Hiện có 10 người xem / 2338729 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

NHỮNG TRUYỆN KIẾM HIỆP TRONG ĐỜI TÔI

Vũ Anh Tuấn

Năm 1945 tôi lên mười. Một kỷ niệm tôi không bao giờ quên được là sáng hôm mùng một Tết (Ất Dậu), mới tám giờ sáng tôi đã đập cửa nhà sách Văn Hồng Thịnh ở cùng đường Cát Dài, của ông giáo Hồng để đòi mua số báo Truyền Bá số Xuân; người nhà ông Hồng có vẻ khó chịu, nhưng chính ông Giáo Hồng thì lại vui vẻ bảo người nhà bán cho tôi, cho rằng tôi là một người khách mở hàng tốt. Ở tuổi này tôi đã bắt đầu có một tủ sách, nói chính xác là một “rương” sách, vì tôi xin được của cô ruột tôi một cái rương kiểu cướp biển to đùng, bốn góc có những miếng sắt gồ hẳn lên và trên mặt rương có những chỉ nổi bằng gỗ tròn có bắt vít trông rất đẹp. Trong rương tôi đã biết sắp Zorro vào với Zorro, Tarzan vào với Tarzan, Intrépide vào với Intrépide vv… và tôi luôn luôn sắp số cũ xuống dưới cùng, số mới nhất lên trên cùng. Tất cả các thứ sách báo bằng tiếng Pháp nằm một bên (bên phải) và các sách báo bằng tiếng Việt như Truyền Bá, Hoa Mai, Sách Hồng, Học Sinh (tờ báo có cả truyện tranh của nhóm Phạm Cao Củng) thì chiếm mé “danh dự” ở bên trái, vì chữ ta và sách báo của ta được đọc bắt đầu từ phía bên trái. Tôi đã có được gần nửa rương và rất say mê việc mua những số mới ra. Một buổi sáng, trong khi đi đến trường với Vũ Đỗ Hùng (con trai dược sĩ Vũ Đỗ Thìn, có nhà thuốc to nhất ở Hải-phòng), bạn tôi bỗng đưa cho tôi một tập sách mỏng dính, bên ngoài là một hình vẽ mấy nam nữ hiệp sĩ trang phục theo lối Tàu, đang hỗn chiến bằng đao và kiếm. Hùng bảo tôi: “Đọc ngay cái này đi, hay lắm, hay hơn các thứ cậu đang đọc nhiều!” Tôi cầm đọc thử thì thấy đó là tập số 4 của bộ truyện kiếm hiệp nhan đề là “Nữ Bá Vương” của Lý Ngọc Hưng do Tam Hữu Xuất Bản Cục ở Phố Hàng Buồm in, mỗi số chỉ có 16 trang. Bị thu hút bởi hình vẽ quá đẹp và lạ mắt, tôi đọc lướt qua một trang và thấy lời Hùng nói đúng, tác giả Lý Ngọc Hưng viết rất lạ, rất lạ đối với tôi người đến với truyện kiếm hiệp lần đầu tiên trong đời. Tôi nhớ mang máng đoạn văn ngắn sau đây: “… Bỗng hiển nhiên thấy một ngọn cây cao chót vót ở phía trước, hai chân người ấy cặp vào cành cây buông thõng mình xuống lơ lửng như con vượn đánh đu. Nhưng có một điều lạ, người ấy mặt chùm màng sa đen, coi vóc giáng lực lưỡng, cặp chân cặp vào cành cây rất nhỏ mà không thấy rung động, lẽ tất nhiên là người ấy tài nghệ cao cường không biết đến bậc nào…”. Tôi hỏi Hùng mua ở đâu thì thấy Hùng bảo hãy lại nhà sách Hưng Ký ở đường Cát Cụt. Tôi lại liền và gặp ông Hưng Ký, một người trạc 37, 38 tuổi rất đẹp trai, để râu mép rất duyên dáng. Vừa thấy ông tôi có cảm tình ngay, và ông ta cũng cho biết là ông tin tưởng rằng tôi và ông sẽ là hai người chủ và khách quý. Ông cho biết tôi có thể thuê và xem trước rồi nếu thích thì sẽ mua sau. Tôi đặt cọc một hào (10 xu) và thuê 4 số đầu của bộ “Nữ Bá Vương” đem ngay về đọc ngấu nghiến. Tác giả Lý Ngọc Hưng chia cuốn truyện ra thành nhiều hồi, mỗi hồi trên mười trang và được bắt đầu bằng một “toát yếu” rất hấp dẫn. Tôi bắt gặp, khi mới vào truyện, toát yếu như sau đây: “Nam-Bá-Hầu can vua, đập đầu tử tiết – Hồng-Hoài-Châu cứu cha đánh phá triều đường”. Thật hấp dẫn, thật dễ đọc, dễ nhớ. Ngay những trang đầu, tôi đã bị thu hút bởi cách tác giả đặt tên các nhân vật của mình, nào là Nam-Bá-Hầu Hồng-trấn-Uy, Thân-Dũng-Vương Hà-Mộng-Chương, Trương-Vĩ-Hồ Lưu-Trúc-Phong, Tối-Độc-Sà Vương-Hoành-Hà vv… Những tên đọc rất êm, có vần điệu, mà lại rất hào hùng. Và thế là, hành trình của tôi vào truyện Kiếm Hiệp 3 xu thời tiền chiến đã bắt đầu như thế. Và đương nhiên là tôi mua ngay bộ “Nữ Bá Vương”, rồi sau đó bắt đầu sưu tầm những bộ tuyệt vời khác như “Bồng Lai Hiệp Khách”, “Long Hình Quái Khách”, “Côn Lôn Tiểu Khách”, “Hồng Gia Nữ Hiệp”, “Quần Sơn Lão Hiệp”, “Vân Thiên Lãnh”, “Giang Đông Tam Hiệp”, “Giao Trì Hiệp Nữ”, “Chu Long Kiếm”, “Lục Kiếm Đồng”, “Huyết Hùng Tráng Sĩ”, “Hồng Sa Chu Tiên Kiếm”, “Âm Thanh Kiếm”, “Tiểu Hiệp Phục Thù” vv… Tổng cộng trên dưới 80 bộ. Tuy không thể nhớ hết vì 62 năm đã trôi qua, nhưng có những nhân vật và những truyện mà tôi không thể nào quên nổi, ví dụ: “ Những nữ hiệp sĩ dung nhan tiên sa cá lặn như Kim Hồ Điệp Trúc Thúy Quỳnh, Nữ Bá Vương Hồng Hoài Châu, Hoàng Giang nữ hiệp Ngọc Cầm, Hồng Mẫu Đơn, Bích Uyên Ương vv… Về phía các nam hiệp sĩ thì tôi không thể nào quên những người như: “Ngọc Kỳ Lân Vân Đằng Giao, Kiếm Thu, Bạch Thiệu Hoằng, Vạn Nhân Địch, Võ Trấn Phương, Nhan Như Ngọc, Quái Hiệp Thường Ngộ Xuân, Sơn Đông Tiểu Khách Cao Hùng Phi vv… Đặc biệt là cậu Sơn Đông Tiểu Khách Cao Hùng Phi với cặp sừng trâu, mà cậu được một tiên ông ban cho qua việc cậu gặp con trâu cực kỳ to, to gấp bốn năm lần một con trâu thường, bất thình lình xông thẳng tới tấn công cậu trong rừng Vạn Tùng. Không chút sợ hãi, Cao Hùng Phi cũng xông lại và nắm chặt cặp sừng con trâu khổng lồ này, nào ngờ cặp sừng rớt ra khỏi đầu con trâu, nằm gọn trong tay Cao Hùng Phi, trong khi con trâu quay đầu bỏ chạy và biến mất. Cặp sừng trâu bỗng lóe sáng, một ánh sáng xanh huyền ảo trong tay Cao Hùng Phi, đúng lúc cậu thấy xuất hiện trước mắt mình một tiên ông bảo cậu hãy dùng cặp sừng trâu đó mà đi hành hiệp, cứu người lương thiện cô thế, trấn áp kẻ bất lương, phò vua giúp nước vì, theo lời tiên ông, từ nay cậu sẽ trở thành vô địch với cặp sừng trâu đó khi nó có đặc tính là bất cứ thứ vũ khí nào va chạm với nó đều bị gãy nát hết. Ngoài ra tôi cũng còn sẽ nhớ mãi những lão anh hùng như Sơn Đông Bá Chủ Cao Phùng Hải, Tây Hà Lão Hiệp, Phi Vân Lão Tổ, Lãnh Hủ Nguyên Phong, Không Thanh Sư Tổ vv…” Toàn những con người tôn trọng lẽ phải, sự công bằng, luôn phò suy chẳng bao giờ thèm phù thịnh, luôn bảo vệ kẻ thế cô chống lại lũ côn đồ áp bức, luôn luôn dạy cho con người sống cho ra con người, biết thương yêu hòa hợp với nhau mà sống cho tốt đẹp.

Nhiều năm sau, khi đã ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, tôi có một dịp được nghỉ ngơi vì phải dưỡng bệnh nên đã đọc lại mấy bộ kiếm hiệp mà tôi yêu thích nhất và thấy rằng chúng vẫn “hay” như những ngày tôi còn niên thiếu. Hay vì chúng chỉ dạy con người sống cho hào hùng, ngay thẳng, và cao điểm của chúng thì cũng chỉ là những cuộc đả lôi đài, đột nhập sào huyệt đầy “cơ quan cạm bẫy” của bọn gian, phóng kiếm, phi kiếm, nhả phi kiếm từ miệng ra lấy đầu kẻ địch cách cả vài trăm dặm, hoặc sử dụng một thứ kiếm chỉ nghe thấy âm thanh vù vù mà kẻ địch mất đầu lúc nào không biết, chứ chúng tuyệt đối không dạy người đọc những mánh khóe đểu cáng, những hành vi xu nịnh đê hèn xấu xa thiếu nam nhi tính…

------

TẢN ĐÀ TRONG LÒNG TÔI

Vũ Anh Tuấn

Tôi với Cụ Tản Đà vốn có chút duyên nợ ngay từ khi tôi lên 6 vì cha tôi đã mua cho tôi 2 cuốn Lên Sáu và Lên Tám của Cụ. Hai cuốn chỉ gồm toàn những bài thơ 4 và 5 chữ đó đã là những sách giáo khoa đầu đời của tôi, qua hai cuốn sách đó Cụ đã là người thầy mà tôi kính trọng, ngày xa xưa ấy cũng như bây giờ.

Sau này, từ khi còn học trung học cho tới nay, tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của Cụ, nào Giấc Mộng Lớn, Giấc Mộng Con, Tản Đà Vận Văn, Thần Tiền, Truyện Thế Gian, Trần ai tri kỷ, Còn chơi vv…

Chính vì quý mến Cụ mà tôi vẫn còn nhớ được một số những câu thơ của Cụ mà tôi cho rằng tự nó đã hay, đã đi vào lòng người, chẳng cần phải anh phê bình phê bèo nào tán hươu tán vượn mà đôi khi chưa chắc đã hiểu đúng ý Cụ. Với tôi thơ của Cụ hay là điều chắc chắn vì nhiều câu đã vượt thời gian, đã được kẻ khó tính như tôi đến nay vẫn còn yêu thích kính trọng, đơn giản chỉ vì những vần thơ đó đúng là hữu xạ tự nhiên hương khỏi cần hàng hà sa số những kẻ “ăn theo” thả sức “ca”.

Tôi tuy không là tửu đồ như Cụ nhưng lại rất thích bốn câu thơ sau đây của Cụ:

“Cảnh đời gió gió mưa mưa

Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn

Rượu say thơ lại khơi nguồn

Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình”.

Ngoài ra tôi cũng rất thích, có thể nói là rất mê và phục hai câu:

“Rượu thơ mình lại với mình

Khi say quên cả cái hình phù du”.

Tản Đà bắt đầu làm báo từ năm 1915 khi Cụ 27 tuổi. Cụ cộng tác với tờ Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn văn Vĩnh và các bài của Cụ được Cụ Vĩnh cho sắp vào một mục riêng mang tên “Một lối văn Nôm”. Cụ đã bắt đầu lấy bút hiệu Tản Đà từ năm 1916, nghĩa là từ năm Cụ 28 tuổi. Trong năm này, Cụ đã có một hành động mà tôi vô cùng yêu thích và kính phục: đó là Cụ đã từ chối lời mời của một người Pháp, ông Emile Vayrac, Giám Đốc Trường Hậu Bổ, muốn cho Cụ nhập học không phải thi, nhưng Cụ đã từ chối không nhận ân huệ ngoại lai. Năm 33 tuổi (1921), Cụ làm chủ bút báo Hữu Thanh (nhóm Nguyễn Huy Hợi, một nghị viên thì phải). Năm 1926, Cụ ra báo An Nam Tạp Chí số một (1-7-1926). An Nam Tạp Chí ra được 10 số thì đình bản vào tháng 3 năm 1927. Cụ vào Saigon tiếp xúc với Diệp Văn Kỳ, sau đó trở về Bắc trang trải công nợ rồi lại trở lại Saigon cộng tác với Diệp Văn Kỳ làm Đông Pháp Thời Báo, trang Văn Chương. Tới ngày 14-2-1928, Cụ thôi không cộng tác với Đông Pháp Thời Báo nữa và lại trở về Bắc. Từ năm 1930 tới 1933, nghĩa là từ năm 42 tuổi tới năm 45 tuổi, Cụ cho tục bản An Nam Tạp Chí tới 5 lần nữa và đình bản hẳn ở lần thứ 6 vào tháng 3 năm 1933 – Vì tái bản đi tái bản lại tới 6 lần nên số lượng tờ báo được in chưa biết chính xác là bao nhiêu, tuy nhiên chắc chắn là không trên 70 số tất cả. Cũng vào năm 1933, Cụ làm trợ bút cho tờ Văn Học Tạp Chí của Dương Tự Quán. Năm 1934, Cụ làm trợ bút cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy của ông Vũ Đình Long, chủ “động” Tân Dân (Báo Ngày Nay vẽ Vũ Đình Long theo lối biếm họa như một ông tiên và gọi nhà Xuất Bản Tân Dân là “động” Tân Dân). Trong năm này, Cụ còn viết luôn cho một tờ báo xuất bản ở Vinh tên là tờ Thanh Nghệ Tĩnh. Từ năm 1935 ( năm Cụ 47 tuổi ) cho tới 1939 (là năm Cụ qua đời ở tuổi 51), Cụ còn viết cho các báo Ích Hữu (của Vũ Đình Long) ở Hà Nội và báo Sống ở Saigon. Trong hai năm 1937 và 1938, Cụ dịch Thơ Đường cho báo Ngày Nay của nhóm Nhất Linh.

Các tác phẩm đã được xuất bản của Tản Đà gồm có: Khối Tình Con I (thơ) xuất bản năm 1916 – Giấc Mộng Con (truyện) xuất bản năm 1917 – Khối Tình Con II (thơ) xuất bản năm 1918 – Khối Tình bản chính và bản phụ (văn) cũng xuất bản năm 1918 – Đàn bà Tàu (truyện), Đài Gương (giáo huấn phụ nữ), Lên Sáu (một dạng sách giáo khoa cho trẻ em) và Thần Tiền (truyện); cả bốn tác phẩm này đều được xuất bản vào năm 1919 khi Cụ 31 tuổi, trong 4 cuốn này cuốn Thần Tiền là cực kỳ hiếm và rất ít người biết là có nó – Lên Tám (giáo khoa) xuất bản năm 1920 – Còn chơi (thơ) xuất bản năm 1921 – Tản Đà tùng văn (thơ, văn), Đại Học (dịch) xuất bản năm 1922 (cũng trong năm này Khối Tình Con II được tái bản) – Truyện Thế Gian I và II xuất bản năm 1923 – Kinh Thi (dịch), Quốc sử huấn mông, Trần ai tri kỷ (truyện), cả ba tác phẩm này được xuất bản vào năm 1924 – Thơ Tản Đà, Đài Gương kinh (in lại), Đài Gương truyện (in lại Đàn bà Tàu), cả 3 tác phẩm này được xuất bản năm 1925 – Tam Tự Kinh An Nam xuất bản năm 1928 – Nhàn tưởng (bút ký triết học) , Giấc Mộng Lớn (tự truyện), hai tác phẩm này được xuất bản năm 1929 – Khối Tình Con III (in lại thơ cũ), Trần ai tri kỷ (tái bản), Thề non nước (truyện), Giấc Mộng Con II (truyện), Tản Đà văn tập, cả 5 tác phẩm này được xuất bản và tái bản vào năm 1932 – Tản Đà xuân sắc xuất bản năm 1934 – Liêu trai chí dị (dịch) Tân Dân xuất bản năm 1937 và tác phẩm cuối cùng của Cụ được xuất bản (nhưng sau khi Cụ đã qua đời ) là “Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện” mà nhà Tân Dân đã xuất bản năm 1940. (Tài liệu rút trong tác phẩm nhan đề Tản Đà trong lòng thời đại của Nguyễn Khắc Xương – NXB Hội Nhà Văn 1997).

Nếu về mặt văn chương chữ nghĩa Tản Đà giàu có bao nhiêu thì về mặt mưu sinh vật chất Cụ lại nghèo khó bấy nhiêu. Một năm trước ngày mất Cụ dọn nhà từ Hà Trì về ở số 417 Bạch Mai Hanoi. Tại căn nhà ở cuối phố Bạch Mai này Cụ trưng bảng: “Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà hà lạc lý số” và cho đăng trên một số báo bài thơ quảng cáo sau đây:

Nguyễn Khắc Hiếu Tản Đà!

Nay mai sắp ở Hà

Hà Lạc đoán lý số

Đàn ông và Đàn bà

Ai gần xin đến hỏi

Thư gửi người ở xa

Biên rõ năm cùng tháng

Ngày giờ nào đẻ ta

Một cữ ước tuần lễ

Có thư mời khách qua

Quyển số lấy đã rõ

Xin cứ nói thực thà

Hán văn âm quốc ngữ

Quốc văn bày nghĩa ra

Còn như tiền đặt quẻ

Nhiều năm (5p00) ít có ba (3p00)

Nhiều ít tuỳ ở khách

Hậu bạc kể chi mà

Kính cáo.

( Tài liệu của Nguyễn văn Phúc trong tác phẩm “Tôi với Tản Đà” – Nhà Xuất Bản Đời Mới Hanoi, 1944).

Tôi viết bài sưu tầm này để tưởng nhớ tới Cụ Tản Đà là người đã dạy tôi những bài học làm người đầu đời qua hai cuốn Lên Sáu và Lên Tám của Cụ.

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế