Hiện có 17 người xem / 2518397 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

CUỘC ĐI THĂM NHÀ LƯU NIỆM
CỤ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY
VÀO SÁNG THỨ BẢY 19-7-2008

Sáng ngày thứ bảy 19-7-08, vào lúc 7 giờ 30 phút, một số các thành viên của CLB Sách Xưa và Nay như: Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Bác Sĩ Nguyễn Lân Đính, Tác giả Bùi Đẹp, nhà Thơ nữ Ngàn Phương, nhà Nghiên Cứu Phật Giáo Tâm Nguyện, nhà giáo Từ Nguyên, Kỹ sư Hoàng Minh vv… đã tụ tập lại ở Thánh Đường Tân Sa Châu để cùng nhau dùng taxi đi thăm nhà Lưu Niệm Cụ Á Nam ở Bình Triệu.

Vào ngày hôm trước, Bà Lan Hinh, ái nữ của cụ Á Nam đã hỏi dịch giả Vũ Anh Tuấn là số thành viên sẽ tới viếng thăm sẽ là khoảng độ bao nhiêu người, và đã được trả lời là khoảng 10 thành viên. Nào ngờ vào lúc 9 giờ sáng khi tới nơi, các thành viên đi bằng xe taxi mới thấy là ở Nhà Lưu Niệm đã có khoảng 10 thành viên khác dùng phương tiện riêng để đi tới trước.

Nhà Lưu Niệm tọa lạc trong một khu vườn ở trên một miếng đất khoảng 2000 mét vuông gồm một cái nhà bát giác (nơi các thành viên CLB được ái nữ cụ Á Nam tiếp đón), một nhà lục giác và nơi để bàn thờ thì gồm ba gian. Ngoài ra mộ của Cụ là một tòa tháp ba tầng ở ngay đằng trước căn nhà bát giác và ở ngay phía bên trái cách cửa ra vào độ 50, 60 thước. Ngoài ra trên khu vườn còn có một căn nhà 2 tầng xây bằng gạch rất đẹp, là nơi nữ chủ nhân cư ngụ.

Sau ít phút giao lưu với nữ chủ nhân, các thành viên được mời đến thắp hương trước bàn thờ của Cụ, trước một di ảnh của Cụ ngồi và mặc quốc phục rất đẹp.

Dịch giả Vũ Anh Tuấn, thay mặt CLB có trao tặng cho nữ chủ nhân một vài tài liệu về Cụ Á Nam, và bà Lan Hinh, ái nữ của Cụ cũng trao tặng lại CLB một vài tác phẩm bằng thơ mà chính bà là tác giả. Đây là những cuốn thơ chủ yếu muốn nhắc nhở các trẻ em cần phải thật ngoan ngoãn, chăm học và hiếu thảo. Anh Phạm Thế Cường, một thành viên của CLB và là chủ nhân một thư viện nhỏ cho thiếu nhi ở nơi Phường anh cư ngụ đã rất sung sướng nhận được các tác phẩm đó, vì các tác phẩm đó quá thích hợp với thư viện cho Thiếu Nhi của anh.

Sau gần một tiếng đồng hồ giao lưu và được mời ăn bánh, uống trà, các thành viên CLB đã cùng với nữ chủ nhân chụp một bức hình lưu niệm nơi Tháp Ba Tầng và cuộc viếng thăm đã kết thúc vào lúc 11 giờ cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN SÁCH NHAN ĐỀ LÀ “L’INDO-CHINE”  CỦA HỘI XÃ THÁNH AUGUSTINO IN NĂM 1898

Cuốn sách loại “Cụ” 110 tuổi này đến với tôi từ khi chợ sách cũ còn ở chỗ gọi là Hẻm Cá Hấp, tức là khoảng 7, 8 năm sau ngày Giải Phóng. Tôi rất thích vì nó “có họ hàng” với loại Sách Phần Thưởng, tức là loại sách khổ lớn hơn thường, bìa cứng, bên trong có nhiều minh họa.

Cuốn sách này hơi đặc biệt ở chỗ nó không đề tên tác giả hoặc nhóm tác giả mà chỉ đề là “Hội xã Thánh Augustino”, do đó ta có thể xác định ngay là sách này do “nhà đạo” làm ra.

Tựa đề L’Indo-Chine (xin lưu ý là Indo-Chine viết rời và có gạch nối, chữ Chine viết hoa) có nghĩa là Đông Dương, do đó sách nói về toàn vùng Đông Dương gồm có Bán Đảo Mã Lai, nước Xiêm, nước Miến Điện, nước Cao Miên (Campuchia) và nước ta lúc đó được gọi là Cochinchine Annamite và Tong-king.

Cuốn sách này khổ 16cm x 24cm, có bìa cứng ở trên bìa trước và sau là 2 minh họa cực đẹp, và sách dày 120 trang. Sách chia làm 9 chương.

Chương 1 - Từ trang 7 - 10 là lời nói đầu. Từ trang 11 - 18 nói về Bán Đảo Mã Lai (Chương này không có gì đáng chú ý lắm ngoài việc Thánh Francois Xavier tới Malacca ngày 25 tháng 9, năm 1545).

Chuơng 2 - Từ trang 19 - 35 nói về nước Xiêm (Thái Lan) (Chương này cũng không có gì đặc biệt ngoại trừ vài đoạn nói về một số phong tục lạ của người Xiêm, đồng thời có vài dòng nói về nước Lào và cái chết của Mouhot, một nhà khoa học người Pháp).

Chương 3 - Từ trang 36 - 47 nói về nước Miến Điện (Chương này ngoài vài chi tiết mô tả nước Miến Điện chỉ nói toàn về công việc truyền giáo của các Giám Mục Bigandet và Bourdon).

Chương 4 - Từ trang 48 - 58 nói về nước Miên (Campuchia) (Chương này chủ yếu cũng chỉ nói về việc truyền giáo nhưng có nói phớt qua về nghệ thuật Miên, về một số phong tục lạ và về đền Angkor).

Chương 5 - Từ trang 50 - 69 nói về các thánh tử đạo ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ (Cochinchine et Tong-king). Chương này khá hay vì nói về việc Cấm Đạo bắt đầu từ năm 1833. (Chương này có nhiều chi tiết đáng chú ý vì thực ra việc cấm đạo không có nhiều tài liệu).

Chương 6 - Từ trang 70 - 79 nói về Nam Kỳ thuộc Pháp. (Chương này chủ yếu nói về việc làm của các nhà truyền giáo ở ba tỉnh Vĩnh Long, Mỹ Tho và Sài Gòn, nhưng có một vài chi tiết lý thú về việc xây Lăng Cha Cả).

Chương 7 - Từ trang 80 - 95 nói về Nam Kỳ của người Annam (Cochinchine Annamite). Chương này chủ yếu nói về miền Trung vào lúc đó và có nói về một vài cuộc Cấm Đạo cuối cùng, có vài chi tiết về Đà Nẵng (lúc đó gọi là Tourane), về Ngũ Hành Sơn và về Tòa Giám Mục Huế. Tuy không có gì đặc biệt lắm nhưng cũng là một ít tư liệu.

Chương 8 - Từ trang 96 - 107 nói về Bắc Kỳ. Chương này nói một chút về địa dư, về Bùi Chu, về Hà Nội, về cơ chế chính trị, phong tục, ngôn ngữ và văn minh, khá hấp dẫn nhưng không có gì đi vào chi tiết.

Chương 9 - Từ trang 108 - 117 nói về sự can thiệp của Pháp vào Bắc Kỳ và có đưa ra 5 lý lẽ mà Đức Cha Bá Đa Lộc đã đưa ra để thuyết phục Lộ Y thứ XVI cứu viện và bảo hộ Bắc Kỳ.

Đây là một cuốn sách tuy không có tính nghiên cứu ghê gớm gì nhưng cũng cho các nhà nghiên cứu được một vài chi tiết lý thú, và sách này đặc biệt quý ở chỗ nó chứa đựng những minh họa bằng bút sắt được vẽ năm 1898 rất là đẹp. Xin chia sẻ với các bạn và xin mời các bạn xem mấy hình minh họa trong sách.

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, Chương VI

Vũ Anh Tuấn

TỨ Y

Mục đích của Đạo Phật được ghi rõ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, muốn cho con người được Thoát Khổ: “TA THẤY CÁC CHÚNG SANH BỊ NHỮNG SỰ SANH, GIÀ, BỊNH, CHẾT, LO BUỒN KHỔ NÃO NÓ ĐỐT CHÁY, CŨNG VÌ NĂM MÓN DỤC, TÀI LỢI MÀ BỊ CÁC ĐIỀU THỐNG KHỔ. LẠI VÌ THAM MÊ ĐEO ĐUỔI TÌM CẦU NÊN HIỆN ĐỜI THỌ CÁC ĐIỀU KHỔ, ĐỜI SAU THỌ KHỔ ĐỊA NGỤC, SÚC SANH, NGẠ QUỈ. NẾU SANH LÊN TRỜI VÀ Ở TRONG LOÀI NGƯỜI THỜI NGHÈO CÙNG KHỐN KHỔ, BỊ KHỔ VỀ NGƯỜI YÊU THƯỜNG XA LÌA, KẺ OÁN GHÉT LẠI GẶP GỠ. CÁC MÓN KHỔ NHƯ THẾ MÀ CHÚNG SANH CHÌM TRONG ĐÓ VUI VẺ DẠO CHƠI, CHẲNG HAY CHẲNG BIẾT, CHẲNG KINH CHẲNG SỢ, CŨNG CHẲNG SANH LÒNG NHÀM, KHÔNG CẦU GIẢI THOÁT, Ở TRONG NHÀ LỬA TAM GIỚI NÀY ĐÔNG TÂY RẢO CHẠY, DẦU BỊ KHỔ NHIỀU VẪN CHẲNG LẤY LÀM LO” (tr. 117)

Thật vậy, từ lúc chào đời cho đến khi trưởng thành con người chỉ biết cái Thân này là MÌNH, rồi vui, buồn, sướng, khổ với nó, thấy là MÌNH ĐANG SỐNG. Đến khi cái Thân hết Nghiệp thì thấy là MÌNH CHẾT!. Nếu không có sự khám phá của Đức Thích Ca thì chúng ta không thể nào biết rằng cái MÌNH THẬT SỰ thật ra không phải là cái Thân Tứ Đại giả hợp này.Vì vậy, theo Ngài, nếu người nào chịu khó nương sự hướng dẫn của Đạo Phật để tìm được CÁI MÌNH THẬT, thì cuộc sống sẽ được an ổn, không còn phải đau khổ, phiền não với những gì đến với cái THÂN giả tạm này nữa.

Thế nhưng, tự con người không thể nào đủ sáng suốt để thoát khỏi sự ràng buộc với cái Thân Tứ Đại vốn đã theo nhau từ vô lượng kiếp… Vì thế, Phật phải dùng phương tiện, như người cha thấy các con đang đắm đuối trong cái nhà mục rã, từng giờ đang đi vào hư hoại, trong đó Lửa Tham, Sân, Si đang cháy bùng, nhưng chúng nó vẫn không hay biết, không muốn thoát ra! Biết tính các con ham những đồ chơi đẹp, lạ, người cha phải hứa hẹn cho chúng nó những món nó yêu thích để dụ nó tranh nhau chạy ra, vì nó chỉ bỏ cái nó đang ưa thích khi thấy sẽ có cái khác tốt đẹp hơn. Đó chính là lý do vì sao Kinh ca ngợi Phương Tiện, và đó cũng là lý do để Phật dặn dò: Khi nghe pháp (VĂN), cần phải suy nghĩ cho kỹ (TƯ) rồi mới thực hành (TU), gọi là VĂN-TƯ-TU. Như e rằng người tu chưa nắm rõ, trước lúc nhập diệt, thêm một lần nữa, Đức Phật dặn dò phải theo TỨ Y tức: Y TRÍ BẤT Y THỨC. Y PHÁP BẤT Y NHÂN. Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Y KINH LIỂU NGHĨA BẤT Y KINH VỊ LIỂU NGHĨA. Ngay cái Y đầu tiên là: Y TRÍ BẤT Y THỨC”, nếu không chịu phân tích, tìm hiểu người tu Phật sẽ lúng túng, không biết sẽ làm gì? Nếu chưa phân biệt được thế nào là TRÍ, thế nào là THỨC thì biết sẽ Y vào cái nào? cái nào phải tránh? Vì chỉ cần lệch lạc, Y theo THỨC mà hành trì thì chắc chắn mọi công phu sẽ trở thành vô ích, càng hành trì tinh tấn thì càng xa rời Phật Đạo, có khi kết quả còn trái ngược lại. Vì thế, người tu cần phải phân biệt rõ ràng trước khi dấn thân vào hành trì.

TRÍ và THỨC đều là CÁI BIẾT. Vì vậy, chúng ta phải nương theo Giải thích của Đạo Phật thì mới có thể làm rõ hai thứ được.

Nhìn từ cuộc sống, ta thấy có hai cái Biết. Một cái do bẩm sinh, là Biết đói, Biết khát, Biết ăn, Biết Ngủ, Biết đau, Biết cảm giác, Biết vui, Biết buồn, Biết giận, hờn, thương, ghét… Đó là những Cái Biết tự nhiên vốn có của các loài BIẾT SỐNG. Một Cái Biết khác, tiến triển theo cái Học của con người: Biết chữ nghĩa, Biết tính toán, Biết kỹ thuật, ngành nghề, càng khai mở thì càng BIẾT Đó là những Cái BIẾT thuộc về lãnh vực của đời, thuộc về cái THÂN, quanh quẩn để phục vụ cho nó, sống và chết theo nó. Những Cái Biết này Đạo Phật gọi là THỨC.

Khi bắt đầu thắc mắc, tìm tòi về Đạo Phật, người tu đã bắt đầu khai mở CÁI BIẾT mới. CÁI BIẾT này có nhiệm vụ hướng dẫn người tu Phật đang ở trong hoàn cảnh bị buộc ràng, khống chế bởi Sinh Tử, Khổ Đau, BIẾT tìm con đường để GIẢI THOÁT theo trình tự: KHAI, THỊ, NGỘ, NHẬP để tiến đến đích cuối cùng là QUA BỜ GIẢI THOÁT hay còn gọi là BỜ BÊN KIA. Kinh Phật gọi là BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA tức là TRÍ HUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. CÁI BIẾT đó gọi là CÁI TRÍ.

Nếu con người sống với CÁI THỨC, thì dù có cao đến mức cuối cùng của học vấn, có chế tạo được vệ tinh, chinh phục được các thiên hà xa xôi thì Đạo Phật vẫn cho đó là CÁI THỨC, vì không thể đưa người có nó hiểu và đạt đến cứu cánh của Đạo Phật. Ngược lại, một người dù học vấn thế gian không cao, không có những kiến thức của đời, nhưng nếu có sự hiểu BIẾT để tự hướng dẫn mình đi tìm và đạt đến tình trạng Tự Độ, tự Giải thoát thì Đạo Phật gọi đó là NGƯỜI TRÍ.

Cũng không phải Đạo Phật cho rằng TRÍ cao hơn THỨC, mà chỉ muốn phân biệt cách Hiểu, cách Hành của hai CÁI BIẾT mà thôi. Mỗi cái có hướng đi khác nhau, và có giá trị riêng của nó. Nếu vận dụng tốt thì đều có ích lợi cho cuộc sống. Nếu người đã có TRÍ THỨC thế gian, cộng thêm TRÍ HUỆ thì càng sáng suốt, lợi mình, lợi người hơn.

Mục đích của TRÍ HUỆ được mô tả trong Kinh BÁT NHÃ: “QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT HÀNH THÂM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA THỜI CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG ĐỘ NHẤT THIẾT KHỔ ÁCH”. Theo lời Kinh, Bồ Tát hành thâm sâu vào TRÍ HUỆ ĐỂ QUA BỜ BÊN KIA, đó là “CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG”.

Đó cũng là lời Giải thích để chúng ta thấy sự phân biệt rõ ràng giữa TRÍ và THỨC. Trong khi phàm phu bám lấy NGŨ UẨN để rồi cả đời sống khổ và chết với nó, gọi là “Bờ Bên này”, thì Đạo Phật cho rằng người nào SOI, THẤY (CHIẾU KIẾN) Ngũ Uẩn là KHÔNG thì sẽ không còn khổ ách nữa, gọi là “qua bờ bên kia”. Tất nhiên, không thể chỉ SOI, chỉ THẤY Ngũ Uẩn là KHÔNG mà đã hết KHỔ, vì đó chỉ là HÀNH THÂM về mặt LÝ để củng cố cái LÝ. Sau đó người tu còn phải áp dụng cái LÝ đó vào cuộc đời gọi là SỰ mà Tổ Đạt Ma gọi là LÝ SỰ VIÊN DUNG thì mới đạt được mục đích Giải Thoát mà Đạo Phật đề ra.

Cái cần Y thứ nhì là Y PHÁP BẤT Y NHÂN.

Ai cũng biết cuộc đời tu hành của Đức Phật có những buớc đươc thể hiện bằng hình tướng rõ rệt: XUẤT GIA, CẠO TÓC, ĐẮP Y, NGỒI THIỀN, THUYẾT PHÁP. Chính vì vậy, những người tu Phật về sau đều rập khuôn theo những cách thức nói trên. Nhưng có một giai đoạn không có hình tướng mà lại quan trọng nhất thì nhiều người lại bỏ quên hay không lưu ý. Đó là sự ĐẮC PHÁP. Lịch sử của Đức Thich Ca có ghi lại rõ ràng: Sau Sáu năm theo sáu vị thầy học hết tuyệt kỷ của họ nhưng vẫn chưa tìm được điều Ngài muốn biết: Là cách thức để Thoát được Sinh Tử Luân Hồi. Sau một thời gian dài hành khổ hạnh đến nỗi thân xác suy kiệt, cuối cùng Ngài thấy rằng: “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuổi”, nên đã nhận bát cháo sữa do cô gái chăn bò cúng dường và trải tòa cỏ ngồi Thiền Định ngồi cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện: “Chỉ đứng dậy khi nào tìm ra được thủ phạm làm ra ngôi nhà Sinh Tử”. Đến rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài Đắc Đạo - tức là gặp được, hay là Tìm được Con Đường Giải Thoát. Con đường này sau này được gọi là ĐẠO PHẬT. Thế rồi cả cuộc đời còn lại của Ngài dành để giảng Giải cho các đệ tử để người hiểu và chấp nhận làm theo sẽ được thành tựu như Ngài gọi là THUYẾT PHÁP.

Sự ĐẮC PHÁP hay còn gọi là THẤY TÁNH được ghi lại trong Kinh Đại Bát Niết Bàn. Về sau được Tổ Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng giảng rõ lại trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT và PHÁP BẢO ĐÀN KINH. 33 vị TỔ nối nhau để truyền bá Đạo Phật cũng đều phải qua sự chứng đắc này mới được truyền Y BÁT.

PHÁP của Đức Thích Ca ĐẮC là PHÁP GIẢI THOÁT. tức là từ một chúng sinh mê lầm, tự Ngài khám phá ra một qui trình trọn vẹn để THOÁT KHỔ, THOÁT PHIỀN NÃO. Sau đó Ngài đã hoàn tất, đã thành tựu công việc này gọi là THÀNH PHẬT. Vì vậy, nếu người tu nào rập khuôn theo những hình thức XUẤT GIA, CẠO TÓC, ĐẮP Y, NGỒI THIỀN, như Đức Thích Ca, nhưng không ĐẮC PHÁP, thì rõ ràng chỉ mới Y NHÂN không phải Y PHÁP.

Những người chưa Đắc Pháp thì làm sao có Pháp để giảng nói? vì chỉ học những bài của Phật đã giảng, rồi mang ra truyền bá, tưởng đó là Thuyết Pháp! Đôi khi vì chưa rõ nghĩa nên diễn giải sai lạc lại thở thành chồng mê cho người! Việc những người chưa Đắc Pháp mà đi giảng pháp được Tổ Đạt Ma dạy: “Nếu tự mình sáng tỏ được thì chẳng cần học, khác với kẻ mê, trắng đen không rõ lại còn lếu láo tuyên lời Phật dạy, báng Phật, chê Pháp. Các vị ấy nói pháp như mưa: quả đó là ma nói, chẳng phải Phật nói. Thầy là vua ma, học trò là dân ma” (Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất tr. 116)

Y NGHĨA BẤT Y NGỮ.

NGỮ là ngôn từ để truyền tải cái NGHĨA. NGHĨA là những gì NGỮ muốn diễn tả, do đó, nếu không nắm được NGHĨA thì rõ ràng là ta chỉ theo NGỮ. Tu Phật là SỬA để được Giải Thoát hay để Thành Phật. Người không thể hiểu được cái NGHĨA của việc tu hành để thực hành cho đúng, thì đó là Y NHÂN và cũng là Y NGỮ vậy.

Y KINH LIỄU NGHĨA BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA, có nghĩa là người tu chỉ nên Y theo Kinh điển mà tu hành khi đã nắm rõ được NGHĨA, không nên Y Kinh khi chưa rõ nghĩa. Không thể có KINH nào có nghĩa liễu sẵn, mà mỗi người phải tự tìm hiểu, thực hành từng bước để làm sáng tỏ thêm.

Kinh Phật không giống như tiểu thuyết hay một câu truyện dài chỉ cần đọc qua, nắm được nội dung là xong. Kinh không phải là một thứ triết lý để người đọc nghiên cứu, mà cũng không phải để dành tụng niệm, mà là một tài liệu để hướng dẫn từng bước hiểu, hành trên con đường tu tập. Do đó, người chỉ nghiên cứu, suy đoán, suy lường, không thể hiểu được. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa viết:

Giả sử đầy thế gian, Đều như Xá Lợi Phất,
Cùng suy chung so lường,
Chẳng lường được Phật trí”

Việc Y KINH khi chưa rõ nghĩa đưa đến kết quả trái ngược hẳn với Đạo mà ta có thể thấy rất rõ trên thực tế: Trong khi Đạo Phật chân chính dạy người tu phải XẢ cái Tâm Ba Độc để được Giải Thoát bằng GIỚI, ĐỊNH, HUỆ. Dạy người tu phải hành Lục Độ tức Bố Thí, Trì Giới, Tinh tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định, Trí Tuệ. Dạy đốt Ngũ Hương tức Hương Giới, Hương Định, Hương Huệ, Hương Giải Thoát, Hương Giải Thoát Tri kiến để cúng Phật của mình. Phật đó được Đúc, tạc bằng cách nương theo những Hạnh được gọi là TƯỚNG TỐT của Phật rồi mình tự làm theo để mỗi người cũng có TƯỢNG PHẬT của chính mình, ở nơi Tâm của mỗi một.

Kinh viết: PHẬT QUỐC của mỗi người được hình thành bằng sự tích lũy BẢY BÁU, tức là XẢ bảy thứ chấp nhất đã ôm giữ từ vô lượng đời. Do ôm giữ như người giữ Báu Vật, nên Phật gọi đó là của báu, nhưng đó chỉ là những cái chấp nơi Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp… mọi người cần thực hiện để tự hoàn thành công việc Giải Thoát cho chính mình, bởI chính những món đó làm cho tâm ta bất an, làm cho cuộc đời ta phải phiền não từ bao nhiêu kiếp. XẢ chúng đi thì sẽ được cái TÂM THANH TỊNH, an ổn, gọi là hoàn thành Phật Quốc… Nhưng do Y NGỮ nên mọi người lại cứ mang đồng, vàng, gỗ, xi măng, để đúc, tạc, tượng hữu tướng bên ngoài cho to, cho đẹp, rồi đốt hương làm bằng bột gỗ để cúng và cứ cầu xin được về NƯỚC của các Phật khác, không biết tự tâm mình cũng có Nước Phật, chỉ cần thực hiện theo các Hạnh mà Đạo Phật hướng dẫn để hoàn thành!

GIA mà Đạo Phật dạy người tu cần XUẤT là NHÀ SINH TỬ, KHỔ ĐAU. THẾ GIAN mà người tu cần rời bỏ đó là CÁI TÂM chứa đầy BA ĐỘC, đầy cạnh tranh Danh, Lợi, Tình, cao, thấp, hơn thua, đố kỵ… Người tu cần XẢ bỏ chúng - hay gọi cách khác là ĐỘ SINH - để cái Tâm trở lại với tình trạng thanh tịnh từ vô thỉ gọi là hoàn thành Phật Quốc. Vì vậy, nếu ta chỉ y theo NGỮ mà làm, chỉ thay cảnh, đổi tướng, mà giữ y nguyên cái TÂM PHÀM thì không thể gọi là XUẤT THẾ GIAN!. Đó chính là Y KINH KHÔNG LIỄU NGHĨA vậy.

Con đường tu hành là phải đưa đến mục đích THOÁT KHỔ như Đạo Phật đã đề ra. Cái THOÁT KHỔ này phải như Hoa Sen: Sống trong bùn mà không ô nhiễm. Người tu Phật là để vẫn sống giữa phiền não mà thoát được phiền não. Có như vậy thì mới thấy hết giá trị của Đạo Phật. Không phải trốn đi chỗ khác, đóng khung, tránh né cuộc đời, không hoàn thành trách nhiệm của một con người đối với xã hội, với cuộc đời mà cho là Thoát thế gian! Bởi nơi cần tu sửa chính là CÁI TÂM, không phải là hình tướng bên ngoài. Hơn nữa, con đường tu hành chỉ là để TỰ ĐỘ, ai tu nấy đắc, dù có chứng đắc, thành Phật cũng không thể độ được cho người khác. Đã không thể độ được cho người khác thì việc hưởng dụng của bá tánh có lẽ cũng cần nên xem lại, vì Nhân Quả không mất. Như vậy phải chăng nếu ta chỉ lấy việc giảng pháp cho là để trả nợ cho thí chủ, trong khi pháp ta chưa có thì làm sao cân xứng? Cho nên từ NGỮ đến NGHĨA cách nhau rất xa, người có tư duy kỹ ắt không dám xem thường.

Tóm lại Trong TỨ Y thì quan trọng nhất là Y TRÍ, vì có TRÍ mới có thể phân biệt đâu là PHÁP, đâu là NHÂN, đâu là NGỮ, đâu là NGHĨA. Qua lời dặn dò VĂN-TƯ-TU và TỨ Y, ta thấy: Nếu người tu nào chưa thể hiểu và thực hiện đúng lời Phật dạy trong Kinh để mang lại kết quả như lời Thọ Ký: “CHÚNG SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH” thì rõ ràng không thể gọi là Y PHÁP được. Cũng do không phân biệt được cái TRÍ để dùng tất nhiên sẽ Y THỨC, mà đã Y THỨC thì rất dễ nhầm lẫn giữa giữa phương tiện và cúu cánh. Cứ “Y KINH GIẢI NGHĨA”, không biết đó là Y NGỮ, làm cho ‘TAM THẾ PHẬT OAN” thì càng giảng nói, càng gây tội, nghiệp chất chồng mà không hay vậy.

Tâm-Nguyện (6/2008)

Cuộc đối đáp bất hủ
giữa Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường

Tại cuộc họp của CLB Sách xưa và nay vài vị thành viên có đề cập đến cuộc đối đáp tuyệt vời giữa hai ông Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường, tôi muốn nhân cơ hội này sưu tập một số sử liệu để làm thành một tài liệu gọn nhẹ cho Bản Tin của Câu Lạc Bộ.

Thật ra nhiều người cũng đã biết về hai câu đối của hai nhân vật lỗi lạc này. Tôi dùng chữ “hai nhân vật lỗi lạc” lý do là vì cả hai ông đều… lỗi lạc, tài trí siêu quần. Về võ nghệ, văn chương thi phú thì kẻ tám lạng người nửa cân. Tuy nhiên qua giai thoại của hai ông thì đa số đều có khuynh hướng cho Ông Ngô Thì Nhậm ở “bên trọng” còn ông Đặng Trần Thường thì ở “bên khinh”. Có nhà nghiên cứu cho trận đòn thù tại Văn Miếu năm 1803 là tàn nhẫn và bỉ ổi, hoặc cho Đặng Trần Thường là “tiểu nhân”. Ít ai để ý đến việc sĩ phu đương thời cũng có chê trách Ngô Thì Nhậm đã ít nghĩ đến vua Lê mà chỉ hết lòng với chúa Trịnh, sau lại bỏ cả Lê, Trịnh mà theo Tây Sơn như thế là bất trung. Người ta lên án ông đã đứng về phía Đặng Thị Huệ mà tố cáo âm mưu của bè lũ Trịnh Tông. Người ta còn phủ nhận những cống hiến vĩ đại của Ngô Thì Nhậm đối với tổ quốc, với nhân dân; coi đó chỉ những hành động xu thời.

Dư luận là như vậy đấy, nhưng chúng ta là những hậu bối xa lắc xa lơ đều cũng phải tâm phục khẩu phục khẩu khí tuyệt vời của hai đại tiền bối này. Vậy thì câu chuyện giữa hai ông Ngô Thì Nhậm và ông Đặng Trần Thường như thế nào?

Trước hết là nhân vật thứ nhất, Ngô Thì Nhậm:

Ngô Thì Nhậm là con Ngô Thì Sĩ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Ông thi đỗ giải nguyên năm 1768, rồi tiến sĩ năm 1775. Sau khi đỗ đạt làm quan dưới triều Lê - Trịnh, được chúa Trịnh Sâm rất quý phục. Vụ án năm Canh Tý (1780) nổ ra, ông không can dự gì nhưng cũng phải bỏ trốn về Thái Bình lánh nạn. Khi biết Nguyễn Huệ nổi dậy khởi nghĩa, đánh đâu được đấy, đi đến đâu cũng cứu giúp dân nghèo, Ngô Thì Nhậm đã có ý muốn theo phò Nguyễn Huệ. Năm 1787, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ông đã thực hiện được mong muốn này. Nguyễn Huệ phong ông làm Tả thị lang Bộ Lại.

Cuối năm Mậu Thân (1788) do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt , với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn ( Ninh Bình ) góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn .

Năm 1790 , vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư . Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa .

Không chỉ là một danh sĩ, thành viên của Ngô gia văn phái mà Ngô Thì Nhậm còn là người văn võ song toàn, giỏi về chính trị, ngoại giao, quân sự. Tài ngoại giao của ông đã góp phần quyết định, ngăn chặn ý đồ gây chiến phục thù của nhà Thanh sau trận Đống Đa 1789.

Sau khi Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học.

Khi Nguyễn Ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn, tiến hành cuộc trả thù man rợ. Nhiều võ tướng triều Tây Sơn như Trần Quang Diệu , Bùi Thị Xuân ... bị hành hình. Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích , Nguyễn Thế Lịch và một số viên quan triều Tây Sơn thì bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803. Ngô Thì Nhậm sau trận đánh đòn, về nhà thì chết.

Vì sao Ông còn được gọi là Ngô Thời Nhiệm? Ấy là vì thế này: Đến đời ông vua thứ tư của triều Nguyễn là Tự Đức trở về sau người ta gọi Ông là Ngô Thời Nhiệm chẳng qua sợ phạm húy, đó là vì vua Tự Đức có cái tên cúng cơm là Nguyễn Phúc Thì và tên hiệu là Hồng Nhậm, kế tiếp vua cha là Miên Tông, tức vua Thiệu Trị, theo Đế hệ thi (Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh…). Ngày xưa phạm húy là tội rất nặng, chết như chơi, có khi còn bị tru di tam tộc.

Và nhân vật thứ hai, Đặng Trần Thường:

Đặng Trần Thường ( 1759 - 1813 ), người huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ , Hà Đông ), đậu sinh đồ về cuối đời nhà Lê . Đặng Trần Thường là con cháu của nhà Trần từng ba lần oanh liệt thắng quân Nguyên, phải cải sang họ Đặng do những biến đổi lịch sử khôn lường trước khi tới định cư tại thôn Lương Xá xưa (nay thuộc xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Tới đời nhà Lê, dòng họ Đặng này lập được nhiều công tích lớn nên rất được trọng dụng (từng có câu ca: “Làm quan họ Đặng...”). Cụ tổ chín đời trước của ông là một đại công thần của thời Lê trung hưng.

Cha ông là Đặng Thông Mẫn. Mẹ họ Phạm, là con gái thứ hai của Tiến sĩ Công bộ Thượng thư tước Quận công Phạm Quang Dung. Tương truyền, cha Đặng Trần Thường đã tới cầu tự tại chùa Viễn Sơn, nằm mộng thấy thiên sứ cầm cờ đeo chuông từ trên trời xuống mang theo một người và nói: “Đây là Văn khúc Tinh quân, vâng mệnh Thượng đế ban xuống làm con ông...”

Chín tháng mười ngày sau giấc mơ đó của chồng, Phạm phu nhân đã sinh hạ người con trai cả vào ngày 18 tháng giêng năm Kỷ Mão (1759; cũng có sách chép là năm 1758). Thông minh, dĩnh ngộ, Đặng Trần Thường được cha cho học văn từ năm lên 9 tuổi.

Không quá chăm chỉ đèn sách nhưng do sáng dạ nên năm 16 tuổi, Đặng Trần Thường đã thi Hương trúng cách vào đệ Tam trường. Tuy nhiên, đúng lúc đó thân phụ lại lâm bệnh nặng nên Đặng Trần Thường đã không đi theo nghiệp lều chõng nữa mà về nhà chăm sóc cha.

Rồi ông phải chịu liên tiếp hai tang lớn: Cha ông qua đời và hai năm sau, mẹ ông vì quá đau buồn cũng đi theo chồng về nơi suối vàng. Gia cảnh của Đặng Trần Thường lúc ấy thực khó khăn, tiền của sa sút dần nên ông hay phải nhờ vả bạn bè.

Mãi tới năm 1782, Đặng Trần Thường mới lại tới kinh sư làm học trò của vị Tiến sĩ họ Nguyễn, người làng An Vĩ. Ông học rất sáng dạ nên được vị Tiến sĩ họ Nguyễn kỳ vọng sẽ đỗ cao trong kỳ thi năm 1783. Tuy nhiên, giai đoạn đó triều đại vua Lê chúa Trịnh đang dần bước vào suy vi, kỷ cương lỏng lẻo, quan lại đồi bại, sĩ tốt kiêu loạn.

Nhận rõ thời cuộc và biết rằng chẳng thể làm gì có ích cho đời theo nghiệp bút nghiên, Đặng Trần Thường đã quyết định sẽ lập thân bằng nghề võ và đi khắp thiên hạ kết giao cùng các bậc hào kiệt và trí giả để cùng chờ thời. Trong thâm tâm ông chỉ mong ngóng có một minh quân để theo làm nghiệp lớn, ích nước lợi nhà.

Tuy nhiên, sau rất nhiều lận đận, bôn ba, Đặng Trần Thường đã sớm hiểu ra rằng, cách hành xử dựa vào ngoại bang để khôi phục lại vương triều như của Lê Chiêu Thống sẽ không thể dẫn tới một kết cục tốt đẹp. Là con cháu một dòng họ chịu ơn sâu nặng của nhà Lê và họ Trịnh, Đặng Trần Thường dĩ nhiên là không thể dễ dàng lìa bỏ những tín điều trung quân truyền thống, nhưng ông cũng phải chịu sống ẩn dật không cộng tác với ông vua này… để rồi cuối cùng ông tìm đến Nguyễn Ánh.

Tới năm 1808, Đặng Trần Thường đã được giữ Tổng lý đê chính Bắc Thành. Một năm sau, tháng 8/1809, Đặng Trần Thường được triệu về Phú Xuân để nhận chức Thượng thư rồi mới lại quay ra Bắc Thành thực thi công vụ. Tới năm 1810, có chiếu triệu ông về kinh đô Phú Xuân làm việc tại Bộ Binh. Đặng Trần Thường được giao làm sổ sắc phong cho bách thần.

Chính khi ở đỉnh cao danh vọng mà Đặng Trần Thường đã bị sa cơ bởi những lời xúc xiểm. Tin theo lời Lê Chất là kẻ vốn có nhiều hiềm khích với ông, triều đình nhà Nguyễn đã xử treo cổ ông. Trong đại lao, Đặng Trần Thường không những không nhụt chí, mà vẫn uống rượu say túy lúy và làm cả một chùm thơ “Ngục trung bát vịnh”. Ông cũng làm “Hàn vương Tôn phú”, ví mình như Hàn Tín lập nhiều công tích trong chiến trận nhưng khi vinh hoa phú quý rồi thì bị Bái Công phụ rãy... Dĩ nhiên, hay tin này, vua Gia Long lại càng tức giận.

Đặng Trần Thường bị xử giảo năm 1816. Con cháu về sau làm giỗ ông vào ngày 25/10.

Sau cùng, giai thoại về câu ứng đối tuyệt vời.

Tương truyền Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết với nhau. Lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Khi t rông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm lên lớp thét bảo Thường:

Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác .

Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi vào Nam theo phò Nguyễn Phúc Ánh.

Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường.

Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai

(Vế đối hiểm hóc vì có 5 chữ ai và có chữ trần là tên đệm của Đặng Trần Thường).

Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp:

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế

(Vế đối lại cũng có 5 chữ thế, nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng. Và vế đối cũng có chữ thời là tên đệm của Ngô Thời Nhiệm).

Hai câu đối nhau chan chát, cực kỳ chỉnh không sai trật một ly. Quả là lời lẽ và từ ngữ của bậc quốc sĩ, nói theo kiếm hiệp, hào khí ngất trời.

Có thuyết nói rằng, nguyên câu đối lại của Ngô Thì Nhậm là:

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, dù thời thế, thế nào cũng thế

hoặc là:

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế

Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói thế đành theo thế (hay thế thời theo thế hoặc là thế thì phải thế). Ngô Thì Nhậm không nói lại. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông.

Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích không bị đánh bằng thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:

Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường

Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó.

Tạm dịch:

Thương thay Đặng Trần Thường
Tổ yến nhà xử đường
Vị Ương cung chuyện cũ
Tránh sao kiếp tai ương?

Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Thường bị Gia Long xử tử.

Trước khi kết thúc xin được nói thêm Ngô Thì Nhậm còn có thêm biệt tài về tướng số và bói toán vì vậy ông mới biết được Đặng Trần Thường sau này bị hung tử.

Lê Hùng Dương

(Sưu tập và biên soạn từ Internet)

Phụ Bản I

NỖI ĐAU NHO NHỎ CỦA NGƯỜI YÊU SÁCH

Cách đây mấy hôm, một bà bạn của tôi, một người rất yêu sách hay, sách đứng đắn, và vì rỗi rãi, bà thường xuyên theo dõi các sách mới ra đời ở các nhà sách lớn, để thấy có gì hay thì lập tức thông báo cho các bạn bè, nhất là cho tôi, người mà bà đánh giá là yêu sách không kém gì bà. Bà đã gọi điện thoại cho tôi và bảo tôi: “Anh sang ngay nhà sách ở ngay cạnh nhà anh mà mua một cuốn sách nói về báo chí vì tôi tin rằng anh sẽ thích lắm. Sách này nằm trong bộ sách gọi là 100 câu hỏi đáp về Gia Định – Saigon – TP Hồ Chí Minh, loại “nhà báo tốc hành” như anh mà được cuốn này thì chẳng khác gì được vàng!” Bà gọi đùa tôi là nhà báo tốc hành vì biết cứ mỗi tháng tôi lại phải lo cho ra mắt một bản tin của CLB Sách Xưa và Nay mà tôi làm Chủ nhiệm.

Bỏ máy điện thoại xuống, tôi liền hộc tốc sang nhà sách Hà Nội ở ngay cạnh nhà tôi và tìm thấy cuốn sách một cách dễ dàng và mua nó ngay, không một giây do dự.

Cầm cuốn sách trên tay, trong lòng tôi rất vui vì sách trình bày khá đẹp, gọn, với một bìa cứng rất dễ thương, và chỉ cần nhìn thấy hình ba phụ nữ trong một trang bìa của Phụ Nữ Tân Văn và hình của một số báo Nam Kỳ Tuần Báo trên bìa cuốn sách tôi cũng đã thấy thích quá.

Tôi có thói quen là mỗi khi gặp một cuốn sách mà mình thích, TÔI LIỀN NGƯNG NGAY TỨC KHẮC TẤT CẢ MỌI CÔNG VIỆC ĐANG LÀM ĐỂ ĐẾN VỚI CUỐN SÁCH. Sở dĩ tôi có thể làm được như vậy vì tôi may mắn là NGƯỜI ĐƯỢC TỰ DO KHÔNG LÀM VỚI AI KHÔNG BỊ MỘT RÀNG BUỘC CƯƠNG TỎA NÀO, LÚC NÀO THÍCH LÀM THÌ LÀM, LÚC NÀO THÍCH CHƠI THÌ CHƠI, mà chơi của tôi tức là đọc sách.

Lòng tràn ngập niềm vui, tôi bắt đầu lần giở các trang sách… Nhưng than ôi, vừa lật tới trang 12 của cuốn sách 370 trang, niềm vui của tôi bỗng tắt ngấm mất 1/3 khi thấy trên có 1 trang sách (trang 12) mà các tác giả và người biên tập đã để lại tới 6 lỗi mà tôi xin lần lượt đưa ra dưới đây:

1/ Dòng 6 từ trên xuống:

Bulletin Officicel l’ Expedition de la Cochinchine

đúng ra phải là

Bulletin Officiel de l’ Expédition de la Cochinchine

(Chữ “Officiel” bị đánh thành “Officicel”, chữ “de” bị bỏ quên, và chữ “e” trong từ “Expedition” không có dấu sắc).

2/ Dòng 9 từ trên xuống:

Năm 1864 phát hành thêm tờ Courierde

đúng ra phải là

Năm 1864 phát hành thêm tờ Courrier de

(Chữ Courrier bị tịch thu mất một “r” và được viết dính liền với chữ “de”)

3/ Dòng 11 từ dưới lên:

Chambre de Saigon và ở dòng trên là chữ Bulletin de la

nếu tôi nhớ không lầm thì phải là

Bulletin de la Chambre de Commerce de Saigon (1) chứ nếu chỉ là Bulletin de la Chambre de Saigon, thì không phải là Phòng Thương Mại Saigon mà là Phòng Nhà Săm Saigon thì hơi ướt át đấy.

4/ Dòng 11 và 10 từ dưới lên:

Bulletin de la Direction de la l’Intériteur

đúng ra phải là

Bulletin de la Direction de l’Intérieur

(Chữ l’Intérieur đã được viết thành l’ Intériteur và thừa chữ “la”)

(1) Phòng Canh Nông (hay là Nông Nghiệp như tiếng gọi bây giờ) và Kỹ Nghệ (Chambre d’agriculture et d’industrie)

5/ Dòng 9 từ dưới lên:

Journal Officil de l’Indochine

đúng ra phải là

Journal Officiel de l’Indochine (chữ “e” trong chữ Officiel bị tịch thu)

6/ Dòng 8 từ dưới lên:

Bulletin de la Societé des Etudes Indochinoise

đúng ra phải là

Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (Trong chữ Société chữ “e” ở trên không có dấu sắc và chữ Indochinoise không có “s”, xin xem trang minh họa số 5)

Ngay lúc này những người viết sách của ta thường coi những lỗi để lại trên sách là “chuyện nhỏ”, và như vậy là sách lãnh đủ và sách, nếu có hồn, tất sẽ rất buồn và những người yêu sách như tôi cũng phải buồn lây. Thực ra trong những sách vở đứng đắn, số lỗi càng ít bao nhiêu thì càng quý bấy nhiêu, và càng tỏ ra trân trọng người đọc bấy nhiêu. Các người viết cần phải xem đi xem lại bản thảo, còn về phía người biên tập và sửa bản in thì cần phải có một trình độ ngoại ngữ kha khá để có thể tìm ra những hạt sạn to đùng như vậy.

Tuy bị mất đi 1/3 sự hào hứng, tôi vẫn kiên nhẫn đọc tiếp phần nói về báo Bách Khoa ở Saigon cũ nơi các trang 240 tới 243. Sở dĩ tôi đọc kỹ vì tôi là một trong những người trước và sau Giải Phóng vẫn thường có mặt ở tòa soạn tờ báo này ở số 160 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Vào trước ngày Giải Phóng, địa chỉ này là một dạng khách thính của Sài Gòn cũ mỗi ngày vẫn quy tụ nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ như các ông: Khai Trí (Nguyễn Hùng Trương), Vương Hồng Sển, Nguyễn Minh Hoàng, Như Phong, Lê Thanh Thái, Nguyễn Quốc Thắng, và bà Minh Quân vv… và tôi. Chủ nhân là ông Lê Ngộ Châu, và ông Châu này mới THỰC SỰ LÀ NGƯỜI ĐIỀU HÀNH VÀ LÀM TỜ BÁCH KHOA TỪ ĐẦU CHO TỚI SỐ CUỐI LÀ SỐ 426. Ông Châu được coi như một ông Lưu Bị trong làng báo Saigon cũ và là người quy tụ được rất nhiều cây viết cho tờ báo mà ông phụ trách. Ô. Huỳnh Văn Lang chỉ là người mua lại giấy phép và đã giao cho ông Lê Ngộ Châu điều hành và vừa làm chủ nhiệm kiêm chủ bút luôn. Ông Hoàng Minh Tuynh chỉ cộng tác viết bài vào lúc đầu mà thôi. Tuy nhiên tôi KHÔNG HIỂU TẠI SAO TRONG TOÀN BÀI VIẾT VỀ BÁO BÁCH KHOA ÔNG LÊ NGỘ CHÂU KHÔNG HỀ ĐƯỢC NHẮC TỚI, như vậy có công bằng không?

Đọc xong bài về báo Bách Khoa, sự hứng thú của tôi chỉ còn lại có 1/3, và tôi đã viết bài này để mong các người viết, khi nào tái bản thì điều chỉnh lại mấy vấn đề trên cho đúng với văn phạm, đúng với sự thật. Mong lắm thay.

VŨ ANH TUẤN


Tài liệu minh họa 5 (trang 12 trong cuốn sách
được nói tới và các chữ bị gạch ở dưới là các
chữ in sai)

Bàn về CHẤT THIỀN

TRONG BÀI THƠ “TIẾNG THU”
CỦA LƯU TRỌNG LƯ

Nhân kỷ niệm 17 năm ngày mất tác giả (10-8-1991 – 10-8-2008)

Nói đến Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư (1911-1991), những người Việt Nam trưởng thành trên đất nước, học vấn trung bình trở lên có lẽ ít ai không thuộc, hay ít nhất cũng nhớ được vài câu, bất giác từ tiềm thức vọng lên:

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô

Ra đời năm 1939, bài thơ chỉ vỏn vẹn có 9 câu ngũ ngôn, hình ảnh thật đơn sơ:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc?
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Nếu đem phân tích từng câu, chắc không có gì gọi là tuyệt tác. Không hiểu sao bài thơ lại có một sức quyến rũ để đi vào lòng người và chiếm lãnh một góc nhỏ trong ký ức người nghe.

Nhiều người cho rằng Tiếng Thu có chất Thiền. Điều này có đúng chăng? Dù tác giả không phải là một tín đồ Thiền giáo, nhưng điều này không ngăn cản được bài thơ có tính chất Thiền. Bởi chất thiền thường có ở những người có tâm hồn phóng khoáng, nội tâm lắng đọng, dễ hòa nhập vào thiên nhiên, vũ trụ, dù trong khoảnh khắc.

Gọi là “Tiếng Thu” nhưng những “tiếng” ở đây chỉ là vô thanh, người nghe không cảm nhận được bằng giác quan mà chỉ bằng cảm xúc, bằng tâm thức.

Giáo sư Lê Đình Kỵ khi bàn về thơ Lưu Trọng Lư đã viết: “Trong thơ Lưu Trọng Lư, hầu hết đều diễn ra bên trong. Tiếng “thổn thức” của mùa thu, cái “rạo rực” trong lòng người cô phụ không nghe được từ bên ngoài… Cái tiếng xào xạc dưới chân con nai rừng kia, ngay cả đến những tay săn mẫn cán nhất cũng không chắc gì nghe được, nói gì nhà thơ và đông đảo người đọc chúng ta. Con nai vàng ngơ ngác có đường nét, màu sắc gì đặc biệt đâu mà vẫn có sức tạo hình in đậm ở tâm trí người đọc…” (*)

Ta hãy thử tìm xem có gì bí ẩn trong những câu thơ ngũ ngôn với những hình ảnh đơn sơ ấy.

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức

Cảnh đêm thu dưới ánh trăng mờ huyền ảo, thật là yên tịnh tuyệt vời, nhưng sao lại “thổn thức”? Phải chăng cái bề ngoài yên tịnh nên thơ ấy chỉ là cảm nhận của giác quan thông thường, hay một chút cảm xúc hời hợt. Trong tâm thức sâu lắng của nhà thơ, bên trong cái bề ngoài yên tịnh ấy là cả một tổng thể vũ trũ đang vận hành. Ông đã lắng nghe được tiếng thổn thức của những sinh vật đang quằn quại đau thương. Bởi thế gian này chưa bao giờ hết đau thương. Có hạnh phúc là có đau thương, có hòa bình là có chiến tranh, có chiến tranh thì có chinh phu, chinh phụ. Có yêu thương gắn bó thì có tan tác chia ly, hợp tan, tan hợp… Đó là quy luật âm dương biến hóa thăng trầm của vạn vật, của vũ trụ. Từ nguyên thủy vũ trụ này vẫn vận hành hài hòa dù qua những bước thăng trầm, và luôn đổi mới. Có mùa đông tàn tạ thì có mùa xuân tươi đẹp. Những lá cây kia xanh tốt rồi có lúc úa vàng, rơi rụng. Nhưng trên đống lá khô tàn tạ ấy, lại nổi bật lên bước chân con nai vàng ngơ ngác, một hình ảnh thật sinh động, ngây thơ trong sáng, đầy hứa hẹn, biểu tượng của một niềm tin mới sau những mất mát đau thương. Chắc chắn những ai đang âu sầu tuyệt vọng đọc hai câu thơ này sẽ thấy lòng nhẹ nhàng vui tươi như lóe lên một niềm tin trong tâm thức. Con nai vàng ngơ ngác nhìn bầu trời thu êm ả như muốn cất bước tung tăng chạy nhảy, khám phá thiên nhiên. Nó dường như không hề quan tâm đến những bão tố của rừng xanh, những thảm họa mà các loài ác thú đang lăm le mang đến cho nó.

Phải chăng đó là chất Thiền trong “Tiếng Thu”? Chỉ mấy câu thơ ngũ ngôn ngắn gọn với vài hình ảnh đơn sơ, tác giả đã giúp ta quán chiếu cả vũ trụ với quy luật âm dương tương phản bất biến của vạn vật đang vận hành theo tiến trình “sinh, thành, hoại, diệt…” Và mầu nhiệm thay hình ảnh con nai vàng ngơ ngác, một thực tại diệu kỳ mà có lẽ những ai hành thiền đã cảm nhận được trong khoảnh khắc tuyệt vời dành trọn cho hiện tại, bỏ quên quá khứ đau thương và tương lai bất trắc, chưa dám nói đến hòa nhập vào cảnh sắc bao la của vũ trụ.

Thành kính dâng lên hương hồn tác giả

Sài gòn 09-8-2008
THÙY DƯƠNG

(*) Thơ Mới: Những bước thăng trầm – NXB TPHCM 1993

AUTUMN SOUNDS

Don’t you hear the autumn, darling,
In the dim moonlight sobbing?
Don’t you feel your heart stir
At the image of a warrior
In the mind of the lonely wife
Staying up alone in the night?

Don’t you hear the autumn woods murmuring
With the autumn leaves rustling
As the little yellow fawn so naïve
Steps on the yellow dry leaves?

Translated by THÙY DƯƠNG
(In remembrance of the author on his 9th death anniversary 10/8/2000)

VỌNG TIẾNG THU

Ngẫu cảm sau đêm thơ Lưu Trọng Lư 07-8-1989

Nhớ thuở nào còn thơ
Tôi rất yêu bài hát
“… Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.”

Ôi thương sao bài hát!
Đẹp biết mấy lời thơ!
Tuổi thơ ấu mộng mơ
Giữa trời thu bát ngát…

Rồi chiến cuộc lan tràn
Bình Trị Thiên khói lửa
Tiếng súng dội rền vang
Cánh đồng quê xơ xác

Rồi thời gian trôi dạt
Tuổi vào đời ngơ ngác
Bài thơ quý năm xưa
Chẳng còn nghe ai hát

Mấy mươi năm lưu lạc
Bài hát tưởng đã quên
Gió thu về xao xác
Chợt nghe vọng “Tiếng Thu”
Lòng bồi hồi man mác…

Ôi quên sao bài hát
Từ thuở còn thơ ngây
“… Con nai vàng ngơ ngác…”
Bài thơ quý còn đây
Mà Tuổi Thơ đánh mất!

THÙY DƯƠNG

Chiêu hồn nước của Phạm tất Đắc

(Thi phẩm cách mạng bị cấm thời thuộc Pháp)

Tiểu sử tác giả Chiêu hồn nước

Theo nhà văn Thái Bạch trong “Thi văn quốc cấm” tác giả tập thơ “Chiêu hồn nước” này, ông Phạm Tất Đắc sinh ngày 15 tháng 5 năm 1909 tại làng Dũng Kim, tổng Công Xá, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, một tỉnh về văn chương đã một thời lừng lẫy tiếng tăm với những thi phú của cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến, và về cách mạng với những chiến công oanh liệt của vị anh hùng chống Pháp Đinh Công Tráng người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Ba Đình.

Tướng người gầy ốm, nhưng thông minh lanh lợi, ông Đắc là con trai trưởng cụ ông Phạm Văn Hạnh và cụ bà Lê Thị Giáo.

Cụ Hạnh là một tư chức sống ở Hà Nội có quen với hai nhà cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình là cụ Đinh Quang Giáo người làng Kinh Thanh (tổng Bình Lương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) và cụ Phạm Trung Ôn người làng Dũng Quyết (tổng Phú Khê, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Hai chiến sĩ cách mạng này, sau cuộc khởi nghĩa Ba Đình bị quân Pháp đánh tan, hay bí mật đi lại tá túc tại nhà cụ Hạnh, nhất là cụ Phạm Trung Ôn. Chính đó là yếu tố gia đình đã khiến cho ông Đắc sau này được sớm trở thành một thanh niên yêu nước.

Ông Đắc lúc thiếu thời có theo học chữ Hán mấy năm rồi quay học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Ông đỗ tốt nghiệp năm 14 tuổi, được vào học trường Trung học Bảo hộ Hà Nội (trường Bưởi) năm 1928.

Cũng năm ấy, dư đảng cuộc khởi nghĩa Ba Đình bị giặc Pháp và bè lũ tay sai lùng bắt gắt gao tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Hai người bạn thiết của thân phụ ông là hai nhà cách mạng trên bị đặt trong tình thế đe dọa. Nhờ cụ Hạnh bí mật che chở cụ Phạm Trung Ôn thoát được cạm bẫy thực dân, sau trở về bản quán dạy học (cụ này khi kháng chiến đổi tên là Phạm Can và làm chủ tịch huyện Tam Dương năm 1846) còn cụ Đinh Quang Giáo sa lưới giặc bị chúng kết án chung thân khổ sai, bắt đày đi Côn đảo (cụ này sau vượt ngục trốn thoát sang Tàu lấy tên là Hiếu Văn).

Do động cơ nào, ông Đắc viết tập Chiêu hồn nước:

Năm 1926, ở Hà Nội có cuộc lễ truy điệu nhà cách mạng Tây Hồ Phan Chu Trinh (mất ở Sài Gòn) ông Đắc đang theo học năm thứ tư để chờ kỳ thi Thành chung thì vì kích thích bởi phong trào bãi khóa, vì tiếng gọi của non sông và vì không muốn cúi đầu theo lệnh của tên giám thị trường, ông quyết đeo cái băng đen để tang cụ Tây Hồ, đồng thời để chờ cơ hội vượt ra khỏi nước.

Trong thời gian này, ông có làm nhiều thi ca ái quốc để hun đúc tinh thần dân chúng, nhưng không xuất sắc mấy mặc dù được nhà cách mạng Phạm Trung Ôn bí mật sửa chữa.

Nhà cách mạng này rất mến ông Đắc, con trai của bạn mình, nên trong một lần ghé thăm đã lén đưa cho cậu thiếu niên, bản sao bài “Chiêu hồn quốc văn” của cụ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền làm ở Trung Quốc vào thời kỳ trận chiến thứ nhất (1914-1918).

Bài này nguyên tác bằng Hán văn, nhưng cậu thiếu niên Đắc được Cụ Phạm Trung Ôn cắt nghĩa cho từng câu từng chữ rất kỹ lưỡng để đem phổ biến với bạn bè, và chính đó là động cơ chính khiến ông Đắc sau đó đã viết ra tập thơ “Chiêu hồn nước” vậy.

Tập thơ này ông Đắc viết năm 1927 sau lễ truy điệu cụ cử Lương Văn Can, nguyên Hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thân phụ người hùng dân tộc Lương Ngọc Quyến, linh hồn cuộc Thái Nguyên khởi nghĩa. Tập thơ được cụ Phạm Trung Ôn nhuận sắc rồi đưa cho nhà in Thanh niên ở Hà Nội xuất bản.

Đầu tôi nghĩ, tay tôi viết công việc này hoàn toàn do tôi.

Tập thơ phát hành được vài hôm, ông Đắc và viên quản lý nhà in Thanh niên bị chánh quyền thực dân Pháp bắt giam.

Năm ấy, ông Đắc tính theo dương lịch chưa đầy 16 tuổi, vì thế và vì giá trị cách mạng của tập thơ, nên sau khi đọc, cụ Sào Nam Phan Bội Châu đã cho ông Đắc là một thần đồng thi ca ở trong làng cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Tuy vị thành niên, ông Đắc tai nhà giam vẫn bị bọn thực dân tra tấn bằng đủ thứ cực hình dùi cui, mã trắc, roi song, vòi nọc, tàu bay tàu thủy để thẩm vấn xem ai là những tòng đảng nhất là người nào đã viết dùm ông Đắc hay xúi giục ông viết, vì chúng trước sau vẫn không tin ở một cậu sinh viên hiền lành gầy ốm lại có những lời thơ, những tư tưởng hùng hồn như vậy được.

Ông Đắc vẫn một mực không khai.

Khi ra trước tòa án Đại hình viên chánh án người Pháp hỏi ông trước công chúng; ai xúi viết bài này, hoặc nhờ ai viết hộ, ông Đắc mạnh bạo trả lời ngay.

- Đầu tôi nghĩ, tay tôi viết, công việc này hoàn toàn do tôi cả. Quan tòa nên coi lại bản cung, tôi đã nói như thế với ông chánh mật thám lâu rồi!

- Như vậy, thì vì lý do gì, anh viết tập thơ này? – viên chánh án hỏi tiếp.

Ông Đắc trả lời:

- Vì yêu nước, tôi tưởng với lý do này, một người có năng lực học và được ngồi cầm cân pháp luật như ông chánh án, thiết nghĩ không cần phải hỏi đến mới biết.

- Được, nhưng anh là học sinh được nhà nước cho hoc trường bảo hộ, sao anh lại làm thơ chống lại nhà nước. Viên chánh án hỏi thêm.

Ông Đắc đáp lại ngay:

- Không, ông chánh án lầm rồi, ông đọc kỹ tập thơ của tôi, có thấy câu nào chữ nào, tôi chống lại nhà nước bảo hộ đâu! Tôi chỉ kêu gọi hồn nước tôi mau mau tỉnh dậy để chống bọn cướp nước bọn tham tàn mà thôi.

- Tôi hỏi thật ở trước phiên tòa này, là một học sinh như anh, anh đối với nhà nước Đại Pháp như thế nào?

- Đối với nước Đại Pháp văn minh tôi rất kính trọng, rất cám ơn ở chỗ đã dạy cho tôi những lý tưởng tiến bộ, những bài học dân chủ từ ngày tranh đấu phá vỡ ngục Bastille đến nay…

Phiên xử này phải nói là một cuộc đối thoại hào hứng, khiến cả ngàn con mắt thính giả Tây Nam đều đổ dồn vào ông Đắc… với những tình cảm xót xa và kính mến. Còn tên chánh án Pháp cùng mấy gã ngồi trên thì vẫn ngoan cố buộc tội ông.

Con Tôi Đã Giao Cho Nhà Nước Dạy Dỗ. Nhà Nước Phải Gánh Chịu Trách Nhiệm.

Chưa đã! Kế đó, bọn quan tòa thực dân, lại gọi cụ Phạm Văn Hạnh, thân sinh ông Đắc ra trước vành móng ngựa để cật vấn về các tội của ông Đắc đã làm, tội yêu nước và tội làm thơ Chiêu hồn nước.

Cụ Hạnh khẳng khái trả lời:

- Thưa quý vị quan tòa, con trai tôi, thằng Đắc lúc nó ở nhà thì quyền dạy dỗ là thuộc về tôi và mẹ nó. Nay nó từ lâu đã đi học trường nhà nước, thì các công việc nó làm nhà nước phải chịu trách nhiệm, tưởng nay nó bị bắt ở trước phiên tòa này, tôi phải bắt thường nhà nước mới phải. Sao nhà nước lại hỏi đến tôi, tôi đâu có lãnh công việc dạy dỗ nó!

Tòa án thực dân không biết quy tội về ai được. Còn ông Đắc khi ấy, như đã nói là chưa đến tuổi trưởng thành. Mặc dù thế, nhưng cường quyền áp đảo công lý, chúng vẫn buộc tội ông trừng trị tội yêu nước của ông bằng cách giam lại để đợi tuổi trưởng thành xử lại.

Ít lâu, chúng lại giải ông lên Bắc Giang giam ở trại “Trí cụ” nhà trừng giới. Tại đây, bọn thực dân Pháp lại sợ ông tuyên truyền lòng yêu nước cho các phạm nhân khác, nên được ba tháng, lại đem về Hà Nội giam vào nhà ngục Hỏa Lò như giam giữ người lớn, bất kể là trái với pháp luật, pháp luật do chính tay bọn chúng đặt ra.

Ngày 16 tháng 5 năm 1930, ông Đắc được thả, năm ấy ông Đắc được 21 tuổi. Nhưng vì cảnh tra tấn tù tội ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nên ông bị bệnh hoài và đến ngày 24 tháng 4 năm 1935 thì mất tại phố Luro (Hà Nội). Lúc ấy mới 26 tuổi.

Than ôi! Như thế là thực dân Pháp đã giết ông bằng một cách không gươm không súng và đã sát hại một người con yêu quý trẻ trung của nước Việt Nam này.

Tuy nhiên!

Bất hoại ấy tinh thần!

Tập Chiêu hồn nước này còn là ông Đắc vẫn sống trong lòng người Việt Nam mãi mãi…

Sài Gòn mùa Đông năm canh Tuất 1970

NGUYỄN VĂN HÀ

CHIÊU HỒN NƯỚC

Hăm lăm triệu trẻ già trai gái,
Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng.
Cũng nhà cửa, cũng giang san,
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời!
Nghĩ lắm lúc đương cười hóa khóc,
Muốn ra tay ngang dọc, dọc ngang.
Vạch trời thét một tiếng vang,
Cho thân tan với giang san nước nhà.
Đồng bào hỡi! - Con nhà Hồng Việt,
Có thân mà chẳng biết liệu đời.
Tháng ngày lần lữa đợi thời,
Ngẩn ngơ ỷ lại ở người ai thương!
Nay sóng gió bốn phương dữ dội,
Có lẽ nào ngồi đợi mãi sao?
Đồng bào chút giọt máu đào,
Thương ơi tội nghiệp đời nào xót đây!
Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn,
Mà xót thương đến chốn Nhị, Nùng. (1)
Xưa kia cũng lắm anh hùng,
Dọc ngang trời đất vẫy vùng bể khơi.
Xưa cũng có lắm người hào kiệt,
Trong một tay nắm hết sơn hà.
Nghìn thu gương cũ không nhòa,
Mở mày mở mặt con nhà Lạc Long.
Non sông vẫn non sông gấm vóc,
Cỏ cây xưa vẫn mọc tốt tươi.
Người xem cũng dáng con người,
Cũng tai cũng mắt ở đời khác chi.
Cảnh như thế, tình thì như thế.
Sống làm chi, sống để làm chi?
Đời người đến thế còn gì,
Nước non đến thế, còn gì nước non.
Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ,
Trông non sông lã chã giòng châu (2)
Một mình cảnh vắng đêm thâu,
Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san. (3)
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt,
Tiếng cuốc kêu giậy mặt anh hùng.
Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng,
Mà chiêu hồn cũ lại cùng non sông!
Hồn hỡi hồn con Hồng cháu Lạc!
Bấy nhiêu lâu đói khát lầm than.
Bấy lâu thịt nát xương tan,
Bấy lâu tim ruột thâm gan vì hồn. (4)
Hồn hỡi hồn kìa non nước cũ,
Bấy nhiêu lâu mặt ủ mày châu. (5)
Bấy lâu ngậm tủi nuốt sầu,
Bấy lâu hèn kém vì đâu hỡi hồn?
Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc,
Ngẫm năm châu khôn khóc nên lời.
Đêm khuya vắng cảnh êm trời,
Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về.
Hồn trở về đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa (6) phải sửa từ giờ.
Hồn về hồn cố cho nhờ,
Anh em Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam.
Hồn trở về đừng tham rượu thịt.
Chớ tham nhà cao tít mấy tầng.
Kìa con chim ở trong rừng,
Kiếm mồi đâu có lạc chừng quên cây.
Hồn trở về đừng say gái đẹp
Mà nặng tình kẻ khép phòng thu.
Đường đường một đấng trượng phu,
Lẽ đâu hồn chẳng đền bù non sông.
Hồn trở về chớ mong giàu có,
Mà ước ao xe nọ ngựa kia.
Nghênh ngang mũ áo râu ria;
Trăm nghìn năm vẫn còn bia miệng cười
Hồn cố về cõi đời chớ chán.
Mà vội đem lòng nản việc trần.
Bát cơm tấm áo manh quần,
Hồn ăn hồn mặc nợ nần thế gian.
Hồn trở về bấm gan mà chịu,
Cảnh biệt ly tình hiếu đôi đường.
Trượng phu trí ở bốn phương,
Lẽ đâu hồn chịu vẩn vương xó nhà.
Hồn trở về nguyệt hoa chi nữa,
Mà thoi đưa lần lữa tháng ngày.
Xưa nay những kẻ tỉnh say,
Lòng mê có nghĩ việc hay bao giờ!
Hồn trở về chớ chờ sức yếu,
Mà hồn không định liệu dọc ngang.
Hoặc hồn bảo chẳng biết đàng.
Họặc hồn không muốn vội vàng làm ngay.
Hoặc hồn sợ tai bay vạ gió,
Mà hồn đành phải bỏ non sông.
Hoặc hồn quen thói phục tòng,
Mà hồn cam chịu cùng giòng ngựa trâu. (7)
Hoặc hồn thường cháo rau no đói,
Mà hồn riêng mong khỏi cơ hàn.
Hoặc hồn đã trải lầm than,
Mà hồn bỏ mất cái gan tung hoành? (8)
Hoặc hồn ở thị thành phố xá,
Hoặc hồn trong túp là lều tranh?
Hoặc hồn trong chốn rừng xanh,
Hoặc hồn lẩn quất ở trong sơn hà?
Hoặc hồn ở nướ nhà chật hẹp,
Hoặc hồn đi ẩn nép bên người?
Đêm khuya vắng cảnh im trời,
Khôn thiêng chăng hỡi, hồn ơi hồn về!..
Hồn trở về, đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa phải sửa từ giờ,
Hồn về, hồn cố cho nhờ,
Anh em Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam.
Còn chi sung sướng vẻ vang,
Bằng đem da ngựa chiến trường bọc thây.
Hồn trở về làm ngay ý muốn,
Chớ rụt rè sớm muộn nào nên.
Lẽ thường thành bại đôi bên,
Chớ đo đắn quá mà quên việc mình.
Hồn trở về hy sinh quyền lợi,
Mà tận tâm đối với nước non.
Dù cho thịt nát xương mòn,
Cái bầu nhiệt huyết vẫn còn như xưa.
Hồn trở về hồn mơ hồn mộng,
Nên hồn thành ra giống ngựa trâu.
Hồn về hồn kíp đòi mau,
Tự do hành động mặc dầu dọc ngang.
Hồn trở về bền gan dốc trí,
Chớ có thèm cái vị cao lương.
Tháng ngày dưa muối rau tương.
Còn hơn rượu thịt mà nương nhờ người.
Hồn trở về xoay trời đất lại,
Hồn trở về tát hải đạp sơn. (9)
Chớ nề gió kép mưa đơn,
Mà đem gan trọi với cơn phong trần.
Hồn hỡi hồn xa gần nghe thấy,
Thì vùng lên kịp dậy mà về!
Hoặc hồn ở chốn thôn quê,
Hoặc là hồn ở phủ kia lầu này?
Nước non cũ bấy nay khao khát.
Ngày ấy qua ngày khác lại qua.
Mấy phen lệ nhỏ máu ra,
Mấy phen xót xót xa xa lòng vàng.
Mong hồn tỉnh hồn càng không tỉnh;
Mong hồn về hồn định không về.
Non sông hồn bỏ lời thề,
Cho non sông chịu trăm bề lầm than.
Hồn hỡi hồn! - giang san là thế,
Giống Lạc Hồng tôi kể hồn hay:
Kể từ hồn lạc đến nay,
Đêm đêm khóc khóc, ngày ngày than than.
Cũng có kẻ trên ngàn đổ máu,
Cũng có người nương náu phương xa.
Cũng người bỏ cửa bỏ nhà,
Cũng người lo nghĩ tuyết pha mái đầu (10)
Cũng có kẻ làm trâu làm ngựa,
Cũng có người đầy tớ con đòi.
Cũng thằng buôn giống bán nòi,
Khôn thiêng chăng hỡi, hồn coi cho tường!...
Có mồm nói khôn đường mà nói,
Có chân tay người trói chân tay.
Mập mờ không biết dở hay,
Ù ù cạc cạc công này việc kia.
Hồn hỡi hồn! - Đêm khuya canh vắng,
Hồn nghe hồn có đắng cay không?
Tôi đây cũng giọt máu hồng,
Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên
Trông thấy cảnh mà điên mà dại,
Trông thấy tình mà dại mà điên.
Mà sao không thể ngồi yên?
Sa câu gan ruột tôi biên mời hồn.
Hồn nghe thấy nên chồn tấc dạ,
Hồn nghe xong nên khá mà về.
Chớ đừng tỉnh tỉnh mê mê,
Chớ đừng đo đắn trăm bề sâu nông
Hồn trở về non sông nước cũ,
Mà mau mau giết lũ tham tàn.
Mau mau giết lũ hại đàn,
Túi tham dám chứa bạc vàng của dân
Hồn trở về cho dân tỉnh lại,
Không ngu ngu ngu dại dại như xưa.
Không còn khó nhọc sớm trưa,
Không còn nắng nắng mưa mưa dãi dầu.
Hồn trở về mau mau hồn hỡi!
Hồn trở về tôi đợi tôi mong.
Hồn về tô điểm non sông,
Hồn về dạy dỗ con Rồng cháu Tiên.
Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt,
Dân không còn nước mất sao còn?
Hỡi hồn nước nước non non!
Hồn về tôi sẵn lòng son giúp hồn.
Tôi đây cũng không khôn cho lắm,
Nhưng cũng không dại lắm cho nhiều.
Tôi nay chỉ một lòng yêu,
Nên mong nên mỏi nên chiêu hồn về!
Hồn hỡi hồn! - Hồn về hồn hỡi!
Hồn hỡi hồn! - Hồn hỡi hồn ơi!
Đêm khuya vắng cảnh êm trời.
Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về!
Bút viết xong tai nghe miệng đọc.
Miệng đọc xong, giọt ngọc nhỏ sa.
Nhỏ sa nên chữ hóa nhòa,
Hóa nhòa nên mới in ra nghìn tờ.
In nghìn tờ mà đưa công chúng,
Công chúng xem mong bụng đổi dần.
Đổi rồi thức kẻ xa gần,
Rằng mau nên trả nợ nần non sông!...

Hà Nội năm 1927

PHẠM TẤT ĐẮC

-------------------

(1) Núi Nùng, sông Nhị tượng trưng cho lãnh thổ Việt Nam
(2) Dòng châu tức nước mắt, hàng châu: hàng lệ.
(3) Ý nói muốn vùng dậy dùng biện pháp đổ máu để giành lại nước non.
(4) Ý nói căm thù vì chủ quyền nước non bị về tay kẻ khác.
(5) Ý nói nỗi tủi nhục đau xót.
(6) Tính nết ươn hèn tham lam, nhút nhát, không biết gì là cái nhục của kiếp sống nô lệ.
(7) Ý nói sống cảnh nô lệ như kiếp thân trâu ngựa.
(8) Tung hoành là ngang dọc, ý nói là bay nhảy hoạt động
(9) Tức dời non lấp biển, ý nói thay đổi thế cuộc lại.
(10) Tức lo nghĩ đến bạc cả tóc ra.

Phụ Bản II

ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ
“PHONG KIỀU DẠ BẠC”

Phong kiều dạ bạc” là bài thơ bất hủ của Trương Kế đời Đường (Trung Quốc), được nhiều người đời sau biết đến và bàn luận rất nhiều. Riêng ở nước ta, từ thời tiền chiến đã có nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng dịch ra tiếng Việt , kể từ Tản Đà, Trần Trọng Kim… Theo tạp chí Thơ Đường của cơ quan UNESCO Việt Nam – TP HCM số ra tháng 6/2008 đã đưa ra tới 13 bản dịch, trong đó có của hai nhà thơ nhà sử học vừa nói. Nhưng như chúng ta biết, không bản dịch nào được cho là hoàn mỹ. Thậm chí có nhiều bản dịch diễm tả khá xa với nguyên tác. Một phần do chưa nắm hết nguyên tác, trong đó có câu từ, ý tưởng chưa thấu đáo, một phần những người dịch muốn diễn dịch tự do theo bút pháp, văn phong, ngôn từ của mình, đặc biệt chỉ mượn ý tưởng hoặc đề tài rồi tự sáng tác thêm cho thoát ý, thoát từ, cho nên đôi khi đi quá xa với nguyên tác. Mặt khác, có nhiều chữ đã bị “tam sao thất bản”.

Gần đây, theo sưu tầm của Lê Phương Chi (Bản tin số 26 tháng 7/2008 của CLB Sách Xưa & Nay, trang 61-64) đưa ra 2 bản dịch của Thiền sư Hàn Sơn Tử do Nguyễn Đức Hiền sưu tầm đầu tiên, trong đó nêu lên hai điểm chính mà tác giả cho là nghiên cứu mới để chỉnh lại về “đối” và chữ nghĩa, cụ thể muốn xác định thêm “sầu miên” là ngọn đồi tên Sầu Miên và “giang phong” là bến Giang và bến Phong, tức có hai cây cầu mang tên này. Hầu hết chúng ta ở đây chưa có ai tới nơi xuất xứ bài thơ tức tham quan thành Cô Tô hay đất Giang Tô nên không biết thực hư cảnh quan ở bên vùng đất ấy.

Nhưng theo thiển ý, Thiền sư Hàn Sơn Tử đi quá xa nguyên tác để cố gắng chứng minh “giang phong” là Phong kiều và Giang kiều với lại ngọn đồi Sầu Miên ở đâu đó. Thực ra, theo nguyên tác chữ Hán, ông Trương Kế đã quan tâm tới từ chung và từ riêng rồi, chúng ta không nên đổi gượng ép đổ từ chung “giang phong” ra từ riêng chỉ vật thể (kiều) là nơi chốn Giang và Phong. Bài thơ này chỉ có hai danh từ riêng là Cô Tô thành và Hàn Sơn tự. Nếu cần chỉnh thì nên chỉnh từ “bạc” ở tựa đề bài thơ: “Phong kiều dạ bạc”. Tác giả đặt tựa đề bài thơ có tên “Phong kiều” là đúng vì nó chỉ nơi chốn mà bài thơ này ra đời. Chỉ có điều không ai để ý tới từ “bạc” nên không ai dịch ra nghĩa tiếng Việt. Nếu chỉ viết như vậy (chữ thường, không viết hoa) thì nghĩa là gì? Phong kiều là chiếc cầu phong, dạ là đêm. Còn “bạc” nghĩa là gì? Không lẽ “bạc” là trắng thành ra: Đêm trắng ở cầu Phong! Chúng ta đã lầm lẫn về chữ “bạc”. Bạc ở đây phải viết hoa “Bạc” mới đúng. Vì như vậy mới rõ nghĩa của tựa đề bài thơ. Viết đúng phải là: “Phong kiều dạ Bạc”. Bởi vì “Bạc” là một địa danh thuộc tỉnh An Huy (nay) hay Giang Tô (xưa).

Bây giờ xin trở lại nguyên tác bài thơ “Phong kiều dạ Bạc” của Trương Kế để từ đó, chúng ta xem lại câu từ, ý tứ trong bản dịch, xin lấy bản dịch của Tản Đà làm thí dụ:

Nguyên tác đã phổ biến:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành Ngoại Hàn San tự
Da bán chung thanh đáo khách thuyền.

Bản dịch của Tản Đà:

Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chày cây bến sầu vương đất hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn

Nếu ta không đọc nguyên tác chữ Hán thì chúng ta cho rằng bản dịch tiếng Việt rất hay vì nó rất thơ và thoát. Nhưng nếu xem kỹ lại, thì chẳng riêng gì Tản Đà mà còn nhiều tác giả khác nữa có các bản dịch ngày càng xa dần bản gốc do hiểu chưa hết ý trong thơ hay muốn dịch thoát? Còn như đưa thêm từ riêng nữa thì càng xa nghĩa hơn. Hơn nữa, nội dung bài thơ không thấy nhân vật nào, trong khi nguyên tác có “khách đáo thuyền”.

Bây giờ xin được dịch theo từng câu chữ, chưa nói tới âm điệu và vần:

- Nguyệt lạc = trăng tàn, trăng mờ, trăng rụng đều đúng nghĩa.
- Ô đề = Ô là quạ nhưng cũng là vầng ô (mặt trời). Ở đây phải hiểu là mặt trời, kim ô. Ô đề: Mặt trời lên. Nguyên chữ: Trăng tàn dần, mặt trời đang ló dạng.
- Sương mãn thiên = Sương phủ đầy bầu trời. Toàn cảnh là một bức tranh thủy mặc thật đẹp!
- Giang phong = Nghĩa đơn giản là “gió sông” hay “dòng sông Phong”.
- Ngư hỏa = Ngư là cá, hỏa là lửa. Không rõ nghĩa nên được dịch rất nhiều kiểu như Tản Đà dịch Lửa chài. Kỳ thực đúng chữ là “Cô hỏa”, có nghĩa: ngọn lửa cô đơn.
- Đối = nghĩa là đối chiếu, đối với, đối mặt…
- Sầu miên = chỉ là buồn (sầu), ngủ (miên), cả danh từ hay động từ chung: buồn ngủ hay sự buồn ngủ.
- Cô Tô thành ngoại Hàn San tự chỉ là “Ở ngoại thành cô Tô có chùa Hàn Sơn”.
- Bán dạ = nửa đêm
- Chung thanh = Tiếng chuông
- Đáo khách thuyền = khách (người) trở về thuyền.

Dịch xuôi cả bài 4 câu như sau:

Trăng tàn đông rạng sương nơi nơi
Gió sông buồn thổi lửa đơn côi
Ngoài thành Cô có Hàn Sơn tự
Qua đêm chuông đổ khách về thuyền.

Còn một điều cần nói thêm, bài thơ nguyên tác chỉ có 4 câu 7 chữ nên chưa phải là bài thơ Đường “Thất ngôn bát cú” hoàn chỉnh nên không cần theo niêm luật, đối vận ở 4 câu giữa (cặp trạng, cặp luận). Đây là bài thơ Đường thuộc loại “Thất ngôn tứ tuyệt” nên có thể dễ dãi trong luật thơ cổ.

VƯƠNG LIÊM (12-7-2008)

CLB xin giới thiệu một số bài dịch “Phong Kiều Dạ Bạc”:

Bài 1:

Trăng tàn, sương phủ, quạ kêu
Lửa chài, làn gió sông khêu giấc buồn
Cô Tô khuất bóng Hàn Sơn
Nửa đêm, chuông đổ, thuyền đơn khách về

Bài 2:

Trằng xế, quạ kêu, bát ngát sương
Gió sông, ánh lửa giấc sầu thương
Cô Tô khuất nẻo Hàn Sơn tự
Chuông nửa đêm thuyền khách vấn vương

Bài 3:

Quạ kêu, trăng xế sương mờ
Gió sông đèn cá đang mơ giấc sầu
Hàn Sơn, Tô trấn đêm thâu
Tiếng chuông khuya giục khách mau xuống thuyền

NGÀN PHƯƠNG

ĐÊM ĐỖ THUYỀN Ở PHONG KIỀU

Quạ kêu, trăng xế sương đầy trời
Gối nỗi buồn thương, ngắm lửa chài
Khuya khoắt Hàn Sơn chuông vẳng lại
Cô Tô càng lạnh nỗi lòng ai.

Dịch thơ Nguyễn Vũ Tiềm

PHONG KIỀU DẠ BẠC

Trăng tàn, sương phủ, mặt trời lên.
Gió sông khơi ngọn lửa sầu riêng.
Nửa đêm, chuông sớm Hàn Sơn dóng .
Vang vọng Cô Tô khách lại thuyền.

Tâm Nguyện (13/7/2008)

TRÍ

Thông minh vốn tự nếp nhà
Ở ăn nhân nghĩa ấy là trí tâm
Hỡi người đi Bắc về Đông
Biết đem tài trí góp cùng núi sông
Khéo suy để khỏi nhọc lòng
Vụng suy tài đó đãi cùng trăng suông

Trí kia đức ấy đủ đường
Để khơi dòng chảy mạch tuôn dạt dào
Chữ Tài vốn là đỉnh cao
Trí tuệ vun đúc biết bao tháng ngày
CÓ TÀI CÓ TRÍ TRỌNG THAY

LAN HINH

TÍN

Tín chiều mây khói xoay vần
Thử lòng quân tử mấy lần đò ngang
Thương ai quẩy gánh giang san
Câu Trung - Tín cứ nặng mang với đời

Một tòa sen ngát ngời ngời
Tín chủ dạ những bồi hồi chữ Tâm

Vàng thau đong giữa nhân quần
Chang chang nắng chợ mua nhầm bán sai
Bao điều kia nọ hôm mai
Trung hậu, thành thực - nhắn ai nhớ cùng
Kệ… khi nắng hạ mưa đông
Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín đừng phôi phai
Chữ Nhân gửi tới nhà nhà
Chữ Tín chủ tể trên tòa tâm lương
TẠC CÂU TU CHỢ “ĐẠO THƯỜNG”

LAN HINH

TÓC KỂ….

Gỡ tóc vương trên lược sáng nay,
Ngậm ngùi : màu trắng giống như mây !
Phải chăng mòn mỏi vì năm tháng,
Mà tóc huyền xưa đến nỗi này !
Một thời óng ả phủ bờ vai,
Những chiều gió lộng đã tung bay.
Một thời e ấp sau vành nón,
Đợi chờ mơn trớn bởi tay ai…
Ngày xưa buông xỏa như dòng suối,
Tôn thêm duyên dáng bởi trâm cài.
Tóc mây sợi ngắn, dài, vương vấn…
Trói chặt cuộc đời, ai với ai…
Nhưng bụi thời gian đã nhuốm màu,
Thêm bao trăn trở với buồn đau,
Sương pha, nắng nhuộm, nên chi tóc,
Huyền đen nay đã trắng phau phau !
Tóc thôi tung tẩy bay trong gió,
Mà giờ búi gọn, cuộn tơ trời !
Lặng nghe tóc kể bao chìm nổi,
Thương thời son trẻ đã xa rồi !

Tâm-Nguyện
(22.6.2006)

HOA TULIP NỞ TRONG MƠ

Nụ hoa Tulip nồng nàn
Thơm mùi gỗ quý
Mơ màng hương trăng
Hoàng hôn tím nhạt
Mưa giăng
Thời gian ngừng đọng
Cách ngăn bồi hồi
Dòng sông
định mệnh
buồn trôi
Vì sao lấp lánh
đổi ngôi…
u hoài
Cô đơn…
Lặng lẽ đêm dài
Ngậm ngùi tự hỏi:
- Chờ ai… Ai chờ…?
Đường đời chiếc bóng bơ vơ
Đành vui
với những giấc mơ êm đềm
Gối đầu
lên cánh tay mềm
Ngỡ tay ai…
Với nỗi niềm
xót xa…
Nụ hoa Tulip
mặn mà
Thơm mùi gỗ quý
Đậm đà hương thơ.

Ngàn Phương (1/9/2000)

THƠ VỊNH KIỀU
VỚI HÀNG NGÀN CÁCH ĐỌC
KIỀU NƯƠNG CỬA PHẬT
(Tại Am Vân Thuỷ)

PHẠM ĐAN QUẾ

ĐỌC XUÔI:
A-1. Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu
A-2. Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau
B-3. Vần xoay gió bão đầy năm tháng
B-4. Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu
C-5. Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ
C-6. Mộng tình Kim ấp ủ còn đâu
D-7. Dần xa dõi bóng Từ oan khuất
D-8. Nhân nghĩa Phật tiên cảnh nhiệm màu

ĐỌC NGƯỢC:
d-8. Màu nhiệm cảnh tiên Phật nghĩa nhân
d-7. Khuất oan Từ bóng dõi xa dần
c-6. Đâu còn ủ ấp Kim tình mộng
c-5. Thệ ước sai thiền cảnh ái nhân
b-4. Dâu bể trắng đời Kiều nhịp lỗi
b-3. Tháng năm đầy bão gió xoay vần
a-2. Mau rơi ngả nắng vàng hương sắc
a-1. Cầu nguyện chiều chuông đổ ngại ngần

Bài thơ “Kiều nương cửa Phật” lần đầu đăng trên Bản tin Câu lạc bộ Sách Xưa & Nay số 17 (2007) và trên Diễn đàn Nhà sách Sông Hương diendan.songhuong.com là thơ thuận nghịch độc thất ngôn bát cú lục chuyển (6 cách đọc), nhưng thực ra chỉ có 4 cách đọc.

Trên truyenkieu.info/forum, trong mục Bài vịnh Kiều “độc đáo”, bài này lại được cho biết là một bài thất ngôn bát cú thuận nghịch độc với hàng trăm cách đọc.

Ông Trịnh Minh Quân (Hà Nội) đã nghiên cứu kỹ bài này và thấy thực ra số cách đọc hơn thế nhiều lần, có thể đến 1.464 cách đọc.

I. GIỮ NGUYÊN TỪNG KHỔ THƠ: 24 bài

Bài thơ có 4 khổ: A- Kiều nguyện cầu, B- cuộc đời Kiều, C- mối tình với Kim Trọng, D- mối tình với Từ Hải.

1. Nếu đọc xuôi giữ nguyên khổ thơ đầu A và hoán vị 3 khổ sau như BCD-BDC-CDB-CBD-DCB-DBC, ta sẽ có được 6 bài khác nhau.

Thí dụ: ADCB

A.Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu
Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau

D.Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ
Mộng tình Kim ấp ủ còn đâu

C.Dần xa dõi bóng Từ oan khuất
Nhân nghĩa Phật tiên cảnh nhiệm màu

B.Vần xoay gió bão đầy năm tháng
Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu

2. SÁU BÀI ĐỌC NGƯỢC. Những câu đọc ngược của 4 khổ ký hiệu là a, b, c, d.

Bài đọc ngược cũng phải giữ nguyên khổ đầu (d) và hoán vị 3 khổ sau (cba-cab-abc-acb-bac-bca) để có được 6 bài khác nhau.

Thí dụ dabc:

d. Màu nhiệm cảnh tiên Phật nghĩa nhân
Khuất oan Từ bóng dõi xa dần

a. Mau rơi ngả nắng vàng hương sắc
Cầu nguyện chiều chuông đổ ngại ngần
b. Dâu bể trắng đời Kiều nhịp lỗi

Tháng năm đầy bão gió xoay vần
c. Đâu còn ủ ấp Kim tình mộng

Thệ ước sai thiền cảnh ái nhân

3. Bỏ bớt 2 chữ đầu của những bài đọc xuôi để có 6 bài ngũ ngôn bát cú như từ bài ABCD:

Đổ chuông chiều nguyện cầu
Vàng nắng ngả rơi mau
Gió bão đầy năm tháng
Kiều đời trắng bể dâu
Cảnh thiền sai ước thệ
Kim ấp ủ còn đâu
Dõi bóng Từ oan khuất
Phật tiên cảnh nhiệm màu

4. Bỏ bớt 2 chữ đầu của những bài đọc ngược để có 6 bài ngũ ngôn bát cú như từ bài dcba:

Cảnh tiên Phật nghĩa nhân
Từ bóng dõi xa dần
Ủ ấp Kim tình mộng
Sai thiền cảnh ái nhân
Trắng đời Kiều nhịp lỗi
Đầy bão gió xoay vần
Ngả nắng vàng hương sắc
Chiều chuông đổ ngại ngần

II. NHỮNG BÀI THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐỌC XUÔI: 360 bài

Bài thơ này độc đáo ở chỗ ngoài 3 câu nói về 3 nhân vật: Thuý Kiều (4), Kim Trọng (6) và Từ Hải (7), thì 5 câu còn lại đều là tâm trạng của Kiều khi ở chùa, những chữ đầu, cuối câu lại đều có thể hợp vần, nên sẽ rất hợp nếu ghép chúng lại với nhau. Nay ta không giữ nguyên từng khổ mà cứ lấy một câu lẻ đi với một câu chẵn của khổ thơ khác để tạo thành khổ mới.

A. Ta hãy chọn khổ thơ đầu tiên, gồm hai câu mà chữ cuối có cùng một vần (bằng). Ta có 10 cách chọn khổ thơ đầu:

1-4 (4-1), 1-6 (6-1), 8-6 ( 6-8 ), 8-4 ( 4-8 ), 8-2 ( 2-8 ).

Thí dụ bài thơ có thể bắt đầu bằng:

1. Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu
4. Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu…
2. Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau
8. Nhân nghĩa Phật tiên cảnh nhiệm màu…

B. Sang khổ thơ thứ hai, sau khi bắt đầu bằng một khổ thơ đã chọn như 1-4:

a) Lấy câu 1-4 làm khổ đầu, câu 5-2 làm khổ thứ hai, ta sẽ có 4 cách đọc:

1-4-5-2-3-8-7-6, 1-4-5-2-7-6-3-8, 1-4-5-2-3-6-7-8, 1-4-5-2-7-8-3-6.

Thí dụ bài 1-4-5-2-3-8-7-6:

1. Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu
4. Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu
5. Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ
2. Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau
3. Vần xoay gió bão đầy năm tháng
8. Nhân nghĩa Phật tiên cảnh nhiệm màu
7. Dần xa dõi bóng Từ oan khuất
6. Mộng tình Kim ấp ủ còn đâu

b) Lấy câu 1-4 làm khổ đầu, lấy câu 5-6 hay 5-8 làm khổ thứ hai ta lại có 4+4 bài nữa. Như vậy với 3 câu đầu là 1-4-5, ta có 12 cách đọc.

c) Với 3 câu đầu là 1-4-5, ta có 12 cách đọc. Với 3 câu đầu là 1-4-3, ta có 12 cách đọc. Với 3 câu đầu là 1-4-7, ta lại có 12 cách đọc. Vậy lấy câu 1-4 làm khổ đầu ta đã có 36 cách đọc.

C. Với mỗi khổ thơ đầu được chọn (như 1-4 ở trên), ta có thể tạo được 36 bài khác nhau, mà ta có 10 cách chọn khổ thơ đầu (Mục A) nên chỉ xét riêng những bài thất ngôn bát cú đọc xuôi ta đã có thể có được 36x10 = 360 cách đọc khác nhau.

Thí dụ bài 1-6-7-8-3-4-5-2:

1. Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu
6. Mộng tình Kim ấp ủ còn đâu
7. Dần xa dõi bóng Từ oan khuất
8. Nhân nghĩa Phật tiên cảnh nhiệm màu
3. Vần xoay gió bão đầy năm tháng
4. Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu
5. Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ
2. Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau…

III. NHỮNG BÀI NGŨ NGÔN BÁT CÚ ĐỌC XUÔI: 360 bài

Từ 360 bài thất ngôn bát cú đọc xuôi trên, cắt bớt 2 chữ đầu của mỗi câu, ta sẽ có được 360 bài ngũ ngôn bát cú.

IV. NHỮNG BÀI THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐỌC NGƯỢC: 360 bài.

A. Như ở mục II-A, ta hãy chọn khổ thơ đầu tiên, gồm hai câu có chữ cuối cùng vần (bằng). Ta có 10 cách chọn khổ thơ đầu : 8-3 ( 3-8 ), 8-5 ( 5-8 ), 1-3 (3-1), 1-5 (5-1), 1-7 (7-1).

B. Sang khổ thơ thứ hai, ta hãy làm như những bài đọc xuôi ở mục II-B. Bắt đầu bằng một khổ thơ đã chọn như 8-3:

a) Lấy câu 8-3 làm khổ đầu, câu 4-7 làm khổ thứ hai, ta sẽ có 4 cách đọc: 8-3-4-7-6-1-2-5, 8-3-4-7-2-5-6-1, 8-3-4-7-6-5-2-1, 8-3-4-7-2-1-6-5

b) Lấy câu 8-3 làm khổ đầu, lấy câu 4-1 hay 4-5 làm khổ thứ hai ta lại có 4+4 bài nữa. Như vậy với 3 câu đầu là 8-3-4, ta có 12 cách đọc. Thí dụ bài 8-3-4-1-2-5-6-7:

8. Màu nhiệm cảnh tiên Phật nghĩa nhân
3. Tháng năm đầy bão gió xoay vần
4. Dâu bể trắng đời Kiều nhịp lỗi
1. Cầu nguyện chiều chuông đổ ngại ngần
2. Mau rơi ngả nắng vàng hương sắc
5. Thệ ước sai thiền cảnh ái nhân
6. Đâu còn ủ ấp Kim tình mộng
7. Khuất oan Từ bóng dõi xa dần

c) Với 3 câu đầu là 8-3-4, ta có 12 cách đọc. Với 3 câu đầu là 8-3-2, ta có 12 cách đọc. Với 3 câu đầu là 8-3-6, ta lại có 12 cách đọc. Như vậy lấy câu 8-3 làm khổ đầu ta đã có 36 cách đọc.

C. Với mỗi khổ thơ đầu được chọn, ta có thể tạo được 36 bài khác nhau, mà ta có 10 cách chọn (Mục A) nên chỉ xét riêng những bài thất ngôn bát cú đọc ngược, ta lại có thể có được 360 bài khác nhau.

Thí dụ bài 1-7-4-8-6-3-2-5:

1. Cầu nguyện chiều chuông đổ ngại ngần
7. Khuất oan Từ bóng dõi xa dần
4. Dâu bể trắng đời Kiều nhịp lỗi
8. Màu nhiệm cảnh tiên Phật nghĩa nhân
6. Đâu còn ủ ấp Kim tình mộng
3. Tháng năm đầy bão gió xoay vần
2. Mau rơi ngả nắng vàng hương sắc
5. Thệ ước sai thiền cảnh ái nhân

V. NHỮNG BÀI NGŨ NGÔN BÁT CÚ ĐỌC NGƯỢC: 360 bài

Từ 360 bài thất ngôn bát cú đọc ngược trên, cắt bớt 2 chữ đầu của mỗi câu, ta sẽ có được 360 bài ngũ ngôn bát cú.

+ Tóm lại, với bài Vịnh Kiều độc đáo này, ta có thể có tới 720 bài thất ngôn bát cú và 720 bài ngũ ngôn bát cú khác nhau, ngoài 24 bài có được khi giữ nguyên từng khổ thơ (Mục I), tức 1.464 cách đọc khác nhau từ một bài thơ.

HOÀNG HẠC LÂU

Sau khi Bản Tin số 25 đã lưu hành trong tháng 6.2008. Chúng tôi đã nhận được một số bài sưu tập và sáng tác và đã đăng trong Bản Tin số 26. Nay nhận thêm được một số bản dịch khác. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý hội viên.

Bài số 17:

Người xưa cưỡi hạc đã xa bay
Hoàng Hạc Lầu không vẫn chốn này
Mây trắng ngàn năm lơ lửng mãi
Hạc vàng một tếch khuất trùng ngay
Hán Dương sông tạnh cây phô sắc
Anh vũ cồn xa cỏ mọc dày
Chiều muộn quê nhà đâu khuất bóng
Trên sông khói sóng gợi buồn thay

NGUYỄN QUẢNG TUÂN
(Thơ đường Tản Đà dịch – NXB Trẻ 1987 )

Bài số 18:

Cưỡi hạc người xưa bay tận đâu
Nơi đây không hạc chỉ còn lầu
Hạc vàng một thoáng không về lại
Mây trắng ngàn năm vẫn dãi dầu
Sông tạnh Hán Dương cây tỏ sắc
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh màu
Cổng làng chiều tím tìm đâu thấy
Khói sóng trên sông những gợi sầu

NGUYỄN HỮU HUYÊN

(Những bài thơ Đường nổi tiếng

- NXB Đại Học Quốc Gia TPHCM 2006)

Bài số 19:

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay
Lầu Hạc Vàng trơ đứng chỗ này
Một tếch hạc vàng không trở lại
Nghìn năm mây trắng vẫn trôi hoài
Hán Dương sông tạnh cây lồ lộ
Anh vũ cồn thơm cỏ rậm dầy
Đâu tả quê nhà chiều tối đến
Hơi sương sóng tỏa chạnh niềm tây.

TRƯỜNG GIANG (4/2003)
(Tên thật Nguyễn Văn Thiên,
Nguyên Hiệu trưởng Lê Hồng Phong & Trần Khai Nguyên)

Bài số 20:

Người xưa cưỡi hạc lần trong mây
Hoàng Hạc Lầu không ở chốn này
Một thưở, hạc vàng không trở lại
Ngàn năm, mây trắng lững lờ bay.
Hán Dương sông tạnh cây lồng bóng
Anh Vũ cồn thơm cỏ mọc đầy
Chiều tối quê nhà đâu chốn cũ
Trên sông khói sóng dạ nào khuây.

HUỲNH QUANG VINH (23-3-2003)
(Nguyên Gv Trường THPT Nguyễn An Ninh)

Bài số 21:

Xưa người cỡi hạc vàng ngang đây
Vét tích còn Lầu Hoàng Hạc nay!
Một bận, hạc vàng biền biệt khuất
Ngàn sau, mây trắng lững lờ bay.
Hán Dương sông lặng câu soi bóng
Anh vũ cồn thơm thảm cỏ dầy.
Chiều xuống, nơi nào làng xóm cũ
Tràn sông khói sóng khiến buồn vây.

TRẦN PHƯƠNG CÚC (8-4-2003)
(Tên thật Trần Nguyên Phò, Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức TP,
Nguyên Chánh Thanh tra Sở Giáo Dục – Đào tạo TPHCM)

* Bài 19,20,21 thuộc nhóm thi hữu lão giáo “Uống mật gấu”

Xin giới thiệu thêm hai bài thơ Hoàng Hạc Lâu
của Nguyễn Du và Trịnh Hoài Đức.

HOÀNG HẠC LÂU

Hà xứ thần tiên Kinh Kỷ thì
Do lưu tiên tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư Sinh Mộng
Hạc khứ lầu không Thôi Hiệu thi
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu
Nhãn trung thảo thực thượng y y
Chung tình vô hạn bằng thủy tổ
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri

NGUYỄN DU
(Thơ chữ Hán – trang 382, NXB Văn Nghệ 2007,
Nhà Giáo Trần Văn Nhĩ biên dịch)

Dịch nghĩa

Thần tiên ở nơi nào đến và trải qua bao đời rồi
Mà còn để lại dấu tiên ở bến sông này
Nay lại xưa qua chỉ là giấc mộng của chàng họ Lư
Hạc bay lầu trống còn lại lời thơ Thôi Hiệu
Khói sóng phía ngoài lan can, một cõi mênh mông
Cỏ cây trước mắt vẫn y như cũ
Biết cùng ai bày tỏ niềm cảm xúc vô hạn từ trong đáy lòng
Trăng trong gió mát cũng không biết được (nỗi niềm đó).

Dịch thơ

Thần tiên đâu đến bến sông này?
Lưu lại dấu tiên trải bấy nay!
Nay tới xưa qua Lư mộng đó
Hạc bay lầu trống Hạo (Thôi Hiệu) thơ đây
Cỏ cây ngút ngát trong tầm mắt
Sóng khói mênh mang tỏa cửa ngoài
Gió mát trăng trong sao hờ hững!
Nỗi niềm vô hạn ngỏ cùng ai?

HOÀNG HẠC LÂU

Vũ Xương chi bãi giã công xa
Hoàng Hạc giang lâu túng mục sơ
Miến thủy yêu hoa khao bộ trướng
Ngạc Châu văn vật tảo đỉng trừ
Bồ trương phố viễn phàm quy khách
Mai lạc hồ bình địch xuy ngư
Cuồng tứ tục canh Thôi Hiệu cú
Thanh Liên tiêu dĩ hạ hàng thư

TRỊNH HOÀI ĐỨC
(Gia Định Tam gia - trang 280,
NXB Đồng Nai 2006 – Hoài Anh biên dịch)

Dịch nghĩa

Vũ Xương đưa quà tặng xong cưỡi xe công
Lầu Hoàng Hạc bên sông lần đầu thỏa sức nhìn
Sông miến hoa khói mở bức trướng trên bộ
Châu Ngạc sản vật như mây, quét ngoài sân
Câu bồ giương ra bến xa, khách trên thuyền về
Mai rụng hồ phẳng ông chài thổi sáo
Ngông cuồng muốn nối tiếp câu thơ của Thôi Hiệu
Lý Bạch trước đã hạ thư hàng .

Dịch thơ

Tặng quà xong, cưỡi xe công
Lầu Hoàng Hạc thỏa mắt trông lần đầu
Miến Giang hoa khói đẹp màu
Quét sân, sản vật Ngạc Châu ùn ùn
Cây bồ giương, khách dong buồm
Hồ bằng, mai rụng, chài buông sáo chiều
Thơ Thôi Hiệu muốn nối theo
Thanh Liên trước đã biết điều chịu thua

NHH St

* Đính chính: Trong bản tin số 25, bài số 7 ghi tác giả Vô danh
Xin sửa lại: TRẦN TRỌNG SAN
(Thơ Đường – Poems of the T’ANG dynasty
- Tủ sách ĐHTH/TPHCM năm 1990)

Phụ bản III

A Q với “thắng lợi tinh thần”

Gần đây trên các nhật báo hay tạp chí thường sử dụng nhóm từ ngữ “tinh thần A Q” hoặc “thắng lợi tinh thần của A Q”.Tôi biết các nhà báo muốn đề cập đến tập truyện “A Q chính truyện” của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn nhưng vì không giải thích A Q là ai và thắng lợi tinh thần là gì cho nên tôi biết sẽ có một bộ phận độc giả chỉ đọc lướt qua hoặc bỏ đi không đọc bài viết đó.

Có người hiểu sai cho rằng thắng lợi tinh thần kiểu A Q giống như chuyện “Tái Ông thất mã”. Thật ra khác nhau xa lắm. “Tái Ông thất mã” muốn nói rằng trong cái rủi có cái may. Rủi may, may rủi tồn tại trong nhau. Người ta sử dụng để tự an ủi khi gặp rủi ro và khi gặp may người ta khiêm tốn dè chừng cái rủi ro sắp đến.

Cũng có người cho rằng “thắng lợi tinh thần giống như tình huống khi một người bị mất tài sản tự an ủi “Chậc, của đi thay người”. Tình huống này cũng khác với thắng lợi tinh thần vì của đi hay người đi thì cả hai tình huống chủ thể đều thua đẹp. Nhưng ở A Q thì lúc đầu thấy là thua nhưng kết cuộc là thắng rõ ràng.

Vậy “thắng lợi tinh thần” là gì?

Trước hết, A Q là ai?

A Q là đứa con tinh thần của Lỗ Tấn, nhân vật trong tập truyện “A Q chính truyện” ra đời năm 1921. A Q là con người của bối cảnh xã hội sau Cách mạng Tân Hợi 1911 nhưng là nhân vật đại biểu của dân tộc Trung Hoa suốt mấy ngàn năm.

Lỗ Tấn tên thật là Chu Thụ Nhân (Zhou Shuren,1881 – 1936). Thời trẻ từng học hàng hải, rồi học khai mỏ. Sang Nhật Bản học y, sau chuyển sang viết văn. Viết nhiều thể loại: truyện ngắn, bút ký, chính luận, bút ký trữ tình (thường gọi là tạp văn), thơ, kịch... với lòng ưu ái sâu xa là thức tỉnh đồng bào, chỉ cho họ con đường giải phóng của chính họ. Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng thuyết tiến hóa của Đắcuyn (C. R. Darwin), mượn lý thuyết sinh vật học này để nói rõ tiến hóa là cần thiết. Về sau, qua thực tế đấu tranh xã hội, Lỗ Tấn tiếp thu chủ nghĩa Mac - Lênin. Hơn 20 năm sử dụng ngòi bút như vũ khí, Lỗ Tấn tập trung mổ xẻ các căn bệnh tinh thần của đồng bào mình.

Biểu hiện tập trung nhất là “phép thắng lợi tinh thần” được miêu tả sinh động trong thiên truyện vừa nổi tiếng “A Q chính truyện” (1921). Đó là tác phẩm thể hiện đầy đủ nhất tư tưởng và phong cách nhà văn. Trong hàng loạt các tập “tạp văn”, Lỗ Tấn còn lên án mạnh mẽ các loại kẻ thù của nhân dân, của cách mạng như bọn phong kiến, bọn quân phiệt tay sai đế quốc, chính quyền tư sản phản động cùng bọn bồi bút chó săn. Đó là những thế lực đang lợi dụng sự mê muội và sự tự thoả mãn của nhân dân để cản phá con đường giải phóng dân tộc. Lỗ Tấn còn là nhà nghiên cứu lịch sử văn học, để lại hai bộ sách có giá trị: “Đại cương lịch sử văn học Hán”, “Lược sử tiểu thuyết Trung Quốc”. Ngoài ra còn có nhiều tác phẩm dịch văn học Nga, Xô Viết, Đông Âu, Bắc Âu vv... Lỗ Tấn phát huy đầy đủ thiên chức văn nghệ, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc giải phóng dân tộc, trở thành ngọn cờ của nền văn học cách mạng Trung Quốc.

Về thân phận của nhân vật A Q trong truyện Lỗ Tấn viết trong lời tựa của mình: “Tôi cũng không biết chữ tên A Q viết như thế nào. Lúc y còn sống, người ta gọi y là A Quây, đến khi chết rồi thì chả hề ai nhắc đến tên ấy nữa, còn nói gì đến việc chép vào sử sách! Mà nếu như có việc chép vào sử sách, thì đây là lần đầu tiên đây, cho nên sự khó khăn này tôi vấp trước ai hết. Tôi từng có lúc nghĩ kỹ rằng: A Quây chính là A Quế hoặc là A Quí đây! Nếu như A Q có cái biệt hiệu là Nguyệt đình, hoặc giả y đã ăn sinh nhật vào khoảng tháng tám, thì nhất định là A Quế đứt đi rồi. Nhưng y lại chưa hề có biệt hiệu - mà có nữa cũng không ai biết - lại cũng chưa hề gửi thiếp cho ai vào ngày sinh nhật để người ta gửi đến cho những bài thơ chúc tụng, thành ra viết A Quế là võ đoán. Lại nếu như y có một ông anh hoặc ông em tên là A Phú chẳng hạn, thì nhất định y là A Quý; nhưng y chỉ trơ trọi có một mình. Vậy viết A Quý cũng chẳng có bằng chứng gì. Còn những chữ lạ khác cùng âm ‘quây’ thì tìm không ra. …Cuối cùng, tôi đành phải nhớ một người làng lục hộ hồ sơ án A Q xem sao. Ròng rã tám tháng trời, người ta mới trả lời cho tôi rằng: Trong bản án không hề thấy tên nào đọc na ná là A Quây cả. Không biết có chắc hay không, hoặc giả người ta không tra khảo gì cả cũng nên, nhưng tôi không còn có cách nào khác nữa. Sợ lối “chú âm phù hiệu” chưa được thông dụng, tôi đành dùng lối chữ Tây, theo cách phiên âm của người Anh mà viết thành A Quây, và viết tắt là A Q vậy. Như thế, tôi đã nhắm mắt làm theo bọn Tân thanh niên, trong lòng cũng hết sức áy náy, nhưng cậu Tú còn bí nữa là tôi đây, biết làm thế nào?” Người viết bài này được biết tên A Q được gọi theo tiếng Quảng Đông là A Kíu. Kíu ở đây chỉ là phát âm của chữ Q của mẫu tự Latin.

Những chiêu thắng lợi tinh thần của A Q

Thật ra khi hành xử những chiêu thức thắng lợi tinh thần để chống lại với đối phương, A Q không hề biết anh ta có chiêu thức gì cả, chỉ biết rằng sau đó khi đối phương đã đi rồi anh ta vô cùng hả hê như vừa mới tẩn cho đối phương một trận tơi bời, và đối phương phải quì lạy xin tha mạng. Cái hay tất yếu của thắng lợi tinh thần là phải có hả hê, khoái lạc . Không có hả hê, khoái lạc không phải là điều kiện đủ để gọi là thắng lợi tinh thần.

Như vậy, “Tái ông thất mã” không có hả hê, mà trái lại còn nơm nớp lo sợ không biết rủi ro sẽ đến bất cứ lúc nào. Rồi “của đi thay người” cũng không dám hả hê cho, chỉ mong rủi ro qua đi cho rồi.

Chiêu thắng lợi tinh thần đầu tiên của A Q trong tập truyện:

A Q cực kỳ nghèo khó, trụi lũi, không nhà cửa, không quê quán, không nghề nghiệp. Ai thuê gì thì làm nấy từ gặt lúa, giã gạo đến chèo thuyền… Nhân thân không ai biết, lý lịch không rõ ràng:

“Chỉ có những lúc cãi lộn với ai thì họa hoằn y mới trừng ngược mắt lên mà tuyên bố :- Nhà tao xưa kia có bề có thế bằng mấy mày kia! Thứ mày thấm vào đâu!”

Chiêu kế tiếp của A Q dùng đ ể ‘dập’ vào những gia đình giàu có:

Cụ Cố nhà họ Triệu và Cụ Cố nhà họ Tiền là hai người mà trong làng ai ai cũng kính trọng, bởi vì hai cụ gia tư đã giàu có, lại hai cậu con là hai cậu đồ; thế mà chỉ một mình A Q là không ra vẻ sùng bái lắm. Y nghĩ bụng: “Con tớ ngày sau lại không làm nên, to bằng năm bằng mười lũ ấy à!

Thế là A Q đắc thắng với ý tưởng con hắn sau này sẽ làm vương làm tướng còn các cụ cố kia chả ra cái đinh rỉ đinh sét gì cả. Có ai biết rằng trong xã hội đời thường ngày nay cũng có người sử dụng chiêu thức này của A Q. Tại một cuộc tranh luận trên bàn nhậu một anh chàng trung niên phát biểu: “Chuyện đó anh làm được, tôi không làm được nhưng con tôi làm giỏi hơn anh, nó biết tất tần tật mọi thứ trên đời, anh không là gì đâu nhé”. Không biết anh chàng này có đọc A Q chưa mà sao sử dụng chiêu thức y chang. Hỏi ra con anh này mới học lớp 10.

A Q không biết tự bao giờ có một cái sẹo to đùng trên đầu, hắn bực bội lắm nhất là vì cái bọn vô công rồi nghề ở làng Mùi cứ nhắm vào đó để chọc ghẹo.

Không có cách gì đối phó, A Q đành nghĩ ra một câu để trả thù:

- Thứ chúng mày không xứng... Lúc đó, y lại có cảm tưởng rằng cái sẹo trên đầu y không phải là một cái sẹo tầm thường mà là một cái sẹo vinh diệu, danh giá nữa kia. Nhưng như trên kia đã nói, A Q là người kiến thức rộng, y biết ngay rằng nếu y nói nữa nhất định sẽ phạm húy, nên y không nói hết câu.

Thế mà lắm đứa vẫn chưa chịu thôi, cứ ghẹo y, thành ra cuối cùng lại đánh nhau. Thực tế thì A Q thua, người ta nắm lấy cái đuôi sam vàng hoe của y dúi đầu vào tường thình thình bốn năm cái liền rồi mới hả dạ bỏ đi. Còn A Q thì đứng ngẩn người ra một lúc, nghĩ bụng:

- Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó. Thật thời buổi này hết chỗ nói!

Rồi cũng hớn hở ra về vẻ đắc thắng.

Đắc thắng là vì nó đánh bố nó chứ nào phải đánh A Q.

Dần dần bọn vô công rồi nghề biết rõ cái thủ đoạn đắc thắng tưởng tượng đó của hắn.

“Cho nên, từ đó hễ đứa nào tóm lấy cái đuôi sam vàng hoa của y, nó cũng bảo:

- A Q này! Đây không phải là con đánh bố đâu nhé! Đây là người đánh con vật, nghe chưa ? Hãy nói đi nào: người đánh con vật!

A Q hai tay cố giữ lấy cái đuôi sam, nghếch đầu lên nói:

- Đánh con sâu! Được chưa! Tớ là sâu! Chưa thả ra à!

Tuy A Q đã nhận là sâu rồi mà nó vẫn chưa chịu thả. Nó còn tóm lấy đầu y dúi luôn năm sáu cái thình thình nữa vào chỗ nào gần đó rồi mới hớn hở bỏ đi, yên trí rằng sau trận này y có thể xấu hổ mà chết đi được! Nhưng chưa đầy mươi giây đồng hồ sau, A Q đã lại hớn hở ra về có vẻ đắc thắng. Y nhận thấy y là người giỏi nhịn nhục bậc nhất, và ngoài việc “nhịn nhục” ra, thì về mọi phương diện, y vẫn là người “bậc nhất”. Trạng nguyên cũng chỉ là người “bậc nhất” mà thôi! “Thứ mày kể vào đâu!” Rồi AQ mắng thầm kẻ đè đầu mình: “Đồ ngu, ngươi đánh con sâu mà cứ tưởng đánh được ta.”

Và đây, cái thái độ hả hê của hắn.

“Sau lúc đã dùng bấy nhiêu phương pháp thần diệu ra đối phó với kẻ thù, A Q liền khoan khoái đi tới quán rượu, nốc luôn mấy chén, đùa cợt với anh này, cãi lộn với anh kia, lại “đắc thắng” rồi mới hớn hở bỏ về đền Thổ Cốc, ngả ra làm một giấc đến sáng”.

Qua những đoạn trích trên đây, người đọc thấy được sự đắc thắng của A Q sau mỗi tình huống bị đối phương tẩm quất cho u đầu sứt trán. Mà hắn ta đắc thắng thật vì thường thường sau đó hắn đánh một giấc ngon lành. Rõ ràng hắn đã giải quyết và làm thỏa mãn trạng thái tâm lý, không còn bị ức chế, không còn bức xúc dằn vật, Hắn có biết đâu tự bẩm sinh, tự bản chất ngu si dốt nát, và từ trong vô thức hắn đã bất ngờ tạo ra một nền tảng triết học “thắng lợi tinh thần” mà người đời sau, trong sinh hoạt thường ngày, vô tình sử dụng mà không biết nguồn gốc.

Khi viết A Q Chính truyện, Lỗ Tấn không nhằm chế giễu người nông dân Trung Hoa mà nhằm mổ xẻ, chữa trị cho người nông dân hoặc để người nông dân thấy mà tự chữa trị. Nhận ra những nhược điểm trong tâm lý, tính cách và tìm cách khắc phục chính là thái độ tích cực thúc đẩy sự phát triển.

Duong Leh

(Biên soạn từ nguồn Internet)

NÊN ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO

Lạm dụng việc đọc sách sẽ giết chết khoa học. Hình như con người muốn nắm hết những điều đã học, nhưng y chưa tính được những gì cần phải nghiên cứu. Sự ham học quá mức sẽ khiến người ta trở nên ngu dốt một cách tự tin.

J. J. Rutxô

Không cần đọc tất cả. Chỉ cần đọc những cái gì đáp ứng được những câu hỏi nảy ra trong đầu óc ta.

L. Tônxtôi

Sách vốn có ý nghĩa quan trọng đối với con người, nhưng sách sẽ chỉ là vậy vô tri không những với người không biết cách đọc và cả những kẻ đã đọc máy móc hết trang này đến trang khác mà không biết rút ra từ những dòng chữ chết cứng đó những tư tưởng sinh động.

K. D. Usinxki

Yêu thích một cuốn sách tức là hiểu được cuốn sách ấy. Hiểu nó tức là phải ca ngợi nó và truyền bá nó. Truyền bá nó tức là lãnh trách nhiệm hình thành và phát triển nhận thức con người.

V. C. Ligin

Phải biết trích lục những gì bạn đã đọc.

Erant đờ Sesel

Muốn coi vải xấu phải coi bề trái. Còn về một vài cuốn sách, theo tôi độc giả có thể đoán được đoạn kết khi đọc trang đầu.

H. Fielding

Sách lựa kỹ ta phải coi như bạn, như tri kỷ, như địch thủ. Ta đàm thoại, lý luận và tranh luận với nó. Đọc sách chỉ sinh lợi với điều kiện đó.

Đ. Điđờrô

Để trang trí não thì đọc nhiều, để đào luyện nhận thức và bút pháp thì phải đọc ít.

Bonald

Những điều thu thập được qua việc đọc sách cần được sắp xếp theo trật tự thống nhất. Ta hãy bắt chước các con ong bay đâu đó hút mật hoa rồi làm mật của mình, nó đã xếp ngăn nắp vào các tầng trong tổ.

Sénèque

Thời đại ta bệnh vì đọc quá và đọc bậy.

Annet

Đọc nhiều sách quá làm sức mạnh tinh thần tản mác.

Sénèque

Một người đọc nhiều quá và bắt não cố gắng quá sẽ mang tập quán lười biếng tinh thần.

A. Anhxtanh

Những người đọc sách mà nhẹ dạ, nông nổi nuốt hết cuốn sách tầm thường này sang cuốn sách rẻ tiền khác, chẳng những không thu được điều gì hay mà trái lại còn nhiễm độc với các sách ấy.

Carleil Tomats

Thà đọc mười cuốn nói về một vấn đề còn hơn đọc một trăm cuốn sách nói về một trăm vấn đề khác nhau.

G. Branđec

Nhiều người không biết thời giờ và công phu của họ đã phải bỏ ra bao nhiêu để học cách đọc sách. Tôi đã tập làm điều đó tám mươi năm rồi mà tôi không thể nói là biết đến nơi đến chốn.

Gơt Ioran

Đọc sách thật thú vị, đọc lại một cuốn sách đôi khi còn thú vị hơn.

Phagơ Emin

Mỗi người nhìn một đối tượng trong thế giới với một cảm giác khác nhau. Cùng như thế, người này khác người kia khi nhìn nhận một quyển sách nào đó.

H. Hai nơ

Cần tìm hiểu về nền văn học nước mình và nhất là sách văn học… Đó là điều không thể thiếu được. Sách văn học là bức tranh toàn cảnh vô cùng phong phú mô tả các kiểu người ở trong những hoàn cảnh muôn hình, muôn vẻ. Vì vậy, để nâng cao văn hóa, trước hết cần phải biết văn học nghệ thuật. Theo kinh nghiệm bản thân tôi, nó làm cho tâm hồn con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.

Calinin M khain Ivannovích

(1875-1946)

Sưu tập những cuốn sách tốt là một việc tốt nhưng nếu luôn tìm đến sách và luôn đọc sách thì còn tốt hơn nhiều.

Petrarque Prantrecco

Trên đời này có nhiều cuốn sách tốt, nhưng những cuốn sách ấy chỉ tốt đối với những ai biết đọc chúng. Biết đọc những cuốn sách tốt hoàn toàn không có nghĩa là biết chữ.

Pixarep

Đọc ít mà suy ngẫm hơn là đọc nhiều mà chỉ lướt qua vội vàng.

M. Tuyppơ

Cũng giống như việc ăn uống quá độ thường gây hại cho con người, hơn cả nhịn đói, việc đọc sách quá nhiều có thể có hại cho trí tuệ.

Pêtrarque

Tôi thường đọc nhanh, đọc nhiều, đọc không lựa chọn và tôi hết sức kinh ngạc khi sau đó tôi phát hiện ra rằng tôi không thể hiểu hết được điều gì cả.

A. Phrăng xơ

Trích từ tác phẩm “Thơ và Danh ngôn về Sách” –
NXB Văn học Hà Nội 1996
Đỗ Thiên Thư st

­Về bản dịch Kiều của Thùy Dương, có vài bạn thắc mắc sao bản dịch của Thùy Dương ít thấy đưa vào chú giải các điển tích. Thật ra chị Thùy Dương đã nói rõ trong Lời Tựa bằng tiếng Anh (chưa đăng) là chị sẽ chỉ đưa vào chú giải những điển tích hay, hấp dẫn, còn những điển tích nào khô khan và dài dòng, chị sẽ không đưa vào mà chỉ lấy ý, hoặc chú giải vắn tắt. Như thế để tránh cho các độc giả ít thì giờ khỏi phải mất hứng mỗi khi đang đọc một đoạn thơ hay lại phải ngưng lại để tra cứu điển tích. Và từ nay chị sẽ trích đăng những đoạn có nhiều điển tích hay để phục vụ độc giả, chỉ sợ độc giả lại thích đọc điển tích hơn đọc Truyện Kiều thôi. Nhưng chị Thùy Dương đừng lo, vì nếu chị dịch được điển tích hay hơn Truyện Kiều thì cũng là làm đẹp thêm Truyện Kiều, Cụ Nguyễn Du sẽ không quở đâu mà còn thưởng nữa đấy. V.A.T.

TRUYỆN KIỀU
(Từ câu 243-286)

Cho hay là giống hữu tình,
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong.
245 Chàng Kim từ lại thư song,
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!
Mây Tần khóa kín song the,
250 Bụi hồng dứt nẻo đi về chiêm bao.
Tuần trăng khuyết dĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng
Phòng văn hỏi lạnh như đồng,
Trúc se ngọn thỏ tơ chùng phím loan.

Strangely enough, but this is an eternal law
For all human beings who are falling in love.
I bet anyone could ravel the silk threads entangled in their hearts?
No exception of Kim, since that beautiful “Festival on Grass”,
Back home in his study, he is constantly obsessed
By the image of the attractive young lady he had met.
The more he kept down his sorrow, the higher it rose.
Sad clouds veiled up his melancholic windows,
And her rosy shadow appeared in his dream so often.
Each day seemed to him three endless Autumns!
The full moon came, then waned night after night,
Oil went on to lessen in his lamp of dim light.
As he dreamed of her face, his love grew eager.
The room’s atmosphere was so cold, as cold as copper (1)
The rabbit hair of his brush dried up and stiffened.
The strings of his phoenix-fretted (2) guitar loosened.

------------------

(1) As cold as copper: lạnh như đồng = Vietnamese idioms used to say of something that is very cold
(2) Phoenix-fretted = the word “phoenix”, name of an imaginary exquisite bird, was used in literature as referring to love and marriage

255 Mành Tương phất phất gió đàn,
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi.
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,
260 Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi.
Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.
Gió chiều như giục cơn sầu,
Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.
265 Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.

The blinds rattling in the wind sounded a sad murmur,
Incense recalled the beloved, tea smelled love-thirst flavor.
“Oh!”, exclaimed he, “If this wasn’t a debt for three existences (1)
That is going to link us in this life full of promises?
Then why should I have to meet such a charming creature
Who has brought my heart to such a painful torture?
One day, drifted in the memories of their first meeting,
He remembered the place, the lovely face and everything…
Then hastened to set out for where the scene had passed.
But arriving, he found nothing but an area of grass
Growing verdant and immersed in limpid water,
And the scenery remained quiet – as quiet as ever
The afternoon breeze seemed to incite melancholy,
The reeds wavered sadly as if to stir his sad story.
His love grew more passionate as he couldn’t find any trace,
He then made up his mind to see her, face to face.
To the direction of the Lam Bridge (2) he went straight down,
Through bushes and groves he arrived before a big house.

--------------------

(1) It was believed that every couple who were to get married had been linked together by their destinies. Within three existences at the latest, they should meet each other and get married

(2) Lam Bridge: This was not actually a bridge, but only a symbolic image meaning the place where lived the beauty, as reference to an old story.

Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh.
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
270 Con oanh học nói trên cành mỉa mai.
Mấy lần cửa đóng then cài,
Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu?
Tần ngần đứng suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà,
275 Là nhà Ngô Việt thương gia
Buồng không để đó người xa chưa về.
Lấy điều du học hỏi thuê,
Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang.

How severe it looked with the walls high, the gate closed!
There was not a small stream for a red leaf to flow (1)
Nor the least way of entry for a blue bird to fly (2)
The willow’s gently waving its graceful silk blinds.
On a branch an oriole’s practicing its twittering sounds,
As though mocking the poor young man who was looking around.
All inner doors and outer gates were bolted and closed
Flower’s strewed all over the threshold, but where is the girl he loved?
He stood there for long hours, undecidedly,
Then pacing round to the rear, he was glad to see
Among this peaceful scenery another dwelling,
Like an investigator he hurried in, inquiring.
The owner was a tradesman who had gone far away,
Leaving most of the room unoccupied night and day.
Introducing himself as a traveler-student,
He asked to rent a single apartment,
Then moved in along with his guitar and book-case.

--------------------

(1) Red leaf: A beautiful symbol of love intermediary. In an old story (of the Tang period), one day, a young man named Vu Hựu found a red leaf floating on a stream running from the Imperial Palace. He picked it up and found a poem scratched on it as follows:

Lưu thủy hà thái cấp
Thâm cung tận nhật nhàn
Ân cần tạ hồng điệp
Hảo khứ đáo nhân gian

Down the stream, water’s flowing so fast!
In the Harem, how long idle days last!
Oh, Red Leaf! Please help me send these words
To someone in the outer world!

Vu Hựu picked another red leaf and scratched on it his poem:

Tằng văn diệp thượng đề hồng oán
Diệp thượng đề thi ký dữ thùy?

I am so glad to have read
A rose’s complaint on a red leaf
But I wonder to whom this poem
On the red leaf was nicely written?

He brought the red leaf to the upper section of the stream and floated it downstream toward the Imperial Palace. Hàn Thị, the odalisque, who had dropped the first red leaf, received this one. Ten years later, when the Emperor released 3,000 odalisques, Hàn Thị was among them. She met Vu Hựu on an unexpected occasion and they got married. Hàn Thị then had another poem:

Xuất liên giai cú tùy lưu thủy,
Thập tại ưu tư mãn tố hoài.
Kim nhật phước thành loan phụng hữu,
Phương tri Hồng Điệp thi lương môi.

A poem sent to water flowing,
Plus ten years’ impatiently waiting.
We now become Phoenix and Jenny,
Thanks to Red Leaf – a nice intermediary.

Translated by Thùy Dương

(2) Blue bird: love messenger

Có cây có đá sẵn sàng
280 Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai.
Mừng thầm chốn ấy chữ bài,
Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây?
Song hồ nửa khép cánh mây,
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.
285 Tấc gang động tỏa nguyên phong,
Tịt mù nào thấy bóng hồng vào ra!

It was a wonderful place with lovely things displayed:
Fine trees, fancy rocks and a romantic corridor,
With two golden characters “Lãm Thúy” (1) above the door.
“Wonderful works! What a coincidence!”, he whispered,
Doesn’t this mean from here I can watch my love?
“Oh, God! Was it a link for three previous existences
“That is going to join us in this life actually?”
Then every day he left his window veil half opened,
To the East wall he kept peeping out and listened.
But the fairy grotto (2) close by was closed day and night,
And the rosy silhouette never appeared in his sight!

-----------------

(1) Lãm Thúy: Lãm = to watch, Thúy = beautiful. Lãm Thúy here meant “watching the beautiful scenery”. But to Kim Trọng, it meant also “watching Thúy Kiều”. The word “Thúy” had a double meaning. This coincidence made him believe that this might be an arrangement of destiny.

(2) Fairy grotto: This referred to a Vietnamese legend, “Thiên Thai”, which means “Fairyland”. Once upon a time, two young men named Lưu and Nguyễn went very far in the woods to seek medicinal herbs. On their way back, they got lost and went farther in the woods. It was getting dark when they heard beautiful music as though someone was playing the flute somewhere. They came to the direction where came the music and soon arrived before a grotto in which they saw a band of fairies dancing and singing in front of a peach garden in full blossom. Soon they were warmly welcomed by two fairies, the most beautiful among them. After a few days’ sojourn in the fairy grotto, though so delightful as a dream, the two young men felt homesick anyway. With regret they took leave of the beautiful fairies and returned home. But upon arrival, they found that everything had changed and they could not find their houses and families anywhere. When they told them their names, none of the villagers knew, except some of the oldest men, who said that they had heard from their grandparents that some of their ancestors bearing the same name Lưu and Nguyễn had once gone into the woods to seek medicinal herbs and had never come back. (This fact may be explained as one day in the Fairyland lasts as long as one hundred years on the earth!) Desperate, the two young men Lưu and Nguyễn then returned to the fairy grotto. They did find the way and arrived before the grotto. But this time it was closed. They waited and waited for many days and months. But the fairy grotto was closed forever! Here in this sentence as described by the author, Kim bore the same sorrow as the two young men Lưu and Nguyễn before the closed fairy grotto.

(3) This Vietnamese legend has been written into a nice song entitled “Thiên Thai” by the late famous composer Văn Cao – author of our national anthem.

NGHIÊN TỨC MẶC HẦU

Thực ra, về mô tả chiếc nghiên thì khó ai làm hơn cụ Vương(1) vì trong lời văn cụ luôn tràn trề một nỗi đam mê và thành kính hiếm gặp! Theo lời cụ: “Tức Mặc Hầu vóc lớn và nặng, cỡ hai phần ba miếng gạch Tàu, nhớ độ chừng, lối ba tấc Tây bề dài, hai tấc bề ngang, và dày cỡ ba phân. Bởi là loại đá tỷ như đá bùn đá nổi, nên tôi so sánh sức nặng và vóc dạc như miếng gạch Tàu, thứ lát sân, lát nhà… Về cách chạm trổ thì tuyệt khéo. Nét chạm tinh vi, đá đã trơn bén sẵn, bây giờ thời gian lại ký tên vào đá bằng một màu cổ kính, Pháp gọi “patiné par le temps”, có mấy chữ mà toi cơm không dịch nổi: nếu đá ngoài trời thì tạm gọi là rêu mờ phong sương, ngặt vì đây là đá quý phái thường nằm trên đài son gác tía, có lẽ phong trần từng nếm, nên dịch đỡ “lạc tinh” mấy độ với thời gian”.

Rồi cụ Vương tả tiếp: “dưới đáy nghiên là một bài văn “ngự chế” của đức Dực Tôn, đề cao đặc tính của nghiên Tức Mặc Hầu. Chữ khắc nổi, mạ vàng lên mặt chữ sắc sảo không thể tả, tiếc vì tôi chỉ biết mò bằng tay và khen tấm tắc, chứ không biết khen bằng mắt vì mắt không đọc được chữ nào!”

“Khúc trên đầu của cái nghiên thì chạm nổi, hình một cổ tùng, gốc ngoằn ngoèo trông thật già, già không biết đến mấy trăm năm, như vậy mới xứng với ba chữ “thiên niên thọ”,… Kế bên gốc tùng, chạm một cổ đình, cổ đình nầy vừa là một tiên động tuyệt khéo, trên nóc trổ từng miếng ngói đều đặn y như vẽ bằng máy chớ không phải vẽ bằng tay, gốc tùng và cổ đình vẫn nửa to nửa che khuất trong lùm cây, mây đây mà rõ lại không phải là mây, đó là “yên hà”, ráng đỏ hói lam, của một cảnh tiên rất khác với cõi trần tục”.

“Phần dưới cái nghiên, sát chân cảnh tùng đình, là một bể con, khoét sâu trong mặt nghiên, biến thành một vũng xinh xinh dùng để chứa nước cần dùng trong việc mài mực. Giữa cái bể tí hon ấy có một cù lao đủ sức lớn để chứa chỗ đứng cho tám vị tiên ông đang trùm nhum nhau lại và hình như chăm chú ngắm nghía thương thức một bức tranh cổ, mà ông tiên tranh nhau nắm một chéo nhỏ, xem tuồng tranh nầy quý giá lắm, nên phải thận trọng từng ly từng tý khi chiêm ngưỡng làm vầy. Còn chung quanh cái nghiên có chạy một đường hồi văn kiểu “chân muỗi”…

Còn về chiếc hộp đựng chiếc nghiên, theo lời cụ Vương, đây cũng là một báu vật: “… một cái hộp rất mỹ thuật, làm bằng đồi mồi Hà Tiên, loại thật đẹp, thật quý, trong trẻo và vàng hực, khiến cho bài thi ngự chế nổi bật: một bài khác trên nắp hộp và một bài khác nữa khắc trên mặt dưới của cái hộp, khiến chúng tôi khen thầm, nội cái hộp nầy không, cũng đủ là một mỹ thuật tuyệt tác”.

Cụ Vương cũng từng mô tả rất kỹ về những cù dục nhãn huyền bí này: “… khi tôi định thần và nhìn kỹ lại, khi ấy tôi mới khám phá ra, tuy chỗ mài mực nầy xem dường bằng phẳng, nhưng vẫn có bảy tám chỗ u lên cao, xem lạ lạ: y như nốt mắt cá cây trên mặt gỗ, trông cỡ đầu chiếc đũa, lại sắc dợt, bạch hơn màu đá ở chung quanh, nói nghe tục, y như mụn có cồi nổi trên da mặt mấy chàng thanh niên đòi vợ và của mấy cô “mống chuồng”. Nhờ hỏi thăm và tra cứu lâu hoắc, sau này tôi mới rõ đó là những túi nước (poche d’eau) huyền bí của nghiên Tức Mặc Hầu, theo sách Trung Hoa gọi đó là “cù dục nhãn” nôm na là mắt chim cù dục…”

(1) Vương Hồng Sển, nhà chơi cổ ngoạn

Nguyên văn chữ Hán:

Phiên âm:

Kinh diên Đoan Khê thạch nghiên

Tố tính hiếu học biết văn chương,
Nhiễm hàn tháo cô cô nhật nhật thường.
Kinh diên tứ bảo tam khả duyệt,
Chỉ quái nghiên trì, vưu tiết tiết.
Tô trúc thương bích thế sở hy,
Thủy táo mặc sáp bút nan huy.
Văn đạo Đoan Khê độc xuất loại,
Dục đắc vị đắc, do lưu ý.
Hốt nhiên tử khí tự đông lại,
Vân y hà bí, cửu quang khai.
Tống tương cổ phác la văn tử,
Tiện trợ tiện tư, thiểm thiên tài
Thập qui ngoạn duyệt kham thân ái.
Cửu thốn hữu dư, toàn diện bối,
Chất khí kiên hậu thất hạp ngọc.
Bất tri viễn cận, hà niên đại.
Hoặc khắp lâu đài, hoặc hải kiệu,

Cửu lão khán đồ tương đàm tiếu.
Phục hữu diên chữ huề trượng lê,
Sàm ngọc cát vân vô cùng diệu.
Sắc tạp thanh tử như trư can,
Biểu lý oánh khiết ngưng thu hàn.
Trung gian ngũ cá cù dục nhãn,
Trang tự tâm phòng liệt thành đoàn.
Phủ Kha sơn đàm hữu lộ trú.
Thạch trung chi tinh lương công ngộ,
Tùy hình ma trác xảo chế thành.
Ngã kim nhất kiến diệc như cố,
Ức thị Đế Hồng chi di trân.
Ức thị Khổng Tử chi Kết Lân.
Liên ngung phương chỉnh vô hà điếm,
Sám tà bất ố xứng đức nhân
Minh song khiển hứng thí đằng thiện,
Hà thủy mạn tí, thiên dịch diễn
Sái mặc như túc thối bút phong
Hoạt nãi cao du quang lôi điện.
Hồng ti, Thanh khiết khả nô bộc,
Đồng ngõa, Phần nê phi tỉ mâu,
Vi thiên hạ quán, thanh giá trọng
Bao tường nghi bái Tức mặc Hầu.
Văn tự chi tường trinh ứng tảo
Quốc vận đại hanh hưng trị đạo;
Phì trì thế giáo trứ công thâm.
Vĩnh truyền tử tôn thủ thử bảo.
Tự Đức Mậu Thân cát nguyệt nhật cung tuyên.
Văn tự chi tường-Tự Đức Kinh diên chi bửu

 

Ngự chế thi

Dịch: Nghiên đá Kinh Diên Đoan Khê

Vốn tính ham học, mến văn chương,
Say mê bút mực chuyện ngày thường
Văn phòng Tứ bảo ba khá thích,
Chỉ mình nghiên mực là đáng tiếc
Tô trúc, Thương bích hiếm ở đời,
Nước khô mực quánh bút khó dời.
Nghe nói Đoan Khê loại đặc dị
Muốn mà chưa có, còn lưu ý.
Bỗng chốc từ đông tỏa khí lành
Ráng mây rực rỡ phủ hình thành.
Trên la văn nét cổ đơn sơ
Giãi bày ý tưởng, tỏ anh tài
Thưởng thức lòng càng thêm thân ái.
Sau trước tính ra hơn chín tấc,
Hộp ngọc cứng dày rất vững chắc
Chẳng rành niên đại sớm hay xưa
Chỗ khắc lâu đài, chỗ biển núi
Cửu lão nhìn tranh cùng nói cười,
Có ông đứng mãi cầm trượng lê.
Đục ngọc chạm mây, rất kỳ diệu.
Xanh tím lẫn nhau đúng sắc gan,
Trong ngoài tỏa đọng khí thu hàn.
Ở giữa có năm cù dục nhãn
Dáng tựa Tâm Phòng tạo nên hình
Núi đầm Phủ Kha nơi có đậu.
Thợ đá khéo tay tìm thấy được
Theo thế dũa mài để tạo nên.
Nay ta gặp lại như người cũ
Vật quý Đế Hồng còn được giữ
Hay ấy Kết Lân thời Khổng Tử
Góc cạnh vuông vắn chẳng vết tì,
Khó mà chê, hợp người nhiều đức
Cảm hứng bên song thử mấy hàng,
Hà hơi khắp, thiên dịch tỏa lan
Mực có sẵn thấm ngay ngọn bút.
Đã trơn làng mà màu lóng lánh.
Thanh khiết, Hồng ti, chỉ nô tài,
Đồng ngõa, Phần nê đủ sánh đâu,
Quán quân thiên hạ nêu cao giá,
Tặng thưởng bèn phong Tức Mặc Hầu,
Văn tự điềm lành cho sớm ứng
Vận nước hanh thông, đạo thịnh hưng,
Giúp phò thế giáo, lập công sâu.
Truyền cho con cháu gìn giữ mãi.

Tự Đức năm Mậu Thân (1848) ngày tháng tốt, kính khắc.

(Ấn) VĂN TỰ CHI TƯỜNG (May mắn của văn chương) -

TỰ ĐỨC KINH DIÊN CHI BỬU (Ấn dùng chỗ Kinh Diên thời Tự Đức)

Tự Đức là ông vua hay chữ, nên những thứ thuộc văn phòng tứ bảo (bút, mực, nghiên, giấy) ông rất nâng niu. Ông có một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông ưng ý đến nỗi phong nghiên mực tước “Tức Mặc Hầu”.

(KTNN số 632)

Bùi Đẹp st

Thông báo:

Kỳ họp tiếp theo của CLB sách Xưa & Nay sẽ diễn ra vào lúc 9:00 ngày 13/9­­­­/2008 tại nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình.

Bài viết cho bản tin nội bộ xin gửi về:

hamanhdoan69@yahoo.com
hoặc liên hệ với Mạnh Đoàn
Đt nhà: 8.469759 - Dđ: 0907.108484
Các bản tin trước có thể xem tại:
www.diendan.songhuong.com.vn

Phụ bản IV

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế