Hiện có 11 người xem / 2469389 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 10-5-2008

Như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn mở đầu phiên họp bằng việc giới thiệu 2 cuốn sách mới tìm được, và ông cho biết là đã cố gắng hết sức mà chưa liên lạc được với Nhà lưu niệm của một danh nhân văn hóa nào để tổ chức đi thăm cho quý này. Kế đó các thành viên có ý kiến là kỳ họp tới phải có một hoạt động văn hóa nào đó và đã đi đến quyết định là sẽ tổ chức một cuộc nói chuyện về NHÀ NHO CÁCH MẠNG LƯƠNG TRÚC ĐÀM trong kỳ họp ngày 14 tháng 6 năm 2008, và người trình bày là nhà thơ Thùy Dương, một thành viên của CLB.


Kế đó A. Phạm Thế Cường, một thành viên khác của CLB cho biết anh đã tổ chức tại tư gia một thư viện Mini dành cho thanh thiếu niên nơi Phường anh ở, và có nhã ý mời các thành viên CLB tới dự buổi lễ Khai Mạc được tổ chức vào sáng Chủ Nhật 18-5-2008.
Sáng ngày Chủ Nhật 18-5-08, 6 thành viên CLB gồm Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Nhà giáo Từ Nguyên, Nhà thơ nữ Ngàn Phương, Nhà nghiên cứu Phật giáo Tâm Nguyện, Nhà thơ Giáng Vân, và nhà nhiếp ảnh Hà Mạnh Đoàn đã tới tham dự Lễ khai mạc Thư Viện Mini. Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã có vài lời nói với các em thiếu nhi hiện diện và đã thay mặt CLB Sách Xưa & Nay trao tặng cho thư viện một số sách nhỏ. Buổi lễ khai mạc kết thúc lúc 10 giờ 45 sáng hôm đó.

       VŨ THƯ HỮU

XIN THỬ LUẬN BÀN VỀ TÊN HỌ CỦA BÁC HỒ.

Tất cả chúng ta đều biết Bác Hồ lấy rất nhiều tên và bí danh trong suốt quá trình hoạt động cách mạng ở nước ngoài, từ ngày xuống tàu ở bến Nhà rồng đi tìm đường cứu nước (6/1911) đến khi trở về quê hương ở cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng (1/1941). Nhưng trong tất cả số tên ấy chỉ có hai tên được Bác sử dụng chính thức là Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh, ngoài hai tên do cha mẹ đặt từ nhỏ là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành.
Bác Hồ sinh ngày 19/5/1890 ở quê mẹ làng Hoàng Trù (làng Chùa), xã Nam Liên huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung. Quê cha ở làng Kim Liên (làng Sen) cùng huyện và tỉnh với quê mẹ. Đến tháng 9/1901 Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình chuyển về sống ở quê nội Kim Liên. Nhân dịp này, ông Nguyễn Sinh Sắc làm lễ “vào làng” cho hai con trai với tên mới là Nguyễn Tất Đạt (anh) và Nguyễn Tất Thành (em Nguyễn Sinh Cung). Đó là cụ Phó bảng mong muốn hai con trai của mình đều thành đạt trong cuộc đời và sự nghiệp.
Với tên Nguyễn Tất Thành, Bác Hồ đi học ở trường làng, rồi theo cha vào Huế học trường Quốc học, dạy học ở Phan Thiết, vào Sài Gòn đi tìm đường cứu nước tận trời Tây (5/6/1911). Đầu năm 1919, Người vào đảng Xã hội Pháp lấy tên mới Nguyễn Ái Quốc, bắt đầu cuộc đời họat động chính trị của mình ở nước ngoài.
Mãi cho đến ngày 28/01/1941, Bác Hồ trở về nước, sống ở hang Pắc Bó. Rồi tối ngày 13/8/1942, với tên mới Hồ Chí Minh Bác Hồ lên đường trở lại đất Quảng Tây - Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và Đồng Minh (Sổ tay Báo cáo viên năm 2005 của Ban TT-VH TW, trang 225). Sau đó, Bác bị quân của Quốc Dân đảng bắt và giam ở nhiều nhà tù, tới ngày 10/9/1943 mới được trả tự do. Trong thời gian ở tù Bác sáng tác thi phẩm nổi tiếng “Nhật ký trong tù”. Từ lúc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công, khai sinh ra nước VNDCCH ngày 2/9/1945 và Bác được cử làm Chủ tịch Chính phủ cho tới ngày qua đời 2/9/1969 đều lấy tên Hồ Chí Minh.
Như vậy, lúc họat động cách mạng ở nước ngoài Bác lấy tên Nguyễn Ái Quốc, có nghĩa “Người họ Nguyễn yêu nước”. Khi về nước lãnh đạo cách mạng chống Pháp và thời gian làm Chủ tịch Chính phủ tới ngày qua đời, Bác sử dụng tên Hồ Chí Minh. Lý do và ý nghĩa của việc lấy tên mới này chưa thấy ai giải thích. Năm 1997, báo Nhân Dân cuối tuần có đăng bài “Trăng sáng trong thơ Bác, trong tên Bác” của ông Nguyễn Tất Hiển CCB phường Bến Nghé Q.1 lý giải chữ HỒ theo Hán tự được ghép bởi chữ Cổ với chữ Nguyệt và được rút ra từ hai câu thơ của nhà thơ nổi tiếng Lý Bạch thời nhà Đường – Trung Quốc:

Cổ nhân bất thức kim thời nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cố nhân

Nhưng xét ra không thuyết phục và không giải thích được chữ CHÍ và chữ MINH theo cách đó mà chỉ phân tích theo cách viết chữ lẻ của Hán tự. Thực ra, theo Hán tự, chữ HỒ (họ HỒ như HỒ QUÝ LY, HỒ XUÂN HƯƠNG) được viết ghép từ Cổ và Trăng, chữ CHÍ ghép từ Sĩ với Tâm và chữ MINH ghép bởi Nhật và Nguyệt. Nên cách lý giải và phân tích của ông Hiển không có gì lạ. Theo nghĩa tiếng Việt, chữ CHÍ có nghĩa  RẤT và chữ MINH có nghĩa SÁNG, đơn giản thế thôi.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, chỉ có một cơ sở để làm xuất xứ cho việc Bác Hồ lấy tên HỒ CHÍ MINH như sau:
Vừa mới về nước sau 30 năm ở nứơc ngoài, Bác sống giữa cảnh rừng núi thâm sâu, ngày ít thấy mặt trời nhưng đêm lại sống nhiều với ánh trăng, ánh sao. Nhất là vào những đêm trăng sáng vành vạnh, tràn ngập núi rừng bao la, khi ấy một mình Bác đối diện với chị Hằng mới cảm nhận hết khí thiêng của đất trời, hồn linh của quê hương đối với người nhiều tâm sự, luôn trăn trở về việc cứu nước cứu dân, đánh đuổi ngoại xâm… Thế là người yêu nước (Nguyễn Ái Quốc) mới tâm sự và gởi gắm “tâm sự” của mình cho Trăng qua bài thơ “Chơi trăng:

Gặp tuần trăng sáng, dạo chơi trăng
Sẵn nhắn vài câu hỏi chị Hằng:
“Non nước tơi bời sao vậy nhỉ?
Nhân dân cực khổ biết hay chăng?
Khi nào dấy được quân anh dũng
Để dẹp cho tan bọn nhố nhăng
Nam – Việt bao giờ thì giải phóng
Nói cho nghe thử, hỡi cô Hằng?”
Trăng rằng: “Tôi kính trả lời ông:
Tôi đã từng soi khắp núi sông
Muốn biết tự do chầy hay chóng
Thì xem tổ chức khắp hay không.
Nước nhà giành lại nhờ gan sắt
Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng.
Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi,
Tức là cách mạng chóng thành công.”

Do đó, Bác “hóa thân” hay ví mình như Trăng mà lại là trăng xưa (cổ nguyệt) hay trăng thề nặng nợ với non sông, nặng tình với dân tộc mà chưa trả được. Trăng xưa (HỒ) này lại rất (CHÍ) sáng (MINH). Như vậy, chưa đầy hai năm sống trong cảnh núi rừng ở Pắc Bó, đêm đêm cùng với chị Hằng giải bày tâm sự nên chắc chắn Bác cảm thấy có ngẫu hứng đặt tên mới cho mình: HỒ CHÍ MINH = TRĂNG XƯA RẤT SÁNG. Sau đó, ngày 13/8/1942, buổi tối với tên mới Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc… (Sđd cùng trang). Tất cả tư liệu về Bác, kể cả Lịch sử của Đảng, sau này đều xác nhận Bác Hồ lấy tên HỒ CHÍ MINH kể từ đó.
Từ đó về sau, Bác chuyên tâm sáng tác nhiều bài thơ về trăng và luôn trò chuyện với trăng, lấy trăng làm bạn đời, bạn tình…

Bài “Cảnh rừng Việt Bắc” (1947) hai câu kết:

Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Bài “Cảnh khuya” (1947) quá thơ mộng có câu:

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Bài “Nguyên tiêu” (1948) có câu:

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Bài “Đối nguyệt” (Đối trăng, 1950):

Ngoài song, trăng rọi cây sân
Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song
Việc quân việc nước bàn xong
Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm…

Tất cả trăng trong thơ Bác đều rất đẹp, rất sáng, rất trong và ánh trăng luôn trải đều khắp non sông đất nước, sống cùng muôn loài ở mọi miền đất nước giống như tâm hồn, tư tưởng của Bác, đạo đức của Bác luôn luôn trong sáng như gương mà các thế hệ mai sau thảy đều soi bóng.

Vương Liêm

BỘ “TAO ĐÀN TẠP CHÍ” CỦA NHÓM PHAN KHÔI, NGUYỄN VĂN TỐ, TRƯƠNG TỬU, HẢI TRIỀU, THIẾU SƠN, HOÀI THANH…

Bộ Tạp chí Tao Đàn này gồm 13 số, từ số 1 tới số 13, và ba số đặc biệt một số về nhà thơ Tản Đà, một số về nhà văn Vũ Trọng Phụng và một số Đặc khảo về Ba Lan. Bộ tạp chí này đến với tôi trong những hoàn cảnh rất tức cười mà tôi nhớ đến đâu thì xin kể đến đấy. Hai số đầu tiên đến với tôi là số 3 và số 9, mà một hôm tôi đang ngồi tán gẫu với cô bạn chủ nhà sách ở đường Kỳ Đồng thì gặp một bà bán ve chai gánh qua. Cô bạn tôi gọi lại mua một số sách và quăng cho tôi hai số Tao Đàn đó, tay quăng miệng nói: “Này, hàng hiệu của anh đó, giấy gì mà đen thui, ghê quá!” Tôi cảm ơn cô ta rối rít và hỏi giá bà ve chai. Bà này giơ hai ngón tay miệng hô: “hai ngàn”. Thấy rẻ quá tôi đưa cho bà hai tờ năm ngàn. Bà ta nhìn tôi bằng ánh mắt mà tôi hiểu ngay nên vội giải thích: “Này bà, tôi không “hâm” đâu, nhưng nếu mua rẻ quá thì tôi có lỗi với sách!” Bà ve chai nhận liền và cám ơn. Độ năm tháng sau tôi gặp được ở một tiệm sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai một tập 10 số đóng chung từ 1 đến 10. Lần này anh bạn bán sách có tiếng là “đao phủ thủ” vì sợ tôi có lỗi với sách nên chỉ tính tôi có 15 ngàn một số. Nhưng tôi vẫn mừng húm khi có được 10 số liên tục để rồi… gần hai năm sau, vào năm 1987 tôi gặp được ở đường Lê Quang Định 2 tập, một tập trong có 5 số từ 9 tới 13 và một tập 3 số là 3 số đặc biệt. Lần này tôi được hân hạnh trả độ 20 ngàn một số và khi ra về, cầm 2 tập sách trên tay, tôi bỗng cảm thấy đời đáng sống quá và mình may mắn quá, Ôi, thế là tôi đã có đủ bộ!
Tôi đọc ngấu nghiến và rất thích vì thấy các bài viết bài nào cũng rất hay, rất dễ thương vì ngoài mấy vị đã nêu ở trên còn có Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố… toàn các ngôi sao sáng trên nền trời văn học Việt Nam.
Hôn nay, để chia sẻ với các bạn tôi xin viết bài này để giới thiệu với các bạn về các “Mục đích của Tao Đàn” và về những gì các nhà trí thức thời đó, trong đó có chính những tác giả viết cho Tạp Chí Tao Đàn, nói về Tạp Chí này dưới đề tài: “Các Bậc Trí Thức Đối Với Tao Đàn”

MỤC ĐÍCH CỦA TAO ĐÀN
Tao Đàn là tờ tạp chí không thuộc riêng về một văn phái nào cả; nó là cơ quan của một nền văn hóa hoàn toàn Việt Nam về sau này, mà sự kiến thiết phải được tất cả nhân sĩ ba kỳ coi làm cái bổn phận tối cao và khẩn cấp.
Tao Đàn là vườn ươm hạt giống tài hoa của chủng tộc, là nơi để cho hết thảy mọi cá tính được phát triển đầy đủ về phương diện văn chương và tư tưởng.
Tao Đàn là nơi tập trung tất cả mọi sự gắng công để đi tới sự hợp nhất và tiến hóa của văn chương Việt Nam và sau hết để đi tới sự nhận chân cái bản thể nhân loại qua tâm hồn Việt Nam.
Tao Đàn là cái chứng cớ thiêng liêng để các phần tử trí thức tỏ ra không phụ lòng mong đợi, cậy trông về tương lai mà chủng tộc đã tha thiết đặt vào mình.
Tao Đàn là tờ tạp chí của hết thảy người Việt Nam nào mà cái tương lai tinh thần của chủng tộc đã thành sự băn khoăn tha thiết trên mọi sự băn khoăn khác.
Để làm trọn thiên chức ấy, Tao Đàn mong mỏi sự cộng tác và cái cảm tình nồng nàn của hết thảy các phần tử quý báu đã nói ở trên.

CÁC BẬC TRÍ THỨC ĐỐI VỚI TAO ĐÀN
Tôi xem trong cái chương trình định trước của ông đã in sẵn thì chắc là tạp chí ấy ra đời sẽ hay lắm, và công chúng sẽ rất hoan nghênh.
TRẦN TRỌNG KIM

Tôi xin có lời trân trọng mừng cho tạp chí Tao Đàn sắp ra đời trong lúc nước ta cần phải có một cơ quan đứng đắn để bồi đắp một nền học thuật không đến nỗi thẹn với các nước tiên tiến.
PHAN VĂN HÙM

Tôi xin vui lòng viết giúp tạp chí Tao Đàn, một cơ quan văn hóa rất hợp thời.
NGUYỄN VĂN TỐ

Tôi coi cái thể tài của Tao Đàn lấy làm thích lắm, vì xã hội ta hiện nay đương thiếu một cơ quan về văn hóa thì Tao Đàn chính là lúc gặp phải thời thế phải ra và nên ra.
THIẾU SƠN

Tạp chí Tao Đàn hơi giống tờ la Nouvelle revue française ở Pháp là báo rất được hàng trí thức hoan nghênh.
HẢI TRIỀU

Ông xuất bản báo Tao Đàn rất hợp thời. Tôi cũng là một trong cái số đông những người vẫn mong mỏi một tạp chí về văn chương…
VI HUYỀN ĐẮC

Trong Tao Đàn, tôi thấy một sự siêu việt là dung hợp được mọi tư tưởng dù trái ngược nhau (Tao Đàn sẽ là nơi gặp gỡ của hết thảy mọi khuynh hướng nghệ thuật dù không dung nhau, của hết thảy mọi tư tưởng dù phản đối nhau, nếu các khuynh hướng và tư tưởng ấy cùng chung một cứu cánh gây dựng một nền văn hóa Việt Nam – lời tòa soạn)
PHAN KHÔI

Tạp chí Tao Đàn ra chắc là hợp thời lắm, vì nước ta hiện nay cần phải có một cơ quan về văn hóa, không thiên về đảng phái nào, chỉ chủ một mục đích là gây dựng lấy một nền văn hóa đặc biệt cho nước Nam ta, mà lấy quốc văn làm lợi khí…
PHẠM QUỲNH

Mong rằng những gì tôi chia sẻ với các bạn hôm nay đủ để các bạn đánh giá tạp chí Tao Đàn, mộ bộ báo giá trị của chúng ta.

Trích hồi ký 60 năm chơi sách Chương VI
Vũ Anh Tuấn

NHU CẦU DINH DƯỠNG TRONG
LAO ĐỘNG TRÍ ÓC

Ở tầm mức sinh hóa, thức ăn là mắt xích thứ nhất nối liền não bộ với môi trường xung quanh và luôn cả với quá trình phát triển con người. Thức ăn của chúng ta ảnh hưởng đến các chất sinh hóa sản sinh ra từ não à và các chất này tác động lên tính tình, các hành vi, tiến trình tư duy và cả các phản ứng về mặt xúc cảm bắt nguồn từ não à tất cả những yếu tố đem lại muôn vẻ màu sắc cho cuộc sống chúng ta.
May mắn thay, con người có khả năng kiểm soát được cái gì mình ăn. Hay chính xác hơn... Lý trí của chúng ta có thể kiểm soát được các thức ăn ăn vào – nếu có quyết tâm. Càng biết rõ về mối tương quan giữa thực phẩm và não bộ, thì càng có được những quyết định khôn ngoan về mặt dinh dưỡng giúp cho trí óc minh mẫn lâu dài.

Nhu Cầu Năng lượng của Não
So với các tế bào khác trong cơ thể, các tế bào não cần đến gấp đôi năng lượng. Các nơron luôn luôn trong tình trạng họat động chuyển hóa để “truyền thông” với nhau. Ngay cả khi chúng ta ngủ, các nơron vẫn hoạt động để bảo trì, tái thiết lại những thành phần cấu trúc của chúng bị hao mòn đi do công việc phải thực hiện lúc thức tỉnh:
Cụ thể là các nơron sản xuất ra các enzym và các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) cần phải đưa đền đầu tận cùng các nhánh dây thần kinh, có khi cách xa thân nơron từ vài phân (inch) đến nhiều bộ Anh (feet). Tuy nhiên đòi hỏi các nơron cung cấp nhiều năng lượng nhất – là các tín hiệu điện-sinh-học (bioelectric signals) phụ trách việc truyền thông trên khắp mạng lưới hệ thống thần kinh. Việc truyền tín hiệu này tiêu thụ kể như một nửa năng lực dành cho não bộ (nếu tính cho toàn thân thì năng lượng não cần tới chiếm khoảng 10% - trong khi thực sự về mặt trọng lượng não chỉ chiếm 2% số cân nặng toàn thân).
Đường Glucose là hình thức đường đi theo máu tuần hoàn đưa lên não nuôi các lò ty thể cung cấp năng lượng cho các tế bào hình thành chất xám não bộ. Song không giống như các tế bào cơ bắp, các nơron chất xám không tích lại Glycogen và đòi hỏi máu tưới não cung cấp đều đều nhiên liệu quý giá Glucose này.
Nhiên liệu Glucose các nơron sử dụng thì cũng là nhiên liệu của mọi tế bào và muốn vào được bên trong tế bào – cũng như bất cứ tế bào nào khác trong cơ thể – phải có “chìa khóa” insulin. Điều khám phá gần đây nhất là Insulin “mở cửa nơron” không do tuyến tụy nội tiết.
Nghiên cứu trên chuột và trên các tế bào não lấy từ xác bệnh nhân bị bệnh Alzheimer một nhóm nghiên cứu Hoa Kỳ phát hiện là insulin và những protein liên quan tới insulin thực sự được sản xuất ngay chính trong não – chứ không xuất phát từ tuyến tụy – và khi cả hai mức hàm lượng insulin não + protein liên quan đều thấp thì điều đó thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh Alzheimer.

Insulin riêng của Não
Bác sĩ de la Monte, một chuyên gia về bệnh học thần kinh (neuropathologist) ở Bệnh Viện Rhode Island, phát biểu: “Điều mà chúng tôi phát hiện ra là insulin không chỉ được sản xuất trong tuyến tụy, mà còn cả ở não nữa. Nhóm nghiên cứu tuyên bố là Insulin não này và các yếu tố tăng trưởng và thụ thể (receptors) liên quan (its related growth factors and receptors) có tính cách sống còn đối với sự tồn tại của các tế bào não (vital for the survival of brain cells). Nếu Insulin và các chất này không được sản xuất tới mức bình thường, thì tế bào não chết. Trong trường hợp bị bệnh Alzheimer, các tế bào não bị tử vong khu trú vào một địa điểm liên quan tới trí nhớ – là trung khu cá ngựa (hippocampus)”.

Vai trò chất béo
Bí mật của việc hình thành não bộ – liên quan nhiều hơn đến chất béo - lần lần được hé lộ khi ta ráp kết quả ba công trình nghiên cứu thoạt tiên có vẻ không có gì là quan hệ với nhau. Mẩu thứ nhất của toàn cảnh bức tranh lắp hình là khám phá khảo cổ nơi chốn con người tỏ ra có bộ óc thông minh “siêu quần bạt chúng” đối với các động vật có não: Thung lũng sông Rift miền Đông Châu Phi và đất mũi tận nam Nam Phi. Mẩu ráp thứ nhì là việc khám phá ra acid béo DHA (docosahexaenoic acid), chất tham gia quá trình phát triển não bộ. Mẩu ráp nối thứ 3 là điều người ta khám phá ra là DHA rất dồi dào trong các hải sản. Toàn cảnh bức tranh lắp ghép là: tổ tiên loài Người thời nguyên thủy sinh sống gần những nguồn nước, nhờ ăn hải sản mà phát triển được bộ óc hơn các loài!

Vai trò chất đạm
Trong quá trình tiến triển của các động vật từ cách nay cả ½ tỷ năm, về trước, các acid amin từ thực vật biển đã dần dần đi vào các động vật trên hành tinh. Cuộc sống của các động vật đã chuyển dần từ biển lên đất liền và từ não bộ thô sơ của loài vật tiến triển dần đến não bộ loài người nguồn biết bao tư duy.
Não = bộ máy truyền tín hiệu cần có những chất dẫn truyền thần kinh (DTTK - neurotransmitters) tạo nên chính từ các acid amin thành phần của protein trong thực phẩm chúng ta ăn mỗi ngày. Đối với bất cứ ai có não bộ hoạt động bình thường thì các chất DTTK là những chất sinh hóa trong não khiến người ta hăng hái hay thư giãn, tập trung hay chán nản. Chính sự tương tác giữa các chất sinh hóa phức tạp này khiến cho chúng ta thay đổi tâm trạng, suy nghĩ, cảm giác, điều khiển động tác… Các chất DTTK làm được từ việc nhỏ như vẫy đuôi một con thằn lằn đến công cuộc đại sự lịch sử nhân lọai.
Các acid amin có khả năng kích thích hay làm lắng dịu não của bạn cũng như nuôi dưỡng não trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên trước khi thực hiện được các chức năng này các acid amin phải trải qua một cuộc hành trình khá là gian nan và nhất là vượt qua được rào cản bảo vệ của mạng mao quản não (blood-brain barrier BBB).
Rào cản BBB có một cấu trúc dạng màng (membranic structure) có vai trò chính yếu là bảo vệ não không để não bị các chất sinh hóa trong máu xâm hại mà vẫn thực hiện được chức năng chuyển hóa thiết yếu. Các tế bào nội mạc mao quản ở não – so với nơi khác trên cơ thể – được xếp rất khít với nhau, để giới hạn các chất lọt vào não từ luồng máu hệ đại tuần hoàn toàn thân... Bọc bên ngoài các mao quản BBB não bộ còn có một lớp tế bào phóng chiếu hình sao (Astrocyte cell projections) nâng đỡ về mặt sinh hóa (biochemical support). Lưu ý rào cản BBB khác biệt hẳn với một rào cản có chức năng tương tự là rào cản bảo vệ dịch não tủy (the similar blood-cerebrospinal fluid barrier), thuộc về chức năng của các tế bào đám rối màng mạch (the choroid plexus). Còn một rào cản có chức năng bảo vệ nữa, ấy là rào cản mao mạch võng mạc (the Blood-retinal barrier), thì trái lại, có thể kể như một bộ phận của rào cản BBB nới rộng ra – vì các tế bào võng mạc mắt chẳng qua chỉ là những tế bào thần kinh đặc biệt thống thuộc hệ thần kinh trung ương.
Đặc điểm của rào cản bảo vệ BBB là mối nối giữa các tế bào nội mạc này rất khít (tight junctions). Tình trạng này khiến cho rào cản bảo vệ BBB ngăn cản lưu thông mọi phân tử ngọai trừ những chất dễ băng qua màng tế bào nhờ khả năng hòa tan trong lipid (by means of lipid solubility) như oxygen, carbon dioxid CO2, ethanol, và các hormon steroid và những chất trông cậy vào những hệ thống chuyển vận chuyên biệt (by specific transport systems) như các chất đường và một số acid amin chẳng hạn. Những chất có trọng lượng phân tử lớn hơn 500 daltons (500 u) phần nhiều không vượt qua nổi rào cản BBB, trong khi những phân tử cỡ nhỏ hơn thì nhiều khi lách qua được. Ngoài ra, các tế bào nội mạc mao quản chuyển hóa được một số phân tử để ngăn cản chúng vào được hệ thần kinh trung ương. Chẳng hạn như, L-DOPA, là tiền thân của chất dopamine, thì có thể vượt qua được rào cản BBB, trong khi chính bản thân dopamine thì lại không băng qua được. (Do đó trong những trường hợp thiếu dopamine (như trong bệnh Parkinson chẳng hạn) thì người ta cho L-DOPA thay vì dopamine. Còn 2 cơ chế nữa giúp cho tránh được hiện tượng khuếch tán thụ động qua màng tế bào nội mạc. Các tế bào hình sao lớp ngoài là một lớp cản phụ đối với các phân tử có tính hút nước (a secondary hindrance to hydrophilic molecules), và nồng độ thấp của các protein kẽ gian bào cũng giúp tránh được hiện tượng các phân tử hút nước xâm nhập não.


Phụ Bàn I
Tuy nhiên, còn có tương tác giữa các hormon nội tiết và chức năng kiểm soát nội tiết của não: nhiều chức năng cơ thể được điều hòa bởi các hormon lưu thông trong máu tuần hòan và tuy não kiểm soát tiến trình nội tiết của nhiều hormon, các chất này lại không thâm nhập vào não bằng đường máu tuần hoàn. Điều này tránh cho não phải theo dõi trực tiếp các mức nồng độ hormon. Để kiểm soát được tốc độ nội tiết hormon có hiệu quả, đã có những nơron đặt ở những vị trí chuyên dụng (specialised sites) ở đó các nơron có thể “lấy mẫu” máu lưu thông. Tại các vị trí này rào cản BBB có kẽ hở ở 3 điểm quan trọng quanh não thất, bộ phận dưới vòm (the subfornical organ-SFO), vùng tận hậu (area postrema) và bộ phận có mạch của phiến mỏng tận cùng (the organum vasculosum of the lamina terminalis - OVLT).
Không đợi chúng ta mua nón bảo hiểm đội đầu khi đi xe gắn máy, não đã được trang bị rào cản BBB để chống lại đa số các bệnh nhiễm trùng thông thường. Thế cho nên các bệnh nhiễm trùng não rất hiếm gặp. Vả lại phân tử các chất kháng thể quá lớn – cỡ > 1000 daltons làm sao lọt qua được rào cản BBB – nên lỡ có bị nhiễm trùng não thì đó là những bệnh lý rất trầm trọng và khó chữa.
Trường hợp lọt được rào cản BBB vào tới não có nhiều đối thủ cạnh tranh nhau:
Trường hợp điển hình thứ 1: các acid amin có nhánh (Branched-chain amino acids (BCAAs)) cạnh tranh với các acid amin thơm (the aromatic amino acids -ArAAs), hầu như cả hai chỉ có một phương tiện chuyển vận qua rào cản BBB.
Trong não khi nhóm có nhánh BCAA tăng thì nồng độ nhóm acid amin thơm ArAA giảm và lại có ảnh hưởng giây chuyền lên quá trình tổng hợp và phóng thích các chất DTTK thống thuộc, như serotonin (bắt nguồn từ tryptophan) và các chất catecholamines (bắt nguồn từ tyrosine và phenylalanine).
Hệ quả của các biến chuyển sinh hóa thần kinh này về mặt chức năng thế nào cũng làm thay đổi chức năng nội tiết, huyết áp và tình trạng cảm xúc (altered hormonal function, blood pressure, and affective state).
Trường hợp điển hình thứ 2: 2 acid amin tryptophan và tyrosine có vào được là phải “nhường nhau” người trước kẻ sau có một nẻo lối vào. Nếu tryptophan vượt rào vào trước, acid amin này có tác dụng xoa dịu (calming effect). Còn nếu là tyrosine thắng cuộc, thì bạn sẽ cảm thấy sung sức và lanh lợi (energized and alert).
Trên thực tế một bữa ăn nhiều bột – đường (A high-carbohydrate meal) có khả năng làm tăng mức tryptophan trong não  kéo theo làm tăng lượng serotonin đem lại cảm giác thỏa mãn và dễ đưa vào... một giấc ngủ ngon bình thường. Đây là điều nên biết cho những ai ao ước có được những giấc ngủ đêm, êm ả, lại sức cho ngày hôm sau.
Mặt khác, nếu bạn muốn cảm thấy hăng hái, sung sức bắt đầu một ngày làm việc sau bữa điểm tâm, thì xin nhắc quà sáng nên giàu protein vì điều kiện này sẽ khuyến khích tyrosine tăng nồng độ trong máu dễ lọt vào não hơn – Tyrosine thắng cuộc lọt vào não sẽ khiến cho các nơron sản xuất norepinephrine và dopamine,  đó mới chính là các chất DTTK khiến người ta thêm lanh lợi và năng động (promote alertness and activity). Tầm quan trọng của Tyrosine còn lớn hơn nhiều, vì acid amin này là nguyên liệu chính để cho tuyến giáp sản xuất ra các hormon giúp cho não thêm năng lực và tính lanh lợi từ T1 đến T4 (=Thyroxine). Các mức nồng độ tyrosine thấp trong máu hay đi kèm với một tuyến giáp trong tình trạng thiểu năng (an underactive thyroid gland). Thiểu năng tột cùng của tuyến giác như chúng ta biết dẫn tới tình trạng chậm phát triển tâm thần (mental retardation) còn có tên gọi là chứng bệnh đần độn (cretinism).

Vai trò vi chất và các chất kháng-ôxy-hóa (antioxidants)
Dưỡng Khí Oxygen là cần thiết cho đời sống, song Oxygen cũng có thể là mầm móng chết chóc nếu xuất hiện dưới hình thức “gốc tự do” (free radicals). Não bộ có tới hàng trăm tỷ tế bào, tế bào nào cũng sử dụng Ôxygen để nhen nhúm ngọn lửa tri thức. Não còn cần đến oxygen gấp trên 10 lần so với các bộ phận khác của cơ thể. Song cũng chính oxygen này, có thể làm sói mòn chính cấu trúc của các tế bào não bộ.
Chính các vi chất trong thức ăn có vai trò duy trì thế quân bình oxygen trong não bộ chúng ta. Vi chất có khả năng giúp cho nguồn ôxygen có lợi cho não tới được mục tiêu đồng thời vi chất chiến đấu chống lại các “gốc tự do” (free radicals).
Trong quá trình lão hóa “bình thường” các tế bào não nhiều khi cũng ngưng liên lạc với nhau (often stop communicating with each other), khiến cho não gặp khó khăn ngày một nhiều hơn để suy nghĩ, để nhớ những việc trước mắt (= bộ nhớ ngắn hạn đối lại với những ký ức có tính cách “dài hạn” à cái gì vừa nói thì dễ quên hơn những kỷ niệm trong quá khứ) và để tạo ra tế bào mới.
Bs. James Joseph, giám đốc Phòng Thí Nghiệm Khoa Học Thần Kinh (Neuroscience Lab) tại Trung Tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Con Người về Lão Khoa ĐH Tufts ở Boston ví: “Các nơron cũ cũng giống như những cặp vợ chồng già — không còn trao đổi gì nhiều với nhau nữa. Họ chỉ cứ ngồi trong phòng với cái remote và ngó màn hình Tivi”.
Một trong những lãnh vực nghiên cứu gây thích thú nhất là vấn đề tìm hiểu vai trò của các chất kháng-ôxy-hóa (antioxidants), là những hóa chất tự nhiên có trong cây cỏ và rất hiệu nghiệm trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các “gốc tự do” – là những phân tử thường gây tổn thương cho các tế bào mọi nơi kể cả ở não.
Chính các chất kháng-ôxy-hóa đem lại màu sắc vui tươi trong rau và trái cây là lợi khí thiên nhiên  dành cho cây cỏ để tự bảo vệ chống đỡ lại những yếu tố xúc phạm đến từ môi trường xung quanh, như các yếu tố gây ô nhiễm (pollution) chẳng hạn. Vậy khi ăn rau và trái cây, chúng ta đương nhiên được hưởng màu sắc tự nhiên của rau, trái cùng với các lợi ích đặc hữu của nhóm thức ăn này và nhờ đó mà được bảo vệ trí não theo.
Trong một công trình nghiên cứu trên 70 chó săn, Bs. Carl Cotman, giám đốc Viện Lão Khoa Não và Bệnh Mất Trí ĐH California, Irvine, khám phá ra là các chú chó già (older dogs) được cho ăn theo một chế độ ăn giàu chất kháng-ôxy-hóa nhiều năm liền – đã có thể thực hiện những việc được giao phó (perform tasks) và học được những trò mới (learn new tricks) giỏi hơn những chú chó đồng lứa nhưng chỉ cho ăn theo chế độ ăn “bình thường” – không có chất kháng-ôxy-hóa bổ sung. “Chúng tôi đã làm trẻ lại (rejuvenate) một khả năng trong não bộ đang lão hóa, khả năng này không có đó lúc khởi đầu (cuộc thử nghiệm) và cứ để tự nhiên thì cũng chẳng trở lại được nào (not coming back on its own)”, theo  tác giả Cotman: “Điều đó cho thấy não có khả năng phục hồi được một phần chức năng nhận thức bị mất đi theo tiến trình lão hóa”. Một nguồn dinh dưỡng phong phú
Trong cuốn “Mật mã màu sắc - Một Kế Hoạch Ăn Uống Cách Mạng để có Sức khỏe Tối Ưu”... đồng tác giả Joseph đã có kết luận: đối với loài chó, dù chưa hiểu rõ ảnh hưởng của các chất kháng-ôxy-hóa, có nhiều rau trái thoạt tiên được đánh giá cao vì hàm chứa những chất kháng-ôxy-hóa có họat tính cao trên thực tế có thể đem lại nhiều lợi ích cho não bộ lão hóa. Các rau trái này không những có khả năng trì hoãn quá trình ôxy-hóa, mà còn có thể là những tác nhân kháng viêm (anti-inflammatory agents), khiến cho não đỡ bị các mảng dạng tinh bột làm tổn thương (less vulnerable to amyloid plaque), cải thiện tiến trình liên lạc giữa các nơ-ron tạo điều kiện cho não phục hồi = tất cả các yếu tố này góp phần vào việc duy trì trí nhớ được tốt hơn ở tuổi già.
Theo ông Joseph, các rau, trái màu đỏ tía như sim, dâu, và nho đỏ... ăn vào dặc biệt có lợi cho não. Trong một công trình nghiên cứu trên chuột nhắt lão hóa, bộ gien đã được cải tạo để phát sinh ra bệnh Alzheimer, Joseph đã có thể cải thiện chức năng nhận thức của chuột, bằng cách cho chúng ăn theo một chế độ ăn có nhiều trái việt quất (a diet high in blueberries).
Ở chuột nhắt được nuôi với khẩu phần ăn có bổ sung việt quất (giàu chất kháng-ôxy-hóa), so sánh với lô chuột nuôi ăn bình thường, Joseph phát hiện ra là thêm vào trí nhớ và kỹ năng vận động tốt hơn, tế bào não các con vật này ít bị tổn thương hơn do bị ôxy-hóa hay bị viêm. Trong tế bào não của chúng, hàm lượng những chất sinh hóa cần thiết cho việc phục hồi và truyền thông cũng ở mức cao hơn.
Ngoài những rau trái đậm màu, các nhà khoa học còn tin tưởng vào nghệ (curcumin - gia vị màu vàng quen thuộc trong nhiều nền văn hóa ẩm thực, như Ấn Độ, Việt Nam...) với tác dụng kháng viêm của nghệ, cũng có khả năng phòng tránh mất trí. Có nghệ thì các món Cà-ry và bún bung mới có được màu vàng tươi như vậy - nhờ một phẩm màu thực vật thiên nhiên từng được dùng như một vị thuốc trong nhiều toa Y Học cổ truyền.Trong một công trình trên chuột nhắt đã cải tạo gien, Bs. Greg Cole, Phó GĐ Trung Tâm Nghiên Cứu Bệnh Alzheimer’s ĐH California, Los Angeles, đã phát hiện là nghệ góp phần làm nhỏ đi mảng dạng tinh bột ở súc vật thí nghiệm và cũng giới hạn được các tổn thương do ôxy-hóa và viêm. Kết quả công trình này đã được công bố năm 2001 trong Báo Neuroscience. Hiện nay một cuộc thực nghiệm tác dụng của nghệ trên người đang được thực hiện tại Trường UCLA và nhằm xác định được liều lượng nào có hiệu quả nhất.
Những nghiên cứu mới cũng cho thấy là các vitamin nhóm B như niacin và acid folic, đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp não thể hiện mọi chức năng và có khả năng giữ cho tâm trí được sắc bén (keep the mind sharp). Người ta tìm thấy các sinh tố này trong rất nhiều thức ăn như thịt, cá nạc, các hạt họ đậu, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc và rau lá xanh: thực chất là các vitamin nhóm B tỏ ra đóng góp vào khả năng kiểm sóat được chứng viêm (control inflammation) và có thể đóng một vai trò trong sự phát sinh ra những tế bào não mới.

Tạm kết luận: Uống thuốc bổ không bằng ăn

Càng ngày người ta càng đưa ra được bằng chứng là các chất kháng-ôxy-hóa và những chất sinh hóa khác đem lại nhiều lợi ích cho não – thế thì tại sao, để phòng tránh mất trí, lại không chỉ uống đúng những chất ấy, dưới dạng thuốc bổ chẳng hạn?
Xin thưa là đa số các nhà nghiên cứu lại cảnh báo chúng ta là nguồn kháng-ôxy-hóa từ thức ăn có hiệu quả và an toàn hơn “thuốc bổ”(supplements). Mặc dù chưa biết chính xác các chất sinh hóa này tác động ra làm sao, song người ta nghĩ chúng phối hợp với nhau trong quá trình này. Thêm vào đó, chức năng bảo vệ của các chất này tùy theo từng loại mà có hiệu lực bảo vệ đối với những kiểu tổn thương khác nhau...
Và cùng với các chất kháng-ôxy-hóa còn có thể có nhiều chất hơn thế nữa cùng họat động để bảo vệ não… mà cho tới nay người ta còn chưa phát hiện ra hết. Trong khi chờ đợi, người ta đề nghị sử dụng một chế độ ăn khử độc (detoxification diet)
Một Chế độ ăn Khử độc
Ngộ độc là một vấn đề ám ảnh chúng ta trong đời sống hiện đại: Người ta bị “phơi nhiễm” tiếp xúc với độc tố ngày, đêm, trong nội môi, cũng như từ môi trường bên ngòai, qua thức ăn, nước, không khí, quần áo, và bức xạ. Ngay các bữa ăn cũng có thể là phương tiện đưa đôc tố từ hóa chất, thuốc men, đường và những liều thuốc kích thích và an thần tiêu thụ mỗi ngày. Những Chế độ ăn Khử độc  nhằm tẩy rửa và phục hồi cơ thể trở lại nhịp điệu và chức năng tự nhiên bình thường.
Cơ bản, người ta coi là độc tố bất cứ chất nào gây hại cho cơ thể và tạo áp lực lên các chức năng sinh hóa hay họat động của các cơ quan bộ phận. Tình trạng hằng định nội môi (Homeostasis) là thế quân bình cơ thể dễ bị xáo trộn khi chúng ta tích lũy độc tố. Chúng ta có khả năng xử lý độc tố bằng nhiều cách: trung hòa, biến đổi và lọai trừ (by neutralizing, transforming and eliminating them). Song về lâu về dài tiến trình đối phó tự nhiên này sẽ không đủ để đối phó và gần như ai ai cũng cần ngăn cản độc tố trước thì có hiệu quả hơn.
Bước đầu trong một chương trình khử độc là theo một chế độ ăn khử độc. Trong “tháp dinh dưỡng” tượng trưng cho chế độ ăn này tầng nền của tháp... là nước – y như tháp dinh dưỡng dành cho người lớn tuổi. Các chuyên gia dinh dưỡng đều nhất trí khuyên nên uống khoảng 8 ly nước mỗi ngày để có thể tống khứ các độc tố ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và mồ hôi.
Khử độc cũng đòi hỏi có những đổi thay khác trong chế độ ăn và nếp sống nữa, theo chiều hướng “primum non nocere” = “trước tiên là không gây hại” Tránh: các hóa chất độc hại trong thức ăn, thực phẩm tinh luyện (refined food), cafein, đường, rượu, và thuốc lá; các thực phẩm “công nghiệp” thuộc nhóm sản phẩm từ sữa, thịt đỏ, lúa mì, trứng và men (yeast).
Nên ăn một chế độ ăn giàu chất xơ gồm ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, hạt họ đậu và quả hach (nuts). Ngoài ra, nên cố gắng áp dụng một số điều sau: kén thức ăn nuôi trồng theo sinh học (organic foods) kể cả cá, gia cầm; uống nước lọc (filtered water); ăn thức ăn thiên nhiên địa phương sản xuất theo đúng mùa.
Dù chế độ ăn này gây nhiều tranh cãi, song thực sự nó đã có hiệu quả giúp nhiều người tập được những thói quen lành mạnh (như tập ăn nhiều rau và trái cây, uống nhiều nước hơn và tránh các thức ăn công nghiệp rất bất lợi cho sức khỏe. Chế độ ăn này giúp chống béo phì rất có hiệu quả. Hơn thế giảm bớt cà phê, rượu, bỏ được thuốc lá sẽ biến đổi bạn thành một người luôn có ý thức về những việc cần làm để gìn giữ sức khỏe cho bản thân... và cả cho người xung quanh.
Nên thực hiện chương trình khử độc này cho vừa sức mình, không nên nhanh vội khi cần giảm cân. Giảm nhiều quá, ngay lập tức số Calo đưa vào đúng là có thể giảm cân ngoạn mục – song có tính cách nhất thời vì trút bớt được mỡ dư thì ít và nước thì nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ lên cân ngay trở lại, nếu bạn ngưng theo chế độ ăn khử độc dù chỉ một bữa hay một ngày. Cần có quyết tâm cao và kiên trì, không có là... dễ nản trí và dễ bỏ cuộc lắm. Nhất là lúc đầu chưa quen, “tác dụng phụ” của nó có thể là bạn bị nhức đầu, và mỏi mệt chẳng hạn. Vậy trong thời gian này nên tránh giao lưu, đi ăn “ngoài”.

Các chế độ ăn khử độc là phương thức sử dụng thức ăn thiên nhiên để lọai trừ các độc tố ra khỏi cơ thể – kể như bằng cách phối hợp một số thức ăn chức năng lành mạnh nhưng “hơi lạ” + tránh những thứ độc hại “quen thuộc” (như rượu, thuốc lá, cà phê…), là bạn sẽ thấy nhẹ nhõm và như được đổi mới hoàn toàn – song… chưa có bằng chứng khoa học là qiải quyết được mọi vấn đề sức khỏe theo nghĩa “Bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ” đâu!
Khử độc: Chỉ có Chất đạm à acid amin à NH3 độc à chức năng gan biến NH3 thành Urê cho bớt độc à Thận có đủ nước sẽ thải ra dưới dạng Urê, acid uric trong nước tiểu (urine).
Trong sữa mẹ có sẵn có dồi dào Taurine cần thiết cho quá trình phát triển não và võng mạc. Sau khi chuyển hóa đương nhiên nhóm NH2 cần được thải ra do cơ chế trên.
Trong gan acid Cholic là một acid mật (a bile acid), là một chất tinh thể trắng không tan trong nước (song hòa tan được trong cồn và acid acetic), có độ chẩy ở 200-201OC. thuộc nhóm lipid được gan tổng hợp từ cholesterol. Khi kết hợp với acid amin như Glycine (# Glycocolle) – là acid amin ngắn nhất nên tương đối... cần thanh lý NH2 nhiều nhất - (hay taurine thì thành muối Glyco – hay tauro-cholates được tống khứ ra phân: đây là một cơ chế khử độc chính của gan thực hiện với chính cholesterol cơ thể sản xuất ra.


Kể như một chế độ ăn ăn “tốt cho não” thì cần giúp cơ thể đừng lâm vào những hoàn cảnh rối loạn chuyển hóa dẫn tới hôn mê hay đột qụy và luôn luôn đừng làm mệt tuyến tụy, mệt gan, mệt thận, mệt tim,… mệt óc.

TPHCM, Ngày 30 tháng 4, 2008
      Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính
      Chuyên viên dinh dưỡng


HOÀNG HẠC LÂU

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạc vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
      Thôi Hiệu

Dịch nghĩa:
Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi rồi
Lầu Hạc Vàng còn trơ lại đây
Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa
Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoài
Mặt sông trời lạnh,
phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
Trời tối rồi, đâu là quê hương mình?
Trên sông khói tỏa, sáng gợn khiến người sinh buồn.

Bản họa số 1:
Hạc vàng ai cười đi đâu
Mà nay Hoàng hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
    TẢN ĐÀ

Số 2:
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn nay thôi!
Hạc vàng một đã đi, đi biệt
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.
   KHƯƠNG HỮU DỤNG

Số 3:
Mái lầu Hoàng Hạc còn trơ đó
Đã khuất người xưa cỡi hạc vàng
Một thưở hạc vàng đi mãi mãi
Muôn đời mây trắng nổi mang mang
Hán Dương sông tạnh cây san sát
Anh Vũ cồn thơm cỏ mỡ màng
Quê cũ chiều nay đây đó nhỉ
Trên sông khói sóng gợn sầu thương.

  LÊ NGUYỄN LƯU
(Đường thi tuyển dịch tập I tr. 318)

Số 4:
Cỡi hạc người xưa tách đã lâu
Đất này Hoàng Hạc sót ngôi lầu
Hạc vàng một vắng tăm chim bặt
Mây trắng ngàn năm bóng lượn mau
Dòng lặng Hán Dương cây rợp rợp
Cỏ thơm Anh Vũ bãi dàu dàu
Chiều hôm làng cũ nhìn đâu thấy?
Khói sóng trên sông giục khách sầu!

  TRẦN VĂN HƯƠNG
(Bó hoa cuối mùa Sài Gòn 1974)

Số 5:
Người xưa cỡi hạc tung mây
Còn lầu Hoàng Hạc đất này trơ trơ
Hạc vàng biệt dạng khôn chờ
Ngàn năm mây trắng dật dờ trên không
Hán Dương dòng lặng cây chồng
Cỏ thơm Anh Vũ ven sông dàu dàu
Chiều hôm làng cũ nhìn đâu?
Trên sông khói sóng gợi sầu lòng ai!
TRẦN VĂN HƯƠNG
(Cựu giáo sư Việt Văn trường Mỹ Tho)

Số 6:
Người xưa cỡi hạc vàng đi mất
Lầu Hạc Vàng trơ đứng chỗ này
Hạc vàng một đi chẳng trở lại
Mây trắng ngàn năm vơ vẩn bay
San sát bóng sông cây Hán đó
Dàu dàu ngọn cỏ bãi Anh đây
Quê nhà, trời tối, nào đâu nhỉ!
Sóng gió tuôn sầu, nhớ chẳng khuây

VÔ DANH
(Luyện văn tập III của Nguyễn Hiến Lê)

Số 7:
Người xưa cỡi hạc bay đi mất
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây
Hạc đã một đi không trở lại
Man mác muôn đời mây trắng bay
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc đầy
Chiều tối quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.

TRẦN TRỌNG SAN
(Thơ Đường – Poems of the T’ANG dynasty
- Tủ sách ĐHTH/TPHCM năm 1990)

Phụ Bản II

Số 8:
Người xưa cỡi hạc giã từ xưa
Lầu hạc nơi đây luống hững hờ
Một độ hạc vàng đi chẳng lại
Ngàn năm mây bạc vẩn rồi vơ
Dè là sông Hán cây lồng bóng
Xanh ngát châu Anh cỏ lấp bờ
Ngày tôi quê hương đâu tá nhỉ?
Ngóng trông mây nước dạ vò tơ.

NGÔ TẤT TỐ
      (Đông Pháp thời báo số 674 ngày 28-9-1928)

Số 9:
Người xưa cỡi hạc đã lên mây
Lầu Hạc còn xuông với chốn này
Một vắng, hạc vàng xa lánh hẳn
Ngàn năm, mây hạc vẩn rồi vơ
Vàng gieo bến Hán ngàn cây hửng
Xanh ngụt châu Anh lớp cỏ dày
Trời tối quê hương đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây
NGÔ TẤT TỐ
(Bản dịch in sách 1940)

Số 10:
Hạc vàng ai cưỡi đi rồi
Còn lầu Hoàng Hạc vẫn ngồi trơ trơ
Bóng chim dấu cũ mịt mờ
Ngàn năm mây trắng vẩn vơ bay hoài
Hán Dương cây lặng từng cây
Xa xa Anh Vũ bãi đầy cỏ thơm
Bóng chiều lẩn khuất quê hương
Khói trên sóng tỏa sầu sương ai sầu
     HƯ TRÚC
     (Tuần báo Giác Ngộ, số Tân niên 31-01-2001)

Số 11:
Người xưa cỡi hạc vân du
Nay lầu Hoàng Hạc vắng trơ đất  này
Hạc vàng một thưở xa bay
Ngàn năm mây trắng tháng ngày thẩn thơ
Hán Dương cây lặng đôi bờ
Bãi xanh Anh Vũ sương mờ cỏ khâu
Màn đêm xuống quê nhà đâu
Mênh mông khói sóng dạ sầu ngẩn ngơ
     CAO BÁ VŨ
     (Thơ đường chuyển lục bát – NXB Văn học 2002)

Qua 11 bản dịch của bài “Hoàng Hạc Lâu” mà chúng tôi sưu tập được – Rất mong quý vị cung cấp thêm số bản dịch khác.
     
N.H.H.

SUỐI NHẠC VƯỜN THƠ
(Kỷ niệm buổi gặp các bạn nhạc thơ)
VÂN TRANG
Nhìn quanh, tóc đã pha màu
Tìm lên suối nhạc, bước vào mây thơ.

Vắng lâu, nay gặp lại
Quanh bạn, chật niềm vui
Hoa như đang mỉm cười
Mây ửng màu hồng dịu.

Thị thành không sương khói
Bốn phía đèn sáng choang
Nhạc nghe, lòng bàng hoàng
Thẳm sâu, lời ai nói.

Năm tháng đầy sóng gió
Dậy tiếng nước, tiếng nhà
Tuổi cao, hồn mở ngỏ
Đón giọng cười, lời ca.

Đời tặng bao điều ước
Là chừng ấy chông gai
Cánh hoa thơm ngày nay
Bao khó khăn phải vượt.

Thời gian không điểm tựa
Ai chặn được bao giờ?
Thơ thẩn vườn nhạc thơ
Mê đường quên vó ngựa.

Heo may đâu bỗng tới
Luồn qua hàng dậu thưa
Vui lạnh cuối cơn mưa
Đất trời, mùa đang chuyển

Họp nhau vui rộn rã
Cùng giấc mơ trong lành
Như sông về biển cả
Lộng mây trời trong xanh.

Đời dài thấu chữ sắc không
Ơn nhà nợ nước đã xong sở cầu
Đục trong nước chảy dưới cầu
Cõi riêng thơ nhạc mặc dầu sắc không.

Nhà nhỏ Bình Hòa
    Giữa Hè 2002

Những Vần Vui
VẦN  B

BA  Cử nhân văn chương
Bachelor: Chỉ một chàng độc thân,
Baby: Con trẻ,“bé cưng”.
Back: là ở phía sau lưng, vật, người.
Backbite: nói xấu một ai,
Background: Quá khứ cuộc đời của ta,
Bad, Worse: tồi tệ, xấu xa,
Bad-debt: Nợ cũ, xem ra khó đòi!
Bag: là bao, bị, xách tay,
Bake là nướng, quay, hay bỏ lò.
Balance: Vật để cân đồ,
Balcony gọi tắt là ban công
Ball là quả bóng tròn tròn,
Ballad: khúc nhạc, Balloon: căng phồng,
Bamboo: tre, trúc; Ban: ngăn,
Bandit cướp có vũ trang đáng gờm!
Bandy: Chân cẳng vòng kiềng,
Nhà Bank là chỗ gởi tiền hay vay,
Phản bội gọi là Betray,
Best là tốt nhất, better tốt hon,
Banker là chủ ngân hàng,
Bank rate: lãi xuất, Banter: cợt đùa,
Banish: trục xuất, đày xa,
Barber: thợ cạo, Bare: Để trần
Bargain trả giá mua  hàng
Barker người đứng rao hàng chợ đông,
Barrack: doanh trại nhà binh,
Barrage: vật cản nơi kinh, đập, hồ
Batty là kẻ điên rồ,
Bed: là giường ngủ - Bedfellow: đồng sàng,
Bedclothes: là khăn trải giường
Bashfull: xấu hổ, thẹn thùng làm sao!
Bedevil: làm ai đau
Basic: cơ bản, Base: căn cứ vào
Batten: ăn bám người nào
Begin là mới bắt đầu việc chi
Because có nghĩa: tại vì,
Bassinet là cái nôi mây bé nằm,
Beautiful là đẹp xinh,
Beggar là kẻ ăn xin, ăn mày,
Bark: là Sủa, quát tháo ai,
Beef (about st): là nói, là hay càm ràm
Bear là chịu đựng, là mang (thai)
Beard: râu quai nón, râu cằm đàn ông,
Bóng rổ là Basketball
Bass là một giọng nam trầm dễ thương
Barter: đổi hàng lấy hàng
Bedspread: khăn phủ trải giường cho ta
Beef là một miếng thịt bò,
Beefsteak: Bò rán, Before: sớm hơn,
Bóng Chày là Base ball
Nhà tắm thì gọi Bathroom không sai,
Baton là gậy chỉ huy
Battle: trận đánh; Boggy: Bùn lầy
Barrow: Ba gác đẩy tay,
Behafl: Phân nửa, Behind: Đàng sau,
Behave: Ứng xử thế nào,
Being: tồn tại, Bellow: Rống lên,
Believe: là sự cả tin,
Beneath: Bên dưới, Bend là uốn cong
Belt: là cái sợi thắt lưng,
Beside: Bên cạnh; Beyond: xa hơn
Beryl là ngoc xanh lam
To Bind là trói, to Blame : phàn nàn
Black-list là danh sách đen,
Black mail: thư gửi tống tiền người ta
Bloom – Blossom là nở hoa,
Blowy: có gió, Blow là thổi lên.
Blush là thẹn đỏ mặt lên,
Boaster là kẻ khoe khoang, hợm mình,
Blue là để chỉ màu xanh,
Blow up: Phóng lớn, Blow lamp: đèn khò
Bluff là bịp bợm, hay lừa
Big head: tự phụ, Bigger: lớn hơn,
Birthday là chỉ ngày sinh
Bite là cắn, ngoạn – Boring: Chán, Nhàm
Bonus: tiền thưởng tặng thêm,
Basely: tính đê hèn đáng khinh,
Cái chậu gọi là Basin,
     Book là sổ sách; Book in: Ghi vào
Booking: Giữ trước chỗ nào,
Backward: lạc hậu, tiến vào phía sau,
Ác khẩu thì gọi Black mouth,
Ballyhoo: Quảng cáo ồn ào, rùm beng,
     Blanket là một chiếc mền 
     Boat: thuyền; Boat race là cuộc đua thuyền không sai,
     Blacsheep: chiên ghẻ lạc loài
Ký hiệu chấm nổi: Chữ Braille người mù
Brainless: vừa độn, vừa ngu
Brainy: Khôn khéo: Brew là Ủ, pha
Breaker: con sóng xô bờ
Breakfast: ăn sáng; Break age: Vỡ rồi
Break up: Chấm dứt với ai,
Brazen: mặt dạn, mày dày khó ưa!
Chắn sóng là Break-water
Breast là vú, ngực- Breath là xả hơi
Breeze: Gió nhẹ biển khơi,
Breezy: hớn hở, vui tươi, rạng ngời,
Bribe: Của đút  cho người,
Brick là gạch để dùng xây ngôi nhà
Brick yard: Nơi  đúc gạch ra
Bride-groom: chú rể - Bride là cô dâu,
Brides-maid là cô phù dâu,
Bridge là một chiếc cầu qua sông
Briddle là bộ yên cương
Brief là ngắn, gọn; Cứng, giòn: Brittle
Tờ quảng cáo là Brochure
Broke là nhẵn túi, Broker: trung gian
Bronco là giống ngựa hoang,
Bronze: vật, tượng làm bằng đồng thanh
Brother là em hay anh,
Brown: nâu hay sạm, nắng hanh mặt trời
Browse: đọc lướt qua thôi,
Brush là bàn chải, Bitter: Đắng cay
In Brief: Ngắn gọn vài lời
Briefs: là một cái quần đùi sát da,
Brighten: Rạng rở thêm ra,
Brim over: Đầy tới tràn ra bên ngoài
Broadcast: Phát sóng trên đài
Buffoon: Lố bịch họăc hay gây cười,
Bully: Dùng sức dọa người
Buddy dùng chỉ những người bạn thân
Buccaneer: kẻ gian hùng
Bud: nụ, chồi, lộc, chưa bùng nở ra,
Buddhist: Phật Tử gần xa,
Budget: ngân sách, Build là dựng là xây,
Burgeon: chồi nhú của cây,
Burden: gánh nặng trao ai bây giờ?
Bob là chuyển động nhấp nhô,
Bogy: Ông kẹ để hù trẻ con,
Bust là làm bể, vỡ tan,
Burning: Cháy bỏng, Button: Cái khuy,
Begone là hãy cút đi
Blank là khoảng trống, Blaze thì cháy tiêu
Bas relief: Phù điêu,
Bask: Phơi nắng biển; Chuông: Bell chẳng lầm
Bless là có nghĩa cầu xin
Blue Chip có nghĩa cổ phần đầu tư
Mua gì thị gọi là BUY
Kề bên thì viết là BY đừng nhầm,
By-Pass là đi đường vòng,
By-Way: Đường phụ, Áo choàng là Blouse,
Break in là cố xông vào,
Break out: Trốn thoát cho mau mới tài,
Tạm biệt thì nói bye-bye,
Begone days: gọi những ngày đã qua.
Birdcage là cái chuồng gà,
Bị đánh bầm mắt gọi là Black eye,
Boy là một đứa con trai
Boyhood: thời trẻ vẫn hay nhớ hoài
Body là cái thân người,
Bastard thì lại là người con hoang,
Xin lỗi là Beg pardon,
Muốn làm đẹp đến Beauty salon mà làm.

                                              TÂM NGUYỆN

BÀI THƠ TRÊN VÁCH ĐÁ

Ta ngơ ngẩn bài thơ tình dịu ngọt
Đưa ta về tuổi mộng ướp hương hoa
Con đường quê cỏ dại, ánh trăng ngà
Dăm chiếc lá thu vàng bay lả tả
Ta ngơ ngẩn bài thơ tình óng ả
Ru hồn ta lạc lối mộng đào nguyên
Có khu rừng ước vọng suối Kỳ duyên
Trổi điệp khúc thiên thai hồng diễm tuyệt.
Ta ngơ ngẩn bài thơ tình thắm thiết
Tỏa nắng vàng hôn mái tóc ưu tư
Mưa Thu rơi nước mắt ướt trang thư
Môi thơm ngát nụ tầm xuân nở muộn
Ta ngơ ngẩn bài thơ tình nóng bỏng
Nâng tim ta chắp cánh vượt trùng khơi
Cho thời gian chìm tiếng sáo chơi vơi
Mưa sa mạc ngất ngây mùi phấn bướm.

NGÀN PHƯƠNG

HỐI TIẾC MUỘN MÀNG

Lối về ngược gió - vàng thu
Nấm mồ dĩ vãng đèn lu bấc tàn
Nỗi ăn năn quá muộn màng
Tuổi xuân xanh đã trót hoang phí rồi
Dặm ngàn vó ngựa đơn côi
Con đường thiên lý chia đôi cõi lòng.
Niềm say mê cháy phập phồng
Thói đời bạc trắng… theo dòng thời gian

Nẻo đời xuôi ngược đa đoan
Giấc mơ nhân thế lo toan mỏi mòn.
Đâu lời thề hẹn sắt son
Thoáng ân hận cũ hãy còn in sâu!

NGÀN PHƯƠNG


74 NĂM TRƯỚC VÀO NĂM 1934
BÁO CHÍ Ở NƯỚC TA
CÓ TẤT CẢ BAO NHIÊU THỨ?

Muốn biết một nước khuyếch trương – mà bởi đó văn minh tấn bộ - theo cái thiển ý của tôi, tưởng cứ xem sách vở báo chí xuất bản hàng ngày.
Như nước Pháp chẳng hạn, đã được liệt vào hạng các cường quốc văn minh nhất thế giới, thời nội kinh thành Paris kể có hơn 100 nhật báo. Tại nước Đức năm 1926 tính được 3812 nhật báo và 4309 tuần báo. Tại Hoa kỳ 2400 báo chí…
Xem đó đã rõ rằng trình độ văn minh càng cao thì sách vở báo chí xuất bản càng nhiều. Ta có thể - mà có lẽ không phải là lầm -  cứ tính số báo chí mà đo được trình độ văn minh vậy.

Nước Nam ta tuy vào cái tuổi bán khai, thế mà cũng đã biết đua nhau vùng dậy khỏi giấc mơ mộng ngàn năm, cũng đã tận tâm khuyếch trương về việc xuất bản báo chí.
Thất thế tôi dã cố công sưu tầm cho hết các báo chí, không được chính tờ báo mà đọc mà hưởng, nhưng ít ra cũng được biết cái “tên” của nó, tự buổi sơ khai tới ngày nay.
Đối với một việc không dễ như thế, tôi xin thú rằng còn thiếu nhiều. Tôi cũng rán sức tìm cả tên tuổi người sáng lập và sáng lập năm nào, nhưng việc khó quá, tôi xin tạm để đấy, trông sau hoặc sẽ tìm phương bổ khuyết được chăng.
Một việc hữu ích như thế, xin anh chị em lưu ý cùng chỉ giáo cho, xin vạn cảm.

1. Ami de la Jeunesse studieuse
2. Ami du Peuple
3. Annam
4. Annam nouveau
5. Annam tạp chí
6. Annam thống chí
7. An hà báo
8. Avenir du Tonkin
9. Bạn trẻ
10. Báo chớp bóng
11. Bắc kỳ thể thao
12. Bắc kỳ thời báo
13. Bắc kỳ xã hội phổ tế
nguyệt san
14. Chante clair
15. Colon Française
16. Courrier d’Hai Phong
17. Courrier de Saigon
18. Công báo
19. Công giáo đồng thinh
20. Công luận báo
21. Cùng bạn
22. Dân báo (Zân báo)
23. Đăng cổ tùng báo
24. Dépêche indochinoise
25. Điện tín báo
26. Đông dương báo
27. Đông dương Đại Pháp
công nghiệp
28. Đông dương tạp chí
29. Đông pháp
30. Đông pháp thời báo
31. Đông Phương
32. Đông tây
33. Đông thanh tạp chí
34. Đồng nai
35. Đồng văn tạp chí
36. Đuốc nhà Nam
37. Echo Annamite
38. Essor
39. Eveil économique
40. France Indochine
41. Gia định công báo
42. Hậu giang
43. Họa báo
44. Hoan Châu
45. Hoàn cầu tân văn
46. Học báo
47. Impartial
48. Indépendance tonkinoise
49. Indochine
50. Khai hóa nhật báo
51. Khoa học tạp chí
52. Khuynh diệp báo
53. Kinh tế
54. La cloche fêlée
55. La jeune Indochine
56. La Patrie annamite
57. La revue Franco-Annamite
58. La vie Indochinoise
59. Lectures
60. Le cri du peuple
61. L’enseignement primaire
et primaire supérieur
62. Le Progrès indochinois
63. Les pages catholiques
64. Librement
65. Loa
66. Lời thăm
67. L’union indochinoise
68. Minh nông quảng chí
69. Nam dân tạp chí
70. Nam phong
71. Nam kỳ Địa phận
72. Nam kỳ Hoa kiều nhật báo
73. Ngọ báo
74. Nam nữ giới chung
75. Nhân loại
76. Nhật tân
77. Niết bàn tạp chí
78. Nông công thương
79. Nữ giới chung
80. Opinion
81. Petit populaire du Tonkin
82. Pháp viện báo
83. Phare
84. Phong hóa tuần báo
85. Phụ nữ tân tiến
86. Phụ nữ tân văn
87. Phụ nữ thời đàm
88. Phục Pháp báo
89. Presse indochinoise
90. Progrès annamite
91. Quảng cáo báo
92. Quảng cáo tuần báo
93. Quốc hoa tuần báo
94. Rạng đông
95. Sacredos indosinensis
96. Saigon
97. Saigon républicain
98. Sài thành
99. Sơ học tuần báo
100. Sư phạm học khoa
101. Tam kỳ tạp chí
102. Tân thiếu niên
103. Tân thời báo
104. Tập kỷ yếu của hội Asecourfi
105. Thanh Nghệ Tịnh Tân văn
106. Tân thế kỷ
107. Thanh niên
108. Thánh giáo tuần báo Bắc kỳ
109. Thánh kinh báo
110. Thánh thể báo
111. Thần chung
112. Thần kinh
113. Thần nông
114. Thực nghiệp dân báo
115. Thương báo
116. Thống chí
117. Tiên long
118. Tiếng dân
119. Tiểu thuyết tuần san
120. Tín mẩn báo
121. Tribune des jeunes
122. Tribune indigène
123. Tribune indichinoise
124. Trung Bắc tân văn
125. Trung hòa nhật báo
126. Trung lập báo
127. Tứ dân tạp chí
128. Văn học tạp chí
129. Văn học tuần san
130. Văn minh
131. Vận động báo
132. Vệ sinh báo
133. Viên âm
134. Việt dân báo
135. Volonté indochinoise
136. L’Essor indochinois
137. Từ bi Âm
138. Alliance Franco-Annamite
139. Canh nông Luận
140. Lục Tỉnh Tân Văn
141. Nông cổ Mín Đàm
142. Thời báo
143. Đại Việt Tạp chí
144. Nhựt báo Tỉnh
145. La Vérité
146. La Grenade
147. La Lanterne
148. Monde
149. Réveil Saigonnais
150. Courrier Saigonnais
151. Nam kỳ Kinh tế
152. Tân Á tạp chí
153. Revue des Fonctionnaires
154. Extrême-Asie
155. Nam kỳ Thể thao 

Phụ nữ Tân Văn số 232 - 18/01/934
     ĐỖ THIÊN THƯ st


NHỮNG KỶ LỤC VÀ THÔNG TIN
KHÓ MÀ TIN NỔI, VÔ PHƯƠNG CHẤP NHẬN

- 100 cây số sách để kế tiếp (tính theo thước tới trong một căn nhà).
- 40 cây số sách để kế tiếp nhau trên 7 cái kệ.

Gần đây trên đất nước đang đổi mới và hội nhập của chúng ta, các câu chuyện về các kỷ lục kiểu “Guinness” đang được nhắc tới một cách rầm rộ. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy có một vài vấn đề cần phải bàn với những người làm kỷ lục “Guinness” Việt Nam.
Bình thường trên thế giới, các kỷ lục được nêu đều được kiểm tra, minh chứng rõ ràng, với những hình ảnh minh họa khiến người xem khó mà có thể chê trách gì được.
Ở nước ta có rất nhiều bài viết và thông tin liên quan tới các kỷ lục được đăng tải trong thời gian gần đây. Mới đây, trên một số báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (hình như là số đầu tiên của năm 2005 vì nó mang bốn chữ Cung Chúc Tân Xuân in corps chữ lớn), có một bài viết nói về một nhà sách ở Vũng Tàu, và bài này cho biết là nhà sách đó có một số sách lên tới 5.000.000 (năm triệu) cuốn; ngoài ra trên một số báo ra hàng tuần, tờ Thế Giới Mới số 523 ra ngày thứ hai 17/2/2003, có bài viết về một nhà sách cũ ở Hà Nội có vài triệu (ít nhất của vài triệu là 2 triệu) cuốn sách để trên một loạt 7 cái kệ (bảy cái) – điều đáng nói là thông tin này được đăng bằng corps chữ lớn nơi góc trái, phía trên của trang 84 trong số báo nói trên.
Các thông tin này khiến chúng tôi cảm thấy chúng quá không hợp lý, không thể coi là chính xác và bình thường. Điều đáng buồn là không mấy ai thèm lưu tâm và coi tất cả “chuyện nhỏ”. Tuy nhiên chuyện nhỏ này lại có những hậu quả không mấy nhỏ, trước nhất vì một người đọc có trí suy xét bình thường sẽ cảm thấy mình bị người viết coi thường khi đưa ra những thông tin như vậy, nhưng sau đó, điều tệ hại hơn là nếu những thông tin này bị một ngoại nhân nào đọc được, anh ta sẽ đánh giá cách đưa thông tin của các ký giả của chúng ta ra sao, khi những thông tin đó bất hợp lý.
Để thấy ngay tại sao những thông tin trên không hợp lý, xin quý vị hãy cùng tôi làm một con tính nhẩm rất mau lẹ. Như quý bạn đã biết, sách vở của chúng ta hiện nay có thể nói là “trên là trời, dưới là sách” có đủ loại dày mỏng, có những cuốn dày tới 5, 10, 15 phân. Nhưng trong con tính nhỏ này chúng ta hãy chỉ lấy độ dày trung bình là 2 phân một cuốn. Vậy thì 10 cuốn là 20 phân, 100 cuốn là 2 thước, 1000 cuốn là 20 thước, 10.000 cuốn là 200 thước, 100.000 cuốn là 2000 thước (tới) tức là 2 cây số sách cuốn nọ để kế tiếp cuốn kia. Với 5 triệu cuốn của nhà sách ở Vũng Tàu, ta có 2 cây số x 50 lần 100.000 cuốn vị chi là đúng 100 cây số sách để cuốn nọ kế tiếp cuốn kia, gáy sách nằm sát bên nhau. Vậy có căn nhà nào có thể chứa nổi 100 cây số sách không?
Còn về tiệm sách cũ ở Hà Nội thì từ vài triệu có nghĩa là ít nhất là 2 triệu – vậy 2 triệu mà cũng vẫn độ dày trung bình là 2 phân, 2 phân thôi, không nói đến các cuốn dày hơn 2 phân làm gì, thì nếu 7 cái kệ mà chứa được 2 triệu hay là 40 cây số sách, thì mỗi kệ như thế phải cao bằng vài cái tháp đôi ở Mỹ... nhỉ?
Ôi, lời nói theo gió bay đi, nhưng những con chữ thì sẽ tồn tại mãi với thời gian, ít ra thì cũng đến ngày sách nát giấy tan!
Ước mong các nhà làm kỷ lục lưu ý tới câu chuyện nhỏ này và điều tra, nghiên cứu cho chính xác, ngõ hầu trong tương lai, những kỷ lục được đưa ra sẽ hài hòa, chính xác, và cần nhất là hợp lý.

VŨ THƯ HỮU

Về việc dịch Truyện Kiều ra Anh ngữ của Dịch giả Thùy Dương.
Xin tiếp tục giới thiệu thêm từ câu 39 đến câu 80
       Vũ Anh Tuấn

TRUYỆN KIỀU (tt)

Ngày Xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh dợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là Tảo mộ hội là Đạp thanh.

Like the swallows flying, springtime went by so fast,
Of the ninety splendid sunrises, over sixty had passed. (1)
Outside young grass spread out up to the horizon,
A pearl branch showing some white flowers to the sun.
It was the Day of the Dead, (2) as a traditional task,
People visited the tombs as a “Festival on Grass”
-------------------
(1) Over sixty spring days had passed, i.e. it was on the beginning of the third month of Lunar year.
(2) Thanh Minh day, meaning “Day of Pure light”, a day of the third month of Lunar year on which people visited the tombs as a traditional custom.

Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay.
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

From all parts swallows and orioles (1) so eager to have date,
So were the Vương brother and sisters for their walking promenade
The roads were crowded with fine ladies and gentlemen
In nice costumes among a stream of carriages and horsemen
As the sun rose higher, the crowd grew thicker,
Here and there, mounds and graves arose in great number.
False gold ingots scattered on the earth everywhere (2)
False money ashes flying all around in the air (3)
When the sun came lower and lower in the west,
Brother and sisters took their way home without a rest.
---------------
(1) Swallows and orioles: symbolic terms used as referring to boys and girls in flirting loves – We will see these terms often later in this book.
(2) (3) As a traditimal custom, people sent gifts to the dead by means of burning false money and gold ingots or other things made of paper and bamboo, which they believe in the other world the dead would receive.

Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh,
Rằng: “Sao trong tiết Thanh Minh,
“Mà đây hương khói vắng tanh thế à?”
Vương Quan mới dẫn gần xa:
“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi.
“Nổi danh tài sắc một thì,
“Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh.

As walking leisurely alongside a small stream,
They watched the scenery so nice like in a dream;
The stream serpentined among the green meadow,
With a tiny bridge lying across the streaming flow.
Suddenly on the roadside, a mound came up on the scene,
So sorrowful were the grass here, half yellow half green!
“Oh!”, exclaimed Kiều, “Why is it on this lonely grave,
No incense stick was burnt on this lonely grave?”
Vương Quan who had known the story explained clearly:
“This is the grave of Đạm Tiên, a famous beauty,
A distinguished singer of exalted talent;
Her house once crowded with admirers so gallant.

“Kiếp hồng nhan có mong manh,
“Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương
“Có người khách ở viễn phương,
“Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
“Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
“Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!
“Buồng không lạnh ngắt như tờ,
“Dấu xe ngựa, đã rêu lờ mờ xanh,
“Khóc than khôn xiết sự tình:
“Khéo vô duyên bấy là mình với ta!

“Alas! Soft beauty would shortly last
“Like a frail flower, it withered so fast!
“Such a nice branch of exquisite fragrance
“In the prime of spring was suddenly broken!
“Just then, came a gentleman from a remote land
“Who, having heard of her fame, wished to be a good friend.
“Yet, as soon as the love boat came up ashore,
“Frail beauty! She wasn’t alive anymore!
“The empty house was so cold and deserted,
“Carriage tracks covered with moss, nearly faded.
“Oh, poor beauty!”, he cried bitterly,
“Why did you leave this world so early?
“We just don’t have a chance to meet each other,
“Let alone a happy time to be together.

“Đã không duyên trước chăng mà,
“Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
“Sắm sanh nếp tử xe châu,
“Vùi nông một nấm, mặc dầu cỏ hoa.
“Trải bao thỏ lặn ác tà
“Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm”

Now that fate didn’t let me do all my best,
As a small gift, let me offer you a settled rest.
Then, coffin was bought, carriage was hired,
Burried in a shallow grave, here she retired,
Ever since left to wild flowers and grass.
So many sunsets and moonrises have passed,
And so many travelers have gone by this way,
No one has stopped to visit this abandoned grave.

      THÙY DƯƠNG


Phụ Bản III

GIA CÁT LƯỢNG


I
Thân thế và chính sách ông Gia Cát

Đồn Ngũ Trượng Nguyên gió thu heo hắt, Sao Tướng tinh hai mươi mốt năm vằng vặc, phút chốc sa rơi khiến người trăm nghìn năm sau đọc chuyện còn ngậm ngùi tưởng nhớ. Nhớ ai? Ông Gia Cát Lượng!
Ông sinh cuối đời nhà Hán đương buổi vua không quyền, quan tham nhũng, hào kiệt nổi lên đánh cướp các châu quận. Sau tuy giặc Hoàng Cân đã yên, hai họ Viên đã đổ, nhưng còn Lưu Biểu ở Kinh, Tương, Lưu Chương ở Ba Thục, Tào Tháo hiếp vua ở Uyển Lạc, Tôn Quyền xưng đế ở Giang Đông, mấy tay đều là binh hùng tướng mạnh.
Duy có ông Lưu Bị, tuy chân trắng khởi lên, song có khí phách anh hùng, vốn giòng hoàng tộc, cho nên ông Gia Cát không theo bè mạnh, mà về cánh yếu. Ấy là chỗ thấy biết của ông khác hơn người thường vạn bội!
Cuộc đời đương sôi nổi, ông vẫn nằm khểnh trên đồi núi Ngọa Long, rung đùi ngâm thơ, tự ví mình như họ Quán, họ Nhạc ở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nhạc, tức là ông Nhạc Nghị, làm tướng nước Yên, đánh nước Tề, hạ hơn 70 thành, sau bị kẻ dèm pha, phải bỏ nước đi, mà tuyệt không có một câu gì oán hận. Quản, tức là ông Quản Trọng, làm quan thời vua Hoàn Công nước Tề, lập ra các chế độ: nào chính trị, nào hình luật, nào tư tưởng quốc gia, nào cạnh tranh kinh tế, không khác gì chính thể lập quốc bên Thái Tây, đương như lủa bốc ngùn ngụt hiện thời bây giờ. Người ta cứ thấy cái văn minh mới kia, ai chẳng tưởng đâu sinh ra tự người Âu, ngờ đâu phương Đông đã có người thực hành tự hơn hai nghìn năm về trước.
Ông Gia Cát cùng một cái chí hướng binh mạnh, nước giàu như ông Quản Trọng làm tướng nước Tề, nên sau khi ra giúp vua Chiêu Liệt, nghiêm hình phạt, khẩn ruộng, luyện binh, nhất thiết đều noi theo chính sách như họ Quản. Người không hiểu thời thế, bài bác cho là “bá đạo” thực không phải lời bàn xác đáng. Cứ xem cái xuất, xử, và phong tiết của ông thì tự xưa nay mới thấy có một.

II
Ông Gia Cát thời kỳ tuổi trẻ

Ông tên Lượng, họ là Gia Cát, tên chữ là Khổng Minh, truy tặng là Vũ Hương Hầu, người ở quận Lang Gia tức là phía nam huyện Kỳ Thủy, tỉnh Sơn Đông bây giờ. Cha mẹ chết sớm, ông ở với chú làm quan Thái Thú châu Dự Chương, sau chú thôi quan, đem ông cùng theo Lưu Biểu ở Kinh Châu. Sau khi ông chú mất. Ông lui về ẩn chờ thời.
Vốn đất Kinh, Lạc là trung tâm điểm nước Tàu, tự xưa nay, đời thái bình, tức là nơi đô hội phồn hoa, thời loạn ly, tức là chỗ anh hùng lui tới.
Trong tỉnh, nhất có quận Nam Dương là phong cảnh đẹp, một dãy đồi, khởi từ phía nam núi Tung Sơn, kéo dài hàng mấy trăm dặm, đến đấy là cùng; non nước hữu tình, ở nhà làm dân cày cũng không đói, gặp thời ngang dọc, ra Tương, Hán, qua Phân, Đặng, cùng liên lạc với các bậc hào kiệt thiên hạ cũng tiện đường.
Bởi thế cho nên ông Gia Cát cất mấy gian nhà lá trên đồi Ngọa Long, cầy cấy cho qua thời; rồng nằm đáy nước, hổ ẩn hang sâu, các bậc thánh hiền chưa đạt ngày xưa âu cũng thế.
Đương thời kỳ ấy,Tào Tháo thiên vua sang Hứa Đô, anh em họ Viên, như cá vượt đăng, Lã Bố như hổ xuống núi, thiên hạ sôi nổi, ăn không ngon, ngủ không yên!
Thế mà ông Gia Cát Lượng nghiễm nghiên riêng một thú Đào nguyên, gảy đàn, ngâm thơ, thường kết bạn chơi với ông Thạch Quảng Nguyên, ông Từ Nguyên Trực và ông Mạnh Công Uy. Ông nói đùa bảo ba ông ấy rằng: “Các bác có ra làm quan, cũng chỉ đến Thứ Sử, hoặc Phủ, Huyện là cùng”. Ba ông kia hỏi lại ông, ông cười tỉm không nói. Sau ông Công Uy nhớ nhà muốn về. Ông nói: “Trượng phu bốn bể là nhà, cứ gì chỗ đất chôn nhau cắt rốn”.
Gần vùng ấy có ông Hoàng Thừa Ngạn, là một bậc ẩn quân tử ở Miện Dương, nói với ông Gia Cát rằng:
“Nghe tiên sinh kén nội trợ, lão nay có một gái tóc vàng da đen, tuy người xấu xí, mà tài giỏi giang, thực tốt đôi lắm”.
Ông Gia Cát bằng lòng, khi rước dâu về, làng nước ai cũng cười đặt ra câu phong dao diễu ông con mắt không tinh đời.
Cùng huyện, có người tên Bàng Đức Công nổi tiếng tài học, ông Tư Mã Huy tôn như bực anh, lấy người em gái ông Gia Cát, vợ chồng cùng kính nhau như khách quý. Đức Công có cháu gọi bằng chú tên là Bàng Thống, người cũng xấu, mà chất lại độn, duy có Đức Công, với Tư Mã Huy biết là kỳ tài, rất lấy làm trọng, thường gọi ông Gia Cát là “Ngọa long” (con rồng ngủ), ông Bàng Thống là “Phượng sô” (Chim phượng non).

III
Thời kỳ xuất, xử của ông Gia Cát

Trong thời kỳ ông Gia Cát đương cày ruộng ở Nam Dương, thiên hạ xảy ra cuộc biến loạn, các hào kiệt nổi lên, chí cũng định tranh vương, đồ bá. Khi ấy ông Lưu Bị, có đến hỏi ông Tư Mã Huy, ông Huy đáp rằng:
- Chúng tôi vốn anh đồ cuồng, biết gì thời vụ? Biết ra, ở đây chỉ trừ có Ngọa Long, với Phượng sô, được một người cũng bình định được thiên hạ.
Từ Thứ cũng nói với Lưu Bị khi ở Tân Giã rằng:
- Ông Ngọa Long Gia Cát, tài giỏi còn gấp trăm tôi, tướng quân nên cố đón mời, sao cho được ông ấy ra giúp sức!
Sau Lưu Bị ba lần thân đến chốn thảo lư ông mới chịu ra.
Trong khi trò chuyện , ông Lưu Bị hỏi:
- Nay nhà vua không quyền, quân gian loạn nước, tôi, tài hèn, trí hẹp, muốn đem nghĩa cả, giãi bày ra với thiên hạ, tiên sinh có kế gì , xin chỉ giáo cho?
Ông đáp rằng:
- …Hiện thế ngày nay, gần thành như chân đỉnh, Tào Tháo quân quyền có hàng trăm vạn, vả lại đem vua làm bù nhìn, cũng khó mà đánh đổ nổi họ. Tôn Quyền hùng cứ đất Giang Đông, lòng dân theo phục đã trải ba đời, vả lại có sông Trường Giang ngăn hạn, vậy ta chỉ nên liên lạc lấy làm ngoại viện, chứ không nên tranh hành. Duy chỉ có Kinh Châu, phía bắc đến Hán, Miện, phía nam ra bể, phía đông giáp Ngô, Cối, phía tây thông Ba Thục, là chỗ đất rất lợi, thế mà Lưu Biểu không biết dùng, ấy tức là trời còn để phần riêng cho Tướng quân đấy! Tướng quân có muốn chỗ ấy hay không?
Còn Ích Châu là nơi hiểm địa, đồng rộng, thóc nhiều, xưa vua Cao Tổ, nhờ đấy mà thành cơ nghiệp đế vương. Nay Lưu Chương ngu hèn, Trương Lỗ biển lận, Tướng quân vốn giòng giõi nhà Hán, tín nghĩa đã rõ vang lừng trong bốn bể, nếu gồm được cả hai châu Kinh, Ích, phía tây hòa các nước Phiên, phía nam thông với nước Việt, một mặt kết với họ Tôn, một mặt sửa sang chính trị, chờ cơ hội, sai một viên thượng tướng dẫn quân Kinh Châu, thẳng chỉ kinh thành Uyển, Lạc, Tướng quân thống đạo quân châu Ích, kéo ra Tần Xuyên, lo gì thiên hạ chẳng tranh nhau sách giỏ cơm bầu nước, đón rước nghĩa quân. Có thế mới khôi phục lại được cơ đồ nhà Hán cũ.
Ông Lưu Bị nghe rất lấy làm phải, liền đón ông Gia Cát về làm Quân sư, hai ông Quan Vũ, Trương Phi, có ý không bằng lòng, ông Lưu Bị gạt đi nói:
- Ta được ông Gia Cát như cá gặp nước, hai em thôi đừng nói nữa.

IV
Trận đánh ở Xích Bích

Niên hiệu Kiến An thứ 12, nhân dịp Tào Tháo đem quân đánh nước Ô Hoàn. Ông Lưu Bị bảo Lưu Biểu nên thừa thế đánh úp lấy Hứa Đô, Lưu Biểu không nghe, việc rồi, sau hối lại, phàn nàn với Lưu Bị rằng:
- Nghĩ dại không nghe ông, bỏ mất cơ hội lớn.
Lưu Bị ung dung đáp rằng:
- Thiên hạ đương phân liệt, chẳng cơ hội này, còn cơ hội khác lo gì.
Khi Lưu Biểu mất, con là Lưu Tôn nối. Tào Tháo đem quân xuống miền nam, Tôn mật sai sứ đến cửa quân Tào xin hàng. Lúc ấy, Lưu Bị ở Phàn Thành chưa biết, sau được tin cả giận. Ông Gia Cát khuyên Lưu Bị thừa thế đánh lấy Kinh Châu, Lưu Bị không nghe nói rằng:
- Khi Lưu Biểu hấp hối, có ký thác con côi cho ta, nay trái với lời hứa, không phải là trượng phu!
Nhân dân ở Kinh Châu, phần nhiều bỏ xứ sở theo Lưu Bị, khi đến Đương Dương, cả quân dân có hơn mười vạn, hành lý mấy nghìn xe, mỗi ngày chỉ đi được hơn mười dặm, phải sai ông Quan Vũ chở mấy trăm chiếc thuyền cùng hội ở Giang Lăng.
Có người khuyên Lưu Bị nên đi gấp mau cố thủ lấy Giang Lăng, chứ nếu lẵng đẵng với bọn dân, quân Tào đuổi kịp đến đây, lấy gì mà chống cự.
Lưu Bị không nỡ, Tào Tháo biết Giang Lăng là nơi nhiều lương thảo, sợ Lưu Bị phỗng tay trên mất, nên thúc quân đuổi riết đến Tương Dương, nghe đã đi xa, liền vội vàng chọn lọc năm nghìn quân khinh kỵ, trong một ngày một đêm, đi hơn 300 trăn dặm, theo gặp ở cầu Trường Bản đất đương Dương. Lưu Bị phải bỏ cả vợ con, tướng tá, dẫn vài mươi tên lính, đi đường tắt sang Hán Tân, vừa gặp đạo thuyền ông Quan Vũ, sang được qua sông Tế Miện. Con trưởng Lưu Biểu làm Thái thú ở Giang Hạ, cũng đem hơn một vạn quân lại hội, cùng kéo nhau về Hạ Khẩu.
Tào Tháo chí định bắt sống Lưu Bị, giá trị còn bằng mấy Kinh Châu, nên đem đại quân cố trừ cho khỏi lụy sau.
Ông Lưu Bị còn ít cô quân đón gở Hạ Khẩu, như trứng chọi với đá, tình thế rất nguy ngập.
Ông Gia Cát hiến kế:
- Nay muốn gỡ cái nước cờ bí, chỉ có cách sang cầu cứu bên Đông Ngô, đem cái nghĩa  “môi hở răng lạnh” mà thuyết cho họ tỉnh ngộ, cùng ta liên lạc, mới phá nổi được quân Tào. Tôi là kẻ bất tài, xin lãnh cái trách nhiệm đi ấy.
Hồi ấy, Tôn Quyền đóng quân ở Sài Tang để chờ xem cuộc cờ thành bại, có sai Lỗ Túc sang thăm, vì thế, ông Gia Cát được người giới thiệu vào yết kiến Tôn Quyền.
Ông Gia Cát nói khích Quyền rằng:
- Tướng quân hùng cứ ở Đông Ngô, Ông Lưu Dự Châu cũng khởi binh ở Hán Nam, cùng với Tào Tháo tranh thiên hạ. Nay họ Tào đi phá Kinh Châu, uy lừng bốn bể, kẻ anh hùng không có chỗ giở nghề được nữa. Cho nên ông Lưu Dự Châu phải trốn chạy qua đây. Còn Tướng quân nên liệu sức mình, nếu đánh nổi được Tào sẽ đánh, bằng không cũng nên tính sớm hàng họ trước đi, xin đừng dùng dằng hồ nghi, nước đến chân khó nhẩy?
Tôn Quyền đáp:
- Cứ như lời tiên sinh sao Lưu Dự Châu không hàng quách đi có xong không?
Ông Gia Cát nói:
- Xưa Điền Hoành là tráng sĩ nước Tề, còn không chịu nhục, nữa là ông Lưu Dự Châu, vốn dòng dõi vua Hán, lẽ nào lại chịu khuất dưới quyền người?
Tôn Quyền nổi tức nói:
- Quân ta có hơn mười vạn, việc gì phải luồn cúi ai? Ta nhất định đánh! Nhưng Lưu Dự Châu vừa mới bị thua, mất cả nhuệ khí còn làm gì được?
Ông Gia Cát nói:
- Lưu Dự Châu tuy thất thủ ở Trường Bản, nay thu thập cả thủy, bộ cũng còn hơn vạn người, hợp với Lưu Kỳ ở Giang Hạ, số quân cũng tương đương như thế. Quân Tào đi một ngày một đêm đến 300 dặm, sức cũng đã đuối, binh pháp rất lấy thế làm kỵ. Vả lại người phương bắc không quen thủy chiến, mà dân Kinh Châu vì thế bức phải đi theo Tào, không phải khâm phục. Nếu Tướng quân định đánh, chỉ sai một viên đại tướng, đem vài vạn quân, cùng hợp sức với ông Lưu Dự Châu tôi, quyết thế nào cũng thừa cức phá nổi quân Tào. Việc thành hay bại ở ngày hôm nay.
Tôn Quyền nghe lấy làm phải, liền sai bọn Chu Du, Lỗ Túc, đem 3 vạn thủy quân, hợp với Lưu Dự Châu  tính kế phá quân Tào.
Lúc ấy, Tào Tháo đóng quân ở Xích Bích, vì không quen thủy thổ sinh ốm nên trận đánh đầu tiên, quân Tào đã bị thua, phải rút lui.
Hoàng Cái nói:
- Quân Tào ghép thuyền liền khít cả với nhau, ta nên phóng hỏa mà đốt, tất chúng nó chết.
Du sai đem mấy chục chiếc thuyền, trong chở cỏ khô tưới dầu, ngoài che vải trùm kín, trên kéo lá cờ hàng. Sau thuyền lớn, buộc lũ thuyền con, để phòng khi lửa cháy mà tháo chạy.
Gần đến nơi, quân Tào kéo ra xem, thấy hiệu cờ hàng của Hoàng Cái. Không ngờ thuyền vừa đến nơi, tức thời phát hỏa, lúc ấy gió đông nam thổi to, lửa theo gió bốc, thuyền bay như tên, trong giây phút các chiến hạm quân Tào đều cháy, lửa bốc sáng rực một phương trời, người với ngựa đều chết cháy chết đuối không biết đến bao nhiêu mà kể. Hai chi quân Lưu Bị với Chu Du đánh úp phía sau. Tào Tháo phải vứt áo cắt râu mà chạy. Lưu Bị thu phục được Giang Nam phong ông Gia Cát Lượng làm quân sư Trung Lang Tướng, đốc quân Linh Lăng, Quế Dương, Trường Xa ba quận, để lấy thuế, xung quân lương.

V
Vấn đề Thành đô với Kinh châu

Niên hiệu Kiến An năm thứ 16, Lưu Chương là chủ Ích Châu sai Pháp Chính đón Lưu Bị đánh Trương lỗ, ông Gia Cát với ông Quan Vũ ở lại trấn Kinh Châu, sau khi bình được Trương Lỗ, ông Lưu Bị từ Hà Manh Quan quay lại đánh Chương, ông Gia Cát cùng các tướng cũng kéo quân sang hội với quân ông Lưu Bị ở Thành đô.
Mỗi khi ông Lưu Bị đi đánh đâu xa, ông Gia Cát thường trấn giữ Thành đô, thu các thứ thuế để sung quân phí.
Vì hình luật rất nghiêm ngặt, quan dân đều khiếp sợ, Pháp Chính can ông rằng: “Xưa vua Cao Tổ lấy nhà Tần, chỉ ước pháp có ba chương, nhân dân ai cũng đều mến đức. Nay ông vừa mới đến đây, ân huệ chưa nhuần thấy, đã giở những hình luật quá nặng, sợ lòng người thất vọng, thì làm thế nào?”
Ông Gia Cát trả lời:
- Người biết một, chưa biết hai: vì thổ nhân ba Thục quen cái thói ngông nghênh, cho họ làm quan, quan rồi cũng rẻ, gia họ lấy ân, ân lắm sinh nhờn. Nay ta đem pháp luật mà dọa, pháp có nghiêm thì họ mới biết ân, tước có hạn, thì họ mới biết quý, cái lối trị dân tất phải thế mới được.
Năm thứ 24, Tôn Quyền thấy Lưu Bị đã được Ích Châu, muốn đòi Kinh Châu lại, Lưu Bị cắt ba quận Giang Hạ, Trường Xa, Quế Dương, chia cho họ Tôn.
Cách năm sau, Tào Phi bỏ vua Hiến Đế, tự lên làm vua, ông Gia Cát khuyên ông Lưu Bị nên nối ngôi trời, để thiên hạ biết nghiệp Hán hãy còn có chủ, mãi ba, bốn lần Lưu Bị mới nghe, đổi niên hiệu là Chương Vũ, phong cho ông Gia Cát làm Thừa Tướng.
Mùa thu năm ấy, vua Chiêu Liệt, căm tức ông Quan Vũ bị chết vì tay Đông Ngô, hội quân các lộ, để đánh báo thù, ông Gia Cát cố can không nghe, sau Chiêu Liệt cũng bị thua tay Lục Tốn.

VI
Ông Gia Cát hòa nước Ngô, đánh nước Ngụy

Niên hiệu Chương Vũ thứ 3, Chiêu Liệt đau nặng, mời ông Gia Cát vào điện Vĩnh An, ký thác con mồ côi. Sau khi vua Chiêu Liệt mất, Hậu chủ lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Kiến Hưng, phong ông Gia Cát làm Vũ Hương Hầu.
Sau khi vua Chiêu Liệt mất, ông Gia Cát sai Thượng Thư là Đặng Chi sang sứ Đông Ngô, bỏ ác cảm cũ, kết tình liên lạc mới.
Nước Ngụy được tin, sai lũ Hoa Hâm sang Thục, dụ theo mình làm phiên thuộc, ông Gia Cát mắng đuổi ra, rồi thân đem quân sang đánh Nam Man, bẩy lần bắt được vua là Mạnh Hoạch, lại bẩy lần tha, từ ấy các nước Mọi đều tâm phục, không quấy rối ngoài biên cảnh nữa.

Niên hiệu Kiến Hưng thứ 6, tức là năm Minh Đế nước Ngụy mới lên ngôi, ông Gia Cát dương thanh thế nói đem quân từ Tà Cốc đánh Ngụy lấy Mỵ Quận, sai tướng là Triệu Vân đóng ở Cơ Cốc để làm nghi binh. Còn mình ông, thì xuất đại quân kéo đánh Kỳ Sơn. Ngụy sai Trương Cáp làm tướng ra chống cự quân Thục. Vì Mã Tắc thất cơ, nên quân Thục bị quân Ngụy đánh vỡ ở Nhai Đình, ông phải quay trở về, chỉnh đốn lại binh mã, đến năm thứ chín, lại kéo quân đánh Kỳ Sơn lần thứ hai, Ngụy sai Tư Mã Ý làm Nguyên Súy ra giữ.

Ông Gia Cát rất để ý đến vấn đề tải lương đi đường xa, bèn chế ra trâu ngựa bằng gỗ, lắp máy vào, đi đứng cũng như thực. Quân đóng ở Ngũ Trượng Nguyên, cùng đối ngang với quân Tư Mã Ý ở Vị nam, khai khẩn đồn điền, làm kế lâu dài.
Trước sau ông sáu lần ra Kỳ Sơn: một lần bị thua ở Nhai Đình, một lần vây Trần Sương, chém tướng Ngụy là Vương Song, một lần chiếm được Vũ Đô, Âm Bình, tiến quân đến Thành đô, một lần đánh Tư Mã Ý thua ở Lỗ thành, giết được Trương Cáp. Thế từ phía tây Hàm Dương. Phía nam Vị Thủy, Phía bắc nam Sơn, đều thuộc về quận huyện nhà Hán.

VII
Thân hậu ông Gia Cát

Quân của ông đóng ở Vị Nam mấy lần tiến đánh quân Ngụy nhưng Tư Mã Ý đóng chặt cửa thành giữ thế thủ. Ông sai sứ đem khăn yếm đàn bà đưa tặng để làm nhục, Tư Mã Ý cũng nhẫn.
Trong khi tiếp sứ, Ý hỏi dò la những câu chuyện vụn vặt, sự ăn sự ngủ của ông thế nào? Chứ không nói đả động gì đến việc quân. Sứ giả nói rằng:
- Thừa Tướng tôi, phạt người ta từ 20 roi trở lên, cũng phải thân mắt xem xét, ngày chỉ ăn vài lưng cơm.
Tư Mã Ý mừng nói riêng với người ta rằng: Ông Gia Cát việc nhiều ăn ít sống lâu sao được!
Sứ giả về thuật lại câu chuyện, ông than rằng: Tư Mã Ý biết ta lắm.
Quả không bao lâu ông đau nặng. Hâu chủ sai quan đến cửa quân thăm ông và hỏi việc tương lai.
Ông nói rằng:
- Nếu ta có bất hạnh thế nào, thì Tưởng Uyển có thể thay được.
Sứ thần hỏi:
- Sau Tưởng Uyển rôi còn ai nữa? Ông trả lời : “Phí Vi”.
Hỏi đến người thứ ba, ông nhắm mắt không trả lời.
Qua tháng tám, ông mất ở trong quân, tức là niên hiệu Kiến Hưng thứ 54 trước năm dân quốc thành lập 1678 năm vậy.
Khi ông gần mất, di mệnh lại Trưởng Sử là Dương Nghi, Tư Mã là Phí Vi, Hộ quân là Khương Duy, lui quân về Hán Trung.
Dân gian thấy vậy, sang báo tin với Tư Mã Ý, Ý thúc quân đuổi theo. Quân Hán quay cờ trống trở lại. Ý sợ mắc lừa, vội vàng lui chạy. Người ta đặt ra câu ca dao để diễu Ý rằng: “Ông Gia Cát chết đánh Trọng Đạt sống” (Tử Gia Cát, tẩu sinh Trọng Đạt).
Ý nghe cười nói rằng:
- Ta chỉ biết liệu cái sống, ai biết liệu cái chết?
Sau khi quân ông đã lui rồi, Tư Mã Ý đến xem các đồn trại, than rằng: “Thực là kỳ tài trong thiên hạ, ta còn kém xa!”
Khi tang ông đưa về đến Thành đô, chôn ở núi Định Quân, không xây dựng lăng tẩm phỗng đá, và khí vật gì cả.
Trước khi ông Gia Cát mất, có dưng tờ biểu về nói với vua Hậu chủ rằng:
Kẻ hạ thần ở Thành đô, còn 800 gốc dâu, 15 khoảnh ruộng, con cháu cũng đủ dư ăn dư mặc.
Còn hạ thần làm quan, ăn mặc đã nhờ có lương bổng nhà vua, Sau khi kẻ hạ thần này chết, cũng không có của cải gì dành dụm, để phụ ơn vua…
Sau ông mất, cũng quả như lời nói.
Qua năm Cảnh Diệu thứ sáu, vua hạ chiếu lập đền thờ ở Miện Dương.
Con ông là Gia Cát Chiêm, lúc nhỏ rất thông minh học nhớ, viết tốt, vẽ khéo, sau nước Ngụy đánh Thục, dụ ông Chiêm hàng, sẽ phong cho làm Lang Nha Vương, Chiêm giận chém lai sứ, rồi ra trận chết, con trưởng ông Chiêm cũng chết theo cha, thế là lưỡng toàn cả trung và hiếu.
Văn ông Gia Cát, như bài biểu xuất sư, rất giản dị, mà ta đọc, ai cũng cảm động, khác hẳn với lối bay bướm như anh em họ Tào. Vậy mới biết cái học của những bậc vĩ nhân không như các văn sĩ phù phiếm.

TỨ DÂN VĂN UYỂN
1er FEVRIER 1939
MẠNH ĐOÀN st


Phụ Bản IV


|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế