Hiện có 4 người xem / 2518378 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT LÝ THÚ
VỀ BUỔI HỌP NGÀY 10-2-2007
CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA VÀ NAY

Buổi họp ngày 10-02-2007 này được đánh dấu bởi một cuộc trưng bày nhỏ các Số báo Xuân trước năm 1945 mà ta thường gọi là Thời Tiền Chiến, đồng thời còn có một tủ trưng bày những sách xuất bản trong thế kỷ thứ 19, là những sách đã thành TÀI SẢN CHUNG CỦA NHÂN LOẠI VÀ KHÔNG CÒN BẢN QUYỀN, nghĩa là mọi người mặc sức khai thác. Trong số các cuốn sách được trưng bày này có một cuốn đặc biệt lý thú là cuốn sách nhan đề là MƯỜI NGÀN LẺ HAI ĐÊM thay vì Một Ngàn Lẻ Một Đêm như ta thường biết. Các số báo Xuân tiền chiến trong đó có mấy số có những Bìa được minh họa bởi các họa sĩ trường Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, NGYM (Người Yêu Mợ) tức Trần Quang Trân vv... đã được mọi người ngắm nghía thích thú.

Bắt đầu buổi họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu qua về hai cuốn sách đã HẾT BẢN QUYỀN một cuốn in năm 1845 và một cuốn in vào đầu thế kỷ 20. Đó là một cuốn tiểu thuyết Pháp nhan đề là “Jean Paturot đi tìm một chỗ đứng trong xã hội” và một cuốn thứ hai cũng được viết bằng Pháp văn, nhưng lại do một người Việt Nam là cụ Nguyễn Phan Long, một nhà báo đã viết cuốn sách đó khi mới 27 tuổi, và sau này đã có thời làm Thủ tướng ở miền Nam, cuốn sách nhan đề là “Chuyện đời cô Huệ” (Le roman de mademoiselle Lys). Sách này được viết dưới dạng nhật ký kể về cuộc đời một cô tân thời ở Nam Kỳ, học trường các Soeurs chung với tây, đầm, nhưng khi ra trường vẫn giữ được nguyên vẹn truyền thống Á đông và chỉ theo tây cái gì hay mà thôi, tóm lại là cô vẫn giữ được “gốc” không để mất gốc một tí nào hết. Về tựa đề của cuốn sách này, người viết được biết trong một cuốn tự điển Văn Học nọ, có người đã dịch nó là “Cuốn tiểu thuyết của Cô Huệ”; dịch như thế là sai đơn sai kép vì khi nhắc tới một cuốn sách của một tác giả viết bằng Pháp văn thì phải để nguyên là “Le roman de mademoiselle Lys” chứ đâu có quyền dịch chữ Lys ra thành Huệ, và sai kép là vì “le roman” đâu có phải là cuốn tiểu thuyết, cô Huệ có viết cuốn tiểu thuyết nào đâu? Ông Nguyễn Phan Long viết đấy chứ! Tựa đề này chỉ có thể là “Chuyện đời cô Huệ” hoặc cải lương hơn một chút thì là “Đời cô Huệ” như là “Đời cô Lựu” ấy mà ...

Sau phần giới thiệu hai cuốn sách đã hết bản quyền, các thành viên đã vui vẻ thảo luận, bàn cãi với nhau về một số vấn đề liên quan tới sách, rồi đã kết thúc cuộc họp bằng một bữa tiệc nho nhỏ Tất Niên rất vui, và đã ra về sau khi chúc nhau một mùa Xuân mới đầy vui tươi, tấn tài, tấn lộc và ... tăng lực.

Vũ Thư Hữu

------

NHO GIÁO VÀ VĂN HỌC ĐẤT GIA ĐỊNH

Nếu tính từ năm 1623, chúa Nguyễn cho đặt hai trạm thuế ở Bến Nghé (vùng Sài Gòn nay) và Sài Côn (vùng Chợ Lớn nay) thì vùng đất Miền Đông Nam Bộ (gồm các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Long An ngày nay) vô hình chung thuộc về quyền kiểm soát của xứ Đàng Trong dù trước đó thuộc về nhiều bộ tộc sinh sống như Mạ, Stieng, Cơ Ho, Mnông…kể cả tộc Khmer. Đó là biến cố lịch sử của vùng đất mới phương Nam đối với vùng đất cổ phương Bắc (Đàng Ngoài) của triều đình nhà hậu Lê mà chúa Trịnh đang tiếm quyền cai trị.

Chưa ai biết chính xác vào thời điểm nào thì di dân các tỉnh Đàng Trong kể từ Quảng Bình vào tới Bình Thuận có mặt trên vùng đất mới nói trên. Chỉ biết là từ cột mốc năm 1623 thì đã có đông đảo người Việt tới đây khẩn hoang lập ấp ở rải rác khắp nơi, có thể xuống tận đồng bằng sông Cửu Long. Con số di dân đầu tiên này cũng chưa được xác nhận. Cho tới năm 1679, tướng Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên nguyên Tổng đốc Quảng Đông, Quảng Tây không tuân phục triều nhà Thanh nên đưa tới đây hơn 3.000 quân, trong đó có cả gia đình và thân nhân được chúa Nguyễn cho về Biên Hòa và Mỹ Tho để định cư lập nghiệp.

Những bộ tộc Mạ, Stieng, Cờ Ho, Mnông… còn lạc hậu nhiều nên lần lượt rời bỏ địa bàn cũ rút lui dần lên Tây Nguyên, Lâm Đồng ngược theo sông Đồng Nai, nay có một số còn ở Bình Phước, Phước Long (có lẽ do khác chủng tộc – Polynesien – Đa đảo với tộc Việt và Hoa Malayo – Mã Lai thiên cư đợt I). Chỉ còn người Khmer là chấp nhận cuộc sống chung hòa bình (có lẽ đồng chủng tộc Malayo – Mã lai thiên cư đợt II). Kể từ đó, vùng đất phương Nam còn lại ba dân tộc chủ yếu là Việt, Hoa, Khmer và về sau có thêm dân tộc Chăm đều tồn tại cho tới ngày nay. Và họ đã trở thành một đại gia đình mà thành viên người Việt là chính, hòa thuận và đoàn kết sống đan xen với nhau ở khắp mọi nơi thuộc vùng đất Nam Bộ, trong đó có Gia Định là bước đầu và chịu tuân thủ nền hành chính, pháp luật của đất nước Việt Nam.

Về tôn giáo, các dân tộc chấp nhận sống chung đan xen này đều có tôn giáo khác nhau : đạo Phật, Hồi, Bà La Môn hay Ấn giáo. Trừ người Việt và người Hoa ra, các dân tộc bản xứ đều theo các đạo vừa nói do chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ và Indonesia sớm nhứt. Riêng người Việt và Hoa còn có thêm Nho giáo mặc dầu đây không phải đạo (tôn giáo) mà chỉ là lối sống theo phái Nho gia có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đó là phương châm sống để rèn luyện bản thân, xây dựng gia đình và cai trị đất nước (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Nhưng ở vùng đất mới Nam Bộ trong đó có Gia Định, đạo Nho bắt đầu có thay đổi, không còn nguyên gốc như ở Đàng Ngoài hay Trung Quốc, kể cả ở trong thời phong kiến đầu đời nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức….

Ngày từ buổi đầu tiếp cận, quan hệ các dân tộc này đã có sự pha trộn văn hóa bao gồm phong tục tập quán, nề nếp gia đình. Do đó, tiếng nói và chữ nghĩa đã có đan xen. Câu cú, ngữ pháp thiếu chặt chẽ, từ ngữ thiếu chính xác và cách phát âm pha trộn không còn chuẩn mực của từng ngôn ngữ khác hẳn với văn chương, văn học miền Bắc lâu đời theo đúng Hán văn (chính gốc Hán tộc) hoặc Nôm văn (cải tiến theo Việt tộc) mà tầng lớp trí thức miền Bắc vẫn tự hào với danh xưng “sĩ phu Bắc Hà”!

Như đã phân tích, đa số di dân Việt, Hoa thuộc tầng lớp lao động, nông dân, binh sĩ hay thương gia. Còn dân bản xứ như Khmer, Chăm thì chưa phát triển. Do đó mà khối cộng đồng người này nói chung đều là dân giả hoặc nói theo địa phương là “thường dân Nam Bộ”.

Tới năm 1698, năm tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào Gia Định – Đồng Nai lập phủ, huyện, làng ấp thì mới có một ít thuộc tầng lớp trí thức, quan tướng. Mãi cho đến trên 100 năm sau, năm Gia Long lên ngôi 1802 thống nhứt đất nước theo ba miền thì việc học và nền văn hóa mới bắt đầu mở mang theo chính thống Nho giáo như mở trường thi nay là khu vực nhà văn hóa Thanh niên, dựng văn miếu thờ Khổng Tử ở nơi ngày nay gọi là Văn Thánh. Nhưng lúc này, vùng đất Gia Định (cả Nam Bộ) đã diễn ra và tồn tại văn hóa pha trộn bình dân của các dân tộc đã từng chung sống trong cộng đồng Nam Bộ vừa đề cập ở trên.

Trước thời Gia Long, đất Gia Định đã có một vài nhân sĩ trí thức Nho giáo như Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), vốn người Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát vào Nam (1753-1763), Võ Trường Toản, nhà giáo dục nổi tiếng mở trường dạy học ở Hòa Hưng mất năm 1792. Thầy Toản có ba học trò nổi tiếng là Lê Quang Định (1759-1813) quê ở Phú Vinh, Thừa Thiên, Ngô Nhơn Tịnh (1761-1813) và Trịnh Hoài Đức (1865-1825). Ba ông này nổi tiếng với nhóm “Gia Định tam gia” có nhiều sáng tác văn học, thi ca và đều từng giữ chức Tổng, Phó trấn hoặc Hiệp Tổng trấn Gia Định trước Tả quân Lê văn Duyệt. Riêng Trịnh Hoài Đức có tác phẩm thuộc lọai văn hóa địa chí kinh tế tới nay vẫn còn có giá trị được các nhà nghiên cứu, sử học đánh giá cao là “Gia định thành thông chí”.

Chính Võ Trường Toản và các học trò giỏi của mình đã lập ra nhóm “Bình Dương thi xã” thuộc vùng Gia Định tương ứng với nhóm thi xã của Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên gọi là “Chiêu Anh Các”. Tướng Nguyễn Cư Trinh còn là một văn nhơn tài tử thường khi xuống Hà Tiên chăm coi việc an ninh xã hội đồng thời để xướng họa với nhóm này. Học giả Trương Vĩnh Ký năm 1882 cho rằng “Gia Định phong cảnh vịnh” là của Ngô Nhân Tịnh, một trong ba thi phẩm nổi tiếng của đất Gia Định có mặt trước và sau thời Pháp thuộc (1859) một ít.

Tác giả của ba thi phẩm này về sau được coi như vô danh mang tính lịch sử cao vì đã mô tả hoàn cảnh lịch sử, địa lý và phong tục tập quán của Gia Định cả khu vực rộng lớn từ Gia Định qua Sài Gòn tới Chợ Lớn. Đó là :

-Cổ Gia Định phong cảnh vịnh

(trước thực dân xâm lăng)

-Gia Định thất thủ vịnh

(sau khi Gia Định bị Pháp xâm chiếm)

-Kim Gia Định phong cảnh vịnh

(sau khi Pháp chỉnh trang thành phố Sài Gòn).

Ba thi phẩm nổi tiếng trên làm theo thể loại trường ca nhưng thoát ra ngoài khuôn sáo cũ của thi ca truyền thống chính quy Trung Quốc là Đường thi hay cổ thi khác. Các bài vịnh này đều làm theo kiểu cách văn chương bình dân mang tính dân giả có phong cách Nam Bộ. Xin trích một vài đọan như :

Phủ Gia Định, Phủ Gia Định !

Nhà đủ, người no chốn chốn

Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn !

An ở vui thú nơi nơi…

Đông đảo thay phường Mỹ Hội (ứng với phường Bến Thành ngày nay)

Sum nghiêm bấy làng Tân Khai (ứng với phường Bến Nghé ngày nay)

Ngói liền liền đuôi lân

Phố thương khách tòa ngang tòa dọc

Hiên sè cánh én

Nhà quan dân hàng vắn hàng dài…

(Cổ Gia Định phong cảnh vịnh)

Còn Gia Định thất thủ vịnh có những câu nghe đau lòng như :

Thương thay đất Gia Định! Tiếc thay đất Gia Định!

Vực thẳm nên cồn, đất bằng nổi sóng.

Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu (tức Bến Nghé)

Dây thép giăng chớp nháng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng (tức thành Gia Định hay Sài Gòn).

Ngậm ngùi thay ba bốn lân Gò Vấp, cây cỏ khô thân thế cũng khô.

Bát ngát nhẽ Mười tám thôn vườn trầu, hoa trái rụng, người đời cũng rụng !

Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp sạch không.

Đòi nơi Rạch Lá – Gò Công trận gió quét cửa nhà trống rỗng.

Đến bài Kim Gia Định phong cảnh vịnh tức bài vịnh này làm sau khi Pháp chiếm đóng Gia Định. Tuy tác giả có mô tả nhiều điều đổi mới nhưng không giấu nỗi tủi nhục, căm hờn của người dân mất nước:

Xưa Nam nay đã về Tây

Lang Sa nguyên soái một tay quờn (hoành) hành

Gồm coi thủy lục chư dinh

Một mình khiển tướng một mình đề binh.

Ngồi trên cầm mực công bình

Sửa sang địa thế tập tành dân phong…

Sài Gòn Chợ Lớn chia hai (chia làm hai: đô thành Sài Gòn và tỉnh Chợ Lớn)

Tên thì có khác, đất thì cùng liên…

Sau này, ngày càng có nhiều thêm các nhà văn, nhà thơ kinh qua cửa Khổng sân Trình như Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883), Trần Thiện Chánh đậu Cử nhân năm 1842, Hồ Huấn Nghiệp (1828-1864), Phan văn Trị (1830-1910) quê ở Hạnh Thông, Gia Định, Nguyễn Thông (1826-1884) quê Tân Thạnh, Gia Định (nay Kỳ Sơn, Long An), cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) quê ở Tân Khánh (Bình Dương, Gia Định), Bùi Hữu Nghĩa vv... Phải nói đó là những nhà thơ, nhà văn, nhà trí thức yêu nước dám dùng ngòi viết của mình chống giặc Pháp nên có thể xem họ như những “Sĩ phu Nam Hà” bất khuất.

Đó còn là những nhà Nho thuộc lớp trí thức tiên tiến tiêu biểu dùng thi ca hay văn học để cổ võ, động viên nhân dân yêu nước ở miền Nam đứng lên chống ngọai xâm trong những năm đầu kháng chiến của đất Gia Định anh hùng. Và họ đã làm nên nền văn học Gia Định nổi tiếng vào thời kỳ đầu mở đất phương Nam và trong cuộc kháng chiến chống ngọai xâm đầu tiên ở miền Nam làm cho đất Gia Định thêm khởi sắc đầy sức chiến đấu mang tính sử thi cao.

Vương Liêm

Tài liệu tham khảo :

- Gia Định phong cảnh vịnh – Trương Vĩnh Ký, 1997

- Địa chí văn hóa TP HCM, 1987

- Hào khí Đồng Nai – Ca văn Thỉn, 1983

- Việt Nam sử lược – Trần trọng Kim, 1999

- Sài Gòn năm xưa – Vương Hồng Sển, 1997

- Hoàng Việt Long Hưng Chí – Ngô Giáp Đậu, 1993.

- Nho giáo Gia Định – Cao Tự Thanh, 1996.

------

VỀ CUỐN “NGHỆ THUẬT Ở HUẾ” (L’ART À HUE)
TRONG TẬP SAN ĐÔ THÀNH HIẾU CỔ
(BULLETIN DES AMIS DU VIEUX HUẾ) 1914-1944

Đây là một bộ báo do một số các quan cai trị người Pháp, các giáo sĩ và các giáo sư, cả Pháp lẫn Việt, đã viết về Huế cổ và về Triều đình nhà Nguyễn. Báo này ra được đúng 31 năm, từ 1914 tới 1944, lúc thì ra một năm hai số (2 lục cá nguyệt), lúc thì ra một năm 4 số (4 tam cá nguyệt), và cũng có lúc ra một số là cả năm. Tôi nghe nói về bộ sách này từ lâu và được Cụ Vương Hồng Sển cho biết là trong bộ báo này có 3 số là hay nhất, quý nhất. Đó là các số Nghệ Thuật ở Huế (L’art à Huế), Bộ mặt ít người biết của thuốc phiện (le visage inconnu de l’opium) mà tác giả là một ông bác sĩ tên là Gaide, và Cố cung An Tĩnh (Le vieux An Tĩnh).

Năm 1962, tôi được một anh bạn cũng là người có rất nhiều sách là anh Nguyễn Văn Y, tác giả cuốn Nhà Giáo, tỏ ý muốn nhường cho tôi cuốn l’Art à Huế ấn bản mới (Nouvelle édition) vì anh may mắn mua được ấn bản đầu tiên mà tôi nhớ là năm 1918 thì phải (tôi không dám xác định là đã nhớ đúng hay không). Có cuốn sách trong tay tôi liền dành ra cả một buổi để đọc lướt qua và thấy thích quá. Ông Cụ Sển đã nói đúng, cuốn sách này thật quý và thật đẹp vì nó chứa đựng, ngoài 126 trang nghiên cứu do Linh mục Léopold Cadière và một người Pháp khác tên là Edmond Gras viết (ông này chỉ viết có một bài, tất cả các bài còn lại đều là của LM Cadière). Vị linh mục này là một người bạn rất lớn và là một nhà nghiên cứu thật tuyệt vời về Việt Nam. Ông là tác giả một bộ sách nghiên cứu tuyệt tác về TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM, đồng thời ông cũng viết (đăng làm nhiều kỳ) bài báo dài rất dễ thương tên là Những kỷ niệm của một người đang Annam (Việt Nam) hóa (Souvenirs d’un vieil annamitisant). Linh Mục Cadière là một giáo sĩ thuộc dòng Thừa Sai và là một nhà nhân chủng học, và ngoài bài báo dễ thương nói trên và tác phẩm nói trên ông còn có 45 công trình nghiên cứu khác về Việt Nam, thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Tôi hết sức trân trọng cuốn nghệ thuật ở Huế vì nó cũng chứa đựng 222 phụ bản (có một số là hình màu) cực kỳ đẹp và cực kỳ bổ ích cho ai muốn tìm hiểu các kiến trúc cổ ở Huế.

Cuốn sách này vẫn còn ở trong tủ sách của tôi và hôm nay tôi muốn làm một bài tường thuật nhỏ về nội dung cuốn sách để chia sẻ với các bạn trong CLB.

Toàn bộ cuốn sách gồm 167 trang viết và 222 phụ bản là những hình vẽ. Ngay đầu sách là lời đề tặng cho Albert Sarraut, cựu Toàn Quyền Đông Dương lúc đó đang là Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa, cho Khải Định và cho M.J.E. Charles, cựu Công Sứ ở Trung Kỳ.

Kế đó là một bài thơ mô tả Huế của một tác giả tên là V. Muraire. Sau bài thơ, từ trang 9 đến trang 53 là hai bài viết, một của LM Cadière giới thiệu về nghệ thuật ở Huế và một của tác giả Edmond Gras viết về thành phố Huế, nhà cửa và đồ đạc ở Huế.

Sau bài giới thiệu này là phần I của cuốn sách nói về các Mẫu chạm trang trí, gồm một bài viết từ trang 59 tới trang 62 của LM Cadière và 35 phụ bản minh họa cực đẹp.

Phần II của sách nói về các chữ Nho được chạm trên cửa, trên tủ, hoành phi vv... cũng gồm một bài giới thiệu của LM Cadière ở các trang 65, 66, và 18 phụ bản minh họa đánh số từ 36 tới 53.

Phần III nói về các điêu khắc và chạm trổ cố định như bình phong, hoành phi câu đối vv... gồm một bài viết của LM Cadière từ trang 69 đến 72 và 17 phụ bản minh họa từ số 54 tới số 70.

Phần IV nói về Chạm trổ Hoa, Lá, Nhánh và Trái cây, gồm một bài viết giới thiệu từ trang 75 tới 81 và 48 phụ bản minh họa đẹp tuyệt vời đánh số từ 71 tới 118.

Phần V dành cho loài vật được chia làm 8 chương nhỏ mỗi chương nói về một con như Long, Ly, Phượng, Quy, Dơi, Sư tử, Hổ và Cá. Ở trước mỗi chương đều có lời giới thiệu của LM Cadière, và cả phần V này có 95 phụ bản minh họa nhiều cái có màu đẹp tuyệt trần, đánh số từ 119 tới 205.

Phần VI dành riêng cho các tác phẩm điêu khắc và cũng có 17 phụ bản minh họa phần lớn có màu rất đẹp đánh số từ 206 tới 222. Và cuối cùng là mục lục các Phụ Bản minh Họa từ trang 127 tới trang 167. Đây thực là một cuốn sách TỐI Ư CẦN THIẾT cho những ai muốn nghiên cứu vế các chạm trổ, điêu khắc, hồi văn ở các cung điện ở Huế. Theo tôi bộ Đô Thành Hiếu Cổ là bộ báo toàn bích nhất về vấn đề nghiên cứu Việt Nam vì các bộ khác, ví dụ như bộ Kỷ Yếu Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient) thì cũng quý vô cùng, TUY NHIÊN NÓ CÒN NÓI VỀ TẤT CẢ MIỀN VIỄN ĐÔNG, trong khi bộ ĐÔ THÀNH HIẾU CỔ THÌ CHỈ NÓI THUẦN TÚY VỀ VIỆT NAM MÀ THÔI.

Đây là một bộ báo, và đặc biệt cuốn Nghệ Thuật ở Huế này là một cuốn sách mà người ngoại quốc, nhất là các bạn bè chúng ta ở Đông Nam Á, rất thèm khát được có một bản tiếng Anh mà đọc, mà bây giờ thì chỉ có bản tiếng Pháp là thứ tiếng mà họ không đọc được. Người viết cách đây trên 10 năm đã được một nhóm chuyên về xuất bản nhờ chuyển sang tiếng Anh, và một bản dịch tiếng Anh rất công phu đã được thực hiện, nhưng tiếc thay nó vẫn chưa có cơ hội để được in, vì nhóm xuất bản đó ngày nay hình như đã không còn hoạt động. Người viết rất mong một ngày gần đây bản dịch đó sẻ được in ra, để sự đóng góp “gián tiếp” của người viết sẽ trở thành có ý nghĩa.

Trích hồi ký 60 năm chơi sách Chương 6

Vũ Anh Tuấn

Thầy Đồ cho chữ thư pháp

------

VIỆT SỬ DIỄN NGHĨA TỨ TỰ CA

Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hữu Vinh phiên dịch

Nguyễn Hữu Vinh chuyển nhập ra bản điện tử

Ngày 26 tháng 11 năm 2006

Fonts: HANNOM A, HANNOM B

Bản gõ: HannomIME

------

VIỆT SỬ DIỄN NGHĨA TỨ TỰ CA

Đây là bài ca viết về một quãng dài lịch sử hơn 1000 năm từ thời vua Đế Minh là cháu Đạm Đế Thần Nông thứ ba cho đến khoảng thời gian đức Thế Tổ của triều đình nhà ta lên ngôi. Nay chọn những chuyện lớn viết thành diễn ca cho đàn bà con trẻ biết được đôi điều, càng nhiều càng tốt, để khỏi làm trò cười cho thiên hạ vì không biết chuyện tổ tiên. Dù rằng đã gắng công cố sức sửa sai, thêm bớt nhưng sợ vẫn còn nhiều sai lầm, sơ sót. Mong người đọc lượng thứ cho.

Kính trình lên để xem xét

Thái Tử Thiếu Bảo Hiệp Tá Đạo Học Sĩ quản lĩnh Học Bộ Thượng Thư kiêm Lễ bộ Sự Vụ Quốc Sử Quán Tổng Tài kiêm Quốc Tử Giám sung Cơ Mật Viện đại thần Khánh Mỹ Tử Tín Trai Hồ Tướng Công.

Phê:

Lời văn đơn giản nhưng đầy đủ chi tiết, đây là một việc làm có công lớn đối với lịch sử nước Việt của bậc vương giả.

Tháng giêng năm Khải Định thứ sáu.

------

VIỆT SỬ DIỄN NGHĨA TỨ TỰ CA

Hường Nhung, tự Tiêu Khanh, Tuy Lý Quận Công nhậm chức Hữu Tham Tri bộ Lễ, sung chức Tả Tôn Khanh của Tôn Nhân Phủ.

Hường Thiết , tự Lục Khanh, con thứ 18 của Tuy Lý Vương, Công Bộ Thị Lang, Kiêm chức Nghị viên của hội Vệ Sinh.

Cùng diễn dịch.

1. Người nước Nam ta, Phải coi sử Việt, Cùng đầu đến đuôi, Chuyện chi cho biết

5. Từ họ Hồng Bàng, Làm Kinh Dương Vương,Vốn dòng Viêm Đế, Phong tại nam phương

9. Con là Lạc Long, Cháu là Hùng Vương, Từ ấy hiệu nước, Gọi là Văn Lang

13. Truyền mười tám đời, Đều xưng Hùng Vương, Đặng hai nghìn sáu, Hăm hai năm trường

17. Thục An Dương Vương, Diệt nước Văn Lang, Xưng rằng Âu Lạc, Nối họ Hồng Bàng

21. Vua Thục lúc ấy, xây đắp Loa thành, xây lên bổ xuống, ai nấy đều kinh

25. Vua Thục khấn vái, Thiên địa thấn linh, Bỗng thấy một người, Kim Quy hiện hình

29. Nói cùng Vua Thục, Sự tích rành rành, Trong núi Thất Diệu, Nhiều loài yêu tinh

33. Oan hồn uất kết, nên nỗi hoành hành, Xin phải trừ đi, Mới xây đặng thành

37. Vua Thục nghe theo, Nửa tháng thành rồi, Khi ấy Kim Quy, Từ biệt xin lui

41. Vua Thục nói lại, Nhờ ông đến đây, Trăm điều an ổn, Còn ngại chút này

45. Thành trì nhà nước, Nay đã vững vàng, Mai sau có giặc, Lấy chi dẹp loàn

49. Kim Quy nghe nói, Cho một móng chân, Nhắn đem làm ná, Linh động khôn ngần

53. Bắn ra một phát, Giết giặc muôn thằng, Gọi là thần nỏ, Ai địch cho bằng

57. Tần nghe cõi Nam, Rất nhiều châu ngọc, Bèn sai Triệu Đà, Đem quân đánh Thục

61. Thục có thần nỏ, Đà địch đâu qua, Quân Triệu cùng khốn, Đà xin giảng hòa

65. Cho con Trọng Thủy, Đến hỏi Mỵ Châu, Trọng Thủy khôn khéo, Thục Vương gả cho

69. Trọng Thủy thừa cơ, Coi máy thần nỏ, Mỵ Châu tin chàng, Cho chàng coi ngó

73. Không hay Trọng Thủy, Rắp sẵn mưu gian, Coi qua ngó lại, Đổi móng rùa vàng

77. Nói cùng Mỵ Châu, Về thăm cha mẹ, Lòng toan đánh Thục, Mưu sâu tình tệ

81. Giả đò yêu dấu, Nghĩ trước suy sau, Một mai ly loạn, Biết nàng ở đâu

85. Mỗi người một xứ, Ruột héo lòng đau, Vợ chồng cách trở, Đời nào thấy nhau

89. Mỵ Châu thưa rằng, Thiệp có nệm lông, Đem theo bên mình, Há dám tiếc công

93. Thiếp đi đường nào, Bỏ ra đường ấy, Chàng đã có lòng, Trước sau cũng thấy

97. Trọng Thủy về đến, Quân Triệu kéo sang, Vua Thục cười nói, Triệu Đà cả gan

101. Không hay thần nỏ, Máy đã mất đi, Đem quân ra đánh, Thua chạy tức thì

105. Vua Thục chẳng biết, Rể xảo con ngu, Tin dùng Trong Thủy,Yêu dấu Mỵ Châu

109. Đến chừng nguy hiểm, Cầu cứu Kim Quy, Kim Quy ra nói, Giặc tại cô này,

113. Mỵ Châu than thở, Trọng Thủy gian khi, Thục Vương biết đặng, Tuốt gươm giết ngay

117. Quân Triệu thừa thắng, Kéo đến liền ngày, Vua Thục thua chạy, Bèn diệt Thục đi

121. Triệu Võ đế Đà, Gồm nước Âu Lạc. Truyền đặng năm đời, Triệu suy Hán diệt

125. Người Hán từ ấy, Quận huyện nước ta, Sai quan cai trị, Tô Định gian tà

129. Người xứ An Minh, Trưng Trắc Trưng Nhị, Tuy rằng nữ nhi, Thiệt là tài trí

133. Phục thù khởi nghĩa, Đuổi Tô Định về, Giao Châu một cõi, Thâu phục sơn khê

137. Hán sai Mã Viện, Kéo thẳng binh qua, Đánh cùng Trưng Vương, Lại lấy đất ta

141. Trưng Vương em chị, Tuẫn nạn một nhà, Xưa nay trung nghĩa, Tiếng lành đồn xa

145. Mã Viện đánh rồi, Bèn dựng đồng trụ, Lấy đất Nam giao, Giới hạn tới đó

149. Đến sau Sĩ Nhiếp, Qua trấn Giao Châu, Mở mang văn vận, Từ ấy làm đầu,

153. Thương dân dạy vẽ, Lễ nghĩa văn chương, Dân đều yêu kính, Tôn rằng Sĩ Vương

157. Nam Giao bờ cõi, Từ Hán đến Lương, Thuộc vào Trung Quốc, Biết mấy năm trường

161. Người nước Nam ta, Có ông Lý Bí (Bôn), Sinh xứ Thái Bình, Đa tài đa trí

165. Lương sai Bá Tiên, Đánh cùng Lý Bí, Tô Lịch Gia Ninh, Lương đều hơn Lý

169. Lý đòi Quang Phục, Giao cho binh quyền, Lui về Liêu Động, Tỵ nạn một phen

173. Ông Triệu Quang Phục, Đặng móng rồng vàng, Đánh đâu hơn đó, Xưng Triệu Việt Vương

177. Sau Lý Phật Tử, Đánh Triệu không xong, Cho con làm rể, Trộm lấy móng rồng

181. Quân Lý kéo đến, Cùng Triệu giao phong, Triệu Vương thua chạy, nhảy xuống biển đông

185. Phật Tử diệt Triệu, Đô tại Phong Châu, Tùy sai Lưu Phương, Họa phúc đỗ cùng

189. Vua tôi Phật Tử, Đều ra chịu đầu, Nam Giao bờ cõi, Về Tùy tóm thâu

193. Đến Đường Cao Tôn, Cải hiệu An Nam, Đặt quan đô hộ, Lắm kẻ bạo tham

197. Truyền tới Đức Tôn, Đô hộ Chánh Bình, Gian ngoan hà khắc, Tàn hại sanh linh

201. Người xứ Đường Lâm, Tên là Phùng Hưng, Gia tư hào phú, Trí dũng ai bằng

205. Dấy binh vây thành, Giết tên Chánh Bình, Thu phục Xích huyện,Tế độ thương sinh

209. Giàu sang dáy (nháy) mắt, Giấc bướm mơ vàng, Phùng An truy tôn, Bố Cái Đại Vương

213. Phùng An nối nghiệp, Nghe theo Triệu Xương, Nói điều lợi hại, Từ ấy đầu Đường

217. Đường Chiêu Tuyên Đế, Hồng Châu Khúc Hạo, Tự xưng Tiết Độ, Nam Hán thông hiếu

221. Đường Lâm Ngô Quyền, Thừa khi đương loạn, Dấy binh phục thù, Giết tên Công Tiện

225. Nam Hán Lưu Cung, Sai con Hoằng Tháo, Từ sông Bạch Đằng, đem binh đến cứu

229. Ngô Quyền phá Hán, Tự xưng Ngô Vương, Ở ngôi sáu năm, Một giấc hoàng lương

233. Di chúc em vợ, tên là Tam Kha, Tam Kha tiếm vị, Xương Ngập trốn xa

237. Khá khen Xương Văn, Đánh đuổi Tam Kha, Bèn rước anh về, Cùng trị nước nhà

241. Xương Văn ra đánh, Đường Nguyễn Thái Bình, Nửa đêm trúng tên, Hoăng tại trong doanh

245. Từ ấy phiên trấn, Chiếm cứ phân vân, Trước sau mười hai, Đều xưng sứ quân

249. Ông Đinh Bộ Lĩnh, Người xứ Hoa Lư, Hiệu rằng Vạn Thắng, Trí dũng có dư

253. Dẹp yên các trấn, Sắp đặt trăm quan, Nước xưng Cồ Việt, Đô đóng Trường An

257. Đinh Hoàng bị thí, Đinh Toàn nổi lên, Chỉn có hai đời, Đặng mười ba năm

261. Tướng quân Lê Hoàng, Tư thông Dương thị, Quân Tống sang xâm, Lê Hoàng tức vị

265. Lê đặng nối Đinh, Bởi vì Dương Hậu, Bất nghĩa bất trung, Muôn năm còn xấu

269. Đại hành băng tồ, Trung Tôn tức vị, Mới đặng ba ngày, Ngọa triều nghịch thí

273. Ngọa Triều gian xảo, Tàn bạo tính thành, Đao sơn kiếm thụ, Bày đặt nghiêm hình

277. Thí nghịch soán đoạt, Lên ngôi bốn năm, Say mê tửu sắc, Bịnh nặng chết liền

281. Con là Lê Sạ, Tuổi nhỏ tài hèn, Các quan bèn rước, Công Uẩn tôn lên

285. Lý tổ tức vị, Kiến nguyên Thuận Thiên, Suốt mười tám năm, Ngoài lặng trong yên

289. Thái tôn thủ thành, Hữu đễ rất hiền, Anh em phản nghịch, Ân Pháp vẹn toàn

293. Đến đời Anh Tôn, Phụ Chánh Hiến Thành, Một lòng trung nghĩa,Chẳng khác Khổng Minh

297. Truyền đến Huệ Tôn, Không có con trai, Con gái Chiêu Hoàng, Thừa thống nối ngôi

301. Có tên Trần Cảnh, Lịch sự lạ dường, Vào hầu Chiêu Hoàng, Chiêu Hoàng rất thương

305. Thủ Độ bày mưu, Chiêu Hoàng nhường vị, Trần Cảnh lên ngôi, Trần bèn nối Lý

309. Thái Tôn Thánh Tôn, Truyền đến Nhân Tôn, Ba đời thịnh trị, Phẳng lặng ngoài trong

313. Nguyên sai đại tướng, Tên là Thoát Hoan, Đến hãm kinh thành, Từ xứ Bắc Giang

317. Tôn thần trung nghĩa, Hưng Đạo Đại Vương, Bạch Đằng một trận, Phá giặc tan hoang

321. Từ Trần Thái Tôn, Đến Trần Thiếu Đế, Thiếu Đế thơ ngây, Quý Ly soán vị

325. Trần mười hai vua, Trăm bảy dư niên, Hậu Trần hai vua, Bảy năm mất liền

329. Quý Ly soán Trần, Nước hiệu Đại Ngu, Truyền ngôi Hán Thương, Gìn giữ cơ đồ

333. Cha con Quý Ly, Lên ngôi sáu năm, Đánh cùng Trương Phụ, Đều bị sinh cầm

337. An Nam một cõi, Từ ấy về Minh, Quan Minh tham bạo, Dân bất liêu sinh

341. Lam Sơn Lê Lợi, Bèn dấy nghĩa binh, Thương hại dân ta, Đánh đuổi quan Minh

345. Gian nguy trăm trận, Thu phục hai kinh, Mười năm bình định, Bốn bể trừng thanh

349. Thái Tôn nối trị, Tánh vốn thông minh, Hiềm vì mê sắc, Nên nỗi thương sinh

353. Nhân Tôn xung ẩu, Thái hậu thùy liêm, Nghi Dân làm loạn, Vào thành nửa đêm

357. Nhân Tôn ngộ hại, Nghi Dân tiếm lên, Triều đình tôi cũ, Giết hại liền liền

361. Lê Xí Đinh Liệt, Xướng nghĩa phế ngay, Bèn rước Gia Vương, Tôn lên liền ngày

365. Thánh Tôn tức vị, Gìn giữ mối giềng, Ở ngôi trí trị, Ba tám năm trường

369. Sử xưng minh chủ, Tài đức khác thường, Ví cùng Trung Quốc, Võ Đế Văn hoàng

373. Hiến Tôn Túc Tôn, Truyền đến Qủy Vương, Tin dùng ngoại thích, Tàn hại trung lương

377. Ông Nguyễn Văn Lang, Cùng ông Giản Tu, Đem quân tam phủ, Ra đánh Đông đô

381. Quỷ Vương tự vẫn, Trư Vương nối lên, Ở ngôi tám năm, Duy Sản thí liền

385. Chiêu Tôn tức vị, Đăng Dung lộng quyền, Lòng toan soán đoạt, Chiêu Tôn ưu phiền

389. Nửa đêm xa giá, Qua xứ Sơn Tây, Đăng Dung không kể, Chẳng rước vua về

393. Lập hoàng đệ Xuân, Tại tỉnh Hải Dương, Chiêu Tôn về Kinh, Đăng Dung cướp ngang

397. Chiêu Tôn thua chạy, Trịnh Tuy cứu giá, Nghe sàm giết hại, Trịnh Tuy tướng tá

401. Trịnh Tuy hờn giận, Hộ giá vào Thanh, Đăng Dung bèn rước, Hoàng đệ về kinh

405. Chiêu Tôn bị bắt, Đăng Dung thí ngay, Truyền cho hoàng đệ, Thiền vị tức thì

409. Họ Mạc soán Lê, Qua cáo Minh liền, Dâng vàng dâng đất, Minh cho chức quyền

413. Đăng Dung lên ngôi, Mới đặng ba năm, Cho con Đặng Doanh, Tức vị cải nguyên

417. Truyền con với cháu, Mạc Hải Mạc Nguyên, Đến chắt Mậu Hợp, Năm đời mất liền

421. Đức triệu tổ ta, Trước làm quan Lê, Thấy Mạc tiếm thiết, Lo sợ trăm bề

425. Đánh Mạc chưa đặng, Lánh vào Ai Lao, Vua Lào Xạ Đẩu, Cho ở Sầm Châu

429. Chiêu binh mãi mã, Tìm kiếm dòng Lê, Gặp được Trang Tôn, Xa giá rước về

433. Biết ông Trang Tôn, Là con Chiêu Tôn, Ngài bèn lập lên, Lập rồi tiến công

437. Ngài thấy Trịnh Kiểm, Thao lược tinh thông, Gả con Ngọc Bảo, Cho làm tiên phong

441. Đánh cùng họ Mạc, Tại xứ Lôi Dương, Quân ta xung đột, Quân Mạc tan hoang

445. Gần xa khen ngợi, Hào kiệt văn phong, Kinh lược Thanh Nghệ, Theo ngọn cờ hồng

449. Quân đến Tây đô, Tướng Mạc ra đầu, Tên là Chấp Nhất, Kế hiểm mưu sâu

453. Thấy ngài trí dũng, Liệu địch không qua, Đặt bày yến tiệc, Bỏ độc vào trà

457. Rước mời gắn bó, Triệu tổ chẳng ngờ, Nửa đêm về doanh, Tướng tinh phút lờ

461. Phù Lê diệt Mạc, Công nghiệp gần thành, Trang Tôn nghe tin, Thương tiếc hãi kinh

465. Giao cho Trịnh Kiểm, Tiết chế các doanh, Đô soái tướng tá, Đánh cùng Mạc binh

469. Con thứ hai ngài, Là đức Thái Tổ, Công tuy đã nhiều, Tuổi còn đương nhỏ

473. Nối theo chí trước, Phò Lê rất trung, Trịnh Kiểm nghi kỵ, Lo sợ khôn cùng

477. Nói cùng Ngọc Bảo, Vào trấn phía trong, Ô Châu ác địa, Thiệt cũng cam lòng

481. Trịnh Kiểm nghĩ rằng, Ô Châu một chỗ, Tâu cho vào trấn, Trước sau cũng khổ

485. Thái tổ thấy chỉ, Lãnh thuyền kéo vô, Đến nơi Quảng Trị, Gây dựng cơ đồ

489. Muôn năm đế nghiệp, Từ ấy mà ra, Thần truyền thánh kế, Mở mang nước ta

493. Mới đặng chín đời, Đến đời Hiếu Định, Ngoại thích Phúc Loan, Chuyên quyền loạn chánh

497. Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Ở đất Bình Định, Bèn cùng Tập Đình, Dẫn binh ra đánh

501. Trịnh sai Ngũ Phúc, Cùng kéo binh vô, Kể tội Phúc Loan, Xin phải nên tru

505. Các quan vâng chỉ, Đem nạp Phúc Loan, Ai hay Ngũ Phúc, Nói khác mưu gian

509. Lại đưa thư rằng, Anh em Nguyễn Nhạc, Chiếm cứ Quy Nhơn, Tung hoành bạo ngược

513. Xin đem quân Trịnh, Giúp với quan quân, Đồng lòng hết sức, Trừ giặc cứu dân

517. Ngũ Phúc gian kế, Duệ Tôn chưa nghe, Quân Trịnh xông tới, Quân ta lui về

521. Đánh nhau mấy trận, Quan quân đều thua, Ngài vào Quảng Nam, Bèn mất kinh đô

525. Gặp quân Nguyễn Nhạc, Đến từ Bình Định, Trước sau đều giặc, Duệ Tôn nam hạnh

529. Lập hoàng tôn Dương, Xưng rằng Đông cung, Trấn tỉnh Quảng Nam, Xem xét ngoài trong

533. Nhạc sai Tập Đình, Đem quân đến đánh, Bèn rước Đông cung, Đem về Bình Định

537. Nửa đêm Đông cung, Đi theo thương thuyền, Chạy vào Gia Định, Năm ngày đến liền

541. Trịnh Hoàng Ngũ Phúc, Kéo thẳng binh vô, Đánh cùng Nguyễn Nhạc, Quân Nhạc đều thua

545. Nhạc bèn khiến sứ, Tới yết Trịnh Doanh, Xin cùng Ngũ Phúc, Tình nguyện đầu thành

549. Trịnh cho Nguyễn Nhạc, Làm chức Tướng quân, Lại sai Bùi Đạt, Vào trấn Phú Xuân

553. Duệ Tôn lúc ấy, Gặp hoàng tôn Dương, Bèn thiền vị cho, Xưng Tân Chánh Vương

557. Nhạc sai Huệ Lữ, Vào đánh Sài Gòn, Quân giặc tàn bạo, Quân ta hao mòn

561. Vương qua Huơng Đôi, Ngài tới Long Xuyên, Giặc bèn đuổi theo, Đều tuẫn nạn liền

565. Đức Cao hoàng ta, Đi theo Duệ Tôn, Gian nguy lắm lúc, Lao khổ khôn cùng

569. Duệ Tôn vẫn biết, Tài đức hơn người, Phục cơ nghiệp cũ, Thường nói cùng ngài

573. Gặp cơn quốc biến, Còn đương thiếu niên, Nguyên soái nhiếp chính, Các tướng tôn lên

577. Năm thứ Mậu Tuất, Ngài nhiếp quốc chính, Thu phục Sài Gòn, Trú tất Gia Định

581. Năm ấy tháng năm, Nguyễn Huệ vào đánh, Quân ta đều thua, Bèn mất Gia Định

585. Đến năm Kỷ Hợi, Mùa xuân tháng ba, Quan quân thu phục, Gia Định về ta

589. Canh Tý nguyên niên, Ngài tức vương vị, Dùng Lê Cảnh Hưng, Niên hiệu Giáp Tý

593. Năm Dần tháng hai, Nguyễn Huệ nhập khấu, Ngài ra Phú Quốc, Côn Lôn các đảo

597. Bèn sai Đa Lăng, Bảo hộ Đông cung, Qua xin Đại Pháp, Đem binh giúp cùng

601. Đại Pháp lúc ấy, Nhiều việc chưa cho, Nên ông Đa Lăng, Rất đỗi sợ lo

605. Bèn đem Đông Cung, Trở về Ấn Độ, Mời anh em bạn, Hai ông quan võ

609. Tên là Đa Du, Lại với Ni Ê, Hai chiếc tàu binh, Một đoàn kéo về

613. Ngài thấy Đông cung, Cùng ông Đa Lăng, Đa Du Ni Ê, Mừng rỡ khôn ngần

617. Lúc trước Đa Lăng, Có tiến mấy ông, Đều là Đại Pháp, Trung nghĩa khôn cùng

621. Buổi ấy lấy đặng, Hạ du Gia định, Sai ông Ni Ê, Giữ gìn mấy tỉnh

625. Lại sai Đa Du, Qua tiểu Lữ Tống, Cùng xứ Áo Môn, Mua tàu mua súng

629. Ông Tào Mạn Hòe, Thiệt là trung liệt, Đánh cùng Nguyễn Huệ, Trận tiền tử tiết

633. Sắc cho Mạn Hòa, Thờ vào Hiển trung, Giám mục Đa Lăng, Tấn tước quận công

637. Lúc ấy theo ngài, Các quan Đại Pháp, Ai có công lao, Ơn đền nghĩa đáp

641. Kể từ bôn ba, Chốc đã mười thu, Tháng giêng năm Thìn, Ngài tại Thổ Chu

645. Qua Xiêm cầu viện, Vua Xiêm viện cho, Về đánh Tây Sơn, Quân Xiêm cũng thua

649. Ngài lại qua Xiêm, Ở Vọng Các thành, Truyền cùng các tướng, Đồn điền mộ binh

653. Năm Ngọ Nguyễn Huệ, Ra đánh Bắc Kỳ, Phá tan quân Trịnh, Yết kiến vua Lê

657. Hiển Tôn run sợ, Thụ bệnh băng tồ, Huệ lập Chiêu Thống, Rồi kéo binh vô

661. Nguyễn Nhạc xưng đế, Chiếm cứ Bình Định, Nguyễn Huệ truyền hịch, Dẫn binh vào đánh

665. Nhạc than cùng Huệ, Thịt xáo nồi da, Huệ thấy khốn cùng, Mới cho giảng hòa

669. Đương khi Huệ Nhạc, Anh em đánh nhau, Ông Tống Phước Đạm, Đến Xiêm gửi tấu

673. Gia Định sơ phòng, Xin Ngài về đánh, Tháng tám năm Thân, Thu phục Gia Định

677. Huệ nghe Nguyễn Chỉnh, Ở đất Bắc Kỳ, Giả làm trung nghĩa, Diệt Trịnh phò Lê

681. Sai Vũ Văn Nhậm, Đem binh ra đánh, Lấy thành Thăng Long, Giết tên Nguyễn Chỉnh

685. Lạ thay Nguyễn Huệ, Lại ra Long Biên, Văn Nhậm tới hầu, Truyền đem chém liền

689. Nguyễn Huệ lúc ấy, Lấy hết Bắc Kỳ, Giết rồi Văn Nhậm, Đòi các quan Lê

693. Truyền cho Tiến Tôn, Đều dâng một biểu, Ông Nguyễn Huy Trạc, Uống thuốc chẳng chịu

697. Huệ thấy Huy Trạc, rất đỗi kinh nghi, Quyền lập Duy Cẩn, Đem quân trở về

701. Giao Ngô Văn Sở, Gìn giữ Bắc thành, Lê hậu qua Tàu, Cáo cùng đại Thanh

705. Thanh sai Sĩ Nghị, Suất Mãn Hán binh, Phục Lê trừ tặc, Tế độ sanh linh

709. Sĩ Nghị mới đến, Tuyên phong Lê hoàng, Sửa sang rường mối, Sắp đặt quân quan

713. Nguyễn Huệ nghe báo, Dâng thư xin hàng, Sĩ Nghị tin lấy, Sơ suất phòng gian

717. Giáo cờ xếch xác, Đêm khuya canh tàn, Nguyễn Huệ biết đặng, Đốc suất quân quan

721. Kiến nguyên tức vị, Thẳng ra một đường, Đến lũy Ngọc Hồi, Tàu chẳng cho sang

725. Đánh cùng quân Tàu, Phá Tàu tan hoang, Quân Tàu thua chạy, Lui về Nam quan

729. Nguyễn Huệ khiến sứ, Qua Tàu tạ tội, Xin cho chức quyền, Giữ gìn bờ cõi

733. Thanh biết gian khi, Nghĩ đánh chẳng đặng, Chi bằng cho đi, Ắt tiêu bên hấn

737. Lê chúa đến Thanh, Lại xin viện binh, Càn Long không cho, Băng tại Yên kinh

741. Năm Tý năm Sửu, Huệ Nhạc chết liền, Quan quân thu phục, Bình Định Phú Yên

745. Giữ thành Bình Định, Tướng giặc ra đầu, Ngài sai Võ Tánh, Lại với Tùng Chu

749. Hai người ra sức, Gìn giữ thành này, Dũng Diệu tướng giặc, Đem quân đến vây

753. Ngài truyền Võ Tánh, Bỏ thành ra ngoài, Võ Tánh dâng sớ, Tâu mật cùng ngài

757. Đây nhiều quân giặc, Ngoài Huế không hư, Xin phải thừa cơ, Ra lấy kinh sư

761. Năm Dậu tháng năm, Ngài suất đại binh, Vào cửa Tư Hiền, Khắc phục cựu binh

765. Sai Lê Văn Duyệt, Cứu viện Võ Tánh, Dẫn binh gấp vào, Giải vây Bình Định

769. Bình Định thành hãm, Tiêu tức mới biết, Tôn Tánh Tùng Châu, Tiến huyên tử tiết

773. Các quan đều xin, Tức vị kiến nguyên, Ngài truyền chỉ rằng, Giặc còn chưa yên

777. Rồi đến năm sau, Thân chinh Bắc thành, Sinh cầm Quang Toản, Tặc đảng tận bình

781. Kể từ Nguyễn Huệ, Vào đánh Đồng Nai, Mất đi phục lại, Biết mấy mươi hồi

785. Phục thù báo oán, Chí quyết chẳng sai, Phương chi thánh đức, Văn võ gồm tài

789. Điềm lành sự lạ, Hiển hiện hoài hoài, Sấu ngăn thuyền lại, Trâu lội qua vời

793. Gió to nước ngặt, Ngoài đảo giữa khơi, Gian nan lắm lúc, Nguy hiểm đòi nơi

797. Dẹp yên nghịch tặc, Ba mươi năm trời, Nhất thống Nam Việt, Bờ cõi trong ngoài

801. Truyền con cháu chắt, Biết mấy muôn đời, Cho hay lịch số, Trời hiệp theo người

805. Coi trong sử Việt, Chuyện lớn kể ra, Chấp chỉnh lời quê, Làm diễn nghĩa ca.

------

SÁCH XƯA, CÁI NHÌN MỚI

Nói về sách xưa, có lẽ Kinh Phật là một trong những quyển sách lâu đời nhất còn truyền bá đến nay, đã được in đi in lại không biết bao nhiêu lần. Trong Kinh nhiều lần Phật khẳng định: "Các ông phải tin tưởng lời nói chắc thật của Như Lai", và một trong những lời chắc thật đó là lời Thọ Ký: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành".

Không biết có ai thắc mắc giống như tôi, là vì sao với số Kinh Phật để lại khổng lồ được gọi là "T hiên Kinh vạn quyển ", và những lời đoan chắc như thế, mà kể từ Lục Tổ và một số Tổ ít ỏi sau đó, cả mấy trăm năm nay vì sao không thấy ai thành Phật? Nếu đã Thành Phật tại sao không phổ biến phương pháp để mọi người cùng học hỏi được gọi là "Mồi ngọn Vô Tận Đăng", là nhiệm vụ của người tu Phật? Vậy thì, thế hệ sau các Tổ có thể Thành Phật được hay không? Thành Phật là thành như thế nào? Thành Phật để làm gì? Muốn Thành Phật phải làm gì? Nếu không Thành Phật thì tu để làm gì?

Ai cũng biết, sách vở thời xưa để lại, nếu là những sách có thể kế thừa và phát huy được, thì các thế hệ sau thường tiếp nối để làm cho nó thêm hoàn hảo, tại sao Kinh cũng là một loại sách xưa để lại, là một phương pháp để tu hành, vậy mà sau khi Phật nhập diệt đến nay, bao nhiêu thế hệ đã Xuất Gia, đã tu hành, đã truyền nhau như thế nào mà đến nay vẫn còn cho là khó hiểu? Nếu sau đó có phương pháp nào hay hơn sao không mang ra so sánh, cải tổ? Nếu không thể cải tổ được vì sao những người có trách nhiệm không tìm cách soi rọi thêm để phổ cập hoá cho mọi người cùng hiểu? Chẳng lẽ người thời nay tự cho là văn minh hơn, tiến bộ hơn, mà trí tuệ lại thua kém những người đã sống cách đây hàng 2.550 năm? Nếu Kinh đã thực sự là "xa kín nhiệm sâu" không hiểu nổi, thì mọi người tin vào những điều gì trong đó để mà giữ gìn, phổ biến Đạo Phật cho đến hiện nay, ngày càng cất thêm nhiều chùa chiền, khuyến khích người mộ đạo thêm đông để làm gì?

Có lẽ chúng ta nên có một cái nhìn mới về những quyển Kinh xưa, không thể cứ mãi xem đó như những lời bí ẩn hay chấp nhận chỉ lấy một phẩm, một đoạn, rồi thực hành theo, cho là: "Chỉ cần ngộ một Kệ, một câu, theo đó mà hành thì cũng được đạo", bởi có một giai thoại trong ngành Đông Y, kể về một người thầy thuốc, do không đọc hết quyển sách thuốc, chỉ thấy ở phần cuối trang ghi: "Phúc thống, phục nhân sâm", thế là khi gặp bịnh nhân đau bụng, ông ta bèn cho uống nhân sâm, kết quả là bịnh nhân chết! Ông ta tức quá, vì rõ ràng mình đã cho bịnh nhân uống thuốc theo đúng như sách đã dạy tại sao lại ra như thế, nhưng khi về mở sách ra, lật tiếp qua trang sau, ông mới thấy có thêm hai chữ "tắc tử", tức là nếu đau bụng mà cho uống nhân sâm thì chết chắc!

Giết oan một mạng người chỉ vì chưa học hết sách thuốc mà lại đi làm thầy chữa bịnh! Người làm thầy tâm linh để hướng dẫn cho người khác tu hành, mà đọc Kinh Phật kiểu trích đoạn rồi mang ra giảng dạy, mà lại còn có uy tín lớn, thì hậu quả còn to tát hơn, vì người này nghe xong rồi truyền cho người khác, đời nọ lại truyền sang đời kia, nên dù rằng không giết chết mạng sống hiện đời của người nghe, nhưng lại giết chết "huệ mạng" của họ nhiều đời bằng những kiến chấp sai lầm khó gở mà Kinh dạy: "Phàm Phu còn có tâm quay về, mà Thinh Văn thì không" vì sau đó khó ai có thể khai mở lại cho họ được!

Với bản tính tò mò và không chịu chấp nhận những gì được người khác đọc rồi giảng sẵn, đồng thời để tự tìm lời giải đáp cho những thắc mắc kể trên, tôi quyết tâm lao vào tìm hiểu Kinh. Có người bài bác, cho là "Chỉ có Phật mới hiểu Phật, người thường đọc Kinh làm sao hiểu"! Tôi thì cho rằng Kinh là những lời Phật đã giảng thì Ngài cần gì phải đọc? Chỉ có người phàm như chúng ta cần hiểu mới phải đọc. Vì thế, tôi đã bỏ ra một thời gian khá dài để xem Kinh Phật nói những gì mà người đời nay cho là bí hiểm không thể hiểu nổi, và vì sao thời nay không thấy ai có thể nương Kinh mà chứng đắc được, dù người xuất gia càng lúc càng đông! Tôi cũng không có kiến thức về tiếng Phạn hay tiếng Hoa, nên chỉ đọc những quyển Kinh đã được dịch sẵn của các Hoà Thượng Thích Trí Tịnh, Thích Huệ Hưng, Thích Thiện Hoa, Thích Tâm Châu, Thích Trí Quang, Minh Trực, dịch giả Trần Tuấn Mẫn... đọc thật kỹ, đối chiếu nhiều bộ Kinh với nhau.

Buổi đầu, tôi cũng không vì mến mộ Đạo Phật mà đọc Kinh, cũng không đi tìm pháp nào trong Kinh để chứng đắc, chỉ vì muốn kiểm chứng xem những gì được viết trong Kinh có hợp lý không? Những gì người đời truyền tụng nhau về Phật và Đạo Phật có giống như Kinh viết hay không? Nếu thực hành theo đó thì sẽ được lợi ích gì? Khi chấp nhận được lý lẽ trong đó thì tôi thử thực hành theo để xem có mình có tiến bộ đúng như lời dạy trong Kinh hay không? Kết quả là sau bao nhiêu năm tìm hiểu, cuối cùng tôi cũng khám phá ra một số điều hết sức thú vị.

1/- Trước hết, tôi thấy, dù thời nay cách thời Đức Phật rất xa, nhưng lời Phật dạy trong Kinh do các vị Đại Đệ tử kết tập lại sau khi Phật nhập diệt có giá trị bất di bất dịch, có thể lấy đó làm "khuôn vàng thước ngọc" để người Phật Tử hành trì theo, thì người thời nay lại không chịu đọc. Đa số bị ám ảnh, cho là Kinh "cao lắm, không thể hiểu được". Hoặc cho là Kinh chỉ để dành cho các bậc tu hành đọc, nên chỉ thích đọc những sách do người đi trước hiểu theo ý họ viết lại, gọi là các sách giảng, luận. Hoặc chỉ đi nghe những vị Thầy mà họ thấy có đức hạnh, có tuổi đạo, có uy tín, giảng hấp dẫn... để rồi đôi khi bị cái hiểu chưa chính xác của các vị cản trở bước hiểu biết thêm của chính họ. Đó là trở ngại lớn nhất, như người tự xây tường cản lối, không thể bước qua nổi!

2/- Trở ngại thứ hai, là hình như nhiều người không chịu tìm hiểu xem nghĩa của Phật thật sự là gì? Chỉ cho rằng đó là các vị đó là Đức Thích Ca, A Di Đà, Như Lai, Di Lạc vv... là những thần linh tối thượng. Vô lượng đời về trước và mãi mãi về sau này không ai có thể đạt được địa vị đó. Nếu có ai khởi tâm muốn đạt tới đó là Tăng Thượng Mạn! Chính vì nghĩ như thế, nên trong khi chính kinh bao giờ cũng nói rằng "Mỗi người đều có Phật Tánh, có khả năng để thành Phật. Phật trước, Phật sau đều bình đẳng", thì mọi người không tìm và khai triển cái Phật Tánh để tự mình Thành Phật, chỉ muốn cầu xin để "được độ" mà thôi, vì như thế xem ra vừa khiêm tốn, vừa đỡ tốn công sức hành trì, chỉ tốn ít tiền của để mua lễ vật nhang đèn, cúng kiến, cầu xin, hoặc cúng chùa, làm phước, để kiếm chút phước đức mà thôi!

3/- Trở ngại thứ ba, là vì thương con người sống trong cảnh Khổ mà không hay biết, không cầu Giải Thoát, nên Phật phải dùng nhiều phương tiện, để đưa vào đạo. Chính vì thế nên Kinh Phật có dạy: VĂN – TƯ – TU, tức là sau khi nghe pháp rồi phải suy nghĩ cho kỹ rồi mới Tu, nhưng rất nhiều người không hề Tư Duy, chỉ cần nghe loáng thoáng về Phật, chưa hiểu rõ Phật là gì đã phát tâm đi Tu! Kể cả những em tuổi đời còn rất ít đã vô chùa tu, trong khi chưa hiểu thế nào là Khổ, chưa biết Phật là gì? Rồi một khi đã vào tu rồi thì coi việc điều hành, mở mang chùa chiền, giảng pháp để độ cho bá tánh quan trọng hơn là việc nghiên cứu những lời Phật dạy trong Kinh, vì không có thời gian, và thật ra cũng không dám có kiến giải gì khác hơn những gì đã được đào tạo từ xưa đến nay trong các khoá học, rồi cứ thế mà lớp trước truyền cho lớp sau, không biết rằng TƯ DUY rất là quan trọng cho con đường tu. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết: "Này Thiện Nam Tử! Tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng Tư Duy thời trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề".

4/- Hình như rất nhiều người không phân biệt giữa THỜ PHẬT và TU PHẬT. Nghĩa của Tu Phật là "Sửa cho giống Phật" hay Sửa để Thành Phật, nhưng ngay căn bản này đã bị hiểu sai, việc đi tu Phật trở thành là đi phụng sự cho Phật! Trong khi nghĩa của Tu là Sửa. Muốn Tu Phật thì phải biết thế nào là Phật. Muốn sửa, phải biết cần sửa ở đâu? Sửa như thế nào? Nếu những việc đó chưa minh định thì làm sao tu? Điều đó cũng giống như người đi mà không biết phải đi đâu, không biết phải sử dụng phương tiện nào, cũng không biết đích đến, thì bao giờ sẽ đến?

5/-Trong khi Kinh dạy người tu phải đọc Kinh theo trình tự: " Thọ, trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép, y pháp tu hành", mà quan trọng nhất là "Y pháp tu hành", thì nhiều người chỉ dừng ở việc học và giảng Kinh. Như vậy, thì đâu có đủ cho một qui trình tu hành?

6/- Nhiều người đã hiểu lầm lời của Ngài ANan: "Mình chưa được độ mà phát tâm độ người đó là Tâm Bồ Tát", rồi mới hiểu được chút gì đó đã vội đi giảng nói, tưởng là đang hành "Hạnh Bồ Tát", không biết rằng Tổ Đạt Ma có dạy : "Nếu không Thấy Tánh dầu nói giỏi 12 bộ kinh vẫn là ma nói. Đó là hàng bà con của ma, chẳng phải là học trò của Phật" . Tích Con Chồn Hoang trong Mã Tổ Bách Trượng Ngữ Lục, nói về người hạ sai một chuyển ngữ về Nhân Quả phải đọa 500 kiếp làm Chồn để lưu ý người muốn thuyết pháp vậy.

7/- Nếu có đọc Kinh hẳn mọi người cũng không bị nhầm lẫn, tôn sùng những kẻ tự xưng là Bồ Tát, là Phật, vì Kinh Lăng Nghiêm viết: "ANAN, ta có dạy các vị Bồ Tát và A La Hán: sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải thị hiện thân hình trong đời mạt pháp để cứu độ các chúng sanh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy Sa Môn, cư sĩ, vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện đàn bà goá, kẻ dâm nữ, người gian giảo, kẻ trộm cuớp, người thợ thịt, kẻ buôn bán, để lẫn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp đặng giáo hoá chúng sanh trở về chánh đạo.

Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói : "Ta đây thật là Bồ Tát hoặc A La Hán vv...". hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhơn thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi mới âm thầm để lại một vài di tích cho người biết thôi".

8/- Lẽ ra trước khi phát tâm, người muốn tu cũng phải có cái nhìn, cái Thấy, cái bức xúc như Đức Thích Ca: Thấy đời thực sự là bể Khổ - mới có thể mạnh dạn lìa bỏ những thứ đang đeo bám, rồi thiết tha để mà tìm đường lối để Thoát, thì ngược lại, đa số người đời nay chỉ nhìn vào sự thành tựu của Đức Thích Ca, thấy Ngài được bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu dân tộc tôn sùng mà phát tâm! Người nhiều tham vọng thì thấy rằng: Thành Phật sẽ độ cho chúng sanh, sẽ làm Thiên Nhân Sư, được Tam Thiên Đại Thiên thế giới tôn sùng, hoặc nhìn những cao tăng đi đâu cũng tiền hô, hậu ủng, nên phát tâm đi tu mong sẽ đến ngày mình cũng được như vậy, không biết đó là phát tâm cầu Danh, không phải phát tâm tu Phật! Kẻ khác thì thấy Phật quá vĩ đại, quá cao cả, mình bỏ đời, đi tu, vào chùa làm đệ tử của Ngài để nương tựa cho chắc ăn! Sống thì nương cửa Phật, không phải lo tìm kế sinh nhai, không phải bon chen với đời. Chết thì Phật rước về Đông Phương hay Tây Phương, trong khi Kinh không hề có hứa những điều đó, mà chỉ nói Nhân nào, Quả nấy. Vô chùa ở cũng đâu có bảo đảm Phật sẽ rước, nếu không tu hành chân chính. Phật ngôn có câu: "Có kẻ nắm chéo y Như Lai mà cách xa ngàn dặm". Nắm chéo Y của Phật mà còn cách xa ngàn dặm, nói chi là chỉ mới vào ở trong chùa!

Mục đích Đạo Phật đã được khẳng định: "Như biển cả chỉ có một vị mặn, giáo pháp của ta cũng chỉ có một vị giải thoát mà thôi". Và:" Nếu không có cái Sanh, cái Già, cái Bịnh, cái Chết, thì Đức Như Lai cũng chẳng giáng trần để làm gì, và Phật Pháp cũng không có cơ hội rải tủa ánh sáng siêu việt trên khắp thế gian". Về quả vị thì Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA cũng giải thích: "Đó chỉ là hoá thành để cho người lười mỏi nghỉ ngơi". Do đó, nếu chúng ta không biết mục đích của Đạo Phật là Giải Thoát cũng như bản thân không có nhu cầu Giải Thoát thì đến với Đạo Phật chỉ là một sự hiểu lầm hay xu thời mà thôi.

Sau khi kiểm chứng qua nhiều Bộ Kinh như Diệu Pháp Liên Hoa, Kim Cang, Duy Ma Cật, Đại Bát Niết Bàn, Viên Giác, Lăng Nghiêm, Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Pháp Bảo Đàn Kinh, Sáu Cửa vào Động Thiếu Thất, Vị Tằng hữu Thuyết Nhân Duyên.Kinh, Kiến Chính, Tâm Địa Quán.. tôi thấy công việc tu Phật thật ra chỉ là tự chỉnh sửa những thói hư, tật xấu, để trở thành một con người hoàn thiện hơn, xứng đáng hơn, với các hạnh: Giới, Định, Huệ, Từ, Bi, Hỉ, Xả, Tứ Nhiếp, Lục Độ, Bát Chánh Đạo, mục đích là cho Thân Khẩu Ý được tịnh ba nghiệp và không gieo Nhân xấu để khỏi phải gặt quả xấu. Cuộc sống của người tu còn phải đền trả Tứ Ân, tức ân cha mẹ, ân đất nước, ân chúng sinh, ân Phật... xem ra có biết bao điều phải làm, để xứng đáng kiếp sống - dù giả tạm nhưng quí báu - mà Phật gọi là Một trong "Năm điều khó được", đâu chỉ học pháp, giảng pháp, khuyến tu thôi! Ngoài ra, người tu còn phải lo thu thúc lục căn, nên chẳng những không kiêu mạn, không xâm phạm, không lợi dụng, không làm thiệt hại cho người và vật quanh mình, trái lại, còn tôn kính, giúp đỡ mọi người mà Kinh phương tiện mô tả đó là 32 Tướng Tốt của Phật (Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân trang 463), để không những kiếp này được Thoát Khổ, mà những kiếp sau nếu có, cũng không phải đọa vào đường ác, không phải tu để thành Thánh, thành Phật, được mọi người trọng vọng, ngồi trên toà sen cứu nhân độ thế, hay sống chỉ để chờ chết, ở cõi trần mà mơ màng chờ về cõi nào, quên hết bổn phận của một con người!

Lý do vì sao Đức Thích Ca khai sáng Đạo Phật, là vì theo Ngài, con người đã sinh ra, đã có mặt ở trần gian là phải sống cho đến hết chu kỳ của cái Thân. Trong thời gian cái Thân tồn tại có biết bao nhiêu đau khổ, phiền não tấn công. Vì thế, Đạo Phật xuất hiện giữa đời để chỉ cho con ngườicách thức để Thoát Khổ. Chính vì vậy mà Đạo Phật dùng biểu tượng là Hoa Sen, vì hoa này nói lên được cái "Thoát bùn ngay trong bùn", như con người nhờ tu hành mà "ở trong phiền não mà thoát được phiền não". Do đó, hiểu cho đúng thì Đạo Phật thật ra không phải là một tôn giáo, vì không dạy người tin theo phụng thờ, cầu xin Phật, mà ĐẠO là Con Đường, PHẬT là Giải Thoát, tức là con đường của những người muốn thoát khổ đi trên đó bằng sự tự tin, tự chủ, tự điều khiển lấy cuộc đời của mình ngay trong hiện kiếp và những kiếp về sau, bằng cách gây tạo Nhân Quả, không phải sợ sệt, cầu xin, nương tựa vào bất cứ ai khác.

Cũng theo Đạo Phật, Bổn Tánh của mọi sinh vật là trường tồn. Cái Thân hiện kiếp là giả tạm, do tứ đại giả hợp mà thành. Là Quả, do Nhân đã gây tạo từ kiếp trước. Hết Duyên, hết Nghiệp nó sẽ tan rả. Kiếp sống hiện tại lại đang gieo Nhân cho kiếp sau. Nhưng do cái Tâm Mê Lầm đã chấp lấy cái Thân giả tạm hiện có là Mình, rồi vì nó mà tạo nghiệp. Vì thế, Tu Phật là Sửa cái Tâm Chấp Lầm, để giải thoát khỏi sự ràng buộc của các tướng giả tạm, được thanh tịnh, an ổn mà Phật phương tiện gọi là Niết Bàn. Mọi phiền não, dính mắc đều ở Tâm, do vậy, công việc tu hành chỉ tập trung hành trì nơi Tâm, Xả những dính mắc của Tâm, nên gọi là TU TÂM. Khi hết bị ràng buộc, đau khổ thì gọi là được Giải Thoát hay Thành Phật.

Việc tu hành chỉ có thế, nên kết quả nếu có đạt được cũng đâu có gì là vĩ đại, phi thường, ngoài các vị Phật quá khứ, đời này, đời sau, không ai có thể thành tựu? Do vậy, Kinh nói là có đến TAM THẾ PHẬT, tức là quá khứ đã có, hiện tại đang có, mà tương lai cũng sẽ có, nếu cùng làm các Hạnh như Phật đã làm, không phải chỉ mình Phật quá khứ dành độc quyền. Trái lại, Phật Ngôn nhắc nhở: "Kẻ nào ca tụng ta, tán thán ta mà không hành theo lời ta chỉ dạy, kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta!”

Đó là những nhận xét mà tôi đúc kết được từ nhiều bộ Kinh. Đây mới chỉ là một lộ trình được vạch rõ cho bản thân, vì bao đời nay Đạo Phật đã bị nhiều người đi trước tung hỏa mù làm mất phương hướng. Công việc còn lại tất nhiên là cần phải hành trì thời gian lâu dài, để huân tập theo nếp nghĩ, nếp sống như thế - gọi là tu tập - cho đến lúc thuần thục. Thời gian hành trì này cũng là thực hiện lời Nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát "Ngày nào còn một chúng sinh chưa được độ, con thề chưa ngồi vào ngôi vô thượng chánh giác". Tức là cho tới khi nào độ tận chúng sinh thì mới có thể gọi là hoàn tất công việc tu hành. Chúng Sinh cũng chỉ là những tình trạng của tư tưởng, là Tham, Sân, Si, Thương, Ghét của chính mình, "độ" hết chúng thì sẽ thành Phật như bài Kệ trong Kinh Viên Giác:

"Những người đoạn thương, ghét,

Cùng với Tham, Sân, Si,

Chẳng cần tu gì khác,

Cũng đều đặng Thành Phật"

Do vậy, "Cúng Dường Phật" không phải là mang hương hoa đến trước tượng Phật để cúng, vì tượng không phải là Phật, mà cứ mỗi lần có một tư tưởng phiền não, đau khổ, Tham, Sân, Si... dấy lên, ta "độ" cho nó được yên ổn là ta đã "Cúng Dường một Vị Phật". Từng sát na trong kiếp sống có biết bao điều phiền não, nên mỗi người đều có thể: Cúng Dường vô lượng vô số ức Đức Phật", để "rốt sau được thành Phật". Đó cũng là nghĩa của "Tự Độ", "Thành Phật" mà những người muốn tu đều phải thực hiện trong suốt cả cuộc đời.

Cõi Phật cũng không phải là Nước của Phật nào ở Tây Phương hay Đông Phương, khi chết mới được về, mà chính là ở nơi cái Tâm của mỗi người, là tình trạng an ổn, thanh tịnh, mà mọi người đều có thể thiết lập cho chính mình ngay tại kiếp sống hiện đời. Người đang hành trì công việc độ sinh tức là đang thanh lọc cho cái Tâm của mình thì gọi là Bồ Tát, đang "cứu độ chúng sinh". Kinh DUY MA CẬT viết :"Bồ Tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm cho Tâm thanh tịnh; tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh". "Làm cho tâm thanh tịnh" tức là "Độ Sinh" hay "trừ phiền não" vậy.

Cũng nhờ đọc thật kỹ Kinh mà tôi không còn hiểu lầm phương tiện của Phật để thấy rằng việc tu hành chỉ là Xả bỏ cái Ngã Chấp. Khi không còn Ngã thì làm gì còn có Mình, huống là đối tượng, để mà so sánh cao, thấp, hơn, thua nên được gọi là "Vô Thượng Bồ Đề". Không phải Vô Thượng Bồ Đề là nghĩa của cao tột đỉnh! "Xuất Gia" cũng không phải là rời nhà thế tục để vô chùa, mà là "Ra khỏi nhà lửa tam giới". "Cạo tóc" không đơn thuần cạo đầu, mà là "cạo sạch phiền não". "Đắp Y" là phủ lên thân tâm một màu thanh tịnh. "Khất Thực" là "cầu pháp Đại Thừa để nuôi thân giải thoát", không phải cầu vật thực để nuôi thân phàm. "Bảy đời quyến thuộc" mà người tu có thể cứu độ khi tu hành xong không phải là cha mẹ ông bà, dòng họ bên nội bên ngoại trong 7 kiếp, mà là 3 Nghiệp của Thân và 4 Nghiệp của Khẩu. Đó là Nhân Quả của Thân, Khẩu và Ý. Bảy quyến thuộc này cùng ở với ta khi sống, do chính ta tạo ra, nên khi bỏ cái Thân, nó sẽ thành Quả, theo ta đến kiếp khác. Quyến thuộc bên ngoài dù là cha mẹ, vợ chồng hay anh em ruột thịt thì mạnh ai nấy tạo Nghiệp riêng rẻ, làm sao theo nhau sau khi bỏ cái Thân được, và nếu độ được họ thì gọi là "Độ tha" mất! "Quả vị" cũng chỉ là phương tiện để khuyến tu... Nếu thực hiện đúng ý nghĩa của những việc nói trên thì gọi là Tu Vô Tướng. Qua đó tôi cũng thấy, nếu không hiểu cho rõ để hành đúng, cứ theo văn tự mà làm, thì người tu sẽ rơi vào lời khuyến cáo: Y NGỮ, không phải là Y NGHĨA, là Y THỨC, không phải Y TRÍ, Y NHÂN không phải Y PHÁP, và Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA. Như thế cũng có nghĩa là sẽ không bao giờ đạt đến cứu cánh của việc tu hành.

Nhìn vào những gì được ghi lại về cuộc sống của Đức Thích Ca và những vị Tổ chân truyền, ta thấy các Ngài vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường, không kiêu mạn, không đòi hỏi hưởng thụ, không tranh hơn thua cao thấp. Chính Đức Thích Ca theo mô tả trong Kinh Kim Cang cũng "theo thứ tự đi khất thực, tự cất y bát, tự trải toà mà ngồi", Mã Tổ thì "Nhất Nhật bất tác, nhất nhật bất thực". vì các Ngài đã thực hiện đúng những gì đã nói: "Tu vô tu, chứng vô chứng", "Đắc cái Vô Sở Đắc", bởi rõ ràng, việc tu hành chính là Tự Độ những thói xấu của bản thân, không độ được người khác, thì có gì đâu để thấy mình cao thượng, vĩ đại hơn mọi người? Trong khi đó, đối lập lại là những người màu mè sắc tướng, lập dị, phô trương, khoe khoang chứng đắc, cạnh tranh cao, thấp, để được mọi người chú ý, tôn trọng, mục đích cầu Danh, cầu Lợi... thì đó là những kẻ Vọng Ngữ, Vọng Hành. Do đó, theo tôi, không cần xét hình tướng, nơi chốn, thời gian tu hành, chỉ biết rằng: một khi chưa thoát được danh, sắc, những chúng sinh trong Tâm là Tham, Sân, Si, Mạn... Nếu vẫn còn nguyên thì chưa phải là người thực sự tu hành theo Đạo Phật chân chính vậy.

Tâm Nguyện

(2/2007)

Ngày Xuân thiếu nữ bên hoa

------

MỘT SAI LẦM CẦN ĐƯỢC ĐÍNH CHÍNH

Là một người yêu sách, thích sách, chơi sách và đương nhiên là vô cùng thích đọc sách, mới đây tôi được một bà bạn cho mượn một cuốn Hồi ký văn học nhan đề là “Văn Thi Sĩ Tiền Chiến” mà tác giả là nhà văn quá cố Nguyễn Vỹ. Sách do nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội xuất bàn năm 1994. Người viết cũng là người thuộc loại cổ lai hy nên không xa lạ gì với các nhà văn thời tiền chiến (1930-1945) mà người viết cũng có quen biết giao thiệp với một vài vị, qua đó, người viết có thể nói rằng mình là người rất yêu thích các nhà văn thời kỳ đó, tuy nhiên ở các vị đó có một khía cạnh mà người viết rất không khoái: đó là phần lớn, tôi không dám nói là tất cả, mà chỉ nói phần lớn, các vị đó đều cho rằng HỌ MỚI ĐÍCH THỰC LÀ NHỮNG NGƯỜI THẤM NHUẦN VĂN HÓA PHÁP, VÀ LÀ NHỮNG NGƯỜI ÍT AI HƠN ĐƯỢC TRONG LÃNH VỰC ĐÓ, NÊN MỖI KHI HỌ VIẾT CÁI GÌ THÌ ĐÓ LÀ NHỮNG SỰ THỰC TUYỆT ĐỐI VÔ PHƯƠNG CHỐI CÃI.

Tuy nhiên sự thực không phải như vậy, và ngay sau đây là một thí dụ rất rõ ràng như hai với hai là bốn là trong cuốn Văn Thi Sĩ Tiền Chiến này nhà văn quá cố Nguyễn Vỹ đã viết một điều không chính xác tí nào. Nêu việc này ra dưới đây tôi không nghĩ tới gì hơn là muốn nói lại cho đúng một điều mà tôi sợ rằng, sau này, con cháu chúng ta, nếu đọc cuốn này thì sẽ tin là đúng, và do đó sẽ bị sai nếu đem điều đó ra nói với một ngoại nhân nào đó hiểu biết về văn chương Pháp. Và điều người viết kỵ nhất là không muốn ngoại nhân nó cười mình viết ẩu, nói ẩu.

Đoạn sai này nằm từ dòng thứ 12 tới dòng thứ 18, nơi trang số 117 trong cuốn Văn Thi Sĩ Tiền Chiến nói trên. Trong đoạn này ông Nguyễn Vỹ cho rằng câu thơ “Đi là chết trong lòng một ít” (Partir c’est mourir un peu) là của nhà văn Pháp Roland Dorgelès. Đoạn này nguyên văn trong sách nói trên như sau: “... là lấy nguyên văn câu của nhà văn Pháp Roland Dorgelès đề trên trang đầu quyển phóng sự hồi ký “Sur la route mandarine” (Trên đường cái quan)...

Sự thực không phải như vậy vì câu “Partir c’est mourir un peu” không phải là của nhà văn Pháp Roland Dorgelès mà là CỦA NHÀ THƠ PHÁP EDMOND HARAUCOURT (1857-1941) và câu thơ này rút trong một bài thơ tựa đề là “Rondel de l’Adieu” (Cổ thi về sự giã từ - Rondel là một thể cổ thi Pháp rất thịnh hành ở thời trung cổ). Xin xem tài liệu chứng minh ngay dưới đây:

Haraucourt , Edmond [P, R] (1857-1941) : 1 vers

connu “Partir c’est mourir un peu” (dans le Rondel

de l’Adieu)

Thực tế là tác giả Roland Dorgelès đã mượn câu thơ của Edmond Haraucourt để đề lên đầu cuốn phóng sự hồi ký của ông ta là cuốn “Trên Đường Cái Quan”.

Lời nói theo gió bay đi, nhưng mọi việc viết lách sẽ còn ở lại muôn đời, ít ra cũng cho đến ngày sách nát giấy tan, nên người viết không muốn sách chứa đựng một điều gì sai, có thể khiến con cháu mình đọc cũng sai theo, và đó chính là mục đích của bài điều chỉnh nhỏ bé này.

VŨ THƯ HỮU

------

SÁCH VÀNG, SÁCH BẠC, SÁCH ĐỒNG

Ngày nay chúng ta chỉ thường đọc sách làm bằng giấy. Ít ai biết được rằng tại Việt Nam, dưới triều Nguyễn (1802-1945), còn có những loại sách đúc bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, hoặc thêu dệt bằng gấm. Triều đình nhà Nguyễn đã làm cho các loại sách này với nội dung chữ nghĩa dùng để tôn phong các vị đế vương hoặc ban tặng cho các thành viên được sủng ái trong hoàng gia và hoàng tộc. Ở Huế, hiện nay còn bảo lưu được một số ít sách như vậy.

Nếu dùng từ Hán-Việt để chỉ thì phải gọi là kim sách, ngân sách, đồng sách, thể sách.

Kim sách: sách đúc bằng vàng

Ngân sách: sách đúc bằng bạc

Đồng sách: sách đúc bằng đồng

Thể sách: sách làm bằng lụa với lụa gấm thêu chỉ màu.

Nội dung các sách này rất ngắn, gọn và súc tích, chứ không dài như những quyển sách bằng giấy mà chúng ta thường đọc. Ngoài tờ bìa trước và tờ bìa sau, sách dày nhất là 7 tờ ruột và sách mỏng nhất là 3 tờ ruột. Mỗi trang chỉ có 5 dòng. Những tờ ruột dùng để chuyển tải nội dung bằng cách đúc chìm các chữ hoặc viết các chữ. Nội dung các chữ nghĩa đó được gọi là “sách văn”. Các tờ sách bằng kim loại (vàng, bạc, đồng) được đóng lại với nhau bằng 4 dây khuyên, tức là 4 vòng tròn nhỏ bằng cùng chất liệu.

Các tờ của “thể sách” thì được đóng lại với nhau bằng chỉ. Về hình thức bên ngoài, các sách cùng loại có thể giống nhau ít nhiều, nhưng nội dung bên trong thì mỗi quyển mỗi khác. Lý do cũng đơn giản mỗi quyển dùng để phong hoặc tặng cho một cá nhân riêng biệt. Các loại sách này không phải được xuất bản hàng loạt và tính số lượng theo lối “tirage” hiện nay. Mỗi quyển là một “xuất bản phẩm” duy nhất.

Vì là sách quý cho nên mỗi quyển được bảo quản bên trong một cái hộp (hoặc hòm) bằng kim loại vàng bạc hoặc bằng gỗ sơn son.

Tùy theo từng hạng đối tượng được tôn phong hoặc ban tặng, triều đình nhà Nguyễn đã ấn định chất liệu, kích thước và quy cách làm 2 loại “kim sách” và “ngân sách” như sau:

- Sách của vua : Sách làm 9 tờ bằng vàng 10 tuổi: 3 tờ bìa trước sau khắc rồng mây, 7 tờ ruột khắc bài sách văn. Sách dài 6 tấc 3 phân, rộng 3 tấc 6 phân, dầy 2 ly (1 tấc tương đương 4cm; 1 phân tương đương 4mm; 1 ly tương đương 0,4mm). Cả 9 tờ được đóng lại với nhau bằng 4 dây khuyên tròn bằng vàng. Hộp đựng sách làm bằng bạc. Bên ngoài còn có một hộp gỗ sơn đỏ mà 4 góc bịt và bộ khóa đều làm bằng vàng. Riêng về bề dài của sách, từ thời Thiệu Trị (1841-1847), nó được quy định là 6 tấc 7 phân.

- Sách của hoàng hậu: Sách có 6 tờ bằng vàng 10 tuổi. Hai tờ bìa khắc rồng mây, 4 tờ ruột khắc bài sách văn. Sách dài 5 tấc 5 phân , rộng 5 tấc 5 phân, dày 2 ly. Bốn dây khuyên tròn bằng vàng. Sách được đựng trong hộp bằng bạc. Bốn mặt chung quanh và mặt trên của nắp đều khắc rồng mây. Hộp này còn được đựng trong một hộp gỗ sơn son.

- Sách của hoàng thái hậu (mẹ vua): Sách có 5 tờ bằng vàng 10 tuổi. Hai tờ bìa khắc rồng mây, 3 tờ giữa khắc bài sách văn. Sách dài 6 tấc 3 phân 4 ly, rộng 3 tấc 5 phân 1 ly, dày 2 ly. Các chi tiết khác giống sách của hoàng hậu.

- Sách của hoàng thái tử (con trai sẽ nối ngôi): Sách làm bằng vàng 10 tuổi, có 5 tờ. Dài 5 tấc 6 phân 6 ly, rộng 3 tấc 2 phân 4 ly, dày 2 ly. Các chi tiết khác giống sách của hoàng hậu.

- Sách của vua thờ ở Thế Miếu và Hưng Miếu: Sách có 9 tờ bằng vàng 10 tuổi. Hai tờ bìa khắc rồng mây, 7 tờ ruột khắc bài sách văn. Sách dài 6 tấc 3 phân 4 ly, rộng 3 tấc 5 phân 1 ly, dày 1 ly. Bốn dây khuyên tròn bằng vàng. Sách được đựng trong hộp bằng bạc mà bốn mặt chung quanh và mặt trên đều khắc hình tứ linh (long, lân, quy, phụng). Nó còn được đựng trong một hộp gỗ sơn son chân khắc chữ triện và 4 góc bịt bạc.

Ngoài ra, còn có các loại sách vàng khác, như sách của hoàng hậu thờ ở Thế Miếu và Hưng Miếu, sách của chúa thờ ở Thái Miếu và Triệu Miếu; sách của vợ các chúa thờ ở Thái Miếu và Triệu miếu. Về sách bạc, có các loại: sách của hoàng tử hoàng thân được phong tước Công; sách của Quốc công; sách của Quận công; sách của công chúa; sách của các phi, tần vv...

Như vậy, tùy theo địa vị và chức tước của người được tôn phong hoặc ban tặng mà sách làm bằng vàng hay bạc, cỡ lớn hay nhỏ, dày hay mỏng, đựng trong hộp bằng kim loại hay bằng gỗ, hoặc cả hai loại hộp.

Có một điều đáng ngạc nhiên là trong các bộ sử lớn của triều Nguyễn như Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự Lệ, Minh Mạng Chính Yếu... đều chỉ thấy nói đến kim sách và ngân sách, chứ không hề đề cập đến đồng sách và thể sách. Trong khi đó thì hiện nay ở Huế còn lại một số thuộc hai loại sách này, cụ thể là tại Bảo Tàng Cổ Vật (Musée Khải Định cũ) và tại Điện Hòa Khiêm trong lăng Tự Đức. Một số hậu duệ của các vua chúa nhà Nguyễn cho biết rằng vua Tự Đức đã cho thu hồi rất nhiều kim sách và ngân sách để có tiền trả chiến phí 4 triệu đồng cho Pháp và Tây Ban Nha chiếu theo hiệp ước Nhâm Tuất ký ngày 5-6-1862; và nhà vua đã cho “tái cấp” bằng đồng sách và thể sách.

Dù sao, trên đây cũng chỉ là những nét đại cương về hình thức của các loại sách ấy. Để thấy rõ hơn về giá trị lịch sử của chúng, chúng tôi xin nêu ra nội dung một vài quyển kim sách.

Như đã thấy, kim sách là loại cao cấp nhất trong các loại sách nói trên. Nó chỉ dành riêng cho hàng vua chúa, các hoàng hậu, hoàng thái hậu, hoàng thái tử. Chẳng hạn, khi một vị vua lên ngôi, triều đình cho đúc một quyển kim sách và khắc bài sách văn do triều đình biên soạn để tôn phong vị tân quân. Các vua triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều đã được triều đình dâng lên sách vàng trong dịp lễ đăng quang.

Ở đây, chỉ xin nêu ra nội dung của quyển kim sách mà triều đình đã dâng lên cho vua Gia Long trong ngày nhà vua chính thức lên ngôi ở Hoàng Thành Huế vào ngày 28-6-1806. Bộ sử Đại Nam Thực Lục ghi rằng:

“Đúng ngày, đặt nghi vệ đại triều ở điện Thái Hòa. Bầy tôi dâng sách vàng lên. Lời sách nói: “Bọn thần trộm nghe: Có đức tốt của thánh nhân, tất được ngôi báu của thánh nhân; đứng ngôi chính trong thiên hạ, tất được tiếng rạng của thiên hạ... Lớn thay nước Việt, đóng ở phương Nam. Nền khai thác tự tiên vương mở rộng, công đức chúa góp như trời không cùng; mối gây dựng do liệt thánh siêng năng, ơn trạch sâu dày ở người nhớ mãi. Nhiều phúc tổ để lại từ trước, lên ngôi vua gặp lúc vận hay. Kính nghĩ Vương thượng bệ hạ, anh hùng quán cổ, trí dũng hơn đời. Buổi sấm mây vượt bước gian truân, nên nghiệp lớn thương dân đánh giặc; cơn gió chớp ra tay uy võ, kiêm khó khăn sáng nghiệp trung hưng. Búa cờ họp được công to; chuông giá không rời vật cũ. Nhất thống cả bờ cõi nước Việt, ngợi ca chầu yết theo về; nhật nguyệt lại sáng tỏ giữa trời. Xã tắc thần người có chủ. Ức triệu dân cùng đều nhờ cậy; hai ba lần bày tỏ cầu xin. Nhưng Thánh thượng nhún nhường, đức rồng thua khiêm tốn; duy thần dân kính mến, vẻ hùm vẫn ngóng trông. Thấy ngôi cả đã đúng điềm, nền đại đồng vừa nhịp tốt. Bọn thần kính cẩn phụng sách dâng tôn hiệu Hoàng đế, cúi mong: ngôi Bắc thần yên chốn, sao Tử vi sáng soi, để nhận tiếng khen to, định yên phúc cả. Đức tốt rộng dày cao sáng, ví trời đất không cùng; nghiệp lớn yên vững lâu dài, trải bao đời còn mãi”. (Vua Gia Long có tất cả 13 người con trai (hoàng tử) và 18 người con gái (hoàng nữ). Trừ 2 người con trai chết sớm (chưa có vợ con) là hoàng tử Tuấn và Thuận An Công, số hoàng tử còn lại là 11 người, trong số đó, hoàng tử Đảm được chọn lên nối ngôi, niên hiệu là Minh Mạng).

Dưới thời Minh Mạng, có một quyển kim sách mang một nội dung đặc biệt. Đó là dịp nhà vua làm bài thơ “Đế hệ thi” và 10 bài “Phiên hệ thi” theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt để đặt chữ lót sẵn cho 20 thế hệ con cháu thuộc dòng chính của mình và thuộc 10 dòng phụ (phiên hệ) của 10 anh em trai của nhà vua. Vào năm 1823, vua Minh Mạng đã cho đúc một quyển kim sách để khắc bài “Đế hệ thi” và 10 quyển ngân sách để khắc 10 bài “Phiên hệ thi”. Hai mươi mỹ tự trong bài “Đế hệ thi” đã được nhà vua chọn lựa và chép thành 4 câu thơ như sau:

Miên Hồng Ưng Bảo Vĩnh

Bảo Quý Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương

Mãi đến năm 1942, nhà lưu trữ cổ tự họa người Pháp Paul Boudet thấy ở kho tàng trong Hoàng cung Huế còn bảo lưu được 26 quyển kim sách. Chúng được trân tàng trong các tủ niêm phong. Nhưng ông đã may mắn được phép đọc và cho biết rằng đó là những kim sách được hình thành trong dịp lễ đăng quang của các vua Gia Long, Thiệu trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, và trong những dịp tôn phong các hoàng hậu hoặc các hoàng tử.

Với một số nét khái quát về hình thức và nội dung của các loại sách như vừa trình bày trên đây, chúng mang những giá trị nhất định về các phương diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vv...

Nhưng, có một điều đáng tiếc là kể từ khi triều Nguyễn cáo chung (1945), Huế đã trải qua nhiều biến động chính trị và các cuộc chiến tranh liên tiếp trong ngót 30 năm, phần lớn các cổ vật quý hiếm ấy; nhất là kim sách và ngân sách, không còn có mặt tại cố đô này nữa. Chẳng hay chúng đã bị nấu chảy thành vàng khối hay đang lưu lạc phương nào?

Bùi Đẹp (st)

(Bài này rút trong tập “Di sản thế giới”)

------

HỌC GIẢ, HỌC THIỆT

“Học giả" hiện đang là hai chữ hấp dẫn dữ dội một số người. Nhiều kẻ đèn sách cả bao nhiêu năm trời mới đậu được bằng tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng mấy chữ tiến sĩ, thạc sĩ lại có vẻ không ghê gớm bằng hai chữ học giả, vì hai chữ này có vẻ như đưa người được phong tặng lên tới tột đỉnh, đến tận bến bờ sự học.

Các sách vở, tự điển, kể cả các tự điển bách khoa thường định nghĩa vắn tắt “học giả” là một người uyên bác, một tay cự phách trong một lãnh vực nào của kiến thức con người. Định nghĩa tuy sơ sài như vậy nhưng ở các nước người, nhất là ở Tây phương, kẻ viết thấy rằng người ta còn kèm theo định nghĩa sơ sài đó một số những điều kiện khá hóc búa để được xứng đáng với hai chữ học giả đúng với nghĩa của chúng. Đó là muốn được đời phong là học giả, phải là một người hiểu biết một cách thật bao quát, sâu rộng một lãnh vực nào đó trong số những hiểu biết của con người, nhưng rồi những HIỂU BIẾT SÂU RỘNG ĐÓ LẠI CÒN PHẢI ĐƯỢC THỬ THÁCH CỦA THỜI GIAN ĐỂ CHÂN GIÁ TRỊ CỦA CHÚNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN và sau chót điều kiện thực khó nữa là NHỮNG HIỂU BIẾT SÂU RỘNG ĐÓ, SAU KHI ĐÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ CÓ CHÂN GIÁ TRỊ, LẠI CÒN PHẢI CÓ ÍCH LỢI CHO CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI NỮA THÌ MỚI LÀ TOÀN THIỆN, TOÀN MỸ. Với những điều kiện như vậy, làm học giả đâu có dễ phải không, thưa quý vị! Và cũng vì những điều kiện nói trên, số người được tự điển bách khoa gọi là học giả không thấy có nhiều; trong cả một bộ Britannica loại 30 cuốn tất cả trên dưới 2000 người cho toàn thế giới.

Trong khi đó, ở nước ta, hai chữ học giả hiện đang có khuynh hướng bị lạm phát, bởi vì ta không áp dụng đúng các tiêu chuẩn như đã kể trên. Ở nước này, ngay trong thành phố chúng ta, viết vài cuốn sách nói lung tung về đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, viết ít bài khảo cứu đào bới, chiên lại của các nhà nghiên cứu thời thực dân Pháp còn ở đây, cũng đã được phong, hoặc tự phong là học giả; xuất bản được trần xì có một cuốn sách nghiên cứu, tự mình bỏ tiền ra in lấy, chưa mấy ai biết mặt mũi sách ra mô, sách có thật giá trị hay không, cũng đã có thể tự nhủ: “hừ, hừ, mình sắp vinh thăng học giả”.

Chính vì dễ làm học giả như vậy, nên quý vị học giả và chuẩn học giả ở nước ta mới tự cho mình cái quyền muốn viết ra sao thì viết, ai mà biết là viết sai mà nói, thì các ngài giận không thèm nhìn mặt, ít ra cũng là một năm.

Đây chính là cái chỗ không thể không nói được, vì đã mang danh vị học giả, viết ra cái gì là để lại cho đời, cho con cháu, cho đất nước, thì phải viết thật đúng, phải tra cứu thật chính xác chứ đâu có lý nào lại muốn viết cẩu thả ra sao thì viết, sau đó cũng chẳng bao giờ thèm đính chính.

Kẻ viết bao giờ cũng quý mến, kính phục những ai lúc này vẫn cặm cụi viết lách, nhưng cũng xin kể ra ba chuyện, hai chuyện cách đây ít chục năm, và một chuyện mới đây: hồi trước ngày giải phóng, một vị học giả có cho xuất bản vài cuốn đặc san trong đó có một bài ngài nhắc tới Goebbels, Tổng Trưởng Tuyên Truyền của Đức Quốc Xã, mà ngài phong cho là THỐNG CHẾ, trong lúc thực tế Goebbels chưa hề đi lính ngày nào vì có tật ở chân; hơn

nữa Goebbels là người ghét nhà binh nhất vì ông ta luôn cành cựa với Goering, Thống Chế Không Quân Đức Quốc Xã, vì cả hai ông này đều tranh nhau đi vơ vét các tranh tượng nghệ thuật trong lúc có quyền bính trong tay. Kẻ viết đọc thấy vậy, vội lễ phép thưa với ngài nội vụ, liền bị ngài tức khắc phản ứng bằng cách hơn một năm không thèm nhìn mặt. Ít lâu sau lại có một vị chuẩn học giả khác cho ra đời một cuốn sách khảo cứu trong đó ngài BIẾN TÊN MỘT TỜ BÁO THÀNH MỘT NHÀ TRUNG HOA HỌC; tờ báo mà biến thành người, liệu có ghê không? Đó là chuyện đã cũ, gần đây một vị khác có viết một bài khảo cứu trong đó vị này viết chữ Việt Nam xong rồi liền mở ngoặc đơn viết câu chữ tiếng Anh vào đó khốn nỗi câu tiếng Anh đó hoàn toàn sai, chưa hề có mặt trong một từ điển Anh ngữ nào.

Nếu có ai kêu ca, quý vị đó sẽ cho là kẻ đó lắm chuyện, đó chỉ là những lỗi “typo” do những ấn công kém học làm ra. Nói như thế là quá dễ, khi viết một bài nghiên cứu để cho người khác dùng làm tài liệu học hỏi, có khi để đi thi nữa, thì phải viết cho thật nghiêm chỉnh chứ, không thể viết sai, không thể để lỗi. Đâu có phải chỉ cho người trong nước đọc, nước ta đang mở cửa, đang giao thiệp với nhiều nước tân tiến khác trên thế giới, những nhà nghiên cứu của các nước đó sẽ nghĩ sao khi thấy học giả của ta viết lách cẩu thả như vậy?

Tóm lại, viết bài này, kẻ viết không nêu ra tên tuổi hoặc trường hợp cụ thể nào vì vẫn kính phục quý vị, mà chỉ mong là từ nay quý vị nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, quay bút độ bốn, năm, sáu, bẩy lần trước khi... nhả ngọc.

Để kết thúc xin đơn cử một trường hợp một người thực xứng danh học giả thứ thiệt: đó là cụ Ứng-Hòe Nguyễn-Văn-Tố người đã viết nhiều bài nghiên cứu trong Tập Kỷ Yếu của trường Viễn-Đông Bác-Cổ. Cụ Tố mà đã viết chữ nào là chắc chữ ấy, cụ còn ghi cả trang bao nhiêu, tờ bao nhiêu, dòng bao nhiêu nữa. Rồi những bài cụ viết đều đã đắc dụng, còn đắc dụng, và còn dùng được mãi mãi, vì cụ chọn toàn các đề tài có lợi ích cho nền học vấn của tất cả mọi người. Đây là nhà học giả thứ thiệt mà kẻ viết thực lòng kính phục. Ước mong rằng đất nước ta sẽ càng ngày càng có thêm MỘT SỐ HỌC GIẢ NHƯ CỤ TỐ.

VŨ ANH TUẤN

Ngày xuân đi Chùa Một Cột

------

SÓC TRĂNG NGÀY NAY

Nguyễn Đức Hiệp

Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội tập, nơi đất lành chim đậu, của các dân di cư đến khẩn hoang lập nghiệp từ đầu thế kỷ 17. Người Việt từ miền Trung (chủ yếu là vùng ngũ Quảng), miền Bắc cùng với người Hoa Minh hương đến vùng đồng bằng còn hoang vu, sông ngòi chằng chịt, cây cối um tùm để định cư. Họ bỏ quê hương vì hoàn cảnh nghèo khó, loạn lạc hay tị nạn chính trị để lập lại một cuộc sống mới. Họ sống chung với dân bản sứ Khmer và sau bao nhiêu năm chung sống, môt sắc thái Nam bộ đặc biệt được tạo ra từ ba nguồn văn hóa chủ yếu: Việt–Hoa–Khmer, trong hoàn cảnh ưu đãi với môi trường thiên nhiên rộng lớn, đất đai trù phú. Tượng trưng cho sự hòa trộn đó thì không có nơi nào được thể hiện rõ hơn là ở khu vực bao gồm tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Vì thế tôi đã đi đến Sóc Trăng để học hỏi và tìm hiểu thêm cho một đề tài nghiên cứu về người Minh hương ở Việt Nam.

Từ Cần Thơ qua Cái Răng trên quốc lộ 1A đi qua các thị xã Ngã Bảy, Tân Hiệp, Phụng Hiệp thuộc tỉnh Hậu Giang và Đại Hai, Kế Sách, Mỹ Tú, thuộc tỉnh Sóc Trăng. Sóc Trăng là phiên âm của tiếng Khmer “Srok Khléng“ - nghĩa là xứ (xóm) kho bạc hay xứ giàu kho tàng, nơi đây xưa kia là ngân khố của tỉnh Bassac (Ba Thắc) đặt tại đền vua ở Bãi Xàu (nay là chợ Mỹ Xuyên). Người Hoa gọi Sóc Trăng là “Khốc Lằng“. Sóc Trăng chính thức trở thành lãnh thổ Việt Nam năm 1757 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát

Vì thời gian có giới hạn, tôi vội đi viếng chùa Kh'leang, gần khách sạn, cùng với người bạn ở Sóc Trăng. Trong khuôn viên chùa Kh'leang, học viện tiếng Pali đang được xây cất thay thế Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ tọa lạc ở gần đó trên đường Nguyễn Chí Thanh. Học viện cũ sẽ trở thành thư viện. Có thể nói đây là trường dạy chữ Pali có chất lượng và lớn nhất ở Nam bộ. Trong chùa Kh'leang hiện có nhiều sinh viên học sinh Khmer nghèo tá túc. Họ từ các làng, xã khắp nơi trong tỉnh lên thị xã học hành. Báo Thanh Niên có đăng phóng sự về các học sinh nghèo này trong số ngày 26/1/2007. Đối diện với chùa Kh'leang là nhà thờ Công giáo xây từ thời Pháp với khuôn viên rộng lớn. Nhà thờ có kiến trúc cổ điển, đẹp nhưng trông rất cũ, có vẻ như không được sửa sang bảo trì từ nhiều năm qua. Tỉnh Sóc Trăng có cộng đồng Công giáo cũng đáng kể. Ta có thể thấy là ở Sóc Trăng, các dân tộc và các tín ngưỡng sống đan kẻ với nhau ở mọi nơi.

Gần chùa Đất Sét, trên đường đi về hướng cồn Mỹ Phước, ở phía bên trái là chùa Khmer Som Rong. Chùa rất đẹp trong khuôn viên vườn rất rộng. Chùa được xây vào năm 1961. Tôi được sư họ Sơn còn trẻ tiếp chuyện và dẫn đi thăm chánh điện và chung quanh chùa. Sư nói về sinh hoạt hàng ngày của các sư trong chùa và trong những ngày lễ hội. Dưới ánh sáng của buổi sáng sớm, cây cối chung quanh chùa rất đẹp và quang cảnh thật thanh tịnh. Chùa như ẩn mình trong yên lặng, tập trung thiền trong cỏi Phật. Cũng như những chùa Khmer khác, nếu ta để ý thì sẽ thấy là hầu như tất cả các chùa Khmer và viện bảo tàng, trung tâm văn hóa Khmer đều có trồng cây bông sứ. Tên khoa học của cây hoa sứ là michelia champacca, hay gọi là hoa champa thường được trồng ở các đền thờ ở Ấn độ

Trở về khách sạn nghỉ ngơi, đến chiều tôi đi bộ đến Bảo tàng văn hóa Khmer ở kế chùa Kh'leang, góc đường Nguyễn Chí Thanh và Mậu Thân 68. Lúc này đã 4:30 chiều, tòa nhà chính đã đóng. Hơi thất vọng, nhưng tôi nói với nhân viên trong viện là tôi muốn tìm hiểu về văn hóa Khmer để viết bài cho các tạp chí trong và ngoài nước. Anh quản thủ viện, tên là Thạch Đông, người Khmer cao lớn rất vui vẻ mở cửa viện dẫn tôi đi tham quan. Tòa nhà rất đẹp được xây vào năm 1936, bên ngoài kiến trúc Khmer, bên trong kiến trúc như trong một dinh thự Pháp. Tòa nhà trần rất cao, kiên cố chắc chắn, chỉ một tầng. Theo anh Thạch Đông cho biết chi phí xây là 50,000 tiền Đông Dương, một số tiền lớn thời đó. Trước đây chùa Kh'Leang bên kia đường và Viện bên này đường nằm trong cùng một khu đất, rất vắng vẻ người thưa. Sau này con đường Nguyễn Chí Thanh được mở ra cắt chùa Kh'Leang và Viện ra thành hai nơi. Trên tường giữa viện về phía trái của cổng vào vẫn còn còn ghi tên các nhân vật, sư sãi, cơ quan tặng tiền đóng góp xây lên Viện văn hóa Khmer. Đứng đầu bảng là ông Sihanouk với số tiền 1000 tiền Đông Dương, sau đó là tên các người Hoa, Việt, Khmer, Pháp đóng góp xây viện.

Trong số các hiện vật trình bày có mô hình sân khấu Dù Kê, Rô Băm, các khí cụ, gậy chống chạm chổ rất đẹp, các đồ gỗ trạm trỗ rất tinh vi của nghệ nhân Khmer, các tượng Khmer và một linga cổ xưa tìm được trong tỉnh Sóc Trăng không rõ xuất xứ, một số sách thời Pháp (tự điển Khmer) xưa mà theo anh Đông thì ngay cả ở Cambodia cũng không có. Các nhà nghiên cứu từ Phnom Penh đến Sóc Trăng xin được photo hay in lại. Các cuộn sách lá buông được xếp đặt ngăn nắp trong một tủ gổ tốt có chạm trỗ hình chim thần Kinnari ở chân tủ. Anh Đông cho biết lúc tiếp quản năm 1975, một số tủ đã bị mất. Các tủ này mang từ chùa Kh'Leang qua Viện trước kia. Những di tích thuộc văn hóa Óc Eo trong tỉnh được tìm thấy ở Mỹ Xuyên vào năm 1990, khi dân địa phương trong lúc đào đìa nuôi cá đã tìm thấy một pho tượng Phật bằng đá với tư thế ngồi, đầu đầu đội mũ chóp với các nấm xoay nổi. Tại nơi đây cũng tìm được các sành, gốm vỡ thuộc nền văn hóa này. Đáng kể hơn là di tích Xuân Hòa, huyện Kế Sách ở một nơi gọi là “Giồng Đá”. Giồng Đá hình tròn, đường kính ở chân nơi gò khoảng 12m. Trên mặt giồng có nhiều tảng đá lớn, cây cối mọc nhiều. Nơi đây có di tích những ngôi mộ cổ và gốm Óc Eo. Điều này chứng tỏ xưa kia Sóc Trăng là nơi đã có dân định cư và có nền văn hóa lâu đời

Trước khi ra về, tôi đã viết vào sổ lưu niệm của bảo tàng văn hóa Khmer, mong là văn hóa Khmer trong tỉnh Sóc Trăng sẽ được bảo tồn tốt và phát triển thêm mãi với những đặc thù riêng biệt trong một xã hội đa văn hóa hiện nay.

Tôi cũng nói với anh Đông là một trong những mục đích thăm Sóc trăng là tìm hiểu về người Minh hương và Hoa. Anh Đông nói ở Vĩnh Châu, nơi có nhiều vườn nhãn, có rất nhiều người Khmer và Hoa cư ngụ, hơn cả người Việt. Đa số dân ở vùng này nói 3 thứ tiếng Khmer, Triều Châu, Việt. Đây là vùng hội tụ của 3 văn hóa Việt-Hoa-Miên tạo nên thành một văn hóa đặc thù tượng trưng cho cả lịch sử khẩn hoang Nam bộ. Như ta biết, những người Hoa đầu tiên đến Nam bộ theo các tướng nhà Minh: Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đến Đồng Nai, Mỹ Tho và Hà Tiên. Lần lần nhóm người Minh Hưong này đi dọc theo sông rạch đến các tỉnh vùng Ba Thắc như Đại Ngãi, Ba Xuyên, Mỹ Thanh... Họ đã khai hoang giữa rừng, sông nước lau sậy um tùm, mở làng lập ấp cùng với lưu dân người Việt và dân bản sứ Khmer. Thương cảng Bãi Xàu gần mé sông xưa kia từ thế kỷ 18 đã là nơi tấp nập thuyền buôn bán, chuyên chở hàng hóa mà đa số là của người Hoa đến từ nhiều nơi.

Năm 2006, Hội tương tế người Hoa được thành lập ở Sóc Trăng. Qua sự tiếp xúc với một số người Việt gốc Hoa ở Saigon thì tôi được biết Hội tương tế ở Sóc Trăng là lớn và mạnh nhất trong nước, hơn cả các hội người Hoa ở Saigon-Chợ Lớn hay các nơi khác. Tôi có người quen, anh Trang Dân Kiệt (sáu Kiệt) người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, trong thời kháng chiến chống Mỹ, đã có thời gian trong tù Côn đảo, nay đã về hưu và làm thương mại. Anh Kiệt nói về Hội tương tế Hoa ở Sóc Trăng lớn mạnh vì nơi đây người Hoa sống lâu đời chung với 3 sắc dân của 3 nền văn hóa, hoà trộn từ nhiều thế kỷ nên những lãnh đạo trong chính quyền địa phương vì cũng xuất thân từ các hoàn cảnh như vậy nên ủng hộ, rất khác với hội người Hoa ở vùng Saigon-Chợ Lớn, không được thuận lợi và đoàn kết như ở Sóc Trăng.

Gần chùa Kleang là Bửu Sơn Tự (chùa Đất sét), nơi cụ Ngô Kim Giang năm nay 88 tuổi chăm quản, cụ thuộc đời thứ 4 dòng họ Ngô thành lập chùa. Dòng họ Ngô là người Triều Châu đã đến nơi hẽo lánh trong khu vực nhiều người Khmer lập chùa cách đây hơn 200 năm (nay khu vực này đã đông đúc). Cụ Giang nay đã mắt mờ, từ trong nhà cạnh ngay đền, ra ngồi ghế gần chính điện ngồi giải thích cho chúng tôi biết về lịch sử chùa. Anh của cụ, ông Ngô Kim Tòng người đã xây các tượng (Kim Lân, Hổ, Voi, đền thờ với hàng ngàn tượng phật nhỏ ngồi trên hoa sen..), tất cả bằng đất sét. Cụ Giang nói nhiều người không tin là tất cả làm bằng đất sét nên sờ mó vào, một số vì thế bị gãy. Đặc biệt là có 8 cây đèn cầy nặng tổng cộng nặng 1.4 tấn (mỗi cây nặng khoãng 200kg). Hai cây đang đốt, vẫn còn cháy từ ngày ông Ngô Kim Tòng mất năm 1970, đến nay đã được hơn 36 năm. Cụ Giang nói con trai cụ năm nay tuổi hơn 40, sẽ tiếp tục nối dõi dòng họ Ngô ở Bửu Sơn Tự. Chung quanh chùa là các mộ của dòng họ Ngô và tháp 12 tầng với nhiều tượng phật nhỏ bên trong. Đền lợp bằng mái tôn, nên bên trong nóng vào lúc trưa nắng. Gần chùa Đất Sét là khu nghĩa trang rất rộng lớn của người Triều Châu, thiết lập từ năm 1975.

Từ chùa Đất Sét, tôi tiếp tục dùng xe ôm đến chùa Khmer Mahatup (chùa Dơi) thăm quan. Chùa Dơi đẹp với khuôn viên cây cối um tùm, có dơi đậu rất nhiều trên các cành cao gần ngọn. Các con dơi này ở đây, mổi chiều tối bay đi ăn trái cây khắp nơi trong vùng. Hiện nay số dơi đã giảm nhiều do người ta bắt ăn khi chúng đi xuống những vườn trái cây kiếm ăn. Đây là một nguy cơ mà chính quyền địa phương nên lưu ý đến vì tác hại ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cảnh quan. Ngoài cảnh quan ở chùa, trong thiên nhiên ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, dơi ăn trái cây có vai trò phát tán gieo hạt giúp cây cối phát triển sản sinh trong môi trường, giống như vai trò của ong đươm trái qua nhụy hoa. Xưa kia vùng Sóc Trăng còn có nhiều cá sấu trên các sông rạch, bò rừng (con din) ở cù lao Din và cả cọp ở cù lao Ông Hổ (nay là cù lao Dung). Nhưng như ta biết, hiện nay tất cả đều đã biến mất.

Ở Sóc Trăng các di tích lịch sử nằm khắp trong thị xã. Trên đường Mậu Thân 68, góc đường Lê Lợi là trường Taberd ngày xưa. Nay là nơi lưu niệm, địa điểm đón các anh hùng cách mạng bị Pháp bắt tù ở Côn Sơn trở về đất liền vào ngày 23/09/1945, ngay sau cách mạng tháng tám. Trong số những người từ Côn Sơn về ngày đó có các ông Phạm Hùng và Lê Duẫn. Từ viện văn hóa Khmer, tôi đi bộ dọc phố đường Hai Bà Trưng, khu chợ Sóc Trăng và đến đường Ngô Quyền ăn tối ở quán Hiệp Lợi. Phố xá ban đêm rất đông đảo xe cộ, nói chung Sóc Trăng ngày nay đã trở nên phồn thịnh phát đạt. Đường Hai Bà Trưng gần chợ có nhiều cửa tiệm người Hoa hoạt động sầm uất, không khác gì đường Trần Hưng Đạo ở Chợ Lớn. Quán ăn Hiệp Lợi của người Tiều rất ngon và nổi tiếng, như trong sách nói, ở đây có bán bánh bao làm tại chổ và bánh pía. Nói đến Sóc Trăng là phải nói đến đặc sản bánh pía. Bánh pía do một số người Minh hương mang sang khi đến miền Nam. Đầu thế kỷ 19, ông Đặng Thuận ở Vũng Thơm, huyện Mỹ Tú Sóc Trăng là người đầu tiên sản xuất bánh pía để kinh doanh và truyền nghề cho con cháu. Hiện nay hầu hết các lò sản xuất bánh pía tập trung ở Vũng Thơm. Lò bánh Tân Hương là lò lớn nhất nhưng nổi tiếng hơn là lò của ông Công Lập Thành, nay đã truyền nghề cho các con và mỗi người có lò riêng của mình.

Sự cộng cư của các dân tộc ở Sóc Trăng dẫn đến sự hội nhập tự nhiên trên nhiều phương diện như tín ngưỡng, văn hóa là việc tham dự lễ hội trong vùng, không phân biệt đó là của dân tộc nào. Điều này tạo nên tính tương trợ được mở rộng và đoàn kết giúp nhau trong cộng đồng được thể hiện rõ rệt. Khi có ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer, thì mọi người rủ nhau đi chùa Khmer. Người Hoa vào chùa Khmer làm công quả, còn người Khmer một số thờ Quan Công của người Hoa mà họ gọi là ông “Thao Kông“. Trong ngày lễ hội Ok Om Bok tạ ơn thần Mặt Trăng, vào ngày 10 tháng 10 âm lịch, có cuộc thi chèo ghe trên sông, thả đèn giấy lên trời và bè chuối có lễ vật trên sông. Mọi người không phân biệt Khmer, Việt, Hoa đều vui mừng tham dự như ngày lễ hội chung của tất cả cộng đồng. Phụ nữ Khmer đã quen dần với y phục của người Việt, để tóc dài kết thành bím, tựa như phụ nữ Khmer lai Hoa. Có nhiều gia đình Khmer lai Hoa đã lấy một số tập tục của người Hoa như cách ăn, mặc và thờ cúng. Ngược lại ở xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, ở sân nhà nhiều người Tiều có đặt ngôi miếu nhỏ bằng lá thờ ông Tà (neak Ta) hoặc Thổ địa cùng bàn thờ Thiên Quan. Ông Tà của người Khmer đã du nhập vào tín ngưỡng thờ Thổ địa của người Hoa. Một số miếu thờ Bà Mã Châu ở Vĩnh Châu có ngôi miếu nhỏ trong sân thờ ông Tà. Theo Trần Hồng Liên, trong “Văn hóa người Hoa ở Nam bộ”, qua quá trình cộng cư hiện nay đã có vài hộ người Tiều áp dụng tục thiêu xác khi chết của người Khmer, nhất là đối với thân nhân là người chết trẻ, vì không muốn lưu lại dấu vết gợi nhớ.

Trong một số chùa Phật giáo của người Việt, trên trang thờ có Quan Thánh và bà Thiên Hậu. Tại Vũ Đế Thánh Điện ở thị xã Sóc Trăng trước đây có miếu thờ Quan Thánh của người Tiều và ngôi đình thờ hai vị đại thần Võ Đình Sâm và Trần Nhơn Hoa có công chống Pháp. Sau này cả hai nơi thờ xuống cấp, người Tiều và người Việt sác nhập hai ngôi đền thành một, gọi là Võ Đế Thánh Điện (Tiều) hay Đình Năm Ông (Việt).

Sóc Trăng quả thật là đất hội tụ văn hóa và tượng trưng cho sự hài hòa phóng khoáng rất phong phú tạo thành một sắc thái Nam bộ đặc sắc ở đồng bằng sông Cửu Long, một mô hình lý tưởng cho một xã hội đa văn hóa.

Chợ Tết nhà quê

------

CƯỠI NGỰA XEM HOA
“LỄ HỘI VĂN HÓA NGƯỜI HOA”

Từ ngày 28/02 – 4/3/2007, tại Công viên 3 tháng 2 (trước Dinh Độc lập) đã diễn ra “Lễ hội văn hóa người Hoa” do Bộ Văn Hóa phối hợp với UBND TP Hồ chí Minh tổ chức (có sự tài trợ của nhiều doanh nghiệp lớn ở TP Hồ chí Minh. Có thể nói đó là Lễ hội văn hóa lớn nhất của giới người Hoa, có sự tham gia của 25 tỉnh thành ở Việt Nam và một đơn vị nước ngoài được mời tham dự là Đặc khu hành chính Hồng Kông. Do quy mô rộng lớn nên nội dung và hình thức cũng muôn màu muôn vẻ, gồm văn hóa ẩm thực, ca múa nhạc, nhạc cụ cổ, đồ cổ, trang phục cổ, võ thuật, thư pháp, hội họa, truyền thống cách mạng người Hoa vv...

Do nội dung và hình thức quá rộng, nên bài này chỉ có thể lược viết phần có liên quan đến chữ và sách thôi, đó là thư pháp.

Như chúng ta đã biết, Hán tự là biến dạng của hình tượng, tức là trong chữ đã có hình; do đó các họa sĩ thủy mạc thường cũng là nhà thư pháp. Hơn nữa, các họa sĩ và các nhà thư pháp đều là những người giỏi về cổ văn, từ đó họ mới có thể tuyển chọn những danh ngôn của các nhà tư tưởng, nhà hiền triết (như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử vv...) thể hiện trong tác phẩm của mình. Ngoài ra, các nhà thư pháp còn tuyển các bài thơ tuyệt tác của các thi thánh như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị vv... viết thành tác phẩm thư pháp. Đặc biệt hơn nữa là tập thơ “Nhật ký trong tù” viết bằng Hán văn của Hồ chủ tịch, cũng được các nhà thư pháp của TP Hồ chí Minh tuyển chọn vài ba bài viết thành thư pháp .

Ngoài triển lãm tác phẩm thư pháp, các nhà thư pháp trứ danh của TP Hồ chí Minh như ông Trần Xuyên, Trần Tiến Minh, Hoàng Hiến Bình,v.v... còn biểu diễn thư pháp tại chỗ, thu hút rất đông ngườ i xem và có nhiều người xin hỏi mua chữ, thù lao tùy hỷ, ít nhiều đều vui, đều được đóng dấu tác giả để lưu niệm. Thật không ngờ rất nhiều ngườ i Việt chúng ta cũng thích thư pháp Trung quốc, bởi lẽ trong các kiểu chữ khác nhau (hơn chục thứ) đều rồng bay phượng múa, trong chữ có hình.

------

THÔNG BÁO

Kỳ họp ti ếp theo của Câu Lạc Bộ Sách Xưa & Nay sẽ diễn ra vào lúc 9g00 ngày 14/4/2007 tại Nhà thờ Tân Sa Châu, s ố 387 Lê Văn Sỹ, Phườ ng 2, Qu ậ n Tân Bình.

Bài viết cho bản tin nội bộ xin gửi về:

hamanhdoan69@yahoo.com

Đt: 8469759 hoặc 0907108484

Các bản tin trước có thể xem tại:

www.songhuong.com.vn/diendan

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế