Hiện có 14 người xem / 2570290 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY VÀ CÁC CUỘC THI “NHỮNG CUỐN SÁCH VÀNG” LẦN 4 VÀ “TỦ SÁCH GIA ĐÌNH” LẦN 2

Sáng ngày thứ Tư 12 tháng 3, 2008, vào lúc 9 giờ sáng, lễ Trao Giải Cuộc Thi “Những Cuốn Sách Vàng” lần 4 và “Tủ Sách Gia Đình” lần 2 đã được tổ chức tại Hội Chợ Sách ở Công viên Lê Văn Tám.

CLB Sách Xưa & Nay quả là rất có duyên với các cuộc thi nói trên khi, trong tổng số trên 30 giải, CLB đã ẵm tới 10 giải và các thành viên của CLB như quý ông: LM Nguyễn Hữu Triết, Dịch giả Vũ Anh Tuấn, BS Nguyễn Lân Đính, Nhà Báo Vương Liêm, Nhà thơ nữ Vân Nhung, Nhà nhiếp ảnh Hà Mạnh Đoàn, Kỹ sư Hoàng Minh, Kỹ sư Đỗ Cao Lợi, Nhà giáo Nguyễn Hữu Hừng cùng một số thành viên đã được mời tới tham dự Lễ Trao Giải, đặc biệt còn có cả sự hiện diện của nhà thơ nữ Giáng Vân, ái nữ của nhà văn Lê Văn Trương. Phần lớn các thành viên có tên ở trên đều là những người được các giải khác nhau của cả hai cuộc thi.

Sau phần trao giải, Ban tổ chức Lễ Phát Giải đã có nhã ý dành cho CLB Sách Xưa & Nay 20 phút để nói chuyện và tự giới thiệu mình, và Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm CLB đã đọc một bản tường trình nhỏ giới thiệu CLB và những hoạt động của CLB trong hai năm vừa qua. Cuộc lễ kết thúc vào lúc 11 giờ trưa cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

BÀI ĐỌC TẠI BUỔI TRAO GIẢI

Kính thưa toàn thể quý vị quan khách,

Nhân danh Câu Lạc Bộ Sách Xưa & Nay, tôi xin chân thành cảm ơn Ban Tổ Chức đã dành cho chúng tôi cơ hội để tự giới thiệu CLB của chúng tôi với quý vị.

Là những người yêu sách, và trong chúng tôi có những người đã bắt đâu yêu sách từ khi mới lên 6, lên 7, chúng tôi đã tập họp nhau lại để cho ra đời CLB Sách Xưa và Nay vì chúng tôi đều nhận thấy rằng: “Gần đây, có những ý kiến lo ngại rằng các sách điện tử sẽ khuynh loát những sách in và những sách in sẽ dần dần bị mai một. Chúng tôi không tin là như vậy, ngược lại chúng tôi còn được thấy tận mắt là, từ xưa tới nay, chưa bao giờ sách lại được in ra nhiều như bây giờ, có thể nói không ngoa là chẳng còn thứ gì cũ chưa được in lại và ngoài ra lại còn rất nhiều những thứ sách mới ở đủ mọi lãnh vực đang được in mỗi ngày mỗi nhiều, đặc biệt là cả một lô những sách dạy học làm người, dạy làm kinh doanh theo kiểu Mỹ…”

Trên đây là cảm nghĩ của chúng tôi về sách mới, trái lại về sách Xưa, nghĩa là những sách đã được in ra từ trên 50 năm trước (tạm gọi là sách Tiền Giải phóng) và lâu hơn nữa nghĩa là từ 1945 trở về trước (mà chúng tôi tạm gọi là sách Tiền chiến), thì chúng tôi thấy rằng những sách này NGÀY CÀNG HIẾM ĐI, ngày càng BỊ MẤT ĐI DO BỊ NGOẠI NHÂN MUA VÀ MANG ĐI NƯỚC NGOÀI. Tóm lại chúng ta đã và đang bị nạn CHẢY MÁU SÁCH XƯA, CẢ BẰNG HÁN NÔM VÀ CẢ BẰNG PHÁP VĂN LẪN ANH VĂN (tuy nhiên, thời Tiền chiến sách Pháp thì nhiều chứ sách Anh thì rất hiếm).

Với những cảm nghĩ như vậy, chúng tôi, một nhóm những người yêu sách đã trọng tuổi đã thành lập CLB Sách Xưa và Nay nhằm một số mục đích như sau đây:

1. Chia sẻ với nhau những thông tin về sách, đặc biệt là về các sách cổ đang nằm rải rác ở khắp nơi trên đất nước.

2. Cổ vũ việc giữ lại Sách Xưa cho quê hương, con cháu.

3. Cổ vũ việc đọc sách nơi các thế hệ trẻ, cũng như trong quảng đại quần chúng.

Và CLB của chúng tôi đã làm lễ ra mắt hồi 9 giờ sáng ngày thứ bảy 17-6-2006. Lễ ra mắt đã được tổ chức rất nghiêm túc và, ngoài 5 thành viên sáng lập là quý ông: Dịch giả Vũ Anh Tuấn, LM Nguyễn Hữu Triết, Nhà báo Lưu Nhật Quang, Cựu Sĩ Quan QĐ Nghỉ hưu Phạm Thế Cường, Kỹ sư Hòang Minh, và một số thành viên khác khỏang 20 người còn có sự hiện diện của các quan khách như quý ông: Trần Đình Việt, GĐ Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TpHCM, Nguyễn Đức Bình, GĐ NXB Văn Nghệ, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Hồng Bàng, nhà Kiều học Phạm Đan Quế, nhà văn Kiều Văn, nhà báo Phan Kim Thịnh, dịch giả Nguyễn Huỳnh Điệp, LS Nguyễn Ngọc Nhung, các họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, Đoàn Quốc, Kim Dung, và một số các phóng viên báo, đài, và nếu kể cả các quan khách khác thì tổng số người tham dự lễ ra mắt lên tới khoảng 90 vị. Chỉ ít lâu sau lễ ra mắt, CLB chúng tôi đã có thêm được các thành viên nồng cốt như nhà Báo Vương Liêm, BS Nguyễn Lân Đính, nhà thơ Thùy Dương, nhà nhiếp ảnh Hà Mạnh Đoàn và nhà nghiên cứu Phật giáo Tâm Nguyện.

Lễ ra mắt của CLB chúng tôi đã được các cơ quan truyền thông và báo chí ủng hộ mạnh mẽ. Đài Truyền hình Tp Hồ Chí Minh HTV đã cử tổ phóng viên đến ghi hình lễ ra mắt để đưa tin trong bản tin thời sự. Đài Truyền hình Đồng Nai 1 cũng đã phát cuộc phỏng vấn Ô. Vũ Anh Tuấn, chủ nhiệm và LM Nguyễn Hữu Triết, Cố vấn CLB vào hồi 5:30 phút chiều thứ bảy 24-6-2006. Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phát vào trưa ngày 19-6-2006, những câu trả lời của Dịch giả Vũ Anh Tuấn, chủ nhiệm CLB. Các báo Tuổi Trẻ, Saigon Giải Phóng, Thanh Niên, Người Lao Động, Pháp Luật, Văn Hóa, Thể Thao Văn Hóa vv… cũng đưa tin với trên 10 bài báo cả ở Tp HCM lẫn ở Thủ Đô Hà Nội. Nhờ sự nhiệt tình đưa tin của các phương tiện truyền thông, nhiều bạn yêu sách ở xa, tuy không có mặt trong lễ ra mắt, nhưng đã biết tin và gửi thư điện tử để đăng ký làm thành viên của CLB, trong đó có các sinh viên và một nhà nghiên cứu Việt kiều đang sống ở Úc là anh Nguyễn Đức Hiệp.

Sau lễ ra mắt CLB đã mỗi tháng họp một lần vào ngày thứ Bảy thứ 2 trong tháng, và sau đây là vắn tắt những công việc mà CLB đã làm được trong 2 năm vừa qua, xin trình bày với quý vị:

a) Về việc thăm viếng các nhà Lưu Niệm hoặc Niệm Tổ Đường của các danh nhân văn hóa. Một trong những chủ trương của CLB chúng tôi là cứ một quý lại tổ chức đi thăm một nhà Lưu Niệm của một danh nhân văn hóa.

Qua hai năm hoạt động chúng tôi đã đi thăm được 5 lần như sau đây:

· Ngày 14-10-2006, đi thăm Nhà Lưu Niệm Cụ Lưu Trọng Lư, nhà thơ tác giả bài Tiếng Thu bất hủ.

· Ngày 14-4-2007, đi thăm Nhà Lưu Niệm nhà thơ Nguyễn Bính, tác giả những bài thơ “Chân Quê” mà ai cũng thích.

· Ngày 11-8-2007, đi thăm Nhà Lưu Niệm và Mộ Phần Nhà Văn Lê Văn Trương.

· Ngày 16-9-2007, đi thăm Vườn Kiều của ông Bá Khoát ở Bi en Lê Văn trươngCụ Lưu Trọng Lư, nhà thơ tác ên Hòa

· Ngày 8-12-2007, đi thăm Niệm Tổ Đường của Cụ Phạm Phú Thứ.

b) Về các buổi nói chuyện về các đề tài văn hóa khác nhau:

· Ngày 8-7-2006 LM Nguyễn Hữu Triết, Cố Vấn của CLB đã có một cuộc nói chuyện giới thiệu Sưu Tập Kiều rất nổi tiếng của ông. Cuộc nói chuyện này đã cho những người nghe nhiều điều thích thú và được nhìn tận mắt các cuốn Kiều cổ, các tranh ảnh, các đồ vật liên quan tới tác phẩm bất hủ của thi hào Nguyễn Du.

· Ngày 9-9-2006, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã có một cuộc nói chuyện về tờ Gia Định Báo, tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ. Qua buổi nói chuyện này, các thành viên và bạn bè đã được trông thấy tận mắt một tờ Gia Định Báo hồi năm 1896 (đây chỉ là một tờ mà người nói chuyện có, chứ không phải là một tờ của thời kỳ đầu) cho thấy rõ là Gia Định Báo là một tờ tuần báo vì trên tờ báo đó có ghi rõ “mỗi tháng in 4 kỳ, cứ ngày thứ Ba thì phát”.

· Ngày 11-11-2006, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm, tác giả cuốn “Văn Học Nam Hà” xuất bản trước năm 1975 và hiện là một Việt Kiều Mỹ hồi hương định kỳ đã có một cuộc nói chuyện giới thiệu về “Văn học bình dân Nam Bộ hồi đầu thế kỷ 20”. Tiếp theo cuộc nói chuyện là một Cuộc Bán Đấu Giá Sách giữa các thành viên. Hoạt động này có thể sẽ được tiếp tục trong tương lai gần và ở một mức độ cao hơn là “nội bộ”.

· Sáng Thứ Bảy 13-1-2007, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu bộ sách gồm hai cuốn khổ lớn nhan đề là “Lịch sử cuộc Đại Cách Mạng Pháp” của tác giả Louis Adolphe Thiers (một cựu Tổng Thống Pháp) xuất bản năm 1865, là một trong những bộ sách được xuất bản trong thế kỷ thứ 19 VÀ ĐÃ KHÔNG CÒN BẢN QUYỀN VÌ ĐÃ THUỘC VỀ LÃNH VỰC CHUNG (Tomber dans le domaine public) KHÔNG CÒN BỊ CHI PHỐI BỞI CÔNG ƯỚC BERNE, do đó AI MUỐN KHAI THÁC CŨNG ĐUỢC.

· Ngày 9-6-2007, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã có một cuộc nói chuyện về “Lịch Sử Báo Chí cho tới năm 1945”. Qua cuộc nói chuyện, người nói và các thành viên đã cưỡi ngựa xem hoa và làm quen với các thứ tạp chí và báo (gần 300 loại khác nhau) sau khi đi từ Miền Nam ra Bắc, rồi mới trở lại Miền Trung. Sau đó nhà thơ Thùy Dương, chắt ngoại của Cụ Cử Lương Văn Can đã có một cuộc nói chuyện ngắn đề tài là “Khi nhà nho Cách mạng viết sách dạy làm kinh doanh”. Trong cuộc họp này, số thành viên và quan khách lên tới trên 70 người.

· Ngày 8-9-2007, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã có một cuộc nói chuyện về cách thức sưu tập các cuốn Kiều và tất cả các tài liệu sách báo có bài viết liên quan tới Kiều và Cụ Nguyễn Du.

· Ngày 10-11-2007, nhà thơ nữ Ngàn Phương, một thành viên của CLB đã có một vài cảm nghĩ và nhận xét về thơ Mới. Và tiếp lời nhà thơ Ngàn Phương, Bác Sĩ Nguyễn Lân Đính, cháu nội Cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng đưa ra nhận xét cho rằng đã có rất nhiều người coi bài thơ ngụ ngôn “Con Ve Sầu và con Kiến” (La Cigale et la Fourmi) mà Cụ Vĩnh đã dịch ra tiếng Việt cũng đã dùng một loại thơ Mới còn đi trước cả bài Tình Già của Cụ Phan Khôi nữa.

c) Về các cuộc triển lãm: Trong hai năm hoạt động, CLB đã có tất cả 3 cuộc triển lãm. Một cuộc triển lãm về Kiều - 1 cuộc triển lãm các Báo Xuân thời Tiền Chiến và cuối cùng là một cuộc triển lãm gần đây nhất, triển lãm Các Việc làm của chính các thành viên gồm 6 tài liệu còn ở dạng bản thảo của nhà nghiên cứu Phật Giáo Tâm Nguyện, 8 cuốn sách của LM Cố Vấn Nguyễn Hữu Triết, 4 cuốn sách của Bác sĩ Nguyễn Lân Đính, chuyên gia Dinh Dưỡng, 8 cuốn của nhà Báo Vương Liêm, và 6 cuốn sách dịch ra Anh ngữ của Dịch giả Vũ Anh Tuấn do các nhà xuất bản Văn Nghệ, Giáo Dục và Hội Nhà Văn in.

d) Về việc ấn hành một bản tin lưu hành nội bộ:

Ngay từ ngày được thành lập, CLB Sách Xưa và Nay đã cho lưu hành nội bộ một Bản Tin Hàng Tháng, chứa đựng nhiều bài viết, bài nghiên cứu bằng tiếng Việt và có cả hai bài bằng chữ Nôm của nhà Nghiên Cứu Nguyễn Văn Sâm. Bản tin được phát cho các thành viên CLB và mỗi tháng được gửi đến NXB Văn Nghệ, NXB Tổng Hợp TpHCM, Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp TpHCM và gửi ra hai tờ báo của Cục Xuất Bản là tờ báo Xuất Bản và tờ Người Đọc Sách ở Thủ Đô Hà Nội. Bản tin nội bộ này ra đều đặn mỗi tháng và tới nay số mới nhất đã là số 22. Nội dung phong phú gồm nhiều bài giới thiệu sách trong nước, nhất là những bài giới thiệu, phân tích các sách cổ do người Pháp viết về Việt Nam đã được rất nhiều người yêu thích. Các bài viết của nhà nghiên cứu Phật Giáo Tâm Nguyện cũng được rất nhiều người thích thú theo dõi vì theo nhà nghiên cứu Tâm Nguyện thì, hiện nay có nhiều lớp người đi trước đã HIỂU LẦM Ý PHẬT, nhà nghiên cứu Tâm Nguyện cho rằng đạo Phật có những phương pháp được ghi rõ trong các bộ Chính kinh, người nào thực hành được theo đó sẽ thực hiện được lời thọ ký “Chúng sanh là Phật sẽ thành”. Và các bài viết của nhà nghiên cứu Tâm Nguyện nhằm giải thích rõ lại con đường TU PHẬT CHÂN CHÍNH THEO NHƯ CHÍNH KINH ĐÃ VIẾT: TỨC LÀ TU TÂM nghĩa là sửa nơi cái TÂM để mỗi người có thể TỰ ĐỘ LẤY MÌNH.

Ngoài ra bản tin còn chứa đựng rất nhiều thông tin mới về sách đồng thời kể từ số 14, mỗi bản tin đều có bài cuối cùng là một truyện dịch mà Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã dịch cho Nguyệt San Pháp Luật từ 1997 tới 2000 để các thành viên giải trí. Bản tin gửi ra thủ đô Hà Nội cũng được các bạn bè ở ngoài đó thưởng thức một cách thích thú, bằng chứng là Báo Người Đọc Sách của NXB ST đã lựa một bài của Bản Tin để đăng tải vào số tháng 12 năm 2006: bài này nhan đề là “Tản Mạn Về Sách” đã được đăng nơi hai trang 15 và 16 của số báo nói trên.

Trên đây là tất cả những hoạt động của CLB Sách Xưa & Nay trong hai năm qua. CLB của chúng tôi chỉ là nơi gặp gỡ của NHỮNG NGƯỜI CÙNG CHIA SẺ MỘT SỞ THÍCH CHUNG LÀ YÊU THÍCH SÁCH. Chúng tôi mở cửa đón nhận tất cả NHỮNG AI YÊU THÍCH SÁCH KHÔNG PHÂN BIỆT TUỔI TÁC, GIÀU, NGHÈO. TẤT CẢ NHỮNG AI YÊU THÍCH SÁCH ĐỀU CÓ THỂ ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI, ĐỀU LÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN MỚI CỦA CHÚNG TÔI. Những người đến với chúng tôi cũng không nhất thiết là phải có nhiều sách. Bây giờ bạn chỉ có ít, hãy đến với chúng tôi và bạn sẽ dần dần có nhiều lên.

Sau khi đã trình bày hết về CLB của chúng tôi, nếu thời gian cho phép, tôi muốn xin được có một vài đề nghị như sau đây:

VỚI CÁC BẬC PHỤ HUYNH, chúng tôi đề nghị họ để tâm mua sách vở cho con cháu ngay từ khi chúng mới có trí khôn và biết đọc biết viết. Tôi lấy kinh nghiệm bản thân là tôi được Cha tôi mua cho cuốn Lên Sáu của Tản Đà năm tôi đúng sáu tuổi, tức là năm 1941. Năm 1943, tôi lên 8 và được cha tôi mua tiếp cho cuốn Lên 8, cũng của cụ Tản Đà, và tôi đã thực sự bị thu hút vào thú đọc sách bởi hai cuốn sách đó với những bài thơ 4, 5 chữ dậy tôi ăn ở tốt với bạn bè, lễ phép với các bậc trưởng thượng, và cho tôi thưởng thức những hình vẽ tuyệt vời của danh họa Mạnh Quỳnh, và từ đó tôi yêu sách và bắt đầu chơi sách…

VỚI CÁC NHÀ XUẤT BẢN, chúng tôi xin đề nghị là, cùng với trào lưu hiện tại là in những cuốn sách to đùng, rất tiện để trưng, nhưng rất bất tiện để đọc, để mang đi theo trong mình ở bất cứ đâu, vì các vị có biết không, trên đời này có những kẻ đi đâu cũng kè kè cuốn sách. Những người đó không phải để khoe khoang cái gì đâu, mà là họ đang “HỌC” đấy. Những cuốn sách nhỏ nhắn xinh xinh sẽ cho phép những con người hiếu học, thích đọc đó mang chúng đi khắp nơi và có thể đọc chúng ở bất cứ chỗ nào, mỗi khi có thì giờ nhàn rỗi, và ĐỌC LÀ HỌC vì sách là một trường đại học miễn phí cho tất cả những ai ham đọc, ham học hỏi. Đồng thời với việc mang lại cho người đọc đủ loại kiến thức ở đủ mọi lãnh vực, sách còn có thể mang lại cho người đọc những giây phút thư giãn khi đọc những truyện cười, những hồi hộp thích thú khi đọc các truyện trinh thám, võ hiệp vv… Đối với những người yêu sách như tôi, sách là những mỹ nhân mà mình luôn luôn có ở bên mình. Do đó, xin các nhà xuất bản cứ in sách to đùng để bán cho người lắm tiền mang về trưng, NHƯNG ĐỒNG THỜI CŨNG ụanhâncác truyện trinh thám,võ hiệp vv... kẻ đi đâu cũng kè kè cuốn sách. XIN IN Ở CÁC KHỔ NHỎ VÀ HỢP TÚI TIỀN HƠN ĐỂ CHO AI CŨNG CÓ THỂ MUA ĐƯỢC.

VỚI NHỮNG NGƯỜI HIỆN CÒN ĐANG CÓ NHỮNG TỦ SÁCH GIA ĐÌNH Ở KHẮP MỌI NƠI TRONG NƯỚC, chúng tôi xin đề nghị là nếu họ có những cuốn sách Xưa gì lạ được in ấn từ nhiều trăm năm về trước, càng xưa càng quý, xin liên lạc với CLB chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp quý vị định rõ giá trị của những sách đó, và nếu quý vị muốn nhường, chúng tôi sẽ tìm cách mua để giữ chúng lại cho quê hương, đất nước ta. Rải rác trên quê hương ta còn rất nhiều sách quý mà nhiều người trong chúng ta, vì không hiểu rõ giá trị của chúng nên đã bị ngoại nhân mua đi mất, một đôi khi cuốn sách giá trị cả ngàn Mỹ kim, mà mới bán được độ vài trăm ngàn tiền Việt cũng đã mừng húm. Hơn nữa, việc mua bán là thuận mua vừa bán, ngoại nhân đâu có ăn cướp của chúng ta nhưng nếu chúng ta bán quá rẻ THÌ ĐƠN GIẢN CHỈ VÌ CHÚNG TA KHÔNG CÓ SỰ HIỂU BIẾT CẦN THIẾT ĐỂ ĐÁNH GIÁ ĐÚNG GIÁ TRỊ CỦA SÁCH, chứ có ai dám lấy không của chúng ta đâu. Do đó, mỗi khi có sách lạ và hiếm xin liên lạc với chúng tôi.

Trước khi dứt lời tôi cảm thấy rất vui mừng khi có thể nói rằng CLB Sách Xưa & Nay của chúng tôi CŨNG ĐÃ RẤT LÀ CÓ DUYÊN VỚI CÁC CUỘC THI SÁCH VÀNG, BẰNG CHỨNG LÀ NGAY TRONG CUỘC THI NÀY CÁC THÀNH VIÊN CÂU LẠC BỘ CỦA CHÚNG TÔI ĐÃ ẴM TỚI 10 GIẢI TRONG TỔNG SỐ GIẢI.

Xin trân trọng chào tạm biệt quý vị.

Dịch Giả Vũ Anh Tuấn

Chủ Nhiệm CLB Sách Xưa & Nay

Vàng xưa

Từ năm 2002, đã thành thông lệ, mỗi lần chuẩn bị vào Hội sách TPHCM, NXB Thành phố Hồ Chí Minh lại tổ chức Hội thi “Những cuốn sách vàng”, trước là giúp giới sưu tầm và những người yêu sách có một sân chơi bổ ích giao lưu, trao đổi sách, sau là góp phần nhân rộng tình yêu sách, nâng cao văn hóa đọc trong công chúng. Hoạt động này đã trở thành một thương hiệu cao quý trong làng sách, mà những người ái mộ đã không ngần ngại dùng câu nói của cổ nhân: “Thư đới lưu hương” (Dải dây kẹp sách cũng lưu mùi hương) để trân trọng nói về nó.

Đãi vàng

Cuộc thi lần thứ nhất (2002) thu hút 210 cuốn sách của 52 chủ sách tham dự; lần thứ hai (2004) có hơn 60 chủ sở hữu sách với trên 300 ấn bản; lần thứ ba (2006) có 426 cuốn sách quý từ 85 người đăng ký dự thi. Và ở hội thi lần này, Ban tổ chức (BTC) đã nhận được sự hưởng ứng của 53 nhà sưu tầm và 1 tổ chức (Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM) mang 300 đầu sách về đua tài. Đặc biệt, đây là đầu tiên BTC thi mảng tạp chí và đã có 28 đầu tạp chí được khoe sắc với bàn dân thiên hạ. Sách dự thi hầu hết được xuất bản từ 50 đến gần 200 năm về trước, phần lớn đều viết về đất nước, con người Việt Nam với các chủ đề: văn hóa, lịch sử, địa lý, triết học, tôn giáo, chính trị... Cuộc thi thu hút được nhiều thành phần, lứa tuổi tham dự, từ nhà sưu tầm chuyên nghiệp, nhà nghiên cứu, người bán sách cũ đến các công chức, sinh viên, học sinh...

Kết quả, Ban giám khảo (BGK) đã chọn được 19 mặt sách, tạp chí xứng đáng để gửi vàng. Trong đó, ấn tượng nhất là giải nhất sách bộ - Cuốn Monographie dessinée de I’Indochine: Cochinchine (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương: Nam kỳ - Paris - 1935) của Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM. Đây là bộ sách 8 tập của Trường Mỹ thuật Gia Định tập hợp các tranh vẽ phong cảnh, sinh hoạt, văn hóa, phong tục tập quán… của người dân Nam bộ vào khoảng những năm 30 của thế kỷ 20.

Ở mảng tạp chí, ấn tượng nhất chưa phải là bộ Tao Đàn (1939-1940) và Đông Dương tạp chí (1914) đoạt ngôi quán quân của nhà sưu tầm Hoàng Minh mà chính là tạp chí Cậu ấm cô chiêu (Nguyễn Đức Phong - Hà Nội năm 1935) của nhà sưu tầm Vũ Anh Tuấn. Đây là tạp chí tiếng Việt dành cho thanh thiếu niên, mang tính giáo dục cao, bìa sách và 20 trang còn nguyên vẹn. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Quảng Tuân - Trưởng BGK - đã phải reo lên bởi đến tận bây giờ, khi đã 84 tuổi, cụ mới may mắn được nhìn thấy ấn phẩm.

Cuốn Souverains et notabilités d’Indochine (Các hoàng thân và chức sắc ở Đông Dương) do NXB Phủ toàn quyền Đông Dương in năm 1943 tại nhà in IDEO (Hà Nội) do ông Đỗ Cao Lợi sưu tầm đoạt giải độc đáo của BTC cũng là một ngoại lệ thú vị. Đây là dạng sách từ điển danh nhân, giới thiệu tiểu sử tóm tắt và ảnh chân dung của các vị hoàng thân và nhân vật quan trọng của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trước Cách mạng Tháng Tám: vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, Nguyễn Khắc Cần, Hồ Đắc Di... (Việt Nam), Norodom Sihanouk, Sivavang Vong (Lào)… Đặc biệt, sách giới thiệu ông Ngô Tử Hạ - nhà tư sản dân tộc - người sáng lập nhà in đầu tiên của người Việt vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hơn 60 năm qua, sách vẫn được nâng niu, trân trọng nên còn nguyên vẹn. Là một ấn phẩm quý cả về nội dung, hình thức và có ý nghĩa đặc biệt với lịch sử ngành in nước nhà nên tác phẩm đã được Công ty In Trần Phú tài trợ trao giải độc đáo.

Lại một mùa sách vàng rực rỡ!

Phụ Bản I

Nhẩn nha nhặt chuyện

Mê sách, chơi sách, hào hứng tham dự mọi hoạt động của hội thi qua bốn lần tổ chức, tôi nghĩ đến nhiều điều.

Thứ nhất, cuộc thi vẫn chưa thu hút được nhiều người sưu tầm ở các vùng sâu, vùng xa. Quanh đi quẩn lại trong bốn lần thi, các ứng viên chủ yếu vẫn ở TPHCM, Hà Nội, Huế. Ở Đà Lạt, Bến Tre, Cần Thơ lác đác mới có vài người tham dự. Trong khi đó, theo chúng tôi biết, ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… cũng có rất nhiều “đại gia” tầm sách. Một số người sưu tầm sách thổ lộ rằng họ chưa dám mạo hiểm gửi sách quý của mình theo đường bưu điện đến BTC. Trong khi nếu tự bỏ tiền “tháp tùng” sách đến hội thi thì lại gặp khó khăn về kinh phí.

Thứ hai, với quy định của BTC như hiện nay, dần dần những cuốn sách mà nhiều người chơi đang có sẽ hóa vàng hết. Đơn giản là vì những cuốn đoạt giải ở hội thi trước không được tham dự hội thi sau. Như vậy, người chơi không được mở rộng, vốn sách quý không được tăng lên.

Một băn khoăn nữa là thời hạn quá ngắn nên đã ảnh hưởng đến chất lượng của hội thi. Từ khi BTC công bố thể lệ đến lúc khóa hạn nhận sách dự thi chỉ hơn một tháng là quá gấp rút. Vừa qua, có rất nhiều nhà sưu tập: Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An (Huế), Trần Văn Lưu (Thanh Hóa)… không kịp gửi sách dự thi. Chính cụ Nguyễn Quảng Tuân - Trưởng BGK - đã nuối tiếc: “Nếu nhiều pho sách quý của ông Nguyễn Đắc Xuân từ Huế vào kịp thì kiểu gì ông ấy cũng giật giải nhất”.

Cuối cùng, từ chuyện phá lệ, tài trợ giải thưởng của Công ty In Trần Phú, những người chơi sách mong rằng nếu hội thi được tổ chức tốt hơn, xã hội hóa hơn thì một ngày kia Cục Lưu trữ Quốc gia nên có thêm các giải “Sách được bảo quản tốt nhất”, “Cách thức bảo quản sách độc đáo nhất”. Hoặc trong tương lai, BTC sẽ có cả nội dung thi mang tên “Chuyện về sách” chẳng hạn, để những người chơi sách chia sẻ chuyện mình hạnh ngộ với sách ra sao, giữ sách thế nào, cuốn sách ấy đã nâng đỡ tinh thần chủ nhân nó ra sao trong cuộc đời… Nếu mong ước ấy trở thành hiện thực, hội thi “Những cuốn sách vàng” mới vẹn toàn ý nghĩa.

Thảo Lư

Ý kiến bạn đọc

Đôi điều về giải thưởng cuộc thi “Những cuốn sách vàng” lần 4

Sáng ngày 12/3/2008, tại Hội sách thành phố Hồ Chí Minh lần V, Lễ Trao Giải cuộc thi “Những cuốn sách vàng” lần 4 và “Tủ sách gia đình” lần 2 được tổ chức khá long trọng có đông đảo người tham dự. Ban tổ chức cho biết cuộc thi năm nay có 54 bạn yêu thích sách tham gia với số sách lên tới 383 cuốn, trong đó có 37 cuốn sách tiếng Pháp. Có nhiều giải thưởng dành cho sách bộ, sách lẻ, tạp chí và “Tủ sách gia đình”. Giải cao nhất dành cho sách bộ trị giá 5 triệu đồng và giải thấp nhất 2 triệu đồng tiền mặt và thêm 2 triệu đồng bằng sách tự chọn. Đây là một cố gắng và việc làm đáng biểu dương của Ban tổ chức hội sách vì đã tạo điều kiện động viên những người yêu thích sách cũ (cổ) có giá trị về nội dung lẫn hình thức đã có nhiều công sức và tốn kém qua nhiều năm tháng để sưu tầm, mua về bảo quản và có dịp cho mọi người chiêm ngưỡng.

CLB chúng ta có 8 thành viên đạt giải thưởng “Sách vàng” và “Tủ sách gia đình”. Xin được hoan nghinh về thành tích này.

Nhưng bên cạnh việc làm công phu, tốn kém và động viên chủ sách và tủ sách gia đình đó, việc trao giải thưởng còn có đôi điều cần nói:

1. Giải nhất sách bộ dành cho “Bộ tranh chuyên khảo về Đông Dương: Nam Kỳ” (Monographie dessinée de l’Indochine: Cochinchine) khổ lớn 32x25 cm gồm 8 tập do các thầy trò Trư ờ ng Mỹ Thuật Gia Định thực hiện ở khoảng thập niên 30 của thế kỷ 20. Hội đồng chấm giải lấy làm tâm đắc về bộ sách quý này, ca ngợi về tranh vẽ và nội dung (công trình tập thể vô cùng quý giá về giá trị của những tư liệu) nhưng lại trao giải cho Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh có công bảo quản rất tốt. Tại sao là giải thưởng sách cổ (quý hiếm) lại trao cho cơ quan chuyên nghiệp là thư viện của Nhà nước (có nhiệm vụ và chức năng bảo quản sách bằng ngân sách Nhà nước) mà không là trường Mỹ thuật Gia Định hay hậu duệ của họ, dù đến nay nhóm thầy lẫn trò là tác giả bộ sách ấy không còn nữa? Vậy mục tiêu của giải thưởng sách vàng này là gì? Hơn nữa, thư viện quốc gia thiếu gì những cuốn sách cổ như vậy.

2. Giải thưởng cho quyển sách độc đáo về kỹ thuật in: “Souverains et Notabilités d’Indochine” (Các vị vua và chức sắc ở Đông Dương). Người có sách tham dự là ông Đỗ Cao Lợi. Giải thưởng cho người có công sưu tầm và bảo quản sách quý còn nguyên vẹn là đúng. Nhưng lại có thêm giải thưởng có mục đích ca ngợi kỹ thuật in độc đáo của Tây ở Hà Nội thời kỳ đầu đô hộ nước ta, do chính Hiệp hội in Việt Nam hiện nay tặng. Thật khó suy nghĩ cho việc làm này. Ta ngày nay lại ca ngợi kỹ thuật của Tây thời nó cai trị mình. Dĩ nhiên nhà in của Tây thời ấy phải trang bị hiện đai vì là nhà in của Phủ Toàn quyền thuộc địa được đưa từ “mẫu quốc” sang. Việc làm này có lẽ thừa và không đúng tôn chỉ của cuộc thi. Chỉ nên khen cá nhân tư nhân tự bỏ tiền ra tìm mua và giữ gìn kỹ lưỡng, bảo quản được sách cổ quý hiếm.

3. Chỉ nên không cho tủ sách đã đoạt giải nhất được thi lại. Còn về giải 2, 3 và khuyến khích thì cần phải cho người ta thi lại để giải hai có thể lên giải nhất, giải ba có thể lên giải hai vv…

Vương Liêm

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN SÁCH NHAN ĐỀ LÀ
“XỨ BẮC KỲ” (LE TONG-KIN) CỦA TÁC GIẢ EDOUART PETIT,
TIẾN SĨ VĂN KHOA
GIÁO SƯ TRƯỜNG TRUNG HỌC
JANSON DE SAILLY
XUẤT BẢN Ở PARIS NĂM 1887

Tôi gặp cuốn sách này lần đầu tiên ở nhà cụ Giáo Vũ Xuân Thuật, một người chơi sách ở Tân Định. Tôi thấy hình ảnh trong sách đẹp quá, nên hỏi cụ xin cụ để lại cho, nhưng cụ từ chối và nói đó là một kỷ niệm của một người bạn Pháp của cụ đã tặng cụ. Thấy cụ nói vậy, tôi đành chịu thua ra về, để rồi, để rồi đúng 2 năm trời sau, vào năm 1975, khoảng hai tháng trước ngày giải phóng, cụ lại tìm tôi và nhờ tôi “làm bất cứ cách nào” và mua hộ “bằng bất cứ giá nào” một cuốn sách của tác giả Lê Hoằng Mưu nhan đề là “Hà Hương Phong Nguyệt” vì cụ cần có nó cho một người ân nhân của cụ là một bà giáo sư sống ở Pháp. Thật là may mắn, tôi lại có cuốn đó tuy bị thiếu mất mấy trang cuối. Tôi liền thưa với cụ là tôi cũng không muốn bán mà chỉ muốn đổi, và rồi không hiểu vì lý do gì, cụ đã chấp thuận đổi cho tôi lấy cuốn Tong-kin mà tôi yêu thích này…

Cuốn sách này dày khoảng 240 khổ 18x28cm và được chia ra làm 2 Phần. Phần I gồm 150 trang được chia ra làm một Lời Nói Đầu và XIII chương và Phần II, từ trang 151 tới cuối sách được chia làm IX chương và một Đoạn Kết.

Đây là một cuốn sách có thể gọi là một cuốn sách lịch sử về việc Pháp chiếm Bắc Kỳ, tuy không đi vào chi tiết nhưng sách này nhắc tới tất cả các trận đánh chiếm từ lúc quân Pháp đặt chân tới Bắc Kỳ cho tới khi chiếm được Bắc Kỳ và bắt đầu tổ chức việc cai trị vào năm 1886.

Chương I cho người đọc một cái nhìn tổng quát về Đông Dương và về Bắc Kỳ, cũng như cho biết những tiếp xúc đầu tiên của người Pháp với Bắc Kỳ.

Chương II nói về cuộc thám hiểm của Francis Garnier trên Sông Hồng – Garnier đã gặp Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) và khuyên tên này hướng các tìm tòi về phía Bắc Kỳ.

Chương III nói về Đồ Phổ Nghĩa và Sông Hồng Hà.

Chương IV nói về cuộc viễn chinh đầu tiên ở Bắc Kỳ, việc chiếm thành Hà Nội và cái chết của Garnier năm 1873.

Chương V nói về Phái Bộ Philastre – Các hiệp ước ký năm 1874 – Các cuộc tàn sát ở Bắc Kỳ và các cuộc thám hiểm của các tên Tây thực dân Kergaradec và Fuchs.

Chương VI nói về cuộc viễn chinh do Rivière cầm đầu trong hai năm 1882-1883, và việc chiếm các đồn lũy ở Hà Nội, việc chiếm Hải Phòng, và cái chết của Henri Rivière ngày 19 tháng Năm, 1883.

Chương VII nói về việc tướng Bouet chiếm Hải Dương và Đô Đốc Courbet chiếm Huế và về Hiệp Ước ký năm 1883.

Chương VIII nói về việc Đô Đốc Courbet một mình điều hành tất cả mọi chiến dịch ở Bắc Kỳ và việc chiếm thành Sơn Tây vào tháng 12 năm 1883.

Chương IX nói về ba tướng Pháp Millot, Brière de l’Isle và Négrier, cũng như về việc chiếm thành Bắc Ninh hồi tháng Ba năm 1884 và việc chiếm Hưng Hóa vào tháng Tư cùng năm.

Chương X nói về Hiệp Ước Fournier, Hiệp Ước Thiên Tân đầu tiên, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa, và về cái chết của Courbet ngày 10 tháng 6, 1885.

Chương XI nói về tướng Brière de l’Isle, về trận chiến ở Kép và Chữ, về việc tiến đánh và chiếm Lạng Sơn ngày 13-2-1885.

Chương XII nói về việc Pháp làm hòa lại với Trung Hoa và Hiệp Ước Thiên Tân thứ nhì (9-6-1885).

Chương XIII nói về việc Tướng De Courcy lên làm tổng chỉ huy quân Pháp – về phái bộ Paul Bert, và về việc tổ chức thành lập xứ Bắc Kỳ năm 1886.

Phần II của sách nói về xứ Bắc Kỳ và người dân Bắc Kỳ. Phần này nói tới đủ mọi lãnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục và hành chánh.

Cuốn sách này có thể được coi như một tài liệu khá tốt cho các nhà nghiên cứu về lịch sử. Xin chia sẻ với các bạn đọc một số hình ảnh vẽ bằng bút sắt mà chúng tôi cho đi kèm với bài này.

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

THỦY TỔ ĐẠO GIÁO LÀ AI ?

Xưa nay, chúng ta vẫn yên trí rằng: Lão tử là tiếng tôn xưng Lý Nhĩ tự là Bá Dương, cũng gọi là lão Đam là thủy tổ đạo Lão hay Đạo Giáo.

Tức là người mà Tư Mã Thiên, trong “Lão Trang, Thân Hàn liệt truyện”.Sách sử ký, đã nói như thế này:

“Lão Tử là người xóm Khúc Nhân, làng Lệ Hương, huyện Khổ, nước Sở, họ Lý, tên Nhĩ, tự là Bá Dương, thụy hiệu là Đam… làm sách gồn hai thiên Thượng , Hạ, thuật cái ý về Đạo, Đức hơn 5000 lời.”

(Lão Tử giả Sở, Khổ huyện, Lệ hương, Khúc nhân lý nhân dã, tính Lý thị, danh Nhĩ, tự Bá Dương, Thụy viết Đam (lược bỏ mấy đoạn) trứ thư thượng hạ thiên ngôn Đạo Đức chi ý, ngũ thiên dư ngôn) và cũng tức là ông Lão Tử mà Tư Mã Thiên chép rằng đã khuyên Khổng Tử mấy câu, khi Khổng Tử đến nước Chu hỏi Lễ.

Nghĩa là Lão Tử là một người đồng thời với Khổng Tử.

Nhưng đồng thời với Khổng Tử không phải chỉ có một ông Lão Tử mà thôi.

Thời bấy giờ lại có một ông già khác cũng gọi là lão Tử.

Chính Tư Mã Thiên tác giả sách Sử ký, sau khi chép truyện ông Lão Tử trên cũng có chép theo lời tin tương của người thời ấy như thế này.

“Hoặc có người nói Lão Lai Tử, cũng là người nước Sở, làm sách 15 thiên, nói việc Đạo gia, với Khổng Tử là người đồng thời”.

(Hoặc viết: Lão Lai Tử diệc sở nhân dã, trứ thư thập ngũ thiên, ngôn Đạo gia chi dụng, dữ Khổng Tử đồng thời vân).

Ý nói Lão Tử cũng có người bảo là Lão Lai Tử.

Hay nói một cách khác: đồng thời với Khổng Tử có hai ông Lão Tử:

1) Lý Nhĩ; 2) Lão Lai Tử.

Tư Mã Thiên cho ta biết rằng : sở dĩ người ta nói Lão Tử tức là Lão Lai Tử - người soạn sách 15 thiên nói về Đạo – là vì Lão Tử sống 160 tuổi hoặc hơn 200 tuổi, bởi lấy Đạo mà dưỡng được Thọ.

Tác giả sách Sử ký lại chép rằng 129 năm sau năm Khổng Tử mất, cũng có một người được gọi là Lão Tử, tức là Thái tử nhà Chu tên là Đam.

Tổng chi, thời Tư Mã Thiên chép sách Sử ký, đã có ba thuyết nói về Lão Tử khác nhau rồi :

1. Lão Tử là Lý Nhĩ đồng thời với Khổng Tử.

2. Lão Tử là Lão Lai Tử đồng thời với Khổng Tử.

3. Lão Tử là Thái tử Đam sau thời Khổng Tử.

Cũng như người thời bấy giờ, Tư Mã Thiên cũng không biết đích xác Lão Tử là ai, đành phải nêu cả ba giả thuyết ra, có ý để chất chính cùng các sử gia đương thời và hậu thế.

Nhưng vấn đề nêu ra, tới nay vẫn để dở dang, chưa giải quyết được; bài tính đố ra đề mấy ngàn năm nay, vẫn chưa ai tìm được câu trả lời, tiểu sử Lão Tử vẫn còn là một mối nghi vấn thiên cổ.

Vậy, Lão Tử là ai?

Ông Thủy Tổ Đạo giáo là Lý Nhĩ hay Lão Lai Tử?

Đó có là một chủ đề khẩn thiết đối với các nhà nghiên cứu văn học và riêng sử học ngày nay.

LÊ VĂN HÒE

Cùng các thành viên CLB.

Lẽ ra Bản tin của CLB chỉ đề cập đến những thông tin về sách. Nhưng vừa qua, một thành viên của CLB - bà Tâm-Nguyện - vừa qua một đợt điều trị bằng một phương pháp khoa học tiên tiến và hiệu quả của nước ta, nhưng thông tin này lại rất ít người biết. Vì thế, bà viết bài này để giới thiệu, mong mọi người thông cảm.

Phụ Bản II

MỘT PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU MỚI VÀ MỘT CÁI TÂM

Khi nói với một vài người bạn là tôi sẽ đến Tân Châu, An Giang trị bịnh, nhiều người đã hỏi: “Bộ thành phố hết Bịnh viện, hết Bác Sĩ hay sao mà phải đi đến một nơi khỉ ho, cò gáy, gần tận cùng của đất nước để trị bịnh”? Câu hỏi này cũng được đặt ra cho một bịnh nhân đến sau tôi 2 tuần, ở mãi tận Hà Nội, cách xa hơn ngàn cây số, phải đáp máy bay đến Thành Phố Hố Chí Minh, rồi còn phải bao xe để đến một Trung tâm Phục Hồi Chức Năng nhỏ xíu của Thạc Sĩ Bác Sĩ Ngô Thị Thiên Hoa tại Tân Châu An Giang. Có gì ở nơi đó hấp dẫn những người bịnh như chúng tôi? Một bà già được con cháu, bạn bè gọi là “yếu nhân”, vì ở thành phố mà quanh năm ngủ phải đắp mền, đội mũ len như ở Đà Lạt vì luôn bị nghẹt mũi. Mỗi khi trời hơi trở lạnh là phải mặc đến 2 áo lạnh mới dám ra đường, và một chàng trai trẻ mới có 37 tuổi đời với 2 năm tai biến, di chứng là nửa thân bên trái bị tổn hại, đi lại khó khăn. Nghề của em là thiết kế mẫu quảng cáo trên vi tính nên thao tác rất cần cả đôi tay. Nhưng từ 2 năm qua thì tay trái em cứ run bần bật, không cầm nắm được, làm em rất thất vọng. Gia đình đã đưa em đi điều trị nhiều nơi mà theo em thì: Đông, Tây, Trung Y, Châm Cứu, Phục hồi Chức Năng nào có tiếng ở miền Bắc đều đã kinh qua trong 2 năm qua, nhưng cũng không thấy bớt được chút nào. Nhờ xem thông tin trên mạng mà em liên lạc với Tiến Sĩ Thái rồi quyết định vào đây để trị bịnh! Đó là mở đầu của một câu chuyện về một phương pháp điều trị, một cái Tâm của một nhà khoa học Việt Nam.

Tôi chưa được hân hạnh gặp ông, chỉ vì bịnh mà hay tìm sách báo để tham khảo và được biết có phương pháp trị liệu gọi là Laser Bán Dẫn phối hợp Y Học hiện đại và cổ truyền đã trị được nhiều bệnh như tai biến mạch máu não, bại liệt, thoái hóa cột sống, tim mạch… một cách đơn giản, ít tốn tiền, không có tác dụng phụ, và một số bệnh khác nữa mà Đông, Tây Y gặp nhiều khó khăn, do Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Minh Thái Trường Đại Học Bách Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh nghiên cứu ứng dụng, đã thành công trên rất nhiều bịnh nhân. Tôi vốn ít tin vào quảng cáo, nhưng đây là thông tin từ chuyên đề đăng trên Phụ trang Báo Khoa Học Phổ Thông, của Liên Hiệp các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật TP HCM nên không thể nào thiếu trung thực được. Thế rồi, một phần vì tò mò muốn biết thực hư ra sao, phần khác thấy bản thân cũng có một số bịnh nằm trong danh mục nên tôi bèn gọi điện đến Tòa Báo, xin được tiếp xúc vớiTiến Sĩ Thái, và được ông cho số điện thoại của Bác Sĩ Thiên Hoa để trực tiếp hỏi đường đi nước bước, nhờ Bác Sĩ thu xếp mọi thứ, từ chỗ ăn, chỗ ở... vì tôi chưa bao giờ đến nơi này.

Thu xếp công việc nhà xong, tôi khăn gói lên đường với những 3 áo lạnh mang theo, dĩ nhiên đâu thể thiếu cái mũ len! Ngoài ống Ventolin là “vật bất ly thân” tôi còn cẩn thận mang theo cả cái máy xông Suyễn, sợ ở địa phương xa xôi không có, rủi có bề gì thì biết cầu cứu ai!

Mất hơn 5 giờ ngồi xe, cuối cùng tôi cũng đến được Trung Tâm Phục hồi Chức Năng Tân Châu. Bác Sĩ Thiên Hoa tiếp tôi và đích thân dắt tôi đến nhà nghỉ để sắp xếp chỗ ở, dặn tôi nghỉ ngơi cho khỏe, ăn cho no để lấy sức và ngay chiều hôm đó bắt đầu trị bịnh luôn.

Ngoài phim phổi, điện tim mang theo, tôi khai ra một lô bịnh, nào là Suyễn, thiếu máu cơ tim, block nhánh phải hoàn toàn, nghẹt mũi về đêm, đau lưng, mỏi cổ, gáy, vai, hay mệt, hay bị lạnh… Thấy Bác Sĩ và phụ tá lôi ra một cái máy nhỏ, cắm vào ổ điện, có cả kim tiêm. Tôi đã hơi ớn, bèn hỏi xem Bác sĩ sẽ trị như thế nào ? Cô bảo: “Nội soi tĩnh mạch”.Tôi hỏi: “Nội soi tĩnh mạch là gì?” Bác Sĩ giải thích: “Chỉ cần đưa kim vào mạch máu rồi Laser bán dẫn sẽ đưa oxy vào máu làm cho lưu thông tốt hơn, vì chức năng của nội tỉnh mạch có thể cải thiện hệ tuần hoàn, nhất là các bịnh về tim mạch và hệ thống hô hấp, tác động vào động mạch não, cung cấp máu cho não… tăng vận chuyển của oxy trong máu, điều chỉnh huyết áp, giảm kết dính tiểu cầu…”. Tôi vốn sợ chích, nhưng đã vượt mấy trăm cây số đường để đến đây rồi, chẳng lẽ quay về! Thế là tôi cũng đành phải đánh liều… nhắm mắt đưa tay!

Thế rồi tuy thầm lặng nhưng có lẽ Laser tác động vào máu tôi như thế nào đó mà tôi không hay, nhưng ngay đêm đầu tiên, và cho đến hôm nay tôi không phải đội mũ len lúc ngủ nữa.

Thường thì buổi sáng lúc 6 giờ tôi hay đi bộ từ nhà nghỉ ở Công Viên cạnh bờ sông để đến phòng chữa trị cách đó vài trăm mét. Những buổi đầu thì mặc áo lạnh, nhưng chỉ khoảng 5 ngày sau, tôi cũng ngạc nhiên với chính mình vì có hôm tôi thấy trời có sương mù, một số người đi tản bộ tập thể dục mặc áo lạnh còn tôi sao lại thấy mình không có nhu cầu cần mặc áo lạnh vô, dù lúc nào tôi đi đâu cũng phải kè kè mang theo bên mình! Về Suyễn, thì những ngày đầu tôi vẫn bị thở nặng, vài ngày sau đó thì thở nhẹ hơn, từ kể ngày thứ 4 tôi không thấy cần Ventolin nữa.

Thấy hiệu nghiệm của phương pháp, tôi tò mò hỏi Bác Sĩ Hoa xem cơ duyên nào đã khiến cho một Tiến Sĩ Vật Lý lại quay sang chế tạo những chiếc máy để trị bịnh này? Bác Sĩ Hoa gọi cho tôi hỏi trực tiếp Tiến Sĩ Thái và được ông cho biết ông học ngành Vật Lý khoa học ứng dụng trong Y Học, Nông Nghiệp, Công Nghệ Sinh Học và đã làm việc ở nước ngoài, nhưng ông quyết định quay về Việt Nam vì mong muốn đem kiến thức khoa học của mình để giúp cho những người bịnh. Theo ông, đất nước mình còn nghèo mà việc điều trị phải mua thuốc ngoại rất là tốn kém, phần đông không kham nổi. Ông không xuất thân từ ngành Y, nên giai đoạn đầu cũng gặp không ít khó khăn về cơ thể học, về kinh mạch, huyệt vị, nhưng nhờ được sự hợp tác của một số Bác Sĩ Đông, Tây Y nên cuối cùng thì ông cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp trị bịnh bằng Laser Bán Dẫn và Laser nội mạch.

Phương pháp mà PGS Tiến Sĩ Thái nghiên cứu thành công không chỉ độc đáo và duy nhất tại Việt Nam mà các Hội Đồng khoa học quốc tế như Úc, Mỹ, Canada, Nhật cũng phải bất ngờ về thành quả điều trị nhanh hơn các máy móc tân tiến cùng loại trên thế giới hiện nay bởi tính ưu việt của nó, vì người điều trị có thể tùy theo thể trạng của bệnh nhân để mà tăng hay giảm công suất như một dạng thuốc viên tùy theo cơ thể của bịnh nhân mà gia giảm liều lượng

Thành tựu của ông được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng 3. Triển lãm thiết bị và thành tựu tại Bảo tàng Miraikan Nhật và đang ứng dụng rộng rãi trên 200 cơ sở rải rác ở các tỉnh và Thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẳng, Cần Thơ, Khánh Hòa.

Xem hồ sơ bệnh án, tôi ghi nhận một vài ca điển hình đáng lưu ý như Nguyễn Thiện Dũng, ở Thành Phố Hồ Chí Minh, đã được Bệnh Viện Chợ Rẫy đã chẩn đoán là Nhồi Máu cơ tim, phải đặt 4 đoạn stent với chi phí 120 triệu đồng, nhưng gia đình bệnh nhân không có khả năng, vì thế, Bác Sĩ chỉ cho anh ta đến Tân Châu để điều trị cho đỡ tốn kém. Sau 60 lần điều trị bằng phương pháp Laser bán dẫn nội tĩnh mạch thì bịnh đã khỏi. Sau l năm kiểm tra lại thì chỗ bệnh cũ chỉ còn vết cũ mờ.

Một em bé 15 tháng tuổi tên Đàm Phát Huy Bệnh Viện Nhi Đồng chẩn đoán là bại Não, nhưng chỉ sau 3 tháng điều trị đã tự đứng và phát âm được.

Cô Võ Thị Lệ 45 tuổi, ở Long Thuận Đồng Tháp. Chẩn đoán của khoa Sức Khỏe Tâm Thần Bệnh Viện Nhiệt Đới là: Tâm Thần phân liệt dạng hưng phấn. Điều trị khỏi sau 7 lần Laser nội mạch.

Thời gian điều trị, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp phục hồi rất nhanh khó thể tưởng tượng: Cụ thể là bà cụ Nguyễn Thị Lến, 91 tuổi, nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tay chân mềm rũ, không cử động được, lưỡi cứng, không nói được. Chẩn đoán: Nhũn não diện rộng, liệt nửa người (P). Chỉ sau 8 ngày điều trị, bà đã tự ngồi dậy, và ngày thứ 10 thì bà xuất viện, tự đi lại và nói được.

Chàng trai trẻ 37 tuổi đến từ Hà Nội tên Trọng Anh, lúc đến thì tay bên trái lúc nào cũng run bần bật, và lại cứng, không cầm nắm được. Chân trái bước đi khó khăn, vì bàn chân bị lật. Theo Bác Sĩ Hoa, bịnh để lâu thì thời gian phục hồi cũng có bị chậm hơn so với bịnh mới phát. Nhưng tôi thấy chỉ sau hai ngày thì tay em không còn run nữa và bắt đầu cầm dụng cụ tập tay được. Về Thành phố, tôi tiếp tục theo dõi thì được em cho biết chỉ sau hơn 10 ngày em đã có thể xách đến 5 ký không bị rớt và đi bộ gần cả cây số, ngày mấy lần để đến nơi trị bịnh. Hiện em vẫn còn đang tiếp tục điều trị.

Theo Tiến Sĩ Thái, người thầy thuốc không thể chỉ giỏi về Y Thuật, mà còn phải có Y Đức, có vậy thì mới xứng đáng là chỗ nương tựa của người bịnh nên ông luôn nhắc nhở học trò phải tâm niệm điều đó. Hiện ông đang chú tâm về bịnh Aids, những người nghiện ma túy, bịnh lao, vì ông thấy không ai nghèo khổ, và tuyệt vọng hơn họ. Rồi thì những đứa con bất hạnh của họ nữa, ông muốn làm sao đem lại cho chúng nó một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác. Đa phần, thì giờ, công sức của ông hầu như dành cho việc nghiên cứu và đào tạo lớp kế thừa.

Thành tựu của ông đã trả về cho đời thường một số không ít những người chẳng may bị tai biến mạch máu não tưởng như suốt đời gắn với chiếc xe lăn hay nằm liệt trên chiếc giường, bản thân đã khổ, đầy mặc cảm mà còn ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình!

“Sống ở trên đời cần có một tấm lòng” nhưng những nhà khoa học tâm huyết với đất nước, với dân tộc như PGS Tiến Sĩ Thái đã không “để cho gió cuốn đi” một cách vu vơ, mà họ đã để cho gió “Từ”, gió “Bi” cuốn vào những niềm đau của người Bịnh Khổ để miệt mài mang kiến thức mình đã học được góp tay xoa dịu nỗi đau trần thế. Tôi bỗng nhớ đến câu: “Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người” để thấy rằng một nhà khoa học, không có thì giờ đọc Kinh sách hay đi Chùa, nhưng chỉ với cái Tâm yêu thương con người, muốn chia sẻ nổi Khổ của cuộc đời, ông đã là một Phật Tử thực hành, không chỉ lý thuyết suông.

Tôi không thể trị đủ một liệu trình (ba tuần), vì có công việc đột xuất cần trở về thành phố để thu xếp.Ngồi trên xe có máy lạnh, tôi thêm một lần ngạc nhiên vì người kế bên mặc áo dày hơn tôi mà còn kéo áo lạnh che, trong khi tôi lại không cảm thấy lạnh chút nào. Nhưng theo Tiến Sĩ Thái, việc tôi ngưng nửa chừng thì kết quả cũng chỉ đạt có phân nửa, nên dù trước mắt thấy được hiệu quả nhưng cũng phải có thời gian để kiểm nhận thêm khi trở về với môi trường cũ với không khí không được trong lành như ở Tân Châu. Dù vậy, tôi thấy sức khỏe của tôi có cải thiện rõ rệt. Trước kia, tôi vốn đoản hơi, chỉ cần lên xuống thang lầu là đã thấy mệt, nay thầy tiến bộ rất nhiều và không còn trùm mũ len và mặc áo lạnh khi ngủ nữa, Ventolin cũng không còn dùng. Tôi đi đo lại điện tim gởi xuống thì Bác Sĩ Hoa cho biết là dấu hiệu thiếu máu cơ tim của tôi đã hết. Với tôi, chừng đó cũng đã xứng công một chuyến đi trị bịnh ở xa. Hơn nữa, điều thú vị là ngoài việc sức khỏe có tăng lên, tôi còn có cơ hội để hiểu thêm đôi điều về một phương pháp trị bịnh của một nhà khoa học nước ta.

Nhìn những bịnh nhân nghèo ăn mặc nhếch nhác, dìu người thân bèo nhèo đến điều trị, thậm chí có người còn không có tiền để thuê phòng trọ được Bác Sĩ Hoa cho ở tạm tại nhà còn giảm bớt một số tiền thuốc, khi hết bịnh vui mừng vội vã ra về để trở lại với ruộng đồng, với công việc lam lũ dở dang đang chờ, có khi còn quên cả cám ơn Bác Sĩ! Họ không hề biết rằng ẩn trong những chiếc máy nhỏ gọn xinh xinh và những cây kim tiêm có vẻ tầm thường, đơn giản là cả tim óc, tâm huyết của nhà khoa học đầu ngành và các cộng sự. Họ cũng không thể nào biết rằng để giữ lại được phương pháp mà thành quả họ đang vô tư nhận được có vẻ quá dễ dàng, hiệu quả nhanh chóng, mà lại rẻ tiền, trong đó có sự hy sinh thầm lặng mà cao quý của PGS Tiến Sĩ Thái.

Thói thường, mọi người vẫn nghĩ rằng chỉ có những bịnh viện lớn mới có Bác Sĩ giỏi và phương pháp điều trị tốt, cũng như những thứ thuốc càng đắt tiền càng hiệu quả, vì quan niệm “tiền nào của nấy”, không thể ngờ rằng đây là một khoa học tiên tiến so với thế giới mà lại đem ra điều trị đại trà cho bịnh nhân, nghèo hay giàu cũng cùng được chia sẻ mà nếu không trực tiếp đến tận nơi để điều trị cũng như không tò mò tìm hiểu thì bản thân tôi cũng không thể nào tin có chuyện ngược đời như thế có thể xảy ra trong thời buổi “kinh tế thị trường” này được. Tận mắt chứng kiến, nên tôi tiếc rằng phải chi phương pháp này được quảng bá rộng rãi để thêm nhiều người biết hơn, vì vừa hiệu quả nhanh lại vừa tốn ít tiền. Do vậy, tôi thấy cần viết đôi dòng này. Trước hết là thay mặt cho chính tôi, cho những bịnh nhân đã và sẽ điều trị, cảm ơn nhà khoa học và các cộng sự đã cống hiến cho đời một tài sản vô giá. Còn một lý do nữa đã thôi thúc tôi phải viết: Việc biết được thông tin rất là quan trọng. Chồng tôi ngày trước cũng bị cao huyết áp, lúc nào cũng phải uổng thuốc, nhưng trong một lần ông bị tai biến rồi liệt nửa người. Tôi đã chữa trị hết cách: Đưa ra Vũng Tàu để tắm biển, vật lý trị liệu, châm cứu, thuốc bắc, thuốc tây… nhưng vẫn không khá hơn. Sau 2 năm, trong một lần tai biến đợt 2, ông đã qua đời! Đó là năm 2001, trong khi phương pháp này đã có mặt từ nhiều năm trước đó nhưng tôi hoàn toàn không hay biết!

Vẫn biết Sinh Tử là lẽ đương nhiên, con người không thể nào tránh khỏi, nhưng nếu bịnh mà gặp đúng thầy, đúng thuốc cũng có thể kéo dài thêm cuộc sống. Việc phục hồi nhanh cũng đỡ tốn kém cho gia đình, và bịnh nhân cũng đỡ phải kéo dài thời gian sống trong mặc cảm!. Vì thế, qua những dòng này, tôi mong sao cho những gia đình nếu chẳng may gặp phải những chứng bịnh mà phương pháp này có thể trị được thì biết rằng vẫn còn tràn trề hy vọng phục hồi. Như vậy, theo tôi cũng là chút đóng góp nhỏ nhoi để mong ước của PGS Tiến Sĩ Thái trong việc phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội ngày càng thực hiện tốt hơn vậy.

Tháng 3/2008
Tâm Nguyện

XEM BỘ SƯU TẬP ĐÈN
của Linh Mục Triết

Vẹt lớp bụi thời gian,
Đèn về đây họp mặt,
Từ tim bấc, đất nung,
Đến cầu kỳ, lộng lạc…
Mang tiếng nói vô thinh,
Từ mờ xa thăm thẳm.,
Tái hiện cả không gian,
Chừng đã vào quên lãng…
Đèn nào xưa hiu hắt,
Cùng chinh phụ mỏi mòn?
Đèn nào cùng hàn sĩ,
Đợi ngày vượt vũ môn?
Như có tiếng thở dài,
Bên đèn chong, vách lá!
Nghe tiếng cười rộn ràng,
Từ đèn chùm sáng lóa.
Rồi nghèo, giàu, vui, khổ,
Theo nhau về hư vô.
Đèn trở thành chứng tích,
Cả một thời xa xưa…
Cảm ơn nhà sưu tập,
Gom, giữ lại cho đời,
Nhắc đừng quên nguồn cội,
Thêm yêu Việt Nam ơi !
Tân Châu, ngày 9/3/2008

Tâm-Nguyện

TẠ ƠN

Kính tặng mẹ
Tạ ơn lòng Mẹ bao la
Đưa con vững bước
vượt qua thác ghềnh
Tạ ơn đời sống mông mênh
Vun bồi nghị lực
vượt lên số phần
Tạ ơn bạn hữu xa gần
Cảm thông quý mến
tình thân nồng nàn
Tạ ơn rừng núi ngút ngàn
Thông reo suối hát gió vàng mây xanh
Tạ ơn nắng sớm trong lành
Sáng soi sưởi ấm
chân thành tin yêu
Tạ ơn lá đổ muôn chiều
Hát ru lắng tiếng
thơ Kiều xa xưa
Tạ ơn vọng tiếng chuông chùa
Ngân nga thức tỉnh
được thua cõi đời
Tạ ơn mưa gió đất trời
Trăng sao hoa cỏ trùng khơi đậm tình.

Ngàn Phương

TIẾNG NHẠC ĐÊM KHUYA

Khúc tương tư
nhuộm trăng vàng
Tóc mây xanh biếc
thu sang âm thầm
Lá rơi…
lặng lẽ tình câm
Gió vô tình,
tiếng dương cầm
ngẩn ngơ.

Ngàn Phương

CHÂN THÀNH

Từng sợi tóc ngậm ngùi hương luyến nhơ
Từng ngón tay ngượng nghịu siết vào nhau
Từng bờ môi dào dạt nhuốm thương đau
Từng hơi thở ngọt ngào muôn ý lạ
Từng mơ tưởng – dù vẫn còn xa quá
Từng niềm tin vụng dại đến ngây thơ
Từng phút giây lãng mạn đến không ngờ
Cũng gói ghém tình yêu chân thật nhất

Ngàn phương

ĐƯỜNG XUÂN

Đường Xuân 
              Cỏ rối chân đê
Ta còn ai 
              Để hẹn thề nhớ nhung.
Thẫn thờ 
              Nhặt cánh phù dung
Tình xưa 
              Chìm đắm 
                            Dưới thung lũng sầu
Đường Xuân 
              Lác đác hoa Ngâu
Ta còn ai 
              Để trao câu nhạc lòng.
Dặm ngàn 
              Cách núi ngăn sông.
Chỉ còn mây trắng 
              Bềnh bồng nẻo xa
Đường Xuân 
              Bướm lượn chim ca
Ta còn ai 
              Để mặn mà 
                            Tiếc thương
Hàng cau trắng 
              Tỏa ngát hương
Thiếu trầu 
              Đành chịu vấn vương 
                            ngậm ngùi
Đường Xuân… 
              Tiếng trẻ reo vui
Ta còn ai 
              Để ngọt bùi sớt chia.
Vần thơ 
              Xao xuyến, đoạn lìa
Lẻ loi chiếc bóng 
              Canh khuya chập chờn
Đường Xuân 
              Đếm bước cô đơn
Ta còn ai… 
              Để dỗi hờn nữa đâu
Tim ta 
              Chai đá từ lâu
Thẫn thờ 
              Áo tím 
                     Qua cầu gió bay
Đường Xuân
              Nắng ướp men say

Ta còn ai…
              Để cầm tay hẹn hò
Bén xưa
              Trót lỡ chuyến đò.
Đồng xanh vô tận
              Cánh cò bơ vơ
Đường Xuân
              Phong cảnh nên thơ
Ta còn ai…
              Để đợi chờ, ngóng trông
Dở dang
              Lá thắm chỉ hồng
Đời hai lối rẽ
              Người không trở về.

Ngàn Phương

NON NƯỚC VỚI TÂM HỒN NGƯỜI HAY LÀ
NÚI VÀ BIỂN DƯỚI MẮT KHỔNG TỬ

Xa xa tít mãi chân trời, những đống xanh xanh cao ngất ngư chống đỡ từng mây, đó là núi.

Bạn đã từng lên núi cao chênh vênh đột ngột. Bạn có thấy tâm hồn lâng lâng, thân hình nhẹ nhàng như muốn thoát bay lên lưng chừng không khí?

Bạn có thấy xa những sự nhỏ nhen tầm thường, lòng khao khát nhớ nhung những sự cao siêu thanh khiết?

Bạn có thấy ngực như nở rộng, tim óc như mở to trước những cảm giác bao la nhẹ nhàng, những cảm giác thoảng nhẹ như gió, bát ngát như trời mây, những cảm giác biết bay, những cảm giác có cánh?

Nhìn xuống chân núi, thấy muôn vật nhỏ bé, bạn có trạnh lòng thương hại những tâm hồn nhỏ nhen, những số phận hẩm hiu, những cuộc đời tục lụy?

Bạn có thấy mình xa loài người một chút và gần trời một chút không?

Tôi còn nhớ mấy năm trước đây, lên đứng trên núi Voi Kiến An, lần đầu tiên một cậu học trò nhỏ, vui sướng chạy nhảy lăn lộn trên đám cỏ xanh, sân cũ thành nhà Mạc.

Đó là ảnh hưởng của núi non.

Núi non làm cho người ta sạch bớt lòng trần, núi non làm cho người ta bớt nhỏ nhen, thêm cao thương, núi non làm cho người ta rộng lượng thêm, khoan hồng thêm đối với nhân loại đối với muôn loài.

Người tầm thường nhất lên đỉnh núi cao xuống, cũng bớt tầm thường. Người không hiểu cao thượng là gì, lên núi cao cũng bâng khuâng trạnh tưởng tới một đôi điều siêu việt.

Người phàm tục đến đâu, đứng trên ngọn chênh vênh, trước vách đá mốc meo đột ngột, cũng thấy lòng như có pha trộn một đôi cảm giác thanh cao, một đôi cảm giác tiên vậy.

Khổng Tử nói: “nhân giả nhạo sơn” nghĩa là người có lòng nhân (tức là lòng thương người vật) thích vui chơi núi non.

Vì núi non cho người ta những cảm giác ám hợp với tính tình người nhân, người có lòng thương bao la, vô hạn.

Bạn đã từng đứng trước mặt dòng suối róc rách chảy, một ngọn thác ào ào dội, một dòng sông nước cuồn cuộn trôi, hoặc mặt biển mênh mang muôn đợt sóng lớn?

Bạn đã từng tắm suối? tắm sông ? tắm biển? Bạn đã từng vùng vẫy nô đùa với nước?

Bạn đã từng lặng im đứng ngắm nước phun tia trắng hay cồn sóng bạc đầu?

Bạn có thấy dòng nước trôi xuôi là biểu hiệu của sự đổi thay bất diệt?

Nhìn nước, bạn có liên tưởng đến sự hoạt động của muôn vật trong vòng trời đất?

Nhìn nước bạn có thấy dòng tư tưởng của bạn quay theo chiều nước?

Nhìn nước, bạn có thấy trái tim hồi hộp như đứng trước một sự đổi thay?

Nhìn nước bạn có thấy tâm hồn náo nức như muốn nhảy múa, khát khao những điều mới lạ, như muốn trôi theo dòng nước tới nơi vô định bất ngờ?

Phụ Bản III

Đó là ảnh hưởng của nước.

Người tâm hồn bình tĩnh đến đâu đứng trước cảnh thác Vũ môn (Khône) hay thác Bản giốc (chưa nói đến thác lớn Niagara bên Mỹ) cũng không thể ngăn nổi lòng đừng hồi hộp bồn chồn!

Cái cảnh nước dội ồn ào, sóng tuôn cuồn cuộn ám hợp với tâm hồn người hiếu động, đa trí đa mưu.

Khổng tử nói:

“Trí giả nhạo thủy” nghĩa là người có tài trí thích vui chơi với nước, nó là hình ảnh lòng mình.

Non nước ảnh hưởng tới tâm hồn người ta như vậy, nên các bậc cao nhân, dật sĩ xưa thường lấy sông núi làm bạn bầu, làm vui thú, làm thức ăn di dưỡng tính tình.

Cái đời giang hồ mạo hiểm, các cuộc du lịch xa xăm mà có sức quyến rũ người ta là toàn do mãnh lực của non nước vậy!

Có ai mến được cảnh cánh đồng bát ngát phẳng lặng trống không? Có ai mến được cảnh bãi cát mênh mang phẳng lặng im lìm dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt?

Chỉ vì thiếu nước, thiếu non. Chỉ vì không có biển rộng, sông dài và đồi cao núi thẳm.

HUY HOÀNG

LA FONTAINE (1621-1695)

Jean de la Fontaine, nhà ngụ ngôn và nhà thơ cổ điển Pháp sinh ngày 8 tháng 7, 1621 tại Château-Thierry và mất ở Paris năm 1695. Sinh ra trong một gia đình tiểu quý tộc (petite noblesse) và là con một người Quản Lý rừng (Charles de la Fontaine), từ bé La Fontaine đã được sống giữa núi rừng hùng vĩ, đã sớm được hưởng những cảnh đẹp hoang dã trong lành. Sau một thời niên thiếu êm đềm và đầy đủ, La Fontaine lại nối nghiệp cha làm Quản Lý rừng, một công việc nhàn hạ khiến ông có nhiều thời giờ để la cà các khách thính văn chương và đọc các tác giả Hiện Đại lẫn Cổ Điển, và ông đã coi các tác giả Cổ Điển là những khuôn mẫu để ông viết những bài thơ ngụ ngôn bất hủ của ông. Nhờ viết được một bài thơ thuộc trường phái Anh Hùng Thi (poème héroïque) nhan đề là Adonis (viết năm 1658), mà ông lấy thi hứng từ tác giả cổ điển Ovide (nhà thơ La Tinh), ông làm quen được với Fouquet (một viên chức cao cấp chỉ huy ngành cảnh sát) và được viên chức này che chở và cho trú ngụ. Fouquet chống đối với Lộ Y XIV, nên ở chung với Fouquet, La Fontaine cũng bị nhà vua ghét lây. Sau khi Fouquet bị mất chức, La Fontaine được bà công tước d’Orléans giúp đỡ che chở. Vào lúc này ông bỗng trở thành rất nổi tiếng khi cho ra đời hai tập truyện ngắn của ông vào năm 1665, những truyện ngắn rất dễ thương và rất phóng túng bằng một thể thơ tự do, không bình thường (poèmes irréguliers). Năm 1668 ông cho ra đời những bài thơ ngụ ngôn răn đời đầu tiên rất được người đương thời yêu thích đón nhận. Sau đó, nhờ có được sự bảo trợ, che chở của những người bạn giàu có, quyền thế như bà de La Sablière và hai vợ chồng ông d’Harvart, Le Fontaine cho ra đời được tất cả là ba tuyển tập gồm 12 tập thơ ngụ ngôn răn đời vào những năm 1668, 1678 và 1694. Các thơ ngụ ngôn này có nhiều nguồn gốc khác nhau vì La Fontaine chịu ảnh hưởng và dùng làm khuôn mẫu các tác giả cổ Hy La như Esope và Phèdre, mà ông đã bắt chước một cách thật độc đáo. Qua những truyện ngụ ngôn viết về loài vật, ông muốn ám chỉ xã hội con người thí dụ như với bài “Les animaux malades de la peste” (Thú vật mắc bệnh dịch), ông đã phần nào chế diễu xã hội loài người. Qua bài “Les deux amis” (Hai người bạn), ông đã đưa ra những nhận xét nghiêm túc hơn, nói lên thứ luân lý mà ông muốn rao giảng. Với bài “ Les obsèques de la lionne” (Đám tang sư tử cái), ông muốn khuyên con người nên thận trọng đề phòng kẻ khác, và nên có ý thức rõ ràng về khả năng, tầm vóc của chính mình.

La Fontaine thành công rất lớn, nhưng trong những thành công của ông cũng có những thành công gây sì căng đan, như các chuyện ngắn của ông đã được viết một cách cực kỳ phóng đãng, nên bị cấm lưu hành nhưng vẫn được bán rất chạy một cách lén lút.

La Fontaine được coi là một tác giả viết nhiều thể văn khác nhau, kể cả văn chương tôn giáo, nhưng người đời sau chỉ biết đến ông qua những thơ ngụ ngôn và những truyện ngắn. Ông không được lòng Lộ Y XIV và Tể tướng Colbert vì quá thân thiết với Chỉ Huy Cảnh Sát Fouquet, kẻ chống đối họ. Nhưng ông đã khôn khéo lấy lại được phần nào cảm tình của nhà vua và lại được ra vào nơi cung đình. Năm 1674, ông lọt được vào khách thính của bà de Montespan, nơi qua lại của đủ loại văn nhân thi sĩ đương thời. Năm 1683, ông lọt được vào Hàn Lâm Viện, mặc dù trước đó Lộ Y XIV và Colbert đã bác bỏ không cho vào. Về cuối đời ông quay sang viết lách về các đề tài tôn giáo; năm 1692, ông ngã bệnh nặng và hứa sẽ không bao giờ viết những truyện phóng đãng nữa, và dành những ngày giờ còn lại để viết những sách kính Chúa yêu người. Bà de La Sablière qua đời năm 1693. La Fontaine dọn về sinh sống với gia đình d’Harvart. Năm 1694 ông cho ấn hành tập thơ ngụ ngôn cuối cùng và qua đời tại gia đình d’Harvart vào mùa xuân năm 1695.

La Fontaine là một trong những nhà văn và thi nhân độc đáo của thế kỷ XVII. Quả là ông đã mượn những đề tài của thời Thượng Cổ và Trung Cổ, nhưng ông đã viết khác đi và viết hay ít ai bì kịp. Ông dùng hình ảnh loài vật giỏi như một nhà thiên nhiên học (naturiste); qua hình ảnh loài vật, ông đã biến thơ ngụ ngôn của ông thành một thứ “hài kịch có cả trăm màn khác nhau” qua đó ông mô tả tất cả mọi tình cảm, mọi đam mê, mọi hoàn cảnh và mọi ngành nghề của con người.

La Fontaine xứng đáng là một nhà văn, nhà thơ lớn của nước Pháp và của cả nhân loại.

Đỗ Thiên Thư st

Bí mật cuối cùng của Saint-Exupéry

64 năm sau khi Saint-Exupéry cùng chiếc máy bay của mình biến mất không rõ lý do, tiết lộ của một cựu phi công Đức đã góp phần làm sáng tỏ sự việc.

Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng thế giới, là phi công và anh hùng dân tộc Pháp. Ngày 31.7.1944, trong chuyến công tác chuẩn bị cho quân đồng minh đổ bộ lên vùng Provence, Saint-Exupéry điều khiển chiếc Lightning P38 cất cánh từ Borgo (Haute-Corse) và mãi mãi không bao giờ trở lại.

Trong hơn nửa thế kỷ, đã xuất hiện nhiều giả thuyết về sự ra đi của tác giả Hoàng tử bé. Saint-Exupéry đã mất nhưng trong hoàn cảnh nào: chiến đấu, tai nạn hay tự tử? Nhiều người Pháp đề nghị chính phủ thôi điều tra để tác giả Hoàng tử bé được yên nghỉ và để hình ảnh của ông vẫn mãi đẹp trong lòng người hâm mộ.

Thế nhưng những mảnh vỡ của một chiếc máy bay Messerschmitt quốc tịch Đức tìm thấy ngoài khơi Marseille đã hướng cuộc điều tra sang phía nước Đức. Khi Lino von Gartzen - người sáng lập Hội Tìm kiếm máy bay mất tích trong chiến tranh - tiếp xúc với Horst Rippert, cựu phi công của chiếc Messerschmitt, người đàn ông 88 tuổi này tuyên bố: "Các ông có thể ngưng tìm kiếm, chính tôi đã bắn rơi Saint-Exupéry".

Đóng quân tại miền đông nam nước Pháp hai tuần trước khi quân đồng minh đổ bộ lên vùng Provence, trong khi bay về cứ điểm, Horst Rippert nhận ra một chiếc Lightning P-38 đang bay dưới ông 3.000m về hướng Marseille. "Tôi đã theo dõi chiếc máy bay ấy. Tôi nhủ thầm nếu mày không cuốn xéo, tao sẽ nã đạn. Tôi đã bắn và bắn trúng. Chiếc máy bay chìm thẳng trong nước. Viên phi công, tôi không thấy anh ta. Sau này, tôi mới biết đó là Saint-Exupéry".

Kết quả đợt điều tra được Luc Vanrell và nhà báo Jacques Pradel thể hiện trong tác phẩm Saint-Exupéry, l’ultime secret (Saint-Exupéry, bí mật cuối cùng) do Nhà xuất bản Rocher phát hành ngày 20.3.2008.

Giờ đây, những người yêu mến Saint-Exupéry có thể yên lòng vì thần tượng của họ đã hy sinh cho tổ quốc trong cuộc chiến chống phát xít Đức. Và chắc họ cũng cảm thông với Horst Rippert, người đã "luôn luôn hy vọng chiếc máy bay bị bắn rơi không phải là của Saint-Exupéry", vì "thời trẻ, chúng tôi đã đọc tất cả các tác phẩm của ông và chúng tôi yêu mến vô cùng những quyển sách đó”.

Công Khanh - Tuổi Trẻ

Hai ý kiến về phát hiện lịch sử gây chấn động của Thiền sư Lê Mạnh Thát

1. Ý kiến của Trương Thái Du ( Thảo Điền 6.3.2008)

Đôi lời với những phát hiện lịch sử chấn động

Từ ngày 27.2.2008 đến 6.3.2008, Báo Thanh Niên liên tiếp đăng loạt bài Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động của tác giả Hoàng Hải Vân. Vì yêu thích cổ sử và ít nhiều đã có những biên khảo nhỏ ở góc độ nghiệp dư, tôi đặc biệt chú ý và theo dõi rất kỹ vấn đề ông Thát theo đuổi. Từ gợi ý của Thanh Niên, tôi đã vừa đọc báo, vừa tìm hiểu quyển Lục độ tập kinh và Lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta của tác giả Lê Mạnh Thát. XNB Tổng hợp TP.HCM - 2006 (LĐTK).

Một số điểm nổi bật

Xuyên suốt loạt bài báo và quyển LĐTK, có thể nhận ra ngay mấy vấn đề rất mới ông Thát đưa ra là:

1. Truyện mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con có nguồn gốc từ nước Phật.

2. Truyền thuyết An Dương Vương không có thật, nó là phiên bản của một câu chuyện Ấn Độ.

3. Triệu Đà chưa từng xâm lược nước Việt cổ.

4. Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam trước thời Hai Bà Trưng là những quận mà triều đình Hán "đoạt khống", tức đặt tên trên bản đồ nhưng không chiếm đóng trực tiếp.

Kết hợp với việc giải mã lịch sử ẩn trong kinh Phật, ông Thát chứng minh từ Vua Hùng đến Hai Bà Trưng nước ta hoàn toàn độc lập, có đầy đủ chữ viết, luật tục, thi thơ lễ nhạc.

Quan điểm của ông Lê Mạnh Thát thiên về tính bản địa của văn minh Việt Nam, nó tương đồng với các nghiên cứu của nhiều sử gia lớn như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn... Đúng là không thể phủ nhận truyền thuyết An Dương Vương có cái vỏ Mahãbhãrata. Tuy vậy ông Thát đã bỏ qua vài chi tiết rất quan trọng góp phần tạo dựng truyền thuyết An Dương Vương: Tích Trương Nghi theo đường rùa bò xây thành tại nước Thục (TK 4 TCN). Theo sách "Đông Kinh hoa mộng lục", thời Hậu Chu (951-959) tại Trung Quốc có xây dựng Loa thành hình xoáy trôn ốc, có ba vòng là Thành ngoại, Thành nội và Hoàng thành. Thành này hiện vẫn còn di tích tại thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đó là chưa kể truyện dân gian "Thần cung bảo kiếm" của người Choang ở Quảng Tây có motip rất "An Dương Vương".

Bằng việc rút mắt xích An Dương Vương và Triệu Đà khỏi chuỗi Vua Hùng - An Dương Vương - Triệu Đà - Hai Bà Trưng, ông Thát bắt buộc phải bẻ cong sử liệu để nối Vua Hùng trực tiếp với Hai Bà Trưng. Phương pháp luận này lập tức tạo ra một lỗ hổng lớn như sau:

Thời Hùng Vương qua truyền thuyết nước ta chỉ có thể đang ở chế độ Phụ hệ hoặc Mẫu hệ với lãnh tụ là nam giới. Trong khi đó thời Hai Bà Trưng thì chắc chắn nước ta ở chế độ Mẫu quyền. Nội hàm mẫu quyền bao gồm mẫu hệ và lãnh tụ là nữ giới.

Chuỗi Hùng Vương - Hai Bà Trưng của ông Thát sẽ phô ra sự thụt lùi phi thực tế của văn minh Việt cổ, đi ngược lại hình thái phát triển chung của nhân loại là Mẫu quyền đến Mẫu hệ rồi mới đến Phụ quyền. Hơn nữa, dù tham khảo thêm khái niệm "Mô hình xã hội lưỡng hệ" của GS sử học Hàn Quốc In Sun Yu trong quyển "Việt Nam học, kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội 15-17.7.1998 tập 4 (NXB Thế giới 2001)", ta vẫn thấy sự bất cập của chuỗi Hùng Vương - Hai Bà Trưng.

Nhằm cởi bỏ mâu thuẫn này, không ít học giả xưa nay nghi ngờ đã có những cuộc di cư lớn của người Lạc Việt từ miền nam Trung Hoa đến đồng bằng sông Hồng, dưới sức ép bành trướng lãnh thổ cũng như xâm lăng văn hóa của văn minh Hoa Hạ. Hệ lụy của cuộc di tản bất đắc dĩ đã khiến xã hội Lạc Việt đi giật lùi, trở ngược về hình thái xã hội Mẫu quyền. Tiếc là hướng nghiên cứu ấy sẽ phủ nhận thuyết bản địa của văn minh Việt Nam, điều mà toàn bộ quyển sách LĐTK nói riêng và nền sử học Việt Nam không đồng tình.

Vì cố gắng khỏa lấp lỗ hổng này, Lê Mạnh Thát đã mạnh dạn "Xác định Việt Thường là Cửu Chân" và "Nói thẳng ra, nước ta gồm 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam cho đến năm 43 sau dương lịch vẫn là một nước độc lập, các vua Hùng vẫn cai trị và nước có tên là Việt thường hay Việt thường thị" (LĐTK trang 318, 319). Nghĩa là ông Lê Mạnh Thát chia cho vua Hùng quận Cửu Chân, Hai Bà Trưng quận Giao Chỉ (!?). Xin các bạn tự kết luận sau khi cùng tôi tham khảo Đào Duy Anh, Lịch sử cổ đại Việt Nam, NXB VHTT 2005, trang 218, 219: "Sách Điền Hệ của Súy Phạm viết về các dân tộc thiểu số ở miền Vân Nam cho biết rằng một dân tộc thiểu số tên là Sản Lý hay Xa Ly, có truyền thuyết nói rằng đời Chu Thành vương họ sai xứ giả đến triều cống, khi về được Chu Công cho xe chỉ nam, vì thế họ lấy tên là Xa Lý. Lại có một dân tộc khác là Lão Qua có truyền thuyết rằng ở thời nhà Chu, tổ tiên của họ là nước Việt Thường. Sách Điền nam tạp chí thì nói Diến Điện là nước Việt Thường xưa. Những dân tộc kể trên nhận Việt Thường là tổ tiên xa của mình đều có thể là di duệ của người Di Việt, tức của người Việt tộc xưa cả. Do đó chúng ta có thể đoán rằng nước Việt Thường xưa, một nước của Việt tộc ở miền nam Dương Tử, có thể tồn tại thực, cho nên một số dân tộc di duệ của Việt tộc ngày nay, trong ấy có Việt Nam, vẫn còn ghi nhớ mà xem như nước tổ của mình".

Nghi ngờ trên phương diện văn bản học khái niệm "Đoạt khống"

Gút mắc lớn nhất và chấn động lớn nhất theo tôi, là việc ông Lê Mạnh Thát khẳng định ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là "... "đoạt khống" đất đai nhằm thỏa mãn não trạng và ao ước bành trướng của nhà Hán mà thôi". Lập luận của bài báo là: Tượng Quận nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam hiện đại. Trích báo: "Một số tài liệu Trung Quốc có chép một cách lầm lạc rằng nó là Nhật Nam (nước ta) sau này, nhưng đối chiếu với những tài liệu tin cậy cũng của chính Trung Quốc, từ rất sớm người ta đã biết Tượng Quận nằm giữa hai quận Uất Lâm và Tường Kha của Trung Quốc chứ không phải nước ta". Quan điểm này đã có hàng trăm năm nay với những cái tên quen thuộc như Maspero, hoặc hoàn toàn xa lạ như Guime Saeki (Tạp chí Nam Phong, số 133, năm 1928). Thực ra Nguyễn Văn Tố (1) đã bác bỏ Maspero một cách thuyết phục như sau: Hán Thư chép năm 76 TCN bỏ Tượng Quận, lấy đất ấy nhập vào Uất Lâm và Tường Kha. Đây là Tượng Quận của đời Hán chứ không phải của đời Tần. Quyển Lĩnh Ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi có đoạn nói Hán Vũ Đế chiếm Nam Hải đã tách Tượng Quận của Tần làm ba Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, lại cắt một ít Nam Hải và Tượng Quận để thành Hợp Phố. Nguyễn Văn Tố đã đi xa hơn khi khẳng định "...người Tần bấy giờ mới đi đến Quế Lâm, còn từ Quế Lâm trở vào chẳng biết rộng hẹp thế nào, cứ đặt một quận để gọi là có tên..."(2).

Trước tháng 10 năm 2004, trước khi sách của ông Thát ra đời gần 2 năm, trong nhiều bài khảo cứu đăng trên mạng tôi đã chứng minh bằng thiên văn một cách có hệ thống tính khái niệm của ba từ Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Nó tương đồng hoàn toàn với định nghĩa "đoạt khống" của ông Thát. Về phần tôi, khó ai có thể quy kết tôi đã tham khảo ông Thát khi dùng thuật toán thiên văn rất riêng của một người đi biển yêu cổ sử. Trên giấy trắng mực đen của văn bản học, người nêu ra vấn đề trước (2004) có quyền nghi ngờ người in sách sau (2006). Nếu độc giả tin tưởng ông Thát, xin vui lòng giúp ông Thát chứng minh giữa sách in và bản thảo có khoảng cách "an toàn", giúp hai hướng nghiên cứu này cùng góp phần làm sáng tỏ lịch sử Việt Nam.

Về sử liệu ông Lê Mạnh Thát sử dụng

Sử liệu về cổ sử Việt Nam thật ít ỏi, phần lớn là sách Trung Quốc và truyền thuyết dân gian. Đến thời đại văn minh mạng máy tính hôm nay, chúng ta không những có nhiều công trình biên khảo của người Việt xuất bản liên tục, mà còn có thể truy đến nguyên văn Hoa ngữ khá đầy đủ, hệ thống và khoa học trên các trang web Trung Quốc cũng như Đài Loan. Tiếc là phần lớn LĐTK của ông Thát viết cách đây đã 40 năm, sử liệu Trung Hoa ông dùng thiếu độ liền lạc, đầy đủ cũng như không được cập nhật. Hơn nữa ông chỉ dịch cắt khúc từ những nguồn rất cũ như Tiền Hán thơ 44 7al-11a13, hoặc Sử Ký 112 tờ 7b10-8a3.v.v... mà không hề có bản tiếng Hoa kèm theo. Phần dịch sử liệu chiếm hơn một phần ba của LĐTK dày 365 trang. Điều này gây khó khăn cho người khảo cứu và các sinh viên khoa sử muốn xem sách của ông như một tài liệu tham khảo hữu dụng, và lại càng đánh đố những ai muốn "tra tận gốc" sử liệu của ông Thát như gợi ý của Báo Thanh Niên.

Ngoài ra có thể nói ông Lê Mạnh Thát đã khai thác một chiều sử liệu Trung Hoa: Suốt LĐTK, ông sử dụng khá nhiều văn bản Trung Hoa, nhưng đáng tiếc phương pháp của ông rất cảm tính. Thứ gì có lợi cho thuyết của ông thì ông xem như chân lý và không thèm nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ. Việc "phân đất" Cửu Chân cho vua Hùng ở trên là ví dụ thứ nhất. Ví dụ thứ hai: Trong mục "Về vấn đề chín quận" trang 319 đến 327, ông Thát dẫn từ Tiền Hán Thư các con số thống kê dân số năm thứ 2 sau công nguyên. Ông xem nó đúng một cách tuyệt đối và dông dài phân tích các con số. Ở đây tôi muốn trích lời Stephen O'Harrow, trong quyển Những vấn đề lịch sử Việt Nam, NXB Trẻ 2001, trang 30, bình luận trên cùng những con số này: "Vào đầu thế kỷ I sau công nguyên, người Trung Hoa nói chung cũng không thật giỏi giang và chính xác lắm, chưa kể họ còn sử dụng tri thức vì lợi ích của họ".

Một dẫn chứng nữa: Ngày nay, dưới nhãn quan thiên văn hiện đại, người ta phát hiện rất nhiều ghi chép thiên văn cổ Trung Hoa có những sai lệch khá ngờ nghệch. Chẳng hạn các sao hung cát đã không ít lần được các sử quan cho chiếu xuống Trung Quốc không theo chu kỳ mà đa số sử quan đã rất am tường. Giả thiết là, đây hẳn nhiên mang dấu ấn chính trị nhằm tác động đến nhóm người mê tín nào đó có quyền đưa ra các quyết sách quan trọng.

Nếu lật ngược con số nhân khẩu Giao Chỉ rất lớn ở Tiền Hán Thư, ta hoàn toàn có thể đưa ra giả thiết: Nhóm mang dã tâm bành trướng trong triều đình Hán muốn kê dân số Giao Chỉ lên cao để chứng minh nơi này đất rộng người đông, sản vật phong phú, nếu chiếm đóng sẽ mang nhiều lợi ích cho Hán tộc. Đọc truyện Giả Quyên Chi trong Hán thư ta sẽ thấy triều Hán lúc nào cũng có hai nhóm ủng hộ và phản bác việc mở rộng và trực trị cương giới phía nam.

Tạm kết luận

Trong khuôn khổ một bài báo ngắn mà tôi muốn viết, chỉ ra bất cập trong các nghiên cứu "chấn động" của ông Lê Mạnh Thát không thể quá dài dòng và truy đủ cước chú. Mặc dù còn khá nhiều lỗ hổng, nhưng tôi tin công trình của ông Thát cũng như tất cả công trình khảo sử của bất cứ ai đều đáng trân trọng và cần được đưa ra công luận một cách bình đẳng. Càng nhiều cày xới, càng nhiều suy biện thì người đọc càng có cơ hội tiếp cận gần nhất sự thật lịch sử.

2. Ý Kiến của Ô. Nguyễn Khoa Điềm:

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm nói về những phát hiện lịch sử của Thiền sư Lê Mạnh Thát:

“Tôi hoan nghênh loạt bài của Thanh Niên đã hâm nóng một thời kỳ lịch sử...”

Sau khi đọc loạt bài Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử và những ý kiến trao đổi đăng trên các báo, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Khoa Điềm đã gọi điện thoại hoan nghênh Báo Thanh Niên về loạt bài này. Tiếp đó, trong cuộc gặp gỡ trực tiếp với Báo Thanh Niên, ông đã chính thức bày tỏ quan điểm của mình.

“Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử, tuy nhiên tôi đã đọc bộ Lịch sử Phật Giáo Việt Nam và Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta của thiền sư Lê Mạnh Thát. Với cảm nhận của bản thân, tôi cho rằng những giả thiết mà thiền sư đặt ra là rất đáng trân trọng. Trước hết phải ghi nhận là thiền sư đã có một tinh thần dân tộc, luôn mong muốn làm sáng tỏ lịch sử nước nhà. Thiền sư đã cất công tìm tòi, dò sâu vào lịch sử, đọc những tài liệu, những công trình khoa học từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, nhất là trong các tạng kinh Phật. Đây là một cơ duyên mà không phải ai cũng có được. Trong bối cảnh mà nhiều nguồn tài liệu khác đã bị tiêu hủy, thì việc phát hiện những vấn đề lịch sử tiềm tàng trong kinh Phật là điều rất quý.

Riêng về mối quan hệ giữa Triệu Đà và An Dương Vương, đây là giai đoạn lịch sử cho đến nay vẫn còn nhiều điều lờ mờ. Trước đây các bậc tiền bối cũng đã có nhiều cách lý giải khác nhau. Ngô Sỹ Liên cho rằng Triệu Đà là tổ tiên của người Việt. Nhưng thái độ của Ngô Sỹ Liên cũng rất đáng để chúng ta suy nghĩ vì ông chỉ cho giai đoạn này là "ngoại kỷ". Trong khi đó, Ngô Thời Sĩ lại cho rằng Triệu Đà không phải là tổ tiên nước ta. Quan niệm của Ngô Thời Sĩ đã được giới sử học thời Tây Sơn thừa nhận. Nay thiền sư Lê Mạnh Thát đặt vấn đề Triệu Đà hoàn toàn không liên quan gì đến lịch sử nước ta cũng là một kiến giải mới. Câu chuyện Trọng Thủy được cử sang làm rể An Dương Vương để đánh cắp bí mật quân sự, tôi cũng có nhiều suy nghĩ. Bởi trong bối cảnh hai nước ở cạnh nhau, thế lực Triệu Đà lại lớn mạnh hơn ta, nhưng lại cử con trai sang làm rể, việc này ít thấy xảy ra trong lịch sử. Tôi đã có dịp đến Bảo tàng Triệu Văn Đế (tức Triệu Hồ, con trai Trọng Thủy (?), gọi Triệu Đà là ông nội) tại Quảng Châu, Trung Quốc. Bảo tàng được xây dựng sau khi các nhà khảo cổ học tìm thấy ngôi mộ của Triệu Văn Đế. Đây là ngôi mộ của một bậc đế vương còn giữ được nguyên vẹn di cốt lẫn những hiện vật tùy táng. Xem những hiện vật tại bảo tàng, tôi ngạc nhiên vì nó chứng tỏ một nền văn hóa phát triển cao, tuy nhiên nó không hề giống với những gì của chúng ta trong cùng thời kỳ ấy.

Tôi tán thành ý kiến của tác giả Hà Văn Thịnh nêu trên Thanh Niên, ngày 12.3.2008. Tôi hoan nghênh loạt bài viết của tác giả Hoàng Hải Vân, đã hâm nóng một thời kỳ lịch sử còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Thực ra, sách của thiền sư Lê Mạnh Thát đã xuất bản từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề dường như đã bị chìm lắng. Loạt bài viết đã khơi dậy trong tất cả mọi người khát khao tìm hiểu và mong muốn làm sáng tỏ lịch sử của dân tộc.

Đây là một vấn đề lịch sử cần trao đổi cởi mở, rộng rãi để nhân dân được nghe, được biết. Qua đó, biết đâu chúng ta sẽ có thêm được nhiều nguồn thông tin mới khác nữa từ trong nhân dân”.

(Bùi Ngọc Long ghi, đã được ông Nguyễn Khoa Điềm xem lại và đồng ý cho đăng báo)

BS Nguyễn Lân Đính st

(Báo Thanh Niên)

KHO LƯU TRỮ MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

Cuộc chính biến 1963 đã kết thúc sự “trị vì” của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Cùng số phận với chủ nhân, tòa biệt điện được trưng dụng làm Bảo tàng sắc tộc Tây Nguyên vào thời Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền. Đến 1975, trong cuộc tháo chạy, không ít cổ vật vô giá tại bảo tàng này đã bị tuồn ra nước ngoài, nhiều món cổ vật khác bị lấy cắp, đập phá. Sau ngày nước nhà thống nhất, chính quyền cách mạng đã tiếp quản và gìn giữ nơi này như một phần tài sản quốc gia. Đầu năm 2007, Bộ nội vụ đã quyết định đầu tư 53 tỷ đồng để nâng cấp khu biệt điện này và thành lập tại đây Trung tâm lưu trữ quốc gia 4…

Sau một năm thi công trùng tu, cuối tháng 12-2007, khu biệt điện Trần Lệ Xuân ngày xưa đã trở thành cơ sở của Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 thuộc Trung tâm lưu trữ quốc gia. Quan điểm của cơ quan chủ quản trong quá trình trùng tu, nâng cấp là giữ nguyên kiến trúc của tòa biệt điện, chỉ thay thế một số tiểu tiết để phù hợp với công năng sử dụng. Trong ba tòa biệt thự, hệ thống tài liệu đã được trưng bày theo hai chuyên đề lớn: lưu trữ Việt Nam từ 1962 đến nay (lịch sử của ngành lưu trữ Việt Nam) và miền Trung – Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có mảng đặc sắc là mộc bản triều Nguyễn. Cũng tại đây, có một chuyên đề riêng: Ngô Đình Nhu – nhà lưu trữ Việt Nam.

Năm 1959, khi Bảo Đại lên làm quốc trưởng của chính phủ bù nhìn thuộc Pháp, ông ta đã chọn Đà Lạt làm Hoàng triều cương thổ. Toàn bộ mộc bản triều Nguyễn được ông vua cuối cùng của dòng họ này cho chuyển về miền đất cao nguyên. Ban đầu, kho tàng ấy được cất giữ ở Nha ngân khố rồi sau đó chuyển đến nhà dòng Chúa Cứu thế. Từ năm 1983 đến nay, những tài liệu quý này tiếp tục được lưu giữ tại biệt điện Trần Lệ Xuân. Mộc bản triều Nguyễn chính là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán và chữ Nôm (chữ khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân y tuân. Đó cũng l;à những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc giã… Tất cả các bản thảo nói trên đều được đích danh Hoàng Đế ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý. Theo chuyên gia, do tính chất cực kỳ quan trọng của mộc bản, dưới thời Minh Mạng, nhà vua từng có chỉ dụ: “Sai quan Bắc Văn Miếu (Hà Nội) về các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư Đại Toàn, Vũ Kinh Trực Giải cùng Tiền Hậu Chính Sử và Tứ Trường Văn Thể gửi về Kinh để ở Quốc Tử Giám (Kinh đô Huế)”. Ngay sau khi đăng quang vào năm 1841, vua Thiệu Trị cũng đã ban sắc cho thuyền binh chở toàn bộ mộc bản từ Quốc Tử Giám – Hà Nội về Kinh đô Huế để bảo quản, tu bổ. Tại các nơi bảo quản, nhân viên coi giữ tài liệu của triều đình thường xuyên kiểm tra các bản khắc, nếu bản nào bị hư hỏng hay nét chữ bị mất nét thì báo cho quan Đốc công Vũ khố dốc sức cho thợ phục chế ngay…

Theo giảng viên Hán – Nôm Nguyễn Thanh Châu, loại gỗ phổ biến nhất dùng làm ván khắc là gỗ thị. Loại gỗ này có ưu điểm là chất liệu gỗ rất dai, mềm và mịn, khó bị nứt nẻ nên chữ khắc trên đó sẽ không bị lệch. Còn sách “Đại Nam thống nhất chí” thì ghi, mộc bản còn được chế tác từ “cây nha đồng, tục danh là sống mật, sớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi”.

Một số nhà nghiên cứu Hán – Nôm và các chuyên gia lưu trữ tỏ ra hết sức tiếc nuối, vì sau ngày miền Nam mới giải phóng, do chưa hiểu tầm quan trọng và sự quý giá của hệ thống tài liệu này nên việc bảo quản và phục chế còn bị xem nhẹ. Hậu quả của nó là hàng loạt các mộc bản bị thất lạc, hư hỏng nặng, thậm chí một số người không hiểu biết đã chẻ làm củi đun! Châu bản, mộc bản, sách ngự lãm là kho tư liệu quý, nguồn sử liệu phong phú và rất đáng tin cậy về đời sống chính trị, xã hội thời Nguyễn. Thế nhưng, tỷ lệ châu bản còn lưu giữ được đến nay chỉ khoảng 20%. Các sách sử in vào thời đó cũng bị hư hỏng và mất mát nhiều, số còn giữ được vừa thiếu vừa không đồng bộ; quá trình tìm kiếm và sao chép lại cũng không thể tránh được tình trạng “tam sao thất bản”. Số lượng mộc bản hiện còn được lưu trữ tại đây khoảng 30 ngàn tiêu bản.

Với sự cộng tác của các nhà nghiên cứu Hán – Nôm như Đinh Tấn Dung, Tăng Văn Hỷ, Vũ Văn Kính cùng Phạm Gia Phu và Nguyễn Thanh Châu của Đại học Đà Lạt, trong những năm qua, Trung tâm lưu trữ quốc gia đã triển khai chương trình “cấp cứu tài liệu châu bản – mộc bản”. Nhiệm vụ của chương trình là nghiên cứu, phân loại, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống mộc bản, châu bản bị xáo trộn nhiều năm. Đến nay, toàn bộ tài liệu mộc bản đã được in ra giấy dó rồi hệ thống hóa, tổng hợp được 152 đầu sách thuộc ba nhóm chính: chính sử triều Nguyễn, tác phẩm văn chương và sách kinh điển của các nhà Nho dùng để dạy và học. Trung tâm lưu trữ cũng đã ghi hết các tài liệu vào CD-Rom, ghi lại bản dập các mộc bản triều Nguyễn. Chương trình quản lý tài liệu được xây dựng và nạp vào máy tính để thuận lợi cho việc tra cứu một cách có hệ thống và in sao dễ dàng. Trung tâm lưu trữ quốc gia cũng đã xuất bản cuốn sách “Mộc bản triều Nguyễn – đề mục tổng quan” để công bố, giới thiệu toàn bộ tài liệu quý hiếm này. Lãnh đạo trung tâm cho biết, các bản gốc mộc bản được bảo quản trong một kho chuyên dụng được trang bị hiện đại nhất nước nhằm tăng tuổi thọ của các tài liệu đó đến muôn đời sau. Kho chuyên dụng này có công suất chứa khoảng 5.000 mét giá tài liệu với hệ thống điều hòa trung tâm, phòng chống đột nhập, phòng cháy chữa cháy tự động…

Kho tàng mộc bản triều Nguyễn hiện được bảo quản nghiêm ngặt và khoa học tại thành phố Đà Lạt là mộc dạng lưu trữ đặc biệt của Việt Nam và rất hiếm có trên thế giới. Đây thực sự là những tài sản vô giá. Các cơ quan hữu trách đang lập hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thời gian gần đây, dư luận đã bắt đầu quan tâm đến kho tàng này và nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã đăng ký được tham quan, tìm hiểu.

(KTNN số 629)

Bùi Đẹp st


Bán đấu giá các tác phẩm của Charles Dickens

TT - Một số tác phẩm thuộc hàng hiếm của nhà văn Charles Dickens sẽ được nhà Christie đưa ra bán đấu giá vào 2-4.

Thư viện Kenyon Starling về Charles Dickens hi vọng sẽ thu về hơn 2 triệu USD cho cuộc đấu giá này.

Trong số các tác phẩm sáng giá có The uncommercial traveller (1861) do Dickens đề tặng nhà văn George Eliot (ảnh), và trang bản thảo gốc tác phẩm đầu tay của Dickens Pickwick papers, gồm một hoạt cảnh giữa người hầu của Pickwick là Sam Weller và quí ông John Smauker. Bộ sưu tập còn có một số hình vẽ nguyên gốc của hai họa sĩ Hablot K. Browne và George Cruikshank cho tác phẩm Pickwick và bức họa Cruikshank vẽ Sikes, tên tội phạm hung tợn trong Oliver Twist, cùng con chó của hắn. Ngoài ra người mua sẽ tìm thấy trong đó ấn bản đầu tiên của The Daily News, một tờ báo Dickens đã tham gia biên tập vào năm 1846.

Hiện bộ sưu tập trên thuộc về gia đình của William E. Self, một nhà sưu tập các tác phẩm văn học Anh và Mỹ, đồng thời là nhà sản xuất phim sau khi Starling qua đời vào năm 1983.

HOÀI CHI (Theo AP)

Phụ Bản IV

MỤC LỤC

CLB Sách Xưa & Nay và các cuộc thi ............... 1

Bài đọc tại Lễ Trao Giải .................................... 2

Vàng xưa ........................................................ 11

Đôi điều về giải thưởng ................................. 16

Vài chi tiết về cuốn “Xứ Bắc Kỳ” .................. 19

Thủy Tổ Đạo Giáo là ai? ................................ 24

Một phương pháp trị liệu mới ......................... 27

Xem bộ sưu tập đèn (thơ) ............................... 36

Tạ ơn (thơ) ..................................................... 37

Chân thành (thơ) ............................................ 38

Non nước với tâm hồn người .......................... 40

La Fontaine .................................................... 43

Bí mật cuối cùng ............................................ 47

Hai ý kiến về phát hiện lịch sử ........................ 49

Kho lưu trữ mộc bản triều Nguyễn .................. 57

Bán đấu giá tác phẩm Charles Dickens ............ 62

Truyện dịch .................................................... 64

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế