Hiện có 12 người xem / 2482585 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

CUỘC ĐI THĂM NHÀ LƯU NIỆM
VÀ PHẦN MỘ NHÀ VĂN LÊ VĂN TRƯƠNG

Sáng ngày Thứ Bẩy 11 tháng 8, 2007, trên 20 thành viên Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay đã tới thăm Nhà Lưu Niệm và Phần mộ Nhà văn Lê Văn Trương tại số 135/1, Khu phố 1, Phường Thạnh Xuân, Q.12. Đây là tư gia của nhà thơ nữ Lê Thị Giáng Vân, con gái út của cụ Trương. Phần mộ của Cụ Trương và Cụ bà được xây ngay trong vườn của ngôi nhà này.

Các thành viên, người thì đi taxi, người thì đi Honda đã tề tựu đủ tại Nhà Lưu Niệm lúc 9 giờ sáng và được nhà thơ Giáng Vân và phu quân là A. Chung đón tiếp rất vui vẻ và thân tình. Sau khi các thành viên trao vài món quà kỷ niệm tặng Nhà Lưu Niệm, nhà thơ Giáng Vân đã có một cuộc giao lưu rất hào hứng với các thành viên CLB và bà đã ngâm không dưới 50 câu thơ liên quan tới Cụ Trương. Tiếng ngâm sang sảng và rất truyền cảm của bà cũng như những câu chuyện lý thú bà kể về Cụ Trương đã được các thành viên hào hứng đón nhận.

Kế đó, các thành viên đã được nhà thơ Giáng Vân hướng dẫn ra phần mộ, ở trong ngôi vườn xinh xắn để cùng nhau thắp hương viếng mộ. Toàn bộ cuộc viếng thăm và giao lưu đã được các phóng viên của HTV7 quay phim (phát sóng lúc 8:20 ngày 30/8/2007), đồng thời cũng có phỏng vấn một vài thành viên của CLB, như quý ông Vũ Anh Tuấn và Phạm Thế Cường về quan niệm “Người Hùng ” của Cụ Trương.

Cuộc viếng thăm được kết thúc bằng một bữa tiệc nhỏ do chủ nhân khoản đãi món “Bánh Tôm Tây Hồ” thật là tuyệt vời, rất được các thành viên CLB yêu thích và đã thưởng thức rất thật tình.

Cuộc viếng thăm kết thúc lúc 11g30 cùng ngày. Kỳ du ngoạn tới vào quý sau của CLB sẽ là Vườn Kiều ở Biên Hòa.

Vũ Thư Hữu

------

LÊ VĂN TRƯƠNG
CÓ PHẢI NGƯỜI HÙNG ?

Theo THANH CHÂU và VƯƠNG TRÍ NHÀN

Về nhà văn Người Hùng Lê Văn Trương có nhiều nhà văn cùng thời với ông đã nói tới, sau đây tôi xin trích một bài viết về khía cạnh người hùng trong ông của Thanh Châu và Vương Trí Nhàn.

Thanh Châu tác giả của Thi nhân Việt Nam, viết về người hùng Lê văn Trương như sau:

Trong một tiệc thọ tôi được dự, giữa Hà Nội cuối năm 1989, bỗng vui chén nhắc chuyện văn chương trước Cách mạng tháng 8. Và thế là tên tuổi Lê Văn Trương từ lúc đó cứ được nhiều lần nói đến, cùng với những tên sách nổi tiếng một thời: Cô Tư Thung, Một trái tim, Trường đời vv… Khi tan cuộc, hỏi lại chủ nhân mới biết một số khách mời bữa đó, là những độc giả thân quen của nhà văn họ Lê ngày trước. Một vị có tuổi trong đám cụng chén với tôi tỏ vẻ cảm tình, vì cho tôi là người đầu tiên sau hoà bình trên miền Bắc “dám” nhắc đến Lê Văn Trương trong một số báo Văn Nghệ (trong bài Ngược dòng tháng 8, số 42-43 ra ngày 28 tháng 10 năm 1989 vào dịp chào mừng Đại hội Nhà văn Việt Nam khoá 4).

Gần nửa thế kỷ, qua hai cuộc chiến tranh, còn có được những bạn đọc chung thuỷ với mình, như trường hợp Lê Văn Trương lúc này, kể cũng có điều an ủi cho một đời văn nghiệp. Tôi vừa xúc động, vừa mừng cho ông bạn vong niên cùng thời, đã khuất bóng lâu rồi. Nhắc đến một số nhà văn, nhà thơ “không kháng chiến”, “có vấn đề”, “ở vùng dịch tạm chiến”… (như Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương vv…) mãi gần đây báo chí mới bắt đầu giới thiệu lẻ tẻ, cũng như đã có nhà xuất bản mạnh tay in sách của họ, ở miền Nam cũng như miền Bắc.

Thực tình nhắc đến Lê Văn Trương ở bài báo nói trên, tôi muốn nêu một nét ít người để ý, là thái độ tích cực của một nhà văn có đóng góp cho văn học, ở một thời mà phần đông người cầm bút còn ngây thơ về chính trị, nên đã trích một đoạn văn của Lê Văn Trương trong cuốn tự truyện Tôi thầu khoán của anh viết trước kia: “…Tôi chỉ mong sao giúp ích một chút cỏn con trong sự gây dựng một tinh thần dũng mãnh cho thanh niên bây giờ. Thế thôi, tôi chỉ muốn rằng thanh niên phải nhận chân lấy cái thiên chức của mình và biết cách sống một cách kiêu hãnh… Tôi chỉ muốn cho mọi người biết rằng hạnh phúc chỉ tìm thấy ở trong lòng chúng ta, sự cố gắng, sự mài dũa nhân cách…”.

Ở thời điểm mà thuốc phiện, rựợu tây, nhà chứa, nhà nhảy… mọc lên như nấm, ở quãng đời mà các cụ già lo cho tương lai con cháu mình, phải vuốt bụng thở dài: “văn minh Đông Á trời thu sạch, này lúc cương thường đảo ngược ru?”, thì ý thức một người cầm bút như Lê Văn Trương đáng hoan nghênh, đáng quý biết bao!

Nhưng, cái bi kịch của đời nhà văn này cũng ở đấy. Nhà văn sớm biết khuyên răn người, sau đó lại chính mình sa bẫy. Mà riêng gì anh? Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Trẩm Dự, Hiên Chy vv… cũng đã từng là “nạn nhân” của ma tuý, cũng là “tù nhân” của các nhà hát cô đầu. Cho nên thuyết “người hùng” của Lê Văn Trương đã thành cớ cho người đương thời chế riễu, mặc dù tiểu thuyết của anh, tên tuổi anh lúc đó nổi như cồn. Thật vậy, từ năm 1934 là năm tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy ra đời cho đến gần Cách mạng tháng 8, độc giả của nhà xuất bản Tân Dân không mấy ngày là không thấy quảng cáo trên tờ báo này hay trên loại sách Phổ thông bán nguyệt san, những tên sách của Lê Văn Trương. Tôi đã từng chứng kiến những thư từ, điện báo của các đại lý nhà này, từ Sài Gòn, Nông Pênh, từ các tỉnh miền Trung trong nước, và độc giả người Việt ở nước ngoài gửi về luôn luôn đòi lấy thêm sách của Lê Văn Trương. Ông Vũ Đình Long, chủ nhà in và xuất bản Tân Dân mỗi lần khoe với chúng tôi về việc đó, tỏ ra đầy thoả mãn. Vì vậy sự ưu đãi của chủ báo, chủ nhà xuất bản đối với họ Lê có “biệt nhãn” hơn đối với các anh em cộng tác với Tân Dân. Có khi chưa kịp đưa bản thảo đến nhà in, Lê Văn Trương đã được ứng trước bạc trăm, mà bạc trăm lúc đó là… vàng. Nên có người đã gọi nhà văn này là “cây vàng” của nhà xuất bản.

Đúng vậy, so với anh em viết lách hồi này, Lê Văn Trương có khấm khá hơn, nhưng anh đâu có “ky bo” chí thú một mình. Ngưỡng mộ anh, theo anh như những ngôi sao còn mờ mịt là một đám “đàn em” gắn bó lúc ở phố chùa Vua, cũng như khi ở Láng, để giúp cho anh tiêu đi đồng tiền mồ hôi nước mắt. Và tội nghiệp, cho đến phút cuối cùng anh mất ở Sài Gòn, vẫn còn một số ít không bỏ “đại ca” trong cơ nhỡ, cũng như trong sung túc.

Đại ca! Đó là tiếng chào trân trọng của nhà văn này đối với bất cứ ai mới gặp, với khách thân sơ hay bạn hữu. Khi còn là người tiếng tăm đất Bắc cũng như lúc cùng quẩn ở miền Nam, anh vẫn giữ tác phong khiêm nhường một mực. Sau ngày giải phóng Sài Gòn, tôi được nghe bạn cũ của tôi kể lại: dù nghèo túng đến đâu, đã đi ra đường là anh y phục chỉnh tề, cổ áo không rời “ca vát” dù là cuốc bộ, vì không có tiền mua vé xe. Chao ôi, một con “người hùng” đến bước cùng, có lúc phải buôn thuốc phiện thời kháng chiến chống Pháp để độ nhật, nuôi con, mà lại cấm các con không được theo người vào vùng địch để ở. Và cũng chính con người đó đã đầu quân ở Khu 3, cùng lắm mới một mình vào sống ở Sài Gòn. Ngày tôi làm báo Vệ quốc quân ở sư đoàn 304, có được nghe một đồng chí cán bộ tiểu đoàn báo cáo về trận đánh đồn Lê Xá trong đó có anh theo sát bộ đội vào giải quyết chiến trường, và thu chiến lợi phẩm. Hẳn quãng đó là chất “người hùng” của anh trỗi dậy. Buồn thay, cũng lại chính anh rút cuộc phải đem ngòi bút của mình vào Sài Gòn viết mướn vì không rời được ma tuý, vì nghiệp chướng! Cái kiếp sống nhân sinh thật lắm bề ảo não.

*

* *

Còn với Vương trí Nhàn ông nói về nhân vật người hùng ở Lê văn Trương như sau:

…Chẳng hạn, chung quanh câu chuyện về nhân vật Người hùng ở Lê Văn Trương. Một sự thực đập ngay vào mắt mọi người nghiên cứu là bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào có dịp nhắc tới Lê Văn Trương, người ta đều nhắc tới ngay loại nhân vật này. Chẳng nhẽ, đối với một người viết văn, đó không phải là một điều đáng ao ước? Theo các tác giả Từ điển văn học (H.1983), loại Người hùng của Lê Văn Trương “không chỉ oanh liệt trong phiêu lưu mạo hiểm mà con gương mẫu trong nghĩa vụ gia đình, và cũng rất “trong sạch”, “cao quý” khi lương tâm bị ném vào vũng bùn của xã hội trưởng giả giàu sang”. Người ta có thể có lý khi nói rằng đây là kiểu người giả tạo, khuênh khoang, khí khái rởm, nhưng từ đó mà kết luận các nhân vật ấy “không có chút giá trị, nếu không nói là phản động” thì hoàn toàn bất công. Nhỡ trình độ bạn học đương thời chỉ có thế thì sao? Nhỡ người đọc đương thời đã tìm thấy trong những cái bóng dáng nhân vật kiểu người hùng đó một nơi nương tựa về mặt tinh thần thì sao? Chẳng nhẽ tất cả những ai từng say mê Lê Văn Trương đều là kém cỏi, tầm thường “nếu không nói là phản động” cả? Nên vơ đũa cả nắm rồi triệt để phủ nhận rằng đây là một hiện tượng thuộc về lịch sử: Văn học không chỉ có nhiệm vụ ghi lại những nhận thức đúng của một thời. Một cách tự động nhiều khi một cách vô ý thức, người ta còn thấy văn học bắt được rồi cho hiện trên màn hình của mình những lầm lỡ, những ngớ ngẩn khống chế đầu óc con người thời đại, mà suy cho cùng, nhờ những ảo tưởng đó, có khi họ đã làm nên nhiều việc trọng đại!

“Trong số các nhà văn thơ 1932-1940, Lê Văn Trương là người có bản sắc hơn cả”. Ông “là người có tư tưởng”, ông “dám đứng ra chủ trương một lý thuyết luân lý con người hùng thể hiện được phần nào nguyện vọng của giới trung lưu”. Người viết những dòng phải chăng trên đây về Lê Văn Trương, là ông Phạm Thế Ngũ, tác giả bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (S.1968). Chúng tôi đồng tình với cách đánh giá đó, vì thấy ở đây người làm sử không tuyệt đối hoá các yêu cầu của mình, mà gắn văn học với tình hình tâm lý tư tưởng của xã hội đương thời.

*

* *

Hôm nay nhớ Lê Văn Trương, ta hãy ngâm lại bài thơ Lưu biệt của Trần Huyền Trân viết tặng anh (năm 1939) khi anh lui về ở Láng (ngoại thành Hà Nội) :

… Thôi đợi mùa sau trái chín lành

Tóc này về rúc với râu anh

Bấy giờ, hắt toẹt ba chung rựơu

Cười kể tâm tình với tóc xanh.

Mong ước của Trần Huyền Trân có dễ gì thực hiện. Lê Văn Trương rời bút đã đi trước nhà thơ khá lâu rồi. Mong hai bạn lại vẫn gặp nhau ở “thế giới bên kia” để tâm tình như cái thưở đầy hào khí, ôm nhau mà “hắt toẹt ba chung rựơu”…

Phạm Thế Cường

sưu tầm và giới thiệu

------

VỀ MỘT CUỐN SÁCH RẤT HAY
MÀ TÔI MỚI CÓ CƠ DUYÊN TÌM LẠI ĐƯỢC

Cách đây mấy ngày tôi có ghé một tiệm sách cũ ở trên đường Trần Hưng Đạo, và bắt gặp một lô sách vừa mới đóng bìa lại độ gần 200 cuốn. Tôi có linh tính là trong số những cuốn sách này rất có thể có thứ mình thích, và nghĩ là làm ngay, tôi đã lật từng cuốn một để xem có gì mình thích không, và tôi đã may mắn gặp lại cuốn Sách Hồng số 1 của nhà xuất bản Đời Nay in xong ngày 30 tháng 6, 1939, tức là 68 năm về trước. Cầm cuốn sách trên tay tôi hồi tưởng lại lần đọc đầu tiên vào năm 1945 năm tôi lên 10. Đó là cuốn “ÔNG ĐỒ BỂ” của Khái Hưng. Đọc lần thứ nhất tôi thích cốt truyện lắm, và tôi đặc biệt ưa thích một số đoạn trong truyện mà tôi cho rằng có tính giáo dục thanh thiếu niên rất cao. Tuy nhiên sau đó tôi cũng không nhớ mấy tới cuốn sách đó nữa vì tôi bận đọc hàng ngàn cuốn sách khác đủ loại. Cho tới năm 1974, tôi nhớ là hồi tháng 12 năm 1974, một vị đầu nậu sách của thời đó đã ngỏ ý nhờ tôi dịch sang tiếng Anh cuốn truyện đó , và ông ta đã đưa tôi đọc lại. Cuốn sách không dày, chỉ có 28 trang, nên tôi đã nhận dịch, và đã đọc lại kỹ càng. Lần đọc thứ nhì này tôi thấy “thấm” hơn và thấy sách thật là hay. Tiếc rằng tôi chưa bắt tay vào việc thì người đầu nậu đó có việc xuất ngoại, và không trở lại sau ngày 30/4/1975.

Lần này, cầm cuốn sách trên tay, nhớ lại những ngày thơ ấu, tôi đã dành ra một tiếng đồng hồ để đọc lần thứ ba, và lạ thay, tôi lại thấy nó còn hay hơn lần tôi định dịch cách đây trên 30 năm; phải chăng vì ở tuổi trẻ lần thứ ba, tức là 24 tuổi lần thứ ba, những kinh nghiệm già dặn về cuộc sống mà tôi trải qua đã cho tôi thấy rằng những đoạn mà tôi đã ưa thích khi còn trẻ, tới nay mới khiến tôi cảm thấy rằng chúng rất cấn thiết cho một thiếu niên mới vào đời, cũng như cho một con người trưởng thành một cuộc sống hùng mạnh, hiên ngang, ngay thẳng, như thế nào!

Nay vì có cuốn sách trên tay tôi xin chép ra dưới đây một vài trích đoạn mà tôi đặc biệt ưa thích để chia sẻ với các bạn.

“Năm 24 tuổi ông Đồ Bể mới khăn gói lều chõng ra Thăng Long thi Hương. Trên đường đi ông vào nghỉ chân uống nước ở một các quán cạnh một tòa miếu cổ. Bà hàng nước dặn ông khi đi qua miếu phải bỏ nón, cúi đầu vì đức Thánh ngài thiêng lắm. Ông mỉm cười đáp:

- Trời nắng chang chang thế này mà bỏ nón ra nhỡ bị cảm thì khốn!

Bà hàng mắt lấm lét nhìn ông:

- Chả khốn bằng bị ngài vật chết.

Ông đồ thản nhiên hỏi lại:

- Vậy ngài đã vật ai chưa?

Bà hàng hạ giọng thì thầm, kể cho ông đồ nghe những phép thiêng của ông thần. Rồi nói tiếp:

- Chừng thầy khóa mang lều chiếu đi thi. Vậy thầy nên mua vàng hương vào miếu lạy thánh mà cầu phúc, thì thế nào cũng được tên chiếm bảng vàng.

Ông Đồ Bể nghiêm sắc mặt, khẳng khái đáp:

- Học thành tài rồi, tất thi đậu, mà chưa thành tài thì đợi đến khóa sau thi lại. NGƯỜI QUÂN TỬ KHÔNG BAO GIỜ CHỊU ĐI CẦU KHẨN, LẠY LỤC AI ĐỂ ĐƯỢC ĐỖ. (Đoạn này nếu mà mọi người áp dụng thì đất nước ta nhất định sẽ tránh xa được vấn nạn TIẾN SĨ DZỔM, BẰNG MUA BẰNG VÉ - Lời của người bàn viết).

Dứt lời, trả tiền nước, đứng dậy đi liền.

Tới miếu, ông đồ dừng lại ngắm nghía cây đa cỗi, cành lá rườm rà che gần kín cái mái rêu phong. Hai bên cửa miếu, hai pho tượng đắp bằng đất, mặt đỏ, mắt trợn tròn như nhìn tròng trọc khách qua đường, và tay cầm thanh gươm giơ lên như lăm le muốn chém ai. Bên đường một cái mốc đá với hai chữ “HẠ MÔ nét khắc đã mờ.

Ông đồ nghĩ thầm:

“Biển đề hạ mã, nhưng ta có cưỡi ngựa đâu mà bảo xuống ngựa. Còn như ngả nón cúi đầu thì không thấy có yết thị. Vậy ta cứ đường hoàng dõng dạc mà đi. NGƯỜI QUÂN TỬ ĐẦU ĐỘI TRỜI CHÂN ĐẠP ĐẤT, KHÔNG KIÊU NGẠO VỚI AI NHƯNG KHÔNG KHÚM NÚM SỢ AI.”

Và ông đồ ung dung tiến qua miếu.

Vừa đi khỏi mươi bước, nghe có tiếng động sau sau lưng ông quay lại. Một người y phục từa tựa như ông, và cũng vai mang lều chiếu tay xách khăn gói. Ông ngạc nhiên hỏi:

- Tiên sinh ra kinh kỳ ứng thí?

Người kia đáp:

- Thưa vâng.

- Tiên sinh đi đường nào mà vừa giờ tôi không gặp tiên sinh ở quán.

- Tôi ở miếu ra.

Người ấy nói thực. Vì đó chính là một ông thần biến thành hình một thầy khóa đi thi. Ông đồ hỏi:

- Tiên sinh vào miếu làm gì thế?

- Tôi vào lễ đức thánh để cầu khấn ngài cho được đỗ… cao. Vì ngài thiêng lắm ai cầu gì được nấy, mà ai vô lễ với ngài cũng sẽ bị ngài vật chết.

Đó là lời đe doạ của ông thần, nhưng ông đồ ngay thẳng vô tình không lưu ý tới. Ông còn thật thà hỏi một câu mà thần cho là có ý nghĩa khiêu khích:

- Âm dương cách biệt, ngài làm thế nào mà quật chết được người trần?

- Ngài đã có phép chứ.

Rồi ông thần ngập ngừng, nói tiếp:

- Ban nãy tôi đứng trong miếu nhìn ra thấy tiên sinh đi qua miếu hình như không bỏ nón cúi đầu.

- Vâng, chính thế. Tôi tưởng thế cũng không phải là khiếm lễ với thần. Trời nắng thì phải đội nón. CÒN NHƯ CÁI ĐẦU NÓ ĐƯƠNG THẲNG THẮN Ở TRÊN CÁI CỔ CAN CHI LẠI NGHIÊNG NÓ ĐI, LẠI CÚI NÓ XUỐNG. CHỈ CÓ NHỮNG KẺ HÈN HẠ, KHÔNG BIẾT TỰ TRỌNG HAY KHÔNG CHÍNH TRỰC, QUANG MINH MỚI KHÚM NÚM SỢ HÃI MÀ THÔI. Ông thần mỉm cười, mỉa mai:

- Vậy hẳn là ngài chính trực, quang minh?

Nhưng ông đồ đã không tức giận và thản nhiên đáp:

- Tôi chỉ biết bình sinh không nói dối một câu, chưa bao giờ định làm một việc phi pháp, còn như có chính trực, quang minh hay không, thì quả tôi không dám khoe khoang rằng tôi chính trực, quang minh.

Ông thần thầm nhủ: “Được rồi! Mi bảo mi không từng nói dối, không bao giờ làm việc phi pháp. Vậy ta sẽ theo mi để chờ mi nói dối một câu, hay làm một việc phi pháp, bấy giờ ta sẽ trị tội mi, ta sẽ quật mi chết tươi, cho hồn mi không còn oán hận ta được nữa, không còn đến kiện ta ở trước cửa toà Diêm Vương được nữa.”…

Và từ đó ông thần đi theo sát bên cạnh ông Đồ Bể. Ông đã dùng phép thần thông để tạo ra rất nhiều tình huống nhằm gài bẫy để ông Đồ Bể mắc phải và để lộ chân tướng. (Phạm vi bài viết không cho phép người viết kể ra hết những tình huống rất ly kỳ hấp dẫn, đồng thời người viết cũng muốn để dành những chi tiết hấp dẫn đó cho các bạn đọc khi gặp được cuốn sách này). Tuy nhiên trong tất cả mọi tình huống, ông Đồ Bể đã giải quyết một cách thật quang minh chính trực, và thật thông minh nên cuối cùng ông thần đành phải chịu thua, và rồi… kể từ đó sự ghét bỏ bỗng trở thành lòng yêu thích, kính phục và ông thần tiếp tục đi theo ông Đồ Bể, không phải để thù ghét, gài bẫy, mà để bảo vệ, giúp đỡ. Tới Thăng Long, trong khi chờ đợi nhập trường thi, hai người được nghe thấy các thí sinh khác đồn rằng quan chánh chủ khảo không được liêm khiết cho lắm và nếu ai không chịu khó đút lót thì khó mà đậu được. Nghe vậy, ông Đồ Bể nhất định không chịu tin, nhưng rồi chuyện chánh chủ khảo tham nhũng đã thật sự xảy ra. Viên chánh chủ khảo thấy bài vở của ông Đồ Bể quá tuyệt vời nhưng lại tức vì tên cứng đầu này lại không thèm biết tới mình là ai nên thẳng tay phê chữ “Liệt” trên tất cả các “quyển” của ông Đồ Bể. Đây là lúc ông thần ra tay, và ông đã dùng thần thông để biến tất cả những chữ “Liệt” thành những chữ “Ưu”, khiến ông Đồ Bể đậu thủ khoa sau 4 kỳ thi, thành thử kẻ mà viên chánh chủ khảo tham nhũng định để đỗ đầu phải tụt xuống hàng hai, khiến viên chánh chủ khảo cũng chả hiểu tại sao sự việc lại xảy ra như vậy, nên đành phải trả lại 20 nén bạc trong số 50 nén mà ông ta đã nhận ăn của đút.

Hôm xướng danh, thiên hạ nô nức đi xem. Các người đẹp Thăng Long chen vai thích cánh để được nhìn thấy mặt ông thủ khoa. Nhưng ông này không để ý tới một cô nào, tiến thẳng lại chỗ các quan, nhận lãnh áo mũ vua ban rồi vội ra đi. Sợ số tiền lộ phí thiếu hụt, ngay ngày hôm đó ông tân khoa trở về làng.

Khi qua miếu cổ, ông thần ra đón tiếp:

- Chào ông Cống mới.

Ông thủ khoa đoán chừng người bạn cùng đường đã lạc đệ (đã hỏng thi) nên lủi mất ngay từ hôm nghe tin mình trúng cử. Liền an ủi mấy câu:

- Thi cử chẳng qua ăn nhau về số mệnh. Thôi thì khoa này chẳng đậu bác chờ khoa sau… Có tài như bác, lo gì!

Ông thần cười đáp:

- Lần đầu tiên bác nói dối đấy nhé. Bác thừa biết rằng phải có tài lỗi lạc như bác mới đáng đỗ sao bác còn đem câu khách sáo về số mệnh ra an ủi tôi?

Ông thủ khoa cũng cười. Ông thần lại nói:

- Nhưng nay dù bác có nói dối một câu vô tội với người hỏng thi để người ấy khỏi mủi lòng, thì tôi cũng không tìm cách trị tội bác đâu. Vì nay bác đã trở nên một bạn chí thân của tôi rồi.

Ông thủ khoa ngơ ngác không hiểu, ông thần liền đem hết câu chuyện thật ra kể, từ hôm ông đồ qua miếu không ngả nón cúi đầu cho tới hôm ông trúng cử. Nói xong, ông thần biến mất.

Ông thủ khoa buồn rầu thầm nghĩ: “Thì ra nhờ có thần, mình mới đỗ. Như thế, cái thủ khoa của mình phỏng còn giá trị gì?”

Ý nghĩ ấy vẫn luẩn quẩn trong óc ông khi ông lủi thủi về tới đầu làng. Vì thế, khi thấy dân làng tấp nập mang cờ, mang lọng ra đón rước, ông xua tay nói:

- Xin mời các ông về cho. Tôi chẳng đỗ đạt gì cả mà rước xách. Tôi vẫn là ông Đồ Bể như xưa thôi, các ông ạ…”

Câu chuyện tiếp diễn khi ông Đồ Bể gửi trả lại áo mũ cho nhà vua, nên bị triệu vào Kinh để nhà vua tìm hiểu ngọn ngành và từ thời điểm này truyện còn ly kỳ hấp dẫn hơn và chỉ kết thúc sau khi ông Đồ Bể đậu luôn cả các kỳ thi hội và thi đình, trở thành trạng nguyên và thành phò mã.

Qua có 28 trang giấy, tác giả đã đưa người đọc trải qua trên 30 tình huống rất ly kỳ hấp dẫn, trong đó mọi vấn nạn đều được giải quyết một cách thông minh, quang minh, chính trực, như ngầm khuyến cáo người đọc rằng mình cần phải sống cho thật đường hoàng, ngay thẳng, hiên ngang, nếu nuốn có một cuộc sống thật tốt đẹp.

Nếu cuốn sách đã được tái bản, người viết thành tâm đề gnhị các bạn nên mua cho con cháu mình đọc, nhất là cho lứa tuổi từ 10 tới 16. Trường hợp nó chưa được tái bản, người viết rất mong có ai đó muốn tái bản nó. Nếu muốn vậy chỉ cần liên lạc với người viết để làm việc đó, người viết không cần bất cứ một quyền lợi nào, miễn sao cuốn sách hay và ích lợi này tới được tay con em chúng ta.

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI

Vũ Anh Tuấn

------

MỘT BÀI HỌC VỀ NHÂN QUẢ
QUA KINH VU LAN BỒN

Tháng 7 Âm Lịch hàng năm được những người theo Đạo Phật gọi là Mùa VU LAN. Vào mùa này, những người muốn báo hiếu cho cha mẹ ông bà đã qua đời thường noi gương Đại Hiếu MỤC KIỀN LIÊN sắm sanh lễ vật cúng dường Chư Tăng, vì theo lời Kinh, mẹ của Ngài Mục Kiền Liên là Bà Thanh Đề làm nhiều việc ác, sau khi chết phải đọa địa ngục, nhờ vào sức chú nguyện của Chư Tăng mà được sinh lên cõi trời.

Thông thường, khi những việc làm đã trở thành nếp trong đạo cũng như ngoài đời thì mọi người thường ít thắc mắc tìm hiểu xem tại sao. Nhưng Kinh Phật có dạy : Văn, Tư, Tu, tức là khuyên chúng ta khi nghe điều gì đó thì nên suy nghĩ cho kỹ rồi mới thực hành để chắc chắn kết quả sẽ như ý ta mong mỏi, không làm trong mơ hồ, làm mà không rõ nguyên do.

Đọc Kinh Vu Lan, nếu có chút suy nghĩ, ta sẽ thấy những ngờ vực sau :

1/- Tôn chỉ của Đạo Phật là Tự Độ. Chính La Hầu La là con ruột của Phật còn phải tự tu hành, tại sao nơi Kinh Vu Lan, Chư tăng lại có thể cứu độ cho mẹ của Ngài Mục Liên?

2/- Kinh viết: “Khi Phật thấy Ngài Mục Liên quá đau khổ vì thương mẹ thì động lòng thương xót, cùng đệ tử và thánh chúng bay lên hư không, phóng hào quang xuống làm tắt lửa địa ngục, nhưng Bà Thanh Đề thoát địa ngục đó liền sinh vào địa ngục khác”. Trong khi đó, chỉ cần cúng dường Trai Tăng thì Bà Thanh Đề được sinh lên cõi trời. Như vậy chẳng lẽ quyền phép của Phật lại thua chư Tăng? Việc đó phải hiểu ra sao?

3/- Từ Vu Lan Bồn trước đây được gọi là “Cứu nạn treo ngược”, nhưng xuyên suốt quyển Kinh ta không thấy có ai hay cái gì bị treo ngược cả, và theo nhà nghiên cứu Huệ Thiên viết trong Kiến Thức Ngày Nay số 89, thì dịch nguyên văn tiếng Sanscrit ULLAMBHANA chỉ có một nghĩa là SỰ GIẢI THOÁT mà thôi. Vậy thì trong Pháp Vu Lan những ai được giải thoát? Giải Thoát khỏi cái gì?

4/- Muốn cứu độ cho quyến thuộc, mọi người có thể dùng pháp cúng dường Tăng như Ngài Mục Liên hay không?

Để giải tỏa những thắc mắc này, chúng ta cần bắt đầu từ Kinh MỤC LIÊN. Tóm lược Kinh như sau :

“Vào thời Phật còn tại thế, ở thành Vương xá có người trưởng giả tên là Phó Tướng, tài sản nhiều vô kể. Ông có bà vợ tên Thanh Đề và một con trai tên La Bốc. Sau khi cha chết, thọ tang được 3 năm, La Bốc thưa với mẹ xin mở tất cả kho để kiểm điểm tài sản, thấy còn tổng cộng 3 vạn quan. Ông thưa với mẹ xin chia tài sản ra làm 3 phần: m ột phần xin dâng mẹ, một phần xin cúng dường Tam Bảo, phần còn lại xin được làm vốn để ra nước ngoài buôn bán.

Khi La Bốc đi rồi, bà Thanh Đề liền cho hội tất cả tôi tớ lại và bảo: “Con ta trước khi đi có dặn ta cúng dường Trai Tăng, nhưng ta không tin. Vậy nếu các ngươi có thấy Chư Tăng đến thì vác gậy đuổi đánh, làm như vậy để cho họ đừng tới nữa. Số tiền dành cúng Trai tăng ta sẽ mua heo, gà, vịt, ngỗng, trâu, bò, dê, ngựa giết để tế thần rồi ăn cho sướng cái miệng, ăn hết mua nữa, tội gì phải cúng Tăng”!

Sau ba năm buôn bán giàu to, La Bốc quay về. Ông chưa vội về nhà, ở ngoài thành kêu gia nhân tên Ích L ợ i về nhà thông báo. Tỳ nữ Kim Chi được tin, báo với Bà Thanh Đề. Bà lập tức sai gia nhân bày biện phan phướn trong nhà, giả như đã làm trai tăng.

Khi Ích Lợi vô nhà, Bà Thanh Đề hỏi con đang ở đâu? Ích Lợi thưa: Đang còn ở ngoài phía Tây thành. Bà Thanh Đề nói: sau khi La Bốc và ngươi đi rồi, ta liền thiết trai cúng dường chư Tăng hơn 500 vị. Ích Lợi nghe vậy rất hoan hỉ, bước vô nhà thấy phan, phướn, giường, chiếu, chén, bát còn ngổn ngang chưa dọn dẹp, nên liền quay lại báo tin cho La Bốc hay. La Bốc hết sức vui mừng vội về nhà, vừa đi vừa lạy. Họ hàng quyến thuộc thấy La Bốc về cũng chạy ra đón tiếp, họ ngạc nhiên hỏi:

- Trước không có Phật, sau không có Tăng, Ông lạy ai?

- La Bốc trả lời: “Tôi lạy mẹ tôi, vì khi tôi đi rồi, mẹ tôi thiết trai cúng dường Tăng hơn 500 vị”.

Họ hàng cho biết: Khi ông đi rồi thì mẹ ông chỉ gây nghiệp, đánh đuổi tăng chúng. Tiền ông dặn thiết trai mẹ ông mua trâu, bò, gà, vịt cắt tiết tế thần, hàng ngày giết ăn”. La Bốc nghe vậy té xỉu xuống đất, giây lâu mới tỉnh.

Bà Thanh Đề nghe nói, chạy tới cầm tay con thề: “Trời cao lồng lộng, bể rộng thênh thang, nếu con đi rồi mà mẹ không có thiết trai cúng dường Tăng chúng thì xin về nhà liền chịu bệnh chết, sau khi chết bị đọa địa ngục, chịu mọi ác báo”. La Bốc nghe vậy mới chịu trở về nhà.

Vừa về đến nhà, bà Thanh Đề thấy người khó chịu và lâm trọng bệnh, chỉ trong 7 ngày liền mệnh chung. La Bốc chôn mẹ trong một khu rừng, cất chòi canh ở cạnh mộ phần, thủ hiếu trong 3 năm, cúng dường tượng Phật, thắp hương lễ kính, thọ trì trai giới, tụng niệm kinh kệ hồi hướng mẫu thân. Nhưng ông lại nghĩ: Muốn báo thâm ân không gì bằng xuất gia tu hành, học đạo, nên đến núi Kỳ Xà Quật xin Phật cho xuất gia, được Phật đặt cho tên: Đại Mục Kiền Liên.

Ngài Mục Kiền Liên chuyên tu Thiền Định, đắc thần thông cao nhất trong số đệ tử của Phật. Muốn báo ân mẹ, Ngài dùng thần thông lên các cõi trời tìm mẹ, nhưng không gặp, xuống các cõi địa ngục cũng không thấy mẹ đâu, ông buồn rầu tới bạch Phật, Phật cho biết: “mẹ ông lúc còn sống không tin Tam Bảo, bỏn xẻn như núi Tu Di, sau khi chết đã đọa vào địa ngục”. Ngài Mục Liên lại xuống địa ngục để tìm.

Qua nhiều cửa ngục, thấy các tội nhân bị hành hình rất khổ sở, Ngài rất thương tâm, xin với chúa ngục cho chịu thay, chúa ngục cho biết: “Tội ác nơi địa ngục ai làm nấy chịu, dù có thân thiết như mẹ với con cũng không thể chịu thay được”. Đến một ngục kia rất kiên cố tên Cao Tường, vách sắt nghìn lần, tường cao muôn dặm, mắt tuệ nhìn không thấy, pháp thân cũng không thể lọt qua. Ngài Mục Liên trở về bạch Phật, Phật dạy: “Muốn đến địa ngục đó phải dùng gậy, áo, bát của Phật, đến ngoài cửa giộng 3 cái thì cửa ngục sẽ tự mở. Phật cho mượn 3 món, Ngài Mục Liên làm y theo lời. Cửa ngục mở ra, Mục Liên bước vào, chúa ngục hoảng sợ vội đẩy Ngài ra và hỏi: “Ngài là người như thế nào mà vào được ngục này, vì ngục này chỉ có những người không tin Tam Bảo, phạm tội ngũ nghịch?” Mục Liên thưa Ngài là đệ tử của Phật muốn tìm mẹ để báo ân. Chủ ngục liền tra sổ sách và lớn tiếng gọi bà Thanh Đề, báo tin cho biết là có một Thầy tên là Mục Liên tới thăm và nói rằng nếu quả thật Ngài là con của bà thì chẳng bao lâu bà sẽ thoát địa ngục.

Bà Thanh Đề cứ lặng im không thấy lên tiếng. Chúa ngục liền gạn hỏi vì sao không trả lời, thì bà bảo là sợ chịu khổ thêm nên không dám nói, lúc còn sống bà có một người con nhưng không có xuất gia và cũng mang tên khác. Chúa ngục hỏi lại Ngài Mục Liên thì Ngài bảo: “Khi còn cha mẹ tôi tên là La Bốc, khi cha mẹ mất tôi mới xuất gia và có tên là Mục Liên”. Bà Thanh Đề biết đúng là con nên mới xin gặp.

Chúa ngục dắt bà Thanh Đề ra. Mục Liên thấy mẹ bị dao đâm khắp mình, toàn thân lửa cháy, cổ mang gông sắt, mình khoác lưới sắt, từ các lỗ chân lông máu tuông lênh láng thì đau lòng khóc lóc nói với mẹ: “Thiết Trai Tăng gồm 500 vị tưởng đã sinh thiên, hưởng mọi thú vui. Con đi tìm mẹ khắp các cõi tr ờ i nhưng không thấy, nào ngờ gặp mẹ nơi địa ngục”. Bà Thanh Đề nghẹn ngào nói: “Tưởng rằng mẹ con không bao giờ được nhìn thấy nhau, không ngờ ngày nay giữa chốn địa ngục sung sướng được gặp”. Mục Liên hỏi: “Con ở dương gian làm mọi Phật sự sớm tối không ngơi, trai nghi cúng mẹ có ích gì không ? Bà Thanh Đề trả lời: “Cúng tế vô ích, có ăn được đâu, phải lập công đức mới cứu được mẹ. Khi còn ở đời mẹ không tu phúc, chỉ gây nghiệp ác, lại thề với con là đã tu phúc nên ngày nay phải đọa địa ngục, chịu khổ vô cùng. Đói ăn sắt nóng, khát uống nước đồng”. Nói chưa dứt lời chúa ngục đã giục Bà Thanh Đề vào trong vì đã đến giờ chịu tội. Bà Thanh Đề còn ngoảnh lại nói với Ngài Mục Liên: “ Thân mẹ đau đớn không chịu nổi, con về bạch Phật xin tìm phương pháp cứu mẹ thoát khỏi tội báo địa ngục”.

Mục Liên nghe nói đau đớn khôn xiết, vập đầu vào tường cầu xin chúa ngục cho mình vào chịu tội thay cho mẹ. Chúa ngục trả lời là không thể được, bảo Ngài về xin Phật họp Đại Đức Tăng, sám hối thay mẹ mới mong tiêu trừ nghiệp ác, sinh về nơi cực lạc”.

Mục Liên lại bạch Phật xin từ bi tìm mọi phương pháp cứu mẹ thoát khổ. Tấm lòng hiếu thảo làm Phật thương xót nhận lời thỉnh cầu. Phật cùng đệ tử thiên long, thánh chúng đi lên hư không, phóng hào quang xuống làm cho các dụng cụ hành hình biến thành hoa quả, giường sắt biến thành tòa sư tử, tất cả đại chúng thấy được thân Phật và được thoát khổ. Mục Liên hỏi Phật mẹ mình hiện giờ thác sinh chỗ nào? Phật bảo: “Vì tội chướng sâu nặng, vừa thoát khỏi ngục A Tỳ lại phải sinh ngục Hắc Am. Mục Liên lại xuống ngục Hắc Am tìm mẹ, gặp được mẹ liền dưng cơm, bà Thanh Đề thấy cơm mừng rỡ, vội bốc ăn, nhưng cơm chưa đến miệng đã biến thành lửa. Mục Liên lại khóc lóc trở về bạch Phật. Phật dạy: “Thỉnh các Đại Đức đã tu đắc đạo, đã chứng Thiền Định, thiết La Bồn Trai, cúng dàng Tam Bảo, sám hối thay mẹ, cứu độ u hồn”. Ngài Mục Liên làm theo Phật dạy, thiết lễ cúng dường, sau đó hỏi Phật mẹ Ngài hiện ở chỗ nào? Phật dạy: “Sinh lên cõi trời Đao Lợi, sung sướng an vui”.

Qua tóm lược ta thấy Kinh dạy về Nhân Quả qua các việc sau:

1/- Bà Thanh Đề tạo ác nghiệp nên phải đọa địa ngục.

2/- Theo đúng luật Nhân Quả: Ai tu nấy đắc, dù là con ruột như Ngài Mục Liên tu hành đắc thiền, chứng thần thông cao nhất, có gặp được mẹ cũng không cứu được.

3/- Kinh mượn lời chúa ngục để giải thích: Tội ai làm nấy chịu, dù có thân thiết như mẹ với con cũng không thể chịu thay được.

4/- Kinh đã phương tiện tạo ra cuộc gặp gỡ giữa người còn sống là Ngài Mục Liên và người đã qua đời là Bà Thanh Đề để giải thích về những việc cúng kiến cho người đã khuất qua câu trả lời của Bà Thanh Đề: “Cúng tế vô ích, có ăn được đâu, phải lập công đức mới cứu được mẹ”. Cách lập công đức cũng được giải thích là phải tu hành, học đạo.

5/- Phật cũng không cứu được cho Bà Thanh Đề, vì tự tâm bà biết việc mình làm là tội, nên dù Phật phóng quang tắt lửa địa ngục này thì bà lại sinh ngay vào địa ngục khác. Bà nợ lời hứa cúng dường Trai Tăng, nên chỉ khi con bà thay cho mẹ làm việc đó thì Bà mới thấy hết nợ, được giải thoát.

6/- Chúa ngục bảo Ngài Mục Liên về xin Phật họp Đại Đức Tăng, sám hối thay mẹ. Phật cũng dạy: “Thỉnh các đại đức đã chứng Thiền Định, thiết La Bồn trai, cúng dường Tam bảo, sám hối thay mẹ”. Tức là không phải tăng nào cũng có thể sám hối thay người đã chết mà phải nhờ những vị Tăng có đạo hạnh thì mới giúp được vong linh người chết. Theo những nhà nghiên cứu về cận lâm sàng (Near death Experiences) thì vong linh người chết, khi xuất ra khỏi xác thì vẫn ở quanh đó, nhìn thấy, nghe và biết hết những sinh họat của người sống, dù không liên lạc được. Vì thế, nếu họ nhìn thấy thân nhân nhờ những Tăng thiếu đạo hạnh, không trang nghiêm, làm chiếu lệ… ắt họ sẽ sinh tức giận, buồn phiền thì hóa ra việc ta làm chẳng giúp ích gì cho họ.

Có lẽ chúng ta cũng khó thể hiểu hết dụng ý của Phật trong một quyển Kinh, nhưng ít ra trong câu chuyện này ta cũng rút ra được vài bài học cho bản thân, vì ngoài việc khuyến cáo không nên làm ác, đạo Phật dùng sự gặp gỡ, trao đổi giữa hai mẹ con bà Thanh Đề để chỉ rằng không phải chết đi là mọi tội nghiệp sẽ chấm dứt. Người tu dù có chứng đắc cao đến đâu cũng không thể cứu độ cho người khác, bằng chứng là chính Phật cũng bất lực dù rất cảm động trước tấm lòng của hiếu tử. Ngoài ra, chúng ta cũng học được một bài học về Nhân Quả là: Nợ gì thì phải trả đó, thiếu ai thì trả cho nấy. Bà Thanh Đề đã nhận một phần gia sản với lời hứa cúng dường Tăng, nhưng không thực hiện, nên khi con bà làm thay cho bà thì Bà mới thấy mình hết nợ, được giải thoát. Ngài Mục Liên đau khổ vì thấy mẹ bị đọa, khi thấy mẹ được Giải Thoát thì Ngài cũng hết khổ. Cũng qua đó, ta suy ra: không phải tất cả mọi trường hợp đều có thể dùng phương pháp cúng dường Trai Tăng mà hóa giải được. Vì thế, khi chúng ta muốn báo hiếu cho thân nhân trong dịp Lễ Vu Lan thì nên xét những vướng mắc của họ lúc còn sống để làm cho phù hợp: Nếu thân nhân chúng ta không có hứa cúng dường Tăng chúng, nhưng lại có những món nợ khác chưa trang trải, thí dụ bỏn xẻn, nợ tiền bạc của ai đó, biển lận, lừa đảo, lường công, cân thiếu… chẳng hạn, thì có lẽ chúng ta nên dùng phương pháp đối trị và tháo gở đúng đối tượng: nợ ai, trả đó, nợ gì, trả nấy, có vậy thì có lẽ vong linh người chết mới được lợi lạc, có thể thanh thản, được giải thoát vậy.

Tâm-Nguyện

(Vu Lan 2002)

------ 

BƯỚC VÀO THẾ GIỚI
CỦA NHỮNG CUỐN SÁCH TÍ HON

Cuộc triển lãm có tên gọi: “Những cuốn sách tí hon: một gia tài nhỏ 4000 năm”, gồm những cuốn sách chỉ có vài centimet vuông. Trong số những cuốn sách được chú ý nhất là cuốn sách của Nhà xuất bản Toppan với nhan đề là “12 con giáp theo lịch Phương đông” dưới dạng hình vuông, mỗi chiều chỉ có 0.9mm. Cuốn sách này nhỏ đến nỗi muốn giở trang thì phải dùng một cây kim mới có thể lật trang này và phải dùng kính hiển vi mới đọc được những dòng chữ trong đó. Chủ nhân của những cuốn sách đặc biệt này là ông Juhan Edison nói rằng những tác phẩm của ông tuy không thực dụng, nhưng là một bằng chứng cho thấy sự khéo léo của con người. Theo ông con người luôn bị cuốn hút những gì đặc biệt nhất, từ ngọn núi cao nhất, thung lũng sâu nhất, cho đến những gì nhỏ nhất và những tác phẩm này là điều mà nhiều người không thể tưởng tượng được. Cuốn sách nhỏ nhất và cổ nhất trong bộ sưu tầm đã có từ 4000 năm qua là những bản đúc bằng đất sét từ thời Babylon tức là khoảng năm 2325 trước Công nguyên. Theo lời giải thích của Ban tổ chức, trong cuốn sách này có khắc những chi tiết về trao đổi và sinh hoạt hành chánh. Mới hơn nữa là một bộ sách của văn hào William Shakespeare, tất cả chỉ cao có 51mm, và cuốn sách in nhỏ nhất là cuốn “Galileo a Madama Cristina de Lorena” dày 207 trang. Cuộc triển lãm gồm cả những cuốn sách hình cho thiếu nhi, cao khoảng 2,5cm nhưng vẫn đọc được và có những tác phẩm cho người lớn, kể cả những cuốn sách đăng hình khỏa thân từ thế kỷ 17 và cuối thế kỷ 20. Cuốn Kinh Thánh nhỏ nhất được in vào năm 1601 và là cuốn sách nhỏ nhất được in bằng tiếng Anh. Cuộc triển lãm đã kết thúc vào ngày 28/7/2007.

Bùi Đẹp (Theo AFP)

 

------

NGHỀ BÁO
BÁO MIỆNG, BÁO GỖ, BÁO GẠCH,
BÁO ĐÁ, BÁO ĐỒNG VÀ TỜ NHẬT BÁO
ĐẦU TIÊN TRÊN HOÀN CẦU

Nghề làm báo cổ như trái đất

Chúng tôi đã nói: việc làm báo ra đời cùng với loài người. Mà theo nhiều nhà văn, thì ta phải tin rằng thủy tổ nghề báo chính là bà Thủy tổ nhân loại, tức là bà Eve. Bà kể chuyện cho con rắn là kẻ quyến dũ bà nghe rằng Ngọc Hoàng thượng đế đã cấm không cho ăn đào thiện ác và cấm cả không được đụng chạm vào cây ấy.

Tác giả bộ “Tự điển lịch sử và phê bình” (1697) là ông Bayle nói rằng:

“Đó là lần thứ nhất người ta thuật lại điều mình nghe được cho người khác biết”.

Thuật lại cho người khác biết điều mình nghe được tức là một hình thức của nghề làm báo. Vậy người làm báo đầu tiên trên trái đất chẳng phải bà tổ chúng ta thì còn là ai?

Dù chuyện trên đây không đáng tin, người ta cũng phải nhận rằng ngay từ đời thái cổ đã có một cách làm báo miệng là lối truyền khẩu các việc trọng đại xảy ra trong vũ trụ.

Như chẳng hạn, chuyện cổ tích về nạn đại hồng thủy hoàn cầu, ở châu Âu, người thoát đại nạn ấy là ông Noé và con cháu ông dựng cầu vồng trên núi cao, để sau làm Thế tổ của nhân loại. Chuyện đại kiếp đó trong kinh thánh Ấn độ cũng có chép. Tại xứ Chaldée, tên ông Noé là Hasiadra; tại Hy Lạp, La Mã, Mễ Tây Cơ, và đảo Fidji người ta đều kể chuyện ấy, với cái tên khác tên ông Noé. Tại Trung Hoa, thì tên ông Noé biến thành tên bà Nữ Oa (Naoua) luyện đá ngũ sắc vá trời và thêm tên vua Vũ (Ya-o) trị thủy. Nghĩa là tại khắp nơi trên thế giới, đều có truyền lại nạn đại hồng thủy hoàn cầu, một cách đại đồng tiểu dị.

Nếu không có cách làm báo truyền khẩu thì sao chuyện đó lại lan đi khắp các nơi được như vậy?

Giáo sĩ Moreux nói rằng:

“Ba ngàn năm trước Thiên Chúa giáng sinh đã có chuyện cổ tích về nạn Đại hồng thủy mà các bô lão truyền khẩu lại cho con cháu”.

Homère và các nhà thơ hát dong thuật trận đại chiến thành Troie ở Hy Lạp thời cổ cũng làm báo truyền khẩu như các bô lão thời xưa. Nếu thời ấy, người Hy Lạp đã có báo chí thì chắc Homère và Virgile không soạn sách Odyssée và Illiade làm gì.

Sau này những nhà tiên tri, những tổ sư tôn giáo nhất là những sứ đồ có trách nhiệm đem “tin lành” đến cho nhân dân, cũng đều làm báo theo cách truyền khẩu.

Như vậy, phải tin rằng nghề báo ra đời cùng với nhân loại và cổ như địa cầu, chứ không phải là một nghề mới lạ.

Tờ báo miệng

Như trên đã nói, nghề làm báo truyền khẩu phát hiện từ khi trái đất có hai người. Tình trạng cổ sơ đó của nghề báo kéo dài ra mãi trong mấy ngàn năm dài dặc tới khi loài người biết đặt chữ viết, biết làm máy in, biết dùng giấy má, mới dần dần đổi thay.

Vì trước khi viết, loài người nói đã.

Người Hy Lạp thời cổ thường ngày chẳng còn việc gì khác là nói và nghe cùng chạy rông khắp nơi trong thành phố một cách rất bận rộn. Những văn gia, hùng biện gia như Aristophane, Périclès, Aristide, Platon, Démosthène chẳng bỏ lỡ một dịp tốt nào để diễn thuyết giảng giải, bình luận cho dân

chúng đồng thời nghe biết những lý thuyết, những thời sự lợi hại cho đảng phái mình và cho nhân dân.

Họ làm gì vậy? Họ làm báo miệng đó. Nói tới họ, M.Dubief, nói rằng:

“Biết bao nhiêu bài báo nhẹ nhàng tung ra mà người ta bỏ sót không ghi chép được”.

Dân La Mã thời xưa là dân rất hiếu động, suốt ngày lăn lộn với việc chánh trị, hoặc các việc công. Các việc công đó thường là cái đầu đề cho những cuộc bàn cãi bất tuyệt giữa các chánh khách, các nhà cầm quyền và dân chúng. Dân chúng La Mã thời ấy say mê các cuộc bàn luận chánh trị như ngày nay người ta say xem đấu bóng tròn hay xem chiếu bóng vậy.

Hơn thế nữa, họ lại tham dự một cách sốt sắng vào các cuộc tranh luận đó, luôn luôn góp ý kiến vào, đôi khi lại đứng làm trọng tài để phán đoán về lý thuyết của hai hoặc nhiều phe chính khách. Phái thắng là phái được dư luận dân chúng hoan nghênh. Phái thua là phái bị dân chúng la ó phản đối. Có khi trên diễn đàn lặng tiếng, thì dân chúng dự thính ở xung quanh lại bịa đặt ra chuyện này chuyện nọ để ủng hộ hoặc đả đảo một đảng phái hoặc báo cho nhau biết tin những việc xảy ra, có lợi, hại cho một phe nào đó.

Như vậy, chẳng thua gì dân Hy Lạp, dân La Mã cũng làm báo miệng từ lâu.

Dân Trung Hoa thời cổ dùng cái “đạc” để báo hiệu truyền chính lệnh cho dân gian. Đạc là một thứ nhạc bằng kim loại, bên trong có treo cái “lưỡi” bằng gỗ hay bằng sắt, khi dùng thì lắc cái “đạc”, cái lưỡi ấy đụng vào thành “đạc” kêu lên tiếng như tiếng nhạc ngựa ngày nay. Khi truyền những tin về quân sự thì dùng “kim đạc” nghĩa là nhạc có lưỡi sắt.

Người ta lại loan báo các tin tức về thời sự đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra cho khắp nơi trong nước biết bằng cách dạy trẻ con những câu hát để chúng truyền khẩu nhau phổ cập đi. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng cách loan báo tin tức này là do sao Huỳnh Hoặc trên trời hiện xuống ứng khẩu vào miệng trẻ nhỏ hát lên những câu “đồng dao” ý nghĩa vẩn vơ kín đáo.

Lối làm báo này, người Việt Nam ta cũng học theo lối Tầu, cũng như lối loan báo chính lệnh cho dân bằng cái “đạc”. Những câu “đồng dao” của ta chứng thực cho việc đó và tới nay, trong thôn quê Việt Nam, người ta vẫn còn dùng chiếc “mõ” gỗ mõ tre thay chiếc “đạc” để làm hiệu loan báo chính lệnh cho dân làng.

Đừng khinh thường cái “mõ” hay cái “loa” cái kèn. Thời nào và nước nào xưa cũ cũng dùng thứ ấy để làm hiệu loan báo chính lệnh của nhà cầm quyền hay của vua chúa.

Không kể nước Tầu, nước ta, xưa tại các nước châu Âu như Pháp, Đức, Anh, Nga, người ta thường cũng dùng cái loa, cái kèn hay cái trống hô dân chúng tụ họp lại một nơi để nghe các chính lệnh của vua, quan, do miệng các quan truyền lệnh hay các viên bá cáo (trách nhiệm như tên Mõ ở ta, tiếng Pháp gọi là Crieur) loan báo ra. Nghĩa là cách loan báo chính lệnh thời xưa ở đâu cũng tương tự như nhau.

Truyền lệnh quan tiếng Pháp gọi là “Héraut”. Ngày nay tuy không còn các viên “héraut” truyền lệnh như xưa, nhưng lại có những tờ báo lớn nước Anh, Mỹ kèm chữ “herald” theo tên tờ báo và chữ “heraldo” sau tên các tờ báo ở Tây Ban Nha. Nghĩa là tờ báo in bằng máy in nay đã thay những viên bá cáo những truyền lệnh quan xưa, nhưng xét ngữ nguyên những tiếng “herald”“heraldo” (nghĩa cũng như héraut) thì phận sự vẫn không thay đổi.

Tại Pháp có những thi sĩ hát dong (troubadours) những bản “hát bộ” (chansons de ges’es); tại Đức có những thi sĩ hát dong (ménétriers) những chuyện cổ tích; tại Nga có những chuyện cổ tích Bylines; tại Tây Ban Nha có những bản “hát bộ” kỷ niệm những công trạng anh hùng; tại Anh quốc, tại Tắc quốc (Serbie) có những thiên anh hùng ca; tại Thụy Sĩ có những chuyện cổ tích; tại các nước Bắc Âu có những chuyện cổ tích gọi là eddas; tại nước Ả Rập, tại xứ Bohême, tại nước Hung xưa đều có những chuyện cổ tích anh hùng và những người chuyên kể chuyện cổ tích cho nhân dân nghe cũng như tại nước Việt ta có những chuyện cổ tích về Sơn Tinh, Thủy Tinh, Tấm Cám do các ông già bà già kể lại cho con cháu hết đời này sang đời khác nghe.

Tất cả những người thuật chuyện cổ tích trên đều là những thuật giả, những nhà làm báo trong thời kỳ chưa có chữ viết, chưa có bàn in, những nhà làm báo không có báo vậy.

Những tờ báo bằng gỗ, bằng gạch, bằng đá, bằng đồng…

Trong bao nhiêu thế kỷ, loài người chỉ có độc một cách trao đổi tư tưởng ý nghĩ cho nhau, là cách truyền khẩu. Trong thời kỳ này, hình thức của nghề báo cũng thu trong cách khẩu truyền. Lâu dần, thấy sự cần dùng trao đổi ý tưởng, tin tức với người đi vắng và để lại đời sau những vết tích cuộc hành trình của mình trong cõi đời này, người ta mới nghĩ cách ghi chép những ý nghĩ và lời nói.

Người ta bắt đầu theo hình thù các sự vật đặt ra chữ viết. (Chữ viết ở phương nào hồi khởi sơ cũng là thứ chữ tượng hình cả). Và trước khi chế ra giấy viết như ngày nay, trải qua các thế kỷ, người ta đã lần lượt dùng đủ thứ

để ghi chép: đá, gạch, gỗ, đồng, tre, chì, ngà trát sáp, lá cây, vỏ cây, lụa, da…

Bất luận là dùng thứ chữ nào, viết lên chất gì, và ở thời nào nước nào, những cuộc nghiên cứu của nhà khảo cổ đều cho ta thấy rằng người xưa khi thôi làm báo bằng miệng, liền làm báo bằng lối viết tay.

Nghĩa là nghề báo tiến theo chữ viết từng bước một, hai thứ liên lạc mật thiết với nhau, đến nỗi lịch sử chữ viết lẫn với lịch sử báo chí.

M.R. Cagnat, tác giả bộ “Đại bách khoa toàn thư” (Grande Encyclopédie) viết rằng:

“Người xưa không có như chúng ta, những tờ nhật báo để cho công chúng biết những cuộc thắng trận của nhà vua, những công việc của chánh phủ, những cuộc thảo luận về luật pháp, những công điệp bang giao, mà báo chí ngày nay loan báo khắp xung quanh ta. Muốn ghi chép những việc trọng đại trong nước, họ chỉ biết khắc hoặc viết để trưng ra trước công chúng. Những người được kỷ công thường sao lại đem khắc ở nhà mình, trong các đền, ở công viên thành phố mình để thoả lòng kiêu ngạo và để lưu truyền hậu thế”

Người xưa không làm báo như ngày nay, nhưng thế tức cũng là làm báo. Hẳn có người nói: một bộ hình luật, một tập thực lục, những bi ký… chỉ là những tài liệu lịch sử chứ không phải là những tờ báo.

Đành vậy, nhưng lịch sử với tờ báo chẳng khác nhau bao nhiêu. Tờ báo cũng là bộ lịch sử chép từng ngày một, và sau ngay khi những việc lớn nhỏ xảy ra trong nước, độ một vài giờ.

Tờ báo giúp ích cho nhà chép sử rất nhiều. Thật vậy, thử hỏi cuốn sử ký nào chép trận Âu chiến 1914-1918 đầy đủ hơn rõ rệt hơn một tập nhật báo từ 1914 đến 1919?

Giá trị những bi ký là thường thường ghi khắc ngay sau khi việc xảy ra, hoặc cùng một tháng một năm hay cùng một thời với việc đó. Còn các bộ sử thì phần nhiều do người đời sau, theo các bản sao, góp nhặt, xếp đặt và chép lại, thành ra “tam sao thất bản”, lắm khi không đúng với nguyên văn những sử liệu lưu truyền.

Ông Ad-Lods tác giả sách “La tradition orale dans la formation des récits de l’Ancien Testament” nói về những sử liệu đó như thế này:

“Những bi ký đem đến cho ta những tang chứng quý báu hạng nhất và những bi ký ấy buộc nhà soạn sử phải tin theo, miễn là người ta biết đọc những bi ký ấy với sự dè dặt tất nhiên…”

Nếu ta thay những chữ “bi ký” bằng chữ “tờ báo” thì ta thấy ngay giá trị của tờ báo, chép những việc vừa xảy ra, đối với nhà soạn sử ký như thế nào.

Và ta có thể nói rằng bi ký thời cổ chỉ là những tờ báo trình bày theo một hình thức riêng và khác tờ báo ngày nay.

Ngay từ thời đại “đá trau” (pierre polie) tức là thời cổ nhất trong lịch sử nhân loại, người ta thấy trên những nhà đá hay vách các hang đá có những lời ghi chép bằng những thứ chữ lạ kỳ mà phần nhiều tới nay người ta vẫn chưa hiểu nghĩa. Có nhiều lời ghi chép bằng đủ thứ tiếng: Ai Cập, Assyrie, Hébreu, Phạn ngữ, Hy Lạp, La Tinh, A Rập vv… người ta đã học được và hiểu được. Những lời ghi chép đó cho ta biết các chuyện công, tư xảy ra tại các dân tộc thuở xưa, và cho ta một ý niệm về cuộc sinh hoạt của người thời cổ.

Những lời ghi chép trên đá, trên “gạch lát”, trên tre gỗ, trên đỉnh đồng chuông đồng lưu truyền từ thời cổ có giá trị đối với các nhà khảo cổ ngày nay như thế nào, thì những tập báo chí ngày nay cũng sẽ có giá trị đối với các nhà bác học sau này như thế.

Nhiều lời bi ký có hẳn tính cách những tin vặt thường đăng trên báo chí ngày nay.

Chẳng hạn pho tượng đá khổng lồ đặt ở trước Abou Simbul ở xứ Nubie, hai chân có khắc những cổ tự Hy Lạp nói rằng có mấy người trong đoàn phái bộ của vua Psammetichus ở Elephantine đã thám hiểm thượng du sông Nil tới khúc sông có thể đi thuyền bè được.

Lời bi ký đó hỏi có khác gì một tin vặt đăng báo hàng ngày bây giờ?

Tại đền Esculape ở Epidaure có hai tấm bia đá trên có ghi tên những bệnh nhân đến cầu Thần chữa bệnh và được qua khỏi như thế nào.

Có tất cả hai mươi trường hợp bệnh nhân được Thần phù hộ cho khỏi bệnh kỳ, xin kể ra đây hai “trường hợp” làm thí dụ:

“Một người ở đất Toroné đã nuốt phải đỉa, khi ngủ, người ấy nằm mơ thấy Thần cầm dao mổ ngực, lấy đỉa ra để vào tay mình và khâu lại chỗ ngực mổ. Ngày hôm sau, khỏi hết bệnh tật. Người ta nói rằng sở dĩ người ấy nuốt phải đỉa là vì bà mẹ vợ gian ác cho đỉa vào mật ong và rượu vang lừa cho uống”.

“Chàng Heraicus ở đất Mytylène trên đầu không có sợi tóc nào, mà má lại mọc vô số tóc. Lấy làm xấu hổ vì những lời chế riễu, chàng ngủ trong phòng ngủ trong đền. Thần lấy tay xoa thuốc vào đầu chàng, rồi tóc mọc lên.”

Trong cuốn “Ancient Records of Egypt” nhà bác học Mỹ là ông James Henry Breasted dẫn vô số những lời bi ký lịch sử và kỷ niệm cổ của dân Ai Cập, lời nào cũng có tính cách những tin tức đăng báo ngày nay.

Người Trung Hoa, người Nam xưa thường ghi những việc lớn trong các triều vua, hoặc những chiến công vẻ vang, những cuộc cải cách chánh trị của vua quan trên các chuông đồng, đỉnh đồng hay trên các bia đá, mục đích để công chúng đương thời và hậu thế đều rõ những việc quan trọng xảy ra. Lại có lệ yết bảng gỗ ở cửa kỳ công các quan to gọi là “Phiệt Duyệt” và viết chữ vào gỗ thả sông để hiệu triệu quân dân (tức là truyền hịch)… Đó đều là những hình thức đặc biệt của nghề làm báo, là nghề loan báo tin tức cho mọi người biết.

Thời cổ sơ, thời thành La Mã mới lập, tại đó đã có những bản biên niên của các đại giáo trưởng hay những bản Đại biên niên (Annales des Pontifes ou grandes Annales).

Viên đại giáo trưởng sưu tầm, thu thập hết thảy những việc chính sự xảy ra trong một năm, viết lên trên một cái bàn quét chất trắng, để trong nhà, dân chúng được tự do vào tra cứu.

Trên đầu những tấm bàn biên niên đó viết tên các quan đốc lý và các quan toà, ghi chép hết thảy mọi việc công, lễ công, những phiên họp Hội đồng quốc hội, những việc quân sự, những việc thuộc về hình luật. Ngoài ra, người ta lại thấy ghi cả những việc dựng tượng lập đền, làm công thự, những thiên tai, những kỳ nhật thực, nguyệt thực, những việc kỳ dị xảy ra đủ hết.

Nhiều khi, những bản sử ký viết lên bàn đó ghi cả những việc lặt vặt hay hay. Văn hào Pline thuật rằng:

“Những bản biên niên ấy có kể lại rằng khi thành Casilinum bị quân vua Hannibal vây hãm, có con chuột bán tới giá 200 đồng; người bán chuột sau bị chết đói, còn người mua chuột thì được sống sót”.

Coi vậy, thì sử ký và báo chí thật không khác nhau bao nhiêu.

Tờ nhật báo viết tay thứ nhất hoàn cầu

Những bi ký, những lời ghi chép trên đá, trên đồng, trên gạch, trên gỗ, những bản biên niên nói trên, dưới con mắt nhà khảo cổ ngày nay, đều có tính cách những tờ báo cổ. Song đối với người xưa, đó không phải là những tờ báo theo nghĩa chúng ta hiểu ngày nay, và người xưa cũng không hề nghĩ rằng khi làm thế là họ làm báo.

Những giấy tờ cổ có thể coi như là những tờ báo thực thụ, như những tờ báo ngày nay là những bản “Công văn” (Acta publica) xuất hiện ở thành La Mã.

Không biết rõ những bản “Công văn” ấy xuất hiện đúng hồi nào, song nhà văn Sempronius Aselio sinh vào thế kỷ thứ hai trước Tây lịch kỷ nguyên, nói rằng đã trích lục ở những bản công văn đó, được tất cả lịch sử dân Hy Lạp và các cuộc chiến tranh giữa dân Hy Lạp và dân thành Carthage. Như vậy, ta có thể nói rằng những bản công văn ấy tất ra đời vào khoảng từ năm 264 tới năm 149 trước Tây lịch kỷ nguyên. Văn hào Pline thì nói rằng đọc thấy trong những tập công văn rằng năm 639 sau năm lập thành La Mã, hồi M. Asilius và C. Portius làm quan Đốc lý, tại La Mã có trận mưa ra sữa và ra máu. Đối chiếu ra, thì năm 639 sau năm lập thành La Mã nhằm vào năm 115 trước Thiên Chúa giáng sinh.

Nghĩa là tập “Công văn” La Mã xuất hiện từ lâu đời lắm.

Không hiểu ban sơ những tập “Công văn” đó do chánh phủ hay tư nhân biên soạn chỉ biết đến năm 59 trước Tây lịch kỷ nguyên, khi Jules César được cử làm Đốc lý thành La Mã thì “Công văn” đổi thành cơ quan chánh thức của nhà cầm quyền.

Jules César muốn để dư luận công chúng kiểm soát các việc của Nguyên lão nghị viện và ra lệnh công bố những việc hàng ngày của nhân dân và của Nguyên lão nghị viện.

Muốn cho việc công bố đó được đúng sự thật, César bổ mấy nhà văn vào dự Hội đồng và theo các công việc của Hội đồng từ đầu đến cuối.

Những nhà văn ấy bấy giờ gọi là nolari nghĩa là nhà văn viết bút ký hoặc cursores, là nhà văn chạy nhanh, vì họ có một lối viết rất nhanh, có thể ghi chép kịp những lời người ta nói. Lối viết đó tựa cũng như lối viết tốc ký ngày nay, và chính đó là một lối viết tốc ký người Hébreux biết dùng trước nhất hoàn cầu, rồi đến người Hy Lạp, người La Mã bắt chước người Hy Lạp biết dùng lối tốc ký đó từ trước đời Jules César. Người La Mã đầu tiên bắt chước lối tốc ký của Hy Lạp là Cicéron. Sang Rhodes và Nhã điển (Hy Lạp) học khoa triết học, khi về Cicéron đem luôn cả lối viết tốc ký về nước.

Đành rằng tập công văn “Acta publica” ra đời trước thời Jules César nhiều, nhưng César đã cho tập công văn ấy một mối quan hệ từ xưa chưa từng có, và nhất là đã cho xuất bản tập đó hàng ngày liên tiếp không ngừng, chẳng khác gì một tờ nhật báo vậy.

Vì thế năm 1932, Hội Ái hữu các nhà báo ở La Mã đã dựng tượng đồng kỷ niệm Jules César và tôn là “nhà báo thứ nhất người Ý” (tượng này cao 2m85 tạc thành ngày 28 Octobre 1932 tại công viên thành La Mã).

Coi đó, tập công văn ấy rất có thể coi là tờ nhật báo cổ nhất hoàn cầu.

Cũng như nhiều tờ nhật báo ngày nay, tờ báo ấy lần lượt thay tên nhiều lần. Trước là “Acta publica” (công văn), sau César đổi ra làm “Acta senatus romani” (La Mã nguyên lão nghị viện công báo) sau lại đổi tên ra làm “Acta populi romani” (La Mã dân báo) và “Acta diurna” (nhật báo).

Có điều là tờ nhật báo ấy trình bầy khác hẳn các tờ nhật báo ngày nay, Nó chỉ là những tờ yết thị khổ nhỏ, viết bằng tay, người ta dán trên các tường phố, các cổng thành hoặc để đọc trong mấy cửa hàng thợ cạo.

Tờ nhật báo thủy tổ đó đăng những tin tức như thế nào?

Theo những văn hào thời cổ La Mã, thì tờ nhật báo ấy trước đăng các tin ở kinh đô sau đăng đủ thứ tin tức, chẳng khác gì những tờ nhật báo ngày nay.

Văn Hòe

------

CUỘC ĐUA VỚI TỬ THẦN

“Cuộc đời mọc lên và ngắt đi như một bông hoa”

Kinh Thánh

Tạo hóa dường như rất hay đùa bỡn với số phận của con người. Có những người dư thừa đủ thứ: sức khỏe sung mãn, tài năng tràn trề, của cải giàu nứt đố đổ vách, con cháu đầy đàn vui vẻ sum vầy… ấy thế lại có những người Thượng Đế đầy họ vào bể khổ để đợi đến ngày nghe tiếng gọi của Người. Có vẻ hợp với câu: “Đời là bể khổ!”.

Một trong những nơi hiện thân của cái triết lý đời đó chính là cái Xóm Chạy Thận ở giữa lòng Hà Nội. Phố Lê Thanh Nghị giống như bao khu phố mới sầm uất của thủ đô. Mặt phố là những khối nhà 4-5 tầng xây dựng mới tinh, khá hiện đại. Phần lớn là những cửa hàng sầm uất bày bán đủ thứ từ máy tính, điện thoại, thời trang, đến cà phê, bia hơi giải khát v.v sớm tối nườm nượp khách hàng.

Phía sau cái lớp giàu sang rất mỏng ấy là cả một khối chằng chịt những ngõ ngách ngoằn ngoèo, chật trội, tinh những người là người. Trong những ngõ đó có “xóm chạy thận”, nơi tá túc của hơn 200 con người đủ mọi hoàn cảnh, lứa tuổi từ tứ xứ đổ về. Họ giống nhau, thứ nhất là đều mắc trọng bệnh: suy thận mãn phải lọc máu nhân tạo, thứ hai họ đều rất nghèo. Cũng có thể, có những người khá giả mắc bệnh hao tiền tốn của rồi mới nghèo, nhưng cũng có người nghèo, mắc trọng bệnh để rồi nghèo hơn… Không thể phân biệt rạch ròi được ai là ai trong số họ, bởi bây giờ thì họ đều nghèo khổ giống nhau.

Xóm “chạy thận” hình thành cũng có cái lý do của nó. Cách đây hơn chục năm, ở Hà Nội nói đến trung tâm lọc máu, chỉ có Bạch Mai là số một. Cũng vì thế mà bệnh nhân cả nước đổ hết về đây. Cái mảnh đất ao muống bên đường, chỉ bước nhanh dăm bước chân là vào đến cổng viện, bỗng trở nên đắc địa với những người đã nhận án chung thân với những chiếc máy lọc máu. Họ tập hợp về đây, ban đầu chỉ lèo tèo vài người, thế rồi họ rỉ tai nhau: “nhà trọ gần bệnh viện giá bèo”. Mọc lên một xóm mà cư dân đa số là bệnh nhân thận. Đúng là mảnh đất hội đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa.

Một nguyên tắc sống bất di bất dịch ở đây là mọi cư dân trong xóm đều phải “chạy” để sống. Chạy đua từng ngày, từng giờ để sinh tồn. Nếu họ ngừng chạy vì bất cứ lý do gì ví như không đủ sức để chạy, không đủ tiền để chạy nữa, thì gần như ngay lập tức, cuộc sống của họ cũng chấm dứt.

“Lão làng” của xóm là một cô gái trẻ có cái tên rất duyên dáng: Nguyễn Thị Hồng Công. Gọi là lão làng vì tuổi đời cô chưa tới 30 nhưng đã có 1/3 quãng đời ở cái tuổi đôi mươi đẹp nhất, chạy đua ở cái xóm này. Một thập kỷ ở đây, cũng có thể coi Hồng Công là người duy nhất thuộc lứa cư dân đầu tiên của xóm thận còn sống sót đến hôm nay. Mỗi năm xóm có chừng 5 cư dân qua đời, coi như vị “trưởng lão” chưa đến 30 tuổi đã dự tới hơn 50 đám ma trong 10 năm thường trú ở xóm.

Mười năm trong cuộc đua giành giật sự sống đã mang lại không ít kinh nghiệm. Thuở ban đầu, thiết bị lọc máu còn hạn chế, bệnh nhân trụ được lâu nhất là 2 năm. Lứa 2 năm đầu tiên của xóm ra đi sang thế giới bên kia, ấy thế nhưng cô bé Hồng Công chẳng hiểu sao lại vẫn trụ lại được. Phải chăng do sức lực thanh xuân ở tuổi 18 đôi mươi, hay do số phận đã chọn cô làm người chứng kiến sự sinh tồn ở xóm thận này?

Gia cảnh của Hồng Công khá điển hình như nhiều gia đình thôn quê khác. Bố là bộ đội hy sinh trong chiến tranh biên giới 1979, khi đó Hồng Công mới 3 tháng tuổi. Mẹ, một người nông dân hiền lành chất phác, đi bước nữa, theo chồng mới vào lập nghiệp tại Hà Tĩnh. Hồng Công được bà ngoại nuôi dưỡng. Xinh xắn, chăm chỉ học hành, nhưng số phận đã đưa đẩy cuộc đời cô bé ngoặt sang một hướng khác. Năm 14 tuổi, cô bé mắc phải căn bệnh viêm cầu thận cấp, dẫn đến suy thận. Và từ đó cuộc đời của cô bắt đầu gắn liền với bệnh viện. Bệnh viện đầu tiên Hồng Công làm quen là Bệnh viện Nhi Trung Ương. Cô được bố mẹ đưa lên điều trị tại đó 3 tháng, sau khi bệnh tình đã thuyên giảm cô lại tiếp tục theo học cấp II còn đang dang dở. Mỗi tháng 1 lần, cô học sinh nhỏ phải vào bệnh viện để làm các xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe và dùng thuốc theo chỉ định.

Ngày thi tốt nghiệp cấp III, ngay sau khi đặt bút viết những dòng cuối cùng vào giấy thi, Hồng Công đã phải lên xe cấp cứu chạy thẳng vào bệnh viện Bạch Mai. Kể từ đó cô là thân chủ trung thành của viện. Như lời tâm sự của cô: “Nếu như ra khỏi đây, chỉ có ra đi mãi mãi mà thôi”. Cuộc sống của một bệnh nhân suy thận phải lọc máu nhân tạo có những đặc thù riêng. Mỗi tuần Hồng Công phải vào lọc máu ba lần. May mắn Hồng Công là con liệt sĩ, nên được bảo hiểm trả y phí, nhưng phải mua thuốc trợ tim, hạ huyết áp… cần thiết cho việc lọc máu và cả chục thứ thuốc bệnh khác. Bình thường, mỗi lần lọc máu tốn 400.000 đồng, vị chi là 4,5 triệu một tháng cho cả lọc máu lẫn thuốc thang, một số tiền ước mơ của rất nhiều người lao động khỏe mạnh, thậm chí cả những người được học hành tử tế. Trong trường hợp nếu không có tiền thì… mọi thứ chấm dứt!

Nhưng không chỉ có vậy, “bệnh lại đẻ ra bệnh”.

Hồng Công bây giờ đã quá quen với bệnh khắp người. “Cháu có đủ thứ bệnh, bác ạ”, Hồng Công cho biết. Nào là hậu quả của Lupus ban đỏ, u xương khớp (4 năm) đau khớp, viêm khớp hệ thống; mắt (4 năm) mờ (4/10) viêm giác mạc; Điếc tiếp nhận 2 tai. Suy tim độ cuối. Đau dạ dày, đại tràng co thắt, viêm thần kinh ngoại vi, u nhũ hoa lành tính vv… Ngoài Bạch Mai là chỗ chung thân ra, cô là “khách quen” của Bệnh Viện K, viện Mắt Trung Ương, Tai Mũi Họng, Cấp Cứu 115 vv… Dài theo thời gian là sự đau đớn về thể xác, mệt mỏi tinh thần. Của nả trong nhà bố mẹ đã đội nón ra đi hết. Mà tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Họ hàng, bạn bè tránh mặt vì nợ cũ chưa trả, đã cất lời đi vay. Đã vậy, mỗi năm dăm ba lần mẹ cô lại phải bỏ mọi công việc dưới quê lên thăm nuôi con, khi bệnh nặng. “Chúng em vất vả lắm, anh ạ. Nhưng thấy cháu xanh xao nằm đó mà lòng đau như cắt, đâu dám quản ngại xa xôi”. Cô nhận ra mình là nguyên nhân của tất cả những bất hạnh đó và hơn một lần cô đã nghĩ đến cái chết… Có lẽ chính vào những thời điểm khó khăn nhất sau những “rượt đuổi” vô tiền khoáng hậu với thần chết, cái “khát vọng sống để yêu” của cô mới bùng lên dữ dội.

Cô lê ra đường làm đủ nghề để sống. Đi bán bánh mì buổi sáng. Nhận vào 600 đ/chiếc bán ra 1000 đ/chiếc, ngày ít được vài ba cái, ngày nhiều được chục chiếc. Rồi mua chè mạn, nhân trần về pha nước đi bán rong trong bệnh viện. Nhưng sức vóc của một bệnh nhân đã cạn kiệt 87% qua những “trận chiến” với tử thần không cho phép cô làm được hơn. Có lẽ nghề “trông bệnh nhân ốm” là nghề lâu nhất của cô. Người ta hay nói, ốm lâu sẽ thành thầy thuốc giỏi. Hồng Công đã quen với các y bác sĩ ở khoa lọc máu Bạch Mai. Cô cũng thạo việc đo, nhìn huyết áp. Hơn nữa bệnh nhân nằm lọc máu cũng cần xoa bóp, gãi ngứa chân tay vì thế nhiều người đã thuê cô trông giúp người nhà đang nằm điều trị. Cứ mỗi ca như thế (trông nom bệnh nhân 3-5 giờ) cô được nhận thù lao 12.000 đ. Sáu tháng trời lăn lộn với chăm sóc những người cùng cảnh ngộ để tìm cửa sống cho mình, nhưng rồi những trận ốm “quen thuộc” đã kéo tuột cô trở về với góc phòng trọ tối tăm.

Cô bắt đầu viết, viết như phát cuồng.

Cô viết như một cách để giải thoát cơn khát sống.

Cô viết vào sách báo khi nằm bẹp ở “hang ổ” của mình.

Cô viết vào chân tay khi đang lọc máu trên giường bệnh.

Cô viết lên tường khi đang nấu cơm.

Viết, viết… viết tất cả những gì đã đến với cô, những gì đang xảy ra xung quanh mình, viết về ký ức xa xưa tươi đẹp, về một mối tình không trọn vẹn, về cuộc sống khốn khó hiện tại…

Tác phẩm đầu tay của cô với cái tên “Khát Vọng Sống Để Yêu” đã ra đời như thế!. 1000 cuốn sách bán hết veo. Người ta đang dự kiến sẽ dịch ra tiếng Đức, tiếng Anh và chắc sẽ là nhiều thứ tiếng khác. Nhuận bút của những bài báo và của cuốn sách là một dàn máy vi tính hiện đại có kết nối Internet. Cô bắt đầu tự học máy tính để tiếp tục viết. Lần này cô đang viết về những người có cùng số phận với cô. Họ đang cùng nhau chạy đua với tử thần để giành lấy cuộc sống của chính mình. Cô nhớ lại cuộc chia tay vĩnh viễn với 3 cư dân trong xóm vào dịp tết vừa rồi. Cô nhớ đến mối tình của đôi bạn bên hàng xóm, cũng vì bệnh tật mà họ đến với nhau rồi nên vợ nên chồng… chuyện của cô còn nhiều lắm.

Và cô sẽ viết, và tiếp tục viết nếu mỗi sáng khi thức dậy thấy mình vẫn còn sống…

…Xóm thận với những ngõ nhỏ chằng chịt như mạng nhện có vẻ bề ngoài giống hàng vô vàn những khu lao động nghèo ở Hà Nội. Ở đó có hơn 200 con người đang vật lộn với thần chết để giành lấy mạng sống. Có một cô gái nhỏ đang ngồi bình thản viết với nụ cười trên môi. Cô viết và đợi 1 ngày…

Nguyễn Ánh Ngọc / Nguyễn Ý Đức

Nguyễn Hồng Công

Sinh: 23/10/1978. Lạng Giang (Bắc Giang).

Bằng C Anh Ngữ. Tự học viết văn. Là bệnh nhân chung thân tại Khoa Lọc máu Bệnh viện Bạch Mai. Thành viên lâu năm của Xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị.

Tác phẩm:

Tiểu thuyết “Khát Vọng Sống Để Yêu”.

Là tác giả nhiều bài báo trên các tờ báo lớn.

------

ĐÓI

Tôi sưu tập được 2 bài thơ của Thi sĩ Bàng Bá Lân, một bài Đói, nhắc lại nạn đói làm chết đi cả triệu người năm 1945 (Ất Dậu) cách nay 62 năm - Trước Tuyên Ngôn Độc Lập. Và một bài thơ gần cuối đời, khi nhà thơ sắp "về với Chúa", đánh dấu cuộc đời một nhà thơ cùng thế hệ với Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu, vv... Đọc đi đọc lai, thật rung động và muốn chia sẻ với các bạn trong CLB.

Bs. Nguyễn Lân Đính

ĐÓI

Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!

Những thây ma thất thểu ngoài đường

Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói!

Đói tự Bắc Giang, đói về Hà Nội

Đói ở Thái Bình, đói tới Gia Lâm

Khắp đường xa những xác đói rên nằm

Trong nắng lửa trong bụi lầm co quắp

Giữa đống trẻ chỉ còn đôi hố mắt

Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma;

Những cánh tay gầy quờ quạng khua khua

Như muốn bắt những gì vô ảnh,

Dưới mái tóc rối bù và kết bánh

Một làn da đen sạm bọc xương đầu

Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu

Má hóp lại, răng hằn sâu gớm ghiếc

Già, trẻ, gái, trai không còn phân biệt

Họ giống nhau như là những thây ma

Như những bộ xương còn dính chút da

Chưa chết đã bốc xa ùn tử khí!

Mùi nhạt nhẻo nặng nề kỳ dị

Một mùi tanh, lộn mửa thoảng mà kinh

(Mùi tanh hôi ám ảnh mãi bên mình

Khiến cả tháng ăn không còn ngon bữa!)

Những thây đó cứ xỉu dần tắt thở,

Nằm cong queo mắt mở trừng trừng

Tròng con ngươi còn đọng lệ rưng rưng

Miệng méo xệch nhưng khóc còn dang dở

Có thây chết ba hôm còn nằm đó

Ruồi tám phương bâu lại khóc vo vo

Rồi ven đường đôi nhát cuốc hửng hờ

Đắp đệm với những nấm mồ nông dối

Đói tự Bắc Giang, đói về Hà Nội

Đói ở Thái Bình, đói tới Gia Lâm

Rải ven đường những nấm mộ âm thầm

Được đánh dấu bằng ruồi xanh, cỏ tốt

Có nấm mộ quá nông, trơ hài cốt

Mùi tanh hôi nồng nặc khắp không gian

Sau vài trận mưa nước xối chan chan

Ôi! thịt rửa xương tàn phơi rải rác!

Tại Hà Nội cũng như bao tỉnh khác

Những thây ma ngày lếch đến càng đông

Đem ruồi theo cùng hơi hớm tanh nồng

Rồi ngã gục khắp đầu đường cuối ngõ

Thường sớm sớm cửa mỗi nhà hé mở

Rụt rè xem có xác chết nào chăng!

Từng chiếc xe bò bánh rít khô khan

Mỗi sáng dạo khắp nẻo đường nhặt xác,

Đó đây thò khô đét một bàn chân

Hay cánh tay gầy tím ngắt teo răn

Giơ chới với như níu làn không khí

Như cầu cứu, như vẫy người chú ý

Có hơi thở tàn thoi thóp chưa thôi,

Có tiếng của mình, tiếng nấc những tròng ngươi

Nhìn đẫm lệ người chôn người chưa chết!

Bốn ngoại ô mở ra từng dãy huyệt

Được lấp đầy bằng xác chết thường xuyên

Ruồi như mây bay rợp cả một miền

Chết! Chết! Chết! Hai triệu người đã chết!

Họ là những người quê non nước Việt

Sống cần lao bên ruộng lúa đồng khoai

Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi

Năm ấy, thuở Nhật Tây cùng đô hộ

Chúng thi nhau cướp của dân ta

Hết lúa rồi, hết sạch cả khoai ngô

Hết củ chuối, hết nhẵn khô cả sắn!

Ngày giáp hạt không còn chi gặm nhấm

Đói cháy lòng đành nhá cả mo cau,

Nhai cả bèo và nuốt cỏ khô dầu!

Đói! Đói! Đói! Người nhao lên vì đói!

Đói tự Bắc Giang, đói về Hà Nội

Đói ở Thái Bình, đói tới Gia Lâm

Tạm biệt quê hương lê gót âm thầm

Trên rải rác mỗi nẻo đường đất nước

Từng gia đình dắt díu nhau lê bước

Đi lang thang mong sống tạm qua ngày

Đợi lúa lên hương, bông trĩu đầu cây

Hơn tháng nữa, sẽ hồi sinh, sẽ sống

Nhưng đau đớn hỡi ơi là ảo mộng!

Họ ra đi hi vọng có ngày về

Nhưng chẳng bao giờ về nữa hỡi người quê

Dần ngã gục khắp đầu đường xó chợ

Cùng lúc ấy trên đường rộn rã

Từng đoàn xe rộn rã thóc vàng tươi

Thóc của dân đen thóc của những người

Họ đang chết đói vì thực dân cướp thóc

Thóc chúng cướp phần vung xài huy hoắc,

Phần chúng đem đổ nát trong kho

Ô đau thương chưa từng thấy bao giờ

Trong lịch sử chưa bao giờ từng có

Hai triệu người vì thực dân lìa bỏ

Nước thân yêu, oan uổng chết đau thương

Trong lúc đầy đồng bát ngát ở quê hương

Lúa mơn mởn đang ra đồng trổ trái

Lúa trĩu hạt vàng tươi say gấp bội

Ngạt ngào hương thơm báo hiệu ấm no vui

Nhưng người đi không về nữa than ôi!

Lúc chín gục, chẳng còn gặt hái!

Ta nhớ mãi cái thời kỳ đen tối

Quên làm sao tội lỗi kẻ xâm lăng!

Những con người không còn khóc được mùa vì nước

Quên làm sao mối thù hận không cùng!

Quên sao được hai triệu người chết đói!

Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

Giống lạc hồng cực trãi lắm đau thương!

Những thây ma thất thểu ngoài đường

Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói!

Đói tự Bắc Giang, đói về Hà Nội

Đói ở Thái Bình, đói tới Gia Lâm.

(Bàng Bá Lân 5/1957)

------

CHỨNG TỪ NGƯỜI RA ĐI

(trích nguyên văn từ Parvuli 33)

Trong cuốn sách xuất bản năm 2000 tại Việt Nam của Phạm Đình Khiêm, với tựa đề Chứng Từ Người Ra Đi (xem trang 240-246), tác giả đã thuật lại cuộc đời của thi sĩ Bàng Bá Lân, một thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Vốn là người ngoại giáo, nhưng nhờ gương sống đạo của một số bạn hữu và đồng nghiệp người Công Giáo, ông đã xin được rửa tội theo Công Giáo vào tháng 2 năm 1988, trong khi ông bị bán thân bất toại vì tai biến mạch máu não lần thứ hai. Tám tháng sau, ông qua đời lành thánh tại Sài Gòn, thọ 77 tuổi.

Trong số những bạn hữu của ông, có hai cô học trò tên là Hải và Thanh là hai chị em ruột người Công Giáo. Tháng 6 năm 1984, Bàng Bá Lân bị tai biến mạch máu não lần thứ nhất, phải vào bệnh viện điều trị. Trong dịp này Hải và Thanh ngày đêm thay phiên với gia đình ông đến bệnh viện săn sóc cho ông. Những lúc vắng vẻ, hai cô đã hát những bài thánh ca cầu nguyện cho ông, đồng thời cũng để xoa dịu cơn đau đớn của ông. Sau khi xuất viện, ông đã sáng tác bài thơ sau đây để tặng hai cô:

CẢM HÓA

(thương gửi hai em Hải, Thanh)
Ta vốn thiếu niềm tin từ thuở nhỏ,
Không bao giờ tin là có Thiên Đường.
Vì chỉ ham khoa học với văn chương,
Cũng chẳng biết Niết Bàn là đâu hết!
Từng thấy những sư sống không thanh khiết,
Và gặp nhiều linh mục chẳng chăn dân.
Cũng hám lợi danh, chức vị cõi trần,
Bỏ Bác Aí, Từ Bi, làm chính trị.
Ta chán ngán bọn lạm danh tu sĩ:
Cạo trọc đầu chưa hẳn đã là sư.
Ta buồn chán không muốn làm phật tử,
Còn nhiều bạn thương ta thì lại cứ
Muốn ta thành đệ tử Chúa Giêsu,
Đức Mẹ Maria, Đức Mẹ hiền từ,
Tặng kinh sách muốn khiến ta nghiền gẫm.
Nhưng ta thấy đức tin chưa cần lắm,
Miễn làm sao không hại đến gia thanh.
Ngửa trông lên chẳng hổ với cao xanh,
Cúi mình xuống không thẹn mình với đất.
Song càng ngày càng thấy đời bạc ác,
Người với người, lang sói vẫn còn thua!
Thiếu niềm tin ta cảm thấy bơ vơ,
Nhưng chỗ tựa tinh thần chưa nhất quyết.
Từ gặp hai em, nghe lòng tha thiết,
Cảm mến thương hơn ruột thịt người thân.
Em đối với ta cũng rất ân cần,
Nhất từ lúc ta gặp hồi vận nạn.
Chăm sóc thày thật hết lòng, không quản,
Sớm chiều vô bệnh viện chẳng hề sai.
Tiếp thức ăn và an ủi đêm ngày,
Thanh còn hát thày nghe kinh cầu nguyện.
Giọng du dương làm ta thêm quyến luyến,
Yêu thương người, yêu cả Chúa cao sang.
Giọng hát đưa ta vào cõi mơ màng,
Ta tưởng thấy cửa Thiên Đàng rộng mở.
Và từ đó nhìn Nhà Thờ ngờ ngợ,
Phải chăng đây là chỗ tựa tinh thần?
Vì tình thương dành cho khắp con dân,
Giầu bác ái ấy là con của Chúa.
Bây giờ đây ta thật lòng cảm hóa,
Nhờ hai em, con của Chúa cao sang,
Càng thương em càng mến Chúa muôn vàn…

Bàng Bá Lân

(11-9-1984)

------

NHỮNG CÁI TÊN KỲ DỊ

Địa danh dài nhất:

Địa danh dài nhất trên thề giới chính là tên gọi chính thức của Bangkok, thành phố thủ đô của Thái Lan, được công bố vào năm 1782 khi thành lập thành phố. Địa danh này có nguyên văn được rút ngắn như sau:
KRUNGTEPMAHANANAKORNBOWORHRATANAKOSINMAHINTARAYUDHAYMA
HADILOKPOPNOPARATANARAJTHANNIBUIROMUDOMRAJNIWESMAHASATANA
MORNARMAVATARSA TISAKATATTIYAVISANUKAMPRASIT (154 chữ cái).

Địa danh dài nhất thế giới hiện được sử dụng là:
TAUMATAWHAKATANGIHANGAKOAUAUOTAMATEA
(TURUPUKAKAPIKIMAUNGAHORONUKU)POKAIWHENUAKITANATAHU. Địa danh có 85 chữ cái này là tên chính thức của một ngọn đồi cao 300m (so với mực nước biển) thuộc vùng Southern Hawke’s Bay, North Island, New Zealand. Tên chính thức gồm 57 chữ cái nằm ngoài dấu ngoặc (chữ số 1 đến 36 và chữ 65 đến 85). Dòng chữ trên theo tiếng Maori, có nghĩa là “Nơi Tamatea, người đàn ông đầu gối to đã xô, cưỡi lên và nuốt chửng núi đồi, được mệnh danh là tên ngoạm đất, đã thổi sáo cho người tình nghe”.

Địa danh ngắn nhất:

Địa danh ngắn nhất trên thế giới là tên một ngôi làng dân số 143 người ở Pháp: Y, được đặt từ năm 1421 thuộc vùng Somme. Ngoài ra còn có tên một ngôi làng ở Na Uy: A. Ở Mỹ có tổng cộng 10 địa danh mang 2 chữ cái, trong đó có Ed,Us,Oz,Ep,Or ở bang Kentuckey. Đảo Ry (Đan Mạch), Vikholandet (Thụy Điển); địa danh U trên Đảo Calonie (Thái Bình Dương), Thị trấn Sosei (Nhật) được gọi 1 trong 2 tên Oioi hoặc O. Ở phía Tây của Virginia (Mỹ) địa danh có một chữ số 6.

Tên người dài nhất:

Đó là ; ông ta sinh tại Bergedorf, lân cận Hamburg (Đức), ngày 29/2/1904. Thông thường ông ta chỉ ghi tên thánh thứ tám, thứ hai cùng với 35 chữ cái đầu tiên của họ mình mà thôi. Ông sống tại Philadelphia (Mỹ) và về sau này đã rút gọn họ mình lại là WOLFE 2559, SENIOR.

Bé gái, con của ông bà James L William ở Texas (Mỹ) ra đời ngày 12/9/1984 có tên gồm 58 mẫu tự. Ngày 05/10/1984, cha cô điền vào bản khai bổ sung dài thườn thượt, chữ cái họ William, tên chính có 1019 mẫu tự và tên đệm có 36 mẫu tự.

Người có nhiều tên Thánh nhất:

Người có nhiều tên Thánh, vua Carlos III của Tây Ban Nha: Don Afenson de Berbony Borbori (1866-1934) người có 94 tên thánh.

Tại sao cầu thủ Brazil hay được gọi bằng nickname?

Có thể coi đây là một “tục lệ” ở Brazil. Nickname (biệt danh) được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, không phân biệt chức vụ hay dịa vị. Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, được gọi thân mật là Lula.

Thói quen ấy được cho là bắt nguồn từ tỷ lệ thất học khá cao trong lịch sử Brazil. Mọi người gọi nhau bằng những tên chỉ có một từ để thể hiện tình thân và nhất là dễ viết dễ đọc và dễ nhớ.

Vào thế kỷ 19, khi bóng đá được du nhập vào Brazil, các cầu thủ Brazil theo phong cách Anh vẫn dùng đầy đủ tên của mình. Nhưng khi bóng đá phát triển thì tên của các cầu thủ Brazil bị ngắn dần. Lần thi đấu đầu tiên năm 1914, trong đội hình Brazil chỉ có một tiền đạo mang biệt danh Formiga (con kiến). Nhưng đến World Cup 2006 đã có 17/23 cầu thủ của đội “Vàng Xanh” được gọi bằng nickname. Những ngôi sao trên hàng công được ưu ái hơn hết, hai trong số xuất sắc nhất đó là: Pélé tên đầy đủ là Edson Arantes do Nascimento và Garrincha tên đầy đủ là Manuel Francico dos Santos. Những cầu thủ trùng tên sẽ chủ động lấy biệt danh để phân biệt. Những năm gần đây nhiều cầu thủ Brazil cùng mang tên Ronaldo, người thì đổi thành Ronaldao (Đại Ronaldo) người đổi thành Ronaldinho (Tiểu Ronaldo). Và một cái tên chúng ta không thể không nhắc đến đó là Kaká với tên đầy đủ là Ricardo Izecson dos Santos Leite. Cái tên khai sinh quá dài và khó nhớ với cậu em trai nên cậu ta đã gọi anh mình là Caca. Để bây giờ, Kaká đã trở thành tên tuổi nổi tiếng khắp hành tinh. Thử tưởng tượng xem khi Bình luận viên bóng đá đọc đầy đủ tên của Pélé, Garrincha, Ronaldo hay Kaká… thì bóng đã bay vào lưới từ lúc nào rồi.

Văn Quảng (st)

MỤC LỤC

- Thăm Nhà Lưu Niệm Lê Văn Trương ........... 1

- Lê Văn Trương có phải Người Hùng? ........... 2

- Đón khách Văn ........................................... 8

- Một cuốn sách rất hay ................................. 9

- Bài học về nhân quả ................................... 17

- Sách tí hon ................................................ 24

- Giải mã chữ viết trên phiến đá Rosetta ........ 26

- Nghề báo - Nhật báo đầu tiên ..................... 30

- Cuộc đua với Tử thần ................................ 43

- Đói ........................................................... 49

- Chứng từ người ra đi .................................. 54

- Những cái tên kỳ dị .................................... 56

- Truyện dịch ............................................... 60

------

THÔNG BÁO

Kỳ họp tiếp theo của CLB Sách Xưa & Nay sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 13-10-2007 tại nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 Lê Văn Sỹ, P2, Quận Tân Bình.

Bài viết cho Bản tin nội bộ xin gửi về:

hamanhdoan@yahoo.com

hoặc liên hệ với Manh Đoàn

Đt nhà: 8.469759 - Dđ: 0907.108484

Các bản tin trước có thể xem tại:

www.diendan.songhuong.com.vn

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế