Hiện có 4 người xem / 2339492 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 13/5/2017

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên vài cuốn sách quý mà ông mới có. Lần này ông giới thiệu 3 cuốn, một cổ thư và 2 cuốn sách mới. Cuốn đầu là một cuốn bằng Pháp văn được in năm 1843 (174 năm trước), nói về cuộc đời Đức Giám Mục Borie, Giám Quản xứ Bắc Kỳ, và là một Giám Mục tử vì đạo bị giết ngày 3 tháng Giêng năm 1833.

Cuốn sách tuy đã 174 năm tuổi nhưng vẫn toàn vẹn và chữ in vẫn rất rõ, rất đậm, thực là tuyệt vời. Nội dung cuốn sách nói nhiều về đạo, nhưng cũng chứa đựng rất nhiều chi tiết về lịch sử và xã hội ở Bắc Kỳ vào thời điểm đó. Cuốn thứ hai là một cuốn sách mới được in năm 1992, cũng bằng Pháp văn, mang tựa đề là “Cộng Đồng Nói Tiếng Pháp Ở Việt Nam” (La Francophonie au Vietnam), của Nữ Tiến Sĩ Valérie Daniel, một Nữ Giáo sư dạy Ngành Xã Hội Học năm nay 55 tuổi, và bà được một Tổ chức Nghiên Cứu gửi sang Việt Nam trong ba tháng để nghiên cứu về Cộng Đồng Nói Tiếng Pháp trong hiện tại, nên bà không nghiên cứu về quá khứ, mà chỉ nói về những gì mắt thấy tai nghe trong hiện tại mà thôi. Lật qua cuốn sách, người viết không thấy ham vì sách nặng về mặt thời sự, nhưng người viết thích vì có một đoạn nói về các tác giả Việt Nam viết tiếng Pháp, mà người viết biết, và có đọc sách họ viết như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng (tác giả này được người Pháp khen là viết tiếng Pháp hay hơn chính họ viết), Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường, Cung Giũ Nguyên, Trịnh Thục Oanh, Phạm Văn Ký, Pierre Đỗ Đình, Trần Văn Tùng, và Lý Thu Hồ. Đoạn này trong sách khiến người viết đã thấy thinh thích, nhưng vẫn chưa có ý định mua, nhưng khi giở về gần cuối sách, người viết lại bắt gặp một danh sách ngắn gọn 128 tên các tác phẩm văn học Pháp đã được dịch ra Việt văn, và thế là người viết quyết định mua liền với một giá tiền rất ư là d ễ chịu, đơn giản vì sách… là sách Pháp lúc này rất thưa người đọc. Nữ tác giả đã chịu khó nghiên cứu và tìm tòi trên tất cả mọi lãnh vực xem tiếng Pháp và Cộng Đồng Nói Tiếng Pháp có hy vọng gì lại trở lại phồn thịnh như trước hay không? Người viết thực sự chỉ quan tâm tới hai mục nói trên mà thôi còn chuyện mong tiếng Pháp trở lại thông dụng thì hơi bị khó. Người viết đã từng dự môt vài buổi họp của CLB Những Người Nói Tiếng Pháp ở Tp.HCM, và rất ngạc nhiên khi trong các buổi họp đó các thành viên (người Việt) lại nói… tiếng Việt nhiều hơn tiếng Pháp rất nhiều! Cuốn sách mới thứ nhì là một cuốn sách bằng tiếng Việt, nhưng được dịch lại của một tác giả, một nhà giáo người Mỹ tên là Alan Powers, mang tựa đề là Sống với Sách. Cuốn sách này đã được người viết mua vì được in khá đẹp và có toàn hình là hình, từ đầu đến cuối sách, mà chủ đề là chỉ dẫn cho người đọc các cách để sách trên đủ mọi loại tủ và kệ ở khắp mọi nơi trong nhà, kể cả nhà bếp và nhà tắm! Người viết đã mua vì thấy sách có đủ loại hình tủ sách và kệ sách, nhưng sau khi đọc lướt qua, người viết mới cảm thấy thú vị khi thấy cách để sách của chính mình hơi bị tốt hơn những cách được chỉ trong cuốn sách này, thậm và chí người viết còn cảm thấy ý anh thầy giáo Mẽo này muốn để sách nơi phòng tắm là hơi vớ và vỉn vì trong lúc tắm thì sao mà đọc sách được, hơn nữa khi tắm chỉ cần làm nước bắn vào sách thì là… hại sách rồi chứ còn gì nữa!

Sau khi được giới thiệu, cả ba cuốn sách đã được các thành viên chuyền tay nhau xem một cách thích thú.

Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, anh Nhựt Thanh lên nói về 2 từ “Ông xã và Bà xã”. Anh Nhựt Thanh nói xong, cô Kim Mai lên hát tặng các thành viên bài Hòn Vọng Phu I. Cô Kim Mai hát xong, anh Trần Ngọc Minh lên giới thiệu thuốc “Hoạt huyết nhất nhất”, nói qua về chứng tê tay, và hát tặng các thành viên bài “Mưa chiều kỷ niệm”. Tiếp lời anh Minh, anh Phạm Vũ lên nói về Bob Dylan, người bạn Mỹ của Trịnh Công Sơn được giải Nobel. Sau anh Phạm Vũ, anh Bá Mạnh lên kể chuyện vui “Mèo và Mèo”. Sau anh Bá Mạnh, anh Lê Minh Chử lên hát thơ bài “Nếu tất cả đều có rồi” do chính anh sáng tác. Anh Chử hát xong, cô Thùy Hương lên hát tặng các thành viên bài “Nhớ Quê và nhớ Huế”. Sau cô Thùy Hương, cô Hoài Ly lên ngâm tặng các thành viên bài “Chiều xứ lạnh”. Tiếp lời cô Hoài Ly, anh Phùng Chí Tâm lên nói về bài “Vịnh con gà sống” và hát tặng các thành viên bài tình ca Boléro Tôi yêu Sydney. Sau anh Tâm, anh Lê Nguyên lên ngâm bài thơ về Điện Biên Phủ và bài Người Anh Cả nói về tướng Giáp. Tiếp lời anh Lê Nguyên, anh Tấn Thuận lên hát tặng các thành viên một bài của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Kế đó Lệ Ngọc lên hát tặng các thành viên bài “Hãy đến với anh” của nhạc sĩ Hồng Trần. Sau Lệ Ngọc, Bs. Doan Linh lên hát bài “Tôi yêu” tặng các thành viên. Sau Bs. Doan Linh anh Quang Bỉnh lên đọc một bài thơ vui và góp ý về bài Hòn Vọng Phu. Tiếp lời anh Quang Bỉnh, Kim Sơn lên nói về “Ngày của Mẹ” là ngày chủ nhật thứ nhì trong tháng 5. Cuối cùng, anh Thanh Châu, với tiếng hát át tiếng bom quen thuộc của anh, hát tặng các thành viên bài “Rạng đông”. Buổi họp kết thúc lúc 11g15 cùng ngày.

VŨ THƯ HỮU


CUỐN QUÝ THƯ

CON ĐƯỜNG CÁI QUAN

(SUR LA ROUTE MANDARINE)

CỦA TÁC GIẢ ROLAND DORGELÈS

Đây là một cuốn quý thư được xuất bản năm 1925 (92 năm trước) bởi nhà xuất bản thời danh Albin Michel. Cuốn sách khổ 12x18, dày 317 trang được in trên trên loại giấy quý “vergé pur fil Lafuma” và được đánh số 579 trên tổng số 600 cuốn được in với loại giấy này. Tôi mua được quý thư này từ tay anh bạn trung thương gia mang từ Pháp về.


Lần này vì cần tiền anh đã để cho tôi, với giá mà theo anh là giá bèo, là có 1 triệu đô mít, tương đương với khoảng trên 40 đô mẽo. Tôi rất thích vì cuốn sách, mặc dầu ra đời từ 92 năm trước, vẫn còn mới tới 80, 90%, và được đóng rất đẹp với cạnh trên mạ vàng lóng lánh. Ngoài ra tôi còn rất thích cuốn này vì nó gợi cho tôi một kỷ niệm vui vui vài năm trước, khi vì ghét bọn nam ngoại, và không muốn chúng cười người mình viết bậy, viết sai, tôi đã viết bài chỉnh sửa một sai lầm mà một nhà văn của chúng ta đã viết về cuốn này và cho rằng đề từ “Đi là chết ở trong lòng một ít” (Partir, c’est mourir un peu) để trên trang bìa lót là của chính tác giả cuốn sách. Trong khi trên thực tế câu này là một câu thơ của nhà thơ Pháp Edmond Haraucourt (1856-1942) ở trong bài thơ “Cổ thi về sự giã từ” (Rondel de l’adieu), mà điều cần lưu ý nhất là nhà thơ này được coi là chỉ để lại cho đời duy nhất có một câu thơ nổi tiếng này mà thôi, thế mà lại viết nhầm là của Roland Dorgelès thì… bọn nam ngoại nó tha hồ cười người mình viết bậy. Bài chỉnh sửa đã được đăng trên một tuần san, và nhà xuất bản hình như có hứa là khi tái bản thì sẽ chỉnh sửa.


Xin giới thiệu vắn tắt với quý bạn về nội dung cuốn quý thư này như sau:

Trong 4 tháng từ cuối năm 1923 tới đầu năm 1924, nhà văn Roland Dorgelès cùng bà xã là Hami Routchine đã sang Việt Nam và đi nhiều nơi mà nhà văn mô tả và kể lại trong cuốn này. Cuốn sách này thoạt tiên được đăng thành 11 kỳ trên tờ Illustration là một tờ báo vô cùng nổi tiếng của Pháp, từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 18 tháng 4, năm 1925. Sau đó mới được nhà xuất bản Albin Michel và một nhà xuất bản khác là nhà La Semeuse cùng in vào năm 1925.

Tác giả và vợ xuất phát từ Hà Nội, đi tới Vịnh Hạ Long, nơi anh ta gặp nhà văn nổi tiếng Pierre Loti. Sau đó do xe hơi bị hư, tác giả có ghé qua vùng Tam Điệp và rất sợ khi được dặn là phải cẩn thận vì ban đêm có cọp về rình rập. Tác giả cũng có ghé thăm vùng mỏ ở Hòn Gai (Hạ Long). Sau đó đi Huế, ghé thăm một trại cùi do các nữ tu trông coi ở Cù Lao Rồng và ăn Tết Ta ở đó, rồi vào miền Nam, thăm Chợ Lớn mà tác giả gọi là thành phố ba tầu và viết tới 37 trang về nơi này, và cuối cùng là thăm xứ Mọi.

Con đường cái quan mà tác giả nói tới trong tựa sách được mở dưới triều Gia Long dài 1730 cây số nối liền Cà Mau với Lạng Sơn qua Saigon, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội. Giờ thì là Quốc Lộ 1.

Đây cũng có thể được coi là một quý thư đã gần bách tuế, và người viết cảm thấy nó rất đáng với số đô mít người viết đã phải trả. Với người viết, đây cũng là một thứ tài liệu hay hay vì cách viết của Roland Dorgelès về người mình, về xứ sở mình không giống các tác giả khác, và cho người đọc rất nhiều chi tiết và nhận xét khá độc đáo rất đáng đọc.

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách. Chương VI

VŨ ANH TUẤN

THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ

“CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG”

Bản dịch của Linh mục Aug. Nguyễn Văn Trinh

(Tiếp theo số 1 3 2 )

VI. NHỮNG DẤU CHỈ BÍ TÍCH

VÀ YÊN LẶNG ĐỂ CỬ HÀNH

233. Vũ trụ đang khai mở trong Thiên Chúa, Đấng bao phủ chúng tràn đầy. Như thế có một mầu nhiệm trong một trang giấy, trên một con đường, trong sương mai, trong gương mặt của người nghèo[159]. Lý tưởng không chỉ là từ bên ngoài tiến vào bên trong để khám phá ra hành động của Thiên Chúa trong linh hồn, nhưng có thể đạt được qua cuộc gặp gỡ Người trong mọi vật, như thánh Bonaventura dạy: “Chiêm niệm chỉ đạt đến đỉnh cao, khi con người cảm nghiệm hiệu quả hồng ân Thiên Chúa trong chính mình, hay khi con người càng hiểu rõ để gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi tạo vật bên ngoài”[160].

234. Thánh Gioan Thánh Giá dạy, những gì tốt đẹp trong vạn vật và trong kinh nghiệm của thế giới “sẽ gặp nhau trong Thiên Chúa hay nói rõ hơn, mỗi sự vật cao vời là chính Thiên Chúa, cũng như tất cả những gì tuyệt vời đều kết hợp trong Thiên Chúa”[161] Không phải những vật hạn hẹp thực sự mang thiên tính, nhưng người theo thần bí sẽ cảm nghiệm trong thâm sâu của mình, điều giữa Thiên Chúa và tất cả vạn vật, và như thế họ cảm nhận: Tất cả vạn vật là Thiên Chúa (Alle Dinge - das ist Gott / il sent que Dieu est toutes les choses)[162]. Nếu người ấy kinh ngạc trước sự vĩ đại của một ngọn núi, thì họ không thể tách ngọn núi ra khỏi Thiên Chúa và nhận thực, sự kinh ngạc nội tâm mà họ cảm nghiệm, phải hướng về Chúa. “Những ngọn núi được nâng lên cao, chúng thật màu mỡ, rộng, đẹp, mát mẻ, đầy bóng mát. Đối với tôi những ngọn núi này là Đấng yêu thương của tôi (Diese Gebirge - das ist mein Geliebter fũr mich - Mon Bien-Aimé est pour moi ces montagnes). Những thung lũng xa xôi thật êm ả, dễ thương, thoáng và đầy bóng mát, đầy nước ngọt, với biết bao loài cây cối, với tiếng ca của các loài chim đang trú ngụ. Chúng tạo nên sự mát mẻ và yên nghỉ nhờ sự yên tĩnh và thinh lặng đang có. Đối với tôi, những thung lũng này là Đấng yêu thương tôi”[163].

235. Các Bí tích là môt cách thức ưu tuyển, trong đó thiên nhiên được Thiên Chúa đón lấy và trở thành trung gian cho đời sống siêu nhiên. Qua diễn tiến phụng vụ, chúng ta được mời gọi ôm lấy thế giới trên một bình diện khác. Nước, dầu, lửa và màu sắc được đón nhận với các biểu trưng của chúng và được đưa vào những lời ca tụng. Bàn tay chúc lành là công cụ của tình yêu Thiên Chúa và phản ánh sự gần gũi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đến để đồng hành với chúng ta trên đường đời. Nước được xối trên thân xác em bé được rửa tội, là dấu chỉ cho một đời sống mới. Chúng ta không thoát ra khỏi thế gian, cũng không phủ nhận thiên nhiên, khi chúng ta muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Điều này có thể nhận ra một cách đặc biệt trong linh đạo của Kitô giáo Đông phương: “Vẻ đẹp là một trong những dấu chỉ ưu ái nhất trong Giáo hội Đông phương để chỉ sự hòa hợp thần linh và mẫu ảnh cho nhân loại được chuyển đổi, được biểu lộ ở khắp mọi nơi: trong các hình dáng và cách trình bày nhà thờ, trong âm thanh, màu sắc, ánh sáng, trong mùi hương”[164]. Theo kinh nghiệm Kitô giáo, tất cả thụ tạo của vũ trụ vật chất sẽ tìm được ý nghĩa đích thực trong Ngôi Lời Nhập Thể, chỉ vì Con Thiên Chúa đã hội nhập trong con người của mình một phần của vũ trụ vật thể, nơi mà Người đưa vào một mầm giống chuyển đổi dứt khoát: “Kitô giáo không phủ nhận vật chất, thân xác, nhưng đánh giá cao trong hành động phụng vụ, trong đó, thân xác con người cho thấy bản chất sâu xa của mình là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần và được kết hiệp với Chúa Giêsu, Đấng vì muốn cứu độ trần gian đã đón nhận một thân xác”[165].

236. Sáng tạo tìm được ý nghĩa cao cả nhất của mình trong Bí tích Thánh Thể. Hồng ân hướng đến sự biểu lộ theo cách khả giác, đạt được cách biểu lộ khác thường khi Thiên Chúa làm người, trở thành lương thực cho thụ tạo. Nơi đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa đã muốn tiến vào nơi sâu thẳm của chúng ta qua một chút vật chất. Không phải từ trên cao xuống, nhưng từ trong thâm sâu tiến ra, để chúng ta có thể gặp gỡ Người trong thế giới của chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, sự viên mãn đã được hiện thực; đó là trung tâm đời sống của vũ trụ, điểm xuất phát tràn đầy của tình yêu và cuộc sống vô hạn. Kết hợp với Ngôi Con Nhập Thể đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể tự tại là một hành động tình yêu mang tính vũ trụ: “Vâng, mang tính vũ trụ! Vì ngay cả khi được cử hành trên bàn thờ nhỏ trong một nhà thờ vùng quê, người ta vẫn luôn cử hành với một ý nghĩa xác tín trên bàn thờ của thế giới” [166]. Bí tích Thánh Thể kết hợp trời với đất, ôm trọn và thẩm thấu vào tất cả sáng tạo. Thế giới xuất phát từ bàn tay của Thiên Chúa, quay về với Người trong một sự thờ phượng thánh thiện và tròn đầy. Trong Bánh Thánh Thể “cả sáng tạo hướng đến việc thần hóa, đến các tiệc thánh, đến sự kết hợp với Đấng Sáng Tạo”[167]. Vì thế, Bí tích Thánh Thể cũng là nguồn ánh sáng và động lực để việc chăm sóc môi trường và mời gọi chúng ta trở thành những người gìn giữ toàn thể sáng tạo.

237. Ngày Chúa Nhật, việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể mang một ý nghĩa đặc biệt. Ngày này cũng giống như ngày Sabát của Do Thái là ngày thanh tẩy những liên hệ của con người với Thiên Chúa, với chính mình,với kẻ khác và với cả thế giới. Ngày Chúa Nhật là ngày Phục Sinh, “ngày đầu tiên” của sáng tạo mới, mà những hoa trái đầu tiên là nhân loại được phục sinh của Chúa, gia sản bảo đảm cho việc chuyển đổi cuối cùng của tất cả thực tại đã được sáng tạo. Ngoài ra, ngày này cũng công bố “sự yên nghỉ vĩnh cửu của con người trong Thiên Chúa”[168]. Trong cách thức này, linh đạo Kitô giáo hội nhập cả giá trị của sự nghỉ ngơi và lễ lạc. Con người thường đưa sự nghỉ ngơi chiêm niệm vào bình diện những điều vô ích và không cần thiết, và quên rằng công việc mà họ thực hiện mang một tính chất quan trọng: Ý nghĩa của đời mình. Chúng ta được mời gọi đưa vào hành động của chúng ta một chiều kích đón nhận và nhưng không, khác với việc không làm gì cả. Đó là một cách thức hoạt động, là một phần thuộc về yếu tính của chúng ta. Với cách thức này, hoạt động của con người không chỉ tránh khỏi sự hoạt động trống rỗng, cũng như sự khao khát bạo lực và cô độc, chỉ chạy theo lợi lộc cá nhân. Luật nghỉ ngơi hằng tuần nói rõ, không làm việc trong ngày thứ bảy, “để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi, và để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức” (Xh 23,12). Thật vậy, việc nghỉ ngơi là một sự nới rộng cái nhìn giúp nhận ra cách mới mẻ quyền lợi của kẻ khác. Như thế, ngày nghỉ, mà Bí tích Thánh Thể là trung tâm, chiếu tỏa ánh sáng trên cả tuần lễ và thúc đẩy chúng ta lo chăm sóc cho thiên nhiên và người nghèo.

VII. THIÊN CHÚA BA NGÔI

VÀ LIÊN HỆ GIỮA CÁC TẠO VẬT

238. Thiên Chúa Cha là nguồn gốc tối thượng của tất cả, Đấng là nền tảng đầy tình thương và kết hiệp với tất cả những gì hiện hữu. Chúa Con, Đấng phản ánh Chúa Cha và qua Người mà muôn vật được tạo thành, đã tự liên kết với trái đất này, khi Người được hình thành trong lòng Đức Maria. Chúa Thánh Thần, dây liên kết bất tận của tình yêu, hiện diện một cách thân thiết với vũ trụ, khi Người tác động và tạo nên những con đường mới. Thế giới được Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng như một nguyên lý thần linh duy nhất, nhưng mỗi vị thực hiện công trình chung này theo cách của mình. “Khi chúng ta kinh ngạc chiêm ngắm sự vĩ đại và vẻ đẹp của vũ trụ, chúng ta phải ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi”[169].

239. Đối với các Kitô hữu, niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng là sự hiệp thông Ba Ngôi, gợi lên trong chúng ta suy nghĩ về tất cả thực tại chứa đựng trong nội tâm của Người là một dấu chứng rõ ràng cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Bonaventura tiến xa hơn để xác định, trước khi phạm tội, con người có thể khám phá ra mỗi thụ tạo “đều biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi”. Con người có thể nhận ra vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thiên nhiên “khi quyển sách này không phải tối mò đối với con người, và con mắt của con người không bị xáo động”[170]. Vị Thánh dòng Phanxicô dạy chúng ta, “ mỗi tạo vật mang trong mình một cấu trúc rõ ràng về Ba Ngôi”, rõ ràng đến độ chúng ta có thể tình cờ chiêm ngắm nếu như cái nhìn của con người không bị ngăn cản, xáo trộn và yếu đuối. Ngài chỉ cho chúng ta những cách thức để tìm cách đọc ra thực tế với chìa khóa Ba Ngôi.

240. Các Ngôi vị Thiên Chúa là những liên hệ hiện hữu, và thế giới được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, là một sơi chỉ của liên hệ. Các tạo vật hướng về Thiên Chúa và mỗi sinh vật, đến phiên mình có đặc tính hướng đến các sinh vật khác, đến độ ngay trong vũ trụ có vô số liên hệ kết hiệp với nhau cách mầu nhiệm[171]. Điều này mời chúng ta không những kinh ngạc trước biết bao sự liên hệ đang có giữa các thụ tạo, nhưng còn dẫn chúng ta khám phá ra chìa khóa của chính hiện thực của chúng ta. Vì con người lớn lên, trưởng thành và thánh hóa bản thân theo mức độ họ bước vào liên hệ, khi bước ra khỏi bản thân mình để sống hiệp thông với Thiên Chúa, với kẻ khác và với tất cả thụ tạo. Như thế họ bảo đảm trong hiện sinh của mình sự năng động của Ba Ngôi Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đã đóng ấn trong con người từ lúc sáng tạo nên họ. Tất cả đều liên kết với nhau, và điều này mời gọi chúng ta sống một linh đạo tình liên đới với mọi thụ tạo, xuất phát từ mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

VIII. NỮ HOÀNG CỦA CẢ SÁNG TẠO

241. Đức Maria, người Mẹ đã lo lắng cho Chúa Giêsu, trong hiện tại, với tình mẫu tử và khổ đau, cũng đang chăm sóc cho thế giới đang bị thương tích. Với trái tim bị đâm thâu, Mẹ đã khóc trước cái chết của Đức Giêsu, bây giờ Mẹ cũng cảm thông với những người nghèo đang bị đóng đinh và các thụ tạo trên trái đất này tan nát vì quyền lực của con người. Mẹ sống với Chúa Giêsu trong hiển dung hoàn toàn biến đổi và tất cả thụ tạo đều ca tụng vẻ đẹp của Mẹ. Mẹ là người nữ “mặc áo mặt trời, mặt trăng… dưới chân Mẹ và mũ triều thiên với mười hai ngôi sao trên đầu Mẹ”(Kh 12,1). Được nâng lên trời, Mẹ là Mẹ và là Nữ Vương của toàn thể sáng tạo. Trong thân xác vinh quang, cùng với Đức Kitô Phục Sinh, một phần của sáng tạo đã đạt được trọn vẹn sự đẹp đẽ của mình. Mẹ nhìn vào trong trái tim Mẹ không những toàn bộ đời sống của Chúa Giêsu, mà Mẹ đã gìn giữ một cách trung tín (x. Lc 2,19.51), nhưng bây giờ Mẹ hiểu được ý nghĩa của vạn vật. Vì thế, chúng con có thể kêu cầu Mẹ, để Mẹ giúp chúng con, biết nhìn thế giới với con mắt khôn ngoan hơn.

242. Cùng với Mẹ, nổi bật hình ảnh của Thánh Giuse trong Thánh gia. Ngài chăm sóc Đức Maria và Chúa Giêsu với lao động và sự hiện diện quảng đại của mình và đã giải thoát các Ngài khỏi quyền lực của kẻ bất công, khi đưa các Ngài sang Ai Cập. Trong Phúc Âm, Ngài xuất hiện như một người công chính, lao động và mạnh mẽ. Thế nhưng, gương mặt của Ngài cũng cho chúng ta nhận thấy một sự dịu hiền vĩ đại, không phải là đặc tính của kẻ yếu đuối, nhưng là của những kẻ thực sự mạnh mẽ, chú tâm đến thực tế để yêu mến và phục vụ cách khiêm tốn. Vì thế Ngài được tuyên bố là Đấng Bảo Hộ cho toàn thể Giáo Hội. Ngài cũng có thể dạy chúng ta để che chở, có thể động viên chúng ta lao động với tấm lòng quảng đại và âu yếm, để chăm sóc thế giới mà Thiên Chúa đã gởi gấm cho chúng ta.

(còn tiếp)

(Đã được Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh cho phép phổ biến)

CÂU HỎI LỚN

NHÂN NGÀY PHẬT ĐẢN

Rằm tháng 4 vừa qua, tất cả Chùa trên cả nước đã long trọng làm Lễ Phật Đản với xe hoa diễu hành, tổ chức Văn nghệ, phóng sinh, thả hoa đăng trên sông. Có Chùa còn làm một hình tượng Phật Đản, đứng trên đài hoa cho tín đồ xếp hàng theo thứ tự, đến lượt thì múc một gáo nước dội lên Tượng, gọi là Lễ Tắm Phật, mà theo nơi tổ chức, khi múc nước để dội lên Tượng Phật thì bao nhiêu phiền não sẽ tiêu tan! Lễ Phật Đản nói lên điều gì với người theo Đạo Phật? Hình ảnh đó xuất phát từ đâu?

Ai có đọc lịch sử Đạo Phật đều thấy rằng Thái Tử Sĩ Đạt Ta sinh ra hoàn toàn như một người bình thường. Mãi đến lúc 29 tuổi, đã có vợ và 1 con trai, trong lần đầu tiên đi dạo ngoại thành, trông thấy nỗi khổ đè nặng lên kiếp người, Ngài mới phát tâm xuất gia, mục đích là tìm cách thức Thoát khỏi những nỗi khổ đó. Ngài mất 6 năm học với Lục Sư ngoại đạo mà vẫn không tìm ra. Cho đến khi quyết định trải tòa cỏ ngồi dưới cội cây Bồ Đề để chiêm nghiệm, thì cuối đêm thứ 49 Ngài khám phá ra CON ĐƯỜNG mình cần tìm, gọi là ĐẮC ĐẠO. Lúc Đắc Đạo thì Đức Thích Ca 35 tuổi.

Điều gì đã xảy ra trong thời khắc gọi là Đắc Đạo của Ngài? Theo sử liệu ghi lại, đó là rạng sáng đêm thứ 49. Khi tìm ra được những gì Ngài muốn tìm, thì Ngài xả Thiền, đứng dậy, hân hoan tuyên bố: “Ta lang thang trong vòng Luân Hồi qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Hỡi kẻ làm nhà, từ đây ta đã gặp được người rồi, người không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gãy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi cũng tan nát cả rồi, trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn, ta đã hoàn toàn Giải Thoát”. Chỉ có thế thôi. Không thấy nói có hiện tượng gì lạ thường. Chẳng có trái đất rung động, cũng không có cảnh đất trời đổ sụp hay hào quang sáng chói gì hết.

Mục đích của Đức Thích Ca khi rời khỏi hoàng cung - gọi là Xuất Gia - là đi tìm nguyên nhân gây ra cảnh Sinh, Lão, Bệnh, Tử trên cái Thân con người. Vì vậy, khi thấy được nguyên nhân thì Ngài gọi hắn là KẺ LÀM NHÀ. Khi gặp được hắn đồng thời cũng thấy được cách thức để hóa giải. Cách thức này gọi là CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ hay CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT còn gọi là ĐẠO PHẬT. Không hề có chuyện thần thông, phép màu gì ở đây. Vậy thì hình ảnh Phật Đản có từ lúc nào? Chẳng lẽ Thái Tử vừa mới sinh ra đã biết đi, biết nói, để đi 7 bước các hướng, phán câu “Thiên Thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, sau đó hoàn nguyên là một đứa trẻ sơ sinh quên hết mọi việc để bắt đầu một cuộc sống như mọi người bình thường khác, lớn lên, học hỏi các thứ, cưới vợ, sinh con, rồi Xuất Gia bắt đầu tu hành lại từ đầu? Đó cũng là thắc mắc của không ít người.

Việc Thái Tử được cho là sinh từ nách của Hoàng Hậu Maya cũng gây ra nhiều tranh cãi. Có người cho là Hoàng Hậu sinh mổ, do đó mà 7 ngày sau Bà qua đời. Nhưng nếu mổ lấy thai sao lại mổ từ nách, trong khi cái thai nằm ở bụng? Tôi đã xem một clip quay hình ảnh sinh mổ thì thấy Bác sĩ cắt một đường vòng theo phần tiếp giáp giữa đáy da bụng với cơ quan sinh dục, có lẽ để dấu thẹo. Sau đó ông cho tay vào chỗ vừa rạch da để lấy đứa trẻ ra từ đó. Nếu cho là từ xa xưa chưa nắm được kỹ thuật thì cùng lắm là rạch ngay trên bụng, chỗ phần to nhất có chứa bào thai, sao lại phải mổ từ nách? Bào thai đâu có nằm ở nách? Do đó, tôi thấy ý kiến của tác giả Huệ Thiên trong Kiến Thức Ngày Nay tương đối hợp lý: “Việc Hoàng Hậu Maya sanh con từ nách là tính theo giai cấp của Đạo Bà La Môn. Thời đó những người Bà La Môn tự cho họ là đẳng cấp cao nhất, sinh ra từ miệng của đấng Phạm Thiên. Hàng Vua Chúa thì sinh từ nách. Thương Gia thì sinh từ bắp vế. Tiện dân thì sinh từ chân”. Do Thái Tử Sĩ Đạt Ta là con của một Tiểu Vương, nên người thời đó cho rằng Ngài sinh từ nách của Hoàng Hậu. Sự đánh giá đó là do ảnh hưởng của Đạo Bà La Môn, vì thời đó đạo này thịnh hành, không phải là một sự kiện huyền bí, linh thiêng nào, cũng không phải do sinh mổ như có người thời nay đã bàn. Cũng tại sinh con từ nách nên mới có truyền thuyết Hoàng Hậu Maya với tay vịn một cành cây rồi Thái Tử chui ra. Có lẽ người thời đó sáng tác thêm cho hợp với hoàn cảnh đã mô tả. Từ xưa đến nay, tất cả phụ nữ chỉ có 2 cách để sinh con: Một là bình thường. Hai là sinh mổ. Chưa từng nghe trường hợp nào sinh từ nách như truyền thuyết đã tả. Do đó, thuyết Thái Tử sinh ra từ nách là nói theo đẳng cấp Bà La Môn là chính xác nhất.

Thắc mắc được đặt ra là:

l. Nếu lúc vừa sinh ra Phật đã Thành Phật thì còn đi tu làm gì? Đã vậy còn mất Sáu năm tu sai với Lục Sư ngoại đạo. Vậy thì do đâu mà có truyền thuyết đó?

2. Mục đích Xuất Gia của Thái Tử Sĩ Đạt Ta chỉ là để tìm nguyên nhân của Sinh Lão Bệnh Tử, đâu có muốn làm bá chủ thiên hạ mà lúc Phật Đản sinh một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói câu: “Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn”. Ngã đó nói về cái Ta của Ngài hay cái Chân Ngã? Có thể người sáng tác ra truyền thuyết vì quá ngưỡng mộ Phật nên gán cho Phật câu nói đó chăng? Dù sao, khi chưa hiểu rõ thì tốt nhất chúng ta đừng lạm bàn để khỏi trở thành báng Phật, nhạo Pháp.

Tuy vậy, theo tôi, chắc chắn phát biểu đó không phải của Đức Thích Ca hay của một vị Giác Ngộ, bởi lý do: Người tu theo Đạo Phật được dạy phải trừ cái Ta Giả, cho nên khi chứng đắc gọi là Chứng cái Vô Ngã. Đã Vô Ngã thì làm sao thấy rằng trên trời dưới đất chỉ có Ta là độc tôn?

Chính vì kết quả của con đường tu hành gọi là Giải Thoát hay là Thành Phật, do đó, người xưa gọi việc Đức Thích Ca thành tựu công việc tu hành là PHẬT của Ngài Đản Sinh. Điều đó cũng giống như những gì mà người tu Phật theo đúng Chánh Pháp hành trì, là phải tìm cách để làm cho Phật của mình được hiển lộ. Vì theo Giáo Pháp của Đại Thừa, mỗi chúng ta đều có vị Phật bên trong, nhưng bị Phiền Não ngăn che, không lộ ra được. Cũng giống như vàng còn nằm trong quặng, phải do công tác sàng, lọc, tẩy rửa thì mới lấy được vàng ra. Phương pháp tu hành để tẩy rửa những chất nhơ đã bám vào Tượng Phật của mỗi người từ vô lượng kiếp là Giới, Định, Huệ, là Lục Độ, Vạn Hạnh, Bát Chánh Đạo v.v... và tùy mức độ tinh tấn có hay không mà Phật của mỗi người sẽ hiện ra nhanh hay chậm.

Việc tu hành là chuyển hóa ở trong tâm. Kết quả nhận được chỉ là sự thay đổi nơi tâm, nên khó thể diễn tả ra bên ngoài. Dù không biết ai dựng ra truyền thuyết này, nhưng trong đó có hai điểm chúng ta cần lưu ý, để hiểu cho đúng ý đồ của tác giả muốn nói như sau:

l. Dù rằng thời điểm thành tựu của Đức Thích Ca là ở tuổi 35, nhưng kết quả thì vừa mới đạt được, nên kết quả đó được tượng trưng bằng một đứa bé.

2. Việc “Tắm Phật hay Rửa Tượng Phật” tượng trưng cho Đức Thích Ca đã tẩy rửa xong tượng Phật của Ngài. Tượng Phật của Ngài đã lộ ra, nên gọi là Phật Đản.

Mỗi người tu chúng ta nếu muốn Phật của mình ra đời như Đức Thích Ca thì cần phải quay vô Tâm để tẩy rửa Phật của mình còn đang bị bùn đất của Vô Minh từ vô lượng kiếp bao phủ. Tất nhiên không thể múc nước thường để rửa, mà Rửa bằng Nước Sám Hối, bằng những việc ngược lại với những gì xưa kia ta đã hành trong Vô Minh làm cho tượng Phật của ta bị che lấp bằng cách:

- Nếu trước kia ta Tham, Sân, Si thì bây giờ dùng Giới, Định, Huệ để đối trị.

- Nếu trước kia ta buông lung, mặc tình chạy theo việc ác, việc xấu, hại người, hại vật, giờ ta phải có Trí Huệ để chặn đứng những nghĩ ác, hành ác nơi Thân, Khẩu và Ý. Thay vì trước đây để cho Cái Phàm Tâm sai sử, từ khi biết đến con đường tu hành là ta tìm cho được cái Chân Tâm, một mặt đi trong Bát Chánh Đạo.

- Nếu trước kia ta cố chấp, chỉ biết có bản thân, vô tâm, vô cảm với cuộc đời, với mọi hoàn cảnh khổ đau cần cứu giúp thì bây giờ ta phải Từ, Bi, Hỉ, Xả. Biết hiếu kính cha mẹ, yêu thương giúp đỡ mọi người. Biết tri ân cuộc đời, vì nhờ có cuộc đời mà ta mới có chỗ để cho cái Thân nương tựa. Nhờ có bao nhiêu người cung cấp nhà cửa, thực phẩm, y phục, thuốc men mà ta mới kéo dài được mạng sống để gặp Chánh Pháp mà tu hành theo. Việc tu hành chỉ là để Giải Thoát cho bản thân, không có cứu độ được ai, cho nên có gì đâu mà phải kiêu mạn nếu có đạt được thành công?

Việc tu hành là phải quay vô Tâm của mình để hành. Vì vậy, mỗi người cần quay vô, dùng Tịnh Thủy, dùng nước Sám Hối để tẩy rửa, kỳ cọ cho Phật của chính mình cho tới lúc lộ ra, không cần múc nước để dội vô Tượng Phật nào bên ngoài, vì đó là việc làm vô nghĩa.

Hoàn toàn khác với Lễ Giáng Sinh của bên Thiên Chúa Giáo. Bên Thiên Chúa Giáo mừng Lễ Giáng Sinh để kỷ niệm ngày Ngôi Hai, là con của Chúa Trời, xuống trần để cứu rỗi cho nhân loại. Ngài không phải là người trần, nên sự giáng thế của Ngài chỉ có một lần và duy nhất, không ai có thể bắt chước để làm được như Ngài. Trái lại, Lễ Phật Đản là Lễ mừng kết quả tu hành của Đức Thích Ca. Kết quả này mỗi người Phật Tử đều có thể đạt được và phải đạt được, vì đã là Con Của Phật thì đều có khả năng thành Phật giống như cha mình đã thành. Chỉ cần theo hướng dẫn của Đạo Phật mà thực hành.

Vì thế, theo tôi, dịp mừng Đức Phật Đản Sinh, cũng là dịp để nhắc cho mỗi chúng ta nhớ rằng: Đức Thích Ca cũng là một con người hoàn toàn bình thường như tất cả chúng ta. Ngài không phải là Thánh nhân giáng phàm, cũng được sinh ra từ cha mẹ, cũng phải học hỏi mọi thứ như tất cả chúng ta. Điều khác với chúng ta là Ngài có Mục Đích là đi tìm CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ. Do đã xác định Mục Đích, nên khi tu với Lục Sư Ngoại Đạo hết sức tinh tấn mà kết quả không thấy phù hợp với điều Ngài mong mỏi nên Ngài đã bỏ đi. Điều đó chứng tỏ: Ngài Biết mình muốn gì? Biết cần phải làm gì để cho ý muốn đó thành hiện thực. Cuối cùng, chẳng những Ngài đã thực hiện được ý muốn, còn để lại bản đồ, di chúc, viết rõ con đường qua các Tổ đã truyền đạt trong những Bộ Chính Kinh, hướng dẫn cặn kẽ những điều cần hiểu, những việc phải làm, cho những người sau mọi thời muốn Thoát Khổ cũng đạt được kết quả như những người đi trước không khác.

Như vậy, theo tôi, nếu chúng ta muốn Tu Phật, tức là muốn đi theo con đường Phật đã để lại, thì ít nhất cũng phải có cùng mong muốn Thoát Khổ như Ngài, sau đó, áp dụng những phương pháp mà Chư Tổ đã tiếp nối thành công để lại. Mục đích đã biết. Phương Tiện đã được chỉ dẫn cặn kẽ thì sớm hay muộn, người hành theo chắc chắn cũng sẽ thành công, và Thành Phật chỉ là thành tựu con đường Thoát Khổ, đâu có phải thành Thần Linh mà sợ Tăng Thượng Mạn khi khởi tâm mong đạt được điều đó?

Đức Thích Ca đã khẳng định: “Như nước biển chỉ có một vị mặn. Giáo Pháp của ta chỉ có một vị Giải Thoát mà thôi”. Nhưng vì muốn cứu giúp chúng sinh, nên Chư vị Giác Ngộ phải dùng rất nhiều Phương Tiện. Người đọc Kinh không ai chịu đọc hết lời dạy trong trong đó. Chỉ thấy có nói về sự cứu độ của Phật, Bồ Tát không hiểu đó là đang nói về cảnh giới trong nội tâm, cho là rõ ràng Kinh viết có các Ngài ở trên cao, sẵn sàng cứu độ cho mọi người, nên bản thân đã tin, mà còn hướng dẫn cho Phật Tử. Hậu quả là từ nhiều đời, Phật Tử bị “chồng mê”, cứ cần gì thì cầu xin Phật phù hộ. Sống thì Cầu An, cầu đổi xấu lấy tốt. Chết thì Cầu Siêu, cầu về Tây Phương Cực Lạc… rồi cứ thế truyền lần xuống, không biết rằng Phật không có khả năng để cứu độ cho ai. Ngài không có thần thông, phép màu, chỉ tìm ra Con Đường Thoát Khổ và truyền lại cho những ai muốn theo. Người tin theo phải tự mình hành trì để đạt lấy nên gọi là TỰ ĐỘ.

Với niềm tin sai lạc đó mà suốt cả mấy ngàn năm rồi, mọi người vẫn tiếp tục ăn mừng Phật của Đức Thích Ca Đản Sinh với vô số hoa đăng, cờ xí, lễ lạc, rước kiệu tưng bừng!. Mấy ngàn năm rồi. Mỗi năm là một dịp nhắc lại, chẳng lẽ không lúc nào chúng ta giật mình để tự hỏi: Phật của Đức Thích Ca đã Đản Sinh cả mấy ngàn năm rồi, Ngài đã để lại con đường, và Thọ Ký cho mỗi chúng ta, tại sao chúng ta không bắt chước để làm theo lời Ngài. Cứ mãi hương khói phụng thờ, hoa đăng, đèn lồng để mừng Phật của Ngài Đản Sinh một cách hoan hỉ mà không hề thắc mắc? Mọi người hãnh diện mình là Phật Tử, mà không thấy là hành vi ca tụng, tôn vinh Phật không phải là điều làm cho Đức Thích Ca hài lòng, bởi trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA có Kệ nói lên mong muốn của Ngài:

XÁ LỢI PHẤT NÊN BIẾT

TA MUỐN TẤT CẢ CHÚNG

BẰNG NHƯ TA KHÔNG KHÁC

“Bằng như Ta”, tức là phải Thành Phật như Ngài đã Thành. Ý Phật muốn một đường, ta lại làm một nẻo mà còn dám tự xưng mình là đệ tử trung thành của Ngài hay sao? Do vậy, dù có vẻ bất kính, nhưng tôi xin mạo muội đặt câu hỏi đến tất cả Chư Hòa Thượng, Đại Đức, Tăng, Ni từ các Trung Tâm Phật Giáo Thế Giới, cho đến Phật Tử toàn cầu. Xin hỏi: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã viết rõ về Gã Cùng Tử. Mọi người đều đọc thấy điều đó từ rất lâu. Nhưng mãi cho đến bây giờ, tại sao chưa ai dám thay đổi nếp suy nghĩ, để rồi từ bậc có trách nhiệm truyền bá Đạo Phật cho đến Phật Tử, mang tiếng là Con của Phật mà đời nọ nối tiếp đời kia không chịu học hỏi cách thức để Thành Phật, chỉ thích làm “Gã Cùng Tử”, ngày ngày tụng Kinh, Niệm Phật để van nài, cầu xin cha ban ân, giáng phúc mà không chịu vào nhà cha để thừa hưởng gia tài, trong khi tất cả chúng ta hoàn toàn có khả năng Thành Phật như Phật đã Thành? Tiểu Thừa không chấp nhận Kinh Đại Thừa nên không đọc, không hiểu, không hành theo đã đành. Ngay cả những bậc tu theo Đại Thừa dù bản thân tự cho rằng mình là những người tu theo đường truyền chính thống nối truyền Phật Pháp qua Chư Tổ được Truyền Y Bát, nhưng cũng không thấy nơi nào dạy tu Thành Phật, mà chỉ truyền nhau nghi thức để cầu xin, ngày mấy thời nhang khói để phụng sự cho Phật trong khi Phật không cần điều đó. Liệu Phật có hài lòng khi mọi người ngày càng đổ tiền bạc ra tổ chức lễ cho lớn, cho hoành tráng để tôn vinh Phật, trong khi Phật Ngôn đã nói rõ: “Kẻ nào ca ngợi ta, tán thán ta mà không hành theo lời ta chỉ dạy, kẻ đó đang phỉ báng nặng nề Ta”?

Đạo Phật đã được ra đời gần 3.000 năm rồi. Phật đã Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Phải chăng đã đến lúc mọi người cần trả lại cho Đạo Phật những gì thuộc về Đạo Phật chân chính. Thay vì ca tụng, sùng bái Phật như một vị Thần Linh, thì hãy thực hiện lời Thọ Ký của Ngài, học hỏi, noi gương Phật để bản thân mình cũng được Thành Phật. Tôi tin rằng ngày nào Phật của mỗi người Đản Sinh, ngày đó mới là ngày Đức Thích Ca mong mỏi khi mang Đạo Phật ra giữa trần gian. Như thế mới mới không uổng công Ngài đã hy sinh một đời để rao giảng, và bao đời Chư Tổ cũng đã từ bỏ vinh hoa phú quý trần gian, chỉ để nối truyền Chánh Pháp của Ngài vậy.

Tháng 5/2017

Tâm Nguyện


DUYÊN NỢ VỚI VIỆT NAM

Cách đây ít lần, nhờ ông bạn Phan Trác Cảnh, chủ nhà sách số 5 phố Bát Đàn, mà lần đầu tiên tôi được biết đến tờ tạp chí Lá Lúa, cơ quan của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ. Ở số 1 năm 1951, số đặc biệt - Hội nghị kiểm thảo văn nghệ Nam Bộ, tôi để ý thấy một chi tiết nhỏ nhưng khá lý thú, đối với các thế hệ bạn đọc ngày nay có lẽ xem là lạ. Ở trang 17, tường thuật lễ khai mạc Hội nghị cán bộ văn nghệ Nam Bộ, diễn ra trong những ngày 7,8,9 tháng 1 năm 1951, có đoạn viết: “Đúng 15 giờ 40 ngày 7 tháng 1 năm 1951 Hội nghị khai mạc. Nghi thức thường lệ. Các đại biểu được giới thiệu:

Hội nghị bầu Chủ tịch danh dự: HỒ CHÍ MINH, QUÁCH MẠC NHƯỢC VÀ ILYA ERHENBOURG.

Hội nghị kiêu hãnh và phấn khởi nghĩ đến ba vị lãnh tụ tiên phong của nền văn nghệ dân chủ tiến bộ và chiến đấu cho hòa bình thế giới” [1] .

Từ lâu trong lễ khai mạc các Hội nghị ở ta không còn giữ cái thủ tục đó. Nhưng nhắc để các bạn trẻ ngày nay biết thêm một chi tiết, tuy “ấu trĩ” nhưng cũng ghi nhận tấm lòng của thế hệ trước chúng ta đối với các danh nhân, và cũng nhân dịp này tôi muốn được cùng mọi người tìm hiểu thêm sâu một chút tên tuổi nhà văn Nga Ilya Erenburg mà ngay từ thời đó đã được nhân dân ta quý trọng, đặt ngang bằng với tên tuổi Bác Hồ, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc ta lúc đó đang lãnh đạo toàn dân kháng chiến giành độc lập tự do cho đất nước, nhà văn Trung Quốc Quách Mạc Nhược, ngọn cờ đầu của văn học cách mạng Trung Quốc lúc đó.

Erenburg Ilya Grigorevich (1891-1967) - nhà văn Nga Xô viết, nhà hoạt động xã hội. Tác giả nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó nổi bật là bộ ba tiểu thuyết Pari sụp đổ (1941-1942, Giải thưởng Nhà nước Liên xô 1942), Bão táp (1947, Giải thưởng Nhà nước Liên xô 1948) và Ngọn sóng thứ 9 (1951-1952), các truyện dài Mùa tuyết tan (1954-1956), Sự biến niên của lòng sông cảm. (Những bài viết trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, 1965); hay bộ hồi ký Con người, năm tháng cuộc đời (1-6 tập, 1961-1965)…

Nhà văn Nga Xô viết Ilya Erenburg được biết đến ở Việt Nam ngay từ những năm 30 thế kỷ trước. Trong Hồi ký Nhớ lại buổi đầu gặp gỡ của mình, nhà văn Như Phong (1917-1985) ghi nhận, sau tác phẩm Người mẹ của Goorki, mặc dù viết trước cách mạng tháng Mười, thế hệ thanh niên ta những năm 30 vẫn quen coi đó là tác phẩm tiêu biểu của văn học Xô viết, họ “say mê tìm đọc hết các tác phẩm của Văn học Xô viết mà trong thời kỳ đó người ta có thể kiếm được bằng cách này hay cách khác: Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovski, Đất vỡ hoang của Mikhain Solokhov, Thất bại của Phadaev, Trapaev của Phurmanov, Không kịp lấy lại hơi thở của Ilya Erenburg…” [2] . Như vậy là Ilya Erenburg đã nằm trong số các nhà văn Xô viết đầu tiên có duyên được bạn đọc Việt Nam tìm đến ngay từ những năm 1930 của thế kỷ qua. Tiếp theo “từ năm 1950, biên giới Việt Nam phía Bắc mới được mở rộng để đón chào văn nghệ Xô viết, ngay trong thời kháng chiến trước những năm 1954, những tên tuổi, ngoài Goorki và Maiakovski, như Aleksei Tolstoi, Ilya Erenburg, Konstantin Simonov, Mikhain Solokhov, Boris Polevoi, Galina Nikolaeva… đã trở nên quen thuộc với giới văn nghệ Việt Nam và một số tác phẩm của Maiakovski, Erenburg, Simonov, Polevoi đã được dịch ra và phổ biến rộng rãi cả trong miền rừng núi và nông thôn Việt Nam…” [3] , nhà văn lão thành Vũ Đức Phúc nay đã ngoài 90, từng khẳng định như thế. Thiếu tướng - nhà văn, nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ quân đội trong bài Những kỷ niệm cũng đã cho biết: “Trong những năm chiến tranh chống Pháp 1946-1954, tôi là người say sưa tìm kiếm các tiểu thuyết Xô viết để đọc. Lúc ấy chúng tôi gặp được những tiểu thuyết của Erenburg, Phadaev, Solokhov, Kazakievich, Polevoi, Simonov…” [4] . Và rồi một cây bút của chúng ta, nhà báo - nhà văn Thép Mới, đã trực tiếp được gặp nhà văn Nga Xô viết Ilya Erenburg. Năm 1950, sau khi biên giới phía Bắc của ta được giải phóng, người của ta bắt đầu được cử đi đến các nước để giao lưu. Thép Mới nằm trong số những người đó. Trên tạp chí Văn nghệ kháng chiến số 30 ra ngày 16/9/1951 ông đã cho đăng bài Chúng tôi đã được gặp các nhà văn Xô viết. Trong số các nhà văn Nga Xô viết có tên tuổi lần đầu tiên tiếp những người Việt Nam, có Ilya Erenburg. Thép Mới ghi lại: “Đồng chí Phadaev (tác giả của Chiến bại đã dịch ra tiếng Việt sau này; lúc đó đang lãnh đạo Hội nhà văn Xô viết) ngồi ở đầu bàn, tóc bạc phơ. Nét mặt hiền hậu vô cùng. Chúng tôi ngồi bên tay phải đồng chí. Trước mặt chúng tôi là nhà văn Erenburg, vẫn trong bộ đồ xanh rêu, vẫn cặp mắt sâu xa, nét mặt trầm ngâm suy nghĩ như lần chúng tôi đã được gặp ở Praha (Tiệp Khắc)… Về nước, Thép Mới bắt tay vào dịch các bài văn chính luận của Ilya Erenburg viết trong những năm tháng chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Các bản dịch tác phẩm của Ilya Erenburg ra tiếng Việt của Thép Mới đã được phổ biến một số trên tạp chí Văn nghệ, về sau NXB Văn Nghệ đã ấn hành thành tập sách nhỏ có tên Thời gian ủng hộ chúng ta. Trên sách báo của ta xuất hiện tiếp các bản dịch tác phẩm của Ilya Erenburg. Chẳng hạn, cũng trên Văn Nghệ, bạn đọc được đón đọc Bức thư ngỏ của E-ranh-bua gửi các nhà văn Tây phương do nhà thơ Xuân Diệu dịch [5] . Về sau các tác phẩm khác của Ilya Erenburg lần lượt được nhiều người chuyển ngữ sang tiếng Việt: Paris sụp đổ, Bão táp, Chân dung người đương thời (trích Con người, năm tháng, cuộc đời)…

Tác phẩm của Ilya Erenburg đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều bạn đọc Việt Nam. Trong bài Kỷ niệm về văn học Nga Xô viết của nhà thơ Giang Nam [6] có tâm sự: “Nếu tôi không nhớ lầm thì tác phẩm văn học Xô viết đầu tiên mà tôi được đọc trong một chuyến đi công tác ra vùng tự do Khu 5/1950 là một bài báo ngắn, một tùy bút văn học. Đó là bài viết về cái tháng sáu năm 1941 đau thương và căm giận của Ilya Erenburg, được dịch ra tiếng Pháp và đăng trong tạp chí của Đảng cộng sản Pháp. Bài báo nói gọn trong 3, 4 trang giấy khổ nhỏ mà toát ra một sức mạnh kỳ lạ, một sức thôi miên không cưỡng lại nổi. Tôi đọc 1 lần, 2 lần rồi 3 lần. Đối với tôi đúng là một sự phát hiện. Quả thật, cho đến lúc bấy giờ, tôi vẫn không thể hình dung con người có thể viết về chiến tranh, về kẻ địch, về nhân dân và Tổ quốc thân yêu của mình với tất cả sự cháy bỏng của tâm hồn đến như thế. Những tài liệu được dẫn ra chân thực một cách đáng sợ. Một cô gái bị treo cổ lên cành cây; các gia đình không còn đàn ông, những người phụ nữ Nga làm việc lặng im, những con mắt không có nước mắt. Hình như cuộc sống đã bày sẵn mọi dữ kiện, không phải lựa chọn, sắp xếp, thêm thắt gì cả… Vậy mà từng dòng, từng dòng, tác phẩm cuốn hút người đọc, dẫn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và cuối cùng lay động cả tim anh ta, thôi thúc anh ta đứng dậy, cắn răng lại cầm chắc súng, quyết bảo vệ những gì tốt đẹp nhất, nhân đạo nhất, thiêng liêng nhất không chỉ của tâm hồn Nga, đất nước Nga mà của cả mọi tâm hồn, mọi đất nước. Trước sự tấn công của một lũ phát xít cực kỳ man rợ. Phải chăng cũng là người lính nên chúng ta dễ hiểu nhau hơn? Phải chăng trong bài báo ngắn tưởng không có bàn tay sắp xếp của người nghệ sĩ hết sức nhạy cảm này đã làm cho mỗi trang viết của Ilya Erenburg thực sự là một bài hịch đánh giặc đi thẳng vào lòng người. Bài hịch ấy được viết bằng một phong cách giản dị, chính xác, đầy chất thơ nên có sự thuyết phục lớn” [7] .

Còn thế hệ chúng tôi, lúc bấy giờ đang ở lứa tuổi 11, 12 cũng ghi nhớ nhiều câu văn của Ilya Erenburg được nhà văn Thép Mới dịch ra tiếng Việt, thuộc lòng cho đến tận bây giờ, khi chúng tôi đều đã thuộc thế hệ vượt ngưỡng “cổ lai hi” cả. Một người bạn đồng môn thuở thiếu thời, đồng tuế (tuổi Hổ - Mậu Dần) - học giả, nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội Trần Quân Ngọc trong Ghi chép về những cuộc gặp với các nhà văn Nga đã viết: “Cho tới nay tôi vẫn còn thuộc lòng từng đoạn văn của Erenburg qua bản dịch của Thép Mới: Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh” [8] .

Cách đây dễ đã đến gần nửa thế kỷ, vừa theo học khóa tiếng Nga 2 năm, về nước làm phiên dịch xây dựng nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, anh bạn Ngọc của chúng tôi đã “điếc không sợ súng”, viết một bài báo bằng tiếng Nga gửi sang Liên Xô cho tạp chí “Bảo vệ hòa bình”, chỉ ghi tên người nhận là nhà văn Ilya Erenburg, bấy giờ là Đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô, Phó chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới. Sau bao tháng ngày hồi hộp chờ đợi, cuối cùng Ngọc đã nhận được thư phúc đáp của chính nhà văn:

“Mátxcơva, ngày 28 tháng 11 năm 1960

Bạn Trần Quân Ngọc thân mến

Xin cảm ơn bạn về sự tin cậy. Rất tiếc tôi không tự sửa được bản thảo của bạn, vì tôi bận đi công tác nước ngoài trong một thời gian dài. Tôi đã chuyển bản thảo của bạn cho Bộ biên tập tạp chí Bảo vệ hòa bình (V.Zashitu mira). Tôi nghĩ rằng bạn sẽ nhận được thư trả lời của họ. Dù sao với ba năm học tiếng Nga, bạn đã nắm tiếng Nga không đến nỗi tồi.

Chúc bạn nhiều tiến bộ

Ilya Erenburg” [9]

Bài báo của Ngọc sau đó được đăng vào một số tạp chí Bảo vệ hòa bình. Hơn thế nữa, ít lâu sau, Ngọc được cử đi học tiếp và trở lại Mátxcơva. Trong một lần trường đại học của Ngọc được đón nhà văn Ilya Erenburg đến thăm. Tuy bữa ấy Ngọc có việc đi xa, trở về trường muộn, buổi đón tiếp nhà văn Ngọc không được dự, nhưng trở về đúng lúc nhà văn ra xe và Ngọc may mắn đã kịp nắm được tay nhà văn và trao đổi đôi lời: “Ilya Erenburg! Cháu là sinh viên Việt Nam, cháu tiếc không được nghe bác nói chuyện hôm nay!”. Tay trong tay, họ nói chuyện với nhau qua cửa xe ô tô chừng mấy phút. Nhà văn nói: “Ồ, thế à, thật là thú vị được gặp một sinh viên Việt Nam ở đây hôm nay! Cháu xa nhà đã lâu chưa? Bác rất tiếc là chưa có dịp sang thăm đất nước cháu. Tuy vậy bác cũng có vài cái may mắn là đã được gặp mặt và quen biết Chủ tịch Hồ Chí Minh của cháu khi Người còn trẻ, đang hoạt động trong Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva vào những năm ba mươi, và sau đó tại Paris vào năm 1946, khi Người sang thăm nước Pháp. Đó là một con người tuyệt vời, kiến thức sâu rộng, vô cùng giản dị và đầy lòng nhân ái. Bác rất tiếc là còn biết ít về nền văn hóa của Việt Nam. Ngày còn trẻ, bác có để tâm nghiên cứu chút ít về nền văn hóa của dân tộc Chăm sống trên dải đất Việt Nam”… [10]

Hiện tôi có trong tay cuốn sách của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp năm 1946, do Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam ấn hành năm 2003, tại Hà Nội, trong đó ở trang 91 có ghi lại sự kiện “ông Ilya Erenburg đến thăm Cụ Chủ tịch” vào 2 giờ, ngày 21 tháng 7 năm 1946.

Thúy Toàn


Tranh của danh họa Lương Xuân Nhị

Phụ Bản I

SÀI GÒN ĐẸP LẮM SÀI GÒN ƠI!

So với Hà Nội, Sài Gòn có ít ca khúc viết về thành phố này, vì Sài Gòn to lớn quá, các nhạc sĩ sáng tác phần lớn đều từ các miền khác nhau của đất nước đến đây cư ngụ, nên họ quên đi Sài Gòn - nơi họ đang sinh sống - trong khi sáng tác nhạc. Hơn nữa vì Sài Gòn là nơi không có nhiều di tích lịch sử rêu phong, nhiều mảng cây xanh mát và nhiều hồ nước long lanh như Hà Nội, cho nên sư rung động của các nhạc sĩ cũng khó khăn hơn khi muốn có những ca khúc ngợi ca thành phố này.

Nhạc sĩ Y Vân sáng tác ca khúc “Sài Gòn” - là bài ca nổi tiếng viết về Sài Gòn - mà những người ngoại quốc thường hát, vì giai điệu bài này trẻ trung, vui vẻ, tương đối dễ hát.

Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai

Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay

Áo dài là trang phục truyền thống cho thiếu nữ Việt Nam, nên khi mới đến thành phố này, mọi người đều chiêm ngưỡng biết bao tà áo bay tung tăng trước gió…

Theo một số tài liệu lưu truyền thì chiếc Áo dài của phụ nữ Việt Nam khởi phát từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (khoảng giữa thế kỷ 18). Xuất phát từ ý định muốn thay đổi trang phục của người dân, xóa đi hình mẫu trang phục cũ tạo một vẻ mới đối với phụ nữ trong nước. Nền tảng là chiếc áo dài của phụ nữ Chăm (hay Champa, là tên một loài hoa đại, có hương thơm ngát ở xứ sở này - mà hiện nay là quốc hoa của nước Lào), kết hợp với chiếc áo Tứ thân ở miền Bắc và một số áo của những dân tộc thiểu số khác, triều thần ở Phú Xuân đã sáng tạo mẫu cho chiếc Áo dài mới này. Đây là sản phẩm kế thừa được vẻ đẹp từ trang phục nữ giới ở cả hai miền Nam - Bắc. Khởi phát từ Huế nhưng Áo dài là sản phẩm văn hóa hội tụ được vẻ đẹp chung cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam và từ lâu Áo dài đã trở thành tài sản chung của cả dân tộc.

Theo thời gian, đường nét, kiểu dáng chiếc Áo dài đã thay đổi khá nhiều. Thân áo lúc thì rộng, lúc thì bó sát cơ thể: lúc cổ cao, lúc cổ thấp, lại có lúc cổ tròn, cổ bẹt; lúc tà áo dài chấm gót, lúc lại lưng lửng gần đầu gối… Chiếc Áo dài hiện tại có thân bó sát cơ thể người, làm cho vẻ đẹp hình thể phụ nữ hiện lên với những đường cong mềm mại, phù hợp với vóc người nhỏ nhắn của phụ nữ Việt Nam. Hai tà áo thả xuống gần sát bàn chân, thướt tha, quấn quýt từng bước đi. Mọi chi tiết khác cũng được thay đổi phù hợp với thị hiếu, nhưng đều tôn lên vẻ đẹp trang nhã, kín đáo, duyên dáng cua người phụ nữ Việt Nam.

Nhiều người nghĩ rằng các nữ sinh các trường trung học và đại học nên mặc Áo dài khi đi học - chứ không nên như hiện nay các nữ sinh mặc váy và áo sơ mi đi học - trước nhất để các em biết vẻ đẹp tiềm ẩn cùa chiếc Áo dài, sau đó để tôn vinh trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Cứ tưởng tượng hàng ngày biết bao tà áo dài của các nữ sinh tung bay trên khắp phố phường, trông như từng đàn bướm lượn bay thì cuộc đời thơ mộng biết bao!

Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây

Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!

Địa danh Sài Gòn như chúng ta biết, có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “Prey (hay Brai) Nokor” (thị trấn trong rừng) - do Trương Vĩnh Ký nêu ra và đã được các nhà ngôn ngữ học phân tích về mặt cứ liệu lịch sử và quy luật ngôn ngữ thấu đáo. Mặc dù còn có 4 giả thuyết khác về địa danh Sài Gòn:

1- do chữ “Thầy Gòn”,

2- do chữ “Đê Ngạn, Tây Cống”,

3- do từ “Củi Gòn, Cây Gòn Cai Ngon”,

4- do từ “Glainagara”.

Còn “Sài Côn” chỉ là cách phiên âm Sài Gòn của người Việt trong các bản chữ Hán mà thôi.

Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau

Người ra thăm bến câu chào nói xôn xao

Phố xa thênh thang đón chân tôi đến chung vui

Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài gòn ơi!

Sài Gòn là vùng đất mới. Tính từ khi địa danh Sài Gòn được ghi vào sổ sách năm 1698 thì đến nay thành phố này đã thành lập được 300 năm. Vào đầu năm Mâu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào kinh lý vùng đất phía Nam. Ông đã thành lập phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (sau này trở thành một đô thị lớn của Việt Nam). Vùng đất Nam Bộ lúc đó còn ít người, dinh Phiên Trấn chỉ có huyện Tân Bình, còn dinh Trấn Biên chì có huyện Phước Long. Năm 1772, lũy thành Bán Bích được xây dựng. Năm 1790, thành Bát Quái ra đời. Đó là một thành lũy vào loại lớn nhất ở phương Nam. Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, thành Gia Định thất thủ. Từ năm 1862, một phương án quy hoạch thành phố với 500 ngàn dân được phê duyệt. Thống đốc quân sự người Pháp là Bonard chia tỉnh Gia Định thành 3 phủ, mỗi phủ có 3 huyện, dưới huyện có tổng, dưới tổng có xã. Sài Gòn lúc bấy giờ vừa là tỉnh lỵ của Gia Định, vừa là phủ lỵ của phủ Tân Bình, vừa là huyện lỵ của huyện Bình Dương; còn Chợ Lớn là huyện lỵ của huyện Tân Long, cùng phủ Tân Bình. Năm 1864, Chợ Lớn được tách ra khỏi Sài Gòn (về phương diện địa bạ) vì là thành phố người Hoa đang trên đà phát triển.

La la la la la la la la la la.

Tiếng cười cùng gió chan hòa niềm vui say sưa.

La la la la la la la la la la.

Ôi đời đẹp quá đẹp quá tràn bao ý thơ.

Thành phố Sài Gòn từ đây có dáng dấp một đô thị theo kiểu phương Tây thế kỷ 19 đã dần dần hình thành theo hai trục Bắc - Nam và Đông - Tây. Thành phố đã hình thành những trục đường lớn có ngã tư, ngã năm, ngã bảy. Nhà nhiều tầng bằng gạch, xi măng cốt thép, công trường, bến cảng, công viên… lần lượt ra đời.

Do vị trí địa lý và những yếu tố đất đai, khí hậu thuận lợi, vùng đất này sớm trở thành nơi hội tụ của các thương nhân bốn biển, năm châu. Cảng Sài Gòn được thành lập từ năm 1862. Các tàu buôn của người phương Tây và các nước lân cận, đã tấp nập ra vào cảng Sài Gòn và họ cũng rất quen thuộc các địa danh: chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Kho, chợ Rẫy, chợ Bến Thành, chợ Sài Gòn. Từ đó, thành phố Sài Gòn đã được ca ngợi là “Hòn ngọc của Viễn Đông”.

Cuối thế kỷ 19 (ngày 15-3-1874) Tổng thống Cộng hòa Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Sài Gòn thực sự trở thành một đô thị với hàng loạt công trình lớn được xây dựng theo kiểu phương Tây với những công sở, trung tâm thương mại, công nghệ dịch vụ, giao thông. Đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn sát nhập vào Sài Gòn, thành phố trở thành đô thị lớn nhất Đông Dương.

Kỳ họp thứ nhất ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức đổi tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh.

Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca

Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa

Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai

Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…

Thành phố Sài Gòn là trung tâm du lịch lớn nhất nước, thu hút hàng năm 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Sở dĩ như vậy, vì ngoài cơ sở hạ tầng khá tốt, giao thông tương đối thuận tiện, thành phố là một nơi có tài nguyên du lịch phong phú. Nơi đây là một vùng đất gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc kể từ khi thực dân Pháp đặt chân lên Việt Nam. Hệ thống các bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa, các công trình kiến trúc thời Pháp là những điểm du lịch hấp dẫn.

Với 300 năm hình thành và phát triển, thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ như bến Nhà Rồng, đền Quốc Tổ, dinh Xã Tây, Nhà Hát thành phố, Bưu Điện, hệ thống các ngôi chùa cổ (chùa Giác Lâm, chúa Bà Thiên Hậu, chùa Tổ Đình Giác Viên, chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm…), hệ thống các nhà thờ cổ (nhà thờ Đức Bà, Huyện Sỹ, Thông Tây Hội, Cha Tam, Chợ Quán, Thủ Đức…). Nhìn chung, một trong những đặc trưng văn hóa của 300 năm lịch sử đất Sài Gòn - Gia Định, nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa , là “cơ cấu kiến trúc” Việt - Hoa, châu Âu. Một nền văn hóa kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc của người Việt với những nét đặc sắc của văn hóa phương Bắc và phương Tây.

Có thể nói Sài Gòn là trung tâm văn hóa của Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố này là nơi phổ biến báo quốc ngữ đầu tiên, là nơi ra báo quốc ngữ đầu tiên của cả nước. Sự ra đời và phát triển phong phú của sách, báo, trường học, của đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ, của các hoạt động và giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật… đã tạo cho Sài Gòn từ lâu là một thành phố có ảnh hưởng lớn về văn hóa đối với cả nước.

Những lễ hội lớn ở Sài Gòn là lễ hội tưởng niệm, ghi công các anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… hàng năm được tổ chức trọng thể vào mùa xuân.

LỄ HỘI TRONG NGÀY GIỖ VUA HÙNG

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Quốc Tổ 10-3 âm lịch, lễ được tổ chức tại Đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, kết hợp giữa lễ hội cổ truyền với các hoạt động văn hóa hiện đại. Nghi thức cử nhạc khí cổ truyền (trống đồng, đàn đá, chiêng, trống…) trong bầu không khí trang nghiêm. Sau đó là phần lễ bái, tế lễ cổ truyền của mọi tầng lớp nhân dân trong Đền. Phần hội ngoài sân Đền là chương trình biểu diễn cờ người, võ thuật, múa lân, sư tử, múa rồng… rất hấp dẫn, thu hút đông đảo người xem.

NGÀY GIỖ TRẦN HƯNG ĐẠO

Hàng năm vào ngày 20-8 âm lịch, ngày giỗ được tổ chức tại Đền thờ Trần Hưng Đạo ở số 36 đường Võ Thị Sáu, quận 1, lễ giỗ anh hùng Trần Hưng Đạo có quy mô lớn, diễn ra trong ba ngày 19. 20, 21 tháng 8 âm lịch, với các nghi thức hát chầu văn ca ngợi công đức của vị anh hùng. Ngoài ra còn tổ chức chơi cờ người… Trong những ngày này, các tầng lớp nhân dân tề tựu về lễ bái rất đông.

THẢO CẦM VIÊN

Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những địa chỉ văn hóa của thành phố, nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Bắt đầu xây dựng vào tháng 3-1864 trên một khu đất rộng 12ha nằm cạnh sông Rạch Lăng (phía đông bắc Sài Gòn). Công trình hoàn thành vào năm 1865, trong đó trồng nhiều loại cây quý ở trong nước và trên thế giới, nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia như cacao, café, vani. Một vài giống mía gọi là Jardin Acclimater… Nhiều loại động vật lạ và quý hiếm được đưa về nuôi ở đây và nơi đây được gọi là Sở Thú.

Năm 1929, Pháp cho xây Temple du Souvenir có kiến trúc giống như đền thờ lăng tẩm Huế. Trên lầu có thư viện khá rộng. Năm 1956, tòa nhà này được tu sửa và thiết kế lại, viện bảo tàng Blanchard de la Bross được đổi là Viện Bảo Tàng Quốc gia Sài Gòn, sở thú đổi là Thảo Cầm Viên. Nơi đây hàng ngày đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan.

CÔNG VIÊN VĂN HÓA TAO ĐÀN

Với diện tích 90.503m2, công viên Văn hóa là nơi lý tưởng cho du khách trong nước và ngoài nước. Nơi đây thường xuyên diễn ra các chương trình Lễ Tết, Hội dân tộc như: hội Hoa Xuân, hội Đền Hùng, lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam… đồng thời cũng là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân thành phố với các hoạt động: sân khấu ca nhạc Trống Đồng, nơi tổ chức biểu diễn những chương trình ca nhạc chọn lọc, chất lượng mang tính nghệ thuật cao, đã hấp dẫn và lôi cuốn công chúng.

CHỢ LỚN

Năm 1788, một nhóm người Hoa từ cù lao Phố và Mỹ Tho kéo về bờ rạch Bến Nghé lập chợ buôn bán. Khu chợ đó phát triển thành Chợ Lớn ngày nay. Nơi đây có thể xem như một China Town (thành phố người Hoa) của Việt Nam với những phố chợ san sát và đầy ắp hàng hóa từ lâm thổ sản đến những hàng tiểu thủ công nghiệp. Khu vực Chợ Lớn là nơi tham quan hấp dẫn cho du khách đến tìm hiểu cuộc sống thường ngày của nhân dân thành phố nói chung và của cộng đồng người Hoa nói riêng.

CHỢ BẾN THÀNH

Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Bến Thành rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam và khách quốc tế. Trước khi Pháp xâm chiếm Sài Gòn năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất sình lầy kế bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn (lúc đó). Từ xuất xứ ấy mà chợ đã mang tên ghép là Bến Thành. Chợ được xây bằng gạch, khung gỗ, lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần. Năm 1911, chợ cũ bị phá đi, chợ mới được xây khang trang rộng rãi hơn và hoàn thành vào tháng 3-1914.

Chợ Bến Thành là một trung tâm buôn bán lớn không chỉ của thành phố, mà còn của các tỉnh phía Nam. Cũng như chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, hàng hóa trong chợ Bến Thành rất phong phú, dường như có đủ mặt các sản vật trong nước và hàng công nghệ hiện đại trên thế giới. Thăm chợ Bến Thành cũng là một thú vui của bao người.

PHẠM VŨ

Tham khảo: sách Non nước Việt Nam,

Tổng cục Du lịch - Hà Nội 2005


Tuổi Già

nên phiên phiến mọi chuyện...

Bạn tôi, có ông tự xưng là Hai Hô bởi răng ông hô. Ông rất thích thú với danh xưng nầy. Ông thường nói rằng ngày xưa còn trẻ, hăng tiết vịt, ai nói gì, đúng hay sai, cũng tìm lời cãi lại. Bây giờ già rồi, nghe ai nói gì cũng thấy xuôi tai, đúng hết bởi già rồi, có nhiều kinh nghiệm, thấy được đúng - sai, có nhiều mặt khác nhau.

Bà mẹ ông đã 92 tuổi mà thường hay nói câu: “Mai mốt, tôi già rồi thì…”. Mỗi lần nghe câu đó, ông vội cắt ngang lời mẹ và hỏi lại: “Hơn chín mươi tuổi rồi mà chưa già, hở mẹ? Thế thì bao nhiêu tuổi mới là già?” Bà cụ chỉ cười, không đáp lại. Vợ ông thường nháy mắt, nhìn ông, che giấu nụ cười bí mật. Người em ông nói: “Theo tôi thì không có ai già và cũng chẳng có ai trẻ. Già hay trẻ là một khái niệm rất tương đối. Hồi tôi mười bốn, mười lăm tuổi, thấy các chị hàng xóm mười bảy hay mười tám tuổi là đã già khú đế. Già như sắp mua hòm được rồi. Thế mà khi tôi sáu mươi tuổi, tôi thấy các bà năm mươi là trẻ và các bà bốn chục tuổi là bọn con nít. Thế thì già hay trẻ không phải tùy theo số tuổi của họ”.

Ông Hai nói có một lúc nào đó, con người trở nên già. Này nhé, mỗi khi đi ra đường, nếu chỉ thấy các bà già nhìn mình mà các cô gái trẻ không dòm mình nữa thì phải hiểu là mình đã già rồi. Lại nữa, mỗi sáng đứng trước gương, thấy trán mình cao hơn, tóc rụng nhiều thì đừng tưởng mình trở nên thông thái mà phải biết đó là dấu hiệu già. Nếu mình thấy mọi người dường như trẻ lại thì chính mình đã già đi vì mình so sánh thiên hạ với cái bóng của mình trong gương soi mỗi ngày.

Ông nói tuổi già báo hiệu khi sinh lý bắt đầu yếu. Nhịp độ ‘gần gũi’ của vợ chồng thưa dần. Và đôi khi cố gắng làm vừa lòng bà vợ theo định kỳ mà không có hứng khởi. Những khi đó, nếu bà vợ gạt ra, không cho gần gũi thì trong lòng lại mừng húm vì có cái cớ để không làm tròn ‘bổn phận’ mà không áy náy. Ông nói bực nhất là những lúc mình đang hăng, đang nóng máu, sắp xáp chiến mà bà vợ cứ cằn nhằn về những chuyện không đâu như cái hàng rào bị gió vật nghiêng, cây hoa hồng lá bị bạc mốc, con chó bị rận bọ chét. Thế là cả cái thân già nó xìu xuống như cọng bún thiu! Chẳng làm ăn chi được nữa cả, đành bỏ cuộc vui nửa chừng. Khi còn trẻ, vào những lúc sắp gay cấn như thế nầy thì dù cho sét nổ trên đầu cũng không nghe, không biết!

Có người hỏi ông sao không dùng viên thuốc thần kỳ làm cho vợ chồng vui như thuở ba mươi. Ông nói đừng tin mà chết sớm, đau tim mà dùng thuốc này thì lăn đùng ra mau lắm. Hồi trước, ông cũng xin ông bác sĩ cho toa thuốc này, bác sĩ ấy không chịu. Ông cũng hơi giận nhưng bây giờ thì cám ơn vì biết được cái nguy hại của nó. Vui chốc lát mà bỏ mạng, lãng nhách! Theo ông thì vợ chồng già, ghiền cái hơi của nhau hơn là chuyện vật nhau lăn lộn trên giường. Chỉ cần luồn tay vào áo bà vợ già mà tìm trái mướp, cũng đủ làm cho bà ấy dzui dzồi!

Nói về cái tai điếc, ông bảo: “Có một lúc nào đó, mình nghe nhạc, cứ tưởng là các anh chị ca sĩ dạo này không còn hát hay như ngày xưa. Không phải vậy đâu! Thời nào cũng có ca sĩ giọng hay. Nghe không hay vì cái tai mình đã nặng, lãng rồi cứ tưởng nhạc dở. Ðó là dấu hiệu già. Nhất là khi nghe truyền thanh, truyền hình thì con cái, hàng xóm cứ than phiền mở âm thanh quá lớn. Theo mình, âm thanh như vậy chỉ vừa đủ nghe mà họ bảo oan cho mình là “quá lớn”.

Ông Hai nói với một bạn già rằng khi già, lãng tai, điếc tai cũng có cái lợi lớn. Là khi nào vợ nói lời êm ái, dịu dàng, yêu thương thì nghe cho sướng tai. Khi nào bà trở chứng trách móc, chê bai, than vãn, nói nặng lời thì cứ nhè-nhẹ gỡ cái máy trợ thính ra, chỉ thấy bà nhóp nhép cái miệng, trông tức cười lắm! Không nghe thì không bực mình, không giận hờn mà còn cười, đôi khi nụ cười rất rạng rỡ, cười rất dễ thương nữa. Bà vợ nói như gió vào phòng trống, thấy ông chồng không giận mà còn cười vui thì đành im miệng cho đỡ tốn hơi. Và đôi khi còn thương thêm vì tưởng ông chồng khéo nhịn.

Nhưng một ông bạn khác nói rằng khi bà vợ trách móc và thở than thì để bà ấy nói cho xả ra, nhẹ bớt bực tức trong lòng. Bởi vậy, mỗi khi vợ ông than vãn, trách móc thì ông mừng và lắng nghe. Nếu bà ngưng nói thì hỏi rằng em có gì cần nói thêm, than vãn thêm không, hãy nói cho hết đi, anh nghe đây. Thế là bà dịu xuống và bà cảm thấy hơi quê quê nên thôi.

Ông Hai nói khi già, mắt yếu, cầm cuốn sách lên là móc túi tìm cái kiếng. Không có kiếng thì đành chịu thua. Khi đó, mình ít đọc sách hơn ngày xưa. Rất nhiều bạn ông than phiền rằng dạo này, sách vở, báo chí họ in chữ nhỏ hơn, khó đọc. Không phải đâu! Mắt mình mờ, kém chứ không phải chữ in nhỏ lại. Mấy anh trẻ hỏi ông có bực mình vì mắt kém không, ông Hai nói rằng: việc chi mà bực, phải mừng chứ đừng bực. Mừng và cám ơn khoa học tiến bộ, giúp cho mình còn thấy rõ hơn, nghe rõ hơn mà nếu mình sống mấy trăm năm trước thì đã mù lòa và điếc đặc rồi. Dù cho nghe ít, thấy không rõ hoàn toàn nhưng có thấy, có nghe đã là quá quý rồi. Tuổi đã cao mà còn thấy được người thương yêu, con cháu, bạn bè, còn xem truyền hình, phim truyện thì đã nhận được rất nhiều ân phước của trời ban cho. Phải biết cảm nhận và cám ơn Trời!

Bây giờ, đi đâu xa, ông cũng ngại. Ði du lịch, điều nghĩ đến trước tiên của nhiều người già như ông không phải là cảnh đẹp, điều hay, cái lạ mà nghĩ đến cái cầu tiểu. Không biết nơi đó có hay không (?) Cứ vào quán xá, hội trường thì có thói quen, trước tiên là xem cầu tiểu nằm đâu. Quán nào mà không có cầu tiểu thì đừng hòng có nhiều ông bà già bước vào. Ông rất sợ mai đây xui xẻo, người ta tôn ông lên làm lãnh tụ vì thấy mấy ông lãnh tụ đứng đọc diễn văn, họp báo, duyệt binh, diễn hành, đứng hàng giờ, phải nín tè, khó chịu, mệt và khổ lắm. Ông cũng rất ngại ngủ ở nhà lạ, cứ nửa đêm, nhiều lần mò mẫm trong bóng tối dậy đi tiểu, xối nước ào ào làm người khác mất ngủ. Chưa kể lạ nhà, đêm tối, lạc đường mở lầm cửa phòng vợ, con người ta thì cũng bẽ bàng!

Một lần, bà vợ đè đầu ông xuống mà nhuộm tóc cho ông. Mấy hôm sau, lên xe công cộng, ngồi vào ghế dành cho người cao niên, ông thấy có một ‘lão trượng’ đứng nhìn ông chằm chằm như ngầm hỏi sao không nhường ghế ngồi cho người già cả. Ông đoán chắc chín mươi phần là ‘lão trượng’ kia còn nhỏ tuổi hơn ông, ông cứ ngồi lì, làm lơ. Nhưng khi thấy hành khách chung quanh nhìn như thúc dục, như nhắn nhủ bằng ánh mắt khó chịu thì ông nhột quá, đứng dậy nhường ghế cho lão trượng kia. Ông nghĩ không lẽ phải thét lên là tôi còn già hơn lão và không lẽ phải móc căn cước ra mà chứng minh? Thôi thì đứng dậy cho bớt nhột và ngượng ngùng. Rồi tự an ủi rằng đứng cũng là một cách tập thể dục tốt.

Khi có ai hỏi tuổi, ông Hai Hô cũng tự cộng thêm gần chục năm. Thế là thiên hạ rối rít khen trẻ, xít xoa, hỏi làm sao mà giữ được trẻ trung như thế. Ông cười, nói đùa rằng cứ theo đúng lời dạy vàng ngọc của người xưa để lại là ‘đêm bảy, ngày ba’ cho khí huyết lưu thông, điều hòa thì cơ thể trẻ trung mãi. Ông nói rằng, nếu có khai trụt đi năm ba tuổi cũng chẳng có lợi ích gì vì mình đâu có toan tính chinh phục, tán tỉnh ai. Khai trụt tuổi, đôi khi người ta còn chê là trông già trước tuổi.

Lại nữa, phong tục của mình là kính trọng người lớn tuổi nhưng các bà, các cô thì khi nào cũng giấu tuổi, cứ 18 tuổi thì khai là 16, khi 20 khai là 18 và lúc 23 khai là 20. Cứ khai trụt vài ba tuổi và cảm thấy sướng khi được người khác tin. Khi phải đoán tuổi phái nữ, ông thường rộng rãi hạ xuống cho các bà, các cô từ năm đến bảy tuổi để họ sướng mà ông không mất chi cả, cũng là làm một điều thiện nho nhỏ trong ngày, làm cho người khác vui, yêu đời hơn.

Dạo sau này, khi ông ăn uống, thường thức ăn bị đổ vung vãi. Nhiều lần ông tự bảo là cẩn thận nhưng hình như cái tay nó không hoàn toàn theo mệnh lệnh của cái đầu nữa. Ðưa cơm vào miệng không gọn gàng, cứ rớt ra vài chút. Ðôi khi tay run mà ông không biết. Ông cho đó là dấu hiệu của tuổi già. Nhiều lần bà vợ ông nhăn nhó, la nạt vì làm đổ thức ăn. Một lần ông nhớ lại câu chuyện đứa bé đẽo cái chén gỗ, cha mẹ hỏi đẽo làm gì, nó nói là để sau này cho cha mẹ ăn như cha mẹ đã cho ông nội ăn chén gỗ. Ông nhỏ nhẹ nói với vợ rằng nhờ bà đẽo cho ông một cái chén gỗ rồi mỗi bữa dọn cho ông ăn sau vỉa hè, bên thềm. Nghe thế, bà vợ nhìn ông một lúc lâu rồi rưng rưng nước mắt. Từ đó, bà hết cằn nhằn khi ông làm đổ thức ăn. Ông hay quên, đôi khi đi xuống nhà kho mà ngẩn ngơ không biết định xuống để làm gì, quên trước, quên sau. Một bạn già của ông nói nếu ‘cái đó’ mà ông Trời không bắt dính chặt vào người thì có khối ông già để quên trên xe buýt, trên tàu điện, ngoài công viên và khi cần đi tiểu thì chạy quanh, quýnh lên mà tìm không ra! Còn triệu chứng khác nữa là làm biếng tắm, đôi khi hai ba ngày ông chưa tắm. Cứ nghĩ là có làm chi dơ đâu mà phải tắm nhưng rồi nhận ra thì tuổi già sợ lạnh, nhạy cảm với cái lạnh nên ngại tắm. Vì thế, có nhiều cụ già có mùi, họ đâu biết. Ông phải rán tập thói quen nóng lạnh chi cũng ráng tắm mỗi ngày một lần, ngoại trừ trường hợp đặc biệt.

Bà mẹ ông 92 tuổi đi ăn tiệm, cắn càng cua-rang-muối nghe rau ráu, thực khách trong tiệm tròn mắt ra mà nhìn. Còn ông thì ngay cả bánh mì mềm của Mỹ cũng không dám cắn, dùng tay xé nhỏ ra rồi bỏ vào miệng. Bà mẹ ông ăn uống không kiêng cữ chi cả, thịt heo quay, vịt quay, cá chiên, gà chiên, bún bò giò heo, phở, nước béo, các thứ độc địa đều ăn tuốt. Thế mà bà không cao mỡ, không cao máu dù thân thể tròn quay. Cái đó cũng nhờ trời cho. Nhiều bác sĩ cũng khuyên bà cứ ăn uống thả dàn cho sướng cái miệng, đừng kiêng cữ làm chi nữa khi ở cái tuổi này.

Nhiều ông bạn của ông kiêng khem kỹ lắm, kiêng đủ thứ. Họ xem ba thứ sau đây ngang hàng với thuốc độc: ngọt, mặn và béo. Họ ăn lạt, không dám ăn đường, ăn béo. Thấy đồ chiên là họ đã tái mặt. Họ ăn mãi quen miệng và thấy các thứ thức ăn không mùi, không vị kia cũng ngon bởi khi đói thì cơm thiu, cơm cháy cũng thành ngon. Có kẻ bảo uổng quá, phí thức ngon của trời cho nhưng những người kiêng cữ này nói rằng không tội chi đem chất độc vào người rồi bệnh hoạn, hối không kịp!

Một ông bạn cho biết rằng theo nghiên cứu của đại học Rockefeller thì có ba điều kiện để cho người già khỏe mạnh và ít bệnh là:

1) ăn bằng một nửa của bữa ăn bây giờ,

2) thể dục thường xuyên,

3) làm tình đều đều.

Ông không tin và cho rằng cái đó chỉ đúng cho người Mỹ mà thôi. Mỗi bữa, họ ăn miếng thịt to bằng bàn tay, một bữa ăn của họ thì mình có thể ăn ba bốn ngày mà chưa hết. Nếu mình chỉ ăn bằng một nửa của bây giờ thì sẽ suy dinh dưỡng, sớm bị đau ốm mà chết. Còn chuyện thể dục thường xuyên thì đúng trăm phần trăm. Phần làm tình đều đều, có lẽ không ai chắc vấn đề là còn làm được hay không mà còn đòi đều đều. Mình cứ ăn bình thường, đừng ăn quá no, cũng đừng ăn đói. Cứ theo cái đạo trung dung của người xưa đã bày ra từ mấy trăm năm nay: Rượu chè, nếu uống được thì uống vừa vừa, cũng tốt cho sức khoẻ, đừng say sưa là được. Lâu lâu cũng ráng vui vợ, vui chồng cho khỏi lạt lẽo. Ông Hai đã chữa bệnh biếng ăn cho nhiều bạn bè rất công hiệu. Ðó là đừng ăn vặt và chờ cho khi thật đói mới ăn, chưa đói rã thì chưa ăn. Như vậy thì ăn gì cũng thấy ngon.

Ông có quan niệm phóng khoáng hơn về sự sống và cái chết. Ông cho rằng, chết là một tiến trình của đời sống, hợp với luật thiên nhiên của tạo hóa. Sợ chết là vô lý. Không ai tránh khỏi cái chết, không sớm thì muộn. Ai cũng sẽ chết cả. Ngay cả Phật, Chúa, Thần thánh cũng phải chết, huống chi mình là người trần mắt thịt. Chúa Giê-Su chết lúc mới 33 tuổi. Phật cũng chết, thọ không bằng các ông, các bà cụ bây giờ.

Cứ thử nghĩ, nếu già mà không chết thì bây giờ trên thế giới có đến hơn chín mươi phần trăm cụ già, cụ nào cũng mấy trăm tuổi, mấy ngàn tuổi, ho hen, run rẩy, chậm chạp thì lấy ai làm lao động mà nuôi các cụ? Nhân loại sẽ đói cho vêu mỏ ra. Già thì phải chết để cho thế giới được trẻ trung hóa. Khi nào anh chị nghe tin một người già chết mà lòng không buồn, không thương tiếc thì anh chị được giác ngộ rồi đó. Có chi mà buồn? Nếu người chết không để lại một gánh nặng gia đình, một đàn con dại cần nuôi dưỡng, dạy dỗ, một bà vợ chân yếu tay mềm thì mừng cho người ta thoát được cái hệ lụy của trần gian. Khỏi lo công ăn việc làm, khỏi lo nhà cửa, khỏi lo thương ghét, ghen tuông, giận hờn, khỏi lo khai thuế cho đúng hạn kỳ. Khoẻ ru ru!

Nếu người chết đã cao tuổi, trong nhiều năm nằm một chỗ, không nói năng, bại liệt, ăn bằng cách bơm qua ống nối với bao tử, nghe họ chết mà mình khóc lóc, tiếc thương, bi ai thì hóa ra là không biết điều. Muốn người ta bị kéo dài thêm cái cực hình đó lâu hơn nữa rồi mới được chết sao? Nhiều khi, con cháu mừng cho thân nhân họ được chết mà mình thì sụt sùi thương tiếc.

Ông thường nói trong tuổi già, sức khoẻ là quý nhất. Nhưng nếu ai đó có sức khoẻ tốt, không hề đau ốm thì cũng là một sự nhàm chán. Họ đâu biết họ đang có cái quý báu nhất trong đời. Lâu lâu phải đau vài trận để nhắc nhở và nhớ rằng không ốm đau là sung sướng, là hạnh phúc lắm lắm. Làm sao bọn trẻ và những người khoẻ mạnh biết được cái hạnh phúc, cái sung sướng của người già khi buổi sáng ngủ dậy mà thân thể không đau rêm, nhức nhối?

Cũng như nếu người ta chưa sống dưới chế độ kềm kẹp, hà khắc thì làm sao biết được nỗi sung sướng khi được đặt chân lên miền đất tự do? Nên quan niệm rằng với sức khoẻ nào cũng tốt cả, đừng so sánh với trường hợp tốt hơn. Cứ vui với cái sức khỏe mà mình đang có . Ðược khoẻ nhiều thì sướng nhiều, khoẻ ít cũng sướng hơn vì chưa đến nỗi tệ hại lắm. Nhớ đi khám bác sĩ đều đều, để khám phá ra bệnh, kịp thời chạy chữa. Một người bạn ông cho biết không dám đi khám bệnh thường niên vì sợ ‘bói ra ma, quét nhà ra rác’, thế nào bác sĩ cũng tìm ra bệnh này, bệnh nọ trong cơ thể và thêm lo. Cứ để thế rồi khi bệnh nặng thì chết. Bà vợ ông này khổ sở lắm nhưng không thuyết phục ông được. Ông còn nói bác sĩ thường cho uống thuốc chữa bệnh này thì sinh ra thêm bệnh khác nữa. Hoặc bác sĩ chẩn đoán sai bệnh là thường. Có người đọc báo cáo y khoa cho biết trên nước Mỹ, mỗi năm có đến hai trăm ngàn người chết do hoặc thương tật vì bác sĩ kém hiểu biết hoặc sơ suất gây ra.

Theo ông Hai Hô thì đừng sợ vì bác sĩ giỏi nhiều hơn bác sĩ dở và bác sĩ có lương tâm nhiều hơn bác sĩ thiếu lương tâm. Ðừng vì một số trường hợp xấu mà sợ đi khám bệnh. Khám bệnh để biết trước mà đề phòng, để chữa trị khi bệnh mới chớm, còn kịp chữa trị dễ dàng hơn. Ðể ung thư ăn tràn lan ra rồi thì chỉ có phép lạ mới cứu được. Người ta có thể mạnh khỏe cho đến khi chết. Ðó là trường hợp hiếm hoi. Nhưng đau yếu trong tuổi già là thường, không đau yếu là bất thường. Có một người than rằng cứ đi vào, đi ra trong nhà hoài, chán quá.

Ông Hai bảo rằng được đi vào đi ra như thế là sướng lắm rồi, sao mà chán vì có nhiều người khác mong được đứng dậy đi vài bước mà không làm được vì bệnh. Nhưng theo ông thì cái người nằm liệt trên giường cũng tìm được cái thú vui riêng khi nghe nhạc, nằm mơ mộng, nghĩ đến các kỷ niệm thời còn vàng son, nhớ đến những tội lỗi nho nhỏ mà họ đã phạm một cách cố ý và thích thú.

Ông Hai Hô tập thể dục đều đặn. Ông nói không ai chối bỏ được ích lợi của thể dục dù già dù trẻ. Không bao giờ trễ để bắt đầu tập thể dục. Không thể dục thì tấm thân nhão nhẹt ra, rất dễ làm mồi cho bệnh hoạn. Ði bộ trong tuổi già là tốt nhất. Còn khỏe thì đi nhanh, yếu thì đi chậm hơn, yếu hơn nữa thì chống gậy mà đi. Có vận động là tốt. Ði bộ, xương đỡ rỗng, đỡ gãy tay chân khi vấp té. Ði bộ cũng làm cho mặt mày trẻ ra, lưng đỡ còng, thân thể đỡ đau đớn, mệt mỏi. Ði bộ cũng vui, nhất là đi với vợ, với chồng, nói đủ thứ chuyện vui buồn. Nhưng khi bà vợ bắt đầu cằn nhằn vì những chuyện không đâu thì phải giả vờ chạy để bà lại phía sau cho bà nói với cột đèn, cằn nhằn với cây cỏ. Không có vợ đi cùng thì đi với bà cụ hàng xóm cũng vui. Bà sẽ không bao giờ dám cằn nhằn ông vì những chuyện không đâu. Bà sẽ lịch sự hơn. Ði với bà hàng xóm, ông bảo, đừng sợ thiên hạ hiểu lầm, cũng đừng sợ chính bà ấy hiểu lầm. Không hiểu lầm thì tốt. Hiểu lầm thì càng tốt hơn vì làm cho bà ấy vui, làm bà nghĩ là còn sáng giá, còn có người ngưỡng mộ đến cái nhan sắc mùa thu của bà. Bà sẽ yêu đời hơn, sẽ ăn ngon, ngủ được, thế thì ông cũng đã làm được một điều thiện nho nhỏ. Ông nói ông được nghe chuyện một bà cụ 88 tuổi, bà nói rằng phải đi bộ, phải tập thể dục để chống lại bệnh hoạn. Mỗi ngày, bà đi bộ hơn một giờ. Bà nói rằng: ‘Mình phải biết tự thương mình. Con cái có thương mình, chúng có thể cho tiền bạc, quà cáp chứ không cho mình sức khỏe được. Mình phải tự lo lấy để mà sống cho vui, sống cho có… chất lượng’.

Ông nói rằng thể dục làm tăng tuổi thọ chứ không làm giảm. Ngoại trừ ham tập, tập quá sức thì lăn kềnh ra mà chết, mau lắm. Bơi lội là tốt nhất, vận động đủ các thứ bắp thịt nhưng tuổi già thường sợ nước, sợ lạnh. Cái gì sợ thì không nên làm, hại cho sức khoẻ, hại thần kinh.

Mỗi lần nghe có người than là mất ngủ, ông thường nói say sưa về bệnh nầy. Theo ông thì những người nầy, đã ngủ đủ, ngủ thừa nên không ngủ thêm được mà tưởng là mất ngủ. Vì ban ngày, họ cứ thấy mệt, mắt ríu lại là ngủ những giấc ngắn. Nên biết, ngủ một giấc chừng 15 phút lúc ban ngày có thể tương đương với một giấc ngủ 1 hay 2 giờ ban đêm. Mỗi đêm, người bình thường chỉ cần ngủ ngon chừng 3 hay 4 giờ là đủ mạnh như gấu bắc cực. Nếu không ngủ ngày thì đêm về, ngủ dễ lắm. Không phải tuổi già là mất ngủ. Bằng chứng cho thấy chó mèo già ngủ li bì, ngủ ngày, ngủ đêm, ngủ liên miên. Người già dư thì giờ, ban ngày ngủ rồi thì ban khó ngủ là chuyện thường.

Ông thường nói rằng đừng sợ mất ngủ. Khi không ngủ được thì dậy đọc sách, viết thư, làm thơ, xem truyền hình, gõ máy vi tính, đọc thư bạn bè, hãy tận hưởng cái thời gian quý báu đang có. Rồi chờ cho thật buồn ngủ, không thức nổi nữa thì vào giường nằm, sẽ ngủ được ngay và ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng. Ðừng ép giấc ngủ, ép giấc ngủ sẽ khó ngủ hơn. Cũng đừng uống thuốc ngủ. Ðại kỵ. Uống thuốc ngủ nhiều làm hư hại hệ thống thần kinh. Ðừng nằm nhắm mắt mà đếm cừu, nếu phải đếm thì đếm những người tình cũ thì mau ngủ hơn. Nếu đời chỉ có một hai người tình thôi thì đừng đếm một hai, một hai, không có lợi. Hoặc nằm mà hát trong trí những bài ca du dương, đẹp, gợi nhiều kỷ niệm êm ái, thân thương.

Bà chị ông, cứ than phiền là mất ngủ nhưng khi đi chơi, hễ cứ leo lên xe thì quẹo đầu ngáy khò khò, ngủ suốt buổi, suốt ngày, ngủ mà quên xem phong cảnh. Ngủ như thế thì no rồi, dư rồi nên khi đến khách sạn thì làm sao mà ngủ thêm được nữa. Bà chị nói đi chơi xa sợ mất ngủ. Bà ấy thực sự ngủ nhiều hơn ai cả mà bà tưởng là mất ngủ. Một chị khác than là mất ngủ kinh niên, ghé nhà ông chơi, ông nói là sẽ chữa bệnh mất ngủ cho chị. Ông dẫn chị kia đi chơi, suốt ngày lội bộ, chị vừa đi vừa ngủ gật, ông không cho ngủ. Ông nhờ hết việc này qua việc nọ, không để chị có thì giờ mà ngủ gật. Ðêm không cho đi ngủ sớm. Mới mười giờ đêm, mệt quá, chị năn nỉ xin đi nằm và đánh một giấc ngon lành dài đến sáng hôm sau.

Trong mấy hôm liên tiếp, đêm nào chị cũng ngủ li bì, ngủ ngon, không cần thuốc thang chi cả. Ông truyền bí quyết là không ngủ ngày, mệt mấy cũng không ngủ, ban đêm đừng đi ngủ sớm, phải chờ cho mắt ríu lại, mở không ra mới đi ngủ thì ngủ ngon!

Nhiều người già tự đặt cho họ một kỷ luật để sống. Theo ông thì có kỷ luật cũng tốt mà không kỷ luật lại càng khỏe hơn. Nhiều người tính tình nghiêm khắc, mọi sự đều phải răm rắp đúng như quy định mới chịu. Tội chi vậy, nếu không răm rắp mà không chết ai, hại ai thì răm rắp làm chi cho khổ mình, khổ người? Nên dễ dãi với mọi sự, dễ dãi với chính bản thân mình, kẻo tội nghiệp nó. Khắc kỷ cũng là điều hay nhưng tội gì mà tự khắt khe với chính mình, người khác không khắt khe thì thôi. Nên cứ xem mọi sự như trò chơi. Chơi vui nhiều thì tốt, vui ít cũng tốt luôn. Ông không mong cái tuyệt đối, hoàn hảo.

Trong một cuộc chơi, ông không hy vọng được tất cả mọi người tham gia, có ít vui ít, có nhiều vui nhiều. Hai ba chục người cũng vui, mà năm bảy bạn bè cũng vui luôn. Nếu hụt một cuộc chơi, một cuộc gặp gỡ, ông cũng không tiếc, chẳng sao cả, ông về nhà mở nhạc, mở TV ra mà thưởng thức. Ông nghĩ, được thêm một dịp nghỉ ngơi, yên tĩnh. Có lần đi trễ máy bay? Ông bình tĩnh xin đi chuyến sau mà không được. Ông cũng cười, không bực mình, quay về nhà, pha một bình trà, đem một tập thơ ra mà ngâm vịnh, nằm ngửa mà thưởng thức cuộc tranh tài thể thao. Ông nói, đôi khi nhờ trễ một chuyến máy bay mà sống sót nếu máy bay rớt. Chiều ra ngoài quán uống cá phê xem sinh hoạt phố phường. Nói chuyện tào lao với chủ quán, là dzui!

Ông không bao giờ tranh luận gay gắt với ai. Ông nói, tranh luận làm chi cho mệt, rồi giận nhau? Trong tuổi già, khi có cuộc tranh luận thì tránh là tốt nhất . Nếu không tránh được thì chịu thua đi, thắng làm chi, để cho đời ngắn lại? Thắng tranh luận, làm thiên hạ ghét, làm mất lòng bạn, làm người bị thua tức giận và nóng mặt, không ưa mình. Không ai ghét người thua trong cuộc tranh luận. Người thắng cuộc, dễ bị ghét hơn. Thử đánh một ván cờ xem, nhường cho đối phương thắng, làm họ vui hơn, không chừng mình được đãi đằng hậu hĩ hơn.

Ðến nhà người ta, mà cãi nhau, tranh thắng, làm họ mất mặt với vợ con, với bạn bè, thì đừng mong chi được tiếp đãi thắm thiết. Khi thua, mình không thiệt thòi, mất mát chi cả, mà lại được thương mến, tại sao không chọn tình thương, mà chọn cái bị ghét. Thắng tranh luận, cũng chưa chắc mình đã giỏi hơn người, mà giỏi hơn để làm chi? Và cũng chưa chắc ngưòi ta đã chịu cái lý của mình là đúng. Trong tình vợ chồng cũng vậy, nhiều ông nhiều bà tranh hơn thua từng ly, từng tí, cãi vã nhau tưng bừng về những điều không ích lợi chi cho ai cả. Rồi giận nhau, nói nặng nhau, làm nhau đau đớn vì lời nói thiếu tử tế, thiếu lịch sự. Có ích lợi gì đâu. Tranh nhau thắng thua, làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình, làm mất đi thì giờ quý báu bên nhau, làm không khí gia đình nặng nề. Ðừng bao giờ nói là phải làm cho ra lẽ, không thì hóa ‘lừng’. Hãy cứ để cho chồng mình, vợ mình ‘lừng’ đi, cho họ sướng. Tại sao đi ra ngoài, không dám ‘lừng’ với thiên hạ, mà về nhà lại ‘lừng’ nhau làm chi cho mất vui.

Ông thường nói, cứ chịu thua đi là khỏe nhất. Ông đã thua thì không việc chi mà ai đó gây hấn thêm. Ðúng hay sai, ông tự biết. Không cần tranh luận nhiều. Có tranh luận thì cũng chưa chắc đã thuyết phục được đối phương mà không gây mất mát. Mỗi lần phải tranh luận với ai thì ông nhớ lại chuyện ông Pol Pot. Ông này đã giết chết hơn hai triệu dân vô tội, tức khoảng một phần ba dân số Kampuchia của ông thời đó. Thế mà cuối đời, khi sắp chết, ông Pol Pot nói với một phóng viên Tây phương rằng, những điều ông đã làm là lợi ích cho dân tộc của ông. Nhớ chuyện đó, làm ông đỡ ngứa miệng xen vào những cuộc tranh luận.

Khi có ai chê bai ông, ông chẳng bực mình, không giận hờn mà cứ cười, và xem như không. Ông tự nhủ, biết đâu ông cũng đáng chê, đáng trách. Nghe thiên hạ chê, để mà sửa mình, biết mình còn cái chưa hay, sai sót. Không phải ông là kẻ mặt dày không biết xấu hổ, nhưng thiên hạ chê mà không phản ứng, thì như gió qua truông. Có một ông khác, bị vợ chê bai hoài, chê đủ thứ. Ông nầy chỉ cười mà nói với bà vợ rằng, ông không ngờ bà xui xẻo đến thế, lấy phải một thằng chồng tệ hại như vậy, tội nghiệp cho bà quá. Bà vợ nghe mà chột dạ, và biết đã ăn nói quá trớn.

Khi nghe ai khoe khoang, ông cũng không bắt bẻ, không lật mặt thật của họ ra, sợ làm cho họ xấu hổ, bẽ bàng. Ông cứ giả vờ tin, để mà đãi họ vài phút vui sướng, cũng là làm được một việc thiện nho nhỏ. Ông không mất gì, và chẳng thiệt hại cho ai mà cuộc đời này thêm vui, thêm tử tế. Bởi nghĩ thế mà ông làm.

Ông Hai Hô quan niệm rằng, trong tuổi già, có hoài bão thì cũng tốt, mà không có hoài bão chi cả, thì tốt hơn, và khôn ngoan hơn. Khi trẻ, nhiều thì giờ, nhiều năng lực mà chưa có hoài bão nào làm xong thì khi già rồi, mong chi đạt được. Tội chi đeo vào thân cái hoài bão cho khổ. Già rồi, đừng xem cái gì là quan trọng cả. Từ danh vọng, tiền tài, tình yêu. Ngay cả cái mạng sống của mình, cũng đừng xem là quá trọng. Có lần, ông đến thăm một nhà văn đang nằm thoi thóp, miệng ngậm một cái que gỗ có thấm nước cho đỡ khát, sắp chết vì ung thư. Ông nhà văn còn thao thức vì một tác phẩm để đời chưa khởi đầu được. Chết chưa an lòng. Ông nói: “Thôi bác ơi, chuyện gì mình chưa làm được, thì thế nào con cháu mình sau này cũng làm. Yên tâm mà dưỡng bệnh đi”.

Ông Hai Hô cho rằng, cứ năm ba ông bà bạn già gặp nhau, uống vài ly trà, cà phê, mà nói chuyện nhảm cũng là một thứ hạnh phúc trong đời. Ông nói, dù đến để nghe thằng bạn già nó chửi mình, cũng cứ dzui, được người ta chửi, tức còn có người để ý đến mình, còn hơn là không ai khen, ai chửi cả. Những dịp ra mắt thơ, ra mắt sách, ông thường tham gia cho cuộc họp thêm xôm tụ. Cho tác giả sướng. Ông khoái các buổi ca nhạc cây nhà lá vườn, tài tử. Nó cũng có những cái hay của nó.

Những buổi họp mặt anh em bạn cũ, ông không bao giờ bỏ qua, ông nói là không tham dự thì uổng lắm. Ông cho rằng, tuổi già mà còn gặp lại được bạn xưa, thì không còn gì quý báu hơn . Nằm nhà xem sách, xem truyền hình, đá banh, đâu vui bằng gặp bạn cũ. Gặp dịp vui thì cứ vui kẻo uổng, biết mình còn sống được bao lâu nữa mà mãi phí ngày giờ chạy theo lợi lộc . Mỗi khi có ai mời đi đám cưới, tiệc tùng, ông đến đúng giờ, mà thiên hạ tà tà đến trễ, ông cũng không bực mình. Bởi người ta quen giờ cao su rồi. Họ có cả trăm ngàn lý do để biện minh. Ông có đến sớm, thì cũng có cái lợi khác, được nói chuyện, gặp gỡ, tâm sự tào lao với những bạn bè mà từ lâu ít có dịp gặp nhau. Cũng vui và quý. Dễ chi có cơ hội thuận tiện để gặp nhau. Ðến khi dọn thức ăn ra, không còn cơ hội để nói chuyện nữa vì ai nấy lo gắp, lo nhai... không rảnh mà nói chuyện. Khi ăn xong thì bạn bè vội vã ra về vì đường xa, vì đêm khuya, vì mệt nhọc. Bởi vậy, ông cứ vui với cái bê bối của thiên hạ, và bằng lòng với câu ‘Không ăn đậu là không phải Mễ, không đi trễ là không phải Việt Nam’. Ông Tư Hô thường nói, tuổi già, cứ phiên phiến với mọi sự cho khoẻ, cho sướng cái thân già của mình .

BÙI ĐẸP st.

Nhân ngày Gia Đình Việt Nam 28/6

XIN ĐỪNG TƯỚC ĐOẠT

QUYỀN ĐƯỢC YÊU THƯƠNG CỦA TRẺ CON

Nhân đọc các ý kiến quanh bài “Đàn ông đơn thân có con” cũng như “Những cô gái thích nuôi con một mình”, tôi xin góp chút ý kiến sau đây.

Cũng phải nhìn nhận là về sau này rất nhiều người thành đạt khi vẫn còn đang trẻ tuổi và độc thân. Thành đạt tất nhiên đồng nghĩa với kiếm được nhiều tiền, mà hiện nay hầu như mọi việc đều có thể dùng tiền để giải quyết được. Chính vì vậy, mà thay vì cần một “bờ vai” để nương tựa thì người phụ nữ thấy là bờ vai đó lại phải kèm theo sự chịu đựng với bao nhiêu thứ khác, nên nghĩ rằng thà sống một mình, thà rằng tự kiếm một đứa con để nuôi cho khỏi phiền…

Cánh đàn ông cũng thế. Họ thấy rằng nếu mọi việc đều có thể dùng tiền để giải quyết tại sao lại phải cần ràng buộc cuộc đời với một người phụ nữ với bao nhiêu rắc rối phức tạp? Nhưng bản năng làm cha làm mẹ vẫn thôi thúc họ muốn có con. Vì thế, họ lại nghĩ đến việc đơn phương tìm một đứa con, và đơn giản nghĩ đến việc nuôi dạy nó cũng thuần túy bằng tiền. Họ sẽ cho con họ dinh dưỡng tốt nhất. Ăn mặc đẹp nhất. Đến những trường học cao cấp nhất... Theo họ, bao nhiêu đó là đủ để cho đứa bé sau này ra đời sẽ tiếp tục thành đạt nhờ vào một loạt những đầu tư cao cấp đó!

Thế nhưng, một điều rất căn bản mà họ quên là những đứa trẻ không chỉ cần ăn, mặc, học hành, mà cần lắm sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương, giáo dục của cả cha lẫn mẹ. Xã hội càng văn minh thì càng nhiều cạm bẫy. Vì thế, trong khi người cha hay người mẹ bận ra ngoài kiếm tiền để lo cho gia đình, thì đứa con vẫn cần được quan tâm theo dõi bởi người cha hay mẹ ở nhà. Chúng ta không thể bỏ mặc con cho nhà trẻ hay cho vú nuôi, rồi chỉ cần kiếm thật nhiều tiền để lo cho nó ăn ngon, mặc đẹp, học trường danh tiếng, cung cấp mọi thứ nó cần là đủ! Gia đình là nơi thiêng liêng ràng buộc những thành viên với nhau. Trong đó, mọi người chia sẻ buồn vui và quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Những đứa trẻ được bảo vệ, được yêu thương và lớn lên trong môi trường như thế lớn lên sẽ không bị bất ổn về tâm lý, dù cha mẹ nó có khó khăn, nghèo khổ.

Trẻ con không phải là búp bê hay sinh vật cao cấp, chỉ cần ăn ngon mặc đẹp, học giỏi mà gọi là trưởng thành. Cuộc đời con trẻ có nhiều giai đoạn. Khi đứa con trai bắt đầu lớn, nó cũng rất cần người cha để chỉ dạy những điều riêng tư thầm kín mà nó không thể tâm sự được với mẹ, mà học hỏi với bạn bè là điều rất nguy hiểm! Con gái cũng thế. Một người mẹ dịu dàng để cho nó nương tựa là điều không thể thiếu. Rõ ràng tình cảm gia đình, có đủ cha, mẹ là những thứ mà tiền nhiều cỡ nào không thể thay thế được. Qua điều tra về tội phạm cho thấy, đa phần chúng xuất thân từ những gia đình không hạnh phúc, thiếu vắng tình phụ tử, mẫu tử, nên tâm trí bị tổn thương. Vì thế, chúng hành động trong vô thức như một cách để trả thù đời!

Hơn nữa, đường đời còn dài, có chắc rằng những người cha, người mẹ đơn thân đó có đủ kiên định để ở vậy nuôi con suốt đời hay không? Hay lúc nào đó lại đổi ý, tạo thêm oan nghiệt cho đứa trẻ, vì bắt nó phải chấp nhận một người cha hay mẹ hoàn toàn không dính dáng tới mình?

“Con không đẻ, dạ không thương”, hay “khác máu, tanh lòng” là câu mà ông bà ta thường nhắc đến khi nói đến trường hợp những cha kế, mẹ kế khắc nghiệt! Chưa nói đến cuộc đời đâu mãi suôn sẻ, chúng ta có chắc rằng mình luôn thành công, mạnh khỏe để một mình có thể nuôi dạy, bảo bọc cho con cho đến lúc nó trưởng thành, đủ tự lực vào đời? E rằng khi chúng ta nhận ra, có hối hận đã muộn! Lúc đó, chỉ tội cho những đứa trẻ có những người cha, mẹ đã cạn nghĩ như thế. Khi người thân duy nhất ra đi, một mình đứa trẻ phải chống chọi với biết bao nhiêu bất trắc, giông bão của cuộc đời, trách sao nó không ngã quỵ và trở lại oán hờn cha hay mẹ?

Cho nên, xét kỹ mọi mặt, tôi thấy rằng: Xã hội vẫn tôn trọng quyền tự do của mỗi người. Nhưng xin những cô gái, chàng trai trẻ thành đạt, đừng chỉ nghĩ đến nhu cầu và sự tự do của bản thân mình rồi tước đoạt quyền có đủ cha mẹ và được âu yếm, yêu thương của cả cha, lẫn mẹ của con trẻ. Chỉ cho nó có một nửa vòng tay, để nó phải sống mà thiếu sự che chở cứng rắn, dìu dắt của người cha, và sự dịu dàng rất cần thiết của người mẹ.

Có nhiều đứa trẻ đã thèm thuồng khi đi học, nhìn bạn bè có đủ cha mẹ, nên không mặc cảm, tha hồ tung tăng đùa giỡn, còn chúng lại bị hỏi “ba mầy, mẹ mầy đâu, sao không bao giờ thấy đến đón mầy?”. Những câu nói đó như những vết dao cứa vào nỗi bất hạnh của chúng, mà cha, mẹ đơn thân không thể bù đắp được! Lớn lên, ra xã hội thì bị hụt hẫng, vì thiếu người cha, người mẹ có kinh nghiệm để chỉ dạy, dìu dắt! Và tệ hại nhất là cảnh những đứa trẻ bị cha kế, mẹ kế đánh đập dã man, thậm chí còn xâm hại! Tội cho chúng lắm các bạn trẻ ơi! Xin đừng đẩy đứa con yêu thương bé bỏng của mình vào cảnh đời bất hạnh như thế. Đừng bắt nó phải tổn thương, phải chịu đựng một số phận nghiệt ngã. Chúng nó đâu có muốn ra đời trong hoàn cảnh như thế! Và lúc đó chúng ta sẽ xin lỗi nó cách nào, khi đã phá hỏng cuộc đời nó? Đừng để hối tiếc khi đã muộn màng! Hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định, các bạn trẻ nhé.

Tâm Nguyện


Ca trù Việt Nam

Phụ Bản II

TRUYỆN KIỀU

DỊCH SANG TIẾNG HUNG-GA-RI

Trong đời sống văn học Hung-ga-ri vừa có thêm một sự kiện: Truyện Kiều của Nguyễn Du được xuất bản qua bản dịch của nhà thơ Ton-đô-ri Đê-duê và Trương Đăng Dung.

Như vậy là từ nay, bạn đọc Hung-ga-ri được trực tiếp thưởng thức tác phẩm văn học lớn nhất của nền văn học cổ điển Việt Nam qua bản dịch công phu từ nguyên bản. Từ nhiều năm nay, Nhà xuất bản Châu Âu ở Hung-ga-ri đã dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm văn học Việt Nam. Năm 1980, nhân kỷ niệm lần thứ 600 năm sinh của Nguyễn Trãi, tuyển tập thơ Nguyễn Trãi đã ra mắt bạn đọc kịp thời. Tuyển tập văn học Việt Nam từ thời xưa đến trước Cách mạng Tháng Tám đang được biên soạn khẩn trương.

Ý định dịch và giới thiệu Truyện Kiều được Nhà xuất bản Châu Âu quan tâm từ lâu. Đầu năm 1982, Nhà xuất bản Châu Âu đề nghị anh Trương Đăng Dung, cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học lúc đó đang làm nghiên cứu sinh ở Hung-ga-ri cộng tác và dịch Truyện Kiều sang tiếng Hung bằng văn xuôi. Với ý thức trách nhiệm và niềm vinh dự được dịch một tác phẩm văn học cổ điển lớn của dân tộc, anh Trương Đăng Dung tranh thủ những thời giờ còn lại rất ít của một nghiên cứu sinh, lao động nghiêm túc, cần cù, cố gắng dịch với mức hiểu biết cao nhất của mình. Việc dịch một tác phẩm như Truyện Kiều dù chỉ là dịch văn xuôi, không phải là một công việc đơn giản. Để bản dịch thành thơ được thực hiện tốt, người dịch sang văn xuôi một mặt phải trung thành với nguyên bản, mặt khác còn phải biết lột tả hết tinh thần và chất thơ của các câu thơ trong nguyên bản. Sau mỗi câu thơ được dịch sang tiếng Hung, anh Trương Đăng Dung đều chú thích thêm về thủ pháp nghệ thuật của Nguyễn Du, về ý nghĩa của các hình ảnh, có lúc anh phải sử dụng linh hoạt nhiều khả năng ngữ nghĩa trong việc chuyển hóa cách nói dân gian Việt Nam trong Truyện Kiều sang tiếng Hung. Tháng 10-1983, nhân chuyến đi công tác sang Hung-ga-ri, chúng tôi đến thăm Nhà xuất bản Châu Âu. Đồng chí giám đốc đã tiếp chúng tôi và rất khen ngợi sự cộng tác của anh Trương Đăng Dung. Chúng tôi cũng có dịp chứng kiến buổi duyệt lại lần cuối bản dịch giữa anh Dung và nữ biên tập viên Con-lơ-ma E-va, một chuyên gia nổi tiếng về văn học phương Đông. Anh Dung tâm sự với chúng tôi rằng dịch Truyện Kiều là mơ ước của anh từ hồi anh còn là học sinh của khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Bu-đa-pét. Càng hiểu biết về các nền văn học ở châu Âu, anh càng yêu quý nền văn học dân tộc ta và tha thiết được góp phần giới thiệu nền văn học của chúng ta ra thế giới.

Có được bản dịch công phu từ nguyên bản sang văn xuôi bằng tiếng Hung rồi, khâu cuối cùng quyết định là việc chuyển thành thơ bản dịch đó. Nhà thơ Ton-đô-ri Đê-duê đã hết sức cố gắng trong việc làm này. Anh là nhà thơ trẻ, nổi tiếng từ những năm 70. Theo dư luận hiện nay ở Hung-ga-ri, anh là dịch giả có trình độ cao và có tài năng nhất. Anh dịch nhiều, hầu hết các tác phẩm văn học cổ điển của thế giới đều đến với bạn đọc Hung-ga-ri qua các bản dịch của anh. Không phải ngẫu nhiên mà Nhà xuất bản Châu Âu giao cho anh chuyển thành thơ tác phẩm của Nguyễn Du. Mặc dù không biết tiếng Việt, Ton-đô-ri có nhạy cảm đặc biệt mà ta thường thấy ở các nhà thơ có tài khi được dịch một tác phẩm lớn như Truyện Kiều. Sau khi nhận bản dịch văn xuôi của Trương Đăng Dung, anh đã làm việc và trao đổi ý kiến với Trương Đăng Dung rất kỹ. Cả hai người đều quyết tâm giữ nguyên hình thức thơ như trong Truyện Kiều, không theo bất cứ bản dịch bằng tiếng nào trước đây. Tuy nhiên do đặc trưng của ngôn ngữ Hung-ga-ri, số chữ trong các câu của bản dịch không thể là 6 - 8 mà phải theo một thể “lục bát” kiểu Hung do Ton-đô-ri sáng tạo.

Việc giữ nguyên hình thức thơ này tất nhiên làm cho người dịch gặp nhiều khó khăn hơn, vì người dịch phải quan tâm đến số chữ đã được quy định của các câu, đến thi pháp dân tộc của nguyên bản, nhất là đến quy tắc gieo vần.

Cùng góp phần vào thành công hôm nay của bản dịch Truyện Kiều, còn có công sức của tập thể các đồng chí làm việc tại Nhà xuất bản Châu Âu. Chúng ta cảm ơn đồng chí Đô-mô-cô-sơ I-a-nốt, giám đốc nhà xuất bản là người có nhiều tình cảm đặc biệt dành cho văn học Việt Nam. Cũng vì trân trọng giá trị của Truyện Kiều mà đồng chí chỉ cho xuất bản các bản dịch Truyện Kiều khi đã được hoàn thiện. Gia-len I-a-nốt, nguyên tùy viên văn hóa sứ quán Hung tại Việt Nam là người đã thu thập các bức tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam để minh họa cho bản dịch, làm cho bản dịch Truyện Kiều thêm sinh động và hấp dẫn. Chị Con-lơ-ma E-va, người chịu trách nhiệm biên tập bản dịch này đã làm việc tận tâm, khoa học để hoàn thiện bản dịch.

Truyện Kiều được xuất bản trong tủ sách những tác phẩm văn học cổ điển lớn nhất của thế giới bằng một loại giấy đặc biệt, đẹp, in khổ rộng, thoáng có những bức tranh dân gian Việt Nam minh họa. Một giáo sư Hung từng sang thăm và giảng về văn học ở Việt Nam đã viết cho chúng tôi từ Bu-đa-pét: “Chỉ sau một tuần, Truyện Kiều đã được bán hết ở các hiệu sách thủ đô. Bạn đọc Hung-ga-ri thật may mắn được lấy Truyện Kiều làm món quà tặng nhau nhân ngày lễ Nô-en và mừng nhau nhân dịp năm mới. Truyện Kiều sẽ làm cho nhiều người yêu thích và quan tâm hơn đến nền văn học của các anh. Truyện Kiều không còn là của riêng của dân tộc anh, nó là sản phẩm tinh thần có giá trị nhất của chúng ta”.

Giáo sư HOÀNG TRINH

- ĐỖ THIÊN THƯ st.

CON CHIM SẺ

(Bài thơ văn xuôi)

Đi săn trở về,

tôi đưa chân trên lối hàng cây trong vườn nhà.

Con chó săn lon ton chạy phía trước tôi.

Bỗng nhiên nó chậm bước và bắt đầu đưa chân dón dén, dường như vừa nhận ra trước nó có con mồi.

Tôi đưa mắt lướt nhìn dọc theo lề lối đi hàng cây

và nhìn thấy một chú chim sẻ non với dải mép vàng bên mỏ và túm lông tơ trên chỏm đầu.

Nó bị rơi từ trên tổ xuống (gió đã lay mạnh chao đảo tán cành bạch dương bên đường hàng cây)

và sẻ non ngồi đó, bất động và yếu ớt,

xòe rộng đôi cánh mới nhú.

Con chó săn của tôi chậm chạp tiến tới gần sẻ non,

thì đột nhiên, bật khỏi cành cây bên cạnh,

một con sẻ già ngực phủ lông đen tuyền

lao như một tảng đá xuống ngay trước mõm con chó -

và toàn thân nó xù lông lên, biến dạng,

cất tiếng chíp chíp tuyệt vọng và thảm thiết,

nó nhẩy mấy bước thẳng hướng cái mõm chó

nhe rộng hai hàm răng.

Sẻ già liều mạng để cứu nguy,

nó lấy thân mình che chở cho đứa con nhỏ của mình…

nhưng toàn thân bé nhỏ của nó run rẩy vì sợ hãi,

tiếng kêu lạc hẳn và khản đặc,

nó chết lặng, nó hy sinh thân mình!

Hẳn nó phải thấy ra con chó

quả là một quái vật khổng lồ khủng khiếp nhường nào!

Nhưng dù sao đi nữa nó cũng không thể ngồi yên

trên cành cây trên cao, yên ổn của mình…

Sức mạnh, hơn cả ý chí, đã ném nó xuống đây.

Con chó Trezor của tôi sững bước, giật lùi lại…

Rõ là, cả nó cũng nhận ra sức mạnh này.

Tôi vội gọi giật con chó đang bối rối

- và nó dường như sùng kính, lảng ra.

Phải, xin các bạn đừng cười.

Cả tôi cũng kính phục trước con chó nhỏ bé anh hùng,

trước khí thế tình yêu thương của sẻ.

Tình yêu thương, tôi thầm nghĩ, mạnh hơn cả cái chết

và nỗi sợ hãi cái chết.

Cuộc sống trụ vững và chuyển biến chỉ nhờ ở nó,

nhờ vào tình yêu thương.

Tháng Tư năm 1879

Thúy Toàn dịch - 4/2017

NHÂN MÙA PHẬT ĐẢN

Có lẽ Đức Phật THÍCH-CA

Cũng chưa hài lòng được mấy,

Khi thấy hơn 2.500 năm rồi,

Ngài vẫn độc tôn mãi…

Phải rồi,

Ngài giáng sinh đâu phải để riêng thành,

Mà là vì lợi ích khắp quần sanh,

Mở Con Đường Giải Thoát giữa Vô Minh:

“PHẬT QUÁ KHỨ LÀ TA,

PHẬT TƯƠNG LAI LÀ TẤT CẢ”.

Lời nói ấy giờ trở thành xa lạ,

Giữa đám người mừng Phật của ai đâu !

Đúng như thế !

Phật của Thích-Ca đã sinh,

Phật trong ta còn ở mãi nơi nào ?

Mừng Lễ Phật có bao giờ ta tự hỏi :

Nầy cờ, quạt, hoa đăng mừng mở Hội,

Hoa lòng ta khép kín đợi bao giờ ?

08.07.87

Tâm-Nguyện

PHIÊU DU

Từng nốt nhạc phiêu du
Đưa hồn ai viễn xứ
Ngày hong lên tóc muộn
Gió gọi đùa như tên

Bay về hướng lãng quên
Một vầng mây trắng muốt
Chênh vênh tình thu muộn
Rót vào chiều heo may

Níu vào một cơn say
Gạt lòng câu tỉnh thức
Đắng một niềm cay nhức
Nhói tận cùng tâm can

Rơi một tiếng vỡ tan
Là rồi câu ly biệt
Bóng xưa từng thao thiết
Nay huốt vào phiêu du.

Đàm Lan

PHƯỢNG BUỒN

Phượng bay tan tác lạnh lùng
Thẫn thờ nhớ mảnh tình hồng ngày xưa
Bên nhau bước nhỏ chiều mưa
Hai tà áo trắng tình chưa hẹn hò

Đợi nhau luống cuống ngây ngô
Sợ ai ngó thấy... ơ hờ tình qua,
Bên nhau, thuở ấy ngọc ngà
Sân trường e ấp lụa là ý thơ...

Ngàn tia nắng hạ bơ vơ
Lao xao tiếng gió đầu bờ ve ru
Phượng bay gió cuốn xa mù
Tìm nhau mòn mỏi phù du đất trời

Hôm nay nhặt cánh Phượng rơi
Nhớ nhung tím cả khung trời mộng mơ
Thời gian vội vã hững hờ
Tình ơi, có biết Ngày Xưa Phượng Buồn...

Phạm Thị Minh-Hưng

NỖI ĐAU THẦM

Như con thiêu thân lao vào ánh lửa

Em dại khờ gõ cửa trái tim anh

Cùng mây khép ngàn thu đâu mở nữa

Em tự mình nhuộm tím ý thơ xanh.

NGÀN PHƯƠNG

TRẺ

Tóc xanh đã nhuộm màu sương tuyết

Tím pha sắc tím - tím bâng khuâng

Tình yêu mong mỏi vầng trăng khuyết

Riêng mỗi hồn thơ - vẫn giữa xuân !

NGÀN PHƯƠNG

KHI ANH CHẾT…

Mai anh chết - em ghi vào nhật ký

“Người yêu tôi trọn kiếp đã xa tôi”

Nhưng em lại khắc sâu vào ý nghĩ

“Ôi - người tình lòng dạ bạc như vôi”

Mai anh chết - khăn tang em sẽ viết:

“Suốt đời mình ngăn cách với chia phôi”

Em không khóc - không kêu gào thảm thiết

Chỉ nhủ thầm: “Thần tượng đã lìa ngôi”

Mai anh chết - vì anh em dạo khúc

“Cho một người nằm xuống - Mất anh rồi”

Nhưng sâu thẳm tâm hồn em tủi nhục

“Anh chỉ toàn gian dối với em thôi”

Mai anh chết - em đề lên nấm mộ

“Từ đây - hai lối rẽ ngút ngàn xa”

Nhưng tận đáy tim sầu run nức nở

Em bảo lòng: “Ôi phản bội điêu ngoa”

Mai anh chết - em chôn vào huyệt lạnh

Tập thư tình hẹn ước của ngày xưa

Em tự nói với mình: “Ôi bất hạnh…

Duyên phận tàn như sớm nắng chiều mưa

Mai anh chết - em xin thề tha thứ hết

Không oán thù, uất hận chẳng hờn căm

Không hé môi trách móc - chỉ trầm ngâm

Sợ Thượng Đế đày anh vô địa ngục.

NGÀN PHƯƠNG


LỜI CỦA ĐÊM MƯA

Khi hiểu ra thì đường đã sũng nước.
Và cõi lòng ngập lụt những trái ngang.
Chỉ vì ta có một phút ngỡ ngàng
Mà đời chảy vào hút sâu nuối tiếc.

Phải chi ta đừng bao giờ mải miết
Theo tiếng gọi của lúc ấy thần tiên
Phải chi ta có một chút nhắm nghiền
Đôi mắt dại, thôi nhìn đời rạo rực.

Khi hiểu ra, chỉ còn là thao thức.
Canh cánh bên lòng chấm hỏi riêng mình.
Chợt đêm khuya những thức giấc phân vân
Sẽ làm gì cho mình thôi tự vấn.

Khi hiểu ra, lòng ta thêm vướng bận:
Chuyện ngày qua trộn lẫn vạt mây mù
Với tương lai, liệu mãi đến… thiên thu
Có tha thứ cho mình từng dại dột.

Ta nhắc mình đừng bao giờ ủ dột
Đừng tàn phai dẫu mưa lẫn lệ đời.
Ta giục mình, hãy gắng sức mà bơi
Hãy hỉ hả khi bờ xa dần đến.

Thực sự ta cần chi ngoài ánh nến
Mảnh son môi, và gương lược dịu hiền
Ta sẽ cười với con bé trong gương
Nom mi cũng còn tươi, đừng có khóc…

LAM TRẦN 30.11.2013

Thần Chết và Tiều Phu

La Mort et Le Bucheron

(Fables de La Fontaine)

Tiều phu áo rách mỏi mê

Đang khuân bó củi nặng nề trên vai

Thở than kiếp sống trần ai

Lê chân bước ngắn, bước dài nhà tranh

Cuối cùng đuối sức phải đành

Để bó củi xuống nghĩ quanh kiếp người

Vui chi từ thuở ra đời

Thường khi đói khát, chẳng nơi an nhàn

Vợ con nheo nhóc cưu mang

Thuế thân, quân dịch, nợ nần khắp nơi

Già nua, bệnh tật, hỡi ơi !

Mới gọi thần chết… Đến nơi tức thì !

Thần rằng: “Ngươi gọi ta chi ?”

Tiều xin: “Đỡ bó củi này lên vai”

Cái chết có giải quyết ngay ?

Xin đừng tránh né kiếp này mà chi

Hiếu sinh là tánh lạ kỳ

Thà rằng sống khổ chết đi không đành…

Thanh Châu chuyển ngữ

ĐỜI TIẾN BỘ

Sáng thức dậy cơ hành tiến chạy

Các ngành nghề bén nhạy khắp nơi

Đường thôn nay đã láng ngời

Điện đài rực rỡ cảnh đời đỉnh cao

Già với trẻ hồng hào dáng vẻ

Gái cùng trai cội rễ an khang

Sống vui sống khoẻ chữ nhàn

Trăm hoa đua nở mở mang sự đời

Người chăm chỉ tùy thời tùy vận

Kẻ tham lam ăn chận máu xương

Ở sao đừng vấp tai ương

Tấm lòng ngay thẳng không lường của ai

Biết như thế ra tài xã hội

Đem sức mình theo lối tiền nhân

Cứu dân độ thế xa gần

Đừng vì ích kỷ bạn thân chê cười.

LANG NGUYÊN

TỰ HÀO TUỔI 70

Bảy mươi chưa hẳn là rành

Học khôn học khéo để dành hộ thân

Bé thơ bé khoẻ bé lanh

Chưa gì biết rõ hơn anh chị mình

Do nơi xã hội văn minh

Gờ meo vi tính nó tinh hàng ngày

Giỏi thêm điện thoại cầm tay

Rờ vô mặc định rõ ngay hình hài

Gởi thơ tin tức tới ngay

Tây, Tàu, Mỹ, Úc chẳng sai nơi nào

Truyền hình mau lẹ sắc màu

Già nên học hỏi cho mau để dành

Mời anh mời chị đua tranh

Ngón tay dù chậm trí lanh sáng hoài

Cố công ta ráng dồi mài

Văn minh lối mới không tài bị chê

Theo thời đổi lớp đủ bề

Đầu tư trí tuệ ta về cùng nhau

Kết lời xin nói một câu:

Bảy mươi chưa hẳn bã trầu bỏ đi…

LANG NGUYÊN

LỜI BIA MỘ

Lời một tấm mộ bia trong nghĩa trang

1

Ta đứng nơi này đã sáu năm

Trải bao nắng dãi với mưa dầm

Đông hết, Xuân qua rồi Hạ đến

Ta nhìn lá rụng biết Thu sang

Mây xám quanh năm phủ kín đầu

Thảm sầu, trời đất cũng xanh xao

Vũ trụ thở dài nghiêng mặt khóc

Cỏ dại cỏ hoang tím một màu

Ta đếm bạn bè bằng ụ đất

Một ngày bia đá một thêm đông

Khanh tướng công hầu khi đã mất

Trắng mắt, trắng tay, trắng cả lòng…

2

Một buổi, ta nghe đất chuyển mình

Tưởng chừng mặt nhật cũng rung rinh

Gió nép trong mây, ngưng tiếng thở

Ngột ngạt hàng cây ủ rũ nhìn:

Gần chục người phu đồng phục trắng

Khiêng chiếc áo quan, bước ngập ngừng

Nén hương khói quyện nhòe di ảnh

Giữa hai hàng nến ướt rưng rưng

Rũ rượi theo sau một đám người:

“Ơi con! Ôi cháu! Hỡi anh ơi!...”

Tiếng gọi, tiếng than hòa tiếng nấc

Nỗi đau sao kể được thành lời ?

Rồi bới, rồi chôn, rồi lấp kín

Khi đất, khi hoa ngậm ngùi buông

Nắng long lanh giấu cơn gió nghẹn

Sỏi đá vô tri cũng quặn lòng.

3

Từ đấy, chiều chiều, gần bên ta

Có cô gái trẻ mắt nhạt nhòa

Đến mộ người yêu ngồi kể lể

Tâm sự một mình với bóng ma:

“…Anh ở phương nào, vui lắm không?

Nơi đây hoa cỏ tím như lòng

Em đếm nỗi đau qua sợi tóc

Khi vầng trăng lệch nép bên song…”

Ta lắng tai nghe, lòng ngậm ngùi:

“Này cô gái ơi, trời tối rồi!

Lau mắt cho khô, che lại nón

Mau về đi thôi!… Về đi thôi!…”

Nhưng người con gái chỉ ngồi im

Bốn hướng tám phương chợt chuyển mình

Gió cát từ đâu ào ạt xoáy

Sao cô vẫn gục đầu, lặng thinh ?

4

Buổi sáng, khi vừa tan giấc mộng

Giật mình, ta thấy gần bên chân

Thêm tấm mộ bia ai mới dựng

Mộ nàng đặt cạnh mộ tình quân

Trăng tủi, mây thương, gió nghẹn ngào

Hoa tàn, cỏ úa… Tại vì đâu?

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu!” (*)

GIÁNG NGỌC (G.Đ.)

(*) Thơ Triệu Diễm Tuyết (TQ)

Lời tự tình của em

Nắng tháng tư mà mưa cũng tháng tư

Bông bí trổ cùng ruộng khô nứt nẻ

Đời mãi cứ đan xen niềm vui và nỗi khổ

Tôi luyện con người từ thuở khóc tu oa

Anh bồng em trên đường vắng thật xa

Bàn chân đất vì nhà mình không dép

Em lại khóc anh vội vàng nhanh bước

“Ráng ráng em ơi mẹ cắt lúa kia kìa”

Lúa le hoe vài khóm chín vàng

Cả mẫu ruộng chỉ gom về vài táo*

Ký ức tuổi thơ với những ngày rau cháo

Khát sữa bú tay mình cứ lớn từng ngày

Quê hương mình nơi nhiều quá thiên tai

Nơi khốc liệt của tháng ngày chinh chiến

Nơi để lại lòng mình biết bao nhiêu lưu luyến

Quảng Trị ơi ngày tháng cũ xa rồi

Bông bí vàng không còn nở lẻ loi

Quá rực rỡ khoe sắc hương thuần khiết

Lúa lại trổ nguyện cầu trời ban phước

Mưa bão đừng về hãy thương lấy miền Trung

Em lấy chồng sống ở đất phương Nam

Nhớ quê mẹ ngày mưa dầm nắng hạn

Cùng rèn luyện gian nan dày dạn

Để hôm nay kiêu hãnh làm người.

Nguyên Lê

* Táo là một thúng lúa khoảng 10kg chưa khô

TÌNH ẢNH

Giao Thừa chín chín

Mặc ai ước mong

Tiền tài, danh vọng

Hình Em anh nhìn !

Đêm Xuân thanh vắng

Bốn mắt giao thoa

Hai hồn thăng hoa

Tình yêu chiến thắng

Anh sẽ thức trắng

Đêm đầu năm nay

Nhìn Em đắm say

Niềm vui tràn đầy

Trong năm tới đây

Rồi cơn HẢO MỘNG

Sẽ được anh xây

Thành cơn THỰC MỘNG

Đôi ta sẽ sống

Chẳng cần sang giàu

Chỉ cầu cho được

Suốt ngày bên nhau

Tình ta cho nhau

So trên trần thế

Nghìn trước nghìn sau

Chưa ai nhiều bằng

Hai đứa trẻ măng

Mãi chẳng biết già

Tình của HAI TA

“Tình yêu VĨNH HẰNG !”

Mồng 1 tháng Giêng 1999

3 giờ sáng

VŨ ANH TUẤN

LOVE PORTRAIT

On New Year’s Eve of 99,

Ignoring other people’s wishes

For wealth and for glories

I keep looking at YOUR lovely portrait…

Throughout this serene and noted springnight

Our four eyes blissfully look at one another

Our two enlightened souls sublimate

And LOVE comes out a great winner !

On the first day of this NEW Year

I shall happily stay up all night

Passionnately looking at your beloved portrait

And my elated heart is filled with delight

In this coming God Blessed Year

Our longtime cherished Good Dream

Shall indubitably be transformed

Into a lovely materialized idyll

We both shall not lean

Towards a super-rich life

All that we require,

Is being constantly side by side !

The everlasting LOVE we are sharing

When compared with all the loves in this world

In thousands of years past, and in thousands of coming years,

Shall never be equalled in WORTH !

Forever young we shall remain

Never knowing Old Age’s meaning

And the LOVE we’re sharing

Is simply eternal, eternal.

Translated by VŨ ANH TUẤN

Nói với muối tiêu

Mỗi lần đến với hội thơ

Xóa tan bao nỗi bơ vơ não lòng

Đi qua điểm lại vài vòng

Cô Bác Anh Chị ngược dòng về đây

Thơ ca đàm đạo vui lây

Bao nhiêu bệnh tật bủa vây mãi hoài

Sân chơi không thấy lạc loài

Hội viên chủ nhiệm đã ngoài năm lăm

Xế chiều thật lắm oái oăm

Ở nhà sao mãi trầm ngâm muộn phiền

Đến đây đa số bạn hiền

Bao nhiêu bệnh tật kể liền kết thân

Tiểu đường - Nhức mỏi tay chân

Ung thư - Huyết áp toàn thân rã rời

Nhiều bệnh khó nói ra lời

Mắt - Tai - Mũi - Họng… rối bời tâm can

Biết bao hoàn cảnh trái ngang

Tâm tình thông cảm vái van điều lành

Thơ ca cầu chút chân thành

Tốt lành - vui khỏe dỗ dành hàn huyên

VŨ THÙY HƯƠNG

SUY NGẪM

Đã lâu không gặp bạn hiền

Tưởng là bị bệnh nên liền đến thăm

Nào ngờ bạn khỏe như vâm

Hỏi thăm thì bạn trầm ngâm trả lời

Giao lưu mà dạ rối bời

Bởi nghe bình phẩm nặng lời chê bai

Thế thì là đúng hay sai

Thế thì chẳng lẽ giả nai phớt lờ

Thấy bạn buồn bã vô bờ

Tôi đành an ủi đợi chờ bạn vui

Mong sao sầu não đẩy lui

Phân tâm chú ý bùi ngùi làm chi

Sá gì cao ngạo chi li

Bạn bè tình nghĩa ngại chi phê bình.

VŨ THÙY HƯƠNG

CỎ MAY

Em về thăm bụi cỏ may

Ngắm dòng sông thấy bên đầy, bên vơi

Người đi xa tận chân trời

Mượn ai nhặt hộ một thời cỏ may.

BS. DOANLINH

LÁ CHIỀU

Chiếc lá cong như chiếc thuyền trăng

Lênh đênh giữa biển gió

Phút lãng du thăng hoa về bến đậu

Cũng ngất ngây tình

Về với đất để tiếp tục hồi sinh

Sự sống mọc mầm từ đất…

Lan tỏa không ngừng

Cho đời những mảnh xanh

Ngoài kia những chiếc lá vàng

Cứ thảnh thơi tung tăng gió

Đã cống hiến hết mình

Trở về cát bụi tìm nhau…

BS. DOANLINH

ĐÍNH CHÍNH

Trong bản tin 130 trang 77 và 78 có hai bài thơ Chuyện cũ “Gương xưa” và Năm mới làm “Thơ” được ghi là Bs Doan Linh. Xin được đính chính lại đó là hai bài “Gương xưa” và “Thơ” của Nhựt Thanh đã được NXB Hội Nhà Văn cấp phép và xuất bản 25.11.1916 và đã được Bản tin giới thiệu trong số 130 trang 117.

Ban Biên Tập

LỐI CŨ

Tôi về lối cũ vẫn còn nguyên

Hàng lau rũ bóng đứng nghiêng nghiêng

Dòng sông cuộn chảy xanh xanh biếc

Gió nhẹ từng cơn nắng dịu hiền

Xuân về tìm lại bóng người thương

Qua cầu tre nhỏ bắt ngang mương

Nhưng sao chẳng thấy nàng ra đón

Canh cánh niềm riêng thấy chán chường

Đã mấy mùa thu xanh ước mong

Tìm về lối cũ bước thong dong

Thoáng nghe hương lúa mùa thơm ngát

Man mác tình quê thấy chạnh lòng

Tôi về lối cũ vẫn như xưa

Ven suối bờ mương rợp bóng dừa

Xa xa đồng cỏ bầy chim sáo

Nắng chiều gió nhẹ phớt lưa thưa.

NGÔ BÁ MẠNH

CHIỀU XỨ LẠNH

Tặng Kim Nguyệt

Trở về Đà Lạt đôi ngày

Ngắm trăng mờ chiếu lung lay mặt hồ

Băng theo đồi núi nhấp nhô

Xa xa sơn nữ dăm cô áo chàm

Chiều lên đầy khói sương lam

Hoàng hôn xuống thấp đêm nằm trên non

Gió khuya lạnh giá trong hồn

Nhớ người năm ấy có còn nơi xưa

Sớm mai trời vẫn giăng mưa

Đường qua dốc đó sao thưa bóng người

Bóng chiều đổ xuống chơi vơi

Lặng nhìn chốn cũ một thời yêu thương.

HOÀI LY

KẺ Ở MIỀN XA

Đi đâu cũng nhớ đến quê nhà

Dù ở chân trời bao cách xa

Đầy đủ tiện nghi nhà cửa lớn

Cửa hàng đa dạng để mua quà

Nhưng lòng vẫn hướng về quê cũ

Phụ giúp gia đình trải rộng ra

Xuân hạ thu đông đều Lộc quả

Thân nhân gia tộc trông về ta.

QUANG BỈNH

CẢNH QUÊ

Quê ngoại dòng sông giữa cánh đồng

Triều lên chảy rộng ruộng mênh mông

Phù sa bồi dưỡng thêm màu mỡ

Bông lúa trĩu cành hạt giống trồng

Vùng đất phì nhiêu luôn nước ngọt

Nhà nông chăm bón hạt đơm bông

Đằng xa trâu nghỉ nhai rơm đập

Phong cảnh miền quê đẹp cánh đồng.

QUANG BỈNH

NGƯỢC DÒNG

Với cái nhìn sâu lắng của “người thơ”

Sớm cảm nhận được những gì đang biến đổi

Một triều đại hùng cường mà ta hằng mong đợi

Hay xót xa bởi sự đời hư ảo, hưng vong

Ta khinh bỉ thứ danh lợi bọt bèo

Mà bao kẻ tầm thường chạy theo thèm muốn

Ta cô độc giữa đám đông giả dối

Bởi đường họ đi, không hợp với hồn mình

Dù khó khăn ta chấp nhận ngược dòng

Ngược dòng đám đông để làm điều mình thích

Vì tổ quốc, vì nhân dân làm việc gì có ích

Đều vinh quang đâu nhất thiết phải làm quan.

LÊ MINH CHỬ

NG2

Phải chăng

Tiền tài và địa vị

là mục đích

và hạnh phúc của con người

Đã sinh ra ở đời

Chịu sinh, lão, bệnh, tử

Trầm luân trong bể khổ

Giữa người với quỷ dữ

Thích Ca bỏ giàu sang

Vợ con cùng ngai vàng

Tiền tài và địa vị

Mới tìm được chân lý

Còn lòng tham, sân, si

Thì đừng có ảo tưởng

vì con đường Chân lý

Không có đường “Đế Vương”.

LÊ MINH CHỬ

HỘI VIÊN

Hè về sum họp hội viên

Chứa chan giọng nói Phong Điền quê cha

Đồng hương hội tụ một nhà

Tâm hồn thanh thản tuổi già vơi đi

Sương chan nắng gội lo gì

Chung trà chén rượu nhâm nhi ấm lòng

Canh đời nghiên bút hằng mong

Ấm lòng bằng hữu... càng đông lên dần

Tin buồn phụ mẫu tứ thân

Niềm đau tuổi hạc từ trần nơi đâu

Đan tay hỷ lạc bắc cầu

Viếng thăm phúng điếu nỗi sầu sẽ vơi

Vượt lên những nấc thang đời

Ung dung thanh thản con người thêm xuân

Dặm trường khúc khuỷu gian truân

Bây chừ đáo tuế nghìn lần vượt qua

Vô tư trong cõi ta bà

Tang thương dâu bể có ta với mình

Giữ gìn đạo lý đệ huynh

Bia đời tạc đá thâm tình bên nhau.

Đoàn Việt

TRĂNG XA

Ta đứng ở bên này đất nước
Nhìn con trăng sáng chợt nao lòng
Chẳng hay người ở bên trời ấy
Có ngước nhìn chung trăng sáng không?

Trăng mới trăng vui trăng rộng quá
Lòng ta đầy rượu mắt đầy trăng
Người xa đang thức hay đang mộng
Có ủ trăng đầy trong gối chăn?

Ta mở lòng khuya nghìn cửa sổ
Cho trăng bên nớ tới bên này
Thơ em đằm thắm mùi hương tóc
Hơi thở thơm mềm trên cánh tay

Thôi nói làm chi đêm sẽ cạn
Rằng trăng sẽ nhạt giữa thinh không
Mai trăng về hẳn bên kia núi
Còn lại thơ em cũng ấm lòng.

Thiếu Khanh

The Distant Moon

I am standing here in the country
Looking at the bright moon wonderingly
Whether you in that distant continent
Are looking at the moon this same moment

How immense the new and happy moon is in sight
My mind is filled with wine,

and my eyes with moonlight

Are you now staying awake or in dreams ?

Are your pilow and blanket soaked

with the moonbeams ?

In a thousand windows my heart is open
The moon there shall be here to make one
Your poems are softly scented with your hair
On my arm your breaths perfume the air

Do not say the night will not stay
And the moon would fade away
Even when the moon has fallen behind the hills
Your poems are still warm as my heart feels.

Translated by the Author

VÀO PHÚT ẤY

THÌ EM NÊN ĐẾN NHÉ

Ta đã xa nhau suốt cả cuộc đời rồi

Vào phút ấy thì em nên gần nhé

Đứng ở vòng ngoài, nói cười khe khẽ

Như một người dưng…

Anh vẫn nhận ra em

Ta đã không nhau, tất cả mọi ngày đêm

Vào phút ấy thì em nên có nhé

Dù bận thế nào, em cũng nên lặng lẽ

Đi theo anh… chỉ một đoạn đường thôi

Ta đã quên nhau, trong tất cả mọi buồn vui

Vào phút ấy thì em nên nhớ nhé

Hình như đài đưa tin

Hình như ai nói thế

Hình như là chả ai nói gì đâu…

8-2001

TRẦN NHUẬN MINH

YOU SHOULD COME

AT THAT MINUTE

We have been far away from each other throughout our life

At that minute will you be near enough

Just stay outside and talk and laugh softly

Like a stranger…

I’ll still recognize you

We didn’t have each other everyday and every night

At that minute you ought to be present

However busy you might be, you should keep silence

And follow me… only for a road section

We had forgotten each other in all happiness and sadness

At that minute you ought to remember

It seems the radio has carried the news

It seems someone has said so

It seems nobody has said anything…

8-2001

TRẦN NHUẬN MINH - Translated by VŨ ANH TUẤN

DỊCH THUẬT

OCTAVIO PAZ

Mọi văn bản đều là duy nhất, đồng thời lại là bản dịch một văn bản khác. Không một văn bản nào hoàn toàn độc đáo, vì bản thân ngôn ngữ đã là diễn dịch: trước hết là diễn dịch thế giới không lời; sau nữa, là vì mọi ký hiệu, mọi cách diễn đạt đều là sự diễn dịch một ký hiệu khác, một cách diễn đạt khác. Nhưng lập luận này có thể đảo ngược mà không hề mất đi giá trị của nó: mọi văn bản đều độc đáo vì mọi bản dịch đều khác nhau. Mỗi bản dịch, trong một chừng mực nào đấy là một sáng tạo, và vì lẽ đó là một văn bản duy nhất.

Nguyên tắc không bao giờ tái hiện trong ngôn ngữ khác (đó là điều không thể có); thế nhưng nguyên tắc vẫn luôn có mặt, bởi lẽ, tuy bản dịch không nói hẳn ra song nó luôn luôn dựa vào nguyên tắc, hoặc biến nguyên bản thành một vật thể ngôn từ, mà vật thể này dù có độc đáo mấy đi nữa, vẫn thể hiện lại nguyên tắc bằng hoán dụ hay ẩn dụ. Khác với lối dịch mang tính giải thích diễn giải dông dài, cả hoán dụ lẫn ẩn dụ đều là những hình thức chặt chẽ, không phải là không phù hợp với tính chính xác: hoán dụ là sự miêu tả gián tiếp, và ẩn dụ là một phương trình ngôn từ.

Trong mọi khả năng diễn dịch, khả năng bị lên án nghiêm khắc nhất là dịch thơ. Lên án thế cũng lạ, vì nên nhớ rằng nhiều tác phẩm trong các thi phẩm hay nhất của mọi ngôn ngữ Tây phương lại là bản dịch, mà trong các bản dịch ấy nhiều bản là công trình của những bậc thi hào lớn.

Nhiều nhà thơ không dịch được thơ không chỉ vì lý do tâm lý (cho dù bệnh tự tôn cũng có phần trong đấy) mà vì lý do chức năng: dịch thơ là một công việc giống như làm thơ, có điều nó được thực hiện ngược chiều.

Trong văn xuôi, ngữ nghĩa thường là đơn nhất; ngược lại, như nhiều người đã nói, một trong những đặc thù của thơ, có thể là đặc thù chính, là giữ được tính đa nghĩa của từ ngữ.

Thực ra, đây là một đặc tính chung của ngôn ngữ, được nhấn mạnh trong thơ song cũng được biểu hiện trong ngôn ngữ hằng ngày và cả trong văn xuôi.

Nằm trong chuyển động không ngừng của ngôn ngữ, nhà thơ chọn lựa lấy một vài từ ngữ - hoặc bị các từ ngữ ấy lựa chọn. Nhà thơ kết hợp các từ ấy lại với nhau làm thành bài thơ và bài thơ ấy trở thành một vật thể ngôn từ gồm những ký hiệu không thể thay thế và bất di bất dịch. Còn điểm xuất phát của người dịch lại không phải là ngôn ngữ đang chuyển động, nguyên liệu của nhà thơ, mà là ngôn ngữ tĩnh tại của bài thơ: một ngôn ngữ cứng đờ, nhưng vẫn rất sống động. Công việc của người dịch ngược chiều với công việc của nhà thơ: không phải là dùng những ký hiệu cơ động để cấu thành một văn bản bất động, mà là tháo rời các bộ phận của văn bản, làm cho các ký hiệu chuyển động trở lại, trả chúng lại cho ngôn ngữ. Cho tới đây công việc của người dịch giống công việc của người đọc và người phê bình: đọc bao giờ cũng là dịch, và phê bình bao giờ cũng là, hay bắt đầu là, diễn đạt.

Nhưng đọc là một bản dịch trong cùng một ngôn ngữ, còn phê bình là một sự phỏng dịch, hay nói cho đúng hơn, là chuyển dịch. Đối với người phê bình, bài thơ là một điểm xuất phát để đi đến một văn bản khác, văn bản của mình, còn người dịch, dùng một ngôn ngữ khác và những ký hiệu khác, phải làm ra một bài thơ tương tự nguyên tác.

Thế là, sang giai đoạn thứ hai, công việc của người dịch lại giống công việc của nhà thơ, chỉ khác lớn ở chỗ: khi viết, nhà thơ không biết trước là bài thơ của mình sẽ ra sao, còn người dịch biết trước rằng bài thơ mình viết phải tái tạo bài thơ trước mặt.

Dịch và sáng tác là hai anh em sinh đôi. Như trường hợp Baudelaire và Pound cho thấy, nhiều khi không phân biệt được đâu là dịch với đâu là sáng tác. Mặt khác, giữa hai bên luôn luôn có sự giao lưu, có một ảnh hưởng sáng tạo không ngừng tác động qua lại. Những thời kỳ lớn của thi ca ở phương Tây thường đi liền ngay sau hay diễn ra đồng thời với sự giao tiếp của nhiều truyền thống thi ca khác nhau.

Các nhà phê bình thường nghiên cứu các “ảnh hưởng” nhưng đây là một từ ngữ mập mờ… Văn phong xưa nay không biết đến biên giới ngôn ngữ… Văn phong là tập thể và chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, còn tác phẩm bắt rễ ở xứ sở ngôn từ của mình là duy nhất… Duy nhất, nhưng không tách biệt nhau bởi lẽ mỗi tác phẩm sinh ra và tồn tại trong mối quan hệ với các tác phẩm khác viết bằng những ngôn ngữ khác.

Trong mọi thời kỳ, các nhà thơ châu Âu - và hiện nay cả các nhà thơ Bắc Mỹ và Mỹ la tinh - viết ra cũng một bài thơ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và mỗi bài đó lại là một thi phẩm độc đáo, có một không hai.

Sự phối hợp đồng bộ với nhau có thể là không hoàn hảo, nhưng nếu chúng ta đứng lùi xa ra một chút là có thể nhận thấy rằng ta đang dự một buổi hòa nhạc mà các nhạc công, tuy chơi những nhạc cụ khác nhau, và không theo sự điều khiển của một nhạc trưởng nào, cũng không đàn theo một tổng phổ nào, song vẫn hợp tấu thành một nhạc phẩm tập thể trong đó phần ứng tác không tách rời diễn dịch, và phần sáng tạo gắn liền với mô phỏng. Đôi khi có một nhạc công ngẫu hứng chơi một đoạn độc tấu; các nhạc công khác liền chơi theo, nhưng vẫn tiếp tục đưa vào những biến tấu khiến cho người nghe không còn nhận ra được chủ đề ban đầu nữa,

Tháng Hai 1975.

BÙI ĐẸP st.

--------------

OCTAVIO PAZ , nhà thơ, nhà phê bình và dịch thuật Mêhicô, một trong những nhà văn lớn viết bằng tiếng Tây Ban Nha hiện nay. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ như Libertad bajo palabra (1960), Salamandra (1962), nhiều tập tiểu luận như Mê cung cô đơn (1950), Cánh cung và huyền cầm (1956), v.v…

NGUYỄN DU VÀ CÔ LÁI ĐÒ

Thuở hàn vi, tác giả của Truyện Kiều tương lai ra đất kinh kỳ Thăng Long (tức Hà Nội) ăn học. Ngày ngày, Nguyễn phải qua đò bến Bồ Đề để sang học thầy vùng Gia Lâm. Cô lái đò ngang tên Nhật vừa chèo khéo vừa duyên dáng, nền nã. Một lần Nguyễn tới bến trễ, cảm ơn cô lái đưa mình qua sông gấp, Nguyễn làm bài thơ nhờ bạn đưa cho cô lái. Thơ rằng:

- Ai ơi chèo chống tôi sang

Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra

Còn nhiều qua lại, lại qua

Giúp nhau rồi nữa để mà…

Nguyễn cố ý bỏ lửng hai chữ cuối của câu bát, dường có ý nhường cô lái điền hộ. Thẹn thò mãi cô mới buông hai chữ thật chung chung - “quen nhau”. Rồi từ đấy, giữa cảnh trời nước bao la, đôi trai tài gái sắc luôn có dịp đầu mày cuối mắt. Có sách còn chép rằng, sau đó ít lâu, chính cô gái đã bẽn lẽn bảo Nguyễn: - Bây giờ dễ thường ta đổi hai chữ “quen nhau” thành hai chữ “thương” được rồi đấy thầy khóa nhỉ! Sung sướng, Nguyễn bèn ngẫu hứng đọc ngay một bài thơ:

- Quen nhau rày đã nên thương

Cùng nhau se mối tơ vương chữ tình

Người xinh xinh, cảnh xinh xinh

Trên trời, dưới nước, giữa mình với ta

Nhà Nguyễn - vốn là đại gia - nghe biết được, bèn bắt Nguyễn đổi xuống Thái Bình học. Chục năm sau, trở lại bến đò Bồ Đề, Nguyễn chẳng còn được gặp cố nhân nữa. Chàng buồn bã ngâm:

- Yêu nhau những muốn gần nhau

Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười

Vì đâu xa cách đôi nơi

Bến xưa còn đó, nào người năm xưa ?

ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st.


Phụ nữ Việt Nam 80 năm trước do Mạnh Quỳnh vẽ

Phụ Bản III

MƯA ĐÊM

Tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà làm Xuyến tỉnh giấc. Chị mơ hồ nghe có giọt mưa rơi trên mắt mình, xuyên qua cái lỗ đinh chị chưa kịp trám. Tự nhiên chị nghĩ ngợi này kia… Giọt mưa chảy xuống môi chị dường như có vị mặn của nước mắt…

Những ngày trên ghế học đường còn rõ mồn một trong trí nhớ của chị, dù rằng cái váng vất của cơn buồn ngủ làm dòng suy nghĩ của chị đan xen giữa những ngày xưa đáng nhớ ấy với vị mặn của những giọt nước mắt mơ hồ.

Xuyến thuở ấy thật đẹp. Có rất nhiều cặp mắt dõi theo khi cô đi qua. Nhưng sức hút đáng nể nhất lại là từ Quân, một người bạn nhà nghèo. Dù ở lầu trên, nơi một cặp mắt đa tình khác luôn hau háu nhìn chị mỗi khi cô vô tình nhìn thấy gã. Vinh, tên của gã, té ra học rất giỏi, lại là con nhà giàu, nên có cái gì đó kênh kiệu qua mắt nhìn của cô. Chính điều này làm cô thấy bất an, và tình cảm của cô theo tháng ngày đã dành cả cho Quân, mà sau này thành chồng cô.

Họ có 3 đứa con đều học hành giỏi giang như bố và tươi tắn như mẹ. Rồi một cơn bạo bệnh đã cướp Quân khỏi tay người phụ nữ ấy. Chẳng hiểu vì sao mà ngay đám tang Quân, thì Vinh xuất hiện. Kể từ dạo ấy, họ có bao giờ gặp nhau đâu, tuy thỉnh thoảng có thấy nhau ở đâu đó. Vinh chỉ đến chia buồn, và tỏ ra là người nghĩa hiệp khi hào phóng giúp đỡ mẹ con chị. Chị không thể chối từ việc ấy vì nó quá tinh tế, tỉ như “thu xếp” cho cái huyệt của Quân nằm sát lối đi, hay “nói năng” sao đó mà thằng Minh, con út của chị được về học gần nhà.

Chị biết Vinh vẫn còn yêu chị. Hắn từng lấy vợ nhưng cơm không lành, canh không ngọt khiến họ rã đám từ lâu. Biết vậy, nhưng chị thấy chẳng tha thiết gì với chuyện đi thêm bước nữa, vì gánh nặng gia đình đủ khiến chị mệt nhoài. Nhưng chính mấy đứa con của chị mới là đám xúi giục chị làm sao cho chúng có “ba” mới. Chị thầm nghĩ, dù gì thì mình cũng có nhà cửa, có công việc kiếm tiền không đến nỗi tồi, nên máng thêm vào vai một cuộc tình khác, e rằng chưa phải lúc.

Nhưng việc đến thì cứ đến, để rồi một hôm xóm ngõ xì xào:

- Ừ! Thôi hết tang chồng thì lấy thằng kia cũng được chớ có sao đâu!

Vinh làm đám cưới cũng ra trò lắm. Mấy đứa con riêng của vợ khoái “dượng” vô cùng. Thôi thì dượng về ở với má tụi con luôn là hợp tình hợp lý. Kỳ thì kỳ, chứ tui về nhà vợ tui tui ở thì mắc mớ gì tới ai đâu mà phải sợ lời gièm pha. Vậy là cái nhà ấy lại có đủ 5 người như xưa, trừ ra có thêm người… trên bàn thờ thì khỏi tính.

Mãi rồi mới có người nói nhỏ vào tai chị:

- Mẹ! Mày tưởng thằng chồng mày giàu hả? Nhà nó ở thuê chớ làm gì có nhà!

Những lời như vậy khiến chị giật mình. Nhưng chậc! Có sao đâu! Miễn ảnh đàng hoàng là được rồi. Cho tới một hôm, thằng Xuân, con lớn của chị e dè nói:

- Mẹ! Sao cái vòng của mẹ người ta nói là đồ giả?

- Vòng nào?

- Thì trong tủ đó!

- Mà sao mày biết?

- Thì ngoài tiệm vàng nói mà!

- Gì mà dính tiệm vàng vô đây?

Cù cưa mãi, nó mới thú nhận vì kẹt tiền nên nó mang đại cái vòng của mẹ ra tiệm cầm đồ…

Chị trầm ngâm:

- Ừ! Đồ xưa làm cho có con ơi…

Rồi chị đem cái vòng quà cưới của Vinh ra tiệm khác coi sao, và kết quả là… sao y bản chánh!

Chị bắt đầu lờ mờ thấy có cái gì đó đang thắt quanh cái cổ đắng nghét của chị.

Chị chợt nhớ ra lâu nay, có vài món vật dụng trong nhà ít xài tới bỗng nhiên mất tích. Chính vì ít xài nên chỗ cất bao giờ cũng là khó thấy, nên khi mất thì chị cũng chẳng hề hay biết. Thậm chí có hôm chị thấy trong góc bếp có cái ống tiêm còn mới, nằm đàng sau chân chạn. Bây giờ thì chị giật bắn người khi nghĩ đến chuyện, phải chăng trong nhà này có kẻ nghiện!

Cái nhà vốn yên ấm ấy bỗng rối tinh rối mù. Nào là chuyện nhà trường gửi thông báo về nhà về chuyện chưa đóng học phí, trong khi rành rành trên lịch, chị ghi rõ số tiền chị đưa cho con chị, chồng lên màu đỏ của ô lịch ngày! Nào là chuyện Vinh đi làm bị mất xe, cái xe mà chị cố lắm mới mua cho chồng để sáng sủa mặt mày với bè bạn! Hay chuyện chị để quên đâu mất cái điện thoại, mà bây giờ chị nghi rằng, chắc có ai lấy đi, chứ chị thì có bao giờ quên!

Cái gì cũng “nã” vào người phụ nữ ấy. Vinh thì tỉnh bơ! Hắn với mấy thằng con chị chẳng hiểu sao cứ bám lấy nhau! Thậm chí, có bữa, họ còn đi nhậu chung nữa! Trời! Dường như chỉ còn chị là người lo lắng cho cái gia đình này sao! Công việc buôn bán đâu phải lúc nào cũng thuận tiện để sống chứ đừng nói là để ăn xài! Mà sao họ vô tâm thế! Mà nói thế nào đây khi đó là chồng mình, là lũ con mình! La rầy con mình thì chẳng khác chửi chồng là đồ cà chớn chuyên dụ khị con nít! Còn la chồng thì còn ra cái thể thống gì nữa chứ! Dường như cái đám đàn ông trong nhà này là lũ ăn hại cả thì phải. Thằng con chị đi cầm đồ, phải chăng là để kiếm tiền cho cha con nó chơi bời phá phách, chứ học hành gì? Chị ớ ra, khi lâu nay chị chẳng còn quan tâm tới việc học hành của mấy đứa con chị. Hỏi thì chúng ấm ớ, trong khi gã chồng của chị thì nheo nheo cặp mắt ra vẻ đa tình về phía chị:

- Em cứ yên tâm đi, yên tâm đi…

Mưa nặng hạt hơn, mắt chị ráo hoảnh. Chị bật đèn. Căn phòng sáng lên. Trong góc cột, lũ mối ở đâu lổn ngổn bò ra. Đột nhiên, chị cáu tiết. Chị chạy ầm ầm xuống nhà dưới, nơi 4 “bố con” đang mê man ngủ, chung quanh lền khên những bia là bia. Miệng chị như cái loa vặn hết công suất, rè rè mà dữ tợn:

- Dậy! Dậy hết đi, mối đầy nhà rồi kìa…

Những cái xác cứ nhịp nhàng thở…

Còn chị thu lu nơi kẹt cửa, nức nở…

LAM TRẦN 12.07.2015

Bản truyện ngắn Việt Nam đầu tiên

ra đời cách đây 100 năm:

TRUYỆN THẦY LAZARÔ PHIỀN

Vừa qua C.L.B của Thư viện quận Phú Nhuận đã tổ chức buổi sinh hoạt văn nghệ thường kỳ mỗi tháng - lần này bằng một đề tài hấp dẫn: “Bản truyện ngắn Việt Nam đầu tiên ra đời cách đây 100 năm: “Truyện thầy Lazarô Phiền…”. Cuộc tọa đàm đã làm sáng hơn nhiều vấn đề về nội dung cũng như hình thức của bản truyện ngắn đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, viết năm 1886 và xuất bản năm 1887 này…

Cuốn sách không dày, đã in trọn truyện ngắn này. Nó được trình bày chân phương theo một kiểu cách xưa làm chúng ta ngày nay nhìn đến thấy có dáng dấp như một cuốn Kinh Thánh mỏng nào đó. Ngoài bìa, có ghi: “Truyện thầy Lazarô Phiền”, của P.J.B. Nguyễn Trọng Quản(1) làm ra. J. Linage Libraire-éditeur. Rue Catinat, 1887. (Nhà bán sách và xuất bản J. Linage. Đường Catinat, 1887).

Trong một đoạn của lời đề tựa viết tại Khánh Hội ngày 1 tháng 12 năm 1886, tác giả đã tâm sự:

“…Cao nhơn tất hữu cao nhơn trị, học chí như ngu thỉ vị thiền”. Ấy là lời đứng (đấng) hiền nhơn ta đã nói thuở xưa. Có lời khác rằng: dầu học thế nào thì tôi cũng biết có một điều này thôi: là tôi chẳng biết gì hết. Ấy là tiếng một đứng trong bảy đứng (đấng) khôn ngoan nước Grèce (Hy Lạp) đã xưng (nói) ra đời trước.

Bởi vậy lấy đó làm gốc, cũng xem lại tài trí tôi như tro bụi, khi sánh với nhiều kẻ đời ta (thời bấy giờ) thì tôi chẳng có ý định làm sách nầy cho đặng khoe tài hay khoe trí. Tôi có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bầy đặt (sáng tác) cùng in ra ít nhiều truyện hay, trước là làm cho con trẻ ham vui mà học tập, sau là làm cho các dân các xứ biết rằng: người An-nam sánh trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai”.

Qua những lời trên chúng ta hiểu được quan điểm về sáng tác của người viết sách: Viết để làm gì? Viết cho ai đọc? Đồng thời, tác giả còn muốn làm sao cho nhân dân các nước biết rằng người Việt Nam, “nếu đem sánh trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai…”.

Đây không phải là ý tự đề cao giá trị tác phẩm của mình (vì chính tác giả đã tự đánh giá mình chỉ như tro bụi, “dầu học thế nào thì tôi cũng biết có một điều này thôi: là tôi chẳng biết gì hết…”) - mà là một niềm tự hào dân tộc chính đáng sau khi chúng ta đã có Truyện KiềuLục Vân Tiên với rất nhiều nhân vật có đủ nét cá tính điển hình mặc dù còn nằm trong phạm trù “tượng trưng công thức”…

Một truyện ngắn ra đời cách đây một thế kỷ trong điều kiện đất nước chưa có hoàn cảnh tiếp xúc hữu nghị với nền văn học phương Tây, thì không thể không có nhiều mặt hạn chế: về nghề nghiệp, đề tài, cũng như nội dung. Thế nhưng nếu nhìn về ưu điểm khách quan, thì nó vẫn có nhiều mặt tốt. Riêng sự có mặt của truyện ngắn này vào thời điểm lúc đó, đã là một đóng góp quý báu. Vì chính nó đã mở màn cho nhiều nhà văn khác theo sau - trong số đó có Hồ Biểu Chánh, nhà văn Nam Bộ đã có một khối lượng tác phẩm đáng kể: 64 cuốn tiểu thuyết!

Hiện tượng này làm chúng ta có ngay những suy nghĩ lý thú. Đây là truyện ngắn đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, ra năm 1887. Tác giả không phải là một người ở Hà Nội, mảnh đất của xứ “nghìn năm văn vật”, cũng không phải là một người ở Huế, chốn kinh đô của một dòng vua nhà Nguyễn đã trị vì một trăm năm qua (kể từ cái mốc sự kiện “Truyện thầy Lazarô Phiền” ra đời) - mà là một tác giả ở ngay tại đất Sài Gòn này: ông Nguyễn Trọng Quản.

Thêm vào đó, truyện ngắn này ra đời bằng một cuốn sách chứ không phải được đăng tải trên mặt báo. Điều này càng làm chúng ta có những liên tưởng tâm đắc khác: cuốn sách đã ra đời quá sớm - trước cả những tờ báo. Quy luật phát triển văn hóa văn nghệ ở mỗi đất nước, thường bao giờ cũng phải xuất hiện đầu tiên bằng những tờ báo. Rồi sau đó, có thể chậm, cũng có thể nhanh, mới xuất hiện dần dần hình thái những cuốn sách. Thế nhưng ở đây lại khác: cuốn sách đã được xuất bản sớm hơn cả những tờ báo. Đằng thằng mà nhìn thì vào những năm 1886-1887, trên mảnh đất Sài Gòn này đã có mặt tờ “Gia Định Báo” của chính quyền thực dân Pháp. Tuy nhiên nó cũng chỉ là một dạng công báo, đăng đôi tin tức hành chính, những công văn, những vấn đề vặt vãnh mà bộ máy chính quyền cứ cho là rất quan trọng, tưởng là có lợi cho cái chính thể mới lập nên ở một đất nước thuộc địa này. Cho nên với một số nội dung và hình thức để thực sự là một “tờ báo” đúng nghĩa thì nó còn tụt lại rất xa. Ngoài ra, cũng còn tờ “Phan Yên Báo” của Diệp Văn Cương, nhưng tờ này cũng chỉ sống được không quá hai tháng… Vì vậy “Gia Định Báo” có mặt mà cũng như không.

Ngày nay nếu ta công nhận “Truyện thầy Lazarô Phiền” là cái truyện ngắn đầu tiên của đất nước ta, thì đồng thời, chính nó cũng là cuốn truyện đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ của chúng ta, được xuất bản vào năm 1887, tại Sài Gòn. Một vinh dự trong một hiện tượng văn học của đất nước.

Về nội dung, “Truyện thầy Lazarô Phiền” đã phản ánh được một số nét của tình hình chính trị rối rắm dưới thời các vua nhà Nguyễn (tức cuối đời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), vì e ngại người Pháp sẽ xâm chiếm Việt Nam nên đã cấm đạo và giết đạo… (Đến lúc này mới “e ngại” thì quả thật muộn màng!). Qua đó, nói lên một mối tình tan vỡ giữa hai vợ chồng trẻ Lazarô. Nguyên nhân của bi kịch này là do một phụ nữ Việt Nam đang có chồng là tên đồn trưởng Pháp. Chị ta thầm yêu Lazarô mỗi lần chàng vào đồn thăm tên đồn trưởng. Biết được những thầm muốn của cô ta, Lazarô chấm dứt vào đồn. Một thời gian sau, Lazarô bỗng nhận được một thư nặc danh cho biết là hiện nay, vợ chàng đang ngoại tình với người bạn của chàng là Vêrô Liễu. Lazarô đau khổ, không biết thố lộ với ai, và sau cùng đã giết vợ bằng cỏ độc. Sau khi vợ chết rồi, Lazarô lại nhận được một thư nữa, lần này người viết ký tên thật: đó là vợ tên đồn trưởng, kẻ đã vì ghen ghét nên đặt điều vu khống vợ chàng và làm cho Lazarô đã phải giết oan vợ. Với lá thư này, mụ ta ăn năn hối lỗi, xin chàng tha thứ cho. Sự ăn năn hối lỗi của người phụ nữ kia đã chuyển thành lòng “ăn năn hối lỗi” của chàng đối với người vợ yêu quý của mình. Thất vọng, khổ đau, chàng đi tu suốt sáu năm rồi mới trở về. Nhưng sự ăn năn hối lỗi đối với vợ chỉ càng tăng thêm, làm chàng buồn rầu đến mang bệnh mà chết.

Đây là một cốt truyện mang chất bi kịch, có nhiều tình tiết éo le, nhiều mâu thuẫn và nhiều kịch tính, làm cho độc giả hồi đó có thể đọc rất hấp dẫn.

Về hình thức lời văn thì mặc dù “Truyện thầy Lazarô Phiền” đã ra đời rất sớm vào những năm 1886-1887, nhưng được viết dưới một bút pháp mới hẳn so với cả mảng văn chương hồi ấy. Lời văn của Nguyễn Trọng Quản đã không bị ảnh hưởng gì với lối văn chương biền ngẫu thời bấy giờ. Loại văn chương biền ngẫu này (thường thấy ở trong các thể phú, thể cáo, thể hịch, và cả trong văn bia…) giờ đây ở trong các sáng tác văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ: nó còn kéo dài lê thê vắt qua những năm 1925-1930. Như ta đã thấy, ngay cả trong cuốn tiểu thuyết có vai vế là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (ra năm 1925) mà vẫn còn đầy rẫy qua từng chương từng đoạn từng câu: đối đáp, trắc bằng, tiếng chữ du dương đến sáo rỗng, còm cõi.

Riêng “Truyện thầy Lazarô Phiền” thì lại không “dính” phải cái kiểu biền ngẫu thời thượng vướng víu ấy, thật đáng ngạc nhiên!

Thế nhưng truyện ngắn này vẫn không tránh khỏi những mặt hạn chế về nội dung. Lazarô là nhân vật trung tâm, nhưng lại là kẻ vừa tiêu cực, vừa bị động, lại quá ngây thơ và dễ tin. Vừa nhận được lá thư nặc danh cho biết “vợ ngoại tình” thế là chàng ta tin ngay, đến nỗi rắp tâm ám hại vợ bằng cỏ độc… Ngoài ra, vì thiếu một quan điểm dựa trên tinh thần yêu nước cao cả mà “thầy Lazarô Phiền” đã đi chệch hướng: hết làm “thông ngôn” cho giặc, lại cầm quân nổ súng vào các lực lượng chống Pháp đang bị coi là “giặc cướp”, nên đã giết lầm người bạn thân nhất của mình là Vêrô Liễu. Và đã không phân biệt được giữa hai mặt xấu, tốt cũng như địch, ta, nên Lazarô cũng không thể phân biệt được về lời “phao tin” trong một lá thư nặc danh, đi đến giết vợ để rồi ăn năn hối hận cho đến buồn, đến chết… Đây là chỗ hạn chế tất yếu về nội dung truyện ngắn “Truyện thầy Lazarô Phiền” và cũng là chỗ hạn chế cơ bản của tác giả Nguyễn Trọng Quản.

Tuy nhiên, với tinh thần của những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm văn học đối với vốn cổ dân tộc, ngày nay, chúng ta không thể không công nhận về mặt đóng góp khách quan của tác giả Nguyễn Trọng Quản về thể loại truyện ngắn. Đó chính là cái truyện ngắn đầu tiên của đất nước ta được viết ra cách đây 100 năm bằng chữ quốc ngữ: “Truyện thầy Lazarô Phiền”. Nó có giá trị như một công lao khai phá, tìm tòi, mò mẫm - và như vậy, cũng đủ quý lắm rồi…

TRẦN THANH ĐỊCH (29.10.1986)

HOÀNG KIM THƯ st.

-----------

(1) Chép theo nguyên văn trên bìa sách: viết “Quản” (không có g).

Chuyện ngày xưa

NHƠN LỰC - THIÊN LỰC

Có một gia đình hai vợ chồng đều Nho học cả.

Ông chồng ỷ tài sức của mình làm nên sự nghiệp giàu có, mới khoe tài. Viết hai chữ Nhơn Lực nơi bảng treo trước cổng nhà cho nhiều người biết tài của mình.

Người vợ cũng nhà Nho học, bà bắc thang leo lên thêm hai nét thành chữ Thiên Lực.

Ông chồng thấy mới gạn hỏi ai thay đổi ý tôi, bà trả lời rằng “Tôi đấy”.

Ông mới nổi trận lôi đình “Bà hơn tôi rồi. Kể từ hôm nay bà đi tìm người nào Thiên Lực thì bà gá nghĩa. Hôm nay tôi với bà hết duyên nợ, tình yêu chấm dứt”. Bà cũng buồn cũng giận, nguyện với cao xanh “Con ra đi gặp người đàn ông nào trước nhất người đó là chồng”.

Sáng sớm bà khăn gói lên đường, bà không đi đường lộ cứ băng đường rừng mà đi mãi đi mãi. Đến xế chiều người mệt mỏi, thì đến một con suối. Lòng mừng, bà liền bước xuống rửa mặt, rửa tay rồi ngồi nghỉ. Gió mát cảnh vật êm đềm, hoa thơm, chim hót; thấy người hết mệt vui tươi, mới nhìn trước xem sau, ven bờ suối bất ngờ nhìn thấy một người ngồi câu cá. Bốn bên quạnh quẽ, đìu hiu, bà liền lân la bước đến để hỏi thăm.

Hỏi: Ông câu cá có được nhiều cá không?

Đáp: Hôm nào được nhiều thì ăn nhiều, hôm nào không được thì ăn muối.

Hỏi: Ông có vợ con gì không?

Đáp: Chẳng có ai hết trơ trọi có một mình.

Hỏi: Nhà ông có gần đây không?

Đáp: Ở dưới chân núi đó, kỳ thật là hang núi chớ không phải là nhà.

Hỏi: Xin lỗi ông cho tôi vào nhà để thay đồ.

Đáp: Đó bà cứ vào làm cái mô thì làm.

Bà vào cái hang thấy cũng rộng, nhìn trước nhìn sau xem chỗ nào cũng bẩn thỉu, bà thay đồ xong, mới bắt đầu vệ sinh cho sạch sẽ nhà cửa. Trời xế chiều, bà tìm gạo nấu cơm, bắt cá nấu canh và kho. Xong xuôi cả bà mới đi ra suối mời ông vào ăn cơm. Ông chưng hửng ai đâu đến đây rồi lại mời ta ăn cơm. Ông cứ phân vân, bà thúc giục mấy lần ông chưa chịu đi. Bà liền xách đục lấy cần câu đi vào. Ông túng thế phải tùng quyền đi theo.

Vào đến nơi cơm canh đã dọn sẵn. Ông bà ngồi ăn, bà mới mở lời: “Duyên nợ của tôi là thiên định, định sao chịu vậy; kể từ hôm nay, ông là chồng của tôi, ông phải chấp nhận”. Ông: “Giời ơi! bà là người phong lưu đài các, còn tôi cùng đinh nghèo mạt, làm sao sánh được với bà”.

“Đây thiên định, thiên luật ông không được cãi lại số trời”. Ông cũng chịu thua lý của bà: “Thôi bà nói chi cứ nói, tôi chịu thua”. Rồi mỗi bữa ông vẫn đi câu, còn bà cứ lo nội trợ.

Một hôm bà phát hiện ba cục đá vụm làm ông táo nấu ăn hằng ngày có lẫn lộn vàng bên trong: đốt lửa thì đỏ, tắt lửa thì đen. Bà tìm lấy được một số ít vàng đem đi bán mua sắm đồ dùng trong nhà, mua vải may cho ông một bộ đồ. Một hôm vui tính bà bảo ông mặc bộ đồ mới vào người, rồi đưa tiền cho đi chợ, làm bạn với anh em cùng ăn uống cho vui với bạn. Ông mặc đồ mới thấy người bẽn lẽn, bà thúc giục mãi ông mới ra đi.

Đến chợ thấy cái gì cũng lạ cứ đứng nhìn mãi, chẳng ai muốn làm thân cho rằng ông là người đê tiện. Ông mua thịt rượu mời ai cũng chẳng ai ăn. Đến trưa ông đi về, thấy cái chùa, phần trời nắng, phần đói bụng mới đi vào chùa, trong chùa chẳng thấy có ai, ông đến cái bàn lấy thịt rượu ra ăn uống. Ông nhìn lên thấy có tượng Phật, liền mời xuống đây ăn uống chơi 2-3 lần không thấy xuống, ông liền đem rượu thịt lên đút Phật ăn. Vì tượng Phật ngồi nên đút bao nhiêu rớt hết bấy nhiêu, ông mới lên lật nằm ngửa, rượu thịt đút đầy miệng mũi, thấy người hơi xỉn bỏ đi về (vô bất biết).

Ông sư trụ trì đi làm đám về, thấy sự việc ngổn ngang, Đức Phật mặt mũi đầy thịt rượu, ông liền ra tay vệ sinh tất cả, xong rồi dựng tượng Phật lên, nhưng dựng không nổi. Lấy làm lạ ông liền đi báo huơng chức sở tại biết, huơng chức động viên dân trong làng đến rất đông nhưng không sao dựng lên đặng. Bao nhiêu chuyện bàn tán xôn xao, tình cờ người vợ đi đến mới biết qua sự việc, liền về nói lại cho chồng nghe. Ông chồng vỗ trán nhớ lại: “À, tao đó”, bà vợ nói: “Ông làm ra, ông đến đó xem sao”.

Ông liền lấy áo ra đi, đến nơi dân làng tề tựu rất đông, ông liền nói cho tôi xem sao, dân làng dang ra tất cả… Ông liền bước đến dựng tượng Phật lên rất dễ dàng, đàng hoàng nơi vị trí cũ. Tất cả dân làng mừng hoan hô “Ông Thần Lực - Ông Thần Lực”. Hương chức bảo, hoan hô “Ông Thiên Lực - Ông Thiên Lực”.

Đoạn cuối: Chánh quyền địa phương tìm hiểu cuộc sống vợ chồng ông liền xuất quỹ động viên dân làng kẻ công người của, xây dựng cho ông một cái nhà khang trang vợ chồng ông ở. Từ đó về sau ông hướng dẫn dân làng trồng tỉa, chăn nuôi, bà bảo trồng dâu nuôi tằm dệt vải may thêu. Ít năm sau dân làng người nào cũng giàu sang có của dư ăn.

Kết: Nói về ông chồng truóc, mấy năm sau bị bọn cướp tiền của tài sản, ông đau bịnh nghèo đói (Hữu cầu tất ứng). Mới thấy rõ là Thiên Lực vô biên. Đây là tượng chứ không phải là Phật. Có bàn tay Thượng Đế mới nên sự nghiệp.

Phước Hải sưu tầm

Mạnh Hạ Đinh Dậu 2017

GỌI CHỒNG LÀ ÔNG XÃ

- GỌI VỢ LÀ BÀ XÃ

Xưa, có một ông quan nọ có tánh khoe khoang. Ông có một đứa con trai độ năm sáu tuổi. Gặp ai ông cũng khoe là thằng bé thông minh lắm. Học đâu nhớ đó.

Một hôm ông đi công tác xa mấy bữa mới về. Trong chuyến công tác, ông kết bạn với một ông quan khác và khi về, ông mời luôn ông nọ ghé nhà chơi cho biết.

Về nhà, ông bèn kêu thằng bé lên giới thiệu và khoe. Ông nói tôi dạy nó những chữ thông thường, dạy qua một lần là nó nhớ ngay và viết được đấy. Ông cứ hỏi thử nó đi. Ông bạn nghe vậy liền viết một chữ PHỤ () là cha và hỏi là chữ gì. Thằng bé cứ đứng nhìn mà không đáp. Sợ bạn quê ông mới gợi ý: Vậy chớ tối mẹ con ngủ với ai?

Thằng bé trả lời ngay là hồi hôm nầy mẹ con ngủ với ông Xã. Thế là từ đó, những người biết chuyện mỉa mai người vợ ngoại tình bằng cách gọi chồng là ông Xã. Lâu dần, người không biết sự tích nầy, thấy người ta gọi, mình cũng gọi cho vui nên ý mỉa mai mất, chỉ còn gọi với tánh cách lả lơi cho vui thôi.

Đã gọi chồng là ông Xã, người ta gọi luôn vợ là bà Xã với ý nhí nhảnh một chút cho vui.

Khánh Hội - Quận Tư Saigòn ngày 06-4-2017

PHẠM HIẾU NGHĨA

(do ông nội tôi kể)

NGƯỜI BÁN HÀNG TÀI GIỎI

Sếp của một siêu thị lớn ngạc nhiên khi thấy doanh số bán hàng của nhân viên mới vào lên đến cả mấy trăm ngàn đô, liền tới bắt tay khen ngợi và hỏi:

- Cậu làm thế nào để bán cho có 1 khách một số hàng nhiều như thế?

Anh nhân viên cười hiền lành:

- Dạ... sếp quá khen. Lúc đầu ông ấy chỉ tính mua một cái lưỡi câu...

Tôi giới thiệu 3 loại: nhỏ, vừa và lớn. Ông ấy mua cả 3 hộp.

Sau đó tôi giới thiệu 6 loại cần câu: 3 cỡ để câu bằng tay, 3 cỡ câu bằng pin điện, ông ấy mua cả 3.

Dĩ nhiên cần câu thì phải có dây. Tôi cũng giới thiệu được 6 loại: 3 loại bằng cước thường, 3 loại bằng dây kevlar không đứt...

Mà đi câu thì cần có du thuyền. Tôi dụ ông ấy mua luôn 3 loại: nhỏ, vừa và lớn để đi xa...

- Trời! Anh không định nói là anh bán cho ông ấy một cái xe tải để chở hàng về chứ?

- Dạ có chứ. Thế là ông ấy mua luôn một cái xe tải...

- Giỏi! Vậy là anh đã bán luôn cả cái xe tải, cho người ban đầu chỉ có ý mua một cái lưỡi câu...

- Dạ không ạ... lúc đầu ông ấy đến mua một cuộn băng vệ sinh cho vợ thôi...

- Tôi mới khuyên rằng, trong thời gian chị nhà bị kẹt, rảnh rỗi tại sao ông không đi câu cho nó đỡ buồn...

Hà Mạnh Đoàn st.

6 BÁNH XE CUỘC ĐỜI

& 7 THÓI QUEN CẦN LÀM

Steve Jobs - Tượng đài công nghệ trước khi qua đời đã để lại bức tâm thư làm rung động hàng triệu người trên thế giới. Ông đã nhắc tới những bánh xe cuộc đời, cả cuộc đời ông đã lao vào công việc và đam mê và cuối cùng nếu như có thể đánh đổi hàng tỉ đô để có thêm một ngày để sống ông cũng làm.


Mỗi người có một cách sắp xếp bánh xe khác nhau:

1. SỨC KHOẺ

Đây chính là chìa khoá cuộc đời, nếu không có nó thì những điều sau đều vô nghĩa.

2. TÌNH YÊU

Không chỉ giới hạn trong tình yêu giới tính, mà là gia đình, tình yêu thương con người.

Cuộc sống của bạn sẽ toàn niềm vui, ý nghĩa khi có sự đồng cảm, sẻ chia và quan tâm tới mọi người xung quanh.

Trong kinh doanh nó chính là thứ quyết định chữ Tâm (định nghĩa chữ Tâm: dù có hay không có khách hàng ở đó bạn cũng làm như vậy).

3. PHÁT TRIỂN BẢN THÂN

Ngay cả khi bạn đang đọc bài viết này thôi cũng là bạn đang phát triển bản thân mình.

Kết quả không phụ thuộc vào thời gian mà phụ thuộc vào cách bạn làm.

Hãy luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng, tư duy để bứt phá mọi giới hạn.

Xã hội phát triển không ngừng, sức lao động con người đã được thay thế bằng các công cụ máy móc, các phần mềm hỗ trợ, các cách thức kinh doanh khôn ngoan ít tốn kém nguồn lực nhất.

Bởi thế mà của cải trong xã hội tạo ra ngày càng nhiều, có những người vọt lên đứng Top đầu thế giới và để lại di sản khổng lồ mà nếu chỉ dựa vào sức lao động và thời gian lao động thì không bao giờ có được.

4. MỐI QUAN HỆ

Hãy tìm cho mình những người thầy trong cuộc đời để học. Bạn thiếu kỹ năng bán hàng thì tìm người giỏi bán hàng để học, bạn thiếu kiến thức tài chính thì học tài chính…

Người thầy lớn nhất của nhiều người đó chính là GOOGLE.

Hãy biết lưu giữ và phát triển các mối quan hệ giá trị: bạn bè, đối tác, khách hàng, những người sẽ cho ta cơ hội…

Hãy luôn nâng niu và trân trọng gia đình - nơi cuối cùng bình yên và bến đỗ cuộc đời.

5. TIỀN BẠC

Nếu bạn đi theo trình tự trên thì tiền bạc chính là hệ quả bạn có được.

Chẳng hạn, bạn không có vốn để khởi nghiệp, nếu bạn có sức khoẻ, sự ủng hộ của mọi người, có kiến thức kinh doanh có mối quan hệ thì chắc chắn bạn sẽ có thể kinh doanh.

Nhiều người lầm tưởng và chỉ tập trung vào bánh xe thứ 5 này và nó không đưa chúng ta lên đỉnh cao cuộc đời - Đó chính là bánh xe thứ 6.

6. DANH VỌNG

Danh vọng chính là tiếng tăm, uy tín của riêng mình. Bạn có tiền bạc, mối quan hệ, hạnh phúc, tri thức và sự tin tưởng, tôn trọng của mọi người.

7 THÓI QUEN CẦN LÀM NGAY HÔM NAY

Với người muốn thay đổi tài chính cuộc đời - những người muốn bước chân gia nhập vào 5% dân số giàu trên thế giới

Trước hết hãy thay đổi bản đồ tài chính trong tâm thức bao gồm:

+ Môi trường (chọn môi trường nhiều năng lượng)

+ Hình mẫu (người thành công mà mình mong muốn)

+ Sự kiện (dấu mốc cần thay đổi)

Vậy 7 thói quen đó chính là:

1. ĐỌC SÁCH

Hãy đọc sách tài chính, kinh doanh ít nhất 30 phút mỗi ngày. Một ngày mà chưa học được gì thì đừng đi ngủ.

Phần lớn chúng ta dành thời gian 3-4g/ngày và hơn thế nữa cho fb, zalo, xem phim… mà không vì mục đích học hỏi hay phục vụ mục tiêu.

2. TẬP THỂ DỤC

Hãy tập thể dục ít nhất 15-20 phút mỗi ngày.

Khoa học đã chứng minh khi thay đổi trạng thái, chúng ta sẽ dễ dàng hành động để bứt phá chứ không ngồi trong cái vỏ bọc an toàn.

Sai lầm là mỗi người thường chọn cho mình những cái hộp để chui vào đó (giường, văn phòng, tivi, điện thoại, chiếc hòm)

Sáng ngủ dậy bước ra từ cái giường, tới cơ quan, về nhà là xem tivi, điện thoại, cuối ngày lên giường và cuối đời là… cái hòm.

Mỗi sáng, bạn đặt tay lên ngực mình, tự tuyên bố mục tiêu của mình để lấy năng lượng, từ đó in sâu vào tiềm thức và não bộ sẽ chỉ dẫn hành động.

Bạn đi hội thảo, các diễn giả thường cho bạn chơi một vài trò chơi vận động để bạn loại bỏ hàng rào tâm lý trì trệ trong tâm lý của bạn đó.

3. CON ĐƯỜNG NHANH NHẤT LÀ TÌM NHỮNG NGƯỜI ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG GÌ BẠN MONG MUỐN VÀ BẮT CHƯỚC HỌ (hình mẫu)

Nếu bạn ngưỡng mộ tài năng hay di sản khổng lồ của Steve Jobs, bạn sẽ tìm hiểu tất cả những gì thuộc về ông ấy, từ cách khởi nghiệp, cách vượt qua khó khăn khi phải rời bỏ Apple vào năm 1984.

Sau nhiều nỗ lực nhiều năm với công ty riêng ông xây dựng, ông đã có cơ hội trở lại với Apple, ông đã làm nên lịch sử công nghệ thế giới.

Bạn học được cách ông đặt tên thương hiệu, cách ông thuyết phục người tài, cách quản trị kiểu Nano của ông...

Bạn muốn khởi nghiệp thì hãy tìm hiểu những người đã khởi nghiệp thành công, học cách làm của họ, hiệu chỉnh cho phù hợp nguồn lực của mình và thực hiện.

Cách tốt nhất là đọc sách để tránh dẫm phải “máu đã đổ” của người đi trước.

4. HÀNH ĐỘNG ĐIÊN CUỒNG

Đây chính là điều chúng ta thường sợ hãi và là điều quan trọng nhất, nếu bạn có mọi điều trên mà không hành động thì chẳng có gì thành hiện thực.

Hãy đi rồi sẽ đến, hãy gõ cửa rồi sẽ mở, bánh xe lăn tới đâu đèn pha sẽ rọi sáng tới đó.

Hãy bắt đầu phác thảo nên bản Kế hoạch cuộc đời mình, rồi phác thảo bản kinh doanh cho sản phẩm của mình. Mới chỉ viết thôi đã nhìn thấy điểm yếu, điểm mạnh chứ đừng nói là bắt tay thực hiện nó.

Mọi thứ đều có giá của nó, bạn có thể lên kế hoạch hành động, bạn bắt đầu làm sản phẩm, bắt đầu tiếp cận khách hàng, bạn cứ đi tới đâu bạn sẽ nhận được bài học tới đó.

Ngay cả bạn buộc phải chấm dứt kế hoạch thì bạn cũng nhận được lượng thông tin rất lớn về sản phẩm, dịch vụ, về tập khách hàng, về công cụ áp dụng... mà nếu ngồi một chỗ suy nghĩ thì bạn không bao giờ biết được. Đó là còn chưa kể bạn sẽ có những ý tưởng hay hơn nữa trong quá trình bạn hành động.

Thomas Edison đã trả lời câu hỏi “động lực nào khiến ông kiên trì tạo ra được bóng đèn ở thí nghiệm thứ 10.000?” rằng: “Tôi đã phát minh ra 9.999 cách không tạo ra bóng đèn”. Bạn hiểu rồi chứ?

5. CHO ĐI NHIỀU HƠN

Bạn muốn cái gì thì hãy cho đi cái đó. Điều này rất quan trọng, nếu muốn kiến thức hãy cho đi kiến thức, muốn tiền bạc hãy cho đi tiền bạc. Bằng cách nào đó, bạn sẽ nhận lại được những gì bạn muốn.

Chẳng hạn, bạn thấy một người ăn xin tội nghiệp, bạn dù nghèo cũng có thể cho họ vài đồng bạc, bù lại bạn có niềm vui, cảm thấy thanh thản vì làm được việc tốt. Từ đó bạn có thêm năng lượng, bạn làm việc hiệu quả hơn, tích cực hơn, giá trị vật chất sẽ tới.

6. GẦN GŨI LÀ SỨC MẠNH

Tiền bạc chính là năng lượng, trước hết hãy chọn cho mình một môi trường nhiều năng lượng.

Thu nhập của một người bằng bình quân thu nhập của 5 người xung quanh họ.

Hãy thực hành điều này để hiểu về nó nhé. Mỗi tháng bạn hãy mời ít nhất 2 người giàu có và thành công hơn bạn đi ăn trưa.

Tính ra mỗi năm chúng ta có thể gần gũi thêm được ít nhất 24 người, để làm gì vậy?

Nếu bạn chỉ chơi với người có thu nhập bằng bạn hoặc thấp hơn bạn, họ sẽ chỉ có tư duy như bạn, bạn không nhận được cơ hội gì đó lớn hơn số tiền bạn có, không có tư duy nào lớn hơn tư duy bạn có.

Nếu bạn gần gũi với người thành công hơn bạn, bạn sẽ tiếp cận với những suy nghĩ khác biệt của họ và bạn cũng sẽ khác biệt, sẽ có cơ hội lớn hơn thu nhập của bạn.

Chừng nào bạn còn chưa khác biệt với những người xung quanh (95% dân số) thì bạn chưa thể thành công được nhé.

7. TẠO RA NGUỒN THU NHẬP THỨ 2

Rủi ro tài chính lớn nhất là mỗi người chỉ có một nguồn thu nhập và nguồn thu nhập đó lại phụ thuộc vào thời gian.

VD: Nếu ban ngày bạn đi làm, bạn có thể dành ra 2 tiếng đồng hồ mỗi tối để bán hàng online.

Những người thành công họ có rất nhiều nguồn thu nhập thụ động: Đầu tư chứng khoán, sở hữu cổ phần, nhượng quyền, bất động sản cho thuê, viết sách, khoản tiết kiệm ngân hàng... mà không phụ thuộc vào sức lao động hay thời gian lao động.

Thời gian là hữu hạn, hãy cùng nhau thực hiện những điều đó ngay từ hôm nay

HÀ MẠNH ĐOÀN st. từ Internet

TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐỨC PHẬT

Lời thỉnh nguyện khó nghe

Tất cả mọi việc trên thế gian đều do cơ duyên đưa đẩy.

Phải chi Nhà Vua cứ để cho Thái Tử sống bình thường như mọi người. Thái Tử được tự do tiếp xúc với mọi tình huống trên đời, thì Sanh Bệnh Lão Tử là những sự việc rất bình thường của cuộc sống; có lẽ Thái Tử cũng vô tư như mọi người, thì vấn đề ắt sẽ có chiều hướng khác, thuận lợi cho Nhà Vua hơn.

Đàng này, Nhà Vua đã vô tình nghe theo lời cố vấn mơ hồ của các lão Thầy Bói, bảo rằng: “Sanh, Bệnh, Lão, Tử là đề tài đau khổ có thể khiến cho Thái Tử chán nản mà đi tu”. Phải giữ gìn Thái Tử cách xa những điều đó. Cho nên Nhà Vua đã cấm cung Thái Tử, suốt thời gian 29 năm, không cho biết gì về thế giới bên ngoài. Rồi bỗng dưng, Nhà Vua mở cửa cho Thái Tử đi ra ngoài dạo chơi, thì làm sao Thái Tử tránh khỏi những cú sốc nặng nề, khi phải đối mặt với tứ khổ Sanh, Bệnh, Lão, Tử của nhân gian. Một cú sốc nặng nề đến đỗi, Thái Tử vội nảy sanh ra một quyết định dứt khoát, ngay lập tức, là rời bỏ Vương Quốc để đi Tu tầm Đạo Lý.

Sau khi đi tham quan qua cửa Thành Đông, gặp phải Nhà Sư chỉ đạo cho đường lối Tu Hành, thì Thái Tử vội trở về cung điện, và đi thẳng đến phòng Vua Cha. Chàng nắm hai tay lại, để trước trán theo lễ nghi của triều đình, mà tâu rằng:

- Bẩm Phụ Vương, con muốn trở thành một Nhà Sư Hành Khất, để đi tìm Chân Lý.

Nhà Vua ngỡ ngàng.

Từ khi Thái Tử còn thơ ấu, Nhà Vua đã lo sợ một ngày nào đó tai mình sẽ nghe phải những lời thỉnh cầu đáng ghét này. Song le, những nỗi lo lắng đã trở thành sự thật, Nhà Vua rơi lệ mà phán rằng:

- Cha tưởng con đi chơi là để tạo niềm vui vẻ trong lòng, để nhìn thấy cái vẻ đẹp nguy nga tráng lệ của thành phố, mà tiếp sức với ta cai trị thiên hạ. Ngờ đâu, con đi chơi, để gặp phải điều gì bực bội nào, mà khiến con có ý định đi Tu như vậy?

Thái Tử cung kính tâu rằng:

- Con thấy người dân vui vẻ bề ngoài, còn bên trong là họ đang đứng bên bờ vực thẳm của sự bệnh hoạn, sự già nua và sự chết chóc. Không một ai tránh khỏi. Vậy xin Phụ Vương cho phép con được xuất gia để tầm Đạo, hầu có thể cứu khổ mình và cứu khổ mọi người.

Nhà Vua nghẹn ngào mà dạy rằng:

- Này con trai yêu quý của Cha, hãy quên hết những tư tưởng mơ hồ này đi. Vả lại, con còn quá trẻ, không đủ sức để sống đơn độc, lẻ loi như những Đạo Sĩ. Nếu như con muốn Tu thì con ở lại Hoàng Cung mà tu hành, cũng tốt có sao đâu. Ta cần có con một bên để cai trị cái Vương Quốc vĩ đại này. Ta nay tuổi đã già rồi, con không thấy nỗi khó khăn của ta ư. Nếu con đi Tu rồi thì ai sẽ lên ngôi kế vị cho ta.

Thái Tử bèn quỳ xuống mà tâu rằng:

- Công Chúa Yasodara cũng có đủ tài đức để thay thế, và giúp đỡ Cha trị vì thiên hạ.

Nhà Vua buồn rầu:

- Con nói như vậy mà nghe được sao.

Thái Tử vội vã dập đầu mà tâu:

- Nếu như Phụ Vương thỏa mãn cho con được hai điều kiện, thì con sẽ ở lại Hoàng Cung.

Nhà vua nghe như cởi mở tấm lòng, vội nói:

- Được, được, con hãy nói cho ta nghe.

Thái Tử cung kính thưa rằng:

- Cha làm sao cho con được trẻ mãi không già.

- Cha làm sao cho con được sống mãi không chết.

Nhà Vua nghe qua thì nổi giận đùng đùng:

- Nhà ngươi chọc tức ta chăng? Già nua sống chết là việc của Trời Đất. Ngươi bảo ta xử lý cho ngươi, là xử lý làm sao? Chính bản thân ta cũng chưa biết sống chết giờ nào?

Thái Tử vẫn điềm tĩnh tâu rằng:

- Nếu như Cha không giúp được cho con hai điều này, thì xin Cha cho phép con Xuất Gia Tầm Đạo, để tự mình đi tìm câu giải đáp mà cứu khổ cho mình và cứu khổ cho người khác.

Nhà Vua tỏ ra lúng túng bởi câu hỏi quái lạ này, nên ngài bắt đầu dịu ngọt lại với Thái Tử:

- Hãy từ bỏ ngay những ý nghĩ ngu xuẩn này đi, Tất Đạt Ta, vị Thái Tử uy lực của Vương Quốc Catylave này.

Nhưng mà Thái Tử vẫn cương quyết nài nỉ xin:

- Thưa Cha, nếu Cha không thể cứu con ra khỏi cái già và cái chết, thì xin Cha cho con xuất gia đi tìm Đạo Lý để tự cứu lấy mình. Đạo Lý là điều quan trọng hơn cái ngai vàng. Cha không nên giữ con ở lại đây như một tù nhân khốn khổ.

Quốc Vương nóng nảy bảo:

- Này Thái Tử Tất Đạt Ta, tại sao con cứ làm khổ cho ta như vậy? Con không biết rằng ta nuôi con khôn lớn là để cho con kế vị ta mà cai quản sơn hà hay sao? Nay con tự nhiên bỏ nhà ra đi, thì ta phải làm sao đây? Con không sợ mang tiếng làm đứa con bất hiếu hay sao? Người đời sẽ bảo là gia đình ta vô phước.

Thái Tử dè dặt trả lời:

- Thưa Cha, gia đình nào có con đi Tu là gia đình có phúc hậu.

- Vì Hiếu Đạo mà con phải đi Tu, để mong làm rạng rỡ Tông Đường, và đền ơn cúc dục cho Phụ Mẫu.

Tức quá, Nhà Vua không muốn nghe thêm gì nữa, những lời nói nghịch tai, bèn ra lệnh:

- Tam quân! Hãy canh gác cung điện cho cẩn thận… Không cho Thái Tử ra ngoài.

Nhà vua truyền lệnh cho các quan thị vệ xong, thì buồn rầu mà ra khỏi phòng. (còn tiếp)

Thanh Châu sưu tập kể


Tranh Lê Phổ

Phụ Bản IV

Đọc sách dùm bạn

Những suy nghĩ vẩn vơ - Tập 15

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết vừa viết xong ngày 10.5. 2017 - Từ Thánh Kinh tới hiện trạng trái đất ngày nay - (lưu hành nội bộ).

Cuốn sách dẫn ta từ các Thánh vịnh trong Thánh Kinh và gần nhất là thông điệp Laudato Si’ đã được CLB sách Xưa & Nay đăng từ bản tin số 117 cho đến nay.

Với 80 vấn đề liên quan đến môi trường được Linh mục dẫn chứng đầy đủ qua các báo chí... và để kết thúc bài Lm. đã mượn lời của Thi sĩ Tản Đà qua bài Bức Dư Đồ Rách:

Nọ bức dư đồ đứng thử coi

Sông sông núi núi khéo bia cười

Biết bao lúc mới công vờn vẽ

Sao đến bây giờ rách tả tơi

Ấy trước ông cha mua để lại

Mà sau con cháu lấy làm chơi…

Hà Mạnh Đoàn


TRÁI TIM ĐÀN ÔNG

- Nhìn kìa, nhìn kìa…

Những cánh tay hích vào nhau, những ngón tay nửa kín đáo nửa lộ liễu, những ánh mắt tò mò lẫn kinh ngạc. Hình như không có một ánh mắt nào bàng quan trước một cảnh tượng. Lẽ ra nó cũng không có gì mang tính sự kiện, cũng chỉ là một đôi trai gái bước vào một quán cà phê trầm trầm một ánh sắc, mang mang một cung tơ, dìu dìu một tâm cảm, nếu họ cũng cùng đi vào bằng hai cặp chân như bao đôi trai gái khác, nhưng đằng này cô gái lại đi bằng đôi chân của chàng trai. Vòng tay cô quấn quanh cổ chàng trai, tấm thân cô tựa êm trên đôi tay vững chắc của chàng trai. Đây đâu phải là phòng tân hôn cho chú rể bế cô dâu vào. Đây cũng không phải là một phòng bệnh nhân cho những người thân đỡ đần nhau. Cũng chẳng phải là một chốn riêng tư cho sự tỏ bày tình cảm thân mật. Đây là một quán cà phê một nơi dễ chịu cho những đôi tình nhân hẹn hò tâm sự, cho những khoảnh khắc nhẹ nhàng êm ả của những khối óc bộn bề những tập hồ sơ được xả giãn. Vậy mà sao lại xuất hiện một cảnh tượng khá gây sốc cho những người đang có mặt, kể cả những người không bao giờ để tâm đến chuyện người khác. Như một anh hề vụng, muốn tạo một hoạt cảnh nhưng lại không đạt được những tiếng cười.

Chàng trai với vẻ mặt điềm nhiên, đảo mắt tìm một chỗ ngồi, một người phục vụ nhanh nhảu:

- Dạ mời anh vào bàn này ạ.

Đó là một chiếc bàn khuất sau một cái cột, chàng trai mím môi, ánh mắt lia cái nhìn sắc vào mặt người phục vụ:

- Không còn một chỗ nào tốt hơn sao?

Cô gái vẻ mặt ngượng ngùng, nhỏ nhẹ:

- Ngồi đây cũng được mà anh.

Người phục vụ nhận ngay ra vẻ bất bình của khách vội phân trần:

- Dạ, tôi tưởng… còn, còn chứ ạ. Mời anh…

Một chiếc bàn khác ở một vị trí thoáng đãng, dễ chịu đã làm dịu vẻ mặt của chàng trai. Chàng bế cô gái đi về phía cái bàn ấy, những ánh mắt đều di chuyển theo. Chàng trai đặt cô gái một cách nhẹ nhàng xuống chiếc ghế tựa, còn sửa đi sửa lại cho ngay ngắn. Kéo một cái ghế khác vào bên cạnh, chàng trai ngồi xuống, dịu dàng hỏi:

- Em uống gì nào?

Cô gái khẽ đảo mắt một vòng, cô nhận ra một không khí bất bình thường chung quanh, mặc dù có nhiều ánh mắt đã vội vã đổi hướng. Cô lí nhí:

- Dạ… gì cũng được ạ!

Chàng trai vẻ không bằng lòng, đưa cuốn menu đến trước mặt cô:

- Em hãy gọi một thứ mà em thích đi.

Ánh mắt chàng trai vừa rất tình cảm nhưng cũng rất cương quyết, chiếu vào cô như một thứ mệnh lệnh khiến cô gái vội lật tìm một thức uống Chàng trai mỉm cười khi người phục vụ quay đi sau khi đã nhận được yêu cầu. Chàng bỗng đổi nét tươi vui:

- Em thấy nơi đây thế nào? Dễ chịu chứ, em có thích không?

Cô gái rụt rè nhìn quanh, lại những ánh mắt vội vã đổi hướng, một thoáng buồn trong đôi mắt cô gái, lẽ ra cô không nên đến đây, nhưng làm sao được khi cô không thể cưỡng lại một yêu cầu chính đáng, hết sức chính đáng của chàng trai “Sao em lại không thể đến những nơi ấy được? Em cứ thử đến đấy một lần xem sao? Không có gì là bất tiện cả, ngại… em có ngại cả đời được không? Đi, anh muốn nhìn thấy em giữa mọi người”. Vì vậy mà bây giờ cô ngồi đây, giữa bao ánh mặt lạ lẫm, trái tim nhạy cảm của cô như đọc rõ từng lời trong những ánh mắt ấy.

Bàn tay cô ấm lên, cô quay lại, chàng trai đang một tay nắm lấy tay cô, tay kia lấy một bông hoa hồng trong chiếc bình thủy tinh giữa bàn đưa đến trước mặt cô nói:

- Bông hoa của anh. Anh muốn thấy em cười tươi như đóa hồng đang nở này.

Sức sống và sự ấm áp trong âm sắc lẫn ánh mắt của chàng trai như lan tỏa vào khắp người cô. Cô chợt mỉm cười thật tươi, đón lấy bông hồng và ghé làn môi xinh lên đó. Chàng trai cũng tỏa một nụ cười vui sướng. Thức uống đã được mang ra, chàng trai khuấy nhẹ ly nước của cô gái rồi âu yếm kề cái ly vào môi cô, cô gái thẹn thùng tỏ một cử chỉ từ chối, nhưng lại một lần nữa, cô không từ chối nổi một thứ mệnh lệnh trong ánh mắt chàng trai. Má cô ửng hồng khi nhấp ngụm nước cam tươi mát lạnh. Hành động của hai người không những chỉ gây một cảm thức lạ cho những ánh mắt, mà còn tạo nên chút ghen tị, và khiến một số đấng mày râu vội vã thực hiện động tác chăm sóc đến người phụ nữ của mình. Chàng trai bỗng đứng dậy đến quầy tiếp khách nói nhỏ điều gì đó, cô tiếp tân cười gật đầu. Giây lát, trong bộ loa của quán vang lên một nhạc khúc đẹp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Hãy yêu nhau đi”. Ánh mắt cô gái nồng nàn khi chàng trai trở lại bàn. Lần này cô chủ động nắm lấy bàn tay của chàng trai siết nhẹ. Không gian của quán như đầm ấm hơn, như dễ thương hơn từ nhạc phẩm mà cũng từ sự nồng ấm của đôi tình nhân là lạ kia. Những ánh mắt bây giờ như nhuốm chút suy tư, như có một cái gì đó lay động một miền tâm cảm, và những ánh nhìn không chỉ từ một phía. Những ánh nhìn vẫn bâng khuâng cả sau khi chàng trai lại nhẹ nhàng bế cô gái đi ra cửa, nhẹ nhàng đặt lên cái yên xe, kéo đôi tay của cô gái vòng qua bụng mình trước khi nổ máy.

Uẩn Lan ngồi nguệch ngoạc những nét bút trên hai cái tên Trương Gia Tĩnh và Vũ Uẩn Lan. Đôi mắt long lanh mơ màng nhìn hun hút vào một khoảng trời xanh thăm thẳm. Trên nền trời xanh ấy, Uẩn Lan như nhìn thấy lại cả một chuỗi ngày mà cô chưa từng nghĩ rằng nó sẽ đến. Cái gì gọi là định mệnh? Có hay không hai chữ “định mệnh”? Nó sẽ làm cuộc đời cô có những thay đổi gì? Không thể biết được những gì còn đang tiềm ẩn phía trước, nhưng rõ ràng một sự kiện rất trọng đại, ít ra cũng đủ tác động mạnh đến những suy nghĩ và sinh họat trong cuộc sống của cô.

Chẳng biết mẹ cha dự cảm thế nào khi đặt cho cô hai chữ “Uẩn Lan”. Khi chưa đầy năm tháng tuổi, khi cha mẹ còn đang trông ngóng từng cử chỉ lật, bò, nằm ngồi với những ánh mắt hân hoan, tươi sáng. Bất chợt một ngày, một ngày bình thường như bao ngày, cũng có nắng có gió, có sáng có trưa, có chiều có tối, chỉ khác đi một chút. Vâng chỉ một chút khác đi ấy mà một cuộc đời, một phận người đã trở nên chua xót đắng cay đến thế nào. Một cơn sốt trẻ con những tưởng cũng chỉ vài liều thuốc đơn giản như mọi lần, thế nhưng con vỉrut ác nghiệt đã lẻn vào một cơ thể non yếu mỏng manh, rồi ở lỳ đó không chịu trở ra. Con virut đã làm teo đôi chân yếu ớt vào cái thời mà khả năng y học chưa ngăn cản được sự xâm nhập của nó. Để đến khi biết nhận thức đời là gì, thì Uẩn Lan đã dính liền với chiếc xe lăn. Về sau, cơ giới hóa bằng một chiếc xe ba bánh có động cơ, cũng đã là quá tốt cho nhu cầu di chuyển mà không phải làm phiền nhiều dến người thân. Hàng ngày cô di chuyển chiếc xe đặc biệt ấy từ nhà đến một cơ sở may thêu. Nơi cô tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ, không phải chỉ để vào một ngày cuối tháng được cầm một minh chứng thành quả của mình trong tay, mà còn để có được cảm giác mình không đến nỗi là gánh nặng của cuộc đời. Trên đời này, điều đáng buồn, đáng xấu hổ nhất là khi người ta thấy mình thừa thãi. Không thể vin vào sự bạc đãi của tạo hóa mà chỉ biết ăn mày lòng nhân thiên hạ. Không nhiều hơn được khả năng của bản thân, thì chí ít cũng phải còn chỗ cho lòng tự trọng tồn tại. May mắn hơn một số người đồng trạng, Uẩn Lan được nhận vào học và làm một công việc tương đối phù hợp. Công việc đem lại cho cô không chỉ một vài tác dụng, mà còn đem lại cho cô một nhịp dẫn…

Đèn đỏ một ngã tư khiến dòng xe cộ đang đà vụt khựng lại, những tiếng thắng dậm nghe kin kít. Uẩn Lan cũng đã giảm tay ga, bóp thắng từ trước một đoạn, bất thần chiếc xe của cô bị hất ào về phía truớc, độ hãm của thắng làm nó đổ nhào sang một bên, cô bị văng ra đập vào một cái xe khác vừa dừng ngay bên cạnh. Sự bất khả kháng của cô làm hốt hoảng những người chứng kiến. Chiếc xe vô tình là tác nhân gây chấn thương vì sự va đập cho cô vội gạt nhanh cần chống, chủ xe nhảy xuống, đôi tay mạnh mẽ ôm xốc nạn nhân, còn may là đầu cô đập đúng vào bắp chân anh ta, nên cô còn đủ tỉnh táo:

- Tôi… tôi không sao…

- Còn không sao… trầy xước hết thế kia… đưa cô ấy vào bệnh viện xem thế nào đi… anh kia còn lớ ngớ đó làm gì… đi đứng gì mà vội vàng thế… may mà đèn đỏ chứ không thì…

- Tôi không sao đâu mà, dựng hộ tôi cái xe lên thôi…

- Không được. Tôi phải đưa cô vào bệnh viện kiểm tra lại đã. Anh kia, gửi xe của anh và cô ấy vào trong kia rồi theo tôi, nhanh lên…

Mệnh lệnh được tuân theo răm rắp. Và mặc dù kết quả của sự chẩn đoán không có gì là quá nghiêm trọng, nhưng Uẩn Lan vẫn bị buộc phải ở lại bệnh viện vài ngày để theo dõi. Trong mấy ngày ấy, ngoài sự thể hiện nghĩa vụ của người đã gây ra tai nạn, cô còn được nhận một sự quan tâm của người có cái bắp chân chìa ra đúng lúc. Về sau, Gia Tĩnh nói “Đó là cú va đập của định mệnh”. Uẩn Lan cứ nghĩ mãi mà không làm sao hiểu được ở cô có điểm gì là sức hút đối với một người đàn ông tuyệt vời như thế. Có thể là ở gương mặt cô chăng? Tạo hóa nghiệt oan cơn cớ, đã bù đắp cho cô bằng một khệch khỡm khó hiểu. Uẩn Lan có một gương mặt đẹp, một vẻ đẹp buồn buồn, chút gì như thánh thiện, đôi mắt đen ẩn chứa nét u sầu lại càng là điểm nhấn đặc biệt trên làn da trắng trẻo, cân đối hai bên dọc mũi thanh thanh, đôi môi hơi mỏng, lại không quá rộng, rất vừa xinh đủ để điểm xuyết hoàn chỉnh cho một khuôn trang tròn trịa, thanh tú. Gương mặt ấy đã gợi lên bao tiếng thở dài đầy tiếc nuối. Ngay cả Uẩn Lan mỗi khi nhìn mình trong gương cũng không khỏi xót xa cho mình. Đẹp. Trời ơi! Mày đẹp làm chi hở gương mặt? Mày chỉ làm cho tao thêm tội nghiệp mà thôi. Cái thân tao đã thế này rồi, sao mày không đen đủi, xấu xí đi để dễ dàng là sự mặc nhận. Đôi khi cái cảm giác được bỏ quên lại là một hạnh phúc, như được cởi thoát khỏi gánh nặng của nỗi tự ti, mặc cảm. Càng nhận thức về sự hạn chế của bản thân mình, Uẩn Lan lại càng muốn chìm đi giữa bao nhộn nhịp, ồn ã. Nhất là khi con tim thiếu nữ của cô tàn lụi dần tuổi thanh xuân vì những vết thương từ những va đập đầu đời. Nhưng rồi nó đã được hồi sinh. Sự hồi sinh mà cô không dám tin là có thật. Khi nhận thấy một tín hiệu từ sự có mặt của một người đàn ông ngày nhiều hơn bên mình, và sự loạn nhịp của một con tim vốn luôn tìm nơi ẩn náu, thì Uẩn Lan rất sợ. Cô sợ lại một lần nữa tự chuốc lấy sự khổ đau, lại một lần nữa những vết thương lòng tấy mủ. Uẩn Lan tìm cách trốn chạy, trốn chạy cả chính mình, cô không thể tin, không bao giờ tin có một điều lớn lao tên gọi là “Hạnh Phúc” đến với mình. Càng không thể tin ở cõi nhân gian thường tình này lại còn có một trái tim đàn ông thật sự ấm nóng như thế. Cô cũng đã từng biện giải. Không, đó không phải là thứ tình cảm thiêng liêng mà người đời vẫn luôn mong ước. Người đàn ông ấy có lẽ chỉ vì một chút lòng trắc ẩn mà tỏ ra quan tâm đến cô vậy thôi. Mà lòng trắc ẩn hay sự thương hại cũng đều là một nhát quất vào lòng tự trọng. Nhưng bằng tất cả sự kiên trì, một trái tim rộng mở, một tấm lòng chân thành, Gia Tĩnh đã rọi chiếu luồng sáng Tình Yêu tỏa khắp tâm hồn và đem lại nhịp đập rộn rã cho trái tim một người con gái luôn khao khát một tình yêu thực sự. Nhưng tâm trạng của Uẩn Lan từng lúc, từng lúc lại có những sắc màu trái ngược nhau. Khi thì tươi tắn sinh động như muôn ngàn tia nắng sáng lung linh nhảy nhót trên lao xao những tán lá, véo von cùng bao tiếng hót vang của những chú chim tung tăng những đôi cánh chuyền cành, rộn rã xênh xang những cánh bướm chao đùa bên những đóa hoa rực rỡ sắc hương. Khi thì ảm đạm như một chiều mùa đông không có nắng, như những chiếc lá cuối thu vật vờ lây lất trong bóng rủ của hoàng hôn, chìm vào thinh lặng trong tịch mịch một màn đêm tăm tối. Đôi môi xinh từng run rẩy những nụ hôn, biếc thắm những nụ cười, đôi mắt thẫm từng đẫm tràn những giọt lệ cay nóng từng đêm ướt gối.

Cô khóc ngay cả những lúc cảm nhận được niềm hạnh phúc là điều có thật, là bởi cô luôn có một dự cảm về sự mong manh của nó. Cô không đủ tự tin để có thể nắm giữ được nó trong tay mãi mãi. Cho dù không ít lần, hơi thở của Gia Tĩnh nồng nàn bên tai cô “Em hãy tin anh, phải tin anh, anh nhất định sẽ đem hạnh phúc đến cho em. Em có quyền được đón nhận hạnh phúc có quyền được sống như bao người trên thế gian này đã sống. Có quyền được yêu và nhận sự yêu thương như mọi người. Chút khiếm khuyết của bản thân không phải là sự trở ngại lớn lao gì. Con người ta sống không chỉ ở những gì chỉ nhìn thấy bằng mắt, mà còn vì những điều đẹp đẽ từ trong chính tâm hồn và trái tim nữa. Cuộc đời của mỗi người nằm trong chính bàn tay của mình. Không ai chi phối, can thiệp hay dẫn dắt được ta cả. Nên em hãy nhìn thẳng phía trước mà bước tới. Mọi cánh cửa sẽ không tự mở ra nếu ta không gõ vào nó”. Sự khích lệ đầy nhiệt huyết và tình cảm sâu sắc của Gia Tĩnh đã làm cho Uẩn Lan dần tự tin hơn. Bằng đôi tay mạnh mẽ của mình, Gia Tĩnh đã đưa cô đến rất nhiều nơi, tạo điều kiện cho cô tiếp xúc với nhiều người, cho cô thấy được mình đang tồn tại giữa cuộc sống bao la sắc màu. Sự tiếp cận đa chiều đã đem lại cho Uẩn Lan rất nhiều thay đổi, cô thấy mình phấn chấn lên nhiều, có thêm những mơ ước mới, những mơ ước trong tầm tay và cả những mơ ước xa xôi. Nhưng dù có thế nào thì những ước mơ ấy cũng đã làm cho cô thấy cuộc sống mình thực sự có ý nghĩa nhiều hơn, có nhiều hứa hẹn vào một ngày mai, cho dù cái ngày mai ấy sẽ không thể tươi sáng rạng rỡ như nhiều người, nhưng ít ra nó cũng là một động lực đáng kể để cô vững tin hơn trên con đường đi tới. Nhưng cho dù có thay đổi được một phần cảm niệm, thì Uẩn Lan vẫn luôn ray rứt khi nhìn lại bản thân mình. Dẫu sao thì sự hạn chế vẫn rõ rệt, càng rõ rệt hơn khi nhìn theo góc độ cần thiết trong một số chức năng quan trọng của người phụ nữ. Cô biết, cô không làm gì được nhiều cho Gia Tĩnh. Một mái ấm êm đềm là một điều không quá khó khăn của bao người phụ nữ khác, nhưng với cô là cả một vấn đề. Làm sao cô có thể làm được những gì cô muốn với sự hạn chế của bản thân. Lại còn những vấn đề liên quan một cách mật thiết của Gia Tĩnh nữa. Anh không chỉ là một người đàn ông của cô mà còn là con trai một của gia đình. Anh có những trọng trách thật nặng nề. Anh chưa kể nhiều cho cô nghe về những người thân của anh, cũng chưa đả động đến việc sẽ đưa cô về ra mắt. chứng tỏ anh đang phải đối diện với một vấn đề hết sức nan giải. Những điều mà chỉ cần nhìn qua cũng đã thấy được tận cùng ngóc ngách của nó. Cô rất hiểu khi đặt mình vào suy nghĩ của những người khác, những suy nghĩ rất khách quan và cả những suy nghĩ rất cá nhân nữa. Có bà mẹ nào yên tâm được, vui vẻ được khi nhìn thấy một tương lai bất ổn cho con mình. Với một anh con trai duy nhất, thì sự kỳ vọng của cha mẹ thật sự là rất cao, bao nhiêu niềm tin, mơ ước, mong đợi đều đặt cả lên đôi vai của người con trai ấy. Con người ta khi sinh ra, vốn dĩ không chỉ để sống cho riêng mình. Mà còn phải gánh vác những vấn đề can hệ trực tiếp đến bản thân. Lại càng không thể xem nhẹ những ước vọng của các đấng sinh thành đã gửi gắm vào mình. Anh không thể hạnh phúc khi biết mình đang làm khổ đau người khác. Với một người đàn ông như Gia Tĩnh, thì sự suy xét, cân nhắc giữa bản thân và gia đình lại càng phải thấu đáo. Bởi anh luôn biết mọi người cần gì ở anh, và anh có thể làm gì cho mọi người. Với một người con gái bất hạnh như Uẩn Lan, anh đã tỏ ra rất có tình cảm và trách nhiệm, thì với những người thân yêu ruột thịt của anh, anh càng không thể thờ ơ. Đây chính là cái nút thắt của vấn đề. Để có thể cởi cái nút thắt này thì chỉ có thể là một người… Nhưng Uẩn Lan lại cảm thấy rất đau đớn khi nghĩ đến một giải pháp. Nếu cô đưa ra một quyết định hợp lý thì lại bất hợp tình. Phải rời xa Gia Tĩnh, với cô không khác nào phải rời xa cuộc sống. Từ khi có Gia Tĩnh, có được một ngọn lửa Tình Yêu sưởi ấm, cô thấy mình ham sống hơn, và có đủ mạnh mẽ để vượt qua những trở ngại, đã không ít lần cô thấy mình đổ sụp chỉ vì một ý nghĩ thoáng qua “Nếu một ngày không còn Gia Tĩnh nữa?”. Dù với bất cứ lý do nào thì đó cũng là một nỗi đau rất lớn cho đời cô. Đôi khi, cô lại ước giá đừng gặp anh. Không gặp anh, cô không có được niềm hạnh phúc vô bờ, nhưng cô sẽ bình yên trong sự chìm lặng của mình, sẽ không phải đối diện với sự mất mát, sẽ không phải nhận lấy một nỗi đau khi phải tự tay cắt đi khúc ruột của mình. Lại càng không thể chỉ vì ước vọng của bản thân mà trở thành nỗi đau và sự thất vọng cho những người khác. Lại có những lúc cô nghĩ rất quẩn, nếu tai nạn giao thông hôm ấy nghiêm trọng hơn tí nữa, có khi lại tốt biết bao. Người đời cùng lắm chỉ suýt xoa thương hại trong chốc lát, rồi người ta sẽ rất mau chóng quên đi trong bề bộn thường ngày. Và cô thì cũng thôi không phải kéo dài kiếp sống lưu đày trong tấm thân tật nguyền đầy chua xót. Nhưng sự đời nếu cứ được như hai với hai là bốn thì còn có gì để nói, để băn khoăn, để ngẫm ngợi nữa.

Uẩn Lan rụng thót tim khi một giọng nữ ấm nhẹ nhưng đầy vẻ nghiêm khắc vang lên trong điện thoại:

- Chào cô! Tôi là chị của Gia Tĩnh, tôi có thể gặp cô chứ?

Thở một hơi dài, Uẩn Lan lấy hết can đảm:

- Dạ vâng ạ! Em có thể gặp chị ở đâu?

Buông máy, ghi xong một dòng địa chỉ, Uẩn Lan ngồi thẫn thừ. Rút cục thì cũng đến lúc cô phải đối mặt. Chắc chắn sẽ không phải là một cuộc gặp dễ chịu, một cuộc diện kiến nhẹ nhàng hứa hẹn những điều tốt đẹp. Mà đến hơn 90% là một sự thiếu thiện cảm, phản kháng, đe dọa, xua đuổi. Đó là một tình huống mà cô luôn nghĩ đến lâu nay. Cô phải làm gì, nói gì, và nhất là cô sẽ phải chuẩn bị một thái độ thế nào? Thái độ ấy phải xuất phát từ một chủ kiến nhất quán của cô về mối tình có nhiều phân lệch này. Nhưng chủ kiến thế nào đây? Cô luôn bị giằng kéo giữa hai con đường, lui và tới, mà có vẻ đường lui lại chiếm ưu thế hơn. Khát vọng về một cuộc sống gia đình êm ấm, một hạnh phúc bình dị như bao người là một khát vọng chính đáng. Nhưng than ôi! Hai chữ “bình thường” nghe rất bình thường, nhưng sao lại đầy trúc trắc với cô đến thế. Mong muốn một chút bình thường trong trường hợp này lại không bình thường chút nào. Nhớ đến những lời Gia Tĩnh thường nói, Uẩn Lan lại cảm thấy như tìm lại được chút tự tin. Ừ mà cứ thử đối diện một lần với tư thế vững vàng xem. Mình cũng có quyền được sống, được hưởng hạnh phúc như bao người chứ. Khó khăn ư? Đương nhiên là rất khó khăn rồi, cuộc đời này có bằng phẳng với ai bao giờ. Nếu không bước qua được những khó khăn hôm nay, làm sao đi tiếp được đến ngày mai. Nếu không có những thử thách hôm nay làm sao có những thành quả ngày mai. Vâng! Hỡi những người khỏe mạnh, đừng nghĩ rằng chỉ có các người mới có quyền được hưởng hạnh phúc, chúng tôi cũng rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc, vì chúng tôi cũng biết sống với cuộc đời này bằng cả tấm lòng và cả trái tim. Bản thân chúng tôi có những hạn chế nhất định, nhưng chúng tôi sẽ có cách để khắc phục những hạn chế ấy, chúng tôi sẽ sống, và sống rất tốt để mọi người thấy, rằng cho dù thế nào thì khi đã được sinh ra dưới bầu trời này, đã được tắm nắng tắm gió tắm mưa dưới bầu trời này, thì quyền được sống của mỗi con người là như nhau. Có khác chăng là cách thức mà thôi. Anh ấy yêu tôi, tôi cũng rất yêu anh ấy thì không có lý do nào buộc chúng tôi phải chia lìa nhau cả. Trên đời này không dễ gì tìm được một người đàn ông thứ hai như anh ấy, thì tại sao tôi lại phải bỏ lỡ cơ hội của mình chứ? Đây là duyên phận của tôi, là sự bù đắp của tạo luật mà tôi rất đáng được nhận. Tôi sẽ hết sức cố gắng, cố gắng gấp nhiều lần so với những người con gái bình thường khác, để đem lại cho anh ấy một cuộc sống hạnh phúc thật sự. Tôi tin là thế, chắc chắn là thế. Mọi người cũng rất yêu thương anh ấy, đúng vậy, nếu không thì đã không quan tâm đến hạnh phúc của cuộc đời anh ấy, nhưng dù có yêu thương và quan tâm đến thế nào thì cũng không thể chi phối hay can thiệp một cách thô bạo vào tình cảm của anh ấy. Gia Tĩnh ơi! Em sẽ sát cánh cùng anh trong suốt cuộc đời này. Tình yêu anh đã cho em thật lớn lao bíết bao, nếu em không cố sức để bảo vệ nó, gìn giữ nó thì em đâu có xứng đáng với nó chứ. Em sẽ… Nhưng liệu rồi em có làm được gì cho anh không? Rồi sẽ một ngày nào đó, anh sẽ phải hối hận vì đã yêu thương em không? Và khi cuộc đời anh đã thực sự bị phá hỏng vì em thì em làm sao mà đền lại cho anh được? Trời ơi! Em biết phải chọn lựa thế nào cho đúng đây? Gia Tĩnh ơi!

Uẩn Lan đã đến với cuộc hẹn với một tâm trạng bất ổn như thế. Và cô phó mặc cho tùy nghi tình huống định liệu. Sau một hồi lui lui tới tới, Uẩn Lan cho được cái xe vào đúng vị trí mình muốn, nó trở thành cái ghế ngồi đặc biệt, tuy có hơi cồng kềnh một chút, nhưng lại rất dễ chịu. Từ chỗ ngồi Uẩn Lan có thể nhìn xa hơn cánh cổng của căn quán giải khát, có thể nhìn thấy rõ người sẽ đến gặp cô ngay từ khi mới bước vào, và như thế, ít nhất cô cũng đủ thời gian chuẩn bị cho một trạng thái tâm lý tiếp ứng. Uẩn Lan chưa bao giờ gặp một ai trong thế giới người thân của Gia Tĩnh, nhưng cô chắc rằng họ đã biết về cô, và đây là cuộc thử thách đầu tiên. Uẩn Lan hơi sững khi nhìn thấy một người đang bước vào cổng “tôi sẽ mặc áo màu vàng và tay cầm một tờ báo”. Vâng, đúng là một cái áo màu vàng và trong tay là một tờ báo, nhưng người đang đi thẳng dến chỗ cô ngồi, không phải là những bước đi nhanh nhẹn, cứng cáp, mà là từng bước từng bước của một cái chân lê theo một đôi nạng gỗ, chân bên kia là một vật thể tóp teo cong vẹo, đong đưa theo nhịp bước. Nhưng gương mặt thì không thể nào nhầm được, cứ như là cùng một khuôn đúc với gương mặt của Gia Tĩnh. Gương mặt ấy ánh lên một nụ cười cùng một giọng nói trong trẻo khi đã đến trước mặt Uẩn Lan:

- Chào em! Ngạc nhiên lắm phải không?

Uẩn Lan như sực tỉnh, luống cuống:

- Em… em chào chị. Mời chị ngồi ạ.

Cô gái vẫn giữ nguyên nụ cười kéo cái ghế ra, ngồi xuống và xếp đôi nạng để gọn vào một bên. Thức uống được mang ra, sau vài câu thăm hỏi xã giao. Cô gái tự giới thiệu:

- Như đã nói qua điện thoại, chị là Gia Nhiên, chị gái của Gia Tĩnh. Hôm nay chị gặp em, trước hết là với tư cách của một người đồng trạng. Hy vọng câu chuyện của chúng ta sẽ dễ chịu và dễ cảm thông nhau hơn. Em đồng ý chứ?

Cách vào chuyện của Gia Nhiên đã tạo một không khí nhẹ hơn so với sự phán đoán của Uẩn Lan nhiều, vì thế cô cũng rất tán thành:

- Vâng ạ! Em cũng mong được nói chuyện với chị một cách thân tình và đồng cảm, nếu có gì không phải, mong chị bỏ qua cho.

- Được rồi mà, em đừng căng thẳng thế.

Đôi mắt Gia Nhiên đượm buồn, chị như nén một tiếng thở dài khi tiếp:

- Chị không có cái may như em là gặp được người đàn ông tốt như Gia Tĩnh. Một người đàn ông có thể bao dung được những khuyết thiếu của người phụ nữ, có thể phớt qua cả những dòm ngó, thậm chí dè bỉu của một số đông. Chắc em cũng có thể hình dung những người ngoài cuộc họ nói gì về mối quan hệ này? Lúc đầu quả tình chị cũng không hiểu, vì sao một người đàn ông có nhiều ưu điểm như thế, lại có thể yêu thương được một người con gái như em? Và rồi chị nhận ra rằng, một phần nguyên do ấy thuộc về chị. Trước đây, đã có rất nhiều lần, Gia Tĩnh rất bức xúc, có khi nổi nóng khi nhìn thấy chị luôn phải rơi nước mắt vì những tệ bạc của những người đàn ông. Nhà chỉ có hai chị em, nên hầu như tất cả tình cảm Gia Tĩnh đều dồn hết cho chị. Cậu ấy thường xuyên chăm sóc đến tinh thần cũng như mọi vấn đề cuộc sống của chị. Cậu ấy không muốn chị phải gặp những điều đau buồn. Một lần trong lúc an ủi chị, cậu ấy nói “Tại sao không có người đàn ông nào đủ dũng cảm để có thể mang hạnh phúc đến cho chị? Em dù có yêu thương chị bao nhiêu thì cũng không thể lo toan cho chị cả đời được. Tại sao những người đàn ông lại ích kỷ như thế?”. Có lẽ vì thế nên khi gặp em, cậu ấy mang luôn hình ảnh chị vào. Chị không có quyền ngăn cản mối tình của hai người, nhưng chị muốn em suy nghĩ nhiều hơn bản thân mình một chút. Chị đã là nỗi thất vọng của ba mẹ chị, nên Gia Tĩnh là niềm hy vọng rất lớn và duy nhất của ông bà. Em đã bao giờ nghĩ đến một cuộc sống gia đình thực sự chưa? Ở đó không chỉ có tình cảm, hạnh phúc của hai người, mà còn một số nghĩa vụ khác với những người chung quanh. Có những điều thuộc về cái gọi là “trọng trách”, chắc em đã từng nghĩ đến, vậy liệu em có đủ khả năng cáng đáng những trọng trách ấy không? Và nếu như khi không thể thì mọi sự sẽ trở nên thế nào? Nếu là chị quả thật chị phải thừa nhận với em, là chị không đủ can đảm để đương đầu với những chuyện như thế. Chỉ riêng ý nghĩ “Mình là vật cản của mọi người” đã làm chị không chịu nổi rồi. Đành rằng, những người không may như chúng ta, vẫn có quyền được tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Nhưng mình có thật sự hạnh phúc không, khi mình trở thành nỗi đau cho những người khác? Nhất lại là người mình rất thương yêu. Chị không đem suy nghĩ của riêng mình mà buộc em phải nghe theo, dù sao thì tâm tư nguyện vọng và cá tính mỗi người mỗi khác. Có thể với mình như thế là đúng, nhưng với người khác thì không. Chị chỉ muốn nói để em suy nghĩ thêm, quyết định thế nào thì tùy em, chỉ cần đừng bao giờ phải ân hận vì những gì mình đã làm là được.

Uẩn Lan lặng lẽ để nước mắt rơi đẫm một bên gối. Những lời Gia Nhiên nói cứ vọng rõ mồn một trong tâm tưởng cô. Tất nhiên những gì chị ấy nói, cũng là những gì mà cô vẫn thường nghĩ đến. Làm sao mà không nghĩ được, khi thực tế cuộc sống là những điều không thể phủ nhận. Nhưng buộc phải để mất Gia Tĩnh lại là một nỗi đau tận cùng trong cô. Dường như tất cả ánh sáng, sinh khí, sắc màu, động lực sống, tất cả những gì có thể làm nên một cuộc đời đúng nghĩa sẽ tắt ngấm khi không còn có anh bên cạnh nữa. Uẩn Lan biết rằng sẽ chỉ còn là một đống đổ nát, một bãi hoang tàn khi cô phải từ bỏ tình yêu của mình. Nhưng cô hiểu rằng không còn cách nào khác, cô không thể vùi chôn tương lai của rất nhiều người chỉ vì sự ích kỷ của riêng mình.

Hai bàn tay cứng cáp của Gia Tĩnh bấu chặt hai bờ vai nhỏ bé của Uẩn Lan. Ánh mắt anh đau đáu, nhìn sâu vào đôi mắt đen thẫm u buồn của cô. Giọng nói anh vừa như nài nỉ, vừa như đoan quyết:

- Uẩn Lan. Anh biết phải nói làm sao cho em mạnh mẽ lên đây? Đành rằng, hiện tại anh chưa thể giải quyết tốt được những vướng mắc của vấn đề. Nhưng em phải tin vào anh chứ, tin vào tình yêu của chúng ta, và tin vào cả chính bản thân em nữa. Chỉ có một niềm tin vững chắc mới có thể giúp cho chúng ta đi đến một tương lai tốt đẹp. Nếu em cứ như thế này, thì làm sao anh yên tâm cho được. Hãy nghe anh, hãy tin anh, được không em?

Mắt Uẩn Lan đầy nước, cô lắc đầu bứt rứt:

- Em tin anh chứ, rất tin, tuyệt đối tin. Nhưng em không thể tin vào bản thân mình, vì em không thể là sự đánh đổi của anh với các mối liên quan tình cảm mật thiết khác. Anh rất quan trọng với em, nhưng cũng rất quan trọng với gia đình anh. Mọi người đều đúng khi không công nhận tình cảm của chúng ta. Và em, chính em cũng biết, em không nên lạm dụng tình cảm của anh, không nên chiếm hữu cuộc đời của anh. Với một người đàn ông như anh, mà dành cả cuộc đời cho em thì thật là một sự phí phạm rất lớn. Anh hãy rời xa em đi, hãy tìm cho mình một hạnh phúc thật sự hơn, em không thể…

Uẩn Lan gục mặt vào hai bàn tay khóc nấc. Gia Tĩnh ôm cô vào lòng:

- Anh hiểu tất cả những suy nghĩ của em, nhưng xin em, em đừng tự rẻ rúng mình như thế. Em hiểu thế nào là một hạnh phúc đích thực?

Uẩn Lan im lặng một chút cho dịu cơn xúc cảm, rồi cô từ từ ngẩng mặt lên, lau nước mắt, giọng cô điềm tĩnh khi nhìn thẳng vào mắt Gia Tĩnh:

- Hạnh phúc đích thực? Anh hiểu nó như thế nào? Còn em, em hiểu rất rõ. Đó là một hạnh phúc không thể được xây dựng từ những nỗi đau của người khác. Không chỉ nhằm vào một mục đích chiếm hữu của lòng vị kỷ. Làm sao ta có thể cười khi người khác đang khóc vì đau đớn? Làm sao ta có thể an nhiên tận hưởng hạnh phúc khi biết mình đang gieo nỗi bất hạnh cho người khác? Anh có thể hạnh phúc không? khi đang tâm phủi bỏ tất cả những niềm tin, hy vọng, những trông chờ gửi gắm của ba mẹ và những người thân của anh? Anh đã từng nghĩ đến chưa?

Gia Tĩnh hực lên một tiếng:

- Anh xin em. Không phải là anh chưa từng nghĩ đến. Nhưng cũng đâu phải là chúng ta không tìm được cách khắc phục. Còn em, em sẽ thế nào? Em có biết rằng em đang mâu thuẫn với chính mình không?

- Đúng là trong lúc này, em đang rất đau lòng vì phải nói lời chia tay với anh. Nhưng rồi em sẽ tìm được sự bình yên, thanh thản, khi được nhìn thấy anh có một cuốc sống đủ đầy, đẹp đẽ mai sau.

Gia Tĩnh ôm đầu khổ sở:

- Đủ đầy, đẹp đẽ? Làm sao có được điều đó, khi không có em?

Giọng Uẩn Lan thật buồn, nhưng lộ rõ vẻ cứng cáp:

- Anh không mất em. Nếu muốn, chúng ta vẫn có thể dành cho nhau một chút ấm áp đơn giản. Không phải chỉ ở bên nhau mới gọi là có nhau. Anh hãy nghĩ rằng: mai này dù bất cứ ở đâu, bất cứ dòng dời sẽ đưa đẩy mỗi chúng ta thế nào đi nữa, thì vĩnh viễn hình ảnh anh luôn ngự trị trong trái tim em. Bởi vì trên đời này, không dễ gì có được một người đàn ông thứ hai như anh. Đó là một hạnh phúc vô cùng cho em lắm rồi, đã rất đủ để làm một điểm tựa vững chắc cho em sống một cách bình ổn giữa cuộc đời nhiều trúc trắc này. Anh đã từng muốn em phải tự tin, phải mạnh mẽ, phải biết chấp nhận những thực tại và vượt lên trên chúng. Giờ thì em đã có được phần nào những điều như thế, vậy anh hãy cho em có cơ hội để thực sự là một người như thế. Em thực sự không muốn neo bám mãi vào đôi tay anh, ẩn núp mãi dưới cái bóng của anh. Gia Tĩnh. Mong anh hiểu cho em. Đừng buộc em phải rời anh quá xa. Em không muốn thế.

Gia Tĩnh nhìn chăm chẳm vào mắt Uẩn Lan. Anh như nhìn thấy một Uẩn Lan khác. Không còn là một cô gái đầy tự ti mặc cảm, chỉ muốn khuất mình trong sự chìm lặng ngày nào nữa. Trước mặt anh là một gương mặt điềm tĩnh, một giọng nói rắn rỏi, và một ánh mắt đầy tự tin, cho dù trong khóe mắt ấy vẫn còn dấu vết của những giọt lệ. Một sự cương quyết, mạnh mẽ đang toát ra từ thần thái của cô. Về mặt lý trí, anh thừa nhận những gì Uẩn Lan nói là đúng, nhưng trái tim anh thì không cho phép anh chấp nhận. Trước đây cũng đã nhiều lần anh tự hỏi chính mình. Liệu có phải là một Tình Yêu đúng nghĩa không? Hay chỉ là một sự thương hại, một sự trắc ẩn mà anh đã nhầm nó với một tên gọi khác. Nhưng dần dần anh hiểu rõ, anh thực sự yêu cô gái này, cho dù anh thừa khả năng có một hoặc nhiều cô gái khác hơn cô ấy gấp nhiều lần. Nhưng Tình yêu không phải là điều mà người ta có thể chọn lựa. Tình yêu có ma lực riêng của nó. Nó không có những lời phân tích hay biện giải. Nó chỉ cất tiếng bằng nhịp độ rung cảm của chính nó. Anh thật sự bị chinh phục bằng chính trái tim và tâm hồn mỏng mảnh của một đôi mắt buồn và đẹp. Hình thể đương nhiên cũng rất quan trọng, nó là một công cụ đặc dụng trong quá trình đời sống, nhưng nó sẽ chỉ là một thứ robot hiện đại khi không có sự cộng hợp của tâm hồn và trái tim, là những gì làm nên một chữ “NGƯỜI” thật sự. Đôi khi anh lấy làm tiếc vì mình đã có được quá nhiều ưu đãi của tạo hóa, để tạo nên một sự cách biệt đáng kể với người con gái anh yêu. Những cách biệt mà bản thân anh dù rất muốn cũng không thể nào san lấp được. Không phải anh không có cơ hội, mà quá nhiều nữa là khác, nhưng khi tiếp xúc vói những người con gái khác anh chỉ thấy ở họ những hời hợt, nông nổi, những kệch cỡm bóng sắc. Họ có thừa những điều Uẩn Lan không có, nhưng họ lại rất thiếu những gì Uẩn Lan đã có. Với một tâm hồn nhạy cảm, với một trái tim nặng tình, với anh, Uẩn Lan là một người con gái mà bất kỳ người đàn ông nào cũng mong có được, đáng tiếc… Người đời vẫn nói “Ông Trời không cho ai quá nhiều, và cũng không lấy đi của ai tất cả”. Để rồi, những có và những không, làm nên những được và những mất của một đời người. Phải chăng đó chính là then chốt để người ta quy mọi sự vào hai chữ “số phận”? Anh cũng biết, chất cả những vấn đề của gia đình anh lên đôi vai Uẩn Lan là một sự nghiệt ngã. Làm sao cô ấy có thể gánh vác nổi những vấn đề thuộc về phạm vi trọng trách của cá nhân anh. Và càng buộc cô ấy dấn thân, thì lại càng làm cô ấy thêm tổn thương mà thôi.

Cuộc sống là sự trải dài bao chìm nổi của kiếp phận. Có những xông lên, có những lùi lại, có những chôn vùi, có những nảy sinh, có những phôi pha, có những tồn tại, có những khoảnh khắc và có những mãi mãi.

Để rồi hàng năm, hàng năm. Cứ vào đúng một ngày. Một ngày mà người người loay hoay những áo mới, và những tiếng chuông đêm an lành vang vọng nơi nơi, những ánh tin yêu hướng đến một vòm trời lâm râm lời khấn nguyện cho bao cuộc đời bình yên. Thì cũng là một ngày mà cả hai địa chỉ cách xa nhau, có hai bàn tay cùng nhè nhẹ tháo một chiếc nơ hồng, nhè nhẹ mở ra một lớp giấy, nhè nhẹ nâng lên một thứ đồ vật, có thể khác nhau về dáng dấp, công năng, nhưng luôn có cùng nhau một đóa hồng tươi thắm. Những đóa hồng đều đặn như hơi thở của hai con người vẫn đều đặn hướng về nhau. Thì thầm mãi một câu…

ĐÀM LAN

ĐÂU BÓNG NGOẠI GIÀ

Tôi mở nắp nồi. Vắt cơm đã nằm gọn trong đó.

Trưa nào, ngoại cũng lấy cơm nguội rắc thêm ít muối rồi vắt thành một cục to bằng nắm tay cho tôi ăn thay quà bánh. Nhà ông tôi rất xa chợ. Muốn đến cái quán duy nhất trong xóm phải vượt qua ba cây cầu khỉ lắt lẻo. Vì vậy, vắt cơm là một thứ quà quý đối với một đứa trẻ con nhà nghèo như tôi.

Hôm nay, vắt cơm to hơn thường lệ. Ngày mai, tôi đã rời xa nơi nầy để theo ba lên tỉnh học. Chắc ông muốn tôi ăn thật nhiều để bù đắp những ngày sắp tới. Tôi chạy ra sau vườn tìm ngoại. Ông đang cuốc đất để bồi mấy gốc bưởi đào. Gần hết mùa hạ, trời sắp sang thu, vậy mà có cây vẫn còn nở đầy hoa trắng. Hương bưởi thơm lừng làm cho miếng cơm trong miệng tôi như được nấu bằng một thứ gạo “Nàng thơm” hiếm quý. Loại gạo mà chỉ những ngày Tết ông cháu tôi mới dám mua để “rước ông bà”. Thấy tôi, ông dựng cái cuốc tựa gốc cây, ngồi xuống rồi ngoắc tôi lại gần.

Ông vừa vuốt tóc tôi vừa dặn dò:

- Lên đó, ráng học nghe con! Phải vâng lời ba. Tội nghiệp. Từ ngày mẹ con chết, ba con vất vả lắm. Tối ngủ con nhớ đắp mền và nếu trong người khó chịu, muốn bệnh, phải cho ba con hay liền.

Ông móc túi, lấy ra một gói nhỏ đưa cho tôi:

- Ông cho con một trăm ngàn đồng. Con cất để trưa trưa mua bánh ăn. Ở đó bán bánh nhiều lắm.

Cầm gói tiền, nước mắt tôi chảy dài xuống má. Đây là số tiền ông bán bưởi hồi sáng. Tôi nghẹn ngào nói:

- Con cảm ơn ngoại!

Ông quay vội đi. Ông muốn giấu ánh mắt long lanh ngấn nước của mình.

oOo

Tiếng chim hót ríu ran ngoài cửa sổ đánh thức tôi dậy. Nắng không còn gay gắt, xuyên qua mấy chỗ thủng trên vách, in xuống nền đất những bóng nắng ngộ nghĩnh. Khi có gió thoảng qua, vách lá lung lay, những cái bóng nắng nhảy nhót theo như khiêu vũ. Những chú chim ban nãy chắc đã bay đi. Quanh tôi yên tĩnh vô cùng. Tôi tưởng như mình có thể nghe rõ tiếng gặm nhấm của mối mọt từ trong mấy cây cột tre xiêu vẹo. Tôi bỗng nhớ trường, nhớ lớp, nhớ chỗ ở mới, nhớ tỉnh lỵ rộn rã tiếng xe cộ, tiếng nói cười… Cứ mỗi trưa, dù ở tận sau bếp, tôi cũng nghe rõ mồn một tiếng rao lanh lảnh của mấy chị bán bánh bò, bánh tiêu, bánh còng, bánh cam, tiếng chuông đồng leng keng của ông lão bán cà rem gọi mời. Đó là những món ăn quyến rũ mà tôi bắt đầu ưa thích. Đôi khi, ba còn đưa tôi đi ăn chè thập cẩm rồi vào rạp xem phim. Những phim thần thoại tuyệt vời! Và tôi như cô bé quê mùa lạc vào thế giới thần tiên đầy món ngon, vật lạ.

Hôm nay, trở về quê giỗ mẹ. Tôi bỗng ngạc nhiên sao ngoại tôi lại có thể sống được ở một nơi xa xôi, hẻo lánh, thiếu thốn mọi thứ như vậy?

Tôi nhảy xuống đất, chạy ra sau. Trên bàn, vẫn cái nồi quen thuộc. Tôi lấy ra vắt cơm. Gạo “thần nông” đã nguội khô cứng. Ăn được mấy miếng, tôi ngán quá, ném vắt cơm ra sân. Mấy con gà nhảy xổ tới, mổ túi bụi.

Tôi bỗng nhìn thấy ngoại. Ông đang ngồi bên chiếc giỏ tre đan mới được nửa chừng. Mắt ngoại thẫn thờ nhìn những hạt cơm văng tứ tung, lấm đầy đất cát. Tiếng thở dài của ông làm tôi giật mình. Chợt hiểu ra, tôi thảng thốt gọi: “Ngoại ơi!”

Ông lúng túng cúi xuống, tay phải vụng về, run run chụp lấy cọng nan tre, xỏ vội vào chiếc giỏ. Nhưng nó lại trợt ra ngoài, đâm vào đầu ngón trỏ trái của ông. Máu ứa ra. Tôi bật khóc. Ông nhìn tôi:

- Ngoại định đan cho con cái giỏ để chiều chiều con đi hái hoa lục bình chơi. Nhưng ngoại mới nhớ ra là ở đó đâu có thứ hoa nầy, phải không con?

Tôi khóc to hơn. Lúc ngẩng lên, ông đã vào nhà. Ông lại muốn giấu tôi cái sắc đỏ của trời chiều vừa rơi vào đáy mắt.

Khi đưa tôi với ba ra bến đò. Ngoại trao cho tôi một trăm ngàn đồng và lặp lại lời dặn dò y như ngày trước. Nhưng lần nầy, trở lên tỉnh, buổi trưa, tôi không ra cửa đón mua bánh trái gì hết. Tôi tự vắt lấy một nắm cơm ăn trưa. Tôi giữ nguyên một trăm ngàn đồng và cả tiền ba tôi cho để ăn sáng. Tôi mua một cái áo ấm cho ngoại. Nhưng mùa hạ chưa kịp đến, tôi chưa kịp về bày tỏ lòng hối hận của mình thì ông mất. Sau một cơn bão lớn, người hàng xóm đến nhà mua bưởi đã phát hiện ông tôi nằm chết cứng trên giường.

Tôi treo chiếc áo ấm bên cạnh bàn học của mình. Và, cứ mỗi trưa, tôi vắt nắm cơm rồi vừa ăn vừa khóc.

Nguyễn Thị Mây



[1] Lá lúa số 3, 1951, trang 17

[2] Tuyển tập Như Phong, NXB Văn học, 1994, T2, trang 252

[3] Xem những kỷ niệm không dễ gì phai lạt, NXB Văn học, 1997, trang 703

[4] Như trên, trang 703

[5] Tạp chí Văn nghệ, số 30, 16/9/1951

[6] Giang Nam, Tạp chí Văn học, số 2/1983. In lại trong Những kỷ niệm không dễ gì phai lạt, NXB Văn học 1997, trang 308-310

[7] Những kỷ niệm không dễ gì phai lạt , trang 307

[8] Những kỷ niệm không dễ gì phai lạt , trang 307

[9] Xem Tạp chí văn học nước ngoài, số 6/2006, trang 174-176

[10] Xem Tạp chí văn học nước ngoài, số 6/2006, trang 174-176

MỤC LỤC

Vài chi tiết về kỳ họp ngày 13.5.2017… .................................. Vũ Thư Hữu ............ 01

Cuốn quý thư “Con đường cái quan” (Sur la route mandarine)

của tác giả Roland Dorgelès .................................................... Vũ Anh Tuấn ............ 05

Thông điệp Laudato Si’ của ĐGH Phanxicô (tt).......... Lm.Aug. Ng.V.Trinh dịch ......... 08

Câu hỏi lớn nhân ngày Phật Đản ............................................. Tâm Nguyện ............ 15

Duyên nợ với Việt Nam .......................................................... Thúy Toàn ............... 24

Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi! ................................................... Phạm Vũ ................. 32

Tuổi Già nên phiên phiến mọi chuyện… ................................... Bùi Đẹp st. .............. 40

Nhân ngày Gia Đình Việt Nam 28/6:

Xin đừng tước đoạt quyền được yêu thương của trẻ con ........... Tâm Nguyện ............ 55

Truyện Kiều dịch sang tiếng Hung-ga-ri .................................... Đỗ Thiên Thư st. ..... 60

Con chim sẻ (thơ văn xuôi) ..................................................... Thúy Toàn dịch ........ 63

Nhân mùa Phật Đản (thơ) ....................................................... Tâm Nguyện ............ 65

Phiêu du (thơ) ........................................................................ Đàm Lan ................. 66

Phượng buồn (thơ) .............................................................. Phạm Thị Minh-Hưng .. 67

Nỗi đau thầm (thơ) .................................................................. Ngàn Phương .......... 68

Trẻ (thơ) ................................................................................. Ngàn Phương .......... 68

Khi anh chết… (thơ) ................................................................ Ngàn Phương .......... 69

Nỗi đau thầm & Trẻ (nhạc) ....................................................... Lê Nguyên .............. 70

Lời của đêm mưa (thơ) ............................................................. Lam Trần ................ 71

Thần Chết & Tiều phu (thơ) .............................................. Thanh Châu chuyển ngữ .. 72

Đời tiến bộ (thơ) ....................................................................... Lang Nguyên .......... 73

Tự hào tuổi 70 (thơ) .................................................................. Lang Nguyên ......... 74

Lời bia mộ (thơ) ....................................................................... Giáng Ngọc (G.Đ) ... 75

Lời tự tình của em (thơ) ............................................................ Nguyên Lê ............. 77

Tình ảnh (thơ) .......................................................................... Vũ Anh Tuấn ......... 79

Love portrait (thơ) ..................................................................... Vũ Anh Tuấn ......... 80

Nói với muối tiêu (thơ) ............................................................... Vũ Thùy Hương .... 82

Suy ngẫm (thơ) ......................................................................... Vũ Thùy Hương ..... 83

Cỏ may (thơ) ............................................................................. Bs.Doanlinh .......... 83

Lá chiều (thơ) ............................................................................ Bs.Doanlinh .......... 84

Lối cũ (thơ) ............................................................................... Ngô Bá Mạnh ........ 85

Chiều xứ lạnh (thơ) ..................................................................... Hoài Ly ................ 86

Kẻ ở miền xa (thơ) ...................................................................... Quang Bỉnh .......... 86

Cảnh quê (thơ) ............................................................................ Quang Bỉnh .......... 87

Ngược dòng (thơ) ......................................................................... Lê Minh Chử ....... 87

Ngộ 2 (thơ) ................................................................................. Lê Minh Chử ........ 88

Hội viên (thơ) .............................................................................. Đoàn Việt ............. 89

149

Trăng xa (thơ) .............................................................................. Thiếu Khanh ........ 90

The distant moon (thơ) ................................................................. Thiếu Khanh ........ 91

Vào phút ấy thì em nên đến nhé (thơ) ......................................... Trần Nhuận Minh .... 92

You should come at that minute (thơ) ......................................... Vũ Anh Tuấn dịch .... 93

Dịch thuật .................................................................................... Bùi Đẹp st. .......... 94

Nguyễn Du & cô lái đò .................................................... Đào Minh Diệu Xuân st. .... 97

Mưa đêm ..................................................................................... Lam Trần .......... 100

Bản truyện ngắn Việt Nam đầu tiên ra đời cách đây 100 năm:

“Truyện Thầy Lazarô Phiền” ................................................. Hoàng Kim Thư st. .... 103

Chuyện ngày xưa: Nhơn Lực - Thiên Lực ....................................... Phước Hải st. .... 109

Gọi chồng là ông Xã - Gọi vợ là bà Xã ...................................... Phạm Hiếu Nghĩa .... 112

Người bán hàng tài giỏi .............................................................. Hà Mạnh Đoàn ...... 113

6 bánh xe cuộc đời & 7 thói quen cần làm ................................... Hà Mạnh Đoàn ...... 114

Truyền thuyết về Đức Phật:

Lời thỉnh nguyện khó nghe ............................................... Thanh Châu sưu tập kể .... 120

Đọc sách dùm bạn: Những suy nghĩ vẩn vơ tập 15 ....................... Hà Mạnh Đoàn ...... 125

Trái tim đàn ông ........................................................................ Đàm Lan ............... 126

Đâu bóng ngoại già .................................................................... Nguyễn Thị Mây .... 145

150

|  101 |
 102 |
 103 |
 104 |
 105 |
 106 |
 107 |
 108 |
 109 |
 110 |
 111 |
 112 |
 113 |
 114 |
 115 |
|  116 |
 117 |
 118 |
 119 |
 120 |
 121 |
 122 |
 123 |
 124 |
 125 |
 126 |
 127 |
 128 |
 129 |
 130 |
|  131 |
 132 |
 133 |
 134 |
 135 |
 136 |
 137 |
 138 |
 139 |
 140 |
 141 |
 142 |
 143 |
 144 |
 145 |
|  146 |
 147 |
 148 |
 149 |
 150 |
 
|  101 |
 102 |
 103 |
 104 |
 105 |
|  106 |
 107 |
 108 |
 109 |
 110 |
|  111 |
 112 |
 113 |
 114 |
 115 |
|  116 |
 117 |
 118 |
 119 |
 120 |
|  121 |
 122 |
 123 |
 124 |
 125 |
|  126 |
 127 |
 128 |
 129 |
 130 |
|  131 |
 132 |
 133 |
 134 |
 135 |
|  136 |
 137 |
 138 |
 139 |
 140 |
|  141 |
 142 |
 143 |
 144 |
 145 |
|  146 |
 147 |
 148 |
 149 |
 150 |
 
Netadong.com thiết kế