Buổi họp ngày 14-6-2008 của CLB SÁCH XƯA & NAY Như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu 2 cuốn sách, 1 mới và 1 cũ. Cuốn mới, nói mới nhưng cũng đuợc in năm 1976, tức là 32 năm về trước, là một cuốn Kiều được dịch ra Pháp văn bởi cụ Nguyễn Khắc Viện. Đây là một bản dịch tuy không thuần túy là dịch thành thơ 12 chân (Alexandrin) hoặc thơ Tự do của Pháp, nhưng bản dịch đọc rất dễ êm tai, và rất nhiều đoạn có vần có điệu, đặc biệt nhất là Cụ Viện đã dịch rất sát nghĩa và bằng một thứ Pháp văn rất sang trọng. Hơn nữa cuốn sách lại được nhà danh họa Nguyễn Tư Nghiêm minh họa bằng những tranh đẹp tuyệt vời. Và đặc biệt hơn tất cả là cuốn sách có thủ bút và chữ ký của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một danh nhân của ta. Cuốn sách cổ là một cuốn nói về Đế Quốc Trung Hoa (Empire du Milieu) in năm 1848 tức là 160 năm trước, với những tranh vẽ bằng bút sắt rất rõ ràng và đẹp. Sau phần giới thiệu 2 cuốn sách là tới Bài nói về Nhà Nho làm Cách mạng Lương Trúc Đàm do bà Thùy Dương trình bày. Sau khi nhà thơ Thùy Dương nói xong, các thành viên và quan khách đã phát biểu và giao lưu trong gần 1 giờ. Trước khi ra về những thành viên và quan khách còn ở lại đã cùng chụp với nhau một hình kỷ niệm. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 30 phút. Vũ Thư Hữu KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY MẤT Nhà Nho Cách Mạng LƯƠNG TRÚC ĐÀM 31-5-1908 – 2008 (Nhằm ngày 02/5 Mậu Thân) ------------------- LƯƠNG TRÚC ĐÀM – 29 TUỔI XUÂN HIẾN TRỌN I. Tiểu sử và cuộc đời hoạt động của Lương Trúc Đàm. Lương Trúc Đàm tên thật là Lương Ngọc Liêu, hiệu Trúc Đàm (sau lấy hiệu làm tên), sinh năm 1879 tại hà Nội, là con cả Cụ Cử Lương Văn Can, anh ruột của Lương Ngọc Quyến (Khởi nghĩa Thái Nguyên). Là con đầu lòng, Ngọc Liêu được Cụ Lương dạy dỗ rất chu đáo, không nuông chiều. Từ bé cậu đã tỏ ra rất thông minh và hiếu học, nhưng không hăng say như em trai Ngọc Quyến, mới 15 tuổi dám vác lều chõng vào trường thi Hương trước anh cả để rồi bị hỏng về bài phú phạm quy. Anh cả Liêu (tên gọi ở nhà) chín chắn đĩnh đạc hơn, muốn bước những bước thật chắc. · Người con hiếu thảo, người anh gương mẫu. Tuy là con nhà giàu được cung phụng đầy đủ nhưng Ngọc Liêu không đua đòi kết bạn với các công tử Hà thành. Thấy cha mẹ khá vất vả, anh không nỡ ngồi yên chuyên tâm đèn sách mà còn lo phụ giúp cha kèm cặp 5, 6 đứa em, trai gái đều phải học. Rồi giúp mẹ làm sổ sách. Đặc biệt anh rất thương mẹ. Lẽ ra ở cương vị bà, đường đường một mệnh phụ, phải được kẻ hầu người hạ. Thế mà sớm hôm tần tảo vì chồng vì con, chỉ vì cha không chịu lãnh quan chức. Có lần anh làm thơ vui diễu mẹ: “Quanh năm buôn bán lụa Hà Đông Nuôi đủ tám con với một chồng”. Bà cử cười sằng sặc: “Thôi đi anh cả! Có thế sau này mẹ mới mong các con làm nên công nên chuyện”. Vì thế anh chẳng còn nhiều thời gian để chuyên tâm dồi mài kinh sử, vả anh cũng nghĩ chẳng đi đâu mà vội. Mãi đến năm 24 tuổi, Năm Thành Thái Qúy Mão (1903) anh mới ung dung mang lều chõng vào trường thi Hà Nam và trúng tuyển ngay Cử Nhân. · Mong nối chí cha. Cũng như cha, không mong tiến thân bằng con đường hoạn lộ danh chức, Lương Trúc Đàm chỉ mong ở nhà phụ giúp cha dạy học, mở mang trường lớp, đào tạo thêm hiền tài cho đất nước. Nói chung ông thích noi theo chí hướng của cha. Thế nhưng căn gác gỗ số 4 Hàng Đào nhà họ Lương từ lâu vốn là nơi lui tới của các sỹ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tăng Bạt Hổ… để cùng Cụ Lương đàm đạo, bàn luận về quốc sự, nên để tránh con mắt theo dõi của nhà cầm quyền, bất đắc dĩ ông đành nhận chức Hậu bổ tỉnh Hà Đông mà chính quyền Pháp bổ nhiệm. Mặc dầu đã đỗ Cử nhân nhưng mỗi khi có khách của Cụ Lương đến chơi nhà, dù được các cụ khích lệ, ông vẫn tỏ ra khép nép. Trong khi các cụ ngồi nói chuyện trên sập gụ thì ông bắc cái ghế đẩu ngồi ở góc phòng để pha trà và điếu đóm hầu các cụ. Chỉ khi nào được hỏi đến mới đứng dậy chắp tay khép nép xin thưa. Dần dà, được các cụ khuyến khích, trong những buổi họp bàn về phong trào Đông Du hay hướng tới việc thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục ông mới mạnh dạn phát biểu. Kể từ khi thi đỗ xong, chồng sách cũ xếp lại bỏ vào đáy hòm. Ông biết nó đã trở thành lồi thời từ lâu, thế mà sao ông còn cố bon chen giật lấy mảnh bằng? Chính ông cũng đang bài trừ cái học khoa cử kia mà. Nhưng cái bằng lúc này cũng cần thiết, ít nhất để khẳng định khả năng trí tuệ của mình, trước hết là để bọn thực dân phải vì nể, sau đó có muốn hoạt động gì cho đất nước thì cũng được đồng bào tin cậy. Từ đó ngoài việc phụ giúp cha dạy học, ông dành nhiều thời gian đọc nhiều tân thư, các tư tưởng cách mạng duy tân của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu từ Trung Quốc, rồi đường lối Duy Tân của Nhật Bản… để am hiểu trào lưu mới của các nước tiến bộ. Cùng với ông cử Dương Bá Trạc, hai nhà nho trẻ cùng tâm huyết cùng chí hướng đã trở thành đôi bạn chí thân (sau này thành thông gia). Họ khao khát được làm một cái gì mới mẻ…Thì đây, cơ hội đã đến với họ: Khởi động thành công phong trào Đông Du Tháng 9 năm 1905, sau một cuộc họp lớn bàn về phong trào Đông Du được các cụ nhất trí quyết định thực hiện, Lương Trúc Đàm đứng ra xin tình nguyện lãnh trách nhiệm chiêu mộ anh tài ở Bắc Hà. Mở đầu là em trai Lương Ngọc Quyến, người từng có lần tâm sự với Dương Bá Trạc: “Tôi chỉ ước ao được làm con tốt tiên phong mở đường cho đội quân xuất dương khổ học…”. Nay được sự cho phép của mẹ cha, ước mơ của Ngọc Quyến đã thành hiện thực. Với sự giúp đỡ tận tình của Dương Bá Trạc, họ thăm dò tìm được một đường dây an toàn, nhờ được những người tâm phúc có cảm tình với các nhà nho yêu nước tận tình giúp đỡ, đưa đường chỉ lối, gửi gắm cho ăn chực nằm chờ để đón những chuyến tàu tin cậy. Dương Bá Trạc đã ghi lại trong hồi ký của ông chuyến đi cam go này mà ông gọi là chuyến đi “nhẫn lao nại khổ”. Có lẽ cũng gần như các cuộc vượt biên những năm 80 của thế kỷ trước. Phải mất nhiều ngày đêm, có khi đi bộ cả ban đêm, mới đưa được Ngọc Quyến tới Hải Phòng ra Móng Cái lên Bắc Hải, rồi từ Bắc Hải đi Hương Cảng (Hồng Kông). Tới đây thì Ngọc Quyến sẽ tự ăn chực nằm chờ và hỏi thăm để đón tàu đại dương từ Hương Cảng qua Nhật. Cuối cùng Ngọc Quyến đã đi trót lọt sau một tháng trời. Tới nơi chỉ còn vài đồng xu dính túi, anh gặp được Phan Bội Châu và được ông bố trí cho học Nhật ngữ để chuẩn bị vào Chấn Võ Học Hiệu, một trường võ bị nổi tiếng ở Đông Kinh, từng đào tạo Tưởng Giới Thạch, quá trình học là 5 năm. Thế là con tốt Ngọc Quyến đã sang sông, vượt đại dương để rồi chuẩn bị mai mốt mượn trận địa nước người mà tung hoành xe pháo mã (1). Chuyến thứ hai cùng năm đến Lương Ngọc Nhiễm (tức Nghị Khanh), em kế Ngọc Quyến, đỗ tú tài năm 14 tuổi, đi cùng với một số con em các hội viên. Ngọc Nhiễm được chuẩn bị vào Đồng Văn Thư Viện, chuyên học về Kinh tế, Chính trị. Từ đó tin tốt lành gửi về, chẳng ai phải động viên ai, dân Hà thành mang con em đến gửi rất đông. Tất nhiên học viên phải có một trình độ nhất định, ít nhất tương đương với Tú Tài Nho học. Kinh phí do Hội đài thọ, ai tự túc được càng hay. Dần dà phong trào lan rộng ra cả nước. Sau 2 năm đã có hàng trăm sinh viên Việt Nam Đông Du chủ yếu học ở các trường Chấn Võ và Đồng Văn, do các nhà hảo tâm trong nước đài thọ. · Tham gia sáng lập và tích cực hoạt động ĐKNT. Là cánh tay phải của Cụ Lương Văn Can, với tính nhiệt tình, năng động nhưng không nông nổi, hòa nhã khiêm nhường, Lương Trúc Đàm được các đồng chí của Cụ Lương già thì tin cậy, trẻ thì yêu mến. Sau hai buổi họp quan trọng ở nhà Cụ Lương vào tháng 02/1907 bàn về việc thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục, tất cả đã nhất trí đi đến quyết định thành lập Nghĩa Thục, đồng thời thảo sẵn kế hoạch phân công trách nhiệm thừng người để hễ có giấy phép là sẵn sàng đi vào hoạt động ngay Cụ Lương được bầu làm Thục trưởng, Cụ Nguyễn Quyền làm Giám học, hai nhà Tân học Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn được giao trách nhiệm thảo đơn xin phép và gửi lên Phủ Thống sứ. Lương Trúc Đàm được phân công vào 3 ban chính: 1) Giáo Dục (đứng lớp giảng) 2) Tu thư (soạn sách) phần Hán Văn cùng với Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quyền. 3) Diễn Thuyết: Cùng với Dương Bá Trạc, hai nhà Nho trẻ nhiệt tình năng động được giao phụ trách phần diễn thuyết cũng nằm trong kế hoạch cơ bản của ĐKNT. Cả 3 ban chính này đã chiếm mất khá nhiều thời gian và trí tuệ của Lương Trúc Đàm. Nhờ tuổi trẻ đang sung sức, sức khỏe tốt nên ông có thể tích cực đảm đương. Đơn đã nộp lên, chờ hơn một tháng mà chưa thấy nhà nước đả động gì. Trong khi đó các hội viên và dân Hà thành náo nức đến xin học cho con em. Vì thế các cụ bàn nhau: “Nhà nước chưa trả lời nhưng không phản đối, vậy ta cứ tà tà bắt đầu mở lớp dạy Quốc ngữ trước, điều này cũng vô hại, nhà nước không thế bắt lỗi”. Thế là từ tháng 3/1907, trong căn nhà số 4 Hàng Đào đã có ngay 2 lớp dạy vần Quốc ngữ, lớp nam do thầy Lương Trúc Đàm phụ trách, lớp nữ do cô em gái thứ 5 Lương Thị Tín 17 tuổi mà Lương Trúc Đàm đã giới thiệu và được các cụ chấp nhận. Cả 2 lớp tổng cộng cũng được 60-70 học viên, lớn bé già trẻ đủ các lứa tuổi. · Diễn thuyết Như trên đã nói việc diễn thuyết cũng là một phần cơ bản của kế hoạch ĐKNT để kêu gọi đồng bào bỏ lối học khoa cử lỗi thời, theo học chữ Quốc ngữ để khai trí canh tân và hướng tới thực nghiệp, làm giàu cho đất nước. Buổi diễn thuyết có thể tổ chức trong trường hoặc bên ngoài nơi có đông công chúng như đền chùa… Mặc dầu trường chưa có giấy phép hoạt động nhưng hai nhà nho trẻ Lương Trúc Đàm và Dương Bá Trạc cũng cố thuyết phục được Ban Giám Hiệu cho tổ chức buổi diễn thuyết đầu tiên tại đền Ngọc Sơn giữa Hồ hoàn Kiếm vào ngày rằm tháng giêng năm Đinh Mùi (1907), ngày mà rất đông người đi lễ đền. Nhiều người cho là táo bạo, nhưng hai ông cử rất tự tin vì đã có sẵn lý luận để ứng phó nếu bị còng tay. Dân Hà Thành còn nhớ rất lâu buổi diễn thuyết đầy kỳ thú, tuy thất bại ngay từ đầu nhưng sau lại biến ra một thành công đắc thắng cho ĐKNT. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã thuật lại buổi diễn thuyết ngoạn mục ấy trong sách ĐKNT nhà Xuất bản La Bối 1968, đại khái như sau: Chiều ngày rằm tháng giêng năm Đinh Mùi (1907) hàng trăm người có cảm tình đợi sẵn ở sân đền, lại thêm những người đi lễ thành thử chen chân không lọt. Nhiều người tới trễ phải đứng cả ở trên cầu và trên bờ hồ ngó vào. Vị Hòa thượng sắp giảng kinh thì ông Lương Trúc Đàm lại xin nhường chỗ cho cuộc diễn thuyết. Tức thì ông Dương Bá Trạc đăng đàn, giọng sang sảng hô hào đồng bào hãy bỏ cái học cử nghiệp đi mà noi gương duy tân của Nhật bản… Mọi người đang chăm chú thì bỗng thiên hạ ào ào la hét: “Đội xếp! Đội xếp!” rồi tranh nhau chạy. Nhưng chạy đâu? Đền chỉ có một lối ra là cầu Thê Húc thì cảnh binh đã chặn rồi.Chắc các ông Cử lúc đó mới thấy là mình khờ, lựa ngay cái rọ mà đưa đầu vào!... Cảnh hỗn loạn không thể tả: người ta kêu khóc, quay cuồng, nhớn nhác, xô đẩy nhau, giẫm lên nhau, nón bẹp, giầy văng, khăn xổ, áo toạc… Một số nhảy ùm xuống hồ, chới với vì không biết lội. Hai ông cử vẫn ngang nhiên đứng giữa nhà Thủy Tạ với vài chục người bình tĩnh. Một cảnh binh Pháp từ cầu bước vào, mặt hầm hừ xì xồ mấy tràng. Người thông ngôn dịch, hỏi: “Ai cầm đầu?” Cả hai ông giơ tay đồng thanh đáp: “Tôi! Tôi!” tức thì tiếng vỗ tay vang lên, tiếp theo là một loạt roi đập đôm đốp lên lưng lên đầu quần chúng. Cảnh binh dẫn hai ông về Sở Cẩm Hàng Trống, tra hỏi đến tối mới thả về. Ít hôm sau hai ông nhận được giấy mời lên Phủ Thống sứ. Viên Thống sứ mời hai ông ngồi rồi ôn tồn hỏi: “Sao các ông làm nhiễu loạn trị an như vậy? Các ông có biết lỗi không?” Hai ông khẳng khái đáp: “Người Pháp đặt nền bảo hộ ở đây đã 20 năm, nói là khai hóa cho chúng tôi mà đến nay chưa mở mang dân trí được chút nào, nên chúng tôi phải đứng ra tự lãnh nhiệm vụ. Như vậy là chúng tôi thành tâm tiếp tay chính phủ, sao lại gọi là nhiễu loạn trị an được? Vả chúng tôi đã có đơn xin phép chính phủ cho mở trường và diễn thuyết mà 2 tháng rồi thấy chính phủ làm thinh, chúng tôi nghĩ rằng chính phủ đã mặc hứa. Như vậy đâu phải chúng tôi không biết trọng phép nhà nước”. Gục gặc đầu suy nghĩ một phút, viên Thống sứ nhã nhặn đáp: “Hai ông có lòng yêu nước An Nam thì cũng như chúng tôi yêu nước Pháp. Thôi hai ông cứ về đi, tôi sẽ đem việc này trình bày với quan Toàn Quyền, chắc ngài cũng không hẹp lượng gì đâu!” Viên Thống sữ giữ lời hứa và khoảng 2 tháng sau Nghĩa Thục được giấy phép. Nhiều người cho rằng chính nhờ cuộc diễn thuyết này, coi như một cuộc đấu tranh bất bạo động của 2 nhà Nho, đã khiến thực dân Pháp phải nhượng bộ cấp phép cho Nghĩa Thục. Ngày nay nhiều người trong chúng ta khi nghĩ đến các nhà Nho Hà thành đầu TK 20 thường hình dung họ là những con người mặt xanh dờn hay trắng bệch dưới chiếc búi tóc và vành khăn nhiễu, xúng xính trong chiếc áo the thâm. Hàng ngày họ chỉ lo ngâm phong vịnh nguyệt, người giàu thì tối tối la cà chốn Khâm Thiên, Cầu Giấy, đi mây về gió với nàng tiên nâu. Quả là có một số người như thế thật. Nhưng bên cạnh đó, mấy ai ngờ rằng trong số những nhà Nho cha ông của chúng ta thời ấy, cũng có những thanh niên dũng cảm, cương quyết đấu tranh chống lại bạo quyền. Nào có kém gì các bạn sinh viên miền Nam xuống đường những năm 60 của thế kỷ trước. II. Các tác phẩm để lại. Ra đi giữa lúc tuổi đời còn quá trẻ, Lương Trúc Đàm cũng để lại cho đời một vài tác phẩm đáng ghi nhớ: 1. NAM QUỐC ĐỊA DƯ. Cuốn sách Giáo Khoa Địa Dư đầu tiên của Việt Nam. Đó là một cuốn sách khá hoàn chỉnh mà ông biên soạn từ đầu năm 1907 để giảng dậy cho các học viên ĐKNT, đồng thời kich động lòng yêu mến đất nước, ý chí duy tân tự cường và ước mơ làm cho đất nước giàu đẹp hơn. Sách viết bằng chữ Hán dày 170 trang, được hoan nghênh đến mức in ra tới 2 lần trong 2 năm 1907-1908 (bản in gỗ). Sau được nhà văn Vũ Tuấn Sán dịch ra tiếng Việt, hiện còn lưu giữ tại Thư Viện Khoa Học Trung Ương hoặc Viện Hán Nôm Hà Nội. Với cách bố cục rất khoa học, nội dung cuốn sách đã được nhà Sử học Chương Thâu trích dẫn và trình bày cùng với lời tiểu dẫn như sau: “Ngoài lời Tựa và Phàm Lệ, nội dung chính bao gồm nhiều mục. Về địa lý thiên nhiên: địa thể, sơn cương (gò núi), giang hà (sông ngòi), hải ngạn (bờ bể), khí hậu. Về địa lý nhân văn: nhân dân, nhân vật. Về chính tri, kinh tế: chính thể, binh chính (chế độ quân đội), tài chính, giáo dục, vật sản, nông công thương nghệ, thiết lộ (đường sắt), dịch lộ (đường trạm dịch), hàng lộ (đường tàu bè trên sông), bưu điện…” Một điểm rất đặc biệt, có thể nói là độc đáo ở cuốn sách Nam Quốc Địa Dư này là ngoài các mục Vật Sản, Nông Sản nêu lên các sản phẩm quý giá ở từng vùng, còn có thêm mục “Nhân Vật” trong đó tác giả kể ra những vùng địa linh nhân kiệt sản sinh ra các anh hùng liệt nữ, những danh nhân của đất nước từ ngàn xưa. Xin trích dẫn một đoạn sau đây: NHÂN VẬT Nước ta ở phía Nam dải nhiệt đới Á châu, sông hồ nuôi dưỡng vẻ đẹp, núi non hun đúc tinh anh. Giống nòi Hồng Lạc vẫn nảy sinh bậc anh kiệt, nam cũng như nữ, mọi đời đều có . Hãy thử kể sơ qua: Ngô Quyền vốn quê ở Đường Lâm (thuộc Sơn Tây) phá quân Nam Hán khiến sông Bạch Đằng lặng sóng. Hưng Đạo quê ở Sơn Nam (Nam Định) giết Thát Đát mà đất Vạn Kiếp tên tuổi lưu truyền. Đinh tiên Hoàng, cậu bé kỳ tài ở Hoa Lư, cờ lau một vẫy liền dẹp yên loạn 12 sứ quân. Lê Thái tổ, một thường dân ở Lam Sơn, gươm thần vung lên khiến mấy vạn quân Minh phải rút về nước. Giúp Lê Lợi hoàn thành công bình Ngô là Nguyễn Trãi, người đất Nhị Khê. Làm quan đời Trần và khiến nịnh thần mất vía là Chu Văm An, người huyện Thanh Trì. Trương Định, nguyễn Hữu Huân người Nam kỳ. Phan đình Phùng, Cao Thắng người đất Nghệ An đều là những bậc kỳ vĩ. Hai Bà Trưng gốc ở Châu Phong (tức phủ Vĩnh Tường) đuổi Tô Định mà bình trị cõi ngoài Ngũ Lĩnh. Bà Triệu gốc từ Thanh Hóa, trừ giặc Bắc mà khôi phục gần hết non sông… Đoàn Thị Điểm người Bắc Ninh, có tài văn chương, lời ngâm vịnh còn mãi được phẩm bình truyền tụng… đều là các bậc trác tuyệt trong giới nữ lưu… Đọc đoạn văn trên, với lối văn biền ngẫu bổng trầm như thơ phú, người Việt Nam nào mà chẳng thấy ít nhiều cảm kích, dù đã biết qua về lịch sử nước nhà. Niềm tự hào dân tộc lâng lâng, lòng mến yêu đất nước thôi thúc… Có người bảo: “Ông này hơi lẩm cẩm, viết sách địa dư lại đưa cả lịch sử vào!” Nhưng cũng có người cãi lại: “Như thế mới là hay chứ! Viết sách Địa Dư mà chỉ khoe những sản phẩm quý giá của nước mình ở chỗ này chỗ nọ, để cho giặc nó thèm rỏ dãi. Còn những anh hùng liệt nữ sao không khoe để cho chúng ngán. Khác nào như nhà kia đem khoe của cải vàng bạc, còn gươm đao tự vệ, võ nghệ cao cường thì lại dấu đi, để cho bọn cướp nó lăm le dòm ngó!” Một điều đáng ngạc nhiên là vào thời ấy, để biên soạn một cuốn sách giáo khoa như Nam Quốc Địa Dư, rất cần những tài liệu và thông tin chính xác. Kiếm ở đâu, vì thời ấy làm gì có sẵn sách vở tài liệu của những người đi trước để lại dồi dào trong các thư viện như ngày nay. Phương tiện sưu tầm cũng khó. Thế mà cuốn sách đã được ông biên soạn hoàn chỉnh chỉ trong vòng 8-9 tháng bên cạnh bao nhiêu công việc bề bộn khác. Quả là một sự nỗ lực và ý chí phi thường. Rất may ông đã kịp hoàn tất nó trước khi ra đi đột ngột vì một cơn bạo bệnh. Một di bút đáng ghi nhận nữa là: 2. Bức thư kháng nghị gửi Toàn Quyền Đông Dương Bức thư viết bằng tiếng Việt do một mình Lương Trúc Đàm đứng tên, lại mở đầu bằng tiếng Pháp, có lẽ để Toàn Quyền phải sai người phiên dịch ngay. Hanoi le 7 Mai 1908 Monsieur le Gouverneur de l’Indochine, (Điều này cho thấy lá thư ông viết trước khi mất chỉ 24 ngày) Nội dung bức thư là minh oan cho Phan Chu Trinh khi ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt từ Hà Nội giải vào Huế để triều đình tay sai kết án ông là cầm đầu xúi giục dân miền Trung chống thuế trong khi ông đang ở Hà Nội, và đày ông đi Côn Đảo. Lương Trúc Đàm lên án bọn quan lại Việt Nam, bày tỏ sự công phẫn của giới trí thức Hà thành, yêu cầu Toàn Quyền xét lại vụ việc. Với lời lẽ ôn hòa, bức thư cũng nói lên được ý chí đấu tranh bất khuất của một nhà Nho trước bạo quyền. Giấy mực còn chưa khô ráo, ý chí còn bừng bừng, thế mà chỉ vài tuần sau ông đã đột ngột vĩnh biệt gia đình và các đồng chí ra đi vì một cơn bạo bệnh (bệnh dịch hạch). Điều xót xa là trong bấy nhiêu năm hoạt động hăng say mà ông chẳng có lấy một tấm hình đẻ lại cho con cháu, để lúc nằm xuống người nhà phài dựng ông dậy mặc quần áo chỉnh tề, nửa đêm gọi thợ ảnh đến chụp một bức để làm ảnh thờ. Rồi thuê một chiếc xe xích lô kéo, vực ông ngồi lên đưa về làng Nhị Khê như một người con đi xa xứ về thăm quê nhà. Hàng xóm láng giềng không ai hay, bạn bè đồng chí không ai biết! Đám tang được làm thật đơn giản tại đây. Có lẽ vì người nhà muốn giấc ngủ nghìn thu của ông không bị xáo động sau những ngày bận rộn lo toan. Thế là người con cả hiếu thảo, người đồng chí trẻ năng động, cánh tay phải của Cụ Lương đã bất ngờ vĩnh viễn ra đi, để lại một người vợ hiền yếu đuối và 3 đứa con nhỏ (2). Trước cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh, Cụ vẫn thản nhiên, dường như nước mắt nuốt vào trong, Cụ tự nhủ: “Ta phải can đảm lên để còn đương đầu với việc nước!” Để tưởng niệm nhà Nho yêu nước Lương Trúc Đàm, TP HCM nay đã có 2 con đường mang tên ông: một đường Lương Trúc Đàm ở P.7, Q.8, và một đường Lương Trúc Đàm ở P.20, Q. Tân Bình. Hôm nay, Kỷ niệm 100 năm ngày mất của Nhà Nho yêu nước Lương Trúc Đàm, chúng ta thành kính nghiêng mình trước anh linh ông, một nhà Nho đã hiến trọn 29 tuổi xuân cho đất nước. Và để tưởng niệm nhà Nho trẻ đẩy nhiệt huyết đã ra đi khi ước nguyện chưa tròn, xin có mấy vần thơ sau đây kính dâng lên anh linh Người: Khuyết đề Đứt gánh non sông giữa chặng đời Hai mươi chín tuổi chí không vơi Đông Kinh Nghĩa Thục từng vun đắp Nam Quốc Địa Dư gắng trọn bồi Nợ nước tình nhà chưa đáp trả Ơn cha nghĩa mẹ bội vong rồi! Nghìn thu một tấm lòng son sắt Tổ quốc mai sau… rạng giống nòi.
THÙY DƯƠNG 5-2008 ----------------- (1) Ngọc Quyến thi tốt nghiệp đậu thủ khoa, qua Trung Quốc gia nhập quân đội, đánh thắng nhiều trận. Sau một năm được phong Thiếu Tá coi cả một sư đoàn. (2) Lương Thị Trang 8 tuổi, sau là con dâu trưởng của Dương bá Trạc. Lương Thị Trác 2 tuổi, Lương Ngọc Hiển mới lọt lòng (1908).
Phụ Bản I
Chân dung Cụ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI Do Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi chụp tháng 10-74 TRẦN TUẤN KHẢI (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) Sinh ngày: 0 4 tháng 11, 1895 tại Nam Định , Việt Nam Mất ngày: 07 tháng 3 , 1983 (88 tuổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh , Việt Nam TIỂU SỬ Trần Tuấn Khải người làng Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Xuất thân là nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Cha ông là Trần Thụy Giáp đậu cử nhân khoa thi Hương tại Nam Định năm Canh Tý (1900). Năm lên 6 tuổi, ông bắt đầu học chữ Hán với cha. Và mẹ ông cũng là người thuộc nhiều ca dao , thi phú, lại hết lòng dạy dỗ con, vì vậy mới 12 tuổi, ông đã biết làm đủ các thể thi bằng chữ Hán . Năm Giáp Dần (1914), cha ông lâm bệnh mất tại nơi nhiệm sở. Khi ấy, Trần Tuấn Khải vừa đúng 19 tuổi và cũng vừa lấy vợ được 1 năm. Qua năm 1919, ông trở lại làng Quang Xán dạy học, được ít tháng ông lại xuôi ngược khắp miền Bắc, rồi đưa vợ ra Hà Nội. Nhưng ít lâu sau, thấy chồng ghét cảnh náo nhiệt, bà Khải bán nhà đến mua một trang trại ở ấp Thái Hà, ven đô Hà Nội. Năm 1921, ông xuất bản tập thơ thứ nhất Duyên nợ phù sinh I, được giới văn học đương thời lưu tâm. Năm sau, ông được mời vào Ban biên tập nhật báo Khai Hóa tại Hà Nội và nhận lời viết giúp cho nhiều báo khác. Đến khi ông cho xuất bản Bút quan hoài I, gồm nhiều bài bi tráng và được nhiều người hoan nghinh; Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tập thơ đó (1927) Trần Tuấn Khải mấy lần định xuất dương mà không thành (1915 -1916: dự định qua Đông Hưng - Trung quốc, 1927: dự tính sang Pháp). Pháp dò la biết ông có ý định trên, đồng thời có đến liên hệ các nhà cách mạng, như Phan Bội Châu , Huỳnh Thúc Kháng ở Huế; những nhà hoạt động lưu vong như Đào Trinh Nhất , Hoàng Tích Chu , Trần Huy Liệu , Nguyễn Tường Tam vv… ở Sài Gòn nên lùng bắt ông. Nhờ có người hay tin vội đưa ông ẩn trốn trong hang động Huyền Không trong dãy Ngũ Hành Sơn ( Quảng Nam ) Năm 1932, tác phẩm “Chơi xuân năm Nhâm Thân” được xuất bản, nhưng ngay sau đó bị Pháp ra lệnh tịch thu, khám nhà rồi bắt giam Trần Tuấn Khải và chủ nhà sách Nam Ký. Ông bị giam hơn 2 tháng rồi bị kêu án 2 tháng tù treo về tội viết sách “phá rối trị an, xúi dân nổi loạn”. Trong nhà giam Hỏa Lò, Trần Tuấn Khải gặp được Nghiêm Toản và nhiều nhà tri thức có tâm huyết. Ra tù, vợ chết, con nhỏ chết. Chôn cất vợ con xong, ông trở về Thái Hà, lại bắt đầu viết bài cho các báo. Năm 1938, ông cưới người vợ thứ họ Nguyễn. Năm 1954 ông vào Nam, làm việc tại Thư viện quốc gia, Viện khảo cổ, chuyên viên Hán học tại Nha văn hóa và các báo Đuốc Nhà Nam, Văn hóa nguyệt san, Tin văn... Năm 1966, ông cùng một số trí thức tiến bộ ký tên yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa trực tiếp hiệp thương với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hòa bình, nên bị buộc nghỉ việc. Sau đó, ông là chủ tịch danh dự lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc năm 1966 – 1967. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông giữ chức cố vấn Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ 1975 cho đến khi mất vì bệnh già tại số 5Q Cư xá Trần Quốc Toản (Cư xá Liautey của Pháp), hưởng thọ 88 tuổi (1983). Các bút danh của ông là: Á Nam (thường dùng), Đông Minh, Đông A Thi, Tiểu Hoa Nhân, Lâm Tuyền Khách, Giang Hồ Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ. Tác phẩm Duyên nợ phù sinh I (1921) Duyên nợ phù sinh II (1922) Bút quan hoài I và Hồn tự lập I (1924) Bút quan hoài II và Hồn Tự Lập II (1927) Với sơn hà I (1936) Với sơn hà II (1949) Hậu anh Khóa (1975) Tiểu thuyết: Gương bể dâu I (1922), Hồn hoa (1925), Thiên thai lão hiệp (1935- 1936). Kịch: Mảnh gương đời (1925) Dịch thuật: Thủy Hử (1925), Hồng lâu mộng và Đông chu liệt quốc (1934)... Thành tựu nghệ thuật Tự điển văn học có nhận xét như sau: Văn xuôi của Trần Tuấn Khải tựu trung vẫn là lối văn cổ, từ hình thức đến nội dung đều có phần lạc hậu, chưa theo kịp đà phát triển của văn xuôi lúc bấy giờ. Thơ ca mới là phần chính trong sự nghiệp sáng tác của Trần Tuấn Khải và cũng là phần ông đạt được một số thành công nhất định. Thơ Trần Tuấn Khải thường nói đến tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa nước, nghĩa đồng chủng, đồng bào, lòng thủ chung, nhân ái… đó là nếp sống, là đạo đức truyền thống của dân tộc. Và thơ ông đều có ngụ ý nhắc nhủ về non sông, đất nước. Đất là cái nhìn ưu thời mẫn thế của tác giả, đồng thời đấy cũng chính là tình cảm phổ biến của nhiều người lúc bấy giờ: thiết tha với độc lập dân tộc... Chính vì thế mà thơ ca của ông được quần chúng yêu thích. Các bài như “Gánh nước đêm”, "Tiễn chân anh Khóa", "Mong anh Khóa", "Gửi thư cho anh Khóa", trong một thời gian dài đã được truyền tụng rộng rãi. Về mặt nghệ thuật, ngoài những bài được sáng tác theo thể thơ Đường luật , ông còn viết bằng các thể thơ thuần Việt như: lục bát , song thất , các điệu hát ví , hát xẩm , sa mạc , hát nói ... và phần thành công chính là ở đây (NXB KHXH, Hà Nội, 1984, tr. 438). Nguyễn Tấn Long viết: Thơ Trần Tuấn Khải không chứa đựng triết lý bí hiểm, tư tưởng cao siêu, nó giản dị như một chân tình, nó rỡ ràng như sự phơi bày trọn vẹn cả tấc lòng; người đọc dễ dàng đạt ý và rung động qua trực cảm, vì Á Nam đã cấu tạo thơ mình bằng nhạc điệu quen thuộc của dân tộc, cho nên sức truyền cảm rất bén nhạy. Khảo sát thơ Cụ, chúng tôi bắt gặp đó đây những tư tưởng đã thành châm ngôn và cũng không ngoài việc gieo vào lòng người một ý chí bất khuất, một hùng khí ngùn ngụt, một nghĩa vụ thiết yếu của con người đúng với danh nghĩa “làm người” của nó . Trần Tuấn Kiệt, soạn giả bộ Thi ca Việt Nam hiện đại, thuật chuyện: Chúng tôi từ nhỏ, lúc còn học ở trường tiểu học Sa Đéc, được thầy dạy vài câu thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, không biết vì sao mà chúng tôi cảm thấy say sưa với những dòng thơ đó: Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu Bốn bề hổ thét chim kêu, Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình. …Thơ ông đã gieo vào lòng chúng tôi một mối cảm thông hoàn cảnh đất nước. Như một ánh sáng chói lọi mở cho con mắt trẻ trung của chúng tôi nhìn thấy cảnh điêu tàn của quê hương… Nguyễn Vỹ nhớ lại: Tôi đọc Bút Quan Hoài của Trần Tuấn Khải từ lúc còn nhỏ, thuộc lòng hai bài: Trời hè đương lúc nấu nung, Nước đâu cô nỡ dứt lòng bán rao? Bây giờ ai cũng khát khao, Khô gan ráo cổ kêu gào Nước luôn… Và: Cái bước đêm khuya thân gái ngại ngùng, Nước Non gánh nặng, cái đức ông chồng hay hỡi có hay?... Đầu óc con nít học trò, cảm thấy hai bài thơ chứa đựng tư tưởng thâm trầm và bi thương về Nước, của người dân mất Nước, tự nhiên chiêm ngưỡng tác giả như một thần tượng… Xuân Diệu cũng đã kể: Tôi không quên lúc học lớp nhì, 14 tuổi, tôi mượn được quyển Bút quan hoài. Tôi chép vào quyển vở mới một số đoạn thơ thích nhất... Quyển vở thơ Trần Tuấn Khải quí báu của tôi, như là tiếng gọi của lương tâm! BS. NGUYỄN LÂN ĐÍNH St CUỐN BÚT QUAN HOÀI, MỘT TÁC PHẨM CỦA CỤ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI Cách đây sáu tháng, tôi mua được ở dưới đường Trần Nhân Tôn một sấp báo Đời Mới của Trần văn Ân, khoảng trên 30 số. Theo thói quen, vừa mang về tới nhà là tôi đã vội lấy băng keo dán cái gáy đã bị rách lỗ chỗ, và rồi, may thay vừa cầm đếm mấy số tôi bỗng thấy rớt ra ở giữa hai số Đời Mới tập thơ Bút Quan Hoài của Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, vì tập thơ này chỉ dày có 48 trang và kích cỡ cũng gần bằng tờ Đời Mới. Tóm lại là người bán sách cũng chỉ tính tiền tôi bằng một số báo Đời Mới. Tôi thích quá và coi đây cũng là một chút duyên nho nhỏ với sách, và thích nhất là cuốn sách lại có mang thủ bút và chữ ký của Cụ Khải đề tặng cho một người tên là Nguyễn Văn Lực. Tôi chỉ biết Cụ Khải qua một cuốn kiếm hiệp nhan đề là “Thiên Thai Lão Hiệp” mà có lần tôi đã có được ba phần tư bộ từ đầu đến tập ba thì hết, và theo lời người bán thì toàn bộ là bốn tập, nhưng tập bốn của anh ta đã bị mối ăn hết, đành phải bỏ đi. Ngoài ra tôi còn được biết Cụ là tác giả bài thơ Anh Khóa gồm “Tiễn Chân Anh Khóa” và “Mong Anh Khóa” là những bài thơ của một tác giả có phần nào chịu ảnh hưởng của các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục. Tôi cũng đã bỏ ra vài tiếng đồng hồ để đọc qua cuốn Bút Quan Hoài đã tình cờ đến với tôi, và bây giờ tôi xin giới thiệu sơ lược cuốn này với các bạn thành viên CLB. Một trong những lý do khiến tôi thích đọc cuốn này vì thấy ở trên bìa sách có đề là cuốn sách đã bị cấm dưới thời thực dân Pháp, hồi năm 1928. Cuốn sách này dày 48 trang và khổ sách là 16x24cm. Sách được chia làm 8 mục. Mục thứ nhất mang tựa đề là “Văn Xuôi - Một Bức Thư” và bức thư này nói về “Chủ Nghĩa Cá Nhân Tự Lập”. Đây là một bức thư của một người ký tên là Lam Hồng gửi cho một người tên là Nguyễn Cố, đại ý đề cao việc nên sống tự lập, đừng thèm trông cậy vào ai, vào thế lực nào, nhất là vào ngoại bang. Ở cuối mục này là một vài ý tưởng khá hay, tôi xin ghi lại nguyên văn để chia sẻ với các bạn: “Ỷ-lại người ngoài mà được danh giá là danh giá hão. Ỷ-lại người ngoài mà được hạnh phúc là hạnh phúc vờ. Hạnh phúc vờ, danh giá hão, cũng như anh tượng gỗ, anh tượng sành, người ta để lúc nào thì nguy nga lúc ấy, mà đạp tan đút bếp thì lại hoàn là kiếp vẫn kiếp tro. Cho nên làm người quý ở tự lập”. Mục thứ nhì mang tựa đề là “ĐIỆU SONG THẤT LỤC BÁT” và là một bài thơ tên là “HAI CHỮ NƯỚC NHÀ” gồm những lời ông Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải qua Tàu. Mục thứ ba mang tựa đề là “THI CA LIÊN HÀNH” gồm những câu thơ song thất lục bát mang tên là “ĐỀ THỦY HỬ” vì Cụ Á Nam có dịch THỦY HỬ ra tiếng Việt. Ở cuối mục thứ ba này có mấy câu rất hay như sau đây: “Có sức khoẻ, làm được việc để kiếm ăn, mà không có tư tưởng tự lập, chỉ làm nô lệ người ta, là loài trâu, loài ngựa. Không có sức khoẻ làm ăn, cũng không có tư tưởng tự lập, chỉ lăn lưng trông bám vào người, sống chết thuộc về tay người khác, là loài ruồi, loài đỉa. Người mà như loài trâu, loài ngựa còn khó lòng sống được với đời, huống chi lại toàn là loài ruồi, loài đỉa, thì còn mong sống làm sao được? Kẻ có thân phải nên nghĩ đó.” Mục thứ tư mang tựa đề là “PHONG DAO” chỉ gồm những câu phong dao viết bằng thơ lục bát, không có gì đặc biệt, tuy nhiên ở cuối mục thì có câu này khá độc đáo và đầy tính khuyên bảo: “Tiền của là của chung, khi chết đi lại sang tay người khác. Danh dự là của riêng, dẫu nghìn thu vẫn thuộc của mình. Cho nên ở đời quý nhất danh dự”. Mục thứ năm nhan đề là CÂU HÁT VẶT gồm hai bài thơ: một bài tên là “Nỗi Chị Khuyên Em” là những lời bà Trưng Trắc khuyên bà Trưng Nhị, và một bài thơ thứ nhì nhan đề là “Gửi Thư Cho Anh Khóa”. Mục thứ sáu mang tựa đề là CA TRÙ THỂ CÁCH (Hát ả đào) gồm vài bài hát ả đào cộng với vài bài thơ Đường Luật Bát Cú. Mục thứ bảy mang tựa đề là THƠ TRÀNG THIÊN TỨ TUYỆT trong có bài thơ của Cụ Phan Khôi gửi cho Cụ Á Nam khi Cụ dịch Thủy Hử vào năm 1924. Bài thơ này tên là “Đọc bản dịch Thủy Hử, gửi cho dịch giả”. Mục thứ tám, tức là mục chót mang tựa đề là VĂN LỤC BÁT gồm ba bài thơ lục bát trong đó có một bài Cụ Á Nam lược dịch bài thơ “Océano nox” của Cụ Victor Hugo. Tóm lại đây là một cuốn thơ cổ vũ lòng yêu nước, cổ vũ việc sống tự lập, sống cho ra đấng nam nhi. Ngày 19/7, 2008 này CLB sách Xưa & Nay của chúng tôi sẽ đi thăm Nhà Lưu Niệm của Cụ Á Nam ở Bình Triệu, và đây cũng là một dịp để tôi làm một chuyện “ngược đời, vui vui”, đó là việc tôi sẽ mang cuốn Bút Quan Hoài, có thủ bút và chữ ký của Tác giả này, photocopy và làm chuyện ngược đời là tôi sẽ GIỮ BẢN PHOTO CHO MÌNH, CÒN BẢN CHÍNH THÌ SẼ ĐEM TẶNG BÀ LAN HINH, ÁI NỮ CỦA CỤ Á NAM, đơn giản là vì tôi nghĩ rằng Bà Lan Hinh có ưu tiên giữ nó hơn là tôi. Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn Hàng đứng sau: Lê Phương Chi, …. Nhật Tiến,… Hàng đứng trước: … Phạm Duy, Khai Trí, … Phạm văn Mùi,… Phạm vân Loan, Tôn Nữ Hỷ Khương, Tuệ Mai, Hồng Phương Hàng ngồi: Nguyễn Nhã (ôm ảnh chân dung Cụ Á Nam), Cụ Nhất Thanh, Cụ Á Nam, Học giả Hồ Hữu Tường, Nhà văn Doãn Quốc Sỹ
Ảnh tự chụp của Lê Phương Chi 1974 |
Á Nam Trần Tuấn Khải là một nhà thơ biệt phái? Ông Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm phê bình văn học để đời “Nhà văn hiện đại” xuất bản năm 1941 và có ba lần tái bản sau đó, đã nhận xét về nhà thơ kiêm nhà văn Trần Tuấn Khải ở vào thời Đoàn Như Khuê, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim như trên. Từ “biệt phái” mà ông Phan sử dụng để kết luận khi viết về Trần Tuấn Khải có hơi khó hiểu. Bởi vì chữ “biệt phái” có cả hai nghĩa trắng và đen, được hiểu là “xấu” lẫn “tốt”. Nhưng qua chiêm nghiệm cách phê bình văn thơ của Á Nam, chúng ta có thể hiểu “biệt phái” theo nghĩa “tốt”. Như vậy là nhà phê bình văn học họ Phan đã khen Á Nam về tài làm thơ hơn là viết văn hay dịch thuật. Họ Phan viết: “Ông là một nhà thơ biệt phái cũng như những bài ca có tiếng của ông là những bài mà những tay thợ thơ không tạo nên được”. Và còn cho rằng thơ ca của Á Nam là thứ thi ca đầy những ý tưởng luân lý mà người ta không thấy ở một nhà thơ nào khác trong những thi gia tôi vừa kể trên đây. Sự nghiệp thơ ca của Trần Tuấn Khải gồm có bốn bài thơ “Anh Khóa” nổi tiếng hơn cả, kế đó là ba tập thơ Duyên nợ phù sinh (1921), Bút quan hoài (1926), Với sơn hà (1936)… Cũng theo ông Phan, thơ Đường của Á Nam không hay bằng thơ Lục bát, vừa nhẹ nhàng vừa thanh thoát, mang nhiều chất thơ và tư tưởng nhân sinh hơn. Như các câu: Gió đưa ngọn khói lên trời Em về đằng ấy biết đời nào sang! …Nước đời như thể nước cờ Khéo suy thì được mà khờ thì thua!... Có một điều mà nhiều người không tán thành cách “vay mượn” ý, lời, nội dung và hình thức, kể cả tựa đề bài thơ cùng loại của người khác đã nổi tiếng thời trước như bài Cái quạt trong tập Duyên nợ phù sinh I, mà có tới ba bài về chủ đề này: Khóc cái quạt, Cô hàng quạt và Cái quạt giấy (riêng bài này lại có tới hai bài). Có lẽ nhà thơ Á Nam khoái cái quạt và khoái cách nói về quạt của nhà thơ ngông nữ Hồ Xuân Hương. Bài Cái quạt làm theo thể thơ Đường “Thất ngôn bát cú” hao hao với bài thơ cùng tựa hay nhiều bài thơ khác của nữ sĩ họ Hồ. Chúng ta đọc lại bài Cái quạt của Á Nam sẽ bắt gặp một số ý và từ của nữ sĩ họ Hồ: Thân em như thể mảnh lông hồng Phe phất đi về dám quản công Quyết giải tâm can cùng phủ phế Nào khi khép mở lúc riêng chung Trâm vàng còn nhớ câu nguyền ước Sương trắng mong đền nghĩa núi non Nung nấu lò tình ai đấy tá Hỏi rằng có mát mặt hay không? Ý tứ đều có hai nghĩa giống như của Xuân Hương. Cũng với ý tứ đó, nhà thơ của chúng ta có những câu mang hơi hớm của nữ sĩ họ Hồ, như trong Duyên nợ phù sinh tập II: Tan sương thiếp dậy thổi cơm Chàng ơi, mang đó ra đơm cánh đồng Đói no có vợ có chồng Hơn ai đệm bọc chăn lồng một thân. Mặc dù vậy, Á Nam còn có nhiều bài thơ mang tính trào lộng giống như ngụ ngôn nói về thế thái nhân tình kiểu “ngư ông đắc lợi”: Giống đâu nhí nhắt dại khờ ghê! Rúc rích tranh ăn chẳng nghĩ gì Bóc lột lẫn nhau quen thói chuột Liệu hồn! Mèo nó vẫn rình kia! Có nhiều bài thơ lục bát nhẹ nhàng đầy chất luân lý dạy đời: Óc anh như mảnh gương trong Có lau thì sáng, bỏ không thì mờ. Nước đời như thể nước cờ Khéo suy thì được mà khờ thì thua! Đó là những câu cách ngôn hết sức thực tế và sâu sắc có ý nghĩa muôn đời. Phải sống nhiều trong thực tế và từng trải trong đời thường nên nhà thơ Trần Tuấn Khải mới rút ra được những bài học, những câu thơ ý nhị cho cách xử thế của mọi người mà đời nào cũng còn nguyên giá trị của nó. Khi nghĩ và nhớ về Á Nam Trấn Tuấn Khải thì chúng ta nên nhìn ông về mặt xã hội học, đạo đức học qua những câu thơ nhẹ nhàng có tính giáo dục cao. Vương Liêm Á Nam Trần Tuấn Khải và Thơ Ca Tiểu sử: TRẦN TUẤN KHẢI (1895 - 1983), bút danh: Á Nam. Người huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Một số bài thơ của ông: "Gánh nước đêm", "Tiễn chân anh Khóa", "Mong anh Khóa"... (trong các tập "Duyên nợ phù sinh", 1923 - 1924; "Bút quan hoài", 1927), được truyền tụng dưới hình thức ngâm sa mạc, nói về lòng yêu nước một cách bóng gió, có tác dụng giáo dục, tuyên truyền rộng rãi, tránh được kiểm duyệt của Pháp. Thơ Trần Tuấn Khải bao hàm ý bi quan, thiếu giọng hùng tráng, mãnh liệt của thơ yêu nước những năm đầu thế kỷ. Trần Tuấn Khải dịch bộ "Thuỷ Hử" (1925), "Hồng lâu mộng", "Đông Chu liệt quốc" (1934) và viết một số tiểu thuyết như "Gương bể dâu" (1922), "Hồn hoa" (1925), "Thiên thai lão hiệp" (1935), hình thức cũng như nội dung, chưa tiến bộ bằng các tác phẩm đương thời cùng loại. Sau khi vào Nam năm 1954, Trần Tuấn Khải tham gia các phong trào đấu tranh chống văn hóa nô dịch, phong trào đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ. Là chủ tịch danh dự lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc năm 1966 - 1967; cố vấn Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ 1975 - 1983. Một số Tác Phẩm: Tiễn chân anh Khóa xuống tàu Anh Khóa ơi! Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu, Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh Tay cầm trầu giọt lệ chạy quanh, Anh xơi một miếng cho bõ chút tình em nhớ thương. Anh Khóa ơi! Cái bước công danh ngoắt ngoéo đủ trăm đường. Anh đi một bước tấm gan vàng em xẻ làm hai Kìa người ta bè bạn vui cười, Đôi ta thương nhớ chỉ ngậm ngùi mà đứng trông nhau Anh Khóa ơi! Còi tu tu tàu sắp kéo cầu Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đâỵ Trông anh, em chẳng nỡ rời tay, Nói riêng em dặn câu này anh chớ có quên: Anh Khóa ơi! Người ta lắm bạc nhiều tiền, Anh em ta phận kém duyên hèn mới phải long đong. Một mình anh nay Bắc lại mai Đông, Lấy ai trò chuyện cho khuây lòng lúc sớm khuya! Anh Khóa ơi! Chữ tương tư vai gánh nặng nề, Giang hồ anh sớm liệu trở về kẻo nữa em mong, Tính toán sao cho phỉ chí tang bồng ? Ở nhà em cũng dốc một lòng giữ phận thuyền quyên. Anh Khóa ơi! Cái máy phân ly sình sịch sắp chia duyên, Thôi anh ngồi lại, để em bước lên trên mạn bờ, Gió hiu hiu ngọn nước chảy lờ đờ, Dưới sông con tàu chạy, trên bờ em với trông. Anh Khóa ơi! Anh ra đi mây nước muôn trùng, Em trở về vò võ phòng không một mình. Với trông theo tàu ngoắt khúc sông quanh, Sông bao nhiêu nước, giọt lệ tình em bấy nhiêu. Mong anh Khóa
(Bài này nối vần với bài “Tiễn chân anh Khóa xuống tầu”, in trong quyển Duyên nợ phù sinh I) Anh Khóa ơi! Lúc đêm khuya em ngồi tựa chốn buồng điều, Một mình em mở quyển Kim Vân Kiều em đọc em ngâm. Đọc đến câu “Đã nguyền đôi chữ đồng tâm”, Giật mình tưởng khách xa xăm em lại sầu. Anh Khóa ơi! Kể từ khi em tiễn chân anh ra đến bến tầu, Lời phân ly em chưa cạn mà con tầu nó đã quay đi. Một mình em vơ vẩn bước ra về, Với trông mây nước trăm bề em những ngổn ngang. Anh Khóa ơi! Ở trên đời chi hiếm kẻ giầu sang, Sao anh không luồn cúi để khuênh khoang cho nó qua đời. Can chi mà nay ngược lại mai xuôi? Để buồng không em than thở mà bên trời anh cũng lênh đênh? Anh Khóa ơi! Cái kiếp nam nhi anh gánh vác đã đành, Như em là phận gái dễ xuân xanh được mấy lần? Mới ngày nào đào hạnh vẫn cười xuân, Mà quyên kêu ve gọi lần lần cảnh đã sang đông. Anh Khóa ơi! Bấy lâu nay xa cách vân mòng, Bên đường em trông ngóng, bên sông em đợi chờ; Đường vắng tanh, sông nước chảy lờ đờ, Một thương hai nhớ biết bao giờ cho lại gặp nhau? Anh Khóa ơi! Trời cao cao, nước biển sâu sâu, Hỏi rằng trời biển thấu nỗi nhau chăng là? Một mình em thu xếp cửa nhà, Dạy con em thay bố, nuôi mẹ già em lại thay con. Anh Khóa ơi! Tính đốt tay đã một năm tròn, Ăn sương nuốt gió kể cũng hao mòn cái xác con ve. Nghĩ nguồn cơn khuya sớm đi về, Một thân em vò võ biết hề than thở cùng ai? Anh Khóa ơi! Cuộc phân ly con tạo khéo trêu ngươi, Non cao biển rộng, nợ đời em trả biết bao xong? Nhớ đến câu “xuất giá theo chồng” Dẫu trăm cay ngàn đắng cũng dốc một lòng với gánh giang san. Anh Khóa ơi! Kiếp tài tình đã trót đa mang,
Phụ Bản II Năm chìm bảy nổi xin anh chàng cũng chớ ăn năn. Nữa một mai thiên địa xoay vần, Nụ xanh hoa thắm, gặp ngày xuân ta lại tươi cười. Anh Khóa ơi! Đường bắc nam bao xiết nỗi ai hoài, Gạt sầu pha lệ, viết mấy lời tỏ dạ nhớ mong. Nước non xa muôn dặm vẫy vùng, Quê nhà đất cũ xin thấu tấm lòng cho ai. Này hỡi anh Khóa em ơi !!!
* Khoảng năm hai mươi tuổi, tác giả thường giao du với các nhà chí sĩ, những bậc lão thành, cũng như những người thiếu tráng, ngày đêm miệt mài ngâm vịnh văn chương, nghiên cứu các học thuyết đông tây kim cổ. Lúc đó trong đám anh em, có nhiều người vì mang nỗi phẫn uất với bọn thực dân Pháp, trốn tránh đi ra nước ngoài để tìm phương kế cứu giang sơn Tổ quốc. Trong thời gian đó, tác giả cũng có phen lần ra tận biên thùy ở miền Móng Cái, mong do đó lân la sang bên Trung Quốc để tìm kiếm bạn đồng tâm. Chẳng may công chuyện không thành, đành buồn bã quay về. Sau đó còn có nhiều phen lần theo các đường khác để đi (như vào Trung Kỳ, Nam Kỳ) song cũng đều đành thất vọng. Tuy vậy, trong đám bạn bè cùng chí hướng của ông, những người gặp được cơ hội len lỏi ra các nước ngoài cũng không phải là ít. Vì thế, trong lúc tiễn đưa bạn hữu, tác giả đã chan chứa cảm xúc viết ra bài Tiễn chân anh khoá xuống tầu – 1914 để tả tấm lòng tha thiết của mình. Bài hát rất phổ biến trong Nam, ngoài Bắc hồi đó. (1915) Gửi thư cho anh Khoá “Quyển Duyên nợ phù sinh thứ nhất có bài Tiễn chân anh Khóa, đến quyển thứ hai lại có bài Mong anh Khóa, tới nay chưa thấy anh Khóa về. Vậy có bức thư gửi cho anh Khóa”. Anh Khóa ơi! Cái cuộc phân ly thắm thoắt đã mấy năm rồi; Em mong, em nhớ, em ngồi, em nghĩ lại thương anh, Trông bốn phương non nước những mông mênh. Trời Âu, bể Á, một chiếc thuyền tình anh biết ghé nơi nao? Anh Khóa ơi! Em nghĩ thương anh cũng bậc anh hào, Ngang trời dọc đất dễ anh nào đã có chịu thua ai? Chỉ tiếc thay cho anh sinh chẳng gặp thời, Để tang bồng nặng gánh, anh phải ngậm ngùi mà bước chân ra. Anh Khóa ơi! Em nghĩ thương anh cũng một kiếp tài hoa, Bước đời xô đẩy anh phải xông pha với bước phong trần. Ngọn gió năm châu dào dạt sóng duy tân, Tình nhà, nỗi nước, chiếc thân anh lo nghĩ đủ trăm chiều. Anh Khóa ơi! Kìa con đường văn minh ai chẳng dập dìu, Riêng anh đây lên giốc xuống đèo thui thủi với gánh giang san. Nào những khi: xa trông cơn mây kéo, lúc ngồi tựa bóng trăng tàn, Biết cùng ai bày giãi tâm can cho khách giang hồ? Anh Khóa ơi! Trông non sông em lại ngán cơ đồ, Bắc nam anh xuôi ngược, biết bao giờ thoả chí bồng tang? Cái cõi phù sinh khen con Tạo khéo đưa dường, Má hồng, mặt trắng, cũng một kiếp đoạn trường ai dễ khác ai? Anh Khóa ơi! Ngẫm ngàn xưa hào kiệt với anh tài: Bể dâu chìm nổi, cái bước trên đời ai khỏi gian nan? Anh nghĩ làm sao cho danh nghiã được vẹn toàn? Để treo gương hào hiệp với giang san sau này. Anh Khóa ơi! Nhờ luồng điện trên không em gửi bức tờ mây, Chân trời, mặt biển, cái lá thư này mong đến tay anh, Chốn buồng riêng đây em tưởng nhớ xiết bao tình, Khi vui em muốn khóc, buồn tênh em lại cười! Anh Khóa ơi! Em cảm thương anh, em lại giận cho trời; Bức tranh vân cẩu cái tấn trò đời bày xoá như không. Anh thà như ai câm điếc đã xong, Chỉ bưng tai nhắm mắt mà ôm lấy miếng đỉnh chung nó cũng qua đời! Anh Khóa ơi! Thôi, kể bao nhiêu lại càng động mối quan hoài, Gan vàng dạ sắt nguyện có đất trời xoi xét cho nhau. Em chỉ nhờ ai xoay lại quả địa cầu, Cho duyên em gặp gỡ, cho non nước khỏi u sầu với lúc mưa râm. Anh Khóa ơi! Ở trên đời này được mấy bạn tri âm, Trời cao bể rộng, cái mối đồng tâm xin anh chớ hững hờ. Còn non sông, em đây còn quyết chí đợi chờ, Tầu bay, tầu lặn, đến bấy giờ ta sẽ gặp nhau... (1922) - Bút Quan Hoài I Mừng anh Khóa về "Nhân vừa đây hai bạn làng văn từ Hà Nội vào Nam có nhã ý ghé thăm tôi trong khi đương nằm giường bệnh. Bạn vui cười hỏi: "Nay Anh Khóa đã về, hỏi bà Khóa đã hả lòng chưa?" Nghe câu hỏi bất giác cảm động trong tâm, nên sau khi tiễn bạn, tôi viết vội mấy vần tiếp theo ba bài trước cũng gọi là đáp lại tấm lòng ưu ái của bạn và cũng gọi là đáp lại nỗi lòng căm trước mừng sau để các bạn làng văn cùng rõ" Anh Khóa ơi! Nhớ từ khi em tiễn chân anh xuống tận bến tầu Mấy mươi năm đằng đẵng em những ôm sầu trông đợi tin anh Em giận thay cho lũ xâm lược nó gian manh Nỡ đem quân gia võ khí đập phá tan tành tổ quốc chúng ta. Anh Khóa ơi! Cũng vì giang san mà anh phải lặn lội xông pha, Phất cờ Cách mạng vì nước vì nhà trong bấy nhiêu niên. Anh quyết một phen làm cho động địa kinh thiên Quét sạch quân xâm lược để dẹp yên đất nước sau này. Anh Khóa ơi! nhờ công lao nên mới có ngày nay Khác nào giấc chiêm bao chợt tỉnh, thấy ngay cái cảnh huy hoàng. Em đón anh về với bao hy vọng vẻ vang Với bao cảnh tượng phi thường khác hẳn năm xưa Anh Khóa ơi! Cả non sông Hồng Lạc tựa say sưa Tầu bay tầu lặn đón đưa che rợp biển trời, Toàn nhân dân già trẻ gái trai Mặt mày hớn hở như đổi cuộc đời xoay lại bể dâu. Anh Khóa ơi! Từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mau Cỏ cây sông núi khắp đâu đâu cũng thấy tưng bừng Từ thành đô cho tới tận suối rừng Không đâu không hớn hở vui mừng đón tiếp tin anh. Anh Khóa ơi! hẳn từ đây anh khỏi bước lênh đênh, Cùng nhau chung hưởng thái bình giữa cõi Á Đông, Sẽ cùng nhau thắt chặt sợi tơ đồng, Cùng nhau bồi đắp cơ nghiệp cha ông cho được vẹn toàn. Anh Khóa ơi! Ta sẽ làm cho nổi tiếng với doanh hoàn Làm cho dân tộc với giang san rạng rỡ hơn người Làm cho Bắc Nam xum họp chung vui Cho nhau hưởng phúc muôn đời, Anh Khóa em ơi!
Hai chữ nước nhà Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu Bốn bề hổ thét chim kêu Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước Chút thân tàn lần bước dậm khơi Trông con tầm tã châu rơi Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên: Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay Trời Nam riêng một cõi này Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì! Than vận nước gặp khi biến đổi Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng Bốn phương khói lửa bừng bừng Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông! Nơi đô thị thành tung quách vỡ Chốn dân gian bỏ vợ lìa con Làm cho xiêu tán hao mòn Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu! Thảm vong quốc kể sao xiết kể Trông cơ đồ nhường xé tâm can Ngậm ngùi khóc đất giời than Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này! Khói Nùng lĩnh như xây khối uất Sóng Long giang nhường vật cơn sầu Con ơi! càng nói càng đau … Lấy ai tế độ đàn sau đó mà? Cha xót phận tuổi già sức yếu Lỡ sa cơ đành chịu bó tay Thân lươn bao quản vũng lầy Giang sơn gánh vác sau này cậy con Con nên nhớ tổ tông khi trước Ðã từng phen vì nước gian lao Bắc Nam bờ cõi phân mao Ngọn cờ độc lập máu đào còn giây Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái Phận liễu bồ xoay với cuồng phong Giết giặc nước, trả thù chồng Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến Vì giống nòi quyết chiến bao phen Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên Gươm reo chính khí nước rền dư uy Coi lịch sử gương kia còn tỏ Mở dư đồ đất nọ chưa tan Giang san này vẫn giang san Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai? Con nay cũng một người trong nước Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường Làm trai hồ thỉ bốn phương Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng Thời thế có anh hùng là thế Chữ vinh hoa xá kể làm chi! Mấy trang hào kiệt xưa kia Hy sinh thân thế cũng vì nước non Con đương độ đầu son tuổi trẻ Bước cạnh tranh há để nhường ai? Phải nên thương lấy giống nòi Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục; Thân tự do chiêu chúc mà vinh Con ơi nhớ đức sinh thành Sao cho khỏi để ô danh với đời Chớ lần lữa theo loài nô lệ Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai Đem thân đầy đọa tôi đòi Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi? Sống như thế, sống đê, sống mạt Sống làm chi thêm chật non sông! Thà rằng chết quách cho xong Cái thân cẩu trệ ai mong có mình! Huống con cũng học hành khôn biết Làm giống người phải xét nông sâu Tuồng chi gục mặt cúi đầu Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành! Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy Cha khuyên con có bấy nhiêu lời Con ơi! con phải là người Thì con theo lấy những lời cha khuyên Cha nay đã muôn nghìn bi thảm Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau! Chân mây mặt cỏ rầu rầu Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương! Lời cha dặn khắc xương để dạ Mấy gian lao con chớ sai nguyền Tuốt gươm thề với xương thiên Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu Gan tráng sĩ vững sau như trước Chí nam nhi lấy nước làm nhà Tấm thân xẻ với san hà Tượng đồng bia đá họa là cam công Nữa mai mốt giết xong thù nghịch Mũi long tuyền lau sạch màu tanh Làm cho đất động trời kinh Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày! Nghĩa vụ đó con hay chăng tá? Tính toán sao vẹn cả đôi đường Cha dù đất khách gởi xương Trông về cố quốc khỏi thương hồn già Con ơi! hai chữ nước nhà!(*) (1917) (*) Nghĩ lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu LÊ HÙNG DƯƠNG St TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI (1895-1983) Á Nam Trần Tuấn Khải là một nhà thơ thuộc thế hệ đàn anh trên thi đàn Việt Nam thời tiền chiến. Ông có những bài thơ mới xuất hiện trước cả phong trào thơ mới. Đọc bài thơ “Anh đi đâu” chúng ta thấy cả ý lẫn lời đều rất lạ, rất mới: “Anh đi đâu, anh diện đôi giầy lốp cốp, cái quần trắng bốp, cái áo rất hợp, anh dựng cái cổ cồn là. Trên đầu anh đội cái khăn xếp nếp, dưới mình anh mặc cái áo sa tanh, anh phủ bên ngoài cái cách ăn chơi trông anh thực đã choáng ghê rồi…” Sự nghiệp sáng tác thơ của ông kéo dài đến tận những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20. Từ năm 1917, Á Nam Trần Tuấn Khải đã nổi tiếng bởi bài thơ “Tiễn anh khóa xuống tàu”. Trong đó ông gởi gắm tâm sự của một chí sĩ thất quốc đang trăn trở tìm đường xuất dương cứu nước. Những câu thơ: … Tính toan sao cho phỉ chí tang bồng… Anh Khóa ơi! Anh ra đi mây nước muôn trùng Đã nói lên bao ước mơ cháy bỏng trong lòng ông. Á Nam Trần Tuấn Khải đã để lại dấu ấn đậm nét trong thi ca Việt Nam bằng những bài sử ca bi tráng như “Hai chữ nước nhà” ghi lời ông Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi khi bị quân Minh bắt giải sang Tàu. “Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước Chút thân tàn lần bước dặm khơi Trông con tầm tã châu rơi Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên. … Thảm vong quốc kể sao xiết kể Trông cơ đồ nhường xé tâm can Ngậm ngùi đất khóc trời than Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này… … Chớ lần lữa theo loài nô lệ Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai Đem thân đày đọa tôi đòi Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi…” Những câu thơ yêu nước nồng nàn của Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải có tác dụng tích cực giáo dục cổ vũ lòng ái quốc của quần chúng nhân dân ta lúc bấy giờ. Điều đáng mừng nhất là vào lúc cuối đời, ông được mục kích đất nước độc lập, tự do, thống nhất. Ông vô cùng hân hoan giữa Khúc Khải hoàn ca của dân tộc. Một lần chót thơ Á Nam lại rung lên phần vĩ thanh của “Anh Khóa” để khép lại một đời thơ, đồng thời thỏa nguyện giấc mơ ái quốc từng canh cánh suốt đời của một thi nhân lão thành. Đọc những câu trong bài “Mừng anh khóa về” ông viết đáp lại tấm lòng ưu ái của bạn yêu thơ và cũng là đáp lại nỗi lòng cảm trước mừng sau để các bạn làng văn cùng thông cảm “Em giận thay cho lũ xâm lược nó gian manh Nỡ đem quân gia vũ khí đập phá tan tành tổ quốc chúng ta Anh Khóa ơi! Cũng vì giang sơn mà anh phải lặn lội xông pha Phất cờ Cách mạng vì nước vì nhà trong bấy nhiêu niên Anh quyết một phen làm cho động địa kinh thiên Quét sạch quân xâm lược để dẹp yên đất nước sau này Anh khóa ơi, nhờ công lao nên mới có ngày nay. … Anh Khóa ơi! Ta sẽ làm cho nổi tiếng với doanh hoàn Làm cho dân tộc với giang sơn rạng rỡ hơn người Làm cho Bắc Nam sum họp chung vui Cho nhau hưởng phúc muôn đời Anh Khóa em ơi!”
Tác phẩm thơ của Cụ Á Nam đủ mọi thể loại: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát, song thất lục bát, phong dao, dịch thuật thơ Đường, ca trù, hát xẩm, hát ca lý. Nhiều bài ca do ông soạn lời đã thực sự vang tiếng trên sân khấu âm nhạc dân tộc đương thời. Những thi phẩm của ông thực sự rất có giá trị về nội dung và nghệ thuật làm xúc cảm, rung động lòng dân Việt. Chúng ta luôn biết ơn ông, một bậc tiền bối, đã suốt đời yêu nước, yêu nhân dân bằng tiếng nhạc lòng ngân lên từ trái tim của một nhà thơ, một chí sĩ luôn cổ vũ lòng nặng mang nợ nước tình nhà. NGÀN PHƯƠNG (Theo các tài liệu Văn học VNTN) Họa vận Ở QUÊ NHÀ của Á Nam Trần Tuấn Khải Khung trời xanh lớp lớp mây đưa Hoa trái tỏa hương cả bốn mùa Ngõ trước mơ màng tia nắng nhạt Sân sau rộn rã tiếng gà trưa Sóng vờn lách tách ao bèo biếc Gió thổi vi vu khóm trúc thưa Hương vị quê nhà sao thắm thiết Mắt nhòa ngấn lệ ngỡ màn mưa
NGÀN PHƯƠNG Kỷ niệm 25 năm ngày mất NHÀ THƠ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI Nhà thơ thuộc bậc dàn anh Vào thời tiền chiến - rạng danh sáng ngời Gởi trao Tâm sự một đời Hồn thơ Trăn trở - Biển khơi tìm đường Vẫn hằng ôm Mộng xuất dương Ra đi cứu nước, tình thương giống nòi Sử ca - bi tráng - Cảm hoài Trách đồng bạc – Vẫn Nhớ ai Quê nhà Thú lâm tuyền - Với sơn hà Thăng Long hoài cổ - Trách gà gáy trưa Nhớ cô hàng quạt - Đêm mưa Câu ca vặt - Vịnh thơ bùa – Để râu Tiễn chân anh khóa xuống tàu Qua thành Nam - Tiếng đàn bầu nỉ non Cùng bạn chơi Vịnh Hạ Long Qua nhà Giám - Hỡi ĩnh ương sao buồn Con Hoàng oanh nhớ cô thôn Cùng bạn chơi núi Sài Sơn ngậm ngùi Gọi đò đêm – dạ không vui Lâm Giang Khúc vịnh bà Bùi Khuê xưa Mong Anh Khóa mấy cho vừa Câu Ca lý mới đánh lừa Phong dao Vịnh cảnh Hồ Tây ngày nào Nhân tình thế thái còn đau nát lòng Xem Hội tây – nhớ Mong chồng Nghẹn ngào Giọt lệ anh hùng mong manh Thơ Độc ẩm Lạng Sơn thành Nhâm nhi chén rượu Mừng Anh Khóa về Trăm năm Giữ vẹn lời thề Tấm lòng ái quốc chẳng hề phôi pha Dâu son đậm nét Sử ca Tâm tư: Hai chữ nước nhà quang vinh Việt Nam thống nhất – thanh bình Hân hoan thỏa nguyện đẹp tình nhân dân
NGÀN PHƯƠNG * Những chữ in đậm là tựa đề những bài thơ của Cụ Á nam Trần Tuấn Khải
TAM SAO THẤT BẢN, MỘT TRUYỆN QUÁ Ư LÀ CÓ THẬT NGAY LÚC NÀY Cách đây ít ngày tôi có dịp lên thăm Lưu Niệm Đường của Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải để đề nghị với ái nữ của Cụ là nhà thơ nữ Lan Hinh đồng ý để CLB Sách Xưa & Nay của chúng tôi tới thăm viếng cụ vào ngày thứ Bảy 19-7-2008. Vì biết rằng CLB chúng tôi có những thành viên có tài liệu về Cụ Á Nam, nhà thơ nữ Lan Hinh đã chuyển cho chúng tôi một số sách giáo khoa có sử dụng một số câu thơ của cụ Á Nam để dạy trong chương trình học. Bà phàn nàn rằng các câu thơ của cụ đã bị in sai với nguyên bản rất nhiều và có ý nhờ chúng tôi kiểm tra lại hộ. Sau khi kiểm tra, chúng tôi quả đã thấy là truyện tam sao thất bản là có thật và dưới đây chúng tôi xin đưa ra 4 trường hợp điển hình cho thấy rõ là các câu thơ đã được in ra khác hẳn các câu trong nguyên bản. Để chứng minh, chúng tôi xin đưa ra đây bản photo các câu trong nguyên bản, và bản photo những câu được in ra trong các sách giáo khoa vào ngay lúc này: Trường hợp 1: Sách THIẾT KẾ BÀI HỌC NGỮ VĂN 8 THEO HƯỚNG TÍCH HỢP của tác giả HOÀNG HỮU BỘI – Nhà Xuất Bản Giáo Dục – 2004. Trang 174 dòng 5 và dòng 6 từ trên xuống: “Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất, Sông Hồng Giang nhường vật cơn sầu,”
Và dòng thứ 10 từ dưới lên:
“Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây…” Trong khi nguyên bản thì hai câu trên và câu thứ ba ở dưới như sau đây: “Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất, Sóng Long giang nhường vật cơn sầu;” “Ngọn cờ độc lập máu đào còn giây” (Xin xem hai bản photocopy đề Tài liệu 1) Trường hợp 2: Sách THIẾT KẾ BÀI DẠY NGỮ VĂN 8 TẬP 1 (Theo chương trình Sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo) Các đồng tác giả LÊ XUÂN SOẠN – LÊ PHƯỢNG LIÊN – Nhà XB Đại Học Quốc Gia TP HCM 2005. Trang 177 dòng 9 từ dưới lên: “thăm thẳm như sông Hồng giang…”
Trong khi nguyên bản thì câu thơ ở trên như sau đây: “Sóng Long giang nhường vật cơn sầu” Sóng Long giang đương nhiên là chẳng ăn nhậu gì tới sông Hồng giang (Xin xem hai bản photocopy mang chữ Tài liệu 2) Trường hợp 3: Sách “Những bài văn hay THCS – 100 bài làm văn hay lớp 8 – Dùng cho học sinh trung bình và bồi dưỡng học sinh khá-giỏi” – NXB Tổng hợp Đồng Nai của nhóm đồng tác giả LÊ XUÂN SOẠN (chủ biên) - NGUYỄN THỊ HAI – TRIỆU ÁNH HỒNG - NGUYỄN THỊ VỤ. Trang 73 – Dòng 8 và 9 từ dưới lên: “Cõi giời Nam gió thổi đìu hiu, Bốn bề hổ thét chim kêu” Trong khi nguyên bản thì như dưới đây: “Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu Bốn bề hổ thét chim kêu” Đương nhiên “gió thảm” chả dính dáng gì tới “gió thổi”. (Xin xem hai bản photocopy mang chữ Tài liệu 3) Trường hợp 4: Sách “Chuyên đề văn trung học cơ sở - NHỮNG BÀI LÀM VĂN MẪU 8 TẬP 1 – NXB TỔNG HỢP TP HCM - của tác giả TRẦN THỊ THÌN” Trang 218 dòng 9 từ trên xuống: “Sóng Hồng Giang nhường vật cơn sầu” Và dòng 4 từ dưới lên: “Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây…” Trong khi nguyên bản 2 câu thơ trên như sau đây: “Sóng Long-giang nhường vật cơn sầu” và “Ngọn cờ độc lập máu đào còn giây” Cuốn này khá hơn một tí vì đã dùng chữ Sóng thay vì chữ Sông như ở 3 trường hợp trước, nhưng vẫn là Sóng Hồng giang chứ không phải là Long Giang như trong nguyên bản. Xin xem Tài liệu 4. Như vậy việc “tam sao thất bản” quả nhiên quá ư là thật. Ước mong sao các giới có thẩm quyền ghé mắt xem lại để cho các câu thơ được trích dẫn cho đúng với nguyên bản. Đồng thời nếu chúng ta thật sự muốn làm vui lòng Cụ Á Nam ở “cõi thực” thì xin lưu tâm đến một việc nữa là: Cụ Á Nam qua đời năm 1983, tức là mới 25 năm trước, vậy thì hình như bản quyền thơ văn của Cụ theo đúng tinh thần công ước Berne mà chúng ta đã ký THÌ CỤ, NGHĨA LÀ CON CHÁU CỤ CÒN PHẢI ĐƯỢC HƯỞNG TÁC QUYỀN TRONG NHỮNG 25 NĂM NỮA, tuy nhiên chuyện này chưa hề được những người in và dẫn thơ văn của cụ vào tác phẩm của mình NGHĨ TỚI BAO GIỜ CẢ. Người viết ước mong chuyện này sẽ nhanh chóng được giải quyết văn minh, công bằng và tốt đẹp. Mong lắm thay! Vũ Thư Hữu NHÂN DỊP ĐẠI LỄ VESAK Nhân ngày Đại lễ VESAK mừng Đức Thích Ca Thành Đạo, một sự kiện lịch sử lớn được Liên Hiệp Quốc tổ chức hàng năm, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Chúng ta thử có một cái nhìn khái quát xem con đường tu hành của Đức Thích Ca như thế nào? Ngài đã Đắc những gì gọi là “Đắc Đạo”? Mục đích của Ngài khi phổ biến đạo đó? Đạo đó dạy những gì để dù Ngài đã nhập diệt theo Phật lịch đã là 2.552 năm mà vẫn được người đời ca tụng như thế. Phụ Bản III Ai cũng biết Đạo được Đức Thích Ca Đắc và truyền lại được gọi là ĐẠO PHẬT. Bắt nguồn từ một cái Nhìn và sự ưu tư của Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta được gắn liền theo tiểu sử của Đức Thích Ca sơ lược như sau: Ngài là con của một tiểu vương của nước Ấn Độ. Lúc mới sinh đã được một vị quan chiêm tinh tiên đoán là lớn lên Ngài sẽ đi tu. Chính vì lời tiên đoán đó mà vua cha cấm không cho Ngài ra khỏi thành để khỏi trông thấy những cảnh tượng làm cho ngài phải buồn phiền. Ở trong thành tất nhiên Ngài luôn được nhìn thấy những cảnh vui suớng, mọi thứ đều đầy đủ hơn người. Ngài rất thông minh, đẹp trai, học rất giỏi mọi ngành nghề. Vợ Ngài là một công chúa rất xinh đẹp, đã từ chối lời cầu hôn của nhiều hoàng tử khác để chọn Ngài. Hai người đã có với nhau một con trai. Trong một lần dạo chơi ngoại thành, Thái Tử Sĩ Đạt Ta trông thấy người già yếu, người bịnh, người chết, làm cho Ngài xúc động mãnh liệt. Ngài đã hỏi viên quan đi hầu cận là bản thân ngài có tránh khỏi những điều đó hay không? Viên quan trả lời là tất cả mọi người, dù sang, hèn, sướng, khổ, không ai tránh khỏi cảnh đó. Khi về thành, Ngài suy nghĩ mãi xem có cách nào để thoát khỏi những cảnh đó không. Thấy rằng nếu mãi vương vấn vợ con và việc triều chính thì không thể nào tập trung để suy tư nên Ngài đã quyết định bỏ thành trốn đi, gia nhập vào hàng ngũ những người tu đương thời để quyết tâm tìm cho ra đáp án điều Ngài đang trăn trở. Sáu năm học với Sáu vị Thầy giỏi nhất đương thời. Với mỗi vị thầy Ngài đều học được hết những tuyệt kỹ của họ và được yêu mến đến nỗi vị nào cũng muốn Ngài ở lại để phụ tá cho họ, sẵn sàng chia bớt học trò cho Ngài, nhưng Ngài vẫn từ chối vì muốn tìm cho được mục đích mà mình đã đặt ra. Thời gian học đạo, Ngài đã hành đủ thứ kiểu nào là khổ hạnh, ép xác, lõa thể, nhịn đói, khát… và đắc được nhiều phép thần thông nhưng vẫn không tìm ra lời Giải đáp cho mình. Cuối cùng Ngài thấy rằng: “tinh thần không thể minh mẩn trong một thể xác yếu đuối” nên quyết định nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò rồi trải một tòa cỏ ngồi bất động dưới một cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện “Sẽ không đứng dậy khi nào chưa tìm ra con đường để thoát khổ” Rạng sáng đêm thứ 49, Ngài tìm ra được lời Giải đáp và đã đứng dậy hân hoan tuyên bố: “Ta lang thang trong vòng bao nhiêu kiếp, tìm mãi không gặp kẻ làm nhà. Hỡi kẻ làm nhà, từ nay ta đã gặp được ngươi rồi. Người không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của người đã gảy vụn, rui mè của người đã tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến vô thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn Giải thoát”. Con đường Ngài tìm được gọi là Đạo Phật. Nghĩa của Đạo Phật là “CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT” và dùng biểu tượng là Hoa Sen vì hoa này không nhiễm bùn dù sinh ra, lớn lên từ bùn, nói lên được tính cách của người tu theo Đạo Phật, dù được sinh ra, sống trong phiền não nhưng nhờ sự thanh lọc của Đạo Phật mà không còn bị phiền não làm cho ô nhiễm nữa. “ĐẠO” mà Ngài “ĐẮC” được không phải là một tôn giáo, mà có nghĩa là CON ĐƯỜNG, và PHẬT không phải để nói về Phật Thích Ca hay các vị Phật khác, mà đó là TÌNH TRẠNG GIẢI THOÁT KHỎI PHIỀN NÃO. Tình trạng này tất cả mọi người đều có thể đạt được nên Ngài đã Thọ Ký: “TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH, CHÚNG SINH LÀ PHẬT SẼ THÀNH”. Có lẽ thắc mắc mà mọi người đều muốn được Giải tỏa chính là: “Kẻ làm nhà” mà Đức Thích Ca gặp được trong thời gian Thiền Định đó là ai? Tại sao chỉ cần thấy được hắn là hắn thôi không được làm nhà nữa và người thấy tuyên bố là “Đắc Đạo”? Con đường hay “Đạo” mà Đức Thích Ca dứt bỏ tất cả, cương quyết tìm cho ra: đó là thủ phạm đã làm ra thảm cảnh SINH, LÃO, BỊNH, TỬ đè nặng lên kiếp người. Vì vậy, khi Ngài khám phá ra thì gọi là “Đắc đạo”.Thủ phạm đó chính là CÁI TÂM VÔ MINH. “Nhà” mà hắn đã xây là NHÀ LỬA TAM GIỚI tức là THAM, SÂN và SI. Chính đó là nguyên nhân của Sinh Tử không phải của chỉ một kiếp, mà triền miên, hết kiếp này lại đến kiếp khác nên gọi là Luân Hồi. Cho nên, khi thấy được thủ phạm, tịch thu nguyên vật liệu của hắn thì hắn sẽ không xây nhà được nữa, gọi là được “Giải Thoát”. Có người gạn rằng Đức Phật Thích Ca nói rằng Thoát Sinh Tử sao bản thân Ngài cũng đã chết, cũng Trà Tỳ chỉ còn Xá Lợi ? Điều đó phải qua quá trình tìm hiểu rõ ràng về SINH TỬ theo Đạo Phật Diễn Giải. Theo Đạo Phật, cảnh Sinh Lão, Bịnh Tử là nói về hành trình của một kiếp sống mà Đạo Phật gọi đó là diễn tiến khởi đầu và kết thúc của cái Thân Tứ Đại. Theo sự phân tích của Đức Thích Ca, trong mỗi con người gồm có 2 phần: 1/- Một phần là cái Thân bằng xương thịt, kết hợp bằng 4 món: ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA mà Ngài gọi là TỨ ĐẠI. Cái Thân này là do Nghiệp Quả tạo thành, chỉ tồn tại nhiều lắm là 100 năm. Hết Duyên, hết Nghiệp nó sẽ bị hư hoại. Người mê lầm, sống bám vào đó, làm mọi việc do nó sai sử, thấy nó là MÌNH, nên khi nó SỐNG thì thấy MÌNH ĐANG SỐNG. Khi nó hết Duyên, hết Nghiệp phải tan rả, thì thấy MÌNH CHẾT, gọi là BỊ SINH TỬ. 2/- Trong thân này còn có một phần khác, VÔ TƯỚNG, gọi là CÁI TÂM hay là Ý THỨC. Chính cái này mới là cái TA THẬT, Thường Còn, không Sinh, Diệt, và cũng là bộ phận đầu não điều khiển mọi hoạt động của cái THÂN. Bản chất nó là thanh tịnh, không ô nhiễm, không vướng mắc. Người nào tìm được nó, trụ ở đó thì không còn thấy mình là cái Thân phàm, mà biết đó là THÂN NGHIỆP chỉ đi theo mình kiếp này mà thôi. Vì thế, dù sống với nó, nhưng không bám lấy nó, không để cho nó làm chủ mình mà chỉ sử dụng nó như một phương tiện để tìm Con Đường Giải Thoát. Khi nó hết Duyên, hết Nghiệp mà tan rả thì biết rằng đó là Cái Thân Giả Tạm ra đi, MÌNH là cái TA THẬT vẫn trường tồn nên gọi là THOÁT SINH TỬ. Nhưng vì từ khi nhận lấy cái THÂN Nghiệp, CÁI TÂM MÊ LẦM đã cho đó là MÌNH, vì thế, mỗi kiếp sống, trong khi trả Nghiệp cũ thì lại tiếp tục vay cái mới. Cứ như thế mà VÒNG LUÂN HỒI triền miên diễn ra. Hết SINH lại DIỆT, Diệt rồi lại Sinh vòng quanh theo SÁU ĐƯỜNG: Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh, Atula, Nhân, Thiên… tùy theo Nghiệp Lực đã gây tạo cho tới khi nào thấy được cái TA THẬT, chặt đứt được vòng Luân Hồi thì gọi là được Giải Thoát. Công việc này mỗi người tự mình hành động, không thể nhờ hay cầu xin ai làm giúp nên gọi là ‘TỰ ĐỘ”. Kết quả là không những ở hiện kiếp mà những kiếp về sau - nếu có - cũng được an vui, gọi là Niết Bàn. Chính việc hướng con người về cái Thiện, ngưng tạo ác, sử dụng thời gian tồn tại một cách tốt đẹp, không hại người, hại vật, trái lại còn giúp đỡ mọi người, để cuộc sống tạm này tất cả đều được an vui nên Đức Phật Thích Ca luôn được người đời tri ân. Tuy nhiên, do mọi người không dễ dàng từ bỏ những thói quen cũ đã huân tập từ vô lượng kiếp, vì thế Đức Thích Ca phải đặt ra GIỚI như một vòng đai, để người tu ngưng chạy theo sự điều động của cái THÂN, bởi sở dĩ con người đã SÁT SINH, đã muốn chiếm đọat những thứ thuộc về người khác (Đạo). Tham lam không biết đủ, từ dâm dục vật chất, tiền bạc, cho tới danh uy. Làm sai quấy nhưng lại muốn được tôn trọng nên phải VỌNG NGỮ. Khi Uống thì thích những thứ làm mờ lý trí (TỬU)…cũng chỉ là để phục vụ cho cái Thân hư dối. Những GIỚI này xét cho kỹ thì chỉ là “Những gì mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người”. Công việc tu hành dù được bày ra bằng nhiều cách thức để người tu tùy theo căn cơ của mình mà chọn lấy một cách phù hợp, nhưng tất cả cũng chỉ tập trung cải sửa nơi Thân và TÂM. Người tu cần nương theo kinh sách để lần theo dấu vết mà Đức Thích Ca và chư vị đi trước đã cắm mốc để lại, hành trì theo đó, để bản thân mình cũng đạt được mục đích như các vị. Hai Pháp quan trọng được các đời TỔ nối tiếp để truyền nhau nhau là TÂM và PHÁP. Người tu cần phải THẤY cái TÂM, biết rõ những lầm chấp của nó để giáo hóa nó, gọi là “Điều Phục” hay là “Độ Sinh” cho tới lúc cái Tâm trở lại tình trạng thanh tịnh gọi là hoàn thành Phật Quốc. Sau đó nếu muốn có được Thân Phật thì phải làm những việc để có những Tướng Tốt của Phật. (Đại Phương Tiện Phật Báo Ân trang 461). Thời Phật còn tại thế Ngài chỉ giảng, không có viết sách để lại, mà những bộ Kinh đều được viết sau khi Phật nhập diệt. Lần kết tập đầu tiên sau khi Phật nhập diệt khoảng 4 tháng. Lúc đó do 500 vị A La Hán dưới sự chủ trì của Ngài Ca Diếp, và chính Ngài Anan - người thời Phật còn tại thế đã mệnh danh là “Người nghe pháp của Phật rồi kể lại như nước trong bình rót ra không sót một giọt” kể lại, được những vị đệ tử còn lại xác minh, ghi lại thành hai Bộ: Kinh và Luận, còn Bộ LUẬT là do chính Ngài UPALI thời Phật còn sinh thời được gọi là “Đệ nhất trì Giới” ghi lại. Lần thứ hai là sau 100 năm do 700 vị Thánh Tăng kết tập tại thành Vesali, đời vua Vicoca. Lần kết tập này do có nhiều bàn cãi nên sau đó chia ra thành hai nhóm: Một nhóm bảo thủ, cương quyết giữ đúng truyền thống như Phật đã dạy ngày trước gọi là Phái TRƯỞNG LÃO BẢO THỦ (Sthavitra-Théravada). Một nhóm cải cách, có thêm, bớt, thay đổi cho dễ tu hành gọi là ĐẠI CHÚNG CẢI CÁCH (Mahasanghika). Lần kết tập thứ Ba cách lần trước 118 năm, nhằm năm 233 trước Tây Lịch dưới thời Hoàng Đế A Dục do 1000 Thánh tăng nhóm họp tại đền vua, mục đích củng cố Tam tạng: Kinh, Luật, Luận và sa thải những phần tử xấu trong tăng hội, và phái các bậc Thinh Văn đi sang các nước lân cận giảng pháp. Kết quả là rất nhiều kẻ lợi dụng hình tướng tu hành bị trục xuất... Một số được cử đi truyền đạo ở các nước lân cận. Chính con của vua A Dục là Đại Đức Mahinda đem pháp bảo sang khẩu truyền tại đảo Tích Lan. Lần kết tập thứ Tư: Do Đại Đức Mahinda tổ chức tại Đảo Tích Lan. Hai lần kết tập sau đó cũng tại TÍCH LAN Nói về việc KẾT TẬP thì việc ghi chép lại những gì được chính tai nghe Phật thuyết, thì chỉ có lần đầu tiên do chính Ngài Anan ghi lại, có sự giám sát của Ngài CA-DIẾP là người được Đức Thích Ca truyền Y BÁT, có sự xác nhận của những đệ tử khác của Phật mới xứng đáng gọi là KẾT TẬP. Những Bộ Kinh đó mới là chính xác nhất. Những lần Kết Tập về sau cách xa hàng trăm năm, chỉ để ghi lại những gì đã được nghe do các vị đi trước truyền lại ắt là không khỏi tam sao thất bổn so với lời Phật thuyết. Vì thế khi tìm tài liệu để học hỏi, ta chỉ nên đọc những Kinh, sách được viết ra bởi những vị Tổ được truyền Y Bát mới không sợ sai lạc, vì biết bao nhiêu lớp người đi trước, kể cả những người hiện đời, chứng đắc hay không, hiểu đúng hay sai cũng viết ra hàng loạt sách luận Giải được bày bán tràn lan, không còn có thể phân biệt chân, giả nữa. Chính vì vậy mà hiện nay đa phần thay vì TU PHẬT thì mọi người lại THỜ PHẬT mà không hay! Trong khi chính Kinh viết: “PHẬT LÀ VÔ TƯỚNG, DO VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC MÀ THÀNH”, dạy người tu dùng những Hạnh mà Phật dạy để đúc, tạc, chạm, khắc tượng Phật nơi Tâm, thắp Ngũ hương là Hương Giới, Hương Định, Hương Huệ, Hương Giải Thoát, Hương Giải Thoát Tri Kiến để TỰ ĐỘ thì ít người thực hiện, lại chỉ truyền nhau dùng vàng, bạc, đồng, xi măng, gỗ… đúc tạc tượng có tướng cho to, đẹp, rồi đốt hương thế tục để thờ lạy, cầu xin “Được Độ”. Kinh dạy Phật Quốc của mỗi người ở nơi Tâm của mỗi một, tự mình độ chúng sinh của mình để hoàn thành, thì nhiều người lại cúng bái, cầu xin đuợc về nước Phật của người khác! Nếu có đọc, có tìm hiểu kỹ Chính Kinh, mọi người sẽ thấy rằng PHẬT là TÌNH TRẠNG GIẢI THOÁT nơi TÂM của chính người tu hành. Như thế làm sao ta có thể mong chờ TÌNH TRẠNG GIẢI THOÁT của Đức Thích Ca hay của vị nào khác phù hộ cho ta được? Phật Quốc của ai ở nơi TÂM người đó, làm sao ta có thể vào được PHẬT QUỐC của Đức Thích Ca hay Đức A-Di-Đà? Cũng do thiếu tư duy nên mọi người quên nghĩ: Nếu Đức Phật Thích Ca có thể ‘ĐÔ THA” thì người đầu tiên Ngài phải độ chính là con trai một. Vậy mà La Hầu La vẫn phải đi tu để tự độ, sao ta lại cầu mong Ngài Độ cho ta? Do Đức Thích Ca thấy rằng cuộc sống con người quá ngắn ngủi mà luôn bị những cảnh Khổ hành hạ. Cái Thân Tứ Đại chỉ tồn tại chừng 100 năm mà lại đi tranh dành nhau chút vật chất chỉ để phục vụ cho nó. Lúc chết, của cải bỏ lại nhưng Nghiệp Quả lại mang theo! Vì thế cho nên Ngài phải bày ra nhiều phương tiện để dẩn dụ, cho con người bớt theo đuổi, tìm cầu, rồi khi thỏa mãn chỉ được chút thú vui tạm bợ, thay vào đó thì quay vào Tâm của mình sẽ thấy sự thường lạc sẵn có, đầy đủ nơi đó. Nhưng do thời xưa ngôn ngữ còn hạn chế nên Ngài phải mượn hình ảnh bên ngoài để mô tả. Vì thế mà Kinh phải dặn dò: Y NGHĨA BẤT Y NGỮ, để người tu đừng nhầm lẫn ôm lấy Phương tiện mà không đạt được Cứu cánh của Đạo. Cho nên, việc mừng lễ Thành Đạo của Đức Thích Ca được tổ chức long trọng hàng năm là một tín hiệu đáng mừng, để thấy rằng về mặt hình thức Đạo Phật và người sáng lập dù đã trải qua mấy ngàn năm nhưng không bị con người lãng quên. Thế nhưng, đối với lời Thọ Ký “TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH, CHÚNG SINH LÀ PHẬT SẼ THÀNH” vẫn còn là vấn đề cần nghĩ thêm, bởi chẳng lẽ điều đó mãi mãi không thể thực hiện được, trong khi những việc cần làm để Thành Phật đâu có quá khó khăn theo lời Kệ của Kinh Viên Giác : “NHỮNG NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT, CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI, CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC, CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT”
Vì thế, hy vọng rằng dịp mừng lễ Phật Thích Ca Thành Đạo cũng là một dịp để người tu Phật tự xét lại cách, hiểu, hành, của bản thân, bởi rõ ràng Đức Thích Ca không phải là một vị thần linh giáng trần, mà Ngài hoàn toàn là một con người bình thường do cha mẹ sinh ra, đuợc nuôi dưỡng lớn lên, cũng học hỏi các ngành nghề, cũng có vợ con, như tất cả chúng ta. Ngài cũng cũng từng tu sai, hành nhầm. Điều duy nhất khác chúng ta là khi nhìn thấy CẢNH KHỔ của thân người, Ngài đã lo sợ rồi phát tâm đi tìm con đường Giải Thoát và kiên trì, tìm đủ mọi cách, học đủ mọi thầy cho tới lúc khám phá ra và hoàn tất con đường đó, không thối tâm. Khi chứng đắc cũng không kiêu mạn! Phần chúng ta, đã biết được cốt tủy của việc TU PHẬT là TU TÂM, Kinh sách là bản đồ, mọi người đều có thể nương theo đó để thực hiện cho chính mình để biết đâu đến lúc nào đó chúng ta cũng sẽ rủ sạch VÔ MINH để tự mừng cho sự THÀNH ĐẠO của chính mình. Điều đó mới thực sự mang một ý nghĩa lớn, không chỉ đối với chúng ta mà còn đối với người đã khai đạo, bởi đó mới chính là nguyện vọng của Đức Thích Ca theo lời Kệ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “XÁ LỢI PHẤT NÊN BIẾT. TA VỐN LẬP THỆ NGUYỆN. MUỐN CHO TẤT CẢ CHÚNG. BẰNG NHƯ TA KHÔNG KHÁC” (Tr.72) vậy. Tâm-Nguyện (Tháng 5/2008) NHÂN MÙA PHẬT ĐẢN Có lẽ Đức Phật Thích Ca, Cũng không hài lòng được mấy, Khi thấy hơn 2.500 năm rồi.. Ngài vẫn độc tôn mãi… Phải rồi, Ngài giáng sinh đâu phải để riêng thành, Mà là vì lợi ích khắp quần sanh, Mở CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT giữa VÔ MINH, “PHẬT QUÁ KHỨ LÀ TA. PHẬT VỊ LAI LÀ TẤT CẢ” Lời nói đó giờ trở thành xa lạ, Giữa những người mừng Phật của ai đâu! Đúng như thế! Phật của Thích Ca đã sinh, Phật trong ta còn ở mãi nơi nào? Mừng lễ Phật có bao giờ ta tự hỏi: Này cờ, quạt, hoa đăng mừng mở hội, Hoa lòng ta khép kín đợi bao giờ? Tâm-Nguyện (08.07.1987)
XƯỚNG HỌA THƠ ĐƯỜNG VÀ “TỬ VẬN” Trong dịp kỷ miệm 100 năm ngày mất của nhà Nho Cách mạng Lương Trúc Đàm vừa qua, nhà thơ Thùy Dương có ra một bài thơ mời họa “khuyết đề” trong đó có chữ giống nòi được nhiều người cho là “tử vận”. Như chúng ta đã biết, họa thơ cấm không được dùng chữ thứ 6 tức chữ áp vận, mà ngoài chữ giống ra, khó tìm được chữ nào để ghép với chữ “nòi” nên nhiều người đành chịu chết, đầu hàng dù muốn họa. Nhưng nhà thơ Thùy Dương bảo chị không cố ý ra tử vận, đó chỉ là vô tình, vì thơ mời họa ai cũng mong có được càng nhiều bài đáp họa càng hay. Tuy vậy chị cũng cho biết rất nhiều thi hữu họa thoát vận được chữ “nòi”. Nhân đây, người viết xin kể lại một giai thoại vui vui về xướng họa thơ Đường và “tử vận”: Xưa có một nhà Nho rất hay chữ, hay thơ, nhưng lại rất nghèo, nghèo đến nỗi 5,6 tháng trời không có tiền trả tiền thuê nhà nên bị đuổi nhà phải ra sân đình, bờ đê dựng lều ở. Một ông bạn có ý chơi khăm bèn làm một bài thơ chia buồn cùng nhà nho đồng thời mời ông họa. bài thơ có câu chót như sau: “Nào ngờ mặt đất cũng lênh đênh” Nhận được bài thơ, nhà Nho cứ suốt ngày gãi đầu bứt tóc, đứng ngồi không yên, vỗ trán đôm đốp mà không tìm ra được chữ nào ngoài chữ “lênh”. Rồi một hôm người ta thấy nhà Nho hết gãi đầu bứt tóc, mặt vui tươi hẳn lên. Ai cũng tưởng ông đã tìm được nhà mới, đến mừng ông. Ông bạn tặng thơ và mời họa kia cũng đến. Nhà Nho liền đưa ra bài thơ đáp họa với 2 câu chót: Màn trời chiếu đất ta không ngán Chỉ ức sao mày hạ vận “đênh” Thế là nhà Nho của chúng ta đã họa thoát được tử vận “đênh”, chỉ vì quá ức ông bạn chơi khăm. HOÀI KHANH Các Bài họa Tưởng niệm Lương Trúc Đàm Về bài thơ “Khuyết đề” của Thùy Dương, xin chân thành cám ơn quý thi hữu đã gửi bài họa về để tưởng niệm nhà Nho yêu nước Lương Trúc Đàm. Vì khuôn khổ của bản tin, kỳ này chúng tôi chỉ xin chọn đăng 8 bài. Còn lại sẽ đăng tiếp ở kỳ sau. Xin quý thi hữu tiếp tục gửi về để CLB Sách Xưa & Nay có được những bài thơ họa rất quý. Xướng họa thơ Đường là một trò chơi trí tuệ thanh cao. Không những nó thể hiện được khả năng trí tuệ mà còn ý chí vượt khó và chí khí con người, một trò chơi cao cấp bổ ích mà từ ngàn xưa tới nay chưa bao giờ được coi là lỗi thời cả. CLB Sách Xưa & Nay Bài họa số 1: Dấu ấn còn ghi Thiên định tiên sinh sớm biệt đời Tuổi xanh chí cả nghĩa nào vơi Non cao vời vợi khôn xây tiếp Bể rộng mênh mông khó đắp bồi Chiến Quốc Xuân Thu thời phải thế Sơn Hà Xã Tắc vận qua rồi Cù lao chín chữ chưa đền đáp Dấu ấn còn ghi xứng đáng nòi. Hoàng Thị Vinh – CLB hưu trí Q.3
Bài họa số 2: Tưởng niệm Mang tiếng nam nhi sống ở đời Tấm lòng yêu nước chẳng hề vơi Giang sơn nghĩa nặng chung vai gánh Xã tắc ơn sâu góp sức bồi Nghĩa Thục trường xưa công vẫn đó Địa Dư sách mới nguyện xong rồi Một nhà trung liệt lưu kim cổ Danh rạng trời Nam sáng rỡ nòi. Nguyễn Đình Tư
Bài họa số 3: Vô đề Gần một phần ba thế kỷ đời Đông Kinh Nghĩa Thục sức chưa vơi Chí trai Hồng Lạc lo gầy dựng Non nước Rồng tiên ráng góp bồi Trăm bảy mươi trang (1) lưu sách quý Hai mươi chín tuổi hiến thân rồi Nào ngờ vắn số người thương tiếc Sử sách còn ghi rạng rỡ nòi.
Xuân Yên – CLB Thơ ca Q.3 (1) Bề dày cuốn Nam Quốc Địa Dư do LTĐ soạn thảo Bài họa số 4: Đấng danh nhân Hai chín năm thôi: một mảnh đời Trông vời cố quốc, lệ khôn vơi Vườn hoa văn học lo vun quén Mảnh đất quê hương mải đắp bồi Những tưởng không lâu hờn trút sạch Nào hay một thoáng mạng vong rồi! Ngàn sau sử sách còn ghi chép Ấy đấng danh nhân của việt nòi!
Thanh Phong - CLB Hưu trí Q.3 Bài họa số 5: Cảm đề Tiếc thương tuổi trẻ hiến dâng đời Hai chín xuân xanh chí chửa vơi Nghĩa Thục tân dân cùng gánh vác Phong trào yêu nước cố xây bồi Non sông gấm vóc lòng còn nặng Ơn nghĩa mẹ cha ước lỡ rồi Mãi mãi bia son tên tuổi khắc Ngàn năm công đức rạng danh nòi.
Lưu Hoài Bài họa số 6: Tuổi xanh nhiệt huyết hiến dâng đời Nối bước cha ông mộng chẳng vơi Nam Quốc Địa Dư năng soạn thảo Đông Kinh Nghĩa Thục quyết vun bồi Lòng son trọn vẹn, tình chưa dứt Chữ hiếu dở dang chuyện đã rồi Ý chí Duy tân còn đẹp mãi Nghìn năm vang vọng sáng danh nòi.
Ngàn Phương – CLB Sách Xưa & Nay Bài họa số 7: Tuổi xuân hiến trọn Tuổi xuân vắn số biệt ly đời Hán học nguồn văn mãi chẳng vơi Lương Tộc trang thơ, tài giảng dạy Trúc Đàm mạch bút, trí vun bồi Tình nhà chữ hiếu, chưa đền đáp Nghĩa nước lòng trung, việc chửa rồi Để lại tâm người bao tiếng gọi Nêu dòng sử Việt điểm tô nòi.
Phước Hải Bài họa số 8: Tưởng nhớ Lương Trúc Đàm Hai chín tuồi xuân hiến trọn đời, Nhắc nhà Cách mạng, nhớ đầy vơi! Vẹn tình quê mặc trăng tròn khuyết, Sâu nghĩa nước lo đất lở bồi. Chí cả không sờn thề vẫy mãi, Lòng son chẳng thẹn nguyện lâu rồi. “Địa dư Nam Quốc”, “Đông Kinh” thục, Dân trí mở mang cứu Việt nòi.
Thanh Vĩnh Một nghi vấn về bốn câu thơ dịch trong bài thơ PHONG KIỀU DẠ BẠC của Trương Kế Sầu miên là giấc ngủ sầu hay là ngọn đồi Sầu Miên? Giang Phong là hàng cây phong hay là hai chiếc cầu Phong kiều và Giang Kiều? Sưu tầm của Lê Phương Chi *** Trước kia, có lần tôi đến thăm nhà thơ tiền chiến Vũ Hoàng Chương. Nhà ông ở trong một hẻm nhỏ nằm sau chợ Vườn Chuối, Quận 3, TP.HCM. Lúc nhàn đàm thơ văn và bàn về những nghi vấn trong bài Đường thi Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế. Nhà thơ họ Vũ cho là Thi bá Tản Đà vì chưa quán triệt địa hình địa vật bến Giang Tô thành thử dịch chưa sát câu thơ “Giang, phong ngư hỏa đối sầu miên”. Tuy rằng ông vẫn khen Tản Đà dịch 4 câu Đường thi ra thể thơ Lục bát rất tài tình: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên Giang, Phong ngư hỏa đối sầu miên Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Trăng tà tiếng quạ kêu sương Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San Sau khi đọc nguyên tác Phong Kiều Dạ Bạc và bài Lục Bát của Tản Đà dịch, ông nói: “Nhưng theo thiển ý, Sầu Miên không phải là giấc ngủ sầu mà phải là ngọn đồi tên Sầu Miên, hay là cái Miếu nhỏ, thì nhà thơ Trương Kế mới đem đối với lửa chài trên bến Phong Kiều. Vì trong nguyên tắc căn bản của Thơ Đường luật 8 câu 5 vần, thì cặp Trạng và cặp Luận đối nhau phải là vật hữu thể đối với hữu thể, phi vật thể với phi vật thể: chứ không thể nào đem giấc ngủ sầu là phi vật thể đối với vật hữu thể là lửa chài và hàng cây phong được”. Vũ quân nói tiếp: “Tôi cũng chưa đến Giang kiều, nhưng tôi linh cảm câu Giang phong ngư hỏa đối sầu miên mà Tản Đà dịch là Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ, thì chưa ổn”. Rồi ông lấy 2 câu Đường thi của Bà Huyện Thanh Quan làm thí dụ: Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt Nước còn cau mặt với tang thương Đá cũng trơn gan là vật hữu thể, đối với nước còn cau mặt cũng vật hữu thể. Cùng tuế nguyệt đối với tang thương là trừu tượng phi vật thể. Nghe nhà thơ Vũ Hoàng Chương lập luận tôi chịu là đúng. Sau đó tôi nhắc lại câu chuyện Phong Kiều Dạ Bạc, rồi hỏi: “Như vậy theo Vũ huynh thì vì sao nhà thơ tiền bối tài hoa của chúng ta lại dịch sai nguyên tắc căn bản Đường thi vậy?” Vũ Hoàng Chương phà một hơi khói thuốc, chiêu một ngụm trà, mỉm cười với tôi, thong thả nói: “Theo suy nghĩ của tôi, Thi sĩ Trương Kế chẳng khi nào đem hàng cây bên sông và lửa thuyền chài là vật thể hữu hình, đối với giấc ngủ sầu là phi vật thể… Có lẽ sầu miên là một vật thể gì đó, chẳng hạn một ngọn đồi tên là Sầu Miên nằm gần cầu Phong Kiều, hoặc là hòn cù lao Sầu Miên nào đó gần bến sông, thì Trương Kế mới đem vào thơ cho đối với lửa chài và hàng cây phong…” Năm xưa, tôi nghe thi sĩ tiền chiến họ Vũ luận giải cũng có lý, nhưng tôi vẫn phân vân. Mãi đến dịp gần đây, tôi được đọc một bài báo của Nguyễn Đức Hiển (NĐH), đăng trong tờ nguyệt san X. nước ngoài. Tác giả NĐH phân giải rất rõ về ngọn đồi Sầu Miên và hai cây cầu Phong kiều, Giang kiều trong câu thơ Giang, Phong ngư hỏa đối sầu miên. Tôi nhớ lại sự xét đoán của nhà thơ tiền chiến Vũ Hoàng Chương năm nào cũng gần đúng như vậy. Trong bài báo ấy, NĐH viết: “Tôi tìm trong các bản đồ Trung Quốc, riêng về địa phận Giang Tô, nơi có chùa Hàn Sơn, thấy có ngọn đồi Sầu Miên. Tôi lại tìm đọc thêm các sách về những danh lam thắng cảnh của Trung Quốc, được biết gần cầu Phong Kiều còn có cầu Giang Kiều. Như vậy, “giang, phong” không phải là hàng cây phong bên sông, mà là hai cầu Giang Kiều và Phong Kiều. Hay cây cầu này, tuy đứng chênh chếch nhau, song cũng cũng có thể gọi là đối xứng với một ngọn đồi Sâu Miên và lửa đêm thuyền chài trên bến Tô Châu…” Cũng trong bài viết ấy, NĐH cẩn thận ghi chú: Xin xem cuốn “Hàn Sơn Tử nghiên cứu” do tác giả Trần Tuệ Kiếm biên soạn. Như vậy chúng ta đã rõ, sở dĩ nhà thơ tiền bối Tản Đà dịch câu Giang phong ngư hỏa đối sầu miên trong Phong Kiều Dạ Bạc chưa đúng với nguyên tắc đối xứng của Thơ Đường luật là vì chưa am tường địa hình, địa vật xung quanh chùa Hàn San và bến Phong Kiều trên sông Giang Tô. Một điều thú vị nữa, là tác giả NĐH tiết lộ cách dịch thơ Phong Kiều Dạ Bạc theo đúng ý của tác giả trương Kế, đó là cách dịch của Thiền sư Hàn Sơn Tử sau đây: Nếu dịch câu thơ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền là “Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn” thì chưa đúng ý tác giả. Bởi vì ngôi thứ nhất trong câu thơ đã thay đổi thứ bậc, vì chủ thể của câu thơ này là tiếng chuông chứ không phải “nửa đêm” cũng không phải “người nằm ngủ nghe tiếng chuông”. Mà tiếng chuông phải đứng ở ngôi thứ nhất của câu thơ, rôi mới đến nửa đêm ở ngôi thứ nhì, và người nằm nghe tiếng chuông phải ở vị trí thứ ba. Như vậy mới đúng chủ ý của tác giả Trương Kế. Vì vậy, phải dịch 4 câu thơ Phong Kiều Dạ Bạc đúng như phương pháp của Thiền sư Hàn Sơn Tử đã dịch dưới đây: Thuyền đêm ghé bến Phong Kiều Bài 1: Quạ dục trời sương trăng xế bóng Núi sầu đèn cá, bến Giang, Phong Chùa Hàn đâu đó ngoài Tô trấn Chuông nửa khuya buông lọt nóp bồng Bài 2: Trời sương quạ dục trăng tà Núi sầu đèn cá hai bờ Phong, Giang Thành Tô ẩn Mái Hàn San Tiếng chuông dóng lọt con thuyền giữa khuya. (Thiền sư Hàn Sơn Tử) Qua bài thơ dịch Phong Kiều Dạ Bạc của Thiền sư Hàn Sơn Tử do Nguyễn Đức Hiển sưu tầm, chúng ta đã thấy đồi Sầu Miên và hai cây cầu Giang Kiều, Phong Kiều nằm gần bến Phong Kiều, là vật thể hữu hình đối nhau với lửa chài cũng là vật thể hữu hình, như vậy mới đúng theo luật Đường thi. Chỉ vì trước kia nhà thơ tài hoa tiền bối của ta (Tản Đà) chưa có dịp đi đến đất Giang Tô, vì không am tường địa hình địa vật ở vùng ấy, chưa nhìn tường tận ngọn đồi Sầu Miên với hai chiếc cầu Phong Kiều, Giang Kiều trên sông Giang Tô, thành thử dịch sai lệch mấy câu thơ như thế, cũng là lẽ đương nhiên mà thôi. LÊ PHƯƠNG CHI -2008 Phụ Bản IV Bổ sung bộ sưu tập thơ dịch HOÀNG HẠC LÂU Về bộ sưu tập thơ dịch Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vừa qua, tác giả NHH có cho biết trước, nhà thơ Thùy Dương cũng có sưu tầm được một số bài họa và bản dịch ra tiếng Anh. Nhưng kỳ trước vì bận lo cho buổi nói chuyện về nhà Nho yêu nước Lương Trúc Đàm nên chưa kịp đưa. Nay chị đưa thêm để bổ sung. Mong các bạn khác có sưu tầm được bài họa nào xin gửi về để CLB Xưa & Nay có được một bộ sưu tập dồi dào về một bài thơ xưa rất quý. THÔI HIỆU ? – 754 Người Biện châu (nay là huyện Khai Phong, Tỉnh Hà Nam – Trung Quốc). Đậu tiến sĩ năm thứ 13, niên hiệu Khai Nguyên (725) đời Đường Huyền Tông. Làm đến chức Tư Huân Viên Ngoại Lang.
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản Bạch vân thiên tải không du du Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ Phương thảo thê thê Anh Vũ châu Nhật mộ hương quan hà xứ thị Yên ba giang thượng sử nhân sầu THÔI HIỆU
Hoàng Hạc Lâu: ở trên ghềnh đá Hoàng Hộc, tại huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Tích nhân: theo sách Tề hài chí, người cưỡi hạc vàng qua nơi này là vị tiên Tử An. Anh Vũ châu: bãi Vẹt, ở trong sông Trường Giang, phía tây nam huyện Vũ Xương. Lầu Hạc Vàng (dịch nghĩa) Người xưa đã cưỡi chim hạc vàng từ chỗ này bay đi; ở đây chỉ còn lại tòa lầu tên là Hạc Vàng. Hạc vàng một khi đã đi rồi, không trở lại nữa; mây trắng vẫn bay man mác ngàn năm. Hàng cây đất Hán Dương nổi bật bên dòng sông quang tạnh; cỏ thơm mọc tươi tốt trên bãi Anh Vũ. Lúc chiều tối, tự hỏi: Quê nhà ở nơi đâu? Khói sóng trên sông khiến người buồn bã. Tương truyền Lý Bạch khi qua chơi Lầu Hoàng Hạc, đọc bài thơ này có làm 2 câu sau: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu Trước mắt có cảnh, nói không được. Vì thơ Thôi Hiệu đề bên trên. Bài số 12: Hoàng Hạc Lâu Người xưa cưỡi hạc chẳng lưu tang Bỏ lại trơ không Gác Hạc Vàng Hạc quý đi rồi không trở lại Mây buồn trôi dạt mãi lang thang Hán Dương nước lặng cây in bóng Anh Vũ hương thơm cỏ biếc ngàn Chiều tối quê nhà đâu khuất nẻo? Vương sầu khói sóng mịt trường giang Thùy Dương Bài số 13: Hoàng Hạc Lâu Người xưa cỡi hạc đi rồi, Còn Lầu Hoàng Hạc bên trời trơ vơ Hạc không trở lại bao giờ Nghìn thu mây trắng lượn lờ quanh đây. Hán Dương lạnh, chiếu bóng cây Bãi Anh Vũ cỏ thơm đầy xa xa Hoàng hôn che khuất quê nhà Khói trên sông khiến lòng sa cung sầu. Tâm Nguyện (12/6/2008) Bài số 14: Người cỡi hạc vàng đi mãi mãi Để Lầu Hoàng Hạc đứng trơ vơ Hạc vàng biền biệt. Không quay lại Mây trắng nghìn thu vẫn đợi chờ Trời lạnh Hán Dương sông phản chiếu Bãi Anh Vũ cỏ mởn non tơ Quê hương xa khuất trong đêm tối Khói tỏa sóng vờn dạ ngẩn ngơ. NGÀN PHƯƠNG Bài số 15: Người xưa cỡi hạc bay xa thẳm Lầu Hạc Vàng còn dáng tịch liêu Hoàng hạc đã đi ngoài vạn dăm Nghìn thu mây bạc vẫn đăm chiêu Hán Dương soi bóng trên sông lạnh Anh Vũ cỏ thơm mượt mỹ miều Trời tối quê hương đâu chẳng thấy Mặt sông khói sóng tỏa buồn hiu NGÀN PHƯƠNG Bài số 16: Người xưa cưỡi hạc tít chân mây Lầu Hạc Vàng còn trơ lại đây Hạc đã bay đi không trở lại Làn mây bạc lởn vởn nơi này Hán Dương phản chiếu trên sông lạnh Anh Vũ cỏ xanh thơm ngất ngây Xa khuất quê hương trời tối mịt Người buồn khói sóng nhẹ nhàng bay. NGÀN PHƯƠNG Bài dịch số 1: THE YELLOW CRANE TERRACE Where long ago a yellow crane bore a sage to heaven. Nothing is left now but the Yellow Crane Terrace. The yellow crane never revisited earth. And white clouds are flying without him for ever. …Every tree in Han-yang becomes clear in the water. And Parrot Island is a nest of sweet grasses; But I look toward home, and twilight grows dark With a mist of grief on the river waves. Tsuêi Hao (Translated by Witter Bynner) (POEMS of the TANG DYNASTY – Trần Trọng San) Bài dịch số 2: THE YELLOW CRANE PALACE Here formerly, a man on a yellow crane flew in space, Leaving behind this bare terrace - The Yellow Crane Palace. The yellow crane, once leaving, would never return, Yet white clouds kept on floating, ever since forlorn. Old trees look so clear on calm water, along Han Yang bank, Yong grass grow verdant, sending fragrance over Parrot Island. But twilight suddenly makes me feel homesick! Upon the river, my view gets blurred through a sad veil of mist. Translated by Thùy Dương Về bản dịch Kiều của dịch giả Thùy Dương, qua 2 kỳ với 80 câu, có nhiều độc giả gọi điện thoại về hưởng ứng nhưng có vài bạn đề nghị cho đăng mỗi kỳ dài hơn vì nếu mỗi tháng độ trên dưới 40 câu thì phải 6-7 năm mới được đọc hết bản dịch Kiều của Thùy Dương! Có bạn lại đề nghị trích đăng những đoạn hay trong Truyện Kiều với lời dịch của Thùy Dương. Do đó để làm hài lòng một số quý bạn kỳ này chúng tôi cho đăng một đoạn khá dài (66 câu) mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cho là đặc sắc trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vũ Anh Tuấn TRUYỆN KIỀU Tiếc thay một đóa trà mi, Con ong đã tỏ đường đi lối về! Một cơn mưa gió nặng nề, Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương! Đêm xuân một giấc mơ màng, Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ! Nỗi riêng tầm tã tuôn mưa, Càng căm nỗi khách, càng nhơ nỗi mình! Tuồng chi là giống hôi tanh! Thân nghìn vàng để ô danh má hồng. Thôi còn chi nữa mà mong, Đời người thôi thế là xong một đời! Oh! Poor camellia! How regretable for a noble flower When the bee had already known the way to and fro! A heavy storm rushed to fall upon her! Regardless of the feebleness and perfume of the fragile pearl. Right in a Spring night, she had an awake nightmare Beside flowery torches (1) she lay there, exhausted and bare. Then lonely grievance broke into torrential tears, She felt disgusted at her body stained with smears! “What a repugnant dirty animal!”, she cried indignantly, “This body of gold purity is now torn down disgracefully! “Well, there is nothing left in me to hope for, “It’s all over, my life is thus ended from this very hour!” --------------------- (1) Flowery torches: traditional formal decorations for a wedding night room Giận duyên tủi phận bời bời, Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh Nghĩ đi nghĩ lại một mình Một mình thì chớ hai tình thì sao? Sau dù sinh sự thế nào Truy nguyên chẳng khỏi lụy vào song thân Nỗi mình âu cũng giãn dần Kíp chày thôi cũng một lần mà thôi Những là đo đắn ngược xuôi Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường Lầu mai vừa rúc còi sương Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi Đoạn trường thay lúc phân kỳ Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh. She felt angry at her fate, bitter for her destiny, Holding a knife, she intended to end her life instantly. But thinking again and again, she felt hesitating, It’s not about herself but her parents that she should be thinking. Later if ever something troublesome happens, It couldn’t avoid involving her old parents. Her painful wound would be soon fading away, Sooner or later any girl had to suffer it one day. She hadn’t finished balancing unfavorable results When already the cocks’crows noisily sounded beyond the walls. No sooner had the watchtower horn yelled its thrilling blow Than Mã Sinh’s voice already rose, urging her to go. What a heart-breaking moment of separation! Carriage and horse staggering on a road tortuous and uneven! Bề ngoài mươi dặm tràng đình Vương ông mở tiệc tiễn hành đưa theo. Ngoài thì chủ khách dập dìu, Một nhà huyên với một Kiều ở trong, Nhìn càng lã chã giọt hồng, Rỉ tai nàng mới giãi lòng trước sau: “Hổ sinh ra phận thơ đào “Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong? “Lỡ làng nước đục bụi trong “Trăm năm để một tấm lòng từ đây “Xem gương trong bấy nhiêu ngày “Thân con chẳng khỏi mắc tay bợm già “Khi về bỏ vắng trong nhà “Khi vào dùng dắng khi ra vội vàng “Khi ăn khi nói lỡ làng “Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh. They soon arrived at an inn some ten miles away. Where Mr. Vương opened a farewell banquet the same day. Outside, hosts and guests exchanged their merry greetings Inside, the bride and her mother whispered their bitter feelings. They looked at each other through torrential tears Kiều told her mother all her confidence she had so long to bear: “Oh, Mother! I am ashamed of being a frail flower, “I don’t expect in this life I can pay my debt to you and Father “Now that dust becomes clear and pure water gets muddy (1) “This is my whole heart I can pay you from now to eternity! “As I noticed on this man during recent days, Mother, “I couldn’t avoid falling in the hand of that old trickster! “The first day of our union, he left me alone in the house, “Then silently he managed to go out somewhere around. “Coming in, he seemed confused and uneasy, “Getting out, he always left in a hurry. “He was very clumsy in talking as well as in eating, “Even his servitors didn’t pay him any respect but despising. ------------------ (1) Dust becomes clear, pur water gets muddy, She was fallen into a paradoxical adversity . “Khác nào người quý kẻ thanh “Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn “Thôi con còn nói chi con “Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người!” Vương bà nghe bấy nhiêu lời, Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên! Vài tuần chưa cạn chén khuyên Mái ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe Xót con lòng nặng chề chề, Trước yên ông đã nằn nì thấp cao: “Chút thân liễu yếu thơ đào “Rớp nhà nên mới mắc vào tôi ngươi “Từ đây góc bể chân trời “Nắng mưa thui thủi quê người một thân “Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân “Tuyết sương che chở cho thân cát đằng”. “His manner was different from those of gentlemen, “He looked like, I might say, quite a vulgar merchant! “Oh, Mother! My life is thus hopeless from this moment, “Alive, striving on a foreign soil, dead buried in a strange land!” Listening to these doleful words, Mrs Vương got stricken, She wanted to scratch the sky to cry out this injustice to Heaven! No sooner had she found any word to lessen her daughter’s grief Than Mã Sinh already urged the bride to get on carriage Feeling bitter for her daughter, the old man rushed out, Before the saddle he insisted, his deep voice aloud: “Please, have pity on her, a feeble willow, a frail flower, “Due to the family’s calamity, she is put under your orders. “From now on at a sea corner or under remote skies, “She will be lonely on rainy or sunny days alike. “Like a mistletoe under the foilage of a pine-tree, “Please protect her from mist and snow with your generosity”. Cạn lời khách mới thưa rằng: “Buộc chân thôi cũng xích thằng nhuốm trao “Mai sau dù có thế nào “Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần” Đùng đùng gió giục mây vần Một xe trong cõi hồng trần như bay Trông vời gạt lệ chia tay Góc trời thăm thẳm ngày ngày đăm đăm. “Don’t worry, old Father”, the man said, “Our feet have been linked together by hymen thread. “Later, whatsoever happens to her by my treachery, “The Solar and Lunar mirrors, the devil knives are there to judge me”. Then winds and clouds noisily blew out the carriage Among the dusty world, the vehicle seemed to fly at high speed. Looking behind from a long distance, Kiều wiped her tears, Good-bye now! Good-bye to dearest ones and all the nice sourvenirs! From now on, she would come to live under some sky corner. Day after day, loneliness and endless sorrows would follow her. THÙY DƯƠNG
THẾ GIỚI CÓ THỂ BỊ TIÊU DIỆT KHÔNG?... VÀ NHƯ THẾ NÀO? Vũ trụ có tồn tại mãi không? Bất cứ cái gì có sinh thì phải có tử, có xuất hiện phải có tiêu diệt. Vậy trái đất sẽ bị diệt vong. Nhưng diệt vong như thế nào? Trước hết ta phải phân biệt những tiếng gọi thế giới (le monde) và trái đất (la terre). Thế giới không phải chỉ là trái đất chúng ta ở nhưng là gồm tất cả vũ trụ (univers), tất cả các hành tinh khác và mặt trời, tất cả những tinh tú cũng giống mặt trời và những bộ “hành tinh” quay xung quanh mặt trời của chúng, nói tóm lại là tất cả những thế giới ở trong khoảng không gian vô cùng tận. Tất cả những cái ấy có sẽ bị tiêu diệt không? Có sẽ cả một lúc hay lần luợt rơi vào chỗ hư vô không? Làm cách nào để biết đuợc? Cứ theo khoa học ngày nay thì nguời ta muốn tin rằng vũ trụ bất tử. Vì những bộ tinh tú của thế giới rất nhiều. không thể đếm đuợc, và có đủ các hạng tuổi. Ở thời kỳ mà trái đất mới chỉ còn là một khối bùn thì đã có những thế giới khác lâu đời hơn, đương văn minh thịnh vượng tới tột bực; và ngày nay trái đất tới cái độ hoàn mỹ, thì lại có những thế giới khác trẻ hơn, cũng tựa như trái đất hàng nghìn triệu năm về truớc. Khi có một bộ tinh tú (systèm planétaire) tàn lạnh thì lại có một bộ tinh tú khác phát sinh. Hình như theo lý luận rất đúng của một nhà thông thái, thì vũ trụ tự bảo tồn lấy mãi mãi, nhờ ở những sức mạnh của tạo hóa, cũng tựa như một khu rừng tươi tốt hằng bao nhiêu thế kỷ dù mỗi năm có những cây già cỗi đổ nát. Vậy có lẽ vũ trụ không bao giờ bị tiêu diệt. Dù không biết những mặt trời có liên lạc với nhau ra sao, chúng ta cũng có thể tin rằng vũ trụ sẽ không cùng bị tiêu diệt một lúc, và sẽ luôn luôn có những mặt trời khác trong không gian và những trái đất, rất có thể có sinh vật ở, quay xung quanh những mặt trời ấy. Vậy khi nóí đến sự diệt vong của thế giới, không phải chúng ta có ý chỉ tất cả vũ trụ, nhưng là sự diệt vong thế giới “chúng ta”, nghĩa là trái đất chúng ta ở. Nhân loại sẽ bị tiêu diệt như thế nào? Chúng ta phải công nhận rằng sự tiêu diệt nhân loại, sự tiêu diệt của tất cả cuộc sinh hoạt trên trái đất cũng không làm rối loạn một chút nào bộ máy của bầu trời. Những định tinh, những mặt trời và những bộ hành tinh đã có từ trước khi sinh ra trái đất và vẫn có sau khi trái đất tàn. Việc xảy ra dù quan trọng đến đâu đối với chúng ta, cũng không thể mang lại một cuộc tai biến trong bầu trời. Việc xảy ra ấy vũ trụ sẽ không biết tới. Nhưng tai biến ấy có xảy ra không?... Có thể lắm. Các nhà thông thái nói rằng những tai biến ấy đã xảy ra cho những hành tinh khác lâu đời hơn trái đất của chúng ta. Hỏa tinh chẳng hạn, hẳn là một hành tinh đã tàn. Nếu truớc kia có dân cư ở tựa như chúng ta, thì lẽ tất nhiên người ở Hỏa tinh đã bị tiêu diệt vì thiếu nước. Tai nạn tựa như thế có thể xảy đến cho chúng ta. Chắc một ngày kia sẽ không có một sinh vật nào ở trên mặt đất. Nhưng chúng ta hãy yên tâm, nếu cái ngày ấy có tới thì cũng không phải là ngày mai đâu. Vả lại tuy công nhận rằng nhân loại sẽ bị diệt vong, các nhà thông thái không đồng ý về những lý do sinh ra sự diệt vong ấy. Nhiều ông cho rằng vì thiếu nước. Các ông nhận ra rằng nước mỗi ngày một ít đi và trong một vài nghìn năm nữa nhân loại sẽ phải chết khát, Nhiều ông khác – như ông Herschell, ông Laplace chẳng hạn – cho rằng trái đất sẽ tàn vì mặt trời nguội đi. Song người ta ước rằng mấy nghìn triệu năm nữa mặt trời mới tắt được… Chỗ đó hẳn chúng ta được yên tâm. Cũng có lắm ông cho rằng thế giới sẽ bị tiêu diệt vì thiếu thán khí, một của báu mà trái đất tiêu thụ nhanh hơn là sinh sản. Và cũng lại có những ông cho rằng mặt đất sẽ lún thấp dần xuống và khắp tái đất sẽ bị lụt một lần thứ hai nữa. Sau hết tôi xin mách lời tiên tri của một nhà làm bản thống kê Mỹ: Ông tính chừng đến năm 2120 trái đất sẽ không đủ thức ăn nuôi sống người ta và toàn thể nhân loại sẽ chém giết lẫn nhau về vấn đề thực phẩm. như thê chính chúng ta lại tự diệt chúng ta. Thuyết đó tưởng hình như vô lý. Nhưng khi ta đã thấy sự tàn phá của chiến tranh đến mực nào, khi ta thấy khoa học chỉ chăm chú thực hành những sự tiến bộ của nghệ thuật giết người, thì ta sẽ bắt buộc phải tin rằng sự diệt vong ấy là có lý hơn cả. Đỗ Thiên Thư st |