Hiện có 6 người xem / 2335741 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 14/7/2018

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai quý thư mà ông mới có. Cả hai cuốn này đều còn tương đối mới, một cuốn bằng tiếng Anh và một cuốn bằng tiếng Pháp. Cuốn bằng tiếng Anh khổ 21x30, dày 207 trang của một tác giả tên là Jo Durden Smith, được in năm 2003, mang tựa đề là “100 tên tội đồ khét tiếng là xấu nhất” (100 most famous criminals), nói về những tên tội đồ nổi tiếng là xấu nhất trong nhân loại. Tác giả cuốn sách đã tìm hiểu các trọng tội mà lũ chúng nó đã phạm, đã mô tả qua về các trọng tội đó và đã cho thấy hình những cái mặt mẹt của chúng rất rõ ràng. Khi có cuốn sách trong tay, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã bỏ ra trên một giờ để cưỡi ngựa xem hoa, và ông đã rất ngạc nhiên khi thấy mình là một người đã đọc rất nhiều sách báo mà trong số 21 tên thuộc lãnh vực quốc tế, ông chỉ biết có 4 tên (Mata Hari, Ivan the Terible, Gilles de Rais và Lucky Luciano), trong số 54 tên ở Mỹ châu ông chỉ biết có 3 tên (Billy the Kid, Al Capone và John Dillinger), và trong số 4 tên ở Úc châu thì ông không biết ai cả. Ông không ngạc nhiên khi thấy rằng việc ông biết rất ít này có lý do rất tươi đẹp là cả đời ông chỉ chú ý tới các quý bà bảo-tích-phương nên không chú ý tới chúng.

Cuốn thứ nhì bằng Pháp văn khổ 14x21, dày 1016 trang là một cuốn “Tự điển lịch sử” (Dictionnaire historique) được viết bởi tác giả Dominique Vallaud là một nữ giáo sư tại một trường Trung học nổi tiếng ở Paris. Cuốn sách được in năm 1995 nhưng còn mới tới 95% và chứa đựng tiểu sử của trên 1000 nhân vật lịch sử (Việt Nam có khoảng trên 10 người) là những con người đã vừa được muôn thuở, vừa bị vạn niên vì những gì họ đã làm trong đời. Thật là một cuốn sách tuyệt vời, nhưng đúng là trên đời không có gì là thập toàn, cuốn sách chỉ có một số bản đồ, mà không có chân dung nhân vật nào cả. Hai cuốn quý thư được giới thiệu xong, một số thành viên đã chuyền tay nhau xem một cách thích thú.

Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu hai quý thư xong, thành viên Phước Hải, vì có việc phải ra về sớm, đã lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ khá hay. Tiếp lời anh Phước Hải, anh Nhựt Thanh lên kể chuyện anh mới đi du lịch Mũi Né. Anh Nhựt Thanh nói xong, anh Phạm Vũ đã lên nói về chuyện World Cup giúp các thành viên hiểu nhiều về Giải Vô địch bóng đá thế giới. Sau anh Phạm Vũ, anh Thanh Phong lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ và hát bài “Biết nói gì đây”. Tiếp lời anh Thanh Phong, một vị khách mới, chị Vũ Ngọc Liên đã lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ mà cố nhà thơ Vũ Đình Huy đã viết tặng chị, và hát tặng các thành viên bài “ Huyền thoại một chiều mưa ” . Tiếp lời chị Liên, thành viên Quan Thùy Mai lên hát tặng các thành viên bài “ Chiều lên bản Thượng ” . Sau Thùy Mai, Hoài Ly lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ.

Tiếp lời Hoài Ly, thành viên Tấn Thuận lên hát tặng các thành viên bài “ Đưa Em vào Hạ ” . Sau anh Tấn Thuận, anh Phùng Chí Tâm lên nói qua về World Cup, và hát tặng các thành viên một bài hát nói về nước Nga và bài “ Tôi gặp người con gái ấy ” . Anh Phùng Chí Tâm hát xong, anh Hải Âu lên ngâm tặng các thành viên bài “Thôi rồi anh đã ra đi” liên quan tới một người anh của anh vừa qua đời. Tiếp lời anh Hải Âu, thành viên Thùy Hương lên hát tặng các thành viên bài “ Vọng về quê cũ ” .

Sau Thùy Hương, Thùy Mai lên hát bài “ Huyền thoại Mẹ ” của Trịnh Công Sơn. Thùy Mai hát xong, thành viên Lệ Ngọc lên hát tặng các thành viên một bài hát Nga mang tên “ Ngôi sao ban chiều ” . Sau Lệ Ngọc, thành viên Kim Sơn lên nói về sự năng động của phụ nữ và hát bài hát vui “Hãy cứ hư đi”. Sau Kim Sơn, anh Thanh Châu lên hát tặng các thành viên bài “ Lời người ra đi ” của Trần Hoàn.

Anh Thanh Châu vừa hát xong, thì thành viên Tuyết lên hát bài “ Nhớ người ra đi ” . Cuối cùng, thành viên Quang Bỉnh lên ngâm tặng các thành viên bài thơ “Nông thôn mới” và kể một chuyện cổ. Buổi họp kết thúc lúc 11g15 cùng ngày.

VŨ THƯ HỮU


VÀI DÒNG VỀ MỘT CUỐN

QUÝ THƯ TUYỆT VỜI

TUY ĐÃ 28 TUỔI ĐỜI

Đã rất lâu tôi không ghé chợ sách gần nhà thờ Đức Bà, nhưng tối hôm kia tôi đã như có linh cảm có nàng quý thư nào đang chờ mình ở đó và tôi đã ngự một chiếc xe rất to (dài tới trên 4 thước) để ghé chợ sách Nguyễn Văn Bình. Tôi cảm thấy mình khá may mắn, khi có một chiếc xe to như vậy đưa mình đi mà chẳng mất xu chết tiệt nào, đơn giản vì tôi đi chiếc xe buýt số 3, hi hi vui thật! Và điều đáng vui hơn nữa là tôi đã gặp cuốn quý thư mà tôi muốn giới thiệu qua với quý vị như sau đây: “Đây là một quý thư bằng tiếng Pháp được xuất bản năm 1990, khổ 22x30 dày 378 trang mang tựa đề là “Các Phát Minh” (Inventions) nói về 5000 phát minh của nhân loại. Con số 5000 là con số mà nhóm tác giả cho là tới năm 1990 thôi, vì ở phía dưới bìa sau sách có hàng chữ như sau: “Con người phát minh hàng ngày, cuốn sách nói về phát minh trên hoàn cầu thay đổi mỗi năm một lần”. Cuốn sách tuyệt vời này do một nhóm tác giả được cầm đầu bởi một nữ tác giả tên là Valerie-Anne Giscard D’Estaing, một nhóm tác giả mà người đọc có thể tin tưởng là rất đứng đắn , vì những thông tin và rất nhiều hình ảnh minh họa trong sách cho thấy họ rất nghiêm túc, không hề có d ấu hiệu lê văn bịa.

Vừa vào đến chợ Nguyễn Văn Bình, đi qua vài hàng sách, mình đã bắt gặp tân quý thư này. Tuy hơi thất vọng vì nó đã ra đời từ 28 năm trước, nhưng đề tài này thì mình chưa hề bắt gặp, nên người viết đã bỏ ra gần 15 phút để lướt qua, và bỗng cảm thấy cuốn sách quá quý vì nó cung cấp mọi thông tin về tới 5000 phát minh của nhân loại, nên có được cuốn nào hay cuốn ấy, sau này có duyên thì mình sẽ gặp những cuốn mới hơn. Một điều đáng vui nữa là, do lấy cớ cuốn sách đã 28 tuổi đời, mình chỉ trả giá có 300 ngàn đô mít, trong khi người có để giá 600 ngàn, mà sau khi nghe mình giải thích, và chỉ cho chủ sách biết hàng chữ “Con người phát minh mỗi ngày”, mình đã được cô ta cho ẵm nàng về dinh.

Có cuốn quý thư trong tay, mình đã thức tới 11 giờ đêm để đọc lướt qua và cảm thấy thích thú vô cùng khi biết được các phát minh mà con người đã nghĩ ra được bắt đầu từ bao giờ. Xin nêu ra một thí dụ: chiếc trực thăng (hélicoptère) được bắt nguồn từ những hình vẽ của Léonard de Vinci vào năm 1480 và được cất cánh lần đầu tiên vào năm 1784 khi hai nhà phát minh người Pháp tên là Launoy và Bienvenue đệ tr ì nh lên Viện Hàn Lâm Khoa Học cái mẫu của họ. Còn tên trực thăng (hélicoptère) thì được nhà phát minh cũng người Pháp tên là Ponton d’Amécourt đặt năm 1862. Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết khác liên quan tới phát minh này. Người viết khoái quá và tự hứa với mình từ nay coi quý thư này như một cuốn tự điển, để mỗi khi cần tìm nguốn gốc phát minh nào của con người thì sẽ tra cứu.

Trước khi đi ngủ, người viết cảm thấy thích thú quá, nhưng đang hứng khởi, thì lại thấy rất buồn khi nghĩ rằng “con người dù đã phát minh ra biết bao điều thật tuyệt vời và thần thánh, NHƯNG ĐÃ LÀM QUÁI GÌ CHỐNG ĐƯỢC THIÊN NHIÊN ĐÂU? CHỈ CẦN THỜI TIẾT NÓNG LÊN HOẶC LẠNH GẤP NĂM MƯỜI LẦN THỜI TIẾT BÌNH THƯỜNG LÀ CON NGƯỜI TAY DẮT TAY NHAU… ĐI XA HẾT! Thế mà không biết tại sao con ngư ờ i không biết thương yêu nhau, để cùng vui sống, thay vì tranh chấp, bành trướng, tham lam, dữ tợn như hiện nay!

Trích “Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI”

VŨ ANH TUẤN

CÓ TẬN THẾ KHÔNG?

THỰC PHẨM BẨN

(tiếp theo số 146)

72. Báo Thanh Niên 16/7/16 (btv Duy Tính): Ngăn chặn thực phẩm bẩn. Gs.Ts. Chu Phạm Ngọc Sơn khái quát toàn cảnh hóa chất độc hại như: Melamin trong sữa bột, bắp rang cháy pha với cà phê, DEHP làm chất tạo đục, clenbuterol, salbutamol raétopamin trong nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm, thuốc tăng trọng, phẩm mầu, tinopal trong bún tươi…

73. Báo Thanh Niên 24/7/16 (btv Mai Trâm): Phát hiện số lượng lớn thịt dê bốc mùi. 23/7 PC49 Cần Thơ phát hiện và buộc kiểm dịch 900kg thịt dê và tiêu hủy 100kg thịt dê bốc mùi hôi thối.

74. Báo Thanh Niên 2/8/16 (btv Nguyên Dũng). Hơn 8 tấn cá trong 4 kho đông lạnh tại Hà Tĩnh bị nhiễm độc. Một số cá có hàm lượng cadimi 1,49 và 0,2mg/kg trong khi hàm lượng cho phép là 0,1mg/kg. Một số có hàm lượng cadimi 0,64mg/kg hàm lượng cho phép là 0,05mg/kg. 6.000kg cá gai xồ và 700kg cá gai nhỏ hàm lượng cadimi 0,29, hàm lượng cho phép là 0,1mg/kg (nghĩa là độc chất vượt hàm lượng cho phép rất xa).

75. Báo Thanh Niên 2/8/16 (btv Mai Phương, Nguyên Nga). “Bom” thực phẩm bẩn nhiễm chì. Những chai nước uống C2 và Rồng Đỏ bị phát hiện có hàm lượng chì vượt xa mức công bố trong tháng 5 vừa qua, khiến người tiêu dùng hoảng hốt. Độ nhiễm chì gây nguy cơ rất lớn cho sức khỏe con người đặc biệt trẻ em. Nguy hại nhiễm qua đường uống và nguy cơ cho giống nòi.

76. Báo Thanh Niên 15/7/16 (btv Lan Chi). Dùng hóa chất công nghiệp làm giá đỗ (cơ sở tại Cái Răng, Cần Thơ) qua kiểm tra có chất sodium hydroxide (chất tẩy rửa) và chất kích thích tăng trưởng, chưa đầy 48 giờ là đem bán.

77. Báo Thanh Niên 4/8/16 “Bom” thực phẩm nhiễm chì. (Btv Mai Phương - Nguyên Nga). Vụ nước uống nhiễm chì vừa qua có vụ việc nghiêm trọng… để sản phẩm nhiễm chì ra thị trường và người tiêu dùng đã sử dụng gây tổn hại đến sức khỏe, phải quy trách nhiệm cơ quan quản lý đã cho phép đưa sản phẩm độc hại ra thị trường…

78. Báo Thanh Niên 5/8/16 (btv Nguyên Nga - Minh Phương). “Bom” thực phẩm nhiễm chì - Người tiêu dùng VN quá thiệt thòi. Hãng Johnson & Johnson vừa bị tòa án bang Missouri (Mỹ) buộc bồi thường cho một người dùng sản phẩm của hãng mà bị ung thư 55 triệu USD. Trước đó cũng tòa này buộc hãng bồi thường cho một khách hàng bị ung thư do sử dụng sản phẩm của hãng 72 triệu USD. Còn VN? 35% ung thư tại VN do thực phẩm bẩn ước tính đến năm 2020 VN có thêm 200.000 ca ung thư mới và trở thành nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. (Theo các phương tiện truyền thông cho biết hiện nay mỗi ngày VN có 250 người chết vì ung thư. Cả nước có hàng chục làng ung thư do sử dụng nước ô nhiễm từ các nhà máy nhất là công nghệ luyện kim).

79. Báo Thanh Niên 11/8/16 (btv Thanh Đức). Phát hiện 850kg cá điêu hồng thối tại quán cơm. Kiểm tra quán Gia Long ở Vĩnh Long phát hiện, lập biên bản và tiêu hủy.

80. Báo Thanh Niên 5/8/16 (btv Nguyên Dũng). Hà Tĩnh tiêu hủy 8 tấn cá nhiễm độc tại 4 kho đông lạnh trên địa bàn.

81. Báo Thanh Niên 6/8 (btv Nguyên Nga - Mai Phương). Bom thực phẩm nhiễm chì. Thực phẩm bẩn cũng là tội ác - liên quan đến phát triển nòi giống của dân tộc (phạt hành chính, thu hồi, tiêu hủy: quá nhẹ) Ts. Nguyễn Minh Phong cho rằng phải coi đó là tội ác cần nghiêm trị đích đáng:

1/ Phạt thật nhiều tiền

2/ Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự (bởi đó là tội ác đầu độc hủy hoại sức khỏe con người. Tháng 7/2015 Đài Loan đã phạt 20 năm tù một chủ doanh nghiệp và phạt 1,6 triệu USD vì tội sản xuất 243 tấn dầu ăn được tái chế từ dầu thải các loại - Còn Trung Quốc phạt tử hình những tội đồ sản xuất sữa có chứa mélamin…).

82. Báo Thanh Niên 19/8/16 (btv Công Nguyên). Xử lý hình sự “trùm” buôn bán vú heo thối. Trưa 15/8 lực lượng chức năng kiểm tra nhà 98/4F Kp.2, Đông Hưng Thuận, Q.12 phát hiện 215kg vú heo và 14kg thịt heo… bốc mùi hôi thối. Ngày 16/8 cũng phát hiện, lập biên bản vì kinh doanh vú heo thối có nguồn gốc từ Trung Quốc.

83. Báo Thanh Niên 20/8/16 (btv Nguyễn Phúc). Bộ TN-MT sẽ tiêu hủy 20 tấn cá nục đông lạnh nghi nhiễm phenol tại Cửa Tùng, H. Vĩnh Linh (Quảng Trị).

84. Báo Thanh Niên 28/8/16 (btv Đình Toàn): Cần xử lý 3.900 tấn hải sản đông lạnh sau sự cố Formosa nếu thu mua trước thời điểm tháng 6/2016 thì không an toàn cho sức khỏe cần tiêu hủy. Cá tồn kho sau tháng 6/2016 thì cần phối hợp kiểm nghiệm mà kết quả phân tích 3 tháng trời chưa có!

85. Báo Thanh Niên 29/8/16 (btv Nguyên Nga). Hiểm họa trà sữa giá bèo. “Những ly trà sữa chứa đầy bột mầu, hương liệu công nghiệp - nếu dùng thời gian dài, tích tụ sẽ là nguyên nhân gây tổn thương lớn cho gan và thận, thậm chí suy gan, thận ở những cơ địa trẻ có đề kháng yếu”. Bs. Trần Văn Ký - Nguyên liệu giá nào cũng có - Tổn thương gan, gây vô sinh - Sau khi Singapore cấm trà sữa Chun Cui He của Đài Loan vì chứa chất L-theamine bị cấm - 3 chuỗi cửa hàng ở Hồng Kông cũng thu hồi 1.000 - 2.000 sản phẩm này… (Minh Trung).

86. Báo Thanh Niên 3/9/16 (Ban CTBĐ - An Phong - Duy Khang thực hiện). Họ đang đầu độc đồng bào. Rất nhiều bạn đọc bức xúc khi đọc các bản tin đăng trên Thanh Niên ngày 2/9: Phát hiện 2 tấn sầu riêng bị nhúng hóa chất cho mau chín và nhiều vụ dùng hóa chất công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi - Vì lợi nhuận (Nguyễn Quốc Thanh) - Vô lương tâm (Ngọc Hoàng) - Độc ác (Bùi Nguyễn Hoàng Lâm) - Biết độc mà vẫn làm (Nguyễn Thọ) - Bất chấp sức khỏe đồng loại (Võ Thành Trung). “Trái cây, cá, thịt đều có hóa chất thì biết ăn gì đây?… Cơ quan chức năng vô can - chỉ có người tiêu dùng lo lắng vì sống chung với hóa chất, với độc hại”. Mã Thị Hồng Vân (Q.6, Tp.HCM).

87. Báo Người Lao Động ngày 2/9/16 (btv Khánh Anh): Phù Phép thực phẩm chức năng - Nhiều loại thực phẩm chức năng gắn mác “xịn” của Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản nhưng sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc và được thổi phồng chất lượng. Theo một số chuyên gia, khoảng 50% TPCN được kiểm tra trên thị trường có vi phạm về chất lượng.

88. Báo Thanh Niên 1/9/16 (Ban CTBĐ tổng hợp): Họ đang đầu độc đồng bào! - Rất nhiều bạn đọc đã bức xúc khi đọc các bản tin đăng trên Thanh Niên ngày 2/9 Phát hiện 2 tấn sầu riêng bị nhúng hóa chất cho mau chín và nhiều vụ dùng hóa chất công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi:

- Vì lợi nhuận (Nguyễn Quốc Thanh, Q.Bình Tân, Tp.HCM).

- Vô lương tâm - Chỉ kiểm tra 16 DN mà đã phát hiện 10 DN vi phạm rồi, thì vấn đề rất đáng báo động… Không thể để tình trạng thực phẩm “bẩn” tràn ngập trên bàn ăn của người dân như vậy được. Thật là vô lương tâm! (Ngọc Hoàng, Bình Dương, tỉnh Bình Dương).

- Độc ác - Người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm này sẽ bị tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; gây các triệu chứng dị ứng, ngộ độc; có thể gây ung thư khi cơ thể tích tụ hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép. Đó là một tội ác (Bùi Nguyễn Hoàng Lâm, Nhà Bè, Tp.HCM).

- Biết độc mà vẫn làm - Loại quả nhiều gai, vỏ dày như sầu riêng mà còn nhúng cho mau chín, cho thấy hóa chất đó mạnh cỡ nào (Nguyễn Thọ, Gò Vấp, Tp.HCM).

- Bất chấp sức khỏe đồng loại - Bây giờ đâu chỉ sầu riêng mà hầu như tất cả trái cây đều bị “ăn” hóa chất. Sức khỏe con người đã và đang bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng bởi chính những người người dân, những người buôn bán trái cây thiếu lương tâm… Họ đã vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người khác (Võ Thành Trung, Cai Lậy, Tiền Giang).

89. Báo Thanh Niên 5/9/16 (btv Công Nguyên - Trắc Huy). Phế phẩm cá bán cho dân ăn! Theo quy định, phế phẩm cá chỉ dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, thế nhưng thực tế phế phẩm cá vẫn được thu gom “làm đẹp” rồi tuồn ra chợ bán cho người ăn. Bốc mùi hôi thối: “Mùi hôi thối bốc ra từ cơ sở thu mua đã lâu rồi khiến dân ở đây ai cũng bức xúc. Báo chính quyền nhưng không ai giải quyết cho, riết rồi chúng tôi đành cam chịu sống chung với lũ” (Bà N.T.H người bán nước gần cơ sở thu gom phế phẩm cá).

90. Báo Tuổi Trẻ 7/9/16 (btv Lan Anh, Quỳnh Liên): Cơ thể tàn tạ vì… thanh lọc – Một nam bệnh nhân 76 tuổi đã vào viện cấp cứu cách đây 2 tháng trong tình trạng trụy mạch. Trước đó bệnh nhân uống một loại thực phẩm chức năng detox (thanh lọc) sỏi khỏi cơ thể và thải độc gan, dẫn tới tiêu chảy gần 30 lần/ngày.

91. Báo Thanh Niên 9/9/16 (btv Thanh Niên) Ngư dân khốn đốn vì cá không bán được – Đánh bắt xa bờ cũng thua (vì dân nghi ngại không mua) – Vẫn xem xét cho Formosa xả thải ra biển. “Formosa tồn tại 70 năm, nếu không kiểm soát được thì người Hà Tĩnh và người tỉnh khác không thể chịu đựng nổi. Chúng tôi đề nghị Bộ TN-MT phối hợp với tỉnh giám sát Formosa, yêu cầu họ khắc phục 58 lỗi vi phạm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế quy định” (ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh).

92. Báo Thanh Niên 9/9/16 (Thanh Niên): Formosa tồn đọng lượng lớn chất thải – Theo báo cáo tại cuộc họp, hiện bình quân mỗi ngày Nhà máy Formosa thải ra từ 200-220 tấn chất thải các loại, trong đó có 2,2 tấn chất thải công nghiệp là bùn thải và 3-3,5 tấn chất thải nguy hại. Tính đến ngày 4/9, tại Formosa còn tồn đọng một lượng chất thải lớn, gồm 19,12 tấn chất thải sinh hoạt 354,9 tấn bùn thải, 33.529 tấn tro bay, 5.254 tấn thạch cao, 4.081 tấn xỉ đáy lò, 1.624,2 tấn chất thải công nghiệp và 62,3 tấn chất thải nguy hại. (Hải sản nào mà không thấm độc, người ăn vô mà không bịnh là một phép mầu). (còn tiếp)

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết

(Tổng hợp nguồn báo chí và các phương tiện truyền thông)

PHẬT

& SỰ CỨU ĐỘ CỦA PHẬT

Có một sự hiểu lầm rất lớn làm cho tất cả những công năng hành trì của người tu Phật đi một con đường khác so với Chánh Pháp của Đạo Phật. Đó là sự hiểu lầm về PHẬT. Thật vậy, từ xưa đến nay mọi người đều quen hiểu rằng PHẬT là Thần Linh, đầy uy quyền, “có thể cứu độ Tam Thiên Đại Thiên thế giới”; tin luôn các Đức Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, các Bồ Tát như Quán Thế Âm, Địa Tạng Vương, Dược Sư Lưu Ly Quang; tin luôn những nước Phật như Tây Phương Cực Lạc, Đông Phương Tịnh Quốc, là những danh xưng do Đức Thích Ca đặt ra trong quá trình giảng dạy. Vì thế, mỗi khi có việc là sắm hoa quả, vàng hương đến Chùa để cúng kiến, để cầu xin tai qua nạn khỏi, bớt rủi thêm may, thăng quan, tiến chức, gia đạo an vui. Khi có người thân qua đời thì nhờ Thầy tụng Cầu Siêu, đưa về Tây Phương Cực Lạc, mà không bao giờ thắc mắc xem liệu Phật có làm được những việc mà ta mong mỏi hay không? Mọi người cứ theo hình ảnh mô tả trong Kinh mà tạc tượng các vị để hương khói tôn thờ, cầu xin, trong khi đó, nếu chịu khó đọc Chính Kinh thì ta sẽ thấy, Phật không phải là một vị Thần Linh để cho tín đồ tôn thờ, cầu xin phù hộ độ trì, mà chỉ là kết quả Giải Thoát không chỉ riêng Đức Thích Ca và Chư Vị Giác Ngộ thành công được, mà mọi người cần thành tựu, cần đạt tới. Thế nhưng, dù con người thời này học cao, hiểu rộng rất nhiều, nhưng ít ai chịu để thì giờ tìm hiểu xem những điều mình đang thực hành có đúng là Đạo Phật theo Chánh Pháp hay không? Phật là gì? Quyền năng như thế nào? Có cứu độ cho mọi người được không? Cứu Độ như thế nào? Tam Thiên thế giới mà Phật cứu độ đó ở cõi nào? Do vậy, họ cũng không hiểu rằng những gì mình đang hành trì đã lạc sang Thần Quyền, mê tín, làm mất đi ý nghĩa thật sự của Đạo Phật mà Đức Thích Ca đã lập ra.

Do cứ “xưa bày, nay làm” mà rất nhiều người, kể cả Tu Sĩ cũng không biết rằng nghĩa của Đạo Phật, hiểu cho đúng thì chỉ là CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT, không phải là một Tôn Giáo dạy thờ đấng sáng lập là Đức Thích Ca. Vậy mà hiện nay Đạo Phật của Ngài, theo thời gian, đã biến tướng thành một Tôn Giáo, tôn thờ Ngài giống y như những Tôn Giáo Thần Quyền khác: Người Phật tử tin rằng nếu siêng năng cầu xin Phật thì lúc sống được phù hộ, lúc chết mà nhờ Thầy Tụng Kinh thì sẽ được về Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, trong khi Đức Thích Ca đã Thọ ký: “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” và mong muốn mọi người sẽ được Giải Thoát như Ngài.

Lỗi đó không chỉ ở những người rao giảng Đạo Phật, một phần cũng do Phật Tử, vì khoán trắng việc đọc và giảng kinh cho những Tu Sĩ, trong khi Chính Kinh lúc nào cũng thận trọng nhắc nhở VĂN-TƯ-TU, tức là người đọc kinh hay nghe giảng thì nên Tư Duy để tìm cho rõ nghĩa rồi mới hành trì theo đó, vì Kinh thì qua thời gian có thể bị “tam sao thất bổn”, không biết đâu mà kiểm chứng. Các vị tu hành về sau, chứng đắc hay không, thấy ít nhiều gì đó cũng luận giảng theo cái hiểu của mình, đôi khi không còn đúng ý của Đạo Phật chân chính nữa. Do đó, muốn TIN, HÀNH theo đúng Chánh Pháp mà Đức Thích Ca đã khai mở, người Phật Tử sáng suốt cần tự mình tìm hiểu.

Nên tìm ở đâu thì chúng ta đã có những bộ Kinh, gọi là Chính Kinh, do các Tổ có nhiệm vụ chính thức được Đức Thích Ca giao phó để nối truyền Đạo Phật ghi lại. Các Ngài là người Chứng Đắc, đã nắm vững Đạo Phật, mới có thể diễn giải Đạo Phật đúng theo ý nghĩa của nó, vì thời xưa, do ngôn ngữ chưa phong phú, sự hiểu biết của con người còn giới hạn, nên Đức Thích Ca đã dùng rất nhiều phương tiện có thể gây hiểu lầm. Đọc trong Kinh Lăng Nghiêm thì chúng ta thấy: Để giải thích cái Tâm thôi, mà Phật phải giảng đến 7 lần thì Ngài A Nan mới hiểu ra. Mà cái Tâm là GỐC của công việc tu hành. Tu Phật chính là Tu Tâm, cho nên nó quan trọng đến nỗi Ngũ Tổ dạy: “Nếu không thấy Tâm thì học Pháp vô ích”. Tổ Đạt Ma cũng dạy: “Đạt đạo Tâm là gốc”.

Nhưng lý do gì mà muốn Tu Phật phải Tu Tâm trong khi thời này chúng ta không thấy đề cập đến nữa mà đa phần nặng về hình thức, lấy Tụng Kinh, Niệm Phật làm công năng chính cho việc tu hành? Vì thế, muốn biết thế nào là Đạo Phật chân truyền, bắt buộc chúng ta quay về với lý do Phát Tâm, công việc hành trì, kết quả mà Đức Thích Ca đã đạt được, để kiểm chứng xem những gì mà chúng ta xưa nay vẫn tin tưởng có hoàn toàn đúng hay không? Phật có quyền năng “cứu độ” cho bá tánh không? Mọi người có thể về Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà hay không?

Nếu chịu khó mở lại con đường tu hành của Đức Thích Ca, ta sẽ thấy sở dĩ Ngài Phát Tâm Xuất Gia là vì trông thấy cảnh Khổ: Sinh, Lão, Bệnh, Tử đè nặng lên kiếp sống con người. Sau Sáu Năm tu sai với Sáu vị Thầy, cuối cùng Ngài đạt được mục đích chỉ bằng 49 ngày đêm Ngồi Thiền Định.

Con đường tu hành của Đức Thích Ca cho ta thấy mấy điều:

1. Mục đích tu hành là để Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử.

2. Phương tiện là Thiền Định.

3. Kết quả gọi là “Đắc Đạo”, là tìm ra được nguyên nhân của Sinh Tử Luân hồi cũng như cách thức để hóa giải. Đó mới là mục đích chính của việc tu hành theo Đạo Phật.

Kiểm điểm lại con đường tu hành, thành Đạo của Đức Thích Ca, Pháp mà Ngài “Đắc” được khi Thiền Định, là tìm ra con đường THOÁT KHỔ, THOÁT SINH TỬ. Suốt quá trình tu hành của Ngài, ta thấy không có môn nào để từ một con người bình thường biến thành Thần Linh có khả năng cứu độ cho ai. Sau đó, Ngài để hết thời gian còn tại thế để truyền lại cho những ai muốn được như Ngài thì phải tự mình thực hành. Chính vì vậy mà Đạo Phật gọi là Đạo Tự Độ, Phật không có thể cứu giúp cho ai. Bằng chứng là chính con ruột của Ngài là La Hầu La, em Ngài là Đức A Nan vẫn phải tự tu.

Có lẽ mọi người sẽ thắc mắc, vì rõ ràng trong Kinh viết là Phật có thể “Cứu Độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới”. Như vậy không lẽ Kinh viết sai như những người bên Tiểu Thừa bắt bẻ là “Kinh Đại Thừa Ngụy Tạo, không phải lời của Phật thuyết”. Họ còn cho rằng Đại Thừa dựng ra vô số Phật, Bồ Tát để mọi người tôn thờ! Điều đó chúng ta sẽ hiểu như thế nào?

Ai cũng biết Phật không muốn là ngôi vị độc tôn để mọi người tôn thờ, mà đã Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể Thành Phật giống như Đức Thích Ca và Chư Vị Giác Ngộ đã thành. Muốn Thành Phật thì phải qua giai đoạn Chứng Đắc. Mở lại lịch sử Truyền Thừa, chúng ta sẽ thấy người đầu tiên Chứng Đắc, được Đức Thích Ca Truyền Y Bát chính là Đức Ca Diếp. Không phải vì tuổi già theo hầu Phật lâu năm mà Ngài Ca Diếp được Truyền Y Bát để giao cho thống lãnh Tăng Đoàn và giữ gìn, phổ biến Giáo Pháp của Đạo Phật. Sự việc được lý giải hết sức rõ ràng: Trong một lần trước đại chúng, Đức Thích Ca cầm cành Sen đưa lên. Trong khi Đại Chúng ngơ ngác, không hiểu ý Phật muốn nói gì thì Ngài Ca Diếp rạng mặt mỉm cười. Lý do chỉ có nụ cười mà được Ngài Ca Diếp được Truyền Y Bát làm cho những thế hệ về sau luận bàn đủ kiểu. Kẻ cho là Ngài “cười ngây ngô”. Người cho là Ngài “cười đúng lúc”. Do không hiểu ý nghĩa của Nụ Cười đó nên họ gán như thế không khác nào bôi bác Đạo Phật.

Thật vậy, chúng ta nghĩ sao khi một Giáo Pháp đặt Trí Tuệ lên hàng đầu: “Tam thế Chư Phật Y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”, có nghĩa là Ba Đời Chư Phật (Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai) đều nương Trí Huệ qua bờ bên kia mà đắc Đạo Giải Thoát. Như vậy làm gì có việc “cười ngô nghê” hay “cười đúng lúc” mà được Truyền Y Bát? Nụ Cười của Ngài Ca Diếp khi Đức Phật đưa Cành Sen lên là vì Ngài hiểu rõ Ý Phật muốn diễn tả qua Cành Sen, là do Ngài thấu hiểu Phật Pháp, hiểu rằng dù Đức Phật dùng rất nhiều Phương Tiện. Nói Nước Phật, nói Chư Phật, nói Bồ Tát, nói Tứ Quả Thánh, nói Tây Phương, Đông Phương v.v… chỉ là để dẫn dụ con người vì ham làm Phật, Bồ Tát, làm Thánh, đạt những Quả Vị nọ kia mà tin và hành theo. Nhưng kết quả mà người tu đạt được chỉ là sự KHÔNG Ô NHIỄM bởi Khổ đau của cảnh đời đầy đau khổ, như Hoa Sen được sinh ra từ bùn mà vẫn tinh khiết, không bị nhiễm mùi bùn. Mục đích tu hành theo Đạo Phật là để không còn bị cảnh đời, bị các Pháp hành hạ. Người tu sẽ nổi giữa Bể Khổ, vươn lên như Hoa Sen vươn lên khỏi bùn. Nhưng do bản tính con người vốn không dễ bỏ những gì họ mê đắm từ bao đời, nếu không thấy họ sẽ được cái khác to lớn, vĩ đại hơn, tốt đẹp hơn thì dễ gì họ buông bỏ? Chính vì vậy mà Quả Vị, mà Nước Phật được Phật bày ra, nhưng kết quả chỉ là sự Giải Thoát khỏi phiền não trong cuộc sống mà thôi. Đó cũng là lý do mà Đạo Phật dùng Hoa Sen làm biểu tượng. Sự “Cứu Độ” của Đức Phật, của Đạo Phật đối với con người chỉ là Giáo Pháp. Người nương Giáo Pháp của Đạo Phật mà hành theo thì sẽ có được sự Giải Thoát như Phật đã đạt được.

Việc “Cứu Độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới” được hiểu như sau: Trong mỗi con người từ vô thỉ đến nay, nếu không tu hành thì lúc nào Tham, Sân, Si cũng lừng lẫy, chỉ chờ cơ hội, gặp pháp hợp với nó là nó bùng lên. Cách đây mấy ngàn năm mà Đức Thích Ca đã đọc được tư tưởng con người. Thấy nó sinh ra trùng trùng, điệp điệp. Cho tới gần đây thì những nhà nghiên cứu tư tưởng con người của nước Úc mới cho biết, mỗi ngày mỗi người sinh ra khoảng 50.000 tư tưởng. Như vậy, trong mỗi kiếp, 3 chủng loại đó trong mỗi người sản sinh ra nhiều vô số kể, đông như công dân trong một thế giới, nên Đức Phật gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Người tu Phật chính là để “Độ” cho những Chúng Sinh này của mình. Độ hết chúng, không còn bị chúng quấy rầy nữa thì gọi là Giải Thoát. Điều này tương ứng với câu Kinh Kim Cang “Ta đã diệt độ vô lượng vô số Chúng Sanh”. Dù gọi là Chúng Sanh, nhưng không phải là một con người hay một sinh vật có thật, chỉ là giả gọi mà thôi. Vì thế, Kinh viết tiếp “Nhưng thật ra không có Chúng Sanh nào bị diệt độ cả”, vì đó chỉ là những tư tưởng còn khuynh hướng xấu của người tu mà thôi.

Nhiều Tu Sĩ thường vẫn nghĩ rằng Chúng Sanh là bá tánh bên ngoài, nên tìm cách giảng pháp, lôi kéo để họ Quy Y, cho rằng như thế là Độ Sinh. Hoặc có vị bày cho đệ tử mua hàng tấn cá mang Phóng Sinh, cho đó là Độ Sinh. Những việc làm này chỉ là tích phước báo, không liên quan gì đến việc tu hành, vì không đưa người làm đến kết quả Giải Thoát. Đọc Pháp Bảo Đàn Kinh, ta thấy Lục Tổ dạy: “Chư Thiện Tri Thức. Chúng Sanh trong Tâm mình tức là: Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này đều gọi chung là Chúng Sanh. Mỗi người phải dùng Tánh mình mà độ lấy mình mới gọi là thiệt độ”. Một số khác vì hiểu lầm nên diệt hết tư tưởng, cho đó là Độ Sinh. Vì thế, Chư Vị giác Ngộ về sau phải dùng từ “Điều phục” hay “Chuyển hóa”, tức là chỉ cải tạo, sửa đổi, cho nó “Cải tà, quy chánh”, “phản vọng, quy chân” rồi dùng lại, không có diệt hết tư tưởng để trở thành ngây ngô, vô cảm, bởi người tu Phật không phải tu hành để trở thành gỗ đá vô tri, mà được dặn dò sau khi hoàn thành sứ mạng của mình thì phải đền TỨ ÂN, nếu chúng ta dẹp hết mọi suy nghĩ, hành động, không tham gia với đời thì làm sao thực hiện được những điều đó? 32 Tướng Tốt của Phật cũng được hình thành bằng những việc làm tốt đẹp đối với Ông bà, Cha mẹ, Thầy, bạn, tha nhân, không phải là những hảo Tướng mà mọi người dùng vàng, bạc, gỗ quý, xi măng… đúc hay tạc ra để thờ như những người hiểu lầm văn tự vẫn làm từ xưa đến nay.

Thật ra, hành trình Tu Phật, Thành Phật chỉ làm một công việc là tìm nguyên nhân đã làm ra đau khổ, Sinh Tử Luân Hồi rồi hóa giải. Đức Thích Ca chỉ rõ: Cái làm ra Sinh Tử Luân Hồi là cái Tâm, trong đó có vô số tư tưởng, tốt có, xấu có. Chính những tư tưởng xấu gọi là Chúng Sanh, vì nó sẽ đưa đến việc tạo Nghiệp làm cho phải Sinh Tử Luân Hồi. Cho nên, tu hành tức là học cách để Chuyển Hóa những Chúng Sinh đó, giáo hóa chúng, cho chúng chuyển hướng sang tốt. Khi Cái Tâm không còn những tư tưởng đen tối, ác độc xâm chiếm mà trở nên trong sáng, thanh tịnh, thì gọi là nước Phật được thành lập. Gọi Tây Phương Cực Lạc, vì không còn phiền não, đau khổ, chỉ còn niềm vui. Tả cảnh Giới Phật đầy dẫy Bảy Món châu báu, nhưng không phải là vàng bạc, châu báu của trần gian. Châu Báu mà Phật tả, là nói về những thứ mà ta vẫn ôm giữ từ bao nhiêu đời. Do ôm giữ như người giữ của quý, không chịu rời xa, nên Phật ví như Châu Báu. Đó là Ba Nghiệp của Thân và Bốn Nghiệp của Khẩu. XẢ chúng đi thì gọi là “Cúng dường cho Phật”. Ngài đặt tên cho chủ trì của Nước Tây Phương Cực Lạc là A Di Đà. Sở dĩ hiệu là A Di Đà là vì “Hào quang soi suốt không ngăn ngại”, có nghĩa là nơi cái Tâm đã thành lập Tây Phương Cực Lạc trên, dưới, trong ngoài đều sáng suốt, thanh tịnh, không còn bị chướng ngại bởi một phần tử xấu xa, đen tối nào.

Để thành lập nước của Phật A Di Đà, ta thấy Kinh tả: “Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây đều bằng châu báu bao bọc giáp vòng, vì thế nước đó tên là Cực Lạc.

Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng Bảy chất báu, trong đó đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất.

Vàng, bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao. Trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não…”.

Xá Lợi Phất! Lại Đức Phật đó có vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử đều là bậc A La Hán, chẳng phải tính đếm mà có thể biết được, hàng Bồ Tát chúng cũng đông như thế… Những chúng sanh vãng sanh vào đó đều là bậc Bất thối chuyển”.

Kinh viết rõ: “Những người vãng sanh trong đó đều là bậc Bồ Tát, Thinh Văn, Bất thối chuyển”, và “Xá Lợi Phất! Chẳng có thể dùng chút thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về cõi đó”. Vậy thì ta nghĩ sao khi cả đời làm tội, gây nghiệp rồi lúc chết mời Sư tới tụng vài bài Kinh mà vong linh được đưa thẳng về Tây Phương Cực Lạc?

Chúng ta nên hiểu là Tây Phương Cực Lạc là phương tiện Phật dùng để diễn tả một cái Tâm chứa đầy Công Đức của việc Thí Xả Ba Nghiệp của Thân, Bốn Nghiệp của Khẩu gom lại làm thành ao bằng bảy báu. Mành lưới, hàng cây bằng bốn chất báu tượng trưng cho Giới. Ao nước chứa Tám Công Đức là việc thực hành Bát Chánh Đạo, không phải là vàng, bạc, lưu ly, xích châu, mã não của trần gian, vì cõi Phật là vô Tướng, làm sao chứa chất những thứ hữu tướng?

Việc tu hành được thực hiện nơi Tâm. Kinh Duy Ma Cật viết: “Tất cả Chúng Sanh là Cõi Phật của Bồ Tát. Bồ Tát tùy chỗ giáo hóa chúng sanh mà lãnh lấy cõi Phật. Tùy chỗ điều phục chúng sanh mà lãnh lấy cõi Phật. Tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào vào trí tuệ của Phật mà lãnh lấy cõi Phật. Tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào phát khởi căn tánh Bồ Tát mà lãnh lấy cõi Phật. Vì sao thế? Vì Bồ Tát lãnh lấy Cõi Phật thanh tịnh đều vì muốn lợi ích chúng sanh”. Và: “Bồ Tát nếu muốn được Cõi phật thanh tịnh, nên làm cho Tâm thanh tịnh; tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà Cõi Phật được thanh tịnh”. Cõi Phật được hình thành từ chỗ làm cho cái Tâm thanh tịnh. Đâu có chỗ nào nói nhờ vào Tụng Kinh, Bố Thí, Cúng Dường, Ngồi Thiền, hay làm nhiều việc thiện mà làm ra cõi Phật?. Cũng không phải diệt tất cả những ý tưởng mà cái Tâm trở thành thanh tịnh. Chỉ cần dẹp bỏ những xu hướng xấu, ác độc, tham lam, hại người mà thôi.

Nhiều người mơ màng Tây Phương Cực Lạc đã bỏ hết mọi tính toán làm ăn, chỉ nhất tâm Niệm Phật A Da Đà để cầu mong về đó. Họ không biết là Phật tả cõi đó trong Tâm. Chỉ cần làm cho cái Tâm thanh tịnh là Cõi Phật sẽ hình thảnh ngay tại lúc sống, không phải đó là cõi nước của Phật nào khác, chờ chết rồi Phật và Thánh Chúng nước đó sẽ tới rước. Đó là sự khác biệt giữa Chánh Pháp và Tà Pháp dù đều cùng hành chung những Pháp của Đạo Phật.

Phải chăng ngoài Đức Thích Ca, Đại Thừa lại có thêm, nhiều vị Phật, Bồ Tát để thờ? Nếu hiểu rõ về Đại Thừa, ta sẽ biết rằng Đại Thừa không bao giờ dạy người tu Thờ Phật, mà dạy họ tu để Thành Phật. Phật, Bồ Tát mà Đại Thừa đặt ra, không phải để thờ, mà nói về những công việc người tu làm nơi tự tâm của mình. Mỗi công việc được đặt cho một danh xưng. Thí dụ hành động lắng lòng để nghe tiếng nói của tư tưởng mình thì gọi đó là ta đang hành “Hạnh Quán Thế Âm Bồ Tát”. Khi trong tâm ta nảy lên một ý nghĩ xấu xa, lúc đó có ý tưởng nổi lên, giải thích, nhắc nhở để tư tưởng xấu được dẹp đi thì gọi là “Bồ Tát đang cứu độ Chúng Sinh”. Khi tư tưởng xấu không còn, trở lại tình trạng thanh tịnh, thì gọi là “Chúng Sinh đã được Giải Thoát hay là Thành Phật”. Chính vì vậy mà Tổ Đạt Ma dạy rằng “Chúng Sinh Độ Phật” cũng trong nghĩa đó. Vì có Chúng Sinh mới có Phật. Phật và Chúng Sinh chỉ là hai tình trạng: Phiền Não và Giải Thoát. Phiền não là Chúng Sinh. Hết phiền não thì được Giải Thoát gọi là Thành Phật. Không có phép màu hay Thần Linh gì ở đây hết. Cho nên những người hương khói, tụng niệm để Cầu An, Cầu Siêu đều là những người hiểu lầm Đạo Phật.

Dù mỗi danh xưng chuyên trách một việc trong Tâm, nhưng tất cả đều hướng về công việc giáo hóa, dẫn độ Chúng Sinh, để tất cả đều được an ổn, thanh tịnh, không còn phiền não, đau khổ, để cuối cùng được Giải Thoát hay Thành Phật. Do đó con đường tu để thành Phật gọi là Con Đường Độ Sinh, người tu nào không qua công việc này thì không thể Thành Phật được. Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Chúng người hãy chú tâm mà nghe cho rõ. Những người mê muội đời sau, nếu biết cái Tâm Chúng Sinh là Thấy Phật. Bằng chẳng biết cái tâm Chúng Sinh thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó gặp. Nay ta dạy các người phải biết Chúng Sanh ở Tâm mình, thì thấy Phật Tánh ở tâm mình. Muốn cầu thấy Phật thì phải biết Cái Tâm Chúng Sinh”. Chúng sinh đó cũng ở trong Tâm mỗi người, không phải bên ngoài. Cho nên, người không lo tu cho bản thân, chỉ nhắm vào bá tánh bên ngoài mà khuyến tu thì e rằng không thể nào thành tựu được, mà cũng không có công đức gì với Phật, vì Phật không cần điều đó.

Tóm lại, Phật không phải là Thần Linh. Đức Thích Ca cũng chỉ là một người bình thường như mỗi chúng ta, nhờ tu hành, đoạn trừ Phiền Não mà được thành Phật. Việc Thành Phật chỉ là giải thoát cho bản thân hết Khổ, không thể phù hộ, độ trì cho ai. Chính bản thân Phật cũng đã nhập diệt, đã trà tỳ thì chúng ta không thể cầu Ngài ban bình an hay phù hộ cho chúng ta tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức được. Bằng chứng là ngay những đợt thiên tai năm vừa qua trên chính quê hương của Phật, đã cướp đi hàng mấy ngàn sinh mạng, Phật cũng đâu có cứu được? Đạo Phật dạy Nhân Quả, Tự Độ, dạy mỗi người phải tự làm để đạt thành quả theo Luật Nhân Quả mà thôi, đừng trông mong, cầu xin rồi trách Phật không linh thiêng hay thiên vị, cho người này người kia mà không cho mình. Những người quảng bá rằng Phật quyền phép vô biên, khuyến khích mọi người xây Chùa cho lớn, tạc tượng Phật cho to rồi khói hương thành khẩn Cầu An, Cầu Siêu, Tụng Kinh để đưa Vong Linh người chết về Tây Phương Cực Lạc là những người hiểu sai về Phật cho nên những gì họ làm không phải là Chánh Pháp mà đã lạc sang Thần Quyền, mê tín.

Nhiều người mang tư tưởng trao đổi khi Bố Thí. Với người thân, với người nghèo thì họ so đo, tính toán từng xu. Nhưng với Chùa Chiền, Sư Tăng thì họ không tiếc, chỉ vì tin theo lời dạy trong Kinh: “Bố Thí, cúng dường cho Phật, cho người tu hành thì Phước Báo sẽ trả lại gấp trăm nghìn lần”. Thật ra đó chỉ là phương tiện Phật dùng vào thời buổi sơ khai, khi mới thành lập Tăng Đoàn. Lúc đó chưa có chữ viết. Tu sĩ cần tập trung để học thuộc lòng giáo pháp, mai sau phổ biến. Nếu để họ phải lo nghĩ về cái ăn, cái mặc thì họ không toàn tâm toàn ý để nghe và ghi nhớ lời Phật dạy, nên Phật phải kêu các tu sĩ dẹp hết chuyện bên ngoài, để các Cư Sĩ cung dưỡng cho. Nhưng cũng chỉ là thực phẩm đủ dùng trong ngày. Về sau này, Kinh sách tràn lan, tha hồ tham khảo, không cần phải bỏ hết mọi việc nữa, và tu Phật chỉ là Tu Tâm, không nhất thiết muốn tu hành thì phải ở trong Chùa, đầu tròn, áo vuông, giữ Tứ oai nghi nữa, vì đó chỉ là hình tướng bên ngoài, quan trọng là Điều Phục Chúng Sinh nơi nội TÂM. Đạo Phật không thể đóng khung trong Chùa, mà cần phổ cập cho mọi người, cho mọi tầng lớp thì để tất cả cùng được Giải Thoát mới đúng với ý Phật. Tu chỉ có nghĩa là Sửa. Người chịu sửa cái Tâm thì đó đã là tu sĩ. Cái đầu, chiếc Y, hoàn cảnh sống không nói lên được gì.

Kinh sách thì rất nhiều, mỗi người có thể tham khảo để tự phá mê cho mình. Phật dạy có 5 điều khó được: “Thân người khó được. Phật Pháp khó nghe. Chánh Pháp khó gặp. Người Trí khó gần. Khó sinh ra được nơi có Phật Pháp lưu hành”. Thời này ta may mắn có được hầu hết những thứ được cho là Khó đó mà không chịu tu hành thật rất là phí uổng. Hơn nữa, nếu chúng ta ý thức được “đời là bể khổ”, “cuộc sống là Vô Thường”, hẳn có giây phút nào lắng lòng để tìm con đường Giải Thoát. Còn nếu tiếp tục đam mê danh, sắc trần gian, hoặc dựa vào sắc tướng, vọng ra để trông mong vào sự cứu độ của Phật ngoài, thì rõ ràng đó là người người chưa nắm vững Giáo Pháp của Phật. Khi bản thân mình chưa hiểu rõ, chưa thực hành, chưa chứng nghiệm, mà còn mang đi giảng cho người khác thì đó là “chồng mê” cho người. Đạo Phật gọi là Đại Vọng Ngữ, chỉ những người không hiểu rõ Nhân Quả mới dám làm vậy.

Tháng 7/2017

Tâm Nguyện

CHUYỆN ĐỌC SÁCH

BÌNH TÚ NGỌC

Sách đã có từ lâu lắm rồi. Nhờ có sách ghi lại những việc đã xảy ra trong cuộc sống mà người ta mới có kiến thức, nếu không thì con người khó có thể có sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, trong vũ trụ bao la, rộng lớn dường như vô tận này.

Tôi rất thích sách, không, yêu sách thì đúng hơn, cho nên cũng rất… yêu đọc sách. Mỗi khi có được tiền, thì tôi thường hay nghĩ ngay đến việc dành dụm để đến hiệu sách tìm mua một vài quyển sách mình thích đem về… để trong tủ sách nhà mình cho… oai và thủng thẳng đọc dần cho đến hết. Mỗi lần được đi đến hiệu sách để… chiêm ngưỡng sách và để mua sách là một niềm vui lớn đối với tôi. Mỗi khi mua được một quyển sách hay là tôi mừng như được ăn một bữa tiệc vậy. Hiện nay, tủ sách của tôi cũng được cỡ “thường thường bực trung” với người ta chứ không đến nỗi tệ lắm. Những loại sách mà tôi thường cho vào diện “ưu tiên” mua ngay khi đi hiệu sách là những loại sách về tôn giáo, văn học nghệ thuật, nghiên cứu, biên khảo, văn hóa xã hội, tự điển và loại sách về học làm người. Gia tài của tôi không có gì, ngoài… vợ và… bốn anh con trai với sách và sách mà thôi.

Sách mua về, điều đâu tiên tôi làm là giở ra trang đầu tiên ghi vào đó nơi mới vừa mua quyển sách đó, ngày tháng năm mua nó và ký tên mình thật bay bướm vào ngay phía dưới. Cuối cùng, đánh một cái dấu riêng của mình vào một trang nhứt định của quyển sách (đây là điều… tuyệt mật, chỉ có một mình mình biết, một mình mình hay mà thôi) để lỡ sách mình có bị… thất lạc đâu đó, ở nhà một người… yêu sách nào đó, thì mình có thể… nhận diện ra nó một cách chính xác, không sai trật đi đâu được. Sau đó, giở xem lướt qua mục lục, rồi lần giở xem lướt qua từng phần của quyển sách để có cái nhìn tổng quát về quyển sách mới mua và đọc kỹ trước những phần nào mình thấy thích thú nhất cho “đã” cơn thèm… sách. Xong xuôi, tôi nâng niu để… “người yêu” lên kệ theo từng thể loại, để rồi cứ từ từ thưởng thức dần dần. Cứ mỗi lần thấy tôi mua sách mới về là “nhà có tóc” của tôi cười mím mím và nhìn lên giá sách rồi hỏi với vẻ… chọc quê tôi: Đọc chừng nào cho hết hả anh? Tôi cũng cười cười… trả đũa và nói: Cứ từ từ, thủng thẳng rồi cũng đọc hết mà thôi em yêu ơi. Đừng có lo bò trắng răng mà mệt. Mỗi ngày tôi đều dành thì giờ đọc sách. Ngày nào không đọc sách là cảm thấy khó chịu trong người làm sao ấy. Với tôi, nhịn ăn chừng… vài bữa thì có thể (vì nhịn ăn nhiều bữa thì… chết đói), nhưng nhịn đọc một bữa thì không.

Vì yêu thích sách, nên tôi cũng hay sưu tầm những câu nói hay về sách, về đọc sách, xin kể ra đây vài câu để hầu bạn đọc gần xa:

Thánh Phao-lô trong kinh Tân Ước khuyên người con tinh thần (môn đồ) của ông là Ti-mô-thê rằng: “Hãy chăm chỉ đọc sách”.

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Một gian nhà không sách vở chẳng khác nào một ngày không nắng”.

George Duhamel nói: “Một người mạnh khỏe có một học thức bình thường cần đọc sách cũng như cần thở, cần uống”.

H. N. Casson phàn nàn: “Bản tính con người thật kỳ dị: vung tiền ra sắm xe hơi mà bỏn xẻn khi mua sách”.

A. Souché thì nói: “Kẻ nào thích đọc sách là một người được giải cứu”.

Đại thi hào Đỗ Phủ thì viết: “Độc thư phá vạn quyển, hạ bút như hữu thần” (Đọc ngàn quyển sách, hạ bút như có thần).

Goethe thì cho rằng: “Một cuốn sách dở tới đâu cũng có chỗ hay”.

Thi hào Lamartine nói: “Ngày nào đọc được một cuốn sách hay là ngày đó đáng ghi trong đời sống”.

Horace Mann thì ước ao sách phải được hiện diện ở khắp mọi ngõ ngách: “Nếu quyền ở tôi, tôi sẽ gieo rắc sách khắp mặt đất như người ta gieo lúa trong luống cày vậy”.

Với Guerin thì: “Tôi đọc sách không phải là để nâng cao tri thức mà để nâng cao tâm hồn”.

J. Stanislas de Boufflers thì phát biểu rằng: “Không phải đọc tất cả là đủ, mà phải tiêu hóa những điều đã đọc”.

Còn Alphonse Karr thì nói: “Nghệ thuật đọc sách là: đọc ít nhưng đọc thật kỹ.

F. Mauriac có câu nói đáng nhớ như thế này: “Hãy cho tôi biết anh đọc những sách nào, tôi sẽ cho anh biết anh là hạng người ra sao”.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường rất có lý khi viết: “Đọc sách hay là tìm nguồn vui trong sách vở bao giờ cũng được coi là một lạc thú độc nhứt ở đời”.

Hoàng Đình Kiên thì cho rằng: “Sĩ phu mà ba ngày không xem sách thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe” v.v.

Mỗi khi đi thăm bạn bè, người thân hay một ai đó, khi vào nhà, điều khiến tôi chú ý đầu tiên không phải là ngôi nhà của gia chủ, mà là… tủ sách của gia chủ. Và xin phép gia chủ cho xem qua tủ sách một chút. Có những điều thú vị mà tôi khám phá ra được trong những chuyến đi thăm như thế: Có những người nhà cửa thì bình thường, chưa có tầng nào, nhưng tủ sách thì… rất giàu, tầng tầng, lớp lớp khiến tôi phát… thèm. Có những người thì nhà cửa rất sang trọng, nhiều tầng, nhưng tủ sách thì… rất nghèo, chẳng có tầng nào cả, khiến tôi phát… bực dùm cho họ. Ước gì tôi có tiền nhiều như họ, thì tôi sẽ sắm một tủ sách thật ưng ý, tầng tầng, lớp lớp cho thỏa chí.

Khi nói chuyện với một người nào đó một vài lần, ta có thể biết người đó thuộc vào hạng người thích cái gì, thích tìm tòi, hiểu biết, thích kiến thức, thích sách vở hay thích làm giàu và thích các lĩnh vực khác phải không bạn? Người ta thường nói “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Khi gặp ai có cùng sở thích ham sách vở, kiến thức, ham tìm tòi, hiểu biết là tôi… khoái lắm lắm và thấy… nể người đó liền. Muốn kết bạn ngay với người đó để được hiểu biết nhiều hơn, để học được nhiều điều mới lạ hơn, quý báu hơn mà mình chưa biết. Phải chăng ngày xưa ông bà mình nói “chọn bạn mà chơi” là vì vậy?

Đọc nhiều sách là quý, vì nó giúp mở mang kiến thức cho ta, giúp ta hiểu biết về thế giới chung quanh, về con người, về cuộc sống, về nhiều lĩnh vực trong cái vũ trụ mênh mông vô tận này. Nhưng dù ta có đọc nhiều sách đến đâu đi nữa, thì có một điều chắc chắn là ta cũng không thể nào hiểu biết hết về thế giới, về vũ trụ, vì đầu óc ta thì hữu hạn, còn thế giới, vũ trụ này thì mênh mông, bao la, làm sao ta có thể hiểu hết được. Cho nên, ta rất cần phải biết chọn lựa sách để đọc. Sách nào quan trọng nhất, có ý nghĩa lâu dài nhất cho cuộc đời, bổ ích cho cuộc sống và có thể làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình, thì ta nên lấy đó làm sách “gối đầu giường” để ưu tiên đọc trước và dành thì giờ đọc đi đọc lại nhiều lần, đồng thời làm theo những gì sách ấy dạy dỗ ta phải không bạn? Tôi đã có quyển sách “gối đầu giường” của tôi. Còn bạn, bạn có quyển sách nào để làm sách “gối đầu giường” cho mình chưa?

Tôi nghe hiện nay nhiều người đang… lo lắng rằng một mai đây, con người ta sẽ không thèm đọc sách in như hiện nay nữa, vì sẽ có sách điện tử (ebook) thay thế rồi. Vì sách điện tử nhỏ gọn, chỉ nhỏ hơn bàn tay thôi, nhưng có thể có một bộ nhớ chứa đựng trong đó hàng chục, hàng trăm quyển sách, khỏe re. Đi đâu xa chỉ cần mang nó theo thôi là có thể đọc được đủ thứ rồi, không phải nặng nề, lỉnh kỉnh mang theo một lô một lốc quyển như sách giấy. Nếu vậy thì cũng khỏe thiệt, nhưng… chưa chắc đã thú bằng đọc sách in trên giấy đâu. Đọc sách in, ta muốn làm dấu chỗ nào cũng được, muốn ghi xuống những nhận xét, suy nghĩ của mình vào những chỗ nào mình thấy thú vị thì mình cứ tự do, thoải mái ghi; muốn ghi tên, ký tên mình vào sách để kỷ niệm hoặc để tặng bạn bè thì cứ tùy thích. Sách in đọc xong, mình có thể để chỗ nào cũng được, lỡ có quên cũng không sợ… mất, chứ sách điện tử mà lỡ quên thì coi chừng nó… không cánh mà bay, rồi tiếc… đứt tóc luôn. Theo tôi, đọc sách in vẫn là thú vị và là niềm vui thích của nhiều người. Tôi tin chắc rằng cũng còn… lâu lăm lắm sách điện tử mới có thể thay thế được hoàn toàn sách in.

Giữa thời đại sống nhanh, sống vội thời @ (a còng) này, rất nhiều người chỉ chuyên chú vào công việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán, chẳng còn thèm dành thì giờ để làm bạn với sách nữa. Còn bạn thì sao? Bạn có thường hay dành thì giờ để đi “thăm viếng” các hiệu sách mỗi khi có dịp tiện không? Bạn có thường hay dành tiền bạc của mình để “tậu” một vài quyển sách quý làm sở hữu cho mình không? Và rồi bạn có thường hay dành thì giờ mỗi ngày để… nhấm nháp sách không?

Nếu bạn còn làm được những việc như thế, tôi tin chắc bạn sẽ thấy cuộc đời này thú vị nhiều hơn là mình tưởng đấy. Từ xưa đến nay, sách vở đã đem đến biết bao điều hữu ích cho ta và cho cuộc sống này. Có ai đó đã nói rằng sách là một người bạn tốt. Thật rất đúng.

Chúc bạn luôn yêu sách như tôi đã từng và đang tiếp tục yêu sách. Yêu sách hôm nay, yêu sách ngày mai và yêu sách mãi mãi thôi, sách ơi!

ĐỖ THIÊN THƯ st.


Phụ bản I

Thi sĩ NGUYÊN SA


Nguyên Sa (sinh 0 1/3 / 1932 tại Hà Nội , mất 18/4 / 1998 tại CA, Mỹ)

Ông tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950 . Nguyên Sa gốc ở Thuận Hóa ( Huế ), ông cố là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời Tự Đức , đến đời ông nội mới ra Hà Nội.

Năm 1953 , ông đậu tú tài Pháp , lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne . Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.

Năm 1955 , ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước, sống tại Sài Gòn .

Năm 1975 , ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời ( 18/4 /1998).

Quan điểm văn học và triết học

Được Nguyễn Khắc Hoạch (Trần Hồng Châu), khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn xếp vào “tứ trụ” triết Tây, nhưng Nguyên Sa Trần Bích Lan không giống ba “trụ” kia: Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Toàn và Nguyễn Văn Trung.

Bởi Nguyên Sa tiếp cận với học trò trung học trong khi các thầy kia phải lên đại học mới gặp. Bởi ở Nguyên Sa, con người sáng tác tài hoa đi trước dẫn đầu, con người triết học chìm trong hậu trường, sâu xuống cội rễ.

Thời Nguyên Sa, những năm 54 - 60, miền Nam có một sức sống mới, một tin tưởng mới, nhờ những người thầy tốt, du học Pháp về, hướng dẫn tuổi trẻ vào con đường suy tưởng.

Môn triết lớp 12 (đệ nhất) đối với học trò, là một cực hình không ai muốn học, lại có hệ số thấp; người ta học thêm toán lý hóa để có điểm cao, hệ số cao.

Nguyên Sa mở lớp triết tư, như một thách đố, vậy mà có học trò.

Học trò học triết của thầy Lan nhiều lắm, bởi ông dạy nhiều giờ, nhiều trường. Bởi ông giải mã những vần đề khô khan của triết học một cách dí dỏm hài hước, lồng triết trong văn thơ, như một tay phù thủy bỏ chất nổ phát động những tràng cười ròn rã.

Nguyên Sa Trần Bích Lan đã bắc cái cầu giữa văn chương, triết học và đời sống cho thanh niên. Ông đã cho học trò hiểu triết học là con đường vào đời từ lớp 12. Họ vào đời với hành trang tư tưởng chính của ông là sáng tạo: làm bất cứ việc gì thì anh cũng phải sáng tạo. Nghề gì cũng phải sáng tạo. Nghề cầm bút là nghề sáng tạo. Anh không thể viết như người đi trước, anh đọc người đi trước để biết họ viết gì và anh phải viết khác họ.

Viết về Nguyễn Du, ông tìm thấy ở con người được hầu hết các nhà phê bình đi trước gắn với thuyết định mệnh, có những nẻo đường tự do. Chẳng phải người trước viết sai, nhưng mỗi người đọc tác phẩm phải có một sáng tạo mới, “cần phải cố gắng sáng tạo khi đề cập đến bất cứ một vấn đề gì”, sự sáng tạo đích thực chứ không phải sự tán, sự bịa.

Đối với Hồ Xuân Hương, phê bình bất lực, không thể làm gì được, không thể giải thích bằng những quy định chữ nghĩa quanh co, mà không rơi vào vòng thô tục, bởi vì ta luôn luôn là kẻ đến sau, bởi vì người đọc đã biết, đã thông cảm được Xuân Hương rồi. “Sự thất bại của những nhà phê bình trước Hồ Xuân Hương gần như sâu cay, tàn nhẫn. Người ta không thể vượt qua cái hàng rào danh từ của nữ sĩ họ Hồ bởi vì người đã đạt tới biên giới của tiếng nói trong thi ca”. Sự thất bại bắt buộc người ta phải tìm kiếm, nhưng không bao giờ đạt tới được. Xuân Hương vĩnh viễn là người lạ mặt trước những kẻ kiếm tìm.

Triết học hiện sinh mà Trần Bích Lan gọi là triết học hiện hữu, vẫn là triết học tìm hiểu con người cụ thể, không phải con người phổ quát, trừu tượng trong triết học cổ điển; nhưng dưới ngòi bút của ông, mọi sự nhẹ nhàng hơn, dễ thẩm thấu hơn, dễ phổ cập và quyến rũ hơn, khiến học trò dù ở tuổi nào cũng có thể “nhập môn” mà không bị đè nặng dưới cán cân danh từ và lý thuyết. Đó là nét khác biệt của Nguyên Sa Trần Bích Lan trong sự phổ biến triết học.

Sài Gòn , giáo sư Trần Bích Lan dạy triết tại trường Trung học Chu Văn An , đồng thời mở lớp tại nhà dạy triết cho học sinh chuẩn bị thi tú tài 2. Ông cũng có thời gian dạy triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn .

Ông mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi do bà Nga làm hiệu trưởng.

Báo chí

Tại Việt Nam, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện đại . Tạp chí này được xem là một trong ba tạp chí sáng tác hàng đầu của Việt Nam, cùng với Sáng Tạo Thế Kỷ 20 .

Qua Hoa Kỳ, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Đời, trung tâm băng nhạc Đời và nhà xuất bản Đời.

Thơ Nguyên Sa có một số bài được biết đến nhiều hơn qua những bài hát do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc: Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em, Tháng sáu trời mưa.

Tác phẩm

· Thơ:

Thơ Nguyên Sa tập 1, 2, 3, 4 và Thơ Nguyên Sa toàn tập

· Biên khảo triết học và văn học:

- Descartes nhìn từ phương Đông

- Một mình một ngựa

- Một bông hồng cho văn nghệ.

Khi sang Pháp du học và thi đậu bằng Tú tài ngay tại xứ sở hoa lệ này, nhà thơ Nguyên Sa đã ghi danh vào khoa Triết của ĐH Sorbonne. Tại đây ông gặp bà Trịnh Thúy Nga, và người phụ nữ này đã biến ông thành thi sĩ từ đó. Bài thơ nổi tiếng đầu tiên của Nguyên Sa cũng là bài thơ đính hôn. Bài thơ có tên “Nga” được in ngay vào thiệp cưới năm 1955.

Năm 1956, nhà thơ Nguyên Sa đưa vợ về Sài Gòn sống bằng nghề dạy học và làm thơ. Với quan niệm bản thân “vốn dĩ chỉ là hạt cát”, Trần Bích Lan mới lấy bút danh Nguyên Sa và ngay lập tức lừng lẫy trên thi đàn. Có thể do sự tình cờ hữu duyên, những bài thơ của Nguyên Sa được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc đã lan tỏa rất nhanh vào đời sống văn hóa mọi người lúc đó, và cho đến tận hôm nay, nên khi nhắc đến Nguyên Sa là người ta lại nghe vang lên trên môi những lời hát từ nhạc Ngô Thụy Miên:

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn

Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh

(Áo lụa Hà Đông)

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường

(Tuổi mười ba)

Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm

Chả biết tay ai làm lá sen

(Paris có gì lạ không em)

Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn

Nếu em sợ thời gian dài vô tận

(Tháng sáu trời mưa)

Những bài thơ cuối cùng của Nguyên Sa

Thi sĩ Nguyên Sa đã yên nghỉ vào năm 1998 ở California. Mọi vui buồn và được mất cũng đã lắng dịu đi, đủ để những người bây giờ bình tâm phác thảo một chân dung thơ Nguyên Sa. Ông đã đến với chúng ta, đã sống với chúng ta, đã rời xa chúng ta, và đã gửi lại những câu thơ dâng hiến cả cuộc đời. Gần nửa thế kỷ miệt mài với thơ, Nguyên Sa canh cánh “luôn luôn làm sao để không giống mình, để trở thành một người khác mình, thì đó chính là cách thức, cách thế để trở thành chính mình”.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: “Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt…”. Vì vậy, để hiểu Nguyên Sa không có phương pháp nào đáng tin cậy bằng sự nghiêm túc đọc lại thơ Nguyên Sa.

Nguyên Sa trong những bài thơ cuối cùng là nỗi mong ngóng thăm thẳm cố hương. Như “bài thơ” Nguyên Sa đón Tết ở Wichita Falls giữa cơ hồ run rủi, ông nghĩ về một sự thủy chung giản dị khi hóa thân vào tro bụi: “anh chỉ xin em ném dùm anh xuống những mảnh đất đầu đời, chỗ bãi phù sa anh tắm mỗi chiều, con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học”.

Tháng tư nhớ Nguyên Sa.

20 năm qua, từ ngày nhà thơ Nguyên Sa qua đời, những đóa cúc vàng trên mộ ông trong nghĩa trang ở Tp.Westminster vẫn vàng rực, nhờ sự chăm sóc ân cần từ người vợ thủy chung. Vợ nhà thơ Nguyên Sa, bà Trịnh Thúy Nga, người đi vào cõi thơ Nguyên Sa với những câu mở đầu “tếu táo”:

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Ðể anh giận sao chả là nước biển!…

Quen nhau năm 1952, đến mùa Hè năm 1953, ông làm bài thơ tỏ tình tặng bà. Cho đến giờ, chưa ai biết nội dung bài thơ đó như thế nào, vì bà muốn giữ kín, cho riêng bà. Chỉ biết rằng, trái tim của cô nữ sinh tên Nga từ đó có một hình bóng, mà cô luôn trân trọng nhớ về, từ mùa Hè năm đó.

Bà Nga nhớ lại: “Sinh viên tụi tôi ở lại Pháp sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, gia đình lo tản cư vào Nam nên đâu có gởi tiền qua được. Chúng tôi ra Tòa Đốc Lý Paris ký giấy hôn thú, bạn bè theo đông lắm. Xong kéo nhau ra quán cà phê đối diện uống cà phê, ăn bánh. Bạn bè chung tiền trả tiền cho cô dâu, chú rể. Thế thôi”.

Đám cưới sinh viên Việt Nam nghèo ở kinh đô ánh sáng diễn ra như thế. Chú rể chẳng mặc lễ phục, cô dâu không có áo cưới, mà ngay cả nhẫn cưới họ cũng chẳng mua được. Nhưng có sao đâu, vì ông trao cho bà những thứ quý hơn nhẫn cưới.

Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau

Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay

Anh sẽ hôn đền em,

Môi anh tròn lắm cơ. Tròn hơn cả chữ O

Tròn hơn cả chiếc nhẫn Tròn,

hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!…

(Nga - Nguyên Sa)

LỜI KẾT

Thi sĩ Nguyên Sa đã có lần nói rằng bài thơ Áo Lụa Hà Đông của ông có một số mệnh rất đặc biệt. Khi bài thơ được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc, và ca sĩ Duy Trác trình bày, thì từ đó cái tên Áo Lụa Hà Đông đã gắn chặt tên tuổi của 3 người: thi sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ. Nó đã trở thành một định mệnh. Mặc dù đây không phải là bài thơ hay nhất của Nguyên Sa, cũng như không phải là ca khúc tuyệt tác nhất của Ngô Thụy Miên, cũng như không phải là bài hát mà ca sĩ Duy Trác trình bày thành công nhất. Trong nhạc Ngô Thụy Miên, thơ Nguyên Sa có một chỗ đứng rất đặc biệt: Ý thơ Nguyên Sa bàng bạc khắp nơi, đâu đó thấp thoáng một chút nắng Sài Gòn, một chút lụa Hà Đông, đâu đó bâng khuâng một chút trời Paris và người yêu rất nhỏ…

Áo Lụa Hà Đông

Thơ Nguyên Sa - Nhạc Ngô Thụy Miên

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn

Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh

Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung

Bay vội vã vào trong hồn mở cửa

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết

Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng gì đâu

Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?

Để anh gọi tiếng thở buồn vọng laị...

Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?

Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng...

Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi…

PHẠM VŨ

(Tham khảo: Sách báo - Internet)

TUỔI HẠC


Bạn có bao giờ ngắm kỹ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt.

Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung. Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc.

Ðầu tháng năm vừa qua, tôi sang chơi với vợ chồng người anh ở bên Vienna, D.C.

Ðằng sau nhà anh tôi có một con đường mòn dẫn tới một công viên. Con đường mòn vào cuối Xuân chớm Hạ thật là đẹp: suối róc rách chảy, cây cỏ xanh mướt, những bông hoa núi nở trắng xóa.

Chúng tôi mỗi buổi sáng dắt theo con chó đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện. Tôi bất giác hỏi:

- Sao con người không giống cây cỏ, vào mùa đông héo, úa, rụng, đến xuân, hạ lại hồi sinh nhỉ?

Anh tôi cười, nói:

- Cứ giữ mãi được Xuân, Hạ trong lòng mình là tốt rồi.

Chúng ta những người ở lứa tuổi đang bước vào tuổi già hay đã già. Tinh thần và thể xác không còn như hai mươi năm, mười năm về trước hay thậm chí như mới năm ngoái nữa.

Thông thường bất cứ người mang quốc tịch nào, sinh sống ở phần đất hay hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gặm nhấm lại quá khứ.

Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở ngại ngôn ngữ đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín. Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này.

Bác Sĩ Ornish, tác giả cuốn sách Tình Yêu và sự tiếp tục Sống (Love & Survival), nói rõ: Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Tình thương và tinh thần là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe.

Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ. Nhưng bây giờ điều này đã được nhiều bác sĩ công nhận là đúng.

Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm (tùy theo tôn giáo của mỗi người) chia sẻ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mạnh vậy.

Nếu không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những nỗi khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc.

Theo Bác Sĩ Ornish, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ cảm cúm.

Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có tình thương mới cứu rỗi được.

Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi.

Tuổi như thế nào thì gọi là già, chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là “hưởng thọ”. Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một “bonus” - phần thưởng của Trời cho.

Chúng ta nên sống thế nào với những ngày “phần thưởng” này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh.

Trong Những Lời Phật Dạy có câu: “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng”. Chắc trong quý vị không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này.

Gặp gỡ bè bạn thường xuyên trong những sinh hoạt thể thao là điều tốt lành nhất cho thể lý. Ði tập thể thao như nhảy nhẹ theo nhạc, tắm hơi, bơi lội v.v... đã giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn.

Gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến nhà thờ, chùa cầu nguyện giúp được làm chậm lại sự phát triển của bệnh. Bác Sĩ Jeff Levin giáo sư Ðại Học North Carolina khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyên đến nhà nguyện họ có áp suất máu thấp hơn những người không đến nhà nguyện, ông bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của “Tín Ngưỡng và Sức Khỏe”. Cuốn sách ông phát hành gần đây nhất có tên là Thượng Đế, Tín Ngưỡng, và Sức khỏe (God, Faith and Health), trong đó ông cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn luôn lạc quan.

Lạc quan là một cẩm nang quý vị nên luôn luôn mang theo bên mình. Ðừng bao giờ nói, hay nghĩ là “Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa” hoặc “Tôi vụng về, ít học, chẳng làm gì được”.

Tôi xin kể câu chuyện Hai Con Ngựa của thầy phó tế George A. Haloulakos.

Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa bình thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù.

Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã thành một câu chuyện tuyệt vời.

Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái. Tiếng chuông báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc. Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau.

Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng Ðế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn khiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ.

Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng Ðế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy.

Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau. Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua.

Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được.

Trong một lần đến thăm Viện Dưỡng Lão, tôi thấy một cụ ông 70 tuổi, đút thức ăn cho một cụ bà 80 tuổi. Hỏi ra thì họ không có liên hệ gì với nhau cả.

Chỉ là một người có khả năng cho và một người vui vẻ nhận.

Tính hài hước, làm cho người khác cười cùng với mình là những liều thuốc bổ. Nữ thi sĩ Maya Angelou vào sinh nhật thứ 77, trong chương trình phỏng vấn của Oprah (người dẫn chương trình truyền hình), hỏi về sự thay đổi vóc dáng của tuổi già, bà nói: “Vô số chuyện xảy tới từng ngày... Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước”. Khán giả nghe bà, cười chảy cả nước mắt.

Sinh, bệnh, lão, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là người lựa chọn.

Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn qua tinh thần là:

Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu.

Tinh thần chấp nhận và lạc quan.

Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày.

Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe.

Làm việc thiện nguyện.

Nhóm bạn: Ðọc sách, kể chuyện, đánh cờ, chơi bài (không phải ăn thua).

Tham gia các lớp thể dục như Yoga, lớp dạy Hồng Gia, ngồi thiền, khí công v.v... và ngay cả chỉ đi bộ với nhau 30 phút mỗi ngày cũng giúp cho tinh thần sảng khoái, sức khỏe tốt hơn là ở nhà nằm quay mặt vào tường.

Hãy thỉnh thoảng đọc lên thành tiếng câu ngạn ngữ này:

“Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt”.

T.M.T.- Thúy Toàn st.

CHUYỆN NGẮN ĐỜI DÀI

(tiếp theo số 146)

Con người pha lẫn giữa Xấu và Tốt .

Tôi sanh ra nhà nghèo. Học bài thì ít mà lêu lổng với bạn bè thì nhiều vì chẳng người lớn nào trong gia đình có thời giờ để ý tới tôi. Tất cả đều phải buôn bán đầu tắt mặt tối. Nhà là cái sạp vuông 4x4 thước ở trong chợ Cầu Muối ồn ào. Tụi trẻ con chúng tôi lang bạt ngoài đường cả ngày để rảnh chỗ cho người lớn kiếm sống. Tôi nhập bọn theo mấy thằng trang lứa không có ai nuôi đi ăn cắp vặt. Quần áo sạch sẽ, khuôn mặt sáng sủa, tôi có nhiệm vụ cản địa làm cho người ta chỉ chú ý tới tôi để mấy thằng kia ra tay chôm chỉa. Tôi thì chưa tới nỗi móc túi ai nhưng chúng nó thì đã thử rồi. Nạn nhân là mấy bà già ngờ nghệch, mấy cô thiếu nữ nhà quê ngù ngờ dưới tỉnh quá giang ghe trái cây hay ghe cá lên Sàigòn. Tôi sa lần vào đường trộm cắp, chưởi thề và đánh lộn để giành giựt những thứ gì mình thích, bất kể người đó là ai, con gái, đàn bà hay ông già bà cả. Có điều là tôi vẫn còn ôm cặp tới trường mỗi ngày nên sống bằng hai mặt: tử tế ở nhà và lươn lẹo ở ngoài đường. Người lớn trong nhà không biết điều đó. Họ vẫn coi tôi là đứa con cháu ngoan.

Có thể tôi sẽ thành người cặn bã của xã hội nếu không gặp được trường hợp đặc biệt như sau đây.

Một buổi sáng kia, tôi đương ngồi ăn cháo đậu đỏ nước dừa với dưa mắm cá kho thì bà bán hàng vụt quảy gánh lên vai, chạy tất tưởi như bị ma rượt. Tôi ngó theo thấy dáng bà sợ hãi, nút bóp cái áo bà ba bung ra, hớ hênh. Người biện Chà - tiếng để chỉ cảnh sát hay công an thời đó - đương đuổi theo bà thấy vậy liền đứng lại cười văng nước miếng. Bọn nhỏ đương ăn cháo có đứa vô tâm phá lên cười ngặt nghẽo. Chờ một lúc không thấy bà ta gánh gánh cháo trở lại, tất cả khách hàng lớn nhỏ đều bỏ đi, coi như lần đó được ăn chùa, khỏi trả tiền.

Đêm ấy tôi khó ngủ, nghĩ tới nghĩ lui coi ngày mai có nên trả tiền tô cháo cho bà bán cháo hay không, làm thinh luôn thì cũng được, có tiền đi ăn kem rạp hát Rex ở đường Hồ Văn Ngà là thứ kem tôi rất thích, bà ấy nói gì chỉ chối là xong. Nhưng giựt luôn thì tội nghiệp quá, bà buôn bán cực khổ, vẻ mặt sợ hãi của bà ta khi vụt chạy với cái gánh trên vai, áo nút bung ra sao mà thảm hại! Cảnh tượng đó, chua xót hơn là đáng cười...

Sáng sớm, tôi kiếm bà bán cháo, ăn như lệ thường mà trả hai phần, nói là trả tiền cháo hôm qua. Người đàn bà ngạc nhiên cầm đồng bạc dư, giải thích với người chung quanh rồi kết luận rằng thằng nhỏ nầy khá, lớn lên nó sẽ thành người tốt, còn nhỏ mà nó biết thương người, biết lẽ công bằng, không phạm tội ăn giựt. Bà còn nói thêm, những đứa trang lứa với nó chưa thấy đứa nào khi bà quảy gánh chạy mà hôm sau quay lại trả tiền. Bà nói với tôi ngọt ngào:

- Rồi đây cháu sẽ nên người, sẽ ăn nên làm ra, không cực khổ như những người nhan nhản quanh đây mà cháu thấy.

Hãnh diện về lời khen, cảm giác mình là người tốt, từ đó tôi xa lánh lần các bạn xấu, cố gắng học hành, mỗi khi sắp làm điều gì quấy dầu nhỏ mọn thì cũng nhớ đến lời bà bán cháo đậu đỏ. Thầy học đầu đời giúp tôi nên người lương thiện không phải là thầy cô giáo, cũng không phải là người thân trong gia đình mà là bà bán cháo đậu tất tưởi mỗi khi người biện Chà tới rượt đuổi vì bán buôn lấn chiếm lòng lề đường thời xa xưa hơn nửa thế kỷ trước….

Vậy mà tôi cũng còn máu du côn trong người, vẫn còn tánh xấu chen lẫn với những tánh tốt được bà bán cháo ban phước cho. Vẫn đầy ham muốn những thân thể đẹp khác phái, vẫn thích cờ bạc và nhứt là tranh cãi về những chuyện không đâu vô đâu. Người tôi là sự thể hiện hài hòa của thói hư và điều thánh thiện. Mở ngoặc một chút để nói chuyện nầy, nhỏ mọn thôi nhưng cũng là một kỷ niệm của đời người. Năm đó, tôi chưa tới ngày lên đường qua Mỹ, còn độ chừng hai năm nữa mới tới phiên mình. Theo bạn bè xuống một chợ làng, gần Lách, quê hương ông Trương Vĩnh Ký. Ngồi nhâm nhi cà phê sáng trong một tiệm nước quê, tôi thấy hai người đàn bà còn trẻ lắm, chưa đến tuổi ba mươi, một người bán cá, một người có lẽ là bạn bè gì đó, đương đứng nói chuyện với nhau:

- Ê bà, năm nay bà được bao nhiêu rồi?

- Hăm bảy chứ mấy mậy?

- Quần hòe! Bà học lớp với chị tôi. Bà phải ba chục chứ sao hăm bảy?

- Quần hòe họ. Tao nhỏ hơn chị mầy mà. Lúc đó tao nhí còn bả kềnh chắc là học trễ nên cùng lớp với tao.

- Đách họ! Cùng lớp sao cách nhau tới ba tuổi lận. Bà nói ai mà tin.

Tôi chỏ mỏ vô:

- Hai cô ơi! Đàn bà c o n gái mà quần hòe với đách đẻ nghe xấu quá.

Hai người đàn bà ngó tôi một cái bén ngót bằng dao Thái Lan thọc vô tim tôi rồi nói với nhau:

- Đồ thằng cha già dê đạo lộ không biết cách làm quen.

Tôi láp dáp gì đó không nhớ, chỉ nhớ ông chủ quán cà phê nói nhỏ:

- Chồng của tụi nó là dân giang hồ ở đây, chú láng cháng coi chừng bị chém.

Tôi làm thinh ngồi nghĩ cách phải đối phó như thế nào khi người ta xách dao tới tính chuyện xử mình.

Một lúc sau, không khí coi bộ êm êm. Chợ đông đúc hơn chút đỉnh. Một con cá lóc bự xộn của cô bán cá quậy sao đó mà nhảy nguyên con vô nồi nước đường của bà bán tàu hủ kế bên vừa mới mở nắp. Bà già bán tàu hủ đòi tiền đền hơi cao nói rằng mình phải bỏ luôn gánh tàu hủ. Cô bán cá cãi là cao quá, sáng sớm tôi chưa có tiền, chuyện xui đâu ai muốn đâu.

Tôi kêu bà tàu hủ tới, nhỏ nhẹ nói tôi đền tiền giùm cô kia, sáng sớm làm gì cổ có tiền mà bà đền. Bà già lấy tiền liền, miệng khen tôi nhơn đức. Tôi ngồi đó ngó mông. Bà già bán tàu hủ bây giờ mới vớt con cá ra, trả cho chủ, loay hoay vớt bỏ chút đường theo ý bà là không dùng được, rồi yên lặng ngồi bán như không chuyện gì đã xảy ra.

Tôi là như vậy, ưa xía vô chuyện thiên hạ, mà thiên hạ sau cuộc đổi đời như hai vị thấy đó, trời thần lắm, dễ chưởi bới, hay đâm chém, vác cây đập nhau là chuyện thường ngày trong xóm nhỏ.

Cách đây mấy năm, đâu trước ngày tôi vô đây chứ đâu. Lần đó tôi về lại Việt Nam nói trong bụng là về lần chót. Ông xe ôm đương chở tôi trên đường Đồng Khởi, tôi thấy một cặp nam nữ thanh niên rất đẹp đôi, cô gái trẻ, thanh tú, cậu trai thì dáng khoẻ mạnh bảnh bao, xe họ ngừng trước xe tôi khi đèn đỏ. Bỗng nhiên có một thanh niên ở trần vác mã tấu lại chém nhầu vô người thanh niên. Anh ta một tay ôm đầu máu, một tay đưa ra đỡ, bị chém liên tiếp vô tay. Cô gái khóc la cầu cứu, hung thủ giơ dao lên tính chém luôn. Tôi kêu người xe ôm đứng đợi rồi lẹ cẳng nhảy vô can. Hai vị biết đó, ở Việt Nam chuyện đâm chém nầy không ai can, cũng không ai xía vô, họ chỉ đừng ngó thôi. Vô cảm một phần và sợ đại họa một phần. Tôi la lớn và lột nón bảo hiểm ra quơ quơ. Thằng chém người ngạc nhiên đứng lại một phút rồi không biết sao nó quăng mã tấu chạy thục mạng qua lề bên kia, lòn vô đường hẻm. Tôi còn đương la bắt nó bắt nó thì bị ai đó đâm mấy nhát vô hông, ngã quỵ. Thiệt ra tôi chỉ muốn hù dọa nó thôi, ai mà ở không rượt bắt nó, thiên hạ đã quá quen với cảnh đâm chém trên đường rồi.

Tôi tỉnh lại trong nhà thương Chợ Rẫy, tiền bạc mất hết, may mà còn giấy tờ tùy thân. Mừng là mình chỉ bị thương mà không trí mạng. Nghĩ lại có lẽ cặp thanh niên thiếu nữ bị chém kia vì thanh tú đẹp đẽ cho nên tôi mới làm anh hùng mà không suy nghĩ. Cũng như chuyện con cá nhảy vô nồi nước đường tàu hủ, nếu chủ con cá là bà già mặt mày nhăn nheo thì liệu tôi có bỏ tiền ra đền giùm không? Có thể con người tôi do sự kết hợp giữa xấu và tốt. Cái xấu có thể nhỏ. Cái tốt chưa thật sự lớn. Nhưng xấu tốt cộng lại tạo nên cá tánh tôi. Tôi nhiều khi đỏ mặt khi nghĩ tới điều đó. Cũng như anh Trịnh, tôi tiếc là mình đã già, sửa đổi cũng khó, những tánh xấu chắc rồi mang theo xuống mồ làm hành trang cho kiếp khác….

Con người lươn lẹo do tranh sống .

Tôi hả, nghe chuyện tôi anh em đừng cười nha. Với lại tôi học ít nên chắc là kể không mạch lạc. Khi Tây rút khỏi Việt Nam thì tôi mới 7, 8 tuổi gì đó. Ba tôi đi lính cho Tây bị bên kia bắt hay giết tôi không biết nữa. Chuyện người lớn xa xưa mù mờ trong đầu óc con nít. Má tôi nuôi không nổi mà bả lập gia đình mới nên bà ngoại tôi nuôi tôi. Sáng thì tôi đi học, chiều thì bưng rổ bánh bò đi bán. Tôi không biết mắc cở, gặp tụi học trò quen mặt trong trường tôi theo nài nỉ tụi nó mua giùm, nói tao bán ế quá tụi bây mua giùm làm phước. Tụi nó bùi tai, tôi bán cũng được được. Bà ngoại tôi chuyên mua bán gà. Mua đầu chợ bán cuối chợ. Ngoại ngồi chận trên đường vô chợ, đón đầu mấy người trong quê ra. Người ta nuôi gà thả trong sân, khi cần tiền để làm đám giỗ thì cột một hai con xách ra chợ bán. Họ đâu rành giá cả cho nên ngoại trả giá họ trên trời dưới đất gì cũng được. Ngoại làm bộ rờ nắn phao câu, chê gà ốm, cứt hôi, bắt đầu bịnh…, bán rẻ tôi mua giùm. Đời sống mấy năm đầu cũng được. Rổ bánh bò trở thành nhỏ với đà lớn của tôi. Tôi bắt chước ngoại cũng đi mua bán gà. Ban đầu ngoại cười khen tôi khôn lanh. Tôi buôn bán có lời cất tiền để dành, ăn uống thì đã có ngoại lo. Lần lần thì tôi gọi là rủng rỉnh tiền bạc nhưng sáng nào cũng bị ngoại chưởi ngoài chợ vì cho là tôi giành mối của bà. Bà xí trước rồi mà tôi trả giá cao hơn. Anh em nghĩ coi, ngoại ép giá người ta, nếu người ta đi vô trong chợ có thể bán được cao hơn. Thấy họ đã quyết tâm không bán cho ngoại tôi mới nhích thêm chút nữa vậy mà ngoại chưởi như tát nước vô mặt nào là đĩ chó đĩ ngựa, chó đẻ trâu sanh, ăn cơm nhà tao mà mua giành bán giựt với tao. Ngoại chưởi tôi không dám câu mâu lại, chỉ lầm bầm là ngoại bỏ tôi mới theo. Vậy mà ngoại vẫn nghe và nhiều khi xấn tới đòi vả tét mặt. Mấy ông coi chúa ôn không? Có điều là ồn ào như vậy mà hễ chợ tan là ngoại mua món ngon vật lạ gì đó về cho hai bà cháu ăn, không nhắc tới chuyện ở chợ…

Má tôi mỗi khi gặp tôi cũng rờ nắn tay con. Thân thiết thương mến nhưng mà má có thêm ba đứa con nữa nên không thể giúp gì cho tôi. Với lại tôi không ưa cái nhìn của Dượng. Nó sao sao ấy! Khó nói lắm. Chắc là mình mới lớn nên đàn ông nào cũng ưa nhìn.

Rồi tôi có chồng, cũng tiếp tục mua bán gà vịt sống qua ngày, nhưng về ở bên nhà chồng. Chiến tranh kết thúc tưởng là yên thân nhưng rồi miếng đất vườn của gia đình bên chồng ở mặt tiền bị kẻ có thế lực cướp đoạt, chồng tôi tối ngày ăn ở không đi hết trong Nam ngoài Bắc làm dân oan khiếu kiện, bị bắt lên bắt xuống, giam chỗ nầy nhốt chỗ kia, tới một ngày nọ mòn mỏi, sức tàn lực kiệt. Tôi góa bụa từ đó.

Phải bươn chải để sống, tôi nhập bọn với những người phân phối hàng Trung Quốc, bất kể thứ gì tới tay, bột màu để làm nước tương, làm nước cam, làm Vitamin C, làm bánh, chế nước cốt trái cây mùi trái nầy trái nọ, bột cà phê bọt, chất tẩy trắng để tẩy trắng bún, hủ tiếu, bánh phở, đường đen, tẩy đồ lòng bò heo cho các quán nhậu, phá lấu, quán thịt dê, thịt chó… Những hóa chất để giữ trái cây lâu hư mau chín đẹp trái, tươi màu, tôi đều buôn qua. Những gia vị làm thơm ngon có mùi cá thiều, mùi khô mực, mùi thịt heo thịt bò đều được tôi bán sỉ từng thùng lớn. Nói tóm lại là hàng hóa chất phần nhiều có tay tôi phân phối.

Ban đầu tôi còn ngại người ta ăn bị ngộ độc sau đó thấy chẳng ai nói gì tới mình nếu đóng thuế đủ và biết điều với khu vực tôi mạnh dạn buôn to, kể cả rượu giả, pha chừng nửa cốc hóa chất thì có một chai Martel, Cognac hay Johnnie Walker. Tôi làm giàu mau chóng. Mới chừng ba năm tôi đã đổi đời, có nhà lầu xe hơi, tiền đô với vàng lượng gởi ngân hàng cũng bộn bộn. Tin tưởng có đấng khuất mặt giúp mình làm ăn nên ra, tôi đi lễ vía Bà Châu Đốc thường xuyên, cho Bà vay tiền và vay tiền Bà, cúng hiến áo đẹp cho Bà, đốt thiệt nhiều giấy tiền vàng bạc với hình dáng nhà lầu xe hơi cho Bà. Tôi giao du với người chức lớn quyền to rồi móc nối làm vợ trên giấy tờ một ông có máu mặt để chạy mánh làm giấy tờ vay tiền ngân hàng hay bán đất bán nhà. Chồng hờ của tôi sau nầy được sang đây theo diện bí mật gì đó mà tôi không rõ. Bước đường lưu lạc quê người, vì chữ nghĩa không biết, cũng tính dựa luôn gia đình ổng để dưỡng già ngờ đâu ổng và mấy đứa con trên cơ tôi quá xá, dụ dỗ tôi lòi ra cho chúng nó làm ăn sanh lợi, cuối cùng tôi chỉ còn lỗ đít không. Xin lỗi nha. Từ lâu tôi muốn thanh khẩu nhưng hễ nói tới chuyện nầy thì lại văng tục không kềm chế được miệng. Thôi thì của thiên trả địa, trả luôn người chồng hờ lại cho một con bé trẻ hơn mình nhiều để ổng dẫn đi đó đi đây hãnh tiến với người ta.

Mấy năm vô chỗ nầy tôi nghiệm được chữ có - không. Khi tôi giàu tiền muôn bạc ức thì lòng nặng nề lo nghĩ, tâm luôn luôn bất an, sợ mất, sợ tù, bây giờ không còn gì hết, lòng thiệt nhẹ nhàng, thanh thản, không có gì để lo sợ, ưu tư. Ngay cả cái thân mình đây tôi cũng chẳng còn sợ mất, coi như ngày cuối đời là khởi điểm của cõi đi về, đời mình gần bảy mươi năm qua chỉ là giấc mộng dài trong mê sảng.

Hai ông biết không, ngồi rảnh rỗi tôi luôn luôn sám hối, nguyện những oan hồn chết vì những món hàng độc hại của tôi chấp nhận cho tôi làm thân trâu ngựa đền bù trăm, ngàn kiếp kế sau….

Ông Trịnh rót ba ly nước lạnh, phải, chỉ là ba ly nước trong vắt không gợn một chút tăm, rồi điềm đạm nói:

- Nhân buổi nói chuyện nầy mình nhìn được cái ý nghĩa cuộc đời. Ai cũng mê lầm trong quá khứ, ai cũng ngỡ thân mình là núi Tu Di to lớn, là dãy Trường Sơn dằng dặc, nào dè đâu đó chỉ là những giọt sương sớm trên ngọn cỏ phù du. Đời người mấy chục năm rốt cuộc lại chỉ là những chuyện ngắn chuyện dài của một chữ .

Hai người bạn nâng ly nước lên, ngồi ngả lưng vào ghế, mắt nhìn vô chốn mông lung. Đâu đây tiếng nhạc dìu dặt, gợi cảm nhưng vẫn không còn chỗ để len vào lòng người đương đắm mình vào an nhiên bất tận…

NGUYỄN VĂN SÂM

(Victorville, CA, Aug. 21-28, 2011)

SỰ TÍCH ANH “BẢY ĐÁP”

Chùa Đồng Quang nằm trên ngọn đồi cao. Dưới chân đồi là thôn xóm, dân cư sầm uất, chợ búa đông vui.

Thường ngày cứ bốn giờ sáng, sư trụ trì thức dậy công phu, thỉnh chuông tụng niệm. Tiếng chuông chùa ngân vang trong đêm vắng. Dưới làng, anh đồ tể nghe tiếng chuông cũng thức dậy hành nghề, bắt nước mổ lợn để kịp sáng đem thịt ra chợ bán. Nhiều khi tiếng chuông ngân xen với tiếng lợn rú trong canh vắng nghe đến rợn người.

Một đêm nọ nhà sư đang ngủ mơ màng, bỗng thấy một người đàn bà vận đồ tang, dẫn theo sáu đứa con nhỏ cũng đều bịt khăn tang trắng, đều quỳ trước phương trượng van lạy xin sư cứu mạng. Sư trụ trì xúc động hỏi:

- Mẹ con bà bị nạn gì mà đến đây cầu xin ta cứu vớt?

Người mẹ khóc kể:

- Sáng sớm mai người ta sẽ đem làm thịt tôi và luôn cả sáu đứa nhỏ sắp sinh cũng sẽ bị chết oan theo. Cúi xin sư cụ giúp cứu mẹ con tôi bằng cách ngài đừng thỉnh chuông sáng. Mẹ con tôi muôn đội ơn thầy.

Tỉnh giấc chiêm bao lúc nửa đêm, sư cụ bồi hồi xúc động, nửa tin nửa ngờ. Phân vân nghĩ ngợi hồi lâu, sư lại thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề. Khi sư cụ tỉnh dậy thì trời đã sáng rõ, chim chóc bay lượn, ca hót líu lo. Cảnh vật tươi vui đón chào ngày mới.

Dưới xóm, anh đồ tể không nghe tiếng chuông chùa nên cũng đã ngủ quên. Thức dậy trễ, tiếc buổi chợ hôm nay không có thịt bán. Anh lên chùa, trách nhà sư bỏ buổi công phu sáng, làm cho anh cũng lỡ buổi chợ. Nhà sư kể lại giấc chiêm bao lúc nửa đêm với vẻ vô cùng xúc động. Anh đồ tể không tin, cứ nghĩ là sư dựng chuyện hoang đường để biện hộ cho sự lười biếng của mình.

Nguyên, giữa anh đồ tể và sư trụ trì chùa Đồng Quang vốn có nhân duyên với nhau từ lâu. Suốt mấy năm liền, từ lúc làm nghề mổ lợn, đêm nào anh cũng đem vài ba đồng tiền lén bỏ trước cửa phòng sư trụ trì. Anh muốn làm một thí chủ vô danh, mong được nhẹ bớt cái tội sát sinh của mình. Sáng ra sư cụ mở cửa phòng và nhặt những đồng tiền cúng dường vô chủ ấy. Trải mấy năm qua, chùa do sư cụ trụ trì ngày càng đông đảo đạo hữu, nhà anh đồ tể cũng ngày càng giàu có thêm lên.

Từ chùa trở về, anh đồ tể cứ bị ám ảnh mãi về chuyện giấc chiêm bao của nhà sư. Đến nhà, ra thăm chuồng lợn, anh bỗng kinh ngạc sững sờ khi thấy con lợn anh mới mua hôm qua, đã sinh được sáu chú lợn con còn đỏ hỏn. Với vẻ ngây thơ vui sướng, chúng đang tranh nhau tìm vú mẹ, còn con lợn nái thì nhìn anh với đôi mắt lim dim như tràn đầy hạnh phúc vì đàn con vừa mới nở của mình. Rồi anh nhìn lại bàn tay chai sần đã từng cầm dao mổ của mình và bàng hoàng nhớ lại những tia máu đỏ ngầu phọt ra ướt đẫm đôi tay và tiếng rú thất thanh đến kinh khiếp khi con lợn bị chọc tiết. Anh phát rợn người và nổi gai ốc khắp toàn thân.

Sự trùng hợp giữa giấc chiêm bao trong đêm qua do sư kể lại và sự thật rõ ràng trước mắt anh giữa sáng nay làm cho anh đồ tể đốn ngộ ra rằng, con vật cũng có linh hồn, cũng biết đau khổ, vui buồn như con người. Thế là anh quyết định ném dao, bỏ thớt, giã từ nghề đồ tể. Anh cũng đem cúng dường cả gia sản của mình cho nhà chùa và xin quy y cửa Phật, chuyên cần kinh kệ sớm hôm để sám hối lại tội sát sinh trong quá khứ.

Bảy mẹ con con heo được cứu sống nhờ biết đến báo mộng cho nhà sư và nhờ có duyên lành mà anh đồ tể sau nầy đã trở thành Bồ Tát. Do sự tích nầy, mà ngày xưa dân gian thường gọi anh đồ tể là anh “Bảy Đáp”.

SƠN BÌNH – ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st

KHO VÀNG TRỊ GIÁ NGÀN TỶ USD

của TƯỚNG YAMASHITA

Theo trên báo Asia (Á Châu) bằng tiếng Anh thì tướng Yamashita (Sơn Hạ) tư lệnh quân đội Nhật tại khu vực Thái Bình Dương mệnh danh “cọp Mã Lai” trong những cuộc hành quân tại khu vực Singapore, Hong Kong, Malaysia, Philippines đã vơ vét rất nhiều của cải châu báu. Tổng số của cải này ước tính lên tới 6.000 tấn vàng mà theo thời giá hiện nay là một ngàn tỷ USD. Khi nước Nhật bị Anh ném bom nguyên tử, tướng Yamashita biết Nhật phải đầu hàng đồng minh, nhưng ông ta không thể để số vàng bạc châu báu rớt vào tay quân đồng minh. Do đó, ông ta đã cho thành lập ngay một toán đặc nhiệm làm nhiệm vụ cất giấu số vàng bạc châu báu trên rồi làm di chúc lại cho Đảng Hắc Long và phe quân phiệt biết chỗ cất giấu kho báu vàng: ông ta nghĩ rằng sẽ có một lúc nào đó, Đảng Hắc Long sẽ cần tới số vàng trên để phục hận.

Việc cất giấu vàng bạc châu báu của tướng Yamashita được tiến hành trong khu vực rừng núi nước Philippines và người được tướng Yamashita giao phụ trách là Trung tá mật vụ quân đội Nhật Bản tên Seichi Ohta. Ohta là người của tổ chức hành động mũi nhọn của Đảng Hắc Long, liên đoàn tội ác Yakura. Trung tá Seichi Ohta nổi tiếng lạnh lùng và tàn nhẫn. Ông bắt tù binh chiến tranh làm đường hầm tới kho giấu vàng, nhưng khi làm xong đường hầm thì toàn bộ tù binh bị thủ tiêu một cách không thương tiếc. Cũng theo nguồn tin của tuần báo Asia, tướng Yamashita thủ đắc một số vàng lớn như vậy là vì ông đóng vai trò lớn trong Đảng Hắc Long, nên bao nhiêu vàng mà Đảng Hắc Long thu được ở Trung Quốc trong thời Trung - Nhật chiến tranh đều chuyển tới cho tướng Yamashita cất giấu.

Báo Asia còn tiết lộ thêm chiếc tàu hàng hải thương thuyền của Nhật Bản tên Awa Maru đã chở số vàng của Đảng Hắc Long từ Trung Quốc tới Philippines cho tướng Yamashita và sau khi tàu này hoàn thành nhiệm vụ thì bị hải quân Mỹ đánh đắm tại eo biển Đài Loan vào những tháng đầu năm 1945. Báo Asia còn cho biết hai nhà khoa học vũ trụ Scott Carpenter và John Lindbergh (con của phi công tiền phong Charles Lindbergh) lúc đó làm việc với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, đặc trách theo dõi đường đi nước bước của vàng bạc châu báu của Trung Quốc bị quân đội Nhật và Đảng Hắc Long chiếm đoạt. Theo hai nhà khoa học vũ trụ này, người Nhật đã dùng vận tải hạm Nachi chuyên chở vàng từ Trung Quốc tới Philippines nhiều lần, và tàu ngầm của phe đồng minh đã nhiều lần tấn công Nachi nhưng không đạt kết quả. Tướng Mac Arthur, tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, ngay sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc đã tìm cách khai thác tướng Yamashita về kho vàng của ông ta; nhưng vị tướng Nhật Bản nhất định không chịu khai báo gì, bởi ông biết rõ ông sẽ bị tòa án binh kết án với tư cách phạm nhân chiến tranh, dù có khai báo cũng chết. Tuy nhiên tình báo của tướng Mac Arthur khai báo những sỹ quan tham mưu của tướng Yamashita thì được biết vàng giấu tại vùng núi Baguio.

Từ nguồn tin này, tướng Mac Arthur ra lệnh cho công binh Mỹ tìm kho vàng của tướng Yamashita ở vùng núi Benguet là vùng dưới đất chằng chịt những đường hầm. Nhưng suốt hai năm trời, công binh Mỹ lùng sục không sót một đường hầm nào mà chẳng tìm thấy một dấu tích gì. Sau đó, tướng Mac Arthur bận với chiến tranh Triều Tiên và cuối cùng bị gọi về Mỹ nghỉ hưu, chuyện tìm kho vàng của tướng Yamashita tạm lắng xuống.

Nhưng một người từng làm việc với tướng Mac Arthur là viên sỹ quan người Phi tên Marcos lúc nào cũng canh cánh bên lòng chuyện tìm kho vàng của tướng Yamashita. Do đó, khi Marcos đắc cử tổng thống Philippines, việc đầu tiên của ông làm là tổ chức một tiểu đoàn đặc nhiệm trực thuộc tổng thống phủ gồm an ninh tình báo và công binh với nhiệm vụ tìm cho bằng được kho tàng của tướng Yamashita trong khu vực biển nằm giữa 138 hòn đảo ở Philippines. Nhưng trong khi tiểu đoàn đặc nhiệm này loay hoay từ năm 1968 tới năm 1972 mà chẳng thấy gì, thì một nhân vật Philippines khác là ông Rogelio Roxas lại tìm được một tượng Phật bằng vàng nặng một tấn tại khu vực hầm mỏ Benguet gần núi Baguio. Việc làm này đã làm cho tổng thống Marcos giận điên lên. Ông tìm đủ mọi cách chiếm đoạt pho tượng Phật và ra lệnh cho tiểu đoàn đặc nhiệm chuyển hướng tìm kho vàng bằng cách đào mới một đường hầm tại cựu bản doanh của tướng Mỹ Mac Arthur ở pháo đài tại Bonifacio. Dù đào một đường hầm dài tới 35 dặm nhưng Marcos vẫn chưa vớ được kho vàng của tướng Yamashita. Cùng lúc Marcos say sưa với việc tìm kho vàng của tướng Yamashita thì một tập đoàn tài chính Nhật mệnh danh “Ngôi sao Nhật Bản” đã phối hợp với một tập đoàn tài chính Mỹ, dưới sự chỉ huy của tướng CIA về hưu John Singlaub xin thượng nghị sỹ Cory Aquino đứng ra bảo trợ cho họ đi tìm kho tàng của tướng Yamashita. Vẫn theo báo Asia, việc thượng nghị sỹ Aquino bị thảm sát ở phi trường Manila bởi mật vụ của tổng thống Marcos có dính líu với vụ ông đứng bảo trợ cho nhóm Nhật - Mỹ tìm vàng. Đùng một cái, tổng thống Marcos cho các nhà báo biết ông đã tìm được kho vàng hỗn tạp, vì vậy ông phải cho lập xưởng chế lại và sau đó đem vàng đi gởi Thụy Sỹ. Các nhân vật đối lập tại Philippines thì quả quyết tổng thống Marcos không hề tìm được kho vàng mà số vàng ông gởi ở Thụy Sỹ lên tới mấy tấn là tiền ông tham nhũng.

Khi tổng thống Marcos và bà vợ ông ta bị lật đổ, phải lưu vong qua Mỹ thì một cựu nhân viên tình báo CIA tên Charles Mc Dougald đã liên lạc với tổng thống Philippines lúc bấy giờ là bà Aquino. Dougald cho biết ông có thể lấy về cho đất nước Philippines khoảng 4 ngàn tấn vàng mà vợ chồng tổng thống Marcos chiếm đoạt của nhân dân Philippines đem gởi tại Thụy Sỹ với điều kiện khi lấy được số vàng này, chính phủ Philippines phải chia cho ông năm phần trăm. Ban đầu bà Aquino không chấp nhận nhưng quân đội cũng như tình báo Philippines đều chào thua, không lần ra dấu vết số vàng vợ chồng tổng thống Marcos giấu ở Thụy Sỹ nên cuối cùng, bà Aquino đành chấp nhận lời yêu cầu của cựu nhân viên tình báo CIA. Phải nhận rằng Charles Mc Dougald là người có đầu óc làm ăn. Ký xong hợp đồng với chính phủ Philippines, ông ta tới Los Angeles thành lập công ty cổ phần dịch vụ tìm vàng của Marcos. Nhờ công ty dịch vụ này, Charles Mc Dougald có tiền và ông bắt đầu tuyển một số nhân viên thứ “xịn” từng làm việc với CIA, tung những người đi tìm dấu vết kho vàng của vợ chồng tổng thống Marcos. Vợ chồng Marcos đâu phải tay vừa, họ tung tiền của và người đi phá Charles Mc Dougald làm nhân vật này có lúc bị cảnh sát bắt giữ, khiến ông phải thay tên đổi họ để làm tiếp dịch vụ tìm vàng. Cuối cùng cựu nhân viên CIA đã tìm ra nơi để kho vàng của Marcos là nhà kho ngầm của phi trường Zurich ở Thụy Sỹ. Nhà kho này là của một ngân hàng Thụy Sỹ.

Công việc tiếp quản kho vàng này tưởng chừng suôn sẻ, nào ngờ các thủ tục pháp lý dây dưa tới lúc ông Marcos qua đời, rồi bà vợ ông ta là Imelda Marcos đắc cử đại biểu quốc hội, bà lại nhân danh chức đại biểu quốc hội ngăn cản không cho chính phủ Philippines thủ đắc kho vàng của vợ chồng bà. Bà đặt điều kiện với người đang sắp ứng cử tổng thống Philippines trong năm 1999 tới là muốn có tiền tranh cử, bà sẽ giúp đỡ, với điều kiện khi đắc cử giúp bà bảo vệ kho vàng ở Thụy Sỹ. Cho tới giờ, ngân hàng Thụy Sỹ vẫn chưa trao trả cho chính phủ Philippines kho vàng khoảng 4 ngàn tấn vàng ròng của vợ chồng bà Marcos và bí mật kho vàng của tướng Yamashita vẫn còn đó. Mới đây, mọi chuyện đi tìm kho vàng này lại vừa được một tập đoàn tài chánh Nhật hợp tác với một tập đoàn tài chánh Mỹ đầu tư vào Philippines…

BÙI HOÀNG ANH (BĐ st)


Phụ bản II

NGHE NGƯỜI HÁT

KHÚC YÊU NHAU

Kìa tiếng hát ngân cao thổn thức
Gọi tình yêu da diết từ tận cùng trái tim
Người người yêu nhau người người đau đáu niềm đau
Khi chia xa rã rời tình đôi ngả

Và tiếng hát cứ như từng nhát cắt
Cho tấc lòng vùi nỗi nhớ xót xa
Yêu là say trong khoảnh khắc ngọc ngà
Rồi đắng đót vì đời không chung lối

Thơ và nhạc vẫn mãi hoài tiếc nuối
Cho những con tim luôn lỗi nhịp cùng nhau
Để âm thầm bao nỗi nhớ niềm đau
Cho lời hát cứ nghe mà buốt rát

Người ta hát và người ta mãi hát
Cho những yêu thương không dệt giấc tơ vàng
Cho những mảnh đời ngao ngát những ngổn ngang
Rồi năm tháng thế là trôi xa mãi.

ĐÀM LAN

HƯ VÔ NƠI ĐÂU

Bài thơ này viết gởi hư vô
Gởi gió gởi mây cõi mơ hồ
Biển bồng bềnh miên man sóng vỗ
Đêm buồn vời vợi ánh trăng mơ

Gởi chút tình gió thoảng mây bay
Chút hương cỏ dại thoáng men say
Gởi hư vô giấc mơ huyền ảo
Chiều thu vàng - lá úa sầu mây

Chút tình không gởi đến hư vô
Hững hờ ảo ảnh chẳng mong chờ
Lá rụng xạc xào bên ngõ vắng
Hiu hắt tình thu sầu bơ vơ

Hư vô ở chốn nào biết chăng
Bâng khuâng hiu quạnh giấc mong manh
Biển sóng chập chùng mây bay mỏi
Ý thơ sầu lắng mộng tàn canh...

Phạm Thị Minh-Hưng

Bạn

Bạn đến với ta
Khi ta cần đến bạn
Bạn là người đi cùng với ta
Trên đoạn đường đời
Vòng vèo nhiều ngả
Ta đang đi trên con đường thẳng
Gặp chướng ngại tuyệt vọng
Đứng khựng lại
Bạn là người chia sẻ
Cùng ta nỗi đau
Bạn cho ta niềm an ủi
Bạn giơ tay cho ta nắm chặt
Bạn chỉ cho ta
Một con đường mới
Rẽ trái hay rẽ phải
Con đường nào đi đến sự bình yên
Con đường nào đi đến sự giải thoát
Ta đến với bạn
Chỉ một từ duy nhất Bạn viết hoa
Chỉ một điều duy nhất Tình yêu.

Huỳnh Thiên Kim Bội

Đường chiều

Chiều rơi - sao buồn tê tái

Lối về xóm nhỏ cô đơn

Êm đềm - thoảng hương hoa dại

Nhớ thương dâng ngập tâm hồn

Mình vẫn bước đi, đi mãi

Bơ vơ lầm lũi dưới mưa

Còn đâu những ngày thơ mộng

Đường chiều vắng bóng người xưa

Gió cuốn rụng từng cành lá

Kỷ niệm âm thầm trôi qua

Đánh đấp mồ chôn hẹn ước

Dòng sông lờ lững - thiết tha

Xa rồi - mình xa tất cả

U sầu chất nặng đôi vai

Mất rồi - Ngày vui óng ả

Tình yêu như làn mây bay.

NGÀN PHƯƠNG

THƠ VIẾT TẶNG ANH

“Gia tài chỉ có bàn tay

Đường gân xanh, vết chai dày từ xưa

Gia tài chỉ có bài thơ

Bao năm viết để bây giờ tặng anh”

Nỗi buồn biết nói cùng ai

Viết lên giấy trắng tỏ bày bạn tôi

Công danh sự nghiệp thôi rồi

Bây giờ lam lũ, đắp bồi lai rai

“Gia tài chỉ có bàn tay

Đường gân xanh, vết chai dày từ xưa

Gia tài chỉ có bài thơ

Bao năm viết để bây giờ tặng anh”

Tặng anh câu chữ để dành

Ngâm đi, ngâm lại cho tình gắn duyên

Gia tài chỉ có tình riêng

Muốn đem tươi đẹp nối liền đôi ta

Bao giờ kết thịt liền da

Thì đôi duyên có, bài ca trọn đời.

LANG NGUYÊN

HOA TUY-LÍP

Nụ Tuy-Líp thơm nồng hương sắc

Sáng không gian vằng vặc ánh trăng

Mơ màng gió thoảng mây giăng

Bồi hồi nhớ lại mà trăn trở buồn

Dòng định mệnh chảy tuôn lặng lẽ

Cánh thời gian qua lẹ tên bay

Thức đêm mới biết đêm dài

Chờ ai, chẳng biết có ai đợi chờ

Đường trần thế, một thân, một bóng

Bến tình duyên, một mộng, một mơ

Đóa hoa Tuy-Líp hững hờ

Hương hoa Tuy-Líp lững lờ đâu đây

Người đã khuất chân mây, góc biển

Lòng gọi sầu lúc hiện lúc vơi

Trăm năm chỉ một kiếp người

Quên nhau sao được những lời ước mơ.

Thanh Châu

MỪNG ĐÁO TUẾ

Mừng tuổi sáu mươi thể chửa già

Niên tồn trí lực, tướng hào hoa

Đáo lai gia cảnh, vui thê tử

Tuế thọ môn trung, dưỡng mẹ cha

Trần thế vun bồi, tâm huệ tánh

Nam kha nối nghiệp, đức ông bà

Tuổi trăm mộng ước, đời thanh tịnh

Thọ giúp cho người đẹp tộc gia…

Lặn lội xuân thu khắp đó đây

Trèo đèo lội suối, cận trời mây

Dầy công giáo dục, nuôi con lớn

Cố tạo cơ ngơi, sự nghiệp đầy

Một thuở người đời, bao vị đắng

Hai thời mạch sống, mấy mùi cay

Vài mươi năm nữa lo chi bận

Ta giữ riêng ta một chút nầy

Ba nàng ái nữ, còn treo giá

Mấy ả Thảo, Hương, Hiền chọn thế gia.

PHƯỚC HẢI

24-6-2018

NHÌN HÀNH ĐỘNG

ĐỂ BIẾT

Sư tử săn mồi thì không gầm thét

Chó sủa nhiều thì không cắn

Mèo kêu lắm thì không bắt chuột

Việc ồn ào quá thì không làm được

Gõ mõ ầm ĩ sao bắt được chim

Kẻ trộm trốn tìm tất phải im tiếng

Khi im lặng thằng ngu là khôn

Còn người khôn là ngu

Bài học ngàn đời của nhân loại

Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

Chó sói nhận ra chó sói

Thằng ăn cắp nhận ra thằng ăn cắp từ xa

Thằng ăn cắp nhỏ thì bị treo cổ

Thằng ăn cắp lớn lại được hỏi chào

Khi thấy kẻ nào chỉ lo tốt cho riêng mình

Thì đó chính là kẻ đáng khinh.

LÊ MINH CHỬ

CÁNH DIỀU THƠ

Thân quý tặng các bạn trong cuộc hội ngộ

THƠ Đ/A-LÊ NGUYÊN 5

Lại được ôm trong vòng tay

Những người bạn mang trái tim cùng nhịp đập

Đã sang Hè mà Xuân còn náo nức

Trong mỗi nụ cười ánh mắt chiều nay

Thơ tôi đó, xin được trao tay

Làm nhịp cầu tâm giao tiếp nối

Những bài thơ phim còn nóng hổi

Mang hơi thở cuộc đời suốt dặm đường xa

Mang dấu tích chiến công thấm máu và hoa

Xin được làm cánh diều thơ bay bổng

Làm mảnh gương trong soi vào ước vọng

Để được yêu thương và có bạn hiền

Mưa tạnh rồi, nắng mới đang lên

Cảm ơn đời, cảm ơn em - bông hoa biết nói

Cảm ơn đất trời phố quê mình - HÀ NỘI

Ta lại có nhau bên bóng tháp Hồ Gươm

Chùm huệ đầu mùa thầm ngát đưa hương

Từ tay em trao thay lời mừng chúc

Dẫu chẳng còn xanh bồng bềnh trên tóc

Ở bên nhau tuổi trốn đâu rồi

Phút sum vầy thành suối nguồn vui

Tiếng hát em nao lòng say đắm

Chẳng loài hoa nào đẹp tươi nồng thắm

Bằng bông hoa tình bạn - tình người

Chạm ly nào, rượu mới ướt môi

Đã lâng lâng rồi, say tình say nghĩa

Không níu được thời gian, thôi chia tay nhé

Để hồn thơ còn đọng mãi trong nhau !

Hà Nội đêm 03.4.2009

LÊ NGUYÊN

THÁNG BẢY

Bóng mây rọi xuống bên thềm

Trời mưa tháng bảy rơi êm không ngừng

Lòng em sao buồn rưng rưng

Những mùa năm cũ chưa dừng nhớ nhau

Hoa vàng anh ướt mưa mau

Em cài lên tóc cho sầu bước ai

Anh về theo nắng sớm mai

Em hong áo lụa ngày ngày mong nhau.

HOÀI LY

Đính Chính

Số 146 bài Tình Khách trang 71 tác giả là HOÀI LY.

Xin thứ lỗi.

QUÁN CÓC SÀI GÒN

Đất Sài Gòn, thật có bao xa
Cho cữ cà phê rất xuề xòa
Ấy vậy mà hẹn dăm bảy bận
Mới được chung nhau một cuộc trà !

Người cũ Sài Gòn rất dễ thương
Chỗ ngồi cho dẫu có tuềnh toàng
Cũng chẳng làm buồn vui đậm nhạt
Vì lòng đã sẵn những cảm thông !

Đừng chê những quán cóc Sài Gòn
Bé nhỏ mà hồn những thênh thang
Khách đến rù rì câu chuyện cũ
Chẳng hẹn mà mai vẫn ngồi đồng !

Đừng sơn lại ghế tróc vẹc ni
Vì đó là minh chứng tràn trề
Cho những đít quần mài thủng đáy
Cho những buồn vui vẫn sẻ chia

Nếu có một ngày quán im hơi
Khách hẳn chỉ muốn ra về thôi
Còn chỗ nào đáng tin như thế
Để trút hết chuyện đời lôi thôi ?

Cám ơn những quán cóc cà phê
Cám ơn những người bạn bất ngờ
Vì còn ai lạ lùng nơi ấy
Chưa quen mà chẳng lạ bao giờ…

LAM TRẦN

BỒI HỒI TƯỞNG NHỚ

Hạ về ký ức bâng khuâng

Nhớ Thầy Cô cũ nghĩa ân đong đầy

Giờ đây Con ở phương nầy

Bút nghiên lưu dấu thơ ngây thuở nào

Đoạn trường kỷ niệm ngọt ngào

Công ơn giáo huấn lao đao phận người

Nhớ thương lắm ! Thầy Cô ơi !

Bạc sầu bóng xế trần đời long đong

Thầy Cô nào được thong dong

Chạnh lòng hồi tưởng trông mong ngày về

Thôi rồi con đã lỗi thề !

Trải hồn quê cũ ủ ê ưu phiền

Thầy Cô ví Cha Mẹ hiền

Tiêu dao tiên cảnh mấy niên học rồi

Đêm khuya tưởng nhớ bồi hồi

Nén nhang tưởng niệm đời đời ghi tâm.

VŨ THÙY HƯƠNG

THUỞ ẤY

Lưu dấu cho Thùy Hương

Saigon tối mưa Thu 25/9/2017

Em vẫn tìm Em trong ký ức

Nửa đời qua ! Tuổi mộng ngọc ngà

Hoa Xuân chưa nở… sao đành lỡ

Để lại bên Trời… những xót xa

Để lại trinh nguyên thời con gái

Giữa dòng lệ đổ… kiếp phù hoa

Nhặt gom đêm trắng ! Từng đêm trắng

Tri kỷ lặng thầm ! Bóng đi qua

Em vẫn tìm Em ! Trong ký ức

Nửa đời xa… trong dáng thơ gầy

Tóc xanh xưa trắng… Tình bạc trắng

Thầm nghe Trăng gởi mộng qua đây

Có chàng lãng tử… từ muôn kiếp

Đã trở về ! Qua cuộc lưu đầy

Trả Em thuở ấy ! Tình thuở ấy

Nâng cốc Xuân Hồng… cùng đắm say.

HẢI ÂU

THĂM QUÊ

Đi xa tìm về sông quê

Cơn nước vỗ sóng mải mê bồi hồi

Nơi đây tuổi nhỏ nổi trôi

Phù sa bồi đắp nước nhồi lao xao

Cạn dòng sữa mẹ tự hào

Dấu chân còn đó thuở nào năm xưa

Dầm mưa dãi nắng gió lùa

Trôi xuôi dòng nước đến mùa cá tôm

Thuyền con rách vá sào không

Nhớ người bạn cũ chỉ mong thấy về

Chỗ nầy tìm nhặt câu thề

Thắm tình đôi bạn cận kề phu thê

Lặng nghe tiếng gió tỉ tê

Ước mơ ngày đó trở về cố nhân

Nhìn lên ánh nắng dịu lần

Tâm hồn lắng đọng vọng ngân chuông chùa.

QUANG BỈNH

CHUYỆN TÌNH BUỒN

Nhớ thuở tung tăng dưới nắng vàng

Cùng hoa, cùng bướm đón xuân sang

Nghe tin rộn rã ngàn âu yếm

Thầm ước mong sao sớm gặp chàng !

Gặp chàng, e thẹn quá đi thôi

Biết nói năng chi, chẳng dám cười

Cắn nhẹ vành môi, vê nút áo

Má hồng lên như thể phấn giồi !

Đêm về không ngủ, nhớ anh ghê

Ôm gối, nghe lòng chợt tái tê

Xào xạc bên hiên cành lá động

Dường như bên cửa: bước anh về

Mười năm xa cách, bặt tin nhau

Trăng xế qua mành, ngả bóng dâu

Tiếng vạc cầm canh thêm não ruột

Không gian hiu hắt tiếng tiêu sầu !

Mắt đã quầng thâm, đời nghiệt ngã

Xô em gần đến nẻo hư vô

Trang đời khép lại trong cay đắng

Khép lại tình yêu… ở dưới mồ !

THANH PHONG

MỊT MÙNG MƯA GIÓ

Bốn mùa trái đất vần xoay

Chia tay, biết có còn ngày gặp nhau ?

Muốn tìm em, biết về đâu ?

Mịt mùng mưa gió khắp bầu trời giăng !...

Matxcơva, 12-1980

VŨ ĐÌNH HUY

DIM AND HARD RAIN AND WIND

Through four seasons, the earth turns around

Parting, will we have a day to meet each other again ?

When wanting to find you, where should I go ?

Dim and hard rain and wind spread all over the sky!...

Moskow, 12-1980

VŨ ĐÌNH HUY - Translated by VŨ ANH TUẤN

THƯ DẶN VỢ ĐÓN XUÂN

Bụi cây tuyết đậu dày bông nhỏ,

Anh ngỡ cành mai nở trắng hoa.

Tuyết bay lất phất - mưa xuân đó ?

Da diết lòng anh nỗi nhớ nhà !

Cha mẹ Tết này thêm bạc tóc

Giao thừa chắc nhắc đứa con xa.

Lòng anh canh cánh mong đền đáp,

Muốn thấy Người vui, xóa nét già.

Bình rượu ngày xuân, cha uống đủ ?

Bánh chưng phần mẹ, có chưa em ?

Răng người dăm chiếc không còn nữa,

Thịt rán làm sao phải thật mềm.

Trao em con nhỏ răng vừa nhú,

Nuôi dạy nên người, cậy ở em.

Anh học nơi xa là nhiệm vụ,

Về xây Đất nước đẹp tươi thêm.

Matxcơva, 15-01-1981

VŨ ĐÌNH HUY

LETTER RECOMMENDING ONE’S WIFE

TO GREET THE SPRINGTIME

On the bush, tiny snow flowers fell densely

I thought I saw a branch of plum-tree

with white flowers blooming

Snow flew drizzly - is this springtime rain ?

Homesickness tormented my soul !

On this Tet Day* our parents’ hair will turn more silvery

On New Year’s Eve,

they would remember their far away son

My heart is hauntingly worrying about

paying my debt of gratitude

Wishing to see Them happy,

crossing out their old age features.

Is the pot of springtime wine enough for Father to drink ?

Do you already have Mother’s portion of

glutinous rice cake ?

Their few teeth no longer exist

Therefore the fried meat must be quite soft.

Entrusting you with our baby

whose teeth just start to be seen

Relying on you to rear and teach him to be a man

My studying at a far away country is kind of a duty

Requiring me to come back later to build a fresher

and beautifuller Homeland.

Moskow, 15-01-1981

VŨ ĐÌNH HUY - Translated by VŨ ANH TUẤN

NHẠC XƯA VÀ HAY

Người viết mục này sẽ đem đến cho quý vị và các bạn những bản nhạc thật hay, đã được trải nghiệm với thời gian, phần nhiều là nhạc cổ điển. Bảo đảm sẽ không có nhạc dở.

Việc nghe nhạc thời nay quá dễ dàng, chỉ cần vào Youtube, đánh tên bản nhạc, tên tác giả và nghệ sĩ rồi đợi vài giây là có ngay. Đôi khi còn giản dị hơn thế nữa.

Mong rằng mục này sẽ kéo dài được nhiều kỳ, nếu được sự chiếu cố của quý vị và các bạn.

Để mở đầu xin mời quý vị nghe bản Ave Maria của Bach/Gounod. Johann Sebastian Bach, sinh năm 1685 và mất năm 1750 là người Đức, thuộc trường phái Baroque. Năm 1722, ông viết một khúc nhạc ngắn để dạo đàn clavichord và hapsichord (vì hồi đó piano chưa thông dụng) ông đặt tên là Prelude in C major, tạm gọi là Tiền Khúc dạo Cung Đô Trưởng. Khúc này chỉ dài hơn 2 phút, mục đích để dạy học. Khúc này nghe thánh thót, thoát tục làm sao, càng nghe càng hay, nghe mãi không chán. 137 năm sau một nhạc sĩ người Pháp tên là Charles Gounod mê quá, dùng điệu nhạc này làm phông, viết đè lên đó một bản nhạc ngắn bằng tiếng Latin lấy tên là Ave Maria. Đây là một bài kinh cầu, xin được Mẹ Maria với tình thương bao la Maria cứu rỗi cho. Bản nhạc lập tức được nổi tiếng. Mời quý vị nghe phần của Bach trước, bằng cách vào Youtube rồi thêm Prelude in C major. Đoạn nhạc ngắn này có người kéo dài cả giờ, thậm chí có mạng còn kéo dài hơn 10 giờ (10 Hours of Bach Loop...).

Khi nghe hát bằng một ngôn ngữ lạ, nếu bạn hiểu lời ca thì càng tốt, nếu không thì cứ thưởng thức giọng hát. Không nhạc khí nào hay bằng giọng người cả, đó là lời khuyên của những người yêu nhạc opera.

Bây giờ bạn hãy nghe cả bài Bach/Gounod Ave Maria. Bạn sẽ thấy rất nhiều ca sĩ hát bài này. Jackie Evancho, Sarah Brightman có giọng ca như thiên thần. Nếu bạn thích giọng nam thì hãy nghe Pavarotti, giọng tenor số 1 của thế hệ chúng ta, ông chết cách đây 11 năm.

Tiếp theo xin mời quý vị nghe nhạc Mozart (1756 - 1791 Áo). Nhạc Mozart trẻ trung, hồn nhiên và tươi sáng. Một nhà thần học Thụy Sĩ tên là Karl Barth nói rằng: “Khi các thiên thần chơi nhạc cho Chúa nghe thì họ chơi nhạc Bach, khi họ chơi nhạc cho nhau nghe thì họ chơi nhạc Mozart”. Có người lại thêm bốn chữ nữa vào cuối câu này: “...và Chúa lén nghe”. Danh cầm Artur Schnabel nói rằng: “Nhạc Mozart rất dễ cho trẻ con, nhưng lại rất khó với những người lão luyện. Khi tôi đánh nhạc Beethoven hay Chopin tôi biết đánh như thế nào là hay, tôi đã bỏ nhiều thì giờ để luyện tập nhạc Mozart nhưng tôi không biết đánh thế nào mới là tuyệt hảo”. Thật là kỳ lạ, có lẽ những người lớn tuổi không còn cái vẻ hồn nhiên, tươi sáng để diễn tả nhạc Mozart.

Khúc nhạc Mozart mà người viết mời quý vị nghe là phần 3 của Piano Sonata số 11, được biết đến với cái tên Rondo Alla Turca hoặc Turkish March, dài độ 3,5 phút. Chỉ cần vào Youtube rồi đánh Turkish March là đủ. Các nghệ sĩ trình bày khúc nhạc này là HJ Lim, Yuja Wang hoặc Lang Lang là những người chơi hay nhất. Em bé Evan Le 4 tuổi cũng có thể chơi được tuy hơi bị vấp, những năm sau em đánh khá hơn. Cả nước Mỹ đang để ý đến em bé Việt Nam này, sinh năm 2011.

N.C.T

Hành hương năm thánh

Đất Thánh Ba Giồng

Từ Sài Gòn đi về phía Xa cảng Miền Tây rồi cứ QL1 thẳng tiến, qua Long An 10km ta sẽ gặp bên tay phải ngã ba Phú Mỹ. Tại đó có bảng hướng dẫn vào nhà thờ Giáo xứ Ba Giồng 1,5 km. Từ cổng nhà thờ đi bộ vào một con đường nhỏ bên tay trái khoảng 10 phút là tới khu Đất Thánh.

Ba Giồng là họ đạo lâu đời nhất của Giáo phận Mỹ Tho. Không ai biết rõ được thành lập từ bao giờ. Theo lời truyền tụng thì vào khoảng năm 1700 chừng 20 ghe biển rời Phú Yên mang theo 30 gia đình Kytô giáo trốn tránh cuộc bách đạo và lập cư tại Rạch Chanh, nhưng cuộc bách đạo vẫn tiếp tục và những người dân một lần nữa phải đi sâu hơn vào rừng đó là đất Ba Giồng.

Trong 117 vị Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam thì Ba Giồng có hai vị linh mục phụ trách họ đạo là Philipphê Phan Văn Minh (1849-1853) và Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1853-1861). Cha Phêrô Lựu đã can đảm tuyên xưng: “Đạo đã thấm vào trong xương tủy của tôi rồi, dù là giáo dân còn không được bỏ đạo, huống chi tôi là đạo trưởng”. Cha đã bị hành quyết tại Mỹ Tho ngày 07/4/1861. Đây là ngày lễ giỗ hàng năm của cha Thánh Phêrô Lựu và ngày 24/11 lễ chung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Sau khi Cha Phêrô Lựu bị hành quyết thì 25 tín hữu khác cũng bị hành quyết tại chỗ và 2 người khác bị giết đang trên đường chạy trốn (1862). Các vị đã tuyên xưng đức tin một cách mạnh mẽ: “Chúng tôi thà chết, chứ không thể bước qua thập giá, vì đây là dấu cứu độ chúng tôi”. Con cái của các vị bị phân tán khắp nơi và nhà thờ bị tàn phá. Chính hạt giống được ươm trong máu đào này đã nẩy sinh ra nhiều họ đạo nơi họ đến lưu trú. 10 năm sau cha M. Hamon vâng lệnh đến coi sóc họ đạo đã cải táng hài cốt các vị về Đất Thánh ngày 18/6/1872.

Cha M. Hamon đã viết: “Xóm nhỏ này không một du khách nào đặt chân tới đây, mà cũng chẳng có nhà địa lý nào biết đến. Nhưng tên tuổi xóm này lại đáng tôn vinh. Chúng ta hãy kính chào đi, vì đây là một vùng đất đã được máu các Thánh Tử Đạo thánh hiến”.

Một nỗi niềm khó tả trào dâng khi đứng trên mảnh đất linh thiêng được tưới gội bằng máu của các Thánh. Xin thành kính dâng lên một nén hương tưởng nhớ anh linh bất khuất thà chết chứ không bỏ đạo. Xin được theo làn gió nhè nhẹ bay lên cao như muốn hiệp cùng các Ngài, thông phần với các Ngài. Xin giúp cho chúng con những người đang chiến đấu tại trần gian luôn vững mạnh trong đức tin, dám can đảm tuyên xưng mình là người Công Giáo mọi lúc mọi nơi, biết dấn thân phục vụ, biết hy sinh làm việc bác ái giúp đỡ những anh em túng nghèo…


Thật là may khi đến hành hương chúng tôi đã gặp nhiều đoàn, người đi xe hơi kẻ đi xe gắn máy, mọi người cùng chung lời ca tiếng hát câu kinh, cùng chia sẻ những lời nguyện và hôn xương Thánh Tử Đạo và lãnh Phép lành Toàn xá.

Bịn rịn ra về lòng không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến sự can trường của các tiền nhân xưa kia và cảm nghiệm được niềm tin kiêu hùng của cha ông đã theo Chúa đến cùng. Trong lòng bỗng ngân vang bài hát: “Trên quê hương Việt Nam bao anh hùng đã đổ máu ra để chết cho tình Cha. Trên quê hương Việt Nam bao anh hùng một lòng hy sinh minh chứng cho đức tin…”

Xin cảm ơn sự tiếp đón rất nồng hậu từ chú bảo vệ, giữ xe đến những người phục vụ, dọn dẹp vệ sinh. Nhất là không quên sự hiếu khách của quý cha, quý thầy, các em lễ sinh tại trung tâm hành hương đã tận tình hướng dẫn để mọi người cùng hưởng Ơn Toàn Xá trọn vẹn khi đến kính viếng mảnh đất linh thiêng Ba Giồng.

HÀ MẠNH ĐOÀN


Phụ bản III

LÀM CHỦ CÁI MIỆNG

ĐỂ SỐNG ĐỜI HẠNH PHÚC

Lưỡi chúng ta nếm những vị cay đắng, mặn lạt, chua ngọt… Tất cả cái đó, cái nào hợp với lưỡi của mình thì ta thích, cái nào không hợp với lưỡi của mình thì ta không thích. Do ưa thích, hay không hợp khẩu vị, mà chúng ta phải chịu khổ từ ngày này sang tháng khác. Mỗi khi lên mâm cơm, thấy những món gì ta cho là thích hợp với lưỡi của mình thì bữa đó mình cảm thấy vui tươi, phấn khởi, ăn uống ngon lành.

Ngược lại, những món nào mình cảm thấy trái với sở thích của mình thì sinh bực dọc, cau có, khó chịu, do đó mà phải chạy đi tìm kiếm chỗ khác để cho vừa với miệng của mình. Chính vì vậy, mà ta hay bực bội gia đình, người thân một cách vô lý, nhất là những người nặng về ăn uống.

Lưỡi của chúng ta khi ăn món ngon vừa miệng, thì mình thấy thích và muốn ăn hoài, khi ăn món không hợp với khẩu vị thì sinh bực bội, cảm thấy khó chịu. Thích món ngon mà không được ăn, ghét món dở mà bị ăn hoài, đâm ra phiền muộn, khổ đau. Vậy cái lưỡi thích ngon, chán dở đó là đứa giặc thứ tư.

Nhớ lại quá khứ, dĩ vãng ngày xưa, khi chúng tôi chưa đi tu, mỗi khi tới giờ cơm, mở nồi thức ăn ra, không có những món khoái khẩu là tôi khua nắp vung lớn lên, rồi bỏ ra đi. Mẹ tôi nghe thấy vậy lắc đầu mà rơi nước mắt, không dám nói lời nào, sợ tôi buồn. Quả thật, “miếng ăn là miếng tồi tàn, không ăn một miếng lộn gan trên đầu”. May mà chúng tôi chỉ ăn chực của mẹ thôi mà còn vậy, tiền làm được thì tôi bỏ túi xài riêng. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy nhớ thương mẹ vô cùng, nhưng mẹ đã sớm ra đi trong cơn bạo bệnh còn đâu.

Tôi ngày xưa tán tận lương tâm với mẹ rất nhiều, nhưng mẹ tôi vẫn một lòng thương con mà chịu đắng cay, khổ sở trăm bề. Một chút dĩ vãng đau buồn, con xin nhắc lại, mong mẹ thứ tha cho con trẻ quá dại khờ.

Người biết tu bao giờ cũng tập cho lưỡi của mình đối với các vị mặn lạt, chua ngọt, đắng cay, vị nào cũng phải bình thường đối với lưỡi. Ta tu làm sao cốt cho thân tâm được an ổn, nhẹ nhàng là quý rồi; còn tất cả cái ngon dở của thức ăn, chẳng qua là phương tiện để nuôi sống bản thân, để mình có đủ sức khỏe, tâm thanh tịnh, sáng suốt mà tu hành, đạt được tự tại, giải thoát.

Căn lưỡi này đóng vai trò quan trọng nhất trong con người chúng ta, vì hằng ngày nó có nhiệm vụ đưa thức ăn, thức uống vào để có đủ sức khỏe, năng lực làm việc mà duy trì mạng sống; nhưng con người do chấp ngã, thấy thân này là thật, nên cứ một bề tẩm bổ, đưa vào các thức ăn mình cho là ngon.

Nhiệm vụ của lưỡi là nếm các vị, nhưng ngược đời thay, sở thích của mỗi người khác nhau, nên có người thích ngọt, có người thích mặn. Hai người cùng ngồi chung mâm thì sinh ra rắc rối, nên có thể dẫn đến cãi vã, bất đồng quan điểm với nhau, từ đó sinh ra oán giận, thù hằn cũng chỉ vì miếng ăn, thức uống.

Món ăn ngon ai cũng ưa thích và muốn ăn hoài, có những món ta biết ăn vào sanh bệnh, nhưng do không làm chủ được cái lưỡi thích nếm vị ngon mà hại cho cái thân. Nói chi xa, ngay nơi quý phật tử mình đây ai cũng biết ăn mặn là tạo tội, ăn chay là tốt, vậy mà mấy ai làm chủ được cái miệng thích ăn thịt cá của mình đâu. Rồi cho đến quý thầy cô, tuy ăn chay nhưng lại khoái ăn đồ giả mặn, vì nó kích thích cái lưỡi của mình, cho đến có người thích ăn cay, ăn ớt. Bữa ăn nào mà không có ớt là khổ sở vô cùng, không thể ăn được.

Rồi có người ghiền rượu, bữa nào không có nó thì ngủ không được, nhưng khi có chút đỉnh thì về kiếm chuyện vợ con, lớn tiếng hành hạ, đánh đập. Thức ăn uống dù ngon cách mấy, nhưng khi nuốt vô khỏi cổ, qua khỏi cái lưỡi rồi, lỡ ói ra thì mùi vị chua lè, thấy phát ớn. Vậy mà chỉ vì ăn ngon một chút, ta nỡ nhẫn tâm giết hại bao nhiêu con vật để bồi bổ cho tấm thân này. Chúng tôi còn nhớ, trong dân gian có câu, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”, nghe thật là thấm thía làm sao, người đời cũng vì miếng ăn mà sẵn sàng tranh giành, thậm chí dẫn đến giết hại.

Con người ta khổ là do sự chấp trước, dính mắc vào đó, đôi khi vì tham muốn quá đáng mà không biết cách kìm chế, nên để cho bệnh béo phì tấn công. Phụ nữ ngày nay mắc chứng bệnh này hơi nhiều. Mục đích của sự ăn uống là để nuôi sống thân này có sức khỏe tốt, để ta làm việc, đóng góp, phục vụ gia đình và xã hội.

Xã hội văn minh, tiến bộ quá nhanh, tiện nghi vật chất hiện đại, làm con người không biết cách làm chủ bản thân, vì không có thời gian nghiền ngẫm, suy tư đạo lý Thánh hiền. Từ đó, khổ đau bắt đầu có mặt, vì ta cứ mải mê chạy theo công danh, sự nghiệp mà quên mất chính mình.

Lưỡi ngoài việc ăn uống, nếm vị, còn có chức năng nói chuyện trong giao tiếp xã hội. Lời nói rất quan trọng, một lời nói tốt đẹp giúp mọi người sống an vui, hạnh phúc; ngược lại, làm cho tan nhà nát cửa, con mất cha, vợ mất chồng, anh em xa lìa cũng chính vì lời gian dối, hại người.

Ngày xưa, một người giàu có sai đầy tớ làm thịt heo và căn dặn kỹ càng, “nhà ngươi nhớ, sau khi làm heo xong phải để dành lại cho ta cái gì ngon nhất”.

Người đầy tớ vâng lời, chừa lại cho ông chủ cái lưỡi.

Vài ngày sau, ông chủ lại sai người đầy tớ mần tiếp con heo khác, nhưng lại dặn, “hôm nay, nhà ngươi để dành lại cho ta cái gì dở nhất trong con heo”.

Người đầy tớ sau khi làm heo xong cũng chừa lại cái lưỡi như lần trước, rồi dâng lên cho chủ. Ông nhà giàu thấy vậy bực quá, liền chửi mắng tên đầy tớ, “bộ mầy điên hay sao, ngon cũng cái lưỡi, dở cũng cái lưỡi là ý gì?”

Người đầy tớ thưa: “Dạ, kính bẩm ông chủ, xin Ngài hãy mở lượng khoan dung mà suy xét lại kỹ càng. Khi chúng ta đối xử tốt với ai thì ta nói lời từ ái, dịu dàng, dễ nghe, làm cho người cảm mến, yêu thích. Khi ta thù ghét ai thì ta dùng lời nói ác độc, mắng nhiếc, chửi bới, nếu không thì cũng nói móc, nói méo, nói nặng, nói nhẹ, làm cho người phiền muộn, khổ đau. Cho nên, khi ăn ngon hay dở cũng từ cái lưỡi mà ra. Chính vì vậy, trước sau gì con cũng dâng lên ông chủ cái lưỡi là có nguyên nhân, kính mong ông chủ bình tâm mà suy xét lại”.

Ông nhà giàu ngồi lại ngẫm nghĩ một hồi lâu, mới thấy lời nói người đầy tớ thật là chí lý, nên ông ta gật đầu khen ngợi: “Phải, phải nhà ngươi nói đúng lắm. Ta không ngờ có một người giúp việc như chú mày, chú mày quả thật là người có hiểu biết và nhận định sâu sắc như thế”.

Kể từ đó, ông chủ cho người giúp việc phụ tá và tư vấn vào những công việc chính đáng trong gia đình. Lưỡi có chức năng nếm các vị mặn ngọt, chua cay, chát đắng, để giúp con người biết được sự ngon hay dở, ngoài ra còn hỗ trợ cho miệng nói năng trong giao tiếp, sinh hoạt làm ăn, chính vì vậy mà anh đầy tớ nói ngon hay dở cũng chính là cái lưỡi.

Ông nhà giàu nọ thật có phước báo vô lượng, vô biên, nên mới có được người giúp việc hiểu biết và sáng suốt như thế, do đó anh đã cảm hóa được chủ. Nhờ vậy, ông mới hiểu ra, đạo lý Thánh hiền đều bắt đầu từ ý nghĩ rồi phát sinh ra lời nói, mới dẫn đến hành động tốt hay xấu.

Học chuyện xưa, chiêm nghiệm lời dạy cổ nhân, luôn giúp chúng ta có một nhận thức sáng suốt để thấu rõ kiếp người, được biểu đạt bằng miệng lưỡi, và thể hiện bằng lời nói có sức thuyết phục lòng người. Một cái lưỡi này mà làm nên lịch sử, giúp mọi người sống bình yên, hạnh phúc, nhờ ta biết vận dụng lời hay, ý đẹp trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta muốn làm chủ bản thân để sống đời an vui, giải thoát, thì từ mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý đều phải biết quán chiếu với cặp mắt duyên khởi, vô thường, vô ngã. Nhờ vậy, ta bớt tham chấp mà có cơ hội gần với Niết Bàn.

Trong cuộc sống, từ cha mẹ cho đến anh chị em, họ hàng thân thuộc, vợ chồng con cái, thầy tổ, bạn bè, ai cũng cần có tình yêu thương qua lời nói. Cho nên, lời nói rất quan trọng trong đối nhân xử thế, một lời nói chân thành có thể giúp mọi người sống an vui, hạnh phúc, một lời nói giả dối làm cho con người oán giận, thù hằn.

Chúng ta có thể học nói trong ba năm, nhưng muốn đem lời nói vận dụng vào cuộc sống cho được êm thắm, hài hòa, nhiều khi hành cả đời cũng chưa xong. Lưỡi đóng vai trò rất quan trọng trong việc ăn uống, biết phân biệt ngon dở để nuôi cơ thể và kết hợp hài hòa với miệng mà nói năng, giao tiếp. Lưỡi kết hợp với miệng phát ra lời nói trong đối nhân xử thế, giúp nhân loại nương vào nhau mà phát triển về mọi mặt, công việc được tốt đẹp, hay rơi vào chiều hướng xấu, đều dựa vào lời nói. Cho nên, tục ngữ có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”. Nghĩa là cái lưỡi không xương, nên con người muốn nói kiểu nào cũng được, nói đúng, nói sai gì thì cũng từ cái lưỡi.

Có những lời nói khi thốt ra làm tan nhà nát cửa, nước mất nhà tan, tổn hại dân chúng; nhưng cũng có những lời nói làm cho gia đình sống an vui hạnh phúc, biết sống yêu thương với nhau bằng tình người trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi nói ta cần phải uốn lưỡi bảy lần, để không nói ra những lời vô nghĩa, có hại cho mọi người. Nói tóm lại, những gì ta nói làm khổ đau cho nhau thì không nên, và mình chỉ nói để mọi người sống với nhau bằng trái tim yêu thương, hiểu biết.

TĐMPG - Hoàng Kim Thư St.


CƠM CHÙA

Hắn nhảy xuống xe. Trời đất! Hắn đi xe ôm cơ đấy! Rồi cái thân hình dong dỏng cao của hắn đã đổ bóng trên hè nhà bán tạp hóa. Hắn đang càu nhàu:

- Trời, chỗ này bán mắc hơn đàng kia kìa…

- Anh nói sao, chứ tui bán cho mấy người đi kiếm cơm từ thiện…

Chị ta định nói “kiếm cơm từ thiện như anh” nhưng chột dạ, nên:

- Ừ! Bán cho “họ” thì làm sao mà bán mắc được! Với lại mấy người đó ít mua lắm!

Chị ta nói chí phải đó chớ! Vì ăn cơm từ thiện có nghĩa là nhà không có cơm, nghĩa là nhà nghèo, mà nghèo thì lấy tiền đâu ra để mua coca cola hay đại loại như vậy? Nhưng hắn cũng chỉ khẽ “chậc” một tiếng cho… có lệ rồi sang mé nhà bên kia ngồi, chờ người ta mở cửa, mời vô ăn cơm miễn phí…

Bình thường, thì hắn ngồi đó, mở tờ báo loại lá cải hạng nặng ra coi rồi bình bình luận luận như có học hàm ít là tiến sĩ hay đại học sĩ gì đó! Răng hắn tuy đã rơi vài gã tiền đạo, nhưng không vì thế mà hắn không bù lu bù loa nếu ai kia không “quán triệt” tư tưởng của hắn. Lúc ấy, dường như hắn không chỉ nghiến mấy cái răng còn lại, nhưng biết đâu, hắn dám giở chiêu cẩu xực lắm lắm, dù vết cắn của hắn thiếu hẳn sự hiện diện của những chiếc răng đã đời đời an nghỉ.

Hôm nay, thì có thêm một hoạt náo viên xuất hiện cho hưng phấn cuộc đời: Ấy là cô nàng tưng tửng. Chẳng biết cô tên gì nhưng cô có vẻ thích xáp lại gần chỗ đám đàn ông con trai. Và cô “chấm” hắn:

- Anh gì ơi, cho em miếng?

- Miếng gì?

- Miếng coca cũng được!

Thế là thị mẹt ấy ngồi sà ngày xuống bên cạnh hắn, sau khi đá dứ dứ vào một bà sồn sồn cũng đang nhâm nhi ly cà phê, kiểu:

- Xịch ra cho nàng ngồi coi!

Biết thị mát, nên bà fan cà phê nọ lặng lẽ rút mông ra khỏi chỗ ấy, vì sợ cà phê sẽ bị đổ. Cô còn “cẩn trọng” kéo ngực áo cho trễ xuống chút chút rồi nhe răng cười:

- Đẹp không?

- Đẹp chỗ nào mà đẹp?

Cái tâm trí tưng tưng của cô chỉ vào ngực mình:

- Chỗ này này…

- Có thấy quỷ gì đâu mà! Hỏi mấy người này coi?

Hm, ai mà muốn thấy cơ chứ…

Chuông reng! Những kẻ nhanh chân ùa vào túa tụa! Họ là những kẻ xem ra còn khỏe mạnh. Mắt họ rực sáng khi chiếm lấy chỗ ngồi gần quạt nhất, và hằm hè:

- Chỗ này của tui!

- ...

- Lần trước tui ngồi chỗ này, thì chỗ này là của tui…

Hắn nghiến ngấu đĩa cơm nhanh như chớp. Hắn uống nước với âm thanh ừng ực như chuẩn bị chạy loạn. Hắn kéo cả nùi giấy lau miệng, làm như miệng hắn là miệng… cống, rồi làm rơi cái cuộn giấy ấy xuống nền nhà. Rồi hắn đứng lên, kệ cuộn giấy đang loay hoay đứng lại!

Chiều tới, có lẽ hắn cũng đã có địa chỉ nào đó để ăn bữa ăn miễn phí. Không chừng, hắn cũng tìm cách chui vào ăn ké lượt thứ hai. Hoặc có khi, dù đã no một bụng cơm, đầy một bao tử trà đá, hắn cũng cố gói ghém phần cơm ăn thêm ấy, rút rỉa thêm thứ gì người khác để lại trên bàn mà chưa kịp dọn đi, cho vào cái bịch cứ ới lên là có người sẵn sàng biếu không. Tưởng hắn đem về cho ai đó ở nhà. Nhưng không, vì người ta đã méc với quán cơm:

- Cái thằng cha đó xách cơm đi… bán đó, bác ơi!

Thậm chí, thỉnh thoảng có người khóc lóc:

- Trời ơi, có tí tiền còm mà đứa nào rạch túi lấy mất rồi, hu hu…

Mọi người cứ đổ riết hết cho hắn, mà hắn cũng cứ tỉnh queo, dù tai hắn có động đậy khi nghe mấy lời không mấy êm ái:

- Nó lấy chứ còn ai, chứ tiền đâu ra mà đi xe ôm!

Đúng là hắn có mũ ni, nên tai tuy động mà chân vẫn vững như bàn thạch! Sáng nay, hắn không đi xe ôm, chẳng xe đạp như lâu lâu vẫn có, chẳng đi bộ vì kẻ lười không bao giờ đi bộ. Mà hắn đàng hoàng lái chiếc xe máy trông cũng… sáng tài. Mặt hắn hếch lên, làm như không trông thấy người giữ xe thắc mắc:

- Xe… đẹp quá nhỉ?

Hắn chẳng buồn trả lời câu hỏi ngạc nhiên ấy, mà hất hàm:

- Để đâu đây?

Mẹ ơi, hắn đi ăn cơm chùa mà làm như nhà chùa là chốn tục trần bụi bặm, làm như sư sãi chỉ là “thứ” bưng bê cho khách giàu sang chảnh chọe. Cô mát dây ở đâu lại ló ra:

- Chở em đi chơi đi!

Mẹ kiếp, cái con hà bá này bữa nay chẳng thèm mặc nội y khiến nó cứ tưng tưng như khó nói lắm:

- Ăn đã! Trời đánh còn tránh miếng ăn.

Như mọi khi, hắn nhanh chân hơn cả, cho dù thành phần tranh ăn cướp ở như hắn có vẻ ngày càng tăng lên theo sự quảng cáo của những kẻ hay ghé lại đây:

- Chỗ đó người ta nấu cơm ngon lắm. Có trà đá nè! Có chuối tiêu nè! Mà thỉnh thoảng còn có quà mang về nữa đó…

Hắn xì xụp hết tô bún bò cùng mồ hôi mồ kê vãi ra như tắm. Miệng hắn trề ra:

- Ăn không?

Cô nàng tưng tửng lắc đầu nhanh như… quạt:

- Không, ăn hết đi!

Thế là gã lùa tiếp tô bún bò ấy nhanh như điện. Xong… bổn phận, hắn tìm cuộn giấy để chùi miệng. Nhưng hôm nay, người ta đã rút kinh nghiệm mà xâu một chồng giấy để giữa bàn. Gã tuy chỉ có một miệng, nhưng của chùa muôn đời là của chùa, nên gã cứ tiện tay lôi ra… một cọc. Quẹt phát một rồi vất tòe lòe trên nền nhà gã mới làm đổ chút nước lèo còn lại trên ấy.

Gã lấy xe đi! Mấy người giữ xe lầm bầm khi gã vừa ra khỏi:

- Thằng đó đâu có nghèo! Nó chỉ là thằng ăn cướp thôi! Bận sau…

Con mát tót lên yên sau xe gã. Chỉ một tiếng rồ inh ỏi, là cô nàng rơi xuống vũng nước mưa đọng lại trên đường. Có ai đó nghiến ngẩm:

- May mà nó té, bằng không là… rồi đời!

Một ông già đang chờ suất cuối để vào ăn, ông không biết mà cũng không muốn chen lấn. Ông không đói, mà chỉ buồn thôi:

- Ối trời! Sao bọn gian hùng cứ bám hoài bám mãi vào nhà chùa vậy, trời ơi!

Một bà già cảm khái:

- Chắc phải nói với sư thầy xem lại, kẻo nhà chùa… sập mất!

LAM TRẦN

MỘT CHUYẾN

DU LỊCH MŨI NÉ

Tôi đi du lịch Mũi Né. Xe chạy theo đường cao tốc, sau đó có một đoạn chạy dọc theo bờ biển rồi vô khu Resort. Các ngôi biệt thự cách nhau độ 3m, có một trệt một lầu. Từng trệt là phòng khách, lầu 1 có 4 phòng ngủ với một phòng khách. Kể ra cũng sang trọng lắm, phương tiện rất đầy đủ.

Các dãy Resort song song nhau, cách nhau một con đường tráng nhựa và một khoảng trống khá xa, có trồng cây. Trước mặt Resort vẫn là một con đường tráng nhựa, hai bên lề đường có trồng cây bông giấy, thấp và cắt xén coi đẹp mắt, xa xa có trồng cây phượng. Phượng cũng như bông giấy đều trổ bông đỏ rực. Muốn đi ra biển thì gọi xe Túc Túc tới chở miễn phí. Mỗi người được phát một sợi dây băng đỏ đeo ở tay. Không có băng nầy họ không cho xuống bờ biển và mé biển. Nếu đi bộ thì mất 30 phút, đương nhiên phải đi theo đường tráng nhựa. Tôi còn thấy họ xây thêm dãy Resort kế tiếp nữa.

Đi ăn cơm, xe chạy qua một khoảng sát bờ biển hẩm sâu rồi tới các quán ăn cất đơn sơ nhưng bên ngoài có một khoảng lài ra biển. Không thấy ai đi hóng mát dọc bờ biển vì quán ăn chiếm hết rồi. Ở mé biển có để vài thúng của người câu mực. Khi đi câu, họ đi ngang qua quán ăn, xuống lấy thúng rồi bơi đi câu.

Những khoảng biển gần đường thì đi hóng mát được nhưng lề hẹp và mé biển hẩm sâu lại long chong đá. Nhà hàng có chiếm hết bờ biển có lề rộng và lài xuống biển hay không, tôi không biết. Resort chiếm dụng bao nhiêu đoạn bờ biển có bãi cát lài đi xuống biển chơi và tắm biển thì tôi không rõ.

Tôi cho rằng việc làm nhà hàng… dọc theo mép biển là không được. Đó phải là khoảng toàn dân được quyền đi dạo biển. Ai cho tư nhơn chiếm bờ biển có lẽ phải trừng trị đích đáng đấy. Các quán chưa xây cất kiên cố, có lẽ cần giải tỏa ngay đừng để họ xây dựng kiên cố rồi họ làm vạ đòi bồi thường. Nếu phải bồi thường giải tỏa tưởng là cần tịch thu gia sản của người cho phép hay lơ đi cho họ xây dựng và kinh doanh. Nếu họ không có tài sản thì cứ bỏ tù cho tới khi nào họ trả đủ tiền bồi thường thì thả ra. Nếu không, họ ở tù cho tới chết thì thôi.

Nói bờ biển có lẽ cũng cần nói thêm về bờ sông. Ai lấn sông cũng cần trừng trị đích đáng và nặng vì lấn sông làm lệch dòng chảy gây sạt lở ở nơi khác và hại vô cùng. Tôi thấy báo đăng có nơi đã sạt lở rồi, bên dưới lại còn một hàm ếch sâu 10m và ăn sâu vô đất liền vài thước nữa.

Du lịch Mũi Né còn hai nơi tham quan nữa là Đồi Cát và Suối Tiên. Đồi Cát thì các cháu tôi cho rằng chỉ là cát thôi nên không có gì cần tham quan. Chúng tôi đi xuống Suối Tiên. Vì không thu phí tham quan nên chỗ đi xuống cũng dơ, bệ rạc lắm. Đó là con suối chảy giữa hai đồi cát, có nước chảy luôn. Có nước, đương nhiên là có cỏ cây mọc, tuy nhiên cũng có những đoạn ngắn chỉ có đá với cát nên ta có thể leo lên đồi mà chơi. Càng đi vô sâu thì suối càng mang vẻ hoang sơ, trông cũng hay hay. Nhưng dân cũng bắt đầu lập quán bán hàng ở hai bên suối. Hiện thì rất ít, chỉ vài ba quán thôi. Nhưng nếu sau nầy số quán tăng nhiều, Suối Tiên sẽ mất vẻ hoang sơ và vệ sinh cũng không được bảo đảm. Như vậy, khu du lịch Suối Tiên cũng xóa sổ vậy.

Làm sao để giữ con đường du lịch Suối Tiên? Đương nhiên các quán phải giữ vệ sinh chung quanh chỗ kinh doanh, nhưng các món quà cầm theo để ăn thì sao. Mất vệ sinh ở những nơi khác thì ai dọn dẹp? Chỗ đi xuống suối, có lẽ cho lập một quán với kích cỡ nhỏ vừa phải, không thâu thuế nhưng họ phải bảo đảm vệ sinh chung quanh quán nhứt là đoạn đi xuống suối.

Tóm lại, theo tôi thì bờ sông, bờ biển phải để thông thoáng, không cho cất nhà, lều quán… để nhơn dân có thể tự do đi hứng gió. Còn bãi biển của Resort, có lẽ duy trì cũng được nhưng bề dài khoảng 200 thước trở lại thì chấp nhận được để ở đó, bãi biển khoảng đó họ bảo vệ cho du khách của họ không bị giựt giọc. Nhưng trên bờ biển thì mọi người được đi lại tự do.

Tóm lại, khu du lịch thì cần giữ nét hoang sơ chớ không nên xây nhà kín mít như ở thành phố. Nhà cửa, khách sạn… có lẽ cách xa mé biển khoảng 100m thì hay hơn.

Khánh Hội - Quận 4 ngày 01-7-2018

PHẠM HIẾU NGHĨA


TÁM THAO TÁC

ĐỂ MẠNH KHỎE, SỐNG LÂU

của NGƯỜI CAO TUỔI

1. Hàng ngày “chải đầu” 500 lượt (bằng 10 ngón tay)

Đầu có 40 huyệt quan trọng, 12 kinh lạc xuất phát từ đây, 10 vùng kích thích đặc biệt của cơ thẻ cũng ở đây.

“Chải đầu” tức xoa bóp, kích thích các huyệt và gốc kinh lạc, đem lại nhiều tác dụng như: làm thông khí huyết, điều dưỡng thần kinh đại não, làm chậm lão hóa, tăng trí nhớ, sảng khoái, mắt sáng, tai thính, da hồng hào, giảm các chứng mệt mỏi, mất ngủ, buồn phiền.

2. Thường xuyên chà xát huyệt “Dũng Tuyền”

Chân có 19 cơ, 26 đốt xương, hơn 50 dây chằng, 60 huyệt… và 40 ngàn tuyến mồ hôi, 500 ngàn huyết quản… có phản xạ với các bộ phận trong người.

Nhưng bàn chân ở xa tim, sức đề kháng yếu, là nơi dễ phát sinh bệnh tật.

Sau khi tắm, xoa ngay huyệt Dũng Tuyền (ở chỗ lõm gan bàn chân) để tăng thân nhiệt, ích tủy, cân bằng âm dương, bài tiết độc tố, tăng lưu thông máu ở chi dưới, giảm căng cơ bắp, bớt mệt mỏi, lợi gan, tinh mắt, giúp tiêu hóa tốt, dễ đại tiện và giúp trị các chứng: đau đầu, mất ngủ, huyết áp cao, tứ chi tê dại, sinh lý kém, là các chứng thường thấy ở người cao tuổi.

Vì vậy huyệt này được các lương y gọi là huyệt “trường thọ”.

3. Nuốt nước bọt mỗi ngày 300 lần

Nước bọt có nhiều chất bổ ích như: vitamin B, albumin, chất hữu cơ, đạm, muối, cal-xi, ma-nhê,…

Nước bọt tiết ra từ miệng, qua họng, phế quản đến gan, thận, tập trung ở vùng rốn rồi chuyển hóa thành tinh khí, có tác dụng tốt với dạ dày, lá lách, thận, ngũ tạng. Nước bọt cầm máu nhanh, giúp tiêu hóa, làm mềm huyết quản, diệt vi khuẩn, làm chắc răng, tiêu độc và phòng chống ung thư rất hiệu nghiệm. Viện Y học Hoa Kỳ đã kết luận: một số tác nhân ung thư bị tiêu hủy ngay sau khi tiếp xúc với nước bọt 30 giây nên khuyên mọi người phải nhai thật kỹ, mỗi miếng đến 30 lượt để phòng tránh ung thư.

Các nhà dưỡng sinh, từ cổ chí kim, đều coi nước bọt là “nước thần, nước vàng, nước bạc”, là thuốc tự nhiên để chống ung thư.

4. Co nhún hậu môn mỗi ngày 100 lần

Co nhún hậu môn để các cơ quanh hậu môn luôn hoạt động, tăng lưu thông máu, phòng và trị các chứng: trĩ nội, trĩ ngoại, táo bón, viêm ruột mạn tính, viêm và tổn thương da hậu môn,… rất lợi cho sức khỏe, nhất là với người cao tuổi.

Thỉnh thoảng lại co nhún hậu môn nhiều lần, độ 1-2 phút. Sau khi đại tiện, nên co nhún ngay trong 2-3 phút để nhanh chóng phục hồi cơ năng hậu môn, tránh lòi dom.

Cách làm: thả lỏng toàn thân, tay sát hai bên đùi, lưỡi đặt vào vòm họng trên, phối hợp giữa hít vào với co hậu môn lên - nín thở, rồi thở ra chậm - thả lỏng toàn thân.

5. Hai hàm răng cắn vào nhau mỗi ngày 300 lần

Việc làm này theo một tiết tấu lắp đi lắp lại, là phép dưỡng sinh rất tốt: cân bằng âm dương, lưu thông khí huyết và kinh lạc, bảo vệ chân răng và men răng, tăng cường cơ nhai, làm chậm quá trình móm ở người già, tăng lượng tiết nước bọt, bổ sung dinh dưỡng, nâng cao tính kháng khuẩn, làm răng chắc và đẹp.

Cách làm: miệng hơi mím, tinh thần sảng khoái, hai hàm răng cắn vào nhau, lúc mạnh, lúc yếu, theo một tiết điệu ổn định.

6. Xoa bụng hàng ngày 120 lần

Bụng là cung thành của lục phủ ngũ tạng, nơi phát nguồn khí huyết âm dương. Năng xoa bụng làm lưu thông máu, bổ dưỡng thần kinh, tăng nhu động cho ruột, dạ dày, chữa trị: táo bón, tổn thương dạ dày, viêm tuyến tiền liệt, đầy hơi, di tinh, cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường,… Năng xoa bụng còn có tác dụng tiêu mỡ thừa, để giảm béo, giữ ngoại hình.

Xoa nhiều hay ít là tùy thể trạng mỗi người. Bắt đầu dùng tay phải xoa bụng trên theo chiều kim đồng hồ, sau lùi xuống xung quanh vùng rốn. Rồi đổi tay trái, cũng làm như vậy, theo chiều ngược lại. Không nhất thiết xoa tròn, có thể xoa lên xoa xuống, rồi xoa sang trái, sang phải.

Bụng là vị trí của ngũ tạng, có nhiều kinh lạc, khi no, lúc đói, viêm ruột, đau bụng thì nên nghỉ xoa.

7. Kéo tai hàng ngày 14 lần

Tai liên quan đến thận, 49 huyệt ở đây liên quan đến lục phủ, ngũ tạng và cả 12 kinh lạc - nên được coi như “hình tượng thu nhỏ của toàn thân”.

Phương pháp “kéo tai dưỡng sinh” như sau: Tay phải vòng qua đỉnh đầu, kéo tai trái lên phía đỉnh đầu 14 lần, rồi đổi tay, dùng tay trái kéo tai phải lên phía đỉnh đầu 14 lần.

Kiên trì thực hiện đều đặn một thời gian dài sẽ kích thích hoạt khí, lưu thông kinh lạc, tăng tuần hoàn máu, cân bằng âm dương, điều chỉnh lục phủ ngũ tạng.

8. Vặn mình hàng ngày

Nếu máu không lưu thông, không cấp đủ lượng cần thiết cho các bộ phận thì sinh ra hàng trăm thứ bệnh như: suy nhược tinh thần, thần kinh bất ổn, sắc thái kém.

Khi vặn mình, hai tay giơ cao, cột sống thẳng, lồng ngực nở to, nghiêng người, kéo căng cơ sườn, hít mạnh được nhiều ô-xy, sau đó thải nhiều thán khí (CO2)… không những giảm mệt mỏi, căng thẳng, làm phấn chấn tinh thần, mà còn thúc đẩy mạch máu lưu thông, điều chỉnh cột sống, cân đối ngoại hình…

PHÙNG CHÍ TÂM st.

GIẤC NGỦ NGON

“THẦN DƯỢC” CHO NHIỀU BỆNH

NGỌC HUẾ

Tục ngữ có câu: “Ăn được ngủ được là tiên. Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Đó là lý do tại sao tất cả thế giới đều yêu giấc ngủ, đặc biệt là khi bạn tỉnh dậy sau một đêm có giấc ngủ tuyệt vời. Ngày nay, các nhà khoa học phát hiện giấc ngủ giúp bạn tăng cường sức khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống. Nó được ví như “thần dược” cho tất cả mọi người. Sự thật là, khi con người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi tối, nguy cơ phát triển bệnh trong cơ thể bắt đầu xuất hiện…

Sống lâu hơn

Theo các nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Archives of General Psychiatry and Sleep thì những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi tối có nguy cơ tử vong cao hơn 15% so với những người ngủ trên 6 tiếng, vì bất kỳ nguyên nhân gì. Một trong những ví dụ điển hình là phụ nữ có tuổi thọ cao hơn đàn ông vì họ có thời gian ngủ nhiều hơn đàn ông. Hay nếu bạn không thiếu ngủ và không ngủ gật khi lái xe thì nguy cơ tử vong do tai nạn giao thông cũng giảm đi đáng kể.

Tăng cường trí nhớ

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ tại sao chúng ta lại ngủ và mơ nhưng có một quá trình có tên gọi là sự hồi phục trí nhớ đã diễn ra trong lúc ngủ. Khi cơ thể bạn được nghỉ ngơi, não sẽ bận rộn với việc xử lý, kết nối những sự kiện đã diễn ra trong ngày. Do vậy, giấc ngủ rất quan trọng cho não tìm kiếm sự liên kết logic và trí nhớ lại với nhau. Giấc ngủ càng ngon thì trí nhớ của bạn càng tốt.

Giảm viêm

Khi nồng độ hormone gây stress tăng lên, nó sẽ làm tăng khả năng viêm nhiễm của cơ thể, đồng thời tạo ra nhiều nguy cơ đối với các bệnh liên quan đến tim như ung thư, tiểu đường. Chứng viêm là một trong những nguyên nhân chính làm cho cơ thể bạn yếu đi khi bạn có tuổi. Do vậy, hãy ngủ đủ để làm chậm quá trình gây hại này.

Giúp tim khỏe mạnh

Đau tim và tai biến mạch máu não thường xảy ra vào buổi sáng sớm. Điều này là do giấc ngủ có sự tương tác với huyết mạch. Thiếu ngủ thường làm cho huyết áp và cholesterol trở nên tồi tệ hơn, và điều này lại là nhân tố gây nguy hiểm đến tim và đột quỵ. Đó cũng là lý do tại sao khi bạn thức đêm nhiều, sáng dậy bạn cảm thấy người nôn nao khó chịu. Các nhà khoa học cho biết, tim của bạn sẽ khỏe hơn nếu bạn ngủ từ 7-9 tiếng mỗi tối.

Giấc ngủ có thể ngăn ung thư

Những người thường làm việc khuya có nguy cơ bị ung thư vú và ung thư ruột kết cao hơn những người ngủ sớm. Các nhà khoa học tin rằng, điều này gây ra bởi sự chênh lệch về nồng độ melatonin ở những người tiếp xúc nhiều với ánh sáng ban đêm. Tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo làm giảm melatonin, một loại hormone giúp chúng ta buồn ngủ và chống lại ung thư bằng cách ức chế các khối u ác tính. Lời khuyên là bạn nên để phòng ngủ tối để cơ thể bạn sản xuất đủ melatonin cơ thể cần.

Giảm căng thẳng

Khi cơ thể thiếu ngủ, nó sẽ làm bạn dễ căng thẳng. Thiếu ngủ làm chức năng của cơ thể bị đặt ở trạng thái tỉnh táo cao, điều này gây ra sự tăng huyết áp và tạo ra hormone gây căng thẳng. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ đau tim và tai biến mạch máu não. Và thật không may là hormone gây căng thẳng lại làm cho chúng ta khó ngủ. Do vậy, hãy học những kỹ thuật thư giãn để đối phó với tác động của stress.

Giấc ngủ giúp giảm cân

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy rằng, những người ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi tối dễ bị thừa cân hoặc béo phì hơn so với những người ngủ nhiều hơn 7 tiếng. Họ cho rằng, thiếu ngủ tác động đến sự cân bằng hormone trong cơ thể và thường làm cho bạn cảm thấy thèm ăn. Hormone ghrelin và leptin, có vai trò điều chỉnh sự thèm ăn, sẽ bị phá vỡ khi bạn thiếu ngủ. Do vậy, nếu bạn muốn kiểm soát hoặc giảm cân, thì đừng quên quan tâm chất lượng giấc ngủ ban đêm.

Chợp mắt giúp bạn thông minh hơn

Giấc ngủ chợp mắt trong ngày, đặc biệt là buổi trưa, không chỉ giúp bạn lấy lại sự tỉnh táo giống như caffeine mà còn bảo vệ sức khỏe của bạn và giúp bạn tăng năng suất lao động. Một nghiên cứu ở 24.000 người trưởng thành ở Hy Lạp cho thấy những người có giấc ngủ chợp mắt nhiều lần trong một tuần có tỷ lệ tử vong do bệnh tim thấp hơn. Những người ngủ chợp mắt ở công sở trong giờ giải lao có tỷ lệ mắc căng thẳng thấp hơn. Nó cũng giúp cải thiện trí nhớ, tăng cường chức năng nhận thức và giúp nâng cao tinh thần.

Tăng cường hệ miễn dịch

Cơ thể phụ thuộc vào hệ miễn dịch để chống lại sự viêm nhiễm và làm sạch cơ thể bằng cách loại bỏ các độc tố để duy trì môi trường nội tạng hài hòa. Giấc ngủ có liên quan đến khả năng hình thành kháng thể hay những tế bào chống bệnh. Lúc ngủ cũng là thời gian cho cơ thể phục hồi tổn thương gây ra bởi căng thẳng, các tia cực tím của mặt trời và những thứ có hại khác. Cơ thể sẽ tổng hợp các chất cơ bản trong khi đang ngủ, điều này giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể và làm lành vết thương.

Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của cơ thể trẻ nhỏ

Ngủ là một phần thiết yếu của tăng trưởng và phát triển của trẻ. Mức độ nhu cầu ngủ thay đổi theo sự phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh thường ngủ xấp xỉ 16-19 tiếng mỗi ngày, trong khi trẻ chuẩn bị đến trường cần ngủ khoảng 12 tiếng mỗi ngày. Trước khi trưởng thành, hormone tăng trưởng được tiết ra trong giấc ngủ để giúp trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần hợp lý.

Bảng thời gian ngủ hợp lý cho từng độ tuổi

Trẻ sơ sinh (0-2 tháng tuổi)

12-18 tiếng/ ngày

Trẻ nhỏ (3-11 tháng tuổi)

14-15 tiếng/ ngày

Trẻ biết đi (1-3 tuổi)

12-14 tiếng/ ngày

Trẻ trước khi bước vào lớp 1 (3-5 tuổi)

11-13 tiếng/ ngày

Trẻ học tiểu học (5-10 tuổi)

10-11 tiếng/ ngày

Trẻ ở tuổi thiếu niên (11-17 tuổi)

8-9 tiếng/ ngày

Người lớn

7-9 tiếng/ ngày

Ngăn ngừa cảm cúm

Trong một nghiên cứu về giấc ngủ ở 153 người được đăng trên tạp chí Archives of Internal Medicine, người tham gia được cho tiếp xúc với những virus cảm cúm thường. Kết quả cho thấy khi họ ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi ngày, nguy cơ mắc cảm cúm cao gấp 3 lần so với khi họ được ngủ trên 8 tiếng. Lý do là giấc ngủ bảo vệ hệ miễn dịch và giúp bạn chống bệnh tốt hơn.

Giảm nguy cơ tiểu đường

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, thiếu ngủ có thể dẫn đến việc mắc bệnh tiểu đường týp 2 do nó làm ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý glucose, thành phần tế bào sử dụng để làm “nhiên liệu”. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ thuộc Đại học y Harvard cho thấy, nhóm người khỏe mạnh bị giảm giấc ngủ từ 8 tiếng xuống còn 4 tiếng mỗi tối, thì quá trình xử lý glucose của cơ thể đã chậm lại. Một nghiên cứu khác thì nói rằng, những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn đáng kể so với những người ngủ 7 tiếng/ đêm.

(Theo Health/ Internet) LỆ NGỌC st.

55 CÂU NÓI SÂU SẮC

1. Tài sản có thể trở về số 0 nhưng kiến thức phải càng ngày càng mở rộng.

2. Thời gian tốt nhất để trồng cây là vào 20 năm trước. Thời gian tốt thứ hai là ngay bây giờ…

3. Điếc, nhưng không phải là không biết gì bởi còn có thể đọc được sách báo.

4. Nếu không học tập, cho dù đi vạn dặm đường xa thì mãi vẫn chỉ là người đưa thư mà thôi.

5. Ai cũng than vãn thiếu tiền nhưng chả ai than thở thiếu trí khôn cả.

6. Trên đời có 3 thứ không thể bị ai cướp mất: Đầu tiên là thức ăn đã vào trong dạ dày, hai là ước mơ đã ở trong lòng, ba là những kiến thức đã học trong đầu.

7. Người lớn dạy trẻ con học nói, còn trẻ con dạy người lớn im lặng.

8. Một người chỉ ra sai sót của bạn chưa chắc đã là kẻ thù của bạn; một người luôn luôn ca ngợi bạn chưa hẳn đã là bạn của bạn.

9. Hãy sợ con dê húc phía trước, con ngựa đá phía sau, còn kẻ ngu thì phải đề phòng tứ phía.

10. Kinh nghiệm là cái từ mà mọi người dùng để gọi các sai lầm của mình.

11. Khi bạn khóc vì không có giày để đi, hãy nhìn những người không có chân.

12. Khi già, thị lực người ta kém đi nhưng nhìn thấy nhiều hơn.

13. Đừng sợ đi chậm. Chỉ sợ đứng yên.

14. Ta không cầu xin cho gánh nặng sẽ nhẹ hơn, nhưng mong cho đôi vai vững vàng hơn.

15. Bông lúa càng nhiều hạt, đầu nó càng rũ xuống. Người giỏi thường hay khiêm tốn.

16. Mất tiền chỉ là mất nửa đời người, mất lòng tin là mất tất cả.

17. Phần lớn người ta thất bại không phải do họ không có khả năng, mà là vì ý chí không kiên định.

18. Đừng nói gì trừ khi bạn đã học được cách im lặng.

19. Giúp người thì sẽ làm tăng tài sản, ki bo chỉ làm nghèo đi.

20. Một hành trình ngàn dặm cũng chỉ khởi đầu từ bước đi đầu tiên.

21. Nếu vấn đề nào giải quyết được bằng tiền, thì đó không phải là vấn đề mà là chi phí.

22. Nếu bạn bị vấp ngã, điều đó chưa chắc có nghĩa bạn đang đi sai đường.

23. Có tiền cũng không phải tốt lắm, cũng như thiếu tiền cũng chẳng phải tồi lắm.

24. Không có tình huống vô vọng, chỉ có giải pháp không chính xác.

25. Trời cho con người hai tai và một miệng để nghe nhiều nói ít.

26. Luôn luôn nhìn vào mặt tươi sáng của sự vật. Nếu không thấy, hãy đánh bóng cho đến khi nó tỏa sáng.

27. Nếu cuộc sống không dần dần tốt lên thì nó sẽ kém đi.

28. Đừng sợ rằng bạn không biết một cái gì đó. Hãy sợ rằng bạn không chịu tìm hiểu về nó.

29. Con người phải sống tối thiểu là vì sự tò mò.

30. Một khi bạn mắc một sai lầm, điều tốt nhất bạn có thể làm là cười vào nó.

31. Nếu làm từ thiện chẳng tốn kém gì thì ai cũng làm từ thiện cả.

32. Hầu như những loại hoa có màu trắng đều rất thơm, hoa có màu sắc đẹp đẽ thường không thơm. Người cũng vậy, càng mộc mạc giản dị, càng tỏa hương thơm từ bên trong.

33. Chết vì cười còn hơn là chết vì hoảng sợ.

34. Một người có thể chuyển núi bắt đầu từ việc mang đi những viên đá nhỏ.

35. Khi chúng ta đem hoa tặng cho người khác thì người ngửi được mùi hương đầu tiên là chính chúng ta. Khi chúng ta nắm bùn ném vào người khác, thì người bị lấm bẩn đầu tiên là bàn tay chúng ta.

36. Ngủ trên gối êm không có nghĩa có giấc mơ đẹp.

37. Nếu bạn không thể xử lý những việc nhỏ thì những việc lớn của bạn sẽ trở nên vô nghĩa.

38. Khi bồ câu kết bạn với quạ, mặc dù cánh của nó vẫn còn màu trắng nhưng trái tim thì dần dần chuyển sang màu đen.

39. Lúc nào vô công rỗi nghề thì người ta sẽ làm những việc động trời.

40. Khi còn trẻ phải làm những việc bạn nên làm, thì khi về già mới có thể làm những việc bạn muốn làm.

41. Cái khuy áo đầu tiên sai, cái sau cùng khó mà chữa được.

42. Hạnh phúc chỉ đến khi cánh cửa đã được mở.

43. Một ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười có giá trị hơn một cung điện đầy nước mắt.

44. Cười là loại mỹ phẩm rẻ nhất, vận động là loại y dược rẻ nhất, chào hỏi là loại chi phí giao tiếp rẻ nhất.

45. Kinh nghiệm giống như một chiếc lược mà cuộc đời chỉ ban tặng sau khi chúng ta đã mất hết cả tóc.

46. Nếu bạn thực sự có tài năng thì bạn sẽ không sợ mình kém may mắn.

47. Tình yêu có ngọt ngào đến đâu cũng chẳng lấy ra nấu chè được.

48. Trời bảo vệ kẻ nghèo ít nhất là không sa vào những thói hư tật xấu xa hoa.

49. Trời không thể có mặt đồng thời khắp nơi nên Người đã tạo ra các bà mẹ.

50. Adam quả là tay gặp may đầu tiên vì chẳng có mẹ vợ.

51. Kẻ nào bị yêu nhiều lại là kẻ hên nhất.

52. E-và là người được an toàn nhất vì không có bố chồng.

53. Nơi túp lều tranh mà có tao nhân mặc khách thì vẫn là lâu là các. Lầu vàng gác ngọc mà toàn lũ đa tiền thì liền biến thành cái hèo chuông.

54. Tiền bạc có nhiều đến đâu cũng chẳng thể mua được mấy con chữ cọt quẹt.

55. Trời bận đi bia ôm nên giao việc săn sóc cha mẹ già cho tuyệt diệu Hiếu Nữ.

Quan Thùy Mai st.

MÙA XUÂN CỦA BÉ BÔNG

(tiếp theo số 145)

Dòng hồi ức của Việt Thu về thời thanh xuân của đôi bạn trẻ bỗng dừng lại bởi giọng nói của chị trưởng đoàn cất lên, cùng lúc Ngọc Hà cũng vừa thức giấc:

- A lô! Chúng ta đã đi đến 2/3 hành trình. Đến đây, tôi xin thông báo chương trình thiện nguyện tại thành phố Phan Thiết - Hàm Tân - Bình Thuận. Hôm nay đoàn chúng ta đến thành phố ăn trưa, nghỉ ngơi tại bờ sông Cà Ty, sau đó đến phường Bắc Hải thăm, tặng quà tại 3 cơ sở Nhà Tình thương, Mái Ấm. Sau đó, phái đoàn trở về Phan Thiết nghỉ đêm. Ngày thứ hai, đoàn sẽ đi tiếp thăm thêm 3 cơ sở nữa qua sự giới thiệu, tiếp xúc của các ân nhân, mạnh thường quân của chúng ta từ trước. Do đó, chuyến đi của chúng ta có trở đi trở về Phan Thiết, nhưng vì việc sắp xếp nhà nghỉ cho phái đoàn do một bạn làm thiện nguyện. Xin thông báo cho các anh chị biết và nếu có ý kiến khác, các anh chị cứ phát biểu. Xin cám ơn.

Nghe đến đây, hai vợ chồng Việt Thu Ngọc Hà quay lại nhìn nhau, Thu nắm tay Hà nói khẽ:

- Theo ý em thì sao? Hành trình như thế, em có chịu được không? Nếu không, thì chúng ta về sớm nha em.

Ngọc Hà suy nghĩ một hồi lâu mới đáp:

- Em chịu được, mình cứ theo đoàn, khi xe về Lagi, anh và em xuống ghé vô thăm cha H. ở Vinh Tân và gia đình anh Thưởng, anh Út Nam luôn, được không anh?

- Ừ, tùy em, anh thì sao cũng được hết chỉ lo cho sức khỏe của em thôi.

- Dạ, em khỏe mà. À, anh, mình còn ghé Mái Ấm Tình Thương của Sơ Phương Khanh ở Tân An nữa đó anh.

- Anh nhớ chứ, nhưng chỉ sợ dài ngày lại đi chỗ nầy chỗ nọ em mệt thì anh lo lắm.

- Không sao anh à, tại chúng mình đã hứa với mẹ là đem quà tặng cho các bé ở mái ấm nên phải làm tròn.

Hai vợ chồng nói đến đây thì chị trưởng đoàn bước đến vui vẻ hỏi:

- Ông bà có dự tính gì khác với hành trình tôi vừa báo không?

Việt Thu mỉm cười đáp lại:

- Hai đứa em sẽ đi theo đoàn như lịch trình thông báo, nhưng trên đường về ngang Lagi chúng em xuống thăm bà con rồi sẽ về sau, được không chị?

Chị Lệ gật đầu:

- Vậy thì, khi đoàn ta quay về, đến nơi các bạn cần xuống, thì báo cho tôi biết, tôi sẽ nói tài xế ngừng xe cho anh chị xuống nha.

Việt Thu gật đầu đồng ý. Thế là hai vợ chồng Ngọc Hà Việt Thu đi theo suốt hành trình của đoàn thiện nguyện, thăm và phát quà cho các mái ấm tình thương, cơ sở Bảo Trợ Xã Hội của thành phố Phan Thiết cho đến khi xe trên đường về đến vòng xoay căn cứ 6 đường vào Lagi Hàm Tân, Thu liền nói với chị Lệ trưởng đoàn báo ngừng xe, hai vợ chồng lục tục mang hành lý, chào tạm biệt đoàn xe rồi xuống, đón xe vô Lagi thăm bà con như đã bàn với nhau. Xe buýt đến, cả hai lên và nói về Vinh Tân, vừa ngồi yên vị bỗng Thu nghe có tiếng nói ở đầu xe cất lên:

- Chú thím từ Sài-gòn ra chơi hử?

Thu nhìn lên vui vẻ đáp:

- Dạ, anh Hà, tụi em đi công tác từ thiện ở Phan Thiết, nhân dịp về ngang ghé thăm cha và các anh chị đây. Anh đi đâu về?

- Tôi đi ra Phường Lạc Đạo có công việc chút.

- Vậy, để hai tụi em vô Vinh Tân thăm cha trước rồi sẽ về Tân Lý thăm các anh chị nghe.

- Ừ, thì anh chờ chú thím nghe. Thế nào, mấy anh em phải có một bữa tiệc nho nhỏ nghe chú Thu.

- Vâng, thưa anh, hẹn gặp lại.

Xe buýt ngừng tại trạm chợ nhỏ V.T., hai người trẻ tuổi đi bộ vào giáo xứ tìm thăm cha H. - ông anh họ thân thiết - giữa khi bắt đầu thánh lễ chiều nên cả hai liền vào nhà thờ dự lễ luôn.

Sau khi tan lễ, vợ chồng Thu-Hà xuống nhà xứ đón cha. Hai anh em tay bắt mặt mừng, cha H. hỏi thăm mọi người ở Sài-gòn và mục đích của hai vợ chồng cùng ra vùng biển rừng, ghé lại đất Lagi. Thu vui vẻ trả lời:

- Nhân dịp tụi em tham gia đoàn công tác bác ái, từ thiện, tặng quà các cơ sở bảo trợ trẻ cơ nhỡ, mái ấm tình thương ở Phan Thiết nên thăm cha và các anh chị luôn, à em quên cả ông Năm nữa chứ.

- Vậy sẵn đây, hai em dùng cơm tối và nghỉ đêm tại nhà xứ luôn nghe, được không?

Hai vợ chồng cùng nhìn nhau, rồi Ngọc Hà mỉm cười, nhỏ nhẹ nói:

- Dạ, anh đã nói thế, thì chúng em xin nghe ạ, chỉ sợ phiền cha và nhà xứ.

Cha H. gạt đi và bảo:

- Mấy thuở mà hai em ra đây, phải để anh “tiếp đón” chứ.

- Dạ, hai tụi em cám ơn cha. Thu đáp lời

Sáng hôm sau, xem lễ sáng xong, Việt Thu - Ngọc Hà xin phép chào cha để qua Tân Lý thăm các anh chị Thưởng, Thu và Hà, nhất là anh út Sơn như đã hẹn với anh Hà, sau đó sẽ bắt xe về thành phố luôn. Nhưng chợt Việt Thu nhớ ra một việc muốn xin ý kiến cha H., anh nhìn qua Ngọc Hà rồi vội trình bày cho cha công việc theo ý của anh và Ngọc Hà đã bàn trước ở nhà.

Tuy có nhiều công tác của giáo xứ cũng cần cấp, nhưng cha nhìn thấy niềm tin trong mắt của Hà nên ngài cũng ngồi lại để nghe câu chuyện của hai vợ chồng về việc muốn xin một đứa trẻ ở Mái Ấm Tình Thương do Sơ Phương Khanh làm giám đốc ở Tân An - Hàm Tân, cả hai muốn hỏi cha xem là ở cơ sở này có cho con nuôi không, và cha có quen biết với Sơ Khanh không để có thể giúp cho Ngọc Hà nhận một đứa bé gái để làm con gái nuôi.

(còn tiếp)

HOÀI LY


Phụ bản IV

AM NI CÔ

Trên núi có trúc, trúc là trúc tía. Dưới núi có am, am là am ni cô.

Trong am ni cô có hai ni cô, ni cô già năm mươi tuổi là sư phụ, ni cô trẻ mười sáu tuổi là học trò. Hai thầy trò ngày nào cũng làm bài, tụng kinh và tiếp nhận đồ lễ của một vài khách hành hương. Họ sống những ngày dài dằng dặc trong tiếng chuông buổi sớm và tiếng trống ban chiều.

Trước am là một dòng sông, bên sông có một mái nhà tranh, trước nhà tranh là một vạt ruộng vườn mới vỡ hoang. Một cặp vợ chồng trẻ, mùa xuân gieo cấy, mùa thu gặt hái trên thửa ruộng mảnh vườn. Ngày tháng cứ vui vẻ trôi đi trong tiếng nói tiếng cười của hai vợ chồng.

Ở nơi vắng vẻ, nến sáng lửa xanh, ni cô trẻ làm bài thường bị tiếng cười nói vui vẻ bay trên cánh đồng gây nhiễu tâm tư. Cô thầm nghĩ: cuộc sống chồng cày ruộng, vợ dệt cửi hạnh phúc thật!

Ni cô trẻ thường ra sông kín nước, nên hay gặp đôi vợ chồng trẻ cày cấy ở ruộng. Lâu dần họ đã quen nhau, ngày mưa ngày gió, anh nông dân trẻ còn giúp ni cô gánh nước vào chùa. Một hôm ni cô trẻ lại ra bờ sông kín nước, đôi vợ chồng trẻ cũng vừa vặn nghỉ giải lao ở bờ sông. Thế là có một cuộc nói chuyện thú vị.

Anh nông dân hỏi:

- Hằng ngày chú tiểu làm gì trong chùa?

Ni cô đáp:

- Làm bài, tu đạo, cầu kiếp sau…

Anh nông dân hỏi lại:

- Cầu nhân duyên mỹ mãn phải không?

Ni cô lại trả lời:

- Người đi tu thanh tâm, ít ham muốn.

- Cầu quan to lộc d ầ y phải không?

- Tăng ni kiêng cấm, danh lợi mờ nhạt.

- Vậy thì cầu vinh hoa phú quý chăng?

- Cửa P hật coi trọng yên tĩnh, thanh thản.

Anh nông dân cả cười:

- Phải chăng chú tiểu cầu mong kiếp sau lại làm chú tiểu?

Trong mắt ni cô trẻ càng mơ màng, mờ mịt, cô nhìn am ni cô vắng vẻ dưới núi, thở dài thầm nghĩ: Mình tu tâm dưỡng tính, nếu kiếp sau còn làm chú tiểu, vậy thì hôm nay còn cầu làm gì nữa?

Ni cô trẻ khe khẽ lau giọt lệ trong vắt trên hai má, gánh nước về am.

Trên bờ sông, cuộc đối thoại của cặp vợ chồng trẻ còn tiếp tục, chỉ có điều tăng mùi vị trêu ghẹo.

Anh hỏi:

- Nếu có kiếp sau thật, em cầu gì?

Chị đáp:

- Anh đoán xem…

- Cầu quan to lộc dầy chứ?

Chị lắc đầu.

- Cầu vinh hoa phú quý chứ?

Chị vừa lắc đầu, vừa xua tay.

Anh “ồ” một tiếng:

- Anh hiểu rồi, chắc chắn là em cầu kiếp sau làm một ni cô trẻ thanh tĩnh…

Chị giơ nắm tay nhỏ đấm trên ngực anh, nói:

- Bậy nào, bậy nào, anh bậy thật!

Anh chộp luôn tay chị, hỏi dồn:

- Vậy rút cuộc, em cầu gì?

Chị đỏ ửng mặt, đáp:

- Không cầu quan to, không cầu giàu sang, chỉ cầu kiếp sau nhân duyên tốt lành, chỉ cầu kiếp sau lại làm vợ anh… chị vừa nói vừa ngả vào lòng anh, hai anh chị cùng nô nghịch, cứ xoắn xuýt vào nhau trên bãi sông.

Cuộc đối thoại trên bờ sông và cuộc vui đùa của đôi vợ chồng trên bãi sông đã làm xáo động trái tim xuân của ni cô trẻ, tới mức cô cứ bần thần, háo hức, không còn tâm tư nào ngồi yên làm bài, không còn chăm chỉ tu đạo. Ni cô già nhận thấy người học trò này đã hết duyên phận với cửa Phật, liền đưa cô ra khỏi am.

Ni cô trẻ bơ vơ không nơi nương tựa, tạm dừng chân trong gia đình anh nông dân nhà tranh vách nứa bên sông. Ni cô trẻ không còn là ni cô trẻ nữa, vợ chồng anh nông dân liền gọi cô là Tiểu Nê.

Cùng với vợ chồng nông dân trẻ. Tiểu Nê mặt trời mọc ra đồng, mặt trời lặn về nghỉ. Cơm nhạt trà thô của nhà nông, khiến Tiểu Nê càng khỏe đẹp ra, mái tóc xanh mượt mà dần dần mọc trên đầu khiến cô trở thành một người xinh đẹp thật sự.

Người đàn bà đã hoàn tục, thì có tính tình của con người thường. Người đàn bà có tính tình của con người thường sẽ dễ dàng tạo ra chuyện của con người thường. Chuyện của con người thường phần đông cứ na ná như nhau. Câu chuyện và chi tiết tầm thường đến mức không chịu nổi, xin miễn kể tỉ mỉ ở đây. Tóm lại có một hôm, ông mặt trời tỏa nắng rực rỡ xuống trái đất, con chim trên cây cũng hót líu lo vui tai. Chị chủ nhà đi chợ mua muối về, vừa bước vào trong ngôi nhà tranh đã kêu giãy nảy lên một tiếng, tiếp theo là tiếng khóc kéo dài. Tiếng khóc cứ bám riết lấy bước chân của người đàn bà như nổi cơn điên, loạng chà loạng choạng chạy ra bờ sông. Chị định nhảy xuống sông, nhưng nước sông lại cạn. Chị lại lảo đà lảo đảo leo lên vách núi, chị định nhảy từ vách núi xuống, song vách núi không cao. Sau đó chị đã chạy vào am ni cô dưới chân núi.

Ở nơi vắng vẻ, nến sáng lửa xanh. Ni cô già sống những ngày hết sức tĩnh mịch rất muốn biết người đàn bà đang đứng trước mặt có hy vọng gì đối với kiếp này và kiếp sau:

- Xin hỏi nữ thí chủ, chịu ở tạm thời, hay ở lâu dài trong am nhỏ này?

Chị đáp:

- Ở lâu dài, xin thầy thu nhận con là học trò, thưa thầy!

Ni cô già lại hỏi:

- Chị vào cửa Phật cầu quan to lộc dầy phải không?

Chị lắc đầu. Ni cô già lại hỏi:

- Cầu vinh hoa phú quý chứ?

Chị vẫn lắc đầu:

- Vậy thì cầu kiếp sau có nhân duyên mỹ mãn chăng?

Lời ni cô già chưa dứt, thì nước mắt đau đớn của chị đã tuôn trào…

Trên núi có trúc, trúc là trúc tía. Dưới núi có am, am là am ni cô.

Trong am có hai ni cô, một ni cô già, một ni cô trẻ mới đến, ngày nào họ cũng làm bài, tụng kinh, cầu kiếp sau…

MÃ BẢO SƠN - KIM SƠN st.

Đọc sách mới

HẠNH CÁC THÁNH

TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2018


Tác giả: Hội đồng Giám mục VN

Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên

Sách gồm 346 trang, khổ 16x24. Do Nhà xuất bản Tôn giáo in và nộp lưu chiểu quý III năm 2018.

Sau Lời nói đầu của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm Tổng thư ký HĐGMVN đến nội dung gồm 3 phần chính:

Phần I: (từ trang 9-40) Giới thiệu tổng quát về đời sống và sinh hoạt của các tín hữu Công giáo tại Việt Nam trong giai đoạn Giáo hội bị bách hại.

Phần II: (41-318) Chân dung của từng vị trong 117 Thánh Tử Đạo và Chân Phước Anrê Phú Yên được trình bày vắn tắt và cô đọng.

Phần III: (319-346) Phụ lục

- Bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

- Thư công bố năm Thánh

- Kinh các Thánh Tử Đạo VN

- Danh sách các Thánh Tử Đạo VN

- Các Thánh Tử Đạo xếp theo ngày tử đạo.

Theo như lời mở đầu của chính Đức cha chủ biên thì “tiểu sử Các Thánh Tử Đạo chưa được tiến hành cách khoa học. Với nguồn sử liệu có được cùng với sự cộng tác của các chuyên viên, góp ý từ các giáo phận, chúng tôi cố gắng ghi lại những nét chính yếu trong đời sống và cuộc tử đạo của mỗi vị thánh, với ước mong lột tả được phần nào tâm tình của các ngài khi bước theo Chúa Giêsu trên đường thập giá, để tâm tình đó trở thành tiếng gọi gửi đến mỗi chúng ta”.


Trước đây, năm 1970 chúng ta đã có “Lịch sử 42 Á Thánh Anh hùng Tử đạo VIỆT NAM” gồm quyển I &II. Do nhà in Sao Mai Châu Bình, Thủ Đức xuất bản tháng 10/1969.

Tác giả là nhà sưu tầm Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam Micae Nguyễn Văn Tư. Chính tác giả đã cố công sưu tầm và thu thập tài liệu những vị Chiến sỹ Anh hùng Tử đạo trong nước Việt Nam, những tài liệu hiếm có về sự tích, cũng như ảnh tượng các Ngài, để tượng trưng cống hiến bạn đọc tập truyện các Thánh Tử Đạo này, nhưng cũng chỉ là một phần nào thôi chứ không được đầy đủ.

Vì chỉ có 2 cuốn nên chúng ta mới biết đến tiểu sử 42 vị. Những câu chuyện riêng của từng vị có vẻ phong phú hơn cuốn “Hạnh các Thánh” nhưng ngược lại những chi tiết về nơi an táng được cuốn sau bổ sung rõ ràng hơn và nhất là đầy đủ 117 vị cùng Chân Phước Anrê Phú Yên.

Tuy nhiên không thể tránh sự sai sót:

- Phong Hiển Thánh (1988) trước khi Phong Chân Phước 8 vị: Trang 113, 115, 117, 121, 123, 142, 176, 182

- Tử đạo trước khi ra pháp trường:

Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh (trang 52, 53).

Thánh Anrê Dũng Lạc (trang 74, 76)

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng (trang 204, 203)

- Sai tên Thầy Mận (trang 165 dòng 4&9 từ trên xuống)

- Sai năm Di cư 1945 (trang 173, dòng 5 từ dưới lên).

- Sai năm 1837 (trang 219, dòng 3 từ trên xuống)

- Sai năm sinh 1793 (trang 256, dòng 9 từ trên xuống)

- Sai tháng 12/0/1838 (trang 176, dòng 7 từ dưới lên)…

Rất mong sẽ sớm có phần đính chính khi tái bản.

Sách “Hạnh Các Thánh” in đẹp nhiều hình màu, giấy tốt, được bán tại các nhà sách Công giáo và tại Trung tâm hành hương Ba Giồng thuộc giáo phận Mỹ Tho (Giáo tỉnh Sài Gòn) theo giá bìa 60.000đ.

HÀ MẠNH ĐOÀN

GIỌT NƯỚC MẮT NGỌT NGÀO

- Alô. Em hả? Mai là về tới à? Chuyến mấy giờ? Được rồi, anh sẽ ra đón. Hai mẹ con đi đường cẩn thận nhá. Ừ…

Đặt ống nghe xuống, Sinh vui vẻ huýt sáo một bản nhạc. Hơn một tháng nay, Uyên đưa bé Ngọc về thăm bà ngoại. Của đáng tội, lúc đầu quả có thoải mái thật, được trở lại đời sống độc thân, tha hồ đi sớm về trưa, tha hồ bè bạn đến làm dơi làm chuột, không phải ké né, e ngại vì sợ vợ không vui. Dù Uyên không đến nỗi khó tính, khó chịu, nhưng gì thì gì, tự do là trên hết. Nhưng chỉ sau một tuần, sự vắng vẻ của ngôi nhà thiếu đi tiếng bi bô của đứa trẻ, đi làm về không có con chạy ra ôm chầm để đòi bố kiệu lên tay, không có vợ chào đón với nụ cười hạnh phúc với một mâm cơm nóng sốt ngon lành, lại sáng mì gói, trưa bánh phở, tối cơm bụi, thì Sinh thật sự chông chênh. Xem ra, vắng vợ là cả một vấn đề chứ không phải là chuyện vặt đâu đấy. Con người ta sống thường lệ thuộc thói quen, có những thói quen lập đi lập lại nhiều lần thành quán tính, có những thói quen thường xuyên đến mức nhàm chán, tẻ nhạt, người ta quen đến nỗi quên mất đi cả ý nghĩa của nó, chỉ khi thiếu vắng rồi mới nhận ra nó có vai trò thế nào trong cuộc sống của mình. Cú điện thoại của Uyên làm Sinh tỉnh cả người. Đảo mắt một vòng, chao ôi, lúc này anh mới thấy rõ hậu quả của sự bừa bãi, buông tuồng, tềnh toàng của một người đàn ông độc thân. Kia cái áo vắt ngược lên ghế, đây cái quần xộc xệch trên cây đinh, giày dép chiếc Cà Mau, chiếc Móng Cái, trên bàn bếp thì ngổn ngang đủ thứ chai lọ gia vị, lại giấy gói mì, hộp đựng cơm, cả mấy cái lon bia chỏng chơ, rồi lại ly tô chén dĩa dao thớt nằm tất trong bồn rửa bát không biết đã bao lâu rồi. Ở đâu ra mà lắm rác thế không biết? May mà Uyên gọi trước, đủ thời gian cho một cuộc tổng vệ sinh, chứ mà cô ấy về đột ngột thì chắc sẽ cằn nhằn phải biết. Xắn tay áo, Sinh bắt đầu lùa từ nhà trên xuống dần đến bếp. Cái máy giặt phải một phen hoạt động hết công suất. Chai nước rửa chén, may quá còn vừa đủ dùng. Lúc đứng nhìn thì quả là ngại hết sức, chỉ muốn chạy một hơi cho xa, nhưng nhắm mắt lao vào với tâm tưởng mình không làm thì cũng chẳng có ai làm hộ, thế nên rồi cũng đâu ra đó cả. Việc cuối cùng là một xô nước và cái cây lau nhà. Xong xuôi, Sinh thở ra một hơi dài, xoa tay chiêm ngưỡng công trình vĩ đại của mình, mỉm cười hài lòng, Sinh mở tủ lạnh tự thưởng cho mình một lon bia. Đêm đến, Sinh trằn trọc mãi không ngủ được, anh chỉ mong cho chóng sáng. Nỗi khát khao được ôm vợ và con vào tay cứ đầy chật cả lòng. Ai bảo đàn ông là cứng rắn? Không đâu, chỉ làm ra vẻ vậy thôi. Bệnh sĩ ấy mà.

Ngắm nghía mình trước gương, Sinh tạm hài lòng với diện mạo, tóc chải bồng mái, xịt chút briantin cho cứng nếp, hàm râu lún phún, nó vừa được chăm sóc cách đây chưa lâu lắm, nên trông càng ra một đấng nam nhi hào hoa phong nhã, một đấng mày râu đang thời phong độ, “thêm ít son phấn nữa là xong quy trình làm đẹp”, Sinh bật cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh của mình. Nhìn đồng hồ, còn hơn một tiếng nữa là đến giờ tàu vào ga. Quá thừa thời gian cho một tâm trạng hồi hộp ngóng trông, chờ đợi.

Sân ga là nơi hầu như không lúc nào vắng người, bầu không khí đặc trưng của nó không bao giờ thay đổi nhưng cũng không bao giờ là cũ, là nhàm chán cả. Người đi, người về, người đón, người tiễn, vẫn chỉ là những cảm xúc vốn dĩ của cuộc diện, thế mà không hề đơn điệu tẻ nhạt. Các nhân viên nhà ga thì ngày lại ngày, họ luôn tất bật với những nhiệm vụ, có lẽ họ chẳng còn thời gian mà ngẫm ngợi những cảm xúc hàng ngày diễn ra quanh họ, quy trình công việc lập đi lập lại, quy trình cảm xúc cũng lập đi lập lại, nhưng chắc chỉ có những người đang điền những suy ngẫm vẩn vơ vào chỗ trống mới nhận ra. Ngồi ở dãy ghế chờ, Sinh thong thả thả tầm mắt đi quanh, thi thoảng anh lại liếc qua chiếc kim đồng hồ, hình dung đến gương mặt hai mẹ con, Sinh nghe một cảm giác rộn rực trong lòng. Bé Ngọc chắc đen lắm cho coi, còn mà không, khi tha hồ nô đùa chạy nhảy với những cô cậu anh em trên những bãi cỏ, sân rơm nơi nhà ngoại, và hẳn nhiên nó sẽ cứng cáp lên hơn. Trẻ con mà, chúng thay đổi từng ngày, nhất là khi được thay đổi môi trường và khí hậu thoáng đãng mát mẻ, và vui chơi thỏa sức, đó là cơ hội tốt cho chúng phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Chợt một hồi còi vang dài từ xa, báo hiệu một đoàn tàu đang từ từ vào ga, bứt Sinh ra khỏi những nghĩ suy. Anh bật dậy, đi như chạy qua cánh cửa thông ra đường ray. Trùi trũi chiếc đầu tàu đang chầm chậm, chầm chậm trườn vào, rồi dừng hẳn. Sinh chạy dọc theo đoàn tàu, nghển cổ dõi mắt vào các toa.

- Ba ơi Ba! Mẹ, ba kìa!

Nhìn về phía có tiếng con gái gọi, Sinh vui mừng giơ tay vẫy rối rít.

- Em chuyển đồ qua cửa này đi, anh đỡ cho.

Vừa nói Sinh vừa nâng cánh cửa lưới lên, lộ ra một khoảng trống, Uyên chuyển từng túi hành lý qua, xong hai mẹ con dắt nhau xuống tàu. Bé Ngọc nhảy đu lên cổ Sinh líu lo:

- Ba ơi! Con nhớ ba lắm ba ơi.

- Ba cũng nhớ con lắm, chó cưng của ba à. Con đi chơi vui không dậy? Ngoại có thương con nhiều hông?

- Dạ vui lắm ba, ngoại nói sang năm ba cùng về nữa đó.

- Ừ, sang năm ba xin nghỉ phép được thì ba về cùng hai mẹ con luôn há. Hai mẹ con đi hết ba ở nhà buồn quá trời.

- Chứ không phải có người mở cờ trong bụng há.

Uyên háy mắt nói. Sinh cười:

- Ừ thì mở cờ, nhưng rồi thì cờ uông cuông sắc cuống.

- Chỉ dẻo miệng là không ai bằng. Thôi về chứ.

Chiếc taxi đã được chất xong hành lý. Sinh nói:

- Hai mẹ con lên taxi đi, ba đi xe máy theo.

Bước vào nhà, đảo mắt quanh một vòng, Uyên khẽ mỉm cười, cô thừa hiểu những gì đã diễn ra qua ánh mắt dò chừng của Sinh.

- Hai mẹ con đi tắm cái cho mát cho khoẻ đã. Để ba chạy đi mua đỡ cái gì về ăn.

- Cả tháng nay cơm hàng cháo chợ không chán à.

- Thì mình chỉ ăn tạm bữa trưa nay thôi, chứ chiều thì anh đâu dám dành phần của em.

Uyên liếc Sinh một cái thật ngọt, rồi lấy quần áo dắt bé Ngọc vào nhà tắm. Sinh dắt xe ra cổng, lát sau quay về với những chiếc hộp giấy. Uyên đã sắp chén đũa ra bàn. Bé Ngọc ngồi ngả người vào lưng ghế, mắt lờ đờ.

- Con dậy nhanh, ăn một chén đã rồi đi ngủ. Giờ là thấm mệt rồi mà.

- Em ăn đi, để anh cho nó ăn cho.

Sinh cầm chén cơm đến cạnh con vừa đùa giỡn vừa cho con ăn. Ăn xong, bé Ngọc chỉ kịp uống thêm hớp nước rồi lăn ra ngủ tức thì. Đúng là trẻ con. Bấy giờ Sinh mới ngồi vào bàn. Anh chợt khẽ nhăn mặt vì một cơn đau dậy lên trong bụng. Nhưng không muốn Uyên để ý, anh cố ăn xong bữa, nhưng cơn đau ngày càng tăng, da mặt anh trắng bệch ra, Uyên hốt hoảng:

- Anh sao vậy? Đau ở đâu à?

- Không biết sao tự nhiên anh đau bụng quá.

- Coi chừng ngộ độc thực phẩm đó.

- Chắc không phải đâu, nếu ngộ độc thì cả em và con cũng bị chứ, mà anh không thấy buồn ói, chỉ đau thôi, ui da…

Một cơn đau trằn lên khiến Sinh ôm bụng cúi gập người xuống. Uyên luýnh quýnh:

- Để em đưa anh đi viện thôi. Kiểu này là bữa giờ ăn uống không ra sao nên bị đau dạ dày đây mà.

Sinh nhìn con đang ngủ, lo lắng:

- Mình đi rồi lỡ nó dậy nó khóc sao?

Uyên ngần ngừ, rồi nói:

- Không sao đâu, nó ngủ ít nhất cũng phải mấy tiếng đồng hồ nữa mới dậy nổi, khi đó em chạy về cũng vừa, giờ phải đưa anh đi ngay đã.

Đến bệnh viện, Sinh vội vào phòng cấp cứu, và anh được chẩn đoán là đau ruột thừa. Tuy cũng phải nhập viện và mổ xẻ, nhưng cả hai vợ chồng thở ra nhẹ nhõm, ruột thừa không có gì là nguy cấp nếu được xử lý đúng lúc. May mà hai mẹ con Uyên về kịp, nếu không thì…

Sinh lờ đờ mở mắt, cổ họng anh khô khốc, Sinh thều thào:

- Nước, khát nước quá…

- Ôi anh tỉnh rồi, đây, nước đây.

Uyên mừng rỡ vội lấy cái bình thủy rót một ít ra ly, rồi múc từng muỗng ghé môi thổi nhẹ rồi nghiêng nghiêng đổ vào vành môi đang hé. Được vài muỗng, Uyên dừng lại, lấy khăn lau miệng rồi hỏi:

- Anh thấy mệt lắm không?

- Hơi mệt một chút. Mới mổ mà, phải vậy thôi.

- Ráng chừng một tuần là về được rồi anh à.

- Ừ. Con sao rồi em?

- Em gửi bên nhà chị Mai rồi. Chiều em lại chạy về.

- Khổ thân em quá. Tại anh…

- Anh nói chi đó. Chuyện bịnh hoạn có ai chọn lựa mong muốn bao giờ đâu mà. Yên tâm tịnh dưỡng đi, rồi tha hồ mà bù cho mẹ con em.

Sinh mỉm cười trong một cảm giác hạnh phúc khi ánh mắt liếc xéo của vợ cùng làn môi hồng hơi nhoẻn.

- Có người nhà anh Đỗ Thiện Sinh ở đây… a, mời chị lên gặp bác sĩ Tâm Anh một chút nhé.

- Dạ dạ, em lên liền. Anh nằm nghỉ nha. Em lên coi bác sĩ bảo gì?

- Ừ, em đi đi.

Uyên lo lắng, rụt rè ngồi vào cái ghế trước bàn làm việc của bác sĩ.

- Chị là người nhà của anh Sinh?

- Dạ phải ạ. Có chuyện gì vậy ạ?

Một ánh mắt đầy cân nhắc lướt qua gương mặt Uyên. Bác sĩ Tâm Anh tỏ vẻ thận trọng:

- Gần đây chị thấy sức khoẻ của anh nhà thế nào?

- Dạ…em thấy cũng bình thường vậy, chỉ vừa rồi mới…

- Chuyện mổ ruột thừa thì không có gì đáng ngại cả.

- Vậy… vậy có nghĩa là…

Uyên hốt hoảng.

- Cũng chưa có gì là chắc chắn cả, chúng tôi còn phải theo dõi ít lâu nữa mới có kết luận được. Thế còn chị, có gì không ổn về sức khoẻ không?

- Dạ không. Bác sĩ, có chuyện gì bác sĩ cứ cho em biết đi ạ.

- Tôi hỏi điều này hơi tế nhị một chút nhé. Lần sinh hoạt của anh chị gần đây nhất là bao giờ?

Uyên ngượng ngùng khi nghe câu hỏi ấy, nhưng nỗi lo về bệnh tật đã át đi.

- Dạ chắc… chắc cũng gần hai tháng rồi ạ.

- Sao cách lâu thế?

- Dạ là do em mới đưa cháu về quê thăm bà. Vừa mới lên là ảnh bị ruột thừa ngay đấy ạ.

- Bây giờ thế này nhé. Chị nên đi khám sức khoẻ tổng quát, rồi đưa kết quả đến cho tôi. Đừng lo lắng gì cả, ai thì cũng nên đi khám sức khoẻ định kỳ mà. Hy vọng là sức khoẻ mọi người đều tốt cả, để cánh y tế chúng tôi còn có cớ mà nghỉ ngơi chứ.

Câu pha trò và nụ cười của bác sĩ Tâm Anh không làm Uyên yên dạ. Cô đoán biết có chuyện gì đó xảy ra với chồng cô, nhưng là chuyện gì thì cô chịu. Thôi thì cứ nghe theo lời bác sĩ đã. Trở về phòng bệnh, Uyên cố tạo vẻ mặt tự nhiên.

- Bác sĩ nói gì vậy em?

- Không có gì, chỉ dặn em những thứ thực phẩm anh phải kiêng thôi.

- Vậy á. Thế mà anh cứ lo có chuyện gì.

- Chứ lúc em đi vắng, ở nhà anh có đau ốm gì không?

- Không. Khoẻ như voi ấy. Đúng ngày em về thì…

- Vậy chứ lâu nay anh có thấy gì khó chịu trong người không?

- Chẳng có gì cả, mà sao em hỏi vậy? Bác sĩ…

- À không, là tiện thì em hỏi vậy thôi. Anh nghỉ đi, em chạy về với con một chút, tối em đem cháo vào cho anh nhé.

- Ừ, em về không nó trông, tối cho nó vào chơi với anh nha.

- Thôi, con nít vào đây không tốt, mình có việc thì bắt buộc phải ra vào chỗ này, cho nó vào làm chi.

Thấy vợ nói phải Sinh cũng không nài thêm, mặc dù anh đang rất nhớ con. Uyên loay hoay sắp dọn một chút rồi vội vã đi về. Trong đầu cô ong ong những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Uyên đưa mắt nhìn quanh, cô cảm thấy rờn rợn vì khí lạnh, vì những tiếng va của kim loại và vì cả những gương mặt của nhân viên y tế của phòng thử máu. Họ gần như vô cảm giữa những gương mặt lo âu, nhăn nhó của những người bệnh, có lẽ do sự tiếp xúc hàng ngày đã nhàm chán đến mức chai lỳ hết cả cảm xúc.

- Vũ Hoài Uyên.

Nghe gọi đến tên, Uyên bật dậy đến chiếc ghế đặt trước một ô cửa, như những người trước đó, cô đưa tay qua ô cửa. Một ngón tay cô được bôi cồn và một mũi kim chích vào khiến cô giật nhót người, giọt máu rỉ ra được quệt vào ba mảnh kính. Một cục bông gòn đã thấm cồn rịt vào vết thương. Một câu gọn lỏn:

- Xong rồi. Lát nữa lấy kết quả.

Lật bật vòng đi chạy lại rồi Uyên cũng làm xong những việc cần thiết theo yêu cầu của bác sĩ Tâm Anh. Cô cầm tờ kết quả khám tổng quát với những thông số mà cô chẳng hiểu gì. Đọc qua, bác sĩ Tâm Anh cười:

- Chúc mừng cô. Cô có một sức khoẻ khá tốt.

- Thế còn chồng em thì sao ạ?

- Tạm thời chúng tôi vẫn chưa thể đưa ra kết luận cụ thể nào cả, cô đưa anh ấy về chăm sóc bình thường. Chỉ riêng chuyện vợ chồng thì nên tránh một thời gian nhé.

Biết có hỏi thêm cũng không được. Uyên nhủ thầm, rồi sẽ phải đến lúc biết thôi, mong là không có gì nghiêm trọng, mà biết đâu chỉ là một sự nhầm lẫn hay ngờ vực nào đó thôi. Có thể lắm chứ, những trường hợp như thế đâu có hiếm. Nghĩ thế, cô tạm an lòng và đưa Sinh về với giấy hẹn tái khám.

Sinh luồn nhẹ tay xuống gáy bé Ngọc, Uyên hiểu ý, vội nói:

- Thôi anh, con nó đang ngủ say mà.

- Thì anh đâu có làm nó thức dậy đâu.

- Nhưng mà… thôi đi anh.

- Sao vậy em?

- Ưm… anh còn chưa khoẻ mà, đừng vội.

- Anh khoẻ như voi rồi đây nè.

- Em bảo thôi là thôi mà.

Uyên nói như dằn dỗi rồi quay mặt vào tường, Sinh chưng hửng với thái độ của vợ, anh không nói gì nữa, nằm lui ra ngoài, buồn bực nghĩ ngợi.

- Anh à. Hôm nay đi tái khám đó nghe.

- Anh nhớ rồi.

- Em đi với.

- Tái khám có gì đâu mà em phải đi cho mệt. Thôi ở nhà đi, anh đi chút anh về.

- Ở nhà cũng có làm gì đâu, cho em đi cùng với.

- Ừ thì đi.

Bác sĩ Tâm Anh xem qua vết thương một chút rồi bảo:

- Vết thương thì tốt rồi. Nhưng mà anh đi làm thêm cho tôi cái xét nghiệm máu này nhé.

- Sao lại phải xét nghiệm máu nữa ạ?

- Tôi bảo anh làm thì anh cứ làm đi, không thừa đâu mà.

- Bác sĩ nói thì anh cứ nghe lời đi, có sao đâu. Đi anh.

Sinh đi theo tay vợ trong sự hoang mang. Lạ nhỉ? Vết thương tốt, không nhiễm trùng, không gây đau, ăn uống sinh hoạt bình thường, vậy còn đi xét nghiệm máu làm gì nữa? Nhưng anh vẫn phải làm theo yêu cầu của bác sĩ, rồi ra về với một cái hẹn tiếp theo.

- Em này, không lẽ anh bị bịnh gì sao?

- Làm sao em biết. Thì cứ chờ xem thử. Mà bây giờ cũng lắm dịch bệnh quá, nên kiểm tra cũng tốt thôi mà, lỡ có gì phát hiện sớm cũng đỡ.

- Anh chẳng thấy có dấu hiệu gì đáng ngại trong người cả. Kiểu này chắc lại vẽ vời ra đây.

- Ai rảnh rỗi mà đi vẽ vời. Anh đừng nghĩ vậy.

Lần tái khám kế tiếp, Sinh vẫn phải lập lại một quy trình, và rồi một lời hẹn, một lời hẹn như một hòn đá tảng treo lơ lửng trên đầu. Đến bữa cơm, chồng giục vợ, vợ giục chồng “ăn đi ăn đi”, nhưng rồi lại cứ thay nhau mà tiếp thức ăn vào bát của con, đêm đến thì vợ giục chồng, chồng giục vợ “ngủ đi ngủ đi”, nhưng những cái trở mình nhè nhẹ cứ liên tục. Không chịu được cái bầu không khí căng thẳng nặng nề ấy, Sinh phải bục ra:

- Em này. Nếu lỡ anh mắc phải một thứ bệnh nan y nào thì sao nhỉ?

- Nói linh tinh. Mà lỡ bị thì chữa chứ có sao?

- Đơn giản thế á. Anh nghĩ mình nên chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu trước đi em ạ. Để khi nó ập đến mình không đến nỗi quá khó khăn.

- Chuẩn bị. Nhưng sẽ phải thế nào nếu sự thực là thế?

- Anh nghĩ thế này. Không tự nhiên mà bác sĩ bắt anh thử máu đến mấy lần, lại gián tiếp bảo mình kiêng kỵ như vậy, chắc chắn họ đã phát hiện được gì trong anh rồi. Chỉ là cần xác định cho rõ thôi. Nếu đúng là một chứng bịnh gì đó mà y học đang còn giới hạn, thì anh nghĩ… không nên chữa chạy làm gì…

- Anh đừng có hù em, anh mà có chuyện gì…

Uyên bật khóc. Sinh ôm vợ:

- Đó là anh đặt giả thiết vậy thôi, nhưng cũng phải thực tế em à. Anh nghĩ kỹ lắm rồi. Nhà mình cũng chưa có gì là dư dả, con thì còn nhỏ, nếu chạy chữa thì tốn kém lắm mà chưa chắc đã được gì. Em cũng thấy rồi đó, bao nhiêu người cứ cố, nhưng rồi có sống được đâu, mà người còn lại thì phải mang một đống nợ nần. Anh không muốn em khổ như thế. Nếu chẳng may… cái số anh nó vậy, thì chỉ cần bác sĩ cho anh biết thời gian của anh còn lại bao nhiêu thôi…

- Anh đừng nói nữa mà.

Uyên rên lên trong tiếng nấc. Sinh vẫn tiếp tục:

- Để anh nói, lúc này anh đang đủ can đảm để nói. Hy vọng thì vẫn cứ hy vọng, nhưng những gì cần phải lo liệu thì không thể né tránh, em à. Em hãy dũng cảm lên để còn thay anh mà lo cho bé Ngọc. Hạnh phúc nhất trên đời này là anh đã có được em và con. Anh chỉ tiếc, nếu như… mà thôi, mỗi con người mỗi số phận.

Uyên bật khóc hù hụ khiến Sinh không dám nới thêm nữa. Anh lặng người nghe tiếng khóc của vợ mà nghĩ về một viễn cảnh.

Hai vợ chồng ngồi như phỗng ở chiếc ghế chờ. Mỗi giây đi qua như sự kéo căng thêm sợi dây khắc khoải, những bóng áo blu trắng lướt qua lướt lại loang loáng, chập chờn như những bóng ma. Chung quanh là những gương mặt ủ ê, rúm ró, những tiếng kêu rên. Bệnh viện là nơi hư ảo những khóc cười. Những khóc cười ấy dán chặt vào từng nét biến đổi trên gương mặt những người thầy thuốc, cứ như một vị phán quan đang nắm vận mệnh của mỗi bệnh nhân. Họ là vị cứu tinh. Họ là thần thánh. Họ là đấng quyền uy tối thượng. Trong mắt bệnh nhân và người thân, trên thế gian này không còn ai quan trọng hơn họ. Một cái gật, một nụ cười nở tươi trên môi họ, là cả thế giới này bừng sáng trong hoan ca. Một cái lắc, một nét mi chập xuống, là cả thế giới này bao phủ một màu đen tang tóc. Có bước chân vào bệnh viện mới cảm nhận được một cách rõ rệt cái gọi là “Hạnh Phúc cho những ai không phải bước chân vào bệnh viện”. Nhưng không một ai, hoàn toàn không thể một ai trên đời này có được niềm hạnh phúc đó. Không nhiều thì ít, một vòng đời cũng phải dăm lần bảy lượt ra vào. Có khác nhau chăng là hình thức, trạng thái của những lượt ra vào ấy mà thôi.

Không chịu nổi sự nặng nề tâm tưởng với bối cảnh chung quanh, Sinh dứng bật dậy bước đi, anh tìm ra mảng cỏ xanh, hy vọng màu xanh của cỏ cho anh chút dịu nhẹ. Uyên thì không có ý định đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, mắt cô cứ dán chặt vào cánh cửa cứ hé ra rồi lại đóng vào kia. Bất chợt:

- Đỗ Thiện Sinh.

Uyên giật bắn người, vội nhổm lên:

- Có ạ.

Rồi không đợi cô y tá nói gì thêm, Uyên đi theo ngay vào phòng. Lát sau, cô bước ra với những bước chân chệnh choạng, mặt trắng bệch, mảnh giấy trong tay cứ rung lên. Sinh từ xa nhìn thấy chạy vội lại:

- Sao rồi em?

(còn tiếp)

ĐÀM LAN

NHỮNG BỨC THƯ

MANG HÌNH VIÊN ĐẠN

“Khu phố cổ vẫn đứng trơ gan cùng năm tháng. Rêu bám đầy mái ngói. Những bức tường thấm đẫm gió mưa bao ngày đã trở màu xám xịt. Mấy khuôn rào hoa văn cũ kỹ, chực ngã, đang cố bao quanh giữ gìn, phân biệt vùng đất cổ tích và khu công nghiệp phát triển. Giữa bao nhộn nhạo, ầm ì, nhịp sống quay cuồng, mọi thứ đều tăng tốc. Khu phố cổ trầm tĩnh, ngang nhiên với những ô cửa hình bán nguyệt, những mái vòm cong, cao vút, những hàng cây âm âm đẩy nắng lên cao, che mát lối đi.

Mùa thu nấp kín quanh đây, thả nhưng chiếc lá vàng trên nền đất. Và em như mặt trời chói lọi, biến nơi nầy thành vùng kỳ ảo, lạ lẫm, đáng yêu…”

- Chu choa mẹt ơi! Chưa từng thấy trong lịch sử, Uyên ơi! Hắn tả chỗ ở của mầy tuyệt quá. Tao cứ tưởng như lạc vào thời xa xưa.

Uyên chồm tới, giật lấy lá thư trên tay Giang. Cô bé vênh mặt đầy vẻ kiêu hãnh:

- Chứ sao! Khi yêu, nhìn cái gì cũng đẹp.

Có lẽ Uyên nói đúng. Tình yêu đã biến một nơi tầm thường thành kỳ quan thế giới, những vết cáu bẩn thành hoa văn đẹp đẽ. Mỗi ngày, Giang tới nhà Uyên mấy lần. Chỗ ở của hai đứa đi vài trăm bước là gặp nhau. Vì vậy, rảnh rỗi, Giang tạt qua nhà bạn. Phải thành thật mà nói, nếu không có Uyên, Giang cũng không tới đó. Dọc lối đi, ngoài những chiếc lá vàng dễ thương còn có rác. Rác cũng khắp. Những cái bao ni-lông cũ, giấy gói thức ăn, vỏ trái cây… Ôi thôi! Đủ thứ. Chúng nằm rải rác như muốn nói rằng “Chỗ nầy lâu rồi không có xe hốt rác tới”. Nắng không lọt qua những hàng cây rậm rịt nên mùa thu luôn cư trú ở đây. Và mùi ẩm mốc cũng thường xuyên xộc vào mũi mọi người. Đa số láng giềng của Uyên đều nghèo nên họ không chú ý đến việc sơn sửa tường nhà hay bệ cửa. Thời gian cứ mặc tình phủ bụi bậm, nắng gió lên đó, tạo cho mấy ngôi nhà xưa dáng vẻ của những ngôi đền cổ tích. Đã vậy, bên trong cũng chẳng hơn gì. Lưới nhện giăng mắc dọc ngang trên xà nhà. Uyên ít dám quét vì sợ làm động mái ngói thì lại thêm chỗ dột. Mùa mưa lại tốn thêm cái thau để hứng nước dột. Đồ vật trong nhà có dịp chạy mưa. Uyên thường than trời trách đất ao ước một cơ ngơi xinh đẹp, thoáng đãng hơn.

Nhưng bây giờ, Uyên bỗng dưng thay đổi suy nghĩ. Nó hài lòng vì được sinh ra và lớn lên trong khu phố cổ nầy. Lư, người yêu của Uyên đã làm bừng dậy niềm kiêu hãnh kỳ quặc. Cô bé cảm thấy mình trở thành một nàng công chúa hàng ngày xê dịch trong lâu đài và đi giữa hai hàng cây đại thụ để tới… lớp. Khi ngồi trước mặt Giang, Uyên cố tình tréo chân, đưa cái gót mềm mại, ửng hồng cho Giang ngắm. Uyên muốn chứng tỏ rằng “Đây nầy, cái gót sen mà chàng thường ca ngợi nè Giang!”

Giang nửa buồn cười nửa ao ước. Sao chẳng có ai gửi cho mình một lá thư tình xem thử? Ôi, thư tình! Chắc hẳn ngọt ngào, mơ mộng và quyến rũ.

Giang nghĩ đến nhà mình. Đó là một mái lá nằm chen chúc bên những căn nhà lụp xụp. Chung quanh chẳng có bóng cây. Những lối đi nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo như đùa nghịch với người lạ. Tuy nhiên, nó sạch sẽ và đầy nắng. Mặt trời tha hồ phủ ánh nắng xuống nơi nầy. Mọi thứ như khô đi và Giang có cảm giác mùa hạ “đóng đô” nơi Giang ở. Giang cũng thường ngắm đôi gót chân của mình. Nó không có vẻ gì là mềm mại dù đã có lần Giang mài chân lên đá. Lúc đó cảm giác bỏng rát, phồng dộp như đang mang giầy mới làm Giang khó chịu thêm. Rốt cuộc, Giang đành phải nhận là Uyên đẹp và đáng yêu hơn mình nhiều lắm.

Chiều nay, lúc Giang đang học bài, bỗng dưng có gã nào đó đã “giương ná bắn thư” bay vèo vào cửa sổ nhà Giang. Viên đạn đất được bọc kín bằng… một lá thư. Sau phút choáng váng, Giang nhặt lên bỏ đạn vào túi, Giang đảo một vòng quanh nhà xem ba mẹ đang làm gì, ở đâu rồi mới quay vào góc học tập, lấy lá thư ra. Trông nó như một toa thuốc bọc viên “cao đơn hoàn tán”. Ném hòn đất đi, vuốt thẳng phiu tờ giấy, Giang cảm thấy hai bàn tay mình hơi run run, trống ngực đập liên hồi, hai má đỏ bừng. Phải cố gắng lắm Giang mới trấn tĩnh lại được và… đọc:

“Cô láng giềng… ới… ời…! Sao cô bé học bài to thế? Nghe điếc con… rái quá hà. Làm ơn học nhỏ nhỏ giùm cho tui… học với! Thành thật cám ơn”

Bật ngửa ra ghế, Giang vừa tức vừa xấu hổ. Con trai gì mà nhiều chuyện quá trời. Giang nhớ tới gã con trai ốm nhom, cao nhòng bốn mắt, hổm rày thấp thoáng bên nhà bác Tư. Chưa kịp điều tra lý lịch thì hắn đã vội chọc quê Giang. Được rồi, mi sẽ biết tay ta!

Giang đùng đùng đứng lên ôm vở tới sát bên cửa sổ và đọc to như trời gầm. Nhưng chỉ mới vài phút, Giang oải quá trời. Vừa định nghỉ mệt thì… một viên “cao đơn hoàn tán” lại bay sang.

“Cô láng giềng ơi! Giọng cô tốt dễ… nể! Đọc to còn hơn đập thùng thiếc bể. Cô bé cứ… gào đi! Nhường cho học đó. Tui đi chơi đây. Chào cô bé… lớn tiếng”.

Giang òa khóc. Dám… chọc quê người ta. Được, vậy thì… không đọc nữa.

Giang đóng sập cửa sổ rồi ném mình lên giường, tiếp tục… khóc.

Nỗi buồn tạm lắng xuống, Giang đi tìm Uyên. Vừa tới hàng cây dọc lối đi vào khu phố cổ, Giang bắt gặp gã “bốn mắt”. Hắn đang tha thẩn ở đây. Giang ngạc nhiên quá, không lẽ hắn tới đây để… lượm bọc ni-lông.

- Chào cô bé… lớn tiếng!

Vô duyên nhất lịch sử nhân loại! Giang trả đũa:

- Chào ông “bốn mắt”!

Hắn cười cười thấy bắt ghét:

- Sao không ở nhà học bài, đi đâu vậy, cô bé?

- Đi đâu kệ tui, hỏi chi?

Giang rảo chân, hắn đuổi theo bén gót. Đổ quạu. Giang quay lại gầm gừ:

- Đi theo chi vậy? Sao không ở nhà… học bài?

- Đã nói là nhường cô bé mà. Nhưng, bé ơi, học như vậy mau quên lắm. Cứ như… cuốc kêu mùa hè.

Giang tròn mắt:

- Xí, bây giờ tính làm tài lanh dạy khôn người ta phải không?

Gã bốn mắt ấp úng:

- Không phải… nhưng Lân thấy đọc thầm bằng mắt rồi suy nghĩ về nội dung, ý nghĩa bài học thì dễ nhớ và nhớ lâu hơn.

Giang cũng ngầm nhận cách ấy có lý nhưng cô bé thắc mắc:

- Biết vậy, sao không học bằng cách ấy đi. Còn người ta đọc to… kệ người ta, cũng… nhiều chuyện.

- Nhưng Lân sợ… bé mệt.

Giang chớp mắt cảm động nhưng giọng lại… dài ra:

- Cám… ơn… à…!

Nói xong Giang bỏ đi một mạch.

Dù vậy, về nhà, Giang thử nghiệm cách học mà Lân “bốn mắt” vừa chỉ. Cô bé thấy mau thuộc bài hơn, nhớ lâu hơn. Nhưng sợ gã bốn mắt cười, Giang đóng chặt cửa sổ mỗi lần ngồi vào bàn học. Cửa sổ nhà hắn chỉ cách cửa sổ Giang vài thước, hắn mà thấy, thế nào hắn cũng cười.

Hôm nay, vừa học thuộc một bài lịch sử dài ngoằng, Giang mở cửa sổ cho khí trời ùa vào. Cô bé vươn vai, vặn mình cho đỡ mỏi. Bỗng, “vèo… bộp”. Lại một lá thư “cao đơn hoàn tán” bay vào. Giang ngạc nhiên hết sức. Cô bé có còn đọc to nữa đâu mà… nhiều chuyện. Dù vậy, Giang cũng đọc:

“Giang thân mến! (Xời ơi, hay dữ, mới đây đã biết tên người ta!). Mấy ngày qua, sao Giang không học bài? Ngồi bên nầy, Lân chờ hoài giọng đọc của Giang. Nhưng, cánh cửa vẫn khép kín và “tiếng hót của chim Họa mi” cũng ngừng bặt. Giang ơi! Ngàn lần xin lỗi Giang vì đã lỡ lời. Chứ thật ra, giọng học bài của Giang dễ thương làm sao! Tựa như tiếng ríu rít của một loài chim nào đó. Từ nay, Giang đừng khép cửa nữa nhé. Và, cứ đọc bài đi để Lân thấy “bình minh của một đời”. Thân ái!”.

Giang phì cười, nhưng trái tim cô bé bỗng dưng đập loạn xạ. Giang hồi hộp, lâng lâng như lúc đọc ké lá thư tình của Uyên. Đây có phải là một lá thư tình không nhỉ? Giang nhớ đến đôi mắt lờ đờ, ngơ ngác phía sau cặp kính cận dầy độp của Lân. Mấy cái tàn hương nằm rải rác trên má Lân. Có phải đó là chân dung của một người tình? Giang bỗng thấy mình lãng mạn quá. Chưa chi đã vội nghĩ ngợi lung tung. Gần đến ngày thi rồi mà còn… nhiều chuyện.

Rồi để lãng quên, Giang mở vội trang vở. Cô bé đọc to những dòng chữ trong đó mà chẳng hiểu tí gì về nội dung, tựa như tiếng… chim cuốc kêu mùa hè.

NGUYỄN THỊ MÂY

MỤC LỤC

Vài chi tiết về kỳ họp ngày 14.7.2018… ......... Vũ Thư Hữu ... 01

Vài dòng về 1 cuốn quý thư tuyệt vời tuy đã 28 tuổi đời ........ Vũ Anh Tuấn ... 05

Có tận thế không? (tt) ...... Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết ... 07

Phật và sự cứu độ của Phật ................. Tâm Nguyện ... 13

Chuyện đọc sách ..................... Đỗ Thiên Thư st . .... 25

Thi sĩ Nguyên Sa ........................... Phạm Vũ ... 32

Tuổi hạc .................................. Thúy Toàn st. .... 40

Chuyện ngắn đời dài (tt & hết) ........... Nguyễn Văn Sâm .... 46

Sự tích anh “Bảy Đáp” ........... Đào Minh Diệu Xuân st. .... 54

Kho vàng trị giá ngàn tỷ USD của tướng Yamashita ......... Bùi Đẹp st. .... 56

Nghe người hát khúc yêu nhau (thơ) ........... Đàm Lan ... 62

Hư vô nơi đâu (thơ) ............... Phạm Thị Minh-Hưng .... 63

Bạn (thơ) ................. H uỳnh Thiên Kim Bội .... 64

Đường chiều (thơ) .................. Ngàn Phương .... 65

Thơ viết tặng anh (thơ) ............... Lang Nguyên .... 66

Hoa Tuy-líp (thơ) ....................... Thanh Châu .... 67

Mừng đáo tuế (thơ) ........................ Phước Hải .... 68

Nhìn hành động để biết (thơ) ................... Lê Minh Chử .... 69

Cánh diều thơ (thơ) .......................... Lê Nguyên ... 70

Tháng Bảy (thơ) .................... Hoài Ly .... 71

Quán cóc Sài Gòn (thơ) ............ Lam Trần .... 72

Bồi hồi tưởng nhớ (thơ) ............... Vũ Thùy Hương ... 73

Thuở ấy (thơ) ....................... Hải Âu ... 74

Thăm quê (thơ) ............................. Quang Bỉnh .... 75

Chuyện tình buồn (thơ) ................ Thanh Phong .... 76

Mịt mùng mưa gió (thơ) ......................... Vũ Đình Huy .... 77

Dim and hard rain and wind (thơ) .............. Vũ Anh Tuấn dịch ... 77

Thư dặn vợ đón xuân (thơ) ................ Vũ Đình Huy .... 78

Letter recommending one’s wife

to greet the springtime (thơ) .......... Vũ Anh Tuấn dịch ... 79

Nhạc xưa và hay ........................................ N.C.T. .. 80

Hành hương năm thánh: Đất Thánh Ba Giồng .......... Hà Mạnh Đoàn ... 82

Làm chủ cái miệng để sống đời hạnh phúc ............ Hoàng Kim Thư st. .... 86

Cơm chùa ......................... Lam Trần .... 92

Một chuyến du lịch Mũi Né .......... Phạm Hiếu Nghĩa ... 96

Tám thao tác để mạnh khỏe,

sống lâu của người cao tuổi ...... Phùng Chí Tâm st. ... 99

Giấc ngủ ngon “thần dược” cho nhiều bệnh ........ Lệ Ngọc st. . 103

55 câu nói sâu sắc .......................... Quan Thúy Mai st. . 107

Mùa xuân của bé Bông (tt) ............................. Hoài Ly .. 111

Am ni cô .................................. Kim Sơn st. . 116

Đọc sách mới: Hạnh các thánh từ đạo VN 2018 ......... Hà Mạnh Đoàn . 120

Giọt nước mắt ngọt ngào .................................... Đàm Lan .. 123

Những bức thư mang hình viên đạn ................ Nguyễn Thị Mây .. 135

|  101 |
 102 |
 103 |
 104 |
 105 |
 106 |
 107 |
 108 |
 109 |
 110 |
 111 |
 112 |
 113 |
 114 |
 115 |
|  116 |
 117 |
 118 |
 119 |
 120 |
 121 |
 122 |
 123 |
 124 |
 125 |
 126 |
 127 |
 128 |
 129 |
 130 |
|  131 |
 132 |
 133 |
 134 |
 135 |
 136 |
 137 |
 138 |
 139 |
 140 |
 141 |
 142 |
 143 |
 144 |
 145 |
|  146 |
 147 |
 148 |
 149 |
 150 |
 
|  101 |
 102 |
 103 |
 104 |
 105 |
|  106 |
 107 |
 108 |
 109 |
 110 |
|  111 |
 112 |
 113 |
 114 |
 115 |
|  116 |
 117 |
 118 |
 119 |
 120 |
|  121 |
 122 |
 123 |
 124 |
 125 |
|  126 |
 127 |
 128 |
 129 |
 130 |
|  131 |
 132 |
 133 |
 134 |
 135 |
|  136 |
 137 |
 138 |
 139 |
 140 |
|  141 |
 142 |
 143 |
 144 |
 145 |
|  146 |
 147 |
 148 |
 149 |
 150 |
 
Netadong.com thiết kế