Hiện có 3 người xem / 2533059 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 11/7/2009
CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách Cổ, đúng ra là một bộ sách cổ và một cuốn sách cổ.

Cả bộ sách lẫn cuốn sách được giới thiệu đều bằng Pháp văn. Bộ sách mang tựa đề là “Le Diable boiteux” (Con Quỷ Cà Nhắc) và gồm có 2 tập, của tác giả LESAGE, được in năm 1757 (32 năm trước Đại Cách Mạng Pháp), nếu ở Việt Nam thì là ở đời Cảnh Hưng và ở Pháp thì là dưới thời Lộ Y thứ XV trị vì, và bộ sách sơ sơ chỉ mới có 252 tuổi mà thôi. Đây là một cuốn tiểu thuyết dân gian của một tác giả người Tây Ban Nha tên là Luis Vélez de Guevara (1579-1644) được in lần đầu tiên năm 1641 ở Madrid và thoạt đầu bộ tiểu thuyết này được chia thành từng đoạn chứ không phải từng chương, để rồi đến năm 1707 nhà văn Pháp Alain-René Lesage (1668-1747) mới mô phỏng theo bộ tiểu thuyết nói trên để viết ra bộ Con Quỷ Cà Nhắc này. Vì xét thấy cuốn tiểu thuyết cổ này khá hấp dẫn nên Dịch giả Vũ Anh Tuấn có ý định sẽ giới thiệu nó một cách chi tiết hơn trong bản tin của tháng 8, năm 2009. Hôm nay cuốn sách chỉ được giới thiệu với các thành viên về tuổi tác và hình dáng của nó, một Cụ sách đã sống trên 2 Thế kỷ rưỡi mà vẫn khỏe mạnh đẹp lão và đặc biệt nhất là Cụ đã thành tài sản chung của cả nhân loại, không còn dính dấp gì tới Công Ước Berne về Bản Quyền, nên ai muốn khai thác cũng đều được hết, chỉ cần tìm đến với người giữ sách mà thôi. Cuốn sách có 11 bức minh họa, những hình vẽ của trên 2 thế kỷ rưỡi, nhưng rất đẹp và được vẽ bằng bút sắt. Cuốn sách còn lại là một cuốn được xuất bản năm 1923 của tác giả C. W LEADBEATER, một nhà nghiên cứu khoa học huyền bí rất nổi tiếng, mang tựa đề: “Bên Kia Cái Chết” (L’autre côté de la Mort), trong đó tác giả đưa ra đủ mọi giả thuyết của đủ mọi thứ Tôn Giáo Đông Tây Kim Cổ để chứng minh rằng Chết không phải là Hết mà chỉ là bước sang một cuộc đời mới, một giai đoạn mới mà thôi. Trên 600 trang giấy tác giả nói về đủ mọi lãnh vực tâm linh huyền bí, như Thiên Đàng, Địa Ngục, Luân hồi, Tiền kiếp, hậu kiếp vv… Cuốn sách mang lại rất nhiều thích thú cho những ai tò mò muốn biết sau ngày mình “đi xa” thì sẽ đi đâu, có còn được gần gũi những người mình thân yêu hay không, có còn giữ được những gì đã có trong cuộc đời này hay không vv…

Sau phần giới thiệu sách, A. Phạm Thế Cường, một thành viên CLB đã có một cuộc nói chuyện về một cuốn tiểu thuyết tình báo vừa được cho ra mắt độc giả. Trong gần một tiếng đồng hồ A. Cường đã cho mọi người nghe thấy rất nhiều đoạn viết rất không hợp lý, không đúng sự thật, không tôn trọng người đọc sách, cũng như lạm dụng công lao của người khác để tự đề cao mình vv…

Buổi họp kết thúc lúc gần 11 giờ cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ BỘ SÁCH “CON QUỶ CÀ NHẮC
(LE DIABLE BOITEUX) CỦA ALAIN-RENÉ LESAGE
ĐÃ ĐƯỢC IN NĂM 1757 Ở AMSTERDAM (HÒA LAN)

Bộ sách 252 tuổi đời này được một người bạn gửi từ Pháp về cho tôi, và tôi đã phải đổi lấy một bức họa trị giá khoảng 300 Euros, vì tôi nghèo như ông Job, moi đâu ra Euros mà trả. Thôi thì đành phải “củ đậu nấu đậu”, muốn được thú chơi này thì phải hy sinh thú chơi nọ chứ biết làm sao bây giờ? Tuy nhiên tôi đã thực sự thích thú say mê khi được cầm trong tay và được sở hữu một cuốn sách ra đời từ đời Lê, dưới thời Cảnh Hưng ở nước ta và dưới triều Lộ Y thứ XV của Pháp, 32 năm trước Đại Cách Mạng Pháp. Tôi có đọc lướt qua và thấy rất hấp dẫn, và hấp dẫn nhất là bộ sách đã là tài sản chung của cả nhân loại, đã có từ rất lâu trước khi có cái Công Ước Berne (9-9, 1886) về bản quyền tác giả thuộc loại con cháu này, do đó, bây giờ nếu có vị nào muốn khai thác câu chuyện hấp dẫn này thì chỉ cần tìm đến tên đang giữ nó là được ngay!

Bộ sách này gồm hai tập, tập I gồm 239 trang và tập II gồm 222 trang, khổ 10cm x 18cm, được in năm 1757 tại Amsterdam (Hòa Lan) và có tổng cộng 11 minh họa nguyên trang bằng bút sắt cực đẹp.

Bộ sách này thực ra là một cuốn tiểu thuyết dân gian của một nhà văn Tây Ban Nha tên là Luis Vélez de Guevara (1579-1644) được in lần đầu tiên ở Madrid năm 1641, ba năm trước khi tác giả qua đời. Nội dung cuốn sách như sau đây: Chàng sinh viên Don Cléofas, sau một cuộc hẹn hò với một thiếu nữ tên là Tomasa đã gặp nhiều chuyện rắc rối nên phải bỏ trốn trên mái nhà một căn nhà ở Madrid, và buộc phải lẻn vào căn nhà này là nhà một nhà Chiêm tinh học. Tại đây, cậu ta tình cờ giải thoát được linh hồn của Con Quỷ Cà Nhắc bị nhốt trong một ống thủy tinh. Để trả ơn chàng sinh viên đã giải thoát mình, Con Quỷ Cà Nhắc (Không phải là Chúa Quỷ Satan, mà chỉ là một Chú Quỷ Con vì quậy quá nên bị hất từ trên trời xuống nên mới bị què chân) đã dùng pháp thuật lật tung tất cả nóc các căn nhà ở Madrid để cho chàng sinh viên được chứng kiến đủ mọi cảnh bi hài trong các căn phòng bị lột mái đó, khiến chàng sinh viên là một kẻ từ xưa đến nay chỉ thấy đời toàn màu hồng đã bị vỡ mộng rất nặng nề. Đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết dân gian mà tác giả đã viết ra để ngạo đời và nội dung chính yếu chỉ là những cuộc phiêu lưu của chàng sinh viên và Con Quỷ Cà Nhắc ở nhiều thành thị ở Tây Ban Nha, và tác giả kể nhiều nhất về những điều thống khổ mà chàng sinh viên phải chịu đựng từ phía người tình dữ dằn Tomasa, đã đuổi theo để làm khổ chàng bằng cách cải trang biến mình thành một chiến binh truy sát kẻ địch.

Nhà văn Pháp Alain-René Lesage đã mô phỏng cuốn tiểu thuyết dân gian này để viết ra bộ Con Quỷ Cà Nhắc này. Ông vẫn giữ nguyên tên nhân vật sinh viên là Don Cléofas nhưng đã đổi tên Chú Quỷ Con Cà Nhắc thành Asmodée trong tác phẩm của mình. Cũng như Cụ Nguyễn Du ở nước ta, nhà văn Pháp đã biến tác phẩm dân gian của nhà văn Tây Ban Nha thành một danh tác được cả thế giới biết tới. Ông vẫn giữ nguyên ý định chỉ trích các thói hư tật xấu của con người của tác giả Tây Ban Nha, nhưng ông cắt nhỏ bộ sách ra thành rất nhiều thứ chuyện rất vui, với lời thoại thật khôi hài, và nếu có nói về các tật xấu thì cũng nói một cách vui chứ không bi thảm. Tác phẩm Con Quỷ Cà Nhắc của Lesage được in lần đầu năm 1707, lần thứ hai năm 1726 (Bản này có rất nhiều chỗ bị bỏ đi và nhiều tình huống mới được thêm vào); bản mà tôi đang có trong tay được in lại lần thứ 3 vào năm 1757 (10 năm sau khi Lesage qua đời) và được coi là một ấn bản mới được chính tác giả sửa chữa và đưa minh họa vào trước ngày ông qua đời, tuy cuốn sách chỉ được in 10 năm sau ngày ông chết. Trên 466 trang sách Lesage đã kể rất nhiều chuyện hấp dẫn mà tôi xin trích dẫn ra dưới đây một số những câu chuyện đó, ví dụ như chuyện hai anh già láu cá và lưu manh cãi nhau khi chia chác với nhau số tiền mà chúng lừa bịp được của người khác trong ngày, chuyện một bà đã già mà còn chảnh, đến tối về nhà mới bỏ bộ tóc giả và bộ răng dổm trước khi đi ngủ, chuyện một anh nhà văn “đạo” đủ mọi thứ tài liệu của người để nhận làm của mình, chuyện một “con chủ nợ” cho vay nặng lãi nhưng sáng nào cũng phải đi lễ nhà thờ; một buổi sáng đến nhà thờ hắn chăm chú ngồi nghe vị linh mục giảng về việc cho vay nặng lãi là có tội, nhưng khi về đến nhà hắn lại vô tư tiếp tục cho vay nặng lãi hơn nữa, chuyện về những giấc mơ của đủ loại người, kẻ thì mơ thành giàu có, kẻ thì mơ được nhiều em mê, kẻ thì mơ được làm lớn có kẻ hầu người hạ, chuyện những người điên bị nhốt ở nhà thương điên, cũng như chuyện vô số các người điên khác rải rác ở các nơi, chuyện một nhà thơ chuyên viết các trường ca và anh hùng ca cãi nhau với một nhà thơ chuyên làm thơ hài hước vv… Bộ sách kết thúc bằng đám cưới của chàng sinh viên với con gái một nhà quý tộc được chú quỷ cà nhắc cứu thoát khỏi một trận hỏa hoạn. Tóm lại dưới các mái nhà và các mái phòng bị gỡ bỏ, người sinh viên đã được con quỷ cà nhắc cho thấy đủ mọi cảnh hỉ, nộ, ai, lạc của cuộc đời. Chuyện Con Quỷ Cà Nhắc của nhà văn Tây Ban Nha đã đi vào quên lãng, nhưng cuốn chuyện mô phỏng cùng tựa đề của Lesage đã thực sự được cả thế giới biết tới.

Ở nước ta tác giả Lesage đã có lần được Cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Việt nhưng là dịch tác phẩm Gil Blas De Santillane chứ không phải tác phẩm chúng ta đang nói tới đây. Chuyện này chưa được dịch, nếu còn thời gian, có thể người viết sẽ xin dịch ra tiếng Việt hầu quý vị.

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương 6
Vũ Anh Tuấn

Linh mục Trương Bá Cần
và báo Công giáo và Dân tộc

Tôi nhận được tin buồn Linh mục Trương Bá Cần Tổng biên tập báo Công giáo và Dân tộc qua đời vào sáng ngày 10/7/2009 rất sớm qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc thành phố khi tôi vào làm việc ở cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 1 và được biết ông mất vào lúc 1 giờ sáng. Tôi hơi bàng hoàng một chút vì không ngờ ông về xứ Chúa quá sớm trong khi tờ báo do ông phụ trách trên 30 năm đang trên đà phát triển về cơ ngơi cũng như hoạt động báo chí với nhiều khởi sắc.

Ít nhất cũng vài năm nay, tôi không có dịp để gặp ông nhưng hàng tuần hàng tháng đều đọc báo Công giáo và Dân tộc tuần báo và nguyệt san do cơ quan Mặt trận luôn đặt mua thường xuyên, cùng với báo Giác Ngộ của Phật giáo, nên biết nhiều tin tức về ông, trong đó đọc nhiều bài báo của ông về lịch sử truyền giáo ở nước ta và các vấn đề liên quan thời sự của hoạt động Công giáo, nhất là khi có xảy ra những chuyện nóng bỏng của đạo. Đây là tờ báo của Ủy ban đoàn kết công giáo thành phố Hồ Chí Minh mà ông là Tổng biên tập từ đó tới nay.

Tôi quen biết LM Trương Bá Cần sau ngày giải phóng 30/4/1975 khi báo Lao Động tới mượn cơ sở in của báo “Đứng Dậy” nằm ở trong một hẻm đường Lý Chính Thắng quận 3 gần chợ Tân Định quận 1 đồng thời cam kết in tuần báo Công giáo và Dân tộc và các tài liệu, sách báo khác của Công giáo. Mượn nhà in có nghĩa là chỉ mượn cơ sở, còn các thiết bị in thì hiến cho báo Lao Động. Ngoài ra báo Lao Động có trách nhiệm sử dụng lại số công nhân ở đây. Từ đó cho tới trước khi tôi nghỉ hưu vào năm 2001, báo đều đặt in tại nhà in của báo Lao Động trong khi tới khoảng năm 1995, cơ sở này (chỉ có nhà) được trả lại cho một dòng tu.

Là Tổng biên tập nên LM Trương Bá Cần thường tới làm việc với báo và nhà in Lao Động về việc in ấn và phát hành, nhất là khi in sách và tài liệu của Ủy ban đoàn kết Công giáo. Nhà in của báo Lao Động nhận in rất nhiều báo của các cơ quan, đoàn thể trung ương và các địa phương. Trong mối quan hệ hoạt động báo chí và in ấn, báo Lao Động với các báo khác luôn có sự gắn bó vừa có tình cảm đồng nghiệp vừa thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc – tôn giáo. Cứ mỗi lần đến ngày kỷ niệm báo chí thì các báo lại gần nhau hơn qua cac cuộc thăm viếng chúc mừng lẫn nhau. Nổi bật nhất là đối với các báo trong đó có báo Công giáo và Dân tộc, cứ vào dịp tổng kết cuối năm, nhà in của báo Lao Động đều tổ chức liên hoan và mời một số đại diện của các báo tới dự. Các báo đặt in ở nhà in của báo Lao Động thì cũng tổ chức ngược lại. Nhưng khi ấy mỗi báo mời hết CB-CNV của nhà in tới dự vừa tổng kết hoạt động vừa liên hoan. Trong khi đó báo Công Giáo và Dân tộc thường tổ chức tổng kết chung với mừng lễ Chúa Giáng Sinh nên không khí càng thêm vui tươi đậm đà tình cảm giữa đạo và đời.

Cứ mỗi lần họp mặt cuối năm như vậy, LM Trương Bá Cần đều đứng ra tiếp khách và phát biểu hết sức cởi mở đối với CB-CNV của nhà in và báo Lao Động. Dù là có nhiều khách mời khác cùng dự nhưng ông lại đặc biệt dành nhiều tình cảm, ưu ái với anh chị em của nhà in báo Lao Động. Nhiều năm nhiều lần như vậy, mối quan hệ hai cơ quan trở thành thân thiết, chan hòa tình cảm như người nhà với nhau. Hình ảnh của LM Trương Bá Cần ăn mặc giản dị, nói năng vui vẻ, tự nhiên, chan hòa luôn in sâu đậm trong trí và lòng của tôi. Có một điều rất tiếc là sau khi tôi nghỉ hưu thì không có dịp để gặp mặt một linh mục, một nhà báo hơn nữa một Tổng biên tập vui tính, phong cách giản dị và dễ tiếp cận nhưng làm việc rất nghiêm túc và chu đáo.

Có một điều đáng tiếc hơn thế nữa, trong ngày tổ chức tang lễ thì tôi lại đi xa thành phố nên không theo đoàn của Mặt trận đến viếng ông lần cuối cùng. Nhưng trong những ngày này, tuy không tới được để chia buồn cùng báo CG và DT và tiễn ông lần cuối về Nước Chúa nhưng tâm trí của tôi luôn nghĩ tới ông, tới những lần gặp gỡ hay họp mặt với ông trong suốt quá trình làm việc giữa hai cơ quan trước đây.

Hôm nay, viết bài này, tôi muốn nói lên tình cảm của mình đối với một Linh mục Tổng biên tập báo CG và DT không còn nữa nhưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đáng nhớ, trong đó có những bài viết và phong cách làm việc mang nhiều tính nhân văn hơn tính công giáo.

Vương Liêm
(28/7/2009)

THỞ SÂU ĐỂ LÀM HẠ HUYẾT ÁP

Thí Nghiệm Cho Thấy Thở Sâu Giúp Hóa Giải Được Tác Dụng Lượng Muối Ăn Vào

Tin từ WASHINGTON 31-07-06 – “Êm, chậm, sâu, đều” bạn hãy hít vào và thở ra cũng chậm rãi như vậy. Cố gắng đạt tới nhịp thở dưới 10 lần một phút. Một công trình nghiên cứu gần đây gợi ý chỉ cần thở chậm như vậy vài chục phút mỗi ngày là một số người có thể tự mình làm hạ được mức huyết áp cao nguy hiểm.

Nguyên nhân nào khiến thời gian thư giãn ngắn ngủi vài phút lại đạt hiệu quả rõ rệt như thế? Một nhà nghiên cứu tại các Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ đưa ra điều giải thích tại sao “thở chậm có thể điều hòa huyết áp”— theo ông do thư giãn thì ít, mà do phân giải được lượng muối chúng ta ăn vào mỗi ngày thì nhiều.

Giờ đây Bác sĩ David Anderson đang tìm cách chứng minh được điều này, với sự trợ giúp của một thiết bị đặc biệt tập luyện cho những đối tượng tình nguyện viên bị cao huyết áp thở chậm.

Nếu ông lý luận đúng, công trình này có thể làm rõ được giao điểm giữa chứng cao huyết áp, tình trạng căng thẳng (stress) và chế độ ăn (diet).

Tại Viện Quốc Gia về Lão Hóa, ông Anderson, hiện chủ trì một công trình nghiên cứu về ảnh hưởng hành vi và chứng cáo huyết áp. Theo ông “nếu suốt ngày bạn cứ ngồi đó mà thở nông (under-breathing) và bạn lại ăn vào nhiều muối (high salt intake), thận của bạn có thể thải muối kém hiệu quả hơn một người đi dã ngọai trong rừng (less effective than if you're out hiking in the woods)”.

Ở Mỹ, người ta ước tính có 65 triệu người bị cao huyết áp – tự đặt mình vào tình huống nguy cơ cao bị lên cơn đau tim, đột quỵ, tổn thương thận, mù và bị bệnh tâm thần (dementia). Nhiều đối tượng không hay biết điều đó nên người ta đã từng đặt tên cho Cao Huyết Áp là kẻ “sát thủ thầm lặng” (the silent killer), vì bệnh nhân có thể chẳng để ý thấy có triệu chứng nào cho tới lúc căn bệnh đã gây tổn thương nghiêm trọng – thì quá trễ mất rồi.

Bất cứ ai cũng có thể bị huyết áp cao, khi đo được số trên đạt mức 140 số dưới 90 hoặc cao hơn chẳng hạn. Và nếu lại bị dư cân, và ít họat động, lại có thói quen ăn mặn — Ở Mỹ, người ta thường tiêu thụ muối với lượng gấp đôi mức tối đa “có lợi cho sức khỏe”! — mọi yếu tố này đều góp phần làm tăng mức nguy hại. Bởi vậy, những điều người ta có thể làm có hiệu quả nhằm giảm huyết áp là thay đổi nếp sống... sao cho giảm cân, vận động nhiều hơn và giảm lượng Natri nạp vào cơ thể. Và đa số bệnh nhân bị cao huyết áp cũng cần uống thuốc trị bệnh nữa.

Huyết Áp Cao Còn Nhiều Bí Mật

Các nhà khoa học mới chỉ rành về các yếu tố nguy cơ song họ chưa hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của bệnh cao huyết áp: Nắm được nguyên nhân nào làm xô lệch các cơ chế tinh vi điều hòa huyết áp ở một người dư cân có nếp sống tĩnh tại hẳn là sẽ giúp chúng ta phòng và trị được bệnh cao huyết áp.

Vai Trò Chức Năng Hô Hấp.

Ngồi thiền, tập yoga và những kỹ thuật thư giãn tương tự đều có phần hướng dẫn cách thở chậm và sâu, người ta vẫn cho là có tác dụng làm hạ huyết áp, song chỉ mới lác đác có công trình nêu rõ được ảnh hưởng này.

Thế rồi tới năm 2002, Cơ quan Quản Lý Thực Dược Phẩm FDA của Mỹ đã thông qua việc đưa ra thị trường – thiết bị y khoa được phép bán không cần toa bác sĩ được đặt tên là RESPERATE, cốt tập làm chậm nhịp thở để giúp hạ huyết áp. Dân chúng có thể đặt mua máy này qua mạng Internet: bằng cảm nhận các chuyển động của lồng ngực hay thành bụng, máy có thể đếm được nhịp thở và phát ra những hồi nhạc hiệu ngày một chậm dần để báo hiệu khi nào hít vào, khi nào thở ra. Những người sử dụng cứ thở theo nhạc hiệu chậm dần dần từ số 16 – 19 nhịp thông thường/một phút xuống tới 10 nhịp/phút hoặc ít hơn nữa.(coi hình 1)

Trong các thử nghiệm lâm sàng được nhà sản xuất InterCure Inc. tài trợ, những người sử dụng thiết bị làm chậm nhịp thở 15 phút/ mỗi ngày trong 2 tháng đã thấy huyết áp tâm thu của họ giảm được từ 10 đến 15 mm Hg. Máy không hề có tham vọng thay thế chế độ ăn, việc tập luyện cơ thể hay phương pháp ngồi thiền, song được khuyến khích nên thêm vào phép điều trị chuẩn.

Tại sao thở chậm lại có hiệu quả “hãy còn là một điều hơi bí hiểm”, theo lời Bác sĩ William J. Elliott thuộc Trung Tâm Y Khoa ĐH Rush ở Chicago, là người chủ trì một phần cuộc nghiên cứu đã cho kết quả khá bất ngờ này.

Theo Anderson (Viện NIH), thở sâu và chậm quả là có làm giãn nở nhất thời các mạch máu, song hệ quả này không đủ để giải thích tác dụng hạ huyết áp một cách lâu bền như vậy. Theo thống kê của Viện QG Hoa Kỳ về Tim, Phổi, Máu, ảnh hưởng trên huyết áp tâm thu (= con số trên) của các biện pháp giảm bớt yếu tố nguy cơ được xếp hạng như sau: (Bảng 1)

Giới hạn số mm Hg giảm được

Biện pháp áp dụng

5 - 20

Giảm cân 10 Kg

8 - 14

Chế độ ăn DASH

2 - 8

↓ lượng muối ăn/ ngày

4 - 9

Vận động chân, tay

2 - 4

↓ uống rượu

Không Nên Nín Thở

Như vậy, tại một phòng thí nghiệm thuộc Bệnh Viện Harbor ở Baltimore, Anderson cũng đang sử dụng máy này để thử nghiệm giả thuyết của mình là: Dưới áp lực của tình trạng căng thẳng kinh niên (chronic stress), người ta có khuynh hướng thở nông và vô thức nín thở, hiện tượng mà Anderson gọi là “thở bị kiềm chế” (inhibitory breathing). Khi người ta nín thở máu tuần hoàn chảy hướng lên não nhiều hơn để tăng cảnh giác — là điều tốt khi “xếp” đang la lối chẳng hạn — song quân bình sinh hóa trong máu thì dễ bị xáo trộn. Ít được ôxy hóa, máu trở nên toan (= acid) hơn khiến cho thận kém hẳn hiệu quả khi phải bơm Natri bài xuất ra nước tiểu.

Ở súc vật, các thí nghiệm của Anderson đã cho thấy là hiện tượng “thở bị kiềm chế” trì hoãn quá trình bài xuất muối (delays salt excretion) đủ để làm tăng huyết áp. Giờ đây, là trên người, ông đang thử nghiệm xem nếu thở tốt hơn có giúp được cho người ta đảo ngược lại hiệu lực đó không. Theo ông “họ có thể làm biến chuyển thành phần huyết khí của họ (changing their blood gases) và theo chiều hướng thận điều hòa nồng độ muối (trong máu)”.

Nếu Anderson lý luận đúng, đây có thể là thêm được một cách giải thích tại sao bệnh cao huyết áp có thể cho là “một căn bệnh của đời sống văn minh và của kiểu sống tĩnh tại”.

Trong khi đó, các giới chức y tế vẫn tiếp tục khuyên mọi người nên thực hành những việc làm đơn giản để làm giảm huyết áp: giảm cân một vài kilô, đi bộ hay tập thể dục mỗi ngày, và ăn ít muối đi — không quá 2,300 mg Natri /ngày — và nhiều rau và trái cây hơn.

Theo Associated Press.
TPHCM, Ngày 6 tháng 8, 2006
Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính
Chuyên viên dinh dưỡng

ĐỐN GIÁO và TIỆM GIÁO

Trong Đạo Phật ta thường hay nghe nói đến ĐỐN GIÁO và TIỆM GIÁO là hai phương tiện để dẫn dắt người tu hành. ĐỐN GIÁO là con đường ngắn gọn, hướng dẫn người tu cách thức để: “Trực chỉ Chân Tâm, Kiến Tánh Thành Phật” và Tiệm Giáo được giải thích là tùy theo trình độ của người nghe, để dắt họ một cách từ từ, vì cho rằng không phải ai cũng đủ trí huệ để tiếp thu lời Phật dạy một cách dễ dàng. Thậm chí có người còn cho rằng phải nương theo trình tự “Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhân đạo. Dục tu Phật đạo, tiên tu Tiên Đạo”. Người mới bước vào con đường tu Phật sẽ đâm ra hoang mang, vì bên nào xem ra cũng có lý. Do đó, cách hay nhất là ta nương lời hướng dẫn của Kinh sách và gần nhất là hai vị Tổ là Tổ Đạt Ma và Lục Tổ xem các Ngài giải thích ra sao về vấn đề này.

Sau khi Ngài Huệ Năng được truyền Y Bát, mất mười sáu năm dài phải lánh nạn, vì đám người hung dữ lùng sục Ngài khắp nơi để mong chiếm đoạt Y Bát. Mãi đến lúc đủ cơ duyên thì Ngài mới mở ra giảng đạo ở Chùa Bửu Lâm tại Tào Khê. Trong khi đó, Sư Thần Tú dù không đắc pháp, không được truyền Y Bát cũng mở ra giảng dạy ở Chùa Ngọc Tuyền tại Kinh Nam. Bên nào đệ tử cũng đông đảo, nên người thời đó hay gọi là Nam NĂNG, Bắc TÚ.

Môn đồ của Sư Thần Tú thường chê “Tổ Sư Nam Tông là dốt, không biết một chữ, chẳng có gì hay”, thì chính Sư bảo với họ: “Thầy ta là Ngũ Tổ đích thân truyền Y Bát cho người không phải là vô cớ, tiếc rằng ta không thể đến với người”, và khuyên học trò nên qua Tào Khê viếng Lục Tổ để nghe khẩu quyết. Sau đó chính Sư Thần Tú phái đệ tử là Chí Thành là người thông minh, đa trí đến Tào Khê, dặn dò: “khi nghe rồi phải ghi nhớ, về kể lại cho ta”.

Khi Chí Thành đến Tào Khê, trà trộn trong đại chúng để nghe pháp Lục Tổ phát hiện bảo với mọi người là “có kẻ trộm pháp ẩn trong pháp hội”. Chí Thành lúc đó mới bước ra làm lễ và kể lại lời thầy mình đã dặn dò. Lục Tổ hỏi có phải mục đích là để dọ thám? Chí Thành thưa là trước khi Ngài hỏi thì đúng như thế, nhưng sau khi nói ra thì không phải, tức là ý ông ta cũng thật tâm muốn cầu pháp.

Lục Tổ hỏi: “Thầy ngươi thường dạy môn nhơn như thế nào? Chí Thành kể là: “Thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm”. Lục Tổ giải thích: “Trụ tâm quán tịnh ấy là bịnh, chẳng phải Thiền. Thường ngồi là câu thúc cái thân, đối với đạo lý có ích chi đâu” và Ngài đọc kệ:

“Khi sống ngồi không nằm.
Thác rồi nằm chẳng ngồi.
Thiệt đồ xương thịt thúi
Sao luống uổng công phu”

Chí Thành lại làm lễ và bạch rằng “Đệ tử theo học với Tú Đại Sư chín năm mà chẳng hiểu. Nay nghe Hòa Thượng nói một lần liền sáng tỏ” và xin được chỉ dạy.

Lục Tổ bảo Chí Thành nói về cách giảng GIỚI ĐỊNH HUỆ của Sư Thần Tú thì Chí Thành bạch: Tú Đại Sư nói: Các điều dữ chớ làm gọi là GIỚI. Các điều lành vâng làm gọi là HUỆ. Giữ ý mình trong sạch gọi là ĐỊNH. Lục Tổ bảo: “Phép Giới Đinh Huệ của thầy ngươi để tiếp độ người Đại Thừa. Còn phép Giới Định Huệ của ta để tiếp độ người Tối Thượng Thừa. Chỗ ta nói pháp không lìa Tánh mình. Lìa bổn thể mà nói pháp là trước tướng mà nói, như thế thì Tánh mình thường mê. Phải biết muôn pháp đều do Tánh mình mà khởi dụng. Thế mới thật là Giới Định Huệ và Ngài đọc Kệ:

Tâm địa không quấy thì Tánh mình GIỚI.
Tâm địa không si thì Tánh mình HUỆ
Tâm địa không rối thì Tánh mình ĐỊNH.
Không thêm không bớt thì Tánh mình KIM CANG
Thân tới thân lui vốn là Tam Muội.

Chín năm học với Sư Thần Tú mà chẳng hiểu được gì. Chỉ cần một thời pháp của Lục Tổ thì Chí Thành đã hiểu ra, nên ông làm lễ nguyện theo hầu hạ Tổ sư sớm tối không bê trễ.

Một Sa Di mới 13 tuổi, tên là THẦN HỘI cũng từ Chùa Ngọc Tuyền đến để làm lễ Lục Tổ. Qua đối đáp, Thần Hội hỏi Lục Tổ:

- Hòa Thượng Ngồi Thiền, thấy hay chẳng thấy”?

Lục Tổ bèn lấy gậy đánh cho y ba hèo rồi hỏi:

- “Ta đánh nguơi đau hay chẳng đau”?

Thần Hội trả lời: “Cũng đau mà cũng chẳng đau”.

Lục Tổ bảo: “Ta cũng thấy mà cũng chẳng thấy”

Thần Hội hỏi: “Cũng thấy mà cũng chẳng thấy nghĩa là sao”?

Lục Tổ giải thích: Ta thấy là thường thấy các tội lỗi của tâm mình, mà chẳng thấy các điều phải quấy, tốt xấu của người. Bởi vậy cũng thấy mà cũng chẳng thấy. Người nói rằng đau mà cũng chẳng đau nghĩa là sao? Nếu ngươi chẳng biết đau thì đồng với loài cây đá. Còn biết đau thì đồng với kẻ phàm phu liền sanh giận hờn. Cứ như chỗ ngươi hỏi trước “Thấy hay chẳng thấy” ấy là chấp hai bên. Chỗ ngươi nói: “Cũng đau mà cũng chẳng đau” ấy là còn sanh diệt. Cái tự tánh của người mà ngươi chẳng thấy sao dám khinh dễ người?”

Thần Hội lạy và ăn năn, xin lỗi. Tổ bảo: Nếu ngươi vì tâm mê chẳng thấy Tánh mình thì hỏi bậc Thiện Tri Thức mà tìm đường Chánh Giác. Còn nếu người tỏ sáng, tự thấy Tánh mình thì y theo pháp mà tu hành. Ngươi tự mê, chẳng thấy Tánh mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy ta tự biết, há thế cái mê của ngươi được sao? Còn nếu ngươi tự thấy cũng chẳng thế cái mê của ta được. Sao chẳng biết tự thấy lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?

Thần Hội làm lễ một lần nữa, lạy Tổ Sư hơn trăm lạy, xin tha lỗi và cần mẫn theo hầu Tổ không rời.

Qua hai trường hợp được trích dẫn từ PHÁP BẢO ĐÀN KINH, ta có thể so sánh được cách giảng pháp của người Đắc Pháp được truyền Y Bát và người chưa đắc pháp, dù áp dụng cùng một pháp của Đạo Phật.

Trước hết là về NGỒI THIỀN. Trong khi Sư Thần Tú dạy học trò: “Ngồi mãi không nằm, trụ tâm quán tịnh” thì Lục Tổ giải thích: “Thường ngồi là câu thúc cái Thân, đối với đạo lý chẳng có ích chi”. Muốn biết rõ vì sao Lục Tổ cho rằng Ngồi Thiền như thế không có ích lợi gì đối với đạo lý, ta nên quay lại với việc Ngồi Thiền Của Đức Thích Ca để kiểm chứng.

Kinh sách đều viết rõ: Sáu năm theo học với ngoại đạo mà không tìm được điều mình bức xúc là cách thức để Thoát Sinh Lão Bịnh Tử đang khống chế cái Thân. Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã trải tòa cỏ để ngồi dưới cội cây BỒ Đề với lời phát nguyện: “Chỉ đứng dậy khi nào tìm được thủ phạm đã gây ra Sinh Tử Luân Hồi”. Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài tìm được nên gọi là Đắc Đạo. Như thế thì mọi việc đã rõ: Đức Thích Ca đã có sẵn mục đích cần tìm. Vì thế, Ngài dùng thời gian Ngồi là để trói Ngũ Căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, không cho tiếp xúc với Ngũ trần để tập trung cái Ý để tìm. Cuối cùng Ngài đã gặp điều Ngài muốn tìm, là Con Đường để Thoát Khổ. Đường tức là Đạo, nên gọi là Được Đạo. Về sau thì tư thế Ngồi tĩnh lặng đó gọi là Ngồi Thiền hay Thiền Định.

Tên và cách Ngồi thì giống, nhưng do Sư Thần Tú bản thân không biết rằng Đức Thích Ca đã làm gì để Đắc Đạo qua pháp Thiền Định nên chỉ biết hướng dẫn đệ tử Ngồi để “Trụ Tâm quán tịnh” mà thôi. Đương nhiên, quán tịnh thì kết quả sẽ được cái tịnh, cái không động như gỗ đá, xả Thiền ra thì có biết thêm được điều chi? Tu Phật đâu phải là để được cái Tịnh đối với cái Động?

Thứ hai là lời giải thích về GIỚI, ĐỊNH, HUỆ. Vâng làm các điều lành mà không biết vì sao phải làm thì không thể gọi là HUỆ Bởi vì nghĩa của HUỆ là cái trí sáng suốt để soi đường cho con đường tu để biết điều gì nên làm. Biết vì sao phải làm, để có thể tự chủ mình trong khi làm, và biết làm đến đâu là đủ. Nếu chỉ giữ ý mình cho trong sạch thì cũng chỉ quanh quẩn trong cái thiện, Nhưng con đường tu Phật đâu chỉ cải ác, hành thiện?

Lục Tổ giải thích về Đốn Tiệm như sau: “Pháp không có Đốn Tiệm, bởi con người có tánh sáng tối nên mới gọi là Đốn Tiệm”.

Như vậy thì vì đâu mà có Sáng, Tối? Ta thấy Kinh Viên Giác viết: “Này Thiện Nam Tử! Có loại chúng sanh có thể chứng đặng Viên Giác. Song, nếu chúng sặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ thì chứng thành Tiểu Thừa. Nếu gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ thì chứng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chứng thành Phật Thừa. Này Thiện Nam Tử! Có những chúng sanh đi tầm Thiện Tri Thức chỉ dạy đường lối tu hành, nhưng lại gặp ngoại đạo tà sư dạy bảo nên nó sanh tà kiến hiểu ngộ không chơn chánh thế gọi là ngoại đạo chủng tánh. Đây không phải lỗi tại chúng sanh đó mà lỗi tại tà sư”.

Nhưng chúng sanh chưa biết gì về đạo thì làm sao có thể phân biệt được đâu là tà sư, đâu mới là chân sư để theo học? Điều đó từ thời Phật còn tại thế, trước lúc nhập diệt có thông báo ai còn điều gì thắc mắc thì Ngài sẽ giải đáp hết, thì có một du sĩ ngoại đạo tên là Subhadda đã hỏi Phật: “Làm sao để phân biệt trong những người Bà la Môn, Sa Môn, Giáo trưởng, Hội chủ.đang thuyết pháp thao thao, được đông đảo quần chúng hâm mộ… ai mới là người có Chánh Pháp?” Phật đáp: Trong pháp luật nào không có Bát Chánh Đạo thì trong đó không có đệ nhất Sa Môn, đệ nhị Sa Môn, đệ tam Sa Môn, đệ tứ Sa Môn. Chính trong giáo pháp của ta có Bát Chánh Đạo, những giáo pháp không có. Nếu những vị Tỳ Kheo này sống chân chính thì đời này không vắng những vị A La Hán”

Người có Bát Chánh Đạo đương nhiên là Có GIỚI, cho nên không có Vọng Ngữ, Vọng Hành. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phân biệt rõ, vì không phải bất cứ Sa Môn nào giữ đầy đủ Giới là cũng có thể giảng pháp, mà phải là người hiểu pháp, đắc pháp, bởi Sư Thần Tú cũng là một đệ tử của Ngũ Tổ, làm tới bậc Giáo Thọ thì đã là bậc cao nhất đối với tăng chúng. Nhưng vì Ngài chưa Thấy Tánh nên không được truyền Y Bát, vì Y Bát là tín vật được truyền từ những vị Tổ đi trước để cho người sau theo đó mà nhận biết người đang cầm nắm chánh pháp hiện đời để có thể tin tưởng mà theo học.

Tiếc thay vì một số người thời đó thay vì lo tu hành “tứ đại giai không” như lời Phật dạy, lại xem Y Bát như một thứ quyền lực của đạo, sẵn sàng đuổi giết người giữ nó hòng tranh đoạt để làm giáo chủ, làm cho Y Bát mất dấu, nên về sau người muốn tu hành không còn tín vật để noi dấu, chỉ còn biết trông vào duyên phận mà thôi! Cả Sư Thần Hội, theo học với Lục Tổ nhiều năm, được ngài phó chúc trước khi viên tịch, khi đứng ra chấn hưng Phật Pháp thì cũng bị phía kia vu oan, phải chịu tù đày, cho ta thấy có những người ngay cả khi đã vào tu hành nhưng danh lợi cũng chưa thể buông bỏ được. Nếu những người đó tiếp tục ở trong chùa và giảng đạo rồi cứ thế truyền nhau hết thế hệ này sang thế hệ khác thì tai hại cho người học Phật biết mấy!

Giữa thời buổi vàng thau lẫn lộn, không thể phân biệt chân, giả, chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là tự nương kinh điển mà tìm. Trong số Kinh, có hai quyển SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT của Tổ Đạt Ma và PHÁP BẢO ĐÀN KINH của Lục Tổ có những giải thích rõ ràng nhiều vấn đề của Đạo Phật, chúng ta có thể nương theo đó mà hiểu, mà hành được.

Nói về Đốn Giáo, Tổ Đạt Ma giải thích trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất như sau:

Hỏi: “Nếu có người dốc lòng cầu đạo thì nên tu theo pháp nào mới là cực kỳ tỉnh yếu?”

Đáp: Chỉ một pháp quán tâm thâu nhiếp trọn các pháp mới thực là cực kỳ tỉnh yếu.

Hỏi: “Sao một pháp có thể nhiếp trọn các pháp được?

Đáp: Tâm là gốc của muôn pháp. Tất cả các pháp duy một tâm sanh. Nếu hiểu được Tâm ắt muôn pháp sẵn trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thứ cành nhánh trái bông, nhưng tất cả đều do một gốc sanh ra, nếu chặt gốc ắt cây chết.

“Nếu hiểu tâm tu đạo ắt được tỉnh lực nên dễ thành. Không hiểu tâm mà tu đạo ắt nhọc công vô ích. Nên biết tất cả mọi việc lành dữ đều do tự tâm. Cầu gì khác ở ngoài tâm rốt không đâu có được.”

Tu theo Đạo Phật đã được gọi là TU TÂM. Như vậy con đường ngắn gọn nhất là cần phải TÌM TÂM, THẤY TÂM rồi SỬA NÓ. Nhưng TÂM là gì? Ở đâu? Cách thức tìm như thế nào? Đương nhiên là người hiểu pháp có thể giải rõ. Đó gọi là con đường gọi là ĐỐN GIÁO, đưa người học rút ngắn bao nhiêu công sức, thì giờ loanh quanh làm những việc vô bổ khác.

Không thể đổ cho chúng sinh chưa đủ trí, chưa thể giảng pháp cao, vì trong Đạo Phật không có pháp cao, thấp, không phân biệt người học giỏi hay dở, bằng cấp lớn hay nhỏ. Chỉ phân biệt người có thật tâm tu hành hay không, và người Thầy có pháp hay không mà thôi. Bởi so với các môn đồ của Ngũ Tổ thì Lục Tổ là người dốt nhất, không biết một chữ mà vẫn đắc pháp, trong khi đó Sư Thần Tú là giáo thọ chữ nghĩa rất giỏi nhưng lại không đắc! Do đó không thể dựa vào cái học thế gian mà đánh giá người ngu hay trí được.

Việc nghe pháp thì người cầu học đã sẵn có ĐẤT TÂM, người thầy là người cung cấp HẠT GIỐNG và việc giảng dạy như là PHÂN, NƯỚC làm cho hạt giống đó nẩy nở. Nếu người thầy bản thân chưa đắc pháp, không có Hạt Giống Giải Thoát của Đạo, chưa phân biệt được Ngữ, Nghĩa, cứ y theo văn tự, đưa người nghe vào thần quyền, mê tín thì càng giảng dạy càng chồng mê cho người nghe mà thôi!

Không phải cứ mang danh tu hành là muốn giảng sao cũng được. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa viết: Muốn nói Kinh thì phải: “Vào nhà Như lai, mặc y Như lai, ngồi tòa Như lai” tức là tâm người giảng phải thật sự thanh tịnh, không được vi khen mình chê người hay cầu danh, cầu lợi, lại phải thuyết pháp “Đúng thời, đúng lúc, đúng căn cơ”. Tích “Con Chồn hoang” của Mã Tổ nói về một người giảng sư, do hạ sai một chuyển ngữ về Nhân Quả mà phải đọa 500 kiếp làm chồn để cảnh báo những người tu hành nên xứng đáng là chỗ nương tựa của người cầu pháp.

Phật dạy: “Đời người qua mau, việc tu hành nên như lửa đang đốt tóc, cháy áo”. Như vậy nếu nguời thầy cứ nhẩn nha dạy loanh quanh… thì rõ ràng bản thân thầy chưa hiểu hết ý nghĩa của Vô Thường mà Đạo Phật vẫn nhắc nhở, bởi làm sao biết được cả thầy lẫn trò sẽ còn bao nhiêu thời gian để chờ học từ từ?

Nhưng Đốn Giáo cũng đâu phải người thầy chỉ cần đập cho mấy gậy mà đệ tử lập tức “Đốn ngộ”, “Thấy Tánh” ngay như phái Thiền Đả Thất của Tông Cảo Thiền Sư vẫn rầm rộ quảng cáo vì nghĩ lầm khi thấy Tổ Ca Diếp chỉ cần mỉm cười là được truyền Y Bát! Bởi Thần Hội sau khi bị đánh 3 gậy vẫn tiếp tục theo hầu Lục Tổ đến mười mấy năm, sau khi Ngài viên tịch mới mở ra chấn hưng Phật Pháp. Tổ Ca Diếp thì đã bao nhiêu năm dài đi theo Đức Thích Ca, phải đâu mới vào đạo một sớm một chiều và chỉ cần mỉm cười là đã được truyền Y Bát!

Việc tu hành xét cho cùng cũng đâu cần phải chờ về hưu rảnh rang hay nhất định phải xuất gia, xuống tóc, bỏ hết việc đời mới tu được, vì nghĩa của những việc làm đó được Kinh sách giải thích rất rõ: “Xuất lìa sinh tử hay ra khỏi Nhà Lửa Tam Giới “gọi là XUẤT GIA. CẠO TÓC là “Cạo sạch phiền não”. KHẤT THỰC là “Khất pháp thực để nuôi Thân Giải Thoát, không phải là khất vật thực để nuôi thân phàm”… Do đó, mỗi người chúng ta nên đọc thêm Kinh và phân biệt cho rõ NGHĨA để Y theo lời dặn dò của Phật.

Không phải ai cũng có đủ can đảm và điều kiện để xuất gia, vì trách nhiệm rất nặng. Mọi người thường nhìn vào người tu như hình ảnh của Phật, và sở dĩ họ cung kính, cúng dường là để cho người tu được an tâm mà tu hành. Món nợ đó nếu không tu xong thì trả bao giờ mới hết? Do đó, người ý thức việc tu hành một cách nghiêm túc không thể tùy tiện khoác lên người sắc áo của nhà Phật. Trái lại, tại gia cũng có thể tu hành và thành tựu không khác. Vừa tự sửa cái Tâm, vừa tiếp tục cuộc sống thường nhật để giúp ích cho xã hội, cho gia đình và khỏi mang nợ thí chủ. Xã hội còn cần biết bao nhiêu người tốt biết nghĩ đến đất nước để mang tài năng, công sức cùng góp tay xây dựng, đưa dân tộc đi lên, trong khi kẻ xấu, phá hại thì hoành hành khắp nơi! Nếu mọi người đều mộ đạo rồi đang sức trẻ có thể làm bao nhiêu việc lớn cho xã hội lại chê cuộc đời là đau khổ, rồi trút bỏ hết, lại để những người đang ngụp lặn trong bể khổ phải cưu mang thêm mình thì quả là nghịch lý! Hơn nữa, biểu tượng của Đạo Phật là Hoa Sen - là một loài hoa sinh ra, lớn lên, nở hoa ngay chính trong bùn mà vẫn thanh khiết - tượng trưng cho người tu Phật, sinh ra, lớn lên, sống trong Phiền Não, nhưng nhờ Phật Pháp mà Thoát được phiền não, thể hiện được cái Giải Thoát của Đạo Phật mà vẫn hoàn thành mọi trách nhiệm của mình với cuộc đời. Phải chăng đó mới là cuộc sống có ích cho đời, mới thực sự là “Đời Đạo song tu” như đấng sáng lập Đạo Phật hằng mong mỏi?

Tâm-Nguyện
Tháng (7/2009)

Phụ Bản I

PIERRE BELLEMARE, NHÀ VĂN VỪA LÀ
NHÀ ĐIỀU KHIỂN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

Pierre Bellemare là một văn sĩ. Ông có rất nhiều truyện ngắn và truyện vừa với trọng tâm đi vào những truyện vụ án rất ly kỳ,cuốn hút người đọc, từ trí tưởng tượng phi thường của ông. Các tác phẩm của ông thường xuất hiện trên Nguyệt San Pháp Luật và Bản Tin của Câu Lạc Bộ sách Xưa & Nay qua phần dịch thuật của ông Vũ Anh Tuấn.

Bên cạnh nghề cầm bút lỗi lạc, ông còn là nhân viên đài phát thanh, chuyên viên điều khiển và là nhà sản xuất các chương trình truy ề n hình tiếng Pháp. Với ngành nghề này ông đã tạo nên sự nghiệp bền vững trong cuộc đời của ông.

Tuy nhiên, khi đọc những tác phẩm của ông người ta khó phân biệt nghề cầm bút và ngành truyền thanh truyền hình cái nào là nghề tay mặt, cái nào là nghề tay trái.

Pierre Bellemare sinh ngày 21 tháng mười 1929 tại Boulogne-Billancourt.

Cha ông làm nghề buôn bán các loại sách sách nghệ thuật.

Năm 1948 đ ược ông anh rể Pierre Hiegel giới thiệu vào làm việc trong một công ty phát sóng Dịch vụ Truyền Thanh tư nhân, ông trở thành một nhân viên quản lý và sau đó đã trở thành người bố trí phát sóng chương trình. Từ năm 1954, ông sản xuất và điều khiển rất nhiều chương trình phát thanh và truyền hình. Ông bắt đầu với Đài phát thanh Luxembourg, sau đó tham gia trở lại đài Châu Âu số 1 vào năm 1954.

Năm 1955, Jacques Antoine đề nghị ông điều khiển và phát chương trình Vous êtes formidables (Các bạn thật tuyệt vời). Sau đó là một chuỗi thành công không ai có thể chối cãi được: La Tête et les jambes ( Đầu và chân ) , Pas une seconde à perdre (Không mất một giây nào) , Les Dossiers extraordinaires (Những hồ sơ khác thường) , Les dossiers d'interpol (Những hồ sơ của Cảnh sát quốc tế) , Histoires vraies (Chuyện thật) vv...

Trong cuộc đời sự nghiệp của ông, ông làm việc, như một nhà điều khiển và sản xuất các chương trình phát thanh và phát hình cho tất cả các đơn vị bên ngoài như ORTF, Antenne 2, TF1 FR3, M6, những kênh truyền hình cáp...

Năm 1958, ông thành lập Công ty sản xuất TECIPRESS (TV/phim ảnh/báo chí).

Pierre Bellemare kể những chuyện kỳ lạ khi thực hiện những chương trình phát thanh. Ông, kết hợp với các nhà báo và nhà văn trong đó có cả Marie-Therese Cuny, đã xuất bản khoảng bốn mươi tập truyện ngắn: Ngày đó chuyện đã xảy ra, đang chờ giải quyết, Năm của tội phạm, Những người tình quỉ quái, Hồ sơ Cảnh Sát Quốc Tế, Chuyện thật vv... Nhiều tập truyện ngắn trong số những truyện trên đây được góp nhặt từ những hồ sơ về lịch sử của nhật báo vùng Outre-Manche, nơi mà thể loại truyện này góp phần vào truyền thống địa phương.

Từ 1969 đến 1986 , suốt 17 năm, ông đã sản xuất và điều khiển chương trình từ 11giờ đến 13 giờ trên đài Europe 1 đặc biệt với số tiền là 20 triệu tiền mặt (thời điểm này tính theo đồng Franc Pháp - ND).

Trong năm 1987 ,lấy ngẫu hứng từ một khái niệm của người Mỹ, ông tạo ra kênh TF1 và phát chương trình đầu tiên về việc mua hàng qua truyền hình: Cửa hàng bách hóa (Magazine de l'objet) và sau đó trở thành Mua sắm qua truyền hình ( Téléshopping) . Cũng trong năm đó ô ng đã thành lập công ty Dịch vụ Mua sắm tại nhà (Home shopping service).

Những năm sau ông đã lợi dụng sự xuất hiện của các đài truyền hình tư nhân để sản xuất những chương trình tương đương trên các kênh khác: M6 Boutique. Tất cả để giới thiệu Câu lạc bộ Mua sắm qua vô tuyến trên kênh Paris Première, và vào năm 1998 ông thành lập kên đầu tiên hoàn toàn dành cho việc mua hàng qua truyền hình 24/24: kênh LTA phát sóng từ Bỉ tới Gosselies.

Từ 4 tháng chín năm 2005, Pierre Bellemare giới thiệu tác phẩm “Những cuộc điều tra không kết thúc” Les enquêtes impossibles trên kênh RTL9 vào các tối Thứ Bảy lúc 19h20 Thứ bảy, cho đến năm 2006, qua chương trình phát sóng các vấn đề bí ẩn và lạ thường. Sau đó Les enquêtes impossibles , được chuyển trước tiên sang kênh NT1 , tiếp theo là AB3 rồi AB4 , nghĩa là Pierre Bellemare luôn luôn phát sóng chương trình này.

Con trai ông, chuyên viên điều khiển cho kênh M6 Boutique, mang cùng một tên đầu tiên với bố, với tên đầy đủ là Pierre Dhostel (Dhostel là tên của mẹ).

Pierre Bellemare thường được mời đến chương trình Grosses Têtes (những cái đầu siêu việt), do Philippe Bouvard phát sóng trên trên kênh RTL.

Trong tháng chín năm 2009, Pierre Bellemare tiếp tục vai trò người kể chuyện trên kênh RTL, và nổi tiếng với những “câu chuyện bất thường” của ông.

Pierre Bellemare và vợ của ông là Roselyne đồng sở hữu một trang viên ở Perigord để cho thuê.

Họ có một con gái Julie Bellemare, phụ trách khâu Bán hàng qua hệ thống truyền thông ở kênh NRJ GLOBAL.

Dương Lêh (biên dịch)

MỘT TRUYỆN TRẢ THÙ

TRUYỆN CÓ THẬT

Một buổi sáng tôi đang ngồi uống cà phê với một anh bạn tại một cái quán trên đường Sô Viết Nghệ Tĩnh, bỗng bạn tôi, anh Thân, lấy tay chỉ cho tôi thấy một người đàn ông trạc trên dưới 70 đang đạp xe đạp ngang qua. Anh hỏi tôi có biết người đó không? Khi thấy tôi lắc đầu, Thân bảo tôi: “Đấy là ông T. một người trước đây làm việc cho hãng thầu Capitol của Mỹ”. Tôi bảo với Thân là ông T., ông X. nào đó làm việc cho hãng thầu Mỹ thì ăn nhằm gì tới tôi, vả lại thành phố này thiếu gì kẻ làm cho Mỹ trước kia. Thân cười và giải thích rằng sở dĩ anh hỏi tôi có biết người đó không vì khi thấy người đó đi qua anh chợt nhớ lại một câu chuyện trả thù mà người đó đóng vai chính. Truyện trả thù này không thảm khốc, không hèn hạ mà trái lại rất hào hiệp, khôn ngoan và lại có tính cách ái quốc nữa mới hay chứ; do đó anh hỏi tôi biết người đó không, vì nếu tôi biết ông ta thì có thể tôi cũng biết câu chuyện trả thù đó. Tôi bảo Thân: “Thôi đi ông, chưa già đã lẩm cẩm, chuyện trả thù quái gì mà lại hào hiệp với ái quốc, ông không lẩm cẩm thì cũng xạo ke”. Dù bị chê Thân vẫn bình tĩnh và khuyên tôi nên nghe câu chuyện trả thù đó trước đã rồi hãy có ý kiến. Tôi đồng ý chịu nghe nhưng trong bụng thầm nghĩ nếu ông kể chuyện ấm ớ mất thì giờ của tôi thì ông đừng có trách! Và sau đây là câu chuyện do Thân kể:

Năm 1960 tôi làm chung một chỗ với ông T. đó, nhưng hai chúng tôi làm cho hai công ty. Ông T. làm cho Mỹ, tôi làm cho hãng thầu Đài Loan, thầu lại một phần công việc của hãng Mỹ. Nơi chúng tôi làm việc là chung cư Minh Mạng lúc đó mới khởi sự được xây – nói rõ hơn là chúng tôi làm tại công trường Xây Cất Chung Cư Minh Mạng. Trong Công trường có hai Giám Đốc của hai hãng, các kỹ sư, các giám thị, các công nhân các ngành mà giai cấp chót là quý vị thợ hồ và phụ hồ. Ông T. làm Phụ Tá Hành Chánh cho viên Giám Đốc người Mỹ. Do vấn đề công vụ tôi quen và chơi với ông T. Trước chỉ sơ giao sau thành khá thân thiết, vì tôi thấy ông T. hiền lành và cũng vì hai chúng tôi có một sở thích là đánh Sì Phé trong những lúc hết công việc. Ngoài ra buổi trưa không về vì nhà xa, chúng tôi còn ăn cơm chung với nhau nữa. Ba mươi năm trước cả tôi lẫn ông T. còn trẻ nên cũng không ai kém ai về bộ môn say mê người khác phái. Cả hai chúng tôi đều để ý tới một cô phụ hồ trạc độ 18, 19; cô này dáng người mảnh khảnh, nước da trắng như trứng gà bóc, đặc biệt nhất là trên công trường nắng như thế mà da nàng không bị cháy đen mà lại chỉ ửng hồng lên khiến cho đã dễ thương lại dễ thương hơn. Nhưng chưa hết, làn môi, cái mũi dọc dừa và cặp mắt, nhất là cặp mắt to tròn trong sáng dịu dàng mê hồn làm sao, và để chứa đựng tất cả các điều tuyệt diệu đó là một khuôn mặt trái soan đẹp như khuôn mặt người trong tranh “Vệ Nữ ra đời” mới khiếp chứ. Mỗi khi gặp nàng cả tôi lẫn ông T. đều chia sẻ một niềm đau là tại sao ông Trời lại ác độc bắt một người con gái đẹp như vậy phải đi làm phụ hồ ngày ngày gánh vữa muốn ẹo lưng, trong khi có những quân xấu hơn “con khởi” thì lại xe hơi nhà lầu, kim cương vòng vàng đeo chật người, làm ăn như vậy bị gọi là “Lão Tặc Thiên” là trúng phoóc!

Rồi, lạ thay, chẳng ai bảo ai, chẳng ai bàn bạc gì với ai mà cả hai chúng tôi đều gặp nhau ở chỗ cùng phong cho nàng là Tây Thi CTMM, tức là Tây Thi Công Trường Minh Mạng nơi Đất Việt Trời Nam chứ cóc phải bên nước Ba Tầu xa lắc xa lơ. Phong nàng làm Tây Thi xong chúng tôi lại gặp nhau trên từng cây số ở một điểm thứ nhì là đã có Tây Thi tất phải có Phạm Lãi. Nhưng vì cả tôi lẫn ông T. đều đã có “Quốc Hội” ở nhà, lộn xộn nó biểu quyết không cho ăn thì bỏ bu nên đành bảo nhau nhất định phải tìm cho ra xem thằng Phạm Lãi nào mà hên thế. Rồi một buổi chiều kia chúng tôi quả đã gặp Tây Thi đi với Phạm Lãi của nàng. Ông chắc không thể đoán được cảm nghĩ của chúng tôi vào giây phút đó. Cả hai chúng tôi bảo nhau: “Gọi ông trời là Lão Tặc Thiên là bậy, ông luôn có mắt, luôn luôn có lý, đáng khen, đáng khen thay!”. Vì Phạm Lãi của nàng cũng chính là một đồng nghiệp của nàng, nghĩa là cũng chỉ là một người thợ làm ở công trường, có khác chăng là anh chàng đó làm ngay cho hãng ông T. Anh này cũng rất bảnh trai, hiền lành và tuyệt vời hơn cả là anh ta rất lương thiện. Cách đấy mấy tuần chính ông T. đã trao tận tay anh một số tiền thưởng của Hãng tưởng thưởng việc anh ta đã mang trả lại một cái ví đầy nhóc đôla Mỹ mà một người kỹ sư Mỹ đánh rơi ở tầng lầu hai chung cư. Một người thợ hồ nghèo khó mà không thèm gần 500 đôla đâu phải chuyện thông thường. Cả hai chúng tôi rất mừng vì thấy Tây Thi và Phạm Lãi của chúng tôi thật xứng đôi vừa lứa.

Nhưng than ôi! Đời không phải lúc nào cũng đẹp như vậy. Thảm họa đã rớt xuống đầu hai kẻ mà chúng tôi thường âm thầm yêu thích.

Một buổi sáng ông T. thấy Cung (tên chàng Phạm Lãi đó) mặt mũi thẫn thờ bước vào văn phòng ông và cho biết muốn nhờ ông xin cho lãnh tất cả các khoản tiền thôi việc vì chàng xin nghỉ việc. Ông T. sửng sốt hỏi chàng: “Cậu đang làm tốt như vậy, sao lại xin nghỉ?”. Cung cho biết không những chàng phải xin nghỉ việc mà chắc còn sắp phải đi tù nữa, và đau khổ hơn nữa là chàng rất có thể sắp trở thành một kẻ sát nhân. Ông T. vội ôn tồn bảo Cung là có chuyện gì phải cho ông ta biết ngay để xem ông ta có giúp gì được không chứ không nên vội vã làm bậy. Cung vừa khóc vừa kể sự tình: thì ra Tây Thi đã chê kẻ ngu muội dám chê những đồng đôla thơm phức để cặp bồ với thằng Benny, một tên Phi Luật Tân đen đủi, to béo như con bò mộng, cưỡi một cái xe môtô cũng to như cái nhà táng; thằng Benny này làm giám thị công trường. Chính Phạm Lãi đau thương của chúng tôi đã nhìn thấy tận mắt Tây Thi của mình rú lên khe khẽ trong vòng tay bẩn thỉu của tên mọi kia trong một rạp chiếu bóng, sau đó lại cùng nó bước vô khách sạn Đồng Khánh, để Phạm Lãi phục ở cửa đến gần 3 giờ sáng mà vẫn chưa thấy Tây Thi ra. Giờ đây Phạm Lãi đã nhất định đóng vai Kinh Kha để không phải sang Tần, mà là đến Chung cư Minh Mạng hành thích tên mọi béo ú kia. Nghe xong câu chuyện ông T. cố nuốt cái tức xuống, ông cảm thấy mình nộ khí xung thiên và đau đớn có lẽ còn hơn cả chàng Phạm Lãi hiền lành kia nữa. Lòng ông tê tái, miệng ông khô cháy khi ông nuốt cục hận cái ực một cái, rơi thẳng vào con tim để bật ra ý chí trả thù. Lấy hết bình tĩnh, ông bảo Phạm Lãi đau khổ là cậu ta phải nhất nhất nghe lời ông đạo diễn thì mọi sự còn có cơ may cứu vãn được phần nào.

Và bây giờ ta đi đến “cái đinh của câu truyện trả thù lý thú này”. Trước hết ông T. bảo Cung: “Cậu đừng có điên cái đầu, thằng Benny tôi biết nó quá, nó to như con bò rừng mà cậu thì trông như con hươu sao, đánh thế cóc nào được nó, mà có lụi nó thì cậu chắc thành công được bao nhiêu phần trăm? Chỉ cần nó đẩy một cái là cậu tiêu, để rồi Tây Thi tiếp tục rửa ba toong cho nó dài dài. Nếu cậu còn yêu Tây Thi và có thể tha thứ lỗi lầm rất thông thường của cô ta thì phải nghe tôi, và phải can đảm thì mới cứu cô ta được. Thôi đây, tôi lấy cớ là cậu có việc đột biến mà xin hãng cho cậu vay trước nửa tháng lương. Số tiền này tối nay, à nhưng mà ngay bây giờ việc đầu tiên là cậu phải xuống ngay khu Dân Sinh mua lấy một cái mền thật lớn, thứ lớn nhất ấy; sau đó cậu về rủ lấy sáu bẩy cậu bạn, lựa những tên khỏe mạnh gan dạ nhất, mời họ nhậu một bữa ê hề, rồi sáng ngày mai, khi thấy thằng mọi lên tầng lầu ba thì các cậu nấp một chỗ, tung cái mền úp chụp lấy nó rồi a lê, ai nấy xông vào “kính tặng” cho nó một trận đòn hội chợ cho nó cạch đến già. Mọi việc về đến văn phòng này đã có tôi hứng chịu, tôi sẽ có cách nói”. Tóm lại, cái kế hoạch trả thù cứu nguy Tây Thi của ông T. đơn giản chỉ là một vụ chơi đòn hội chợ như kinh nghiệm ông ta đã rút được từ hồi còn đi ắc ê ở Thủ Đức.

Tôi bỗng thấy mình buột miệng hỏi: “Thế kết cục ra sao?”. Thì ra tôi đã bị câu chuyện lôi cuốn và đã quên béng mất chuyện trách cứ anh bạn tôi.

Anh Thân kể tiếp:

Phạm Lãi đã làm đúng như lời ông T. “dùi” và tên người Phi kia bị đánh gãy cả răng, hai mắt sưng húp như hai cái hột vịt lộn, đầu quấn băng, tay ôm quần chạy vào Văn Phòng kiện với ông Giám Đốc công trường người Mỹ. Được giao cho việc điều tra dàn xếp, ông T. đã tỉnh bơ đặt ngay một số câu hỏi với ông Giám Đốc người Mỹ: “Giả sử Tây Thi là của ông, ông có hành động trả thù không? Vụ này là thằng Benny cậy có đôla chơi gác người khác nó oánh cho là đúng, nhất là nó lại đánh đòn hội chợ, biết là đứa nào đánh? Ông có giám vì một con “dê cụ” mà để công trường phải ngưng công việc cả ngày để điều tra, hãng thiệt mất mất bao nhiêu là tiền. Ông Tổng Giám Đốc sẽ nói sao?”. Kết quả câu chuyện đến đó là kết thúc, và hồ sơ nội vụ coi như được xếp lại và bỏ qua, thú nhất là tên Benny kia từ đó chê Tây Thi luôn, và mặc dù nó có thể đoán trận đòn từ đâu đến nhưng hôm về Phi đi phép trở sang hắn đã lịch sự tặng ông T. một cái áo “Baron tagalog” rất là Phi. Còn Phạm Lãi có tha cho Tây Thi lúc đó đã mang tên mới là Tây Thi SM tức là Tây Thi Sứt Mẻ không thì tôi không được biết.

17.7.1979 Vũ Thư Hữu

THÁNH ĐỊA MỸ SƠN
(QUẢNG NAM)

Giữa thế kỷ 4 và 13, có một nền văn hóa độc nhất vô nhị đã phát triển trên vùng bờ biển của Việt Nam (Quảng Nam ngày nay). Nó đã mang đến từ nguồn gốc tâm linh của đạo Hindu - Ấn Độ. Đây là sự minh họa bằng những tàn tích của hàng loạt đền thờ dạng tháp, gây ấn tượng trong vị trí mang vẻ đẹp thiên nhiên này, nơi đã từng là thủ đô chính trị và văn hóa của Vương triều Chămpa. Hầu hết chúng vẫn tồn tại.

Tập hợp các nhóm kiến trúc đều nằm trong thung lũng Mỹ Sơn – một bồn địa có rất nhiều đồi nhỏ giữa đồng bao bọc của núi đá. Thung lũng khá tròn, đường kính khoảng 1.500m đến 1.800m, mở ra bên ngoài bằng một đường mòn men theo vách đá. Đây là con đường sau khi cắt ngang dòng suối Thẻ ở cửa thung lũng, tiếp tục đi thêm một đoạn khá gập ghềnh, nó sẽ được nối với khoảng 30 cây số đường trải nhựa để dẫn ra Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên. Hiện nay, chúng ta đi đến khu di tích cũng chính bằng lối này.

Ở đa phần các tài liệu nghiên cứu về Mỹ Sơn được công bố, hầu hết các học giả đều cho rằng con đường bộ ấy là đường chính ngày xưa người Chămpa đã sử dụng. Tuy nhiên, sau khi có cái nhìn tổng quát khu vực lòng chảo Mỹ Sơn mà đặc biệt chú ý đến vị trí và mối liên hệ của quần thể thánh địa này trong tổng thể địa bàn rộng lớn hơn của huyện Duy Xuyên và các vùng lân cận, có thể rút ra nhận xét như sau: Mỹ Sơn nằm ở một nhánh rẽ của sông Thu Bồn nên ngoài con đường bộ này, có lẽ xưa kia các vua chúa Chămpa còn đến đây bằng một đường khác, cổ hơn. Đó là đi theo sông Thu Bồn để vào thung lũng, và hướng đi này sẽ dẫn chúng ta đến thẳng vị trí trung tâm, gặp nhóm B, C, D trước. Sở dĩ suy luận rằng đây là đường vào cũ không phải chỉ đơn thuần từ sự tương truyền của những cư dân địa phương, mà bởi việc đi theo đường thủy thật sự sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn so với việc đi trên một địa hình ghập ghềnh núi đồi, vách đá.

Tiếp thu thành quả nghiên cứu từ những người đi trước, chúng tôi xin được vay mượn mô hình về một vùng văn hóa Chăm của GS. Trần Quốc Vượng để làm tiền đề bước đầu tìm hiểu vị thế xây dựng quần thể kiến trúc Mỹ Sơn này. Là quốc gia gồm nhiều “tiểu quốc” hợp thành, người Chămpa ngày xưa đã quy hoạch một tiểu quốc của mình theo mô hình như sau:

NÚI

Sông

Cửa biển

Đảo ven bờ

Thánh địa

Thành lũy

Cảng thị

Trên trục quy chiếu ấy, vùng đất Amaravati (Quảng Nam, Đà Nẵng) – tiểu quốc hùng mạnh nhất của vương quốc Chămpa đã hội tủ những yếu tố trên rất rõ ràng và rành mạch:

NÚI CHÚA

Sông Thu Bồn

Chiêm cảng

Cù lao Chàm

Thánh địa
Mỹ Sơn

Thành
Trà Kiệu

Hội An

Xem xét về mặt quy hoạch, mô hình trên phần nào cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của sông Thu Bồn trong vùng, có lẽ xu hướng Chăm khi phát triển từ trên rìa Trường Sơn ra biển gắn bó rất mật thiết với các con sông. Từ thế kỷ thứ IV-V, khi tộc Dừa định đô ở Trà Kiệu, Hội An cổ là một trung tâm thương mại quan trọng của Chămpa nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, nơi hội tụ được khá nhiều những dòng sông lớn ở Quảng Nam. Con sông này rất thuận tiện cho việc giao thông giữa miền ngược miền xuôi và trao đổi buôn bán với thế giới bên ngoài. Vì thế, người Chămpa chọn vùng Cửa Đại, Hội An để xây dựng thành cảng thị quan trọng và dựa vào con đường thủy huyết mạch Thu Bồn để quy hoạch vị trí các điểm trọng yếu cho vương quyền của mình: Kinh thành Trà Kiệu (trung tâm chính trị, quyền lực) và Thánh địa Mỹ Sơn – trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo là điều cũng hợp lý.

Ở góc độ khác, chúng ta có thể thấy được rằng – như Ấn Độ, đa số các thánh địa phải gắn bó với núi đồi, phải có nguồn nước thiêng dành cho các hoạt động tôn giáo.

Khéo so sánh, có thể nhận ra ngay một sự tương đồng về việc huyền thoại hóa các yếu tố của cuộc đời và thực tại. Bóng núi Hymalaya và con sông Hằng Hà là hai hữu thể vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh người Ấn. Họ tin rằng Hymalaya là Mêru, là cõi an lạc của thánh thần. Họ tin rằng sông Hằng đổ xuống từ trời cao, đem theo dòng nước linh thánh, có sức thanh lọc rất lớn. Chính vì vậy, đối với người Chămpa, đó là hình ảnh của dãy Trường Sơn sừng sững phía Tây, là những con sông dòng suối trong các khu vực tôn giáo. Thậm chí có những nơi, người ta phải khơi trong một lòng giếng để đáp ứng yêu cầu này.

Đa phần các nhóm tháp Chămpa thường đứng trên gò đồi cao thoáng, in hình lên nền trời xanh thẳm, tạo cảm giác chế ngự uy nghiêm, có vẻ phù hợp với tính chất “hướng thượng” của lối quy hoạch đền Bắc Ấn. Nhưng tư duy Ấn giáo cũng quan niệm – “đi hành hương” là đi đến nơi “thâm sơn cùng cốc”, là đi vào chốn sâu thẳm núi rừng. Đừng quên cuộc hành trình đến với các đền Nam Ấn. Chẳng phải các kiến trúc ấy đã dựa con người vào trong ý niệm đó hay sao?

Quần thể Thánh địa Mỹ Sơn, cũng một thánh địa Ấn giáo! Vùng đất được chọn thử thách người đến đây bằng sự hiểm trở của núi đồi, bằng quãng đường dài quanh co dẫn dắt tín đồ tĩnh tâm dần, tĩnh tâm dần… Trong sự tĩnh lặng ấy, người ta đến gần hơn với tổng thể đền đài đầy âm u huyền bí đang được núi cao dang tay ôm trọn, đang được phủ từ bề màu lá xanh vô tận mang ảo ảnh của đại dương. Khe Thẻ chứa đựng những giọt nước trong lành, tinh khiết dành dội tắm cho thần linh và ban phước cho tín đồ. Đấy chính là sự tài tình biến tấu những triết lý Ấn giáo của người Chămpa xưa để tìm sự phù hợp với điều kiện địa phương của mình. Và trong lòng thung lũng ấy, Mỹ Sơn quả là đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một thánh địa – là khu vực tôn giáo kiêm lăng tẩm của các vị vua Chămpa. Chọn vị trí nơi đây, hoàng tộc Chămpa còn tỏ ra rất thực tế khi quyết định một địa điểm phòng thủ vững chắc, một chiến lũy thiên nhiên không dễ gì xâm phạm, một khu vực rút lui an toàn mỗi khi kinh đô Trà Kiệu gặp binh biến.

Tuy cỏ cây, núi đồi, khe suối… không thể tự cất lên tiếng nói, nhưng chính sự tự hợp “vô tình” của chúng ở thung lũng và việc quyết định lựa chọn vị trí này cho quần thể Thánh địa Mỹ Sơn thì lại cứ “cố tình” gióng mãi lên những lời tâm niệm như các triết lý Ấn giáo vốn đã từng tỏ bày. Là nơi hành hương, cúng tế thường xuyên của các vua Chămpa… sự hiểm trở khép kín và biệt lập của thánh địa trong thung lũng không chỉ rất phù hợp với tính huyền học tôn giáo và sự ổn định của tâm linh mà còn chứng tỏ được vị trí hợp lý của mình trong tổng thể quốc gia Chămpa.

Ngay từ vị trí xây dựng công trình, quần thể Thánh địa Mỹ Sơn đã cho thấy sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn những tư tưởng Ấn giáo trong cách ứng xử tài tình với môi trường thiên nhiên của người Chămpa xưa. Chọn lựa vị thế hợp lý trong tổng thể quy hoạch chung của vùng, Mỹ Sơn đã tận dụng được những ưu điểm điều kiện địa hình để phục vụ cho mục đích sử dụng của mình. Tận dụng đường giao thông thủy bộ, tận dụng bức tường phòng thủ hiểm trở của vòng núi, tận dụng sự hội tụ vô tình của đầy đủ các thành tố cây xanh, dòng nước, ngọn đồi… Cảnh quan thiên nhiên nơi đây đã không chỉ đơn thuần tô điểm cho các công trình kiến trúc hay chỉ để hoàng tộc rút lui an toàn khi binh biến mà là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành giá trị tâm linh tôn giáo, góp phần làm thiêng liêng thần bí hơn cho bầu khí tĩnh lặng của một quần thể đền đài Ấn giáo nơi hành hương cúng tế thần linh, nơi lăng tẩm tôn giáo của hoàng gia – là Thánh địa Mỹ Sơn này. Thánh địa Mỹ Sơn có hơn 70 tháp, một số lớn bi ký có niên đại liên tục, nay chỉ còn 20 tháp. Được UNESCO công nhận Di sản văn hóa của nhân loại năm 1999.

Di sản thế giới – Bùi Đẹp

Đến tuổi nào người đàn ông mới thật sự già?

TÌNH YÊU Ở TUỔI THỨ BA

Người đàn ông đến tuổi nào mới thật sự già?

Vấn đề đã đặt ra và có rất nhiều ý kiến tương phản, chưa ngã ngũ ra sao?

Tài liệu dưới đây sẽ ghi tổng quát những gì cụ thể từ trước đến giờ được ghi nhận về vấn đề nói trên…

Sống cho trọn vẹn khi đã nhiều lần hai mươi tuổi không những là chuyện có thể được mà theo các nhà chuyên môn đó là phương pháp tốt nhất để giữ tuổi già không khô cằn!

Fontenelle và Voltaire thong thả bách bộ trên đường. Chiều xuân đẹp và mát. Một thiếu nữ đẹp lộng lẫy lướt qua. Tác giả Candide thúc nhẹ ‘người cha đẻ’ của Entretiens sur la pluralité des mondes:

- Ồ… Ồ… Bạn Fontenelle.

Vị thơ ký muôn đời của hàn Lâm Viện Pháp, lúc đó đã 95 tuổi hất hàm:

- Ông bạn nghĩ sao bây giờ? Người ta đâu phải cứ 75 tuổi.

Thời đại táo bạo đó, sự phóng túng là địa hạt của các lãnh chúa và văn nghệ sĩ. Và hai nhân vật trong câu chuyện kể trên là những người sống trường thọ nhứt, buông lung nhứt.

Một thế kỷ sau, chắc họ cũng mỉm cười độ lượng khi thấy Victor Hugo đã hơn 80 tuổi mà còn là một sự… khủng khiếp đối với các nàng tỳ nữ và các nữ kịch sĩ trẻ tuổi đến nhờ ông giúp ý kiến hoặc giới thiệu chỗ làm.

Thời đại chúng ta, họ sẽ vỗ tay tán thưởng khi thấy nhạc sĩ lừng danh Pablo Casals đã chín mươi tuổi còn thành hôn với một phụ nữ sáu mươi tuổi nhỏ hơn ông.

Quần chúng đã không thắc mắc về những cuộc hôn nhân chênh lệch tuổi tác nữa. Người ta cũng không xầm xì khi thấy trong các nhà hàng sang trọng, các hộp đêm, phòng trà, vũ trường những người đàn ông hơn năm mươi đi với những thiếu nữ thật trẻ (chắc chắn không phải là con, cháu của họ)… Hay nếu có thì cũng chỉ một số nào đó… đạo đức (thật hay giả?) chép miệng than:

- Những thằng già dịch và những đứa con gái tham tiền!

Thật ra không phải hoàn toàn như vậy hết đâu.

Trong Bonjours tristesse Françoise đã táo bạo mở rộng một chân trời mới cho những mối tình chênh lệch tuổi tác. Mối tình của một thiếu nữ trẻ đầy sinh lực và đam mê với một người đàn ông có tuổi nhưng còn mạnh khỏe.

Gã đàn ông đẹp già đó, tóc nhuộm, mắt lẳng lơ, một hạng đàn ông quen thuộc của những tay chuyên vẽ hí họa ngày xưa đem ra chế diễu… Một hạng đàn ông chỉ còn ở tỉnh lẻ!

Mẹ cô gái tình cờ biết việc liên lạc thân mật của con với người đàn ông đó, đã lồng lên:

- Tại sao con có thể để cho một gã đàn ông có tuổi như vậy lợi dụng? Hắn đáng tuổi cha con mà! Nếu là một thằng con trai cùng tuổi với con mẹ còn có thể hiểu được…

Cô gái bình tĩnh trả lời:

- Bọn thanh niên cùng tuổi con? Trời, con đã biết tụi nó như thế nào rồi… Chúng đần độn, thô bạo, tục tằng, khiếm nhã, xấu… Thôi thì đủ mọi cái tồi tệ. Chúng chỉ nghĩ đến một việc và khi được rồi là hết, chúng chạy theo kẻ khác. Người đàn ông có tuổi này, trái lại, rất tế nhị, lịch sự và đầy thận trọng. Anh lại thông minh, hiểu biết nhiều nữa. Anh đã chỉ dạy cho con rất nhiều điều hay, chuyện lạ. Anh xử thế đúng đắn, luôn luôn dè dặt, gượng nhẹ đối với con. Luôn luôn anh nhắc lại với con là anh rất sung sướng và cám ơn con đã đem tuổi trẻ của con đến làm sống lại cuộc đời anh…

Thật vậy, sành tâm lý, tế nhị là ưu thế của những người đàn ông có tuổi. Các cô gái thời nay, ngoài cái mini jupe táo bạo, tâm hồn của họ vẫn không có gì thay đổi.

Ảnh hưởng đời sống vật chất

Theo Bác sỹ Georges Valensin thì thành kiến của nhiều người đối với những kẻ trên 60 mà còn chạy theo phụ nữ hoặc lấy vợ là những hạng già dịch (chớ không phải già gân) là dấu vết của một nền luân lý được thấm nhuần từ bao thế kỷ qua.

Thời kỳ yêu đương đối với tiền nhân của chúng ta không kéo dài. Cái tuổi xuân của người phụ nữ thời xưa thật là sớm tàn. Khoảng 30, 40 tuổi là không còn gì hấp dẫn mà cũng không còn hứng thú trong chăn gối.

Tệ trạng tảo hôn càng làm chóng tàn tạ xuân thì. Mười lăm, mười sáu tuổi lấy chồng rồi sanh con liền theo đó. Việc sanh đẻ lại do những bàn tay mụ vườn, thiếu hiểu biết nên thường hay làm người phụ nữ có những ấn tượng khó quên.

Những phương pháp vệ sinh tối thiểu cũng không biết. Vấn đề đánh răng, giữ gìn răng cũng chưa được đề cập tới. Thức ăn nặng nề, khó tiêu, dạ dày mau suy yếu, răng để hư và rụng sớm. Ngay đám phụ nữ quý phái, trưởng giả cũng ít có người còn hấp dẫn trong lứa tuổi trên ba mươi.

Những người đàn ông cũng vậy. Nếu không chết trong lứa tuổi hơn 40 thì cũng ốm đau, lụm cụm. Trừ hạng quyền quý, trưởng giả có nếp sống cao, những người dân thường nghèo khó, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng…

Đó là chưa kể đa số người dân đều phải làm đầu tắt mặt tối từ hừng đông đến mặt trời lặn. Mệt nhọc, rã rời… sức đâu mà nghĩ đến chuyện yêu đương nữa? Thời gian kế đó (cách đây khoảng hai mươi năm) lại khác. Mức sống đã cao, con người còn bao nhiêu tiện nghi khác như y học, thẩm mỹ giúp cho tăng cường sinh lực và che dấu, cải biến những khuyết điểm, giữ gìn dung mạo tốt tươi. Nhưng những người trong lứa tuổi thứ ba vẫn còn cam chịu ép mình sống trong nghi thức cổ truyền. Theo bác sỹ Kinsey thì trong lứa tuổi 55 trở lên, người đàn ông có gia đình thường bị khủng hoảng tinh thần dữ dội. Người bạn gối chăn của họ vẫn còn thương yêu và nhiều khi… ghen tương dữ dội nhưng vì ảnh hưởng của sự tắt kinh mà không còn nồng nàn trong ân ái nữa. Đối với những người độc thân hay góa vợ thì lại sợ tai tiếng thành cứ ép lòng chịu… khát tình.

Đến 60, 65, 70 và hơn nữa thì… đành phải chịu! Không dám rắc rối lạng quạng nữa.

Những Hỏa diệm sơn dưới lớp da nhăn

Một bác sĩ người Mỹ, ông Marloo nghiên cứu và phân tách tâm lý những ông già nhưng chưa già về mặt sinh lý đó đã nói:

- Ngoài các cụ ấy ra, không ai có thể nói được những Hỏa diệm sơn đang ngùn ngụt cháy dưới những lớp da cằn cỗi, nhăn nheo đó ra sao?

Bác sĩ Valensin, chuyên nghiên cứu về sinh lý, tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng cũng có nói:

- Những người đàn ông đã từng sống một cuộc đời tình dục đầy đủ, bình thuờng có thể bị mất thăng bằng một cách nguy hại nếu đương nhiên bỗng đột ngột từ chối mọi cuộc ái ân.

Một nhà y học khác, ông Maurice Guimbert cũng nói:

- Nhiều người có tuổi bị các chứng bịnh thần kinh là do sự hạn chế sinh lý một các vô lý gây ra.

Một nhóm chuyên viên của trường Đại học Colorado dưới sự điều khiển của Giáo sư Buse đã thăm dò 200 ông bà lứa tuổi trung bình là 74 cho biết: “Qua các câu trắc nghiệm, vấn đề không thỏa mãn tình dục là nguyên nhân gây ra tình trạng hốt hoảng, bất bình thường”.

Những nhà khảo sát về tội trạng sát nhân đã có một hồ sơ dày cộm quan trọng: “Trong 120 người lớn tuổi bị giam giữ ở San Quentin (Mỹ) về tội cưỡng hiếp trẻ vị thành niên, 110 người thú nhận là họ bị ám ảnh liên miên trong vòng kiềm hãm nghiêm khắc về tình dục…”

Nếu những người lớn tuổi không ngã gục trước tội lỗi nhục nhã buổi xế chiều, người ta cũng ghi nhận là sự thiếu thốn sinh lý đã làm hạ phẩm giá họ rất nhiều. Họ không tha thiết đến cuộc sống nữa, nhiều khi lại có thái độ bất chấp, khinh thường, khi thụ động, khi táo bạo và kỳ cục. Họ cũng trở thành ích kỷ, hà tiện, bủn xỉn.

Trái lại, nếu khắc phục được những e ngại, ngượng nghịu và nối lại sự liên lạc thường xuyên với nữ giới, tánh tình cũng như diện mạo đám người có tuổi này trở thành dễ dãi, vui vẻ và cởi mở với mọi người. Đa số các chuyên viên nghiên cứu về vấn đề này đều nhìn nhận là các cụ được chấp nhận trở lại trong thế giới yêu đương thấy sung sướng vì hạnh phúc hơn thời kỳ son trẻ trước kia của họ.

Bác sĩ Valensin nói thêm:

- Họ đứng thẳng hai vai, săn sóc, sửa đổi dáng điệu. Tình cảm của họ, nhờ kinh nghiệm sống quá nhiều trở thành độ lượng, rộng rãi và dễ dàng tha thứ. Họ sống động, tinh tế và quyết tâm không để bị thất bại trong chu kỳ mới của cuộc sống vừa bừng khỏi trong lòng họ. Nhưng người bạn đường của những ông cụ này cũng cần hết sức khôn ngoan hiểu biết.

Phải cố tránh cho họ những gì gợi cho họ nhớ đến cái chênh lệch tuổi tác, đừng đòi hỏi những gì quá sức khiến cho họ cảm tưởng là đã thất bại trong giai đoạn hồi sinh này. Không có gì làm họ đau khổ, thất vọng bằng việc gây cho họ cảm giác đã thất bại. Sự kiện này còn có ảnh hưởng nguy hại về tinh thần.

Bác sĩ Kinsey đã kể hai thí vụ đáng ghi nhớ:

- Một người đàn ông có chuyện bất hòa với ông cha đã bảy mươi tuổi. Anh cố tìm mọi cách hòa giãi mà không được. Ông này đã không thèm nói đến tên anh mà còn từ chối sự giúp đỡ cần thiết khi gia đình anh bị tai nạn. Nhưng một hôm ông bỗng đột ngột thay đổi thái độ. Ông đã tỏ ra độ lượng, rộng rãi, sẵn sàng giúp đỡ và còn tỏ tình thân thiết cha con đối với đứa con mà từ lâu ông ghét bỏ, không nhìn nhận. Lý do: Ông đang có giao du thân mật với một góa phụ 42 tuổi. Mối liên lạc đã mở rộng trước mắt ông một chân trời mới đầy thương yêu, thân mật, đoàn tụ.

- Hoàn cảnh thứ hai bi đát hơn. Một ông lão 72 tuổi có một nhân tình rất trẻ. Cô này đã chế riểu, khinh thường ông, cho ông là bất lực lại luôn mồm cằn nhằn về chứng đau nhức khớp xương kinh niên của ông. Nhiều người thấy xa đã khuyên ông nên chấm dứt liên lạc với một người đàn bà thiếu hiểu biết như vậy. Nhưng ông không nghe. Ông tìm tòi, dọ hỏi mua dùng những thuốc bổ thận, tráng dương, kích thích v.v… Ông còn làm như những người thanh niên, có những cử chỉ lố bịch, khó coi để rồi cuối cùng ngã gục một cách bi thảm nằm liệt giường.

Như vậy điều quan trọng không phải là tuổi của người bạn gái của các ông đã trong tuổi mà thái độ của họ đối với người bạn già của họ.

Không có gì phản đối

Giới y khoa thảy đồng ý là một người đàn ông đủ sức khỏe, cuộc tình dục bình thường, không quá độ, có thể cứ tiếp tục theo mực độ đó đến bao giờ cũng được. Quan niệm cho là việc tiếp tục thỏa mãn nhu cầu sinh lý có nguy hại cho tuổi già là vô lý.

Lectures pour tous
Mạnh Thu – Đỗ Thiên Thư st

NHÌN QUA MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP
ĐIỀU TRỊ BÉO PHÌ

Phải nói ngay các phương pháp này không áp dụng cho những người có số cân bình thường (chỉ số thân khối BMI trong giới hạn từ 18.5 đến 23) mà chỉ cho những ai có chỉ số BMI từ 25 trở lên.

Chế độ ăn

Xin đừng nghĩ ngay là phải nhịn ăn hay ăn kiêng! Một chế độ ăn cân đối không có nghĩa là phải tránh hoàn toàn dầu mỡ hay bột – đường! Một chế độ ăn có hiệu quả làm giảm cân thực sự chỉ cốt giảm số năng lượng tổng quát – nhưng sẽ khuyến khích bạn ăn làm nhiều bữa hơn bình thường và chú trọng đến việc cung cấp đủ chất đạm, muối khoáng sinh tố và nước – cốt sao giảm cân song vẫn nhằm tới tình trạng sức khỏe tối ưu giúp bạn làm việc tốt và sống vui vẻ thoải mái. Hãy có một thái độ lạc quan để thay đổi những thói quen ăn uống cũ – đã dẫn tới một tình trạng sức khỏe đầy dẫy nguy cơ bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp vv... – sang hẳn những thói quen mới đem lại nhiều sức sống mới hơn.

Vận Động

Cũng như với ăn uống, đa số những người dư cân khởi đầu ghi tên ngay vào một câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ, đóng tiền đầy đủ để mong chóng trút bỏ, càng chóng càng tốt, lớp mỡ dư làm mình già đi trước tuổi. Hoặc rinh luôn một “máy đi bộ” khá mắc về nhà… không biết để đâu cho gọn. Để rồi dần dần vẫn theo nếp sinh họat quen thuộc với thêm một chút mặc cảm vì những việc làm đó đã chẳng giúp họ vượt lên chính mình được bao nhiêu!

Thực tế là vận động có hiệu quả chỉ đòi hỏi ở người “chót” dư cân một đức tính khiêm nhường: Kiên trì... đưa vận động (= làm việc chân tay ) vào nếp sống hàng ngày! Và đừng nghĩ rằng mình có thể đổi đời một sớm một chiều. Cùng với việc chuyển dần thói quen ăn uống vào nếp sinh họat, bạn sẽ có được những “niềm vui nhỏ” mỗi lần leo lên cân thấy mình nhẹ đi được... một số cân đáng kể, quần áo thấy bớt chật và nói chung là có những suy nghĩ lạc quan, vui vẻ khiến bạn càng vững lòng vì đã và đang đi đúng hướng.

Cũng đừng quá bị ám ảnh bởi số cân – lỡ có tuần không giảm cân như mong muốn - thì cũng có thể là do cơ bắp phát triển thay thế mỡ dư – cái chính là cảm giác thoải mái từ bên trong toát ra và được phản ảnh vào gương soi cũng như con mắt bạn bè và người thân.

Các Thuốc Cần Kê Toa

Hai thứ thuốc thường được kê toa nhiều nhất là ReductilXenical. Hai thứ thuốc này khác hẳn nhau về mặt hiệu ứng cũng như tác dụng phụ.

Reductil không làm cho người ta hết thèm ăn, song ảnh hưởng lên các trung khu kiểm sóat sức ăn ở não, theo kiểu cơ chế các loại thuốc chống trầm cảm, giúp cho người dùng thuốc kiểm soát được sức ăn của mình.

Thuốc Reductil KHÔNG DÙNG CHO :

· Những người bị cao huyết áp hay không theo dõi đều đặn tình trạng huyết áp

· Trẻ dưới 16 tuổi

· Những ai đang dùng thuốc chống trầm cảm

· Người bị migraine (đau nửa đầu).

Xenical , ngăn chặn sự hấp thu của một phần ba lượng chất béo ăn vào – Chế độ ăn cũng cần giảm dầu mỡ kẻo dẫn tới các tác dụng phụ “hơi khó chịu” như: đánh rắm nhiều, mót đi cầu, tiêu chẩy và phân mỡ.

Chế độ ăn Atkins

Gần như không có bột đường, đem lại rất nhiều protein và chất béo. Thách đố của chế độ ăn này chính là ở đó, nhiều người khen – nó thực sự làm người ta giảm cân mau, song không duy trì được kết quả lâu... nên cũng không thiếu người chê.

Bác sĩ Robert Atkins đưa ra Chế độ ăn này từ 1972, sau đó năm 1992 có Cuốn “Cuộc Cách Mạng Tiết Thực Mới của Bs Atkins được xuất bản – tới nay trên toàn cầu đã bán được 16 triệu bản.

Sở dĩ sách bán chạy là vì khẳng định bạn có thể giảm cân mà vẫn ăn uống hậu hĩ và cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn. Và còn cam đoan người theo tiết thực này sẽ không bao giờ lên cân trở lại. Chưa kể là thực đơn cho ăn những thức ăn hấp dẫn như pho-mai, bí-tết, bơ, thịt lưng heo xông khói (bacon) và thịt băm (burgers), nên sách “đắt hơn tôm tươi”cũng dễ hiểu.

Các Sản Phẩm Thảo Mộc/ Thiên Nhiên

Các viên bột xương rồng Hoodia Diet Tablets có hiệu lực ngăn cản thèm ăn (appetite suppressant) hoàn toàn không hàm chứa caffein và không có chất kích thích nào khác - tỏ ra là thảo dược làm giảm cân có hiệu quả nhất song chất lượng các sản phẩm trên thị trường không ổn định. Chỉ cần uống 1 viên 1 giờ trước bữa ăn là đến khi ngồi vào bàn bạn chỉ ăn vài miếng là đã cảm thấy no bụng, không muốn ăn nữa.

Chặn Carbohydrat (Carb-Lock)

Dựa vào hiệu lực giảm cân tự nhiên của một số sản phẩm thảo mộc khá là khác nhau song đều có trong thành phần một chất ức chế men amylaz à giảm hấp thu bột-đường (chỉ hấp thu khỏang 1/3). Phaseolin chiết xuất từ hạt đậu trắng có thể giúp bạn không cần ăn kiêng mà vẫn giảm cân.

Acid hydroxycitric (HCA) chiết xuất từ một giống bứa Garcinia cũng có khả năng làm giảm cân, theo cơ chế tương tự…

HCA còn có một số tác dụng khác đều “có lợi” cho việc làm giảm cân: bớt thèm ăn, tăng tích glycogen (= nguồn trữ năng lượng trong gan và cơ bắp), ổn định chuyển hóa năng lượng, làm tăng tính nhậy bén với hormon insulin. Tuy nhiên HCA chỉ tác động lên tiến trình chuyển hóa carbohydrat thành mỡ khi ăn vào nhiều bột đường, chứ không hề có hiệu quả khi bữa ăn đem lại nhiều dầu, mỡ.

Nói Chung , điều trị béo phì luôn luôn muốn vững bền “như kiềng 3 chân” phải phối hợp chế độ tiết thực, vận động và sử dụng Thuốc hỗ trợ. Dù phân biệt 2 loại Thuốc cần kê toa và không cần kê toa, muốn có hiệu quả cao và lâu dài, không thể thiếu vai trò tư vấn của bác sĩ về mặt dinh dưỡng và phòng tránh các bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp vv...

TPHCM, Ngày 13 tháng 10, 2006
Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính

Phụ Bản II

TRUYỆN KIỀU
(câu 171-242)

171 - Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.
Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
Một mình lặng ngắm bóng nga,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời:
“Người mà đến thế thì thôi,
180 - “Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!
“Người đâu gặp gỡ làm chi?
“Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình.

Chapter IV

The setting sun was leaning against the small mountain,
When Kiều got back to her flowery hangings and curtains.
Somewhere the bell’s tolling, calling up her nice dream…
Through her window the moon was sending its slanting beam.
On the lake golden riddles were shimmering,
Over the ground, branches and leaves’ shadows interweaving
Near the East wall, some camelia twigs bending gently,
Under heavy drops of dew, Spring branches’re swaying slightly
Kiều sat alone, quietly watching the silver moon,
She recalled everything that’d happened this afternoon.
“Poor young woman!”, she sighed, “Her luxurious life just led to Hell!
“And that nice young man! Who’s he? Why did we match so well?
“Is there any chance for us to unite for a lifetime?”
A mixed feeling aroused in her mind, forming marvelous rimes…

Chênh chênh bóng nguyệt xế mành,
Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu.
Thoát đâu thấy một tiểu kiều,
Có chiều phong vận có chiều thanh tân.
Sương in mặt, tuyết pha thân,
190 - Sen vàng lãng đãng như gần như xa.
Rước mừng đón hỏi dò la:
“Đào Nguyên lạc lối đâu mà tới đây?”
Thưa rằng: “Thanh khí xưa nay,
“Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên.
“Hàn gia ở mé tây thiên,
“Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.
“Đã lòng hạ cố đến nhau,
“Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng!
“Vâng trình hội chủ xem tường,
“Mà xem trong sổ Đoạn Trường có tên.

She sat in the moonlight, listening to her heart’s echoes
Leaning against the ballustrade, she soon fell in a doze.
Suddenly came to her sight a beautiful young lady
With slender shape, distinguished and dressed fashionably.
Snow scattered on her body, dew covered her face,
Her golden lotus flowers moved vaguely in space (1)
So that they were at the same time near and distant.
Kiều welcomed her warmly and inquired about her presence:
“Excuse me, Lady, are you from the Peach Garden? (2)
“Did you lose your way and came here all of a sudden?”
“Oh, my dear friend”, said the lady, “don’t you recognize me?
“Our souls’d just met this afternoon, didn’t you see?
“My humble cottage lies under the Western sky;
“Where runs a small stream with a little bridge close by.
“You’ve been so nice to visit my hut so deserted and cold;
“And your flowery poems were really rains of pearls and gold!
“I have shown them to the chief of our Association.
“He said your name was on the list of Heartbroken Women. (3)

---------------------

(1) Golden lotus flowers: These literary terms referred to noble women’s feet. In an old story, a noble and rich man had the floor of his wife’s room made of tiles adorned with golden lotus flowers. When she walked on it, he said: “Look! At every step of yours blooms a golden lotus flower!”

(2) Peach Garden: place in a grotto where lived the fairies.

(3) Heartbroken: The original term is “đoạn trường”, which literally means torn bowels. This refers to people, mostly women, who are tormented by deep sorrows in their lives.

“Âu đành quả kiếp nhân duyên,
“Cùng người một hội, một thuyền đâu xa.
“Này mười bài mới mới ra,
“Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.”
Kiều vâng lãnh ý đề bài,
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm.
Xem thơ nức nở khen thầm:
“Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường!
“Ví đem vào tập đoạn trường,
210 - “Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.”
Thềm hoa khách đã trở hài,
Nàng còn cầm lại một hai tự tình.
Gió đâu sịch bức mành mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.
Trông theo nào thấy đâu nào
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây.

“But don’t be sad, it is our karmas (4) in previous lives,
“We are in the same class, the same boat, so don’t strive!
“Here are ten poetical themes just given to me,
“I think your flowery brush will perform nicely.”
At her request, Kiều undertook the improvisation,
With a swing of her fairy hand she achieved the ten poems
Reading the verses, Đạm Tiên praised admiringly:
“These are embroidered words from a brocade heart really!
“Just put this in the selection of Heartbroken poems,
“You would certainly win the first prize over all of them!”
The visitor had turned her heels on the flowery corridor;
Kiều tried to keep her back to exchange confidence some more.
A blow of wind suddenly struck the floral screen,
Kiều woke up and realized that it was merely a dream.
She looked out in the corridor, no one was found,
Just a light perfume remained somewhere around.

------------------------

(4) Karma: What we did in previous lives. According to Buddhist conception, our present destiny, fortunate or not, depends on our deeds, good or bad, in our previous lives.

Một mình lưỡng lự canh chày,
Đường xa nghĩ nỗi, sau này mà kinh!
Hoa trôi bèo giạt đã đành,
220 - Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi.
Nỗi riêng lớp lớp sóng giồi,
Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn.
Giọng Kiều rền rĩ trướng loan,
Nhà huyên chợt tỉnh hỏi ha n cớ gì:
“Cớ sao trằn trọc canh khuya?
“Màu hoa lê hãy đầm đìa giọt mưa?”
Thưa rằng: “Chút phận ngây thơ,
“Dưỡng sinh đôi nợ tóc tơ chưa đền.
“Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên,
“Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao.

She stayed on, alone in the night, her mind restless,
Thinking of her future…, a long way full of hardness!
She really shivered! “Oh! What shall I have to suffer?
“A flower floating adrift, a duckweed amid the river?
“Well, I know already, whatever it will be,
“I will have to resign, after all, it’s my destiny!”
Her lonely sorrow grew into successive billows,
Then broke into sobs, and tears rose in intermittent flows.
Her grievous moaning sounded among the phoenix hangings,
Wakened her dear mother, who came around asking:
“What’s the matter, my child? Why are you tossing overnight?
“And your pearl flower (5), why is it soaked? What’s the blight?”
- “Oh, Mother! You couldn’t understand your young daughter!
“I’m sorry not to have done anything for you but bother.
“This afternoon I visited the tomb of Đạm Tiên,
“No sooner had I fallen asleep than she appeared in my dream.

-----------------------

(5) Pearl flower: Beautiful face of her beloved daughter .

“Đoạn trường là số thế nào,
“Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia.
“Cứ trong mộng triệu mà suy,
“Phận con thôi có ra gì mai sau!”
Dạy rằng: “Mộng triệu cứ đâu,
“Không dưng mua não chuốc sầu nghĩ nao?”
Vâng lời khuyên giải thấp cao,
Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương.
Ngoài sân thỏ thẻ oanh vàng,
240 - Nách tường bông liễu bay ngang trước mành.
Hiên tà gác bóng nghiêng nghiêng,
Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình.

“She said my name was on the list of Heartbroken women.
“Mother, what does it mean by the word Heartbroken?
“Here are the poetical subjects she gave me to treat,
“And these are the answering poems I tried to complete.
“Mother, don’t you see, according to those prophecies,
- “I know already, my life will be full of miseries!
- “Oh, my little baby! Don’t be a fool to believe
“In a visionary dream, then torment yourself and grieve!”
Her anguish lessened as she listened to the maternal advice,
Yet before she got the idea, tears again overwhelmed her eyes
Outside, the yellow oriole was singing its morning song,
Over the wall, the willow was throwing its flowers all along.
The rising sun was sending its golden beams through her window,
Yet the lovely scenery couldn’t appease her lonely sorrow.

THÙY DƯƠNG

HOÀI CẢM

Kính tặng GS TS TRẦN VĂN KHÊ
và NS TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG

Bút đàm tình ngát hương thơ
Lòng say cảm tác… duyên chờ ý hoa
Bỏ quên mái tóc sương nhòa
Nghe chiều rót xuống tách trà hoàng hôn
Hương sen mê lắng tâm hồn
Đọc thơ lưu bút vẫn còn duyên xưa
Nhớ ngày tham dự đêm thơ
QUỲNH DAO thi hội trên tờ giấy hoa
Khúc nghĩa tình TRẦN TRƯỜNG CA
Với bao ưu ái thật là bâng khuâng
CUNG ĐÀN TRI KỶ TRI ÂM
Dường như thánh thót qua tâm sự này
Đâu còn những bóng chiều say
Đàn, Thơ hoa rượu rót đầy lòng nhau
Cảm thương nhớ buổi ban đầu
MÙA HOA THÁNG BẢY nhịp cầu tri âm.

Tháng 7 - 2009
Trần Lữ Vũ

SỐNG THỬ - SỐNG THẬT

Thời đại mới, học đòi xu hướng mới,
Cứ yêu nhau là “góp gạo thổi chung”
Khỏi cưới xin, không đăng ký mất công,
Nếu thấy hợp, thì cùng nhau sống tiếp.
Không thích nữa ? - Chia tay không luyến tiếc,
Có gì đâu mà phải buộc ràng nhau ?
Đời không dài, cứ thoải mái, vô tư,
Yêu phải cưới ? - Chuyện xưa như trái đất !
Nhiều cô gái nghe bùi tai, làm thật,
Cũng thấy đời vui vẻ một thời gian,
Nhưng có chồng, mà chẳng được gọi chồng !
Trước xã hội, chỉ là “già nhân ngải” !
Đã trót lỡ nắm con dao đàng lưỡi,
Nên về sau đành nuốt hận vào tim
Hắn lăng nhăng, bồ bịch dám đâu ghen !
Quyền làm vợ có đâu ? Ai bảo vệ ?
Có khóc lóc, than van thì mặc kệ :
“Thỏa thuận rồi, không thích cứ chia tay” !
Thua bạc thì còn mong gỡ một ngày,
Đời con gái cho không là mất trắng !
Một canh bạc, ngàn phần ngàn không thắng,
Thì dại chi đặt vào đấy cuộc đời !
Suy cho cùng, con gái thiệt thân thôi.
Trai thử mãi… cũng trai tân chưa vợ !
Tới không xong, thà lui cho đỡ khổ,
Chịu đựng hoài, rốt cuộc cũng chia tay !
Rồi hận mình, mặc cảm suốt cuộc đời
Mới thắm thía, suy ra mình dại dột !
Khi so mình với bao cô gái khác,
Biết giữ thân nên gặp kẻ chung tình,
Sẵn sàng yêu và gắn bó với mình,
Bằng ngày cưới, rỡ ràng, vui hai họ
Lỡ dại rồi, đành đổ thừa duyên số,
“Bắt phong trần nên phải chịu phong trần” !
Mà quên đi tất cả chỉ do mình
Tính hiếu thắng, học đòi văn minh mới !
Không nghe khuyên, thích yêu cuồng, sống vội
Rơi vào tay những gã “Sở” tân thời,
Tặng tin yêu, nhận lại bẽ bàng thôi,
Hoa héo úa, nhụy tàn, ong bướm lánh !

oOo

Hãy cố gắng yêu đương cho lành mạnh
Trong thời gian chờ đợi đến bên nhau
Mỗi bên cần trang bị kỹ chừng nào
Càng đỡ khổ khi cùng chia cuộc sống
Vì cuộc đời phải đâu toàn hoa mộng
Mà rất nhiều trắc trở, lắm phong ba,
Rồi mai kia khi làm mẹ làm cha,
Sẽ thấy trọn niềm vui khi SỐNG THẬT.

Tâm-Nguyện

19/6/2009

TIẾNG TÒ HE TRÊN PHỐ CỔ HỘI AN

§ Khi trầm lắng lúc rộn ràng
Khi buồn như nhạc dế than bên thềm
Có khi dịu nhẹ êm đềm
Líu lo như tiếng hót chim gọi bầy
§ Ngập tràn kỷ niệm ngất ngây
Tiếng tò he trỗi vơi đầy ngẩn ngơ
Chan hòa vẻ đẹp đơn sơ
Trò chơi bình dị tuổi thơ mặn mà

§ Trở về làng gốm Thanh Hà
Thăm khu phố cổ mái nhà bình an
Tiếng tò he với thời gian
Vẫn còn sống mãi muôn ngàn luyến thương

§ Vọng về khắp chốn quê hương
Dịu dàng trong trẻo du dương tuyệt vời
Làng nghề truyền thống tuổi đời
Năm trăm năm lẻ rạng ngời âm vang

§ Trên đường hội nhập vinh quang
Đô thị văn hóa cổ càng nổi danh
Giở trang sử Việt đan thanh
Di sản thế giới trở thành tin yêu.

Ngàn Phương

QUÊ MẸ AN GIANG

Kính dâng Mẹ

Tuổi thơ dại hiện về run ký ức
Bâng khuâng lòng chạnh nhớ giấc mơ xưa
Thoáng câu hò văng vẳng gió xa đưa
Chuông trầm mặc từ ngôi chùa cổ kính
Làn khói ấm chập chờn ru viễn ảnh
Tiếng sáo diều sâu lắng cháy tâm tư
Mắt Mẹ buồn khơi gợi nẻo chân như
Khung trời nhớ nghiêng sầu đau lãng mạn
Tiếng gà gáy, những đêm dài đợi sáng
Thương ruộng mùa lúa chín trĩu vàng bông
Cô gái quê tần tảo má duyên hồng
Gánh thóc nặng oằn vai không mỏi mệt
Mặt sông vắng buồn nâu soi sóng biếc
Lũy tre xanh xào xạc ngỡ chiêm bao
Đường về thôn thơ mộng trắng hoa cau
Màu tóc Mẹ theo thời gian nhuốm bạc
Nơi phố thị mấy năm dài lưu lạc
Đời vẫn nghèo sụp đổ bước công danh
Thầm mơ về khói bếp mái nhà tranh
Mộng bình dị đơn sơ bên gối Mẹ.

NGÀN PHƯƠNG

QUY NGƯỠNG CHÙA MỘT CỘT

Chùa ngát hương trầm tỏa bốn phương
Chơi vơi một cột, thật phi thường
Cỏ nền công đức soi vừng nguyệt
Mái trụ từ bi vọng thái dương
Hoa nến nguyện cầu vơi hệ lụy
Đèn nhang dẫn độ ngập tình thương
Hào quang màu nhiệm Đài Tam Bảo
Cảm hóa đời qua mỗi ngả đường.

Trần Lữ Vũ

TẢN MẠN

CHUYẾN ĐI VỀ CẦU RẠCH MIỄU

Cuối tuần. Ở miết trong cái thành phố Saigon này thật sự không có chỗ nào để đi chơi, giải trí. Những nơi như Suối Tiên, Đầm Sen, Bình Quới, thú thiệt đi một lần rồi thì “lòng nhủ lòng” không bao giờ trở lại. Cái lối làm ăn chụp giựt của một bộ phận nhân dân ta như đã thấm vào máu rồi. Cứ tự do cứa cổ bà con có nhu cầu giải trí. Mỗi lần đi lạng quạng vào các khu giải trí đó chỉ tổ về nhà nhức đầu muốn nhồi máu cơ tim.

Để tìm nơi giải trí theo ý mình thích chỉ còn cách không nên léng phéng vào các khu giải trí nội thành, và thật tình mà nói cũng muốn xa thành phố này một khoảng thời gian ngắn để thư giãn. Sáng nay đúng sáu giờ chúng tôi, hai ông bà già, leo lên con ngựa sắt trực chỉ về hướng Tân An.

Tôi đã là U70 còn bà xã tôi nếu tính theo tuổi tây còn gọi là U60 nhưng tính theo tuổi ta thì cũng sát mí 60 rồi. Sáng sớm đường rộng nhưng xe cộ cũng nhiều, hơn nữa hôm nay là Thứ Bảy nên số lượng xe cộ đổ ra quốc lộ 1A hướng về miền Tây khá đông.

Gió thổi lành lạnh, tôi mặc áo pull ngắn tay cũng không đến nỗi khó chịu lắm.Tôi cố ghìm tốc độ chừng 50 km một giờ. Cứ mỗi lần đồng hồ tốc độ chỉ quá con số 50, là bà xã ngồi sau nhìn thấy và nhắc cầm chừng: “Chậm lại anh, quá 50 cây số rồi kìa”. Tôi không biết nói gì hơn đành phải vâng lời răm rắp. Tôi vừa giữ tay lái vừa nói với bà xã rằng tôi lái xe gắn máy cũng giống như một phi công đang lái phi cơ, còn bà xã ngồi sau luôn miệng điều khiển tôi tức là bà đang “lái… phi công”.

Vào đến thị xã Tân An vừa đúng 7g30, tôi chạy vòng theo sân vận động để tìm nơi ăn sáng. Có một cửa hàng điểm tâm đâu đó gần sân vận động mà lần trước chúng tôi đã có đến rồi, nhưng không biết sao lần này tôi đi lạc đường. Tôi chạy vòng vo một hồi trong khi bà xã đang vận dụng trí nhớ siêu phàm đường tới quán cũ và điều khiển tôi quẹo bên này quẹo bên nọ. Sau cùng, người ta nói đúng, sau lưng sự thành công của người đàn ông như tôi có vóc dáng 59kg (không chỉ là bóng dáng) của người đàn bà. Chúng tôi đã vào đúng quán ăn lần trước.

Quán ăn là một căn nhà bốn tầng liền kề trong một dãy phố rất đẹp mắt, có phần lấn lướt hơn nhiều quán ăn sáng tại trung tâm Saigon. Trong quán bàn ghế toàn bằng inox rất ngăn nắp chỉ tiếc một điều là người ta xả rác tự do dưới gầm bàn. Đây là một thói quen của một bộ phận rất lớn nhân dân ta. Tại tất cả các thành phố đâu đâu cũng có cảnh người ta xả rác vô tội vạ. Trên lòng đường, lề đường, lòng sông, gốc cây, góc phố, vỉa hè mọi lúc mọi nơi đều có người xả rác. Cống rãnh là nơi lý tưởng cho người ta đổ rác. Cống rãnh ở Sài gon này đều đã nghe. Hậu quả, em ơi Saigon … ngập!

Tôi gọi một đĩa bí-tết bánh mì. Món này ở đây làm ăn cũng được lắm không thua mấy tiệm bí-tết ở Saigon, mà giá lại rẻ. Vợ tôi gọi một tô phở chín nước trong. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe chú em chạy bàn lập lại là tái chín. Chúng tôi nói không phải và nhắc lại là chín nước trong. Chú bé tỏ ra bối rối thật sự. Thấy vậy, tôi quay vào trong gọi một người phục vụ đứng tuổi. Người này hiểu ngay yêu cầu của chúng tôi và đi vào trong cùng với chú bé lúc nãy. Hóa ra sau này tôi mới biết chú bé kia mới ở trong quê ra làm việc. Em chỉ mới nghe và nhớ được mỗi một món phở tái chín nên khi nghe chúng tôi gọi chín nước trong em tỏ ra bối rối và cảm thấy xa lạ.

Ăn xong tôi gọi một ly cà phê sữa nóng. Vừa nhâm nhi cà phê vừa phì phèo một điếu thuốc lá. Tôi không nghiện thuốc lá như những người khác kéo liền tù tì hàng chục điếu thuốc mỗi ngày, tôi chỉ hút một điếu khi uống cà phê sáng. Mà tôi cũng không ghiền cà phê. Một gói cà phê hòa tan tôi uống trong hai ngày. Mấy cơ sở sản xuất biết tôi uống cà phê theo kiểu này chắc là không còn muốn làm kinh doanh nữa. Trường hợp thứ hai để tôi hút thuốc là khi tôi uống bia. Nếu ngồi nhâm nhi rề rà với bạn bè năm sáu chai tôi có thể kéo đến gần chục điếu. Nhưng đặc biệt nếu không uống bia rượu, tôi tuyệt đối không hút thuốc.

Đối với tôi, thực sự tôi hoàn toàn không sợ hút thuốc sẽ bị ung thư phổi mà chỉ sợ hôi miệng. Tôi đã từng cảm thấy hết sức khổ sở khi phải ngồi cạnh một người đàn ông hôi miệng. Ở nhà đáng lẽ vợ con họ phải nhắc nhở để chữa trị. Cũng có thể ‘vợ chồng quen hơi’ nên ở nhà bà vợ không nhận ra và không biết rằng khi ông chồng mình ra đường không ai dám đứng gần. Mỗi lần đi nhậu với bạn về tôi phải đánh răng cẩn thận kẻo bà xả phát hiện còn mùi thuốc là “ốp” ngay. Nói tới chứng hôi miệng này làm tôi liên tưởng đến việc đi xe ôm ngồi sau một bác tài bị chứng bệnh ‘hôi cánh’. Nỗi khổ đau về việc xe hỏng hóc bị chồng chất lên khi phải gọi một xe ôm để đi công việc.Trời nắng chang chang, bác tài mồ hôi nhể nhại đẫm ướt cái áo sơ mi nhiều ngày không giặt, từ đó tỏa ra một mùi hương cộng với mùi “cánh” nồng nặc đưa “thượng đế” ngồi phía sau như lạc vào bể khổ trầm luân. Sau này tôi phải chọn taxi trong những “ca” khẩn cấp vì không đắt tiền hơn xe ôm bao nhiêu.

Tính tiền xong tôi nói với bà xả: “Em thủ thế chưa? Đi tới cầu Rạch Miễu à nha, mới hơn tám giờ rưỡi”. Bà xã tôi trả lời Ô kê, thế là chúng tôi lên đường đi tiếp về hướng Mỹ Tho.

Trời vẫn còn mát, gió thổi lồng lộng. Tôi lái xe mà trong lòng vô cùng sảng khoái. Thật ra, tôi rất thích tự lái xe dong ruỗi trên những con đường về các vùng quê xa xôi. Ngày xưa khi còn học trung học tôi và các bạn thường chạy xe đạp từ Saigon đi Tân An, Mỹ Tho, Biên Hòa, Long Thành vào những ngày lễ, Chủ Nhật và về trong ngày để còn học bài cho ngày hôm sau.

Một lát sau chúng tôi vào tới thành phố Mỹ Tho. Tôi thong thả chạy qua khỏi những gian hàng bán trái ca cao. Lần trước, khi xuống đây chơi, chúng tôi định mua vài trái ca cao về ăn cho biết, nhưng khi hỏi giá thì bị “phỏng” tay vì giá mắc quá, tính ra khoảng ba bốn chục ngàn một trái. Chúng tôi nghe nói trái ca cao dùng để sản xuất ra ca cao và sô cô la và phải qua một quy trình công nghệ sao đó. Nhưng nếu ăn tươi như thế này thì, theo như người ta chỉ dẫn, móc ruột dầm nước đá ăn, vậy thôi. Chúng tôi thấy như vậy cũng chẳng ngon lành gì nên quyết không mua và đã đi về tay không trong lần trước.

Tôi tấp vào lề để hỏi một chàng xe ôm đường lên cầu. Anh ta bảo tôi đi ngược lại khỏang hai trăm thước đến ngả tư, quẹo trái. Tôi tiu nghỉu quay xe lại và cảm thấy quê một cục đối với bà xã, vì trước khi vào thành phố Mỹ Tho tôi đã làm ra vẻ thành thạo là sẽ chạy đúng đường lên cầu để qua Bến Tre. Khúc đường lên cầu khá rộng nhưng vì còn trong thời kỳ xây dựng nên bụi kinh khủng. Chúng tôi đã mang khẩu trang, kính bảo hộ mắt mà vẫn còn thấy khó chịu.

Chạy được một lát, chúng tôi bắt đầu thấy hình dáng hai cây cột cao ngất ngưỡng từ xa với những ống dây treo cầu, tạo thành hình nón, màu đỏ thắm giữa trời nắng sáng. Hai đứa chúng tôi thấy có vẻ hồi hộp từ từ cho xe chạy lên cầu. Dốc cầu đưa chúng tôi lên cao dần, cao dần. Nhìn sang hai bên cầu chúng tôi chỉ còn thấy những ngọn dừa bỏ những tàu lá xanh um chen chúc phía dưới chân cầu. Chúng tôi bắt đầu nhìn thấy mặt sông Tiền đục ngầu, sóng nổi từng cuộn. Những tảng lục bình trôi lảng đảng hướng về phía biển đông. Chúng tôi đang ở trên chỗ cao nhất của mặt cầu Rạch Miễu. Nhìn bề ngang mặt cầu, rồi nhìn xuống dòng sông để ước chừng độ cao, chúng tôi băn khoăn trao đổi nhau một vài ý nghĩ. Nếu ở vào mùa mưa, rủi ro co một cơn bão, với sức gió cấp 10, cấp 11, không biết sức chịu đựng của cây cầu này như thế nào. Nghe nói cây cầu này toàn bộ do các kỹ sư, chuyên viên Việt Nam xây dựng. À, ít ra phải vậy chứ! Phải có lúc nào đó chính người dân Việt Nam tự lực tự cường, can đảm đứng lên nắm bắt công nghệ cao làm nhiệm vụ xây dựng đất nước. Nhưng hãnh diện thì có, nhưng cũng có kèm theo mối lo. “Cầu Rạch Miễu ơi!, Không biết bão tố mưa lũ có làm mi suy suyển không vậy? Có ai rút ruột mi chưa, hỡi Cầu?” Chỉ có trời biết. Thời gian sẽ trả lời.

Đỗ hết dốc cầu lớn chúng tôi “đáp” xuống cù lao Thới Sơn, nhưng rồi cất cánh tiếp qua một cầu đúc không cao lắm để bước vào phần đất của tỉnh Bến Tre đồng khởi. Tính ra chúng tôi phải mất đến mười phút mới qua hết hai chiếc cầu.

Vào địa phận Bến Tre, đường rộng rãi,mặt nhựa phẳng lì, xe chạy bon bon vào thị xã trước đây từng được mang cái tên thơ mộng là Trúc Giang, nhưng bây giờ hầu như không thấy nhắc đến mà chỉ nghe thấy tên gọi Thị xã Bến Tre.

Chúng tôi ghé vào một quán nước ngồi lơ đãng nhìn cảnh quang trước mắt. Đường phố sạch đẹp, nhưng xe cộ thưa thớt. Hình như tiện ích công cộng ở đây đã có trước nhu cầu trong cuộc sống người dân và có lẽ còn lâu lắm mới có cảnh xe cộ chen chúc tấp nập như ở Saigon. Cũng có thể cầu Rạch Miễu sẽ bắt đầu cho một kỷ nguyên mới, thành phố Bến Tre chẳng bao lâu nữa sẽ là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của đồng bằng sông Cửu Long.

Đúng 9g30 chúng tôi quay trở về thành phố. Qua cầu đúc nối liền Bến Tre với hòn Thới Sơn, chúng tôi quẹo vào lối tránh và dừng xe lại trên đường đi vào khu du lịch Thới Sơn. Nơi đây từ trước đến giờ là một khu du ngọan dưới những hàng dừa râm mát. Du khách có thể dừng chân trong những quán lá để thưởng thức tất cả các loại trái cây của vùng nhiệt đới. Du khách phương tây nhất là từ các vùng Bắc Âu, Bắc Mỹ đều ngạc nhiên và thích thú khi đứng giữa cảnh trời đất của vùng nhiệt đới bên cạnh đủ loại trái cây màu sắc rực rỡ. Họ đưa tay sờ nhẹ lên vỏ của trái sầu riêng như sợ gai đâm thủng chảy máu. Rồi họ mân mê trái thanh long, trái măng cụt, vú sữa… và vô cùng kinh ngạc khi thưởng thức hương vị ngọt ngào của những thứ trái cây này. Rồi họ được đưa xuống những chiếc xuồng con với sức chứa chừng 5 hay 6 người. Người chèo xuồng đưa họ đi len lỏi trên một con rạch rộng chừng 3 mét, trên đầu lá dừa phủ kín mít không thấy mặt trời. Họ càng thích thú khi được người hướng dẫn cho biết họ giống những du kích thời chiến tranh đang di chuyển và chiến đấu.

Chúng tôi ngắm nghía chiếu cầu mới xây và tìm hướng chụp vài tấm ảnh đẹp không bị “công trờ xô lây” để về đưa vào album sưu tập.

Chúng tôi lên xe qua cầu Mỹ Thuận. Khi ở trên dộ cao nhất của chiếc cầu chúng tôi chỉ còn có thể nhìn thấy mặt sông nước chảy xuôi dòng. Những tảng lục bình lững lờ trôi, rã rời mà tôi từng cho là giống giọng hát Khánh Ly ngày xưa ngày xửa.

Qua khỏi chân cầu gặp khúc đường đang xây dựng, bụi mù mịt, trời nắng chang chang. Ai cũng phải mang khẩu trang, mặt nạ trùm kín mít như người Ả Rập. Ra tới ngả ba, chúng tôi quẹo trái để trực chỉ hướng về thành phố. Đường bây giờ rộng rãi, phẳng lì, nắng có phần gay gắt nhưng thỉnh thoảng cũng có được làn gió mát rượi thổi qua, chúng tôi cứ thế chạy miết về thành phố và đến nhà đúng 12g30 vừa lúc hai chúng tôi cảm thấy cơn đói kéo tới dồn dập.

Dương lêh

MANG SÁCH BÁO ĐẾN VỚI CON NGƯỜI

Các nước, dù tân tiến hay chậm tiến cũng phải nghĩ rằng dân trí không có ở đầu đạn, lưỡi gươm mà có ở sách báo đứng đắn, dồi dào.

Sách báo và con người

Sách báo được coi là món ăn tinh thần, mà tác giả là người đầu bếp sáng tạo ra món ăn. Tùy thuộc vào con tim, vào khối óc, người đầu bếp lạ lùng này sáng tạo ra món ăn cho khách hàng. Nó cần thiết như món ăn vật chất. Khi nhồi xong vào đầu, con người bỗng thấy mình vượt thêm lên được một nấc thang, đôi khi thay đổi hẳn cả đời sống.

Như thế ta thấy sách báo cần thiết cho đời sống con người. Trong phạm vi một bài báo, không còn cách nào để diễn tả một cách rõ ràng hơn. Dĩ nhiên tới một mức cùng quẩn nào đó, con người sẽ không còn cần đến sách báo (mà cho dù có cần cũng không có, tỉ dụ như giấy không còn chẳng hạn), nhưng trong đời sống được coi là bình thường, sách báo vẫn còn tồn tại.

Trên một bình diện nào đó (kinh tế diệt trí thức chẳng hạn) sách báo không cần thiết hay có hại cho một chủ trương. Tần Thỉ Hoàng đã vơ vét kinh sách đốt và chôn sống học trò!

Mới đây, và thường xảy ra tại Nga, nhà văn Alexander Solzhenstsyn bị nhà cầm quyền Sô viết trục xuất cũng chỉ tại một cuốn sách. Trước đó nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Sô viết bị thanh trừng hoặc bị trục xuất như A. Solzhenstsyn.

Nhìn vào tổ chức quân đội, bên cạnh, những chiến sĩ, những vũ khí chực diệt quân thù vẫn có những cuốn sách, cuốn báo được các anh lính chiến tranh chính trị sáng tạo ra. Như thế sách báo cũng là thứ vũ khí tấn công vào thành trì chủ nghĩa của đối phương.

Thực tế hơn, sách báo được coi là phương diện giải trí cho con người. Có người bảo khi sách báo thay được súng đạn thì lúc đó con người thực sự sống trong một kỷ nguyên hòa bình!

Cứ xem như chúng ta đang ở ngoại quốc, đang bước vào khu Cantal ở khu chợ Salers bạn sẽ thấy một bà nội trợ đang hướng thẳng về một chiếc xe buýt thùng lớn dài đậu giữa hàng trái cây và bánh mứt. Vừa đi bà nội trợ đảm đang của chúng ta vừa lấy trong giỏ đựng thức ăn ra hai cuốn Les Trois Mousquetaires (Ba chàng ngự lâm pháo thủ) và L’odyssée.

Chiếc xe buýt thùng lớn kia là một thư viện bỏ túi lưu động. Thời cụ Quốc vụ Khanh Đặc trách Văn Hóa Mai Thọ Truyền còn, những ai đến Thư Viện Quốc Gia đều thấy trong sân này có loại xe đó. Tưởng chừng thư viện bỏ túi được hoạt động ngay, nhưng chúng ta lại chờ để thấy, và không biết đến bao giờ!

Tại Pháp hiện tại có khoảng gần 150 thư viện bỏ túi lưu động kiểu này. Có những ngày giờ, địa điểm hẹn đúng kỳ bên công trường hoặc bên hông chợ, trước xưởng kỹ nghệ, trước tòa thị chính, trước trường học, nhà ga với số đông khoảng chừng 20.000 tâm hồn.

Với khoảng 2000 tác phẩm mỗi một thư viện bỏ túi lưu động mang đến những nơi đó những gì được gọi là văn hóa, văn chương, triết lý, chính trị, hình ảnh kỹ thuật của thế kỷ thứ 20 này.

Tốn kém đáng khen cho chương trình bánh mì dọn sẵn

Có những tốn kém được con người cho là vô tích sự cho lúc này. Đến mặt trăng để chứng tỏ rằng con người có bộ óc siêu việt, ưa chinh phục, nhưng không thực tế, vì thế giới họ sống vẫn còn nghèo đói và thiếu thốn đủ mọi điều. Nhưng sự tốn kém để mang món ăn tinh thần lại cho con người là một hành động đáng khen.

Pháp là quốc gia đầu tiên có những cơ sở hữu ích như thế. Vào năm 1919, Pháp đã dùng 5 chiếc xe Ford làm thư viện bỏ túi lưu động, chạy dọc theo con đường Aisne trong vùng Bắc Pháp. Nhưng chương trình này được phát triển một cách khá chậm chạp, khi đệ nhị thế chiến bùng nổ thì súng đạn đã thực sự thay cho sách báo. Sách báo mang cho con người niềm vui, còn súng đạn mang cho con người sự vĩnh quyết khổ đau. Đệ nhị thế chiến chấm dứt, thư viện lưu động bỏ túi lại được phục hồi, và tới năm 1949, nước Pháp có được 17 thư viện lưu động theo kiểu trên.

Nhưng phải đến năm 1968 chương trình này mới thực sự bộc phát một cách rầm rộ. Thủ tướng thời đó, Ông Pompidou, sau này là Tổng Thống Pháp đã xuất 8.600.000 Phật lăng trong ngân sách quốc gia để chi dùng vào chương trình này.

Những vị này chủ trương bánh mì dọn sẵn, vì những nhu cầu lớn lao của trí thức. Nếu làm bảng tổng kết thì khoảng 15 triệu người Pháp không có sách trong nhà. Và nếu làm bản thống kê thì có đến 37% người Pháp tuyên bố rằng họ chẳng đọc gì cả. Như thế một nước văn minh tư thế sẽ giảm sút vì số lượng người đọc sách chiếm một tỷ lệ không mấy tuyệt đối. Dân trí khó mà được nâng cao.

Nhưng làm sao để cho họ đọc? Chỉ có những chương trình thư viện lưu động là phương cách duy nhất đưa sách vào sa mạc văn hóa.

Trong năm 1970, khoảng trên 6.000.000 cuốn sách được tung ra trong 15.000 địa điểm đông dân chúng. Cơ sở hoạt động này có một trụ sở trung ương nơi chuẩn bị cho thư viện tung cánh. Nơi đây họ dành sẵn hàng trăm ngàn tác phẩm. Một thư viện lưu động đi đến một địa điểm chừng hai hoặc ba tuần. Thường họ còn để sách lại một đại lý nào đó theo nhu cầu của bạn đọc đòi hỏi. Các Thầy, Cô giáo thường là những kẻ trung gian, kế đến là một nhân viên trong tòa thị chính…

Trong một ngày thư viện lưu động phân phối chừng 150 đến 800 cuốn sách và khi chuẩn bị để dời đi, số lượng sách cho độc giả mượn không còn hạn chế nếu số sách còn lại quá nhiều.

Nhờ vậy mà tại Gironde, một nữ y tá đã hoàn tất được chương trình học trong khi ở thư viện nhà thương không hề có loại sách cần thiết cho cô. Một bạn trẻ khác tâm sự:

Không có trung tâm nào để tôi đến đọc sách cả. Tôi cần tất cả các cuốn sách để chuẩn bị cho kỳ thi tới, vậy mà… chỉ có ở thư viện bỏ túi lưu động này thôi.

Trong một vùng dưới chân rặng Pyrénées, thư viện lưu động bóp còi mỗi khi đến để báo hiệu cho độc giả. Đáp lại tiếng còi đó là các nông dân, các chủ quán vui vẻ chạy ra.

Những nơi được coi là đại lý phát hành sách báo riêng cho độc giả thường là những phòng đọc sách công cộng. Nhiều xe thư viện chung lại trong những ngày nghỉ ngơi, các nhân viên bỏ ra chừng 15-20 tác phẩm để độc giả đọc.

Ảnh hưởng của sách báo

Những cuốn sách do thư viện lưu động cho mượn đều được đi rong từ tay này qua tay khác. Đi rong cho đến lúc mọi người đều bàn tán, nói chuyện với nhau về cuốn sách, lúc đó nó mới an phận nằm yên trên kệ sách.

Sau khi đọc một cuốn sách về khảo cổ, một nhóm trẻ ở Bouches du Rhône đã quyết định kiểm tra và chụp hết những thắng tích cổ ở miền Provence. Sau đó họ xin được thư viện lưu động giúp đỡ và tài trợ để họ được theo chiếu phim hoặc triển lãm những thắng cảnh đó cho mọi người trong nước xem. Họ cũng mang vào những trường Trung học để phổ biến cho học sinh.

Có điều mọi người phải hiểu rằng thư viện lưu động này không phải độc quyền chỉ dành riêng cho họ. Khi đến một nơi nào, nhân viên thư viện đều có giải thích rằng sách ở đó không bán, và mọi người có quyền mượn những tác phẩm nào mình ưa thích.

Trong số sách độc giả mượn ta thấy nhiều tác giả. Nhiều sách do giáo sư danh tiếng viết, có những tác phẩm có hình ảnh sống động, sách mầu và những bà mẹ trong gia đình thường mượn sách gia chánh và sách dạy con. Mỗi cuốn sách dạy về gia chánh có thể phiêu lưu trong thời gian 6 tháng mới được trả về thư viện.

Kỷ lục mượn sách nhiều nhất do dân vùng Corse lập vào năm 1968, tại đây trong chỉ một ngày nhân viên thư viện phải cho mượn đến 3200 tác phẩm. Chỉ có lần đó là lần độc nhất thư viện lưu động cần đi lấy thêm sách.

Trong thư viện lưu động, có đầy đủ mọi loại sách báo. Từ những tạp chí chính trị, văn chương… cho tới những cuốn sách của các tác giả danh tiếng đều có. Thư viện trung ương cung cấp cho họ những tài liệu đó. Một cuốn sách mới ra hôm nay, ngày mai bạn có thể mượn tại một thư viện lưu động cách xa đó 150 cây số.

Cuối cùng nếu độc giả tìm một cuốn sách không có trong thư viện này, họ sẽ hỏi ở thư viện Quốc gia để mượn cho bạn. Nhưng thường thường khi độc giả hỏi mượn một cuốn sách nhưng không có, họ đi mua ngay.

Ảnh hưởng sách báo đến người đọc một cách nhanh chóng như vậy. Định luật xã hội thật đúng khi áp dụng vào đây. Sống trong môi trường nào con người dễ hấp thu môi trường đó.

Một vòng tâm sự

Những nhân viên thư viện lưu động thường yêu mến công việc làm của họ. Họ thích thú khi thấy nhịp độ kết quả càng ngày càng tăng rõ rệt. Họ luôn luôn chú ý đến khách hàng mới đến. Lúc đầu những người này tìm đọc những tác phẩm tiểu thuyết nhằm giải trí, sau đó họ lại đọc loại sách có trình độ cao hơn như những tác phẩm về kỹ thuật và văn chương.

Theo cô Alice Garrigoux, người điều hành sở đọc sách công cộng của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Pháp cho biết vào năm 1967, mọi người thích đọc những sách chứa đầy hình ảnh, nhưng kể từ năm 1970 trở đi họ lại thích đọc những tác phẩm lãng mạn hơn. Cô cũng cho biết sở dĩ có chiều hướng đó là vì ảnh hưởng của chiến tranh. Cô còn cho biết:

- Một trong những thành công lớn lao của chúng tôi là tìm đối tính của sách thật dễ dàng. Trong số đông người đọc đó, một phần lớn là trẻ con. Ở Cantal số lượng sách dành cho giới này lên tới 21.300 cuốn vào năm 1967, đến năm 1968 số lượng lên đến 61.000 cuốn. Ở Doubs, trong cùng một năm số lượng về loại sách đó tăng lên kinh khủng, từ 4850 cuốn lên đến 58400. Tất cả các nhân viên thuộc loại thư viện này đều chú ý vào thành công đó.

Thường thì xe thư viện phục vụ độc giả khắp mọi nơi. Một bà vợ đã tâm sự ở vùng Indre-et-Loire rằng:

- Tôi phải theo chồng rời khỏi Ba Lê khi sở kỷ nghệ của anh đưa anh về công tác ở tỉnh. Tôi tưởng chừng như mất hết một phần ý sống. Nhưng sung sướng làm sao, chỉ vài ngày sau khi đến đây tôi thấy một thư viện lưu động ngừng ngay trước ngõ nhà tôi. Tôi nhào ra và ngạc nhiên biết chừng nào khi thấy những tác phẩm đặc biệt mà tôi ngỡ thư viện nhỏ xíu này không có, và còn nữa, những sách mới xuất bản trong tháng đều có sẵn ở đây. Và kể từ đó thư viện bỏ túi lại trở thành bạn thân trong những người bạn thân nhất của tôi.

Hầu như ở Pháp mọi người đều hưởng ứng và nể vì chương trình sách báo đến với con người. Tại vùng Indre-et-Loire thư viện ở thành phố Tours được sự yểm trợ của thư viện trung ương lo việc mang sách đến cho dân chúng vùng này. Ngay từ năm 1946 thành phố Tours đã thành lập một thư viện chính của thành phố. Đến năm 1947 Bộ Trưởng Giáo Dục mới tính cách phát động chương trình này nhưng chính phủ lại không xuất vốn để mua xe. Ông René Fillet, viên quản thủ hai thư viện đã nghĩ ra cách kêu gọi thành lập hội những người bạn của thư viện vào năm 1961 để có phương tiện hoạt động chương trình này.

Sau sáu tuần, ba thư viện lưu động bắt đầu hoạt động trong vùng Tours, Loches và Chinon lôi cuốn khoảng 400 học sinh mỗi ngày. Thư viện thứ tư ra đời vào năm 1964 chỉ để dành cho những kẻ đã trưởng thành.

Cho tới bây giờ những thư viện lưu động vùng Indre-et-Loire có 150.000 cuốn sách và một ngân khoản tự trị tới 200.000 Phật lăng. Tính ra trong năm vừa qua, một công dân ở vùng này đã đọc trên 4 tác phẩm. Ông René Fillet tâm sự:

- Tôi lấy làm hài lòng về thành quả đó, chính những người dân bị cô lập không quên công trình của chúng tôi. Khi một thư viện lưu động đến một thôn xóm nào đó, tất cả mọi người tại đây đều hãnh diện, họ hiểu rằng kể từ nay họ không còn là kẻ không biết đến sách báo là gì mà chỉ biết đến cơm áo, đóng thuế, quân dịch và súng đạn.

Sách báo như một phép lạ

Cũng như trong năm vừa qua, thư viện lưu động đôi khi đã làm những phép lạ. Trong một ngôi làng thuộc miền Trung nước Pháp, một nông dân già nua leo lên một chiếc xe để gởi trả lại cuốn sách mà ông đã mượn ba tuần trước đây để lấy cuốn mới. Song le một ngày người ta không còn thấy lão nông dân này tới đổi sách. Người quản thủ thư viện mới hỏi con gái của ông ta nhân thư viện vào trường và được cô gái trả lời là lão chẳng hề biết đọc. Lão mượn sách chỉ với một niềm vui độc nhất là hòa mình vào thế giới sách báo. Hiểu được như thế, con gái ông về nhà đã dạy ông đọc – và ông đã biết đọc sách!

Viên quản thủ thư viện lưu động đã phát biểu như sau:

- Chúng tôi thích mang sách báo đến cho mọi người vì lẽ cuốn sách ở thư viện ở thành thị chỉ là một đồ dùng, nhưng khi mang nó về tận làng quê thì nó trở thành một vũ trụ. Một thủy thủ đã từng nói với chúng tôi rằng: Tôi muốn đọc tất cả những gì dù bất cứ nơi đâu mà tôi đi qua. Bởi thế tôi mong ước tôi sẽ đọc nhiều khi thư viện bỏ túi đến nơi tôi đóng quân. Sách báo trong giờ phút này quan trọng hơn và phải thay cho súng đạn!

Sau Pháp, tại Nga Sô, người ta cũng đã thấy 4 thư viện loại này; Đan Mạch có 7 xe và Anh Quốc 10 xe.

Loại Mini thư viện này là nấc thang cho con người leo lên tầng lầu văn hóa vốn muôn màu muôn vẻ, nó cho phép con người hưởng những giây phút tuyệt vời trong đời sống.

Ngày nay, ngoài các loại thư viện lưu động, còn có vô số các loại thư viện điện tử, tuy nhiên sách báo in vẫn sẽ càng ngày càng phát triển và sẽ cùng với sách báo điện tử chung sống hòa bình để phục vụ người đọc.

Selection – Thạch Kim và Mạnh Đoàn st

Phụ Bản III

Ung Thư

SAU NHIỀU NĂM CÔNG BỐ VỚI MỌI NGƯỜI RẰNG HÓA HỌC TRỊ LIỆU LÀ CÁCH DUY NHẤT ĐỂ THỬ NGHIỆM VÀ LOẠI BỎ UNG THƯ, CUỐI CÙNG JOHNS HOPKINS CŨNG ĐÃ CÔNG BỐ MỘT CÁCH KHÁC.

Cập nhật về căn bệnh ung thư từ Johns Hopkins:

1. Ai cũng có tế bào ung thư trong cơ thể. Những tế bào này không thể bị phát hiện trong những cuộc kiểm tra tiêu chuẩn, trừ khi chúng nhân ra thành vài tỷ tế bào. Khi bác sĩ thông báo với bệnh nhân ung thư rằng sau khi trị liệu, cơ thể họ không sản sinh thêm tế bào ung thư nào khác, điều này có nghĩa là cuộc kiểm tra không phát hiện ra các tế bào ung thư do chúng chưa phát triển tới mức độ có thể nhận biết.

2. Tế bào ung thư xuất hiện từ 6 tới 10 lần trong cuộc đời con người.

3. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể mạnh, hệ thống này tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời ngăn chặn chúng sinh sản và hình thành khối u.

4. Khi một người mắc bệnh ung thư có nghĩa là người đó suy dinh dưỡng đa cấp... Điều này có thể do các nhân tố về di truyền, môi trường, thức ăn và lối sống.

5. Để tránh suy dinh dưỡng đa cấp, thay đổi thói quen ăn uống và bổ sung thực phẩm sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch.

6. Hóa học trị liệu bao gồm việc làm nhiễm độc các tế bào ung thư phát triển nhanh, đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh trong tủy xương và vùng dạ dày - ruột, và có thể gây tổn thương các cơ quan như gan, thận, tim, phổi vv...

7. Các tia phóng xạ trong quá trình tiêu diệt tế bào ung thư có thể gây thương tổn tới các tế bào khỏe mạnh, các mô tế bào và các cơ quan trong cơ thể...

8. Trị liệu ban đầu bằng hóa học trị liệu và phóng xạ thường làm giảm kích cỡ khối u... Song sử dụng các biện pháp này lâu dài không tiêu diệt được khối u hoàn toàn.

9. Khi cơ thể nhiễm độc do hóa học trị liệu và tia phóng xạ, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ trở nên yếu ớt và bị tổn thương, do vậy cơ thể thường không chỗng đỡ nổi với bệnh tật và các biến chứng.

10. Hóa học trị liệu và phóng xạ có thể khiến các tế bào ung thư biến chứng và khó tiêu diệt hơn. Phẫu thuật có thể khiến các tế bào ung thư di căn tới vùng khác trên cơ thể..

11. Một cách hữu hiệu để đối phó với các tế bào ung thư là “bỏ đói” chúng, không cung cấp dưỡng chất khiến chúng có thể sản sinh.

12. Protein trong thịt khó tiêu hóa và cần tới nhiều enzyme tiêu hóa. Thịt không tiêu hóa nằm nguyên trong ruột, gây thối và tạo ra chất độc cho cơ thể.

13. Các tế bào ung thư được bao phủ bằng một lớp protein. Bằng cách hạn chế thịt trong khẩu phần ăn, các enzyme sẽ hoạt động dễ dàng hơn trong việc tấn công lớp protein bao phủ tế bào ung thư và giúp các tế bào hủy diệt tự nhiên của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư.

14. Một số các chất tăng cường hệ miễn dịch (IP6, Flor-ssence, Essiac, anti-oxidants, vitamins, khoáng chất, EFAs....) giúp các tế bào hủy diệt tự nhiên tiêu diệt tế bào ung thư. Một số chất khác như vitamin E tạo ra cơ chế tiêu diệt tế bào, một cách thông thường của cơ thể nhằm đào thải các tế bào gây hại hoặc không cần thiết.

15. Ung thư là căn bệnh của thể xác và tinh thần. Một tinh thần lạc quan và sảng khoái sẽ giúp các bệnh nhân ung thư giành giật được sự sống. Giận dữ, căm thù và cay đắng khiến cơ thể bị căng thẳng và tạo ra axit. Hãy học cách sống vị tha và đầy yêu thương. Học cách thư giãn và hưởng thụ cuộc sống. (Thiền).

16. Các tế bào ung thư sẽ không tồn tại được trong môi trường đầy ôxi. Tập thể dục đều đặn, hít thở sâu sẽ giúp các tế bào được nạp đầy đủ ôxy. Liệu ôxy cũng là cách tiêu diệt các tế bào ung thư (khí công).

TẾ BÀO UNG THƯ CẦN NHỮNG DƯỠNG CHẤT GÌ?

a. Đường là một trong những dưỡng chất cho tế bào ung thư. Cắt bỏ đường là cắt bỏ nguồn dưỡng chất quan trọng cho tế bào ung thư. Các sản phẩm thay thế đường như NutraSweet, Equal, Spoonful... làm từ Aspartame và không gây hại. Sản phẩm thay thế từ thiên nhiên là mật ong Manuka và mật đường nhưng với một lượng rất nhỏ. Muối bột cũng có chất hóa học tẩy trắng màu muối. Lựa chọn tốt hơn là Amino Bragg và muối biển.

b. Sữa khiến cơ thể tiết ra niêm dịch, đặc biệt là ở vùng dạ dày và ruột. Chất niêm dịch là dưỡng chất cho tế bào ung thư. Bằng cách cắt bỏ sữa trong khẩu phần và thay thế bằng sữa đậu nành không đường, tế bào ung thư sẽ bị “bỏ đói”.

c. Tế bào ung thư sống sót trong môi trường axit. Khẩu phần ăn chứa nhiều thịt cung cấp nhiều axit. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn ăn cá và thịt gà thay cho thịt lợn và thịt bò. Thịt gia súc cũng chứa kháng sinh, hormon tăng trưởng và ký sinh không tốt cho cơ thể, nhất là với bệnh nhân ung thư.

d. Khẩu phần ăn có 80% rau xanh và nước ép, ngũ cốc, hạt và chút trái cây sẽ giúp cơ thể sản sinh nhiều kiềm. Khoảng 20% có thể là thực phẩm nấu chín, bao gồm cả đậu. Nước ép rau chứa các enzyme sống, dễ dàng hấp thu và ngấm vào các tế bào trong vòng 15 phút, giúp sản sinh các tế bào khỏe mạnh. Để tạo ra các enzyme sống nhằm sản sinh ra các tế bào khỏe mạnh, hãy thử uống nước ép rau (có giá đỗ) và ăn rau sống 2 tới 3 lần/ngày. Các enzyme sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 104 độ F (40 độ C)

e. Tránh các chất caffeine như cà phê, trà và sô cô la. Trà xanh chứa chất chống ung thư và là một lựa chọn tốt. Hãy uống nước lọc hoặc nước tinh khiết để tránh chất độc và kim loại nặng trong nước thường. Tránh uống nước cất vì nước này chứa axit.

Mạnh Đoàn st

Sống thêm 50 năm nhờ tập... thở

BS Nguyễn Khắc Viện bị mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, toàn bộ lá phổi bên phải và 1/3 lá phổi trái. BS bảo ông chỉ có thể sống chừng 2 năm nữa. Vậy mà ông đã sống thêm được 50 năm, hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực nhờ tự tập... thở.

Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble . Thời đó, bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948, ông phải chịu mổ bảy lần, cắt bỏ tám cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái. Các bác sĩ Pháp bảo, ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra phương pháp... thở để tự chữa bệnh cho mình. Và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, hoạt động tích cực, năng nổ trong nhiều lĩnh vực. Chuyện khó tin nhưng có thật!

Tôi may mắn được quen biết ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy. Ông là bác sĩ, đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm. Ông là cố vấn của bộ môn tâm lý – xã hội học do tôi phụ trách tại trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, (nay là đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989). Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.

Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lạc trên ngực ông. Lần khác ông lại cao hứng vén bụng bảo tôi thử đánh mạnh vào bụng ông xem sao. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bỉ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc... thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ông cười “tiết lộ” với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi.... thở, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt. Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ, mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông.

Trước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khoẻ tốt hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc, nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ... dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, dưỡng sinh... của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.

“Thót bụng thở ra” được nói đến đầu tiên vì thở ra quan trọng hơn ta tưởng. Thở ra giúp làm sạch các hốc phổi, đáy phổi, nơi khí dơ dễ đọng lại. Đặc biệt, với những người bị suyễn, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) càng cần tập luyện thì thở ra.

Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hai lá phổi là một khối đặc, im lìm, không hoạt động, như chiếc dù xếp chặt trên lưng vận động viên. Khi người nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ thì dù mới tự động bung ra, bọc gió. Đứa bé “tung mình” ra khỏi lòng mẹ, hai lá phổi cũng bung ra như vậy do không khí tự động lùa vào, đó chính là hơi thở vào đầu tiên. Tiếng khóc chào đời lúc đó chính là hơi thở ra đầu tiên của bé chứng tỏ hệ hô hấp đã được “lắp đặt” xong, đã khởi động tốt, sẽ “bảo hành” cho đến khi... tắt thở, miễn là trong quá trình sử dụng biết “bảo trì”! Cách bảo trì tốt nhất vẫn là đừng đưa bụi, khói... (thuốc lá) vào lấp các đường hô hấp lớn nhỏ khiến ta phải thở khò khè, thở cà giựt, thở cà hước về sau... là được.

Sự hô hấp xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không phải ở hai lá phổi. Phổi thực chất là một cái bơm, bơm khí vào ra “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về “cơ chế” của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn píttông (piston) chính là cơ hoành - một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bể lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Vậy mà cơ hoành có thể nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí. Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất. Cho nên trong bài vè tập thở ta thấy nói “thót bụng”, “phình bụng” – mà không hề nói đến ngực chút nào là vậy! Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết. Nó thở bằng bụng chớ không phải thở bằng ngực. Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống, đều đều, nhẹ nhàng mà thôi.

Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for reversing heart disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.

Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga... để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra... căn bản cũng không ngoài cách... thở bụng. Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa... mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại. Phải luyện tập chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu quả.

Theo BS Đỗ Hồng Ngọc

 

Ai Cũng Phải Học Làm Người

Ðại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học, liền học Thạc sĩ, rồi lại học Tiến sĩ. Sau nhiều năm, cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đồ đệ này trở về, thưa với ngài Tinh Vân: “Bạch Sư Phụ nay con đã có bằng Tiến sĩ rồi, con còn phải học những gì thêm nữa?

Ngài Tinh Vân bảo: “Học Làm Người”, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được. Ngài Tinh Vân cho rằng, bất luận là sĩ nông công thương, người ở tầng lớp nào có học tập là có tiến bộ, nay cùng chia sẻ với mọi người về những điều cần phải học.

Thứ Nhất, “Học Nhận Lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn. Ðối tượng mà mình nhận lỗi có thể là cha mẹ, bạn bè, mọi người trong xã hội, thậm chí nhận lỗi với con cái hay là người không tốt đối với mình, nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ lượng của bản thân. Học nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu tập lớn.

Thứ Nhì, “Học Nhu Hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta lại mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại dài lâu được, chứ cứng làm chi cho chịu thiệt thòi. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập. Người ta thường hình dung những người cố chấp, thì tấm lòng của họ, tính cách của họ rất lạnh, rất cứng y như một miếng sắt vậy. Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở, điều hòa thân tâm, dần dần điều phục tâm như ngựa hoang, như vượn chuyền cành này khiến cho nó nhu hòa mềm mại, thì cuộc sống mới vui tươi hơn, mới lâu dài được.

Thứ Ba, “Học Nhẫn Nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một bước thì biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. Các vị muốn sống, muốn sinh tồn, muốn sinh mạng này thì cần phải biết nhẫn, có thể hiểu rõ những đúng sai, thiện ác, tốt xấu của thế gian, thậm chí chấp nhận nó.

Thứ Tư, “Học Thấu Hiểu”. Thiếu thấu hiểu lẫn nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

Thứ Năm, “Học Buông Bỏ”. Cuộc đời như một chiếc va li, lúc cần dùng thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả.. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới có thể tự tại được.

Thứ Sáu, “Học Cảm Ðộng”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm bồ tát, tâm bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

Thứ Bảy, “Học Sinh Tồn”. Ðể sinh tồn chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu để với người thân.

Hoàng Chúc st từ Internet

Điểm sách

Đầu sách nghệ thuật nặng nhất và đắt nhất mọi thời

Quang Long (Theo L’Unita)

Một sự kiện gây xôn xao dư luận làng xuất bản thế giới thời gian gần đây là việc xuất hiện đầu sách có tiêu đề “Michelangelo: La Dotta Mano” (Michelangelo: Bàn tay tài hoa), nặng tới… 28 kg do hãng văn hóa phẩm nổi tiếng Gruppo FMR của Italia ấn hành.

Đây là cuốn sách đầu tiên trình bày đầy đủ về thân thế sự nghiệp cùng các sáng tác của danh họa Italia bậc thày Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475-1564), đồng thời cũng là nhà thơ, điêu khắc gia kiêm kiến trúc sư trứ danh của xứ Florence dưới thời Phục hưng, người được tôn vinh là “cha đẻ” của nền mỹ thuật hiện đại phương Tây ngày nay. Với kích thước 46cmx71cm cùng giá thành tương đương 155 ngàn USD, “Michelangelo: La Dotta Mano” đã được sách kỷ lục Guiness ghi nhận như là “đầu sách nghệ thuật nặng nhất và đắt nhất mọi thời”. Bìa sách trang trọng nổi bật bức phù điêu tạc trên thạch cao trắng có tên gọi “Madonna della Scala” (Madonna trên bậc thang), bức kiệt tác trưng bày tại xưởng điêu khắc của Michelangelo ở Carrarama lúc sinh thời ông hằng ưa thích. Ngoài các kiểu tượng, tranh vẽ, công trình kiến trúc, phác thảo… cuốn sách còn dày công quy tụ hết thảy kho tàng sáng tác của Michelangelo, tiêu biểu là những đoản văn và tứ thơ của bậc danh họa huyền thoại lần đầu tiên được công bố. Chấp bút cho lời tựa và giới thiệu “Michelangelo: La Dotta Mano” là vị học giả gạo cội người Italia Georgo Vasari, nhà viết tiểu sử Michelangelo kỳ cựu nhất.

Điều đáng nói thêm rằng ấn phẩm kỷ lục này được làm hoàn toàn bằng tay, chỉ áp dụng các phương pháp thủ công thời Phục hưng trong việc chế tác, khiến tự thân mỗi bản sách cũng là một kiệt tác nghệ thuật rồi. Được biết một nghệ nhân tinh xảo phải mất tới 6 tháng ròng mới hoàn thành xong một ấn bản, còn chỉ khâu ruột sách làm từ tơ nhung đỏ tại chính xưởng dệt tay từng chế tạo các bức phông màn hoành tráng cho hai nhà hát Opera nổi tiếng trên thế giới: Metropolitan (New york, Mỹ) và La Scala (Milano, Italia).

Nhằm dễ bề bảo quản và di chuyển cuốn sách có trọng lượng “quá khổ” hãng Gruppo FMR tặng kèm theo chiếc hộp chuyên dụng bóng láng màu đen có móc cài, được bảo hành “trọn đời” trong thời hạn… 5 thế kỷ! Được biết bà Marilena Ferrari, chủ tịch Gruppo FMR đã quyết định tặng thư viện thành phố New York một cuốn “Michelangelo: La Dotta Mano” khi vừa in xong. Bất chấp cái giá cao ngất ngưởng, hơn 20 bản sách nặng nhất thế giới đã được bán trong vòng ba tháng kể từ khi phát hành. Những độc giả hiếm hoi ắt phải là người giàu có và vô cùng ngưỡng mộ tài năng của Michelangelo, nghệ nhân thời Phục hưng có tầm tri thức “ngang ngửa” với thiên tài Leonard de Vinci.

Bùi Đẹp (Theo Văn Học số 67 – 18/6/2009)

Đính chính số 38 Tháng7/2009:

Trang 31 dòng số 4 tính từ dưới lên : … đã không chối bỏ cuộc sống

Trang 32 dòng 18 từ trên xuống Juliette (thiếu i)

Trang 48 Bài thơ Hồ Gươm, câu thứ 5 : Gió vờn rặng liễu tàn tha thướt

Trang 49 Bài thơ Viếng mộ cha, câu thứ 14 : Ngậm hờn nuốt tủi


Tái bản bộ sách quý: Kỹ thuật của người An Nam

Ba tập sách quy mô khổ 31,5x24 cm có tên Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annamite) do Henri Oger thực hiện vào những năm 1908 - 1909 vừa được Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, NXB Thế Giới, Công ty Nhã Nam tái bản giữ nguyên cấu trúc hai tập sách gốc của lần in cách đây đúng một thế kỷ - năm 1909.

Tập sách là công trình nghiên cứu về kỹ thuật của người An Nam trong đời sống người dân Hà Nội và Bắc kỳ lúc bấy giờ, với khoảng 4.200 tranh vẽ và tranh khắc gỗ, cùng các bài viết nghiên cứu của tác giả.

Các nhóm nội dung kỹ thuật An Nam được đề cập trong tập sách bao gồm: nghề lấy nguyên liệu từ thiên nhiên (nghề nông, đánh cá, săn bắn, hái lượm), nghề chế biến nguyên liệu lấy từ thiên nhiên (giấy, kim loại quý, gốm, sắt tây và thiếc, gỗ, vũ khí, tre, mây, chế biến cây quả, vải sợi, tơ lụa, lông, da, sắt, đồng), nghề dùng nguyên liệu đã qua chế biến (buôn bán, đá, mẫu và đồ trang trí, tô vẽ và tranh sơn mài, điêu khắc và tạc tượng, đồ thờ, nấu ăn, may mặc, xây dựng, đồ nội thất, công cụ, dụng cụ, máy, mứt và bánh ngọt), đời sống riêng và đời sống cộng đồng của người dân An Nam (đời sống cộng đồng, đời sống tình cảm, nhạc dụ, phép thuật và bói toán, các phép trị liệu dân gian, tết và lễ, trò chơi và đồ chơi, cử chỉ, đời sống ngoài phố, nghề bán rong, tranh dân gian).

Công trình này có ý nghĩa quan trọng, bởi nghiên cứu về kỹ thuật, nghề nghiệp của người An Nam thời đầu thế kỷ 20 như vậy là rất hiếm hoi. Ðây cũng là nội dung nghiên cứu để tìm hiểu bối cảnh sống của người Việt thời bấy giờ của các chuyên ngành xã hội học, dân tộc học, và ngay cả các ngành nghệ thuật ngày nay cũng rất cần các hình ảnh này trong một số ứng dụng tạo hình hoặc trình diễn cần thiết.

Henri Oger thực hiện công trình này vào độ tuổi hai mươi, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của nước Pháp lúc bấy giờ. Với quan niệm "Nghiên cứu nghề của một dân tộc cũng chính là nghiên cứu nền văn minh vật chất của dân tộc đó", ông đã cùng một họa sĩ làm việc tích cực và khoa học: Oger lập dàn ý ghi chép trên cơ sở trao đổi với người An Nam, sau đó trao cho họa sĩ, khi bức vẽ hoàn thành lại được đưa cho những người An Nam "có đầu óc phê phán tốt" để thẩm định bình luận. Mỗi bức tranh đều kèm một số chữ Hán, Nôm ghi tiêu đề hoặc chú thích ngắn gọn nội dung.

Ðiều thú vị là chính Henri Oger lập xưởng khắc gỗ, in ấn ở phố Hàng Gai để xuất bản công trình của mình.

Lần xuất bản đầu tiên ấy có số lượng ấn bản quá ít, chỉ không quá 60 bản, theo ghi nhận của Philippe Le Failler và Olivier Tessier - Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp. Cho nên trước lần tái bản vào tháng 6-2009, bộ sách quan trọng này cực kỳ quý hiếm ở Việt Nam, chỉ có hai bản được biết đến: một ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM và một ở Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Lần tái bản này sách được bổ sung tiểu sử của Henri Oger, bài nghiên cứu về dạng các chữ được sử dụng trong sách, và điểm quan trọng là cung cấp cho độc giả bản dịch sang quốc ngữ của toàn bộ tiêu đề và ghi chú bằng chữ Hán Nôm trong bản gốc.

LAM ÐIỀN

Phụ Bản IV

TIỀN TÀI, VẬN MAY VÀ HẠNH PHÚC

Philippe… Đó là một cái tên gốc từ tiếng Hy Lạp. Nghĩa của nó là “Kẻ ưa thích loài ngựa”. Trong trí tưởng tượng của tôi, kẻ thích ngựa phải là một người lùn, mập, hai má ửng hồng, miệng ngậm một điếu xì gà lớn. Phillipe không giống thế một tý nào cả; chàng cao đến nỗi ai gặp chàng cũng muốn bảo chàng làm ơn ngồi xuống hộ; chàng gày như một sợi mì trên tờ quảng cáo, và, nếu bạn muốn biết cặp mắt của chàng ra sao thì trước nhất là phải loại bỏ được sự bảo vệ của một cặp mắt kiếng gọng đồi mồi to kếch xù. Tôi đã bắt gặp chàng như vậy lần đầu tiên khi chàng tiến về phía tôi trên sân khấu rộng lớn của nhà hát, trên tay cầm một xấp giấy. Buổi phát hình vừa chấm dứt. Chàng mặc một bộ quần áo tây kiểu Ông-Hoàng-Xứ-Galles đã hơi cũ, cổ thắt một cái nơ hình cánh bướm màu xanh, hai cánh rủ xuống và trên đầu chàng mớ tóc bù rối lên thành muôn ngàn lọn tóc đen nhánh. Chàng mỉm cười, một nụ cười tôi thấy hơi bồn chồn, và nói rất lẹ với tôi: - Thưa cô, xin cô làm ơn dành cho tôi năm phút, tôi muốn phỏng vấn cô vài câu cho tờ báo của tôi. Tôi là phái viên báo Độc Lập. Tôi phải viết một bài tường thuật ba trang về buổi phát hình này, bài khá dài đấy và tôi chỉ còn độ một tiếng đồng hồ thì phải nộp bài. Vâng, được… vậy thì chúng ta lẹ lên một tý… chắc cô khát nước… Ngay cạnh đây có một quán cà phê.

Chuyện này xảy ra buổi chiều hôm tôi dự thi trên đài truyền hình lần đầu tiên, cách đây một tháng. Tôi vừa được thưởng 500.000 quan sau khi trả lời đúng được bốn câu hỏi thật hắc ám về các lãnh vực kiến trúc, lịch sử nước Anh, nhạc sĩ Mozart và nghệ thuật ăn ngon. Tôi còn giữ được một kỷ niệm rất mơ hồ. Như trong một giấc mơ tôi đã nghe thấy những câu hỏi của người điều khiển chương trình và, ngay tức khắc, tôi tự nghe thấy tôi trả lời. Không một giây do dự, không một chút nhầm lẫn. Bỗng các khán thính giả vỗ tay như mờ đi trước mắt tôi. Dường như địch thủ của tôi, một ông già 60 tuổi, đầu hói, đã vì sự sợ sệt trước đám đông mà mất tinh thần. Bị nhốt như tôi trong một căn phòng kiếng, người ta thấy ông ngập ngừng; đôi lúc nhắm nghiền hai mắt và nhiều lần dơ tay lau mồ hôi vã ra trên mặt. Tôi đã thắng ông ta một cách dễ dàng. Và khi người điều khiển chương trình, có cặp mắt tròn vo với bộ râu láng bóng, tuyên bố: “Thưa cô, số tiền thưởng 500.000 quan này là của cô, cô có thể nhận lãnh ngay bây giờ, nhưng cô cũng có thể để lại để tiếp tục cuộc thi để được nhiều hơn nữa trong kỳ tới”, thì, tôi có thể thề rằng quả là tôi đã không trả lời. Tôi chỉ nghe thấy tiếng tôi nói nhỏ nhẹ trong micro: “Vâng tôi tiếp tục, tôi để lại dự thi tiếp”. Tôi vẫn tiếp tục sống trong giấc mơ.

Giờ tôi muốn trở lại với Phillipe, tôi muốn nói về chàng.

Chúng tôi đã cùng uống hai ly bia thật ngon trong một quán bia lớn, đầy nhóc những người hầu bàn, ồn ào và mịt mù khói thuốc. Philippe ghi trên một tờ giấy những chi tiết về tôi mà tôi đang nói với chàng: Họ: DUTHEIL, – Tên: Micheline, – Tuổi: 22, – Nghề nghiệp: Sinh viên văn khoa, – Độc thân – Ba và má sống ở tỉnh Sedan, một tỉnh lẻ trong vùng Ardennes.

- À, chàng nói, tôi còn phải mô tả hình dáng cô nữa; các độc giả phải mường tượng được cô thuộc loại người…

- Trí thức, đủ rồi nhé. Chính bởi vì mũi tôi hơi dọc dừa, môi hơi mỏng và trán hơi cao. Rồi tôi lại cao quá khổ nữa; 1 thước 83 không kể đế giầy, và tôi phải làm sao lên được độ 5 ký nữa.

Cả hai chúng tôi cùng phá lên cười.

- Trong buổi phát hình, Phillipe nói tiếp, các người ngồi cạnh tôi nói: “Nhìn xem, cô ta bình tĩnh lắm, chính vì vậy mà cô ta thắng”. Do đó, tôi phải viết: “Cô Dutheil đã tỏ ra cực kỳ bình tĩnh, và đây là một điều khá kỳ dị nơi một thiếu nữ rất trẻ trung”. Độc giả chắc sẽ tán thưởng ghi nhận tinh tế này.

- Như vậy là anh nói sạo, vì lúc đó tôi chả bình tĩnh chút nào cả. Sự thật là trong suốt thời gian đó tôi có cảm tưởng mơ hồ như là tôi không phải là tôi vậy.

- Thôi bỏ câu này đi vì nó rắc rối quá.

Ly bia làm tôi cảm thấy khoan khoái. Nhưng có lẽ tôi hơi mền mệt vì tôi đã cảm thấy hơi ngà ngà say. Phillipe trở nên dễ thương lạ; chàng đã không hỏi tôi thích dùng món đồ ngọt gì. Tôi nghĩ chàng không phải là nhà báo chuyên nghiệp; rồi tôi nảy ra ý muốn khuyên chàng tìm ông thợ hớt tóc nào khác: tóc tai gì mà giống y như con báo.

- Rồi! chàng nói thêm, cực hình của cô đã chấm dứt. Xin cho tôi biết một điều cuối cùng thôi: làm thế nào mà cô biết được nhiều chuyện về bao nhiêu là đề tài như vậy? Từ đệ thất lên đến tú tài có bao nhiêu phần thưởng danh dự chắc cô ôm hết phải không?

- Đâu có, em chả được giải thưởng nào. Trái lại, em là một con mọt sách và cái gì em cũng đọc tuốt. Ngay cả sách về khoa thiên văn em cũng không sợ.

- Còn về trí nhớ của cô thì sao?

- Dám giống trí nhớ một chú ngựa lắm.

Phillipe vội vã đứng dậy, chàng đút những ghi chú của mình vào túi áo măng tô. Giơ tay bắt tay tôi, chàng bỗng có vẻ mặt hơi buồn:

- Nếu chiều hôm nay tôi được 500.000 quan, chàng bất thần nói, tôi đã lãnh và đã mua ngay một cái gì thích đáng. Cô có thể bị mất hết vào tuần tới. Tôi thành thật nghĩ rằng cô đã nhầm. Vận may nó tới rồi nó đi, ai mà biết được.

Tôi chỉ mỉm cười, không trả lời. Tôi rất ngạc nhiên tại sao chàng vội đi vậy.

- Thực ra, nếu cô thua thì tôi buồn lắm, chàng nói thêm, rồi quay gót từ biệt.

Tôi đã định gọi chàng lại để hỏi tại sao. Nhưng bóng dáng lênh khênh của chàng đã vượt qua hai người hầu bàn và có tiếng cửa mở. Tôi chợt thấy chàng đã quên không trả tiền bia. “Các cha nhà báo bao giờ cũng đãng trí”, tôi vụt nghĩ.

Làm sao giải thích những gì xảy ra sau đó?

Chiều hôm thứ bẩy kế tiếp tôi lại thắng và được 1.000.000 quan tiền thưởng, nhưng tôi vẫn không lãnh và liều tiếp tục dự thi, dù trong kỳ sắp tới này tôi có thể bị mất hết. Phillipe có mặt trong phòng thi, chàng ngồi ngay trên hàng ghế đầu. Từ đầu cho tới cuối buổi phát hình, sau mỗi câu hỏi của người điều khiển chương trình, tôi lại nhìn chàng và những câu trả lời như tự động xuất hiện trên môi tôi. Dĩ nhiên người ta có thể bảo tôi: “Tại sao trước khi trả lời cô lại nhìn chàng?” Chắc tôi trả lời: “Chàng là người khán thính giả duy nhất mà tôi quen”. Người ta cũng có thể nói với tôi: “Chắc chắn không phải vì nhìn chàng ta mà cô trả lời đúng.” Có lẽ đúng như vậy, nhưng tôi rất mê tín, và tôi đã bắt đầu coi sự hiện diện của Phillipe như một lá bùa linh diệu…

Sau buổi phát hình chúng tôi cũng trở lại quán bia và chuyện trò với nhau hơn hai tiếng đồng hồ. Bữa nay Phillipe khác hẳn, chàng vui vẻ, tuyệt vời, quyến rũ, và chàng kể với tôi nhiều chuyện ngộ nghĩnh về nghề nghiệp, về các phóng sự của chàng. Tôi nghe chàng kể mà quên cả thời gian trôi đi, trôi đi… Cuối cùng chàng nói tới tôi và một triệu quan tiền thưởng, nhưng chàng chỉ nói:

- Kỳ lạ thật, vận may đeo đuổi cô hoài.

Vào lúc đó, tôi cảm thấy không thể không nói cho chàng hay:

- Anh biết không, câu hỏi về tiền tệ em thấy khó trả lời quá. Lúc đó em không biết có tìm được câu trả lời đúng hay không, nhưng anh đã giúp em.

- Tôi giúp cô?

- Vâng, em chăm chú nhìn anh và câu trả lời bật ra! Em chợt nhớ là đơn vị tiền tệ của xứ Venezuela là đồng “Bolivar”.

- Tôi đâu biết tôi có một ảnh hưởng huyền bí tốt lành như vậy, Phillipe vừa trả lời vừa búng ngón tay gọi người tính tiền.

Sáng ngày hôm sau tôi đọc trên báo Independant (Độc Lập) một bài thật dí dỏm trong đó chàng tỏ lòng ngưỡng mộ khả năng tập trung tư tưởng của tôi. Sự thật đâu có như vậy, và cả hai chúng tôi đều biết rõ điều này.

Rồi ngày thứ bảy kế tiếp, tôi lại thắng nữa. Chiều hôm ấy, lẫn trong niềm vui của tôi đã có một chút cảm nghĩ e ngại, có vẻ như thế này là quá lắm, là tôi chẳng đáng tưởng thưởng gì cả. Văng vẳng bên tai tôi vẫn còn thấy tiếng của người điều khiển chương trình:

- Cô hiện có trong tay số tiền thưởng hai triệu quan. Vậy quyết định của cô ra sao?

Tôi cũng nghe thấy tiếng ồn ào trước khi tôi nói: “Tôi tiếp tục!”Một phần khán giả trong phòng vỗ tay hoan hô tôi, một phần như muốn nguyền rủa tôi, họ hô lớn: “Đủ rồi, đủ rồi! Ngưng lại đi! Hốt tiền thưởng đi! Phillipe đứng vụt dậy, chàng khoanh tay điềm tĩnh nhìn về phía các khán giả. Ngay khi màn hạ, chàng tới đón tôi ở hậu trường. Có cần phải thú nhận không? Tôi đã chờ mong chàng trong cả tuần lễ này.

Chúng tôi tới công trường Clichy và vào một nhà hàng có những món hải sản tuyệt vời. Hơi bị ngạc nhiên về sự sang trọng ở nhà hàng này, tôi gọi một tá hầu bơ lông (hầu nuôi ở cửa biển Belon), sau lại gọi một đĩa ốc nhồi, rồi, vì tôi vẫn còn đói, tôi gọi thêm một con cá song nấu theo lối Mỹ. Trên khăn bàn màu đỏ, tôi thấy có những đóa hoa cẩm chướng trắng, thứ hoa tôi ưa thích. Phillipe tự nhiên như ở nhà, chàng nói chuyện thân mật với người đầu bếp, và lựa thứ vang trắng mà chàng thường dùng. Chiều nay Phillipe ăn mặc rất sang và trang trọng; chàng mặc một bộ vét cài chéo có những sọc nhỏ, và tôi tự hỏi chàng đã dùng thứ gì để chải cho mái tóc nằm sát và đều đặn. Tôi đã khéo léo mặc một cái áo màu ngọc lam duyên dáng và đi đôi giầy đế thấp để không đến nỗi cao lêu đêu.

Dĩ nhiên câu chuyện chúng tôi nói là về tôi, về vận may khủng khiếp của tôi và những sự rủi ro đã đè nặng trên các đối thủ của tôi. Chiều nay địch thủ của tôi, mặc dầu là một giáo sư dạy môn sử học, đã vấp và trả lời sai câu hỏi về triều đại Louis XIV (Lộ Y thứ XIV). Giờ thì Phillipe muốn biết tôi có nhiều bạn bè ở Paris không. Tôi hầu như không có người bạn nào vì tôi mới chân ướt chân ráo từ miền Ardennes tới, nhưng tôi nghĩ chàng không cần biết sự thật.

- Tôi có một vài người bạn ở Viện Đại học Sorbonne.

- Chà!

Tôi ngu ngốc đợi chàng hỏi. “Bạn gái hay bạn trai?”, nhưng chàng không hỏi mà còn tỏ vẻ hài lòng. Tuy nhiên, sau vài giây, chàng bỗng hỏi: “Bạn thân thiết hay quen sơ thôi!” Nếu nghĩ tới các bạn gái chắc chàng đã hỏi: “Cô bạn thân thiết…” Do đó tôi có thể kết luận: chàng lưu tâm tới việc tôi có bạn trai hay không. Và tôi nói dối lia: “Những bạn trai rất thân”.

Lại im lặng, rồi: “Các bạn trai rất thân của cô, cô có thân với họ bằng nhau không, hay có người thân ít, có kẻ thân nhiều?” Chà! lần này chàng đi quá xa rồi, nhưng sự vụng về của chàng làm tôi mừng húm. Chàng thích tôi là cái chắc rồi. Thế là, quẳng hết mọi chiến thuật đi, tôi cười sòa và nói cho chàng biết sự thật: tôi hiện chưa có bạn nào, đàn bà cũng như đàn ông, nhưng rồi tôi sắp có nhiều bạn lắm. Phillipe cho hay chàng cũng nghĩ vậy. Rượu vang làm tôi hơi mềm lòng một chút. Đây là một chàng trai rất dễ thương. Tại sao? Tôi không biết. Trong tâm tư tôi thấy như có tiếng bảo tôi: “đừng vội vã, cô vừa mới quen với chàng mà”. Nhưng tôi không muốn nghe. Tôi ngồi ngắm những ngón tay thuôn dài của chàng đang tách những con hầu vỏ ôm hơi chặt, rồi những ngón tay đó nắm lấy cái ly của chàng trong đó bọt đang tan dần. Một tiếng nói khác như nhắn nhủ tôi: “chàng không đẹp, nhưng chàng rất có vẻ”. Sau đó tôi có nói về hai triệu quan tiền thưởng mà tôi đã được, và chưa chịu lãnh. Lạ thật, tôi như có linh cảm, tuần tới này tôi sẽ thua, sẽ mất hết, một xu cũng chẳng còn. Ừ mà phải, tại sao tôi lại tiếp tục nhỉ? Thực ra trong lòng tôi cảm thấy vui vui khi tôi như khiêu khích, khinh khi mọi người: “Hãy nhìn tôi đây này! tôi có quyền bỏ vào bị tất cả các cọc tiền đã ghim sẵn để trên bàn kia – thế nhưng, không! tôi chưa thèm lấy, tôi còn đòi có thêm nhiều nữa, trong lúc quý vị có người đến phát bịnh vì hồi hộp…” Tôi chia sẻ với Phillipe ý nghĩ đó.

- Thật vậy, Phillipe nói trong lúc chúng tôi đi taxi về, nhiều người phát bịnh vì hồi hộp. Cô có nhớ không, ngay sau buổi phát hình đầu tiên, tôi có bảo cô rằng ở địa vị tôi, tôi ngưng lại ngay.

- Còn bây giờ?

- Bây giờ, trái lại tôi lại mừng. Phải theo đuổi đến cùng.

- Đương nhiên! Em bảo đảm mỗi tuần cho anh đề tài viết một bài báo.

- Không phải vậy. Cô đang thách đố vận sui. Tôi rất thích những sự thách đố: cô làm tôi rùng mình, vì lo sợ, hồi hộp.

- Anh giải thích kỳ cục quá, anh thay đổi ý kiến mau dữ.

Chiếc taxi dừng lại.

- Tới nhà rồi, chàng nói.

Nhưng tôi bướng bỉnh hỏi thêm:

- Nhưng nếu em thua và mất hết, anh vẫn cười chứ?

- Tại sao không? Đồng tiền, cuối cùng ta cũng chẳng nên coi trọng nó quá. Nhất là đây lại là một cuộc thi, cho dù đó là một trăm triệu quan đi nữa.

- Em khó tin anh quá.

- Đừng tin tôi làm gì. Nhưng thứ bảy này tôi sẽ có mặt như mọi khi, bút cầm tay. Thôi, xin tạm biệt, đừng suy nghĩ nhiều quá.

Quý bạn thấy chúng tôi như vậy đó: vừa bước lên cầu thang tôi vừa tự hỏi: “Liệu chàng có thích tôi không?”

- Thưa quý bà, thưa quý cô, thưa quý ông, chiều hôm nay là lần thứ tư, tôi rất hân hạnh, tôi dám nói tôi được đặc ân giới thiệu với quý vị nhà nữ vô địch trong cuộc thi của đài chúng tôi. Chắc tất cả quý vị đã đoán biết, đó là cô Micheline Dutheil, một thiếu nữ mới 22 tuổi. Xin mời cô ra mắt quý vị khán giả đang đợi chờ!

Tôi bước vào từ phía bên trái sân khấu, và tiến vào giữa vòng tròn ánh sáng trong đó có người điều khiển chương trình, với cảm nghĩ thường nhật là dáng đi của tôi cứng cỏi quá. Những ngọn đèn chiếu lớn làm tôi chớp chớp mắt. Trong rạp, tôi nhìn thấy rất rõ ba hàng ghế đầu, sau đó tôi thấy những hàng ghế đầy người lố nhố, lờ mờ, đây đó hiện ra một vài cái đầu hói láng bóng. Tiếng vỗ tay từ từ nổi lên rồi lại lắng xuống dần dần. Người điều khiển chương trình, trán ướt đẫm mồ hôi lên tiếng: “Cô Micheline Dutheil hiện là chủ nhân số tiền đáng kể là hai triệu quan. Khi để lại không lãnh và tiếp tục cuộc thi, cô biết rõ ràng cô có thể nhận được số tiền thưởng tối đa là bốn triệu quan, nếu cô thắng, nhưng cô cũng có thể mất đến đồng xu cuối cùng, nếu thua. Tất cả chúng ta đồng ý chứ? Vâng, tốt lắm! Vậy thì thưa cô, đây là địch thủ của cô tối nay, bà Quelennec đã đặc biệt từ Saint Brieuc (một tỉnh ở miền duyên hải phía Bắc nước Pháp) tới đây tham dự cuộc thi.

Đó là một người đàn bà nhỏ bé, khó đoán tuổi tác, mặc một cái áo màu đen trang trọng bó sát lấy thân hình. Mớ tóc cũng được nhốt kỹ trong một dải khăn vấn đầu. Bà ta bước từng bước ngắn tiến lại gần tôi và giơ tay bắt tay rất nồng nhiệt, thân thiện. Người bé, nhưng cái sắc cầm tay của bà to khổng lồ, và bà cầm đôi găng tay trắng lốp của bà áp sát vào ngực.

- Cô Dutheil và bà Quelennec sẽ phải trả lời bốn câu hỏi mà tôi sẽ tình cờ bốc được. Tôi hiện đang có ở trước mặt một phong bì rất lớn ở trong có chứa đựng một ngàn câu hỏi. Các câu hỏi này liên quan tới tất cả các lãnh vực hiểu biết của con người. Giờ đây tôi hướng về cô Dutheil một lần nữa và nhắc lại với cô rằng: “nếu tối nay cô thắng cuộc thi, cô sẽ là chủ nhân của bốn triệu quan tiền thưởng. Nếu, chẳng may cô thua, thì luật lệ khắc nghiệt đòi hỏi cô phải rời khỏi nơi đây với hai bàn tay trắng… và đôi tai đầy ắp những tiếng vỗ tay của các khán, thính giả. Còn thưa bà Quelennec, nếu bà may mắn thắng cuộc thì, chiều nay bà sẽ nhận được 500.000 quan tiền thưởng mà bà có thể nhận lãnh, hoặc để lại tiếp tục dự thi để được nhiều hơn trong kỳ phát hình tuần tới. Tất cả mọi người đồng ý chứ?”

Bà Quelennec vâng một tiếng vâng thật lớn, đầy tính chinh phục và kiên quyết. Công chúng chắc nghe thấy rõ hơn là tiếng vâng của tôi vì nó khẽ như hơi gió thoảng. Bây giờ hai chúng tôi mỗi người tiến về phía căn phòng kiếng có cách âm của mình; vào xong, cửa phòng được đóng kín ngay lại. Tôi đặt ống nghe lên tai để nghe thấy các câu hỏi của người điều khiển chương trình, và tôi đứng đó, ngoan ngoãn, hai tay đặt trên một mảnh ván sơn xanh. Ống nói ở cách môi tôi có vài phân. Qua khung kính tôi nhìn xuống hàng ghế đầu tiên: chỗ dành cho Phillipe vẫn còn trống, chàng đến trễ. Mới thế mà tôi đã cảm thấy hơi khó chịu. Chàng cần phải tới ngay. Tôi cần trông thấy chàng, trông vào mắt chàng để trả lời đúng. Nhất là hôm nay! Mồ hôi bắt đầu rỉ ra trên trán tôi.

- Cô Dutheil, một tiếng nói bỗng cất lên trong ống nghe, câu hỏi đầu tiên tôi có hân hạnh được hỏi cô liên quan tới văn chương Pháp; sau đây là câu hỏi: “Flaubert đã đưa ra trong một cuốn tiểu thuyết có tính đả kích của ông hai nhân vật tiểu tư sản, đồng thời với ông, mà ông cho suốt ngày cãi cọ về bất cứ một đề tài gì, vấn đề gì. Vậy tựa đề của cuốn tiểu thuyết đó là gì? Cô có mười phút để suy nghĩ trước khi trả lời. “Câu này tôi biết, cuốn tiểu thuyết đó tôi vừa đọc trong dịp hè vừa qua. Bằng một giọng chững chạc tôi trả lời: “Bouvard và Pecuchet”. “Vâng, thưa cô, câu trả lời tuyệt vời”. Điều ngộ nghĩnh là tôi nhìn thấy ở trong rạp những bàn tay mọi người vỗ mà không nghe thấy tiếng, vì ống nghe của tôi vừa bị cắt khi người ta quay sang hỏi bà Quelennec, cố nhiên cũng một câu hỏi đó. Khó cái là tôi không trông thấy được bà ta và không nghe được bà ta trả lời ra sao. Rồi còn Phillipe, sao mãi chàng chưa tới? Tối nay chàng phải làm một cái phóng sự khác chăng, hay chàng bị kẹt xe trên đường đi. Hay là chàng bịnh, hay là sao? Tuy nhiên chàng đã có ý định đến vì tới giờ này, chiếc ghế bành mầu đỏ dành cho chàng vẫn còn bỏ trống ở ngay hàng đầu. Những người đưa chỗ đã không cho ai ngồi vì chung quanh có người đứng mà. Tôi sốt ruột quá, sốt ruột quá!

- Câu hỏi thứ nhì, thưa cô Dutheil, liên quan tới điện ảnh. Cô có thường đi coi chiếu bóng không? Không à? Vậy xin cô hãy lắng tai nghe kỹ câu hỏi: Cô đào nào đóng chung với Jean Marais trong cuốn phim “l’Eternel retour”?

- À, cuối cùng, Phillipe đây rồi. Tôi đã trông thấy bóng dáng cao ngồng của chàng trong lúc chàng đang lách qua các khán giả để tiến về ghế dành cho mình…

- “Chỉ còn hai giây…” À, phải, cô đào đóng chung với Jean Marais là… rồi, Micheline Presle, đúng là Micheline Presle chứ ai. “Thưa là Micheline Presle”, tôi trả lời trong ống nói. Một vài giây im lặng hắc ám rồi tôi nghe thấy: “Than ôi, sai rồi cô ạ. Micheline Presle không đóng trong phim “l’Eternel retour”. Câu trả lời mà tôi chờ đợi ở cô là Madeleine Sologne. Tôi sợ rằng cô đã nhầm với phim “Le diable au corps” mà Micheline Presle quả có đóng chung với Jean Marais.”

Dĩ nhiên là tôi biết rằng ngồi ở dưới, Phillipe đã giơ cánh tay làm một cử chỉ ngao ngán về hướng tôi đứng. Nhưng chính là lỗi của chàng, việc chàng tới đã làm tôi đãng trí, và từ đầu buổi thi tôi luôn luôn mải nghĩ đến chàng, thay vì lẽ ra phải để hết tâm trí suy nghĩ. Ồ! anh có thể đặt tập giấy ghi và rút bút ra, nhưng quá muộn mất rồi. Anh chỉ còn có thể tường thuật vụ thất bại của em. Trừ phi bà Quelennec cũng trả lời sai… Trời, sao cái phòng kiếng này nóng thế này? Nhìn cái ống nói mà thấy gớm!

- Đây là câu hỏi thứ ba và là câu trước câu cuối cùng. Câu này liên quan tới một vấn đề thời sự: Cái bè trên đó bác sĩ Bombard đã vượt Đại Tây Dương tên gọi là gì?

- Cái Kon Tiki? Không, cái Kon Tiki là mấy người Na Uy vượt Thái Bình Dương. Cũng không phải chiếc “la Méduse”; chiếc này xưa như trái đất. Cố nhớ xem nào: Bombard lui cui có một mình trên chiếc xuồng nhỏ, rồi ông ta vớt những sinh vật nổi trên biển mà ăn. Bè đó tên là… tên là… Ôi Phillipe ơi anh giúp em đi. Phillipe ơi… Rồi! Em nhớ ra rồi! Bè đó tên là “l’ Hérétique”! “Bè đó tên là Hérétique”, “Vâng, đúng câu trả lời đã đúng nhưng cô làm chúng tôi sợ quá, xin hẹn tí nữa gặp lại”. Phillipe đặt bút xuống để vỗ tay. Chàng nở một nụ cười rạng rỡ và khẽ gật đầu tỏ dấu tán thưởng. Chao ôi! giờ chỉ còn câu hỏi cuối cùng. Nếu tôi trả lời đúng nữa tôi đã có ba câu đúng trên tổng số bốn câu, và tôi có một hy vọng nhỏ đánh bại bà Quelennec và sau đó bà chỉ còn việc cuốn gói ra về. Chắc gì bà ta biết “Bouvard và Pecuchet”, “l’Hérétique” hay “Madeleine Sologne”. Ở Saint Brieuc chắc gì có người giỏi như thế!

- Và đây là câu hỏi cuối cùng của buổi phát hình chiều hôm nay. Tôi thấy cần phải nói ngay cho cô biết rằng đây là một câu hỏi về lãnh vực thể thao, và tôi nhận thấy cô nhăn mặt có vẻ như muốn trả lời một câu về lãnh vực khác. Tuy nhiên, nếu cô là người thích xem đua ngựa… Câu hỏi như sau: Trong cuộc đua đoạt giải Lớn của Thành phố Paris, khoảng cách đua là bao xa? Lúc này tôi cảm thấy trong người nôn nao như muốn ói. Tôi chưa hề bao giờ tới trường đua và tôi, ngay từ đáy lòng, vẫn ghét bọn ưa cá ngựa. Chả nên đem một câu như thế này để hỏi một thiếu nữ. Đây là một câu hỏi dành cho đàn ông, hơn nữa đây cũng là một câu hỏi chẳng đáng kể gì. Giải thưởng Lớn thành Paris, tôi chẳng biết nó được tổ chức ở đâu, vào ngày giờ nào? Tôi hoàn toàn mù tịt. Thây kệ, tôi sẽ không trả lời… Em nhìn anh Phillipe và anh hãy nhìn trả lại em đi; anh giơ cao cán bút và trên trán anh xuất hiện một vết răn lớn. Thật là ngộ, qua làn kính em thấy anh gần như có vẻ đau khổ. Còn em thì không, không! Anh biết đấy, thế là hết, và em cóc cần!

- Thời gian đang trôi qua, hãy cho tôi một câu trả lời gấp. Nếu cô không biết, hãy cứ nói đại một con số, biết đâu lại trúng! Bằng một giọng nói gần như giận dữ, tôi đáp: “Khoảng cách đua cho Giải Thưởng Lớn thành Paris là 10 cây số”; qua ống nghe, tiếng cười rộ của các khán thính giả tràn vào đầy tai tôi.

- Cô có nghĩ rằng với khoảng cách xa như vậy thì các con ngựa thuần chủng sẽ kiệt sức chết rất nhanh không? Câu trả lời đúng như sau: Khoảng cách trong cuộc đua cho Giải Thưởng Lớn thành Paris là 3 cây số. Cô thấy không…

Bỗng nhiên tai tôi ù đi và không nghe thấy gì nữa. Một chuyện khó tưởng tượng là thật vừa xảy ra. Phillipe bỗng đứng bật dậy, và chàng đang xô đẩy mọi người để đi ra. Chàng đi đầu cúi gầm xuống đất; chàng đã ra tới con đường chính giữa; chàng đang bước về phía cửa ra. Tôi còn kịp nhìn thấy chàng phía sau lưng, chàng đang đưa hai tay bẻ cổ áo có bành tô lên, rồi chàng biến dạng trong khoảng tối ở cuối rạp. Tại sao? Tại sao?

Và, trong lúc bà Quelennec đang cuống cuồng tìm câu trả lời, thì ba giọt lệ mà tôi không cách nào ngăn cản đang rơi xuống làm mặn môi tôi, còn khán giả thương xót tôi thì chắc đang nghĩ: “Con nhỏ khóc là đúng, bốn triệu quan đâu phải ít của”, thì câu trả lời cho câu hỏi tại sao bỗng lóa sáng trong tôi. Trong đầu tôi những chi tiết nhỏ lần lượt tái xuất hiện: Phillipe ngày đầu tiên đã không muốn tôi dự thi tiếp; bữa đó chàng thành thực. Nhưng rồi khi tôi được thưởng nhiều tiền hơn, chàng im lặng không nói gì cả. Và khi tôi được thưởng tới hai triệu quan, chàng thúc đẩy tôi tiến tới: tôi đã trở nên hấp dẫn!

Vâng, vâng, đúng là như vậy, chắc chắn là như vậy, tôi còn nhớ buổi chiều gặp gỡ đầu tiên chính tôi đã phải trả tiền nước; mười lăm ngày sau chàng mời tôi dự một bữa ăn tuyệt vời. Hôm đó chàng cũng quan tâm đến các quan hệ bạn bè của tôi, rồi lại dò hỏi lòng tôi nữa. Tôi thật quá ngu ngốc khi cho chàng biết sự thật là tôi cô đơn, chẳng có bạn bè gì. Và sau cùng để đánh lạc hướng, chàng đã cho tôi hay trong taxi là chàng chẳng quan trọng việc tiền tài. Nhưng dĩ nhiên, tôi không được bốn triệu quan, vậy là chàng bỏ đi! Dù sao chàng cũng là người khá chân thật, tôi không còn hấp dẫn chàng nữa thì chàng biến mất, không một lời từ biệt, không một câu vờ vịt. Đầu óc tôi vẫn sáng suốt, nhưng thực lòng tôi ước mong là mình đang nhầm; con tim tôi cố gắng phản kháng và làm tay tôi phát run lên.

- Cô có nghe thấy tôi nói không cô Dutheil? Xin mời cô rời phòng kiếng và ra gặp tôi trước sân khấu. Cuộc thi đã kết thúc.

Bà Quelennec đã ra đứng cạnh người điều khiển chương trình, bà đang cố làm duyên bằng cách lấy tay gạt một lọn tóc rớt ra ngoài dải khăn buộc đầu. Bà tuyên bố với công chúng: “Ở trong phòng kiếng nóng muốn chết!”; câu nói của bà làm nhiều khán giả cười. Người điều khiển chương trình ra đón tôi và quang tay một cánh hơi quá thân mật lên vai tôi, ông nói:

- Cô bạn thân mến, tôi có một tin xấu phải cho cô hay: bà Quelennec đã đáp trúng cả bốn câu hỏi mà sự tình cờ đã bắt tôi đặt ra chiều nay. Luật chơi khắc nghiệt (lại khắc nghiệt!) buộc tôi phải cho cô biết là không những cô không được số tiền bốn triệu quan mà cô mong muốn, mà cô còn bị mất tất cả, kể cả số hai triệu quan mà cô đã có trước buổi thi vừa kết thúc…

Vào lúc đó các khán giả ồ lên một tiếng lớn, có lẽ để tỏ nỗi thất vọng, mà cũng có thể để bày tỏ cảm tình.

- Tôi cũng rất buồn lòng vì thấy cô quá xúc động (đâu phải! tôi khóc vì Phillipe mà) nhưng, với một thiếu nữ trẻ còn cả một cuộc đời ở trước mặt như cô, cô đã tỏ ra có những hiểu biết tuyệt đối khác thường. Xin cô cho phép tôi được bắt tay từ biệt trong lúc các bạn khán thính giả của chúng ta dành cho cô những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất.

Tôi lấy lại cái áo măng tô Tô-Cách-Lan cũ mà tôi để trên một cái ghế đẩu sau bức màn. Chỗ hậu trường này rất tối; sân nhà chằng chịt những sợi dây cáp đan xéo nhau. Hai người thợ mặc áo choàng trắng đứng dựa vào một mảng phông nhún vai khi thấy tôi đi qua và thốt lên vài lời xuýt soa như muốn chia buồn. Và đây là chiếc cầu thang sắt đưa xuống lối ra của các nghệ sĩ và mở thẳng ra đường phố. Những bước trên thang gây nên những tiếng vang ròn rã như đánh nhịp cho nỗi thất vọng trong tôi… Phillipe… bốn triệu… Phillipe… bốn triệu…

Nhưng rồi, bất thình lình, Phillipe hiện ra trước mắt tôi; chàng đứng ở chân cầu thang, tay trái đặt trên tay vịn của thang, tay mặt dang ra ngăn tôi lại. Tôi kêu lên vì ngạc nhiên. Nơi tay chàng có một mảng giấy trắng, thứ giấy các bạn biết dùng để bọc bó hoa, thứ giấy thường gây ra một tiếng động dễ thương khi người ta vò nó.

- Anh mang lại vài cánh hoa để an ủi em, chàng nói. Chuyện hơi khó chịu phải không em? Khi anh thấy mọi việc không ổn, anh nghĩ phải có cái gì để làm dịu bớt nỗi thất vọng. Đó là mấy bông cẩm chướng… bà bán hoa xui anh mua đấy!

Và chàng nói thêm:

- Ôi, mà em khóc hả? À! dĩ nhiên bốn triệu quan là cả một đống tiền; ta có thể làm được biết bao nhiêu chuyện. Anh hiểu em lắm.

Chàng hiểu lắm! Những người đàn ông sẽ còn làm đàn bà chúng tôi ngạc nhiên dài dài! Nhưng bây giờ tôi cần phải bảo chàng:

- Không phải em khóc vì bốn triệu quan, ôi Phillipe. Em…

Chàng để một ngón tay lên môi ngăn không cho tôi nói tiếp… Đàng sau đôi mắt kính, cái nhìn của chàng bỗng trở nên âu yếm lạ thường…

Trên con phố vắng, một cơn gió lớn bỗng quấn lấy chúng tôi. Tại sao tự nhiên tôi bỗng muốn phá lên cười? Phải chăng vì mớ tóc của Phillipe lại rối bù lên? Phải chăng vì chàng nắm lấy tay tôi, hay phải chăng vì tôi đã lo sợ vu vơ như đứa trẻ ở trong bóng tối đã hoang tưởng rằng ngoài kia ánh sáng chẳng còn chan hòa nữa?

Vũ Anh Tuấn dịch một truyện của Olivier RENAUDIN

Một trong những kỷ niệm khó quên của nhà sưu tập là cứu được cuốn sách mà ông ta chưa bao giờ nghĩ tới bởi vì ông ta thấy nó lẻ loi, không ai quan tâm trong thị trường sách. Ông ta mua nó để trả tự do cho nó – giống như một hoàng tử mua một nữ nô lệ xinh đẹp và trả tự do cho cô ta. Đối với nhà sưu tập, tất cả các cuốn sách được hoàn toàn tự do một khi đã nằm trên kệ sách.

WALTER BENJAMIN

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế