Hiện có 11 người xem / 2309640 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 14/6/2014

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mở đầu phiên họp bằng cách giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách ông mới có. Lần này hai cuốn sách ông giới thiệu là một cuốn mới và một cuốn hơi cũ vì được xuất bản 52 năm trước. Cuốn sách mới mang tựa đề là “Marian Tkachev người bạn tài hoa và chí tình” và của hai tác giả Thúy Toàn và Phạm Vĩnh Cư, khổ 16x24 cm, dày 630 trang, do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn xuất bản năm 2012. Đây là một cuốn sách nói về một Nhà văn - Dịch giả người Nga rất gắn bó với văn học Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua. Ông là người có hàng mấy chục bản dịch các tác phẩm cổ điển cũng như hiện đại của Việt Nam đã được in thành sách bằng tiếng Nga. Đồng thời, ông cũng là bạn và đã đi lại, thư từ với rất nhiều các nhà văn Việt Nam như quý ông Nguyễn Tuân, Trần Thanh Mại, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Tô Hoài v.v. Cuốn sách là một dạng tiểu sử văn học với rất nhiều chi tiết lý thú, thư từ, hình ảnh về người bạn tài hoa người Nga nay. Cuốn sách được in ấn rất đẹp và được đồng tác giả Thúy Toàn gửi từ Hà Nội vào với lời đề tặng Dịch giả Vũ Anh Tuấn, và ông Tuấn muốn giới thiệu cuốn sách vì một trong hai tác giả, Nhà văn Dịch giả Thúy Toàn cũng là người từ trên một năm nay tháng nào cũng có bài trên Bản Tin của CLB Sách Xưa và Nay. Cuốn sách thứ nhì, hơi cũ, vì được xuất bản 52 năm trước, là một cuốn sách bằng Pháp văn mang tựa đề là “BALZAC” vì là cuốn sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của Đại văn hào Honoré de Balzac của Pháp. Cuốn sách khổ 16x24cm, dày 296 trang, với thật nhiều hình ảnh minh họa cực đẹp, được in năm 1962. Dịch giả Vũ Anh Tuấn muốn giới thiệu cuốn sách này với các thành viên vì hai lý do. Lý do thứ nhất là đây là một điển hình về loại sách đẹp của Pháp, vì cuốn sách được in bằng giấy dày và cực đẹp, bìa thì được làm bằng da heo, với hàng trăm minh họa, hình ảnh, và nhiều phụ bản bằng màu. Ngoài ra cuốn sách còn được để trong một cái hộp bằng bìa thật dầy và cứng, che phủ toàn cuốn sách chỉ để hở gáy, bảo vệ cuốn sách một cách tối đa. Các thành viên rất nên được thấy cuốn sách để biết về một loại sách đẹp mà không biết bao giờ chúng ta mới có thể làm được như vậy. Lý do thứ hai là Đại văn hào Honoré de Balzac (1799-1850) là một nhà văn mà Dịch giả Vũ Anh Tuấn mê thích từ bé và đã đọc rất nhiều tác phẩm trong bộ Tấn Tuồng Đời (La Comédie humaine) vĩ đại của ông. Có thể nói mỗi con người trong chúng ta, chỉ cần có cơ hội đọc bộ sách này, là có thể trở thành một người rất sành sỏi, hiểu biết khá sâu rộng về cuộc đời. Balzac sống một cuộc sống ngắn ngủi (có 51 năm) trên đời, nhưng không hiểu sao ông lại viết được nhiều, và để lại cho hậu thế một văn nghiệp vĩ đại đến như thế. Ngay lúc này nếu ta hỏi về Balzac thì trong 100 người Pháp, có tới 7, 8 chục người biết, trong lúc hỏi về Apollinaire (1880-1918), thì số người biết chỉ trên dưới 2 chục người. Sau khi giới thiệu, hai cuốn sách đã được một vài thành viên mượn xem một cách thích thú.

Sau khi giới thiệu hai cuốn sách của mình, Dịch giả Vũ Anh Tuấn cũng giới thiệu qua một cuốn sách cổ của Pháp về Nghệ Thuật ở Đông Dương được xuất bản hồi thế kỷ thứ 19 của thành viên Hoàng Minh mang lại.

Sau phần giới thiệu sách của Dịch giả Vũ Anh Tuấn, một vị khách, anh Nhựt Thanh, đã lên giới thiệu qua về tác phẩm của anh viết về Con Người và Vũ Trụ, sau đó anh có một bài nói chuyện ngắn về đề tài “Linh hồn là gì”. Sau bài nói chuyện, diễn giả có đề nghị các thính giả góp ý và anh Vũ Đình Huy, cũng là một vị khách đã đưa ý kiến là những gì diễn giả nói rất cần những yếu tố để minh chứng những điều đã được nêu ra.

Anh Dương, một thành viên cũng đưa ra thắc mắc là trên các hành tinh toàn hóa chất Vô cơ thì làm thế nào mà có thể thành Hữu cơ được.

Tiếp lời anh Dương, anh Chử lên nói về đề tài Thiện và Ác, và đưa ra nhiều thí dụ, có cả những chuyện liên can tới vụ Đường Tăng đi thỉnh kinh và đệ tử của ông là Tôn Ngộ Không.

Sau anh Chử, anh Hữu lên nói qua về đề tài “Nhà thơ Vũ Quần Phương và nỗi buồn của người làm thơ” và ngâm tặng các thành viên bài thơ “Nước non nặng một lời thề”.

Tiếp lời anh Hữu, anh Thanh Châu đã lên hát tặng các thành viên bài “Trăng rụng xuống cầu” bằng giọng ca hùng dũng mặc định của anh.

Vào lúc này các phóng viên của VTV3 đã tới quay cảnh sinh hoạt của CLB trong một thời gian ngắn.

Anh Chử lại lên hát thơ tặng các thành viên bài “Chúng ta sẽ thắng”.

Cuối cùng anh Dương cũng hát tặng các thành viên một bài theo phong cách của ban AVT thời danh ngày trước.

Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 phút cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

CUỐN ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI

1914-1918

Trưa nay vì mải xem lại tập cuối cuốn phim Phi Luật Tân “Viết tiếp Yêu Thương” mà mình rất thích, người viết mãi tới 2 giờ trưa mới ngồi vào bàn ăn. Vừa húp được một thìa súp, thì có tiếng điện thoại reo. Thì ra là anh C., một người chuyên cung cấp sách cũ cho mình gọi, anh ta cho hay vừa mang về nhà một lô mấy chục cuốn sách Pháp, có cuốn trên có chữ ký và triện son của nhạc sĩ H.L., một nhạc sĩ nổi tiếng thời chế độ cũ, và anh nói dành ưu tiên cho mình xem nhưng cần phải đến ngay, vì anh có hẹn người khác tới xem lúc 4 giờ. Trung thành với nguyên tắc có Nàng Sách gọi là… dạ ngay, mình bỏ cả ăn trưa và mặc quần áo đi ngay. Buổi trưa, trời nóng như địa ngục, người viết đành phải bấm bụng đi taxi tới gần Củ Chi, nơi nhà anh bạn để xem sách. Tới nơi, quả đúng là sách ngày trước là của vị nhạc sĩ tài danh đó, ông hơn mình khoảng một giáp, thuộc lớp người biết tiếng Pháp và đã qua đời hồi năm tám mươi mấy, nhưng lô sách của ông không có gì đặc biệt, chỉ có vài cuốn về âm nhạc (không phải đề tài ưa thích của mình), vài cuốn về lịch sử, phần còn lại chỉ là những tiểu thuyết mà mình đều đã có. Tóm lại, trong gần 40 cuốn sách mình chỉ lựa được duy nhất có một cuốn là cuốn nói về Thế Chiến thứ Nhất (1914-1918) mà lúc trước thiên hạ gọi là Đại Thế Chiến (La Grande Guerre), mãi sau này mới gọi là Đệ Nhất Thế Chiến để phân biệt với Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945).

Giá tiền mình phải trả chỉ có 150 đô Mít, thực đúng là rẻ mạt, nhưng thực ra chính vì sách viết bằng tiếng Pha lang sa nên lúc này ít ai… thèm đọc! Và cho dù mua được với giá rẻ mạt, nhưng cộng thêm mấy trăm đô Mít tiền taxi, thì cuốn sách bỗng hết rẻ, nếu không muốn nói là hơi măng mắc.

Sau khi đã kể về xuất xứ, giờ đây người viết xin được giới thiệu cuốn sách.

Mặc dù bị vất vả đi ngay giữa trưa nắng như thiêu và bị “hư tổn” nhiều tiền taxi, nhưng người viết rất thích, vì tác giả cuốn sách lại là Jean Galtier-Boissière (1891-1966) một tác giả danh tiếng mà người viết rất thích, nhất là vì ông là người đã để lại cho đời sau tờ báo (dầy như dạng nguyệt san bây giờ) Le Crapouillot, một thứ báo của chiến hào chiến lũy mà chủ trương là chỉ trích, châm biếm cực hay, và người viết hiện vẫn đang có trong tay một số đặc biệt của tờ báo này. Từ “Crapouillot” có nghĩa là một loại súng cối được dùng trong Đệ Nhất Thế Chiến, và tờ báo đó tự coi mình là một loại súng cối nã những lời chỉ trích, châm biếm riễu cợt vào các đối tượng của mình. Sau ngày ông qua đời, tờ báo vẫn tiếp tục ra cho tới số cuối cùng là số 126 của năm 1996. Tóm lại tờ báo tuyệt vời này đã sống được tổng cộng 81 năm, vì nó ra đời từ năm 1915, và đã tiếp tục sống thêm 30 năm sau cái chết của người đã sáng lập ra nó. Người viết rất thích tờ báo châm biếm này và cũng rất thích một bộ sách (3 tập) của tác giả nói trên là bộ “Hồi Ức của một người dân thành phố Ba Lê” (Mémoires d’un Parisien).

Cuốn sách người viết mua được hôm nay khổ 18x20 phân, gần như vuông, dày 594 trang với khoảng trên dưới 100 hình ảnh minh họa và bản đồ. Ngay trên bìa là hình vẽ chân dung bằng mầu của các tướng Joffre, Galliéni, Foch, và Thống Chế Pétain. Người mình, ngay cả thế hệ cha ông của người viết, chắc cũng chỉ biết nhiều về nhân vật Pétain, chứ chắc cũng chả biết gì nhiều về mấy nhân vật kia, ngoại trừ việc tên tướng Galliéni hồi trước được đặt làm tên đường Trần Hưng Đạo bây giờ. Cuốn sách trông rất thích mắt và vuông vắn trông đẹp như một cái bánh chưng ngày Tết.

Vì xuất thân từ trường Thầy Dòng và được học chương trình Pháp từ bé, người viết cũng biết qua loa về Đệ Nhất Thế Chiến đại khái như: cách đây vừa đúng một thế kỷ, vào ngày 28-6-1914 Thái tử Áo-Hung, Đại Công Tước Fran ç ois Ferdinand bị Gavrilo Princip, một sinh viên người Serbia, bắn chết tại Sarajevo là nguyên nhân làm bùng nổ Đại Thế Chiến, và các nước tham chiến một phe gồm Anh, Pháp, Nga, Ý, rồi sau là Hoa Kỳ và Brasin, và phe kia gồm Đức, Thổ, Ottoman, Áo-Hung và Bulgaria. Và, trong cuộc chiến diễn ra từ tháng 8 năm 1914 tới tháng 4 năm 1918, nước chịu nhiều trận đánh và bị thiệt hại nhiều nhất là Pháp. Trận đánh đẫm máu nhất là trận tại sông La Somme năm 1916, trận đánh lớn nhất là trận đánh bất phân thắng bại giữa hai phe ở thành cổ Verdun, và tổng số thương vong là khoảng 20 triệu người vv…

Nay với cuốn sách này người viết chắn chắn sẽ được thưởng thức thật nhiều chi tiết hấp dẫn khác liên quan tới lịch sử, vâng chỉ tới lịch sử thôi, vì người viết chỉ thích khía cạnh lịch sử và vì, trong suốt 80 năm sống ở trên đời, từ bé, hắn đã chẳng thèm bao giờ ngó ngàng gì tới “cô Chị”, mà chỉ khoái có “chính Em”, và theo cách suy nghĩ hoàn toàn và rất cá nhân của héng, thì “Cô Em thơm phức” trong khi “Cô Chị hơi bị… ít thơm” Hi! Hi!...

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

TỔ CHỨC “TÚC CẦU GIÁO” FIFA

TO HƠN ỦY BAN IOC LIÊN HIỆP QUỐC

Giải vô địch bóng đá thế giới

Là giải đấu bóng đá quốc tế do Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức bốn năm một lần cho tất cả các đội tuyển bóng đá quốc gia của những nước thành viên FIFA. Giải lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1930 , và chỉ bị gián đoạn hai lần vào các năm 1942 và 1946 do chiến tranh thế giới thứ hai .

Thể thức thi đấu hiện tại cho phép 32 đội bóng xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết được tổ chức 4 năm một lần (kể từ năm 1998). Vòng loại, được tổ chức trong khoảng thời gian 3 năm trước đó nhằm xác định các đội giành quyền vào chơi vòng chung kết cùng nước chủ nhà. World Cup là sự kiện thể thao thu hút sự quan tâm đông đảo nhất trên toàn thế giới .

Qua 19 lần được tổ chức, đã có 8 quốc gia đứng lên bục đăng quang. Brasil là đội duy nhất tham dự đủ 19 vòng chung kết và hiện đang giữ kỷ lục 5 lần vô địch giải. Tuyển Ý đã tổng cộng 4 lần giành ngôi cao nhất, tiếp đó là Đức với 3 danh hiệu. Argentina và đội vô địch giải đầu tiên Uruguay , cùng có 2 danh hiệu. Các nhà vô địch khác là Anh , Pháp , Tây Ban Nha , mỗi đội một danh hiệu. (Như vậy, Châu Âu với 30 nước đoạt 10 lần vô địch, trong khi Nam Mỹ với 12 nước được 9 lần, nếu Brazil vô địch kỳ 20 này thì Châu Âu = Nam Mỹ). Đương kim vô địch thế giới là đội tuyển Tây Ban Nha sau khi giành chiến thắng trước Hà Lan với tỉ số 1–0 trong hiệp phụ ở trận chung kết World Cup 2010 (Hà Lan 2 lần đạt Á quân)

Lịch sử

Các môn thể thao tương tự bóng đá hiện đại (với mục đích đá bóng vào khung thành đối phương) đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới từ rất lâu. Theo FIFA thì dạng bóng đá cổ xưa nhất bao gồm đầy đủ các kỹ thuật chơi bóng có lẽ xuất phát từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 2 hoặc 3 TCN, môn xúc cúc ( 蹴鞠 , đá cầu). Ở La Mã cổ đại cũng xuất hiện một môn thể thao chơi bóng có những nét giống bóng đá, đó là môn harpastum .

Môn bóng đá với các luật chơi gần như ngày nay bắt đầu phổ biến từ giữa thế kỷ 19 tại các trường học trên nước Anh . Bộ luật bóng đá hiện đại cổ nhất mà ta biết là bộ luật mà ngày nay thường được biết đến dưới tên Bộ luật Cambridge ( tiếng Anh : Cambridge Rules). Việc mỗi đội bóng có luật chơi khác nhau khiến việc điều hành mỗi trận đấu giữa họ diễn ra rất khó khăn. Nỗ lực đáng kể nhất trong việc chuẩn hóa luật chơi môn bóng đá là việc thành lập Hiệp hội bóng đá Anh (The Football Association, thường viết tắt là FA) vào ngày 26 tháng 10 năm 1863 tại Great Queen Street , Luân Đôn . (Các nước đều dịch “Bóng đá” là FA hay Football, riêng Mỹ là Soccer nguồn gốc từ Association, và Mỹ gọi Football là Bóng bầu dục).

Hiện nay cơ quan chịu tránh nhiệm quản lý và theo dõi luật bóng đá trên thế giới là Ủy ban bóng đá quốc tế (International Football Association Board, thường viết tắt là IFAB). IFAB được thành lập năm 1886 tại Manchester trong một buổi họp với sự có mặt của đại diện FA, Hiệp hội bóng đá Scotland (Scottish Football Association - SFA), Hiệp hội bóng đá xứ Wales (Football Association of Wales - FAW) và Hiệp hội bóng đá Ireland (Irish Football Association - IFA). Chính vì thế, Vương quốc Anh (UK) đặc biệt có 4 thành viên trong FIFA là FA, SFA, FAW và IFA, trong khi tất cả các quốc gia khác… mỗi nước chỉ có một thành viên.

Ý tưởng tập hợp những đội bóng mạnh nhất của các quốc gia trong một trận cầu tranh chức vô địch thế giới bắt nguồn từ thập niên 1920 , do một nhóm các nhà quản lý bóng đá Pháp , đứng đầu là Jules Rimet , đề xướng. Cơ quan quản lý bóng đá thế giới –dùng danh xưng tiếng Pháp FIFA (Fédération Internationale de Football Association ) được thành lập vào năm 1904 tại Paris với Chủ tịch đầu tiên là ông Robert Guérin , một người Pháp, ngay từ khi thành lập FIFA đã tuyên bố sử dụng và tôn trọng bộ luật bóng đá do FA đưa ra. Từ năm 1913 , cơ quan theo dõi luật bóng đá IFAB bắt đầu bổ sung các thành viên là đại diện của FIFA.

Hiện nay ban điều hành của IFAB bao gồm 4 đại diện của FIFA và 4 đại diện đến từ các liên đoàn khai sinh luật bóng đá là Anh, Scotland, Ireland và xứ Wales. Tính cho đến năm 2008 , FIFA có 208 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có đại diện là thành viên, nhiều hơn Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) 3 thành viên và nhiều hơn Liên Hiệp Quốc 16 thành viên.

Nghị quyết việc tiến hành đều đặn Giải vô địch bóng đá thế giới được Đại hội FIFA họp tại Amsterdam thông qua năm 1928 . Trong thời kỳ này bóng đá nhà nghề đã có một quy mô rộng lớn song những cuộc đấu ở Thế vận hội thì chỉ cho phép các cầu thủ nghiệp dư tham gia nên không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của giới bóng đá.

Tên gọi chính thức của Giải vô địch bóng đá thế giới đã có vài lần thay đổi. Thoạt đầu nó được gọi là "Cúp thế giới" (World Cup, Coupe du monde) sau đó là "Cup Jules Rimet" (tên của cựu chủ tịch FIFA), rồi đến "Giải vô địch bóng đá thế giới - Cup Jules Rimet" và sau cùng là "Giải vô địch bóng đá thế giới".

Giải đấu đầu tiên chính thức được tổ chức tại Uruguay vào năm 1930 , với sự tham dự của 13 đội tuyển. Và chiếc cúp vàng thứ nhất mang tên "Jules Rimet" đã lọt vào tay đội Brazil .

FIFA World Cup diễn ra đều đặn 4 năm một lần, trừ hai kỳ bị huỷ bỏ vào các năm 1942 1946 vì ảnh hưởng của Thế chiến thứ hai .

Trong thập niên 1950 , giải vô địch bóng đá thế giới nhanh chóng tái khẳng định vị trí và tiếp tục duy trì thế độc tôn là sự kiện thể thao lớn nhất trong thời hiện đại, được tổ chức luân phiên ở các nước khu vực Châu Âu Châu Mỹ . Thế nhưng mãi đến kỳ World Cup gần đây người ta mới thấy một bước đột phá khi Hàn Quốc Nhật Bản được chọn đăng cai World Cup 2002 . Đến năm 2010 , lần đầu tiên FIFA đã đưa giải đấu đến với Châu Phi , và quốc gia được vinh dự đăng cai là Nam Phi .

Cúp vàng

Từ năm 1970 trở về trước, đội vô địch thế giới được trao "cúp vàng" mà trong các văn kiện chính thức của FIFA gọi là "vật phẩm nghệ thuật". Đó là bức tượng nhỏ hình " Nữ thần chiến thắng Nike " (theo thần thoại Hy Lạp ) mà trong giới bóng đá thường gọi là tượng "Nữ thần vàng". Theo đơn đặt hàng của FIFA, chiếc tượng này được hoàn thành năm 1928 do một người thợ kim hoàn ở Paris tên là Abel Lafleur đúc bằng vàng thật, nặng 1,8kg (với chiếc đế bằng đá hoa cương nặng chừng 4kg), trị giá 10.000 USD .

Trước Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1970 , FIFA giữ "Cup vàng" theo điều lệ quy định để rồi trao cho liên đoàn bóng đá quốc gia thuộc nước có đội bóng đoạt chức vô địch thế giới rồi trả lại cho FIFA trước khi tiến hành vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới lần sau.

Năm 1970, sau ba lần vô địch, như trong điều lệ quy định, đội Brasil đã được trao tặng vĩnh viễn "Nữ thần vàng". Sau đó FIFA đặt làm chiếc cup mới lấy tên là Cup thế giới FIFA . Chiếc cup này là Cup luân lưu , không đội bóng nào có thể đoạt vĩnh viễn cả. Những đội bóng chiến thắng sẽ được trao tặng chiếc cup mẫu thu nhỏ để làm kỷ niệm cùng với việc được giữ chiếc cup chính thức trong thời gian giữa hai giải vô địch bóng đá thế giới. Chiếc cup mới được đúc bằng vàng thật do nghệ sỹ người Ý Silvio Gazzaniga sáng tác, chiều cao 36cm, nặng 6.175kg, trị giá 20.000USD. Cup này do người thợ kim hoàn Stabilimento Artistico Bertoni ở thành phố Milano đúc. Chiếc cúp mang hình hai thanh niên với bốn cánh tay giơ cao đỡ lấy quả Địa Cầu . Phần kim loại của chiếc cup hiện nay là 4,9kg "vàng nguyên khối 18carat" và có hai lớp đá malachit .

FIFA World Cup – Brasil 2014

(Kỳ 20, từ ngày 12/6 – 14/7/2014)

Bảng thi đấu:

có 8 Bảng gồm 32 Đội tuyển Quốc gia trên toàn cầu

BRAZIL CHI NHIỀU, FIFA THU LẮM

Để thế giới được sống trong bầu không khí cuồng nhiệt cùng trái bóng Brazuca, nước chủ nhà Brazil đã đổ vào các công trường, cơ sở vật chất số tiền lên tới hơn 12 tỷ USD. Tuy nhiên, giống như một sự tương phản đầy châm biếm, LĐBĐ thế giới FIFA lại hưởng một khoản lợi lớn chưa từng có nhờ kỳ World Cup này. Theo tin từ tạp chí Forbes, Brazil 2014 có thể mang về cho FIFA khoản doanh thu lên tới 4 tỷ USD, tăng 60% so với World Cup 2010.

SỨC HÚT WORLD CUP

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Brazil dám chi ra hơn 12 tỷ USD để tổ chức một kỳ World Cup. Sau World Cup 2010, FIFA đã thực hiện một cuộc điều tra xã hội học kéo dài hơn 1 năm về hiệu ứng của World Cup trên toàn thế giới. Kết quả cho chúng ta thấy sức hút khổng lồ của World Cup: Nếu tính rộng ra cả thế giới, có ít nhất 3,2 tỷ người ngồi trước màn hình tivi một phút để theo dõi một trận đấu trực tiếp tại World Cup 2010. Trung bình, mỗi trận đấu tại World Cup có khoảng 188,4 triệu người trên thế giới theo dõi.

Thu hút một lượng khán giả truyền hình khổng lồ mà không môn thể thao nào trên hành tinh có thể sánh bằng, dễ hiểu tại sao World Cup lại thu hút được rất đông nhà tài trợ, các công ty quảng cáo và tiền bản quyền truyền hình thì ngày càng tăng vọt. Được biết, gộp cả World Cup 2002 và 2006, FIFA mới thu được 2 tỷ USD từ bản quyền truyền hình. Trong khi riêng World Cup 2014 số tiền ấy đã là 1,7 tỷ USD.

FIFA kiếm nhiều, đầu tư cũng nhiều.

Theo người phát ngôn của FIFA, ngân quỹ hoạt động của LĐBĐ thế giới trong giai đoạn từ năm 2015-2018 sẽ là 4,9 tỷ USD. Tuy nhiên, FIFA sẽ dành tới 3,8 tỷ USD, tương đương 78% ngân sách để đầu tư phát triển bóng đá trên toàn thế giới.

- Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 là lần thứ 21, sẽ được tổ chức tại Nga , đây là lần đầu tiên Nga đăng cai giải đấu này.

- Giành quyền đăng cai World Cup 2022: Đại hội FIFA sẽ bàn về cuộc điều tra Qatar đã mua phiếu bầu của các thành viên trong BCH để giành quyền đăng cai World Cup 2022. Tờ Sunday Times đã tung ra thông tin chấn động này ngay trước thềm World Cup và buộc FIFA phải vào cuộc. Nếu Ủy ban điều tra của FIFA xác nhận Qatar quả có vi phạm, họ sẽ tước quyền đăng cai của quốc gia này.

- Chủ tịch FIFA Sepp Blatter ngồi trên ghế lãnh đạo FIFA từ năm 1998 và sẽ ra tái tranh cử. Ông sẽ 79 tuổi khi cuộc bầu chọn diễn ra vào tháng 5 năm sau. Người tiền nhiệm của ông, cựu Chủ tịch người Brazil Joao Havelange, rời khỏi cương vị năm 82 tuổi. Còn Chủ tịch UEFA Michel Platini (cựu danh thủ Pháp với 3 lần Quả bóng vàng châu Âu) cho biết ông chỉ quyết định có tranh cử hay không sau World Cup.

Quả bóng vàng FIFA .

Quả bóng vàng FIFA (FIFA Ballon d'Or) là giải thưởng hợp nhất hai giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA Quả bóng vàng châu Âu , dành cho cầu thủ chơi xuất sắc nhất trong năm, được trao lần đầu vào tháng 1 năm 2011.

- Giải thưởng đầu tiên được trao cho cầu thủ xuất sắc nhất năm 2010, tổ chức vào ngày 10/1 / 2011 tại Zürich , Thụy Sĩ . N hờ những đóng góp cho Barcelona , Lionel Messi (người Argentina) đã là chủ nhân đầu tiên của Quả bóng vàng FIFA và tiếp tục trong các năm 2011, 2012 và 2013.

- Quả bóng vàng FIFA năm 2014 được trao cho Cristiano Ronaldo ( Bồ Đào Nha ) đã chiến thắng với 1365 điểm vượt qua Messi Franck Ribéry (Pháp) với số điểm lần lượt là 1205 và 1127.

Cúp Liên đoàn các C hâu lục .

Cúp Liên đoàn các C hâu lục có từ năm 1992, là giải bóng đá giữa các đội tuyển bóng đá quốc gia vô địch các châu lục như: UEFA (LĐBĐ châu Âu) , AFC (châu Á) , CONMEBOL (Nam Mỹ) , CONCACAF (BắcTrung Mỹ & Caribbean) , CAF (châu Phi) và OFC (châu Đại dương) do Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức 4 năm một lần. Ban đầu, giải mang tên Cúp Nhà vua Fahd . Từ lần tổ chức thứ ba, giải được FIFA công nhận là một giải chính thức và mang tê n FIFA Confederations Cup . Hiện nay, đội đương kim vô địch giải này là Brazil sau khi vượt qua Tây Ban Nha với tỷ số 3-0 và Brazil cũng là đội vô địch giải nhiều nhất với 4 lần vô địch.

Ca khúc chính thức của World Cup 2014

Bài hát “We Are One (Ole Ola)” của rapper người Mỹ Pitbull, ca sĩ Jennifer Lopez và ca sĩ người Brazil Claudia Leitte là bài hát nằm trong album “One Love, One Rhythm – The 2014 FIFA World Cup Official Album”.

Ca khúc này đã được chọn làm bài hát chủ đề cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay.

"We Are One" là sự kết hợp của 2 thể loại nhạc Pop – Rap, chủ yếu được hát bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha với nội dung quen thuộc về sự đoàn kết, sức mạnh, sự kiên trì.

Bóng đá Việt Nam một thuở huy hoàng:

Vô địch Merdeka 1966

Cựu danh thủ túc cầu Việt Nam nổi tiếng Đông Nam Á, Phạm Huỳnh Tam Lang, qua đời tại nhà riêng ở Sài Gòn hôm 2 tháng 6, 2014 sau cơn đau tim, thọ 72 tuổi.

Sự ra đi của danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang không chỉ gây xúc động lớn trong nước, Chủ tịch FIFA S.Blatter cũng gửi thư tới Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) bày tỏ niềm tiếc thương của mình.

Lá thư chia buồn của chủ tịch FIFA S.Blatter có đoạn viết: “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất khi được tin huyền thoại của bóng đá Việt Nam Phạm Huỳnh Tam Lang đã qua đời.

Ông Phạm Huỳnh Tam Lang đã có một sự nghiệp rất thành công trên cả hai vai trò cầu thủ và huấn luyện viên, được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) trao tặng kỷ niệm chương ghi nhận những đóng góp đối với bóng đá.

Thay mặt các thành viên của cộng đồng bóng đá thế giới, cho phép tôi được gửi tới gia đình, bạn bè và tất cả những người thân yêu của ông Phạm Huỳnh Tam Lang lời chia buồn sâu sắc nhất”.

Cựu thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang năm 1966 với chiếc cúp vô địch Merdeka năm 1966.

Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, chiến tích đưa tên tuổi của cố Thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang cùng Đội tuyển VNCH là đoạt danh hiệu vô địch Merdeka Cup tại Malaysia năm 1966. Thời đó, Merdeka Cup là giải đấu danh tiếng, quy tụ những đội bóng hàng đầu châu Á.

Phong độ xuất sắc khiến trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang cùng người đồng đội Đỗ Thới Vinh được gọi vào đội tuyển “Ngôi sao châu Á” năm 1967. Đây là vinh rất lớn đối với 1 cầu thủ bóng đá Việt Nam.

Từ sau năm 1975, ông Phạm Huỳnh Tam Lang là một trong những người gầy dựng đội túc cầu Cảng Sài Gòn, quy tụ các tuyển thủ Việt Nam Cộng Hoà cũ. Đội banh do ông dẫn dắt ở vai trò huấn luyện viên từ năm 1983 đến 2003 đã bốn lần đoạt chức vô địch quốc gia. Phạm Huỳnh Tam Lang được nhiều người yêu mến nhờ tính tình hòa nhã, lịch sự, coi trọng đạo đức nghề nghiệp.

TÓM TẮT:

Tại sao Đàn Ông lại thích Bóng Đá?

Gần như tất cả đàn ông hoặc những anh chỉ có một nửa đàn ông đều thích bóng đá đến điên cuồng. Không phân biệt già trẻ, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tây - ta và không phân biệt trình độ văn hóa, trọng lượng cơ thể, tình trạng vệ sinh, hoàn cảnh xuất thân... đàn ông khắp thế giới này đều mong mỏi đến ngày hội bóng đá để gào thét, khóc lóc, cười nói hoặc vừa cười vừa nói vừa khóc lóc. Vì sao vậy?

- Đàn ông thích bóng đá vì… đàn bà không thích bóng đá. Được chứng tỏ mình khác hẳn… tụi bên kia luôn luôn là niềm khao khát thầm kín của đàn ông.

- Đàn ông thích bóng đá do hôm nay rất nhiều cầu thủ bóng đá cực giàu mà không phải… cắp sách đến trường. Bản chất đàn ông đều chán học, và bóng đá là cơ hội hùng hồn cho thấy chả học cũng… tốt như thường.

- Đàn ông khoái bóng đá do nhiều trận bóng đá diễn ra lúc đêm khuya. Những dịp ra khỏi nhà vào lúc đêm khuya luôn luôn quý báu.

- Đàn ông thích bóng đá vì trên sân bóng đá hiện nay có nhiều cô gái lúc reo hò thì… nhấc áo lên.

- Bóng đá có thể thay đổi vào phút cuối cùng. Đàn ông luôn luôn mơ ước được như thế, đặc biệt là trong hôn nhân.

- Đàn ông luôn luôn mơ đá vào ai đó và tránh được ai đó đá vào mình.

- Các cầu thủ hôm nay nếu nổi tiếng là mơ ước của các cô gái đẹp. Mà các cô gái đẹp là mơ ước của đàn ông.

- Bóng đá là môn duy nhất đôi lúc thắng lợi không phải do mình hay, mà do chúng nó đá phản lưới nhà. Đấy là thứ mà mọi người đều thấy xảy ra trong cuộc đời của mình.

- Trong bóng đá, cầu thủ đẹp trai chưa chắc đã là cầu thủ giỏi. Mà hầu hết đàn ông trên đời này đều không đẹp trai. Chân lý ấy khiến họ sung sướng.

- Khi ghi bàn, cầu thủ được đồng đội thi nhau ôm chầm lấy, mà hầu hết đàn ông đều thích được ôm.

- Khi xem bóng đá, có thể túm cổ đứa ngồi bên cạnh. Khi xem phim hoặc xem ca nhạc chẳng làm được việc này.

- Khi đi xem bóng đá với bồ nhí, khả năng bị vợ bắt gặp là con số không.

- Đàn ông thích bóng đá bởi nếu không thì họ thích gì?

Cuối cùng, chúng ta - tín đồ của môn thể thao vua “Túc Cầu giáo” - hãnh diện vì Tổ chức FIFA lãnh đạo Túc Cầu giáo thế giới, có nhiều quốc gia thành viên hơn hẳn Ủy ban Olympic Quốc tế và Liên Hiệp Quốc. Điều hấp dẫn là trái bóng luôn tròn và điều thú vị nhất trong bóng đá là không ai nói trước được điều gì trước khi bóng lăn.

PHẠM VŨ

(Tham khảo: Tài liệu trên Sách báo & Internet)

PHÁP CÚNG DƯỜNG

(Tiếp theo số 97)

5.- Cúng dường cho PHẬT, để rồi cuối cùng rồi Người Cúng Dường THÀNH PHẬT là như thế nào? Thế nào là PHẬT CỦA TA? CÚNG DƯỜNG cho Phật của ta như thế nào?

Trong mỗi chúng ta đều có hai xu hướng: Thiện và Ác mà Phật dạy là “Phàm Thánh đồng cư”. Trong đó cũng có hai tính chất: TÁNH CHÚNG SINH và TÁNH PHẬT, cũng được gọi là PHẬT TÁNH. Mỗi người đều có chủng tử của Phật Tánh, nên đều có khả năng Thành Phật. Do đó, người tu Phật cần phải tìm cho được cái PHẬT TÁNH của mình rồi khai triển nó để khi hoàn tất gọi là Thành Phật.

Thành Phật có nghĩa là THÀNH TỰU CÔNG VIỆC GIẢI THOÁT KHỎI PHIỀN NÃO. Muốn thành tựu con đường này, trước tiên là phải CẢI ÁC, HÀNH THIỆN. Do đó, CÚNG DƯỜNG PHẬT có nghĩa là XẢ TẤT CẢ NHỮNG THÓI XẤU, NHỮNG RÀNG BUỘC VÀO SINH TỬ, PHIỀN NÃO để được GIẢI THOÁT. Vì thế, người CÚNG DƯỜNG PHẬT thì cuối cùng sẽ THÀNH PHẬT, như vậy mới đúng với mục đích “Độ Khổ” của Đạo Phật.

Kinh LĂNG NGHIÊM viết: “Giải Thoát hay triền phược đồng do Sáu Căn. Được Chứng Thánh hay Đọa Phàm cũng bởi Sáu Căn, chớ không có con đường nào khác”. Do vậy, người muốn tu Phật thì phải nhắm vào THÂN và TÂM mà quán sát.

Khi quán sát về cái THÂN, người tu sẽ thấy: Có cái THÂN thì những nỗi KHỔ sẽ bám vào đó. Nó VÔ NGÃ, vì không có chủ thể. Nó VÔ THƯỜNG, vì thấy đó, rồi chỉ cần dứt hơi thở là trả về cho Tứ Đại những gì nó đã vay mượn. Nhưng thời gian chưa biết về nó, chúng ta cứ tưởng cái THÂN là Mình, nên chìu theo nó rồi tạo Ác Nghiệp mà phải chịu đọa. Chính vì vậy mà cần Quán sát THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN, để thấy sự chuyền níu từ kiếp nọ sang kiếp kia do Ái cái Thân mà ra.

Quán sát CÁI TÂM, ta thấy nó là những ý tưởng xuất phát từ cái THÂN, dựa vào cái Thân mà đánh giá, phản ứng với những gì nó Nghe, Thấy, Va chạm bằng ba nơi: Thân, Khẩu và Ý. Do nghĩ rằng cái Thân là Mình, nên xúc phạm tới nó là ta thấy xúc phạm mình, và trong kiếp sống tìm mọi cách để chìu theo ý muốn của nó, đôi khi bất chấp luật công bằng, quên cả tình nghĩa, tìm mọi cách để phục vụ cho nó. Nhưng suy cho cùng, nó chỉ là một khối da, thịt, xương, tổng hợp bằng Tứ Đại, không trường tồn. Phật gọi nó là cái THÂN NHÂN QUẢ, tạm thời đi theo ta, để Nhận lại những gì đã cho đi, cũng như để Trả những gì đã làm. Cả Thân và Tâm đều không phải là Ta. THÂN là do Tứ Đại họp thành. TÂM bám lấy cái Thân nên Phật gọi đó là cái VỌNG TÂM.

Khi Thấy được CÁI VỌNG TÂM thì phải PHẢN VỌNG QUY CHÂN. Việc Phản Vọng Quy Chân đó tức là “Điều Phục”, hay “Cứu Độ Chúng Sinh”. Muốn Cứu Độ Chúng Sinh thì phải biết nó là gì? Ở đâu? Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Chúng người hãy chú tâm mà nghe cho rõ. Những người mê muội đời sau, nếu biết cái Tâm Chúng Sanh tức là thấy đặng Phật Tánh. Bằng chẳng biết cái Tâm Chúng Sanh thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó gặp. Nay ta dạy các ngươi phải biết Chúng Sanh ở Tâm mình thì thấy Phật Tánh ở Tâm mình. Muốn cầu Thấy Phật thì phải biết cái Tâm Chúng Sanh. Chỉ vì Tâm Chúng Sanh làm mê muội Tánh Phật, chớ chẳng phải Tánh Phật làm mê muội Tâm Chúng Sanh. Nếu Tánh mình Giác Ngộ thì Chúng Sanh là Phật. Bằng Tánh mình mê muội thì Phật là Chúng Sanh. Tánh mình bình đẳng thì Chúng Sanh là Phật. Tánh mình tà hiểm thì Phật là Chúng Sanh. Một niệm bình đẳng, ngay thật tức là Chúng Sanh thành Phật.

Lời Lục Tổ dạy quá rõ: PHẬT và CHÚNG SINH chỉ là hai tình trạng của Nội TÂM. Khi LÀM ÁC, NGHĨ ÁC, khởi tà hiểm là Chúng Sinh. Khi bình đẳng, ngay thật là PHẬT. Như vậy, PHẬT chỉ là một từ để nói về PHẦN THIỆN, PHẦN SÁNG SUỐT, PHẦN KHÔNG VƯỚNG MẮC TRONG TÂM, và đồng thời cũng nói về kết quả của những việc XẢ BỎ NHỮNG CÁI ÁC, HÀNH NHỮNG ĐIỀU THIỆN, mà Phật gọi đó là CÔNG ĐỨC. 32 Tướng Tốt là những việc làm tốt đẹp cho Thầy, bạn và mọi người chung quanh, được Đức Thích Ca tượng trưng bằng mắt, tai, lưỡi, răng, chân, bàn tay, ngực, lông, tóc v.v… gom lại thành đầy đủ hình tướng của một vị Phật. Phật như vậy đâu phải là một con người hay một vị Thần Linh, làm sao cứu độ được cho ta, mà mỗi người có thể theo mẫu Đức Thích Ca đã làm để tự hoàn thành Phật của mình, không phải thờ PHẬT của Đức Thích Ca hay của ai khác.

Lục Tổ dạy: Tâm ta tự có Phật. Phật ở tâm mình mới thiệt là chơn Phật. Nếu tự mình không có tâm Phật thì tìm chơn Phật ở nơi nào? Cái Tự tâm của chúng ngươi là Phật, chớ khá hồ nghi”.

Người tu Phật cũng không cần phải bỏ hết tiền bạc, của cải, tài sản thì mới tu được. Những thứ đó nếu do chính chúng ta tạo dựng bằng lao động trí óc, hoặc chân tay, không do lừa đảo, gian manh mà có được thì chúng ta có toàn quyền sử dụng, chẳng có lỗi gì với Đạo. Cái mà người tu cần rũ bỏ những thói xấu được gọi là CHÚNG SINH. “Độ” cho hết CHÚNG SINH thì sẽ được Giải Thoát, gọi là Thành Phật. Ngài Duy Ma Cật là một trưởng giả, cũng kinh doanh, mua bán mà vẫn tu hành thành tựu là một tấm gương được ghi rõ trong Kinh. Biết bao nhiêu người giàu có nhờ biết làm ăn chân chính. Họ chẳng những làm giàu cho bản thân mà còn giúp được cho xã hội, làm lợi ích cho vô số người khác. Đó chẳng phải là những người đáng cho ta ngưỡng mộ sao? Tại sao phải bỏ hết để đi tu, rồi trở lại sống bằng đồng tiền của bá tánh? Đó phải chăng là một nghịch lý cần soi rọi? Suy cho cùng, TU chỉ là SỬA. Sửa những tính xấu mà vì nó mọi người sẽ tạo Nghiệp để cuộc sống gây bất ổn cho bản thân và cho mọi người chung quanh mà người xưa dặn dò “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành”. Do đó, người thực hành đầy đủ THẬP THIỆN thì đó là đã TU rồi, đâu có phải làm điều gì ghê gớm. Cứu độ được cho ai ngoài bản thân? Sau khi chuyển hóa Cái Tâm, để nó không còn khởi những cái Ác nữa, thì quán sát thêm để không trụ vào cả Thiện. Vì cái Chân Tâm như Hư Không, không chứa điều gì hết, dù là Ác hay Thiện.

Tóm lại: PHÁP CÚNG DƯỜNG không phải là giảng pháp để “Độ” cho bá tánh, cũng không phải là nhắm vào những nơi Chùa Chiền, Sư, Tăng, mà Phật dạy là “Công Đức vô lượng” để cúng, như một kiểu đầu tư kiếm lời. Đó là CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH. ĐỘ những tư tưởng xấu gọi là Chúng Sinh để nó được Giải Thoát. Còn nếu muốn Bố Thí mà đạt kết quả theo Chánh Đạo thì kinh DUY MA CẬT viết: “Nếu người thí chủ dùng tâm bình đẳng bố thí cho người ăn mày hèn hạ nhất cũng như tướng phước điền của Như Lai, không phân biệt, lòng đại bi bình đẳng, không cầu quả báo, đó gọi là đầy đủ pháp thí vậy”.

Người đời ôm giữ, khuếch trương tài sản thì cho là THAM. Người tu ham Chùa to, Phật lớn, chẳng lẽ không phải là Tham? Hơn nữa, PHẬT LÀ VÔ TƯỚNG, DO VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC MÀ THÀNH. Đó là nói về sự Giải Thoát trong Tâm của mỗi người, thì cần gì phải có Chùa to để ngự? Đại Thừa hay Phật Giáo Nguyên Thủy đều cho rằng Đức Thích Ca cũng là một con người bình thường như tất cả mọi người, nhờ tu hành mà đạt được Giác Ngộ. Cái Giác Ngộ này được truyền lại để “Tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành”, Vậy thì lý do gì để chúng ta Thờ Ngài để Cầu Xin mà không Tự Tu, Tự Độ để được giống như Ngài?

Có một số điểm rất quan trọng nhưng nhiều người không để ý, do đó nên hành trái ngược với Ý Phật mà không hay:

- Nếu Phật muốn mọi ngưởi Thờ Ngài hẳn Ngài đã nói: “Ta là Phật đã thành. Các ngươi phải Thờ ta”. Ngược lại, Ngài bảo: “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”.

- Nếu Kinh chỉ cần đọc là hiểu, hoặc không cần đọc Kinh, thì Ngài đã không ca ngợi Phương Tiện và dặn dò phải: “VĂN, TƯ, TU” và cũng không bảo: “Y NGHĨA BẤT Y NGỮ”.

- Đạo Phật còn được gọi là ĐẠO NHÂN QUẢ. Đã nói Nhân Quả là không Cầu Xin. Đã nói Tự Độ là không nương tựa! Như vậy, nếu ta cứ cầu xin, nương tựa thì liệu có phải là Chân Phật Tử?

Ngoài ra, theo tôi, có những pháp mà Đạo Phật đã giảng dạy cách đây đã gần 3.000 năm, trong lúc buổi đầu thành lập tăng Đoàn, cần ưu tiên dành cho việc học Pháp, để làm nòng cốt. Những việc khác tạm gác lại. Đến thời này rồi, chúng ta cần xét lại cho phù hợp với thực tế. Ai cũng biết, người tu Phật được Phật dạy sau khi tu hành xong còn phải đền Tứ Ân: Ân Cha mẹ. Ân Đất nước. Ân Phật. Ân Thầy. Trong khi xã hội đang rất cần nhiều sức trẻ có tài, có đức gánh vác, mà chúng ta thì đang tuổi trẻ, sức khỏe dồi dào, mà không chịu học hỏi khoa học kỹ thuật để đưa dân tộc, đất nước đi lên, tại sao lại phủi bỏ tất cả để chỉ vô Chùa, tụng Kinh, Niệm Phật? Lẽ nào chúng ta đáp ân đất nước đã cưu mang ta bằng cách bỏ mặc cho mọi người xây dựng, để họ vừa phải đối phó với cuộc sống đầy khó khăn lại còn phải gánh luôn cả ta? Sao có vẻ không công bằng chút nào! Kinh là những lời Phật giảng dạy, giải thích về cách tu, cách hành, lẽ ra mọi người cần “biên, chép, giải nói, rồi Y Pháp Tu hành”, thì không theo đó mà tu sửa, lại chỉ mang ra ê a tụng ngày mấy thời! PHẬT hình thành bằng những cái Hạnh, sao ta không bắt chước, lại niệm Hồng Danh các Ngài thì được lợi ích gì?

Việc CUNG DƯỠNG cho người tu cũng thế. Có lẽ cũng nên xem lại, vì phải chăng việc làm đó chỉ phù hợp với thời mới khai Đạo? Lúc Đức Thích Ca vừa thành lập Tăng Đoàn, chưa có người nắm được yếu chỉ của Đạo để phổ biến. Vì thế, các vị tu hành phải tập trung, không được nghĩ tới việc thế tục để toàn tâm toàn ý học Giáo Pháp mà rao giảng, nên Đức Thích Ca phải dùng phương tiện, nói mọi người Cúng Dường cho người tu hành thì được “Phước Báo vô lượng”. Ngày nay mọi thứ đã được Chư Tổ giải thích rành mạch, được ghi đầy đủ trong Kinh điển, ai cũng có thể nương theo đó mà tu tập, đâu cần phải có người cung dưỡng mới có thể tu, vì “ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc”. Người đắc đạo cũng đâu thể cứu độ cho bá tánh? Hơn nữa, việc nhờ người khác cung dưỡng để tu lại sinh ra một số người lười lao động, ngại gian khổ trà trộn vào đó để lợi dụng Cửa Phật. Thời xưa trong Kinh cũng có viết là có những người “Thổi sáo bầy”, tức là cũng ngậm ống sáo, ngồi chung với đoàn thổi sáo. Ai biết họ có thổi được hay không? Thời nay tu sĩ quá đông mà được bao nhiêu người có Pháp để giảng dạy? Họ cũng đầu tròn, áo vuông như ai. Chính vì vậy mà nước ta thời Phật Giáo cực thịnh Giáo Hội cũng đã tổ chức những cuộc thi để loại khỏi Chùa những phần tử không thật tâm tu hành trà trộn. Ngay thời Kết Tập lần thứ Hai cũng đã loại ra cả 60.000 Tăng giả, huống là hiện nay. Những phần tử đó chính là những “Con trùng trong thân Sư Tử, ăn thịt sư tử”, vì họ chẳng phải là người tu hành chân chính mà chỉ lợi dụng cửa Chùa để hưởng lộc bá tánh, chẳng những làm ô uế cửa Chùa mà còn chồng mê cho Phật Tử, dắt họ vào đường mê tín, dị đoan!

Đạo Phật giảng nói cho nhiều, nhưng cuối cùng chỉ là để người theo hướng dẫn mà hành trì thì sẽ có cuộc sống an lạc, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Nhờ có GIỚI mà Thân, Khẩu, Ý đều thanh tịnh. Không xâm phạm của người khác, nên bản thân người tu và những người chung quanh họ cũng được an ổn. Xem kỹ lại mục đích Tu Phật thì ta thấy tu hành không phải để thành Thánh, Thành Phật, mà chỉ để trở thành một con Người đúng nghĩa mà thôi. Nhờ Quán Sát, Tư Duy, người tu Phật sẽ Biết Cái Thân là Thân Nghiệp báo, nên không để cho nó tiếp tục lôi mình vào đường xấu, tạo thêm nghiệp chướng, trái lại, dùng nó như người đắm tàu, “ôm thây ma để bơi qua biển”. Người tu quán sát các pháp để trân trọng kiếp sống của mình, dù giả tạm, nhưng có thể dùng thời gian hiện hữu để học hỏi con đường Giải Thoát. Chính vì vậy mà Đạo Phật dạy: “Thân người khó đặng”, vì Cái Thân dắt mỗi người tạo Nghiệp để trôi lăn. Nhưng cũng chính nhờ có nó mới học hỏi, tu hành, giúp đỡ mọi người để có kết quả là Sống An, Chết Lành. Kiếp sau nếu có càng tốt đẹp hơn. Hiện tại sống giữa Phiền Não mà không bị nhiễm ô. Đó là sự thành tựu của người tu gọi là Thành Phật hay Giải Thoát, được ví như Hoa Sen vươn lên trong Bùn.

Người tu hành chân chính xem cuộc đời là giả tạm. Vật chất chỉ để cái thân tạm nhờ. Không bám víu vào đó, cũng không tìm cầu để hưởng thụ. Vì thế, xem lại tấm gương của Chư Tổ ngày xưa thì chúng ta thấy các vị rất thanh tịnh, không chất chứa, không dính líu đến tài sản. Cuộc sống họ thật nhẹ nhàng, chỉ xin ăn, được gì ăn đó, để nuôi cái thân tồn tại qua ngày mà tu hành. Họ không cần Chùa to, Phật lớn. Chỉ cần có chút thực phẩm để nuôi cái thân chín lỗ khỏi chết đói, để dành toàn bộ thì giờ mà tu tập. Khi thành tựu thì mồi ngọn đuốc pháp cho bá tánh. Mã Tổ Bách Trượng ngày xưa, cai quản cả một Chùa lớn, nhưng hàng ngày vẫn lao động để trả nợ bữa ăn. Hôm nào đệ tử dấu cuốc đi, Ngải không làm được, thì ngày đó Ngài không ăn. Do đó có câu: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. Người Tu Phật chính là người đang sống ở trần gian đầy lục dục, thất tình mà không để cho những thứ đó tiếp tục quấy nhiễu, đeo bám như trước. Vậy là họ đã hoàn tất sứ mạng đối với cuộc đời. Cuộc sống thanh đạm, không tích lũy, không làm phiền đến ai. Tự Tu, Tự Độ, tự Giải Thoát. Sống đã Thoát Phiền Não, không gây thêm Nghiệp thì khi bỏ cái Thân đuơng nhiên phải về nơi tốt đẹp, đâu cần phải có Phật nào dắt. Tự mỗi người XẢ bỏ những Tham, Sân, Si, Thương, Ghét, đố kỵ thì đó là Cúng Dường Phật, để cuối cùng, khi hoàn tất sẽ được Giải Thoát hay Thành Phật. Đó là việc mà mọi người đều có thể làm trong mọi hoàn cảnh, đâu cần sắc tướng, nơi chốn, mà lẽ ra nếu không hiểu lầm văn tự thì điều đó phải diễn ra từ rất lâu rồi vậy.

Tháng 4/2014

Tâm Nguyện

Phụ Bàn I

VŨ VĂN KÍNH

NGƯỜI ĐÃ DÀNH CẢ CUỘC ĐỜI CHO CHỮ NÔM

NGUYỄN VĂN HOA

Hiện nay trên Internet đã có nhiều trang website về chữ Nôm; đối với những người có quan tâm đến chữ Nôm thì đây là những công cụ rất quý. Đó chính là những công cụ quan trọng để bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc.

Những có lẽ ít người biết đến Vũ Văn Kính – người Công giáo gốc Bắc di cư vào Nam, là tác giả của nhiều đầu sách chữ Nôm. Tôi xin có đôi lời giới thiệu về tác giả độc đáo này với bạn đọc.

Xuất phát là người có sở thích sưu tầm sách chữ Nôm (nhất là Nôm Kiều) mà tôi may mắn biết tác giả Vũ Văn Kính. Tôi làm quen được tác giả này gần 10 năm rồi, quan hệ rất thân tình. Nhờ quan hệ đó, cụ đã cho tôi trên 10 đầu sách Nôm quý của cụ. Cụ còn nhường cho tôi nhiều cuốn sách Nôm của tác giả nước ngoài như Tự điển chữ Nôm 1988 – của tác giả Nhật Bản Yonosuke Takeuchi; hoặc cuốn Dictionnaire Historique des Idéogrammes Vietnamiens – của Paul Schneider 1992; hoặc như cuốn Dictionnaire annamite fran ç aise – của Jean Bonet 1898. Cụ còn tặng cho tôi cuốn sách Nôm in ở Nhà thờ Phát Diệm về Sổ tay chữ Nôm cho người công giáo trong giao dịch dân sự (mua bán nhà cửa đất đai, cưới hỏi, hiếu hỷ v.v…). Cụ đã gần 90 tuổi, hiện cư trú tại 205/39/49 Trần Văn Đang, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi kém cụ chừng 25 tuổi, do vậy tôi coi cụ như bậc trên và thâm tâm vẫn coi cụ là thầy về chữ Nôm của mình. Nhưng cụ vẫn một mực khiêm nhường “Tôi không dám làm thầy ông tiến sĩ”. Nhưng tôi vẫn thấm nhuần câu dạy từ ngày đầu cha tôi dạy tôi học chữ Nôm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Khi tái bản lần thứ ba cuốn Ngoa ngữ trong dân gian Việt Nam tại Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc Hà Nội, đã từng được tặng thưởng của Ủy ban Hiệp hội Văn học nghệ thuật Trung ương Việt Nam, tôi đã chính thức kính nhờ cụ hiệu đính phần chữ Nôm của cuốn sách. Tôi ở Hà Nội còn cụ ở Sài Gòn, người viết chữ cho sách của tôi lại ở Huế (Nguyễn Phúc Hải Trung), do vậy phải trao đổi với nhau nhiều lần, qua đó càng hiểu sâu thêm vốn chữ Nôm uyên bác của cụ, tôi càng khâm phục sức lao động phi thường hàng chục năm, nhất là sau 1975 trở lại đây của cụ.

Qua lời cụ kể tôi được biết, cụ sinh ra ở Hưng Yên trong một gia đình Công giáo nhiều đời. Gia đình cụ là gia đình làm thuốc đông y rất có danh tiếng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1954 do thời cuộc, cụ và gia đình di cư vào Nam. Cụ vẫn nối được nghề làm thuốc gia truyền, đồng thời đứng vững trên tuyến đầu trong lĩnh vực dạy và làm sách Nôm ở phía Nam.

Cụ đã làm được một số sách thuốc về đông y. Sách thuốc của cụ đang có bán tại các hiệu sách Sài Gòn và toàn cõi Việt Nam, ví dụ có 500 bài thuốc gia truyền hoặc cuốn 400 bài thuốc gia truyền diễn ca. Cụ nổi tiếng với bạn bè Sài Gòn với bài thuốc “Lão Bạng sinh châu”. Nghĩa là Trai già nhả ngọc. Bài thuốc này dùng cho người hiếm con vì vợ hay chồng suy tinh, khí(*). Ông còn làm sách Những phương thuốc hay của thái y viện triều Lê hoặc cuốn Bút hoa y cảnh (quyển 2, 3, 4).

Theo thiển kiến của tôi tác giả này đáng được quý trọng chính là mảng sách chữ Nôm. Tôi xin điểm ra đây những ấn phẩm cùng một soạn giả: Từ điển chữ Nôm, Tự vị Nôm, Bảng tra chữ Nôm thế kỷ 17, Bảng tra chữ Nôm sau thế kỷ 17 (tức là chữ Nôm của thế kỷ 18, 19 và 20); Bảng tra chữ Nôm miền Nam; Truyện Kiều (đối chiếu chữ Nôm – Quốc ngữ); Gia huấn ca (đối chiếu chữ Nôm – Quốc ngữ), 30 tác phẩm của Maiorica (chữ Nôm thế kỷ 17), Đối chiếu chữ Nôm – Quốc ngữ (đã phiên âm xong, in vi tính, dùng làm tài liệu tham khảo, chưa xuất bản). Ngoài ra cụ còn có nhiều tác phẩm Nôm chưa công bố như: Hội đồng tứ giáo, Phụ Mẫu báo ân trọng kinh, Tứ nguyên yêu lý, Lâm mệnh, Kinh nguyện hàng ngày.

Gần đây cụ viết cuốn Học chữ Nôm đã được tái bản nhiều lần. Đây là cuốn sách dạy chữ Nôm được giải thích đầy đủ, cặn kẽ về cách cấu tạo và hấp dẫn nhất. Nó cần thiết cho những ai còn quan tâm đến sự tồn vong chữ Nôm ở Việt Nam hôm nay và mai sau.

Cuốn Đại từ điển chữ Nôm (Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh) là cuốn sách tổng kết thành quả lao động miệt mài cả đời như cụ Vũ Văn Kính đã viết. Để làm cuốn sách này tác giả đã thai nghén hàng chục năm nay, tham khảo trên 71 khối tư liệu khổng lồ về chữ Nôm khác.

Bảng tra cứu chữ Nôm sau thế kỷ 17 (Hội ngôn ngữ Tp. Hồ Chí Minh in 1994) là cuốn sách tổng kết chữ Nôm của thế kỷ 18, 19 và 20. Theo tác giả âm chữ Nôm khác hẳn chữ Hán nhiều, ví dụ âm “ốt” có đến 20 cách đọc khác nhau (chốt, chút, rót, đốt, chót, thót, thoắt, tót, tuốt, sót, sút…) hoặc như âm “du” có 27 cách viết khác nhau. Với vốn chữ Nôm uyên bác, qua cuốn sách này tác giả đã giải mã được rất nhiều chữ Nôm khó của Việt Nam.

Truyện Kiều (đối chiếu Nôm – Quốc ngữ) và cuốn Tìm nguyên tác Truyện Kiều là hai cuốn sách công cụ quý cho những ai muốn hiểu thấu đáo Truyện Kiều, khi vẫn chưa tìm thấy bản thảo gốc.

Từ gia đình làm thuốc đông y có vốn Hán học, Vũ Văn Kính đã kiên trì học hỏi để đạt đến đỉnh cao trong việc làm sách Nôm. Đó là một tấm gương học tập rất đáng để cho thế hệ trẻ noi gương. Nhiều tác giả khi soạn sách Nôm đã phải tham khảo sách của cụ Vũ Văn Kính, ví dụ Paul Schneider năm 1992 làm cuốn Dictionnaire Historique des Idéogrammes Vietnamiens, trong danh mục tài liệu tham khảo cuốn Tự vị Nôm Vu Van Kinh et Nguyen Van Khanh.

HOÀNG KIM THƯ st

(*) Tại trang 12 cuốn 500 bài thuốc gia truyền có bài thuốc “Lão Bạng sinh châu” dùng cho người hiếm con (cả vợ lẫn chồng), ngâm với 3 lít rượu ngon, hoặc sắc làm 2 thang, kẻo uống một lần khó tiêu hết, gồm có Bắc phòng đẳng 6 đồng cân, Bạch linh 4 đồng cân, Chích cam thảo 4 đồng cân, Bạch thược sao 4 đồng cân, Thục đại tốt 1 lạng, Xuyên tục đoạn 4 đồng cân, Long nhãn nhục 1 lạng, Hoàng Tinh 5 đồng cân, Đường tảo nhân 5 đồng cân, Dâm dương hoắc 1 lạng, Sơn dương 1 lạng, Nhị hồng sâm 1 lạng, Bạch truật sao 4 đồng cân, Xuyên quy đầu 6 đồng cân, Đỗ trọng sao 5 đồng cân, Ngưu tất 3 đồng cân, Câu kỷ tử 6 đồng cân, Đại tảo 1 lạng, Nhục thung dung 1 lạng và Lộc giao 1 lạng.

BA & CON GÁI

Trong mười hai con giáp Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, theo năm âm lịch có lẽ mèo là con vật dễ thương và gần gũi với con người hơn hết. Con mèo chỉ có khả năng là bắt chuột, suốt ngày chỉ đi ra đi vào hoặc nằm co ro lim dim ngủ. Khi thức nó thường chạy theo chân người chủ nuôi nó, bởi mèo có đặc tính quyến luyến với con người, nó thích được chủ vuốt ve. Khi được vuốt ve, mèo rất thích thú nằm ườn người ngoe nguấy cái đuôi cong, đặc biệt mèo có những kiểu nằm hay ngồi nhìn rất thú vị, yểu điệu nhẹ nhàng như những cô bé con, dáng đi của mèo cũng nhẹ nhàng uyển chuyển, mèo đi không gây ra tiếng động, khi mèo rình bắt chuột với đôi mắt xanh lè tròn xoe, đánh hơi bằng cái mũi hếch và chòm râu đung đưa cũng rất thú vị. Mèo còn có đặc tính là rất sạch, nó thường xuyên liếm lông hoặc quẫy người để rũ bụi bám vào lông. Mèo thường chạy theo chủ meo meo đòi ăn, mặc dù ăn rất ít. Tôi có một con mèo nuôi trong nhà. Khi tôi nằm ở ghế bố, con mèo thích nằm dưới chân tôi, có khi nó gác hẳn đầu lên chân tôi, nó nằm im không động đậy. Tôi thường nhìn ngắm con mèo, đôi khi có những ý nghĩ buồn cười đến trong đầu, con mèo là loài vật sung sướng nhất trên đời, sống chỉ để hưởng thụ. Đúng thế, con mèo thật vô tích sự.

Như người ta thường nói người nào sinh vào năm con mèo cuộc đời rất sung sướng, không hiểu điều này có đúng không với những người tuổi con mèo. Tôi sinh vào năm con mèo và hai người tôi yêu thương nhất trong cuộc đời là ba tôi và em gái cũng tuổi con mèo.

Ba tuổi Quý Mão, tôi tuổi Tân Mão, em gái tuổi Quý Mão. Năm tôi chào đời ba bước vào tuổi trung niên, em gái chào đời ông bước vào tuổi lục tuần, cảnh cha già con mọn, có lẽ vì thế nên ba cưng chìu hai chị em nhất trong số nhiều người con. Tuổi thơ tôi trải qua những tháng ngày sung sướng vô tư hồn nhiên trong tình yêu thương của ba tôi.

Thuở nhỏ tôi không thích chơi búp bê như các em bé gái khác. Khi em gái chào đời tôi rất vui, ẵm em tôi nghĩ như chơi búp bê. Từ khi còn trong bệnh viện, y tá ẵm em đi tắm, tôi cũng lẽo đẽo đi theo hoài cô y tá cười bảo: “Không ai đổi em bé của em đâu mà theo giữ”. Về nhà tôi giành việc chăm sóc em, khuya em khóc một tiếng là tôi thức dậy ngay, pha sữa cho em bú. Năm đầu sơ sinh, mỗi lần em bịnh nóng mọc răng… tôi ẵm em đi bác sĩ. Tôi ẵm em đi bằng xe xích lô. Khi ngồi chờ khám bệnh có những đôi vợ chồng trẻ tíu tít lo cho con, tôi nhìn họ và nghĩ đến ba, ba già bận bịu bao nhiêu công việc để nuôi sống gia đình, ba không có thời gian đưa con đi bác sĩ, và cũng buồn cười khi già sáu mươi tuổi ẵm con đi bác sĩ. Còn tôi thì trẻ con, lúc đó nhiều người hỏi “Ba mẹ đâu sao không đưa em đi bác sĩ?”. Tôi cười trả lời: “Má mới sanh còn yếu”. Năm em một tuổi, ba mua căn nhà mới. Căn nhà một trệt một lầu rộng rãi hơn căn nhà cũ. Tôi vui sướng với ngôi nhà mới thơm nồng mùi vôi.

Em gái mới chập chững tập đi, em bận áo đầm, tôi nắm áo phía sau lưng cho em tập đi, lớn một chút, em thích trèo lên thang lầu một mình. Sáng nào cũng thế cả nhà đi hết, chỉ còn tôi và em ở nhà, tôi bỏ em nằm chơi dưới gạch với mấy món đồ chơi, tôi ngồi bên cạnh học bài. Buổi chiều tôi đi học về, ba đi làm về, ba ẵm em trên tay hoặc ngồi trong lòng ba ở ghế xích đu. Khi em bốn năm tuổi ba vẫn ẵm em, khi ba ngồi làm việc em ngồi bên cạnh, năm tuổi còn mê ngậm nắm vú cao su. Bị mọi người cười vẫn không chịu bỏ. Chưa đi học mà thích ngồi vẽ hình tô màu.

Ba tôi làm tư chức. Mỗi ngày đi làm bằng xe xích lô thuê tháng. Ban đêm ông nhận thêm sổ sách của các hãng buôn về làm thêm và ông miệt mài viết tiếp quyển sử Việt Nam cho đến khuya. Sáng thì ông thức dậy từ 5 giờ, ông âm thầm lặng lẽ với công việc của mình. Một mình ba làm việc nuôi sống cả gia đình bảy nhân khẩu.

Ngày chủ nhật ông chơi cờ tướng với mấy ông bạn thân. Nếu có họp mặt với các bạn văn hữu hoặc dự các buổi diễn thuyết về văn chương thì ông dắt tôi theo. Cô con gái 17 tuổi được ông khoe với mọi người: “Con gái cưng”. Riêng đối với tôi, ông rất nghiêm khắc ngoài giờ đi học về nhà, ông không cho tôi đi đâu một mình. Ban đêm tuyệt đối không cho đi. Một lần người em cô cậu là sinh viên xin phép ông cho tôi cùng đi dự một đêm lửa trại hát du ca, chương trình đấu tranh cho hòa bình có nhiều ca sĩ nhạc sĩ nổi tiếng tham dự, tôi nài nỉ thế nào ông cũng không cho đi. Ông bảo: Dù là chị em cô cậu, con trai con gái không được đi với nhau ban đêm. Tôi ấm ức trong lòng, cũng là lần đầu tiên ba không chìu tôi. Tiếp đến lại xảy ra một việc khác mà tôi nhớ mãi suốt đời. Đó là vào ngày mùng 2 Tết Nguyên Đán, như thường lệ ngày nghỉ làm việc là ba chơi cờ tướng với hai ông bạn. Cả ba ông đều say mê đánh cờ, ngồi lại với nhau và chơi suốt ngày đến tận tám chín giờ tối, để hết tâm trí vào những nước cờ bí hiểm. Không muốn ba mất tập trung, khi cô bạn học rủ đi chơi nhà cô bạn ở xa vùng ngoại ô, tôi đi không nói với ba. Ngày Tết, nhà cô bạn mời ở chơi ăn cơm mãi đến ba giờ chiều mới ra về. Gần bốn giờ về đến nhà tôi rất ngạc nhiên khi thấy ba nghỉ chơi cờ, ông ngồi ở bàn làm việc. “Có chuyện gì thế”. Tôi ngạc nhiên nhìn vẻ mặt ba lo lắng buồn bã, ông hỏi tôi:

- Con đi đâu? Tại sao đi một mình.

- Con đã nói với má, con không đi một mình, đi với bạn. Tết nên ba má bạn bảo ở lại ăn cơm trưa nên về trễ.

Khi tôi vào nhà trong, má tôi đang cầm một vật gì đó trong tay bà ném vào người tôi may mà không trúng. Tôi vội đi thẳng lên lầu đóng luôn cửa phòng. Ở dưới nhà bà chưởi um sùm chì chiết bao nhiêu lời khó nghe?

- Mày là thứ con quý báu gì mà ổng chỉ biết có mày, không coi ai ra gì…

Tôi không hiểu ở nhà ba tôi nổi giận như thế nào, mà bây giờ im lặng không nói một lời nào. Đến giờ cơm chiều em gái lên gõ cửa phòng kêu tôi xuống ăn cơm. Tôi không trả lời cũng không mở cửa. Đến chín giờ tối cả nhà đi ngủ hết, ba lên gõ cửa phòng ông nói vọng vào:

- Thôi về nhà yên lành, không có việc gì xảy ra, ba hết lo. Xuống ăn cơm đi con.

Tôi im lặng không trả lời. Đêm đó tôi bỏ ăn, trằn trọc suốt đêm, khóc sưng cả mắt.

Từ một việc nhỏ như thế, lòng tôi cảm nhận được tất cả yêu thương của ba tôi. Hình như ông sợ tôi lạc khỏi tầm mắt của ông khỏi sự che chở của ông sẽ gặp điều bất trắc tai nạn xảy đến cho tôi chăng? Sự lo lắng của ba xuất phát từ trái tim hay từ tuổi già. Ba đã già trong khi tôi còn nhỏ dại, một cô con gái yếu đuối tính tình nhút nhát nhưng có chút nhan sắc. Từ sự khắt khe và hiểu được tấm lòng của ba luôn lo lắng cho mình, nên tôi ít giao tiếp với bạn bè. Bản tính tôi cũng không thích nơi đông người, không thích đi ra ngoài, sợ giao tiếp với người lạ. Tủ sách của ba là niềm vui của tôi. Cả một thế giới văn chương thơ ca đem đến cho tôi nhiều tri thức và cả sự mơ mộng lãng mạn. Tôi đắm chìm vào những trang tiểu thuyết thời tiền chiến, những bài thơ một thời vang bóng, và tập tành viết cho mình những vần thơ đầu đời.

Cuộc sống luôn luôn luân chuyển như vạn vật có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, từng mùa đi qua trên cuộc đời của mỗi con người. Tôi và em gái lớn lên trong khi ba càng già đi, năm ông 68 tuổi hàng ngày vẫn đi làm đều đặn cho đến một ngày ông bị ngất xỉu trên đường trở về nhà, ông lâm bệnh nặng hôn mê. Nằm bệnh viện bác sĩ chuẩn đoán ông bị bệnh tiểu đường. Sau nhiều tháng điều trị ba trở về nhà, nghỉ làm việc luôn.

Trong thời gian này ba sống yên ổn trong nhà dưỡng bệnh, đồng thời ba dành hết thời gian để hoàn thành quyển sử Việt Nam. Đó là tâm huyết và hoài bão của đời ông, ba lặng lẽ làm việc. Chiều chiều đi học về tôi vẫn nhìn thấy ba ngồi ở bàn làm việc hoặc nằm ở ghế xích đu đọc báo hay nghe Đài phát thanh. Em gái đi học về vẫn quanh quẩn bên ba như con mèo nhỏ đáng yêu của em.

Căn bệnh tiểu đường vẫn âm ỉ tàn phá cơ thể ba tôi. Dù uống thuốc ăn kiêng theo chế độ do bác sĩ điều trị vẫn không khống chế được, căn bệnh tái phát, ông bị hôn mê lần thứ hai. Nằm bệnh viện điều trị nhiều tháng liền, chỉ tiêm thuốc và vô nước biển. Mỗi đêm vào ngồi cạnh ba bên giường bệnh, cầm tay ba giữ cho ống tiêm nước biển khỏi tuột khỏi mạch máu. Sự sống của ông là từng giọt từng giọt nước biển truyền vào cơ thể. Bàn tay ba thâm tím những vết kim châm. Ông nằm đó thở thoi thóp đôi mắt khép, khuôn mặt trắng bệch im lìm như tượng đá. Tôi nắm tay ba trong tay mình và phát hiện tay ba và tay tôi giống nhau như hai giọt nuóc. Bàn tay ba mềm mại như tay con gái ngón thon nhỏ đều đặn. Có lẽ vì cuộc đời ông không làm việc gì nặng nhọc, cả đời ông chỉ làm việc bằng trí óc và cây viết. Nhiều tháng nhiều đêm trôi qua như thế, đêm bệnh viện bao trùm không khí tang thương chết chóc, một bệnh nhân cùng phòng từ trần. Tim tôi như thót lại. Những giọt nước mắt âm thầm chảy xuống, Ba ơi! Ba ơi! Tôi nắm tay ba chặt hơn trong tay mình. Bệnh tình ba trở nên trầm trọng có nhiều đột biến. Bác sĩ đưa vào phòng hồi sức cấp cứu có y tá chăm sóc. Mỗi ngày tôi vào bệnh viện ngó qua cửa kiếng chờ tin tức. Trời mùa đông rét căm căm, đi dọc trên những con đường nhỏ trong sân bệnh viện, ngồi trên những ghế đá im lìm dưới những hàng cây cao nhìn lên bầu trời trong xanh lòng tôi xao xuyến khôn cùng, mùa xuân và Tết nguyên đán sắp đến trong khi ba vẫn nằm đó trong căn phòng hồi sức.

Những ngày Tết trôi qua trong sự bồn chồn lo lắng, ba tôi tỉnh lại được đưa tở về phòng bệnh. Tỉnh lại sau nhiều tháng hôn mê ông vẫn nhớ mọi chuyện mọi người trong gia đình. Khuôn mặt ông hốc hác gầy tọp, đôi mắt không còn tinh anh. Tôi nói với ba giọng nũng nịu:

- Ba ngủ lâu lắm đó, giờ thức dậy muốn ăn gì để con gái nấu cho ba ăn.

- Ba muốn ăn cơm thố ở Chợ Cũ.

A! thì ra ba vẫn nhớ món cơm thố mà bao nhiêu năm đi làm ông vẫn ăn ở quán cơm tàu. Những năm ba còn khỏe mạnh mỗi tháng là ba đưa cả nhà đi ăn cơm tiệm, khi thì ăn cơm Tầu, tôi thích nhất là món cơm tay cầm nấu trong nồi đất với thịt gà rô ti. Khi thì ăn cơm Tây với món súp sữa tươi… Tôi cười bảo:

- Ba gắng ăn uống khỏe lại rồi dắt con đi ăn cơm thố há.

Tôi vui sướng đút cho ba những món súp, món rau luộc bệnh viện đưa đến, ba ăn mà không thích thú gì. Ông còn đòi ăn mì. Tôi cố ép ba ăn vừa cười vừa gượng:

- Bệnh tiểu đường bác sĩ cấm. Ba nghe lời bác sĩ mau lành bệnh trở về nhà ba nhé!

Nhưng thật không ngờ, ba tỉnh lại không được bao lâu một tuần lễ sau bệnh trầm trọng hơn. Ba bị hôn mê trở lại, bác sĩ báo đó là giai đoạn hồi dương, nếu gia đình muốn thì đưa ba về nhà. Về nhà đêm đó ba ra đi thanh thản trong căn nhà của mình.

Từ khi ba bệnh đến lúc ra đi không có một lời trối trăn. Năm đó tôi mười chín tuổi, và em gái tám tuổi. Ba chỉ sống trong căn nhà mới do ba tạo dựng nên bảy năm ngắn ngủi. Tôi không biết trong lòng cô em gái tám tuổi tiếc thương ba như thế nào, riêng tôi cảm thấy mất mát sụp đổ và cả một tương lai đầy khó khăn ụp đến cho gia đình. Sau đó tôi nghỉ học đi làm để kiếm sống. Một gia đình giàu có bạn thân của ba tôi nhận tôi làm việc ở cửa hàng xem tôi như con cháu trong nhà. Vẫn với bản tính đơn độc tôi thu mình trong cái vỏ của mình, đi làm suốt ngày, đêm về không bỏ được niềm đam mê đọc sách. Đó là thú tiêu khiển duy nhất, một mình một bóng và những trang sách.

Em gái rất ngoan ngoãn, đi học về quanh quẩn bên má. Từ nhỏ cho đến khi trưởng thành chưa bao giờ em làm điều gì để người khác phải bực mình la rầy. Tôi và em chưa một lần giận hờn hay tranh cãi. Điều làm tôi ân hận và ray rứt mãi trong đời là sau khi ba mất đi, tôi ít quan tâm đến em gái, em lớn lên như thế nào, học hành ra sao tôi chẳng biết. Chỉ nhớ em rất thích nuôi mèo, em có hai con mèo nhỏ, chăm sóc nuôi nấng trò chuyện với mèo như là bạn, hoặc em vừa làm việc nhà vừa hát. Có lẽ em cũng buồn trong căn nhà rộng lớn vắng lặng.

Khi em học hết cấp hai, em bảo muốn học nghề làm công nhân. Tôi thật ngạc nhiên và chợt nhận ra em đã lớn trưởng thành chín chắn so với tuổi đời còn thơ dại. Có lẽ em biết rằng hoàn cảnh gia đình sau ngày giải phóng, kinh tế khó khăn sẽ không lo được cho em vào đại học. Em vào học turờng trung cấp nghề, buổi tối đi học thêm bổ túc văn hóa cấp ba. Thương em quá! Mười sáu tuổi như ngày xưa lúc ba còn sống, tôi mười sáu tuổi, chỉ là một cô gái được nuông chìu, có biết suy nghĩ gì đến tương lai của mình.

Còn em đã sớm ý thức được rằng học nghề ra trường sẽ có việc làm tự lo cho chính bản thân mình. Ba năm sau em ra trường, trở thành một công nhân trẻ của một xí nghiệp sản xuất. Em khỏe mạnh nhanh nhẹn, xinh đẹp chớ không yếu đuối nhút nhát như tôi. Làm công nhân em chỉ thích mặc quần jean áo sơ mi. Em không thích các trang phục kiểu cọ, cũng không thích trang điểm phấn son. Đây cũng là một sự trái ngược hoàn toàn về tính cách của hai chị em sinh cùng tuổi con mèo. Ở tuổi em tôi chỉ thích mặc áo dài, ra khỏi nhà là phải trang điểm chút phấn son: “ăn diện, điệu hạnh, tiểu thư”, nhận xét của mọi người trong gia đình, tôi không phủ nhận. Thật sự không những quan tâm đến dáng vẻ trang phục bề ngoài, tôi luôn luôn giữ cho mình một nhân cách lịch sự trong giao tiếp với xã hội. Tôi sống nghiêm túc và chuẩn mực như công việc tôi được nhận làm sau ngày giải phóng, công tác xã hội. Mặc dù công việc tiếp xúc với mọi người, nhưng với bản chất cố hữu của mình đơn độc lặng lẽ, tôi làm tốt công việc của mình, cuộc sống đời thường ít bạn bè… Bước vào tuổi ba mươi vẫn sống độc thân.

Tôi sống độc thân cũng là điều khiến mọi người ngạc nhiên. Không phải tôi không gặp được người thương mình. Nhưng trong tình yêu có điều gì đó mơ hồ khó diễn giải. Tôi chưa xác định được việc có gia đình là quan trọng. Hay nói đúng hơn, tôi chưa gặp được một tình yêu thật sự, đích thực. Tôi cần một tình yêu duy nhất cho đời mình, một người yêu tôi tuyệt đối. Một sự đòi hỏi quá cao xa chăng? Hay là do bản tính quen được nuông chìu thích chiếm hữu? Một người quen biết, hình như hiểu được điều tôi suy nghĩ, người đó biểu lộ nhiều tình cảm lo lắng đã khuyên tôi:

“Trong tình yêu không cần sự tuyệt đối. Chỉ tương đối là được. Khi sống với nhau sẽ dung hòa, yêu nhau tất nhiên là phải lo cho nhau. Em đừng cầu toàn, lớn tuổi rồi lo lập gia đình đi”.

Tôi chỉ cười không trả lời. Không ai hiểu được lòng tôi. Hiểu được trái tim tôi. Tôi chưa gặp được người nào biểu lộ tình yêu tuyệt đối như tình yêu thương ba tôi dành cho tôi. Ý nghĩ này thật buồn cười lẩm cẩm, nhưng tôi cứ so sánh và phân vân. Có lẽ ấn tượng về ba quá sâu đậm, ba là một mẫu mực là thần tượng trong lòng tôi. Vì thế tôi để tuổi xuân trôi theo năm tháng. Cuộc sống độc thân cũng có nhiều mặt tốt đẹp. Không có gì vướng bận, không lệ thuộc vào ai cả, hợp với cái tính trầm mặc đơn độc trong con người tôi.

Đôi khi suy nghĩ thấy quan niệm về tình yêu hôn nhân của tôi có lẽ lập dị kỳ cục, trong khi em gái tôi cùng tuổi con mèo nhỏ hơn tôi 12 con giáp rất thực tế và đơn giản. Em làm công nhân và sẽ chọn người yêu là công nhân. Đúng như ý nguyện, em gặp người bạn trai tại xí nghiệp cùng làm chung ngành nghề. Em có mối tình đầu thơ mộng đẹp đẽ. Yêu nhau vài năm gia đình người bạn trai đi nước ngoài. Tôi cứ tưởng do hoàn cảnh trắc trở trùng xa cách như thế em sẽ quên. Nhưng thật không ngờ em vẫn vui vẻ sống và làm việc chờ suốt mười năm, khi người bạn trai ổn định được cuộc sống nơi xứ người, liên lạc với em gái nhờ người thân đến gia đình bàn chuyện hôn nhân bảo lãnh em sang nước ngoài. Tôi thật sự vui mừng cho hạnh phúc của em, tiễn em ra đi với một chút xao lòng, bởi em không tổ chức đám cưới tại nhà mà sẽ tổ chức ở nước ngoài trong nhà thờ. Gia đình chồng em là người đôn hậu nhân ái, đón em tôi vào gia đình thương yêu lo lắng như con ruột thịt. Đám cưới được tổ chức trọng thể, em gái làm cô dâu với gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Em có một tình yêu đầu đời trọn vẹn và một đám cưới tràn ngập hoa và lời chúc phúc của mọi người. Tôi khấn nguyện với ba: “Mong cho đời em may mắn hạnh phúc”. Không còn điều gì phải lo lắng khi em một mình ra đi. Em đã quyết định đúng khi chọn cho mình một bến bờ bình yên dù xa xôi nơi xứ người. Năm em gái lập gia đình tôi bước vào tuổi bốn mươi và vẫn sống độc thân.

Tôi không tin tử vi tướng số, nhưng mọi người thường nói người thiên can tuổi Tân cuộc đời luôn luôn thay đổi, đổi mới.

Thầy tướng số bảo đường chỉ tay tôi có đường Thiên định song song với đường bổn mạng. Tôi sẽ không quyết định được những biến cố xảy đến trong đời, cuộc đời tôi gặp nhiều bất trắc tai nạn, bị người khác hãm hại, gươm dao tua tủa, nhưng dù trong hoàn cảnh nào tôi vẫn bình an vô sự nhờ phước đức của cha và hưởng lộc của Trời. Nghe những lời như thế tôi nhớ lúc còn nhỏ có một lần ba mời ông bạn thân biết xem tướng số và lấy lá số tử vi cho tôi. Xem xong, ông trò chuyện với ba rất lâu. Khi ông ra về ba tôi ngồi im lặng trầm ngâm buồn bã. Tôi rất nôn nóng để nghe ba kể lại xem ông tiên đoán điều gì? Ba không nói với tôi một lời nào, tôi cũng không dám hỏi. Phải chăng ba đã biết cuộc đời tôi sẽ bất hạnh? Hiện tại sau mấy mươi năm ba đã về với cát bụi, sao trong lòng tôi vẫn còn linh cảm như linh hồn ba vương vấn trong căn nhà, luôn luôn che chở bảo vệ cho tôi, tôi tin tưởng như thế để làm điểm tựa trong cuộc sống đơn độc của mình. Khi ra đời làm việc, cuộc đời tôi không bao giờ bình yên. Nguyên nhân nguyên cớ gì tôi cũng không hiểu được. Mọi sự tưởng tốt đẹp bỗng xảy ra bất trắc tai nạn… làm đảo lộn cuộc sống thay đổi cả cuộc đời. Tôi suy nghĩ, tôi phân tích, tôi tìm lý do này đến lý do khác, là nguyên nhân khách quan hay chủ quan để không tin vào hai chữ định mệnh. Không tin vào lá số tử vi. Cũng không đổ lỗi cho hoàn cảnh, bệnh tật, tinh thần sa sút, khi tôi quyết định nghỉ làm sau mười lăm năm miệt mài cống hiến cả tuổi thanh xuân. Nghĩ lại sự việc này đúng với tử vi của tôi theo Đông phương và Tây phương. Theo Thiên văn học Tây phương người sinh vào cung Song Ngư tính tình luôn thay đổi có thể bỏ một việc làm để bắt đầu một công việc hoàn toàn mới. Một thời gian sau khi nghỉ làm việc, ổn định được tinh thần, tôi bắt đầu một công việc mới. Đêm đêm tôi trải lòng trên những trang viết. Viết đối với tôi là nhu cầu làm việc, sự lao động trí óc vừa là niềm vui. Tôi nghĩ nếu những tản văn, truyện ngắn, kịch bản được đăng báo nhận vài giải thưởng nho nhỏ là một công việc thầm lặng góp một phần công sức nhỏ của mình phục vụ cho xã hội.

Tưởng đâu cuộc đời sẽ bình yên trong đoạn cuối con đường của một đời người. Không ngờ lúc bước vào tuổi năm mươi lăm tôi phát hiện bệnh tiểu đường mắt bị thoái hóa. Tôi than thầm một mình

Trời ơi! Định mệnh! Số phận! chữ tài liền với chữ tai một vần. Tại sao? Tại sao? Ba ơi! Ba ơi!

Vào thời điểm này tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn về tiền bạc. Cũng như khi ba còn sống, các cô chú em ba thương yêu lo lắng cho tôi rất nhiều. Nhờ cô Sáu và em gái giúp đỡ tiền bạc thuốc men để tôi trị bịnh. Con gái cô Năm giúp tiền mổ mắt. Và các dì cơ quan cũ sinh hoạt trong câu lạc bộ hết lòng giúp đỡ động viên, nhưng chủ yếu là ở tinh thần phấn đấu vượt qua nghịch cảnh. Tôi chấp nhận mọi hoàn cảnh, không than van, không tuyệt vọng.

Cảm ơn tất cả mọi người. Đến giờ phút này tôi đã tin vào đường chỉ tay Thiên định trong bàn tay mình. Cảm ơn Trời Phật đã cho tôi bình an vô sự. Tôi vẫn đi tiếp đoạn cuối con đường của cuộc đời mình. Vẫn tiếp tục công việc tôi đang làm. Khi đặt viết vào trang giấy trắng, trí óc tôi bay bổng vào từng câu chuyện, từng số phận của nhân vật tôi tạo ra… Tôi hoàn toàn quên hết xung quanh, quên cả chuyện cơm áo gạo tiền, những lo toan của cuộc đời nghèo khó. Tôi cảm thấy hạnh phúc và sung sướng khi thực hiện được mơ ước và đam mê của mình, cái Duyên nghiệp Văn chương: được thừa hưởng từ ba tôi.

Ba tôi còn để lại cho gia đình một tài sản tinh thần quý giá, là bản thảo quyển CẬN ĐẠI VIỆT SỬ DIỄN CA. Hơn bốn mươi năm qua, những trang giấy đã ố vàng, rách, chữ đánh máy mờ nhạt. Tôi còn nhớ lúc đó, mướn đánh máy đem về, tự tay ba ngồi dán từng trang giấy bằng hồ khuấy. Trang bìa là chữ viết tay của ông. Một bản thảo xưa – cũ kỹ, đọng lại trong lòng tôi những thương tiếc ngậm ngùi về người cha thân yêu. Tôi cố gắng hoàn chỉnh lại bản thảo, có điều kiện sẽ in quyển sách này. Tôi chỉ còn mong ước như thế thôi. Ba đã cho tôi một cuộc đời dù không giàu sang danh vọng. Ba cho tôi một trái tim biết thương yêu và sống nhân hậu với mọi người như chính cuộc đời của ông. Tôi không có điều gì hối tiếc hay ân hận. Tôi vẫn chính là tôi. Cô con gái bé bỏng trong sáng của ngày xưa, như con mèo nhỏ thảnh thơi trong căn nhà của mình. Tôi không còn suy nghĩ cuộc đời tôi sung sướng hay bất hạnh kém may mắn. Chỉ biết cuộc đời đã cho tôi quá nhiều. Tôi biết trân trọng những gì tôi đang có và hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp theo cách riêng của mình. Tình yêu văn chương chữ nghĩa văn hóa nghệ thuật. Mãi mãi là những hoài niệm trong sáng ngọt ngào.

Tháng 10 năm 2007

HUỲNH THIÊN KIM BỘI

ĐÒN GÁNH -

MƯU SINH NGÀN DẶM

(Quảng Ngãi – Trà Vinh – 1000 km)

Làng Mỹ Trang (Tổng Phổ Vân), nằm dựa vào dãy Trường Sơn chạy dài từ Bắc vô Nam. Dân làng sống với nghề nông, nghề rừng và một số nghề phụ khác buôn bán hoặc đi làm thuê nơi xa.

Cách đây hơn 100 năm, tại làng này cô Bùi Thị Phụng chào đời 1896 (Giáp Thân), gia đình nghèo, đông anh em (7 người). Cô con thứ 3 của ông bà Bùi Văn Lan. Sinh ra trên mảnh đất nghèo nàn, đông người ít ruộng đất. Người ta thường nói: “chó ăn đá, gà ăn muối”, ý nói trên núi có đá, dưới biển nước mặn, chỉ có muối.

Núi bên kia, biển bên này

Ép cong dải đất tẹo gầy miền quê.

Đầu thế kỷ XX, tiếng lành đồn xa vào Gia Định - Đồng Nai: vựa lúa, cò bay thẳng cánh, cây trái bạt ngàn, cá tôm đầy sông… khí hậu ôn hòa.

Lúc ấy nhiều người miền Trung rủ nhau vào Nam sinh sống mong thay đổi cuộc đời, được sung túc hơn.

Hồi ấy vào Nam chỉ có 2 con đường bộ và đường biển. Nếu đi đường biển chuyên chở được nhiều, mà gặp nhiều nguy hiểm khó lường: sóng to, gió lớn, say sóng, bệnh tật phát sinh. Tại huyện Đức Phổ có 2 cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh ghe bầu thường đậu ở đây để lấy hàng chở vào Nam bán, mua gạo mang về miền Trung. Ghe thường chạy vào mùa gió bắc (gió chướng) khi về mùa gió Nam, như vậy thuận buồm xuôi gió cho việc đi vào Nam ra Bắc.

Như vậy cho ta biết con đường bộ đã có từ thế kỷ XVIII từ Bắc vào Nam Lê Quý Đôn đã làm cuộc hành trình 15 năm. Đầu thế kỷ XX chưa có xe ô tô chạy từ Bắc vào Nam, chỉ đi bằng ngựa, đi bộ. Đoàn người đi vào Nam sinh sống lần này có đàn ông, đàn bà, có cả cô Bùi Thị Phụng mới 13, 14 tuổi tóc còn để chỏm, còn việc gả chồng mà cô từ chối…

Mùa đông năm 1901, dưới làn mưa bụi, gió thổi lạnh tê tái. Bà mẹ tiễn con lòng đau như thắt lại “thân gái dặm trường” trên con đường làng lầy lội. Mẹ ôm con vào lòng, đầu cô Phụng gục vào ngực khóc giàn dụa, đưa tay gầy guộc đen sạm vuốt mái tóc con vừa khóc vừa nói: “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”. Con đi không biết bao giờ về hỡi con? Cô Phụng ấp úng trả lời: một vài năm nữa con về thăm mẹ. Hành lý mang đi chỉ có mấy thứ bộ quần áo bà ba đen nhàu cũ, mắm muối, ít gạo… để ăn đi đường. Tất cả để vào đôi thúng tre mới đan, cây đòn gánh mới đẽo, bụi tre sau vườn do cha cô vừa làm xong, chiếc nón lá mới chằm. Đều là mới cả để giúp cô trên đường mưu sinh là bước ngoặc cuộc đời, bà Lan nói thế. – Dạ con vâng lời mẹ.

“Cúi đầu từ biệt mẹ

Từ biệt cả làng quê

Quê mẹ không còn mẹ

Bao giờ con lại về”

Sau mấy ngày hành trình trên biển sóng gió lênh đênh, tới tận thành phố Sài Gòn hoa lệ người ta gọi “Hòn ngọc viễn Đông”. Mọi người lần đầu tiên nhìn thấy nhiều nhà cao tầng, đường sá rộng thênh thang, đủ hạng người Tây, Tàu, Ấn Độ…, xe cộ qua lại không ngớt, phần nhiều xe kéo, xe ngựa, còn ô tô rất ít, năm 1910 chỉ có 5 chiếc dành cho quan chức cao cấp. Lúc này thành phố Sài Gòn đã có nhà thờ Đức Bà (1880) cao 57 mét; Bưu Điện (1864-1877), Dinh Norodom (1868), chùa Giác Lâm cất lâu nhất (1744), Nhà Rồng (1862), chùa Giác Viên (1805), cột cờ Thủ ngữ cao hơn 50m Pháp xây (1802-1863). Lúc này con đường sắt đầu tiên ở Việt Nam là Saigon - Mỹ Tho (1885)… còn nhiều nhà cửa, dinh thự được xây từ thế kỷ 19. Cảnh phồn hoa đô thị, trên bến dưới thuyền, không giữ được đoàn người dừng chân lại chốn này. Mà họ còn phải tiếp tục về miền “gạo trắng nước trong” mà lúc đầu ra đi đã ước hẹn trước khi lên đường vào Nam.

Từ Sài Gòn xuôi về Cần Thơ, phải qua miền đất trù phú, cây trái sum suê của 2 bên đường quốc lộ Long An - Tiền Giang. Phải qua 2 phà của sông Tiền và sông Hậu của sông Cửu Long (Mê Kông).

Từ Cần Thơ về Trà Vinh đi bằng ghe lớn trên sông Hậu, con sông rộng lớn thuyền bè xuôi ngược, nhìn về xuôi không thấy bờ bến, hai bên bờ sông đồng ruộng vườn tược trải một màu xanh thẳm. Khi ghe đến vàm Bến Cát, xuôi về Cầu Kè - Trà Vinh ngày nay. Một chặng đường thủy, ô tô, cầu phà, hơn 1000 km từ nơi cô Ba Phụng ra đi từ làng Mỹ Trang (Đức Phổ - Quảng Ngãi).

“… Bà đến huyện Cầu Kè, theo đoàn di cư tạm thời sống tại ấp có tên là Chông Nô 3 thuộc xã Hòa Ân (Xã này có 3 ấp: Chông Nô 1, Chông Nô 2, Chông Nô 3). Đây là một ấp có nhiều đồng bào Khơme và có một cái chùa Khơme rất to. Người dân tộc nghe giọng nói người Việt mới đến này so với người Việt mới đến định cư là ấp giống Huế.”

Trong những tháng năm mới đến Nam Bộ, nơi ở mới hoàn toàn khác lạ với mảnh đất khô cằn sỏi đá quê hương xứ Quảng. Ở nơi đây, với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, với những mảnh vườn trái cây xanh ngát đủ loại trái, nào là: mít, mận, xoài, quýt, cam, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng… bà cảm thấy nơi đây đất lành chim đậu sẽ là quê hương thứ hai của bà. Với sức trẻ, với đôi đòn gánh bà tần tảo mua bán nay trái cây, mai bán rau cải… để kiếm đồng lời nuôi bản thân và tích lũy đồng vốn.

“Chèo ghe sợ sấu cắn chân

Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma

Tới đây xứ sở lạ lùng

Con chim kêu cũng sợ, con cá vàng cũng ghê”

Đến nay chúng ta vẫn còn thấy nỗi sợ hãi này trong các chuyện kể dân gian Nam Bộ. Truyện “Quỷ Hổ giáo” xưa kia, có hai vợ chồng nọ cùng một cô em chồng gốc Quảng Ngãi vào Nam khai khẩn đất hoang. Do cần cù lao động chăm chỉ làm ăn, họ mau chóng sung túc, xây được nhà to, lúa đầy bồ. Hai vợ chồng còn sanh được đứa con trai được cả nhà nâng niu. Nhưng đứa bé lại hay đau ốm nên khi ra đồng, mọi người đành để ở nhà, đóng cửa và cột lại vì sợ thú dữ làm hại. Một hôm cả nhà ra đồng thì có một con cọp đến rình, không vào nhà được nên phá rách vách lá nhảy vào móc họng đứa bé. Mọi chuyện đã rồi, cả nhà đành đem xác đứa bé đi chôn. Nhưng khi đêm đến, con cọp trở lại, móc thây đứa bé lên moi lấy trái tim. Từ ấy đứa bé thành quỷ, luôn phá phách, chẳng hạn khi người nhà vo gạo xong, nó giở vung bốc tro ném vào. Cá vừa chiên xong, nó bốc ăn hết rồi thẩy vào đó những con cá sống nhảy đành đạch. Mọi người đều sợ hãi và gọi nó là quỷ hổ giáo. Cả nhà bỏ đi nơi khác. Nhưng chẳng bao lâu sau, nó cũng tìm đến và tiếp tục phá phách. Về sau, một người trong xóm móc đất nắm hình Phật để trong bộng cây lấy tượng Phật về, lập trang thờ. Từ đó cả nhà mới được yên ổn.

Truyện phản ánh khung cảnh hoang vu của Nam Bộ trong buổi đầu khai phá, ma luôn theo sát những bước chân của con người. Con người đi tới đâu ma cũng theo tới đó. Vì vậy mới có câu hát:

“Chèo ghe vô gành con công

Dưới truồng cọp hộ, trên giồng ma rên”

“Rồi thời gian dần trôi được 5–6 năm đến lứa tuổi trăng tròn, do là người con gái Việt, có chút nhan sắc: trắng trẻo, xinh gái, ăn nói có duyên đã khiến cho nhiều trái tim cánh đàn ông Kinh cũng như Khơme phải thổn thức. Thế rồi có một chàng thanh niên Khơme con nhà khá giả đã đem lòng yêu thương bà say đắm và trái tim bà cũng rung động đáp trả, thế rồi họ yêu nhau và tiếp đến hôn nhân chính thức. Dù rằng bên đàng gái chẳng có cha mẹ, thân nhân, họ hàng chứng giám, trong khi bên đàng trai thì đông đủ cha mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn. Bà tủi thân, khóc rất nhiều, tuy nhiên nhờ tình yêu của chồng và sự thương yêu đùm bọc bên cha mẹ chồng, bà cũng cảm thấy yên tâm thầm nguyện chung thủy với chồng, thương yêu cha mẹ chồng như cha mẹ ruột của mình.”

Tuy cô Ba Phụng không có cha mẹ, bà con họ hàng ở đây, nhưng đám cưới được tổ chức theo nghi lễ của người Khơme đủ các lễ vật cho cô dâu nào vòng vàng, quần áo, trầu cau, bánh trái… đám rất linh đình kéo dài ba ngày theo phong tục. Thông thường trước khi cưới nhà trai phải ở rể nhà gái một thời gian, mục đích là sử dụng sức lao động để bù đắp chi phí do bên vợ đảm trách sau này. Nhưng đối với cô Phụng đơn thân độc mã. Không có gia đình bên gái nên bên trai không ở rể.

“Lúc lập gia đình bà khoảng 18–19 tuổi, bà theo chồng về sống nơi ở mới là ấp Chông Nô 1, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè. Chồng bà là một thanh niên Khơme, có sức khỏe lực điền dù không đẹp trai nhưng ăn nói có duyên, tính tình vui vẻ, ngay thẳng dễ mến. Ông có tên là: Lâm Chịa(1), gia đình khá giả, tài sản có hơn 4 – 5 mẫu đất ruộng, vườn. Dòng màu Việt và Khơme, bà đã sinh bốn đứa con cho ông.”

Thế rồi, như một định mệnh, sét đánh ngang tai, đất trời nghiêng ngả, chồng bà lâm trọng bệnh rồi mất ở tuổi 45.

“Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” bà đau buồn sống ở vậy nuôi 3 con thơ. Nhưng lại một lần nữa ông trời đã cướp đi đứa con trai út 16 tuổi yêu dấu bệnh mất đi khiến cho lòng bà như tan nát.

Tuy vậy, theo thời gian mọi sự dần đi vào quên lãng. Tinh thần bà dần ổn định bình tĩnh trở lại, bà tần tảo nuôi dạy hai đứa con cho đến tuổi trưởng thành, rồi dựng vợ gả chồng cho 2 con. Rồi các con lại đẻ cho bà một bầy cháu nội, ngoại xinh xắn.

Bà sống một thời gian dài, trọn một đời người sống chung đụng với đồng bào Khơme, bà đã quá quen thuộc với phong tục tập quán của người dân tộc tưởng chừng như bà là người Khơme thực sự. Bà đã nói và hiểu tiếng Khơme như tiếng Việt mẹ đẻ của mình, tuy rằng giọng nói cũng còn hơi “cứng cứng” còn sót lại một chút âm hưởng của tiếng Việt. Sống ở tuổi già cho đến gần trăm tuổi bà rất mãn nguyện. Bà thường đi chùa Khơme ở thôn sóc mình (chùa có tên tiếng Khơme gốc Phạn là: BồTumSoKô). Bà là một Phật tử rất ngoan đạo, bà thường đi chùa vào ngày rằm, ba mươi hay các lễ lạc do nhà chùa tổ chức. Bà sống đạo đức, thường giúp kẻ nghèo khó, bà răn dạy con cháu ăn ở hiền lành, sống nên làm việc thiện, tránh xa điều ác. Bà đã bỏ tiền mướn thợ xây một cây cầu đúc xi măng trong thôn sóc của mình cho mọi người đi lại (xây năm 1965, đến nay vẫn còn). Tình nhân ái của bà đã khiến cho mọi người trong thôn sóc phải kính nể và thương yêu bà thực sự.

Tôi là cháu ngoại của bà, tôi còn nhớ lúc đó tôi khoảng 12-13 tuổi (Nam), được cha mẹ phân công phải thường xuyên đến thăm bà, những tháng nghỉ hè phải đến ăn ngủ với bà, hai bà cháu ngủ chung một mùng để nghe bà kể chuyện đời xưa cho đến khuya, cho đến khi tôi ngủ thiếp lúc nào không hay biết. Có những đêm hai bà cháu cầm đèn lồng ra thăm vườn sầu riêng (vườn to hơn 1 mẫu rưỡi (15 công) vì kẻ trộm thuòng hay ăn cắp trái cây vào ban đêm). Bà bây giờ phải ở chung gia đình cậu Ba Sô nơi mảnh đất cũ từ trước đến giờ.

Tôi còn nhớ như in, có những lúc trưa hè oi ả, hay những buổi chiều trời mưa lất phất, bà nằm trên võng đưa kẽo kẹt, tay cầm con dao bé tí xíu gọt từng cành lá mo cau hay nhánh dừa để dành bó củi. Nằm cạnh bà nhìn thấy gương mặt nhăn nheo, trầm tư, hình như những kỷ niệm thuở xa xưa ở quê nhà xứ Quảng đã tuôn trào qua những lời thơ tục ngữ, ca dao mộc mạc của bà, pha lẫn một số câu văn do bà tự xuất khẩu thành thơ cho vần với âm điệu. Bà ngoại không hề biết chữ, nhưng tính nhẩm thì rất hay, vì vào Nam thời bấy giờ chỉ biết lo đấu tranh sinh tồn với cuộc sống, nên bà không có một ngày rảnh rỗi để đi học chữ. Sau đây là những bài ca dao, tục ngữ bà thường ngân nga đượm buồn:

 
- “Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé, bỏ bề con thơ”

 
- “Cá không ăn muối, là con cá thúi

(Nhãn: cá ươn)

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”

 
- “Ầu ơ cầu váng đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo, rập rình khó đi

Khó đi mẹ dẫn con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời!”

 
- “Trời mưa bong bóng phập phồng

Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”

 
- “Má ơi đừng đánh con đau,

Để con bắt ốc hái rau má nhờ”

 
- “Chiều chiều ra đứng bờ ao

Nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều”

 
Nằm bên cạnh bà, tâm hồn tôi như bay bổng, chìm đắm vào giấc ngủ ngon lành.

Rồi những bài thơ Lục Vân Tiên, được bà ngâm từ câu này qua câu khác mà tôi không thể nhớ hết được. Tôi chỉ còn nhớ:

 
“Trước đèn xem chuyện Tây minh

Gần cười hai chữ nhân tình éo le

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc trước lánh đè thân sau

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.

 
“Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái ta là phận trai

Gặp đây đương lúc giữa đường

Của tiền chẳng có bạc vàng cũng không

Giữ câu báo đức thủ công

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.

 
“Thưa rằng: Tiện thiếp đi đường

Chẳng hay quân tử quê hương nơi nào?

Phút nghe lời nói thanh tao

Vân Tiên há hở lòng nào phôi pha

Đông Thành vốn thiệt quê ta”.

 
“Chim kêu vượn hú tứ bề nước non

Vái trời cho đặng vuông tròn

Trăm năm cho trọn lòng son với chàng”.

 
“Bày ra sáu lễ sẵn sàng

Các quan đi họ cưới nàng Nguyệt Nga”.

 
“Rày mừng hai họ một nhà thành thân

Trăm năm biết mấy tinh thần

Sinh con sau nối gót lân đời đời”.

 
Có những lúc tôi vô tư hỏi ngoại, quê của ngoại ở đâu?

Bà ngậm ngùi trả lời:

- Quê ngoại ở làng Mỹ Trang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

- Ngoại có nhớ cha mẹ hay anh em của ngoại không?

- Nhớ nhớ!!! Nhưng đường sá xa xôi. Bà không thể đi thăm được.

- Ngoại có tính khi nào rảnh rỗi về thăm quê ngoại lại không?

Ngoại chợt buồn, rơm rớm nước mắt trả lời:

- Ngoại đã già rồi, hơn nữa thời buổi chiến tranh đi lại rất khó khăn nên ngoại không thể đi được. Sau này các cháu có sức khỏe nếu có dịp hãy đến quê ngoại thăm lại quê cha đất tổ. Cho ngoại gửi lời thăm hết thảy bà con ruột thịt của dòng họ Bùi nhé.

Đó là lời nhắn nhủ sau cùng của Ngoại, đến năm 1998 (Mậu Dần) do tuổi cao sức yếu bà lâm trọng bệnh, rồi qua đời hưởng thọ 102 tuổi.

Theo phong tục của người Khơme, người quá cố được hỏa táng(2). Cốt để trong lọ hình tháp, tùy theo từng gia đình như nhà vua tháp vàng, còn dân thường để trong lọ bằng bạc, đồng, thau, gốm sứ. Cốt của bà Bùi Thị Phụng được để trong lọ tháp bằng thau đặt trong tháp chùa Chông Nô ấp 3 xã Hòa Tân. Nơi an nghỉ cuối cùng về với Phật bà đã tâm niệm lúc sinh thời. Cả cuộc đời lận đận với cây đòn gánh trên vai từ miền Trung vào Nam Bộ. Cuộc sống thành đạt, giữa dòng máu Khơme-Kinh. Sinh được 4 con (2 con chết sớm), hiện nay có 5 cháu nội, 10 cháu ngoại. Những ngày lễ, tết các cháu đến dâng hương tại tháp để tỏ lòng “uống nước nhớ nguồn”.

Thực hiện lời mong ước của bà về thăm quê, nhưng vì chiến tranh không thể thực hiện được. Bà chỉ về quê một lần vào khoảng sau năm 1936 đến năm 1940 lúc đó bà khoảng 45 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, em trai là Bùi Văn Hấn(3) vào thăm.

Hai chị em mừng rỡ khôn xiết “nước mắt để cho ngày gặp mặt” sau mấy mươi năm xa cách.

Ngày 20.6.2008, cháu nội Lâm Ngọc Tài và cháu ngoại Lâm Minh Lợi và Lâm Quang Hiệp, dưới sự hướng dẫn của ông Bùi Đẹp, đã về quê Mỹ Trang, nơi sinh ra bà Bùi Thị Phụng (chôn rau cắt rốn). Về đất tổ của họ Bùi, dâng hương tổ tiên và thắp nhang mộ phần ông bà ở xã Phổ Khánh và Phổ Cường. Bà con họ hàng, mừng rỡ vô hạn không sao nói hết chuyện ngày lẫn đêm. Phổ Cường xã anh hùng trong thời chống Mỹ nơi bác sỹ Đặng Thùy Trâm hy sinh, nổi tiếng với cuốn nhật ký, hiện lưu tại thư viện nước Mỹ và đã dịch ra nhiều thứ tiếng. Phổ Cường hiện có trạm xá và huyện Đức Phổ có bệnh viện được mang tên anh hùng liệt sỹ bác sỹ Đặng Thùy Trâm…

Thực hiện: Bùi Đẹp – Lâm Trọng

(1) Vua Gia Long đặt 5 nhánh họ: kim, thạch, sơn, lâm, danh để người Việt gốc Khơme cho con cháu mình để tùy tìm gia phủ. Còn họ Châu do gốc từ Khơme.

(2) Hỏa táng có từ thế kỷ XIII thành quốc tục.

(3) Ông Bùi Văn Hấn chiến sĩ du kích Batơ tiền khởi nghĩa 8.1945

Phụ Bàn II

DỊCH THƠ

PHẢI THÀNH THƠ

TIẾNG CA THU

Paul Verlaine

Tiếng đàn ai

Nức nở hoài

Mùa thu

Đau tim ta

Nỗi sầu tẻ nhạt

 
Chao ơi! Ngột ngạt

Tái tê

Khi lòng ta lại nhớ về

Ngày qua

Mà sa nước mắt

 
Ta lại đi

Theo gió phũ phàng

Cuốn lang thang

Đâu đó

Như chiếc lá vàng

Rơi

(Tố Hữu dịch)

Ngay sau bữa đến thăm nhà thơ và được nghe nhà thơ đọc, tôi đã chép lại bản dịch trên đây. Chính nhà thơ Tố Hữu đọc cho chúng tôi – tôi và anh Phan Hồng Giang – cùng nghe. Bản dịch chưa đăng ở đâu bao giờ. Các bạn hãy nhìn vào bản chép ra ở đây. Và rồi hãy thử tự mình chậm chãi đọc lên se sẽ. Nào, có phải các bạn đang đứng trước phong cảnh một buổi chiều thu nào đó tơi tả lá vàng rơi?

Chiều qua, trời trở gió bắc về, ngồi trong căn phòng khách rộng đóng kín cửa chỉ có ba người, nghe nhà thơ thoạt đầu đọc nguyên bản tiếng Pháp của Verlaine, rồi tiếp đến bản dịch ra tiếng Việt của mình, chúng tôi thực sự cảm nhận được cái hồn của “lá vàng rơi”. Không thông thạo tiếng Pháp, nhưng riêng bản dịch ra tiếng Việt của Tố Hữu cũng đã đem lại cho chúng tôi cái cảm nhận ấy. Đến khi về nhà chép lại sạch sẽ ra giấy và tự đọc lên một lần nữa thì tôi thật sự sửng sốt trước một tác phẩm trọn vẹn bằng tiếng Việt mẹ đẻ của chúng ta. Ở đây có đủ cả “ý, tình, hình, nhạc” như chính nhà thơ chuyện trò với chúng tôi đã đưa ra đòi hỏi ở thơ sáng tác cũng như ở thơ dịch. Ông tâm sự: “…mình không hiểu thơ bây giờ ra sao. Có thể mình lạc hậu, kém cỏi mà không hiểu nổi chăng? Thơ tình cũng vậy, không hiểu họ nói gì. Thơ là tình cảm, là cảm xúc, là rung động. Phải có ý, có tình, thơ phải có hình ảnh, có nhạc… Văn là quan trọng lắm. Nó là cái nút ấn vào (ông đưa ngón tay ấn vào ngực mình). Phải đi được vào lòng người. Tiếng Việt ta phong phú và đẹp lắm… Lơ thơ tơ liễu buông mành, dịch thế nào được chữ lơ thơ ra tiếng nước ngoài. Dịch thơ nước ngoài ra tiếng Việt phải vận dụng cái phong phú, cái đẹp của tiếng Việt mà dịch cho hết cái đẹp của nguyên tác. Dịch hết cái hồn của nó và dịch thơ phài thành thơ, thơ Việt Nam cho bạn đọc Việt Nam… Có người cứ đòi dịch sát từng chữ, vừa sai ý, vừa chẳng thành thơ, chẳng rung động được ai…”

Cái ý ấy ông đã nhắc đi nhắc lại không phải một lần. Trước đây có lần tôi đã được nghe ông nói tương tự như thế. Trong cuộc đời sáng tác văn học của mình, nhà thơ Tố Hữu đã bắt tay vào công việc dịch khá sớm. Có lần ông kể, hồi đang học ở trường Quốc học Huế, vì tham gia phong trào thanh niên học sinh ông bị cắt học bổng. Tố Hữu đã tìm đến ông Hải Triều xin việc và được giao cho dịch cuốn tiểu thuyết Người mẹ của M.Gorki. Cậu học sinh Tố Hữu đã dịch xong cả cuốn tiểu thuyết Người mẹ, nhưng vừa lúc đó cậu bị Tây bắt và bản dịch cũng bị tịch thu, rồi mất luôn. Về sau trong kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, Tố Hữu lại trở lại về dịch thuật. Ông đã dịch: Đợi anh về, Aliosa nhớ chăng, thơ của nhà thơ Nga Xô viết K. Ximônôv, cho đăng trên tạp chí Văn Nghệ, lúc đó mới ra đời.

Việc dịch tiểu thuyết Người mẹ của M. Gorki, có lẽ Tố Hữu chưa có dụng tâm. Như ông nói, bấy giờ cần tiền ăn học. Nhưng đến việc dịch những bài thơ của K. Ximônôv thì Tố Hữu làm hoàn toàn chẳng khác việc ông sáng tác. Có lần ông đã kể cho một bạn bút nước ngoài, đạo diễn điện ảnh Xô viết Raman Karmen: “Bấy giờ là thu đông năm 47, giặc Pháp tấn công ra vùng tự do. Tôi đã thấy cảnh làng xóm bị chúng đốt phá, cảnh đau thương mà chị em phụ nữ chúng tôi phải gánh chịu. Vừa hay tôi có được trong tay một cuốn sách văn học Xô viết bằng tiếng Pháp, trong đó tìm thấy mấy bài thơ của K. Ximônôv. Những bài thơ đã làm tôi xúc động mạnh, liên tưởng đến cảnh làng xóm bị tàn phá trước mắt. Tôi đã dịch một mạch xong bài thơ”. Bản dịch Đợi anh về, Aliosa nhớ chăng của Tố Hữu ra đời từ đó đã được bao nhiêu thế hệ bạn đọc Việt Nam truyền nhau ghi nhớ thuộc lòng suốt gần nửa thế kỷ nay rồi. Đợi anh về của tôi sẽ còn sống mãi trong bản dịch tuyệt vời của anh – chính tác giả của nó, K. Ximônôv, trong bài Gửi Tố Hữu cũng đã phải thốt lên như vậy.

Sau này thỉnh thoảng nhà thơ Tố Hữu vẫn tiếp tục dịch thơ. Ông dịch không nhiều, nhưng trong mỗi bản dịch của mình ông đều gửi gắm tâm tư tình cảm, đều để hết rung động sâu xa của lòng mình vào. Ông dịch những bài thơ ông thực sự đồng cảm, thực sự yêu thích, thực sự thấu hiểu. Những bài thơ ông thấy rõ quả là chân thật, không phải “làm xiếc câu chữ”… ông bảo Pôn Eluya không dễ gì hiểu được. Nêruđa dài dòng quá. Ông thích Nadim Hítmét, hay B. Brext. Ý tứ rõ ràng, vần điệu súc tích, hình tượng dễ nắm bắt. Ông thích Tagor. Tagor lớn lắm. Trữ tình mà thâm thúy. Thơ văn xuôi Tagor cũng thật hay. Thơ văn xuôi cũng phải là thơ. Ông phân biệt với thứ văn xuôi mạo nhận là thơ…

Lần này chúng tôi đến thăm nhà thơ là để mang đến mấy tập thơ của Tagor đã được dịch ra tiếng Pháp mà Tố Hữu ao ước được đọc để chọn dịch lấy một tập chừng trăm bài. Lần trước đến thăm ông, chúng tôi đã có dịp chuyện trò khá lâu về việc này. Ông hoàn toàn ủng hộ dự kiến của Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra đảm nhận thực hiện tủ sách 100 tác phẩm chọn lọc của văn học thế giới… Đó cũng là ý kiến của chính bản thân ông mới đưa ra ở cuộc họp mặt các nhà văn lão thành nhân dịp đầu năm: phải xây dựng trước mắt một tủ sách cho đông đảo bạn đọc cả nước gồm các tác phẩm cổ điển trong nước và mười nền văn học lớn trên thế giới, mỗi phần chừng một trăm cuốn… Bản thân ông cũng sẵn sàng đóng góp về mặt dịch thuật. Ngoài thơ Tagor, ông có thể dịch mươi nhà thơ khác mỗi người chừng năm, mười bài. Ra được một tuyển thơ thế giới chừng 1.000 bài thì hay quá. Tố Hữu có thể tham gia dịch tốt 50, 100 bài…

THÚY TOÀN

Trích Sổ tay 11/3/1996

THIỆN VÀ ÁC

Thiện và ác có nghĩa là lành và dữ. Vậy trong cuộc sống cái nào cần thiết cho con người?

Theo cách nghĩ quen thuộc, người ta thường khuyên dạy con người phải biết ghét, ghê tởm cái ác tức cái xấu và yêu cái thiện, cái lành tức cái tốt vv… và thường tình ai cũng biết phê phán, chê bai cái mình cho là sai, là quấy, mà không mấy ai tự tìm hiểu sâu hơn, rốt ráo hơn về cái mình đã cho là phải, nó có đơn giản như là mình nghĩ không? Bởi “Chỉ có những người không biết gì mới không hoài nghi” nên mới còn có người cho rằng “Trên đời không có việc gì là tốt hay xấu, chỉ có sự suy nghĩ để cho những việc đó là tốt hay là xấu mà thôi”(1). Ta thử suy nghĩ xem sao?

Ai đã xem truyện hoặc phim “Tây du ký”, vâng lại “Tây du ký”, bởi nó quá quen thuộc với mọi người rồi nên dễ hiểu và cũng đều biết việc Thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, phải vượt qua muôn vàn gian khổ, hiểm nguy và luôn bị bọn yêu tinh rình rập bắt ăn thịt. Tất nhiên yêu tinh không lộ nguyên hình mà thường biến thành những cô gái xinh đẹp, dễ thương hay thành những ông già, bà già khổ sở đang cần sự giúp đỡ vv… Tôn Ngộ Không là đồ đệ cao thủ số một của Đường Tăng, luôn sớm nhìn thấy rõ chân tướng của chúng nên đã giết chúng ngay để trừ hậu họa. Nhưng khi nhìn thấy cảnh “giết người” đó, Đường Tăng cho rằng Tôn Ngộ Không đã “sát sinh”, làm điều ác nên ông rất tức giận, thậm chí còn đuổi Tôn Ngộ Không đi. Độc giả thấy rõ cùng một sự việc mà một người hết lòng trung thành bảo vệ thầy cho là nên làm còn người kia nghĩ ngược lại cho là làm việc ác, là xấu và xua đuổi.

Cuộc sống bao đời nay cũng vẫn diễn ra như thế. Ngược dòng lịch sử xưa nay của nhiều nước đã chứng minh điều đó. Lực lượng khởi nghĩa trương cờ “đại nghĩa” kêu gọi mọi người đứng lên lật đổ triều đình vì cho Vua là “hôn quân”. Còn triều đình thì cho họ là phản loạn, là khủng bố vv… liền huy động quân đi diệt trừ. Hai bên tuyên truyền lôi kéo dân theo mình. Người dân, người lính do trình độ có hạn, lại bị bưng bít thông tin hay nghe thông tin một chiều, thậm chí bị xuyên tạc, lừa dối của lực lượng cầm quyền hoặc cả một hệ thống nên họ rất khó nhìn thấy chân tướng sự việc, đúng sai, tốt xấu. Chỉ khi nào một bên thắng thế giành được giang sơn rồi thì người ta mới thấy rõ đất nước ấy thuộc về ai? Của một ông vua hay một dòng họ, hoặc của một nhóm người thống trị đất nước, là “hôn quân” hay “minh quân”. Họ có thực hiện lời hứa lúc ban đầu hay không? Có đem lại tự do, hạnh phúc thực sự cho dân không? Hay nhân dân mãi vẫn là thần dân khổ sở, cơ cực mà thôi? Trong một lúc nào đó, thậm chí hết cả cuộc đời, mới nhìn ra được chân tướng sự thật, mới rõ mình đi đúng hay bị lừa, bị lợi dụng… và khi phát hiện ra thì đã quá muộn hoặc phải trả cái giá quá đắt rồi.

Ví dụ: Khi một nước đi xâm lược hay can thiệp vào một nước khác thì họ giải thích cho nhân dân, binh lính và cả với người khác là họ đang làm việc trọng đại “khai hóa văn minh” hoặc vu khống cho nước kia là khiêu khích, quấy rối họ vv… Núp dưới chiêu bài đó họ xua quân đánh chiếm, diệt tất cả những lực lượng “chống đối” cản trở trên đường đi của họ. Ai diệt được nhiều “địch” tức giết được nhiều người thì được khen thưởng, tặng huân, huy chương, thăng quan tiến chức vv…

Còn nước bị xâm lược, bị đàn áp, bóc lột sẽ đứng lên chống lại để bảo vệ đất nước, nhân dân mình và tất nhiên ai có thành tích giết được nhiều “kẻ thù” tức giết được nhiều người thì cũng được tuyên dương dũng sĩ, anh hùng vv…

Theo cách nghĩ thông thường hễ cứ “giết người” là ác và giết nhiều người (kẻ thù) là đại ác… Nhưng không dám ra tay diệt cái ác (kẻ thù xâm lược), chẳng lẽ ngồi bó tay để chúng tàn sát dân mình, xâm chiếm nước mình hay sao? Vậy tiêu diệt bọn xâm lược là “chính nghĩa” là việc tốt nếu ta chiến thắng. Vâng phải là người chiến thắng vì người ta còn có câu “được làm vua thua làm giặc”. Kết cục lẽ phải thuộc về phía kẻ mạnh, kẻ chiến thắng.

Thực tế đã chứng minh “lấy bạo lực để chống lại bạo lực” để chiến thắng cái “ác” thì mới bảo vệ được cái thiện, lẽ phải và chân lý (trong điều kiện cụ thể nào đó không đánh mà thắng thì cũng là đề tài khác đáng bàn). Điều đó cho ta thấy “yêu, ghét, thiện, ác tất cả đều cần thiết cho con người”(2).

LÊ MINH CHỬ

(1) Shakespeare

(2) W. Blake


Duyên thơ

 
Thú vui tao nhã thanh cao

Ngâm thơ vịnh nguyệt

         dạt dào mê say

Ngẩn ngơ ngắm dáng mai gầy

Bâng khuâng

        thương cánh chim bay cuối trời

 
Thú vui tao nhã tuyệt vời

Thả hồn theo suối

        ca lời thiên thu

Bồi hồi nhặt áng sương mù

Trên hồ Than thở

          Đồi Cù – Cam Ly

 
Lạc hồn vào cõi Đường thi

Chìm trong vạn cổ

           tư duy sáng lòa

Con tim dệt gấm thêu hoa

Luật niêm vần điệu

           đậm đà vương tơ

 
Tri âm tri kỷ hằng mơ

Đồng thanh tương ứng

Bến bờ tâm giao

Thú vui tao nhã thanh cao

Ngâm thơ vịnh nguyệt

               dạt dào mê say

NGÀN PHƯƠNG

 
NỖI LÒNG

CHIM CÁNH CỤT

 
Ta lặng lẽ đứng bên ghềnh đá vắng

Nhìn đại bàng xoải cánh

       chín từng mây

Thèm được một lần chắp cánh tung bay

Qua rừng núi…

       trùng dương – Sa mạc rộng

 
Rưng nước mắt – ta thấy mình lạc lõng

Trách cuộc đời…

Sao nhỏ hẹp nhiễu nhương

Chỉ ước mơ giấc mộng rất bình thường

Được lướt gió băng sương

                       như chúng bạn

 
Mộng vô hạn mà sức thì hữu hạn

Ta ngậm ngùi

lững thững bước cô đơn

Có đôi khi thầm giận dỗi trách hờn

Sao kiếp sống bất công

                   đầy bất hạnh

 
Ta cố sức ngẩng cao đầu vỗ cánh

Vượt chính mình

Vượt nỗi khổ triền miên

Quyết kiên trì dũng cảm quyết bay lên

Nhưng kiệt lực

           đầu hàng câu mệnh số

NGÀN PHƯƠNG

HOA VÀ RÁC

Rác biến thành hoa tỏa ngát hương

Diệu kỳ tạo hóa tuyệt, vô cương

Hoa sắc tàn phai hoa thành rác

Rác – hoa – hoa – rác cõi vô thường

 
Đâu phải sinh ra đã là hèn

Bởi không ưa thích cảnh bon chen

Vì thế người đời coi như rác

Hoa – rác – rác – hoa chẳng sang hèn

LÊ MINH CHỬ

GỬI NGƯỜI QUAN HỌ

Buông chi câu: "Ở đừng về"

Làm người đi thấy nặng nề, vướng chân!

Ở? Về? Về? Ở? Phân vân

Về - còn gặp lại? Ở? chừng nên không?

Lời mời biết có thật lòng

Hay vui cứ thốt, bởi không mất tiền?(*)

Tâm Nguyện

* Lời nói không mất tiền mua

THƠ CHO MỘT NGƯỜI

 
Ta xin lỗi đã gá hờ em một nét môi

Khi sông biển đời ta mùa bão động

Để mắt em võ vàng từng đêm trống

Dẫu bên ta cũng chẳng có gì hơn

 
Thôi cũng đành xin lỗi những tủi hờn

Ngày xuân cũ đã không quay trở lại

Trái tim ta đã thành manh áo vá

Chẳng còn gì để có thể trao em

 
Thôi đừng nữa ta xin em đừng nữa

Những xác xao mòn mỏi những hư hao

Em hãy tô môi thắm một màu đào

Và ra phố mua một ngày nhan sắc

 
Ta bốn bể đồi hoang gió lộng

Ngại ngần gì chuyện đóng cửa cài then

Nên cũng đành một tiếng lỗi tình em

Ngày xuân đến ta mời em cất bước

ĐÀM LAN

VŨNG BUỒN

 
Cô gái bán trái cây nói nhỏ vào tai tôi

Chú ơi, mua đi, vì mận này không xài thuốc trừ sâu đâu nhé.

Chú không tin ư! Đây này, có mấy con sâu... ghẻ

Đang loay hoay trên cọng lá là minh chứng rõ rõ ràng!

Mắt cô long lanh và giọng cô nghiêm trang

Cứ như thể ăn sâu là bổ dưỡng!

 
Cô nàng bán vé số kèo nài, liến thoắng

Anh ơi, mua giùm em mấy tấm đi anh

37 nè, 96 nữa... ôi cái giọng ngân

Suýt chút nữa làm tôi tin mấy con số ấy

                             sẽ đưa tôi lên ngôi tỉ phú!

 
Sáng ra, điểm tâm với tô bún mà lòng còn ngờ ngợ

Rổ rau kia có nhuộm phẩm xanh rờn

Mấy cọng đọt chuối sao mà trắng ươm

Có tẩm cái gì không thì, mẹ ơi,

             chính cái bà bán bún cũng lắc đầu quầy quậy!

 
Đường sá thì đông xe, mà con người lại nóng nảy

Máy xe gầm gừ cũng chẳng át hết tiếng cãi nhau

Có khi chỉ vì những chuyện rất tào lao

Như cọ quẹt bởi phải nhúc nhích từng cen-ti-mét một.

Hoặc ai đó lỡ nhìn tấm lưng trắng muốt

Của cô nàng như chọc vào mắt vạn vạn người qua

Xe dừng lại và gã - chắc là người yêu của nàng - lao ra

Nhìn cái gì mà nhìn!

                Ông cho ngay một phang nón bảo hiểm.

 
Thử đọc báo mà xem, đọc chưa xong mà hổn hển

Với chuyện đời xe cán chó, chó cán xe

Sao cuộc đời có lắm chuyện thị phi

Sao mặt báo đẩy đưa hầm bà lằng

                 chuyện trong nhà ngoài ngõ

Chuyện thầy giáo, chuyện quan quyền,

              kể cả chuyện về nhiều ngài tiến sĩ

Học rõ cao, tay rõ khỏe để bóp họng bần dân

Vào bệnh viện mà xem, người chờ đợi lan tràn

Lâu lâu mới có lương y như từ mẫu.

Cái gì cũng tiền, vì tiền có bao giờ xấu

Và mùi thơm của nó ăn đứt mọi thứ nước hoa

Nó phủ lên lương tâm đến nỗi gây mù lòa

Cho đến nỗi ai cũng tin rằng nó chính là thượng đế

Thượng đế này chẳng cần viết hoa.

                  Hoa mà làm gì cho ra vẻ!

Tiếng sột soạt của nó ru ngủ mọi đắn đo

Đến nỗi, khi có việc, chỉ cần xòe tay ra

Là từng xấp trôi vào đâu không biết.

 
Cứ mở truyền hình ra mà xem cái thế giới loài người be bét

Mọi cường quốc cứ mãi mãi hằm hè

Mọi nhược tiểu cứ rưng rức nín khe

Hoặc cựa quậy bằng búa rìu

            mua từ những ông tai to mặt lớn!

Ấy vậy, miệng mấy ổng ngoác ra to lắm

Cứ như mấy ổng là thượng đế không bằng!

Thượng đế này cũng chỉ cần viết thường thôi,

             loại thượng đế đeo kính râm

Để khỏi phải thấy niềm đớn đau nhân loại.

Mà cũng để nhân trần không bao giờ nhìn thấy

Cái dã tâm của kẻ cậy bắp thịt mình to!

Chúng thế cả thôi! Cái miệng tròn vo

Nói thì nhiều mà làm ư? Còn xem lại!

 
Cứ nhìn lên bầu trời đi, có bao giờ nắng mãi

Hay mưa hoài cho thối đất tàn hoa

Chẳng biết ta có sức để đợi xem, rồi ra

Con người sẽ loay hoay như thế nào?

Để sống như Thượng Đế từ muôn xưa mong mỏi...

LAMTRẦN 21.03.2014

TRƯA NẮNG

 
Trời gì mà nắng thế

Cạn hết cả hồn xưa

Đàn chùng dây phèn phẹt

Thơ thộn giấc lơ ngơ.

 
Nắng xiên vào sau cửa

Gió ẩn giấc tu hành

Thi nhân lưng dán đất

Cót két cái quạt ngân.

 
Cún vàng tai lật bật

Thè lè lưỡi đăm chiêu

Chú kiến ngoi dáo dác

Bầy đàn tản mác đâu...

 
Lưng ao đôi ngỗng lội

Lạch phạch khoái trá cười

Nước dù rêu váng bụi

Cũng đủ hát lả lơi

 
Cúi nhìn buồng chuối trĩu

Chiếc lá mườn mượt xanh

Dường như lan man gió

Thi nhân có cựa mình?

LAMTRẦN

17.03.2014

LỐI HƯƠNG XƯA

Nắng chiều soi bóng lá vàng bay

Mơ hồ cứ ngỡ bước chân ai
Ơ hay tiếng gió đang đùa cợt
Chỉ có một mình tóc nhẹ lay

Lối cũ hàng cây gió mơ màng
Hoàng hôn nắng nhạt mây lang thang
Đi tìm dấu vết tình xa vắng
Hương xưa đâu đó lòng mênh mang

Nhớ làm sao tiếng trống trường tan
Lặng lẽ bên nhau mộng ngút ngàn
Cách xa từ độ tình e ấp
Tiếc nuối thẫn thờ mộng dở dang...

Biển chiều mưa ướt lạnh đôi môi
Vẳng tiếng ai đang gọi bên đời,
Đã xa xôi quá ngày xưa ấy
Mênh mông chiều tím biển mù khơi!

Phạm Thị Minh Hưng

Hoa tím Bằng Lăng 

 
Bằng Lăng hoa tím mến thương ơi

Tím cả không gian tím ngát trời

Hè đã về chưa bằng lăng hỡi

Màu tím nhạt nhòa nhuộm hồn tôi...

 
Hoa tím dịu dàng như ước mơ

Hoa rơi nhè nhẹ dáng bơ vơ

Hoa cài mái tóc người em gái,

Tím thương tím nhớ, tím tương tư

 
Em hát bài Hoa Tím Bằng Lăng

Vang từ quá khứ biết bao lần

Bây giờ xa lắc phương trời nhớ

Chỉ còn loài hoa tím bâng khuâng

 
Đây cành hoa ép tím bằng lăng

Tiếng hát ngày nao đã giá băng

Em giờ hun hút, sầu xa vắng

Nỗi nhớ lạnh lùng quên tháng năm...

Phạm Thị Minh Hưng

CHIẾN SĨ

Vùng trời, vùng đất, đến vùng khơi

Tổ Quấc Rồng Tiên đẹp tuyệt vời

Xứ sở quang vinh luôn trọn giữ

Quê hương yêu dấu chẳng buông trôi

Dù cho kẻ địch mưu xâm lấn

Đã có nhân dân thế sục sôi

Bất khuất anh hùng thề bảo vệ

Vùng trời, vùng đất, đến vùng khơi

Thanh Châu

THƠ THẨN

Một thơ, môt rượu, một mồi câu

Rượu ngọt, thơ hay, cứ nhập chầu

Cuộc nhậu vào đề toan tính chước

Sân chơi mở hội rủ rê khâu

Văn chương Tổ Quấc thêm hăng hái

Nước mắt Quê hương đủ giải sầu

Đông đảo yên hùng bày thế trận

Một thơ, một rượu, một mồi câu ...

Thanh Châu

NGÀY NÀY, THÁNG NỌ

Ngày này, tháng nọ, năm kia

Tình cờ vào một quán bia, gặp nàng

Ngón tay vàng những nhẫn vàng

Cổ đeo vòng bạc, vai quàng áo da

Nghe đâu, nàng - mụ Tú Bà

Buôn hàng tươi mát chuyển ra biên thùy…

 
Ngày này, tháng nọ, năm kia

Nàng trong khách sạn cặp kè một anh

Anh này đang tiến bộ nhanh

Vừa Giám đốc sở, vừa Thành ủy viên

Hai người đứng ở hàng hiên

Hôn nhau một cái rồi lên trên lầu…

 
Ngày này, tháng nọ, năm sau

Thấy nàng giảng lớp làm dâu xứ người

Mừng nàng làm cán bộ rồi

Có hai con gửi hai nơi xa nhà

Một con thì giống Chánh toà

Một con… như là… Cục trưởng Hải quan…

TRẦN NHUẬN MINH

ON THIS DAY, IN THAT MONTH…

On this day, in that month, in the year before last year

I unexpectedly went into a beer inn, and met with her

Her fingers turn golden with gold rings

Her neck wears a silver bracelet,

            and on her shoulder is a leather jacket

It’s said that she’s a Procuress

Dealing in fresh merchandises(*)

             which she sent to the frontier…

On this day, in this month, in the year before last year

She was in a hotel walking close beside a guy

The guy is progressing real quick

He’s both a Service Chief, and a member

             of the City Party Committee (**)

They both stood on the verandah

Kissed each other, then went upstairs…

On this day, in that month, in the following year

I saw her teaching

      the class of women that are daughters-in-law

                                    in foreign countries (***)

I’m pleased that she has become a cadre

With two children entrusted to people living at two places

                            far away from home

One of them resembles the Tribunal President

The other one… looks like the Custom-house Department Chief…

TRẦN NHUẬN MINH

Translated by VŨ ANH TUẤN

(*) Young prostitutes bought to serve the debauchees in the whorehouse

by Tú Bà (a character in the Tale of Kiều by Nguyễn Du) who is a procuress.

(**)Member of the City Party Committee: person who participates in or who is a leader of the Party that governs the City.

(***) A class for women marrying Taiwanese husbands.

DANH TIẾNG GIÀU CÓ

NHƯNG VẪN SỐNG GIẢN DỊ

 

Colleen Mac Cullough, tác giả cuốn sách nổi tiếng Những con chim ẩn mình chờ chết vừa tới Paris, thủ đô Pháp để trình làng cuốn sách mới của bà, một cuốn tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về xã hội La Mã cổ xưa. Nhân dịp này, cô Catherine Ogier, nữ phóng viên tuần báo Pelerin Magazine đã phỏng vấn bà về cuốn sách mới, cũng như tìm hiểu vài nét phác họa về đời tư của tác giả người Úc nổi tiếng này. Sau đây là lời tường thuật của nữ phóng viên Ogier.

Bà vỗ vai tôi, giọng tâm sự: “Đừng nói chuyện Những con chim… nữa nghe. Xưa quá rồi. Từ đó đến nay, tôi đã viết thêm bốn cuốn tiểu thuyết nữa rồi. Với lại, tôi ghét cái phim truyền hình Mỹ phỏng theo tác phẩm đó. Thật bậy hết sức: y phục, phong cảnh, giọng nói của các nhân vật không giống ai. Thậm chí tôi không nhận ra những nhân vật của mình nữa. Thật tai hại…”. Bà Colleen Mac Cullough phá lên cười giòn giã, một giọng cười có tầm cỡ lục địa quê hương bà (Úc châu). Nhà tiểu thuyết nổi giận một cách vui vẻ, bởi vì chả có gì đáng giận cả, khi 20 triệu bản Những con chim ẩn mình chờ chết đã bán sạch, mang rất nhiều tiền về cho nữ văn sĩ “vĩ đại” ấy (bà cao 1m80, nặng 90kg). Ngồi chễm chệ trong ghế bành bà nói đùa: “Tôi là một tác giả nặng ký!”.

Mới đầu làm nghề thầy thuốc

Ngay từ hồi còn nhỏ, cô con gái ông chủ đồn điền mía ấy đã cao to quá cỡ. Vậy mà cô cứ vui vẻ chẳng hề có mặc cảm gì. Bây giờ đã 56 tuổi, bà vẫn tự hào về tầm vóc và sự yêu đời của mình. Bà vui tính nên người ta tưởng bà nông nổi, nhưng thực bà là một hỏa diệm sơn của sự đam mê. “Tôi ngốn sách như điên. Từ hồi 10 tuổi, mỗi tuần tôi ngốn khoảng 40 cuốn sách!”. Từ chỗ mê sách truyện như thế, tất nhiên bà phải đi đến chỗ viết sách. Bà tâm sự: “Từ hồi 15 tuổi tôi đã nhận thức được sức mạnh ghê gớm của ngòi bút. Ấy là nhờ một cuốn sách của ông William Faulkner, cuốn sách đã làm nên bước ngoặc đời tôi”. Nhưng từ chỗ ham viết, đến chỗ dám viết, con đường còn xa. Bà phải học để trở thành bác sĩ. “Có lẽ đó là nghề đầu tiên và nghề thực sự của tôi”. Mãi đến 40 tuổi bà vẫn còn độc thân và nghèo. Để có tiền xây xài, bà đã đưa cho một nhà xuất bản cuốn Tim, chuyện tình lỡ dở của hai kẻ bần hàn trong xã hội. Truyện in ra hầu như không ai chú ý. Nhưng ngòi bút đã có trớn. Bà bắt đầu viết về những kỷ niệm thời thơ ấu sống ở ký túc xá tại thành phố Sydney và tại nông trại gia đình, gần Wilmington. Thế là “Những con chim” không còn “ẩn mình chờ chết” nữa, mà tung cánh bay cao trên bầu trời văn học thế giới, đem lại cho bà danh tiếng và bạc tỉ.

Nổi tiếng cũng phiền. Bà kể: “Mới đầu căn nhà của tôi cứ ồn như cái chợ, thấy cũng vui vui. Nhưng từ khi nhận ra nhà mình biến thành một điểm tham quan du lịch, tôi hoảng quá, trốn luôn”. Và bà đã trốn đi thật, xa mãi tận một hải đảo, típ tắp ngoài khơi Úc châu. Đảo Norfolk là một nơi yên tĩnh, rất lý tưởng cho việc trầm tư và viết lách. Ở đây, bà hay viết về đêm, bên cạnh có mấy con mèo và bình cà phê nóng.

Mười ba năm nghiên cứu về La Mã cổ

Cuốn sách mới nhất của bà có tựa là Tình yêu và quyền lực đưa độc giả vào giữa lòng lịch sử La Mã. Đề tài này bà công nhận là khó, nhưng vẫn thích. Bà nảy ý định viết về đề tài này khi đọc Cicéron, văn hào La Mã cổ. Bà kể: “Từ mười ba năm nay, tôi đã nghiên cứu về các bậc thầy La Mã. Tình yêu và quyền lực chỉ là cuốn đầu trong bộ tiểu thuyết trường thiên sáu cuốn. Công trình này vừa là một thách đố ghê gớm, vừa là một cuộc phiêu lưu hấp dẫn. Lịch sử La Mã cổ chinh phục tôi”.

Tuy giàu có và danh vọng, nhưng tác giả lớn này vẫn sống giản dị. Bà tỉ phú này cũng biết ham chơi, nhưng là “chơi chữ” mà thôi. Bà ghét những gì hào nhoáng nên không bao giờ mang đồ trang sức. Bà có một tấm lòng rộng mở. Tiền của bà được dùng để tạo hạnh phúc nho nhỏ cho những cuộc đời nghèo khổ bất hạnh trên đảo. Tại đây, bà sống hạnh phúc bên chồng (ông bà lấy nhau đã được bảy năm). Bà chia sẻ với chồng thú làm vườn và vẽ tranh. Còn tiền và thì giờ, bà lo sửa căn nhà vốn đã rộng rãi của ông bà thành căn nhà thênh thang lộng gió bốn phương.

MINH TRIỆU dịch

ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st.

BÁC SĨ KIÊM NHÀ VĂN NỔI TIẾNG

A.J. CRONIN LÊN TIẾNG:

THAN VÃN, CĂN BỆNH NGUY HIỂM

CỦA 1/3 NHÂN LOẠI

 

THANH VIỆT THANH

Sự ngờ vực tương lai, và sợ hãi hiện tại là hai kẻ thù…

“Những người hay than vãn, luôn luôn không làm được việc, mà sớm hay muộn gì rồi cũng trở nên hư hèn, nhu nhược và tất nhiên, đối với nhân loại, thái độ của họ sẽ sinh ra cho họ một niềm tin hờ hững”…

Hành động biểu tượng

Mùa hè năm đó, tại đảo Jersey, tôi có dịp du thuyền dọc theo bờ bể gần bên một hải cảng, bất chợt tôi khám phá ra được một chiếc băng đá cũ đầy rêu.

Chính nơi đó, cách nay hơn một thế kỷ, văn hào Victor Hugo bị đày đến… Người ta kể rằng, cứ mỗi chiều chiều, Hugo đều leo đứng trên băng đá kia, lặng lẽ đưa mắt về xa, trầm ngâm nhìn bóng tà dương lặn mà suy nghiệm lẽ đời. Cuối cùng, mỗi khi sắp sửa về lều trại, bao giờ Hugo cũng nhặt một viên sỏi bất kỳ to nhỏ rồi đứng trên một hốc đá cao khoan khoái ném mạnh xuống mặt nước bể khơi. Cái trò quăng đá kỳ lạ ấy không thoát khỏi sự chú ý của một nhóm trẻ con đùa chơi gần đó. Thế nên, buổi chiều kia, có một em bé gái dạn dĩ nhất bọn, lần đến bên Hugo, tò mò hỏi:

- Thưa ông Hugo, tại sao chiều nào ông cũng đến đây để mà ném từng hòn sỏi kia như thế hử?

Nhà đại văn hào yên lặng một lúc rồi bỗng nhiên mỉm miệng cười, khẽ đáp lời em bé:

- Vật mà ta quăng xuống bể mỗi chiều, thật ra không phải là viên sỏi đâu! Đó chính là những lời than vãn của ta đấy, em bé ạ!

Ngày nay, cái hành động biểu tượng đó còn đang chứa đựng một bài học giá trị cho con người. Thật thế, biết bao người trong chúng ta, không những là kẻ khốn khổ mà thôi, đều có chung một tư cách thái quá là hay mềm yếu, ưa than vãn. Chúng ta luôn luôn thừa cơ hội để mong chống đối lại xã hội. Người lớn cũng như trẻ con; từ sự trễ tàu một vài phút đến mối đe dọa lớn lao bởi sự tàn phá ghê gớm của bom nguyên tử, ai ai cũng đều buông ra những lời rên rỉ và than vãn như nhau. Chúng ta ưa nhấn mạnh vào những khó khăn và nguy hiểm, những căng thẳng và áp đảo của đời sống tân tiến hiện đại. Một triết gia ngày xưa đã nói: “Những người hay than vãn luôn luôn không làm được việc, mà sớm hay muộn gì rồi cũng trở nên hư hèn, nhu nhược và tất nhiên, đối với đồng loại, thái độ đó của họ sẽ sinh ra cho họ một niềm tin hờ hững”.

Đúng thế, cái lòng ích kỷ của con người ta là cái nguồn gốc xấu xa của mọi xu hướng. Những ai hay tự mình than thân trách phận, thì không bao giờ biết cảm động trước niềm đau của kẻ khác.

Căn bệnh của 1/3 nhân loại

Trong thời gian tôi còn là bác sĩ trẻ hành nghề ở miền đồng mỏ Galles, tôi được dịp sống gần nhà khai thác mỏ. Ông ta là một người to lớn, ăn nói khéo léo và chơi với người trong làng rất được uy tín. Vợ ông thì nhu mì và trầm lặng, luôn đảm đang tất cả công việc gia đình và chìu ông rất mực. Trong một cuộc kiểm soát, tôi bất chợt khám phá ra ở bà một chứng bệnh sưng gan đã đến thời kỳ trầm trọng không làm sao còn có thể mổ chữa được. Tôi buồn bã thố lộ cho nhà khai thác mỏ ấy biết là vợ ông không còn sống được bao lâu nữa. Qua một xúc động mạnh mẽ, ông vội nắm lấy tay tôi rồi bỗng nhiên “tự phản bội mình” một cách thật là thái quá:

- Trời ơi, bác sĩ! Nếu chẳng may mà nàng chết đi, thì đời tôi sẽ phải ra sao? Trở nên thế nào?

Tôi không bao giờ quên được câu nói đầy ta thán và vị kỷ “chỉ biết có mình” đó của ông ta!

Sau đó ít lâu, thỉnh thoảng tôi được một chủ bút một tờ tạp chí mời đến chơi nhà. Ngoài nét đẹp duyên dáng, đài các, vui tính, địa vị vững vàng bà ta còn có một gian nhà đồ sộ, xe du lịch đến vài chiếc. Thêm nữa, sức khỏe bà ta rất đỗi tốt vì khỏi phải vất vả gì. Thế mà, cứ mỗi bữa cơm, khi sang phần tráng miệng bà ta luôn rót vào tai tôi liên tiếp những lời than vãn về mọi nỗi khó khăn trong công việc điều hành tờ báo cho dù bên cạnh bà còn có nhiều cộng sự viên tin cậy “bao thầu” gần hết những phần vụ nặng nề cần thiết.

Dần dần bà trở nên yếm thế có cái ý nghĩ không thể tha thứ được rằng cuộc đời là một bể khổ. Tôi đã hết lời khuyên giải bà. Để nghe lời tôi, bà tập thói quen không phàn nàn nữa. Thế nhưng chỉ được vài ngày, rồi bà lại cứ “phân trần” này nọ một cách buồn nản làm cho sự kiện nới rộng thêm ra để cuối cùng căn bệnh ta thán của bà không sao khỏi được!

Nếu ai cũng biết tin tưởng ở mình, thì người ta hẳn sẽ không còn phải nghe thấy một tiếng phàn nàn nào trên thế gian này nữa. Nhưng mà không biết hằng bao nhiêu lần, trong phòng khám bệnh, các vị lương y đều đã phải nghe một cách nhàm chán về những lời than áo não này:

- Thưa bác sĩ, tôi cảm thấy khó chịu quá! Tôi không còn thiết làm gì nữa! Tôi không còn thích sống nữa! Tôi… Tôi…”

Tôi… luôn luôn vẫn là những “cái tôi”! Cái tôi hèn yếu, chỉ biết có thở than!

Qua cuộc thăm dò ý kiến quy mô của giáo sư thần kinh học Jung ở Anh quốc hồi cuối thế chiến II, người ta ghi nhận đích xác rằng một phần ba (1/3) loài người trên quả địa cầu đã phải chịu nhiều “đau khổ nội tâm”, vì chính họ hay ta thán một cách quá sống sượng về thân phận.

Sự ngờ vực tương lai và sợ hãi hiện tại là hai kẻ đại thù của người có thói quen than vãn. Chúng được sinh ra từ những bức màn đen của sự suy nhược ý chí.

Ắt có và đủ

Những ai muốn vùng dậy, muốn chiến thắng, muốn thực hiện hoàn hảo một công việc gì, tất nhiên phải biết tách rời ý tưởng tồi tệ và phải biết tin tưởng ở khả năng mình. Thêm vào hai yếu tố quan trọng đó, là cố ngừng bớt lại mọi sự than vãn hay nguyền rủa số mệnh. Đồng thời, ta cũng nên kiềm hãm những nhiễu loạn mềm yếu trong lòng để chống lại tình thế, sáng suốt khai thác khả năng và sức mạnh còn tàng ẩn trong ta.

Thế rồi, khi những thử thách đã được vượt qua, chính đó là lúc ta tìm được ngay trong nghịch cảnh một chân giá trị, một kinh nghiệm tuyệt vời phát ra từ bản năng phấn đấu tự nhiên “ắt có và đủ” của ý chí.

Những tấm gương sáng

Một trong những người bạn thuở nhỏ của tôi, vốn là một họa sĩ tài ba. Anh ta bị thương nặng trong thế chiến II, gãy chân, bể xương sọ và mù cả đôi mắt, không thể sống với nghề vẽ được nữa. Một ngày đến thăm anh, tôi thấy anh ngồi trên một chiếc ghế di chuyển được nhờ có gắn bánh xe. Anh vui vẻ sắp xếp một cách cẩn thận những thanh gỗ nhỏ trên mặt bàn. Nghe tiếng tôi, anh dừng tay và tươi cười bảo:

- Từ khi bỏ nghề hội họa, tôi tự vào học lấy khoa kiến trúc đấy anh ạ!

Và thời gian qua, anh bạn đó đã trở thành một nhà kiến trúc danh tiếng ở Anh quốc.

Thêm một ví dụ nữa. Trong thành phố Ecosse, có một bà lão 80 tuổi, góa chồng từ lúc 26. Chồng bà mất vì tai nạn nghề nghiệp, để lại cho bà 5 đứa con trai. Bà phải đi làm thay chồng nuôi con trong tần tảo, cần cù và bền chí. Bà can đảm cho cả 5 con theo đến bậc đại học. Thời gian tuần tự trôi, ngày nay tất cả đều đã nên danh phận. Khi nghe tôi hỏi vì sao và do phương pháp nào mà bà đã làm được công trình vĩ đại, kỳ diệu như vậy, thì bà tỏ vẻ hãnh diện cười đáp:

- Tôi không phải là người đàn bà thích để đôi chân mình trên một chiếc guốc!

Chao ơi, lời nói của bà sao mà cao cả và sâu xa đến thế!

Ngoài 2 tấm gương sáng ấy qua sách vở, người ta còn gặp không biết bao nhiêu hình ảnh khác dù là trong hoàn cảnh khốn cùng vẫn luôn từ chối mọi sự giúp đỡ, chỉ tự mình sinh sống lấy. Ta hãy nghĩ về Helen Keeler, lúc bé luôn phá rối xã hội bằng mọi hành động bất lương nhưng nhờ biết sửa mình và tự tin ở mình mà sau đó bỗng dưng trở thành một trong những công dân tốt và xứng đáng nhất nước Anh… Ta hãy nghĩ về Robert-Louis Stevenson, gầy còm vì chứng bệnh lao mà vẫn bền chí sáng tác được nhiều tác phẩm văn chương giá trị… Ta hãy nghĩ về Linh mục Damien, luôn bị giày vò vì chứng phung hủi, vẫn tiếp tục nhiệm vụ truyền giáo của mình cho đến hơi thở cuối cùng… Ta hãy nghĩ thêm về những kẻ vô danh khác như bạn, như tôi… họ đã chế ngự được bệnh tật, chống chỏi được thử thách, kiềm hãm được đau khổ một cách liên tục, hùng dũng, vẻ vang và bền bỉ để âm thầm thực hiện những công trình vĩ đại.

Bạn hãy suy luận kỹ về những tấm gương đã nêu ra trên kia, chỉ bao nhiêu đó thôi, hẳn bạn sẽ thấy rằng mình cũng nên như họ, nghĩa là phải phấn đấu với hoàn cảnh để khỏi buông ra lời than thân trách phận cùng bất cứ ai. Không ai giúp gì cho ta cả. Chỉ có ta giúp ta mà thôi.

Vũ khí hay dụng cụ?

Người Hy Lạp xưa có câu: “Con người là hình ảnh của sự suy tưởng”. Cái chìa khóa của mọi nỗi khó khăn đều nằm trong câu đó. Thật, con người rất dễ có ý nghĩ xấu xa, không những chỉ nhằm vào mọi chướng ngại lớn lao, mà còn gồm cả những chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày nữa.

Sự suy tưởng có thể làm tăng giá trị chúng ta mà cũng có thể tàn phá tinh thần chúng ta. Trên viên đe, chúng ta có thể trui rèn được dụng cụ để tự mình xây dựng một chỗ dung thân vui và yên lành, ngược lại là những vũ khí nguy hiểm cho chính mình.

Bạn có ý định rằng sẽ cố gắng loại bỏ kỳ được những lời than vãn vô ích qua mọi trường hợp khó khăn gặp phải trong tương lai và sẽ luôn nghĩ đến kẻ khác nhiều hơn bản thân mình chăng?

Nếu không, thì chắc chắn là bạn sẽ lâm vào thất bại và sẽ phải chịu một chứng bệnh không thuốc trị: Than vãn!

Vậy thì, một lần nữa, xin khuyên bạn nên nhớ lại hành động biểu tượng của văn hào Victor Hugo trong những buổi chiều xưa kia nơi một hốc đá tại đảo Jersey kia.

Để cho phiên bạn được hoàn hảo, bạn nên tập trung cả nghị lực và tinh thần lại sau mỗi lần nhặt một viên sỏi… Thế rồi, bạn hãy ném viên sỏi đó ra xa bạn bằng tất cả sức mạnh của bạn. Xong, chắc chắn là bạn sẽ cảm thấy người bạn dễ chịu hơn. Nỗi khổ niềm đau và cả những điều vị kỷ nữa, cũng sẽ vơi dần trong tâm não bạn, trong lòng bạn…

Bs Nguyễn Lân-Đính st

Phụ Bàn III

Tác giả: Dương Lêh

Chỉ còn độ hơn một tháng nữa Nhan phải lên Saigon theo học chương trình liên thông đào tạo cử nhân đại học ngành tài chánh. Cầm tờ giấy báo trên tay, cô rất vui mừng. Thế là sau mấy năm trời chờ đợi, điều mong ước của cô đến nay đã thành sự thật. Thời gian từ nay đến ngày nhập học còn hơn một tháng nữa. Cô sẽ phải chuẩn bị mọi thứ, từ nơi ăn chốn ở trên Saigon đến việc xin tạm ngưng hợp đồng lao động với công ty cô đang làm việc ở tại thành phố Cần thơ này. Nhớ ngày cô chân ướt chân ráo đến Cần Thơ làm việc tại công ty Trà Sóc này, nếu không có Thuận giúp đỡ chắc là cô phải gặp không ít bối rối. Anh chàng này ra trường trước cô và làm việc ở công ty đã ba bốn năm rồi. Anh phụ trách về kế hoạch và được nổi tiếng là một nhân viên hiền lành mẫn cán. Quê nhà anh ở tại vùng đất Cần Thơ gạo trắng nước trong này, so ra thì cũng không xa xôi gì với gia đình của Nhan ở Vĩnh Long bên kia dòng sông Hậu. Lần đầu tiên gặp Nhan, anh thấy cô này có cái gì đó hấp dẫn qua cái mộc mạc giản dị của một cô gái của vùng đất hương đồng cỏ nội. Bởi vậy, gặp Nhan anh tỏ ra hết sức nghiêm túc, lịch sự. Anh ân cần giúp Nhan tìm nhà trọ để ở tạm đi làm. Ngoài ra, trong những lần đi ăn cơm trưa, anh chỉ cho Nhan cách làm hài lòng bà sếp cũng như các thành viên trong ban lãnh đạo. Bà sếp trực tiếp của Nhan không ai khác hơn là bà kế toán trưởng. Bà này gốc gác nghe đâu ở tuốt ngoài Bắc, tuổi tác mới hơn bốn mươi, có chồng là cán bộ cao cấp về phát triển nông nghiệp. Thực ra, bà cũng tử tế với nhân viên. Ai làm việc chậm chạp thì bà chê “như con zùa”, người nào làm việc nhanh chóng, bà khen nức nở. Một cô gái trẻ tên là Oanh phụ trách khâu bán hàng, luôn luôn nộp báo cáo đúng kỳ hạn, bà khen:

- Tao thấy con Oanh làm việc tốt lắm. Phát huy nhé. Khi nào lấy chồng tao sẽ cho quà.

Sau đó Oanh có thêm cái biệt danh là “Oanh phát huy”. Mấy cô bạn khác trong phòng tài chánh thường thúc giục Oanh:

- Lẹ lên, lấy chồng đi, sếp cho quà.

- Không dám. Hôm trước bả nói để bả giới thiệu cháu chắt gì ở ngoài quê bả cho tao.

- Rồi sao?

- Tao nói, tao sợ con trai ngoài kia lắm.

- Sao kỳ vậy?

- Mầy không biết sao, mình ở trong này, họ cưới mình để được vô hộ khẩu. Xong rồi, “biến”.

- Có ai gặp cái “ca” này chưa?

- Rồi. Nhỏ bạn tao ở bên Bình Minh kìa. Cũng mai mối lấy chồng ở miệt ngoài kia, khi vô được hộ khẩu rồi đá nó một cái “bịch”. Báo hại con nó chưa biết thằng tía là ai.

- Ghê quá vậy.

- Thôi, suỵt, đừng nói nữa, bả nghe được thì mắc dịch hết.

Chuyện trên trời dưới đất gì trong công ty Thuận cũng kể cho Nhan nghe, rồi giúp Nhan xử lý tình huống nếu như có gặp phải.

Lúc đầu Nhan coi Thuận như một người bạn cùng làm trong công ty thấy Nhan là người mới nên ân cần giúp đỡ, vậy thôi. Hơn nữa Nhan còn ấp ủ trong lòng ước mơ tiếp tục học lên để lấy được bằng cử nhân đại học. Dần dần, ngày tháng trôi qua cô thấy tình cảm bắt đầu “len lén tâm tư” rồi tăng dần theo tỉ lệ thuận với thời gian. Thuận cũng không còn phải dấu giếm con tim của anh đang thổn thức và cuối cùng anh đành phải thố lộ với Nhan rằng anh muốn xây dựng một gia đình bé nhỏ với cô. Thời điểm này cũng vừa đúng tám tháng sau ngày Nhan vào công ty làm việc. Tình hình nầy đã làm Nhan phải bấn lên vì hai luồng tư tưởng đang quấn quít vào nhau làm cô phải chóng mặt. Luồng tư tưởng thứ nhất làm Nhan vô cùng mừng rỡ khi Thuận ngỏ lời muốn cưới cô. Trong những bạn gái làm chung hình như cũng có tiếng xì xèo:

- Con Nhan có phước mới vô làm đã được anh Thuận rước rồi. Tụi mình làm mấy năm trời ở đây ông khùng đó đâu thèm ngó tới.

- Ủa, vậy chớ anh chàng bên Cty liên doanh tới đón mầy hoài đâu rồi.

- Ổng nhậu li bì mầy ơi. Ông già tao nói phải coi chừng mấy ông nhậu.

- Ở dưới này đàn ông ai mà không nhậu…

Luồng tư tưởng thứ hai làm Nhan không kém phần bối rối. Đó là chuyện học hành của cô. Cô đã đặt quyết tâm cố gắng đi làm việc một thời gian rồi tiếp tục học liên thông để lấy cho được cái bằng cử nhân đại học. Nhan thấy giữa hai chuyện lấy chồng và tiếp tục đi học không thể chọn một trong hai món vì món nào Nhan cũng muốn hết. Cái chuyện Thuận tìm đến cô cũng là “duyên trời định” rồi, nếu không chớp lấy cơ hội rủi như sau này không có cái “duyên” nào nữa mò tới, cô phải chịu cảnh phòng không chiếc bóng tới già thì ai “chịu trách nhiệm” đây? Cô đã thấy có nhiều phụ nữ đi trước, khi qua đến tuổi “băm” đã phải chịu cảnh cô đơn quạnh quẽ. Nhìn kỹ chung quanh cô thấy những người ở trong hoàn cảnh này có rất nhiều.

Còn cái chuyện đi học thì cô đã nhất quyết rồi không suy đi nghĩ lại gì hết. Trước đây cô phải thi vô cao đẳng chẳng qua là vì cô thấy thực lực mình lúc bấy giờ không được mạnh lắm, mấy môn học chủ lực của cô còn yếu nên không dám bon chen thi thẳng vào đại học mà định sẽ đi vòng qua cao đẳng rồi sau này học liên thông cũng không muộn. Cô đã đem tâm tư này nói với Thuận:

- Anh, mình đám cưới rồi sau này em muốn đi học nữa được không?

Thuận đã nhanh nhẩu trả lời:

- Tưởng gì chứ cái đó dễ ợt. Anh còn khuyến khích em nữa, đừng lo.

- Rồi con cái đùm đùm đề đề thì sao.

- Thì mình cứ sắp xếp sao cho xong thì thôi.

Gẫm lại, cuộc đời cô từ khi ra trường đã trôi qua hết sức bình lặng nhưng lại gặp nhiều may mắn. Cái may mắn lớn nhất mà nhiều người con gái trưởng thành đều mong ước, đó là cô bỗng nhiên có được một người chồng rất tử tế. Và một điều may mắn nữa đến với cô, đó là giữa cô và Thuận, sau ngày đám cưới cả năm trời vẫn chưa có dấu hiệu về cái vụ “con cái đùm đùm đề đề” thì cô được giấy gọi đi học liên thông.

…..

Chuyện học hành của Nhan thông suốt đến không ngờ. Cô học thoải mái. Không bao giờ bị nợ nần một môn học nào cả. Có thể sau thời gian đi làm việc tiếp xúc với thực tế, đầu óc cô vỡ ra, nên việc tiếp thu bài học rất dễ dàng, khác hẳn thời cô học ở bậc cao đẳng cô thấy có phần khó khăn, bởi vậy lúc bấy giờ cô không dám thi vào đại học là đúng. Chả bù cho bây giờ cô học dễ dàng quá. Cô nghe nói có nhiều người học không được phải chạy đầu này đầu nọ mua bằng, miễn sao họ được tốt nghiệp, có được tấm bằng cấp khoe với bà con hoặc đưa vào cơ quan để thăng lương thăng bậc. Họ không cần làm việc với cái chuyên môn thể hiện trong bằng cấp mà họ đã mua được. Thực ra học có biết gì đâu mà làm việc, họ nhờ người khác làm giúp.

Khi Nhan bắt đầu lên Saigon học đại học, Thuận đã giúp cô tìm nơi ở trọ đễ thuận tiện cho việc học hành. Đó là một gian nhà xinh xắn không phải chung đụng gì với chủ nhà. Nhờ vậy Nhan có thể đưa bạn gái đến để cùng nhau học tập hoặc ăn uống vui chơi vào dịp cuối tuần cho đỡ cô đơn vì đang sống xa nhà, xa người chồng thân yêu.

Nhan thầm biết ơn Thuận đã tận tình hỗ trợ Nhan tiếp tục việc học hành và không còn bao lâu nữa cô sẽ tốt nghiệp. Con đường tương lai của cô hé mở ra nhiều triển vọng. Cô thấy rõ ràng Thuận cưới cô không phải để bắt cô làm dâu cho nhà chồng. Gia đình ba má Thuận rất thoải mái luôn để cho con cái tự do tổ chức cuộc sống riêng tư tùy theo sở thích. Thuận cũng không hề sợ có vợ học cao sẽ coi thường chồng, bắt nạt chồng như nhiều người đàn ông khác từng suy nghĩ như vậy. Anh thường mơ mộng đến một tương lai sáng trưng trong đó hai vợ chồng đi làm việc với mức lương khấm khá có đủ tạo ra nhiều tích lũy dành riêng cho đàn con sau này.

Một buổi sáng, Thuận nhận được email của vợ. Đọc xong Thuận có phần tư lự, không như những lần khác anh luôn cười tươi rồi tiếp tục làm việc. Trong mail Nhan cho biết cô đã tốt nghiệp, mặc dù chưa được phát bằng nhưng cô đã được một công ty mời đến nhận việc, và cô đã đồng ý. Công việc mới này cô rất thích, phù hợp với khả năng của một người đã tốt nghiệp đại học, vả lại lương hướng rất tốt. Vì công việc rất bề bộn nên thường phải làm việc vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, do đó cô chưa tính đến việc trở về Cần Thơ thăm nhà…

Thuận thử gọi điện thoại cho Nhan nhưng cô đã khóa máy. Một lát sau Nhan gọi cho Thuận:

- Anh đọc mail của em đi. Khi nào có thời gian em sẽ gọi sau. Bây giờ em đang họp…

Thuận chờ nửa tháng, rồi một tháng, và đến nay đã gần hai tháng kể từ khi Nhan gửi mail báo tin cô đã có việc làm. Cách đây vài tuần, Thuận có gọi điện cho Nhan, máy cho biết “số này không có tồn tại”. Thuận vô cùng lo là không biết có chuyện gì xảy đến cho Nhan. Công việc bề bộn, đi sớm về trễ, đường vắng, trong thành phố tệ nạn đầy rẫy. Thuận nghĩ nếu có chuyện gì thì Nhan cũng biết cách báo về gia đình. Ở thời buổi khoa học tiến bộ này con người ta cũng trở thành “hai-téc” và đối với khoảng cách Saigon - Cần Thơ không còn là xa xôi nữa rồi.

Thuận lên đến Saigon trời còn lờ mờ sáng. Anh đã dự trù đi thật sớm, để lên đến nơi gặp Nhan trước giờ làm việc có thể nói chuyện được nhiều.

Xe đò vừa dừng ở đường Phạm Ngũ Lão, anh nhảy khỏi xe và ngoắc ngay một chiếc xe ôm chạy đến nơi Nhan đang ở trọ. Đây chính là nơi cách đây hơn hai năm anh đã dẫn Nhan đến thuê để ở và đi học cho gần.

Nhìn quanh quẩn một hồi anh thấy quả đúng căn nhà này. Cũng cánh cửa sắt vàng nhạt nhưng giờ này còn đang đóng im ỉm. Anh nghĩ có lẽ giờ này Nhan vừa thức dậy, còn đang làm vệ sinh buổi sáng và ăn điểm tâm. Anh bước qua con hẻm đi lui vài căn nhà tới một quán cà phê ở ngay đầu một lối đi nhỏ. Anh gọi một ly cà phê đá và đợi chừng mươi mười lăm phút nữa đến gõ cửa nhà Nhan cũng không muộn.

Đang ngồi ngó trời ngó đất và nhâm nhi gần nửa ly cà phê đá, tự nhiên Thuận nghe có tiếng lách cách từ cửa sắt nhà Nhan, rồi có người mở cửa. Thuận chưa kịp đứng lên để chạy tới gọi Nhan thì thấy một người đàn ông ăn mặc bảnh bao đẩy chiếc xe máy đời mới bóng láng ra khỏi nhà, phía sau là một người phụ nữ, mặc đầm theo kiểu nhân viên làm việc cho những công ty nước ngoài. Thuận nhận ra ngay người phụ nữ đó chính là Nhan, là vợ anh, đang leo lên yên sau và vòng tay ra phúa trước ôm chặt người đàn ông kia đang rồ ga cho xe chạy ra hướng đường lớn.

Ở hướng ngược lại Thuận đang ngồi như chôn vào chiếc ghế nhựa. Trước mắt anh là ly cà phê đang mờ dần như bị che bởi một màn mưa xám đục.

Dương Lêh

CHUYỆN NGOÀI ĐƯỜNG

Tui là kẻ không bao giờ gây ra tiếng động, vậy mà toàn bị người ta chửi bới, thậm chí cả cái bà già mát giây, cứ sáng bảnh con ngươi ra là đã liên hồi đá vào thân tui mà ca cẩm:

- Cha tổ bố mày, cha tổ bố mày, đồ khốn nạn.

Mặc cho bà chửi rủa đã mồm, tui chẳng hề giận bà ta, vì tui biết bả không hề có suy nghĩ gì ráo trọi trong lời ăn tiếng nói, cũng như chẳng hiểu thấu đáo cái hành động vũ phu bả ngày nào cũng đổ trên cái thân ròm của tui. Còn mấy trự say xỉn nữa cơ, chẳng biết mấy chả có nhớ đường về nhà không, chớ tui nghĩ là mấy chả không bao giờ quên. Ai đời, cứ bẻm nhẻm chiều là cái lũ ấy đi ngang qua chỗ tui đứng, vỗ vỗ vào cái lưng ốm nhách của tui rồi ề à cái gì đó chẳng rõ trong cái bản họng sặc mùi men, vừa hôi lại vừa chua… rồi thất thểu đi đâu đó ra ngoài kiếm cái gì đó cũng chua chua cay cay, hồi đầu còn nhấm nháp, sau đó đổ tuốt tuột vào cái miệng tiền trồng răng không hề có mà tiền bia bọt có thể đủ làm đám tang cho toàn thể các anh trai lâu lâu ta mới nhậu một lần, lần nào cũng từ tà tà chiều đến cập quạng đêm về trên phố vắng! Rồi, sau khi tàn tiệc, thì mấy ông nội của tui lại lếch thếch, có khi bò về ngang chỗ tui đứng, buồn buồn, vạch quần tương mẹ nó vào chân tui những thứ cũng hôi hôi tanh tanh như người ngợm của mấy khứa. Tui nào biết nói gì, vì tui chỉ là cái cột đèn góc xóm.

Vậy đó! Thật là tội cho tui và các đồng nghiệp. Các bác biết không, có khi không chỉ mấy cha nhậu nhẹt đâm sầm vào tui, mà cả có anh chàng kia đẹp trai, đi xe hai bánh đẹp ác luôn, chả hiểu chàng vừa đi vừa a lô với nàng nào đó thì rầm một cái, sau đó là tiếng loẹt xoẹt của cái xế dãy dụa dưới chân tui, còn chàng thì nhăn nhăn nhó nhó với bộ quần áo lấm lem cái gì đó dưới chân Ngài Cột Đèn là tui chứ còn ai nữa, cái a lô thì văng nắp vào lỗ cống gần đó, cái bánh xe quay nhanh nhanh, chiếc thân xe rung rinh… Miệng chàng văng ra câu được học từ đại học đọc hại nào đó, nghe rất ư là “chuẩn”: Cha thằng nào để cái cột đèn… giữa đường.

Thiệt là xúc phạm cho cả cái nền văn minh! Bộ nó muốn khiêng cái cột đèn tui vào cái nhà hà bá của nó chắc. Không được, vì dù gì, khi còn đứng trụi lủi ở đây, tui còn có cửa mà sống, mà… tư duy, chớ còn nằm trong nhà ai đó là tui chết chắc. Vì trước sau gì thì thiên hạ cũng leo lên đầu tui, móc móc câu câu mấy cái giây gì đó vào cái ổ mạng nhện có từ đời tám kiếp chằng chịt trên mình tui, rồi dấu dấu giếm giếm… à! Thì ra mi ăn cắp điện nhá! Đâu có sao, tao ăn cắp của nhà nước chứ có ăn cắp của ai đâu. Trời ơi! Vậy nó nghĩ nhà nước khác nhân dân ư? Nó nghĩ ăn cắp của công thì vô ưu vô tư, còn của nhà người ta thì nó đánh cho bỏ mẹ! Nó đi học mà chả hiểu tí gì về của công là của mọi người, trong đó có tui nếu có ai đó gọi tui là người. Hèn nào mà người ta cứ thi nhau xài đồ chùa, đúng là cha chung chẳng ai khóc!

Vì cột đèn cũng là một loại cột, mà là cột “chùa”, nên tôi được người ta ưu ái hay u uất chẳng biết nữa, gửi lắm thứ thuộc loại có giây và kể cả các loại không có giây. Dĩ nhiên, là phải có giây điện, cái loại này lắm kẻ ngán. Chỉ có kẻ điếc không sợ súng mới coi thường loại giây tối cao này. Số là có gã kia hành nghề trộm đêm. Cũng bởi cái bóng cao áp chết tiệt treo ngang cần cổ tui tối mò cả mười mấy năm nay mà sinh ra cớ sự. Ai đời, cái hộp đựng bóng đèn vì xiết không chặt nên mưa từ trời chen chúc vô. Đầy hộp! Thế là đèn ngâm ngẩm tịt ngòi. Người ta nào là làm đơn xin xin xỏ xỏ để có chút ánh sáng ban đêm cho kẻ chích xì ke còn biết đường mà lụi trúng mạch máu, kẻo nó chết làm gì có đất mà chôn. Ừ, xin thì xin, còn cho hay không lại thuộc về tập hai chưa bao giờ xuất bản. Vậy đó! Cái thằng ông cố nọ, mới có con được 2 tháng tuổi, cóc lo làm chỉ ham cờ bạc nên đêm đến tranh thủ leo cột vào nhà kế tui mà chôm chỉa. Đã nói là nhớ ngủ thì khóa cửa lại mà hổng chịu nghe mới ra cớ sự. Anh hai tui thấy cửa mở bèn chờ đêm đến - một đêm không trăng sao - ảnh leo tới giữa chừng rồi lại quên cái móc nên lại leo xuống coi bộ thiện nghệ lắm. Rồi ảnh có vẻ hớn hở vì cái sự thông minh của mình mà tái leo lên cái thân ghẻ lở của tui. Rồi anh dừng chân lại, chuẩn bị leo qua lan can cái nhà vô phước sắp được đón chào anh. Anh lớ quớ cầm cái cây sắt dài, huơ huơ trong không gian chằng chịt những giây với nhợ. Vậy mà roẹt một cái, anh xui xẻo của tui bị mấy cái giây trung thế phóng phát một té nằm vắt vẻo trên cái mớ giây lùm xùm, cái cây sắt của ảnh nhảy lổm cổm trên mặt đường làm ai đó bật cửa mở ra, phát giác cái thân đen xì vì cháy của anh. Dĩ nhiên là người ta hô hoán. Trước sự chứng kiến nghiêm trang của tui, người ta đem ảnh xuống. Trời đất, ảnh cháy táo tạo từ đỉnh đầu tới dưới thắt lưng. Sau này, người ta kể lại, vợ ảnh vừa nuôi đứa nhỏ 2 tháng tuổi, vừa coi sóc anh vì may sao ảnh vẫn còn sống sau cú cao thế chưởng ấy. Mặt mũi anh cũng không đến nỗi mất đẹp trai lắm. Tuy vậy, anh bị co rút cái cần cổ, hai tay 10 còn 4 ngón, cũng may là phần dưới chẳng bị gì sất cả các bác ạ! Mỗi lần cô vợ 25 tuổi tắm cho chồng, là phải đem cái ông xã chết tiệt ấy ra hàng hiên mà xếch xy chăm phần chăm anh ý ra mới có đủ chỗ. Nhiều lúc tui nghĩ thằng này mà không chừa cái tội ăn cắp, khéo nó còn có thể làm nghề 2 ngón được, vì 2 tay của nó, 1 tay còn nhất chỉ, tay kia tam chỉ. Mà móc bóp người ta chỉ cần nhị chỉ thôi chớ sao!

Các bác có bao giờ nghe cái thành ngữ thượng bất nghiêm, hạ tắc thở ủa quên hạ tắc loạn chưa nhỉ. Này nhé, có lần mấy đứa con gái nhà ai lủng xủng ăn mấy trái sầu riêng sầu tây gì đó. Các nương ăn xong, tiện tay, quẳng mẹ mấy cái vỏ xuống đường. Ai dè, vì trước khi ném mà không tập, nên có cái vỏ đã móc hết ruột xơi, bay từ lầu các nương và nhẹ nhàng đáp xuống chùm giây muôn đời lỏng nhỏng máng trên cái thân cơ khổ của tui. Gió nào làm rơi được ngay! Quýs nàng thấy vậy bèn trốn biệt vào nhà, để hôm sau, sau nhiều cái đu đưa đỏng đảnh suốt đêm của cái vỏ tách làm tư. Cứ như có me mo ry gì đó, mà cái bà bán bún bò đang ế ẩm phần vì trời mưa, phần vì người ta nghe nói bún bi giờ ăn vô là toi mạng; bà này đang loay hoay đốt vía thì tủm một phát, cái vỏ đầy gai nhọn hạ cánh cấp kỳ xuống thùng nước lèo, làm bả vất cả quẹt, cả giấy mà nhảy bổ vào nhà, trên áo bà vằn vện màu vàng của bức tranh “vỏ sầu riêng vô thùng bún”. Thật là một bức tranh trác tuyệt. Chưa hết! Lúc sau đó, có mấy đứa con gái trên lầu cao bên kia lò dò đi xuống, ra vẻ thương hại, lép nhép hỏi bà, Ủa, bác Sến bị sao vậy? Ủa mấy đứa hổng biết gì sao!… Chẳng biết đứa khốn nạn nào ném cái vỏ sầu riêng vô hàng tao nè. Mẹ cha tụi nó chứ! Dĩ nhiên là mấy cô gái mặt đỏ lừ, miệng cười mà chẳng nói chẳng rằng chi cho lộ chuyện. Đó, có phải trên cao mà không nghiêm chỉnh thì kẻ hạ tầng cơ sở lãnh sẹo là chắc bảy mươi hai phần dầu luôn!

Tui có lắm chuyện để kể cho các bác nghe lắm, nhưng sợ các bác sẽ thường xuyên nói tiếng Đức thì xấu hổ cho bản sắc dân tộc mấy ngàn năm văn hiến, nhất là chuyện mấy cái biển quảng cáo đeo và dán trên mình tui. Các bác coi, ai đời người ta đã rành rành treo cái bảng phòng mạch của bác sĩ Chém, cái lão khỉ gió nào vớ vẩn dán ké ngay bên cạnh tờ quảng cáo nhà đòn Chôn, mới khai trương. Bảng bác sĩ thì đỏ. Dĩ nhiên bảng kia màu đen là đúng gu rồi. Ai đó cũng có duyên hài lắm nên thêm kề bên bảng chỉ dẫn đến quán điểm tâm, mấy cái tờ giấy ghi rõ địa chỉ hút hầm cầu. Mẹ ơi! Thật là vui nhộn! Thật là tương thân tương ái!

Mấy cái bảng ấy rồi cũng phải hạ thổ xuống đường đi lối lại, khi mấy anh chàng thợ gì gì đó leo lên nghịch, sửa mà chẳng bao giờ làm cho cái đèn mười mấy năm tối hù được sáng lên cuộc đời vốn có. Chả biết mấy ảnh sửa cái gì, chỉ biết mấy ảnh cứ kềm và búa, cắt ráo trọi mấy cái bảng kể trên để ta còn có chỗ mà leo chớ. Làm xong việc của mấy ảnh là chân tui lại lây nhây với mấy cái thứ vừa được thả xuống. Hàng xóm và mấy người ve chai thì lấy làm thích vì cái cột đèn xấu xí nom sáng hơn, và mấy cái bảng có khi có danh tính những vị tiến sĩ lùi sĩ gì đó được triệu hồi về lò ve chai mà chả tốn đồng xu nào để mua. Anh thợ đi rồi, có khi cả xóm nhao nhao lên, sao điện thoại nhà tui nghe được cả cuộc gọi từ ai đó tới nhà bà? Sao truyền hình cáp gì mà chỉ còn sọc tới sọc lui mà chẳng có cái hình gì ráo trọi? Đủ thứ vì sao và vì sao. Lại chửi, lại nói qua nói lại, lại ngày mai trời hơi đẹp một tí, anh chàng hôm qua lại leo lên, lại gỡ bỏ mấy cái bảng hồi đêm mới treo mà tên cũ xuống đất, lại ve chai tới lượm. Mỗi nhà lại tọt vào trong, kiểm tra điện thoại, in tờ nét, truyền hình cáp xem đã xài được chưa. Có khi phải kiểm xem cái đầu vốn đã hói vì vợ hay xoa, nay có rụng thêm cọng nào không mà buồn.

Này, tối hôm qua, lúc ấy tầm 11 giờ, tui thấy có anh chàng đi xe đạp đứng dựa dưới chân tui. Cũng may, trời mới mưa nên chân tui hổng còn cái mùi gì ráo trọi, cũng chưa thấy mấy gã say ghé thăm. Mấy nhà chung quanh đã tắt đèn. Chỗ tui đứng hơi tối tối. Rồi có cô nàng ở nhà nào đó chạy ra, chẳng biết hai đứa nó nói chuyện gì với nhau vì tai tui ở xa trên cao lắm, chỗ cục sứ cách điện trung thế. Chỉ biết là sau cùng, không biết tui có nhìn lộn không, ừ, sau cùng, tụi nó hôn nhau cái chụt! Láo chết!

LAM TRẦN 31.7.2013

NGƯỜI SÀI GÒN, LỤC TỈNH

BIẾT ĐẾN TIỆM CHỤP HÌNH

VÀO HỒI NÀO?

LÊ PHƯƠNG CHI

Tết Đinh Sửu, 1997, nhân dịp về Long Xuyên, tôi đến thăm một cụ bà tuổi chín mươi sáu, trong tòa biệt thự cổ ven thị xã (trên đường đi Châu Đốc), để được xem tấm hình chụp cách nay trên tám mươi năm. Cụ đưa tôi vào nhà trong, chỉ khung hình cỡ 18x24 treo trên vách. Hình đen trắng chụp một bé gái tóc chấm vai, áo bà ba trắng, quần đen, hai bàn tay xòe đủ năm ngón úp trên đùi, đứng nép bên một ông trung niên, mặc quần đen, áo trắng, cổ áo cài hột nút màu vàng, áo bành-tô trắng, giày hàm ếch, đội nón Tây (casque), ria mép cá chốt, miệng ngậm pipe, ngồi ghế bành, tay mặt chống ba-ton đầu bịt bạc, bàn tay trái xòe đủ năm ngón úp trên đầu gối, dáng điệu một điền chủ thời ấy. Tôi thấy góc hình có đóng dấu nổi: Photo Khánh Ký, Boulevard Bonard, Saigon.

Tôi hỏi chuyện, cụ nói cô bé trong hình chính là cụ hồi mười hai tuổi, (cụ tuổi Canh Tý, 1900), người ngồi là cha của cụ. Tính theo tuổi bà cụ thì năm chụp hình vào khoảng 1912. Tôi gợi chuyện hỏi tại sao cụ không xin chụp riêng một tấm? Cụ lắc đầu: Hồi đó ai dám chụp hình một mình, bởi sợ cái hộp trong máy phủ vải đen, hớp hồn vô trỏng. Cũng vì sợ bị hớp hồn cho nên cha của cụ mới cho con đứng một bên, và dặn khi chụp phải xòe đủ mười ngón, nếu thiếu, ngón nào thiếu sẽ bị thương tật. Còn chụp hình một mình là bị cái hộp có phủ vải đen hớp hồn vô đó, sớm muộn gì rồi cũng bị ngớ ngẩn như bị ma ám. Cụ chỉ lên bức chân dung của chồng họa bằng than chì cỡ 40x50, lộng khung để trên bàn thờ, nói bức đó cụ mướn thợ hoạt theo tấm hình chồng chụp chung với bạn, cũng vì không dám chụp hình một mình. Tôi ngỏ ý mượn tấm hình cụ chụp với người cha, đem ra sân đủ ánh sáng để chụp lại, cụ không cho, vì sợ xúc phạm vong linh người quá cố.

Về Tp. Hồ Chí Minh, tôi nổi tính tò mò muốn tìm hiểu xem dân Sài Gòn biết đến tiệm để chụp hình hồi nào. Một vài cụ ông lứa tuổi ngoài chín mươi, sành chơi ảnh cho biết theo trí nhớ, thời đó (khoảng 1912), ở Sài Gòn, có mấy tiệm chụp hình danh tiếng như Photo Mỹ Lai, Tân Mỹ, Khánh Ký (nằm trên Boulevard Bonard, đường Lê Lợi hiện nay), Nguyễn Ngọc, Aratiste (Boulevard Charner, Nguyễn Huệ), Antoine Giàu (trong một kiosque đường Amiral Dupré). Đường Catinat có các Photo: Nguyễn Duyên, Indochine, Alpha, Nadal (sau 1954 tiệm này đổi tên là Photo Long Biên). Photo Long Biên độc quyền bán máy hình hiệu CANON, Photo Alpha độc quyền bán máy hình hiệu NIKON; cả hai tiệm này đều có bán máy rọi và dụng cụ phòng tối về tráng film, và máy rọi hình. Photo Minh (rue Duranton), Photo Cánh Quang (rue Pasteur, vùng Chợ cũ). Photo Tân Quý (rue Général Lizé, sau đổi Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ), Photo Mỹ Cảnh (rue Edouard Audouit, Cao Thắng), Photo Văn Quy (rue Verdun, CMT8).

Vùng Tân Định, có Đức Lan, Văn Hoa, Thiện Ký, Lưu Luyến, Phan Quý (rue Blanchy, nay là Hai Bà Trưng, Q.I). Vùng Dakao, có Photo de Dakao (rue Martin des Pallières, Nguyễn Văn Giai), các Photo: Palace de Dakao, Hữu Phúc, Mỹ Ngọc (rue Albert ler, Đinh Tiên Hoàng, Q.I). Gia Định có Photo Trần Của (rue Paul Blanchy sau đổi Võ Di Nguy, nay là Phan Đình Phùng, Phú Nhuận). Photo Nam Mỹ gần chợ Bà Chiểu. Chợ Lớn có: Nguyễn Tiếp, Claire, Mỹ Lệ, Long Champ (Boulevard Galiéne, Trần Hưng Đạo B, Q.5), Photo Quang Minh, Hồng Hà (rue Lacaze, Nguyễn Tri Phương, Q.5), Photo Quảng Châu (rue Jaccaréo, Tản Đà, Q.5).

Thời đó còn có một số thợ chụp hình lưu động, họ là nhân viên chánh phủ bảo hộ, đi các tỉnh chụp những cuộc lễ như: Quatorze Juillet, lễ Noel, lễ Toussaint, và lễ Vacane của các trường học vv... Họ đến tỉnh nào cũng được tiếp đãi nồng hậu tại bungalow (nhà khách) tỉnh, được các quan chức tỉnh tâng bốc là “quan lớn”. Nhà trường, hoặc các nhà giàu trong tỉnh, ai muốn chụp hình, phải rước “quan” đến nhà chiêu đãi, ”quan” mới chụp cho vài kiểu, mỗi kiểu cũng vài ba đồng bạc (bấy giờ lúa 1 cắc 1 giạ). Nhà nào được “quan” chụp vài kiểu hình thì lấy làm hãnh diện lắm.

“Quan chụp hình” thường xuống các tỉnh miền Tây thời ấy là các ông Messner người Đức, và Mori người Nhật, đều có Pháp tịch. Họ thường chụp hình cho các trường tiểu học và mấy nhà điền chủ giàu ở Lục tỉnh. Hiện nay nhiều nhà còn giữ được những tấm hình mà các học trò mười hai, mười ba tuổi có mặt trong hình hồi ấy, nay đã thành các cụ ngoài chín mươi, như cụ Vương Hồng Sển cũng còn giữ được tấm hình chụp chung toàn thể học sinh lớp Nhất (cours supérieur) với ban giám hiệu trường tỉnh Sóc Trăng trong dịp Vacane năm 1913, nay màu hình đã úa nhưng nét vẫn còn rõ.

Theo lời các cụ tuổi ngoài chín mươi, thì hồi 1926, Sài Gòn có Photo Antoine Giàu trên đường Catinat. Chủ tiệm cũng tên Antoine Giàu, ông ta học chụp hình bên Tây về, chuyên chụp chân dung người đẹp. Ông Giàu có chưng trong tủ kiếng tấm hình người đẹp nổi danh thời bấy giờ là cô Ba Trà, hình rọi lớn như người thiệt.

Và Photo de Dakao (rue Martin des Pallières, Dakao) cũng chuyên chụp chân dung những cặp đẹp đôi (couple assorti). Trong tủ kiếng tiệm này có chưng bày hình ông Chung Tốt, nhân viên Air Việt Nam và vợ là cô giáo Dung, dạy trường nữ trung học Gia Long, ai đi ngang qua cũng ngắm nghía trầm trồ.

Thời Pháp thuộc, muốn mở tiệm chụp hình phải là dân Tây và có nhiều tiền. Kỳ dư, người Việt, người Hoa hay người Nhật cũng phải có Pháp tịch, mới xin được patente (môn bài) mở tiệm hình.

Trước năm 1954, vùng Sài Gòn có tiệm hình Mỹ Lai, Tân Mỹ, Khánh Ký ở đường Bonard (Lê Lợi). Người các tỉnh có dịp về Sài Gòn thường tìm đến chụp vài kiểu hình để kỷ niệm. Có vài tấm ảnh chụp những tiệm kể trên, đã hơn bốn mươi năm, nước ảnh vẫn còn như mới. Người viết bài này còn giữ tấm ảnh chân dung (portrait) của mình do Photo Mỹ Lai chụp năm 1954, nước ảnh vẫn còn đẹp.

Sau năm 1954, những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp từ miền Bắc di cư vào Nam, mở nhiều tiệm hình như Photo Đống Đa (đại lộ Nguyễn Huệ, Q.I), Photo Thực (đường Thái Lập Thành, Chợ Đũi), Photo Mạnh Đan (đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ), Photo Hậu (đường Trần Hưng Đạo), Photo Hà Di (đường Thủ Khoa Huân), Photo Viễn Kính (đường Phan Đình Phùng gần chợ Vườn Chuối, nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) vv… Ven đô Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, nhiều hiệu ảnh cũng lần lượt nổi lên, thiết kế quy mô và trần thiết khang trang. Hiệu ảnh bắt đầu nở rộ.

ĐỖ THIÊN THƯ st

NHIẾP ẢNH GIA

Thân tặng anh Anthony HA

Ngày nay với thời đại kỹ thuật số tiến bộ vượt bậc ai ai cũng có thể trở thành Nhiếp ảnh gia, ai ai cũng có thể trở thành ca sĩ chỉ với 1 dàn karaoke. Nhà nào cũng có ít nhất một máy chụp hình hay người nào cũng có 1 điện thoại thông minh nhấn 1 cái hay là bóp 1 cái là có ngay 1 tấm hình. Nhiều người tự chụp “chân rung” – ngôn ngữ hiện đại gọi là tự sướng – đưa lên Facebook tá lả. Khỏi cần chỉnh sửa photoshop hay photo xiếc chi cho mệt, đen thui hay đui then cũng chẳng sao miễn có tấm hình. Bố cục hay cục to tổ bố là cái gì cũng chẳng biết. Tương phản sắc độ, tương phản nội dung là cái gì nhỉ? Ánh sáng thuận, nghịch hay ánh sáng ngược là chuyện vớ vẩn. Luật viễn cận ư? Cái này liên quan gì đến xây dựng không ta? Mình cũng chẳng cần biết miễn là có tấm hình khoe bạn bè là tốt rồi.

Chính vì vậy mà mọi người đều trở thành nhiếp ảnh gia. Xưa kia đi du lịch mọi người phải nhờ vào bác phó nháy, không ai gọi chú phó nháy nhỉ? Hay sợ giáng cấp chú sẽ không chụp tấm hình đẹp chăng? Ngày nay máy chụp hình mini, iphone, smartphone, lungtungphone… tha hồ mà chụp. Bấm lia bấm lịa về de le te bớt cho nhẹ máy lần sau đi chơi nữa lại cho de một mớ nữa vì bộ nhớ đã đầy rồi. Kết quả là chẳng mấy ai rọi ra tấm hình nào! Bạn bè hỏi chỉ cười trừ: “Tao còn để trong máy”. Cùng lắm là đưa lên facebook hoặc gửi mail cho xong chuyện.

Vậy thì nhiếp ảnh gia có đáng yêu không? Đáng yêu lắm chứ - mình chứ còn ai!!!

Theo Andre Luu (trên internet) có 15 lý do để yêu Nhiếp Ảnh Gia (NAG).

1- NAG là người có tâm hồn đẹp.

Chỉ có một tâm hồn đẹp mới có thể nhìn ra được cái đẹp để sáng tạo ra một ảnh đẹp.

2- NAG là người có chiều sâu.

NAG có thể nhìn xuyên qua cái vẻ bề ngoài và thấy được cái đẹp tiềm ẩn bên trong. Bạn sẽ rất yên tâm vì cái đầu bù xù buổi sáng của bạn đối với anh ấy là nghệ thuật.

3- NAG là người dễ cảm thông.

Vì lúc nào cũng phải cảm nhận được cái “hồn” để tạo ra ảnh có hồn, nên anh ấy rất nhậy bén với những tâm trạng buồn vui của bạn.

4- NAG là người tỉ mỉ.

NAG thường kiểm tra ảnh trên từng pixel chi tiết bằng cách phóng ảnh to ra 100%, nên anh ấy sẽ không hời hợt và bỏ sót bất cứ điều gì khi bạn cần anh ấy giúp bạn.

5- NAG là người kiên nhẫn.

NAG phải thường xuyên chờ đợi mới có thể bắt được một khoảnh khắc để tạo ra một ảnh đẹp như ý, với tính kiên nhẫn này anh ấy sẽ chờ đợi bạn đi mua sắm mà không bao giờ mở lời than phiền.

6- NAG sẽ dắt bạn đến những nơi tuyệt nhất.

NAG đi nhiều nơi để khám phá và tìm góc ảnh đẹp, nên anh ấy biết rất nhiều địa điểm vừa có phong cảnh đẹp và vừa có đặc sản tươi ngon và quan trọng là rất rẻ.

7- NAG là người cầu tiến.

Cái gì trong nhiếp ảnh cũng phải tối ưu, nào là lấy nét tối ưu, độ phơi sáng tối ưu… nên bạn an tâm rằng anh ấy sẽ cố gắng mọi thứ đến tối ưu, vượt qua mong đợi của bạn.

8- NAG là người sống lành mạnh.

Đón bình minh, đi bộ và leo núi để tìm góc ảnh đẹp đều là những hoạt động rất tốt cho sức khoẻ. Lúc anh ấy không chụp ảnh thì anh ấy ở nhà xử lý ảnh, nên anh ấy không có thời gian hoặc có ý muốn đi la cà nhậu nhẹt hay đi bia ôm.

9- NAG là người biết tiết kiệm và là quỹ tiết kiệm khẩn cấp.

Máy móc thiết bị tốn rất nhiều tiền và NAG phải dùng đủ mọi cách dành dụm tiền để mua được chúng. Sau nhiều năm như thế anh ấy rất rành về những cách tiết kiệm hiệu quả. Một điều tuyệt vời là trong trường hợp khẩn cấp các thiết bị đó có thể được bán để lấy tiền nhanh chóng.

10- NAG biết quan tâm bạn đúng nhất.

Trong mỗi ảnh đều phải có nào là chủ thể nào là chi tiết phụ… Hơn ai hết NAG đã quen với chọn lựa điểm nhấn, nhận ra cái gì quan trọng và cái gì không. Nên hãy tin rằng những gì quan trọng đối với bạn sẽ được anh ấy chú ý đúng mức.

11- NAG là người thông minh.

NAG phải biết tiếng Anh mà phải là tiếng Anh kỹ thuật như filter, sensor, f-stop… Anh ấy nhậy bén với kỹ thuật như cấu hình, điểu khiển máy ảnh phức tạp và sử dụng các phần mềm. Vì thế bạn sẽ yên tâm khi có anh ấy bên bạn vì mọi thứ hư cũng đều được anh ấy sửa hết.

12- NAG biết làm cho bạn đẹp.

Anh ấy rất thông thạo về màu sắc và những cách làm đẹp như màu nóng, màu lạnh, tông suyệt tông….Ở bên anh ấy bạn sẽ có một chuyên gia tư vấn thẩm mỹ và thời trang miễn phí.

13- NAG biết biến bạn thành model.

Bạn lên cân, da không trắng, mặt bị mụn? Không sao hết, chỉ chừng 10 phút trong Photoshop anh ấy sẽ làm cho bạn đẹp như model.

14- NAG có khả năng giúp bạn gánh vác.

Do phải khuân vác thiết bị máy móc nặng và đi bộ nhiều km thường xuyên, nên khả năng vác đồ của anh ấy khá tốt. Bạn sẽ đỡ nhọc nhằn khi dọn nhà, đi chợ hay đi mua sắm.

15- NAG rất dễ bảo.

Bởi vì NAG có đam mê quá rõ ràng, nhờ thế bạn mới có cái “tẩy” để nắm. Chỉ cần dọa là không cho đi chụp ảnh, thế là anh ấy sẽ ngoan ngoãn chìu chuộng bạn để được “cấp visa”. Ngoan như thế thì còn gì bằng !

Vì những lý do trình bày trên, bạn thấy là NAG có quá nhiều ưu điểm, nên NAG thường được nhiều người yêu mến. Nếu bạn muốn trở thành một NAG thì bạn phải cố gắng nhé. Cố lên!

Anh tôi tự xưng là HAG, hỏi mãi anh mới khai anh là “Hiếp ảnh gia” vì cứ đè con người ta ra chụp: một cháu nhỏ đến tuổi đi học cần tấm hình để dán vào hồ sơ. Tiện có máy ảnh anh sẵn sàng giúp. Nhưng đứa bé nào có chịu, nó cứ chạy trốn máy chụp hình, cuối cùng mẹ của cháu bé phải giữ 2 tay cháu và núp ở đằng sau để cho anh ta bấm máy. Kết quả là… tấm hình không dùng được vì cặp mắt thì sợ hãi mà cái miệng thì… méo xệch.

HÀ MẠNH ĐOÀN

TÀ ÁO TÂY THI

“Đoàn văn công về xã”.

Tin đồn lan nhanh còn hơn báo động sắp có trận càn của địch.

Trong buổi họp chợ, ngoài những câu trao đổi mua bán, người ta còn bàn bạc ì xèo về đào kép. Nào là đào Thiên Kiều sắp lấy chồng mà người diễm phúc không ai khác hơn anh kép chánh Hùng Dũng. Họ lo lắng mai kia mốt nọ đào Thiên Kiều có bầu thì làm sao diễn? Liệu chất giọng ngọt như mía lùi có mất đi không? Người mua, kẻ bán trở nên hào phóng, dễ dãi. Họ ngã giá nhanh chóng nên chợ tan sớm hơn mọi lúc.

Ngoài đồng, công việc gặt hái hình như nhẹ nhàng gấp bội. Nắng trưa chỉ làm mau khô những giọt mồ hôi đọng trên lưng áo nông dân. Không ai cảm thấy nóng và mệt. Lưỡi hái loang loáng dưới ánh mặt trời. Từng nhánh lúa trĩu hạt vàng rộm, thơm lừng bị cắt rời gốc rạ. Họ muốn kết thúc sớm chuyện đồng áng để buổi tối an tâm giải trí.

Nhưng, sôi động nhất vẫn là bọn trẻ trong xóm. Chúng gọi nhau chí chóe, ríu rít như chim hót chào bình minh. Chúng tụ lại thành từng nhóm nhỏ tán chuyện. Hết đoán tựa tuồng sắp diễn đến bàn cách giành chỗ tốt. Loáng cái mấy tàu dừa bị chặt đứt rơi phịch xuống. Tàu lá chuối tươi hoặc khô cũng bị xén gọn, kéo lê vào một góc. Mấy tờ báo cũ được phủ sạch bụi. Tấm ny lông rách lỗ chỗ được đem ra giặt sạch, phơi khô, xếp gọn. Tất cả chờ tối. Chúng sẽ được thay chiếu, lót chỗ ngồi. Vài đứa rỗi việc, chạy tuốt đến nơi đoàn văn công tạm trú để xem mặt đào kép, trố mắt nhìn họ ăn uống, nằm ngồi. Thậm chí khi họ đi... cầu cá cũng tràn theo. Chúng đeo theo nghệ sĩ như ruồi bu miếng mật. Dù những nghệ sĩ ấy rất quen thuộc với chúng. Phần lớn là người trong xã có chất giọng tốt hoặc yêu thích văn nghệ, xin vào đoàn văn công ca cổ nầy. Tay nghề của họ không cao lắm, thỉnh thoảng vẫn bị “hố” khi diễn như ca rớt nhịp, chưa kịp xuống giọng đã đứt hơi hoặc đang nói lối thì quên câu kế tiếp. Tuy nhiên, khán giả cũng dễ dãi. Người nhà đó mà! Họ cười nghiêng, cười ngả rồi... quên. Và, họ tiếp tục yêu mến, mong đợi buổi diễn khác.

Riêng nhóm thanh niên chúng tôi có vẻ trầm tĩnh hơn cả. Người nào cũng làm việc bình thường. Nhưng nếu tinh ý sẽ nhận ra dưới mặt hồ yên tĩnh ấy là những đợt sóng ngầm đang chờ giờ cuồn cuộn. Mấy cặp “đào kép đời thường” tìm cách bẹo hình bẹo dạng nhau. Người nầy đợi người kia ngỏ lời mời đi xem hát. Nhóm con trai buổi chiều tắm táp kỹ càng hơn. Miếng sơ dừa được dịp trưng dụng tối đa. Nó tha hồ chạy trên tấm lưng trần to như tấm thớt rồi vòng quanh bụng, đi dọc ống quyển, lần xuống đôi bàn chân để cuốn sạch những lớp hầm hố, cáu ghét thâm căn cố đế. Đôi dép đặt dưới góc tủ được lôi ra chà rửa sạch sẽ. Vài anh đỏm dáng còn tỉa tót mặt mày đầu cổ, vừa nhổ râu vừa cười tủm tỉm với... mình trong gương.

Cánh con gái kín đáo hơn nữa. Họ len lén mở nắp rương quần áo ra nhìn và lựa chọn. Tần ngần chẳng biết mặc áo màu tím lục bình hay vàng hoa cúc, màu hoa ô môi hay sắc đỏ trời chiều. Các cô ướm thử rồi ngắm mình trong gương, nghiêng đầu làm dáng, chúm chím cười duyên. Hai má cứ hồng lên từng chặp khi tưởng tượng “người ấy” sẽ nhìn mình đắm đuối.

Tôi chưa có người yêu nhưng cũng vội vàng gội tóc. Tôi lén mẹ hái một ít hoa bưởi thả vào thau nước trong veo với hy vọng hương hoa sẽ đọng lại trong từng sợi tóc. Tôi chỉ có một chiếc áo đẹp nên khỏi mất công chọn lựa. Tôi đem áo lụa ra phơi. Ánh nắng làm cho sắc áo nhạt hơn. Màu mỡ gà bấy giờ tựa vạt nắng phai. Thế nhưng đêm về, dưới ánh trăng, màu áo của tôi lại sậm hơn và những cánh hoa trên vải nổi bật, lấp lánh, óng ả. Mặc áo này, tôi biết mình xinh xắn hẳn ra nhưng ít khi dám mó tới vì sợ nó mau cũ. Tôi cất kỹ trong rương, dành khi hội hè, đình đám. Tôi lăng xăng “chưng dọn, sửa sang” tay chân, mình mẩy rồi đi ra chỗ trình diễn của đoàn văn công.

Tưởng mình đến sớm nhất nhưng tới nơi mới biết còn chậm chân. Trước cái sân khấu lộ thiên, khán giả đông nghẹt. Dường như dân trong xã kéo rốc ra đây xem hát. Kẻ đứng, người ngồi, tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau... tạo thành một âm thanh vui nhộn chưa từng có ở một nơi hẻo lánh thế này. Chỗ tốt đã bị giành hết. Sân khấu cách nơi tôi đứng khá xa. Như vậy sẽ khó thấy. Chưa kể, đến màn gay cấn khán giả đứng cả dậy thì hết phương. Trừ khi tôi trèo lên nhánh cây cao.

Vừa lúc đó có tiếng gọi: “Nhạn”.

Giật mình quay lại, tôi bắt gặp khuôn mặt tươi tỉnh của Phi Quân Sĩ. Hồi sáng, anh vào xóm mượn một ít bàn ghế dùng kê sàn diễn. Nhà nào cũng sốt sắng đưa cho anh mượn một hai cái bàn. Ba tôi cũng vậy. Ông vác cái bàn duy nhất trong nhà cho anh mượn. Đã vậy, ông còn mời anh ở lại ăn cơm trưa. Thấy cảnh tôi trải chiếu dưới đất để dọn cơm, Phi lúng túng vác bàn đem trả. Ba tôi la om sòm. Ông bảo nếu Phi từ chối thì ông sẽ khiêng hết mấy cái giường ra cho mượn luôn. Túng thế, Phi phải nhận lời. Anh về đoàn, lát sau trở lại với chai rượu thuốc, biếu ba tôi. Ông già cảm động quá trời, bảo anh ngồi uống trà chờ ổng kiếm mồi nhậu. Tội nghiệp mấy con gà! Chúng bị ba tôi rượt chạy tán loạn. Ông đổ cả mồ hôi trán mà không tóm được con nào. Bực quá, ông bắt con gà mái đang ấp đem đi cắt cổ. Ông với Phi hè hụi nấu nướng rồi cùng nhau thù tạc, chén thưởng, chén phạt một hồi. Chai rượu vơi quá nửa Phi đỏ mặt tía tai như dậm phấn hồng hơi dầy. Có lẽ anh đã say, anh bắt đầu huyên thuyên, thổ lộ nỗi lòng của mình:

Giặc giã tràn lan. Thanh niên trong làng xung vào du kích. Phi cũng đi theo. Anh định phen này sẽ ra trận, bắn gục vài tên giặc, kiếm dăm ba cái huy hiệu anh hùng đeo chơi. Nhưng khi giáp trận anh vỡ lẽ. Muốn trở thành anh hùng quân đội đâu phải dễ. Phải gan dạ, thông minh và bắn đâu trúng đó. Đằng nầy, từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ, Phi có cầm súng hồi nào đâu. Nghe tiếng súng đã hết vía, chỉ muốn chui tọt xuống hầm trú ẩn. Trông thấy đạn bay ngang mặt liền nhắm nghiền hai mắt. Bóp cò loạn xạ. Hết đạn, chẳng có tên giặc nào ngã gục. Sau đó, Trung đội trưởng thấy Phi còn quá trẻ, hỉ mũi chưa sạch, ông phân công cho Phi lo việc hậu cần. Từ đó, tối ngày anh tối mắt, tối mũi với lửa khói... bếp. Phi an phận làm anh nuôi. Cũng không dễ gì. Vừa nấu ăn vừa đánh giặc, kiêm luôn tìm thực phẩm. Có khi đang nấu cơm thì có trận càn của địch, Phi phải ôm nồi cơm... chạy. Bỏ lại thì sợ anh em bữa đó nhịn đói. Có lúc lương thực cạn queo, Phi phải đào củ chuối, bắt ốc, hái rau, câu cá... để nuôi quân. Đến khi đoàn văn công ghé ngang qua chỗ đóng quân, Phi mê quá, anh xin thủ trưởng cho chuyển ngành. Thời giặc giã, cái chết kề bên. Mọi việc được giải quyết nhanh chóng theo nguyện vọng của anh em. Vậy là Phi bắt đầu đi theo đoàn. Anh tiếp tục nhiệm vụ... anh nuôi nghệ sĩ. Thỉnh thoảng, anh cũng được lên sân khấu đóng vai... quân sĩ. Phi kiêm luôn trưởng ban dọn dẹp sân khấu. Công việc tuy vất vả nhưng Phi hài lòng lắm. Dù sao đêm nào anh cũng được coi hát khỏi trả tiền. Đã vậy, Phi còn được ăn chung mâm, ngủ chung mùng với kép chánh. Lâu lâu, gặp trận càn bất ngờ, Phi cũng được cầm lại cây súng mà bắn địch. Tính ra tiện lợi nhiều bề.

Đêm nay, có lẽ vì nhớ ơn ba tôi đã ra công chiêu đãi, Phi tìm cách đền đáp. Anh dẫn tôi đi vòng ra sau “hậu trường”. Anh bảo tôi leo lên sân khấu, ngồi sau “ cánh gà” được che tạm bằng mấy tấm lá vàng bạc ghép lại. Ở đó, tôi có thể nhìn rõ từng cái nhăn mặt, nhíu mày của đào kép, thấy không sót những lúng túng của họ khi quên tuồng bất ngờ. Tôi phục sát đất là đào Thiên Kiều. Cô đẹp lộng lẫy trong vai Tây Thi. Tà áo có gắn kim tuyến lấp lánh dưới ánh đèn măng-sông sáng choang. Tây Thi ca vọng cổ mùi chưa từng thấy. Tôi cứ phải lau nước mắt từng hồi. Gần đến màn chót, bổng dưng Thiên Kiều bị... sốt rét. Cô run cầm cập. Người trong đoàn phải lấy mấy cái chăn trùm kín mà cô vẫn... lạnh run. Trưởng đoàn phải cáo lỗi và xin khán giả giải lao mười lăm phút để chờ Tây Thi bình phục. Nhưng hết lạnh, nàng lại chuyển sang nóng. Chẳng lẽ cho vãn hát trong khi đoạn cuối nầy, Tây Thi phải ca sáu câu vọng cổ rồi theo Phạm Lãi về nước là xong. Trưởng đoàn chạy tới chạy lui như gà mắc đẻ. Sơ ý, vấp phải tôi. Ông lăn cù trên sàn diễn. Tôi hoảng vía, sợ ông nổi nóng mắng cho một trận. Nhưng ông lồm cồm ngồi dậy, như bắt được vàng, ông reo lên:

- Đây rồi, đây rồi!

Ông nắm lấy bàn tay tôi rồi nói với Phi:

- Nè, Phi quân sĩ, anh cho tôi mượn cô bé này đóng vai Tây Thi màn cuối nghe!

Tôi kinh hãi kêu lên:

- Trời ơi, con đâu biết ca vọng cổ. Chú kêu mấy chị khác đi.

Ông khoát tay lia lịa:

- Đừng lo! Bỏ, bỏ, bỏ mấy câu vọng cổ. Cháu khỏi lo. Chỉ cần mặc áo Tây Thi, cháu đi ra, đứng quay lưng về phía khán giả rồi đưa hai tay lên trời và nói lối như thế này này.

Ông vừa nói vừa điệu bộ:

- Phạm Lãi chàng ôi...! Khói lửa ngút trời, tang tóc phủ trùm vạn vật. Biết thiếp có còn gặp lại chàng chăng?

Ông quay nhìn tôi:

- Phi sẽ đóng vai quân sĩ của địch, dùng gươm đâm lén Tây Thi. Cháu gục xuống vầy nè rôi tắt thở. Lúc đó, Phạm Lãi xuất hiện, chàng ta sẽ kêu lên “Trời....ơi! Tây...Thi...! Tây... Thi... nàng đã... chết!”. Phạm Lãi sẽ bồng Tây Thi rồi thống khổ kêu lên: “Tây Thi nàng ôi! Ta sẽ đưa nàng về đất Việt và suốt đời sẽ làm kẻ giữ mộ cho nàng”.

Ông xua tay:

- Xong, khỏe re!

Nhưng Phi phản đối, anh không chịu cho kép Hùng Dũng bồng tôi với lý do “Sợ ba tôi rầy” và coi chừng Thiên Kiều ghen. Túng thế, ông bầu đành để Phi thay Hùng dũng thủ vai chính, còn Hùng Dũng thì biến thành quân sĩ.

Người ta kéo tôi vào trong, lấy phấn đánh lên đôi má rám nắng của tôi, tô một lớp son đỏ thắm lên đôi môi tôi, đặt vương miện lộng lẫy lên đầu và khoác cho tôi chiếc áo Tây Thi rồi... xô tôi ra sân khấu.

Tôi chới với, suýt chút nữa phát khóc vì sợ. Ôi, bao nhiêu cặp mắt đang nhìn chòng chọc vào tôi. Có vài câu xì xầm vang lên!

- Tây Thi màn này lạ... mà đẹp!

- Ủa, sao quen quen!

- Đẹp quá!

Tưởng như hồn mình bay bổng tận chín tầng mây. Tôi sung sướng lượn vài vòng trên mặt... mấy cái bàn làm sàn diễn rồi ngửa mặt, đăm đắm nhìn bầu trời đầy sao, tôi kêu lên:

- Ôi hỡi các vì sao, hỡi ánh trăng huyền diệu! Hãy soi rõ đường cho ta tìm gặp được chàng! Phạm Lãi chàng ôi! Chàng ở đâu? Chàng ở đâu?

Và tôi khóc. Một lúc sau, khi xúc động đã lắng xuống, tôi gào lên:

- Chàng ôi! Thiếp đâu còn xứng đáng với chàng nữa, một người anh hùng của nước Việt quý yêu!

Tôi gục xuống. Có tiếng chắc lưỡi trong hậu trường: “Trời, tuyệt quá!” Vừa lúc đó, kẻ gian lẻn vào, hắn chém một nhát... nhẹ hều vào lưng tôi. Tôi kêu lên: “Á...” và ngã vào đôi tay rắn chắc của... Phi Pham Lãi vừa chạy tới. Anh chàng thở hào hển như đang vượt dốc. Phi nhấc bổng tôi nhưng anh trở chứng không chịu bồng tôi vào trong cho người ta hạ màn mà lại đi vòng vòng rồi gào thảm thiết:

- Tây Thi nàng ôi, ta sẽ mang nàng đi cùng trời cuối đất. Nơi đó không có chiến tranh, chết chóc mà chỉ có tình yêu.

Chúng tôi cười vang, dì Tư cũng cười theo, Trúc thắc mắc: “Rồi sao nữa Dì Tư?”.

Dì Tư đỏ mặt kể tiếp:

- Phi gục xuống... để lỗ mũi lên gò má dì mà hít nghe một cái rột.

Như vỡ chợ, tiếng cười ầm ĩ vang lên, tôi nóng nảy:

- Kể tiếp đi dì Tư!

Dì mỉm cười:

- Thì màn hạ. Ôi thôi người ta khen quá trời! Thấy vậy, ông bầu tới nhà xin cho dì theo đoàn hát để phục vụ nhân dân.

Trúc mơ màng:

- Thích quá! Vậy là dì thế chỗ đào Thiên Kiều phải không?

Lắc đầu thở ra, Dì Tư buồn bã nói:

- Đâu mà có. Bữa đó tổ đãi dì diễn hay như thế, chứ chừng chính thức vào đoàn dì mới nhận ra mình chỉ có khả năng... làm “tì nữ” mà thôi. Đó là lần đầu cũng là lần cuối dì được đóng vai chánh.

Dì Tư đi vào trong buồng. Lát sau, dì lấy ra một chiếc áo vương phi cũ kĩ. Màu vàng rực rỡ đã phai nhạt. Những đóa hoa kim tuyến đứt đoạn, rời rạc, không còn sức quyến rũ. Chiếc áo gợi nhớ về quá khứ xa xăm và nỗi buồn trước cỗ xe thời gian chở theo thanh xuân và hy vọng. Chiếc áo đánh dấu kỷ niệm ngọt ngào và là nhân chứng của tàn phai, phiền muôn.

Dì Tư nhìn về phía chân trời, giọng đượm buồn:

- Đây là chiếc áo Tây Thi ngày ấy. Trước khi chết vì trúng đạn pháo của địch, Thiên Kiều đã tặng lại cho dì. Cô ấy muốn dì tiếp nối đoạn đường còn lại. Nhưng dì đã phụ lòng mong đợi của Thiên Kiều. Dì yêu sân khấu nhưng không có khả năng diễn xuất. Khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, một số nghệ sĩ trong đoàn hy sinh. Đoàn rã gánh. Dì trở về quê cũ cho đến giờ.

Tôi gạn hỏi:

- Còn Phi Quân Sĩ thì sao hả đi?

Dì Tư phì cười, chỉ về phía chồng con:

- À, còn Phi Quân Sĩ thì theo dì về đây đóng vai… cha của lũ nhỏ nhà nầy nè.

Dì Tư mang chiếc áo ra sân phơi nắng. Tà áo Tây Thi phất phơ trong gió chiều. Có tiếng thở dài não nuột. Tôi bồi hồi nhin mặt trời chếch bóng phía xa mà tưởng tiếc thời vàng son nào xa khuất.

NGUYỄN THỊ MÂY 

Phụ Bàn IV

NGƯỜI PHÀM VÀ NGƯỜI TU

1. Người Phàm học văn hóa.............Người Tu học văn minh

2. Người Phàm làm tài khôn............Người Tu làm tài dại

3. Người Phàm mê muội..................Người Tu thức tỉnh

4. Người Phàm hung dữ...................Người Tu hiền hòa

5. Người Phàm đau khổ...................Người Tu hạnh phúc

6. Người Phàm tham lam.................Người Tu bố thí

7. Người Phàm nói láo.....................Người Tu nói thật

8. Người Phàm gây chiến tranh.......Người Tu tạo hòa bình

9. Người Phàm thu gom...................Người Tu buông bỏ

10. Người Phàm nghiêm nghị...........Người Tu vui vẻ

11. Người Phàm la lối.......................Người Tu im lặng

12. Người Phàm ủ rũ.........................Người Tu tươi cười

13. Người Phàm ăn nói bướng bỉnh..Người Tu cẩn ngôn

14. Người Phàm đông mới vui........Người Tu một mình cũng vui

15. Người Phàm vay mượn..............Người Tu tự túc

16. Người Phàm nhỏ mọn................Người Tu quảng đại

17. Người Phàm thờ ơ cuộc sống...Người Tu quan tâm cuộc sống

18. Người Phàm sợ chết.........Người Tu vui vẻ chấp nhận sự chết

19. Người Phàm tự quản thúc .........Người Tu tự do

20. Người Phàm nô lệ thân xác........Người Tu làm chủ thân xác...

Thanh Châu st

ĐÍNH CHÍNH

SỐ 97 trang 31: Mối tình Huyền Trân & Trần Chung

Xin sửa lại Mối tình Huyền Trân & Trần Khắc Chung

SỐ 96 trang 58: Nhạc sĩ Viết Chung26/3/2014

Xin sửa lại: Nhạc sĩ Viết Chung 26/3/1996

Chân thành cảm ơn

ĐỐI M

Hà Minh hít hà mùi thơm nhức mũi từ một chiếc đĩa to bốc lên làn hơi hôi hổi mà cô đang bê.

- Thơm ác, thơm không chịu nổi nữa rồi, mau lên đi Cầm ơi!

Vừa kêu to lên, cô vừa đặt chiếc dĩa to chất những cái đùi gà chiên vàng rộm ấy xuống mặt bàn. Nhìn lướt qua cô điểm những thứ đã có trên bàn, một đĩa dưa leo cùng cà chua sống cắt lát được hoa hòe bằng những lá rau thơm, một đĩa nho nhỏ có sẵn muối tiêu và lát chanh, một đĩa khác là những lát bánh mì, “còn thiếu gì nữa nhỉ?”, và cô lại quay ngoắt, len chân qua những chiếc ghế hình khúc gỗ cắt rời, khom lưng lách qua những sợi hoa tim tím rủ lơ thơ dưới cái giàn, thêm một đoạn hành lang ngắn nữa, cô mới bước vào gian bếp.

- Xong chưa Cầm ơi?

- Xong rồi đây. Bộ đói lắm rồi hả?

- Lẽ ra thì chưa thấy đói, nhưng mà cái mùi vị không cưỡng nổi ấy nó đang kích động cái dạ dày.

Hà Minh cười như thú nhận một thứ lỗi mà cô không cố tình phạm phải, và lấy từ cái rọ đũa treo bên tủ chén ra hai cái nĩa và một con dao gọt trái cây. Phương Cầm đưa đĩa khoai tây chiên mới vớt ra còn nghi ngút khói cho Hà Minh bảo:

- Cậu mang ra hộ mình, mình lấy thêm cái này nữa đã.

- Dọn hết cả tủ lạnh ra luôn đi.

- Bụng thì nhỏ cái mắt thì to.

Hà Minh cười hé hé rồi bê dĩa khoai ra chiếc bàn đặt dưới giàn hoa tím ấy. Cô nhón một miếng khoai cho vào miệng như gửi một vị sứ giả vào điều đình với cuộc nổi loạn của cái dạ dày. Phương Cầm ra mang theo một chai rượu, hai chiếc ly cao chân, và cây đàn guitar. Hà Minh kêu lên:

- Đúng điệu quá ta.

- Còn phải nói. Bữa nay là tiệc đãi hai đứa mình nên phải đúng điệu chứ.

- Kiểu này chắc ngủ dưới giàn hoa này luôn quá.

- Có sao đâu. Thêm vầng trăng bàng bạc nữa thì phê đời.

Ngước mắt nhìn lên trời, bầu trời đêm tháng sáu như một chiếc áo dạ hội rắc đầy kim tuyến. Ánh lấp lánh của những vì sao chen lẫn một vài đốm sáng của vệ tinh dễ gây một cảm giác ước vọng.

- Hôm nay gần cuối tháng, chắc trăng lên muộn.

- Thôi, để lát nữa mơ mộng tiếp, mình alaso thôi.

- Khiếp mợ. Lúc nào cũng phăm phăm như quân đoàn ra trận vậy.

Cả hai cùng cười. Phương Cầm mở chai rượu còn nguyên đai khằn và rót ra lưng lửng hai chiếc ly. Cô đưa một cho Hà Minh, một cho mình. Hà Minh nhìn chai rượu:

- Vang của Ý à? Loại này rất hợp với mình, vang đỏ mà ướp lạnh cũng phê lắm. Uống mấy thứ này rồi, thấy rượu nội mình phát oải, pha đủ thứ tầm bậy, uống vào chỉ tổ mang bệnh.

- Rượu ngoại cũng phải biết đúng chỗ mới mua được rượu thật, hàng giả làm cũng tinh vi lắm, không biết là dễ lầm.

- Cơ khổ là người mình quen ăn xổi, chỉ thấy cái lợi nhỏ trước mắt, cứ làm ào đi, vơ một mớ rồi chuồn. Nước ngoài họ coi uy tín chất lượng là bậc nhất. Nên mới có những thương hiệu quốc tế tồn tại mãi.

- Thế mới gọi là đẳng cấp chứ.

- Đẳng cấp. Cuộc đời này khốn khổ khốn nạn vì hai từ ấy đấy. Nào cụng cái, chúc mừng hội ngộ.

- Chúc mừng.

Hai chiếc ly thủy tinh chứa một chất lỏng màu đỏ gụ chạm nhẹ vào nhau, độ sóng sánh của nó ánh thêm chút xanh pha từ ngọn đèn màu nhỏ dắt trên giàn hoa tỏa xuống. Hai đôi môi cùng kề vào hai cái miệng ly, chầm chậm chầm chậm mà đưa thứ men nồng hảo hạng ấy vào cuống họng, để một luống khí nóng râm ran trong huyết quản. Khà nhẹ một tiếng, Hà Minh đặt ly xuống, Phương Cầm lại rót thêm một lần lưng lửng, và hai ly rượu tạm dừng một bên. Hà Minh vắt lát chanh vào đĩa muối tiêu, trộn đều. Những chiếc đùi gà tươm mỡ, những lát dưa leo giòn tươi, những lát cà chua đỏ hồng, những lát bánh mì, những miếng khoai tây chiên giòn ngọt bùi, thi thoảng đượm vào một chút hương vị đặc biệt của những lá rau thơm, và đệm đệm giữa những ấy là từng ngụm men nồng đưa hơi. Một bữa tiệc được chiêu nạp một cách hết sức nhiệt tình.

- Lâu lắm rồi mình mới có một bữa ngon thế này đó.

- Những chiếc bàn tròn ê hề các món lại không ngon sao?

- Đó là lúc đầu óc không để vào chuyện ăn uống thì làm sao mà cảm nhận được chất vị của nó. Hơn nữa lại không thể ăn một cách suồng sã thoải mái thế này, phải hết sức lịch sự thanh nhã, quý phái, phải hết sức lắng nghe và góp chuyện với chư vị khách mời hoặc chủ tiệc và các đối tác, phải đong tin đón ý của các vấn đề mà mình đang rất cần quan tâm… ối chà, tóm lại, những bữa ăn đó không đáp ứng nhu cầu khẩu vị, mà nó đang phục vụ cho những mục đích khác, lắm khi đứng dậy mà bàn ăn thì hầu như vẫn còn nguyên, thì làm sao mà biết ngon.

- Thế thì phải cảm ơn mình đã cất công lặn lội đến đây để có bữa ăn này chứ.

- Đồ bẻm mép, vừa được ăn vừa được nói. Này thì cảm ơn.

Phương Cầm cười khi giơ lên ly rượu. Hà Minh chừng như khoái chí nên ực một hơi ngon lành.

- Này, cách đây chừng dăm mươi năm, một người phụ nữ dám ực một hơi thế là một chuyện động trời đấy nhá. Nếu mà trước mặt bố mẹ chồng nữa thì ôi thôi…

- Ngay cả bây giờ cũng vẫn là cái gai trong mắt cánh đàn ông đấy thôi. Dù hình ảnh người phụ nữ hiện đại có được cách tân thế nào thì vẫn luôn là sự khó chịu khi đàn ông cảm thấy khó kiểm soát thế giới đàn bà.

- Vô lý, phi lý, bất hợp lý bỏ xừ đi. Thực sự thì tạo hóa không có sự thiên lệch khi phân bổ chức năng đời sống cho mỗi phái tính. Chỉ vì từ ngàn xưa, một số đàn ông có quyền lực muốn bảo vệ lâu dài cho cái tính tham lam và ích kỷ của mình, nên mới đề ra những điều luật khắt khe để trói buộc người phụ nữ trong phạm vi khống chế của họ, bắt phụ nữ phải phục tùng phục vụ cho những nhu cầu của họ. Đời nọ truyền đời kia mới thành một cái nếp như vậy.

- Một yếu tố nữa là cái thời cổ đại ấy, thực phẩm nuôi sống con người phần lớn phụ thuộc vào sức mạnh của người đàn ông, phụ thuộc vào sự chinh phục thiên nhiên, nên hầu hết phụ nữ bị lệ thuộc vào đời sống, và mặc nhiên cho rằng đàn bà chỉ biết đến cái giường và cái bếp.

- Ngày nay đã khác đi quá nhiều rồi, không ít phụ nữ làm nên những nghiệp trạng mà cánh đàn ông mướt mồ hôi đuổi không kịp, nhưng bọn họ cứ mở miệng là “Đàn bà con gái biết gì”. Điên không chịu được.

- Họ nói vậy là vì sao biết không? Là để bảo vệ cái “Tứ tự” của họ đấy thôi.

- Tứ tự? Nghĩa là sao ?

- Là tự ti, tự ái, tự tôn, tự mãn. Những điều mà gộp chung lại trong hai từ “sĩ diện” ấy. Nam hay nữ gì thì ai cũng bất toàn cả, nhưng đàn ông thì họ không chịu nổi khi thấy phụ nữ trội hơn họ về mặt nào đó. Họ biết họ thua kém nhưng không chịu thừa nhận sự thua kém đó, nổi cái tự ái, tự tôn và tự mãn của mình để che lấp sự tự ti. Minh chứng rõ nhất trong những trường hợp này là những người đàn ông bất tài, lười biếng phải ăn bám vợ, lúc nào cũng sợ vợ khinh mình nên luôn ra giọng quát nạt, đánh đập, chửi mắng để thỏa cái cảm giác đàn ông của mình. Một trường hợp khác thì họ nắm cán cân cuộc sống trong gia đình, muốn người phụ nữ phải xem họ như ông trời, nên cũng luôn tỏ thái độ một cách hết sức chuyên quyền, lố bịch, luôn để mắt tìm kiếm những sai sót vụn vặt của phụ nữ mà rầy rà mắng chửi thậm chí là đánh đập để tỏ rõ sự quan trọng và quyền uy của bản thân mình.

Hà Minh cảm thấy nóng dần lên hai má, cô lấy chai rượu rót vào ly với một thái độ khá bức xúc.

Đàn ông luôn có một nhu cầu là muốn được thể hiện cái oai phong của mình, dù với bất cứ hình thức nào. Nên họ luôn thích những người phụ nữ hiền lành, dễ bảo, ngu si một chút đủ để ngưỡng mộ họ, có khi ra đường dạ thưa, khom cúi mọp đất, về nhà vẫn tỏ ra ta đây tài giỏi chẳng ai bằng. Thật buồn cười và cũng thật tội nghiệp cho những người đàn bà không may lấy phải người đàn ông như thế.

- Khi chưa lấy thì đâu có biết rõ bản chất chân tướng họ ra sao mà cân nhắc, đắn đo, suy xét. Khi họ đang ra sức tán tỉnh thì chỉ khoe ra những mặt tốt đẹp, thậm chí là hết sức tốt đẹp để che giấu đi những thói tật. Khi gạo thành cơm rồi thì cắn răng mà chịu chứ biết làm sao.

- Thế mới nói “Tình yêu là một cái bẫy”. Bị bao tô vẽ lung linh huyền ảo màu sắc dẫn dụ, để sập vào cái bẫy hôn nhân rồi thì chết dần chết mòn trong ấy. “Thi..ê…n chức”. Chẳng qua chỉ là một cách dùng từ lòe loẹt để phụ nữ ảo tưởng về một hình tượng mà cam tâm làm nô lệ cho bọn họ thôi. Có một điều rất tệ hại ở đàn ông là khi chưa có được người ta thì làm đủ mọi cách, đủ mọi thủ đoạn để chiếm cho được, nhưng khi đã được rồi thì lập tức coi thường, lại nhăm nhăm một đối tượng khác.

- Trước khi nói câu này, xin lỗi những người đàn ông chân chính nhé, nhưng thực tế thì đa phần đàn ông sống bản năng vật dục nhiều hơn, khi họ để mắt đến một người phụ nữ, thì trong đầu họ đã xuất hiện những hành vi tính dục. Và khi họ đã thỏa mãn được tính dục của họ, thì người phụ nữ ấy không còn giá trị với họ nữa.

- Cũng vì cái thứ bản năng chết tiệt đó của họ mà cuộc đời này sinh ra không biết bao nhiêu là oan trái.

- Nhưng mà cũng đáng đời lắm cơ. Vì coi trọng bản năng, và tùy tiện thỏa mãn nên mới dễ bị gài bẫy trong những cuộc phân tranh, để rồi cái giá phải trả có khi là thân bại danh liệt một cách nhục nhã.

- Ừ, tất nhiên rồi. Cái gì mà chẳng có giá, vấn đề là đắt hay rẻ thôi. Đôi khi họ tỏ ra là khôn ngoan lắm, “đàn ông nông nổi giếng khơi” mà, nhưng lại lọt đúng cái giếng của mình mới đau chứ.

- Hì. Nên mới có câu “biết mèo nào cắn mỉu nào” chứ. Thôi uống đi.

Phương Cầm đưa ly rượu cho bạn, rồi cầm ly của mình, nhưng cô chợt bỏ xuống vì có tiếng nhạc điện thoại.

- Đang ở đâu đó?... Vậy hả. Ừ, mình đang ở nhà…

Hà Minh hất ly rượu vào cổ họng như muốn hất cả khối bức xúc đang tích tụ trong mình. Phương Cầm đưa tay bịt phần đuôi cái điện thoại, và nói nhỏ với Hà Minh “Trần Khanh”. Hà Minh lộ một nét vui vui “Kêu hắn tới đi”. Phương Cầm tiếp tục cuộc điện, “…ừ, rảnh thì đến đây đi. Có, một nhân vật đặc biệt. OK”.

Cúp máy, Cầm bảo:

- Hắn tới bây giờ đó. Hắn bảo mới đi Phan Thiết về, có mực một nắng, hỏi mình nhậu không?

- Đúng lúc thế. Lâu rồi mình không gặp, hắn vẫn thế à?

- Ừ. Vẫn cao không tới thấp không thông. Thắp đuốc giữa ban ngày mà tìm người trong mộng.

- Tiêu chuẩn hình tượng của hắn khá cao mà. Mẫu người như hắn thì khó có cô nào phù hợp. Bởi khi kiểm tra học bạ luôn yêu cầu thí sinh môn nào cũng phải năm phết trở lên thì ai mà đáp ứng được.

- Thì cũng vẫn là cái sườn cơ bản của đàn ông đấy thôi. Họ luôn đòi hỏi phụ nữ phải phải phải… phải đủ thứ, trong khi họ tự cho mình cái quyền không phải gì cả.

- Phụ nữ mình cũng yêu cầu những cái phải ở đàn ông, tuy nhiên, đa phần không nắm được thế chủ động, nhất là khi đã đeo vòng kim cô lên đầu. Chứ như tụi mình thì…

- Người đời vẫn bảo ngày cưới là ngày vui nhất đời của một người con gái, nên nhiều người dù thế nào cũng cố cho được cái đám cưới, rồi sau đó thì… chán nhỉ?

- Thế mới ra chuyện. Mà Cầm nè, có khi nào cậu lọt vào tầm ngắm của Trần Khanh không?

- Cũng có lúc mình cảm thấy thế, nhưng có lẽ hắn dè cái chức Tổng giám đốc hay cá tính độc lập của mình, nên vẫn cứ một vừa hai phải. Mình thì cũng không có ý định gì cả, thích thì gọi nhau đi nhậu, cà phê, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất xong ai về nhà nấy. Là bạn thì OK, chứ manh nha gì khác, mình cắt cái rụp.

- Cứ thong dong như vầy cho khoẻ cái thân, tội gì đâm đầu vào rọ.

Có tiếng chuông cổng. Phương Cầm đứng dậy đi ra mở. Ánh đèn xe loé vào sân rồi tắt phụt.

- Cho ông ba mươi giây đoán xem có ai đang ở đây?

- Chịu, thế giới của bà hằng hà sa số quá, làm sao tui đoán nổi.

- Dở ẹc. Không động não một chút nào cả.

- Ừ, tui vẫn dở hồi giờ mà, làm sao dám bì với Tổng giám đốc chứ. Mực nè.

- Ông đem ra chỗ bàn đá đi.

Trần Khanh gật đầu rồi xách cái túi đi. Nhìn từ phía sau Hà Minh, Trần Khanh đã nhận ra, anh reo lên:

- A, nhà báo. Sao hôm nay lại lạc vào đây thế này ?

Hà Minh đứng dậy, quay lại bắt tay Trần Khanh.

- Thì cũng phải có lúc tạm nghỉ chân chứ, ông vẫn vậy ha, chẳng thay đổi gì cả, không thấy già đi chút nào.

- Ừ, thường thì vào cái tuổi từ bốn mươi đến năm mươi, nếu không có biến động gì trong đời sống thì con người ta ít có sự thay đổi về ngoại hình. Bà cũng vậy, vẫn chưa có ai dám rước à?

- Nè, liệu lời mà nói à nha. Bộ chỉ có đàn ông mới có quyền chọn lựa sao? Làm như các ông chúa lắm đấy? Đàn ông năm bảy loại đàn ông, có loại đem bỏ vào lồng mà quẳng ra sông.

- Vừa thôi chứ bà, chưa chi mà đã…

- Thôi thôi, tạm ngưng chiến cái đi, vừa mới gặp nhau đã phừng phừng lửa rồi.

Phương Cầm mang ra cái bếp ga mini, cái chảo nhỏ và chai dầu, chai tương ớt và một chiếc ly lên tiếng làm gián đoạn cuộc đấu khẩu. Trần Khanh đứng lên đỡ tay cho Cầm nhưng vẫn chưa chịu thua:

- Cái miệng nhà báo mà, ưa gây gỗ loại nhứt.

- Ai biểu ông ra giọng coi thường phụ nữ.

- Xin thua. Tui có dám coi thường các mợ đâu. Dạ thưa chị, à hai chị, em mời hai chị thưởng thức đặc sản biển cho tan cơn bão bà chằn ạ.

Cả ba cùng cười sau câu pha trò của Trần Khanh. Khanh mở cái túi lấy ra một gói mực và một chai rượu. Phương Cầm đón chai rượu đưa lên xem:

- Hà Minh xem nè, đúng là cầu được ước thấy. Để minh đem xô đá ra ướp.

- Tui biết là bà thích mà. Cái này uống với mực một nắng thì còn ai chịu nổi nữa.

Phương Cầm vừa cười cừa quay lưng đi vào. Hà Minh cầm chai rượu đang uống dở đóng nắp lại nói:

- Hai đứa tối giờ cũng hơn nửa chai rồi nè, giờ đổi món cho hợp gu.

- Chu choa, nhìn tàn tích của cuộc hậu chiến là biết rồi, vậy còn uống nổi không đó?

- Cứ tới thì biết. Lo chi. Có ai treo chân vướng cẳng gì đâu, lai rai tới sáng cũng được mà.

- Công nhận mấy bà sướng thiệt.

- Đương nhiên rồi, không ai quản chế thúc ép gì được, muốn làm chi thì làm. Vậy nên: Tự do muôn năm.

Hà Minh phấn khích hô to làm Trần Khanh le lưỡi lắc đầu. Anh rót rượu ra ba cái ly, Phương Cầm thì trở ra với xô đá, cô bật bếp làm bừng lên ngọn lửa. Ngọn lửa xanh xanh vàng vàng bỗng tạo một cảm giác là lạ. Hà Minh chợt trầm xuống, cô chăm chăm nhìn ngọn lửa như tìm trong đó một ẩn tích. Nét ưu tư cho thấy một Hà Minh khác, cô thuộc tuýp người trong tĩnh ngoài động, khi ồn ào sôi nổi, khi lặng lẽ ưu trầm, vào không gian của tâm cảm, cô như lặn chìm đến tận ngóc ngách một tầng sâu. Đối nghịch với cô, Phương Cầm thuộc tuýp người trong động ngoài tĩnh. Mới nhìn, ngỡ cô là một người phụ nữ mảnh mai yếu đuối. Cô không hay nói nhiều, nhưng khi cần, cô nói thật đanh thép, mạnh mẽ, cương quyết. Có lẽ nhờ tố chất này mà cô thống quản một công ty xuất khẩu đến mấy trăm người rất hiệu quả. Cỏ thể hai tính cánh không trùng khớp nhau lắm, nhưng họ gặp nhau ở nhiều điểm. Là những người phụ nữ bản lĩnh, không thích sự lệ thuộc, chủ động hầu hết các vấn đề trong đời sống của mình và có những ý tưởng khoáng hoạt không thua gì nam giới. Với mẫu phụ nữ này, để có một người đàn ông họ yêu được và yêu được họ thật không dễ. Cả hai cũng đã bước vào tuổi trăng thu muộn, đã kinh qua không ít những hiện trạng cuộc sống, càng làm cho họ cứng cỏi hơn lên. Phụ nữ càng lớn tuổi càng tỏ ra nam tính, đàn ông càng lớn tuổi càng có vẻ yếu mềm. Có phải đó là quy trình cân bằng giới tính của tạo luật không nhỉ?

- Nghĩ gì mà đăm chiêu thế hở nhà báo? Khui chai mới rồi nè.

Hà Minh giật mình nhìn lên thấy Trần Khanh đang đưa ly rượu cho cô, Phương Cầm bỏ con mực chiên vàng rám ra đĩa, rồi cũng cầm ly lên:

- Nào chào mừng gương mặt mới xuất hiện trong buổi tối hôm nay.

- Hay còn gọi là gương mặt phá đám.

- Tự ái dồn bao tải rồi nghe.

- Làm gì cho hết tự ái thì cứ làm.

Trần Khanh đưa tay sờ râu ra chiều khó nghĩ.

- Chà, khó quá hè. Cái mình muốn làm lại không được làm…

- Quỷ, đừng có trẹo họng à nha, coi chừng…

- Dạ thưa hai chị, em biết cái phận lẻ loi của mình rồi. Thôi mời hai chị cạn giùm cái đi, mỏi tay quá rồi nè.

Cả ba cùng cười rồi dốc ngược ba chiếc ly.

- Ướp đá lành lạnh, uống đến đâu biết đến đó, đã ghê.

- Ừ, loại này mạnh hơn vang đỏ một chút. Ướp lạnh thì uống ngon hơn, Nhưng coi chừng, dễ say lắm đó, có điều say dịu, không đau đầu, uống một lúc sẽ có cảm giác lâng lâng khoai khoái, thích lắm.

- Phụ nữ mà còn sành rượu hơn đàn ông nữa.

- Mình mà giở giọng đanh đá ra đây thì người ta bảo mình ỷ đông ức hiếp. Để cho công bằng, tui cho ông phát biểu thoải mái, để xem thuật biện chứng của ông đến đâu nghe.

- Khẩu khí gớm hè. Được, mấy khi… nào đề tài phản biện là gì đây?

- Đàn ông và tình yêu.

- Muôn thuở.

- Tất nhiên. Muôn thuở nhưng nói hoài mà không hết được, không thấu được, nên cứ phải nói đến mãi.

- Nãy giờ tụi này bàn tán nhiều đến góc độ bản chất và tình cảm của đàn ông có tác động và ảnh hưởng đến cuộc sống phụ nữ thế nào? Hay và dở. Bây giờ có thêm tiếng nói của phái nam cũng tốt, không lại bảo chúng tôi cực đoan, phiến diện, quy áp, đặt điều, vu khống cho các ông.

- Chà, nghe có vẻ căng thẳng nhỉ. Dạ, em xin bung hết tai, trợn hết mắt, ngoác hết mồm để hầu chuyện hai chị đây.

- Vậy bắt đầu nha. Ông quan niệm thế nào là Tình yêu?

- Tình yêu là một thứ mỹ cảm tuyệt bích. Nó đem đến cho con người cảm giác bay bổng, phấn chấn, rạo rực và lãng mạn, nó khiến người ta hình tượng hóa, thi vị hóa, thiện tính hóa hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống. Nó là thế mạnh những cũng là điểm yếu, nó có thể làm nên những kỳ tích, nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả trầm trọng. Nhưng nó cũng là con chim kiểng khó nuôi, nhốt trong lồng thì nó chết, không nhốt thì nó bay xa bất cứ lúc nào. Vấn đề là tuỳ thuộc vào hành xử của mỗi người.

- Tương đối tạm đủ khái quát về tình yêu, nếu có phát hiện mới cho phép bổ sung. Cái sự hành xử ấy, trong mọi cảnh huống, theo tôi nó tùy thuộc vào cái gọi là “Tầng văn hóa”. Tình yêu cũng vậy, Tuy nhiên, nó còn một yếu tố xúc tác rất cụ thể nữa. Đó là sự đa cảm. Cái khác biệt ở đây là, đàn ông có thể đa cảm với nhiều người, nhưng phụ nữ thì chỉ đa cảm với một người. Chính vì sự đa cảm này mà nhiều khi người ta không thể kiểm soát hành vi của bản thân.

- Đồng ý. Nhưng không phải ứng hợp cho tất cả. Vẫn luôn có sai số trong mỗi giới phái chứ.

- Không sai. Ở đâu thì cũng có người thế nọ người thế kia. Nhưng ở đây ta chỉ bàn đến con số đông, con số mà bản thân nó đã nói lên tính chất chung của vấn đề. Vậy, theo ông, ông hành xử thế nào với phụ nữ?

- Với đàn ông, phụ nữ có thể chia làm bốn loại. Loại thứ nhất là để lấy làm vợ. Loại thứ hai chỉ có thể là người yêu, và loại thứ ba thuần túy là bạn. Loại thứ tư thì chỉ vui vẻ trong chốc lát.

- Đây là lý do chính của sự đa tình ở đàn ông. Các ông luôn đòi hỏi rất nhiều ở người phụ nữ, vì thế nên điều không có ở người này thì các ông lại tìm đến người khác. Vì vậy mà hầu như đến chin mươi phần trăm đàn ông thường nói xấu vợ, để bao biện cho việc mình tìm nguồn vui nơi khác.

- Nói vậy chẳng lẽ phụ nữ không có những tính xấu?

- Có, có nhiều là khác, nhưng những tính xấu của phụ nữ chỉ nằm trong phạm vi cỏn con, vụn vặt và sự tác hại của nó là không lớn cho cộng đồng. Còn các ông, thử nghĩ xem, sự luông tuồng, tham lam và ích kỷ, xem trọng nhu cầu bản năng đã gây ra biết bao hệ lụy, hậu quả đáng buồn cho cuộc đời này. Thử hỏi, đã bao giờ ông suy tư một chút đến những tuổi thơ không có bóng hình người cha, những cô phụ héo úa chật vật nuôi con một mình mà lại còn phải chịu bao điều tiếng eo óc của xã hội nữa không?

- Đúng là con mắt nhà báo, nhìn đâu cũng thấy cả núi vấn đề. Được rồi, tôi thừa nhận trong giới phái chúng tôi quả là có rất nhiều cá nhân như thế, nhưng họ không phải là tất cả, cũng vẫn có những người đàn ông sống hết sức tình cảm, lương tâm và trách nhiệm, và nhà báo cũng nên biết, không ít người đàn ông cũng tan cửa nát nhà, sống dở chết dở vì đàn bà đấy nhé. Đàn bà cũng không ít kẻ biết nham hiểm mưu toan lừa lọc trong chuyện tình cảm, đừng đổ hết tội cho đàn ông chúng tôi.

- Thì tôi vẫn nói là có sai số mà. Vấn đề xác suất không cao so với tổng thể, cái tôi đang nói đến là bản chất chung của đàn ông và những vấn đề nảy sinh từ đó.

- Oan uổng là ở chỗ, chỉ một số người hoang đàng, tùy tiện ẩu tả, mà mang tiếng chung cho cả một giới phái. Có điều, chính họ cũng đã phải tự trả giá cho những gì mình đã làm mà. Nên cần phải phân biệt rõ chính tà chứ.

- Ai mà chẳng phải nhận những hệ lụy của cuộc sống từ những hành vi của mình.

- Điều này chưa hẳn đúng. Rất nhiều hành vi gây tai hoạ cho bao người, nhưng bản thân thì chẳng phải chịu ảnh hưởng gì cả.

- Mình thì thấy tính hệ lụy chỉ là sự sớm muộn, chứ không thể tránh được cả đời đâu. Nhiều khi bản thân họ không vấn đề gì, nhưng người thân của họ thì phải gánh. Nên “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” đấy. Nhìn ở một góc độ khác, thì đàn ông không thực sự mạnh mẽ như cái vẻ bề ngoài của họ. Họ luôn cần điểm tựa tình cảm, không một người đàn ông nào có thể sống thiếu đàn bà. Họ rất cần đàn bà, nhưng lại làm ra vẻ coi thường.

- Vấn đề là ở chỗ họ có biết kềm chế và giới hạn phạm vi tình cảm của mình hay không?

- Nếu họ biết giới hạn thì đã tốt, phần lớn trong số họ luôn tham lam và ích kỷ, họ coi sự được thao túng trong thế giới tình trường là một đặc quyền, và người nào có nhiều mảnh tình vụn lại coi như đó là một thành tích, một điều rất đáng tự hào.

- Con mắt xã hội thông thường vẫn đặt lên bàn cân những trọng lượng ảo, và cái trọng lượng ảo ấy chìa ra vô số những mặt trái. Đến một lúc nào đó, những cái giá của sự đánh đổi sẽ cho người ta nhận ra, vấn đề là còn kịp để giữ lại cho mình chút gì không?

- Sự đánh đổi ấy nhiều khi rất tàn khốc, ví dụ, một người phụ nữ bị đối xử rất tệ bởi chồng mình, họ sẽ dễ nảy ra những hành vi cực đoan, bằng vào tính cách của mỗi người mà hậu quả sẽ nặng hay nhẹ. Có thể quẫn trí mà tự tử, có thể u uất đến trầm cảm hay bệnh thần kinh, cũng có thể ngoại tình. Và người đàn ông, trước những tình cảnh đó, lại cố tỏ ra mình mới chính là nạn nhân.

- Thực chất, các vấn đề nảy sinh từ sự chệch choạc tình cảm gia đình đối với cả hai phái là như nhau. Nhưng cách hành xử của mỗi phái mỗi khác, phụ nữ dễ dàng bỏ qua, tuy vẫn ẩn trong lòng nỗi đau âm ỉ, còn người đàn ông, họ không thể chịu nổi nếu cảm thấy mình bị xúc phạm. Với họ, nỗi nhục lớn nhất là bị cắm sừng, vì vậy tính ghen tuông của phụ nữ tuy om sòm ỏm tỏi, nhưng lại ít gây hậu quả nặng nề bằng cái ghen của đàn ông. Và người ta vẫn xem chuyện ngoại tình của phụ nữ là điều không thể tha thứ được. Không cần phải xem xét gì, cứ quy tội cái đã.

- Nhưng mà bạn ơi! Bạn có biết, với chúng tôi, người phụ nữ giá trị và đáng yêu là ở chỗ nào không? Chính là ở chỗ “Hãy luôn là dòng sông êm đềm của anh, cho dù anh có là con ba ba hay thuồng luồng gì đi nữa.” Nếu mạnh ai nấy nem chả mặc tình, thì thế gian này loạn tùng bậy lên hết rồi.

- Tôi không có ý bảo đàn bà cũng phải phá khoá như đàn ông, thực sự thì chả hay hớm gì chuyện chung đụng với người này người khác một cách luông tuồng thế cả. Điều tôi muốn nói là các ông phải xem lại hành vi và góc độ với phụ nữ một cách công bằng và hợp lý, đừng tự cho mình cái quyền sinh sát, nắm giữ và đày đọa kiếp phận một người đàn bà quá đáng thế. Ai cũng cần có sự tôn trọng và yêu thương cả. Đừng vì thói cá nhân, vị kỷ mà bao biện cho mình bằng hàng đống lý do, rồi làm khổ phụ nữ. Có là dòng sông êm đềm được hay không cũng ở chính các ông.

- Tạo hóa đã ưu đãi cho các ông không phải chịu sự đau đớn, khó nhọc của việc sinh và nuôi con cái, thì ít nhất các ông cũng phải biết san sẻ lương tâm và tình cảm sao cho hợp tình, hợp lý. Đó là nói về phạm vi hẹp của một gia đình, còn rộng hơn, nếu không vì thứ như cầu bản năng tùy tiện của các ông, thì có mọc lên vô số những ổ, động, và biết bao người phụ nữ bị dìm xuống đáy vực của đời này thế không? Cái gì cũng vậy, không có cầu làm sao có cung.

- Điểm khác biệt lớn nhất giữa đàn ông và đàn bà là: Đàn ông thì nuông chìu bản thân, mà đàn bà thì nuông chìu đàn ông.

- Thôi. giải lao giữa hiệp một chút đi, đấu khẩu mãi làm mực và rượu nó than buồn rồi nè.

Phương Cầm bỗng đổi nhịp làm gián đoạn và giảm bớt bầu không khí nóng từ cuộc tranh luận. Cả ba cùng cười và dành cái miệng cho một chức năng khác. Những miếng mực vàng rám, nong nóng và ngọt lừ. Hà Minh nhai nuốt rồi nói:

- Đúng là sản vật thiên nhiên ban tặng. Hình như chỉ có ở Phan Thiết loại mực một nắng này mới ngọt như thế.

Trần Khanh gật đầu :

- Đúng vậy đó. Đặc sản biển cũng mỗi vùng có mỗi đặc trưng riêng. Cũng như tình yêu vậy, mỗi người cũng có một cách yêu riêng. Có thể ví tình yêu cũng tương tự như khẩu vị.

- Tất nhiên. Đâu phải món ăn đắt tiền là mới là món ăn ngon. Tình yêu có con mắt riêng của nó. Nhưng câu “đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai” thì không dễ gì thay đổi được. Đó như một đặc tính của giới phái rồi. Bởi thế nên đàn bà mới dễ bị lừa.

- Công bằng mà nói, đàn ông thích đàn bà đẹp, mà đàn bà thì cũng thích đàn ông cả đẹp lẫn tài, và cả đôi bên đều thích nghe những lời ve vuốt, nên bên nào cũng có khả năng trở thành miếng mồi ngon.

Phương Cầm nói :

- Thực ra nên nghĩ đến một vấn đề cơ bản, đó là tình cảm đóng vai trò then chốt, cốt lõi của sự tình, ai yêu nhiều hơn thì người đó tất chịu nhiều cái khổ hơn. Tình yêu thực sự đóng một vai trò cốt yếu, chỉ tiếc là nó cần quá nhiều sự hỗ trợ, và tuổi thọ của nó lại rất ngắn. Đàn ông, khi mới gặp một phụ nữ, có thể tình cảm trong họ cũng rất thật, nhưng họ lại là kẻ cả thèm chóng chán, nên tình cảm trong họ mau nguội tắt. Đàn bà thì hơi khác một chút, coi trọng tình cảm gắn bó, thường không dể đổi thay người mình yêu mến, và cũng bởi bản chất của một tình yêu đích thực là chỉ biết cho mà không đòi nhận. Vì vậy khi yêu thật lòng, người ta luôn sống hết mình cho người mình yêu và luôn chấp nhận những thua thiệt. Còn những bất lợi, thiệt hại do sự hành xử đem lại thì đó không thể gọi là tình yêu mà chỉ là sự lợi dụng tình yêu cho mục đích khác mà thôi.

- Đây mới là nguồn cơn của mọi vấn đề, cũng vì phần lớn phụ nữ sống nặng về tình cảm, theo nếp truyến thống của sắc tính lại luôn hy sinh, chịu đựng và vị tha. Và đàn ông luôn biết cách tận dụng những yếu tố này.

- Vậy phải làm gì để thay đổi?

- Làm thì xã hội cũng đang làm rồi đó, đang lên tiếng và cũng có một vài động thái tích cực cho sự bình đẳng giới. Nhưng nếu những người đàn ông không biết kềm chế bớt đi cái cá nhân của mình, không biết sống một cách dung quang, khiêm lượng thì cũng chẳng đi đến đâu. Ai nói mặc nói, ai làm cứ làm. Thiếu khối gì ông khi phát biểu thì cũng ra trò lắm, nhưng về nhà hoặc những hành vi khác thì vẫn thế, chỉ là cố kín đáo hơn để khỏi bị phát hiện ra thôi.

- Đàn bà cũng phải biết tự thay đổi cách nhìn về thân phận mình, đừng có nghĩ rằng là đàn bà thì phải chịu thiệt, phải biết tự tôn trọng bản thân, tự biết phát huy khả năng trong các lĩnh vực có thể, đừng tự đánh lùi mình xuống chỉ vì muốn tỏ ra tôn trọng đàn ông. Nhiều phụ nữ cho rằng nên giấu mình đi để tránh va vào lòng tự tôn của đàn ông, vô hình chung tạo điều kiện cho họ coi thường mình. Không cả với chồng mình mà còn ở những nơi công sở, tập thể nữa. Phải biết tự thay đổi quan niệm sống ở mỗi người thì toàn cảnh xã hội mới khác đi được chứ.

- Bao giờ mà chả vậy, để thay đổi một quan niệm, một định kiến đã nghìn đời luôn là một việc hết sức khó khăn, cần sự kiên trì và nỗ lực từ mọi phía. Nếu đơn giản chỉ cuộc tranh luận của chúng ta hôm nay là đã có hiệu quả thì còn gì để nói nữa.

- Lẽ ra tạo hóa chỉ nên sinh ra một thứ lưỡng tính, đến một giai đoạn trưởng thành thì tự phân đôi, chắc đã không lắm hỉ nộ ái ố chốn trần gian như vầy.

- Nếu thế thì cuộc sống đã hoàn toàn khác rồi. Một cõi trần gian bình an đến mức buồn tẻ.

- Có lẽ cái ông tạo hóa ham vui và cũng nghịch ngợm nên mới tạo ra một thế giới con người đa đoan và phức tạp thế này, cho hai giới phái phản ứng chéo về nhiều mặt để rất cần nhau nhưng cũng rất đoạ đày nhau. Chắc nhiều khi ông ta tha hồ vuốt chòm râu dài ngoằng mà cười ngặt nghẽo ấy nhỉ.

- Còn một lý do nữa, đó là cuộc đời vốn đầy rẫy những cái khổ, nếu đơn thuần bảo con người tự nhảy vào thì chắc rất khó, nên tạo hoá mới bày ra một cái bẫy tình yêu, để khi sập bẫy rồi phải ráng mà chịu khổ thôi.

- Ngày xưa mình còn có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là, sao thượng đế không sinh ra nhiều hình thù con người như vuông, tròn, hình thoi, đa giác chẳng hạn. Sau lớn thêm chút nữa tự cười, nếu có tình trạng đó xảy ra thì không biết sẽ phải làm thế nào nhỉ?

Những tiếng cười vỡ ra, tiếng chạm nhẹ của những chiếc ly thuỷ tinh như đệm thêm chút thi vị. Trần Khanh đưa mắt nhìn hai người bạn gái một chút rồi nói:

- Lâu không gặp các nàng, nay thấy các nàng lên đô quá, lên mọi mặt chứ không riêng gì chuyện rượu.

- Thế mới là phụ nữ của thế kỷ hai mốt được chứ. Vậy ông có thấy ngứa mắt, ù tai không?

- Nếu là những người tôi không quen biết, chắc tôi cũng không lấy gì làm dễ chịu. Nhưng với các bà thì khác. Chắc do nhờn cảm xúc mất rồi. Nên không thấy bị dị ứng nữa.

- Thế thì… Chị em phụ nữ ta ơi, phải triệt cho khỏi cái bệnh ngứa mắt vô lối của đàn ông đi nhé.

Trần Khanh cười, le lưỡi rồi lắc đầu:

- Nè, cho tôi hỏi thật một câu nhé, cấm giận.

- Không giận, đã nói là cho ông phát biểu thoải mái mà.

- Đã có ai, trong số chúng tôi làm tổn thương các bạn? Để các bạn phải nhìn chúng tôi gay gắt thế?

Giọng Hà Minh chợt chùng xuống:

- Lại lệch rồi, nhưng không sao. Bạn đừng nghĩ tôi cá nhân hoá vấn đề, tuy sự tổn thương vì đàn ông trong chúng tôi đương nhiên là có, nhưng cũng không có gì là trầm trọng lắm, bạn thấy đấy, chúng tôi có một chút cá tính, đủ để khắc phục những riêng mình. Nhưng còn biết bao người phụ nữ khác. Công việc của tôi là tiếp xúc và phản ảnh những tệ trạng của xã hội, lắm khi phải chứng kiến những mảnh đời nghiệt ngã chỉ vì quan niệm trọng nam khinh nữ đã tồn tại thâm căn cố đế, tôi uất lắm. Tại sao những người đàn ông khoẻ mạnh vạm vỡ, lại có thể đang tay vùi dập người phụ nữ yếu đuối chỉ vì những lý do hết sức vô lý, trong khi người phụ nữ ấy phải cong lưng mà gánh biết bao nỗi khổ của cuộc sống rồi. Một chút tình thương cho họ đủ sức đi qua vất vả cũng không có, chẳng lẽ sinh ra trong cái kiếp đàn bà là phải đau khổ vậy sao?

- Tôi hiểu rồi. Cũng thật đáng trách cho những người đàn ông chúng tôi đã tồi tệ đến thế. Và chắc cũng vì thế mà hai người không nghĩ đến chuyện lấy chồng?

Hà Minh nhún vai:

- Việc gì phải lấy chồng, tự do không sướng sao, đi không phải thưa, về không phải trình, chui đầu vào rọ để hứng trăm cái cay ngàn cái đắng à? Tôi không điên.

- Không phải là điên, nhưng cũng phải có một cái gì cho ngày mai chứ. Cứ trơ thân trụi vậy rồi về sau làm thế nào?

- Chẳng có gì khó khăn cả. Thời đại ngày càng dịch vụ hóa. Khi nào tuổi tác sức khoẻ có vấn đề thì đóng một khoản tiền cho một dịch vụ y tế hay trại dưỡng lão. Khỏe thì đi chơi, ốm về đó họ có nhiệm vụ phải chăm sóc. Đơn giản. Vả lại cuộc đời đâu chỉ có hôn nhân mới là lẽ sống, biết bao lý tưởng làm mục đích sống cũng ý nghĩa lắm đấy chứ. Mà nói thật, bạn đừng tự ái nhé, đàn ông tốt bây giờ hiếm lắm. Rước người đâu không thấy, rước phải giặc thì ốm đòn, thà long rong vầy cho khỏe.

- Phương Cầm thì sao?

- Mình thấy đó cũng là phương án hay. Còn nếu có ý định thay đổi cuộc sống, thì ít nhất đối tượng phải đạt được ở mình những yếu tố “yêu và tin, tôn trọng và đồng cảm”. Mà nói thật nhé, ông đừng buồn, để có được những yếu tố đó không hề dễ, nhất là khi đã vào một độ tuổi đã nhìn đã nghiệm thấy rất nhiều dở hay của đời rồi, nên tốt nhất cứ thuận theo chính mình mà sống, đừng lo nghĩ nhiều chi cho mệt. Nếu chuyện đến thì cứ đến, không thì thôi, mình không đi tìm.

- Ví dụ như chuyện đã đến rồi thì sao?

- A, có người tranh thủ tỏ tình. Chiêu này mới nha. Có cần mình khuất mắt không đây?

Phương Cầm ném một cái lừ về phía Minh rồi lảng:

- Đi đâu, sợ nghe mình tra tấn lỗ tai hay sao mà lo chạy. Có thấy chuyện đến hay không là ở trong mắt mình chứ không phải trong mắt người khác. Mà thôi, thu dọn nghị trường rồi đổi tông đi chứ, đau đầu rồi.

Hà Minh cười rồi nhanh tay thu dọn một số thứ trên bàn. Phương Cầm vào nhà đem ra một đĩa nho và một chai rượu khác, lần này có thêm một thứ vật dụng làm Trần Khanh ngạc nhiên:

- Cầm mang nến ra đây làm gì?

Hiểu ý bạn, Hà Minh nói:

- Ông đúng là dân kỹ thuật, không biết lãng mạn là gì cả.

- Dạ phải, kỹ thuật mà lãng mạn thì ngửa cổ đền mệt nghỉ.

Phương Cầm tắt đi ngọn đèn xanh trên giàn hoa, cô thắp cây nến đặt vào giữa bàn. Ánh sáng lung linh của ngọn nến làm biến chuyển nhịp độ của không gian. Có cảm giác mọi thứ đang chùng lại và trầm xuống. Thế giới con người bắt đầu bước vào ngưỡng cửa văn minh từ khi tìm ra lửa. Và trong bất kỳ một cảnh huống nào, ngọn lửa cũng mang lại cho con người một niềm tin đầy nhiệt huyết, một sự ấm nồng sâu sắc trong lòng. Những chiếc ly được tráng qua để bắt đầu một hương vị khác. Chất men sóng sánh trong veo được rót ra tỏa một mùi hương hoa bưởi nhè nhẹ. Hà Minh đưa lên mũi hít thật sâu, thật nhẹ nhàng dễ chịu làm sao. Loại rượu mùi của Pháp này có thể pha cocktail, nhưng uống nguyên chất thì thích hơn. Ngòn ngọt và say đằm, đó là ưu điểm của loại này. Tuy đã uống kha khá, nhưng cả ba chỉ vừa thấy lâng lâng, đủ để tâm cảm giao chuyển theo một không gian dặt dìu nhạc điệu, đủ nồng nàn cho những lời ca. Bây giờ Phương Cầm mới nâng cây đàn để lên đùi. Cô lúc này không phải là một bà Tổng giám đốc, mà là một Phương Cầm rất huyền ảo, mơ màng trong phong thái một người nghệ sĩ. Cô bắt đầu dạo đàn và cất tiếng “Đồng xanh là chốn đây…”. Giọng cô rất ấm, cô hát hay và cũng thích hát, Ngoài những lúc bận rộn mệt mỏi vì việc công ty, xã hội, thư giãn của cô thường là rượu và đàn. Cô có thể hát suốt đêm, như đêm nay, có hai người bạn đồng điệu, chắc Cầm không hề thấy mi mắt mình súp xuống chút nào. Trần Khanh cầm hai chiếc nĩa gõ nhịp vào cạnh bàn, khẽ hát theo như lại một lần nữa nuốt đi một lời muốn nói... Hà Minh cũng nhịp môi. Chai ruợu chốc chốc lại nghiêng lên. Một không gian mềm mại trong những bản nhạc tình. Thi thoảng mùi hương thiên lý dìu dịu len theo ngọn gió lây phây, man mát. Trên bầu trời lấp lánh những vì sao, và phía xa kia đang lấp ló một vành trăng muộn.

Đàm Lan

 

|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế