Hiện có 10 người xem / 2309604 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 12/10/2013 CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên mấy cuốn sách mới mà ông mới có. Cuốn đầu tiên được giới thiệu là một cuốn sách mà ông mới được một bà bạn quý tặng mang tựa đề là Phê bình Văn Học hậu hiện đại Việt Nam. Vừa thấy mấy chữ “hậu hiện đại” người được tặng cảm thấy ngán ngẩm quá và muốn từ chối, nhưng sau thấy cuốn sách in đẹp quá, và của nhà xuất bản Tri Thức, đồng thời cũng không muốn làm buồn lòng người tặng nên đành phải vui nhận. Người viết không lạ gì cái thứ văn học hậu hiện đại” này, tuy nhiên, vì chẳng bao giờ bận tâm với dạng văn học viết lách không tình tiết, giọng văn mới lạ có tính chất quái dị, kinh hoàng này nên người viết cũng lờ mờ chưa hiểu rõ “hậu hiện đại” Việt Nam bắt nguồn từ anh Tây Jean-Francois Lyotard, hay là từ anh Mỹ Donald Barthelme. Người viết chợt nhớ lại trên 30 năm trước, đã có người, cũng là một bà, đã đưa cho mình cuốn Đô thị Thánh Đường (A city of Churches) của anh Mỹ nói trên. Vừa đưa bà ta vừa nói: “Anh đọc đi, lạ lắm. Em chẳng hiểu quái gì cả!”. Vừa đọc lướt qua, người viết cũng ngạc nhiên vì thấy cái gì mà tại cái Đô thị Thánh Đường này (được gọi như thế vì có rất nhiều Thánh Đường) quy luật chung là mọi người dân sống chen chúc với nhau trên các căn gác chuông, để rồi làm việc và sinh hoạt ở tầng trệt và hầu như không có ai, không có gia đình nào có khoảng không gian riêng biệt của mình. Thấy cái chi tiết vớ vỉn quá, người viết, sau khi thấy bà bạn đã ra về, đã ngay lập tức mời cuốn sách “sọt rác em đi”! Để rồi khoảng mấy năm sau người viết lại gặp một cuốn sách in năm 1966 của một anh “hậu hiện đại” Mỹ khác là John Barth mang tựa đề là Giles Goat-boy (Giles cậu nhỏ dê) trong đó nhân vật này có mẹ là người, còn cha thì là… một cái máy tính! Ôi, thực là kỳ cục, quái đản, vớ vỉn, nên người viết đã tự nhủ sẽ chẳng bao giờ phí thì giờ với cái của khỉ này nữa. Tuy nhiên, vì thấy cuốn sách đẹp, và vì cũng hơi tò mò, người viết đã bỏ ra một chút thời giờ lướt qua thì thấy là, không hiểu tại sao, các tác giả người mình, sau khi viết tiếng Việt lại cứ phải chua thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, và trong cuốn sách in rất đẹp này, nơi trang 142, khi nói về hai chữ “hỗn độn” (dòng 15, từ trên xuống), thì người mình cũng dư hiểu rồi, cần gì phải chua chữ (chao) mà “chaothì đâu có phải là tiếng Anh hay tiếng Pháp, vì đã bị tịch thu mất chữ “s”, và vì từ (chaos) thì mới đúng trong cả hai ngôn ngữ Pháp và Anh!

Cuốn thứ hai được Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu là một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp của nhóm tác giả dưới sự chủ biên của tác giả Hữu Ngọc. Cuốn sách mang tựa đề là Tự Điển Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam (Dictionnaire De la Culture Traditionnelle du Viet Nam). Sách được in theo thứ tự A.B.C. như một cuốn tự điển và giải thích tất cả mọi chi tiết thuộc về Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam bằng Pháp văn. Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mua được cuốn quý thư này bằng một giá tương đối rẻ, chỉ 300 đô mít, vì lúc này số người biết tiếng Pháp đủ để sử dụng sách không còn nhiều. Cuốn sách dày 942 trang cộng với 101 trang minh họa rất đẹp. Ông Tuấn cho biết ai cần tra cứu gì về các vấn đề văn hóa cổ truyền có nói tới trong sách chỉ việc gọi điện cho ông, và ông sẽ tra cứu hộ ngay tắp lự.

Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Bs Nguyễn Lân-Đính cũng lên giới thiệu 3 cuốn sách mới nói về cụ Nguyễn Văn Vĩnh là ông nội của ông.

Sau khi Bs Đính nói xong, Lm Triết có giới thiệu với các thành viên một cuốn sách Đồng: sách làm bằng đồng gồm 16 trang khổ 12cmx16cm, là một sách Kinh Phật bằng chữ Pali, mà ngài vừa có cơ may sở hữu.

Kế đó anh Dương đã có một cuộc nói truyện mini về “Những từ tiếng Việt gốc Pháp” và cho biết đã có ai đó cho là những từ đó “đã được đồng hóa theo quy tắc ngữ âm”, nhưng sau khi anh Dương nói xong và sau khi thảo luận mọi người đều đồng ý là các từ như gara (garage), a-ma-tơ (amateur), ba-đờ-xuy (pardessus), áp-phích (affiche) vv… chỉ được nghe quen rồi chuyển thành âm Việt chứ cả trăm năm trước thì người Việt mình đã có ai biết và chú trọng gì tới ngữ âm với ngữ học!

Sau phần nói chuyện của anh Dương, các thành viên đã trở lại việc đặt tên cho tập Thơ của các thành viên CLB Sách Xưa và Nay sắp được in, và mọi người đã thấy rằng tên Duyên Thơ đã được một nhóm khác in tới 6,7 tập mang tên đó rồi. Cuối cùng tạm quyết định dùng tên Mây Bạc làm tên tập Thơ sẽ được ra mắt trước mùa Xuân năm nay.

Và để kết thúc phiên họp, anh Thanh Châu đã lên hát tặng các thành viên một bài ca bằng giọng ca rất hùng dũng của anh. Cuộc họp kết thúc lúc 11g15 cùng ngày.



VŨ THƯ HỮU


VÀI DÒNG VỀ MỘT CUỐN SÁCH

TÔI THÍCH TỪ THUỞ THIẾU THỜI

Tối thứ 7 vùa qua, trên đường về Tân Định, tôi bỗng nổi hứng ghé thăm Nhà Sách Tân Định, nơi tôi có 2 cô bạn làm việc, với ý định vừa thăm sách vừa thăm người! Lúc này tại các nhà sách, sách nhiều đến mức nói: “Trên là trời, dưới là sách” là không ngoa chút nào. Nhưng phần lớn là sách dịch, thôi thì thượng vàng hạ cám chẳng thiếu thứ gì, và nhiều nhất là loại sách dạy sống theo Mỹ, theo Tây, thay vì theo Chính Mình, cho nên tôi ít thích. Hơn nữa các bản dịch thì rất là dễ sợ, số bản dịch hay kiểu Nguyễn Hiến Lê, Hà Mai Anh thật hiếm gần như lá mùa thu, trong lúc số còn lại kiểu “bố bị ung thư tử cung” thì lại hơi bị nhiều. Do đó, tôi, với tư cách một người yêu sách, xin đề nghị các bạn trước khi quyết định mua, nên lướt qua cuốn sách định mua xem bản dịch có lưu loát, dễ hiểu, các câu văn đi từ cuối trang này sang trang kế tiếp có lành lặn, không bị mất chữ, thừa chữ không, trước khi… chi ngân!

Sau khi gặp hai cô bạn, một cô dẫn tôi lên lầu 2 và giới thiệu với tôi một cuốn sách mới mà cô cho biết là do cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Tôi hỏi đấy là cuốn gì và được cô cho biết là cuốn Sử Kí Thanh Hoa của một người Pháp tên là E. Vayrac viết, mới được in lại. Tôi thích quá vì cuốn này không xa lạ gì với tôi, vì ngay từ thuở ấu thơ năm 11, 12 tuổi tôi đã trông thấy nó trong tủ sách của cụ thân sinh ra tôi, và rồi năm 17 tuổi trong khi sửa soạn thi Tú Tài Tây thì tôi được cụ tôi cho đọc. Đây là một cuốn sách của một viên chức người Pháp, phụ trách việc kiểm duyệt báo chí, tên là E. Vayrac, viết để quảng bá và giới thiệu nền Văn Hóa Cổ La-Hy với chúng ta, vào lúc đó bị bọn Tây thuộc địa gọi là “người bản xứ”. Người này còn là bạn thân của cụ Vĩnh, và cụ Vĩnh đã phụ trách việc dịch sang tiếng Việt để người mình đọc được.

Thấy cuốn sách được in lại tôi thích quá, nhất là khi thấy trên bìa sách mấy chữ Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, tôi càng thấy khoái và tin tưởng hơn, nên đã mua ngay không chút ngần ngại.

Tôi đã đọc cuốn sách này trên một nửa thế kỷ trước, lúc đó tôi đọc cả bản tiếng Pháp lẫn tiếng Việt do cụ Vĩnh dịch một cách thật thích thú vì tôi được học chương trình Pháp từ lớp mẫu giáo tại cái trường mang tên Henri Rivière, ở cạnh Bưu Điện Hải Phòng. Tôi rất thích bản dịch rất lưu loát, chính xác của cụ Vĩnh. Trên một nửa thế kỷ đã trôi qua mà tôi vẫn không quên truyện một anh hàng giầy phê bình tranh của một họa sĩ Hi Lạp tên là Apelle, một người rất cầu toàn và phục thiện, thường bày tranh của mình vẽ và núp sau tranh để nghe những lời phê bình để sửa những điểm kém trong tranh. Một ngày kia nhà họa sĩ núp sau tấm tranh vẽ một người cưỡi ngựa, nghe được một anh hàng giầy phê bình là chiếc dép vẽ không chính xác. Nhà họa sĩ thấy lời phê bình là đúng nên ông ta sửa ngay.

Ngày hôm sau anh hàng giầy lại ghé qua xem và thấy chiếc dép đã được sửa, anh ta tưởng bở bèn lên tiếng phê bình lung tung, chê huyên thuyên, và thậm chí chê cả hình dáng con ngựa và người kỵ sĩ.

Thấy anh hàng giầy cao hứng chê bậy quá, ông họa sĩ xuất hiện từ sau bức tranh và bảo anh ta:”Này anh hàng giầy, xin anh chớ lên trên nơi giầy dép!” tức là “xin anh chớ vượt qua cái lãnh vực giầy dép của anh!”. Người Tây phương thường dùng câu nói ấy để khuyên những kẻ hay khen hay chê ẩu tả những việc chúng không am tường. Đây chỉ là 1 trong tổng số 101 truyện mà tôi nhớ được một số, còn rất nhiều truyện khác rất hay, rất bổ ích cho người đọc, nhất là cho những độc giả trẻ…

Cầm cuốn sách về nhà, vừa ăn cơm xong là tôi lôi cuốn sách, mà tôi coi như một người bạn cũ, nay mới có cơ duyên được gặp lại, ra đọc ngay. Nhưng than ôi! niềm vui của tôi bị giảm sút đi rất nhiều khi thấy cuốn sách, thay vì được chụp lại, hoặc bây giờ được quét (scan) trên máy vi tính để in lại, thì nhà xuất bản chắc đã cho đánh lại nên chỉ nguyên trên trang 7 tức là trang Lời Nói Đầu (Préface) bằng Pháp văn, người đánh (và sau đó các người biên tập) đã chơi luôn một lúc 7 lỗi như sau đây:

Jene thay vì (Je ne) – jai (j’ai) – sansse (sans se) – disaient-its (disaient-ils) – ma lémérité (ma témérité) – des homes (des hommes) – bonne companie (bonne compagnie).

Sau đó tôi lướt qua một số trang khác thì thấy hầu như chẳng có trang nào là không có lỗi, thật nản quá!

Viết mấy dòng chữ này tôi vẫn tiếp tục lạc quan và ôm hy vọng to đùng là sau này, dần dần những nhà xuất bản của chúng ta sẽ có những người đánh, người dàn trang, và những biên tập viên có khả năng, và nhất là… có tâm hơn!











Trích Hồi ký 60 năm chơi sách. Chương VI

VŨ ANH TUẤN

TÔI LẠI ĐƯỢC ĐẾN

với RAXUL

Thúy Toàn

Mười chín năm trước, năm 1994, đi trong đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm Liên bang Nga, tôi đâu có ngờ ngay ngày hôm đến Matxcơva, chỉ mấy giờ sau, chúng tôi lại may mắn được đến gặp nhà thơ Raxul Gamzatov tại trụ sở Liên hiệp các Hội Nhà văn SNG, vừa được xây dựng thay thế cho Hội Nhà văn Liên Xô trước đấy. Sau đó lại được dự buổi đón tiếp ông tại Đại sứ quán Việt Nam ta trên phố Piragovskaya Lớn. Và vừa mới đây, cũng lại thật bất ngờ, đột nhiên tôi nhận được lời mời của Hội Nhà văn Daghestăng sang tận quê hương Daghestăng của nhà thơ để dự lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Raxul cùng những ngày Hội “Những con thiên nga trắng”.

Vừa bay đến Matxcơva một bạn trong Hội Văn nghệ người Việt ở Nga đến thăm đã khoe mới đây bạn ấy đã được đến đặt hoa và chụp ảnh tượng đài Raxul Gamzatov mới khánh thành đón lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ. Tượng đài nằm trên đường công viên Jaurski trong trung tâm thủ đô. Bạn ấy hứa sẽ đưa đi thăm nơi ấy. Đáng tiếc, phải tranh thủ giải quyết một vài công việc để còn bay tiếp đến Makhachkala – thủ đô của Daghestăng. Tuy nhiên tôi lại mua được cả xấp báo Văn học, tờ báo ra đời từ gần hai thế kỷ trước, năm 1830 có sự tham gia của A.Puskin, năm 1929 lại được tái xuất với sự ủng hộ của M.Gorki và sau khi Liên Xô tan rã có một thời gian chao đảo, nhưng nay lại tiếp tục được ấn hành đều đặn, trên măng sét của báo lại khôi phục đầy đủ hình ảnh của Puskin và Gorki. Trong xấp báo có số ra từ tháng 7, đăng tin ảnh lễ khai trương tượng đài Raxul Gamzatov trước đó: tổng thống V.Putin đang đứng phát biểu trước bức tượng nhà thơ trong tư thế ngồi trên bệ cao nhìn xuống, nheo mắt mỉm cười hóm hỉnh. Trong buổi lễ khánh thành tượng đài có rất đông người dân thủ đô, nhiều văn nghệ sĩ khắp cả nước Nga, con cháu, người thân bạn bè nhà thơ từ quê hương Daghestăng kéo về, và ngoài tổng thống Liên bang Nga V.Puskin, còn cả ngài Ramazan Abdubaghimov, lúc này đang làm nhiệm vụ người đứng đầu nước cộng hòa Daghestăng, ngài Secgei Sobianin, tạm thời làm nhiệm vụ thị trưởng thủ đô Matxcơva và nhiều quan chức khác…

Trong buổi lễ khai mạc những ngày hội “Những con thiên nga trắng” vào ngày 9 vừa qua, lúc này đã chính thức là tổng thống Daghestăng, ngài Romazan Abdubaghimov đã khẳng định: lễ khánh thành tượng đài Raxul Gamazatov ở Matxcơva có sự tham gia của tổng thống Liên bang Nga V.Putin một lần nữa cho thấy ý nghĩa toàn nước Nga sáng tác của nhà thơ xứ sở Daghestăng.

Còn một số báo Văn học nữa, số ra từ 4 đến 10 tháng Chín, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ, ngay ở trang đầu đăng bức chân dung màu nửa người khá lớn của nhà thơ, khoác áo lông cừu trắng, đội mũ lông cừu đốm trắng đen; một bàn tay đỡ cầm, vẻ mặt trầm tư, nhân hậu. Sinh thời Raxul thường hay nói: “Điều vĩ đại nhìn thấy rõ từ khoảng cách xa…”. Bên cạnh bức chân dung, là bài của ngài thứ trưởng Bộ Văn hóa Daghestăng Magomedraxul Mogomedraxulov khẳng định: “Chúng ta tin vào điều, rằng chúng ta càng đi sâu tìm hiểu thế giới của ông, sáng tác của ông, chính bản thân nhà thơ, chúng ta càng được ngụp lặn vào chiều sâu những tư tưởng, sự không cùng không tận và sự vĩ đại của thơ ông, vào tính vĩnh cửu và sáng tạo trong các xét đoán của ông. Và quả thực: con đường sáng tác nhiều mặt, độc đáo, chỉ có ở Raxul Gamzatov tạo lập ra cả một thời đại văn hóa huy hoàng của thời nay. Nghị lực sáng tạo hùng hậu của nhà thơ, nằm trong các câu thơ của ông, tính chất lãng mạn trong sáng và đạo lý sâu xa của thơ ông cho đến bây giờ vẫn quyến rũ và buộc ta một lần nữa và một lần nữa nhìn lại cái đã qua, với niềm hy vọng ngó tới tương lai của mỗi người, những ai tiếp cận đến nó”.

Số báo này còn dành cả trang 4 đăng những hồi ức của bạn bè, người thân của nhà thơ. Tôi còn mua được một tờ báo khác ra những ngày gần đây - tờ Người làm văn Matxcơva cũng dành kỷ niệm 90 năm ngày sinh Raxul Gamzatov. Với tiêu đề Nhà thơ của aul (bản làng) và cả địa cầu cả trang báo giành giới thiệu bộ tác phẩm 5 tập tác phẩm của Raxul Gamzatov vừa được xuất bản trong dịp này, trích những lời của các nhân vật có tên tuổi cùng thời đánh giá cao những giá trị đặc sắc trong sáng tác và nhân cách của Raxul. A.Tvartovski: “Trong thơ của ông không có bóng dáng chút gì là tự khen mình.Tính chất tuyệt vời là nét hài hước, hướng dường như chính về mình. Điều này lập tức chiếm được cảm tình bạn đọc. Đó là một tính cách hiếm có,biểu hiện của một tài năng thực sự”. Nhà văn TS. Aitmatov lại nhận xét: “Gamzatov đã cắm rễ sâu vào núi non và mảnh đất Daghestăng. Sức mạnh của ông, sự không giống ai, tính cách dân tộc không lặp lại của ông nằm trong đó. Chính ở điều đó, trong mối liên hệ cội rễ với văn hóa và cuộc sống nhân dân mình chứa đựng những cội nguồn của hiện tượng kỳ lạ thơ Gamzatov- hình tượng khởi thủy của tư tưởng nghệ thuật Gamzatov, hình tượng làm nảy nở và khác biệt câu thơ của ông, ngôn từ của ông, ý tưởng của ông…”. Hàng chục các nhân vật tên tuổi khác cũng tìm ra những điều thật đáng ca ngợi trong sáng tác cũng như cuộc đời của nhà thơ…

Từ Matxcơva tôi được cùng với đoàn đại biểu văn nghệ sĩ thủ đô và một số địa phương khác hơn tám chục người và mấy khách quốc tế, từ Ai Cập, Irắc, Angiêri,... bay cùng máy bay của hãng hàng không phương nam đến thủ đô Makhachkala.

Sau hơn hai tiếng, máy bay hạ cánh xuống một sân bay còn đang tiếp tục được xây dựng, vắng vẻ nằm ngay bên hồ biển Catpien. Chúng tôi được đón tiếp thật giản dị, nhưng thật chân tình nồng hậu. Dẫn đầu những người ra đón là Chủ tịch Hội nhà văn Daghestăng, nhà thơ nhân dân Mohamed Akhmedov. Trên mấy chiếc xe buýt các đại biểu được đưa về nơi nghỉ. Tôi nằm trong số đại biểu được đưa về khách sạn “Cá heo vàng” nằm ngay trước bãi tắm biển Catxpien.

Bắt đầu từ ngày 8 tháng 9, ngày sinh của Raxul Gamzatov, suốt trong ba ngày tiếp theo diễn ra các hoạt động lễ hội “Những con thiên nga trắng”. Mặc dù bề ngoài có vẻ căng thẳng: trên các ngả đường, gần các trạm xăng, góc phố đều có những toán vũ trang dã chiến sẵn sàng súng tiểu liên canh gác, nhưng không khí lễ hội vẫn toát ra ở khắp nơi: nhiều mặt tường đã được trang hoàng bằng những pannô có hình ảnh nhà thơ Raxul Gamzatov, những hình chim thiên nga trắng, trên đường phố đi vào trung tâm lẻ tẻ, rồi đông dần, từng gia đình, từng tốp trai gái, thanh thiếu niên kéo đến các địa điểm công cộng.

Suốt từ sau tám giờ, ăn sáng xong, chúng tôi được lên xe đưa đi tham dự nhiều hoạt động khác nhau, cho đến tận tối: đặt hoa trên mộ Raxul Gamzatov tại nghĩa trang trên lưng chừng dãy núi dưới ngọn Tarki- Tau trông xuống toàn cảnh Makhachkala và biển Catpien, Lễ khai mạc trưng bày chủ đề Raxul Gamzatov tại bảo tàng thủ đô; thi đọc thơ tại nhà hát; Hội nghị bàn tròn ở thư viện quốc gia mang tên Raxul Gamzatov; khai mạc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật về đề tài Raxul Gamzatov tại bảo tàng Daghestăng, xem trình diễn vở “Cô sơn nữ” dựa theo truyện thơ cùng tên của Raxul do Nhà hát nhạc kịch quốc gia dàn dựng; rồi khai mạc ngày hội “Những con thiên nga trắng”; đặt hoa trước tượng đài nhà thơ ở quảng trường nhà hát, thăm ngôi nhà riêng của nhà thơ, được gia đình nhà thơ mời cơm tại đó, lại xem biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát thành phố, dự chiêu đãi của Tổng thống Daghestăng. Và một ngày trọn đi về thăm quê nhà thơ: aul (bản làng) Txa- Đa thuộc huyện Khumzakhski…

Trong phần lớn các hoạt động trên, ngoài đông đảo quần chúng bạn đọc hâm mộ nhà thơ, các giới văn học nghệ thuật, khoa học, giáo dục, các đại biểu từ nhiều nơi khắp nước Nga và một số từ các nước khác, trong đó có Việt Nam, Irắc, Ai Cập, Angiêri… thường đều có sự tham gia của các nhà lãnh đạo nước cộng hòa, kể từ Tổng thống Ramazan Abdubaghimov, chính thức được bầu nhậm chức vào đúng ngày khai mạc lễ hội – một lễ hội nhân đôi, trở xuống các vị trong chính phủ, quốc hội… Ngoài ra còn có cả mấy nguyên thủ các nước cộng hòa khác: Udmutia, Bắc Oxtin –Alenia, Tactar…

Không thể kể hết những lời tốt đẹp đánh giá cao về cuộc đời và sáng tác của Raxul Gamzatov, những hồi ức của bạn bè thân thiết gần, xa về nhà thơ…

Vị Tổng thống mới chính thức nhậm chức của nước cộng hòa đã xúc động phát biểu: “Daghestăng thật là mảnh đất xiết bao hạnh phúc. Thượng đế đã gia ân chính ở nơi đây đã ra đời Raxul Gamzatov. Kavkaz – mảnh đất mới hạnh phúc làm sao, bởi vì Raxul Gamzatov đã đứng trên một các đỉnh cao của nó, Gamzatov, người mà được tất cả mọi người bầy tỏ sự kính trọng sâu sắc nhất… Không có những người như Raxul Gamzatov và Akhmad Kadưrov thì chiến tranh ở Checnia còn mãi...”

“Chúng ta là những người hạnh phúc, bởi vì chúng ta được sống trong thời đại của Raxul Gamzatov. Nếu nói rằng, Raxul Gamzatov là con người vĩ đại, có nghĩa là chẳng nói lên điều gì hết. Có một người bạn của ông từng nói: nếu như người ta bảo tôi – đây là mười nhà thơ giỏi nhất của thời đại, tôi sẽ bảo – trong đó có Gamzatov, nếu bảo chỉ có một – tôi cũng sẽ trả lời – Gamzatov”. Gamzatov – đó là nhà triết học vĩ đại nhất: người mà tư duy không giống bất cứ ai, đối với cha mẹ mình: vô vàn kính trọng với cha, với mẹ, với Tổ quốc mình; với Patimat (vợ) mình. Gia đình Gamzatov – đó là một bộ phận của văn hóa Daghestăng…”

“Raxul Gamzatov đó là người nói ra bằng những danh ngôn, một con người biết hài hước một cách tinh tế…”. Đấy chỉ là một ít những lời mà vị Tổng thống Daghestăng nói về nhà thơ của mình trong những ngày qua.

Là một người Việt Nam, một người đọc từ hơn nửa thế kỷ trước đã bắt đầu yêu quý say mê Raxul Gamzatov, một người ít nhiều có dịch thơ Raxul Gamzatov, có may mắn được tham dự những ngày hội “Những con thiên nga trắng” dịp Kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ, tôi đã mang theo lời chào kính trọng và lòng cảm ơn sâu sắc, không phải của riêng tôi, mà của tất cả mọi người đọc Việt Nam từng yêu quý nhà thơ Raxul Gamzatov, yêu quý “Daghestăng của tôi”, cám ơn và ghi nhớ tiếng nói của Raxul Gamzatov từng cất lên ủng hộ nhân dân ta ngay từ những ngày đầu tiên bom đạn Mỹ trút xuống đất nước ta. Trong số những món tặng vật nhỏ lần này tôi mang theo, ngoài một số sách tác phẩm của nhà thơ Daghestăng đã được dịch ra tiếng Việt có một tờ báo Văn học Liên Xô, trên trang nhất đã đăng hình ảnh và tường thuật cuộc mít tinh của các nhà văn nhà thơ Xô Viết, trên đầu trang có hình ảnh nhà thơ Raxul Gamzatov đang đọc thơ, lên tiếng phản đối chiến tranh, động viên nhân dân Việt Nam chiến thắng. Số báo ra từ năm 1966 cách đây gần nửa thế kỷ. Tôi nghĩ, các bạn ở Daghestăng cũng đã hiểu: ở đây chứa đựng tình cảm biết ơn sâu nặng của chúng ta, luôn được gìn giữ mãi mãi đối với Daghestăng xa xôi, đối với Raxul Gamzatov – người con vĩ đại của Daghestăng.

Thúy Toàn

CỔ TÍCH THỜI @

Có lẽ không có tựa đề nào thích hợp hơn thế, bởi câu chuyện thật mà giống như trong truyện Cổ Tích, chỉ có khác đi là nhân vật Thầy trong truyện không có dáng dấp tiên phong đạo cốt, râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc, thoạt ẩn thoạt hiện trên đỉnh non cao huyền bí với sương che, tuyết phủ. Học trò cũng không phải là một đồng tử, một mình với tay nải, cơm nắm muối vừng, vượt qua bao nhiêu vách núi cheo leo, bao con thác gập ghềnh hiểm trở, rừng sâu với thú dữ chực chờ hay sơn lam chướng khí… để bái sư học đạo. Thầy tôi là người của thời đại, cách đây gần 40 năm, đã cương quyết để vợ con ở lại Kinh Đô Huế, một mình vượt mấy trăm cây số, vào Saigon thuê nhà ở để tìm cho được những người có hẹn với mình từ kiếp xa xưa nào đó. Và một trong những học trò đó là tôi. Lúc đó đã là một phụ nữ có chồng, có con, và hơn 30 tuổi! Đó là câu chuyện thật về việc thầy tìm trò để truyền Đạo Phật của chính tôi mà nhiều năm rồi, tôi có ý định viết lại để nói lên ân tình của một người Thầy đã hết lòng đào tạo cho tôi, nhân Ngày Nhà Giáo 20 Tháng 11, vì theo tôi, có lẽ đó là một trong những nhà giáo vô vụ lợi và tận tâm nhất trên đời.

Trước 75, tôi là một nhân viên Ngân Hàng Pháp. Thời đó lương nhân viên Ngân Hàng nước ngoài khá cao. Một bao gạo Thái Lan hạt dài 100kg giá 1.500đ, mà lương của tôi đến hơn 100.000đ. Cuối năm lại có lương tháng 13, 14, nên cuộc sống ổn định, chẳng bao giờ để tâm đến chuyện gì khác ngoài hai bữa sáng, chiều đến sở làm rồi về nhà. Cho đến ngày Miền Nam Giải Phóng, mọi việc thay đổi. Chủ Tây về nước, đổi tiền, rồi lương đồng loạt hạ xuống còn 18đ mỗi tháng, nên tôi xin nghỉ việc về nhà trông coi nhà thuốc Tây của gia đình lúc đó chưa bị đánh tư sản. Không được phân phối thuốc mới. Thuốc còn lại cũng ít, lại có đứa em đứng bán, nên vợ chồng tôi cũng khá rảnh rang, mỗi sáng thường đến nhà bạn bè chơi, bù lại những năm tháng cắm cổ đi làm! Trong những bạn bè mà vợ chồng tôi hay đến nhà uống trà nói chuyện, có một ông lớn tuổi, giáo sư Pháp Văn, đang dạy kèm cho con của một thầu khoán, nay thất nghiệp buôn đồ phụ tùng xe đạp, vì thời điểm đó mua xăng khó khăn, nên xe đạp thịnh hành. Hơn nữa, việc mua bán dù thu nhập không bao nhiêu, nhưng cũng có cái để hàng xóm, địa phương biết là gia đình mình có làm ăn chân chính. Đó là cách sống của một số gia đình không có người đi làm công nhân viên chọn, để phù hợp với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Hết chuyện xưa đến chuyện nay. Ông giáo sư kể về một vị Thiền Sư mà ông bạn cựu thầu khoán do đi buôn đồ xe đạp thường xuyên gặp nên thành quen thân. Theo ông này kể: Thiền Sư này trước đây sống ở Huế, mới vô Saigon thời gian gần đây. Mỗi ngày cũng đi lấy phụ tùng xe đạp về bày bán trước nhà. Theo vị Thiền Sư này kể, thì thời gian sống ở Huế, đêm nào ông cũng Ngồi Thiền và thấy trước nhiều việc rất chính xác. Một trong những câu chuyện là ông thấy trước chuyện không may của gia đình của một Dược Sĩ mà hàng tuần ông hay đến hiệu thuốc của cô mua để làm từ thiện. Ông kể, có một đêm, trong Thiền, ông thấy gia đình cô Dược Sĩ sẽ bị tai nạn thảm khốc, nên lúc đến mua thuốc, ông đã báo với cô. Nhưng chỉ dám nói nhè nhẹ là thấy cô sẽ gặp nạn thôi. Ông nói rằng ông hy vọng những gì thấy trong Thiền là sai, chuyện không may sẽ không xảy đến, nhưng đề nghị cô thử nghe ông tìm cách hóa giải, bằng cách bố thí và mua chim phóng sinh. Nhưng lần sau ông trở lại thì cô này bảo là “em có nói với chồng em, nhưng chồng em phản đối, nói là có tiền mua chim thì đem rô ti mà ăn, tội gì thả”. Thiền Sư nghe vậy thấy gia đình cô nặng nghiệp quá đành chịu thua.

Cho đến ngày 30 Tết, ông lại đến mua thuốc, thì cô Dược Sĩ còn nói: “Anh nói em sẽ bị tai nạn trong Mùa Đông này, nhưng hôm nay là 30 Tết rồi”. Ông Thiền Sư cho biết là đến hết Mồng 7 mới hết mùa Đông. Thế rồi, ngày mồng 4 Tết năm đó, Huế bị pháo kích, một quả rơi trúng nhà và cả vợ chồng cô Dược Sĩ đều chết thảm! Do vợ chồng cô Dược Sĩ này là chỗ thân quen của chồng tôi khi cô học Dược ở Saigon, nên chồng tôi tò mò nhờ vị cựu thầu khoán giới thiệu để đến gặp vị Thiền Sư đó.

Một buổi sáng, chúng tôi hẹn nhau. Ông cựu thầu khoán chở vợ chồng tôi và ông giáo sư Pháp văn đến nhà vị Thiền Sư trên chiếc La-Đàlạt. Lúc đến thì đúng vào buổi cơm trưa, cả gia đình ông đang quây quần trên chiếc bàn ăn lớn để giữa phòng khách. Thấy có khách đến, vị Thiền Sư buông đũa ra tiếp chúng tôi. Thấy đang bữa cơm, chúng tôi không tiện ngồi lại, chỉ sau vài lời giới thiệu của ông cựu thầu khoán là chúng tôi từ giã ra về. Khi tiễn vợ chồng tôi ra cửa, vị Thiền Sư còn căn dặn vợ chồng tôi là cứ đến chơi bất cứ giờ nào, vì ông cũng rảnh rang.

Không chờ lâu, sáng sớm hôm sau là chồng tôi và tôi trở lên nhà để gặp ông. Câu chuyện đầu tiên là chồng tôi hỏi về vợ chồng cô Dược Sĩ. Ông cũng kể lại y như vậy, và còn cho biết, trong Thiền ông còn thấy trước chợ Đông Ba sẽ hư hại ở góc nào? Cầu Trường Tiền sẽ sập nhịp thứ mấy. Ông có viết lại trong Sổ Thiền, và có nói với mấy người bạn tu. Sau đó đã cùng với họ, mặc complet vô chợ Đông Ba quyên tiền của mấy tiểu thương ở đó để mua chim phóng sinh, hy vọng bớt đi mức thiệt hại. Nhưng sau đó diễn tiến vẫn y như ông thấy trong Thiền, không thay đổi.

Lúc đó vợ chồng tôi không ai đi làm việc, nên ngày nào cũng đèo nhau tới nhà ông dù đường khá xa, từ đường Phan Liêm Quận I lên đến gần cuối đường Trương Minh Giảng, gần Nhà Thờ Tân Sa Châu.

Trong trao đổi ông cũng nói về chuyện thần thông mà ông có là do Ngồi Thiền theo Đạo Phật, làm cho chúng tôi thấy sao lạ lẫm quá. Thời buổi này mà còn có vụ thấy trước, thấy sau... nên cũng muốn khám phá cho biết. Cách giải thích về Đạo Phật của ông rất lạ. Thay vì mọi người vẫn nghĩ rằng Phật là một vị Thần Linh, thì ông cho là “Đạo, là Con Đường. Phật là Giải Thoát. Phật là người tự Giải Thoát cho mình khỏi Phiền Não. Con đường tu Phật là con đường đưa đến Giải Thoát, và bất cứ ai cũng đều làm được”, làm tôi càng tò mò, dù lúc đến nghe ông nói chuyện, tôi không hề có ấn tượng gì về Đạo Phât. Không những thế, tôi còn cho những người theo Đạo Phật là mê tín.

Do từ nào đến giờ hoàn toàn không biết một chút gì về Đạo Phật, và thỉnh thoảng nghe tụng Kinh thì tưởng là kinh Phật được viết bằng chữ Phạn. Lần đầu được thầy tặng cho quyển Kinh Viên Giác, và Duy Ma Cật, tôi mở ra và ngạc nhiên thấy viết bằng chữ Việt, trình bày lại rõ ràng, dễ hiểu. Thế là tôi phát tâm kiêu mạn nghĩ là sẽ đọc thật kỹ để tìm cái sai rồi báo cho ông biết là ông mê tín như thế nào!

Thật lạ lùng! Tôi thấy lời Kinh quá dễ hiểu, lý lẽ xác đáng, không bắt bẻ được. Thế là tôi say mê, đọc không biết chán. Ngủ thì thôi. Mở mắt ra là đã đem Kinh ra đọc. Trừ giờ đi chợ hoặc nấu ăn, những giờ còn lại tôi đọc say mê, chẳng thiết đến việc gì khác! Cũng không biết vì sao mà trong khoảng 1 tháng đầu tiên cứ cầm quyển Kinh lên, đọc vào là tôi ngủ say như chết, dù mới vừa ngủ cả đêm! Nhưng ngủ thì thôi. Tỉnh lại thì tôi lại đọc. Cứ vừa đọc, vừa ngủ cho đến khi không còn buồn ngủ nữa thì càng đọc mê say hơn. Tôi không đọc suông, mà vừa đọc vừa tìm hiểu ý nghĩa. Chỗ nào không hiểu thì lên nhà hỏi Thầy. Cứ dần dà như thế, tôi bị nhiếp vào Đạo Phật bao giờ mà không hay.

Bạn bè của chồng tôi khi nghe nói chuyện về ông cũng nhờ dắt lên để gặp. Những nhóm khác cũng vậy. Mỗi người đến nghe, thấy chuyện Đạo được giải thích một cách rõ ràng, hợp lý, nên về nhà rủ thêm vợ, con, bạn bè, vì thế, phòng khách nhà thầy lúc nào cũng có 4, 5 người ngồi để hỏi Đạo. Bất cứ lúc nào đến nhà thì cũng thấy ông mặc sơ mi ngắn tay trắng, bỏ thùng, mang giày sandal ngồi ở salon như để đợi sẵn. Thời đó còn khó khăn, không được tụ tâp quá 5 người nên bà vợ của ông rất ngại. Thấy khách đến, bà không biết nói sao. Mời về thì không được nên sốt ruột cứ đi vào, đi ra. Thấy vậy ông kéo cả đám vô trong nhà người bạn đồng tu với ông lúc trước, nay cũng xin theo học với ông. Có bố là Cựu Chánh Án ở Hà Nội về ở chung. Nhà tận cuối hẻm đường Bùi Thị Xuân, lại có cán bộ cao cấp ở nên không bị để ý. Thế là có địa điểm thích hợp, hàng ngày chúng tôi tới đó để nghe Thầy nói pháp. Cũng không nhớ là Thầy đã nói những gì, chỉ nhớ là ông dặn Phóng Sinh, Bố Thí, Quán Soi, tập hành Lục Độ.

Khi bắt đầu hiểu đôi chút về Đạo, tôi có hỏi về việc tu hành thì Thầy tôi bảo: “Đừng có tu, khó lắm!” Nhưng không hiểu do sức mạnh nào mà tôi và những người bạn, cương quyết xông vào. Sau đó bảo nhau: “Không nỡ bỏ việc tu hành, vì Thầy quá tốt”. Thời buổi khó khăn, mọi người còn ăn độn mà lúc nào chúng tôi ghé nhà cũng được chiêu đãi: khi thì bún bò, khi thì nước mía, lúc lại là bát chè đậu đen! Bản thân tôi không sinh trưởng từ gia đình theo Đạo Phật nên chẳng biết quả vị là gì? Cũng không nghĩ tu là để thành thánh thành thần gì để mà phấn đấu, chỉ là Thầy dạy gì thì làm đó. Bảo Ngồi Thiền thì Ngồi. Bảo Soi, Quán thì Soi, Quán. Bảo nên Phóng sinh thì mua chim, cá, ốc tới tấp để thả, thế thôi! Lúc đó điện thoại chưa có, muốn hỏi gì thì phải đến tận nhà. Lúc đầu còn xăng thì đi xe Honda. Lúc xăng khó khăn thì đi xe đạp. Vậy mà có ngày chồng tôi chở tôi lên nhà Thầy đến 3 lần. Bởi vì tôi liên tục đọc Kinh rồi liên tục thắc mắc, và lúc nào cũng nôn nóng muốn được giải đáp ngay. Cũng may thời đó gia đình tôi còn chút tiền, nên không bận tâm về kinh tế.

Ban đầu tôi đã đến gặp Thầy vì tò mò, sau đó thấy Kinh có lý nên say mê, không biết rằng từ năm 1968 Thầy tôi đã biết có hẹn với một nhóm người ở Saigon nên cương quyết vô Nam cho bằng được. Lúc đó gia đình thầy sống ở Huế, cuộc sống ổn định, nên khi nghe Thầy bàn đưa cả gia đình vô Sai gon thì bà vợ Thầy không bằng lòng, vì gia đình Thầy rất đông con, Saigon lại không có người thân thích, vào đó biết sống ra sao? Thuyết phục không được, lợi dụng năm đó Huế có biến động, Thầy tôi gom hết của cải, dắt díu cả gia đình, định vô Saigon luôn. Không dè mới đến Quảng Trị thì nghe tin bình yên đã vãn hồi nên đành dắt gia đình quay về Huế.

Thầy vẫn cương quyết phải vô Saigon, dù bà vợ phản đối. Sau này Thầy kể lại cho chúng tôi nghe rằng Thầy phải nói dứt khoát với vợ: “Nếu mụ không đi thì tôi đi một mình”, và rồi một mình Thầy đã vô Saigon, thuê nhà ở tạm để chờ chúng tôi. Khi tôi đến gặp thầy vào tháng 7/1977 thì vợ Thầy cũng đã bồng bế hết đám con để bỏ Huế vào Saigon rồi. Họ mua 1 căn nhà mặt tiền, ở đường Lê Văn Sỹ, lúc đó là đường Trương Minh Giảng và ở đó. Mấy năm sau mới quay về Huế để bán nhà. Thầy tôi đã qua đời từ năm 1981, nhưng bà vợ vẫn tiếp tục ở đó cho đến hiện nay. Con cái đều đã lớn, có gia đình riêng. Tất cả đều thành công trong cuộc sống.

Buổi đầu chỉ có vợ chồng tôi lui tới nhà Thầy để học hỏi. Lần hồi nhiều người biết rồi giới thiệu nhau đến, nên số người đến nghe pháp có khi lên đến 40, 50. Nhóm người theo Thầy tôi tu học, đa phần là bạn bè rủ nhau, từ nhiều người giới thiệu khác nhau nên rất đa dạng. Gần như mọi thành phần trong xã hội đều có mặt: Bác sĩ, Luật Sư, Kỹ sư, Kiến Trúc Sư, Dược Sĩ, Giáo Sư, Thương gia, Tiếp viên Hàng Không, Thầy thuốc Bắc, Y Tá, cựu công, tư chức, công nhân... kèm theo là vợ, con. Có người còn đang làm việc. Có người đã thất nghiệp. Có người là ngụy quyền đi học tập về. Có người bị cải tạo tư sản. Đa phần là trên 30 tuổi. Tất cả bị đảo lộn công ăn việc làm nên khi nghe có người giảng Đạo Phật thì đều háo hức, hàng tuần tập trung tại nhà của Bác Bửu ở một con hẻm gần Lăng Cha Cả để nghe thuyết giảng. Thầy tôi bảo biến cố 75 là dòng pháp của Chư Phật để hối thúc chúng tôi phải quay về với Đạo.

Bác Bửu, tên đầy đủ là Nguyễn Khắc Bửu, lúc đó còn đang là Kỹ Sư Trưởng cho Nha Hàng Không VN. Nhiệm vụ của bác là coi sửa máy bay, vì bác tốt nghiệp từ Pháp, sau đó tu nghiệp ở Mỹ về. Do sửa máy bay nên phải bay thử. Thế là cứ cách 1 hoặc 2 tuần, bác lại bay sang Nhật để học tu Thiền với Thiền Sư Suzuki. Bác có 17 năm học với Thiền Sư này. Nghe bạn bè kể lại, lần đầu theo người bạn đến gặp Thầy tôi, Bác nói huyên thuyên. Không biết ông nói chuyện trên trời dưới đất gì đó, mà Thầy tôi đã vỗ xuống bàn, nói: “Phật Pháp tại thế gian, tại đây nè”. Thế là bác Bửu giật mình, sau đó cũng xin theo học với Thầy. Cũng nhờ nhà của Bác rộng, lúc đó lại đang mở một Hợp Tác Xã Dệt Thun tại nhà, nên sau đó có chỗ cho chúng tôi mỗi sáng Chủ Nhật tập trung đến để nghe giảng pháp trong suốt 2 năm. Một điều cũng lạ là hàng tuần anh em nườm nượp kéo đến nghe Thầy giảng có hơn 50 người, mà không bị phát hiện. Nếu có, chắc cũng phải giải tán rồi. Nhắc lại thời xa xưa tôi còn nhớ đã trêu bác Bửu: “Tu là cội phúc, tiền là dây thun”!

Lúc đó tôi mải say mê đọc Kinh, chẳng quan tâm đến việc gì khác nên cũng chẳng nhớ Thiền Sư Suzuki uy tín lẫy lừng trong giới tu Thiền, để hỏi bác Bửu xem Bác đã được dạy những gì. Chỉ nghe Bác nói lần đầu sang Nhật để viếng Thiền Sư Suzuki, vừa đến chân núi là Ngài đã cho đệ tử xuống đón vì Ngài biết trước Bác sẽ đến. Và chuyện khác là mỗi lần Bác Ngồi Thiền, kéo chân lên là ý thức bặt đi mất tiêu, có khi cả 2 tiếng sau mới quay trở lại. Đã có nhiều năm Ngồi Thiền, nên khi gặp thầy tôi hướng dẫn thì Bác mở Thần Thông rất nhanh. Đoán trước cho nhiều người rất chính xác. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau thì thần thông cũng mất. Và Bác cũng đã qua đời vào sau đó ít lâu, sau khi rít một hơi thuốc Lào bị sặc, rồi đi luôn.

Thời gian giảng pháp, thấy anh em lơ đãng Thầy tôi rất nhiều lần nhắc nhở: “Các anh em nên cố gắng, vì thời kỳ hành nguyện của tôi đến năm 81 là hết”. Nhưng không ai trong chúng tôi hiểu Thầy muốn nói gì. Nên chỉ nghe qua rồi bỏ, không để ý tới, chỉ khi Thầy qua đời mới sực nhớ ra!

Sau khi Ngồi Thiền được một thời gian, Thầy tôi bảo tôi khỏi phải ngồi nữa, mà nên viết những điều hiểu được khi Soi, Quán ra thành bài rồi đưa cho ông xem. Ban đầu mỗi bài tôi viết chỉ độ vài câu là hết ý. Sau đó là nửa trang, dần dà là 2, 3 trang cho một đề tài. Cứ mỗi lần nộp bài là ông đọc rồi giải thích thêm. Cho đến khi ông thấy cái hiểu của tôi đã đủ vững, thì bảo tôi thôi khỏi nộp bài nữa. Cũng nên nói là khi vào tu học tôi làm thơ về Đạo khá nhiều. Có bài tôi viết mà không hiểu rõ ý nghĩa. Tôi vẫn trình Thầy để hỏi và Thầy cũng hay đọc giữa những buổi thuyết giảng để mọi người cùng nghe, để khuyến khích anh em.

Một ngày kia, trong một lần ghé nhà, Thầy bảo tôi về nhà viết một bài đưa cho ông xem. Tôi hỏi viết về đề tài gì, thì Thầy bảo: “Viết cái gì cũng được, nhưng bỏ vô đó độ mươi bài thơ mà chị đã làm”. Về nhà tôi suy nghĩ, tại sao mình không đúc kết những gì đã học, đã hiểu từ buổi đầu đến giờ? Thế là trong vài giờ buổi chiều đó, tôi viết xong, đánh máy sạch sẽ, sáng hôm sau chồng tôi chở xe đạp lên đưa cho Thầy.

Tôi còn nhớ, đọc xong, Thầy mở kính, lau nước mắt và vỗ đùi nói: “Tôi mừng quá, vậy là pháp của tôi thành công rồi. Chị qua được thì nhiều người cũng qua được”. Sau đó, Thầy mang bài của tôi đọc cho những anh em trong Đạo Tràng nghe và bảo họ cũng viết để Thầy xét trình độ hiểu biết Đạo của họ. Cuối cùng Thầy chọn được 25 người để tổ chức một buổi lễ ấn chứng. Thời đó mà tập trung tại nhà của một người bạn ở mặt tiền đường Bùi Thị Xuân cả hơn 50 người suốt từ sáng đến quá trưa mà vẫn không bị chú ý cũng là một chuyện rất lạ. Trong buỗi lễ, có thuê cả thợ chụp hình và ghi âm những bài đọc trong buổi lễ. Tiếc là sau đó người giữ hình ảnh và băng ghi âm đã hủy đi tất cả, chỉ còn lại những bài đọc được chúng tôi gom lại giữ gìn đến nay.

Thầy tôi sau đó vẫn tiếp tục giảng dạy. Hàng tuần Thầy đều viết bài để phát và giảng cho chúng tôi. Hai năm sau (năm 1981), đúng vào ngày lễ đã tổ chức thì qua đời đúng như lời người đã báo trước từ lúc gặp chúng tôi.

Một điều lạ là không hiểu sao người Thầy dám rời bỏ gia đình, xứ sở, nơi đang sinh sống ổn định để tới một địa phương hoàn toàn xa lạ để chờ những người có hẹn với mình, không hề có lấy một thông tin nào về nhân thân, tên tuổi, nơi ở, cũng không biết họ là ai. Phần tôi được cho là người có hẹn thì càng mù tịt, thậm chí còn không biết gì về Đạo Phật, cứ bình thản làm ăn, sinh sống, ăn diện, chẳng mảy may gì nhớ có hẹn ước gì cả. Nhưng cuối cùng rồi cũng gặp được nhau. Có lẽ do một sự sắp xếp trong huyền vi nào đó, vừa mơ hồ, vừa hiện thực. Chính bản thân tôi là người trong cuộc, dù hiện kiếp không nhớ gì, nhưng tiềm thức buộc phải trở lại con đường tu Phật, nên muốn không tin cũng không được.

Theo lời Thầy tôi bảo thì lúc tôi đến nhà lần đầu tiên thì Thầy nhận ra ngay, và quả thật, ông kềm cặp tôi một cách đặc biệt. Chỉ một mình tôi được truyền cho viết về những điều đã Quán, Soi. Anh em khác thì chỉ nghe giảng rồi thôi. Có lẽ trong số người đến học hỏi không có ai nhiệt tình như tôi. Bỏ hết mọi việc, chỉ chú tâm vào Kinh, sách mà Thầy dặn đọc, và say mê một cách lạ thường. Đọc Kinh mà say mê còn hơn đọc truyện Kiếm Hiệp! Anh em cũng có người đọc Kinh, nhưng họ không đọc giống như tôi. Còn riêng tôi, ngoài cố gắng thực hành những điều Kinh dạy phải làm, tôi xoáy mạnh vào những câu hỏi về Đạo, nhất quyết phải tìm cho ra: Phật là gì? Tu Phật để được gì? Tu Phật phải làm gì? Bản thân tôi có cần tu hay không? Lúc Thầy tôi còn hiện diện thì những gì tôi không hiểu thì hỏi ông. Sau khi Thầy tôi qua đời tôi vẫn tiếp tục đọc Kinh cho đến nay.











Phụ Bản I

Qua quá trình đọc kỹ, tôi thấy rõ ràng Kinh Phật dù được viết cách đây hàng ngàn năm, nhưng hoàn toàn không mê tín, không dị đoan, không dạy thờ Phật để cầu xin mà chỉ là những lời giải thích, những cách hành trì để được Thoát Khổ. Tôi đã đọc đến trên dưới 30 quyển Kinh Đại Thừa, thấy hầu hết đều dạy giống nhau, dù nói cách này hay cách khác cũng chỉ là để Thoát Phiền Não, Thoát Sinh tử. Công năng tu hành là GIỚI-ĐỊNH-HUỆ, BÁT CHÁNH ĐẠO, LỤC ĐỘ, VẠN HẠNH... mục đích là để gỡ cái CHẤP TƯỚNG để Thoát Khổ, không phải để thành Thánh, thành Phật hay thành một bậc cao siêu phi phàm nào. Nhờ đó, tôi cũng phân biệt được thế nào là Chánh Pháp, thế nào là tà pháp. Thế nào là bậc chân tu. Thế nào là những người lợi dụng sắc áo của Nhà Phật để cầu Danh, cầu Lợi!

Tôi cũng đọc nhiều sách của các Thiền Sư để thấy thời xưa cũng như thời nay, trong Đạo lúc nào cũng có những người thuyết pháp quảng cáo rầm rộ chỉ để cầu danh, cầu lợi. Tất cả nhờ ở 4 năm được Thầy tôi ân cần chỉ dạy và quyết tâm học hỏi của mình.

Là phụ nữ, nhưng tôi lại không ưa Thần Thông, biết trước, biết sau. Tôi cho đó là phí thì giờ, vô ích. Có lần Thầy tôi bảo: “3 giờ đêm nay chị thức dậy Ngồi Thiền, tôi sẽ xuống truyền Thiên cơ cho”. Nhưng tôi đã không làm. Sáng ra, lên nhà, ông đã hỏi tôi vì sao khi đêm chị không Ngồi Thiền. Tôi trả lời là tôi không thích Thiên Cơ, nên ông cũng thôi không nhắc đến.

Suốt những năm học với Thầy, tôi không hề thắc mắc về Quả Vị, cao thấp… nhờ đó tôi không bị Thần Quyền, mê tín, hay kiêu mạn khi thấy được điều gì trong Đạo. Vì suy cho cùng, những cái “đắc”, cái “được” chỉ có bản thân người tu học đó nhờ, có gì đâu mà phải khua chuông, gióng trống cho mọi người biết. Chúng tôi được dạy rõ về Nhân Quả, về thế nào là Tự Độ, nên mạnh ai nấy vừa lo tu sửa, vừa sinh sống bình thường. Ai nghề nào thì vẫn tiếp tục để tự lo cuộc sống cho mình và con cái, không phải nhờ ai “Độ” cho thì mới tu hành được. Việc lợi dụng người khác để mình nhàn thân là mắc nợ Nhân Quả, không trả kiếp này cũng kiếp khác, chỉ có những người không biết mới dám ung dung hưởng của Thường Trụ, còn khuyến khích mọi người cung dưỡng càng nhiều càng tốt! Chúng tôi vẫn sống một cuộc sống bình thường như mọi người. Không cần ai biết là mình đang tu hành. Tuy vậy, trách nhiệm của một người có chút hiểu biết về Đạo không cho phép tôi thờ ơ. Tôi vẫn luôn cố gắng viết lại những hiểu biết của mình theo đúng như những gì Chính Kinh đã ghi lại. Cũng nhờ có tờ Nội San nhỏ bé của Câu lạc bộ NHỮNG NGƯỜI YÊU SÁCH XƯA VÀ NAY này, tôi mới có dịp để đăng tải tiếng nói của Đạo Phật theo những gì Thầy tôi đã truyền. Sau khi đã kiểm chứng, thấy phù hợp với Chính Kinh thì mới dám phổ biến - dù phạm vi hạn hẹp - nhưng cũng không dám cẩu thả.

Tôi biết rằng không riêng gì tôi, mà tất cả mọi người đều là những người trở lại với đời. Nhưng có hai hạng: Một là BỊ NGHIỆP lôi kéo. Hai là VÌ NGUYỆN. Có người trở lại để nhắc nhở người khác, như trường hợp của thầy tôi. Cũng có người trở lại để tiếp nối con đường tu hành còn dang dở. Chính cách thể hiện nơi cuộc sống của họ đã nói lên điều đó. Không cần phải có Thần Thông hay sự hiểu biết khác thường nào mới hiểu được. Theo tôi, những người chấp nhận thiệt thòi để hy sinh cho người khác chính là những Bồ Tát mang xác phàm. Họ có thể là bất cứ ai. Hoạt động trong bất cứ ngành nghề nào. Theo bất cứ tôn giáo nào, miễn là giúp đỡ người khác, giáo hóa mọi người hướng thiện thì đã là sứ giả của Chân Lý. Không nhất thiết phải là những người khoác áo tu hành của Nhà Phật.

Với những người lợi dụng Đạo từ xưa thì họ quan trọng hóa sự Chứng Đắc, Thấy Tánh coi đó như một điều gì huyền bí, cao siêu, ghê gớm. Họ quảng bá ầm ỹ để được chú ý, mục đích là để được mọi người trọng vọng, thu nhận thêm nhiều tín đồ mà thôi. Nhưng cũng chưa chắc họ đã thật sự chứng đắc. Vì người chứng đắc theo Kinh dạy thì không được tiết lộ cho người khác biết. Bởi họ đắc cái Vô Ngã, biết rằng cái thân này không phải là họ, thì tìm cầu Danh, lợi cho nó để làm gì.

Qua những gì tôi góp nhặt được từ nhiều năm nghiên cứu lời Phật, Tổ, tôi cũng có thể đánh giá được những người giảng dạy có nói đúng Chánh Pháp hay không. Tôi cũng có đọc sách và một số Giáo Pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người được Hệ thống Phật Giáo ở Tây Tạng và thế giới tôn xưng là Phật Sống. Chính Ngài, trong một cuộc phỏng vấn, đã trả lời với phóng viên là Ngài đắc được cái “Tánh Không”. Đối chiếu với ĐẠI THỪA KIM CANG KINH LUẬN, thì đó là một trong 4 bậc mà người tu hành phải đạt tới: Đó là: KHÔNG THÂN, KHÔNG TÂM, KHÔNG TÁNH, KHÔNG PHÁP. Theo Kinh ghi rõ thì người Ngộ được Tánh Không chứng được Quả Bất Lai A Na Hàm. Những Giáo Pháp Ngài hướng dẫn cũng nói về sự Chuyển Hóa Cái Tâm. Pháp của Ngài giảng cũng nói về Thập thiện, phù hợp với Con Đường của Đạo Phật chân chính.

Phật không phải là một vị Thần Linh, mà chỉ là người Tự Giải Thoát cho mình khỏi mọi Phiền Não. Như vậy, ai tự giải thoát trong pháp nào thì đã là Phật trong pháp đó. Giác Ngộ cũng vậy. Đức Thích Ca là bậc Toàn Giác. Nhiều bậc tu hành khác cũng có thể giác ngộ từng phần cho đến khi hoàn tất. Việc Giác Ngộ cũng không phải để trở thành thần thánh, ban ân, giáng họa cho ai. Nó cũng như việc học thế gian. Ai học thì nấy biết, không thể san sẻ cho người khác. Giác Ngộ hay Thành Phật không phải là để độ cho mọi người, mà chỉ là Tự Độ. Do đó, chúng ta không thể cầu xin Phật hay Chư Bồ Tát độ cho. Ngay cả Đức Thích Ca cũng chỉ độ cho chúng ta bằng Giáo Pháp để tự người tin nhận rồi hành trì để có kết quả Thoát Khổ mà thôi. Ngài không thể đưa ai về Phật Quốc của Ngài được. Do những người mê tín, chấp lầm văn tự, rồi truyền bá, để lần hồi Đạo Phật trở thành tôn giáo thờ phụng Chư Phật, Chư Bồ Tát, đề cao Phật như đấng Thần Linh tối cao, có quyền ban ân, giáng phúc, cứu khổn, phò nguy như những Giáo Chủ của các tôn giáo khác, rồi truyền nhau Cầu An, Cầu siêu, làm mất đi ý nghĩa Nhân Quả, Tự Độ của Đạo Phật chân chính.

Cho nên, theo tôi, mọi người chỉ cần tiếp tục sống thuần thiện, giữ tròn Nhân Thừa, như thế là đủ để hiện đời an ổn, sau khi bỏ cái thân cũng được về nơi tốt đẹp, còn nếu muốn tu hành Giải Thoát thì phải xét THÂN và TÂM. Vì ràng buộc hay Giải Thoát cũng ở đó. Chẳng cần phải Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y, tụng Kinh, niệm Phật hàng ngày. Bởi nếu ai có nghiên cứu Đạo Phật thì đều biết, Đức Thích Ca cũng không phải là một vị thần linh giáng phàm. Ngài cũng từng có vợ, có con. Cũng phải tu hành như tất cả mọi người. Sau khi thành Đạo rồi thì mỗi ngày cũng phải đi khất thực. Bệnh cũng phải xin sữa uống. Cuối đời cũng chết vì ngộ độc thực phẩm, tại sao sau khi chết lại có phép mầu phù hộ, cứu độ cho cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới? Nếu thật sự Phật đã độ được cho mọi người thì Nhân Quả thể hiện ở đâu? Như vậy thì nói Đạo Phật là Đạo Tự Độ, là Nhân Quả, liệu có phải là mâu thuẫn lắm không? Kinh là những lời giáo huấn để ta chiêm nghiệm rồi thực hành, đâu phải để ê a tụng kèm theo chuông mõ. Đó là những lời lúc sinh thời Ngài đã giảng thì Ngài đâu có cần nghe lại làm gì, mà ngày mấy thời đọc trước bàn thờ bắt Ngài phải nghe?

Về những người đang hướng dẫn Tu Thiền, quảng cáo rầm rộ từ bao nhiêu đời nay, tôi thấy họ thật sự chưa hiểu đúng nghĩa của Thiền Định theo Đạo Phật chân chính. Bởi Đức Thích Ca Ngồi Thiền chính là tập trung cả Thân, Tâm, rồi nhiếp tư tưởng, tư duy để tìm ra thủ phạm đã gây ra Sinh Tử Luân Hồi. Những gì cần khám phá thì Ngài đã làm xong, và đã công bố từ cách đây hơn 2.550 năm rồi. Khác nào tội phạm nguy hiểm đã bị Đức Thích Ca truy lùng và bắt về quy án từ mấy ngàn năm trước. Vậy mà đến nay vẫn còn rất nhiều người tuyên truyền, khuyến khích người sau Ngồi Thiền cho nhiều xuất, nhiều giờ, chẳng hiểu để khám phá điều chi! Tổ Đạt Ma và Lục Tổ đâu có khuyến khích Ngồi Thiền. Lục Tổ Huệ Năng còn không có Ngồi Thiền xuất nào. Chủ yếu là thấy được Bổn Tâm. Ngồi Thiền chỉ là để trói cái Thân mà thôi. Nếu không biết Cái Tâm để nhiếp, thì dù có trói cái Thân lại, cái Tâm cũng tiếp tục rong ruổi khắp các cõi. Xả Thiền ra cũng chẳng khác gì lúc chưa Ngồi. Chưa nói đến một số người bị “tẩu hỏa nhập ma”, trở thành điên loạn mà Lục Tổ cũng đã cảnh báo trong Pháp Bảo Đàn Kinh.

Có nhiều người không hiểu gì về Tu Thiền cũng bắt chước người xưa dạy Tham Thoại Đầu. Tu Phật là Tu TÂM sao không tìm TÂM, mà lại bỏ hết mọi việc để Tham: “Ai niệm Nam Mô A Di Đà Phật”! Nội đề tài đã chẳng liên quan gì đến việc tu hành, không dính gì đến Thoát Sinh tử, Thoát Phiền Não! Thiếu gì người niệm Nam Mô a Di Đà Phật? Nếu khám phá ra người niệm là Ô. A hay bà B thì chẳng lẽ người khám phá sẽ Chứng Đắc? sẽ Thành Phật? Tham “Tổ Sư Tây lai Ý” cũng thế. Việc của Ngài thì Ngài làm. Có Ý hay không, liên quan gì đến ta? Mục đích tu hành chẳng phải là điều mình cần biết hay sao? Lại đi tìm thứ khác chẳng có liên quan? Chính vì vậy mà bên Phật Giáo Nguyên Thủy cũng chê những người Tu Thiền. Nhưng ngược lại, họ cũng có cái không đúng là bất chấp việc Truyền Y Bát của Đức Thích Ca để không chấp nhận Chư Tổ và Kinh Đại Thừa. Không hiểu rằng Tổ chính là Phật hiện đời, có nhiệm vụ khai triển những gì ngày xưa do thiếu ngôn từ để diễn tả nên trở thành “xa kín nhiệm sâu”. Vì thế, cái hiểu về Đạo của họ ắt cũng bị hạn chế. Bị dừng ở Quả Vị, trong khi Kinh Đại Thừa giải thích: “Quả Vị là hóa thành để người lười mỏi nghỉ ngơi”, không có thật. Bởi Thân là Giả. Quả Vị là Sản phẩm của Thân thì làm sao Thật? Hơn nữa, kiếp sống của con người, tuy rằng giả tạm, nhưng cũng kéo dài cả trăm năm. Vì thế, Đạo Phật xuất hiện giữa đời là để hướng dẫn cho con người cách thức để “Thoát Phiền Não ngay trong Phiền Não”. Do đó, Đạo Phật đã dùng biểu tượng là Hoa Sen, vì ở trong bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm. Lục Tổ Huệ Năng cũng dạy: “Phật pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác. Ly thế mịch Bồ Đề. Cáp như cầm thố giác”. Ở trong ràng buộc mới cầu Giải Thoát, mà ta xa lánh trần gian để cầu Giải Thoát thì làm sao gặp được? Đang ở trong cảnh CÓ, mở mắt ra là phải đối xử với nó, từ mặc áo, ăn cơm cho đến tất cả mọi việc. Vậy mà cho tất cả là KHÔNG thì có hợp lý không?

Chính vì vậy mà phân tích ra ta thấy có quá nhiều mâu thuẫn. Đời còn biết bao nhiêu việc cần được mọi người chung tay xây dựng. Nếu ta chê đời là ô trược, rồi xa lánh cuộc đời, ở bên lề cuộc đời, bỏ mặc thế nhân xây dựng thì phải chăng kiếp sống của ta cũng trở thành vô ích? Không những thế, trong khi ta cho rằng cảnh đời là ô trược, để bỏ nó, tách ra sống biệt lập, nhưng những con người ngụp lặn trong ô trược đó, kiếm sống đã trần ai, lại phải tiếp tế cho ta mọi thứ, từ cơm gạo, tương, chao, rau, đậu, cho tới nhà ở, y phục, giường, chiếu, cảnh Chùa nguy nga, lộng lẫy cho ta tu hành… Bản thân người đời tưởng đó là “Cúng Dường Phật”. phước báo sẽ trả lại gấp bội. Phần người tu thì sẽ trả cách nào, bởi ai cũng biết: “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc” không thể tu giùm cho người khác? Phật Giáo Nguyên Thủy cũng cho rằng Phật cũng là một người bình thường như tất cả mọi người, nhờ tu hành rồi được Thành Phật. Mọi người đều có thể làm được như Ngài. Như vậy, việc tụng, niệm cầu xin mang ý nghĩa gì mà hiện nay Chùa nào cũng thấy chuông mõ ngày mấy thời, lấy đó làm công phu tu hành? Việc hưởng dụng của bá tánh để tu hành, thì Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên có dạy: “Thà cắt thịt mình dùng để nuôi miệng. Không dùng tâm tà thọ của cúng thí. Khó lắm. Khó lắm. Cẩn thận. Cẩn thận”! Có lẽ nhiều người tu cũng cần xem lại.

Phật Ngôn có dạy: “Như biển cả chỉ có một vị mặn. Giáo Pháp của ta cũng chỉ có một vị là Giải Thoát mà thôi”. Kinh LĂNG NGHIÊM viết: “Như Quốc Vương bị giặc vây thành, mang quân đi dẹp giặc. Nếu không biết giặc trú ngụ phương nào thì làm sao trừ được giặc?”. Cũng thế. Người muốn tu hành mà không biết Tu là gì? Tu để làm gì? Tu phải làm gì? thì công phu như thế nào? kết quả sẽ về đâu? Do đó, viết lên những điều giữ kín từ lâu này, tôi hết sức tri ân người Thầy của tôi, người đã vì Chánh Pháp, dám hy sinh, để cả vợ con ở lại xứ Huế, một mình vào Saigon là một nơi hoàn toàn xa lạ để tìm và trao Phật Pháp lại cho tôi, rồi chỉ sau 4 năm ngắn ngủi, người đã ra đi. Phần tôi, từ khi thấy được lợi ích của con đường tu hành chân chính, biết mình duyên may hãn hữu, được Thầy tìm đến tận nơi để trao truyền, hẳn cũng có sứ mạng nào đó, nên cũng không dám bê trễ, hết sức cố gắng tìm trong Chính Kinh và vận dụng mọi sự hiểu biết của mình để ghi lại sao cho người đọc thấy, nếu chấp nhận được thì lo Tu Sửa Cái Tâm và bớt đi Nhị Thừa, mê Tín, cầu xin, nương tựa, là những thứ không có trong Đạo Phật chân chính.

Tôi không quan tâm kiếp nào đó mình đã tu hành tới đâu, chỉ biết rằng chắc chắn tôi đã có quá trình tu tập, nên lúc gặp Đạo Phật tôi mới có 33 tuổi, mà lại quá say mê Đạo nên bỏ hết công việc, bạn bè. Không làm ăn, không tham gia những cuộc vui của đời. Không thiết đến những chỗ vui chơi giải trí như phim ảnh, ca nhạc, kịch, tiệc tùng… mà không phải vì Quả Vị, chứng Đắc, cao thấp, hơn thua. Cả năm tháng chỉ loanh quanh với Kinh, sách, đến độ còn bị con cái trách móc vì không chịu làm ăn để làm bệ phóng cho chúng! Tôi biết đó cũng là sự thiếu sót của mình, nhưng không hiểu tại sao tôi lại không thích bon chen vào cuộc đời, để lúc đó cũng còn khá trẻ mà lại sống như một người ẩn tu dù đang ở giữa Saigon là chốn phồn hoa đô hội. Ngay cả bạn bè cũng hạn chế, chỉ gặp gỡ, trao đổi với những bạn cùng tu học. Đến nay đã vào tuổi “cổ lai hi”, nếp sống hàng ngày từ đó đến nay vẫn không thay đổi, nhưng không hề hối tiếc. Tài sản mấy mươi năm tu hành của tôi là những Bộ Kinh đã lược giải còn trong dạng bản thảo. Lần lượt tôi sẽ hoàn tất. Trong 7 năm cộng tác với Nội San, tôi đã viết hơn 50 bài, đa phần để phân tích một số pháp của Đạo, mong người đọc có được đôi chút lợi lạc, đỡ phải đi vòng quanh, phí uổng thời gian tìm tòi, vì hiện nay đa phần Phật Tử được hướng dẫn Thờ Phật, cầu xin, nương tựa, không phải là Đạo Phật chân chính.

Mãi về sau này tôi mới biết lý do vì sao Thầy kêu tôi nên viết. Thứ nhất là chỉ khi viết ra thì người viết đọc lại mới biết mình còn thiếu sót ở đâu để bổ sung cho hết ý quanh vấn đề muốn nêu ra. Khi viết, muốn không bị diễn tả sai thì phải đối chiếu với Kinh điển. Đó cũng là dịp để ôn lại những gì đã học. Thứ nhì, nếu chỉ nói, thì lời nói gió bay. Người nghe giới hạn, lại nghe xong rồi sẽ quên ngay. Chỉ có giấy trắng mực đen lưu lại thì người muốn xem dù ở bất cứ đâu cũng có thể đọc lại rồi tự chiêm nghiệm, không cần biết tác giả là ai. Người viết cũng không cần thắc mắc là có ai chấp nhận hay không? Người đó thuộc tầng lớp nào? mà vô tư viết ra với cả tấm lòng của mình, để phụng sự Chánh Pháp. Như những trận mưa rào. Ai cần nước thì hứng. Ai không cần thì thôi. Ai thấy có chút hữu lý thì mở Kinh để kiểm tra thêm. Chủ yếu là làm hết trách nhiệm của mình, nói lại cho đúng ý nghĩa của Đạo Phật chân chính đã bị thời gian và những người lợi dụng Đạo làm sai lệch đi.

Như một que diêm dù le lói nhưng vẫn cháy hết mình. Điều đó tôi xem như đền trong muôn một, ân nghĩa của một vị Thầy mà Chư Phật đã phái đến để khai mở cho tôi.

Tâm Nguyện

(Tháng 10/2013)


CÓ MỘT CUỐN SÁCH

NHƯ THẾ ĐÓ  

QUYỂN HẠ

(NHỊ TẬP)

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT

3.5 Điêu khắc

Thời Cựu Ước, nghệ thuật điêu khắc bị hạn chế vì trình độ hiểu biết của dân chúng còn thấp, chỉ có dân Do Thái nhỏ bé thờ độc thần, tức là một Chúa mà thôi, trong khi toàn thể nhân loại thờ đa thần. Tượng thần tràn lan khắp nơi, dân chúng thì mê tín đến nỗi con bò, con chó, con rắn, bụi cây, hòn đá… cũng có thể là thần được thờ cúng. Chính vì muốn đề phòng tình trạng này mà sách Xuất Hành có luật cấm tạc vẽ ảnh tượng bất cứ vật gì trên trời, dưới đất và dưới lòng biển… để mà thờ. Ai cả gan làm điều đó sẽ bị xử tử.

"Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Người không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất để mà thờ" (Xh 20,3-4).

Lệnh cấm này chi phối toàn bộ khung cảnh Cựu Ước, cả thời gian lẫn không gian. Dân trí thời đó chưa phân biệt được mục đích tôn giáo (để thờ) với mục đích nghệ thuật (để thưởng thức cái đẹp). Vào thời đó, tạc tượng này tượng kia thì chỉ để thờ cúng, bái lạy. Cho nên các Đền thờ ngoại giáo thì có muôn vàn tượng gỗ, tượng đồng, tượng bạc, tượng vàng, còn dân Do Thái thì không có, nhiều khi dân Do Thái bị mê hoặc về những kiểu thờ thần tượng ngoại giáo và những lễ hội cúng bái của họ, nên đã có lần họ góp vàng từ những đồ trang sức rồi yêu cầu ông Aharon đúc cho họ con bò vàng để họ thờ cúng. Việc này đã bị Chúa và Môsê nổi giận, trừng phạt dân một cách nghiêm khắc.

Đến thời Tân Ước, từ khi Chúa Giêsu, Ngôi Lời vô hình hóa thân làm người bằng xương bằng thịt, cư ngụ giữa loài người. Kitô giáo tách khỏi Do Thái giáo và người giáo dân phân biệt được tạc tượng để thờ với tạc tượng để thưởng thức nghệ thuật, thì họ bắt đầu phát huy ngành điều khắc với đủ mọi đề tài đạo, đời… và Thánh Kinh là một nguồn cảm hứng cao siêu vô tận cho các điêu điêu khắc gia trên toàn thế giới, kể cả những nghệ sĩ ngoài Công giáo nữa, như trường hợp Khải Hoàn Môn ở Roma kỷ niệm chiến thắng của tướng Titô ở Israel năm 70, khi đã phá bình địa Giêrusalem sau hơn 2 năm vây hãm. Tướng Titô cướp hết vàng bạc châu báu trong Đền thờ rồi cho đốt Đền thờ luôn, ông mang chiến lợi phẩm về cho hoàng đế Vespasiano. Để ghi khắc chiến công, ông cho xây dựng Khải Hoàn Môn, và khắc trên đó những đồ thờ lấy trong Đền thánh Giêrusalem: cây đèn 7 ngọn, các bình và một số vật dụng khác từ kho của Đền thờ. Khải Hoàn Môn vẫn còn vững chãi tới ngày nay.

Sau thế chiến II, cả thế giới như tỉnh dậy sau cơn ác mộng. Các nước lớn trên thế giới đã ngồi lại với nhau để thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc với mục đích bảo vệ hòa bình trên trái đất. Tổ chức đã được thành lập ngày 24/10/1945 với 51 nước thành viên ban đầu, trụ sở đặt tại New York (Mỹ). Hiện nay đã có 193 nước thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Ngay sau khi có trụ sở, đất nước Liên Xô XHCN đã tặng Liên Hiệp Quốc một bức tượng đồng lớn với hình ảnh một chàng thanh niên lực lưỡng vai u thịt bắp, đang cầm búa đập cong cây kiếm. Đây chính là hình ảnh tiên tri Isaia đã dùng để diễn tả thời hòa bình của Đấng Cứu Thế: "Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái" (Is 2,4).

Tượng đài này đã được đặt ngay trước tòa nhà của Liên Hiệp Quốc và được coi là biểu tượng tuyệt vời của hòa bình.

Về phía những điêu khắc gia Thiên Chúa giáo, thì tất cả các tác phẩm "đạo" của họ đều bắt nguồn từ Thánh Kinh trực tiếp như những sự kiện, những nhân vật được ghi trong Thánh Kinh; gián tiếp như hình tượng những vị Thánh là những người đã sống lời Chúa suốt đời như Thánh Phaolô đã nói: "Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Ngoài những sự kiện, nhân vật trong Thánh Kinh, thì đối tượng của ngành điêu khắc Thiên Chúa giáo còn là những gì liên quan tới việc thờ phượng, tới lễ nghi trong đạo như những cây Thánh giá, những cây đèn, những chân đèn, những bình hương, chén thánh, bình thánh, giếng Rửa tội, bình nước phép…

Về số lượng thì không thể nào kể xiết. Về chất liệu cũng đủ loại, từ đất nung tới gốm sứ, thủy tinh, kim loại như gang, chì, antimoine, nhôm, sắt, inox, đồng, đá, xi-măng, bạc, vàng – gần đây còn có những chất liệu mới như nhựa tổng hợp, composite… Nhỏ bé như những tượng ảnh bằng vàng, bạc… nặng từ 1gr - 50gr mà người tín hữu thường đeo, to lớn như tượng Chúa Giêsu làm Vua ở Rio de Janeiro, thủ đô nước Brasil, cao 38m, trên đỉnh núi Corcovado cao 700m. Tượng do điêu khắc gia Paul Landowski (người Pháp) thực hiện. Tượng đài được khánh thành ngày 12/10/1931 và trở thành biểu tượng của thủ đô Brasil. Tượng đài được Unesco công nhận là 1 trong 7 kỳ quan (nhân tạo) mới của thế giới vào ngày 12/11/2011.

Sau đây là một số tác phẩm điêu khắc lừng danh thế giới bằng đá cẩm thạch Ý, do điêu khắc gia bậc thầy của nhân loại là Michelangelo, cuối thế kỷ 15 sang đầu thế kỷ 16 (1475-1564):

Tượng Pietà thực hiện 1498-1499, cao 1,74m, chiều rộng chân đế 1,95m, dầy 1,03m, chất liệu đá cẩm thạch, đặt tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Tượng Thánh Môsê thực hiện 1513-1516, cao 2,35m, chất liệu đá cẩm thạch, đặt tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Tượng Đavít thực hiện 1501-1504, cao 5,16m, chất liệu đá cẩm thạch, đặt tại Galleria del l'Accademia Florence.

3.6 Hội họa

Thánh Kinh là nguồn gợi hứng cho các họa sĩ đạo cũng như đời. Biết bao nhiêu tác phẩm đã được thực hiện với những chủ đề rút ra từ Kinh Thánh.

Trong dịp hành hương Đất thánh và Roma cuối tháng 4/2013, người viết đã được thấy tận mắt hình vẽ trên vách đá ở hang toại đạo: một người mục tử vác con chiên trên vai. Đó chính là tác phẩm đầu tiên của người Công giáo (cuối thế kỷ I), thể hiện câu chuyện Chúa Giêsu kể về người có 100 con chiên, bị lạc 1 con, ông bỏ 99 con chiên kia trên đồng cỏ để đi tìm con chiên lạc, và khi đã tìm thấy, ông vác chiên trên vai đưa về đàn rồi mở tiệc mời bạn bè tới ăn mừng, ông nói: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên bị lạc" (Lc 15,4-8).

Tương truyền rằng, hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria mà chúng ta có ngày nay, có gốc từ một bức vẽ nguyên thủy của Thánh Luca, khi Đức Mẹ còn tại thế. Té ra Thánh Luca là người đa tài, vừa là y sĩ, vừa là sử gia, lại còn là họa sĩ nữa. Điều này cũng có thể tin được (dù bản gốc không còn), vì chắc chắn Thánh Luca đã gặp Đức Mẹ nhiều lần để xin thông tin về đoạn thánh sử thuộc thời thơ ấu của Chúa Giêsu, từ biến cố Truyền Tin cho tới biến cố Chúa ở lại trong Đền thờ hồi 12 tuổi, khiến Đức Mẹ và Thánh Giuse phải trải qua 3 ngày mất ăn mất ngủ, ngược xuôi tìm con. Những chi tiết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu không thể lấy đâu ra trừ "kho tàng lưu trữ" là Đức Mẹ.

Trong những hình ảnh Thiên Chúa giáo sớm nhất của đạo, phải kể đến hình chữ thập (Thánh giá) Chúa Giêsu được vẽ mọi nơi có Kitô hữu sống và sinh hoạt, nhất là Nghĩa địa, Thánh giá khắc trên bia mộ là dấu hiệu phân biệt người Công giáo với lương dân. Một hình ảnh nữa được các tín hữu sử dụng như là "ám hiệu" để nhận ra nhau trong thời cấm đạo gắt gao, đó là hình "con cá", người tín hữu thêu hình con cá trên cổ áo, vạt áo hay tay áo, hoặc mũ, nón… khi gặp người lạ, chỉ cần lấy cây gậy cầm tay vẽ 1 đường chéo, kiểu ký họa hình con cá α là họ nhận ra người đồng đạo để rồi ân cần giúp đỡ như anh chị em ruột thịt. Hình con cá mang ý nghĩa lớn trong Thánh Kinh, không biết ai đã phát minh ra đầu tiên, con cá tiếng Hy Lạp là Ixθus (Ichthuys), giải mã các chữ cái trong từ này như sau:

I: Jesus

X: Kitô

θ : Của Thiên Chúa

U: Con

S: Đấng Cứu Thế

Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế.

Từ đó về sau muôn vàn bức họa thánh đã ra đời, đáp ứng nhu cầu phụng vụ tín ngưỡng khắp nơi. Để được chấp nhận xếp hạng "ảnh thánh" thì tác phẩm phải được thẩm quyền Giáo Hội duyệt (để loại bỏ những yếu tố phàm tục không đáp ứng được đòi hỏi của tiêu chí thánh thiện trong Giáo Hội).

Một số các bức họa nổi tiếng của những họa sĩ bậc thầy thế giới như:

Những bức họa trên trần nhà nguyện Sistine ở Vatican của họa sĩ Michelangelo (1475-1564):

Bức họa Tiệc Ly của họa sĩ Leonardo da Vinci (1452-1519):


NHẬN ĐỊNH

Những bức họa này được thế giới công nhận là "vô giá", ngay cả một số tác phẩm bị mất cắp cũng được đánh giá như vậy. Trong bài "Những kiệt tác nghệ thuật vẫn còn thất lạc":

Bức The Just Judges (Các Thẩm phán Công chính), một phần trong bộ tranh Ghent Altarpiece (tranh bàn thờ do anh em họa sĩ Ja và Hubert Van Eyek vẽ năm 1432) trưng bày ở Nhà thờ Chính tòa Saint Bavo in Ghent (Bỉ), bị mất cắp đêm 10/4/1934, được xem là vô giá.

Bức The rest on the flight to Egypt (Nghỉ ngơi trên đường trốn sang Ai Cập) của Tiziano Vecellio (khoảng 1473-1490), bị mất cắp năm 1995 tại tư dinh một quý tộc Anh tại Wiltshire, trị giá 5 triệu bảng Anh (Lư Trung – Báo KTNN số 872, ngày 01/5/2012, trang 55).

Các tác phẩm hội họa Thiên Chúa giáo chiếm thị phần rất lớn trên bình diện quốc tế, đây là điều khá bất ngờ. Bằng chứng là cuốn sách có tựa đề: 1000 Masterpieces of European Painting, tác giả Christiane Stukenbrok Barbara Topper, hợp tác với SCALA Group S.P.A Florence in tại Trung Quốc năm 2011. Trong 1000 tuyệt tác phẩm in trong sách này có tới 505 tuyệt tác phẩm mang đề tài lấy từ Kinh Thánh.

Tại Việt Nam, không chỉ những họa sĩ Công giáo vẽ tranh đạo, mà cả những tác giả ngoài Công giáo cũng tham gia cách nhiệt tình. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí đứng hàng đầu về sơn mài, xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, trong cuốn sách: "Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo" của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, NXB Văn Nghệ Tp.HCM 2009, dầy 450 trang có 5 hình mầu tiêu biểu nhất, thì đề tài Công giáo đã chiếm hai. Một ở trang 17, bức tranh Ba Vua (0,65x1,04m vẽ năm 1960), trên bức họa có những hàng chữ Latinh viết theo kiểu "bút rông": "Gloria in excelsis Deo – Et in terra Pax hominibus bonae voluntatis" (Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới thế cho người thiện tâm).

Trang 97, bức tranh Đêm Giáng Sinh (1,20x3,70m, vẽ năm 1941), trên bức họa có hàng chữ Latinh: "Hodie nobis de caelo Pax vera descendit" (Hôm nay bình an thật từ trời giáng thế). Tranh trước đây được treo ở cung thánh Nhà nguyện Dòng Đaminh – 44 Tú Xương, Tp.HCM. Bức sơn mài này được đánh giá rất cao và thuộc loại "hàng cấm", không được xuất khỏi nước nếu không có phép của Nhà nước. Có lần báo Kiến Thức Ngày Nay đã đăng một bài viết về bức họa quý giá này và xác định có người sẵn sàng "thỉnh" với giá 1 triệu USD.

Cũng thời điểm từ 1941-1943, hai họa sĩ danh tiếng trường Mỹ thuật Đông Dương, đồng môn với Nguyễn Gia Trí, đó là Nguyễn Tiến Chung và Hoàng Tích Chù đã thực hiện một bức sơn mài đề tài Giáng Sinh (số đo khoảng 1,4x2,4m), hiện đang treo ở cung thánh Nhà nguyện Đại Chủng viện Huế. Hai bên bức tranh này có 2 hàng chữ Nho như sau:

"Hậu ngô chi sinh, giáng thế cánh thành ngô thánh lữ.

Bão ngã dĩ đức, tuẫn thân hoàn tác ngã thần lương"

Nghĩa là:

"Làm phong phú đời Con Người giáng thế làm bạn đồng hành thánh thiện.

Con no nê ơn đức, Người hy sinh mình nên Thánh Thể nhiệm mầu"

Điều đặc biệt nhất là cả 3 bức sơn mài quý giá này đều được thể hiện bằng tinh thần hội nhập văn hóa. Các nhân vật đều được Việt Nam hóa, y phục Việt Nam, khung cảnh miền quê Việt Nam với cây khoai môn, tầu lá chuối, với con trâu, con bò, cả các Thiên thần gảy đàn cũng mặc áo dài như các thiếu nữ miền quê Việt Nam.

Riêng bức tranh Giáng Sinh của Nguyễn Tiến Chung và Hoàng Tích Chù, còn một nét độc đáo và rất sâu sắc nữa, đó là hình Hài Nhi Ấu Chúa với dáng nằm như một con ếch, phải chăng tác giả có ý áp dụng câu Thánh vịnh:

"Thân sâu bọ chứ người đâu phải,

Con bị đời mắng chửi dể duôi"

(Tv 21,7)

Ngoài những tác giả nổi tiếng với những tác phẩm thời danh kể trên, các họa sĩ ngoài Công giáo khác cũng tham gia rất nhiệt tình. Sau đây là danh sách các tác giả và tác phẩm mà người viết sưu tầm được:

1. Đức Mẹ Bồng Con – tác giả Tạ Tỵ, chất liệu bột màu, kích thước 25x35cm, sáng tác năm 1962.

2. Đức Mẹ Hồ Sen – Tác giả Vi Vi, chất liệu bột màu, kích thước 68x48cm, sáng tác năm 1981.

3. Chiêm Ngưỡng – Tác giả Trần Hà, chất liệu sơn mài, kích thước 73x50cm, sáng tác năm 1985.

4. Ánh Sáng Muôn Dân – Tác giả Tú Duyên, chất liệu lụa, soie, silk, kích thước 146x80cm, sáng tác 1975.

5. Đức Mẹ Ban Ơn (đã triển lãm tại Vatican năm 1950) – Tác giả Bùi Kỉnh (Giám đốc trường Mỹ thuật Gia Định), chất liệu lụa, soie, silk, kích thước 19x35cm, sáng tác năm 1950.

6. Truyền Tin – Tác giả Nguyễn Phước, chất liệu sơn mài, laque, lacquer, kích thước 60x80cm, sáng tác năm 1990.

7. Đức Mẹ Bồng Con – Tác giả Nguyễn Phước, chất liệu sơn mài, laque, lacquer, kích thước 35x42cm, sáng tác năm 1990.

8. Chúa Sai Sứ Đồ - Tác giả Thành Lễ, chất liệu sơn mài cổ, laque, lacquer, kích thước 120x64cm, sáng tác khoảng 1950-1960.

9. Trìu Mến – Tác giả Tố Oanh, chất liệu lụa, soie, silk, kích thước 36x43cm, sáng tác năm 1981.

10. Giáng Sinh – Tác giả Văn Thọ, chất liệu lụa, soie, silk, kích thước 88x65cm, sáng tác năm 1981.

11. Giáng Sinh – Tác giả Nguyễn Văn Anh (Giám đốc trường Mỹ thuật Gia Định), kích thước 67x92cm, sáng tác năm 1971.

12. Mục Đồng Thờ Lạy – Tác giả Nguyễn Văn Anh, chất liệu sơn dầu, huile, oil, kích thước 81x120cm, sáng tác năm 1961.

13. Ba Vua Thờ Lạy – Tác giả Nguyễn Văn Anh, chất liệu sơn dầu, huile, oil, kích thước 100x80cm, sáng tác năm 1975.

14. Mục Đồng Thờ Lạy – Tác giả Nguyễn Văn Anh, chất liệu sơn dầu, huile, oil, kích thước 66x50cm, sáng tác năm 1971.

15. Giáng Sinh – Tác giả Nguyễn Siên, chất liệu sơn dầu, huile, oil, kích thước 80x100cm, sáng tác năm 1971.

16. Hiển Linh – Tác giả Nguyễn Phước, chất liệu sơn dầu, huile, oil, kích thước 120x150cm, sáng tác năm 1988.

17. Sứ Thần và Trinh Nữ - Tác giả Nguyễn Phước, chất liệu sơn dầu, huile, oil, kích thước 53x33cm, sáng tác năm 1990.

18. Truyền Tin – Tác giả Nguyễn Phước, chất liệu sơn dầu, huile, oil, kích thước 30x40cm, sáng tác năm 1990.

19. Chúa Chịu Đóng Đinh – Tác giả Hồ Thành Đức, chất liệu giấy dán, kích thước 60x40cm, sáng tác khoảng năm 1970.

Chắc chắn còn nhiều tác phẩm khác của những tác giả ngoài Công giáo mà chúng tôi chưa có dịp tiếp cận.

3.7 Điện ảnh

Từ rất lâu, các đề tài trong Thánh Kinh đã trở thành nòng cốt cho nhiều bộ phim có giá trị:

1. Aguirre, La colère de Dieu (Aguirre, – Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời): Phim lịch sử phiêu lưu của Yerner Herzog; Phim màu 1g35', sản xuất năm 1972 – Có cảnh Aguirre ngửa mặt lên trời hét: "Ta là cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời".

2. À L'est d'Éden (East of Eden – Phía Đông vườn Địa Đàng): Phim bi kịch tâm lý của Elia Kazan, phim màu của Mỹ 1g55', sản xuất năm 1955.

3. Amadeus (Yêu Chúa): của Milos Forman, diễn tả cuộc đời và tài năng của nhạc sĩ nổi danh Wolfgang Amadeus Mozart (Áo, 1756-1791); Phim màu của Mỹ, 2g37', sản xuất năm 1984 (Oscar du meilleur film 1984).

4. Les Amants Crucifiés (Những người yêu bị đóng đinh), của Kenzi Mizoguchi, bối cảnh tại Kyoto 1684, phim Nhật 1g42', sản xuất năm 1954 (giải Sư tử bạc Venise 1955).

5. Amen: nội dung chống lại sự tàn bạo của Đức Quốc xã hồi thế chiến II của Costa Gavras, phim màu Pháp 2g10', sản xuất năm 2002.

6. Ange – (Thiên Thần): bi kịch của Ernst Lubitsch, phim Mỹ 1g38', sản xuất năm năm 1937.

7. L'Ange Bleu (Thiên Thần xanh): bi kịch hiện thực của Josef Von Sternberg, phim Đức, sản xuất năm 1930.

8. L'Ange de la Violence – All fall down : dựa theo đề tài Abel và Cain, bi kịch của John Frankenheimer, phim Mỹ 1g50', sản xuất năm 1961.

9. L'Ange des Maudits của Fritz Lang, phim màu Mỹ 1g29', sản xuất năm 1952.

10. L'Ange Exterminateur, Drame Fantastique của Luis Buñuel: bi kịch kinh dị, phim Mêhicô 1g30', sản xuất năm 1962.

11. L'Ange Ivre : bi kịch tâm lý của Akira Kurosawa, phim Nhật 1g38', sản xuất năm 1948.

12. Angel Heart: phim Fantastique của Alan Parker, phim màu Mỹ 1g55', sản xuất năm 1987.

13. Angelique, Marquise des Anges. Mélodrame Historique của Bernard Borderie, phim màu Pháp-Ý 1g45', sản xuất năm 1964.

14. Les Anges aux figures sales (Những Thiên Thần với bộ mặt dơ bẩn): của Michael Curtiz, phim Mỹ 1g37', sản xuất năm 1938.

15. Les Anges du Péché (Những Thiên Thần của tội lỗi): bi kịch tâm lý của Robert Bresson, phim Pháp 1g13', sản xuất năm 1943.

16. Les Anges Gardiens (Các Thiên Thần bản mệnh), Comedie của Jean Marie Poiré, phim màu Pháp 1g50', sản xuất năm 1995.

17. L'Arche de Noé: thuật chuyện ông Noé để đối chiếu với bi kịch thế chiến I, phim màu ảnh lớn của Michael Curtiz (Mỹ) 2g13', sản xuất năm 1929.

18. L'assassinat du Père Noël : bi hài kịch của Chritian Jaque, phim dàn trải trong bối cảnh lễ Giáng Sinh…, phim Pháp 1g45', sản xuất 1941.

19. Au Nom du Père (Nhân danh Cha): bi kịch của Jim Sheridan, phim màu Ái Nhĩ Lan 2g13', sản xuất năm 1993, giải Gấu Vàng, Berlin 1994.

20. Babel (Tháp Babel trong Thánh Kinh): bi kịch của Alejandro Gonzalez Iñarritu, phim màu Mỹ 2g23', sản xuất năm 2006, giải thưởng liên hoan phim Cannes 2006.

21. Ben Hur : phim lịch sử do William Wyler đạo diễn, được chuyển thể từ tiểu thuyết Ben Hur, a tale of the Christ in năm 1880 của nhà văn Lew Wallace, trong bối cảnh đế quốc La Mã chiếm Palestin vào thế kỷ 1 (bối cảnh lịch sử và địa lý Kinh Thánh Cựu và Tân Ước), Ben Hur – nhà quý tộc Do Thái bất hợp tác với La Mã, phải đối đầu với Messala – quan bảo hộ người La Mã, phim Mỹ 2g05', sản xuất năm 1925.

22. Ben Hur : phim lịch sử màn ảnh lớn của William Wyler, bối cảnh Jerusalem bị đế quốc La Mã chiếm đóng, hai người bạn từ nhỏ gặp lại nhau: quan Messala và Ben Hur – con nhà quý tộc Do Thái, do mâu thuẫn chính trị và xã hội, hai người đã quyết đấu với nhau bằng xe chiến mã với vũ khí tại đấu trường, sau những pha xáp chiến nghẹt thở, Ben Hur đã thắng. Trước khi Ben Hur trở về quê hương để gặp lại mẹ và em gái đang bị cùi, thì may thay chính Chúa Giêsu đã chữa họ khỏi trước khi Ngài chịu chết trên thập giá. Phim màu Mỹ 3g32', sản xuất năm 1959. Phim đã đạt kỷ lục 11 giải Oscars phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất (W. Wyler), diễn viên chính xuất sắc nhất (C. Heston), diễn viên phụ xuất sắc nhất (Hugh Griffith), hình ảnh đẹp nhất (R. L. Surtees) và âm nhạc hay nhất (M. Rosza) năm 1959.

23. Anna Karenina : bi nhạc kịch của Clarence Brown, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Nga Léon Tolstoi, phim Mỹ 1g35', sản xuất năm 1935 – Nhân vật chính là nàng Anna Karenina, con nhà quý tộc, tài sắc tuyệt vời nhưng bất hạnh vì phải mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên bị ép gả cho bá tước Karenin già hơn nàng 20 tuổi, cuộc hôn nhân không hạnh phúc, Karenina ngoại tình mà không thể ly dị được với chồng cũ do áp lực xã hội và tôn giáo. "Bá tước cho rằng cuộc đời hai người gắn bó với nhau là do ý Chúa, chỉ có tội ác mới cắt đứt mối liên hệ đó, mà tội ác như vậy khắc bị Chúa trừng phạt nặng nề" (xã hội và tôn giáo Nga thời ấy hôn nhân là vĩnh viễn: "Sự gì Thiên Chúa phối hợp, loài người không được phân ly" – Mt 19,6), do đó Karenina luôn bị dày vò, cuối cùng đã đâm vào xe lửa tự tử).

(Nguyễn Trường Lịch, Tự Điển Văn Học tập 1, NXB-KHXH Hà Nội 1983, tr. 36)

24. Le Cardinal : bi kịch của Otto Premiger theo tiểu thuyết của Henry Morton, phim nói về một Linh mục Ái Nhĩ Lan thụ phong năm 1917, dần dần lên tới chức Hồng Y; Phim màu Mỹ 2g55', sản xuất nằm 1963.

25. Le Chemin du Paradis (Lối đi Địa Đàng): phim hài của Wihelm Thiele, phim Đức 1g30', sản xuất năm 1930.

26. Le Christ s'est Arrêté à Eboli (Chúa Giêsu bị bắt và bị lưu đày ở Eboli): Phim lịch sử chống phát xít Đức của Francisco Rosi, phim màu Italy dài 2g15', sản xuất năm 1979.

27. La Croisade Maudite / Les Portes du Paradis (Cuộc thập tự chinh bị nguyền rủa / Các cửa vào thiên đàng): phim lịch sử của Andrzej Wajda, theo cuốn tiểu thuyết của Jerzy Andrzewski, phim màu Anh Quốc 1g26', sản xuất năm 1967.

28. Les Croix de bois (Những Thánh giá gỗ): phim chiến tranh của Raymond Bernard theo cuốn sách của Roland Dorgelès: phim Pháp về thế chiến 1, 1g50', sản xuất năm 1932.

29. Croiz de fez (Thánh giá sắt): phim chiến tranh của Sam Peckinpah, theo cuốn tiểu thuyết của Willi Heinrich, nói về thế chiến 2, phim màu Anh Quốc, 2g15', sản xuất năm 1977.

30. La Cuisine des Anges (Bếp ăn của các Thiên Thần): phim hài của Michael Curtiz, theo vở kịch của Albert Husson, phim màu Mỹ 1g46', sản xuất năm 1955.

31. Davinci Code (phim Bí hiểm của Ron Howard): theo cuốn sách cùng tên bán chạy nhất của Dan Brown, toàn bộ trong bối cảnh Kinh Thánh Tân Ước; phim màu Mỹ 2g32', sản xuất năm 2006.

32. David et Bethsabée (Bi kịch Kinh Thánh của Henry King): nội dung diễn tả tình yêu của vua David, hoàng đế Israel với bà Bethsabée (sách Samuel quyển 2, chương 11,2 – 12,15), phim màu của Mỹ dài 1g56', sản xuất năm 1951.

33. Les Dix Commandements (Mười Điều răn trong sách Xuất Hành): phim Mỹ dài 2g, sản xuất năm 1923.

34. Les Dix Commandements (Mười Điều răn trong sách Xuất Hành): của Cecil B. De Mille (toàn cảnh Kinh Thánh: dân Israel ra khỏi Ai Cập, về Đất Hứa), phim màu Mỹ dài 3g39', sản xuất năm 1956.

35. Les Enfants du Paradis (Những đứa trẻ trong vườn Địa Đàng): bi kịch lãng mạn của Marcel Carné, phim Pháp dài 3g02', sản xuất năm 1945.

36. Et Dieu… Créa la Femme (Và Thiên Chúa đã tạo dựng người đàn bà): bi kịch của Roger Vadim, vai chính ngôi sao nổi tiếng Brigitte Bardot, phim màu Pháp dài 1g30', sản xuất năm 1956.

37. L'Etrange Noël de M. Jack (The Nightmare before Christmas) của Henry Selick, phim màu Mỹ dài 1g15', sản xuất năm 1993.

38. L'Evangile selon Matthieu (Tin Mừng theo thánh Mátthêô) – Phim lịch sử của Per Paolo Pasolini, phim Pháp-Ý dài 2g20', sản xuất năm 1964 (Prix Spécial du Jury Vines 1964).

39. Èva (Bà Evà): bi kịch của Joseph L. Mankiewicz, với ngôi sao lừng danh Mỹ Marilyn Monroe, phim Mỹ dài 2g12', sản xuất năm 1950. Giải Oscar phim hay nhất năm 1950, giải đặc biệt liên hoan phim Cannes 1951.

40. Exodus (Xuất Hành): phim lịch sử, bối cảnh Kinh Thánh Cựu Ước: cuộc xuất Ai Cập của dân Israel về Đất Hứa, phim màu Mỹ dài 3g32', sản xuất năm 1947.

41. La Femme du Prêtre : phim hài của Dino Rici, phim màu Ý dài 1g47', sản xuất năm 1970.

42. Gloria : bi kịch của John Cassvetes, phim màu Mỹ dài 2g03', sản xuất năm 1980, giải Sư tử vàng Venise năm 1980.

43. Goodbye Babylone : phim bi hài của Paolo và Victorio Taviani, phim màu Mỹ-Ý-Pháp dài 1g58', sản xuất 1987.

44. Jane Eyre : bi kịch tâm lý của Robert Stevenson theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Charlotte Brontë (phim trong bối cảnh Thiên Chúa giáo, nhất là luật hôn nhân Thiên Chúa giáo), phim Mỹ dài 1g36', sản xuất năm 1944.

45. Jeanne d'Arc (Thánh Jeanne d'Arc anh hùng tử đạo nước Pháp): phim lịch sử của Victor Fleming, phim màu Mỹ dài 2g25', sản xuất năm 1948.

46. Jeanne d'Arc : phim lịch sử của Lue Besson, phim màu Pháp dài 2g30', sản xuất năm 1998.

47. Jesus de Montréal : phim bi hài của Denys Arcand, phim màu Canada dài 1g58', sản xuất năm 1989.

48. Jesus de Nazareth : phim lịch sử của Franco Zeffrelli, phim màu Anh-Ý dài 2g15', sản xuất năm 1976.

49. Jour de Colère / Dies irae (Ngày phán xét): bi kịch của Carl Theodor Dreyer, phim Đan Mạch dài 1g32', sản xuất năm 1943.

50. Le Journal d'un Curé de Campagne (Nhật ký của một Cha sở miền quê): phim bi kịch của Robert Bresson, phim Pháp dài 1g50', sản xuất năm 1950. Giải thưởng Louis Delluc, giải thưởng lớn Venise, giải thưởng L'O.C.I.C năm 1951.

51. Joyeux Noël : phim chiến tranh của Christian Carion, phim màu Pháp dài 1g55', sản xuất năm 2005.

52. Kadosh, Cacré của Amos Gitaï: phim bi kịch (khung cảnh một cộng đoàn Chính Thống giáo), phim màu Israel dài 1g50', sản xuất năm 1999.

53. Kingdom of Heaven (Nước Trời): phim lịch sử của Ridley Scott, phim màu Anh dài 2g25', sản xuất năm 2005.

54. La Loi du Seigneur (Luật của Chúa): phim bi kịch tâm lý của William Wyler, phim màu Mỹ dài 2g20', sản xuất năm 1956, giải thưởng lớn, Cannes 1957.

55. Loin du Paradis (Thiên đàng xa cách): phim bi nhạc kịch của Todd Haynes, phim màu Mỹ dài 1g47', sản xuất năm 2002.

56. La Messe est finie (Thánh lễ kết thúc): phim bi hài của Nanni Moretti, phim màu Ý dài 1g34', sản xuất năm 1985.

57. 1492 Christophe Colomb: phim thám hiểm nhiều cảnh Thiên Chúa giáo (cờ có hình thánh giá, con tàu mang tên Sancta Maria, mỗi tối thủy thủy đoàn đều hát kinh Lạy Nữ Vương), phim màu Mỹ-Pháp dài 2g35', sản xuất năm 1992.

58. Les Mines du roi Salômon: phim mạo hiểm của Compton Bennett, phim màu Anh-Mỹ dài 1g42', sản xuất năm 1950.

59. Les Moisson de Ciel – Days of Heaven: phim bi kịch của Terence Malick, phim màu Mỹ dài 1g35', sản xuất năm 1978.

60. Notre Dame de Paris – Nhà thờ Đức Bà Paris: phim bi kịch của Jean Delannoy, theo tiểu thuyết cùng tên của Victor Hugo, phim màu Pháp-Ý dài 1g40', sản xuất năm 1956.

61. Notre Pain Quotidien (Bánh hằng ngày của chúng con) – lời kinh Lạy Cha: phim bi hài của King Vidor, phim Mỹ dài 1g14', sản xuất năm 1934.

62. Nous Irons tous au Paradis (Tất cả chúng ta vào thiên đàng): phim hài của Yves Robert, phim màu Pháp dài 1g50', sản xuất năm 1977.

63. La Nouvelle Babylone (Babylon mới): phim bi kịch của Grigori Kozintsev và Leonid Trauberg, phim Liên Xô dài 1g21', sản xuất năm 1929.

64. La Nuit de San Laurenzo: phim bi kịch lịch sử của Paolo và Victorio Taviani, phim Ý dài 1g45', sản xuất năm 1982, giải thưởng đặc biệt liên hoan phim Cannes 1982.

65. Paradis Perdu (Thiên đàng đã mất): phim bi kịch của Abel Gance, phim Pháp dái 1g40', sản xuất năm 1939.

66. La Passion de Jeanne d'Arc: phim bi kịch lịch sử của Carl Theodor Dreyer, phim Pháp dài 1g25', sản xuất năm 1928.

67. Le Père Noël est Une Ordure : phim hải của Jean Marie Poiré, phim màu Pháp dài 1g30', sản xuất năm 1982.

68. Le Petit monde de Don Camillo : phim hài của Julien Duvivier, theo cuốn truyện cùng tên của Giovani Guareschi (Cuộc chạm trán giữa Cha sở miền quê với ông xã trưởng thuộc đảng cộng sản, thường xuyên có cảnh ông Cha sở cầu nguyện và đối thoại với Chúa Giêsu để lãnh ý Ngài), phim Pháp - Ý dài 1g47', sản xuất năm 1952.

69. Phantom of the Paradise / Le Fantôme du Paradis (Bóng ma của địa đàng) : phim kinh dị của Brian de Palma, phim màu Mỹ dài 1g32', sản xuất năm 1974.

70. La Porte du Paradis (Cửa Thiên Đàng): phim của Michael Cimono, phim màu Mỹ dài 3g30', sản xuất năm 1980.

71. Quo Vadis? (Thầy đi đâu?): phim lịch sử của Enrico Guazzoni, phim Ý dài 1g23', sản xuất năm 1912.

72. Quo Vadis? (Thầy đi đâu?): phim lịch sử của Mervyn Le Roy, theo cuốn sách cùng tên của nhà văn Henryk Sienkiewicz, được giải Nobel văn chương năm 1958. Nội dung nói về cuộc tàn sát tín hữu Công giáo dưới thời hoàng đế Néron tại Roma, phim màu Mỹ dài 2g51', sản xuất năm 1951.

73. Le Roi des Rois (Vua các Vua): phim lịch sử của Cecil B. De Mille, nội dung tôn vinh Chúa Giêsu là Vua các vua, Chúa các chúa. Phim Mỹ dài 1g55', sản xuất năm 1927.

74. Le Roi des Rois (Vua các Vua): phim lịch sử của Nicholas Ray, phim màu Mỹ dài 2g45', sản xuất năm 1961.

75. Salomon et la Reine de Saba : chuyện vua Salômon trong Kinh Thánh của King Vidor, phim màu Mỹ dài 2g19', sản xuất năm 1959.

76. Salo ou Les 120 Journées de Sodome – Câu chuyện Thánh Kinh về sự sụp đổ của thành Sodome, phim bi kịch của Pier Paolo Pasolini, phim màu Ý-Pháp dài 1g57', sản suất nằm 1975.

77. Samson et Dalila : phim bi kịch Thánh Kinh, diễn tả cuộc đời của thủ lãnh Samson, (sách Thủ Lãnh chương 14-17) của Cecil B. De Mille, phim màu Mỹ dài 2g08', sản xuất năm 1949.

78. Un Conte de Noël : phim bi hài của Arnaud Desplechin, phim màu Pháp dài 2g23', sản xuất nắm 2008, giải thưởng liên hoan phim Cannes.

79. Une Bible et un fusil – Cuốn Kinh Thánh và khẩu súng: phim của Stuart Millar, phim màu dài 1g45', sản xuất năm 1975.

80. Un homme pour L'éternité : phim lịch sử về vua Henri VIII, kẻ rẫy bỏ hoàng hậu Catherine d'Aragon để cưới bà Anne Boleyn, nhưng vấp phải sự phản đối của Giáo Hội Công giáo và đại diện của vua là ngài Thomas Moore – trên căn bản luật hôn nhân Công giáo: "Sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được ly dị" (Mt 19,6), kết cục vua Henri ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo, lập ra Anh giáo, đồng thời cấm đạo Công giáo và chém đầu ngài Thomas Moore cùng rất nhiều tín hữu trung thành với Giáo Hội Công giáo. Phim màu Anh dài 2g, sản xuất năm 1966, đoạt 5 giải Oscars.

81. Tội ác và Trừng phạt : bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Nga Fiodor Dostoievski xuất bản 1966, bối cảnh xã hội Nga thời phong kiến và Chính thống giáo:

Chàng Raxcônnhicôp, sinh viên luật vừa nghèo, không có tiền phải bỏ học, lại nhiễm thứ triết lý người hùng, muốn san bằng mọi bất công xã hội. Anh đã ra tay giết hai chị em độc thân có tiền cho vay nặng lãi, rồi cướp của, xóa mọi vết tích, công an chịu thua. Raxcônnhicôp sống ngoài pháp luật nhưng lương tâm dằn vặt ngày đêm, nên dù hết tiền tiêu anh vẫn giấu vàng bạc, tiền của dưới một tảng đá, không xài một đồng nào. Tình cờ trong một quán rượu, anh gặp bác Macmêlađôp, thất nghiệp, nát rượu, và được biết Xônhia – con gái yêu của bác phải bán thân nuôi cả nhà, anh đem lòng yêu Xônhia. Một hôm bác Macmêlađôp bị xe cán chết, anh đứng ra lo chôn cất, Xônhia rất cảm phục và cũng yêu anh… Một thời gian sau, trong một lần hai người tâm sự, anh thú nhận tội ác với Xônhia và cô khuyên anh ra đầu thú, anh nghe lời và bị kết án 8 năm lưu đày ở Siberia (vì quan tòa có bằng chứng anh bị phần nào tâm thần…). Hình ảnh kết thúc cuốn phim rất ý nghĩa và cảm động: Xônhia tiễn người yêu đi đày, chân mang xiềng, tay bị trói cùng với các tội phạm khác… Xônhia đã chạy ra ôm hôn anh và gỡ sợi dây chuyền có hình Thánh giá Chúa Giêsu từ cổ nàng và đeo vào cổ anh, rồi đứng lặng nhìn đoàn tội nhân đi xa dần, xa dần… Phim dài chừng 1g30', thực hiện khoảng thập niên 60 thế kỷ 20.

82. Sám hối : phim Liên Xô nói về xã hội Nga thời tiền đổi mới, thực hiện khoảng thập niên 80 thế kỷ 20. Ở đoạn kết có cảnh một bà già Nga quét đường, con đường rộng dẫn tới một ngôi Thánh đường lớn có tháp chuông, Thánh giá… bà già vừa quét đường vừa lẩm bẩm nói một mình: "Con đường, con đường mà không dẫn tới Nhà thờ thì có con đường để làm gì?".

Những cuốn phim trên đều có bối cảnh hoặc nội dung Thiên Chúa giáo (Thánh Kinh), hay ít là đề tựa có màu sắc Thánh Kinh (từ phim số 1 đến 80 lược trích trong Petit Larousse des films của Martine et Jean Claude Lamy và nhiều tác giả khác – nhà xuất bản Pháp 2009).

***

NHẬN ĐỊNH

Nếu chỉ xét về phương diện văn chương mà thôi, chưa kể đến các ngành nghệ thuật khác, Thánh Kinh cũng đã là một bộ sách có giá trị cao, đáng được mọi người đọc, nghiên cứu và học hỏi.

Về các lãnh vực khác, bách khoa tự điển Wikipedia đã nhận định như sau:

§ Giáo hộ i Công giáo (cơ quan bảo vệ, thể hiện và truyền bá Thánh Kinh khắp nơi, mọi thời), đã đặt tiền đề cho các ngành khoa học căn bản là: thiên văn học, khoa học vũ trụ , sinh học, di truyền học, hình học, đại số, toán học, khoa học địa lý và ngành bản đồ học, các ngành khoa học tự nhiên nghiên cứu về thiên nhiên và Trái Đấ t… qua những nhà bác học lỗi lạc của Giáo Hội như Linh mục Gregor Mendel, cha đẻ của ngành di truyền học hiện đại, người đề ra định luậ t Mendel và các nguyên tắc phân ly độc lập, di truyề n giống, biến đổi gen; nhà bác học đa tài Nicolaus Copernicus; nhà bác học Blaise Pascal; nhà bác học Linh mục Matteo Ricci…

§ Giáo hội Công giáo hình thành hai ngành khoa học cơ bản là triết học và thần học vào buổi bình minh của lịch sử , đặt nền tảng cho các lý luận của con người tới tận ngày nay nhằm giải quyết các vấn đề của bản thể luận, nhận thức luận, tôn giáo, đứ c tin và linh hồn.

§ Giáo hộ i Công giáo giúp hình thành và phát triển nền nghệ thuật, âm nhạc và kiến trúc phương Tây với các nhà soạn nhạc vĩ đại như Beethoven, Mozart, Bach, các họa sĩ và kiến trúc sư lừng danh mọi thời đại như Michelangelo, Bernini, Raphael, Caravaggio, Antoni Gaudí, Leonardo da Vinci…

(Tư liệu Wikipedia – Internet)

Bạn đọc nghĩ sao, nhận định thế nào thì tùy ý, riêng người viết thì lúc nào cũng đồng tình với xác quyết của thánh Phaolô: "Thánh Kinh là sách của Chúa".

Tân Bình, ngày 08 tháng 7 năm 2013

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết

Phụ Bản II

CÔ GÁI BÁN HOA

Trong cuộc sống, đôi khi có những chuyện chỉ thoảng qua mà để lại ấn tượng sâu sắc. Hôm ấy, tôi đi đến đầu hẻm vào chợ An Bình, thấy một cô gái bán hoa. Cô ta đang sắp xếp bó cây xanh. Một loại cây người ta chỉ cắt cành, cắm vào bình nước là nó sống, để lâu sẽ mọc rễ. Chính vì sức sống kỳ diệu ấy, cái dáng xanh tươi ấy mà người ta thường mua về cắm vào bình bông đặt trên bàn thờ. Thoạt nhìn những cây này thấy quen quen nhưng sao nó lại có hoa rất đẹp. Thấy lạ, và nghi vấn tôi đến gần nói với cô gái:

- Hình như bông hoa này là giả phải không?

Cô gái chẳng những không bực mình vì tôi phát hiện ra “tiểu xảo” cô làm, mà còn thừa nhận:

- Cành cây là thật, còn bông là giả do em cắm thêm vào.

- Cô thật sáng tạo và khéo tay – Tôi khen.

Cô gái thuận mồm nói vui:

- Thời buổi thật giả lẫn lộn mà!

Tôi về đến nhà mà câu nói ấy vẫn còn như văng vẳng bên tai, khiến tôi phải suy nghĩ.

Ở đời quả vẫn xảy ra những chuyện như vậy. Ai đã xem “Tây du ký” thì biết, từ đời xa xưa, chuyện thật giả ấy cũng đã xảy ra rồi. Cao thủ như “Tôn Ngộ Không” mà cũng có “Tôn Ngộ Không” giả. Nghe nói ăn thịt thầy Đường Tăng thì sẽ trường sinh bất tử, nên bọn yêu tinh đã biến hóa ra mọi chuyện lừa gạt đồ đệ cao tăng. Chỉ có điều bọn yêu tinh ấy đâu phải là người thường mà đều từ “Thiên Đình”, do “Thiên Đình” quản lý không chặt nên mới lẻn xuống trần sách nhiễu nhân gian thôi. Gần đây hơn là thời phong kiến ở ta có “Tiến sĩ thật” và “Tiến sĩ giấy”. Còn bây giờ có chuyện “học giả bằng thật”. Bởi có người hiểu rõ trình độ mình, biết là học vất vả, lại lâu, mà đã chắc gì thi đỗ nên có tiền thì mua ngay bằng cấp, cần gì phải học cho mệt, hơn nữa giá cũng rẻ và cũng chẳng khó khăn gì. Vậy mới có thơ rằng:

Ngẫm hay lắm chuyện như đùa

Cử nhân, tiến sĩ dễ mua hơn bèo.

Cơ chế thị trường mà, có cầu tất có cung, nên đã có dịch vụ “chuyên nghiệp” hẳn hoi… Cái chuyện “thật giả lẫn lộn” này hơi bị nhiều. Người “khôn ngoan” phải biết thỏa hiệp, trên quan điểm vụ lợi, mà tiến thân để được danh lợi. Còn người cho mình là “tốt” thấy rõ mọi sự việc, nhưng bó tay vì… sợ, và sinh ra ngấm ngầm chán ghét đời. Thấy việc tốt sao không làm đi? Tại sao nói đúng, làm việc tốt lại sợ? Đừng để gương xấu cho con cháu… Nhưng “Nói vậy lại không phải vậy”. Ở đời cái khó là biết phân biệt đâu là giả, đâu là thật mới có ứng xử đúng được. Tôi nghĩ mình sống trong “môi trường thật giả lẫn lộn” này lâu năm bị ô nhiễm nặng, e rằng một ngày nào đó chính mình cũng không nhận ra mình là “thật” hay “giả” nữa.

Con người sống quả rất “nghệ thuật” vì con người khát vọng có cuộc sống “bình an”. Nhưng muốn có “bình an bền vững” biết đâu đến lúc nào đó con người ta lại có kế hoạch đổi mới, ví dụ như học “Nghệ thuật sống tử tế”.

LÊ MINH CHỬ

(28.8.2013)


Kỷ niệm ngày mất Hàn Mặc Tử 11/11/1940

MỐI TÌNH

THI SĨ HÀN - MỘNG CẦM

Bài thơ TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC - Hàn Mặc Tử

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...

Bao giờ đậu trạng vinh quy đã

Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng.

Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng

Tôi nói thiệt, là anh dại quá:

Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi

Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi

Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi

Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Ca khúc HÀN MẶC TỬ

Trần Thiện Thanh phổ nhạc

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.

Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa

Lầu Ông Hoàng đó thuở nào trăng Hàn Mặc Tử đã qua

Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng

Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương

Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người

tìm về những đêm buồn

Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến

Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân

Tiếc thay cho thân trai một nửa đời chưa qua hết

Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan

Hồn ngất ngây điên cuồng cho trời đất cũng tang thương,

mà khổ đau niềm riêng.

Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang

Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi

Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi

Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi

Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến

Người xưa nào biếtt, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa

Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm ôm trăng vỡ

Khóc thương thân bơ vơ, cho đến một buôỉ chiều kia

Trờì đất như điên cuồng khi hồn phách vút lên cao

Hàn Mặc Tử nay còn đâu?

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ

Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng.

Chuyện tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm tại Lầu Ông Hoàng

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942-2005) còn có tên Anh Chương, là người sinh ra lớn lên tại Phan Thiết và thành danh tại Sài Gòn; ông là một nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975. Trong hàng trăm ca khúc trữ tình của ông, ca khúc Hàn Mặc Tử là dấu ấn lớn trong sự nghiệp sáng tác. Ca khúc Hàn Mặc Tử là một câu chuyện tình rất đẹp, rất bi thương của một nữ sĩ đồng hương Mộng Cầm với thi nhân Hàn Mặc Tử. Lẩn khuất trong từng giai điệu, từng ca từ dường như ông đã ký thác tâm sự lòng mình vào trong nỗi nhớ da diết, nỗi đau vô bờ bến của thi nhân Hàn Mặc Tử…

Mộng hay thực về cuộc tình Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm

Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày thi nhân bất hạnh Hàn Mặc Tử qua đời ở tuổi 28 bởi căn bệnh phong quái ác tại Quy Nhơn, câu chuyện tình thực hay mơ của Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm luôn được các nhà báo, nhà văn khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Cũng có thể vì lời đồn đại lưu truyền: năm xưa lên Lầu Ông Hoàng ngắm trăng, xung quanh là nghĩa địa, bãi tha ma nên khi trú mưa, do mả đất người mới chôn xuất hiện ma trơi (lân tinh) như sao rơi khiến Hàn Mặc Tử bị nhiễm mà phát bệnh cùi... Người xưa từng có câu nói nổi tiếng: Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận, chuyện ma ở đất Bình Thuận đến nay vẫn nhiều vô số kể. Hơn nữa, ngày nay khách du lịch lên đồi Bà Nài sẽ nhìn thấy khu nghĩa địa bên trái Tháp Chăm, chủ yếu bằng mả đất, sau này thời Mỹ và sau giải phóng mới có mả xây gạch đá, vôi vữa. Nhưng ngày xưa, tìm đâu ra một ngôi mộ xây cất hoành tráng có thể trú mưa?

Vô hình chung "người tình" nữ sĩ Mộng Cầm trở thành một nguyên nhân gây nên điều bất hạnh cho Hàn thi sĩ dù không hữu ý. Sau đó, vì muốn bảo vệ cuộc sống riêng tư và hạnh phúc riêng của mình, nên bà đã trả lời trên một tờ báo sau ngày Hàn Mặc Tử mất 20 năm (1961) về câu chuyện ngày xưa, đã gây nên một làn sóng phản đối trên thi đàn, văn đàn kể cả những bạn thơ và những người thân hữu nhất. Suốt một thời gian khá dài sau ngày giải phóng đất nước, căn cứ theo sách báo để lại mà người đời thêu dệt lên vô vàn chuyện thực hư về "nàng thơ" của Hàn Mặc Tử, mặc dù trong số những người viết, họ chưa bao giờ gặp bà Mộng Cầm. Nghi án trên văn đàn ngày trước không chỉ có một thi nhân ẩn danh tên T.T.Kh mà còn thêm một nghi án: Mộng Cầm có phải là người yêu của Hàn Mặc Tử hay không?

Hết ở Phan Thiết, bà vào sống với con ở Sài Gòn, bà rất ít tiếp xúc người bên ngoài nhất là những nhà báo, hay ai đó hỏi chuyện cũ, bà trả lời đại khái, chung chung... Dễ có mấy thế hệ yêu thơ Hàn Mặc Tử, yêu luôn cả nàng thơ Mộng Cầm với giai thoại rất đẹp vì sự hiện diện về Mộng Cầm, về Nghệ, về Lầu trăng, Lầu Ông Hoàng trong thơ ông để lại đời sau. Cuối cùng thì bà cũng đã mang theo bí mật qua thế giới bên kia vào ngày 23/7/2007, thọ 91 tuổi…

Nữ sĩ Mộng Cầm

Tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, sinh vào tháng 5/1917, gốc người Nghệ An, quê quán ở vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Theo các tài liệu để lại, thì Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho các tờ “Trong khuê phòng”, “Công Luận”, “Sài Gòn”.

Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi hẹn hò, lãng mạn để rồi một ngày cuối tuần năm 1936, chàng đi tàu lửa ra Phan Thiết tìm nàng. Mộng Cầm là cháu gọi thi sĩ Bích Khê bằng cậu, nhân vậy mà sau này mới có tình bạn thắm thiết giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử. Trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Phổ thông số 63, ra ngày 15/8/1961, bà Mộng Cầm đã cho rằng chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử “chỉ là mối tình văn thơ”. Bà xác nhận, có đi chơi trên Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử gặp một trận mưa lớn, hai người vào nấp mưa ở một nghĩa địa. Ngày nay, nguyên nhân bệnh phong, y học hiện đại đã chứng minh Mộng Cầm là vô can.

Bà kể tiếp: “Về đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở đó. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức, do vậy mà Hàn Mặc Tử ra vào thường xuyên. Thứ bảy nào anh cũng có mặt ở Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn trong hai năm 1934 - 1935 và vài tháng đầu năm 1936 trước khi Hàn Mặc Tử ra Huế thăm người trong mộng Hoàng Cúc – “Đây Thôn Vỹ Dạ” rồi lâm bệnh quay vào Quy Nhơn chữa trị đến khi trút hơi thở sau cùng.

Trong một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh đã thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: “Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng”. Anh hỏi lý do, tôi viện lẽ gia đình anh theo đạo Công giáo, nhà tôi theo đạo Phật... Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà, và trong nhiều bức thư anh có đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời thư, nhưng luôn tìm cách từ chối”.

Nhà văn Trần Thanh Mại, bạn thân của Hàn Mặc Tử trong cuốn sách “Hàn Mặc Tử” xuất bản năm 1942: “Ấy là câu chuyện một đôi trai tài gái sắc yêu nhau, câu chuyện muôn đời ấy mà! Người con trai là Hàn Mặc Tử, người con gái, ta cứ theo nhà thi sĩ mà gọi là Mộng Cầm đi, mặc cái tên thực của họ. Hai bên đã thề nguyện cùng nhau những lời mà ta hiểu là thiết tha đằm thắm lắm. Thường thường thì họ hay gặp nhau ở hai tỉnh: Quy Nhơn và Phan Thiết. Họ đưa nhau đi chơi bờ biển, họ đi viếng các danh lam thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng. Rồi họ xa nhau. Họ nhớ nhau, và tặng ảnh cho nhau. Họ coi như một cặp vợ chồng chưa cưới”.

Những ngày dài nằm chữa bệnh, Hàn Mặc Tử đã sáng tác nhiều bài thơ đau đớn đầy nước mắt và mối tình này như: “ Muôn năm sầu thảm” đã kêu tên nàng một cách thảm thiết:

Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm

Nhớ thương còn một nắm xương thôi.

Bài “Phan Thiết Phan Thiết”, nhắc kỷ niệm xưa về Lầu Ông Hoàng:

Ta lang thang tìm tới chồn lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ơi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi.

Cha của Mộng Cầm là Thị độc Học sĩ Huỳnh Quang Long không gặp thời trên con đường hoạn lộ, nên suốt mười mấy năm nhận một chức quan rất nhỏ, hết Quảng Ngãi đày ra Nghệ An rồi Thanh Hóa, Quảng Bình và mất năm 1926. Gia đình bà Nghệ phải theo mẹ về Quảng Ngãi một thời gian rồi lên tàu vào Phan Thiết sống nhờ gia đình người cậu ruột là thi sĩ Bích Khê. Huỳnh Thị Nghệ biết làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Ecole Plein Exerna Phan Thiết. Năm cô lên 16 tuổi, đã có thơ đăng ở báo Công Luận và báo Sài Gòn với bút hiệu Mộng Cầm như bài "Vịnh Lầu Ông Hoàng":

Nước nước non non một cõi này
Lâu đài ai dựng tháp ai xây.
Sương dầm nắng dãi lờ gan đá
Gió dập mưa dồn tủi phận cây.
Tuồng thế tang thương bao lớp sóng
Cuộc đời thành bại mấy chòm mây
Đường lên cõi phúc tìm đâu thấy
Thấy cảnh đau lòng khách tình say.

Bà kể lại, khoảng một tháng sau khi bài thơ được đăng, bà nhận được một bức thư gửi từ Sài Gòn của một người không quen biết, nhưng lại chứa đựng những tình cảm dạt dào khiến bà vừa mừng, vừa lâng lâng cảm giác. Bà đâu biết rằng, đó chính là những dòng chữ vướng nợ thi nhân như một thứ định mệnh của cuộc đời bà với một mối tình đầu. Thư đi, thư lại càng khiến bà tò mò thêm về anh chàng mang tên Lệ Thanh, Phong Trần, Hàn Mặc Tử. Thời gian trôi qua, Mộng Cầm chờ kết quả thi Primaire nên theo người cậu làm công việc phát thuốc, chăm sóc bệnh nhân ở một trạm xá ngoài Mũi Né. Tình cờ một lần, Mộng Cầm đọc tờ báo Sài Gòn của một bệnh nhân đem đến có dòng nhắn tin: “Mộng Cầm em ở đâu, cho tôi biết địa chỉ - Hàn Mặc Tử”. Suốt đêm, Mộng Cầm trằn trọc suy nghĩ không ngủ được. Cuối cùng con tim đã mách bảo bà viết thư cho Hàn Mặc Tử. Đúng một tuần lễ sau, Hàn Mặc Tử đi xe lửa ra Phan Thiết. Từ Phan Thiết, đón ghe chèo ra Mũi Né tìm bà.

Bà đã kể lại: “Nghe báo có khách ở Sài Gòn đến tìm, dù đoán chắc chắn là anh ấy nhưng khi cầm tấm thiếp tôi không khỏi lặng người xúc động. Trên người vẫn khoác chiếc áo choàng trắng của bệnh viện, tôi băng vội qua mấy gian nhà. Người thanh niên đang đứng đợi dưới mái hiên, dáng người dong dỏng cao, bận bộ đồ tuýt-xo com-lê trắng, hoàn toàn khác với hình dung của tôi. Anh không táo tợn như tôi nghĩ. Anh chỉ nhỏ nhẹ hỏi: “Cầm đấy ư? Tôi đi ghe suốt từ tối đến giờ mới tới”. Cả hai chúng tôi đều lúng túng, không ai nới với ai câu nào, mãi cho đến khi cậu tôi mời vào phòng khách tiếp chuyện”. Mộng Cầm làm thơ rất hay, trong bài thơ “Chan chứa” có nhắc nhiều đến những kỷ niệm của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, mà bà ví là “xuân mỗi tuần” khi xin phép cậu lên ga Phan Thiết cuối tuần đón Hàn Mặc Tử từ Sài Gòn ra thăm. Bà viết tâm sự trong bài thơ “Chan chứa” thay lời kết cuộc tình:

Nếu anh đếm được những vì sao

Thì hiểu em yêu đến bậc nào

Tinh tú trên trời không đếm được

Tình yêu càng với lại càng cao.

Cả năm chỉ có một lần xuân

Nhưng với lòng em xuân mỗi tuần

Thơ thẩn tâm hồn hoa nở nhụy

Cạn dòng tám sự được bao lần.

Em cứ tưởng rằng anh với em

Như hình với bóng dưới màn đêm

Hoàng hôn đã khóc niềm chung thủy

Đau đớn tình anh khăng khít thêm.

Cho nên không thể nói không yêu

Mà nói rằng yêu, yêu rất nhiều

Trời đất ngập tràn thơ vĩnh biệt

Lòng em chan chứa biết bao nhiêu.

TÓM TẮT.

Báo chí một thời từng ví nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918-1940) là Mozart của nền âm nhạc Việt Nam, mặc dù tác phẩm âm nhạc của ông để lại cho cuộc đời này chỉ đếm vỏn vẹn trên đầu ngón tay của… một bàn tay. Nhiều người lại so sánh Đặng Thế Phong giống thi sĩ Hàn Mặc Tử đến lạ lùng cũng bởi sự tài hoa, đoản mệnh. Ông còn giống Hàn Mặc Tử bởi những mối tình thủy chung đến lạ kỳ.

- Thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940) bị bệnh cùi nặng nhưng vẫn được Mộng Cầm bầu bạn, chăm sóc tận tình , sống thọ hơn nhạc sĩ Đặng 4 năm.

- Còn nhạc sĩ Đặng , cũng được một người yêu tên Tuyết , một mối tình lớn và duy nhất trong đời , chăm sóc ông trong những ngày ông bị bệnh lao nặng và đến lúc qua đời .

Chính người con gái đó đã làm tâm hồn nhạc sĩ Đặng Thế Phong dậy sóng và đi vào những bài tình ca bất hủ mà ông để lại trong 24 năm của kiếp người.

Cùng với Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan trong nhóm “Bàn thành Tứ hữu ở Bình Định”, nhà thơ Chế Lan Viên viết:

  • Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình "

Thật vậy, nhà thơ Hàn Mặc Tử cùng với nhạc sĩ Đặng Thế Phong là hai hiện tượng đặc biệt trên bầu trời thơ – nhạc, hai thiên tài của Thi ca và Âm nhạc Việt Nam của giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

PHẠM VŨ

(Tham khảo: Tài liệu trên Sách báo và Internet)

SẦU THU

Có gì hiu hắt lắng tâm tư

Sầu thương như ướt đẫm sương mù

Nhìn mưa tơi tả trên cành lá

Tháng mười mưa mãi, gió hoang vu


Thu ở đâu rồi thu dấu yêu

Bỗng dưng nhung nhớ úa trong chiều

Có vạt nắng tàn che ngõ vắng

Cho lòng mang nặng nỗi cô liêu


Thu đến rồi đi, thu hững hờ

Hồn thu vương vấn lá tương tư

Tàn phai sắc thắm heo may lạnh

Lá vàng úa rụng, chiều bơ vơ


Thu hỡi, thu ơi - Thu có nghe

Tình thu lờ lững đến bao giờ

Ước ao tình mãi xanh muôn thuở

Đừng như Thu vàng võ, ảo mờ...


Phạm Thị Minh-Hưng

Đôi phương cách trở

Người ở đầu sông, kẻ cuối sông
Vì chưa thắt chặt mối tơ hồng
Đường xuôi ngược vẫn ngăn đê đập
Bước lại qua còn vướng bẫy chông
Nấn ná, Trời chưa thay đổi ý
Triền miên, Đất cũng chối hài lòng
Sông Ngân vạn thuở hai bờ cách
Ô Thước bao giờ nối nhịp thông.

Thanh Châu

Tiếng thời gian

Vạn vật về chiều lẫn cỏ cây
Hoàng hôn ngả bóng ánh vơi đầy
Sương sa quạnh quẽ mờ thôn ấy
Gió thoảng mênh mang lộng chốn nầy
Nghĩa cũ thân thương đâu dễ lãng
Tình xưa vắng bóng khó làm khuây
Chiều thu gợi cảm nhiều mong nhớ
Tri kỷ phương trời có hiểu đây.

Thanh Châu

NỤ CƯỜI ANH

Em bảo rằng “Sắp Tết rồi đó anh!”

Anh cười tươi…

                   nồng nàn, thắm thiết.

Nhớ thói quen dạo chợ hoa ngày Tết

Em chọn cành đào, anh thích nhành mai.

Em bảo rằng: “Sẽ gói bánh năm nay

Dù bận rộn, dù vô cùng mệt mỏi

Dù không ngon như bánh xưa mẹ gói…”

Anh chỉ cười…

                  khuyến khích, ủi an.

Em bảo: “Sẽ về ăn Tết ở Việt Nam

Để tìm lại quán kem buổi đầu mình gặp gỡ

Để quay lại con đường có hàng me lá đổ…”

Anh lại cười…

                 nỗi nhớ chơi vơi.

Em bảo rằng: “Em phải xa anh thôi

Không hẹn trước một ngày quay trở lại

Biết chừng đâu sẽ là xa mãi mãi…”

Anh vẫn cười…

                 mắt bỗng thấy rưng rưng.

Chia tay nhau

Chân em bước ngập ngừng

Cố ngoảnh lại để nhìn thêm lần nữa

Nụ cười anh vẫn nồng nàn, cháy lửa

Sao trong em lạnh giá đến vô chừng?

Ôi khói hương lờ lững đến không cùng!…

GIÁNG NGỌC (G.Đ.)

Thủ thỉ

Suốt chín tháng mười ngày trong bụng mẹ.

Ngày nào con cũng nghe mẹ ca cẩm đủ điều.

Thêm cái ti vi phát đủ thứ eo xèo.

Rồi cả lời than phiền từ bố, sau một ngày vất vả…

Liên quan tới con là sữa, là chi ly khăn, tã

Là túi tiền của bố mẹ đáng thương

Thật với mẹ, con chẳng nghĩ đến thân con

Mà nghĩ nhiều đến mẹ cha thời gạo trâu củi ghẻ!

Nào đã xong đâu, có lúc con ốm như, hình như phải thế

Ít lắm, theo con, những bác sĩ chính hiệu lương y

Mà nhiều lắm, cũng theo con nghe, thuốc dỏm,

                                                         thuốc bá láp có dầm dề…

Không chỉ nơi cửa tiệm mà còn đầy trong miệng môi thầy thuốc!

Bởi vậy tại sao chúng con sinh ra thường hay khóc

Vì kẻ ra đời, cứ kẻ trước người sau

Lấy cái đích là giàu có, ghế cao

Mà làm mọi sự sao cho đời mình đừng lấm đất

Vì đất chỉ dành cho người cạp đất

Chẳng dành cho ai miệng hét ngang trời!

Mẹ xem xem, làm gì có của rơi

Cho người cùng khổ, vì tất cả đã được người ta vơ và vét

Những gì còn lại chỉ là thua cùng thiệt

Đè nặng trên lấm láp, cỡ mẹ, cha!

Chuyện đi học, con biết mẹ chẳng nề hà

Cha cũng cố cày sao cho con có thể vào trường

                                                              dù chỉ là mẫu giáo.

Chuyện đơn sơ, chuyện đương nhiên mà lại là chuyện cơm gạo.

Là chuyện bán buôn, mà kẻ khó chẳng có cửa để mua.

Rồi loanh quanh mãi vẫn chuyện hơn thua

Nhà dột nóc mãi mãi là nóc dột!

Còn cả tỉ thứ, con nít con còn biết

Vì con có tai, và Thượng Đế lại thêm thắt cho có quả tim.

Có cả đầu, và bộ óc dẫu còn non

Cũng tiền định con người phải khác xa loài thú

Hơn thế nữa, đã gọi là người thì đừng bao giờ nỡ

Đối xử tệ, tàn với đồng loại được gọi là “nhân”

Huống chi còn cái nghĩa đệ - huynh

Người ta phải học khi mặc quần còn thủng đít

Con nghe nói ở mấy nước gì gì xa tít.

Xử tệ với vật nuôi, đã có chuyện ra tòa

Mà có nơi, sao con người tuy miệng cứ lu loa

Nhân với ái, mà thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không biết mệt.

Cứ kẻ lớn hiếp người bé, chuyện không bao giờ hết…

Và lây lan như vi rút của thời đại văn minh

Sao người ta cứ bán nào lựu đạn, dao găm

Để mà thụi vào nhau rồi ti vi ti veo

                                            tha hồ mà đưa tin nghe thấy tức

Sao người ta cứ bán máy bay, xe tăng hàng loạt

Có lẽ vì người ta đẻ quá nhiều

Nên làm chết bớt đi, vả lại chẳng có chuyện gì tiêu

cho hết cái đống tiền làm ra từ mồ hôi của kẻ khác!

Sao người ta cứ muôn đời thèm khát

Được yên vui, mà trái đất mấy khi được tràn đầy

Con nghĩ, ấy là vì nhân loại thiếu tình yêu

Dù mỗi người khi sinh ra đều được no điều ấy

                                            từ bầu thơm sữa mẹ.

Nếu cứ yêu như mẹ yêu con như thế

Thì chẳng bao giờ có chết chóc đớn đau.

Chẳng gian tham, không dọa dẫm, mặt ngựa đầu trâu

Mà chỉ có nụ cười trong vũ trụ.

Nghĩ thế nên, con không muốn ra đời nữa

Cứ trong lòng mẹ, con đã thấy niềm vui

Ra đời làm chi khi niềm tin đã chột, thui

Ra đời làm chi, khi con rồi cũng thành như thế!

Nhưng con biết, mẹ ơi, con không thể

Mãi trong lòng êm ái của mẹ cha.

Mà phải ra đi với hy vọng chan hòa

Rằng con người phải đổi thay,

                  nếu không trái đất này chỉ còn toàn khủng bố.

Trước khi ra đời, con xin mẹ, cha luôn hãy nhớ

Đừng cho con uống sữa tào lao,

                   vì chắc rằng con sẽ biến thành gã bất nhân.

Và khi ấy, bài thơ này cũng tào lao như sữa mà con vô tình uống!

LAM TRẦN 23.07.2013 


Mừng Thọ

Chúc mừng các cụ gần xa

Tuổi cao mà vẫn như là đương trai

Vẫn còn mắt phượng mày ngài

Vẫn còn da thắm vóc hài như xưa

Chuyện trò còn dẻo như tơ

Đêm ngủ thẳng giấc còn mơ mấy lần

Còn trời còn đất còn Xuân

Sức khỏe còn tốt tinh thần còn cao

KHÁNH HÀ

HỒI ỨC mong manh

Thuở ấy gió vờn mái tóc xanh

Bâng khuâng tia nắng lạ xuyên cành

Tình ngây thơ đẹp như hoa thắm

E ấp mỗi lần hẹn gặp anh

Em nào nghĩ đến chuyện ly tan

Sụp đổ lầu mơ mộng ngút ngàn

Nửa mảnh trăng sầu rơi đáy nước

Thôi đành dang dở chuyến sang ngang

Đổ vỡ héo hon giấc mộng đầu

Sương rơi thổn thức suốt đêm thâu

Định mệnh cách chia muôn lối rẽ

Thuyền thơ phiêu bạt đến nơi đâu

Tháng ngày đơn lạnh hững hờ qua

Thầm đếm sao sa mắt lệ nhòa

Lá đổ muôn chiều thu quạnh vắng

Tim sầu đứt đoạn bản tình ca

NGÀN PHƯƠNG

BẾN MƠ

Ngựa phi qua chín tầng mây

Cát vàng gió cuốn đong đầy xót xa

Ngựa phi xé ánh trăng ngà

Dặm ngàn giông tố vỡ òa tiếc thương

Ngựa phi gãy vụn đêm trường

Rủng rủng nước mắt vấn vương mộng đầu

Ngựa phi lướt giọt mưa ngâu

Ngưu Lang Chức Nữ khóc sầu chia ly

Ngựa dừng bước dưới rèm mi

Vó câu rời rã – biên thùy cách ngăn

NGÀN PHƯƠNG

10/8/2006

RA TRƯỜNG

Phượng đỏ chói chang,

Bàng xanh biếc lá,

Tiếng ve xối xả,

Trống trường ngân vang.

Chúng ta ra trường

Ngẩng đầu, bước thẳng!

Đường chúng ta đi

Như tia sáng qua thấu kính phân kỳ

Mở rộng mãi đến chân trời ấm nắng!

Hà Nội, 22.6.1962

VŨ ĐÌNH HUY

THE END OF THE CLASS

The glaring red flamboyants

The bluish malabar almond tree’s leaves

The pressingly cicadas’ chirping

The school’s drum that’s resounding.

We got out of school

Holding our heads high, we stepped straight forward!

The way we’re walking on

Is like a light beam going through a diffusion lens

That’s wide opened up to the warm and sunny horizon!

Hà Nội, 22.6.1962

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN

Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI

Tôi tự hỏi: Thế nào là sống, chết?

Tôi nghĩ nhiều đến ý nghĩa cuộc đời

Sống vô tư, tôi không hề được biết

Dù tuổi xuân chưa đến hai mươi.

Vầng trán tôi hằn vết nhăn suy nghĩ

Khuôn mặt xương già trước mấy tuổi đời.

Tôi muốn sống cuộc sống đầy giá trị

Và chết đi vì hạnh phúc loài người.

Tôi không thể nằm yên chờ cái chết

Đến giường tôi âm ỉ giết tôi dần.

Tôi sẽ chết giữa lúc đang làm việc

Trong căn phòng-thí-nghiệm-hóa yêu thân.

Dòng chữ viết còn ánh ngời nét mực,

Tôi hóa đá trên ghế ngồi quen thuộc

Đầu ngẩng cao, tay bút vẫn không rời,

Miệng như cười chào cuộc sống xanh tươi…

Hà Nội, 7.1962

VŨ ĐÌNH HUY

THE MEANING OF LIFE

I’m asking myself: “What’s meant by Life and Death?”

I’ve been thinking a lot about the meaning of life

And I’ve never known what’s living candidly

Even though I haven’t reached twenty years of age,

Thinking so much my forehead is full of wrinkles

My bony face is several years older than my own age

I’ve been wanting to live a valuable life

And die for the sake of Mankind’s happiness.

I simply cannot lie still, awaiting for Death

To come to my bed and kill me little by little.

I’ll die while I’m working

In my cherished Chemical Laboratory.

The written sentence is still glowing with ink

I turn into stone on my familiar seat

Holding high my head, while the pen is still in my hand

Mouth smiling, seeming like greeting the green life…

Hà Nội, 7.1962

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN

ĐỪNG RƠI LỆ ….

Có thời khắc - với tâm hồn tôi là niềm vui an ủi:

Mọi cái mong manh, nhưng đã hửng mầu xanh!

Có thời khắc của ngày thu tàn lụi,

Với tâm hồn tôi cũng gần gụi thân tình.

Ngập ngụa khắp nơi, nhưng vẫn muốn tìm về đầm trũng,

Mưa bốn bề, mà vẫn muốn đến với dòng sông,

Và trên dải bờ sập sùi mưa nắng

Căn nhà gỗ izba buồn giữa những con thuyền.

Bay tơi tả, lá trôi theo dòng nước

Đi ngang bên những bờ giậu, tán cành hoang….

Trong những ngày này với tôi cả công việc,

Cả những cảnh tình mất mát quý nào bằng.

Đừng rơi lệ trên gộc cây đầm trũng

Bởi vì tôi quá nóng nẩy ngỏ lòng,

Khi tôi chết – và thân tôi giá lạnh,

Bấy giờ em hãy khóc, hỡi người thương!

Nikolai Rubtxov - Thúy Toàn dịch

SỰ THAM GIA

CỦA TIẾNG KHMER VÀO TIẾNG VIỆT
QUA CA DAO Ở MIỀN TÂY NAM BỘ

Mở đầu

Miền Tây Nam Bộ chủ yếu là vùng đồng bằng, xen với các vùng trũng như Đồng Tháp Mười ở hai bên sông Tiền, tứ giác Long Xuyên ở phía Tây sông Hậu, là những hồ nước thiên nhiên góp phần điều hòa lưu lượng cho sông Cửu Long vào mùa nước nổi tháng 9, tháng 10. Ngoài khơi là vùng biển nông, có nhiều đảo và quần đảo như Côn Sơn, Thổ Chu, Nam Du, Phú Quốc…, cùng một vài dãy núi thấp ở phía Tây An Giang, Kiên Giang.

Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay ước khoảng hơn một triệu người, tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh Sóc Trăng (khoảng gần một phần ba), rồi đến Trà Vinh (khoảng 300 ngàn), Kiên Giang (khoảng 200 ngàn), An Giang (khoảng 80 ngàn), Bạc Liêu (khoảng 60 ngàn), Cần Thơ (khoảng 40 ngàn), Cà Mau (khoảng 25 ngàn), Vĩnh Long (khoảng 20 ngàn).

Người Khmer đã sinh sống lâu đời ở đồng bằng sông Cửu Long có tiếng nói và chữ viết riêng. Đồng bào Khmer sống xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa trong các phum, sóc, ấp. Chính trong đời sống cộng cư ấy, sự ảnh hưởng qua lại giữa tiếng Khmer và tiếng Việt diễn ra như một quy luật tất yếu trong giao tiếp.

1. Tiếng Việt gốc Khmer qua ca dao Tây Nam Bộ

Người Việt đã ghi những chữ này bằng cách dùng mẫu tự tiếng Việt. Chúng ta đã dùng những chữ loại nầy vài thế kỷ nay, đến nỗi chúng ta không biết nó từ đâu mà có, chỉ cần hiểu nghĩa và dùng chúng như những chữ Việt thông dụng khác.

Ví dụ câu ca dao sau đây:

Chiều chiều lấy cái xneng

Lên đồng xúc cá hái sen một mình

Xneng là dụng cụ đan bằng nan tre, hay là trúc của người Khmer, có hình như cái xuồng. Người dân dùng để xúc cá, tép ở những nơi có nước cạn. Ở một câu khác:

Cút cụt đuôi ai nuôi mày lớn

Dạ thưa thầy con lớn mình ên

Khmer có êng: một mình, chuyển sang Việt ngữ mất chữ g thành ên cũng mang ý nghĩa một mình.

Hay:

Xa em nhớ vị sim lo

Xa em nhớ khứa cá kho quê nghèo

Sim lo (hay sum lo) là món canh của người Khmer nấu bằng bầu, hay lá bình bát dây(?), đặc biệt nó được nêm bằng mắm bò hóc từ chữ prahok mà ra. Tiếp theo là câu:

Vai mang cái nóp tay xách cái lọp cái lờ

Về miền đồng chua nước mặn đặng nhờ miếng ăn

Cái nóp cũng vậy. Nóp cũng là tiếng Khmer còn giữ lại nguyên gốc, nó chuyển sang tiếng Việt bằng phiên âm mà thôi. Cái lộp theo tiếng Khmer là dụng cụ đan bằng tre, dùng để bắt cá tôm.

2. Những từ ngữ Khmer được Việt hóa

Từ ngữ Khmer khi đi vào tiếng Việt, được Việt hóa thành từ ngữ tiếng Việt, lâu dần người ta quên đi nguồn gốc của nó.

2.1.Những từ chỉ địa danh.

Trong số 13 tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long thì có đến hơn nửa trong số các danh từ riêng ấy hoặc là có từ gốc Khmer hoặc còn nghi ngờ về gốc Khmer của nó. Có thể kể như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau,… Trước hết là Cà Mau:

Cà Mau khỉ khọt trên bưng

Dưới sông sấu lội, trong rừng cọp um

Cà Mau là từ được Việt hóa từ tiếng Khmer là Tuk Khmau, nghĩa là nước đen mà thành. Nguyên do là vùng rừng U Minh gồm các địa danh như Cán Gáo, Tân Bằng, Trèm Trẹm, Cái Tàu và phía bên hữu ngạn sông Ông Đốc,…, nước ngập quanh năm, nước tích tụ lâu ngày chảy ngang qua rừng đầy lá mục của dừa nước, tràm, gừa, ráng, choại, dớn, lát, sậy, năn, cỏ nước mặn,… nên nước màu vàng đậm như nước trà, nhiều khi đen, có mùi hôi và vị phèn chua, mặn,…

Về Sóc Trăng nghe câu hát:

Chợ Sóc Trăng chà gạo lộn trấu càng,

Anh thương em là thương lời ăn tiếng nói dịu dàng,

Chớ không phải anh vì bạc vì vàng mà thương .

Sóc Trăng là do tiếng Khmer đọc trại ra từ chữ Srok Tréang có nghĩa là bãi sậy vì ngày xưa đất Sóc Trăng có nhiều lau sậy hoang vu. Vương Hồng Sển lại cho rằng: Sốc Trăng (Sóc Trăng) là tên dân gian của Nguyệt Giang tỉnh (tỉnh Sông Trăng). Péamvàm, prêksông, sròksốc, khlẵn (kh’leang) là kho bạc. Nguyên đời vua Cơ Me (Khmer) có đặt một kho chứa bạc nơi đây. Đến đời vua Minh Mạng, đổi tên chữ ra Nguyệt Giang tỉnh vì triều đình đã ép chữ sốc biến ra chữ sông, chữ kh’leang ra trăng và đổi thành nguyệt. Nhà học giả này còn khẳng định Sóc phải viết có dấu ô, tức Sốc mới đúng!

Qua cầu Rạch Miễu đến xứ dừa:

Bến Tre nhiều gái má hồng

Không tin thì xuống Mỹ Lồng mà coi

Theo cụ Vương Hồng Sển thì Bến Tre vốn là xứ sinh sản và sản xuất nhiều cá tôm, cho nên xưa, người Khmer gọi là Srok treay (đọc là sốc tre), nhưng sau này người Khmer gọi theo người Kinh là bến có nhiều tre để phân biệt với địa danh Cần Thơ, cũng có nhiều tre, người Khmer gọi tre là rusei, nên có hai địa danh rành rẽ: prêk rusei (sông tre) chỉ Cần Thơ / prêk kompong rusei để chỉ Bến Tre. Hội nghiên cứu cổ học Đông Dương, năm 1903 ấn hành quyển khảo cứu đặc biệt về tỉnh Bến Tre trong đó có đoạn (lược dịch): Bến Tre xưa, người Khmer gọi là sốc tre… vì trong xứ, trên các giồng có tre mọc đầy. Cụ Sển cho biết thêm “theo tôi (tức Vương Hồng Sển) đây là dịch sai hai chữ Bến Tre. Tre đây là treay của Khmer, phải dịch là cá (…). Lẽ đáng gọi Bến TreNgư Tân, hoặc Bến Cá: srok kompong treay”.

Mỹ Lồng là địa danh nổi tiếng với nghề làm bánh tráng ở đây (Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc). Mỹ Lồng có nguồn gốc từ chữ Khmer như âm của nó nghe không được thanh bay, nên người viết xin bỏ qua.

Ngược lên vùng Bảy Núi, có câu:

Anh về xứ Chắc Cà Đao

Bỏ em ở lại như dao cắt lòng

Chắc Cà Đao : tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Học giả Vương Hồng Sển, ghi lại hai giải thích là:

Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer chắp kdam (bắt cua) mà ra vì vùng nầy xưa kia có nhiều cua. Theo nhà văn Sơn Nam, Chắc Cà Đao do chữ Prek Pedao; Prek=rạch; pédao=loại dây mây; rạch có nhiều dây mây.

Trở lại Tiền Giang với thành phố Mỹ Tho:

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu

Anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng em đợi mười thu em chờ

Theo di cảo Trương Vĩnh Ký trong Le Cisbassac, người Khmer thời trước gọi vùng đất Mỹ Tho là srock mé sa, mi so. Nghĩa là xứ (srock) có nàng con gái () có nước da trắng (sa, so). Khi sang Việt ngữ, dân gian gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ srock, chỉ còn giữ lại mi so và đọc trại lại thành Mỹ Tho.

Bây giờ vượt cầu Cần Thơ về lại Phong Điền:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

Anh có thương em thì cho bạc cho tiền

Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê

Vương Hồng Sển khẳng định chắc chắn rằng: Rạch Cái Răng lấy từ tiếng Khmer là krêk karan (hay kran), rạch có bán cà ràng. Tại con rạch này ngày trước có nhiều ghe của người Khmer chở cà ràng đi bán. Cà ràng là ông lò bằng đất nung theo hình số 8 có đáy cách nhiệt với sàn nhà, có hai phần, phần vòng tròn phía trên là lò lửa, trên miệng có gắn 3 cái chấu (ông táo) để bắc nồi ơ. Phần vòng tròn phía sau chỗ chứa củi đang chụm, vừa là nơi chứa tro và than đỏ để làm thành cái bếp nướng. Cà ràng thông dụng trong vùng Tân Châu, Châu Đốc…, ở nhà sàn, đáy của cà ràng giữ vai trò bảo vệ cái sàn chống hỏa hoạn. Tương tự, cà ràng cũng rất được dân chài lưới, hoặc những ghe có người sống như nhà lưu động ưa dùng vì tiện lợi. Chính từ cà ràng được các bản đồ thời Pháp phiên âm thành caran và biến âm dần thành Cái Răng như ngày nay.

Vàm có nguồn gốc từ tiếng Khmer: péam = cửa sông, nơi một con sông nhỏ (rạch) chảy vào con sông lớn. Ở đồng bằng miền Tây Nam Bộ có nhiều sông rạch, do đó có rất nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ vàm như: Vàm Cống (thuộc Đồng Tháp), Vàm Nước Trong (Kiến Hòa), Vàm Sông Thượng (Cần Thơ), Vàm Nao (An Giang), Vàm Tấn ở Sóc Trăng.

Anh qua Vàm Tấn anh đến Cù Lao

Cho anh xin chút má đào của em

Vàm Đại Ngãi còn được gọi là Vàm Tấn (péam senn), là một bến cảng quan trọng tiếp nhận các thuyền đi biển từ Trung Quốc, Tân Gia Ba, Xiêm La, Cam Bốt… tụ tập rất náo nhiệt để trao đổi, mua chác lúa gạo, tơ lụa, hàng vải, cá mắm, mắm muối, đồ gốm, chén bát, sừng trâu, ngà voi, lông chim, sáp, mật ong… Đại Ngãi là từ Hán Việt của địa danh này.

Ở một câu ca khác:

Nước Ba Thắc chảy cắt như dao

Con cá đao bổ nhào vô lưới

Biết chừng nào anh mới cưới đặng em

Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký, Ba ThắcPăm prek Bàsàk. Đây là tên gọi tiếng Khmer của một vị thần của người Khmer, có miếu thờ ở Bãi Xàu cũ. Địa danh Ba Thắc bên Campuchia cũng có. Tương truyền ông Ba Thắc là một vị hoàng tử người Lào đến sống vùng đất trên đường đi Tham Đôn, Mỹ Xuyên ngày nay. Khi ông chết người dân quanh vùng lập miếu thờ. Di tích này đến nay vẫn còn.

Còn rất nhiều địa danh trong các câu ca dao miệt này, như:

· Bạc Liêu có nguồn gốc từ tiếng Khmer là Pooeu, nghĩa là cây lâm vồ (cây bồ đề - cây linh thiêng của đồng bào Khmer bởi họ cho rằng dưới gốc cây này Đức Thích Ca hóa Phật), người Triều Châu là chuyển âm thành Pô Léo có nghĩa lính Lèo, lính Lào, (Ai Lao);

· Vĩnh Long , đất này người cố cựu còn gọi là đất Vãng gần với Vũng. Từ địa danh Vũng LuôngKompong Luông; biến dần ra Vũng Luông, rồi Vãng Luông. Tên Vĩnh Long có từ năm 1832 khi vua Minh Mạng đổi ra Hán tự);

· Châu Đốc (người Khmer gọi là srôk (xóm, xứ) méât (miệng mồm) cruk (heo): xứ miệng heo;

· Kế Sách , một huyện của Sóc Trăng, nằm ở gần cửa Ba Thắc (một cửa của sông Cửu Long), phần lớn đất đai là cát do phù sa sông Hậu, rất thích hợp cho việc trồng dừa và mía. Cát tiếng Khmer là K’sach, như vậy chuyển sang tiếng Việt thành Kế Sách.

· Sa Đéc , thị xã của tỉnh Đồng Tháp xuất phát từ Phsar Dek, phsar là chợ, dek là sắt);

· Trà Vang hoặc Trà Vinh xuất phát từ âm Khmer: Préah trapéang, Trapéang được Việt hóa thành âm Trà Bang, rồi Trà Vang, sau bị nói trại thành Trà Vinh.

2.2.Những danh từ chỉ động,thực vật, đồ vật.

Ngoài những địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer đã được Việt hóa còn có những từ gốc Khmer khác chỉ các loài động, thực vật hay đồ vật cũng đi vào ngôn ngữ tiếng Việt.

Bạc Liêu nước chảy lờ đờ

Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu

Cá chốt , tiếng Khmer là trey kanchos, khi đi vào ngôn ngữ phổ thông nó đã được Việt hóa thành chốt.

Tương tự là từ cá lóc trong câu ca:

Trời mưa mát đất, con cá lóc nó thoát khỏi nò

Cả tiếng kêu người nghĩa trên bờ

Vậy chớ mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm

Tiếng Khmer có trêy rot chỉ một loại cá nước ngọt, người miền Nam gọi là cá lóc,có rất nhiều ở vùng đồng bằng Cửu Long. Ở Bắc, Trung bộ gọi là cá chuối, cá quả, cá tràu,… Đến câu ca dao sau đây:

Con quạ nó đứng đầu cầu

Nó kêu bớ má ghe bầu vô chưa?

Ghe bầu dùng chỉ một loại ghe lớn. Tiếng Khmer gọi xòm pầu tức ghe bầu; nói chi xòm pầu nghĩa là đi ghe bầu. Ca dao còn có câu:

Chú tôi trồng mía trồng khoai

Bớ thím ghe chài lấy chú tôi không?

Một loại ghe khác là ghe chài, danh từ ấy cũng được kết hợp hết sức độc đáo: Thím ghe chài chỉ người đàn bà đi trên ghe. Ghe chài là loại ghe có trọng tải lớn. Khmer có từ tuk pokchay. Tuk là tiếng Khmer nghĩa là ghe; còn pokchay nghĩa là chở đủ thứ, đó là tiếng Triều Châu đã được Khmer dùng như là tiếng Khmer. Người Việt dịch chữ tuk ra chữ ghe, nhưng lại mượn chữ pokchay đọc thành chài.

Tiếp với câu ca dao:

Trắng da vì bởi má cưng

Đen da vì bởi em lội bưng vớt bèo

Bưng được Việt hóa từ chữ trapéang: vũng, ao; lúc đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng lại kết hợp với từ Hán Việt biên (bờ phía ngoài) rồi đọc thành bưng biền,…

3. Những từ ngữ không xác định được nguồn gốc

Đây là những từ vừa đồng âm vừa đồng nghĩa với tiếng Việt, nhưng chưa thể xác định được bên nào vay mượn bên nào… Xin nêu một số ví dụ tiêu biểu sau đây:

Chuối non vú ép chát ngầm

Trai tơ đòi vợ khóc thầm ban đêm

Ép của tiếng Việt là đẩy dính sát vào nhau, làm áp lực, trong khi người Khmer có tiếng ép, bòng-ep, cùng nghĩa.

Canh chua điên điển cá linh

Ăn chỉ một mình nên chẳng biết ngon

Cá linh trong tiếng Việt trùng khớp với từ linh chỉ loài cá trong ngôn ngữ Khmer.

Xuống lên lên xuống đã quen

Bông tai hai chiếc tòn ten anh mua tặng mình

Trong ngôn ngữ Khmer có tòn tenh oi cham, tức lặp đi lặp lại nhiều lần cho dễ nhớ, chuyển sang chữ tòn ten của Việt ngữ có nghĩa là lủng lẳng. Không biết ngôn ngữ nào vay mượn của ngôn ngữ nào?

Một số câu hát quen thuộc khác:

Bình Đông là xứ quê mùa

Đi thăm cháu ngoại một vùa cà na

Tiếng Khmer kêu cà nakana. Cà na là loại cây có loại màu đen, có loại màu xanh lợt, có loại màu trắng. Cà na trong tiếng Việt còn được gọi là tráp (Bắc Bộ). Cà na là từ ngữ trở thành tên gọi của một chi trong khoa học thảo mộc (canarium), bắt nguồn từ tiếng Nam Dương (Indonesia), Khmer hoặc Việt?

Thấy anh lên xuống xuống lên

Theo anh, em biết xui hên thế nào?

Hên : may mắn. Khmer có hêng, vừa đồng âm vừa đồng nghĩa.

Tiếng Khmer có ak hay k-ak là con diều. Người Việt gọi chim ác là là một loại chim săn như ó, diều, có lông trắng, thân hình nhỏ, có giọng la nhức tai mỗi khi chúng chạm trán với nhau.

Ngó lên con ác lăng xăng

Có đôi chim sẻ đang quần với nhau

Người Việt nói ém: dấu mất, Khmer cũng nói ém cùng nghĩa. Chúng ta hãy xem câu ca mang chức năng hài hước sau đây:

Anh như du kích ém quân

Chờ khi trăng lặn mới… mần với em!

Kết luận : Trên đây là một số từ ngữ Việt trong ca dao được truyền tụng ở dân gian chịu ảnh hưởng từ tiếng Khmer và một số từ ngữ tiếng Việt đồng âm, đồng nghĩa với tiếng Khmer, chưa xác định được bên nào chịu ảnh hưởng bên nào. Điều này cho thấy những cộng đồng dân cư chung sống với nhau rất dễ dàng phát sinh sự giao lưu văn hóa mà nhanh chóng nhất là về mặt ngôn ngữ.

TỨ GIÁC LONG XUYÊN

Tứ giác Long Xuyên là một vùng đất hình tứ giác thuộc Vùng đồng bằng sông Cửu Long trên địa phận của ba tỉnh thành Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Bốn cạnh của tứ giác này là biên giới Việt Nam-Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Bassac (sông Hậu).

Vùng Tứ giác Long Xuyên có diện tích tự nhiên khoảng 489.000 hecta. Địa hình trũng, tương đối bằng phẳng với độ cao tuyệt đối từ 0,4 đến 2 mét.

Mùa lũ (từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai), vùng này thường ngập trong nước với độ sâu từ 0,5 đến 2,5 mét. Mùa khô, vùng này thường khô hạn và bị nước mặn thâm nhập. Chương trình thủy lợi thoát lũ qua biển Tây của Chính phủ Việt Nam đã phần nào giải quyết tình trạng ngập lũ và đất bị nhiễm mặn của vùng này.

Những năm 1988-1989, các tỉnh đã mở bước đột phá khai thác tiềm năng vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, ít người lui tới này.

Nhiều người là nông dân, cán bộ, đảng viên đã “xâm mình” quyết dấn thân với mảnh đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh”. Nhiều người khác đã cùng làm theo, góp phần xây dựng nên diện mạo mới của vùng tứ giác Long Xuyên ngày nay.

Dương Lêh st.












Phụ Bản III

MỘT BÀI VIẾT 79 NĂM TRƯỚC

BA NHÀ-VĂN TẢ CẢNH

Một nhà tiểu-thuyết thiên-bẩm không bao giờ ưa viết những truyện ngụ một chủ ý, một tư-tưởng. Nên người quá su hướng về tâm lý, triết học, cải-cách xã-hội không thể hoàn-toàn thỏa mãn được nghệ-thuật của tiểu-thuyết. Điều nghiệm xét này, tôi đã minh chứng bằng ba bài phê bình về Tố-tâm, Nửa chừng-xuân, Đoạn-tuyệt.

Nhà tiểu-thuyết chỉ sống bằng cảm-giác (sensations). Bao nhiêu các yếu-tố khác trong tâm-hồn chỉ là những mảnh gương in hình cảm-giác. Bởi vậy, nhà tiểu-thuyết không bị rung động bởi những nguyên-lý cao-siêu như nhà triết-học, cũng không bị cảm xúc bởi những tính-tình huyền bí như thi-nhân. Địa phận của hắn là Thực-tế, là Ngoại giới (le monde réel, extérieur).

Một cảnh, một vật, một việc trong thực tế đủ làm bùng cháy thiên-tài của nhà tiểu thuyết. Cùng một cái hăng-hái, nhiệt tâm của bác sĩ khảo xát giống vi-trùng dưới mắt kính hiển vi, hắn chiếm-đoạt lấy đối-tượng (son objet) phân-tách nó, kỳ tìm được chân hình của nó mới hả-hê.

Lúc đã lục-lọi được cặn kẽ tất cả những nguyên tố cấu-tạo đối-tượng ấy, nhà tiểu-thuyết cầm bút sung sướng, tả nó trên tờ giấy để sống lại những cảm-giác nó đã truyền cho ở trạng-thể nguyên hình.

Phận sự nhà tiểu-thuyết, tóm lại chỉ là Tả, thuật.

Theo nguyên-lý ấy, văn-liệu của hắn chỉ có hai thứ:

1. Thiên-nhiên.

2. Xã-hội.

Mỗi thứ là một thế-giới, cái nọ hỗn-hợp với cái kia, gây thành cái Thực-tế đồ sộ, phiền-phức, một kho tài-liệu cảm-giác vô tận.

Hiểu như vậy, thì thấy rõ-rệt hai phương diện – chỉ hai thôi – của nghệ thuật tiểu-thuyết: Tả cảnh thiên-nhiên và tả cảnh xã hội. Mà căn-bản của nó chỉ là tả-thực, cái thực của tạo-hóa và loài người bầy ra.

Bài này bàn chung về những nhà tiểu-thuyết chủ-ý lấy thiên-nhiên làm đối-tượng.

Thứ tả cảnh này vẫn có trong thơ Việt-Nam từ ngày thành lập nền văn-học. Những truyện có giá-trị như Thúy-Kiều, Hoa-Tiên, những ngâm khúc tuyệt bút như Chinh-Phụ, Cung-Oán và phần nhiều những bài thơ hay của Hồ-Xuân-Hương, Thanh-Quan nữ-sĩ, của Nguyễn-Khuyến, Nguyễn-Công-Trứ… đều là những bức tranh đặm-đà lý-thú của mầu-sắc thiên-nhiên.

Nhưng ta phải nhận rằng, lối tả cảnh của hồi xưa thiếu ba tính cách cần yếu:

1. Rõ ràng.

2. Đầy-đủ.

3. Linh-hoạt

Muốn chứng-thực điều nhận-xét tôi vừa viết, tôi đơn-cử ra đây một bài thơ tả cảnh của một nhà văn, theo tôi thấy, ưa-thích tả cảnh hơn tất cả các người khác: tôi muốn nói bài Đèo Ngang của Hồ-Xuân-Hương nữ-sĩ:

Một đèo, một đèo lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo-leo,

Cửa son đỏ-loét bùm-tum nóc,

Hòn đá xanh rì lún-phún rêu.

Lắt léo cành thông cơn gió dật,

Đầm-đìa lá liễu hạt sương gieo.

Hiền-nhân quân-tử ai mà chẳng,

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn chèo.

Theo quan-niệm văn học cũ về thơ, thì bài này tuyệt-mỹ. Nhưng đã có ý-kiến mới về lối tả cảnh thì nó không còn một mẩy giá trị nghệ-thuật nào.

Dùng những danh từ: đèo, cửa, nóc, đá, rêu, thông, liễu, gió sương, những phẩm từ: cheo leo, đỏ loét, xanh rì… không phải là tả, chỉ là gián trên mỗi vật một mẩu giấy kê-tính-chất (ce n’est pas peindre, c’est poser des étiquettes).

Ừ, đèo cheo leo, nhưng cheo leo ra làm sao? Cửa đỏ loét, nhưng đỏ giống màu gì? Phải tả thế nào mà người xem văn trông rõ cảnh-sắc ấy như ở trước mắt, không cần dùng đến những chữ cheo leo, đỏ loét… mà ai cũng có cảm giác tương-đương.

Tả cảnh không được nói trơn tính-chất, mầu sắc của vật, chỉ cần bày ra tất cả những điều kiện thành-lập của tính-chất, mầu sắc ấy.

Một cái nhận xét này có thể ứng-dụng vào cả bài thơ.

Lấy một vài nét đơn sơ để thu tóm đại-thể một cảnh-sắc, chủ-ý ký-thác vào thiên-nhiên một cảm tình tổng-quát, đó là nguyên lý (le principe) của lối văn tả cảnh hồi xưa.

Tôi nói: hồi xưa, vì từ khi chịu ảnh hưởng của Pháp-văn, nó đã thay đổi nhiều, nghĩa là tiến bộ nhiều.

Dưới ngòi bút của các nhà văn Pháp, cảnh vật rở thành rõ-rệt, linh-hoạt. Họ tả cặn-kẽ, tỉ mỉ mà không bề-bộn. Mỗi nét vẽ họ đặt trên tờ giấy là một cảm giác in vào hồn người đọc.

Muốn có thí-dụ thì phải vài mươi pho sách mới chép hết được.

Cũng một cảnh đăng sơn mà trong bài thơ của bà Thanh-Quan ta chỉ thấy những hình-bóng lờ mờ: cỏ cây, vách đá, tiều-phu, chợ… Với thi sĩ Pháp Léonce Dépont, ta được nhìn rõ những vực sâu, hang thẳm những “đầu người đội mũ đá mọc sừng thông, màn sương như tấm lụa đào che phủ cả bầu trời trái đất những đàn bò vừa đi vừa kêu dưới ánh xiên khoai của tà dương”. Ta còn được nghe “tiếng chuông, tiếng suối làm rung động cả thinh không, tiếng nhạc rung vang khắp sườn núi trơ-vơ…”(1)

Nữ sĩ của chúng ta, trước cảnh thần tiên của Đèo Ngang, chỉ có cảm tưởng nhớ quê-hương trơ trọi, Léonce Dépont làm ta “cao hứng, say mê, khoát đạt, thấy mình trở lại cái thời ấu trĩ mang một tâm hồn trong sạch, thơm tho”. Thi-sĩ truyền cho ta cảm-giác của “một con ong nở ra giữa mùa mật, tha hồ mà hút những bông hoa ảo tưởng…”

Một đằng tả sơ sài, một đàng tả kỹ lưỡng

Một đằng tả nông-nổi, một đằng cảm sâu sa.

Đó là hai cái sai-biệt của hai lối văn tả cảnh Pháp, Nam. So sánh hai văn-chương, tôi thấy rằng dù tả cảnh hay tả tình, nhà văn Pháp cũng chuộng sự phân-tách tinh-vi. Còn ta chỉ sở-trường sự tổng-hợp xảo-thú.

Như vậy, là vì hai văn-hóa khác nhau.

Một bên tôn sùng đạo-lý, xã-hội nên khinh bỏ và tỏa-chiết cái sinh-hoạt của thân, tâm (Nam)

Một bên phụng-sự nghệ thuật, cá-nhân, nên quý trọng và hỗ-trợ sự phát-triển tự-do của giác-quan, tình-cảm (Pháp).

Ngày nay, muốn gây một văn-học sứng đáng cho dân-tộc, chúng ta phải phá đổ cái giáo-lý khô-khan tổ truyền để vun trồng chủ-nghĩa cá nhân cho đâm bông nẩy quả.

Vấn đề văn-học ở nước ta ngày nay chỉ là vấn đề văn-hóa.

Hiện giờ, trong các bạn thanh-niên tiên-tiến đã có người biết sống bằng cảm-giác, tính-tình. Vì thế trong văn-học Việt Nam hiện-đại, vọt nở một thứ tiểu thuyết chú-trọng về tả-cảnh. Nó có ba người phụng-sự rất sứng-đáng vẻ-vang.

Ba nhà văn mới mẻ ấy là:

 

1. LƯU TRỌNG LƯ                   2. LAN KHAI                    3. THẾ LỮ 

    

Ba ông cùng ưa để cảnh-vật rung động ngũ quan, sống bằng cảm-giác. Bởi vậy nên ba ông cùng thích tả những cảnh cổ lỗ, những nhân-vật thô sơ, man dã. Tài-liệu viết tiểu-thuyết của ba ông là rừng núi âm-u, là Mán, Thổ, sơn nhân.

Tuy vậy, tôi nghiệm thấy rằng độ-lượng xúc cảm và lề lối phô tả của mỗi ông một khác.

Ông Thế Lữ để cảnh-sắc xúc-động giác-quan nhưng biết tự chủ không bị lôi cuốn vào thiên-nhiên.

Trái lại, ông Lan Khai mê-đắm cảnh-vật như mê một tình-nhân. Ở Thế Lữ cái rung động của giác-quan truyền lên trí nên ông tả được bình-tĩnh; ở Lan Khai nó truyền vào tâm nên ông tả mung-lung hồi-hộp.

Lối tả-cảnh của Thế Lữ có tính-cách kỳ-thú (pittoresque).

Lối tả-cảnh của Lan Khai có tính-cách xúc-cảm (émotionnel). Còn ở Lưu Trọng Lư cảnh-vật mượn cảm-giác chạy ngay vào cái nội-quan trong tâm-giới, tức là trí tưởng-tượng. Nên ông thích vay của tạo-hóa những cảnh hoang-lương để sống những phút thần tiên ngây ngất.

Lối tả-cảnh của Lưu Trọng Lư có tính-cách thần-bí (mystique).

Ba cái khác nhau ấy chỉ là ba sông nhánh của một nguồn cảm-giác. Mà căn do của sự chia rẽ là ảnh-hưởng của hoàn-cảnh.

Ông Thế Lữ, quê ở Lạng-sơn, một nơi có nhiều rừng rú thâm u, núi non chót vót, thường hàng ngày giao-thiệp với những dị-đoan, kỳ tích của một giống người mọi rợ. Nên ông thích tả những cảnh khủng-khiếp mà tạo vật hình như chỉ-bày ra để lồng khung một cái sinh-hoạt hãi-hùng.

Ông Lan Khai lại được làm quen với một cảnh sơn dã dễ yêu đã có in dấu vết của phần nhân-loại văn-minh. Quê ở Tuyên-quang, ông sống chung với dân Thổ, dần dần cảm được cái thi-vị của thứ sinh-hoạt bình dị ấy. Rồi cầm bút viết văn, ông chỉ ca tụng cái vẻ thơ của một cảnh sơn lâm đầm ấm trong địa hạt hoang-vu của nó.

Ông Lưu Trọng Lư được may mắn sinh ở tỉnh Quảng-bình chốn đầy những núi non hùng-vĩ. Sông Ngân uốn lượn trong bụi là chòm gai. Trong cảnh thần tiên này, trí tưởng-tượng của ông tự-nhiên bầy ra những cuộc đời thoát tục. Tiểu thuyết của ông Lư thường chỉ là những mộng-cảnh làm sảng-khoái một thi nhân.

Tóm lại, nhờ có thiên tài được hoàn cảnh rèn luyện, lại chịu ảnh hưởng của văn Pháp, ba nhà văn Thế Lữ, Lan Khai,Lưu Trọng Lư đã cách-mệnh lối tả cảnh trong văn-học Việt Nam hiện-đại.

Một ông yêu, cảm thiên-nhiên; một ông , hưởng thiên-nhiên; ông thứ ba sống, thấm hồn vào thiên-nhiên.

Tiểu thuyết của ba ông nên được hoan nghênh như một tân-trào văn-học và tên tuổi ba ông sẽ bắt buộc nhà văn-học sử đặt lên một trang danh-dự.

Những bài sau sẽ lần-lượt chứng-tỏ câu phê-bình này.

TRƯƠNG TỬU

Bs. NGUYỄN LÂN-ĐÍNH st

(1) Trích trong bài Chơi Núi, Buổi Chiều của Léonce Dépont, một thi-sĩ hiện-đại danh-tiếng của nước Pháp .

Tác giả: Dương Lêh

Làm gì thì làm, bà cũng đã có được cái bằng Master ở Mỹ từ trước năm 1975 về Ngôn ngữ học và bà đã lăn lộn vào nghề dạy học từ hồi đó đến giờ. Tính theo tuổi tác thì giờ này bà ở vào tuổi hưu lâu rồi nhưng do yêu nghề và uy tín về chất lượng giảng dạy của bà và quan trọng hơn hết là bà vẫn còn sức khỏe tốt, cho nên bà vẫn tiếp tục được thỉnh giảng.

Ai cũng nói bà dạy rất hay, học viên, sinh viên đều công nhận khi học với bà, họ tiếp thu rất tốt, thực hành trong giao tiếp bằng ngoại ngữ rất nhanh chóng và hiệu quả. Bà cũng thấy một bộ phận rất lớn những thầy cô giáo trẻ còn yếu tay nghề cho dù họ cũng tốt nghiệp trường lớp đàng hoàng. Qua tiếp xúc với những sinh viên, học viên người lớn, bà phát hiện ở những lớp dưới, đa phần họ đã được truyền đạt không đúng chuẩn mực.

Thật ra trong ngành nào cũng vậy, sau thời gian đào tạo nhiều năm những người tốt nghiệp cũng không khỏi ở trong ba nhóm giỏi, khá và vừa đủ điểm thấp nhất yêu cầu. Trong thời gian giảng dạy bà có tìm hiểu và theo dõi đồng thời phát hiện những sinh viên giỏi trong lớp rất chuyên cần, không bao giờ bỏ lớp, hoặc trốn thực hành. Về nhà tiếp tục tự học hỏi, tra cứu chuyên sâu, tự lên mạng tìm học thêm những chứng chỉ chuyên môn của nước ngoài. Những người này đã giỏi lại càng giỏi thêm. Trong khi đó một bộ phận sinh viên yếu kém thường bỏ lớp bỏ giờ, ngoài giờ học họ thường đi uống cà phê nghe nhạc, chơi game, không hề đọc sách báo để tạo những kiến thức cơ bản cho cuộc sống tương lai. Có lần bà hỏi thử một sinh viên: “Từ Saigon ra Hà Nội đi đường bộ phải lần lượt qua những tỉnh nào?” Thế là em sinh viên này kể một lèo những tỉnh thành từ nam ra bắc không theo một thứ tự nào cả lại còn sót vài tỉnh. Có em còn không biết được từ Saigon đến Thủ Đức khoảng chừng bao nhiêu cây số. Như vậy những em này khi tốt nghiệp chắc chắn sẽ bỏ rơi lại rất nhiều tri thức thầy cô đã truyền cho trong thời gian đào tạo, vì các em đã học bằng cách đối phó. Bà xem nhiều cuộc thi sát hạch về tri thức của các em học sinh, sinh viên trên truyền hình, bà thấy có quá nhiều em xuất sắc, và nhận ra rằng trong cùng một lớp học đã có một khoảng cách rất lớn giữa những em giỏi và những em yếu kém. Có thể nói trong một lớp ở đại học các em giỏi có thể đứng ra giảng lại những bài đã học cho các em yếu kém. Như vậy so với các em yếu kém đó các em giỏi đó có thể được gọi là “thầy” hoặc “cô” cũng không phải là quá đáng.

Có em từ dưới quê lên Saigon học, thỉnh thoảng bà thấy em vắng mặt một hai buổi học. Sau đó em trở vào lớp bà hỏi em lý do vì sao nghỉ học, em trả lời thoải mái:

- Về quê ăn đám giỗ ông ngoại.

- Em thấy có cần thiết phải về không?

- Dạ, mỗi lần có giỗ chạp, ba má thường kêu con cái về họp mặt đông đủ.

- Họp mặt như vậy để làm gì?

- Dạ để chứng tỏ gia đình đoàn tụ trong ngày giỗ.

Bà thấy cái quan niệm sống của người dân ở những vùng xa xôi hình như đã ăn sâu trong đầu, trong máu của họ. Mỗi khi trong gia đình có chuyện quan hôn tang tế như giỗ quảy, thân nhân qua đời ngay cả khi có người mới phát bệnh được đưa vào bệnh viện thì bà con thân tộc ở khắp nơi phải lo quay về tụ họp. Như trường hợp em sinh viên đó, việc học hành đối với em không quan trọng bằng cái đám giỗ của ông nội, hay ông ngoại của em. Mỗi khi có ai đó dưới quê gọi lên cho biết có người bệnh hoặc chết… và bảo về gấp, em tức tốc lên đường cho kịp, không khác gì em được giải thoát được một khổ nạn, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Bà nhớ lại ngày xưa khi còn đi học, bà rất sợ phải nghỉ học. Chỉ khi nào bà bị bệnh và không đi nổi bà mới nghỉ một hoặc hai ngày, nhưng chỉ xảy ra một hoặc vài lần trong suốt thời gian đi học cho tới khi bà đạt được cái học vị như ngày nay. Bà không khỏi có một cái nhận định những sinh viên như em này khó mà trở thành những người tài giỏi trong xã hội và họ cũng không nhận được những phần thưởng xứng đáng xã hội dành cho.

Mới đây, tình cờ gặp một người bạn học cũ, chị bạn này vừa theo chồng công du sang Mỹ làm việc trong gần sáu tháng mới trở về cách đây vài hôm. Chị bạn, tuổi cũng suýt soát với bà, đã sôi nổi kể: “Trời ơi qua bên đó tôi thèm đi học lại quá chừng”.

Bà hỏi:

- Rồi chị làm gì?

- Tui đăng ký đi học về “Kỹ năng giao tiếp”

- Mấy thứ này hồi xưa mình học rồi.

- Đúng rồi, tui học để giết thời gian.

- Không đi du lịch sao?

- Tui không thích đi lòng vòng một mình trong khi ổng bận công tác.

Phải công nhận bà cũng có tâm trạng giống như chị bạn học cũ này. Ước gì trở lại được thời trẻ trung bà được đi học trở lại, thật vô cùng hạnh phúc. Bà thấy yêu cái băng, cái ghế ở nhà trường, không khí lớp học trong đó bà là một học viên sao mà dễ thương quá!

Bà cũng có một anh bạn dạy chung có đứa con trai học hành lôi thôi. Anh thú nhận trong đời anh cái thất bại to lớn của anh là không rèn luyện cho đứa con trai lấy được một cái bằng đại học. Khi nó lấy được cái bằng trung cấp kỹ thuật, anh bảo nó ráng tìm cách học liên thông để vào bách khoa với kỳ vọng ra trường được mảnh bằng kỹ sư. Nhưng anh con trai này không muốn học hành gì nữa, quay sang tập võ nghệ để rồi sau đó đi làm bảo vệ. Sau này, anh con trai đó mới thấy rằng lương bảo vệ không đủ sống, may nhờ có cô vợ có được việc làm tốt, bù đắp mới chống chọi được với cảnh thiếu thốn. Có lần qua con dâu, ông cha biết được con trai mình đã dính vào một vụ chứng khoán bị đứt hết mấy chục triệu đồng. “Tiền đâu ổng có”. Cô dâu cho biết ổng vay mượn trong đám bạn bè, và bây giờ ổng ôm cái đống chứng khoán như đống giấy vụn. Cô dâu còn nói lúc mới mua chứng khoán ổng về khoe với vợ: “Để tui làm ăn hổng lẽ chịu nghèo hoài sao?”. Cô vợ không dám nói gì chỉ biết im lặng. Sau đó ổng cũng im re luôn. Thời gian trôi qua tháng này hết tháng khác, cô vợ không thấy ông nói gì về vụ chứng khoán nữa. Từ đó tiền lương của ông không thấy mang về cho vợ. Khi ông già biết được, có đôi lời trách cứ tại sao nghe lời bạn bè nhảy vô cái vụ chứng khoán trong khi không biết một chút gì về hoạt động tài chánh này. Ông con sừng sộ, đập bàn nói với ông già: “Chuyện của tui, tui lo không cần ông giúp đỡ. Tôi sẽ đi ở chỗ khác, khi có chuyện gì đừng kêu tôi về đốt cho cây nhang”.

Cái may mắn của anh bạn già này là còn đứa con gái tự lo liệu để du học ở nước ngoài rồi lấy chồng sinh con sống ổn định. Niềm vui của hai ông bà già này là mỗi tối mở webcam xem con gái và cháu ngoại đùa giỡn. Khi hai ông bà tắt máy đi ngủ cũng vào lúc nửa khuya. Từ khi con gái lên đường du học đến nay cũng đã sáu bẩy năm rồi không có dịp về thăm cha mẹ. Hai ông bà cũng không đi thăm được con gái vì bà vợ cũng còn đang dạy học, phương tiện duy nhất để nuôi sống hai vợ chồng già. Có lần ông quyết định đi thăm con gái nhưng khi đi xin visa thì ông bị từ chối vì “không thấy có ý định quay trở về”. Thời điểm này đúng vào lúc có anh chàng người Mỹ ở tổng lãnh sự ăn hối lộ những người muốn nhập cảnh Hoa Kỳ. Sau này bào chí đăng rùm beng ông bạn già này mới biết được.

Nhìn hoàn cảnh anh bạn già, bà chạnh nghĩ đến cuộc sống của bà hiện tại. Chính vì chỗ yêu nghề cho nên bà phải để ông ở lại Vũng Tàu một mình, còn bà lặn lội lên Saigon giảng dạy tại một trường đại học. Sáng Chủ nhật bà về lại Vũng Tàu thăm ông đến sáng Thứ Hai trở lên Saigon. Cứ như vậy năm này sang năm khác. Ở Saigon, bà ở chung với người con gái thứ ba có nhà ở tận quận 7. Muốn tới trường dạy học bà phải nhảy lên hai chiếc xe buýt và mất hơn một tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tối về cũng với lộ trình như vậy cộng thêm một quãng đi nhờ xe máy của học viên để đến bến xe buýt gần trường. Bà không quản ngại nỗi nhọc nhằn trong việc mưu sinh nhưng nếu ai biết được bà đang ở tuổi U70 chắc phải le lưỡi thán phục trước sự chịu đựng to lớn của bà.

Ông nhà bà cũng từng là một ông giáo có tiếng tăm ở một trường trung học, bây giờ đã về nghỉ tại gia với hơn bẩy bó tuổi đời. Ông kiêm nhiệm công tác quản gia của một căn nhà ba gian xây dựng từ mấy đời trước giữa một vuông đất tạo thành một hình vành khăn vuông để trồng các loại hoa cảnh. Một mình thui thủi từ sáng đến tối, âm thầm lặng lẽ như một chiếc bóng. Niềm vui tràn ngập đến với ông vào mỗi sáng Chủ nhật khi ông đến bến xe đón bà trở về. Rồi ông chở bà ra chợ mua vài thứ cần thiết mang về nhà chế biến vài món thịnh soạn để hai ông bà cùng thưởng thức. Bữa cơm cũng là dịp để hai ông bà “giao ban” và báo cáo “công tác tuần qua”. Trong khi báo cáo của ông gọn nhẹ “tuần qua y chang tuần trước” được bà “duyệt” nhanh chóng, báo cáo của bà có nhiều chuyện để nói nào là chuyện xe cán chó, chó cán xe, như chuyện cái ông ca sĩ bị ông nhạc sĩ cao tuổi chê là “ca sĩ đám cưới”, ca sĩ này cảm thấy bị “quê xệ” đăng báo chửi lại, gọi ông nhạc sĩ là “ngụy quân tử”, sau đó nghe nói ca sĩ này mang hoa đến xin lỗi ông nhạc sĩ cao tuổi nọ. Chưa hết, một nữ ca sĩ lão thành tặng anh ca sĩ trẻ này một bài viết trên mạng theo kiểu “huấn tử cách ngôn” và cũng phong tước hiệu “ca sĩ đám cưới” cho chàng ca sĩ trẻ này. Nghe bà kể xong ông nhà cười kha kha một cách sảng khoái.

Được một cái là ông vẫn còn khỏe mạnh. Mỗi buổi chiều ông xách vợt ra sân chơi tennis với các bạn từng là đồng nghiệp với ông. Lúc rảnh rang ông ra chăm sóc các loại cây cảnh.

Con gái lớn của bà vừa xây nhà xong, muốn bà về ở chung. Bà có phần đắn đo. Cô gái lớn này hồi xưa khi sống chung với cha mẹ cô không có cử chỉ thương yêu mật thiết với bậc sinh thành mà có phần khép kín hơn cô thứ ba. Cô tốt nghiệp trường Luật, làm việc ở một công ty kinh doanh uy tín, phụ trách bộ phận pháp lý. Cuộc sống thoải mái sau khi lấy chồng, có con, mua nhà rồi xây lại đẹp đẽ khang trang, nuôi chó cảnh cho tăng phần sang trọng.

Bây giờ cô muốn bà về ở chung. Đối với bà quả là có phần thuận lợi, nhà ở gần bến xe buýt để bà đến trường tương đối thoải mái hơn. Thế là bà về ở với cô con gái lớn cho vui cửa vui nhà. Việc ăn uống, vợ chồng cô con gái tự lo, bà làm công việc bếp núc cho riêng mình. Có khi bà đến tiệm cơm trưa văn phòng giải quyết việc “tiếp nhiên liệu” một cách êm thắm.

Một buổi sáng, bà vừa bước ra ngồi ở phòng khách, con gái bà cũng đang bước ra cửa đi làm, ông chồng đang ngồi trên xe máy SH chờ đợi trên đường. Tình cờ bà phát hiện một vũng nước tiểu của con chó trên sàn nhà ngay dưới bước chân cô con gái sắp đặt lên. Bà vội bảo con gái cảnh giác:

- Coi chừng nước tiểu của con chó ở dưới chân.

Cô con gái vội nhìn xuống và bước tránh đi vừa nói lớn một cách tức giận:

- Có chút chuyện này mà không làm được. Ở nhà tôi mà sao không làm gì hết trơn vậy?

Nói rồi cô bước ra khỏi nhà. Bà thẫn thờ ngồi lặng người trên ghế sa-long. Bà sực nghĩ đến ông bạn già có đứa con trai chơi chứng khoán, mất tiền còn chửi lại ổng. Bà thấy cha mẹ thương yêu con cái, nuôi nấng cho nên người chỉ là chuyện thường tình. Còn đi tìm một đứa con hiếu thảo nuôi nấng, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già coi bộ khó quá. Người ta nói nước mắt chảy xuống và chỉ chảy xuống mà thôi.

Một lát sau, bà lặng lẽ vào sắp xếp hành trang rồi cũng bước ra khỏi nhà, trở về với cô gái thứ ba tá túc.

Buổi chiều hôm đó, bà đang cùng cô con gái thứ ba chuẩn bị bữa ăn tối, điện thoại reo vang. Cô con gái bốc lên lắng nghe. Âm thanh từ trong máy đện thoại văng vẳng lọt ra ngoài đủ cho bà già nghe được. Tiếng của cô con gái lớn:

- Nè, bà già đi đâu rồi nghe. Bả có ghé bên đó, biểu bả đừng về nhà tôi nữa!

Bà già đỡ lấy điện thoại của con gái đặt xuống bàn:

- Má nghe rồi.

Dương Lêh


TRƯỜNG CAO ĐẲNG MỸ THUẬT

ĐÔNG DƯƠNG

HÀ NGUYỄN

Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, kinh tế, xã hội và văn hóa Việt Nam có những chuyển biến quan trọng. Lúc này, châu Âu vừa mới thoát ra khỏi cuộc Chiến tranh Thế giới lần I (1914-1918) và nền kinh tế của nước Pháp bị tàn phá nặng nề. Để khắc phục hậu quả chiến tranh và củng cố địa vị trên thế giới, thực dân Pháp chủ trương đẩy mạnh đầu tư và khai thác thuộc địa Đông Dương. Từ năm 1920, Pháp triển khai chương trình Khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương với tốc độ và quy mô tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước. Điều này đã dẫn tới nhiều biến đổi về kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Bên cạnh các mối quan hệ kinh tế-xã hội truyền thống đã xuất hiện các yếu tố kinh tế-xã hội mang tính tư bản được du nhập từ châu Âu, kết quả là xã hội Việt Nam mang đầy đủ tính chất của một xã hội thuộc địa - nửa phong kiến. Đồng thời, nền giáo dục phổ thông, dạy nghề, cao đẳng kỹ thuật… đã từng bước được triển khai.

Trong bối cảnh đó, Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập ngày 17 tháng 10 năm 1924 với sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin. Tên tiếng Pháp của trường khi đó là École Supérieure des Beaux-Arts de L’Indochine. Trường Cao đẳng Mỹ Thuật đã thành công như một bước đột phá mang quy thức nghệ thuật Tây phương đến Đông Dương. Họa sĩ người Pháp Victor Tardieu được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Năm 1937, khi Victor Tardieu mất, họa sĩ Evariste Jonchère là người kế nhiệm làm hiệu trưởng cho đến khi trường bị giải thể vào cuối năm 1945.

Victor Tardieu (1876-1937) là một họa sĩ Pháp từng đoạt “Giải thưởng Đông Dương” vào năm 1920, giải thưởng của Hội các nghệ sĩ Pháp ở thuộc địa (Société coloniale des Artistes francais) dành cho các nghệ sĩ có các Triển lãm Paris (Salon de Paris). Do ngẫu nhiên, ngay khi đến Hà Nội, V.Tardieu đã nhận được một hợp đồng quan trọng, đó là trang trí cho Trường Đại học Đông Dương bằng một bức tranh khổ lớn. Vì thế, ông đã có điều kiện kéo dài thời gian lưu trú tại bán đảo xa xôi này. Tại đây, trong thời gian làm việc, V.Tardieu thường có nhiều dịp tiếp xúc với các nghệ sĩ bản xứ luôn khao khát đổi mới truyền thống mỹ nghệ của dân tộc mình, cũng như muốn tìm đến một hướng phát triển mỹ thuật mới theo kiểu Tây phương.

Năm 1923, Nam Sơn (tên thật là Nguyễn Văn Thọ, 1890-1973) gặp gỡ và làm việc cùng họa sĩ V.Tardieu. Hai ông trở thành đôi bạn tri kỷ. Họa sĩ Nam Sơn ngồi mẫu cho V.Tardieu vẽ. V.Tardieu hướng dẫn Nam Sơn lối vẽ hàn lâm phương Tây, Nam Sơn hướng dẫn V.Tardieu tìm hiểu nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Nam Sơn trở thành họa sĩ đầu tiên thời bấy giờ, vào năm 1923, đã tham gia Đấu xảo Hà Nội với những bức sơn dầu nổi tiếng như Nhà nho xứ Bắc, Ông già Kim Liên

Xuất phát từ ý định mở mang nền mỹ thuật bản địa, họa sĩ V.Tardieu đã vận động Chính phủ Cộng hòa Pháp và Chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương lập ra một trường mỹ thuật. Với nỗ lực của V.Tardieu, sự kiện có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc tiếp xúc văn hóa Đông-Tây trên đất Việt Nam thời cận đại đã diễn ra với việc thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương trong khuôn khổ của Trường Đại học Đông Dương.

Trường Mỹ Thuật Đông Dương (L’École des Beaux-Arts de L’Indochine) được xây dựng để đào tạo cho người bản xứ về hội họa, điêu khắc, trang trí và kiến trúc. Cuộc thi tuyển để nhập học phải qua ba kỳ. Kỳ thứ nhất là ba đợt vẽ, mỗi đợt gồm ba giờ đồng hồ để vẽ người mẫu sống. Kỳ thứ hai là tám giờ vẽ bằng màu nước. Kỳ thứ ba là vẽ bốn giờ để thực hiện quy ước tầm nhìn xa gần. Hàng năm, từ tháng Bảy đến hết tháng Mười, các cuộc thi tuyển được tổ chức ở Hà nội, Huế, Nam Vang (Campuchia), Sài Gòn, và Vạn Tượng (Lào) để tuyển các sinh viên. Lúc đầu, chương trình đào tạo của trường là 3 năm, sau đó tăng lên thành 5 năm.

Trường Mỹ Thuật Đông Dương được đặt tại thành phố Hà Nội, khi đó là thủ đô chính trị của toàn thuộc địa Đông Dương, với mong muốn tạo ra sự ảnh hưởng nghệ thuật đến xứ An Nam, khi đó gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trường nằm giữa khu phố và dân cư đông đúc của thành phố, có diện tích khá nhỏ. Hiện nay, cơ sở của nhà trường tương đương với khu vực số 42 phố Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Trường gồm có 5 khối nhà chính, với khoảng 20 phòng học, một nhà Bảo tàng, một nhà Triển lãm, 2 xưởng sơn mài, một xưởng đồ họa, 2 phòng máy tính với khoảng 50 máy và một thư viện. Trường có một ký túc xá nằm trong khuôn viên với khoảng gần 30 phòng. Phòng dành cho các sinh viên trong nước (Việt Nam) thì nhỏ, kê 3 giường đôi, có nhà vệ sinh riêng và có bình nước nóng. Phòng dành cho các sinh viên nước ngoài thì rộng, đẹp và thuận tiện hơn, với trang thiết bị giống một phòng khách sạn nhỏ.

Chuẩn bị cho việc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Nam Sơn cùng V.Tardieu sang Paris (Pháp) tìm mua tài liệu, sách vở, vật tư, đến tháng 10/1925 thì trở về Hà Nội tổ chức chiêu sinh khóa đầu tiên. Hai họa sĩ là người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sau đó, khoa Kiến trúc được thành lập như một khoa của Trường Mỹ thuật Đông Dương theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 01/10/1926, trở thành cơ sở đào tạo kiến trúc sư duy nhất ở nước ngoài của Pháp.

Tháng 11/1925, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương khai giảng khóa đầu (1925-1930) với 12 sinh viên (được tuyển chọn từ 270 thí sinh trên toàn Đông Dương), tong đó có 10 sinh viên học hội họa và 2 sinh viên học kiến trúc.

V.Tardieu là một nghệ sĩ có tư tưởng tiến bộ, vượt ra khỏi quan điểm hẹp hòi của Chủ nghĩa thực dân. Trong suốt 12 năm làm Hiệu trưởng Trường Mỹ Thuật Đông Dương (1925-1937), ông đã xây dựng nhà trường thành một trung tâm đào tạo các họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư Việt Nam, được học tập theo chương trình của Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris (Pháp). Ông đã kiên định quan điểm cho rằng người bản xứ hoàn toàn có khả năng được đào tạo để trở thành những nghệ sĩ tạo hình chân chính, và không ngừng đấu tranh để dẫn dắt nhà trường hướng tới việc đào tạo các nghệ sĩ sáng tạo.

Trong thời gian từ năm 1925 đến năm 1945, nhà trường đã mời các thầy dạy là những kiến trúc sư tài năng người Pháp đảm nhiệm các vị trí quan trọng, như Arthur Kruze – Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc; Ernest Hébrard – Phụ trách quy hoạch đô thị Đông Dương từ năm 1921, người khởi xướng Phong cách Kiến trúc Đông Dương; Gaston Roger; Louis Gaerges Pineau; Jacques Lagisquet… Các kiến trúc sư có xu hướng tiến bộ này đã đào tạo các sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương thiên về nghệ thuật sáng tạo.

Năm 1942, nhà điêu khắc Evariste Jonchère – người thay họa sĩ V.Tardieu làm Hiệu trưởng từ năm 1937 – chủ trương đào tạo kiến trúc sư thực hành, với mục đích để kiến trúc sư người Pháp tìm ý tưởng, còn kiến trúc sư Việt Nam vẽ kỹ thuật, còn họa sĩ người Việt thì chuyên sản xuất mỹ nghệ, nên đã phân chia Trường Mỹ thuật Đông Dương thành hai trường riêng biệt: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (trong đó có Khoa Kiến trúc) và Trường Mỹ nghệ thực hành Hà Nội. Từ đây, nội dung đào tạo được chuyển đổi và thấp hơn so với chương trình đào tạo kiến trúc sư tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris (Pháp).

Tháng 12 năm 1943, Quân đội Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II (1939-1945) ném bom xuống Hà Nội. Theo chủ trương của Nha học chính Đông Dương, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã chia thành ba bộ phận sơ tán ở ba nơi:

- Các lớp Mỹ nghệ sơ tán về Phủ Lý (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hiện nay), do Georges Khánh và Bùi Tường Viên phụ trách.

- Khoa Kiến trúc và một phần lớn lớp Điêu khắc sơ tán vào Đà Lạt (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay), do E.Jonchère phụ trách. Đến năm 1944, Khoa Kiến trúc ở Đà Lạt được nâng lên thành Trường Kiến trúc, trực thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

- Khoa Hội họa và một phần nhỏ lớp Điêu khắc sơ tán lên Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội hiện nay), do giáo sư Inguimberty cùng các họa sĩ Nam Sơn và Tô Ngọc Vân phụ trách.

Sau cuộc đảo chính của quân đội phát xít Nhật Bản hất cẳng thực dân Pháp khỏi Đông Dương ngày 09/3/1945, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bị giải thể (vào khoảng cuối năm 1945).

Trong 20 năm (1925-1945), Trường Mỹ thuật Đông Dương, sau này là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã tổ chức đào tạo được 18 khóa học (trong đó 11 khóa có sinh viên kiến trúc), đã đào tạo tốt nghiệp hơn 150 sinh viên ngành Mỹ thuật và trên 50 sinh viên ngành Kiến trúc, có trình độ vững vàng, được học tập theo chương trình giảng dạy và phương pháp đào tạo khoa học của Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris ở Pháp. Trong 20 năm (1925-1945) hoạt động, Trường đã trao bằng tốt nghiệp cho 128 sinh viên họa sĩ, trong đó có những tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Việt Nam sau này như Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Georges Khanh, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ…

Ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), các họa sĩ đã tìm mọi cách khôi phục hoạt động của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau này, trường được gọi là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Đến đầu năm 2008, trường đã được đổi tên là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay, với tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập trong thời kỳ Pháp thuộc, là một trường đại học chuyên đào tạo bậc đại học và sau đại học trong lĩnh vực mỹ thuật, được giới chuyên môn đánh giá là nơi đào tạo mỹ thuật chính quy và có chất lượng cao của Việt Nam.

ĐỖ THIÊN THƯ st


VĂN HÓA SA HUỲNH

Một di sản văn hóa không chỉ ở Việt Nam

Di sản văn hóa Sa Huỳnh được M.Vinet phát hiện năm 1909 ở khu vực giáp ranh hai xã Phổ Khánh và xã Phổ Thạnh thuộc huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở phía đông Đầm An Khê với trên 200 chiếc bình gốm vùi sâu trong cát biển có chiều cao trung bình 0,08m; khác nhau trong cách tạo dáng và những đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh. Năm 1923 người Pháp đã tiến hành khai quật, nhiều tài liệu đã được thông báo trong tập san của trường Viễn Đông Bác cổ Pháp cũng như công bố của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu nước ngoài về văn hóa Sa Huỳnh. Theo TS Đoàn Ngọc Khôi thì cũng trên bãi cồn cát này năm 1934 M. Colani nghiên cứu khai quật ở Thăng Long, Đồng Phú, Phú Nhuận (Bình Định) kết quả nghiên cứu được bà công bố trong hội nghị tiền sử Viễn Đông họp tại Manila (Philippine) năm 1935 và đăng trong tập san của trường Viễn Đông Bác cổ Pháp năm 1936 trong bài viết ghi chú về tiền sơ sử Quảng Bình đăng trong tạp chí những người bạn Huế xưa M. Colani lần đầu tiên dùng thuật ngữ “văn hóa Sa Huỳnh”. Năm 1939 nhà khảo cổ học người Thụy Điển O. Janse đã khai quật 84 mộ chum Sa Huỳnh và Phú Khương (thuộc xã Phổ Khánh) sau đó năm 1960 ông quay trở lại Sa Huỳnh để nghiên cứu thêm, tư liệu được công bố trong tạp chí Aslan Perpstive năm 1961 ông đưa ra khái niệm “Phức hợp Sa Huỳnh”. Cũng trên cồn cát Sa Huỳnh L. Mallenet khai quật năm 1957 thu nhặt những mảnh gốm nằm trên bề mặt di tích vừa dựa trên cơ sở nghiên cứu đồ gốm ở bảo tàng Finot, đã đặt ra mối quan hệ hơn trong khu vực Đông Nam Á của văn hóa Sa Huỳnh trong bài viết từ năm 1961.

Nêu những vấn đề trên để chứng minh rằng văn hóa Sa Huỳnh không chỉ giới hạn ở một địa phương, một tỉnh của Việt Nam mà nó đã vượt ra ngoài lãnh thổ Quốc gia.

Về niên đại của văn hóa Sa Huỳnh, nhiều nhà khoa học, nhà sử học đưa ra những con số khác nhau. Theo GS-TS Phan Ngọc Liên Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội: “Việc đi sâu nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh từ giai đoạn sớm có niên đại 4000 đến 3000 năm trước ngày nay. Giai đoạn muộn ở vào giữa thiên niên kỷ 1 trước công nguyên”. PGS-TS Đặng Việt Bích, Phó viện trưởng Viện văn hóa thông tin, Ủy viên Hội đồng khoa học, Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thì cho rằng: “Văn hóa Sa Huỳnh không chỉ nổi danh trong nước mà còn trên trường quốc tế, địa bàn văn hóa Sa Huỳnh trải dài từ nam sông Gianh đến Đồng Nai. Tại Philippine các nhà khảo cổ cũng phát hiện được văn hóa Calanay cùng hệ văn hóa Sa Huỳnh.

Nhóm di sản văn hóa Long Thạnh thuộc huyện Đức Phổ đại diện cho văn hóa sơ kỳ đồng thau, còn nhóm di sản Bình Châu (Bình Sơn) thuộc trung kỳ thời kỳ đồng thau, cuối thiên niên kỷ 1 trước công nguyên. Như vậy di chỉ văn hóa Long Thạnh phải có trước đó khá lâu. TS Đoàn Ngọc Khôi thì cho là niên đại tương đối của tiền Sa Huỳnh Long Thạnh cách đây khoảng 3000 năm, còn một số nhà khoa học, nhà sử học khác thì cho rằng trên 2500 năm v.v… Những đánh giá đó rất quan trọng vì nó là sự có mặt của người Việt cổ trên dải đất này. Hơn thế nữa còn lưu giữ đa dạng sức sống văn hóa vật chất của người cổ Sa Huỳnh thể hiện các bộ sưu tập về đồ đá, mã não, các loại đồ đựng bằng gốm với nhiều kiểu dáng hoa văn độc đáo.

Cùng với hàng chục di tích do các nhà khảo cổ phương Tây phát hiện khai quật trước năm 1975. Từ sau ngày giải phóng đến nay các nhà khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học xã hội tại Tp. HCM đã tham gia nghiên cứu, khai quật chẳng những ở Long Thạnh Đức Phổ mà còn nhiều nơi trong tỉnh như Gò Quê xã Bình Đông, xóm Ốc xã An Vĩnh, Suối Chình phía đông đảo Lý Sơn, xã Bình Châu và tiếp đó là một số nơi ở Bình Định, dọc sông Thu Bồn Quảng Nam, Quảng Bình… Tất cả đều phát hiện nhiều hiện vật quý giá, đa dạng về cách trang trí, các đồ trang sức. Chiều cao của các mộ chum thuộc giòng văn hóa Sa Huỳnh. Qua các cuộc khai quật khảo cổ ở Long Thạnh, Bình Châu, Bầu Trám, Xóm Cồn, Bãi Ông… ở Quảng Ngãi và một số nơi khác đều thú vị là đã tìm thấy giai đoạn sớm hơn Sa Huỳnh cổ điển theo phát hiện của người Pháp và là những dòng chảy trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển lên đỉnh cao Sa Huỳnh sắt…

Rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước viết về văn hóa Sa Huỳnh. Song các nhà khoa học, các nhà lịch sử trong nước và địa phương cũng chỉ mới dừng lại ở mức phát hiện, khai quật và nhiên cứu, điều đó rất cần thiết, song người viết bài này mong muốn vị thế của văn hóa Sa Huỳnh sẽ được nâng lên một tầm cao hơn, vượt ra ngoài phạm vi đất nước, nó không chỉ là di chỉ văn hóa Sa Huỳnh của Việt Nam mà là Di sản văn hóa của Thế Giới. Điều đó không có gì quá đáng bởi lẽ với bề dày lịch sử trên 3000 năm với những tiểu phẩm, kiểu dáng độc đáo của những công cụ sản xuất, đồ trang sức, nền văn minh của người Việt đầu thời kỳ đồng thau, nó chạy dài dọc theo ven biển miền Trung Nam Bộ và vươn ra một số nước Đông Nam Á. Người Pháp cùng một số nhà khảo cổ học phương Tây trước kia cũng như hiện nay đã và đang lưu giữ sưu tầm, nghiên cứu về di chỉ văn hóa này, đó là một lợi thế của chúng ta.

Tuy nhiên muốn làm được việc lớn đó, tỉnh Quảng Ngãi mà trước hết là ngành Văn hóa Thông tin cùng địa phương phải thu thập bảo quản toàn bộ hiện vật tìm được, đánh dấu, bảo tồn những địa danh, vị trí, nơi đã và sẽ khai quật, sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước. Có bảo tàng trưng bày riêng về văn hóa Sa Huỳnh ngay tại địa phương để khách du lịch có thể đến tham quan nghiên cứu. Cùng với Viện khảo cổ thuộc Viện KHXH Việt Nam tiến hành tổ chức hội thảo Quốc tế gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước nhân kỷ niệm 100 năm ngày phát hiện di sản văn hóa Sa Huỳnh tại huyện Đức Phổ. Đây là điều không thể thiếu đối với một di sản văn hóa lớn của địa phương.

Vừa qua tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (Unesco) đã công nhận nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam là di sản văn hóa Thế giới, đó là niềm tự hào của dân tộc ta. Sắp đến ngoài cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận, Việt Nam còn tiếp tục trình các loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc ta như: ca trù, quan họ, múa rối nước. Mong rằng sau đó văn hóa Sa Huỳnh cũng sẽ được xếp hạng nhân kỷ niệm 100 năm ngày phát hiện nó.

VŨ TÙNG VI - BĐ st

(Theo tờ tin Đức Phổ - Quảng Ngãi. Số Tết 2007 Đinh Hợi)

ÔNG KHAI TRÍ

Ở SÀI GÒN

PHAN PHÚ YÊN

Nhà văn Vũ Hạnh từng kể rằng, năm 1970 ông ra khỏi nhà tù chế độ Sài Gòn cũ thì bị “cấm vận”. Không báo nào mời viết. Không trường nào mời dạy. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhà văn nhờ một người bạn bán giùm cuốn Người Việt cao quý giá một trăm ngàn đồng, tương đương năm lượng vàng, vốn trước đó bị một nhà xuất bản từ chối. Hai hôm sau người bạn nhắn nhà văn tới gặp ông chủ nhà sách Khai Trí để ký giấy bán và nhận tiền. Đếm tiền, nhà văn Vũ Hạnh ngạc nhiên thấy dư hai mươi ngàn đồng. Ông Khai Trí liền nhã nhặn nói, cuốn sách Người Việt cao quý giá trị hơn nhiều so với số tiền mà nhà văn đòi, nên ông trả một trăm hai mươi ngàn đồng! “Tôi không tin ông có cảm tình với cách mạng, nhưng ông là người kinh doanh có văn hóa và tinh thần tự tôn dân tộc, nên mới đánh giá cuốn sách như thế”, nhà văn tâm sự.

Chủ nhà sách Khai Trí ấy chính là ông Nguyễn Hùng Trương sinh ngày 4/7/1926 ở Thủ Đức, Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Mê sách từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bằng số vốn ít ỏi dành dụm qua hàng chục năm trời, đầu thập niên 1950 ông rời ngoại ô lên trung tâm thành phố mở nhà sách Khai Trí tại số 60-62 đại lộ Bonard tức đường Lê Lợi ngày nay. Thời đó, Sài Gòn chỉ có khoảng mười nhà sách. Nổi tiếng nhất là hai nhà sách ngoại văn Albert Portail và Ardin chủ yếu phục vụ cho kiều dân Pháp. Các nhà sách người Việt rất khiêm tốn, thường chỉ mở cửa rộng khoảng một thước để dễ kiểm soát khách hàng. Khai Trí là nhà sách của người Việt đầu tiên mở toang mặt tiền rộng gần hàng chục mét, bày bán nhiều loại sách khác nhau. Khách tự do đọc và lựa chọn. Nhân viên phục vụ là những cô gái trẻ đẹp, mặc áo dài xanh dương, dáng vẻ thanh lịch, cư xử văn hóa. Nhà sách nhanh chóng chiếm cảm tình của đông đảo bạn đọc. Không chỉ kinh doanh đơn thuần, Khai Trí còn hoạt động mạnh trên lĩnh vực xuất bản với hàng ngàn tựa sách chủ yếu hướng vào khoa học giáo dục, bảo tồn văn hóa dân tộc; được xem như “nhà Larousse của Việt Nam”, nổi tiếng tới mức chủ của nó được mọi người gọi bằng “Ông Khai Trí”! Năm 1961, tại triển lãm sách quốc tế ở thành phố Milan của Ý với sự tham dự của hơn 100 quốc gia, Khai Trí là một trong ba nhà sách lớn ở châu Á được vinh dự tham gia. Đích thân Tổng thống Gronchi của Ý đến thăm gian hàng sách và tỏ lời khen ngợi! Có thể nói, Khai Trí là nhà sách lớn nhất và có uy tín nhất Sài Gòn lẫn miền Nam trước ngày đất nước thống nhất.

“Trong tất cả các loại sách, tôi đặc biệt nặng lòng với sách thiếu nhi. Từ năm 1971 tới 1975, tôi chọn lọc xuất bản 300 đầu sách trong bộ “Tuổi thơ” dành riêng cho các cháu nhỏ”. Ông Khai Trí tươi cười nhớ lại, khi tiếp tôi tại một căn nhà kiểu xưa trên đường Điện Biên Phủ quận 3. Bên cạnh đó, tôi còn xuất bản tuần báo Thiếu nhi với sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo có uy tín và tâm huyết với lứa tuổi măng non. Đây là tờ tuần báo duy nhất dành riêng cho các em thiếu nhi ở miền Nam lúc ấy, được các bậc phụ huynh đánh giá cao”.

Năm 1991, ông Khai Trí xuất cảnh theo diện đoàn tụ, sang sống ở California. Nghiệp sách vẫn đeo đuổi ông tận xứ người. Tuy nhiên, quê hương luôn là niềm day dứt khôn nguôi, nhất là đối với những người đã bước qua tuổi lục tuần như ông. Mang tiếng sống nước ngoài nhưng sự thực thì thời gian ông về thăm và ở Việt Nam nhiều hơn. Ít nhất là ba tháng. Nhiều là gần cả năm. Và hai năm gần đây, khi đã ở tuổi thất tuần, dường như ông hiện diện thường xuyên ở quê nhà. Ông tâm sự:

- Đi đâu rồi tôi thấy cũng không bằng quê nhà. Càng lớn tuổi cái tình với quê hương càng nặng. Nên tôi xin hồi hương. Tôi đã làm lại chứng minh nhân dân và có hộ khẩu thường trú tại thành phố. Cứ mỗi lần về Việt Nam là tôi lại muốn tham gia làm sách. Cái nghiệp mà. Những năm tháng còn lại của đời tôi, tôi mong ước được cống hiến cho xứ sở trên lĩnh vực văn hóa, bằng việc phát hành sách báo. Tiền lời sẽ dùng làm học bổng giúp học sinh sinh viên nghèo, trợ cấp cho bệnh viện, trường học hay giúp những nhà văn khó khăn xuất bản các tác phẩm khó bán nhưng có ích. Và khi tôi mất, tôi sẽ tặng hết mọi tài sản cho quê hương!

- Ước muốn chính đáng ấy ông thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

- Tôi đang làm đơn xin lại một vài căn nhà của tôi trước đây hiện do Nhà nước quản lý để làm mặt bằng mở nhà sách, tôi hy vọng Nhà nước sớm chấp thuận, tạo điều kiện tốt để tôi có cơ hội phục vụ bạn đọc.

- Được biết ở Hoa Kỳ ông cũng kinh doanh sách, xin ông cho biết vài nét tình hình phát hành sách tiếng Việt của người Việt ở Hoa Kỳ?

- Trước đây thì rầm rộ lắm. Nhiều người làm giàu nhờ in lại các sách xuất bản trước năm 1975 ở Sài Gòn, mà không phải trả tiền bản quyền. Nhưng thời gian gần đây sách Việt ngữ đã bão hòa. Bà con Việt kiều về thăm quê, khi sang mang theo nhiều sách in trong nước, vừa đẹp lại vừa rẻ hơn so với giá in bên đó. Loại sách bán chạy thường là hồi ký các nhân vật nổi tiếng. Về sách báo thì có khoảng 100 tờ Việt ngữ. Ở California nơi tôi sống chỉ có một tờ nhật báo, còn lại là tuần báo hay bán nguyệt san,…

- Ông có suy nghĩ gì về tình hình xuất bản ở Việt Nam hiện nay?

- Rất phong phú. In ấn đẹp. Nhưng sách ở địa phương nào thì chỉ phát hành ở địa phương đó. Ở Hà Nội có nhiều cuốn sách mà TP.HCM không hề có. Và ngược lại. Vì ít vốn và muốn thu hồi vốn nhanh nên mỗi đầu sách thường chỉ in 1.000 đến 2.000 bản. Thậm chí có nhiều cuốn sách mới xuất bản một thời gian ngắn, tôi đã thấy đem đi bán “xôn”.

- Chắc ông biết ở nước ta hiện nay không cho phép nhà xuất bản tư nhân hoạt động. Vậy kế hoạch tham gia trở lại thị trường sách của ông ra sao?

- Tôi sẽ liên kết với các nhà xuất bản của Nhà nước. Nhà sách thành lập dưới hình thức công ty cổ phần. Địa điểm hoạt động sẽ là một nhà sách lớn gồm nhiều tầng, mỗi tầng trưng bày một loại sách riêng, có phòng đọc, phòng tra cứu tài liệu… và đặc biệt sẽ dành một diện tích đáng kể của nhà sách phục vụ các cháu thiếu nhi.

- Cuối tháng 11/98 vừa qua ông liên kết với Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành tuyển tập “Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc” với 1.120 trang gồm 1.065 bài thơ của mấy trăm tác giả. Vì sao ông lại chọn thơ để “tái xuất” thị trường sách Việt Nam? Liệu ông có thể thu hồi vốn từ việc xuất bản tuyển thơ này không?

- Từ nhỏ tôi đã mê thơ ghê lắm! Thơ với tôi như người tình! Hồi mở nhà sách tôi thấy các em sinh viên học sinh vô nhà sách giở hết tập thơ này tới tập thơ khác say sưa chép. Tôi nảy ý định chép giùm. Và mười năm nay tôi thực hiện ý định đó. Tôi in tuyển thơ 1.000 cuốn nhưng đã tặng cho các tác giả 600 cuốn (cười). Đây là tấm lòng của tôi đối với thơ và các bạn yêu thơ ấy mà!

Ở tuổi thất tuần nhưng trông ông rất cứng cáp, hoạt bát, lịch lãm. Giọng nói vẫn đậm chất Nam bộ. Nụ cười cởi mở luôn ánh trên gương mặt đôn hậu dễ tạo cho người đối thoại sự tin cậy. Ông cho biết sau tuyển “Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc” sẽ tiếp tục in “Tự điển lời hay ý đẹp” và cuốn sách dành cho thiếu nhi “Quê em mến yêu” cũng do chính ông biên soạn. Hy vọng sự “tái xuất” của ông Khai Trí trên thị trường sách sẽ thành công, đem lại cho bạn đọc nhiều cuốn sách hay, hữu ích, đậm đà bản sắc dân tộc như chính ước mơ cháy bỏng cuối đời của ông “vua sách” lừng danh một thời!

HOÀNG KIM THƯ st

Phụ Bản IV

Làm thợ nói

Trong cuộc đời bạn thế nào cũng có dịp phải đứng trước ai đó hay một đám đông để nhả ngọc phun châu:

· Khi còn nhỏ chúc mừng thượng thọ ông bà, chúc mừng sinh nhật cha mẹ hay cám ơn khi được người khác tặng quà…

· Lớn lên đi học được thuyết trình trong lớp về một đề tài nào đó, cảm ơn thầy cô nhân ngày 20/11

· Đến lúc trưởng thành cảm ơn bạn bè dự lễ cưới, đầy năm đầy tháng của con.

· Lớn hơn nữa đi hỏi cưới con mình hoặc đại diện hai họ khi con mình đã lớn.

· Cũng có khi được làm lớn phải đứng ra trước đám đông cho một đại tiệc, một sự kiện nào đó…

· Đến cuối cùng là cảm tạ những người đã đưa người thân của mình về nơi an nghỉ vĩnh hằng…

Vậy ta phải nói như thế nào đây hay là lại nhờ một người có tài ăn nói đứng ra làm thay?

Nhờ người ăn nói ư dễ quá: Một người nào đó đứng đắn ăn nói nghiêm túc thêm vào một chút bài bản là xong. Còn khi ra nhà hàng thì đã có nhà hàng lo rồi. Có nơi chỉ cần một người nhưng cũng có nơi hai người dẫn chương trình một nam một nữ, hay hai anh em song sinh như nhà hàng Sinh Đôi lừng danh một thuở, để một người tung và một người hứng nhịp nhàng như một tràng liên thanh.

Em gái tôi lấy một Việt Kiều ở Mỹ, nó cứ nằng nặc phải làm tại Nhà Hàng Sinh Đôi vì được giới thiệu tại đó có hai anh em Phú Quý và một sân khấu thật đẹp.

Nhiều người can ngăn:

- Ăn ở đó dở lắm còn mang bụng đói về nữa đó…

Nhưng cuối cùng ba má tôi phải chiều theo.

Tiệc đón khách lúc 6g00 và 7g00 vào tiệc nhưng phải chờ 2 anh em chạy sô từ lầu trên đến lầu dưới… mãi gần 7g30 mới thấy xuất hiện…

Phải công nhận là họ tung hứng có bài bản hay thiệt là hay, nổ như bắp rang thay cho pháo. Mọi người vui vẻ vào tiệc quên đi sự bực mình phải chờ đợi. Và đúng như mọi người cho nhận xét lúc đầu món ăn vừa dở vừa ít. Chỉ có sân khấu đẹp và anh em Phú Quý làm tốt công việc của mình xuất sắc. Dĩ nhiên với những bài bổn mà đám nào cũng như vậy.

Cách đây hai năm tôi được vinh dự tham gia một hội nghị tại Trung Tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Số người tham dự trên 3000 người, trong đó chỉ chừng 10 anh mũi lõ Liên Xô còn hoàn toàn là các anh mũi tẹt da vàng nhưng anh dẫn chương trình cứ: Yeah, OK, How are you?... luôn miệng. Họ làm như là nói như vậy mới chứng tỏ mình là người có trình độ, thông thạo ngoại ngữ? Hay là chứng tỏ mình là một thợ nói chuyên nghiệp? Xem TV những người dẫn chương trình nước ngoài họ có nói OK luôn miệng như vậy đâu nhỉ? Tiếng OK phát âm không chuẩn nó làm ta liên tưởng đến một cái khác chẳng hay ho lắm vậy mà cứ bị nghe hoài.

Gần đây các chương trình quảng cáo trên TV chúng ta thường nghe thấy WOW luôn được thốt lên trên đầu (câu) môi các người mẫu, thậm chí cả các em bé cũng luôn miệng WOW nghe phát nhàm.

Tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ của dịch giả Vũ Anh Tuấn thuộc trường phái Thiên Cữu (Cậu Ông Trời):

Trong Ta tiếng Việt đi đầu

Tiếng Anh, tiếng Pháp đi hầu hai bên!

Trở lại việc ăn nói trong đám cưới. Anh tôi sau khi đã chán những lời kính thưa và kính gửi của dân làng, trong một buổi đám cưới của con gái lớn ông đã mạnh dạn vắn tắt:

“Xin cám ơn mọi người không quản ngại đường xá xa xôi đã đến chung vui cùng gia đình chúng tôi. Chúng tôi chỉ mong mọi người tham gia nhiệt tình ăn sạch uống sạch. Xin chân thành cám ơn tất cả quý vị”.

Mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt vì chưa bao giờ được nghe một anh nông dân chính hiệu con cò phát biểu như vậy. Có người chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra vì còn lo đi kiếm chỗ ngồi. Có người đến trễ nghe thuật lại ai nấy đều hoan nghênh. Bởi vì buổi trưa dưới cái rạp ngoài trời nóng kinh người mà lại ông này phát biểu, ông kia đáp từ sau đó nếu có cha xứ lại mời cha xứ ban cho vài lời nữa. Mọi người bên ngoài thì lắng nghe nhưng bên trong thì thầm nói: “Lẹ lẹ đi mấy cha tụi ruồi nó thanh toán hết chất bổ rồi”. Nhiều nhà quê gần khu chăn nuôi ruồi bu đầy, ai ai cũng phải xua ruồi, cầu mong cho giai đoạn chịu đựng này mau mau chấm dứt.

Xin nói thêm để mọi người rõ: Vốn dĩ dân làng tôi làm mọi sự đều phải có bài bổn như một cuộc họp giao ban vậy.

Đầu tiên làm một tờ chương trình đám cưới có những ai? Mục gì?... dán đầu tiệc

Vào tiệc anh thợ nói đọc lại và giới thiệu lại chương trình, giới thiệu quan khách tham gia. Rồi ông này thưa qua, ông kia đáp lại. Ông kia nói dài thì bên họ bên này phải dài hơn kẻo bị chê là ăn nói kém… Mọi việc cứ thế đám nào cũng như vậy riết rồi quen. Đám nào không có cảm thấy thiêu thiếu sợ người ta cười. Chưa hết khi đi chào bàn, cô dâu và chú rể lại được ông đại diện bàn ban cho một chuỗi huấn từ nữa chứ. Chừng 30 mâm, mâm nào cũng như vây và để cho thêm phần xôm tụ, giờ này ban nhạc đang mở loa hết công suất. Các ca sỉ ca lẻ đang gào lên ai mà nghe các bác nói chứ.

Mới đây khi về dự một tiệc cưới tại Long Giao, cũng có đổi mới ít nhiều: Tờ chương trình đã được bỏ, vào tiệc là phải bỏ phong bì và ký tên tại chỗ nên cũng bớt đi bài huấn từ tại bàn. Còn lại thì vẫn làm bạn với ông “vũ như cẩn”… nghĩa là dài lê văn thê từ 3D –Dài Dóc Dai có khi nâng cấp lên 4D, 5 D: Dài Dóc Dai Dở Dại!!!!

Mùa cưới đã bắt đầu.

Giờ đây muốn bàn về chuyện gì cách ăn nói ra sao ta có thể vào google gõ vào vài từ khóa như: MC đám cưới, phong tục cưới hỏi… là ta có thể biết tất tần tật từ các tục lệ cho đến cách ăn nói như thế nào khi đến đàng trai hay khi qua nhà gái…

Bởi thế thời đại internet mới có câu:

Dân ta phải biết sử ta

Cái gì không biết thì tra Google.

Theo một số cụ khi bàn về cách ăn nói có đề nghị như sau:

Ra ngoài có bài bản

Về nhà dùng tình cảm.

Được giải thích như sau:

Ở đâu quá khách sáo, lễ nghi ta cũng phải có bài bản còn những chỗ thâm giao, thân tình chỉ nên dùng tình cảm, nói với nhau bằng sự chân tình chằng cần mượn anh thợ nói làm chi.

Để kết thúc xin được trích dẫn một bài của nhà giáo Lê Hùng Dương (CLB Sách Xưa & Nay) mang tựa đề: Xin cho… một tràng pháo tay.

Thường thường tại các tiệc mừng đám cưới, sinh nhật, mừng thọ, các buổi liên hoan các ông bà “em xi” thường phát biểu vi vút cố là sao cho bữa tiệc thêm phần hào hứng. Chính vì chỗ muốn làm cho bữa tiệc được sôi động và cũng để quảng cáo cho cái nhà hàng của mình, “em xi” phải chế ra những lời thoại hết sức cầu kỳ, lượm lặt những điển tích ca dao, tục ngữ, theo kiểu tiểu thuyết ba xu làm cho thực khách vô cùng khó chịu. Báo chí đã nói nhiều về những trường hợp nói trật lất của “em xi”, như là “buổi tiệc mừng đám cưới” mà cứ gọi là “lễ thành hôn”, hoặc bày trò bảo cô dâu chú rể hôn nhau trên sân khấu. Các cô dâu chú rể lúc đó đang lúng ta lúng túng trên sân khấu nên “em xi” bảo gì làm nấy. Có khi các cô dâu chú rể có trình độ văn hóa kém tưởng vậy là trẻ trung, là hiện đại, là tân thời, là… “mô de thất kinh”.

Còn một chuyện nữa, các “em xi” thường làm cho quan khách không kém phần bực bội đó là trong lúc giới thiệu vòng vo tam quốc, “em xi” cứ dứt mỗi câu là “xin quý vị cho một tràng pháo tay”. Tại sao cứ phải xin hoài như vậy? Có rất nhiều câu vô duyên, khuôn sáo thực khách thấy không đáng cho một cái vỗ tay chứ đừng nói chi tới một “tràng”. Một thực khách không chịu được đã nói: “Sao cácem xi” không chịu hiểu rằng nếu lời nói của họ có duyên hoặc hợp lý hợp tình, người nghe sẽ vỗ tay tán thưởng ngay không cần phải kêu gọi. Sao họ không để tâm tập luyện cách nói hoặc sửa soạn nội dung lời nói cho hay ho hơn thì khỏi phải xin xỏ một tràng pháo tay một cách trơ trẽn như vậy?”. Vị thực khách này còn nói thêm: “Nếu không tin tưởng ở tài ăn nói của mình thì tốt nhất không nên lên diễn đàn”. Đúng vậy, chỉ có một lý do là không tự tin, cho rằng những lời phát biểu ba hoa chích chòe của mình không đủ hấp dẫn, không đủ hay, và sợ khán giả… ngủ gục nên mới phải xin xỏ từng tràng pháo tay như vậy. Khi con người ta không tự tin vào công việc mình đang làm, tốt nhất là không nên làm việc đó, có nghĩa là các ông bà “em xi” đó nên giải nghệ cho rồi.

Mấy ông bà “em xi” này thường cho rằng khi cầm được cái micro để nói trước hằng trăm hằng ngàn thực khách như vậy là hách lắm đấy. Họ là người được nói để cho thực khách có bổn phận phải nghe như “thầy” với “trò”. Cho nên mỗi lần làm xong nhiệm vụ giới thiệu, đi ngang qua những hàng ghế thực khách, mặt các ông bà “em xi” cứ vác lên ra cái điều ta đây là một nhà hùng biện vĩ đại, một người có tài ăn nói xuất chúng.

Nhiều thực khách dễ dãi, thôi thì nó muốn mấy “tràng” thì mình cứ cho đầy đủ không thiếu một tiếng vỗ nào hết miễn là bữa tiệc được tưng bừng, vui vẻ, gia chủ hài lòng. Đó là cái lịch sự của thực khách, các ông bà “em xi” biết rõ điều đó và sẵn sàng lợi dụng nên chốc chốc lại gào lên “xin một tràng pháo tay!”.

Tôi thì không thích như vậy mặc dù hai tay đang… ở không.

Hà Mạnh Đoàn

ĐIỀU BÍ MẬT

CỦA THẦY CORNILLE

Le secret de maître Cornille

của nhà văn Pháp Alphonse Daudet

Ông Francet Mamai là một ông già chơi thổi sáo tiêu… Thỉnh thoảng ông có đến nhà tôi chơi vào chiều tối để uống rượu.

Hôm nọ, vừa uống rượu vang hâm nóng, ông vừa kể cho tôi nghe một thảm kịch trong làng, mà nhà máy xay bột của tôi đã chứng kiến, có gần hai mươi năm qua. Câu chuyện của một người đàn ông làm tôi cảm động, và tôi thử kể lại cho bạn, y như lời mà tôi đã nghe…

Bạn đọc thân mến ạ!... Bạn hãy tưởng tượng chốc lát rằng bạn đang ngồi trước một tô rượu vang nóng đang bốc hương thơm phức, và ông lão thổi sáo tiêu kể chuyện cho bạn nghe…

Quê hương tôi không phải luôn luôn là một nơi buồn bã và vắng điệp khúc như ngày hôm nay đâu!...

Trước kia, người ta khai thác ở đây một thương trường kỹ nghệ làm bột, và trong vòng mười dặm tròn, người nông trại mang lúa mì đến cho chúng tôi xay xát…

Tất cả chung quanh làng, những ngọn đồi được trang bị bởi những nhà máy xay bột cánh gió. Bên phải, bên trái, người ta chỉ thấy toàn là những cánh quay tít theo gió mùa trên ngọn thông.

Từng đoàn, nhiều con lừa nhỏ chở đầy những bao lúa mì, leo lên và chạy xuống dọc theo đường; và suốt cả tuần, lúc nào cũng vui vẻ mà nghe thấy trên tầm cao, tiếng roi nẹt, tiếng phập phồng của tấm vải bạc và tiếng “Da! Hu!...” của những người phụ giúp việc cho nhà máy xay.

Vào ngày chúa nhật, chúng tôi kéo nhau đến các nhà máy bột từng đoàn. Ở đó, các ông chủ lò bột chiêu đãi rượu nho. Các bà chủ đẹp như hoàng hậu, quấn khăn choàng đầu có kết ren và đeo thập tự vàng. Còn tôi thì mang ống sáo tiêu đến tham dự, và mọi người ca hát đến tối mịt.

Các bạn xem đấy!... Những nhà máy xay bột nầy đã đem lại sự vui vẻ và sự phồn thịnh cho quê hương chúng tôi là dường nào!...

Vô phước thay!..., những người Pháp Paris có dụng ý xây dựng một cơ sở nhà máy xay bột chạy bằng hơi nước trên đường Tarascon…

Cái gì mới là tốt!... Người dân có thói quen đưa lúa mì đến cơ sở xay xát hơi nước và các nhà máy bột cánh gió vô tội phải bị thất nghiệp.

Có lúc họ cũng cố gắng chống cự…, nhưng mà hơi nước thì mạnh hơn, và từ cái nầy rồi đến cái khác, tội thay!, tất cả các nhà máy xay cánh gió đều bắt buộc phải đóng cửa.

Người ta không còn thấy những con la nhỏ vãng lai!... Những bà chủ xinh đẹp buộc lòng phải bán thập tự vàng đi!... Hết rồi rượu nho!... Hết rồi múa hát!... Gió mùa cứ thổi mãi!... Các cánh quạt vẫn cứ đứng yên!... Rồi, một ngày đẹp trời nào đó, cộng đồng đành đập bỏ những tàn tích ấy đi, và người ta trồng trọt thay thế vào đó những cây nho và những cây ôliu…

Tuy vậy, giữa đống đổ nát đó, vẫn còn một nhà máy xay bột cánh gió đứng vững vàng và tiếp tục kiên cường quay đều đều trên bục đất của nó, như để thách thức với cái nhà máy hơi nước. Đó là nhà máy xay bột của thầy Cornille, cũng chính là nhà máy xay bột nầy mà chúng ta đang ngồi hội họp đêm nay đây.

Thầy Cornille là một ông chủ nhà máy xay bột già, đã từng sống sáu chục năm trong nghề làm bột, phải phát khùng lên trong vị thế của ông ta. Sự xây dựng nên nhà máy bột chạy hơi nước làm cho ông ta điên tiết mất!...

Trong suốt tám ngày liền, người ta thấy ông chạy khắp làng, khuấy động mọi người chung quanh và la hét rằng họ muốn đầu độc vùng Provence bằng bột của nhà máy hơi nước.

Ông ta nói:

- Bà con đừng đến đó; để làm ra bánh mì, những quân cướp đó đã dùng tới hơi nước, đó là một phát minh của ma quỷ, trong khi tôi làm việc với gió nồm, gió chướng, đó là hơi thở của Thượng Đế!...

Và như vậy đó, ông ta tìm ra một khối từ ngữ đẹp để ca tụng nhà máy cánh gió, nhưng mà không ai nghe theo!

Thế là cơn tức giận quá mức khiến cho ông già tự giam mình trong nhà máy xay bột và sống đơn độc như một con thú dữ. Ông ta cũng không muốn giữ lại bên mình đứa cháu gái Vivette, vừa mới lên mười lăm tuổi, mà cha mẹ nó đã mất sớm, chỉ còn có ông nó trong đời.

Đứa bé gái tội nghiệp nầy đã phải tự tìm kế sinh nhai, và nó làm thuê, một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia, khắp nơi trong các nông trại, với công việc gặt lúa, chăn tằm, hoặc hái ôliu…

Tuy vậy ông ta cũng có vẻ thương mến nó lắm, đứa bé gái đó!. Thường khi ông ta lội bộ cả bốn dặm đường, giữa trời nắng chang chang, để đến nông trại mà con bé đang làm việc, và khi ngồi bên đứa cháu gái, ông ta trải qua hằng giờ để nhìn nó mà khóc!...

Trong xứ, người ta cứ nghĩ rằng ông già lò bột đuổi cháu Vivette là hành động ích kỷ ti tiện, và điều đó cũng không làm vinh dự gì cho ông, một khi mà đứa cháu phải đi lê lết như vậy để đương đầu với bao nhiêu sự tàn bạo của chủ và sự khốn khổ của tuổi trẻ làm thuê!...

Người ta cũng cảm thấy khó chịu rằng một người có danh phận được kính nể như thầy Cornille mà lại ra đường lang thang giờ nầy cũng như một kẻ vô gia cư, chân trần, nón rách, quần áo tả tơi!...

Thực ra, vào ngày chúa nhật, khi ông ta vào xem lễ, lứa tuổi già chúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ cho ông. Có lẽ thầy Cornille cũng cảm thấy như vậy, nên ông không còn dám ngồi vào hàng ghế chánh diện, mà luôn luôn là ở phía sau một xó góc nào đó của nhà thờ, gần bình nước thánh, với các người nghèo khó!...

Trong cuộc sống của thầy Cornille có cái gì đó không rõ ràng. Đã lâu lắm rồi, trong làng không ai mang lúa mì đến…, vậy mà cánh gió của nhà máy ông vẫn tiến triển hoạt động như trước!...

Chiều nào người ta cũng gặp ông chủ nhà máy xay bột già thúc đẩy con lừa đi trước, chở một bao bột to đầy!

Bọn dân quê lên tiếng:

- Mạnh khỏe thầy Cornille ơi!. Nhà máy bột vẫn chạy đều chớ?

Ông già trả lời, với điệu bộ vui vẻ:

- Vẫn chạy đều luôn, các con. Nhờ trời không thiếu công việc!...

Vậy, nếu có ai hỏi rằng công việc ở đâu mà ra nhiều thế, thì ông ta đưa tay lên môi để nghiêm chỉnh trả lời:

- Im lặng nào!, ta làm việc cho xuất khẩu!...

Không bao giờ người ta có thể tìm hiểu thêm điều gì nữa!.

Còn có ý muốn đưa mũi vào nhà máy để xem xét, thì cũng đừng nghĩ tới. Chính đứa cháu gái của ông ta cũng không bước vào được.

Khi đi qua trước nhà, người ta thấy cửa luôn đóng. Mấy cánh gió luôn chuyển động. Con lừa già gậm cỏ trước sân. Con mèo ốm nằm ở khung cửa sổ, đang hung dữ nhìn bạn.

Tất cả đều có vẻ huyền bí, làm cho mọi người bàn tán nhiều. Mỗi người giải thích theo cách riêng mình về điều bí mật của thầy Cornille, nhưng mà, quan điểm chung chung cho rằng trong nhà máy đó có nhiều bao xu hơn là bao bột…

Lâu ngày rồi mọi việc đều được phơi bày; và xem đây là cách nào:

Một ngày kia, đang dẫn dắt đám thanh niên trẻ múa hát với ống sáo tiêu, tôi bắt gặp thằng con trai lớn của tôi và con bé Vivette đang tâm sự với nhau… Thật ra, tôi không cảm thấy bất bình, vì rằng dầu sao danh tiếng của thầy Cornille cũng làm nên danh dự cho gia đình chúng tôi, và sau nữa là con chim xanh Vivette cũng làm cho tôi vui lòng, khi mà trông thấy nó nhảy nhót trong nhà.

Cũng vì đôi uyên ương nầy luôn có dịp gặp gỡ nhau, tôi muốn giải quyết vấn đề ngay lập tức, để tránh rắc rối về sau. Tôi bèn lặn lội lên nhà máy bột để thưa thốt đôi lời với ông ấy…

A!, cái ông già phù thủy nầy!...

Phải biết cách nào ông ta đã đón tiếp tôi!. Không làm sao cho ông ta mở cửa được, tôi đành trình bày lý do của tôi qua cái lỗ khóa, trong khi con mèo ranh ốm đang gầm gừ như quỷ trên đầu tôi. Không để cho tôi có thời gian nói hết câu chuyện, ông ta vội vàng la to một cách khiếm nhã rằng tôi nên trở về với cây sáo tiêu của tôi đi, và nếu có muốn cưới vợ gấp cho con trai của tôi thì hãy đến tìm mấy đứa con gái của nhà máy hơi nước mà cưới. Bạn hãy nghĩ xem máu nóng nó nổi lên là thế nào, khi nghe những lời lẽ xấu xa đó. Nhưng mà tôi vẫn còn đủ sáng suốt để tự kềm chế!.

Bỏ mặc ông già điên đó cho cái cối xay bột của y!, tôi vội trở về thông báo lại cho tụi trẻ nỗi thất vọng của tôi!...

Hai con bê đáng thương hại nầy cũng không thể nào tin được như vậy!. Chúng nó xin tôi cái ân huệ được cùng nhau lên nhà máy để nói chuyện với ông của chúng… Tôi không có can đảm để từ chối,… và thế là, prrt!... đôi tình nhân lên đường.

Đúng vào lúc chúng nó đến trên đó, thì thầy Cornille cũng vừa đi khỏi. Cửa được khóa kỹ, nhưng mà trong lúc ra đi ông lão bỏ quên cây thang ở ngoài. Hai đứa trẻ liền có ý định leo vào bằng cửa sổ để xem qua một chút, coi có cái gì ở bên trong cái nhà máy xay nổi tiếng nầy.

Một điều kỳ lạ!... Căn phòng của thớt cối thì trống rỗng!... Không có một cái bao, không có một hột lúa mì, cũng không có nốt một miếng bột đóng trên vách hoặc trên mạng nhện… Người ta cũng không ngửi thấy mùi thơm nồng của bột lan tỏa… Cây đà ngang bám đầy bụi bặm, có con mèo nằm ngủ ở trên đó!...

Căn dưới có cùng một vẻ nghèo khổ hoang tàn: một cái giường cũ, mấy bộ đồ rách, một miếng bánh mì ở bậc thang, và kế đó, trong một xó góc có ba hoặc bốn cái bao bể chứa toàn là xà bần và đất trắng.

Đó là điều bí mật của thầy Cornille!

Đó là những bao thạch cao, người ta tưởng lầm là bột mà ông ta đã chở rong trên đường để cứu vớt thanh danh cho nhà máy bột cánh gió…

Tội nghiệp cho thầy Cornille!

Tội nghiệp cho nhà máy bột cánh gió!

Đã lâu rồi, nhà máy hơi nước đã giành giựt hết công việc. cánh gió thì vẫn quay mãi, mà cối đá cứ xay không!...

Lũ trẻ trở về, vừa khóc vừa kể cho tôi nghe những gì mà chúng nó trông thấy. Trái tim tôi đau quặn thắt khi nghe… Không mất một phút giây, tôi chạy đến các nhà lân cận, và nói với họ vài câu… Chúng tôi đồng ý tức khắc là phải gom hết lúa thóc có được để chở lên cho nhà máy xay bột của thầy Cornille.

Nói là làm liền!...

Mọi người trong làng đều lên đường, và chúng tôi đến trên đó với đoàn lừa chở đầy lúa mì!... Lúa mì thật sự đó nhé!...

Nhà máy xay bột đang mở cửa toác hoác!...

Trước cửa, thầy Cornille hai tay ôm đầu, ngồi khóc trên bao thạch cao. Khi trở về, ông ta đã nhận thấy có ai đó vào nhà trong lúc ông vắng mặt và đã bắt chợt được điều bí mật đáng buồn của ông ta!... Ông nói:

- Khổ cho tôi!. Bây giờ tôi chỉ có chết mà thôi!... Nhà máy xay bột đã bị ô nhục rồi!

Và ông ta than khóc thảm thiết, gọi nhà máy xay bột bằng tất cả các loại tên, nói chuyện với nó như nói với một người thật vậy.

Vào lúc đó, đoàn lừa đã đến trước sân và chúng tôi bắt đầu la lớn như trong thời gian đẹp đẽ của các ông chủ nhà máy xay:

- Ô! hê!, nhà máy xay bột!

- Ô! hê!, thầy Cornille!

Và, đây là những bao lúa chất đống trước cửa với các hạt lúa đẹp rơi rải tùm lum trên mặt đất…

Thầy Cornille mở to đôi mắt. Ông bụm lúa trong đôi tay gầy guộc vừa nói vừa khóc cười cùng lúc:

- Lúa mì đây rồi!... Thượng Đế ôi!, Lúa mì thật đây rồi!... Để cho tôi xem nó một chút!

Rồi xoay qua chúng tôi:

- Tôi biết là bà con sẽ trở lại với tôi mà!...

Chúng tôi muốn khiêng tôn vinh ông xuống làng.

- Hãy khoan đã, hãy khoan đã, các con, để qua cho cối xay ăn đã… Nghĩ mà xem nào!, đã lâu lắm rồi không có cái gì để vào răng nó!...

Và chúng tôi phải nhỏ lệ khi thấy ông già tội nghiệp xoay xở lăng xăng, bên phải, bên trái, mở các bao lúa, canh chừng thớt cối, trong khi hạt lúa mì được xay xát làm cho bụi bột bay tỏa lên trần nhà!...

Phải thật lòng mà nói, bắt đầu từ ngày đó, chúng tôi không bao giờ để cho ông ấy thiếu việc làm.

Rồi một ngày kia, thầy Cornille mất!, và những cánh gió nhà máy xay bột cuối cùng của chúng tôi cũng ngừng quay vĩnh viễn ở lần nầy!...

Thầy Cornille qua đời!,… không có ai nối nghiệp!...

Biết làm sao đây?!... thưa ông. Tất cả đều phải có một kết thúc ở trên thế gian nầy! Ta phải công nhận rằng thời đại của các nhà máy xay bột cánh gió đã qua rồi!...


Dịch thuật THANH CHÂU


HƯƠNG THẦM

ĐÀM LAN

Ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà cửa sổ phòng tôi lại đối diện với cửa sổ phòng hắn. Nói cho chính xác là phòng của nhà hàng xóm, nhưng hắn thì vốn chưa là hàng xóm của tôi, kể từ lúc gia đình tôi dọn đến. Hắn xuất hiện ở căn phòng đó từ thời nào khắc nào thì tôi không biết, chỉ biết là tối hôm ấy tôi đi dự sinh nhật bạn đến khuya mới về, và bị mẹ mắng cho một trận vì phải chờ cửa, nhưng mẹ mắng con gái yêu thì chẳng có gì đáng phàn nàn, nên tôi sau vài câu nói cười cầu hòa là tọt ngay lên phòng mình. Bật công tắc, điện cúp, không sao, mở cửa sổ ra cho thoáng đã, cánh cửa vừa hé ra, tôi reo lên một tiếng nho nhỏ: Trăng, ồ phải rồi, đêm rằm đây mà, tâm trí tôi đang đầy phấn khích vì ánh trăng mơn man, dãi dễ đến xôn xao cả lòng, thì chợt có một thứ ánh sáng khác lấp lóe, một ngọn nến đang được di động đến cái bàn nơi ô cửa sổ đối diện, tôi vụt nép về một bên khi thấy thấp thoáng bóng người, ánh sáng lập lòe của ngọn nến đủ cho tôi nhận ra phái tính của người ấy. Một gã con trai, thật đáng ghét, sao hắn lại chen ngang vào khoảnh khắc tuyệt vời nhất của tôi thế này chứ? Tôi mê trăng, rất mê, mê lắm, cứ đến tuần trăng là tôi mau chóng học bài cho xong, rồi tắt phụt cái thứ ánh sáng văn minh đi, để tha hồ mộng mơ, lãng mạn dưới vầng sáng lênh loang cả đất trời, trong không gian yên ả của sự lắng dần những thứ âm thanh. Dưới ánh trăng, mọi vật trở nên mơ màng hiền dịu, và trong một lần say sưa với trăng như thế, tôi chợt ngộ ra rằng, vì sao người đời hay ví tình mẹ như một vầng trăng, là vì cảm nhận nét hiền dịu và vẻ như bao dung của thứ ánh sáng nhẹ nhàng này. Thường thì phải đến lúc mi mắt không còn chống đỡ nổi những con vi rút buồn ngủ, tôi mới miễn cưỡng, luyến tiếc mà rời khung cửa sổ đáng yêu để lăn vào giường. Hôm nay có kẻ bỗng dưng xâm phạm mảnh trời riêng của tôi, thế có tức điên lên không chứ. Tôi hậm hực đóng ập cửa sổ lại, khiến nó phát ra một tiếng kêu bất thường, mẹ tôi la lên:

- Làm gì mà mạnh tay vậy hả Duyên? Đêm hôm rồi, cẩn thận đừng làm phiền hàng xóm chứ. Con gái lớn rồi mà chẳng biết ý tứ gì cả.

Lần thứ hai trong ngày tôi bị mẹ mắng, nhưng lần này thì không có cái giọng nũng nịu cầu hòa mà tôi thường sử dụng như một ưu thế của một cô tiểu thư duy nhất mỗi khi nịnh mẹ. Tôi lạu bạu lên giường, nước mắt vòng quanh vì ấm ức. Cửa sổ phía bên kia chợt vang lên nhè nhẹ tiếng đàn guitar. Hừ! Người đâu mà bất lịch sự thế không biết, hay hắn không có đồng hồ? Đấy, mẹ xem, giờ thì ai làm phiền ai chứ? Đầu óc tôi thì đang lục xục thế, nhưng tai tôi lại đang long lóng, một giai điệu quen quen, à… hứ… cái gì mà “khung cửa sổ hai nhà cuối phố…”, nhầm quá to rồi đấy anh bạn ạ. Hai nhà này ở giữa phố cơ, nếu tính cho đúng thì còn là gần đầu phố nữa kia, nên đừng hòng có chuyện “không khép bao giờ” nhé. Tiếng đàn vẫn cứ lênh đênh dìu dặt, giá mà mở được cửa sổ, để vừa ngắm trăng vừa… ơ mà cóc thèm, nhắc đến trăng là tôi lại sôi gan lên vì tức và cả tiếc nữa. Tôi vùng vằng kéo tấm mền trùm kín đầu, bịt cả hai bên gối vào tai, tiếng đàn bướng bỉnh vẫn cứ len vào, len vào rất nhẹ, và rồi tôi thiu thiu thiếp đi trong sự bướng bỉnh ấy.

Tiếng mẹ gọi í ới làm tôi bừng tỉnh giấc, trời đất, sáng bét ra rồi, nhanh nhanh kẻo đi học muộn mất. Tôi quáng quàng xỏ dép, lao tuốt vào nhà vệ sinh, mẹ nhìn tôi lắc đầu:

- Con gái hư chưa kìa, không gọi chắc còn nướng đến cháy đen luôn quá, mai này làm dâu nhà ai, khéo họ chửi cho vuốt mặt không kịp.

Tôi vừa rửa mặt vừa nói nhây:

- T ộ i gì đi làm dâu hả mẹ? Bắt họ về nhà mình không sướng sao?

- Thôi đi cô, nuôi báo cô một người tôi đã muốn chết rồi, cô còn định bắt tôi phải nuôi thêm người nữa à.

- Mẹ yên tâm đi, con học ra trường là con đi làm nuôi mẹ vô tư rồi, ai mà có ý đồ thì cũng phải biết phụng dưỡng mẹ con, chứ không thì đừng hòng.

- Chỉ giỏi liến thoắng cái miệng là không ai bằng, chờ đến lúc cô nuôi tôi thì có mà…

Mẹ tôi nói trong nụ cười mãn nguyện, tôi biết mẹ đang vui, nên bá cổ mẹ nũng nịu:

- M…ẹ, mẹ cứ chê con gái mẹ không à, nhà chỉ có hai mẹ con mình, con không nuôi mẹ thì ai chứ.

- Thôi thôi, được r ồi , mẹ biết con gái mẹ ngoan, có hiếu lắm rồi, chỉ phải mỗi cái tội lười thôi, đứa nào mà nó biết lớn chừng đó rồi mà còn chờ mẹ nấu cơm cho ăn, còn phải nhắc nhở từng tí một, có mà nó vắt giò lên cổ mất thôi.

- Chạy lui lấy đà chạy tới đó mẹ.

Mẹ tôi lườm yêu rồi bảo:

- Ăn sáng đi còn đi học, sớm lắm đấy mà cứ bông phèng mãi.

Cảm ơn mẹ bằng một cái hôn, rồi tôi nhanh chóng thu dọn ổ bánh mì với quả trứng gà ốp la mẹ đã làm sẵn. Xong, dắt chiếc xe đạp mi ni ra cửa, tôi chào mẹ rồi vén tà áo dài, điệu đàng ghé lên yên xe. Bên hàng xóm, cũng một cái yên xe vừa có chủ, nhưng đó là cái yên của xe cúp, phớt cái nhìn qua cặp kính trắng, tôi kiêu kỳ hểnh mặt nhấn pê-đan... Chỉ cần hơn một cấp phương tiện, thì người ta cũng đã dễ dàng hơn mình cả một chặng đường rồi, tiếng động cơ sau tôi, rồi qua tôi, rồi thản nhiên băng lên phía trước. Không một cái liếc, không một cái ngoái lại, đồ… đồ… cục tự ái chèn ngang, tôi chợt phì cười một mình khi nhận thấy mình thật vô lý, quen biết gì đâu, đường họ họ đi, nẻo mình mình bước, can chi mà… vô duyên, đúng là thứ tự ái của con gái đỏng đảnh. Rồi một ngày cũng trôi qua với nhịp sống bình thường, chỉ khi vầng trăng nhô cao khỏi cây phượng đầu phố, mới là lúc tôi mất bình thường. Bỗng nhiên mà tôi và ánh trăng bị cấm vận, vô lý không chịu được, ừ mà sợ quái gì hắn chứ, cửa nhà ta ta cứ mở, ai cấm nào. Hai cánh cửa hùng dũng bung ra, tôi giật thót người khi cả ánh trăng lẫn ánh mắt sau cặp kính lay láy lọt vào cùng một lúc, thẹn quá hóa giận, tôi lại sập cửa đánh sầm một tiếng, mẹ tôi lại la lên:

- Gì đó Duyên? Sao mà cửa nẻo cứ rầm rầm vậy?

Tôi chống chế:

- Tại gió thổi đó mẹ.

- Gió quá thì đừng mở nữa, cứ vậy hư cửa hết.

Tôi lầm bầm: “Mẹ chẳng nói thì con cũng không mở nữa”. Sao mà tự nhiên trời nóng nực quá vầy nè. Mở công tắc quạt, ngọn gió vù vù mà sao vẫn không thấy mát mẻ dễ chịu như gió trời, chợt thèm quá những hôm mở phanh hai cánh cửa đón luồng gió hây hẩy, thanh thoát, mát rười rượi. Trăm tội trăm nợ chỉ tại cái gã chết tiệt ấy. Chẳng hiểu gã từ đâu tới nhỉ? Nhà chú Hải có bao nhiêu người tôi đều biết cả mà, ngoài cô chú ra là hai đứa trẻ nhỏ hơn tôi vài tuổi, thỉnh thoảng vẫn qua lại giữa hai nhà, tôi có thấy thêm nhân vật nào đâu. Hắn có quan hệ thế nào với chủ nhà? Cháu hay là…à phải rồi, chắc người ở trọ, hôm lâu lâu rồi, tôi nhớ cô Hải có nói là xem có sinh viên nào hiền hiền, cô cho ở trọ. Chắc là hắn rồi, sao cô Hải không chọn con gái mà cho trọ nhỉ? Con trai… dù không muốn vơ, nhưng rõ ràng con trai dễ sinh chuyện rắc rối hơn, thì đây đã là một chuyện rắc rối rồi đây. Hình như lại có tiếng đàn, đúng rồi, cái gì, lại “Hương thầm”. Học, học, cóc thèm nghe, thầm với thì, đừng có mà mơ. Mai có giờ kiểm tra, suýt nữa quên thì chết toi rồi. Này sách, này vở, này bút thước… mọi thứ đã bày ra bàn, vở đã lật ra, sách cũng đã lật ra, nhưng những con chữ vẫn cứ như quân múa rối. Thế này thì quá quắt thật, phải làm sao đây? Dễ thường tiếng đàn này như một loại âm khí trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung quá, không chừng nó cứ len lỏi vào tận tim gan phèo phổi, làm tiêu tán cả mười thành công lực của ta chứ chẳng chơi. Bông gòn, chí lý, hai cục bông gòn to tướng được ấn nhét thật cẩn thận vào hai lỗ tai, tịt mít cả đường đi lối về. Vẫn còn hơi văng vẳng, không sao, tập trung tư tưởng một cách tối đa thì tà ma cũng phải nhường bước. Mà thật, quyết tâm cắm cúi vào bài vở một lúc, tôi không còn bị chi phối gì nữa. Đến chừng xong xuôi cả, tôi thở ra một hơi dài chiến thắng, đấy biết mà, cứ quyết tâm cao thì sẽ làm được thôi, giờ thì cho hai lỗ tai thoáng một chút. Nút bông gòn vừa được tháo ra, tiếng đàn xục vào ngay như mừng rỡ. Tốt thôi, được ru ngủ miễn phí sướng quá còn gì, và cũng như đêm trước, tôi thiếp đi trong tiếng đàn, đêm sau đêm sau nữa cũng thế, tai hại hơn là tôi như đâm ghiền tiếng đàn, và có thói quen đoán trước bài sắp tới, hầu như tôi đoán trúng khá nhiều, và phần lớn trong số đó là những nhạc phẩm tôi thích. Rồi mặc nhiên, tiếng đàn trở thành một thói quen. Nhưng có một điều lạ là, ban ngày đôi khi chạm mặt nhau ngoài đường, cả hai vẫn giữ bộ mặt lạnh lùng xa lạ, thậm chí không cả cái cười xã giao, đàn ông gì mà tệ thế chứ, cái miệng của hắn cũng đóng chặt như cánh cửa sổ của tôi vậy. Chả hiểu hắn là người như thế nào nữa, kín đáo hay kiêu ngạo, nhút nhát hay tự ti? Tôi bất ngờ nhận ra những suy nghĩ về hắn đã chiếm mất khá nhiều thời gian của tôi rồi, lạ hơn là tôi không hề có cảm giác khó chịu với phát hiện này, lạ nữa tôi đâm ra siêng học, siêng đến nỗi mẹ tôi cũng hơi một chút ngạc nhiên khi thấy tôi cứ tối đến, ăn cơm xong, rửa vài thứ chén bát rồi lao về phòng, tôi viện lý do là gần thi, bài vở nhiều, mẹ tôi còn ra sức bồi dưỡng cho tôi nữa, kể ra thì tôi cũng không hoàn toàn dối mẹ, và những điểm số của tôi vẫn duy trì ở mức tương đối khá. Cô Thanh dạy văn bước vào, làm cả lớp đang ồn như cái chợ vội im bặt, cuống quýt đứng dậy chào.

- Hôm nay cô giới thiệu với các em là có mấy anh chị giáo sinh đến dự giờ lớp ta, các em nên chú ý giữ trật tự và học cho tốt nhé.

Cả lớp đồng thanh “dạ” rồi hồi hộp nhìn ra cửa. Một, hai, ba, bốn ủa… hổng lẽ… cái cặp kính chình ình kia, lại khóe miệng hơi một nét cười như chế giễu… trời, tôi ngớ người quên chào theo cả lớp. Hắn là người đi vào sau cùng, và tiến thẳng đến chỗ tôi, cứ như là hắn biết rõ tôi ngồi đấy từ bao giờ rồi vậy. Tôi mím môi quay đi chỗ khác, cô Thanh đang xếp chỗ cho mấy anh chị kia, và tôi giật mình khi nghe tiếng cô:

- Duyên, em ngồi vào trong một chút, thầy Lương ngồi đây.

“Chúa ơi!” Không phải là con chiên tôi vẫn thốt gọi thầm như một tín đồ ngoan đạo nhất, chuyện gì thế này? Sao trên đời lại có những ngẫu nhiên lạ lùng đến thế. Tôi nhích vào nhưng vẫn kịp liếc hắn để phải thấy một nụ cười đáng ghét. Tôi ẩy nhỏ Hà:

- Mày lui ra một chút nữa coi.

Nhỏ Hà nhăn nhó nhưng rồi cũng phải dịch ra đến sát mép bàn. Cả một tiết học, tôi và hắn rõ ràng là những học sinh ngoan, ngoan trên cả yêu cầu nữa. Tiếng chuông reo báo hết giờ, hắn thu dọn sổ tay, và chợt nói nhỏ:

- Tối nay có trăng, bé hãy mở cửa sổ ra đi nhé.

Không kịp để tôi phản ứng, hắn đi ngay, tôi cứng đờ như Từ Hải. Nhỏ Hà lom lom nhìn mặt tôi:

- Mày sao vậy?

Tôi giật mình:

- Có gì đâu.

Từ chiều đến tối, tôi như người say sóng, làm gì cũng lóng nga lóng ngóng, lụp chà lụp chụp, mặc dù tôi đã cố tự nhủ chẳng có gì phải bận tâm. Trong đầu óc tôi vẫn âm âm câu hắn nói, sao mà cú sút đầu tiên vào màng nhĩ tôi lại trầm ấm đến thế. Cái con bé ương ngạnh bướng bỉnh trong tôi trốn đâu mất rồi? Đồ hèn, vừa ra trận đã bỏ mặc tôi bơ vơ rồi. Tối đến, ăn vội chén cơm, tôi nói với mẹ là hơi nhức đầu muốn nghỉ sớm, làm mẹ tôi lo lắng vội vàng tìm thuốc, phải trấn an mẹ mãi mới yên. Tôi bịt tai, mắt đăm đăm nhìn cánh cửa sổ đầy bụi. Không, tôi không mở, không mở thật mà. Ai lại bó giáo quy hàng một cách dễ dàng thế. Không, dứt khoát là không mở, mà cũng không nghe nữa, đúng là ngón đàn của hắn là một thứ võ công siêu đẳng, đã thâm nhập lục phủ ngũ tạng của tôi mà phá hết thành công lực rồi. Nhưng quái lạ, sao hôm nay không có tiếng đàn nhỉ? Tôi nhìn đồng hồ, trễ hơn giờ mọi ngày rôì, hắn có bị làm sao không? Hay hắn bận đi đâu chưa về? Hay hắn giận? Không có lý, nếu giận thì đâu có nói với tôi như thế chứ. Nỗi lo tăng lên, sức phản kháng yếu dần, tôi lần đi đến cánh cửa sổ, rụt rè đưa tay lên chốt lại rụt lại, cứ như chạm phải lời thề vậy. Lần thứ ba thì cái chốt được đẩy lên, cánh cửa nhích dần ra, và tôi chợt như muốn níu lại khi một cơn gió hất nó ra nhanh hơn, và cũng như lần trước, cả ánh trăng cùng ánh mắt sau cặp kính lấp lánh ù vào một lúc, nhưng lần này tôi không đóng ập cửa lại được nữa, vì từ cửa sổ bên kia, một cái cây máng trên ngọn một mảnh giấy cùng một bông hoa vượt không gian sang cửa sổ bên này, tôi gỡ mảnh giấy ra xem “Đừng đóng cửa nữa nhé”. Hai má tôi nóng lên, trông sang đôi mắt đang chờ đợi, tôi ngượng ngùng gật nhẹ. Mẹ ơi! mẹ có biết con gái mẹ bỗng trở nên e lệ, dịu dàng từ lúc nào rồi không?

ĐÀM LAN

 

 

|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế