Hiện có 5 người xem / 2505064 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

MỘT SỐ CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY 8.8.09
CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY

Như thường lệ để mở đầu cuộc họp, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu 2 cuốn sách mới: 1 cuốn bằng tiếng Anh nói về các bìa sách và trang sách in bằng tay và được tô điểm bằng vàng, bạc, và các sắc màu rực rỡ. Điều kỳ diệu là các loại bìa và sách này đã có từ thế kỷ 15 trước Thiên Chúa Giáng Sinh (cuốn này là của Ai Cập thời cổ) và các cuốn khác là từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 16. Cuốn sách dày 255 trang này chứa đựng gần 500 hình các loại bản thảo đó, và điều lạ hơn cả là, so với sách vở hiện đại, ta có thế nói là chúng là những ông hoàng, bà chúa, còn các sách chúng ta đang có thì chỉ là thứ dân mà thôi, và chả hiểu sau này có khi nào lại in được đẹp như vậy không?

Cuốn sách mới thứ hai là 1 cuốn truyện tình nhan đề là Hảo Mộng mà tác giả chính là dịch giả Vũ Anh Tuấn, 1 thành viên của CLB Sách Xưa và Nay. Đây là 1 truyện tình hơi là lạ và được viết bằng tiếng Việt có thêm 1 chút tiếng Anh, tiếng Pháp theo hầu vì tác giả có ghi trong sách 2 câu thơ trường phái Thiên Cữu (Cậu Ông Trời) rất lạ tai là:

“Trong ta tiếng Việt đi đầu,

Tiếng Anh, tiếng Pháp đi hầu hai bên”

Sau khi giới thiệu đứa con tinh thần của mình, tác giả đã quý tặng mỗi thành viên 1 cuốn với lời đề tặng, chữ ký và triện son hẳn hoi.

Kế đó, LM. Nguyễn Hữu Triết, Cố vấn của CLB cũng giới thiệu với mọi người hiện diện 1 cuốn sách Kinh Nhật Tụng in ở La Mã năm 1619 (một cuốn sách vừa đúng 390 tuổi) nghĩa là gần 4 thế kỷ trước. Cuốn sách này dày hơn 1000 trang, cỡ khoảng 20 x 28cm và nặng khoảng 4kg (xin xem hình chụp). Bìa sách hơi bị hư, nhưng những trang sách ở trong thì còn tốt nguyên và giấy rất dày và đẹp. Thật là một điều thích thú vì không phải bất cứ ai và bất cứ lúc nào cũng có thể có cơ hội để gặp một cuốn sách của đầu thế kỷ thứ 17 ở nước ta.

Sau phần giới thiệu mấy cuốn sách, Dịch giả Vũ Anh Tuấn có đưa ra vấn đề bàn lại Ban Chủ Nhiệm vì nhiệm kỳ 3 năm đầu tiên đã chấm dứt, và rồi, ngay sau đó, chỉ trong 1 giây, hầu như tất cả các thành viên đã giơ tay chấp thuận cho Ban Chủ Nhiệm cũ tiếp tục được lưu nhiệm thêm 3 năm nữa, đồng thời A. Phạm Thế Cường, thủ quỹ của CLB cũng lên tiếng từ nhiệm và đề nghị thủ quỹ mới nên là 1 nữ thành viên thay vì là 1 nam tử hán. Việc “được” lưu ban cũng được chấp nhận ngay và buổi họp tiếp tục với 2 bài nói chuyện ngắn về 2 chuyên đề của quý anh Vương Liêm và Bs Đính. Kế đó, bà Thùy Dương đã trình bày về việc bà dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh và A. Dương đã báo cáo ngắn về việc anh vừa làm 1 cuộc nói chuyện ở Cung Văn Hóa Lao Động về đề tài Ghen, một vấn nạn xã hội rất phổ biến (Bài nói chuyện này sẽ được đăng tải trong bản tin tháng tới).

Sau cùng, 2 vị khách mới, nhưng tới muộn, đã tự giới thiệu với các thành viên, và 1 trong 2 vị, anh Trần Văn Hữu đã tự giới thiệu mình là 1 cựu sinh viên của Trường Đại Học Sorbonne của Pháp; sau đó anh đã ngâm 1 bài thơ bằng tiếng Việt rất hay, khiến cho Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã phải lớn tiếng khen là: “Anh Hữu ngâm thơ hay quá và chúng tôi đánh giá việc anh ngâm thơ hay cao hơn là việc anh là Sorbonnard (người xuất thân từ Trường Đại Học Sorbonne của Pháp) nhiều!”.

Buổi họp đã vui vẻ kết thúc lúc 11 giờ sáng cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ MỘT CUỐN SÁCH MỚI XUẤT BẢN NĂM 1992 NHAN ĐỀ LÀ “SAIGON 1925-1945”
CỦA TÁC GIẢ PHILIPPE FRANCHINI

Mới đây, một bà giáo trước đây dạy học tại một trường tư dạy tiếng Pháp, đã mang tặng cho tôi cuốn này. Khi trao cuốn sách, bà nói: “Tặng cho anh một cuốn kể truyện Saigon 10 năm trước khi anh ra đời và 10 năm sau khi anh ra đời”. Có sách mới là tôi đọc ngay, hơn nữa tôi lại biết kẻ chủ biên là Philippe Franchini, là chủ nhà hàng Continental và là một anh Tây người Corse, nên tôi đọc vội để xem anh ta nói gì. Đọc lướt qua tôi thấy hay hay còn có 1 số chi tiết hấp dẫn nên hôm nay tôi xin giới thiệu. Tuy là sách mới in năm 1992 nhưng lại nói những chuyện cũ của 8, 9 chục năm trước, khi Saigon bị những người Pháp thuộc địa gọi là Đô Thị Trắng, Thuộc Địa Đẹp…

Cuốn sách này khổ 14 x 21cm và dày 260 trang, và được chia làm 5 phần:

Phần I: Lời nói đầu từ trang 10 đến 25 nói về Saigon Trắng (ý nói của bọn da trắng), Saigon Lai (nói về lũ Tây lai) và Saigon Đỏ (nói về các lực lượng cách mạng).

Phần II: Từ trang 26 đến 134 mang tựa đề là: Thuộc Địa Đẹp gồm 5 chương:

Chương I : nói về Đô Thị Trắng tức là Saigon và khoảng thời gian 1920-1925 ngay sau Đệ nhất Thế Chiến 1914-1918. Chương này nói về đủ mọi sự. Saigon vào thời điểm đó, có 1 chi tiết hấp dẫn đáng lưu ý là cái tên đường Catinat (đường Đồng Khởi hiện nay) là do Đô Đốc Thống Đốc de La Grandière đặt vào ngày 1 tháng 2 năm 1865 và là tên 1 cái chiến thuyền đã tham chiến năm 1856 ở Tourane (Đà Nẵng) và năm 1859 ở Saigon. Đây quả là 1 chi tiết lý thú ít người để ý hay biết.

Chương II : nói về cộng đồng người Tây ở Đảo Corse tới làm ăn sinh sống ở Saigon vào thời điểm đó, và người chủ biên sách này, Franchini, cũng là 1 người Tây Corse.

Chương III : nói về Paul Bernard, một người phụ tá của toàn quyền Merlin, đã đến Hà Nội năm 1923 và được coi là một người có nhiều đóng góp về kinh tế và là 1 người Tây Thuộc địa có cái nhìn ôn hòa, với nhiều tính cách hòa đồng khá tốt đẹp.

Chương IV : nói về Gái Saigon và bọn Tây Thuộc Địa, chương này khá hấp dẫn đối với người nào muốn nghiên cứu về mấy em Me Tây.

Chương V : rất hấp dẫn vì nói về André Malraux ở Saigon, André Malraux là một nhà văn có tiếng của Pháp sinh ở Paris năm 1901 và qua đời năm 1976. Ông là một nhà văn lớn và là tác giả của các cuốn sách nổi tiếng như Kiếp người (La Condition humaine), được giải Goncourt 1933, Con đường hoàng gia (La voie royale) vv… Trong thời đệ nhị thế chiến, ông luôn có mặt bên cạnh tướng De Gaule và đã từng làm Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa từ năm 1958 tới 1959 và năm 1996, di hài của Malraux đã được đưa vào an nghỉ ở Điện Panthéon.

Tuy nhiên khi A.Malraux tới Saigon vào tháng 7 năm 1984 thì ông lại bị một đối thủ là de Lachevrotière gọi là “kẻ hoại mỹ, quân cướp đền” vì ông bị tòa án Phnom Penh kết án 3 năm tù và 5 năm cấm cư trú ở Đông Dương vì tội lấy một số phù điêu ở Bantay Srei ở Angkor. A. Malraux tới Saigon để kháng cáo với tòa Saigon và án 3 năm đã được giảm xuống còn có 1 năm và được hưởng án treo. Vụ án và kinh nghiệm sống ở Saigon đã khiến ông có quyết định mở một chiến dịch để tố cáo sự vi phạm và các điều bất công của chế độ thuộc địa. Ông liền trở về Pháp và vào tháng hai năm 1925, ông lại trở lại Saigon cùng với vợ là bà Clara để cùng quyết tâm ra một tờ báo để tranh đấu. Và ngày 17 tháng 6, 1925 tờ Indochine chào đời. Cùng làm báo này với Malraux là Paul Monin và Jean de la Batie. Với tờ Indochine này, Malraux quậy tung lên và tố cáo đủ thứ. Tuy nhiên ông cũng phải đối đầu với những kẻ thù rất có thế lực và dần dần tờ báo bị tẩy chay, ông và các cộng sự viên không còn tìm được một nhà in nào để in báo nên đành phải chịu không ra định kỳ như trước và phải ra báo lúc có, lúc không dưới cái tên mới là Indochine Enchaineé (Đông Dương bị cùm xích) và đến ngày 24 tháng 12, 1925 thì tờ báo thực sự bị đình bản. Đây là 1 chi tiết ít thấy ai nói tới ở nước ta và nếu giờ này mà tìm được hai tờ Indochine và Indochine Enchaineé thì quả thực là rất thích thú.

Phần III: có tựa đề là “Ngọn gió mới” và gồm 3 chương.

Chương I: nói về thành phần cư trú, giới trung lưu và cuộc sống khó khăn ở Saigon.

Chương II: nói về các hoạt động cách mạng và được đặt tên là Saigon Đỏ.

Chương III: nói về các con đường cách mạng.

Phần IV: là phần kết gồm 2 chương. Một chương nói về Saigon thời Nhật và chương chót nói về việc Saigon đã đổi chủ sau năm 1975 và đã được mang tên mới là Thành phố Hồ Chí Minh.

Phần V: là phần phụ bản gồm 2 bản đồ, 1 bảng kê dân số, 1 niên biểu tính từ năm 1540 (thế kỷ thứ 16) khi những người Bồ Đào Nha lần đầu tiên đặt chân đến Đàng Trong, cho tới năm 1945. Phần này rất hay và tốt cho những ai nghiên cứu lịch sử, 1 bản dịch 1 số từ và 1 số câu từ tiếng Việt ra tiếng Pháp, 1 bản thư tịch cho biết tên các sách đã được tham khảo, 1 bản tiểu sử các tác giả có bài viết trong sách và cuối cùng là bản mục lục.

Đây là một cuốn sách có lợi ích về mặt nghiên cứu xã hội, chính trị và lịch sử vì hình như các sách sử của chúng ta hiện có không nói gì nhiều về khoảng thời gian này ở Nam Kỳ và ở Saigon ngày trước.

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

HỒ BIỂU CHÁNH

Tiểu thuyết gia Nam Bộ có nhiều tác phẩm nhất nước

Hồ Biểu Chánh (1885-1958), cũng được đưa vào sách Kỷ lục Việt Nam bởi vì cụ đã sáng tác một khối lượng lớn tác phẩm bao gồm 64 tiểu thuyết, 12 truyện ngắn, 12 vở kịch kể cả tuồng hát, 5 tập thơ, 8 tập ký, 28 tập biên khảo phê bình, một số truyện dịch và phóng tác. Trước khi cụ mất, năm 1957 có tới gần 10 cuốn tiểu thuyết của cụ được xuất bản và năm cụ qua đời lại có thêm một tác phẩm được in có tên “Lừng lẫy hào khí”. Tất cả tác phẩm của cụ khi xuất bản đều ghi nơi cư ngụ, có nghĩa là nơi cụ sáng tác nên ta thấy cụ có mặt gần như ở khắp các tỉnh Nam Bộ. Cuốn tiểu thuyết đầu tay có tựa đề “Ai làm được” ở Cà Mau, nơi cụ ngồi ghế quận trưởng nhưng phải tới 10 năm sau cụ mới cho xuất bản.

Cụ xứng danh là một tiểu thuyết gia có tầm cỡ. Thế nhưng, cụ lại là một nhà quản lý hành chính. Thuở nhỏ cụ học chữ Nho trường làng rồi chữ Pháp trường Tây. Sau đó, cụ thi đậu Tri huyện rồi thăng lên Tri phủ, làm Đốc phủ sứ, có lúc làm việc ở Tòa bố Gia Định, văn phòng Thống đốc Nam Kỳ làm Nghị viên Sài Gòn, Chánh văn phòng của Chính phủ thời Nguyễn Văn Thinh chóng vánh. Khi ông này tự tử thì cụ từ bỏ hẳn cuộc đời công chức (1946).

Cụ Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở tỉnh Gò Công. Cụ đã từng làm quận trưởng ở nhiều quận, huyện thuộc các tỉnh Nam Bộ nên có nhiều cơ hội và điều kiện gần gũi người dân lao động, nông dân nghèo khổ bị nhiều tầng áp bức bóc lột vì cụ là một nhà Nho có Tây học, tuy là quan chức nhưng cụ sống thanh bạch, liêm chính quan tâm tới cuộc sống nghèo khổ (như lao động, tá điền), bị người giàu có, địa chủ cậy thế ỷ quyền hiếp đáp. Sách của cụ sáng tác bán rất chạy vì được mọi thành phần trong xã hội ưa thích. Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan từng nhận xét về cụ: “Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh lại là những tiểu thuyết có tính chất bình dân, bình dân cả từ nhân vật ông chọn đến những lời văn ông viết nữa. Hạng người ông tả là hạng tiểu công chức, tiểu phú hào hay hạng thuyền thợ, hạng dân quê.”

Văn chương chữ nghĩa của Hồ Biểu Chánh câu chữ hết sức giản dị, đơn sơ, mộc mạc đến nỗi người đọc có cảm giác cụ viết như nói, kiểu nói bình dân của dân Nam Bộ xưa, nặng về mô tả điệu bộ, cử chỉ, phong cách của nhân vật.

Một hội thảo khoa học về Hồ Biểu Chánh được Ban Tuyên huấn Tiền Giang tổ chức thu hút tới 30 tham luận của các giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Tiến sĩ Lê Ngọc Trà cho rằng: “Cái độc đáo và giá trị nhất của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không phải ở chỗ nó mô tả phong tục hay tuyên truyền đạo lý mà ở chỗ nó mô tả phong tục, kết hợp tư tưởng là chủ nghĩa hiện thực…, văn học dễ biến thành dân tộc học. Ông nói chuyện đạo lý đi kèm với chuyện đời, kể lại những chuyện đời khác nhau có thể là không gắn gì với các biến động chính trị, kinh tế và xã hội nhưng lại gắn với đời người, lại là nội dung của cuộc sống hằng ngày”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thạch viết: “Trên nửa thế kỷ trước, Hồ Biểu Chánh đã phác họa được bức tranh hiện thực về kiếp sống người bần cố nông dưới chế độ thực dân nửa phong kiến ở một vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã dựng lại cảnh sống vất vả, cực nhọc đói cơm, rách áo, bị đàn áp nhục mạ… của người nông dân nghèo”. Nhà nghiên cứu Trịnh Hoàng Mai viết: “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh bước cuối cùng bao giờ cũng trở về nhà sau một thời gian ba chìm bảy nổi. Nói rộng ra, cái thiện bao giờ cũng thắng. Đó là niềm mơ ước về một xã hội công bằng, một đạo lý, hơn nữa một niềm tin…”

Cụ Hồ Biểu Chánh từ lúc nghỉ hưu tới ngày qua đời ở với 8 người con cùng sống trong ngôi nhà cạnh con đường nay được mang tên cụ thuộc quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Ở quận Gò Vấp, trong An Tất Viên, ngôi mộ của cụ đẹp và sạch được treo rất nhiều giò phong lan, chậu cảnh. Trên mộ có khắc 8 tựa đề tiểu thuyết của cụ và hai bên hông có tên 8 cuốn nữa. Dưới chân cụ có câu: “Treo tranh chìm nổi, nhắc chuyện xa gần”. Bên cạnh mộ cụ ông là mộ cụ bà. Nơi đây không xa với ngôi chùa và nghĩa trang nghệ sĩ thành phố, nhà lưu niệm của nhà thơ Nguyễn Bính.

Vương Liêm

SỰ KHÁC BIỆT
GIỮA LỤC TỔ HUỆ NĂNG VÀ SƯ THẦN TÚ

Không biết những người tu Phật - kể cả những Phật Tử - có bao giờ mơ ước một ngày sẽ “Tới” không? Nếu hoàn toàn không mơ ước, và chúng ta tu hành chịu đựng kham khổ như thế để chẳng cầu được gì thì phải chăng là hơi phi lý, vì có ai đi mà chẳng mong đến? Đọc Pháp Bảo Đàn Kinh có lẽ không ít thì nhiều chúng ta cũng khởi thắc mắc vì sao Lục Tổ Huệ Năng chỉ mới vào Chùa của Ngũ Tổ có 8 tháng, lại không được lên nhà trên nghe giảng pháp, chỉ có giã gạo mà được truyền Y Bát, trong khi đó Sư Thần Tú đã học với Ngũ Tổ nhiều năm, làm đến chức Giáo Thọ hẳn là phải hiểu biết về Phật Pháp nhiều hơn, tại sao lại không được truyền? Do Lục Tổ Huệ Năng là “Người trở lại?” Nhờ Ngài dốt nát? Nhờ lao động miệt mài, hay do Ngũ Tổ ưu ái? Có công bằng hay không trong chuyện này? Vậy thì điều kiện gì để có thể Chứng Đắc? Làm cách nào để phân biệt người thật sự chứng đắc và người chưa chứng đắc? Liệu chúng ta có thể bắt chước Lục Tổ dù không phải là người “trở lại” hay không?

Về việc “trở lại” của Lục Tổ Huệ Năng thì trong “sự tích 33 vị Tổ” ta thấy có ghi lại một vài điểm rất là đặc biệt:

1/- Trước khi có nghén thì Mẹ Ngài chiêm bao thấy bông trắng đầy trước sân nhà, mùi hương bát ngát, lại có 2 con chim bạch hạc bay lượn ở trước nhà.

2/- Mẹ Ngài mang thai Ngài trọn 6 năm dài.

3/- Đêm mùng 8 tháng 2, khi sinh ra Ngài thì hào quang chói sáng cả trên hư không.

4/- Vừa sinh Ngài xong thì rạng sáng có một nhà sư đến xin gặp thân sinh của Ngài để xin đặt tên cho ngài là Huệ Năng. Thân phụ Ngài hỏi vì sao đặt tên đó? Vị sư bảo là: Huệ có nghĩa là lấy ơn pháp mà tế độ chúng sinh; còn Năng có nghĩa là: Có năng lực làm việc Phật.

5/- Từ khi sinh ra thì không phải bú mẹ mà đêm đêm có một thần nhân nhỏ nước cam lộ cho Ngài uống.

Chúng ta không thể biết được đó là sự thật hay là cứ mỗi vị giác ngộ thường được kèm theo một huyền thoại để tăng thêm phần linh thiêng. Dù sao thì những việc nêu trên tin hay không là tùy ở mỗi người. Tuy nhiên, nếu những niềm tin đó làm cho chúng ta nhụt chí, cho rằng chỉ có những người trở lại mới có thể học, hiểu Đạo thì không nên. Điều quan trọng là ta nên xét xem Ngài đã tu học như thế nào để được Đạo, bởi rõ ràng Ngài không thể tự mình giác ngộ, mà phải đến Chùa, gặp Ngũ Tổ để được nhắc nhở thì mới sáng tỏ. Đó mới là điều chúng ta cần tìm hiểu để học hỏi.

Sự “trở lại” của Ngài Huệ Năng được kể rõ: Khi Ngài lên 3 tuổi thì thân phụ qua đời, mẹ ngài nuôi con trong cảnh nghèo nàn, khó khăn. Mỗi ngày, Ngài phải vào rừng đốn củi gánh xuống chợ đổi gạo để mẹ con sống tạm. Một lần nọ đi ngang qua một nhà kia nghe tiếng tụng Kinh đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài ghé vô hỏi tụng kinh gì? Người tụng Kinh nói: “Đó là Kinh Kim Cang mà Hoằng Nhẫn Tổ Sư ở chùa Đông Thiền, Huyện Huỳnh Mai thường khuyên các vị tăng, tục, nếu ai trì tụng thì liền Thấy tánh và chắc Thành Phật”. Nghe vậy, và nhờ nhân duyên có người giúp cho mười lượng bạc để lo cho mẹ, và khuyên Ngài nên đến gặp Ngũ Tổ. Trong vòng l tháng, thu xếp cho mẹ xong, Ngài đến ra mắt Ngũ Tổ.

Ngay phần đối đáp khi lần đầu tiên gặp Ngũ Tổ cho ta thấy Ngài Huệ Năng quả thật là một căn cơ đặc biệt:

Ngũ Tổ hỏi: “Người là người phương nào đến, muốn cầu việc chi?”

Huệ Năng đáp: Đệ tử là dân Huyện Tân Châu, xứ Lãnh Nam, ở phương xa đến lạy Tổ Sư, chỉ cầu thành Phật chớ chẳng cầu việc chi khác.

Tổ nói: Người là dân xứ Lãnh Nam, lại là giống man rợ, thế nào thành Phật được?

Huệ Năng đáp: “Con người tuy phân có Nam, Bắc chớ Phật Tánh vốn không có Nam Bắc. Cái thân man rợ này đối với Hòa Thượng tuy chẳng giống nhau chớ cái Tánh Phật nào có khác”.

Ngũ Tổ còn muốn nói thêm, nhưng thấy các môn đồ kéo đến vây quanh nên bảo Huệ Năng đi làm công việc. Ngài huệ Năng còn hỏi thêm:

Kính bạch hòa Thượng, tự tâm của đệ tử thường sinh trí huệ, chẳng lìa tự tánh, tức là phước điền, chẳng hay Hòa Thượng còn dạy làm việc chi nữa?”

Tổ bảo: Cái căn tánh của người man rợ này thật là sáng suốt. Thôi chớ nói nữa, hãy đi ra nhà sau.

Khi ra nhà sau rồi thì Ngài Huệ Năng được giao cho bửa củi và giã gạo suốt 8 tháng hơn.

Khi Ngũ Tổ họp tất cả môn nhơn lại, bảo cho biết mỗi người phải lấy trí huệ của mình để làm một bài Kệ trình cho Ngài xem. Nếu thấy hiểu được ý nghĩa của sự sống thác của người đời thì Ngài sẽ truyền pháp cho làm Tổ Thứ Sáu. Lúc đó những nguời trong Chùa đều nghĩ rằng Thần Tú là Giáo Thọ hẳn nhiên Ngài sẽ làm được nên mình khỏi làm. Riêng Thần Tú thì suy nghĩ mãi không biết tính cách nào, sợ trình lên mà bị chê thì mất mặt với tăng chúng nên lén biên bài Kệ lên vách nhà cầu, hy vọng nếu Ngũ Tổ nói là đúng thì sẽ ra nhận là mình làm. Nếu bị chê thì thôi. Bài Kệ đó như sau :

Thân là Bồ đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài

Giờ giờ cần quét phủi

Chớ để vướng trần ai.

Đề tài đã được nói rõ, nhưng bài Kệ của Sư Thần Tú mới chỉ đề cập đến Thiện, Ác, chưa thấy được ý nghĩa của vịệc sống thác. Ngài Huệ Năng thì không biết chữ, lẽ ra thì không thể làm Kệ được. Nhưng nhờ có bài Kệ của Sư Thần Tú, và Ngài biết bài Kệ đó chưa Thấy Tánh, nên chỉ cần sửa đi vài chữ đủ làm thay đổi nghĩa lý toàn bộ, nói lên sự hiểu biết của Ngài:

Bồ Đề bổn vô thọ

Minh cảnh cũng không đài

Bổn lai không một vật

Nào chỗ vướng trần ai.

Tức là Bồ Đề vốn không có cội, gốc. Tâm cũng không phải đài gương. Trước sau vốn không một vật thì đâu có chỗ để nhuốm được bụi trần?

Muốn hiểu được bài Kệ này, ta phải nương theo giải thích của Đạo Phật.

Theo Đạo Phật, mỗi con người đều có một cái Chân Tánh hay Bổn Tâm. Cái này vô tướng, thường hằng, thanh tịnh, như như, không ô nhiễm, không lớn nhỏ, cao thấp, dài ngắn, không sinh, không tử, không buồn vui, không bị ràng buộc… Nhưng từ khi mang lấy xác thân thì mỗi người đều lầm tưởng cái Thân Tứ Đại giả hợp là mình. Vì thế nên mới có thiện, ác, sinh, tử, lớn, nhỏ, cao thấp, xấu tốt vv... Tức là những đối đãi thuộc về Cái Thân, không dính líu tới cái Chân Tánh đó. Vì vậy, nếu người nào Thấy, Biết được cái Chân Tánh, quay trở về và Trụ được ở đó thì sẽ Thoát được mọi ràng buộc vốn dĩ thuộc về những gì Có Tướng, và bài Kệ của Ngài Huệ Năng mô tả được Cái Chân Tánh đó.

Việc tu hành chính là để “Thoát Sinh Tử”, mà Sinh Tử chỉ tác động lên phần Hữu Tướng. Vì thế, người muốn thoát Sinh tử thì phải tìm về cái Chân Tánh. Do đó, trong lần tụ tập môn nhơn để kêu trình Kệ, Ngũ Tổ đã bảo: “Ta nói cho chúng đệ tử, Sự sống thác của người đời là việc lớn. Các ngươi trọn ngày chỉ cầu phước điền chớ chẳng cầu ra khỏi biển khổ sống thác”.

Đã không cầu ra khỏi biển Khổ thì mọi công năng đâu có tập trung vào đó? Vì vậy đa số những người ở trong Chùa hầu như chỉ tập trung vào Y Bát. Sư Thần Tú cũng thế, khi trình Kệ chỉ mong được làm Tổ Thứ Sáu, và đám môn nhơn hàng mấy trăm người khi biết được y Bát đã trao cho Ngài Huệ Năng thì rần rần kéo nhau lập tức đuổi theo để tranh đoạt, không cần biết việc trao Y Bát là việc rất linh thiêng từ thời Đức Thích Ca tiếp nối nhau để chứng minh người nhận đủ trình độ thay người thầy cầm nắm giềng mối đạo!

Sự ham muốn làm thầy của Sư thần Tú càng thể hiện rõ ràng hơn: Dù không được truyền Y Bát, tức là Ngũ Tổ chưa xác nhận ông đủ trình độ để giảng pháp cũng tự mở ra giảng dạy! Đó là Vọng Hành, là một lỗi rất lớn của người tu Phật! Lẽ ra, nếu là người thật tâm tu hành và giữ Giới một cách nghiêm minh thì Sư phải đủ can đảm hạ mình tới gặp Lục Tổ để cầu học. Trái lại, Sư chỉ phái đệ tử đi trộm pháp rồi về kể lại cho mình, chứng tỏ cái Ngã Chấp vẫn còn nguyên đó. Đã không có pháp thì làm sao biết cách để hướng dẫn đệ tử. Cho nên chín năm Chí Thành học với Sư Thần Tú không bằng một thời pháp được nghe Lục Tổ khai mở! Đó là sự khác biệt giữa người đắc pháp và người không.

Tu Phật có nghĩa là TU TÂM. Người muốn Tu tâm phải Thấy nó. Vì vậy, khi giảng cho Ngài Huệ Năng, Ngũ Tổ dạy: “Nếu chẳng biết Bổn Tâm thì học pháp vô ích. Nếu biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh mình, tức gọi là trượng phu, là Phật, thầy cõi trời và cõi người vậy”.

Do biết con người nhiều tham lam, mê đắm mà tạo Nghiệp rồi phải đọa, Đức Thích Ca phải bày ra nhiều phương tiện để dẫn dụ. Ngài phương tiện mô tả Tây Phương Cực Lạc có Đức A Di Đà tiếp dẫn với vô số bạc, vàng, châu báu, xa cừ mã não… là những thứ mọi người đều ham thích, để họ vì mong đến được cõi đó mà bớt đi tạo nghiệp trong kiếp sống. Thế là mọi người châm bẩm lo tụng Kinh, niệm Phật, mong được Đức A Di Đà rước về, mà không cần đọc Kinh để thấy Phật giải thích thêm: A DI ĐÀ là “Hào quang soi suốt không ngăn ngại”, tức để nói về cõi tâm đã được thanh tịnh, sáng suốt. Không còn ba đường dưới u mê, ám chướng. Nói rằng tu học sẽ được “Làm thầy cõi trời, cõi người”, thế là bao nhiêu người cố gắng để mong có ngày được như thế. Rồi thay vì điều phục cái Vọng tâm của mình - tức là làm thầy cõi trời, cõi nguời trong đó - thì lại chạy ra, đi tranh dành Y Bát để được làm thầy của mọi người bên ngoài! Những người cứ Y NGỮ mà hành, theo Kinh Phật, đó là những người Y KINH mà KHÔNG LIỄU NGHĨA!

Khi truyền phép Đốn Giáo và Y Bát cho Ngài Huệ Năng và Ngũ Tổ dặn dò: “Ngươi làm Tổ Thứ Sáu. Hãy giữ gìn và nhớ lấy đạo tâm của mình. Phải quảng độ chúng sinh hữu tình và truyền cái Chánh pháp cho đời sau, đừng để đoạn tuyệt. Và Ngài đọc kệ:

Hữu tình gieo giống xuống

Nhờ đất trái bèn sanh

Vô tình không có giống

Vô Tánh ắt không sanh

Cây, Ngói, Đá là giống vô tình, không có Cái Biết, không có cảm nhận, suy nghĩ nên không thể tiến hóa được. Con người là giống hữu tình, có suy nghĩ, vì thế mới có thể nhận được hạt giống Giải Thoát để ươm mầm trong mảnh đất Tâm mà tu hành được. Trái có nghĩa là Thành Quả Giải Thoát mà người tu sẽ đạt được. Tất cả đều nhờ ở Cái Đạo Tâm. Nên Ngũ Tổ nhắc nhở: “Hãy giữ gìn và nhớ lấy Đạo tâm của mình”, cũng như Ngài khẳng định: “Nếu không Thấy Tâm thì học pháp vô ích”. Đó là những câu khẩu quyết mà chúng ta cần lưu ý khi đi vào con đường tu hành.

Pháp của Đao Phật không có thiên vị. Nếu xem việc cầm đầu tăng chúng như một thứ danh vị và người Thầy thiên vị hẳn Đức Thích Ca đã truyền Y Bát cho Ngài Anan là em của Ngài, hoặc con ruột của Ngài là La Hầu La, đâu có truyền cho Đức Ca Diếp! Qua thái độ của những người đi tranh Y Bát, ta thấy một số người tu hành nhưng không thật tâm thời đó coi Y Bát quan trọng như thế nào. Cũng giống y như người đời tranh dành nhau ấn tín của vua để lên ngôi trị vì thiên hạ! Như vậy hóa ra mục đích tu hành của họ là để được ăn trên ngồi trước, được làm thầy chớ chẵng phải tu vì sợ sinh Tử! Mục đích đã khác với Đạo Phật thì con đường họ đến làm sao cùng với Đạo Phật? Chính vì vậy mà Ngũ Tổ dặn dò phải dấu Y Bát đi, bởi nếu họ đoạt được Y Bát thì đúng là cái họa của Đạo Phật! Dù vậy, tuy không còn nơi để noi dấu, nhưng Chánh Pháp vẫn có người nắm giữ và âm thầm lưu truyền đâu đó trên thế gian không bao giờ dứt diệt.

Nói về việc “trở lại” thi thật ra đây đâu phải là kiếp đầu tiên ta có mặt trên cuộc đời này? Kinh dạy “Này Thiện Nam! Nếu có người nghe kinh này mà tin tưởng, không nghi ngờ, thì biết đó là người trồng phước huệ không những ở một đời Phật hoặc hai đời Phật, mà người này đã trồng căn lành từ nhiều đời Phật như số cát sông Hằng cho nên nay nghe đến Kinh này mới hay tin thọ”. Cho nên, không có gì phải lo ngại khi ta tu hành mà muốn đạt kết quả, vì nối tiếp những gì ta đã từng học hỏi, và nhờ đó khiến ta tinh tấn hơn. Tất nhiên kết quả đó phải phù hợp với mục đích của Đạo Phật, là được Giải Thoát, không phải là để làm thầy, được nhiều người hâm mộ, hay cất được nhiều kiểng chùa to đẹp để đời! Nếu gặp đúng thầy có pháp và thực hành theo những gì được dẫn giải trong Kinh theo đúng Nghĩa thì không có gì là quá khó khăn nhất định phải là người “trở lại” mới hiểu, mới hành được. Chỉ e ta thiếu quyết tâm, vẫn kiên trì đeo bám danh lợi vì chưa hiểu được cái lợi ích của con đường tu hành.

Qua hai tấm gương trong Pháp Bảo Đàn Kinh, ta thấy rằng không cứ tu lâu, nghe giảng nhiều, hiểu nhiều mà đã được Đạo! Cũng không phải do dốt nát, do lao động kiên trì, mà do Tư Duy đúng hướng cộng với quyết tâm nên Lục Tổ Huệ Năng đã Thành Phật như ý Ngài mong mỏi,là “Thành tựu con đường thoát khỏi sự ràng buộc của hữu tướng” tương ưng với câu Kinh Kim Cang: “Ưng Vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Kinh cũng nêu trường hợp không “Điều Tâm” tức là không “vô sở trụ” được, mà trụ ở danh, sắc, sinh ra tội ác của một số người tu thời đó như sau:

Trong khi Lục Tổ còn đang ẩn lánh thì Sư Thần Tú đã mở ra giảng pháp ở Chùa Ngọc Tuyền. Đến khi thấy đủ duyên, Lục Tổ sửa sang Chùa Bửu Lâm để giảng dạy, được 9 tháng thì bọn ác nhơn lại tìm đến, phóng hỏa đốt trụi cỏ cây phía trước Chùa. Lúc đó nhờ Tổ chui vào kẹt đá mới thoát nạn. Tảng đá nơi Ngài ngồi Thiền để lánh nạn còn in lằn vải áo, nên sau đó mọi người gọi là “tỵ nạn thạch”.

Tuy hai vị tông chủ không nhơn, ngã, nhưng các môn đồ cùng tăng tử hai phái thường sanh lòng cạnh tranh, yêu ghét nhau. Lúc bấy giờ môn phái Bắc Tông muốn tôn Sư Thần Tú làm Tổ thứ Sáu, nhưng còn hiềm Tổ Huệ Năng được truyền Y Bát mọi người đều biết, nên sai Hạnh Xương (tục danh của thầy tăng CHÍ TRIỆT) đến thích khách Tổ Huệ Năng, nhưng mưu sự không thành. Lục Tổ đã khuyên y trốn đi, sau này trở lại Ngài sẽ thâu nhận làm đồ đệ. Nhưng một số người phía Bắc Tông vẫn tiếp tục cưu mang lòng hận thù, mãi cho đến 16 năm sau, khi Lục Tổ viên tịch, Sư Thần Hội đứng ra chấn hưng pháp môn thì cũng bị họ vu cho vua bắt đày đi!

Qua đó, ta thấy những người tu đó đã không thực hành đúng như ý nghĩa của chiếc áo Cà Sa mà họ đang khoác trên người. Chiếc Y hoại sắc, tượng trưng cho cái thân, tâm không ô nhiễm danh, sắc của trần tục. Thế mà họ lại cử đồng môn đi giết người. Giết không được thì cáo gian để phe đối nghịch bị tù đày, dù cùng là những người tu với nhau, cho ta thấy cái Vọng tâm nó ghê gớm đến mức nào, nếu không chuyển hóa nó thì không biết nó sẽ dắt đi tới đâu!

Mang chuyện xưa hàng mấy trăm năm ra để bàn lại, chúng ta không nhằm mục đích nói chuyện đúng sai của lớp người đi trước. Nhưng vì con đường tu hành, dù Đức Thích Ca đã mở ra hơn hai ngàn năm trăm năm đến nay vẫn không có gì mới lạ. Bài học cũ ngàn đời vẫn áp dụng: vẫn chỉ là Tu, là Sửa cái Tâm, để được Giải Thoát. Trong cái Giải Thoát khỏi Sinh Tử Luân Hồi thì cũng gồm cả phiền não, cao, thấp, hơn thua, đố kỵ, tà tâm, ác tâm... mà người tu cần phải xả bỏ thì mới có được cái Tâm thanh tịnh, mà thanh tịnh chính là Phật Quốc, hay là Tịnh Độ mà nhiều người tu lại hiểu lầm tưởng là cõi đó của Đức Phật nào khác, rồi cố gắng ăn hiền, ở lành, tụng kinh, niệm Phật chờ được rước về sau khi chết! Họ không hiểu Thuyết Nhân Quả của Đạo Phật để biết rằng nếu cứ ăn hiền, ở lành, thì chính là họ đã “Tự Độ”, đâu cần phải chờ Phật nào khác độ cho nữa! Những kiến chấp sai lầm như vậy là cũng do lớp người đi trước hiểu sai rồi truyền lại. Vì thế, phân tích ra để chúng ta thấy rằng nếu muốn tu hành thì không cần phải chay lạt, ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật giảng pháp cho hay, lôi kéo được nhiều người quy y theo Đạo Phật, mà quan trọng hơn hết là mỗi người chỉ cần Tìm, cần Thấy cái Vọng Tâm của mình, rồi xả bỏ những thứ chấp lầm để trở về với cái Chân Tâm. Hành động Xả bỏ mới gọi là TU, cũng gọi là “Điều phục chúng sinh” hay là “Độ Sinh” để hoàn thành Phật Quốc cho chính mình. Cứ kiên trì làm như thế thì việc “Tới” hay “Thấy Tánh” cũng chỉ là thời gian thôi. Kinh Viên Giác có KỆ để nói về công việc tu hành, thành Phật:

“NHỮNG NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT

CÙNG VỚI THAM SÂN SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT”

Mấy câu ngắn ngủi trên đủ cho ta thấy vì sao nhiều người tu rất lâu, công phu miệt mài ngày đêm mà vẫn không thành tựu được vậy.

Tâm-Nguyện

(Tháng 7-2009)

NHỮNG SUY NGHĨ VẨN VƠ

MỘT CHỌN LỰA THEO LƯƠNG TÂM

Báo Thanh Niên số 203 ngày 22/7/2009 có bài “Dương Trương Thiên Lý rút khỏi phim Trần Thủ Độ” (Đỗ Tuấn thực hiện). Thiên Lý: “Xin đừng làm lệch lịch sử”.

Biên tập viên phỏng vấn Thiên Lý: Thế thì sao Thiên Lý lại từ chối vai diễn trong tâm trạng mà theo Lý là “rất buồn, đau lòng và rơi nước mắt”?

- “Những khó khăn khi lần đầu đóng phim, những nhọc nhằn, ăn uống kham khổ tôi đều vượt qua được vì nghĩ mình phải làm được điều lớn hơn, có ý nghĩa hơn cho xã hội, tuy nhiên khi quan điểm nghệ thuật bất đồng, tôi gần như suy sụp và quyết định chọn giải pháp rút lui. Tôi không muốn hình ảnh một Trần Thị Dung nổi danh trong lịch sử dân tộc được dựng lên sai lệch. Những người làm phim có thể sợ phim nhàm chán khi làm theo lối chính luận nên muốn đưa những ảnh “tươi mát”, gợi cảm vào… Nếu đạo diễn có tài… đâu nhất thiết phải xây dựng một Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung gợi cảm với những cảnh hở hang trên phim. Thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì, những bậc cao niên sẽ nghĩ gì khi thấy một Trần Thị Dung lồ lộ da thịt được khai thác triệt để trong phim?”.

BTV: Nói ra điều này Thiên Lý có sợ mất lòng nhà làm phim?

- “Tôi biết khi nói ra có thể hơn 100 con người của đoàn làm phim buồn lòng, nhưng như thế còn hơn việc hàng triệu người Việt Nam phẫn nộ… Trần Thủ Độ là một bộ phim lịch sử kể về một nhân vật có thật được nhân dân tôn kính thì phải thật tôn trọng, vì vậy xin đừng làm lệch lịch sử – Hy vọng việc tôi làm sẽ khiến nhà làm phim nghĩ lại và thay đổi để thực hiện bộ phim đúng chất lượng, đúng nghĩa trong khả năng, bởi đây là một bộ phim dùng ngân sách để thực hiện nên không thể làm cẩu thả được”.

(Á hậu Dương Trương Thiên Lý đã rất can đảm và chính xác trong lựa chọn này – nếu sự thật đúng là như vậy – đây chính là vấn đề của một lương tâm ngay thẳng, không bị khuất phục bởi tiền bạc hay áp lực bất cứ từ đâu).

Nếu mỗi người, mỗi sinh vật là một phép mầu thì trong môi trường sống chung quanh chúng ta còn có muôn vàn phép mầu khác, không thể nào kể hết được. Xin nêu ra một vài ví dụ điển hình rất gần gũi với con người và cũng rất tầm thường, người ta tiếp xúc, sử dụng hàng ngày dường như một chuyện rất tự nhiên chẳng ai thèm để ý tới huống hồ là tìm hiểu, suy nghĩ, khám phá về nó.

PHÉP MẦU CHUYỂN HÓA NƠI SỰ VẬT NÓI CHUNG VÀ NƠI CON NGƯỜI NÓI RIÊNG

Con giun đất chỉ ăn đất thế mà trong ruột con giun, đất vô cơ hóa ra chất hữu cơ, làm giun to ra, dài ra. Máy móc nào làm được việc này? Con bò, con trâu, con voi, con thỏ… chỉ ăn cỏ xanh ấy thế mà qua tiêu hóa, cỏ xanh biến thành máu đỏ, thịt đỏ, mỡ trắng… Một cây xanh hút nước và đất vô cơ, thế mà tạo ra hoa muôn mầu sặc sỡ, nguyên mầu sắc này từ đâu ra, ai cấp cho nó được? Rồi còn kết trái kết hạt nữa? Một đàn cá cảnh lặn sâu dưới nước, ăn rong rêu hay những phiêu sinh vật nhỏ hơn nó, thế mà lên mầu lên nước tuyệt đẹp, ngày đêm ngâm nước mà không phai nhạt đi, ai đã sơn mầu cho chúng?

Còn đối với con người “ăn tạp, uống tạp” cả chất vô cơ lẫn hữu cơ, ấy thế mà qua tiêu hóa, những chất ấy biến thành thịt, máu, xương cốt, tim, gan, tủy, não của con người – Không máy móc nào có thể làm được, cho tới nay vẫn còn phải kêu gọi hiến máu nhân đạo, các nhà bác học chưa chế ra được máu nhân tạo.

LỬA

Lửa là một cái gần gũi thiết thân. Có mấy thanh niên, mấy ông mà không có cái quẹt trong túi áo, túi quần 24/24 giờ – chút chút lại quẹt mồi thuốc, có bà nội trợ nào một ngày không đôi ba lần tiếp xúc với lửa? Thế nhưng mấy ai hiểu được bản tính của lửa?

Lửa có từ thời tạo thiên lập địa, khi trời đất được tạo dựng là đã có lửa, các định tinh như mặt trời đều là quả cầu lửa nóng cả triệu độ. Đối với loài người, không ai xác định được con người biết lấy lửa và sử dụng lửa từ bao giờ, nhưng phỏng định được là từ rất lâu, thời con người còn ăn lông ở lỗ. Biết lấy lửa, giữ lửa và sử dụng lửa để phục vụ đời sống là một đặc trưng của loài người. Ở thế giới loài vật, mặc dù chúng xuất hiện trước loài người hàng tỷ năm, nhưng không con vật nào biết lấy lửa, giữ lửa và sử dụng lửa cho cuộc sống (cùng lắm thấy đám cháy tự nhiên thì bu lại gần để sưởi ấm khi trời lạnh giá).

Sự lạ lùng của lửa nằm ở các đặc điểm sau đây:

a) Rõ ràng là vật chất (thấy được, cảm giác được, đo được hiệu quả…) nhưng lại chẳng là vật chất; vì trong 112 nguyên tố của vật chất không thấy nguyên tố nào là lửa cả. Không có ký hiệu vật lý hay hóa học (các nguyên tố đều có ký hiệu: Hydrô: H; Ôxy: O; Sắt: Fe; Đồng: Cu…). Lửa không phải đơn chất mà cũng không phải hợp chất, nó có đó mà cũng không có đó, dễ gì khoa học lý giải được!

b) Hiệu quả thần kỳ: 3 hiệu quả cụ thể là ngọn lửa hay tia lửa (mầu vàng pha đỏ) hơi nóng và ánh sáng. Cả 3 xuất hiện đồng thời, tức khắc, không cái nào trước cái nào sau (ánh sáng có tốc độ cực nhanh: 300.000 km/giây).

c) Lửa không tồn tại độc lập mà phải dựa vào vật nào đó, ví dụ cây củi cháy, tờ giấy cháy, ngọn đèn cháy, luồng ga cháy…

d) Chia sẻ mà không hề hao hụt. Vật chất thì chia đôi, bổ tư, phân tám thì phải nhỏ dần đi, chia miết tới lúc người ta không thể chia được nữa, theo lý thuyết thì gọi nó là nguyên tử (atome gốc tiếng Hy Lạp atomos, nghĩa là không thể chia được. Nhưng báo Tuổi nữa, theo lý thuyết thì gọi nó là nguyên tử (atome gốc tiếng Hy Lạp atomos, nghĩa là không thể chia được ta không thể Trẻ cuối tuần ngày 8/3/2009 có bài “Nguyên tử không phải là thành phần nhỏ nhất của vật chất”, nghĩa là vẫn còn chia được). Một đốm lửa nhỏ đến nỗi nó xanh lè, vậy mà có thể mồi cho hàng tỷ tỷ ngọn nến khác và có khả năng đốt cháy cả vũ trụ nếu có đủ mồi, lạ lùng chưa?

e) Sức phá hủy tàn khốc: người ta vẫn nói “giặc phá không bằng nhà cháy”, những cái đốt cháy được thì trọng lượng của nó cũng mất cách lạ lùng. Ví dụ 1 tấn củi cho vào lò đốt, qua ngọn lửa còn lại đống tro chừng một vài ký là nhiều, nếu có lấy bao thâu hết khói bốc ra thì cũng chỉ được chừng một vài ký nữa. Vậy 996 ký sức nặng của tấn củi kia đi đâu? Chẳng lên trời, chẳng xuống đất, chẳng vung vãi ra xung quanh, lạ lùng chưa?

f) Khi tắt, ngọn lửa sẽ đi về đâu? Con người khi tắt thở còn cái thây chình ình nằm đấy, cục gạch đập ra còn một mớ xà bần, tờ giấy đốt đi còn ít tro, ngọn lửa tắt đi còn lại cái gì và nó đi về đâu? Chẳng ai trả lời được. Cái quẹt ga sau khi mồi thuốc, tắt lửa đi, ngọn lửa không chui vào hộp quẹt, chẳng trốn ở chỗ nào cả.

Còn bao nhiêu thắc mắc về ngọn lửa mà chẳng có câu trả lời, như ai vứt đốm lửa đầu tiên cho mặt trời bùng cháy từ khi có nó tới nay và cháy liên tục hàng tỷ tỷ năm nữa theo sự tính toán của các nhà khoa học. Rồi hiện tượng núi lửa phun trào thường xuyên trên thế giới. Chúng ta biết rằng trong lòng trái đất là Magma (chất khoáng nóng chảy, hừng hực lửa, sền sệt như cháo), đất đá, quặng trong ruột trái đất đâu có phải nhiên liệu đốt cháy đâu – hơn nữa, lửa cháy được cần phải có oxy, mà trong lòng đất kín mít, làm gì có đủ oxy – thế mà Magma cháy đỏ và khi tìm được một kẽ hở của vỏ trái đất là nổ tung lên, phun trào ra thành những dòng sông lửa đỏ rực, đốt cháy tất cả những gì nó bao phủ.

Nhớ trận phun lửa của núi Vesuve bên nước Italia vào năm 79 sau Công nguyên, cả thành phố Pompei hoa lệ bị chôn vùi dưới phún xuất thạch, trận phun lửa quá bất ngờ nên dân chúng trong thành hầu như chết hết.

Làm sao có lửa nơi không có củi rơm, không có oxy? Không dễ hiểu đâu. Ấy là chưa nói tới chuyện ai đã châm lửa cho lòng đất? Cũng như ai đã giữ lửa trong rốn trái đất hàng tỷ năm nay? Nếu tính sự tiêu hao qua những đám cháy, lò nung… thì để duy trì sức nóng nhiều ngàn độ đến nỗi nung chảy cả quặng, đất đá… thì có đến mấy vạn trái đất này cũng không đủ “dính răng bà hỏa”. Ấy thế mà trái đất chúng ta trong lòng cháy đỏ, ngoài vỏ muôn loài vẫn nhảy cà tưng – Thế mà không phải phép mầu sao?

TƯƠNG TỰ NHƯ LỬA, ĐIỆN CŨNG LÀ MỘT PHÉP MẦU

Người ta chỉ cảm nhận được hiệu quả ghê gớm của điện chứ không ai thấy điện nó ra làm sao, hình thù thế nào, cân nặng bao nhiêu, mầu sắc, mùi vị thế nào? Không biết các nhà khoa học với kính hiển vi cực đại có thấy không chứ người bình dân thì đành chịu, chỉ biết có điện thì xài, khoái chí, tiện lợi lắm, cúp điện thì khổ lắm, mỗi lần điện lên giá thì cũng lo lắm, trả tiền điện cũng xót lắm, chứ điện ra làm sao, điện từ đâu có, điện di chuyển trong dây cáp như thế nào, ai đẩy mà tốc độ của điện nhanh như thế (300.000 km/giây bằng tốc độ ánh sáng), tắt máy phát điện thì điện đi về đâu? Ngoài điện thông thường còn có điện giữa trời nữa, dynamô nào phát ra điện này để rồi mỗi cơn giông bão, sấm sét kinh hồn bạt vía? Theo tôi khoa vật lý chỉ giải thích hiện tượng, ứng dụng các định luật là chủ yếu, chứ chưa thể đi tới tận nguồn gốc của vấn đề. Thử hỏi điện có phải vật chất không? Nếu là vật chất sao trong bảng 112 nguyên tố không thấy có? Vật chất thì phải ở một trong ba thể: khí, lỏng, đặc. Vậy điện nó ở thể nào?

Sau hết chúng ta ghi nhận việc phát minh ra điện (thế kỷ 19) và sử dụng điện là một đặc điểm của loài người. Loài vật không con nào làm được như thế, cũng lưu ý có một loài cá phát ra một dòng điện dường như để tự vệ, nhưng đó là do tạo hóa ban tặng và nó cũng chỉ làm theo bản năng tự nhiên, chứ không bao giờ chủ động, ý thức làm chuyện đó.

Còn bao nhiêu thứ quanh ta, ta sử dụng, va chạm hàng ngày nhưng hiểu biết đến ngọn nguồn thì đã mấy ai? Ví dụ như từ trường, lực hút, tia cực tím, tia bêta, tia gamma, tia X…

MỘT THỰC TẠI NỮA MÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ BAO TRÙM MUÔN LOÀI MUÔN VẬT TRONG VŨ TRỤ NÀY, ĐÓ LÀ THỜI GIAN

Thời gian là gì? Đại Từ Điển Tiếng Việt – 1999, định nghĩa là “hình thức tồn tại cơ bản của vật chất, trong đó vật chất chuyển động liên tục không ngừng”. Có lẽ chỉ có các nhà triết học siêu hình mới hiểu được định nghĩa này, còn tuyệt đại đa số dân chúng là người bình dân làm sao mà hiểu. Theo tôi đây chỉ là một lối giải thích phiến diện hơn là định nghĩa. Phiến diện ở chỗ nếu chỉ là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất thì những giá trị tinh thần, những cái mà nhân loại xếp vào hàng văn hóa phi vật thể thì không có chỗ đứng trong thời gian à? Giới bình dân chúng tôi chỉ biết rằng thời gian vô hình, vô dạng, vô thanh, vô xú, vô mầu, vô sắc, vô cân, vô lượng, chẳng biết nó từ đâu tới và biến đi đâu, chỉ cảm nhận được sự tồn tại của nó bằng những cột mốc chuyển động. Ngày xưa người ta đo thời gian bằng cách quan sát bóng nắng hay sự di chuyển của trái đất quanh mình và quanh mặt trời, rồi văn minh hơn, người ta chế ra đồng hồ nước, đồng hồ cát, đồng hồ cơ học rồi đồng hồ điện tử. Thời gian có đặc tính là độc lập với mọi loài, mọi loài tùy thuộc vào nó chứ không ngược lại. Không ai điều khiển được thời gian. Nó cứ đủng đỉnh đến rồi đi và không bao giờ trở lại. Ca dao Việt Nam có câu:

“Thời giờ thấm thoắt thoi đưa,

Nó đi đi mãi có chờ đợi ai”.

Với những hình thái và đặc tính trên thì đối với chúng ta, thời gian quả là phép mầu mà chỉ có Chúa Trời mới tạo tác và làm chủ được thời gian.

Trong lễ nghi long trọng làm phép cây nến Phục Sinh (hiện thân của Đức Giêsu sống lại), có những lời sau đây:

- Đức Giêsu Kitô vẫn là một.

- Hôm qua cũng như hôm nay.

- Là Alpha và Ômêga (hai chữ đầu và cuối của bảng vần tiếng Hy Lạp).

- Nghĩa là khởi nguyên và tận cùng.

- Người làm chủ thời gian.

- Và muôn thế hệ.

- Vạn tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng.

- Vạn vạn tuế – Amen.

(Trong khi đọc những câu này thì Chủ sự viết trên cây nến từng con số của năm dương lịch hiện tại. Ví dụ 2009).

Thời gian là thế đó.

Cũng cần lưu ý một điều là chỉ có loài người mới ý thức, cảm nghiệm được thời gian, mới có thể đếm năm tháng ngày giờ mình sống, mới có hồi ức nhớ lại được quá khứ, dù rất xa xưa thuở còn thơ bé, những kỷ niệm đầu đời, mới có khả năng suy đoán về tương lai và dự trù cho mình những gì cần thiết phải có, kể cả cỗ hòm hay lăng mộ như các kim tự tháp của các Pharaôn Ai Cập. Loài vật chỉ sống tự nhiên theo bản năng, không ý thức được thời gian, không đếm được ngày tháng, không có ký ức về dĩ vãng và cũng không biết gì về tương lai, càng không thể biết ngạc nhiên trước phép mầu thời gian…

LM Nguyễn Hữu Triết

PHỤ BẢN I

Điểm Sách
CHICKEN SOUP FOR THE SOUL
(Xúp gà cho phần hồn)

Khi đau yếu, người Việt Nam thường ăn cháo, người Mỹ ăn xúp, nhất là xúp gà. Khi ta cảm thấy thất vọng, mệt mỏi, chán chường, nản chí… thì cái phần hồn của ta cũng phải được đối xử đặc biệt, an ủi, khuyến khích… chứ! Cuốn sách Chicken Soup for the Soul (CSFTS) ra đời năm 1993 là với mục đích đó.

Cuốn này dày hơn 300 trang, với 101 chuyện ngắn. Đọc những chuyện này người đôc cảm thấy phấn khởi, vết thương được hàn gắn, có thêm niềm tin và nghị lực để sống. Đôi khi một chuyện có thể làm thay đổi cả một cuộc đời.

Tác giả sách là Jack Canfield và Mark Victor Hanson. Cả hai đều là diễn thuyết gia, đã thực hiện hàng ngàn buổi nói chuyện trên radio, TV, tại các trường đại học, các công ty lớn, ở Mỹ cũng như các nước khác, về nhiều đề tài, nhất là phát triển sức mạnh nội tâm. Sau khi thu thập được một số chuyện có ý nghĩa để làm thành một quyển sách, họ đi tìm nhà xuất bản. Vạn sự khởi đầu nan, phải mất 3 năm, nhà xuất bản thứ 34 mà họ tìm đến mới chịu in sách. Cuốn sách được hoan nghênh nhiệt liệt, nhanh chóng trở thành bestseller bán được 2 triệu bản. Độc giả muốn đóng góp chuyện của mình, vì viết là một cách để giải tỏa, làm giảm stress. Cho đến năm 2006 đã có 105 cuốn được xuất bản với các đề tựa khác nhau, cho đủ mọi thành phần của xã hội như:

- Chicken Soup for the Mother’s Soul (cho Bà Mẹ)

- Chicken Soup for the Father’s Soul (cho Ông Bố)

- Chicken Soup for the Teacher’s Soul (cho Thầy Cô Giáo)

- Chicken Soup for the Pet Lover’s Soul (cho Người Yêu Súc Vật)

- Chicken Soup for the Bachelor’s Soul (cho Người Độc Thân)

- Chicken Soup for the Prisoner’s Soul (cho Tù Nhân)

Sách được dịch ra 54 thứ tiếng trên khắp thế giới. Ở Việt Nam người viết chỉ thấy những sách này ở dạng song ngữ (Anh-Việt), mỗi cuốn chỉ có khoảng 10 chuyện ngắn mà thôi (so với 101 chuyện trong mỗi quyển tiếng Anh).

Độc giả có thể vào trang web của CSFTS, tìm mục Submit Your Story để xin đăng bài của mình.

Người viết xin dịch 4 chuyện trong quyển CSFTS đầu tiên (in năm 1993). Việc dịch này không có phép của Nhà xuất bản Health Communications, Inc. nhưng chắc họ không quan tâm, vì đây là một sự quảng cáo cho cuốn sách của họ, vả lại hội của chúng ta là một tổ chức bất vụ lợi.

GƯƠNG CAN ĐẢM

Tôi học được bài học can đảm này từ một bé trai 5 tuổi khi làm việc từ thiện tại Bệnh Viện Stanford. Chị của bé này bị một loại bệnh nặng sắp chết, chỉ có thể được cứu sống nếu được truyền máu của em mình, vì cậu em trước đây đã mắc bệnh này và nhờ phép lạ mà thoát chết. Trong máu cậu bé đã có kháng thể để có thể giúp cô chị chống lại căn bệnh nguy hiểm này. Bác Sĩ giảng giải cho cậu bé và thuyết phục cậu bé hiến máu cho chị. Mới đầu cậu bé còn lưỡng lự, rồi nói với bác sĩ: “Nếu cứu được chị khỏi chết thì cháu sẽ bằng lòng.”

Cuộc truyền máu trực tiếp từ em sang chị được thực hiện. Cậu bé mỉm cười khi thấy mặt cô chị trở nên hồng hào. Rồi nụ cười cậu bé tàn dần, bé hỏi bác sĩ: “Cháu sắp chết ngay bây giờ phải không?”

Cậu bé đã lầm tưởng rằng cậu sẽ phải cho chị tất cả máu của mình.

MÓN QUÀ

Xe buýt chạy trên con đường khúc khuỷu ngoại ô. Trên xe, một ông cụ già ngồi co ro ôm một bó hoa trong lòng. Cách vài ghế có một cô bé mắt đăm đăm nhìn bó hoa. Xe buýt ngừng, ông cụ đứng dậy đặt bó hoa vào tay cô bé và nói: “Ông biết con thích bó hoa này. Bà vợ của Ông chắc cũng bằng lòng. Ông sẽ nói với Bà rằng Ông cho con bó hoa rồi.”

Cô bé nhận bó hoa. Qua cửa sổ xe, cô bé thấy ông cụ chậm chạp đi vào nghĩa trang.

GIA SẢN CỦA TÌNH THƯƠNG

Al là một nghệ sĩ có vợ và hai con trai. Một đêm, đứa bé lớn bị đau bụng. Hai vợ chồng tưởng rằng chỉ là một cơn đau bụng thông thường, không đáng quan tâm. Nhưng họ đã lầm, đứa bé bị sưng ruột dư cấp tính và chết trong đêm đó.

Nghĩ rằng vì mình mà con chết, Al buồn rầu khôn tả. Rồi người vợ bỏ chàng. Al chán nản chỉ biết làm bạn với rượu và chẳng bao lâu trở nên nghiện ngập. Bị mất nhà, mất việc, của cải lần lượt ra đi, cuối cùng Al chết trong một khách sạn ở San Francisco.

Được tin Al chết, phản ứng của tôi cũng như của những bạn khác đối với một người chết vì nghiện rượu là: “Lại một cuộc sống vô nghĩa, một cái chết phí phạm.”

Rồi thời gian trôi qua, Earnie, cậu bé em 6 tuổi ngày nào, bây giờ là một người đàn ông rất dễ thương, lúc nào cũng giúp đỡ và quan tâm đến mọi người. Gia đình Earnie êm ấm, vợ chồng con cái hòa thuận, yêu thương nhau. Earnie ít khi nhắc đến bố. Tôi nghĩ rằng một ông bố nghiện rượu thì khó có thể bào chữa được. Nhưng tôi vẫn thắc mắc tại sao một con người thất bại như Al lại có thể là bố của một người thật đặc biệt như Earnie.

Một hôm tôi đánh bạo hỏi Earnie: “Bố cháu giáo dục cháu cách nào mà tài thế?” Earnie yên lặng hồi lâu rồi nói: “Từ khi cháu có trí nhớ cho đến lúc cháu rời nhà năm 18 tuổi, đêm nào Bố cũng vào phòng cháu, hôn cháu và nói với cháu “Bố thương con”.

Mắt tôi ướt. Tôi đã phán đoán sai lầm. Al không phải là một người thất bại. Tuy anh không để lại của cải vật chất, nhưng anh biết yêu thương con cái và đã để lại một người con dễ thương và bao dung nhất mà tôi được biết.

Bobbie Gee

Giải thưởng Image Game

BÀN TAY

Một số báo đặc biệt về ngày Lễ Tạ Ơn có đăng câu chuyện sau đây về một cô giáo lớp Một. Cô bảo học trò vẽ “Cái gì mà các em cho rằng đáng biết ơn nhất”. Cô nghĩ rằng học trò của cô ở cái vùng nghèo nàn này thì chẳng có gì nhiều để mà cám ơn. Có lẽ chúng chỉ vẽ con gà tây và các món ăn.

Cô giáo và các học trò khác ngạc nhiên khi thấy bé Douglas vẽ bàn tay, nét vẽ mộc mạc và giản dị, có thể mang một ý nghĩa trừu tượng. Một em nói: “Bàn tay Thượng Đế, Ngài đã mang lại thức ăn”. Một em khác nói: “Bàn tay của người đã nuôi gà tây”. Cô giáo đến bên cạnh Douglas, hỏi em vẽ bàn tay là thế nào. Em trả lời: “Thưa đó là bàn tay của Cô”.

Cô nhớ lại trong giờ ra chơi, cô thường trìu mến cầm tay học trò khi nói chuyện với chúng. Cử chỉ này có thể là tầm thường đối với những trẻ con khác, nhưng thật quan trọng đối với một đứa bé nhà nghèo và thiếu tình thương như Douglas.

NCT

THÁI HẬU DẠY CON LÀM VUA

Trên con đường Cao Thắng thuộc quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, nơi gần ngã tư Cao Thắng – Xô Viết Nghệ Tĩnh, khách đi đường với đủ loại xe cộ thường khi bị ách tắc ngay trước cổng một tòa cao ốc có ba tầng lầu dài hàng trăm thước, khi dừng xe chờ tín hiệu đèn xanh, ngước nhìn lên cao thấy hàng chữ nổi vàng óng ánh gắn trên vách tường đề: Bệnh viện Từ Dũ – Tên đặt cho một cơ sở lớn để kỷ niệm nhân vật nào đây mà mang ý niệm phụ nữ – Xin thưa ngay: đó là một mệnh phụ sanh trưởng trong gia đình quyền quý, vốn là con gái của đại thần Phạm Đăng Hưng(1) đã từng thờ hai triều Vua Gia Long và Minh Mạng, mà nấc thang danh vọng lên đến hàng Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, một trong tứ trụ triều đình(2) hàm chánh nhất phẩm. Bà là Phạm Thị Hàng, cũng có tên là Hào, trưởng nữ của vị công thần nói trên, gốc người huyện Tân Hóa, quận Gò Công thuộc tỉnh Gia Định(3) – Từ lúc còn trẻ, năm mới 14 tuổi bà đã được tuyển triệu vào cung chầu hầu Hoàng Thái Tử Miên Tông, thời kỳ còn tiềm đế(4) mà sau này là vua Thiệu Trị – Tuy sống trong khuê các và là vợ của vua, nhưng lúc nào bà cũng tỏ ra lo lắng đến cuộc sống của nhân dân, nên Bà thường hỏi con là Vua Tự Đức(5) về việc quan lại đắc thất và thường bảo ban những điều hết sức thiết thực về việc trị chính – Sử ghi lại, lúc bấy giờ tình hình trong nước hết sức rối rắm, ngoài Bắc giặc giã tứ tung, như giặc Khách Tam Đường ở miền Thái Nguyên (1854), giặc Châu Chấu do Lê Duy Cự và Cao Bá Quát cầm đầu ở Sơn Tây (1854), giặc Tạ Văn Phụng và Nguyễn Văn Thịnh trong vùng Lạng Sơn Bắc Ninh, Quảng Yên (1861-1865), giặc Khách ở Cao Bằng (1865) lại thêm thiên tai bão lụt, đê vỡ nhiều năm liền, dân tình đói khổ, miền Trung thì bị tàu chiến Pháp vào cửa Đà Nẵng bắn phá (1956-1958), còn trong Nam thì triều đình phải nhường 3 tỉnh Miền Đông cho Pháp – Sớ tâu các nơi gởi về hàng đống, nhưng tại triều việc thiết triều lại xao nhãng, tỉnh thần các nơi nóng lòng chờ thánh chỉ. Lúc bấy giờ cụ Phạm Phú Thứ đang làm việc ở viện Tập Hiền cũng ít khi thấy vua ra nghe giảng sách, ông bèn dâng sớ tâu, lời lẽ nêu ra thí dụ các vua Nghiêu, Thuấn đời xưa của lịch sử Trung Hoa, trong nước thái bình, thịnh trị, của rơi ngoài đường không ai nhặt, mà vua còn phải làm việc tới khuya chưa nghỉ để giải quyết cho xong công việc – Vua Tự Đức đọc sớ tự ái đến phẫn nộ, xuống lịnh cất chức cụ Phạm, đày đi cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông, một nơi tiếp chuyển công văn ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên – việc đến tai Bà Từ Dũ – Thái Hậu bèn cho triệu vua vào cung và hỏi: “Ông Phạm dâng sớ can vua thì ông được lợi gì?” Vua Tự Đức tâu mẹ: “Ông không được lợi gì, nhưng sao bề tôi mà dám nói với vua lời lẽ quá đáng như vậy”. Thái Hậu mới phán rằng: “Khi người ta thương thì thấy mình làm điều không phải người ta mới giận, mà giận thì nặng lời”. Thái Hậu lại hỏi thêm: “Khi Ông Phạm đi thọ phạt thì tỏ ra thái độ như thế nào?” Vua nói nghe triều thần tâu lại Ông ta hàng ngày làm việc khổ sai xong thì đi câu cá giải buồn chứ không gì khác. Thái hậu nghe xong mới ôn tồn bảo vua: “Những người như vậy là đáng kính trọng, chứ những người lúc nào cũng chỉ biết vâng vâng dạ dạ, thì chắc gì họ đã trung thành với vua”. Sau phút suy nghĩ, Tự Đức sụp xuống lạy mẹ và lui về cung lập tức xuống lệnh triệu tập cụ Phạm về phục chức làm việc như cũ – mãi đến thời gian sau, khi vua Tự Đức băng hà (1883) và tiếp theo ngay sau đó xảy ra việc phế lập ở triều đình Huế do Phụ Chánh thân thần Tôn Thất Thuyết đóng vai chủ chốt, cũng cho thấy Thái Hậu Từ Dũ là người có phẩm hạnh và xử sự khôn khéo trong cơn nguy biến. Đó là ngày kinh đô Huế thất thủ, 23 tháng 05 Ất Dậu nhằm ngày “Quảy cơm chung” – Vào nửa đêm nói trên Tôn Thất Thuyết cho lịnh quân Nam tấn công vào đồn Mang Cá do Pháp đóng, nhưng chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, bên quân Nam thất bại do vũ khí sút kém hơn đối phương và ông quan Tướng(6) phải điều động đạo ngự(6) gồm cả ngàn người chạy ra Quảng Trị – Sau hai ngày chạy loạn khi ra đến Quảng Trị, dừng lại để hôm sau chạy tiếp lên Tân Sở(7) Tôn Thất Thuyết mới xin ý kiến của Bà Từ Dũ. Ban đầu Thái Hậu nói rằng: sự thể đã đến như thế này, thì mọi việc đều tùy nơi nhà ngươi. Nhưng sau đó Bà cũng nói: Kinh đô là nơi Tôn miếu xã tắc, bỏ đi trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là có tội với các tiên đế, hơn nữa đạo ngự gồm phần nhiều các quan lớn tuổi và các ông hoàng bà chúa, xưa nay quen sống trong nhung lụa, bây giờ đi không nổi, có người bắt lính hầu phải cáng, kiệu, thấy rất trở ngại – Tôn Thất Thuyết tuy là người rất cực đoan không chịu nghe ai, nhưng lúc này thấy đạo ngự làm vướng chân quá, hơn nữa ý kiến của Thái Hậu vẫn là một ý kiến “Nhiếp chính” vì vua Hàm Nghi bây giờ mới 15 tuổi. Nên mới nảy ra ý kiến chia đạo ngự ra làm hai toán, một toán gồm các quan lớn tuổi, không còn ý chí phấn đấu và các ông hoàng bà chúa cho quay trở về Huế, còn lại một toán gồm những người khỏe mạnh cùng với Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi chạy lên Tân Sở rồi tiếp theo chạy ra Ấu Sơn thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi đây Nhà vua xuống chiếu Cần Vương – Thái Hậu trở về Huế, sống với triều đình mới do Đồng Khánh được người Pháp bảo trợ đưa lên ngôi, nhưng mỗi khi nghe ai nhắc đến tên Hàm Nghi thì bà òa lên khóc và cho đến ngày mồng 5 tháng 4 năm Tân Sửu (1901) thì bà mệnh chung thọ 92 tuổi.

(1) Ngày trước có đường Phạm Đăng Hưng ở gần chợ Đa Kao, nay là đường Mai Thị Lựu.

(2) Tứ trụ triều đình là: Văn Minh điện đại học sĩ – Cần Chánh điện đại học sĩ – Đông Các điện đại học sĩ – Võ Hiển điện đại học sĩ – Trong tứ trụ, Văn Minh điện đại học sĩ được coi là lớn nhất, ngang hàng với Thủ tướng bây giờ.

(3) Tên gọi của các địa phương thuộc tổ chức hành chánh ngày xưa.

(4) “Tiềm đế” hay còn gọi là “Tiềm long” tức vua chưa lên ngôi.

(5) Vua Thiệu Trị làm vua được 7 năm thì băng, lúc này Tự Đức lên nối ngôi.

(6) Quan Tướng: chỉ Tôn Thất Thuyết.

(7) Thành Tân Sở xây từ năm Quý Tỵ (1883) khi vua Tự Đức còn sống, do Nguyễn Văn Tường quản đốc xây cất. Thành rộng mỗi chiều 780m ở về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị cách Phủ Lỵ Cam Lộ 15 cây số. Trong thành có đủ cung điện dinh trại quân sĩ, có chợ có giếng nước, nếu thành có bị vây cũng vẫn đủ nhu phẩm để sống đầy đủ dự định là điểm kháng cự, nếu vạn nhất kinh đô Huế thất thủ (theo vua Hàm Nghi của Phan Trần Chúc).

PPT ghi

Phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể?

Mẹ tôi thường đố tôi: “phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể?”.

Ngày nhỏ, tôi cho rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên tai là bộ phận quan trọng nhất. Mẹ lắc đầu: “Không phải thế. Có rất nhiều người bị điếc trên thế giới này, con ạ! Nhưng con cứ tiếp tục suy nghĩ về câu đố, sau này mẹ sẽ hỏi lại con”.

Vài năm sau, tôi lại cho rằng hình ảnh là quan trọng nhất, vì thế mắt chính là bộ phận mà mẹ muốn đố tôi. Mẹ lại nhìn tôi, âu yếm nói: “Con đã học được nhiều đấy, nhưng câu trả lời của con chưa đúng bởi vì vẫn còn rất nhiều người bị mù”.

Đã bao lần và lần nào cũng vậy, mẹ đều trả lời tôi: “Không đúng. Nhưng con đang tiến bộ rất nhanh, con yêu của mẹ”.

Rồi năm ngoái, ông nội tôi mất. Mọi người đều khóc vì thương tiếc ông. Ba tôi cũng khóc. Đây là lần thứ hai tôi thấy ba khóc. Khi đến lượt tôi và mẹ đến cạnh ông để nói lời vĩnh biệt, mẹ nhìn tôi thì thầm: “Con đã tìm ra câu trả lời chưa?”. Tôi như bị sốc khi mẹ đem chuyện đó ra hỏi tôi lúc này. Tôi luôn nghĩ đó chỉ đơn giản là một trò chơi giữa hai mẹ con. Nhìn vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, mẹ nói: “Con trai ạ, phần quan trọng nhất trên cơ thể con chính là cái vai”. Tôi hỏi: “Có phải vì nó đỡ cái đầu con không hả mẹ?”. Mẹ lắc đầu: “Không phải. Đó là nơi người thân của con có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một cái vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một cái vai cho con có thể ngả đầu vào...”

Từ đó, tôi hiểu rằng phần quan trọng nhất của con người không phải là phần “ích kỷ”, mà là phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác.

Mạnh Đoàn st

A lô… Mẹ ơi…!

- A lô ! Mẹ ơi ! Đêm nay con khó ngủ quá mẹ à.

- Lại trằn trọc chuyện gì sao con trai? Nào, nhắm mắt lại và ngủ đi. Mẹ sẽ ru con như ngày trước. Gì nhỉ? Ngày xưa mẹ hát là cái cò. Nhưng khi đó con hãy còn nhỏ. Bây giờ, con đã lớn rồi. Mà không, con hãy còn bé lắm. Ừ, ru cái cò vậy. Nào, ngoan, nhắm mắt chưa? Mẹ ru này. À, á, à, ời, à, á, à, ơi…

- Sao, con vẫn chưa ngủ được à? Muộn rồi đấy. Gần hai giờ sáng rồi. Mai con còn đi làm mà. Giờ này, ở ngoài đồng bố con vẫn còn đang thức để canh mấy sào dưa sắp thu hoạch. Bố con muốn ngủ mà đâu được. Trộm cắp quê mình dạo này nhiều lắm. Trồng cây sắp đến ngày hái quả, chẳng lẽ lại để công toi.

- Con có nghe thấy gì không? Hãy nín thở và lắng tai nghe âm thanh từ bên ngoài dội vào phòng. Nghe thấy chưa con? Ngoài kia, còn nhiều lắm những bước chân mệt nhoài, giờ này vẫn còn phải lập khập mưu sinh. Họ đâu được ngủ. Hãy gắng nhắm mắt lại và ngủ thật say đi con. Ngủ thêm phần cho cha con và cho những mảnh đời khắc khổ kia nữa. Ừ thế, tốt rồi…!

- A lô ! Mẹ ơi! Xe con bị hết xăng giữa đường. Phải dắt bộ gần một cây số mà con vẫn chưa thấy cây xăng nào hết. Trời thì nắng gắt. Mệt quá mẹ à!

- Gắng lên đi con. Cây xăng ngay phía trước kìa. Đấy, con nhìn thấy chưa. Thấp thoáng đằng xa là biển đề trạm xăng dầu đó. Mùi xăng dầu ngai ngái dội vào mũi, con chưa thấy gì à?

- Mà con có nhớ em Tí nhà mình không? Ừ, em Tí con chú Huân ấy. Nó bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn suốt ngày. Thấy bạn bè tung tăng, thằng bé ứa nước mắt khát khao được có đôi chân để chạy nhảy. Nhìn mà thương. Con còn có đôi chân để dắt xe đi bộ gần một cây số là may mắn nhiều lắm. Nắng gắt và mệt mỏi đâu có nghĩa lý gì. Đúng không con trai?

- Người ta bảo, mỗi bước đi là một bước trưởng thành. Đi để con thấy đôi chân mình thêm rắn rỏi, kiên cường. Đi để biết được nhiều, hiểu được nhiều. Khi về, con sẽ có nhiều cái kể cho em Tí nghe con ạ. Ừ, đi một bước là nửa bước cho em ấy nữa.

- A lô ! Mẹ ơi! Công việc của con chẳng thú vị gì cả. Suốt ngày ru rú một chỗ. Ôm suốt cái màn hình máy tính, đầu con sớm bị chập mạch mất thôi.

- Vớ vẩn nào. Nếu chập mạch thì cái ông Bill Gates gì đó chẳng bị từ lâu rồi. Đâu phải đợi đến phiên con.

- Công việc nào cũng thế thôi con ạ. Như nghề nông của bố mẹ. Suốt ngày lam lũ với bùn sình. Đâu có sung sướng gì. Quan trọng là mình tự tìm ra niềm vui, khi đó mới thấy công việc của mình thú vị. Đúng không?

- Còn chuyện này, mẹ muốn nói nữa. Có thể con chưa biết đâu. Chị gái của con ấy. Chị ấy không muốn mọi người quá lo lắng nên chị ấy chỉ nói với mẹ. Hai tháng rồi chị ấy không tìm được việc làm. Thời buổi lạm phát, tìm được một công việc phù hợp đâu phải dễ hả con. Vậy nên con hãy gắng làm ở vị trí đó cho tốt. Tự nhủ làm thêm phần của chị con nữa. Ừ, thêm cả phần của những người đang thất nghiệp ngoài xã hội nữa. Giỏi lắm, con trai.

- A lô ! Mẹ ơi ! Ngày cuối tuần sao tẻ ngắt. Buồn đến ghê người!

- Buồn à? Mua vé máy bay rồi về đây với mẹ. Ở nhà đang thừa việc mà thiếu người làm đây. Sao lại kêu trời? Con có những hai ngày nghỉ cuổi tuần kia mà.

- Con nói, mẹ mới nhớ. Anh trai con gần hai năm nay chưa biết ngày thứ bảy hay chủ nhật là gì. Anh ấy cứ quay cuồng trong công việc suốt từ sáng đến khuya, từ ngày này sang ngày khác, từ tháng nọ sang tháng kia. Mấy ngày tết, vội vàng về với gia đình được ngày mùng một rồi lại vội vã đi. Có thắc mắc nhiều thì anh con cũng chỉ nói một câu duy nhất: “Làm cho kịp tiến độ còn bàn giao công trình cho đối tác”. Còn con, số sướng mà không biết hưởng. Sao lại cười? Sư bố nhà anh, anh tưởng tôi nói đùa à?

- Mẹ đã hơn một lần nói với con. Chẳng có gì là nhàm chán, buồn tẻ khi tự mình biết tạo ra niềm vui. Này nhé. Con có thể dành hai ngày cuối tuần đi thăm các em ở trại trẻ mồ côi thay vì đi tắm biển hay ngồi ở nhà kêu than. Con sẽ thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn rất nhiều. Trái tim con sẽ rộng mở hơn và vòng tay con sẽ nhân ái hơn. Quan trọng là con thấy đời mình còn hạnh phúc hơn gấp trăm vạn lần những số phận không may mắn kia. Phải không con? Và khi đó, con sẽ có thêm lý do để phấn đấu.

- A lô ! Mẹ ơi ! Sao cuộc đời này lại lắm bon chen, nghi kỵ và toan tính thế mẹ?

- Trời, con trai tôi! Đó mới chỉ là những nấc thang đầu tiên, con chưa hiểu hết được đâu. Cuộc sống này còn cay nghiệt hơn thế gấp trăm ngàn lần.

- Nếu không lắm bon chen, nghi kỵ, toan tính sao gọi là cuộc đời hả con? Nhưng con vẫn phải cảm ơn cuộc sống này. Sao à? Vì dù gì con đã được trải nghiệm qua nó, nếm được vị đắng cay, ngọt bùi của nó. Có những người, chưa sống trọn một kiếp mưu sinh nên chưa biết thế nào là tính toan, ích kỷ. Với lại, một phần vì có những vụ lợi, hẹp hòi, có những mưu mô gian xảo ấy thì con mới trưởng thành như hôm nay mà. Đúng không, cậu ấm?

- A lô ! Mẹ ơi ! Sao mẹ không nói gì về mẹ thế?

- Mẹ à? Mẹ nói gì đây?

- Với cha con, ba tư năm qua mẹ luôn thủ thỉ câu đồng lòng, chung thủy. Và cũng chừng đó năm, câu tứ đức song toàn mẹ nói với chị con. Với anh trai con, hai chín năm mẹ luôn vỗ về câu trung – dũng. Còn với con, câu hiếu thảo, kiên trì mẹ vẫn còn đang uốn nắn.

- Nhưng để nói về mẹ thì… Khó lắm. Khó nói còn hơn việc mẹ vun vén, bón chăm mấy sào ruộng, mảnh vườn. Khó còn hơn việc mẹ nuôi ba chị em con khôn lớn. Khó còn hơn cả việc mẹ giữ cho ngọn lửa hạnh phúc trong nhà luôn sáng lung linh.

- Mẹ chỉ mỏng manh và chênh vênh như sợi nắng tà, vương trên ngọn cỏ may. Mẹ chỉ thô gầy và lấm láp như khúc ca dao đã cỗi cằn trong sương gió. Mẹ nói để làm gì. Chỉ cần cha con và các con hiểu cho mẹ là đủ.

- A lô! Mẹ ơi!

- Không, lần này con không hỏi nữa đâu. Vì con đã biết tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Vâng, con tự tìm ra. Lần này, con muốn nói kia.

- Mẹ à! Mẹ dịu dàng còn hơn tia nắng lúc ban mai. Mẹ vẹn tròn còn hơn lời ru đầu nôi khi con thơ ấu. Con biết, khi mẹ nói những điều về mình, dẫu có hay đến mấy, chân thực đến mấy thì cũng không có giáo viên nào cho mẹ điểm cao, không có cuộc thi nào trao mẹ giải nhất, không có tổ chức nào tặng mẹ huy chương. Mẹ rất tuyệt vời. Mẹ tuyệt vời còn hơn cả những gì tuyệt mỹ. Không phải một mình con nói thế. Bố con, chị con và cả anh con cũng nói như vậy.

Và mẹ ơi, con muốn nói, con yêu mẹ rất nhiều…!

Tử Văn

SỰ THẬT VỀ KHO BÁU
BẢO VẬT CHIÊM THÀNH

Các kho tàng chứa các bảo vật Chiêm Thành đã nhiều lần được các nhà Bác học Pháp đến thăm.

Tháng 12/1957, ban khảo cổ thuộc viện khảo cổ (của chế độ cũ) đã bắt đầu cuộc khảo sát tận nơi để kiểm điểm lại ở 3 nơi có kho tàng chứa báu vật Chiêm Thành.

I. ĐỀN SOPMAĐROHAY: đền làm bằng tre đan sơ sài, có 2 gian với gác ở 2 bên, ngăn giữa những gác là nơi có bàn thờ, các báu vật có thể được chia ra 5 loại:

- Binh khí

- Trợ khí, trong loại này có những đồ bằng bạc chạm trổ

- Dụng cụ giao thông

- Y phục, ngoài đồ Chiêm Thành còn có những triều phục của Triều đình Việt Nam.

Kho tàng này là kho tàng Lavan và so với tài liệu của Viện khảo cổ, thiếu 6 hay 7 đồ bằng vàng. Những đồ vàng này đã mất trong trường hợp nào, dân làng Sopmađrohay cũng không ai nhớ rõ.

II. KHO TÀNG LÀNG KRAYO: ở chân núi có nhiều cây rậm rạp, theo dân làng thì kho tàng này đã thay đổi địa điểm nhiều lần trong khu vực làng này.

Theo LM Đuranđ thì có 8 giỏ tre đựng đồ bằng vàng bạc nhưng hiện nay chỉ còn 6 giỏ. Ngoài ra có 2 miếng vàng lá hình chữ nhật chạm trổ rất đẹp để phủ lên trên hia và một số đồ bạc gồm 56 chiếc và 24 khẩu súng dài, 1 khẩu súng có triều phục Việt Nam và áo kiểu Chiêm Thành đựng trong 3 rương.

Ngôi đền làng Krayo dựng trên một thửa đất hình chữ nhật (16m x 12,20m) gồm có 5 nhà lợp tranh, chung quanh có hàng rào. Căn nhà lớn nhất ngay sát mặt đất (8m x 4m) là nơi bày đồ thờ để làm lễ. Sau nhà thờ có 2 căn nhà nhỏ làm trên sàn gỗ là nơi chứa các bảo vật và 2 túp lều nhỏ.

Trong các bảo vật của vua Chiêm Thành ở làng Sopmađrohay còn thấy một số con dấu và triện; những dấu, triện này cùng chữ Hán.

Loại I: những con dấu thuộc công việc hành chánh cuối đời Lê và đầu đời Nguyễn như: 1. Vi chấp bằng, 2. Trình, 3. Phó, 4. Thái, 5. Tam

Loại II: những con dấu mang chức tước và tên của những người được phép dùng con dấu đó như hình 1 cái hoa, có lẽ là chữ Tỷ.

Loại III: những con dấu mang chức tước và tên của những người được phép dùng đó là:

1. Khâm sai Chưởng cơ tin sự

2. Phan trân đình cai cơ Chiêu Nguyễn ân sư

3. Chiêu hầu Nguyễn tông chi chương

4. Cai cơ điêu thuận thanh trân Nguyên hầu ân sư

5. Ban trân tiên thăng phiên vương tử tin chương

6. Nguyên câu tin ky

Những dấu và ấn tín trên là của 1 phiến vương Chiêm Thành tên Môn Lai Phu Tử, lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Chiêu. Năm 1790, con vua Chiêm Thành ở Thuận Thành là Môn Lai Phu Tử, theo Gia Long đánh Tây Sơn, sau được phong chức chưởng cơ và lấy tên Nguyễn Văn Chiêu. Sau đó Nguyễn Văn Chiêu bị phạm tội, dòng dõi phiên vương mang những người thân lên miền núi ở với đồng bào Thượng, nơi thấy ấn tín triều phục và các đồ dùng bằng bạc của phiên vương Nguyễn Văn Chiêu ở làng Sopmađrohay.

Khi Lê Văn Khôi nổi lên chống Gia Long năm 1831, chiếm cứ 3 tỉnh: Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết, có một số con cháu của vua Chiêm Thành cộng tác. Khi Gia Long dẹp được Lê Văn Khôi, triều đình nhà Nguyễn thẳng tay tàn sát dân Chiêm Thành, cho nên một phần người Chiêm Thành phải di cư sang Campuchia sinh sống, còn phần lớn tránh lên núi sống với đồng bào Thượng và mang các bảo vật của vua Chiêm Thành, tổ tiên của họ.

Đến năm 1840, Thiệu Trị mới ra chiếu chiêu an và truy phong cho 1 dòng dõi vua Chiêm Thành là Po Klon Kahul.

Tuy vậy, con cháu các vua Chiêm Thành vẫn gởi các đồng bào Thượng các hộp Klon. Người Chiêm Thành theo đạo Balamôn, sau khi chết xác được đem thiêu và giữ lại 9 mảnh xương trán để trong hộp klon bằng vàng và vài hộp bạc hình ống, ta thấy có ảnh hưởng của mỹ thuật Việt Nam như những đề tài: rồng, phượng, cây hóa rồng, cây hóa phượng, cây mai, cây trúc, cây thông…

Trong các bảo vật ở làng Krayo, giỏ thứ 2 có một hộp bạc hình ống chạm hình cây hóa rồng, viền cành sen, chân chạm sơn thủy, dưới đáy có chữ Quý Dậu niên chế. Trong giỏ thứ 5 cũng có một hộp bạc, nắp chạm sơn thủy, chân chạm sơn thủy, nhân vật, thông và liễu, dưới đáy có chữ Tân Dậu niên chế.

III. KHO TÀNG LƠ-BUI: ở cách xa đồng bào Thượng, trên một bãi đất cao, kiến trúc sơ sài: 1 cột gỗ trên 1 cái sàn nhỏ được lợp mái tranh, cao độ 1,5m.

Bảo vật Chiêm Thành tại đây không nhiều. Đựng trong 1 giỏ bằng tre đan, có 4 cái chén bằng bạc, 2 cái có chân, 2 cái không chân và mấy chén nhỏ bằng đồng, bằng ngà. Những chén bằng ngà đã bị vỡ, 2 cái vành ở mũ của vua, 1 cái bằng vàng, 1 cái bằng bạc pha nhiều đồng. Nơi chứa xiêm áo ở ngay trong nhà đồng bào Thượng, 2 giỏ quần áo đã nát. Ngôi nhà trên sườn đồi làm dưới các cây thông lớn 2,2x4m, mái lợp tranh chia làm 2 căn. Một căn nền ở giữa có 1 cái hố trên có mấy tấm đá nhỏ đậy kín miệng hố, trong hố có bát sứ thông dụng có bán ở các nơi, chỉ có vài cái gọi là xưa độ 70-80 năm. Căn bên có lát mấy miếng ván gỗ còn dùng làm bàn thờ.

Hàng năm, cứ đến tháng 7 của Chiêm Thành (9 dương lịch) và tháng 9 Chiêm Thành (11 dương lịch), có đại diện Chiêm Thành lên để cúng tại các nơi chứa đó.

IV. KHO TÀNG PAU THIÊNG: nơi này chỉ chứa các đồng tiền. Theo M.Ner thì có rất nhiều đồng tiền Trung Hoa từ thời khai nguyên (713) đời Đường đến các đồng tiền đời Tống, đời Thanh.

Ta biết từ thế kỷ X-XII, các vua Chiêm Thành đã nhiều lần sai sứ sang triều đình Trung Hoa và có mang về Chiêm Thành: ngựa, binh khí, tiền đồng… Và còn di tích 1 thành Chiêm Thành gần Đà Lạt mà Marcel Ner chưa tìm được trong năm 1929-1930.

V. KHO TÀNG CHOA RACHAM: thăm đến Thang Yang Po Ong, nơi chứa hài cốt của ông Đhat Nugar War Paloi, 1 vị anh hùng Chiêm Thành và ngôi đền chứa các bảo vật Chiêm Thành.

Tại kho tàng Choa Racham có một số quần áo mục nát và 6 chiếc giỏ bằng tre đựng những hộp klon bằng vàng và bằng bạc. Có những hộp klon của 30 vị dòng dõi vua Chiêm Thành. Những bảo vật ở Choa Racham gồm 55 món, trong đó có 17 món bằng vàng và 25 món bằng bạc và 13 bằng đồng.

VI. KHO TÀNG TỊNH MỸ: gần quận Phan Lý Chiêm Thành, do bà Nguyễn Thị Thèm giữ. Kho này có nhiều đồ quý giá nhất. Theo tài liệu của Parmentier và Đuranđ, có tới 22 đồ bằng vàng và 8 đồ bằng bạc. Năm 1928, có mang về Viện bảo tàng Hà Nội 3 đồ bạc. Chỉ còn 1 cái mũ vàng của vua Chiêm Thành, 2 cái mũ nhỏ cũng bằng vàng để chụp lên búi tóc của các bà hoàng hậu, một đôi hoa tai, nửa chiếc vòng vàng và một số quần áo đã hư nát.

VII. KHO TÀNG HẬU SANH: có ngôi đền chứa báu vật của vua Po Rome, nhưng năm 1948 kho tàng bị cháy. Tài liệu bằng chữ viết đều bị thiêu hủy hết. Hiện còn chừng 14 món đồ bằng kim khí, trong đó có một mảnh phía trước cái mũ bằng vàng và 3 cái bát bằng bạc. Hiện nay chỉ còn 2 chiếc mũ vàng, 1 cái ở Tịnh Mỹ và một cái ở Hậu Sanh mà thôi.

VIII. KHO TÀNG BÌNH NGÃI: trước năm 1945, đền thờ Chế Bồng Nga cũng có các báu vật bằng vàng bạc, nhưng đã lấy mất đi và sau năm 1945 bị quân Pháp đốt cháy hết. Ở Mỹ Tương, nơi tục truyền có tượng Chế Bồng Nga, hiện có trục lăn để nghiền bột, bột hòa với nước để sao lên mặt tượng. Có thể đoán là nơi có tượng Chế Bồng Nga, nhưng không biết mất hồi nào. Tại làng Mỹ Tương nơi thờ hoàng hậu Chế Bồng Nga, hiện còn một khối đá đầu nhọn mà người Chiêm Thành cho là tượng của bà hoàng hậu và có cái bia khắc chữ Phạn.

Tại Hữu Đức có đồ thờ nữ thần Po Nagar đã tạo ra nước Chiêm Thành. Kho chính ở Gia, 1 địa điểm trên núi có rất nhiều đồ vật chưa có ai được xem. Ngôi nhà tại làng Hữu Đức có 7 món đồ thờ: 1 bình vôi bạc, 1 xô đồ đồng thau, 1 hòm sắt kiểu Việt Nam, nhưng trong không có sắc phong, 1 cái cán có mui.

IX. KHO TÀNG PHƯỚC ĐÔNG: chứa đồ thờ vua Poklong Garai, gồm có 173 đồ, trong đó có vàng, nhẫn bằng vàng, bằng đồng, bằng bạc, bát bình vôi…

Hiện nay có 2 tháp Po Rome và tháp Po Klong Garai là vẫn được người Chiêm Thành dùng trong các ngày lễ.

Trong các kho tàng kể trên chỉ có 4 kho tàng do chính người Chiêm Thành giữ là Tịnh Mỹ, Phước Đông, Hậu Sanh và Hữu Đức, còn các kho khác đều do người Thượng giữ, khi có phong trào khủng bố người Chiêm Thành thời Minh Mạng, những bảo vật Chiêm Thành đã được kiểm kê hiện vật cách đây hơn 35 năm từ tháng 12/1957 đến 3/1959.

------------------

Ghi chú:

- Năm 1925, H.Parmentier, LME, Đuranđ viết bài khảo cứu Le tresor des Rois Champs trong tập kỷ yếu của Ecole Francaise đ’ Extrême-Orient, tập VAN (1905) (trang 1-46)

- Trong tập kỷ yếu EFEO số 28 (1928) ông J.Y. Claeys cũng đề cập tới mấy kho tàng ở Bình Thuận (trang 607-610)

- Năm 1929-1930, ông M.Ner có tới thăm kho tàng ấy và đã viết về các bảo vật trong tờ trình đăng trong kỷ yếu của EFEO, tập 30 (1930) (trang 535-576)

- Trong cuốn sách của Jacques Đournes, En Suivant la Pits des Hommes sur les Hauts Plateaux đu Việt Nam, Rene Julliarđ Paris 1955. Cũng có nói qua kho tàng đó (trong những trang 24, 25 và từ trang 158-160)

Tài liệu tham khảo: Việt Nam khảo cổ, số 1-1960, Bộ quốc gia giáo dục

THÁP CHÀM MIỀN TRUNG

Dọc theo các tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị vào đến Bình Thuận, rải rác trên những triền đồi nơi này hay nơi khác mọc lên những ngôi tháp màu đỏ gạch. Nước Chămpa lúc đầu chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các vị thần Bà La Môn như Cova, Vishnu, Brahma… được tạo thờ trong các đền tháp. Các vị Vua Chămpa khi qua đời cũng được các vị Vua kế vị xây tháp để thờ phụng, dựng bia ghi công trạng.

Tại Quảng Trị còn dấu tích tháp Trung Đơn, tháp Dương Lễ và tháp Hà Trung. Tại thôn Trung Đơn, xã Hải Thanh, huyện Hải Lăng có một địa danh gọi là lùm tháp. Tại đây, người ta còn thấy một nhóm nhiều nền tháp cũ. Theo tài liệu trong Ô Châu cận lục, vào thời nhà Mạc, ngôi tháp chính vẫn còn đứng vững. Còn ở thôn Dương Lễ, xã Triệu Thuận, hiệu Triệu Phong cũng có dấu tích một tháp đã bị đổ nát từ lâu. Thôn Hải Trung, xã Do Lệ, huyện Do Linh cũng có dấu tích một Tòa Tháp, có lời bia trên đá, nên ta biết được đó là tháp thờ Indrakantecvara, là công trình của Hoàng Hậu Tribhuvaradev, góa phụ của Vua Simhavarman.

Quảng Nam-Đà Nẵng có khu tháp Mỹ Sơn, Trà Kiệu và Đồng Dương. Khu tháp Mỹ Sơn thuộc huyện Duy Xuyên được lập ra để thờ các vị thần Bà La Mông và các vị vua tiền triều. Nước Chămpa vào thế kỷ thứ 4 mà Sử ra cũng như Sử Trung Quốc gọi là nước Lâm Ấp, kinh đô được xây tại vùng Trà Kiệu, phía bờ Nam sông Thu Bồn. Từ thế kỷ thứ 9, nước Chămpa lại lập khu Đền Tháp mới ở Đồng Dương, nay thuộc huyện Thăng Bình, quy mô đồ sộ không thua kém khu tháp Mỹ Sơn, cách Trà Kiệu 15km, về phía Đông Nam. Đây là kinh đô của nước Chămpa, vào giai đoạn mà Sử ta và Sử Trung Hoa gọi là nước Chiêm Thành. Sau thế kỷ thứ 10, nước Chămpa lại dời đô vào thành Đồ Bàn, thuộc Bình Định.

Sau Đông Dương, nước Chămpa dời đô vào xứ Viaya thuộc Bình Định xây thành Đồ Bàn phía trên cửa biển Thị Nại. Đồng thời xây dựng kinh đô, các vua Chăm cũng cho xây các đền tháp thờ các thần linh và vua tiền triều. Các tháp ở đây được xây dựng trên các triền đồi, nền móng được vững chắc, nên ít bị sụp đổ. Ngày nay, chúng ta còn thấy các Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít, Tháp Cánh Tiên ở gần thành Bình Định.

Phú Yên có Tháp Nhạn, xây đơn độc trên đỉnh núi Nhạn, nằm bên cầu Đà Rằng, thuộc thị xã Tuy Hòa. Tháp này được xây vào khoảng sau thế kỷ thứ 10. Có thể khu tháp định xây vì một lý do gì đó bị bỏ dở nên trong tháp không có bệ thờ, không có tượng đá như ở Tháp Bà – Nha Trang. Vào cuối đời Hậu Lê, dân chúng đã xây một cái am nhỏ phía trước tháp để thờ bà Thiên Y Ana, chứ không thờ trong tháp.

Tại Nha Trang có Tháp Bà, khu này có nhiều tháp xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 8-13, bên cạnh kinh đô Vira Pura của Vương quốc Chămpa xưa. Hiện nay chỉ còn lại bốn tháp trên đỉnh Cù Lao, bên bờ sông cái Nha Trang.

Ở Ninh Thuận hiện nay còn bà khu tháp ở ba nơi khác nhau. Quan trọng nhất là tháp Pô Klong Garai ở gần ga Tháp Chàm. Tháp này được xây vào thế kỷ 13 thờ thần Pô Klong Garai nên mang tên này. Theo tài liệu cũ, khu tháp này có sáu cái: một tháp chính và năm tháp phụ, nay chỉ còn hai tháp phụ. Khu tháp thứ hai ở thôn Hậu Sanh, xã Hữu Phước, huyện Ninh Phước được xây vào thế kỷ 17. Tháp này thờ Pô Rôme. Tượng thờ là hình người tám tay gắn liền vào tấm bia phía sau. Còn khu tháp thứ ba ở thôn Nhơn Sơn, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải, thường được gọi là tháp Hòa Lai hay Ba Tháp. Hiện nay, tháp ở giữa đã bị bể nát, gạch đá đã bị dân địa phương lấy hết. Hai tháp còn lại cũng trên đà sụp đổ. Nơi đây không thờ một vị thần nào cả. Theo tục truyền thì khu tháp này do người Khmer xây trên phần đất của Chămpa bị chiếm. Do đó, không được người Chămpa nhìn nhận là di sản của Tổ tiên họ và không ai chăm sóc.

Bình Thuận có tháp Pô Damma người địa phương quen gọi là tháp Phố Hài, xây trên ngọn đồi giáp biển, gần thị xã Phan Thiết, tháp này được xây vào giai đoạn cuối nước Chămpa, với kỹ thuật kém xa so với tháp miền ngoài. Theo truyền thuyết thì tháp này do một vị đại thần là Pô Dám xây thi với vua Pô Klong Garai, vì kém tài nên tháp xây không được tinh xảo và chưa hoàn tất.

Nghệ thuật điêu khắc Chăm trong kiến trúc tháp là những tác phẩm gắn trên những khối gạch đồ sộ, những trụ áp tường, trên các vòm cuốn trang trí hoa lá hay hình những người cầu đảo đứng cung kính giữa những trụ cột bằng gạch khắc họa những vị thần, những con vật thiêng trong Ấn Độ giáo. Điểm xuyết bởi những bức chạm bằng sa thạch là những tylpan (lá nhỉ trên cửa tháp).

Khí hậu miền Trung rất khắc nghiệt, mùa hè gió nóng như lửa, mùa mưa kéo dài lê thê cả tháng trời lại hứng chịu những cơn bão từ biển Đông đổ vào hàng năm. Tháp Chàm đã trải qua ngót 18 thế kỷ, đã chống chọi với thiên tai, nay vẫn còn hiên ngang bền vững, mách bảo cho chúng ta biết rằng kỹ thuật xây tháp của người Chiêm Thành đạt đến trình độ cao đến như thế nào.

Tháp Chàm ngày nay là nơi thờ cúng người Chăm, cũng là nơi hấp dẫn khách du lịch tham quan trong và ngoài nước.

PHỤ BẢN II

THÁP CỔ CHĂMPA
– DI SẢN QUÝ CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

Như chúng ta đã trình bày ở các phần trên cuốn sách này, nếu so với số di tích kiến trúc cổ Chămpa đã trở thành phế tích, thì những ngôi tháp Chăm hiện còn chỉ là phần nhỏ. Dẫu chưa kể tới hơn một chục tòa thành cổ và cả ngàn tác phẩm điêu khắc đá, đồng và gỗ của vương quốc Chămpa cổ hiện được trưng bày trong các bảo tàng trong và ngoài nước, hoặc còn nằm tại các khu di tích mà chỉ riêng với hơn bốn chục ngôi tháp cổ niên đại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 16 hiện còn phân bố trong gần hai chục cụm kiến trúc nằm rải rác suốt từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tới tỉnh Bình Thuận, nền văn hóa Chămpa quả xứng đáng là một trong những nền văn hóa nghệ thuật cổ vào loại lớn nhất và giá trị nhất của khu vực Đông Nam Á.

Các di tích vật chất thì còn đấy, nhưng vương quốc cổ Chămpa, do nhiều nguyên nhân lịch sử, không còn nữa. Đó là sự thực lịch sử, và không chỉ đối với Chămpa mà đối với hầu hết các quốc gia cổ đại khác ở Đông Nam Á và trên thế giới. Chỉ riêng ở Đông Nam Á lịch sử đã chứng kiến sự ra đời rồi mất đi của không ít những nhà nước cổ đại. Vương quốc Phù Nam từng tồn tại và hưng thịnh gần một chục thế kỷ (từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7-8), đã hòa nhập vào những quốc gia hình thành sau đó. Các nhà nước người Môn thời cổ ở Thái Lan, Mianma, Lào sau một thời kỳ phát triển rực rỡ đã dần dần hòa nhập vào các quốc gia dân tộc của người Thái, người Miến, người Lào. Cả một đế chế biển hùng hậu ở vùng Đông Nam Á – nhà nước Srivigiaia – sau thời kỳ dài nhiều thế kỷ ngự trị vùng biển Đông Nam Á cũng đã tan thành từng mảnh để hòa nhập vào lãnh thổ của Inđônêxia, Malaixia, Singapo, Thái Lan. Hàng loạt các quốc gia cổ đại khác ở Đông Nam Á lục địa cũng như hải đảo, như Piu (ở Mianma), Mataram, Kadiri, Singasari, Holing… (ở Inđônêxia), Lankasula, Tambralinga (ở Malaxia), đã từ lâu không còn tồn tại hoặc hòa nhập vào các quốc gia lớn hơn hình thành sau đó.

Dù cho quốc gia nào đó, thậm chí dân tộc nào đó vì những lý do nào đó, bị mất đi nhưng những di sản văn hóa mà quốc gia hay dân tộc đó đã sáng tạo ra không bao giờ mất cả. Trường hợp vuơng quốc cổ Chămpa và di sản của nó không nằm ngoài thông lệ mang tính nhân loại đó.

Những giá trị văn hóa thực sự không bao giờ bị mất. Nhưng trong nhiều trường hợp, trong hoàn cảnh rất khác nhau, nhiều di tích lịch sử văn hóa đã bị lãng quên trong thời gian khá dài, thậm chí bị ngay cả hậu thế những chủ nhân của các di tích đó lãng quên. Biết bao nhiêu di tích văn hóa – nghệ thuật vào loại nổi tiếng nhất của nhân loại cũng như các đền đài Ăngco (ở Campuchia) ngôi đền tháp Phật giáo Bôrôbuđu kỳ vĩ (ở Inđônêxia), khu chùa hang Angianta (ở Ấn Độ), nhiều đền thờ đồ sộ của người da đỏ (ở Châu Mỹ), các tượng đá khổng lồ ngoại đảo Phục Sinh ở Thái Bình Dương… đã bị lãng quên trong suốt nhiều thế kỷ trước khi được thế giới hiện đại biết đến.

Nếu xét dưới góc độ bị bỏ hoặc không được sử dụng thì nhiều tháp Chăm cổ, nhất là tháp Chăm ở những nơi không có người Chăm ở (những tháp nằm từ Phú Yên ngược ra đến đèo Hải Vân) thực sự đã bị lãng quên trong nhiều thế kỷ. Còn nếu xét dưới góc độ không ai biết hay bị rừng sâu núi thẳm nuốt chửng như các đền tháp Ăngco, Bôrôbuđu, Agianta… thì các tháp cổ Chămpa đâu có bị lãng quên. Làng xóm của người Việt trở thành tên gọi của các ngôi tháp Chăm cổ kính; tên làng của người Việt trở thành tên gọi của các ngôi tháp Chăm trong khu vực của làng; thậm chí, người Việt còn dựng đền miếu của mình ngay trên khu đất của các ngôi tháp Chăm, và, trong một số trường hợp - như đối với tháp Pô Nagar, tháp Nhạn – người Việt còn dùng luôn các tháp Chăm làm đền thờ của mình. Dù không sử dụng hay sử dụng, bao giờ người Việt cũng biết các ngôi đền tháp cổ trên đất mình đang ở là của người Chăm xưa.

Đến nay công trình nghiên cứu của P.Stern vẫn còn ý nghĩa nền tảng về khoa học đối với việc xác định niên đại và phong cách của các tháp Chăm như sau:

1. Phong cách cổ hay phong cách Mỹ Sơn E1 (thế kỷ 8) gồm ngôi đền Mỹ Sơn E1 đã đổ nát, Phú Hài và Đamrei Krap (di tích Chăm ở Campuchia).

2. Phong cách Hòa Lai (nửa đầu thế kỷ 9) gồm Hòa Lai, Pô Dam, Mỹ Sơn F3, Mỹ Sơn A2, Mỹ Sơn C7.

3. Phong cách Đồng Dương (nửa sau thế kỷ 9 – đầu thế kỷ 10) gồm Đông Dương, Mỹ Sơn B4, Mỹ Sơn A11, Mỹ Sơn A12, Mỹ Sơn A13, Mỹ Sơn B2, Mỹ Sơn A10.

4. Phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ 10) bắt đầu bằng Khương Mỹ, tiếp tục với Mỹ Sơn A1 và một số ngôi tháp thuộc các nhóm B, C, D của Mỹ Sơn (B5, B6, B7, B9, C1, C2, C3, C5, D1, D2, D4…)

5. Phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định (từ đầu thế kỷ 11 đến giữa thế kỷ 12) với Bình Lâm, Mỹ Sơn E1, Chiên Đàn, Pô Nagar, Tháp Bạc (Bánh Ít).

6. Phong cách Bình Định (từ giữa thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 13 hoặc đầu thế kỷ 14) với Hưng Thạnh, Dương Long, Thủ Thiện, Tháp Đồng (Cánh tiên), Tháp Vàng (Phú Lộc), Nhạn Tháp.

7. Phong cách muôn (từ đầu thế kỷ 13 đến thế kỷ 17) với Pô Klaung Garai, Pô Rômê, Yang mun (đã đổ nát hoàn toàn), Yang Prong (*).

Với những cố gắng và lòng nhiệt thành của các nhà khoa học người Pháp, giờ đây không chỉ từng viên mà cả chuỗi ngọc quý tháp cổ Chămpa đã được biết tới. Song, tới năm 1945, sự hiểu biết về các tháp Chăm chỉ bó hẹp trong giới trí thức, mà chủ yếu là những người Pháp, chứ chưa phổ cập đến đông đảo nhân dân ta – nhân dân ta hầu như chưa biết đến giá trị thực sự của những ngôi tháp cổ Chămpa trên đất nước ta.

Từ sau năm 1945, tới tận ngày 30 tháng 4 năm 1975, là suốt cả 30 năm chiến tranh. Cuộc chiến tranh kéo dài này không chỉ làm dừng lại việc nghiên cứu tháp Chăm mà còn làm không ít những ngôi tháp quý Chămpa bị hủy hoại và sụp đổ. Trong khi đó tháp Chăm vẫn là đối tượng nghiên cứu say mê của các nhà khoa học nước ngoài: các đền Chămpa luôn xuất hiện và được giới thiệu trong nhiều cuốn sách lớn nhỏ về văn hóa – nghệ thuật phương Đông.

Sau khi đất nước thống nhất, các ngôi tháp Chăm cổ kính mới thực sự được coi là những di sản văn hóa quý báu của cả đất nước. Đến này, hầu hết các di tích tháp Chăm đều được Nhà nước xếp hạng là những di tích quốc gia. Các khu tháp Chăm đều được bảo vệ, giữ gìn. Sau nhiều năm tháng bị “lãng quên”, giờ đây chuỗi ngọc tháp Chăm mới thực sự tỏa sáng trong kho tàng di sản văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

(*) Cụ thể về phong cách tháp Chăm, chúng tôi đã đề cập tới ở phần cuối sách. (Tháp cổ Chămpa sự thật và huyền thoại)

Bùi Đẹp St

Chùa Trấn Quốc
với dự án tôn tạo đổi mới

Vừa qua, được xem lễ khởi công dự án trùng tu chùa Trấn Quốc ở phần Thời sự của VTV1 thấy giống như phần lớn các lễ động thổ dành cho các dự án đầu tư nước ngoài gần đây, là “mốt mới” của dân ta trong thời kỳ hội nhập. Các dự án đầu tư nước ngoài hay trong nước đều được tổ chức hết sức long trọng với những nghi thức bắt chước của nước ngoài, chủ yếu của một số nước trong khu vực Đông Nam châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… Nào là cắt băng đỏ, các quan chức trịnh trọng tay có bao bọc cầm xẻng mới có thắt nơ đỏ đồng loạt đứng hàng dài xúc cát trong bồn bỏ ra ngoài tượng trưng cho động thổ và bắn pháo hoa giấy tung tóe khắp nơi. Mỗi lễ động thổ như vậy chắc tốn kém khá nhiều tiền. Nhưng đó là khởi công xây dựng dự án mới cho việc đầu tư sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thương mại nên cần để quảng cáo. Hễ tổ chức càng long trọng, càng chi tốn nhiều tiền thì sức thu hút chiêu hàng càng mạnh, tức được nhiều người quan tâm t ới sản phẩm của mình .

Chùa là cơ sở tôn giáo cần chi mà tổ chức lễ khởi công quá ư thương mại kiểu đó, nhất là đây chỉ là việc tôn tạo, tu bổ ngôi chùa cổ thôi mà, làm chi ầm ĩ dữ vậy? Nhưng việc làm này cũng chưa phải là đáng nói. Điều đáng nói là ở dự án công trình tôn tạo, tu bổ này có liên quan tới một di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vốn tồn tại từ ngàn xưa, cách nay khoảng 15 thế kỷ, không phải là chuyện nhỏ trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, chớ không chỉ đơn thuần là của Phật giáo.

Chùa Trấn Quốc ra đời từ thời Lý Nam Đế (544-548) là một trong không nhiều ngôi chùa cổ nhất nước ta và là duy nhất ở Đại La - Thăng Long. Cho nên việc trùng tu, sửa chữa để nâng cấp cần được bảo tồn những nét cổ xưa hiếm có của nó, nhất là giữa lúc cả nước đang hướng về đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nghe nói có hai nét cổ cần bảo tồn mà dự án lại phá cũ xây mới. Đó là con đường đất dẫn vào chùa và cổng tam quan. Đặc biệt, con đường đất có hai hàng cau ngay hàng thẳng lối đẹp như một bài thơ, giống như con đường làng mang nhiều nét cổ truyền thống đầy bản sắc dân tộc. Ngôi cổ tự Trấn Quốc gắn liền với con đường đất với hai hàng cau lả ngọn tạo nên một bức tranh thủy mặc vô cùng độc đáo, không nơi nào có, nhất là con đường đất nho nhỏ này nằm bên cạnh hồ Tây nổi tiếng xưa nay. Từ khi có con đường Thanh Niên được tu bổ nâng cấp từ đập Cổ Ngư, phân chia hồ Tây với hồ Trúc Bạch càng làm nổi bật ngôi chùa và con đường đất. Cả một cụm di tích này trở thành một thắng cảnh độc đáo của thủ đô Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn vật.

Ngày xưa khi mới xây dựng, chùa nằm sát bờ sông Hồng thuộc phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và tên chùa là Khai Quốc. Đến đời Lê Thái Tông (1440-1442) đổi tên là chùa An Quốc. Đời Lê Kính Tông (1660-1618) bờ sông bị sạt lở, nhân dân mới dời vào hòn đảo Cá Vàng ở giữa hồ Tây tức vị trí ngày nay. Đời Lê Hy Tông (1680-1705) đổi tên là chùa Trấn Quốc, khi vua Thiệu Trị thời nhà Nguyễn tới thăm chùa lại đổi tên là Trấn Bắc nhưng nhân dân Hà Nội vẫn cứ gọi là chùa Trấn Quốc cho tới nay. Nằm giữa gò đất nổi trong lòng hồ Tây (rồng nổi giữa hồ rộng như biển và sau đó lại có hiện tượng rồng bay – Thăng Long trên sông Hồng), bốn bề là sông nước mênh mông, chùa Trấn Quốc với khung cảnh u nhã, xứng đáng là danh lam thắng cảnh của thủ đô. Đời nhà Lý và nhà Trần lại dựng cung điện ở đây làm nơi hóng mát. Bà Huyện Thanh Quan, nhà thơ nữ nổi tiếng đầu thế kỷ XIX đã có bài thơ hay với nội dung than phiền về sự thay đổi này:

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu

Khách đi qua đó chạnh niềm đau.

Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự

Năm thức mây phong nếp áo chầu

Sóng lớp phế hưng coi đã rộn

Chuông hồi kim cổ lắng càng mau

Người xưa, cảnh cũ, nào đâu tá ?...

Bây giờ mà phá nó đi để thay vào đó bằng cây cầu đá hay bê – tông cả cổng tam quan nữa, thì trời ơi còn đâu là thắng cảnh xưa đậm nét “phong thủy” của cố đô Thăng Long! Coi chừng “phong thủy” ngàn đời của nó sẽ bị “động” mà ảnh hưởng tới tiền đồ! Ngôi chùa nằm ngay đầu con cá vàng, cổng tam quan như miệng cá, còn con đường là bộ xương sống của nó. Phá đoạn đường để dựng cầu tức chặt đứt thân con cá, phá cấu trúc tam quan là động tới miệng cá.

Vậy thì lời than thở của nữ sĩ Thanh Quan đã trở thành hiện thực! Cây cầu đá hay bê – tông cũng có hình dáng cổ xưa và phong thủy như ở đất nước phương Bắc mà chúng ta thường thấy nhưng con đường đất và chiếc cầu bê - tông, hai hình thể này khác nhau xa: cái mới và cái cũ. Nếu nó là cây cầu đá cổ thì quá đẹp, nếu có trùng tu, sửa chữa đôi chút cũng không sao. Đàng này phá đi con đường dài hàng trăm thước để thay vào đó hay chỉ có một đoạn để xây cây cầu mới cũng là điều khó coi, khó chấp nhận, bởi vì nó phá vỡ cấu trúc của một công trình nghệ thuật văn hóa có trên ngàn năm – chứa đựng tâm linh cổ kính thiêng liêng của dân tộc, hơn nữa tổ tiên ta đã từng tôn vinh là ngôi chùa Khai quốc (Mở nước) và Trấn Quốc (Giữ nước). Không nên thay đổi địa thế mang tính phong thủy ngàn đời của ngôi chùa thiêng. Với vị thế hiện nay, chùa cổ Trấn Quốc vẫn còn giữ nguyên giá trị của một trấn thủ thiêng liêng bảo vệ Lăng Bác và Phủ Chủ tịch, trái tim của Tổ quốc. Con đường đất này có thể tôn tạo nâng cao theo hình dáng cũ và vẫn giữ nguyên chất liệu như thế. Đó là gia cố thêm bộ xương sống của con Cá Vàng – còn là long mạch hay hơn là phá bỏ hay cắt đứt, thêm thắt lượm thượm!

Bất cứ ai có nhiều thời gian ở Hà Nội, từng qua lại khu vực này và từng có nhiều lần bước đi chầm chậm trên con đường đất bé nhỏ xinh xinh có hai hàng cau xanh ngắt viền hai bên để ngắm cảnh hồ Tây và nghe gió thổi rì rào, lao xao sóng nước. Cảnh trí thật là thơ mộng và đầy màu sắc “thiền” và “đạo”.

Ngày nay, chỉ vì phải tôn tạo, tu bổ mà phải phá bỏ nó hay phá vỡ cấu trúc của một di tích – di sản văn hóa lịch sử độc đáo mang tính phong thủy cao thì thật là uổng, nếu không nói là phá hoại!

Vương Liêm

NẾN HOA LÒNG MẸ
(Cánh hồng trắng)

Con từ lòng mẹ đi ra

Từ trên tay võng đưa qua dòng đời

Lớn từ những giọt mồ hôi

Chẩy trên tay mẹ đêm ngồi ru con

Mẹ căng bầu sữa hoàng hôn

Nhìn đôi quang gánh dài hơn nửa đời

Trăng cao sáng ngập lòng trời

Mà không tha thiết như lời mẹ ru

Chăn nào đắp kín mùa thu

Tình nào hơn mẹ gần như trọn đời

Chiếu cong chỗ mẹ từng ngồi

Nhìn con chập chững bò chơi một mình

Hôm nay con mẹ trưởng thành

Lá vàng đã rung vãi cành sương khô

Mắt cay khói lệ hoen mờ

Tàn nhang đã rớt xuống từ lòng con

Hoa thơm nhớ lúc mẹ còn

Tưởng như mùi sữa ôm con vỗ về.

Con vừa chợt đến mẹ đi

Ngàn năm nước mắt còn gì nữa đâu

Mủi lòng nhớ bữa cơm rau

Ai ra đón mẹ bên cầu hoàng hôn.

Mẹ về bỏ lại mình con

Mẹ đi cách mấy ngọn cồn Phù Sa.

TRẦN LỮ VŨ

NƠI TA VỀ

Chiều buông se lạnh sương trời

Heo may ảnh hiện kiếp người mong manh

Tượng đời rêu phủ mảng xanh

Tranh đời loang lổ hư danh mộng trần

Còn chi ta phải ngại ngần

Buông tâm đối cảnh bao lần trong ta?

Sá gì mưa gió đường xa

Trời xanh mây trắng vị tha nụ cười

Dạo đời dài ngắn cuộc chơi

Hết duyên ta lại về nơi ta về…

28.10.2005 Chiêu đề

TTTS Thích Đồng Bổn

P. Trụ Trì Chùa Xá Lợi

WHERE I SHALL RETURN

The late afternoon is dropping its cold misty veil

Through chilly winds, human life appears so frail

Here’s my life statue, covered with patches of green moss

And my life painting, specked with vain glory and loss

Well, there is no reason why I have to hesitate

Haven’t I so many times shut my eyes to life and fate?

Despite winds and rains, long way will not let me down

With an altruistic smile, under blue skies and white clouds

I walk around, playing my life games, long or short, earnestly

People no longer welcome me? I shall return where I shall be.

THÙY DƯƠNG PD DIỆU HẠNH

Phỏng dịch kính tặng Thầy nhân mùa Vu Lan 2553

VỀ MẸ

Ta nghĩ gì mỗi khi đi trên phố

Thấy tôn thêm vẻ đẹp của thị thành

Bởi trai lịch, khôi ngô và tuấn tú

Nữ yêu kiều, diễm lệ, đẹp như tranh ?

Và tràn ngập trên TV, báo chí

Biết bao nhiêu khuôn mặt rất kiêu hùng

Của nguyên thủ, của các nhà chính khách

Thật uy nghi, đáng ngưỡng mộ vô cùng

Và còn nữa, là diễn viên, tài tử

Họ rạng ngời như có ánh hào quang

Những doanh nhân thương trường lèo lái giỏi

Nội địa hay quốc tế cũng tung hoành ?

Vinh quang đó, từ hy sinh của Mẹ,

Từ những người hiền mẫu rất giản đơn

Đôi khi con thành danh trong xã hội,

Mẹ vẫn còn thầm lặng giữa đời thường !

Còn trên phố bao nhiêu bà mẹ khác

Khản giọng rao, vai đôi gánh nặng quằn

Giọt mồ hôi thắm đằm manh áo bạc,

Cố tìm thêm từng đồng lẻ nuôi con !

Trong bùn lầy, giữa trưa hè đổ lửa

Bụng đói meo, chân mỏi, mắt gần hoa..

Vẫn cố gắng nhặt thêm vài bông lúa

Khi con thơ ngồi bóng mát trong nhà !

Nói sao hết lòng yêu con của Mẹ

Tùy phận mà giáo dưỡng cả đàn con

Dù đẹp đẽ, hay đen điu, xấu xí

Vẫn nâng niu như ngọc qúy, vàng ròng !

Sợ con lạnh, mẹ dành bên phía ướt,

Có miếng ngon, mẹ sớt hết cho con !

Áo mẹ rách, nhường con manh vải tốt

Để cho con không thua chị, kém em !

Con hoạt động, mẹ đào hầm che chắn,

Con tù đày, mẹ tất tả thăm nuôi !

Mẹ hãnh diện khi con ngoan, học giỏi

Nát lòng khi con chẳng chịu nên người !

Mẹ cũng đã trẻ trung, từng nhan sắc,

Có con rồi, máu hóa sữa nuôi con

Da trắng mịn, tảo tần nên rám nắng,

Lo âu làm tóc bạc với thời gian…!

Con lớn rồi thì gả chồng, cưới vợ

Nhà nghèo thì thêm nợ với thêm lo

Cho đủ lễ, mời làng trên xóm dưới

Để con đừng mất mặt với người ta !

Khi thành công, có nhà xinh, vợ đẹp

Sợ nhiều người biết gốc mẹ quê mùa !

Vợ tha thướt, lụa là, hương thơm nức

Mẹ quần thô, cơm hẫm ở sau nhà !

Có con rồi, mẹ thành người trông cháu,

Lại lanh canh khuấy sữa, lại ru hời..

Người ở giỏi làm sao so với ngoại ?

Máu chăm xong, giờ đến lượt Mũ thôi !(1)

Rồi sơ sẩy, nhiều khi con quát mắng,

“Sao để cho con bé té trầy da” ? !

Cha mẹ già, tôi ông bà để lại”

Lời người xưa đã nói, quả không ngoa !

Làm từ thiện, con rộng tay bố thì,

Với mẹ già lại tính toán chi ly,

Sợ cho nhiều, anh em theo rút rỉa !

Mẹ tủi thân đêm ngủ lệ tràn mi !

Mẹ còn khỏe thì dành về giữ cháu,

Mẹ bịnh rồi cả đám đổ cho nhau !

Ai cũng bận bao nhiêu là việc lớn !

Có đứa kêu : “Lúc khỏe chọn nhà giàu” !

“Chín mười con, chỉ mẹ cha nuôi dưỡng”

“Cả đám con không nuôi nổi hai người” !

Lời nói đó ắt ta cần suy nghĩ

Để sống sao cho đáng phận làm người.

Siêng đi chùa, mang vàng hương cúng Phật,

Lại bỏ quên ân đức đấng sinh thành

“Cha mẹ nhà là Thích Ca, Di Lạc” (2)

Phật nhắc ta đừng quên đạo Tứ Ân.

Ooo

Nhưng nước mắt có bao giờ chảy ngược

Có con rồi vướng víu với đàn con

Quay cuồng theo miếng cơm và manh áo

Quên Mẹ già năm tháng đã hao mòn !

Con đối tốt, Mẹ mừng vui, hãnh diện

Bạc như vôi cũng không trách một lời !

Khi hối hận, Mẹ còn mà báo hiếu ?

Hay nhìn con qua hương khói chơi vơi ?

Tâm-Nguyện

20/6/2009

(1) Con là máu, cháu là mủ

(2) Phật ngôn

TRIỆU TRIỆU BÔNG HỒNG

Vầng trăng mọc cho riêng mình thuở trước

Cứ ửng hồng như một nụ môi hôn

Những vì sao lấp lánh cháy linh hồn

Cứ trong suốt dịu dàng như ánh mắt.

Những tối mưa rơi trăng sao vụt tắt

Trời bỗng dưng tan biến cả rừng hoa

Triệu triệu bông hồng lộng lẫy kiêu sa

Chợt chìm đắm vùi chôn vào quá vãng

Triệu triệu bông hồng lời ca lãng mạn

Mình hát cho nhau bằng tiếng con tim

Em ngỡ như lạc bước giữa rừng sim

Vờn tay hái những bông hồng tím nhạt.

Một thời được yêu một đời khao khát

Tặng cho nhau triệu triệu đóa hồng

Tình nồng nàn sưởi ấm lại mùa đông

Hạnh phúc đẹp triệu bông hồng thơm ngát

Mình chết đuối trong tình yêu ngào ngạt

Triệu triệu bông hồn – chúc phúc cho nhau

Ôm vầng trăng ve vuốt những vì sao

Mình yêu đến xót lòng hương mật đọng

Rồi – cho đến một chiều thu gió lộng

Anh ra đi mãi mãi chẳng quay về

Trời âm u quạnh quẽ – vỡ câu thề

Cơn địa chấn vùi chôn tình diễm tuyệt

Bài hát cũ thành bài ca tiễn biệt

Triệu bông hồng tan biến giữa hư vô

Em bàng hoàng – cay đắng tưởng mơ hồ

Thèm được tặng một bông mà chẳng có.

Một thời để yêu – một thời tiếc nhớ

Em hững hờ hoang vắng cả mùa hoa

Bay vẩn vơ Em – Cánh bướm mù lòa

Tìm chẳng thấy bông hồng ươm mật ngọt.

NGÀN PHƯƠNG

LỜI CÁM ƠN VÀ CÁO LỖI

Dịch giả Thùy Dương xin chân thành cám ơn quý độc giả đã gọi điện thoại hoặc gửi thư email cho những lời góp ý và động viên khích lệ quý báu. Đặc biệt quý Bác NCN 83t ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, VBH 80t ở Q. Thủ Đức, Dược sĩ KL ở Q1, VTAT ở Cali… Một số ít những lỗi chánh tả hay đánh máy đã được sửa trên mạng, sẽ rà lại trước khi lên sách. Lời đề nghị tăng tốc và liên tục đã được cố gắng thực hiện, nhưng nay thì không thể, xin cáo lỗi vì khuôn khổ hạn hẹp của bản tin, phải dành chỗ cho những cây viết khác. Trong buổi họp ngày 8-8-09 vừa qua, Ban Chủ Nhiệm đã đề nghị ngưng đăng thơ dịch Truyện Kiều của TD và sau cùng Chủ Nhiệm Vũ Anh Tuấn đã đề nghị cho tiếp tục đăng nhưng không quá 4 trang mỗi kỳ. Nhưng xin quý vị yên tâm, TD sẽ không để quý vị chờ lâu nữa và sẽ cố gắng hết sức để có thể cho ra đời đứa cháu bé bỏng của đại thi hào Nguyễn Du vào đầu năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 190 năm ngày mất của Nguyễn Du (1820-2010) và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tất nhiên sẽ không thể có chuyện “dục tốc bất đạt”.

Xin chân thành cám ơn

THÙY DƯƠNG

Truyện Kiều

(câu 1033-1072)

Trước lầu Ngưng bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

1035 - Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

1040 - Tin sương luống những rày trông mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

Alone in the balcony of the Ngưng Bích sanctuary,

Kiều watched the mountains afar

and the moon so close and friendly.

She extended her illimited view to all directions,

Here, yellow sand-hills, there, rosy dust blurred the horizon.

Morning clouds and late lamps made her feel bitter and lonely,

Her heart torn asunder, half for love, half for scenery

She thought of the man with

whom she shared the oath cups by moonlight,

He must be so eagerly longing for her news day and night!

Alone on this strange land, in this remote sea corner,

When could she cleanse her pure body off stains of dirt?

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

1045 - Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác, biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

1055 - Chung quanh những nước non người

Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu

And those old shadows teaming

against the front door morning and twilight,

Who were taking care of them during hot days and cold nights?

So many sunny and rainy seasons had passed over the Lai yard (1)

That old catalpa (2) trunk might be now an armful large!

Kiều gave a sad look at the harbor in twilight,

Far away, some boat under sail appeared vaguely in her sight

Watching successive billows, rising up and falling down

She wondered where this drifting flower would be sent out

Watching the grass field wither in the declining sun,

Sky and earth mixed in a greenish-blue color at the horizon

Down the bay, the wind stirred up thrusting high waves,

Making noisy sounds around her lonely deserted place

Looking around, Kiều found herself lost in a strange country

Her bitter sorrow wove a few lines of sad poetry.

--------------------------

(1) The Lai yard: this referred to a 70 year old man named Lai who still had his old parents alive. Whenever they looked sad, the old son used to make childish gestures, dancing on the yard and pretended to fall down and cried out like a small child to amuse his old parents, giving them the impression that they were not old. Here Kiều wished she could amuse her parents in their old age.

(2) Catalpa: kind of centenarian tree, symbol of a very old healthy man.

Ngậm ngùi rủ bức rèm châu,

Cách tường nghe có tiếng đâu họa vần

Một chàng vừa trạc thanh xuân

1060 - Hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng.

Nghĩ rằng cũng mạch thư hương,

Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.

Bóng nga thấp thoáng dưới mành,

Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai .

“Than ôi! sắc nước hương trời!

“Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?

“Giá đành trong nguyệt trên mây,

“Hoa sao, hoa khéo đọa đày bấy hoa!

“Tức gan riêng giận trời già,

“Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng!

1070 - “Thuyền quyên ví biết anh hùng,

“Ra tay tháo cũi xổ lồng như chơi!”

Murmuring her doleful verses, she dropped her flowery blinds

From outside she heard a male voice answering her rimes

Through her blinds she could see a man in the prime of Spring,

Well-dressed, smoothly combed, in costume well fitting

“He must be”, thought she, “a literary descendent”

To her inquiry, he introduced himself as Sở Khanh (3)

Behind the blinds, the lady’s silhouette seemed attractive,

So that the young man felt it hard to leave.

“What a sovereign beauty!”, exclaimed he, “A heavenly fragrance!

“Did you loose your way and come astray to this poor island?

“You should merit a throne on the Moon over splendid clouds!

“Oh, noble flower!

Why do you suffer such a downfall on this ground?

“I really get angry with the old God at his unjust deeds

“Who could understand me? My heart grieves at such unjustice!

“Oh, graceful young lady! If you just know my bravery,

“I would break down those bars to get you out of that cage easily!

(3) Sở Khanh: a proper name that has become a common noun in Vietnamese language, used to call those handsome men who cheat naïve girls.

(To be continued)

Thùy Dương

GHEN – BIỂU HIỆN VÀ HÓA GIẢI

Đã có rất nhiều giấy mực để viết về chuyện ghen tương cũng như có rất nhiều nhà tâm lý học phân tích, khuyên nhũ người vợ, người chồng cố gắng bảo vệ mái ấm một cách hợp tình hợp lý để kéo dài cuộc sống hôn nhân đến khi răng long đầu bạc.

Ai cũng muốn vậy nhưng làm sao duy trì hạnh phúc khi cơn ghen đã bắt đầu nổi dậy trong lòng người vợ, người chồng và có khi đã bắt đầu thể hiện bằng những hành động có khi là bạo lực, dẫn đến sự đổ vỡ của hạnh phúc gia đình.

Nhưng làm sao hóa giải được chuyện ghen tương? Vấn đề sẽ không còn là bí mật sau khi xem xét những nội dung sau đây của đề tài.

I. Ghen là gì ?

Có người nói rằng ghen là một “phẩm chất” cố hữu của tình yêu đôi lứa, một điều nghe đã quá đỗi bình thường nhưng lại không hề cũ trong mọi thời đại.

“Phẩm chất” này đã tồn tại lâu đời, như một thực tại khách quan trong ý thức hệ của con người từ lúc sinh ra và có thể còn tồn tại mãi mãi cùng với cuộc sống.

Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ. Bất cứ một sự chia sẻ nào cũng làm cho tình yêu trở nên không trọn vẹn và mất đi sự thiêng liêng của tình yêu, mà tình yêu thì vốn có tính bền vững vĩnh cửu trong đời sống tinh thần của con người.

Khi đã đem lòng yêu ai, người ta chỉ muốn người ấy chỉ là của riêng mình một cách tuyệt đối. Theo đó, những người yêu chưa hết mình, theo kiểu nửa vời hoặc những kẻ tính toán, hẳn nhiên không thể có cái “ghen nồng nàn”, đáng yêu, đẹp đẽ như một người có sự trao gửi tuyệt đối về tư tuởng và hành động đến với người mình yêu. Có người còn nói ghen là mức thang đánh giá tình yêu.

Dân gian có câu: “Ớt nào là ớt chẳng cay. Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”. Nhưng thực tế thì nam hay nữ đều ghen như nhau, thậm chí nam còn ghen khiếp hơn.

Theo nhà tâm lý học Manfred Schmitt của ĐH Tổng hợp Trier (Đức), ghen là khi người ta muốn đạt được mục đích trong cuộc sống của mình cùng với người mình yêu mến quan tâm, và cảm thấy có ai đó hoặc cái gì đó cạnh tranh, cũng như đám mây dông che mờ mục tiêu, và người ta sẽ rơi vào tình trạng báo động. Nói khác đi, ghen chính là tín hiệu báo động, biểu hiện dưới dạng lo sợ hoặc đau đớn, nó cảnh giác chúng ta, chuẩn bị năng lượng để đấu tranh quyết đạt mục tiêu của mình.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa ghen là “khó chịu, bực dọc với người được hưởng cái gì đó hơn mình, thường là về tinh thần, về tình cảm, họ có được cái mình muốn có cho mình mà mình không có được; đó cũng là một trạng thái khó chịu, tức tối, thường để biểu lộ ra, vì biết hoặc nghi ngờ sự thiếu chung thủy của vợ, chồng hay người yêu”.

II. Phân loại ghen tương

1. Ghen đúng.

Còn gọi là ghen đúng cách, ghen đúng chổ, ghen có căn cứ, đúng đối tượng, có nhân chứng vật chứng rõ ràng. Lọai ghen này thường kéo theo hậu quả mà mức độ khốc liệt tùy theo giai tầng xã hội. Ở những người kém hay ít văn hóa, cơn ghen đem lại sự thương tổn tạo ra cho người khác nhiều hơn, có khi đưa đến tình huống một mất một còn, hoặc kẻ bị thương tật, người bị đưa ra công lý xét xử với khung hình phạt tùy theo mức độ thương tích gây cho người bị hại. Đây chính là những trường hợp dùng bạo lực như tạt axít, dùng hung khí gây thương tích. Cái kiểu đánh ghen hết sức tàn ác như tạt a xít hay giết người mà Nhà nước cần phải xử lý thật nặng, cần phải đưa vào khung hình phạt cao nhất. Bất cứ các vụ án nào khác, cướp bóc, trả thù cá nhân mà sử dụng hình thức tạt a xít, giết người cũng cần phải được xét xử nặng như vây, không phân biệt người có hành vi tàn ác là đàn ông hay phụ nữ.

Tuy nhiên đối với những người có trình độ văn hóa nhất định, hoặc ở trình độ cao, thì cách xử trí của người vợ hay người chồng thường êm dịu hơn, nghĩa là không có hoặc ít có bạo lực, nhưng không có nghĩa là không có cãi vã to tiếng.

Hậu quả của sự bùng nổ ghen tương ở hai thành phần trên đây đều đưa đến hai tình huống: Thứ nhất, người vi phạm được “chiêu hồi” và được phép trở về với mái ấm gia đình của riêng mình, với vợ hoặc chồng và các con cùng với sự hối hận kéo dài, dù rằng người kia thực sự đã khoan hồng, “đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại.”

Tình huống thứ hai là chia tay, anh đường anh, tôi đường tôi. Đây là giải pháp tất yếu, hai người phải chấp nhận. Chỉ tội nghiệp cho đàn con sau này, cuộc sống của chúng sẽ thiếu mất một người mà trước đây chúng rất mực thương yêu. Tình huống xấu hơn nữa, có khi con cái, vì quá xấu hổ hay buồn chán, cũng bỏ nhà đi theo quyết định riêng của chúng. Qua báo chí chúng ta cũng thường gặp những tội phạm thiếu niên đa phần có cha mẹ đã bị đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân. Trường hợp này thường gặp nhiều ở các nước tây phương.

2. Ghen không đúng.

Đó là ghen bóng, ghen gió, ghen mù quáng, ghen không đúng chổ, không đúng lúc, và ghen “tầm bậy, tầm bạ”, ghen một cách vô căn cứ, không tìm hiểu rõ nguyên nhân cội nguồn. Loại ghen này thường rất nhiều, nhưng không bao giờ được người bị hại tâm phục khẩu phục. Theo những thống kê không cần chính xác lắm, cũng thấy được tỷ lệ phái đẹp cao hơn hẳn phái mày râu. Tiêu biểu có những tình huống sau đây:

a) Đối với phụ nữ, chưa thấy có nhà nghiên cứu nào khẳng định giác quan thứ sáu của phụ nữ mạnh hơn đàn ông, nhưng họ cứ linh cảm rằng ông chồng lúc nào cũng có những người đẹp bao vây, cụ thể là những cô nhân viên trẻ đẹp ăn mặc đúng thời trang. “Tấm lòng” của quá nhiều “nhi nữ” chắc chắn “phải xiêu anh hùng”, dù rằng vị anh hùng này đã có vợ. Ông chồng ra đường bất chợt nhìn thấy một phụ nữ đẹp chạy ngược chiều, buộc miệng khen, chắc chắn sẽ bị bà cho rằng ông có tà ý, lả lơi, ong bướm. Các bà cũng hay linh cảm cho rằng ông chồng không thực sự trung thành với mình. Nhiều bà còn nghi ngờ rằng tất cả những cử chỉ ân cần chăm sóc của ông chồng chỉ là để che đậy bởi vì lát nữa đây ông sẽ tếch đi chơi với bạn. Có thật đi với bạn không, hay là đi đến với một người đàn bà nào khác. Trường hợp này các bà thường bị các tay thầy bói mù hoặc giả mù đoán mò bá vơ đặt điều vẽ chuyện.

b) Mỗi khi các ông đi tiếp khách về bị bà phát hiện một vết son nho nhỏ trên áo hay một mùi nước hoa lạ. Thế là nổi ghen liền. Có bà xé toang chiếc áo mới của ông chồng. Quý bà không biết được rằng các cô ca-va hay tiếp viên phục vụ rất quỉ quái thường kiếm cách phá mấy ông bằng cách lén cho dính tí son môi trên áo. Việc này rất dễ, các cô để vết son lại mà các ông không biết. Còn mùi nước hoa lạ là từ chiếc khăn tay nhỏ xíu của các cô được tẩm nhiều nước hoa, lúc nào cũng được các cô cầm trong tay. Khi khách khiêu vũ hay làm bộ cầm tay các cô xem bói, thế là, nhanh hơn cúm AH1N1, ông dẫn mùi nước hoa đó về đưa vào mũi bà vợ đang ở trong tư thế sẵn sàng “nổi lửa lên ghen”.

c) Ông chồng đi chơi với bạn về hơi khuya. Hai gác chân cho người ngồi sau xe máy bật ra, thế là đủ làm đề tài cho bà question liền “chở em nào vậy?”. Bởi vì theo con mắt thám tử, kiêm điệp viên 007, của bà thì hai cái chân gác bật ra là có chở người, mà vô lý là chở các ông vì ai cũng có xe. Chắc chắn là chở các bà các cô rồi. Thế là bà vận hết thành công lực lên để hít chung quanh ông, lùng sục tìm mùi nước hoa, tìm vết son trên áo. Việc ông chồng phản ứng cho trường hợp này cũng tùy ở mỗi gia đình. Cách hay nhất nên dĩ hòa vi quý.

d) Một trường hợp hết sức nguy hiểm là ông chồng có tật ngủ mớ, tức là ngủ mà nói. Một câu nói bất chợt không đầu không đuôi. Bà xã hay ghen mà nghe được thì mừng lắm, như một thám tử tìm được manh mối vụ án. Có người nằm ngủ tự nhiên gọi tên một nữ nhân viên và bảo cô ta ngồi gần lại. Sáng ra bà xã hỏi ông chồng cô nhân viên tên đó là ai, mà còn bảo cô ấy ngồi gần lại. Ông chồng chỉ có nước kêu trời và thanh minh thanh nga trối chết. Trong thực tế ông ta không hề có tình ý gì với cô ta hết.

e) Đối với quý ông, nhất là quý ông may mắn có bà vợ tương đối sắc sảo mặn mà, thì linh cảm vợ mình bị người khác dụ dỗ lúc nào cũng ám ảnh các ông. Các ông cũng thường cảm thấy bị đe dọa bởi câu “vợ đẹp là vợ người ta” cho nên canh giữ vợ như người ta canh giữ một tử tù. Vợ đi làm việc ở cơ quan, ông ở nhà cứ đứng ngồi không yên vì sợ ông sếp hay mấy cha manager nước ngoài cuỗm mất vợ mình. Vợ đi công tác với sếp hay với đồng nghiệp, chồng ở nhà bỏ ăn bỏ ngủ, vào ra trông ngóng. Đến khi vợ về thì hạch hỏi vợ có chấp hành triệt để câu “an toàn là bạn, tai nạn là thù” hay không?

Đối với người phụ nữ cũng vậy. May mắn của cuộc đời bà là có được một ông chồng đẹp giai. Trong thời gian yêu nhau bà đã từng được các bạn gái cùng trang lứa trầm trồ khen ngợi hết lời. Bây giờ cưới nhau rồi, thành công rồi, nhưng bà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ kẻ khác “vồ” mất. Bà thấp thỏm vào ra tìm trăm phương ngàn kế để kềm kẹp ông chồng.

f) Khi ông ra đường thấy một người đàn ông khác nhìn vợ mình cũng thấy bực bội, về nhà gây gổ với vợ, “em mặc áo mỏng quá chúng nó cứ nhìn chằm chặp”. Ông cũng khó chịu với anh hàng xóm, mỗi sáng anh ta đi làm ăn mặc rất tươm tất. Bà vợ thỉnh thoảng nhìn với ánh mắt tôn trọng. Không ngờ ông bắt gặp. “Nó là cái gì mà bà nhìn nó như thế”.

Nhiều bà vợ cũng thường hậm hực khi thấy các cô hay ngắm nhìn ông xã mình, hoặc ông xã mình láo liên hết nhìn cô này đến cô khác đi ngược chiều. Cái hay nhất các ông cứ làm một cái che mắt chỉ nhìn được phía trước mà đi.

Tóm lại, ghen vô cớ còn là biểu hiện của kiểu ghen bệnh lý ở những người thiếu tự tin, đó là sự thú nhận vụng về những kém cỏi của mình...

3. Ghen ngược

Trường hợp thứ nhất thường thấy ở các ông có bồ nhí, nhưng vợ nhà chưa biết, hoặc có nghe phong phanh nhưng thấy ông nhà chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên chưa nói gì. Một phần cũng vì những bà vợ này thường hiền lành và có một trình độ văn hóa nhất định. Quý bà thấy rằng không có gì phải lảm ồn ào, làm xấu mặt chồng. Trong khi đó cô bồ nhí thường xuyên nhũng nhiễu ông chồng. Nào là “Anh lo cho bả chứ đâu có lo cho em”, hay là “Cái hột xoàn này anh mua cho em có 4 ly, còn của bả hôm trước 6 ly”. Có một bà vợ tình cờ xem cái điện thọai di động của ông chồng thấy có một mẫu tin nhắn: “Anh xem xong rồi xóa liền kẻo mụ phù thủy đó đọc được” vv… Như vậy chúng ta nhận thấy rằng lúc nào các cô bồ lẻ cũng “chằm hăm”, ghen tị với bà vợ chính. Có khi cô bồ nhí này muốn phá bà vợ bằng cách giả một phụ nữ gọi tới kiếm ông chồng, nói rằng có hẹn với ông ta. Kiểu chọc tức này thường có hiệu quả đối với những bà vợ có học thức kém, nông nổi, bắt được cú điện thọai như vậy nổi tam bành ngay. Tình huống xấu nhất là có người sẽ bị “sốc” tim mà chết. Nhưng đối với bà vợ có học thức, có trình độ sẽ nhận biết ngay đó là kiểu phá phách của những cô bồ nhí. Chồng đi làm về chỉ cần kể lại và lưu ý ông chồng nhắc nhở cô bồ nhí, nếu có, không nên phá như vậy.

Trường hợp ghen ngược về phía đàn ông cũng hơi bị hiếm. Một bà vợ thường lén chồng nuôi một anh kép nhí mập mạp, nhưng anh kép cứ mè nheo nói bà vợ không thương anh ta nên cho anh ta tiền không đủ xài, xúi bà vợ ly dị chồng để chia gia tài và về chung sống với anh ta. Anh kép này đã chuẩn bị bài hát ngựa phi đường xa vì sau khi bà ta ly dị, chia gia tài, bà sẽ tiếp nhận tài sản rồi giao cho anh ta giữ.

Trong truyện “Tình ảo” của Nedra Tyre, kể lại rằng có hai vợ chồng sống với nhau đã 20 năm trời, yêu nhau đằm thắm, những tưởng hai người sẽ sống với nhau đến răng long đầu bạc. Nhưng sóng gió đã xảy đến với gia đình này khi ông chồng, trong một chuyến công tác xa nhà, đã gặp một phụ nữ quá tuyệt vời đối với ông. Người vợ mà 20 năm qua ông đã cho rằng không một người nào thay thế được đã tan biến trước người phụ nữ mới gặp này. Cô này nằng nặc thúc giục ông ly dị, nhưng ông không thể tìm một lỗi lầm nào của vợ để ly dị. Sau cùng, ý tưởng giết vợ đã đến với ông. Ông sẽ tạo ra mội tai nạn hết sức tinh vi sẽ đưa bà vợ về nơi chín suối. Nhưng hết sức trùng hợp, ngay khi ông chồng gặp người phụ nữ làm ông chết mê chết mệt, thì cùng lúc đó, bà vợ bị choáng ngộp bởi sự lịch thiệp của một người đàn ông khác. Ông bồ này cũng thúc giục bà ly dị chồng để về chung sống với hắn. Nhưng bà cũng không thể tìm được lý do để ly dị, bà bắt đầu mang ý tưởng giết chồng. Một ngày nọ ông chồng đi công tác xa về, bà vợ như thường lệ mang ly cà phê mời ông chồng uống để thư giãn, sau đó có việc phải vào nhà kho. Ông chồng liền cho kích hoạt cạm bẫy của mình, và bà vợ đi về bên kia thế giới. Đắc thắng với thành quả giết vợ, ông chồng uống cạn ly cà phê. Một cơn buồn ngủ đến với ông ta rồi ông ngủ thiếp đi và sẽ không bao giờ thức dậy. Bà vợ đã bỏ thuốc độc vào ly cà phê.

4. Ghen giùm

Một phụ nữ biết một đồng nghiệp đã có vợ, nhưng có bồ nhí hoặc có nhiều bạn gái. Cô này tự nhiên bực mình khó chịu, cau có, tìm mọi cách đưa nhân vật này ra tổ chức kiểm điểm, rình rập theo anh này khi tan sở xem anh này có đi đến nơi hẹn hò không, viết thư nặc danh gửi tới nhà cho bà vợ biết, nói cho tất cả mọi người trong cơ quan biết để làm cho anh chàng này xấu hổ. Nguyên nhân sâu xa: Anh chàng không có vẻ quan tâm đến cô này.

5. Ghen giả tạo:

a) Trong trường hợp này, bà vợ không có một lý do gì để ghen vì biết rất rõ rằng ông chồng không hề có một khả năng chuyên môn nào để chinh phục bất cứ một phụ nữ nào khác bởi lẽ ông chồng không đạt bất kỳ một tiêu chuẩn điển hình tiên tiến nào cả. Ngày xưa hai người đến với nhau do mai mối hoặc một lý do nào đó không nằm trong phạm trù yêu đương, cũng có thể là duyên trời đã định. Lý do để bà ghen là, thứ nhất, sợ người ta nói bà không yêu ông ấy, thứ hai, sợ người ta nghĩ ông chồng mình quá đát rồi, nếu không muốn nói là yếu đuối là “mất khả năng chi trả” và thế là bà ghen với những lý do không giống ai, gần gũi với trường hợp ghen bóng, ghen gió đã đề cập ở trên.

b) Một quý ông khi đang chú ý đến một bóng hồng khác hoặc đã có bồ nhí thì giả bộ ghen với vợ, có nghĩa là vờ ghen để đánh lạc hướng. Bà vợ thấy chồng theo dõi mình, hạch hỏi đi shopping với ai, hôm nay sao về trễ, làm như để ý và săn sóc nhưng mục đích chính làm bà xã lơ là không theo dõi mình nữa, lúc đó tha hồ hẹn hò đi chơi du hí với người yêu nhí.

6. Ghen bằng cách trả thù

Bà vợ biết chắc chắn ông chồng có bồ nhí sau quá trình kín đáo theo dõi, điều tra chính xác. Bà vợ âm thầm lặng lẽ đi tìm một anh kép cho riêng mình. Thế là ông đi đâu mặc ông, bà cũng có “công việc” đi sớm về tối. Đây là cảnh “ông ăn chả bà ăn nem”. Hậu quả của kiểu ghen tương như thế này chắc hẳn ai cũng biết rằng sẽ vĩnh viễn đường ai nấy đi không mong gì hàn gắn lại được.

Trong Thiên Long Bát Bộ, Đao Bạch Phụng là vợ của Đoàn Chính Thuần, vì quá căm hận chồng mình háo sắc, gian dâm với nhiều phụ nữ khác nên bà trả thù bằng cách quan hệ với Đoàn Diên Khánh để rồi sinh ra anh chàng Đoàn Dự với chiêu Lục Mạch Thần Kiếm và Lăng Ba Vi Bộ.

7. Ghen thầm lặng.

Một người, vì bản tính hiền lành , luôn luôn ầm thầm lặng lẽ trước việc người kia đi sớm về tối không khai báo rõ ràng, có khi còn kiếm chuyện cơm không lành canh không ngọt, nhà cửa dơ bẩn, điện nước máy móc trong nhà bị hỏng hóc không biết chăm sóc. Người này một mực im lặng hòa hoãn luôn luôn giữ đúng mực vai trò người vợ hoặc người chồng. Phớt lờ trước những thông tin “mật” về người kia. Đây là một kiểu ghen hết sức nguy hiểm. Khi lên đến cao trào, người kia không chịu đựng đựơc nữa sẽ bùng nổ phản ứng tiêu cực “một mất một còn”.

III. Những cách biểu hiện cơn ghen

1. Ghen thần tốc

a) Có lẽ chưa ai quên vụ một nữ thẩm phán nổi ghen đến tận “sào huyệt”, thật ra là một quán bia ôm, và đã “bụp” cô gái ngồi bên cạnh đức lang quân của mình. Kết quả là bà thẩm phán này phải lãnh “cái búa” kỷ luật. Thật tội nghiệp cho vị phu nhân này, đường đường là một trí thức, và là một viên chức nhà nước cao cấp lại sử dụng chiêu thức công phu Thiếu Lâm Tự với nàng Kiều bia ôm thời H5N1. Nhưng làm sao bà lại biết được “sào huyệt” mà đức lang quân của bà đang có mặt. Chắc chắn ông chồng bà đi chơi mà để “lộ đề thi”, lộ tin tức tình báo để bà nhà biết được nên mới ra nông nỗi.

b) Một chuyện đánh ghen khác tại một nhà hàng khiêu vũ cách đây gần hai chục năm. Lúc đó gần 12 giờ khuya rồi. Trên sàn nhảy một ông Trợ lý giám đốc đang du dương với một cô vũ nữ trên nền nhạc slow dìu dặt dưới ánh đèn mơ mờ ảo ảo, bỗng nhiên một nữ hiệp từ dưới lầu phóng lên chạy ra giữa piste xuất ra hai chiêu phóng đúng vào mặt cô vũ nữ. Anh chàng trợ lý chưa hết bàng hoàng nhưng cũng đã kịp nhận ra vị nữ hiệp kia chính là má sắp nhỏ ở nhà, vội vàng kè nữ hiệp xuống lầu ra xe biến mất.

2. Ghen lãng mạn

Một trường hợp ghen nữa, nhưng lại là ghen êm dịu vì ghen với người đã… chết. Số là một ông có đến hai bà nâng khăn sửa túi. Bà cả tức lắm nhưng đã có với ông ấy 4 mặt con rồi đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng rồi, không biết là trời thương hay ghét, ông chồng và bà hai kẻ trước người sau đủng đỉnh đi về cõi vĩnh hằng. Thời gian trôi qua, con cái của hai bà đã trưởng thành. Bả cả cho người cải táng ông ấy và bà hai, rồi đưa hai hủ cốt vào chùa để gửi gắm cho hai ông bà sớm chiều nghe lời kinh tiếng kệ. Bà cả mới lấy quyền của mình ra lệnh cho hai hũ cốt phải được đặt vào hai ngăn khác nhau, nghĩa là phải cách rất xa nhau. Sau đó, bà còn ra lệnh phải canh phòng cẩn mật không cho “chúng nó” trộn hai hũ cốt vào nhau. Chúng nó ở đây là các con bà hai. Quả thật ghen mà lãng mạn như thế thì hết ý.

3. Ghen bóng gió:

a) Theo kiểu “Ghen” của nhà thơ Nguyễn Bính.

Ghen như thế này thì thật là ích kỷ vì muốn độc quyền sở hữu đến suy nghĩ và giấc mơ.

b) Một trường hợp ghen mù quáng nữa trong văn học. Đó là anh chàng Othello trong một truyện mang cùng tên của Shakespeare. Othello đã bị Iago gài bẫy làm anh ta nổi ghen và giết vợ mình là Desdemone, người đàn bà hiền lành dễ thương, không hề có ý tưởng phản bội. Sau đó Othello phát hiện là đã bị gài bẫy nên vô cùng hối hận và đã tự sát.

c) Ông chồng từng du học ở Châu Âu về, bà vợ làm việc ở một cơ quan. Hai người có với nhau một đứa con gái 4 tuổi, xinh xắn. Đang sống trong hạnh phúc, bà vợ may mắn được cơ quan đề cử qua Mỹ tu nghiệp 3 tháng cùng với một nam đồng nghiệp nhưng nhỏ hơn bà vợ 5 tuổi. Anh chàng đồng nghiệp này cũng có vợ con đàng hoàng.

Anh chồng không chịu, đến cơ quan vợ, đề nghị cử người khác đi thay, nhưng không được. Ông chồng bắt vợ nghỉ việc ở nhà, bà vợ dĩ nhiên không chịu.

Bà vợ đành nhờ hai bên gia đình nội ngoại can thiệp, khuyên bảo. Cuối cùng chồng cũng để vợ đi du học. Nhưng suốt 3 tháng bà vợ ở Mỹ, ông chồng như ngồi trên lò lửa. Lúc nào anh cũng nghĩ chắc hẳn giờ này vợ mình đang dung dăng dung dẻ với tay đồng nghiệp trẻ trung kia.

Khi vợ về, thay vì mừng đón, ông chồng đóng cửa vặn hỏi, ngày đêm tra khảo. Bà vợ hết sức thanh minh, nhưng chồng vẫn một mực không tin. Ông chồng còn tìm đến anh chàng đồng nghiệp kia gây sự. Cả cơ quan vợ anh ầm ĩ lên vì chuyện ghen tương này khiến cô gặp ai cũng ngại. Sau cùng bà vợ xấu hổ quá không chịu đựng nổi, viết đơn ra tòa xin ly hôn.

d) Trong thời gian yêu nhau chàng trai thật lòng kể cho người vợ sắp cưới nghe thuở học trò đã có yêu một cô bạn gái có tên là Kim Chi. Sau đó phải chia tay vì cô bạn gái ấy được gia đình cho đi nước ngoài du học, rồi ở lại làm việc và lấy chồng nước ngoài. Người vợ tương lai của anh chàng này không nói gì. Sau ngày đám cưới, hai người về sống chung, bà vợ tuyên bố cấm ông chồng ăn món kim chi của Hàn quốc và loại món này ra ngoài thực đơn của gia đình.

e) Từ khi kết hôn, anh ấy suốt ngày tra hỏi vợ là đã yêu ai trước anh ấy chưa, có ai đụng tay đụng chân gì không. Anh ấy không cho vợ đi làm và cấm liên hệ với bạn bè cũ, nhiều khi còn dùng vũ lực hành hạ. Ban đầu, người vợ nghĩ anh ấy quá yêu vợ nên mới ghen như thế. Nhưng rồi, càng ngày người vợ càng không thể chịu nổi khi anh ấy vu oan cho vợ đã ăn nằm với một người bạn cũ. Anh ấy nghi ngờ mọi việc người vợ làm.Trước những trận đòn hành hạ, chị vợ đã tìm đến những người thân trong gia đình chồng nhưng không cải thiện được tình hình. Sau hai năm chịu đựng, chị ký đơn ly hôn bỏ về nhà mẹ đẻ.

f) Một anh thợ hồ 37 tuổi, đến sửa nhà cho một đôi vợ chồng trẻ. Bà vợ cũng có chút nhan sắc. Anh thợ hồ thích bông đùa, nhè đâu bà vợ thấy anh thợ hồ vui tính hưởng ứng cũng bông lơn qua lại. Ông chồng nổi cáu la bà vợ. bà vợ không những không thôi còn bảo: “Xời ơi người ta nói chơi cho vui vậy mà”. Ông chồng thì không vui chút nào. Trưa đó, ông chồng kêu ông thợ hồ qua nói chuyện, rồi thủ một con dao trong mình. Ông thợ hồ vừa qua tới, ông chồng đâm tới tấp nhiều nhát vào chàng thợ hồ, anh này ngả lăn. Bà vợ thấy vậy nhào vô can, ông chồng trở mũi dao đâm bà vợ cũng không biết mấy nhát. Bà vợ cũng ngả lăn. Ông chồng quay lại tự đâm vào mình. Ba người được đưa vào bệnh viện. Kết cuộc chỉ mình ông chồng còn sống.

g) Hai vợ chổng đã ngoài 50, con cái học hành giỏi giắn thành đạt. Mấy năm gần đây chị vợ tự nhiên nghi chồng chị đã mê mẩn một em xinh xinh nào đó. Chị không cho chồng xem hình ảnh các người mẫu xinh đẹp ở kênh thời trang. Chị cũng không cho ông chồng xem phim Hàn Quốc vì ông chồng cứ mải khen cô diễn viên Lee Seung Yun quá đẹp. Chị không cho chồng mặc quần áo hiệu. Bao nhiêu quần áo mới may, chị bằm nát như tương. Mổi lần anh đi đâu về chị hỏi ngay, “Đi với con nào”. Có lần bà nổi máu ghen, lấy dao cắt một đường dài phần sau yên xe máy để “không cho con nào ngồi được”. Bà bắt ông chồng về hưu sớm. Ông chồng cũng chìu bà và đồng ý ở nhà mở tiệm bán tạp hóa. Bà ngồi canh như canh tù. Khách hàng nữ nào cười cười, nói nói, đưa mắt với chồng là chị lại lườm nguýt, chửi toáng lên. Nếu tối nào ngủ bất ngờ được ngủ say là y như rằng, sáng dậy chị bù lu bù loa, bảo chồng lừa cho chị uống thuốc mê để trốn đi với gái.

Gia đình phải dụ dỗ đưa đi khám ở bệnh viện tâm thần, bác sĩ kết luận chị bị tâm thần dạng nhẹ, phải điều trị mấy tháng. May là chị chưa gây ra điều gì nghiêm trọng.

h) Chuyện của một ông Bình Tân (TPHCM) quả là đau đớn. Vợ ông cũng là người mắc bệnh ghen tương hoang tưởng. Hễ thấy ông ra khỏi nhà là bà vợ giữ xe lại, hỏi tới hỏi lui rồi mới cho đi.

Có lần bà bắt gặp ông đang chỉ đường giúp một cô gái, không cần biết đầu đuôi ra sao, bà lao tới, la hét rằng bắt được quả tang ông đang... trả giá với cave. Không những thế, bà còn thuê thám tử theo dõi ông. Đỉnh điểm của cơn ghen là không biết bà lừa ông như thế nào mà biến ông thành một họan quan.

i) Một trường hợp bị ghen oan uổng. Ông chồng đi làm vể thấy một ông bạn thân của mình ăn mặc đàng hoàng đang đứng như trời trồng, còn bà vợ mình thì đang gục đầu vào ngực anh bạn đó. Thế là ông chồng la toáng lên, sử dụng toàn từ ngữ dao to búa lớn. Bà vợ phải thanh minh thanh nga hết lời. Hóa ra là thế này. Ông bạn lâu ngày không gặp tình cờ đến thăm và cố canh đúng giờ tan sở để gặp ông chồng. Trước khi đến áo ông bạn bị long một cái nút ở ngực. Bà vợ thấy vậy kêu anh bạn đứng gần lại để đính giùm nút áo, thế thôi. Vừa xong cũng vừa lúc ông chồng về đến và cùng lúc đó bà vợ đang dùng miệng cắn cho đứt sợi chỉ vừa khâu xong. Vì là loại chỉ tốt nên bà vợ cắn mãi sợi chỉ mới đứt. Đó là lý do ông chồng về thấy bà vợ gục đầu vào ngực anh bạn mình hơi bị lâu.

4. Ghen giả tạo

Một ông chồng nhỏ con, dung nhan không có gì hấp dẫn, chữ nghĩa chẳng là bao thế mà mỗi lần ông đi nhậu với bạn bè về bà cứ mè nheo hỏi đi hỏi lại: “Hôm nay ông đi với con nào vậy?”. Ông chỉ biết trả lời nhỏ nhẹ. “Bà ồn ào quá, đi nhậu với anh Ba, anh Tư chứ con nào đâu”. Thực sự ai cũng biết chắc chắn rằng bà này đóng kịch, ý muốn khoe ông chồng còn ngon cơm ra đường cũng còn đào hoa lắm, và bà cũng còn yêu ông ấy ra rít theo cái kiểu có yêu mới ghen. Ông bạn tôi vẫn hay than thở: “Tôi mệt bả quá, nói chuyện câu thứ hai qua câu thứ ba là cãi lộn. Bả cứ nói tui vẫn còn nhớ mấy con nhỏ hồi còn đi học”. “Mấy con nhỏ” ở đây là mấy cô bạn hồi thời còn ở bậc trung học, hiện nay họ đều có gia đình và sống ở nước ngoài. Thỉnh thoảng họ về thăm quê nhà, thường tạt qua thăm gia đình anh bạn cũ nhỏ thó năm xưa, và tặng vài thỏi sô cô la. Thế mà bà vợ cũng nghiến răng nhiếc móc: “Ăn mấy viên kẹo đó đi rồi đứt gân máu mà chết”.

IV. Hóa giải cơn ghen: Thất ra không có liều thuốc gì, hay biện pháp nào cắt đứt được cơn ghen đang bùng nổ, nhưng theo tôi có thể chận đứng những nguyên nhân dẫn đến chuyện ghen tương.

1. Nguyên nhân:

a) Yêu mới ghen? Xin đừng suy ra rằng yêu là nguyên nhân của ghen.

Chúng ta vẫn thường nghe mọi người nói “có yêu thì mới ghen”. Thật ra, cũng đúng một phần, nhưng đây là một lối yêu mù quáng không còn phân biệt điều hơn lẽ thiệt. Đã yêu mù quáng thì thường dẫn tới cái ghen hoang tưởng như cái ghen trong bài thơ của Nguyễn Bính.

Một số người cho rằng người vợ, hay người chồng phải biết ghen mới làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của cuộc sống hôn nhân, và thể hiện cụ thể tình cảm yêu thương của vợ chồng. Nói như vậy, nhưng các ông, các bà đó không xác định sự chịu đựng đối với cơn ghen của người kia đến mức độ nào, để người kia biết mà dừng lại đúng mức. Thay vì tặng cho tình địch một lon axít, người kia sẽ dừng lại ở định mức nửa lon thôi hay sao? Thực sự, cơn ghen ghê gớm lắm. Xin đừng xem cơn ghen của người phụ nữ hay của một người đàn ông là để tô điểm tình cảm vợ chồng thêm mặn mà.

Một trường hợp không yêu cũng ghen. Cặp vợ chồng đã ly dị, người vợ đi lập gia đình với người đàn ông khác. Ông chồng cũ nổi ghen chém bà vợ cũ của mình. Thế là ông chồng cũ vào nhà lao nghỉ mát. Như vậy ghen không phải là dấu hiệu của tình yêu.

PHỤ BẢN III

Như trong phần định nghĩa đã nói, ghen là một “phẩm chất” tồn tại khách quan trong một con người nào đó. Như vậy, bản tính ghen có thể là có, cũng có thể là không ở mỗi con người. Có người nói đàn bà ghen là chuyện đượng nhiên vì họ là… đàn bà.

Trong Truyện Kiều, Hoạn Thư đã tự biện hộ khi bị dẫn ra để Thúy Kiều xét xử:

“Rằng tôi chút phận đàn bà.

Ghen tương thì cũng người ta thường tình”

Hoạn Thư đã sử dụng cái Tam đọan luận “Đàn bà ai cũng ghen, Hoạn Thư là đàn bà, vậy Hoạn Thư ghen là chuyện bình thường” mà được tha cho khỏi phải tội chết. Tuy nhiên, vế đầu của Hoạn Thư “Đàn bà ai cũng ghen” không được chính xác. Ngày nay chúng ta cũng biết đàn bà có người không ghen, rồi đàn ông cũng ghen. Tam đoạn luận này đã bị hỏng. Một tam đoạn luận gọi là chính xác như câu: “Người ta ai cũng chết, Socrates là người, Socrates phải chết.”

Nguyên nhân của tình trạng ghen tương này xuất phát từ sự thiếu tự tin. Một số người mắc chứng tâm thần hoang tưởng, lúc nào cũng ngỡ mình bị bạn đời lừa dối. Như vậy, lời biện minh ghen do vì yêu quá nên ghen không đứng vững.

b) Các tình huống dẫn đến ghen tương.

Trong sinh họat gia đình, có rất nhiều tình huống nếu không khéo léo có thể tạo ra ghen tương”. Muốn hóa giải cơn ghen thì không nên tạo ra những tình huống này. Sau đây là một số tình huống tiêu biểu:

(1) Khi sử dụng điện thọai .

Ngày nay ai cũng có điện thọai di động. Trong nhà, mỗi khi có điện thoại reo, một người trả lời, người kia có thể đang theo dõi cuộc đối thoại. Nhưng nếu người trả lời tỏ ra không muốn cho người kia nghe bằng cách vào phòng riêng hay ra một chỗ khác để trả lời điện thoại, điều này sẽ làm cho người kia cảm thấy tự ái bị va chạm, rồi phát sinh chuyện nghi ngờ. Đúng ra, nếu quan niệm một cách phóng khoáng, người kia có thể coi như bình thường không quan tâm đến chuyện riêng tư của người khác, dù là vợ chồng.

(2) Ăn mặc:

Một trong hai người nghĩ rằng có vợ hoặc có chồng rồi ra đường ăn mặc đơn giản, nhưng người kia thường thường có bộ cánh hết sức chải chuốt, diêm dúa. Nếu là người vợ thì có phần làm bắt mắt người khác, và nếu là ông chồng thì quá tươm tất còn thêm mùi nước hoa ngào ngạt. Sự kiện này thường tạo ra một khoảng chênh lệch giữa hai người, tạo ra một mặc cảm tự ti đối với người ăn mặc giản dị, rồi nghi ngờ lòng chung thủy của người kia. Có phải người kia muốn cho thiên hạ thấy rằng người đi bên cạnh có tư cách hèn kém, không xứng đáng với người kia?

Tuy nhiên người giản dị cũng không nên giản dị quá đâm ra xuềnh xoàng làm giảm đi cái mỹ quan.

(3) Khen ngợi một người bạn.

Tình huống này có thể xảy ra cho cả hai phái nam và nữ. Trong một gia đình người vợ thường hay khen ngợi một người bạn trai về một lãnh vực nào đó. Dù rằng người bạn trai này đã có vợ con đàng hòang, nhưng không khỏi làm ông chồng cảm thấy tự ái cho rằng khi vợ khen một người đàn ông khác có nghĩa là ông chồng mình phải thua anh chàng kia. Rồi chính bản thân ông chồng cũng thấy mình “tệ” hơn người kia. Niềm tự ái lớn dần và chuyện ghen tương ầm ĩ chỉ còn là vấn đề thời gian để bùng phát.

Trong khi đó ở một gia đình khác, người đàn ông thường khen một cô bạn đồng nghiệp đã có chồng. Nào là cô ấy nói chuyện rất khéo, giọng nói êm đềm, ăn mặc không cầu kỳ nhưng sang trọng! Đến một lúc nào đó, chỉ có ông trời mới ngăn được bà mở hết loa phóng thanh: “Ừ tôi nói chuyện vụng về, ừ tôi chanh chua, ừ tôi ăn mặc lôi thôi như con đầy tớ? Ông đi mà ở với nó”. Thế là trái bom ghen đã bùng nổ do sự không tế nhị của ông chồng.

(4) Đột ngột thay đổi quy luật sinh hoạt :

Ông chồng đột nhiên thường hay đi làm về trễ, có khi lại về rất khuya. Điện thoại lại khóa, vợ không gọi được. Âm thanh ò í e trong máy rất dễ làm cho người ta điên tiết. Hôm nào về không có mùi rượu thì ông chồng lý giải rằng sếp bàn việc nhiều quá. Nào là vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng vấn đề kinh doanh của công ty, nào là vấn đề phát triển kinh tế vỹ mô vv... Tội nghiệp mấy bà vợ nghe nói đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì nghĩ là vấn đề trầm trọng đây. Nhưng các ông đừng vội đắc thắng. Các bà bắt đầu đặt vấn đề theo dõi áp sát đối phương rồi đó.

Đối với người vợ khi đột ngột đi sớm về trễ, hoặc tự ý rời nhà nói rằng để đi chơi với một đồng nghiệp nữ. Ông chồng dễ dàng nghi vấn và từ đó có thể phát sinh chuyện ghen tương. Nhưng trên thực tế có những bà vợ chỉ thích đi chơi hay shopping với các bạn đồng phái khác.

(5) Tiền bạc không chứng minh rõ ràng :

Trong quá trình chung sống của đôi vợ chồng cùng nhau xây dựng tương lai, người này biết rõ khả năng thu nhập của người kia để cùng nhau gây quỹ tiết kiệm. Bất ngờ một trong hai người nhất là về phía ông chồng, tự nhiên sự đóng góp ngày càng ít. Bà vợ hẳn nhiên phải nghi ngờ. Tiền lương tiêu hao nhanh chóng. Hỏi ra thì ông nói phải chiêu đãi sếp này sếp nọ. Người vợ biết chắc chắn rằng không có việc gì phải chiêu đãi hoài như vậy. Sự nghi ngờ ngày càng lớn và dễ dàng dẫn tới ghen tương.

Về phần người vợ, nếu có xảy ra tình huống mất khả năng đóng góp sẽ không thể nào dấu diếm được. Đây là nguyên nhân rõ rệt dẫn tới ghen tương. Chắc nhiều người còn nhớ chuyện một bà nọ sử dụng công quỹ mua nhà cho một kép hát cải lương tuổi đã về già.

(6) Vết tích lạ còn lưu lại khi về đến nhà.

Như ở trên đã đề cập khi nói đến biểu hiện cơn ghen do bà vợ phát hiện những vết tích như vết son trên áo, mùi nước hoa xa lạ, mẫu giấy ghi tin nhắn của người kia… Thực sự đây là nguyên nhân dẫn đến cơn ghen. Hầu như rất ít người phụ nữ nào thấy áo chồng mình có vết son, hoặc có mùi nước hoa xa lạ mà không nổi nóng. Cái nguyên nhân này còn mang ý nghĩa thách thức của ông chồng, xem thường người vợ mình. Cái ý nghĩ đó mới làm bà vợ căm tức và nổi ghen.

Như vậy, qua một số nguyên nhân dẫn đến ghen tương nói trên, người ta thấy nếu vợ chồng khéo léo xử sự không để những nguyên nhân trên đây xuất hiện, có lẽ ghen tương cũng khó mà có đất sống. Hạnh phúc gia đình mới bền vững.

2. Chuẩn bị ban đầu:

Đây là một phương pháp hóa giải từ xa. Chuẩn bị ở đây là sự tìm hiểu giữa hai người trong giai đoạn tiền hôn nhân tức là ở vào “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Tuy nhiên trên thực tế hai người khó mà tìm hiểu lẫn nhau được bao nhiêu. Ở thời kỳ yêu nhau hai người nam nữ thường cùng nhau thệ nguyện “ta sẽ yêu nhau trọn đời…” Nhiều khi anh chàng còn dặm thêm một gam màu rực rỡ “anh sẽ săn sóc em và mãi mãi trung thành với em”. Cô nàng cũng không kém: “Em sẽ thương anh, và theo anh đến tận chân trời góc biển”. Thuở ban đầu hứa hẹn, thề nguyền với nhau như vậy đó, nhưng năm mười năm sau của thời kỳ chung sống, không biết hai người có còn nhớ những gì mình đã hứa đã thề nguyền hay không?

Trong quá trình yêu nhau, chắc chắn cũng có một vài nguyên nhân dẫn đến ghen tương, người này có chịu đựng cơn ghen của người kia không, có thể hóa giải được không. Nếu thấy rằng không chịu được, không hóa giải được thì phải chia tay sớm. Không nên chủ quan tin rằng sau này cưới nhau người này sẽ nói với người kia để cùng thông cảm. Hậu quả cho sự chủ quan này sẽ không nhỏ. Nên chuẩn bị cẩn thận để dứt khoát ngay từ đầu. Thà rằng chia tay vì “không hợp nhau” trong giai đoạn yêu nhau, chứ không nên để sau này ly dị rồi mới biện minh với bạn bè là “không hợp nhau”.

Auguste Forel nói: “Thà rằng có người chồng không trung thành còn hơn là có người chồng hay ghen. Vì người chồng không trung thành còn có thể giữ được hạnh phúc với vợ. Còn người chồng hay ghen luôn luôn biến gia đình thành Hỏa Ngục” và ông cũng nói: “Người vợ càng ghen càng không thể nào sửa đổi được người chồng, mà trái lại còn gây ra những cảnh hỗn loạn mà kết cuộc là đầu độc đời sống chung cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn.

Trong giai đoạn chuẩn bị này cần phải hình dung đến cuộc sống hôn nhân mà hình ảnh hai người sẽ đóng vai trò người chồng và người vợ trong gia đình sẽ như thế nào. Ở đây xin đặc biệt lưu ý đến hình ảnh người chồng.

Đàn ông thường có hai dạng, một dạng chậm chạp, khép kín, chân chỉ hạt bột, vợ đặt đâu, chồng ngồi đấy. Bất cứ chuyện gì ông chồng này cũng thành khẩn khai báo, nếu có sai xin vợ khoan hồng. Một dạng đàn ông khác là năng động, tháo vát, có kiến thức, dễ hòa nhập vào xã hội. Nếu người phụ nữ muốn chọn ông chồng ngoan ngoãn sẵn sàng nghe lời vợ sai bảo như ở dạng thứ nhất, thì yên tâm lo kiếm sống không bao giờ cần nghĩ tới chuyện ghen tương vì đã có được ông chồng trung thành, cúc cung tận tụy, thành khẩn nghe lời giáo huấn của bà xã. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội hiện đại số người phụ nũ thích có ông chồng theo kiểu này chắc không nhiều. Vậy thì nếu bạn nữ nào muốn có ông chồng tháo vát lịch thiệp, năng nổ... thì phải chấp nhận năm ăn năm thua. Nếu bản tính năng động đó của ông chồng thăng hoa, tức là phát triển theo chiều hướng tích cực, người đàn ông đó sẽ đối xử với gia đình vợ con một cách hoàn hảo. Mọi sự tiếp xúc với phụ nữ ngoài xã hội, chắc chắn phải có, nhưng đối với “típ” đàn ông này, là “rủ sạch nợ trần” không để trách nhiệm dây dưa gì cả. Nhưng nếu bản tính đó thoái hóa, tức là theo chiều hướng tiêu cực, người đàn ông đó sẽ trở thành kẻ lăng nhăng vô trách nhiệm. Giải pháp tan hàng cũng khó tránh khỏi cho trường hợp này.

V. Tổ chức cuộc sống hôn nhân.

Để hóa giải những cơn ghen hay chặn đứng nguyên nhân dẫn đến ghen tương, chúng ta nên quan tâm đến các vấn đề sau:

1. Thực sự tôn trọng lẫn nhau. Đối với nhiều cặp vợ chồng, sau đám cưới, ông chồng coi như cưới được vợ rồi, tức là đạt được mục đích, nên xem vợ là một người coi sóc gia đình. Người vợ vừa phải đi làm việc, vừa phải sắp xếp thời gian để làm mọi công việc nhà như một “ô shin”. Người chồng không hề quan tâm tới. Thực sự công việc nhà rất nhiều. Người chồng phải quan tâm, đỡ đần công việc nhà với vợ nếu như không có khả năng thuê người làm.

Có cặp vợ chồng đã tan rã nhanh chóng sau đám cưới một thời gian ngắn, chỉ vì ông chồng trẻ vẫn còn mải theo bè bạn đêm nào cũng nhậu nhẹt say sưa về đến nhà khuya lơ khuya lắc, bà vợ ngồi chong đèn chờ đợi mỏi mòn. Bà vợ quá sức chán nản cái cảnh đêm đêm làm “người vọng phu”. Quý ông nào đã từng nếm cảnh “đêm chong đèn ngồi nhớ… vợ” chắc sẽ rất thông cảm với quý bà trong trường hợp này.

Quan niệm chồng chúa vợ tôi, và nữ trung hào kiệt không còn phù hợp trong một xã hội phát triển. Trong nhiều gia đình người chồng nắm toàn bộ vai trò quyết định. Tại sao không để người vợ quyết định trong phạm vi và khả năng hiểu biết của mình. Có nhiều gia đình, bà vợ nắm nguồn kinh tế gia đình, thường nắm luôn quyền quyết định mọi việc. Quý bà cũng không nên kềm hãm tinh thần tự quyết và ý chí tiến bộ của đức ông chồng.

Cũng có những người đàn ông quá tự mãn cho rằng chỉ có ông mới là người đem lại cuộc sống hạnh phúc cho bà, rồi ung dung tự tại xem thường vợ, tự cho mình là kẻ ban ơn, tự cho mình có quyền hạn đối với bà vợ, rồi cấm cung không cho vợ tiếp xúc bất cứ một người đàn ông khác. Thực ra, có một triết gia đã nói “không ai tắm hai lần trong một dòng nước”. Các ông không nghĩ rằng nếu ông Tơ bà Nguyệt trước kia không xe duyên bà với ông mà lại xe duyên với một người đàn ông khác biết đâu bà ấy có thể giàu có và hạnh phúc hơn là sống với ông nhiều. Mặt khác, đàn ông cần phải có trách nhiệm đảm bảo tương lai cuộc sống của người phụ nữ, vì người phụ nữ đã phải từ giã cha mẹ anh chị em để vĩnh viễn đi theo người đàn ông về sống trong một môi trường xa lạ.

Cũng xin đừng miệt thị lẫn nhau. Có trường hợp một ông chồng giữa đám đông bè bạn và trước mặt vợ mình, chê bà vợ nấu ăn dở quá và nói rằng ông ấy phải ăn là ăn giùm bà ấy không lẽ đổ cho con tô tô ăn. Nhiều ông không bao giờ đề cao, hay khen vợ mình trước mặt bè bạn. Tương tự, nhiều bà cũng hay chê ông chồng giữa đám đông xa lạ, hay bạn bè, nào là ông ấy cù lần, nào là ông ấy rù rù rờ rờ... không hề biết khen một câu để cho ông chồng kiếm một bàn danh dự.

Cũng có nhiều đàn ông còn sót lại quan niệm phong kiến, cho rằng đàn ông có quyền “năm thê bảy thiếp”, cho nên có vợ rồi vẫn còn ham đèo bồng. Có ông còn nói “Tôi lấy vợ lẻ để cho bà lên làm vợ cả không sướng sao? Chuyện ghen tương trong gia đình sẽ không bao giờ xảy ra nếu quý ông đó biết “khắc phục” được cái máu phong kiến đó. Khôi hài nhất là các quý ông đó lại bắt bà vợ phải “chính chuyên một chồng”, tuyệt đối không cho bà tiếp xúc một người đàn ông nào khác.

Có tôn trọng lẫn nhau sẽ làm tăng thêm thời gian khăng khít của hai vợ chồng. Khi không có khoảng xa cách nhau, nguyên nhân cho việc ghen tương khó xuất hiện.

2. Thành thực với nhau. Vợ chồng nên đối xử thành thực với nhau càng nhiều càng tốt. Sự thành thực không thể nào đạt đến mức tối đa 100%, nhưng hai vợ chồng phải hạn chế việc nói dối đến mức có thể được. Không ai bắt một trong hai người phải thật thà khai báo việc gì có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc hai người. Ví dụ trên đường đi làm việc người vợ hay người chồng gặp lại người yêu thời đi học. Thôi thì việc hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện dăm ba câu gì đó rồi chia tay không việc gì phải về báo cáo lại cho người kia biết. Nên luôn luôn tự hỏi người này đã tỏ ra thành thực với người kia đến mức độ nào, để rồi phát huy.

3. Tin tưởng nhau. Hai vợ chồng “hãy tin nhau như chưa tin lần nào”. Không nhất thiết phải là tuyệt đối, nhưng cứ tạm tin để có hạnh phúc. Mọi gian dối, nếu có tự nhiên dần dần xuất hiện. Niềm tin tưởng lẫn nhau của đôi vợ chồng là niềm an ủi rất lớn để hai người có nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Nếu người vợ vẫn vững tin rằng ông chồng luôn giữ những điều khoản cam kết trong thời kỳ tiền hôn nhân, tức là thời kỳ yêu nhau trước khi đi đến đám cưới. Như vậy ông chồng vẫn là của mình, không mất mát đi đâu cả.

Mỗi khi ông chồng nêu lý do này lý do nọ để đi sớm về trễ người vợ hãy tin chắc rằng ổng có thể đã “xạo” hết tám chục phần trăm. Cái khéo của người vợ là cứ tin là thật bởi vì ông chồng có thể bị bắt buộc phải nói dối. Không bao giờ có một ông chồng nào lại thành thật khai báo với vợ là đi bia ôm. Thử hỏi, và trên mảnh đất này có bao nhiêu đàn ông lành mạnh chưa hề biết đến bia ôm. Số lượng chắc chắn không quá đầu ngón tay.

Trong một môi trường mà người đàn ông có quá nhiều điều kiện dễ dàng tíếp xúc với phụ nữ, người vợ ở nhà nên tin tưởng ở bản lĩnh của ông chồng và nên thường xuyên nhắc nhở ông chồng về lời cam kết với nhau ban đầu và đừng bao giờ để “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tương tự, ông chồng nghe bà vợ nói chiều nay đi tiếp khách, ông chồng cứ vui vẻ ở nhà lo bữa ăn tối cho mình và cho con cái. Rửa bát đĩa luôn càng tốt. Xin đừng nói rằng lấy “quyền làm chồng” để bắt buộc bà vợ phải ở nhà. Quý ông nên hết sức tin vào bản lĩnh của người vợ.

4. Thương yêu nhau. Dĩ nhiên phải thương yêu nhau thật lòng mới có thể sống chung với nhau trong một mái ấm. Có thương yêu nhau người này có thể tha thứ cho người kia về mọi sai trái người kia mắc phải. Có thương yêu nhau về già người này sẽ thấy không thể thiếu người kia.

5. Ân cần chăm sóc nhau: Quan tâm lẫn nhau về mọi vấn đề, nói một cách cụ thể, từ miếng ăn, giấc ngủ, sức khỏe, tình trạng công tác. Nếu cả hai cùng đi làm việc, cần phải quan tâm lẫn nhau cùng nhau đề phòng tình trạng stress. Tất cả vấn đề liên quan đến sức khỏe của một người, người kia phải hết mực quan tâm để khuyến khích điều trị đúng mức. Mỗi người nên thường xuyên đặt câu hỏi có quan tâm đầy đủ đến người kia không?

6. Đối xử dịu dàng với nhau. Một chứng bệnh chung cho nhiều gia đình là vợ chồng con cái thi nhau lớn tiếng dù chỉ trao đổi với nhau về những chuyện thông thường. Có khi sử dụng những từ ngữ không được thanh nhã. Riêng đối với vợ chồng, lớn tiếng dễ gây hiểu lầm là người này nạt nộ người kia rồi dễ sinh bất hòa, bất hòa thì lại lớn tiếng. Chuyện trong nhà hàng xóm đều biết. Không nên để xảy ra cảnh vợ chồng giận nhau về nhà đóng cửa ra ngoài đường nói chuyện. Nếu không có sự đối xử dịu dàng vợ chồng sẽ ít có dịp ngồi lại tâm sự, như vậy sẽ tạo ra khoảng cách, rồi càng ngày khoảng cách càng lớn dễ xảy ra xa mặt cách lòng.

7. Tự tin vào chính mình. Ông chồng phải tin rằng đối với vợ ông là người đàn ông số một, bà đồng ý để ông cưới có nghĩa là bà sẽ tuyệt đối trung thành với ông suốt đời. Không nên sợ rằng bà vợ sẽ đem ông chồng ra so sánh với những người đàn ông khác. Nhân vô thập toàn, khó mà nói được ai thắng ai. Ngược lại bà vợ cũng phải tự tin chính mình là một nữa tốt hơn mà ông ấy đã tìm được, chắc chắn không có một người đàn bà nào khác thay thế vị trí ngon lành của mình trong trái tim của ông chồng.

Có một số phụ nữ khi tuổi tác đã bước qua bên kia sườn núi của thời gian, sợ nhan sắc tàn tạ, các ông chồng sẽ chán, sinh ra mèo chuột vớ vẩn. Đây cũng là một biến tấu của ghen. Bà bèn đi cầu cứu đến thẩm mỹ viện, rồi mang bộ mặt không giống ai về trình diện ông chồng. Hầu hết các ông chồng thường bị sốc khi gặp phải cảnh này. Đây mới là nguyên nhân làm cho ông chồng mất đi mỹ cảm đối với vợ và dễ sinh ra chán nản và rồi, có khi, mâu thuẩn bắt đầu.

Các bà vợ này không biết rằng xấu đẹp còn tùy người đối diện. Vẻ đẹp riêng của mình từ “thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã được các ông chồng khắc ghi sâu vào tâm khảm của các ông rồi. Thời gian có làm cho nhan sắc vợ mình phai nhạt, nhưng hình ảnh của bà ở trong tim của ông vẫn còn đẹp mãi với thời gian.

VI. Kết luận

Đặt vấn đề ghen hay không chỉ là giải quyết phần nổi của tảng băng mà phải xem lại quan hệ đối xử giữa vợ chồng,qua mức độ yêu thương, niềm tin của người này dành cho người kia, sự tự tin của mỗi người vv… làm sao đạt được một chuẩn mực nào đó khả dĩ chận đứng những nguyên nhân dẫn đến ghen tương.

Trên thực tế, ghen không đảm bảo đem lại hạnh phúc gia đình mà nó thường dẫn tới những hậu quả thật đáng tiếc trong đó phải nói đến việc đáo tụng đình vì gây tổn thương cho người khác mà không có lý do chính đáng. Ngoài ra điều tai hại hơn hết là gây tổn thương rất lớn về mặt tinh thần cho đàn con cái.

Nghị lực cũng như bản lĩnh và sự chính chắn vững vàng của hai người vợ hoặc chồng là điều hết sức quan trọng trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Nhà giáo Lê Hùng Dương

duonglee@gmail.com

AI NÓI “HÔN NHÂN
LÀ MỒ CHÔN CỦA ÁI TÌNH” LÀ SAI…

Bác sĩ David Mace, Tổng Thư ký Quốc gia Hôn nhân Hướng dẫn ở Anh khuyên bạn:“Hôn nhân là một sinh vật, cần phải biết làm cho nó sống và lớn lên để luôn đổi mới.”

Các lớp gia đình mục vụ đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng. Không phải những điều chỉ dạy không có kết quả. Có điều đáng buồn là có những sự tan rã, xé giao kèo chung sống của những đôi vợ chồng làm nhiều người thắc mắc.

Có ai đã nghĩ là những chuyện ly thân hay ly dị chỉ là những hình ảnh nổi bật nhưng không quan trọng bằng sự thật ẩn khuất bên trong của người vợ hay người chồng phải chịu đựng nhau mà không nói ra, không tìm được lối thoát vì không dám nghĩ đến chuyện ly thân hay ly dị?

Không phải họ ngu, không biết sống cho bản thân họ nhưng họ không thể ích kỷ. Họ tương nhượng nhau vì nghĩ đến hạnh phúc, tương lai của con cái. Trước mắt họ đã từng thấy thảm cảnh: “Vợ chồng ly thân hay ly dị rồi, con cái ở với ai…”

Để giải quyết tình trạng đó, bác sĩ David Mace đã nhắc nhở một điều là tất cả những người mới lập gia đình, những người đã có gia đình từ lâu, đã có con cái lủ khủ phải biết giữ cho sống mãi tình yêu ban đầu.

Nói hôn nhân là mồ chôn ái tình là lầm to

Hôn nhân cần phải được coi như là một sinh vật. Hôn nhân chỉ có thể sống được là khi nào cả vợ lẫn chồng đều biết làm cho nó luôn luôn mới lại và lớn thêm lên. Nếu chúng ta khước từ, không dành cho nó tất cả những sự chăm nom săn sóc và bảo vệ đúng mức, nó sẽ tàn tạ như cơ thể chúng ta, sẽ gầy mòn, suy yếu vì chúng ta không biết giữ gìn vệ sinh và bồi dưỡng hằng ngày để bù đắp lại những lao lực đổ ra khi mưu tìm cuộc sống.

Đối với những cuộc hôn nhân gượng ép, không phải lấy nhau vì tình cũng có thể có hy vọng tạo được hạnh phúc nếu cả vợ lẫn chồng chịu nghĩ ngợi một cách chính chắn về trường hợp đã kết hợp với nhau thành gia đình. Nhất là cần phải gạt bỏ trong đầu óc ý nghĩ hôn nhân là thiên đường hạnh phúc của vợ chồng, không phải vướng bận những phiền toái của cuộc đời. Đành rằng chúng ta tin tưởng là khi có vợ, có chồng chúng ta sẽ được hạnh phúc thế nào đó, sẽ gặt hái được những điều ưng ý, những sự thỏa mãn nào đó nhưng chúng ta không thể không nghĩ đến những khó khăn, những điều không ưng ý có thể đến với chúng ta. Do đó, phải quan niệm là không có việc gì lại tự nhiên đến với chúng ta một cách tốt đẹp mà chúng ta không phải cố gắng xây dựng, đào tạo, dọn đường cho nó đến. Phần thưởng không phải là một sự cho không mà là kết quả của một sự cố gắng.

Hôn nhân là một sinh vật?

Phải, hôn nhân là một sinh vật. Khi biết như vậy rồi chúng ta phải cố gắng luôn luôn làm sao cho nó mỗi ngày một mới. Ở đời, nói sống là phải nghĩ đến chuyện lớn lên. Và nói lớn lên là phải nói đến chuyện biến đổi.

Khi chúng ta gặp lại một bạn cũ đã xa cách mười năm, nếu thấy người ấy không có gì thay đổi, chúng ta có thể nghĩ là đời người ấy đã gặp phải thất bại.

Tại sao?

Cuộc sống đã không lưu dấu vết gì ở thân xác người ấy. Kinh nghiệm, khắc khổ hay vinh quang cũng không làm nảy nở và phát triển nhân dáng để chứng minh là đã được thăng tiến trong cuộc sống?

Hôn nhân cũng có thể như người ấy, đông lạnh lại trong một tình trạng thô lậu bất di bất dịch. Sự thất bại của nhiều lứa đôi trong hôn nhân thường thường không ngoài trạng thái không thay đổi do sự khiếm khuyết sáng kiến làm mới lại, sống lại không khí gia đình. Những sự buồn chán này tuy không đưa họ đến trước một phiên tòa xin xé giao kèo chung sống nhưng cũng triền miên đè nặng trên tâm hồn vợ lẫn chồng.

Phải thành thật khen ngợi, bái phục những đôi vợ chồng đã can đảm chịu đựng không khí nghẹt thở đó để bảo vệ hạnh phúc con cái. Quả thật là một sự hy sinh cao quý hiếm có trong thời buổi này.

Nhưng nếu họ không bị quẫn trí và thủ tiêu tinh thần tranh đấu, rút lui vào cái vỏ hy sinh, họ sẽ thấy là tình trạng không có gì đáng gọi là tuyệt vọng cả. Người ta vẫn còn cả trăm ngàn biện pháp cứu vãn kia mà!

Có cần thiết thay vợ, đổi chồng, bước đi bước nữa?

Việc ly dị của đôi vợ chồng chưa có con cái trong quan niệm sống hiện nay trong xã hội chúng ta không phải là chuyện khó. Nhưng hãy nên nghĩ kỹ là có cần thiết thay vợ, đổi chồng, bước đi bước nữa mới tìm được hạnh phúc thật sự? Hay là tìm cách hàn gắn, thay đổi nếp sống để làm lại cuộc đời mới như bắt đầu một sự bắt đầu với người bạn đường cũ của mình?

Vấn đề không phải là vô lý đâu. Một đôi vợ chồng đang trên bờ ly dị vẫn có thể tránh đổ vỡ và tìm được hạnh phúc nếu họ thành thật muốn.

Đành rằng không ai ăn cơm nhà nói chuyện người mãi làm gì nhưng cuộc đời trai bỏ vợ, gái bỏ chồng cũng không hay ho gì.

Trong tất cả mọi người đàn ông hay đàn bà đều có những năng lực tiềm ẩn mà ít có khi thể hiện toàn diện. Trong tình yêu chồng vợ, có hàng ngàn, hàng ngàn cách yêu nhau. Cũng có vô số đề tài bàn bạc, thảo luận gây hứng khởi cho nhau thật mới mẻ mà cả vợ lẫn chồng đều không biết để khai thác làm căn bản cho nếp sống sôi động, vui tươi trong gia đình.

Nhưng điều tối quan trọng là phải có sự cố gắng và chân thành hợp tác của hai vợ chồng trong việc duy trì, hàn gắn và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mỗi ngày một vấn đề, một khía cạnh sống mới, một ý nghĩa, một chương trình đem ra nghiên cứu, thảo luận với nhau.

Thử hỏi một nếp sinh hoạt như vậy, một không khí tương điểm tương đồng, tương xứng với nhau như vậy làm sao có thể sanh chán nản hoặc có kẽ hở để lọt vào những chuyện bá vơ có thể gây hiểu lầm và bất hòa với nhau được?

Cái nguy hại nhất cho các gia đình là sự thiếu sáng kiến, không chịu cố gắng làm một cái gì để thay không khí nặng nề, nhàm chán quen thuộc. Nếu các ông chồng, bà vợ muốn ly dị nhau chịu bỏ chút thì giờ nghĩ đến chuyện duy trì cuộc sống bên nhau như đã bỏ công tìm cách xa nhau, chắc chắn là sẽ có thể hàn gắn lại những gì mà họ tưởng đã đổ vỡ và tìm lại được hạnh phúc.

Một vị hôn phu khéo ví von

Trong hồ sơ tài liệu của National Marriage Guidance Council, một cơ quan chánh thức hướng dẫn hôn nhân ở Anh mà bác sĩ David Mace là Tổng thư ký có bức thư của một nhà giải phẫu danh tiếng gửi cho vị hôn thê như sau:

“Không thể nào gieo mãi trên một mảnh đất một thứ hột giống duy nhất hết năm này đến năm khác. Thay đổi và làm mới lại luôn là điều rất cần thiết. Nếu không, tất cả màu mỡ của đất sẽ tiêu tan hết một cách nhanh chóng. Điều tốt đẹp, toàn mỹ có thể có trong một giai đoạn nào là khởi điểm của cuộc phối hợp giữa chúng ta. Nhưng sau đó sẽ là tình bạn, sự trung thành rồi là sự cảm thông tư tưởng với nhau. Những chất liệu căn bản tương trợ trong cuộc chung sống lứa đôi sẽ trở thành nguồn suối vô tận năng lượng thí nghiệm mới. Nhưng sự thành công chỉ sẽ mỹ mãn khi nào chúng ta tự biết đào sâu trí óc tìm tòi đem lại những mới lạ cho nhau. Chúng ta cũng cần phải biết kiểm điểm, dự trù cứu xét những vấn đề mới, hướng dẫn những cuộc đổi thay và theo dõi, thực hiện đến nơi đến chốn.

Đừng vội thất vọng

Trong gia đình, nếu bạn thấy những triệu chứng bi thảm, tai hại có thể đưa đến sự tan rã, đổ vỡ. Điều trước nhất là khuyên bạn hãy bình tĩnh, đừng vội thất vọng. Chưa chắc là hôn nhân của bạn không tốt đẹp đâu.

Một khi mà bạn quyết tâm, thật sự quyết tâm thì tất cả đều có thể biến đổi được. Và hôn nhân sẽ sống lại, lớn mạnh lên y như một sinh vật tăng trưởng, phát triển hay một thân cây vươn mình cao lớn với tàng lá xum xuê đem lại bóng mát và sự yên vui cho gia đình.

Nên cũng ở bạn mà hư cũng ở bạn. Do đó, chính bạn phải là người nỗ lực vượt mọi khó khăn để tự tạo một sức mạnh tinh thần và những phương tiện làm lại nếp sống mới, ngăn chận ý nghĩ đen tối… ly dị.

(Woman’s Home Companion)

Đỗ Thiên Thư st

VAI TRÒ CỦA BỮA ĐIỂM TÂM
TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

Ăn là điều mọi người thường làm (muốn làm, thích làm nữa – hiếm khi nào “trốn làm” lắm) à để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng: Từ trẻ con đến người già, từ lao động chân tay đến lao động trí óc, ở mọi lứa tuổi ai ai cũng cần ăn để “xóa đói” cho riêng mình, có sức làm việc... và vui chơi.

Một điều đơn giản ai cũng nhận ra là một khi đói, “kiến bò”, dạ cồn cào thì còn làm được việc gì nữa! Theo người Pháp thì Ventre affamé n’a pas d’oreilles có nghĩa là “Bụng đói thì tai chẳng nghe” đâu.

Thông thường người ta ăn 3 bữa/ ngày cách nhau không quá 5 tiếng, và bữa điểm tâm hợp lý phải là bữa quan trọng nhất. Tại sao?

Bữa ăn tối cuối cùng, rồi qua đêm, đến bữa điểm tâm hôm sau tối thiểu cũng đã cách nhau 8 đến 10 tiếng. Nếu bỏ qua điểm tâm đến bữa trưa thì ta đã tuyệt thực 12 tiếng tức ½ ngày rồi!

Chẳng thế mà người Anh gọi bữa “lót dạ” hay “điểm tâm” (…vào cái dạ dầy rỗng) là “breakfast = giải tỏa – nhịn đói”.

Tác hại trước tiên là trên não. Vì khi bị đói thì lượng đường trong máu giảm xuống, làm cho não cũng bị thiếu năng lượng hoạt động. Năng lượng tức thời chủ yếu mà não sử dụng để hoạt động là đường. Não không thể trông chờ vào loại năng lượng dự trữ là mỡ được.

Tác hại thứ nữa là trên cơ bắp làm việc thiếu chất đường – (Toàn thân có 500g Glycogen thôi, đâu có nhiều gì!) thì cũng uể oải không lao động chân tay được à dẫn đến tai nạn lao động.

Ăn sáng như thế nào để không mất thời gian nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể?

Thì chắc là phải sắp xếp từ chiều hôm trước, còn đảm bảo dinh dưỡng thì không khó: bữa điểm tâm cũng như mọi bữa khác cần có đủ Bột – Béo – Đạm – Rau là sẽ có đủ chất. Còn không thì có nhiều hàng quà sáng có người đi bán rong – cho mình lựa chọn sao cho vừa đủ dinh dưỡng vừa sạch sẽ “an toàn vệ sinh thực phẩm”. Mách các bạn, những quà nào có lá gói, đã luộc chín, mới vớt trong nồi ra , còn nóng hổi… thì đáng tin cậy hơn.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì bữa ăn sáng có thể nhẹ như bịch cháo, chắc dạ hơn như gói xôi đậu, xôi lúa (bắp + đậu xanh + hành phi + thìa đường) vài củ khoai kèm với muối vừng, muối đậu, quả chuối cũng tốt… còn hơn không ăn gì! Nhà tự làm: có thể là cơm nguội từ chiều hôm trước rang (chiên) với hành, mỡ + thịt rim, cá kho + dưa chua.

Mua sẵn ở ngoài: Hộp cơm tấm bì + đồ chua + bịch sữa đậu nành, Hộp xôi mặn, Cái bánh bao vv...

Một số chị thực hiện chế độ ăn kiêng vẫn nghĩ ăn sáng như thế sẽ ảnh hưởng đến quá trình cố gắng làm giảm cân của họ, có đúng như thế không ạ?

Đúng là có một số chị - và ngay cả một số em nữa – nghĩ sai lầm như vậy! Nhưng họ không lường được rằng kết quả của việc “nhịn ăn sáng” là họ không giảm cân mà có khi còn tăng cân nữa! Hai cái “khổ” sẽ chồng lên nhau: Cái khổ phải nhịn ăn + cái khổ thất bại... thật là “cơ khổ”!

Tại sao? bữa điểm tâm ăn vào bao nhiêu Calo sẽ được tiêu đi, trong khi có nhịn thì đến lúc ăn bữa sau thế nào cũng có khuynh hướng “ăn bù” có khi còn cao hơn lượng Calo đã phải nhịn.

Rồi càng về chiều thì cơ thể sửa sọan nghỉ ngơi, đi ngủ... thì đâu có dịp tiêu hao năng lượng của các bữa ăn à tăng cân là tất nhiên.

Đừng quên rằng chính việc mình dùng bữa cũng tiêu hao năng lượng: và khôn ngoan nhất là ăn làm nhiều bữa nhỏ và có lựa chọn thức ăn sao cho no bụng, bớt Calo nhưng đủ chất dinh dưỡng và chất xơ:

Giảm bớt béo, (đem lại 9 Calo/g nhưng tiêu hóa hấp thu không tiêu hao năng lượng).

Giảm bột đường tinh luyện, (đem lại 4 Calo/g và tiêu hóa hấp thu tiêu hao ít năng lượng.

Tăng thêm đạm, (đem lại 4 Calo/g và tiêu hóa hấp thu tiêu hao nhiều năng lượng.

Tăng thêm rau, trái cây, (đem lại nhiều chất dinh dưỡng nhưng ít năng lượng – nhiều chất xơ chậm hay ít hấp thu đậu, ngũ cốc nguyên cám – và uống nhiều nước (đem lại 0 Calo) cần thiết hơn cả.

Trẻ em thì không suy nghĩ như người lớn chúng ta và chưa có ý thức về tầm quan trọng của bữa ăn sáng. Nhiều trẻ nhất định không chịu ăn sáng và đến trường với cái bụng “kiến bò”. Có trẻ vội vã đến trường với lý do muộn học để “trốn” ăn sáng. Chúng ta nên giải thích với trẻ thế nào về lợi ích của việc ăn sáng đây ạ?

Lợi ích bữa ăn điểm tâm của trẻ:

Nó giúp cho trẻ tăng khả năng hấp thụ bài giảng, suy nghĩ nhanh, tăng mức độ và thời gian tập trung vào giờ học. Một nghiên cứu ở Baltimore và Philadelphia (Mỹ) trên học sinh cho thấy: Sau khi áp dụng chế độ ăn sáng cho toàn trường thì tỷ lệ học sinh đạt được điểm toán cao hơn, ít bị ức chế, ít lo lắng cũng như ít hiếu động hơn so với thời điểm chưa áp dụng chế độ này.

Giải thích cho trẻ cũng dễ thôi: chỉ cần cho các cháu coi sơ đồ tuần hoàn máu sau bữa ăn có tăng đường huyết và khi đói bụng bị hạ đường huyết: Não của các cháu cần được cung cấp liên tục, không ngơi nghỉ lượng đường glucose theo máu tuần hòan. Ngặt một nỗi, không như gan hay tim hoặc cơ bắp, não không có glycogen dự trữ để có sẵn đường glucose tại chỗ... Huyết đường lượng sụt xuống quá thấp gọi là Hạ đường huyết có thể có những biểu hiện bất thường sau đây ở não:

  • Lú lẫn, có hành vi, xử sự bất thường hay cả hai. Thông thường nhất là không thực hiện được những việc thường ngày mình vẫn quen làm.
  • Rối loạn thị giác như nhìn 1 hóa 2 và mắt kém, nhìn không rõ.
  • Hiếm gặp: làm kinh, co giật.
  • Hiếm gặp: xỉu, bất tỉnh.

Hạ đường huyết còn có thể có những biểu hiện khác:

· Tim đập nhanh, đánh trống ngực.

· Run rẩy chân tay.

· Lo âu.

· Vã mồ hôi và

· Đói bụng.

Ở tuổi học sinh lớp lớn (tuổi teen):

Nếu nhịn ăn thì vào lớp không ngáp cũng ngủ gật, có khi mệt quá xỉu cũng không biết chừng! (nữ cần 2.500 calo/ngày so với tuổi trưởng thành cần 2.000; nam 2.900 calo/ngày so với nam tuổi trưởng thành cần khoảng 2.600.

Fast food “thức ăn nhanh”có nên? Đây là những thứ ăn uống được hấp thu nhanh ở khúc 25cm tá tràng. Làm cho huyết đường lượng trồi xụt quá dễ dẫn tới béo phì, trong khi cần những bữa ăn gồm các thức ăn có “chỉ số đường huyết” thấp thì mức đường trong máu đưa tới não ổn định ở mức vừa phải thì tốt cho sự phát triển của não bộ và trí thông minh hơn.

Có cách nào giúp ba mẹ các bé tạo thói quen ăn sáng cho con?

Trẻ con thích có người ngồi ăn cùng, hoặc ít ra thì cũng ngồi với trẻ. Đối với những gia đình có thói quen ăn sáng “thịnh soạn” thì nên chuẩn bị thức ăn từ tối hôm trước để tránh cập rập.

Trường hợp gặp những cháu ngủ lười, dậy trễ thì phụ huynh nên làm thức ăn cho trẻ mang theo có thể ăn trên đường, tiện nhất là bánh mì kẹp.

Không nên phát tiền để cho trẻ tự mua quà – có khi tiêu phí mua những thứ không bổ dưỡng, và không vệ sinh: nước ngọt, cà rem, hay quà vặt trước cổng trường không đảm bảo vệ sinh.

- Không nhịn ăn bất cứ bữa nào, vì bữa sau sẽ cảm thấy đói và ăn bù lại có khi còn nhiều hơn bữa ăn đã nhịn! Đừng bao giờ để bụng rỗng, nhưng cũng đừng bao giờ ăn quá no. Áp dụng hai nguyên tắc của “đồng hồ sinh học”. Thứ nhất là muốn ăn nhiều thì nên tập trung vào bữa điểm tâm (vì sẽ có dịp tiêu hao), trưa ăn vừa phải, cuối ngày thì ăn ít đi. Thứ hai là về chiều, cũng không nên ăn nhiều chất béo, vì không được tiêu hao, ắt sẽ được đắp vào bụng, vào mông!

- Cần tăng mức hoạt động chân tay như đi bách bộ, xe đạp, tập thể dục nhịp điệu, bơi lội vv... chừng 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày. Cần sắp xếp sao cho những sinh hoạt này trở nên thường xuyên trong nếp sống hằng ngày như rửa mặt, đánh răng, rửa tay... thì sẽ không ngại.

- Khuyến khích các em “trở về thiên nhiên” ăn nhiều chất xơ từ gạo lức, từ các loại rau lá (càng xanh đậm chừng nào càng tốt chừng nấy), rau, củ, quả, hoa, giá... càng nhiều màu sắc đỏ - vàng càng bảo đảm nhiều muối khoáng, sinh tố. Đồ uống thì có thạch, xu xoa, uống nước giải khát có hạt é, vài mét ruột sau tá tràng có “việc làm” chắc chắn sẽ có những sớm mai nhuận trường tươi sáng!

TPHCM, Ngày 27 tháng 11, 2006

Bác sĩ Nguyễn Lân Đính

Chuyên viên dinh dưỡng

PHỤ BẢN IV

VIÊN
NGỌC
BÍCH
THÀNH RAMAPOUR

Cuộc triển lãm quả đã là một thành công không thể chối cãi. Mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt người tới xem. Họ chen lấn nhau ở trước cửa Viện Bảo Tàng để được xem thấy tận mắt sưu tập đồ trang sức tuyệt vời của các thế hệ quốc vương Ấn Độ mà họ có dịp được xem nhờ ở những thỏa ước văn hóa mới được ký kết gần đây giữa Pháp và Ấn Độ. Thấm đượm một vẻ huyền bí trang trọng, các đồ vật được trưng bày gồm hàng trăm nhẫn vàng, vòng đeo tay, vòng đeo cổ, chạm trổ thật thanh tú, tinh tế, nhất là những vương miện, những con dao găm bằng vàng khối có cán làm bằng ngà ngọc, có nạm kim cương. Nhưng tất cả những thứ đó cũng vẫn không thể so sánh được với ngôi sao sáng của cuộc triển lãm là viên ngọc bích thành Ramapour mà tất cả mọi báo chí đều đề cập tới, vì nó được coi là một trong những viên ngọc cổ và đắt giá nhất thế giới, và người đời còn biết đến nó nhiều hơn vì quá khứ hãi hùng, đầy tội ác và đẫm máu của nó. Thật vậy, từ khi nó được tìm thấy ở miền Đông-Nam Rajasthan hơn hai ngàn năm trước, viên đá màu xanh trong vắt này đã chỉ rải rắc trên đường đi của nó những hận thù, bạo lực và chết chóc. Ngày hôm nay viên ngọc bích đang nằm hiền hòa trên một nền nhung đỏ để mọi người được chiêm ngưỡng cho mãn nhãn.

- Thưa xếp, theo như nói ở đây thì cái vòng đeo tay này nặng gần ba trăm gờ-ram vàng khối! Mấy bà bồ của các ông quốc vương Ấn Độ chắc phải “đô con” lắm mới đeo được vòng nặng như vậy!

Ông cảnh sát trưởng Legof ngao ngán nhìn lên trời và nói:

- Thôi, Dumas ơi, sì-tốp đi, đừng nói thêm gì nữa về cái catalô này nữa. Bộ cậu muốn học thuộc lòng nó hả?

- Xin ông đừng nổi nóng, chưa có ai dám đánh cắp viên ngọc mà, viên thám tử vừa trả lời vừa lấy tay xoa xoa trên cái cà vạt màu xanh lá cây của anh. Nếu tôi là kẻ cắp và nếu lấy được, tôi sẽ làm cái kẹp đeo nó ngay trên cái cà vạt này, màu xanh trên màu xanh chắc sẽ đẹp lắm…

Legof châm điếu thuốc lá thứ hai mươi của ông trong buổi sáng hôm nay.

- Vẫn chưa có tin gì về hai lá thơ à? Brisson chưa gọi về à?

- Thưa, trên đường đi đến đây tôi có ghé qua phòng thí nghiệm: giấy viết và phong bì là thứ thường dùng, không tẩm nước hoa, không có hình in bông, người viết đã mua một miếng to rồi cắt nhỏ ra. Và tuyệt đối không có vết tay, còn các chữ thì được viết bằng một cái khuôn chữ khoét, thế là các nhà chiết tự cũng chịu thua luôn! Brisson đang phân tích mực dùng để viết, nhưng chắc cũng chẳng đi đến đâu.

Ông cảnh sát trưởng ngồi bật ngửa người, làm cái lưng ghế kêu cót két.

- Còn về cái tên kỳ lạ Ghor?

- Cũng không biết được gì nhiều, theo tự điển bách khoa thì đó là tên một hoàng tộc trị vì ở Ấn Độ trong thời Trung Cổ.

- Còn ở chỗ Plancher và Drouin thì sao?

- Thưa, không có gì mới lạ. Tất cả đều bình thường ở Bảo tàng, chỉ có số người đến xem mỗi ngày mỗi đông hơn. Xin xếp cho tôi được nói thật, xếp quả đã chú ý tới hai lá thơ nặc danh đó. Hay là xếp tin ở những tai họa mà viên ngọc bích thành Ramapour có thể mang lại? Theo tôi, tên Ghor chỉ là một tên cà chớn nào đó muốn giỡn mặt ta mà thôi.

Cảnh sát trưởng Legof thở dài.

- Tôi cũng muốn có thể lạc quan được như anh, anh bạn ạ. Nhưng tôi sẽ chỉ yên tâm hơn sau hai ngày nữa, khi cái cuộc triển lãm chết tiệt này kết thúc. Bạn có nghĩ tới trị giá khủng khiếp của những đồ đang trưng bày không? Rồi còn những rắc rối về ngoại giao, nếu nói dại có chuyện gì xẩy ra…

- Xin xếp đừng lo ngại, chúng ta sẽ không để chuyện gì xẩy ra được. Bảo tàng được trang bị những máy móc điện tử tối tân nhất chống trộm cắp; nhân viên bảo vệ được chọn lọc rất kỹ càng, họ đi tuần cả ban đêm, đấy là không kể mình còn gài Plancher và Drouin ở đó từ tám hôm nay… Theo tôi, đến Arsène Lupin tái sinh cũng chả dám trêu vào…

***

Sau khi người khách tham quan cuối cùng ra về, Adrien, người trưởng ban Bảo vệ thở phào nhẹ nhõm, bỏ mũ lau mồ hôi trán và nói với thám tử Drouin vừa đi tới:

- Rồi! Thế là hết một ngày nữa!

Người mới tới nở một nụ cười thoải mái. Anh lấy tay vỗ mạnh vào lưng người trưởng ban Bảo vệ:

- Vâng, đúng vậy, ông bạn! Chúng ta đang bị cấm cung trong ngôi đền Nghìn Lẻ Một Đêm này còn an toàn hơn là ở trong két sắt của Pháp Quốc Ngân Hàng nữa. Anh có thể thay tôi gọi điện cho lão để cho lão yên tâm: hãy bảo lão là mọi sự ổn cả và chưa có kẻ nào bê hòn ngọc bích của lão đi mất đâu.

Adrien không khỏi mỉm cười ngạc nhiên.

- Anh gọi xếp của anh, ông cảnh sát trưởng Legof là lão à? Ông ấy chỉ kém tôi độ hai ba tuổi thôi, giới trẻ các anh bây giờ nói năng chả còn biết nể nang gì ai. Thôi, được rồi, anh xuống trước đi để tôi đi ra lệnh cho nhân viên của tôi đi tuần, rồi sẽ xuống chơi bài với các anh. Đánh bài bây giờ là thú vui duy nhất còn lại của lão già này!

Tiếng cười của hai người vang lên trong căn phòng có cái trần được chạm trổ cực kỳ đẹp…

***

Thám tử Dumas lái xe rất nhanh qua các đường phố vắng vẻ vì đã rất khuya. Anh nhìn thẳng về phía trước, cố né tránh ánh mắt giận dữ của cảnh sát trưởng Legof đang ngồi cạnh anh.

- “Xin ông đừng có lo! Mọi sự ổn cả! Arsène Lupin cũng chả dám giở trò!” Hay vậy đó! Lại còn chưa kể hai đứa kia nằm ngay ở đó mấy ngày hôm nay nữa!

- Thưa xếp, theo Drouin nói thì đã không có vụ trộm nào xẩy ra, cửa ngõ còn y nguyên… Dumas cố biện bạch.

Legof quăng mẩu thuốc lá qua cửa xe.

- Phải, không mất gì nhưng có người bị giết, sướng không!

- Tôi không có ý muốn nói vậy, nhưng…

- Nạn nhân là ai? Ông cảnh sát trưởng chặn đứng câu nói và hỏi.

- Một người tên là Adrien Blain, trưởng phòng Bảo vệ ở Bảo tàng, Plancher đã tìm thấy anh ta nằm chết ngay trước căn phòng mà… mà…

- Mà viên ngọc bích được trưng bày phải không?

- Thưa xếp đúng vậy, nhưng mà từ sự việc này mà kết luận là…

- Cảm ơn Dumas, anh có thể giữ những kết luận của anh cho anh. Tôi chỉ muốn đơn giản nhắc cho anh biết rằng vụ này sẽ tổn hai rất nhiều cho danh tiếng của cơ quan chúng ta, chưa kể những hậu quả sẽ xảy đến nữa…

Ông cảnh sát trưởng vẫn chưa hết giận khi bước vào căn phòng của nhân viên bảo vệ, nơi mà Drouin và Plancher đang bồn chồn chờ đợi. Vừa thấy mặt hai người, ông mắng sa sả:

- Hai người làm ăn hay quá, tôi không biết nên cảm ơn người nào trước đây! Rồi, nói đi! Tôi chờ nghe những lời giải thích của mấy người đây!

Thám tử Plancher, sau khi ném về phía Dumas một cái nhìn đầy thất vọng, bắt đầu khai:

- Thật không thể nào hiểu nổi thưa xếp, chúng tôi đang…

- Mang danh thám tử mà lại dám há mồm nói rằng thật không thể hiểu nổi!

- Dạ, ý tôi nói là câu chuyện thật khó giải thích: Adrien Blain có ở đây với chúng tôi. Vào lúc hai giờ đêm anh ta bảo là anh ta đi tuần. Nhân viên bảo vệ ở đây thường xuyên đi tuần và kiểm soát hệ thống báo động điện tử. Mỗi khi có gì bất thường ở phòng nào, con số của phòng đó sẽ chớp ngay lên ở tổng đài này và các nhân viên biết ngay để ập đến.

Ông cảnh sát trưởng liếc nhìn cái tổng đài điện tử to đùng nằm choán một phần tường của phòng bảo vệ.

- Vậy có sự báo động nào không?

- Không ạ, không hề có báo động. Nhưng sau khi chờ quá lâu không thấy Adrien về nên tôi mới đi tìm.

Legof sau vài giây trầm ngâm suy nghĩ bỗng sôi nổi ra lệnh.

- Rồi, Drouin, anh lập tức cho tập hợp tất cả nhân viên bảo vệ ở đây. Trong khi đó Plancher sẽ đưa tôi đi coi xác nạn nhân. Dumas, hãy báo ngay cho phòng thí nghiệm biết, và bảo Brisson huy động toàn bộ nhân viên lại đây: tôi muốn bảo tàng phải được khám xét thật kỹ càng, không để sót một nơi nào cả. Cũng đừng quên gọi Legrand, tôi muốn anh ta chụp hình tất cả các phòng và các món đồ trưng bày. Hãy kiểm soát kỹ mọi lối ra vào, không được cho ai ra vào mà không có thỏa thuận của tôi. Rồi, làm đi!

***

Trong lúc hai người bước vào hành lang cẩm thạch dài thăm thẳm thì ông Durieux, người quản thủ bảo tàng xuất hiện. Dáng người cao lớn, mớ tóc bạc trắng bồng bềnh, áo sơ-mi để ngoài quần, ông ta lộ vẻ cực kỳ hoảng sợ. Nhận ra ông cảnh sát trưởng, ông quản thủ nhào đến túm lấy ông ta.

- Ồ, ông cảnh sát trưởng, rất may là ông đã tới. Ông thấy không, thực là khủng khiếp! Làm sao lại có thể như thế được nhỉ? Một vụ án mạng xẩy ra ở bảo tàng của tôi! Tội nghiệp Adrien, chỉ còn hai năm nữa là cậu ấy nghỉ hưu rồi. Tại sao vậy thưa ông cảnh sát trưởng? Nhân viên của ông cho tôi biết là không mất gì cả, chỉ có Adrien bị giết thôi, ông nghĩ sao thưa ông?

Legof cố gắng trấn an người đối thoại:

- Xin ông hãy bình tĩnh lại. Tôi vừa mới tới, cuộc điều tra mới bắt đầu.

- Vậy mà quý ông đã đảm bảo với chúng tôi là sẽ được bảo vệ một cách toàn diện, với giá trị ghê gớm của những đồ vật được trưng bày, tôi sợ rằng…

- Xin hãy để tôi làm phận sự của tôi. Ông Adrien, người bị giết, thuộc thành phần như thế nào?

- Adrien hả? Đó là một nhân viên kiểu mẫu, đã làm việc ở đây trước cả khi tôi đến. Chưa hề bao giờ có chuyện gì rắc rối xẩy đến với ông ta, một người bình thường.

- Có gia đình rồi à?

- Góa vợ từ mười lăm năm nay.

- Có con cái gì không?

- Hình như có một cô con gái lấy một người Anh hay một người Mỹ. Ông ta không kể chuyện cô con gái này với tôi bao giờ.

- Ông ta có xích mích gì với các đồng nghiệp không?

- Không, họ làm việc với nhau rất vui vẻ, vả lại, ai làm việc người nấy, không hề có sự va chạm.

- Tôi hiểu, cảm ơn ông Durieux, tôi sẽ gặp lại ông sau.

- Vâng, nhưng xin ông cảnh sát trưởng làm cách nào để chúng tôi có thể mở cửa và đúng chín giờ sáng như thường lệ, nếu không, báo chí sẽ nhào tới thì sẽ rắc rối lắm…

Adrien nằm sóng soài, mặt úp xuống đất. Máu từ vết thương ở gáy nhuộm đỏ bộ đồng phục của người bất hạnh.

Thám tử Plancher nhăn nhó nói:

- Thưa xếp, tôi không hề đụng chạm gì tới xác chết. Nạn nhân chắc chết tức tưởi vì hung thủ đã ra tay rất mạnh.

Ông cảnh sát trưởng quỳ xuống bên cạnh xác chết.

- Có tìm thấy vật gì ở dưới đất không?

- Tuyệt đối không thấy gì cả, tôi không hiểu hung thủ đã dùng vật gì để đánh.

- Bác sĩ pháp y sẽ cho ta biết… Này, cái gì đây?

Legof đẩy nhẹ cánh tay của người chết, để lộ ra cái túi áo ở trong có một cái phong bì màu trắng.

- Ồ, lạ quá! Ông cảnh sát trưởng thốt lên khi thấy tên mình nằm ở trên phong bì.

- Xin xếp cẩn thận đừng để mất các vết dấu tay.

- Không sao! Hai thơ trước không có vết dấu tay thì thơ này chẳng có lý do gì lại có dấu tay…

***

Sau khi mở phong bì một cách thận trọng, cảnh sát trưởng Legof nhăn mặt đọc lớn mất hàng chữ được viết bằng khuôn chữ khoét: “Thưa ông Legof, như tôi đã thông báo với ông trong hai thơ trước, bây giờ viên ngọc bích thành Ramapour đã hoàn toàn thuộc về tôi, chủ nhân duy nhất của nó. Cảm ơn, Ghor.”

Từ phía hành lang, thám tử Dumas hớt hải chạy tới.

- A! Ông đây rồi, thưa xếp. Brisson và Legrand cũng vừa tới và đã bắt tay vào việc.

Rồi chỉ tay về phía xác nạn nhân.

- Đây là ông Adrien Blain?

- Đúng, và ông Blain có mang trên người một lá thơ cho tôi.

Viên thám tử đọc lướt qua mấy hàng chữ.

- Nhưng viên ngọc bích vẫn còn ở nguyên tại chỗ cơ mà?

- Đúng vậy. Có một cái gì không ổn: hoặc là Blain sắp sửa lấy viên ngọc, hay là có một tên nào khác đã nhào tới…

- Ông có nghĩ rằng Adrien và kẻ viết thơ ký tên là Ghor chỉ là một? Nếu là vậy thì tại sao…

- Tại sao hắn lại tự sát bằng cách tự đánh vào gáy mình? Điều này quá vô lý. Trừ phi… Ừ, mà rất có thể là như vậy. Hãy gọi ngay Brisson và đi mời ông quản thủ tới, tôi muốn kiểm tra một điểm.

Những ngọn đèn chiếu cực mạnh soi sáng cái tủ kính ở bên cạnh có một người to lớn, tóc hung, đang bận rộn xem xét: đó là ông trưởng phòng thí nghiệm của Sở Cảnh sát Hình sự.

- Không có dấu vết gì, thưa ông cảnh sát trưởng. Không có dấu hiệu có kẻ muốn đục khóa. Bộ phận báo động cũng không bị đụng tới.

- Legof dùng tay đập nhẹ vào tủ kính, đôi mắt lim dim mơ màng. Ở con người này, đây là dấu hiệu ông ta đang suy nghĩ rất dữ dằn.

- Cảm ơn Brisson, anh có thể tiếp tục tìm kiếm, sau đó hãy xem xét lá thơ thứ ba. Thưa ông Durieux, ông là quản thủ và là một chuyên gia về đá quý, ông có thể xác định hộ tôi là viên ngọc đang nằm đây có đích thực là viên ngọc bích thành Ramapour không?

Ông quản thủ tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên.

- Nếu không phải thì ông cho nó là cái gì?

Vâng lệnh Legof, Dumas lấy viên ngọc ra khỏi nền nhung, giơ cao lên khỏi đầu, ngắm nó dưới ánh đèn chói chang.

- Thiên hạ đã giết nhau vì một viên thủy tinh màu như thế này đây!

Hắn cho viên ngọc nhảy nhảy trong lòng bàn tay trước khi đưa nó cho ông quản thủ Durieux. Ông này rút từ trong túi quần ra một khăn tay và gói viên ngọc một cách thận trọng.

- Này anh bạn trẻ, hãy cẩn thận một tí, viên ngọc này tượng trưng cho hai ngàn năm lịch sử đấy nhé. Mời quý ông vào văn phòng tôi để tôi có thể xem xét viên ngọc vô giá này dễ dàng hơn.

Paul Durieux vừa để rớt chiếc kính lúp khỏi tay. Ông ngây người nhìn viên ngọc đang nằm trên tấm lót tay bằng da ở trên bàn.

- Không thể như thế được! Không thể tưởng tượng được! Thật khó tin!

- Nó là đồ dổm phải không, tôi biết ngay mà, Legof nói rồi cầm viên ngọc, lúc này đã là một thứ đồ bỏ, quăng cho viên phụ tá của mình.

- Làm giả khéo quá phải không xếp? Sành như tôi mà cũng không nhận ra được.

Ông quản thủ như chợt thức tỉnh, xác định thêm:

- Chắc chắn là một viên ngọc nhân tạo, bây giờ tôi biết ăn nói làm sao với ông Đại Sứ và ông Bộ Trưởng hở ông cảnh sát trưởng? Tôi xin được nhắc ông là chúng ta sẽ phải mở cửa trong độ khoảng sáu tiếng đồng hồ nữa, và rồi còn buổi dạ hội bế mạc triển lãm…

- Tôi biết, tôi biết, ông không cần phải nói nữa. Hoàn cảnh của tôi còn tệ hơn là của ông nữa, ông biết không? Legof hét lên và đi ra.

***

Dáng điệu trầm ngâm, ông cảnh sát trưởng vừa đi bách bộ vừa suy nghĩ ngoài hành lang trước cửa văn phòng. Viên phụ tá tới tìm ông ta, vẻ mặt buồn bã.

- Vẫn chưa tìm được gì cả, thưa xếp. Plancher và Drouin đã thẩm vấn những nhân viên bảo vệ trong gần hai giờ đồng hồ. Tất cả chả ai biết gì cả. Họ cho rằng chả có ai có lý do gì để giết Adrien cả.

- Vậy mà anh ta vẫn bị giết! Có thể là anh ta đã bất chợt trông thấy hoặc nghe thấy một điều gì. Điều làm tôi thắc mắc là cái thơ.

- Cái thơ?

- Đúng, tên sát nhân đâu có cần gì phải viết thơ cho tôi. Nó chỉ cần lấy được viên ngọc rồi biến luôn là đủ.

- Có thể là như vậy, nhưng tại sao lại giết người trưởng phòng Bảo vệ?

- Chỗ này mới là chỗ khó hiểu đây: tại sao cần giết Blain khi viên ngọc đã bị đáng cắp và thay thế bởi một viên dổm?

- Có lẽ vụ án mạng không liên quan tới vụ đánh cắp; có thể ai đó thù oán gì Adrien và…

- Và còn lá thơ thứ ba trong túi áo xác chết thì anh tính sao?

Ngượng ngùng, thám tử Dumas giữ im lặng trong giây lát rồi hỏi:

- Mình có thể biết chắc rằng viên ngọc được trưng bày là viên ngọc thật ngay từ lúc đầu không?

Legof nhún đôi vai lực lưỡng.

- Nói như anh thì có khác gì bảo chính phủ Ấn Độ chơi trò lừa bịp không? Không thể nghi ngờ được. Vả lại, các đồ trưng bày đã được nhiều chuyên gia thẩm định từ trước.

- Tuy nhiên lại không có dấu hiệu có kẻ trộm đột nhập, Brisson xác định.

- Tôi biết, tôi biết, và chúng ta đang đi lòng vòng không tìm được lối thoát, Legof vừa nói vừa dùng nắm tay trái đập đập vào trán.

- Thưa xếp, kẻ trộm hay kẻ sát nhân chắc chắn hãy còn ở trong bốn bức tường này, bởi vì ngoài chúng ta ra thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, do đó, nếu mình thẩm tra thật kỹ và mạnh mẽ những người có mặt thì có hy vọng tìm ra thủ phạm, xếp nghĩ có được không ạ?

- Khó lắm, không có chứng cứ hiển nhiên, khó mà làm cho thủ phạm nhận tội. Phần tôi, tôi vẫn tin chắc là yếu tố chính để khám phá bí mật này vẫn là mấy lá thơ nặc danh chó chết đó.

- Chính tai tôi vẫn nghe xếp nói là không nên chú tâm nhiều tới thơ nặc danh, vì trong mọi vụ mình nhận được cả đống loại thơ đó, mà có lá nào mang lại kết quả gì đâu…

- Phải, phải, tôi biết anh bạn ạ, nhưng trong vụ này có một sự khác biệt: như anh biết, chúng ta đã nhận được hai lá thơ nặc danh trước lúc sự việc xảy đến.

- Trước hay sau, tôi không thấy có gì đáng nói…

- Nhưng đó là những lá thơ đã dẫn dắt chúng ta vào vụ này…

Legof bỗng giật nảy mình như bị điện giật.

- Trời đất ơi, lẹ lên Dumas! Chúng ta nắm được thủ phạm rồi! Hãy tìm Brisson ngay, tôi cần hắn. Chúng ta sẽ làm như vầy, như vầy…

Đứng giữa gần hai chục người đang tụ họp lại ở phòng bảo vệ, cảnh sát trưởng Legof, hai tay để sau lưng, ưỡn ngực, đưa mắt nhìn tất cả mọi người rồi dõng dạc nói:

- Thưa quý ông, tôi xin thông báo là tất cả quý vị sẽ có thể trở lại làm việc bình thường. Cuộc triển lãm sẽ lại mở cửa trong ba giờ nữa như thường lệ.

Tất cả các nhân viên bảo vệ trợn mắt nhìn ông cảnh sát trưởng, họ đã không dấu nổi vẻ ngạc nhiên. Chính ông quản thủ Durieux đã thay họ lên tiếng hỏi:

- Nhưng đâu có thể được, thưa ông cảnh sát trưởng! Muốn được vậy ông cần phải tìm lại được viên ngọc bích và bắt được kẻ sát nhân trước đã!

- Tôi đã làm được hầu như hoàn toàn các việc đó rồi, ông cảnh sát trưởng trả lời bằng một giọng nói đầy vẻ thích thú. Tôi đã biết kẻ ăn trộm và tên sát nhân là ai, vì cả hai thật ra chỉ là cùng một người.

Có tiếng rì rầm nổi lên trong cử tọa. Mọi người im lặng, chỉ có ông quản thủ lên tiếng:

- Thật khó mà tin được! Vậy kẻ đó là ai thưa ông?

- ĐƯƠNG NHIÊN LÀ ÔNG CHỨ CÒN AI VÀO ĐÂY NỮA, THƯA ÔNG DURIEUX! Legof vừa trả lời bằng giọng nói gay gắt, vừa lấy tay chỉ thẳng vào mặt ông quản thủ.

- Sao! Ông hoàn toàn điên rồi! Ông quản thủ vừa hét lên vừa xông về phía ông cảnh sát trưởng.

Cánh tay hộ pháp của thám tử Plancher chận đứng ông quản thủ và hất mạnh ông ta ngược trở lại một cách không khoan nhượng.

- Tốt hơn là ông nên đứng yên tại chỗ, ông cảnh sát trưởng chưa nói hết mà.

- Cám ơn Plancher! Thưa ông quản thủ thân mến, tôi đã nói rằng ông là kẻ sát nhân đã giết người trưởng phòng bảo vệ của ông, đồng thời cũng là tên trộm đã lấy viên ngọc bích thành Ramapour. Tuy nhiên, tôi thấy cần phải khen ông đã có một dàn cảnh tuyệt diệu.

- Chắc chắn là ông đã mất trí, Durieux chống chế một cách yếu ớt.

Không thèm đếm xỉa tới câu nói của ông quản thủ, ônh cảnh sát trưởng hào hứng nói tiếp:

- Để tôi kể lại vắn tắt kế hoạch của ông. Trước nhất, ông đã gửi lại văn phòng tôi hai lá thư nặc danh, mục đích để gieo rắc vào đầu óc tôi ý niệm là viên ngọc bích sẽ bị đánh cắp. Cái tên ông ký đại là Ghor và tiếng tăm xui xẻo của viên ngọc làm gia tăng niềm tin về sự việc ở trong đầu óc tôi. Vì muốn đề phòng, tôi đã phái hai thám tử tới canh phòng cả ngày lẫn đêm ở bảo tàng. Trong gần suốt một tuần lễ chẳng có điều gì đáng nói xảy ra. Việc canh phòng hơi chùng xuống một chút, và vào lúc đó, ông thực hiện phần hai của kế hoạch: ông đã giết Adrien Blain và bỏ vào túi áo người chết lá thơ nặc danh thứ ba, được dùng để đánh lạc hướng và làm cho chúng tôi tin rằng viên ngọc ĐÃ BỊ ĐÁNH CẮP và, hành động một cách khờ khạo, CHÍNH TÔI ĐÃ TẬN TAY ĐƯA CHO ÔNG VIÊN NGỌC THẬT ĐỂ NHỜ THẨM ĐỊNH. Sau đó, ông dễ dàng chơi tiếp trò bịp bợm của ông: Ông đã đánh tráo hai viên ngọc ngay trước mắt tôi, rồi kế đó, ông nhào vào cũng kêu la than vãn với chúng tôi.

Trước sự câm lặng của ông quản thủ, Dumas cảm thấy cần nói thêm:

- … Thế ra vụ giết Adrien chỉ nhằm làm cho mọi người tưởng là anh ta đã bất ngờ bắt gặp tên trộm, nên bị hắn đập chết.

Và rồi người bắn phát súng ân huệ chính là Brisson vừa nhào vô căn phòng, theo đúng bài bản của cảnh sát trưởng Legof.

- Thưa xếp, ông đã nói rất đúng. Trong lúc khám xét văn phòng, chúng tôi đã tìm thấy hung khí, một cái gạt tàn bằng đá trắng to đùng dấu ở đằng sau bộ ghế bành, nhưng còn thứ này hay hơn nữa, xin ông hãy nhìn xem!

Ông trưởng phòng thí nghiệm của sở cảnh sát hình sự đưa cho cấp trên của mình một tờ giấy màu hồng.

- Đây là một tờ giấy thấm mà chúng tôi lượm được ở sát chân tường đằng sau ghế xôpha, trên tờ giấy này ông có thể đọc thấy tên ông bị thấm ngược và mấy chữ “ngọc bích” và “Ghor”. Nếu ông Durieux vui lòng cho mượn bút máy, chúng tôi sẽ không gặp khó khăn gì khi so sánh hai thứ mực…

Đến lượt ông cảnh sát trưởng Legof tiến lại bên cạnh Paul Durieux.

- Việc đó không cần thiết nữa, phải không ông quản thủ? Thế là đã quá đủ, phải không ông?...

Một cơn mưa bóng mây làm ướt áo hàng người đang đứng chờ ở trước cửa bảo tàng. Legof và Dumas chậm rãi tiến về phía chiếc xe hơi của họ để tận hưởng không khí mát mẻ sau một đêm bận rộn, hồi hộp, căng thẳng.

- Tài thật xếp ạ, mình đã sử dụng một chứng cứ dổm!

- Đâu có sao anh bạn! Đúng là tôi đã cho bịa ra chuyện miếng giấy thấm, nhưng thủ phạm cũng đã đưa ra viên ngọc giả; vỏ quýt dầy, móng tay nhọn, có ngọc giả thì cũng có chứng cứ giả, thế là một đều! Vả lại hắn đã thú nhận tội lỗi, và đây mới là điều quan trọng, phải không?

Ông cảnh sát trưởng bỗng nắm tay người phụ tá của mình và nói:

- Này giữ lấy để mà làm cái kẹp cà vạt.

- Cảm ơn xếp, tôi sẽ tha hồ khoe với các bạn đồng nghiệp viên đá này, Dumas vừa mỉm cười vừa giơ bản sao viên ngọc bích thành Ramapour ra trước ánh mắt sững sờ của những người đang đứng đợi…

VŨ ANH TUẤN và ĐẶNG MINH QUYÊN

dịch theo truyện của JOELLE REMOULINS

MỤC LỤC

Vài chi tiết c uộc họp ngày 08/8/2009 ......................... 1

“Saigon1925-1945” ........................................................ 4

Hồ Biểu Chánh ................................................................ 9

Sự khác biệt giữa Lục Tổ Huệ Đăng và Sư Thần Tú 11

Những suy nghĩ vẩn vơ ................................................ 19

Chicken Soup For The Soul ......................................... 27

Thái hậu day con làm vua ............................................ 30

Phần nào quan trọng nhất trên cơ thể ........................ 33

A lô... Mẹ ơi...! ............................................................... 34

Sự thật về kho báu Bảo Vật Chiêm Thành ................ 38

Tháp Chàm miền Trung ................................................ 43

Tháp cổ Chămpa ........................................................... 47

Chùa Trấn Quốc tồn tại & đổi mới ............................. 50

Nến hoa lòng Mẹ (thơ) ................................................. 54

Nơi ta về (thơ) ............................................................... 55

Về Mẹ (thơ) .................................................................... 56

Triệu triệu bông hồng (thơ) ......................................... 59

Truyện Kiều ................................................................... 61

Ghen – Biểu hiện và hóa giải ...................................... 64

Ai nói “Hôn nhân là mồ chôn ái tình” là sai ............. 81

Vai trò của điểm tâm .................................................... 90

Truyện dịch .................................................................... 96

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế