tiến sĩ của sáu người (nguồn Việt Âm nhạc). Hơn nữa, tuy vào thời điểm này, ngành văn hóa mới dành cho hát ca trù một sự quan tâm, nhưng trước đó qua hai dự án hỗ trợ (đào tạo diễn viên trẻ hát ca trù) của quỹ Ford, những câu lạc bộ ca trù được hình thành, hoạt động sôi nổi (nhóm gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, câu lạc bộ ca trù Hà Nội, câu lạc bộ ca trù xã Cổi Đạm…). tuy nhiên, lề lối, đưa hơi nhả chữ của các câu lạc bộ này không ai giống ai, câu lạc bộ nào cũng muốn khẳng định tính “địa phương” (đặc sắc), quên dần tính “phổ biến” của nghệ thuật ca trù. Đây cũng chính là lý do khiến ca trù mất đi tính nguyên bản của nó.

Để có được hồ sơ trình lên UNESCO, công việc đầu tiên và quan trọng nhất là tiến hành tổng kiểm kê trên quy mô toàn quốc, không riêng ở các tỉnh, thành phố - nơi có hát ca trù. Điều này, không chỉ là sự quan tâm của chính quyền, sự bằng lòng của nghệ nhân mà còn cần cả sự ủng hộ của quần chúng. Từ kết quả của cuộc tổng kiểm kê đó, các chương trình kế hoạch cụ thể mới được vạch ra.

Đến thời điểm này, Viện Âm nhạc (cơ quan chủ trì xây dựng hồ sơ) đã có trong tay một khối lượng tài liệu về nghệ thuật hát ca trù đáng nể. Thư tịch Hán Nôm về ca trù (ca trù tạp lục), dữ liệu âm thanh và hình ảnh về các nghệ nhân hát ca trù (Quách Thị Hồ, Phạm Thị Mùi, Kim Đức…) cũng tập hợp các tác phẩm về hát ca trù từ đầu thế kỷ. Trong thời gian tới, một số lễ cổ cần được phục dựng lại “Thị yến thưởng đào” (làng Đông Ngạc), “Mở xiêm áo” (Lỗ Khê – Đông Anh – Hà Nội), “Chầu cử” (Đồng Sâm – Thái Bình), “Múa bỏ bộ”, “Múa bài bông”, “Múa dâng hương” (Hà Tĩnh). Như vậy, vai trò của nghệ nhân trong việc lập hồ sơ là rất quan trọng. “Cần có sự quan tâm đặc biệt đến nghệ nhân, nhất là những người có khả năng truyền dạy”.

Tất nhiên, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được thảo luận, từ khái niệm “hát ca trù” (có ý kiến nên sử dụng “Nghệ thuật ca trù”), hay các bước lập hồ sơ, sự phối hợp giữa các ngành hữu quan trong việc đưa ca trù vào giảng dạy tại các trường nghệ thuật cũng như các bậc đào tạo. “Không nên hiểu đây là việc dạy để biết đàn, hát ca trù, mà chỉ đơn thuần là việc phổ biến kiến thức âm nhạc về ca trù”. Mặt khác, cho đến thời điểm này còn có rất nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc, tiến trình phát triển của ca trù qua thư tịch cổ cũng như các văn bia. (Viện nghiên cứu Hán Nôm), trong quá trình lập hồ sơ, cần tôn trọng tính nhân bản của các tài liệu gốc về ca trù, bởi một trong những yêu cầu quan trọng của hồ sơ trình là tài liệu chính xác. Như vậy, điều quan trọng nhất trong việc đảm bảo tính chính xác của hồ sơ là sự thống nhất, liên kết giữa các nhà nghiên cứu về ca trù, nghệ nhân hát ca trù.

Như ông Đặng Hoành Loan, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, người được Viện Âm nhạc giao chủ trì công việc lập hồ sơ khẳng định: “Không có gì là không thống nhất. Các nhà khoa học đều thống nhất và khẳng định thời kỳ phát triển mạnh mẽ của ca trù vào thời Lê. Hình thức ca trù thời đó đã hoàn thiện, hoàn mỹ và nếu chúng ta lấy mốc thời kỳ này thì ca trù cũng đã được 500 năm. Mà một loại hình nghệ thuật có 500 năm tuổi thì nó quá xứng đáng để nó được làm hồ sơ di sản. Song có nhiều nhà nghiên cứu còn muốn ngược dòng lịch sử để chứng minh sự ra đời sớm hơn của nó, thời kỳ mà nó chưa thực sự phát triển, mới bắt đầu. Sự “không thống nhất” là ở chỗ đó – một đằng là muốn kéo về nhà Lý, một đằng lại muốn đưa về nhà Lê – nhà Lê thì hưng thịnh, còn nhà Lý là khởi nguồn. vậy thì lấy từ khởi nguồn hay lúc hưng thịnh? Nếu chứng minh được ở thời Lý thì “kinh quá”, 1000 tuổi, chỉ tiếc rằng chúng ta chưa có đủ chứng cứ để chứng minh. Theo tôi, chúng ta nên tạm hài lòng với việc ca trù chắc chắn đã được 500 năm tuổi”.

Vì ở thời Lý hay thời Lê thì âm nhạc của ta ảnh hưởng Tàu rất nhiều. Những ca trù hay ở chỗ lại không giống Tàu một chút nào. Một cây đàn đáy Tàu không có, một giọng hát Tàu không có, một cái phách Tàu cũng không có nốt. Mà không chỉ so với Tàu mà với cả thế giới thì ca trù cũng là một loại hình âm nhạc độc đáo. Đó là có một ả đào vừa hát vừa đánh phách, tiết tấu thì phức tạp, có một cây đàn không tham gia bất cứ một dàn nhạc nào, chỉ dành riêng cho ca trù, đó là đàn đáy. Đàn đáy có một đặc điểm là rất dài làm cho dây không căng lắm và dây lại chỉ được lắp từ nửa thân dưới trở xuống để có độ nhấn rung. Thứ nữa là trống chầu tham gia vào vận mệnh tổ chức âm nhạc, làm cho âm nhạc khúc triết, hấp dẫn hơn. Trống chầu biết chỗ nào ngắt câu, chỗ nào ngắt khổ; mặt khác, nó có một vai trò quan trọng khác mà các tống khác không có – đó là trống khen, chê. Khen một câu hát hay, một tiếng đàn hay, chê một giọng hát dở, một tiếng đàn dở…, khen, chê đồng nghĩa giải thích cho người nghe chỗ này hay đấy, chỗ kia dở đấy… – thú vị không?!

ĐÀN ĐÁY

Đàn đáy là nhạc khí đặc trưng trước kia chỉ dùng để đệm cho một thể loại hát duy nhất với hai nhánh mà ngày nay người Việt thường gọi là Hát cửa đình và Hát ả đào (hoặc Ca trù). Chỉ nam giới mới chơi nhạc cụ này. Có lẽ đàn được sáng tạo từ thế kỷ 15 với sự định hình của thể loại hát nói trên.

Âm sắc trầm, đục, ấm nhưng ngắn của đàn đáy tạo nên sự tương phản làm nổi bật âm sắc của những người bạn hòa tấu với nó.

Ngoài thể loại nói trên, ngày nay đàn đáy còn được dùng để đệm cho nhâm thơ. Bởi tính chất khiêm tốn, nhũn nhặn của tiếng đàn trong khi đệm cho hát, có người đã ví đàn đáy như một “triết gia ẩn dật”.

CẢ SÀI GÒN KHÔNG TÌM ĐÂU RA CÂY ĐÀN ĐÁY

Sài Gòn nổi tiếng là trung tâm văn hóa – du lịch lớn. Người Sài Gòn nổi tiếng là “hợp chủng”… khắp mọi miền đất nước. Ấy vậy mà, thật lạ kỳ, nhân lễ hội đầu xuân 92 này tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (Q.1 – Tp.HCM), theo yêu cầu của nhiều giới điêu nghệ ca nhạc cổ, và để tăng phần đậm đà lễ nghi dân tộc cho hội lễ. Ban Quản trị Đền đã mời nữ nghệ sĩ Huệ Đăng – người duy nhất hát ca trù còn lại ở Sài Gòn – trình diễn một số bài ca trù. Nhưng suốt nhiều tuần lễ người ta đi lùng kiếm khắp thành phố bốn triệu dân này đã không kiếm đâu ra được người nào đánh đàn đáy; ngay chính cây đàn đáy dài ngoằng ba dây ấy cũng chẳng thế nào… tìm ra được! Đào ca trù mà không có kép đàn đáy thì khác gì ăn trầu mà chẳng có cau? Vì bảo vệ danh dự nghề truyền thống, nghệ sĩ già Huệ Đăng đã từ chối hát “chay” hoặc hát với cây đàn… nguyệt.

Những kép đàn đáy xưa nay ở đâu? Tại Hà Nội thì còn được vài vị quý hiếm ở tuổi xưa nay hiếm, trong túi đồng tiền… hiếm, bảo sao vào Sài Gòn chi viện được cho nữ nghệ sĩ Huệ Đăng?!

BÙI ĐẸP

Phụ bản II 








TỪ TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÔNG DƯƠNG

ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Trường Đại học Đông Dương là trường đại học theo mô hình phương Tây đầu tiên ở Đông Dương do chính quyền thực dân Pháp thành lập ngày 16 tháng 5 năm 1906, chính thức ra mắt công chúng ngày 11 tháng 10 năm 1907 tại cơ sở của Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội, nay là một cơ sở của Đại học Quốc gia Hà Nội tại số 19 phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 do Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký ban hành có một tầm quan trọng đặc biệt, vì đó chính là văn bản khai sinh ra trường đại học đầu tiên theo mô hình của Pháp tại Đông Dương. Điều 1 của Nghị định ghi rõ: “Nay thành lập ở Đông Dương, dưới tên gọi trường đại học, một tập hợp các khóa đào tạo bậc đại học cho các sinh viên xứ thuộc địa và các nước láng giềng. Cơ sở đào tạo này có nhiệm vụ phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu là thông qua tiếng Pháp, những kiến thức về các ngành khoa học và các phương pháp châu Âu”. Trường được thành lập nhằm đào tạo nhân viên bản xứ cho các bộ máy hành chính địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương.

Ngay từ khi thành lập, Trường Đại học Đông Dương được tổ chức bởi 5 trường thành viên:

1. Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính (Ecole supérieure de Droit et Administration) gồm 3 khoa dự kiến được thành lập bởi Hội đồng Hoàn thiện Giáo dục Bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement Indigène), trong đó khoa thứ nhất đã có từ trước, đó chính là trường Hậu bổ Hà nội (Ecole d’Administration de Hanoi) là nơi đào tạo nên hệ thống quan lại cho bộ máy hành chính người bản xứ ở Đông Dương.

2. Trường Cao đẳng Khoa học (Ecole supérieure des Sciences): gồm các ngành Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh vật. Nhiệm vụ của trường là đào tạo những người làm công tác nghiên cứu khoa học và những giáo viên trung học hoặc cao đẳng sư phạm. Trường được trang bị các phòng thí nghiệm. Khóa học của năm thứ nhất không phải chỉ dành riêng cho sinh viên của trường này mà còn cho sinh viên của các trường khác như trường Y, trường Xây dựng dân dụng…

3. Trường Cao đẳng Y khoa (Ecole supérieure de Médecine): đây chính là trường Y khoa Hà Nội (Ecole de Médecine de Hanoi) được thành lập theo Nghị định ngày 08/01/1902 và được tổ chức lại theo Nghị định ngày 25/10/1904 do Toàn quyền Paul Beau ký ban hành. Theo Nghị định ngày 25/10/1904, trường Y Hà Nội được đổi tên thành trường Y Đông Dương (Ecole de Médecine de l’Indochine). Nhiệm vụ của trường là đào tạo y sĩ và dược sĩ phụ tá (médecin et pharmacien auxiliaire), hạn học 4 năm về y tá và 3 năm về dược. Trong trường còn có lớp nữ hộ sinh bản xứ (sage-femme indigène) được đào tạo trong 2 năm.

4. Trường Cao đẳng Xây dựng dân dụng (Ecole supérieure du Génie Civil) với 3 khoa dự kiến được thành lập, trong đó khoa Cầu – Đường bộ, Đường sắt và Mỏ chính là những ngành của trường Công chính (Ecole des Travaux publics) được thành lập theo Nghị định ngày 22/02/1902.

5. Trường Cao đẳng Văn chương (Ecole supérieure des Lettres): dạy Ngôn ngữ và Văn học cổ điển phương Đông, Lịch sử và Địa lý các nước Viễn Đông, Lịch sử văn học Pháp và nước ngoài, Lịch sử triết học và Lịch sử nghệ thuật.

Ngay sau khi được thành lập, Tổng Giám đốc Học chính (Directeur général de l’Instruction publique) Gourdon đã ban hành bản Nội quy của Trường ký ngày 12/10/1097, xác định rõ thành phần sinh viên cùng đội ngũ giáo viên và chương trình của năm học đầu tiên 1907 – 1908.

Như vậy, Đại học Đông Dương được thành lập trên cơ sở một số trường đã được thành lập trước đó và có mở thêm một số ngành đào tạo mới. Điều đó chứng tỏ rằng, sự thành lập Đại học Đông Dương không phải là một việc làm hứng thú nhất thời của một cá nhân nào mà sự kiện này là kết quả của một quá trình vận động logic trong lịch sử. Quá trình vận động đó, qua tài liệu lưu trữ, chính là cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất ở Đông Dương mà Paul Beau là người khởi xướng, bắt đầu bằng việc thành lập Sở Học chính, một tổ chức “chịu trách nhiệm đưa ra một sự xung động toàn thể về sự nghiệp giáo dục trong toàn xứ Đông Dương” do Gourdon làm Tổng Giám đốc.

Cuối tháng 11 năm 1907, Trường đã tổ chức lễ khai giảng đầu tiên với sự có mặt của 94 sinh viên mới, 62 sinh viên dự thính và 37 sinh viên năm thứ nhất trường Y sẽ tham dự một số giờ học của môn khoa học của Trường, tổng cộng gồm 193 sinh viên. Trong năm học đầu tiên này, một số viên chức các sở chuyên môn tuy không theo học chính thức nhưng cũng được phép tham gia các giờ thực hành tại các trường thuộc Đại học Đông Dương.

Tuy nhiên, sau khi năm học đầu tiên kết thúc, Đại học Đông Dương đã đột ngột đóng cửa, không bởi một văn bản pháp lý nào, không cả một lời giải thích của bất cứ một vị quan chức nào trong bộ máy chính quyền thuộc địa. Cho đến năm 1917, viên Toàn quyền thứ 23 của Pháp ở Đông Dương là Albert Sarraut với bộ “Học chính tổng quy” và việc ban hành Nghị định ngày 31/12/1917 đã làm cho Trường Đại học Đông Dương được hồi sinh sau 10 năm ngừng hoạt động.

Có thể nói rằng, nếu sự ra đời của Đại học Đông Dương gắn liền với chương trình cải cách giáo dục lần thứ nhất của Pháp ở Việt Nam mà Paul Beau là người khởi xướng thì sự tái thành lập của Trường lại không thể tách rời chương trình cải cách giáo dục lần thứ hai của Albert Sarraut.

Vào giai đoạn phát triển nhất (đặc biệt từ năm 1931), Đại học Đông Dương có tổng số gần 1000 sinh viên và đội ngũ giảng viên thường trực bao gồm 25 giáo sư và 21 giáo viên thỉnh giảng. Trong đó, vào năm 1931, đội ngũ giáo viên của trường Y, ngành đào tạo lâu đời và uy tín nhất của Đại học Đông Dương, gồm 6 giáo sư chính thức và 13 giảng viên thỉnh giảng, đào tạo 257 sinh viên.

Việc tiếp nhận nhiều sinh viên nước ngoài đến từ Thái Lan và Trung Quốc chứng tỏ Đại học Đông Dương hấp dẫn các nước láng giềng. Một số sinh viên Pháp (181 sinh viên tại các khoa, 25 sinh viên tại các trường cao đẳng) cũng theo học tại đây.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Dân chủ nhân dân đã thành lập Đại học Quốc gia Việt Nam và khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 15/11/1945 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Giảng đường lớn ở số 19 Lê Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Đại học Quốc gia Việt Nam là sự kế thừa liên tục của trường Đại học Đông Dương, nhưng là sự tiếp nối với tinh thần mới, tính chất mới, nội dung mới. Trên cơ sở một số ban của Đại học Đông Dương, khóa đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam được tổ chức gồm 5 ban: ban Y khoa, ban Khoa học, ban Mỹ thuật, ban Văn khoa và ban Chính trị xã hội. Trong đó, ban Y khoa, ban Khoa học và ban Mỹ thuật về cơ bản kế thừa quy tắc, phương thức, cơ sở đào tạo cũ, nhưng được cải tổ lại cho phù hợp với sự phát triển của khoa học thế giới. Ban Chính trị xã hội và Ban Văn khoa được thành lập mới nhằm đào tạo đội ngũ trí thức có khả năng đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ mà một đất nước mới được độc lập đòi hỏi.

Năm 1946, do hoàn cảnh đặc biệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại học Quốc gia Việt Nam được tổ chức thành những bộ phận nhỏ, thành một số trường, lớp trình độ cao đẳng, đại học hoặc dự bị đại học và hoạt động ở vùng chiến khu hay vùng tự do ở Khu Bốn, Thanh Hóa, Việt Bắc… Sau hòa bình lập lại, cùng với việc thành lập một số trường đại học ở miền Bắc, như trường Ngoại ngữ Trung ương (năm 1955 – tiền thân của trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay), trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1956)… Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) – một trường đại học khoa học cơ bản đa ngành, cũng được thành lập trên cơ sở các khoa đào tạo khoa học cơ bản vốn kế thừa trực tiếp từ Đại học Quốc gia Việt Nam.

Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập lại theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp 3 trường đại học lớn ở Hà Nội: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, và chính thức bước vào hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/9/1994. Ngày nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát triển với cơ cấu tổ chức gồm 6 trường đại học thành viên, 3 viện nghiên cứu khoa học thành viên, 4 khoa trực thuộc, các trung tâm nghiên cứu và đào tạo trực thuộc và một số đơn vị phục vụ.

Với 100 năm xây dựng và phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, một mô hình đại học hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực có quy mô lớn, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài khoa học, công nghệ cho đất nước, đã được khẳng định. Về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất – kỹ thuật và chương trình đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay là sự kế thừa, nối tiếp truyền thống, uy tín, đồng thời là sự phát triển và nâng cao về mọi mặt của các trường đại học lớn nhất ở Việt Nam từ Đại học Đông Dương, Đại học Quốc gia Việt Nam trước đây đến Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội sau này.

Tuy thành quả mà Đại học Đông Dương đạt được còn khiêm tốn nếu xét theo số lượng sinh viên đã rời ghế nhà trường, nhưng Đại học Đông Dương đã đặt nền móng cho giáo dục đại học hiện đại, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội. Rất nhiều nhà trí thức lớn, nhà cách mạng nổi tiếng của Việt Nam đã được trưởng thành từ cái nôi đầu tiên của nền giáo dục đại học hiện đại này.

HOÀNG KIM THƯ st

1.728 BÀI THƠ

TRONG 1 BÀI THƠ!

GSTS NGUYỄN ĐỨC DÂN

Ông Phạm Đan Quế – người giữ 3 kỷ lục Việt Nam về Truyện Kiều – đã sáng tác bài thất ngôn bát cú Kiều nương cửa Phật nói về tâm sự của Thúy Kiều khi đi tu bên bờ sông Tiền Đường như sau:

1. Ngần ngại       đổ chuông chiều        nguyện cầu

2. Sắc hương      vàng nắng ngả           rơi mau

3. Vần xoay        gió bão đầy              năm tháng

4. Lỗi nhịp           Kiều đời trắng           bể dâu

5. Nhân ái           cảnh thiền sai           ước thệ

6. Mộng tình        Kim ấp ủ                  còn đâu

7. Dần xa           dõi bóng Từ               oan khuất

8. Nhân nghĩa      Phật tiên chốn           nhiệm màu

Từ bài trên, có thể tạo ra rất nhiều bài thơ khác gần như cùng nội dung vì những lẽ dưới đây:

Về phương diện hình thức

Trong bài có rất nhiều từ ngữ ghép đôi đẳng lập khiến mỗi dòng thơ đều có thể đọc xuôi đọc ngược một cách thoải mái tự nhiên. Ví như câu 6: “Mộng tình Kim ấp ủ còn đâu” đọc ngược sẽ thành “Đâu còn ủ ấp Kim tình mộng” thì cũng tự nhiên. Đọc ngược cả bài thơ trên sẽ là:

8. Màu nhiệm      chốn tiên Phật     nghĩa nhân

7. Khuất oan       Từ bóng dõi         xa dần

6. Đâu còn          ủ ấp Kim             tình mộng

5. Thệ ước           sai thiền cảnh      ái nhân

4. Dâu bể            trắng đời Kiều      nhịp lỗi

3. Tháng năm      đầy bão gió          xoay vần

2. Mau rơi            ngả nắng vàng     hương sắc

1. Cầu nguyện      chiều chuông đổ   ngại ngần

Chúng ta chú ý là những chữ cuối câu 1, 2, 4, 6, 8 đều cùng vần (cầu, mau, dâu, đâu, màu), những chữ đầu câu 1, 3, 5, 7, 8 cũng cùng vần (ngần, vần, nhân, dần, nhân) khiến ta dễ dàng thay đổi trật tự các câu làm thành một bài thơ thất ngôn bát cú mới.

Mặt khác, có thể bớt đi hai chữ đầu (khi đọc xuôi) hoặc hai chữ cuối (khi đọc ngược) để từ bài thơ thất ngôn thành bài thơ ngũ ngôn.

Cắt hai chữ đầu mỗi dòng sẽ được bài thơ ngũ ngôn:

1. Đổ chuông chiều     nguyện cầu

2. Vàng nắng ngả        rơi mau

3. Gió bão đầy            năm tháng

4. Kiều đời trắng         bể dâu

5. Cảnh thiền sai        ước thệ

6. Kim ấp ủ                còn đâu

7. Dõi bóng Từ            oan khuất

8. Phật tiên chốn         nhiệm màu

Cắt hai chữ cuối rồi đọc ngược sẽ thành bài thơ ngũ ngôn đọc ngược:

8. Chốn tiên Phật        nghĩa nhân

7. Từ bóng dõi            xa dần

6. Ủ ấp Kim                tình mộng

5. Sai thiền cảnh        ái nhân

4. Trắng đời Kiều        nhịp lỗi

3. Đầy bão gió           xoay vần

2. Ngả nắng vàng       hương sắc

1. Chiều chuông đổ     ngại ngần

Mỗi câu thơ đều có thể tồn tại độc lập và cũng là tâm sự của Kiều khi tu hành ở Am Vân Thủy nên có thể đổi chỗ các câu thơ mà bài thơ vẫn chấp nhận được. Bằng cách đổi chỗ các dòng thơ khi đọc xuôi hay đọc ngược, hoặc bỏ bớt 2 chữ đầu của mỗi câu, theo tác giả bài thơ này có ít nhất 1.728 cách đọc thất ngôn bát cú, trong đó có ít nhất 32 bài đúng niêm luật thơ Đường.

Thơ đọc xuôi

Bắt đầu bằng hai câu 1 – 2, 1 – 6, hoặc 8 – 2,… chúng ta có thể làm thành các bài 12345678, 12745638, 12785634… 16345278, 16385274, 16745238, 16785234… hoặc 82315674, 82345671, 82715634, 82745631… Chẳng hạn, bạn có thể “sáng tác” bài thơ đọc xuôi theo trật tự 12385674:

1. Ngần ngại      đổ chuông chiều       nguyện cầu

2. Sắc hương     vàng nắng ngả         rơi mau

3. Vần xoay       gió bão đầy             năm tháng

8. Nhân nghĩa    Phật tiên chốn          nhiệm màu

5. Nhân ái         cảnh thiền sai           ước thệ

6. Mộng tình      Kim ấp ủ                  còn đâu

7. Dần xa         dõi bóng Từ              oan khuất

4. Lỗi nhịp        Kiều đời trắng           bể dâu

Cũng vậy, bạn có thể tạo ra các bài thơ mở đầu bằng hai dòng 83, 87, 57, 53…

Về phương diện nội dung

Ba chữ giữa trong các dòng thơ nhắc tới ba nhân vật trung tâm Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải cùng các điểm căn bản trong đời tu hành của Kiều (chuông chiều, vàng nắng, gió bão, cảnh thiền, Phật tiên) nên khi cắt bớt hai chữ đầu hoặc cuối, những điều này vẫn còn lại khiến bài thơ ngũ ngôn vẫn giữ được ý nghĩa cơ bản như bài thất ngôn. Hệ quả là tất cả 1.728 bài gần như có cùng một nội dung.

Ngoài 3 câu nói về Thúy Kiều (câu 4), Kim Trọng (câu 6), và Từ Hải (câu 7), 5 câu còn lại đều là tâm trạng của Kiều khi nương cửa Phật. Trong bài lại có bốn cặp câu lần lượt nói về “Kiều cầu nguyện” (câu 1, 2); “Kiều ngẫm lại cuộc đời mình đầy bão tố” (câu 3, 4); “Kiều tưởng nhớ mối tình lỗi hẹn với Kim Trọng” (câu 5, 6); “Kiều dõi theo hình bóng Từ Hải chết oan vì mình” (câu 7, 8). Khi đổi chỗ các dòng thơ, những điều này vẫn hiện nguyên đầy đủ.

Mời các bạn dạo chơi trong vườn thơ đọc xuôi đọc ngược của Kiều nương cửa Phật để thấy sự độc đáo và kỳ diệu của tiếng Việt và tài thơ Việt Nam.

ĐỖ THIÊN THƯ st

ĐỐ KIỀU

Năm 2014, năm kỷ niệm thứ 249 (1765-2014) ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Với truyện Kiều bất hủ đã cho ta thấy rằng: Sức sống của những tài năng lớn, của những tác phẩm vĩ đại bao giờ cũng vượt thời gian và không gian, trở thành tài sản chung của dân tộc và của cả nhân loại.

Thơ của Nguyễn Du là thể thơ Việt Nam rất được nhân dân ta ưa thích. Ngôn ngữ dân tộc phong phú, giàu tính nhạc, là đỉnh cao của nghệ thuật, mà trước – nay chưa có ai vươn tới được.

Tùy theo từng hoàn cảnh, từng số phận, người ta đều dễ dàng tìm được một câu hay một đoạn Kiều thích hợp với mình, cho dù đó là người trí thức hay là người bình dân.

Vì ai đọc Kiều cũng thấy đồng cảm, hay ít nhiều thấy tình cảm mình, xã hội mình trong đó, nên truyện Kiều luôn hấp dẫn người đọc.

Truyện Kiều có mấy trăm năm

Nguyễn Du ngày ấy trở trăn bao điều

Ngày nay đọc lại truyện Kiều

Mà ta vẫn thấy những điều ngày xưa

Ngẫm hay cũng tại ông Trời

Sinh ra kiếp nạn, thử người trần gian

Ôi! mầm đại họa chưa tan

Cũng vì đạo đức suy tàn mà ra

Cụ Nguyễn Du ơi!

                     hãy đừng buồn

Ngày nay, con cháu

                     vẫn luôn nhớ Người.

Trong dân gian, người ta mê Kiều nên đã nghĩ ra nhiều cách để thưởng thức Kiều: ngâm Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, đố Kiều… sau đây tôi xin hát một đoạn đố Kiều:

1. Truyện Kiều anh đã thuộc làu

Đố anh tóm lược bốn câu hết Kiều?

- Em đố thì anh xin theo

Bốn câu tóm lược truyện Kiều đã ra

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”

2. Truyện Kiều anh đã thuộc lòng

Đố anh kể được hai dòng năm “cho”?

- “Làm cho, cho mệt, cho mê

Làm cho đau đớn ê chề cho coi!”

3. Truyện Kiều anh đã thuộc làu

Đố anh tìm được một câu bốn “mình”?

- “Oan kia theo mãi với tình

Một mình mình biết, một mình mình hay”

4. Truyện Kiều có một thợ may

Nếu anh biết được đoán ngay ai nào?

- Khó đấy nhưng mà không sao

Thúy Vân đích thị đã vào lời ca

“Hỏi nhà, nhà đã dời xa

Hỏi chàng Vương, với cùng là Thúy Vân

Đều là sa sút khó khăn

May thuê, viết mướn, kiếm ăn lần hồi”

5. Ngoài Kim - Kiều có một đôi

Trai tài gái sắc, anh thời đáp ngay?

- Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay

Lứa đôi ai lại đẹp tày “Thôi – Trương” *

6. Truyện Kiều anh đã thuộc làu

Đố anh đọc được hai câu bốn mùa?

- Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”

7. Truyện Kiều có “Lẻn” mấy lần

Chỗ nào hay lại có thần hả anh?

- Truyện Kiều có “Lẻn” năm lần

Chỗ dùng hay nhất là phần Sở Khanh

“Tường đông lay động bóng cành

Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”

“Thừa cơ lẻn bước ra đi

Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn?”

“Cùng nhau lẻn bước xuống lầu

Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn”

“Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng

Băng mình lẻn trước đài trang tự tình”

“Thừa cơ Sinh mới lẻn ra

Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng”

Kết: Em đố anh đã giải rồi

Bây giờ em sẽ trả lời sao đây?

- Anh đã giải đáp rõ ràng

Em xin nguyện ước cùng chàng se duyên

15.2.2014

LÊ MINH CHỬ

* Thôi Oanh Oanh và Trương Củng


Giấc mơ hoa

Có vạt Quỳ vàng bên triền dốc
Em là hư ảo cõi xa xôi
Ta tìm Em hết nửa đời người
Trong thoáng mộng em về bỡ ngỡ

Triền đất đỏ Quỳ vàng rực rỡ
Nắng mơ màng, em đứng kiêu sa
Giữa đất trời ngà ngọc dáng hoa
Là Em đó như trong mộng tưởng...

Đóa Quỳ xưa gió lộng ngàn phương
Nay về đây giữa cõi vô thường
Ta ngơ ngẩn lạc vào cơn mộng
Sắc vàng, nồng tỏa ngạt ngào hương

Ngắm nhìn em nồng nàn vô lượng
Chẳng ngại ngần sóng gió phôi pha
Ta chợt tỉnh cõi trần mê hoặc
Muốn cùng Em bước lại Tuổi Hoa...

Phạm Thị Minh Hưng.

THÁNG TƯ TÌNH BUỒN

Tháng Tư trĩu nặng bờ vai,
Xót xa con nước chia hai lối về,
Chiều buồn mưa lạnh tứ bề,
Gió đêm buốt giá tái tê mặt hồ,

Tháng Tư thôi hết ước mơ,
Nắng gay gắt nắng, hững hờ mây bay,
Bâng khuâng mơ khúc sum vầy,
Long đong bèo dạt từ đây, tình đời,

Tháng Tư thân Hạc rã rời,
Bay xa tìm kiếm khung trời ước mong,
E gì sóng cả cuồng phong,
E gì biển mặn đôi dòng phân ly,

Tháng Tư tuổi mộng còn chi,
Tháng Tư lăng kính phân kỳ tình ta,
Tháng Tư nỗi nhớ nhạt nhòa,
Tháng Tư tình héo hắt xa mỏi mòn,

Bao nhiêu mộng ước vùi chôn,
Tình ơi mơ phút tương phùng bên nhau
Tháng Tư ngày tháng xót đau,
Đường về xa quá còn đâu ước thề...!

Phạm Thị Minh-Hưng

CÔ ĐƠN


Đêm kia, trời trong lắm

Có gã ốm, gật gù

Bên chai bia dang dở

Với nỗi buồn thiên thu


Gã ngồi từ lâu lắm

Chẳng ừ hử một ai

Chỉ nghe hơi thở ngắn

Như một chút u hoài


Không ai mời được gã

Rời khỏi cái đơn côi

Để đời mình xa lạ

Với những những nụ cười


Đăm chiêu thêm một hớp

Cho men đắng đậm dần

Cho chân về bước thấp

Bước cao, bước phong trần


Đêm qua, cũng nơi ấy

Cũng cái bàn con con

Cũng ánh nhìn ngây dại

Vào chai bia héo mòn


Đêm nay, bàn sương lạnh

Cũng gã ngồi so vai

Mắt sao nhòe ngấn lệ

Vợ mất, đời sầu ai...


LAM TRẦN

05.4.2013


TỰ NHIÊN


Gió ơi! gió thổi làm gì

Phải chăng đùa rỡn hay vì cô đơn?


Trăng ơi! trăng sáng suốt đêm

Phải chăng vì tiếng hát em ngọt ngào?


Anh làm thơ bởi vì sao?

Thả hồn theo gió, hòa vào ánh trăng


Thơ, trăng, mây, gió… cái duyên

Tất cả đều thuận tự nhiên vận hành

LÊ MINH CHỬ

VẾT THƯƠNG LÒNG


Đá bất lực trước niềm đau thế sự

Đời bể dâu chôn lấp chuyện ngàn năm

Dòng lệ cứng bờ mi sầu lữ thứ

Gió thở dài tiếc nuối thuở xa xăm


Hòn vọng phu lặng nhìn cơn bão biển

Mây lang thang đồng cảm nỗi hoài mong

Suối lặng lẽ tìm sang vùng kỷ niệm

Đá khóc thầm nước mắt tím chiều đông

NGÀN PHƯƠNG

ÂM ĐIỆU THẦN TIÊN


Trải hương lòng không đủ ngọt câu thơ

Ta ray rứt cảm thây mình có lỗi

Ta đau đớn tự cho mình trọng tội

Vắt kiệt sức mình chưa diễn tả trọn tâm tư


Thời gian trôi như một cánh tình thư

Trời kim tuyến ngỡ ngàng như sắp khóc

Giấc mơ dài ta thấy mình đơn độc

Trên con đường cát bỏng giữa sa mạc hoang vu


Có đôi khi trong vực thẳm sương mù

Ta lầm lũi đi tìm một vần thơ mượt mà óng ả

Một ý thơ lóng lánh sắc cầu vồng

Ta khắc khoải với niềm đau ám ảnh


Mơ về một hạt minh châu lóng lánh

Lãng mạn dịu dàng như giấc mơ tiên

Ôi – giấc chiêm bao êm ái ảo huyền

Ta tan loãng chìm sâu vào thần thoại


Ta chết đuối trong màn đêm ngây dại

Quyết đi tìm – tìm đến tận cùng ý nghĩa bơ vơ

Trải hương lòng không đủ ngọt câu thơ

Nỗi khắc khoải kéo dài muôn thế kỷ


Ta giương buồm vượt qua ngàn hải lý

Nhưng với hoài chẳng tới giấc mơ xanh

Đôi cánh thiên thần lả lướt mong manh

Ta kiệt sức nhủ thầm… thôi, cố đợi


Tim ứa máu tình yêu xa vời vợi

Lạc loài trên hoang đảo tối âm u

Vì sao hôm tít tắp gọi trăng thu

Nhìn thuở học trò mê “Ngày xưa Hoàng Thị”


Tuổi mười lăm đắm hồn trong mộng mị

Dòng suối yêu muôn kiếp lững lờ

Trải hương lòng chưa đủ ngọt câu thơ

Hay bởi tại tư duy còn hạn hẹp


Chưa đạt đến một mỹ từ cao đẹp

Chưa bao giờ sống trọn quãng duyên tơ

Nỗi hoài nghi từng phút từng giờ

Nỗi trăn trở muôn đời lẩn quẩn


Ta tự trách sao mình ngớ ngẩn

Vào mê cung không có lối quay về

Vẫn đam mê – mòn mỏi – vở câu thề

Mà âm điệu thần tiên xa tít tắp

NGÀN PHƯƠNG

DẪU BIẾT RẰNG…

Dẫu biết rằng

Tiếng gọi không đến được em

Nhưng tôi cứ gọi


Dẫu biết rằng

Chỉ có lặng im

Trên phím đàn vắng hơi ấm tay người

Nhưng tôi cứ mong


Dẫu biết rằng

Chỉ còn đỉnh cao, mây trắng ngày xưa

Nhưng tôi cứ đến


Dẫu biết rằng

Hoa sữa đêm nay

Không còn hương như thuở ấy

Nhưng tôi vẫn tìm


Dẫu biết rằng

Đời người chỉ có một mùa xuân

Nhưng mùa đông trong tôi

Không thiếu ngày nắng ấm


Dẫu biết rằng

Không thể đi ngược thời gian

Nhưng tôi vẫn gặp hôm qua

                   trong ánh sáng hôm nay.

LÊ NGUYÊN

BÙA YÊU

Tôi đã dán mảnh vàng trên tay Phật

Ở tận chùa xa bên đất Thái Lan

Còn mang về mảnh dát vàng đẹp nhất

Dán cho em trên cánh vai trần


Tôi không biết vàng kia hư hay thật

Có hồn người vàng hóa bùa yêu

Dẫu mai này vàng sẽ rơi rụng mất

Trên vai còn tình nặng mang theo

LÊ NGUYÊN

Bangkok 8/2000

GIÓ VÀ BIỂN


Gió thổi hồn vào biển

Cho biển biết vui, buồn

Biết bồi hồi, xao xuyến

Biết nồng nàn nụ hôn.


Cũng có đêm tâm sự

Biển cười, nghe thật hiền.

Cũng có ngày giận dữ

Biển gầm lên, nghiêng thuyền.


Gió bỏ đi hờn dỗi

Biển nói không ra lời,

Mất tiếng rồi vẫn gọi:

Về đây em, gió ơi!...

Vũng Tàu, 12.9.2000

VŨ ĐÌNH HUY

THE WIND AND THE SEA

 

The wind blows a soul into the sea

Helping the sea to learn about happiness and sadness

To know about how to be upset and fretty

And to know about the ardour of a kiss.


There were nights where the wind

                    and the sea poured out their hearts

The sea laughed real gently

There were days of anger

The sea roared causing boats to oscillate.


Being sulky the wind went away

The sea sputtered

Although losing its voice, it still called:

Come back here, oh beloved wind!...

Vũng Tàu, 12.9.2000

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN

Trao chìa khóa cho anh

Tim em như vườn hoa

Tươi sắc màu, thơm ngát.

Lòng anh càng khao khát,

Ngây ngất người đi qua.


Anh sợ bàn tay lạ

Chạm vào hoa, lá, cành.

Cửa tim em hãy khóa

Và trao chìa cho anh.

Vũng Tàu, 01.9.2000

VŨ ĐÌNH HUY

HANDING THE KEY TO ME

Your heart is like a flowers garden

So odorous with so freshly colours

For it, my heart is more and more craving

While passers-by are thrown into raptures.


I’m afraid a strange hand

Might touch a flower, a leaf, a branch

Just lock your heart’s door

Then give the key to me.

Vũng Tàu, 01.9.2000

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN


CÔ ĐƠN

Thường khi trên núi, gốc sồi

Vầng ô ngã bóng, ta ngồi buồn tanh

Ta nhìn thơ thẩn đồng xanh

Bức tranh mờ ảo diễu hành dưới chân.


Đây gầm sóng bạc dòng sông

Chảy quanh chìm đắm trong vòng tối tăm

Kia là hồ nước lặng thầm

Sao chiều đang mọc trên tầm trời cao.


Rừng cây phủ núi xạm màu

Hoàng hôn còn sót, gởi vào vài tia

Nữ hoàng bóng tối hiện dìa

Trên xe sương trắng xóa bìa trời xanh.


Cầu kinh lan tỏa âm thanh

Cây tên chóp tháp vọng lành từ ân

Có người lữ khách dừng chân

Tiếng chuông đồng áng hòa phần thánh ca.


Cảnh tranh đẹp, chẳng cảm ta

Không còn thú vị, nhạt nhòa hân hoan

Quả đất, cái bóng lang thang

Mặt trời người sống chẳng ban tử phần


Ta nhìn đồi núi tần ngần

Từ nam chí bắc, đông lần sang tây

Dõi theo tầm rộng mây bay

Hỏi rằng: “Hạnh phúc đợi ai nơi nào?”


Đồi hoang, mái lá, lầu cao

Vật vô ích ấy, ta chào mi thôi

Dòng sông, khối đá lẻ loi

Một người thương mất, hết rồi còn chi.


Một ngày khởi sự…, tàn đi…

Ta theo dòng chảy, màng gì nữa đâu!

Mặt trời có sáng hay nâu

Cần chi mà phải đợi hầu ngày đêm


Không gian, theo dõi mà xem

Mắt ta cảm nhận một thềm hoang sơ

Dù cho vũ trụ mộng mơ

Ta không đòi hỏi một giờ luyến lưu.


Bên kia thế giới nhàn hưu

Mặt trời thực thể đổi màu tốt tươi

Nếu ta bỏ xác, đến nơi

Ắt ta thấy được niềm vui thuở nào


Ta say hạnh phúc khát khao

Nơi đó gặp lại ước ao, ái tình

Điều hay lý tưởng nhân sinh

Danh từ nào có ở tình thế gian


Bình minh chiếu sáng trên đàng

Còn gì tư tưởng mơ màng mà mong

Lưu đày thế giới chậu lồng

Ta và trái đất cộng đồng chẳng chung


Lá rừng rụng rớt trong vùng

Gió chiều nổi dậy thổi tung xuống vời

Ta như chiếc lá vàng rơi

Bão dông đưa đẩy xa chơi như nàng!...

Phiên dịch THANH CHÂU


L’ISOLEMENT


Souvent sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne,

Au coucher du soleil, tristement je m'assieds;

Je promène au hasard mes regards sur la plaine,

Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds.


Ici gronde le fleuve aux vagues écumantes;

Il serpente, et s'enfonce en un lointain obscur;

Là, le lac immobile étend ses eaux dormantes

Où l'étoile du soir se lève dans l'azur.


Au sommet de ces monts couronnés de bois sombres,

Le crépuscule encor jette un dernier rayon;

Et le char vaporeux de la reine des ombres

Monte, et blanchit déjà les bords de l'horizon.


Cependant, s'élançant de la flèche gothique,

Un son religieux se répand dans les airs:

Le voyageur s'arrête, et la cloche rustique

Aux derniers bruits du jour mêle de saints concerts.


Mais à ces doux tableaux mon âme indifférente

N'éprouve devant eux ni charme ni transports;

Je contemple la terre ainsi qu'une ombre errante

Le soleil des vivants n'échauffe plus les morts.


De colline en colline en vain portant ma vue,

Du sud à l'aquilon, de l'aurore au couchant,

Je parcours tous les points de l'immense étendue,

Et je dis: "Nulle part le bonheur ne m'attend!"


Que me font ces vallons, ces palais, ces chaumières,

Vains objets dont pour moi le charme est envolé?

Fleuves, rochers, forêts, solitudes si chères,

Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé!


Que le tour du soleil ou commence ou s'achève,

D'un œil indifférent je le suis dans son cours;

En un ciel sombre ou pur qu'il se couche ou se lève,

Qu'importe le soleil? je n'attends rien des jours.


Quand je pourrais le suivre en sa vaste carrière,

Mes yeux verraient partout le vide et les déserts:

Je ne désire rien de tout ce qu'il éclaire;

Je ne demande rien à l'immense univers.


Mais peut-être au delà des bornes de sa sphère,

Lieux où le vrai soleil éclaire d'autres cieux,

Si je pouvais laisser ma dépouille à la terre,

Ce que j'ai tant rêvé paraîtrait à mes yeux!


Là, je m'enivrerais à la source où j'aspire;

Là, je retrouverais et l'espoir et l'amour,

Et ce bien idéal que toute âme désire,

Et qui n'a pas de nom au terrestre séjour!


Que ne puis-je, porté sur le char de l'Aurore,

Vague objet de mes vœux, m'élancer jusqu'à toi!

Sur la terre d'exil pourquoi resté-je encore?

Il n'est rien de commun entre la terre et moi.


Quand la feuille des bois tombe dans la prairie,

Le vent du soir se lève et l'arrache aux vallons;

Et moi, je suis semblable à la feuille flétrie:

Emportez-moi comme elle, orageux aquilons!

ALPHONSE DE LAMARTINE

BIỂN SỐ XE

TRÊN TOÀN QUỐC

Cao Bằng mười một chẳng sai (11)

Lạng Sơn phía Bắc mười hai cận kề (12)

Chín tám Hà Bắc mời về (98)

Quảng Ninh mười bốn bốn bề là Than (14)

Mười lăm mười sáu cùng mang

Hải Phòng phố Cảng chứa chan nghĩa tình (15; 16)

Mười bảy quê lúa Thái Bình (17)

Mười tám Nam Định quê mình đẹp xinh (18)

Ai lên xứ cọ nhìn tinh

Phú Thọ mười chín xin mình nhớ mong (19)

Thái Nguyên Sunfat, gang, đồng (20)

Đôi mươi dễ nhớ trong lòng chúng ta

Yên Bái hai mốt ghé qua (21)

Tuyên Quang Tây Bắc số là hai hai (22)

Hà Giang rồi đến Lào Cai (23; 24)

Hai ba hai bốn sánh vai láng giềng

Lai Châu, Sơn La vùng biên (25; 26)

Hai lăm, hai sáu số liền kề nhau

Hai bảy lịch sử khắc sâu

Đánh tan xâm lược công đầu Điện Biên (27)

Hai tám Hòa Bình ấm êm (28)

Hai chín Hà Nội liền liền ba hai (29; 30; 31; 32)

Ba ba là đất Hà Tây (33)

Tiếp theo ba bốn đất này Hải Dương (34)

Ninh Bình vùng đất thân thương (35)

Ba lăm con số trên đường quen thân

Thanh Hóa ba sáu cũng gần (36)

Ba bảy, ba tám bao lần ghé thăm

Nghệ An, Hà Tĩnh miền Trung (37; 38)

Một thời đạn lửa ta cần khắc ghi

Bốn ba Đà Nẵng khó gì (43)

Bốn bảy Đắc Lắc trường kỳ Tây Nguyên (47)

Lâm Đồng bốn chín thần tiên (49)

Năm mươi Thành Phố tiếp gần sáu mươi (50 …59)

Đồng Nai số sáu lần mười (60)

Bình Dương sáu mốt tách rời tỉnh xưa (61)

Sáu hai là đất không xa

Long An Bến Lức khúc ca lúa vàng (62)

Sáu ba màu mỡ Tiền Giang (63)

Vĩnh Long sáu bốn ngày càng đẹp tươi (64)

Nước trong gạo trắng xin mời

Sáu lăm là số của người Cần Thơ (65)

Đồng Tháp sáu sáu trước giờ (66)

Sáu bảy kế tiếp là bờ An Giang (67)

Sáu tám biên giới Kiên Giang (68)

Cà Mau sáu chín rộn ràng U Minh (69)

Bảy mươi là số Tây Ninh (70)

Xứ dừa bảy mốt yên bình Bến Tre (71)

Bảy hai Vũng Tàu số xe (72)

Bảy ba xứ sở vùng quê Quảng Bình (73)

Bảy tư Quảng Trị nghĩa tình (74)

Cồn Tiên, Dốc Miếu... anh hùng bảy lăm (75)

Bảy sáu Quảng Ngãi đến thăm (76)

Bình Định bảy bảy vang danh võ quyền (77)

Bảy tám biển số Phú Yên (78)

Khánh Hòa bảy chín núi liền biển xanh (79)

Tám mốt rừng núi vây quanh

Gia Lai phố núi, thị thành Pleiku (81)

Kon Tum năm tháng mây mù

Tám hai dễ nhớ mặc dù mới ra (82)

Sóc Trăng mang số tám ba (83)

Tám tư kế đó chính là Trà Vinh (84)

Tám lăm Ninh Thuận hữu tình (85)

Tám sáu Bình Thuận yên bình gần bên (86)

Vĩnh Phúc tám tám đừng quên (88)

Hưng Yên tám chín nhớ tên (89)

Quảng Nam đất thép thành đồng

Chín hai số mới tiếp dòng thời gian (92)

Chín ba đất mới khai hoang

Đó là Bình Phước bạt ngàn cao su (93)

Bạc Liêu mang số chín tư (94)

Bắc Cạn chín bảy có từ rất lâu (97)

Bắc Giang chín tám đậm sâu (98)

Bắc Ninh chín chín những câu quan họ (99).

Hà Mạnh Đoàn st.

Phụ bản III

Ông bác tôi đột ngột ra đi một cách vô cùng êm thắm, đến nỗi không ai trong nhà biết ông ra đi lúc mấy giờ, hay có trối trăn gì không. Tuổi của ông đến nay cũng đã đến mức chín tầng mây bạc rồi, tức là được xếp vào hàng ngũ U…100, cháu nội ngoại cũng được gần một chục. Ở cái tuổi này ông ra đi bất cứ lúc nào cũng là chuyện bình thường. Nó bình thường đến nỗi các ông anh bà chị họ của tôi, chẳng ai nghĩ đến chuyện khóc lóc, vật vã theo cái kiểu ngày xưa người ta thường gọi là “khóc như cha chết”. Ở đây không có như vậy. Im re. Nhưng có một điều đặc biệt là ông chết vào giờ nào, không ai biết được, nếu đi coi thầy để định giờ mai táng thì làm sao mà tính đây.

Con cái đã tề tựu đông đủ, cô em gái cũng ở vào tuổi quý bà, bàn:

- Ba đi ngủ lúc chín giờ tức là giờ Tuất, đến sáng là giờ Dần. Bây giờ lấy đầu đuôi chia hai, coi như ba chết vào giờ Tý đi, không sớm quá mà cũng không muộn quá.

Ông anh cả thoải mái:

- Ừ thì em nói ông thầy nào đó, bói đại cho ra thành một giờ hoàng đạo để liệm và đưa cụ đi hỏa táng.

Thình lình, cậu em bước vào dắt theo một chú công an. Thực ra cậu em vừa đi báo công an về trường hợp cha mình qua đời, công an đến chỉ là làm thủ tục để cấp giấy khai tử cho ông già.

Chú công an hỏi, chắc cũng là hỏi cho có vậy thôi:

- Ông cụ mất lúc nào không ai biết à?

- Dạ không. Ông anh cả đáp. Nửa đêm ông cụ lặng lẽ ra đi, không lời từ biệt, có trời mà biết.

Ông em quay sang nói nhỏ vào tai với cô em gái, không ai khác nghe thấy:

- Biết chết liền!

Chú công an quan sát chiếc giường người chết đang nằm, gối chăn ngay ngắn chứng tỏ người chết đã tự nguyện ra đi một cách yên bình, không một mảy may phản kháng. Bộ pyjama mặc trước khi đi ngủ vẫn thẳng thớm không có vẻ gì nhầu nát, chứng tỏ ông không phải trải qua một cơn dãy dụa, dằn vật, đánh nhau với thần chết. Sau cùng chú phán:

- Xong rồi, nếu không ai kiện cáo thì có anh nào đó theo tôi về đồn làm thủ tục khai tử.

Ông anh cả sai thằng con trai theo chú công an về đồn làm việc, xong rồi ông phân công cậu em đi lo kiếm nhà đòn, bà em gái thì đi tìm thầy ấn định giờ tẩn liệm, giờ động quan đi hỏa táng, nhưng anh lại dặn dò kỹ lưỡng:

- Nhớ bảo thầy cho giờ là 6g sáng ngày kia nhé.

- Nhỡ không được thì sao anh?

- Không được thì cố nói thầy du di cho. Giờ ông cụ chết có chính xác đâu mà lo. Em cứ nói thầy cho đại một con giáp vào lúc 6g sáng ngày kia. Xong rồi, nhớ “cúng” cho kha khá.

Như vậy, việc chung sự của ông già do ông anh đứng ra chủ xị. Tuổi tác của ông anh cả này cũng đã gần được gọi là U70, nhưng còn rất khỏe mạnh nhờ hồi trẻ ông cũng chơi thể thao, đến khi làm ăn khá giả ông chơi tennis và mua gậy tập tễnh chơi “gôn”, cho nên chi phí đưa tiễn ông cụ lên thiên đường, ông hoàn toàn bao biện một cách dễ dàng.

Dù rằng rất mạnh khỏe về tài chánh, nhưng ông tiêu xài rất hợp lý, ông thấy nhiều người tổ chức việc chung sự cho người thân một cách rùm beng, phung phí, nào là xe rồng phượng, ban nhạc ta, nhạc tây hai ba đám, múa lân, múa rồng, không đem lợi ích gì cho người chết, con người đang nằm bất động, chờ đợi hóa thân thành tro, thành bụi. Ông cũng rất buồn cười khi thấy có người làm đám tang cho con chó nuôi trong nhà một cách hoành tráng như một con người có tiếng tăm lừng lẫy. Ai cũng nói con chó này hên, chết rồi mà được làm đám tang rùm beng như vậy chắc là mau lên thiên đường của loài… gâu gâu. Thực ra con chó này chết rồi có biết gì đâu. Giá mà nó còn hiểu biết chắc là nó căm ghét con người lắm. Ông trời tạo ra con chó nhưng lại gán cho loài động vật này một đức tính trung thành vô điều kiện. Nó may mắn được làm chó cảnh trong một nhà giàu nứt đố đổ vách, được nuông chìu từng ly từng tí, sợ rủi ro tuột dây chạy ra đường bị tụi “cẩu tặc” bắt bán ra chợ ông Tạ. Trong khi đó, những con chó đồng loại rủi ro ở trong những nhà khác phải phập phồng lo sợ chủ nhà sẽ làm thịt bất cứ lúc nào.

Ông cả dặn dò ông em nên cẩn thận khi làm việc với đám nhà đòn. Đây là một tổ chức kinh doanh trên xác chết, chuyên môn bắt chẹt những gia đình có người thân qua đời. Đây cũng là những ông thợ vẽ hảo hạng. Giá thấp họ vẽ lên giá cao. Thân nhân người chết thường cứ cho rằng nghĩa tử nghĩa tận, sao cũng được. Trong đời tốn kém một hai lần thôi, nhằm nhò gì. Biết đâu sau cái đám tang này ông Trời cho họ làm ăn khá giả. Con cái học hành tấn tới thành công Thế là họ mặc tình để cho nhà đòn chặt chém.

Ông cả còn dặn thêm không nên chọn xe rồng phượng để chở quan tài. Vì đây là một loại xe được chế biến từ sườn và đầu máy một xe tải, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn giao thông, lại thêm hình dáng cồng kềnh, gây chật đường chật sá. Mỗi khi xuất bến thì chạy như bị ma đuổi trong khi người ngồi trên xe tung các loại giấy tiền vàng bạc bay phất phới, rơi rớt tràn ngập xuống đường. Ông cả không hiểu sao, trong khi thành phố còn quá nhiều cảnh kẹt xe vào các giờ cao điểm mà vẫn để cho các loại xe rồng phượng này lưu hành.

Trong một gian phòng đủ rộng rãi của một ngôi chùa trên một con đường tương đối vắng vẻ, ông cả đã thuê làm nơi quàn linh cữu của ông cụ. Khi chuẩn bị viết cáo phó, bà em gái hỏi ông cả:

- Anh, mình có chấp nhận phúng điếu không vậy.

- Sao lại chấp nhận phúng điếu? Nhà ta có khó khăn gì đâu?

- Thì mình cứ nhận rồi mang tất cả tiền phúng điếu tặng cho chùa.

- Ơ, không có chuyện đó đâu. Ai cũng biết gia đình ta không có khó khăn. Em cứ ghi: “Xin miễn phúng điếu”.

Vừa nói xong với người em gái như vậy, ông cả đột nhiên giật mình vì ghi như vậy là không chính xác vì trong nghĩa chữ “điếu” còn có ý nghĩa thăm viếng người chết. Không lẽ lại đi yêu cầu đừng đến thăm viếng người chết. Trong khi chữ “phúng” là giúp cho tang gia lo việc ma chay, trong trường hợp tang gia có gặp khó khăn. Như vậy ông cả thấy rằng việc khách đến thăm viếng, bỏ tiền vào bì thơ, hoặc để trái cây nhang đèn lên bàn thờ mang ý nghĩa rất thiết thực. Đó là hỗ trợ tang gia để lo việc chung sự cho thân nhân đã qua đời. Ông cả thấy mình không có khó khăn thì không việc gì phải đi nhận tiền đóng góp của bà con thân hữu của ông cụ và của những người trong gia đình. Có người còn quan niệm rằng nhận tiền như vậy là mang ơn suốt đời. Bây giờ lại bày ra cái màn là dù nhà giàu có vẫn cứ nhận phúng điếu rồi tặng cho chùa. Ông cả thấy cái này không hợp lý chút nào. Trước đây, ông cả từng chứng kiến gia đình một người bạn trẻ hơn ông năm ba tuổi, bản thân là một thầy giáo ở một trường trung học, lại là em út trong gia đình, trên anh ta là hai, ba bà chị. Khi bà già nằm xuống, mấy bà chị do tương đối khá giả hơn nên đứng ra làm chủ xị cho đám tang của bà già. Không biết nghe ai bày, mấy bà làm một thùng đựng tiền phúng điếu của khách đến viếng. Thùng giấy có ghi rõ hai chữ “công đức” chứng tỏ gia chủ sẽ lấy số tiền phúng điều này để đưa vào chùa nhằm mục đích từ thiện. Mới nhìn qua, người ta thấy việc làm của chủ nhà rất cao đẹp. Họ cho rằng tiền phúng điếu là thuộc quyền sở hữu của người chết, và gia chủ làm công việc giùm cho người chết đó là đem tặng vào chùa, không cần biết sau đó chùa sẽ lấy số tiền đó để làm gì. Không biết người chết có trối trăn như vậy không? Nếu có, người chết đã làm công việc tạo nên công quả cho người sống hay nói khác đi là người chết phải “đầu tư” để tạo một cái “nhân” cho người sống sau này được hưởng cái “quả” là cả nhà người sống sẽ ăn nên làm ra, con cháu sẽ đời đời tận hưởng hạnh phúc.

Có gia đình khác rất khá giả cũng làm như vậy, nhưng cái thùng đựng tiền lại ghi hai chữ “phúng điếu” khách đến viếng đinh ninh số tiền đóng góp của họ bù đắp vào chi phí chung sự cho người chết đúng theo ý nghĩa của hai từ ngữ này. Tuy nhiên gia chủ lại tuyên bố sẽ lấy tiền này để cúng vào chùa. Ông cả thấy cái chuyện này không ổn chút nào. Tự nhiên đem một cục tiền hàng chục triệu đồng đem dâng nộp vào chùa. Như vậy không còn gọi là tiền phúng điếu nữa rồi. Ai nói rằng tiền phúng điếu đó là “tài sản” của người chết? Nếu gia chủ giàu có muốn làm từ thiện theo kiểu cách nào đó cũng được để tạo công đức cho người chết, hay để người chết mau chóng cắt hộ khẩu lên thiên đường thì nên lấy tiền túi của gia chủ ra mà làm từ thiện. Khách đến viếng và góp tiền phúng điếu cũng là đã làm một công việc thiện nguyện nhằm mục đích rõ ràng là bù đắp vào chi phí ma chay, làm giảm đi nỗi khó khăn của tang gia đang… “bối rối”. Như vậy khách viếng đã tạo được công đức cho chính bản thân mình rồi. Nếu gia chủ giàu có không “bối rối” khi lo việc chung sự cho người chết thì nên ghi rõ “xin miễn đóng góp lễ vật”, đương nhiên kể cả việc miễn góp tiền. Nhưng từ trước đến giờ người ta đã quen ghi “xin miễn phúng điếu” rồi nên ông anh cả cứ để bà em gái ghi như vậy. Cho dù gia chủ muốn nộp tiền phúng điếu vào chùa tức là chuyển mục tiêu sử dụng tiền đóng góp của khách, phần công đức ban đầu do khách viếng tạo ra không thể bị tước đi để chuyển “quyền sử dụng” sang người chết. Gia chủ làm như vậy rõ ràng là một hình thức “mượn hoa cúng Phật”…

Khách bắt đầu đến viếng, con cái dâu rể, cháu chắt mặc đồng phục tang đứng quây quần chung quanh khu vực làm lễ. Ông em trai của ông cả có tính hay tếu nói với cô em gái:

- Chúng ta mặc quần áo Ả rập lần này nữa là xong nhiệm vụ.

Cô em gái đập vào vai ông anh:

- Anh cứ hay đùa!

Ông anh cả đứng bên bàn thờ trước quan tài đốt nhang đưa cho khách. Anh nói:

- Anh cứ xá ba xá là đủ rồi, không cần phải quỳ cuốc.

Mọi người làm theo một cách thoải mái. Cô em gái đứng bên cánh quan tài xá xá trả lễ. Ông anh cả cho rằng khi khách đến viếng chỉ cần niệm hương rồi xá hoặc nghiêng mình một, hai, hay ba lần là quá đủ để tỏ lòng kính trọng đối với người chết, không cần thiết phải quỳ mọp dập đầu xuống đất. Đọc truyện Tàu, khi lạy, người Tàu phải dập đầu xuống đất kêu “binh, binh”, lúc đứng lên cái trán đỏ rực, có khi chảy máu ròng ròng. Có gì cần thiết đến như vậy?

Ngày động quan đã đến, xe nhà đòn chở nhóm đạo tỳ đến, họ ra quán cà phê gần đó phì phèo thuốc là và nhăm nhi cà phê. Một anh đạo tỳ bước tới nói với cô em gái:

- Bác tìm một cái siêu hay cái nồi đất để đập khi động quan, cho ma quỉ không có bám theo.

Cô em gái chạy đến bên ông anh:

- Anh, tìm đâu ra cái nồi đất để đập lúc khiêng quan tài.

Ông anh cả biết mấy ông đạo tỳ bày vẽ:

- Không cần phải đập siêu, đập nồi gì cả.

- Nhỡ ma quỉ nó bám theo.

- Anh gọi công an khu vực bắt hết.

Cô em gái hiểu ý ông anh cả, lẳng lặng bỏ đi ra chỗ khác.

Ông anh cả lấy một cái bì thơ bỏ vào đó một tờ giấy năm trăm ngàn, dắt trước đầu quan tài, rồi dặn trưởng nhóm đạo tỳ:

- Anh cho khiêng thẳng ra xe, không có hạ quan tài ba lần để chào từ giã, từ biệt gì hết.

- Dạ. Rồi quay về phía đạo tỳ đang chuẩn bị ráp vào khiêng quan tài:

- Khiêng thẳng ra xe luôn.

Các đạo tỳ đồng thanh lập lại chứng tỏ đã nhận lệnh rõ ràng: “Khiêng thẳng ra xe luôn”.

Đột nhiên ông anh cả thấy một ông đạo tỳ bưng một thúng đầy ắp giấy tiền vàng bạc đủ loại, ông hỏi:

- Đem cái này đi đâu vậy?

- Dạ rải dọc đường.

- Khỏi cần, đem dẹp vô trong, làm dơ đường dơ sá, tội nghiệp mấy người phu quét đường.

Đoàn người đi theo chiếc xe chở quan tài theo một lộ trình dài chừng hai trăm mét thì dừng lại ngay một ngả tư. Ông anh cả mời bà con bước lên chiếc xe buýt đi theo đang dừng lại gần đó.

Một đạo tỳ đứng gần xe tang hô lên như ra lệnh:

- Người nhà quỳ xuống lạy tạ bà con đi đưa.

Người nhà đang súng sính trong bộ áo tang, luống cuống không hiểu sao lại có cái màn quỳ gối giữa đường, giữa sá thế này. May quá có ông anh cả:

- Khỏi cần, không có cái thủ tục này, rồi quay sang ông đạo tỳ đó, này, ông bày vẽ vừa thôi chứ. Tôi sẽ gửi thiệp cám ơn từng người.

Anh chàng đạo tỳ kiêm “họa sỹ” cảm thấy “quê độ” bỏ đi chỗ khác…

Đám tang vậy là xong, người chết chắc chắn sẽ “cười thoải mái” nơi chín suối…

Dương Lêh

BÁC SĨ ALEXANDRE YERSIN

VỚI NHA TRANG & ĐÀ LẠT

(Nhân ngày Giỗ thứ 71)

(1863-1943)

I. BÁC SĨ ALEXANDRE YERSIN.

Cách đây trên một thế kỷ, ngày 29/07/1891, một thanh niên Pháp 28 tuổi, mảnh khảnh, rụt rè mà cương quyết, y sĩ của tàu hàng hải thương thuyền, đặt chân lên bờ biển Nha Trang và bị chinh phục bởi vẻ đẹp của đất nước này. Thanh niên ấy chính là bác sĩ Yersin, nhà bác học tương lai, về sau chiến thắng bịnh dịch hạch, lừng danh thế giới, giầu lòng nhân ái, suốt đời gắn bó với đất nước dân tộc VIỆT NAM và được tôn sùng như thần thánh.

Alexandre Yersin sanh ngày 22/9/1863 tại hạt Lavaux tổng Vaux tỉnh Morges, tây nam nước Thụy Sĩ. Cha là Jean Yersin giáo sư Khoa học Tự nhiên tại trường trung học ở Morges nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về côn trùng học, mất năm ba mươi tám tuổi.

Một buổi sáng tháng 4/1886, tại bịnh viện Hôtel Dieu, trong buổi thực tập, A.Yersin được giới thiệu với giáo sư Émile Roux. Chẳng mấy chốc giáo sư Émile Roux đã nhận thấy tính chuyên cần, ham học, ham làm của A.Yersin. Bấy giờ Émile Roux làm phụ tá cho nhà bác học Louis Pasteur tại phòng thí nghiệm của trường cao đẳng sư phạm ở đường Ulm quận 5 Paris. Ngoài giờ làm việc tại Hôtel Dieu, A.Yersin được phép đến phòng thí nghiệm đường Ulm, thực tập. Một mặt, A.Yersin lo làm luận án tiến sĩ y khoa “Bịnh lao thực nghiệm”, một mặt cộng tác với Émile Roux, nghiên cứu vi khuẩn bịnh “bạch hầu”.

Yersin cũng được nhà bác học Louis Pasteur lưu ý. Ông bà Pasteur mời Yersin cùng Émile Roux dự buổi ăn tối tân niên 1888.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, Yersin là thành viên tích cực của viện Pasteur.

Năm 1888, A.Yersin vừa đúng 27 tuổi trình luận án tiến sĩ y khoa “Bệnh lao thực nghiệm”, và được nhận làm phụ tá cho giáo sư Émile Roux, trong viện Pasteur vừa khai trương năm ấy tại Paris.

Dưới sự hướng dẫn của Émile Roux, A.Yersin tìm ra độc tố của vi khuẩn bạch hầu.

Từ bỏ đường công danh để theo khuynh hướng thiên nhiên


Một tương lai rực rỡ đang chờ Yersin ở viện Pasteur, nhưng là người thích mạo hiểm thích phiêu lưu, Yersin không thể nào mãi mãi tự giam mình trong phòng thí nghiệm. A.Yersin muốn vẫy vùng cho thỏa chí, thường nói với các bạn: “Tôi luôn luôn mơ ước khám phá nơi nầy nơi nọ và thám hiểm… Khi ta còn trẻ không có gì là không thể được”. Người hiểu Yersin hơn ai hết có lẽ là Noel BERNARD nguyên giám đốc viện Pasteur Saigon. Theo ý ông: “Yersin muốn thoát ly khỏi những mối lo âu gia đình, những tham vọng về danh lợi, và địa vị không bao giờ thoả mãn, muốn ra khỏi lề lối ràng buộc”.

Thế rồi tháng 9.1890, Yersin đáp tàu sang Viễn Đông giữa sự bàng hoàng của các thầy các bạn. Ông sang Viễn Đông không phải với tư cách một sứ giả khoa học, mà chỉ với tư cách một bác sĩ làm công hợp đồng cho hãng “Vận Tải Hàng Hải”. Pasteur đã viết trong nhật ký của mình ngày 23/10/1892: “Bỗng nhiên ý định cuồng nhiệt của Yersin không ai ngăn nổi. Không làm sao cầm giữ ông lại bên cạnh chúng tôi nữa”.

Đất lành chim đậu.

Yersin làm việc trên chiếc tàu chạy dọc bờ biển Việt Nam nối liền Sài Gòn, Nha Trang, Hải Phòng. Lần đầu tiên, mặc dầu thấy Nha Trang từ đằng xa, Yersin đã bị chinh phục.

Lần sau, Yersin xin phép lên bờ với chiếc thuyền độc mộc mà ông đem theo. Đó là ngày 29.7.1891. Phong cảnh hữu tình, bờ biển, cửa sông, các đảo ngoài khơi, màu sắc rực rỡ của một vùng quê nhiệt đới, khí hậu ôn hoà, chinh phục Yersin. Ông quyết định chọn Nha Trang làm quê hương thứ ba, làm việc và sống chết ở đây.

Năm 1896, Yersin viết thư mời Émile Roux đến làm việc chung với ông. Ông tán dương vẻ đẹp quyến rũ của đất nước Việt Nam, và sự niềm nở của dân chúng ở đó.

Nhà thám hiểm.

Sau khi tìm được mảnh đất lành, Yersin xin thôi việc ở “Vận Tải Hàng Hải”. Bác sĩ Calmette cũng là môn đệ của Pasteur, đến Sài Gòn lập chi nhánh viện Pasteur, mời ông cộng tác, ông từ chối vì muốn đi thám hiểm vùng cao nguyên Trung Việt.

Đầu tiên ông muốn tìm một đường bộ nối liền Nha Trang với Sài Gòn. Từ Nha Trang, ông đi ngựa ra Phan Rí rồi thuê một người dân thiểu số dẫn đường vào rừng. Đến Di Linh gặp nhiều trở ngại đành quay lại Phan Thiết, lấy thuyền về Nha Trang.

Lần thất bại nầy không làm ông nản chí. Yersin quyết tâm thám hiểm các miền rừng núi dọc theo dãy Trường Sơn. Thời bấy giờ các vùng ấy còn là những nơi bí hiểm, rừng thiêng nước độc. Ngoài các bộ lạc thiểu số không khuất phục triều đình, ít ai đặt chân đến nơi hoang vu ấy.

- Ngày 23.9.1892, Yersin lên đường đi thám hiểm lần thứ nh t.

Trong thời gian hai tháng rưỡi, Yersin đã thành công việc quan sát các bộ lạc thiểu số, chụp 140 ảnh giá trị, và vẽ họa đồ những vùng đã trải qua. Ông đã phát giác những phụ lưu của sông Cửu Long phát nguyên tại Trường Sơn chảy đến Stung Treng.

- Lần thứ hai, ngày 29.1.1893 Yersin thám hiểm vùng Sơn Lâm phía nam Trung Việt.

Nhằm nghiên cứu phương án làm đường đi đến các vùng dân tộc thiểu số, khai thác khoáng sản và lâm sản, cùng khả năng chăn nuôi, ông khởi hành từ Biên Hòa có 4 người Việt phụ tá. Sau khi vượt qua núi rừng hiểm trở và các làng mạc của dân tộc thiểu số, ngày 21.6.1893 Yersin phát giác Cao Nguyên Lâm Viên, cao 1500 thước, tức thành phố Đà Lạt ngày nay. Yersin ghi trong sổ tay: “Ấn tượng thật là sâu sắc. Từ trong rừng thông bước ra, tôi thấy ngay trước mặt khu cao nguyên rộng lớn trơ trụi, giống như mặt biển đang cuộn lên những đợt sóng xanh rì. Rặng núi Lâm Viên với 3 đỉnh cao 2000 thước, vươn lên từ chân trời phía tây bắc, tạo nên bức phông hùng tráng làm tăng vẻ diễm lệ của vùng nầy”.

Năm 1899, Paul Doumer toàn quyền Đông Dương cho thiết lập nơi ấy một trung tâm nghỉ mát cho người Âu Châu, sau này là thành phố Đà Lạt.

Lần ấy, trên đường về, đoàn thám hiểm bị phục kích. Yersin bị thương phải đưa võng về Phan Rang. Kẻ tấn công ông là tù chánh trị thoát ngục.

- Ngày 12.2.1894 Yersin lại lên đường thám hiểm lần thứ ba.

Chuyến này gay go cực nhọc hơn trước. Ngày 11.4, ông ghi trong sổ tay: “Đường đi thật là khủng khiếp. Trong 4 ngày liên tiếp, chúng tôi phải vượt qua một vùng núi hiểm trở, trèo xuống, leo lên, cứ đơn điệu như thế mãi làm cho chúng tôi rất mệt mỏi. Cây cối chen chúc. Không có đường mòn. Chúng tôi phải khòm lưng chui qua các bụi tre. Vì trời mưa nên rừng có nhiều vắt không thể tả được. Những người Việt Nam đi cùng với chúng tôi bị sốt rét mặc dầu đã uống thuốc ngừa… Chúng tôi đi qua các làng của bộ tộc Keuyong, Jri Taseng, rất cực nhọc”.

Một khúc quanh lịch sử trong đời Yersin

Các người tình nguyện đang tẩy uế nhà cửa khi dịch hạch đang hoành hành ở Hồng Kông năm 1894. Bs.Yersin đã sang Hồng Kông để nghiên cứu về dịch này. Năm 1892, ít lâu sau vụ thám hiểm lần thứ nhứt, Calmette khuyên Yersin nên gia nhập đoàn y sĩ hải ngoại để khỏi lo về mặt tài chánh. Chính trong khi giữ chức vụ nầy, Yersin có cơ hội tìm ra vi khuẩn bịnh DịCH HẠCH.

Yersin không đoán trước được rằng nhiệm vụ mới nầy sẽ đưa ông đến đài vinh quang, và ông phải cần viện Pasteur bảo trợ như trước.

Yersin dưới mắt người cùng thời

Các đồng nghiệp của ông Yersin tại viện Pasteur Paris và những người Pháp tại Đông Dương thấy ông phân tán trí thức lấy làm gai mắt, cho ông là một người kỳ dị. Càng gai mắt hơn nữa là ông thành công trên nhiều lãnh vực.

Luôn luôn tiên phong trong những lãnh vực mới, những phát minh tối tân, ông là một tư nhân đầu tiên có được:

- Máy phát thu bằng chữ morse để liên lạc Nha Trang, Suối Dầu, Hòn Bà;

- Máy thu thanh tân tiến, bắt được các đài bên Pháp;

- Kính thiên văn

Nhắc đến Yersin, ai cũng hình dung một ông cụ già khiêm tốn ăn mặc xuềnh xoàng đi chiếc xe đạp cũ kỹ, quên rằng Alexandre Yersin đã làm bực mình các giới chánh quyền bấy giờ với những chiếc ô-tô tối tân. Luôn luôn tiên phong trong những lãnh vực mới, năm 1932, khi chuyến bay đầu tiên của hàng không Pháp nối liền Sài Gòn - Paris thì ông dùng máy bay để vận chuyển.

Tháng 3 năm 1940, Yersin 77 tuổi, lấy máy bay về Pháp để dự buổi họp hằng năm của viện Pasteur Paris. Một cuộc hành trình rất gay go. Ngày 30 tháng 5 năm 1940, chuyến máy bay cuối cùng đưa ông về Việt Nam, trước khi quân đội Đức vào Paris.

Nơi cư trú

Từ năm 1895, Yersin đã tạo lập cho mình chỗ ở tuyệt vời để hằng ngày quan sát và hoà nhập với thiên nhiên.

Ông thích sống chung với người dân nghèo chài lưới và đã chọn cái lô-cốt hai tầng lầu bỏ hoang gần xóm Cồn và cửa sông cái. Lô-cốt mỗi bề khoảng 7m50. Mỗi tầng có hành lang rộng bao bọc. Có thể đi dọc hành lang để quan sát. Ông bố trí tầng trệt là phòng ăn, tầng một là phòng làm việc và tầng hai là phòng ngủ. Về sau, nóc nhà làm thêm một vòng tròn để dựng kính thiên văn.

Nhà bác học vị tha

Đó là một người không chạy theo danh vọng, quyền lợi cho riêng mình. Ông đầu tư ngay số tiền kèm theo các giải thưởng vào các công trình đang thực hiện. Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh đem lại cho ông 250 quan Pháp mỗi năm. Giải Audiffret của Hàn lâm viện Tâm lý và Chính trị có kèm theo 15000 quan Pháp. Ông dùng số tiền này tiếp trợ cho nền tài chánh Suối Dầu. Giải thưởng Lassen đem lại cho ông 8000 quan Pháp. Ông dùng ngay tiền đó vào việc mở đường mòn nối liền Suối Dầu - Hòn Bà.

Tháng 12 năm 1927, khi nhận giải thưởng Leconte của viện Hàn lâm Khoa học, ông tuyên bố: “Giải thưởng nầy là vinh dự cho viện Pasteur và số tiền nhận được sẽ giúp cho các cuộc thí nghiệm trồng cây quinquina”.

Ông không hãnh diện, không phô trương huy chương. Đây là một đoạn thư ông viết cho mẹ năm 1890 khi ông hai mươi bảy tuổi: “Mẹ hãy tưởng tượng xem ông Pasteur đã xin được cho con huân chương của Hàn lâm viện. Các thành viên của viện đại học Pháp rất mong muốn có được tấm huân chương màu tím này, song bản thân con lại không hề thấy mình xứng đáng được nhận”.

Khi Vua Bảo Đại trao tặng bội tinh Kim Khánh cho ông, vì phép lịch sự ông buộc lòng phải cho Vua Bảo Đại đeo Kim Khánh vào cổ mình, nhưng khi vừa bước xuống, ông đã e lệ dùng chiếc mũ ép lên ngực che hết chiếc huân chương Kim Khánh. Năm 1938, trường trung học Đà Lạt muốn có một bức tượng bán thân của Yersin, ông cương quyết từ chối làm mẫu.

Khi Toàn Quyền Decoux muốn biết tên những người quyền quý, danh tiếng, mà Yersin đã gặp, ông trả lời: “Ở Đông Dương tôi ít giao thiệp với những hạng người ấy”.

Người con hiếu thảo.

Xa nhà, dầu ở Pháp, Việt Nam hay Trung Quốc, hầu như tuần lễ nào ông cũng viết thư cho mẹ. Tính đến khi mẹ ông mất, năm 1905, ông đã gởi ngót 1000 bức thư, cho bà biết sức khỏe và công việc hằng ngày của mình.

Khi mẹ mất rồi, Yersin tiếp tục gởi thư cho chị là bà Emilie.

Trong thư nhiều khi đầy vẻ hài hước, như khi ông ở Hồng Kông viết cho mẹ: “Con còn nhiều điều nữa muốn thưa với mẹ, nhưng có hai xác chết đang chờ con. Họ muốn ra nghĩa địa cho sớm. Tạm biệt mẹ thân yêu. Mẹ rửa tay sau khi đọc thư này kẻo bị lây dịch hạch, mẹ nhé”.

Yersin nhà nhân ái

Noel Bernard viết về A.Yersin có câu: “Ít có người không vụ lợi như Yersin. Khiêm tốn, giản dị, lịch sự”.

Ông ăn mặc xoàng xĩnh bộ đồ kaki bạc màu cũ kỹ, áo khoác bốn khuy ba túi, áo sơ-mi vải trắng hở cổ, quần kaki trên rộng dưới hẹp giặt sạch mà không bao giờ ủi. Giày vải bố. Trong túi ngực bên trái đựng một cái đồng hồ trái quít đeo bằng một sợi dây gai đỏ.

Năm 1920, ông đáp tàu Paul Lecat đi Marseille. Một phục vụ viên trẻ của tàu không biết ông, cương quyết không cho ông vào phòng ăn. Nội quy của tàu bắt buộc phải thắt cravate khi bước vào phòng khách. Yersin trở về cabine. Sau đó, ông quay lại phòng ăn nói với phục vụ viên: “Chiếc cravate nầy cậu có chấp nhận không?” Vừa nói ông vừa chỉ tay vào chỗ hở ở cổ áo nơi ông vừa đút tấm huân chương “Bắc Đẩu Bội Tinh”.

Bữa ăn của ông thường đạm bạc.

Món rượu khai vị của ông thường chỉ là thứ nước có bột quinquina do ông tự chế. Nước uống đôi khi ông dùng nước lá sả mà ông bảo rằng dễ tiêu hóa. Có lần đi thám hiểm vùng cao nguyên, ông chỉ ăn cơm không trong hai tháng.

Vì Nha Trang thường có bão táp, Yersin nghiên cứu về khí tượng, thời tiết để giúp ngư dân. Ông cho làm hai cái bồ to, có đường kính một mét, trên sơn màu đen. Khi có bão, hai cái bồ được kéo lên hai cây cột bằng phi lao trên núi Sinh Trung để báo hiệu.

Tháng 11 năm 1939, đoán biết rằng một cơn bão lớn sẽ đổ vào bờ biển Nha Trang, Yersin tập trung tất cả ngư dân xóm Cồn vào trong nhà mình. Cơn bão biển dữ dội đêm ấy đã cuốn trôi nhiều nhà cửa xóm Cồn, nhưng bà con vẫn an toàn. Từ hôm ấy, Yersin được nhiều người dân xóm Cồn tặng cho biệt hiệu “người đã trị con sóng thần”.

Chẳng những lo bảo vệ dân chúng tránh tai nạn bão lụt, Yersin còn luôn luôn tỏ ra nhân ái đối với người dân ở Nha Trang, nên ông được người Việt yêu chuộng và kính phục. Ông tự coi mình như một người dân trong làng, một người có phần may mắn hơn ngườI khác, vì vậy ông thấy có bổn phận an ủi và giúp đỡ thuốc men.

Một hôm đi xe đạp từ nhà đến sở, ông bị một tài xế bất cẩn đụng ngã. Không nói một lời nào, ông vội vã dựng xe đạp lên, rồi đi đến viện để băng bó, không đá động gì đến người tài xế có lỗi. Lần khác ông gặp người nông phu nằm ngủ trong xe bò dưới gốc cây bàng. Mặt trời lên cao, bóng mát thay chiều, ông bảo những người phụ tá đẩy xe bò vào chỗ mát. Ông rất thương yêu trẻ con xóm Cồn, thường chiếu phim cho chúng xem. Trẻ con cũng thích ông chia kẹo hằng ngày cho chúng. Một hôm, chúng đánh vỡ chậu hoa, ông bảo người giúp việc: “Đừng rầy đánh, người ta sợ.”

Yersin rất nhẫn nại tử tế với những người cộng sự bản xứ, không bao giờ to tiếng, không bao giờ thị oai.

II. NHA TRANG – ĐÀ LẠT.

Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa . Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành . Các di tích của người Chăm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang. Nha Trang được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 22 / 4 / 2009. Đây là một đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Khánh Hoà . Nha Trang được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông , Viên ngọc xanh vì giá trị thiên nhiên, sắc đẹp cũng như khí hậu của nó. T ên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau", tiếng Chăm, tức là gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, con sông này đổ ra biển đúng chỗ có nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

Dừng chân trên quốc lộ 1A ngay cột km 1473, nơi cách Đà Lạt 191km và cách Nha Trang 20km, bạn sẽ thấy ngay tấm biển đề “Khu mộ Bác sĩ Yersin” (mặt bên kia ghi dòng chữ Pháp “Tombeau du Dr. Yersin”). Rẽ vào 800m theo hướng mũi tên là đến mộ “Ông Năm Yersin”, nằm trên ngọn đồi nhỏ ở Suối Dầu thuộc xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Đà Lạt tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng , nằm trên cao nguyên Lâm Viên , thuộc vùng Tây Nguyên , Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho . Cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên theo đề nghị của bác sỹ Alexandre Yersin , người từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893. Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, những người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục nổi tiếng. “Đà Lạt” là tên gọi của địa phương do ở đó có nhiều suối lớn, sông dài và có dân tộc LẠT cư ngụ. Hiện nay là Thành phố cấp 1 thuộc tỉnh Lâm Đồng. Hình trên là Trường Cao đẳng Sư phạm (với kiến trúc độc đáo, tưỏng nhớ đến Yersin vì tên cũ là Lycée Yersin).

TÓM TẮT

Bác sĩ Yersin là một người không chạy theo danh vọng, quyền lợi cho riêng mình.

Ông không hãnh diện, không phô trương. Ông là người con hiếu thảo, nhà nhân ái, ít có người không vụ lợi, khiêm tốn, giản dị, lịch sự. Ông sống thanh đạm độc thân, tiết chế xa hoa nhục dục.

Người dân xóm Cồn Nha Trang tặng cho Yersin biệt hiệu “người đã trị con sóng thần”.

Họ gọi thân mật Yersin là Ông Năm vì theo ngạch nhà binh vì ông là Y sĩ Đại tá.

Yersin đến với người Việt Nam bằng một tấm lòng chân thật. Đó là chìa khóa kỳ diệu đã mở cửa cho ông đi vào tình cảm của người Việt Nam.

-Trong năm mươi bảy năm hoạt động khoa học (1886 – 1943) Yersin đã công bố năm mươi lăm công trình và bốn mươi tác phẩm về y học, trong đó có mười ba đề tài chuyên cứu về dịch hạch, và mười lăm đề tài chuyên về nông nghiệp trồng cây quinquina và hévéa.

Yersin ra đi rất thanh thản, ngày 01/03/1943 vào lúc 01 giờ sáng, vừa đúng tám mươi tuổi. Một ngày trước khi từ giã cõi đời, ông còn ngồi trên ghế xích-đu dùng ống dòm đo mực thủy triều. Mặc dầu có lời căn dặn của ông trong di chúc muốn được an táng đơn giản, đám táng của ông to lớn chưa từng thấy ở Việt Nam. Ngoài đại diện của chánh quyền còn vô số người Việt, người Pháp, người Chà, người Hoa, người Thượng. Dân chúng bày hương án hai bên đường từ Nha Trang lên tận Suối Dầu nơi an táng ông.

Người dân Việt Nam vẫn tiếp tục tôn thờ Yersin. Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, vẫn còn giữ nguyên đường Yersin.

Bên cạnh mộ Yersin có xây một cái miếu nhỏ đặt ảnh ông và hương án. Tại chùa Linh Sơn và Long Tuyền có bàn thờ ông bên cạnh bàn thờ Phật, mặc dầu lúc sanh thời, người dân Nha Trang không hề thấy Yersin bước chân vào chùa hoặc nhà thờ.

Bác sĩ YERSIN là công dân của thành phố Nha Trang và là cha đẻ của thành phố Đà Lạt. Nhân ngày Giổ thứ 71 của Bác sĩ, chúng ta cùng đốt nén hưong thơm để tưỏng nhớ đến công lao cùa Bác sĩ Yersin đối với hai trung tâm du lịch nổi danh của Đất Việt Rồng Tiên.

Bác sĩ Yersin mãi mãi đi vào lòng của người Việt Nam, vì đại văn hào Lỗ Tấn có nói: “Người chết chỉ thật là chết, khi không còn tồn tại trong lòng người sống nữa. Người quá khứ mà hình ảnh còn tồn tại trong lòng người sống, thì chưa hẳn là chết”.

PHẠM VŨ

(Tham khảo: Tài l iệu trên Internet và b ài viết của Bs. Nguyễn văn Bá, Paris)


Nhậu

Chiều chiều, cái nóng bức của thành phố đã tàm tạm bớt đi, cũng là lúc nào người đi làm về, nào lũ học trò tan trường ùa ra…, đường sá lại ken đặc những xe là xe, những người là người. Hiếm có cái vỉa hè nào còn giữ được cái công năng của nó là dành cho khách bộ hành. Vào lúc lưu lượng của xe và người không theo nổi cái sốt ruột của kẻ về nhà còn lo cơm nước cho gia đình, của những tà áo học sinh còn học thêm ca tối cho giỏi… hơn con người khác, cho sau này tất tần tật những cô chiêu cậu ấm ấy đều trở thành nào… ông nọ, nào bà kia, nào bác sĩ, nào giám đốc (kể cả giám đốc công ty mai táng!); thì đường chẳng còn lề nữa, vì xe và các thứ có thể di chuyển được đều leo lên cả vỉa hè nếu có. Do đó có thể gọi là biển xe chứ không chỉ là giòng xe nữa. Dĩ nhiên là cộng vào mớ âm thanh hỗn độn ấy còn là mùi của khói bụi, mùi mồ hôi, mùi gắt gỏng gờm gờm con mắt của những kẻ nóng tính, hay mùi nhăn nhăn nhó nhó của kẻ… đau bụng mà không có lối về.

Nhưng có chỗ xe chẳng len vào được, dẫu cái vỉa hè rộng thênh thang mới khánh thành trước đó vài hôm, dẫu ở đấy người ta đã cắm cái bảng to tổ bố “Cấm chiếm dụng vỉa hè”. “Cấm” chứ không phải “Làm ơn” gì ráo trọi! Chẳng phải vì những con người vất vả kia tôn trọng cái khoảnh đất gọi là lề đường ấy, mà vì bàn ghế của mấy quán nhậu đã lỏng chỏng, đã lền khên bừa bộn trên nơi mà ngay người đi bộ cũng đành mò xuống lòng đường cho cái sự giao thông thêm phần nhốn nháo.

Vâng, dân nhậu đúng giờ lắm. Có vợ con cũng kệ, chẳng gia đình càng khỏe thân. Cứ tan ca là a lê hấp, ta xà vào mấy nơi quen thuộc, rồi thế nào cũng có chiến hữu đến mà đồng ca lên rằng “lâu lâu ta mới nhậu một lần…” Làm gì thì làm, các trự nhà ta thường đã ngồi vắt vẻo ở quán từ 5g chiều, các đấng nếu có đến trễ thì thường bị kẹt (cũng tại kẹt xe, chứ tao có bỏ mày bao giờ đâu!), hoặc kẹt… nhậu ở chỗ khác rồi. Rĩ nhiên là qua cuộc điện đàm đầy men bia, ta hiểu ngay là họ đang trách móc nhau, sao mày không ghé đây, sao mày cà chớn thế, sao mày coi anh mày như cục… vậy! Sau những lời phàn nàn chỉ có trước cuộc nhậu ấy, một lát sau, cái bàn tiệc dở dang ấy thể nào cũng đón tiếp thêm có khi dăm ba ông bợm khật khà khật khưỡng chân nọ quẩn chân kia lưỡi này líu lưỡi nọ, khùng khùng ngọng ngọng, chập choạng gieo tấm thân vã cả mồ hôi bia xuống cái ghế con con thân thiết, để mà lè nhè, để mà ngoàm ngoạp những ngôn từ chả ai hiểu ai cả. Nhưng cái từ được xài nhiều nhất là “dzô”. Ba bốn quán sát rạt nhau chả ai bảo ai, lắm lúc cũng “dzô” đồng loạt, thật hào hùng như quân binh Nguyễn Huệ! Ti vi ti veo bật lên cho có lệ, vì đệ tử của Lưu Linh chỉ chằm chằm nhìn vào ly bia vàng óng và khuôn mặt chẳng tái xanh thì cũng đỏ rực của mấy chiến hữu cùng bàn. Say ư? No! Ai ne vờ say! Họ nói thiệt đó, dẫu chẳng còn nhớ cái món ăn này giá bao nhiêu, cái món kia sao chỉ có cơ man nào là rau mà chỉ lèo lèo mấy miếng thịt dai nhách (dai để ăn cho lâu í mà); Nhưng mà mấy cái gã này nhớ như in “Mẹ mày! Tao hết lon thứ 10 rồi, mà mày mới có 2 lon mà! Êh..h..h, tao chưa say nhe mày!”

Các em gái tiếp viên cứ việc khui cho đầy bàn, cho “hoành tráng”, còn cái đám này, chẳng biết mấy thằng chả tiền đâu mà ngày nào cũng nhậu. Nhậu đúng giờ và nhậu đến nơi đến chốn. Chỉ có vợ ở nhà là buồn tàn thu. Có khi ăn cơm với chút rau luộc và mấy trái trứng chiên, còn để dành tiền cho chồng bè với chẳng bạn. Chỉ có đứa con đang chờ bố ở cổng trường đâu đó, có khi bị quên béng đi, đành thất thểu đi bộ về nhà, chẳng còn nghĩ đến mai này ta có làm bộ trưởng bộ thể thao không nữa, chỉ biết rằng, ta thường xuyên đi bộ mà bụng đói meo…

Ấy vậy mà ngày mai lỡ có ai mời đám cưới, cũng là đi nhậu vậy mà mấy cha nhà mình có bao giờ đúng giờ đâu! Rành rành mời rất rõ ràng rằng thì là 18g đón khách, 19g khai tiệc. Vậy mà mấy chả cứ tàn tàn gần 8 giờ tối mới có mặt, kệ cho chủ tiệc mếu máo đợi chờ. Lý do cũng thật đơn giản: tại mắc… nhậu với mấy thằng bạn (bạn… nhậu í mà). Vậy đó, tới trễ thì tiệc trễ, nhà hàng cứ tống thức ăn lên đặng tới giờ còn dẹp. Lại chỉ có dzô dzô dzô cho đã mồm, rồi lại ti toe lên sân khấu hát, hoài hoài cũng chỉ có bài đó, hát hoài mà không biết chán, chỉ có người nghe hết bị tra tấn bởi cái cuồng nộ của biển xe tới cái đảo điên của những loa là loa - loa máy và loa miệng - bám vào nhau, níu nhau cho đến nỗi mấy cụ già thở hổn hển “Ôi! Hòn Ngọc Viễn Đông!”.

LAM TRẦN

Phụ bản IV

ĐỊNH CƯ

Installation

của Alphonse Daudet

Đó là những con thỏ trắng đang kinh ngạc!...

Đã lâu lắm rồi, chúng thấy cánh cửa của nhà máy xay bột, luôn luôn bị khép kín, và sân bãi thì bị cỏ rác xâm chiếm, nên chúng đã tin chắc rằng dòng dõi của chủ nhân đã tắt lịm; và gặp cái địa bàn nầy cũng tốt, nên chúng nó dùng làm một thứ gì đó, giống như một tổng hành dinh, một trung tâm hành quân chiến lược..., một nhà máy mặt trận thỏ!...

Đêm mới đến, tôi nói không ngoa, có hơn hai mươi con thỏ đang phơi minh dưới ánh trăng thanh!... trong khoảnh khắc để mở cánh cửa... frrt... Ô! xem kìa, đoàn quân bại trận đang dỏng đuôi, chạy trốn vào bụi rậm, khoe cái mông nhỏ xíu trắng tinh!...

Tôi hy vọng chúng nó trở lại...

Có một ai đó, cũng ngạc nhiên không kém, khi nhìn thấy tôi. Đó là vị khách trọ hạng nhất, một con chim cuốc buồn bã với cái đầu suy tư, đã ở đây có hơn hai chục năm qua. Tôi gặp nó ở trên phòng thượng tầng, im lặng và chững chạc, trên cây đà ngang, giữa đống xà bần ngói bể... Nó nhìn tôi một chốc lát với đôi mắt tròn vo; rồi hết sức sợ hãi vì không nhận ra tôi, nó vội kêu lên "Hou! Hou!" và nặng nề chớp đôi cánh nâu màu bụi bậm!... Thôi mặc kệ nó đi!...

Dầu gì đi chăng nữa, thì người khách trọ lặng lẽ nầy cũng còn gây thích thú cho tôi hơn một ai khác, và tôi sẵn lòng ký lại tờ hợp đồng ở trọ mới cho nó. Sau nầy nó giữ phần trên của nhà, ra vào qua mái ngói, còn tôi thì dành phần dưới nhà, một gian phòng nhỏ quét vôi trắng, có trần vòm, giống như phòng của một tu viện.

Và biết bao nhiêu là chuyện ngộ nghĩnh chung quanh tôi!... Tôi ở đây chưa hết tám hôm, mà đầu óc tôi đã chứa đầy những ấn tượng và kỷ niệm.

Xem nầy, vừa mới chiều hôm qua thôi, tôi đã chứng kiến một cuộc trở về nông trại của đoàn gia súc ở dưới chân đồi, và tôi cam đoan với bạn rằng, cái quang cảnh đó, còn xứng đáng hơn cả màn trình diễn hàng đầu mà bạn đã xem ở Paris trong tuần!...

Bạn hãy nhận xét đi nhé!...

Cũng nên nói cho bạn hiểu rõ rằng, theo lệ thường, khi mùa nắng nóng trở về, thì người ta gởi đàn gia súc vào núi Alpes. Thú vật và người phải trải qua năm hoặc sáu tháng ở trên đó, sống trong cảnh màn trời chiếu đất, giữa bãi cỏ xanh ngang bụng; rồi đến khi mùa đông chuyển mình, thì người ta lại trở về mà gặm cỏ thơm bình thường ở các gò nổng...

Như vậy đó mà chiều hôm qua, đàn gia súc đã trở về!... Kể từ sáng sớm, cửa ngõ đã được mở toang hai cánh chờ đợi; chuồng trại thì đầy ắp nước mát...! Từng giờ khắc, người ta bảo nhau: "Bây giờ chúng nó đã đến Eyguières!... Bây giờ chúng nó đã đến Paradou!...". Rồi thình lình, vào buổi chiều tà, có tiếng la to: "Chúng nó kìa!...". Và xa xa đàng kia, chúng ta thấy đàn gia súc tiến lên, trong một đám bụi mù huy hoàng!... Con đường dường như cũng di chuyển với chúng.

Trước tiên là những con cừu già, cặp sừng hướng trước với vẻ mặt man rợ; theo sau là cừu lớn, những con cừu mẹ thì mệt mỏi với bầy con nhỏ ở dưới chân; những con la bờm lông đỏ trên đầu, đang mang lừa con mới sanh một ngày tuổi trong cái giỏ xách mà nó đong đưa khi đi...; kế đến là những con chó, mệt toát mồ hôi với cái lưỡi dài tới đất, và hai gã chăn cừu khoác áo choàng phết gót, như áo thầy tu... Cả đoàn vui vẻ diễu hành trước mắt chúng tôi, vừa chui vào cổng trại vừa giẫm chân ồn ào.

Phải thấy có bao nhiêu sự náo động ở trong trang trại...! Trên cành cao, con công to xanh đỏ đã nhận ra khách đến, vội chào đón bằng một tiếng kèn kinh khủng. Chuồng gà đang ngủ yên, cũng giật mình thức dậy. Tất cả đều đứng lên, vịt, gà, bồ câu, gà lôi... Sân bãi bận rộn như điên!... Những con gà mái kể cho nhau nghe giấc mơ đêm tối...

Người ta nói rằng, mỗi con cừu đã mang trong bộ lông của nó, một chút cái không khí đặc trưng của núi rừng, cái hương thơm hoang dại của non Alpes làm cho ngất ngây nhảy múa...

Giữa lúc nầy thì đàn gia súc đã vào chuồng.

Không có gì xinh đẹp như cuộc định cư nầy...

Những con cừu già thì cảm động khi nhìn thấy lại máng ăn. Những con cừu non được sinh ra trong lúc du hành, chưa bao giờ trông thấy nông trại, thì nhìn chung quanh với vẻ ngơ ngác.

Nhưng mà, có cảnh còn cảm động hơn, đó là những con chó!... Những con chó berger dũng cảm, luôn luôn bận rộn quanh đàn thú, và chỉ biết lo cho đàn thú mà thôi!. Bầy chó nhà đã kêu gọi chúng một cách vô ích, cái xô nước mát bên cạnh giếng đã mời mọc chúng một cách vô ích!... Chúng nó không muốn thấy gì; chúng nó không muốn nghe gì, trước khi đàn gia súc đã vào chuồng, cái chốt cửa được cài cẩn thận, và những gã chăn cừu đã ngồi vào bàn ăn trong gian phòng nhỏ.

Thế rồi, chỉ có khi đó, chúng nó mới bằng lòng trở về tổ ấm, để liếm láp một tô súp, vừa kể cho bạn bè ở nông trại nghe những gì đã xảy ra ở trên núi cao, một nơi hắc ám có đầy sói lang..., và nhưng bông hoa ngậm sương tràn đầy đến cánh...!!!

Dịch thuật Thanh Châu

NỤ CƯỜI

QUA CÁC THỜI ĐẠI

Liều thuốc an thần phổ biến nhất của nhân loại này đã làm cho các sử gia rất đau đầu! Bởi vì, nếu nó được phát huy vào thời cổ Hy Lạp, thì nụ cười lại bị cấm ở Quốc hội Pháp trong thời kỳ cách mạng, và ngày nay lại biến thành một vũ khí chính trị…

Qua các thời đại, nụ cười đã từng được sử dụng như một loại vũ khí hiệu nghiệm. Và cũng đã từng có nhiều triết lý về nó. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, quả là chẳng có gì mơ hồ và khó hiểu hơn nụ cười! Các nhà thông thái cũng đã từng bàn đến cái mà Voltaire gọi là: “Một kiểu vui vẻ kéo được cơ bắp của gò má đi về phía lỗ tai!”. Có một số lại đánh mất đi bản chất “dzui dzẻ” của nụ cười. Chẳng hạn Nietzsche đã từng viết: “Con người đau khổ thê thảm đến mức phải phát minh ra nụ cười! Con vật khốn khổ và đau buồn nhất, than ôi lại vui vẻ nhất!”. Và trước đó Aristote cũng từng nói: “Con người là con vật duy nhất biết cười! Đó là niềm an ủi duy nhất khi nó biết mình sẽ phải chết. Một kiểu thuốc an thần…”. Các nhà triết học đã từng nhìn thấy bản chất chẳng có gì vui vẻ của nụ cười.

Qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn không ngừng tranh cãi với nhau về đề tài tiếng nức nở ngược này! Người ta sẽ còn gán ghép cho nó những bản chất hết sức mâu thuẫn với nhau. Theo Bergson nụ cười là con chó giữ nhà, một phương tiện mà xã hội dùng để trừng phạt những thái độ lệch lạc. Nó đối kháng với những kẻ phiến loạn, muốn phá vỡ những tập tục của tiền nhân. Trái lại, đối với Proudhon, nụ cười lại là một con chó hoang! Một công cụ phản kháng của những kẻ bị áp bức. Một bãi nước bọt mà dân chúng nhổ toẹt vào bộ mặt tím ngắt của những kẻ quyền thế. Vào thời Hy Lạp cổ, nó mang bản chất thần linh. Các vị thần ở núi Olympe chọc ghẹo những bất hạnh tình yêu của nhau, họ cười những cái không nín cười được của nhau, như lời kể của Homère.

Trái lại Giáo hội Kitô lại xem nụ cười là ma quỷ và lập ra học thuyết Chúa Jesus không cười vào thế kỷ thứ 4 CN. Như vậy cười là có tội! Đó là một âm mưu nhằm phá vỡ cái bể khổ trần ai mà con người phải trải qua trước khi về Trời! Nụ cười trở nên đáng ghét, nó đối kháng trực tiếp với chương trình của Thượng đế nhằm giúp cho con người tìm được niềm vui nơi chính mình. Đến cuối thế kỷ, chế độ dân chủ vô thần ra đời cũng cấm các dân biểu cười trong các cuộc họp. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền!

Và đến thế kỷ 20, nụ cười lại trở thành một… vũ khí chính trị! Từ những câu nói đùa của Churchill hay De Gaulle sau những cuộc họp đến những chú hề rầu rĩ chơi đàn accordéon trên sàn quay TV làm ra vẻ tỉnh queo như một con rối, nụ cười đã trở thành một công cụ chính trị. Người ta còn chưa biết thắng lợi này của nền dân chủ hiện đại là do công lao của dân chúng hay của các nhà lãnh đạo. Cũng như Chicot đã từng nói với vua Henri IV là thằng nhóc con mà không hề làm cho vương triều lâm nguy, ba năm làm hề cật lực cũng chẳng thể nào trở thành ông thị trưởng thành phố Paris được.

Một đối tượng triết lý bị nghi ngờ từ ngàn xưa, thế nhưng nụ cười lại bị các sử gia lờ đi một cách khó hiểu. Dĩ nhiên nó có nguyên nhân… Chẳng hạn để kể lại những câu chuyện tiếu lâm đã có từ thời Hy Lạp cổ (thế kỷ thứ 5 trước CN) cho hiện đại, người ta chỉ cần thay thế các danh từ riêng là xong! Dân tộc Thrace, hay Cymes bằng dân Bỉ… hay những ả tóc nâu! Người ta cũng không còn biết dấu vết của danh từ Carambar (Mẹ kiếp) xuất phát từ đâu.

Nếu mọi xã hội đều cười những chuyện gần giống nhau, thì người ta lại không đồng tình nhau về công dụng cũng như mục tiêu của tiếng cười. Bởi vậy, sẽ có ngày các sử gia phải chú ý đến nó.

Chuyện đó đã xảy ra vào nửa cuối thế kỷ 20 khi các nhà nghiên cứu Liên Xô (vốn rất ít khi cười) bắt đầu chú tâm đến hiện tượng trong quá khứ được xem như là một phương tiện để làm Cách mạng. Quyển sách nổi tiếng của Mikhail Bakhtine ra đời năm 1970 đã xem tiếng cười của Rabelais như là một báu vật. Với 600 trang phân tích chuyện tiếu lâm, từ những con vật cưng của các lão thầy tu, đến những trận đòn bằng gậy mà họ nện cho tín đồ của mình, quyển sách đã nói đến thời đại vàng son của tiếng cười phản kháng. Thời đại mà con dân đã biết dùng tiếng cười sống sượng và trơ trẽn của mình để nhổ toẹt vào những điều thánh thiện của bọn cầm quyền. Rồi từ đó tiếng cười dần dần chuyển hướng công dụng sang chủ nghĩa cá nhân để phê phán và đả phá lẫn nhau giữa dân chúng.

Một biến thái khác là giọng cười đểu cáng theo kiểu Pháp. Nó lưu hành trong giới các nhà quý tộc nhỏ mang tóc giả, thoa phấn trên mặt vào thế kỷ 18. Họ sử dụng chuyện tiếu lâm với nhiều ý nghĩa dơ dáy cùng một lúc để làm vũ khí cho cuộc chiến tranh du kích của mình tại các phòng khánh tiết sang trọng.

Giọng cười lúc đó đã biến thành một vũ khí chính trị và cũng là một trò chơi văn minh. Những nghiên cứu lịch sử tiếng cười cũng từ đó mà gia tăng không ngừng. Trong 10 năm qua, nó đã lên đến đỉnh cao. Chẳng có tuần lễ nào mà không có một buổi phát sóng truyền hình hay hội thảo về tiếng cười. Tại Pháp, Hội CORHUM (Nghiên cứu về đùa cợt, tiếu lâm, hài hước) ra đời năm 1987, thường xuyên tổ chức những cuộc hội thảo rất bác học về tiếng cười! Và trong mùa thu năm 2000 này có 3 công trình đồ sộ ra đời. Trước tiên là quyển Bật cười (Éclat de Rire). Đây là một công trình nghiên cứu rất công phu của Antoine de Baecque tác giả Tuyển tập điện ảnh nói về những cuộc chiến thật sự giữa hai phe cách mạng và phản cách mạng để giành lấy độc quyền tiếng cười trong những năm cuối cùng của chế độ cũ. Kế đến là quyển Tiếng cười của người Hy Lạp, một công trình hợp tác của 40 trường đại học châu Âu về chuyện tiếu lâm của người Hy Lạp cổ đại, từ thời Aristophane đến Aristote. Và sau cùng là quyển Lịch sử tiếng cười và mỉa mai của Georges Minois. Ông vốn là một sử gia về tôn giáo, đã tổng kết 25 thế kỷ giễu cợt của con người. Một công trình “quái quỷ” đã mang lại vinh quang cho tác giả.

Làm sao giải thích được sự thành công của một đề tài xem ra cổ xưa như trái đất này? Georges Minois cho biết: “Nét đặc trưng của thời đại hiện nay là… mải mai tất cả”. Và Antoine de Baecque cũng đồng tình khi nói: “Xã hội của chúng ta là một xã hội cười. Liệu có khi nào người ta sẽ tạo ra một biểu tượng của tiếu lâm để làm… quốc huy?”. Quả vậy, dường như chưa bao giờ người ta sùng bái tiếng cười cũng như giao phó cho nó nhiều nhiệm vụ hệ tọng như ngày hôm nay. Không chỉ làm cho đỡ sợ chết như tổ tiên đã từng biết, nụ cười còn có khả năng khống chế những kẻ cứng đầu. Chuyện này còn cần phải kiểm chứng lại, nhất là đối với những kẻ… da mặt quá dày, bất chấp những lời chế giễu. Đối với các nhà quý tộc, có lẽ tiếng cười sẽ phát huy tác dụng. Trái lại, với những hạng người đầu trâu mặt ngựa, ắt hẳn phải dùng biện pháp khác.

Dù thế nào, trong thời đại tiếng cười được lưu giữ này, từ nay mọi thông điệp dù là chính trị, giai cấp hay quảng cáo cũng đều được phổ biến theo cách thức nhẹ nhàng, vui vẻ, thậm chí là tiếu lâm nữa! Chẳng có đảng phái nào không muốn tấn công đối thủ của mình bằng những lời châm chọc, dù rất khó nghe.

Ngay cả Giáo hội Kytô cũng thay đổi cho kịp với thời đại. Một khoảnh khắc vĩ đại đã xảy ra khi vị linh mục ở giáo xứ Montceau-les-Mines cố gắng phác học Chúa Cứu Thế dưới hình ảnh một… anh hề: tên hề bị ném cả cái bánh kem vào mặt mà không hề giện dữ và mang trên vai mọi chuyện hung ác của con người.

Trong thời kỳ bi quan tiếng cười là một liều thuốc phiện để giải sầu? Bataille đã từng viết: “Chú mày cười, có nghĩa là đã sợ rồi!”. Và Georges Minois đã đi đến kết luận không vui cho tác phẩm đồ sộ của mình: “Khi càng nghi ngờ thì người ta càng cố cười ầm ĩ lên”. Đàng sau cái vẻ bên ngoài thoải mái dễ chịu, là bộ mặt trái của nụ cười hiện đại. Trong tiếng cười man dại, điên cuồng, tuyệt vọng và tài hoa của một Nietzche, một Mark Twain, một Kafka, một Ionesco và bao nhiêu con người khác. Một giọng cười vượt quá biên giới của người Hy Lạp là hoạt kê và bi đát. Một nụ cười không hòa đồng với thế giới cũng không phỉ báng nó thậm tệ như tiếng cười của Molière. Một nụ cười không vui, như cách nói của Beckett, xuất hiện khi cỗ máy hoạt kê của vũ trụ bắt đầu vận hành, khi Ubu thay thế cho Thượng đế, khi cảm giác phi lý tiếp theo những ảo giác khác. Như đã nói từ đầu, triết lý về tiếng cười chẳng có gì… vui cả. Lịch sử của tiếng cười cũng thế. Nó rất đáng sợ.

ĐINH CÔNG THÀNH

(Theo LNO 10.2000)

BÙI ĐẸP st

CÁC "SỐ ĐIỆN THOẠI" NÊN BIẾT

1- Khi bạn xao xuyến, lo âu, gọi số ................. Gioan 14

2- Khi bạn phạm tội, gọi số ......................... Th.vịnh 51

3- Bạn gặp nguy hiểm, gọi số ...................... Th.vịnh 91

4- Mọi người thất vọng, gọi số .................... Th.vịnh 27

5- Cảm thấy Chúa ở xa bạn, gọi số ............ Th.vịnh 139

6- Đức Tin bạn cần khuyến khích ................. Do thái 11

7- Khi bạn cô đơn và sợ sệt ......................... Th.vịnh 23

8- Khi bạn thiếu tin tưởng ....................... Mat 8, 23-27

9- Khi bị xúc phạm và chỉ trích ....................... 1 Cor 13

10- Bị giao động về Đạo Chúa (Tín lý) ...... 2 Cor 5, 15-18

11- Khi bạn cảm thấy bị ruồng bỏ ............. Rom 8, 31-39

12- Bạn đang đi tìm Bình an .................... Mat 11, 25-30

13- Cảm thấy thế giới này hơn Chúa ............. Th.vịnh 90

14- Bạn cần Chúa Kitô như là Bảo hiểm ........ Rom 8,1-30

15- Khi bạn đi nghỉ ngơi vài ngày, gọi số ...... Th.vịnh 121

16- Khi bạn cầu nguyện cho chính mình ......... Th.vịnh 87

17- Khi cần sự can đảm cho bổn phận ............. Gio-suê 1

18- Khi bạn quyết từ bỏ để theo Chúa ....... Mc 10, 17-31

19- Khi bạn chán nản, thất vọng, gọi số ......... Th.vịnh 27

20- Khi tiền gởi ngân hàng bị hết, gọi số ....... Th.vịnh 37

21- Thấy mọi người không mến mình ............... Gioan 15

22- Bạn đang mất hy vọng, gọi số ............... Th.vịnh 126

23- Bạn thấy thế giới nhỏ bé đối với bạn ........ Th.vịnh 19

24- Bạn muốn có hoa trái Thánh Thần ..... Galát 5, 18-24

25- Bạn muốn đổi mới theo hình ảnh Chúa .... Col 3, 9-10

26- Khi bị bệnh bạn cần cầu nguyện ........... 2 Vua 20,1-6

27- Bạn muốn sống hòa hợp, cần gọi số ...... Rom 12, 3-8

28- Khi vui hoặc buồn bạn cần gọi số ......... 1 Tx 5, 16-18

29- Khi bị cám dỗ bạn cần gọi số ............ 1 Phêrô 5, 8 -9

30- Khi bị thiếu thốn về ăn mặc, gọi số ....... Mat 6, 25-34

31- Khi không biết cầu nguyện, gọi số ............ Mat 6, 5-6

32- Khi sự chết xảy đến, gọi số ............. Gioan 11, 23-26

33- Khi cha mẹ thiếu tác phong, gọi số ......... 1 Tm 3, 3-4

34- Khi ham mê cuả cải, gọi số ................ Mat 19, 21- 24

35- Khi vợ chồng bất hòa, lủng củng .......... Col 3, 18-19

36- Khi lười biếng làm việc, gọi số ......... Ch.ngôn 6, 6-11

37- Khi muốn ly dị ly thân, gọi số ................ Mat 19, 4-6

38- Khi nóng giận, gọi ngay số ........... Giacôbê 1, 19-20

39- Khi bị uy hiếp, hành hạ, gọi số ........... Mat 10, 26-28

40- Giữ điều răn thứ sáu, xin gọi ............... Mat 5, 27-30

41- Khi không tự chủ được, gọi số ................. Titô 2, 2-3

42- Khi khó tha thứ cho nhau, gọi số ........ Mat 18, 21-22

* CÁC SỐ TRÊN CÓ THỂ GỌI TRỰC TIẾP, KHÔNG CẦN QUA TỔNG ĐÀI.

* CÁC SỐ TRÊN ĐỀU NẰM TRONG SÁCH HƯỚNG DẪN “TÂN ƯỚC” GIA ĐÌNH NÀO CŨNG CÓ. NẾU CHƯA HÃY TRANG BỊ 1 HOẶC 2 CUỐN GIỐNG NHƯ MÌNH TRANG BỊ ĐIỆN THOẠI.

* ĐẶC BIỆT KHÔNG BAO GIỜ MẤT SÓNG HOẶC HẾT PIN.

* TẤT CẢ CÁC ĐƯỜNG DÂY LÊN THIÊN ĐÀNG ĐỀU PHỤC VỤ 24GIỜ/NGÀY ĐỂ NUÔI DƯỠNG LÒNG TIN CỦA BẠN!

Hoàng Chúc st

NHỮNG TƯỞNG ...

1. Lúc bé, tưởng khóc là buồn, bây giờ phát hiện buồn nhất là không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn.

2. Lúc bé, tưởng cười là vui, bây giờ nghĩ lại, có những giọt nước mắt còn vui hơn cả một trận cười.

3. Lúc bé, tưởng đông bạn là hay, bây giờ mới biết vẫn chỉ có mình mình.

4. Lúc bé, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm, chỉ đến ở những chỗ không người, đến giờ mới hiểu, lúc bên nhau, sự ấm áp mới thật mong manh, mà nỗi cô đơn sao lại gần gũi thế.

5. Lúc bé, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ, lớn rồi mới biết sau yêu còn có chia tay.

6. Lúc bé, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ đã thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé trở lại được.

7. Lúc bé, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì là có thể nhổ, bây giờ cảm nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết sâu vẫn còn.

8. Lúc bé, tưởng mình có thể thay đổi cả thế giới, giờ thấy được ngay cả 1 người còn chẳng có khả năng thay đổi. Có chăng, vẫn chỉ là tự thay đổi mình.

9. Lúc còn bé, tưởng yêu một người thì dễ, quên một người mới khó. Giờ thấy mình quên đi nhiều người cũng dễ dàng, nhưng để yêu, mới khó làm sao.

10. Lúc bé, thích định nghĩa về tình yêu, tình yêu là X, là Y, là A,B,C,D; bây giờ lớn lại cuống cuồng, vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả.

11. Lúc bé, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến đó, rồi đi đó, như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó. Và thật sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất.

12. Lúc bé tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn lên còn biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo.

13. Lúc bé rất sợ phải chết, nhưng bây giờ khi lớn lên mới biết sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều.

14. Lúc bé tưởng tượng rất nhiều, và giờ đây khi lớn lên mới nhận ra chuyện cổ tích không bao giờ có thật.

15. Lúc bé mẹ nói yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại, giờ lớn lên chợt nhận ra, có những yêu thương chỉ cho mà không nhận.

16. Lúc bé mong mình lớn, giờ đây lớn rồi sao mong mình bé lại quá chừng.

17. Lúc bé tưởng rằng yêu một người là sống vì người đó, giờ mới biết yêu một người là phải biết tự yêu lấy mình.

18. Lúc bé tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm, giờ mới biết nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh.

19. Lúc bé tưởng nói dối là xấu, giờ mới biết lời nói dối đôi khi cũng giúp ích rất nhiều.

20. Lúc bé tưởng rằng trung thực là điều tốt, giờ mới biết sống trung thực với mình thôi cũng là điều khó biết bao.

21. Lúc bé tưởng rằng những gì đến rồi sẽ đi, giờ mới biết niềm vui đến thi qua mau, còn nỗi buồn đến thì cứ ở bên ta mãi.

22. Lúc bé cứ tưởng rằng sau tình yêu sẽ là hôn nhân, giờ mới biết có những cuộc hôn nhân không cần tình yêu.

23. Lúc bé tưởng rằng tiền bạc-tình yêu và sức khỏe là quan trọng, giờ mới biết rằng sức khỏe-tiền bạc và tình yêu mới là quan trọng.

24. Lúc bé tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, giờ mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh ta, có chăng là mình đã không nhận thấy.

25. Lúc bé tưởng nói quên là có thể quên được, giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng.

26. Lúc bé cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành người này người kia, giờ mới biết được trở thành chính mình mới là hạnh phúc nhất!

Bs Nguyễn Lân-Đính st


ĐƯỜNG

KHUYA

GÓT

NHỎ 


ĐÀM LAN

Tôi ngạc nhiên nhìn cô gái trước mặt. Từ lúc cô nhỏ nhẹ “Em chào anh!” và kéo cái ghế ngồi xuống, đối diện với tôi bằng một đôi mắt đen tròn. Một đôi mắt ẩn chứa một niềm vui, đồng thời cũng phảng phất một nỗi buồn, một đôi mắt có thể làm cho một ai đó xao lòng, cũng có thể gợi nên một sự trắc ẩn, thương xót. Một đôi mắt biết gửi những tiếng lòng sâu kín, biết trần tình những ngọt đắng nông sâu, đồng thời cũng biết âm trầm một tâm cảm. Tóm lại là một đôi mắt có sự phong phú của thứ ngôn ngữ riêng. Nhưng lúc này, tôi không thể nhận biết được đôi mắt kia đang muốn nói với tôi điều gì, mà chỉ rõ nhất một ánh khắc khoải, đợi chờ ở tôi một điều gì đó. Có vẻ… mà cũng không có vẻ. Cho dù nơi tôi đang ngồi là một quán cà phê. Không phải là một quán cà phê đèn mờ, là bởi chủ trương của anh bạn thân của tôi, cũng là chủ quán không dung chứa các loại hình tệ nạn, hơn nữa có là đèn mờ thì giờ cũng không phải là lúc, khi ánh sáng mặt trời đang chói lọi khắp nơi. Trong khoảnh khắc, một loạt câu hỏi dậy lên trong bộ óc nhỏ bé, chúng không đủ cả thời gian và dữ liệu để trả lời. Cô gái này là ai? Từ đâu đến? Tìm tôi có việc gì? Liệu tôi đã từng gặp gỡ chưa? Đã từng vương mắc nợ nần gì chưa?

- Anh không nhận ra em cũng phải. Mười năm rồi, lại chỉ một lần…

Thôi chết tôi rồi! Mười năm trước tôi đã gây nên tội nợ gì đây? Cái dấu chấm lửng sau câu nói làm cồn lên trong ruột tôi một cảm giác như lo lắng. Không lo lắng làm sao được, khi bất kỳ ai trong một thời tuổi trẻ ít nhất cũng mắc một vài sai lầm nào đó. Có những sai lầm vặt vãnh có thể qua rất nhanh, không để lại dấu vết gì nghiêm trọng, nhưng có thể sẽ có những sai lầm mà hệ quả của nó thì thật khôn lường, có khi gây một ảnh hưởng tai hại cho những gì đang có trong hiện tại. Đây thuộc về trường hợp nào? Và…

- …chỉ một lần với khoảnh khắc thật là ngắn ngủi, mà cả cuộc đời này em cũng không thể quên được anh.

Chết thật rồi! Trong quá khứ tôi và cô gái này đã xảy ra chuyện gì? Sao tôi chẳng có một mảy may nào sự nhắc nhớ cả. Liệu có phải…

- Cô có nhầm tôi với ai không đấy?

- Không anh ạ. Em không thể nào nhầm được. Dù bây giờ anh có hơi khác ngày ấy một chút, nhưng em vẫn nhận ra anh ngay.

Quái nhỉ? Có vẻ như cô ta có một kỷ niệm sâu đậm lắm về tôi thì phải. Nhưng tôi lại mịt mờ quá về một hình ảnh. Làm sao nhớ hết tất cả những ai đã từng gặp gỡ trong đời mình. Nhất là những gương mặt của một thời xa xưa bay nhảy. Không lẽ đây là một cô gái mà tôi đã từng cao hứng hẹn hò gì chăng? Và cuộc hẹn hò ấy đã bắt đầu và kết thúc như thế nào nhỉ? Thanh niên bồng bột, vui đâu chầu đấy, chuyện yêu đương vớ vẩn thì khác chi quà vặt hàng ngày. Cứ thấy em nào xinh xinh thì ngứa miệng chọc chơi, đa phần chỉ là những trò đùa tán tụng vu vơ nào đấy. Nhiều khi không phải từ sự chủ động của tôi, mà còn là những sự tấn công nhiều kiểu dáng từ “phía bên kia”. Tôi không dám tự phụ đâu, nhưng thực tình, nhờ sự ưu đãi của tạo hóa, mà tôi có được một dáng dấp khá bảnh bao, lịch thiệp, điểm số được chấm theo thang bậc khách quan nhất là “trung bình khá”. Vì vậy mà thành phần “hội chợ phù hoa” của tôi luôn là sự ganh tị với các bạn cùng phái. Nếu mà phải chịu trách nhiệm với tất cả thì chắc tôi chỉ còn có nước thăng thiên hoặc độn thổ mất thôi. Không biết… Tôi chợt lạnh toát người khi nghĩ đến một khả năng, nhưng ngay lập tức tôi tự trấn tĩnh, là bởi khả năng ấy sẽ không thể nào. Nói không phải khoe, chứ thực tình ngày còn trẻ (mặc dù bây giờ tôi vẫn chưa già lắm đâu) đương nhiên cái gọi là thanh niên tính chẳng dễ gì thoát khỏi chuyện bông đùa mây gió, nhưng thú thật là chỉ dám bông đùa cái miệng thôi, lắm lúc cũng tức anh ách khi bạn bè giễu cợt là “gan thỏ”, “gà mái”, “còn chưa rời tí mẹ”, nhiều lắm những cách nói khích bác chuyện tôi không “lập thành tích” với các nàng. Nhưng họ nói mặc họ, mình sao mặc mình. Có lẽ do ảnh hưởng lề lối giáo dục của gia đình, nhất là mẹ tôi, nên tôi đã có ý thức sớm về những hành vi không lành mạnh. Những hành vi mang tính xốc nổi, ngẫu hứng, thiếu suy xét, kềm chế của bản thân mình, thường gây ra những hậu quả đáng tiếc không chỉ cho mình mà cả cho người. Xưa nay vẫn không hiếm những người phụ nữ và những đứa trẻ vô tội phải gánh chịu tội nghiệt từ những hành vi thiếu ý thức và trách nhiệm ấy. Ngày đó ở gần nhà tôi có một trường hợp như thế. Cả hai mẹ con đều rất tội nghiệp vì cuộc sống thiếu hụt, vì mặc cảm tội lỗi, vì những điều tiếng mỉa mai của bao người, vì những thua thiệt mà mặc nhiên cái nhìn thông thường của xã hội tạo ra. Mẹ tôi luôn lấy một minh chứng cụ thể đó mà giáo dục con cái, cả trai lẫn gái. Chính vì thế mà tôi không vấp phải bất kỳ điều đáng tiếc nào tương tự. Nghĩ đến còn đỏ mặt, tôi như một “tú nữ phòng khuê” cho đến ngày cùng tân nương giao bái. Có nghĩa là sẽ không có chuyện một cô nàng nào đó ôm một đứa nhỏ đến gõ cửa nhà tôi. Cũng có nghĩa là “sư tử” nhà tôi sẽ không có cơ hội để dựng bờm, trợn mắt. Nhưng chưa hẳn. Nếu cô gái trước mặt tôi đây có sự lập lờ về một mối quan hệ không minh bạch nào đó trong quá khứ, thì vẫn tiềm tàng một cơn sóng gió bất thường trong ngôi nhà be bé của tôi. Một nơi mà lòng tôi luôn cảm thấy ấm áp tươi vui mỗi khi trở về. Có người nói: “Con người hạnh phúc nhất là luôn có một nơi chờ đón, và luôn cảm thấy sung sướng khi trở về nơi ấy”. Vậy thì đúng tôi là một người hạnh phúc rồi. Tôi không biết mình có phải là một người chồng lý tưởng chưa? Nhưng vợ tôi thì đúng là một người vợ lý tưởng. Một người vợ luôn biết chồng mình yêu gì? Muốn gì? Cần gì? Chúng tôi đã có một thời gian dài tình sâu nghĩa nặng truớc khi tiến đến hôn nhân. Chúng tôi biết rõ chúng tôi thuộc về nhau, giả sử có phải làm lại, thì tôi cũng chọn vợ tôi mà thôi. Mọi người hay có câu cửa miệng “sợ vợ”, mỗi khi thấy một người đàn ông nào đó tỏ ra có tình thương yêu và trách nhiệm với gia đình. Đôi khi chỉ vì một sĩ diện hão, một thứ chí khí rởm, mà một người đàn ông không nghĩ rằng mình đã làm tổn thương đến những người thân yêu nhất của mình. Và rồi để lập luận cho những buông tuồng là “mất gì đâu”. Có mất đấy. Nhiều hay it thì cũng là đánh mất niềm tin, tình cảm, hòa khí, và cả một phần tư cách của mình nữa. Tôi không dại gì đánh đổi những giá trị đích thực của cuộc sống cho những cuộc chơi vô bổ, để rồi sẽ đến một lúc nào đó biết hối tiếc thì đã muộn. Không cứ gì là nam hay nữ, biết yêu thương tôn trọng một nửa của mình thì không có gì là đáng xấu hổ cả. Tôi không muốn làm vợ tôi phải đau vì tôi, mà lòng dạ tôi cũng xốn xang khó chịu lắm. Bởi ý nghĩ mình là một người tệ hại, một người vô lương tâm, vô trách nhiệm. Lương Tâm. Trách Nhiệm. Đúng thế, đó là những yếu tố cơ bản để làm nên một người đàn ông thực thụ. Phải nói một cách rất trung thực rằng: trong tôi luôn có một ý thức trách nhiệm rất cao, không chỉ ở một lĩnh vực, mà hầu như trong tất cả các vấn đề quan thiết, tôi luôn đặt tính trách nhiệm lên hàng đầu. Trách nhiệm giúp con người ta có một đời sống vững chãi, tôn kỷ, dũng cảm và cả sự chừng mực nữa. Và trách nhiêm đối với những người thân yêu của mình luôn là một trách nhiệm cao cả và cần thiết. Không phải ngẫu nhiên mà thành câu “Đàn ông là trụ cột của gia đình”. Cái gọi là trụ cột ở đây không chỉ là sức mạnh, là khả năng bảo bọc vật chất, mà cái chính là niềm tin và sự trông đợi về mặt tinh thần. Tôi không chỉ làm một người chồng, một chỗ dựa vững chắc cho một người phụ nữ yếu đuối đã giao phó toàn bộ buồn vui, được mất, sướng khổ của cuộc đời cho mình, mà tôi còn là một người cha. Ít nhất cũng là một hình mẫu cho các con tôi vin vào trong những bước chập choạng đầu tiên vào đời. Nói thì ra vẻ mô phạm, nhưng đúng vô cùng với một luận điểm “Sự giáo dục của gia đình là nền tảng nhân cách của mỗi người”. Mà chính bản thân tôi đã là một chứng nghiệm thực tế nhất. Vì vậy, tôi lại càng không thể để những chuyện vu vơ, vớ vẩn làm ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của các con tôi. Lại còn một điều nữa. Phụ nữ vốn nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Các bà thường rất vội vàng, chưa tường tận đầu đuôi câu chuyện, đã vội mặt bấc mày chì, trách hờn, vặn vẹo, u sầu khóc lóc, vật vã mình mẩy, để những người đàn ông chúng tôi vã mồ hôi, lồi con mắt mà thanh minh, thề thốt. Và đến khi tỏ rõ ngọn nghành, oan ưng phân giải thì cũng đã tan lòng nát ruột, trong cái tổ ấm xinh xinh ấy cũng đã vắng đi những tiếng cười. Cái không khí êm đềm, ấm áp làm dịu đi những lo toan bực dọc, những áp lực công việc cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Đừng nghĩ rằng đàn ông điều quan trọng nhất là sự nghiệp, rất đúng, nhưng gia đình cũng quan trọng không kém. Bởi bên cạnh sự nghiệp còn phải có những nhu cầu đời sống khác, không ai có thể suốt đời chỉ biết sống với công việc, với sự đàn đúm bạn bè, mà một nửa tâm tư nguyện vọng thuộc về gia đình, và cũng chính nơi ấy đã hỗ trợ phần lớn tinh thần, sức lực, động cơ cho người đàn ông đạt được những thành quả. Thử nghĩ xem, nếu không có gia đình, ta sẽ về đâu những khi mệt mỏi, những khi cần được một bàn tay dịu dàng âu yếm, những vành môi bé thơ cho ta cảm giác lâng lâng thích thú, làm sống trong ta sự mạnh mẽ, sức phấn đấu và cả sự trao gửi nữa. Chẳng hay ho và dễ chịu gì khi về già lại hết sức khổ sở, đôi khi cả bất lực với những hậu quả của một thời tuổi trẻ buông tuồng, sa đọa. Chính vì thế mà tôi càng phải ngăn ngừa hậu họa, càng sớm càng tốt.

- Xin lỗi cô… thật không phải, nhưng quả tình tôi không thể nhớ được là tôi đã hân hạnh được quen biết cô từ bao giờ…

Cô gái không vội trả lời, ngước đôi mắt to đen ấy lên bầu trời một khắc, rồi lại chập mắt nhìn xuống, một hơi thở dài nhè nhẹ thoát ra. Tôi càng bối rối:

- Tôi… tôi xin lỗi…

Đôi mắt ấy lại hướng về tôi, nhưng bây giờ nó lấp lánh thêm hai giọt lệ:

- Anh không có lỗi gì cả. Em chỉ muốn được gặp lại anh một lần để nói lên một lời cảm ơn. Một lời cảm ơn tự đáy lòng em mà thôi.

Tôi càng không hiểu gì cả. Trong một thoáng, nỗi lo đè nặng trong tôi biến mất, chí ít là cô ấy tìm đến tôi không phải là một sự đòi nợ. Nhưng tôi đã có ơn gì đối với người con gái xa lạ này? Cô gái không để tôi phải mất thêm nhiều thời gian nghĩ ngợi nữa. Cô trầm giọng, giọng nhẹ như gió thoảng, nhưng rất rõ ràng:

- Anh còn nhớ không, đêm ấy bên một dòng sông, khi ấy em là…

Một chút nghẹn ngào chẹn qua giọng nói. Một ánh chớp vút ngang qua tâm não tôi, tôi nhớ rồi. Tôi nhìn trực vào gương mặt cô gái, bây giờ thì tôi nhận ra cô rồi. Đường nét khuôn mặt có già dặn hơn, có sự từng trải và chín chắn hơn, nhưng vẫn còn nguyên vẻ bầu bĩnh, nhuốm một chút thơ ngây hồn nhiên của ngày xưa. Cảm xúc tôi lẫn lộn, vui vui vì gặp lại một người xưa cũ, người mà không choán quá nhiều trong bộ nhớ của tôi, nhưng cũng thi thoảng dậy lên trong tôi một chút khắc khoải “không biết…”, đồng thời cũng có một chút lo ngại vì quá khứ của cô ấy. Cho dù mười năm qua, có thể câu chuyện đã khác đi rất nhiều, nhưng nói thật, với cương vị và cuộc sống hiện tại của tôi, thì thật không hay một chút nào, nếu lan truyền một câu chuyện. Người ta không thể làm lại tất cả khi đã ngoài bốn mươi tuổi. Cái tuổi không còn nhiều sức lực, nhuệ khí cũng như cơ hội. Những gì mang tính nền tảng và củng cố chỉ có thể trong giai đoạn từ hai mươi đến bốn mươi. Ngoài bốn mươi người ta phát triển tốt lên những gì đã có, nếu vì bất kỳ một lý do gì làm suy sụp thì sẽ rất khó cho sự phục hồi. “Làm lại từ đầu”. Đó là một thách thức vô cùng lớn mà không phải ai cũng có thể thực hiện trong đoạn tuổi như tôi bây giờ. Một chặng đường khá dài đã qua, không biết bao là những gập ghềnh, khúc khuỷu, bao là vết tích của những va vấp, mà nếu phải đặt chân bước lại, chắc có lẽ sẽ rất khó cho tôi. Vì vậy, thận trọng vốn luôn là sự không thừa với bất kỳ ai, bất kỳ giai đoạn nào, trong trường hợp này nó lại càng là sự đúng đắn.

- À vâng. Tôi nhớ ra rồi. Vậy bây giờ cô…

Một nụ cười nhóm lên gương mặt một niềm ấm áp, tươi vui.

- May quá, anh vẫn còn nhận ra em. Anh… anh có ngại gì không, khi em đường đột gặp anh thế này?

- Ồ không, không sao, chỉ là tôi hơi ngạc nhiên thôi. Bây giờ…

Tôi lại bỏ giở câu nói, nhưng cô gái đã mỉm cười:

- Anh yên tâm, bây giờ em không còn làm cái việc như ngày đó nữa. Em đã bỏ ngay sau cái hôm gặp anh ấy.

- Thế á?

- Vâng! Những gì anh đã xử sự với em trong tối hôm ấy đã làm thay dổi cả cuộc đời em. Em thật lòng mang ơn anh suốt đời, nếu không được gặp anh, không biết bây giờ em ra sao nữa.

Cô gái cúi đầu, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tôi thực sự bất ngờ khi nghe cô nói vậy. Bây giờ thì trang ký ức đã lật lại nguyên cảnh tượng của buổi tối hôm ấy.

Chẳng biết từ bao giờ hình thành cái lệ, là cứ sau một buổi tiệc vui như đám cưới, sinh nhật, mừng thăng chức… là kéo nhau đi tăng hai. Thường thì hay rủ nhau đi hát karaoke, một loại hình vừa thư giãn, giải trí, vừa giải quyết được nhu cầu xả thoát năng lượng. Đúng là có chút hơi men vào mà được hát ca thoải mái, đẫm mình trong một không gian âm nhạc thì thật sảng khoái làm sao. Mọi lần tôi cũng không mấy khi từ chối những cuộc vui như vậy. Đang còn là thanh niên độc thân, đương nhiên nhu cầu vui chơi là không thể thiếu. Lại nữa, tôi còn nhớ hôm ấy tôi vừa chia tay một cô bạn gái, cũng hơi buồn, nên sau một bữa tiệc mừng thôi nôi con người bạn, chúng tôi độ gần chục người cả nam lẫn nữ kéo nhau đi hát. Khi dần về khuya, các cô ra về cùng một vài chàng trai của họ, số còn lại là bốn người, trong đó có tôi. Một anh bạn cao hứng đề xuất tăng ba. Tôi vội tìm cớ thoái thác. Nhưng những người bạn dứt khoát lôi tôi đi bằng được. Bảo để cho tôi giải buồn sau một cuộc tình đổ vỡ. Không thể cưỡng lại sự lôi kéo của họ, tôi đành lòng đi theo, thầm nhủ thôi thì tùy vào tình huống sẽ tìm cách liệu sau vậy.

Đến một ngôi nhà nằm sâu trong một ngõ hẻm, phía trước là những cành cây giăng mắc những ngọn đèn màu chớp nháy, bước qua khoảng sân lơ thơ những bộ bàn ghế nhựa là một gian phòng nhỏ, trên tường bài trí một số tranh ảnh nghệ thuật, còn có vài bức thư pháp với những nét chữ bay lượn, trong ánh đèn mờ mờ ảo ảo, những nét chữ bỗng trở nên một thứ bùa ma quái. Tôi lẳng lặng đi theo mấy người bạn, họ có vẻ quá thông thuộc nơi này. Tôi không muốn quy chụp về mặt đạo đức của họ, nhưng thành thật mà nói, có một cái gì đó tạo ra một lằn ranh lờ mờ, tất nhiên là người ta không thể chi phối nhau trong những lĩnh vực rất riêng tư, chỉ có thể tự nhiên gần hay tự nhiên xa mà thôi. Một người phụ nữ khá đứng tuổi từ gian nhà trong bước ra, vỗ vai mấy anh bạn tôi cười nói rất thân thiết. Chị ta cũng hồ hởi kéo tay tôi với những câu chào lẳng lơ, suồng sã. Một anh bạn ghé vào tai chị ta nói nhỏ, rồi cả hai cùng phá ra cười, chị ta tỏ ra thân mật với tôi: “Hàng nguyên đai nguyên kiện thì phải hết sức chu đáo chứ. Em đừng lo, chị bảo đảm là em sẽ hết sức vừa ý”. Tôi không phản bác cũng không hưởng ứng, dù sao thì cũng không dễ dàng quay trở ra, có lẽ cũng nên một lần cho biết thế nào là một góc khuất của con người. Quanh co qua những hành lang chập chờn nữa thì mỗi chúng tôi được đưa vào một phòng. Tôi muốn buồn nôn khi một thứ mùi hỗn tạp xộc vào mũi, đó là mùi nước hoa rẻ tiền mùi hơi người, mùi bia rượu và cả mùi thuốc lá. Trời ơi là trời! Không tưởng tượng nổi là người ta sẵn sàng bỏ hàng đống tiền để đem thân vùi vào những chỗ như thế này. Tôi vô cùng ân hận vì đã cả nể mà bước vào đây. Càng thấy rõ trong tôi là một sự phản kháng kịch liệt, không thể nào thỏa hiệp được với khung cảnh và tính chất của vấn đề này, dù chỉ là một ý nghĩ. Tôi nén mình ngồi xuống mép giường, chỉ nhìn cái giường cũng đã hình dung ra bao điều tởm lợm đã từng diễn ra trên nó. Nhu cầu. Đúng là con người ta sống cần quá nhiều nhu cầu, những nhu cầu thuộc về bản năng lại chiếm phần nhiều hơn, nó luôn hối thúc, chi phối và dẫn dắt, rất nhiều khi người ta không thoát được sự quyền chế của nó, và để làm thỏa mãn một sự đòi hỏi của thân xác mà phải đánh đổi nhiều đến thế ư? Nào là danh dự, sức khỏe, phẩm chất và tiền bạc. Cơn buồn nôn trong tôi lại dội lên, cộng với độ cồn trong ruột, lần này thì tôi phải vào vội nhà vệ sinh. Sau khi đã tháo trút những thứ khó chịu trong người, những vốc nước mát vã lên mặt, tôi thấy tỉnh táo hơn, và quyết định phải ra khỏi chỗ này ngay, dù với bất cứ điều kiện nào.

Tôi bước trở ra, hơi sững sờ một chút khi thấy một cô gái với một manh áo mỏng khoác hờ trên mình, trên cái bàn nhỏ là một cái khay có sẵn một chai rượu ngoại loại 100ml, hai cái ly và một cái “OK”. Tôi thấy rõ nó khi cô gái nhẹ nhàng đứng dậy cầm cái chai lên mở nút, một cái hất nhẹ của bờ vai làm rơi manh áo hững hờ kia xuống đất. Tôi cảm thấy nghẹt thở, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy cơ thể của một người đàn bà, cho dù trên đó vẫn còn sót lại hai mảnh vải. Một thứ cảm giác lẫn lộn trồi lên, những dấu hiệu của giới tính xuất hiện, như một cơn lũ đang chực lao tôi cuốn phăng tôi. Nhưng bỗng có một cái gì rất lạ, vút qua tôi như một sự đánh thức. Tôi biết, nếu không tỏ rõ một thái độ kịp thời, tôi sẽ bị ngã hẳn về một bên trong sự giằng kéo. Tôi vụt quay hẳn lưng lại phía cô gái, có lẽ là sự bất ngờ lớn cho cô gái, vì tôi nghe một khoảng lặng rơi ngang rồi chợt cảm nhận bước chân cô gái đến sau lưng, tôi nói nhỏ nhưng rõ ràng:

- Xin lỗi cô, nhưng cô có thể mặc quần áo vào và đến một nơi khác cùng tôi không?

Một tiếng cười khe khẽ:

- Tưởng gì? Dạ được, anh đợi em một chút nhé.

Tôi vẫn im lặng, không quay lại, thở ra một hơi dài thoát nạn khi có tiếng cửa phòng khép lại. Tim tôi vẫn còn thình thịch, tôi đưa hai tay chà xát mạnh trên da mặt, sự tỉnh táo đã trở lại. Tôi phải đưa cô gái ấy đi cùng, vì đó là cách tốt nhất để tôi có thể ra khỏi đây nhanh chóng và yên ổn. Dù chưa bao giờ gặp phải, nhưng tôi vẫn biết ở những nơi như thế này thường có một vài gương mặt lầm lì, lạnh lẽo nào đấy lảng vảng, sẽ sẵn sàng nghe lệnh chủ khi có việc bất như ý. Cô gái đã trở lại trong một chiếc váy bó sát người. Tôi đi cùng cô ra phòng ngoài thanh toán tiền cho người chủ, chị ta nheo mắt chúc tôi vui vẻ. Tôi chỉ mỉm cười. Khi chiếc xe lăn ra đến ngoài đường, làn gió mát rượi khiến tôi sảng khoái, thấy như mình vừa được giải thoát khỏi một nơi tù đày vậy. Cô gái ngồi sau lưng tôi vòng tay ôm lấy người tôi, làm tôi thoáng nhớ đến người bạn gái lúc trước. Cuộc chia tay êm ả, chỉ với một lý do không hợp nhau là đủ để kết thúc một mối tình. Tôi cũng hơi buồn buồn, nhưng đành vậy, tình cảm là thứ khó nắm bắt. Có lẽ chưa phải là một nửa của mình. Tôi lan man tâm tư một chút về cô gái đang đi cùng mình. Cô ta với thân phận là một món hàng, mặc nhận những gì sẽ đến bằng một thái độ phục tùng tuyệt đối. Cô ta có một hoàn cảnh ra sao nhỉ? Có đáng thương lắm không? Đã dấn thân vào nơi mịt mờ tăm tối này bao lâu rồi? Liệu cô ta có còn cái gọi là tâm hồn và trái tim? Thật quá rẻ mạt khi chỉ cần vài tờ bạc là đã có thể mua được một con người và mặc tình vùi dập. Trong tôi chợt dậy lên một sự thương hại, đương nhiên là cô ta vì tiền, mặc lòng và tự nguyện, nhưng ắt hẳn cũng có một nguyên nhân đáng buồn nào đó mới đẩy một con người, một cuộc đời mà lẽ ra hoàn toàn có một giá trị nhân cách, một hạnh phúc, và một sự trân trọng như bao người con gái khác. Rời những con phố khuya tĩnh lặng dưới những ngọn đèn vàng, tôi rẽ hướng đi ra bờ sông. Một con sông không lớn và cũng không cách xa thành phố là mấy, nơi tôi thường thả hồn ưu tư vào những lúc một mình, cũng thi thoảng đưa cô bạn gái ra đấy nhìn ánh trăng mơn man trên mặt nước, nghe tiếng cá quẫy, dựa vào nhau nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, trao nhau những nụ hôn nồng nàn, hoặc im lặng để lắng nghe những âm giai không lời từ bao lung linh huyền diệu chung quanh.

Tôi dừng xe trên một bãi cỏ, cô gái bước xuống ngạc nhiên nhìn tôi:

- Sao anh lại đưa em ra đây? Ở đây đâu có…

Tôi hiểu cô gái muốn nói gì, mỉm cười, tôi phủi sơ một mảng cỏ rồi bảo:

- Em ngồi xuống đây đi.

Vẫn đôi mắt hình dấu hỏi, cô gái ngoan ngoãn bỏ đôi giày nhọn gót ra rồi ngồi xuống. Tôi phủi một mảng cỏ cho mình, ý tứ chừa một khoảng cách với cô gái.

- Em yên tâm đi, ở đây không có thú dữ đâu, em hãy thư giãn một chút, để xem nơi này có gì khác với những nơi em hay đến.

Nói xong, tôi cũng thư giãn mình trong tư thế chống hai tay ra sau lưng và ngả người. Tia mắt tôi phóng lên bầu trời đêm, một mảnh trăng non chung chiêng giữa những gợn mây, tôi thấy lòng thật nhẹ nhõm, hầu như không còn chút dấu vết gì về nơi tôi vừa mới bức thoát ra. Rồi tôi chuyển tầm mắt mình ra mặt nước, con sông như chao động, chuyển mình trong những làn gió nhẹ, lòng sông không quá rộng, để thấy rõ cả những bụi cây ở bờ bên kia. Chung quanh chỗ tôi ngồi cũng có những bụi cây lớn nhỏ như thế, hình như chúng đang rì rào một bản tình ca. Một thoáng se lòng khi tôi nhớ đến những lúc tôi cùng cô bạn gái bên nhau nơi này. Lạ nhỉ? Một tình yêu đến rất nhanh và đi cũng rất nhanh, như một đụn rơm bén lửa, bốc ào lên rồi lụi tắt. Người ta bảo đấy chưa phải là duyên là nợ, có lẽ đúng, chỉ là một chút heo may thoáng qua chiều thu muộn, để lại chút bâng khuâng lòng người. Tôi chợt giật mình khi nghe:

- Cô chú mua giùm con mấy con mực đi cô chú.

Nhìn lại, thấy một chú bé con độ 10 tuổi, phong phanh trong một manh áo không khép kín được hai tà, một tay chú xách một lò than đong đưa bởi cái quai bằng dây thép quấn, còn tay kia bê một cái rổ lỏng chỏng mấy con mực khô vênh vểnh những sợi râu. Cô gái nhìn tôi, không cần đợi cái nhìn ấy, chỉ với bộ dạng của chú bé trong cảnh trời khuya này cũng đủ làm tôi không thể chối từ rồi. Tôi vui vẻ nói:

- Ừ con nướng cho chú hai con đi, chọn con nào ngon ngon ấy nhé.

Chú bé mừng rỡ nhanh nhảu:

- Dạ, cô chú đợi con chút, con nướng chút xíu là xong liền.

Với một thao tác thành thạo, chú bé lấy ra một cái vỉ nướng và một cái quạt xếp trong cái giỏ đeo bên mình, rồi ngồi nhổm nhổm vừa quạt vừa nhanh tay trở con mực. Tôi trìu mến nhìn chú bé, thật đáng thương mà cũng đáng trân trọng biết bao khi cái tuổi lẽ ra phải được tung tăng, hồn nhiên vô tư lự, và giờ này phải được phủ mình trong chăn ấm, thì lại biết góp chút sức bé bỏng của mình vào cuộc sống. Tôi bật hỏi:

- Cháu bao nhiêu tuổi rồi?

- Dạ, cháu gần mười một tuổi rồi.

- Cháu có đi học không?

- Dạ có, cháu học đến lớp năm rồi đó chú.

- Thế cháu học giỏi không?

Chú bé cười bẽn lẽn:

- Dạ, cũng… được được.

- Vậy lớn lên cháu muốn làm gì?

Chú bé bỗng mơ màng:

- Ba má cháu nói ráng học cho giỏi, lớn lên thi vào đại học công an. Cháu thích làm công an lắm chú ơi!

Tôi phì cười:

- Là Đại học An Ninh. Sao cháu thích làm công an?

- Dạ, làm công an để đi bắt cướp đó chú.

Những đứa trẻ thường có khuynh hướng chọn cho mình một hình mẫu. Có lẽ chú bé này đã gặp hình mẫu của mình trong cuộc sống cũng như trong phim ảnh, để rồi mang theo một ước vọng tương lai.

- Ừ cháu cứ học cho giỏi đi, rồi cháu sẽ được làm công an.

Gương mặt chú bé hồng lên trong ánh hắt từ lò than, chú mỉm cười sung sướng vì được động viên:

- Dạ. Chắc chắn cháu sẽ được làm công an phải không chú?

- Ừ, chắc chắn, khi hết sức cố gắng thì sẽ có được thành công mà. Vậy ba má cháu làm gì mà để cháu phải đi bán khuya vầy?

- Dạ ba cháu đi quăng lưới, còn má cháu đi bán cá ban ngày, khuya phải ở nhà coi em, cháu đi học một buổi, còn một buổi thì đi bán.

- Thường ngày cháu bán đến khi nào thì nghỉ?

- Dạ, khoảng mười hai giờ đêm cháu mới về, khi đó người ta hết đi chơi ngoài đường rồi.

Chú bé vẻ như rất vui vì được hỏi chuyện nên liến láu, tôi cũng thấy vui vui và càng cảm tình với chú hơn. Mùi mực nướng thơm nồng ngào ngạt cả không gian. Chú bé lại nhanh nhẹn lấy ra một thỏi gỗ cùng một mẩu thớt, chú dằn con khô mực đã nướng lên mặt thớt, day qua day lại dưới những nhát đập. Xong chú bỏ hai con mực lên một mảnh giấy bìa và dốc một ít tương ớt vào bên cạnh. Tôi cố hỏi thêm:

- Mỗi đêm vầy cháu bán được nhiều không?

- Dạ, có hôm nhiều có hôm ít.

- Vậy làm sao mai có sức đi học?

- Dạ hổng sao hết. Cháu quen rồi mà. Thôi, cô chú ăn đi cho nóng.

Tôi móc ra một tờ tiền, mà biết chắc nó nhiều hơn giá trị của hai con mực, đưa cho chú bé và nói:

- Cháu cầm hết đi, có dư thì coi như chú tặng để mua thêm sách vở nhé.

Chú bé tần ngần nhìn tờ tiền, tôi nhét vào tay chú và vỗ vỗ vào vai, chú bé toét miệng cười nói lời cảm ơn rồi thu dọn những vật dụng của mình. Tôi dõi mắt theo bóng dáng nhỏ bé ấy cho đến khi mất hút. Rồi sực nhớ đến cô gái và hai con mực, tôi quay lại, xé con mực ra làm mấy mảnh, vừa quẹt vào tương ớt vừa nói:

- Ăn đi em, mực nướng phải ăn nóng mới ngon.

Im lặng. Một chút cảm giác lạ khiến tôi nhìn lên, đôi mắt cô gái vẫn hướng về phía chú bé vừa đi khuất, dưới ánh trăng nhàn nhạt, tôi vẫn thấy rõ nét long lanh của ngấn nước. Cô gái cũng xúc cảm trước một hình ảnh như tôi. Từ đôi mắt long lanh ấy, trên gương mặt bầu bĩnh, trong không gian tĩnh lặng, phang phác màu trăng, tôi bỗng có một cái nhìn khác về cô. Đây chưa phải là một cô gái ăn sương dạn dầy, trong cô có vẻ còn ẩn nấp một mảng tươi đẹp nào đó. Tôi nhẹ nhàng đặt miếng mực vào tay cô, nói khẽ:

- Ăn đi em, đây không chỉ là một thứ thực phẩm, mà nó còn chứa đựng cả một ước mơ nữa đó.

Hai giọt lệ lăn dài trên má cô gái, cô không nói gì, chỉ lặng lẽ đưa miếng mực vào miệng, chầm chậm nhai. Tôi cũng im lặng, phần để thưởng thức chất vị ngọt ngọt, cay cay, thơm thơm của một thứ sản vật, vừa để cho cô gái có không gian cho những suy tư. Bất chợt một giọng nữ thanh và ấm vọng vào bao la một câu hò đằm thăm, mượt mà của vùng sông nước. Giọng hò khiến cả hai chúng tôi cùng ngoảnh ra. Giữa dòng sông, một chiếc thuyền con trôi nhè nhẹ, trên đó có hai người, một nam một nữ, mỗi người một đầu, người đang cầm mái chèo khoát nước chắc là cô gái đang hò, còn người kia là một chàng trai đang tung một mảnh lưới xuống làn nước lăn tăn. Có lẽ đó là một đôi vợ chồng đi đánh cá đêm. Khung cảnh thật nên thơ và lãng mạn đã cuốn tôi theo âm thanh và hình ảnh ấy. Tôi ngơ ngẩn trước một vẻ đẹp rất đơn sơ, rất tự nhiên, rất thường tình của đời sống. Cuộc sống vẫn vô vàn cái đẹp, có những cái đẹp lộng lẫy, sang trọng hào nhoáng, những cái đẹp ấy dễ cuốn con người vào những tham vọng, kéo theo cả một chuỗi hành động để đạt cho được những tham vọng ấy. Nhưng cũng có những cái đẹp bình dị và thanh thản, mộc mạc và sâu lắng, yên bình và thanh khiết. Những cái đẹp ấy đã trả lại cho tâm hồn con người lòng nhân ái, bao dung và hướng thiện. Trong không trung bây giờ là giọng hò đáp lại của người nam. Một chất giọng Nam bộ, trầm và ấm. Đôi câu hò ấy như mật như hương ướp vào tâm cảm tôi, tôi mang mang một cảm giác bềnh bồng, bềnh bồng, một thứ xúc cảm diệu kỳ lan tỏa khắp tâm thân. Tôi bỗng muốn thốt lên một lời tha thiết, bỗng muốn bật lên một câu thơ nồng nàn. Có lẽ tôi đã làm được điều ấy, nếu không có sự lôi tôi về thực tại một cách bất thường. Sự bất thường ấy là một thứ âm thanh mà lẽ ra không nên có trong khung cảnh này một chút nào, nhưng nó đã bật ra, bật ra một cách như không thể kềm nén được nữa. Tôi sững sờ khi nhìn cô gái đang úp mặt xuống đôi tay vòng qua hai đầu gối mình, đôi vai rung lên theo tiếng nấc. Tiếng nấc tăng cường độ rất nhanh, từ thổn thức, tấm tức, vụt trở nên nức nở, xót xa. Như tuôn trào một chất chứa xâu xa nào đó. Hình như tôi đã đoán đúng, cô gái này ắt hẳn có một mối thương tâm, và con đường lầm lạc hiện tại của cô có lẽ vẫn còn hy vọng đổi thay.

Tôi ngồi vào cạnh cô, choàng tay ôm nhẹ vai cô, hình như đó là sự chờ đợi của cô gái, cô ngả vào người tôi và tiếp tục cơn nức nở của mình. Tôi cứ ngồi im thế chờ cho cơn xúc động của cô gái đi qua. Một lúc lâu cô nguôi dần, và chỉ còn những tiếng nấc. Bấy giờ tôi mới đỡ nhẹ cô lên, cô gái kéo tay áo chậm những giọt nước mắt của mình. Tôi thận trọng:

- Có vẻ như cô đã từng có một quãng thời gian tươi đẹp lắm thì phải?

Những giọt nước mắt lại lăn dài trên gò má. Một câu nói nghẹn ngào:

- Em đã từng là một sinh viên năm nhất khoa Y.

- Trời!

Tôi thật sự bị choáng khi nghe câu nói ấy. Là bởi thông thường những cô gái sa chân vào hoàn cảnh này có những nguyên do khác cơ, phần lớn là gia cảnh khó khăn, hoặc bị lừa, hoặc tự nguyện, nhưng cốt lõi là giải quyết vấn đề kinh tế. Còn đây…

- Vậy ư? Vì sao…

Dường như có một nhu cầu bức thiết ở cô gái, là một sự ăn năn, giãi bày, hay tháo trút những ẩn ức sâu xa, cô bộc bạch cho tôi nghe câu chuyện của cô, rất nhiều đoạn ngắt quãng cho những tiếng nấc, cuối cùng thì tôi cũng hiểu được toàn bộ sự thể. Ngay khi mới bước vào năm nhất, cô đã vấp ngay vào chuyện tình cảm, cũng là một chuyện bình thường thôi với cái tuổi ấy, lại trong một cảnh ngộ xa nhà, các cô gái thường muốn được dựa dẫm vào một sự chở che nào đó. Nhưng điều không may của cô gái là đã gặp phải một tay không ra gì, chỉ sau mấy tháng qua lại, hắn đã chiếm đoạt được cô và bỏ rơi cô một cách không thương tiếc. Xấu hổ, nhục nhã, tuyệt vọng, cô lăn mình vào những nơi mà trước kia gã bạn trai đã đưa cô đến, rồi cô buông thả mình trong rượu, trong thuốc lắc, trong những cuộc vui trụy lạc. Điều tất yếu là những gì cô đang dấn thân vào. Và cô cho rằng mọi thứ đã thật sự kết thúc. Lời cô vừa kể dứt, hình ảnh cậu bé bán mực nướng bỗng ập về trong tôi, cùng lúc với hình ảnh cô gái gần như lõa thể trong căn phòng nhơ nhớp, hai hình ảnh đối lập nhau đến kiệt cùng ấy đã làm trỗi lên trong tôi một cơn giận dữ. Tôi vụt đứng phắt dậy, phũ phàng tóm lấy cánh tay cô, lôi cô đứng dậy, và rồi rất thẳng tay, tôi tát một cái thật mạnh vào má cô, cái tát làm cô loạng choạng suýt ngã, nhưng đôi mắt to đen của cô lại mở to hết cỡ, chiếu vào tôi một cái nhìn kinh ngạc. Cơn giận của tôi không hề dừng lại, nó tiếp tục bằng một loạt các từ ngữ:

- Hèn nhát, nhu nhược, bẩn thỉu. Tại sao lại có thể như thế hả? Chi vì một tên đàn ông hèn mạt vô trách nhiệm mà cô hủy hoại cả tương lai mình, vứt bỏ cả cuộc đời mình, có đáng không? Cô có nghĩ đến cha mẹ cô, anh em, họ hàng bà con chú bác của cô, thầy cô, bạn bè của cô không? Những người đã hết mực thương yêu cô, chăm chút và trông đợi, kỳ vọng vào cô biết bao điều tốt đẹp. Vậy mà cô đã đáp trả lại họ những gì hả? Cô đánh đổi tất cả mọi giá trị đẹp đẽ nhất trên đời này lấy một cuộc sống sa đọa, tối tăm, nhơ nhớp. Cô có biết tủi hổ với từng giọt sữa của mẹ, hạt cơm của cha, và cả tâm sức của những người thầy không hả?

Giọng tôi bừng bừng giữa bốn bề vắng lặng, như muốn đánh thức cả thế giới. Tôi chưa từng nóng giận đến thế, nhưng quả tình lúc đó tôi không thể nào kềm chế được, một phần từ quan điểm sống của bản thân, một phần là khi đối sánh hai hình thái, một chú bé đêm khuya đi bán từng con khô mực, vẫn nuôi trong lòng một ước mơ đẹp, và sẽ hết sức để vươn tới, còn một người con gái đang có một tương lai sáng lạn trước mắt thì lại tự tay xé bỏ chính bản thân mình, không những chỉ bản thân mà còn phí phạm cả bao nhiêu công sức và tình cảm của những người dã dành cho cô. Không giận làm sao được. Đã không ít lần, qua đài truyền hình, tôi từng nhìn thấy bao nhiêu gương mặt đang phơi phới tuổi xuân, đang ngập tràn sức sống, đang rờ rỡ tương lai, vậy mà mê muội đốt cháy mình trong những thứ tệ nạn kinh khủng, ngụp lặn vào những chốn ma quái không còn ra hình người, không chỉ tốn phí bao công sức mẹ cha, mà còn là một hiểm họa của xã hội. Một ngày mai của đất nước này sẽ ra sao khi ngày càng đẻ ra những loại khuẩn trùng gớm guốc ấy. Những lúc ấy tôi đã hết sức bức xúc, chỉ muốn lôi cổ những tên nghiệt súc ấy ra mà táng cho một trận. Bây giờ hiển hiện trước mặt tôi một thực chứng, bảo sao tôi không thể không nổi giận. Cơn giận của tôi hình như đã gây cho cô gái một sự chấn động mạnh. Cô vẫn một tay ôm má, nhưng không hề khóc, cô từ từ ngồi xuống im lặng. Bộ dạng cô trông vừa như một con thú bị thương, vừa thật sự yếu đuối bất lực trước những phong ba bão táp cuộc đời. Bộ dạng ấy không làm tôi thương xót, hay nói đúng hơn vì quá xót xa và tiếc rẻ mà cơn giận của tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai. Nhìn những miếng mực chỏng chơ, tôi nhặt lên một miếng, dư dứ vào mặt cô.

- Cô nhìn đi, nhìn đi, nhìn đi…

Cô gái bỗng ngước lên nhìn tôi, cái nhìn thật khó tả, tôi bỗng bối rối, ngọn lửa trong tôi hạ xuống, rồi bất chợt cô nhổm người, nhặt đôi giày mang vào chân rồi đứng lên trước mặt tôi, tôi bất ngờ vì hành động đó nên nhất thời không có phản ứng. Cô gái cất giọng, một chất giọng mà tôi dễ dàng cảm nhận được sự chuyển biến tâm tư cô qua một quá trình diễn biến phức tạp.

- Em xin lỗi anh, em đã hiểu rồi, hiểu ra tất cả rồi. Em cảm ơn anh. Em chào anh. Thật lòng chúc anh mọi sự tốt đẹp nhất. Em xin phép anh, em về.

Sau câu nói, cô cúi người chào tôi, xong ngẩng lên, cô nhìn tôi mấy giây rồi quay đi. Tôi bàng hoàng trước những diễn biến đột ngột, nên đứng lặng một lúc nhìn dáng người con gái liêu xiêu trên đôi giày nhọn gót. Rồi tôi sực tỉnh, chạy đến lấy xe nổ máy và đuổi theo.

- Tôi xin lỗi vì đã quá nóng giận.

Cô gái nhẹ lắc đầu:

- Không. Anh hoàn toàn không có lỗi gì cả. Mà chính anh đã mở toang cánh cửa cho một luồng sáng ùa vào em. Em phải cảm ơn anh mới đúng.

Tôi thở nhẹ một hơi, hẳn đã có một sự tác động nhất định vào suy nghĩ của cô gái, tôi dấy lên một hy vọng, có lẽ… mong là thế. Tôi dịu giọng:

- Thôi được rồi, thực lòng tôi chỉ thấy rất tức giận vì những người con gái nông nổi như cô đã đánh mất cả cuộc đời mình chỉ vì những điều không đáng. Nếu cô đã hiểu ra, và suy nghĩ nhiều hơn cho chính bản thân mình, thì tôi đã rất vui rồi. Nhà cô ở đâu? Lên xe tôi đưa về. Có xa lắm không? Làm sao đi bộ được. Thôi, lên xe đi, tôi đưa về.

Mảnh trăng đã chênh chếch về phía tây, cô gái lưỡng lự một chút rồi ngoan ngoãn ngồi lên xe, nói với tôi một địa chỉ. Suốt đường về, không ai lên tiếng. Đến đầu một con hẻm, cô gái bảo tôi dừng xe. Cô bước xuống ra phía trước mặt tôi, đôi mắt thăm thẳm một ánh nhìn rất lạ. Tôi cầm tay cô, thân tình:

- Em ạ! Hãy biết trân trọng lấy chính mình. Một lần vấp ngã không phải là đã hết tất cả. Còn biết bao điều tốt đẹp đang chờ em phía trước kia, hãy biết tìm tới nó và đón nhận nó nhé.

Từ hai khóe mắt lóng lánh hai hạt sương, giây phút ấy, tôi cảm giác cô gái trở lại nét tinh khôi của sự mở đầu. Cô khẽ gật đầu nói:

- Em cảm ơn anh rất nhiều. Suốt đời em sẽ không bao giờ quên cái tát ấy. Thôi anh về nghỉ đi.

Tôi im lặng nhìn cô bước những bước chân chầm chậm khuất dần trong ngõ nhỏ. Sự kiện đó theo tôi trong một thời gian, cũng có lúc tôi hơi ân hận vì đã can thiệp một cách thô bạo vào chuyện của người khác, nhưng tôi không hề hối tiếc hay cảm thấy mình có lỗi. Trong thâm tâm, tôi cho là mình đã làm đúng. Thế rồi câu chuyện cũng chìm khuất đi giữa bao bộn bề và biến chuyển. Giờ đây…

Ngắm nhìn gương mặt đầy vẻ tự tin và chững chạc, tôi rộn lên một niềm vui.

- Vậy bây giờ em làm gì? Và cuộc sống ra sao?

Một cương vị đáng kể trong một công ty cùng một cuộc sống tương đối đầy đủ và hạnh phúc là những gì cô đang có. Sau những lời kể, cô gái im lặng một chút rồi nói:

- Trong cuộc đời, đôi khi người ta phải được nhận những cái tát đúng lúc phải không anh?

- Đúng đấy cô bé ạ!

Nhìn theo những bước chân rắn rỏi, vững chãi của cô khi cô từ biệt, những bước chân khác hẳn một đêm xưa, tôi lâng lâng một niềm hạnh phúc, tựa như một người làm vườn được nhìn thấy một bông hoa tươi đẹp nở trên một thân cành mà có lúc tưởng đã chết khô.

ĐÀM LAN

|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế