Hiện có 14 người xem / 2317415 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

NHỮNG CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP
NGÀY 11/4/2009
CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách tạm gọi là cũ vì một cuốn được in năm 1916 và một cuốn khác được in trong khoảng thời gian từ 1940 tới 1944; cuốn trước được in bằng Pháp văn và cuốn sau là một cuốn tiếng Việt. Cuốn sách in năm 1916 dày 253 trang, khổ 12cm x 18cm, là một cuốn TỨ THƯ mang tựa đề sách là SEU CHOU ou LES QUATRE LIVRES, do một linh mục thuộc dòng Thừa Sai làm việc và sinh sống ở miền Nam nước Trung Hoa. Đây là một bản dịch Tứ Thư gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử, nhưng so với các bản dịch khác như bản dịch của Tiến sĩ James Legge, nhà Hán học người Anh, thì nó đơn giản hơn nhiều và không có phần nguyên bản bằng chữ Hán. Tuy nhiên nó lại có lợi là rất dễ hiểu đối với những độc giả bình thuờng không phái là những nhà nghiên cứu. Cuốn sách tuy đã 93 tuổi đời nhưng vẫn còn được giữ mới tới 70% và cũng tạm coi là cuốn sách để “chơi” được. Cuốn sách tiếng Việt mang tựa đề là TẢN VĂN MỚI dày 56 trang, khổ 13cm x 19cm đã được xuất bản bởi một nhà xuất bản mang tên là TRUNG LẬP mà người chủ tên là Ngô Huy Long. Tuy nhiên cuốn sách lại mang ở trên trang bìa bốn chữ Thư Viện Tố Như, có ý nói cuốn sách này thuộc cái Thư Viện Tố Như nào đó của nhà xuất bản nói trên. Sách được in bằng giấy bồi (giấy bản, giấy súc), loại giấy rất thịnh hành thời kỳ 1940-1944. Nhóm chủ trương Thư Viện Tố Như cho rằng: “… Nhờ sự ảnh hưởng trực tiếp của văn chương Pháp, tản văn của ta đã mạnh bạo, thiết thực, sáng sủa, gãy gọn và đó là một điều đáng mừng”. Và nội dung cuốn sách là 6 bài tản văn của 6 tác giả danh tiếng gồm các cụ: Phan Khôi, Nhượng Tống, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư. Người giới thiệu đã có đọc qua và thấy rằng đó là những bài viết tuyệt vời, đọc sướng hơn là rất nhiều loại bài viết khác, tuy chúng được viết ra gần 60 năm trước. Sau phần giới thiệu hai cuốn sách, Dịch giả Vũ Anh Tuấn cũng đồng thời giới thiệu một bộ sách mới ra lò là bộ NGUYỄN BÍNH TOÀN TẬP in làm hai cuốn. Đây là toàn bộ các tác phẩm hiện tìm thấy được (rất có thể là còn nhiều bài và tài liệu khác chưa được phát hiện) của Nhà Thơ Nguyễn Bính do chính ái nữ của Ông là cô Nguyễn Bính Hồng Cầu sưu tầm và biên soạn. Bộ sách gồm 2 tập, tập 1 dày 736 trang, và tập 2 dày 833 trang, cả hai đều được đóng bìa cứng và khổ 15cm x 21cm. Sách do nhà Văn Học in và không để giá bán vì là sách do Nhà Nước Đặt Hàng; tuy nhiên, nhà thơ Hồng Cầu là một người bạn của CLB Sách Xưa & Nay nên cô cho biết các thành viên ai muốn có đều có thể nhờ mua một bộ với giá tiền 150.000 đồng, một giá rất rẻ, đồng thời còn được một điều đặc biệt nữa là bộ sách mang chữ ký của người sưu tầm và biên soạn. Đây là một yếu tố rất hấp dẫn đối với những người yêu và mến sách.

Đối với người giới thiệu thì nhà thơ Nguyễn Bính với những vần thơ chân quê của ông đã thực sự chinh phục anh ta cả nửa thế kỷ trước. Những câu như:

Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

hoặc

Cái quạt mười tám cái nan
Anh phất vào đấy muôn vàn nhớ nhung

hay

Anh đi kiếm gạch bát Tràng
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân

Là những câu mà trên nửa thế kỷ nay lúc nào “nhà anh ta” cũng nhớ… Quyển một gồm toàn các bài thơ còn quyển 2 còn có những vở chèo rất dễ thương và những bài văn xuôi rất hay. Cách trình bày cũng rất trang nhã, thật là một bộ sách rất xứng đáng để được có mặt trong tủ sách của người chơi sách.

Sau phần giới thiệu sách Anh Vương Liêm đã có một cuộc nói chuyện về Cụ Nguyễn Du và thơ chữ Hán của Cụ. Các nhận xét và những gì anh Vương Liêm đã nói đều được sự hưởng ứng thích thú của các thành viên CLB. Sau anh Vương Liêm, Bs Nguyễn Lân Đính đã được anh em yêu cầu chia sẻ với anh em chuyên môn của anh về lãnh vực Dinh Dưỡng, và Bs Đính đã nói trong gần 20 phút về việc “Nhai Dầu Mè”. Các bài nói của Bs Đính đều có liên quan tới sách, đơn giản chỉ vì mọi người đều cần có sức khỏe để mà đọc sách. Trong kỳ họp tới anh Dương sẽ có bài nói truyện về nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, và Bản tin của chúng ta bước qua số 36 nghĩa là CLB Sách Xưa & Nay được 3 tuổi đời. Theo như Bản điều lệ thì kỳ này sẽ bầu lại Ban chấp hành của CLB. Rất mong các thành viên tham dự đông đủ để góp ý và dựng xây cho Bản tin mỗi ngày một phong phú hơn. Buổi họp kết thúc gần 11 giờ cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

CUỐN “CÁC HỘI KÍN TRÊN ĐẤT ANNAM”
CỦA G. COULET XUẤT BẢN NĂM 1927

Cuốn sách này là một món quà mà một bà bạn rất thân của tôi đã tặng cho tôi. Bà mang đến cho tôi và kể: “Anh biết không, chiều hôm qua em đang đi trên đường Lê Lợi ở khúc gần Givral, em bỗng gặp một cháu gái nhỏ mời em mua vé số. Nhìn đứa bé gầy gò ốm yếu chỉ mới khoảng 8, 9 tuổi, em thấy thương quá nên mua cho cháu 5 vé. Đến khi lấy tiền trả mới biết là chẳng có đồng tiền lẻ nào ngoài hai tờ giấy 500.000. Đứa bé làm gì có tiền mà thối và em đành phải tìm cách đổi, nhưng đổi cho ai bây giờ? Thế là em chợt thấy mấy cái kệ bán sách photocopy nên đã mua cho anh cuốn này. Về nhà em đọc qua và thấy là nó rất hay nên đem cho anh. Cầm cuốn sách tôi cám ơn bà nhưng cũng nói: “Cám ơn em đã cho thì anh xin nhưng em biết không anh chúa là ghét chính-Chị, mà Hội kín là chính-Chị chứ còn gì nữa, em dư biết anh chỉ thích có chính-Em thôi mà; cô Em thơm phức trong khi cô Chị hơi bị ít thơm!”, “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” bà bạn tôi nói, “nhưng mà chịu khó bỏ chút thì giờ mà đọc đi, hay không thua gì truyện trinh thám đâu, thôi em về đây!”. Tuân lời bà tôi đã để chút thì giờ lướt qua và thấy quả như lời bà ta nói, nên hôm nay xin giới thiệu với quý bạn.

Cuốn “Các Hội Kín trên đất Annam” (Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam) của tác giả G. Coulet dày 452 trang, đã được xuất bản vào năm 1927 và gồm có Lời nói đầu, Phần I, Phần II, Phần III và Phần Kết luận.

Lời nói đầu từ trang 3-24 có nói tới các truyện rất hay như: Những cuộc phiến loạn ở Huế (1885-1895), Vụ Hà Thành đầu độc (1908), Vụ Gillbert Chiểu ở Nam Kỳ (1908), Những hoạt động cuối cùng của Đề Thám (1908-1913), Những hoạt động khủng bố trong năm 1913, các hoạt động bí mật của các Hội kín trong hai năm 1914 và 1915, các biến động ở Nam kỳ (1916) và việc vua Duy Tân trẻ tuổi bỏ trốn đi vào tháng 5 năm 1916. Các sự việc đã nêu trên đều được mô tả khá chi tiết trong cuốn sách này trong khi chúng rất ít được nói đến trong các sách sử, hoặc có được nhắc đến thì cũng với rất ít chi tiết.

Phần I từ trang 25-96 mang tựa đề là “Vai trò của ma thuật trong các Hội Kín Annam” và được chia làm 4 Chương.

Chương I, từ trang 26-48 dành để nói về vai trò và sự hiện diện rất cần thiết của các thầy phù thủy trong các Hội Kín.

Chương II, từ trang 49-73 dành để nói về đủ các loại bùa, loại để uống, để mang trên người, để ở trong nhà vv…

Chương III, từ trang 74-85 nói về các bùa phép để chống đạn, chống bị thương tổn và các cử chỉ ra hiệu, ra dấu bí mật khi liên lạc với nhau.

Chương IV, từ trang 86-96 nói về các yếu tố thần bí đã mang lại những gì cho các Hội Kín. Và tới đây là hết Phần I.

Phần II , từ trang 97-195 mang tựa đề là “Vai trò của tôn giáo trong các Hội Kín” cũng gồm có 4 Chương.

Chương I, từ trang 98-118 nói về tôn giáo và Hội Kín, về các nghi lễ tôn giáo và nghi lễ gia nhập Hội, về việc tìm một thánh địa, về việc ăn thề vv…

Chương II, từ trang 119-141 nói về các lễ nghi tinh thần, các lý ‎ tưởng và các chủ trương của các Hội Kín.

Chương III, từ trang 142-191 nói về các nhà sư và chùa chiền của họ, các nhà sư và những tín điển ma thuật, và các nhà sư và nhiều vai trò khác nhau trong Hội Kín.

Chương IV, từ trang 192-195 nói về những gì mà các yếu tố tôn giáo mang lại cho Hội Kín. Tới đây là hết Phần II.

Phần III , từ trang 196-367 mang tựa đề là Vai trò của các phàm nhân trong các Hội Kín cũng gồm có 4 Chương.

Chương I, từ trang 197-298 nói về vấn đề làm sao mà từ một Hội Kín, cái Hội Kín đó lại có thể gần như trở thành một Hội của những người thường với các hoạt động và cách thức điều hành thông thường.

Chương II, từ trang 299-313 nói về Văn chương cách mạng trong Hội Kín, các bài viết về Luân lý, về sự phản động, về lòng ái quốc, và các bài viết chống thực dân Pháp.

Chương III, từ trang 314-362 nói về hoạt động xã hội, các hoạt động nội bộ và ngoài xã hội, Hội Kín và cộng đồng người annam, Hội Kín làm chủ cả một vùng, và về tính trường cửu của các Hội Kín ở Annam.

Chương IV, từ trang 353-367 nói về các yếu tố phàm tục mang lại những gì cho các Hội Kín, và tới đây là hết Phần III.

Phấn Kết luận từ trang 371-387 gồm 2 Chương.

Chương I, từ trang 371-379 dành nói về tại sao các yếu tố ma thuật, tôn giáo và phàm tục lại hòa hợp với nhau trong các Hội Kín.

Chương II, từ trang 380-387 nói về việc thử định nghĩa Hội Kín ở Annam và về những nhận xét xuất phát từ định nghĩa đó. Giả thuyết về các phong trào quần chúng ở Annam và ở Trung Hoa.

Nguồn gốc các tài liệu                            trang 391-395
Danh mục các sách tham khảo               trang 396-405
Danh mục các địa danh nêu trong sách   trang 406-427

Trích hồi ký ‎ 60 năm chơi sách, Chương VI
Vũ Anh Tuấn

Phụ Lục

Kỷ niệm 244 năm Ngày sinh của Nguyễn Du

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Du
và bài thơ Quỷ Môn Quan

Cụ Nguyễn Du (1765-1820) là một nhà thơ kiệt xuất – một đại thi hào của nước ta được UNESCO đưa vào danh sách danh nhân thế giới năm 1965. Cụ được đời sau ca ngợi với thi phẩm nổi tiếng “Truyện Kiều” (diễn Nôm) được giảng dạy ở các trường học, đã thu hút đông đảo nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà bình luận, nhà sử học ở trong và ngoài nước… không ngừng sáng tác nhiều thể loại trong văn học liên quan tới tác phẩm và tác giả.

Thế nhưng người ta ít biết tới những sáng tác bằng chữ Hán (ba tập thơ Đường) có gái trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc, trong đó có hai tập “Bắc hành tạp lục” nói về lịch sử - địa l‎ý trong chuyến đi Trung Quốc với những điều trông thấy vừa mới vừa cũ đầy xúc động trên suốt lộ trình đi về. Vừa mô tả vừa đánh giá, nhận xét cảnh quan, cụ Nguyễn Du không quên lồng ghép hoặc gắn kết với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt có bài thơ “Quỷ Môn Quan” rút trong “Bắc Hành Tạp Lục” (có 131 bài thơ) là một trong những bài thơ tuyệt tác có tính nhân văn đẹp và tinh thần dân tộc cao. Do đó từ bài thơ này và các bài thơ trong “Bắc hành tạp lục” đã được nhiều nhà nghiên cứu, bình luận văn học đánh giá Nguyễn Du là Nhà thơ yêu nước.

Khi đi sứ sang triều nhà Thanh năm 1813 tới ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn cũng như lúc tới đây lần đầu tiên năm 1803 tiếp sứ nhà Thanh sang để sắc phong cho vua Gia Long mới lên ngôi, cụ nhìn thấy núi cao lởm chởm, có tên Quỷ Môn Quan vì gần đó có núi mặt quỷ, đền và ải quỷ môn liền có cảm xúc về một vùng núi hiểm trở, nơi phên dậu của đất nước, đặc biệt đã chôn vùi không biết bao danh tướng, quân sĩ của các triều đình phong kiến phương Bắc từng sang xâm lược nước ta.

Cửa ải Quỷ Môn Quan còn là nơi có núi Hàm Quỷ, có Biệt thự xứ là nhà khách của triều đình dành cho sứ ta lẫn sứ nước ngoài. Cả một quãng đường dài mấy mươi cây số, núi cao dựng đứng (loại núi đá vôi) ở hai bên, đường hẹp đi qua uốn lượn và dốc cao, lại có bãi lầy nhiều nơi làm cho địa thế hiểm trở, được coi như là cửa ngõ phía Bắc của nước ta. Nơi đây vừa là ải quan phía Bắc của nước ta, là chỗ dừng chân của các đoàn đi sứ của ta lên phía Bắc lại vừa là nơi dừng chân của đoàn sứ phương Bắc và đường vào nước ta của các đoàn quân xâm lược. Chính vì là cửa ải nằm gần sát cửa khẩu biên giới (ải Nam quan – nay là Hữu nghị quan – Đồng Đăng) nên ta luôn sử dụng làm nơi chận đánh địch khi vào nước ta đồng thời lúc chúng rút lui về nước. Cả hai đầu vào và ra đều bị quân dân ta tiêu diệt nên nơi đây trở thành tử địa của các đoàn quân xâm lược. Do đó, người phương Bắc đã lưu truyền câu thơ đầy kinh hãi: “Quỷ môn quan thập nhân khứ, cửu bất hoàn”. (Cửa quỷ mười người qua đây, có tới chín người không trở về).

Khu vực Quỷ Môn Quan khi xưa có ải và thành gọi là Ải Chi Lăng (nay còn di tích và có nhà bảo tàng) theo tên địa phương ở vào cây số 109 (ngày nay có ga Trăm Năm gần đó) trên đường cái quan từ Thăng Long tới trấn thành Lạng Sơn dài trên 150 cây số. Thành này do quân Minh đắp trong thời gian xâm lược và chiếm đóng nước ta để làm trạm dưỡng quân. Nhưng cũng chính khu vực phía nam ngoại thành này tướng Liễu Thăng của giặc đã bị tướng Lê Sát (nghĩa quân Lam Sơn của Bình Định vương Lê Lợi) chém đầu lúc chận đường rút lui của chúng nên tương truyền có một tượng đá hình dáng như một người qu‎ỳ gối và bị cụt đầu được dân địa phương gọi là Liễu Thăng thạch. Còn phía bắc thành có hai khối đá hình dáng giống như hai thanh kiếm khổng lồ gọi là Lê Tổ kiếm (thanh kiếm của vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi).

Các cổ thư của Trung Quốc đều ghi chép Quỷ Môn Quan nằm ở phía nam cách huyện Bắc Lưu (thuộc châu Uất Lâm tỉnh Quảng Tây) khoảng 30 dặm. Tại cửa quan này có hai khối núi đối nhau và ở giữa có khoảng rộng 30 bước tục goi Quỷ Môn Quan. Thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, tướng Mã Viện qua đây có dựng bia đá và trụ đồng khắc dòng chữ “Đồng trụ chiết Giao chỉ diệt”. Dân ta lo sợ nên khi qua lại đều lấy đá ném vào trụ đồng cho đến khi bị lấp mất dạng.

Năm 1077, tướng L‎ý Thường Kiệt thân hành về Chi Lăng dựng chiến tuyến Quyết L‎ý và Giáp Khấu rồi tiến quân sang đánh chiếm châu Ung và châu Liêm của nhà Tống sau chiến thắng trên sông Như Nguyệt. Năm 1285, quân Nguyên kéo qua Chi Lăng đã bị quân nhà Trần chặn đánh kịch liệt và tướng địch là Nghê Nhuận bị giết tại chỗ. Chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã thể hiện thiên tài quân sự ở đây bằng cách đào hố bẫy ngựa, phục binh của ta từ dưới hố dùng dao gươm chém đứt chân ngựa khiến cho tướng lẫn quân Nguyên Mông phải rời khỏi ngựa bị tiêu diệt.

Khi đến cửa ải phía Bắc đất nước anh hùng vừa được thống nhất liền một dải từ cửa ải Nam Quan tới đất mũi Cà Mau, người dẫn đầu đoàn sứ giả Việt Nam thời khởi đầu nhà Nguyễn lấy làm hãnh diện nhìn thấy non sông gấm vóc, nơi có địa hình xinh đẹp, phong thủy hữu tình nhưng không kém phần hiểm trở nặng mùi tử khí với nhiều kỳ tích từng nhiều lần chôn xác quân giặc xâm lược qua đây (từ Tống, Nguyên Mông đến Minh, Thanh) suốt chặng đường dài lịch sử từ lúc mở nước gian khó đến ngày dựng nước trong thanh bình thì không khỏi bồi hồi xúc động mà tức cảnh thành thơ.

Dưới đây là bài thơ “Quỷ Môn Quan” của cụ Nguyễn Du trong “Bắc hành tạp lục” bằng chữ Hán, được dịch nguyên văn và dịch nghĩa:

連峰高插入青雲,
南北關頭就此分。
如此有名生死地,
可憐無數去來人。
塞途叢莽藏蛇虎,
布野煙嵐聚鬼神。
終古寒風吹白骨,
奇功何取漢將軍。

Dịch nghĩa

Núi liên tiếp, cao vút tận mây xanh.
Nam bắc chia ranh giới ở chỗ này
Là nơi nổi tiếng nguy hiểm đến tính mạng.
Thương thay, bao nhiêu người vẫn phải đi về qua đây.
Bụi gai lấp đường, mãng xà, hồ tha hồ ẩn nấp.
Khí độc đầy đồng, quỷ thần mặc sức tụ họp.
Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng.
Chiến công của tướng nhà Hán có gì đáng khen!

Bản dịch của Quách Tấn

Núi trập trùng giăng đỉnh vút mây,
Ải chia Nam Bắc chính là đây.
Tử sanh tiếng đã vang đồng chợ,
Qua lại người không ngớt tháng ngày.
Thấp thoáng quỷ đầu nương bóng khói,
Rập rình cọp rắn núp rừng cây.
Bên đường gió lạnh luồng xương trắng,
Hán tướng công gì kể bấy nay?

Đây là một bài thơ cảm tác hay của cụ Nguyễn Du về nghệ thuật văn học nhưng lại thể hiện tư tưởng yêu nước và lòng tự hào dân tộc với những chiến thắng oanh liệt ở một nơi đầu sóng ngọn gió sát nách với quân thù xâm lược phương Bắc thời nào cũng đều mong muốn uy hiếp lấn chiếm từng tấc đất của phương Nam – một dân tộc tên Kinh có mấy ngàn năm văn hiến mở cõi từ vùng đất cổ xa xưa rộng lớn thời Kinh Dương Vương và 18 đời Hùng Vương dựng nước. Đây là một đất nước, một dân tộc anh hùng đã được “Trời” phân định như câu thơ trong bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất khẳng định:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” .

Cụ Tiên Điền đã khéo léo nhắc lại “Nam Bắc chia ranh giới ở chỗ này”. Rồi cụ mỉa mai khi nhớ lại lịch sử “Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng / Chiến công của tướng nhà Hán có gì đáng khen!”

Tướng nhà Hán đó là tướng già 70 tuổi Phục Ba Tướng quân Mã Viện đưa đại quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa đầu tiên của tộc Việt con cháu vua Hùng là Hai Bà Trưng mà dưới mắt của đại thi hào họ Nguyễn, đánh thắng hai phụ nữ liễu yếu đào tơ thì có gì là anh hùng! Không có cuộc xâm lược nào của phong kiến phương Bắc mà không chuốc lấy thất bại nhục nhã. “Bao đống xương trắng” ở Quỷ đầu môn cho thấy cụ chính sứ Nguyễn Du rất tâm đắc về hai câu thơ của Nguyễn Trung Ngạn đời Trần: “Lính già từng trải mùi chinh chiến / Nghe nói Nam chinh ủ mặt mày!”

Vương Liêm
(Xuân Kỷ Sửu 2009)

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chúng tôi xin đăng một số bài viết về ông do Phạm Thế Cường thành viên CLB sách xưa và nay sưu tầm.


Tiểu sử NGUYỂN HUY TƯỞNG

Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6 tháng 5 năm 1912 trong một gia đình nho giáo ở làng Dục Tú, Từ Sơn , Bắc Ninh , nay thuộc huyện Đông Anh , Hà Nội .

Năm 1930 , ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng . Năm 1935 ông làm thư ký nhà Đoan (Thuế quan) ở Hải Phòng, sau đó quay về Hà Nội. Năm 1938 ông tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và phong trào hướng đạo sinh Hải Phòng . Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật và được bầu làm Tổng thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng. Sau đó ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội, Nam Định Phúc Yên .

Tháng 6 1945 , Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của Văn hóa cứu quốc. Tháng 8 năm đó, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào . Ông còn là đại biểu văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóng, Tiên Phong. Tiếp đó ông giữ chức vụ Tổng thư ký Ban Trung ương Vận động đời sống mới. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc .

Nguyễn Huy Tưởng là đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946 . Tháng 4 năm đó, vở kịch Bắc Sơn của ông được công diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội đem lại thành công lớn. Tháng 7 , ông được bầu là Phó thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Tháng 12 năm 1946 , toàn quốc kháng chiến, ông tổ chức và đưa Đoàn văn hóa kháng chiến lên Việt Bắc . Tiếp tục hoạt động văn hóa, ông là ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam , thư ký t òa soạn Tạp chí Văn nghệ và tham gia tiểu ban Văn nghệ Trung ương Đảng.

Năm 1951 , ông tham gia chiến dịch biên giới . Trong hai năm 1953 , 1954 ông công tác giảm tô trong cải cách ruộng đất . Sau hòa bình 1954 , ông làm Uỷ viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I . Ông là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng .

Nguyễn Huy Tưởng mất ngày 25 tháng 7 năm 1960 tại Hà Nội . Năm 1995 , Hội Đồng Nhân Dân thành phố Hà Nội đã đặt tên cho một đường phố của thủ đô là đường Nguyễn Huy Tưởng .

Những tác phẩm tiêu biểu

Tiểu thuyết

· Đêm hội Long Trì (1942)

· An Tư công chúa (1944)

· Truyện Anh Lục (1955)

Kịch

Cùng nhiều truyện và ký sự khác: Truyện phim Lũy hoa (1961), Ký sự Cao Lạng (ký, 1951), Chiến sĩ ca-nô, An Dương Vương xây thành ốc,

Ngoài ra, năm 2006 NXB Thanh Niên tập hợp nhật ký của ông và phát hành thành mang tên Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng.

NGUYỄN HUY TƯỞNG - Nghệ sĩ và công dân

Cuối năm 1996, nhân dịp Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho một số nhà văn, trong đó có Nguyễn Huy Tưởng, Nhà xuất bản Văn học đã cho ra mắt bạn đọc toàn bộ di sản văn chương của ông gồm 4245 trang với đủ các thể loại thơ kịch, tiểu luận phê bình, văn xuôi, ghi chép, nhật ký.

Nguyễn Huy Tưởng sinh ra vào lúc thực dân Pháp đã củng cố được vị trí thống trị trên đất nước ta. Cũng như những trí thức, nghệ sĩ cùng thế hệ, ông phải chịu cái rủi ro, cái thân phận cơ cực của kẻ nô lệ. Nhưng, thế hệ ông lại có cái may được chứng kiến một giai đoạn lịch sử oanh liệt và hào hùng với các sự kiện long trời lở đất làm thay đổi vận mệnh dân tộc. Đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương với vai trò tổ chức và lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, là Cách mạng tháng Tám thành công; là cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ và anh dũng kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”; là thời kỳ mới của đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Bắc-Nam... Từng ấy sự kiện kết hợp với một tư chất, tài năng và tâm huyết của Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn sớm nhận thức đường văn và đường đời của mình gắn liền với dân tộc và thời đại mà ông luôn coi là cội nguồn cảm hứng. Từ định hướng ban đầu này, Nguyễn Huy Tưởng đã phấn đấu một cách gian khổ và chật vật. Những dòng nhật ký của ông viết vào những năm từ 1939 đến 1942 cho thấy quá trình thai nghén vở kịch Vũ Như Tô và truyện lịch sử Đêm hội Long Trì, tìm cách nói gián tiếp tỏ lòng yêu nước, tỏ thái độ trước giặc ngoại xâm, làm giải pháp hữu hiệu nhất để Nguyễn Huy Tưởng đạt được khát vọng sáng tạo của mình. Vượt lên trên cả những câu thúc của miếng cơm, manh áo, ông say sưa với lý tưởng nghệ thuật, lý tưởng nhân sinh mà ông theo đuổi. Ý thức về thiên chức nghệ sĩ, lương tâm nghệ thuật và trách nhiệm công dân đã được gửi gắm, thể hiện tập trung trong vở kịch Vũ Như Tô. Tuy chưa phải là sự thể hiện tách bạch, rõ ràng như có lúc người ta mong muốn, nhưng chính sự đa nghĩa của vở kịch đã làm động não nhiều thế hệ. Ngay từ những sáng tác đầu tiên này, tài năng và nhân cách nghệ sĩ ở Nguyễn Huy Tưởng đã được khẳng định. Với Vũ Như Tô, tuy còn vương vấn bởi những đam mê nghệ thuật, nhưng Nguyễn Huy Tưởng đã bắt đầu nhận thức được sức mạnh của quần chúng. Có lẽ vì vậy mà từ cuối năm 1942 đặc biệt là từ khi có Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng ra đời, ông đã gia nhập hội văn hóa cứu quốc và tích cực hoạt động truyền đạt Đề cương và những tư tưởng cách mạng của Đảng. Đầu năm 1945, Hội Văn hóa Cứu quốc quyết định ra tờ tạp chí Tiên Phong, nhà ông ở làng Dục Tú lại trở thành trụ sở đầu tiên của tòa soạn.

Cách mạng tháng Tám thành công, thay đổi thân phận của dân tộc. Số tạp chí Tiên Phong đang làm dở, nhưng cuộc đời Nguyễn Huy Tưởng cũng như cuộc đời các nhà văn, nghệ sĩ, tri thức theo Đảng đã sang trang hoàn toàn mới. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được bầu vào Quốc hội khoá I, giữ chức Phó thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam .

Kháng chiến bùng nổ, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đoàn Văn hóa kháng chiến hoạt động ở chiến khu Việt Bắc, tham gia sáng lập Tạp chí Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn nghệ và được chỉ định vào Tiểu ban Văn nghệ Trung ương của Đảng.

Tuy bận rộn nhiều với công việc đoàn thể, nhưng tinh thần công dân và cảm hứng nghệ sĩ đã thôi thúc Nguyễn Huy Tưởng viết kịch Bắc Sơn (1946), Những người ở lại (1948), Anh Sơ đầu quân (1950), Ký sự Cao Lạng (1950) vv... So với trước, sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng có sự chuyển biến rõ rệt. Tình yêu đất nước được thể hiện rõ ràng hơn, dứt khoát hơn qua thái độ gắn bó với kháng chiến, gắn bó với nhân dân, với dân tộc bằng nhiệt huyết công dân và trách nhiệm nghệ sĩ. Nguyễn Huy Tưởng đã góp phần tái hiện trong tác phẩm của mình hình ảnh những con người mới, những cán bộ, trí thức, nông dân, du kích, bộ đội... lần đầu tiên đi vào văn chương làm thay đổi cả chất lượng của một nền văn học. Trong trường hợp đó, nhà văn như bị những sự kiện và không khí thời đại cuốn đi một cách sôi nổi và cuồng nhiệt, hồn nhiên nhưng đầy trách nhiệm. Sau này, khi kháng chiến kết thúc, nhìn lại một vài sáng tác của mình, Nguyễn Huy Tưởng tự thấy chưa hài lòng. Ông luôn luôn muốn hoàn thiện lại các sáng tác mà theo ông là hơi vội vàng.

Hòa bình lập lại, trong tình hình mới của đất nước, Nguyễn Huy Tưởng một mặt vẫn gắn bó với đời sống tư tưởng, đời sống văn học, đời sống lao động kiến tạo đất nước để rèn luyện mình; nhưng mặt khác, từ trong chiều sâu tư tưởng, ông vẫn không mấy khi được thảnh thơi, lúc nào cũng nghiền ngẫm, chiêm nghiệm. Có lẽ, sự kiện 19-12-1946 mà ông chứng kiến có ý nghĩa thôi thúc, nhắc nhở ông nhiều nhất. Mặc dù trong kháng chiến ông đã viết Những người ở lại, song đến cuối những năm năm mươi, ông lại tiếp tục khai thác sự kiện này ở một độ lùi thích hợp để khái quát, đánh giá theo một bình diện mới, một chiều sâu thẩm mỹ mới. Bằng Sống mãi với Thủ đô và kịch bản phim Lũy hoa, tuy công việc chưa hoàn tất, nhưng Nguyễn Huy Tưởng đã thêm một lần thể hiện tấm lòng của ông với kháng chiến, với những chiến sĩ cảm tử quân, những người Hà Nội “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong những ngày chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ thành quả của nước cộng hòa non trẻ. Qua nhật ký, ông tỏ ra chưa hài lòng với tác phẩm Bốn năm sau, một tác phẩm có thể xem là kết quả trực tiếp của chuyến đi thực tế dài ngày ở Điện Biên. Nhưng bù lại, hình như ông đã đạt được sự nhẹ nhõm, thanh thản nào đó ở bộ tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô, dù mới chỉ hoàn tất được tập 1. Giá như cuộc đời ông không dừng lại ở tuổi 49 thì chắc hẳn hôm nay chúng ta còn được đọc nhiều hơn, được chứng kiến nhiều hơn tài năng, tâm huyết và tất cả những gì đã được bộc lộ ngay từ vở kịch Vũ Như Tô - thành công có ý nghĩa mở đầu cho văn nghiệp Nguyễn Huy Tưởng...

Người là thật. Phải thật với người

(Giới thiệu Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, 3 tập,
Nguyễn Huy Thắng biên soạn, NXB Thanh Niên)

TT - Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, với tất cả những gì ông để lại và gia đình lưu giữ được, bắt đầu những ghi chép từ ngày 2-11-1930 khi ông còn là cậu học trò Trường Bonnal, Hải Phòng và kết thúc ngày 21-6-1960, được viết trên giường bệnh Bệnh viện Việt - Xô chỉ ít hôm trước khi nhà văn qua đời.

Tất cả vừa tròn 40 quyển. Quyển nhỏ nhất bằng lòng bàn tay, được đóng bằng giấy bản khi ông sống “ba cùng” với bà con nông dân đang tiến hành cải cách ruộng đất ở một xã tại Phú Thọ. Quyển dày nhất là một cuốn sổ công tác bìa cứng, được Chế Lan Viên gửi tặng từ Trung Quốc với lời chúc “sống khỏe và viết khỏe”.

Ngoài một số cuốn “đặc biệt” như thế, phần lớn nhật ký Nguyễn Huy Tưởng được viết trên những cuốn vở đóng lấy hoặc mua sẵn. Ở một số giai đoạn chúng được đánh số thứ tự ngoài bìa. Giữa quyển này và quyển sau thời gian hầu như là liên tục, chứng tỏ việc thay đổi cuốn sổ không hề ảnh hưởng đến thói quen viết nhật ký của ông.

Nhưng tại sao Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký?

Một giải đáp cho câu hỏi này đã có ngay trong chính những trang nhật ký của ông: “Phàm kẻ học trò nên tập cách viết nhật ký. Nhật ký là cuốn sách chân thật hơn cả mọi các sách mà cũng rộng rãi tự nhiên hơn các sách khác” (nhật ký ngày 10-11-1933).

Không phải chỉ khi còn là cậu học trò Trường Bonnal (nay là Trường Ngô Quyền, Hải Phòng), mà suốt cuộc đời sau này, khi phải chấp nhận làm một chân thư ký nhà đoan cho chính quyền bảo hộ hay khi đã là một cán bộ cách mạng có cương vị, một khi đã cầm bút, Nguyễn Huy Tưởng luôn tâm niệm một ý thức trau dồi nghề nghiệp.

Hơn mọi cách thức nào khác, nhật ký đã giúp ông tập viết văn một cách thật tự nhiên, sao cho ngòi bút luôn được linh hoạt, ý tứ luôn được dồi dào, đầu óc luôn được mẫn tiệp. Nhật ký cũng giúp ông ghi lại một cách tức thời những gì mắt thấy tai nghe.

Đó có thể là hình ảnh một vùng núi non Tây Bắc lúc ráng chiều, một cảnh sinh hoạt của dân tứ chiếng Liên khu Ba trong kháng chiến, hay đơn giản là một vài từ ngữ địa phương vùng Kinh Bắc... “Phải trữ văn cho nhiều, khi dùng đến sẽ được thư thả” - Nguyễn Huy Tưởng đã dặn mình như thế trong nhật ký, và đến lượt mình, nhật ký lại trở thành một kho “tàng thư” cho ông những khi cần đến.

Lý do thứ hai - theo chúng tôi cũng quan trọng không kém - Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký là để tự giãi bày. Hồi ức nhiều bạn bè, người thân của Nguyễn Huy Tưởng đều thống nhất ở một điểm: ông là người cả nghĩ nhưng vụng nói, vụng ứng xử. Đời văn của ông cũng lắm gian truân, vui ít buồn nhiều.

Rất nhiều điều ông muốn viết mà không viết được, phần thì do ước muốn chủ quan có khi vượt quá khả năng thực tế, phần do không ít những ràng buộc nằm ngoài phạm vi văn chương... May sao, nhật ký đã là nơi ông ký thác những tâm sự của mình một cách thoải mái nhất, thành thực nhất, sòng phẳng nhất.

Ở đây ông có thể nghiêm khắc soi vào bản thân để thấy rõ những khiếm khuyết của mình trong văn, trong đời. Ở đây ông có thể nói thẳng ra những suy nghĩ của mình về thực trạng đình đốn của văn học nước nhà mà ông là một trong những người có trách nhiệm.

Ở đây ông có thể bộc bạch những băn khoăn về thời cuộc, về những thăng trầm của cách mạng mà ông tham gia với tất cả sự hiến thân, về chế độ mới, dân chủ nhân dân mà ông góp công xây dựng ngay từ những ngày đầu nhưng không phải đã được như ý...

Nhà văn Tô Hoài, trong cuốn Cát bụi chân ai có viết về ông đại ý: Nguyễn Huy Tưởng là người chịu khó viết nhật ký, nhưng ông “đã không ghi lại những trăn trở, những khủng hoảng...” vì “bấy giờ (những năm sau hòa bình lập lại - N.H.TH.), những ý kiến khác lạ không mấy ai dám nói ra và ghi lại”.

Có thể luôn luôn và bao giờ, người ta không dễ gì nói ra những ý kiến khác lạ. Với Nguyễn Huy Tưởng, điều đó có thể lại càng khó vì ông vốn là người vụng nói. Là một người trọng kỷ luật, Nguyễn Huy Tưởng chắc chắn không bao giờ khinh suất đến độ để cho những điều mình nói ra có thể gây phương hại, cho mình cũng như cho người, cái riêng cũng như cái chung.

Nhưng là người cả nghĩ mà lại quá trách nhiệm, Nguyễn Huy Tưởng cũng không dễ gì bỏ qua những điều mà ông tự thấy mình phải có thái độ. Nhật ký ngày 7-6-1956 của ông có đoạn nhắn nhủ mình: “Nói với cuộc sống một cái gì. Đừng có nghe và trông thôi, mà phải nói”.

Cũng nhật ký của ông cho biết trước những vấn đề bức xúc của văn nghệ, của cải cách ruộng đất, Nguyễn Huy Tưởng đã từng viết thư cho đồng chí Trường Chinh, các ông Lê Liêm, Hồ Viết Thắng... Dù sao, như chúng ta có thể hình dung, những điều viết trong thư chỉ có thể đề cập vấn đề ở một mức độ nhất định, theo đúng nguyên tắc của tổ chức.

Vẫn còn đó biết bao những nỗi niềm, những điều mắt thấy tai nghe, những điều được nghe kể hay trực tiếp chứng kiến trong phong trào chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, rồi tình hình văn nghệ hết sức phức tạp khiến ông “không muốn ăn, ăn muốn nôn” (nhật ký ngày 21-8-1956)... Nguyễn Huy Tưởng làm sao có thể bỏ qua.

Mà nếu không thì biết chia sẻ cùng ai?! Nhật ký một ngày tháng 3-1932 của ông có đoạn: “Tôi nhiều bạn, nhưng bạn yêu nhất của tôi tức là tôi vậy”. Và ông đã tìm đến người bạn này - tâm sự với chính mình - trong những trang nhật ký. Mà đã là với bạn, hơn nữa, “bạn yêu nhất” của mình thì còn có điều gì phải e ngại...

“Người là thật. Phải thật với người” - cha chúng tôi đã từng viết thế trong nhật ký và đến lượt mình, chúng tôi không mong gì hơn là được làm như thế. Với người. Và với mình.

NGUYỄN HUY THẮNG

Nhật ký như một liệu pháp tâm lý

Nguyễn Huy Tưởng có lẽ là nhà văn Việt bền bỉ viết nhật ký nhất, ông đã ròng rã miệt mài với những trang tự sự đời tư của cá nhân mình trong suốt cuộc đời kể từ khi có ý thức làm người và làm người viết văn.

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng có thể là nơi ông luyện bút cho văn, nơi ông tâm sự giãi bày với chính mình như con trai ông nói, nhưng tôi đọc thấy với Nguyễn Huy Tưởng nhật ký là một liệu pháp tâm lý, ghi nhật ký là một cách ông chữa tâm bệnh cho chính mình, nhất là ở chặng cuối đời ông, khi hiện thực đất nước ngổn ngang nhiều chuyện thế sự nhân tình khiến ông buồn và đau mà không biết và không thể chia sẻ cùng ai.

Do đó, nhật ký của ông đã từ ghi chép của một cá nhân thành tấm gương phản chiếu hoàn cảnh chính trị và xã hội một thời của đất nước, cố nhiên dưới nhãn quan cá nhân của nhà văn và con người Nguyễn Huy Tưởng. Giá trị của nó về mặt này là sự bổ sung cho các cuốn sử chính thống, nó là sử cá nhân giúp soi sáng sử cộng đồng.

“Người là thật, phải thật với người”, tâm niệm đó của Nguyễn Huy Tưởng là liệu pháp để ông ghi nhật ký như một cách chống chọi với những cơn trầm uất và chấn thương tinh thần. Bây giờ ta đọc ông để lại được truyền liệu pháp đó, trong một hoàn cảnh mới.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Vương Trí Nhàn với Nguyễn Huy Tưởng

Với Những người ở lại, Lũy Hoa, Sống mãi với Thủ đô... Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người xứng đáng nhất với danh hiệu nhà văn Hà Nội. Những thành công chính của ông đều gắn với đề tài này. Lại nữa, trong khi viết về thủ đô, ông biết mang lại cho sinh hoạt nơi đây một vẻ trang nghiêm, một không khí lịch sử, nó là cái sắc thái cần thiết cho suy nghĩ của người ta về thủ đô mọi nước nói chung, và rất tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Đời sống văn học Thủ đô những năm Nguyễn Huy Tưởng mới bước vào nghề đã giúp một phần trong việc khẳng định những đặc sắc ấy của nhà văn.

Bấy giờ là thời kỳ 40- 45. So với mấy năm trước, đời sống văn học Hà Nội có cái gì trầm xuống, không sôi nổi như thời 36-39. Nhưng để bù lại, nó có bề sâu. Hàng loạt tạp chí nghiên cứu ra đời Thanh Nghị, Tri Tân... Công tác biên khảo các sách thuộc các bộ môn khoa học xã hội, như biên khảo lịch sử khá phát triển. Tại sao? ở đây có vai trò của yếu tố dân tộc đang nẩy nở mạnh trong suy nghĩ của nhiều người, nhất là tầng lớp trí thức. Một người như Đinh Gia Trinh chủ trì tờ Thanh Nghị đã viết vào 1944.

“Cuộc phục hưng ở xứ ta, khởi đầu bằng một sự lựa chọn ôn tồn giữa hai nền văn minh Á Đông truyền thống và văn minh Tây phương mới nhập tịch (...) rồi nó đi đột ngột tới sự khinh miệt cái di sản tinh thần ở nước nhà, sự ca tụng quá đáng và thiết tha những gì Âu Tây mang lại (thời Phong hóa - Ngày nay). Nay thái độ bồng bột ấy thay đổi và bọn trí thức đã trở lại tôn trọng những di sản của đất nước, những tinh tuý của văn minh châu Á, trong khi tin tưởng càng mạnh là phải học nhiều của Tây phương để đi tới sự thành công trong việc xây dựng một nền tư tưởng và một nền nghệ thuật Việt Nam xứng đáng”.

Trên cái nền chung của đời sống văn học như thế này, những xu thế sẵn có ở Nguyễn Huy Tưởng thời thanh niên được nâng đỡ và bồi đắp thêm. Đó là lòng yêu nước, tinh thần tự hào vì truyền thống dân tộc. Cộng với vốn kiến thức chắc chắn về lịch sử và ảnh hưởng của những sáng tác mà Nguyễn Huy Tưởng say mê, như Chiến tranh và Hoà bình của Tôn-xtôi, Gia đình Ti-bô của Rô-giê Mác-tanh đuy Ga, có thể nói những tiền đề có những sáng tác như Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì... đã khá đầy đủ. Dĩ nhiên là trong những tác phẩm này Hà Nội đóng vai trò một thứ nhân vật trung tâm, như Hà Nội đã là đối tượng được miêu tả trong Ngược đường Tràng Thi và Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật ngày xưa, trong Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên gần đây?

Ở nước nào cũng vậy, một phần đáng kể tiểu thuyết lịch sử liên quan đến thủ đô, vì thủ đô là nơi tập trung mọi cơ quan quyền lực của Nhà nước, là nơi chứng kiến mọi sự hưng vong. Thủ đô bao giờ cũng được ghi chép nhiều hơn cả trong những công trình nghiên cứu lịch sử, và Nguyễn Huy Tưởng, như các nhà tiểu thuyết lịch sử khác đã phải dựa chắc vào đấy, trước khi để cho trí tưởng tượng của mình phát huy hết tiềm lực vốn có.

Phụ Bản I

Nhà văn Kim Lân kể:

“Nguyễn Huy Tưởng biết nhiều về Hà Nội. Hà Nội mới, Hà Nội cũ, Hà Nội kháng chiến và Hà Nội những năm xa xưa thời Lê, thời Trịnh... Mỗi lần đi dạo các hè phố với anh, tôi thường được nghe anh kể chuyện Hà Nội.”

Trong Tự truyện, khi nhắc lại lần họp của nhóm Văn hóa Cứu quốc ở làng Tây Hồ, Tô Hoài không quên ghi lại những liên tưởng, phỏng đoán của Nguyễn Huy Tưởng “Đò này là thuyền rồng của vua tôi Trần Thánh Tông đi chơi Hồ Tây”. “Ngày trước, Hồ Xuân Hương ở Tây Hồ, chắc phiên chợ thì sang chợ Bưởi bán chỉ và mua tơ về đánh chỉ. Thế nào nàng thơ cũng qua bến đò ngang này”.

Có vẻ như Nguyễn Huy Tưởng đã tìm thấy mảnh đất riêng của tác giả, và anh em bè bạn trong nghề viết cũng khuyến khích để cái phần chuyên sâu ấy của Nguyễn Huy Tưởng ngày một chín hơn.
Vậy là chúng ta đã khẳng định Nguyễn Huy Tưởng viết nhiều bằng những cái ông đọc, bằng những liên tưởng đối chiếu giữa kiến thức trong sách vở với từng trải trong cuộc đời.

Ở nước nào trên thế giới cũng có kiểu nhà văn như thế này, nhà văn có vốn liếng tư chất của nhà nghiên cứu, công việc chuẩn bị ở họ khá lâu. Nhưng thông thường, họ làm nghề rất bền. Cũng phải nói thêm là chỉ ở những trung tâm văn hóa lớn, có các thư viện tàng trữ đủ sách vở có các mặt công tác nghiên cứu hỗ trợ, thì người viết văn mới có điều kiện để làm công việc chuẩn bị một cách đầy đủ, tỉ mỉ và làm hết những dự định của mình. Cả ở đây nữa, cũng thấy Nguyễn Huy Tưởng gắn bó với Hà Nội là do những thúc ép nội tại từ chính các ý đồ sáng tác ông hằng ôm ấp.

Sau cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ viết về các chuyện lịch sử, mà còn viết ngay về những mảng đời sống xảy ra ngay hôm nay như cuộc chiến đấu ở Hà Nội tháng chạp 1946 trận Cao-Lạng giải phóng biên giới, hoặc Cải cách ruộng đất. Một mặt, như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ trong khi viết về những sự kiện đương thời, Nguyễn Huy Tưởng vẫn biết phát huy thế mạnh vốn có, ông thường mang lại cho các sự kiện ngày hôm nay một vẻ nghiêm trang, như các sự kiện lịch sử. Mặt khác, ta cũng có dịp chứng kiến khả năng quan sát, những rung động của ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với chúng ta, nhất là ở những trang Nguyễn Huy Tưởng miêu tả phố xá.

Đọc Sống mãi với Thủ đô, có thể bắt gặp một Nguyễn Huy Tưởng quen thuộc. Khi qua miệng một nhân vật, ông ca ngợi rừng bàng Yên Thái hay bến trúc Nghi Tàm “hàng vạn cây trúc thân vàng soi bóng xuống nước hồ biếc...” Nhưng cũng rất thú vị là những đoạn Nguyễn Huy Tưởng tả Hà Nội hôm nay. Cũng như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng rất thuộc khu trung tâm thủ đô, đặc biệt là chung quanh hồ Hoàn Kiếm, quãng từ Hàng Đào, chợ Đồng Xuân trở lên, và thường tả các sinh hoạt ở đó với rất nhiều trìu mến. Lý do trước 1945, các đại lộ lớn hiện nay như Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, nghĩa là nửa phía Nam từ Bờ Hồ trở xuống là khu phố của người Pháp và các công chức cao cấp, các nhà thật giầu có. Ở địa vị một công chức yêu nước như Nguyễn Huy Tưởng mặc dù rất thích các vòm cây Hà Nội ở các đại lộ kia, nhưng ông cảm thấy thoải mái hơn hẳn khi trở về với các phố Hàng Đào, Hàng Bạc trên này.

Nói chung, cách nhìn nhận, xem xét Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng đằm thắm, đôn hậu, và phải nói là ông tả được những nét sang trọng, lịch sự của thủ đô. Sang trọng, lịch sự mà vẫn yêu nước, ghét Tây, và không sa đà vào thứ văn chương trưởng giả của cánh Tự lực văn đoàn. Hà Nội đã vào văn ông, làm nên toàn bộ hồn cốt đường nét trong văn ông. ảnh hưởng đó là rất lớn.

Một số hoạt động văn hoá cứu quốc.

Trở nên, chúng ta đã nói rõ sự gắn bó của nhiều nhà văn trước 1945 với Hà Nội, về mặt nghề nghiệp. Nhưng từ sau 1930, truyền thống Hà Nội còn đồng thời là truyền thống cách mạng. Bởi vậy, sự gắn bó của các nhà văn với Hà Nội từ đây trở đi, sẽ có thêm sắc thái hào hùng, rất đáng ghi nhớ.

Một sự kiện thường được nhắc nhở. Cuộc biểu tình ngày 1-5-1938.

Nguyên trước đó, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Đảng Cộng sản Đông dương đã có những cơ quan ngôn luận của mình ở Hà Nội như tờ Thế giới, tờ Tin tức, tập hợp chung quanh mình một số cộng tác viên. Nguyên Hồng, Hồ Xanh, Nguyễn Thường Khanh (Trần Mai Ninh), Như Phong vv... Nhiều nhà văn nhà báo khác, tuy không viết cho các báo nói trên, nhưng ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của Đảng, có nhiều sáng tác đứng về phía những người cần lao là quần chúng công nông nghèo khổ.

Trong tình hình đó, cuộc biểu tình ngày 1-5-1938 giống như một cuộc biểu dương lực lượng của những người lao động Hà Nội. Trong cuộc biểu tình này, lực lượng những người viết văn, viết báo tham gia rất đông.

Theo Nguyên Hồng kể lại, thì ông nhớ là nhà giáo Nguyễn Công Hoan hôm ấy đeo băng đỏ giữ trật tự. Nguyễn Tuân đứng bên Lưu Trọng Lư, Phùng Bảo Thạch bên Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài lúc ấy chưa thuộc nghiệp đoàn những người viết văn, viết báo nhưng cũng có mặt trong đoàn quân thất nghiệp. Cuộc biểu tình có hai vạn người dự này là một sự kiện đáng ghi nhớ cuối những năm ba mươi. Một người như Nguyễn Tuân sau này còn hay nhắc lại, như một kỷ niệm đẹp.

Đến thời kỳ từ 1943 trở đi, thì các sự kiện lại còn dồn dập hơn nữa.

Khoảng tháng 3-1943 (theo trí nhớ của Học Phi), Vũ Quốc Uy, Như Phong và Học Phi có buổi họp đầu tiên ở nhà một cơ sở đầu phố Hàng Đường, để triển khai cuộc vận động các văn nghệ sĩ hoạt động theo đường lối của Việt Minh.

Từ buổi họp này, nắm được chủ trương, Như Phong và Vũ Quốc Uy sẽ xâu chuỗi thêm những người khác: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Trần Huyền Trân, vv…

Mùa thu năm 1943, Đề cương Văn hóa được chính thức gửi về để các đồng chí trong Văn hóa cứu quốc nghiên cứu và thảo luận chung. Các buổi họp thường tiến hành ở nhà Vũ Quốc Uy, 124 phố Phó Đức Chính có đồng chí Lê Quang Đạo, bí thư thành uỷ viên lúc đó về dự, và hướng dẫn, rồi sau ở nhà Tô Hoài (có đồng chí Trần Độ, đồng chí Mười Hương, phái viên của Trung ương về hướng dẫn).

Quán triệt tinh thần bản đề cương đến đâu, thì hoạt động của mọi người càng sôi nổi đến đấy. Điều mà mọi người tha thiết là làm sao có được một tờ báo và một nhà xuất bản làm cơ quan tập họp dư luận. Trong hai việc này, công việc làm xuất bản có vẻ thuận lợi hơn. Anh em định tranh thủ một cơ sở xuất bản là nhà Bách Việt, “Với ông chủ con trẻ, rất hiền lành, tin và nghe Tô Hoài như tin và nghe mục sư hay cha đạo” (Nguyên Hồng), đã ra được Chuyện Hà Nội của Vũ Ngọc Phan, Xóm giếng của Tô Hoài. Trong Xóm giếng đại khái có những đoạn:

“Người ta ước ao làm một trận mưa rào. Mưa rào xuống cho lòng hả hê và cho trời quang đãng. Những cái gì bực tức được gạt bỏ. Trong khoảng mênh mông xanh nhởn kia sẽ phủ một không khí tốt lành và tự do”.

Đó là một cách nói bóng gió để khẳng định và ao ước: cách mạng sẽ tới.

Ngoài ra, còn Nhà xuất bản Mới, nơi đã in Tạp văn của Đặng Thai Mai, Ngọn lửa của Nguyên Hồng... Nhưng công việc tiến hành trầy trật, sách ra lôi thôi, giấy xấu, chỗ thủng, chỗ mọt đủ thứ. Không có việc gì kéo được lâu dài.

Chỉ có một điều chắc chắn, chúng ta có thể ghi nhận. Đó là, ngay trong lòng cái sinh hoạt văn học khá đa dạng ở Hà Nội, yếu tố cách mạng vẫn nảy sinh, Thủ đô là nơi để nhiều thanh niên vào với nghề văn, nay lại là nơi để các ngòi bút đó chuyển biến, sẵn sàng đi theo tiếng gọi yêu nước của cách mạng.

Các nhà văn - những người đã hình thành bản sắc ngòi bút của mình trên báo chí về thị trường xuất bản ở Hà Nội nói chung - suy nghĩ ra sao, khi tiếp xúc với đề cương, và đứng trong hàng ngũ văn hoá cứu quốc?

Tô Hoài hay nói: “Trên sóng cát cuộc đời, mình đã từng sống mãi kiếp phong trần, vật vờ, vào đâu nên đấy của con phù du” . Nay gặp Đảng của giai cấp, mới thành người. Không rẻ nghề, chán nghề, coi đây chỉ như nghề bán giầy, thư ký kế toán... mà thấy nghĩa vụ của người cầm bút là thiêng liêng cao quý”.

Nguyên Hồng vốn đã đến với nghề văn một cách say sưa, lại tìm cho ngòi bút của mình những nồng nhiệt hơn nữa, và tình cảm lại bốc lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi hiểu mình sẽ viết để phục vụ cách mạng. Hà Nội là nơi Nguyên Hồng đã đến để tìm liên lạc với các báo Tin tức, Thế giới, hồi Mặt trận bình dân. Hà Nội là nơi đến những năm 1943 - 1944, sau khi đi tù về, Nguyên Hồng lại lên để tìm liên lạc với Như Phong, Vũ Quốc Uy, Tô Hoài, Nam Cao. Chính ở Hà Nội mà Nguyên Hồng được Như Phong chuyển cho đọc bản Đề cương văn hóa.

“Tôi còn nhớ bản Đề cương viết chữ tay nhỏ xíu khổ giấy nhỏ chỉ bằng bàn tay gồm có tám trang. Như Phong đưa cho tôi vào một ngày mùa rét 1943 ở nhà một anh bạn làm kịch ở Hà Nội, nơi đây chúng tôi vừa lấy làm địa điểm liên lạc, vừa làm chỗ tụ họp của những anh em văn nghệ sĩ chỉ muốn sống làm văn học nghệ thuật không thôi. Chiều chiều Như Phong và tôi đi phố trao đổi ý kiến với nhau”.

Nguyên Hồng kể trong hồi ký như vậy. Và khi đã có được niềm tin sâu xa ở thắng lợi tất yếu của cách mạng, con mắt nhà văn nhìn Hà Nội khác hẳn, không phải chỉ thấy Hà Nội lầm than như xưa mà giờ đây (những ngày chuẩn bị cách mạng) là một thành phố đầy sức sống.

“Cả Hà Nội ầm ĩ rần rật, nung nấu... Con sông Hồng ở bên kia đường trước cửa nhà tôi ngồi viết càng cuồn cuộn, ì ầm phù sa nước lũ. Chiều chiều, các đỉnh Tam Đảo, Ba Vì mây trắng lung linh, rực rỡ, vang âm, như có cờ bay, quân trẩy, súng dậy ngựa reo... Hà Nội như một ngõ núi lửa rình phục”.

Sống trong lòng một Hà Nội sục sôi khi thế cách mạng, khi viết Buổi chiều xám, Nguyên Hồng cảm thấy ngọn bút tung hoành như chưa bao giờ được như thế: Khi Buổi chiều xám được đăng trong Tiên phong dù không còn cái nông nổng như khi mới vào nghề, nhà văn vẫn nghe nước mắt vỡ ra ở trong lòng mình.

Một đồng chí cùng tổ văn hóa cứu quốc với Nguyên Hồng bấy giờ là Trần Huyền Trân. Một buổi chiều, khi ở tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy ra về, đang đi trên phố Hàng Da, thì Trần Huyền Trân gặp Như Phong đi tới rỉ tai “Có chỉ thị mới đây” rồi đưa cho Trần Huyền Trân một điếu thuốc lá. Tác giả Độc hành ca về đọc, và nghiền ngẫm. Đó là Đề cương văn hóa. Ngay đêm hôm ấy, hết sức hứng khởi Trần Huyền Trân làm bài thơ Gió gác Sơn Nam. Như trên đã kể, Sơn Nam là cái ngõ Trần Huyền Trân ở chung với Thâm Tâm, Nguyễn Bính. Ba cái bóng gầy nói dưới dây cũng vẫn là ba người bạn thân ấy.

Gió lên về gác Sơn Nam
Ao thơ gió lạnh, đèn tàn gió bay
Trang thơ lộng gió thèm bay
Ba ta ba chiếc bóng gày - đèn khuya
Đêm dài tù túng đi về
Ngọn đèn trang giấy cùng chia cái nghèo
Dầu hao, bấc lụi, gió vèo
Cháo rau ấm bụng, thơ gieo ấm lòng
Gác Sơn Nam, gác đèo bòng
Có ba mái tóc bồng bềnh bên nhau.
Gió đời chưa nổi biển dâu
Gió trời thổi mãi mái đầu nằm mơ
Đêm nay - thật lúc bất ngờ
Bỗng dưng bão nổi khi vừa rạng đông.

Sức lôi cuốn của Đề cương văn hóa với văn nghệ sĩ Hà Nội lúc ấy thật mạnh mẽ. Có người như Hồng Nguyên (Nguyễn Văn Vượng) không thấy nói trong các tài liệu chính thức là thuộc về nhóm trung tâm của Văn hóa cứu quốc, nhưng theo nhà văn Vũ Cao còn nhớ, hồi đầu 1945 trước khi từ giã Hà Nội vào Thanh Hoá, Hồng Nguyên đã đưa cho Vũ Cao một số tài liệu nhờ cất giữ hộ, trong đó có bản Đề cương văn hóa.

Thôi Hữu là một chiến sĩ nồng nhiệt khoảng 1943 đã từ các tỉnh miền trong chuyển ra Hà Nội và làm nhiều công tác. Nhà thơ Tế Hanh kể năm 1943, nhân ra Hà Nội học một thời gian ngắn gặp Thôi Hữu (hai người đã từng biết nhau ở Huế). Thôi Hữu có đưa cho Tế Hanh đọc ít tài liệu bí mật, và đối với Tế Hanh, đó là một tí kỷ niệm về Hà Nội. Trong Tự truyện, Tô Hoài, cũng đã nhắc nhiều đến Thôi Hữu (Tân Sắc). Theo cách trình bày của Tô Hoài thì hồi đó, hoạt động của Thôi Hữu khá rộng, ông quan hệ sâu và kỹ với các tổ chức cách mạng ngoại thành hơn là giới những người làm văn, làm báo.

Lại còn trường hợp Như Phong. Nhà văn này vốn nguyên quán Hà Nội, từng có hoạt động từ hồi Mặt trận dân chủ, và là một trong những thành viên đầu tiên của Văn hóa cứu quốc. Sau này, nhân đọc Sóng gầm ông còn diễn tả lại cảm giác về những nỗi kinh hoàng mà cuộc sống của những thành phố lớn để lại trong tâm lý lớp thanh niên như ông trước 1945. Lúc thấm thía sâu sắc nỗi kinh hoàng đó cũng là lúc Như Phong cả quyết đi theo cách mạng.

Trở lại với các hoạt động chung của Văn hóa cứu quốc. Từ sau khi Nhật-Pháp bắn nhau, tình hình càng ngày càng khẩn trương. Có lần, có cuộc họp liên tịch nhiều nhóm văn hóa cứu quốc ở xóm Cung, giữa làng Tây Hồ, bất chấp cả lính Nhật lúc nào cũng tuần tiễu, sục sạo. Có lần họp ngay ở căn gác nhỏ phố Phù Đổng Thiên Vương. Rồi lần về nhà người chị Nguyễn Huy Tưởng ở bên Dục Tú, Đông Anh, bàn làm tạp chí Tiên phong trong bí mật (khi làm xong thì vừa Tổng khởi nghĩa, báo ra công khai luôn. Rồi về làng Vạn Phúc họp, bầu đại biểu đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Trong lòng Hà Nội, một số nhà văn, nhà báo thực sự bắt tay vào việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa 19-8

Giới thiệu tác phẩm

Nguyễn Huy Tưởng và những trang viết về Điện Biên

Nhật ký ngày 22-8-1958, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết: “Điện Biên lẫn lộn giữa hoang vu và bàn tay người, giữa gian khổ và cố gắng, giữa hỗn độn và tổ chức, giữa chiến tranh và xây dựng, giữa cái cổ sơ (trâu mõ, lợn rông) và cái khoa học (máy cày, điện), giữa cái đang lùi và cái đang lên, giữa cái nghèo nàn túng thiếu và cái tương lai đầy triển vọng, tất cả đều ở trong một sự hỗn độn, ngổn ngang, chờ đợi, vươn lên”. Ông đã viết như thế trong những ngày đầu đặt chân lên Điện Biên.

Cùng với nhiều chiến sĩ, nhà văn tham gia vào mọi công việc lao động hàng ngày như chiết cam nhân giống, lấy tre để đan phên làm giàn ươm cao su... ông vui cái vui chung của mùa gặt mới, lo cái lo chung của đợt gió mùa đông bắc về có thể làm chết cây non. Để có thể giữa những giờ nghỉ, hoặc những buổi đêm, ông cặm cụi ghi lại trong nhật ký đủ mọi chuyện về con người, về mảnh đất lịch sử...

Rồi từ những ghi chép trong cuốn nhật ký ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã cho ra đời tiểu thuyết Bốn năm sau kể về công cuộc xây dựng lại Điện Biên của các chiến sĩ sư đoàn 316. Sợi chỉ xuyên suốt cuốn truyện là việc một cô bé được bộ đội cứu sống trong chiến tranh, nay bà mẹ muốn đền đáp công ơn người chiến sĩ đã cứu con mình bằng cách gả cô con gái cho anh. Đây cũng chính là câu chuyện mà ông đã nghe được trong chuyến đi xe đưa ông lên Điện Biên. Và còn nhiều nhân vật, bối cảnh khác cũng được nhà văn khai thác từ những trang ghi chép đó.

Ngoài Nhật ký, tiểu thuyết Bốn năm sau, cuốn sách này còn cung cấp cho bạn đọc những thư từ, bài, ảnh, bút tích rất quý về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Với những trang tư liệu này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về con người nhà văn trong cuộc sống đời thường với gia đình, với bạn bè...

VĂN TƯ TU

Đa số tôn giáo thường có những giáo điều buộc người theo phải Tin tuyệt đối vào những gì được truyền dạy, riêng Đạo Phật dặn dò người tu phải VĂN-TƯ-TU tức là khi NGHE bất cứ điều gì về Đạo thì cần suy nghĩ cho kỹ (TƯ) rồi mới thực hành (TU). Thậm chí Kinh Đại Bát Niết Bàn còn viết: “Ngay cả lời của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ cũng không nên thọ trì”. và trong Kinh Anguttara Nykaya Phật dạy: “Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy ta đã nghe thấy có người nói một lần rồi. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy đã được truyền lại từ xưa. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy được đồn từ phương xa đến. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy được viết ra từ trong Kinh Sách. Đừng chấp nhận điều gì vì chính chúng ta đã ức đoán và nêu ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì chính ta đã suy diễn và nói ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì bề ngoài tỏ ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hợp với thành kiến của ta. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì tính cách có thể chấp nhận của các điều ấy. Đừng chấp nhận điều gì chỉ vì sự kính trọng với ta đối với người đã nói ra điều ấy.

Nhưng tự các con, các con đã hiểu rõ ràng có một điều gì đó đúng với đạo lý, không thể bị chê trách, được các bậc thiện tri thức thiện tâm tán đông và có thể mang lại hạnh phúc an vui, các con phải thực hành điều đó”.

Những lời đó cho chúng ta thấy rằng Đạo Phật không cần số lượng người đông đảo tin theo - nếu chỉ tin một cách mù quáng - vì điều đó chẳng lợi ích gì cho Đạo cũng như bản thân người tin theo, trái lại, đôi khi còn tạo điều kiện cho người khác phỉ báng Đạo. Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Thiện Nam Tử! Do đây nên trong khế kinh ta nói rằng có hai hạng người hủy báng Phật Pháp Tăng: Một là người chẳng tin, vì họ giận hờn. Hai là người dầu tin nhưng vì chẳng hiểu nghĩa.

Nếu người vì tin mà không có trí huệ thời hay thêm lớn vô minh. Nếu người có trí huệ mà không có tín tâm thời hay tăng trưởng tà kiến.

Người chẳng tin vì tâm họ giận hờn nên nói rằng không có Phật Pháp Tăng. Người tin mà không có trí huệ giải nghĩa điên đảo làm cho người nghe hủy báng Phật Pháp Tăng. Do đây nên ta nói người chẳng tin vì lòng giận hờn, người tin lại không trí huệ, những người nầy hủy báng Phật Pháp Tăng” (tr. 426)

Tại sao cần phải Tư Duy trong khi ta đã đặt trọn lòng tin nơi Đạo và người thuyết pháp?

Đạo Phật thì chỉ có một. Chính Kinh là những văn bản ghi chép lại lời Phật giảng. Nhưng do trình độ của người đọc, do sự suy diễn của mỗi người mà thành đa dạng. Khách quan mà nhận xét. Người giảng Kinh cũng có nhiều thứ hạng, dù là cùng đầu tròn áo vuông như nhau.. Có những bậc chân tu, giữ Giới rất là nghiêm chỉnh, Hạnh không tỳ vết. Trí tuệ siêu việt. Đương nhiên, với các vị này ta có thể hoàn toàn tin tưởng được. Nhưng cũng không thiếu những người dù thật tâm tu hành, dù giữ Giới rất kiên cố, nhưng trí tuệ chưa đầy đủ, chưa thể tự lợi, lợi tha. Chưa nói đến nhiều người không thật tâm tu hành, chỉ lợi dụng hình tướng của Đạo để trục lợi, những người chưa hiểu Đạo làm sao phân biệt được Chân, Giả? Vì vậy, Đạo Phật dặn dò mỗi người: “Hãy tự mình thắp đưốc lên mà đi”, vì chỉ khi tự mình hiểu rõ thì mới thực hành một cách nghiêm túc được. Muốn hiểu rõ thì phải Tư Duy. Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Này Thiện Nam Tử Tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng tư duy thời trọn không thể được vô thượng bồ đề. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn”.

Tại sao Tư Duy mà được gần Đại Niết Bàn?

Tại vì Kinh Phật có Chữ, nhưng cũng có Nghĩa. Nếu không suy nghĩ cho kỹ để tìm ra Nghĩa, thì rất dễ bị nhầm lẫn. Vì thế, một trong Tứ Y mà Đức Thích Ca đã dặn dò người tu phải lưu ý, là: Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Điều lưu ý này không thừa, bởi nghĩa thật sự của PHẬT là Giải Thoát. Con đường tu Phật là thực hiện lời Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, cho nên, công việc tu hành là mỗi người cần nương Hạnh Bồ Tát để cứu độ cho chúng sinh đang đau khổ của chính mình, đưa nó về nơi an lạc, gọi là Niết Bàn, vì nghĩa của Niết Bàn là “Ra khỏi rừng phiền não”. Vì thế, người sau chúng ta cần thực hành theo những Hạnh mà Chư Phật quá khứ đã làm để cũng được giải thoát như các Ngài.

Thế nhưng, nhiều người cứ cho rằng Phật là một vị thần linh tối cao có thể “Độ” cho mọi người, rồi chỉ biết van vái cầu xin để chờ được Độ! Nếu chỉ tự mình hiểu lầm rồi tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình thì không có gì đáng nói. Nhiều người lại đi truyền bá cái hiểu lầm đó, hậu quả là nó được nhân lên. Do đó, có vị đã nói: “Thà giết một người hay một ngàn người, thì tội ác chỉ dừng ở đó, còn người tu hành, hiểu chưa đúng lời Phật mà rao giảng thì hậu quả khó lường, vì người này tin, truyền cho người khác, thế hệ này, truyền lại thế hệ sau... kéo dài đến vô tận, rất là tai hại”.

Nghĩa của TU là SỬA, mà Tu Phật được gọi là TU TÂM, vì thế nên phải SỬA Ở TÂM, không phải sửa nơi nào khác. Nhưng phải SỬA những gì? SỬA như thế nào? Nếu ta không Tư Duy để hiểu cho đúng Nghĩa trong vô số phương tiện NGỮ mà Phật đã dùng, thì làm sao biết cách để SỬA cho đúng? Một việc nhỏ thôi, như muốn may một cái áo chẳng hạn. Dù ta đã biết rằng trước khi may là phải cắt vải ra thành nhiều mảnh, rồi mới ráp lại. Nhưng do không học hỏi để biết phải cắt như thế nào? Cắt chỗ nào? Thế rồi ta lại cắt những chỗ không đáng cắt, tất nhiên hậu quả là xấp vải tan nát, làm sao ta có được một chiếc áo? Hoặc như người muốn vào rừng để hái lá thuốc. Nếu không biết trước hình dạng của loại lá thuốc mà mình muốn hái thì biết hái lá nào? Vì rừng cơ man nào là lá với đủ thứ hình dạng, kích cỡ na ná như nhau? Rừng Phật Pháp cũng thế, Kinh sách thì bao la, biết phải bắt đầu từ đâu? Chưa rõ ý nghĩa đã vội “hạ thủ công phu” thì công phu đó về đâu? Do đó, nếu không thận trọng dò dẫm, cũng như nếu không gặp đúng chân sư thì hậu quả khó lường, bởi thói thường con người hay chấp vào thời gian tu để cho là tu lâu thì phải cao, khó nghe ai khác, nhất là khi họ tuổi đời, tuổi đạo còn kém hơn mình!

Tư Duy là giai đoạn rất quan trọng và cần thiết cho người muốn bắt tay vào hành tri, bởi vì mọi người đã được nghe ca tụng quá nhiều về Đạo Phật. Nhưng Đạo Phật dạy gì? Tu Phật là Tu như thế nào? Để được gì? Phải làm gì? Liệu công sức ta bỏ ra có được đền đáp xứng đáng hay không? Nếu ta không suy xét cho kỹ thì đôi khi điều ta làm, tưởng là sẽ phục vụ cho việc tu hành, nhưng kết quả lại ngược với lời Phật dạy trong Kinh! Đạo Phật lại có nhiều câu rất là mâu thuẫn. Thí dụ như để khuyến tu thì nói về các Quả Vị, Chứng Đắc, rồi lại bảo “Tu vô Tu, Chứng vô Chứng”, “Trong phật pháp, người có chứng đắc là kẻ tăng thượng mạn!” Không tu thì là phàm phu đã đành. Nhưng tu, chứng để rồi lại trở thành tăng Thượng Mạn! Ta phải hiểu như thế nào?

Mọi người vẫn được hướng dẫn cầu xin Phật “Độ” khi ốm đau, khi gặp phải chuyện không may. Nhưng nếu có đọc Kinh sẽ thấy: bản thân Đức Thích Ca lúc sinh thời - sau khi đã tuyên bố Thành Phật, đã mở ra giảng dạy - nhiều lần huyển thân cũng bịnh, Ngài Anan phải mang bát đi xin sữa! Lúc sinh thời, Ngài cũng đã không cứu được giòng họ Thích của mình, để mấy trăm người phải gặp nạn! Hiện nay, Nước Ấn Độ của Ngài cũng vẫn còn cảnh chiến tranh, đói nghèo, đau khổ. Nếu Ngài cứu độ được cả tam thiên đại thiên thế giới như ta tin tưởng, lẽ ra Ngài phải lo cho thân thuộc, cho nước của mình trước tiên! Điều đó nếu có tư duy chắc ta cũng thấy đầy mâu thuẫn khi đặt hết niềm tin vào sự hộ trì của Phật mà không cần tìm hiểu thực, hư!

Người đời rất là sáng suốt. Chỉ cần một chút lợi nhuận trong công việc làm ăn nhất thời thôi mà họ còn phải suy tính, tìm hiểu, lên kế hoạch. chi tiết, thấy chắc ăn thì mới xông vào. Con đường tu hành có ảnh hưởng đến vô lượng kiếp thì mọi người lại thờ ơ! Như thế có phải là ta coi thường Đạo Phật hay tự huyển hoặc mình, để được điều gì thì cũng không tự biết! Do đó, nếu thấy chẳng ích lợi gì khi tu hành thì phải chăng thì giờ đó bỏ ra làm ăn còn thực tế hơn, vì ít ra gia đình, vợ con còn được nhờ!

Đạo Phật đã được mệnh danh là Đạo nhân Quả, tức là mọi việc đều do Nhân mà thành Quả. Nhân sai thì Quả cũng sai, không thể có việc Chư Phật vì cảm động trước lòng thành của ta, rồi ta có tu sai các Ngài cũng xí xóa cho. Ngay cả giải nghĩa KINH cũng được dặn dò là: LY KINH NHẤT TỰ ĐỒNG MA THUYẾT. Y KINH GIẢI NGHĨA TAM THẾ PHẬT OAN”! Ôm Kinh cũng không được mà Rời Kinh cũng không xong! Chứng tỏ Tư Duy quan trọng như thế nào đối với người tu Phật.

Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Này Thiện Nam Tử! Thế nào gọi là Tư Duy chân thật? Do vì có thể dứt trừ các phiền não vậy” (tr. 509 Q.1). Như chúng ta đều biết. Mục đích cũa Đạo Phật là ĐỘ KHỔ, vì thế, nên tư duy xoay quanh các đề tài: Điều gì làm cho ta phải Khổ? Muốn trừ Khổ phải làm gì? Phương pháp nào hữu hiệu? Sẽ thấy rằng Đạo Phật không hề mâu thuẫn dù bày ra rất nhiều phương tiện, nhưng tất cả đều hướng tới mục đích là “Tát cạn vực nước mắt của Chúng Sinh”, không phải là Quả Vị cao thấp. Cũng chẳng phải là Đông Phương hay Tây Phương Cực Lạc với bảy thứ báu mà người đời vẫn thường mơ ước, kiếp này không thể đạt được thì hy vọng sẽ đạt được ở kiếp sau, chứng tỏ cái Tham vẫn kiên cố đeo bám, chỉ chuyển mục đích thôi! Rồi cũng vì cái Tham, nhiều người sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra để Bố Thí, cúng dường, vì cho là.“Bỏ cái tạm, để được cái có giá trị lâu dài hơn!” Như vậy rõ ràng là trao đổi chớ đâu phải là Xả? Như thế mà đòi quả Giải Thoát sao được?!

Cả việc BỐ THÍ cũng có hai kết quả: Tạo Phước và Bố Thí Ba La Mật, tức là Bố Thí mà qua được Bờ Bên kia. Nhân hữu vi thì Quả hữu vi. Bố Thí tài vật thì là tích lũy phước báo sẽ nhận được kiếp này hay kiếp sau. Chỉ có Thí Xả những dính mắc nơi Thân, Tâm để được an ổn, còn gọi là Cúng Dường Phật, thì mới có kết quả là được Giải Thoát. Việc Bố Thí này, theo Kinh mô tả là bố thí: quốc thành, thê tử, đầu, mắt, tủy, não, kiệu cáng, xe, ngựa, thậm chí là đốt thân… Nhưng đó là NGỮ. Nghĩa chính là XẢ những sự chấp nhất nơi Thân, nơi Tâm. Những sự chấp nhất đó đôi khi được ví là Viên Châu, là Chuỗi chơn châu, là Y báu, là nhà cửa, cung điện vv… mà các Bồ Tát “xin Phật nạp thọ” trong Kinh, tượng trưng cho cái Tâm Mê và những thứ nó dính mắc, là danh, lợi, tình, tham, sân, si, mạn… mà ta kiên trì ôm giữ, trú ngụ, đeo bám từ vô lượng đời. Xả hết tất nhiên sẽ được nhẹ nhàng, an lạc, gọi là Vô Thượng Niết Bàn. Vì thế, nếu ta cứ Y NGỮ mà làm, thì dù có mang hết tài sản để cúng dường thì Phật cũng đâu có xuất hiện để nhận cho ta? Phật lại vô tướng, do vô lượng công đức mà thành, nên người ta nghĩ là thay mặt Phật để nhận, cũng làm sao gặp được để chuyển giúp?! Như vậy, phải chăng do thiếu Tư Duy mà ta bị hao hụt tài sản một cách oan uổng?! Phần người nhận, nếu đã biết đó là của Cúng Phật, mà vẫn vô tư thọ dụng, đôi khi sử dụng vào mục đích riêng tư, không biết rằng có lúc phải trả cả vốn lẫn lời!

Cho nên TƯ DUY rất cần thiết cho người tu trước khi thực hành bất cứ pháp nào của Đạo Phật, để ta biết rõ ràng con đường mình phải đi, những việc mình cần thực hiện, kết quả mình sẽ đạt được, không hoang mang, mơ hồ… TƯ DUY là phương pháp để sinh Trí Huệ, và cũng chính là tên gọi khác của Ba Pháp Môn mà Kinh Viên Giác viết là: “Các Bồ Tát đều Y theo ba pháp môn này để được nhập VIÊN GIÁC”. Đó là: “CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU “ vậy.

Tháng 4/2009
Tâm-Nguyện

Đọc bài thơ “Sơn Tinh Thủy Tinh”
của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp

● Dương Lêh

Nhân dịp lễ Quốc Tổ các vua Hùng, được nghỉ mấy ngày ở nhà thư giãn tôi sực nhớ đến bài thơ “Sơn Tinh Thủy Tinh” của nhà thơ yểu mệnh Nguyễn Nhược Pháp (ông qua đời khi tuổi vừa mới hai mươi bốn xuân xanh).

Bắt đầu làm thơ từ năm 1932 tức là mới 18 tuổi, chỉ sáu năm sau ông qua đời. Thời gian làm nhà thơ của ông thật quá ngắn ngủi, và chỉ xuất bản được tập thơ Ngày xưa vào năm 1935. Theo Thi nhân Việt Nam “thơ ông in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều”. Quả đúng như vậy, thơ ông rất giản dị, dí dỏm không đài các huê mỹ như nhiều người làm thơ khác. Thơ ông đọc lên phải mỉm cười thích thú, giống như ngày xưa ở Tây Ban Nha nếu thấy một người đang đọc một quyển sách mà mỉm cười khoái trá thì y như rằng quyển sách đó là Don Quichotte. Nụ cười trong thơ Nguyễn Nhược Pháp thanh cao và trang nhã vô cùng. Chính cái duyên dáng trong thơ ông đã làm cho rất nhiều người yêu thích. Chắc bà con yêu nhạc còn nhớ có một dạo một nhạc sĩ đã phổ nhạc bài Chùa Hương, nhưng vì nhạc sĩ này lúc bấy giờ chưa được nổi tiếng nên sợ công chúng không đón nhận đứa con tinh thần của mình nên khi ghi tên tác giả đã núp bóng sau tên một tên tuổi lớn trong ngành nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam. Thế là bài hát được nhanh chóng được phổ biến trong dân chúng đồng thời biến thành một xì căng đan là đã mạo nhận một tên tuổi đã nổi tiếng.

Thật ra bài hát “Em đi chùa Hương” chỉ phổ vài khổ thơ trong khi cả bài thơ gồm 33 khổ, cho nên bài hát chẳng nêu lên được nội dung đặc sắc của bài thơ. Xin nói thêm, đặc biệt cuối bài thơ Chùa Hương còn có một câu chú thích của tác giả “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”. Câu này đã làm cho bài thơ thêm phần duyên dáng và hóm hỉnh.

Đó là chuyện Chùa Hương. Rất nhiều người đã viết và cũng có rất nhiều người đã ca ngợi. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin được đề cập đến bài thơ nói về thời đại vua Hùng Vương thứ 18, một trong những vua Hùng mà cách đây không lâu toàn dân ta đã cử hành lễ giỗ Quốc Tổ.

Trước hết, đọc qua bài thơ Sơn Tinh Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp người ta thấy lối thơ bảy chữ này là của riêng ông. Toàn bài thơ gồm 124 câu nếu chia thành từng khổ 4 câu sẽ được 31 khổ. Tại mỗi khổ 4 câu, ta thấy câu 1 vần với câu 3 và luôn luôn là vần trắc, còn câu 2 có cùng vần bằng với câu 4. Trong từng câu 7 chữ không thấy theo một qui luật nào cả mà là những câu phát biểu rất tự nhiên nhưng không mất chất thơ. Xin đọc một đọan 8 câu đầu nói qua về triều đại vua Hùng Vương thức 18 và mô tả nhan sắc của Mỵ Nương:

Ngày xưa, khi rừng mây u ám
Sông núi còn vang um tiếng thần,
Con vua Hùng Vương thứ mười tám,
Mỵ Nương xinh như tiên trên trần...
Tóc xanh viền má hây hây đỏ,
Miệng nàng bé thắm như san hô,
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ

Qua đoạn thơ trên, nhà thơ đã mô tả nàng Mỵ Nương đẹp thật và dễ thương vô cùng. Vẻ đẹp của cô làm cho bao nhiêu tao nhân mặc khách phải ngẩn ngơ ngưỡng mộ đến nỗi họ phải... làm thơ. Đúng, chỉ có làm thơ mới nói lên hết nỗi nhớ nhung, tương tư đến người đẹp.

Theo tâm lý chung, cha mẹ nào cũng có niềm kiêu hãnh khi được trời ban cho đứa con xinh đẹp. Ông vua Hùng Vương cũng không thoát khỏi cái tâm lý đó:

Hùng Vương thường nhìn con yêu quá,
Chắp tay ngẩng lên trời tạ ân;
Rồi cười bảo xứng ngôi phò mã,
Trừ có ai ngang vì thần nhân.
Hay đâu thần tiên đi lấy vợ!
Sơn Tinh, Thuỷ Tinh lòng tơ vương,
Không quản rừng cao, sông cách trở,
Cùng đến Phong Châu xin Mỵ Nương.

Niềm kiêu hãnh lên đến cao trào. Đã là con vua mà xinh đẹp như thế này, làm gì có người “phàm” nào xứng đáng được làm đấng phu quân. Ước gì được nấy, Hùng Vương muốn có rể ở cấp bậc thần tiên thì có liền. Hai chàng trẻ tuổi đẹp trai không biết từ đâu “trên trời rớt xuống”, Sơn Tinh, Thủy Tinh lặn lội đến Phong Châu xin cưới nàng làm vợ.

Sơn Tinh có một mắt ở trán,
Thuỷ Tinh râu ria quăn xanh rì.
Một thần phi bạch hổ trên cạn,
Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi.
Hai thần bên cửa thành thi lễ,
Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu.
Nhưng có một nàng mà hai rể,
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!

Từ trên thành trì cao nghệu, Hùng Vương ngắm nhìn dung nhan hai chàng sĩ tử đang nộp đơn xin làm rể đông sàng. Hùng Vương hài lòng với phong cách thần tiên của hai chàng rể, nhưng đột nhiên vuốt râu suy nghĩ, làm sao thỏa mãn cả hai người khi ông chỉ có một nàng con gái. Ở đây chúng ta thấy Sơn Tinh có một mắt ở giữa trán giống như Nhị Lang Thần Dương Tiễn, người từng giúp Khương tử Nha phò Chu diệt Trụ. Chỉ khác là Dương Tiễn có Hạo Thiên Khuyển giúp sức còn Sơn Tinh thì cưỡi cọp.

Thuỷ Tinh khoe thần có phép lạ,
Dứt lời, tay hất chòm râu xanh,
Bắt quyết hò mây to nước cả,
Dậm chân rung khắp làng gần quanh.
Ào ào mưa đổ xuống như thác,
Cây xiêu, cầu gẫy, nước hò reo,
Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc,
Bò, lợn, và cột nhà trôi theo.
Mỵ Nương ôm Hùng Vương kinh hãi.
Sơn Tinh cười, xin nàng đừng lo,
Vung tay niệm chú: Núi từng dải,
Nhà lớn, đồi con lổm ngổm bò
Chạy mưa. Vua tùy con kén chọn.
Mỵ Nương khép nép như cành hoa:
"Con đây phận đào tơ bé mọn,
Nhân duyên cúi để quyền mẹ cha!"

Thế là không hẹn mà tự nhiên lại có một cuộc tỉ thí công phu võ thuật để so sánh tài năng. Một người sử dụng “thủy công”, một người sử dụng ...“sơn công”. Phép thuật siêu phàm hai bên tỉ thí trời long đất lở làm cho Mỵ Nương phải một phen khiếp vía. Hùng Vương cho con gái trọn quyền chọn lựa. Thật không ngờ, ở thời buổi hoang sơ đó đã có tục lệ “áo mặc sao qua khỏi đầu” hay “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, khác với bây giờ vừa có áo thun (mặc qua khỏi đầu) và “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”. Ở đọan này Nguyễn Nhược Pháp cho thấy Sơn Tinh giống như một hiệp sĩ sẵn sàng ra tay cứu nhân độ thế, che chở người đẹp, một Zorro của thời đại hoang sơ, “khi rừng mây u ám”.

Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước,
Rồi bảo mai lửa hồng nhuốm sương,
Lễ vật thần nào mang đến trước,
Vui lòng vua gả nàng Mỵ Nương.
Bình minh má ửng đào phơn phớt,
Ngọc đỏ rung trên đầu lá xanh.
Ngọn liễu chim vàng ca thánh thót,
Ngự giá Hùng Vương lên mặt thành.
Mỵ Nương bên lầu son tựa cửa,
Rèm ngọc lơ thơ phủ áo hồng.
Cánh nhạn long lanh vờn ánh lửa,
Mê nàng, chim ngẩn lưng trời đông.

Hùng Vương không thể nào xác định ai thắng ai nên đành phải dùng kế hoãn binh. Có lẽ vua cũng sợ nếu bằng cách nào đó quyết định chọn một trong hai sẽ gây ra một trường quyết đấu, gió tanh mưa máu. Người “phàm” đấu với nhau cũng bình thường thôi, nhưng ở đây thần tiên đánh nhau chắc chắn sẽ gây ra tai họa ghê gớm. Cái dí dỏm của Nguyễn Nhược Pháp ở chỗ gả con gái lấy chồng mà phải lo nghĩ dữ dội hơn... bàn việc nước. Vua ra lệnh, thôi thì ngày mai ai đem lễ vật đến trước sẽ bàn giao con gái. Rồi ánh bình minh ló dạng Hùng Vương và con gái đứng trên mặt thành chờ đợi duyên số định đọat. Một lần nữa Mỵ Nương lại khoe sắc trước đàn chim nhạn đang ngẩn ngơ ở lưng trời phía đông. Chúng ta cũng biết sau này chim nhạn không chỉ ngẩn ngơ mà không còn bay nổi và rớt xuống đất trước vẻ đẹp mê hồn của Vương Chiêu Quân.

Rừng xanh thả mây đào man mác,
Sơn Tinh ngồi bạch hổ đi đầu
Mình phủ áo bào hồng ngọc dát,
Tay ghì cương hổ, tay cầm lau.
Theo sau năm chục con voi xám
Hục hặc, lưng cong phủ gấm điều,
Tải bạc, kim cương, vàng lấp loáng,
Sừng tê, ngà voi và sừng hươu
Hùng Vương trên mặt thành liễu rủ,
Hớn hở thần trông, thoáng nụ cười.
Thần suốt đêm sao dài không ngủ,
Mày ngài, mắt phượng vẫn còn tươi.

Đây rồi, duyên trời đã đưa Sơn Tinh đến trước với đầy đủ lễ vật kể cả những lọai hàng nóng mà ngày nay coi là quốc cấm như sừng tê, ngà voi... Đọan thơ này cho thấy nơi cư trú của Sơn Tinh là một “khách sạn ngàn sao” trên một ngọn núi nào đó và thần đã “đêm sao dài không ngủ”, tuy vậy sáng nay thần vẫn “ngon cơm”, vẫn còn tươi rói, quả thật là... thần tiên.

Sơn Tinh đến lạy chào bên cửa,
Vua thân ngự đón nàng Mỵ Nương.
Lầu son nàng ngoái trông lần lữa,
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.
Quỳ lạy cha già lên kiệu bạc,
Thương người, thương cảnh xót lòng đau.
Nhìn quanh, khói toả buồn man mác,
Nàng kêu: “Phụ Vương ôi! Phong Châu!”
Kiệu nhỏ đưa nàng đi thoăn thoắt,
Hùng Vương mơ vịn tay bờ thành.
Trông bụi hồng tuôn xa, xa lắc,
Mắt nhoà lệ ngọc ngấn đầm quanh...

Giờ phút quan trọng của hạnh phúc đời người đã đến. Sơn Tinh đưa nàng lên kiệu từ giã vị cha già đang trông theo, lệ nhòa đôi mắt. “Ôi cái cảnh biệt ly sao buồn vậy!”.

Thoảng gió vù vù như gió bể,
Thuỷ Tinh ngồi trên lưng rồng vàng.
Yên gấm tung dài bay đỏ choé,
Mình khoác bào xanh da trời quang
Theo sau cua đỏ và tôm cá,
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai,
Khập khiễng bò lê trên đất lạ,
Trước thành tấp tểnh đi hàng hai.
Hùng Vương mặt rồng chau ủ rũ,
Chân trời còn phảng bóng người yêu,
Thủy Tinh thúc rồng đau kêu rú,
Vừa uất vì thương, vừa bởi kiêu.
Co hết gân nghiến răng, thần quát:
"Giết! Giết Sơn Tinh hả hờn ta!"
Tức thời nước sủi reo như thác,
Tôm cá quăng ngọc trai mà huơ

Tay vẫy tiễn đưa con gái vừa khuất sau rặng núi mờ xa chưa kịp buông xuống thì Thủy Tinh đã đến dưới chân thành. Ông rể hụt này cũng đến với đầy đủ lễ vật, với trùng trùng điệp điệp binh tôm tướng cá, khệ nệ khiêng nhũng hòm hải sản qúy báu, hùng dũng đi hàng hai thẳng tắp tiến vào trình diện Hùng Vương. Nhưng than ôi, người đẹp đã đi rồi! Nét buồn bã trên mặt vua Hùng Vương còn chưa hết. Thủy Tinh đã nhận biết và căm thù sâu sắc, điên tiết thét gào dữ dội. Binh tôm tướng cá hò hét quăng cả lễ vật nhốn nháo nghe lời chủ tướng rượt đuổi theo Sơn Tinh. Đọc đến đây chúng ta thấy Nguyễn Nhược Pháp có trí tưởng tượng rất mạnh và làm cho chúng ta hình dung ra cảnh trong một phim chiến tranh thời La Mã với hàng hàng lớp lớp quân sĩ mặt mày vằn vện, kẻ đầu trần, người đội mũ không giống ai, rượt đuổi quân thù trên nền nhạc và âm thanh chát chúa, dồn dập.

Sơn Tinh đang kèm theo sau kiệu,
Áo bào phơ phất nụ cười bay.
(Vui nhỉ mê ai xinh mới hiểu)
Thần trông kiệu nhỏ hồn thêm say.
Choàng nghe sóng vỗ reo như sấm,
Bạch hổ dừng chân, lùi, vểnh tai.
Mỵ Nương tung bức rèm đỏ thắm,
Sơn Tinh trông thấy càng dương oai.
Sóng cả gầm reo lăn như chớp,
Thuỷ Tinh cưỡi lưng rồng hung hăng.
Cá voi quác mồm to muốn đớp,
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng
Càng cua lởm chởm giơ như mác;
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.
Sơn Tinh hiểu thần ghen, tức khắc
Niệm chú, đất nẩy vù lên cao.
Hoa tay thần vẫy hùm, voi, báo.
Đuôi quắp, nhe nanh, giơ vuốt đồng,
Đạp long đất núi, gầm xông xáo,
Máu vọt phì reo muôn ngấn hồng.
Mây đen hăm hở bay mù mịt,
Sấm ran, sét động nổ loè xanh.
Tôm cá xưa nay im thin thít,
Mở quác mồm to kêu thất thanh.

Thế là cuộc chiến nổ ra. Sơn Tinh trên lưng cọp đang hớn hở, say đắm cùng Mỵ Nương trên đường về chốn thần tiên chợt có tiếng sóng gào vang dội, bạch hổ dừng chân nghe ngóng và chẳng mấy chốc Thủy tinh cùng đoàn binh tôm tướng cá, trùng điệp hùng hổ bủa vây. Sơn Tinh chống trả, bùa chú quăng ra tới tấp. Cuộc chiến mười phần khốc liệt. Tôm cá từ nhỏ tới lớn, từ cá lòng tong đến cá voi cá mập đủ các lọai dưới biển đều nhất tề tham chiến chống chỏi với các lọai thú dữ trong rừng như hùm voi báo do Sơn Tinh điều khiển vô cùng lợi hại. Thật là một trường ác đấu. Tiếng binh khí, tiếng gào thét của các lọai thú rừng hoà trộn ầm ĩ với tiếng kêu rú thất thanh của các loài động vật dưới biển xưa nay từng im thin thít như thịt nấu đông.

Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,
Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhoà.
(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,
Nhưng thật dễ thương): "Ô! vì ta!"
Thuỷ Tinh năm năm dâng nước bể,
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương.
Trần gian đâu có người dai thế,
Cũng bởi thần yêu nên khác thường

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã đạo diễn cuộc chiến đến đây kết thúc, huề 0-0. Hai bên tự động thu binh về nghỉ ngơi. Rồi từ đó mỗi năm Thủy Tinh lại đem binh đi đòi Mỵ Nương làm cho nước biển dâng tràn gây cảnh mưa bão ngập lụt, sinh linh đồ thán, người dân phải di cư đến các vùng khô ráo, thị tứ để mà sinh sống. Không biết đến bao giờ Thủy Tinh mới đòi được người đẹp My Nương. Khác với cuộc chiến thành Troie, Hélène sau cùng phải trở về với Ménélas làm hoàng hậu xứ Sparte.

Nổi lên trong phong trào thơ mới, Bài Sơn Tinh Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp khác với các thể lọai thơ khác; thường gặp là thơ tám chữ như bài Chợ Tết của Đoàn văn Cừ:

Dãi mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh.
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng đi chợ Tết

Cuối câu 1 thanh trắc, cuối câu 2 và 3 thanh bằng và vần với nhau. Đến cuối câu 4 trở về thanh trắc. Bài Sơn Tinh Thủy Tinh là lọai thơ mới bảy chữ, cách gieo vần lại khác, như trên đã nói, 1 với 3, 2 với 4. Đặc biệt có âm điệu như một bài thơ Đường đã chuyển âm sang tiếng Hán Việt. Xin hãy nghe âm điệu bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ [ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Rồi nghe lại âm điệu bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp:

Cá voi quác mồm to muốn đớp,
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng
Càng cua lởm chởm giơ như mác;
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.

hoặc

Mây đen hăm hở bay mù mịt,
Sấm ran, sét động nổ loè xanh.
Tôm cá xưa nay im thin thít,
Mở quác mồm to kêu thất thanh.

Nói chung tất cả các đọan khác của bài thơ đều giống như vậy. Nguyễn Nhược Pháp đã thổi vào thơ mới một âm điệu hết sức đặc biệt không thể diễn ngâm một cách du dương, dìu dặt với tiếng đàn tiếng sáo đệm theo mà phải đọc diễn cảm như trình bày một vở kịch thơ với lời thọai mộc mạc giản dị mà hùng tráng.

Bởi vậy, khi đề cập đến nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp người viết liên tưởng ngay đến bài Sơn Tinh Thủy Tinh rồi mới nghĩ đến cô gái duyên dáng trên đường đi đến Chùa Hương:

Em đi chàng theo sau
Em không dám đi mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu.....

Dương Lêh

Phụ Bản II

QUỐC TẾ THIẾU NHI

Thế hệ trẻ những mầm non của đất nước
Đang vươn mình thẳng tiến đến tương lai
Hãy nở hoa kết trái mộng ngày mai
Thành rường cột quê nhà ghi khắc lấy
Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi vui lộng lẫy
Gởi các em trọn vẹn tấm chân tình
Có đèn hoa, kẹo bánh, bóng xinh xinh
Múa sư tử, rồng lân rền nhã nhạc
Trẻ con nhà giàu thừa tiền lắm bạc
Sống đủ đầy, tận hưởng món cao sang
Các em nghèo, cực khổ phải lang thang
Luôn vất vả, tảo tần thêm dốt nát
Bán vé số, đánh giày, mang khuyết tật
Bữa đói, bữa no, xó chợ đầu đường
Mắt lệ mờ, mơ ước chút yêu thương
Sưởi ấm lại trái tim tràn bóng tối.
Các em bé đã làm gì nên tội
Sao bơ vơ côi cút giữa trần gian
Xin mở lòng nhân đùm bọc cưu mang
Vùng tuổi dại sớm chịu nhiều thua thiệt
Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi đấy náo nhiệt
Mong các nhà từ thiện, mạnh thường quân
Rộng vòng tay, cứu giúp, xóa tan dần
Sự chênh lệch, bất công trong xã hội.

Ngàn Phương

Chùa Giác Tâm

Mỗi người mỗi nước mỗi non
Ta vào cửa Phật làm con một nhà
Học Phật để thấy lòng ta
Chữ Giác Tâm ấy chính là mở soi
Đến chùa học đạo hiểu đời
Giữ gìn Trái Đất nơi nơi thái bình
Người Việt Nam kết một tình
Dựng xây Tổ Quốc quang vinh sáng ngời..
Suối reo róc rách bên tai
Xanh xanh sắc núi bên ngoài thiền môn
Bon chen bươn chải bụi trần
Đường đời bất tận biết ngần nào ngưng?
Hương hoa nghiêm túc dưới trăng
Lòng thiền ứng tự vĩnh hằng mà ra.
Tự do sáo thổi lòng ta
Vốn là tính Phật sinh ra làm người.
Chẳng hề vương vấn bụi đời
Chất thiền ấy hiện ở Tôi trong lòng.
Vượt qua bể khổ, Phật nâng.
Làm người chẳng dính bụi trần là Tiên
Mây hiền che chở-sách văn
Hoa trời tản rạng-pháp luân rộng dài.
Dưới trăng Phật pháp luân hồi
Đầy sân mưa rắc hoa trời se se
Qua cầu vô sự xuống khe
Rửa xong cái bát quay về cùng mây
Có duyên tu Phật ngày ngày
Đọc kinh không xứ mây bay hoa vờn.
Việt Nam có tượng Phật vàng
Muôn cây góp lại suối cam tưới nhuần
Nước Đức điện Phật bảo trân
Muôn sen nở đoá nâng ngàn chúng sinh
Phật cùng ta ở nước Nam
Dân ta là Phật nơi làng Tây phương.
Ngóng về đất Phật cố hương
Quan Âm hiện đậu từ đường bênTây.
Mưu sinh lập nghiệp tháng ngày
Ngồi thiền hãy lặng phút giây với lòng.

Giác Tâm Tự

Mỗi nhân tự kỷ gia hương
Phật giới sở thị nhất đường tử tôn
Học Phật văn dĩ kiến tâm
Giác Tâm tự thị giải mông nhân tình
Tự vi đoàn kết chúng sinh
Chúng sinh giác ngộ hoà bình thế gian
Việt Nam nhân ổn kết đoàn
Kiến tu Tổ Quốc vinh quang huy hoàng
Tuyền thanh đáo nhĩ thị thường (1)
Thanh sơn tứ sắc bất nhường ly môn
Bôn bôn mã túc xa trần (2)
Vô biên thế lộ nãi phương tài đình?
Hương hoa giản nguyệt trang minh
Thiền tâm ứng tự vĩnh hằng lai lâm.
Tự do xuy lại nhập tâm (3)
Nhân chi sơ tính bổn hồng thiện tâm
Chung thân bất nhiễm nhất trần
Thử minh chứng ngã thiền tâm bổn tồn
Khổ hải duy Phật siêu nhiên (4)
Thị chân Tiên bất trú miên hồng trần
Từ vân vĩnh hộ -diệp văn (5)
Thiên hoa tản thái-pháp luân quảng hoằng
Pháp luân hồi nguyệt vĩnh hằng (6)
Mãn đình xuân vũ tản đằng hoa phiêu
Vô sự qua độ khê kiều (7)
Tẩy hoàn bát tựu tùng vân qui hồi
Hưũ duyên tu Phật, giới trai
Đàm kinh không sở vũ thời hoa phân.
Việt Nam sâm Phật kim thân (8)
Nhất chi dương liễu cam nhuần chúng sinh
Đức Quốc Phật điện bảo trân
Liên hoa phổ độ chúng sinh từ hàng
Thích Ca tại thế Việt Nam (9)
Tây thiên hoạt Phật thị phàm nhân đương.
Quan vọng Nam Hải cố hương (10)
Âm nghi Phật chỉ tại đường Tây thiên.
Mưu sinh lập nghiệp triền niên
Nhất khắc thiền toạ tự niềm tâm tâm.

Chú thích: Chùa Giác Tâm của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, toạ lạc trên khuôn viên 2700 mét vuông, tại thành phố Nuremberg, gần sân bay Nuremberg .

Mười câu đối từ trong bài văn trên

(1) Tuyền thanh thường đáo nhĩ

Xuân sắc bất ly môn

(2) Mã túc xa trần, thế lộ bất tri hà sở tận

Nghiêm hoa giản nguyệt, thiền tâm ứng tự thử trung sinh

(3) Vạn lại vô thanh sâm Phật tính

Nhất trần bất nhiễm chứng thiền tâm

(4) Duy cổ Phật năng siêu khổ hải

Thị chân Tiên bất trú hồng trần

(5) Bối diệp thành văn từ vân vĩnh hộ

Thiên hoa tản thái pháp vũ hoằng khai

(6) Nhiêu toạ pháp luân hồi bảo nguyệt

Mãn đình xuân vũ tản hoa thiên

(7) Vô sự độ khê kiều, tẩy bát qui lai vân mãn tụ

Hữu duyên tu Phật giới, đàm kinh không sở vũ phi hoa

(8) Việt Nam sâm ngã Phật kim thân, dương liễu nhất chi,

cam lồ tửu tùng phương trượng khởi
Đức Quốc hiện Thích Ca bảo tọa, liên hoa vạn đóa,
từ hàng phổ độ chúng sinh lai

(9) Nam Hải Thích Ca vu trần thế

Tây thiên hoạt phật thị phàm nhân

(10)Quan vọng cố hương hà sở thị Thích Ca Nam Hải

Âm nghi Phật chỉ thử gian tức ban nhược Tây thiên

Câu đối 1,2 ở cổng chùa.
Câu đối 3-7 ở trong chùa.
Câu đối 8,9 ở điện Phật.
Câu đối 10 ở điện Quan Âm tại nhà riêng

Bài văn này chia sáu đoạn, sau mỗi đoạn có chấm câu. Toàn bài nói về tâm sự của người Việt Nam ở Đức. Đoạn một là xác định khi đi chùa. Đoạn hai là cảm tưởng khi đứng trước cổng chùa. Đoạn ba là khi đi vào trong chùa, đồng cảm với quan niệm của sư. Đoạn bốn là cảm tưởng khi đứng trước điện thờ Phật. Đoạn năm là khi niệm Phật Quan Âm ở điện thờ tại nhà riêng, Phật bảo rằng cứ nhớ đến quê hương thì Phật luôn có cùng với mình dù là ở bên Tây. Đoạn sáu là tự ngẫm.

Vài câu răn:

11 Thế gian đa sự thị phi

Nan nhẫn nhi nhẫn phương thì cao nhân
Ở đời lắm việc đúng sai
Nhịn được cái khó nhịn,tài mới cao

12 Nhĩ thính văn đích vi hư

A Di Đà Phật niệm tư như hà
Điều tai nghe được còn sai
A Di Đà Phật niệm coi thế nào

13 Nhược ngộ nộ hoả phần tâm

A Di Đà Phật niệm thanh tựu hoàn
Nếu gặp lửa giận đốt tâm
A Di Đà Phật niệm lên thì lành

Kỷ niệm ngày Phật Đản 15 tháng Tư năm Kỷ Sửu
Lê Duy Dân

CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
387 Lê Văn Sỹ

Đến Câu Lạc Bộ ở Tân Bình
Ngào ngạt hương xưa đượm thắm tình
Trang viết còn vương hình bóng cũ
Ý thơ tỏa sáng nắng bình minh
Văn chương bát ngát thơm tâm sự
Kiến thức bao la đẹp sử kinh
Biển học mênh mông ngời nét bút
Muôn đời rạng rỡ ánh quang vinh

NGÀN PHƯƠNG

DÒNG SÔNG VÔ THƯỜNG

Cuộc đời trôi mãi tựa dòng sông
Kiếp sống mong manh như đóa hồng
Sớm nở tối tàn ôi giả tạm
Mưa tươi nắng héo thật rồi không
Lững lờ nước cuốn trôi vô dụng
Thong thả ngày qua ngọn gió đông
Sanh tử qua dần rơi mỗi niệm
Có gì tồn tại để mà mong

TT TS Thích Đồng Bổn

THE IMPERMANENT RIVER

Like a river flowing, life keeps on floating
A frail human existence! A rose in early Spring
Which blooms in the morning, withers the same night
Freshens in the rain, wanes in sunlight
What an ephemeral creature! Real then nothingness!
Like a wavering boat drifting downstream, how useless!
On leisure days, it may seem untroubled to last
Yet a single winter breeze might carry it away very fast
Life and death alternate within every prayer
Nothing persists in this world to hope for

Diệu Hạnh phỏng dịch

Kính tặng Thầy nhân mùa Phật Đản 2554

ĐỨA BÉ KHÔNG NHÀ

Em lang thang bước trên đường phố
Chẳng biết về đâu giữa bóng chiều
Cơ nhỡ, cút côi, đời xấu số
Không nơi nương tựa thiếu thương yêu
Nhà nhà rộn rịp đón Xuân sang
Bánh mứt hoa tươi kẹo ngập tràn
Em đứng co ro ngoài liếp cửa
Ước ao mái ấm mộng bình an
Nhưng rồi tất cả vượt tầm tay
Em vẫn bơ vơ suốt tháng ngày
Đơn lạnh, phũ phàng thân cát bụi
Tủi hờn kiếp sống quá chua cay.
Cha mẹ anh em ở chốn nào
Mất còn, phiêu bạt tại vì sao?
Nỡ ruồng rẫy bỏ bê em vậy?
Suy gẫm vu vơ ngấn lệ trào.
Đầu hè xó chợ em lam lũ
Đói khát cô đơn kiếp sống thừa!
Thầm hỏi: Bao giờ thôi khốn khổ
Để không còn nước mắt thay mưa.

Ngàn Phương

VẦN C

CAB là một chiếc Taxi,
Cabby: tên gọi Bác tài Taxi
Xe Cáp treo: Cab railway
Cachet: Dấu ấn; Dấu, che: Cache
Kẻ ba hoa là Cackle
Cadence: Ngữ điệu; Cadre là khung,
Cage là chuồng hay lồng,
Cake là Bánh ngọt, Xương rồng: Cactus,
Cancer là bịnh ung thư,
Calumny: Nói lời vu cho người,
Calendar: lịch, xem ngày
Casserole: Chỉ Xoong hay nồi hầm,
Cắm trại thì gọi to Camp,
Capable: Có khả năng làm gì,
Học viên cảnh sát: Cadet
Quán tự phục vụ: Cafeteria
Máy quay phim: Camera,
Candle: Cây nến; Canal: Kinh đào,
Candy là kẹo ngọt ngào
Cargo: hàng chở trên tàu, máy bay,
Catcher: Người bắt bóng chày
Chứng nhận là Certify đúng rồi,
Cede: nhượng lại cho ai,
Caress: Ve vuốt, Lâu đài: Castle,
Gần, đóng thì gọi là Close
Control: Kiểm soát; Contour: Đường viền
Cell là Phòng nhỏ, Xà lim
Carving: Chạm, khắc; Ceiling: Trần nhà
Come Apart là tách ra,
Come down: Sa sút, Coma: Hôn mê,
Tủ có ngăn: Cabinet,
Comments là những lời phê, lời bình
Diễn thử gọi là Casting
Case là Trường hợp; Còn Cling: Bám vào
Cough là một chứng bịnh ho.
Curious có nghĩa: tò mò việc chi
Comic nghĩa là khôi hài,
Command: Ra lịnh; Consign: Chuyển giao
Convoy là một đoàn tàu
Come at thì lại xông vào nơi đâu,
Colours là những sắc màu.
Combat là trận đánh nhau kinh hồn,
Cạnh tranh: Competition
Convert: Chuyển đổi; Cession: Nhượng quyền
Kính áp tròng: Contact lens
Contempt: Khinh miệt; Content: Bằng lòng
Chamber là một cái phòng,
Challenge: thách thức; Đề phòng: Caution
Vô địch là Champion,
Charity: Chỉ lòng nhân, lòng từ,
Charm là duyên dáng hay Bùa,
Charmer: quyến rũ, Cheat: Lừa gạt ai
Clap là cái tiếng vỗ tay,
Concept: khái niệm, Thụ thai: Conceive
Company là Công Ty
Close up Cận cảnh; Mây thì là Cloud
Consult: Hỏi ý người nào,
Crease là những nếp nhàu, nếp nhăn,
Cooking: Nghệ thuật nấu ăn,
Comfort: Sung túc, tiện nghi, an nhàn
Contain: Chứa đựng, bao hàm,
Conscience: cái lương tâm con ngườI,
Cancel là hủy bỏ đi,
Cad là đểu cáng, Convey: chuyển lời,
Nông thôn là Countryside
Create: Sáng tạo; Crazy: Điên rồ
Cross question: Chất vấn ai
Clinic: Phòng khám (bịnh) Còn Climb: Leo trèo
Clock là chiếc đồng hồ treo
Careless: cẩu thả; Còn cell: Tế bào
Phòng thuế Cảng: Customs House
Crude là thô lỗ, Crowd: là đám đông,
Phong tục gọi là Custom
Culture: Văn Hóa, Curtain: Tấm rèm,
Kem lạnh để ăn là Cream
Climate: Khí hậu; Khả năng: Competence
Coracle: thuyền thúng, thuyền nan,
Costume là những phục trang con ngườI
Cool là mát, làm nguội đi
Context: Bối cảnh; Conspiracy: Âm mưu
Đinh, Đầu mối thì là Clue
Club: Câu lạc bộ; Cruise: Đi du hành
Contention là đấu tranh
Ứng viên: Candidate; Nhà tranh : Cottage
Cùng nghề gọi là Colleague
Convenience: Tiện ích, Rẻ rề : Cheaply,
Cộng đồng: Community
Common: Phổ biến; Cheese là Phô mai
Congratulation: Chúc mừng ai
Credit: Tín dụng; Vữa xây: Ciment
Điều kiện là Condition
Confusion: Lúng túng; Conservation: Bảo tồn
Concentrate là tập trung,
Clean up: Dọn sạch; Reo mừng là Cheer
Chiffon là loại vải the
Child là đứa bé; Camouflage: Ngụy trang
Carry là Vác, Khuân, mang
Chief là lãnh đạo; Mũi khoan: Centre-bit
Công giáo là Catholic
Cricket: Con dế; Crevice: (Vết) Nứt tường
Cause có nghĩa Nguyên nhân
Change: Thay đổi; Lư hương: Censer
Childhood là thuở ấu thơ
Chance là dịp tình cờ, cơ may
Chase: Đuổi bắt một ai
Camp Fire : Lửa trại; a Child: Thiếu thời
Cabbage: là Cải nồi
Calculate: Tính toán; Choice: Chọn ra
Consider: Coi như là ..
Chat, chit: tán gẫu; Canvas: Vải thô
Capital là Thủ Đô
Nguồn nước, kinh rạch: Channel; Chew: Nhai
Tính chất: Characterize
Hồn nhiên, ngay thật: Childlike; Chin: (cái) Cằm
Collection là Sưu tầm
Cease: Ngưng chiến; Động, Hang: Cave
Kiểm duyệt gọi là Censor
Concern thì có nghĩa là: Liên quan.
Claim thì có nghĩa: Phàn nàn
Continuous: tiếp diễn; Constant: Liên miên,
Confess: Thú nhận lỗi lầm
Contrast: Tương phản; Ăn năn: Contrition

Tâm Nguyện

TRUYỆN KIỀU (KỲ 11)
(từ câu 649-712)

Một lời thuyền đã êm giầm
650 - Hãy đưa cánh thiếp trước cầm làm ghi
Định ngày nạp thái vu quy
Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong
Một lời cậy với Chung công
Khất từ tạm lãnh Vương ông về nhà
Thương tình con trẻ cha già
Nhìn nàng ông những máu sa ruột dầu
“Nuôi con những ước về sau
“Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi
“Trời làm chi cực bấy trời!
660 - “Này ai vu thác cho người hợp tan?
“Búa rìu bao quản thân tàn
“Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già!
“Một lần sau trước cũng là
“Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!”

With one word, tranquil sea soon returned to the boat.
As an agreement, a card was given beforehand,
Fixing the date when the wedding should be arranged.
With money in hand, things could be settled at ease.
First, Mr. Vuong was granted a temporary release.
Back home the old man came to understand everything,
Looking at his poor daughter, he felt his heart bleeding!
“How many good plans I have set for you, my daughter!
“In bringing you up, I hoped to bring you a bright future,
“By giving you in marriage to a worthy gentleman,
Like throwing a ball in the right target of my plan (1)
“Oh Heaven! How could we suffer such humiliation?
“Who has cast this cruel slander to break our union?
“This faint body wouldn’t care hammers and axes (2)
“Why thrust this innocent girl into such miseries?
“To make this old man the cause of a child’s infliction?
“How could I bear in my mind such a guilty reflexion?
“Well, just once in my life I will die, sooner or later
“I would prefer to leave you than to see you suffer!”

-----------------------

(1) In olden days, when a girl of a noble family had many worthy proposals, her parents would organize a party in which the girl would stand on the balcony and throw a ball at random on the yard below where sat the proposers. If the ball reached anyone, he was chosen as the groom.
(2) Hammers and axes: ruthless persecution

Theo lời càng chảy dòng châu,
Liều mình ông đã gieo đầu tường vôi.
Vội vàng kẻ giữ người coi
Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can
“Vẻ chi một mảnh hồng nhan
670 - “Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành
“Dâng thơ đã thẹn nàng Oanh
“Lại thua ả Lý bán mình hay sao?
“Cỗi Xuân tuổi hạc càng cao
“Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành
“Lòng tơ dầu chẳng dứt tình
“Gió mưa âu hẳn tan tành nước non
“Thà rằng liều một thân con,
“Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây
“Phận sao đành vậy cũng vầy
680 - “Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh
“Cũng đừng tính quẩn lo quanh
“Tan nhà là một thiệt mình là hai.”

Following his words, tears flowed down like waterfall,
He rushed to throw his head against the stony wall.
But everybody hurried to keep him back in time.
“Oh, Father!”, Kiều tried to find some gentle advice
“This little rose doesn’t worth your great concern,
“I’m sorry for not having paid my filial debt at all.
“Being shameful not to write letter as did Miss Oanh (3)
“Why couldn’t I sell myself as did Miss Ly to save her parents? (4)
“Father, you are getting older as time passes,
“Like an old tree supporting so many branches.
“If the authorities didn’t have any pity,
“Then winds and rains would ruin our whole family!
“So it’s better if I sacrifice myself this moment,
“With one flower beaten, the foliage still remains verdant
“As you see, I am a girl of ill destiny,
“Just consider I didn’t survive as a small baby
“Don’t worry too much and do such unreasonable things,
“Not only you hurt yourself but also you’ll ruin our livings.

-----------------------

(3)(4) : According to Chinese books, Đề Oanh presented a letter to the King, requesting to replace her father who was sentenced to death. L‎ý Kỳ sold herself to save her parents from calamity.

Phải lời ông cũng êm tai
Nhìn nhau giọt ngắn giọt dài ngổn ngang
Mái ngoài họ Mã vừa sang
Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao
Trăng già độc địa làm sao!
Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên
Trong tay đã sẵn đồng tiền
690 - Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì
Họ Chung ra sức giúp vì
Lễ tâm đã đặt tụng kỳ cũng xong
Việc nhà đã tạm thong dong
Tinh kỳ giục giã đã mong độ về
Một mình nàng ngọn đèn khuya
Áo dầm giọt lệ tóc xe mái sầu
Phận dầu dầu vậy cũng dầu
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời
Công trình kể biết mấy mươi
700 - Vì ta khăng khít cho người dở dang

These reasonable words sounded soothing to his ears,
They looked at each other through unretainable tears.
Outside, Mã Giám Sinh and his men had just arrived
The gold was handed after the flowery paper was signed
Old Man of the Moon! How cruel you were! (5)
To fasten the rosy thread without choosing right partners! (6)
Well, once money was ready in one’s hands,
Black and white could be easily interchanged.
With Mr. Chung’s favor, once the rites were submitted
The judgement was satisfactorily decided.
Now the family trouble was temporarily over,
But the wedding ceremony was drawing nearer!
Alone in the night, Kiều sat beside a late lamp,
Her gown damped with tears, her hairs twisted in torment
“Oh, my poor destiny!”, she sighed dolefully,
“How can I forget those words we’ve so long kept faithfully?
“How many troubles he has taken for our future union!
“It’s my attachment that led him to this frustration!

---------------------

(5)(6) : see footnote (2) on verse 333

Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa!
Trời Liêu non nước bao xa
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi!
Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ tình chưa trả cho ai
710 - Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan
Nỗi riêng riêng những bàng hoàng
Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn

The wine of oath hasn’t dried up from the gold cup,
Already I have got my love oath broken up!
Oh, Kim, my love! Far away in Liêu Dương do you know
That I myself have decided to break up from home
I know I owe you a great debt, once my oath said,
But now I don’t expect in this life I can get it paid.
In my reincarnation, my oath incense still follows me,
I’ll be then a buffalo or a horse to pay off my duty.
As long as I haven’t paid my love debt to you, Darling,
I shall keep it unmelted in my heart down the Gold Spring (7)
Lonely grievance brought her into a great puzzle
Oil dried up from her lamp disk while tears soaked her flowery towel.

-----------------

(7) Gold Spring: imaginary place where settle the souls of the dead.

(To be continued)

THÙY DƯƠNG

Từ 2 hormon chủ chốt:
Pregnenolone & DHEA

Từ nguyên liệu cholesterol (70% do gan sản xuất - 30% từ thức ăn bên ngoài cung cấp) cơ thể sản xuất ra 2 hormon chủ chốt: Pregnenolone rất xứng đáng là “cha đẻ” ra nhiều hormon khi DHEA đã được người ta gọi là “hormon mẹ” (the mother hormone)

Xin liệt kê t uyến thượng thận, gan, buồng trứng và tinh hoàn : đều có khả năng sản xuất “trực tiếp” ra Pregnenolone. Điều ít người biết là não cũng có thể sản xuất được hormon này, giúp cho não có được trí nhớ tốt, tập trung suy nghĩ và biến chuyển tâm trạng. Từ đó, chuyển hóa thành các hormon giới tính thường được gọi là “thác giây truyền hormon” (hormonal cascade) kể cả hormon DHEA (xem sau đây) hay progesterone tùy theo nhu cầu từng lúc. Cả 2 hormon trên đều có thể chuyển hóa thành androstenedione, là tiền thân trực tiếp sinh ra các hormon giới tính như testosterone và các kích thích tố nam khác, & estradiol và các kích thích tố nữ khác.

Ở cuối dòng thác, Progesterone chuyển hóa thành cortisol – là hormon tiết ra khi bị stress, và thành aldosterone , có chức năng điều hòa huyết áp.

Yếu đi với thời gian

Thiết yếu là như vậy, cơ thể thanh niên trẻ trung bình sản xuất ra được khỏang 14 mg pregnenolone mỗi ngày. Song theo thời gian mức này giảm dần, tới 75 tuổi chỉ còn bằng 40% mức sản xuất ra ở tuổi 35. Và dòng thác hormon khác đặc biệt là hormon giới tính giảm theo là điều tất nhiên.

Đối với người lớn tuổi, người ta đã chứng minh là uống pregnenolone làm giảm mệt nhọc và tăng sức dẻo dai, làm tăng trí nhớ người lớn tuổi nhờ là do thúc đẩy sự phát triển của các tế bào não ( brain cells ). Số nơron não càng nhiều thì khả năng trí nhớ càng lớn bấy nhiêu, mạng lưới truyền tín hiệu thần kinh ở não không giảm xút và phóng thích thêm chất dẫn truyền thần kinh acetycholine. Pregnenolone hiện nay sẵn có trên thị trường, và có thể mua không cần toa dưới các dạng kem (để thoa), viên nang uống và giọt đưa vào hấp thu dưới lưỡi (sublingual drops). Liều lượng thông thường là 50 đến 100 mg. Hormon được hấp thu tối ưu khi được đưa vào cùng với chất béo.

2. DHEA là “mẹ” các hormon (the mother hormone)

Não và tuyến thượng thận là 2 nơi sản xuất ra hormon DeHydroEpiAndrosterone viế t tắt là DHEA – một trong những hormon dồi dào nhất trong cơ thể. DHEA giảm dần với tuổi tác: So với nồng độ ở tuổi 20 mức hormon này ở tuổi 70 chỉ bằng 1 / 10.

Với tuổi tác, khi nồng độ DHEA giảm, có rất nhiều bệnh suy thoái xuất hiện, trong đó nhiều nhất là bệnh tim, bệnh lú lẫn Alzheimer người già và nhiều kiểu ung thư. Các công trình nghiên cứu mới đây cho thấy là nồng độ DHEA thấp gắn liền với những căn bệnh do “tăng tuổi” à bổ sung DHEA uống (đường miệng) có khả năng trì hoãn các tàn phá do tuổi tác. . . Cung cấp đủ liều DHEA có tác dụng:làm tăng nồng độ testosterone trong máu, phục hồi khối cơ bắp, cải thiện tỷ lệ mỡ cơ thể, tăng trí nhớ tăng cường sức đề kháng. có hiệu quả trong việc chống lại .

o các rối loạn tự-miễn (auto-immune disorders)
o bệnh béo phì,
o chứng lú lẫn mất trí ở người cao tuổi,
o bệnh loãng xương,
o hội chứng mệt mỏi kinh niên,
o và chứng trầm uất.

· DHEA làm tăng tính mềm dẻo của cơ thể, giúp cơ thể hoạt động được dai sức hơn
· DHEA là hormon giúp bạn đạt đến và giữ được số cân nặng lý tưởng của mình. Đó là hormon căn bản báo cho não biết bạn đã ăn đủ (no) rồi và ức chế tiến trình chuyển glucose hóa mỡ. Khi mức DHEA thấp, cơ thể mau tích mỡ khi nào người ta ăn bột – đường, vì khi đó, không có gì ức chế việc chuyển hóa glucose thành mỡ. DHEA giúp cơ thể chống lại chứng xơ cứng động mạch do hạ thấp các mức nồng độ cholesterol và insulin. Cơ chế này khiến cho người ta tránh khỏi bị đái tháo đường với chế độ ăn thông thường với khỏang 50% năng lượng do bột đường.
· DHEA có tác dụng củng cố hệ miễn dịch, chống ung thư.
· Do có khả năng bảo vệ các nơron DHEA giúp não tránh khỏi các bệnh Parkinson và Alzheimer.
· Người ta có thể mua không cần toa các sản phẩm bổ sung DHEA ở các cửa hàng thuốc bầy bán mọi loại thuốc bổ.
· Liều trung bình cho phụ nữ là từ 10 đến 12 mg/ngày.
· Cho đàn ông liều trung bình là 25 mg/ngày.

DHEA đạt tới đỉnh cao trong cơ thể vào buổi sáng, nên nếu có dùng thuốc bổ sung thì cũng nên uống vào buổi sáng để duy trì nhịp sinh lý tự nhiên theo chu kỳ ngày - đêm. Khi bạn nghi ngờ mình bị thiếu DHEA, tốt nhất là nên định lượng hormon này trong máu – để có được bằng chứng khách quan là điều mình suy đoán có cơ sở trước khi quyết định uống DHEA bổ sung. Như với tất cả mọi hormon, mục tiêu cần nhằm tới, bao giờ cũng là đạt mức sinh lý ở đỉnh cao nhất.

TPHCM, Ngày 16 tháng 3, 2009
Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính
Chuyên viên dinh dưỡng

Phụ Bản III

LÝ DO BÀI VIỀT NÀY ĐƯỢC CHỌN ĐĂNG

Có thể sẽ có người phản đối cho rằng CLB Sách Xưa & Nay thì có liên quan gì tới việc trẻ mãi không già, nhưng trên thực tế, hiện nay có rất nhiều người chỉ mới độ 65, 66 đã chẳng CHỊU LÀM GÌ NỮA VÀ CHỈ SUỐT NGÀY NGỒI BẤT ĐỘNG NHÌN RA ĐƯỜNG, những con người này thực sự đang phí hoài NHỮNG NĂM THÁNG XẾ CHIỀU CỦA HỌ KHI HỌ LÀN NHƯ VẬY; đơn giản vì TRỜI CÒN CHO SỐNG NGÀY NÀO THÌ PHẢI BIẾT TẬN HƯỞNG CUỘC SỐNG NGÀY ĐÓ, và đọc sách cũng CHÍNH LÀ MỘT ĐIỀU THÚ VỊ, NHẤT LÀ VÀO TUỔI ĐÓ CÓ THỂ NHỮNG NGƯỜI NÀY KHÔNG CÒN PHẢI CÓ NHỮNG LO TOAN GÌ VỀ CUỘC SỐNG, VÀ ĐÓ CHÍNH LÀ LÚC TUYỆT VỜI NHẤT ĐỂ ĐỌC SÁCH, chọn đăng bài này CHÚNG TÔI KÍNH CHÚC TẤT CẢ CÁC ĐỘC GIẢ SẼ TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ ĐỂ… ĐỌC SÁCH.

VŨ ANH TUẤN

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ?

· CÓ PHẢI NGƯỜI SUNG SƯỚNG VẬT CHẤT SẼ SỐNG LÂU KHÔNG? VÀ NGƯỜI THOẢI MÁI VỀ TINH THẦN CÓ ĐƯỢC TRẺ MÃI KHÔNG?
· THỜI XƯA CÁC VUA CHÚA CHO RẰNG GIAO HỢP VỚI CÁC TRINH NỮ SẼ ĐƯỢC SỐNG LÂU. CÓ ĐÚNG KHÔNG?

Nếu bạn vào tuổi 30, bạn sẽ chậm chạp hơn vài năm trước một chút. Bạn vào tuổi 40, hãy coi lại mái tóc, vòng cổ, vòng eo. Khi vào 30 tuổi, bạn nên xem lại tấm hình mà bạn đã chụp 10 năm trước. Khi bạn đến tuổi 60 hoặc già hơn, bạn không cần bất cứ sự hướng dẫn nào cả - sự tiến hóa của tuổi tác đã thật rõ ràng trong một thời gian lâu…

Bây giờ bạn nên làm điều gì đây? Các nhà Nghiên cứu tuổi tác (những chuyên viên nghiên cứu về tuổi tác) mô tả sự tiến triển của tuổi già như một chứng bịnh lãng phí. Da bắt đầu khô xếp li từng đường nhăn nheo. Tóc bắt đầu hoa râm và thưa dần. Các võng mô của mắt dày hơn và ánh sáng khó xuyên qua hơn. Không còn thính tai nữa. Mỡ thì súc tích ở vùng giữa. Bắp thịt co rút lại.

Sự suy đồi của tuổi tác mỗi ngày càng đi sâu vào cơ thể. Tim bơm máu yếu ớt và các mạch máu trở nên mềm hơn. Hai lồng phổi giữ dưỡng khí lại ít hơn. Thận làm việc giảm sút một nửa. Xương chậu vận động yếu đuối hơn. Sự luân chuyển của các kích thích tố cũng suy giảm, có khoảng 100.000 tế bào thần kinh trong não bộ chết mỗi ngày. Cơ thể mỗi ngày càng dễ bị bệnh tật tấn công hơn, như bệnh ung thư, bệnh cứng động mạch và bệnh tiểu đường. Cuối cùng của tuổi già là cái Chết!

Hiện nay một số lớn các nhà Nghiên cứu tuổi tác cho rằng con người có thể làm được những cải thiện trước tuổi già. Trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, các nhà bác học này đã bắt đầu “mở khóa” những bí mật về sự tiến triển của tuổi tác – và mỗi khám phá mới là một cải thiện niềm hy vọng sẽ kéo dài tuổi thanh xuân trước khi con người trở nên già nua. Bác sĩ Alex Comfort, Giám đốc Viện nghiên cứu Nhân tuổi học tại Đại học đường Luân Đôn cho biết: “Chúng tôi hy vọng tìm ra một kỹ thuật để can thiệp vào sự tiến trình tuổi tác của con người trong bốn hoặc năm năm tới đây – không phải để ngăn chận sự tiến trình đó, nhưng để làm sự tiến trình đó chậm lại”.

Một số các đồng nghiệp của Bs Comfort nghĩ rằng tính đến cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, giai đoạn sống của người lớn sẽ được kéo dài thêm 20% - nhờ các kiến thức mới về tiến trình của tuổi tác. Một vài nhà nghiên cứu tuổi tác, như Bs Bernard Strehler thuộc Đại học đường Southhern California lạc quan hơn.

Strehler tuyên bố: “Rồi đây chúng ta có thể sống dài vô định”

Theo các tài liệu y học hiện nay thì một người đàn ông trung bình sanh ở Thụy Điển hiện có thể hy vọng sống khoảng 72 tuổi; ở Nhật khoảng 69 tuổi; ở Hoa Kỳ 67 tuổi. Khi thay đổi thế kỷ thì con người có thể trung bình sống lâu thêm được 25 năm. Hầu hết những năm sống phụ trội này không đạt được qua sự kiểm soát sự tiến triển của tuổi tác, nhưng bằng cách chiến thắng được các bệnh tật quan trọng trong thời thơ ấu. Tuy nhiên, đối với người lớn ngày nay, sự hưởng thụ đời sống đã không gia tăng khá nhiều. Một người Nhật đúng 65 tuổi khi đổi thế kỷ có thể hy vọng sống thêm 10 năm nữa. Ngày nay một người Nhật 65 tuổi có một thời gian sống phụ trội 12 năm. Nếu những người lớn chết vì các bệnh tật được hoàn toàn không còn nữa, các nhà sưu tầm ước lượng rằng có lẽ khoảng thời gian sống “phụ trội” cho người lớn sẽ thêm 10 năm.

Các thuốc men và kỹ thuật của thế kỷ 20 này đã giảm thiểu được các bệnh tật của tuổi trẻ và vì vậy sẽ gia tăng lớn lao quãng thời gian sống khỏe của người già trong mai sau. Số người trên 65 tuổi của Hoa Kỳ đã nhiều hơn 3 lần so với tỷ lệ toàn dân số. Ở Thụy Điển, người già chiếm 14% dân số. Đa số những người già này vốn đã thoát khỏi những bệnh tật hiểm nghèo khi còn trẻ trung.

Cuộc nghiên cứu tiến hành.

Trong khi nghiên cứu sự tiến trình của tuổi tác, các nhà nghiên cứu tuổi tác rõ ràng đối đầu với một loại song quan luận pháp xã hội mà luận pháp này đi ngược lại với các nhà Vật lý học những người đã khám phá ra nguyên tử. Để bành trướng đời sống mà không có sự loại bỏ những suy nhược của tuổi già, hầu hết các bác học đồng ý rằng vấn đề đặt một gánh nặng trên cơ cấu xã hội và kinh tế. Tiết chế sự tăng trưởng để duy trì sự trẻ trung của cơ thể. Nếu vấn đề thực hiện được thì một người chỉ mười mấy tuổi đã tốt nghiệp trường Sư phạm và tốt nghiệp Cao học vào tuổi 40. Do đó, hầu hết các nhà sưu tầm đã đồng ý rằng mục tiêu của họ sẽ nhắm mục đích kéo dài những năm trung niên của họ. Theo Bs Comfort thì mai sau con người vào tuổi 50 sẽ thấy và cảm thấy họ còn trẻ trung thơi thới như người vào tuổi 40 hiện nay. Và cuối cùng người già 80 tuổi mà vẫn thấy mình trẻ trung khỏe mạnh như người 60 tuổi hiện nay.

Việc kiểm soát mức độ tuổi tác của các năm thuộc tuổi trung niên sẽ có ích lợi y học quan trọng. Bs Roy L. Walford thuộc Đại học California tại Los Angeles (Hoa Kỳ) cho biết: “Những người đang chết vì bệnh ung thư vào tuổi 65, họ có thể chết cũng vì bệnh ung thư tương tự nhưng vào tuổi 90”.

Các nhà nghiên cứu tuổi tác càng ngày càng quan tâm đến ảnh hưởng các yếu tố tâm lý và xã hội trên sự tăng trưởng tuổi tác. Một nguyên nhân cho sự quan tâm này của họ là tiến trình tuổi tác đã trở thành yếu tố tạo lập trong xã hội đồng nhất.

Trong xã hội chuyển vận ngày nay, người già có thể phải sống những năm sau cùng một “làng ẩn dật” (retireemennt village) hoặc trong một tập đoàn người già hoặc trong một viện dưỡng lão.

Các nhà sưu tập tin chắc rằng sự tách rời người già có một ảnh hưởng trực tiếp đến sự trường thọ của họ. Bs Erdman Palmore, một nhà xã hội học thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Tuổi tác và Phát triển của Con người Đại học Duke, nói: “Thật rõ ràng rằng nếu một người bị bắt buộc sống ẩn dật, nếu người đó cảm thấy mình vô dụng và lợi tức xuống dần, thì sức khỏe của người đó có thể gặp thiệt hại”.

Các cuộc nghiên cứu về người già cho thấy rằng một tỷ lệ cao bất thường của những người trên 60 tuổi liên hệ vào các cuộc tự tử - tại Hoa Kỳ chiếm gần 30% số người tự tử.

Yếu tố thời gian

Hiện nay, con số các nhà sưu tầm đang làm công việc kiểm soát sự tiến triển của tuổi tác thật nhỏ. Nguyên nhân chính cho sự kiện này là cuộc thí nghiệm về tuổi tác chiếm một khoảng thời gian chờ đợi các đối tượng già đi. Bs Nathan W. Shock, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tuổi tác tại Baltimore, nói: “Mỗi cuộc thí nghiệm vào một con chuột có thể mất 3 năm”. Nhưng mới đây những hy vọng đã rực sáng hơn. Các ngân khoản tại Trung tâm của Shock đã gia tăng từ 9,3 triệu Mỹ kim năm 1971 lên 12,3 triệu Mỹ kim trong năm 1973, và năm 1974 gia tăng hơn nữa. Nhiều đề nghị được đưa ra trước Quốc Hội Hoa Kỳ nhằm thiết lập một viện Quốc gia Nghiên Cứu tuổi tác.

Từ thời xa xưa, việc tìm cách kéo dài đời sống là một sản phẩm huyền hoặc hoang đường. Các vua chúa mong muốn được sống lâu bằng cách ngủ với những nàng trinh nữ để thu hút những nguồn sinh lục băng trinh từ cơ thể của họ. Lối “chữa bệnh già” này không biết có hiệu nghiệm gì không nhưng biết chắc chắn là giữ cho ông ta thoát khỏi cảm tưởng cô đơn. Achilles đã ăn óc tủy của gấu con để tăng cường tuổi sống và can đảm, và khoa học gia Ấn Độ Susruta (năm 800 trước Thiên Chúa) đã khuyên các bệnh nhân bất lực nên ăn trứng dái cọp. Ngày nay các chuyên viên “phục hồi sinh lực” tìm được những phương pháp ít kỳ dị hơn.

Ở Âu Châu, hàng ngàn đàn ông phụ nữ thường chữa bệnh “già” bằng phương thuật của cố Bs Paul Niehans của Thụy Sĩ. Cách chữa trị này là chích các tế bào sống rút từ những con cừu non mà trên lý thuyết thì những tế bào đó phục hồi những cơ quan yếu kém và tạo cho cơ thể sinh khí mới. Theo các tường thuật thì Bs Niehans đã đích thân chữa trị theo cách này cho các nhân vật quan trong, trong đó có Đức Giáo Hoàng Pius XII, ông Windsor, Gloria Swanson, Bernard Baruch, Charlie Chaplin va Winston Churchill.

Viện Nghiên Cứu của Niehans mang tên “La Prairie” là một tòa lâu đài nằm trên bờ Hồ Geneva; ngày nay tòa lâu đài này nằm dưới sự chỉ huy của Bs Walter Michel. Các tế bào sống được rút ra từ một đàn 500 con trừu đen đặc biệt nuôi tại một nông trại ớ Fribourg. Các bệnh nhân thường ở lại viện 8 ngày để điều trị với một phí khoảng là 2.000 dollars. Bs Michel ước lượng rằng đã có hơn 5.000 người ở Âu Châu được điều trị ở tòa lâu đài này từ xưa đến nay.

Tại làng Lenggries, sâu trong chân đồi Bavarian Alps, Bs Siegfried đang điều hành một cơ sở 40 phòng theo khuôn mẫu của Bs Niehans. Cứ mỗi đợt điều trị 6 ngày, tổn phí từ 1.300 – 1.600 dollars. Bs René-Basile Henry, người điều hành một viện điều trị theo phương pháp Niehans tại Saint-Germain-en-Laye (ngoại ô Ba Lê) chỉ thu phí khoảng từ 100 – 600 dollars. Các Bs thuộc khoa chữa trị này cho rằng với phương pháp chích tế bào vào cơ thể có thể chữa trị được rất nhiều bệnh từ bệnh trí óc chậm phát triển đến bệnh khí thủng. Các bác sĩ này nhấn mạnh rằng sự chích các tế bào sống làm phục sinh cơ thể và trí óc của người già cả.

Họ còn nghiên cứu để đưa ra một sảm phẩm gọi là “Gerovital”, một loại thuốc gồm đa số acid procaine, thật ra đã được Bs Ana Aslan phát triển từ hơn 20 năm qua. Chất procaine tại Hoa Kỳ được hiểu là Novocain. Bs Aslan cho rằng hợp chất của loại acid này rất hiệu nghiệm trong việc chữa trị chứng sưng khớp xương, bệnh cứng động mạch và sự suy nhược toàn diện của tuổi già. Nikita Khrushchev là một trong những bệnh nhân của Aslan, Sukarno, Marlene Dietrich cũng là những người được Aslan chữa trị.

Bs Nathan S. Kline thuộc bệnh viện tiểu bang Rockland ở Orangeburg (Nữu Ước) hiện đang thí nghiệm sử dụng Gerovital cho các bệnh nhân già.

Có loại thuốc trường sinh bất lão không?

Dù có bất cứ loại thuốc gì có thể so sánh như một thần dược trường sanh bất lão nhưng không có vấn đề tuyệt đối. Từ năm 1932, Bs Clive Mckay thuộc Đại học đường Cornell đã cho thấy ông có thể kéo dài được đời sống của loài chuột bằng cách giảm bớt 1/3 số calory trong các bữa ăn của chúng. Việc tiết giảm calory sẽ có thể áp dụng cho loài người nhưng chưa được thực hiện. Nhưng các dân cư trong làng Vilcabamba ở Ecuador được ghi nhận về sự sống lâu của họ, họ dùng số calory bằng nửa số calory của một người Mỹ trung bình sử dụng trong một bữa ăn.

Các nhà Nghiên cứu tuổi tác rất say mê những nơi như làng Vilcabamba (giống như xứ Abkhazia ở Nga và xứ Hunza ở Kashmir, các xứ này những người sống đến 100 tuổi là chuyện thường). Các bữa ăn của dân cư làng Vilcabamba và Hunza có ít chất mỡ. Tất cả ba khu vực kể trên đều là vùng nông thôn và dân cư thường kéo dài sự lao động thể chất.

Nhưng điều quan trong trong việc sống lâu của họ là thái độ của những dân cư này đối với tuổi già.

Bs Alexander Leaf thuộc Đại học Y Khoa Harvard, người vừa mất 2 năm để viếng thăm 3 vùng nói trên, đã tường trình rằng những người già rất được kính mến và những người trên 100 tuổi vẫn làm những công việc đặc biệt của họ như lau nhà hoặc chăm sóc các cháu nhỏ. Không có việc ẩn dật và chính những người già đã nhấn mạnh tầm quan trọng việc duy trì sự trầm lặng, tình trạng vô lo của trí óc. Bs Leaf ghi nhận, một kết quả của vấn đề nầy là người ta chờ đợi sống lâu dài và xem cái tuổi 100 là tuổi thông thường phải đạt tới của mỗi người.

Một yếu tố ngoại vi khác trong việc gia tăng tuổi thọ, ít nhất trong các loài máu lạnh, là hạ thấp nhiệt độ cơ thể. Những thí nghiệm khác có thể kéo dài gấp đôi đời sống loài cá Cynolebias bằng cách giảm nhiệt độ nước chúng sống xuống 50 hoặc 60. Bs Strehler làm thí nghiệm này và những nghiên cứu khác rồi đề nghị rằng nhiệt độ cơ thể giảm xuống – có lẽ bằng thuốc – chỉ một hoặc hai độ, có thể gia tăng đời sống mỗi người thêm 25 đến 30 tuổi.

Vài bác học khác nghĩ rằng một “yếu tố trẻ trung” có thể được cô lập lại. Nhiều nhà sưu tầm đã lấy một chút da từ một con chuột con và cấy chúng vào những chú chuột đồng lứa. Khi con chuột được cấy già đi, miếng da cấy được lấy ra và cấy lại vào một thế hệ chuột trẻ hơn. Duy trì cách cấy này qua nhiều thế hệ liên tiếp, những miếng da “ghép” sống lâu hơn con vật mà đầu tiên bị lấy da. Trong một thí nghiệm tương tự, những liên kết thường được thực hiện giữa mạch máu của những chú chuột non và già. Máu non dường như có một hiệu nghiệm phục sinh vào những con vật già, và chúng sống lâu hơn, tốt đẹp hơn.

Nhưng việc đó được thực hiện với những viên thuốc, hoặc những bữa ăn đặc biệt, việc kiểm soát bất thần về tuổi tác có thể tùy thuộc sự nghiên cứu căn bản về bản chất tự nhiên của sự tiến triển tuổi tác. Bs Shock, một chuyên viên vể tuổi tác, nói: “Chúng ta càng hiểu nhiều về các nguyên nhân căn bản của tuổi tác, chúng ta càng có khả năng chọn thuốc cho thích ứng các trường hợp”. Hầu hết các nhà sưu tầm đều đồng ý rằng có thể có nhiều yếu tố liên quan đến tuổi tác mà không có ma thuật đơn giản nào sẽ chứng tỏ được câu trả lời.

Sau khi nghiên cứu gần 2000 cặp sinh đôi sống trên 60 tuổi, Bs Lissy F. Jarvik cho rằng những người đẻ sinh đôi sống lâu hơn người không phải là sinh đôi.

Vì hầu hết các giống loại dường như có một thời lượng sống nhất định – Muỗi sống 40 ngày, chuột sống 3 năm, người sống 110 năm – nhiều bác sĩ nghĩ rằng có một cái “đồng hồ sinh thực” được tạo thành các tế bào của cơ thể mà những tế bào này quyết định được tuổi tác. Bằng chứng tốt nhất để hỗ trợ cho quan niệm này đã được tình cờ khám phá năm 1961 bởi Bs Leonard Hayflick thuộc Đại học Y Khoa Stanford khi ông đang nghiên cứu bệnh ung thư về các tế bào con người đang nẩy nở trong việc cấy mô.

Rồi tất cả các nhà sinh vật học đều đồng ‎ý rằng tế bào loài người đang lớn lên trong việc cấy mô như vậy hoàn toàn không chết nếu được nuôi nấng đầy đủ.

Nhưng trong khi quan sát các tế bào đã cấy vốn lấy từ mô phổi của một phôi thai người, Hayflick ngạc nhiên ghi nhận rằng mỗi “dân số” tế bào gia tăng gấp 50 lần – và rồi chúng không gia tăng nữa. Kế đến ông khám phá ra rằng các tế bào “thuộc địa” được đặt vào môi trường đông lạnh, chúng gia tăng 20 lần rồi dừng lại tại 30 lần. Bs Hayflick khám phá ra rằng các tế bào lấy ra từ mô phổi người lớn để cấy, trung bình chỉ sinh nở ra 20 lần.

Cuối cùng Hayflick kết luận rằng: “Dân số” tế bào chỉ có thể nảy nở được 50 lần là tối đa. Ông cho rằng tuổi tác liên hệ đến những thay đổi sinh thực, tâm lý và kiến tạo trong tế bào đã xảy ra trước khi tế bào ngưng việc phân hóa. Ông ghi nhận: “chiếc đồng hồ sinh thực” chận đứng sự phân hóa của tế bào, chiếc đồng hồ này đóng vai trò quan trọng vê những thay đổi đó.

Hai lý‎ thuyết chính

Trong gần 20 năm qua người ta cho rằng giống tính ảnh hưởng vào sự tiến trình tuổi tác. Có 2 giả thuyết chính: Thứ nhất cho rằng các tế bào chỉ nảy nở đến một mức độ nào đó rồi ngưng lại, trong khi giả thuyết thứ hai cho rằng các tế bào vẫn nảy nở nhưng đến một giai đoạn nào đó các hoạt động của chúng tự động ngưng lại.

Hiện nay Bs Hayflick đang thực hiện hàng loạt các thí nghiệm để xác định rõ ràng sự tăng trưởng của tế bào.

Nhiều chuyên viên nghĩ rằng tuổi tác được kiểm soát bởi những “bộ phận tập dượt” đặc biệt trong cơ thể, và ở trong mỗi “cá nhân” tế bào. Sự sống lâu của da được cấy vào nhiều thế hệ chuột liên tiếp cho thấy rằng vài loại kích thích tố hoặc “yếu tố trẻ” đã kiểm soát các tế bào được cấy. Và có sự kiện rằng da nhăn và xương teo đôi khi xảy ra ở người phụ nữ sau thời kỳ tắt kinh nguyệt là kết quả của sự thiếu các loại kích thích tố nữ do noãn sào cung cấp. Các sự kiện đó cho thấy kích thích tố cũng giữ một vai trò “điều hành” tuổi tác trên căn bản hằng ngày.

Theo Bs Caleb E. Finch thì cơ quan điều hành tuổi tác có thể là cơ quan “hypothalamus” nằm sâu trong não bộ. Trong loài chuột, Bs Finch đã tìm ra những thay đổi tùy theo mức độ của các kích thích tố thần kinh. Ông cho rằng những thay đổi như vậy có thể ảnh hưởng đến tuyến nước nhớt, tuyến nội tiết và các tuyến khác khắp châu thân. Ông đề nghị: Trong tương lai chúng ta có thể lấy được vài milimeters máu từ một người, tiếp tục cuộc khảo cứu để tìn thấy các mức độ kích thích tố của người đó, rồi để cho người đó uống một ly trái cây để điều chỉnh vài bất thăng bằng liên quan đến tuổi tác.

Bs Erdman Palmore cho rằng: “Sự trường thọ của một người tùy thuộc vào ba yếu tố chính: thể chất, tâm lý và xã hội”.

Trên căn bản các cuộc nghiên cứu, các nhà sưu tầm này cho rằng sự sống lâu có thể tùy thuộc vào thái độ của cá nhân đối với các viễn ảnh tuổi già trong suốt thời gian đầu đời của người đó. Những người đã sống lâu nhất là những người không chịu khuất phục. Nếu bị góa bụa, họ thường tái kết hôn. Nếu sống ẩn dật, họ được sự thoải mái. Họ đã đi bộ thật nhiều và ngắm nhìn những gì họ ăn.

Kết thúc loạt bài này, Bs Eric Pfeiffer nói: “Quyết định để có một đời sống trí óc tích cực, khỏe mạnh và xã hội thật sự là quyết định rất quan trọng. Đó là định luật cho thuật trường sanh bất lão vậy!”

Nguyễn Hà – Newsweek
Đỗ Thiên Thư st

XE TRÂU

Từ xưa, xe là tiếng chỉ danh của phương tiện do con người sáng tạo ra để xê dịch, nhờ vào sức kéo của gia súc, khi khoa học công nghệ chưa chế ra những chiếc xe tự động chạy bằng hơi nước nhiên liệu hoặc điện khí. trong thập niên 1940-50 hay trước nữa, ở một thành phố lớn như Sài Gòn (nay là TP HCM) người ta vẫn còn thấy trên các con đường tráng nhựa xen lẫn với những xe buýt kiểu dáng thô sơ chạy bằng dầu cặn phun khói đen kịt phía sau, là những xe ngựa hay còn gọi là xe “thổ mộ” lóc cóc lăn bánh chở khách trên những tuyến đường dài 5, 7 cây số, đại loại như tuyến Chợ Bến Thành – Đất Hộ (Đa Kao), hay tuyến Chợ Bến Thành - Tân Định hoặc Phú Nhuận và những xe gọi là xe “thớt” bốn bánh, kéo bằng hai ngựa tên thường gọi là xe cá chỉ chuyên chở cá từ vùng Chợ Lớn ra Sài Gòn để cung cấp cho các chợ. Bên cạnh những cỗ xe kéo bằng ngựa, một loại gia súc khá thân thiện với con người thì cũng có những loại gia súc sức vóc ngang hàng với ngựa tuy nặng nề và chậm chạp hơn, hiện chỉ nuôi để giết thịt, lấy da hay sao? Vào thời điểm thập niên nói trên, cư dân thành phố cũng thấy khá thường xuyên con vật hiền lành chậm chạp này được mắc từng đôi một vào cỗ xe hai bánh gỗ lớn có vành bọc sắt, di chuyển thành từng đoàn qua đường phố vào buổi sớm tinh sương trên xe chất đầy hàng hóa: đó là những chiếc “xe bò”. Ở thôn quê cỗ xe có thể băng qua các cánh đồng khô nhiều bờ mẫu, chở nông phẩm, hoặc cũng có khi chở chủ nhân nhàn du trên các đường đất trong làng. Cụ Nguyễn Công Trứ, một bậc lương thần vào đầu thời nhà Nguyễn ở xứ ta dưới thời Minh Mạng và Thiệu Trị, sau khi chán ngán với nỗi thăng trầm trên bước đường hoạn lộ của mình, chẳng đã dùng xe này để đi ngao du sơn thủy, bầu rượu túi thơ, tiêu dao ngày tháng. Xe ngựa hoặc xe bò, từ những chiếc xe song mã, hay tứ mã sang trọng có màn che, sáo phủ của các nhà quý‎ tộc, hoặc những chiếc xe do con vật kéo có chuỗi lục lạc leng keng dưới cổ, thiên hạ cũng đã thường thấy hay ít nhất cũng nghe nói đến, nhưng có một loại xe cũng dùng sức kéo của gia súc, không phải chế ra để làm phương tiện xê dịch mà là một công cụ để hỗ trợ cho nông nghiệp, đó là chiếc “xe trâu”, tên gọi như vậy là vì xe do trâu kéo, không dùng để đo đường dài mà để đi vòng tròn trên một sân đất, có bánh xe răng cưa ăn vào trục của một bánh xe guồng lớn, có gắn các ống tre, để múc nước từ dưới đìa (ao) lên đổ vào máng để cháy ra ruộng. Quả thật cái tên có hơi lạ lẫm nhưng hình ảnh thì rất chân thật.

Chiếc xe do cụ Trúc Đường Phạm Phú Thứ nhân chuyến đi sứ chuộc đất bên Pháp trong phái đoàn Phan Thanh Giản (1863), khi ngang qua Ai Cập thấy người dân bản xứ dùng một bánh xe guồng nước lớn do ngựa kéo để vận chuyển nước từ thấp lên cao đổ vào cánh đồng. Khi về Cụ Phạm cho người vẽ kiểu mô phỏng đóng thành chiếc xe kéo bằng sức trâu đi vòng vòng và đã biểu diễn ở khu “Tịch Điền” kinh thành Huế cho vua Tự Đức xem. Vua khen ngợi và cho Phủ Thừa chế tạo hơn mười cỗ xe mẫu gởi cho các Phủ, Huyện Thừa Thiên. Đồng thời bảo “Vũ khố” (Cục quân giới) đóng kiểu mẫu đưa về các Tỉnh đạo khác (1). Đặc biệt là tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận đã sử dụng nhiều loại xe này. Về năng xuất của chiếc xe, mùa hạ năm Tự Đức 11 (1868), trời hạn gắt, Cụ Phạm theo vua đi xem mùa màng ở cánh đồng Thừa Thiên thấy dọc hàng trăm dặm nông dân đều dùng gàu sòng tát nước, về đến xã An Cựu mới thấy nhà một ông Bá hộ (Lê Văn Giang) dùng xe nước kéo bằng bò, chủ nhân nói: “Trước dùng gàu sòng tát cho hai mẫu tốn 150 quan, nay dùng xe này tưới ba mẫu chỉ tốn 15 quan”.(2)

Từ xa xưa, con người đã biết ứng dụng sinh học (sức trâu) vào cơ học (bánh xe răng cưa vòng tròn) để chế tác đồ dùng tiện lợi. Chiếc xe trâu ngày nay đã được thay thế bằng các máy móc hiện đại trong công cuộc thủy lợi. Nhưng các máy bơm bằng điện với công suất lớn, vẫn do nguồn cung cấp nước có sẵn trong thiên nhiên là các sông rạch. Chiếc xe trâu chỉ cần một đìa (ao) đào giữa đồng dùng nơi lấy nước từ mạch ra. Ngày nay, trên các thửa ruộng với nhiều bờ mẫu chằng chịt chia đất thành manh mún chật hẹp, đã vắng dần tiếng “hồ rì, hồ tắc” của bác nông dân chân lấm tay bùn bước đi nặng nhọc đằng sau con vật thân thương của mình với chiếc cày xẻ luống, mà chỉ nghe thấy tiếng “xình xịch” của máy cày, ngang dọc đó đây trên các cánh đồng mênh mông và ở đầu mương thủy lợi trên các bờ sông thì đã có dàn bơm điện công suất lớn đưa nước vào ruộng.

Nhìn lại quá khứ, hình ảnh chiếc xe trâu với dòng nước liên tục chảy từ các ống tre xuống máng rồi ra ruộng, chắc cũng gợi lại cho nhiều người ý niệm “tiên khởi” của các công cụ máy móc hiện đại ngày nay trong công việc canh tác lúa nước.

-----------------

(1) (2) theo bản dịch của Quang Uyển trong “Nhật ký‎ đi Tây
Khu tịch điền: Khu ruộng của vua tự mình ra cày để biểu dương nông nghiệp.
Gàu sòng : Loại gàu đan bằng tre, trét dầu rái, hình giống cái thìa dài có cán, treo ở cọc chắn ba nơi mương nước, do một người sử dụng để tát nước vào ruộng.
Gàu giai : Loại gàu đan bằng tre, trét dầu rái, hình giống đầu trâu, nhưng lớn hơn, hai bên gàu có một đôi dây, một cột trên miệng gàu, một dưới đáy, do hai người đứng hai bên bờ ao sử dụng, vục gàu xuống nước kéo lên, giật mạnh đầu dây ở đáy, gàu nghiêng hắt nước vào ruộng.

Ca dao: - Ruộng cao thì tát gàu giai
             Ruộng thấp thì hai gàu sòng

Hai loại gàu này đã được nông dân miên Trung sử dụng lấy nức vào ruộng trước khi có xe trâu ra đời.

PPT (sg) ghi 2009

1.310 DI TÍCH ĐÔ THỊ CỔ HỘI AN

Nằm cách Đà Nẵng 30 km về phía Tây Nam, Hội An là một đô thị cổ có hơn 500 tuổi được UNESCO công nhận là một di sản thế giới. Nơi đây là một quần thể di tích lưu giữ được 1.310 di tích cổ; trong đó, riêng các căn nhà cổ đã có 1.048 căn. Ngày nay, Hội An vẫn giữ được dáng vẻ từ bao thế kỷ trước, gần như nguyên vẹn lối kiến trúc cổ xưa.

Ngay từ thế kỷ XVII, Hội An đã là nơi thông thương, giao lưu buôn bán giữa Việt Nam và các tàu buôn Nhật, Trung Quốc và một số nước phương Tây. Đây là một hải cảng nhộn nhịp ở miền Viễn Đông, được ghi nhận là nơi các tàu buôn thường ghé qua trên hành trình từ phương Tây như Bồ Đào Nha, Ba Tư, Ả Rập sang Trung Quốc, Nhật Bản và ngược lại. Nửa đầu thế kỷ XVII, tàu buôn Goshuinsen được sứ quán cấp giấy phép đã chạy trên đường giữa Hội An và các thành phố cảng của Nhật như Nagasaki, Sakai… Tàu Nhật đưa vào Hội An các mặt hàng vàng, bạc, đồng tiền bằng đồng, đồ gốm sứ, gươm đao, quạt xếp, và mua của Việt Nam tơ tằm, san hô, da hươu, ngà voi… Hội An xưa kia còn có khu phố Nhật Bản với khoảng 700 người Nhật sinh sống. Giờ đây, ở Hội An vẫn còn ngôi chùa Cầu và chiếc cầu Nihon Bashi lưu niệm nối liền hai khu phố của người Việt và người Nhật.

Đến Hội An bây giờ, du khách vẫn được chứng kiến nhiều kiến trúc xưa theo kiểu kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản thể hiện qua những dãy phố và những ngôi chùa. Những ngôi chùa được xây cất từ nhiều thế kỷ trước nay vẫn tồn tại như chùa Ngũ bang xây năm 1740, chùa Quang Triệu xây năm 1885, chùa Hải Nam xây năm 1881. Chùa Triều Châu do người Tiều Minh Hương cất vào năm 1845 kéo dài 40 năm tới năm 1885 mới hoàn thành. Chùa Phúc Kiến có thiết kế đặc biệt, dựng lên năm 1687 và nhà Tân Kỳ cất vào khoảng giữa thế kỷ XIX là biểu hiện xu hướng hòa hợp các kiểu mẫu kiến trúc Nhật, Hoa Việt. Phần nhiều các ngôi chùa và đình ở Hội An đã được người Minh Hương, vốn là tôi thần nhà Minh không hàng phục triều Mãn Thanh di dân sang Việt Nam tạo dựng tiêu biểu như chùa Phúc Kiến, chùa Ông Bổn, hội quán Triều Châu, miếu thờ Quan Công vv… Không chỉ có chùa, việc xây dựng các khu phố, các ngôi nhà phố cũng mang đậm dấu ấn của một thời phồn thịnh của thương cảng này cũng như sự giao lưu văn hóa, kiến trúc Hoa-Nhật-Việt. Hai khu phố Cẩm Phổ và Minh Hương cách nhau một con kinh nhỏ và cộng đồng người Nhật lúc đó ở Hội An đã góp phần làm một chiếc cầu gỗ dài 18 mét, mái lợp ngói nối liền hai khu chính là chùa Cầu đã nói ở trên; cầu còn có tên gọi khác là cầu Lai Viễn, trên cầu có miếu thờ Bắc đế. H ộ i An còn có nhiều ngôi nhà rường – một kiểu nhà vườn phổ biến trong các gia đình giàu có ở Huế xưa. Các ngôi nhà cổ ở H ộ i An, mỗi nhà một kiểu chạm trổ, điêu khắc rất phong phú, đa dạng: hoa cúc, long phụng, bát quái, âm dương với cách điểm nhấn rất tinh tế, sống động trên các cột nhà, vì kéo, cánh cửa. Mỗi ngôi nhà phố ở Hội An thường có chiều dài khoảng 50 mét, có 2 mặt tiền, quay ra hai con đường và có bề ngang khá hẹp, mái lợp ngói âm dương. H ộ i An là giao lộ quốc tế một “cửa sổ” của Việt Nam mở ra thế giới. H ộ i An sớm tiếp thu và du nhập nhiều nền văn minh, văn hóa của nước ngoài đồng thời cũng là đầu mối phát triển ngoại thương, thương mại của nước ta dưới triều Nguyễn. Trên bản đồ hải hành của các thương thuyền ngoại quốc, hải càng H ộ i An được ghi là “Faifo” người Việt gọi là Phố Phái. H ộ i An còn có các tên gọi khác nhau như Hải Phố, Hoài Phố. H ộ i An là một quần thể di tích cổ với 1.310 di tích giá trị và hàng trăm công trình kiến trúc tạo ở khu phố cổ đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1986.

Gia nhập thành phố di sản thế giới (OWHC)

Phố cổ Hộ i An vừa chính thức được gia nhập tổ chức các Thành phố Di sản Thế giới (OWHC). Đây là một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ tháng 8 năm 1993 nhằm tập hợp các thành viên là những thành phố được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và đạt những tiêu chuẩn của tổ chức như bảo tồn tốt các di sản, cùng tham gia hỗ trợ nhau trong việc quảng bá, giới thiệu các thành viên của hiệp hội.

Di sản Văn hóa Thế Giới – Bùi Đẹp

ĐỘNG PHONG NHA
Một kỳ quan của đất nước

Ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có một khu động nguyên thủy cực kỳ hấp dẫn, đó là động Phong Nha. Phong Nha cách tỉnh lỵ Đồng Hới chừng 50km đường ô tô. Đi xe tới cầu Bùng cách ngã ba Hoàn Lão 20km (từ quốc lộ 1 rẽ trái về phía núi) sau đó đi thuyền ngược dòng sông Son là đến ngay trước cửa động Phong Nha. Sông Son là một nhánh ở thượng nguồn con sông Gianh lịch sử. Trong vòng một tiếng đồng hồ, du khách ngồi trên thuyền ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ. Con sông tên gọi là Son, nhưng nước lại trong xanh, nhìn thấy đáy.

Có đến Phong Nha mới hiểu ‎ý nghĩa của địa danh này. Phong không phải là gió, như một số người xưa nay cắt nghĩa. Phong là mũi nhọn, thay bộ Kim bằng bộ Sơn, thành ra Phong ở đây là đỉnh núi. Nha là răng. Trên đường dẫn đến khu động, chúng ta thấy trước mặt có “một dãy núi đá cao lớn giăng dài” (Đại Nam Nhất thống chí, tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, bản dịch của Nguyễn Tạo, Saigon 1961). Các hòn núi ấy gần bằng nhau, trên đỉnh hơi phẳng và nằm cách nhau khá đều đặn, trông giống như hàm răng vĩ đại của một sinh vật khổng lồ. Trong vùng trung nguyên đó có động Phong Nha.

Cách đây gần 450 năm, Dương Văn An, tác giả sách 6 châu cận lục đã vào động tham quan và mô tả lại những gì mắt thấy tai nghe bằng những lời văn đầy cảm khái và chứa chan thi vị:

“Phía dưới là nước biếc như màu chàm, phía trên thì non xanh như tấm thảm. Động có cửa vào, hẹp, chỉ vừa lọt một chiếc thuyền con. Càng vào trong càng thấy rộng rãi, những du khách đi thuyền đến vãn cảnh, với một bó đuốc, đi men bờ nước lân vào, nghe gió thổi như đàn, động vang tựa sáo. Đi ước hơn 100 bộ, bỗng thấy mở ra một khoảng rộng trông thấy trời đất sáng trưng, mặt trời chói lọi.”

“Cỏ đẹp, mây êm, sạch lòng trần tục, hoa cười đón khách, chim hót chào người, cảnh trí riêng hẳn ra một bầu trời đất.”

“Trong động có tảng thạch bàn nhẵn nhụi, có bàn cờ; con cờ bằng đá. Vách núi chung quanh như gọt, ngắm những vật nhỏ lấm tấm, chỗ như đồng tiền, chỗ như sợi tóc, chỗ thì tựa như hình người, chỗ thì giống như viên ngọc. Nước biển như mắt su; nước xanh như tóc Phật, chân chim in mặt cát, đàn cá lượn trong hang dầu phong cảnh Nguyên Đào cũng không hơn thế được.”

Những thi nhân trong hạt đề thơ ngâm vịnh từ lâu đời, người sau tìm kiếm các bài chỉ còn lờ mờ như nét khuyến dấu diếm” (Bản dịch của Bùi Lương, Saigon, 1961).

Mùa Hè năm 1929, một người Pháp tên là Bouffer đã cùng với mấy người bạn của ông đi thám hiểm bên trong động Phong Nha suốt 26 giờ đồng hồ, nhưng cũng chỉ mới đi vào cách cửa động 3km mà thôi. Trước đó, một đoàn thám hiểm khác do một người Anh tên là Barton dẫn đầu đã ở lại làm việc trong lòng núi suốt 14 hôm, nhưng vẫn chưa tìm ra chỗ tận cùng của Hang động (Bouffer, Les Grottes do Phong Nha, Bulletin des Amis du Viex, Huế, 1930). Ông cho rằng động Phong Nha cũng đẹp tuyệt vời như động Padriac ở Pháp hay động Cuévas del Drach ở Tây Ban Nha. Du khách ngày nay chỉ cần đi thuyền vào khỏi cửa động là đã có thể thưởng thức ngay được vẻ đẹp tráng lệ của cái “phòng khách” rộng lớn do thiên nhiên tạo dựng để đón mời mọi người đến viếng lâu đài rộng rãi ở trong kia. Dưới đáy sông ngầm, nước sâu thăm thẳm. Nhìn lên trên đầu, vòm động rộng mênh mông. Ở đây treo lơ lửng những chùm thạch nhũ óng ánh lung linh, những khối đá đủ màu, hình thù kỳ quái; ánh sáng yếu ớt mờ ảo từ cửa động chiếu vào càng làm cho cảnh thiên nhiên nơi đây trở nên kỳ ảo, huyền bí. Tùy theo óc tưởng tượng của mỗi du khách mà các hình ảnh đó là con sư tử hay chim phượng hoàng, là bạc vàng hay châu ngọc, là nàng tiên nữ đang múa khúc nghê thường hay Phật Bà Quan âm giáng trần cứu nhân độ thế. Trước mắt du khách là thiên hình vạn trạng, muôn hồng ngàn tía, chẳng khác gì đang xem một cuốn phim màu về một thế giới hoàn toàn xa lạ với cõi đời này. Quả thật là chốn Đào Nguyên. Muốn vào sâu hơn nữa, du khách phải đốt đuốc, không gian mơ hồ, thời gian ngừng trôi. Trong động chỉ có tiếng tí tách của hơi nước tụ thạch nhũ rơi xuống và tiếng chèo khua nước. Càng đi vào, càng thấy gần với cõi hư vô, cách ly hẳn với thế giới trần tục bên ngoài. Như khi vào sâu khoảng 800m, du khách phải rời thuyền, đi bộ tham quan. Từ đây tiến thêm chừng 1km nữa, người ta thấy dòng sông lại xuất hiện giữa lòng hang động. Thỉnh thoảng du khách đọc được những dòng lưu niệm bằng chữ Chàm, chữ Hán, chữ Việt, chữ La Tinh của du khách. Có vào động Phong Nha mới thấy được vẻ tuyệt diệu kỳ bí đầy sức hấp dẫn của thiên nhiên, một kỳ quan của Việt Nam.

NHỮNG PHÁT HIỆN MỚI NHẤT
VỀ ĐỘNG PHONG NHA

Tiến sĩ Howard Limbert, 37 tuổi, trưởng đoàn thám hiểm Hội Hoàng gia Anh đã có tới 20 kinh nghiệm thám hiểm các hang động trên thế giới. Anh đã từng khảo sát các hang động ở Pháp (3 lần), Tây Ban Nha (1 lần), Áo (4 lần), Mêhicô (4 lần) và Việt Nam (2 lần) vào năm 1990, 1992. Howard Limbert kể:

Hang Thông : giòng nước chảy xiết đặc biệt nguy hiểm cho những người tham gia khảo sát. Ở lối vào, vòm hang rất cao giống như ngoài động Phong Nha. Càng vào sâu bên trong, trần hàng càng hạ thấp. Đoạn nguy hiểm nhất trần hang chỉ cách mặt nước 30cm, từng thành viên trong đoàn thám hiểm phải lách hết sức cẩn thận để qua, nếu sơ ‎ý có thể bị dòng nước cuốn trôi. Đi được 3,5km vào sâu phía trong hang trên dòng nước xuất hiện những xoáy nước rất xiết gọi là rục nước. Đến cuối đoạn này, trần hang hạ thấp hơn mặt nước. Chúng tôi quyết định lặn thử để tìm lối qua, nhưng chỉ được vài mét là phải quay trở lại. Những người dân địa phương nói rằng: ở gần đó có một nhánh sông ngầm đổ vào Phong Nha. Bởi vậy, chúng tôi gởi tới đó một nhóm 3 người để khảo sát. Đó là hang Én.

Hang Én : một trong những hang lớn nhất thế giới. Chúng tôi đã phát hiện ra một trong những hang thuộc loại lớn nhất thế giới. Có những đoạn, vòm hang rộng tới 150m, cao hơn 100m. Quả thật là một cái hang vĩ đại. Chúng tôi đi được khoảng 1,7km trong lòng hang, phần lớn bằng thuyền. Nước trong hang chảy rất xiết, lưu lượng lên tới 10-12m3/giây. Trong lòng hang thậm chí còn có cả những thác nhỏ. Đo sự hòa tan của đá vôi ở các đoạn hang khác nhau đã tạo nên những thạch nhũ đa dạng. Có loại rất lạ, gây cho người thám hiểm một cảm giác choáng ngộp trước sự vĩ đại của nó. Chúng tôi đã dùng thiết bị lặn để khảo sát nhiều đoạn của Hang Én. Như vậy là cùng với 1,7km khảo sát Hang Én của chúng tôi, chiều dài của Động Phong Nha lên đến gần 14km. Hang Én chính phần khởi nguồn của dòng sông chảy trong động Phong Nha và chảy ra cửa động gọi là sông Son.

Hang Vòm : hang dài nhất “Việt Nam”. Hang Vòm nằm ở thượng nguồn sông Chảy. Cửa rộng có kích thước 60x50m, tiếp theo là hàng loạt hồ rộng trên tuyến dài 1,5km, rồi tới đường thông ra ánh sáng cao 100m. Vượt ra khỏi đây, đường nước chảy dẫn tới một nhánh hang đẹp nằm ở mực cao. Nhánh hang này dẫn tới 1 cửa ở chân vách dốc. Từ lối thông ra ánh sáng, đường suối tiếp tục chảy 4km nữa rồi tới một cửa hang khác sau 150m, lại một cửa hang nữa xuất hiện dẫn tới nhánh hang dài 2km và rồi lại tới cửa thứ ba… (Trích lại báo cáo của đội thám hiểm).

Tiến sĩ Howard Limbert kể tiếp:

Chiều dài của hang Vòm chúng tôi đã khảo sát trong đợt thám hiểm 1992 là khoảng 14km. Quãng đường đó, lần này chúng tôi phải đi suốt 2 ngày… Sau đó, trong 2 ngày tiếp theo, chúng tôi phát hiện ra một nhánh khác của hang Vòm dài độ 1km. Những người hướng dẫn địa phương dẫn chúng tôi tới một phần tiếp theo của Hang Vòm được gọi là Hang Đa Cao. Chúng tôi khảo sát tiếp được 8km nữa của Hang Vòm. Tính đến thời điểm đó, chiều dài của hang Vòm đã được khảo sát 23km. Độ dài như vậy, hang Vòm là hang dài nhất ở Việt Nam hiện nay. Trong đợt này, chúng tôi khảo sát vùng Tuyên Hóa dọc theo khu vực Sông Vạn. Đến vùng Cao Mại chúng tôi nhìn thấy một lượng nước khổng lồ đổ ra từ một cửa hang nhưng không làm cách nào để lọt vào trong được. Tuy vậy, những người dân địa phương nói rằng có một cửa hang khác ở gần đó được gọi là hang Tiên. Hang này có chiều cao 100m, rộng khoảng 80m, rất đẹp với những hình thù kỳ quái lộng lẫy. Chúng tôi khảo sát được 2,5km trong hang thì trần hang hạ thấp xuống mặt nước và đường bị tắc.

Chúng tôi cũng đang khảo sát một hang khác ở Sơn Trạch, đó là hang 36. Đi men theo sông Son khoảng 20 phút, chúng tôi gặp ngay cửa hang. Trong thời gian chiến tranh, hang này đã được sử dụng vào mục đích quân sự. Đây là một hang có khả năng hấp dẫn khách du lịch và nó nằm rất gần đường bộ và sông. Hang ngắn nhưng rất đẹp. Người đi thăm Phong Nha xong có thể tới thăm hang 36. Rất tiếc là hiện nay chưa cho chụp ảnh hang 36, nhưng tôi nghĩ rằng trong tương lai, nên sử dụng nó vào mục đích du lịch vì hang 36 rất khác với động Phong Nha.

TÀI LIỆU THÊM VỀ PHONG NHA – KẺ BÀNG

Qua hai cuộc điều tra, thám sát của các nhà khoa học VN và tổ chức WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) vào các năm 1996-1997 và mới đây đều khẳng định Phong Nha – Kẻ Bàng có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trong số các khu bảo tồn tại VN. Có 41.132ha là rừng nguyên sinh nhiệt đới trên núi đá vôi (núi đá vôi lớn nhất VN) chứa ẩn nhiều giá trị to lớn về tính đa dạng sinh học, địa chất, hang động, di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng… Trong đó có hơn 300 hang động lớn nhỏ đã được phát hiện. Nổi nhất là động Phong Nha, Tiên Sơn đã được đánh giá là hang động đẹp nhất thế giới với bảy tiêu chí: hang có dòng sông ngầm đẹp nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có bãi cát và bãi đá ngầm đẹp, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, là hang động nước dài nhất (45,5km).

Phong Nha – Kẻ Bàng có 1.200 loài thực vật, 140 loài thú, 356 loài chim, 71 loài bò sát, 32 loài lưỡng cư, trên 60 loài cá, 270 loài bướm… Có 10 loài linh trưởng và động-thực vật qu‎ý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Có 18 loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ VN và 3 loài đề xuất bổ sung vào sách đỏ thực vật. Có 26 loài thú có tên trong sách đỏ VN. Trong số 29 khu vườn quốc gia và bảo tồn thiên nhiên của VN thì Phong Nha – Kẻ Bàng được đánh giá và xếp ở vị trí thứ nhất với 39 điểm. Có nhiều di vật của con người thời tiền sử đã được phát hiện trong hang động Phong Nha cùng với nhiều bản cổ tự trên vách hang… Năm 2003, được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới

(Di sản Thế giới – Bùi Đẹp)

Điểm sách

NHỮNG SÁCH VỀ ĂN KIÊNG (DIETING)

Lời nói đầu:

Người viết không có ‎ ý định khuyên bạn nên theo một lối ăn kiêng nào vì:

  • Nhu cầu và cơ thể mỗi người mỗi khác.
  • CLB của chúng ta đã có một bác sĩ với đầy đủ kinh nghiệm và thẩm quyền về vấn đề này. Người viết chỉ xin tóm lược những gì đã đọc qua. Nếu có gì không đúng xin Bs Đính vui lòng chỉ bảo .

Mở đầu là những sách về phương pháp dưỡng sinh Ohsawa. Người viết đã đọc qua những sách sau đây:

- Sổ tay dinh dưỡng Ohsawa (không đề tên tác giả )

- Ăn gạo lứt muối mè (của Ngô Thành Nhân)

- Phương pháp Ohsawa Cứu mạng (của Nguyễn Văn Trung)

- Và một số tài liệu trên Internet.

George Ohsawa là bút hiệu của một người Nhật tên là Sakurazawa Nyoichi, sinh năm 1893 tại Nhật. Ông học đến cấp 3 rồi nghỉ học vì nhà nghèo. Năm 18 tuổi ông bị lao nặng, nhờ ăn theo phương pháp dưỡng sinh của một bác sĩ quân y mà khỏi bệnh. Ông này đã nghiên cứu nhiều sách Tàu và Tây rồi đặt ra một phương pháp dinh dưỡng và trị bệnh mà sau này là căn bản của phương pháp Ohsawa. Các đệ tử của bác sĩ này phần lớn là các nhà quý phái, có quyền lực, có tiền bạc. Họ lập ra một hội với mục đích bảo vệ văn hóa, khoa học và ngành y học của Nhật, chống lại văn hóa của Tây phương đang ào ạt tràn vào nước Nhật. Họ cũng mở nhà thương và chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người. Sau khi khỏi bệnh lao Ohsawa làm việc trong hội này và dần dần được bầu làm hội trưởng. Ông viết nhiều sách và du lịch khắp thế giới và diễn thuyết về phương pháp dinh dưỡng của ông. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là “Zen Macrobiotics” (tạm dịch là “Nghệ thuật sống trường thọ và hạnh phúc theo lối Thiền”), xuất bản năm 1965. Nhờ cuốn này mà giới Tây phương biết nhiều đến ông. Theo ông, để được sống khỏe mạnh, hạnh phúc và trường thọ:

· Về tinh thần, phải hiểu rõ và sống theo quan niệm Đông phương về âm và dương của trời đất. Âm và dương chống đối nhau nhưng cũng hỗ trợ, bổ túc cho nhau.

· Về dinh dưỡng, phải ăn uống một cách quân bình theo âm dương, không ăn thức ăn nào âm quá hay dương quá. Thực phẩm chính phải là gạo lứt rồi đến các thứ phụ như các loại hạt, củ, rau, đậu vv… tất cả phải được trồng tự nhiên không phân bón, không chế biến. Thức ăn phải được nấu chín. Ăn nhiều muối tự nhiên, uống thật ít nước, chỉ khi nào khát mới uống từ 1/3 – 2/3 lít một ngày.

Không dùng hóa chất, thuốc Tây, không chủng ngừa, không giải phẫu. Các thức ăn nên tránh là: tất cả các loại cà, măng, giá, nấm, khoai tây, dưa gang, bắp cải đỏ, củ cải đường, tiêu, ớt, cà ri, kem lạnh nước đá, đường, rượu, cà phê… vì những chất này quá âm (sách Sổ tay Dinh dưỡng Ohsawa có liệt kê những thức ăn có tính cách âm và dương).

Đàn ông chỉ đi tiểu không quá 4 lần /ngày, đàn bà 3 lần.

Có thể ăn thịt, cá, trứng, rau sống, trái cây nhưng không được ăn nhiều.

Mỗi lần ăn một muỗng gạo lứt muối mè, nhai 50 lần mới nuốt. Nếu ăn những thức ăn phụ thì ăn riêng không nhai chung với gạo lứt.

Đây là 10 phương thức ăn uống mà ông Ohsawa đặt ra:

Cách ăn số

Các loại (gạo lứt)

Rau củ xào khô

Canh rau củ

Thịt cá

Rau sống

Tráng miệng trái cây

Nước uống

7

100%

UỐNG CÀNG ÍT NƯỚC CÀNG TỐT

6

90%

10%

5

80%

20%

4

70%

20%

10%

3

60%

30%

10%

2

50%

30%

10%

10%

1

40%

30%

10%

20%

-1

30%

30%

10%

20%

10%

-2

20%

30%

10%

25%

10%

5%

-3

10%

30%

10%

30%

15%

5%

Phương thức số 7 là tốt nhất để chữa bệnh, muốn trị bệnh thì phải dùng phương thức này triệt để. Ăn theo phương thức này chữa được mọi loại bệnh kể cả ung thư, còn với phương thức với số nhỏ hơn (từ -3 đến 6) là để cho những người mới tập ăn hay trẻ em.

Năm 1965, một số người Việt Nam tại Huế trong đó có ông Ngô Thành Nhân, (hiện nay có tiệm bán thực phẩm dinh dưỡng tại 390 Điện Biên Phủ Q. Bình Thạnh, ông cũng là tác giả cuốn sách “Phương pháp Ohsawa Cứu mạng”.

Ông Nguyễn Văn Trung cũng nêu rất nhiều trường hợp các bệnh nhân nhờ ăn theo phương pháp Ohsawa mà khỏi bệnh.

Theo hay không theo phương pháp dưỡng sinh này?

Những người ủng hộ phương pháp Ohsawa cho rằng đây là một lối ăn uống không tốn kém, dễ thực hiện, với nhiều chất xơ. Tránh được sự nhiễm độc của thức ăn (nhất là vào thời buổi bây giờ) do phân bón và hóa chất.

Nhiều người được chữa khỏi (?) bệnh nan y, nhiều người cám ơn ông Ohsawa quá, biết đâu mình cũng có thể được chữa khỏi. Phương pháp này làm xuống cân mau, một điều mà người Tây phương rất thích (có lẽ ông Ohsawa không tiên đoán được chuyện này). Nội chuyện xuống cân cũng đủ để chữa khỏi nhiều bệnh. Những người chống đối thì nói rằng Ohsawa đã chết vì bệnh ung thư năm 1966, chỉ thọ bẩy mươi hai tuổi rưỡi (theo The People’s Almanac của David Wallechinsky & Irving Wallace). Năm 1965 tại New Jersey, một cô gái ăn theo phương thức số 7, trở nên gầy còm chỉ còn 70 pounds (32 kg) rồi chết. Vì chuyện này mà Nha Thực Phẩm & Thuốc Men (FDA) đã đóng cửa cơ sở Ohsawa ở New York. Các bác sĩ nhi khoa ở Mỹ đã kết án phương pháp Ohsawa. Hội Y Khoa Hoa Kỳ (AMA) khuyến cáo rằng phương pháp Ohsawa có thể gây thiếu máu, thiếu chất vôi, chất đạm, làm gầy mòn, kiệt sức, suy thận, thiếu Vitamin C… nhiều người cho rằng hãy nhìn những nông dân nghèo ở Á châu họ ăn uống rất gần với phương pháp Ohsawa mà kết quả không khả quan. Một số khác cũng cho rằng phương pháp này phản khoa học, mơ hồ và không tưởng. (Kỳ tới người viết sẽ điểm những sách ăn kiêng của Mỹ)

NCT

Minh Triết Trong Ăn Uống
của Phương Đông

Tác giả: Lương y Quốc Gia Ngô Đức Vượng
Thật là khó cho các bà nội trợ trong ngày hôm nay. Ăn gì đây:

- Cá ư ? Có bị ướp bằng Urê không ?
- Gà ư ? Có H5N1 không?
- Heo ư ? Thế giới đang báo động cấp 5 về H1N1 rồi. Sợ quá!!!
- Nước tương ư ? 3MCPD đã hết chưa ?
- Nước mắm thì sao ? Nơi sản xuất có vệ sinh chăng ?....

Có lẽ ai cũng thấy ăn uống liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Ông cựu chủ tịch Tổ chức Y Tế Thế Giới đã nói:

“Sức khỏe tuy chưa phải là tất cả, nhưng nếu không có sức khỏe thì những thứ còn lại đều mất hết ý nghĩa”. Chính vì vậy, khi có sức khỏe, người ta có hàng ngàn mơ ước khác nhau. Nhưng khi không có sức khỏe, người ta chỉ có một mong muốn duy nhất, đó là: Sức Khỏe

Xin giới thiệu cùng quý thành viên CLB để có thêm thông tin sàng lọc và áp dụng.

MD

ĐỐ VUI (nhưng nát óc)

Một ông vua nước nọ muốn đúc tiền cho dân chúng tiêu dùng. Ông gọi các nhà đúc tiền đến và ra lệnh: “Ai muốn làm công việc này thì phải nộp cho ta một túi tiền, mỗi đồng tiền phải nặng đúng 10 gram”. Đến ngày hẹn, nhiều nhà đúc tiền đến nộp, mỗi nhà một túi tiền theo quy định. Nhưng có một nhà đúc tiền không nghe rõ, nên nộp cho ông vua một túi tiền gồm những đồng tiền giống nhau, nhưng không phải là 10 gram mỗi đồng. Ông vua muốn loại bỏ túi tiền này.

Giả thử có 100 nhà đúc tiền, mỗi nhà nộp một túi, mỗi túi gồm 100 đồng tiền giống nhau. Làm cách nào mà bạn có thể giúp ông vua loại bỏ túi tiền (mà trong đó) chứa những đồng tiền không đúng 10gr mà chỉ dùng cái cân 2 lần mà thôi.

Lời giải đáp sẽ được đăng trong số tới. Tuy nhiên bạn nào muốn biết ngay thì có thể gọi số điện thoại 0907900712.

N.C.T.

Phụ Bản IV

Thú chơi sách là một thú nhàn đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng, hoặc giở trang sách tìm người trong xuân mộng. Nói như vậy vẫn còn chưa đủ: Nhà chơi sách chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm ái, vuốt ve trang giấy mịn màng, gửi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu tài tử đời xưa tiếp kiến mỹ nhân bằng xương bằng thịt .

Vương Hồng Sển
(Thú chơi sách)

Không có sự say mê nào quý hơn sự say mê sách vở.
Không có sự thám sát vũ trụ, cõi lòng nào sâu sắc, rộng lớn bằng sự thám sát sách vở.
Không có tài sản nào đồ sộ hơn một tủ sách giàu có.
Không có vốn liếng nào bất tận, quý giá hơn tài sản tinh thần của ta rút trong sách vở .

PÉTRARQUES


CHÚA TRỜI,
ANH VÀ EM

Sau gần 20 năm lưu lạc giang hồ, tôi trở lại quê nhà, tỉnh Weston nhỏ bé, mà khi trước tôi đã từ đó ra đi, rách như xơ mướp, lòng tràn đầy hận thù. Tôi trở về không phải vì tiếng gọi của quê hương, cũng chẳng phải vì ‎ muốn làm lành với quá khứ. Hai mươi năm tung hoành trên bốn bể đã biến một tên nghèo kiết xác như tôi thành một tỷ phú, giàu như Thạch Sùng, Vương Khải. Con tàu Fulmar cũ kỹ của tôi được đưa vào nghỉ ngơi ở một ụ tàu trong cảng. Các trương mục của tôi ở Kingston, ở Singapore và ở Alexandrie được chuyển cả về ngân hàng Middle-Bank ở tỉnh Weston nhỏ bé này.

Tôi từ xe lửa bước xuống vào đúng lúc hoàng hôn. Chưa ra khỏi sân ga tôi đã thấy một người từ đám đông xông tới, cúi rạp người chào:

- Dạ, tôi là công chứng viên Mudgett… công chứng viên của ngài, thưa thuyền trưởng. Tôi đã nhận được lệnh của ngài từ Colombo, và đã mua cho ngài một căn nhà mà tôi tin chắc ngài sẽ hài lòng. Thật là một sự tình cờ, một may mắn lớn cho tôi đã được gặp ngài ngay khi ngài vừa đặt chân tôi thành phố này.

Ôi tên cà chớn! Chắc là hắn phải rình mò tôi qua từng ga một, từ Luân Đôn về đây.

- Mudgett hả, tôi nói, anh già hơn tôi vài tuổi, nhưng người cũng tên là Mudgett đã làm chứng chống lại tôi và đưa tôi vào nhà đá trong một năm, thì còn già hơn gấp bội nhỉ?

- Đó là ông cụ thân sinh ra tôi, viên công chứng khẽ trả lời và thở dài. Cụ mất rồi, mong rằng Chúa đã đưa cụ về Thiên đàng. Cụ đã rất hối tiếc về việc làm sai trái đó thưa ngài.

- Tôi muốn tìm chỗ nào uống vài ly rượu, tôi nói.

- Xin ngài cho phép tôi được mời ngài để mừng ngày ngài trở lại, mà câu lạc bộ Balmoral hãy còn mở cửa. Đó là một câu lạc bộ tư nhân, nhưng mọi người sẽ rất vui mừng được chào đón ngài.

Chắc tay giám đốc chi nhánh ngân hàng Midland đã bép sép, vì tôi được tất cả mọi người hiện diện vui vẻ chào đón, còn toàn thể bọn hầu bàn thì cúi gập người chào.

Tôi nhận ra vài khuôn mặt, tuy thời gian đã khiến chúng trở thành nhăn nhúm khó coi.

Ở cuối phòng có ai đó đã oang oang nêu lên một con số khiến ai cũng nghe thấy:

- Xấp xỉ một triệu bảng Anh!

Đó quả là một con số rất gần với số tiền tôi hiện đang có trong các trương mục.

Vào lúc đó có một tên đang nâng ly rượu định uống bỗng nổi cơn nấc cục.

Tôi nhận ra hắn là tên chủ nhiệm của tờ báo lá cải Weston-Advertiser, trước kia đã bêu xấu tôi rất nhiều chỉ vì một vài chuyện chôm chỉa vặt vãnh.

- Mày hả? Tôi thầm nghĩ. Thằng khốn kiếp, chỉ vài ngày nữa là mày sẽ vác cái mặt mo của mày lại xin ta tài trợ cho tờ lá cải của mày cho mà xem! Rồi, lại đi, rồi mày sẽ biết tay ta…

Tôi uống chưa hết ly rượu thứ nhì thì mọi người, ai nấy đều đã nhắc nhở với tôi những kỷ niệm cũ và đã lần lượt nắm bắt tay tôi. Tôi nắm chặt tay mỗi tên, và bóp cho chúng muốn nát tay luôn!

Quỷ thần ơi! Tôi là kẻ vẫn nghĩ rằng mình giờ đây là vô địch, sẽ được thỏa thích nhâm nhi ly rượu trả hận thần thánh! Nào ngờ chỉ cần một cánh tay trắng nuột nà như ngà hé mở một tấm màn cửa đã đủ để tôi quên hết mọi hận thù và ký ngay một ngân phiếu cho cái két bạc rỗng tuếch của tờ lá cải Weston-Advertiser. Định Mệnh đã sai Thần Ái Tình quay tôi như chong chóng biến tôi thành một tên hề; không những thế tôi lại còn là nạn nhân của một tiếng sét ái tình nữa mới quái đản chứ, trong khi đó là một chuyện mà tôi vẫn nghĩ rằng khó có thể xảy ra đối với mình.

Qua cánh cửa hé mở, người đẹp hàng xóm của tôi nhìn ra đường, nàng trông thấy tôi và mỉm cười. Khi cánh tay ngọc ngà vén tấm màn cửa, tôi thấy ở cổ tay có một chiếc vòng hồng ngọc đẹp tuyệt trần.

Tấm màn cửa được khép lại. Tôi đã có đủ thời giờ để thấy một thân hình bốc lửa, một gương mặt kiều diễm, và một cặp mắt đẹp, một vẻ đẹp hoang dại như chứa đựng cả một trời giông bão.

Ngay chiều hôm đó công chứng viên Mudgett đã cung cấp cho tôi tin tức:

- Tên cô ta là Martine Messenger… thuộc một dòng họ lớn ở Shropshire. Cô ta mới tới ở Weston này độ 15 năm nay. Ngày mới tới, cô ta chưa đầy 20 tuổi. Vậy, suy ra số tuổi của cô ta không khó khăn gì.

- Giàu lớn không ?

- Ồ, không! Đến cả đày tớ cũng chẳng có; nhưng được cái là cô ta không công nợ…

Sáng hôm sau, tôi tới gõ cửa nhà cô Messenger.

Nàng tiến tới trong một khung cảnh thật bất xứng đối với sắc đẹp mê hồn của nàng. Một căn phòng lạnh lẽo, đồ đạc sơ sài, dăm ba lọ hoa giả…

- Tôi xin được tới thăm cô với tư cách một người hàng xóm mới, tôi nói.

- Tôi rất vui mừng được ông ghé thăm. Thời buổi này ít ai còn quan tâm tới chuyện thăm viếng, nàng trả lời tôi, miệng nở một nụ cười say đắm.

Tôi đã sửa soạn trước nhiều câu hỏi rào đón, nhằm đưa tới một lời cầu hôn rõ rệt; nhưng những lời soạn sẵn đó lui lại phía sau như những tên lính hèn nhát, nhưng tôi vẫn không quên và vẫn đưa ra được lời cầu hôn

- Cô Messenger thân mến, tôi nói, tôi ước mong được cưới cô làm vợ.

Nàng khẽ đập đập ngón tay trên mặt bàn khiến chiếc vòng hồng ngọc của nàng lóng lánh.

- Tôi thì tôi không muốn như vậy, nhưng hai ta sẽ là những người hàng xóm tuyệt vời của nhau.

Nàng lại nở thêm một nụ cười và đưa tay bắt tay từ biệt. Tôi cảm thấy như bị chinh phục, bị kẹt cứng trong lưới tình, thua thấy rõ. Trong tôi trào dâng mọi quyết tâm, sẽ bằng bất cứ giá nào chiếm cho bằng được nụ cười, đôi mắt đẹp hoang dại, bàn tay ấm hơi lửa tình…

Những kẻ thù cũ của tôi ở Weston bỗng nhiên được hưởng một sự an bình mà tôi không hề muốn dành cho chúng!

Trên cõi đời bao la này, ít có người phụ nữ nào từ chối tình cảm của tôi. Từ nhà cô hàng xóm xinh đẹp trở về, tôi phải nốc vội vài ly rượu mạnh để lấy lại thăng bằng cho tâm trí…

- Quỷ cái xinh đẹp! Tôi thầm nghĩ, ta tin rằng em có thể từ chối con người ta, nhưng chắc gì em đã từ chối nổi gần một triệu bảng Anh mặc dầu người ta đồn rằng em không nợ nần gì ai. Phải chăng điều em cần là một tên “bồ nhí”?... Nhưng ở Weston này các tên đực rựa ít có tên nào trên “sạch nước cản” nên tôi tin rằng khó có đứa nào lọt vô được mắt xanh của nàng.

Một việc xảy ra khiến tôi xuýt muốn lên ruột vì ghen. Ngôi vườn chung của hai căn nhà của chúng tôi, chỉ được ngăn cách bởi một hàng rào thưa, nằm sát ngay một khu đất hoang bị để không từ nhiều năm nay; cây cỏ mọc lan tràn, trông y như một cánh rừng.

Một buổi tối, tôi nhớ lúc đó đã gần nửa đêm, tôi đi ra khóa cửa ở ngoài hành lang, bỗng nghe thấy tiếng kẹt cửa vườn nhà cô nàng hàng xóm xinh đẹp, và thấy một bóng người đi thoắt ra dưới ánh trăng.

“Người đẹp Martine đi ra ngoài phố quá khuya khắt và bằng một con đường thật kỳ cục; đường này chỉ để cho loài mèo, tôi thầm nghĩ”.

Vài phút sau, tôi đã thấy mình đang lội qua gai góc, theo nàng sát gót.

Trời đất ơi!

Xuýt nữa thì tôi buột miệng kêu lớn.

Nàng đã rời khỏi con đường quanh co uốn khúc trên khu đất hoang để tiến thẳng về phía nghĩa địa Groves, một bãi tha ma bị bỏ hoang kể từ khi dân Weston xây một nghĩa địa mới ở đầu phía bên kia thành phố.

Khi người đẹp Martine tiến tới một mảng tường còn đứng vững, dấu vết cuối cùng của bức tường bao quanh nghĩa địa, thì mây đen phủ kín mặt trăng làm tối om cả khu vực, khiến tôi không còn thấy bóng dáng nàng nữa.

- Đây đâu phải là nơi gặp gỡ của hai kẻ yêu nhau? Tôi làu bàu nói.

Tuy nhiên tôi cũng kiên nhẫn đợi chờ trong bóng tôi hai giờ đồng hồ liền, hy vọng bắt gặp cô nàng trở lui.

Nhưng phải đến sáng hôm sau tôi mới lại được gặp lại nàng, khi nàng vứt cho lũ chim sẻ những mẩu bánh ở trước cửa nhà.

Đêm vừa qua tôi mới có một giấc mộng: nhưng vì giấc mộng này có liên quan tới một sự việc thật đã xảy đến với tôi nên tôi cần phải nhắc lại sự việc đó.

Chuyện xảy ra ở Sydney. Tàu Fulmar cặp bến và tôi lên bờ thuê một phòng trọ ở Phố Vine. Căn phòng này trông ra công viên Victoria – mà lúc này nhờ Trời đã có cây cối mọc um tùm chứ không chỉ có trơ trọi những cây xương rồng như khi trước. Đêm nóng nực và tôi trằn trọc khó ngủ; bỗng tôi có cảm giác thích thú là có ai đó đang quạt vào mặt, làm tôi thấy mát mẻ.

Trong cơn ngái ngủ, tôi muốn nắm lại bàn tay đang quạt cho tôi, và tôi nắm được bàn tay đó thật.

Tôi nghe thấy có tiếng kêu khẽ và thấy bị ai tát vào mặt.

Tôi thức tỉnh ngay và thấy tôi đang nắm trong tay một vật gì đó đầy lông lá, đang kêu rên, vùng vẫy dữ dội, hòng thoát khỏi tay tôi.

Tôi thò tay tìm được nút bật đèn ở đầu giường, và một một ngọn đèn bật sáng trên trần nhà.

Tôi giật bắn mình và xuýt nữa thì mất tù nhân của tôi, nói đúng hơn là nữ tù nhân của tôi.

Đó là một con dơi cái khổng lồ, loài dơi khá phổ biến ở Úc châu mà đôi lúc người ta gọi là phi cẩu (chó bay).

Bị lóa mắt bởi ánh đèn, con vật rên la khe khẽ và cái mõm của nó làm tôi nhớ tới con chó Nhât Tina mà tôi rất yêu thích, nay đã qua đời.

Tôi liền gọi nó là Tina và bảo nó: “Đừng rên la nữa, ta không làm hại mi đâu!” Chính vào lúc này, khi nhìn vào tấm gương tôi mới thấy mặt tôi dính đầy máu tươi.

- Ồ! Ồ! Mi cũng có thói quen hút máu như một số đồng loại hả? Ôi ma dơi khát máu! Nhưng đêm nay thì mi đến đúng lúc, viên bác sĩ vừa mới khuyên ta nên trích máu bớt ra; mi vừa giúp ta tiết kiệm được tiền công bác sĩ. Rồi, Tina, muốn hút thì hút cho thỏa đi!

Con dơi cái không làm gì cả, nhưng nó lộ vẻ bớt sợ, và còn như cảm thấy thích thú khi nghe tôi nói.

- Thôi, không sao, nếu không thích thì Tina có thể bay đi, hẹn gặp lại nhé!

Rồi tôi thả nó đi và thấy nó bay mất hút vào công viên.

Tôi nói quý vị có tin không? Tina trở lại, và còn trở lại tất cả mọi đêm sau đó. Nó trở thành thân thiết với tôi. Mỗi khi nó đến, nó đánh thức tôi bằng cách cắn nhẹ vào mũi, vào tai tôi; đôi khi nó dùng đôi cánh quạt nhẹ vào mặt tôi và rên khe khẽ y như chú chó Nhật của tôi khi trước. Tôi cảm thấy là nó rất buồn ngày tôi ra đi; tôi không dám mang nó đi theo vì cho rằng đời sống trên con tàu không thích hợp với nó.

Đó là truyện cũ. Giờ thì tôi nói về giấc mộng mới đến với tôi đêm hôm qua.

Giấc mộng như đưa tôi trở về dĩ vãng; tôi đang ở Sydney, trong căn phòng trọ ở phố Vine. Cây quạt trần thô sơ thổi gió vào mặt tôi, và cùng lúc tôi cảm thấy như bị ai chích vào cổ.

- À, Tina, em đã trở lại đó à? Tôi vui mừng reo lên và nắm chặt lấy chân nó.

Tôi nghe thấy tiếng nó kêu và thấy nó vùng vẫy muốn bỏ chạy.

Toi chợt thức tỉnh, và thấy rằng tôi không phải đang ở Úc châu, mà chính là đang ở trong nhà tôi ở Weston, trong khi trong bóng tối có ai đó cố vùng vẫy để thoát khỏi tay tôi.

Tôi chỉ cần nhấn nút để bật đèn, và bây giờ đến lượt tôi hét lên vì nỗi kinh ngạc khủng khiếp. TRONG TAY TÔI NGƯỜI ĐANG GIẪY GIỤA CHÍNH LÀ NGƯỜI ĐẸP MARTINE MESSESGER!

Nàng nhìn tôi bằng cặp mắt mở to muốn rách mi, vì hãi hùng, lo sợ tới cao độ. Trên môi nàng, ở góc bên phải còn long lanh một giọt máu đỏ tươi – trong gương, tôi thấy mặt tôi bê bết máu.

Tina, tôi khẽ gọi, vì tôi vẫn mơ màng tưởng rằng mình đang nói với con dơi cái ở Sydney.

- Đừng gọi tôi là Tina, nữ tù nhân nhân của tôi trả lời bằng một giọng hổn hển.

Giấc mộng êm đềm biến mất và thực tế trở lại phũ phàng.

Tôi trấn tĩnh lại và ôn tồn bảo cô ta:

- Tina là một con dơi cái rất thân với tôi, một con dơi hút máu, một...

- Một ma cà rồng... phải không? Martine hỏi. Như em?

- Vâng, như em.

Tôi đã gặp và đương đầu với cơ man là trường hợp kỳ lạ trong cuộc đời phiêu lãng của tôi, nhưng chưa gặp trường hợp nào như trường hợp này; tuy nhiên tôi bỗng cảm thấy thích thú.

Bởi vì ma dơi đẹp quá. Nàng mặc một cái áo bó sát lấy người, cho thấy rõ thân hình bốc lửa, rồi, sau khi nàng chùi xong máu ở môi, cặp môi nàng bỗng như nồng nàn mời gọi.

Vẫn nắm chặt tay nàng, tôi nói: “Tina, để anh kể cho em nghe một chuyện nhỏ, rất nhỏ. Có một lần ở Marseille, anh bắt gặp trong khách sạn, nơi anh trọ, một đứa hầu gái lẻn vào phòng anh tính ăn trộm cái ví đựng đầy tiền của anh. Lẽ ra anh có thể giao nó cho cảnh sát, nhưng anh đã không làm như vậy vì con nhỏ quá xinh đẹp. Phần nó, nó thừa hiểu là việc nó chiều anh là rất công bằng. Và, vì anh thực sự thích thú nên chính anh đã lại mang cái ví đầy nhóc tiền tặng cho nó. Chuyện nhỏ của anh đã hết và bây giờ bắt đầu chuyện của chúng mình: KẺ TRỘM Ở KHÁCH SẠN HAY MA DƠI HÚT MÁU CŨNG PHẢI TRẢ CÙNG MỘT GIÁ!...

Nói rồi, tôi nắm tay Martine và tính tắt đèn.

Nhưng, ánh mắt đấy vẻ van xin của nàng khiến tôi dừng tay.

- Không... không anh ạ, nàng rên rỉ, em chẳng thể cho anh biết l‎ý do... Vâng, vâng, em quả chẳng muốn từ chối anh điều gì nhưng... nhưng NƠI NÀY thì không được!

Nơi này là cái giường mà nàng nhìn bằng một cặp mắt vô cùng hãi sợ.

- Hãy đi với em, nàng nói thật khẽ... em chỉ có thể chiều anh ở... ở đàng kia.

Đàng kia... nàng dắt tay tôi xuống vườn và bước đi nhanh đến nỗi tôi gần như phải chạy theo mà xuýt té mấy lần. Nàng lôi tôi qua bãi đất hoang và hướng về phía nghĩa địa Groves.

Martine đi vòng qua mấy tấm bia mộ hoang phế và dừng lại ở trước một ngôi cổ mộ rộng lớn, phiến đá che đã được đẩy qua một bên.

- Đây chính là nơi mà quỷ thần cho phép em được nghỉ ngơi và đón nhận tình yêu, nàng nói. Em đã chết từ lâu... Em đã chết khi em về ở Weston này, mười lăm năm trước...

Nàng thở một hơi thở nồng nàn vào mặt, vào mũi tôi...

Ngôi mộ rộng mở đón nhận hai chúng tôi...

- Thôi anh về đi, để em được nghỉ ngơi.

Nàng đưa ngón tay lên môi, ra dấu cho tôi phải giữ bí mật, ánh mắt như muốn hỏi tôi có đồng ý không?

- Anh xin thề chỉ có CHÚA TRỜI, ANH VÀ EM BIẾT, tôi trả lời.

Tôi leo ra khỏi ngôi mộ, sau lưng tôi một bàn tay vô hình đẩy tấm đá lớn che phủ lên trên...

Một sự việc ngu xuẩn đã làm hư bột hư đường hết, đã đưa thẳng chúng tôi tới tan vỡ. Người đàn bà hầu phòng của tôi bị bịnh, bà ta nhờ đứa con gái của bà ta đến làm thay.

Đó là một thiếu nữ da đen lai có thân hình tóe lửa, có nét mặt đẹp như nét mặt Vệ Nữ thành Milo, tiếng nói trẻ trung, thanh thoát. Nàng đứng sững ngay trước mặt tôi, cặp mắt phượng nhìn thẳng vào mắt tôi, bộ ngực căng phồng như cánh buồm trước gió.

- Có thật là ông có thể mua cho em một áo choàng bằng lông thú, một cặp vòng kim cương, vô số quần áo model nhất, đẹp nhất, mà không nghèo bớt đi chút nào không?

- Không có gì đúng hơn, tôi hăng hái trả lời.

- Vậy thì... vậy thì ANH còn chờ gì nữa?

Và tôi đã không phụ lòng nàng...

Nhưng ngày mà nàng xuất hiện trước công chúng với áo choàng lông thú, vòng kim cương, váy Dior, và thiên hạ bắt đầu xì xầm... thì cửa sổ cô hàng xóm xinh đẹp của tôi bỗng nhiên bị đóng kín mít. Tôi gọi đến gần rã họng mà ngôi nhà vẫn câm như hến.

Chiều xuống, tôi leo qua hàng rào; nhưng vừa tới thềm nhà phía sau tôi đã cảm thấy tất cả sự hoang phế, bỏ bê, còn chủ nhân xinh đẹp của căn nhà thì mất dạng luôn.

Khi màn đêm buông xuống, tôi ba chân bốn cẳng chạy lại nghĩa địa Groves.

Ngôi cổ mộ mở toang, tôi cúi xuống nhìn và bắt gặp một cảnh tượng ghê rợn, một cái sọ trắng toát nằm ngửa mặt, nhe răng cười với trăng. Một mẩu vải áo phất phơ giữa những nắm thịt xương đã thối rữa, và lẫn vào đó, chiếc vòng hồng ngọc vẫn bóng lưỡng, trong khi một mùi hôi nồng nặc tràn vào mũi tôi... Đáy mồ lúc này bỗng trở nên sâu thẳm, sâu thẳm...

Nhưng tôi không bỏ chạy, mà vẫn đứng lại cầu khấn vừa Thiên Đàng vừa Địa Ngục, cho tới khi xa xa gà đã bắt đầu gáy sáng.

Tàu Fulmar đã được tu bổ, tân trang, lại sắp ra khơi. Tôi đã cẩn thận lựa một thủy thủ đoàn gồm toàn những cặn bã của xã hội, những tên dữ dằn, xấu xa, ác độc nhất mà cuộc đời này có thể có được. Chúng tôi ra khơi lần này, mong rằng một cơn bão nào đó, sẽ đưa tất cả chúng tôi xuống thật sâu, thật sâu, dưới đáy của đáy biển...

Chia sẻ với Chúa Trời và một bộ Xương Khô một bí mật, quả là một cái gì quá nặng, quá nặng với sức chịu đựng của tôi.

Vũ Anh Tuấn dịch một truyện của Jean Ray

Đính chính (Bản Tin số 35)

Bài “Một con số đáng nhớ” Trang 45. Câu cuối cùng xin sửa lại như sau: “...chỉ cần lấy chiều dài của đốt măng (hay rau muống, rau khoai...) ở gần ngọn, chia cho chiều dài của đốt ở ngay phía trên nó là ta có ngay con số phi, tuy rằng không chính xác”.

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế