ĐÔI LỜI TÂM SỰ TRƯỚC THỀM NĂM MỚI ĐINH HỢI Thế là Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay đã được tám tháng tuổi. Trong những ngày tháng đầu đời này, CLB đã có được một vài hoạt động đáng kể như: A. Tổ chức triển lãm sách cổ của các thế kỷ 17, 18, và 19 ngay trong ngày làm lễ ra mắt. Cuộc triển lãm này đã thu hút một số phóng viên báo chí tới tác nghiệp và đưa tin trên 10 tờ báo. B. Ban Điều Hành CLB đã cho lưu hành được một bản tin nội bộ (gồm các bài viết và sưu tầm của các thành viên) được toàn thể thành viên cũng như bạn bè xa gần trong nước và ở quốc ngoại đánh giá là tốt, có ích và mang lại sự thích thú cho người đọc. C. Qua các cuộc họp hàng tháng (sáng thứ bảy của tuần lễ thứ nhì trong tháng), CLB đã có được 3 cuộc nói chuyện về sưu tầm sách cổ, sách hiếm, 1 cuộc nói chuyện để giới thiệu một bộ sách cổ xuất bản hồi thế kỷ 19, đã thành tài sản chung và như vậy không còn bản quyền, ai muốn sử dụng xin cứ tự nhiên, 1 chuyến thăm nhà Lưu niệm cố thi sĩ Lưu Trọng Lư, và một cuộc bán đấu giá sách “mini” giữa các thành viên, trong đó có ba cuốn sách tương đối cổ đã được bán. Nấu bánh chưng Tết
Trong năm mới CLB dự trù sẽ tiếp tục các cuộc bán đấu giá giữa các thành viên và bạn bè, tiếp tục tổ chức các cuộc nói chuyện về sách báo cổ, và tiếp tụcgiới thiệu những sách không còn bản quyền để các nhà xuất bản nào muốn khai thác thì xin cứ việc. Cho tới giờ phút này Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay chỉ đơn thuần là một CLB và là một nơi chốn hội tụ những người cùng chia sẻ một sở thích, một tình yêu... Sách (cố nhiên là sách hay, sách quý, sách giá trị, chứ còn sách dzổm thì... ai là người đủ can đảm để yêu) CLB mở rộng vòng tay đón nhận bất cứ ai có lòng yêu thích sách. Mọi người yêu sách đều là bạn của CLB dù có thể trở thành thành viên tích cực hay không. CLB tự biết là đang làm một công việc tốt đẹp, ích lợi, được mọi người tán thưởng, một bằng chứng cụ thể là mới đây, trong số báo tháng 12 năm 2006, nguyệt san NGƯỜI ĐỌC SÁCH ở thủ đô Hà Nội đã trích đăng một bài của một thành viên Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay nơi các trang 15 và 16 của tạp chí nói trên, và như vậy CLB rất mong các bạn bè gần xa sẽ cùng hợp sức tiếp tục công việc tốt đẹp này. CLB thuần túy chỉ là một nơi chốn để những người yêu sách gặp gỡ nhau trao đổi những thông tin, những hiểu biết về sách, nhất là những tin tức về những cổ thư kỳ thư dang còn nằm rải rác ở đâu đó trên quê hương chúng ta, sau biết bao ngày chinh chiến, vật đổi sao dời. CLB chào đón tất cả mọi người, và kêu gọi tất cả hãy cùng nhau chung sức cổ vũ phong trào đọc sách, yêu mến sách trong các bạn trẻ, đồng thời CLB cũng không có một yêu cầu nào, một sự mời mọc, ép buộc nào, vì mọi người có toàn quyền đến với CLB cũng như rời bỏ CLB... Tất cả các thành viên CLB hiện đang đến vơi nhau trong một tinh thần hoàn toàn bất vụ lợi vì CLB thực sự không mang lại một quyền lợi vật chất nào, mà chỉ mang lại những lợi ích tinh thần cho người yêu sách thôi. Trước thềm năm Đinh Hợi, CLB xin kính chúc tất cả các bạn xa gần một năm mới đầy may mắn trong việc sưu tầm sách, đầy hân hoan khi gặp được những cuốn sách mà mình trân trọng, và đầy an khang để có sức khoẻ mà đọc sách, cũng như đầy thịnh vượng để có tiền mà mua sách. Thay mặt Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay Vũ Anh Tuấn Ngày xuân đánh chén ------ MỘT CHUYỆN “CHÂU VỀ HIỆP PHỐ” Trong tủ sách của Ba tôi có một bộ Châu Về Hiệp Phố bản in năm 1926 (hồi đó in thành trên 20 cuốn nhỏ), vào kỳ hè năm 1958, cha tôi đưa cho tôi xem và bảo: “Đọc bộ này đi, hay đâu có thua gì Fantômas và Arsène Dupin”. Thấy nó dầy cộp lại viết bằng “chữ Saigon” nên tôi ngại quá, nhưng chỉ sau độ 100 trang đầu, tôi đã bị cuốn hút ngay và rồi đã say sưa đọc cho tới hết. Tôi rất thích tác giả Phú Đức (một người quê ở Bình Thạnh ngày nay) và tìm đọc thêm được một hai cuốn cũng hay không kém mà nhân vật chính bịt mặt tên là Bách Xi Ma (chắc khi lựa tên nhân vật này nhà văn Phú Đức của chúng ta có nghĩ một chút tới tên Fantomas). Một đám cưới linh đình được tổ chức ở Saigon là kết thúc có hậu của bộ truyện này và tên truyện “Châu Về Hiệp Phố” giờ đây mang một ý nghĩa là một vật gì “đã bị mất lại được hoàn lại cố chủ” và, qua định nghĩa đó tôi xin kể lại dưới đây để chia sẻ với qúy vị một chuyện “Châu Về Hiệp Phố”. Năm 1970, tôi vừa tròn 35 tuổi và đang làm Đại Diện Thương Mại cho một hãng máy cày của Nhật Bản. Vào thời điểm đó, tủ sách của tôi đã được hình thành một cách khá đầy đủ, nhưng số sách bằng Pháp văn nhiều hơn số sách bằng Anh văn, vì dù sao tôi cũng vẫn yêu thích sách Pháp và cảm thấy quen thuộc với sách Pháp hơn là với sách Anh nhiều. Nhưng sách của tôi thuộc nhiều tủ sách của các nhà xuất bản khác nhau như Hachette, Gallimard, Flammarion, Delagrave, Arthaud, Albin Michel vv... Trong các nhà xuất bản danh tiếng nói trên, nhà xuất bản Gallimard có được một tủ sách gọi là tủ sách Pléiade là tôi thích nhất, vì những sách trong tủ sách này đều được in bằng thứ giấy kêu là giấy Thánh Kinh cực kỳ mỏng mà chữ in ở hai mặt lại cực kỳ rõ không hề có chuyện mặt trước để vết lờ mờ ở mặt sau, mà cả hai mặt mặt nào cũng trắng bóc, chữ hiện lên thật sắc nét. Hơn nữa và tuyệt vời hơn cả là với tủ sách Pléiade này các tác phẩm “trường giang” cả trên ngàn trang đều chỉ nằm gọn trong một cuốn, ví dụ như bộ Những Kẻ Khốn Cùng của Victor Hugo, do các nhà xuất bản khác in đều phải là 4, 5 tập, nhưng ở tủ sách Pléiade này thì chỉ cần 1 cuốn, mà trong cuốn này, ngoài toàn bộ tác phẩm lại còn có khoảng 300 trang dành cho phần khảo dị (Notes et variantes). Vào cuối năm 1970, một cô em gái tôi từ Pháp trở về đã mua tặng cho tôi bộ “ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT” (A la recherche du temps perdu) của MARCEL PROUST, sách của tủ sách Pléiade do nhà Gallimard in thành 3 tập, tổng cộng gần 3600 trang sách, vừa được in ra năm 1968. Nghe danh Marcel Proust từ trước, tôi đọc ngay và kéo dài gần trọn năm 1971 để đọc hết bộ sách, vì tuy công việc Đại Diện thương mại của tôi không mấy bận rộn, nhưng không thể hoàn toàn tự do để chỉ đọc sách như lúc chưa làm cho ai. Bộ sách này nhận được giải Goncourt năm 1919 và tôi đã từng được đọc nhiều nhà phê bình “đao to búa lớn” phán rằng bộ Đi Tìm Thời Gian Đã mất này nào là “cho ta thấy mối quan hệ tự do giữa con người và thế giới”, “Proust đã làm một cuộc cách mạng trong tiểu thuyết”, “tác phẩm là lịch sử một ý thức, một thời đại” vv... Là một người yêu sách và thích đọc sách bình thường , tôi không quan tâm tới các nhận xét đó mà chỉ thấy rằng bộ sách này chứa đựng đầy những kỷ niệm, những hồi ức, những mối tình, những ghen tuông, hỷ nộ, ái, ố mà con người bất cứ ai cũng có thể phải kinh qua trong cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên tất cả những sự phân tích tỉ mỉ, chẻ sợi tóc ra làm tư của Proust làm tôi vô cùng thích thú. Đọc xong tôi tự hứa sau này khi nhiều tuổi, nhàn rỗi, tôi sẽ tìm một nơi thanh vắng, thơ mộng như núi rừng Đà Lạt chẳng hạn để mà thưởng thức một lần chót tác phẩm này thì mới thực là sướng. Và tôi đã dành cho bộ sách 3 cuốn này một chỗ để rất trang trọng trong cái tủ sách của người chơi sách của tôi. Bộ sách ở với tôi đúng 12 năm, vì năm 1982, gia đình tôi trải qua một tai biến nhỏ, và trong lúc giao động, túng bấn đó một người bạn tôi ở Pháp về đã xin tôi nhượng lại cho anh ta vì ở bên Pháp đã tuyệt bản. Trong lúc giao động chán nản, tôi đã nhường cho bạn tôi. Khi nhường lại tôi cũng nghĩ rằng thế nào mình cũng còn có thể mua lại được ở đây. Thế mà đã 24 năm trôi qua, mỗi khi ghé một tiệm sách cũ, tôi không bao giờ quên hình ảnh bộ Đi Tìm Thời Gian Đã Mất của Pléiade. Ngay sau khi cuộc sống ổn định trở lại và mọi việc tốt đẹp như cũ, tôi bắt đầu cảm thấy bị dày vò bởi sự hối tiếc đã nhường đi mất bộ sách qúy; có một lúc tôi thấy tiếc quá, đau quá, nhưng rồi với thời gian niềm đau cũng được hàn gắn và tôi như cảm thấy mình đã quen thuộc với sự mất mát này. Cho tới một ngày rất gần đây... Sau khi tôi gia nhập Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay 5 tháng, tức là một ngày trong tháng 11 năm vừa qua, tôi nhận được một cú điện thoại của một người bạn cho biết là anh ta muốn nhượng lại một số sách của Ông Cụ anh ta để lại. Mỗi khi nghe thấy tin về sách là tôi có thói quen “vứt bỏ hết mọi công việc đang làm” để nhào đến nơi có sách. Tới nơi thì anh bạn lại đi vắng, và tôi được bà xã anh chỉ cho ba chồng sách để trong tủ kính và nói: “Đấy là những cuốn sách mà nhà em muốn để cho anh đấy!” Tôi xin xem và mắt tôi bỗng hoa lên khi thấy 3 cuốn Đi Tìm Thời Gian Đã Mất gần như mới tinh của nhà Pléiate nằm chồng lên nhau 1, 2, và 3. Ôi, đủ bộ, hạnh phúc thay! Tôi đòi lấy ra xem nhưng tủ khóa và chị vợ anh bạn cho biết là chị không có chìa khóa. Chị nói: “Nhà em giữ chìa khóa, xin anh chịu khó trở lại chiều nay sau 3 giờ”, tôi đành ra về và nhìn đồng hồ thấy rằng lúc đó mới có 9 giờ rưỡi sáng. Trong năm tiếng đồng hồ chờ đợi, trạng thái tinh thần của tôi hồi hộp, háo hức, nôn nóng không khác gì đoạn kết của bộ Châu Về Hiệp Phố khi Hoàng Ngọc Ẩn đã biết tin Lệ Thủy bị tên si tình người Anh Allington ở Hongkong bắt cóc... Hoàng Ngọc Ẩn nôn nóng muốn đi giải cứu Lệ Thủy thế nào thì tôi cũng nôn nóng muốn đi rước 3 cuốn Pléiade về thế ấy. Kết quả là ba giờ chiều “ngày lịch sử của riêng tôi” là ngày 18-11-2006 tôi đã giải cứu bộ sách yêu dấu... đúng y như là Hoàng Ngọc Ẩn đã giải cứu được Lệ Thủy và kết thúc bằng một đám cưới linh đình ở Saigon... Châu đã về Hiệp Phố, Lệ Thủy về với Hoàng Ngọc Ẩn, còn tôi thì Bộ Đi Tìm Thời Gian Đã mất của tủ sách Pleiade đã về và sẽ ở mãi bên tôi. Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách Chương 6 Vũ Anh Tuấn ------ VỀ MỘT SỐ ĐIỀU KHÔNG CHÍNH XÁC TRONG BÀI “ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ” ĐÃ ĐĂNG TRONG BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG NGÀY 07-01-2007
Tình cờ đọc được bài viết này trong “Bản tin nội bộ của CLB Sách Xưa và Nay, nơi trang 46 của số 8 (tháng 1 năm 2007)”, và thấy bài này chỉ là ý kiến riêng của một tác giả, nhưng lại có lời ghi là “tác giả bài này đã chứng minh rằng Alexandro Rhodes KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI SÁNG TẠO RA CHỮ QUỐC NGỮ - lời ghi này có ý nói rằng tác giả bài báo LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN CHỨNG MINH LÀ GIÁO SĨ ĐẮC LỘ (DE RHODES) KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI SÁNG TẠO RA CHỮ QUỐC NGỮ”. Vì tò mò người viết đã cố gắng đọc nốt bài báo và thấy rằng nó chứa đựng một vài điều không chính xác, nên người viết đã viết bài này để phản biện về mấy điểm không chính xác đó. Điểm 1 . Tác giả bài báo nói trên KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN CHỨNG MINH VIỆC GIÁO SĨ ĐẮC LỘ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI SÁNG TẠO RA CHỮ QUỐC NGỮ, lý do đơn giản là từ nhiều năm trước đã có rất nhiều tác giả viết rất rõ ràng về điều đó, cụ thể là tác giả ĐỖ QUANG CHÍNH, một linh mục Dòng Tên (Compagnie de Jésus) – vâng DÒNG TÊN mới đúng, chứ DÒNG TÊN JÉSUS là sai vì chữ TÊN được dùng để chỉ Chúa Jésus – đã NÓI VỀ ĐIỀU NÀY TỪ NĂM 1972 trong cuốn sách nhan đề là “Lịch sử chữ Quốc Ngữ 1620-1629” của ông một cách thật rõ ràng (xin xem tài liệu A chứng minh đính kèm). Thực ra hai người làm mấy cuốn tự điển đầu tiên Việt-Bồ và Bồ-Việt là hai giáo sĩ người Bồ đào nha Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, tuy nhiên mấy cuốn tự điển này chỉ lơ thơ một số từ rất ít ỏi, và ở dạng bản thảo, CHƯA HỀ ĐƯỢC IN RA. Do đó Giáo sĩ Đắc Lộ chắc chắn đã DỰA VÀO HAI CUỐN TỰ ĐIỂN Ở DẠNG BẢN THẢO ĐÓ để soạn ra cuốn Việt-Bồ-La của ông, TUY NHIÊN CÔNG LỚN CỦA ÔNG LÀ ĐÃ HOÀN THIỆN CÁCH PHIÊN ÂM, MỘT VIỆC LÀM MÀ NẾU ĐẮC LỘ KHÔNG LÀM THÌ LÀM GÌ MÀ CÓ CHỮ QUỐC NGỮ CHÚNG TA ĐANG DÙNG NGÀY NAY. Hơn nữa, khi đề tựa cuốn tự điển Việt - Bồ - La của ông, Giáo sĩ Đắc Lộ cũng đã ghi rõ là ông học tiếng Việt với giáo sĩ De Pina, VÀ KHI ÔNG ĐÃ NÓI ÔNG HỌC TIẾNG VIỆT CỦA AI THÌ LÀM SAO MÀ LẠI GÁN CHO ÔNG LÀ ÔNG ĐÃ PHÁT MINH RA TIẾNG VIỆT ĐƯỢC? (Xin xem tài liệu B đính kèm). Điều này cho thấy nếu nói Giáo sĩ Đắc Lộ “đạo văn” “gian trá” thì quả là hơi “bị ít sự thật”. Điểm 2 . Trong bài báo nói trên có đoạn nguyên văn như sau “Nhưng khi rời Á Đông trở về Âu Châu ông này (De Rhodes) đã kèm thêm tên de qúy phái khi ra quyển tự điển lịch sử ấy”. Hai dòng chữ này chỉ nhằm mục đích phê phán Giáo sĩ Đắc Lộ là “thấy sang bắt quàng làm họ” và lời phê phán này lại được nhắm vào một người đã qua đời gần 4 thế kỷ trước, thành ra khi đọc, người đọc vốn đa sầu đa cảm nên buồn mất đúng 35 phút! Khi hết buồn người đọc đã để tâm tìm kiếm và rất ngạc nhiên khi thấy Giáo sĩ Đắc Lộ đã rất bị oan vì người đọc đã tìm được tài liệu cho thấy CHA ĐẺ CỦA GIÁO SĨ ĐẮC LỘ LÀ MỘT NHÀ QÚY TỘC Ở AVIGNON (thủ phủ của quận Vaucluse trên sông Rhône, một trung tâm của đại học và thành phố của nghệ thuật và đương nhiên là một thành phố của Pháp) TÊN LÀ BERNADINE II DE RHODES VÀ ÔNG CÓ TẤT CẢ 8 NGƯỜI CON VÀ GIÁO SĨ ĐẮC LỘ LÀ NGƯỜI CON THỨ HAI TRONG SỐ 8 NGƯỜI NÀY. Gia đình ông là một gia đình gốc Do Thái mang quốc tịch nước Vatican (Etat de la Cité du Vatican). Một gia đình QÚY PHÁI MANG QUỐC TỊCH VATICAN VÀ SINH ĐẺ TẠI AVIGNON (PHÁP) THÌ KHI SINH RA GIÁO SĨ DE RHODES PHẢI CÓ CHỮ DE TỪ KHI LÀM KHAI SINH CHỨ CÓ LÝ NÀO LẠI PHẢI CHỜ ĐẾN LÚC LÀM TỰ ĐIỂN MỚI THÊM DE VÀO? (Xin xem tài liệu C đính kèm) Điểm 3 . Về giới từ (hoặc phụ từ) DE Tìm hiểu về giới từ DE người viết được biết là giới từ này đã được dùng trước Cuộc Đại Cách Mạng để chỉ một vùng đất do một nhà quý tộc sở hữu, do một thường dân (vào thời đó gọi là tiện dân) sở hữu, hoặc một mảnh đất do người có tiền mua để được làm địa chủ; ngoài ra giới từ De cũng đơn giản được dùng để chỉ quê quán, nơi sinh. Và như vậy, vào lúc sinh thời của Giáo sĩ de Rhodes giới từ De không phải là độc quyền của giới qúy tộc, VẬY THÌ VU OAN CHO DE RHODES LÀ CÓ Ý GHI GIỚI TỪ VÀO TÊN MÌNH KHI VIẾT TỪ ĐIỂN VIỆT-BỒ-LA LÀ HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CƠ SỞ HAY TÍNH NGHIÊN CỨU VÌ NÓ SAI (Xin xem tài liệu D đính kèm). Việc hiểu nhầm Giáo sĩ De Rhodes là người đã phát minh, sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ cũng là một sự hiểu nhầm của chính những người hậu bối của ông, vì ngay khi còn sinh thời CÓ BAO GIỜ ÔNG TỰ NHẬN MÌNH LÀ THỦY TỔ CHỮ QUỐC NGỮ ĐÂU, KHÔNG NHỮNG THẾ TRÊN ĐẦU CUỐN TỰ ĐIỂN ÔNG CÒN KHAI LÀ HỌC CHỮ QUỐC NGỮ Ở GIÁO SĨ DE PINA – ĐÃ KHAI LÀ HỌC CHỮ QUỐC NGỮ THÌ ĐƯƠNG NHIÊN LÀ PHẢI ĐÃNG TRÍ LẮM MỚI NGHĨ RẰNG MÌNH LÀ THỦY TỔ THỨ CHỮ MÀ MÌNH PHẢI ĐI HỌC TỪ NGƯỜI KHÁC. Mà Giáo sĩ Đắc Lộ thì đâu có đãng trí và ngay cả việc ông có công lớn in những cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên với đủ các dấu, với những từ được tách rời (khởi thủy các từ gắn liền với nhau), với cách phiên âm, Đủ các YẾU TỐ MANG LẠI CHO CHÚNG TA CHỮ QUỐC NGỮ NGÀY NAY, mà ông cũng chẳng kể công, thế thì ông đáng được ghi ơn lắm chứ. Việc nghiên cứu xin phải tìm hiểu ở các thư viện lớn trên thế giới, các kho dự trữ lưu trữ thì mới có thể tin được, chứ còn đi hỏi vớ vẩn sau trên ba thế kỷ thì làm sao mà tin được? Trên đây là những phản biện thô thiển của người viết vốn là một kẻ vô danh nhưng yêu thích tiếng Việt, nên yêu luôn Giáo sĩ De Rhodes vì Người có công. Đơn giản có thế thôi! Tháng 01 năm 2007 Vũ Thư Hữu Phụ Bản I GIỜ TÂY GIỜ TA Thời trước, khi nước ta chưa dành được độc lập, ông cha ta thuộc các thế hệ rất gần đây thường nói đơn giản là: giờ ta, giờ tây. Nói đến giờ ta, thì có “Đêm năm canh, ngày sáu khắc”. Đêm năm canh, ngày sáu khắc là cách tính giờ của người Đông phương và của nước ta ngày trước. Tìm hiểu về câu này, chúng tôi được biết: Mỗi đêm có 5 canh (người Pháp gọi là veilles). Canh một bắt đầu từ 7 giờ tới 9 giờ tối. Canh hai từ 9 giờ tới 11 giờ đêm. Canh ba từ 11 giờ đêm tới 1 giờ sáng. Canh tư từ 1 giờ sáng tới 3 giờ: bắt đầu rạng đông (aurore). Canh năm từ 3 giờ cho tới 5 giờ sáng (tàn canh hay canh tàn). Như vậy, hai giờ của Tây là 1 canh của ta. Còn “ngày sáu khắc” thì mỗi khắc gồm hai giờ Việt Nam và mỗi giờ Việt Nam này, được gọi bằng tên 12 con thú (12 con Giáp), lại bằng những hai giờ của Tây. Tóm lại một khắc của Tây (quart d’heure) chỉ có 15 phút, trong khi một khắc của Ta là những 4 tiếng đồng hồ. Sáu khắc quý giá của chúng ta được chia ra như sau: Khắc 1 có 2 giờ là: Giờ Tí từ 11 giờ khuya tới 1 giờ sáng. Giờ Sửu từ 1 giờ tới 3 giờ sáng. Khắc 2 có 2 giờ là: Giờ Dần từ 3 giờ tới 5 giờ sáng. Giờ Mão từ 5 giờ tới 7 giờ sáng. Khắc 3 có 2 giờ là: Giờ Thìn từ 7 giờ tới 9 giờ sáng. Giờ Tị từ 9 giờ tới 11 giờ trưa. Khắc 4 có 2 giờ là: Giờ Ngọ từ 11 giờ trưa tới 1 giờ. Giờ Mùi từ 1 giờ trưa tới 3 giờ chiều. Khắc 5 có 2 giờ là: Giờ Thân từ 3 giờ tới 5 giờ chiều. Giờ Dậu từ 5 giờ chiều tới 7 giờ tối. Khắc 6 có 2 giờ là: Giờ Tuất từ 7 giờ tới 9 giờ đêm. Giờ Hợi từ 9 giờ đêm tới 11 giờ khuya. Người nước ta đã dùng 12 con Giáp là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi mà làm mười hai giờ thành ra một ngày. Từ đó 12 giờ chia làm hai thành ra “ngày sáu khắc”. Thí dụ khi ta nhìn đồng hồ “Seiko” thấy 7 giờ tối, mà ta muốn biết là mấy giờ, ta tra ở khắc 6 và thấy là giờ Tuất; vậy ta có thể lấy giờ tây chuyển ra giờ ta và ngược lại. Vì ông cha ta lấy 12 con giáp mà đặt cho 24 giờ trong ngày, nên nhiều người mê tín dị đoan, thường tìm cách chọn giờ này tránh giờ kia nhằm tránh né các con thú đó. Trong việc cưới xin còn dò xem tuổi này có hợp với tuổi kia không hay là khắc nhau. Tuy nhiên loài thú thì làm sao mà mang lại phước, họa cho con người, vậy thì tin làm chi? TRẦN THÚY NGA Viết theo một tài liệu cổ Phụ bản II GIẢI MÃ "THIỀN" Không riêng nguời tu Phật mới nghe nói đến THIỀN, mà Thiền đến nay hầu như đã phổ biến rộng rải khắp nơi. Để tĩnh tâm, để trị bịnh, luyện khí công, mở luân xa, xuất hồn... mọi người đều mượn phương tiện này. Thiền thật ra đã có từ trước khi Đức Thích Ca đi tu, lúc đó gọi là Tĩnh Lự hay Tư Duy Tu, do một người tên là Phất Đang La sáng lập. Nhưng kể từ Đức Thích Ca thành đạo nhờ THIỀN và đưa vào Đạo Phật như một trong Sáu Phương Tiện không thể thiếu cho con đường tu Phật gọi là LỤC ĐỘ, tức là Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định, Trí Huệ, thì Thiền và Đạo Phật không thể tách rời nhau, muốn tu Phật là phải có Ngồi Thiền. Nhưng một câu hỏi mà lẽ ra tất cả những người tu Phật cần phải đặt ra là : Tại sao Đức Thích Ca chỉ cần Ngồi Thiền có 49 ngày đêm mà Đắc Đạo, người thời sau, nhất là thời nay ngồi mãi mà không thấy đắc ? Để tìm đáp án cho thắc mắc này, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu nói về Thiền từ các Tổ, cho đến những thiền sư danh tiếng như các Ngài Suzuki, Nguyệt Khê, Lai Quả.. kể cả các sách vỡ của Thiền Tông, nhưng vẫn không tìm ra. Vì thế, tôi đã bỏ ra bao nhiêu năm dài lục tìm trong chính Kinh và những tài liệu có liên quan đến con đường tu hành của Đức Thích Ca, và các Tổ chân truyền. Cuối cùng tôi cũng đã giải mã được về Thiền như sau, xin trình bày ra đây, mong được sự góp ý của các nhà Thiền Học xa gần. Thiền thì ai cũng biết, cách Ngồi là xếp bằng trong tư thế Kiết Già hay Bán Già, lưng thẳng, mắt khép hờ, tập trung và đếm hơi thở gọi là Sổ Tức, hoặc tập trung và điều khiển cái Ý đưa nó đến những luân xa hay huyệt đạo để khai mở hay để trị bịnh tùy theo mục đích người ngồi muốn dùng. Chỉ riêng phần NGỒI, ta đã thấy hình thức thì giống, nhưng do cách vận dụng hơi thở và điều khiển cái Ý mà ra kết quả khác, và theo Đạo Phật, người Ngồi Thiền, với cái Tâm an định, có thể có được những hiện tượng : 1/- Mở được thần thông. 2/- Thiên nhỉ thông : nghe được các tiếng của chư thiên và các tiếng người bất cứ xa hay gần. 3/- Tha Tâm Thông, tức đọc được tư tưởng người khác. 4/- Túc mạng minh, tức có thể nhớ được tiền kiếp. 5/- Thiên nhãn minh : tức là thấy rõ tính cách sinh diệt của mỗi chúng sinh. 6/- Lậu tận minh : Đây là cái sáng suốt mà người tu Phật cần đạt được. Người tu Phật có thể không cần đắc 5 cái trên, nhưng rất cần đắc cái Lậu Tận Minh này : đó là biết rõ về Khổ và con đường Diệt Khổ. Đó cũng là mục đích chính của công việc Tu Phật, vì Đạo Phật được gọi là Đạo Độ Khổ, khi Diệt được Khổ thì gọi là được Giải Thoát. Do đó, người muốn Ngồi Thiền cho thành công trong bất cứ mục đích nào thì trước lúc Ngồi cần hiểu rõ để vận dụng cho đúng. Thông thường, người đắc 1 trong 5 hiện tượng nói trên dễ bị say mê, thích thú nên vướng mắc ở đó, khó tiến thêm trên đường tu Phật. Thường thì có hai hiện tượng diễn ra trong lúc Ngồi Thiền với người không theo một phương pháp cụ thể : Thứ nhất là hôn trầm, tức là cái Ý không còn suy nghĩ gì thì bặt đi đâu mất, người ngồi sẽ như người ngủ sâu, vì không còn ý thức để cảm nhận được nữa. Thứ hai là do đóng các căn và kềm chế ý thức nên nó không còn nhìn thấy nghe cảnh trần nữa thì phiêu lưu vào cảnh giới của cõi khác, thấy mình gặp gở, tiếp xúc với thần, tiên, ma quỉ, hoặc thấy Bồ Tát, Phật và cảnh sắc lạ lùng, huyền bí, lại được nghe giảng đạo, làm cho người ngồi rất thích thú vì thấy lâng lâng nhẹ nhõm nên rất thích ngồi. Tuy nhiên, đó không phải là cảnh giới thật, mà gọi đó là ma cảnh, nên người ngồi và say mê như thế lần hồi trở thành bất thường gọi là "tẩu hoả nhập ma", đôi khi trở thành điên loạn vì có những lời lẻ cử chỉ không bình thường, đó là hiện tượng vẫn thường gặp trong giới Tu Thiền mà thiếu người hướng dẫn. Nhưng nếu muốn Ngồi Thiền để "Đắc Đạo" như Đức Thích Ca thì phải Ngồi như thế nào ? Vì cách Ngồi đã không khác, sao kết quả lại không giống ? Để giải đáp cho câu hỏi này chúng ta lại phải đi một vòng, từ những người Thiền sai được dẫn chứng trong Kinh để từ đó kiểm chứng ngược lại. Thứ Nhất, ta thấy Ngài Xá Lợi Phất trong Kinh Duy Ma Cật cũng ngồi Thiền, nhưng bị Ngài Duy Ma Cật quở trách và giải thích : Ngồi Thiền không phải là "Ngồi sửng ở đó" mà là "Phải vào ba cõi mà không hiện thân, ý". Thứ hai, trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có nói về Phật Đại Thông Trí Thắng, cũng là một kiểu "ngồi sững ở đó", vì "một tiểu kiếp cho đến mười tiểu kiếp, ngồi xếp bằng thân và tâm không động mà các phật pháp còn chẳng hiện ra trước" (DPLH tr. 206). Thứ ba : trong Mã Tổ Bách Trượng Ngữ Lục ta thấy có giai thoại : Lúc Mã Tổ còn là một thiền sinh, đang Ngồi Thiền, thì Hoà Thương Hoài Nhượng muốn khai mở cho ngài nên lượm một viên gạch mang mài trước am của Ngài. Mã Tổ lấy làm lạ hỏi : - Mài gạch để làm gì ? - Đáp : Để làm kính. - Hỏi : Gạch mài sao thành kính được ? - Đáp : Gạch mài không thành kính được, toạ Thiền há thành Phật được sao? - Hỏi : Vậy thì sao mới phải ? - Đáp : Như bò kéo xe, xe không đi thì đánh xe hay đánh bò là phải ? Ông học tọa thiền hay toạ Phật ? Nếu học toạ thiền thì thiền không dính chi tới chuyện nằm ngồi. Nếu học toạ Phật thì Phật vốn không có tướng nhất định. Cái pháp vô trụ không nên buông bắt. Nếu chấp cái tướng ngồi thì không đạt được lẽ đó". Đến đây chúng ta cũng thấy hé mở một chút về Thiền của Đạo Phật : Thứ Nhất : Thiền không phải là "ngồi sửng ở đó". Thứ hai : "Phải làm cho phật pháp hiện ra". Thứ ba : "Thiền không dính tới chuyện nằm ngồi. Thứ tư : "Xe không đi thì đánh bò hay đánh xe" ? Tức là người tu cần biết mục đích của việc Ngồi Thiền, để sử dụng phương tiện cho đúng. Xe là Cái Thân, Bò, theo Đạo Phật thì đó là cái đã làm ra vòng Sinh tử Luân Hồi. Do đó, nếu ta chỉ trói cái Thân tức là đánh cái xe, chưa khống chế được con bò, thì ngồi cho nhiều cũng vô ích mà thôi. Do Kinh sách không giải thích rõ Đức Thích Ca hay Chư Tổ đã Ngồi Thiền như thế nào, nên người sau rất mơ hồ, chỉ bắt chước được phần hình tướng, tức là cách ngồi, mà không nắm được nội dung, nên không thể thành công được. Vì thế, muốn hiểu về Thiền của Đạo Phật thì cách hay nhất là ta phải bắt đầu từ Đức Thích Ca, xem lại từng bước tu hành của Ngài thì mới mong đạt được điều mà Ngài đã đạt được. Phải chăng ai cũng biết rằng do bức xúc khi trông thấy cảnh SINH, LÃO, BỊNH TỬ đè nặng lên kiếp người nên Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con xinh, gia nhập vào hàng ngũ những người tu đương thời để tìm cách hoá giải. Sáu năm tu học với sáu vị Thầy, chứng đầy đủ các phép thần thông, nhưng cũng không tìm được lời giải đáp, mà do khổ hạnh nên thân thể ngày càng yếu đi. Thấy rằng "tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối" nên Ngài đã bỏ nếp sống khổ hạnh, nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò rồi trải toà cỏ ngồi dưới cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện : "Chỉ đứng dậy khi nào tìm được thủ phạm đã làm ra ngôi nhà sinh tử "? Tới đây ta đã thấy được nguyên nhân Xuất Gia và Ngồi Thiền của Đức Thích Ca, đồng thời ta cũng thấy được là do quyết tâm tìm cho ra thủ phạm làm ngôi nhà sinh tử nên Ngài đã Ngồi Thiền. Mục đích đã rõ, và qua kinh nghiệm hành trì, Ngài biết rằng nếu cứ để cho Lục Căn, tức là ; Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, và Ý tự do hoạt động thì chúng sẽ cứ theo thói quen mà tiếp nhận các pháp, không thể tập trung được, nên Ngài dùng hình thức Ngồi Thiền để trói cái Thân, tập trung toàn bộ, nhắm đến mục tiêu Ngài cần tìm. Trong khi Ngồi Thiền thì Ngài đã dùng THIỀN QUÁN hay gọi là THIỀN MINH SÁT, có nghĩa là Ngài đang tập trung cả Thân, Tâm để giải quyết điều Ngài đang bức xúc : là tìm cho ra nguyên nhân của Sinh, Lão, Bịnh, Tử. Nhưng căn cứ vào đâu mà ta biết rằng Đức Thích Ca đã dùng thì giờ Ngôi Thiền để tập trung tìm thủ phạm làm ra Ngôi Nhà Sinh Tử ? Căn cứ vào lời tuyên bố đầu tiên của Ngài lúc xả thiền : "Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Hỡi kẻ làm nhà, từ đây ta đã gặp được ngươi rồi, ngươi không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi, rui mè của người cũng tan nát cả rồi. trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn, ta đã hoàn toàn giải thoát" . Chính lời tuyên bố ngay khi xã Thiền, cũng như lời phát nguyện trước khi Ngồi Thiền cho phép ta khẳng định điều Ngài đã làm trong lúc Ngồi Thiền, cũng như dựa vào lý do Xuất Gia của Ngài mà ta có thể xâu lại thành một chuỗi con đường tu tập của Ngài và điều mà Ngài đã được, gọi là "Đắc Đạo". Thật vậy, phải chăng con đường Đức Thích Ca thiết tha muốn tìm đó là cách thức để thoát khỏi sự ràng buộc của cái Thân theo quy trình Sinh, Lão, Bịnh Tử ? Do đó, khi Ngài khám phá ra con đường đó thì gọi là "Được Đạo" hay Đắc Đạo, tức là gặp được con đường, hay là biết được thủ phạm cũng như cách thức để hoá giải ? Thủ phạm đó được Ngài chỉ lại cho các đệ tử và từ đó các Tổ lần lượt truyền cho nhau : Đó là cái VỌNG TÂM, hay cũng gọi là cái TÂM VÔ MINH. Chính cái Tâm này đã chuyền níu với các pháp làm thành một vòng gọi là THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN, trói chặt con người vào vòng Sinh Tử Luân Hồi, vì thế, con đường tu Phật là phải thấy được cái Tâm này và tìm cách hoá giải nó, hay nói cách khác là Ngộ được Bản Thể Tâm vốn thanh tịnh, nên cần thấy thế nào là cái Tâm Vô Minh để chuyển hoá nó. Để thấy được điều đó thì cần phải tập trung cả Thân lẩn Tâm, vì vậy mà có THIỀN và QUÁN. THIỀN là tập trung, là dừng những động loạn. QUÁN là Quán Sát, Tư duy. Sau khi thấy được cái Tâm, biết nó dính mắc như thế nào ? Biết cách để tháo gở, thì bắt đầu SỬA nó. Chính vì vậy mà tu theo Đạo Phật được gọi là TU TÂM. Đó là mấu chốt của việc NGỒI THIỀN và ĐẮC ĐẠO. Cho nên người tu nào không biết được quy trình này thì việc Ngồi Thiền sẽ không thể đưa đến kết quả gặp con đường, hay "Được Đạo" như Đức Thích Ca. Bài Kệ trong Kinh Viên Giác cũng định nghĩa THIỀN ĐỊNH như sau : THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ QUÁN, VÀ CHỈ QUÁN SONG TU. Khi biết được mục đích THIỀN là CHỈ, QUÁN, thì dùng Tướng NGỒI hay không, không còn cần thiết nữa. Cũng chính vì vậy nên Lục Tổ tám tháng ở trong chùa của Ngũ Tổ, chỉ có giả gạo, chẻ củi, đâu có giờ để Ngồi Thiền, nhưng vẫn ngộ được Bổn Tâm. Khi ra hành đạo, giảng về Thiền Định, Ngài nói : "Chư Thiện tri Thức, sao gọi là Ngồi Thiền ? Ngoài đối với các điều lành, dữ , các cảnh giới mà tâm chẳng khởi vọng niệm gọi là Ngồi. Trong thấy tánh mình chẳng động gọi là Thiền" " Ngoài lìa tướng gọi là THIỀN, trong không tán loạn là ĐỊNH". Để nói về những người Ngồi Thiền mà không rõ ý nghĩa, Lục Tổ đọc Kệ : Khi sống, ngồi chẳng nằm, Lúc chết, nằm chẳng ngồi. Gốc là cục thịt thúi. Làm chi vậy mệt ôi ! Tổ ĐẠT MA cũng dạy : " Ta đến xứ này cũng chỉ truyền một Tâm ấy, không luận về Giới, Thí, tinh tiến, khổ hạnh, cả đến việc vào nước, lửa, lên vòng gươm, chay lạt ngày một lần, ngồi hoài không nằm (Thiền ), thảy thảy chỉ là pháp hữu vi của ngoại đạo". Vì sao gọi là ngoại đạo ? Vì không đi vào được cái Tâm, chỉ loanh quanh với các hình tướng bên ngoài mà thôi. Tóm lại, THIỀN ĐỊNH của Đạo Phật là để sinh Trí Huệ, vì thế, công việc cần làm trong lúc NGỒI THIỀN là CHỈ, QUÁN. Muốn Chỉ Quán thành công thì phải có đề tài liên quan đến Đạo Phật, và như Chư vị đi trước nói : "nghi lớn, ngộ lớn, nghi nhỏ, ngộ nhỏ", không phải nghi cái gì, Quán cái gì cũng Đắc Đạo. Đức Thích Ca bức xúc về con đường giải thoát khỏi nổi Khổ SINH, LÃO, BỊNH, TỬ của kiếp người, hẳn là trong sáu năm dài, từ lúc bắt đầu xuất gia Ngài không ngừng trăn trở về nó, nên khi theo học với những vị Thầy đương thời, đạt đến cảnh giới cao nhất của mỗi vị, lần lượt cả Sáu người mà vẫn không tìm được lời giải đáp thì Ngài biết rằng phương pháp của họ không đáp ứng được nguyện vọng của ngài, nên quyết định dùng Thiền Định để tự tìm. Cuối cùng sau 49 ngày đêm Thiền Định thì Ngài khám phá ra con đường giải thoát, gọi là "Được Đạo". Những người Ngồi Thiền để trị bịnh như Yoga, để luyện khí công, để mở luân xa, để xuất hồn đều có mục đích và có phương pháp riêng, nên khi Ngồi đúng phương pháp, có thầy hướng dẫn phần đông đều đạt được yêu cầu. Tất nhiên, không phải do ngồi bất động, ngồi nhiều thời trong ngày, ngồi nhiều tháng năm mà có thể Đắc, vì không phải Ngồi là THIỀN và chỉ cần tập trung và Tư Duy mà được đạo, vì xếp tay, chân, ngồi bất động mới chỉ là NGỒI. Thiền của Đạo Phật là phải ĐỊNH, tức tập trung tư tưởng rồi Tư Duy đúng hướng của Đạo Phật. Tại sao cần đúng hướng ? Bởi vì những nhà khoa học hay các nhà nghiên cứu, họ cũng tập trung cao độ, suy tư rất sâu, nhưng đâu thể có cái Đắc của Đạo Phật ? Hơn nữa muốn Thiền theo Đạo Phật thì đòi hỏi ba điều kiện : 1/- Ưu tư về Đạo. 2/- Có sự hỗ trợ của 5 Độ còn lại. 3/- Phải kiên trì . Cũng giống như người đời muốn thành công trên bất cứ lãnh vực nào thì đòi hỏi phải có niềm đam mê và có phương pháp phù hợp. Người Ngồi Thiền mà không có mục tiêu, không biết làm gì trong lúc Ngồi, không biết bắt đầu từ đâu, không tư duy, quán sát, không biết mình muốn tìm gì thì làm sao gặp ? Ngồi khơi khơi như thế, nếu không hôn trầm thì cũng thả hồn rong chơi các cảnh, xả Thiền ra thì cũng đâu có cái thấy biết nào khác hơn trước lúc Ngồi ? Xét về Nhân Quả, rất đời mà cũng rất Đạo : "tìm gì thì gặp đó, không tìm thì không gặp". Đó là lý do khiến người thời nay ngồi mãi mà vẫn không đắc. Suy cho cùng thì đó là lẽ đương nhiên, nên không có gì đáng ngạc nhiên vậy. Tháng 1/2007 Tâm-Nguyện Ông Đồ cho chữ (Võ An Ninh) Phụ Bản III GIỚI THIỆU CÁC SÁCH BẰNG PHÁP VĂN THẾ KỶ THỨ XIX ĐÃ THÀNH TÀI SẢN CHUNG KHÔNG CÒN BẢN QUYỀN Sáng ngày thứ bảy 13 tháng 1, 2007, hồi 9 giờ, tại Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay, Ô. Vũ Anh Tuấn, Dịch giả, đã giới thiệu bộ sách nhan đề là “Lịch Sử Cuộc Đại Cách Mạng Pháp” (Histoire de la Révolution Française) của tác giả Louis Adolphe Thiers, một chính khách, nhà báo và sử gia Pháp sinh ở Marseille năm 1797 và qua đời ở Saint-Germain-en-Laye năm 1877. Xuất thân là một luật sư, tác giả Thiers đã sống một cuộc đời thật sôi nổi và giữ toàn những chức vụ quan trọng như chủ tờ báo đối lập (tờ National), dân biểu, tổng trưởng nội vụ của Louis-Philippe (1832-1834), Thủ tướng (1836) vv... Dưới thời đệ nhị Cộng Hòa, ông là thủ lãnh đảng Bảo Hoàng và ủng hộ Louis Napoléon ra ứng cử tổng thống, nhưng sau vì Thiers chống lại việc tái lập Đế Chế, ông phải đi lưu vong sau cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 2 tháng 12, 1851. Năm 1852, ông trở về từ Thụy sĩ và lại được bầu làm dân biểu thành Paris, lại làm thủ tướng và cuối cùng thì làm Tổng Thống Lâm Thời của nền Đệ Tam Cộng Hòa (tháng 8, 1871) và 6 năm sau ông qua đời ở tuổi 80. Bộ “Lịch sử Đại Cách Mạng Pháp” của ông được xuất bản lần đầu trong các năm 1823 đến 1827 và được chia làm 10 tập, nhưng lần xuất bản này có rất ít minh họa. Phải mãi tới năm 1865 và 1866 mới có ấn bản mới ra đời 11 năm trước khi tác giả qua đời. Bộ này chỉ có 2 tập, mổi tập 800 trang khổ 20 x 29 cm, nhưng đặc biệt là bộ mới này được minh họa bởi một họa sĩ minh họa rất nổi tiếng là Yan Dargent và bộ mới này cứ cách 2 trang (đôi khi chỉ cách 1 trang) lại có 1 minh họa bằng bút sắt cực đẹp (vì lúc đó hình chụp còn ở giai đọan phôi thai) và như vậy, với 1600 trang sách, bộ sách có đến gần 900 minh họa cho ta biết được dung nhan của hầu hết các nhân vật nổi tiếng trong Đại Cách Mạng Pháp như, Marat, Danton, Robespierre, Lafayette, Mirabeau, Camille Desmoulins, (trên 200 nhân vật) kể cả những người như Charlotte Corday, người đã hạ sát Marat vv... Khác với các bộ được truy cập ở trên mạng, thường là thiếu và không đầy đủ số trang, bộ sách do CLB Sách Xưa và Nay giới thiệu hoàn toàn đầy đủ không mất một trang nào có minh họa. và đặc biệt hơn cả là BỘ SÁCH NÀY ĐÃ THUỘC VỀ LÃNH VỰC CHUNG (TOMBER DANS LE DOMAINE PUBLIC) CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CÒN BỊ CHI PHỐI BỞI LUẬT BẢN QUYỀN VÀ CÔNG ƯỚC BERNE. Do đó, nếu có ai muốn khai thác, cả bản văn lẫn các minh họa thì chỉ việc liên lạc với người giữ sách ở số điện thọai 8.422340 để thỏa thuận với nhau một hợp đồng khai thác, ngòai ra không cần phải thảo luận về bản quyền với một ai khác cả. Trong các kỳ họp sắp tới, mỗi kỳ CLB Sách Xưa và Nay sẽ giới thiệu một hoặc hai tác phẩm NẰM TRONG DẠNG ĐÃ HẾT BẢN QUYỀN. Trong kỳ họp sắp tới vào ngày thứ bảy 10-3-2007 CLB Sách Xưa và Nay sẽ giới thiệu bộ tiểu thuyết Jerôme Paturot, 2 tập in năm 1846 và cuốn Le Roman de Mademoiselle Lys in năm 1921 (tuy đầu thế kỷ thứ XX nhưng cũng đã hết bản quyền). Tất cà những ai quan tâm đến các tác phẩm này đều được mời tới tham dự để nghe giới thiệu. Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay NGÀY 14 THÁNG 7 (1789) NGÀY CHIẾM NGỤC BASTILLE VÀO NĂM 1789 LỆ ANH Vào cuối tháng 6 năm 1789, các vệ binh Pháp cảm thấy không còn có thể trông mong được điều gì tốt đẹp về phía Triều Đình, và trong khi quốc Hội Pháp yêu cầu họ rút về vị trí thì Triều Đình lại tính dẹp họ bằng vũ lực. Số binh sĩ đang vây quanh thủ đô lúc đó độ khoảng 20.000 người. Ngày 11 tháng 7, nhà vua làm dân chúng và binh lính nổi giận khi bất ngờ bãi chức của Necker (Quốc vụ khanh giữ chức vụ như thủ tướng) và lập một chính phủ mới do bá tước de Breteuil, một người rất mất lòng dân, cầm đầu và bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng bộ Quốc Phòng thống chế de Broglie. Dân chúng thành Ba lê cảm thấy bị đe dọa đàn áp, ngày 12 họ bàn tán xôn xao với nhau ở ngoài phố và kéo đi biểu tình ở Champ-de-Mars và ở điện Tuileries là hai nơi có nhiều binh sĩ đang dồn tụ: hoàng thân Lambesc cho lệnh đội Long kỵ binh (dragons) Hoàng Gia Đức (le royal Allemand) tấn công vào đám dân chúng biểu tình khiến cho các vệ binh chống trả dữ dội và lòng giận dữ của dân chúng dâng rất cao. Chiến sĩ cách mạng Camille Desmoulins tới hô hào vận động dân chúng ngay tại hoàng cung. Nhà vua và cử tri thành Ba lê có thành lập một đội dân quân tư sản (milice bourgeois) nhưng đã quá muộn, cuộc nổi lọan ngày 12 đã lan rộng và dân chúng Ba lê đã bắt đầu tự trang bị bằng vũ khí mà họ cướp ở các tiệm bán khí giới và áo giáp. Sáng ngày 14, dân chúng Ba lê kiếm được 32.000 khẩu súng trường trong kho súng của điện Invalides và đổ về phía ngục Bastille. Đối mặt với hằng hà sa số người biểu tình chúa ngục De Launay chỉ có một toán binh sĩ gác ngục không lớn lao gì. Ông ta thoạt tiên tìm cách điều đình để kéo dài thời gian, nhưng sau đó đã ra lệnh cho binh sĩ của mình nổ súng bắt đầu một cuộc chiến đẫm máu. Những kẻ tấn công phần lớn là những người chủ tiệm ở vùng ngoại ô Saint-Antoine để lại trên 100 xác chết nhưng chỉ độ 4 tiếng đồng hồ sau thì dân thành Ba lê chiếm được tòa ngục thất mà họ vô cùng oán ghét. Chúa ngục và một số tùy tùng bị giết chết. Ngày 14 tháng 7 được coi như ngày tàn của chế độ cũ và là sự khởi đầu của cuộc Đại Cách Mạng 1789, sau đó được coi như ngày Quốc Khánh Pháp. Chuyến tàu Tết ở ga Đình Dù NOSTRADAMUS Nostradamus tên thật là Michel de Nostre-Dame, là một bác sĩ và chiêm tinh gia người Pháp, sinh ở Saint-Rémi-de-Provence vào năm 1503 và qua đời ở Salon vào năm 1566. Ông là bác sĩ riêng của vua Charles IX và rất nổi tiếng về những lời tiên tri của ông được công bố năm 1555. Nostradamus có thể được coi như một người sống cùng thời với cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở nước ta, cụ Khiêm sinh năm 1491 và mất năm 1585, tuy nhiên năm sinh của cụ chưa được chính xác cho lắm, có thể xê xích chút đỉnh, vậy thì cái khác biệt giữa hai người là cụ Trạng Trình của ta thọ hơn Nostradamus vì cụ sống trên 90 tuổi còn Nostradamus thì mới gần 63 tuổi đã qua đời. Ông gốc người Do Thái và tuy là một bác sĩ giỏi đã không chữa được cho vợ con của ông khiến cho vợ và hai con của ông đều đã chết trong trận dịch hạch. Chán nản, ông đã bỏ nghề y và để tâm nhiều hơn về việc viết những sấm ký, những lời tiên tri. Năm 1554, ông tục huyền và lấy được một bà vợ mới giàu có nên đã dành hết thì giờ vào công việc huyền bí này. Ông đã trở thành một nhà tiên tri nổi danh và được nhiều người cùng thời cho là nhà tiên tri lẫy lừng nhất của thời đại đó và luôn cả của những thời đại kế tiếp. Các bậc vua chúa quan quyền thi nhau tìm đến biệt thự nhỏ của ông ở Salon để được biết tài tiên tri của ông; ngay cả hoàng hậu Catherine de Médicis và vua Henri II cũng đã mời ông vào triều kiến. Ông đã viết tất cả là 12 Centuries (xin tạm coi như là những cuốn sách tiên tri), theo tác giả Jean Aimes de Chavigny, và mỗi cuốn gồm một trăm lời tiên tri viết bằng thơ tứ cú (thơ 4 câu) và bằng tiếng pháp cổ rất khó đọc – cũng theo tác giả này có ba cuốn 7, 9 và 11 không có đủ 100 bài thơ – tuy nhiên, trong lúc sinh thời người ta chỉ biết tới có 10 Centuries được in ra, sau đó, cần phải nói rõ là rất lâu sau khi Nostradamus qua đời người ta mới tìm được một số những bài thơ tứ tuyệt khác và gom chúng lại thành Centurie (quyển) XI và XII. Có cả chục nhà nghiên cứu và diễn giải những lời tiên tri của Nostradamus và họ cho rằng ông đã đoán đúng về vua Henri II bị chột mắt trong bài thơ thứ năm mươi năm trong quyển III, ông đã đoán đúng về vua Lộ Y thứ XVI, những gian truân và kết thúc bi thảm của vị vua này trên đoạn đầu đài trong bài thơ thứ 34 trong quyển IX, cũng như ông đã tự biết đúng về cái chết của mình vì, tối ngày mùng 1 tháng 7 năm 1556, người bạn, đồng thời là đệ tử của ông, de Chavigny chúc ông ngủ ngon và nói câu thường nhật: “Ngày mai xin gặp lại Thầy!” Nhưng, Nostradamus lắc đầu buồn bã và khẽ nói: “Ngày mai lúc bình minh ta sẽ không còn ở đây nữa đâu!” Và, sáng hôm sau, các thân nhân của ông đã thấy ông nằm chết ở trên ghế băng. Ông đã dặn người thân khắc dòng chữ “Quietem posteri non invidete” (Đừng thèm muốn sự an bình của người quá cố). Thực ra những lời tiên tri của Nostradamus, gần 1000 lời qua gần 1000 bài thơ tứ cú, đã được người đời cho rằng khá đúng và do đó, đã coi Nostradamus như là nhà tiên tri lừng danh nhất từ trước đến nay và sau này của nhân loại, tuy nhiên người viết xin nêu ra những phần Nostradamus nói về thế giới chúng ta gần chúng ta nhất, tôi muốn nói tới giai đoạn từ 1972 tới năm 2006, để chứng minh rằng rất nhiều tiên đoán của Nostradamus đã không hề xảy ra, không hề đúng một tí nào. Nostradamus đã tiên đoán rằng trong khoảng thời gian từ 1942 tới 1972, nước Pháp sẽ trở lại chế độ quân chủ với một vị vua (điều này đã không xảy ra như chúng ta ai cũng biết), và từ 1972 trở về sau, thế giới Ả rập sẽ làm dữ và đưổi tất cả mọi người Châu Âu ra khỏi lãnh thổ của mình. Một đế quốc Ả Rập sẽ được hình thành từ Maroc tới Thổ Nhĩ Kỳ (điều này cũng không hề xảy ra), và vào lúc này, Châu Âu do bị quá nhiều cuộc nổi dậy nên suy yếu hoàn toàn, chẳng còn quân đội, chẳng còn không quân lẫn hải quân và đã ttrở thành miếng mồi ngon cho bọn xâm lược và thế giới hồi giáo sẽ là những kẻ xâm lược đầu tiên. Các quốc gia Châu Mỹ, đứng đầu là Mỹ đã khoanh tay không can thiệp, và một quỷ vương thứ 7 (7ème antéchrist) là một ông Hoàng Ả Rập sẽ xâm chiếm Palestine và đặt đại bản doanh ở Jérusalem để sửa soạn tiến chiếm Châu Âu và Địa Trung Hải, Người Ả rập ở Tunisie và ở Bắc phi hợp tác với quỷ vương thứ 7 này, chỉ có quốc vương Maroc là không hợp tác nên đã bị bắt và bị truất phế vào năm 1973 (cũng là chuyện tào lao không hề có). Và trong cả chục năm dân chúng Âu Châu bị đọa đầy, ức hiếp, đàn áp bởi quân hồi giáo, tiếng than khóc vang cả trời. Trước thảm cảnh đó Mỹ quốc tập họp các lực lượng của mình và đã đánh đưổi được quân hồi giáo trên đất cũng như trên biển, truy đuổi quân hồi giáo tới tận Phi châu và tàn phá Phi Châu luôn. Năm 1988 Âu Châu được giải phóng và quỷ vương thứ 7 bị bắt và xử tử ở Constantinople. Trong thời gian từ 1994 đến 2006, sau khi chứng kiếnsự thảm bại của quân hồi giáo, đến lượt các đội quân của người Châu Á tiến đánh Âu Châu và Mỹ Châu. Cuộc xâm lăng của người Châu Á được coi như một trận chiến giữa những kẻ “Vô thần” với những người Âu Châu và Mỹ Châu tin Chúa, có thể nói là trận chiến giữa Satan và Chúa trời. Dưới sự lãnh đạo của một quỷ vương thứ 8 người Châu Á, các toán người Châu Á đánh phá lung tung và lấn chiếm khắp nơi. Nhưng quân Mỹ chống trả dữ dội và ngày 24 tháng 3, 1998, sau một trận thủy chiến khủng khiếp, quân Mỹ đã hủy diệt hoàn toàn các lực lượng hải quân của người Châu Á và vào năm 1999 quân mỹ và các đạo quân của Châu Âu đã tận diệt được các đội quân người Châu Á và quỷ vương thứ 8 bị bắt và bị xử tử hình vào ngày 24 tháng 11, 1999 (toàn những chuyện tào lao, chả có quái gì là đúng cả), tuy nhiên cũng theo Nostradamus thì từ năm 2000 đến 2006, các thiên tai sẽ đổ xuống liên miên trên toàn thế giới, mặt trăng tiến lại gần trái đất sẽ gây ra rất nhiều tsunami và những sóng thần này tàn phá rất nhiều nơi cũng như các trận động đất sẽ xầy ra ở khắp nơi và nhiều núi lửa lại bắt đầu phun trở lại. Đoạn này thì lại thấy có vài điểm hơi giống giống những gì đã xẩy ra tuy ở một mức độ rất hạn hẹp chứ không phồ biến. Do đó, ta thấy rằng chẳng có gì là chắc chắn, và tốt hơn hết là nên cố sống cho lành, cho tốt, cố gắng làm tất cả những gì có ích cho bản thân cũng như cho đồng loại, để rồi trong vòng một trăm năm từ hư vô đến ta lại trở về hư vô, có thế thôi chẳng phải tin ở ông tiên tri bà tiên tri nào hết cả. Huỳnh Nguyệt Anh Phụ bản IV MỘT SỐ CHI TIẾT VỀ ĐỊA DƯ RẤT CẦN BIẾT VỀ NƯỚC BẠN HOA KỲ
Mấy hôm trước đây, trong một tiệc cưới, tôi được mời ngồi vào một bàn có 4 Việt Kiều, 3 anh và 1 chị và một người Mỹ; ngoài năm người nói trên 7 người còn lại là tôi và 6 người sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong câu chuyện, bỗng có một người nhắc tới tiểu bang Bắc Carolina (North Carolina) và có ý muốn hỏi thăm mấy Việt kiều là thủ phủ của bang đó là thành phố nào. Mấy Việt Kiều đều tỏ ra bối rối và thận trọng hỏi vị khách người chính quốc, thì được ông này trả lời là Santa Fe. Mấy Việt Kiều đều cho biết là họ đều ở California và vì bận rộn công việc làm ăn nên cũng không để tâm gì lắm đến tên các thủ phủ vì nước Mỹ có tới 50 tiểu bang, vì vậy việc họ không biết rõ cũng chẳng có chi là đáng trách, còn việc người Mỹ trả lời sai (Santa Fe là thủ phủ của bang New Mexico) thì cũng chẳng có chi là lạ, vì nếu anh ta không giỏi địa dư thì cũng chẳng có chi đáng trách. Sự việc trên gợi tính tò mò ở tôi và tôi đã về nhà tra cứu về vấn đề này. Nay vì xét thấy Việt Nam ta và Hoa Kỳ đang có những quan hệ rất tốt đẹp, thì ta cũng nên biết cho chính xác về thủ phủ của 50 tiểu bang của nước bạn, để nếu sau này có gì phải giao dịch thì ta không mắc nhầm lẫn. Dưới đây là tên chính xác của 50 thủ phủ của 50 tiểu bang của nước bạn: Tên tiểu bang (theo thứ tự ABC)Tên thủ phủ Alabama ............................... Montgomery Alaska .................................. Juneau Arizona ................................. Phoenix Arkansas ............................... Little Rock California .............................. Sacramento Colorado .............................. Denver Connecticut .......................... Hartford Delaware ............................... Dover Florida .................................. Tallahassee Georgia ................................. Atlanta Hawaii .................................. Honolulu Idaho .................................... Boise Illinois ................................... Springfield Indiana .................................. Indianapolis Iowa ..................................... Des Moines Kansas .................................. Topeka Kentucky .............................. Frankfort Louisiana .............................. Baton Rouge Maine ................................... Augusta Maryland .............................. Annapolis Massachusetts ....................... Boston Michigan ............................... Lansing Minnesota ............................. St. Paul Mississippi ............................ Jackson Missouri ............................... Jefferson City Montana ............................... Helena Nebraska .............................. Lincoln Nevada ................................. Carson City New Hampshire ..................... Concord New Jersey ........................... Trenton New Mexico ......................... Santa Fe New York ............................. Albany North Carolina ...................... Raleigh North Dakota ........................ Bismark Ohio ..................................... Columbus Oklahoma ............................. Oklahoma City Oregon ................................. Salem Pennsylvanya ........................ Harrisburg Rhode Island ........................ Providence South Carolina ...................... Columbia South Dakota ....................... Pierre Tennessee ............................. Nashville Texas ................................... Austin Utah ..................................... Salt Lake City Vermont ............................... Montpelier Virginia ................................. Richmond Washington ........................... Olympia West Virginia ........................ Charleston Winconsin ............................ Madison Wyoming .............................. Cheyenne Trên đây là tên của tất cả các thủ phủ của 50 tiểu bang của Hoa Kỳ. Tiếp theo dưới đây là danh sách 10 thành phố lớn nhất Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ: 1. Thành phố New York thuộc tiểu bang New York với dân số 7.333.253 người theo thống kê năm 1994. 2. Thành phố Los Angeles, bang California với dân số 3.448.613 người (cũng theo thống kê năm 1994). 3. Thành phố Chicago, bang Illinois với dân số 2.731.743 người (cũng vậy). 4. Thành phố Houston, bang Texsas với dân số 1.702.086 người (cũng vậy). 5. Thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania với dân số 1.524.249 người (cũng vậy). 6. Thành phố San Diago, bang California với dân số 1.151.977 người (cũng vậy). 7. Thành phố Phoenix, bang Arizona với dân số 1.048.949 người (cũng vậy). 8. Thành phố Dallas, bang Texsas với dân số 1.022.830 người (cũng vậy). 9. Thành phố San Antonio, bang Texsas với dân số 998.905 người (cũng vậy). 10. Thành phố Detroit, bang Michigan với dân số 992.038 người (cũng vậy). Mong rằng những chi tiết về địa dư trên đây sẽ có ích cho những ai sẽ giao thiệp và làm ăn với nước bạn Hoa Kỳ. VŨ ANH TUẤN (Viết theo Encyclopedia Americana) Ngày Xuân nơi phố Hàng Ngang MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT “ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ” Trong số báo Người Lao Động ra ngày chủ nhật 07/01/2007, có đăng tải bài viết: “Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ” của GS-TS Phạm Văn Hường. Là một người đọc bình thường, hiểu biết hạn chế nhưng tôi cũng muốn mạnh dạn có vài ý kiến góp ý trên tinh thần khách quan, trung thực và thẳng thắn với ông GS-TS Phạm Văn Hường – cũng như rất mong nhận được những sự góp ý khác của bạn đọc xa gần – về vấn đề bài viết của ông GS-TS đã nêu… · Góp ý thứ nhất: chữ “ Annnamiticum ”. Rõ ràng đúng như GS-TS Phạm Văn Hường đã phát hiện: chữ Annnamiticum in trên bìa sách cuốn: “Tự điển Việt–Bồ–La” đã sai vì có tới 3 chư n! Và là chữ sai độc nhất của cả cuốn tự điển vì nếu ta lật đọc tất cả những trang bên trong đều thấy các chữ như: annamiticum, annamitica, Annamiticos,… Như vậy, chữ Annnamiticum in trên bìa sách đơn giản chỉ là một lỗi in ấn của nhà in. Công tâm mà nói, việc phát hiện chữ Annnamiticum in sai ấy là một sự phát hiện tinh tế và lý thú của ông GS-TS. Nhưng không thể vin vào lỗi in sai ấy mà ông GS-TS lại quy kết cho giáo sĩ Alexandre de Rhodes (từ đây xin viết tắt là gs A.d.Rhodes) là không am hiểu người Việt được. Vì nếu không am hiểu thì làm sao gs A.d.Rhodes có thể viết ra hai cuốn sách khác liên quan đến Việt Nam là cuốn “L’Histoire du Royaume de Tunquin” ( Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài) và cuốn “Divers voyaes et missions” (Các hành trình và truyền giáo) mà tuyệt nhiên ông GS-TS không hề nhắc đến trong bài viết của mình ! · Góp ý thứ hai: chuyện gs A.d.Rhodes “đạo” công trình cuốn “Tự điển Việt –Bồ –La “ Nếu người đọc lật giở các trang trong của ngay cuốn “Tự điển Việt–Bồ–La” ở phần đầu cũng như phần Cùng độc giả do gs A.d.Rhodes viết thì thấy ông đã có ghi rõ ràng, minh bạch như sau: “tôi nhờ chính những người bản xứ đã giúp tôi học tiếng gần 12 năm trong suốt thời kỳ tôi ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, mà tôi còn học hỏi với các nhà truyền giáo khác. Tôi đã từng học với Francesco de Pina, một người Bồ Đào Nha thuộc Dòng Tên hèn mọn chúng tôi. Ong là người rất giỏi tiếng bản xứ và là người đầu tiên dám tự giảng bằng tiếng bản xứ.Ngoài ra, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều giáo sĩ khác cùng thuộc Dòng Tên, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi người một cuốn tự vựng: ông trước bắt đầu bằng tiếng Annam (tức cuốn Annamiticum-Lusitanum của G.d.Amaral), ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha (tức cuốn Lusitanum-Annamiticum của A.Barbosa), nhưng cả hai ông đều chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh các Đức Hồng Y…) (dịch ra tiếng Việt). Như vậy, gs A.d.Rhodes đã minh định rõ ràng công việc biên soạn của mình như thế nào và nhờ thế mà ngày ngay người ta đã có thể khẳng định ông không phải là người đầu tiên sáng chế ra chữ quốc ngữ mà công việc sáng chế ấy là một quá trình lâu dài của nhiều nhà truyền giáo và trong đó có công sức rất lớn của những người Việt Nam lúc ấy; gs A.d.Rhodes chỉ có công biên soạn và đem in lần đầu tiên thành một cuốn tự điển bề thế, trang trọng về hình thức và phong phú về nội dung. Đó cũng là nhận định gần như thống nhất của các nhà nghiên cứu Sử, Văn học như: cụ Đào Duy Anh, cụ Dương Quảng Hàm, ông Lê Thành Khôi,... Như vậy, việc ông GS-TS Phạm Văn Hường cho rằng gs A.d.Rhodes “đạo” công trình của người khác là một việc vô lý nữa trong bài viết của ông. Giả sử gs A.d.Rhodes có “đạo” công trình thật thì xin ông GS-TS hãy chỉ rõ cho mọi người thấy gs A.d.Rhodes “đạo” như thế nào, ở chỗ nào, phần nào…? Vì các cuốn tự điển của hai giáo sĩ G.d.Amaral và A.Barbosa là song ngữ Việt–Bồ hoặc Bồ-Việt, còn cuốn “Tự điển Việt–Bồ–La” của gs A.d.Rhodes lại là tam ngữ cơ mà ! · Góp ý thứ ba: việc sai sót chết người trong cuốn “Cathechismus” ( Phép giảng tám ngày) Ong GS-TS giảng giải cho người đọc tuần lễ đạo ở Anh,Đức,Ý,Pháp thì như thế nào, ở Bồ Đào Nha thì ra sao rồi từ đó cho rằng gs A.d.Rhodes “không biết chủ nhật nằm ở đầu tuần hay cuối tuần mới sinh ý Phép giảng tám ngày”. Thật ra, đọc kỹ cuốn “Phép giảng tám ngày”, đơn giản ta thấy chỉ là một cuốn sách giáo lý cho khóa học tám ngày, chẳng ăn nhập gì với chủ nhật nằm ở đầu tuần hay cuối tuần cả. Trước khi gs A.d.Rhodes biên soạn ra cuốn “Phép giảng tám ngày” bằng song ngữ Latinh-Việt, thì đã có nhiều cuốn sách giáo lý viết bằng chữ Nôm, trong đó có loại sách giáo lý khóa học tám ngày như bản chép tay bằng chữ Nôm do ông Cống ,một thầy giảng ở Bình Chính giữ, nó được các giáo sĩ Dòng Tên ở Bắc Hà biên soạn… · Góp ý thứ tư: Bức thư xin gia nhập Dòng Tên của gs A.d.Rhodes . Ong GS-TS có nói đến chuyện ông đến tận vùng Avignon bên Pháp tìm hiểu và được một linh mục chánh xứ nào đó của địa phận này cho ông tài liệu in lá thư gs A.d.Rhodes khi xin gia nhập Dòng Tên, cuối thư ấy qủa thật có tên “Alexandro Rhodes”. Thật ra, cách nay 45 năm, năm 1961, tại Sài Gòn,nhà xuất bản Tinh Việt có xuất bản cuốn “Cathechismus” (Phép giảng tám ngày), trong cuốn sách ấy, ở trang phụ bản, cũng đã sao in lá thư xin gia nhập Dòng Tên của gs A.d.Rhodes viết bằng tiếng Latinh nhưng ở cuối thư có ghi tên bằng tiếng Latinh là “Alexander Rhodins” chứ chưa phải là “Alexandro Rhodes” như ông GS-TS viết. Còn chuyện gs A.d.Rhodes có thêm chữ “de” (cho ra vẻ gốc quý tộc), thiết nghĩ đó là việc cá nhân liên quan gì đến chuyện “đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ” chứ ? (Chuyện ai đó thêm chữ “de”, ông GS-TS có thể tham khảo một trường hợp tương tự: nhà văn lớn Pháp Honoré de Balzac ). · Góp ý cuối cùng : Cuốn Tường trình về Nhật Bản và việc gs A.d.Rhodes bị giáo đoàn Dòng Tên tố giác và cảnh giác. Ong GS-TS nói đến cuốn Tường trình về Nhật Bản mà gs A.d.Rhodes cũng “đạo” của người khác, không biết có phải là cuốn “ Francois Cardim, Relation de la province du Japon écrite en portugais par le Père F.Cardim de la Compagnie de Jésus procureur de cette province – Tournai 1646 ” (Tường thuật viết bởi Cha Phan-xi-cô Ca-đim về giám tỉnh Nhật Bản) không? Vì không có điều kiện đọc được bản gốc, nhưng qua tựa đề cuốn sách chúng tôi có thể đoán là cuốn này hoặc do gs A.d.Rhodes dịch lại từ tiếngBồ Đào Nha, hoặc do ông ghi lại từ giáo sĩ Francois Cardim chăng? Việc này xin được sự góp ý của các nhà nghiên cứu, các vị am hiểu về Đạo Công Giáo… Còn riêng với sự qui kết của ông GS-TS Phạm Văn Hường thì chúng rất lấy làm băn khoăn, không tin tưởng… Việc gs A.d.Rhodes bị giáo đoàn Dòng Tên công khai tố cáo và cảnh giác thì xin ông Hường cho biết thời điểm, tài liệu, trong giáo đoàn Dòng Tên ấy cụ thể là những ai? Có như vậy mới đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên, điều chúng tôi thắc mắc là việc này có liên quan gì đến chuyện “đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ” mà lần thứ 2 ông GS-TS lại chủ tâm đưa vào bài viết của mình ? Tóm lại, qua các phần góp ý của mình với bài viết Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ” của GS-TS Phạm Văn Hường , chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp chân thành, khách quan của bạn đọc xa gần ,nhất là các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến văn hoá nước nhà để làm sáng tỏ thêm đề tài này. Người viết Địa chỉ : 382/7,Lê Hồng Phong ,P.1,Q.10,Tp.HCM E-mail : duongtanghung@yahoo.com Điện thoại: 0908444718. Tài liệu tham khảo: · Dictionnarium Annamiticum – Lusitanum-Latinum. 1651 . XB tại Roma (bản gốc) · Từ điển Annam – Lusitan - La tinh . 1991. NXB Khoa Học Xã Hội .Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch. · Divers voyades et missions ( Các hành trình và truyền giáo) –Alexandre de Rhodes -1994 –Tủ sách Đại Kết Xb - Hồng Nhuệ biên dịch. · Cathechismus (Phép giảng tám ngày) - Alexandre de Rhodes -1961 – NXB Tinh Việt – Claude Larre S.I và Phạm Đình Khiêm giới thiệu và biên dịch. · Việt Nam Công giáo sử tân biên (1553-2000) Quyển 1- 2002- Cơ sở truyền thông dân Chúa XB – Cao Thế Dung biên soạn. · Việt Nam Văn học Sử yếu- 1968 – Trung Tâm Học Liệu XB - Dương Quảng Hàm. · Việt Nam văn hoá sử cương- NXB Hội Văn Văn (tái bản) – Đào Duy Anh. · Từ Điển Văn học 9 (bộ mới)- 2004 – NXB Thế Giới – 2004 – Nhiều tác giả. CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC BÀI "ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ" CỦA GS.TS. PHẠM VĂN HƯỜNG ĐĂNG TRÊN BÁO NLĐ NGÀY 07/01/2007 Sau khi đọc bài nói trên tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác, buồn cho người đã khuất hơn 300 năm không ngồi dậy mà biện minh cho mình được. Nhưng "sự thật trước sau vẫn là sự thật, cây ngay không sợ chết đứng", hơn nữa chắc chắn sau bài viết của "Giáo sư Tiến sĩ" sẽ có nhiều người, nhiều bằng chứng xác thực biện minh cho người đã khuất. Sau đây là vài cảm nghĩ của tôi : 1. Về "văn phong" : Tôi thấy những lời lẽ "bổ báng" nào là "lừa đảo, hành vi [đạo] công trình", nào là "tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm", nào là "vị đạo sĩ đạo công trình". Những lời lẽ này không thích hợp cho một Giáo sư Tiến sĩ, du học ngoại quốc. Chỉ một chữ Annnam do lỗi kỹ thuật sắp chữ và do việc sửa chữa morat không kỹ nên in 3 chữ n. Thế mà tác giả "nâng quan điểm" kết luận cách mỉa mai "Annam viết là Annnam, có người nói đó là chữ quốc ngữ độc nhất sáng tạo bởi Alexandro Rhodes cũng không xa sự thật lắm". Một người bình dân ít học cũng có thể nhận ra đâu là lỗi kỹ thuật (nhất là thời 1651), đâu là lỗi cố ý vì chỉ cần đọc một đoạn 19 dòng lời nói đầu của Cha Đắc Lộ người ta đã đếm được 5 lần chữ Annam viết đúng chính tả : - Dòng 1 : Annamitica Scilicet - Dòng 5 : Linguae Annamticae - Dòng 13 : Linguam autem Annamiticam - Dòng 16 : Libros Annamiticos intelligere - Dòng 17 : Ipris Annamitis Thử hỏi một học giả, Giáo sư Tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài mà đồng tình với một kẻ vô danh tiểu tốt nào đó (tác giả không nêu tên) cho rằng Cha Đắc Lộ trong công trình tạo chữ quốc ngữ chỉ sáng tạo được mỗi một chữ "sai bét sai be" đó thì còn có gì tệ hại hơn nữa không ? 2. Về chuyên môn : Phàm là người cầm bút biết tự trọng khi viết về vấn đề gì phải am hiểu tường tận về vấn đề đó. Mỗi lãnh vực đều có những thuật ngữ riêng, không thông thạo thì đi hỏi những người chuyên môn. Viết không đúng thì sẽ tự đánh mất uy tín của mình. Trường hợp tác giả bài báo dùng chữ "Giáo sĩ dòng Tên Jesus" là không đúng. Thuật ngữ chính xác là Dòng Tên. "Ông này xin Giáo Hội dòng Jesus" là hoàn toàn sai. Giáo Hội, là tên gọi cả cộng đoàn tín hữu Công giáo toàn cầu hơn 1 tỉ người hợp nhất với nhau dưới sự lãnh đạo tối cao của Đức Giáo Hoàng. Dòng (mang danh Chúa) Jesus hay Dòng Tên là một trong những cộng đoàn rất nhỏ gồm những nam tu sĩ theo một linh đạo và một đặc sủng riêng dưới quyền lãnh đạo của vị Bề trên cả, nhằm phục vụ những yêu cầu của Giáo Hội. Khi nói về cuốn Phép Giảng Tám Ngày, tác giả bài báo viết : "Vị đạo sĩ 'đạo' công trình này còn hoang mang dẫn đến sai sót chết người trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày … Thường lệ lễ đạo theo chu trình 7 ngày hay một tuần lễ … trong các nước Âu Châu … ngày Chủ nhật là ngày cuối tuần chỉ có ở Lusitana, tên Bồ Đào Nha xưa, Chủ nhật là ngày lễ đầu tuần, kế tiếp là ngày lễ thứ hai : Feria Secundo … dựa theo truyền thống Bồ Đào Nha họ đã tạo nên việt ngữ : Chủ nhật, thứ hai, thứ ba … cho đến thứ bảy, thứ tự những ngày lễ trong tuần này khác hẳn thông lệ ở Pháp, nơi chôn nhau cắt rốn của Alexandro. Có lẽ trước sự hoang mang bán tín bán nghi này, không biết lễ Chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép Giảng Tám Ngày". Sách Phép Giảng Tám Ngày là một cuốn sách giáo lý dự tòng, chuẩn bị cho người muốn theo đạo Chúa một cách vắn gọn bằng 8 bài giáo lý căn bản (vì đạo bị cấm cách, các Linh mục, tu sĩ bị bắt bớ, nên không dạy giáo lý đằng tả được). Chữ "Phép Giảng" thực ra không có nghĩa trong đạo, chỉ có Phép Rửa hoặc Phép Rửa Tội. Nhưng hệ thống chữ mới sáng lập chưa có từ nào diễn tả được việc dạy và học giáo lý để lãnh Phép Rửa Tội, nên Cha Đắc Lộ đã dùng chữ Phép Giảng. Còn "Tám Ngày" là dựa theo truyền thống lâu đời trong Cựu Ước, đó là phép Cắt Bì, một dấu giao ước, một lễ nghi gia nhập dân riêng Chúa Trời. Lễ nghi hết sức quan trọng này có từ thời Tổ phụ Abraham 1850 năm trước Công nguyên. Chúa phán với Abraham : "Sinh được 8 ngày mọi nam nhi trong các ngươi đều sẽ chịu cắt bì … như thế giao ước của Ta nơi thân xác các ngươi sẽ thành giao ước muôn đời" (Sáng Thế 17,12). Tới thời Môsê 1250 trước Công nguyên, phép Cắt Bì vẫn được duy trì : "Ngày thứ tám, người ta sẽ cắt bì đứa trẻ nơi da thịt nó" (sách Lêvi 12,3). Lễ nghi ngày được lưu truyền trong Do Thái giáo mãi tới thời Chúa Giêsu và tiếp tục tới ngày nay. Chính Chúa Giêsu cũng chịu cắt bì : "Mãn tám ngày đến lúc phải làm phép cắt bì cho Hài Nhi, thì Hài Nhi đã được đặt tên là Giêsu" (Lc 2,21). Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô cho Chúa Giêsu cũng chịu cắt bì : "Và ngày thứ tám họ đến làm phép cắt bì cho con tre" (Lc 1,59). Tới thời các Tông đồ, khoảng giữa thế kỷ I Công nguyên. Những người theo Kitô giáo không tiếp tục sử dụng phép Cắt Bì nữa, vì lễ nghi gia nhập đạo Công giáo là phép Rửa Tội do chính Chúa Giêsu thiết lập thay thế phép Cắt Bì, nhưng phần nào còn dư âm của truyền thống phép Cắt Bì về phương diện thời gian, nên các trẻ sơ sinh sau khi chào đời được 8 ngày thì được lãnh phép Bí tích Rửa tội để được làm công dân Nước Trời. Thói quen Rửa tội sau 8 ngày được duy trì trong Hội Thánh Công giáo mãi tới Công Đồng Vaticanô II (1965). Sau Công đồng thì thời gian đem trẻ sơ sinh đi Rửa tội là 1 tháng (lý do để trẻ cứng cát hơn và để bà mẹ có thể bế con tới dự lễ nghi Rửa tội). Như vậy tựa đề cuốn sách Phép Giảng Tám Ngày hoàn toàn không có liên quan gì tới thứ tự 1 tuần lễ hay 7 ngày và việc ấn định ngày Chúa Nhật ở đầu tuần hay cuối tuần như tác giả bài báo khẳng định kiểu "đinh đóng cột" : "có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ Chúa Nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép Giảng Tám Ngày". Cũng xin nói thêm, một vị Linh mục thông thái như Cha Đắc Lộ, cả đời đọc, suy gẫm, sống, rao giảng và sẵn sàng chết vì Phúc Âm không thể nào lại "hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ Chúa Nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần", vì Phúc Âm đã ghi rõ về biến cố quan trọng nhất trong đạo là biến cố Chúa Giêsu sống lại : - Phúc Âm thánh Matthêu ghi : "Vãn ngày hưu lễ (tức là thứ bảy, Sabato) rạng ngày thứ nhất trong tuần, Maria người Magđala và một Maria khác đến xem mồ" (Mt 28,1). - Phúc Âm thánh Luca viết : "Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng bình minh, các bà đến mồ" (Lc 24,1) - Phúc Âm theo thánh Gioan viết : "Ngày thứ nhất trong tuần Maria Magđala đi đến mồ lúc sáng sớm" (Ga 20,1). "Vào lúc xế chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi ở của các Tông đồ, các cửa đều đóng kín vì sợ người Do Thái, Đức Giêsu đã hiện ra đứng giữa họ và Ngài nói : Bình an cho các ngươi" (Ga 20,19). - Phúc Âm theo thánh Máccô viết : "Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần họ đi đến mồ" (Mc 16,2). Giáo Hội Công giáo ngay từ buổi sơ khai đã gọi ngày Chúa sống lại, ngày thứ nhất trong tuần là ngày của Chúa hay Chúa Nhật hoặc Chủ Nhật. Thánh Gioan trong sách Khải Huyền, cuốn cuối cùng của bộ Thánh Kinh Tân Ước đã viết : "Vào ngày của Chúa, tôi đã xuất thần" (Kh 1,10). Chuyện rõ như ban ngày ấy mà có kẻ dám quả quyết Cha Đắc Lộ "hoang mang" không biết lễ Chúa Nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần thì đó mới thực là "sai sót chết người", giết chết cả uy tín, sự nghiệp của một đời người. Còn nữa, tác giả luôn miệng phỉ báng Cha Đắc Lộ là "kẻ lừa đảo; đạo công trình; vị đạo sĩ 'đạo' …", thế nhưng tác giả không nêu được bằng cớ để chứng minh : bản văn của 2 cuốn từ điển trước cuốn Việt-Bồ-La 1651. Gần đây trên đất nước ta xảy ra nhiều vụ kiện liên quan tới bản quyền. Điều tiên quyết phải chứng minh được là nguyên đơn đã đăng ký bản quyền trước, đã có tài liệu xuất bản trước. Chính tác giả đã thú nhận : "Tôi có đi Macau tìm nguồn nhưng vô hiệu". Cuối bài viết tác giả lại viết tiếp : "Sự đạo công trình của Alexandro còn tái diễn một lần nữa khi ông đứng tên mình in ra quyển Tường trình về Nhật Bản … mặc dầu tác giả thực sự của công trình này là một giáo sĩ khác thuộc Dòng Tên, điều gian dối này buộc Giáo đoàn Dòng Tên công khai tố cáo và cảnh giác". Xin tác giả hãy trưng ra bằng chứng sự kiện này. Tác giả thực sự là ai ? Công trình của ông xuất bản năm nào ? Những tờ đơn công khai tố cáo của "Giáo đoàn Dòng Tên" như thế nào ? Thay cho lời kết luận, tôi xin nói lên cảm nhận của riêng tôi : 1. Một Linh mục tu sĩ, bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu là Sự Thật, suốt đời giảng đạo Sự Thật, chấp nhận chịu cực khổ, liều mạng sang đến Việt Nam chịu nhiều lần bắt bớ, tù tội vì giảng đạo Sự Thật, sẵn sàng chết vì đạo Sự Thật, nhưng đã thoát án tử, chỉ bị trục xuất khỏi Việt Nam. Một con người như thế liệu có thể gian dối trắng trợn như tác giả viết không ? 2. Đất nước Việt Nam mình từ thời Pháp thuộc tới nay, biết bao nhà nghiên cứu sử học, biết bao Giáo sư Tiến sĩ rồi còn các nhà lãnh đạo tối cao của đất nước, không lẽ họ lầm cả khi công nhận công lao của Cha Đắc Lộ và tôn vinh ngài bằng tên một con đường ngay trước dinh Thống Nhất, đường Alexandre de Rhodes ! 3. Đối với một người còn chút lương tri thì khi đã gây ra một hậu quả xấu nào với người khác thì phải nhanh chóng khắc phục, nhẹ thì xin lỗi, nặng thì phải bồi thường. Đối với trường hợp Cha Đắc Lộ thì thiệt hại ở đây không phải là vật chất mà là cái quý hơn vật chất bội phần, không có vàng bạc châu báu nào mua được, đó là danh dự của một người đã cống hiến bao nhiêu công sức cho nền văn hóa Việt Nam. Nếu dựa vào tự do ngôn luận rồi muốn xúc phạm người khác thế nào cũng được, thì hỏi công lý còn trên thế gian này không, hay phải chờ tới tòa phán xét chí công của Chúa trong ngày tận thế ? 4. Viết tới đây tôi càng thấm thía lời dạy của Chúa Giêsu: "Đừng xét đoán, các ngươi sẽ không bị xét đoán. Đừng lên án, các ngươi sẽ không bị lên án" (Phúc Âm theo thánh Luca 6,37) và câu Thánh vịnh 7,17 : "Hại người lại hóa hại thân, Gậy ông đập xuống lại dần lưng ông " Tân Sa Châu, ngày 01/02/2007 Lm. Jos. Nguyễn Hữu Triết Tranh Tố Nữ THÔNG BÁO Kỳ họp tiếp theo của Câu Lạc Bộ Sách Xưa & Nay sẽ diễn ra vào lúc 9g00 ngày 10/3/2007 tại Nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 Lê Văn Sỹ, P2, Q. Tân Bình. Bài viết cho bải tin nội bộ xin gửi về: Hamanhdoan69@yahoo.com Đt: 8469759 hoặc 0907108484 |