VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY 9-8-2008 VÀ BUỔI NÓI CHUYỆN VỀ CHẤT THIỀN TRONG BÀI THƠ “TIẾNG THU” CỦA LƯU TRỌNG LƯ KỶ NIỆM 17 NĂM NGÀY MẤT CỦA TÁC GIẢ DO NHÀ THƠ THÙY DƯƠNG TRÌNH BÀY Buổi họp hôm nay đặc biệt có một số bạn bè của nhà thơ nữ Thùy Dương và có các anh Lưu Trọng Hải, Lưu Trọng Bình và Lưu Trọng Văn là hậu duệ của Cụ Lưu Trọng Lư đã được CLB Sách Xưa và Nay mời tới tham dự buổi nói truyện. Như thường lệ cuộc họp bắt đầu lúc 9 giờ sáng và để mở đầu cuộc họp, Dịch Giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu 2 cuốn sách, một cũ, một mới. Cuốn sách mới, tuy nói là mới nhưng cũng đã 49 tuổi đời: đó là Tập Thơ nhan đề là “Hoa Đăng” của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Đây là một trong những tập thơ được yêu thích nhất của Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương. Cuốn sách khổ 21cm x 28cm, dày 95 trang do Nhà xb. Văn Hữu Á Châu xb năm 1950. Đây là một trong 500 cuốn in bằng thứ giấy đặc biệt và có được đánh số, bản này là bản thứ 129/500. Bìa tập thơ là một bức minh họa cực đẹp của nhà thơ Đinh Hùng vẽ, và cuốn sách còn có những đặc điểm khác như là có thủ bút và lời đề tặng của Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương tặng nhà Phê Bình Thượng Sĩ; dưới lời đề tặng là chữ ký và triện son của nhà thơ. Tuy hồi đó chưa ai nói tới Thư Pháp thư tây gì nhưng chữ viết và chữ ký của Cụ Vũ Hoàng Chương thì thật sự tự nó đã là một thứ Thư Pháp tuyệt vời, Thư Pháp thứ thiệt chưa chắc đã hơn nổi. Ngoài ra, cuốn sách còn mang chữ ký của Thượng Sỹ, cũng là một nhà phê bình có tiếng thời Tiền Chiến (trước 1945). Một điều đáng lưu ý và hơi buồn cười là nhà thơ Vũ Hoàng Chương đề tặng cho Thượng Sĩ còn chính ông Thượng Sỹ thì lại ký tên là Thượng Sỹ với y dài. Và điểm đặc biệt cuối cùng của cuốn thơ được giới thiệu là ở trang chót Cụ Thượng Sỹ có ghi lại mấy chi tiết về nhà thơ Vũ Hoàng Chương như sau: “V.H.C. sau mấy tháng bị giam ở trại Chí Hòa, bị ốm, được tha, về trú tại gia đình Đinh Hùng - Chung cư Vĩnh Hội. Chẳng được mấy ngày thì qua đời. Chôn tại Gò Vấp (8-1976)”. Trên đây chỉ là những lời giới thiệu về phương diện “chơi sách” còn về thơ văn thì người viết chắc chẳng cần phải nói gì thêm vì Vũ Hoàng Chương đã là Thi Bá và vẫn còn là Thi Bá đối với những người yêu thơ, nhất là đối với người viết. Cuốn sách Xưa là một cuốn bằng Anh Văn tựa đề là “Human Intercourse” của tác giả Philip Gilbert Hamerton, một tác giả viết sách “Học Làm Người” người Mỹ, sách dày gần 5 trăm trang và được xuất bản năm 1884 tức là đã 124 tuổi đời mà vẫn còn mới tới 70, 80% với một cái bìa in nổi cực đẹp. Nội dung sách đã được tựa đề nói lên rõ ràng là sách nói về những quan hệ giữa mọi người với nhau, và có nhiều chi tiết lý thú về lối sống Mỹ hồi hơn 1 thế kỷ trước, tuy nhiên chủ nhân cuốn sách chỉ chơi cuốn sách với tính cách chơi sách thôi chứ chưa có thời giờ đọc và cũng không ham gì lối sống Mỹ cho lắm. Tiếp theo phần giới thiệu 2 cuốn sách, nhà thơ nữ Thùy Dương đã nói về “Chất Thiền Trong Bài Thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư” trong gần 1 giờ, sau đó các quan khách có phát biểu trao đổi, và anh Lưu Trọng Hải, Trưởng Nam của Nhà Thơ cũng có phát biểu về sự nghiệp của nhà thơ trong ít phút. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày. Vũ Thư Hữu Hiểu thêm về ngày Lễ độc lập 2-9-1945 và bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành độc lập và giành chính quyền đã thắng lợi trên cả nước. Ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc Việt Nam kỷ nguyên dân tộc được độc lập, nhân dân được hưởng quyền tự do, hạnh phúc, làm chủ đất nước và xã hội, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Một trong những tư tưởng nổi bật của Tuyên ngôn là đặt lên hàng đầu quyền của mỗi dân tộc được hưởng độc lập, tự do. Mở đầu Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ quyền của mọi người trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến khẳng định quyền của mỗi dân tộc là hoàn toàn đúng đắn cả trong nhận thức và hiện thực lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi quyền dân tộc là cái cơ bản có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện quyền con người. Một dân tộc còn bị áp bức, bị nước khác thống trị, nhân dân còn phải sống trong nô lệ và bị bóc lột thì không thể nói đến quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập tới bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn bình đẳng về quyền lợi”. Người khẳng định những điều mà nước Mỹ và nước Pháp nêu ra trong Tuyên ngôn là những lẽ phải không ai chối cãi được. Một người Mỹ, ông Archimedes L.A.Patti người có mặt trong lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập, đã kinh ngạc khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và thấy trật tự các chữ “tự do” và “quyền sống” đã được thay đổi. L.A.Patti hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh vì sao lại dẫn câu đó trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhẹ nhàng hỏi lại: “Tôi không thể dùng câu ấy được à?”. L.A.Patti trả lời “tại sao lại không”. Về trật tự các từ “tự do” và “quyền sống” đã được đảo vị trí, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”. L.A.Patti đã khẳng định: “Tôi đã phải trình bày là không biết gì hơn và đúng là như vậy”. Chính vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gắn liền với Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, là hoàn toàn mới mẻ và cũng là khát vọng cao cả mà dân tộc Việt Nam đã giành được và quyết tâm bảo vệ. L.A.Patti trong cuốn sách của mình còn mô tả lại ngày Lễ độc lập của Việt Nam 2-9-1945 mà ông có mặt. Ông viết: “Một tiếng trong loa phát thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu ông Hồ là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc. Quần chúng được hướng dẫn của các đảng viên, cất tiếng hát và trong mấy phút liền hô vang “Độc lập”. Ông Hồ đứng yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản tuyên ngôn... Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Đồng bào có nghe rõ tôi không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ”. Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nắm lấy từng lời. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì. Lê Xuân phải cố gắng lắm để dịch nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ nữa là lời ông đã thấu tới quần chúng”. Vẫn theo ông L.A.Patti “Đến khoảng hai giờ, ông Hồ kết thúc bản tuyên ngôn và tiếp sau đó là Tướng Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Minh, nhấn mạnh vào công tác của Đảng trong lĩnh vực chính trị - quân sự, phát triển kinh tế xã hội, chương trình giáo dục và văn hoá”. Tướng Võ Nguyên Giáp đề cập tới quan hệ đối ngoại, nhấn mạnh quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tiếp đó các bộ trưởng mới được chỉ định, từng người một được giới thiệu ra mắt nhân dân. Buổi lễ kết thúc bằng việc các bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hòa lâm thời Việt Nam. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án chế độ thực dân, phát xít đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút quyền tự do dân chủ nào. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Chúng độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng, chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. Tuyên ngôn nêu rõ: từ mùa thu 1940, phát xít Nhật xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đầu hàng mở cửa nước ta rước Nhật. Ngày 9-3-1945 Nhật gạt Pháp để độc chiếm nước ta. "Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng Minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. “Pháp chạy, Nhật hàng, Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Với cuộc đấu tranh chính nghĩa giành những quyền dân tộc cơ bản, dân tộc Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám lịch sử. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Đó là sự khẳng định đanh thép quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do của dân tộc Việt Nam cũng như quyền của các dân tộc khác trên thế giới. Kết thúc, bản Tuyên ngôn nêu rõ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Từ quyền của mọi người, của mỗi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền của tất cả các dân tộc trên thế giới đó là điểm đặc sắc trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 2-9-1945. Điều đó khẳng định một thực tế là khi chưa giành được những quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thì không thể thực hiện được những quyền con người. Một chân lý lớn của thời đại là mọi dân tộc phải được sống trong độc lập, tự do và mọi người có quyền sống trong ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển toàn diện bản thân mình. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ra sức phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mục tiêu đó là sự thống nhất, hòa quyện quyền dân tộc cơ bản và quyền con người mà cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập đã trịnh trọng tuyên bố. Sự sáng tạo tầm vóc Trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải (2005), tại cuộc tiếp xúc ở thành phố Boston, mọi người đã được nghe một bài phát biểu nồng nhiệt của một chính khách lão thành của Hoa Kỳ. Đó là nguyên thượng nghị sĩ McGovern, người luôn có tiếng nói chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và năm 1972 đã từng tranh cử chức tổng thống với R.Nixon. Ông đã đưa ra nhận xét rằng: “Trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại cuộc kháng chiến giành độc lập của Hoa Kỳ, do Thomas Jefferson soạn thảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thay đổi một ý so với bản tuyên ngôn của Th. Jefferson. Câu “Chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng mọi người đều sinh ra bình đẳng” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói rằng: “Mọi dân tộc sinh ra đều bình đẳng”. Quả là một sự thay đổi khéo léo và sáng suốt”... Nguyên văn trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ dùng cách diễn đạt “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam không chỉ là tấm giấy khai sinh cho một Nhà nước Việt Nam theo thể chế Dân chủ - Cộng hòa theo đuổi mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại bằng một sự “suy rộng ra” thành một chân lý mang tầm thời đại. PTC sưu tầm, giới thiệu CUỐN “NGƯỜI PHÁP TỚI BẮC KỲ” _ 1787-1884 (LES FRANCAIS AU TONKIN 1787-1884), MỘT CUỐN SÁCH CHỨA ĐỰNG RẤT NHIỀU TƯ LIỆU VỀ SỬ HỌC Tôi đổi được cuốn sách này ở nhà Cụ Dương Tấn Tài, cựu Tổng Trưởng Tài Chánh thời nhà Ngô, một người chơi sách nổi tiếng ở miền Nam khi trước. Năm 1979, tôi được một bà bạn dẫn lại giới thiệu với Cụ ở nhà số 34 đường Võ Văn Tần (Thời nhà Ngô là đường Trần Quý Cáp và thời Tây là đường Testard). Được gặp Cụ tôi thích lắm vì Cụ thật là một con người hào hoa phong nhã, nói năng cực kỳ nhỏ nhẹ. Tôi được cho xem tủ sách gia đình nhà Cụ gồm độ 6 tủ lớn chứa đầy sách và một căn phòng có đầy kệ sách trên cả bốn mặt vách. Cụ có một tủ mà Cụ để nguyên nhiều thứ sách mà Cụ đặc biệt yêu thích được giữ nguyên không đọc, và được gói thật kỹ càng, vì đây là những bộ mà Cụ để dành, vì những thứ nào mà Cụ đặc biệt yêu thích thì Cụ mua 2 bộ, một bộ để dành để vào tủ và một bộ để dọc ra và dùng thì để ở trên kệ. Nhìn những tựa sách Cụ có tôi hiểu được ngay là Cụ là một người quá sành sỏi vì các tác giả Cụ giữ đều là các tác giả danh tiếng, và phần lớn các sách Cụ có đều thuộc loại sách của các nhà xuất bản lớn. Hầu chuyện Cụ một lúc tôi được biết Cụ rất thích một loại báo Pháp rất cấp tiến là báo Crapouillot của thời kỳ đầu thế kỷ 20; báo này ra đời năm 1915 và tôi may mắn có được 3 số hồi năm 1922 vì tôi cũng thích thứ báo đó. Thấy tôi nói có ba số đó Cụ ngỏ ý muốn tôi để lại cho Cụ nhưng tôi xin Cụ đổi cho tôi lấy cuốn sách này vì thấy Cụ có tới 2 cuốn ở ngoài. Cụ đồng ý và thế là cuốn sách về ở với tôi… Sách khổ nhỏ, chỉ có 12cm x 18cm và dày 450 trang. Sách được chia thành 12 chương và có 1 lời nói đầu. · Chương 1 từ trang 9 tới trang 17, nói về những quan hệ đầu tiên giữa nước Pháp và nước Nam, về Đức Cha Bá Đa Lộc, về Gia Long, về các người kế vị, về các linh mục Công giáo bị sát hại và nói về việc chiếm Nam Kỳ qua một chiến dịch từ năm 1858 tới 1867. · Chương 2 từ trang 18 tới 35 dành gần trọn chương cho Françis Garnier. · Chương 3 từ trang 36 tới trang 71 nói về Đồ Phổ Nghĩa, về Đức Cha Puginier, về Giặc Cờ Đen và Giặc Cờ Vàng. · Chương 4 từ trang 71 tới trang 111, dành nói về Thủy Sư Đô Đốc Dupré và những dự tính của người này liên quan tới việc đánh chiếm Bắc Kỳ. · Chương 5, 6 và 7 từ trang 112 tới 257, dành trọn cho cuộc Viễn Chinh của Françis Garnier và cho nhiều chi tiết vào thời điểm trước khi chiếm Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định và có cho cả chi tiết về bọn Giặc Cờ Đen cùng tham gia tấn công Hà Nội. · Chương 8 từ trang 258 tới 273 dành nói về Philastre và việc lui quân của quân Pháp. Chương này cho chi tiết về các việc làm của các quan chức thực dân Pháp như de Trentinian ở Hải Dương, Bác Sĩ Harmand ở Nam Định, Hautefeuille ở Ninh Bình và Esmez ở Hà Nội. Chương này cho biết tất cả mọi việc làm của các người nói trên đều bị Philastre bác bỏ hết và cho lệnh lui quân, kế đó một số quân Pháp bị giết… · Chương 9 từ trang 274 tới 313 nói về Hiệp Ước ký năm 1874 và về một số nhượng bộ và quà cáp của Tự Đức dành cho Pháp, về một Nhượng địa của Pháp và về việc thực dân Pháp bắt đầu các cuộc khảo sát ở Bắc Kỳ. · Chương 10 từ trang 314 đến 343 dành cho cuộc viễn chinh của H. Rivière trong hai năm 1882 và 1883, có cho chi tiết về việc tái chiếm thành Hà Nội, thành Nam Định và việc bọn Cờ Đen nã đạn vào thành Hà Nội. · Chương 11 từ trang 344 tới trang 385 nói về các hoạt động của tên Bác Sĩ Harmand, của Tướng Bouet và của Thủy Sư Đô Đốc Courbet, về việc chiếm lại Hải Dương và về cái chết của Tự Đức, về việc ném bom và chiếm các đồn lũy ở cửa thành Huế, và cuối cùng là việc ký kết Hiệp Ước 1883. · Chương 12 từ trang 384 tới trang 411 nói về các hành động của Đô Đốc Courbet và Tướng Millot ở Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa và về việc tiến chiếm mấy thành nói trên… Ngoài 12 chương đã nói trên, sách còn chứa đựng 6 bản đồ và một phần Phụ Lục từ trang 439 tới 444 chỉ dẫn cách đọc tên một số quan chức Việt Nam như Tổng Đốc, Tuần Phủ, Quan Bố, Quan Án vv… Ngoài ra, phần này cũng đăng một bức thư của Tướng Bouet gửi cho tác giả cuốn sách cho biết những đường nét chính về kế hoạch mà vì tướng này muốn áp dụng cho chiến dịch của mình. Cuốn sách về Đông Dương này còn có một đặc điểm mà ít sách khác có là nó cho biết ở hai trang cuối cùng là các trang 449 và 450 tên tất cả các tài liệu nó có chứa đựng và số trang trong sách có đăng những tài liệu đó, đồng thời nó cũng cho các chi tiết về các hiệp ước, ví dụ: Hiệp Ước 1787 nơi trang 10, Hiệp Ước 1862 nơi trang 29 của sách, Hiệp Ước 1874 nơi các trang 315 và 318 trong sách và Hiệp Ước ký ngày 25-8-1883 tại Huế nơi trang 405. Tóm lại đây là một cuốn sách tuy không ghê gớm gì cho lắm nhưng cũng có thể là một cuốn sách tốt cho các nhà nghiên cứu về lịch sử ở nước ta vì nó cho khá nhiều chi tiết… Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, Chương VI Vũ Anh Tuấn SỰ QUAN TRỌNG CỦA CÁI PHÁT TÂM Nhiều người đã nghĩ đơn giản là muốn tu Phật thì chỉ cần áp dụng theo chuỗi việc: Phát Tâm, Xuất Gia, giữ GIỚI, thọ trì, đọc, tụng, giảng, nói, biên, chép kinh điển... là đủ. Thế nhưng, những việc như vậy đã có biết bao nhiêu người, biết bao thế hệ đã làm, mà số người thành công không đếm được trên đầu ngón tay! Vậy thì tại Kinh còn dấu, hay tại người đời hiểu chưa đúng nên khi thực hành không thành công? Thế nào là cái Phát Tâm đúng? Liên quan thế nào đến con đường tu tập? Với người đời, thì nghĩa của Phát Tâm là sự quyết tâm chọn lựa một việc, một ngành nghề nào đó để làm hay để học. Thường thì sau khi xác định mục đích, họ phải tìm hiểu rất kỹ để chọn lựa phương tiện cho phù hợp. Thí dụ như muốn thi vào trường nào thì phải luyện thi đúng những môn cần thiết. Muốn có kết quả chắc chắn còn phải chọn thầy giỏi. Ngoài ra, còn phải tính trước, nếu không đậu vô trường dự định thì sẽ thi vô trường nào khác... Đó là cái mà họ gọi là “lên kế hoạch”, tức là chuỗi công việc tính toán, tiên đoán trước những trở ngại hay thuận lợi sẽ gặp, những kế hoạch A, B, hay C để đối phó khi gặp bất trắc. Công việc điều nghiên càng kỹ càng chừng nào thì sự thành công càng chắc chắn chừng đó. Chỉ cần quyết định làm một việc đời thôi thì ta thấy sự nghiên cứu, tìm hiểu, chọn lựa, đã góp phần cho phân nửa yếu tố để thành công rồi. Nhưng với việc Phát Tâm vào Đạo thì nhiều người lại quá dễ dãi, không cần thắc mắc vì cho rằng Đạo là một thế giới thuộc về lãnh vực tâm linh, không thể phân chia khúc chiếc rành rẽ trước, sau, đúng, sai, được, vì Đạo không giống như đời! Với lối hiểu như thế phải chăng, vô tình họ đã “huyền bí hoá” Đạo Phật, không hiểu rằng Đạo Phật cũng từ cuộc đời, từ con người mà có, được lập ra là vì con người. Do đó, Kinh Sách cũng như những môn học của đời, không thể ra ngoài những lý lẽ để giải thích, để thuyết phục, những mục tiêu cần hướng đến, những việc sẽ phải làm, những kết quả sẽ đạt tới. Kết quả này phải hữu dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày, thì mới phù hợp với Đạo. Muốn tu hành thì việc đầu tiên là phải Phát Tâm. Việc Phát Tâm rất quan trọng, vì nó đánh dấu một bước ngoặc của một con người muốn từ bỏ địa vị chúng sinh để dấn thân trên đường tìm Đạo . Vì vậy, trước khi Phát Tâm, lẽ ra người muốn tu cần hiểu rõ vì sao mình muốn tu hành theo Đạo Phật? Vì muốn thành Phật, muốn thực hiện lời thọ Ký: “Chúng sinh là Phật sẽ thành” hay để phụng sự cho Phật? Người ta chọn để học hỏi đã hoàn tất cho chính họ chưa? Việc tu hành đòi hỏi phải làm những gì? Đánh đổi những gian khổ như thế để được gì? Liệu điều mình sẽ nhận được có xứng đáng với những thứ mình phải hy sinh hay không? Đạo có hứa những điều đó không? Nếu không tự giải tỏa những thắc mắc đại loại như thế thì chúng ta mong tìm điều gì qua việc phát tâm tu hành? Bởi vì nếu cứ vô tư phát tâm tu Phật chung chung thì coi chừng vô tình đã bỏ qua nguyên tắc quan trọng cho con đường tu hành là VĂN, TƯ, TU. Thật vậy, Kinh Đại Bát Niết Bàn dạy: “Ngay đối với lời nói của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ cũng không nên thọ trì”. Lục Tổ cũng dạy: “Mỗi sự lý phải hiểu đến tận chỗ chân”, bởi vì chỉ có những người biết rõ mình cần tìm gì, thiết tha với điều đó, thì mới không nản lòng khi gặp trở lực, do đó dễ thành công hơn là những người vừa mới NGHE người khác nói, chẳng cần xét lý lẽ đã vội tin! Muốn thành công trên bất cứ lãnh vực nào đòi hỏi phải xác định mục đích. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “NHƯ QUỐC VƯƠNG BỊ GIẶC ĐẾN VÂY THÀNH, MANG QUÂN ĐI DẸP.NẾU KHÔNG BIẾT GIẶC TRÚ NGỤ PHƯƠNG NÀO THÌ KHÔNG BAO GIỜ DẸP ĐƯỢC”. Việc tu Phật cũng thế. Cũng giống như một người không hay nhà của mình đã hư hỏng, cần sửa chữa. Khi nghe có người bảo cho biết, và tin như thế thì phải đích thân tìm xem coi nó hư chỗ nào? Cần sửa như thế nào? Cần dùng những chất liệu gì? Sau đó, tham khảo ý kiến người có chuyên môn để được hướng dẫn, tìm những vật dụng cần thiết rồi mới tiến hành. Phụ Bản I Như thế bảo đảm sẽ hoàn tất trong một thời gian nhất định. Phải đâu cứ thấy người ta sửa thì mình cũng sửa. Họ sửa chỗ nào, ta cũng sửa chỗ đó, trong khi nhà ta và người đâu phải cùng hư một chỗ như nhau? Khi muốn Phát tâm Tu Phật cũng thế. Tu Phật là để thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng sanh là Phật sẽ thành” tức là để được Thành Phật, thì ít ra cũng phải biết thành Phật để làm gì? Phải làm gì để thành? Hoặc nếu muốn phụng sự cho Phật thì ít ra cũng phải biết Phật cần ta phụng sự như thế nào? Nếu mục đích tu hành còn chưa xác định được thì ta sẽ tu như thế nào? Bởi phải đâu tu gì, hay không cần tu gì đều cũng thành Phật? Nhiều vấn đề của Đạo do thời xưa cách đây đã mấy ngàn năm, ngôn ngữ còn hạn chế, khó diễn tả, nên Phật phải dùng phương tiện để hướng dẫn, có thể diễn tả cách này, cách khác, riêng đối với cái Phát Tâm thì Kinh Lăng Nghiêm khẳng định: KHÔNG ĐƯỢC DÙNG VỌNG TÂM MÀ PHÁT, MÀ PHẢI PHÁT CÁI TÂM CHÂN CHÍNH. Nhưng thế nào là Tâm Chân Chính? Tâm đó là Tâm nào? Phát như thế nào? Không cần Phát có được không? Thực sự, nếu được gạn hỏi chắc nhiều người cũng không khỏi hoang mang. Chính Ngài Anan đã theo Phật tu hành bao nhiêu lâu, chưa hề thắc mắc để xem vì sao mình đã đi tu, cần học chỗ nào, tu chỗ nào, cứ thao thao học pháp, giảng pháp, cho đến khi không cưỡng lại được sự lôi kéo của Ma Đăng Già để phạm Giới mới giật mình, và khi được Phật hỏi “ÔNG ĐỐI TRONG GIÁO PHÁP CỦA TA, DO NGƯỠNG MỘ CÁI GÌ MÀ PHÁT TÂM XUẤT GIA?” đã không khỏi bàng hoàng trả lời: “VÌ CON THẤY PHẬT CÓ 32 TƯỚNG TỐT ĐẸP LẠ THƯỜNG NÊN CON SINH LÒNG HÂM MỘ MÀ PHÁT TÂM XUẤT GIA”! Rõ ràng tu Phật đâu phải để được những tướng tốt, vì thế Ngài Anan đã sai lầm khi Phát Tâm. Người đời còn rất nhiều kiểu phát tâm, phân tích một số, ta thấy: l/- Đi Chùa, nghe những bài giảng về Phật, thấy Ngài quá cao cả, có đủ thứ thần thông, phép mầu, cứu khổ cứu nạn, đi theo Ngài chắc chắn sẽ được cứu độ, nên Phát Tâm đi tu để làm đệ tử, suốt đời phụng sự cho Phật. 2/- Thấy Kinh nói Đức Phật bỏ ngai vàng, bỏ gia đình mà được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, được cả tam thiên đại thiên thế giới, nhiều người, nhiều thời nhiều nước trên thế giới tôn thờ, thì cho rằng nhờ “bỏ cái nhỏ mà được cái lớn”, nên Phát Tâm muốn đi tu để đạt những điều đó! (Tâm này ta thấy hình như phổ biến trong giới tu hành hiện nay. Nhiều vị Thầy rất có uy tín trong đạo đã dùng đó để khuyến khích người tu Phát Tâm!) 3/- Nhiều đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới, làm sao có nhu cầu tu hành? Làm sao biết gì là tu? Tu sẽ được gì? Nhưng do nghe người lớn khuyến khích thấy sẽ được cái lợi to tát nào đó, nên hy sinh tuổi trẻ, coi việc tu học như một con đường để đầu tư cho tương lai! Tất nhiên, khi chưa hiểu gì mà đã lao vào, rồi phải bị gò ép, giữ đủ thứ Giới, tránh sao khỏi lén lút phá giới khi thấy nguyện vọng không đạt được! 4/- Một số người lười nhác, không muốn lao động, lại thấy nhiều người tu hành chỉ cần tụng kinh, niệm Phật mà có cuộc sống nhàn hạ, được người cúng dường, trọng vọng, được ở nhà cao, cửa rộng… nên cũng phát tâm đi tu! 5/- Có người chẳng hề Phát Tâm gì cả. Nghe Đạo Phật hay hay nên cũng theo. Nghe nói Thiền là cao nên cũng thử ngồi, cũng tò mò đọc Kinh xem Phật nói gì mà được nhiều người, nhiều đời, nhiều giới ngưỡng mộ đến như thế. Họ cũng thử hành trì một vài pháp mà Kinh dạy, rồi đọc thấy lời Phật dạy “Chứng vô chứng, đắc vô đắc” nên đôi khi rơi vào hoang tưởng, nghĩ là không chừng mình cũng đã đắc rồi, vì còn ai đâu để ấn chứng! Qua một vài kiểu Phát Tâm dẫn chứng trên, ta thấy mục đích đã được phác thảo trong đó. Phát tâm là hột giống mà những việc làm sau đó như là Giữ Giới, Thiền Định, làm Lục Độ, thọ, trì, đọc, tụng Kinh điển, Soi, quán vv... sẽ là phân, là nước góp phần làm cho hột giống đó lần tăng trưởng. Chưa kể là do chưa hiểu đúng cách thực hành nên không thể cho ra kết quả đúng . Vì thế, khi vấn đề Chân Tâm được đặt ra, có lẽ nhiều người sẽ thấy lúng túng, bởi Tâm còn chưa biết là gì? Ở đâu? Thì biết sao là Vọng, sao là Chân Tâm để đừng bị nhầm lẫn khi muốn Phát Tâm? May quá, suy cho cùng thì cũng không đến nỗi bế tắc, vì ta muốn Tu Phật tức là muốn bắt chước theo Đức Thích Ca, tại sao không lấy cái Phát Tâm của Thái Tử Sĩ Đạt Ta để làm chuẩn mà noi theo? Tiểu sử có kể lại cuộc đời của Ngài: sinh ra nơi hoàng cung, đang có vợ đẹp, con xinh, sẽ nối nghiệp vua cha, trị vì thiên hạ... Một lần đi dạo ngoài thành, trông thấy cảnh Sinh, Già, Bịnh, Chết nên về suy tư, rồi cương quyết vứt bỏ tất cả, vợ con, ngai vàng, cung điện, thú vui, đi tìm cách chiến thắng những thứ đó. Qua đó, ta thấy: Ngài đâu có Phát Tâm để cứu khổ cứu nạn cho bá tánh. Đâu phải để được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, để được thế giới tôn thờ, để cầm đầu tăng chúng, để được uy tín, giảng pháp cho nhiều người nghe, cất được nhiều kiểng Chùa cho to, cho đẹp để đời...! Cũng không phải vì ngại gian khổ, trốn lao động, vì sợ luật vua, phép nước, mà Ngài Phát Tâm để đi tìm con đường Giải Thoát khỏi cảnh Sinh, Lão Bịnh, Tử của kiếp người. Việc Xuất gia, tu học, đắc đạo, thành đạo là những quá trình mà Ngài đã hành trì để đạt được điều Ngài đang bức xúc, là được Giải Thoát khỏi những khổ đau, phiền não, sinh, tử, của kiếp người mà thôi. So sánh cái Phát Tâm của Thái Tử Sĩ Đạt Ta với Phát Tâm của Ngài Anan, và của người thời nay, ta thấy khác nhau quá rõ ràng. Thật vậy, phải chăng, dù ai cũng biết, cũng dựa theo Kinh mà nói được rằng: “Đạo Phật là Đạo độ Khổ”, vậy mà khi Phát Tâm đâu có vì muốn Thoát Khổ! Như thế, chắc chắn khi hành trì đâu có nhắm vào Con Đường Giải Thoát, vì đã không thấy cái gì ràng buộc thì cần gì phải Giải Thoát? Ngược lại đôi khi có người còn vì danh uy của con đường tu hành ! Những cái Phát Tâm như thế, như những hột giống của cỏ dại không phải của lúa mạ, nên dù có được bao nhiêu thầy giỏi giảng dạy, như gặp nước, được phân tốt, thì cũng chỉ phát triễn cỏ dại mà thôi! Chỉ cần xem cái Phát Tâm thì đã thấy ngay kết quả về đâu, vì cũng là tập trung, là dấn thân đi tìm, nhưng tất nhiên là tìm gì, gặp đó. Đức Phật bỏ cả ngai vàng, vợ đẹp, con khôn, Phát Tâm để đi tìm con đường Giải Thoát Sinh Lão Bịnh Tử và Ngài đã gặp. Những nhà nghiên cứu khoa học thì cũng tập trung đi tìm điều họ đang muốn khám phá, cuối cùng cũng có người tìm ra. Những người tìm vàng, tìm trầm, kinh doanh… đều có mục đích và cách làm của riêng họ, nếu họ cương quyết đầu tư thời gian, công sức thì cũng sẽ thành công. Còn ta, ta đã Phát Tâm vào Đạo Phật vì lý do gì? Hay là chưa hề Phát Tâm, không có mục đích mà không hay biết. Phải chăng, đó là lý do khiến nhiều người tu, sau nhiều năm hành trì đủ thứ cách, chạy theo đủ thứ pháp môn, loay hoay mãi không thấy tiến bộ mà không tự hiểu vì sao? Cho là có lẽ mình chưa làm đầy đủ công đức, nhưng cũng không biết thế nào là Công Đức! Rồi đôi khi tự vin vào thời gian, cho rằng tu lâu đương nhiên phải cao, cứ thế mở ra giảng dạy, mà không hay tội “chồng mê cho người” rất nặng, vì bản thân mình chưa thấy đường, chưa biết phải làm gì? làm đến đâu? thì sẽ dắt người đi đâu? Nhiều người không biết rằng dù áp dụng Phương Tiện của Đạo Phật mà hành trì, nhưng kết quả lại dựa trên căn bản của cái Phát Tâm. Thật vậy. Nếu hiểu sai về Phật rồi Phát tâm, thì chắc chắn sẽ rơi vào Nhị Thừa – tức tự cho mình đang phụng sự cho Phật rồi chờ mong được cứu độ - hoặc Tăng Thượng Mạn, vì nghĩ mình sẽ Thành Phật, sẽ cứu độ chúng sinh, cứu độ mọi người, trong khi sự thành tựu trong Đạo chỉ như lời Phật hứa trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “CÁC CHÚNG SINH NGHE PHÁP RỒI, HIỆN ĐỜI AN ỔN, ĐỜI SAU SINH VỀ CHỖ LÀNH, DO ĐẠO ĐƯỢC HƯỞNG VUI”. Cái An Ổn được gọi tên khác là Niết Bàn, hay thành tựu Phật Quốc không phải ở cõi trời nào, mà chính là ở nơi Tâm của người tu. Sự thành tựu của con đường tu chỉ là để không còn bị cảnh Khổ của cuộc đời hành hạ nữa - như hoa sen, sống trong bùn, vươn lên từ bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm - không phải là để thành ông Thánh, ông Phật theo cách hiểu thông thường là những vị thần linh cao quý, có thứ, bậc thấp, cao! Người tu chỉ nhờ vào những công năng tu hành, xả chấp mà có được một cuộc sống an bình giữa cảnh đời hỗn loạn đầy dẫy những đối đãi : được, mất, giàu, nghèo, cao, thấp, hơn, thua, thương, ghét, tốt, xấu, khổ, vui, sống, chết... luôn diễn ra.. Cho nên, người tu nào hiểu lầm, thấy mình Chứng Thánh thì Kinh Lăng Nghiêm dạy: đó là kẻ tăng thượng mạn, bị ma nhiếp! Khi cái Phát tâm đã chân chính, phối hợp với những công việc cần làm, muốn kiểm chứng kết quả được đạt được thì Kinh Viên Giác dạy: “HÃY XEM LÚC ĐỐI PHÁP NHÂN, NGÃ, BỈ, THỬ, ÂN ÁI ĐÃ VẮNG LẶNG CHƯA.” Càng vắng lặng thì càng thành công, vì đã phần nào “thoát pháp”. Nhưng ngược lại, người nào càng tu hành càng thấy mình vẫn tiếp tục khởi những cái Tâm cao, thấp, hơn, thua. Muốn được hơn bạn đồng tu, được nhiều người tôn trọng. muốn Độ người, hoặc vẫn tiếp tục hướng về Tây Phương, Đông Phương để chờ Phật độ... thì chứng tỏ người đó vẫn chưa thực sự hiểu con đường và cách thức tu hành theo lời Phật dạy. Như thế, nếu không sớm xét lại để thay đổi thì e rằng khó thể thành công vậy. Tháng 11/2003 Tâm-Nguyện Làm Cách Nào Chống Stress Trong Cuộc Sống Hiện Tại Theo định nghĩa của Hans Selye,người đầu tiên đưa ra Thuyết Thích Nghi danh từ stress gốc từ cổ ngữ Latinh, stringere và stressus có nghĩa là bó chặt, gò bó. Đó là: “Một sự thay đổi quá đột ngột trong các thói quen của một con người - cho tới lúc đó, có một thế quân bình tốt - có thể khởi động một tình huống đảo lộn toàn bộ cấu trúc tâm lý và thể chất của người này.” Stress có thể coi là bạn đồng hành với con người từ đầu lộ trình trên con đường tiến hóa cho tới nay và mãi mãi về sau. Là một động vật có não bộ phát triển tinh vi và phức tạp hơn các loài khác, loài người tồn tại được là nhờ có những đáp ứng thích nghi với các yếu tố gây sức ép (stress) xuất phát từ môi trường thiên nhiên hay xã hội xung quanh, nhưng cũng từ môi trường bên trong chính cơ thể mình: Thế quân bình đó luôn luôn chịu ảnh hưởng của những thử thách và mối đe dọa gây xáo trộn và cần được giải tỏa mới duy trì được một tình trạng sức khỏe khả quan giúp đạt thành tích = có hiệu quả cao. Hãy Phân Tích Tình Trạng Stress Của Mình. Bạn có đang bị stress không? Muốn biết có hay không hãy trả lời bảng câu hỏi sau: 1. Bạn có được thoải mái trong môi trường sống của bạn không? a. Bạn được vừa ý với mái nhà và hàng xóm láng giềng của mình. b. Bạn cảm thấy căng thẳng với tình trạng ô nhiễm của môi trường đô thị và cuộc sống hối hả ở đây. c. Bạn có thể làm chủ nhịp sống của mình và cảm thấy thoải mái ở nhà. 2. Khi bàn tới việc làm của mình, bạn tự đặt mình vào vị trí nào? a. Bạn có tham vọng và động cơ thúc đẩy trong công việc. b. Bạn cảm thấy công việc không vừa ý và chán ngấy. c. Bạn hài lòng với công việc của mình. 3. Nếu bạn có vấn đề với một mối quan hệ cá nhân? a. Bạn làm ra vẻ như không có vấn đề gì cả. b. Bạn sẽ đâm ra chán nản. c. Bạn sẽ muốn bàn luận về vấn đề này và giải quyết nó. 4. Bạn cảm thấy đời sống ra sao? a. Bạn làm chủ được cuộc sống của mình. b. Bạn luôn luôn tìm kiếm cái gì bạn không có. c. Bạn vui với cách mọi việc diễn tiến. 5. Khi chuẩn bị trình bày một bài báo cáo hay một bài thuyết trình hoặc phải phát biểu trước đám đông… a. Bạn thấy phấn khởi và thích thú. b. Bạn hoảng sợ. c. Bạn hơi bồn chồn nhưng đầy sinh lực. Tình trạng stress là một hiện tượng có tính cá biệt cao độ. Hiện tượng này lạ theo cách riêng của nó – vì khi nó xẩy tới, thì cơ thể và tâm trí trở nên khó điều chỉnh cho thích nghi với lối sống! Bạn càng trả lời trúng nhiều vào tình huống (b) bao nhiêu, thì bạn càng bị stress nhiều bấy nhiêu. Hãy kiểm soát các xúc cảm của bạn trong các tình huống khác nhau; nếu không thì bạn có thể rơi vào một tình trạng tri giác tuyệt vọng hay trầm cảm đấy! Điều Kiện Tiên Quyết Của Stress. Là phải có não, và não hoạt động: Những người bị hôn mê vì bất cứ nguyên nhân nào, bị đột quỵ - não không hoạt động bình thường hay không liên lạc được với tủy sống khi đánh thuốc tê, thuốc mê, không nhận biết được cảm giác đau vv... là những trường hợp người ta tránh được stress. Không quên rằng não làm việc 24/24, ngay cả trong giấc ngủ. Để đạt được mục tiêu não bình thường - không bị stress - cần có một nếp sống hài hòa giữa lao động trí óc và chân tay, giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi (ban ngày) cũng như gi ấ c ngủ (ban đêm) sao cho đồng hồ sinh học của mỗi người hòa nhịp được với các biến chuyển của môi trường xung quanh cũng phù hợp với định nghĩa sức khoẻ của tổ chức Y Tế Thế Giới: “ tình trạng hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tinh thần và các quan hệ xã hội chứ không phải đơn giản là tình trạng không có bệnh hay ốm yếu ” . Có thể bổ sung thêm “về mặt cảm xúc, tri thức và tâm linh ” nữa. Giai đoạn 1: Báo động . Tiết ra Adrenaline & Cortisol từ tủy và vỏ thượng thận . Giai đoạn 2: Kháng cự à Thắng stress đạt thành tích cao . Giải đoạn 3: Cạn Kiệt à Thua à sinh bệnh . Hormon của tình trạng Stress: Cortisol Stress đã trở thành một bộ phận của lề thói hàng ngày chúng ta. Một mức stress nào đó là quan trọng đối với bạn để đối phó với những thăng trầm của cuộc sống. Khi bạn trải nghiệm tình trạng stress thuộc bất cứ loại nào, là cơ thể bạn phóng thích cortisol, một hormon steroid, vào luồng máu tuần hoàn. Hormon stress này giúp bạn đối phó với các tình huống thường ngày. Cortisol được sản xuất bởi tuyến thượng thận (là cặp tuyến nội tiết nhỏ nằm ngay trên thận). Cơ thể bạn ở trong trạng thái thường xuyên tái sinh, tự phân hóa, nhưng rồi lại tự tái thiết trở lại. Cortisol là chặng đường trung tâm quan trọng của tiến trình tái sinh này. Khi bạn trải qua tình trạng stress thuộc bất cứ loại nào (phấn khởi, tức giận, cú sốc, sửng sốt, sợ hãi) là cortisol được phóng thích ra. Cortisol tác động lên tiến trình phân hóa và sử dụng các chất đạm, carbohydrat và chất béo trong chế độ ăn của bạn. Cortisol tiết ra quá mức cũng thực hiện được những chức năng then chốt như giúp duy trì huyết áp của bạn và triệt tiêu những phản ứng như dị ứng, viêm và đau. Cortisol được cơ thể bạn sản xuất ra vào buổi sáng nhiều hơn là buổi chiều. Nó đem lại cho bạn năng lực để khởi đầu một ngày của mình. Vào buổi chiều, các mức nồng độ cortisol của bạn sẽ giảm xuống lối 90%. Do cuộc sống căng thẳng cao độ hiện nay, nhiều người sản xuất ra nhiều cortisol hơn. Các hormon lấy lại quân bình. Serotonin, noradrenaline và dopamine là ba hormon quan trọng do cơ thể sản xuất giúp cho bạn cảm thấy “khỏe và quân bình” hay nói cách khác là “như bình thường”. Tình trạng stress mà bạn trải nghiệm qua nhiều hình thức gây trở ngại cho việc sản xuất ra các hormon này. · Serotonin là hormon giúp cho người ta có được một giấc ngủ say. Tình trạng stress nhiều khi có thể làm nhiễu loạn việc sản xuất hormon này dẫn đến... mất ngủ. Serotonin được tuyến yên ở sàn não sản xuất ra và giúp kiểm soát đồng hồ sinh học của bạn. Serotonin chuyển hóa thành melatonin (một hormon khác) và sau đó lại chuyển hóa trở lại thành serotonin sau 24 tiếng. Tiến trình này giúp điều hòa chu kỳ giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể của bạn và điều hòa cả năng lượng của bạn nũa. Chu kỳ của serotonin họat động đồng bộ với chu kỳ ngày - đêm. · Noradrenaline do tuyến thượng thận tiết ra. Hormon này liên quan tới việc cơ thể bạn phóng thích ra adrenalin những khi bị stress. Nó đem lại cho bạn một sự bùng phát năng lực và cũng gắn liền với chu kỳ năng lực hàng ngày của bạn. Nhiều stress quá làm bạn cạn kiệt. Tình trạng này có khả năng làm bạn kiệt sức và khiến cho bạn mất đi mọi động cơ giúp bạn làm việc. Dopamine là một hormon gắn liền với hormon chống đau có tên endorphin, phát hiện ra trong não. Khi stress gia tăng, cơ thể bạn thỏa hiệp để sản xuất ra dopamine và tới lượt hormon này thỏa hiệp với khả năng cơ thể sản xuất ra các chất endorphins. Tính nhạy cảm của bạn đối với cảm giác đau tăng lên. Dopamine cũng giúp bạn trải nghiệm cảm giác vui sướng. Nếu bị nhiều stress quá, thì có quá ít dopamine được phóng thích. Do nồng độ dopamine trong máu giảm,bạn mất cảm giác vui sướng và có thể cảm thấy trầm uất. Về mặt nhu cầu dinh dưỡng, não có những nét đặc biệt trong sử dụng 3 dưỡng chất sinh năng lượng: • Đường Glucose vào được trong tế bào não cũng phải nhờ Insulin nhưng Insulin này theo các khám phá mới nhất được công bố, không phát từ tuyến - mà do chính não sản xuất ra. • Chất Béo có chức năng nặng về phần xây dựng với acid béo thuộc hệ Omega-3 nói chung như DHA, - bắt nguồn từ cá, thủy hải sản và một số dầu thực vật đặc biệt. • Chất Đạm gồm những acid amin nào vượt được hàng rào mạch máu quanh não (blood brain barrier BBB) sàng lọc. • Hàng rào mạch máu BBB như tên gọi có chức năng bảo vệ não phần nào ngăn cản không cho những phân tử nào quá lớn nếu > 500 daltons thì không cho qua – có trường hợp chất L-DOPA phân tử nhỏ hơn (= qua được) được chuyển hóa thành Dopamine lớn hơn (= không lọt qua được). • BBB có những tế bào hình sao cản các phân tử hút nước • Có 3 điểm BBB có kẽ hở quanh não thất để não theo dõi nồng độ hormon nội tiết. • 2 Trường hợp cạnh tranh giữa nhóm acid amin có nhánh BCAA và nhóm acid amin thơm Ar AA & có cạnh tranh giữa: Tryptophan và Tyrosine. • Tuy nhiên có những chất dễ băng qua màng tế bào nhờ khả năng hòa tan trong lipid như oxygen , carbon dioxid CO2 à giúp cho chức năng hô hấp ở tế bào não, song cũng dễ để lọt qua rượu cồn ethanol (uống có mức độ thì tốt, quá mức thì bị say và có thể bị ngộ độc), và các hormon steroid . • Và những chất trơng cậy vào những hệ thống chuyển vận chuyên biệt như các chất đường và một số acid amin: trong đó đáng chú ý nhất là acid glutamic và gamma-aminobutyric (GABA): 50 % số khớp trong não phóng thích chất dẫn truyền Glutamate và 30-40% thì phóng thích GABA (gamma-aminobutyric acid) à 80 – 90 % khối lượng dẫn truyền… GABA có tác động ức chế đối lại với glutamate có tác dụng kích thích. Bột ngọt Glutamat Na, hiện nay không còn được nằm trong danh sách phụ gia an toàn vì nếu lạm dụng có thể đưa nhiều Na hút nước vào não (Glutamat K đã thay thế chất này trong danh sách các phụ gia an toàn GRAS). • Nhiều thuốc gây nghiện ảnh hưởng đến glutamate hoặc ABA hay có khi cả hai để có tác động cuối cùng là xoa dịu hay kích thích não. Vi chất và Kháng-Oxy-Hóa có vai trò bảo vệ cao ở vòng ngoài cùng, từ xa, không để gan, thận hay tuyến tụy bị suy đến độ gây hôn mê như hôn mê gan, hôn mê urê-huyết, hôn mê cao-đường-huyết hay hạ-đường-huyết,… hay đột quỵ do tắc hoặc bể mạch máu gây xuất huyết à ảnh hưởng đến não. Stress có những nét đặc biệt tùy theo là phụ nữ, đàn ông hay người lớn tuổi. 1. Với phụ nữ, cứ 5 người là có 1 bị stress hàng tháng với hội chứng tiền kinh nguyệt. Các nồng độ estrogen dao động trong cơ thể phụ nữ có thể làm cho họ ủ rũ. Trong các thời kỳ bị stress, các mức nồng độ estrogen sụt xuống ở người nữ. Các tuyến thượng thận sản xuất ra nhiều hormon gây stress hơn estrogen. Trong giai đọan này, khi nồng độ estrogen giảm, một mảng vữa có thể tích tụ lên thành động mạch, làm tăng thêm nguy cơ bị bệnh tim. Tới thời kỳ mãn kinh các mức estrogen ở người nữ giảm sút gần 80 %. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời một phụ nữ. Những chuyển biến chính yếu từ các cơn bốc hỏa đến các hiện tượng giảm khối bộ xương và chứng loãng xương có thể xuất hiện. Cũng vậy, estrogen có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch cho tới thời kỳ mãn kinh. Sau mãn kinh, phụ nữ trở nên dễ bị phải các vấn đề về tim tương đương với đàn ông. 2. Đàn ông với stress lại khác. Các mức nồng độ testoterone giảm sút liên quan đến stress về cả hai mặt thể chất và tâm lý. Testoterone là hormon đem lại cho đàn ông các nét nam tính như râu, lông mặt, giọng nói trầm ồ và hệ cơ bắp. Testoterone gắn liền với cách xử sự trội lên ở đàn ông. Hormon này cũng gắn liền với quan điểm nam giới và các đặc điểm khác biệt so với phụ nữ. Kiểu cách học tập, tính hữu lý trong suy nghĩ và hay tỏ ra miễn cưỡng khi bày tỏ cảm tưởng của họ là những đặc tính hoàn toàn nam tính! Cả hai giới tính khác biệt nhau về thể chất và tinh thần. 3. Với người lớn tuổi nam cũng như nữ (cỡ 60 tuổi trở lên) Có một số thuốc các cụ hay sử dụng vì những bệnh lặt vặt: • Thuốc giảm đau như Ibuprofen, Paracetamol có thể giúp ích nếu hỗ trợ cho nếp sống lành mạnh vận động chân tay mỗi ngày. • Thuốc chống tiết Choline (anticholinergics) trị cao huyết áp, Suyễn, Bệnh Parkinson, hay chứng són đái (Incontinence) như Detrol, Ditropan à có nguy cơ tăng tốc độ 50% suy thoái tri thức do lão hóa. (Hay đi kèm theo quyết định giảm lượng nước uống) – Mà Choline là thành phần của chất dẫn truyền thần kinh chính acetyl-choline! • Thà Không Uống Thuốc + Uống Đủ Nước ít nhất 8 Ly 200 ml Nước/Ngày + Mang tã lót siêu thấm sẽ TỐT CHO NÃO HƠN. • Ăn uống hợp lý, biết cách sử dụng các thức ăn theo tháp dinh dưỡng để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống về vật chất, tinh thần và tâm linh – thì mới mong trong cuộc chiến ngày - đêm chống stress chúng ta thắng nhiều hơn thua. Nên biết Thực phẩm nào có lợi: Cũng ăn theo tháp dinh dưỡng nhưng nhấn mạnh thêm vào một số yếu tố có lợi cho họat động não bộ, và hệ thần kinh tự chủ, làm sao cho “dẫn truyền” được tốt à tự điều hòa, mau lấy lại được thế quân bình. - Ăn thức ăn đa dạng. - Có hàm lượng cao về dưỡng chất. - Và tương đối thấp về chất béo no, cholesterol, đường và muối bỏ thêm vào. - Phấn đấu không chất béo dạng trans. - Theo các tháp dinh dưỡng được các cơ quan chức năng quốc gia và quốc tế phổ biến. 1- Lương thực cơ bản: Gạo lức, bột mì nguyên cám, bột ngũ cốc, yến mạch, lúa mì... có thêm chất xơ, chứa các chất dinh dưỡng rất quan trọng cho nhu cầu hằng ngày của cơ thể. (magnesium, vôi, kẽm, vitamin B, carbohydrat hỗn hợp và acid amin.) Khoai tây và khoai khác: tươi, tránh ăn chiên, khoai non ăn cả vỏ càng tốt cung cấp kali, vitamin C, acid amin. 2- Rau lá xanh, củ, trái vàng đỏ ngoài chất xơ chứng tỏ giàu muối khoáng, caroten, lycopen, vitamin acid folic. 3- Trái cây: theo mùa như dâu tằm : Chứa nhiều vitamin C, beta-carotene. Chuối: Giàu manhê, vitamin B6, kali và serotonin. Trái bơ : Cung cấp vitamin B và E, acid amin tryptophan. Cam, quýt, kiwi: vitamin C. 4- Thức ăn giàu đạm - Các loại hạt (giống) Cung cấp thêm lượng acid béo cần thiết cho cơ thể, manhê, vitamin B, kẽm, selen, canxi, vitamin E. - Các loại đậu hạt Nguồn cung cấp acid amino, vitamin B, canxi, manhê, carbohydrat hỗn hợp. - Gan: Là một nguồn cung cấp dồi dào protein, vitamin B, chất sắt, kẽm, selen. Cá và các loại tôm cua Chứa kẽm, vitamin B, selen, acid béo, acid amin. Các sản phẩm từ sữa ít béo Vitamin B, kẽm, canxi. 5- Dầu Mỡ: Nên cung cấp đa dạng, khoảng dưới 30% tổng số Calo do chất béo, trong đó dành lối 1/3 cho acid béo no, > 1/3 cho acid béo không no có 1 = và < 1/3 cho acid béo không no có nhiều = Tỷ lệ Acid béo omega-3/acid béo omega-6 = ¼ - 1/5 thay vì 1/9 như khi ăn nhiều thịt hơn cá à như vậy có đủ acid béo thiết yếu đáp ứng nhu cầu “xây dựng” các tế bào não và hệ thần kinh đồng thời là tiền thân của những chất có họat tính sinh học đặc biệt như prostaglandin, thromboxan và leukotrien. Có lợi không những cho não mà cả cho tim mạch và hệ miễn dịch nữa. …và thực phẩm nào có hại . Đó là các loại thực phẩm có khả năng làm gia tăng tình trạng căng thẳng, mệt mỏi do hấp thu các năng lượng và chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể, hoặc sản sinh ra các hormon gây stress, làm cho hệ thần kinh bị kích thích. - Cafein: Có trong trà, cà phê, chocolat và một số loại thức uống có ga. Cafein hoạt động như một chất kích thích thúc đẩy chuyển hóa và giải phóng các hormon gây stress như adrenalin, cortisol... à dẫn đến kết quả là hệ tiêu hóa hoạt động kém, huyết áp cao, nhịp tim tăng, cơ thể bị mệt mỏi kéo dài. - Đường tinh chế và carbohydrat: Việc ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, bánh biscuit, đồ uống có đường... không chỉ làm tiêu hủy hết các chất dinh dưỡng đang tồn tại mà còn tăng huyết đường lượng, à gan phải làm việc nhiều hơn, à tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn à xô lệch cân bằng chuyển hóa trong cơ thể à gây nên sự bất ổn định về mặt tâm lý, hay lo lắng, mệt mỏi. - Thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn: Thường được thêm một số chất phụ gia bảo quản, nhiều đường và chất béo bão hòa & dạng trans bất lợi cho tim mạch, nhưng lại ít dưỡng chất cần thiết. Vì thế, à làm cho hệ thần kinh bị kích thích mạnh. - Rượu: Các loại thức uống chứa cồn thường có tác dụng lợi tiểu nhưng lại nhanh chóng tiêu thụ hết các chất dinh dưỡng dự trữ đóng vai trò sống còn trong việc phòng chống stress như vitamin B, manhê và kẽm. Và Nên Coi Chừng Đừng Để “To Bụng Tốt Tướng” như trong hình: Phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” từ yoga, khí công • Có ba khâu tập là thở, vận động và thư giãn (luyện ý), liên quan đến hoạt động của ba bộ phận chủ yếu của cơ thể là nội tạng, cơ bắp, thần kinh. Trong đó tập thở bụng đúng cách là quan trọng nhất • Bài vè cho dễ nhớ: “Thót bụng thở ra/ Phình bụng thở vào/ Hai vai bất động/ Chân tay thả lỏng/ Êm, chậm, sâu, đều/ Tập trung theo dõi/ Luồng ra luồng vào/ Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm/ Đứng, ngồi hay nằm/ Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được”. Nghĩa là để chống Stress, chỉ nên trông cậy vào những phương pháp khá đơn giản nhưng dựa vào sức mình là chính, với thức ăn hay thuốc men cũng cần “chọn bạn mà chơi” – chỉ có những “bạn tốt” mối giúp được mình vượt lên chính mình – nếu muốn sống vui khỏe với chính mình và hòa hợp với môi trường thiên nhiên, gia đình và xã hội quanh ta. TPHCM, Ngày 26 tháng 7, 2008 Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính Chuyên viên dinh dưỡng Phụ bản II LIỆT SĨ PHẠM HỒNG THÁI - VỊ ANH HÙNG TRONG LỊCH SỬ GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VIỆT NAM Một trong những việc làm khử bạo trừ gian để nêu cao chánh nghĩa của dân tộc Việt Nam ở hải ngoại phải nói là liệt sĩ Phạm Hồng Thái ám sát tên toàn quyền Đông Pháp Merlin ở Quảng Châu năm 1924. Phạm Hồng Thái chính tên Phạm Cao Đài (lại có tên là Phạm Thành Tích) sinh năm 1901 tại làng Xuân Nga, tổng Văn Viên, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, là một làng nghèo khổ ở phía Bắc Trung Việt, nhưng rất giàu có về tinh thần cách mạng. Thân phụ của Phạm Hồng Thái là cụ Huấn đạo Phạm Cao Điền trước có tham gia phong trào Cần Vương ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Khi phong trào Cần Vương tan rã, cụ trở về dạy học bất hợp tác với Pháp, nên chánh quyền thực dân đã làm khó dễ cụ đủ điều. Phạm Hồng Thái là con của gia đình cách mạng, khi lớn lên lại ảnh hưởng bởi nhiều cuộc cách mạng xảy ra với những biến cố quan trọng như các vụ chống thuế ở miền Trung, vụ ám sát tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn, vụ ném bom vào Hà Nội hôtel, vụ mưu sát toàn quyền Pháp Albert Jarraut, vụ phá các nhà ngục Lao Bảo, Côn Lôn, Khám lớn Saigon, kế đó là hai cuộc khởi nghĩa: Thái Nguyên khởi nghĩa và Duy Tân khởi nghĩa. Do đó Phạm Hồng Thái ngay từ lúc thiếu niên đã có tinh thần cách mạng, rồi ý chí cách mạng, vì vậy, Phạm Hồng Thái đang học ở trường Quốc học Vinh đã bỏ ra Bắc vào làm trong nhà máy ximăng ở Hải Phòng để hoạt động cách mạng. Tại đây, Phạm Hồng Thái còn thêm căm thù bọn thực dân đế quốc vì chàng đã thật mục sở thị cái cảnh lao động bị đàn áp, bóc lột dưới bàn tay sắt của chúng và bè lũ tay sai, Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời đế quốc nó thương dân mình. Những danh từ tuyên truyền như “bảo hộ”, như “khai hóa văn minh” chỉ là những viên thuốc độc có bọc đường bên ngoài. Thấy không thể nào sống trong cảnh bóc lột giữa người và người được, năm 1922, Phạm Hồng Thái cùng một số đồng chí xuất dương qua Xiêm, rồi qua Tàu. Tại Tàu, Phạm Hồng Thái sống ở Quảng Đông và được các nhà cách mạng Việt Nam kết nạp vào Việt Nam nghĩa hiệp đoàn, một tổ chức cách mạng sơ khai giai đoạn bấy giờ. Năm 1924, tên toàn quyền Đông Pháp là Martial Merlin sang thăm viếng nước Nhật, bề ngoài là với danh nghĩa bang giao để thăm viếng nước Nhật, để chia buồn và tương trợ với nước này vì mới bị nạn động đất và núi lửa tàn phá. Nhưng kỳ thực là để cùng Nhật kết thúc một thương ước. Theo bản thương ước này, Pháp để cho Nhật được đem hàng hóa vào Đông Dương và bù lại Nhật phải trục xuất cách mạng Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, một điều rất cần cho phía chánh quyền thực dân Pháp. Nhân chuyến đi này, tên trùm thực dân trên đã ghé Trung Hoa để cùng với chánh phủ nước này mật đàm về biện pháp bài trừ các đảng cách mạng của Việt Nam trên lãnh thổ Trung Hoa. Những chủ trương thâm độc trong chuyến công du của tên toàn quyền Pháp không dè lại lót vào tầm nhận xét của các nhà cách mạng Việt Nam. Vì thế, khi tên Merlin từ Nhật trở về ghé Quảng Đông thì Nghĩa hiệp đoàn quyết định phải hạ sát kẻ thù dân tộc. Trong cuộc hội nghị, Phạm Hồng Thái xung phong lãnh trách nhiệm và được toàn thể anh em tán thành, giao phó cho công việc. Từng bước di chuyển của toàn quyền Merlin đều được các nhà cách mạng Việt Nam theo dõi để thi hành bản án tử hình. Để đề phòng những bất trắc xảy ra, khi Merlin đến Quảng Châu, nhà đương cuộc tỉnh này đã đề phòng xung quanh chỗ y bằng mọi biện pháp an ninh và tuyệt đối, cấm hẳn không cho một người Việt Nam được bén mảng đến gần, đặc biệt là đêm 18 tháng 6 năm 1924 là đêm các yếu nhân Tàu và Anh thiết tiệc đãi ông khách Pháp tại khách sạn Victoria trong thành phố Sa Diện, nơi đất thuộc tô giới của Anh, một khách sạn lớn vào bậc nhất ở thị xã Quảng Châu. Vì sự bố phòng quá nghiêm mật, Phạm Hồng Thái phải giả làm phóng viên nhiếp ảnh của một tờ báo Tàu mới vào được Sa Diện và đem bom trong người được tới tận khách sạn nói trên. Khách sạn Victoria đêm ấy được trang hoàng rực rỡ, viên toàn quyền Merlin được nhà đương cuộc Tàu tiếp rước như một vị hoàng đế; y ngồi trên kiệu do một đám phu kiệu Tàu khiêng đi; và hai bên có những toán lính đi hầu ăn mặc quần áo như đám thị vệ của các vua nhà Thanh. Bữa tiệc đêm ấy có hơn 50 người gồm toàn những chánh khách Trung Hoa và của các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Bồ Đào Nha vv… Đúng 8 giờ, bữa tiệc khai mạc sau bài diễn văn tuyên bố khai mạc của viên lãnh sự Anh, và lời chúc tụng của các viên lãnh sự khác, tên toàn quyền Merlin đứng lên đáp từ lại bằng những lời cảm ơn và phô trương các công việc khai thác của thực dân Pháp ở Đông Dương. Đêm ấy, Merlin tỏ vẻ đắc chí lắm, vì sự tiếp đón quá nồng hậu của các nước cùng bè cùng lũ, nhất là chuyến đi này của hắn đã đem lại được kết quả như bọn chủ thực dân của hắn đã mong muốn từ lâu. Không ngờ, trong lúc giữa tiệc đang say sưa, quả bom từ tay Phạm Hồng Thái nhắm thẳng vào người tên Merlin ném tới. Tiếng nổ rung chuyển cả khách sạn. Toàn thể mọi người đều hốt hoảng náo loạn. Đáng lẽ tên Merlin chết ngay nhưng quả bom lại trúng vào một tên Pháp là Louis Cordeau, một nhân viên của tòa lãnh sự Pháp, tên này bị chết ngay tại chỗ với mấy tên ngồi gần. Số bị thương có trên 10 người, trong đó có một chánh khách Trung Hoa, một vũ nữ Thượng Hải. Tên Merlin không chết, chỉ bị miếng bom làm trầy da đầu; vì thế, có dư luận bảo Phạm Hồng Thái khi liệng quả bom đã nhìn lầm tên Tây Cordeau ra Merlin. Việc này chưa chắc là đúng. Nhưng phải khen Phạm Hồng Thái đã tìm được một cách để lọt vào cho đến tận chỗ bọn thực dân ăn uống để thi hành bản án. Merlin không chết nhưng ảnh hưởng của vụ ám sát táo bạo này liền sau đó đã làm chấn động cả dư luận hoàn cầu. Các báo chí xuất bản ở Trung Hoa, ở các nước Anh, Pháp, Mỹ và ngay cả Đông Dương cũng xem đó là tin tối quan trọng và đăng nơi trang nhất với những hàng chữ lớn nhất. Riêng về Phạm Hồng Thái thì sau khi quả bom nổ, ông bị lính tô giới đuổi bắt rất gắt. Sẵn súng trong tay, Phạm Hồng Thái vừa chạy vừa quay lại bắn để chống cự. Bọn lính tô giới cũng tìm chỗ núp bắn lại và lại tiến lên để đuổi theo. Chúng áp lại càng lúc càng đông, nên chống cự không đầy mười phút, khẩu súng của Phạm Hồng Thái bị hết đạn. Biết không thể thoát được, nên khi chạy đến Châu Giang, Phạm Hồng Thái đã tự lao mình xuống sông để mượn dòng nước xanh kết liễu cuộc đời. Lúc ấy vào khoảng 9, 10 giờ đêm ngày 19 tháng 6 năm 1942. Phạm Hồng Thái mới 23 tuổi. Đêm ấy, tên toàn quyền Merlin sợ quá, y xấu hổ và và cũng bất mãn với sự bảo vệ an ninh của Anh và của Tàu nên sáng hôm sau, từ lúc hừng đông, đã vội vàng lên đường về Hà Nội, thay vì y phải nán lại ít hôm để chờ gặp Tôn Văn. Khi Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông, bọn lính tô giới xả súng như mưa xuống, nhưng không thấy tăm dạng người Việt Nam đâu cả. Kế đó, các ca nô tuần tiểu tìm kiếm suốt đêm cũng không gặp. Phạm Hồng Thái trầm mình xuống Châu giang, thi thể ông sau 3 ngày mới nổi lên. Viên lãnh sự Pháp cho vớt lên khám nghiệm thấy trên tay còn đeo chiếc đồng hồ kim chỉ ở chỗ 8 giờ 25 phút và trong ống quần còn sót một viên đạn, không có giấy tờ gì, nhưng nhờ giáo nghiệm viên đạn, chúng biết chắc chắn là thi thể Phạm Hồng Thái nên đem quăng xác trên bờ Châu giang cho ruồi bu kiến độ. Nhà đương cuộc Quảng Châu phải can thiệp, và cuối cùng bằng lý do vệ sinh, chúng mới chịu giao thi thể cho người Tàu chôn cất. Nhờ sự vận động của các nhà cách mạng Việt Nam, nhà đương quyền Trung Hoa đã giao xác liệt sĩ họ Phạm cho hội Quảng tế y viện lo việc mai táng vào một nghĩa địa ở chân đồi Bạch Vân. Trong đám táng, hầu hết các nhà cách mạng Việt Nam ở Tàu đều cải trang để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều cuộc truy điệu được các nhà cách mạng Việt Nam cử hành ở Trung Hoa và ở Xiêm. Năm 1925, một nhà cách mạng có thế lực của Trung Hoa là Hồ Hán Dân vì ngưỡng mộ tinh thần cao cả của Phạm Hồng Thái nên đã tự bỏ tiền ra và dùng quyền hành của mình, để dời ngôi mộ của họ Phạm từ đồi Bạch Vân đem về táng chung vào nghĩa địa Hoàng Hoa Cương là nơi đất thánh của thi hài 72 liệt sĩ tiên phong của cách mạng Trung Hoa trong cuộc khởi nghĩa đánh đổ triều đình Mãn-Thanh. Trước một Phạm Hồng Thái có tấm bia đá khắc chữ “Việt Nam liệt sĩ Phạm Hồng Thái chi mộ”. Đặc biệt ngày cải táng mộ Phạm Hồng Thái là đúng ngày 19 tháng 6 năm 1925, tức ngày đệ nhất chu niên Phạm Hồng Thái đã hy sinh vì nghĩa cả dân tộc. Ngày ấy, các nhà cách mạng Việt Nam ở Tàu đều kéo về Hoàng Hoa Cương để làm lễ cải táng và truy điệu. Một số các nhà cách mạng Trung Hoa ở Quảng Châu cũng có mặt. Bọn thực dân Pháp có lên tiếng phản đối, nhưng lời nói của chúng đối với chánh giới Trung Hoa lúc ấy như ném vào giữa bãi sa mạc. Chúng cho bọn bồi bút ở Đông Dương tìm đủ mọi cách để xuyên tạc về ý nghĩa cái chết của Phạm Hồng Thái nhưng trước sau liệt sĩ Phạm Hồng Thái vẫn là liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Phạm Hồng Thái là một trong những liệt sĩ bất tử của dân tộc Việt Nam. Kẻ bị lịch sử xóa đi là thực dân Pháp và bọn tay sai chúng. Dân Việt còn, tên tuổi Phạm Hồng Thái vẫn còn, tinh thần Phạm Hồng Thái vẫn còn. Vì cái chết của Phạm Hồng Thái không phải là cái chết tầm thường mà là cái chết đáng yêu, đáng quý, đáng bia đồng tượng gỗ. Người Trung quốc còn phải cúi đầu trước sự hy sinh anh dũng cho dân tộc cho đại nghĩa của liệt sĩ Phạm Hồng Thái huống người Việt Nam ta. Cùng xương cùng thịt cùng da; Cùng giòng máu mủ con nhà Lạc Long. (Phụ trang nhật báo Tin Lửa) TẠP CHÍ PHÁP TƯỜNG THUẬT ĐẦY ĐỦ CHI TIẾT VỀ VỤ ÁM SÁT TOÀN QUYỀN M. MERLIN Ở ĐÔNG KINH Đầu tháng 4 năm 1924, toàn quyền Đông Dương Martial Merlin cùng với vợ, đại sứ Pháp ở Xiêm La (Thái Lan) và nhiều nhân viên văn võ trong văn phòng đi thăm viếng tỉnh Vân Nam. Merlin đến Vân Nam phủ ngày 4/4 được thống chế Tang Kiao, thống đốc Vân Nam và dân chúng tiếp đón nồng nhiệt. Trở về Hà Nội ngày 10/4, toàn quyền Martial Merlin đến ngày 28/4 đáp tàu André Lebon ở Vịnh Hạ Long đi Josung, thành phố trên bờ sông Thượng Hải. Tại đó, Merlin lại đáp tàu Jules-Ferry và đến Thần Hộ (Kobé) rồi đáp xe lửa đi Đông Kinh (Nhựt Bổn). Merlin là thượng khách của Nhựt Bổn cho tới ngày 26/5. Trên đường ở Nhựt Bổn trở về, Merlin đến Hán Thành ngày 28/5, đến Phụng Thiên ngày 30/5 và sau đó đi Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong. Cuộc hành trình cuối cùng là Quảng Châu. Vợ Merlin và người con trai ở lại Hong Kong. Merlin cùng với viên giám đốc văn phòng là ông Chatel, viên giám đốc chính trị là ông Jeanbreau, và viên sĩ quan hộ vệ là đại úy Bernars đến Quảng Châu vào chiều ngày 20/6. Trước hết, Merlin đến tòa lãnh sự Pháp tiếp kiến kiều dân đoàn, sau được mời đến khách sạn Victoria ở Sa Diện, thuộc tô tá địa của Anh, khu phố cùa người Âu châu. Những biện pháp an ninh đã được đề phòng rất cẩn mật do cảnh sát bản xứ và cảnh sát Anh đảm nhiệm. Một kẻ lạ mặt (nhà cách mạng Việt Nam Phạm Hồng Thái) đã giả dạng là một nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp đến khách sạn Victoria rồi bất ngờ liệng một trái bom vào bàn tiệc. Trái bom đặt trong chiếc va li kẻ lạ mặt mang theo. Lúc đó quan khách vừa ngồi vào bàn tiệc. Trái bom nổ tung ở phía đầu bàn làm cho 3 thực khách chết lập tức! Ông Desmareto thương gia và vợ y, ông Rougeau thủ quỷ Ngân hàng Đông Dương, hai thương gia ngành xuất cảng là các ông Gérin và Pelletier bị thương nặng và sau đó cũng chết luôn. Ngoài ra, còn có nhiều người bị thương, trong số đó, bà Rollin, vợ viên Giám đốc Ngân hàng kỹ nghệ Trung Hoa, đại uý Bernard (sĩ quan hộ vệ Merlin) và Bác sĩ Casablanca, giám đốc nhà thương Doumer. Thủ phạm vụ liệng bom thừa dịp hỗn loạn trốn thoát, và trong lúc chạy, thủ phạm dùng súng sáu quay lại bắn những kẻ đuổi theo bắt. Thủ phạm chạy đến bờ sông Châu giang nhảy tòm xuống sông biệt dạng. Ngày hôm sau, người ta vớt được xác một người Việt Nam. Nếu xác này là xác của tên thủ phạm vụ ném bom thì có lẽ tên này đã nhằm báo thù ông Jeanbreau, thủ lãnh sở mật thám Đông Dương. Cuộc điều tra vụ ném bom gần như không thể thực hiện vì Quảng Châu là một thành phố đông người như kiến, và các đường phố ngõ hẻm thì chằng chịt và ở dưới đất cũng có nhà cửa phố xá. Toàn quyền Martial Merlin đã lập tức rời khỏi Quảng Châu qua Hong Kong rồi trở về Saigon. (L’ Illustration số 4243 ra ngày thứ bảy 28 tháng 6 năm 1924) Đỗ Thiên Thư st VÒNG ĐỜI Sinh : Nghiệp kéo về đây trả nợ nần, Thấy đời sợ quá, khóc vang rân ! Rồi mai dầu dãi đường xuôi ngược, Áo cơm, sự nghiệp, có yên thân ? Lão : Vai không kham nổi lực thời gian, Lưng cũng oằn cong gánh thịt xương. Mượn thêm chiếc gậy cho thân tựa, Run rẩy lần theo nắng cuối đường ! Bịnh : Bám chút tàn hơi còn sót lại, Tài, danh, sức, trẻ.. đã quay lưng. Thân xưa : Báu vật, tưng tiu lắm, Thân giờ : Báo nghiệp, hại người thân ! Tử : Thở hắt, hoàn thân cho cát bụi, Lại về tính sổ chặng vừa qua ! Đường Luân Hồi cũ từng đi mãi, Gặp chăng Giải Thoát giữa bao la ?
Tâm Nguyện
HƯƠNG THƠ Bỗng ngây ngất câu thơ không kịp viết Phấn thông vàng theo gió phủ bờ vai Cả rừng cây ngơ ngác thoáng u hoài. Thu thay áo Suối reo cung nhạc biếc Bỗng ngây ngất câu thơ không kịp viết Núi vươn cao sau giấc ngủ mơ màng Mây long lanh uống nắng đổ mênh mang Hoa tan tác Bướm buồn đau thắm thiết Bỗng ngây ngất câu thơ không kịp viết Tiếng chim non ríu rít đọng trên cành Hoa nghiêng mình chào đón mảng trời xanh Mùa xuân đến tơ lòng ta bất tuyệt Bỗng ngây ngất câu thơ không kịp viết Thông rì rào… nức nở khúc tình ca Ngàn Phương
CÁC BÀI HỌA TƯỞNG NIỆM LƯƠNG TRÚC ĐÀM Bản tin số 26 (tháng 7/2008) đã đăng 8 bài. CLB Sách Xưa và Nay xin đăng tiếp một số bài họa mới nhận được. KHUYẾT ĐỀ Đứt gánh non song giữa chặng đời Hai mươi chín tuổi chí không vơi Đông Kinh Nghĩa Thục từng vun đắp Nam Quốc Địa Dư gắng trọn bồi Nợ nước tình nhà chưa đáp trả Ơn cha nghĩa mẹ bội vong rồi! Nghìn thu một tấm lòng son sắt Tổ quốc mai sau… rạng giống nòi. THÙY DƯƠNG Bài họa số 9 Nhớ Lương Trúc Đàm Tuổi xanh ước nguyện chấn hưng đời Nặng gánh non sông mộng chẳng vơi Khai trí canh tân lo quảng bá Văn chương giáo dục gắng vun bồi Danh thơm Nghĩa Thục còn lưu mãi Sách quý Địa Dư phổ biến rồi Hai chín năm trời dâng hiến trọn Vẫy vùng chưa thỏa chí con nòi.
Công Bình Bài họa thứ 10 Vì sao tắt vội Tắt lịm vì sao sáng nửa đời Chí cao nghĩa cả chẳng hề vơi Hiếu trung gia đạo chưa tròn đáp Sự nghiệp văn chương đã vẹn bồi Nghĩa Thục không quên người khuất bóng Đông Du nhớ mãi chuyện qua rồi Ra đi để lại từng pho sách Dạy trẻ đừng quên giống với nòi.
NSƯT Hồ Kiểng Bài họa số 11 Tưởng niệm Hai chín tuổi xuân đứt gánh đời Tài trai chưa thỏa mộng đầy vơi Tình nhà sâu nặng mong đền đáp Nợ nước thiêng liêng gắng đắp bồi Nghĩa Thục Hà Thành chung sáng lập Đông Du Nhật Bản khởi công rồi Nghìn sau hậu thế còn ghi nhớ “Nam Quốc Địa Dư” sáng rỡ nòi. Tân Việt Bài họa số 12 Thân trai bảy thước Thân trai bảy thước sống trên đời Đất nước vong nô hận chẳng vơi Nghĩa Thục mở mang nền thực nghiệp Duy Tân cải tiến cách tô bồi Tình nhà nợ nước chưa tròn nguyện Nghĩa mẹ ơn cha ước lỡ rồi! Một tấm lòng son dâng Tổ Quốc Rồng Tiên đẹp mãi giống cùng nòi.
Hải Sơn Bài họa số 13 Tưởng niệm Lương Trúc Đàm Tấm lòng son sắt hiến dâng đời Vì nước, vì dân chẳng chút vơi Nam Quốc Địa Dư lo soạn thảo Đông Kinh Nghĩa Thục gắng vun bồi Đường dài những tưởng còn đi tới… Số vắn nào hay dừng bước rồi! Hai chín xuân xanh chưa thỏa nguyện Nghìn thu gương sáng điểm tô nòi.
Trần Thanh Tuyền Bài họa số 14 Nhớ xưa Nghĩa Thục… Chiến sĩ Đông Kinh nặng gánh đời Bên tầm cứu nước chẳng hề vơi Duy Tân chí cả thề vươn tới Nghĩa Thục uy danh nguyện tái bồi (1) Tôn kính vô cùng người mở lối Tiếc thương bỗng chốc ra đi rồi! Lòng son chói rạng niềm thanh sử Đường phố lưu danh đẹp nước nòi! (2)
Hoàng Anh Đỗ ----------------------- (1) ĐKNT thành lập tháng 3-1907, uy tín vang dội cả nước. Đến đầu năm 1908 thì bị chính quyền Pháp bắt đóng cửa. (2) Có 2 đường Lương Trúc Đàm ở P7, Q8 và P20, Q Tân Bình, TPHCM. Hà Nội cũng có khu ĐKNT ở gần phố Hàng Đào Sách là gia truyền quý nhất, không được đem gửi người khác. Sau khi ta trăm tuổi, mỗi khi đến ngày giỗ thì lấy sách ra bày hai bên trên bàn thờ thay cho mâm cơm. Nguyễn Thông (Lời dặn vợ con trong điều thứ sáu) |
Về Quy Nhơn thăm mộ cố nhà thơ trẻ Hàn Mặc Tử (1912-1940) Trong chuyến tham quan “Khám phá hương sắc miền Trung – Tây Nguyên” dài ngày, đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh ghé lại thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định vào chiều ngày 31/7/2008. Mặc dù ngồi xe rất vất vả từ Huế vào đây đường dài trên 400 km nhưng tôi không bỏ lỡ cơ hội, chưa vội đưa hành lý về phòng ở khách sạn Hoàng Yến nằm sát bờ biển của thành phố mà tôi tranh thủ hỏi thăm tiếp viên để đi xe ôm ngay đến bãi biển Gành Ráy trước khi nắng tắt ở sau dãy núi cao và dài ở phía tây thành phố. Chỗ tôi lưu trú qua đêm không xa với bãi biển Gành Ráy, nơi có ngôi mộ của cố thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Mộ của thi sĩ nằm trên một ngọn đồi thơ mộng nhìn ra bãi biển Đông nổi tiếng Gành Ráy, lưng dựa vào dãy núi cao xanh um. Ngôi mộ được nằm ở một vị trí có phong thủy rất tốt. Ngày trước chắc nơi đây vắng vẻ, quạnh hiu và không bị che khuất tầm nhìn ra biển cả: vịnh và bãi biển Gành Ráy rất đẹp. Ngày nay ngôi mộ bị rừng cây mọc che khuất trước bãi biển và lại nằm kề một nhà hàng đông khách. Bên dưới ngọn đồi là trại phong (còn gọi là nhà thương phong Quy Hòa), nơi có bệnh viện mà bệnh nhân Trần Trọng Trí ở điều trị từ 20/9/1940 tới 11/11/1940 qua đời và được an táng ở đèo Son, nay là đồi. Dốc lên mộ khá cao được đặt tên “Dốc Mộng Cầm”, tên người yêu lãng mạn của nhà thơ từ thuở hai người còn tới lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết để tâm sự hằng đêm. Thế rồi, một hôm nhà thơ trẻ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo mà tới nay nền y học thời ấy chưa có phương thuốc nào chữa khỏi. Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22/9/1912 tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Lớn lên, theo gia đình vào ở Sa Kỳ (Quy Nhơn) năm 1921, Bồng Sơn năm 1923 và học tiểu học nơi đây. Năm 1926 thư sinh họ Hàn đã biết làm thơ Đường luật lấy tên Minh Duệ Thị. Tháng 9/1928 anh ra học trường Pellerin ở Huế nhưng tới năm 1930 thôi học về lại Quy Nhơn. Lúc này anh đã được giải thưởng hạng nhất trong cuộc thi thơ của một thi xã tổ chức. Sau đó, anh đổi bút hiệu là Phong Trần và nổi tiếng vì được cụ Phan Bội Châu chủ nhiệm thi xã Mộng Du họa thơ và đề cao. Báo Phụ nữ Tân văn thường đăng thơ của anh. Trong lúc cụ Phan bị thực dân Pháp câu thúc ở Huế, anh ra thăm nên bị mật thám theo dõi và xóa tên trong danh sách những người được đi học ở Pháp do Hội Nhà Tây du học giới thiệu. Năm 1932-1933 anh làm việc ở Sở đạc điền Quy Nhơn, quen với các nhà thơ văn Quách Tấn, Chế Lan Viên, Trần Thanh Mại… và trao đổi thư từ với Mộng Cầm. Từ đó cho tới ngày qua đời, thơ của anh được đăng ở nhiều báo, được đọc ở nhiều thi xã và được nhiều người trong giới văn học tới thăm. Hàn Mặc Tử mất đi trong lúc tuổi còn rất trẻ (28 tuổi) nhưng tác phẩm của anh để lại khá nhiều. Mãi tới năm 1987, Chế Lan Viên mới tuyển chọn và giới thiệu theo các chủ đề sau: Lệ Thanh thi tập (nhiều bài thơ Đường đã đăng trên các báo thời ấy), Gái quê, Đau thương (có tên thơ điên), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Chơi giữa mùa trăng (thơ-văn xuôi) và một số tạp văn, phóng sự bài báo. Tính ra có tới trăm bài thơ, bài văn… Thơ của Hàn Mặc Tử, nếu xét cả phong cách, ngôn từ, vần điệu và nội dung luôn chuyển biến theo từng giai đoạn của cuộc sống tuy quá ngắn ngủi nhưng vẫn cho thấy niềm xúc cảm rất dồi dào của nhà thơ trải qua những vui, buồn, tâm tư luôn xáo trộn và nhân sinh quan không ổn định, nhất là trong những ngày anh bị bệnh hiểm nghèo. Những bài thơ Đường có âm hưởng nhẹ nhàng và thơ ngây như Vịnh hoa cúc, trồng hoa cúc và hồn cúc… Bài “Vội vàng chi lắm” làm lúc 15 tuổi đã biểu lộ nét đặc trưng ấy : Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây Chầm chậm cho mình giữ mối dây. Về đến Thần Kinh khoan nghỉ đã Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay …
Đột nhiên tới bài “Buồn thu” khẩu khí lại khác hẳn: Ấp úng không ra được nửa lời Tình thu bi thiết lắm thu ơi !...
Còn bài “Đêm không ngủ” có nhiều ý lạ khiến cho người nghe cảm nhận được tâm sự phần nào của Hàn thi sĩ: Non sông bốn mặt ngủ mơ màng Thức mình ta dạ chẳng an. Bóng nguyệt leo song sờ sẩm gối Gió thu lọt cửa cọ màn chăn. Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ Buồn giúp công danh dế dạo đàn. Chỗi dậy nôm na vài điệu cũ Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn .
Lần đi tới bài “Cô liêu” nghe sao mà thảm thiết quá: Gió lùa ánh sáng vô trong bãi Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai Buồm trắng phất phơ như cuống lá Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai… …Không nói không rằng nín cả hơi Chao ôi, ghê quá trong tư tưởng! Một vũng cô liêu cũ vạn đời…
Văn chương chữ nghĩa của Hàn rất ư là nhẹ nhàng, thanh thoát và giản dị, bình dân, dễ hiểu! Nhà thơ có rất nhiều bài thơ về trăng như say trăng, rượt trăng, chơi trên trăng, ngủ với trăng, trăng tự tử…nghe thật rụng rời cả tâm trạng! Bài “Trăng vàng trăng ngọc” thi sĩ dùng toàn chữ trăng ở nhiều câu cho thấy anh rất yêu trăng và luôn tâm sự với trăng, sau này có người đem phổ nhạc nhưng nội dung rất lạc quan yêu đời chớ không than khóc, kêu la…Nhiều người nói thơ của anh chịu ảnh hưởng của căn bệnh hiểm nghèo nên thường có giọng đau đớn, hờn căm, buồn tủi. Thật ra không phải vậy. Thơ anh rất trong sáng, tình cảm và chân thật, đôi khi tha thiết với chủ đề, nhân vật của mình. Như bài “Phan Thiết! Phan Thiết”: Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết. Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu. Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư . Đây là than thở vì tình chớ không vì bệnh…
Chiều xuống nhanh trên mộ của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử lúc tôi tới thăm nhưng vẫn có đôi ba thanh niên, thanh nữ hay cả gia đình cố trèo lên mấy chục bậc đá để viếng mộ và tưởng niệm. Tôi đã xuống đồi nhưng lại quay trở lên để tìm người giữ mộ nhưng không thấy. Bỗng chợt thấy có đôi nhân tình trẻ lại đùa giỡn trong bóng hoàng hôn sau ngôi mộ, thấp thoáng tà áo trắng khiến tôi hơi chột dạ, thầm nghĩ: “Có phải hình bóng của anh Trọng Trí và cô Mộng Cầm không đây?” Vương Liêm (Cuối tháng 7/2008) Một cuốn sách tốt: - Mở ra thì gợi niềm hy vọng. - Khép lại thì đem đến điều hữu ích. L.M.Alcott Một cuốn sách có thể quyết định một đời hay hay dở của một đứa trẻ. P. Gerfaut Sách là một người bạn mà ta có thể khám phá ra những điều tốt hay xấu tùy theo nội dung của nó. Ta tiếp thu những điều tốt song ta cũng phải có những phản ứng chống lại điều xấu. Tiến sĩ Adrien Jean |
Phụ bản III Về bản dịch Kiều của Thùy Dương, có bạn nói là chuyện Thiên Thai xuất xứ từ Trung Quốc, đời Hán chứ không phải của Việt Nam như Thùy Dương chú giải. Chị Thùy Dương cho biết chị có tham khảo nhiều sách, có sách nói là của Trung Quốc nhưng cũng có vài sách nói là của Việt Nam. Điều này không lạ vì nền văn hóa cổ truyền của mình chịu ảnh hưởng của Trung Quốc rất nhiều nên một vài huyền thoại giống nhau là chuyện thường. Ngay như truyện Tấm Cám của mình còn giống na ná Truyện Lọ Lem của Phương Tây. Có thể là Tổ Tiên mình kể truyện Thiên Thai bằng truyền khẩu mà không nói rõ xuất xứ, lại căn cứ vào 2 cái tên nhân vật Lưu Thần và Nguyễn Triệu – Họ Lưu thì khá phổ biến ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, còn họ Nguyễn thì rất nhiều ở Việt Nam mà Trung Quốc thì hầu như chưa ai nghe nên mới cho là Thiên Thai của Việt Nam. Nhưng không sao, có được một huyền thoại đẹp để tô điểm thêm cho Truyện Kiều là quý, của Trung Quốc hay Việt Nam cũng được. VAT. TRUYỆN KIỀU (kỳ 5) (Câu 287-362) Nhận từ quán khách lâu la, Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai. Cách tường phải buổi êm trời, Dưới đào dường có bóng người thướt tha. Buông cầm xốc áo vội ra, Hương còn thơm ngát người đà vắng tanh. Lần theo tường gấm dạo quanh, Trên đào nhác thấy một cành kim thoa. Giơ tay với lấy về nhà: “Này trong khuê các đâu mà đến đây? “Ngẫm âu người ấy báu này, “Chẳng duyên đâu dễ vào tay ai cầm!” Time went by so fast and two moonlight periods had passed, Whereas in this roof, Kim endured impatience, then at last, Came a beautiful day… While he was playing a nice piece, There seemed to appear on the other side of the hedge, Among the flowery peach-trees, a graceful silhouette. Laying down his guitar, putting in order his dress, Kim hurried out, heart throbbing, he looked around, A nice perfume still exhaled, but no one was found! Pacing round the flowery hedge, he suddenly caught sight Of a golden hairpin dangling on a peach branch not so high. Stretching his arm, he reached it down, took it in the house. “Ah! This must come from a feminine noblesse, no doubt!” He whispered happily, “But why did it come to me? “This magnificent jewel! Oh! It’s not so easy “To get it in my hand if the owner and I “Are not destined for a happy union in this life!” Liền tay ngắm nghía biếng nằm, Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai. Tan sương đã thấy bóng người, Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ. Sinh đà có ý đợi chờ, Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng: “Thoa này bắt được hư không, “Biết đâu Hợp Phố mà mong Châu về?” Tiếng Kiều nghe lọt bên kia: “Ơn lòng quân tử sá gì của rơi, “Chiếc thoa là của mấy mươi, Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!” Sinh rằng: “lân lý ra vào, “Gần đây nào phải người nào xa xôi: “Được rày nhờ chút thơm rơi; “Kể đà thiểu não lòng người bấy nay. Holding the pin in his hand, he spent hours watching The jewel still imbued with sandal perfume exhaling. The next morning, no sooner had the haze melted away Than the silhouette reappeared under the first sunrays, Looking around the hedge as though searching for something lost Being already on the watch, Kim raised his voice first: “This magnificent jewel has suddenly come to me! “I don’t know where Hợp Phố (1) is to send it back carefully” Over the hedge, Kiều answered her sweet voice gladdening: “Thank you, gentleman! Thank you for not taking the lost thing. “This small hairpin certainly isn’t of great value, “But so great are your disdain on wealth and loyal virtue” “Never mind lady!” Kim replied, “I’m just your neighbor, “Not a stranger; and we may have once met each other “I’m so glad to have got some dropped perfume “Which revived my poor heart that withered ever since. (1) Hợp Phố: A nice and thoughtful reference – Hợp Phố was the name of a district located in Kwangting, where the inhabitants lived on the production of pearls taken from oysters in a section of the river nearby. Once, for some unknown reason, all the pearl-oysters disappeared from the river and the inhabitants were soon starving. It was believed that this regretful fact was due to the cruelty and greediness of the administrator of the district, who made their own fortune on the inhabitants’ labor. The government then appointed a mandarin name Mạnh Thường, who was well known by his generosity, to replace the corrupt chief of district. Since then the pearl-oysters began to come back in abundance to the river section and prosperity soon returned to the district whose inhabitants’ hard labor deserved it. This story has a moral philosophy: “Lost things always return to good owners”. And we have the saying “Châu về Hợp Phố” (Pearls come back to Hợp Phố) to praise a good person who has found his precious lost thing. In this sentence, Kim meant to say: “I want to return this nice thing to its nice owner” “Bấy lâu mới được một ngày, “Dừng chân, gạn chút niềm tây gọi là”. Vội về thêm lấy của nhà, Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông. Bậc mây rón bước ngọn tường, Phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe! Sượng sùng giữ ý rụt rè, Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu. Rằng:“ Từ ngẫu nhĩ gặp nhau, “Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn. “Xương mai tính đã rủ mòn, “Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay. “Tháng tròn như gửi cung mây, Trần trần một phận ấp cây đã liều. “Now this day so long expected has come to me! “Please, stay a little while so that I can let you see “My true heart, my secret hope I’ve been so long cherishing” Then he hurried home to bring out some more things: A pair of golden bracelets and a silk handkerchief Climbing on a small ladder, he looked over the hedge It was she, the lady he met the other day, exactly! As he looked straight at her face, she bowed confusedly “I’ve been longing for you”, said he, “since our accidental meeting, “So much that I become now an apricot-tree languishing! “Oh, I never thought this happy day would come to me! “For months my heart has been confided on the clouds constantly (1) “Sticking – to this foot of tree – was my risky decision (2) “To wait until the end, whatsoever would happen (3) (1) This sentence meant: “I have been cherishing a dream that I thought it’s almost an illusion.” (2), (3): This allusion was made to an old story: Once, a young man named Vĩ Sinh had an appointment with a girl friend. It was a day of bad weather and the girl didn’t come. As a loyal man, Vĩ Sinh came despite the bad weather. He kept on waiting at the foot of a tree nearby until a rainstorm came up, the water of the river nearby rose higher and higher and finally he drowned. This story has a philosophy: “Don’t be unrealistic to be too faithful to an ideal that you don’t expect to realize” – Here Kim meant to say: “My love is so passionate that I became a madman.” “Tiện đây xin một hai điều: “Đài gương soi đến dầu bèo cho chăng?” Ngần ngừ nàng mới thưa rằng: “Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong, “Dẫu khi lá thắm chỉ hồng, “Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. “Nặng lòng xót liễu vì hoa, “Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa” Sinh rằng: “Rày gió, mai mưa, “Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi? “Dẫu chăng xét tấm tình si, “Thiệt đây mà có ích gì đến ai? “Chút chi gắn bó một hai, “Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh. Now that you are here, please say a few words before you quit, “Will the high mirror shine on this humble duckweed? (1) “Oh, I daren’t…”, replied Kiều hesitantly, “Thank you for your kindness, I’m just from an honest poor family “But when there come the matter of red leaves and rosy threads (2) “It will be up to my parents to decide ‘no’ or ‘yes’. “Thank you for having considered this poor flower, “But I’m sorry, being a child I couldn’t answer.” Kim said: “Today it blows, tomorrow it might rain, “Such an accidental meeting in Spring days may never come again! “Oh, Lady, don’t you know my true love so passionate? “Besides, will my distress be to anyone’s advantage? “Please, just say one word so that I can make sure only, “Then I shall manage to find an intermediary… (1) High mirror: here Kim referred to Kiều as a noble beautiful young lady. Duckweed: something very cheap, valueless which Kim referred to himself as a humble poor man (2) Red leaves and rosy threads: referred to intermediary and marriage
Red leaves: see footnote on verse 268 Rosy threads: This referred to an old legend: Once a young knight named Vi Cố went everywhere to look for a beautiful young lady who was worthy to be his wife. One late afternoon he went to a temple where he saw many young ladies and gentlemen gather around an old man sitting by the moonlight on the yard with a thick book opened before him and a bag full of rosy threads by his side. Vi Cố came and inquired about the book and the rosy threads, the old man said that in this book were listed the names of every couple who were destined to unite in marriage, and the rosy thread were used to link the couple together. Vi Cố was curious to know at once who was the young lady destined for him. But he had to wait for his turn after those ladies and gentlemen. Finally, he got the answer from the old man, who pointed at a little girl about six years old, in ragged clothes. Her mother was a ragged woman who sold fruits around the temple. The young knight laughed arrogantly and said it was a lie. But the old man insisted that this had been fixed up before by divine powers. The young knight broke into anger. He scolded at the old man and looked at the poor girl with hatred. When she started running off, he drew his sword and chopped at her head. Her poor mother cried out and rushed up to pick her wounded child and ran off to escape. Vi Cố went back home, he kept carrying on his decision of looking for a worthy wife. In the course of his life, so many times he met a beautiful young lady and asked for her hand in marriage, but none of the cases was successful. Finally, he met a young girl who was not so beautiful but he found her charming, and soon she became his wife. One day, while she was sleeping, he saw on her head, under her smooth hair, a long scar. Later, he inquired her about the scar on her head, the young girl told him the whole story that had happened at the temple yard when she was six years old, which her mother had told her. The old man in this legend was called “The Man of Rosy Threads” (Ông Tơ Hồng or Ông Tơ), or “The Man of The Moon” (Nguyệt Lão). Although a legend with unbelievable facts, this story offered a lot of beautiful terms to the Vietnamese literature referring to love and marriage union, such as silk threads, rosy threads, Man of rosy threads… Also, in traditional wedding, even nowadays, red and rose colors are most used. “Khôn thiêng dầu phụ tấc thành, “Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời. “Lượng xuân dầu quyết hẹp hòi, “Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru?” Lắng nghe lời nói như ru, Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng. Rằng: “Trong buổi mới lạ lùng, “Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang. “Đã lòng quân tử đa mang, “Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung!” Được lời như cởi tấm lòng, Giở kim thoa với khăn hồng trao tay. Rằng: “Trăm năm cũng từ đây, “Của tin gọi một chút này làm ghi.” “If Heaven will not bless my earnest desire “Then I shall accept to give up all my youthful life “Should your generosity keep on strictly holding “Don’t you see my hope so long cherished will get to nothing?” Listening in silence to these earnest lulling words Kiều’s sensitive heart moved, her eyes reflecting deep concerns - “Oh! How strange everything seems to me in this sudden meeting! “I am so deeply moved that it’s hard to hold my feeling! “Since your gentle heart has been so concerned about this poor girl “Should I say “Yes” and carve this word on stone and gold? (1) At these words, Kim felt his heart relieved happily He took out the jewels and handkerchief to hand her gladly “Our lives thus unite from this very sacred hour” Said he, “And may these small things be a pledge of my true love?” (1) Stone and gold: To test the gold’s purity, one used a special stone. Also, stone is a symbol of steadiness which can record important facts carved on it for thousands of years. That is why in Vietnamese poetry “stone and gold” was used as a symbol of true love and faithfulness between lovers or married couples. Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ, Với cành thoa ấy tức thì đổi trao. Mấy lời gắn bó tất giao, Mái sau dường có xôn xao tiếng người. Vội vàng lá rụng hoa rơi, Chàng về viện sách nàng dời lầu trang. In exchange, she offered him an exquisite fan, And a brocade handkerchief she’d already got in hand. They hadn’t finished exchanging their gluey promises When someone’s voice was heard from behind the flowery bushes They hurried to separate like leaves and flowers falling down (1) He came back to his study and she to her floral house. (1) Their sudden break while their love was just blooming disconcerned them so regretfully like fresh leaves and flowers suddenly fell down from branches. (To be continued) THÙY DƯƠNG DI SẢN THẾ GIỚI Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc gọi tắt là UNESCO. Hàng năm tổ chức này họp để bình chọn theo tiêu chuẩn đã định. Từ năm 1978 đã chọn 12 Di sản thế giới của các thành viên. Cho đến năm 2008, UNESCO đã bình chọn được 878 Di sản thế giới, trong đó có 679 Di sản văn hóa, 174 Di sản thiên nhiên và 25 loại hỗn hợp tại 145 quốc gia. BIỂU TRƯNG DI SẢN THẾ GIỚI Những di sản được xếp hạng trong Danh mục Di sản thế giới sẽ được gắn biển đồng có BIỂU TRƯNG và được hưởng các quy chế đặc biệt của Công ước quốc tế về bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên, cũng như Quỹ Di sản thế giới. - Biểu trưng là một hình vuông nội tiếp trong một hình tròn nối liền. - Hình vuông biểu hiện kiệt tác do loài người sáng tạo nên. - Hình tròn biểu hiện cho thiên nhiên và cũng là trái đất, nó biểu lộ sự trân trọng của nhân loại - đối với di sản. - Vòng tròn và hình vuông nối liền nhau là sự hài hòa và thống nhất. Xin được giới thiệu một số các Di sản thế giới để các bạn trong CLB Sách Xưa & Nay tham khảo: VỊNH HẠ LONG (VIỆT NAM) - Di sản thế giới. Vịnh Hạ Long đăng quang lần thứ 1 (năm 1994) Ngày 14-12-1994 – Ủy ban Di sản thế giới (WHC) đã thông qua việc đưa Vịnh Hạ Long của Việt Nam và danh mục Di sản thế giới. Cho đến nay, Việt Nam là nước Châu Á duy nhất có một danh lam thắng cảnh ở vùng biển được xếp hạng như vậy. Tài liệu của Công ty Du lịch Pháp xuất bản năm 1927 đã nhận xét: “Trong vô số những cảnh đẹp của Đông dương gợi lên khá nhiều tính tò mò của người du lịch, Vịnh Hạ Long năm trong Vịnh Bắc Bộ cho ta một cảnh đẹp không thể nào quên được, khẳng định chắc chắn là đẹp nhất thế giới”. Vịnh Hạ Long nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam – là vùng lõm của biển Bắc bộ, dài khoảng 110km. Vùng vịnh này rộng 1533km2 với 1969 đảo lớn nhỏ. Trong đó có 900 hòn đảo chưa đặt tên. Cũng trong 1969 hòn đảo có đến 1921 đảo đá, có những loại thực vật hiếm: Thiên tuế Hạ Long, trúc mọc ngược,… Có 1151 loài động vật thì đã gần 500 loài cá, 57 loài cua… Do sự tạo lập đặc biệt của thiên nhiên mà Vịnh Hạ Long vừa duyên dáng thơ mộng vừa hùng vĩ, khó nơi nào sánh được. Tên gọi của vùng vịnh này đã thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử. Thời Bắc thuộc gọi là Lục Châu, Lục Hải. Thời Lý-Trần-Lê gọi là Hải Đông Ngọc Sơn hay Lục Thủy vv… Tên Hạ Long mới xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải. Hạ Long tuy là một vùng núi đã trải rộng trên mặt biển, nhưng sự xếp đặt của nó thật đặc biệt: có cụm núi chụm vào, có chỗ giăng ra như thành lũy, lại có những hòn nằm riêng biệt ra. Cách tạo dáng rất đa dạng và độc đáo: có những hòn trông như các con vật, có hòn dáng như cánh buồm của con thuyền lớn, mỗi hòn một vẻ với những hình thù kỳ lạ. Thiên nhiên của Hạ Long cũng được ưu đãi để tạo ra bốn mùa riêng biệt: mỗi mùa có một cảnh sắc thơ mộng nhưng đều mang một dáng vẻ chung duyên dáng và hùng vĩ. Trong vịnh có khoảng 5000 động, tính bình quân khoảng hơn 1000 quả núi đá bọc cây xanh, mỗi núi có 5 hang. Đặc biệt là những hang: Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Trinh Nữ hay vịnh Quả Đào. Trong số các hang động và hòn núi đẹp của Hạ Long, phải nói tới hang Đầu Gỗ mà sách vở xưa ghi là Độc Cảnh. Trong hang có nhiều nhũ đá, măng đá và trụ đá có hình dáng đẹp và nhiều màu sắc: xám, vàng, trắng, nâu. Có măng đá cao tới 20 mét. Đặc biệt hang còn có những vũng nước ngọt trong lành, mát mẻ. Với những cột thạch nhũ trắng tinh khôi lấp lánh phản quang, những nhũ đá mang đủ các hình thù mềm mại rủ xuống từ vòm hang động Hoa Cương trông thật huyền ảo và quyến rũ. Trong động có một bàn đá bằng phẳng, mỏng manh nằm lửng lơ giữa trần và nền trong một ngách động. Chỉ cần lấy tay vỗ nhẹ vào bàn đá này, cà động vang lên âm thanh trầm bổng như nơi đàn hát vui chơi của các tiên nữ thủy cung? Đây là một trong những động đá đẹp nhất ở vịnh Hạ Long, một sự tạo tác kỳ vĩ, lộng lẫy của thiên nhiên. Mỗi vách động là một bức tranh hoành tráng, đồ sộ với những nét chạm khắc khi mềm mại, tinh tế, khi thô ráp khỏe khoắn. Người xem tha hồ cho trí tưởng tượng bay bổng với những hình ảnh voi chầu, hổ phục, hình ảnh Ngọc hoàng, Thiên Lôi, thiên binh, thiên mã, những nàng tiên đang múa hát, xiêm áo thướt tha… Giữa thế giới những hình ảnh như thật, như mơ của muôn vàn thạch nhũ lấp lánh ánh bạc tưởng như mình đang lạc vào chốn Thiên cung thần bí. Cảnh Hạ Long là một nguồn thi ca phong phú của rất nhiều thế hệ các thi sĩ. Vua Lê Thánh Tông có thơ đề trên vách núi ca tụng cảnh đẹp: Cự Lăng nông nông kiểu bách xuyên Quần sơn cờ cổ bích liên thiên.
(Trăm dòng sông chảy mênh mông quanh núi, quần đảo rải rác như bàn cờ, biển liền trời sắc xanh biếc). Vịnh Hạ Long đăng quang lần thứ 2 (năm 2000) Năm 1994, UNESCO đã công nhận Vịnh Hạ Long - Di sản thế giới về cảnh quan và đến năm 2000 được công nhận lần 2 về giá trị thiên nhiên huyền ảo của nó. Tiến sĩ Tony Waltham, giáo sư nổi tiếng về địa chất Trường Đại học Trent Nottingham thuộc Hoàng gia Anh đã viết trong báo cáo của mình: “Vịnh Hạ Long là một di sản độc nhất về giá trị địa chất và địa mạo vùng đá vôi Karst, là một điển hình phát triển lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới về cảnh quan tháp Karst đã bị biển làm chìm ngập. Vùng di sản này mang đặc trưng của cả hai vùng Karst fengling và fengcong. Nó có thể so sánh với các tháp Karst thuộc vùng Yangshua (Quế Lâm - Quảng Tây - Trung Quốc). Nhưng vịnh Hạ Long thì lại ở trên biển. Vịnh Hạ Long được hình thành và mở rộng do quá trình tiến hóa về mặt địa mạo kể từ khi đồng bằng thứ sinh xuất hiện cùng với những lớp cắt đặc trưng trên những đồi đá vôi ở các mực nước cơ sở bị biển xâm thực. Các ngấn sông cắt xuất hiện trên gần hết các đảo đá vôi. Chúng có nguồn gốc hòa tan và không phụ thuộc vào sự bào mòn của xâm thực sông. Ở một số nơi, các ngấn hóa thạch xuất hiện ở mực nước trên 6 mét so với mực nước biển. Cảnh quan Karst đã được hình thành từ rất lâu, quá trình tiến hóa bắt đầu từ quá trình hoà tan đá vôi nửa khô, nửa cạn vào thời kỳ Đệ tam muộn (Neogene); quá trình tiến hóa này tiếp tục cho đến thời kỳ Kỷ Nhân Sinh (Pleistocene). Cảnh quan hình tháp Karst do quá trình xâm thực biển đã thay đổi hình dáng vào thời kỳ Holocene. Địa mạo vịnh Hạ Long có thể nói là duy nhất. Các tháp Karst Fengling là dạng phổ biến nhất ở vịnh Hạ Long, và cũng là hình tái bặc biệt nấht của quá trình phát triển cảnh quan Karst”. Cuối cùng ông kết luận: “Không thể nói gì hơn, ta có thể khẳng định vịnh Hạ Long là một thắng cảnh Karst mang ý nghĩa toàn cầu với nền tảng cơ bản là khoa học địa chất. Hạ Long bao gồm tấ cả địa hình dạng fengling, fengcong và các hang động vẫn đang trong quá trình phát triển. Cùng với giá trị về cảnh quan, giá trị về địa chất của Hạ Long cần phải được bảo tồn vì lợi ích của loài người”. Sau khi nhận được báo cáo của Giáo sư Tony Waltham ngày 25/2/1999, Trungtâm Di sản thế giới tại Paris đã gửi thư tới Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ban quản lý vịnh Hạ Long yêu cầu xúc tiến việc chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận giá trị ngoại hạng mang tính chất toàn cầu về địa chất vùng Karst vịnh Hạ Long. Đây là một tin vui rất lớn đối với chúng ta có nghĩa là di sản vịnh Hạ Long hội tụ được những giá trị nổi bật toàn cầu cả về phương diện cảnh quan, cả về mặt khoa học địa chất. Hạ Long không chỉ nổi tiếng bởi vẻ diễm lệ và hoành tráng của nó, mà còn bởi nó là một bảo tàng địa chất khổng lồ có một không hai, nhìn vào đó người ta có thể đọc ra lịch sử hình thành, vân động tiến hóa của vùng Karst này và khu vực trài qua mấy trăm triệu năm. Vịnh Hạ Long đang được bình chọn là Kỳ Quan Thiên nhiên thế giới, chúng ta rất mong vịnh Hạ Long sẽ được lọt vào 1 trong 7 Kỳ Quan Thiên Nhiên Thế Giới. Từ đầu năm Vịnh Hạ Long luôn đứng trong tốp 7, nhưng đến 01/9/2008 Vịnh Hạ Long tụt xuống hạng 16. Hãy vào website http://www.new7wonders.com để bầu chọn cho Vịnh Hạ Long, sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2008. ĐỘNG LONG VÂN VÀ ĐỘNG CUNG ĐÌNH Ở vịnh Bái Tử Long, nhiều người đã biết đến hang Quan, có sức chứa hàng vạn người, hang Dơi thông suốt một hòn núi; hang núi Dê đủ chỗ cho cả một trường hỗ tức cán bộ và phòng giáo dục thời sơ tán; hang Hải Quân, hang Hanh là công trường của quân đội; hang số 5 đủ chỗ sơ tán cho 1 khách sạn và bệnh viện vv… Đặc biệt phấn khích cho người dân Cẩm Phả nói riêng và cho di sản thiên nhiên thế giới. Ngày 24/07/98, người ta lần đầu tiên phát hiện ra động mới và 28/07/98 lại tìm ra động thứ 2. Cả hai động đều ở núi Bàn Cờ, thuộc khu vực Vũng Đực thị xã Cẩm Phả. Bước đầu nhiều người đánh giá hai động này còn đẹp và huyền ảo hơn động Thiên Cung bên vịnh Hạ Long. Cảm thấy cách đặt tên có lẽ không sai. Ví dụ: như Con Dơi, Đầu Rắn, Gà Mẹ, Gà Con, Đầu Rừng, Đại Bàng, Tượng Bồ Tát, Đối Tượng Phật, Đôi Bầu Sữa Mẹ, Chùm Đèn, Cọc Bạch Đằng, Đài Sen, Cung Bạch Tuyết, Cung Đá Ong, Dàn Đàn Đá… Những hiện tượng tạo ra sự hứng thú có rất nhiều. Ví dụ ở Tòa Đài Sen, mỗi khi có mưa, nước chảy ra từ một lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay, trong vắt uống ngọt hơn cả Lavie. Cung Đá Ong ở sâu trong động, rộng chừng 5 đến 6 chục mét vuông, trông xa ta có cảm giác như một nền sân khấu bằng phẳng được rải ngọc. Đến gần ta thấy như những bàn tay tiên nào tuyển chọn những viên đá tròn trĩnh màu trắng trứng sáo, nhẵn bóng xếp riêng ra từng ô. Có ô chỉ toàn những viên tròn bằng hạt dẻ. Có ô toàn những ô to tròn đều như quả táo. Tưởng như chỗ các tiên chơi ô ăn quan. Hai Bầu Sữa Mẹ ai cũng muốn mân mê. Nhưng lại thích nhất là Dàn Đàn Đá, người ta gõ rồi ghi được một bản nhạc không khác gì tiếng cồng chiêng và đàn tơ-rưng của Tây Nguyên. Cả hai động khô ráo và sạch sẽ đến bất ngờ. Những điều huyền bí cuốn hút những đầu óc tò mò. Người ta còn đào trong động những mảnh sành sứ rất lạ. Phải chăng nơi đây xưa kia đã có sự sống của bầy người nguyên thủy. Nếu xem tỉ mỉ hai động một ngày có lẽ không xong. Những điều kỳ lạ, huyền bí đó chắc ở động Thiên Cung không có. Hiện nay tạm thời đặt tên cho động thứ nhất là động Long Vân, còn động thứ hai là động Cung Đình. Ưu thế của động Long Vân và động Cung Đình thuộc bờ vịnh Bái Tử Long là ở trong qua mới gần với đường đi lại thuận tiện, không phải đi tàu, đi đò như động Thiên Cung ở Hạ Long. Hai động mới: Long Vân và Cung Đình là niềm tự hào của Di sản thiên nhiên thế giới. Bùi Đẹp Đi tìm một quyển sách cũ Khoảng năm 1960 – 1961, tôi đang học lớp đệ Tam trường Pétrus Ký. Một tên bạn ở cùng xóm học sau tôi hai lớp mang đến cho tôi xem một tập truyện vừa của một tác giả, nếu tôi nhớ không lầm, là Lâm Nhân do Nhà xuất bản Tân Việt phát hành. Tập truyện có nhan đề là “ Trận giặc trẻ con ” mà trong lời nói đầu tác giả cho biết đã phỏng theo quyển La guerre des gosses của một nhà văn Pháp, rất tiếc là tôi đã quên tên tác giả người Pháp này. Lúc bấy giờ ở Saigon đã có bán quyển La guerre des boutons của Louis Pergaud nhưng tôi muốn tìm quyển La guerre des gosses thì không thấy đâu cả. Xem qua vài trang đầu tôi đã bị cuốn hút bởi giọng văn rặt ròng miền Nam của tác giả. Tôi không hề thấy có một chút gì chịu ảnh hưởng của một tác phẩm văn học nước ngoài. Tác giả có lối viết hết sức chơn chất của người dân vùng đồng bằng Nam bộ na ná với lối viết của nhà văn tiền bối Hồ Biểu Chánh, hay của Phi Vân tác giả tập truyện “ Đồng quê ” . Câu chuyện nói về hai đám trẻ con thuộc hai khu vực, một bên là Xóm Chùa, còn bên kia là Mỹ Lương. Tác giả không nói rõ hai địa danh này thuộc tỉnh nào, huyện nào hay xã nào của đồng bằng Nam bộ. Trẻ con hai phe Xóm Chùa và Mỹ Lương có một mối hiềm khích “ không đội trời chung ” . Mối thâm thù này bắt nguồn đâu từ đời cố đời sơ của đám trẻ. Người dân Xóm Chùa cũng không có cảm tình với dân làng xuất thân từ phía Mỹ Lương. Đám trẻ con Xóm Chùa có vẻ anh hùng mã thượng hay là chính nhân quân tử hơn bên phía Mỹ Lương cho nên tên tuổi của những nhân vật trong tập truyện đều thuộc bên Xóm Chùa. Bối cảnh của nội dung tập truyện có thể cho biết được lúc bấy giờ đất nước ta đang ở vào thời kỳ Pháp thuộc, cho nên trong tập truyện tác giả thường ‘châm’ tiếng Pháp theo kiểu ‘ba rọi’ tức nửa nạc nửa mỡ của người miền Nam có học qua tiếp Pháp. Có lẽ vì thế mà ngày nay thỉnh thoảng chúng ta còn nghe như là xà bông, phú de, ọoc rơ, xanh xít đít đuôi vv... Cuốn sách đã được truyền tay nhau đọc ban đầu là mấy anh em trong nhà. Phe con gái, chị em trong nhà không chịu đọc vì cho rằng trong truyện tác giả có dùng những từ ngữ thô kệch tục tĩu. Thực ra tác giả có dùng những từ ngữ mà hồi đó chúng tôi chỉ cho là ngô nghê nhưng rất thực tế mà đọc lên cũng không thấy gì gọi là tục tằn thô kệch. Ví dụ tác giả sử dụng những tiếng chửi thề như đ.mẹ, đ.má, con c. Đi vệ sinh thì viết đi ị., đi đ. Nhưng không phải thường xuyên và cũng không nhiều. Rồi cuốn sách được tiếp tục truyền tay đến các bạn ở trường học. Đứa nào cũng tranh nhau đọc ngấu nghiến rồi đem ra bàn luận. Đứa thích nhân vật này, đứa thích nhân vật nọ. Có lẽ do sự đồng cảm giữa những người trẻ ngoài đời và những nhân vật trẻ trong truyện. Thời đó chưa có photocopy nên phải chuyền tay nhau đọc vì quyển truyện đã được ghi vào “ sách đỏ ” không còn xuất hiện ở các tiệm sách nữa rồi. Bắt đầu câu chuyện là cảnh một nhóm học trò con trai đang tụ tập ở phía sau nhà xí của một trường tiểu học trong giờ ra chơi. Chúng đang bàn kế hoạch để giao chiến với bọn trẻ bên phe Mỹ Lương. Từng đứa được phân công phân nhiệm rõ ràng. Hợi, bí danh là Hợi bò vì ngoài giờ học nó phải đi chăn bò cho cha nó, được làm thủ kho. Thật ra vai trò thủ kho của nhóc tì này chỉ là quản lý chiến lợi phẩm thu được sau mỗi trận đánh với kẻ thù duy nhất là bọn trẻ Mỹ Lương. Hắn làm một túi rút để đựng tất cả chiến lợi phẩm gồm nút áo, tiền xu, kẹp tóc... rồi đeo vào cổ, nhét vào trong áo, trở thành vật bất ly thân của Hợi bò. Tiếp đến là hai anh em học cùng lớp Hai cà răng và Hai pơ tí. Hai bí danh này do thầy giáo đặt cho. Cà răng có nghĩa là lớn theo tiếng Pháp grand, Pơ tí là nhỏ theo chữ petit. Thực ra hai đứa này có tên thuần túy Việt Nam là Hai lớn và Hai nhỏ. Rồi tiếp theo là hai anh em cũng học cùng lớp Tỉ lớn và Tỉ nhỏ. Tỉ lớn ít nói nhưng Tỉ nhỏ ngược lại rất hung hãn, nhỏ con nhưng lúc nào cũng đòi ăn thua đủ với tụi Mỹ Lương, cho nên nó đi đặt làm một củ chì thung để làm bùa hộ mạng. Sự chơn chất trong lời văn của tác giả làm cho câu chuyện trở nên dí dỏm, khôi hài. Trong lớp học, Hợi bò bị kêu lên trả bài. Thầy hỏi: “Xứ ta gọi là gì?”, Hợi bò đáp: “Xứ ta gọi là Xóm Chùa”. Thầy giáo quát: “Tao hỏi mầy xứ chứ không phải xóm, vậy nhiều xóm gọi là gì?” Tỉ nhỏ ngồi đầu bàn nhắc bằng cách chỉ tay ra nhà làng. Hợi bò đáp: “Nhà việc”. Tỉ nhỏ nhăn mặt đau khổ chợt thấy thầy giáo ngó xuống nó xoay qua làm bộ huơ huơ tay đuổi ruồi. Một hôm thầy giáo đọc một bài chánh tả, hồi đó gọi là bài đít tê, lấy từ chữ dictée của tiếng Pháp. Học trò thường gọi đây là bài đầu tê vì khi đi lại đọc bài, thấy đứa nào viết sai, thầy tặng ngay một thước bảng lên đầu. Chuyện thầy giáo xưng hô mầy tao với học trò, và học trò gọi Thầy xưng tui là chuyện bình thường trong miền Nam dưới thời Pháp thuộc, cũng như Thầy giáo đánh học trò bằng roi mây hay đạp học trò lăn lộn dưới đất không hề có phụ huynh nào đến trường khiếu nại. Có lần một học trò mang dế vào lớp đựng trong một cái hộp quẹt đợi giờ ra chơi đá với dế của mấy đứa khác. Khổ nỗi con dế chắc mái hoài, mà nó không biết cách làm cho con dế ngưng chắc mái. Thế là Thầy giáo bắt được bắt lên bảng đứng nuốt trọng nguyên con dế. Nó về nhà bỏ ăn buổi chiều hôm đó. Trong đám trẻ của Xóm Chùa có thằng Cam là lãnh tụ còn thằng Lành, thường gọi là Lành chuột vì miệng nó nhọn hoắt, làm quân sư. Hai đứa nó thường tự ví như Lưu Bị và Khổng Minh lãnh đạo cuộc chiến tranh với bọn trẻ bên Mỹ Lương. Cuốn truyện sau khi được truyền tay trong đám bạn bè gần cả năm trời nhưng không đến nỗi hư hao gì cho lắm, vì ba tôi đã đóng lại bằng bìa cứng màu xanh dương chạy chữ vàng rất đẹp sau khi bạn tôi ngõ ý tặng tôi để làm kỷ niệm. Cuối cùng cuốn sách cũng đã trở về tủ sách gia đình hầu như bình yên vô sự. Nói là tủ sách cho có vẻ thời trang chứ thực ra đó chỉ là một cái tủ buffet đựng bát đĩa, ngăn trên cùng dùng để chứa sách cũ hầu hết là của ba tôi. Cuối năm 1965 tôi chuyển ra Cam Ranh làm việc tại một nhà thầu xây dựng công trình của Mỹ và chỉ đem theo một vài cuốn truyện dịch của Hesse hoặc Saint Ex. để đọc khi có thời gian rảnh rổi. Lúc bấy giờ tôi đã đổi gu đọc sách, hầu như quên đi những loại viết về trẻ em kể cả cuốn “Tâm hồn cao thượng” do Hà Mai Anh dịch mà khi mới mua về tôi đã đọc mê man. Đến năm 1968 tôi lại chuyển ra Nha Trang công tác. Lúc này trên thị trường sách truyện có rất nhiệu truyện dành cho lứa tuổi học trò và cho cả học trò người lớn. Sau khi xem qua một vài truyện của D.A. như Bồn Lừa, Dũng Đa Kao, tôi sực nhớ đến quyển “Trận giặc trẻ con” ngày nào và muốn đi tìm lại quyển sách năm xưa mà tôi đã từng nâng niu, say mê đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Trong một lần nghỉ phép tôi trở về Saigòn. Vừa bước vào nhà tôi chạy đến tủ sách đã được dời sang một góc khác của căn nhà. Tôi đinh ninh quyển sách bìa xanh chữ vàng còn nằm y nguyên trong tủ. Trước mắt tôi chỉ còn hơn chục quyển sách nằm trơ trọi, còn quyển sách mà tôi muốn tìm thì đã không còn nữa rồi. Theo như lời Ba tôi cho biết thì ông em kế tôi đã tha đi đâu mất rồi. Trở về Nha Trang, trong lòng cảm thấy không vui. Mỗi khi có dịp ra phố tôi thường lang thang tìm đến các tiệm sách cũ và những ngày Chủ nhật. Hết tiệm này đến tiệm khác, nhiều tiệm sách tôi quay lại nhiều lần hy vọng họ có hàng mới về. Hàng mới ở đây là sách báo của những người mua phế liệu mang đến bán lại. Tiệm sách thường mua lại với giá rẻ mạt và sẽ bán lại cho một nhà sưu tầm sách cũ nào đó với giá tận trên trời mây. Tôi cứ long nhong đi mãi cho đến một hôm tôi dừng lại ở một tiệm sách. Thật ra tiệm này tôi cũng đã đến vài lần. Những lần đó tôi chỉ tập trung tìm kiếm rồi ra về không quan tâm chuyện gì khác, nhưng lần này tôi tự cảm thấy muốn nấn ná lại lâu hơn. Tiệm sách hôm ấy có vẽ là lạ ngoại trừ cái bảng hiệu độc chiêu cố hữu: “Kỳ Văn”. Từ trong góc tiệm sách hôm đó bỗng nhiên xuất hiện một cô gái xinh xắn đang ngồi đọc sách. Tôi mon men lại gần vừa giả vờ chọn sách vừa nhìn xem cô ấy đang đọc quyển gì. Nhưng cô ấy đang mở sách ra đọc mà tôi đứng cách đó vài thước nên không làm sao nhìn thấy được nhan đề cuốn sách. Tôi đành phải chọn một quyển sách và đến gần cô trả tiền. Cô thong thả xếp sách lại, nhận tiền và thối lại tiền thừa. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy quyển sách cô đang đọc là quyển “ Đôi bạn chân tình ” . Tôi đã đọc qua quyển này rồi nên biết rõ đó là bản dịch của tác phẩm Narziss and Golmund của nhà văn Đức Hermann Hesse. Ông đã được giải Nobel văn học năm 1946. Tôi ngạc nhiên là vì vào thời điểm 71-72 mà gặp được một cô gái trẻ đọc được tác phẩm của Hesse thì quả là hơi bị hiếm. Tôi lân la làm quen và được biết cô là sinh viên năm cuối của Đại học Văn Khoa Saigon, nhân dịp nghỉ hè về thăm nhà và thỉnh thoảng ra trông tiệm sách cho ông bố. À có thế chứ. Một sinh viên đại học như cô mà đọc những tác phẩm nước ngoài thì không có gì lạ nữa rồi. Hôm đó tôi đã mua quyển sách “Niềm im lặng của biển cả” , bản dịch của tác phẩm “Le silence de la mer” của tác giả Vercors. Cô khen quyển sách tôi mua rất hay và cô đã đọc qua rồi. Cô cho biết kết cục buồn quá và thắc mắc tại sao tác giả không cho hai người lấy nhau, mà lại để hai người lạnh lùng từ biệt trong im lặng và rồi anh chàng sĩ quan Đức phải đi về cõi xa xăm. Tối hôm đó tôi về đọc ngấu nghiến quyển sách và nhận thấy cô hàng quả là một cao thủ mọt sách. Tôi tiếp tục đi tìm quyển sách xưa cũ mà tôi rất muốn có lúc bấy giờ nhưng cũng không quên thỉnh thoảng ghé lại thăm cô hàng sách ở tiệm Kỳ Văn. Bạn bè tôi biết được thường cho rằng tôi đã kết được với một kỳ nhân rồi, cho nên cứ giả vờ đi tìm kỳ thư. Hết hè năm đó cô trở vào Saigon tiếp tục việc học. Đến đây tôi mới biết tình cảm giữa hai chúng tôi cũng đã khắng khít nhiều. Một hôm một đàn anh là anh Sáu ốm báo cho biết anh vừa mới quen một ông bạn thuộc hàng mọt sách và rủ tôi đến nhà ông ấy lai rai sẵn dịp hỏi mượn quyển sách tôi đang tìm nếu có. Trên đường đi tôi mừng thầm hy vọng rất lớn vì anh Sáu cho biết ông bạn đã đọc qua quyển sách đó nhưng mà lâu lắm rồi, bây giờ chắc quyển sách nằm đâu đó trên gác. Tên ông là Phùng. Ông có căn gác riêng chừng 6-7 mét vuông. Vợ con ông sinh hoạt ở tầng dưới. Bước lên gác nhìn vào tài sản văn học của ông Phùng tôi muốn chóng mặt. Toàn là sách với sách, cả báo chí nữa. Sách để từng chồng từ trên kệ, trong tủ, ra cả sàn gác, cao lên tận trần nhà. Một khoảng trống nhỏ nhoi còn lại cho ông để được một chiếc chiếu và một chỗ cho ông ngồi đọc sách. Đó cũng là chỗ chúng tôi ngồi nhâm nhi và trò chuyện. Không biết có phải vì đọc sách quá nhiều mà ông Phùng bị cận thị rất nặng. Cặp kính của ông dày cộm có những vòng xoắn ốc làm cho hai con mắt phía sau như trợn trừng, to hẳn lên. Trong lúc nói chuyện, mỗi khi phải dẫn chứng một quyển sách nào đó ông phải đưa quyển sách lên sát mắt kính mới đọc được. Gần tàn cuộc nhậu, anh Sáu ngõ ý muốn mượn ông Phùng quyển sách mà tôi đã nói với anh ấy. Đây là kế hoạch của tôi và anh Sáu. nếu có được chúng tôi sẽ nài nỉ mua lại với mọi giá. Nhưng khi nghe ông Phùng trả lời chúng phải tiu nghỉu ra về: “Dễ thôi, nhưng mà làm sao tìm, sách hàng hàng lớp lớp, trùng trùng điệp điệp như thế này làm sao biết quyển đó đang nằm ở đâu, mắt tôi lại kèm nhèm...” Tôi che dấu một tiếng thở dài áo não. Thế là hết hy vọng. Rồi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Tôi trở về Saigon công tác ở một trường dạy nghề. Nơi đây tôi quen biết được nhiều thầy giáo, cô giáo và thường xuyên hỏi thăm nếu ai có cho mượn về làm photocopy. Thỉnh thoảng có thời gian rảnh rổi tôi cũng tạt vào mấy tiệm sách cũ nhưng cũng không tìm thấy. Tôi cũng không tìm thấy bất cứ ở một tiệm sách nào có hình dáng của cô hàng ngày xưa tôi đã gặp ở Nha Trang. Cô hàng ở tiệm sách Kỳ Văn năm nọ sau khi tốt nghiệp đã ở lại Saigon làm việc. Chúng tôi đã gặp lại nhau và mới hôm qua cô cho biết sắp tới đây là kỷ niệm ba mươi lăm năm ngày cưới của chúng tôi. Lê Hùng Dương Thông báo: Kỳ họp tiếp theo của CLB sách Xưa & Nay sẽ diễn ra vào lúc 9:00 ngày 11/10/2008 tại nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình. Bài viết cho bản tin nội bộ xin gửi về: hamanhdoan69@yahoo.com hoặc liên hệ với Mạnh Đoàn Đt nhà: 8.469759 - Dđ: 0907.108484 Các bản tin trước có thể xem tại: www.diendan.songhuong.com.vn |
Phụ bản IV |