Hiện có 5 người xem / 2518380 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

CÁC “THƯ HIỆP” VÀ NỖI OAN CẦN ĐƯỢC GIẢI BÀY CỦA HỌ

Vũ Anh Tuấn

Trước hết người viết xin được giải thích “Thư hiệp” là gì, sau đó mới xin viết về nỗi oan của họ, rất cần phải được giải bày và giải tỏa. “Thư hiệp” chính là từ dùng để chỉ các “Hiệp sĩ của Sách”, những người luôn bảo vệ, giữ gìn và bảo toàn sinh mệnh của những cuốn sách, từ những cuốn sách mới toanh mới ra lò cho tới những sách cụ, sách kỵ đã ra đời ba bốn thế kỷ trước.

Xin chú ý đọc tiếp câu chuyện dưới đây và quý vị sẽ hiểu được nỗi oan mà những “Thư hiệp” đang phải gánh chịu.

Cách đây vài hôm, một vị giáo sư Sử Học có ghé thăm người viết và tặng cho một cuốn sách ông mới viết. Trong lúc ngồi chơi với nhau người viết có khoe với vị giáo sư là mình mới mua được một bộ sách nói về cuộc Đại Cách Mạng Pháp 1789 của Tổng Thống Thiers (1797-1877), và đương nhiên là người viết lấy cho vị giáo sư xem. Trong lúc giở trang đầu, là trang mang tựa đề sách, người viết có lưu ý vị giáo sư là bộ sách khổ lớn, dày 890 trang này được in năm 1866. Vị giáo sư lộ vẻ thích thú ra mặt, tuy nhiên ánh mắt của ông lại dừng lại khá lâu trên con dấu của một thư viện đóng ở trên trang đó. Nhìn ánh mắt của vị giáo sư, người viết thông cảm ngay và hiểu rằng trong lòng vị giáo sư đang có những thắc mắc: tai sao lại là sách của thư viện, sách này phải chăng đã bị “thuổng” ra từ một thư viện? Phải chăng ông bạn đang chơi “đồ gian”?

Thắc mắc của vị giáo sư thật ra là rất bình thường và hợp lý, nhưng điều mà vị giáo sư khó hiểu nổi là nếu ông ta coi là người bạn của mình oa trữ đồ gian thì thực là oan cho người bạn của ông ta quá. Và đây là một nỗi oan cần được giải bày trước công luận cũng như trong bạn bè. Thực ra vấn đề trong các thư viện của các người chơi sách không ít thì nhiều đều có lạc lõng những cuốn sách mang dấu ấn của các thư viện. Và, vì là những người chơi sách, yêu sách, không mấy ai chịu xé bỏ trang có dấu thư viện, đơn giản chỉ vì họ quá yêu sách, thương sách, và tình yêu đó khiến họ thà chịu hàm oan còn hơn là phải xé bỏ những trang sách mà họ yêu quý nâng niu, nhất là những trang trong các sách đã có vài trăm năm tuổi đời.

Hiểu đúng ánh mắt của vị giáo sư, người viết vội thẳng thắn thanh minh thanh nga và mừng thay, người viết đã nhận được sự đồng cảm và sự thông hiểu hoàn cảnh éo le của những người yêu sách.

Việc những người chơi sách mua được những sách có dấu thư viện mà không nỡ xé bỏ hoặc bôi lem, là một việc cần được thông cảm, và đôi khi còn phải được tuyên dương là họ đã đóng vai trò “Thư hiệp”, những hiệp sĩ ra công sức, ra tiền bạc để bảo vệ, giữ gìn, cứu sống sinh mạng của sách. NHỮNG SÁCH ĐÓ KHÔNG HỀ BỊ ĂN CẮP TỪ MỘT THƯ VIỆN NÀO MÀ CHÍNH LÀ NHỮNG SÁCH ĐÃ BỊ MỘT SỐ THƯ VIỆN THANH LÝ ĐEM BÁN CHO NHỮNG VỰA VE CHAI, để rồi từ những vựa ve chai, những người chuyên săn lùng sách với giá cân ký cố gắng mang chúng về bán lại cho các người yêu sách, và như vậy đã GIỮ LẠI ĐƯỢC MẠNG SỐNG CHO SÁCH bởi vì nếu không thì CHỈ NĂM GIỜ ĐỒNG HỒ SAU, SÁCH SẼ ĐƯỢC CHUYỂN LÊN THỦ ĐỨC ĐỂ ĐƯỢC NẤU THÀNH BỘT GIẤY NGAY TẮP LỰ! Do đó sách đã không phải là sách gian MÀ LẠI LÀ NHỮNG CUỐN SÁCH MAY MẮN ĐƯỢC CỨU MẠNG, và những người đã bỏ tiền bạc ra để chuộc mạng cho sách không thể bị hiểu lầm, bị hàm oan là mua đồ gian…

Cách đây hơn một năm thì quả thực là có một vụ trộm sách của một thư viện và được đem bán ra cho các hàng sách cũ, nhưng vụ trộm được phát giác ngay và một số lớn sách đã được thu hồi. Tuy nhiên vào các năm trước đó thì cả thư viện ta lẫn thư viện Tây (Trung Tâm Văn Hóa Pháp) đều đã có những cuộc thanh lý mà không ai trong giới bán sách cũ và chơi sách lại không biết. Sách ở thư viện pháp thì có đóng dấu đỏ đề chgữ “déclassé” (loại bỏ) và được thải ra các vựa ve chai (xin xem hình ảnh minh họa đính kèm). Còn về phía thư viện Việt Nam thì người viết còn nhớ cách đây độ khoảng 8, 9 năm có một thư viện (mà người viết không nhớ chính xác tên), nhưng sách được thải ra thì người viết biết rất chắc chắn là sách của một thư viện trong thời chế độ cũ: Sách của Trường đại học Cửu Long (một trường Đại Học của Nguyễn Ngọc Linh và mấy người em) và số sách trên 4000 cuốn đó hồi trước Nguyễn Ngọc Linh đã mua của một người chơi sách được nhiều người biết tên là Phan Như Bành. Người viết đã không có duyên nợ với tủ sách này măc dù là một người bạn khá thân của Phan Như Bành. Câu chuyện như sau: vào một buổi sáng “định mệnh” cách đây 8,9 năm, người viết nhận được thông báo của một người buôn sách cũ nhờ đi xem và thẩm định hộ giá trị một số sách ngoại văn được một thư viện thanh lý. Khốn thay đúng buổi chiều hôm ấy người viết lại có một “hẹn hò” với một trong mấy “mẫu hậu” của mình; vì là kẻ “phong tình cổ lục”, hơi bị lãng mạn nên người viết đã đặt tình cảm lên trên quyền lợi và hẹn lại với người bán sách là sáng hôm sau mới đi được. Tuy nhiên người buôn sách đã không đợi được và đành gọi một người chủ tiệm sách khác đi thay. Kết quả là anh này đã mua được số sách trên 4000 cuốn đó với giá xa cạ 2000 đồng một cuốn, kiếm được sơ sơ độ gần trăm triệu tiền lời. Với người viết cuộc hò hẹn vào ngày giờ định mệnh nói trên quả là một cuộc hò hẹn quá ư là đắt giá…

Đọc tới đây quý vị đã có thể thấy rằng những “Thư hiệp” luôn cứu khốn phò nguy cho sách đã bị oan như thế nào? Người viết mong rằng từ nay các thư viện mỗi khi muốn thanh lý, xin hãy có một hội đồng xét duyệt kỹ càng những sách nào cần giữ, những sách nào có thể bỏ, để cho không còn trường hợp các “cổ thư kỳ thư” bị tử vong một cách đáng tiếc như thế nữa.

Sách cũng có hồn như người và nếu chúng biết nói, chúng cũng sẽ lên tiếng chung với người viết xin công luận minh xét công và tội cho các “Thư hiệp” bị hàm oan.

------

VÀI CHI TIẾT VỀ BỘ “TẤN TUỒNG ĐỜI”

(LA COMÉDIE HUMAINE)
CỦA ĐẠI VĂN HÀO H. de BALZAC

Vũ Anh Tuấn

Năm tôi 20 tuổi và vừa đậu tú tài xong, tôi được cha tôi ban cho lời khuyên tuyệt vời sau đây: “T. ạ, con đã 20 tuổi và đã học xong trung học, con coi như đã bước đầu học hết những gì “học đường” của thời niên thiếu đã dạy con, bây giờ trước ngưỡng cửa cuộc đời “đích thực” ta muốn con cố gắng để tâm để trí đọc bộ “Tấn Tuồng Đời” này của ông Balzac cho ta. Hãy gạt bỏ bớt các đề tài khác trong một thời gian để cố mà đọc bộ sách này, vì NÓ LÀ MỘT TRƯỜNG ĐỜI THỨ THIỆT ĐÓ”!

Tôi đã tuân lời cha tôi và đã để ra gần một năm trời để nghiên cứu và đọc một số trong số các cuốn tôi đặc biệt yêu thích trong bộ trường giang tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhân loại này, và dưới đây là một số hiểu biết vẫn còn in sâu trong trí óc của tôi mà tôi muốn xin chia sẻ với các bạn đọc bản tin của chúng ta.

Honoré de Balzac sinh năm 1799 và mất năm 1850, hưởng dương vỏn vẹn 51 tuổi đời. Thực không thể nào tin được một con người chết yểu như vậy mà lại là con người viết được nhiều tác phẩm vào hạng nhất nhì thế giới. Thật vậy, trong vòng gần 20 năm, từ 1829 tới 1848 Balzac đã viết được tất cả là 95 tác phẩm, không kể một số truyện cho thiếu niên viết trước 1829, mà các nhà nghiên cứu cho là không đáng kể, và 48 cuốn tiểu thuyết đã được phác thảo và dự tính sẽ viết.

Cái tên “Tấn Tuồng Đời” cũng là một cái tên mà Balzac đã đặt cho toàn bộ các tác phẩm của mình một cách muộn mằn, sau khi ông tự khám phá ra rằng “Tất cả các tác phẩm của mình có thể được sắp xếp như những chương hồi của một bộ trường giang tiểu thuyết”. Tên này, theo hai nhà nghiên cứu Balzac nổi tiếng là Marcel Bouteron và Pierre-Georges Castex, Balzac đã đặt ra khi liên tưởng tới Thần Khúc (La Comédie Divine) của Dante, đồng thời, cũng theo các nhà nghiên cứu trên thì vào năm 1835, Balzac đã có một người bạn là một thanh niên người Anh tên là Henry Reeve thường lui tới và chơi khá thân với Balzac. Thanh niên này đã được Balzac cho xem và cho biết ý định của mình viết về những lãnh vục nào và lên kế hoạch viết lách ra làm sao. Sau này trong hồi ký của mình, Henry Reeve viết rằng chính Balzac đã cho rằng tác phẩm của mình phải được dùng làm đối trọng cho Thần Khúc của Dante và nên được gọi là Tấn Tuồng Quái Quỷ của Chàng Balzac (La diabolique comédie du sieur de Balzac).

Năm 1845 Balzac đã tự tay viết ra “Thư mục các tác phẩm sẽ nằm trong bộ trường giang tiểu thuyết Tấn Tuồng Đời”. Theo thư mục này thì bộ Tấn Tuồng Đời được chia làm 3 phần:

A. Phần đầu được gọi là NGHIÊN CỨU PHONG TỤC gồm có 6 tiết mục:

1. Những cảnh đời tư (mà sau này các nhà nghiên cứu cho biết có tất cả là 32 tiểu thuyết trong đó có 4 cuốn ở dạng dự tính, chưa được viết).

2. Những cảnh đời ở các tỉnh lẻ (cũng theo các nhà nghiên cứu thì có 17 tiểu thuyết, 11 cuốn đã được viết và 6 cuốn còn trong dự tính).

3. Những cảnh đời ở thủ đô Ba lê (gồm có 20 tiểu thuyết trong đó có 6 cuốn ở dạng dự tính viết).

4. Những hoạt cảnh trong đời sống chính trị (cũng vẫn theo các nhà nghiên cứu gồm có 8 tiểu thuyết, 4 đã được viết và 4 còn ở trong toan tính).

5. Những hoạt cảnh trong đời sống binh nghiệp (gồm 23 tiểu thuyết, chỉ mới viết được 2 cuốn, 21 cuốn còn lại thì mới là dự tính).

6. Những cảnh đời nơi làng quê thôn ổ (gồm 5 tiểu thuyết, có 3 cuốn đã được viết và 2 cuốn còn lại thì mới dự tính).

B. Phần hai được gọi là NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC (cũng theo những nhà nghiên cứu gồm có 27 tiểu thuyết trong đó có 5 cuốn còn ở trạng thái dự tính).

C. Phần ba được gọi là CÁC TÁC PHẨM NGHIÊN CỨU VÀ PHÂN TÍCH (gồm có 5 cuốn mà mới chỉ viết được 1, 4 cuốn còn lại là trong dự tính).

Hồi đó trong tủ sách của ba tôi, có bộ 16 cuốn của nhà Hetzel, mỗi cuốn trên dưới 1000 trang có những minh họa đẹp tuyệt vời của nhiều danh họa. Tuân lời ba tôi chỉ bảo, tôi đã mang từng cuốn một ra đọc. Nhìn những cuốn sách dày cộm, chữ nhỏ li ti, tôi thấy ngại quá nhưng sau tôi đã nghĩ ra được một cách rất hay để thưởng thức bộ trường giang dài nhất hoàn vũ này: đó là tôi lần lượt đọc từ đầu, từ cuốn “Những Em nhỏ” (Les Enfants), tới cuốn “Nhà trọ nữ sinh” (Un pensionnat de demoiselles), tới cuốn “Bên Trong Học Đường” (Intérieur de collège) vv… mỗi cuốn tôi đều đọc lướt qua, hễ thấy cốt truyện nào hấp dẫn thì tôi tiến tới, thấy cuốn nào không thích thì bỏ qua nhảy tới cuốn khác… Với cách đó, trong gần 2 năm trời tôi đã đi xuyên qua bộ Tấn Tuồng Đời và đã dừng lại ở một số cuốn mà tôi thật yêu thích như các cuốn: Một truyện trả thù (La vendetta), truyện một người con gái yêu và lấy cho bằng được người con trai của một giòng họ thù nghịch với giòng họ của mình. Đây là một chuyện về dân đảo Corse là một hòn đảo rất nổi tiếng về các chuyện trả thù; cuốn Đại Tá Chabert (Le Colonel Chabert) mô tả sự phản trắc của người đàn bà; cuốn Eugénie Grandet với nhân vật biển lận hà tiện tới mức gớm ghiếc là người cha và Eugénie người thiếu nữ xinh đẹp, chung tình và cuối cùng lại không lấy được người mình yêu, phải lấy một người khác và trở thành góa phụ năm mới 36 tuổi và để phần còn lại của đời mình đem tiền bạc đi làm việc thiện; cuốn Một Truyện Mờ Ám (Une ténebreuse affaire) rất ly kỳ và được coi là một truyện trinh thám đầu tiên trong các truyện trinh thám; tôi đặc biệt yêu thích hai cuốn Ông Già Goriot với nhân vật Rastignac và cuốn Miếng Da Lừa (đúng ra thì phải là Miếng Da Buồn) với nhân vật chính Raphael de Valentin kẻ được một người vừa là người bán đồ cổ vừa là một thứ phù thủy cho một miếng da lừa có khả năng đem lại cho người có nó tất cả những gì hắn mong ước, nhưng sau mỗi lần được như vậy thì miếng da lừa lại co rút lại một tí và mạng sống của kẻ sử dụng nó cũng lại ngắn bớt đi một chút. Cuốn này thật ra không hẳn là một cuốn tiểu thuyết mà chỉ như là một cuốn truyện vừa có tính triết lý và tính quái đản, tuy nhiên tình tiết thì cực kỳ hấp dẫn. Tôi còn nhớ đã đọc luôn một lèo trong gần 14 tiếng đồng hồ. Tóm lại tôi đã đọc được tất cả độ 15 truyện của Balzac và tôi thực sự cảm thấy cụ tôi đã nói đúng: những thiên tiểu thuyết này thực sự là những TRƯỜNG ĐỜI mà ta cần theo học để sau này đem ra ứng dụng, đối phó với cuộc đời, đơn giản vì con người ở đâu thì cũng vẫn là con người và xã hội nào thì cũng có những hỉ, nộ, ai, lạc không ít thì nhiều giống với tất cả mọi xã hội khác trên đời này.

Vũ Anh Tuấn
(Trính hồi ký 60 năm sách _ chương 4)

------

JONATHAN SWIFT VÀ TÁC PHẨM “QUI-LI-VE PHIÊU LƯU KÝ” (GULLIVER’S TRAVELS) BẤT HỦ CỦA ÔNG

Vũ Anh Tuấn

Nhà văn, nhà thơ Ái Nhĩ Lan Jonathan Swift (viết văn bằng Anh ngữ) sinh năm 1667 ở Dublin và mất năm 1745, cũng tại Dublin (Ái Nhĩ Lan). Bố mẹ của ông là người Anh và ông nội của ông là một cha sở của một họ đạo đã ủng hộ phe Bảo Hoàng trong cuộc Nội Chiến nên đã mất hết sản nghiệp khi phe này thua, do đó gia đình nhà văn rất nghèo dù thuộc qúy tộc. Ra đời vài tháng sau cái chết của người cha, Swift được các chú của ông nuôi dưỡng và cho ăn học. Tuổi trẻ của Swift không được êm đềm cho lắm vì mới sáu tuổi, chú bé mồ côi đã phải xa mẹ vì bà trở về sinh sống ở nước Anh. Swift được gửi tới một ngôi trường tên là Kilkenny ở Ái Nhĩ Lan và học ở đó trong 8 năm. Khi còn là một học sinh cậu bé Swift không tỏ ra là một học sinh xuất sắc gì và cũng không phải là một chú bé vui vẻ hòa đồng với tất cả mọi bạn bè khác. Năm 1682 Swift được vào học ở trường Trung Học Trinity ở Dublin và 4 năm sau chàng đậu được bằng “Bachelor” (hơn Tú Tài một chút), và do được một người chú giới thiệu, chàng được làm thư ký riêng cho một chính khách hồi hưu Sir William Temple. Chính người này đã giúp cho Swift được theo học về thần học và trở thành một mục sư tin lành của Giáo Hội Anh Quốc. Trong những năm tháng đèn sách, Swift thường tỏ ra không mấy ham học, mà chỉ dành thời gian đọc thơ và các sách sử học, đồng thời chàng cũng rất lười học và thường để thì giờ rong chơi với các bạn bè nơi đô thị, vì lúc này chàng sinh sống ở Anh quốc và làm việc chi Sir Temple. Năm 1694 Swift từ Anh quốc trở về Ái Nhĩ Lan để trở thành mục sư và được giao trông coi một nhà thờ tin lành ở một vùng nông thôn gần Belfast. Cuộc đời mục sư nơi thôn ổ chóng làm chàng chán nản, chàng liền bỏ nhà thờ trở lại làm thư ký cho Sir Temple như cũ. Trong hai năm 1696 và 1697, để bênh vực chính kiến của chủ, Swift đã viết hai áng văn xuôi châm biếm nhan đề là Truyện cái thùng gỗ và Trận chiến của sách (A tale of a Tub và The battle of the books), tuy nhiên mãi tới năm 1704 các áng văn trên mới được in thành sách. Sau khi viết được hai áng văn châm biếm đó Swift như tự nhận thức rõ là mình có khiếu viết lách và chàng đã tiến nhanh tiến mạnh trên con đường văn chương. Phần lớn các bài viết của Swift vào lúc đầu là những bài đả kích về chính trị và về đời sống của giới tu sĩ, rất phù hợp với bối cảnh lich sử của thời kỳ đó. Các tác phẩm chính của Swift gồm có các cuốn:

A. “Truyện một cái thùng gỗ” (A tale of a Tub) là một truyện chỉ trích đả phá mặt trái của tôn giáo.

B. “Trận chiến của Sách” (The battle of the books) là một cuốn sách chỉ trích, đả phá các cuộc bút chiến kệch cỡm trong giới văn học thời đó; cuốn này tới nay vẫn còn được mọi người đọc một cách thích thú. Cả hai cuốn này đều được xuất bản năm 1704 và được coi là những cuốn sách chế riễu sự điên rồ, ngu muội của con người.

C. “Những lá thư của Drapier” (Drapier’s letters) là một tác phẩm nói về một sì-căng-đan (một chuyện tai tiếng) xảy ra trong thời gian người Anh cai trị Ái Nhĩ Lan và đưa ra vấn đề quyền của con người chống đối với các hành vi của các bạo chúa.

D. “Một đề nghị khiêm tốn” (A modest proposal) là một áng văn để bênh vực một nước nhỏ bị đối xử tàn tệ.

E. “Nhật ký gửi Stella” (Journal to Stella) là một nhật ký viết để gửi cho một người bạn gái, nhưng cũng là một áng văn mô tả hình ảnh sinh động của Luân Đôn trong một thời oanh liệt.

F. “Mấy vần thơ về cái chết của Tiến sĩ Swift” (Verses on the death of Dr. Swift) viết năm 1739 là để đùa rỡn với các bạn bè của ông, nhưng đọc lên thì lại não lòng không thể nào tả được.

G. “Qui-li-ve phiêu lưu ký” (Gulliver’s travels): đây mới là tác phẩm để đời của ông đã được dịch ra rất nhiếu thứ tiếng trên thế giới. Tác phẩm này được coi như là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất dành cho trẻ em, nhưng trên thực tế nó đã không được viết ra để dành cho trẻ em. Đó là một cuốn sách châm biếm dữ tợn xã hội loài người. những tên người nước Lilliput bé tí tẹo mà rất kiêu căng, láu cá và khát máu. Vua và triều đình Lilliput là hình ảnh của triều đình Anh quốc và nhà vua bị đem ra chế diễu. các chú khổng lồ xứ Brodignac thì dễ thương hơn nhưng lại quá tầm thường và không có tình cảm. Xứ Laputa thì đầy rẫy những nhà bác học và triết gia lẩm cẩm mà Swift coi khinh. Bọn Houyhnhnuns là những anh Ngựa sử dụng những Yahoos là những con người sa đọa, thất thế, y chang như những con Người vẫn sử dụng loài Ngựa. Con người, dưới mắt lũ ngựa bị coi là xấu xa, tham lam và dốt nát.

Ở Việt Nam chúng ta, Swift đã được giới thiệu từ những năm 1943, 1944, nghĩa là từ thời tiền chiến qua bản dịch “Qui-li-ve phiêu lưu ký” của cố dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, do Đắc Lộ Thư Xã in và danh họa Mạnh Quỳnh minh họa. Đây là một cuốn sách đã mang lại biết bao thích thú cho những ngày thơ ấu của biết bao nhiêu người trong chúng ta, nhất là cho người viết, vì người viết đã được gặp nó khi mới lên 9. Cuốn sách được in khổ 22 x 32cm và dày 128 trang. Bên trong là rất nhiều minh họa cực đẹp, cứ cách vài ba trang lại có một minh họa. Tôi đã giữ cuốn sách bên mình trong gần 40 năm, nghĩa là từ 1944 tới 1984, và, vào năm 1884 tôi dại dột mang cho một “mẫu hậu” mượn đọc vì bà ta đòi mượn cho bằng được. Trên đường đi về nhà, bà ta bị một tên lưu manh giật mất cái bị trong đó đựng cuốn Qui-li-ve yêu dấu của tôi…

Tôi đau khổ lắm nhưng đành phải chịu vậy, “bắc thang lên hỏi ông Trời, cho gái mượn sách … mất thì ráng chịu”. Nhưng vì là người có duyên thầm với sách, cách đây vài tháng tôi tình cờ lại mua được đúng một bản cũ, in lần thứ nhất năm 1944, y chang như bản tôi đã bị mất. Tôi mừng húm và lần này thì nhất định là từ nay vật bất ly thân. Xin đính kèm sau đây hình ảnh cuốn sách đáng yêu đó để chia sẻ cùng với quý vị.

------

THÊM 16 CỘT KINH (SÁCH ĐÁ) THỜI ĐINH
ĐƯỢC PHÁT HIỆN Ở HOA LƯ

Bùi Đẹp

Cách đây 24 năm, năm 1963, trên bờ sông Hoàng Long. Cách đền vua Đinh ở Hoa Lư khoảng 2 km, đã tìm được trong lòng đất một cột đá có 8 mặt khắc đầy những chữ Hán ghi âm tiếng Phạm, một ngôn ngữ cổ Ấn Độ. Bấy giờ, từ những dòng chữ Hán ghi âm đó, Giáo sư Hà Văn Tấn ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã khôi phục được nguyên bản tiếng Phạm và dịch ra tiếng Việt. Thì ra đó là một bài thần chú cầu nguyện tăng thêm tuổi thọ, có tên là Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni (Usnisat – Vijaya - Dharant), điều thú vị là dưới bài thần chú có ghi rõ là Đinh Liễn đã cho dựng 100 cột kinh như vậy vào năm Quý Dậu, tức năm 973. Đinh Liễn là con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng.

Ít lâu sau, một cột kinh thứ hai được phát hiện ở Hoa Lư, ngoài bài thần chú Phật Đỉnh Tôn Thắng, trên cột kinh này còn có những bài kệ bằng chữ Hán. Cũng theo giáo sư Hà Văn Tấn, những bài kệ này mang tư tưởng Phật giáo Đại thừa và nhuốm màu sắc mật giáo (tantrism).

Gần đây Sở văn hóa thông tin tỉnh Hà Nam Ninh đã có một phát hiện khá quan trọng: tìm thêm được 16 cột kinh nữa ở Hoa Lư, đây là những cột bằng đá có 8 mặt khắc chữ, dài từ 50cm đến 67cm. Vì ở lâu dưới đất, nhiều cột đã bị hỏng các mặt, còn lại rất ít chữ. May mắn là còn có ba cột khá nguyên vẹn, các dòng chữ gần như còn đầy đủ. Có thể dựa vào các cột này để khôi phục văn bản trên các cột bị mất chữ, giống với cột kinh phát hiện lần này đều có khắc bài thần chú Phật Đỉnh Tôn Thắng ghi âm tiếng Phạm. Những điểm khác trước đáng chú ý là trên các cột kinh này đều có một đoạn trình bày lý do dựng cột kinh của Đinh Liễn, mà ở đây được ghi rõ cả tên đệm là Đinh Khuông Liễn. Theo đoạn này, Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn đã dựng 100 cột kinh để cầu nguyện cho vong hồn người em đã bị ông ta giết được giải thoát. Người em đó có cái tên rất lạ là Đại Đức Đỉnh Noa Tăng Noa. Liễn có ý thanh minh việc giết em, cho thế là vì lợi ích nước nhà, và đã dẫn lời người xưa “Trang quan không nhường chỗ, hạ thủ trước là hay”. Sử cũ chép rằng mùa xuân năm Kỷ Mão (979). Đinh Liễn đã giết em là Hạng Lang, vì Đinh Tiên Hoàng đã lập Hạng Lang làm Hoàng thái tử mà không lập Liễn. Không biết Hạng Lang có phải chính là Đinh Noa Tăng Noa hay không. Nếu đúng thì những cột kinh này phải được dựng ngay sau mùa xuân Kỷ Mão (979) và trước mùa đông năm đó, lúc Liễn cùng Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích ám sát.

Trên các cột kinh có chỗ nhắc đến vua Đinh Tiên Hoàng với tiên hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế. Việc xưng đế là một biểu hiện ý thức độc lập tự chủ của Đinh Tiên Hoàng. Nhưng điều này chúng ta chỉ được biết qua ghi chép đời sau. Giờ đây, chúng ta có trong tay văn bản đời Đinh, xuất từ hơn 1000 năm trước, xác nhận đế hiệu đó hoàn toàn có thật.

Những văn bản trên các cột kinh Hoa Lư là những văn bản sớm nhất của thời kỳ độc lập mà hiện nay chúng ta biết được. Theo giáo sư Hà Văn Tấn thì những cột kinh mà Sở VHTT Hà Nam Ninh phát hiện lần này là những tài liệu vô cùng quý giá giúp cho chúng ta tìn hiểu nhiều vấn đề lịch sử và văn hoá Việt Nam trong thế kỷ 10.

------

TRUNG QUỐC BẢO VỆ CÁC BẢN KINH PHẬT
KHẮC TRÊN SÁCH LÁ

Bùi Đẹp

Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội và Trung tâm nghiên cứu Tây Tạng học của Trung quốc vừa tiến hành dự án kéo dài 2 năm nhằm nghiên cứu và bảo tồn 4300 “trang” Kinh Phật được khắc trên lá cách đây hơn 1000 năm và được mang về Tây Tạng, Tây Nam Trung quốc, từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13.

Những bản kinh Phật này được khắc trên sọc của lá pattra, loại cây phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới và tương tự như cây cọ. Lá của cây này, rất dễ chuyên chở và rất bền, được sử dụng trước khi người ta dùng giấy một cách phổ biến. Người ta dùng bút thép để khắc trực tiếp tiếng Phạm vào lá, khiến chúng trở thành biểu tượng tuệ giác của Phật khi các bản kinh này mang lại sự giác ngộ.

Những bản khắc đó gồm những ghi chép về văn học cổ Ấn Độ, các bộ luật và những Kinh sách Phật Kinh điển. Hầu hết những bản kinh khắc trên lá hiện nay lưu giữ trong những tu viện lớn, bảo tàng và viện nghiên cứu ở Lhasa, xiguze và Shannan (Tây Tạng).

Các nhà nghiên cứu Tây Tạng sẽ tiến hành một cuộc tổng điều tra về tất cả các bản kinh Phật được khắc trên lá pattra. Họ sẽ chụp ảnh tất cả các tư liệu này nhằm tạo thuận tiện cho việc nghiên cứu của các chuyên gia tiếng Phạm

(Theo VHTT số 91, 1-8-2006)

20 KM …..SÁCH !

Hai mươi cây số sách, đó là độ dài giá đựng tư liệu của Viện lưu trữ Văn học đương đại (Institut mimoires de l’édition contemporaine), gọi tắt là IMEC từ thủ đô Paris dọn về tỉnh lẻ trong một tu viện cổ ở Saint-Germain-La-Blanche-Herbe, ngoại vi thành phố Caen (cách Paris 220 km về phía Tây). Với 20 km giá đựng tư liệu xây dưới mặt bằng, Viện này đã có thể lưu giữ biết bao “châu báu”. Hiện tư liệu lưu trữ đã chiếm trọn 15 trong 20 km này. Trước hết phải kể 1500m loại đã được nhà nước xếp hạng của NXB Hachette, kế đến là tư liệu của các NXB khác như Gallimard, Flammarion, Le Suril, Larouse, Minuit và nhiều nữa. Riêng văn gia còn sống hay đã qua đời, không thể không nhắc tới tư liệu của Roland Barthes (1915-1980), Jacques Drrida(1930-2004), Celine (1894-1961), Jean Genet (1910-1986), Jean Paulhan (1884-1968), hay Alain Robbe (còn sống)… nhà báo như Jacques Fanvet, Francoise Giroud…

Viện còn lưu giữ một số tài liệu quý giá hiếm có như các bản gốc tranh minh họa tác phẩm một số nhà văn thế kỷ 19. Đó chưa kể tới vô số thư riêng của các nhà văn nữ như Colette (1873-1954), Violette Cedue (1907-1971) và các nghệ sỹ khác…

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế