Hiện có 7 người xem / 2339561 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 10/9/2016

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Mở đầu phiên họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai tân quý thư mà ông mới có. Đó là hai cuốn cổ thư bằng Pháp văn một cuốn in năm 1913 (103 năm trước) và một cuốn in năm 1923 (93 năm trước. Ba tuần lễ trước, vào một buổi sáng, anh H. một người chuyên săn lùng cổ thư, và hễ gặp được gì lạ và cổ là luôn dành ưu tiên cho Dịch giả Vũ Anh Tuấn, đã ghé thật sớm, và mang lại hai cuốn cổ thư này. Vừa mở trang đầu Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mừng húm khi trông thấy hai chữ Sển ở ngay trên bìa hai cuốn sách. Đây là thêm một bằng chứng rõ ràng về sự tan tác của tủ sách của ông cụ Sển, mà Dịch giả Vũ Anh Tuấn mỗi khi gặp cuốn nào đều mua cho bằng được để các cuốn sách lại được tái đoàn tụ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cuốn đầu in năm 1923 mang tựa đề là “Nghệ thuật đọc sách”(L’art de lire) của tác giả Émile Faguet (1847-1916) là một nhà văn Pháp loại thường thường bậc trung, nhưng cuốn nghệ thuật đọc sách này thì rất hấp dẫn với người viết vì anh ta là một người thích đọc sách từ bé.

Cuốn thứ nhì in năm 1913 mang tựa đề là “Truyện ngắn của Vasselier” (Contes de Vasselier). Nhân vật Vasselier (1735-1798) là một Viện sĩ của Hàn Lâm Viện thành Lyon, và đây là một cuốn sách trong đó Viện sĩ này đã viết những truyện ngắn bằng thơ rất hấp dẫn và dễ thương, dễ nhớ với các độc giả. Cuốn truyện ngắn này còn có những đặc điểm là nó nằm trong bộ sách mang tên là “Hộp sách của người yêu sách” (Le coffret du bibliophile) là một bộ sách rất quý vì số lượng in ra chỉ vỏn vẹn có 760 bản có đánh số và phải được đặt trước mới có. Bản người viết mua được mang số 167. Loại sách này rất quý, và ngay sau khi mua được người viết đã vào hai trang mạng Amazone và Abes books thì thấy trang nào cũng ra giá trên 100 Euros, đặc biệt có một trang tên là Books Buy thì lại ra giá tới 666 Euros. Tuy nhiên, đối với người viết giá trị vật chất chẳng là cái gì cả, và điều mà anh ta thích là hai cuốn cổ thư này đã từng là tài sản của ông cụ Sển, một người bạn cũ, và sau đó là cả hai cuốn đều hay một cách giản dị, ích lợi chứ không nhăng nhít, ẩn dụ hiện dụ, hậu hiện đại, hậu ma dại gì. Sau khi được giới thiệu, hai cuốn sách đã được một số thành viên chuyền tay nhau xem.


Sau khi Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu hai quý thư, anh Phạm Vũ đã đăng đàn và có một bài nói chuyện ngắn về Đại văn hào Victor Hugo và những tác phẩm để đời của ông. Tiếp lời anh Phạm Vũ, anh Dương Lêh đã lên nói thêm vào chi tiết về Victor Hugo và nói về đề tài “Văn học và Hoa” và về các nhân vật như Vương An Thạch và Tô Đông Pha. Tiếp lời anh Dương Lêh, anh Nhựt Thanh đã lên nói về một số tục cúng bái như: cúng giải hạn tam tai, cúng Thần Nông, cúng Tổ nghề Thuốc, cúng Tổ các ngành nghề vv… Sau khi anh Nhựt Thanh nói xong, anh Thanh Châu, với tiếng hát át tiếng bom, đã lên hát tặng các thành viên bài Giọt mưa thu . Anh Thanh Châu hát xong, cô Cúc lên hát tặng các thành viên bài Nhạc tuổi xanh của Phạm Duy. Tiếp lời cô Cúc, cô Hoài Ly lên ngâm tặng các thành viên bài “Thơ tình mùa thu”. Sau cô Hoài Ly, cô Thúy Mai lên ngâm tặng các thành viên các bài “Nhớ đấng sinh thành” và “Một truyện tình yêu”. Tiếp lời cô Thúy Mai, anh Bá Mạnh lên ngâm bài vè vui “Đám cưới bà A”. Sau anh Bá Mạnh, cô Thùy Hương lên hát bài “Anh tôi” tặng các thành viên. Sau đó anh Lê Nguyên lên hát “Chùm thơ Haiku về mùa Thu” và bài “Có một ngày đầu Thu”. Tiếp lời anh Lê Nguyên, anh Lang Nguyên lên ngâm tặng các thành viên hai bài thơ do chính anh sáng tác. Sau anh Lang Nguyên, cô Kim Sơn lên giới thiệu một Công Ty Du Lịch cho người Cao Niên và đọc tặng các thành viên bài thơ mang tựa đề là “Sợ”. Sau cô Kim Sơn anh Hừng lên giới thiệu một cuốn Kỷ Lục Thế Giới 2017, là một cuốn hơi kỳ cục vì mọi người hiện còn đang ở trong năm 2016, và 2017 thì còn ở trong tương lai. Cuối cùng, anh Thanh Châu nổi hứng lên hát tặng các thành viên bài ca thứ nhì là bài Thằng Cuội.

Buổi họp kết thúc thật vui vào 11g15 và mọi người hẹn nhau sẽ gặp lại trong tháng tới.

VŨ THƯ HỮU


VÀI CHI TIẾT VỀ

MỘT QUÝ THƯ TUYỆT VỜI

MÀ ÔNG TRỜI MỚI CHO GẶP

Sáng hôm qua, tôi có ghé qua tiệm sách ngay trước cửa nhà để hỏi thăm chỗ bán kệ để sách bằng sắt, và tình cờ bắt gặp quý thư này nằm chình ình ngay trên một chồng sách ở ngay giữa nhà. Tôi thích quá, vì sách là do nhà Le Robert một nhà xuất bản thật đứng đắn mà tôi rất thích làm, và mang tựa đề là Tự Điển Thành Ngữ và Từ Ngữ. Sách dày 888 trang và được xuất bản năm 1994, nghĩa là mới 22 năm trước, và với số trang như vậy, có thể nói đây là cuốn đầy đủ nhất về Thành Ngữ và Từ Ngữ mà tôi gặp từ trước tới giờ. Là người thích tiếng Pháp từ bé, nay gặp được một cuốn như cuốn này, tôi thực sự cảm ơn Hoàng Thiên đã cho tôi gặp nó. Đơn giản là vì tiếng Pháp có rất nhiều thành ngữ lạ mà không phải tự điển nào cũng có định nghĩa chính xác. Với cuốn này, ngoài việc định nghĩa, các tác giả còn cho biết nguồn gốc, cho biết tại sao thành ngữ này lại có nghĩa như vậy, cho biết những thành ngữ tương tự, cũng như cho biết thành ngữ này đã được sử dụng trong tác phẩm nào trong quá khứ v.v… Vừa mua về và mới cưỡi ngựa xem hoa trong giây lát, tôi đã thực sự vui khi thấy rất nhiều từ ngữ và thành ngữ lạ, xin được nêu ra một vài thành ngữ như sau đây:

1. “Un grand abatteur de bois” (Một người đốn gỗ giỏi), theo nghĩa đen là một người tiều phu đốn gỗ giỏi, nhưng theo nghĩa rộng và nghĩa bóng của thành ngữ thì lại là “một đấng nam nhi giỏi nghề… làm tình” và trong thế kỷ thứ 15, trong cuốn “Một trăm truyện ngắn mới” (Cent Nouvelles nouvelles) thì lại là “Un grand abatteur de femmes” (Một người đốn đổ các quý bà rất giỏi). Đây là những thông tin không dễ tìm trong các tự điển thông thường.

2. “De A jusqu’à Z” (từ đầu đến cuối), thành ngữ này thì ai cũng biết. “Ne savoir ni A ni B” (hoàn toàn dốt nát, chẳng biết chi cả), thành ngữ này cũng vậy, ai cũng biết, nhưng “N’avoir pas fait une panse d’A” (Chưa hề viết cái bụng chữ a) có nghĩa là “chưa hề viết lách hoặc sáng tác được cái gì” thì không phải ai cũng biết. Thật là tuyệt vời cho một kẻ yêu thích tiếng Pháp (như một dụng cụ làm việc) như người viết vì không phải chỉ có vài thành ngữ khó hiểu và khó tìm định nghĩa trong các tự điển thông thường, mà TRÊN THỰC TẾ VỚI CUỐN TỰ ĐIỂN NÀY CÓ HÀNG CHỤC NGÀN CHỮ MỚI LẠ để người viết học hỏi, tra cứu trong những ngày giã từ vật dụng (Anh và Pháp ngữ) để chỉ đọc sách, chơi tranh cho tới ngày đi… hành hiệp với một người hắn siêu yêu!

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI

VŨ ANH TUẤN

CHÚT KỶ NIỆM VỚI

THÀNH VIÊN CLB SÁCH XƯA & NAY

Bs. NGUYỄN LÂN-ĐÍNH

VỪA VỀ CÕI VĨNH HẰNG

Những thành viên thường xuyên sinh hoạt ở CLB Sách Xưa & Nay hẳn không thể nào quên một thành viên cao tuổi, đậm người, mái tóc hoa râm, đôi kính gọng đen cố hữu, khuôn mặt toát ra nét hiền hòa, nói năng từ tốn, nhẹ nhàng, thường mang cái túi xách cũ màu trắng, trong đựng vài quyển sách, mỗi lần đến họp vẫn ngồi ở bàn đầu, hàng ghế bên tay mặt của phòng họp tại Nhà Thờ Tân Sa Châu. Đó là Bs. NGUYỄN LÂN-ĐÍNH, Chuyên Gia Dinh Dưỡng, là một trong những thành viên thường xuyên góp bài vở, và đi họp đều đặn.

Thỉnh thoảng ông thuyết trình về đề tài Dinh Dưỡng, báo cáo về một cuộc hội thảo đã dự, giới thiệu một quyển sách hay, một phương pháp trị liệu. Hào hứng nhất là khi ông kể về kỷ niệm với ông nội: Học Giả Nguyễn Văn Vĩnh mà ông tự hào là người cháu được ở bên ông lâu nhất. Ông hãnh diện vì là cháu của “chú bé kéo quạt”, xuất thân nghèo khó, nhưng nhờ đầu óc thông minh, học lỏm, mà trở thành thư ký, dần dà trở thành bậc tiền bối, là một trong những người dẫn đầu, khơi dậy nền văn học nước nhà, dịch thuật, làm báo, góp phần đưa văn học Pháp và tiếng Việt đến với dân tộc.

Tôi thường xuyên gặp ông trong những kỳ họp và có chút kỷ niệm nho nhỏ với ông, xin kể lại: Có lần ông khoe vừa lấy ráy tai nên nghe rất rõ. Ông nói: “Trước kia tôi nghe tiếng được tiếng mất, nên đôi khi gật gù cho qua. Từ lúc lấy ráy tai mới nghe được rõ ràng, không ngờ cái cục ráy tai mà lợi hại như vậy!”. Lần khác ông kể: “Có người thấy tôi không có con, hỏi tôi có buồn không? Tôi trả lời là tôi chỉ buồn ngủ và buồn cười”. Ông khoe với tôi là ông đã thực hành theo cách Thiền mà tôi vẫn viết trong Bản Tin làm tôi cũng thấy đôi chút hãnh diện vì bài mình viết được chú ý, theo dõi và thực hành theo. Đó cũng là cái hạnh phúc nho nhỏ của người viết.

Một số thành viên trong CLB khi phát biểu trong kỳ họp đôi khi có vẻ hơi sôi nổi. Riêng ông, suốt nhiều năm, tôi chưa hề thấy ông có thái độ chứng tỏ không hài lòng với bất kỳ phát biểu của thành viên nào. Hàng tháng, đến giờ họp, ông vẫn lặng lẽ đến, nhẹ nhàng ngồi vào đúng chiếc ghế của mình, nhận Bản Tin rồi chăm chú mở ra đọc và lắng nghe phát biểu của mọi người.

Thế là CLB lại mất thêm một Thành Viên. Dù biết đó là quy luật không thể tránh khỏi, nhưng khi được thông báo, mọi người không khỏi bất ngờ vì trong lần họp cuối cùng cách đây 2 tháng, ông còn phát biểu về sự nhầm lẫn giữa Họ Nguyễn và chữ lót Lân của ông với gia đình Nguyễn Lân nổi tiếng ở Miền Bắc. Ông hứa sẽ viết một bài nói rõ về điều này. Vậy mà...

Với cách sống được thể hiện mà ai tiếp xúc với ông đều nhận thấy: Hiền hòa, thân thiện, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch sự... tôi tin rằng không cần sự hộ trì hay cầu xin của ai mà ông đương nhiên đã về cõi tốt đẹp. Dù vậy, với gia đình nào có người thân ra đi cũng thấy đó là một sự mất mát lớn lao. Xin thành kính chia buồn cùng phu nhân và đại gia đình của Bs. NGUYỄN LÂN-ĐÍNH.

Mục đích Sống An, Chết Lành mà mọi người dù theo bất cứ tôn giáo nào đều mong mỏi thì tôi thấy rằng Bs Đính thân mến của chúng ta đã đạt được điều đó. Xin vĩnh biệt một Thành Viên tích cực của CLB. Có thể giờ này Bs Đính và ba Thành Viên đi trước đang phối hợp hoạt động, mở chi nhánh CLB bên cõi kia, vì đã có một Phó Chủ Nhiệm (Lưu Nhật Quang), một Nhà Thơ, (Xuân Vân), và một nhà nghiên cứu (Phạm Phú Thành), nay lại bổ sung một Bác Sĩ Dinh Dưỡng cho đa dạng. Tôi tin rằng khi một người đã xác định mục đích sống của mình là phổ biến cái hay, cái tốt đẹp vì cộng đồng, thì sẽ không ngưng nghỉ dù là ở bất cứ cõi nào. Và sự rời bỏ thân xác chỉ là thay đổi một phương tiện để nhận cái mới hơn, nhiều năng lượng hơn để làm việc hiệu quả hơn mà thôi. Cái chết thật ra là một chu trình tự nhiên phải diễn ra, không có gì đáng sợ, đáng đau khổ như nhiều người từ cõi chết trở về đã kể lại…

Tháng 9/2016

Tâm Nguyện


THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ

“CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG”

Bản dịch của L inh mục Aug. Nguyễn Văn Trinh

(Tiếp theo số 124 )

II. TOÀN CẦU HÓA SỰ THỰC DỤNG KỸ THUẬT

106. Vấn đề cơ bản là một điều khác, sâu xa hơn, đó là cách con người thực sự đón nhận kỹ thuật và sự phát triển của nó liên hệ với thực dụng đồng nhất và một chiều hướng duy nhất. Theo sự thực dụng này, quan niệm về chủ thể phải được làm nổi bật, trong tiến trình hợp lý, chiếm lấy đối tượng nằm bên ngoài. Chủ thể này sẽ được phát triển nhờ việc tạo nên một phương pháp khoa học dựa vào kinh nghiệm rõ ràng, là một kỹ thuật chiếm hữu, thống trị và chuyển hóa. Gần như chủ thể này đối diện với một điều gì không có hình thức, hoàn toàn sẵn sàng để sử dụng. Sự can thiệp của con người trên thiên nhiên được minh chứng, nhưng về lâu về dài, gần như có một dấu chứng đi kèm theo, có thể sử dụng các khả năng do các vật đưa đến, như là đón nhận thực tại tự nhiên từ bản chất đưa đến. Ngược lại, bấy giờ, điều con người chú tâm là lợi dụng tất cả vật chất đến trong tay mình mà không biết hay quên đi thực tế đang ở trước mắt họ. Vì thế, tại sao con người và các vật thể không còn giang tay đón nhận nhau nhưng đối diện nhau cách đối kháng. Từ đó đưa đến ý nghĩ về một sự phát triển vô hạn, không còn ranh giới gì nữa, do say mê với lợi lộc kinh tế, tài chính và kỹ thuật. Việc phát triển này giả thiết có một sự dối trá về việc sử dụng vô giới hạn các tài nguyên của hành tinh, đưa đến việc “o ép” đến tận cùng hay có khi vượt quá ranh giới. Đó là một giả thiết sai lầm, khi cho rằng “con người có thể sử dụng năng lượng và tài nguyên vô giới hạn, và tin vào việc tái tạo tức khắc, cũng như các hậu quả tiêu cực do việc sử dụng, không thành vấn đề gì cho trật tự thiên nhiên”[86].

107. Vì thế, chúng ta có thể nói, khởi đầu biết bao nhiêu khó khăn của thế giới hiện tại đã có một xu hướng - không phải lúc nào cũng ý thức - muốn nắm vững phương pháp và đặt mục đích cho khoa học kỹ thuật một mẫu kiến thức lệ thuộc vào đời sống con người và hoạt động của xã hội. Hiệu quả viêc sử dụng mô mẫu này vào thực tại con người và xã hội có thể được xác định qua việc gây hại cho môi trường, đương nhiên chỉ là một dấu hiệu cho việc đúc kết hay ảnh hưởng xấu cho cuộc sống con người và xã hội trong mọi chiều kích. Người ta phải công nhận rằng các sản phẩm do kỹ thuật không hoàn toàn vô hại, chỉ vì chúng tạo một mạng lưới, cuối cùng tạo cách sống cho con người, định hướng cho mọi khả năng xã hội vào lợi ích của một nhóm quyền lực được xác định. Những quyết định chắc chắn xem ra chỉ dựa vào xu hướng vật chất, trong thực tế chỉ là những quyết định hướng vào sự tiếp tục phát triển của đời sống xã hội.

108. Không còn khả năng để suy nghĩ bảo vệ cho một thực dụng văn hóa khác và sử dụng một kỹ thuật như chỉ là công cụ. Sự thực dụng về mặt kỹ thuật đã trở thành chủ lực, thực khó bỏ qua phương tiện của nó và càng khó hơn nữa để sử dụng nó mà không làm chủ được hệ luận của nó. Điều này trở thành “chống văn hóa - kulturwidrig - une contre-culture” khi chọn một lối sống với mục đích ít là không lệ thuộc vào kỹ thuật, vào giá trị và quyền lực toàn cầu hóa và toàn khối hóa. Trong thực tế, kỹ thuật có xu hướng tìm cách đưa tất cả vào lô-gíc của mình và con người nắm lấy kỹ thuật, biết rằng “trong kỹ thuật cuối cùng không nhắm đến sự hữu dụng và sự tốt đẹp, nhưng là thống trị, một thứ thống trị với ý nghĩa tuyệt đối của nó”[87]. Vì thế, “nó tìm cách nắm bắt các yếu tố thiên nhiên cũng như các yếu tố của hiện sinh con người”[88]. Khả năng quyết định, sự tự do đích thực và không gian sáng tạo của từng người bị thu hẹp lại.

109. Sự thực dụng công nghệ kỹ thuật hướng đến việc thống trị kinh tế và chính trị. Kinh tế nắm lấy từng phát triển kỹ thuật để phục vụ cho lợi nhuận, không chú tâm đến hệ quả tiêu cực có thể xảy ra cho con người. Tài chính bóp chết kinh tế thật sự. Người ta chưa học được những bài học từ những cuộc khủng hoảng tài chính trên khắp thế giới, và cũng học rất chậm các bài học về ô nhiễm môi trường. Vài người cho rằng, kinh tế và kỹ thuật hiện tại có thể giải quyết được vấn đề môi trường, cũng như người ta quả quyết với ngôn ngữ bình dân, vấn đề nghèo đói, khổ ải trong thế giới có thể dễ dàng giải quyết cách đơn sơ với việc phát triển thị trường. Đây không phải là vấn đề về lý thuyết kinh tế, mà không ai bảo vệ được, nhưng thực sự nó có liên hệ đến sự phát triển kinh tế. Nhiều người không dám phát biểu điều này, họ bảo vệ hành động của họ, khi một số lượng thỏa đáng của sản phẩm, nhưng lại không chú tâm đến việc phân chia sự giàu sang cách tốt đẹp, môt liên hệ có trách nhiệm với môi trường hay quyền lợi của những thế hệ tương lai. Thái độ của họ cho thấy mục đích thật sự của họ là tuyệt đối hóa thu nhập. Nhưng thị trường tự nó không bảo đảm cho việc phát triển nhân bản trọn vẹn, cũng như cho xã hội[89]. Chúng tôi cho rằng “cách thức phát triển siêu đẳng và nhằm vào lợi nhuận, không thể chấp nhận được trong những hoàn cảnh đau khổ mất nhân phẩm trường kỳ”[90] và những cơ quan kinh tế cũng như những chương trình xã hội cho phép người nghèo khổ nhất có thể tiếp cận đến các tài nguyên căn bản, cũng khó mà thực hiện cách nhanh chóng. Người ta sẽ không bao giờ suy nghĩ đủ về những nguyên nhân đưa đến việc bất bình đẳng hiện tại, có liên hệ đến mục đích, ý nghĩa và hiện trạng xã hội của việc phát triển kỹ thuật và kinh tế.

110. Sự đặc thù của kỹ thuật sẽ đem đến cho mình một sự khó khăn lớn để có thể nhìn toàn vẹn. Việc phân mảnh khả năng hiểu biết chu toàn phận vụ của mình, nếu chỉ nhắm vào những áp dụng cụ thể, nhưng thường làm mất đi ý nghĩa của tổng thể, những liên hệ giữa các vật, và cho cả tầm nhìn rộng rãi không còn ý nghĩa gì nữa. Điều này cũng ngăn cản việc tìm kiếm những lối đi thích hợp để giải quyết những vấn đề phức tạp của thế giới hiện tại - nhất là những vấn đề đụng chạm đến môi trường và người nghèo - là những vấn đề không thể chỉ tiếp cận bằng một cái nhìn duy nhất hay dựa theo một thứ lợi ích. Một loại khoa học muốn đưa ra những giải đáp cho những đòi hỏi lớn lao, cần phải nhận thức tất cả sự hiểu biết về những bình diện kiến thức, bao gồm cả triết học và đạo đức xã hội. Đây là hướng đi rất khó đón nhận trong ngày hôm nay. Vì thế, người ta không dễ nhận ra tầm nhìn đạo đức mà người ta phải hướng vào. Cuộc sống cứ để mặc cho hoàn cảnh mang dấu ấn kỹ thuật, được xem như phương tiện duy nhất để giải thích cho hiện sinh của mình. Trong thực tế cụ thể mà chúng ta đối mặt, có nhiều hiện tượng xuất hiện rõ ràng cho thấy sai lầm - tỉ dụ như ô nhiễm môi trường, lo sợ và đánh mất ý nghĩa của cuộc sống và cộng đoàn. Người ta cũng thấy rõ ràng: “Thực tại đứng trên ý tưởng”[91].

111. Văn hóa sinh thái không thể bị đúc kết vào một chuỗi giải đáp khẩn cấp và manh mún cho các vấn đề nổi cộm như hủy hoại môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm. Phải tạo một cái nhìn khác thôi, một suy tư, một chính trị, một chương trình giáo dục, một cách sống và một tinh thần chống lại sự tiến triển của thực dụng kỹ thuật. Nói một cách khác, ngay cả những ý tưởng tốt đẹp về môi sinh cũng có thể chấm dứt qua việc đóng kín mình trong lý luận toàn cầu. Chỉ tìm phương cách kỹ thuật cho mỗi vấn đề môi trường mới xuất hiện, thì chỉ là tách biệt các sự vật, trong thực tế các sự vật này phải nối kết với tất cả thực tại, và che đậy những vấn đề sâu xa của hệ thống toàn cầu.

112. Có thể khai triển tầm nhìn. Sự tự do của con người có khả năng đặt ranh giới cho kỹ thuật, định hướng nó để phục vụ cho một mô mẫu phát triển, mạnh khỏe hơn, nhân bản hơn, mang tính xã hội nhiều hơn và trọn vẹn hơn. Sự giải thoát khỏi thống trị thực dụng của kỹ thuật diễn ra thật sự trong nhiều hoàn cảnh, tỉ như khi những cộng đoàn sản xuất nhỏ quyết định áp dụng những hệ thống sản xuất ít ô nhiễm hơn, nâng đỡ cho một cách sống, hạnh phúc và liên kết với nhau không định hướng vào lợi nhuận; hay kỹ thuật định hướng cách giải quyết các vấn đề cụ thể của kẻ khác, với ý muốn giúp đỡ những kẻ khác sống xứng đáng và ít đau khổ hơn; hay khi với một ý thức tạo sự tốt đẹp và việc chiêm ngắm điều đẹp đẽ sẽ giúp người ta vượt qua quyền lực chỉ nhìn sự vật như đối tượng, như vậy sẽ đưa đến một cách giải thoát được thực hiện trong vẻ đẹp và trong con người đang chiêm ngắm vẻ đẹp. Nhân bản đích thực mời gọi chúng ta đi đến một tổng đề mới, xem như ở giữa văn minh kỹ thuật gần như như bụi bậm thấm thấu qua cánh cửa đóng kín. Dù gì đi nữa, có thể có một sự phản kháng với điều được cho là đích thực hay không?

113. Mặt khác, xem ra con người không còn tin vào một tương lai hạnh phúc nữa, họ không mù quáng tin vào một bình minh tốt hơn từ tình trạng hiện tại của thế giới và những khả năng kỹ thuật. Họ ý thức thực tại rằng sự phát triển khoa học và kỹ thuật không hứa hẹn cho tương lai và lịch sử hạnh phúc, và nhận thức rằng, những con đường cơ bản cho tương lai hạnh phúc phải rất khác. Người ta không còn nghĩ nhiều đến những khả năng kỹ thuật đem đến. Nhân loại đã thay đổi một cách sâu xa, việc gia tăng các điều luôn luôn mới chỉ đưa đến sự chóng qua dẫn chúng ta theo hướng nhìn sự vật chỉ hời hợt bên ngoài. Thực khó cho chúng ta để biết dừng lại, tìm sự sâu thẳm của cuộc sống. Khi các kỹ sư xây dựng phản ánh lại tinh thần của một thời đại, sẽ đem các nhà cao tầng và một chuỗi cao ốc để làm nổi bật tinh thần kỹ thuật toàn cầu, trong đó điều mới mẻ thường trực của các sản phẩm sẽ kết hợp với sự chán ngán nặng trĩu. Chúng ta phản đối việc này và cũng không bỏ qua suy nghĩ để tìm hiểu mục đích và ý nghĩa của tất cả. Một cách khác, chúng ta phải chấp nhận hoàn cảnh hiện tại và cần đến những thế phẩm để chịu đựng sự trống rỗng.

114. Điều đang xảy đến ngay lúc này đặt chúng ta vào tình trạng khẩn cấp đưa đến một cuộc giải phóng văn hóa thật can đảm. Khoa học và kỹ thuật không phải là vô thưởng vô phạt, nhưng từ đầu cho đến lúc cuối tiến trình cũng chứa đựng nhiều ý đồ và khả năng để tạo dựng cách khác. Không ai đòi hỏi phải trở về thời đồ đá, khi người ta còn sống trong hang hóc, nhưng điều tất yếu là phải làm chậm lại bước tiến để nhìn vào thực tế một cách khác, đón nhận những bước tích cực và lâu dài, đồng thời đánh giá lại các giá trị và những mục đích lớn lao nhưng bị phá vỡ bởi một sự cuồng nhiệt hoang tưởng.

III. KHỦNG HOẢNG VÀ HẬU QUẢ CỦA THUYẾT TÂN TIẾN TẬP TRUNG VÀO CON NGƯỜI

115. Thuyết nhân bản tân tiến cuối cùng đi đến nghịch lý vì đã đặt lý luận kỹ thuật lên trên thực tế, chỉ vì “con người không còn cảm nhận thiên nhiên như một định lệ có giá trị, cũng không đem lại cho mình một nơi trú ẩn sống động. Con người không còn nhìn thiên nhiên dưới một định kiến thích hợp như không gian và chất liệu cho một công trình mà người ta có thể quăng đi, không cần biết kết quả như thế nào”[92]. Với cách thức này, giá trị mà thế giới mang trong mình, sẽ yếu đi. Nhưng nếu con người không tái khám phá vị trí đích thực của mình, họ sẽ không hiểu rõ về mình và cuối cùng phản lại thực tại của mình... “Không chỉ có trái đất được Thiên Chúa ban cho con người, nhưng khi con người sử dụng, phải chú ý đến chủ đích đầu tiên khi nó được ban cho con người; nhưng con người cũng được Thiên Chúa ban cho chính mình và phải tôn trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý mà trái đất được tạo thành”[93].

116. Trong thời tân tiến, có một thứ chủ thuyết nhân bản tập trung vào con người một cách vô độ, dưới nhiều hình thức khác, vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay hủy hoại các liên hệ chung và tìm cách củng cố các liên hệ xã hội. Vì thế đã đến lúc phải chú tâm đến thực tế với các ranh giới mà chúng thiết đặt và các khả năng đưa đến một sự phát triển lành mạnh, có hiệu quả trong lãnh vực con người và xã hội. Một cách trình bày không đầy đủ về nhân học Kitô giáo có thể đưa đến một quan niệm sai lầm về liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Thường là một giấc mơ ảo tưởng Prométhé về chủ quyền trên thế giới, gợi lên ý tưởng như là sự lo lắng cho thiên nhiên cũng là chuyện của những người yếu kém. Cách nghĩ đúng đắn quan niệm con người như “chủ” của vũ trụ, nằm ở chỗ, con người phải là quản lý có trách nhiệm.

117. Sự thiếu sót về việc chăm sóc để đo lường những tai hại cho thiên nhiên và hậu quả môi sinh của các quyết định, đó chỉ là phản ánh rõ ràng nhất của việc không thích thú gì để nhận thực sứ điệp mà thiên nhiên được ghi khắc trong cơ cấu của mình. Khi người ta không nhận ra trong một thực tế, giá trị của người nghèo, của một bào thai, một cá nhân phải sống trong tình trạng thương tật – để chỉ nêu ra vài tỉ dụ – người ta cũng sẽ rất khó để lắng nghe tiếng gào thét của thiên nhiên. Tất cả đều liên kết với nhau. Nếu như con người cho rằng mình hoàn toàn độc lập với thực tại và mình là chủ tuyệt đối, thì nền tảng hiện sinh của mình sẽ tự nó bị đổ vỡ, vì “thay vì trách nhiệm như là người cùng hoạt động với Thiên Chúa để thực hiện công trình sáng tạo, con người lại tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa và cuối cùng gợi lên sự chống đối của thiên nhiên”[95].

118. Hoàn cảnh này đưa chúng ta vào một thứ thần kinh phân lập triền miên, chỉ biết tôn vinh kỹ thuật mà không nhận ra giá trị của những sinh vật khác, đến độ phủ nhận giá trị đặc biệt của con người. Nhưng người ta không thể bỏ qua nhân loại được. Sẽ không có một liên hệ mới nào với thiên nhiên mà không có con người mới. Sẽ không có môi sinh học mà không có nhân học thích ứng. Khi con người bị xem như một hữu thể giữa các hữu thể khác, xuất xứ từ một trò chơi của tình cờ hay một thứ tiền định vật lý, bấy giờ “ý thức trách nhiệm bị xóa đi trong lương tâm”[96]. Một chủ thuyết nhân bản sai lệch không thể dành chỗ cho thuyết “tập trung vào sinh học” vượt lên trên được, như thế có nghĩa là đưa đến một liên hệ mất thăng bằng, không những không giải quyết được các vấn đề, nhưng lại càng gây thêm nhiều vấn đề khác. Người ta không thể đòi hỏi từ con người một sự dấn thân tôn trọng đối với thế giới, nếu không công nhận kiến thức, ý chí, tự do và tinh thần trách nhiệm đặc biệt của con người và đánh giá cao các khả năng đó.

119. Việc phê phán chủ thuyết nhân bản lệch lạc đã đưa ý nghĩa các liên hệ giữa con người vào hậu cảnh. Khi cơn khủng hoảng môi sinh mang ý nghĩa một sự phá vỡ hay là làm nổi bật một cơn khủng hoảng về mặt luân lý, văn hóa và tinh thần của thời hiện đại, chúng ta không thể đòi hỏi việc chữa trị cho liên hệ của chúng ta với thiên nhiên và môi trường, mà không chữa trị liên hệ nền tảng giữa con người. Khi suy tư Kitô giáo đòi buộc một giá trị đặc biệt cho con người đối với các thụ tạo khác, sẽ có cơ hội để đánh giá từng cá nhân và đòi phải công nhận những kẻ khác. Một khai mở cho “một người đối diện” với khả năng nhận biết, yêu thương và đối thoại, thì đó là một giá trị quý giá của con người, Vì thế, để có một liên hệ thích hợp với thế giới thụ tạo, thì không cần phải đánh giá thấp chiều kích xã hội của con người, cũng như chiều kích siêu vượt, sự cởi mở cho Thiên Chúa. Thật vậy, người ta không thể nhìn liên hệ với môi trường bị tách biệt khỏi liên hệ với những người khác và với Thiên Chúa. Đó có lẽ chỉ là một nét đẹp của môi trường, ẩn giấu dưới một chủ thuyết cá nhân lãng mạn và một sự đóng kín nghẹt thở trước siêu vượt.

120. Vì tất cả nằm trong liên hệ, nên việc bảo vệ thiên nhiên không được làm cớ để hợp thức hóa việc phá thai. Một con đường giáo dục, đón nhận người yếu đuối chung quanh chúng ta, đôi khi cũng làm cho chúng ta khó chịu hay không cần thiết, xem ra không thể thực hành được, khi người ta không bảo vệ một bào thai, ngay như việc sinh nở làm cớ cho những khó khăn và bất lợi: “Khi ý nghĩa cá nhân và xã hội đối với việc chấp nhận một cuộc sống mới bị mất đi, thì những hình thức đón nhận hữu ích cho đời sống xã hội cũng bị khô cằn”[97].

121. Đang có một triển khai cho một tổng đề mới có thể lướt thắng những biện chứng sai lệnh của thế kỷ cuối cùng, Kitô giáo, trung thành với căn tính của mình và bảo vệ gia sản chân lý được đón nhận từ Đức Giêsu Kitô, sẽ luôn suy nghĩ lại và diễn tả trong một cuộc đối thoại với những dữ kiện lịch sử mới, qua đó làm nổi bật điều mới mẻ vĩnh cửu [98].

(còn tiếp)

(Đã được Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh cho phép phổ biến)

ĐỌC LẠI

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG

(tiếp theo số 124)

Đây là phương pháp đã điều trị cho hơn 3.000 người đã từng mắc bệnh nan y, bị các Bệnh viện từ chối vì không chữa được nữa đã đến đây, trị dứt bệnh rồi ở lại làm đệ tử của Đạo Viện luôn, không trở về nhà nữa.

Trường hợp nữa là một Tiến Sĩ Vật Lý người Ai Cập tên Hamoud El Sarim (mà sau đó Gs. Spalding đã kiểm chứng là đã nhập học ở Trường Ofxord năm l856 và tốt nghiệp Tiến Sĩ Vật Lý năm 1864), ông đã bỏ ngành để cả đời giúp cho các hồn ma. Ông này có bạn bè trong thế giới người chết. Có thể kêu hồn ma đan áo cho một Gs. trong phái đoàn, còn thêu cả tên vị Gs. này lên áo để chứng minh đó là sự thật.

Tóm lại, ngoài những gì đã được chứng kiến ở Anh, sang Ấn Độ, phái đoàn được biết thêm là qua Thiền, các Đạo Sư đã biết trước phái đoàn du khảo nước ngoài sẽ đến nên sắp xếp những cuộc đón tiếp. Phái đoàn được bảo vệ âm thầm và được gặp các bậc Đạo sư hàng đầu của Ấn Độ theo lệnh của vị Chân Sư. Họ không ngờ ở tận cùng sâu thẳm của một đất nước Ân Độ nghèo nàn, lạc hậu, phía sau những tu sĩ lang thang, rách rưới, những đạo sĩ dụ rắn để kiếm từng đồng lẻ là những bậc cao nhân thông kim, bác cổ. Họ trình bày một cách uyên bác về đủ các môn từ toán học, sinh học, cho đến chiêm tinh và những môn huyền bí, khoa học thời cổ và đặc biệt tả rất rõ về thế giới bên kia. Theo đó, tất cả các Chân Sư ở Núi Tuyết cũng như các bậc Đạo Sư hiện diện ở Ấn Độ đều làm việc và chờ đợi sự xuất hiện của Đức Di Lặc mà theo truyền thống thì Ngài sắp hạ sanh. Điều đó quả là lạ lùng với người Phương Tây, làm cho họ sinh lòng ngưỡng mộ, muốn học hỏi. Hơn nữa, theo một Đạo Sư, thì một trong các nhà khoa học trong phái đoàn vốn kiếp trước đã từng tu ở đây, nay quay lại dưới bộ da người Phương Tây, nên việc họ quay trở về với chốn cũ cũng không là điều đáng ngạc nhiên nếu ta tin thuyết Luân Hồi. Các vị Chân Sư cho rằng sứ mạng của phái đoàn là phổ biến sự huyền bí của Phương Đông cho thế giới. Theo lời một Đạo Sư kể thì những bậc Chân Sư có vị sống đến hàng ngàn năm vẫn còn trong Núi Tuyết. Họ âm thầm giúp cho thế giới bằng cách ban rải các nguồn thần lực.

Đó là những gì được đúc kết trong HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG.

Tôi tin rằng không riêng gì những Nhà Khoa Học, mà tất cả những ai đọc quyển sách này đều bị chinh phục bởi những điều có vẻ kỳ bí, lạ lùng như nuốt chất độc, chôn sống mà không sao, hay dùng thần thông đọc được tâm tư người khác hoặc nói cho biết trước điều gì sắp xảy đến, bởi vì quá phi thường so với cuộc sống mà mọi điều có vẻ tầm thường hàng ngày diễn ra trước mặt. Thật ra, lúc chưa nghiên cứu sâu lý thuyết của Đạo Phật thì tôi hết sức ngưỡng mộ, vì thấy đó là điều không phải ai cũng có thể làm được mà đòi hỏi một thời gian luyện tập rất công phu. Nhưng sau một thời gian khá dài, nắm vững lý thuyết, cách thực hành, cũng như là kết quả mà Đạo Phật mang lại cho người hành trì theo, thì tôi thấy thật ra những điều đó tuy rất siêu việt, nhưng không có lợi ích thực tế bao nhiêu. Cách giúp đời bằng ban rải thần lực có vẻ khá mơ hồ, không có gì chứng minh được. Bởi một sự thật không thể chối bỏ là dù người tu cao cỡ nào, luyện được cho mình có thần thông, biết trước nhiều thứ cũng đâu có làm thay đổi được số mạng của người nào hay thay đổi được cục diện thế giới? Những gì các Đạo Sư biểu diễn thật là cao siêu, huyền bí, nhưng trong Kinh Phật có ghi lại về những cái chứng đắc mà người Thiền Định, Đức Phật cho rằng: “Chỉ cần cái tâm an định, người tu sẽ khai mở được Thần Thông, Thiên Nhãn, đọc được tâm tư người khác, biết trước việc xảy ra, thấy được các cõi, và nếu chịu khó tập luyện thì cũng làm được nhiều việc phi thường. Tuy nhiên, những việc này đối với người tu Phật không có lợi ích, chỉ làm họ xao lãng hoặc tự kiêu thôi, không đưa đến Giải Thoát của Đạo Phật được”.

Sự chờ đợi Đức Di Lặc giáng thế để giúp đời có vẻ thiếu thực tế, vì các vị không biết trong Chính Kinh, hình ảnh “Ngài Di Lặc hạ sinh”, chỉ là ẩn dụ cho sự thành công của người tu sau khi chuyển hóa được Lục Căn. Nếu có nhìn hình ảnh được cho là Ngài Di Lặc chúng ta sẽ thấy một ông bụng phệ ngồi cười toe toét, quanh mình là 6 đứa trẻ leo trèo, đùa nghịch. Sáu đứa trẻ tượng trưng cho Lục Căn. Trước khi tu hành thì nó là “Lục Tặc”, tức là Sáu tên giặc, lúc nào cũng phá khuấy, làm cho con người phải phiền não. Khi chuyển hóa được nó rồi, thì nó trở thành Sáu đứa trẻ vô hại, hoặc được gọi là “Lục Hộ Pháp”, vì giúp đỡ cho người tu. Cho nên những người đọc Kinh mà chưa hiểu, thường nhìn ra bên ngoài, mong chờ một ngày Đức Di Lặc sẽ giáng trần, không ngờ điều đó nói về sự thành tựu trong nội tâm người tu. Qua đó, ta thấy có lẽ các Đạo Sư Ấn Độ nghiên cứu con đường tu hành qua Thánh Kinh của Đạo Thiên Chúa và Kinh Sách của Tiểu Thừa, không phải Đại Thừa.

Nói về cứu độ thì ngay cả Đức Thích Ca là người sáng tạo ra Đạo Phật, được cho là “có thể cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới” cũng không cứu được nước Ấn Độ của Ngài thoát khỏi thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, đói nghèo…? Bằng chứng là nước Ấn Độ với bao nhiêu tệ nạn, thiên tai liên tiếp trong những năm vừa qua làm chết gần cả chục ngàn sinh mạng, sụp đổ bao nhiêu tòa tháp cổ rất đau lòng đã liên tiếp diễn ra. Và theo những gì được viết trong quyển sách này, các vị Đạo Sư vẫn có mặt ở Núi Tuyết, biết trước nhiều việc sắp xảy ra, nhưng cũng không thông báo được tai nạn khủng khiếp sắp diễn ra để người dân đề phòng. Hơn 9.000 mạng người đâu có phải là ít! Nếu đã biết trước đại họa sao không cứu họ? Chờ bao giờ mới cứu? Dù làm ra bánh mì nhưng cũng không cho ai ăn được, và cũng không cứu đói cho ai được! Họ lại không được lạm dụng quyền năng. Theo tôi, có quyền năng nhưng không thể tùy ý sử dụng khác nào người coi kho bạc nhưng không được phép xài tiền. Như vậy liệu ta có nên tiêu tốn thời gian để luyện cho có những phép thuật đó chăng?

Đối với người trần mắt thịt như ta thì Thần Thông quả là những gì cao siêu, nhưng với Đạo Phật thì Thần Thông không có giá trị. Truyền thuyết có viết, sinh thời Đức Thích Ca đã từng trả lời cho một đạo sĩ khi ông ta khoe: “với 40 năm tu luyện ông có thể đi qua sông mà không cần đò”. Đức Phật đã nói: “Tại sao phải bỏ ra ngần ấy năm để làm cái việc qua sông trong khi chỉ cần mấy xu là đã có người đưa qua?”. Điều đó hết sức là thực tế nhưng nhiều người không nhận ra. Thật vậy, người tu Phật thật sự thì không có luyện Thần Thông, cũng không khai mở Thiên Nhãn, vì có đọc được tâm ý người khác hay thấy được cõi bên kia cũng không được ích lợi gì, không giúp đỡ hay cứu vớt được gì cho họ, chỉ làm cho cái tâm thêm xao động mà thôi. Đọc trong Kinh VU LAN BỒN chúng ta đã thấy: Khi Ngài Mục Liên dùng Thần Thông đi tìm mẹ, thấy mẹ đang bị hành hạ, đói khát trong ngục thì bèn dâng cơm cho mẹ, nhưng cơm cũng hóa lửa, Bà Thanh Đề cũng không dùng được. Ngài về bạch Phật xin tìm cách cứu cho mẹ mình. Đức Phật cảm động tấm lòng của hiếu tử bèn cùng Thánh Chúng bay lên hư không, dùng nước cam lồ rưới tắt lửa Địa Ngục. Nhưng tắt Địa Ngục này thì Bà Thanh Đề lại sinh trong một Địa Ngục khác. Kinh viết rất rõ để chúng ta hiểu rằng kể cả Phật, là người được cho là có quyền năng cao nhất cũng không thể làm thay đổi Nhân Quả của người khác được, cho dù đó là mẹ của đệ tử ruột của mình! Thậm chí còn quở trách khi có một đệ tử dùng thần thông bay lên ngọn tre để lấy cái bát trầm hương theo thách thức của chủ nhân. Hành vi đó bị trách là “như người phụ nữ vén khố lên cho người xem để nhận được chiếc bát mẻ góc!”.

Trong khi các vị Chân Sư sống nhiều thế kỷ, như lời một Đạo Sư, thì lịch sử Đạo Phật cho thấy: Giáo chủ của Đạo Phật là Đức Thích Ca chỉ thọ có 81 tuổi. Thời gian sống Ngài không hề biểu diễn thần thông hay nói chuyện sau, trước hoặc làm điều gì có vẻ thần bí. Trong cuộc sống, hàng ngày Đức Phật và đệ tử vẫn đi bộ để khất thực. Khi bệnh vẫn kêu Ngài Anan mang bình đi xin sữa. Lúc gần chết cũng kêu đau nhức. Rõ ràng Đức Phật sống cuộc đời bình thường như tất cả mọi người trong xã hội.

Đạo Phật không có khuyến khích giữ cái Thân sống cho lâu, mà dạy con người chấp nhận cuộc đời là Vô Thường. Chấp nhận Quy luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Chấp nhận cái Thân kết hợp bằng Tứ Đại có lúc sẽ hư hoại. Muốn tu hành để Giải Thoát thì quay vô Tâm mà tu, vì “Giải Thoát hay ràng buộc cũng do một Tâm”, nên không cần tìm đến xứ nào, chỉ nhắm vào Cái Tâm mà tu sửa.

Các Đạo Sư trong sách cũng nói rằng tu để Giải Thoát, nhưng không thấy đề cập đến tu thế nào để được Giải Thoát. Họ cũng nói về Nhân Quả, nhưng tin vào Đức Mẹ và các Chân Sư, tin những sự huyền bí, linh thiêng, cầu nguyện, luyện thân bằng Yoga, để có sức khỏe mà luyện Tâm và mong chờ Đức Di Lặc giáng trần một ngày nào đó, theo như trong sách cổ có ghi lại.

Nếu so sánh cách thức tu hành của các Đạo Sĩ, Chân Sư theo như mô tả trong sách, thì có thể gọi đây là những người tu theo Thiên Thừa. Họ giống như bên Thông Thiên Học hơn là Đạo Phật, vì chủ trương luyện thân xác để được tồn tại lâu. Luyện những phép thuật. Tin vào Chân Sư, Phật, Chúa, Đức Mẹ, và thường dùng lời của Thánh Kinh để giải thích. Muốn tu hành thì phải bỏ hết cuộc đời. Hành trình về Phương Đông của họ là phải đi vô Núi Tuyết, sống cuộc sống ẩn dật. Trong khi đó, tu theo Đại Thừa là Tu nơi chính cái Tâm của mỗi người, ngay trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình, trong cuộc đời, giữa cảnh đời, không cần phải đi tìm đâu cho xa vời, vì Giải Thoát hay ràng buộc đều ở đó. Kết quả là “Thoát Phàm ngay chính trong Phàm”, “Thoát phiền não ngay trong phiền não”, như Hoa Sen mà Đạo Phật dùng làm biểu tượng, ở giữa bùn mà vẫn nở hoa thanh khiết.

Chúng ta hoàn toàn tôn trọng quyền tự do lựa chọn cách thức sống cũng như tu hành của mỗi người. Các vị Đạo Sư, Chân Sư đều có ý muốn tốt đẹp là tu hành đạt được quyền năng siêu nhiên để giúp đời rất đáng tôn trọng. Nhưng muốn là một lẽ, làm được hay không, và nên làm như thế nào còn là chuyện khác. Và những quyền năng siêu nhiên đó có giá trị thật sự, hữu dụng cho mọi người hay không cũng là điều đáng suy nghĩ. Vì ta nghĩ sao, nếu vài năm sau Gs. Spalding có thể bay vun vút trên đường? Một nhà khoa học như Ngài làm được điều đó hẳn sẽ lôi cuốn thêm nhiều người khác. Con đường tu hành và tiến hóa của các Đạo Sư mà ta thấy ghi lại, chỉ là: Nuốt chất độc mà không sao. Chôn sống trong quan tài cả 48 ngày không chết. Tự nhấc bổng lên cao, hay bay vun vút trên đường, hoặc mang mùi hương, trái cây đến để biểu diễn cho nhóm đối tượng đặc biệt nào đó hay mở Thần Nhãn tiếp xúc với thế giới bên kia… Liệu những việc đó có thể giúp ích gì cho nhân loại?

Vì thế, nếu cho phép chọn đối tượng để ngưỡng mộ, tôi sẽ chọn những nhà khoa học, vì những việc họ làm rất thực tế, giúp ích cho đất nước, con người, cải thiện cuộc sống, chiến thắng nhiều bệnh tật, mang lại biết bao nhiêu lời ích cho con người. Cụ thể như Bill Gates và chiếc máy Vi Tính. Qua chiếc máy nhỏ bé, toàn thế giới được giao lưu với nhau dễ dàng chỉ cần một cú nhắp chuột. Biết bao nhiêu người đã nhờ vào phát minh của ông để làm việc, học hỏi, kinh doanh hiệu quả hơn, và điều quan trọng là dù ông bỏ rất nhiều thời gian để làm việc, thì giờ ngủ nghỉ rất ít, nhưng ông cũng không bo bo giữ những đồng tiền mà mình kiếm ra, để hưởng thụ, mà lập quỹ để khuyến khích các nghiên cứu khoa học giúp cải thiện cuộc sống cho con người và làm biết bao nhiêu điều tốt đẹp khác cho đời. Chưa hết, ông còn làm di chúc để lại hầu hết tài sản để làm từ thiện. Gần đây là ông chủ của Facebook, nhân đầy tháng con, tuyên bố hiến 90% cổ phần để hỗ trợ những nghiên cứu khoa học. Đó chẳng phải là những bậc siêu phàm còn gì, cần gì phải bay vọt lên không trung hay lao vun vút trên đường? Hơn thế, thần thông của các vị tu hành dù khổ luyện để đạt được, nhưng bị hạn chế. Nhiều lắm là đưa bản thân qua sông, hoặc chu du vào cõi thần tiên hay Địa Ngục. So với thần thông của khoa học: Có thể dự báo thiên tai để con người đề phòng. Chế tạo ra tiện nghi cho con người dùng. Nghiên cứu sản phẩm về thuốc men càng lúc càng tốt hơn để chữa bệnh. Thay thủy tinh thể cứu vô số con người khỏi mù. Lắp được răng, mắt, chân tay giả. Thay cả tim, phổi, gan. Cắt bỏ phần xương thịt bị hoại tử để kéo dài sự sống cho con người. Chỉ cần một chiếc máy bay và một phi hành đoàn, thần thông của con người có thể đưa cả mấy trăm người đi vòng quanh trái đất, thậm chí là lên cả mặt trăng, sao Hỏa, là điều mà thần thông của bậc tu hành dù có cao siêu thế mấy cũng không thể làm nổi. So ra ai mới xứng đáng được ngưỡng mộ vì lợi ích thực tế cho con người, phù hợp với lời Phật dạy đền TỨ ÂN hơn.

Dù cũng thấy đây là một quyển sách rất đáng đọc, vì giúp cho nhiều người hiểu biết thêm về những Đạo Sư, Chân Sư ở xứ Ấn Độ - cái nôi cũng Đạo Phật - Những phép thuật kỳ bí như lấy mùi hương, trái cây từ xa, làm ra bánh mì, thuật khinh công v.v… vẫn tồn tại. Những điều này xem như nét đặc thù của Ấn Độ, không nơi nào còn lưu giữ được. Thế nhưng, dù các vị Chân Sư còn cả kho tài liệu vô cùng xưa cổ và cũng không ngừng tích cực luyện tập với mục đích giúp đời, nhưng cũng không giúp cho đất nước họ phồn thịnh, dân họ bớt nghèo, bớt khổ hơn. Nhiều năm qua, hàng ngàn nông dân đã tự tử vì mất mùa, vì bất mãn. Bệnh tật, thiên tai vẫn đe dọa Ấn Độ triền miên, vậy thì chư vị mắt lấp tai ngơ, hay cho rằng Nhân Quả không thể thay đổi? Nếu đã không thay đổi được Nhân Quả của cá nhân hay đất nước, vậy thì các vị sẽ cứu đời cách nào với bao nhiêu khổ luyện đó?

Về phương diện tu Phật, thì cũng nhờ những gì được các nhà Khoa Học khám phá rồi ghi lại, tôi mới biết ra là Ngài Ramakrisna, người được coi như vị Thánh của Ấn Giáo, nổi danh ra tới Châu Âu chỉ là nhờ luôn chiêm nghiệm về cái Chết, về Vô Ngã, Hữu Ngã. Điều đó đối với người tu Phật theo Đại Thừa thật quá quen thuộc. Người tu nào từ lúc mới bước vào cũng đều phải Soi, Quán đề tài này, và còn rất nhiều đề tài khác, không chỉ dừng ở đó. Như vậy thật ra đâu có gì ghê gớm để đáng được nổi tiếng hay được phong là thánh nhân? Nhưng một điều đáng được lưu ý là người tu theo Đại Thừa ở nước ta còn có Kinh Sách để kiểm chứng đúng hay sai cho câu trả lời, trong khi các Đạo Sư bên đó lại không. Qua đó, tôi thêm tự tin để thấy rằng có lẽ có nhiều trường hợp được thổi phồng một cách quá đáng bởi thiếu kiến thức về Đạo Phật chăng?

Việc cho rằng các bậc Chân Sư đang hiện diện trên cõi đời, có đời sống siêu nhân loại, cả đời sống ẩn dật và làm được những điều phi thường tôi tin là có. Nhưng tôi lại không ngưỡng mộ bằng đối với một con người bình thường, nhưng có thể làm điều gì đó, dù nhỏ nhoi, nhưng giúp ích cho cuộc đời một cách thực tế. Và việc tu hành, theo một Đạo Sư là phải bỏ ra 4 năm để luyện thân, rồi mới đến luyện Tâm, thì tôi cho rằng khác nào Đại đế Alexander phải chiến thắng Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, A Phú Hãn và Ấn Độ thì mới “có một giấc ngủ bình an”!

Một Đạo Sư cũng có nói về Phật Tánh, chứng tỏ các vị cũng có nghe về điều này. Nhưng tại sao không đi tới đó bằng con đường Đốn Giáo “Trực chỉ Chân Tâm, Kiến Tánh thành Phật”, lại phải vòng vèo nhiều năm qua con đường Yoga, quên rằng cuộc sống là Vô Thường? Và tại sao lại phải bỏ tất cả để vào Núi Tuyết, gọi là “Về Phương Đông” thì mới tu được? Phải chăng là do thiếu tài liệu hướng dẫn về cách hành trì để đạt đạo, bởi chính lời của một Đạo Sư cũng nói: “Tuy cõi trần hư ảo, nhưng nó có lợi ích của nó, vì con người chỉ có thể tìm hiểu, phát triển qua các rung động thô thiển này mà thôi. Các bậc Chân Tiên, Bồ Tát trước khi đắc quả vị đều phải chuyển kiếp xuống trần làm các công việc vĩ đại như một thử thách cuối cùng”. Công việc vĩ đại cần phải làm đó lẽ nào lại chỉ là để mở Thần Thông, Thiên Nhãn, biết được thuật khinh công, hay bay vun vút trên đường? Tuy được đánh giá là phi thường, và với cái lạ, cái đặc biệt, làm cho nhiều người say mê mà quên rằng những điều đó không giúp ích gì được cho ai, và chắc chắn cũng không thể đưa hành giả tới bến bờ Giải Thoát được.

Tâm Nguyện

(Tháng 11/2015)

KHỞI SẮC VĂN HỌC DỊCH

Đầu năm nay, bước vào mùa xét giải sách 2007 của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng sơ khảo mảng sách văn học dịch, gồm 9 ủy viên Hội đồng Văn học dịch, đã nhận được một danh sách có tới 20 đầu sách, sau đó được tiếp tục bổ sung, tổng cộng chốt lại là 23 đầu sách. Có đầu sách 2 tập, thậm chí có một đầu sách gồm tới 8 tập. Trước một số lượng như vậy riêng việc đọc giám định quả cũng vất vả, song cũng rất vui. Vui vì như vậy chứng tỏ sách văn học dịch giờ đây đã khởi sắc. Phần lớn số sách đưa vào xét giải là những tác phẩm xuất sắc, có giá trị. Kể cả 6 đầu sách thuộc loại văn học thiếu nhi như ta quen gọi. Đó là những tác phẩm nổi tiếng của các nền văn học khác nhau như: Mặt trời nhà Scozta của Laurent Gaudi, Biên thành của Thẩm Tùng Văn, Cô đơn trên mạng của Z.Wisnewski, Người đọc của Bemhard Sehlink, Shelling đôi cánh thiên thần của David Almond, Totem sói của Khương Nhung, Hạt cơ bản của Michel Honellrbercq, Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Harakami, Sonheshka của Ludmila Ulitxkaya hay Kitchen của Banana Yoshimoto, Hoang thai của Sorota Yarakowsk, ba tác phẩm Mắt sói, Cám ơnNhư một cuốn tiểu thuyết của Daniel Pennac, Năm người gặp nhau trên thiên đường của Mitch Albom, Huynh đệHứa Tam Quan bán máu của Dư Hoa, Tình ơi là tình của Elfriede Jelinek, Hồ điệp của Vương Mông… và tập thơ Khúc hát trái tim của Mattie J.T.Stepanek.

Thực hiện dịch các tác phẩm trên là các dịch giả đã được bạn đọc cả nước biết đến và tin cậy như Dương Tường, Phạm Tú Châu, Trần Đình Hiến, Hoàng Hưng hay Lê Bá Thự, Vũ Công Hoan và các dịch giả tên tuổi mới nổi lên như Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Thị Kim Hiền, Cao Việt Dũng, Nguyễn Thị Thanh Thư, Ngân Hà, Đa Huyên, Nguyễn Thanh Xuân, Lê Minh Cẩn, Lê Quang, Phạm Minh Hằng, Hồng Vân, Lương Việt Dũng, Nguyễn Thị Hiền, và lần đầu tiên xuất hiện trên sách văn học dịch: dịch giả Hữu Việt.

Trước các tác phẩm của một đội ngũ dịch giả như vậy thật khó lựa chọn ra cuốn sách để trao giải. Đành phải bám chắc vào quy chế giải thưởng của Hội đã ban hành, kết hợp với các tiêu chuẩn đánh giá một bản dịch văn học, làm phương pháp loại trừ dần Hội đồng sơ khảo chọn ra được năm cuốn sách để bỏ phiếu kín. Kết quả chỉ một tác phẩm duy nhất được phiếu cao đưa lên chung khảo. Tại Hội đồng chung khảo, một tác phẩm dịch khác được bổ sung để xét và bỏ phiếu. Nhưng kết quả vào giải vẫn là tác phẩm duy nhất mà Hội đồng sơ khảo đã đưa lên và sau đó Ban chấp hành Hội đã thông qua: Bản dịch của Hữu Việt - tập thơ Khúc hát trái tim của nhà thơ thần đồng Mỹ Mattie J.T.Stepanek (1990-2004).

Khúc hát trái tim vốn là tên tập thơ đầu trong năm tập thơ của Mattie. Ở đây dưới cái tên Khúc hát trái tim dịch giả Hữu Việt đã tuyển chọn 44 bài trong số hơn 200 tác phẩm của Mattie, giới thiệu cho bạn đọc thấy một giọng thơ độc đáo của một cậu bé, nhưng không phải thơ trẻ con, mà thực sự là thơ đề cập đến mọi vấn đề của con người sống cùng với cả loài người trên hành tinh. Đó là thơ đi từ một trái tim nhân hậu, lạc quan, tràn đầy niềm tin vào cái đẹp của cuộc đời, và sống một cách mạnh mẽ. Đó là thơ của một ngôn ngữ vô tư, giản dị dễ hiểu mà trẻ em dễ đồng cảm yêu thích, đồng thời uyên bác, sâu xa, triết lý, hóm hỉnh, chạm đến trái tim của mọi tầng lớp người đọc lớn tuổi. Giọng thơ đó mang đến cho người đọc “sức mạnh vượt thời gian và làm trái tim ta rung động mãi mãi”, như lời một nhà phê bình văn học Anh, Mỹ từng nhận xét.

Công phát hiện, tuyển chọn và dịch thành thơ sang tiếng Việt của Hữu Việt là rất đáng kể.

Bản dịch của Hữu Việt đã truyền được cái thần, cái đặc sắc của nhà thơ thần đồng, mà ở đây nhà thơ thần đồng thời đại công nghiệp. Chính vì thế mà một tập sách không lấy gì làm đồ sộ, có thể nói còn mỏng mảnh là khác, đã nhận được số phiếu tuyệt đối cao hơn hẳn các sách ứng giải khác.

Chúng ta chúc mừng thành công cuốn sách đầu tiên của dịch giả Hữu Việt và hy vọng nhiều vào các thành công sắp tới của anh.

THÚY TOÀN


Phụ Bản I

CỬA Ô HÀ NỘI

Thành phố Hà Nội, các cửa ô đều là chứng tích thiêng liêng của một thời gian rất xa xưa; khi người Hà Nội nhắc đến tên một cửa ô nào đó, đều man mác ngậm ngùi và buồn nhớ về những kỷ niệm.

Giờ thì Hà Nội chỉ có năm cửa ô: Ô Quan Chưởng, Ô Đông Mác, Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Yên Phụ và Ô Chợ Dừa. Năm cửa ô ấy thay cho 16 cửa ô xưa từng có thời vua Minh Mạng. Sử cũ chép lại tên của 16 cửa ô đó như sau: Yên Hoa (ngã ba đê Yên Phụ), Yên Tĩnh (phố Cửa Bắc), Thạch Khối (Hàng Bún), Phúc Lâm (Hàng Đậu), Đông Hà (Hàng Chiếu), Trường Thanh (Hàng Mắm), Mỹ Lộc (ngã tư Hàng Thùng - Hàng Tre), Đông An (ngã tư Lò Sũ), Tây Luông (khu vực Nhà hát Lớn), Nhân Hòa (ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông), Thanh Lãng (Trần Khắc Chân), Yên Thọ (cuối phố Huế - đầu phố Bạch Mai), Kim Hoa (nay là Ô Đồng Lầm), Thịnh Quang (ngã tư Hàng Bột - Khâm Thiên), Thanh Bảo (bến xe Kim Mã), và Thụy Chương (Thụy Khuê). Mười sáu cửa ô xưa là nơi giao lưu giữa nội và ngoại thành Hà Nội: ở trong mang ra đồ mỹ nghệ, hàng may mặc, thêu ren, vàng bạc, soong nồi, hàng thủ công… ở ngoài mang vào thóc lúa, vải vóc, thực phẩm. Mỗi cửa ô đều được đặt tên theo tên Tổng, tên Làng, có cổng đóng khép. Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào kinh thành đêm ngày.

Phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch : ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hồng có 11 cửa. Lý do là thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông, dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài tập trung buôn bán.

Cửa ô phía Đông Nam Hà Nội là Ô Đống Mác có người còn gọi là Đông Mác (không rõ vì lý do gì?). Ô Đông Mác gần cửa sông Kim Ngưu xưa, vốn là con sông nổi tiếng:

Nước sông Kim Ngưu vừa trong vừa mát

Em đậu thuyền vào sát thuyền anh…

Nay sông Kim Ngưu bé tí như con lạch, nước ngập ngụa bùn đen. Nghe nói đã có dự án cải tạo sông Kim Ngưu, nhưng chắc còn lâu. Phía dưới cửa ô Đông Mác là dốc Vĩnh Tuy. Xưa kia vua Trần đánh Chiêm Thành, từng mang tù binh người Chàm ra Hà Nội, cho họ ở dốc Vĩnh Tuy làm ăn sinh sống.

Cửa ô ở phía Tây Bắc Hà Nội là Ô Cầu Giấy. Tên ô là tên một cây cầu. Gọi là Cầu Giấy vì xưa dân Kẻ Bưởi ven ô chuyên làm giấy dó, mang giấy ra cầu phơi. Giờ cây cầu tre xưa đã được mở rộng bằng bê tông cốt thép vững chãi.

Trong hai cuộc xâm lược Bắc Kỳ và Hà Nội (1873 và 1882) của thực dân Pháp, Ô Cầu Giấy đầy khói lửa tang thương. Do nằm trên huyết mạch giao thông quan trọng nên Ô Cầu Giấy là điểm huyết chiến chiến lược giữa quan quân triều đình và quan Pháp. Và hai chiến thắng oanh liệt được gọi là “Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ nhất” (21/12/1873) và “Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ hai” (1883) đều gắn với tên tuổi của một con người - Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm, như quân Pháp đã từng nhận định: “Dân chúng Bắc Hà tin vào Viêm hơn Tự Đức”.

Từ Cầu Giấy người ta có thể đi về phía cầu Thăng Long, nơi đặt các làng hoa mới của Hà Nội. Xa hơn nữa là “xứ Đoài mây trắng bay” trong thơ Quang Dũng nối phố Huế - Bạch Mai là Ô Cầu Dền. Cũng là cầu, song vì sao gọi là thế thì khó lý giải được. Cây cầu bây giờ vẫn còn.

Giữa phố Huế xưa có Trung Đô quán, nơi nghỉ chân của những người đưa đám. Khi linh cữu được đưa bằng xe đòn ra ngoại ô, đến đây là được nửa đường mọi người dừng lại nghỉ ngơi trước khi đi tiếp. Bạch Mai xưa vốn là làng, tên cũ là Hồng Mai sau đổi thành Bạch Mai (vì kỵ úy vua Tự Đức). Rượu làng Mai nổi tiếng là ngon, gần đó có đặc sản đậu phụ Chợ Mơ, mướp Quỳnh Đôi ngon nổi tiếng. Ở làng Mai, Nguyễn Bính từng sống một thời gian và viết “Cô hái mơ”…

Phía Tây Hà Nội là Ô Chợ Dừa. Chợ Dừa vì xưa ở chợ có một rặng dừa thưa (của hiếm ở Hà Nội). Nay chợ chuyển ra sát chân đê La Thành (tên cũ của Hà Nội). Mấy cây cầu nhỏ dẫn đường vào chợ thành cầu nối đê La Thành và Trại Nhãn. Ô này đông người nghèo ở. Đi vào sâu hơn phía bên kia đê La Thành có đền thờ Xã Tắc, gọi là Đài Xã Tắc, giờ dân chúng lại gọi là Xã Đàn. Di tích của Đàn này cũng như đàn tế trời đất với lối kiến trúc tuyệt vời ven Tây Hồ nay đã mất.

Về phía Hồ Tây có đền Yên Phụ, tên xưa là Yên Hoa. Làng Yên Phụ có ngôi đền rất cổ, cảnh vật hữu tình, vì nằm ở mí nước Hồ Tây. Làng có nghề trồng hoa, nuôi cá, nuôi ốc, làm giấy. Vào sâu bên trong là các làng hoa cổ kính của Hà Nội gồm các làng Tây Hồ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tảo, Nhật Tân.

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất ở Hà Nội vẫn còn như xưa. Không rõ vì lý do gì mà Ô Quan Chưởng lọt qua được trận phá thành Hà Nội khủng khiếp, do mụ Tư Hồng được Pháp cho đấu thầu. Ô Quan Chưởng là tên một vị quan đã hy sinh anh dũng tại cửa ô này để chống Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất. Cổng Ô có 3 cửa như cổng thành, có vọng lâu xây gạch nâu đỏ au, xây từ năm 1749. Ở bên tường phía trái có tấm bia đá mà Tổng đốc Hoàng Diệu cho dựng vào năm 1882 nhằm răn đe quan lại, binh lính không được ức hiếp dân lành. Ô Quan Chưởng rất gần chợ Đồng Xuân, trung tâm thương mại của Hà Nội. Cổng ô duy nhất còn lại này thường là nơi chú ý của du khách, của những người hiếu cổ, những người coi trọng truyền thống dân tộc, của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng và của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bùi Xuân Phái nổi danh vì cây cọ của ông hầu như để nhiều say đắm với mái phố cổ xưa rất riêng của Hà Nội.

Trải qua bao thăng trầm, công trình Ô Quan Chưởng đã từng được trùng tu, sửa chữa hai lần, đó là vào năm vua Gia Long thứ 3 (1804) và sửa chữa thêm lần nữa vào năm Gia Long thứ 16 (1817). Năm 1994 Ô Quan Chưởng Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử và năm 2010, di tích Ô Quang Chưởng tiếp tục được trùng tu để giữ gìn vẻ nguyên trạng vốn có. Với người dân Hà Nội, di tích Ô Quan Chưởng không chỉ là một cột mốc của thành Thăng Long xưa, mà còn là biểu tượng của tinh thần quật cường chống xâm lược.

Hà Nội còn lưu nét xưa 36 phố phường. Sử cũ ghi Thăng Long đời Trần có 61 phường, đời Lê gộp lại còn 36 phường đầu thế kỷ 19, triều Nguyễn chia nhỏ 36 phường thành 155 thôn trại. Theo các nhà khảo cứu, nguyên nghĩa phố là nơi bán hàng, nhưng do san sát nhau thành từng dãy nên gọi là phố; như phố Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bông, Hàng Thùng , Hàng Vôi , Hàng Muối,…

Cư dân đất kinh kỳ cần cù và khéo tay, mở ra buôn bán sầm uất ngựa xe, trên bến, dưới thuyền.

Thuở ấy, các cô gái về nhà chồng, các mệnh phụ phu nhân quyền quý muốn có vàng xuyến, kiềng vàng, xà tích bạc, hoa tai … thì đến Hàng Bạc. Ai về Thăng Long muốn có chút kỷ niệm làm duyên, tới Hàng Nón, qua chiếc nón ba tầm, nón quai thao, nón lông…. Tài tử nghệ sỹ tìm đến Hàng Đàn tha hồ nắm phím so dây, lựa chọn người bạn hợp tâm hồn mình. Hàng Quạt có quạt thước, quạt tím tràng kim, quạt trầm hương… Hàng Khay quần tụ các tác phẩm khảm, cẩn, sơn, vẽ tài hoa. Cái duyên thường đọng nhiều ở Hàng Đào, từ các miền quê cứ đến phiên chợ tơ lụa, những cô gái xinh đẹp, nụ cười cắn chỉ, yếm điều, khăn vuông mỏ quạ, thắt lưng hoa lý, lại về tụ hội ở Hàng Đào, những chàng trai tứ xứ cũng lượn quanh mong gặp duyên may.

Kết thúc chuyến hành trình, bạn có thể dừng chân tại chùa Trấn Quốc. Chùa nằm trên một hòn đảo phía đông hồ Tây (quận Tây Hồ), có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Một chuyến đi ngắn nhưng sẽ làm bạn hình dung ra chiều dài lịch sử nghìn năm của Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay, vùng đất mà nhiều người dành thật nhiều tình cảm đặc biệt.

B.Đ st.


HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ

Thể chế Cộng hòa Tổng thống và những người Việt đầu tiên

Hoa Kỳ hay Mỹ (tên chính thức: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ) là một liên bang theo thể chế Cộng hòa Tổng thống do Hiến pháp năm 1787 sáng tạo ra (lý do vì “tự ái dân tộc” với nước Anh, mẫu quốc cũ của Mỹ: Anh khai sinh ra Đại nghị chế với Vua và Thủ tướng lãnh đạo đất nước, thì nay Mỹ vừa được độc lập đã gộp Vua + Thủ tướng = Tổng thống lãnh đạo quốc gia, khai sinh ra Tổng thống chế). Mỹ gồm có 50 tiểu bang và một đặc khu liên bang : - có 48 tiểu bang lục địa và thủ đô Washington, D.C. , nằm giữa Bắc Mỹ - tiểu bang Alaska nằm trong vùng tây bắc của lục địa Bắc Mỹ và tiểu bang Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương . Hoa Kỳ cũng có 14 vùng quốc hải rải rác trong vùng biển Caribbe Thái Bình Dương . Với diện tích 9,83 triệu km² và 316 triệu dân, Hoa Kỳ là quốc gia lớn hạng ba về tổng diện tích và hạng ba về dân số trên thế giới. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đa dạng chủng tộc nhất trên thế giới, do kết quả của những cuộc di dân đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nền kinh tế quốc dân của Hoa Kỳ lớn nhất trên thế giới.

Tuyên Thệ Trung Thành của Hoa Kỳ là một biểu hiện của lòng trung thành với Lá cờ Hoa Kỳ nước Cộng hòa Hoa Kỳ , ban đầu được sáng tác bởi Francis Bellamy vào năm 1892 và chính thức được thông qua bởi Quốc hội như các cam kết trong năm 1942.

Quốc hội mở phiên với các buổi họp với Tuyên thệ được đọc, cũng như nhiều cuộc họp chính phủ ở cấp địa phương, và các cuộc họp được tổ chức bởi nhiều tổ chức tư nhân. Nó cũng thường được đọc trong trường vào đầu mỗi ngày đi học, mặc dù Tòa án Tối cao đã phán quyết nhiều lần rằng học sinh không bị bắt buộc phải đọc và cũng không thể bị trừng phạt vì đã không làm như vậy.

Theo Cờ Luật Hoa Kỳ , Tuyên Thệ Trung Thành (quy định Mỹ là nước Cộng hòa) đọc:

Tôi cam kết trung thành với Lá cờ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và nước Cộng hòa mà nó đại diện, một quốc gia có Chúa, bất khả phân, với tự do và công bằng cho tất cả. (I pledge allegiance to the Flag of the United States of America, and to the Republic for which it stands, one Nation under God, indivisible, with liberty and justice for all - Pledge of Allegiance).

Đặc biệt, Pháp và Mỹ đều chịu ảnh hưởng của tinh thần dân chủ qua tác phẩm của Montesquieu (ảnh hưởng từ Hy Lạp và La Mã cổ đại) nên lý thuyết Tam quyền phân lập đã được hiện thực chặt chẽ trong Hiến pháp 1787 của Hoa Kỳ non trẻ, và các Hiến pháp của 5 nền Cộng hòa của Pháp (lỏng lẻo hơn). Cuộc Cách mạng Mỹ sản sinh nền dân chủ đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại và nhân loại xã hội thịnh vượng nhất, tự do nhất đã từng biết.

1. Chính phủ Tiểu bang California có Nữ Thượng nghị sĩ gốc Việt

Giống chính phủ Liên bang Hoa Kỳ, California có chính phủ theo thể chế Cộng hòa , với ba nhánh chính phủ : hành pháp gồm Thống đốc California và các quan chức được bầu riêng rẽ; lập pháp gồm Hạ viện Thượng viện ; và tư pháp Tòa án Tối cao California và các tòa cấp dưới. Tiểu bang cũng để cử tri tham gia vào quá trình chính phủ qua kiến nghị , trưng cầu dân ý , bãi miễn , và phê chuẩn .

Quận Cam (Orange County) được mệnh danh là “thủ đô người Việt tị nạn” tọa lạc tại Quận Cam là một vùng rộng lớn, với nhiều khu thương xá của người Việt và người Hoa , nằm phía Tây của Disneyland , Khu Little Saigon lâu đời nhất, lớn nhất và nổi tiếng nhất nằm tại hai thành phố Westminster và Garden Grove, Quận Cam , nơi người Việt chiếm 30,7% và 21,4% dân số theo điều tra dân số năm 2000 (tổng cộng trên 125.000 người).

Tối 4.11.2014 (giờ Mỹ), bà Janet Nguyễn, 38 tuổi ở Garden Grove, Quận Cam, bang California đã giành chiếc ghế T hượng nghị sĩ cấp tiểu bang tại bang đông dân nhất nước Mỹ, Địa hạt 34

Janet Nguyen (sinh năm 1976 tại Saigon) là một trong những Thuyền nhân Việt Nam đến California vào năm 1981. Bà học Đại học California , Irvine , ban đầu vào ngành y để trở thành bác sĩ, sau đó, bà chuyển theo học chuyên ngành khoa học chính trị và bắt đầu tham gia vào chính trường. Bà từng là thành viên hội đồng thành phố Garden Grove, Giám sát viên Orange County, CA .

Janet Nguyễn cũng đồng thời trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bước chân vào chính trường Hoa Kỳ trong vai trò thượng nghị sĩ tiểu bang California , mở ra một trang sử mới đầy tự hào cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại quận Cam nói riêng cũng như tại Hoa Kỳ nói chung, sau 40 năm người Việt hiện diện tại đất nước này.

2. Người Việt đầu tiên nhận Giải thưởng Khoa học danh giá TR35

Tiến Sĩ Lê Viết Quốc, hiện đang làm việc tại Google, đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt được giải thưởng toàn cầu TR35 dành cho 35 nhà sáng tạo trẻ dưới 35 tuổi có cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ, do tạp chí công nghệ danh tiếng Technology Review trao tặng (ngày 25/8/2014).

Mới đây, tạp chí công nghệ danh tiếng và lâu đời của Mỹ Technology Review (thuộc Học viện công nghệ Massachusetts MIT) vừa công bố danh sách những người được vinh danh trao giải thưởng TR35 năm 2014, dành cho 35 nhà sáng tạo trẻ có cống hiến xuất sắc nhất trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học, y tế... đáng chú ý, trong đó có Lê Viết Quốc, hiện đang làm nhà khoa học làm việc tại Google.

Sinh năm 1982 tại một ngôi làng nhỏ ở Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), Lê Viết Quốc thường xuyên đến thư viện gần nhà để nghiên cứu kỹ càng về những phát minh thông qua những trang sách và mơ ước một ngày nào đó sẽ có những phát minh của riêng mình. Đến năm 14 tuổi, Lê Viết Quốc cho rằng nhân loại sẽ được giúp đỡ bởi cỗ máy đủ thông minh để có khả năng tự sáng chế. Chính suy nghĩ này đã quyết định đến tương lai của Lê Viết Quốc khi anh định hướng theo con đường nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.

Giải thưởng thường niên TR35 thành lập từ năm 1999 bởi tạp chí công nghệ Technology Review (thuộc quyền quản lý của Học việc công nghệ MIT), được trao cho những nhà phát minh có tuổi đời dưới 35, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm y sinh học, điện toán, viễn thông, năng lượng, vật liệu, thiết kế web và giao thông vận tải. Những người được trao giải là các cá nhân có công trình nghiên cứu được giới khoa học đánh giá cao và hứa hẹn sẽ được áp dụng trong tương lai.

Nhiều tên tuổi lớn của giới công nghệ đã từng được trao giải thưởng TR35 , bao gồm Larry Page và Sergey Brin (2 nhà đồng sáng lập của Google), Jonathan Ive (thiết kế huyền thoại của Apple, Linus Torvalds (cha đẻ của hệ điều hành Linux)...

3. Dịch bệnh Virus Ebola 2014 và nữ y tá gốc Việt mới khỏi bệnh Ebola

Bệnh do vi rút Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là bệnh do vi rút Ebola gây ra ở người. Các triệu chứng thường khởi phát sau khi bị nhiễm vi rút 2 ngày đến 3 tuần, với sốt , đau họng, đau bắp cơ , và nhức đầu . Sau đó thường xuất hiện các triệu chứng buồn nôn , nôn ói, và tiêu chảy , kèm theo chức năng gan thận cũng bị suy giảm. Ở giai đoạn này, một số người bắt đầu có các triệu chứng xuất huyết .

Con người có thể nhiễm vi rút Ebola do tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của động vật bị nhiễm (thường là khỉ hoặc loài dơi ăn trái ). Sự lây truyền qua không khí trong môi trường tự nhiên vẫn chưa được chứng minh. Loài dơi ăn trái được cho là mang truyền vi rút Ebola mà không hề bị bệnh. Một khi con người bị nhiễm bệnh, thì bệnh cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Nam giới sống sót sau khi nhiễm bệnh Ebola có thể truyền bệnh qua tinh dịch trong gần 2 tháng. Để chẩn đoán bệnh, trước tiên cần phân biệt loại trừ các bệnh khác có triệu chứng tương tự chẳng hạn sốt rét , dịch tả và các bệnh sốt xuất huyết do vi rút khác. Để xác định bệnh, mẫu máu được xét nghiệm để tìm kháng thể vi rút, ARN của vi rút, hoặc chính con vi rút Ebola.

Dịch bệnh Ebola từng xảy ra năm 1976 ở Tây Phi hầu hết các trường hợp được ghi nhận trong vòng bán kính 70 km của làng Yambuku. Ở Công-gô đã có 318 người bị nhiễm bệnh trong đó có 280 trường hợp tử vong. Và ở Sudan 284 trường hợp nhiễm, 151 người chết. Đối với làng Yambuku, họ đã phải đóng cửa bệnh viện sau khi trận dịch quét qua vì có 11 trong số 17 nhân viên y tế đã chết.

Giáo sư Peter Piot , Viện trưởng Viện Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, gắn bó cả cuộc đời với các loại virus. Ông là người đã đặt tên cho virus Ebola từ năm 1976.

Trong tháng 02.2014 tại các nước Tây Phi, Guinea , Sierra Leone Liberia đã có những ca bệnh bị nghi ngờ là phát xuất từ bệnh Virus Ebola. Tính tới ngày 03.10.2014, 7.497 trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh trong số đó đã có 3.439 người đã chết.

Nina bị nhiễm dịch bệnh vào tháng 10 năm ngoái trong quá trình chăm sóc cho Thomas Eric Duncan, một bệnh nhân Liberia, người đầu tiên được chẩn đoán mắc Ebola ở Mỹ.

The Telegraph ngày 14.10 (giờ Việt Nam) dẫn xác nhận từ gia đình nạn nhân rằng người Mỹ đầu tiên nhiễm Ebola trong nước là cô Nina Pham, 26 tuổi, đến từ Fort Worth, bang Texas. Nina Pham sinh ra trong một gia đình người Việt Nam nhập cư, cô tốt nghiệp đại học Texas Christian và trở thành y tá năm 2010.

Sau gần 2 tuần bị cách ly, bệnh nhân Ebola Nina Phạm đã rời bệnh viện Maryland vào ngày thứ Sáu với xác nhận đã hoàn toàn “thoát khỏi” căn bệnh chết người hàng loạt tại nhiều quốc gia. “Cô ấy không còn vi rút Ebola trong người. Cô ấy được chữa khỏi hoàn toàn”, Tiến sĩ Tony Fauci, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết virus Ebola đã biến thái thành trên ba trăm phiên bản và những đột biến như vậy khiến cho bệnh lây lan nhanh chóng, khó tìm thuốc chủng hơn.

Hiện nay, có 6 loại virus, mỗi loại trong số đó lại nhanh chóng phát triển thành các dạng nhỏ khác. Tại thời điểm này có bao nhiêu dạng virus đã được hình thành, không ai tính được chính xác. Các chuyên gia virus học cho hay ngoài loại virus đầu tiên, được phát hiện ở Zaire (nay là Congo) vào năm 1976, hiện có các kiểu gen khác nhau biến đổi từ nó. Đó là virus Ebola-Sudan.

Một loại khác được phát hiện ở Côte d'Ivoire. Có loại được tìm thấy ở Uganda. Sau nữa, virus Reston được phân lập tại Mỹ và Ý từ những con khỉ Philippines. Gần đây nhất là kiểu gen virus Ebola được phân lập từ dơi ở Tây Ban Nha. Thành ra, một nhóm virus không đồng nhất, khác hẳn với nguyên mẫu virus Ebola. Sự đa dạng đó cho thấy sự phát triển. Do đó, các đột biến nhất định diễn ra.

Trong khi đó thì tính tới ngày 19.10.2014 thì đã có đã có tới 4,555 người thiệt mạng trong tổng số 9,216 người nhiễm bệnh.

Vấn đề khó khăn là các triệu chứng ban đầu của bệnh Ebola tương tự như bệnh cúm hoặc cảm lạnh - bệnh nhân cảm thấy người yếu, sốt, đau họng. Và chỉ một vài ngày sẽ bị nôn, tiêu chảy, phát ban, chảy máu nội tạng và bên ngoài. Khi xuất hiện những biểu hiện đó bệnh dễ dàng chẩn đoán và cách ly bệnh nhân, nhưng thời điểm này thường bị bỏ qua.

Theo WHO, nếu thế giới không thể đối phó với dịch bệnh Ebola thì mỗi tuần sẽ có khoảng 10,000 người bị lây nhiễm.

Hoa Kỳ có kế hoạch dài hạn chống Ebola (27.10.2014) để giúp đỡ cho các nước Tây Phi chận đứng dịch Ebola. Đó là nội dung lời phát biểu được bà Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power đưa ra ở Guinea trong chuyến viếng thăm những nước đang bị dịch bệnh hoành hành.

Cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016

Hiện nay, ông Obama gần kết thúc hai nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ (2009 - 2017) nên việc trao giải Nobel Hòa bình năm 2009 lúc đó, đưa tới sự nhạo báng từ các đối thủ chính trị của ông Obama trong đảng Cộng hòa , và còn gây thắc mắc ngay cả trong số vài thành viên trong đảng Dân chủ của ông Obama, những người tự hỏi vị Tổng thống đã làm được gì để xứng đáng với vinh dự này.

Cho đến nay, nước Mỹ đã tiêu diệt Trùm khủng bố Osama Bin Laden ngày 01.5.2011 và hiện nay Mỹ đang lãnh đạo Liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) từ tháng 9.2014 tới nay, nhất là đảng Dân chủ đã tặng cho nước Mỹ một vị Tổng thống (thứ 44) da màu đầu tiên của Mỹ trong tổng số 43 tổng thống trước đây (ông có quê cha Kenya, Châu Phi và quê mẹ là Kansas, Mỹ) thì Obama thực sự xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009.

Hơn nữa, nếu đảng Dân chủ đưa được bà Hillary Clinton đắc cử Nữ Tồng thống đầu tiên của Mỹ vào năm 2016 thì sẽ rất là trọn vẹn! Đây là mơ ước của đa số người dân Mỹ - nơi xuất phát phong trào Bình quyền giới tính, với việc sáng tạo ra từ Ms. (thay cho Mrs., Miss) để đối lập với Mr. (với tờ Ms. Magazin, một tạp chí quảng bá về nữ quyền tại Mỹ và thế giới, xuất bản năm 1972 đến nay).

LỜI KẾT

Nước Mỹ mang lại cho công dân của mình một môi trường thiên nhiên trong sạch, nơi người ta chỉ cần du lịch nội địa để tận hưởng những cuộc vui chơi bậc nhất thế giới.

Nước Mỹ mang lại cho công dân của mình một nền y tế phát triển nhất thế giới, nơi người ta có thể kỳ vọng nhiều nhất vào việc phó thác sinh mạng mình trong tay đội ngũ y bác sỹ.

Nước Mỹ được mệnh danh là mảnh đất của cơ hội. Nơi mời gọi và dung dưỡng tài năng của thế giới. Nơi đảm bảo cho những nghệ sỹ tài năng không phải chết nghèo đói, và những nhà khoa học có thể cống hiến cuộc đời cho nhân loại.

Nước Mỹ mang lại cho công dân của mình một hệ thống giáo dục bậc nhất thế giới. Không nặng về kiến thức hàn lâm, nhưng lại vô cùng hữu dụng. Họ dạy trẻ con phải tự tin trước cuộc sống, phải độc lập, trong cả cuộc sống lẫn tư duy, phải biết tìm hiểu, phải hiếu kỳ. Họ dạy trẻ con phải sáng tạo, phải khoẻ mạnh, phải vui chơi. Họ dạy trẻ con phải biết yêu thiên nhiên, không lãng phí tài nguyên của mẹ trái đất. Họ dạy trẻ con phải biết thứ tha, phải nhân bản. Nước Mỹ dạy trẻ con phải biết nhận lỗi, phải công bằng. Cấm không được phân biệt đối xử trên mọi hình thức (và đây là luật pháp). Nước Mỹ dạy trẻ con phải bao dung.

Và sau cùng, nước Mỹ cho con cái chúng ta một môi trường sống mà ở đó chúng có thể nói: Mẹ ơi, một ngày kia, con sẽ làm thay đổi cả thế giới!

Những điều này tạo nên một nước Mỹ, dù là đống tạp nham hổ lốn của nhiều chủng tộc, đủ thứ văn hoá, đủ kiểu tư duy, vẫn văn minh bậc nhất, vẫn hùng mạnh, và giàu có bậc nhất thế giới. Nước Mỹ đã, đang, và sẽ là đích đến của rất nhiều sắc dân trên trái đất này.

Chính trong môi trường nêu trên mà người Việt sống tại Mỹ đã ngày càng thành công vượt bậc:

- Janet Nguyễn cũng đồng thời trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bước chân vào chính trường Hoa Kỳ trong vai trò thượng nghị sĩ tiểu bang California, mở ra một trang sử mới đầy tự hào cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại quận Cam nói riêng cũng như tại Hoa Kỳ nói chung, sau 40 năm người Việt hiện diện tại đất nước này.

- Lê Viết Quốc người Việt đầu tiên đạt được giải thưởng toàn cầu TR35 dành cho 35 nhà sáng tạo trẻ dưới 35 tuổi có cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ, do tạp chí công nghệ danh tiếng Technology Review trao tặng.

- Nữ y tá gốc Việt đã hoàn toàn khỏi bệnh Ebola: cô được cả nước Mỹ và thế giới phấn khởi vì lòng nhân ái của phụ nữ Việt và từ đó hy vọng vaccine chống Ebola sẽ sớm được tìm ra.

Mang trong mình dòng máu Tiên Rồng, những người Mỹ gốc Việt vẫn mang tâm nguyện: “Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời” như trong bài hát Việt Nam! Việt Nam! - Tác giả Phạm Duy .

Việt Nam! Việt Nam! nghe từ vào đời/ Việt Nam hai câu nói bên vành nôi/ Việt Nam nước tôi…

Việt Nam trên đường tương lai/ Lửa thiêng soi toàn thế giới

Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tình yêu đây là khí giới/ Tình thương đem về muôn nơi/ Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời/ Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời.

PHẠM VŨ

(Tham khảo: Sách báo - Internet)

Tiến sĩ sử học Keith Weller Taylor

hiểu sai bài thơ của Thẩm Thuyên Kỳ

Tiến sĩ Keith Weller Taylor hiện là giáo sư khoa Á Châu học (Asian Studies) ở đại học Cornell, New York. Ông là tác giả cuốn sách “The Birth of Vietnam,” (University of California Press, 1983), một tư liệu về cổ sử Việt Nam từ thời thượng cổ cho đến thế kỷ X. Cuốn sách được phát triển từ luận án Tiến sĩ của ông.

Trong Chương 5 của cuốn sách, với chủ đề “The Protectorate of An Nam” (Công cuộc đô hộ ở An Nam), ở tiểu mục “Exiles” (Những người bị biếm trích), nhân kể tên các quan lại Trung Quốc thời nhà Đường có tội bị đày đến những nơi xa xôi ở An Nam Đô hộ phủ, tiến sĩ K.W. Taylor có nói đến nhà thơ Thẩm Thuyên Kỳ và dịch một bài thơ của nhà thơ này. Đây là bản dịch tiếng Anh của Ts. Keith Weller Taylor in trong sách:

I have heard it said of Giao Chỉ

That southern habits penetrate one’s heart

Winter’s portion is brief;

Three seasons are partial to the brightly wheeling sun

Here Commissioner To obtained a kingdom

Shih Hsieh has long been roaming the nether world.

Village dwellings have been handed down through generations

Fish and salt have been produced since ancient times

In remote age, the people of Yueh sent pheasants as tribute

The Han general pondered the sparrowhawk

The northern Dipper hangs over Mount Ch’ung

The south wind pulls at the Chang sea

Since I last left home, the months have swiftly come and gone

My hairline shows that I have grown old

My elder and younger brothers have yielded to their fates

My wife and children have departed to reap their destinies.

An empty path, a ruined wall, tears;

It is clear that my heart has not echoed Heaven’s will.

(The Birth of Vietnam, trang 185 - 186)

Dịch nghĩa:

Ta thường nghe người ta nói về xứ Giao Chỉ

Rằng các tập quán của người phương nam ăn sâu trong lòng họ

Mùa đông thì ngắn

Ba mùa đều có mặt trời chói lọi

Tại đây Hiệu Úy Đà từng lập nên một vương quốc

Sĩ Nhiếp mải đi chơi dông dài dưới âm phủ

Xóm làng truyền lại từ đời này sang đời khác

Từ xưa người ta đã biết đánh cá và làm muối

Từ rất xa xưa người Việt đã cống chim trĩ

Viên tướng nhà Hán trầm tư nhìn chim diều hâu rơi

Sao Bắc Đẩu (Đại hùng tinh) treo trên (núi) Trung sơn

Gió nồm thổi trên (biển) Trường Hải

Ta đã xa nhà lâu rồi

Mái tóc cho ta thấy mình già

Các anh em ta đã phải chịu theo vận mệnh của họ

Vợ con ta đã chia lìa để nhận lấy số phận mình

Một con đường trống trải, một bức tường đổ nát, nước mắt

Thật là lòng ta không vọng lại ý trời.

Giải thích vài điểm trong bản dịch bài thơ:

- Hiệu Úy Đà nói trong bài thơ là Triệu Đà, người đã thành lập nước Nam Việt từ thế kỷ III trước công nguyên, bao gồm cả Lưỡng Quảng của Tàu.

- Sĩ Nhiếp là viên thái thú cai trị xứ Giao Chỉ vào cuối thời nhà Hán.

- Chuyện người Việt cống chim trĩ là nhắc một sự kiện thời vua Thành Vương nhà Chu vào khoảng cuối thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên, có phái bộ sứ giả nước Việt thường đem tặng triều đình nhà Chu một đôi chim trĩ trắng.

- Viên tướng nhà Hán nhìn chim diều hâu rơi là tên tướng Mã Viện đem quân đi đánh Hai Bà Trưng. Khi đóng quân ở hồ Lãng Bạc, y nhìn thấy một con diều hâu cố bay trong mưa và rơi xuống nước chết đuối.

*

Câu thơ thứ hai trong bài dịch có ý lạ quá. Tập quán mà không ăn sâu vào trong lòng người để thành thói quen lập đi lập lại nhiều lần thì nó đã không có dịp trở thành tập quán. Lẽ nào một nhà thơ nổi tiếng lại phát biểu một điều hiển nhiên như vậy?

Người dịch, tức tác giả cuốn sách, chỉ nói bài thơ của Thẩm Thuyên Kỳ mà không dẫn tựa và nguyên tác chữ Hán để giúp người đọc biết đó là bài thơ nào và có dịp đối chiếu bản dịch.

Thẩm Thuyên Kỳ (656 - 714/715) là một nhà thơ nổi tiếng thời sơ Đường bên Trung Quốc. Làm quan dưới triều Đường Cao Tông, Thẩm Thuyên Kỳ bị cáo buộc tội tham nhũng, bị biếm đi Hoan Châu, tức vùng Nghệ An Thanh Hóa của Việt Nam bây giờ. Được biết khi ở Hoan Châu ông có làm nhiều thơ. Nhiều bài trong số đó, như Cố ý (Ý xưa), Tạp thi, Tại Viễn Hoan Châu (Ở châu Hoan xa xôi) vân vân, thường được một số người Việt lớn tuổi nhắc đến, và thậm chí có người dịch thơ ông nữa. Vì vậy nhờ Google tìm Thẩm Thuyên Kỳ trên Internet và truy ra bài thơ không khó lắm. Đó là bài thơ ngũ ngôn trường thiên Độ An Hải nhập Long Biên (Vượt biển An Hải vào Long Biên). Ngoài bài thơ chữ Hán kèm bản phiên âm, trên trang mạng này còn có cả một bài dịch thành thơ lục bát của Hồ Bạch Thảo.

渡安海入龍編

嘗聞交趾郡,

南與貫胸連。

四氣分寒少,

三光置日偏。

尉佗曾馭國,

翁仲久遊泉。

邑屋連甿在,

魚鹽舊 產 傳。

越人遙捧翟,

漢將下看鳶。

北斗崇山掛,

南風漲海牽。

別離頻破月,

容鬢驟經年。

昆弟搉由命,

妻孥割付 緣 。

夢來魂尚擾,

愁委病空纏。

虛 道崩城 淚 ,

明心不應天。

Ðộ An Hải nhập Long Biên

Thường văn Giao Chỉ quận,

Nam dữ quán hung liên.

Tứ khí phân hàn thiểu,

Tam quang trí nhật thiên.

Úy Ðà tằng ngự quốc,

Ông Trọng cửu du tuyền.

Ấp ốc liên mang tại,

Ngư diêm cựu sản truyền.

Việt nhân dao phủng địch,

Hán tướng hạ khan diên.

Bắc Ðẩu sùng sơn quải,

Nam phong trướng hải khiên.

Biệt ly tần phá nguyệt,

Dung mấn sậu kinh niên.

Côn đệ tồi do mệnh,

Thê noa cát phó duyên.

Mộng lai hồn thượng nhiễu,

Sầu ủy bệnh không triền.

Hư đạo băng thành lệ,

Minh tâm bất ứng thiên.

Bài thơ dịch của Hồ Bạch Thảo

Vượt biển An Hải vào Long Biên

Nghe đồn Giao Chỉ nơi này,

Người Nam có tục lấy dùi xuyên hông.

Bốn mùa, lạnh ít về đông,

Tiết trời nóng nực sáng trong xế chiều.

Úy Ðà riêng cõi thiết triều,

Ngao du Ông Trọng, viếng nhiều suối khe.

Làng nông trù mật cửa nhà,

Ngư dân cá muối ông cha nối đời.

Ðua vui chim trĩ múa chơi,

Tướng Hán mãi ngắm diều rơi xuống hồ.

Núi cao, Bắc Đẩu lững lờ,

Gió hiu hiu thổi, tràn bờ nước lên.

Xa nhà đã mấy tháng liền,

Ðầu bù tóc rối liên niên dãi dầu.

Vận trời! Em út nơi đâu?

Vợ con chia cắt phó cầu ông xanh.

Buồn vương nhiễu giấc mộng lành,

Niềm đau chứa chất bệnh hành chiếc thân.

Nước mắt trút cả thành sầu,

Tấm lòng trong sạch sao chưa thấu trời!

Câu thứ hai trong bài thơ dịch của Hồ Bạch Thảo lại lạ hơn. Ấy là không phải tập quán ăn sâu vào lòng như Tiến sĩ K.W. Taylor nói mà là người ta cầm dùi đâm vào hông! Chỉ cùng một câu thơ mà hai người dịch khác nhau đến thế! Nhưng lần này đã có bản nguyên tác chữ Hán của bài thơ để đối chiếu và xác định câu thơ dịch của hai người.

Câu thơ thứ hai trong nguyên tác: 南與貫胸連 (Nam dữ quán hung liên) có vẻ khó hiểu. Giở từ điển Hán Việt ra tìm vẫn cứ thấy lấn cấn, nhất là hai chữ Quán và Hung khiến câu thơ trở nên mơ hồ, diễn giải cách nào cũng khó thông. Mỗi chữ Hán có thể mang nhiều nghĩa, nhưng nghĩa căn bản của từng từ phù hợp với ngữ cảnh câu thơ là:

南, Nam: phương nam

與, Dữ: cùng với.

貫. Quán: Hiểu thông suốt.

胸, Hung: Ngực, bụng.

(Từ điển Thiều Chửu có thêm nghĩa Lòng, tấm lòng)

連, Liên. Liền, hai bên liền tiếp nhau.

Nếu Quán 貫 là thông suốt, hung 胸 là cái bụng, mà không phải “tập quán ăn sâu vào lòng” thì “thông suốt cái bụng” cũng đâu phải là… đâm vào bụng? Ông Hồ Bạch Thảo không nói đâm vào bụng, mà nói cụ thể “lấy dùi xuyên hông”. Sợ người đọc không hiểu, ông chú thích thêm: Người Trung Quốc xưa tin rằng người Man Giao Chỉ có tập tục lấy dùi xuyên vào hông”.

Đọc cổ sử Việt Nam thường chỉ thấy nói người Việt xưa có tục cắt tóc ngắn, vẽ mình, xăm chữ trên trán, và nhuộm răng (đoạn phát, văn thân, điều đề và tất xỉ), không thấy ở đâu nói có tục kỳ lạ đâm vào bụng hay hông!

Đâm vào bụng hay vào hông có lẽ không chết ngay, nhưng sự đau đớn của hành động vô lối này sao có thể có người nào ngu xuẩn bắt chước truyền nhau để thành tập tục (habits) được?

Với vốn liếng chữ Hán không đầy một chiếc lá me, tôi đã phải gởi câu thơ thứ nhì này đi cầu viện Tiến sĩ Phạm Hải (Frank Pham), trong nhóm Chữ Nghĩa Dầm Dề. Là một một người rất uyên bác, Frank Phạm được mọi thành viên trong nhóm nhất trí coi là cây Tự Điển sống, anh luôn sẵn sàng giúp anh em qua cơn ngặt. Ngay lập tức, tôi nhận được hồi âm của tiến sĩ Phạm Hải mách một đường link để tham khảo. Mở đường link, được những dòng này:

贯 胸( 贯 胸)

亦作 “ 贯匈 ” 。 传说中的古国名。后亦泛指海外诸国。

《逸周书 · 王会》: “ 正西昆 仑、狗国、鬼亲、枳己、闟耳、贯胸、雕题、离丘、漆齿 ”

《山海 经 · 海外南 经》: “ 贯匈国在其,其为人匈有窍 ” 唐 沈佺期

《度安海入 龙编》诗: “ 我来交趾郡,南与 贯胸连 ” 明 韩洽

《 题李龙眠诸夷职贡图》诗: “ 得毋旧本重 临摹,左、贯胸聊玩弄 [1]” 参考 资 料

Đại khái là: “Quán hung ( 贯 胸 ) cũng viết là 贯匈 , là tên một nước cổ trong truyền thuyết (Trung Quốc), về sau (từ Quán Hung) được dùng chỉ một quốc gia ở hải ngoại. Sách Dật Chu thư của Vương Hội viết: ở hướng chánh tây Côn Lôn (có các nước) Cẩu Quốc, Quỷ Thân, Chỉ Kỷ, Hấp Nhĩ, Quán Hung, Điêu Đề, Ly Khâu, Tất Xỉ. (Người Trung Quốc luôn đặt tên cho các nước khác một cách trịch thượng như vậy đó)

Thiên “Hải ngoại nam kinh” (phần Hải Kinh) của bộ “từ điển bách khoa” của Trung Quốc cổ đại là Sơn Hải Kinh viết: “Quán Hung quốc tại kỳ đông, kỳ vi nhân hung hữu khiếu” Nước Quán Hung ở phía đông chỗ đó, người nước đó bụng có… lỗ.” (!) Khiếu, 窍, giản thể của 竅 , là lỗ, như thất khiếu ( 七竅 ) trên thân thể người. Nhưng… bụng có lỗ (hung hữu khiếu - 匈有窍 ) là sao thì… tôi không đủ chữ để hiểu. Thế là mail hỏi anh Phạm Hải. Và… bụng người ở nước Quán Hung có lỗ là như trong hình minh họa này trong sách Sơn Hải Kinh! (xem hình)


Nhưng điều cần hiểu thì đã rõ. Nếu “quán hung” không phải là chuyện ăn sâu vào lòng hay đâm vào hông, mà là tên nước thì sự việc đã trở thành đơn giản. Câu thơ của Thẩm Thuyên Kỳ

嘗聞交趾郡

南與貫胸連

Thường văn Giao Chỉ quận,

Nam dữ Quán Hung liên.

Có nghĩa là:

Thường nghe ở quận Giao Chỉ

Phía nam gần nước Quán Hung.

Chẳng có chuyện lấy dùi xuyên hông hay có tập quán nào mà không ăn sâu vào lòng người. Cả tiến sĩ K.W. Taylor và ông Hồ Bạch Thảo đều nhầm.

Ngoài ra, trong bản dịch tiếng Anh của tiến sĩ K.W. Taylor còn nhiều điểm nhầm lẫn khác nữa không kém quan trọng,

* Câu 翁仲久遊泉 (Ông Trọng cửu du tuyền) được dịch thành “Shih Hsieh has long been roaming the nether world.” (Sĩ Nhiếp đi nghêu ngao lâu dưới âm phủ) là có hai điểm sai.

1. Ông Trọng trong câu này là ông Lý Ông Trọng, một nhân vật người Việt có thân hình khổng lồ từng phục vụ trong quân đội của Tần Thủy Hoàng, chống quân Hung nô trên biên cương phía bắc của đế quốc Tần, mà ngay ở phần đầu sách The Birth of Vietnam tác giả có đề cập, chớ không phải nhân vật Sĩ Nhiếp (Shih Hsieh) ở cuối đời Tam quốc.

2. Chữ Tuyền ( 泉 ) trong câu này có nghĩa là suối, như “lâm tuyền” là rừng và suối. (Từ điển Thiều Chửu). “Cửu tuyền”: “chín suối” mới là âm phủ. “Cửu du tuyền”: đi ngao du lâu ngày trên chốn (nhiều) suối khe, chớ không phải rong chơi lâu ngày ở âm phủ.

* Câu 北斗崇山掛 (Bắc Ðẩu sùng sơn quải) được dịch thành “The northern Dipper hangs over Mount Ch’ung” (Sao Gấu lớn - Đại hùng tinh - treo trên Trung Sơn) và giải thích “Trung sơn (Mount Ch’ung) là một núi cao phía nam tỉnh Hồ Nam” là không chính xác. Hai chữ 崇山 trong câu này đọc là Sùng sơn. Từ điển Thiều Chửu giải thích Sùng là cao và cho ví dụ Sùng sơn là núi cao. “Bắc Ðẩu sùng sơn quải” chỉ có nghĩa là sao Bắc Đẩu treo trên ngọn núi cao. Đó không phải là tên riêng của ngọn núi Trung Sơn.

* Câu 南風漲海牽 (Nam phong trướng hải khiên) được tiến sĩ Taylor dịch thành: The south wind pulls at the Chang sea. “Gió nam thổi trên (biển) Trường Hải,” và giải thích “Trường Hải là nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Vịnh Bắc Bộ”

Thực ra, chữ 漲, chữ thứ ba trong câu là trướng - trướng hải. (không phải trường hải). Từ điển Thiều Chửu định nghĩa Trướng 漲 là “nước lên mênh mông”. Trướng hải là biển nước mênh mông. Nam phong trướng hải khiên nghĩa là biển nước mênh mông lôi kéo gió nam về, chớ không liên quan gì đến… Vịnh Bắc Bộ.

Bản dịch của tiến sĩ Taylor thiếu hai câu 3 và 4 tính từ dưới lên:

夢來魂尚擾,

愁委病空纏

Mộng lai hồn thượng nhiễu,

Sầu ủy bệnh không triền.

Sự thiếu sót này có thể là do từ bản nguyên văn chữ Hán đã tam sao thất bổn. Tôi đoán vậy, vì thấy trên mạng internet còn có một bản Độ An Hải nhập Long Biên khác bắt đầu bằng

我來交趾郡 (Ngã lai Giao Chỉ quận) chớ không phải “Thường văn…”

Và trong bản chữ Hán và phần phiên âm dùng trong bài viết này cũng có chỗ không phù hợp với nhau. Chữ tồi (摧 là hư gẫy, thương vong) trong câu “Côn đệ tồi do mệnh”, nhưng trong phần chữ Hán thì lại viết thành chữ xác (搉). “Côn đệ xác do mệnh” thành ra vô nghĩa.

Hai chữ Hán tồixác trông từa tựa nhau, chỉ khác một chút ở trên đầu chữ giai bên phải nên người chép lại đã chép sai.

Câu cuối cùng của bài thơ

虛 道崩城 淚 ,

明心不應天

Hư đạo băng thành lệ

Minh tâm bất ứng thiên.

Được dịch thành

An empty path, a ruined wall, tears;

It is clear that my heart has not echoed Heaven’s will.

Một con đường trống trải, một bức tường đổ nát, nước mắt

Thật là lòng ta không vọng lại ý trời.

Chỉ là không sát nguyên tác cho lắm, chớ có lẽ không có sự hiểu lầm nào, tuy 崩城( băng thành) gợi ý thành quách điêu tàn hơn là một bức tường thành đổ nát (a ruined wall). Và It is clear that my heart không làm rõ được cái 明心 (minh tâm).

Thiếu Khanh


Phụ Bản II

TÌNH YÊU LÀ GÌ?

PAUL GRAY

Sau hàng thế kỷ tảng lờ các chủ đề ủy mị và mơ hồ này, các nhà khoa học đã thay đổi quan niệm về niềm say mê dịu dàng ấy của loài người.

Cái mà thiên hạ gọi là tình yêu là cái gì ấy nhỉ? Đó có phải là tình yêu không? Giờ đây, câu trả lời đơn giản ấy vẫn chờ đợi câu trả lời. Các triệu chứng của tình yêu rất là quen thuộc: sự mơ màng trong hành động và ý nghĩ, cái ý tưởng điên rồ rằng cả thế giới đều thu nhỏ vào người mình yêu, sự nhận thức rằng chưa từng ai trên đời này được mình say mê đến thế? Tình yêu là ngọt say và cay đắng, là tự do và nô lệ. Các thi sỹ và nhạc sỹ sẽ chẳng làm được gì nếu không có nó. Hơn nữa, nó còn làm cho trái đất quay! Vậy mà tới tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn chẳng muốn nghiên cứu về tình yêu!

Lý do để lẩn tránh việc nghiên cứu thứ tình cảm mãnh liệt của nhân loại này không phải là do nó khó nghiên cứu mà đơn giản vì: tình yêu thì ướt át, khoa học thì khô khan. Nỗi lo sợ, sự giận dữ, các cảm xúc đều có thể nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, có thể đo lường qua các phương tiện như: nhịp thở, mạch đập v.v… Còn tình yêu, nó chẳng chịu chiều theo một phương tiện nào cả, nó chỉ để lại dấu vết mơ hồ và hỗn độn khiến người ta nhầm lẫn. Nỗi tức giận và sự sợ hãi trực tiếp gây ra hành động: đánh nhau hoặc chạy trốn - trong cuộc sinh tồn của muôn loài. Bởi chưng, con người có thể giao phối và sinh nở mà chẳng cần tình yêu, vì thế người ta đưa ra khối điều võ đoán về quan điểm tiến hóa của nó. Các nhà sinh học và nhân loại học cho rằng sẽ vô ích, thậm chí là tầm phào, khi nghiên cứu nguồn gốc tiến hóa của tình yêu. Các nhà khoa học nghiêm túc thì đơn giản nghĩ là tình yêu, nhất là tình yêu lãng mạn, chỉ thực sự bắt đầu khoảng 5 - 6 thế kỷ trước, khi mà vài xã hội văn minh có đủ thời gian rỗi mà say mê văn chương hoa lá. Song trong bao thế kỷ qua, các nhà khoa học đã vượt qua bao luật lệ để thay đổi quan niệm về tình yêu. Chưa bao giờ số lượng các nghiên cứu về tình yêu lại nhiều như bây giờ. Có nhiều nguyên nhân: bệnh SIDA đang lan rộng, các bệnh qua con đường tình dục dễ dẫn tới chết người. Vì vậy mà việc biết rõ hơn về cái lực gắn bó các cặp nam nữ trở nên quan trọng. Nguyên nhân khác là số các nữ bác học tăng lên và họ luôn sẵn sàng nghiên cứu về tình yêu nghiêm túc hơn nam giới. Song dù lý do gì đi nữa, khoa học dường như đang muốn công nhận một điều mà mọi người đều tin tưởng là: tính lãng mạn, tình yêu là có thực. Nó không chỉ đơn thuần là ý thức. Nó nảy sinh từ bản năng sinh học của con người.

Đạt được quan niệm lôgic này không phải dễ. Các tranh luận cho rằng tình yêu là “ảo giác văn hóa” dường như không chịu thất bại. Để giải thích cho mình, họ cho là con người từ lâu đã nhầm lẫn trong khi nói về sự chuyển nghĩa từ ngữ thú vị này. Người ta cho rằng chỉ sau thế kỷ 12, khi những gã hát rong thành Province không ít thì nhiều đã sáng tạo ra nghệ thuật yêu đương cho các quý bà nhàn rỗi thì từ đó cái chuyện yêu và được yêu mới ầm ĩ khắp châu Âu. Nó là đề tài thống trị của âm nhạc, phim ảnh, sách báo và gần như mọi thứ trên các kênh truyền hình. Tình yêu quả là một động lực thương mại hiển nhiên và đáng nể: người ta sẽ mua và làm mọi thứ chỉ để đạt được cơ hội thoáng qua của tình yêu.

Nhưng như vậy tình yêu có phải chỉ đơn thuần là một tình cảm giả mạo nảy sinh ở những nơi nó được ca tụng? Nhà tâm lý học Lawrence Casler, tác giả cuốn “Hôn nhân có cần thiết không?” đã thực sự nghĩ vậy, ông nói: “Tôi không nghĩ tình yêu là bản chất của con người. Đó chỉ là áp lực của xã hội tác động vào ý thức”, và buông một tấm hỏa mù lên lời khẳng định trên: “Ngay cả khi nó là một phần bản chất, như bạo lực và tội ác, thì cũng chẳng cần thiết phải ao ước”.

Thực ra, nếu tình yêu là bản chất của chúng ta thì cũng chẳng giải quyết được gì. Ở đây lại lặp lai sự luẩn quẩn của con gà và quả trứng! Cái nào đến trước: tình dục hay tình yêu? Nếu nhu cầu tái sản xuất thống trị (như thuyết Darwin) thì có lẽ tình dục đến trước. Song tại sao lại nảy ra tình yêu trên đường tiến hóa, nếu như có thể biết rằng không cần thiết bắt đầu bằng tình yêu? Hơn nữa, tính lãng mạn là gì? Liệu có phải là bộ sưu tập của sự bốc đồng và hão huyền của hàng thế kỷ? Cái ảo giác lớn nhất, ví dụ như chứng cuồng hoa Tulip ở Hà Lan vào thế kỷ 17, cháy bùng và rụi tắt khá nhanh khi người ta nhận ra mình thật ngớ ngẩn và tỉnh ngộ. Song khi những kẻ yêu nhau tỉnh trí lại, họ có xu hướng đi vào quỹ đạo với năng lượng được cộng thêm từ kẻ kia và trở nên điên rồ hơn và đần độn mụ mị hơn! Nếu tình yêu chỉ là điều bịa đặt, chả có bằng chứng nào hợp lý và đáng thuyết phục, thì hẳn là mọi người đã được miễn dịch khỏi các loại bệnh tình. Nhưng hãy nhìn xem. Điều đó đã chẳng xảy ra. Tình yêu vẫn bay lượn khắp không gian! Và nó còn có vẻ lan rộng hơn cả những tưởng tượng lãng mạn nữa kia!

Những kẻ tranh luận rằng tình yêu chỉ là sự tưởng tượng văn hóa đã dùng quan điểm phân chia giai cấp và Âu hóa. Họ cho là tình yêu lãng mạn nảy sinh do các thú vui độc đáo của phương Tây: thời gian giải trí nhiều, các tiện nghi của cuộc sống, trình độ cao của văn học nghệ thuật v.v… Khi mà những thứ đó vắng mặt thì tình yêu cũng tiêu luôn. Theo họ thì: nông dân chỉ giao phối, còn giới tư sản mới yêu đương!

Song năm ngoái, một nghiên cứu của các nhà nhân loại học ở Trường đại học tổng hợp Nevada - Las Vegas và New Orleans đã tìm thấy bằng chứng của tình yêu lãng mạn ở 147 trong 166 nền văn hóa mà họ đã nghiên cứu. Khám phá này, nếu được xác minh, sẽ xóa sạch tư tưởng cho rằng tình yêu chỉ là sự sáng tạo của tư duy châu Âu chứ không phải là nhân tố sinh lý học. Một thành viên của nhóm, ông William Janhowiale, nói: “Thực sự, tình yêu là hiện tượng toàn thế giới, một đặc tính nhân bản xuyên suốt các nền văn hóa. Các xã hội tiến bộ có điều kiện để biểu lộ tình yêu bằng hoa và kẹo, song đó không có nghĩa là các nền văn hóa khác không có tình yêu”. Nhiều nhà nhân chủng học khác hoan nghênh quan điểm này. Helen Fisher, nhà nghiên cứu ở Viện Bảo tàng Hoa Kỳ và là tác giả cuốn: “Phân tích về tình yêu”, một cuốn sách gây sóng gió trong giới khoa học và độc giả, đã nói: “Tôi chưa bao giờ lại nghĩ rằng tình yêu không là tình cảm nguyên thủy và bản chất của loài người, cũng như bản chất của nỗi sợ, niềm vui hay sự tức giận. Điều đó quá hiển nhiên”.

Các nhà nhân loại học trước kia cũng đã từng nghiên cứu về sự tỏ tình và nghi lễ kết hôn. Giờ đây, những điều đó dường như có một khuôn mẫu cổ điển, như một bài cổ thi: người ta luôn tìm kiếm tình yêu ở những nơi sai lầm. Ở nhiều dân tộc, tình yêu và hôn nhân chẳng đi cùng đường. Hôn nhân vẫn có thể mang tính lãng mạn, nghi lễ, có chữ ký, con dấu và các ràng buộc khác vì các lợi ích kinh tế của cộng đồng, song có thể không cần tình yêu. Điều đó không có nghĩa là tình yêu không tồn tại ở các dân tộc đó, nó nảy nở trong bí mật như “một vụ đáng lưu tâm”. Ở vài nơi, nó gây ra những xôn xao tai tiếng. Nhưng nếu các nhà khoa học đang điều tra và sẽ tuyên bố rằng tất cả chúng ta đều có định mệnh một các khoa học với tình yêu - thứ tình yêu được lập sẵn chương trình bằng cấu trúc gene sinh học - thì khối người sẽ phản đối. Bởi nếu thực sự có thiên hướng sinh học trong tình yêu thì làm sao giải thích sự đa dạng đến kinh ngạc của tình yêu, của các cách tỏ tình. Những thổ dân đang đấm đá và túm tóc các bà vợ lôi về nhà kia là biểu hiện tình yêu chăng? Nàng Helen thành Troie, vùi chôn cả thành phố quê hương mình vào cuộc chiến hơn 10 năm - tình yêu chăng? Romeo và Juliet? Hàng vạn chuyện điên rồ khác vẫn xảy ra, vì tình yêu, hàng ngày, hàng giờ. Tình yêu cũng như thế giới: càng nghiên cứu nó bao nhiêu thì những điều bí ẩn và lạ lùng lại càng xuất hiện nhiều hơn. Và nói gì thì nói, tình yêu đã, đang và sẽ còn tồn tại mãi với loài người.

BÙI QUANG VINH

(Theo Time 15/02/1993)

ĐỖ THIÊN THƯ st.


LÀNG TÔI

Tôi xa quê những năm binh lửa

Trở về thăm Quảng Thuận(1) làng xưa

Gió lùa cành liễu đong đưa

Sen tàn mấy đóa cúc vừa chớm hoa*

*

Sương rắc muối cành dương gió hú

Bóng thời gian vừa tụ đã tan

Trải dài cồn cát hồng hoang

Còn ta khách địa dặm ngàn về đây

*

Đình làng tôi chỉ thờ hai họ

Trần Quốc Công(2) Ma Mạc vũ hầu(3)

Đào Hoa thôn, Phủ Phong Châu(4)

Một trong mười họ đứng đầu văn nhân.

*

Giặc binh lửa xóm thôn ly tán

Theo đoàn quân di tản phương Nam

Vượt qua đồi núi đèo Ngang

Bờ sông Gianh quyết lập làng từ đây

*

Vòm tre nghiêng trường làng lối cũ

Đây là nơi hội tụ văn nhân

Ta về vắng bạn tri âm

Vòng xoay tạo hóa thăng trầm luật chung

*

Xưa ta đi con đò đưa lối

Nay ta về cầu nối qua sông

Đôi bờ nước vẫn một giòng

Vẫn mùa nước lũ vẫn đồng ngô khoai

*

Ra thăm mộ thắp hương bên ngoại

Hỏi mả ông bên nội chẳng còn

Vùi nông mưa nắng xóa mòn

Đau lòng du tử gửi thân quê người.

*

Ghé quán đường ghé qua nhà cũ

Đây là nơi tổ phụ khai cư

Nghe ra câu chuyện hình như

Gió trăng ông xã thay từ đổi tên

*

Dạo qua làng hiền thê Thổ Ngọa

Hỏi thăm nhà nhưng lạ người thân

Hỏi người vắng bạn đồng lần

Phải duyên kỳ ngộ cũng gần chẳng xa

*

Cũng muốn hỏi mộ cha bên vợ

Ngại một điều phải túi không tiền

Hỏi thăm lại sợ làm phiền

Vài câu tâm sự vợ hiền chứng cho.

TRẦN VĂN HỮU

Trích “Một bước tâm tình”

* Nghĩa là cuối hạ sắp sang thu, cảnh vật lúc giao mùa rất buồn

(1) Quảng: là tỉnh Quảng Bình

Thuận: là làng Thuận Bài

(2) Đình cổ của làng Thuận Bài được Nhà Văn Hóa công nhận Di tích lịch sử. Đình làng gắn liền với hội quán Thuận Bài tại Tp. Hồ Chí Minh, có thờ hai vì Đường quốc công Trần Đạt(?) và Thanh quận công Trần Khai(?)

Theo sử sách ghi lại, có tất cả 47 vị đã theo vua Lê Lợi khởi binh năm 1418 trong đó có ông Trần Đạt và Trần Khai, chia binh chống cự với nhà Minh. Sau khi đánh tan quân xâm lược, thống nhất đất nước, vua Lê Lợi sắc phong cho các công thần, không có tên hai ông Trần Đạt và Trần Khai, thay chỗ hai vị này là Trần Văn và Trần Xung.

(Theo Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn trang 24)

(3) Trong cuốn Bách Việt tái bản 1950 tại Hà Nội có một danh tướng người Mường tên là MA MẠC một trong số võ tướng của nước Việt ở động Vũ Di theo vua Lộc Tục mở ra nước Việt ngày nay (trang 64). Chính phủ VNDCCH cũng công nhận người Mường là người Việt Cổ Đại.

(4) Ở tỉnh Phú Thọ phủ Phong Châu thôn Đào Hoa (có tên khác là Đào Nguyên) vì bốn mùa hoa quả tốt tươi, khí hậu ôn hòa, thôn trang ngăn nắp. Ở thôn này có khoảng 10 họ đó là: Ma, Nùng, Đinh, Trương, Hoàng, Dương, Bạch, Lư, Hứa, Tạ.

Người Mường ở đây có một danh nhân là Ma Văn Cao động sĩ, trình độ văn chương vượt trội. Ông đã viết bộ sách Linh Nam Dật Sử.

Dật : ở ẩn

Dật sử : sử chép lại những chuyện của các danh nhân đi ở ẩn

Ông viết bằng tiếng Man ngữ, khi Quận công Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật phụng chỉ lên vùng Đà Giang để chiêu dụ Nùng Tồn Phúc và bộ tộc người Nùng chịu quy hàng, chủ đãi một bữa tiệc tiễn hành, trong đó có cháu năm đời của Ma Văn Cao là Ma Văn Khải, đem tặng cho Trần Nhật Duật một bộ sách tựa đề là Linh Nam Dật Sử ông dâng lên vua Trần Anh Tông, Ngài xem xong truyền lệnh cho Trần Quốc Công dịch ra Hán Nôm có lời phê của nhà danh nho lúc bấy giờ là cụ Trương Hán Siêu (trang đầu LNDS).

Trở lại làng Thuận Bài hay An Bài sự tìm hiểu nông cạn của chúng tôi thì làng này có một bộ tộc mang dòng họ MA các làng lân cận như Thổ Ngọa, Đơn Sa, La Hà, Cao Lao chẳng có kể cả các làng trên vùng núi cao cũng vậy.

Tìm hiểu sâu hơn hai chữ Thuận Bài hay An Bài = An hay Thuận. Từ điển Hớn Minh dịch: xếp đặt, thu xếp, Thuận Bài là sắp đặt thuận lợi.

Thuận Bài = nghĩa bóng, thỏa thuận sắp đặt có đường lối thuận lợi = họ “Trần+Ma” đều chấp nhận định cư tại đây.

Làng Thuận Bài lập ra lúc nào không ai biết, sách Hoàng Việt Nhất Thống địa dư chí của Lê Quang Định đời thứ 5 vua Gia Long (1806) có nói sơ qua.

Làng lập có lẽ đầu nhà Hồ cuối nhà Trần, trong tập san Xưa Nay số 59+60B-1999 Xuân, có đăng bài Ba Đồn. Một đồn ở làng Thuận Bài, Hai ở làng Trung Tuần, Ba ở Ròn - hồi chiến tranh Trịnh Nguyễn.

Còn Đại Nam Nhất Thống Chí của Cao Xuân Dục phụng chỉ tu sửa lại cũng có ghi rõ ràng hơn – từ bến đò xã Lao Cao đò chèo qua bến sông xã Thuận Bài (lúc bấy giờ còn là xã chưa gọi là làng) mỗi kỳ có phiên làng Phan Long đò đưa đến bến chợ.

Chúng ta tìm hiểu những năm đầu của thế kỷ 20, sự cưới hỏi đều lòng vòng trong 2 họ: Trần lấy Ma, Ma lấy Trần, ước chừng 2 đời là có thể lấy nhau, tuyệt đối không gả cưới những làng khác họ (nhưng sau này có nhiều họ khác đã nhập tịch xin làm rể, dâu Thuận Bài rồi).

Nếu xét rộng hai từ Thuận Bài thì rõ ràng hai nhân vật cao cấp này có mối liên quan mật thiết với nhau, dẫn dắt đi ở ấn. Họ tìm được địa thế làng này rất an toàn, vì xưa kia nơi này có một “Bùng” rừng ngập mặn toàn cây đước, cây mắm và nhiều cây tạp rất sầm uất, trải dài ra tận biển, tuyệt đối ghe thuyền không đi lại được, khi có giặc vào đây ẩn trốn rất an toàn. Quân lính phía Bắc vào truy nã thì có đèo Ngang hiểm trở, phía sau là sông Gianh, trước mặt là đồi cát Đàn Sa phía sau là bùng rừng ngập mặn, những chếc xuồng nhỏ luồn lách theo các hàng cây xuôi cửa sông Hắc ra biển rất an toàn.

Tôi chỉ gợi ra đây để quý vị cao minh và lớp trẻ sau này tìm hiểu nguồn gốc hai họ cho chính xác hơn (không nên viết theo óc địa phương) dù sao chúng ta phải nhìn nhận là hai họ có địa vị cao trong xã hội lúc bấy giờ.


Nắng buồn nghiêng ngả chiều thu

Hiu hiu sương lạnh gió ru lá cành

Còn thoi thóp chút nhựa xanh

Sương mờ e ấp chiếc mành xám tro…

*

Lá vàng nép bóng cành khô

Co ro run rẩy gió hờ hững qua

Rừng thu vắng bóng tình xa

Xạc xào tiếng là nắng hoa mắt buồn

*

Tình giờ những giọt mưa tuôn

Thu về tơi tả dỗi hờn tình đau

Bơ vơ lạ lẫm canh thâu

Một mình nức nở miên sầu xót xa

*

Tình buồn như áng mây qua

Xuân tàn thu đến nhạt nhòa sắc hương

Bước chân lạc cõi vô thường

Cỏ may phất phới sầu vương dặm trường…

*

Thu phai nắng nhạt cuối đường

Vàng thu lá úa tiếc thương ngỡ ngàng

Màu xanh thuở ấy xuân sang

Chỉ còn ảo mộng bàng hoàng cõi mơ!

Phạm Thị Minh Hưng

Khổ chuyện nước non

Hình như mình đang ở ven sông

Một chiều mưa gió xót xa lòng

Mưa rơi nặng hạt mưa rơi mãi

Lòng đường giờ nước ngập thành sông

*

Anh đang đi xa lúc trở về,

Coi chừng nước cuốn, nước lôi đi

...có con đỉa bám vào chân đó

Âm thầm nó cắn rất đê mê...!

*

Em ở ven sông nước bốn bề

Trời mưa nước cũng biết rủ rê

Vào thăm nhà cửa thăm đồ đạc

Chỗ nào cũng được nước vân vê !!!

*

Đang thức mà như giấc chiêm bao

Con đường nay chẳng có nắng đào

Mênh mông biển nước la đà sóng

Nước non khổ quá,... biết làm sao !!!

Phạm Thị Minh Hưng

SaiGon - Thứ 2-26/9/2016

Gửi người

Tặng Ng. ở Đinh Yên (Đ.T)

Biết anh còn ở Đinh Yên không

Mấy mươi năm lẻ vắng tin hồng

Anh về nơi đó rồi xa mãi

Trời phương nầy thương nhớ chờ mong

*

Những tưởng quên đi một chút sầu

Lấp Vò ngày ấy có mưa mau

Anh đi bỏ lại tờ thư tím

Kinh thành em vẫn ngóng trông nhau

*

Giờ chắc anh vui hạnh phúc nhiều

Thời gian đã phai nhạt hương yêu

Và bao kỷ niệm theo ngày tháng

Sẽ dần tan trong bóng nắng chiều

*

Bỗng nghe giá lạnh buốt trong hồn

Em qua Khánh Hội đón hoàng hôn

Không dưng nhớ quá người thuở trước

Đồng Tháp trăng mờ hay sáng hơn.

HOÀI LY

(trích Thơ Tình Mùa Thu)

KỲ QUAN CỦA TRƯỜNG SƠN

Kỳ quan đất Việt đấy Trường Sơn

Sừng sững hình cong núi chập chồng

Rừng bọc non xanh khoe lá thắm

Ác soi đảnh bạc dợn mây hồng

Bể dâu mấy độ tươi như vẽ

Tường đá nghìn thu vững tợ trồng

Xin hỏi khách du khi ngắm cảnh

Nỗi lòng cố quốc có vui không ?

LANG NGUYÊN

NỢ VẤN VƯƠNG

Đọc bài yêu muộn của nàng Hương

Lòng luống nao nao dạ vấn vương

Chờ gió hái hoa chầm chậm nở

Đón trăng khoe bóng nhẹ nhàng thương

Mai lan cúc trúc cùng đua tiết

Xuân hạ thu đông mãi vượt đường

Ngôn hạnh công dung đầy sắc thắm

Gái ngoan khó tránh cảnh dầm sương.

LANG NGUYÊN

HOÀI NIỆM

Những chiếc lá vàng dần, rồi chao xuống
Miên man trên hè đường suy nghĩ vẩn vơ,
Rằng thu đã đi rồi sao khi nỗi đợi chờ
còn nguyên đó trên cành cây gầy guộc?

Cánh mây lăng nhăng,

thỉnh thoảng đem lũ mưa rơi rơi sóng sượt

Tung bụi mù lãng đãng những quẩn quanh
Rồi bụi kia lại đôi chút tần ngần
Rơi về chỗ cũ, chờ giòng mưa tươi mới.

Mùa thu đi xa, lòng lá hoa rười rượi
buồn, vì mùa đông đến là khép kín tâm can.
Là gió se se, là thiếu những nồng nàn.
Mà nếu có chỉ là từ xôn xao ánh nến.

Mùa thu trong ta là mùa hương quyện
Mái tóc người yêu những buổi tối đậm đà
Trong quán cà phê, có chút nhạc ngân nga.
Ta và em đối diện nhau không cần lời nhung lụa.

Mùa thu khi xưa, mỗi lần đều bỡ ngỡ
Với son môi, với mắt rất êm đềm
Với hàng cây e ấp rất linh thiêng
Và tim khẽ đập, đánh vần lời yêu dấu.

Rồi thu ra đi cũng là khi lòng ta khờ khạo
Đổ trên đàn những phím ẩn trầm tư
Thu đi, em đi, cây lá rất dại khờ
Thậm chí chẳng chút rung nào suốt buổi !

Ta ngồi đó, vẫn hàng cây nghĩ ngợi
Cốc cà phê đen mãi chẳng nhạt màu
Chờ thời gian cho đêm lắng thật lâu
Trên lối cũ, ta về, cà phê còn ở lại.

Thu hỡi thu, lá kia còn ngần ngại
Lặng cả hồn chia sẻ chút bâng khuâng.
Sao ngươi đi, đem cả chút linh hồn
trong ta đó theo người xưa biền biệt...

LAM TRẦN

(8.12.2013)

T U CA

Ai bảo ta say? Ta chẳng say

Ta chỉ thấy trời long đất lở

Như cuộc đời đất lở trời long

Trải qua một cuộc sống còn

Tháng năm bươn chải đã mòn gót chân

Rượu nồng cho đậm tình thân

Dù cho đất lở trời long mặc trời

Phù du là một cuộc chơi

Lấy hồn đựng rượu lấy chai đựng hồn

Dẫu cho rượu chảy dạ mòn

Ân tình bầu bạn vẫn còn lưu linh…

VÕ KIM CƯƠNG

Một chuyện tình yêu

Ngày xưa trong buổi xuân thì ấy

Mỗi độ xuân về một bài thơ

Làm thân qua những vần thơ đẹp

Ngày giải phóng vui hòa bình thống nhất

*

Người đi học tập tròn ngũ niên

Trở về công dân tốt, là lễ thành hôn

Khó khăn qua, rồi thời bao cấp

Đất nước đổi mới, nước dân giàu

*

Có tài, nhiều nghề, người thêm lộc

Thầy thuốc, luật gia, thi phú hay

Cuộc sống vui, cũng có lúc cam go

Nhưng rồi cũng tròn câu chung thủy

*

Rồi người lại bước ra đi

Cầu mong Phật độ từ bi cửa thiền.

14-6-2013

THÚY MAI

ANH LÀ AI (1)

Anh là ai mà nhậu hoài như vậy

Sao không làm ra của cải lưu thông

Người nông dân lam lũ với ruộng đồng

Một nắng hai sương mà cơm chưa đủ

Mẹ già bảy mươi không người bảo dưỡng

Sớm hôm nhờ hàng xóm đỡ đần

Mỗi lần nhậu là mỗi lần say xỉn

Rượu thịt theo nước mắt tuôn trào

Kinh tế quốc dân cứ thế tiêu hao

Anh là ai anh có biết không nào.

NGÔ BÁ MẠNH

ANH LÀ AI (2)

Anh là ai không bao giờ thấy nhậu

Sao không làm cho ra vẻ đàn ông

Người nông dân lam lũ với ruộng đồng

Nhưng mỗi tối đi về đều có nhậu

Mỗi lần nhậu là mỗi lần ca hát

Tiếng cười reo vang cả xóm làng yêu

Tâm hồn tươi như hoa nở sáng chiều

Và như thế cuộc đời thêm sảng khoái

Cho tâm hồn hăng hái vút lên cao

Hãy nâng ly đồng loạt uống đi nào.

NGÔ BÁ MẠNH

TUỔI XẾ CHIỀU

Tóc bạc điểm sương cuộc sống nhàn

Qua rồi khổ cực hết gian nan

Vô tư vì chẳng ham danh lợi

Thanh thản do không có bạc vàng

Sống khỏe dưỡng sinh thêm phấn khởi

Vui bên con cháu khoái liên hoan

Hơi đâu suy nghĩ cao hay thấp

Còn nợ tình đời trên thế gian.

QUANG BỈNH

SỰ ĐỜI

Bảy chục xưa nay đã hiếm rồi

Nghĩ cho thân phận lục bình trôi

Tóc mây quấn quýt bên con cháu

Đầu bạc ung dung giữa đất trời

Sướng khổ bao phen nào sá kể

Dạy con mến cháu vẫn không nguôi

Cõi trên thong thả chưa về vội

Trần tục còn vui bao chuyện đời.

QUANG BỈNH

Mẹ nào muốn bỏ con đi

Nhưng mà bệnh nặng chia ly nào ngờ

Ngày đêm mẹ cứ thẫn thờ

Kéo lê kiếp sống lặng lờ đơn côi

Mong sao con cháu vui chơi

Ấm êm, hòa thuận, đầy vơi mẹ mừng

Chạy xe lúc lái lúc dừng

Con nên cẩn thận chứ đừng ỷ y

Bảo Nghĩa con dạy chi ly

Vẽ vời lễ giáo nghĩ suy tình người

Học hành khuyên nhủ chớ lười

Lâu lâu nên có điểm mười mẹ vui

Mong sao bệnh tật đẩy lui

Mấy ai biết được rủi xui khi nào

Nhắn Loan vui vẻ tự hào

Chồng lo công việc con nào cũng xinh

Cầu xin Trời Phật anh linh

Ban cho êm ấm hiển vinh mẹ mừng.

VŨ THÙY HƯƠNG

27-10-2015

TƯỞNG NIỆM

(Một năm ngày anh ra đi 21-9-2014 lúc 7 giờ sáng)

Anh ơi sao vội ra đi

Để em sống cảnh chia ly sao đành ?

Bao nhiêu hứa hẹn dỗ dành

Bấy nhiêu tình nghĩa duyên lành nát tan

Giờ đây chỉ biết vái van

Thắp hương tưởng niệm mà tan cõi lòng

Nhớ anh ghi lại vài dòng

Thương anh ấp ủ nỗi lòng tái tê

Kéo dài kiếp sống ủ ê

Chia lìa đôi ngả như mê như khùng

Anh nằm dưới đất lạnh lùng

Còn em trần thế não nùng bi ai

Buồn đau trĩu nặng đôi vai

Anh đi em ngỡ một mai anh về

Để cho giữ vẹn lời thề

Trùng dương cách biệt không hề nhạt phai

Nhưng rồi sét đánh bên tai

Anh lìa cõi thế mấy ai nào ngờ

Xác thân trôi dạt bến bờ

Ước mong gửi lại nấm mồ quê hương

Một năm tưởng niệm tiếc thương

Lệ rơi rơi mãi thê lương não lòng.

VŨ THÙY HƯƠNG

CHÙM THƠ HAIKU

MÙA THU

THU ĐẾN

Phượng cháy hết rồi

Chỉ còn biếc xanh thôi

Gọi mùa thu tới

HEO MAY

Nắng chợt dịu dàng trải lụa

Để gió được làm heo may

Em gửi mùa thu vào đấy

GIÓ TRĂNG

Bước thênh thang

Đề huề gió trăng lưng túi

Nghe mùa thu sang

VẮNG BẠN

Buồn tênh ly rượu cạn

Ly rượu đầy buồn hơn

Khi ta vắng bạn

THUYỀN

Em cho tôi dạt dào sóng vỗ

Ngồi bên sông

Ta bỗng hóa thuyền

TRUNG THU

Em cho tôi

Một vầng trăng tỏ

Nên ngày thường cũng hóa trung thu

LÊ NGUYÊN

Sàigòn đầu thu 2007

HƯƠNG BẮP

Bắp ngô nóng hổi trên tay

Từ đồng quê xa nào đây

Bãi giữa sông Hồng em đấy

Hay từ bờ Đáy Sơn Tây

*

Hương ngô bay trên hè phố

Xua bớt hơi xăng bụi mờ

Gánh ngô trĩu trên vai nhỏ

Gánh cả một trời quê xưa

*

Hạt ngô trắng đều tăm tắp

Hé nụ cười ai trao tình

Ngọt mềm quyện trong hương bắp

Như chạm vào bờ môi xinh…

LÊ NGUYÊN

27.11.2006

NIỀM TIN VÀ TUỔI TRẺ

Tuổi trẻ luôn kiếm tìm chân lý

Vì họ là người chủ tương lai

Bản năng tìm về buổi sơ khai

Sáng thêm bởi ánh đèn lý trí

*

Sự cuồng nhiệt tuổi trẻ chóng tàn

Còn tinh hoa tuổi già bền vững

Tuổi già với nét văn tươi sáng

Rạng sắc màu sông núi quê hương

*

Đồng quê ta vẫn xanh rờn lá mạ

Giang sơn ta vẫn ca ngợi anh hùng

Người dân ta vẫn chan chứa tấm lòng

Với đất nước Việt Nam yêu dấu

*

Lòng yêu nước trời xanh sẽ thấu

Trước tiên cần rèn luyện tinh thông…

Mới có ngày ra giúp non sông

Gặp thời cơ cá sẽ hóa rồng.

LÊ MINH CHỬ

ĐỜI VUI HƠN

Lòng náo nức với việc làm từ thiện

Niềm đam mê tìm nét ảnh đời thường

Chung sức lại trong tình thương nhân loại

Đem nguồn vui trải rộng khắp muôn phương

*

Ta về đây giữa núi rừng hoang dã

Góp sức mình xoa dịu những thương đau

Chút quà mọn chứa chan lòng nhân ái

Nghe dạt dào ý nghĩa sống vì nhau

*

Trong khoảnh khắc cảm thông gặp gỡ

Nụ cười tươi và ánh mắt long lanh

Đời đẹp hơn bởi tình người thắm thiết

Mong yên vui nghèo khó vượt qua nhanh

*

Một ngày nắng ấm tươi hồng

Thương thương hòa nhịp tấm lòng quang minh

BS. DOANLINH

NỖI BUỒN TRƯỚC BIỂN

Ta mong có một ngày trên bãi biển

Để cùng ai ngồi đợi ánh trăng lên

Để cùng nhìn về phương ấy không tên

Cho khỏa lấp những tháng ngày vô vọng !?

BS. DOANLINH

ĐÊM CON NẰM BỆNH VIỆN

Cho con Vũ Thị Hoàng Anh

Đêm qua

Lần đầu xa cả mẹ, cha

Con một mình nằm trong bệnh viện.

*

Cha nhốt kín

Đồng hồ trong tủ kính

Sao bước thời gian cứ gõ lên đầu ?

*

Đêm dài lâu

Réo vang điện thoại

Giật thót tim, cha bật dậy

Tưởng đâu bệnh viện gọi vào.

*

Có lẽ nào

Trong thân con bé nhỏ

Lại chứ đựng mọi vui, buồn, sướng, khổ

Của cả cuộc đời mẹ, cha ?

Matxcơva, 16-4-1990

VŨ ĐÌNH HUY

THE NIGHT MY DAUGHTER WAS HOSPITALIZED

To my daughter Vũ Thị Hoàng Anh

Last night

For the first time you’re far away from

                   both mother and father

Lying all alone in the hospital.

*

I tightly shut up

The watch in the glass-case

Why the steps of time continued to knock on my head ?

*

The night is long

The telephone bell resounded

My heart gave a leap, I woke up

Thinking it was the hospital that called.

*

It’s unbelievable that

In your little body

Are contained all happiness, sadness,

                         pleasures and miseries

In the whole life of your mother and father ?

Moskow, 16-4-1990

VŨ ĐÌNH HUY - Translated by VŨ ANH TUẤN


Nhiều người khi bước vào tuổi bảy mươi thường cảm thấy thú vị vì được xếp vào hàng “quí hiếm”, lấy ý nghĩa từ một câu thơ của Đỗ Phủ đời Đường “Thất thập cổ lai hy” trong bài “Khúc giang nhị thủ”. Thật ra, thời đại của Đỗ Phủ ở vào thế kỷ thứ 8, cách đây hơn 1.200 năm. Hồi đó, nói tuổi bảy mươi rất ít người đạt tới là chính xác. Đọc qua sử Tàu, sử Việt các vua quan, những người giàu có, tuổi thọ trung bình thường không cao. Những bậc vua chúa này thường có nếp sống vinh hoa phú quý, ăn uống toàn cao lương mỹ vị, nhưng cũng chết yểu hay cao lắm cũng bước tới ngưỡng sáu mươi là nhiều. Nhiều người nói các bậc vua chúa chết trẻ nhiều quá chắc tại vì ông nào cũng có nhiều vợ và cung phi, mỹ nữ. Xem như ông vua Minh Mạng(1) nhà ta có đến 142 người con trong đó số hoàng tử chiếm 78 vị, còn công chúa sơ sơ có 64 cô nương. Làm thử một bài toán chia cho số năm ông vua này trị vì, tức là tính đến ngày ông chết, mỗi năm ông có 7 người con chào đời, hay nói cho vui thì mỗi năm ông vua có bảy bà vợ đập bầu. Người đời nay thắc mắc vì sao hơn bảy chục hoàng tử không còn nghe ai nhắc tới, cũng như hơn sáu chục bà công chúa chồng con ra sao? Thời buổi hồi xưa chắc chắn cũng là trai thiếu gái thừa, đàn ông danh gia vọng tộc làm sao có đủ để ông vua Minh Mạng ban hôn cho số lượng công chúa đông đảo này, biết đâu vài chục bà công chúa có thể phải sống cô đơn tới già, tới chết. Tương tự chắc cũng đã có số lượng lớn các hoàng tử không tìm được vợ, cho dù phải đi lùng sục trong hàng thứ dân.

Luận về cái tuổi bảy mươi, ông Khổng Tử hồi xưa có nói tuổi này con người sẽ đạt đến tình trạng rất hoàn hảo về cách xử thế. Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì tự nhiên thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy, và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo lý(2). Đây là ý của câu chữ Hán khó đọc và cũng khó nhớ luôn: “Thất Thập Nhi Tùng Tâm Sở Dục Bất Du Củ(3).

Bước vào tuổi thất thập, ông Bích thấy cuộc đời của ông sao trôi nhanh đến như vậy! Ông ước gì được trẻ lại chừng hai mươi năm để thực hiện một số sở thích của mình hoặc học thêm cái này cái nọ. Không phải ông bị suy giảm về thể lực vì bệnh hoạn mà ông muốn kéo dài cuộc sống để được hưởng thụ tuổi già. Ông quên rằng cách đây hai mươi năm ông còn phải chạy kiếm cơm xói trán, thời gian đâu để tìm đến những sở thích. Con cái ông còn đi học, chưa ra trường để tự mưu sinh. Tuy nhiên lúc đó ông còn rất khỏe. Năm mươi hai, năm mươi ba tuổi ông còn ra sân đá banh với những đồng nghiệp trẻ hơn mười lăm hai mươi tuổi, và cũng đã có được một chiếc cúp nho nhỏ để trên bàn làm việc ở nhà, lâu lâu ghé mắt nhìn qua cũng thấy vui.

Một điều làm cho ông Bích thấy một chút bùi ngùi là có một vài người bạn nối khố từ xưa đã phủi chân lên bàn thờ ngồi nhìn gà khỏa thân vào mỗi dịp Tết, từ giã cuộc chơi.

Một trong số vài người bạn đã lên thiên đường là anh chàng có tên độc đáo là Cưng. Ông Bích tình cờ quen ông này tại một câu lạc bộ Bi-ya vào một ngày Chủ Nhật, không phải đi làm việc. Lúc đó ông Bích mới 27, 28 tuổi, đang có “job” tại một thành phố cách Saigon khoảng hai trăm cây số. Buổi sáng hôm đó, thực ra cũng gần xế trưa rồi, ông Bích bước vào câu lạc bộ Bi-ya định tìm một bàn trống chơi một mình. Môn này ông Bích đã biết sơ sơ khi còn đi học ở Saigon. Những chiêu “giò gà”, “mắt kiếng”, “cu-lê”, “rề-trô” ông Bích cũng khá rành nhưng không giỏi lắm. Ông đưa mắt nhìn quanh thấy năm bàn đều có người chơi. Chợt có tiếng ai nói bên cạnh:

- Đi một mình hả huynh?

Ông Bích chợt quay lại nhìn vào một bàn bên cạnh. Một “hán tử” đang chống “cơ” nhìn ông. Ông Bích nhẹ gật đầu và nói nho nhỏ:

- Đúng rồi anh.

- Ráp vô làm một hai cơ chơi. Tôi cũng đi một mình.

- Tôi đánh dở lắm.

- Ăn chung gì.

Nói rồi anh đến giá để cơ rút một cây đưa cho ông Bích sau khi kiểm tra đầu cơ còn tốt, rồi nói:

- Làm một cơ 40 chục đi.

Đúng là anh ta chơi giỏi hơn ông Bích. Anh ta đi xong 40 điểm trong khi ông Bích lẹt đẹt mới 26, 27 điểm. Ông Bích khen:

- Anh chơi giỏi quá!

- Bao nhiêu đâu. Tôi nằm bàn ở đây mà. Chủ nhật nào tôi cũng ra đây chơi. Hôm nào có bạn thì chơi xong kéo qua bên kia lai rai vài chai rồi về.

Rồi cũng như thông lệ, trưa đó ông Bích và anh ta qua bên quán bia làm lai rai mỗi người vài chai. Trong lúc nói chuyện ông Bích biết được anh ta cùng tuổi ông, còn lớn hơn 3, 4 tháng gì đó. Anh đang làm việc tại một xưởng gỗ dưới Cầu Đá, phụ trách công việc sổ sách mua bán, trả lương cho thợ. Thỉnh thoảng anh ở lại ngủ đêm trực cho xưởng. Anh cho biết trực ở xưởng như vậy rất thích vừa canh không cho cái đám bên Đìa Cá qua trộm gỗ quý và máy móc, vừa được yên tĩnh để đọc sách. Anh cho biết:

- Ở nhà thằng nhóc tì hay phá phách, khó tập trung để đọc sách.

- Có vợ con rồi hả?

- Rồi! Thằng nhóc được gần hai tuổi.

Thật bất ngờ, ông Bích phát hiện anh chàng này là một con mọt sách. Những cuốn sách ông Bích đã đọc anh ta đều đã đọc qua. Anh kể thêm những cuốn sách mà ông Bích chưa hề biết tới. Nhờ vậy ông Bích coi như đã biết thêm một ít về nội dung những cuốn sách mà ông chưa hề đọc qua. Rồi từ đó Chủ nhật nào ông Bích cũng ra bàn bi-ya đấu với hắn một vài cơ, đến trưa hai người lại qua quán nhậu và lại nói chuyện về sách. Chủ đề thường xuyên thay đổi theo từng tên tác giả, khi thì nói chuyện về sách của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nhật Tiến, Kim Dung... hay các tác giả nước ngoài như Victor Hugo, Sartre, Sagan. Tất cả những sách của các tác giả này đều được in bằng tiếng Việt. Có lần ông Bích hỏi:

- Sao lấy vợ sớm vậy bồ? Tôi thì “chưa hề yêu ai”.

- Bồ muốn nhắc đến cuốn “Thần hổ” phải không?

- Không phải. Trùng hợp thôi. Ừ mà cuốn đó cũng hay. Ban đêm đọc sợ “ma trành” hiện lên bóp cổ?

- Ối, nhà văn người ta tưởng tượng chứ làm gì có thiệt.

- Hỏi lại nè, vì sao lấy vợ sớm? Ông Bích gằn từng tiếng cho có vẻ tếu một chút.

- Tại cái tên tôi đó.

- Sao vậy?

- Hồi xưa ông bà già tôi lấy nhau, chờ đợi mỏi mòn đến ba bốn năm sau tôi mới chịu ra đời. Ông già khoái quá đặt cho tôi cái tên không giống ai, Cưng! Đào Cưng! Ông già tôi họ Đào!

- Rồi sao nữa? Ông Bích cười ra tiếng.

- Lên đến Tú Tài tôi quen được mấy cô bạn gái. Mỗi lần đi ăn chè mấy cô không bao giờ gọi tên tôi mà gọi là “ông già lùn”. Tôi hỏi “sao lại lùn?”, Mấy cô giải thích: Tại tên anh bảo là “đừng có cao”. Tôi chợt nghĩ ra mấy cô dùng tiếng lái của tên tôi để chọc.

Vừa làm hớp bia, ông Bích suýt sặc vì phải bật lên tiếng cười. Anh ta kể tiếp:

- Về nhà tôi càm ràm với ông già về cái tên tôi hồi xưa ông đặt nghe kỳ quá. Nhưng ông già đã trấn an: “Con đừng lo, cứ chờ đi, chừng nào có đứa chịu kêu tên con tức là nó chịu đèn rồi đó. Cứ về cho ba biết ba đi hỏi cưới cho”. Rồi chuyện đó cũng đã đến đúng như ông già tôi dự tính.

Một hôm, một cô bất chợt đi theo sau và gọi tên tôi rồi đi song song nói chuyện. Tôi đánh bạo rủ cô đi ăn chè. Vậy là xong, mấy tháng sau chúng tôi làm đám cưới.

- Chị có thích đọc sách như anh không?

- Cái này mới tức cười. Hồi quen nhau có biết tìm hiểu gì đâu. Thấy bả có cảm tình với mình, mừng quá trời. Rồi sau đó hết đi ăn chè, đi xi-nê, đến đi dã ngoại ra vùng quê xung quanh thành phố này. Tới chừng cưới xong về sống chung mới biết bả làm biếng đọc sách lắm. Được cái bả rất hiền lành dễ thương.

- Vậy là tuyệt vời rồi. Ông trời sắp xếp nhiều khi được cái này thiếu cái kia. Miễn là sống chung hạnh phúc là được rồi.

Chơi thân với ông bạn Cưng này được vài năm, đường cơ bi-ya của ông Bích cũng có tiến bộ, ông cũng đã lây cái “bệnh” đọc sách của anh bạn này. Cái tật mê đọc sách của anh này cũng khá đặc biệt. Mỗi khi đọc được cuốn nào mới mua hay đọc một đoạn văn nào hay anh thường đợi đến Chủ nhật đem ra bàn bi-ya cho ông Bích xem. Có lần vào lúc 2, 3 giờ sáng, anh gọi điện thoại dựng đầu ông dậy:

- Tôi đang đọc cuốn “Người tù khổ sai”(4) có đoạn này hay quá…

Rồi anh tằng hắng lấy giọng đọc. Ông nhớ chỉ nghe được loáng thoáng vài dòng, mắt ông sụp xuống và ngủ trở lại. Vì ống nghe để ra ngoài nên anh ta gọi lại không được. Sáng hôm sau ông Bích phải xin lỗi anh ta và cho biết buồn ngủ quá vì đi nhậu về khuya.

Rồi công ty nơi ông Bích làm việc bị phá sản, nhân viên tan hàng chạy tứ tán, ông Bích cũng chạy về Saigon sống gần với gia đình. Một người bạn cùng làm chung bay xa hơn ông Bích, về tận Cần Thơ, và vì không có văn bằng chuyên môn nên ông bạn này mua một chiếc xe đạp để hành nghề xe đạp ôm.

Hồi còn làm chung ông bạn từ vùng quê gạo trắng nước trong này cũng là một tay lả lướt có tầm cỡ. Ông ta lớn hơn ông Bích ba bốn tuổi và làm công việc giữ kho vật liệu. Ông ta còn là “sư phụ” của ông Bích về cái môn khiêu vũ. Phải nói là hồi đó ông chuyên viên giữ kho này có dáng nhảy rất đẹp và có phần nhí nhảnh. Các em ca-va gọi ông là “công tử Bạc Liêu”, và ông cứ phải luôn đính chánh:

- Công tử Cần Thơ!

Thời gian rảnh rỗi, ông công tử thường la cà ở mấy chỗ gần khu nhà ông ở trọ có người ta chơi cờ tướng. Đây là môn sở thích thứ hai của ông. Thấy hai môn chơi của ông công tử này có phần chỏi nhau, một đàng thì nhảy nhót sôi động, nhảy đã rồi bi ba bi bô với mấy em ca-va, một đàng thì trầm ngâm như bất động suy nghĩ từng nước cờ. Ông chỉ cho ông Bích khiêu vũ một cách nhiệt tình. Ông đi bước nữ rất nhuần nhuyễn, nhờ đó ông Bích tiến bộ rất nhanh. Để hậu tạ, ông Bích thỉnh thoảng bao ông công tử đi khiêu vũ, sau đó ra về đi nhậu ở một tiệm người Hoa với món mì vịt tiềm, đây là món công tử rất thích.

Cách đây vài năm, công tử lên Saigon ghé thăm ông Bích. Vừa gặp ông Bích kêu lên:

- Công tử!

Ông ta cười hề hề:

- Hay quá! Tưởng ông không nhận ra tôi.

- Già như nhau, thấy là nhìn được liền. Lúc này làm ăn ra sao?

- Phụ tá bà xã bán tạp hóa! Còn liên lạc gì với ông Cưng bi-ya không?

- Lên thiên đường rồi!

- Lâu chưa? Bị sao vậy?

- Cách đây 5, 6 năm gì đó. Bị ung thư gan.

- Chắc nhậu quá hả?

- Tôi không nghĩ vậy. Bệnh này trời kêu ai nấy dạ. Tôi có thằng bạn cả đời không dám đụng tới miếng rượu, miếng bia cũng phình bụng lên rồi chết thẳng cẳng.

Buổi chiều hôm đó, ông Bích đưa ông công tử qua cầu Thị Nghè làm một bụng mì vịt tiềm. Ông khen:

- Ông còn nhớ tôi khoái cái món này.

- Nhớ chứ, Nhưng ở đây không nhậu được. Lát nữa qua nhà hàng bên kia, sát bờ sông lai rai tiếp.

Saigon mấy hôm nay mưa to gió lớn. Nhiều nơi bị ngập vì hệ thống cống rãnh đã bị nghẹt bởi rác do người dân đổ đầy ắp. Nước bình tĩnh tràn vô nhà dân. Ông công tử về Cần Thơ được hơn một tuần. Ông Bích nghĩ cũng tội nghiệp ông già này, hồi xưa lên Saigon đổi đời bây giờ già rồi lại trở về quê quán như xưa.

Buổi sáng, ông Bích đi uống cà phê về vừa bước vào nhà, điện thoại của ông rung lên trong túi quần. Tiếng nói của một người xa lạ:

- Chú Bích ơi! Ba con bị tai biến, đi rồi…

Đó là tiếng nói của một người con ông công tử.

Dương Lêh

(1) Thông tin lấy từ Wikipedia

(2)&(3) Trích từ một bài viết có tựa đề “Kinh nghiệm thành đạt của cuộc đời Đức Khổng Tử” trên Internet, không có ghi tên tác giả.

(4) Một bản tiếng Việt dịch từ cuốn Papillon của Henry Charrière.


Phụ Bản III

Như làn gió bay đi

Cuộc đời tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, buồn vui, sướng khổ, thất bại, thành công, gặp nhiều tai họa, trầm cảm. Khi má tôi qua đời cho tôi một ý niệm về cái chết, cái chết sẽ đến với con người vào ngày cuối trong cuộc đời, khi ta đã già yếu, không thể đi tiếp con đường của ta được nữa, hãy chấp nhận điều này. Từ đó tôi có suy nghiệm cho cuộc đời của chính tôi: Chấp nhận sự tự chủ, cô đơn bằng việc sẵn sàng bước đi trên con đường mình đã chọn.

Là phụ nữ, thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ, tạo hóa sinh ra là được làm vợ, làm mẹ, được sống trong tình yêu thương, hạnh phúc, có một tổ ấm gia đình… Nếu tôi không có duyên may đó, tôi sống đơn độc một mình. Tôi phải làm gì? Tôi tìm được câu trả lời: Cuộc đời tôi là phần thưởng của riêng tôi, hãy sống ung dung thư thái, làm việc mình yêu thích, không để cuộc đời mình trôi qua một cách vô nghĩa.

Tôi nghĩ nhiều đến những năm tháng đã qua, những công việc mình đã làm, đã bỏ cuộc… Và tôi bắt đầu viết tiếp những trang bản thảo dở dang.

Tôi dành một vài giờ trong ngày để đọc sách. Sách là bạn, cũng là người thầy đem đến cho tôi nhiều kiến thức hữu ích cho công việc tôi đã làm. Tự học, tìm tòi khám phá thế giới văn chương chữ nghĩa. Sau một năm miệt mài, hai quyển sách nhỏ được ra mắt bạn bè thân quen. Tôi nhận được nhiều lời động viên cổ vũ. Tôi nhận ra rằng, công việc của đời tôi, đã giúp tôi khám phá ra năng khiếu bẩm sinh của mình, thực hiện được ước mơ của mình. Đó là điều ý nghĩa nhất của đời tôi: Viết là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi.

Trong cuộc sống, nếu chuyện gì xảy ra, khi tôi bị một số người vu khống, xúc phạm tôi. Tôi chỉ muốn nói lên tiếng nói của một người cô thế. Tôi đau khổ như thế nào? Bởi tôi không nợ ai điều gì để tôi phải im lặng, tôi nghĩ đó là việc bình thường như công việc hằng ngày của tôi, chứ không phải là việc thách thức ai cả. Tôi chấp nhận tất cả những sự việc đó, bằng lương tâm trong sáng của mình.

Khi tôi già đi, sức khỏe suy giảm bởi những căn bệnh tuổi già, đó cũng là quy luật của tạo hóa. Tôi chấp nhận với một chút xao lòng, nghĩa là tôi không còn nhiều quỹ thời gian để viết tiếp những ước mơ của mình.

Đoạn đường cuối của cuộc đời, cuộc sống của tôi sẽ được tính từng năm, từng tháng hay từng ngày??? Hàng ngày, tôi phải uống nhiều viên thuốc đắng nghét, tập thể dục bằng cách đi bộ trong nhà, đi tới, đi lui, dậm chân tại chỗ, hít thở đều. Đêm, trước khi ngủ, tôi có di vật của má tôi, chiếc vòng niệm kinh: Cầu Trời Phật cho con được sống bình yên. Khái niệm cái chết đối với tôi là giải thoát, là giấc ngủ nghìn thu. Như một làn gió thoảng qua cõi nhân gian này, làn gió sẽ bay đi bềnh bồng, bềnh bồng…

Đây là những lời bộc bạch xuất phát từ chính trái tim yếu đuối, nhạy cảm. Xin cảm ơn vì ngày hôm qua, ngày hôm nay, trong cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp, đáng trân trọng. Bên cạnh tôi luôn có những người phụ nữ, cảm thông chia sẻ với những giọt nước mắt rơi xuống, giúp tôi chiến thắng sợ hãi và vượt qua.

Tôi chỉ muốn là chính tôi.

Tôi cảm ơn cuộc đời đã ban cho tôi cuộc sống này.

Huỳnh Thiên Kim Bội

Tháng 10.2016

CÁC TÀI NĂNG ĐÃ VƯƠN LÊN

TỪ CẢM HỨNG VÀ SỰ THẤT BẠI

LÊ TÂY SƠN

Họ là những người thành đạt trong lãnh vực này hay lãnh vực khác; có người được xếp vào loại thiên tài nhưng họ cũng từng bị thất bại và có khi nguồn cảm hứng sáng tạo của họ đến từ những việc hết sức tầm thường.

- Đạo diễn, nhà sản xuất, nhà viết kịch bản đoạt Oscar Woody Allen từng thi hỏng vào khoa tiếng Anh và khoa sản xuất phim Đại học New York.

- Ed Gibson, phi hành gia Mỹ từng ở lại năm lớp 1 và lớp 4.

- Năm 1848, Nữ hoàng Anh Victoria đã chuyển án tử hình của những kẻ bạo loạn ở Ireland sang án tù chung thân và đày họ sang Úc. Năm tháng trôi qua, những tù nhân này đều thành đạt. Năm 1874, Sir Charles Duffy trở thành Thủ tướng Úc, Patrick Donahue thành Lữ đoàn trưởng quân đội Mỹ, Morris Lyene là Bộ trưởng Tư pháp Úc, Thomas McGee thành Bộ trưởng Nông nghiệp Canada, Terrence McManus thành Thiếu tướng trong quân đội Mỹ, Thomas Meagher thành Thống đốc bang Montana, John Mitchell thành chính trị gia nổi tiếng của New York và con trai ông John Purroy thành Thị trưởng New York City.

- Lucille Balle, nữ danh hài của nước Mỹ mà có lúc bộ phim truyền hình nhiều tập I love Lucy của bà xuất hiện liên tục trên truyền hình thế giới. Nhưng có mấy ai biết bà từng bị đuổi khỏi trường kịch nghệ vì tật hay xấu hổ và ít nói.

- Trong số các công ty lớn từng bị phá sản 3 lần có cả hãng Pepsi-Cola.

- Alexander Graham Bell, nhà phát minh ra điện thoại, sau khi lấy bằng sáng chế năm 1876 đã mang bán tác quyền cho công ty thông tin liên lạc Western Union lớn nhất nước Mỹ để lấy 100.000USD nhưng bị chủ tịch William Orton từ chối.

- Gregor Johan Mendel (1822-1884), nhà thực vật học Áo, người khám phá ra các định luật di truyền cơ bản chưa bao giờ qua nổi kỳ thi tuyển giáo viên khoa học.

- Dune, truyện khoa học giả tưởng của Frank Herbert đã bị 13 nhà xuất bản từ chối vì quá dài, khó hiểu nhưng khi được xuất bản nó đã bán được 10 triệu bản và đoạt 2 giải thưởng cao nhất của thể loại khoa học giả tưởng.

- Một viên chức hãng phim Universal Pictures từng nói với diễn viên Clint Eastwood là ông không có tương lai trong điện ảnh vì răng bị mẻ và trái cấm ở cổ quá lớn.

- Nhà bác học Albert Einstein học rất kém ở bậc tiểu học và thi rớt vào cao đẳng Zurich polytechnic trước khi trở thành thiên tài khoa học.

- Henry Ford bị phá sản 5 lần nhưng vẫn trở thành thiên tài trong lãnh vực sản xuất xe hơi.

- Khi Napoleon xếp gần cuối lớp tại trường quân sự, có mấy ai dám nghĩ rằng ông sẽ là một trong những danh tướng của mọi thời.

- Nhà soạn nhạc Beethoven thường đổ nước đá lạnh lên đầu khi ông soạn nhạc để kích thích não.

- Nhà vận động kiểm soát sinh đẻ tiên phong Margaret Sarger có đến 11 anh chị em.

- Nhà văn Charles Dickens khi viết hoặc ngủ đều đối mặt về hướng Bắc và nằm xuôi theo chiều hai cực.

- Nhà văn, nhà báo Mỹ Ernest Hemingway thường viết lách khi đứng.

- Nhà văn Proust làm việc trên giường ngủ trong một căn phòng cách âm.

- Nhà soạn nhạc Rossini soạn phần lớn những bản nhạc đầu đời lúc đang say.

- Nhà văn Rudyard Kipling chỉ viết bằng mực đen.

- Mozart thích soạn nhạc khi chơi billard.

- Kịch tác gia George Bernard Shaw có một chiếc lều nhỏ rộng 2,4 mét vuông, đặt trên 4 bánh xe để ông có thể dịch chuyển căn lều tránh ánh nắng mặt trời.

- Nhà soạn nhạc Wagner thường mặc các trang phục cổ điển để kích thích óc sáng tạo.

- Nhà vật lý đoạt giải thưởng Nobel Dennis Gabor thường nảy ra những ý tưởng hay khi cạo râu.

- Triết gia Kant thích tư duy bằng cách nhìn vào chiếc cột đá bên ngoài cửa sổ. Khi cột bị cây che phủ, ông lại phát quang nó.

- Samuel F.B.Morse lấy cảm hứng phát minh ra cách đánh morse từ cái chết của người vợ: phải mất 7 ngày sau thư báo tử mới tới nơi.

- Hai nhà soạn nhạc Scarlatti và Chopin đều nảy ra những nốt nhạc hay từ bước chân mèo đi trên phím đàn piano.

(Theo Internet)

ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st.

VÀI TỤC CÚNG

1. Cúng Tam Tai

Đó là lễ cúng để được giảm tai ách. Mở sách coi bói, coi tuổi của mình trong năm đang sống, nếu sách ghi bị hạn Tam Tai thì cúng, không ghi thì thôi. Thường thường người ta nhờ thầy bói coi. Hiện nay, phần lớn người ta vô chùa nhờ các nhà sư coi.

Lễ vật:

- Nhang đèn là chính, nước không thấy.

- 3 trứng gà luộc chín

- 1 dĩa bánh

- 1 dĩa trái cây

- 1 dĩa gạo muối (trước kia không có dĩa giấy, người ta để từng nhóm trên tờ báo)

- Giấy tiền vàng bạc và ba bộ đồ thế. Mấy năm nay, nhìn các lễ vật cúng, tôi không thấy giấy tiền vàng bạc và đồ thế. Có lẽ đã được chiết giảm bỏ đi rồi.

Nơi cúng: tại ngã ba đường

Lời vái:

Năm nay tôi là… bị hạn Tam Tai, tôi có chút lễ vật cúng, cầu thần Độc Ách giải hạn giùm tôi, cầu người đi qua đi lại gánh bớt giùm tôi. Sau đó lấy gạo, muối rải chung quanh chỗ cúng rồi quay lưng đi về nhà, không được ngó lại.

Nhận xét:

Cúng Tam Tai tôi cho rằng ta bắt chước Trung Hoa là giống đa thần nên mới có thần Độc Ách. Người Việt là giống độc thần nên không có vị thần nầy. Người Việt chủ yếu thờ cúng Trời, Đất (Thần mặt trời). Vả lại người theo đạo Thiên Chúa thì đâu có cúng Tam Tai. Về lời vái, nhờ người đi đường gánh bớt nạn cho mình là ích kỷ. Muốn giảm nạn, ta phải cư xử tốt với mọi người để không tạo nghiệp mà nạn tai chồng chất vì trả nghiệp. Đây là việc làm đáng chê trách phải bỏ đi.

2. Cúng ông Thần Nông (chỉ nông dân mới cúng)

Người Việt Nam thì cúng ông Thần Nông, người Trung Hoa thì cúng ông Hậu Tắc. Nếu nông dân Trung Hoa ở phía Nam sông Hoàng Hà cúng ông Thần Nông, tôi cho rằng họ bắt chước người Việt hay chính họ là người Việt bị người Trung Hoa đồng hóa. Ở Nam sông Dương Tử là địa bàn của Việt tộc. Từ đó đi xuống phía Nam có các nước Ngô Việt, Mân Việt và vùng Bách Việt. Nước Việt mà vua là Việt Câu Tiễn đóng đô ở Cối Kê không thấy nói là tên nước Việt gì. Về sau, đây là địa bàn của nước Sở.

Người Việt thì cho rằng ông Thần Nông là tổ của mình và cũng là tổ của nghề trồng lúa nước ở Nam Trung Hoa. Mỗi năm, khi bắt đầu gieo mạ, mỗi nông dân có gieo mạ hay sạ lúa thì đem lễ vật ra ruộng cúng.

Lễ vật gồm:

- Nhang, đèn, rượu, nước. Có thể không có đèn vì gió thổi tắt.

- Một con gà để nguyên, có đủ đồ lòng. Đốt nhang một lát thì dùng tay xé ra để lên dĩa cúng tiếp. Sau nầy để cho tiện, người ta chặt luôn ra mà cúng.

- Một dĩa muối ớt.

Trong thời gian gà mắc và có bịnh cúm gà H5N1 không có thuốc đặc trị, dễ bị tử vong, nông dân thay bằng một dĩa thịt luộc xắt mỏng, một dĩa mắm sống thường là mắm cá linh cho dễ cặp với thịt. Có thể có một dĩa bún.

Vái:

Sau khi lễ vật bày ra ở dưới đất, tại một góc ruộng xong, người gieo mạ đốt nhang và vái là: “Hôm nay tôi xuống đồng gieo mạ (hay sạ lúa), cầu vợ chồng ông Thần Nông giúp cho mạ (hay lúa) của tôi được trúng. Lúa thì bông dài, đậu nhiều”.

Một số nông dân không đốt nhang, chỉ cắm ba cây nhang ở đó thôi vì họ cho rằng đốt thì lúa hay mạ sẽ rụi tàn như nhang. Đây là ý nghĩ sai về đốt nhang trong lễ cúng. Cúng vái xong, họ gieo mạ hay sạ lúa một đường rồi lên bờ kêu các nông dân đang canh tác gần đó tới ăn uống rượu cho vui.

3. Cúng ông tổ thầy thuốc

Ông nội tôi là thầy thuốc đông y nên ông có thờ ông tổ thầy thuốc trên trang ở giữa nhà, thờ chung với ông Táo. Ông nói là vậy nhưng nhìn lên trang tôi chỉ thấy một bài vị viết bằng chữ Nho. Việc cúng rất đơn giản. Tới ngày cúng, ông tôi bày:

- Đèn, nước

- Một dĩa bánh

- Một dĩa trái cây

Ông lên đèn, đốt nhang, đứng trước trang vái lâm râm một lát rồi cắm nhang vào lư nhang.

Độ năm mười phút sau, ông cúng nước và tắt đèn, thế là xong. Sau khi ông nội tôi qua đời, Ba tôi cho rằng mình không làm nghề thuốc nữa nên bỏ cái trang đi như vậy là bỏ luôn việc thờ ông Táo ở trên trang nữa.

4. Cúng tổ thợ may, tổ thợ mộc

Hai vị tổ nầy tôi chưa thấy ai thờ. Dượng tôi là thợ mộc, chị em bạn dì của tôi là thợ may, tới ngày cúng tổ, họ bày lễ vật lên bàn uống nước ở nhà trên gồm:

- Nhang, đèn, nước.

- Một dĩa mứt, bánh.

- Một dĩa trái cây

Lên đèn, đốt nhang, họ đứng vái lâm râm trước bàn cúng rồi cắm nhang lên lư nhang. Độ năm mười phút họ cúng nước. Thế là xong, tất cả đều dẹp hết.

Vợ của bạn tôi có độ chục bàn máy may. Chị ấy có day người ta may nhưng vô nhà tôi chỉ thấy có một bàn thờ ông bà cha mẹ chớ không thấy bàn thờ tổ thợ may ở đâu cả. Có khi gia đình các thợ nòi ngày xưa mới có bàn thờ tổ chăng?

Về thợ mộc, tôi nghe nói các thợ mộc nòi nghĩa là có nhập môn với một ông thầy thì họ có thờ tổ. Cũng nghe nói các vị nầy nếu cất nhà thì cứ cất mười nhà thì ếm một nhà. Ếm nặng thì bịnh nặng dai dẳng có khi chết, ếm nhẹ thì chỉ làm ăn thất bại và nghèo khổ mà thôi. Ếm nghèo nhưng chưa chắc đã làm cho chủ nhà nghèo. Họ đặt một lá bùa có vẽ một cái gàu. Nếu đặt cho gàu tát ra thì nghèo nhưng đặt cho gàu tát vô thì giàu. Nếu chủ nhà giàu thì ông thợ ếm nghèo tàn mạt. Khi đặt bùa ếm, họ cũng sợ bị chủ nhà khử bằng cách đạp lên đầu cái cái bóng của ông ta ở dưới đất. . Khi đang lấy bùa ra ếm mà thấy chủ nhà đi tới, họ đặt vội thay vì tát ra lại đặt cho tát vô. Có khi họ ếm bằng cách đóng đinh vô đòn tay ngay chỗ cột cái (cột chính của ngôi nhà) hay đóng đinh thẳng vô đầu cột cái. Cây đòn tay nầy gọi là đòn dông. Sau đây là những điều tôi nghe và thấy về việc coi như bị ếm nầy.

Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, ở xóm tôi có ông Ba cất nhà. Cất xong vài tháng thì ông bị bịnh nặng kéo dài cả mấy tháng. Con út của ông cũng là thầy giáo tốt nghiệp trường Sư phạm như tôi nên gia đình cũng không mặn mà về mê tín dị đoan. Một hôm nghe nói nhà ông có mời thầy tới cúng. Những nhà bên cạnh nói lúc 12 giờ khuya thầy tới cúng. Ông thầy biểu giở nóc nhà ra (nhà lợp ngói), ông mở các dây cột cây đòn dông với cây cột cái ra và tìm nhổ được một cây đinh đóng xuyên từ cây đòn dông xuyên xuống đầu cây cột cái đem bỏ đi. Hồi đó tôi cũng không để ý hỏi cây đòn dông đó bỏ đi hay gác lại. Sau đó thì ông cụ lần lần hết bịnh.

Ba tôi cất nhà và nhờ Bác họ tôi đứng cất nghĩa là ông thợ cái. Ông đi làm và bạn bè chỉ vẽ cho làm mộc nên Ba tôi tin ông là thợ ngang tức là không có việc ếm. Cất nhà xong, Ba tôi bị thất nghiệp và nghèo khổ quanh năm. Sau khi Ba tôi qua đời, nhà vẫn nghèo nên tôi có ý định rút bỏ cây đòn dông nhưng khổ nỗi xi măng ở đầu cột xung quanh cây đòn dông cứng quá. Sức tôi đục một buổi thì chưa được nửa đầu cột. Đục lần thứ hai thì lộ cây đòn dông độ hơn một tấc ăn sâu vô đầu cột. Đục xung quanh xong tôi dùng đục đục giữa lớp gạch và cây đòn dông để nạy cục gạch đó ra, nó mắc cứng, không rút cây đục ra được, mệt rồi nên tôi nghỉ. Sáng hôm sau tôi về quê phơi lúa phụ mẹ tôi. Tới nơi, Người nói chiều hôm qua, gom lúa vô thì bị cụp xương sống. Tôi vội về và đục hết lớp gạch bao quanh và rút cái đục hôm qua ra xong mới nghỉ. Sáng hôm sau, dạy học xong, tôi về quê ngay. Tới nơi, mẹ tôi nói chiều hôm qua anh Út mầy chở tao xuống ông y tá ở xóm dưới chích một mũi thì hết, hôm nay bình thường rồi.

Như vậy thì thế nào? Có phải đầu cột và cây đòn dông bị ếm, tôi chêm đục vô làm ểnh đầu đòn dông nên bị hại như vậy hay chỉ là sự trùng hợp. Không ai biết được. Lúc đó Ba tôi và Bác tôi đều qua đời. Bác gái tôi là tiệm tạp hóa, bà buôn bán ế và nghèo lắm. Người ta nói ếm bị phá nên bị hại ngược lại.

Sau đó, tôi rủ mấy anh em tôi thay phiên nhau đục băng một khúc đầu cột để đầu đòn tay trơ vơ không đụng vô đâu cả. Tuần sau, anh em tôi đục băng đầu cột bên kia, tôi gỡ cây đòn dông ra bỏ. Sau đó, anh em tôi làm ăn có bề khá hơn, các cháu tốt nghiệp thì xin được việc làm ngay.

Sự việc nầy hư thực không biết thế nào. Tôi vẫn cho là mê tín dị đoan. Ngày nay nhiều nhà cất chỉ một mái nên việc ếm vào cây đòn dông coi như không còn nữa.

(còn tiếp)

Quận 4 Khánh Hội - Sàigòn ngày 11-7-2016

NHỰT THANH (Phạm Hiếu Nghĩa)

MỘT TỐI MƯA RƠI

Huyền tô lại đôi mắt vốn còn rất đẹp. Hôm nay cô đi dự tiệc cùng nhóm bạn xưa, nhân dịp Thanh về thăm quê hương. Điện thoại reo vang, cô bấm máy:

- Huyền có nhà không?

- Huyền đây, ai đó?

- Thanh đây mà…

- Ủa…Sao biết nhà Huyền…

Cô quên béng đi nhà cô ở đây đã bao năm! Rồi cô lật đật ra mở cửa. Một anh chàng trắng trẻo xuất hiện cùng nụ cười tươi tắn. Cô reo lên:

- A… Thật bất ngờ chưa! Việt kiều ghé nhà tui kìa…

- Gì mà bất ngờ khi đến thăm… người đẹp!

Huyền lúng túng thấy rõ…, cô đứng đực ra đấy.

- Không mời khách ngồi à?

- Thì ngồi đi. Cô định vào nhà trong rót nước, nhưng Thanh gạt phắt:

- Thôi, khỏi nước non gì cho mỏi tay con gái. Đi nhé?

- Còn sớm mà?

- Thì đi uống cà phê…

-…

- Nhé!

- Vậy cũng được!

- Khỏi đi xe! Đi xe với Thanh được rồi!

- Ngại ghê!

- Gì mà ngại…

Vậy là anh lôi tuột Huyền lên xe, sau khi đã cẩn thận khóa dùm Huyền cánh cửa màu xanh thật mát mắt. Chạy lòng vòng rồi Thanh dựng xe bên công viên. Anh rủ Huyền ngồi trên ghế đá, gọi cho cô ly dừa lạnh. Huyền thắc mắc:

- Sao Thanh không kêu gì uống à?

- Không! Rồi cặp môi mỏng của anh khẽ rít lên:

- Ngồi ngắm Huyền là sướng rồi…

Huyền im lặng. Thực ra cô cũng khá bấn loạn khi nghe Thanh nói thế. Dưới ánh đèn đường, mắt cô sâu hơn. Cô nhớ về ngày xưa khi còn chung lớp, Thanh từng mê cô đến nỗi cả lớp ai cũng biết. Còn cô chỉ lững lờ. Vì chưa có gì để cô phải chú tâm đến anh chàng bạn học này, nhất là vì anh ưa ghẹo bất cứ ai anh từng gặp. Thời loạn ly làm những kẻ mới gần nhau đó rồi lại xa chia, đôi khi còn nghe tin ai đó về cõi thiên thu vì bom đạn. Cô biết Thanh chưa lập gia đình, chẳng hiểu vì sao nữa. Thỉnh thoảng nghe tin từ ai đó về người ngồi trước mặt, cô chỉ hơi chú tâm đôi chút vì anh từng là người quen biết. Cô nghịch nghịch cái ống hút mà chưa uống ngụm nào. Khuôn mặt cô ửng hồng dưới ánh đèn đường lẵng nhẵng.

- Huyền uống đi kẻo hết lạnh.

Anh nâng ly nước dừa lên ngang tầm mắt. Ánh mắt anh nhìn qua miệng ly để thấy cặp môi xinh xắn kia vừa cười vừa hút dòng nước ngọt lịm. Tiếng điện thoại của Thanh reo vang. Anh bấm máy:

- Gì vậy Hoàn!

- Sao mày chưa tới?

- Ừ! tao tới bây giờ!

Anh quay qua Huyền, mắt anh long lanh:

- Mình đi nhé…

Tự nhiên Huyền thấy tiếc cái không gian im ắng này, tiếc cái phút giây nhẹ nhàng vừa có. Cô leo lên yên sau, tay bá vào vai Thanh. Anh cầm tay Huyền, nhẹ gắt:

- Để đây mới đúng này. Rồi anh quấn tay Huyền quanh eo anh. Huyền ngoan ngoãn tuân lệnh anh mà chẳng hiểu lý do. Cô chỉ lùng bùng với ý nghĩ, sao hôm nay mình dễ dãi quá vậy…

Gió réo bên tai. Cô chẳng nghe được những gì Thanh nói trên đường. Đơn giản là cô thấy có cái gì sung sướng dâng lên trong lòng. Lâu lắm rồi cô mới có lại cái cảm giác kỳ diệu này. Cái cảm giác mà cô đã mất đi từ khi cô chứng kiến hôn phu của mình cặp kè với người bạn chí thân của cô. Từ ấy, mọi lời mời mọc, mọi ánh mắt đưa tình đều miễn nhiễm với trái tim còn run rẩy vì đau đớn.

Họ tới sảnh tiệc khi bạn bè đã ngồi kín chỗ. Thanh ân cần kéo cho Huyền chiếc ghế tận cuối dãy, vì trên kia, mọi chỗ ngồi đều đã có người chiếm ngự. Buổi tiệc bắt đầu với tràng pháo tay mừng người xưa trở lại, bằng những âm thanh côm cốp từ những ly bia hoan hỉ. Rồi họ hò reo! Ai đó đều cố nói lên điều gì để minh chứng cho tình bạn của mình đối với người chung quanh. Thanh bận rộn với mọi người. Ai cũng tò mò về anh. Và ai cũng hỏi anh rằng anh đã có người yêu chưa. Có mấy cô quây lấy anh, rồi họ rủ rê anh ra giữa khoảng trống trên cái sân khấu nho nhỏ để cùng dìu nhau trên suối nhạc trữ tình. Thanh như quên cả đất trời. Chân anh nhấn nhá với giọng cười khanh khách của Loan bên tai. Lòng anh rộn rã theo nhịp vỗ tay tán thưởng của lũ bạn xưa. Có ai đó ré lên:

- Đêm nay ai đưa Loan về…

Đáp lại là cái tay bấu chặt của Loan, cùng đôi mắt sáng ngời như muốn anh hẹn hò gì đó. Dưới kia, cái đám lâu nhâu lải nhải:

…Loan Thanh, Loan Thanh…

Tiệc dần tàn. Chút hơi men làm anh vừa dễ bị kích động, lại vừa trầm ngâm. Anh chợt nhớ ra Huyền. Chẳng thấy cô đâu cả! Anh cảm thấy như trời sập trên đầu. Liêu xiêu chạy ra khỏi sảnh, anh mơ hồ thấy cô đang băng qua ngã tư. Miệng líu ríu không ra hơi, anh chạy theo, rồi bắt kịp cô khi cô vừa bước chân lên thảm cỏ đẫm màu đêm. Anh níu tay Huyền, nhưng cô hất tay anh ra.

Hai người cứ thế bước đi trên dòng cỏ mượt. Thỉnh thoảng có chú châu chấu rẽ ngang trước mặt hai người. Thanh buồn quá! Anh chẳng biết nói gì với cô, thậm chí cả lời xin lỗi mà anh cứ loay hoay chẳng biết nói sao cho nhẹ lòng. Có vài giọt mưa lắc rắc…Huyền buột miệng:

- Xe đâu?

Anh giật mình, vì thật ra anh đã quên mất chiếc xe từ khi chạy theo cô. Anh luống cuống:

- Để quên ở nhà hàng rồi.

Cô nhìn anh, mắt đờ đẫn:

- Sao không đi lấy đi, ai mà giữ cho cả đêm?

Mưa lất phất. Anh cầm tay cô, lúng búng:

- Mình đi lấy xe nhé?

Lần này, cô không rụt tay lại nữa. Hai người trở lại nhà hàng. Cô chờ anh nơi cổng, nơi mấy đứa bạn còn bịn rịn chưa về. Có cả Loan nữa. Nó hỏi cô:

- Mày đi với ai vậy…

Cô chưa kịp trả lời thì Thanh đã đến bên cạnh. Anh nghênh mặt trả lời:

- Thì đi với Thanh mà!

Rồi anh đỡ Huyền lên xe. Lần này, cô ngồi một bên. Hai chân cô bắt chéo nhau nhìn thật dễ thương. Tay cô còn đang buông thõng. Anh lại cầm tay cô, nhắc:

- Để tay như thế này này…

Cô ngoan ngoãn vòng tay qua eo anh, khẽ nhéo anh một cái. Mặt cô đỏ bừng, cô léo nhéo:

- Chào các bạn nhé…

Lũ bạn trố mắt nhìn họ, xì xào…

LAM TRẦN 03.03.2015

THA THỨ CHO ANH

Ngoài trời đang về chiều, nắng tắt dần và bên trong căn phòng trở nên tối tăm.

Người đàn bà ngồi trong chiếc ghế bành nhìn mãi ra khung cửa sổ và màn trời đêm, tư lự.

Bà chỉ thoáng giật mình khi có tiếng mở cửa, cùng với tiếng nói của người con gái:

- Mẹ, tối rồi sao mẹ không bật đèn. Đến giờ con đi rồi. Con đã làm cơm xong, mẹ ăn chưa để con dọn.

Bà mẹ nói trong bóng tối, khẽ khàng:

- Con đi đi, để chốc nữa mẹ tự làm được.

- Vậy con đi nhé, xong việc con về.

Rồi có tiếng đóng cửa và bước chân xa dần. Người đàn bà ngồi im trong bóng tối đang theo khung cửa sổ tràn ngập căn phòng. Thời gian như ngưng đọng, không biết bao lâu.

Người phụ nữ ấy chợt như trở lại với hiện tại. Bà đứng lên rời chiếc ghế bước khập khễnh lần đến cạnh giường ngủ, bật ngọn đèn nhỏ. Ánh sáng vàng vọt hắt lên tường càng làm căn phòng thêm ảm đạm.

Bà mở tủ lấy bọc áo len đan dang dở, đi đến ghế bành ngồi xuống mở ra làm tiếp tục, hai bàn tay dần thoăn thoắt, không hề nhìn xuống mà lại thả mắt ra cửa sổ, suy tư.

Tiếng mở cửa khẽ vang lên, không hề quay mặt lại, bà chỉ hỏi nhỏ:

- Sao con quay về sớm vậy, Tịnh Lan?

Tiếng bước chân tiến lại gần, xa lạ, rồi có bóng tối che nghiêng ánh đèn.

- Anh đây, Huyền Tâm!

Người phụ nữ quay phắt lại, ánh mắt rực lên giận dữ:

- Sao lại là anh, làm sao anh lại vào đây được?

Giọng người đàn ông trầm trầm:

- Anh về thăm em và con.

- Nói hay nhỉ! Thăm tôi và con. Làm gì có con nào, còn tôi anh đã từ bỏ mấy mươi năm về trước rồi phải không ?

- Anh xin lỗi em, Huyền Tâm.

Giọng người đàn bà cất cao, rít lên:

- Đừng gọi tên tôi, đừng xin lỗi, tôi không nghe đâu thưa ông Trọng Thu.

Người đàn ông van vỉ:

- Em tha lỗi cho anh đi Tâm, đã bao nhiêu năm qua rồi, em vẫn không tha thứ lỗi lầm của anh sao?

Người phụ nữ quăng mạnh chiếc áo đan dở lên giường, nghẹn giọng:

- Ông nào có lỗi lầm gì đâu, chỉ có tôi là không biết thân phận thấp hèn của mình, nên ông mới từ bỏ, xô đuổi tôi thôi mà phải không?

- Anh vẫn thương em, nhưng vì mạ anh…

Người đàn bà đứng bật dậy, khập khễnh bước qua giường, dáng nghiêng nghiêng như sắp ngã, người đàn ông bước vội đến đưa tay đỡ, nhưng bà gạt phắt tay ông ta cất tiếng nói giữa hai hàm răng cắn chặt:

- Mạ anh, vị phu nhân quyền quý ấy đối xử với tôi như thế nào anh biết không?

Người đàn ông không nói lời nào, chỉ cúi đầu nhìn xuống. Người đàn bà thở mạnh, tiếp tục tuôn ra cho hết sự uất ức của mình:

- Ngày anh đưa tôi về Huế gặp mạ anh, tôi đã thầm biết là giông bão sẽ ập tới nhưng vì đã trót yêu anh nên tôi đã đánh liều theo.

- Nhưng mạ cũng đã rất thương em, không phải sao Huyền Tâm?

- Thương tôi, trời ơi, thương tôi mà tìm đủ mọi cách để đuổi tôi đi khỏi ngôi nhà đó sau khi anh sang Âu Châu du học 3 ngày.

- Anh không biết việc đó Tâm à, mạ chỉ nhắn tin sang là em xin mạ trở vô Nam, vì không quen phong thổ xứ Huế và từ đó bặt tin luôn.

- Hay quá nhỉ, mạ anh nói thế à?

- Mạ anh đã xua đuổi tôi đi giữa cơn mưa lạnh chỉ vì tôi lỡ tay làm bể một chung trà cổ rất quý của bà ấy. Vậy là tôi tức tưởi trở về đây trong túi chỉ có mấy ngàn bạc mà mạ anh quăng cho.

- Sau ba năm trở về, anh đã vào Sài Gòn tìm em khắp nơi, anh đã về ngôi nhà cũ của chúng ta.

Người đàn bà nghe đến đây, cất giọng cắt ngang:

- Đừng dùng hai tiếng chúng ta, đã tan nát từ lâu rồi, anh biết chưa? Khi thất thểu trở về thành phố này, tôi làm gì có tiền để về ngôi nhà đó mà anh tìm.

- Nghèo khổ không người thân, không việc làm, tôi sống lang thang hết nơi này đến nơi khác, đầu đường xó chợ, làm thuê làm mướn đủ mọi việc để nuôi thân và nuôi…

Người đàn ông vội vàng nối lời:

- Con của chúng ta phải không Huyền Tâm?

Người đàn bà quát lên:

- Con gì của chúng ta, con gì của anh chứ? Tịnh Lan chỉ là con của tôi thôi, anh đừng nhận vơ.

- Sao lại là Tịnh Lan hả Tâm, anh nhớ đã đặt tên con là Huyền My, Tôn Nữ Huyền My mà em?

- Tôi nhắc lại anh đừng gọi tôi là em ở đây, ngày đó đã là quá khứ rồi. Tôi sinh con tôi và đặt tên là Tịnh Lan đó thì sao?

- Nhưng đó là tên mạ anh mà.

- Ừ, thì là tên vị phu nhân quyền quý ấy thì có gì không? Tôi muốn gọi tên ấy hàng ngày để nhắc nhở mối hận của tôi.

- Anh van em, hãy tha thứ cho mạ, vì mạ đã già rồi, năm nay bà yếu mệt nhiều lắm Tâm ạ. Bà đã hối hận nhiều và vẫn còn nhắc nhở anh tìm em và con về cho mạ gặp mặt.

- Hừ, bà ấy mà hối hận ư? Tôi không tin đâu anh Trọng Thu.

- Sau ngày tôi về Sài Gòn, ngay khi anh du học về bà ta đã cưới ngay cho anh một cô tiểu thư ở Kim Long mà phải không?

- Nhưng đó là lúc anh về Huế, nghe em đã bỏ đi, anh liền vào đây đi khắp nơi để tìm nhưng em đã như bóng chim tăm cá, anh đành trở về Thượng Tứ hy vọng có ngày em sẽ ra lại, nhưng ngày tháng dần qua, em không hề có một âm hao nào và rồi mạ nói hoài nói mãi anh phải vâng theo lời bà đi cưới Thúy Diệu theo lời hứa hẹn của hai gia tộc từ ngày xưa nào đó.

- À ra thế, hèn gì bà đã đối xử rốt ráo với đứa con gái mồ côi, không cha mẹ, sống nhờ tình thương của các ma sơ nuôi dưỡng như tôi đấy mà, vì không môn đăng hộ đối với anh, một thanh niên con nhà gia thế thuộc dòng hoàng tộc. Sao ngày đó tôi cạn nghĩ thế không biết, tôi đã quá liều lĩnh anh nhỉ?

- Không đâu Huyền Tâm, ngày đó chúng mình yêu nhau thật lòng mà em.

- Hừ, anh nói tôi nghe thật buồn cười. Yêu nhau thật lòng mà anh lại nghe lời mạ anh bỏ tôi đi cưới người con gái khác ư?

- Vì anh tìm em hoài mà không gặp, nhắn tin mãi mà không có hồi âm nào.

Người đàn bà cúi đầu thở dài, khúc phim dĩ vãng xa xưa như hiển hiện trước mắt. Một lúc lâu bà ngẩng đầu lên, dịu giọng:

- Anh Trọng Thu, anh bật hộ tôi đèn phòng, nút điện ở sát vách gần cửa phòng.

Đèn sáng lên soi rõ hai bóng người ngồi hai góc phòng. Căn phòng nhỏ bài trí đơn sơ. Chiếc giường nhỏ kê bên cái tủ thấp để ngọn đèn abat-jour bọc vải hoa và trên vách đầu giường ngoài tượng Chúa chịu nạn trên thánh giá, còn treo một vật đặc biệt phía dưới.

Người đàn ông ngước nhìn quanh phòng chợt nhìn thấy vật đặc biệt treo trên tường ấy, mở to mắt, hỏi thảng thốt:

- Huyền Tâm, em vẫn còn giữ bức ký họa đó sao?

Người phụ nữ thoáng giật mình, vội nhìn về hướng bức họa, trấn tĩnh nói:

- Đó là vật cuối cùng của anh mà tôi còn để sót lại trong túi hành trang từ xứ sở của anh về Sài Gòn.

Người đàn ông im lặng một đôi giây rồi chợt nói:

- Em vẫn còn yêu anh phải không Tâm?

Người đàn bà có vẻ bối rối một chút, nhưng sau đó bình tĩnh nói:

- Không, tình yêu tôi và anh đã chết lâu lắm rồi. Kể từ ngày tôi rời Huế của anh, Trọng Thu à.

Giọng nói nặng trịch của Trọng Thu bỗng nhẹ như gió.

- Nhưng còn con gái Huyền My của hai chúng mình thì…

Người đàn bà gằn giọng:

- Không có Huyền My gì cả, anh nghe chưa, chỉ có Tịnh Lan của tôi thôi. Anh về đi, về với tổ ấm, ngôi nhà dòng tộc cao quý của anh ngoài ấy kìa, thưa ông Tôn Thất Trọng Thu.

Người đàn ông nói rất nhẹ:

- Thúy Diệu đã mất lâu rồi em, ngay trên bàn mổ khi sanh khó và đứa bé cũng đã theo mẹ nó rồi.

- À, ra thế, vậy nên mạ anh bảo anh đi tìm tôi phải không? Tôi biết thế mà, anh luôn là người con hiếu thảo.

(còn tiếp)

HOÀI LY

Năm cái “ĐỪNG” của Cuộc Đời

Con người muốn được sống hạnh phúc, thanh thản mà trong tâm lại vẫn cứ ôm giữ oán hận thì vĩnh viễn không thể nào đạt được. Hãy ghi nhớ 5 thứ “ĐỪNG” sau đây để cuộc sống không phải vướng bận điều gì nữa!

Cái đừng thứ nhất: Có tiền đừng keo kiệt

Tiền khi sinh chẳng mang theo đến, khi tử chẳng mang theo đi. Sức khỏe mới là thứ quan trọng hơn nhiều, có sức khỏe thì mới có tất cả.

Trong dân gian có câu nói: “Không sợ kiếm ít tiền, chỉ sợ chết sớm”. Có sức khỏe thì ngại gì không kiếm được tiền. Vì sức khỏe, khi nào cần chi tiêu thì hãy chi tiêu, có tiền đừng keo kiệt.

Cái đừng thứ hai: Có phúc đừng chờ đợi

Con cháu đều có phúc của con cháu, đừng quá vì con cháu mà biến mình thành thân trâu ngựa . Nên dành thời gian hưởng thụ cuộc sống, đừng vì con cháu mà làm việc quá sức, làm cố quá là sát thủ nguy hiểm nhất của sức khỏe.

Cái đừng thứ ba: Có tình yêu đừng buông bỏ

Cuộc đời thật ngắn ngủi, tình yêu lại không dễ tìm kiếm, cho dù yêu hay được yêu đều là duyên phận, đều nên đón nhận, ngày hôm nay bạn buông bỏ, thì kiếp này nó sẽ không bao giờ đến với bạn nữa.

Cái đừng thứ tư: Tức giận đừng để trong lòng

Trong cuộc đời, ai cũng có thể phải gặp những chuyện khó khăn hay không vừa ý, đừng nên vì thế mà “nộ khí xung thiên”. Tức giận là tồn tại khách quan, không nên giữ ở trong lòng, nín thở thì khí sẽ ứ tắc, khí ứ tắc thì sẽ sinh bệnh.

Gặp phải những sự việc khiến ta tức giận, hãy tìm người để khai thông nó, thổ lộ ra hết, như vậy sẽ gỡ bỏ nó nhanh hơn, nội tâm sẽ yên bình trở lại.

Bạn bè chính là công cụ “thông tức khí” tốt nhất, cũng là nguồn động lực, khích lệ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh tốt nhất cho bạn.

Hãy làm cho mỗi ngày trong cuộc đời của bạn là một ngày vu i sống.

Cái đừng thứ năm: Có thù hận đừng ghi nhớ

Lòng dạ khoáng đạt, dùng thiện lương nhân ái để đối đãi, không để ý những chuyện nhỏ, gạt bỏ ân oán, cũng không để thù hận trong lòng. Hãy làm cho mỗi ngày trong cuộc đời của bạn là một ngày vui sống.

Người xưa sống được trường thọ vì họ có “tam bất thức”, chính là không cần biết 3 điều, không quan tâm ân oán, không quan tâm tuổi tác, không quan tâm bệnh tật.

Hãy rèn luyện những điều này để sống thật vui vẻ nhé!

Hoàng Kim Thư st.

Nghèo hay sang cũng nên bỏ ra 1 phút

để đọc bài này dù chỉ 1 lần

Cuộc sống có nhiều điều kỳ thú lắm bạn ơi! Trong cuộc sống không nên so sánh, một người lái chiếc xe Mercedes-Benz giá 4 tỷ, nhưng họ có thể vay ngân hàng tới 20 tỷ, cuộc sống của họ thực sự đang rất khốn đốn. Một người đi chiếc xe Volkswagen 500 triệu, nhưng họ có thể đang nợ ngân hàng tới 2 tỷ đồng, cũng đang ở trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng. Vì thế không thể nhìn bề ngoài mà phán xét họ được.

Người đi xe hàng tỷ không phải lúc nào cũng có thể vui mừng

Một người đi chiếc xe đạp điện 6 triệu, nhưng họ vẫn có 60 triệu gửi ngân hàng. Họ sống một cuộc sống an nhàn. Lúc 3 người gặp nhau ở trên đường, người đi xe đạp điện ngưỡng mộ người lái xe Volkswagen, người lái xe Volkswagen ngưỡng mộ người lái xe Mercedes-Benz, người lái xe Mercedes-Benz lại mong muốn có được cuộc sống như người đi xe đạp điện.

Vì đâu ai biết có thể người lái chiếc xe Mercedes-Benz giá 4 tỷ, nhưng họ có thể vay ngân hàng tới 20 tỷ, cuộc sống của họ thực sự đang rất khốn đốn. Một người đi chiếc xe Volkswagen 500 triệu, nhưng họ có thể đang nợ ngân hàng tới 2 tỷ đồng, cũng đang ở trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng đấy thôi.

Ai cũng có thể trở thành nô lệ của đồng tiền, nô lệ của cuộc sống!

Mèo thích ăn cá, nhưng mèo lại không biết bơi. Cá thích ăn giun, nhưng cá lại không thể lên bờ. Thượng đế mang đến cho bạn rất nhiều thứ hấp dẫn, nhưng lại không cho bạn dễ dàng đạt được nó.Nhưng, cũng không thể cứ đổ máu thì kêu đau, sợ tối thì bật điện, nhớ nhung thì liên lạc, ngày hôm nay với bạn là chuyện lớn, nhưng có thể ngày hôm sau lại là chuyện nhỏ. Cuộc đời giống như cây bồ công anh, nhìn có vẻ tự do, nhưng kỳ thực lại là thân bất do kỷ.

Có những chuyện không phải là không thèm lưu tâm, mà là có lưu tâm cũng chẳng làm được gì. Chỉ biết dốc toàn lực của mình để ứng phó là được, cuộc đời không có nếu, chỉ có hậu quả và kết quả…

Đời là bể khổ, bây giờ bạn không khổ, sau này sẽ càng khổ

Vạn sự tương sinh tương khắc, không có lên thì không có xuống, không có thấp thì không có cao, không có đắng thì không có ngọt.

Chỉ khi biết thế nào là mệt mỏi, thì mới cảm nhận được thế nào là an nhàn; nếm qua cay đắng thì mới biết thế nào là ngọt bùi. Nhân lúc đang còn trẻ, dũng cảm bước đi, nghênh đón phong sương gió mưa, tôi luyện bản thân, có thể độ lượng, có thể nhìn xa trông rộng, thì hạnh phúc mới đến. Trên thế giới này ngoại trừ bạn ra, thì không có ai có thể thực sự giúp đỡ bạn, nếu có giúp thì cũng chỉ là tạm thời. Rất nhiều người đã từng nếm thử “trứng luộc trong nước trà”, vỏ trứng nứt càng nhiều, thì trứng ăn càng ngon miệng. Tương tự như vậy, trong cuộc sống trải nhiệm càng nhiều, trắc trở càng nhiều thì sẽ càng có hương vị. Trứng gà bị vỡ do tác động từ bên ngoài là đồ ăn, bị vỡ do tác động từ bên trong thì chính là sinh mệnh. Cuộc sống cũng vậy, làm vỡ từ bên ngoài là áp lực, làm vỡ từ bên trong chính là trưởng thành.

Nếu bạn chờ người khác làm vỡ bạn từ bên ngoài, thì nhất định bạn sẽ là món ăn của người khác; nếu bạn có thể đánh vỡ chính mình từ bên trong, như vậy bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, cũng giống như là được tái sinh.

Nhìn thấy một con bướm đang giãy giụa muốn thoát ra khỏi cái kén, có người hảo tâm giúp nó thoát ra. Nhưng không ngờ rằng, sau khi con bướm thoát ra ngoài, nó lại không thể duỗi đôi cánh ra được và cuối cùng thiệt mạng.

Giãy giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng thành, lúc đó bạn giúp nó thoải mái, nhưng sau này nó sẽ không có đủ sức mạnh để đối mặt với những thử thách sẽ phải gặp trong cuộc đời.

Nếu bạn muốn hóa thân thành con bướm, thì bạn phải chịu đựng được nỗi khổ của quá trình giãy giụa ở trong kén, vậy thì mới có thể dang cánh bay cao được.

Trong cả cuộc đời, bạn phải tôn trọng bao nhiêu người, thì sẽ có bấy nhiêu người tôn trọng bạn.

Bạn tin tưởng bao nhiêu người thì sẽ có bấy nhiêu người tin tưởng bạn.

Bạn có thể giúp bao nhiêu người thành công, thì sẽ có bấy nhiêu người giúp bạn thành công!

Trên thế giới này, người giàu có nhất, thường là người vấp ngã nhiều nhất. Người có thể thành công là người mỗi lần vấp ngã, không chỉ có thể đứng dậy, mà vẫn có thể kiên trì tiếp tục bước đi.

HOÀNG KIM TH Ư st.

Thằng Nhóc

Histoire d'un Enfant

của Alphonse Daudet

ĐI PARIS

Tôi không bao giờ quên được cái ngày đầu tiên, mà tôi đến Paris trong toa xe lửa hạng ba. Đó là một ngày cuối tháng 2, khí trời còn lạnh lắm. Bên ngoài, bầu trời thì thật là ảm đạm, nào gió, nào mưa đá, những ngọn đồi trọc, những bãi cỏ ngập nước, những vườn nho chết khô. Bên trong toa xe, những người thủy thủ ca hát, những người nông dân ngủ gà ngủ gật há hốc cái miệng, những bà già đội mũ ni, những trẻ con, những bà vú, toàn là những người thiếu văn hóa bất lịch sự, nào là khói thuốc hút, nào là mùi hành tỏi của thức ăn, nào là mùi meo mốc của rơm rạ, mà đến giờ này tôi còn cảm thấy.

Lên xe, tôi chọn một góc ngồi gần cửa sổ để xem phong cảnh. Nhưng mà qua hai cây số sau, thì có một người y tá quân đội đến chiếm chỗ tôi, với lý do là để ngồi gần bà xã ông ta. Còn Thằng Nhóc thì quá nhút nhát để có phiền hà điều gì.

Cuộc hành trình kéo dài hai ngày. Cũng vì tôi không có dư tiền, và thức ăn dự trữ, nên tôi đành không ăn gì cả, phải nghiến răng mà chịu trận cho qua suốt con đường dài. Hai ngày không ăn thì thật là khổ. Tôi chỉ còn có 40 xu, mà tôi phải giữ gìn cẩn thận, dự phòng trường hợp không gặp anh Jacques lúc xuống xe. Mặc dầu có đói bụng, tôi cũng không dám đụng đến số tiền này. Tôi cũng không có giầy. Chân tôi chỉ mang một đôi dép mỏng. Nhưng mà, ở trong toa xe hạng ba, vào mùa đông thì lạnh thấu xương, có thể khóc được. Đến đêm, tôi phải ôm hai bàn giò trong tay để sưởi ấm. Thật là không đáng tự hào chút nào, nếu như mẹ tôi, bà Eyssette nhìn thấy. Mặc dầu cơn đói đang giày vò cái bao tử, và cơn lạnh buốt đang cắt da thịt, Thằng Nhóc vẫn sung sướng với tất cả. Nó vẫn vui lòng nhường chỗ cho hai người hai bên lấn chiếm. Trong tận cùng sự đau khổ, nó còn có anh Jacques và thành phố Paris…

Rồi trong một đêm, khoảng 3 giờ sáng, tôi giựt mình thức dậy vì tiếng còi xe rú lên. Xe lửa vừa ngừng chạy. Trong toa xe, hành khách trở nên lộn xộn…

Tôi nghe người y tá bảo bà vợ:

- Chúng ta tới nơi rồi.

- Ở đâu vậy?

- Paris.

Tôi vội phóng đến cửa sổ… Bên ngoài, không có nhà cửa chi ráo trọi, chỉ là một cánh đồng hoang vu. Có vài ngọn đèn bão soi sáng đường, và đây đó vài đống than đá đen ngòm… Có một người đàn ông, tay cầm đèn lồng đi dọc theo cửa sổ mà la: “Tới Paris rồi, xuất trình giấy xe đi bà con”.

Mặc dầu có sự hiếu kỳ, tôi cũng rụt đầu vào ghê sợ. Thành phố Paris là như vậy sao?

A, thành phố Paris vĩ đại mà Thằng Nhóc hoảng sợ có lý do.

Năm phút sau xe vào nhà ga.

Anh Jacques đã ở đó từ một giờ. Từ xa tôi đã trông thấy anh, với cái dáng cao nghều nghệu. Anh ra hiệu cho tôi ở rào sắt. Chỉ cần một cú nhảy là tôi đến bên anh.

- Anh Jacques

- A, em của tôi

Chúng tôi ôm nhau thật mạnh.

Rủi thay, nhà ga không có tổ chức nơi chốn cho cuộc gặp gỡ nồng nàn như vậy. Có phòng hành khách, có phòng hành lý, nhưng mà không có phòng tình cảm. Thật ra thì không có. Không thể có được một phòng dành riêng cho linh hồn. Người ta xô đẩy chúng tôi. Người ta giẫm đạp chúng tôi.

Nhân viên hành sự kêu gọi:

- Hãy di chuyển nhanh lên đi, bà con ơi.

Anh Jacques nói nhỏ với tôi:

- Ta đi thôi, ngày mai ta sẽ trở lại đây lấy hành lý.

Và, tay trong tay, chúng tôi tiến bước về khu phố Latin…

Nhiều lúc tôi cố gắng hình dung lại cái cảm tưởng về thành phố Paris, trong đêm hôm đó, nhưng mà tất cả đều chìm đắm trong sương mù, mà tôi không thể nhớ… Tôi chỉ hình dung được một cây cầu đúc bắt qua sông, kế đó là một bờ kênh hoang vắng, bao vây một khu vườn rộng mênh mông. Bên trong hàng rào sắt, lô nhô những chuồng trại, những luống hoa, những ao hồ, những cây cối còn vương mang tuyết trắng… Một tiếng rống lạ lùng vang ra từ phía trong, làm cho tay tôi run lên trong tay anh Jacques. “Đó là khu Vườn Thảo Mộc - Anh Jacques nói - Có một số lớn thú rừng như gấu, chó sói, beo, cọp, sư tử, hà mã v.v…, được người ta nuôi ở đấy”.

Vì vậy, quang cảnh có vẻ rừng rú, tiêu sơ. Thỉnh thoảng, có một tiếng thét chói tai, hay là một tiếng gầm khô khan vang lên trong đó…

Tôi đi nép mình vào anh Jacques, mà nhìn xuyên qua hàng rào sắt, trong cái cảm giác ghê rợn của một thành phố Paris xa lạ, mà tôi vừa đặt chân đến trong đêm. Cái khu vườn bí mật này làm cho tôi có cảm tưởng, như là đi lạc vào hang động đầy thú dữ, mà chúng nó chực chờ nhảy bổ vào tôi, bất cứ lúc nào. May thay, tôi không cô độc, vì tôi còn có anh Jacques bảo vệ tôi.

Chúng tôi lội bộ lâu lắm, lâu lắm, qua những con đường dài vô tận; rồi thình lình, anh Jacques dừng lại trước một nhà thờ…

Anh Jacques bảo:

- Chúng ta đã đến nhà thờ thánh Saint Germain des Prés. Phòng của chúng ta ở trên đó…

- Vậy sao, anh Jacques? Trên tháp chuông à?

- Có sao đâu. Càng tiện lợi để xem giờ giấc.

Anh Jacques nói đùa một chút cho vui thôi. Anh ở nhà kế bên thánh đường, trong một căn phòng trên tầng lầu 5, mà cái cửa sổ mở ra lầu chuông, ngay trước mặt cái đồng hồ.

Vào nhà, là tôi phải thốt ra tiếng nói vui vẻ:

- Lửa ấm quá. Hạnh phúc biết là bao.

Liền đó tôi chạy đến lò sưởi để hơ đôi chân đang lạnh cóng, suýt phải cháy đôi dép nhựa. Lúc bấy giờ, anh Jacques mới thấy sự dị hợm của đôi dép mà tôi đang mang. Anh cười mãi rồi bảo:

- Này em cưng! Có một số người danh tiếng đến Paris với đôi guốc gỗ, mà họ đã lấy làm hãnh diện lắm rồi. Còn em thì phải hãnh diện hơn, khi đi đến Paris bằng đôi dép nhựa. Cái này mới mẻ và độc đáo đó nhé. Trong khi chờ đợi, thì em hãy mang đôi ủng này vào cho ấm áp. Rồi chúng ta vào bàn ăn.

Nói xong, anh Jacques đẩy cái bàn trong góc ra, và dọn thức ăn.

Tạ ơn trời, hôm nay chúng tôi rất lấy làm hạnh phúc trong căn phòng của anh Jacques. Ánh lửa bập bùng vui vẻ biết là bao nhiêu, đang soi rọi vào bửa ăn. Thịt ngọt, bánh mì giòn, và rượu nho lâu năm thơm ngon cực kỳ, thì còn gì thích thú cho bằng. Ở đầu bàn đối diện, trước mặt tôi, anh Jacques cứ đơm rượu thịt cho tôi, và mỗi khi tôi ngẩng đầu lên nhìn, thì bắt gặp ánh mắt dịu dàng của anh Jacques, với nụ cười nhẹ nhàng, cũng giống như một bà mẹ hiền. Còn tôi, tôi cảm thấy tràn đầy hạnh phúc đến đỗi tôi nói mãi, nói mãi không thôi…

“Này ăn đi em”. Anh Jacques vừa bảo vừa gắp thức ăn cho tôi. Nhưng mà, tôi thì hứng chí cứ nói mãi. Tôi kể đến tấm lòng tốt của ông Linh Mục Germane… tôi nói hoài mà quên ăn. Thấy vậy, anh Jacques bèn cướp lời tôi, để kể sang chuyện đời phong sương gió bụi của anh… (Hết)

Thanh Châu dịch thuật

CÁC THỰC PHẨM "SIÊU ĐỘC"

KHÔNG NÊN ĂN

1. Cà chua xanh

Cà chua xanh có chứa chất độc Solanine. Do đó, khi ăn cà chua xanh, khoang miệng có cảm giác đắng chát; sau khi ăn có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa… Giới khoa học còn cảnh báo ăn cà chua xanh sống càng nguy hiểm.

2. Chè bị mốc

Chè là thức uống vô cùng quý giá cho sức khỏe con người. Nhưng lưu ý, nếu phát hiện chè bị mốc tức là nó đã nhiễm penicillin và aspergillus. Nếu uống trà bị mốc, nhẹ cũng cảm thấy chóng mặt, tiêu chảy.

3. Gừng dập

Gừng tươi là thực phẩm không nên để lâu bởi sau một vài ngày nó sẽ bị mềm, tóp đi và hỏng dần ở các nhánh nhỏ và các vết cắt, nếu vì tiếc rẻ mà cố cắt bỏ phần hỏng và dùng tiếp phần nguyên vẹn của củ gừng thì bạn nên biết rằng, theo một số nghiên cứu thấy rằng do quá trình dập nát, cũ hỏng mà bên trong củ gừng đã xảy ra một chất độc hại có tên là shikimol. Chất này nằm trong cả củ gừng chứ không phải chỉ ở phần giập nát nên không thể cắt bỏ hết. Đây là hoạt chất với độc tính rất cao có thể gây sự biến đổi tế bào gan của một người đang khoẻ mạnh, cho dù lượng chất này có thể bị hấp thụ rất ít.

4. Khoai tây mọc mầm

Khoai tây có chứa nhiều chất xơ, protein, các vitamin A, C, B6, E, sắt, canxi... nên nó đứng cao nhất về giá trị dinh dưỡng so với các loại rau củ khác. Tuy nhiên, nếu để lâu khoai tây sẽ mọc mầm. Khi đó sẽ sinh chất độc solamine, chất này kích thích tương đối mạnh đến niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Nếu ăn khoai tây mọc mầm có nguy cơ bị đau bụng, ỉa chảy, nôn mửa, thậm chí bị suy hô hấp.

5. Dưa muối chưa kỹ

Các loại dưa muối nói chung (kể cả cà muối) là thực phẩm được chế biến bằng cách sử dụng muối trộn chung với một số thân, lá, hoa, quả, củ để làm lên men chua dưới tác dụng của một số vi sinh vật. Ăn dưa muối đem lại nhiều tác dụng tích cực cho cơ thể và bữa ăn hàng ngày.

Dù có những tác dụng như trên nhưng nếu không biết sử dụng đúng cách thì dưa muối đôi khi lại trở thành thứ gây hại. Bởi vì trong một vài ngày đầu muối dưa, vi sinh vật sẽ chuyển hóa nitrat trong các nguyên liệu thành nitric, làm hàm lượng nitric tăng cao, độ pH giảm dần (có nghĩa là độ chua tăng dần lên). Ăn dưa ở giai đoạn này thì có vị cay, hăng, hơi đắng vì chưa đạt yêu cầu. Loại dưa này chứa nhiều nitrate, ăn vào rất có hại cho cơ thể.

6. Đậu xanh không nấu chín

Đậu xanh có chứa saponin và lectins, saponin, một chất gây kích thích mạnh mẽ đối với đường tiêu hóa của con người, có thể gây ra viêm xuất huyết, giải thể các tế bào máu đỏ. Trong đậu cũng chứa hemagglutinin với tập hợp tế bào máu đỏ gây ra ngộ độc sau khi ăn. Vì vậy nếu ăn đậu xanh chưa nấu chín dễ bị ngộ độc.

7. Bắp cải thối

Trong bắp cải thối có chứa nitrite, chất này đóng vai trò trong sự hình thành methemoglobin trong máu người, khiến máu mất các chức năng oxy, làm cho ngộ độc oxy, chóng mặt, đánh trống ngực, nôn mửa, tím môi… bị nặng có thể gây bất tỉnh, co giật, khó thở, không kịp thời cứu hộ có thể đe dọa tính mạng.

8. Mật cá

Mật cá chứa độc tố nguy hại cho sức khoẻ. Cá càng lớn độc tố càng mạnh. Loại độc tố này có đặc điểm không bị phá hủy ở nhiệt độ cao và trong cồn, sau khi ăn vào sẽ bị tổn hại đến chức năng gan và thận, ở mức độ nặng có thể gây tử vong.

9. Giá đỗ không có rễ

Giá đỗ không rễ: Có những loại giá đỗ (đặc biệt là giá đỗ tương màu vàng) đang trong quá trình sinh trưởng và phát triển được phun thuốc trừ cỏ, khiến các loại giá đỗ đó to, đầy và không có rễ. Trong thuốc trừ cỏ chứa chất gây ung thư, mà trong giá đỗ không rễ lại hấp thu chất độc hại này. Vì vậy, chúng ta không nên sử dụng loại giá đỗ không rễ này.

10. Ba ba, cua và lươn chết

Ba ba, cua, lươn giàu đạm, rất bổ dưỡng nhưng nếu chúng đã chết tuyệt đối không được ăn. Trong ba ba, cua và lươn có khá nhiều chất histidine, sau khi chết, những chất này nhanh chóng bị phân hủy thành histamine rất độc đối với sức khoẻ, ăn vào dễ bị trúng độc.

11. Trứng gà sống

Lòng trắng trứng gà sống khi ăn vào cơ thể rất khó hấp thu. Trong trứng gà sống có các chất làm cản trở sự hấp thu dinh dưỡng cơ thể và phá hoại công năng tiêu hóa của tụy tạng. Ngoài ra, ăn trứng gà sống rất mất vệ sinh, dễ đưa các vi khuẩn vào cơ thể, gây bệnh.

12. Bí ngô để lâu

Bí ngô già để lâu: Bí ngô chứa hàm lượng đường cao, hơn nữa, do lưu trữ thời gian dài, khiến bên trong bí ngô xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, và biến chất, vì vậy khi ăn sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe.

13. Mộc nhĩ tươi

Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng - chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời, chúng ta rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù thủng, đau nhức; có người bị phù nề thanh quản sẽ dễ gây nên tình trạng khó thở. Vì vậy, chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu lên thì mới an toàn.

14. Rau cải nấu chín để qua đêm

Trong rau cải chứa nhiều chất nitrat. Nếu để rau cải qua đêm, do tác dụng của vi khuẩn, muối nitrat chuyển thành muối nitrit, sau khi ăn có thể làm cho tổ chức trong cơ thể thiếu ôxy, xuất hiện triệu chứng trúng độc, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa. Ngoài ra, chất nitrit có nguy cơ cao gây ung thư đường ruột.

Cố Bs, Nguyễn Lân-Đính st.

Nguồn gốc bài hát

‘Bắc kim thang’

“Bắc kim thang cà lang bí rợ” có thể được coi là câu hát cửa miệng của tất cả chúng ta thời thơ ấu, thế nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó, thậm chí đến hơn 90% chúng ta hiểu sai câu hát này.

Trước khi tìm hiểu thế nào là “bắc kim thang, cà lang bí rợ”, xin được kể lại một câu chuyện cổ tích đã được nghe trong chuyến đi công việc tại Long Xuyên khoảng 5 năm trước. Người kể câu chuyện này là một cụ bà khoảng gần 80 tuổi, tụ tập cháu chắt lại rồi vừa ngồi bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện. Chắc hẳn rằng nghe xong mọi người sẽ hiểu thêm về việc mà chúng ta đang bàn tới ở đây. Chuyện kể như sau:

“Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ, có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng. Nhà họ dựng trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo. Do hoàn cảnh đơn chiếc, nên hai anh cũng thân thiết với nhau. Có lần vì mẹ già của anh bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán, vì thế mà anh bắt ếch càng quý trọng tình bạn của anh bán dầu.

Một đêm nọ, trong lúc đi làm việc, anh bắt ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính tò mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp nằm trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau mới bất cẩn rơi vào bẫy của con người. Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẫy tha cho mình, rồi hứa sẽ đền ơn báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bắt ếch cũng xuôi lòng rồi giải thoát cho chúng.

Vài ngày sau, hai con chim cùng bay đến nhà anh bắt ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe được hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bắt ếch, cho hai anh chết thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai. Vì hai con ma da này chết đã lâu, nếu trong 7 ngày tới không bắt được người thay thế sẽ bị hồn phách tứ tán, không được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh khi trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bắt ếch về nhà, bởi vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.

Ban đầu anh bắt ếch đem cớ sự nói cho anh bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh bán dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời không có ma quỷ. Theo lời le le và bìm bịp, anh bắt ếch viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu, chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không ra chợ bán được. Ngày kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ, lại bày tiệc ăn uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.

Hôm ấy là ngày cuối cùng của thời hạn 7 ngày ma da bắt hồn, do say sỉn nhiều ngày liền nên anh bắt ếch ngủ quên. Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày liền bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ. Do bước vội vàng qua cầu khỉ cheo leo, lại bị bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi xuống nước mà chết. Anh bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay. Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn biệt một người chết oan”.

Đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ mọi người đều sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao “Bắc kim thang” có 4 câu cuối là:

Chú bán dầu, qua cầu mà té.

Chú bán ếch, ở lại làm chi.

Con le le đánh trống thổi kèn,

Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.

Thực chất là để diễn tả lại câu chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa.

Thế nên vấn đề còn lại nằm ở hai câu:

Bắc kim thang, cà lang bí rợ

Cột qua kèo, là kèo qua cột.

Ở câu đầu tiên, “cà, lang, bí rợ” là để chỉ cho 3 loại củ, quả có cùng một đặc tính là thuộc họ dây leo, trái cà, khoai lang và bí rợ. Đặc biệt với từ bí rợ, là một từ thuần chất của miền Nam, cũng đã nói lên xuất xứ của bài đồng dao này là từ miền Tây Nam bộ.

Nói đến “bắc kim thang” thì phải hiểu hơi “hàn lâm” một chút, là từ kim thang ở đây hiểu cho đúng phải là cái thang hình chữ KIM - 金 - tức là hình tam giác cân. Từ “kim tự tháp” cũng là bắt nguồn từ chữ “kim” này mà có, do chỉ hình dạng cái tháp của người Ai Cập cổ là hình tam giác cân.

Còn cái “kim thang” của con nít ngày xưa là do người lớn dùng hai thanh tre dài, bắt chéo vào nhau tạo thành một hình tam giác cân rồi cắm trên mặt đất, cách vài mét lại đặt một cái như vậy, tạo thành một hàng dài. Bản thân của cái kim thang này trở thành một cái cột (do không có cây cột dựng đứng giữa nên hai thanh tre chéo vào trở thành cột luôn). Những cái kim thang được nối vào nhau bởi cái “vì kèo” là những thanh tre chạy dọc theo giàn, cứ như thế tạo thành một giàn cốt là để cho cà, lang, bí rợ leo lên mà sinh sôi, phát triển.

Vậy “cột qua kèo, kèo qua cột” là chỉ mối quan hệ gắn bó vào nhau của hai vật thể. Cả câu “bắc kim thang, cà lang bí rợ, cột qua kèo, là kèo qua cột” cốt để miêu tả mối quan hệ keo sơn, quấn quít, gắn bó vào nhau của anh bán dầu và anh bán ếch ở bốn câu sau.

Cả bài đồng dao này được viết lại dựa trên câu chuyện cổ tích kia, nên cách lý giải cũng vì thế mà nên hiểu cho đúng. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, người lớn không còn kiên nhẫn để giải thích cho con trẻ hiểu về truyện cổ tích kia, thế nên bài đồng dao “bắc kim thang” cứ thế mà lưu truyền, gây ra sự hoang mang, khó hiểu cho người nghe.

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều lời bàn, tranh cãi xung quanh việc lý giải ý nghĩa cho bài đồng dao này. Điển hình là ông Nguyễn Hữu Hiệp ở An Giang đã phát biểu trong hội thảo khoa học tại trường Đại học Cần Thơ năm 2003, rằng hiểu cho đúng thì bài đồng dao này phải được hát là:

Bắt kim than, cà lang bí rợ

Cột quai chèo, chèo qua chèo lại,

Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít,

Hái lá mít, chùi đít ngựa ô.

Tuy nhiên cách giải thích này lại khập khiễng và vô cùng tối nghĩa, khó hiểu.

Vậy nên tôi mới mạn phép truy tìm nguồn gốc, đọc và thẩm định rồi giải thích để mọi người hiểu hơn về bài đồng dao này. Nếu mọi người thấy cách lý giải này là hợp lý thì nhớ đặng mà con cháu có hỏi, thì ta biết trả lời rằng vì sao trẻ con hay hát:

Bắc kim thang, cà lang bí rợ,

Cột qua kèo, là kèo qua cột…

Hà Mạnh Đoàn st.

(Theo Báo Đất Việt)


Phụ Bản IV

ĐIỀU

KHÔNG

MONG

ĐỢI

- Phạch. Chết nghe con chừa to miệng chừa?

- Tưởng cỡ đó là ngon rồi á hả? Coi nè…

- Uý trời. Nó chực sẵn mình hồi nào rồi.

- Tao sém có tứ quý chứ không thì mày tiêu rồi đó con.

- Đổ rác đi bà con.

- Cấm trẻ em ra đường nha mất an toàn giao thông lắm à.

- Thằng này coi bộ bài lớn há mậy?

- Hổng lớn chi đủ gom hết tiền tụi bây là được rồi.

- Tới. Chung dzô chung zô đi…

- Ê ván này chơi lớn tiền lên nghe rác rác nhặt mỏi tay quá hà.

- Thôi đi mày để cho anh em ngồi dài dài dzới chớ. Muốn ăn cho hung hả?

- Yếu đừng ra gió ngồi lâu mỏi lưng. Chia lẹ coi.

Chiếu bạc om sòm suốt từ xế chiều Chinh lén nhìn đồng hồ “Trời nửa khuya rồi về thôi”.

- Đứa nào vô thay chân tao đi.

- Về hả?

- Ừ khuya quá rồi.

- Đã theo là theo cho tàn cuộc luôn ai lại bỏ bạn giữa đường mậy?

- Nó sợ má sắp nhỏ ở nhà trăn trở hoài ngủ hổng được nó lo về để dỗ dành chớ.

- Hớ hớ…há há…

- Hay cháy túi rồi thưa thiệt đi anh em chiếu cố cho.

Những lời khích bác trêu chọc làm Chinh nóng mặt:

- Mẹ tụi mày rồi chơi tới sáng luôn.

- Dzậy mới phải chớ mới đáng mặt phông chính chớ.

- Chia bài cho nó đi Tỏn.

Chinh sắp những lá bài lên tay nhẩm thầm “toi cả triệu bạc rồi mai thế nào Châu Nga cũng nhằn cả ngày cho mà coi. Giờ vầy làm sao về?”

Cánh cửa phòng chợt hé Quánh ló mặt vào nhăn nhó:

- Nhỏ nhỏ cái miệng chút mấy cha nó để ý bữa giờ rồi đó coi chừng dính cả lũ bây giờ à.

- Có chi thì cũng đến phường là cùng chớ gì. Yên tâm đi tao có bảo kê rồi.

Tiếu nói giọng chắc nịch cùng lúc quăng một quân bài xuống chiếu. Chinh thở ra đánh khì khi thua tiếp ván nữa.

- Sao đen dữ vầy nè?

- Tại mày không thường xuyên góp mặt nên tổ phạt đó. Như tao nè một tháng hết 29 ngày chăm chỉ tổ đãi mệt xỉu luôn.

- Dóc tổ cha chứ bữa hổm thằng nào còn mỗi cái tà lỏn mang về đó?

- Lâu lâu nhưòng tụi mày một bữa nhằm nhò gì.

Chinh im lặng xóc bài rồi chia trong lòng vừa buồn bực vừa lo lắng gần hết tiền rồi kiểu này có khi bị mắc nợ thêm rồi quá. Biết làm sao bây giờ? Chinh cảm thấy hối hận khi nghe lời rủ rê lúc chiều. Bởi anh không thuộc loại con mồi của chuyện đen đỏ hôm nay Tánh mời đầy tháng con ăn uống xong khách khứa tản mát ra về còn lại một bọn ma cờ bạc liền chèo kéo nhau làm cơn sát phạt. Lúc đó Chinh cũng chỉ nghĩ chơi vài ván cho vui chớ chối ngay thấy cũng kỳ chúng lại nói này nọ khó nghe ai dè… Đàn ông rất nhiều khi sa lầy vì cái trò sĩ diện dở hơi thế đấy.

- Phầm.

Tiếng cánh cửa bị bật mạnh vào tường làm cả bọn giật mình. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì một tiếng quát rắn đanh:

- Tất cả ngồi im tại chỗ.

Những quân bài chết cứng trên những ngón tay những gương mặt tái ngắt xám xịt. Tiếu chợt kêu lên mừng rỡ:

- Ơ anh Khâm. Tụi em chơi vui thôi ấy mà… anh…

- Có vui có buồn gì thì cũng về trụ sở giải quyết. Toàn tiền trăm tiền triệu thế này mà bảo là vui thôi. Đồng chí Láng lập biên bản đi.

Chinh run tay khi cầm cây bút ký vào tờ biên bản anh ước gì…

- Tất cả ra xe ai ngoan cố thì đừng trách…

Chiếc xe thùng đã mở rộng chờ sẵn trong một góc xe Quánh thu lu gục mặt xuống Chinh thở hắt ra khi ngồi sụp xuống sàn xe.

Châu Nga sưng mọng hai mắt cô khóc suốt từ nửa đêm qua. Điều đau đớn nhất là Chinh bị bắt cùng những tên cờ bạc gạo đã từng có tiền án tiền sự. Một sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách không chỉ bản thân anh mà còn cả các con về sau. Trước đây thỉnh thoảng thấy những người này lui tới nhà Nga đã nhắc nhở chồng, Chinh tặc lưỡi: “Anh cũng có thân thiết gì với chúng nó đâu quấy quá cho qua ấy mà bạn bè xóm giềng từ nhỏ chẳng lẽ… không khéo lại sinh chuyện rầy rà. Em yên tâm đi anh biết phải làm sao mà”. Nói thì nói vậy chứ gần mực sao tránh khỏi lem.

Bây giờ thì xảy ra chuyện rồi. Trời ơi! Biết phải làm sao đây?

Có tiếng honda dừng trước cửa. Thằng nhỏ phụ việc nói to:

- Hôm nay tiệm không làm đâu chú ơi.

- Có cô Nga ở nhà không?

- Dạ có. Cô Nga ơi!

Nga vội quệt nước mắt đi ra Tấn đang bước vào thấy vẻ mặt Nga thì hốt hoảng:

- Có chuyện gì vậy Nga?

- Anh Chinh… ảnh bị bắt rồi.

- Sao mà bị bắt?

Thổn thức khóc kể Nga như muốn bấu víu vào một sự trợ giúp từ người bạn khá thân của chồng. Nghe rõ chuyện Tấn thừ người tâm trạng anh cũng ngỡ ngàng hồi giờ bạn anh có máu mê cờ bạc gì đâu mà lại…

- Em báo cho bà nội biết chưa?

Nga lắc đầu:

- Em không dám nói.

- Chinh bị giam ở đâu?

- Họ đưa cả về công an thành phố rồi.

- Thế thì hơi căng đó còn ở phường thì đỡ hơn. Phải nói cho bà biết thôi. Bà quen biết nhiều may ra tìm cách gỡ được chứ để thành án rồi thì khó lắm.

- Em không biết bà sẽ ra sao khi nghe tin này. Anh biết rồi đó. Chắc gì bà đã…

- Anh biết. Nhưng dù sao thì chuyện cũng đã qua lâu lắm rồi. Giờ chỉ còn mỗi Chinh là cây đinh của dòng họ thôi chẳng lẽ bà lại không lo. Hơn nữa Chinh mới bị lần đầu anh nghĩ chắc không đến nỗi gì đâu. Ngồi đây cũng chẳng có cách gì đi đến nhà bà đi.

Nghe Tấn nói cũng đúng nên Nga vào sửa soạn để đi. Trong lòng cô rối bời đôi vai người phụ nữ trẻ như mảnh mai hơn.

Bà Khương ngồi như tượng mái tóc bạc trắng vẫn búi gọn như mọi ngày. Trên gương mặt nhiều nếp nhăn trong đôi mắt đã hơi đùng đục một vẻ thất vọng đến tái tê, ánh nhìn của bà như dán chặt vào bức tường trước mặt. Hừ! Chẳng lẽ cái gien di truyền khốn kiếp này vẫn chưa bứt được sao? Chẳng lẽ cái dòng họ Lâm vẫn cứ mạt hết đời này sang kiếp khác chỉ vì cái máu đỏ đen nghiệt ngã ấy? Chẳng lẽ những dâu con dòng họ Lâm vẫn chưa thôi rơi những giọt nước mắt trần ai?

Hơn ai hết bà Khương thấm thía đến cùng cực nỗi đau nhục vì những người đàn ông của gia đình thân tàn ma dại trên cái chiếu cờ bạc. Không thể làm gì được với ông chồng, bố chồng, chồng và cả đứa con trai duy nhất của mình. Bà Khương nghiến răng cắt đứt sợi dây oan nghiệt bằng cách đem đi đứa cháu nội khi mẹ nó đã ôm cầm sang thuyền khác. Đứa bé đã mồ côi cha khi bà nó âm thầm nhờ người đứng ra chôn cất một cái thây vô thừa nhận dấp dúi ở một xó chợ. Bà một mình nuôi cháu không hề hé nửa lời cho nó biết về gia cảnh. Cố hết sức để thoát khỏi bóng đen u ám với sự nghiêm huấn khắt khe. Cách bảo bọc và giáo dục của bà khiến Chinh như ngạt thở. Thanh niên tính đã buộc Chinh phải vẫy vùng để bức thoát. Rồi cũng đến lúc Chinh hiểu ra mọi chuyện, anh không trách bà và thầm hứa với bà rằng anh sẽ không để cho bà phải đau khổ thất vọng. Để chứng tỏ quyết tâm của mình khi bỏ ngang con đường học vấn Chinh theo học nghề sửa xe để tự lập. Dần dà ổn định Chinh lấy vợ và lần lượt ba tí nhóc ra đời. Theo sát bước đi của cháu bà Khương dần yên tâm khi không thấy Chinh có những biểu hiện đáng ngại. Nào ngờ…

Châu Nga quỳ gục đầu vào hai đầu gối của bà Khương khóc nức nở:

- Bà ơi! Con xin bà cứu lấy anh Chinh… ảnh trót lỡ một lần thôi bà ơi… bà cũng biết đó hồi giờ ảnh đâu có vậy… con xin bà bà ơi…

- Đã có một lần tất sẽ có hai lần ba lần trăm lần ngàn lần. Phải để nó tự trả giá. Đó cũng là cách duy nhất để cứu nó.

Giọng bà Khương đanh chắc dường như chút hơi sức cuối đời bà dùng cả vào một đòn quyết tâm này để giành lại đứa cháu. Tấn lựa lời:

- Con xin bà nghĩ lại. Một lần mang án là ảnh hưởng cả đời sau này tụi nhỏ cũng liên lụy. Con tin Chinh chắc chắn sẽ không tái phạm đâu bà ạ. Bà hãy cho Chinh một cơ hội đi bà.

- Không. Không thể được. Có thể bây giờ bà thật nhẫn tâm nhưng bà không có cách nào khác cả các con không hiểu cái viễn ảnh lập lại cuộc đời của ông cha nó khủng khiếp thế nào đâu. Nó sẽ không gặp chuyện này nếu nó cương quyết lánh xa một phút trù trừ sa đà là đủ cuốn đi cả một cuộc đời trên con dốc trượt dài ấy. Bà phải ngăn chận bằng mọi giá. Châu Nga con đừng lo bà sẽ phụ con chăm sóc tụi nhỏ. Hãy nghĩ đến một tương lai dài hơn là một lúc của hôm nay con hiểu không?

Không hiểu thì cũng phải hiểu như một thứ ung thư vậy phát hiện nó vừa chớm giai đoạn đầu thì phải cắt bỏ ngay lập tức chứ để đến lúc di căn rồi thì… Châu Nga chỉ còn cách mong thời gian qua nhanh.

Chinh trịnh trọng nâng ly rượu về phía người đang mặc cảnh phục:

- Cán bộ Thông em xin mời anh cạn với tụi em một ly một ly thôi để mừng cho em đi cán bộ.

- Được rồi hôm nay tôi đặc cách cho anh em một lần thôi đấy nhé.

- Dạ vâng tụi em biết ạ. Mọi ngày đâu có dám.

- Nào các anh em nâng ly chúc mừng cho công dân Lâm Hoàng Chinh từ mai được trở lại cuộc đời tự do nào…

Chinh cười rạng rỡ ngửa cổ trút gọn ly rượu trắng mặt anh đỏ bừng vì hơi men và cũng vì niềm hạnh phúc ngập tràn. Ngày mai. Ôi cái ngày mai đã bao mong đợi ấy cuối cùng cũng đã đến. Có phải đem thân vào tù thì mới biết hai từ “Tự Do” quý giá biết chừng nào. Ngày mai là cái ngày anh có lại được cái điều quý giá ấy sau hơn một năm thi hành án. Từ mai anh không còn phải khoác lên mình manh áo sọc có số nữa mà sẽ lại là những tấm áo lấm lem dầu mỡ những tấm áo mà thời gian vừa qua có những lúc anh nhớ đến thắt lòng. Từ mai anh sẽ lại là một anh thợ sửa xe vui tính và cần mẫn sẽ lại là một Chinh “phông chính” giữa những gương mặt bạn bè. Biệt danh “phông chính” anh đã được bạn bè nhã ý phong tặng từ thời còn trai trẻ với gương mặt điển trai cùng chút tài lẻ hát hay đàn giỏi. Rất nhiều khi gặp thế bí là bạn bè lại đẩy phông chính ra làm bàn. Nghĩ đến bạn bè đến gia đình những người thân yêu mà anh đã phải tạm rời xa trong những tháng ngày Chinh nghe lòng căng nức lên như một trái bóng chỉ chực nổ tung. Bà ơi! Con đã rất hiểu những nỗi khổ đau của những người phụ nữ khi người đàn ông trong gia đình không tròn trọng trách. Từ mai con sẽ không bao giờ làm bà phải thất vọng vì con nữa con xin hứa với bà đem hết tâm tư và sức lực để hứa với bà con: Lâm Hoàng Chinh này sẽ xóa sạch nỗi ám ảnh trong lòng bà bấy lâu nay. Bà hãy tin con bà nhé. Châu Nga ơi! Anh sắp được về với mẹ con em rồi anh sẽ bù đắp cho em tất cả những khổ sở mà em đã phải gánh chịu anh sẽ không bao giờ làm em phải rơi nước mắt vì anh nữa em yêu nhé. Ngày mai khi mặt trời sáng xanh những tia bình minh rực rỡ thì anh sẽ bồng bềnh đôi chân tự do trong nắng ấm anh sẽ…

- Kìa anh Chinh làm gì mà như man vậy miệng thì cười mà mắt lại khóc mặt thì nghệt ra trông rõ là…

- Anh vui quá đó mà chúng ta ai cũng vậy thôi khi không còn mắc trên vai hai chữ “phạm nhân” nữa thì còn gì sung sướng bằng.

Cán bộ Thông mỉm cười đời quản giáo hạnh phúc nhất là những lúc như thế này. Được chứng kiến niềm vui tột đỉnh của những con người đã sa chân lỡ bước phải gánh trên vai hai chữ nhục nhằn phải ăn năn ray rứt vì những tác hại mà mình đã gây ra để rồi đến khi được gột rửa những nỗi niềm xót xa tội lỗi để lại được hòa mình cùng cuộc đời tươi sáng ngoài chấn song kia trong niềm vui ấy đã có biết bao công sức chăm sóc và cảm hoá của những người quản giáo như anh.

- Chinh này trong thời gian thi hành án ở đây anh có gì oán trách chúng tôi không?

- Chết chết thưa cán bộ em đâu dám ạ. Em có tội mới phải vào đây được các anh chỉ bảo rèn giũa em cảm ơn còn không hết nữa ấy chứ ạ. Cán bộ không tin thì…

Cán bộ Thông xua tay:

- Tôi tin tôi tin tôi chỉ hỏi vui vậy thôi. Nhưng nói thật với các cậu thế này nhá. Chúng tôi không hề muốn phải tiếp nhận những con người qua cánh cổng này không hề muốn nhìn thấy những con người đang phơi phới như các cậu trong màu áo này. Các cậu cũng như chúng tôi chúng ta đều là những con người do cha mẹ sinh ra đều có những quyền sống bình đẳng như nhau chỉ vì một phút sơ sẩy một chút thiếu kềm chế cân nhắc mà giữa chúng ta phải có sự phân ranh đáng buồn như thế này. Nếu như tôi gặp các cậu ở một nơi nào khác có khi lại phải cúi chào cẩn thận nữa cũng nên. Tôi mong sao khi đã rời khỏi đây đừng ai quay lại đừng bắt tôi phải gặp lại các cậu ở nơi đây nữa. Các cậu hiểu không?

Cả đám lặng đi một lúc rồi Vịnh chợt lên tiếng:

- Dạ chúng em hỉểu ạ. Em không bao lâu nữa cũng được như anh Chinh hôm nay em xin hứa sẽ không bao giờ quay lại nơi đây trong tư thế này cả.

Một lần là quá đủ cho một cuộc đời rồi.

- Tốt tốt nào chúng ta cạn ly cho một này mai tươi sáng nào…

- Anh hát đi anh Chinh.

Một giọng nói đề nghị lập tức nhận được sự hưởng ứng:

- Phải đó anh hát đi anh Chinh đi lao động mà nghe anh Chinh hát thì hết mệt luôn.

Chinh cười đầy xúc động:

- Mình sẽ hát hát cho các bạn nghe lần cuối cùng mai đây muốn nghe mình hát phải ra nhà mình đấy nhé.

- Đương nhiên rồi nào một… hai… ba

Chinh cất giọng anh hát say sưa giữa những tiếng vỗ tay đệm nhịp và rồi lẫn những giọng hát hoà theo. Đêm tan dần…

Châu Nga rối rít giục con:

- Nhanh đi Khánh Thi mang giày mặc áo cho em Tân đi con.

Bàn tay cô loang loáng cái bàn ủi trên cái áo sơ mi màu xanh da trời của chồng trên một tai ghế chiếc quần tây thẳng nếp cùng cái cavat đã vắt sẵn. Vừa làm Nga vừa hình dung vóc dáng thân thương của chồng trong bộ quần áo với những bước chân tự do. Ôi hơn một năm dằng dặc với những đợi mong nay đã đến lúc dâng trào niềm vui sum họp. Không nén nổi cảm xúc cô cứ cười một mình. Tiếng những đứa trẻ ríu rít “Ba sắp về ba sắp về rồi…” càng tăng thêm niềm phấn khích trong cô.

- Má ơi! Chú Tấn chú Thanh đến.

- Ờ con nói mấy chú đợi má một chút nha.

Tấn ngoắc tay:

- Ra chú bế cái coi. Bữa nay cu Tân đẹp quá ta.

- Má cho con mặc áo đẹp đi đón ba đó.

Thằng bé bi bô khoẻ.

- Con có vui không? Có thích không?

- Dạ vui dạ thích. Má cũng vui chị Khánh anh Thi cũng vui chú Thanh chú Tấn cũng vui luôn.

Tiếng cười vỡ oà. Thanh liếc nhìn nơi chân bàn đã có sẵn một thùng bia và một mùi thơm thật hấp dẫn bốc ra từ trong bếp.

- Chà phông chính có phước dữ a. Kỳ này về phải phạt nó một chầu chết luôn mới được.

Châu Nga hiện ra giữa cửa trong chiếc áo dài màu hồng phấn trông cô thật duyên dáng khả ái. Không kìm được Tấn thốt lên:

- Nga đẹp quá ta.

- Nè khen vợ bạn lúc bạn vắng mặt là phạm tội đó nghe.

Nga xụ mặt:

- Thôi anh đừng nhắc đến hai từ đó nữa mà.

- Ừ há anh quên cho anh xin lỗi nha. Xong chưa? Bà nội có đi không?

- Dạ không. Để đón ảnh về rồi qua thăm bà cũng được.

- Ừ đi chứ.

- Dạ đi thôi. Thi ơi..

Một hồi chuông điện thoại ngắt ngang lời Nga:

- Alo dạ phải… Sao ạ? Á…

Mặt Nga trắng bệch cô buông cái máy ngã phịch xuống đất.

- Nga Nga sao vậy? Có chuyện gì vậy?

Thanh vội nhào đến chụp cái máy đang toòng teng:

- Alo alo… vâng. Hả? Anh nói sao…

Nhìn Thanh sững người tay cầm máy thõng dần xuống đất Tấn giật cái máy nhưng chỉ còn những tiếng tút tút. Giọng Thanh lạc đi:

- Chinh…Chinh chết rồi…

Tấn há hốc mồm trợn ngược mắt anh không tin ở tai mình không tin câu mình vừa nghe. Nga chợt hét lên:

- Anh ơi…

Cán bộ Thông ôm đầu:

- Tôi không tin không thể tin được…

Anh công an ngồi ở bàn giấy mặt cũng dàu dàu:

- Ai mà tin được lại có chuyện như vậy xảy ra chứ. Tưởng…

Thanh thẫn thờ từ phòng trong bước ra nhìn Châu Nga sõng sượt trong tay Tấn anh không nói được lời nào nữa.

- Ai ký giùm cái biên bản đây?

Thanh đón cái biên bản đọc phần kết luận “Do xúc động mạnh nạn nhân tăng huyết áp đột ngột gây nghẽn mạch nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong”. Nga ớ lên một tiếng rồi ngất đi.

Trời ơi trời! còn thảm cảnh nào trớ trêu hơn thế nữa không trời? Thay cho niềm hạnh phúc trùng phùng là nỗi đớn đau tử biệt. Thay cho gương mặt sáng hồng sức sống là làn da vàng tái im lìm. Chinh nằm đó. Gương mặt vẫn như đang cười đang còn phảng phất niềm vui niềm vui quá lớn so với trái tim bé nhỏ của anh đã biến tất cả thành thảm kịch. Chắc linh hồn anh còn đang hơ hỏng đâu đâu không biết mình đã rời xa thế giới nhân sinh này.

Ngôi mộ đã phủ đầy những vòng hoa những nén hương tỏa rộng làn khỏi mỏng manh trong gió. Vòng người chung quanh yên lặng trong mỗi người như vẫn còn hoài nghi những gì đang trước mắt. Có thật không đây? Chẳng lẽ lại dễ dàng qua đi một kiếp người đến thế? Chẳng lẽ chỉ một chút sai lầm mà đã không còn cơ hội nữa? Bỗng chốc một cánh chim lìa đàn. Bỗng chốc lộ ra một khoảng trống không gì bù đắp được. Bỗng chốc một mô đất gồ lên ôm trọn một hình hài. Cuộc sống ví như một vòng cáp chuyền kéo theo những nắm tay bám bấu lác đác trong số có những nắm tay vuột ra lại có những nắm tay khác bấu vào vòng cáp chuyền vẫn tiếp tục cuộc hành trình không dứt.

Châu Nga phó mặc tấm thân mềm oặt trong tay mọi người. Trong đầu cô không có suy nghĩ gì thực tại trước mắt cô không có hình ảnh gì hiện diện mọi thứ cứ như những hư ảnh chập chờn loang loáng. Bà Khương cũng chẳng khác gì cháu dâu. Từ lúc nhận tin bộ xương già nua đã không nhích nổi một bước. Ý nghĩ vì sự cứng rắn của mình đã làm hại cháu khiến bà tê liệt.

Tấn nhìn đăm đăm vào khung ảnh Chinh. Vẫn kia vầng trán cao sống mũi thanh ánh mắt long lanh như cười guơng mặt đã từng là niềm tự hào của bao người thân bạn bè gương mặt đã từng cháy lên bao khát vọng giờ đây chỉ còn là ký ức của cuộc đời. Chinh ơi! Bây giờ mày đang ở đâu?

Thưa quý độc giả kính mến. Thật lòng tôi không cố tình làm quý vị phải hụt hẫng với đoạn cuối của câu chuyện nhưng đây là từ một chuyện có thật. Biết làm sao được khi cuộc sống vẫn thường mang đến cho con người ta những điều không mong đợi.

ĐÀM LAN

Biệt Thự Chuông Reo

Nguyễn Thị Mây

Hôm nay, tôi đổi chiến lược. Tôi không dùng cây thước để nhấn mạnh vào nút chuông mà trèo lên cổng. Đặt cái cặp xuống đất, tôi bấu tay trái vào hàng rào, leo lên chấn song, dùng tay phải ấn mạnh cục cao su cho dính vào cái nút. Tiếng chuông ngân dài, liên tục vang lên từ trong biệt thự. Tôi thích thú nhảy xuống đất định “chuồn” thì… một gã con trai trắng như cục bột đã đứng sau lưng tôi tự lúc nào. Hắn cắp chiếc cặp của tôi bên hông, ánh mắt nhìn tôi nửa giận dữ, nửa chế giễu khiến tôi hết hồn.

Hắn tấn công tôi ngay:

- Bắt quả tang rồi nghen! Con gái gì…

Tôi đỏ mặt, cố gắng làm tỉnh, gạt ngang:

- Con gái làm sao?

Hắn có vẻ lúng túng:

- Con gái gì… cà chớn quá trời! Phá còn hơn…

Tôi chống hai tay lên hông:

- Còn hơn cái gì?

- Còn hơn con trai chứ gì.

Tôi bật cười:

- Phá rồi có dính dáng gì đến bạn không?

- Sao không! Ngày nào, giờ nầy cũng phải chạy ra đây vì tưởng có người gọi mở cổng. Bực cả mình!

Lần nầy tới phiên tôi lúng túng. Thì ra, hắn là người ở trong biệt thự. Chết chưa! Biết làm sao! Ai biểu gắn cái nút sờ sờ trên cổng, bảo sao tôi không ấn vào đó.

Từ nhỏ, tôi đã thích nghe tiếng leng keng, leng keng của mấy chú bán cà rem. Nó vui vẻ làm sao ấy.Tôi mê cả tiếng chuông nhà thờ đổ từng hồi. Âm thanh lảnh lót, ngân dài, lan rộng, phủ trùm không gian. Tôi cũng rất mê tiếng đại hồng chung não nề vang vọng từ chánh điện tràn lan khắp sân chùa. Nó cuốn theo nỗi buồn man mác, xóa đi phần nào mùi tục lụy, cát bụi hồng trần bám quanh đây đó.

Một lần, tôi theo mẹ đến chùa lễ phật. Trong lúc mẹ và sư cô đàm đạo ở hậu liêu, tôi lẻn vào chánh điện. Quanh tôi lúc bấy giờ chỉ có ánh mắt từ bi và nụ cười hồn hậu của Chư Phật. Tôi chắp tay xá vài cái rồi cầm lấy cây dùi đánh mạnh vào chuông ba lần. Xong, tôi phóng ra cửa trước rồi trốn sau hàng thược dược đầy hoa trong sân chùa. Giống như lời gọi, tiếng chuông đã tập hợp tất cả ni cô trong nháy mắt. Mẹ tôi cũng chạy theo. Lát sau, họ lục tục đi ra, ai làm việc nấy. Còn mẹ, nét mặt căng thẳng, bừng đỏ, bà dắt xe ra cổng, chẳng thèm tìm kiếm hay gọi tôi một tiếng. Tôi phải lội bộ về, bỏ lại đôi dép vì chẳng dám quay vào chùa.

Từ đó, không bao giờ mẹ dắt tôi theo mỗi lần đi lễ Phật. Và tôi với mặc cảm “quỉ phá nhà chay” mà lũ bạn thường ám chỉ khiến tôi cũng chẳng dám đến chùa, dù biết cửa thiền luôn rộng mở. Năm nay, tôi vừa tốt nghiệp THCS. Trường mới khá xa, tôi phải đi qua nhiều con phố dài, quanh co. Dù vậy, tôi vẫn thích cuốc bộ. Những buổi sáng, khi sương mù còn dầy đặc, cây cỏ ướt sũng như vừa tắm gội mà chưa kịp lau khô. Tôi thong dong cắp cặp đến trường. Tôi ngắm mặt trời còn ngái ngủ, lừ đừ nhô đầu lên từ phía chân trời, vất vả leo lên từng chút một. Tôi tức cười khi nghĩ “đúng là định tinh”, chậm như rùa, bảo sao người ta chẳng nói là đứng yên một chỗ. Tôi băng qua từng con phố. Thích thú nhìn vào những ô cửa mở toang hoặc khép hững hờ. Bóng ai đó đứng lên, cúi xuống, khua tay, múa chân làm động tác của một bài thể dục buổi sáng. Những bước thình thịch thình thịch lướt qua mặt tôi, phơi bày cùng lúc nhiều khuôn mặt tươi hơn hớn, kéo theo tràn cười vui vẻ của mấy đứa con trai “tập chạy”. Đôi khi, tôi phải bật cười vì mấy câu trêu chọc họ ném lại:

- Bé ơi, anh về trước pha cà phê nhé, chút nữa hai đứa cùng uống.

Hoặc là:

- Bé ơi, đi học sớm thế. Nhớ học chữ YÊU với nhé! Thông thường đến trước ngôi biệt thự, tôi ngồi lại trên băng đá một chút. Ở đây, buổi sáng yên tĩnh và tuyệt diệu vô cùng. Ngôi biệt thự còn chìm trong giấc ngủ. Các cánh cửa còn đóng chặt dù mặt trời đã tươi tỉnh rải những tia nắng vàng nhàn nhạt xuống quanh đây. Mái ngói phủ đầy rêu, hiện rõ dần sau hàng cây nhưng bất động như một lâu đài hóa đá từ nghìn năm trước. Lá rụng đầy lối vào, Không ai buồn quét. Chúng bay lăn lốc từ gốc cây nầy sang gốc cây nọ rồi mới chịu nằm yên. Tôi chợt nghĩ rằng đêm qua, hàng cây trong đó đã di động, đi đi lại lại, chuyện trò, lắc lư cành lá khiến cho mấy chiếc úa vàng bay vèo khỏi cành cây. Đến khi nghe gà gáy sáng, hàng cây kiểng mới hoảng sợ chạy về chỗ cũ, giả vờ đứng yên, chưa kịp xóa tan dấu vết. Tôi đứng lên, nhìn lướt qua cổng và bắt gặp cái nút chuông điện trên cao. A! phải đánh thức mấy cô công chúa hay những ông hoàng tử lười biếng trong lâu đài ấy dậy thôi. Tôi ấn mạnh nút chuông rồi bỏ chạy. Từ đó, cái chuông trở thành niềm vui của tôi mỗi lần đến trường hay tan học. Hôm nào đi ngang, nếu thấy vắng tanh, tôi liền “gọi cổng”. Không ngờ, trưa nay tổ trác thế này. Nhìn gã con trai mang vẻ mặt hầm hừ đang ôm cái cặp của mình, tôi chợt nghĩ ra một cách:

- Ê, định cướp cái cặp của người ta hả?

Hắn có vẻ hoảng:

- Đừng nói bậy nghen! Trả nè. Lần sau phá nữa thì coi chừng tui đó.

Chộp lấy cái cặp, trước khi bỏ đi, tôi le lưỡi, nháy mắt:

- Í… ẹ…, còn lâu mới sợ! Đừng có hù… chị em ơi!

Tuy nói thế nhưng tôi cũng hơi ngán. Cả tuần nay, tôi chẳng dám đi ngang đó. Tôi vòng ngã khác dù có xa và ngoằn ngoèo hơn để đến trường. Nghĩ lại, tôi thấy mình cũng vô duyên. Ai đời lớn tướng rồi cứ chọc phá tùm lum. Thấy ai thích cãi, tôi tìm cách cho họ la hét. Biết ai sợ chuột, tôi đem tới vài con. Tôi làm rối tinh lên mọi vật và mẹ mặc sức ca cẩm “Mụ bà lộn địa chỉ hay sao kìa!”. Còn ba tôi thì bảo “May phước, có một đứa con chứ phải vài ba trự thì có nước bạc tóc sớm”. Tôi cảm thấy hơi hơi ân hận. Sáng nay, trước khi đi học, tôi vòng tay chào ba mẹ:

- Thưa ba mẹ, con đi học!

Mẹ trố mắt nhìn tôi, còn ba bỗng dưng ôm bụng cười:

- Chúa ơi! Đã đến thế kỷ XXII chưa vậy bà? Hình như thế giới đã đổi thay!

Ba chắp hai tay sau lưng, đánh một vòng quanh tôi, ông xuýt xoa:

- A…, à… muốn khoe cái áo gấm trắng mới may chứ gì. Trông lớn xộn, nhu mì hẳn ra!

Đúng là hôm nay tôi mặc áo mới, đôi guốc cũng mới. Và, tôi nhất quyết cả tôi cũng phải mới từ trong suy nghĩ mới được. Tôi vòng tay lễ phép:

- Thưa ba mẹ, con đi học!

Ba gật gù:

- Ừ, hay để ba đưa con tới trường.

- Dạ thôi! Ba ở nhà ăn sáng với mẹ con đi. Đi bộ cũng thích lắm. Như tập thể dục vậy mà. Ba đừng lo.

Mẹ chớp mắt cảm động:

- Ừ, con đi đi! Chút nữa mẹ đi chợ sẽ mua cho con chiếc nón bài thơ mới.

Qua vài đoạn đường, tâm trạng phấn khởi ban đầu đã giảm sút. Tôi không còn chú ý lắng nghe tiếng guốc khua giòn giã của mình mà cảm thấy hai bàn chân rát rạt. Chắc đã phồng lên rồi. Phải biết vậy, mang đôi dép cũ còn hơn. Bước đi cứ khó khăn, ê ẩm làm sao. Chắc chắn dáng đi của tôi õng ẹo theo nhịp guốc. Tôi đỏ mặt khi nhớ đến lũ bạn cùng lớp. Thế nào chúng cũng rộ lên, cười ầm ĩ như đang xem hát. Nhìn trước, nhìn sau không có ai, tôi xách đôi guốc lên rồi đi chân không cho tiện. Nhưng mấy viên gạch vụn lót đường cứ chỏi vào gan bàn chân làm tôi phát bực. Điệu nầy phải chọn con đường ngắn nhất thôi. Đành phải đi ngang biệt thự ấy vậy. Mà lo gì, giờ nầy họ còn ngủ kia mà. Ngang đó, tôi sẽ đi nhanh hơn. Ngôi biệt thự im lìm nhưng có một người dường như đã thức từ lâu. Chính hắn! Gã con trai trắng như cục bột! Hắn đang ngồi ủ rũ trên băng đá, chỗ tôi thường dừng chân. Tôi phát hoảng. Liệu hắn có định gây sự không? Sực nhớ tới đôi guốc, nó cũng là một loại vũ khí khá lợi hại. Tôi cảm thấy an tâm nên thản nhiên đi tới. Nhác thấy tôi, hắn đứng bật dậy rồi ngồi xuống, rồi lại đứng lên, thò tay vào túi… lấy ra chiếc khăn lau trán. Tôi cố nén cười. Giả đò ngó đi nơi khác khi ngang qua mặt hắn.

Có tiếng chân theo sau, tôi quay lại. Gã con trai mặt bừng đỏ, ngập ngừng:

- Ơ,… Cô bé đi học hả?

- Hỏi nghe ngu dễ sợ! Tôi nhận xét.

Hắn không giận lại cười:

- Ừ há, đi học hả, ừa mà bậy quá. Sao cô bé… không bấm chuông nữa?

Tới phiên tôi bật cười:

- Chi vậy?

- Từ nay, cô bé cứ việc bấm chuông đi. Tiếng chuông reo nghe vui lắm!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Vậy sao anh không tự bấm để nghe tối ngày?

- Tôi thích nghe tiếng chuông từ tay cô bé thôi.

- Chúa ơi! Sao bữa hổm hăm đập người ta?

Hăn đưa hai tay lên trời kêu oan:

- Nói oan cho người ta không hà. Hăm đập hồi nào.

- Vậy chớ bảo coi chừng là coi chừng cái gì chứ?

Hắn cười cười:

- Coi chừng tui… đi ra mở cổng rồi theo sau cô bé.

Tôi thảng thốt hỏi:

- Theo tui làm chi?

- Đưa cho cái này này!

Hắn thò tay vào túi, lần này lôi ra một lá thư. Tôi chợt hiểu. Trời đang còn mù sương mà tôi bỗng dưng thấy nóng. Cơn sốt như lan dần từ tim lên đầu rồi từ đầu chạy dọc thân thể. Chẳng biết làm sao, tôi co người lại, siết chặt cái cặp và đôi guốc trong hai tay. Và, tôi bỏ chạy.

Hắn không đuổi theo. Nhưng hình như có tiếng chuông điện reo vang. Không phải từ nút chuông trên cổng rào biệt thự mà từ bàn tay của gã con trai trắng như cục bột ấy. Âm thanh rộn rã, len lỏi, tràn vào mạch máu, xâm nhập từng vách ngăn của trái tim tôi, tạo nên những rung động kỳ bí, khó hiểu làm sao!

Bỗng dưng tôi bật khóc. Chẳng biết vì lý do gì!

Nguyễn Thị Mây

MỤC LỤC

Vài chi tiết về kỳ họp ngày 10.9.2016… .............................. Vũ Thư Hữu .... 01

Vài chi tiết về một quý thư tuyệt vời

mà ông Trời mới cho gặp ....... Vũ Anh Tuấn .... 05

Chút kỷ niệm với thành viên CLB Sách Xưa & Nay:

Bs. Nguyễn Lân-Đính vừa về cõi vĩnh hằng ....... Tâm Nguyện .... 07

Thông điệp Laudato Si’ của ĐGH Phanxicô (tt) Lm.Aug. Ng.V.Trinh dịch ... 10

Đọc lại Hành trình về Phương Đông (tt) ................................ Tâm Nguyện .... 20

Khởi sắc văn học dịch ................................................................... Thúy Toàn .... 29

Cửa ô Hà Nội ....................................................................................... B.Đ. st. .... 33

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - Thể chế Cộng hòa Tổng thống

& những người Việt đầu tiên ................... Phạm Vũ .... 38

Tiến sĩ sử học Keith Weller Taylor hiểu sai bài thơ

của Thẩm Thuyên Kỳ ........ Thiếu Khanh .... 48

Tình yêu là gì ? .................................................................... Đỗ Thiên Thư st. .... 60

Làng tôi ...................................................................................... Trần Văn Hữu .... 65

Thu phai (thơ) .............................................................. Phạm Thị Minh-Hưng .... 70

Khổ chuyện nước non (thơ) ....................................... Phạm Thị Minh-Hưng .... 71

Gửi người (thơ) ..................................................................................... Hoài Ly .... 72

Kỳ quan của Trường Sơn (thơ) ................................................ Lang Nguyên .... 73

Nợ vấn vương (thơ) .................................................................... Lang Nguyên .... 73

Hoài niệm (thơ) ................................................................................ Lam Trần .... 74

Tửu ca (thơ) ............................................................................... Võ Kim Cương .... 75

Một chuyện tình yêu (thơ) ............................................................. Thúy Mai .... 76

Anh là ai (1) (thơ) ..................................................................... Ngô Bá Mạnh .... 77

Anh là ai (2) (thơ) ..................................................................... Ngô Bá Mạnh .... 77

Tuổi xế chiều (thơ) ....................................................................... Quang Bỉnh .... 78

Sự đời (thơ) .................................................................................... Quang Bỉnh .... 78

Não lòng (thơ) ......................................................................... Vũ Thùy Hương .... 79

Tưởng niệm (thơ) ................................................................... Vũ Thùy Hương .... 80

Chùm thơ Haiku Mùa thu (thơ) ................................................... Lê Nguyên .... 81

Hương bắp (thơ) .............................................................................. Lê Nguyên .... 82

Niềm tin và tuổi trẻ (thơ) ........................................................... Lê Minh Chử .... 83

Đời vui hơn (thơ) ........................................................................... Bs.Doanlinh .... 84

Nỗi buồn trước biển (thơ) ........................................................... Bs.Doanlinh .... 84

Đêm con nằm bệnh viện (thơ) .................................................. Vũ Đình Huy .... 85

The night my daughter was hospitalized (thơ) ............. Vũ Anh Tuấn dịch .... 86

Hai người bạn cũ ............................................................................ Dương Lêh .... 87

Như làn gió bay đi ...................................................... Huỳnh Thiên Kim Bội .... 96

Các tài năng đã vươn lên từ

cảm hứng & sự thất bại ....... Đào Minh Diệu Xuân st .... 98

Vài tục Cúng .................................................................................. Nhựt Thanh .. 101

Một tối mưa rơi ................................................................................ Lam Trần .. 106

Tha thứ cho anh ................................................................................... Hoài Ly .. 110

Năm cái “ĐỪNG” của Cuộc Đời ................................... Hoàng Kim Thư st .. 116

Nghèo hay sang cũng nên bỏ ra 1 phút

để đọc bài này dù chỉ một lần ............. Hoàng Kim Thư st .. 127

Câu chuyện của một đứa trẻ: Thằng Nhóc (tt) ... Thanh Châu dịch thuật .. 121

Các thực phẩm siêu độc “Không nên ăn” .. Cố Bs. Nguyễn Lân-Đính st. .. 125

Nguồn gốc bài hát “Bắc kim thang” ............................. Hà Mạnh Đoàn st. .. 129

Điều không mong đợi ....................................................................... Đàm Lan .. 134

Biệt thự chuông reo ............................................................. Nguyễn Thị Mây .. 146

|  101 |
 102 |
 103 |
 104 |
 105 |
 106 |
 107 |
 108 |
 109 |
 110 |
 111 |
 112 |
 113 |
 114 |
 115 |
|  116 |
 117 |
 118 |
 119 |
 120 |
 121 |
 122 |
 123 |
 124 |
 125 |
 126 |
 127 |
 128 |
 129 |
 130 |
|  131 |
 132 |
 133 |
 134 |
 135 |
 136 |
 137 |
 138 |
 139 |
 140 |
 141 |
 142 |
 143 |
 144 |
 145 |
|  146 |
 147 |
 148 |
 149 |
 150 |
 
|  101 |
 102 |
 103 |
 104 |
 105 |
|  106 |
 107 |
 108 |
 109 |
 110 |
|  111 |
 112 |
 113 |
 114 |
 115 |
|  116 |
 117 |
 118 |
 119 |
 120 |
|  121 |
 122 |
 123 |
 124 |
 125 |
|  126 |
 127 |
 128 |
 129 |
 130 |
|  131 |
 132 |
 133 |
 134 |
 135 |
|  136 |
 137 |
 138 |
 139 |
 140 |
|  141 |
 142 |
 143 |
 144 |
 145 |
|  146 |
 147 |
 148 |
 149 |
 150 |
 
Netadong.com thiết kế